• Thuộc tính
Tên đề tài Một số vấn đề về chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

1.1. Trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Nghị quyết trung ương 8 khóa VII, Nghị quyết trung ương 3 và 7 khóa VIII, Văn kiện Đại hội IX, Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới... Mặc dù những chủ trương, chính sách đó đã được cụ thể hoá bằng các Bộ luật, luật, pháp lệnh quan trọng như:  Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh thi hành án phạt tù 1993, Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/7/1998 về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật hình sự, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.... Tuy nhiên, theo đánh giá chung, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên thực tế vẫn còn bị động, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp những biến đổi sôi động của cuộc sống. Một trong các nguyên nhân cơ bản là do các chủ trương, chính sách trên vẫn chỉ là các chính sách phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn đầu của qúa trình chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Xét ở tầm hoạch định chính sách thì Việt Nam đang thiếu một chương trình tổng thể (cả về mặt ý tưởng, pháp luật, biện pháp và tổ chức thực hiện) trong đấu tranh phòng, chống tội phạm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn từ nay đến 2020. 

1.2.Trên thực tế, chúng ta đã và đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới nói chung; các Bộ, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia, tình hình trật tự an toàn xã hội nói chung đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định, góp phần ổn định tình hình chung của  đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cơ cấu thành phần tội phạm có những thay đổi,  đối tượng phạm tội chủ yếu là người trong độ tuổi lao động. Trong đó, thanh niên phạm tội chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Đặc biệt là tình trạng phạm tội có tổ chức như tham nhũng, buôn lậu, mua bán phụ nữ, xâm hại trẻ em ... phạm tội có sử dụng bạo lực, cướp của, giết người, chống người thi hành công vụ, đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng và các hành vi phạm tội khác có tính chất côn đồ hung hãn; gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng gây lo lắng cho toàn xã hội.

Trước tình hình đó, chúng ta cần phải xây dựng được chính sách hình sự phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về cơ bản và lâu dài.

          1.3. Trong công tác nghiên cứu khoa học chúng ta đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực tội phạm học và chính sách hình sự như: Chính sách hình sự, tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam – GS.TSKH Đào Trí Úc – Nxb.CTQG 1994; Hoàn thiện pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền – PGS.TSKH. Lê Cảm – Nxb.CAND 1999; Một số vấn đề cơ bản về chính sách hình sự dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng – PGS.TS. Hồ Trọng Ngũ – Nxb.CTQG 2002; Chính sách hình sự của nước CHXHCN Việt Nam - Đào Trí Úc – Tạp chí Nhà nước và Pháp luật Xô Viết, số 10 –1984; Những vấn đề lý luận cơ bản về chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền – PGS.TSKH. Lê Cảm – Thông tin khoa học pháp lý số 5/2004 ....

          Đây là các công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao.Tuy nhiên, mỗi công trình lại khai thác sâu về một khía cạnh nhất định của chính sách hình sự, chưa có một công trình nào đề cập được đầy đủ, toàn diện về chính sách hình sự của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có những công trình được nghiên cứu dựa trên nền tảng lý luận về chính sách hình sự của Liên Xô (cũ)  trước đây. Do vậy, các công trình trên vẫn chưa khắc họa được đầy đủ những vấn đề lý luận cơ bản cho việc hoạch định chính sách pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên thực tế trong giai đoạn tới.

Với các lý do nêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài lựa chọn công trình nghiên cứu “Một số vấn đề về chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2005.

2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

1. Làm rõ một số vấn đề lý luận của chính sách hình sự Việt nam;

2. Đánh giá khái quát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách hình sự của nhà nước ta trong thời gian qua;

3. Xác định các nội dung cơ bản; đề xuất các giải pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách hình sự Việt nam phục vụ công tác xây dựng pháp luật, đấu tranh phòng và chống tội phạm trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Phương pháp nghiên cứu đề tài

Là đề tài khoa học pháp lý nghiên cứu các vấn đề lý luận, hoạch định chính sách hình sự nên Ban chủ nhiệm đề tài lựa chọn các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:

1. Về phương pháp luận: Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

2. Đề tài vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như: phân tích, tổng hợp, thống kê tư pháp, điều tra xã hội học, phỏng vấn... phù hợp với từng vấn đề nghiên cứu, giai đoạn nghiên cứu của đề tài.

4. Phạm vi nghiên cứu của đề tài:

1.     Về nội dung:

Chính sách hình sự là một vấn đề phức tạp, có phạm vi rộng lớn. Do vậy, trong phạm vi của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật và quản lý của Bộ Tư pháp, Ban chủ nhiệm đề tài lựa chọn và giới hạn phạm vi nghiên cứu ở các vấn đề cơ bản sau:

- Đề tài  nghiên cứu các vấn đề  lý luận cơ bản của chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phần này chủ yếu được tiếp thu, kế thừa và phát triển các vấn đề lý luận đã được một số công trình nghiên cứu trước đây đề cập;

- Dự báo và đưa ra các định hướng cơ bản về chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước từ nay đến năm 2020. Tập trung vào các lĩnh vực cơ bản:

+ Chính sách pháp luật hình sự;

+ Chính sách pháp luật tố tụng hình sự;

+ Chính sách pháp luật thi hành án hình sự;

+ Một số nội dung về hoàn thiện tổ chức hệ thống tư pháp hình sự.

2.     Về thời gian:

Đề tài được thực hiện trong khoảng thời gian 01 năm (từ tháng 5/2005 đến tháng 5 năm 2006)

 

CHƯƠNG I:

 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ

 

1. Khái niệm, mục đích, ý nghĩa của chính sách hình sự.

1.1. Khái niệm chính sách hình sự

Trong khoa học luật hình sự Việt Nam khi bàn về khái niệm chính sách hình sự là gì, có nhiều quan niệm, định nghĩa khác nhau về chính sách hình sự. Chẳng hạn như:

           - Theo quan điểm của GS. TSKH. Đào Trí Úc: chính sách hình sự là một bộ phận của chính sách pháp luật, bởi vì đó là những định hướng, những chủ trương trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm[1].

          - Theo TS. Phạm Thư thì chính sách hình sự là những định hướng, chủ trương, đường lối có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Đảng và Nhà nước để giải quyết các vấn đề hình sự trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính sách hình sự là một bộ phận cấu thành của chính sách pháp luật nên chính sách hình sự vừa gắn bó hữu cơ với chính sách pháp luật vừa mang những đặc tính chung của chính sách pháp luật và nó vừa có mối liên hệ chặt chẽ với đường lối chính sách xã hội chung của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của xã hội[2].

          - Quan điểm khác cho rằng, chính sách hình sự là chính sách xã hội trong lĩnh vực đời sống xã hội chính trị – pháp lý xã hội, là hệ thống những quan điểm, tư tưởng chiến lược, tổng thể về tội phạm như một hiện tượng lịch sử xã hội của xã hội có giai cấp và về những vấn đề cơ bản nhất (mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương pháp và tổ chức lực lượng) bảo đảm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả trên tất cả các phương diện chính trị, xã hội, pháp luật và kinh tế được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước[3].

 

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là trong khoa học luật hình sự Liên Xô trước đây (Liên bang Nga hiện nay) cũng tồn tại các quan điểm khác nhau về chính sách hình sự:

 - GS. TSKH luật Gertxenzôn A.A. đã coi chính sách hình sự được thực hiện trong quá trình áp dụng trên thực tiễn không chỉ các biện pháp chuyên ngành như điều tra tội phạm, PLHS, TTHS, cải tạo lao động, mà còn cả các biện pháp chỉ đơn thuần mang tính chất xã hội như kinh tế, tư tưởng, y học, v.v...[4].

            - Các giáo sư, TSKH luật Kôvalev M.I. Vorônhin Iu.A. đã quan niệm chính sách hình sự “là phương hướng hoạt động của Đảng và nhà nước trong việc thực hiện các biện pháp chính trị-xã hội, kinh tế và soạn thảo các phương pháp tối ưu về mặt PLHS nhằm mục đích xóa bỏ tình trạng phạm tội trong đất nước”[5].

            - GS.TSKH luật Babaev M.M. coi “chính sách phòng ngừa tội phạm” là một dạng của “chính sách xã hội trong việc xóa bỏ tình trạng phạm tội”, tồn tại độc lập bên cạnh chính sách hình sự, các phương pháp và phương tiện của chính sách hình sự và chính sách phòng ngừa tội phạm ở trong sự xung đột nhất định, vì chính sách thứ nhất đấu tranh với cái ác và trừng phạt cái ác, còn chính sách thứ hai gieo mầm điều thiện và dạy cho chúng ta điều thiện[6].

           - GS.TSKH luật, Viện sĩ Kuđriavtxev V.N. quan niệm rằng, chính sách trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm bao gồm không chỉ chính sách PLHS, mà cả chính sách xét xử, chính sách phòng ngừa xã hội các vi phạm pháp luật, chính sách cải tạo lao động[7].

            -TSKH luật Korobiôv A.I. định nghĩa chính sách hình sự là chính sách do Đảng và Nhà nước soạn thảo xác định những phương hướng cơ bản, các mục  đích và các phương tiện tác động đến tình trạng phạm tội bằng cách hình thành PLHS, pháp luật TTHS, pháp luật cải tạo lao động, điều chỉnh thực tiễn áp dụng chúng, cũng như bằng cách soạn thảo và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa các tội phạm[8]

            - Theo TS luật học Traađaev X.G. thuật ngữ “chính sách hình sự” thường được sử dụng theo nghĩa rộng để nói lên đường lối chiến lược, quan điểm đấu tranh chống tội phạm nói chung, bao gồm các khía cạnh phòng ngừa, pháp luật hình sự và cải tạo lao động [9]

            - GS. TSKH luật Haumôv A.V. viết “Chính sách hình sự – một bộ phận cấu thành của chính sách xã hội gắn liền với việc sử dụng các khả năng và phương tiện của luật hình sự để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của xã hội và của nhà nước”[10].

            - Một loạt các nhà hình sự học Xô viết khác (X.V.Borôđin, I.A.Galperin, V.I.Kurlianđxki, V.V.Klotrkôv, I.A.Ixmailôv) lại cho rằng: Chính sách hình sự chỉ là những biện pháp chuyên ngành đấu tranh chống tội phạm, mà các biện pháp đó được điều chỉnh bằng các quy phạm của luật hình sự,  luật tố tụng hình sự và luật cải tạo-lao động[11].

          Như vậy, dù được tiếp cận dưới các giác độ khác nhau, với quan niệm về phạm vi rộng, hẹp khác nhau song các quan điểm trên đều thừa nhận chính sách hình sự là một phần của chính sách xã hội nói chung thể hiện quan điểm, định hướng, tư tưởng của Đảng cầm quyền và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong từng thời kỳ phát triển của xã hội. Chính sách hình sự có quan hệ và gắn bó mật thiết với việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội... và chịu sự chi phối, tác động của các chính sách này.

Tổng kết tất cả các quan niệm trên đây về chính sách hình sự, căn cứ các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp  hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời trên cơ sở các quan hệ xã hội đang hình thành trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay và nghiên cứu các quy phạm pháp luật thực định hiện hành trong lĩnh vực tư pháp hình sự, cũng như phân tích thực tiễn áp dụng chúng trong quá trình đấu tranh phòng và chống tội phạm ở nước ta có thể đưa ra khái niệm chính sách hình sự như sau:

Chính sách hình sự trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá,hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền là một phần của chính sách xã hội nói chung, đồng thời là chính sách pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng và bao gồm tổng thể bốn chính sách chính sách phòng ngừa tội phạm, chính sách pháp luật hình sự, chính sách pháp luật tố tụng hình sự và chính sách pháp luật thi hành án hình sự với tư cách là những phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm nhằm đảm bảo thực hiện tốt đường lối xử lý về hình sự, góp phần đưa các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế, giáo dục công dân ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tiến tới xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Nói một cách khác ngắn gọn hơn, chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền là những phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Nhà nước trong lĩnh vực tội phạm và hình phạt nhằm xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự, cũng như thực tiễn áp dụng chúng, đồng thời soạn thảo và triển khai các biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm.

          1.2. Mục đích cơ bản của chính sách hình sự.

Việc hoạch định chính sách hình sự của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước hướng tới các mục đích cơ bản như:

             - Xác định một cách chính xác, khách quan và hợp lý các nhóm quan hệ xã hội cụ thể cần phải được điều chỉnh, cũng như các đòi hỏi (yêu cầu), giới hạn (phạm vi) và hướng điều chỉnh chúng bằng các quy phạm pháp luật của từng ngành luật tương ứng trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

              - Góp phần xây dựng mối quan hệ tương hỗ và qua lại, hữu cơ và thống nhất, phối hợp và chế ước, khả thi và hợp lý nhất của hệ thống các cơ quan Nhà nước tương ứng với ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) và ngay giữa các cơ quan tư pháp hình sự trong cùng một nhánh quyền lực với nhau.

              - Góp phần xây dựng cơ sở chính trị-pháp lý vững chắc cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự, cũng như thực tiễn áp dụng các quy định của ba ngành luật này, đồng thời soạn thảo và triển khai các biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm trong đất nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

              - Góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đặc biệt là các quyền về tự do của con người và của công dân, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của Nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho công tác giáo dục, phổ biến và tuyên truyền các kiến thức về pháp luật để thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật, trình độ văn hóa pháp lý trong các tầng lớp nhân dân tạo thói quen tôn trọng, tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của công dân. 

              - Và cuối cùng, bằng việc đạt được bốn mục đích trên đây, chính  sách hình sự phải góp phần đưa các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế, tiến tới xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

          1.3.Ý  nghĩa của việc nghiên cứu chính sách hình sự

          Việc nghiên cứu chính sách hình sự trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có ý nghĩa chính trị-xã hội và pháp lý, cũng như ý nghĩa khoa học-thực tiễn rất quan trọng trên các bình diện như:

            - Tiếp tục khẳng định các quan điểm, tư tưởng pháp lý tiến bộ của nền văn minh nhân loại – công bằng và nhân đạo, dân chủ và pháp chế trong nhà nước pháp quyền XHCN, luôn luôn coi các quyền và tự do của con người là những giá trị xã hội cao quý nhất với tính chất là các khách thể được ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ bằng các quy định của pháp luật nói chung và của ba ngành luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng – pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự.

          - Cùng với việc hoạch định các chính sách về kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v... trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, thì việc hoạch định một chính sách hình sự dựa trên những cơ sở khoa học-thực tiễn khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm. Bởi vì các quy định của ba ngành luật đã nêu trong lĩnh vực tư pháp hình sự chính là các căn cứ pháp lý quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền để giải quyết một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội (bắt đầu kể từ khi có sự việc phạm tội, khởi tố vụ án hình sự, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với một người cho đến khi người đó đã chấp hành xong hình phạt và được xóa án tích) nhằm góp phần tăng cường pháp chế và củng cố trật tự pháp luật, bảo vệ các quyền và tự do của công dân, cũng như các lợi ích của xã hội và của nhà nước trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

          - Việc phân tích, luận chứng, lý giải và sáng tỏ về mặt lý luận khái niệm và các bộ phận cấu thành, những cơ sở khoa học-thực tiễn của việc hoạch định chính sách hình sự và nội dung chủ yếu của chính sách hình sự trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước không chỉ là hướng nghiên cứu cơ bản, mà còn là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng của tất cả các chuyên ngành khoa học pháp lý về tư pháp hình sự (khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự, khoa học luật thi hành án hình sự, tội phạm học và, khoa học điều tra tội phạm).

2. Các hình thức thể hiện và các đặc điểm cơ bản của chính sách hình sự

        2.1. Các hình thức thể hiện của chính sách hình sự.

Hình thức thể hiện của chính sách hình sự được hiểu là hướng triển khai cơ bản mà trong đó chính sách hình sự được thực hiện để đạt được các mục đích của nó và phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm đạt hiệu quả cao. Như vậy, các hướng triển khai của chính sách hình sự và thực tiễn đấu tranh chống tội phạm cho phép khẳng định rằng, chính sách hình sự được thể hiện trong ba hình thức chủ yếu là: 1) Sáng tạo pháp luật; 2) áp dụng pháp luật; 3) Giáo dục-phát triển ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý trong xã hội. 

              - Sáng tạo pháp luật là hình thức thể hiện chủ yếu và quan trọng nhất của chính sách hình sự, hình thức này chính là hoạt động thực tiễn xây dựng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự của Nhà nước, tạo cơ sở cho việc việc áp dụng pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật có hiệu quả. Thông qua hệ thống pháp luật thực định, Nhà nước ghi nhận các căn cứ pháp lý nền tảng (của luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật thi hành án hình sự) cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tiến hành trong phạm vi nghiêm ngặt của pháp chế, trật tự pháp luật và đạt hiệu quả cao; v.v...      

              - Áp dụng pháp luật là một trong những hình thức thể hiện chủ yếu của chính sách hình sự thông qua hoạt động thực tiễn của các cơ quan tư pháp hình sự nhằm đưa các quy phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự vào điều chỉnh các quạn hệ xã hội của thực tiễn. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự dù có hoàn thiện và khả thi đến đâu cũng không có khả năng bao quát được các quan hệ xã hội đang diễn ra trên thực tiễn, đồng thời cuộc đấu tranh chống tội phạm sẽ không đạt được hiệu quả và thậm chí các mục đích của chính sách hình sự cũng sẽ không đạt được như mong muốn nếu các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự không được các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án áp dụng một cách nghiêm chỉnh và thống nhất trong thực tiễn. Một khi hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự đã hoàn thiện và khả thi, thì chỉ có bằng việc áp dụng một cách nghiêm chỉnh và thống nhất trong thực tiễn các quy định của ba ngành luật đã nêu thì cuộc đấu tranh chống tội phạm mới đạt được hiệu quả cao, các quyền và tư do của công dân, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của Nhà nước. pháp chế và trật tự pháp luật mới thực sự được đảm bảo.      

              - Giáo dục-phát triển ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý trong xã hội cũng là một hình thức thể hiện chủ yếu của chính sách hình sự, phản ánh thái độ tích cực hay tiêu cực của các tầng lớp nhân dân đối với hệ thống pháp luật tư pháp hình sự. Việc triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ mang lại ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý cao hơn trong xã hội, hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động thực tiễn của các cơ quan lập pháp và áp dụng pháp luật trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm và vì vậy, các mục đích của chính sách hình sự sẽ đạt được như mong muốn. Chính việc tự ý thức và sự lên án trong các tầng lớp nhân dân hoặc các tập thể lao động về tính nguy hiểm cho xã hội của những hành vi (cách xử sự) nhất định do những người không vững vàng hoặc thiếu ý thức pháp luật nào đó thực hiện ở các mức độ khác nhau sẽ góp phần hình thành tính quyết định xã hội và hiệu quả của chính sách hình sự nói chung, cũng như của các quy phạm pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự hoặc pháp luật thi hành án hình sự nói riêng.   

        2.2. Các đặc điểm của chính sách hình sự.

Xuất phát từ khái niệm và các mục đích của chính sách hình sự nêu trên, đồng thời từ thực tiễn lập pháp và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh phòng và chống tội phạm ở Việt Nam chúng ta có thể chỉ ra các đặc điểm cơ bản của chính sách hình sự là: 

–  Chính sách hình sự là một phần của chính sách xã hội nói chung và là chính sách pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng của một Nhà nước.

         –  Chính sách hình sự bao gồm tổng thể của bốn loại chính sách cấu thành là: chính sách phòng ngừa tội phạm (1); chính sách pháp luật hình sự (2), chính sách pháp luật tố tụng hình sự (3), chính sách pháp luật thi hành án hình sự (4).

         – Chính sách hình sự là những phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Do vậy, chủ thể của hoạt động hoạch định chính sách hình sự trong nhà nước pháp quyền Việt Nam là Đảng cộng sản Việt Nam (với tư cách là Đảng cầm quyền, lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội) thông qua việc ban hành các Nghị quyết hoạch định về đường lối chiến lược và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (với tư cách là bộ máy quản lý xã hội) thông qua việc ban hành các đạo luật thể chế hoá đường lối lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

         – Chính sách hình sự suy cho cùng là nhằm đảm bảo thực hiện tốt đường lối xử lý về hình sự và trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay nó góp phần đưa các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế, giáo dục công dân ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tiến tới xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

3. Những nội dung chủ yếu của chính sách hình sự

          Chính sách hình sự bao gồm một phạm vi rộng lớn rất nhiều vấn đề lý luận mà khoa học pháp lý về tư pháp hình sự của nước ta có nhiệm vụ phải làm sáng tỏ về mặt lý luận bản chất của chúng. Tuy nhiên, trong phạm vi của một đề tài cấp bộ chuyên ngành khoa học pháp lý nên chúng ta chỉ có thể đề cập đến nội dung chủ yếu nhất của chính sách hình sự trong các lĩnh vực cơ bản:

- Chính sách phòng ngừa tội phạm;

- Chính sách pháp luật hình sự;

- Chính sách pháp luật tố tụng hình sự;

- Chính sách pháp luật thi hành án hình sự.

3.1. Chính sách phòng ngừa tội phạm

Chính sách phòng ngừa tội phạm là một bộ phận cấu thành của chính sách hình sự nhằm xác định những phương hướng cơ bản có tính chất chỉ đạo của Nhà nước trong việc nghiên cứu các nguyên nhân và điều kiện của tình trạng phạm tội nói riêng và tình hình phạm tội nói chung, đề ra các chương trình và các biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm của quốc gia, tăng cường sự hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

          Bản chất của chính sách phòng ngừa tội phạm được thể hiện qua một số nội dung chủ yếu trên các bình diện chính dưới đây:

          - Đảm bảo tính thường xuyên và đều đặn của hệ thống thống kê hình sự và đăng ký các tội phạm, đồng thời tiến hành phân tích một cách có hệ thống tính chất, cơ cấu, diễn biến (động thái) của các loại tội phạm nhằm cung cấp đầy đủ, khách quan và chính xác nhất cho các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền về các thông số về tình trạng phạm tội (tương ứng trong mỗi giai đoạn và trên phạm vi từng địa bàn/khu vực nói riêng) và về tình hình tội phạm (trong từng thời kỳ và trên phạm vi cả nước nói chung).

           - Phân tích một cách có hệ thống, khách quan và toàn diện các nguyên nhân và điều kiện của tình trạng phạm tội nói riêng và tình hình tội phạm nói chung để kịp thời đề ra các chương trình và các biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm có hiệu quả, đồng thời nghiên cứu các thành tựu của khoa học và  kỹ thuật hiện đại trên thế giới để ứng dụng chúng trong việc soạn thảo các chương trình và các biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm ở nước ta, góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự.

            - Tăng cường sự giao lưu, hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia giữa các cơ quan tư pháp hình sự của Việt Nam, cũng như của các nước trong khu vực và trên thế giới, để không ngừng nâng cao kiến thức trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của các cán bộ các cơ quan tư pháp hình sự nước nhà, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm có hiệu quả.

          Trong xu thế chung, tất yếu và có tính quy luật hiện nay của sự hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, cùng với cộng đồng quốc tế Việt Nam cần phải có trách nhiệm thực hiện tốt các khuyến nghị của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Cụ thể là, chúng ta phải thực hiện tốt các biện pháp tương ứng với các chiến lược của cuộc đấu tranh chống tội phạm đã được xác định trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ VII của Liên Hiệp Quốc “Về ngăn ngừa tình trạng phạm tội & đối xử với những người vi phạm pháp luật[12]

- Chiến lược gián tiếp đấu tranh chống tội phạm về cơ bản bao gồm các biện pháp nhằm nâng cao đời sống của nhân dân (ví dụ như: các điều kiện về nhà ở; ăn uống; giáo dục; đào tạo nghề nghiệp; tạo việc làm; đảm bảo chế độ hưu trí; đảm bảo các điều kiện để sử dụng hợp lý thời gian rỗi; soạn thảo các chương trình xã hội để trợ giúp cho thanh niên và những phạm nhân sau khi ra tù, giúp đỡ họ về mặt tài chính và phúc lợi; v.v...).

- Chiến lược trực tiếp đấu tranh chống tội bao gồm các biện pháp (ví dụ như: hạn chế khả năng phạm tội; làm tốt công tác giáo dục-phòng ngừa và thông tin; thu hút các tổ chức, đoàn thể xã hội tham gia vào cuộc đấu tranh chống tội phạm; giúp đỡ cho các nạn nhân của tội phạm; v.v...).

3.2. Chính sách pháp luật hình sự.

 Chính sách pháp luật hình sự là một bộ phận cấu thành của chính sách hình sự nhằm xác định những phương hướng cơ bản có tính chất chỉ đạo của Nhà nước trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật hình sự, đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật hình sự, tăng cường việc bảo vệ các quyền và tự do của con người, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của nhà nước bằng pháp luật hình sự, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

          Bản chất của chính sách pháp luật hình sự được thể hiện qua một số nội dung chủ yếu trên các bình diện chính dưới đây:

           - Cần có sự nhận thứ đúng đắn về tính chất và đặc điểm của các quan hệ xã hội, cũng như các đòi hỏi cấp bách của xã hội về sự cần thiết đến mức độ nào trong việc điều chỉnh về mặt pháp luật hình sự các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này.

            - Không ngừng hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật hình sự bằng các cơ chế dân chủ và công khai trong hoạt động lập pháp hình sự để bổ sung vào pháp luật hình sự thực định của quốc gia các quy phạm hoặc các chế định pháp lý tiến bộ và nhân đạo được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại trên cơ sở lĩnh hội các nguyên tắc của hoạt động tư pháp hình sự trong nhà nước pháp quyền.

              - Xuất phát từ sự nhận thức trên, đồng thời trên cơ sở các luận chứng khoa học khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục phải cố gắng đến mức tối đa để quy định rõ ràng trong pháp luật hình sự thực định :

          1) Các giới hạn của việc tội phạm hóa (coi loại hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức nào là tội phạm) và phi tội phạm hóa (loại trừ loại hành vi nguy hiểm cho xã hội nào ra khỏi danh mục các tội phạm).

          2) Các căn cứ của việc hình sự hóa (tính chất bị xử lý về hình sự của loại hành vi nguy hiểm cho xã hội nào) và phi hình sự hóa (những điều kiện cụ thể để loại trừ việc trừng phạt về hình sự, chuyển sang áp dụng bằng các chế tài pháp lý của các ngành luật tương ứng khác ít nghiêm khắc hơn luật hình sự hoặc mở rộng phạm vi của các biện pháp tha miễn).

3) Các hình thức trách nhiệm hình sự khác nhau với sự đa dạng các biện pháp cưỡng chế về hình sự (nhiều loại hình phạt khác nhau, nhiều biện pháp cưỡng chế về hình sự khác ngoài hình phạt ), nhiều khả năng lựa chọn (tùy nghi) và xây dựng được các cơ chế tạo ra sự thuận tiện khi áp dụng các biện pháp đó trong thực tiễn.

3.2.1. Vấn đề tội phạm hóa và phi tội phạm hóa

          Tội phạm hóa và phi tội phạm hóa là hai quá trình khác nhau và trái ngược nhau, song chúng đều có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ và tác động tương hỗ nhau với tính chất là các biện pháp để thực hiện chính sách hình sự, được thể hiện bằng một loạt các giai đoạn trong hoạt động sáng tạo pháp luật hình sự của nhà nước pháp quyền. Bản chất của quá trình tội phạm hóa là ghi nhận trong pháp luật hình sự một hành vi nào đó là tội phạm và quy định trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện hành vi đó) và bản chất của quá trình phi tội phạm hóa là loại trừ khỏi pháp luật hình sự hiện hành một hành vi nào đó (mà trước đây đã bị coi là tội phạm) và hủy bỏ trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện hành vi đó.

             Thông qua việc tội phạm hóa nhà làm luật quy định trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi nào đó (mà trước đây chỉ bị coi là hành vi trái đạo đức hoặc hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Điều này có thể nhận thấy trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 hiện hành, khi nhà làm luật nước ta đã bổ sung thêm một loạt các cấu thành tội phạm mới mà trong Bộ luật hình sự năm 1985 trước đây chưa quy định như: các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (các điều 224-226); đua xe trái phép (Điều 207); vi phạm quy định sử dụng lao động trẻ em (Điều 228); vi phạm các quy định về an toàn vận hành công trình điện (Điều 241); phá thai trái phép (Điều 243); hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có – rửa tiền (Điều 251); một loạt những hành vi mới trong Chương XVII “Các tội phạm về môi trường”; v.v...  

              Bằng việc phi tội phạm hóa, nhà làm luật đưa ra khỏi pháp luật hình sự các loại hành vi mặc dù trước đây đã bị coi là tội phạm và hiện nay tuy vẫn còn nguy hiểm nhưng chỉ là nhỏ nhặt, không đáng kể nên chỉ bị coi là vi phạm pháp luật và chỉ cần áp dụng chế tài pháp lý của ngành luật tương ứng khác ít nghiêm khắc hơn luật hình sự là đủ sức ngăn chặn. Cũng có loại hành vi mặc dù trước đây bị coi là tội phạm nhưng hiện nay đã hoàn toàn mất đi tính nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải xử lý bằng bất kỳ chế tài pháp lý nào vì đó chỉ là hành vi trái đạo đức. Do đó, cả hai loại hành vi này không cần thiết phải tiếp tục bị cấm về hình sự nữa mà cần được loại ra khỏi lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật hình sự. Nói cách khác, do sự thay đổi của các yếu tố khách quan (như các điều kiện cụ thể của đất nước về kinh tế-xã hội, chính trị, văn hóa, hoặc pháp luật, v.v...) nên đối với việc thực hiện hai loại hành vi đã nêu nay không cần áp dụng biện pháp tác động nào về mặt pháp luật hoặc chỉ cần áp dụng chế tài pháp lý của các ngành luật tương ứng khác ít nghiêm khắc hơn luật hình sự là đủ sức ngăn chặn. Vì vậy, cả hai loại hành vi đó không cần phải coi là tội phạm nữa. Ví dụ: trong quá trình pháp điển hóa thứ hai luật hình sự Việt Nam vừa qua, do sự thay đổi của các quan hệ xã hội nên nhà làm luật nước ta đã phi tội phạm hóa đối với một số hành vi mà trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là các tội phạm – các tội chống nhà nước XHCN (Điều 86); phá hủy tiền tệ (Điều 98); lạm sát gia súc (Điều 184); sản xuất hoặc buôn bán rượu, thuốc lá trái phép (Điều 183); v.v...

          Phân tích các quan hệ xã hội đang hình thành và phát triển ở n­ước ta trong giai đoạn hiện nay, cũng như­ việc nghiên cứu thực tiễn lập pháp hình sự của Nhà nước thể hiện qua lần pháp điển hóa luật hình sự Việt Nam lần thứ hai với Bộ luật hình sự năm 1999, chúng tôi cho rằng việc tội phạm hoá (phi tội phạm hoá) cần căn cứ vào các yếu tố cơ bản sau:

           - Căn cứ vào tính chất của hành vi được coi là tội phạm hóa (hay phi tội phạm hóa): so với những hành vi vi phạm khác đang tồn tại trong giai đoạn hiện nay, thì những hành vi bị tội phạm hóa phải là những hành vi có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao; còn ngư­ợc lại, nếu phi tội phạm hóa chúng thì những hành vi đó hoàn toàn không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Đối với những hành vi đã được các ngành luật khác quy định và bị xử lý bằng các chế tài pháp lý khác phi hình sự thì những hành vi bị tội phạm hóa phải là những hành vi mà việc áp dụng các chế tài pháp lý của các ngành luật khác ít nghiêm khắc hơn luật hình sự đã không còn đủ sức ngăn chặn chúng trong khi nếu áp dụng chế tài pháp lý hình sự lại có khả năng ngăn chặn chúng. Ngư­ợc lại, nếu phi tội phạm hóa chúng, thì đối với những hành vi đó không cần đến mức phải bị xử lý bằng các chế tài pháp lý hình sự nữa, mà chỉ cần xử lý bằng các chế tài pháp lý của các ngành luật phi hình sự khác hoặc các biện pháp tác động xã hội là đủ.

             Mặt khác, những hành vi bị tội phạm hóa phải gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên) thiệt hại đáng kể về vật chất, thể chất hoặc tinh thần cho con ng­ười, cho xã hội hoặc cho nhà n­ước. Ng­ược lại, nếu phi tội phạm hóa chúng, thì những hành  vi đó phải là những hành vi không gây nên hoặc tuy có gây nên (hay đe dọa thực tế gây nên) thiệt hại, nh­ưng chỉ là thiệt hại không đáng kể cho các lợi ích đã nêu.

             Việc tội phạm hóa (hoặc phi tội phạm hóa) những hành vi đó phải không đư­ợc trái với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia, cũng như­ các nguyên tắc và các quy phạm đư­ợc thừa nhận chung của pháp luật quốc tế. Đồng thời, trong quá trình tội phạm hóa (hoặc phi tội phạm hóa) cũng cần tham khảo có chọn lọc các thành tựu tiên tiến của khoa học pháp lý hình sự trên thế giới, đặc biệt là trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế của nước ta hiện nay.

           -  Căn cứ vào những yếu tố thuộc về mặt tội phạm học của quá trình tội phạm hóa và quá trình phi tội phạm hóa. Cụ thể là, so với những hành vi trái xã hội khác đang tồn tại trong giai đoạn hiện nay, thì những hành vi bị tội phạm hóa nhất thiết phải là những hành vi t­ương đối phổ biến, điển hình hơn và hay lặp đi lặp lại nhiều hơn. Ng­ược lại, nếu phi tội phạm hóa chúng thì những hành vi đó phải là những hành vi ít phổ biến hơn, không điển hình và ít lặp đi lặp lại. Ngoài ra, việc tội phạm hoá (phi tội phạm hóa) còn phải căn cứ vào động thái (diễn biến) của những hành vi đó tư­ơng ứng với hai quá trình đã nêu ra sao? Các nguyên nhân và các điều kiện làm phát sinh (nếu đó là những hành vi bị tội phạm hóa) và giảm đi đáng kể (nếu đó là những hành vi đư­ợc phi tội phạm); các đặc điểm chung về nhân thân của chủ thể hành vi bị tội phạm hóa (hoặc đ­ược phi tội phạm hóa) như­ thế nào...

           - Căn cứ vào yếu tố về mặt tâm lý-đạo đức của quá trình tội phạm hóa và quá trình phi tội phạm hóa. Do sự thay đổi của các yếu tố khách quan (về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa hoặc pháp luật, v.v...) nên so với những hành vi trái xã hội khác đang tồn tại trong giai đoạn hiện nay, thì những hành vi bị tội phạm hóa phải là những hành vi mà mức độ bị lên án về mặt đạo đức lớn hơn cả và bị sự phản ứng của dư­ luận xã hội gay gắt hơn cả; còn ng­ược lại, nếu phi tội phạm hóa chúng thì những hành vi đó phải là những hành vi mà mức độ bị lên án về mặt đạo đức không lớn và bị sự phản ứng của d­ư luận xã hội không còn gay gắt nữa.

            Việc tội phạm hóa (hoặc phi tội phạm hóa) những hành vi nào đó không chỉ cần phải phù hợp với các quy phạm đạo đức, mà còn phải đáp ứng đ­ược cả tâm lý chung của đại đa số thành viên trong xã hội, đồng thời không có nguy cơ dẫn đến các hậu quả tiêu cực trong đời sống xã hội.

            - Việc tội phạm hóa (hoặc phi tội phạm hóa) những hành vi nào đó cần phải phù hợp với mặt bằng của trình độ dân trí nói chung, cũng như với trình độ văn hóa pháp lý nói riêng của nhân dân ta, tương xứng với ý thức pháp luật của đại đa số thành viên trong xã hội.

           - Việc tội phạm hóa (hoặc phi tội phạm hóa) những hành vi nào đó cần phải phù hợp với các quy luật phát triển khách quan trong đời sống vật chất và tinh thần của xã hội, t­ương xứng với các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

          - Việc tội phạm hóa (hoặc phi tội phạm hóa) những hành vi nào đó cần phải đ­ược kết hợp một cách hài hòa với các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc – các di sản pháp lý tốt mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta[13].

