Thi hành án dân sự là hoạt động làm cho các bản án, quyết định dân sự được thực hiện trên thực tế. Về bản chất, đó chính là làm cho các quyền và nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ về tài sản hoặc các loại nghĩa vụ dân sự khác) ghi nhận trong các bản án, quyết định dân sự được hiện thực hóa. Phán quyết của Toà án được tuyên nhân danh Nhà nước, khi được chấp hành nghiêm chỉnh có tác dụng củng cố lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Điều 136 Hiến pháp 1992 đã khẳng định “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động thi hành án dân sự đã được ban hành và hoàn thiện đảm bảo khung pháp lý về tổ chức hoạt động và việc thực thi các phán quyết dân sự của Toà án. Năm 1989, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh thi hành án dân sự; 4 năm sau, cùng với quyết định của Quốc hội chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân sang Chính phủ, Pháp lệnh năm 1989 đã được thay thế bởi Pháp lệnh Thi hành án Dân sự năm 1993 nhằm kịp thời thể chế hoá cơ chế mới thi hành án dân sự, tạo bước chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội và việc ban hành các văn bản luật khác nhau, cơ quan thi hành án đã được giao thêm các loại việc mới có tính đặc thù. Bên cạnh đó, việc thi hành Pháp lệnh thi hành án Dân sự năm 1993 cũng gặp một số vướng mắc trong các quy định về thủ tục, tổ chức và thẩm quyền cơ quan thi hành án, tỷ lệ các vụ án tồn đọng còn khá cao[1]. Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó phải kể đến tình trạng hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và chưa hoàn thiện, tổ chức và biên chế của cơ quan thi hành án còn nhiều bất cập, chấp hành viên có trình độ chưa đồng đều...
Đáp ứng những yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật, Pháp lệnh thi hành án năm 2004 đã được ban hành và có hiệu lực từ 1 /7/2004, Pháp lệnh đã có những quy định mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trong công tác thi hành án.
Hoạt động thi hành án có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và lợi ích vật chất của nhiều đối tượng khác nhau, bởi vậy, hoạt động thi hành án có tính phức tạp ngay từ tính chất nội tại và cả từ cách hiểu, cách nhìn nhận của xã hội. Để có cách hiểu đúng và đầy đủ nội dung của pháp luật về thi hành án việc nghiên cứu, phân tích, bình luận Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 được đặt ra như một nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động, phát triển của xã hội. Đây cũng là công việc hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà chúng ta đang cố gắng hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự, đang cố gắng hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự cũng như hệ thống pháp luật nội dung nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trong công tác thi hành án.
Từ trước đến nay, chúng ta đã có hoạt động nghiên cứu bình luận các văn bản pháp luật quan trọng như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật tố tụng Hình sự. Nghiên cứu bình luận Pháp lệnh thi hành án dân sự cũng là một công việc cần thiết trong việc nghiên cứu tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam.
MỤC TIÊU NGHIÊN CƯU CỦA ĐỀ TÀI
- Việc nghiên cứu bình luận Pháp lệnh thi hành án dân sự nhằm mục đích phục vụ cho việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giúp cho việc áp dụng thống nhất pháp lệnh đưa pháp lệnh đi vào cuộc sống. Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ được biên tập thành cuốn sách "Bình luận khoa học Pháp lệnh thi hành án dân sự" góp phần hiệu quả cho các mục đích trên.
- Việc bình luận Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 nhằm phát hiện ra những còn hạn chế của Pháp lệnh chẳng hạn như những quy định chưa được hướng dẫn cụ thể, những quy định chưa phù hợp, những vấn đề chưa được điều chỉnh, những vướng mắc trong quá trình thi hành và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự mà trước mắt là phục vụ cho việc xây dựng Bộ luật Thi hành án Dân sự dự kiến trình Quốc hội cuối năm 2005, thông qua vào giữa tháng 6/2006.
NỘI DUNG CỦA ĐỀ TÀI
Để đạt được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu đề tài thông qua hệ chuyên đề sau:
PHẦN THỨ NHẤT- KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ gồm có 2 Chương: Chương I Một số vấn đề lý luận chung về thi hành án dân sự; Chương II Quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự
PHẤN THỨ HAI- BÌNH LUẬN PHÁP LỆNH THI HÁNH ÁN DÂN SỰ 2004
- Mỗi Chương có một bài mũ đánh giá chung về vị trí vai trò và mục đích về lý luận cũng như thực tiễn của chương đó trong tổng thể làm cơ sở cho việc đi sâu vào nghiên cứu và bình luận từng điều luật trong chương. Ngoài ra cần giới thiệu khái quát về nội dung chính của chương, những điểm mới.
- Mỗi điều luật được phân tích đánh giá trên cơ sở khoa học pháp lý đảm bảo các yêu cầu:
+ Làm rõ nội hàm của các khái niệm, giải thích thuật ngữ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu.
+ Phân tích mục đích và ý nghĩa của từng quy định
+ Phân tích nội dung điều luật, dẫn chiếu đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản có liên quan. Việc phân tích, bình luận từng điều luật phải đặt trong mối liên hệ tổng thể của pháp lệnh thi hành án dân sự và hệ thống pháp luật
+ Phân tích điểm mới của điều luật: sự kế thừa, phát triển hoặc sửa đổi bổ sung, lý giải vì sao phải sửa đổi bổ sung (nếu có)
+So sánh sự tương đồng- khác biệt giữa pháp luật Việt nam và quy định pháp luật các nước về vấn đề này (nếu có thể).
PHẦN THỨ 3- MỘT SỐ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ:
Qua việc phân tích,bình luận các Chương điều của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và tìm hiểu thực tiễn thi hành các quy định của pháp lệnh, nhóm nghiên cứu đã tìm ra những điểm hạn chế của Pháp lệnh, những khó khăn vướng mắc phát sinh và nêu những kiến nghị hoàn thiện pháp thiện pháp luật về thi hành án.
[1] Theo số liệu của Cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp) thì với 450.971 bản án kinh tế, dân sự phải thi hành có tới 173.078 bản án không có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 38,37%, trong số 61,63 % các bản án có điều kiện thi hành, năm 2003, các cơ quan thi hành án trên cả nước đã tổ chức thi hành được 89%