          3.2.2. Về vấn đề hình sự hóa  và phi hình sự hóa

          Hình sự hóa trong lĩnh vực lập pháp thực chất là việc quy định mới trong Phần riêng pháp luật hình sự chế tài hình sự (hình phạt) đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội nào đó mà nay bị coi là tội phạm[14] hoặc tăng nặng hơn loại hoặc/và mức hình phạt đối với một số tội phạm mà trong Phần riêng pháp luật hình sự trước đây đối với những tội phạm đó nhà làm luật đã quy định loại hoặc/và mức hình phạt nhẹ hơn (như Bộ luật hình sự năm 1999 nước ta quy định tăng nặng hơn mức tối thiểu hoặc tối đa của hình phạt trong một loạt chế tài đối với những tội phạm được ghi nhận tại các điều 93, 97, 100, 120, 135-137, 141, 147, 159, 163, 171, 195-196, 198, 204-205, 208, 211, 214-215, 218-219, 236, 239, 245, 248-249, 265, 269, 274, 383, 289-290, 293-303, 310, 314, 335-337).  Hình sự hoá cũng có nghĩa là mở rộng trong Phần chung pháp luật hình sự phạm vi của sự trấn áp về hình sự đối với một số quy phạm và chế định nào đó. Chẳng hạn, Bộ luật hình sự năm 1999 đã bổ sung thêm một loại hình phạt mới vào hệ thống hình phạt theo pháp luật hình sự hiện hành – trục xuất (Điều 32); bổ sung thêm một quy định mới về việc không được coi là tình tiết giảm nhẹ lần thứ hai bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào mà pháp luật hình sự đã quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt (khoản 3 Điều 46); bổ sung thêm một quy định mới về việc không được áp dụng chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 24) và thi hành bản án hình sự (Điều 56) đối với một loại (nhóm) tội phạm mới – đó là các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XI) – mà trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định được áp dụng chế định này đối với loại tội phạm tương ứng đã nêu và; sửa đổi quy định về việc không cho phép coi là đương nhiên được xóa án tích đối với người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian 3 năm kể từ ngày hết  thời gian thử thách (Điều 64) như quy định trong pháp luật hình sự trước đây (khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 1985). 

           Phi hình sự hoá thực chất là việc loại trừ khỏi Phần riêng pháp luật hình sự chế tài hình sự (hình phạt) đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội nào đó mà trước đây đã bị coi là tội phạm, nhưng nay không bị coi là tội phạm nữa; hoặc là thu hẹp trong Phần chung pháp luật hình sự phạm vi (giới hạn) của sự trấn áp về hình sự đối với một số quy phạm và chế định nào đó[15]; hoặc là quy định theo hướng giảm nhẹ hơn loại hoặc/và mức hình phạt đối với một số tội phạm mà trong Phần riêng pháp luật hình sự trước đây đối với những tội phạm đó nhà làm luật đã quy định loại hoặc/và mức hình phạt nặng hơn (như Bộ luật hình sự năm 1999 nước ta quy định giảm nhẹ hơn mức tối thiểu hoặc tối đa của hình phạt trong một loạt chế tài đối với những tội phạm được ghi nhận tại các điều 114, 139, 142, 144, 153-158, 160-162, 164-166, 169, 173, 177-181, 188-190, 193, 202-203, 208-209, 212-213, 216-217, 229, 247, 250, 253, 255, 259, 262, 266-267, 276, 281-282, 284-285, 306, 313, 319, 324). 

Khi nghiên cứu các phạm trù này cần lưu ý rằng, trong những năm gần đây hiện tượng áp dụng không đúng các quy định của pháp luật khá phổ biến trong hoạt động thực tiễn của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đại diện cho Nhà nước để giải quyết sự xung đột của các quan hệ xã hội và các vi phạm pháp luật. Thực trạng áp dụng không đúng các quy định của pháp luật như vậy được báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng gọi là: 1) "Hình sự hóa" – thực chất là áp dụng quy phạm pháp luật hình sự để giải quyết sự xung đột của các quan hệ xã hội mà lẽ ra chỉ cần áp dụng các quy phạm pháp luật phi hình sự (như: pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế, v.v...) thì mới đúng và ngược lại; 2) "Phi hình sự hóa" – thực chất là áp dụng các quy phạm pháp luật phi hình sự (như: pháp luật hành chính, pháp luật dân sự,v.v...) để giải quyết sự xung đột của các quan hệ xã hội đã đến mức cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự (mà lẽ ra cần phải áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự  thì mới đúng). 

Về bản chất, thì hai phạm trù "hình sự hóa"-"phi hình sự hóa" trong lĩnh vực áp dụng pháp luật với tư cách là kết quả tiêu cực do hoạt động thực tiễn của cá nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rõ ràng là khác xa với nội hàm của hai phạm trù tương ứng trong lĩnh vực lập pháp (hình sự hóa-phi hình sự hóa theo đúng nghĩa hẹp của chúng). Bởi lẽ:

                - Bản chất của phạm trù "hình sự hóa" các quan hệ pháp luật phi hình sự là việc áp dụng không đúng các quy phạm pháp luật hình sự (về nội dung) và pháp luật tố tụng hình sự (về hình thức) của cá nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (vì những nguyên nhân khác nhau) khi giải quyết sự xung đột trong giao dịch kinh tế-dân sự hoặc vụ việc vi phạm pháp luật nào đó mặc dù không có những dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, mà lẽ ra cần phải áp dụng các quy phạm pháp luật phi hình sự tương ứng (như: pháp luật hành chính, pháp luật dân sự, v.v...) để giải quyết thì mới đúng pháp luật và mới hợp lý;

          - Bản chất của phạm trù "phi hình sự hóa"các quan hệ pháp luật hình sự là việc áp dụng không đúng các quy phạm pháp luật phi hình sự hoàn toàn không tương ứng (như: pháp luật hành chính, pháp luật dân sự, v.v...) của cá nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (vì những nguyên nhân do khác nhau) khi giải quyết sự xung đột trong giao dịch kinh tế-dân sự hoặc vụ việc nào đó mặc dù có đã đầy đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự, mà lẽ ra cần phải áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự (về nội dung) và pháp luật tố tụng hình sự (về hình thức) để giải quyết thì mới đúng pháp luật và hợp lý. 

          Thực trạng "hình sự hóa"-"phi hình sự hóa" các quan hệ pháp luật có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật trong những năm qua chúng ta có thể chỉ một số nguyên nhân cơ bản dưới đây:

            - Do năng lực công tác yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, sự hiểu biết không đúng hoặc không đầy đủ tinh thần các văn bản pháp luật hoặc do sự sơ xuất nào đó, v.v...từ phía các cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án;   

- Do các động cơ khác nhau (như: hách dịch, cửa quyền, vô lương tâm, thích hành hạ nhân dân, thiếu đạo đức nghề nghiệp, vụ lợi, tham nhũng, hối lộ, không trung thực, nể nang người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hoặc vì động cơ cá nhân khác, v.v...) nên đã cố ý bằng mọi thủ đoạn làm trái các quy định của pháp luật để đạt được các mục đích riêng của mình.  

- Thiếu sự hợp tác và hỗ trợ cho nhau giữa các cơ quan tư pháp, có tâm lý "quyền anh-quyền tôi, ngành anh-ngành tôi" hoặc ngại khó, sợ mất thời gian nên đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, v.v....  

- Các chủ thể của các giao dịch thuộc lĩnh vực kinh tế-dân sự vì không tin tưởng vào hiệu quả của việc giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế-dân sự, nôn nóng muốn kết thúc nhanh quá trình giải quyết vụ việc nên đã chủ động nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hoặc các chủ thể của các vi phạm pháp luật không có kiến thức hoặc tuy có các kiến thức về pháp luật nhưng chưa đầy đủ (nhất là về pháp luật hình sự).

          - Hệ thống pháp luật của nước ta vẫn còn nhiều nhược điểm chưa được khắc phục (như: chưa chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp, chưa nhất quán về mặt lôgic pháp lý, thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn, thiếu nhiều cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan áp dụng pháp luật, chưa đảm bảo được tính đồng bộ giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh ngay cùng một lĩnh vực hoặc nhóm quan hệ xã hội, v.v...) nên trong nhiều trường hợp cụ thể hệ thống pháp luật của đất nước không thể nào điều chỉnh được một cách kịp thời các quan hệ xã hội đang tồn tại hoặc mới phát sinh từ nền kinh tế thị trường đầy biến dộng và phức tạp. 

Hậu quả của việc "hình sự hóa"-"phi hình sự hóa"  trong áp dụng pháp luật là rất lớn, nhưng về cơ bản đó các thiệt hại do tình trạng oan sai trong thực tiễn áp dụng pháp luật gây nên, như: xác định không đúng tích chất và mức độ của hành vi được thực hiện trên thực tế dẫn đến việc áp dụng pháp luật sai,  việc xử lý, áp dụng các chế tài pháp lý sai gây ra những thiện hại và vi phạm nghiệm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm thô bạo pháp chế và trật tự pháp luật, quyền và tự do hiến định của công dân, cũng như lợi ích hợp pháp của tập thể; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế bình thường theo luật định của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo tâm lý hoang mang, không yên tâm làm ăn của họ trong môi trường pháp luật mất ổn định; đưa đến nên sự nghi ngờ của công luận và làm mất uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án nói riêng, cũng như bộ máy Nhà nước nói chung trước dư luận xã hội, con mắt của nhân dân và cộng đồng quốc tế, v.v...       

3.2.3. Việc áp dụng trong thực tiễn các quy phạm pháp luật có tính chất đánh giá hoặc lựa chọn (tùy nghi) của các cơ quan tư pháp hình sự.

         Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng nhà làm luật khi xây dựng các quy phạm pháp luật chỉ có thể quy định chúng dưới các dạng chung nhất, điển hình nhất trên cơ sở các hành vi (sự kiện, hiện tượng, trường hợp, v.v...) thường lặp đi lặp lại trong đời sống thực tế nhiều nhất và chính vì vậy, đại đa số các quy phạm pháp luật (nhất là các quy phạm pháp luật hình sự) thường mang tính chất trừu trượng. Do vậy, người áp dụng các các quy phạm pháp luật đó phải cụ thể hóa chúng trong thực tiễn sao cho phù hợp và chính xác trong từng trường hợp tương ứng cụ thể. Thậm chí có những trường hợp cụ thể người áp dụng phải dựa trên các giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo của thực tiễn xét xử (như các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, các Thông tư liên tịch của Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan tư pháp khác).

         Chính điều này đã dẫn đến một thực tế là khi xây dựng các quy phạm và các chế định pháp luật hình sự, nhà làm luật bao giờ cũng dành cho các cơ quan tư pháp hình sự quyền lựa chọn (tùy nghi) để áp dụng các quy định tương ứng với việc sử dụng thuật ngữ “có thể” trong một số điều (khoản) ở Phần chung, cũng như trong nhiều cấu thành tội phạm ở Phần riêng Bộ luật hình sự. Như vậy, “Pháp luật, dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất  cả những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống”[16].  

3.3. Chính sách pháp luật tố tụng hình sự

           Chính sách pháp luật tố tụng hình sự là một bộ phận cấu thành của chính sách hình sự nhằm xác định những phương hướng cơ bản có tính chất chỉ đạo của nhà nước trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự, tăng cường việc bảo vệ các quyền và tự do của con người, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của nhà nước bằng pháp luật tố tụng hình sự, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. 

          Bản chất của chính sách pháp luật tố tụng hình sự được thể hiện qua một số nội dung chủ yếu sau đây:

           - Các quan hệ xã hội do pháp luật tố tụng hình sự điều chỉnh có liên quan mật thiết đến việc bảo vệ các quyền và tự do, danh dự và nhân phẩm, tính mạng và sức khoẻ của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Đây là cơ sở để các cơ quan hoạch định chính sách pháp luật tố tụng hình sự cân nhắc trong việc xác định rõ về tính chất và đặc điểm của các quan hệ xã hội, cũng như các đòi hỏi cấp bách của xã hội về sự cần thiết đến mức nào (?) trong việc điều chỉnh về mặt pháp luật tố tụng hình sự các quan hệ xã hội.

- Việc hoạch định chính sách pháp luật tố tụng hình sự phải mang tính thường xuyên, không ngừng hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật tố tụng hình sự bằng các cơ chế dân chủ và công khai trong hoạt động lập pháp tố tụng hình sự để bổ sung vào pháp luật tố tụng hình sự thực định của quốc gia các quy phạm hoặc các chế định pháp lý tiến bộ và nhân đạo được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại trên cơ sở lĩnh hội các nguyên tắc của hoạt động tư pháp hình sự trong nhà nước pháp quyền.

            - Xuất phát từ sự nhận thức trên và trên cơ sở các luận chứng khoa học, việc hoạch định chính sách pháp luật tố tụng hình sự chính là việc đưa ra được các mô hình lý luận về các quy phạm và các chế định luật tố tụng hình sự điều chỉnh đến mức tối đa các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, dân chủ, khách quan, tranh tụng công khai... trong tố tụng hình sự; thường xuyên nghiên cứu để phân tích và làm sáng tỏ về mặt lý luận tính quyết định xã hội của các quy phạm và các chế định của luật tố tụng hình sự nhằm tìm kiếm các con đường, biện pháp và phương tiện hướng hoạt động của các cơ quan tư pháp hình sự vào việc nâng cao hiệu quả của thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự nói riêng, cũng như của thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung.

3.4. Chính sách pháp luật thi hành án hình sự

Chính sách pháp luật thi hành án hình sự là một bộ phận cấu thành của chính sách hình sự nhằm xác định những phương hướng cơ bản có tính chất chỉ đạo của nhà  nước trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật thi hành án hình sự, đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật thi hành án hình sự, tăng cường việc bảo vệ các quyền và tự do của con người, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của nhà nước bằng pháp luật thi hành án hình sự, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

Bản chất của chính sách pháp luật thi hành án hình sự được thể hiện thông qua một số nội dung chủ yếu sau:

- Bản chất của thi hành án nói chung, thi hành án hình sự nói riêng là một trong những vấn đề lý luận cơ bản làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách pháp luật thi hành án hình sự. Có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của thi hành án hình sự: có quan điểm cho rằng thi hành án được coi là "nốt nhạc cuối cùng" trong quá trình tố tụng và hiệu quả của nó sẽ góp phần đạt được mục đích của quá trình tố tụng. Quan điểm khác cho rằng thi hành án là một hoạt động hành chính - tư pháp[17]

Chúng tôi cho rằng, mục đích của tố tụng là tìm ra chân lý khách quan thông qua hoạt động tố tụng công khai. Quy trình của tố tụng là tìm ra kiếm chứng cứ, khẳng định chứng cứ và từ những chứng cư đó đưa ra kết luận cuối cùng chính là Bản án kết tội do Toà án nhân danh Nhà nước tuyên. Do vậy, đây là quá trình tìm ra chân lý. Còn thi hành án thì ngược, cơ sở của việc thi hành án chính là bản án có hiệu lực do toà án tuyên, và mục đích của thi hành án là hiện thực hoá bản án. Do vậy, đây là hoạt động hành chính không phải là hoạt động tố tụng. Hoạt động này có những đặc điểm như:

+ Thi hành án hình sự là hoạt động chấp hành, căn cứ để thi hành án là các bản án và quyết định của Toà án. Toàn bộ quá trình thi hành án với những hoạt động, biện pháp, cách thức khác nhau đều tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm thực hiện nội dung quyết định của bản án, quyết định của Toà án.

+ Thi hành án là dạng hoạt động quản lý vì trong quá trình thi hành, các cơ quan thi hành án phải tác động trực tiếp tới đối tượng phải thi hành án, để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Toà án; giáo dục họ ý thức tôn trọng  pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, của Nhà nước và xã hội, giáo dục họ trở thành người công dân có ích với xã hội.

+ Trong thi hành án, để thực hiện các hoạt động chấp hành và quản lý nói trên, phương pháp thuyết phục giáo dục có ý nghĩa quan trọng, nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù.

 Đây là những đặc điểm chi phối và làm cơ sở để các cơ quan hoạch định chính sách pháp luật thi hành án hình sự cân nhắc trong việc xác định rõ về tính chất và đặc điểm của các quan hệ xã hội, cũng như các đòi hỏi cấp bách của xã hội về sự cần thiết đến mức nào (?) trong việc điều chỉnh về mặt pháp luật thi hành án hình sự các quan hệ xã hội.

- Việc hoạch định chính sách pháp luật thi hành án hình sự cũng cần phải tính đến các đặc trưng riêng của từng loại án hình sự, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại án hình sự,  bảo đảm cho hoạt động thi hành án hình sự đạt được hiệu quả cao nhất. Trừ hình phạt tử hình nhằm loại bỏ những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng không còn khả năng cải tạo, giáo dục ra khỏi đời sống xã hội, việc áp dụng và thi hành các hình phạt khác đều nhằm giáo dục người bị kết án trở thành người lương thiện. Thi hành án hình sự có những đặc trưng riêng, bên cạnh đó, bản thân việc thi hành từng loại hình phạt cũng phản ánh mục đích, yêu cầu và phương pháp đặc thù. Điều này đưa đến việc đa dạng các chủ thể thi hành án hình sự, tức là, việc thi hành án hình sự do nhiều cơ  quan, tổ chức thực hiện và tham gia thực hiện. Thi hành án hình sự là một hoạt động phức tạp, đa dạng, từ việc thi hành các hình phạt chính như: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình đến các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, đến việc thực hiện các biện pháp tư pháp như tịch thu tang vật, tài vật liên quan đến tội phạm, buộc công khai xin lỗi, bắt buộc chữa bệnh, giáo dục người chưa thành niên tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng... Theo đó, mỗi loại hình phạt hay biện pháp tư pháp đều xuất phát từ mục đích của nó mà quyết định nội dung, phương pháp, hình thức cũng như thời hạn thi hành. Chẳng hạn:

+ Thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân thể hiện rõ tính cưỡng chế nghiêm khắc của nó là tước đi quyền tự do của người bị kết án. Những người này bị cách ly khỏi xã hội, phải chịu sự quản lý, cải tạo, giáo dục trong thời hạn bị phạt tù. Các cơ quan tham gia thực hiện thi hành án phạt tù cũng gồm nhiều cơ quan như: Toà án, Công an, chính quyền địa phương theo dõi trong thời gian chờ xoá án tích...

+ Đối với thi hành án tử hình, đây là hình phạt nghiêm khắc nhất vì nó tước đi quyền sống của kẻ phạm tội. Bởi vậy, pháp luật đã quy định riêng cho thi hành án tử hình các nguyên tắc, trình tự, thủ tục chặt chẽ. Việc thi hành án tử hình chỉ là quá trình mà Hội đồng thi hành án tử hình thực thi nhiệm vụ theo thủ tục, trình tự luật định.

+ Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo: án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Người được hưởng án treo vẫn làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương ngay trong môi trường xã hội bình thường, chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, chính quyền dịa phương... Việc quản lý, giám sát người hưởng án treo là do các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện.

+ Thi hành án phạt tiền: Phạt tiền là một loại hình phạt (có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ  sung) về hình sự, nhưng lại được thi hành theo trình tự, thủ tục thi hành án dân sự.

+ Thi hành hình phạt trục xuất có đặc điểm là thủ tục mang tính hành chính, có sự phối hợp của các cơ quan Toà án, Công an, cơ quan ngoại giao...

 

          - Việc xây dựng các luận cứ khoa học cho hoạch định chính sách thi hành án hình sự trong  giai đoạn hiện nay phải đặt trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường dân chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đặc biệt là việc pháp điển hoá Bộ luật thi hành án trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền với sự điều chỉnh đến mức tối đa các quy phạm, các chế định và các vấn đề cơ bản, các chuẩn mực tối thiểu và cần thiết thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ của nhà nước các quyền của những người bị kết án như:

           1) Địa vị pháp lý của các phạm nhân bị kết án các loại hình phạt khác nhau (không tước tự do, tước tự do, tử hình).

             2) Chế định kiểm tra và kiểm sát đối với các cơ quan thi hành án hình sự (như sự kiểm tra của các cơ quan quyền lực nhà nước, sự kiểm tra của Tòa án, sự kiểm tra của cơ quan  thi hành án hình sự cấp trên trong quan hệ với cấp dưới và sự kiểm sát của Viện kiểm sát).

             3) Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho phạm nhân.

             4) Giúp đỡ các phạm nhân được giảm thời hạn, miễn và hoãn chấp hành hình phạt và việc kiểm tra đối với họ; v.v... 

3.5. Đường lối xử lý về hình sự

          Đường lối xử lý về hình sự là một bộ phận cấu thành của chính sách hình sự nhằm xác định những phương hướng cơ bản có tính chất chỉ đạo của nhà nước trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật  thi hành án hình sự, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tư pháp hình sự, tăng cường việc bảo vệ các quyền và tự do của con người, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của nhà nước bằng hệ thống tư pháp hình sự, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, đạt được kết quả cuối cùng – xử lý “đúng người,  đúng tội, đúng pháp luật”.

          Chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền suy cho cùng là những phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm nhằm đạt được kết quả của việc thực hiện tốt đường lối xử lý về hình sự “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, đồng thời đạt được mục đích cuối cùng là khẳng định về mặt lập pháp bằng các quy định của pháp luật và thể hiện trong thực tiễn tư pháp hình sự bằng các cơ chế pháp lý hữu hiệu các tư tưởng nhân đạo của nhà nước pháp quyền là bảo vệ các quyền và tự do của con người với tính chất là các giá trị xã hội cao quý nhất của nền văn minh nhân loại.

           Như vậy, việc các cơ quan tư pháp hình sự cố gắng bằng hoạt động thực tiễn của mình thực hiện tốt đường lối xử lý về hình sự đã nêu chính là góp phần đưa các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế, giáo dục công dân ý thức tôn  trọng, tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tiến tới xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

              Để xử lý đúng tội, đúng người, đúng pháp luật, góp phần tích cực cho cải tạo-giáo dục người bị kết án và sớm đưa họ trở về cuộc sống lương thiện với  tính chất là kết quả của chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, thì nội dung đường lối xử lý về hình sự của nhà nước ta cần phản ánh rõ được các quan  điểm như:

               1) Đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, những kẻ dùng thủ đoạn xảo quyệt để phạm tội, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây nên hậu quả nghiêm trọng – cần phải trừng trị với tất cả sự nghiêm khắc của pháp luật hình sự.

               2) Đối với những người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác những người đồng phạm, lập công chuộc tội, đã ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, hoặc lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, – cần phải khoan hồng cho họ nếu trong luật có quy định và trao quyền đó cho cơ quan tư pháp hình sự tương ứng có thẩm quyền.

               3) Đối với những người phải chấp hành án hình sự là phạt tù – cần phải buộc họ chấp hành hình phạt trong trại giam, cải tạo-lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì cần xét để giảm nhẹ việc chấp hành hình phạt; còn đối với những người đã chấp hành xong hình phạt – cần  phải tạo điều kiện cho họ làm ăn, sinh sống lương thiện để tái hòa nhập với cộng đồng, và khi họ đã có đủ điều kiện do luật định –  cần phải xóa án tích cho họ.

4. Cơ sở khoa học - thực tiễn của việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Cơ sở khoa học-thực tiễn của việc hoạch định chính sách hình sự có thể được hiểu là căn cứ riêng thể hiện nội dung cơ bản và các lợi ích xã hội tương ứng của chính sách hình sự, đồng thời phản ánh quy luật phát triển khách quan tác động đến quá trình hình thành chính sách hình sự mà dựa vào đó nhà nước xây dựng và soạn thảo một chính sách hình sự tốt, khả thi, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục.

Thông qua việc nghiên cứu các quy luật khách quan đang tồn tại ở Việt Nam về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, lịch sử-truyền thống, v.v... tác động đến quá trình hình thành chính sách pháp luật nói chung và chính sách hình sự nói riêng của nhà nư­ớc ta, đồng thời phân tích động thái, diễn biến và cơ cấu của tình trạng phạm tội và thực tiễn áp dụng các quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tư­ pháp hình sự cho phép xác định hệ thống cơ sở khoa học-thực tiễn của việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 với nội dung cơ bản và các lợi ích xã hội của từng cơ sở được xem xét dưới đây.

4.1. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải dựa trên các tư tưởng pháp lý tiến bộ được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại.

           Các tư tưởng pháp lý tiến bộ được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại có thể được hiểu là những tinh hoa, di sản tinh thần vốn có chung của nhân loại được hình thành qua hàng bao thế kỷ từ những thời đại rất xa xưa của xã hội loài người. Nói một cách khác, các tư tưởng pháp lý tiến bộ ấy (như: công bằng, nhân đạo, dân chủ và pháp chế) không phải và không thể là sản phẩm tự mạo nhận của một hay một nhóm quốc gia, của hệ thống chính trị hay của hệ tư tưởng duy tâm-duy ý chí do một cá nhân hay một nhóm những người cầm quyền riêng biệt nào sáng tạo ra.

Thực tiễn xu hướng phát triển của thời đại những năm cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI đã và đang minh chứng rằng các tư tưởng pháp lý tiến bộ được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại đều được thể hiện rõ trong hoạt động tư pháp nói chung. Đặc biệt, trong hoạt động tư pháp hình sự nói riêng, các tư tưởng pháp lý tiến bộ ấy bao giờ cũng được thể hiện ở các mức độ khác nhau thông qua các nguyên tắc của hoạt động tư pháp hình sự như: pháp chế; công minh; nhân đạo; dân chủ; bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; trách nhiệm hình sự  do lỗi; trách nhiệm hình sự cá nhân; suy đoán vô tội; tiết kiệm tối đa các biện pháp trấn áp về hình sự và; đảm bảo sự tôn trọng các quyền và tự do của con người trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự...  Do đó, trong tiến trình sự hội nhập của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới là xu thế tất yếu và nằm trong quy luật chung của nhân loại, nhất là khi chung ta đang quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, thì khi hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020, các nguyên tắc nêu trên nhất thiết phải được cụ thể hóa ở các mức độ khác nhau trong chính sách phòng ngừa tội phạm, chính sách pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

Thực tiễn áp dụng và thi hành pháp luật ở nước ta cho thấy, hiện nay nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật trong hoạt động tư pháp hình sự vẫn chưa được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh và triệt để. Hiện tượng này cần sớm được khắc phục vì nó thường có trong một số trường hợp khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự đối với người phạm tội và cách xử sự đối với báo chí và các phương tiện truyền thông mong muốn tiếp cận vụ việc để làm sáng tỏ thông tin, góp phần giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tốt hơn chức năng và thẩm quyền của mình[18].

          Như vậy, từ sự phân tích trên cho thấy, việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 ở Việt Nam được tiến hành trên cơ sở các tư tưởng pháp lý tiến bộ được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như sau: a) khẳng định quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam là có thật (chứ không phải chỉ là lời tuyên ngôn trên giấy tờ) và bằng cách đó, củng cố được uy tín của nước ta trước các quốc gia khác là thành viên của Liên Hợp Quốc; b) hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung, hệ thống tư pháp hình sự nói riêng trong đất nước và; c) góp phần bảo vệ được một cách vững chắc tính mạng và sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, các quyền và tự do của con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

4.2. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần được tiến hành bằng các cơ chế dân chủ và công khai để đảm bảo sự thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất ý chí và chủ quyền của nhân dân

 Các cơ chế dân chủ và công khai để đảm bảo sự thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất ý chí và chủ quyền của nhân dân trong việc hoạch định chính sách hình sự là những phương thức (cách thức, biện pháp) phản ánh trên thực tế và rõ nhất nguyện vọng, các quyền và lợi ích của đa số các thành viên xã hội công dân trong quá trình soạn thảo chính sách hình sự. Nói một cách khác, đó chính là các cơ chế của sự minh bạch nhằm thu hút sự tham gia rộng rãi nhân dân và các tầng lớp xã hội, cơ quan, tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể, hiệp hội, v.v... khác nhau vào quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, các văn bản pháp quy và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự.   

Tùy theo tính chất, phạm vi của loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc ba ngành luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự đã nêu, tùy theo đối tượng cần được thu hút tham gia vào quá trình xây dựng văn bản hoặc tùy theo đối tượng liên quan đến sự điều chỉnh của loại văn bản mà trước khi ban hành bốn loại văn bản tương ứng mà các cơ chế dân chủ và công khai có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như:

- Tổ chức rộng rãi các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học hay các hội nghị chuyên đề khác nhau với sự tham gia của các cán bộ thực tiễn có tên tuổi và các nhà khoa học là chuyên gia có trình độ cao thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự.         

          - Tổ chức đấu thầu việc biên soạn các Dự án của ba loại văn bản đầu tiên trong tập thể (hoặc một nhóm người) thuộc hai đối tượng đã nêu.

          - Tiến hành phát phiếu điều tra xã hội học để tham khảo ý kiến của một số đối tượng nhất định như các sinh viên luật, CBGD tại các cơ sở đào tạo Luật, các cán bộ NCKH ở các Viện NCKH pháp lý, các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tại các nhà tù, v.v... 

          Như vậy, nếu dựa trên cơ sở các cơ chế dân chủ và công khai để đảm bảo sự thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất ý chí và chủ quyền của nhân dân trong việc hoạch định chính sách hình sự được tiến hành tốt, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như:

          - Chính bằng các cơ chế của sự minh bạch sẽ đem lại hiệu quả cao của hoạt động lập pháp hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự vì chúng (các cơ chế minh bạch) thể hiện sự dân chủ và công khai với tính chất là hai nguyên tắc rất quan trọng của hoạt động lập pháp trong nhà nước pháp quyền nên các văn bản thuộc ba ngành luật này sẽ thực sự phản ánh được cao nhất và đầy đủ nhất ý chí và chủ quyền của nhân dân.

          - Loại trừ thực trạng thiếu khách quan, cục bộ, bản vị trong xây dựng chính sách hình sự[19];  

- Tranh thủ được kinh nghiệm quý báu của các cán bộ thực tiễn, của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, luật gia, chuyên gia... trên các lĩnh vực liên quan;

          - Bổ sung các kẽ hở, các quy phạm hoặc các chế định tiến bộ và nhân đạo được thừa nhận chung của hoạt động tư pháp hình sự trong nhà nước pháp quyền;

          - Góp phần làm cho các văn bản trong lĩnh vực tư pháp hình sự đạt được bốn tiêu chí cơ bản và quan trọng nhất của một văn bản pháp luật được coi là khả thi - nhất quán về mặt lôgic pháp lý, chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp, chính xác về mặt khoa học và, phù hợp với thực tiễn.

4.3. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải dựa trên sự phân tích một cách khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục về các quan hệ xã hội đang tồn tại và sẽ phát triển trong xã hội Việt Nam

Các quan hệ xã hội đang tồn tại và sẽ phát triển trong tương lai khá đa dạng và phức tạp, có thể là các nhóm quan hệ về lịch sử-truyền thống, kinh tế-xã hội, chính trị-pháp lý, văn hóa-giáo dục và khoa học-kỹ thuật... Chính vì vậy, các nhóm quan hệ xã hội này cần phải được phân tích một một cách khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục để dựa vào đó hoạch định một chính sách hình sự đáp ứng được kịp thời những nhu cầu của việc điều chỉnh bởi từng ngành luật tương ứng trong lĩnh vực tư pháp hình sự sao cho phù hợp với thực tiễn xã hội nói chung và thực tiễn pháp lý nói riêng (trong đó có thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự).

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 ở Việt Nam hiện nay, việc hoạch định chính sách hình sự cần phải dựa vào sự phân tích, dự báo sự phát triển của các nhóm quan hệ xã hội có tính khoa học-thực tiễn cao. Việc phân tích các quan hệ xã hội đang tồn tại và phát triển trong xã hội Việt Nam cần phải được triển khai một cách nghiêm túc và đồng bộ, toàn diện và có hệ thống theo một quy trình khoa học có tính lôgic, như: nghiên cứu một cách sâu sắc và cụ thể các quy luật khách quan trong giai đoạn phát triển của xã hội, tìm ra quy luật phát triển của các quan hệ xã hội, nhóm quan hệ xã hội cần sự điều chỉnh của pháp luật hình sự, dự báo sự tác động điều chỉnh của pháp luật hình sự đối với các nhóm quan hệ đó...

 Như vậy, nếu dựa trên cơ sở khoa học – thưc tiễn này mà việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 ở Việt Nam được tiến hành tốt, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như: góp phần loại trừ được sự hời hợt và nông cạn, qua loa và đại khái cho xong việc trong hoạt động xây dựng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; làm cho các quy định của các ngành pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự tránh được những “lỗ hỗng” và không còn có các quy phạm “chết”, đồng thời phù hợp với thực tiễn - các quan hệ xã hội đang tồn tại trong giai đoạn phát triển đương đại; chuẩn bị được đầy đủ trong giai đoạn phát triển sắp tới những luận cứ khoa học-thực tiễn cho các dự án pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự, góp phần quan trọng vào chiến lược xây dựng pháp luật và kế hoạch lập pháp nói chung của đất nước. 

4.4. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải dựa trên những luận chứng khoa học thể hiện sự kết hợp hài hòa các luận điểm khoa học pháp lý về tư pháp hình sự của Việt Nam với các thành tựu tiên tiến của khoa học pháp lý về tư pháp hình sự trên thế giới

 Những luận chứng khoa học là các kết quả nghiên cứu lý luận được tổng hợp, khái quát và soạn thảo trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, điều kiện và tình trạng phạm tội trong đất nước, cũng như các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự Việt Nam, thực tiễn áp dụng chúng và các luận điểm, thành tựu khoa học pháp lý về tư pháp hình sự của quốc gia với sự tham khảo thành tựu tiên tiến của khoa học pháp lý về tư pháp hình sự của các nước. 

          Trước xu thế tất yếu về hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, khi tình trạng phạm tội trong nước và tình trạng phạm tội xuyên quốc gia (có tính chất quốc tế) đang diễn biến phức tạp thì việc soạn thảo những vấn đề lý luận về tư pháp hình sự của nước ta cần phải có được các tiêu chí cơ bản là: khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục. Muốn vậy, chúng ta phải ứng dụng đồng bộ các phương pháp nghiên cứu khoa học đặc thù phù hợp và tương ứng với các chuyên ngành khoa học pháp lý về tư pháp hình sự: Tội phạm học; Luật hình sự ; Luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự. Trong đó, phương pháp so sánh luật học là rất quan trọng và cần thiết, vì nó kết hợp một cách hài hòa việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về tư pháp hình sự của quốc gia với những thành tựu lý luận tiên tiến về tư pháp hình sự trên thế giới và chỉ có như vậy, thì các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp hình sự của các nhà luật học Việt Nam mới thực sự xứng đáng là những tiền đề lý luận để làm cơ sở cho việc hoạch định một chính sách hình sự tốt.

Việc hoạch định chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam được tiến hành tốt trên cơ sở những luận chứng khoa học nêu trên, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như: góp phần bổ sung, làm phong phú thêm và phát triển mạnh mẽ hơn nữa những vấn đề lý luận về tư pháp hình sự tương ứng với các chuyên ngành khoa học pháp lý về tội phạm học, luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật thi hành án hình sự của Việt Nam; tạo điều kiện cho các nhà khoa học-luật gia nước ta có nhận thức khoa học đúng đắn hơn để ngày càng mở rộng việc ứng dụng phương pháp so sánh luật học trong công tác nghiên cứu những vấn đề khoa học pháp lý về tư pháp hình sự so sánh; góp phần lĩnh hội được trong khoa học pháp lý về tư pháp hình sự của quốc gia những thành tựu lý luận tiên tiến, đồng thời cung cấp cho các nhà lập pháp và hoạch định chính sách hình sự của nước ta đầy đủ và chính xác hơn các thông tin khoa học pháp lý về tư pháp hình sự trên thế giới.

4.5. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải dựa trên sự đánh giá một cách khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục hiệu quả xã hội của các quy phạm và các chế định pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự được các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng trong thực tiễn

Hiệu quả xã hội của quy phạm (chế định) pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự là kết quả (tác dụng) cuối cùng đưa lại từ việc áp dụng nó của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án trong thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm, cũng như trong quá trình xử lý một cách công minh những người phạm tội và cải tạo, giáo dục những người bị kết án, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của công dân.

Việc đánh giá hiệu quả xã hội của các quy phạm (chế định) pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự cần phải được đánh giá sao cho thực sự khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục, vì nếu như từ việc áp dụng một quy phạm (hoặc chế định) pháp luật nào đó đưa lại kết quả cuối cùng không tích cực (thậm chí là tiêu cực), thì có nghĩa là hiệu quả xã hội của quy phạm (chế định) pháp luật ấy cần phải được xem xét lại để sửa đổi, bổ sung hoặc loại trừ khỏi hệ thống pháp luật hiện hành tương ứng (pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự). Thông thường việc đánh giá hiệu quả xã hội của các quy phạm (chế định) pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, về cơ bản để việc đánh giá một quy phạm (chế định) pháp luật nào đó trong giai đoạn tương ứng được thực sự khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục, thì người đánh giá cần phải xem xét một cách đồng bộ các yếu tố như: tình hình tội phạm, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, mức độ tái phạm, thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm; các quan hệ xã hội đang tồn tại, trình độ văn hóa pháp lý và ý thức pháp luật của nhân dân nói chung; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức pháp luật của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án nói riêng, những điều kiện đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan này (như: về tổ chức, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, sự đảm bảo cho họ về mặt nhà nước, xã hội và pháp lý, v.v...); kỹ thuật lập pháp của toàn bộ văn bản nói chung và cấu trúc của quy phạm (chế định) pháp luật được áp dụng nói riêng, sự phát triển về mặt lý luận của từng chuyên ngành thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự...

Trong quá trình các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án xử lý những người phạm tội và cải tạo, giáo dục những người bị kết án cần đảm bảo sự công minh của pháp luật. Chỉ có như vậy mới có thể tránh được oan sai, làm cho nhân dân thực sự “tâm phục khẩu phục” và, từ đó mới có thể đánh giá hiệu quả xã hội của các quy phạm (chế định) pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự được khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục. Chính ở đây, phẩm chất của người cán bộ tư pháp đòi hỏi phải có cả cái “tâm” và cái “đức”, thì mới có thể bảo vệ  được công lý và lẽ phải, tránh được thiên kiến do những cám dỗ vật chất, vụ lợi và tầm thường của cuộc đời lôi kéo.

Như vậy, việc hoạch định chính sách hình sự được tiến hành tốt trên căn cứ nêu trên, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự nói chung và từng hệ thống pháp luật nói riêng thuộc lĩnh vực này, cũng như thực tiễn áp dụng các quy phạm và chế định pháp luật về tư pháp hình sự trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm; góp phần tăng cường hơn nữa năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, qua đó củng cố uy tín của các cơ quan này trước nhân dân và dư luận xã hội, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của các thành viên trong xã hội.

4.6. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của hoạt động tư pháp hình sự trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm, cũng như những yêu cầu thiết thực của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Những đòi hỏi cấp bách của hoạt động tư pháp hình sự và những yêu cầu thiết thực của công cuộc cải cách tư pháp là những vấn đề quan trọng xuất phát từ thực tiễn pháp lý nói chung và thực tiễn hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án nói riêng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự, cũng như đổi mới và hoàn thiện tổ chức, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nhằm tăng cường năng lực hoạt động họ, đồng thời nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

Những đòi hỏi cấp bách của hoạt động tư pháp hình sự chỉ được coi là khách quan, chính xác và phù hợp với tình hình của đất nước (về kinh tế-xã hội, chính trị, an ninh -quốc phòng, v.v...) khi nó được xác định trên cơ sở  tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án với tính chất là các chủ thể của chính hoạt động đó. Từ việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm mà chúng ta có được các cứ liệu xã hội học cụ thể và khách quan để đánh giá hiệu quả xã hội của các quy phạm (chế định) pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự và thấy rõ được kết quả cuối cùng của chúng ra sao, đồng thời qua đó, rà soát lại để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống từng pháp luật hiện hành tương ứng (pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự).

          Những yêu cầu thiết thực của công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay là điều mà chúng ta cần phải nghiên cứu để xác định một cách chính xác và do vậy, có thể chỉ ra hai nhóm vấn đề quan trọng như sau:

- Nhóm vấn đề về tổ chức-cán bộ của hệ thống các cơ quan tư pháp. Theo nhóm vấn đề này, chúng ta phải xác định những yều cầu thiết thực và cụ thể về: tổ chức bộ máy của hệ thống các loại cơ quan tư pháp nói chung (bao gồm các cơ quan bảo vệ pháp luật, Tòa án và các cơ quan bổ trợ tư pháp), của hệ thống Tòa án nói riêng hiện nay như thế nào cho khoa học và phù hợp với những điều kiện thực tế của nước ta (?); Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ của từng loại hệ thống các cơ quan này ra sao (?), dành cho họ những đảm bảo về mặt nhà nước, xã hội và pháp lý như thế nào để tăng cường năng lực hoạt động của họ (?), đồng thời để nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

- Nhóm vấn đề về thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ của hệ thống các cơ quan tư pháp. Theo nhóm vấn đề này, chúng ta phải xác định những yều cầu thiết thực và cụ thể về: Phân định thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ của các loại cơ quan tư pháp nói chung, của Tòa án nói riêng hiện nay như thế nào cho khoa học, hợp lý và phù hợp với những điều kiện thực tế của nước ta (?); Xây dựng cơ chế phối hợp và chế ước của hệ thống các cơ quan này ra sao để tăng cường  năng lực hoạt động theo thẩm quyền do luật định đối với mỗi loại cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

          Từ sự phân tích trên cho thấy, nếu dựa trên những cơ sở này mà việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền được tiến hành tốt, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như sau:

- Bằng sự đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của hoạt động tư pháp hình sự và những yêu cầu thiết thực của công cuộc cải cách tư pháp, bốn chính sách (phòng ngừa tội phạm, pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự) với tính chất là những bộ phận cấu thành của chính sách hình sự sẽ hỗ trợ cho các cơ quan bảo  vệ pháp luật và Tòa án thực hiện tốt đường lối xử lý về hình sự nhằm bảo vệ vững chắc pháp chế và trật tự pháp luật, các quyền và tự do của con người, tăng cường hiệu quả của cuộc đấu  tranh phòng và chống tội phạm.

          - Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, dưới ánh sáng của chính sách hình sự nhà làm luật Việt Nam sẽ có căn cứ để soạn thảo và ghi nhận trong các văn bản pháp luật các quy phạm và chế định pháp luật về nội dung (vật chất) và hình thức (tố tụng) khả thi, phù hợp với thực tiễn và có giá trị xã hội cao, góp phần xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự.

          - Việc xác định đúng những yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp sẽ góp phần giải quyết một cách khoa học, khách quan và có căn cứ những vấn đề đổi mới và hoàn thiện về tổ chức-cán bộ, chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp hình sự của đất nước. 

4.7. Việc hoạch định chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải dựa trên các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc là tổng hợp các chế định và các quy phạm pháp luật được thừa nhận chung của một dân tộc, cũng như các quan niệm, quan điểm và tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân dân đã được hình thành trong quá trình phát triển của nền văn hoá tinh thần (đặc biệt là văn hoá pháp lý) và phù hợp với xã hội truyền thống của dân tộc ấy.

Các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự là các chuẩn mực pháp lý chung của nhân loại tiến bộ được ghi nhận trong các văn bản của Liên Hợp Quốc có giá trị bắt buộc hoặc (và) định hướng ở các mức độ khác nhau đối với các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ các quyền và tự do của con người bằng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự. Cần lưu ý rằng, các chuẩn mực pháp lý chung thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự đã được hình thành, phát triển từ các thế kỷ trước và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phối hợp của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm vì hòa bình và an ninh của nhân loại. 

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020 ở Việt Nam hiện nay, việc hoạch định chính sách hình sự phải dựa trên những cơ sở nêu trên có thể được lý giải bởi các lý do dưới đây:

          - Trong nền văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, cũng như của bất kỳ một dân tộc phương Đông nào đều có các giá trị pháp luật truyền thống của mình; chúng đóng vai trò tích cực trong việc hình thành hệ tư tưởng pháp luật tiên tiến, đồng thời ảnh hưởng đáng kể không chỉ đến văn hóa pháp lý của toàn xã hội, mà đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và ba ngành luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng.

           - Tư tưởng của các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc Việt Nam cùng với các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự cần phải được thể hiện rõ ở các mức độ nhất định trong bốn chính sách hình sự (phòng ngừa tội phạm, pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự) với tính chất là các bộ phận cấu thành của chính sách hình sự nhằm định hướng cho quá trình đổi mới các quy định hiện hành của ba ngành luật đã nêu của nước ta sao cho phù hợp với các chuẩn mực pháp lý chung của cộng đồng quốc tế.

            - Trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhà nước ta đã ký kết nhiều Hiệp định tương trợ pháp lý với một số quốc gia (trong đó có tương trợ trong lĩnh vực tư pháp hình sự và dẫn độ những người phạm tội). Vì vậy, hệ thống pháp luật hiện hành của ba ngành luật thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam cần phải được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế  nhằm đáp ứng kịp thời các đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng và chống tình trạng phạm tội quốc tế và xuyên quốc gia đang diễn biến phức tạp, vì hòa bình và an ninh của nhân loại trong khu vực và trên thế giới.

            Từ sự phân tích trên cho thấy, nếu dựa trên những cơ sở nêu trên mà việc hoạch định chính sách hình sự được tiến hành tốt, thì ở các mức độ khác nhau sẽ đem lại các lợi ích xã hội như sau:

- Hỗ trợ cho quá trình thực thi tốt phần tương trợ về tư pháp hình sự và dẫn độ những người phạm tội trong các Hiệp định tương trợ về pháp lý đã được ký kết giữa nước ta với các nước khác nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia, gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới.

- Góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự mạnh của Việt Nam mà trong đó, bên cạnh việc gìn giữ tốt các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc còn đáp ứng được các chuẩn mực pháp lý được thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế, phù hợp với xu thế hội nhập của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình này.

          - Dần dần hoàn thiện và hiện đại hệ thống pháp luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự với sự ghi nhận các  cơ chế pháp lý hữu hiệu và các quy phạm có tính khả thi trên các bình diện như: Thực thi chính xác và bảo vệ vũng chắc các quyền và tự do của con người trong từng giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể tương ứng; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp hình sự với năng lực hoạt động tốt và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; Tạo những điều kiện tốt về kỹ thuật-hình sự, công nghệ-thông tin hiện đại để xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời, công minh, có căn cứ và đúng pháp luật các tội phạm xảy ra; v.v...

 

 

CHƯƠNG II

KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ CỦA NHÀ NƯỚC TA TỪ 1945 ĐẾN NAY VÀ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

 

1. Khái quát về quá trình xây dựng và thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay.

1.1. Những tư tưởng chính trị - pháp lý hình thành nên chính sách hình sự của Nhà nước ta giai đoạn 1945-1954.

          Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 trước tình hình đất nước cực kỳ khó khăn, chính quyền non trẻ đang ngàn cân treo sợi tóc, kinh nghiệm lập pháp chưa có, trong tình hình đó để bảo đảm bảo vệ chính quyền nhân dân, Đảng và Nhà nước ta không còn cách nào khác là phải tạm thời sử dụng lại những văn bản, những quy phạm pháp luật của chế độ cũ với mục đích mang tính sách lược cách mạng: tạm thời giữ yên những bộ phận không căn bản của trật tự pháp luật cũ. Nhà nước công nông non trẻ cần rảnh tay để giải quyết những nhiệm vụ bức xúc, sống còn của cách mạng, củng cố lực lượng và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, thoát khỏi vòng vây của các nước đế quốc, phân hoá kẻ thù để làm suy yếu chúng, tránh sự  đối đầu bằng các biện pháp quân sự .

          Đặc điểm nổi bật của chính sách hình sự giai đoạn này là Chính phủ mới phải tạm thời sử dụng lại những quy phạm pháp luật của chế độ cũ không trái với nguyên tắc độc lập của chế độ mới. Đó là những điều khoản ghi trong Bộ luật hình sự Bắc Kỳ, Bộ luật hình sự Trung kỳ và Bộ luật hình sự nước Pháp áp dụng ở Nam bộ. Điều 12 Sắc lệnh ngày 10-10-1945 cho phép được tạm giữ lại một số điều khoản trong các Bộ luật nói trên với điều kiện là nội dung không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa.

Tuy nhiên, ngay sau những ngày mới giành chính quyền, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dưới sự  lãnh đạo của Chủ tịch  Hồ Chí Minh cũng đã ban hành hàng loạt văn bản về hình sự đơn hành, làm cơ sở pháp lý ban đầu cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, như: Sắc lệnh số 33B ngày 13-9-1945 cho phép  "bắt những người nguy hiểm cho nền Cộng hoà Việt Nam để đưa đi an trí”. Sắc lệnh về thiết lập Toà án quân sự đã cho phép Toà án quân sự  "xét xử tất cả các người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến  nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trừ  khi phạm nhân là binh sỹ thì thuộc về nhà binh tự xử lý lấy theo quân luật". Sắc lệnh cũng quy định 3 loại hình phạt mà Toà án quân sự có thể tuyên đó là: - tịch thu một phần hay tất cả tài sản; phạt tù từ 1 đến  10 năm; xử tử. Ngay trong sắc lệnh này những tư tưởng khoan hồng nhân đạo đã được thể hiện,  Điều 4 của Sắc lệnh đã quy định các trường hợp có thể được khoan hồng và áp dụng chế định án treo; Điều 6 của Sắc lệnh quy định việc xét xử công khai, đồng thời cũng cho phép Toà án có thể xử kín nếu có "duyên cớ đặc biệt" vì mục đích đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ cách mạng.

Chính quyền mới phải xác định nhiệm vụ trọng tâm lúc này là giữ vững và củng cố chính quyền non trẻ, nên nhiệm vụ trọng tâm của chính sách hình sự lúc này là chú trọng việc bảo vệ chế độ mới,bảo vệ cách mạng, nên các quy phạm hình luật chủ yếu điều chỉnh lĩnh vực này. Sắc lệnh số 6 ngày 5 tháng 9 năm 1945 cấm nhân dân Việt Nam không được đi lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp và nói rõ kẻ nào trái lệnh sẽ đem ra Tòa án quân sự  nghiêm trị. Trong giai đoạn này, chúng ta cũng thiết lập Tòa án quân sự để xét xử cả những người nào thực hiện một việc gì đó có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Sắc lệnh cho phép đưa đi an trí những người nguy hiểm cho nền dân chủ cộng hòa Việt Nam. Các Sắc lệnh này làm cơ sở cho các biện pháp đấu tranh với những bọn phản động, việt gian, bọn địa chủ phong kiến đang muốn phục hồi chế độ cũ cũng như phòng ngừa những người do những động cơ kinh tế hám lợi mà có những hành vi nguy hại cho cách mạng.

Chính sách hình sự của Nhà nước ta ngay trong thời kỳ này đã thể hiện rõ quan điểm phân hoá sâu sắc các loại đối tượng thực hiện tội phạm với phương châm: nghiêm trị bọn chủ mưu, cầm đầu, bọn ngoan cố; khoan hồng đối với những người bị lừa phỉnh, bị ép buộc, lầm đường.

          Song song với hệ thống những quy phạm hướng mạnh vào cuộc đấu tranh với kẻ thù trực tiếp của cách mạng, Chính phủ cũng dần ban hành những văn bản nhằm bảo vệ và củng cố, phát triển những quan hệ xã hội mới, bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của công dân. Sắc lệnh số 25 ngày 25-2-1946 quy định việc trừng trị đối với các hành vi phá hủy công sản. Sắc lệnh số 27 ngày 28-2-1946 được ban hành nhằm trừng trị các hành vi bắt cóc, tống tiền và ám sát. Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta ngay từ thời kỳ này đã thể hiện thái độ nghiêm khắc của chính quyền mới đối với các quan chức, cán bộ, chiến sỹ quân đội của mình. Sắc lệnh số 40 ngày 29-3-1946 trừng trị tội bắt giam, giữ người trái phép, tội tra tấn người để lấy cung. Để củng cố và tăng cường lực lượng quốc phòng, ngày 2-5-1946 Sắc lệnh số 71 được ban hành ấn định quy tắc quân đội quốc gia. Điều 50 và 54 Sắc lệnh nêu trên quy định sự trừng phạt đối với những tội phạm do quân nhân thực hiện. Sắc lệnh số 45 ngày 5-4-1946 trừng trị tội lạc quyên xổ số trái phép. Sắc lệnh số 223 ngày 17-11-1946 trừng trị các tội hối lộ, tội biển thủ công quỹ hay của công, tội phù lạm.

          Cùng với quá trình từng bước xây dựng và bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật hình sự, Nhà nước ta cũng từng bước xây dựng và hoàn thiện pháp luật TTHS và củng cố hệ thống các cơ quan có chức năng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm. Điển hình là ngay sau khi giành chính quyền, ngày 13-9-1945, Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh 33A "Định thể lệ cho Ty Liêm phóng và Sở Cảnh sát theo mỗi khi bắt một người nào" và Sắc lệnh “Định thể lệ phóng thích các tội nhân bị kết án trước ngày 19-8-1945”. Ngày 20-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 131-SL thành lập "Tư pháp công an". Theo Sắc lệnh này, "Tư pháp công an" có  nhiệm vụ truy tìm tất cả các vụ phạm pháp (đại hình, tiểu hình hoặc vi cảnh), sưu tập các tang chứng, bắt giam người phạm pháp cho các Toà án xét xử...

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ tháng 12-1946 đến tháng 5-1954) một mặt Đảng và Nhà nước ta tiếp tục duy trì những nguyên tắc cơ bản của chính sách hình sự của Nhà nước kiểu mới đã công bố trong các Sắc lệnh đầu tiên, mặt khác Nhà nước chủ trương từng bước hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự, TTHS làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội. Đáng chú ý trong giai đoạn này là Sắc lệnh số 113 ngày 20-1-1953 trừng trị các loại việt gian, phản động và xét xử những âm mưu và hành động phản quốc (Điều 1). Mặt khác, chính sách hình sự của Nhà nước ta tiến thêm một bước khá dài: Nhà nước đã thực hiện chính sách tội phạm hoá các hình thức, hành vi hoạt động phản cách mạng thành 12 loại tội phạm cụ thể; quy định hình phạt phụ tước quyền tự do; cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự để xét xử những hành động phản cách mạng khác chưa được quy định cụ thể trong các sắc lệnh. Với mục đích phân hoá triệt để hàng ngũ của kẻ địch, Chính phủ đã ban hành chính sách đối với ngụy binh và nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch về với Tổ quốc; những người đó sẽ được khoan hồng, được hưởng tự do và quyền lợi công dân. Chính phủ cũng ban hành chính sách dân tộc (Thông tư số 281-TTg ngày 22-6-1953) và chính sách tôn giáo (Thông tư số 315-TTg ngày 4-10-1953) trong đó thể hiện tinh thần cương quyết và nghiêm trị những hành vi gây chia rẽ mất đoàn kết “lương - giáo”. Trên phương diện đấu tranh với các tội phạm kinh tế, Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh số 89 ngày 22-5-1950 quy định việc trừng trị đối với những kẻ dùng các thủ đoạn man trá hoặc đầu cơ bóc lột để cho vay.

          Vào thời kỳ cuối của công cuộc kháng chiến, Sắc lệnh số 175 ngày 18-8-1953 được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu của công tác đấu tranh với tội phạm. Sắc lệnh đó quy định một hình phạt mới - hình phạt quản chế. Thực chất và phương châm của quản chế là kết hợp sự kiểm soát của chính quyền với sự  kiểm soát của nhân dân, kết hợp giáo dục chính trị với bắt buộc lao động để nhằm ngăn ngừa những phần tử trên hoạt động trái phép, đồng thời cải tạo họ thành những người tốt. Sắc lệnh số 257 ngày 19-11-1948 quy định việc trừng phạt trước Tòa án quân sự  các hành vi tích trữ có tính chất đầu cơ những hàng hoá cần thiết cho đời sống nhân dân trong trường hợp phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng.

          Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 12-10-1954, nhân dịp giải phóng Thủ đô, Nhà nước đã quyết định đại xá cho những người đã lầm đường lạc lối, tích cực sửa chữa lỗi lầm... Việc đại xá được thực hiện rộng rãi chỉ loại trừ  những tên đã có  nhiều  nợ máu với nhân dân, những tên côn đồ chưa chịu thực sự cải tạo, chưa học được nghề̉ gì đó sinh sống lương thiện, những tên địa chủ cường hào, gian ác bị xử phạt trong cải cách ruộng đất. Mặt khác, thi hành nghiêm túc điều 14c Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Sắc lệnh số 218 ngày 1-10-1954 được ban hành. Theo Sắc lệnh đó nay không trừng phạt những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh và cho họ được hưởng quyền tự do dân chủ; những người đã bị xử phạt đều được thả ra và được hưởng các quyền tự do dân chủ.

          Tóm lại: để phục vụ yêu cầu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chính sách hình sự của Nhà nước ta trong thời kỳ sau Cách Mạng tháng Tám 1945 cho đến hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là chính sách hình sự hết sức mềm dẻo, linh hoạt mà rất cương quyết và khôn khéo. Nhờ có  chính sách hình sự như thế Nhà nước ta đã kịp thời quy định nhiều biện pháp xử lý các vấn đề nảy sinh phong phú, hợp lý nhằm trấn áp bọn phản cách mạng trong nước và ngoài nước bảo vệ chính quyền, bảo vệ những thành quả ban đầu của Cách mạng, bảo vệ nền kinh tế, tài chính, nền an ninh trật tự mới hình thành.

 

1.2. Chính sách hình sự và thực hiện chính sách hình sự giai đoạn 1954-1975

          Đặc điểm nổi bật nhất của thời kỳ này là đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta thực hiện một chính sách hình sự tích cực tiến bộ, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ mới do nhân dân lập nên. Miền Nam, bọn đế  quốc thực dân áp dụng những chính sách hình sự đàn áp tàn bạo, nhằm thủ tiêu cách mạng Việt Nam, chống lại nhân dân.

          Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, trật tự xã hội cần được tăng cường nhằm bảo đảm những điều kiện tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện tốt cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị  quyết 198/BCT nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Đoàn, ngành Công an phải cùng các cơ quan và các cấp uỷ chính quyền địa phương đi sâu nắm tình hình phạm pháp; kiên quyết nhanh chóng xử lý các vụ vi phạm, phải nghiêm khắc trừng trị bọn lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, bọn gây ra những vụ án nghiêm trọng, bọn đầu cơ, bọn chủ chứa cờ bạc và bọn gái điếm chuyên nghiệp. Nghị quyết cũng nêu rõ những nhiệm vụ như: phải kiên trì giáo dục, cải tạo những người phạm pháp nhất thời, phải tổ chức tuần tra và giữ trật tự ở những nơi đông người, lúc đêm tối để kịp thời ngăn chặn những hành động vi phạm trật tự trị an; nghiên cứu bổ sung những luật cụ thể giữ gìn trị an xã hội, đấu tranh chống đầu cơ, ăn cắp vật tư hàng hoá nhà nước; phát động quần chúng giữ gìn trật tự trị an...

          Sự ra đời của 3 Pháp lệnh do trong giai đoạn này là Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30-10-1967; Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng công dân ban hành cùng ngày 21-10-1970 được coi như những sự  kiện quan trọng trong đời sống pháp luật hình sự, thể hiện rõ nét nhất chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước thời kỳ này.

Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30-10-1067 đã quy định các nhóm tội trực tiếp xâm phạm an toàn đối ngoại, an ninh của Nhà nước bao gồm 7 tội được quy định tại Điều 3 đến  Điều 9 của Pháp lệnh; và nhóm tội làm suy yếu chính quyền, lực lượng vũ trang, làm suy yếu chế độ xã hội chủ nghĩa, bao gồm 7 tội được quy định tại Điều 10 đến Điều 16 của Pháp lệnh.Ngoài ra, pháp lệnh còn quy định một tội có liên quan đến các tội phản cách mạng, đó là  tội che giấu phần tử phản cách mạng. Pháp lệnh quy định hai hình phạt phụ mới là cư trú bắt buộc và cấm cư trú; quy định rõ những trường hợp cần xử nặng và những trường hợp giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn hình phạt (Điều 19 và 20).

          Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970 đã quy định một cách cụ thể các tội phạm, hình phạt và chính sách xử lý đối với từng loại tội và thể hiện thái độ nghiêm khắc của Đảng và Nhà nước ta đối với loại tội phạm này. Pháp lệnh gồm có 25 điều, chia làm ba chương quy định những tư tưởng cơ bản của chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với tội phạm xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa; các tội phạm cụ thể  xâm phạm tài sản XHCN; các biện pháp xử lý rất cụ thể tuỳ theo tính chất của vi phạm, mức độ nặng nhẹ và tác hại gây ra. Pháp lệnh còn  phân biệt tính chất nghiêm trọng khác nhau giữa các tội cụ thể và hình phạt được quy định đối với mỗi tội đều căn cứ vào tính chất tội và thực hiện xét xử. Pháp lệnh thể hiện rõ nguyên tắc nghiêm trị bọn lưu manh chuyên nghiệp, bọn tái phạm, bọn hoạt động có tổ chức, những tên cầm đầu, những bọn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó chiếm đoạt tài sản và bọn gây thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt, Pháp lệnh quy định một số hình phạt bổ sung có tác dụng phòng ngừa lớn như: cấm đảm nhiệm những chức vụ có liên quan trực tiếp đến tài sản xã hội chủ nghĩa; cư trú bắt buộc; cấm cư trú; tịch thu tài sản.  Pháp lệnh cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự.

Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân ngày 21-10-1970 đã kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm sở hữu của công dân trong tình hình mới Các tội phạm được quy định một cách cụ thể và có chính sách xử lý thích đáng đối với từng tội. Do tính chất của mỗi loại tài sản, chính sách xử lý đối với các tội xâm phạm tài sản của công dân, Nhà nước ra quy định chính sách xử lý nhẹ hơn so với chính sách xử lý đối với các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong điều 2 của Pháp lệnh thể hiện rõ tư tưởng chủ đạo của chính sách hình sự của Nhà nước ta trong việc xử lý loại tội phạm này là nghiêm trị bọn lưu manh chuyên nghiệp, bọn phạm tội có  tổ chức, bọn lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, bọn gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị hại, xử nhẹ hoặc miễn hình phạt cho những kẻ tự thú, thật thà, hối cải, tố giác đồng bọn hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại đã gây ra.Tương tự như Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, pháp lệnh này cũng cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự (Điều 20).

          Điều đáng chú ý là ngay trong thời gian này, vấn đề đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm phạm môi trường đã được chú ý trong chính sách hình sự. Để bảo vệ rừng và phát triển tài nguyên phong phú của rừng, chống mọi hành động xâm hại đến rừng, ngày 6-9-1972 Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. Pháp lệnh có  những điều  khoản quy định việc bảo vệ bằng hình sự đối với các hành vi xâm hại đến rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, còn có một số văn bản pháp luật hình sự quan trọng như: Sắc lệnh số 267 ngày 15-6-1956 bảo vệ việc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá; Sắc luật ngày 19-4-1957 cấm chỉ mọi hoạt động đầu cơ; Sắc lệnh số 234 ngày 14-6-1956 trừng trị các hành vi gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo....

Chính sách hình sự trong thời kỳ này thể hiện một số đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, trên phương diện lập pháp hình sự, Luật hình sự được hệ thống hoá một bước quan trọng. Sự  ra đời một số pháp lệnh, đặc biệt Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng là những sự kiện pháp lý quan trọng trong đời sống lập pháp hình sự của Nhà nước kiểu mới, tạo ra những công cụ sắc bén cho công cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự khác, là công cụ đắc lực để tăng cường pháp chế.

          Thứ hai, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta được phản ánh trong các văn bản pháp luật hình sự giai đoạn này được thể hiện một cách rõ nét hơn, nhất quán hơn, thể hiện rõ nguyên tắc trừng trị kết hợp với khoan hồng. Tính chất nặng về trừng trị của pháp luật thời kỳ này bị quy định bởi tình hình cuộc kháng chiến ngày càng đi vào gay go quyết liệt.Trên phương diện an ninh trật tự, đế quốc Mỹ và bọn phản động tay sai ra sức khai thác những vấn đề xã hội, những cơ sở xã hội của tội phạm, kết hợp tung gián điệp, biệt kích, gây dựng các toán hoạt động phỉ để hoạt động phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

          Thứ ba, chính sách hình sự thời kỳ này thể hiện rõ nét quyết tâm đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhà nước nghiêm trị mọi âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và gây nguy hại cho cuộc kháng chiến chống xâm lược giải phóng miền Nam. Tinh thần đó thể hiện trên mọi phương diện. Trong chính sách hình sự đã thể hiện rất rõ việc Nhà nước quan tâm đến vấn đề bảo vệ các thành quả kinh tế của chế độ mới. Sắc lệnh số 267 ngày 15-6-1956 được ban hành nhằm bảo vệ việc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trừng trị những âm mưu, hành động phá hoại làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân, cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch xây dựng kinh tế và văn hoá. Ngày 19-4-1957 Nhà nước ta đã ban hành Sắc luật cấm chỉ mọi hoạt động đầu cơ.

          Thứ tư, trên phương diện bảo vệ an ninh chính trị, phòng ngừa và đấu tranh với những hành vi nguy hiểm cho an ninh quốc gia, Đảng và Nhà nước ta chú trọng các vấn đề đấu tranh với những âm mưu chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để làm suy yếu chính quyền nhân dân. Tại kỳ hợp thứ tư Quốc hội khoá I tháng 3 năm 1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định sáu nguyên tắc bảo đảm tự do tín ngưỡng, nhưng đồng thời nhấn mạnh: tinh thần đấu tranh kiên quyết, trừng trị nghiêm khắc "những kẻ mượn danh nghĩa hoặc viện cớ tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, phá hoại đoàn kết của nhân dân". Chính phủ đã căn cứ vào các nguyên tắc đó, thông qua Sắc lệnh số 234 ngày 14-6-1956.

 

1.3. Chính sách hình sự và thực hiện chính sách hình sự giai đoạn 1976-1985

          Sau giải phóng (30.4.1975), cùng với việc phải giải quyết những vấn đề an ninh trật tự liên quan đến hơn một triệu rưỡi ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ và những hoạt động chống phá của bọn phản động, đấu tranh với những kế hoạch hậu chiến của Mỹ chúng ta còn phải giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp của tình hình tội phạm hình sự. Sau giải phóng, toàn miền Nam có  hơn 300.000 lưu manh du đãng, hơn 200.000 gái mãi dâm, 370.000 trẻ em mồ côi, 270.000 thưong phế binh, 230.000 vợ ngụy quân, ngụy quyền goá bụa vì chồng đã chết trong chiến tranh, gần 863.500 ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ, trong đó có 1291 tên cầm đầu các đảng phái phức tạp khác nhau. Do chưa có kinh nghiệm nên ngay sau khi giải phóng ta đã thả ra một số tội phạm hình sự nguy hiểm. Tính từ 9 năm 1975 đến tháng 8 năm 1976 ta đã tha bổng 2834 tên tội phạm hình sự đang bị giam giữ. Nhiều băng cướp có vũ trang trước đây chính quyền Sài gòn phải chịu bó tay, trong đó một bộ phận được thả ra, trốn ra trong dịp ta giải phóng miền Nam.

          Trên phương diện pháp luật hình sự, cùng với việc tiếp tục vận dụng Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng công dân và mở rộng phạm vi áp dụng các pháp lệnh này trên phạm vi cả nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc lệnh 03-SL ngày 15-3-1976 quy định tội phạm, hình phạt nhằm làm củng cố thêm cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh với tội phạm, tạm thời khi chưa hoàn thành thống nhất về mặt Nhà nước. Việc ban hành Sắc lệnh 03-76 đã giúp chúng ta khắc phục được những bất cập, bổ sung những thiếu sót trong việc áp dụng các Pháp lệnh đã ban hành 1967, 1970 trên địa bàn các tỉnh phía Nam sau giải phóng đối với một số hành vi mà tính nguy hiểm xã hội không giống như đối với điều kiện miền Bắc, đồng thời bảo đảm trấn áp những sự phản kháng, chống đối quyết liệt của các thế lực ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động của chế độ cũ vừa bị lật đổ, được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc bên ngoài.

          Trên phương diện đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thời gian này chúng ta phải đương đầu với nhiều loại đối tượng hoạt động chống phá, hoạt động gián điệp, hoạt động bạo loạn, biệt kich, hoạt động rất nguy hiểm và phổ biến. Đặc biệt bọn Fulro hoạt động chống phá ráo riết, gây thiệt hại cho ta nhiều  người và của. Các loại đối tượng nói trên lại được sự  giúp đỡ của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế có thái độ thù địch và chống phá Việt Nam. Tình hình xâm hại tài sản của Nhà nước của xã hội trở nên tràn lan. Cuộc chiến đấu bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa cũng như tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trở nên hết sức gay go và quyết liệt. Đối tượng đấu tranh gay go nhất lúc này là "bọn gián điệp, phản động hoạt động phá hoại nhiều mặt đối với đất nước ta, tệ tham ô, lãng phí, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, bọn đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, tiền giả; bọn biến chất sa đọa móc ngoặc với bọn đầu cơ, buôn lậu để lấy cắp của Nhà nước, tuồn hàng cho gian thương, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, nhận hối lộ; bọn đầu cơ buôn lậu chuyên nghiệp, làm hàng giả, kinh doanh trái phép...

Trước tình hình đó, ngày 23-1-1984 Liên ngành Nội vụ, Kiểm sát đã ban hành Thông tư 01-TTLB KSTC-NV về phân loại xử lý các vụ phạm pháp, các trường hợp bắt khẩn cấp được chấn chỉnh lại, công tác tập trung cải tạo được kiểm tra, rà soát, số đối tượng không có quyết định tập trung cải tạo được tha, những đối tượng cưỡng bức lao động được đưa về các khu cưỡng bức lao động của địa phương. Ngày 25-4-1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết 68-HĐBT về việc chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Trong đó chỉ ra một số biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, cho phép thành lập các trạm kiểm soát ở các vùng biên giới, lập đội kiểm soát lưu động, phân công trách nhiệm từng cơ quan trong đấu tranh chống buôn lậu. Nghị quyết 21 của BCT, Nghị quyết 128-HĐBT và Nghị quyết 68-HĐBT là những giải pháp kịp thời, cấp bách cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm lúc bấy giờ, góp phần quan trọng nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trong những thời điểm cực kỳ khó khăn về kinh tế - xã hội. Trên phương diện lập pháp hình sự thời kỳ này chúng ta đã ban hành một số pháp lệnh nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh. Đáng kể là Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm chính sách quản lý thị trường  góp  phần đẩy mạnh sản xuất, ổn định vật giá và bảo đảm đời sống nhân dân. Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ ra đời.. nhằm tăng cường hiệu quả cuộc đấu tranh với tệ hối lộ đang rất phát triển thời kỳ này. Nhà nước thể hiện một thái độ kiên quyết hơn đối với các hành vi đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ. Ngoài ra, cần kể đến Pháp lệnh về việc ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình ban hành kèm  theo Lệnh số 115-LCT ngày 2-12-78 thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng chủ yếu của đạo luật này là mềm hoá những biện pháp xử lý đối với các tội phạm sau chiến tranh. Tuy nhiên có thể nói đây là thời kỳ mà việc thực hiện chính sách hình sự của chúng ta gặp khó khăn và đạt hiệu quả thấp, như Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá: "Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên Nhà nước, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp... chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp  thời". Tội phạm hình sự, kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt tội phạm kinh tế liên quan đến đầu cơ buôn lậu, phá rối thị trường, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về tham nhũng trở nên hết sức nghiêm trọng, đe doạ sự  ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chính sách hình sự  thời kỳ này có nhiều những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo.Tình hình những năm đầu của thập kỷ 80 đã rất xấu. Trật tự an ninh bị đe doạ nghiêm trọng. Chưa thực hiện được sự  phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm. Không chú ý khai thác sức mạnh của quần chúng nhân dân...

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm giai đoạn này và yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh mà Đảng và Nhà nước ra đã chủ trương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật hình sự. Vấn đề xây dựng Bộ luật hình sự được đặt ra cấp bách. Bộ luật hình sự 1985, ra đời đáp ứng những nhu cầu và đỏi hỏi bức xúc đó của thực tiễn cuộc sống. Với những tư duy pháp lý mới về quy định tội phạm, hình phạt Bộ luật đã đóng vai trò to lớn đối với cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ luật hình sự 1985 lần đầu tiên phản ánh một cách đầy đủ và có hệ thống những nguyên tắc cơ bản của chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta như: nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; nhân đạo xã hội chủ nghĩa; nguyên tắc trách nhiệm trên cơ sở lỗi, nguyên tắc trách nhiệm cá nhân, nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt... Cùng với việc ban hành Bộ luật hình sự 1985, nguyên tắc tương tự trong pháp luật hình sự  trước đây được bãi bỏ.

          Theo Điều 8 Bộ luật hình sự 1985 thì: "Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ kinh tế và sở hữu xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa". Trong Bộ luật hình sự 1985 đã thể hiện rõ quan điểm phân hoá tội phạm để xử lý chính xác và phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm xã hội của hành vi. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, tội phạm được phân loại thành 2 loại: nghiêm trọng và ít nghiêm trọng.

          Mặc dù cách phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự 1985 chưa thực sự phân hoá sâu sắc hành vi và trách nhiệm hình sự về các hành vi đó bởi sự phân loại tội pham thành hai loại nghiêm trọng và ít nghiêm trọng. Nhưng rõ ràng sự  phân loại chính thức tội phạm như thế trong Bộ luật hình sự  là một tiến bộ rõ rệt và đầy đủ cho phép so sánh Bộ luật hình sự của ta với pháp luật hình sự nhiều nước có nền pháp luật tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, việc quy định "những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác" thể hiện nhà làm luật Việt Nam đã xử lý một cách sâu sắc nguyên tắc nhân đạo và sự công minh, công bằng trong cách xử sự của xã hội và Nhà nước đối với con người có hành vi phạm pháp.

          Có  thể nói giai đoạn 1980 - 1985 là giai đoạn mà Đảng, Nhà nước và các ngành bảo vệ pháp luật đã có nhiều nỗ lực trong chính sách đấu tranh phòng chống tội phạm. Trên phương diện lập pháp Đảng và Nhà nước đã ban hành liên tiếp các văn bản kịp thời điều chỉnh các quan hệ đối nội, đối ngoại, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đang có vấn đề liên quan đến hoạt động tội phạm. Trong đó quan trọng nhất là Nghị  quyết 31 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 92 của Ban bí thư Trung ương Đảng. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiệm vụ "Kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, kịp  thời đập tan những mưu mô ngóc đầu dậy của các loại phản động, ngăn chặn trừng trị hoạt động phá hoại của địch trên mọi lĩnh vực..." Tăng cường công tác đấu tranh trên các mặt trận chống các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt giai đoạn này là phải ngăn chặn kịp  thời các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, lừa bịp, tổ chức người trốn đi nước ngoài. Đối với bọn cầm đầu tổ chức, Nhà nước chủ trương đưa ra xét xử nghiêm khắc. Trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm hình sự, nhiệm vụ đặt ra lúc này là: làm giảm hẳn tội phạm trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, triệt bỏ hối lộ, giảm tội phạm hình sự, giảm hẳn trọng án, bài trừ lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, tạo chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản về trật tự an toàn xã hội. Công tác đấu tranh chống xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa được hướng tập trung vào các ngành trọng điểm: lương thực, thương nghiệp, giao thông vận tải, vật tư... Phương châm được đề ra là công tác phòng ngừa phải đi đôi với tấn công tội phạm hình sự, triệt để, thường xuyên, chống tư tưởng hữu khuynh buông lỏng.

 

1.4. Chính sách hình sự và thực hiện chính sách hình sự giai đoạn từ 1986 đến nay.

          Đặc điểm nổi bật nhất của thời kỳ này là thời kỳ bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới và giai đoạn đầu tiến hành CNH, HĐH đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng của chính sách xã hội được Đảng ta đề ra là "bảo đảm an toàn xã hội, nhanh chóng khôi phục trật tự kỷ cương trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thực hiện sống và làm việc theo pháp luật. Nghiêm trị các phần tử làm ăn phi pháp" . Đồng thời, Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ "ngăn ngừa và trừng trị những hành động phá hoại về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá và các hoạt động tình báo, gián điệp của địch".

          Đứng trước yêu cầu phải tạo những bước thay đổi căn bản trong đời sống xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương hoàn thiện thêm một bước hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự cũng như thi hành án nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh đó.  Bộ luật hình sự 1985 và Bộ luật tố tụng hình sự 1988 ra đời trong hoàn cảnh đó và đã kịp thời đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ sự   nghiệp đổi mới.

          Thực tiễn cho thấy, Bộ luật hình sự năm 1985 xây dựng trên cơ sở pháp điển hoá các văn bản pháp luật hình sự của Nhà nước ta được ban hành tế năm 1945 đến những năm 80 và dựa trên cơ sở pháp lý quan trọng nhất là Hiến pháp 1980 và Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970, Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ năm 1981, Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép  năm 1982 cùng với nhiều  văn bản quy phạm pháp luật khác.

          Để Bộ luật hình sự có  thể đi vào thực tiễn cuộc sống, Nhà nước ta đã xúc tiến nhanh chóng và cho ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Bộ luật này đã tổng kết, kế thừa những kinh nghiệm hoạt động tư pháp hình sự trong suốt cả chiều dài lịch sử đấu tranh chống tội phạm của Nhà nước ta tế sau Cách mạng tháng Tám 1945 và kinh nghiệm đấu tranh của nhiều nước trong khối xã hội chủ nghĩa thời đó. Phù hợp với cách phân loại trong Bộ luật hình sự, hàng loạt những nguyên tắc, chế định của hoạt động tố tụng điều tra, truy tố, xét xử được nghiên cứu biên soạn một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với loại tội và khung hình phạt đối với loại tội phạm đó. Điều này có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các nguyên tắc pháp chế, công bằng và phân hoá trách nhiệm hình sự, cá thể hoá hình phạt.

          Sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật tố tụng hình sự, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự để thi hành và cụ thể hoá Bộ luật tố tụng hình sự. Trên cơ sở những văn bản đó các bộ, ngành có liên quan đã soạn thảo hàng loạt những văn bản pháp lý nhằm thực thi Bộ luật hình sự có hiệu quả. Các vấn đề khởi tố, điều  tra, bắt, giam, giữ, khám xét, thi hành án hình sự... đã được đổi mới. Đó là sự quy định chặt chẽ hơn về mặt thời hạn cho các hoạt động tố tụng. Quy định cụ thể các chủ thể và quyền năng pháp lý của các chủ thể. Đó là sự quy định và áp dụng rộng rãi nguyên tắc "suy đoán vô tội", “trách nhiệm chứng minh tội phạm thhuộc về cơ quan tiến hành tố tụng”, đó là  những cải cách về hệ thống cơ quan tư pháp hình sự. Các cơ quan điều tra, từ chỗ là cơ quan "điều  tra xét hỏi" được đặt đúng tên gọi và vai trò tố tụng của nó "cơ quan điều tra". Các hoạt động bổ trợ tư pháp được khuyến khích và tạo điều  kiện phát triển nhằm tăng cường bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân. Đội ngũ luật sư phát triển và dịch vụ giúp đỡ bị can về mặt pháp luật đã cải thiện đáng kể...

Thời kỳ sau Hội nghị Trung ương 8 (khoá VII) những bước đổi mới đi vào chiều sâu. Những thành tựu bước đầu của đường lối đổi mới đã tạo ra những tiền đề cần thiết đưa đất nước bước vào thời kỳ mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc tăng cường sức mạnh và hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với xã hội đã đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội Nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ đã nêu ra những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở những nguyên tắc, tư tưởng cơ bản đó Đảng và Nhà nuớc đã có những chủ trương đổi mới và hoàn thiện chính sách hình sự thông qua việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vào những năm 1989, 1992, và 1997 và ban hành Bộ luật hình sự mới vào1999, Bộ luật TTHS những năm 1992, 1998, 2000 và ban hành Bộ luật tố tụng hình sự mới 2003.

          Nhà nước ta thể hiện một cách nhất quán và rõ ràng rằng pháp luật chỉ coi là có  tội và trừng trị những người có hành vi tội lỗi, nguy hiểm cho xã hội. Chỉ có hành vi mới có thể phản ánh được một cách khách quan tính nguy hiểm xã hội của tội phạm, và mới đáng phải xử lý bằng hình sự. Trong chính sách hình sự của Nhà nứớc ta tuyệt nhiên không hề có những tư tưởng, quan điểm lập pháp về trừng trị những người bất đồng chính kiến, không xử lý những tư tưởng, quan điểm riêng của ai, không hề có cái gọi là "tù nhân lương tâm", "tội phạm chính trị", "đàn áp tư tưởng", ... như những kẻ chống Việt Nam vẫn rêu rao.

          Những năm của thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách đúng đắn để nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhà nước đã dành ngân sách cho những công trình nghiên cứu triển khai về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách hình sự  trên lĩnh vực này. Hàng loạt những chương trình, những đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được triển khai nghiên cứu cung cấp cứ liệu cho những bài toán đổi mới. Đặc biệt, phải kể đến Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Những tư tưởng cơ bản của các chương trình này được xác lập trên cơ sở những thành tựu mới của khoa học pháp lý. Sự phát triển của tư duy lý luận về xã hội học pháp luật, xã hội học tội phạm, tội phạm học, khoa học luật hình sự, tố tụng hình sự, về chính sách hình sự, về quản lý nhà nước trong môi trường trật tự pháp luật vv.. đã làm rõ nhiều vấn đề của thực tiễn pháp lý và đóng góp không nhỏ cho việc hình thành những quan điểm mới, hiện đại về lập pháp hình sự, tố tụng hình sự, quản lý nhà nước đối với cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự.

          Với sự ra đời của bản Hiến pháp 1992, những quan niệm mới mẻ về vai trò của tư hữu và sự thừa nhận nó trong Hiến pháp đã làm thay đổi khá căn bản thái độ của Nhà nước trong chính sách hình sự với các loại biểu hiện cụ thể của hình thức sở hữu này trên thực tế. Và đây là một trong những điểm đổi mới có  tính then chốt trong tư duy về chính sách hình sự của thời kỳ này. Phù hợp với quan điểm mới về kinh tế, về thành phần kinh tế và loại hình thức sở hữu là những quan điểm mới về quan hệ giai cấp xã hội, chính trị, và cả những thay đổi nhất định trong tư duy văn hoá, giáo dục... Đặc biệt rõ nét nhất là những nguyên tắc quan trọng của nền kinh tế thị trường được xác lập trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) làm cơ sở cho hàng loạt những đạo luật, những văn bản pháp luật ra đời. Quá trình hoàn thiện chính sách hình sự gắn liền với quá trình hoàn thiện Hiến pháp và phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong Hiến pháp nhà nước Việt Nam hiện đại.

          Trên phương diện pháp luật hình sự, dễ thấy rằng, từ khi đổi mới đến cuối thế kỷ trước, Bộ luật hình sự được coi là nguồn duy nhất của Luật hình sự. Và dẫu rằng Bộ luật hình sự 1985 với Bộ luật tố tụng hình sự 1988 đã thực sự phát huy tác dụng đối với cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm từ thời kỳ sau khi Đảng ta xác định chiến lược đổi mới đến những năm 2000. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự  1985 và Bộ luật tố tụng hình sự 1988 chủ yếu phản ánh những vấn đề của trật tự xã hội, trật tự pháp luật thời kỳ nền kinh tế xã hội chưa đổi mới. Những tinh thần cơ bản của chính sách hình sự thời trước đổi mới vẫn in đậm dấu ấn trong Bộ luật hình sự 1985 và Bộ luật tố tụng hình sự 1988. Chính sách hình sự trên phương diện lập pháp hình sự, tố tụng hình sự thời kỳ sau đổi mới cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20 chủ yếu vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản được đề ra trong Bộ luật hình sự  1985 và Bộ luật tố tụng hình sự 1988 mặc dầu đã qua nhiều  lần sửa đổi bổ sung.

          Tất cả những điều đó giải thích cho tình trạng vì sao, chỉ trong một thời gian không dài sau khi ban hành những đạo luật hoàn chỉnh, hệ thống như Bộ luật hình sự 1985, mà đã mau chúng phải nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Kéo theo nó, hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự điều chỉnh các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vốn dĩ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm giải quyết các vấn đề của luật hình sự đã chưa khẳng định và không ổn định lại càng có  nhu cầu được sửa đổi bổ sung và hoàn thiện. Bộ luật tố tụng hình sự mặc dầu đã được sửa đổi bổ sung vào tháng 6- 1990 và tháng 12- 1992 nhưng đến những năm cuối của thế kỷ 20 đã bộc lộ rõ nét những điều bất cập đòi hỏi phải tiếp tục được bổ sung, sửa đổi.

          Việc ban hành Bộ luật hình sự 1999 và ngay những năm sau đó Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã kịp thời khắc phục những thiếu khuyết vừa nêu trong các Đạo luật hình sự, Tố tụng hình sự hai thập niên trước đó. Cùng với việc ban hành mới hai đạo luật này, hàng loạt những đạo luật và văn bản dưới luật ít nhiều liên quan đến việc tổ chức cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đã được ban hành. Những dự án luật về phòng chống tham nhũng, luật chống tiết kiệm, luật thi hành án vv.. đang từng bứoc bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và là biểu hiện rõ nét nhất của sự tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, phục vụ cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

+ Bộ luật hình sự năm 1999 có bố cục hợp lý, chặt chẽ gồm hai phần (Phần chung và Phần các tội phạm) vơi 24 chương và 344 điều. Bộ luật hình sự năm 1999 thể hiện rõ tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, với phương châm giáo dục phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tính nhân đạo XHCN, cải hoá con người, đề cao bản chất ưu việt của chế độ XHCN, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của các đoàn thể, tổ chức xác hội và mọi công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Nguyên tắc này được quán triệt sâu sắc và thể hiện rõ trong Chương I - Điều khoản cơ bản của Phần chung của BLHS. Chương này quy định nhiệm vụ của BLHS (Điều 1), cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2), nguyên tắc xử lý (Điều 3), trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm (Điều 4). Bộ luật hình sự 1999 đã có sự điều chỉnh lớn với những sửa đổi, bổ sung rất cơ bản về tội phạm và hình phạt, như:

- Về khái niệm tội phạm Điều 8 BLHS 1999 đã bổ sung một số khách thể loại như chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền an ninh quốc phòng, an ninh trật tự.v.v... nhằm khắc phục những thiếu sót và hạn chế của khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS 1985. Điểm mới cơ bản của Điều luật này là quy định về phân loại tội phạm. Nếu như BLHS trước đây chia tội phạm thành hai loại (tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng) thì BLHS sửa đổi lần này căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 4 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc phân loại tội phạm bốn loại như trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thiện nhiều quy định thuộc Phần chung của BLHS, chẳng hạn như quy định về nguyên tắc xử lý hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiện truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án, điều kiện áp dụng một số loại hình phạt hoặc biện pháp tư pháp, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, xoá án tích .v.v...Việc phân tội phạm thành bốn loại cũng nhằm tạo cơ sở để cụ thể hoá trách nhiệm hình sự và để xây dựng các cấu thành tội phạm cụ thể thành nhiều khung trên  cơ sở căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bảo đảm tốt hơn nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ngoài ra, việc phân loại tội phạm như vậy cũng có ý nghĩa đối với việc xây dựng một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chẳng hạn như chế định tạm giam, xé xử theo thủ tục rút gọn.v.v... Dự thảo  Luật thi hành án sau này.

- Về chế định lỗi cố ý: Cũng có một số sửa đổi quan trọng (Điều 9). Nội dung của điều luật này được tách ra thành hai khoản, phù hợp với hai hình thức lỗi cố ý là cố ý trực tiếp (tức là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra) và cố ý gián tiếp (là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn để mặc cho hậu quả xảy ra). Việc phân biệt lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp giúp cho việc đánh giá chính xác hơn tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm để từ đó xác định hình phạt thích đáng cho người phạm tội trong từng trường họp cụ thể, bởi vì, nếu các điều kiện khác của tội phạm đều giống nhau thì tội phạm được  thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp nguy hiểm hơn so với tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý gián tiếp.

          - Quy định về chuẩn bị  phạm tội (Điều 17 BLHS năm 1999 đã thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi này. Theo đó, người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện. Trước đây, theo quy định của BLHS người  chuẩn bị phạm  một tội nghiêm trọng (tức là tội có mức hình phạt tù trên 5 năm đã phải chịu trách nhiệm hình sự.

          - BLHS năm 1999 đã bổ sung một điều luật (Điều 26) quy định khái niệm hình phạt, làm cơ sở phân biệt chế tài hình sự với các chế tài pháp lý khác. Theo Điều luật này, trước hết, “Hình phạt là một biện  pháp cưỡng chế nghiêm  khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Toà án áp dụng” (Điều 26). BLHS năm 1999 quy định 7 hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình, và 7 hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tước danh hiệu quân, tịch thu tài sản, phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính) và trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính). Ngoài những hình phạt trên dây, Toà án không được tuyên bất kỳ một hình phạt nào khác đối với người phạm tội. Nội dung của hình phạt là hạn chế hoặc tước bỏ quyền, lợi ích của người phạm tội. Ví dụ, hình phạt tiền là hình phạt tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định; hình phạt tù có thời hạn là hình phạt tước tự do của người bị kết án. Ngay cả hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt chính, tuy không đưa lại những hạn chế pháp lý liên quan  trực tiếp đến các quyền và lợi ích thiết thân về thể chất, tài sản v.v... của người bị kết án, nhưng với tính chất và sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, hình phạt cảnh cáo cũng gây ra cho họ những tổn thất nhất định về  mặt tinh thần. Tuy nhiên, một số trường hợp do bị phạt cảnh cáo mà người bị kết án bị ảnh hưởng đến danh dự và uy tín nên cũng có thể bị một số thiệt hại về vật chất.

          - Về các loại hình phạt Điều 28 BLHS năm 1999 có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như: Bổ sung hình phạt trục xuất;  Bỏ hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội; mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm; sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng thời gian áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.... Điểm mới hết sức cơ bản trong việc sửa đổi chế định hình phạt tử hình (Điều 35 BLHS) theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ và ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Theo quy định của điều này, thì hình phạt tử hình chỉ còn áp dụng đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang  nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội  hoặc khi xét xử thì dù tội trạng của họ có đặc biệt nghiêm trọng đến đâu cũng không được áp dụng loại hình phạt này. Điều luật quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

+ Bộ luật tố tụng hình sự  năm 2003, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Với 8 phần, 37 chương và 346 điều, trong đó có 260 điều được sửa đổi, bổ sung mới 48 điều và chỉ có 38 điều được giữ như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 1988, có thể nói rằng đây là Bộ luật tố tụng hình sự mới thể chế hóa kịp thời quan điểm của Đảng ta về cải cách tư pháp, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn và vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài.  Những sửa đổi quan trọng của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 được thể hiện trên một số nét cơ bản như:

          - Bộ luật tố tụng hình sự 2003 kế thừa, phát triển những nguyên tắc truyền thống đã được khẳng định trong thực tiễn áp dụng gần 15 năm qua, đồng thời đã bổ sung một số nguyên tắc mới nhằm bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bộ luật hiện hành đã xác định 24 nguyên tắc cơ bản xuyên suốt trong hoạt động tố tụng hình sự, từ nguyên tắc pháp chế cho đến nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Tòa án (các điều từ Điều 2 đến Điều 25 Bộ luật hiện hành). Đặc biệt, lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật ở nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân (Điều 7 BLTTHS) và được cụ thể hóa tại điểm a khoản 3 Điều 55 BLTTHS, đó là vấn đề bảo vệ nhân chứng; nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử (Điều 20 BLTTHS), nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Điều 28 BLTTHS), nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (các điều 29, 30 BLTTHS) và nguyên tắc về quyền giám sát của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều 32 BLTTHS). Đây là những nguyên tắc mới được bổ sung vào Bộ luật liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm tính khách quan, chính xác trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, chống bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

+ Bộ luật tố tụng hình sự 2003 được sửa đổi, bổ sung theo hướng đề cao trách nhiệm, xác định rõ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, như: tinh gọn bộ máy và phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cấp tố tụng vì sự dàn trải, cồng kềnh của bộ máy, sự không rõ ràng trong việc phân định thẩm quyền là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng hữu khuynh hoặc đùn đẩy trách nhiệm, sự phối hợp hoạt động thiếu nhịp nhàng, kém hiệu quả và khó quy trách nhiệm trong những trường hợp cụ thể. Quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng chức danh tố tụng trong mỗi một cơ quan tiến hành tố tụng. Với việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án, của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán sẽ khắc phục được hiện tượng dựa dẫm, ỷ lại, đồng thời phát huy được trách nhiệm cá nhân của từng chức danh trong hoạt động tố tụng. Có thể nói rằng, đây là bước chuyển biến về chất trong bộ máy tư pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

- Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có những điều chỉnh cơ bản về quyền và nghĩa vụ của bị can bị cáo, người bào chữa là một sự bảo đảm chắc chắn cho việc thực thi trên thực tế quyền Hiến định “ không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, như: Bộ luật quy định người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa (Điều 11 và Điều 48 BLTTHS), đồng thời quy định rõ hơn quyền khiếu nại của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đối với các hành vi và quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được phát biểu ý kiến tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích của mình (các điều 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54 BLTTHS). Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa, Bộ luật đã bổ sung quy định "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình" (Điều 57 BLTTHS).

- Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định chặt chẽ và cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục tố tụng; điều kiện để áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm giảm thiểu đến mức cao nhất những hạn chế đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  Đặc biệt, Bộ luật lần này đã bổ sung thêm một chương mới - Chương XXIV về thủ tục rút gọn. Đây là một dạng đặc biệt của thủ tục tố tụng hình sự trong đó có một số trình tự, thủ tục được đơn giản hoá và rút ngắn thời hạn tố tụng nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được nhanh chóng, góp phần đấu tranh phòng và chống tội phạm kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự. Theo thủ tục rút gọn thì toàn bộ thời gian điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng tối đa là 30 ngày còn theo thủ tục thông thường thì thời gian đó là bốn tháng rưỡi.

- Việc Bộ luật dành hẳn một chương quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự  thể hiện rõ mục tiêu và trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Bộ luật mới đã tạo ra cơ chế tham gia, giám sát có hiệu quả đối với hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo tính công khai, khách quan và đúng pháp luật – những yếu tố đặc trưng, cơ bản của nền tư pháp dân chủ.

2. Chính sách hình sự của một số nước trên thế giới

2.1. Chính sách hình sự của Liên bang Nga

Vào những năm 1990, sau khi Liên bang Xô viết tan rã, Cộng hoà Liên bang Nga bắt đầu tiến hành một loạt cải cách để chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý tập trung của Xô viết cũ sang nền kinh tế thị trường như tự do hoá giá cả, chấm dứt độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, tư nhân hoá công ty... Kinh tế Liên bang Nga bắt đầu ổn định vào năm 1995. Sự thay đổi về chính sách kinh tế cũng kéo theo sự thay đổi về chính sách pháp luật, trong đó có chính sách pháp luật hình sự để phù hợp với cơ chế kinh tế mới. Sau đây là những nét đặc trưng của chính sách hình sự Liên bang Nga.

a) Về pháp luật hình sự

Việc thay đổi về chính sách pháp luật hình sự của Liên bang Nga được thể hiện rõ nhất trong Bộ luật hình sự (BLHS) Liên bang Nga thông qua ngày 24/11/1995 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/1996. Bộ luật này thay thế cho BLHS Liên bang Nga năm 1960 và có những thay đổi cơ bản về chính sách hình sự so với BLHS năm 1960 như sau:

Trước tiên, BLHS hiện hành khẳng định nguồn duy nhất của pháp luật hình sự Liên bang Nga là BLHS (Điều 1 Khoản 1). BLHS của Liên bang Nga được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp Liên bang Nga, các nguyên tắc được thừa nhận chung cũng như các quy phạm pháp luật quốc tế (Khoản 2 Điều 1).

Theo quy định tại Điều 14 của BLHS Liên bang Nga hiện hành thì “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện có lỗi và bị Bộ luật này quy định phải chịu hình phạt”. Bên cạnh đó, không coi là tội phạm một hành động (không hành động) mặc dù về hình thức có các dấu hiệu của một hành vi nào đó được Bộ luật hình sự quy định nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, tức là không gây thiệt hại cho cá nhân, cho xã hội hoặc cho Nhà nước”.

          Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong BLHS, tội phạm được phân thành bốn loại sau:

          - Tội phạm ít nghiêm trọng là những hành vi cố ý hoặc vô ý mà BLHS quy định hình phạt cao nhất đối với chúng không quá 2 năm tù;

          - Tội phạm nghiêm trọng là những hành vi cố ý hoặc vô ý mà BLHS quy định hình phạt cao nhất đối với chúng không quá 5 năm tù;

          - Tội phạm rất nghiêm trọng là những hành vi cố ý hoặc vô ý mà BLHS quy định hình phạt cao nhất đối với chúng không quá 10 năm tù;

          - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là những hành vi cố ý mà BLHS quy định hình phạt đối với chúng là trên 10 năm tù hoặc hình phạt nghiêm khắc hơn (Điều 15).

          Liên quan đến tội phạm hoá và phi tội phạm hoá, so với BLHS năm 1960, BLHS Liên bang Nga năm 1995 (BLHS hiện hành) đã thực hiện phi tội phạm hoá theo các điểm cơ bản như sau:

          - Phi tội phạm hoá hoàn toàn đối với hành vi không tố giác tội phạm do tất cả các công dân thực hiện. Trước đây, hành vi không tố giác tội phạm bị hình sự hoá và xử phạt theo quy định của BLHS Liên bang Nga năm 1960. Cùng với việc thông qua BLHS năm 1995, tội phạm này đã được loại trừ khỏi BLHS.

          - Hành vi của “vợ, chồng hay người thân của người phạm tội không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm” theo quy định tại Điều 310 của BLHS hiện hành cũng được phi tội phạm hoá. 

          Bên cạnh đó, BLHS Liên bang Nga hiện hành cũng đã hình sự hoá rất nhiều các hành vi so với BLHS năm 1960 để phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại và nhất là để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong nền kinh tế thị trường. Về nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, BLHS hiện hành đã bổ sung các hành vi phạm tội như: ép buộc nhằm lấy cơ quan hay các mô của cơ thể con người để cấy ghép (Điều 121) và  lây truyền bệnh AIDS (Điều 123). Chương các tội xâm phạm tự do, nhân phẩm và danh dự của BLHS cũng đã quy định thêm một số hành vi là tội phạm như: bắt cóc người (Điều 127), đưa người trái pháp luật vào bệnh viện tâm thần (Điều 129), dùng vũ lực thực hiện hành động đồng tính luyến ái (Điều 133), từ chối cung cấp thông tin cho công dân (Điều 141) v.v... Chương về các tội phạm kinh tế bổ sung nhiều quy định mới để phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường như: hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (Điều 171), cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền trong kinh doanh (Điều 178), lừa dối trong qua hệ tín dụng (Điều 176), hoạt động ngân hàng bất hợp pháp (Điều 172), phá sản giả tạo (Điều 194), mua chuộc vận động viên và người tổ chức các giải thể thao nhà nghề và các cuộc thi thương mại (Điều 183)v.v... Đặc biệt, BLHS hiện hành đã bổ sung hẳn một chương mới quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thông tin trong máy vi tính (chương 28) như: sử dụng trái phép thông tin trong máy vi tính (Điều 268), xây dựng, sử dụng và lan truyền các chương trình virus (Điều 269), vi phạm quy định về vận hành hệ thống hay mạng vi tính (Điều 270). Chương 30 các tội xâm phạm lợi ích công vụ của cơ quan Nhà nước và chế độ phục vụ trong các cơ quan tự quản địa phương cũng quy định thêm một số hành vi phạm tội mới như: tham gia trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh (Điều 284), từ chối cung cấp thông tin cho Quốc hội hoặc Uỷ ban kiểm toán Liên bang Nga (Điều 232). Chương 31 các tội xâm phạm hoạt động tư pháp cũng đã quy định thành tội phạm các hành vi như: cản trở hoạt động tư pháp và điều tra sơ bộ (Điều 290), đe doạ hoặc có hành vi vũ lực liên quan đến hoạt động tư pháp và tiến hành điều tra sơ bộ (Điều 291), không tôn trọng Toà án (Điều 292), vu khống Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn, Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, người tiến hành điều tra, nhân viên Toà án, Chấp hành viên (Điều 293). Cuối cùng, BLHS năm 1995 đã tội phạm hoá các hành vi phá hoại hoà bình và an ninh nhân loại trong một chương riêng (Chương 34) bao gồm các quy định về tổ chức, chuẩn bị, tuyên chiến hay tiến hành chiến tranh xâm lược (Điều 345), kêu gọi công khai tuyên chiến cuộc chiến tranh xâm lược (Điều 346), sản xuất hay phổ biến vũ khí tiêu diệt hàng loạt (Điều 347), dùng các phương tiện và phương pháp chiến tranh bị cấm (Điều 348), diệt chủng (Điều 349), diệt môi trường sống (Điều 350), tuyển mộ lính đánh thuê (Điều 351), tấn công người hay cơ quan được bảo hộ quốc tế (Điều 352).  

          Về hệ thống hình phạt, ngoài các hình phạt trước đây đã được quy định trong BLHS năm 1960 như: Phạt tiền; Tước quyền giữ những chức vụ nhất định hoặc làm nghề nhất định; Tước danh hiệu đặc biệt, danh hiệu quân nhân hoặc danh hiệu vinh dự, hàm cấp và các giải thưởng quốc gia;  Cải tạo lao động; Giữ ở đơn vị kỷ luật của quân đội; Tịch thu tài sản; Tước tự do trong một thời hạn nhất định và Tử hình, BLHS hiện hành đã bổ sung thêm năm loại hình phạt mới là: Lao động bắt buộc; Hạn chế phục vụ trong quân đội; Hạn chế tự do; Phạt giam từ 1 đến 6 tháng và; Tù chung thân. Đặc biệt, BLHS hiện hành quy định không được áp dụng hình phạt chung thân và tử hình đối với phụ nữ, cũng như người phạm tội chưa đủ 18 tuổi, nam giới đã trên 65 tuổi (Khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 60). Điều 62 bổ sung một số các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như: người phạm tội có con còn nhỏ; phạm tội do vi phạm những điều kiện hợp pháp của phòng vệ cần thiết, bắt giữ người phạm tội, tình thế cấp thiết, rủi ro chính đáng, thi hành mệnh lệnh hoặc chỉ thị.Điều 63 bổ sung một số các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: phạm tội nhiều lần, tái phạm; phạm tội trong thành phần một nhóm người, một nhóm người có dự mưu, có tổ chức hoặc trong một tổ chức phạm tội; phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc thi hành nghĩa vụ xã hội cũng như đối với nhân thân của họ.

b) Về pháp luật tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga được Duma quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 22/12/2001 và được Hội đồng Liên bang Nga phê chuẩn ngày 5/12/2001. Bộ luật này gồm có 5 phần: những quy định chung; thủ tục tố tụng trước khi xét xử; thủ tục xét xử; thủ tục tố tụng đặc biệt; và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

Một trong các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự được khẳng định trong BLTTHS là nguyên tắc tranh tụng giữa các bên. Điều 15 BLTTHS quy định hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên. Các chức năng buộc tội, gỡ tội và giải quyết vụ án hình sự là độc lập với nhau và không thể giao cho cùng một cơ quan hoặc một người có thẩm quyền thực hiện. Toà án không phải là cơ quan truy tố hình sự, không thuộc bên buộc tội hoặc bên gỡ tội. Toà án tạo những điều kiện cần thiết để các bên thực hiện các nghĩa vụ tố tụng của mình và thực hiện các quyền được giao cho họ. Bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước Toà án. 

Xuất phát từ nguyên tắc nói trên, BLTTHS Liên Bang Nga đã phân loại rõ ràng vị trí, nhiệm vụ và thẩm quyền của các chủ thể tham gia tố tụng hình sự. Các chủ thể tham gia tố tụng hình sự được chia thành: Toà án; các chủ thể tham gia tố tụng hình sự thuộc bên buộc tội; các chủ thể tham gia tố tụng hình sự thuộc bên bào chữa; và các chủ thể khác tham gia tố tụng hình sự.

          Hệ thống Tòa án Liên bang Nga từ thấp đến cao bao gồm: thẩm phán hòa giải; Tòa án cấp quận; Tòa án tối cao của nước cộng hòa, Tòa án vùng hoặc khu vực, Tòa án thành phố trực thuộc liên bang, Tòa án vùng tự trị và Tòa án khu vực tự trị; Tòa án tối cao Liên bang. Bên cạnh hệ thống tòa án nói trên còn có hệ thống các tòa án quân sự của các doanh trại và các tòa án quân sự đóng ở ngoài lãnh thổ Liên bang (Điều 31 BLTTHS).

          Mục 18 BLTTHS Liên bang Nga lần đầu tiên đưa ra chế định minh oan bao gồm các căn cứ phát sinh quyền được minh oan; việc bồi thường thiệt hại vật chất hoặc tinh thần và phục hồi các quyền hạn cho người được minh oan; bồi thường thiệt hại cho pháp nhân. Những người có quyền được minh oan liên quan đến việc truy tố hình sự là: bị cáo được Tòa án tuyên không phạm tội; bị cáo mà việc truy tố hình sự đối với họ bị đình chỉ do công tố viên nhà nước hoặc tư tố viên từ chối buộc tội; người bị tình nghi, bị can mà việc truy tố hình sự đối với họ bị đình chỉ theo một số các căn cứ quy định; người bị kết án, trong trường hợp bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần và vụ án bị đình chỉ theo một số căn cứ quy định; người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong trường hợp quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp này bị hủy bỏ do trái pháp luật hoặc không có căn cứ. Ngoài ra, bất kỳ người nào bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng trái pháp luật đều có quyền được bồi thường thiệt hại (Khoản 2,3 Điều 113). Thiệt hại gây ra cho công dân hoặc pháp nhân trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự được Nhà nước bồi thường toàn bộ mà không phụ thuộc đó là do lỗi của cơ quan tham gia tố tụng nào (Khoản 1 Điều 133, Điều 139). Việc bồi thường thiệt hại về vật chất cho người được minh oan bao gồm các khoản bồi thường về tiền lương, tiền hưu trí, tiền trợ cấp và những thu nhập khác mà họ không được hưởng do bị truy tố hình sự; tài sản bị tịch thu trên cơ sở bản án hoặc quyết định của Tòa án; các khoản tiền phạt và chi phí tố tụng; các khoản tiền nhờ trợ giúp pháp lý và các chi phí khác (Điều 135). Trong trường hợp bị thiệt hại về tinh thần thì kiểm sát viên nhân danh Nhà nước thực hiện công khai xin lỗi người được minh oan. Theo yêu cầu của người được minh oan thì việc được minh oan phải được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 136).

          Thủ tục tố tụng đối với một vụ án được tuân theo các bước như sau: Khởi tố vụ án hình sự; Điều tra; Xét xử cấp sơ thẩm; Xét xử cấp phúc thẩm; Thi hành án; Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2.2. Chính sách hình sự của Hoa Kỳ

Chính sách hình sự Mỹ được thể hiện tại Bộ luật số 18 “Tội phạm và tố tụng hình sự” của Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ và các đạo luật hình sự riêng biệt của các bang.

Chúng tôi sẽ phân tích chính sách hình sự ở cấp độ Liên Bang thể hiện qua Bộ luật số 18 “Tội phạm và tố tụng hình sự” của Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ và chính sách hình sự ở cấp độ bang thể hiện qua 2 Bộ luật hình sự tiêu biểu của 2 trong số các bang Hợp chủng quốc Hoa kỳ là BLHS của bang California và bang New York.

a) Chính sách hình sự ở cấp độ Liên Bang

Căn cứ vào hình phạt do luật định, Bộ luật số 18 “Tội phạm và tố tụng hình sự” của Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ (Phần I, chương 1) phân tội phạm thành 2 nhóm: tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng. Tội phạm nghiêm trọng là bất kỳ các hành vi xâm hại nào có mức hình phạt do luật định là tử hình hoặc phạt tù có thời hạn trên 1 năm. Tội phạm ít nghiêm trọng là bất kỳ các hành vi xâm hại nào khác. Căn cứ vào mức hình phạt tối đa do luật định, tội phạm nghiêm trọng được phân thành 5 loại nhỏ là: Loại A- tù chung thân hoặc tử hình; loại B- từ 20 năm tù trở lên; Loại C- từ 10 năm tù đến dưới 20 năm tù; Loại D- từ 5 năm tù trở lên đến dưới 10 năm tù; và Loại E- từ trên 1 năm tù đến dưới 5 năm tù. Tương tự, tội phạm ít nghiêm trọng cũng được phân thành 3 loại nhỏ là: Loại A- từ trên 6 tháng tù đến 1 năm tù; Loại B- từ trên 30 ngày tù đến 6 tháng tù; Loại C- từ trên 5 ngày tù đến 30 ngày tù; hoặc vi cảnh- từ 5 ngày tù trở xuống (Điều 3559 Bộ luật số 18 “Tội phạm và tố tụng hình sự” của Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ). 

Về hệ thống hình phạt, theo quy định của Bộ luật số 18 “Tội phạm và tố tụng hình sự” của Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ thì bao gồm các hình phạt chính là: tử hình, phạt tù, án treo (thử thách) và phạt tiền; và các hình phạt bổ sung như: bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm những ngành nghề hoặc chức vụ cụ thể, tước quyền bầu cử, làm những công việc vì lợi ích công cộng. Tử hình thường được áp dụng đối với các bị cáo phạm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, các tội về quân sự hoặc các tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Các phương pháp thi hành hình phạt này là xử bắn, treo cổ, đưa vào phòng hơi ngạt, ngồi ghế điện hoặc tiêm thuốc độc. Năm 1988, Toà án tối cao Liên bang đã quy định hình phạt tử hình không được áp dụng đối với người phạm tội chưa đủ 16 tuổi. Phạt tù được phân thành 9 mức tương ứng với 5 loại tội nghiêm trọng, 3 loại tội ít nghiêm trọng và vi cảnh như đã nói ở trên. Án treo (thử thách) thường được áp dụng thay thế hình phạt tù trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Đây là biện pháp để cho người bị kết án được tự do dưới sự giám sát của một quan chức chuyên trách trong thời hạn không quá 5 năm với những điều kiện thử thách do luật định. Nhưng trong thời hạn chấp hành hình phạt này, người bị kết án vi phạm các điều kiện thử thách thì án treo sẽ bị thay thế bằng hình phạt tù. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với những tội phạm ít nghiêm trọng và là hình phạt bổ sung đối với những tội phạm nghiêm trọng. Mức phạt tiền được quy định không quá 250.000 USD đối với thể nhân phạm tội và không quá 500.000 USD đối với pháp nhân phạm tội.

Phần II Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ quy định về các vấn đề liên quan đến tố tụng hình sự. Trong đó, chương 201 bao gồm các quy định chung về tố tụng hình sự, từ chương 203 đến chương 237 là các quy định cụ thể liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự.

Một số quy định đặc biệt liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự Hợp chủng quốc Hoa kỳ có thể kể như sau:

Điều 3005 Phần II Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ quy định về việc bào chữa và nhân chứng trong các vụ án tử hình. Người nào bị kết án vì tội phản quốc hoặc các tội tử hình khác, được phép có sự bào chữa một cách hoàn toàn. Toà án hoặc thẩm phán phải nhanh chóng, theo đề nghị của bị cáo, chỉ định 2 luật sư, trong đó có ít nhất một luật sư có hiểu biết về luật áp dụng cho các vụ án tử hình. Các luật sư này có thể tiếp xúc với bị cáo vào tất cả các thời điểm thích hợp. Khi chỉ định luật sư bào chữa trong trường hợp này, Toà án cần xem xét sự giới thiệu của tổ chức luật sư Liên bang. Nếu tổ chức này không có ở cấp quận thì  thay vào đó là Văn phòng hành chính của Toà án Liên bang. Bị cáo được phép đưa ra nhân chứng hợp pháp để bào chữa cho mình và có thể bắt buộc nhân chứng xuất hiện tại toà theo thủ tục giống như đối với nhân chứng thuộc phía công tố.

Điều 3321 Phần II Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ quy định về số lượng thành viên bồi thẩm đoàn và việc triệu tập bổ sung thành viên bồi thẩm đoàn. Mỗi đoàn bồi thẩm tham gia xét xử tại toà án địa phương phải bao gồm không dưới 16 và không trên 23 người. Nếu số lượng thành viên bồi thẩm đoàn được triệu tập ít hơn 16 người thì toà án ra lệnh cho cảnh sát trưởng triệu tập đủ số lượng thành viên bồi thẩm từ dân địa phương ngay hoặc vào một ngày nhất định.

 Điều 3521 Phần II Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ quy định về bảo vệ nhân chứng. Viên chưởng lý có thể có các biện pháp bảo vệ nhân chứng hoặc người có khả năng là nhân chứng cho Chính phủ Liên bang hoặc chính phủ bang trong vụ án liên quan đến hoạt động tội phạm có tổ chức hoặc các tội phạm nghiêm trọng khác, nếu thấy rằng một hành vi tội phạm bạo lực trực tiếp đối với nhân chứng liên quan đến vụ án hoặc tương tự như thế có khả năng xảy ra. Viên chưởng lý cũng có thể có các biện pháp bảo vệ gia đình hoặc người có mối quan hệ gần gũi với nhân chứng hoặc người có khả năng là nhân chứng đó, nếu gia đình hoặc người đó có thể bị nguy hiểm vì nhân chứng hoặc người có khả năng là nhân chứng tham gia vào quá trình tố tụng. Viên chưởng lý phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân chứng hoặc người có khả năng là nhân chứng khỏi bị gây thương tích, đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho họ. 

Điều 3593 Phần II Bộ Tổng luật Hợp chủng quốc Hoa kỳ quy định về các giai đoạn của phiên toà xét xử đặc biệt đối với vụ án có hình phạt tử hình. Giai đoạn thứ nhất là có thông báo của Nhà nước về vụ việc. Có nghĩa là, trong trường hợp vụ án có hình phạt tử hình, thì luật sư của Nhà nước thông báo rằng Nhà nước tin tưởng rằng nếu bị cáo bị kết án thì có thể bị kết án tử hình và công bố tình tiết tăng nặng hoặc các tình tiết phạm tội mà Nhà nước cho là có thể dẫn đến kết án tử hình. Giai đoạn thứ hai là xét xử trước phiên toà. Có nghĩa là, nếu luật sư của Nhà nước có thông báo theo quy định nói trên và bị cáo có tội có hình phạt tử hình, thì thẩm phán được chỉ định làm chủ toạ phiên toà hoặc thẩm phán khác có thể mở một phiên toà riêng để xác định hình phạt. Phiên toà này phải thực hiện trước khi bồi thẩm đoàn buộc tội bị cáo hoặc trước khi lập danh sách bồi thẩm đoàn hay trước phiên toà tại toà án. Giai đoạn thứ ba là chứng minh các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Tại phiên toà xét xử, có thể trình bày bất cứ thông tin nào có liên quan đến bản án, bao gồm bất cứ một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ nào. Bị cáo có thể đưa ra bất cứ một tình tiết giảm nhẹ nào, còn phía Nhà nước thì có thể đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến các tình tiết tăng nặng. Nhà nước và bị cáo được phép bác bỏ bất kỳ một thông tin nào đưa ra tại phiên toà và có cơ hội như nhau để đưa ra luận cứ liên quan đến các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, cũng như việc áp dụng hình phạt tử hình. Giai đoạn thứ tư là đoàn bồi thẩm hoặc toà án xem xét tất cả các thông tin nhận được trong phiên toà. Giai đoạn thứ năm là xem xét các thông tin liên quan đến hình phạt tử hình. Tại giai đoạn này, đoàn bồi thẩm hoặc toà án phải cân nhắc xem tất cả các tình tiết tăng nặng có nhiều hơn tất cả các tình tiết giảm nhẹ không, hoặc nếu không có tình tiết giảm nhẹ thì liệu các tình tiết tăng nặng có đủ để đưa ra hình phạt tử hình không. Dựa trên các cân nhắc nói trên, đoàn bồi thẩm nhất trí bỏ phiếu hoặc trường hợp không có đoàn bồi thẩm thì toà án phải đề nghị liệu bị cáo có phải chịu hình phạt tử hình, tù chung thân, hay là hình phạt khác nhẹ hơn. Trước khi đưa ra cân nhắc nói trên, toà án phải hướng dẫn đoàn bồi thẩm là, trong khi cân nhắc liệu bị cáo có xứng đáng phải chịu hình phạt tử hình không, đoàn bồi thẩm phải không được xem xét đến các yếu tố như chủng tộc, màu da, tôn giáo, dân tộc hoặc giới tính của bị cáo hoặc bất kỳ một nạn nhân nào. Đoàn bồi thẩm phải trình cho toà án một giấy chứng nhận, trong đó có chữ ký của từng bồi thẩm cam đoan là họ không xem xét gì đến các yếu tố như chủng tộc, màu da, tôn giáo, dân tộc hoặc giới tính của bị cáo hoặc bất kỳ một nạn nhân nào trong khi đưa ra quyết định riêng của mỗi thành viên đó và rằng họ sẽ đưa ra cùng một quyết định về hình phạt cho tội phạm đó bất kể bị cáo hay nạn nhân thuộc chủng tộc, màu da, tôn giáo, dân tộc hoặc giới tính nào.

Điều 3596 quy định về việc thi hành hình phạt tử hình như sau: Người bị kết án tử hình sẽ bị giam tại trại giam của Viên chưởng lý đến khi hết thời hạn thực hiện thủ tục kháng cáo hoặc giám đốc thẩm đối với bản án. Khi thi hành bản án, Viên chưởng lý đưa người bị kết án tử hình sang trại giam của Cảnh sát trưởng Hợp chủng quốc, là người sẽ giám sát việc thi hành bản án theo cách mà luật tại Bang nơi áp dụng bản án đó quy định. Nếu Bang đó không quy định việc thi hành hình phạt tử hình thì toà án phải chỉ định Bang khác có quy định về thi hành hình phạt này, và bản án sẽ được thi hành tại Bang đó theo cách mà luật tại Bang này quy định. Bản án tử hình không được thi hành đối với phụ nữ khi đang có thai và người chậm phát triển về trí tuệ, không có khả năng hiểu về hình phạt tử hình và tại sao lại áp dụng cho họ hình phạt đó.

b) Chính sách hình sự cấp độ bang

(1) Bộ luật hình sự bang California

Bộ luật hình sự bang California được cơ cấu thành 6 phần nhỏ, trong đó, các phần liên quan đến chính sách hình sự và tố tụng hình sự bao gồm: Các điều khoản mở đầu; Phần 1. Tội phạm và hình phạt; Phần 2. Tố tụng hình sự; Phần 3. Hình phạt tù và hình phạt tử hình; Phần 4. Phòng ngừa tội phạm và bắt người phạm tội. Một số quy định đặc trưng có liên quan đến chính sách hình sự có thể kể ra như sau:

Về pháp luật hình sự: Theo quy định tại Điều 16 BLHS bang California thì tội phạm và hành vi xâm phạm công cộng bao gồm: tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng và vi cảnh.

Tội nghiêm trọng là tội có mức hình phạt là tử hình hoặc tù có thời hạn tại nhà tù của bang. Các tội phạm khác là tội ít nghiêm trọng loại trừ các hành vi vi cảnh.

Nếu không có bất cứ một luật nào của bang quy định khác, thì tội nghiêm trọng bị phạt tù 16 tháng, 2 năm hoặc 3 năm tại bất kỳ nhà tù nào của bang. Tuy nhiên, tội nghiêm trọng theo quy định của bất kỳ luật nào của bang có thể bị phạt tù không quá 6 tháng tại nhà tù địa phương hoặc phạt tiền, hoặc cả hai hình phạt.

Nếu không có bất cứ một luật nào của bang quy định khác, thì tội ít nghiêm trọng bị phạt tù không quá 6 tháng tại nhà tù địa phương, hoặc phạt tiền không quá 1.000 Đôla, hoặc cả hai hình phạt.

Tội vi cảnh không phải chịu hình phạt tù có thời hạn. Một hành vi vi cảnh thường bị phạt tiền không quá 250 Đôla, trừ trường hợp có quy định cụ thể khác.

Về pháp luật tố tụng hình sự: Điều 686.1  quy định trong các vụ án tủ hình thì bị cáo phải có luật sư đại diện ở tất cả các giai đoạn tiến hành chuẩn bị và xét xử bất kể có quy định khác của pháp luật.

Điều 3603, 3604 quy định hình phạt tử hình phải được thi hành tại nhà tù Bang tại San Quentin bằng cách dùng hơi độc làm chết người hoặc tiêm vào tĩnh mạch một chất hoặc các chất có số lượng đủ làm chết người theo tiêu chuẩn hướng dẫn của Cục Cải tạo. Người bị kết án tử hình được lựa chọn phương thức thi hành án. Việc lựa chọn này phải được viết thành văn và trình cho người cai tù theo quy định của Cục cải tạo. Trong vòng 10 ngày sau khi có lệnh thi hành mà người bị kết án không lựa chọn phương thức thi hành án thì hình phạt tử hình sẽ được thi hành bằng cách tiêm thuốc độc.

Người cai quản nhà tù của Bang nơi thi hành hình phạt tử hình phải có mặt khi thi hành và phải mời Viên chưởng lý, các thành viên của nạn nhân hoặc các nạn nhân nếu họ có yêu cầu bằng văn bản, ít nhất 12 công dân mẫu mực do người quản tù lựa chọn, đến chứng kiến việc thi hành hình phạt này. Theo đề nghị của bị cáo, người quản tù cho phép các mục sư (không quá 2 người), và họ hàng, bạn bè và bất kỳ người nào do bị cáo liệt kê (không quá 5 người) đến chứng kiến việc thi hành hình phạt. Ngoài ra, người quản tù có thể cho phép nhân viên của Cục Cải tạo đến chứng kiến, nếu thấy thích hợp. Ngoài những người kể trên, không ai được phép hiện diện tại buổi thi hành, cũng như người dưới 18 tuổi không được phép chứng kiến (Điều 3605).

Sau khi thi hành hình phạt tử hình, người cai tù phải làm báo cáo trả lời về lệnh thi hành hình phạt này và chuyển cho nhân viên toà án đã chuyển lệnh đó, trong đó nêu rõ thời điểm, phương thức thi hành hình phạt tử hình (Điều 3607).

Trong trường hợp bị cáo mắc bệnh tâm thần, hoặc là phụ nữ đang có thai, thì người cai tù phải đình chỉ thi hành hình phạt tử hình đến khi người đó khỏi bệnh hoặc không còn có thai nữa (Điều 3704, 3706).

(2) Bộ luật hình sự bang New York

Bộ luật hình sự Bang New York được chia làm 4 phần, bao gồm: Phần 1. Các quy định chung; Phần 2.Hình phạt; Phần 3. Tội phạm cụ thể; Phần 4. Các quy định hành chính.

Sau đây là một số nội dung cụ thể:

Điều 15.05 đưa ra các khái niệm về chế định lỗi;

Điều 15.10 quy định yêu cầu tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự là một người có năng lực về thể chất để thực hiện một hành vi mà cố ý thực hiện hành vi đó hoặc không thực hiện hành vi này.

Điều 20 quy định trách nhiệm hình sự của một người đối với hành vi phạm tội của người khác trong trường hợp người này vận động, yêu cầu, ra lệnh, thúc bách, hoặc cố tình giúp đỡ người phạm tội thực hiện hành vi đó.

Điều 20.20 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong các trường hợp sau:

1) Hành vi cấu thành tội phạm do việc sao nhãng hoàn thành nghĩa vụ do luật định đối với công ty; hoặc

2) Hành vi cấu thành tội phạm do ban giám đốc hoặc nhân viên quản lý cấp cao (được hiểu là cán bộ hoặc nhân viên bất kỳ của pháp nhân có quyền hạn liên quan đến hình thành chính sách của công ty hoặc có quyền hạn giám sát nhân viên cấp dưới), trong phạm vi quyền hạn của mình và trên danh nghĩa của pháp nhân, thực hiện, cho phép, vận động, yêu cầu, ra lệnh thực hiện hoặc cho qua do coi thường hậu quả; hoặc

3) Hành vi cấu thành tội phạm do nhân viên của pháp nhân thực hiện trong phạm vi quyền hạn của mình và trên danh nghĩa của pháp nhân, và tội phạm là (i) tội ít nghiêm trọng hoặc vi cảnh, (ii) tội quy định trong luật áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, hoặc (iii) bất kỳ tội nào quy định tại Điều 71 Luật bảo vệ môi trường.

Điều 55.05 phân loại tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng căn cứ vào hình phạt. Tội nghiêm trọng được phân thành 5 loại A, B, C, D và E. Tội nghiêm trọng lại được phân thành 2 nhóm nhỏ là A-I và A-II. Tội ít nghiêm trọng được phân thành 3 loại A, B và các tội không phân loại.

2.3. Chính sách hình sự của Nhật Bản

a) Về pháp luật hình sự

          Nguồn của pháp luật hình sự Nhật bản ngoài Bộ luật hình sự (BLHS) Nhật Bản số 45 (thông qua năm 1907, có hiệu lực vào năm 1908 gồm 2 quyển, quyển 1 quy định về các nguyên tắc chung, quyển 2 quy định về các tội phạm cụ thể) còn có các luật hình sự chuyên ngành. Một số lớn các tội phạm được quy định tại các đạo luật chuyên ngành.

          BLHS Nhật bản không phân loại tội phạm, tuy nhiên đạo luật về tội phạm ít nghiêm trọng (Luật số 39 năm 1948) liệt kê chi tiết những hành vi được coi là tội phạm ít nghiêm trọng. Ví dụ: Hành vi che giấu mang theo dao, thanh sắt hoặc những dụng cụ khác có thể gây hại cho tính mạng hoặc gây nguy hại nghiêm trọng cho thân thể của người khác, mà không có lý do chính đáng, hành vi  che giấu mang theo chìa khóa làm giả, đục, dụng cụ cắt kính hoặc các dụng cụ khác có thể sử dụng để xâm nhập vào nhà người khác mà không có lý do chính đáng..v..v.

          Đạo luật về xử phạt các hành vi như dùng vũ lực chiếm đoạt máy bay (Luật số 68 năm 1970) quy định xử phạt tù chung thân hoặc trên 7năm tù với lao động bắt buộc đối với hành vi nói trên. Nếu phạm tội nói trên mà gây chết người thì bị xử phạt tử hình hoặc tù chung thân với lao động bắt buộc.

          Đạo luật về xử phạt các tội làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người (Luật số 142 năm 1970) quy định người nào cố ý thải các vật chất gây hại cho sức khỏe con người khi thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy hoặc nơi kinh doanh, nguy hiểm cho tính mạng hoặc thân thể công chúng, thì bị phạt tù có lao động bắt buộc dưới 3 năm hoặc phạt tiền dưới 300vạn Yên. Phạm tội gây chết người thì bị phạt tù có lao động bắt buộc dưới 5 năm hoặc phạt tiền dưới 500vạn Yên.

          Đạo luật cấm độc quyền và bảo vệ kinh doanh chính đáng (Luật số 54 năm 1947) quy định phạt tù có lao động bắt buộc dưới 3 năm hoặc phạt tiền dưới 500vạn Yên đối với người thực hiện hành vi độc quyền hoặc hạn chế một cách bất chính việc kinh doanh. Cũng xử phạt như thế đối với người thực hiện hành vi hạn chế một cách thực chất việc cạnh tranh trong một lĩnh vực kinh doanh nhất định. Đạo luật này cũng quy định người nào ký kết các hiệp ước quốc tế có nội dung bao gồm các điều khoản hạn chế một cách bất chính việc kinh doanh, thì bị phạt tù có lao động bắt buộc dưới 2 năm hoặc phạt tiền dưới 300vạn Yên.

          Đạo luật về kinh doanh chứng khoán (Luật số 25 năm 1948) quy định một số tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Khoản 1 Điều 197 quy định hình phạt tù có lao động bắt buộc dưới 5 năm, phạt tiền dưới 500vạn Yên hoặc cả hai hình phạt đó, đối với một trong các tội như đưa ra bản kê khai, bản đăng ký phát hành chứng khoán hoặc bản báo cáo có các tình tiết không đúng sự thật. Khoản 2 Điều 197 quy định tội thao túng giá chứng khoán, có nghĩa là, hành vi giao dịch chứng khoán nhằm tăng hoặc giảm giá chứng khoán một cách nhân tạo. Mức xử phạt đối với tội này là phạt tù không quá 5 năm hoặc phạt tiền không quá 500 vạn Yên, hoặc cả hai hình phạt đó. Điều 198 quy định hình phạt tù có lao động bắt buộc dưới 3 năm, phạt tiền dưới 300vạn Yên hoặc cả hai hình phạt đó, đối với các tội vi phạm nghĩa vụ về xuất trình giấy tờ, nghĩa vụ thông báo theo quy định. Điều 198 (3) quy định về tội bảo đảm thiệt hại, hoặc đền bù thiệt hại trong đầu tư chứng khoán, có nghĩa là, công ty chứng khoán hứa hẹn sẽ đền bù thiệt hại xảy ra do giao dịch chứng khoán với công ty đó cho khách hàng hoặc sau khi thiệt hại xảy ra rồi, công ty chứng khoán đền bù thiệt hại cho khách hàng. Mức xử phạt đối với tội này là phạt tù không quá 3 năm hoặc phạt tiền không quá 300 vạn Yên, hoặc cả hai hình phạt đó. Điều 198 quy định hình phạt đối với tội kinh doanh nội gián trong trường hợp nhân viên, người có quan hệ với công ty, hoặc người do vị trí công tác nắm được thông tin quan trọng của công ty, trước khi thông tin này được thông báo cho công chúng đầu tư, mà mua, bán hoặc thực hiện các giao dịch khác về chứng khoán của công ty này dựa trên thông tin đó để thu lợi thì bị phạt tù không quá 3 năm hoặc phạt tiền không quá 300 vạn Yên, hoặc cả hai hình phạt đó. 

b) Về pháp luật tố tụng hình sự

          Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản số 131 thông qua năm 1948, có hiệu lực từ năm 1949. BLTTHS Nhật Bản chia làm các phần:

          - Phần 1 Các nguyên tắc chung bao gồm quy định về mục đích của Bộ luật; thẩm quyền các tòa án; nhân viên tòa án; năng lực tố tụng; người bào chữa; xét xử; giấy tờ và tống đạt giấy tờ; các quy định về thời hạn; triệu tập hoặc tạm giam bị cáo; tịch thu và khám xét; kiểm chứng; hỏi nhân chứng; giám định; thông dịch và biên dịch; bảo toàn chứng cứ; chi phí tố tụng; bồi thường chi phí.

          - Phần 2 Tố tụng sơ thẩm bao gồm các quy định về điều tra; truy tố; xét xử.

          - Phần 3 Thủ tục kháng cáo bao gồm các quy định về các nguyên tắc chung; kháng cáo với các bản án của toà án cấp dưới; kháng cáo đối với các bản án của toà án tối cao.

          - Phần 4 Thủ tục tái thẩm bao gồm các quy định về các lý do tái thẩm; thẩm quyền xét xử tái thẩm; thời hạn yêu cầu tái thẩm; điều tra; quyết định khước từ yêu cầu tái thẩm; ra bản án.

          - Phần 5 Thủ tục kháng cáo đặc biệt quy định về các lý do kháng cáo; ra bản án.

          - Phần 6 Thủ tục rút gọn quy định về việc ra quyết định tiến hành thủ tục rút gọn.

          - Phần 7 Chấp hành bản án quy định về việc chấp hành các hình phạt tử hình; các hình phạt tước tự do; các hình phạt về tài sản.

          Một số đặc trưng về thủ tục tố tụng hình sự cụ thể được quy định như sau:

          Chương 4 là các chế định về người bào chữa. Bị cáo hoặc người bị hại có thể lựa chọn luật sư tại bất kỳ thời điểm nào. Người đại diện theo pháp luật, trợ lý, vợ hoặc chồng, họ hàng thân thích trực hệ và anh chị em ruột có quyền lựa chọn người bào chữa cho bị cáo hoặc người bị tình nghi (Điều 30). Người bào chữa phải được chọn trong số các luật sư. Tuy nhiên, trong trường hợp của các toà án rút gọn, toà án gia đình hoặc toà án địa phương, nếu được phép của các toà án đó, thì có thể lựa chọn người bào chữa không phải là luật sư (Điều 31). Khi bị cáo vì nghèo hay vì lý do khác mà không thể lựa chọn được người bào chữa, thì theo yêu cầu của bị cáo, toà án có thể chỉ định người bào chữa cho họ. Trong các trường hợp sau, nếu bị cáo không có người bào chữa, thì toà án chỉ định người bào chữa cho họ:

1)    Bị cáo là vị thành niên;

2)    Bị cáo trên 70 tuổi;

3)    Bị cáo là người câm hoặc điếc;

4)    Bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc có nhược điểm về thần kinh;

5)    Các trường hợp khác được cho là cần người bào chữa (Điều 36, 37).

Chương 15, 16 quy định về chi phí tố tụng và bồi thường chi phí tố tụng. Khi bản án về hình phạt được tuyên thì bị cáo phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí tố tụng. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với bị cáo do nghèo không thể trả được chi phí tố tụng. Trong trường hợp Toà án ra phán quyết vô tội, thì Nhà nước phải bồi hoàn các chi phí cần thiết cho quá trình tố tụng cho người trước đây là bị cáo. Tuy nhiên, nếu người đã từng là bị cáo với mục đích làm sai lệch kết quả điều tra hoặc xét xử, đã tự thú giả dối, hoặc tạo chứng cứ giả, thì không được bồi thường toàn bộ hoặc một phần chi phí nói trên.

Về thủ tục kháng cáo: Những người có quyền kháng cáo bao gồm: kiểm sát viên; bị cáo; những người nhận được quyết định của toà án ngoài kiểm sát viên và bị cáo; người đại diện hợp pháp hoặc trợ lý của bị cáo. Kháng cáo đối với các bản án sơ thẩm của toà án cấp dưới bao gồm: toà án địa phương, toà án gia đình và toà án theo thủ tục rút gọn. Việc kháng cáo đối với các bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm của toà án tối cao có thể được thực hiện nếu có các lý do sau:

1)    Trái Hiến pháp hoặc có sự sai sót trong giải thích Hiến pháp;

2)    Bản án trái với án lệ của toà án tối cao;

3)    Bản án trái với án lệ của toà phúc thẩm tối cao (Chương 2,3 Phần 3).

Về thủ tục rút gọn: Điều 461 quy định Toà án tiến hành xét xử rút gọn, theo yêu cầu của kiểm sát viên, trước khi phiên toà mở, có thể ra lệnh phạt tiền dưới 50 vạn yên.

Về chấp hành bản án: Điều 471 quy định: trừ khi có quy định khác, sau khi Toà án quyết định thì bản án được thi hành ngay. Việc thi hành bản án do kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp tương đương với toà án đã ra bản án đó chỉ đạo thực hiện. Ngoại trừ hình phạt tiền, khi thi hành 2 hình phạt chính trở lên thì hình phạt nặng hơn sẽ được thi hành trước. Hình phạt tử hình được thi hành bởi lệnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Lệnh này thông thường phải được quyết định trong thời hạn 6 tháng từ ngày ra bản án. Tuy nhiên, trong trường hợp có yêu cầu phục hồi quyền kháng cáo hoặc yêu cầu tái thẩm, yêu cầu kháng cáo đặc biệt hoặc ra bản án đối với người đồng phạm với bị cáo, thì thời hạn ra lệnh thi hành hình phạt tử hình được cộng thêm thời hạn hoàn thành các thủ tục nói trên. Hình phạt tử hình được thi hành trong vòng 5 ngày sau khi có lệnh nói trên. Hình phạt tử hình phải được thi hành khi có mặt kiểm sát viên và trưởng nhà tù hoặc người đại diện cho những người đó. Hình phạt tử hình được hoãn thi hành đối với người bị tâm thần hoặc phụ nữ có thai (Các Điều 472, 473, 474, 475, 476, 477, 478 BLTTHS).

2.4. Chính sách hình sự của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa

a) Về pháp luật hình sự

Cũng như ở Việt Nam, nguồn cơ bản của pháp luật hình sự của nước cộng hoà nhân dân Trung hoa là Bộ luật hình sự. BLHS của nước cộng hoà nhân dân Trung hoa được Quốc hội khoá năm, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 1/7/1979, có hiệu lực từ ngày 1/1/1980. Bộ luật này đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 1982 và lần sửa đổi, bổ sung mới đây nhất là vào tháng 3 năm 1997, do Quốc hội khoá 8, kỳ họp thứ năm thông qua.

Việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1997 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đấu tranh phòng và chống tội phạm trong hoàn cảnh mới của đất nước, vì vậy, các quy định của BLHS hiện hành đã tương đối phù hợp với tình hình phát triển của đất nước Trung hoa hiện nay.

(1). Một số điểm về chính sách hình sự của nước cộng hoà nhân dân Trung hoa thông qua BLHS năm 1979

BLHS Trung hoa năm 1979 được chia làm 2 phần: Phần những quy định chung và Phần các tội phạm. Phần các quy định chung quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ và phạm vi áp dụng của BLHS, khái niệm tội phạm, chế định đồng phạm, hình phạt và các nguyên tắc áp dụng hình phạt.

BLHS năm 1979 thể hiện một cách rõ nét chính sách hình sự trong giai đoạn này. Đó là, việc quy định nhiệm vụ của BLHS trước tiên là nhằm trừng trị những người phạm tội phản cách mạng và tội hình sự nhằm bảo vệ chế độ chuyên chính vô sản, bảo vệ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa, sau đó mới đến bảo vệ sở hữu các nhân hợp pháp của công dân, bảo vệ quyền cá nhân, quyền dân chủ và các quyền lợi khác của công dân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ an toàn trong sản xuất, công tác, trong nghiên cứu, giáo dục và đời sống của nhân dân. Mục đích cuối cùng của BLHS được khẳng định là để bảo đảm tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (Điều 1).

BLHS Trung hoa quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các hành vi tội phạm là từ 16 tuổi. Người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội nghiêm trọng bao gồm tội giết người, gây thương tích nặng, cướp giật, đốt phá, trộm cắp chuyên nghiệp và các khác phá hoại trật tự xã hội. Người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phạm tội sẽ bị xử theo khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được hưởng hình phạt dưới mức tối thiểu mà Bộ luật quy định đối với tội phạm đã thực hiện (Điều 14).

Hệ thống hình phạt được quy định tại BLHS Trung hoa bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung. Các hình phạt chính là quản chế, giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Quản chế do Toà án quyết định và cơ quan công an thi hành với thời hạn từ 3 tháng đến 2 năm. Thời hạn giam giữ là từ 15 ngày đến 6 tháng và hình phạt này do cơ quan công an thi hành. Tù có thời hạn được quy định từ 6 tháng đến 15 năm. Người phạm tội bị kết án tù có thời hạn và tù chung thân phải bị giam giữ trong tù hoặc trong các trại cải tạo lao động. Tử hình chỉ được áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nếu chưa cần thiết phải thi hành án ngay đối với những người bị phạt tử hình thì đồng thời với việc tuyên án tử hình, có thể tuyên bố hoãn tử hình sau 2 năm và buộc phải cải tạo lao động để theo dõi thái độ của họ trong thời gian đó (Điều 28, 33, 34, 37,38, 40 và 43).

Các hình phạt bổ sung là phạt tiền, tước các quyền chính trị và tịch thu tài sản. Ngoài ra, hình phạt trục xuất được quy định để áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với người nước ngoài phạm tội (Điều 28, 29 và 30).

Phần các tội phạm của BLHS Trung hoa quy định các loại tội như sau: các tội phản cách mạng, các tội xâm phạm an toàn công cộng, các tội phá hoại trật tự kinh tế xã hội chủ nghĩa, các tội xâm phạm quyền thân thể và quyền dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu, các tội phá hoại trật tự xã hội và trật tự quản lý, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và các tội chức vụ.

(2) Một số điểm đã được sửa đổi, bổ sung thông qua BLHS sửa đổi năm 1997 

BLHS năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội Trung quốc trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể các điểm sửa đổi, bổ sung nổi bật về chính sách hình sự có thể kể ra như sau:

- Các pháp nhân (công ty, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan, đoàn thể) cũng bị coi là chủ thể của tội phạm, nếu có những hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cũng bị coi là thực hiện tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 30). Các pháp nhân này phạm tội sẽ bị phạt tiền; cán bộ chủ quản phụ trách và những người có trách nhiệm trực tiếp khác của các chủ thể phạm tội này cũng sẽ bị xử phạt theo các hành vi tương ứng (Điều 31).

- Bổ sung phần lớn các tội phạm kinh tế để trừng trị các hành vi xuất hiện phổ biến trong nền kinh tế thị trường như tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả, tội phá hoại trật tự quản lý công ty, xí nghiệp, tội gây rối loạn trật tự thị trường. Đặc biệt, quy định về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả được cơ cấu hẳn thành một tiết riêng biệt (Tiết 1 Chương 3) bao gồm tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả, tội sản xuất, tiêu thụ thuốc giả, tội sản xuất, tiêu thụ thuốc xấu, tội sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, tội pha trộn nguyên liệu có độc tố vào thực phẩm, tội sản xuất dụng cụ chữa bệnh không đúng với tiêu chuẩn chuyên môn, tiêu chuẩn quốc gia, tội sản xuất sản phẩm máy móc, thiết bị điện không đúng với tiêu chuẩn chuyên môn, tiêu chuẩn quốc gia, tội sản xuất thuốc trừ sâu giả, thuốc thú y giả, phân hóa học giả, tội sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh (Điều 140, 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 148). Tiết 3 Chương 3. Tội phá hoại trật tự kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa quy định một số tội đặc trưng về phá hoại trật tự quản lý công ty, xí nghiệp như tội sử dụng giấy tờ giả mạo xin đăng ký thành lập công ty (Điều 158), tội che giấu sự thực hoặc tạo ra nội dung giả để phát hành cổ phiếu hoặc công trái của công ty (Điều 160), tội đưa ra báo cáo kế toán tài vụ giả mạo hoặc che giấu sự thực với cổ đông và công chúng (Điều 161), tội giấu kín tài sản để trốn tránh trả nợ hoặc công bố giả dối tài sản trong khi tiến hành thanh lý tài sản (Điều 162), tội lợi dụng chức quyền trong công ty để mưu cầu lợi ích như lấy tài sản của người khác, thu tiền hoa hồng, tiền lệ phí (Điều 163)…Trong tội gây rối loạn trật tự thị trường đã bổ sung thêm quy định về tội làm hợp đồng giả mạo, kinh doanh buôn bán những mặt hàng phi pháp, buôn bán giấy phép xuất nhập khẩu.

- Hình sự hóa hành vi tham gia các tổ chức tội phạm có tính chất xã hội đen, nghĩa là, chỉ cần tham gia các tổ chức tội phạm này, dù có hay không có hành vi phạm tội cụ thể, đều bị xử lý hình sự. BLHS còn quy định cả hình phạt đối với các thành viên của tổ chức xã hội đen ở nước ngoài vào Trung quốc.

- Bổ sung một số quy định về các tội phạm liên quan tới công nghệ vi tính, chứng khoán, đất đai, bí mật thương mại…Một số hành vi tội phạm về công nghệ vi tính có thể kể ra là: Can thiệp vào hệ thống thông tin máy vi tính trái quy định, cố ý cài đặt các chương trình mang tính phá hoại như virus vi tính. Liên quan đến chứng khoán là các tội phạm giao dịch trong hậu trường, thao túng giá cả giao dịch chứng khoán, loan truyền các thông tin giả,..

b) Về pháp luật tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hoà nhân dân Trung hoa được thông qua lần đầu tiên vào năm 1979 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 1996. BLTTHS quy định 5 giai đoạn tố tụng đối với một vụ án hình sự bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự do cơ quan công an và Viện kiểm sát thực hiện. Cơ quan công an có thẩm quyền tạm giam người bị tình nghi (không cần xin phép Viện kiểm sát trước khi tạm giữ), bắt người (cần xin phép Viện kiểm sát trước khi bắt giữ), tiến hành thẩm vấn và khám xét nơi ở của người bị tình nghi (Điều 38 BLTTHS). Việc truy tố do Viện kiểm sát thực hiện nếu thấy có sự việc có dấu hiệu của tội phạm. Kiểm sát viên hỏi cung người bị tình nghi và ra một trong các quyết định sau:

1)    Trả hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra bổ sung;

2)    Thực hiện truy tố bị can;

3)    Miễn truy tố người bị tình nghi;

4)    Quyết định không thực hiện truy tố.

Trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định truy tố vụ án hình sự, thì phải gửi hồ sơ đến Toà án sơ thẩm, thường là toà án nhân dân địa phương căn cứ vào tính chất của tội phạm. Tại một phiên toà thường có 5 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thẩm phán chủ toạ phiên toà tuyên bố bắt đầu phiên toà và kiểm sát viên đọc cáo trạng. Tại giai đoạn thứ hai, các thẩm phán xét hỏi bị cáo và các bên liên quan (kiểm sát viên, người bào chữa và nạn nhân) có thể được phép hỏi bị cáo. Tại giai đoạn này, các thẩm phán và kiểm sát viên cũng hỏi người làm chứng, và nếu được phép thì bị cáo và người bào chữa của bị cáo có thể hỏi người làm chứng. Giai đoạn thứ ba được gọi là giai đoạn tranh luận miệng, có nghĩa là, kiểm sát viên, nạn nhân, bị cáo và người bào chữa được phép phát biểu bào chữa cho quan điểm của mình. Tại giai đoạn thứ tư,  thẩm phán chủ toạ phiên toà thông báo việc tranh luận đã kết thúc và bị cáo được quyền nói lời sau cùng. Cuối cùng, toà án thảo luận và tuyên án.

          Sau khi có quyết định của Toà án sơ thẩm, vụ án có thể được xét xử lại tại Toà án phúc thẩm nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị. Bị cáo hoặc người đưa vụ án ra truy tố (trong trường hợp tư tố) được phép kháng cáo trong một thời hạn nhất định. Viện kiểm sát có thể kháng nghị nếu không đồng ý với quyết định của Toà án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật sau khi Toà án phúc thẩm tuyên án. Tuy nhiên, bản án của Toà án phúc thẩm vẫn có thể được xem xét lại bằng một quyết định giám đốc thẩm.

 

3. Khái quát về thực trạng tình hình tội phạm và một số dự báo về tình hình tội phạm trong thời gian tới

3.1. Khái quát về thực trạng tình hình tội phạm thời gian qua

          Thực trạng tội phạm hình sự hiện nay đang là vấn đề nhức nhối trên nhiều phương diện. Tỷ lệ tội phạm ẩn hiện nay tương đối cao. Vùng ẩn lớn nhất là vùng tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính, tội phạm về chức vụ, tội phạm về ma tuý.

3.1.1 Về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. 

Trong tình hình hiện nay, lợi dụng quá trình cải cách mở cửa, thực hiện chính sách hội nhập và tăng cường dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội, các thế lực thù địch cũng ráo riết tổ chức, kích động những phần tử chống đối hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; phá rối an ninh. Đặc biệt những năm gần đây nhiều đối tượng cơ hội chính trị, các đối tượng có quá khứ hận thù với chế độ mới, những phần tử bất mãn đã lôi kéo một số không ít người nhẹ dạ cả tin gây ra những vụ bạo loạn chính trị như ở Tây Nguyên, các năm 2001, 2004. Nhiều phần tử xấu lợi dụng chính sách tăng cường tự do dân chủ, chính sách dân tộc, tôn giáo cởi mở của Đảng và Nhà nước ta đã khai thác những tiểu tiết sơ hở, những khó khăn của đời sống kinh tế xã hội, những sai lầm trong tổ chức thực hiện chính sách trong thực tiễn để kích động  chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, nuôi dưỡng và truyên truyền những tư tưởng li‎ khai, chống đối, trong một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo. Chúng gây nên những tinh trạng căng thẳng, mất trật tự ở các vùng Tây bắc, Tây Nam Bộ và nhiều địa phương khác.

3.1.2. Một số loại tội phạm tham nhũng, tội phạm có tổ chức trong giai đoạn hiện nay.

 Những lĩnh vực hình sự nóng bỏng hiện nay như: tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại... Hiện nay, theo đánh giá của các cơ quan chức năng của Chính phủ thì tội phạm buôn lậu có giảm nhưng tính chất phức tạp, phương thức và thủ đoạn hoạt động của bọn buôn lậu lại tinh vi xảo quyệt hơn, liều lĩnh trắng trợn hơn. Hoạt động gian lận thương mại mà chủ yếu là tham ô, trốn thuế,  đang gia tăng mạnh. Tội phạm buôn lậu xuất hiện và phát triển trong những lĩnh vực mà trước đây chưa từng có như buôn lậu xăng dầu và những mặt hành chiến lược khác. Hiện nay gian lận thuơng mại đang diễn ra chủ yếu đối với mặt hàng nông hải sản với mục đích hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng một cách bất hợp pháp[20].

a) Về tội phạm tham nhũng, trong các năm từ 1994 - 2004, CQĐT đã phát hiện hơn 9.000 vụ tham nhũng, làm thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân. Quá trình điều tra cho thấy tham nhũng xảy ra phổ biến ở tất cả các lĩnh vực đời sống, nhưng tập trung nhiều ở một số ngành, lĩnh vực được coi là điểm nóng của xã hội. Đó là:

- Đầu tư, xây dựng cơ bản là lĩnh vực xảy ra tham nhũng phổ biến và nghiêm trọng nhất: Có thể nói phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu là bị tham ô, cố ý làm trái. Vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn, từ việc lập và chạy dự án, thiết kế vượt dự toán, duyệt kế hoạch cấp vốn, đấu thầu, tư vấn, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình... Hiện tượng gian lận trong đấu thầu, mua, bán thầu, chia công trình thành những gói thầu nhỏ để áp dụng quy chế chỉ định thầu, xét thầu hoặc đấu thầu hạn chế xảy ra ở hầu hết các công trình xây dựng, có công trình bị mua đi bán lại nhiều lần dẫn đến giá trị thực tế đưa vào công trình thấp so với dự toán, chất lượng không bảo đảm và tiến độ thi công bị kéo dài...

Trong quá trình thi công, tham nhũng được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như khai khống giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào công trình; thi công sai quy trình để giảm chi phí về nhân công, máy móc thi công và vật liệu; hợp lý hóa bằng chứng từ giả, chứng từ khống. Qua các vụ án đã được phát hiện, điều tra như công trình xây dựng đường dây 500 KV, hầm chui Cầu Văn Thánh II, các công trình dầu khí và bưu chính viễn thông... cho thấy tỷ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng trung bình từ 10 đến 20%, cá biệt có công trình tỷ lệ thất thoát lên đến trên 40 - 50%. Chính vì vậy, nhiều công trình xây dựng xong đưa vào sử dụng nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa quyết toán được, trong đó có những công trình trọng điểm của Nhà nước. Nhiều công trình xây dựng chất lượng kém, thậm chí chưa nghiệm thu đã hư hỏng, chưa đưa vào sử dụng hoặc ngay sau khi sử dụng đã xuống cấp như Nhà hát chèo Hà Nội, đường dẫn cầu Hoàng Long (Thanh Hóa), Cầu Rào (Hải Phòng), đường liên cảng A5 (tp. Hồ Chí Minh), một số đoạn đường thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A khu vực miền Trung, một số công trình trọng điểm phục vụ SEAGAMES 22...

- Tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác: Tình trạng tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, lừa đảo, nhận hối lộ xảy ra ở nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại bị thoái hoá, biến chất được các doanh nghiệp móc nối, hối lộ đã cho vay sai nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả để cho vay tiền, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát. Điển hình như các vụ Trần Xuân Hoa, Tamexco, Epco - Minh Phụng, vụ Lã Thị Kim Oanh và hàng trăm vụ án khác đã được điều tra, xử lý. Một số đối tượng lợi dụng vay tiền ngân hàng để đánh bạc, chơi xổ số, số đề hoặc cho vay lại với lãi suất cao hơn...

Trong lĩnh vực tài chính, kẻ phạm tội đã lợi dụng cơ chế "xin - cho", vi phạm trong cấp, phát vốn gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả kiểm tra năm 2001 - 2002 tại 43 tỉnh, thành phố và 7 bộ, ngành đã mua 420 xe ô tô vượt giá quy định là 31,8 tỷ đồng, báo cáo của 18 đơn vị tự kiểm tra và 6 đơn vị được kiểm tra đã mua 396 xe ô tô vượt giá quy định 52,56 tỷ đồng. Về số tiền sử dụng điện thoại, qua kiểm tra của Bộ Tài chính, tại 27 bộ, ngành và 58 tỉnh, thành phố trong năm 200l - 2002 đã chi sai chế độ 10,45 tỷ đồng.

- Tham nhũng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, nhiều nơi trở thành điểm nóng về an ninh trật tự: Tình trạng tham nhũng của cán bộ chính quyền xã, phường gây nhiều hậu quả tiêu cực, tuy số tài sản bị chiếm đoạt không lớn so với các lĩnh vực khác, nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của đa số người dân lao động nghèo dẫn đến khiếu kiện kéo dài, có nơi bị phần tử xấu lợi dụng kích động, gây phức tạp về an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, một số nơi đã xảy ra gây rối trật tự công cộng như ở Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Đồng Nai... Tham nhũng trong lĩnh vực nông thôn nổi lên là tình trạng vi phạm các quy định về đất đai, thu phí, lập quỹ và sử dụng quỹ trái phép, trong xây dựng điện, đường, trường, trạm, thực hiện các chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và giải quyết các vấn đề về tư pháp ở cơ sở. Các hiện tượng nêu trên xảy ra phổ biến một mặt là do năng lực quản lý yếu kém của các cấp các ngành hữu quan, mặt khác là hậu quả của tệ tham nhũng của cán bộ ở cơ sở.

- Tham nhũng gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội: Điển hình trong lĩnh vực này là việc cấp quota, giấy phép hạn ngạch xuất khẩu, cấp phép xây dựng, phê duyệt các dự án, xây dựng các nhà máy đường, xi măng lò đứng, đánh bắt xa bờ, vấn đề xoá đói, giảm nghèo, quỹ ủng hộ bão lụt, trợ cước, trợ giá, đổi hàng với Lào, nội địa hoá xe máy, hoàn thuế VAT... Như vụ tham nhũng trong xây dựng đường dây 500 KV, vụ tham nhũng ở Mường Tè, vụ nhận hối lộ tập thể của Trạm kiểm soát liên hợp Đồng Bành, Trạm hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), vụ tham nhũng ở Bộ Thương mại trong việc cấp quota và nhiều vụ việc ở các bộ, ngành, địa phương khác. Trong thực hiện các hợp đồng kinh tế thường có sự móc nối giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để chuyển lợi nhuận vào túi tư nhân. Để thuận lợi cho việc ăn chia và đối phó với cơ quan điều tra, đứng sau doanh nghiệp nhà nước thường có doanh nghiệp ngoài quốc doanh để chuyển lợi nhuận ra ngoài; nếu lợi nhuận cao họ hưởng, thua thiệt Nhà nước chịu; vì vậy nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhưng giám đốc lại giàu lên nhanh chóng. Nhiều người đã lợi dụng chủ trương cổ phần hoá để chuyển sở hữu của Nhà nước thành sở hữu tư nhân thông qua việc định giá bất hợp lý để mua bán cổ phần gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

- Tham nhũng gắn liền với buôn lậu và tội phạm hình sự: Qua các vụ án đã được phát hiện, điều tra, xử lý cho thấy nhiều cán bộ trong các ngành chức năng đã có các hành vi nhận hối lộ, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái... với mục đích bảo kê, bao che, tiếp tay cho hoạt động của tội phạm. Quy luật hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức luôn gắn liền với các thủ đoạn làm tha hoá, biến chất nhiều cán bộ có chức quyền; điển hình như các vụ ban lãnh đạo Cục Hải quan Kiên Giang, vụ buôn lậu tại Hang Dơi, Lạng Sơn, vụ Khánh Trắng, vụ Trương Văn Cam... Có vụ án chi phí cho hoạt động bảo kê lên đến hàng tỷ đồng, chiếm 60% thu nhập của tội phạm.

- Tham nhũng mang đặc tính của tội phạm xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao: Tham nhũng ngày nay đã mang đặc tính của tội phạm xuyên quốc gia thông qua ký kết các hợp đồng thương mại, phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài và các dự án khác để nhận tiền, gửi giá, chuyển tiền vào tài khoản mở ở nước ngoài hoặc mua tài sản và bất động sản ở nước ngoài, như vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty Thành Phát (Tiền Giang), trong đó có đối tượng đã nhận hối lộ cả toà biệt thự, tàu chở dầu trị giá nhiều tỷ đồng, ôtô sang trọng; vụ tham nhũng của một số dự án trong lĩnh vực dầu khí; vụ Ngô Thanh Lam ỏ Ngân hàng Ngoại thương lợi dụng kỹ thuật máy tính tham ô hàng triệu USD, nhiều vụ lợi dụng thẻ tín dụng giả lấy tiền của các ngân hàng ở tp. Hồ Chí Minh, CầnThơ, Hà Nội... Các đối tượng phạm tội đã chia nhau hoặc chiếm đoạt hàng triệu USD và số tiền nhận được đem gửi ở ngân hàng nước ngoài hoặc cho vợ, con đi du học, du lịch...

- Đối tượng phạm tội tham nhũng có địa vị và chức vụ ngày càng cao trong các cơ quan quản lý nhà nước, tham nhũng gắn liền với vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá biến chất: Nếu như trước đây, chủ thể của các vụ tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước thì nay có nhiều vụ đối tượng tham nhũng có chức vụ rất cao trong các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí có cả bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, vụ trưởng... Điển hình như vụ đường dây 500 KV đã truy tố 1 bộ trưởng, 1 thứ trưởng, 6 cán bộ lãnh đạo là vụ trưởng, tổng giám đốc, giám đốc. Vụ buôn lậu tại Long An, vụ buôn lậu xăng dầu của Mai Văn Huy ở Đồng Tháp, vụ dự án Thuỷ cung Thăng Long đã xử lý 3 phó chủ tịch cấp tỉnh và hàng chục giám đốc, vụ trưởng; vụ tham nhũng ở Bộ Thương mại trong việc cấp quota đã bắt giam 1 thứ trưởng. Vụ Trương Văn Cam đã xử lý 3 cán bộ cấp thứ trưởng, hàng trăm cán bộ từ cấp vụ, cục đến cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; vụ Lã Thị Kim Oanh đã xử lý 2 thứ trưởng, 2 vụ trưởng...

b) Tội phạm hình sự có tổ chức vấn tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng hình thành băng nhóm, xử lý nhau theo “luật giang hồ”, trong nhiều văn bản và nhiều nhà nghiên cứu gọi là hoạt động theo kiểu "xã hội đen" ngày càng gia tăng. Trong số đó có những tổ chức tội phạm đã và đang hoành hành trên nhiều lĩnh vực. Sau khi ta triệt phá được tổ chức Năm Cam, tình hình tội phạm có tổ chức tạm thời lắng xuống trong một thời gian ngắn. Nhưng, những năm vừa qua, tình hình tội phạm này lại tái diễn phức tạp. Chúng tiếp tục tổ chức, thiết lập quan hệ với các tổ chức mafia nước ngoài. Các lĩnh vực hoạt động phạm tội đã trải trên diện rộng, không phải chỉ một, vài lĩnh vực. Trong vụ án Năm Cam, và một vài vụ khác, dấu hiệu lũng đoạn các cơ quan chính quyền địa phương, mua chuộc, khống chế những nhân vật có thế lực trong bộ máy các cơ quan nhà nước ở một số địa phương đã rõ nét [21].

c) Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lí kinh tế có xu hướng gia tăng. Lợi dụng những sơ hở trong quản lý kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, lĩnh vực tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực kinh tế khác bọn tội phạm tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của liên ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án từ năm 1990 đến năm 2003 các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố 20.025 vụ án hình sự về kinh tế, khởi tố 37.101 bị can; Truy tố 12.953 vụ với 23.579 bị cáo; Xét xử sơ thẩm 12.118 vụ với 22.156 bị cáo; Xét xử phúc thẩm 4.066 vụ với 7.483 bị cáo và xét xử giám đốc thẩm 256 vụ với 378 bị cáo. Bình quân hàng năm các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước khởi tố 1.430 vụ án và có 2.650 người bị khởi tố hình sự về các tội phạm kinh tế.

3.1.3. Tội phạm về ma tuý

 Tội phạm về ma tuý tiếp tục hoạt động mạnh. Nếu như những năm đầu thập niên, theo tài liệu và đánh giá của Văn phòng thường trực UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm[22], buôn lậu ma tuý với khối lượng lớn, có tổ chức, nhiều đối tượng hoạt động xuyên quốc gia tiếp tục vào Việt Nam, đến nay tình hình này vẫn không giảm. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái pháp chất ma tuý trên các tuyến biên giới và tại các tỉnh, thành phố trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới Việt- Lào tập trung ở các tỉnh Lai châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện nhiều vụ vận chuyển ma tuý với số lượng lớn. Dọc tuyến biên giới Việt Trung các vụ vận chuyển ma tuý tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, thường do những đối tượng người Việt móc nối với các đối tượng tội phạm mang quốc tịch Trung Quốc thực hiện. Tuyến Việt Nam- Căm Pu Chia tập trung ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp... Phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt. Nếu như mấy năm trước chúng ta quan tâm đến hiện tượng phát hiện cả những hành vi vận chuyển ma tuý qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh; nuốt vào bụng vv... thì trong năm vừa qua, chúng ta lại đã phát hiện những tập đoàn ma túy lớn, vận chuyển hàng ngàn bành hêroin, đặc biệt còn phát hiện cả một cơ sở sản xuất hêrooin ngay trong Hà Nội.

Công tác đấu tranh đã phát hiện làm rõ diễn biến tình hình tội phạm như sau:

- Năm 1995, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 2.584 vụ với 3.998 đối tượng, thu giữ 1.419kg thuốc phiện, 30,98kg heroin, trong đó đã xử phạt tử hình 8 bị cáo, phạt tù chung thân 7 bị cáo.

- Năm 1996, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 3.813 vụ với 6.651 đối tượng, thu giữ 839,85kg thuốc phiện, 54,75kg heroin, trong đó đã xử phạt tử hình 7 bị cáo, phạt tù chung thân 3 bị cáo.

- Năm 1997, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 7.025 vụ với 14.266 đối tượng, thu giữ 919kg thuốc phiện, 24,3kg heroin, trong đó đã xử phạt tử hình 28 bị cáo, phạt tù chung thân 19 bị cáo.

- Năm 1998, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 9.023 vụ với 18.669 đối tượng, thu giữ 868,1kg thuốc phiện, 54,415kg heroin, 350kg cần sa, 60.385 liều, gói heroin, 103.886 ống thuốc tân dược gây nghiện trong đó đã xử phạt tử hình 60 bị cáo, phạt tù chung thân 35 bị cáo.

- Năm 1999, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 11.625 vụ với 22.642 đối tượng, thu giữ 418,35kg thuốc phiện, 59,53kg heroin, 400,1kg cần sa, 97.335 liều, gói ma tuý, 74.274 ống thuốc tân dược gây nghiện, 6.025 viên ma tuý tổng hợp; trong đó đã xử phạt tử hình 82 bị cáo, phạt tù chung thân 137 bị cáo.

- Năm 2000, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 10.582 vụ với 19.326 đối tượng, thu giữ 510kg thuốc phiện, 53,4kg heroin, 2.184kg cần sa, 71.874 ống thuốc tân dược gây nghiện, 5.157 viên ma tuý tổng hợp; trong đó đã xử phạt tử hình 41 bị cáo, phạt tù chung thân 37 bị cáo.

- Năm 2001, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 12.811 vụ với 21.103 đối tượng; thu giữ 589,4kg thuốc phiện; 40,33kg heroin; 1.272,5kg cần sa; 49.369 liều, gói ma tuý; 179kg và 593.662 viên ma tuý tổng hợp; 125.328 ống thuốc gây nghiện; 43.160 viên Amphetamin; 1.028 lọ tân dược gây nghiện; trong đó đã xử phạt tử hình 60 bị cáo, phạt tù chung thân 68 bị cáo.

- Năm 2002, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 14.167 vụ với 23.199 đối tượng; thu giữ 612,63kg thuốc phiện; 57,392kg heroin; 243kg cần sa; 62.784 liều, gói ma tuý; 47.852 viên ATS; 110.232 ống thuốc gây nghiện; trong đó đã xử phạt tử hình 34 bị cáo, phạt tù chung thân 67 bị cáo.

- Năm 2003, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 12.888 vụ với 20.441 đối tượng; thu giữ 280,5 kg thuốc phiện; 152,1 kg heroin; 734,5 kg cần sa; 59,771 liều, gói ma tuý; 27.128 viên ma tuý tổng hợp; 236.830 viên và ống thuốc gây nghiện; trong đó đã xử phạt tử hình 39 bị cáo, phạt tù chung thân 79 bị cáo.

- Năm 2004, số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 12.068 vụ với 18.260 đối tượng; thu giữ 58,6 kg thuốc phiện; 239,4 kg heroin; 1.021,3 kg cần sa; 21.543 liều, gói ma tuý; 0,04 kg và 39.467 viên ma tuý tổng hợp; 5.528 ống và viên thuốc gây nghiện; trong đó đã xử phạt tử hình 59 bị cáo, phạt tù chung thân 99 bị cáo.

Tổng cộng trong 10 năm (1995 - 2004), số vụ án ma tuý bị phát hiện, điều tra, xử lý là 96.586 vụ với 168.555 đối tượng, thu giữ 6.515,43kg thuốc phiện, 1.086,26kg heroin, 6.205,4kg cần sa, 727.952 ống thuốc tân dược gây nghiện, 719.264 viên ma tuý tổng hợp, 351.187 liều, gói ma tuý, 60.385 liều, gói heroin, 1.028 lọ tân dược gây nghiện; đã xử phạt tử hình 418 bị cáo, phạt tù chung thân 551 bị cáo. Trong đó, có 17,40% số vụ và 17,64 số đối tượng thuộc nhóm tội phạm nguy hiểm; 47,2% số vụ và 48,8% số đối tượng thuộc nhóm tội phạm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng ma tuý; 35,4% số vụ và 33,6% số đối tượng sử dụng trái phép các chất ma tuý. Các cơ quan chức năng đã thu giữ hàng chục tỷ đồng tiền mặt, hàng triệu USD (trong đó có một lượng đáng kể là tiền giả dùng để mua bán ma tuý), hàng chục súng và vũ khí các loại, nhiều phương tiện dùng vào việc phạm tội và nhiều tài sản có được từ việc mua bán trái phép chất ma tuý...

Bên cạnh những hậu quả mà tội phạm ma tuý trực tiếp gây ra, nó còn làm gia tăng nhiều loại tội phạm hình sự khác, trong đó đặc biệt là các tội phạm do người nghiện ma tuý thực hiện như trộm cắp, cướp, cướp giật, hiếp dâm, giết người... cũng tăng cao cả về số lượng và tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Xem xét các số liệu ở trên cho thấy, mặc dù đã đạt được kết quả cao trong đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm buôn bán ma tuý, nhưng do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và vì siêu lợi nhuận từ việc mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý nên tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý vẫn tăng ở mức báo động; phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt làm cho cuộc đấu tranh ngày càng gay go, khó khăn và quyết liệt hơn.

Hoạt động của tội phạm về ma tuý diễn ra trên phạm vi toàn quốc, một số tuyến và địa bàn trọng điểm đã được xác định từ trước, đến nay vẫn rất phức tạp, đặc biệt là các tuyến biên giới trên đất liền, cho thấy nguồn ma tuý từ nước ngoài chuyển vào nước ta chưa giảm. Tuyến biên giới Việt - Lào chiếm hơn 60% tổng số hêrôin và gần 70% lượng thuốc phiện bị thu giữ trong toàn quốc; tuyến biên giới Việt - Trung chiếm gần 80% số thuốc tân dược gây nghiện bị thu giữ trong toàn quốc; tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia số cần sa bị phát hiện, thu giữ tăng gấp 5 lần.

Trên tuyến biên giới Việt - Lào, ma tuý chuyển vào nước ta chủ yếu là thuốc phiện, heroin, ma tuý tổng hợp; bọn tội phạm lợi dụng địa hình đường biên giới dài, hiểm trở để vận chuyển ma tuý (chủ yếu là heroin, thuốc phiện, methamphetamine) từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, trọng điểm là qua các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá rồi vận chuyển về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để từ đó toả đi các địa phương khác. Đáng chú ý là các địa bàn Lai Châu, Sơn La, Nghệ An chiếm tới 62,3% tổng số heroin và 76,6% tổng số thuốc phiện thu giữ được trong cả nước. Đã xuất hiện ngày càng nhiều loại ma tuý tổng hợp rất dễ sử dụng trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Tại các tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Thái Bình, Nam định, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện bắt giữ một số vụ mua bán methamphetamine ở dạng viên nén màu hồng có ký hiệu WY (hồng phiến) và một số loại viên màu trắng, xanh được đóng thành vỉ như thuốc kháng sinh. Các loại ma tuý này được sản xuất tại các nước láng giềng lân cận rồi vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm vì nó thể hiện xu hướng chuyển đổi của các tổ chức sản xuất, buôn lậu ma tuý quốc tế là giảm sản xuất các loại ma tuý truyền thống (như heroin, cocain...) để tập trung sản xuất, buôn bán các loại ma tuý tổng hợp vừa dễ sản xuất, nguồn nguyên liệu rẻ, có sẵn lại dễ tiêu thụ, dễ sử dụng và khó bị phát hiện.

Một khu vực trọng điểm về tội phạm buôn bán, vận chuyển ma tuý là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia do tuyến này gần thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung khoảng 30.000 người nghiện và địa hình biên giới thuận tiện cho việc qua lại đưa ma tuý vào, lại dễ thông thương với khu vực "tam giác vàng" có các cơ sở sản xuất ma tuý tổng hợp. Nếu như trước đây, ma tuý vận chuyển trái phép qua hướng này chủ yếu là cần sa thì nay là thuốc gây nghiện, chiếm tới 70% thuốc gây nghiện thu được trong cả nước.

Trên tuyến biên giới phía Bắc, ngoài các loại ma tuý truyền thống, gần đây bọn tội phạm đã vận chuyển sang nước ta tiêu thụ nhiều loại thuốc tân dược gây nghiện, như diazepam, seduxen, tiền chất...; phức tạp nhất là các địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Chỉ tính riêng các địa phương trên trong một thời gian ngắn ta đã khám phá bắt 48 vụ, trong đó có 2 đối tượng là người Trung Quốc, thu 55.000 ống thuốc tân dược gây nghiện. Trên tuyến biển đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu ma tuý lớn như vụ buôn lậu 60kg heroin từ cảng thành phố Hồ Chí Minh đi Đài Loan. Trên tuyến hàng không quốc tế đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép ma tuý do người nước ngoài và Việt kiều thực hiện; phần đông trong số họ là các đối tượng cờ bạc, nợ nần ở nước ngoài muốn kiếm tiền bằng việc vận chuyển ma tuý thuê…

Trên tuyến biên giới phía Tây Nam, hoạt động của bọn tội phạm ma tuý vẫn có chiều hướng gia tăng, ma tuý chủ yếu là heroin, cần sa được vận chuyển qua đường biên giới An Giang, Kiên Giang, Long An và từ đó đưa vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Trong nội địa, việc mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý xảy ra rất phổ biến tại các đô thị lớn; toàn quốc còn gần 1.500 tụ điểm, điểm phức tạp về buôn bán, sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa bàn phức tạp nhất về tội phạm ma tuý (chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 50% cả về số vụ và số đối tượng trong cả nước). Thành phố Hà Nội còn 44 tụ điểm và 144 điểm phức tạp thuộc địa bàn 86 phường, xã; thành phố Hồ Chí Minh còn 162 tụ điểm, 129 địa bàn ở khu dân cư, 33 điểm phúc tạp ở khu công cộng. Các hoạt động bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý luôn gắn chặt với con nghiện; những tụ điểm phức tạp về ma tuý chủ yếu do các đối tượng có tiền án, tiền sự, các con nghiện nặng cầm đầu nên việc giải quyết triệt để các tụ điểm rất khó khăn.

Bọn tội phạm câu kết chặt chẽ với các đối tượng nghiện trong các đường dây phân phối, bán lẻ ma tuý, triệt để sử dụng các đối tượng như trẻ em, người già, đối tượng chính sách, thậm chí cả đối tượng đã bị kết án về tội ma tuý nhưng không thi hành được hoặc các đối tượng đã bị nhiễm HIV/AIDS để hoạt động mua bán lẻ, tổ chức tiêm chích ma tuý. Đồng thời chúng cũng hình thành các "đại lý" và mạng lưới mua bán lẻ ở các tụ điểm, xóm liều, nơi có số đông phần tử phức tạp, khu lao động nghèo để tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Đã phát hiện nhiều trường hợp bọn tội phạm ma tuý lôi kéo con em cán bộ có cương vị trong xã hội, cán bộ, công nhân viên chức kể cả cán bộ cao cấp vào con đường nghiện ma tuý. Nguy hiểm hơn, bọn tội phạm đã câu kết, móc nối với nhiều cán bộ thoái hoá, biến chất ở ngay trong nội bộ các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng chống tội phạm, trở thành đồng bọn hoặc tiếp tay cho tội phạm hoạt động với quy mô và tính chất đặc biệt nguy hiểm; như các vụ án ma tuý ở Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là vụ bắt giam 4 người nguyên là sĩ quan công an tại Hà Giang vì liên quan đến các đường dây buôn bán ma tuý.

Nhằm đấu tranh phòng ngừa, phát hiện điều tra xử lý có hiệu quả tội phạm về ma tuý, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, các cơ quan chức năng mà trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp một cách hợp lý, quán xuyến được các tuyến, địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ kết hợp phát động phong trào quần chúng vì an ninh tổ quốc... Trong đó đặc biệt chú ý tập trung khám phá các đường dây buôn bán ma tuý lớn, triệt phá các tụ điểm phức tạp về tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý. Với đặc thù mang tính toàn cầu và xuyên quốc gia của tội phạm ma tuý, lực lượng Công an thường xuyên có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với ngành Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển trong tổ chức công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên các vùng biển của Việt Nam; xây dựng và ký thoả thuận với lực lượng thanh tra, quản lý dược trong việc chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan y tế quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế dược, buôn bán trái phép thuốc tân dược gây nghiện, tiền chất ma tuý. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma tuý vẫn chưa giảm, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực chung lớn hơn nữa của cả cộng đồng trong cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp với một trong những hiểm hoạ lớn của toàn xã hội.

3.1.4. Các tội phạm có sử dụng công nghệ cao

 Các tội phạm có sử dụng công nghệ cao đang là bài toán khá nan giải cho các cơ quan tư pháp hình sự, mà trước hết là các lực lượng trính sát, các cơ quan điều tra. Hiện nay, ở nước ta đã có hơn 8 triệu người sử dụng Internet với gần 12.000 tên miền (vn), với hơn 610.000 địa chỉ IP. Tỷ lệ người có máy tính và sử dụng internet tăng nhanh. Trong điều kiện đó tội phạm liên quan đến máy tính đã ngày càng xuất hiện nhiều. Đời sống xã hội đang ngày càng được tin học hoá thì tội phạm cũng sẽ diễn biến theo. Tội phạm công nghệ cao, mà trước hết tội phạm liên quan đến máy tính trở thành một mối nguy cơ cao, đe doạ trực tiếp đến an ninh, quốc phòng và các mặt khác của đời sống xã hội và công dân. Việc sử dụng những thành tựu của tin học trong các thủ đoạn phạm tội nhất là lừa đảo, tham ô, trộm cắp tài sản thông qua hệ thống tín dụng, ngân hàng, thẻ thông minh...là những vấn đề bắt đầu đặt ngành Cảnh sát và các cơ quan tư pháp trước những thách thức mới. Mặc dầu chung ta đã bắt đầu hình thành lực lượng chuyên trách đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, kinh nghiệm chưa có, mà tốc độ phát triển của tội phạm thì quá nhanh. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách cho những bước đón đầu. Giải pháp về cán bộ chuyên môn lĩnh vực này cho các ngành tư pháp, kết hợp trang bị phương tiện hiện đại phải được các cấp có thẩm quyền chú trọng.

3.2. Một số dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới

           Trên cơ sở tổng hợp thông tin từ nhiều phương diện khác nhau, nhất là từ những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy của một số công trình đã  được công bố, có thể khải quát một số nét rất căn bản của tình hình tội phạm trong 5 - 10 năm tới như sau:

+ Trước hết, nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia (theo quy định tại  Chương XI của BLHS 1999) sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với quá trình bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ, chúng  ta đã và đang phải đương đầu với hàng loạt những vấn đề phức tạp nảy sinh trên phương diện an ninh chính trị. Do quan hệ qua lại và trao đổi thông tin được mở rộng nhiều loại đối tượng lâu nay hoặc là nằm im chờ thời, hoặc là đã không còn hy vọng chống đối, nay có cơ hội ngóc đầu dậy chống đối. Hiện tượng hàng loạt những đối tượng cơ hội chính trị và phản động xuất đầu lộ diện như vừa qua cho ta thấy, cuộc đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia ngày một gay go và quyết liệt hơn. Hoạt động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch chống Việt Nam có cơ hội xâm nhập sâu hơn. Hiệp định thương mại Việt Mỹ được ký kết vừa tạo thuận lợi cho chúng ta trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá những cũng đặt chúng ta vào một trận địa mới của cuộc đấu tranh bảo vệ  an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nhất là trên lĩnh vực an ninh kinh tế. Diễn biến của các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia không chỉ phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ mà còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của tình hình thế giới, khu vực và các quan hệ chiến lược của chúng ta. Đây là những vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có những công trình dự báo chiến lược.

+ Các tội phạm hình sự như: xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân;  xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (theo quy định tại các Chương XII, chương XIII, XIV, XV và XIX của BLHS năm 1999) trong thập kỷ tới có thể sẽ diễn biến theo hướng dịu bớt, giảm bớt tính phổ biến do quá trình dân chủ hoá xã hội, do sự phát triển mạnh của văn hoá pháp lý của dân cư. Càng ngày vùng ẩn của tội phạm này càng có xu hướng thu hẹp. Chính điều đó đã làm cho khả năng đấu tranh, khắc phục chúng có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những loại hình hoạt động có ổ nhóm, tổ chức lại có xu hướng tăng lên, phức tạp hơn.

+ Các tội phạm kinh tế (xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tham nhũng) và tội phạm về môi trường (theo quy định tại các chương XIV, XVI và XVII của BLHS 1999) trong năm, mười năm tới chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên. Phương thức thủ đoạn sẽ tinh vi hơn và khó khăn hơn trong điều tra , truy tố, xét xử. Tội phạm ẩn trên lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục là vấn đề rất lớn đối với xã hội.

+ Các tội phạm về ma tuý nếu được tổ chức đấu tranh mạnh và có kế hoạch chặt chẽ như những năm vừa qua, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, đây vẫn còn là vùng nóng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý trong thời gian tới. Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý thì trong tương lai gần ở Việt Nam sẽ xuất hiện các cơ sở sản ma tuý trái phép từ các tiền chất ma tuý. Nhiều loại ma tuý và các chất gây nghiện được tuồn ra thị trường, đặc biệt là các chất ma tuý tổng hợp đang phổ biến ở các nước Châu Âu, Châu Mỹ sẽ xuất hiện ở Việt Nam được đưa vào Việt Nam với số lượng ngày càng nhiều. Tội phạm về ma tuý sẽ tăng hơn về số lượng vụ phạm tội và tính chất, mức độ cũng ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn. Bởi lẽ tội phạm ma tuý phát triển có nguyên nhân sâu xa từ nạn nghiện hút ma tuý. Trong khi đó đó tệ nghiện hút ma tuý có chiều hướng phát triển rất phức tạp, việc cai nghiện ma tuý hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Đây là một thị trường có nhu cầu ma tuý rất lớn. Mặt khác, nước ta có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động của tội phạm ma tuý quốc tế. Do vậy, các loại tội phạm về buôn bán và vận chuyển trái phép các chất ma tuý sẽ có chiều hướng tăng mạnh (do nhu cầu sử dụng cao, vị trí tự nhiên thuận lợi...). Kéo theo là nhóm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng có chiều hướng tăng mạnh. Đối tượng phạm tội sẽ rất đa dạng, không loại trừ khả năng các đối tượng phạm tội là các cán bộ có chức quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống ma tuý, khả năng xuất hiện các băng, nhóm mafia quốc tế tại Việt Nam..

Riêng nhóm tội trồng cây thuốc phiện, cây chứa chất gây nghiện sẽ giảm hẳn. Bởi lẽ, trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích đồng bào bỏ cây thuốc phiện, nhờ đó Nhà nước đã kiểm soát được tình hình trồng cây thuốc phiện và các loại cây khác có chứa chất ma tuý.

+ Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; các tội phạm về chức vụ  và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (các chương XX, XXI (mục B), XXII của BLHS 1999) diến biến gần với nhóm tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, theo cách nhìn của chúng tôi, đây là mảng tội phạm vẫn có nhiều vùng tối. Hiệu quả đấu tranh với tội phạm trên lĩnh vực này phụ thuộc vào những cố gắng cải cách hành chính và cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đặt ra hôm nay. 

+ Nhìn chung các tội phạm về chức vụ trong tất cả các lĩnh vực đều đang có xu hướng gia tăng nhưng lại đồng thời với nó là càng ngày độ ẩn của nhóm tội này càng cao do: cơ chế kiểm soát quyền lực của`xã hội kém hiệu quả trong những năm gần đây; công tác cán bộ có nhiều sai sót; lỏng lẻo; công tác đấu tranh tư tưởng không mang lại được hiệu quả đáng kể; nhưng tư tưởng tham lam, vụ lợi ích kỷ, tham nhũng, tiêu cực đang không được kiềm chế và đẩy lùi. Có một nghịch lý đang tồn tại là loại tội phạm này đang tăng tính phổ biến, nhưng đồng thời xã hội ngày càng có nhiều người đồng loã, kể cả cố ý, vô ý và bất đắc chí. Đây là điều đáng quan ngại nhất, vì chính hiệu quả cuộc đấu tranh với tội phạm trên mặt này chi phối rất lớn hiệu quả cuộc đấu tranh tổng thể của xã hội.

+ Các tội phạm về môi trường, đăc biệt là các nhóm tội phạm gây ô nhiễm môi trường có thể không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Tội phạm gây ô nhiễm về nguồn đất, nguồn nước (thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh,...) sẽ tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm do thiếu xử lý cần thiết các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp, do các hoá chất dùng trong nông nghiệp và các nguồn nhiễm xạ, nhiễm bẩn từ các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất... Tội phạm huỷ hoại các tài nguyên môi trường, vi phạm các chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường sẽ gia tăng một cách đáng kể và với mức độ ngày càng nguy hiểm, mang tính chất quyết liệt.Trong đó, ngày càng xuất hiện nhiều nhóm tội phạm có tổ chức khá chặt chẽ hoạt động mang tính chất xuyên quốc gia về buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Có nhiều khả năng có sự xâm nhập, móc nối của các tổ chức tội phạm quốc tế vào các hoạt động này.

Bên cạnh đó, có thể sẽ xuất hiện một số loại tội phạm mới trong lĩnh vực môi trường như:

- Tội vận chuyển chất thải, chất phóng xạ trái phép qua biên giới.

Giống như ở các nước Châu á khác, ở Việt Nam chất thải phóng xạ sinh ra ngày càng nhiều: ngoài lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, chất phóng xạ nguy hiểm sinh ra từ y học hạt nhân, từ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trong công nghiệp, địa chất, xây dựng, trong khi đó chúng ta lại chưa có biện pháp xử lý thích hợp về quản lý chất thải phóng xạ, đầu tư phát triển tổ chức, nhân lực và tài chính; Bên cạnh đó, việc nhập khẩu chất thải cũng đã bắt đầu thấy xuất hiện song chưa phải là phổ biến và chúng ta cũng chưa có một số liệu thống kê một cách thật đầy đủ và chính xác về loại hành vi này và do đó cơ quan điều tra cũng chưa khởi tố hình sự vụ vi phạm nào dưới hình thức phạm tội này.

Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta cần hết sức chú ý ở đây chính là bên cạnh việc hình sự hoá tội phạm này để xử lý đối với các tội phạm trong nước, chúng ta còn phải có kế hoạch phối hợp với tổ chức cảnh sát quốc tế về phòng chống loại tội phạm xuyên quốc gia này thì hiệu quả của công cuộc đấu tranh tội phạm môi trường mới có kết quả.

- Tội phạm về vũ khí sinh học. Vũ khí sinh học đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, đây là loại vũ khí dễ chế tạo, dễ sử dụng, giá thành thấp và hậu quả của nó gây ra cho nhân loại vô cùng khủng khiếp. Chỉ cần vài chục gam vi khuẩn dịch hạch hoặc nhiệt thân đựng trong ống thuỷ tinh nhỏ có thể dấu kín trong một chiếc bút máy cài sau ve áo,…khi tung ra có thể làm cho hàng nghìn người mắc bệnh trong một thời gian ngắn.

Việc phát hiện và ngăn chặn vũ khí sinh học này hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức nghiên cứu và luyện tập chống lại vũ khí này. ở Pháp, các cơ quan như Tổng cục An ninh đối ngoại, Tổng cục an ninh lãnh thổ, Tổng cục Tình báo, Quân đội, Cảnh sát đã tập dượt các phương án phát hiện và ngăn chặn vũ khí sinh học.Vũ khí sinh học đối với nước ta là một khái niệm còn hết sức mới mẻ. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động phòng ngừa và có thể có khả năng ứng cứu một cách kịp thời loại tội phạm vũ khí sinh học mang tính huỷ diệt này chúng ta cần thiết phải nghiên cứu và quy định tội danh này trong luật hình sự; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất cũng như các phương tiện kỹ thuật, tài chính cho việc này để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa cũng như đấu tranh chống loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này[23].

 

CHƯƠNG III

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

 

I. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

1  Chính sách hình sự phải nhằm mục đích bảo vệ, củng cố và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Xuất phát từ nguyên lý cơ bản: nhân dân là cội nguồn của quyền lực, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của chúng ta muốn thắng lợi phải huy động được sức mạnh của nguồn lực đó.

Bản chất Nhà nước và Pháp luật Việt Nam của dân, do dân vì dân quyết định những phương châm nguyên tắc, nội dung, giải pháp tổ chức cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Trung thành với bản chất đó của Nhà nước có nghĩa là cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm phải vì mục đích bảo đảm an toàn tính mạng tài sản, danh dự nhân phẩm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân một cách vô điều kiện. Cuộc đấu tranh đó cũng nhằm củng cố chính quyền của nhân dân, bảo vệ và củng cố nền dân chủ nhân dân trên cơ sở Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam.

Hoàn thiện chính sách hình sự là nhằm bảo đảm không ngừng củng cố quyền lực của chính quyền nhân dân.

Những vấn đề hình sự hoá và tội phạm hoá phải xuất phát từ mục đích bảo vệ chế độ xã hội, chế độ nhà nước, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Cùng với mục đích đó là mục đích an dân, bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm làm an lòng dân để người dân tin tưởng vào chế độ xã hội, chăm lo sản xuất, lao động sáng tạo dựng xây đất nước. Muốn vậy cần phải xuất phát từ những gíá trị xã hội mà Đảng đã định hướng và xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để tránh những hậu quả lập pháp xa rời thực tiễn, không mang tính hiện thực, trái với lòng dân.

2. Hoàn thiện chính sách hình sự phục vụ cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm là yêu cầu khách quan của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Đổi mới và không ngừng hoàn thiện các chính sách xã hội nói chung, trong đó có chính sách hình sự như một yêu cầu tất yếu và thường xuyên để bảo đảm sự phát triển xã hội; là quan điểm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Các Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam từ 1986 đến nay vẫn thường xuyên nhấn mạnh vai trò của chính sách xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Càng đổi mới cải cách, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi càng phải hoàn thiện chính sách xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội bởi trong xã hội càng hiện đại chính sách xã hội càng có vị trí quan trọng và ảnh hưởng to lớn.

Để công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá tiến triển tốt đẹp chúng ta cần giữ vững ổn định chính trị và một môi trường xã hội lành mạnh, trật tự pháp luật được bảo đảm và pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường.

Vì thế, mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn chiến lược từ nay đến 2010 về cơ bản là nhằm:

- Kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu và hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhất là những hoạt động chống phá của bọn tình báo, gián điệp, của các loại đối tượng có mưu đồ chống lại chính quyền nhân dân góp phần giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm bảo vệ an toàn Đảng, Nhà nước, bảo đảm an toàn cho việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước.

- Xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, trật tự pháp luật được bảo đảm và pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường, làm giảm tội phạm nói chung, kiềm chế và đẩy lùi được một số loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là những loại tội phạm và tệ nạn xã hội đang nhức nhối hiện nay. Những cố gắng của cuộc đấu tranh trước hết là nhằm làm giảm tội phạm ở các đô thị, các khu dân cư, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, công nghệ, đặc biệt là các loại tội phạm hình sự có tổ chức, có sử dụng bạo lực; tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, tội phạm hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em; tội phạm quốc tế; các loại tội phạm về ma tuý.

- Phải tập trung đấu tranh để kiềm chế và đi đến làm giảm cơ bản tội phạm kinh tế, nhất là tham nhũng, buôn lậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân. Quyết tâm kiềm chế và đi đến làm giảm căn bản các loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tối đa những thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

3. Chính sách hình sự của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm.

          Tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải được tiến hành trong môi trường xã hội lành mạnh, mọi người dân an tâm lao động sản xuất, xây dựng đất nước. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, mọi cơ quan xí nghiệp doanh nghiệp  và công dân đều cần có sự an toàn, yên ổn để hoạt động và chính họ cần được vận động, tổ chức tham gia tích cực vào quá trình đấu tranh tạo ra và bảo vệ môi trường đó. Đấu tranh ngăn chặn và kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, làm giảm tội phạm là phương hướng quan trọng nhất để tạo ra môi trường xã hội đó. Chính vì thế chính sách hình sự phải nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn thể nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội để nhân dân an tâm lao động, sinh hoạt và học tập và thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ hợp pháp của mình. Phải tạo ra được một khí thế mới của toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, coi đó như là một nét văn hoá mới của xã hội hiện đại.

          Từ những kinh nghiệm thực tiễn thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm  theo tinh thần Nghị quyết 09/CP của Chính phủ, cho thấy chỉ khi cả hệ thống chính trị cùng quan tâm và hướng sự cố gắng của mình vào cuộc đấu trinh với tội phạm thì hiệu quả cuộc đấu tranh mới mạnh mẽ và bền vững.

4. Chính sách hình sự của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải nhằm bảo vệ và cổ vũ sự đổi mới mạnh mẽ đời sống pháp lý của xã hội và sự hình thành hệ thống các quan hệ pháp luật, môi trường pháp lý mới

Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá tất yếu sẽ xuất hiện những loại tội phạm mới, những vấn đề của cuộc đấu tranh như trong phần dự báo chúng ta đã có dịp bàn đến. Những vấn đề như thế không phải là cái gì đó trái quy luật mà là hệ quả tất yếu, khách quan của những bước chuyển đổi hôm nay và nhiều năm trước đây.

Hiến pháp năm 1992 thể chế hoá đường lối, chính sách đổi mới của Đảng trong lĩnh vực kinh tế, thừa nhận có năm thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước. Thích ứng với năm thành phần kinh tế Bộ luật dân sự năm 1995 và 2005 cụ thể hoá các hình thức sở hữu phù hợp với các thành phần kinh tế. Mọi hình thức sở hữu đều được Nhà nước bảo hộ.

Cùng với đổi mới về kinh tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng có những đổi mới căn bản. Nhà nước chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, chế độ kinh tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi, vì hoà bình và an ninh chung.

Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 ra đời với các chế định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã có những điều chỉnh quan trọng. Chính sách hình sự của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải nhằm bảo vệ và cỗ vũ sự đổi mới mạnh mẽ trong đời sống pháp lý của xã hội và sự hình thành hệ thống các quan hệ pháp luật, môi trường pháp lý mới.

5. Hoàn thiện chính sách hình sự nhằm hiện đại hoá bản thân cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và vì hiệu quả xã hội của cuộc đấu tranh đó

Khi nghiên cứu tình hình, đặc điểm của tội phạm để hoạch định chính sách cũng như các giải pháp đồng bộ nhà lập pháp đã rất quan tâm đến những yếu tố: tình hình, cơ cấu, động thái, phương thức, thủ đoạn hoạt động và nhiều yếu tố khác.

Cơ cấu, động thái, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm hình sự nói chung cũng như các nhóm tội cụ thể là những yếu tố mang tinh chất cơ sở thực tiễn của chính sách hình sự. Trên cơ sở những kết luận rút ra từ việc nghiên cứu đó mà xác định yêu cầu và nhiệm vụ đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc đề ra những hướng mũi nhọn cơ bản, những lực lượng chủ công, những hướng ưu tiên chính trên mặt trận đấu tranh trong từng thời kỳ. Vì vậy cuộc đấu tranh với tội phạm hình sự phải được tổ chức tiến hành trên cơ sở khoa học hiện đại, phải được hiện đại hoá. Các giải pháp chiến lược phòng chống tội phạm phải được tình toán trên cơ sở của những kết luận có căn cứ của những dự báo khoa học. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật phải được từng bước hiện đại hoá. Hiện nay, các lực lượng Công an nhân dân, - chủ công trên mặt trận đấu tranh với tội phạm đang thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” cùng với cuộc vận động sâu rộng ” làm trong sạch, vững mạnh” đội ngũ cán bộ chiến sỹ. Đó là  một trong những biểu hiện cụ thể, sinh động của đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên lĩnh vực an ninh trật tự.

Tội phạm hình sự diễn ra rất đa dạng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều loại hành vi khác nhau. Trong các thời kỳ khác nhau cùng trên một địa bàn cũng có những thay đổi về cơ cấu tội phạm khác nhau. Ví dụ, ở thời điểm hiện nay, chủ yếu và phổ biến là các tội phạm xâm phạm tính mạng và sức khoẻ của con người; tội phạm về ma tuý, tội phạm liên quan đến các loại tệ nạn xã hội; tội phạm chiếm đoạt tài sản; tội phạm chống người thi hành công vụ; tội phạm về chức vụ; các tội phạm kinh tế và các tội phạm liên quan đến hoạt động tệ nạn xã hội. Những cố gắng lớn cần tập trung cho những mũi nhọn này. Sự hoàn thiện chính sách hình sự trên phương diện lập pháp mới chỉ tạo ra những tiền đề cho cuộc đấu tranh. Hiệu quả thắng lợi của cuộc đấu tranh còn đòi hỏi phải tăng cường hoàn thiện tổ chức, chiến thuật, phương tiện, biện pháp của cuộc đấu tranh này trong hoạt động thực tiễn của các cơ quan chức năng mà trước hết là các lực lượng cảnh sát. Chính sách hình sự của Nhà nước ta phải dành sự quan tâm đáng kể cho phương diện này của cuộc đấu tranh.

6. Chính sách hình sự phải được xây dựng trên cơ sở những nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu bảo đảm những điều kiện thuận lợi, an toàn cho các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội của nhân dân

 Những nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu bảo đảm những điều kiện thuận lợi, an toàn cho các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội của nhân dân là cơ sở thực tiễn quan trọng để đề ra chính sách hình sự..

Đảng và Nhà nước đề ra và lãnh đạo nhân dân ta thực hiện nhất quán một cách khéo léo, biện chứng hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt nam là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm chính là cuộc chiến đấu để bảo đảm những điều kiện môi trường an toàn, yên ổn cho việc thực hiện hai nhiệm vụ đó.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa là bộ phận của nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội vì ở đây giải quyết hàng loạt những nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng xã hội mới hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh. Các thiết chế dân chủ chỉ có thể được bảo đảm nếu cuộc đấu tranh với tội phạm có hiệu quả trên thực tế. Nhất là đấu tranh với các tội phạm về chức vụ, tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm đến những lĩnh vực hoạt động của Nhà nước. Có bảo đảm dân chủ thì mới có thể có công bằng, văn minh.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa là bộ phận của sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nó nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên nhiều phương diện.

Những nhiệm vụ nêu trên được phản ánh nhất quán trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta.

Những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng quy định mục tiêu, nhiệm vụ của các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách hình sự. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội quy định việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế để tạo động lực phát triển. Đến lượt sự cạnh tranh lành mạnh đó đòi hỏi phải có môi trường pháp lý bảo đảm hành lang an toàn cho mọi cuộc chơi đã dẫn đến một quan điểm mới trong chính sách hình sự của Nhà nước ta những năm chuyển giao thế kỷ là rút ngắn khoảng cách trong cách xử sự đối với các hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa và hình thức sở hữu riêng công dân. Tạo hành lang pháp lý để các hình thức sở hữu này trong một chừng mực nhất định có được sự bình đẳng và tự do cạnh tranh phát triển lành mạnh. Hệ quả là hai chương IV và VII trong Bộ luật hình sự năm1985 đã được sát nhập.

Các nhiệm vụ chiến lược chi phối những phương châm, nguyên tắc và phương pháp thực hiện các nhiệm vụ của các chính sách xã hội cụ thể trong đó có chính sách hình sự.

Trên lĩnh vực áp dụng pháp luật, những vấn đề chính trị xã hội vô cùng nhạy cảm, càng như vậy vai trò Chính sách hình sự trong việc điều chỉnh ý thức, tư duy pháp lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về điều tra, truy tố, xét xử trên lĩnh vực này càng vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong đấu tranh với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2020.

          Như ở phần lý luận đã phân tích, chính sách hình sự có phạm vi rộng lớn gồm nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn từ vấn đề phòng ngừa đến xử lý và tổ chức thi hành... Trong phạm vi của một đề tài cấp bộ, chúng tôi chỉ tập trung dự báo  những nội dung cơ bản nhất của chính sách hình sự trên các lĩnh vực cơ bản là:

          - Một số nội dung chủ yếu của việc hoạch định chính sách pháp luật hình sự;

          - Một số nội dung chủ yếu của việc hoạch định chính sách pháp luật tố tụng hình sự;

          - Một số nội dung cơ bản của việc hoạch định chính sách pháp luật thi hành án hình sự;

          - Một số nội dung về hoàn thiện tổ chức hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn tới;

1. Một số nội dung cơ bản của việc hoạch định chính sách pháp luật hình sự

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 xác định những nội dung cơ bản của Chính sách hình sự giai đoạn từ nay đến 2020 là:

+ Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.

          + Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác.

          + Xây dựng cơ chế phát huy sức mạnh của nhân dân, cơ quan, các tổ chức quần chúng trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng; bảo vệ người trung thực phát hiện, tố cáo, người điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng; khen thưởng người có công trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi tham nhũng.

- Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng đến 2020 xác định: Hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm theo hướng xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật là nòng cốt, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Hoàn thiện chính sách hình sự, bảo đảm yêu cầu đề cao hiệu quả phòng ngừa...

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng tôi cho rằng các định hướng chủ yếu của việc hoạch định chính sách PLHS cần được triển khai theo hướng:

- Về mặt lập pháp, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế định và các quy phạm trong BLHS năm 1999 hiện hành sao cho đảm bảo được tính nhất quán về mặt lôgic pháp lý của một loạt các quy phạm và các chế định pháp lý hình sự còn thiếu, chưa chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp; soạn thảo các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp để hỗ trợ trực tiếp (khi viện dẫn) và tăng cường hiệu quả cho việc áp dụng các chế định hoặc các quy phạm tương ứng của PLHS hiện hành (Ví dụ: Luật "Về đặc xá và đại xá").  

            - Về mặt thực tiễn, cần tiến hành tổng kết thực tiễn hoạt động tư pháp hình sự (nói chung) và thực tiễn áp dụng PLHS (nói riêng) để thấy rõ được hiệu quả và tính quyết định xã hội của từng chế định hoặc từng quy phạm tương ứng trong BLHS, cũng như những điểm hạn chế còn tồn tại trong PLHS thực định hiện hành nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống PLHS  quốc gia và từ đó, xây dựng án lệ như chiến lược CCTP đã xác định để đưa ra những giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo cho việc áp dụng chính xác nó (PLHS) trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm.

- Về mặt lý luận, cần xuất phát việc tổng kết thực tiễn lập pháp và áp dụng PLHS của đất nước, cũng như tham khảo kinh nghiệm lập pháp hình sự của những thành tựu lý luận của các NNPQ trên thế giới để phân tích thực trạng của hệ thống PLHS quốc gia và tình hình tội phạm, đồng thời trên cơ sở đó đưa ra cho hoạt động lập pháp và hoạt động áp dụng PLHS của Việt Nam các kiến giải lập pháp hoặc các kiến giải khoa học có căn cứ xác đáng, khả thi và đảm bảo sức thuyết phục. Chẳng hạn, thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn phát triển hiện nay của xã hội Việt Nam một số các chế định và các quy phạm của PLHS hiện hành của nước ta cần phải được tiếp tục nghiên cứu  để hoàn thiện như: các quy phạm về nguồn và nhiệm vụ của PLHS; chế định các nguyên tắc của luật hình sự; chế định hiệu lực của đạo luật hình sự; chế định lỗi; chế định về các giai đoạn thực hiện tội phạm; chế định tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm;chế định đồng phạm;chế định nhiều (đa) tội phạm; chế định các (tình tiết) trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi; chế định TNHS; chế định án treo; chế định án tích; chế định đặc xá, chế định đại xá; v.v...  Dưới đây, chúng tôi xin đi vào một số nội dung cơ bản của chính sách hình sự giai đoạn từ nay đến 2020, đó là         

1.1. Về vấn đề tội phạm

1.1.1. Hình sự hoá những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”, có thể thấy trong giai đoạn hiện nay, khoa học - công nghệ đã và đang khẳng định vai trò then chốt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là những thành tựu trong lĩnh vực tin học và mạng viễn thông đang được ứng dụng có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hoạt động tin học và mạng viễn thông ngày càng được xã hội hoá, trở thành nhân tố quan trọng trong việc phát triển lực lượng sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, hoạt động xâm phạm đến sự an toàn của mạng viễn thông có thể gây ra những ách tắc, rối loạn và thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt đối với đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì lẽ đó, vấn đề bảo đảm sự an toàn của mạng viễn thông cũng như việc trừng trị những hành vi xâm hại đến sự an toàn của lĩnh vực này trở lên rất cần thiết.

Ở Việt Nam những thập niên trước đây, sự phát triển của lĩnh vực tin học và mạng viễn thông còn hạn chế, do đó chưa xuất hiện các hoạt động xâm phạm sự an toàn của lĩnh vực này, công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm an toàn của mạng viễn thông chưa cấp thiết. Vì vậy, ở thời điểm ban hành BLHS năm 1985, Nhà nước chưa đặt vấn đề quy định các tội phạm cụ thể liên quan đến mạng viễn thông. Cho đến những năm gần đây, khi mạng viễn thông phát triển nhanh chóng và trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, những tác động tiêu cực đến lĩnh vực này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực cũng kéo theo sự xâm nhập của nhiều loại tội phạm mang tính quốc tế, trong đó có các tội phạm trong lĩnh vực mạng viễn thông.

 Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, Nhà nước đã bước đầu lựa chọn và xác định một số quan hệ xã hội quan trọng trong nhóm các quan hệ xã hội liên quan đến sự an toàn của mạng viễn thông để bảo vệ bằng pháp luật hình sự. Theo đó, đã bổ sung 3 điều về các tội phạm liên quan đến mạng viễn thông vào chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng của BLHS năm 1999 (Điều 224, tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học; Điều 225, tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử; Điều 226, tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính). Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLHS thấy nổi lên một số vấn đề sau đây:

- Khi xây dựng các điều luật nêu trên trong BLHS, chúng ta chủ yếu nhằm xử lý các hành vi trực tiếp xâm phạm đến sự an toàn của mạng viễn thông mà chưa đề cập đầy đủ các thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông hoặc công nghệ thông tin để phạm tội. Bởi lẽ, khi xem xét những vụ án loại này, các cơ quan có thẩm quyền chủ yếu căn cứ vào mục đích cuối cùng của kẻ phạm tội để xử lý theo các tội danh tương ứng của BLHS. Về cách áp dụng pháp luật như trên hiện đang có quan điểm cho rằng, việc chỉ căn cứ vào mục đích cuối cùng của kẻ phạm tội để lựa chọn tội danh xử lý là chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội; mà cần tách riêng những hành vi đó để quy định thành những tội danh độc lập trong BLHS sẽ phù hợp hơn.

- Thực tiễn cho thấy, hoạt động phạm tội xâm phạm an toàn mạng viễn thông đã vượt ra ngoài các hành vi được quy định trong BLHS năm 1999; do đó, những quy định hiện hành đã không bảo đảm là cơ sở pháp lý đầy đủ phục vụ có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đã xuất hiện nhiều hành vi nguy hiểm khác xâm phạm an toàn mạng viễn thông nhưng chưa được BLHS quy định là tội phạm, như: kết nối trái phép máy tính hoặc các thiết bị khác vào mạng viễn thông công cộng; thiết lập trái phép hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet hoặc các dịch vụ viễn thông công cộng khác; ngừng trái phép việc cung cấp dịch vụ Internet; kinh doanh trái phép dịch vụ Internet hoặc các dịch vụ viễn thông công cộng khác...

Để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động xâm phạm an toàn mạng viễn thông ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng, có thể nghiên cứu, xây dựng một số điều luật mới quy định các tội phạm về mạng viễn thông để bổ sung vào BLHS, cụ thể là 6 tội phạm mới sau đây:

- Tội ngừng trái phép việc cung cấp dịch vụ Internet gây hậu quả nghiêm trọng;

- Tội kết nối trái phép máy tính hoặc các thiết bị khác vào mạng viễn thông công cộng;

- Tội thiết lập trái phép hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet hoặc các dịch vụ viễn thông công cộng khác;

- Tội mạo danh trên Internet hoặc vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý tài nguyên Internet hoặc truy cập trái phép Internet;

- Tội vi phạm bí mật thông tin hoặc nhân thân của người sử dụng mạng máy tính điện tử gây hậu quả nghiêm trọng;

- Tội kinh doanh trái phép dịch vụ Internet hoặc các dịch vụ viễn thông công cộng khác.

Việc nghiên cứu xây dựng và bổ sung các điều luật nêu trên vào BLHS là quá trình phức tạp, cần có quá trình tổng kết và kiểm nghiệm thực tiễn một cách đầy đủ, toàn diện và phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy trong thời gian tới, một mặt các cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn về các tội phạm liên quan đến mạng viễn thông và công nghệ thông tin và tổng kết việc thực hiện BLHS năm 1999; từ đó có phương án cụ thể đề xuất sửa đổi, bổ sung BLHS, trong đó có việc bổ sung nhóm tội phạm nêu trên.

1.1.2. Về các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Trong quá trình thực hiện hội nhập quốc tế, sự khác nhau về pháp luật hình sự giữa Việt Nam và các nước đã gây trở ngại nhất định cho công tác đấu tranh chống tội phạm. Có thể thấy rõ vấn đề này khi xem xét các tội XPANQG, trong đó có tội phạm khủng bố, quy định tại Điều 84 của BLHS. Tội phạm này có một số điểm đáng chú ý là:

- Đây là một trong những tội XPANQG, và cũng theo đó, dấu hiệu bắt buộc là phải có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân;

- Hành vi khách quan là xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm tính mạng, xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ hoặc những hành vi khác uy hiếp tinh thần của con người; đối tượng xâm hại của tội phạm chỉ có thể là con người mà không phải là tài sản hoặc các vật khác. Những hành vi tuy xâm phạm đến con người nhưng không nhằm mục đích chống chính quyền hoặc hành vi khác xâm phạm đến tài sản... sẽ bị xử lý theo các tội danh khác tương ứng.

Quy định về tội phạm khủng bố như trên chủ yếu xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm và đặc điểm xây dựng pháp luật hình sự ở Việt Nam những năm qua, trong điều kiện quan hệ hợp tác của nước ta với các nước về lĩnh vực này còn hạn chế. Nay, với phạm vi cuộc đấu tranh chống tội phạm nói chung và chống khủng bố nói riêng đã được mở rộng trong khu vực và trên toàn thế giới, đòi hỏi phải nghiên cứu tính đến quan niệm của quốc tế về loại tội phạm này.

Hiện nay, mặc dù khủng bố đang là vấn đề bức xúc, nhưng pháp luật quốc tế chưa đưa ra một khái niệm chính thức, đầy đủ về tội phạm khủng bố. Tuy nhiên, nghiên cứu các điều ước về chống khủng bố quốc tế và qua theo dõi thực tiễn có thể thấy, quan niệm về tội phạm khủng bố giữa quy định trong pháp luật Việt Nam và nhận thức của nhiều nước trên thế giới đang có nhiều điểm khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong hợp tác về lĩnh vực này thời gian qua.

Thứ nhất, nếu như tội phạm khủng bố quy định tại Điều 84 BLHS có dấu hiệu bắt buộc là nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, thì đa số các nước khác không quy định mục đích của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc, hoặc chỉ cần mục đích tương đối rộng và không thật sự rõ ràng là "nhằm gây sức ép về chính trị".

Thứ hai, đối tượng xâm hại của tội phạm khủng bố, theo Điều 84 BLHS chỉ có thể là con người (tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể, tinh thần); nhưng đối với cộng đồng quốc tế thì ngoài đối tượng xâm hại chủ yếu là con người, tội phạm khủng bố còn có thể tấn công vào các mục tiêu không bắt buộc nhằm vào con người, mà có thể là các cơ sở kinh tế chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt của các quốc gia. Một ví dụ là những vụ tấn công đường ống dẫn dầu ở khu vực Trung Đông và các nước trong thời gian vừa qua; hoặc âm mưu phá hoại tuyến cáp quang xuyên đại dương... Nói cách khác, tội phạm khủng bố quốc tế có thể gây sức ép chính trị bằng hoạt động phá hoại tài sản.

Thứ ba, ngoài những hành vi khách quan của tội khủng bố quy định tại Điều 84 BLHS, pháp luật Việt Nam coi hoạt động tài trợ cho khủng bố là đồng phạm về tội này (với vai trò giúp sức). Trong pháp luật quốc tế, cùng với các hành vi trực tiếp thực hiện việc khủng bố, còn có những quy định cụ thể nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tài trợ cho khủng bố, hoặc các hoạt động tuy chưa có dấu hiệu liên quan tội phạm với khủng bố, nhưng cần ngăn chặn nhằm mục đích chủ yếu là phòng ngừa từ xa. Có thể thấy điều này khi nghiên cứu một số điều ước quốc tế về chống khủng bố như: Công ước năm 1999 về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố; Công ước năm 1979 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân; Công ước năm 1991 về việc đánh dấu vật liệu nổ dẻo để nhận biết; Nghị quyết số 1373 (2001) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về hợp tác toàn diện chống khủng bố...

Thứ tư, nếu như khủng bố là một tội danh tương đối độc lập trong BLHS, thì cộng đồng quốc tế luôn đặt tội phạm khủng bố trong mối liên hệ không thể tách rời với nhiều loại tội phạm nguy hiểm hoặc các hành vi bất hợp pháp khác, như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán ma tuý, rửa tiền, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân, hoá học, sinh học và các vật liệu có tính năng huỷ diệt khác... Điều này cho thấy phần nào sự khác biệt trong cách đặt vấn đề về tính chất nguy hiểm của tội phạm và vai trò đặc biệt quan trọng của cuộc đấu tranh chống tội phạm khủng bố cũng như của các hoạt động ngăn chặn từ xa tội phạm này.

Thứ năm, việc quy định tội khủng bố trong chương "các tội XPANQG" của BLHS đã dẫn đến vướng mắc trong các trường hợp có yêu cầu dẫn độ đối tượng bị khởi tố về tội này. Theo quy định tại Điều 3 Hiệp định mẫu của Liên hợp quốc về dẫn độ tội phạm thì việc dẫn độ sẽ không được chấp nhận nếu tội phạm yêu cầu dẫn độ bị nước được yêu cầu coi là tội phạm "mang tính chính trị". Hiện nay, trong khi chúng ta không thừa nhận Việt Nam có "tội phạm chính trị" hoặc "tù nhân chính trị" thì hầu hết các nước, nhất là các nước tư bản chủ nghĩa lại coi các tội XPANQG trong BLHS nước ta là tội phạm "mang tính chính trị", sẽ không được chấp nhận dẫn độ. Đây còn là cái cớ về pháp lý để các thế lực thù địch lợi dụng, một mặt gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống tội phạm của ta khi từ chối yêu cầu dẫn độ một số tội phạm; mặt khác bao che, nuôi dưỡng bọn tội phạm ở nước ngoài hoạt động chống lại Việt Nam.

Do BLHS chỉ quy định duy nhất một tội danh khủng bố trong Chương XI với dấu hiệu định tội khác với quan niệm của nhiều nước như trên, để tránh khả năng bị cho rằng Việt Nam đã bỏ lọt một số hoạt động khủng bố mà không bị trừng trị, nên chúng ta thường phải giải thích về những hành vi khác mà quốc tế coi là hoạt động khủng bố, tuy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 84 BLHS, nhưng vẫn bị Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm khắc bằng các tội danh khác, như tội giết người, tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ; tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; các tội chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ...

Hiện nay, thực hiện đường lối đổi mới về đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chúng ta đang tích cực mở rộng quan hệ về nhiều mặt chủ yếu là đối với các nước không thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, nên sự khác biệt về hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng giữa Việt Nam với các nước càng thể hiện rõ nét và là khó khăn không nhỏ khi thực hiện hội nhập quốc tế. Những vấn đề xung đột pháp luật nảy sinh không chỉ mang ý nghĩa pháp lý đơn thuần, mà trong nhiều trường hợp sẽ là hạn chế cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo nên sự ngăn cách giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, các thế lực thù địch đã lợi dụng kẽ hở này để xuyên tạc, kích động chống phá ta.

Do đó, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự cần nghiên cứu quan niệm rộng rãi của các nước trên thế giới và quy định của luật pháp quốc tế về tội phạm khủng bố, đặc biệt là về mục đích và đối tượng xâm hại của loại tội phạm này. Đứng trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, việc tiếp cận với pháp luật quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật là xu hướng tất yếu. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm khủng bố trong phạm vi quốc gia và quốc tế, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về tội phạm khủng bố trong BLHS đối với các hành vi khủng bố khác không có mục đích chống chính quyền, hoặc hành vi khủng bố không nhằm vào các mục tiêu là con người cho phù hợp với quan niệm rộng rãi của cộng đồng quốc tế về vấn đề này, trong điều kiện an ninh chính trị của nước ta ngày càng được tăng cường và ổn định.

Từ thực tiễn nghiên cứu về tội phạm khủng bố, cũng nên cân nhắc việc tách khỏi chương về các tội XPANQG của BLHS đối với một số tội danh nhạy cảm về chính trị và đối ngoại, như tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN, tội khủng bố... Nên chăng, thay vì quy định các tội này trong chương về các tội XPANQG, sẽ bổ sung mục đích chống chính quyền là một tình tiết tăng nặng đặc biệt đối với các tội phạm về những hành vi tương ứng.

1.1.3. Về tội phạm tham nhũng.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, liên quan đến Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, cần bổ sung tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư, trong đó có tội làm giầu bất chính; đồng thời nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của các điều luật trong BLHS quy định các tội phạm về kinh tế, các tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm về tham nhũng đối với lĩnh vực ngoài khu vực Nhà nước, hay còn gọi là “khu vực tư” (một khái niệm khá phức tạp hiện chưa có sự luận giải thoả đáng). Đây là một trong những điểm còn có ý kiến khác nhau trong quá trình hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tham nhũng và cũng là vấn đề tồn tại trong quá trình nghiên cứu xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một trong những “quốc nạn” ở Việt Nam hiện nay.

Trong lĩnh vực kinh tế, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX thì ở nước ta đang tồn tại 3 hình thức sở hữu (nhà nước, tập thể và tư nhân) với 6 thành phần kinh tế; trong đó, ngoài kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, còn có 4 thành phần kinh tế khác. Sắp tới, thực hiện mạnh mẽ chủ trương cổ phần hoá và sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi thành các doanh nghiệp không hoàn toàn thuộc về khu vực Nhà nước. Cùng với quá trình đổi mới, các doanh nghiệp loại này sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế quốc dân và theo đó, những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi ở lĩnh vực này sẽ tác động ngày càng lớn đến xã hội; những hành vi đó nếu không coi là tham nhũng thì việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chúng sẽ chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Trong BLHS, các hành vi tham nhũng gồm 7 điều luật trong mục A Chương XXI “Các tội phạm về tham nhũng” và 2 điều luật trong mục B Chương XXI (tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ) của BLHS. Tại Điều 277 BLHS quy định chủ thể của các tội phạm này là người “được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”; tuy nhiên, hiểu như thế nào là “công vụ” hiện còn có ý kiến khác nhau. Ngoại trừ các cán bộ, công chức, còn có những người được thuê làm cho Nhà nước theo hợp đồng, những người khác tuy không được thuê bằng một giao kết cụ thể nhưng lại làm một việc nhất định có tính chất công vụ theo nghĩa vụ công dân... có được coi là thực hiện công vụ hay không? Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta như hiện nay, người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi ở các doanh nghiệp không phải 100% vốn Nhà nước (như các công ty cổ phần, các liên doanh giữa Nhà nước và tư nhân hoặc nước ngoài...) có coi là tham nhũng hay không, lĩnh vực đó có phải là “lĩnh vực Nhà nước” không... là những vấn đề cần trao đổi thêm. Tuy nhiên, vừa qua một số vụ chiếm đoạt tài sản xảy ra trong các công ty cổ phần vẫn được cơ quan điều tra khởi tố với tội danh tham nhũng, như vụ Trần Nghĩa Vinh và đồng bọn tham ô tài sản, nhận hối lộ ở Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí Pjico và nhiều vụ án khác.

Trước đây, do có sự phân biệt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân nên trong BLHS năm 1985 quy định tội xâm phạm các loại tài sản này thành hai nhóm tội riêng biệt. Nay, BLHS năm 1999 đã gộp chung lại thành một chương (các tội xâm phạm sở hữu) và chỉ coi xâm phạm tài sản của Nhà nước là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 48 BLHS). Thực tế công tác điều tra các tội phạm về kinh tế, tham nhũng đã gặp nhiều khó khăn khi cần xác định tội danh đối với những hành vi phạm tội xảy ra trong các cơ quan, tổ chức không phải hoàn toàn của Nhà nước.

Theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng thì tham nhũng trong khu vực tư chưa thật sự phổ biến trong nhận thức và hành động của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do tính chất ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả của việc tư nhân hoá mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội... nên Công ước đã ghi nhận sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực tư. Điều 12 của Công ước quy định các quốc gia thành viên, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến khu vực tư, ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực áp dụng đối với các hành vi vi phạm.

Như vậy, để làm rõ vấn đề ở Việt Nam có hay không tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước (khu vực tư) để bổ sung vào BLHS cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện về lý luận, pháp lý và thực tiễn, kết hợp tham khảo có chọn lọc kinh nghiệp lập pháp của nước ngoài để có cơ sở để tiến tới hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó có việc tiếp cận dần với những quan niệm pháp lý phổ biến trong cộng đồng quốc tế về vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu này.

1.1.4. Các tội phạm về ma tuý

Phòng, chống ma tuý là một nội dung quan trọng của chính sách hình sự trong giai đoạn tới. Trước mắt cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma tuý trong pháp luật hình sự và hành chính, phân định rõ hơn về chế tài hành chính và hình sự trong xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ma tuý. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm ma tuý theo hướng:

- Nghiên cứu định lượng một cách khoa học, chính xác số lượng các chất ma tuý (đặc biệt là những dạng ma tuý tổng hợp mới xuất hiện trong thời gian vừa qua) làm cơ sở cho việc xác định khung hình phạt đối với các hành vi phạm tội cụ thể;

- Nghiên cứu phân hoá, cá thể hoá trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm ma tuý. Cần quy định thêm khung hình phạt nhẹ hơn đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển ma tuý thuê cho người khác;

- Quy định và áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản, phương tiện dùng để hành nghề hoặc do vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống ma tuý có được;

- Thực hiện định cư bắt buộc, giáo dục lao động nhằm nâng cao ý thức lao động, làm ăn lương thiện, buộc những đối tượng có hành vi nguy hiểm cho xã hội sau khi chấp hành hình phạt phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với xã hội.

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật hình sự cần hoàn thiện các quy định khác của pháp luật hành chính trong phòng, chống ma tuý như:

- Quy định chế độ lao động, làm việc, dạy nghề phù hợp với các đối tượng ma tuý. Đối với những đối tượng ma tuý có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có chủ trương trợ giúp về việc làm, chỗ ở, chuyển đổi cơ cấu canh tác, sản xuất phù hợp, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh... ;

- Tăng cường xử lý hành chính đối với những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tăng cường sự phối kết hợp giữa các lực lượng phòng, chống ma tuý, đặc biệt là Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng trong công tác kiểm soát ma tuý qua biên giới;

- Tăng cường các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những người nghiện ma tuý nhưng chưa đến mức phải đưa vào cơ sở chữa bệnh. Kiên quyết đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với những người nghiện ma tuý đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn chưa cai nghiện được, người tái nghiện, người nghiện nặng không có khả năng cai nghiện tại cộng đồng...

1.1.5. Về các tội xâm phạm sở hữu và trật tự quản lý kinh tế.

Qua nghiên cứu lý luận, thực trạng pháp luật hình sự và thực trạng diễn biến tình hình tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực xâm phạm sở hữu, trật tự quả lý kinh tế cho thấy nhiều quy định của Bộ luật hình sự  năm 1999 về các tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); tội buôn lậu (Điều 153); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139)... vẫn chưa thật sự rõ ràng, khó có thể phân biệt ranh giới mỏng manh giữa vi phạm hình sự với vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính, nhiều khái niệm như các khái niệm” lừa đảo chiếm đoạt” “ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt” được hiểu khác nhau và khó khăn khi áp dụng luật.... Điều này đã dẫn đến tình trạng “hình sự hóa” các tranh chấp kinh tế hoặc “phi hình sự hoá” các hành vi phạm tội về kinh tế. Thực tế hoạt động điều tra hình sự cho thấy, một số trường hợp có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng do trong cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có ý kiến cho rằng đó chỉ là vi phạm hợp đồng kinh tế, dân sự, dẫn đến “tranh cãi” giữa các cơ quan có thẩm quyền, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Trong khi đó chủ thể vi phạm đã “cao chạy xa bay”. Khi khởi tố, điều tra mới thấy đối tượng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí tài sản của Nhà nước, của công dân đã bị chuyển ra nước ngoài không thể thu hồi. Khi đó, nếu có xác định trách nhiệm thuộc về cơ quan nào thì cũng không thể khôi phục được thiệt hại, đem lại sự công bằng cho xã hội[24].

     Do vậy, về mặt chính sách hình sự trong thời gian tới cần sớm sửa đổi bổ sung các quy định về tôi phạm và hình phạt trong lĩnh vực sở hữu, trật tự quản lý kinh tế. Trong đó cần làm rõ các quy định về: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng trái phép tài sản (Điều 139, 140, 141, 142 Bộ luật hình sự năm 1999). Trong  đó nêu rõ những khái niệm tội phạm, dấu hiệu cấu thành tội phạm, những trường hợp thường bị oan sai trong thực tiễn đấu tranh, phòng chống các tội phạm trong thời gian qua, nêu rõ đối tượng chứng minh của các tội phạm này, phân biệt tội phạm này với các hành vi vi phạm hành chính, dân sự, kinh tế.

Mặt khác, một số tội phạm như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm (các Điều 139; Điều140)... cần quy định theo hướng phân hoá hơn nữa thành các tội phạm cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm đáp ứng được tính đa dạng các quan hệ trong nền kinh tế hàng hoá cũng như các dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo.

Tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy sự phân hoá này rất rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Chẳng hạn BLHS Cộng hoà Liên Bang Nga các tội phạm liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng nói riêng và các tội phạm kinh tế nói chung qui định khá chi tiết: ví dụ Đ.159: tội chiếm đoạt tài sản, quyền tài sản của người khác bằng lừa dối và lạm dụng lòng tin; Đ.173: Kinh doanh giả thành lập các tổ chức kinh tế  không với ý định thực hiện hoạt động kinh doanh mà nhằm mục đích vay tiền của ngân hàng, hưởng ưu đãi về thuế, và các lợi ích khác hoặc với mục đích che dấu các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, gây thiệt hại vật chất cho công dân , tổ chức và nhà nước ; Đ176: Nhận các khoản vay không hợp pháp:1/ vay tiền hoặc vay với các điều kiện ưu đãi bằng cách cung cấp các chứng cứ giả tạo về tình hình sản xuất, tình hình tài chính gây thiệt hại cho ngân hàng. 2/ nhận các khoản vay ưu đãi của nhà nước theo các dự án một cách bất hợp pháp hoặc sử dụng các khoản vay này không đúng mục đích gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và nhà nước; các Điều 196,197,195 về tội cố ý gây mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản; phá sản giả để không phải trả nợ…[25].

Bên cạnh đó cần bổ sung thêm  một số hành vi tính chất nguy hiểm và gây hậu quả lớn cho sự an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ nhưng chưa được pháp luật hình sự đề cập đến, như: hành vi phổ biến những thông tin không trung thực, tung tin đồn nhảm gây hậu quả nghiêm trọng, đe doạ sự an toàn của hệ thống ngân hàng; hành vi giả mạo các chứng từ có giá, hành vi ký phát hành séc, hối phiếu không có số dư trên tài khoản hoặc vượt quá số dư trên tài khoản (không có thoả thuận thấu chi) dẫn đến tờ séc bị từ chối thanh toán.Xét về bản chất đây là một hành vi xâm hại đến hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, lừa đảo trong kinh doanh . Theo pháp luật một số quốc gia (như CH Pháp) nếu ký phát hành séc vượt quá một số dư nhất định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  Hành vi xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại thay đổi chương trình  hoặc cơ sở dữ liệu trong mạng máy tính  sử dụng trong thanh toán; che dấu hoặc thực hiện các dịch vụ thanh toán, hợp thức hoá các khoản tiền có dấu hiệu về nguồn gốc bất hợp pháp mà thực chất đây là một trong những hình thức của hoạt động rửa tiền cũng chưa được đề cập trong pháp luật hình sự[26].

1.1.6. Về các tội phạm môi trường[27].

a) Điều chỉnh tối đa, rõ ràng cụ thể về mặt pháp luật hình sự những vấn đề quan trọng liên quan đến các tội phạm về môi trường

Phương hướng hoàn thiện này thể hiện ở những khía cạnh, nội dung sau:

- Quy định một cách chính xác tối đa giới hạn giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm về môi trường và hành vi  nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường không bị coi là tội phạm. Vấn đề này không chỉ có ý nghĩa pháp lý quan trọng mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, môi trường to lớn. Về nguyên tắc, giới hạn giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm về môi trường và hành vi không bị coi là tội phạm trong lĩnh vực này phải được Bộ luật Hình sự quy định và quy định rõ ràng chứ không nên giao quyền đó cho các cơ quan khác phân định, đặc biệt là các cơ quan áp dụng pháp luật. Ở đây việc nhận thức và quy định rõ khái niệm tội phạm về môi trường và vi phạm pháp luật hành chính về môi trường có ý nghĩa rất quan trọng. Nghiên cứu 10 tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự hiện hành cho thấy vấn đề này chưa được nhà lập pháp nước ta quy định rõ, chưa cụ thể mà giành quyền đó cho các cơ quan khác. Đó là một chỗ hổng cần phải được khắc phục.

- Quy định rõ ràng, cụ thể, chính xác các cấu thành tội phạm về môi trường, bởi vì điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm tính ổn định, tính thống nhất của hoạt động áp dụng pháp luật. Tính rõ ràng, cụ thể, chính xác đề cập đến tất cả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm về môi trường, đặc biệt là các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan và khách quan. Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội phạm về môi trường cho thấy có một số điều luật quy định tội phạm về môi trường có các dấu hiệu quá chung chung, không rõ ràng, cụ thể, chính xác bởi vậy rất khó có được nhận thức chung trong việc giải thích pháp luật và do vậy, đương nhiên làm cho các cơ quan áp dụng pháp luật khó áp dụng. Việc hoàn thiện các dấu hiệu cấu thành tội phạm về môi trường theo hướng nêu trên phải dựa vào thành tựu phát triển của khoa học môi trường, vào các phạm trù, khái niệm của lĩnh vực khoa học đó.

- Giải thích tốt về mặt lập pháp mối tương quan của luật và quyền phán quyết của Toà án, tức là phải quy định rõ giới hạn có căn cứ về quyền tự phán quyết của Toà án. Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội phạm về môi trường cho thấy nhà làm luật chưa giải quyết tốt mối tương quan nói trên. Để bảo đảm tính tối cao của luật, tính thống nhất của việc áp dụng nó, chúng tôi cho rằng trong lĩnh vực các tội phạm về môi trường, nhà làm luật cần thu hẹp quyền tự phán quyết của Toà án trong việc định tội danh. Điều này lại càng có ý nghĩa lớn đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay, khi mà đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố và xét xử chưa có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực môi trường.

b) Tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường

So với Bộ luật Hình sự năm 1985, trong lĩnh vực môi trường Bộ luật Hình sự năm 1999 có nhiều quy định về các tội phạm mới. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và ngày càng sử dụng một cách rộng rãi hơn công cụ pháp lý hình sự để bảo vệ lĩnh vực đó. Đây là hướng phát triển hợp quy luật của pháp luật hình sự.

Tuy vậy, nghiên cứu diễn biến của các quan hệ môi trường đã và đang diễn ra ở xã hội nước ta cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự và các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm đó (tuy rằng đã có sự tiến bộ rất lớn so với trước đây) cho thấy rằng việc bảo vệ bằng các quy định của pháp luật hình sự đối với các quan hệ đó vẫn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết chiều sâu và chiều rộng của loại quan hệ đang phát triển rất nhanh đó. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường cần được tiến hành theo hướng tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực này. Việc tội phạm hoá trong lĩnh vực này có thể được tiến hành bằng hai cách sau: 1) tội phạm hoá một số hành vi mới, nguy hiểm lớn cho xã hội xâm phạm lĩnh vực môi trường, nẩy sinh trong quá trình phát triển của xã hội; 2) tội phạm hoá lại những hành vi đã được luật hình sự hiện hành coi là tội phạm về môi trường, nhưng do sự thay đổi của tình hình mà hành vi đó có tính chất nguy hiểm lớn hơn cần quy định lại và tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với chúng. Việc tội phạm hoá trong lĩnh vực này cần theo hướng phân hoá cao hơn, tức là cần quy định nhiều tội phạm hơn theo sự xâm hại đến các yếu tố của môi trường.

          c) Cần quy định các cấu thành tội phạm trong lĩnh vực môi trường dưới  dưới dạng là cấu thành tội phạm hình thức. Bởi lẽ:

Thứ nhất: Trong lĩnh vực môi trường, dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội thường rất khó xác định, nhất là trong những trường hợp gây nhiễm độc hoá chất, làm suy giảm chất lượng môi trường sống...

Việc định lượng các thiệt hại về môi trường (hậu quả) là một trong những vấn đề rất phức tạp và khó khăn vì những lý do sau đây:

- Thiệt hại về môi trường rất khó được chứng minh đầy đủ. Bởi vì môi trường là tổng hợp các điều kiện sống của con người cũng như của hệ sinh vật, nên nó cấu thành bởi rất nhiều yếu tố (nhiều thành phần) khác nhau, các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau và tác động tương hỗ lẫn nhau và cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đến tài sản của họ. Việc gây ra những thiệt hại cho thành phần môi trường này có thể sẽ đồng thời làm cho một hoặc vài thành phần môi trường khác bị tổn hại và nguy hiểm hơn  là gây thiệt hại hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho sức khoẻ của con người  và tài sản của họ. Như vậy, điều đó cho thấy rằng hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường có thể gây ra nhiều loại thiệt hại khác nhau. Việc xác định thiệt hại tổng thể do tội phạm về môi trường gây ra đòi hỏi phải xuất phát và dựa vào việc xác định các thiệt hại cụ thể đối với từng thành phần môi trường, thiệt hại đối với tài sản, thiệt hại đối với sức khoẻ, tính mạng của con người.

-  Hậu quả  mà con người phải gánh chịu từ hành vi ô nhiễm  hoặc suy thoái môi trường có thể trực tiếp và có thể gián tiếp hoặc do sự cộng hưởng của những nguyên nhân khác. Môi trường là đối tượng khai thác, sử dụng của rất nhiều người, vì vậy trên thực tế có những thiệt hại về môi trường có thể do sự tác động đồng thời của nhiều người, nhiều nguyên nhân gây nên (dù rằng với những mức độ tác động không giống nhau) và các tác động này thường mang tính tiềm ẩn, đan xen nhau. Vấn đề quan trọng là phải chỉ rõ trong các thiệt hại đó có các thiệt hại nào là thiệt hại do việc thực hiện các tội phạm về môi trường gây ra. Việc xác định thiệt hại đó lại gặp khó khăn nhiều hơn trong trường hợp khi những thiệt hại về môi trường do hành vi phạm tội gây ra lại nằm trong số các thiệt hại do sự cố môi trường, sự biến môi trường gây ra. Vì vậy, việc xác định việc thực hiện tội phạm về môi trường có phải là nguyên nhân gây tổn hại cho sức khoẻ và tính mạng của con người đòi hỏi phải dựa vào cả những yếu tố định lượng lẫn những yếu tố định tính.

- Trong một số trường hợp không thể xác định được ngay mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xẩy ra, bởi vì hậu quả xẩy ra có thể do nhiều nguyên nhân gây ra (đã nói ở trên) hoặc hậu quả không xẩy ra ngay sau khi hành vi phạm tội đã được thực hiện mà phải trải qua một thời gian rất dài mới nảy sinh, xuất hiện, ví dụ: các trường hợp bị nhiễm chất phóng xạ, chất độc hoá học...

- Các tiêu chí xác định tính chất ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi vi phạm pháp luật môi trường ở nước ta chưa được hình thành, chẳng hạn như việc phân loại thiệt hại môi trường, tính chất, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của các thiệt hại này đến môi trường và đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Chính vì những khó khăn về việc xác định hậu quả và mức độ hậu quả mà luật một số nước như Singapore, Australia,... chỉ quy định tội phạm môi trường là loại tội phạm có cấu thành hình thức và hậu quả (nếu có) chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thứ hai : Vì coi trọng hoạt động bảo vệ môi trường và đề cao việc bảo vệ lợi ích công cộng nên theo quan điểm của chúng tôi thì chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện tính chất nguy hiểm của tội phạm đó.

          Cách xây dựng cấu thành tội phạm trong lĩnh vực môi trường theo hướng xây dựng các cấu thành hình thức sẽ trách được những khó khăn, phức tạp, tốn kém trong việc định lượng hậu quả của hành vi thiệt hại như đã phân tích trên (đây là một trong những lý do cơ bản làm cho việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Chương tội phạm môi trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn). Mặt khác, xét về mặt kỹ thuật lập pháp, việc xây dựng cấu thành hình thức sẽ mang lại tính ổn định cao của Bộ luật (việc xác định hậu quả, định lượng thiệt hại... thường chỉ phù hợp với tình hình thực tiễn ở thời điểm quy định, ít mang tính dự báo dài hạn), giúp cơ quan áp dụng pháp luật vận dụng pháp luật một cách linh hoạt, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm hiệu quả hơn, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm của tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể.

d) Tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường và bảo đảm sự tương xứng giữa các chế tài của các tội phạm về môi trường.

Nghiên cứu các hình thức trách nhiệm, mức độ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các tội phạm về môi trường cho thấy Nhà nước ta đã thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm đó so với Bộ luật Hình sự năm 1985. Tuy vậy, xuất phát từ  nhu cầu đấu tranh đối với các tội phạm này trong giai đoạn hiện nay, thì sự nghiêm khắc đó  vẫn chưa thoả đáng. Mặt khác, nghiên cứu về các loại và mức chế tài được quy định đối với các tội phạm về môi trường trong chương XVII của Bộ luật Hình sự cũng chỉ rõ rằng nhà làm luật chưa bảo đảm sự tương xứng về mức nghiêm khắc của các chế tài đối với các tội phạm về môi trường. Chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường cần phải khắc phục các hạn chế nói trên.

Về nội dung thứ nhất cần hoàn thiện theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với khoản 2 ở một số tội phạm về môi trường và tăng mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt tiền ở tất cả các khoản 1 của các điều luật quy định các tội phạm về môi trường. Đặc biệt đối với các tội phạm về môi trường gây ra các loại thiệt hại về tài sản, thiệt hại về môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, thiệt hại về giá trị cảnh quan.

Về nội dung thứ hai, cần cân đối lại mức nghiêm khắc của các chế tài (loại và mức) đối với các tội phạm về môi trường theo hướng là các tội phạm về môi trường  (được quy định ở khung cơ bản, khung tăng nặng và khung tăng nặng đặc biệt) có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội tương đối như nhau thì cần quy định những loại và mức chế tài có mức nghiêm khắc giống nhau.

đ) Bổ sung một số tội phạm mới.

Trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu và bổ sung một số tội phạm mới. Cụ thể là:

- Tội vận chuyển chất thải, chất phóng xạ trái phép qua biên giới;

- Tội phạm về vũ khí sinh học;

- Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh khi tiến hành sản xuất:

- Tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm cho môi trường:

- Tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hay độc tố sinh học khác;

- Hình sự hoá thêm một số tội danh trong Bộ luật Hình sự của nước ta về một số tội liên quan tới môi trường (mặc dù các hành vi vi phạm  này đã được quy định trong một số văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường) như: các hành vi khai thác, buôn bán rễ hồi, móng trâu, bò, dầu xá xị, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc...; các hành vi nhập khẩu các loại vật nuôi (ốc bươu vàng, cá hổ, sâu sống làm thức ăn cho chim cảnh), giống cây trồng (ngô không hạt ở Lâm đồng, khoai tây ghẻ...), các loại hoá chất độc hại (thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng, các hoá chất độc hại  trong việc chế biến và bảo quản lương thực, thực phẩm  gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của nhân dân) không rõ nguồn gốc...

1.1.7. Rà soát và quy định rõ các tình tiết định khung phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng”, “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọngtrong các cấu thành tội phạm cụ thể

Đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, được quy định trong nhiều điều luật của Phần các tội phạm. Tuy nhiên, do chưa được hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan tư pháp lúng túng khi cần xác định cụ thể như thế nào là phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng và phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng, cũng như phân biệt giữa các tình tiết này và các tình tiết định khung tăng nặng khác, như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”...  Có điều luật quy định đối với cùng một tội, nhưng ở khoản này quy định các tình tiết định tội hoặc tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”... nhưng ở khoản tăng nặng tiếp theo lại quy định các tình tiết “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng”, “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng” dẫn đến không nhất quán và rất khó xác định cụ thể trong thực tiễn.

Vì vậy, đề nghị hoặc là bỏ các tình tiết “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng”, “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng” trong Phần các tội phạm. Trong trường hợp vẫn để các tình tiết này thì cần có giải thích rõ về cách hiểu trong Phần chung của BLHS, đồng thời không nên quy định chúng trong cùng một điều luật với các tình tiết tăng nặng khác như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”...

1.1.8. Nội luật hoá quy định của điều ước quốc tế trong quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự

Vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và nội luật hoá quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập đã được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đó là: “Ký kết và gia nhập các công ước quốc tế về chống khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống rửa tiền, chống tham nhũng, các hiệp định tương trợ tư pháp. Chú trọng việc nội luật hoá những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Sớm ban hành Luật dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù”. Trong bối cảnh đó, quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự cần được chú trọng để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật mà Đảng ta đã đề ra.

Quá trình đàm phán đi đến ký hoặc gia nhập các điều ước quốc tế cần nghiên cứu kỹ những quy định của pháp luật hình sự hiện hành Việt Nam, nhất là những vấn đề mang tính nguyên tắc. Ngược lại, khi nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự cần xem xét đến quy định liên quan của các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Vì theo thông lệ quốc tế và theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, sau khi các điều ước quốc tế có hiệu lực thì bắt buộc chúng ta phải sửa đổi, bổ sung BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành cho không được trái với điều ước quốc tế; nhưng nếu đó lại là những quy định quan trọng hoặc những nguyên tắc của pháp luật hình sự thì sẽ nảy sinh xung đột pháp luật và chúng ta sẽ gặp khó khăn khi cần thực hiện những cam kết quốc tế. Vấn đề này rất quan trọng, đặc biệt đối với những điều ước quốc tế đa phương có số lượng lớn quốc gia thành viên; vì khi đó, quy định của điều ước quốc tế đã thể hiện ý chí chung của đa số các nước trên thế giới hoặc trong khu vực, chúng ta khó có thể sửa đổi điều ước quốc tế đó cho không trái với pháp luật Việt Nam trước khi xem xét việc ký hoặc gia nhập. Nói cách khác, trong trường hợp đó cần sửa đổi, bổ sung quy định của nội luật cho phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam xét thấy không thể đứng ngoài, trong xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay.

Một thực tế là BLHS hiện hành được xây dựng chủ yếu dựa trên cách thức làm luật truyền thống (căn cứ vào thực tiễn trong nước là chính) và nội dung của nó kế thừa rất nhiều quy định của BLHS năm 1985, khi mà Việt Nam chưa bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa. Do đó, có nhiều quy định có sự cách biệt với pháp luật quốc tế và pháp luật các nước tiên tiến. Chúng ta có thể thấy một cách gián tiếp thực trạng này là khác với các nước Âu - Mỹ, hiện nay ở nước ta ngành luật so sánh (ngành luật đối chiếu) chưa mạnh; sự hạn chế về ngoại ngữ, với phương pháp làm luật còn ít nhiều mang tính "nghiệp dư" và nguồn tài liệu tham khảo của nước ngoài khá nghèo nàn nên trong thực tế, các nhà làm luật và các cơ quan có thẩm quyền của ta ít quan tâm tham khảo hoặc tham khảo chưa sâu pháp luật quốc tế và pháp luật có liên quan của nước ngoài trong quá trình xây dựng pháp luật quốc gia. Mặc dù trong kế hoạch xây dựng các dự án luật, pháp lệnh đều đề ra việc nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, nhưng trong thực tế không thực hiện được, hoặc thực hiện kém hiệu quả, hoặc ngược lại, áp dụng máy móc quy định của pháp luật nước ngoài mà không tính đến đặc thù của tình hình thực tiễn nước ta; do đó, tính khả thi của các quy phạm pháp luật chưa cao.

Một hạn chế trong hệ thống pháp luật Việt Nam là quá trình nội luật hoá quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập còn chưa được quan tâm và chậm thực hiện. Hiện nay có thể nói, trong nhận thức và thói quen của các nhà làm luật mới chủ yếu coi trọng yêu cầu xuất phát từ thực tiễn ở trong nước mà chưa quan tâm thỏa đáng đến các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nói chung, chúng ta chưa thực hiện được một trong những yêu cầu quan trọng nhất của điều ước quốc tế là chuyển tải những quy định của điều ước quốc tế thành quy định của nội luật; sau khi Nhà nước ta ký kết hoặc gia nhập một điều ước quốc tế nào đó thì có rất ít văn bản pháp luật của Việt Nam quy định riêng về việc thực hiện các điều ước quốc tế này.

Một trong những khó khăn nữa là hệ thống văn bản pháp luật hình sự Việt Nam gồm nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cấp ban hành; trong đó, bên cạnh BLHS (do Quốc hội ban hành) thì có rất nhiều văn bản dưới luật do Chính phủ hoặc các bộ, ngành ban hành nên hiệu lực không cao (đến nay đã có hàng chục nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn BLHS được ban hành, riêng các chương quy định tội phạm có 13 thông tư liên tịch). Trong khi đó, quan niệm của quốc tế lại rất coi trọng các luật nên trong nhiều trường hợp các nước cho rằng Nhà nước Việt Nam thực hiện không nghiêm túc các nghĩa vụ đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết hoặc gia nhập, vì ta không đưa ra được các luật cụ thể nhằm thực hiện các điều ước đó; trong khi nhiều nước sau khi ký kết hoặc tham gia một điều ước quốc tế thì nhà nước sẽ ban hành một văn bản luật để thực hiện điều ước đó. Trong quy định của các điều ước quốc tế, một trong những biện pháp quốc gia chủ yếu để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết là biện pháp pháp lý; và đây là vấn đề mà cộng đồng quốc tế rất quan tâm khi đánh giá thái độ của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện điều ước quốc tế; có thể nói vấn đề này là một điểm yếu trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng của Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại một cách nghiêm túc một số quan niệm pháp lý - chính trị mà chỉ còn lại ở Việt Nam và một số ít nước. Ví dụ: từ trước đến nay nhiều người cho rằng Việt Nam không có “tội phạm chính trị” và theo đó, quan niệm về “tội phạm có tính chất chính trị hoặc tội quân sự thuần tuý (offence of a political character or a purely military offence - trích Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Hàn Quốc) vẫn còn là mới mẻ, nhưng thực tế ta đã ký một số điều ước quốc tế hợp tác về tư pháp hình sự có những quy định nêu trên. Những vấn đề đặt ra xung quanh nhóm tội XPANQG là rất nhạy cảm, song không có nghĩa là cứ né tránh mãi vấn đề này, khi mà quá trình hội nhập quốc tế buộc chúng ta phải đối mặt với những sự khác biệt pháp lý ấy và đòi hỏi có hướng giải quyết phù hợp trước những lợi ích lớn lao mà sự hội nhập mang lại cho đất nước, trong khi vẫn có thể giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia. Hoặc quy định về “vũ khí” trong các điều 230, 232, 233, 234, 235 của BLHS và các văn bản quy phạm pháp luật khác (như Quy chế quản lý vũ khí ban hành kèm theo Nghị định số 47 ngày 12/8/1996) đã không đề cập cụ thể, đầy đủ đến những loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt mà thế giới đang rất quan tâm, như vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, vũ khí hoá học... Do đó, khi nghiên cứu để ký kết, gia nhập và nhất là trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế liên quan (như Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Công ước cấm vũ khí hoá học...) chúng ta đã gặp nhiều khó khăn.

1.2. Về vấn đề hình phạt và hệ thống hình phạt

1.2.1. Về hình phạt tử hình và hạn chế hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự nước ta

BLHS năm 1999 có 29 điều luật quy định hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ 11% tổng số điều quy định tội danh. Về cơ cấu, các tội XPANQG (7 điều luật); các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người (3 điều luật); các tội xâm phạm sở hữu (2 điều luật); các tội phạm về ma tuý (3 điều luật); các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (2 điều luật); các tội phạm về chức vụ (3 điều luật); các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (3 điều luật) và các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (3 điều luật). Qua 5 năm triển khai thực hiện Bộ luật này đã đặt ra một vấn đề khá phức tạp là cần nghiên cứu để tiếp tục quy định hình phạt tử hình trong BLHS như thế nào cho phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và đường lối đổi mới của đất nước cũng như chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định: “Hoàn thiện chính sách hình sự, bảo đảm yêu cầu đề cao hiệu quả phòng ngừa; hạn chế hình phạt tử hình...”; cùng đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã nêu rõ: “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đây là những định hướng quan trọng cho quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự, đặc biệt là việc nghiên cứu quy định trong BLHS về hình phạt tử hình, loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt ở nước ta.

Khi nghiên cứu về hình phạt tử hình, quá trình hoàn thiện chính sách hình sự cần giải quyết vấn đề: sắp tới có cần thiết tiếp tục quy định hình phạt tử hình trong BLHS hay không, nêu có thì cần được xử lý như thế nào? Theo kết quả nghiên cứu Đề tài cấp bộ năm 2003 "Một số vấn đề về hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình - Thực trạng và giải pháp" (do Viện khoa học pháp lý chủ trì), thì trong thời gian tới vẫn cần thiết duy trì hình phạt tử hình, đồng thời phải hạn chế hình phạt này trong BLHS.

Trước hết, cần khẳng định rằng trong tình hình nước ta hiện nay và những năm tới chưa thể loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt trong BLHS, vì:

- Tử hình là loại hình phạt cần thiết nhằm trừng trị người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng đặc biệt: một trong những nguyên tắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự là người có tội phải bị trừng trị bằng một hình phạt tương xứng. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam cho thấy, ngày nay đã và đang xuất hiện nhiều loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng đến những lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân cần phải bị nghiêm trị. Trong nhiều trường hợp người phạm tội đã phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc những tội ác mà xã hội không thể dung thứ và trong những trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng đặc biệt thì cần thiết áp dụng hình phạt cao nhất, đó là hình phạt tử hình.

Đánh giá dư luận xã hội hiện nay, đa số ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết duy trì hình phạt tử hình và việc áp dụng bản án tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp. Thực tiễn cho thấy nhiều vụ án, kẻ phạm tội dùng những thủ đoạn dã man, tàn ác để phạm tội, gây phẫn uất, bức xúc trong xã hội, thì việc áp dụng hình phạt tử hình đã góp phần ổn định dư luận, đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp. Có thể nói từ khi Nhà nước ban hành BLHS năm 1985 đến nay, chưa có trường hợp nào người phạm tội bị Toà án áp dụng hình phạt tử hình và bản án đã được thi hành nhưng lại gây phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.

- Hình phạt tử hình có tác dụng răn đe, giáo dục người khác: Một trong những mục đích của hình phạt được quy định tại Điều 27 của BLHS là hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Mặc dù việc Toà án áp dụng hình phạt tử hình và đặc biệt là việc thi hành bản án tử hình không được tuyên truyền rộng rãi; song nó có tác động rất lớn đến mọi người và có ý nghĩa giáo dục họ không vi phạm pháp luật, không phạm tội, nhất là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do đặc thù của hình phạt tử hình, nên tác dụng giáo dục chung chủ yếu tập trung vào số đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, hoặc đối với chính bản thân những người phạm tội khác.

Xét về mặt tâm lý tội phạm, hầu hết người phạm tội đều sợ bị trừng phạt, sợ hình phạt và đặc biệt là hình phạt tử hình. Có thể thấy rõ điều này khi nghiên cứu một số nhóm tội phạm nguy hiểm như: các tội phạm về ma tuý, các tội xâm phạm tính mạng (tội giết người), tội xâm phạm danh dự nhân phẩm (tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em...); các tội xâm phạm sở hữu (tội cướp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản)... Người phạm tội trong khi thực hiện hành vi phạm tội thì một mặt cố gắng thực hiện tội phạm đến cùng; nhưng đồng thời luôn có xu hướng đối phó với việc nếu bị bắt, bị truy tố xét xử thì sẽ bị xử phạt tử hình, bằng cách che dấu hoặc tránh những tình tiết định khung hình phạt cao nhất. Với một số tội phạm mà điều luật có quy định về định lượng để áp dụng khung hình phạt tử hình thì bọn tội phạm thường chú ý thực hiện ở dưới mức định khung đó; hoặc chia nhỏ ra thành nhiều lần để mỗi lần phạm tội sẽ không đến mức bị kết án tử hình... Những dấu hiệu này cho thấy, hình phạt tử hình đã thực sự có tác dụng trấn áp và răn đe người phạm tội; và trong nhiều trường hợp, thủ phạm đã phải thú nhận là chính mối lo sợ sẽ bị kết án tử hình đã ngăn chúng lại không tiếp tục phạm tội ở mức độ nguy hiểm hơn.

Một vấn đề luôn bị đối tượng phạm tội lợi dụng là quy định của pháp luật thi hành án phạt tù của Việt Nam về việc xét giảm án hoặc xét đặc xá cho người đang thi hành hình phạt tù, trong đó có cả phạm nhân trước đó bị kết án tử hình, được Chủ tịch nước ân giảm xuống thành tù chung thân. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đặc xá, phạm nhân bị kết án tử hình đã được ân giảm xuống tù chung thân có thể được đặc xá nếu đã chấp hành hình phạt tù được trên 12 năm; đối với người bị kết án tù chung thân thì thời hạn này là 10 năm. Thực tế cho thấy, nhiều phạm nhân bị xử phạt tù chung thân hoặc bị kết án tử hình và được ân giảm xuống tù chung thân đã được Nhà nước xét cho giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc cho đặc xá tha tù. Do đó, người phạm tội cho rằng chỉ có hình phạt tử hình là thực sự "đáng sợ", vì nếu bị xử phạt tử hình thì chúng sẽ không còn cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường; còn nếu chỉ bị xử phạt tù, kể cả tù chung thân chúng vẫn hy vọng sẽ "thoát" được, bằng việc giảm án hoặc đặc xá. Đây là vấn đề rất đáng lưu ý, có thể coi là đặc thù của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thi hành án phạt tù; khác với pháp luật nhiều nước là rất hạn chế việc xét giảm án hoặc xét đặc xá và do đó, phạm nhân phải chấp hành đầy đủ các hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân.

Với cách nhìn nhận như trên, tiêu chí để xác định tội phạm cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình là: các tội XPANQG; các tội xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm người khác; các tội xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước; các tội mà tất cả các quốc gia, cộng đồng quốc tế đều tăng cường đấu tranh phòng, chống và cực lực lên án... Theo đó, đề nghị vẫn giữ hình phạt tử hình đối với các tội phạm sau: tội phản bội tổ quốc (Điều 78 BLHS), tội  hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 BLHS), tội gián điệp (Điều 80 BLHS), tội bạo loạn (Điều 82 BLHS), tội  hoạt động phỉ (Điều 83 BLHS), tội  khủng bố (Điều 84 BLHS), tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật nước CHXHCN Việt Nam (Điều 85 BLHS), tội giết người (Điều 93 BLHS), tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS), tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS), tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS), tội sản xuất trái phép chất ma tuý (Điều 193 BLHS), tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194 BLHS), tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ (Điều 221 BLHS), tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231 BLHS), tội chống mệnh lệnh (Điều 316 BLHS), tội đầu hàng địch (Điều 322 BLHS), tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334 BLHS).

Về việc hạn chế quy định hình phạt tử hình trong BLHS và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, cần nghiên cứu để tiếp tục bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm trong BLHS. Tiêu chí để xác định tội phạm cần xem xét bỏ hình phạt tử hình là:

- Các tội phạm mà bằng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng có thể hạn chế được sự gia tăng tội phạm, hạn chế tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm;

- Các tội phạm về kinh tế, các tội chỉ xâm phạm đến tài sản mà tài sản bị xâm phạm có khả năng thu hồi;

- Các tội phạm trong thực tế rất ít khi xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng Toà án không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử;

- Các tội phạm mà nhiều nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình.

Theo đó, đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm quy định trong 11 điều luật sau đây của BLHS:

- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS);

- Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS);

- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS);

- Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180 BLHS);

- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197 BLHS);

- Tội tham ô tài sản (Điều 278 BLHS);

- Tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS);

- Tội đưa hối lộ (Điều 289 BLHS);

- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341 BLHS);

- Tội chống loài người (Điều 342 BLHS);

- Tội phạm chiến tranh (Điều 343 BLHS).

Bên cạnh việc nghiên cứu xoá bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm như đã nêu ở trên, cần xem xét để sửa đổi một số điều luật trong BLHS về những tội còn quy định hình phạt tử hình nhưng nâng mức độ tăng nặng lên hơn nữa mới có thể bị xử phạt tử hình (ví dụ: tăng thêm định lượng tài sản bị chiếm đoạt; tăng tỷ lệ thương tật nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ; tăng lượng ma tuý đã buôn bán...); hoặc quy định trong trường hợp phạm tội có rất nhiều tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ mới có thể bị xử phạt tử hình...

Mặc dù Bộ luật hình sự hiện hành qui định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử đã thể hiện sâu sắc chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, tuy nhiên, để thể hiện hơn nữa chính sách nhân đạo này, chúng tôi cho rằng BLHS Việt Nam cần mở rộng hơn nữa diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình, mà trước hết là những người phạm tội trên 70 tuổi không kể là nam hay nữ (đối tượng này đã từng được quy định tại Bộ luật Hồng Đức 1483 trong thời kỳ phong kiến Việt Nam). Bởi vì đây là những người già, họ có đặc điểm đặc biệt về sức khoẻ và tâm lý, nếu không phạm tội chắc chắn họ là lớp người cần được sự chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội. Do vậy, phù hợp với đạo lý thì mức hình phạt cao nhất có thể áp đối với người trên 70 tuổi khi phạm tội chỉ có thể là hình phạt tù chung thân.

Tham khảo và học tập kinh nghiệm lập pháp hình sự của Trung Quốc về việc qui định hình phạt tử hình. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu nhằm bổ sung vào nội dung của qui định tại Điều 35 BLHS theo hướng “nhân đạo hơn”, tạo điều kiện cho người bị kết án tử hình có cơ hội hoàn lương và trở về với cộng đồng xã hội. Đó là trong trường hợp chưa cần thiết phải thi hành án ngay đối với người bị kết án tử hình, thì đồng thời với việc tuyên án tử hình, toà án có thể tuyên bố hoãn tử hình sau hai năm và buộc người bị kết án phải cải tạo lao động để theo dõi thái độ tự cải tạo của họ trong thời gian đó. Nếu người bị kết án tử hình trong thời gian được hoãn thi hành đã thật sự hối cải thì sau khi đủ hai năm, hình phạt tử hình có thể được thay bằng hình phạt tù chung thân. Nếu trong thời gian này, người bị kết án có nhiều tiến bộ, lập công lớn thì sau khi đủ hai năm, hình phạt tử hình có thể được thay bằng hình phạt tù 30 năm. Ngược lại, nếu người bị kết án tử hình trong thời gian được hoãn thi hành bản án này mà ngoan cố không chịu cải tạo, hoặc phạm tội mới thì theo quyết định hoặc phê chuẩn của TANDTC, bản án tử hình sẽ được đem ra thi hành.

Trong hoạt động xét xử hình phạt tử hình luôn coi hình phạt tử hình là phương án lựa chọn cuối cùng của Hội đồng xét xử. Trong xét xử nếu có tình tiết dù là nhỏ nhất nhưng có ảnh hưởng đến việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt đều phải được các Tòa án sử dụng triệt để để không lựa chọn việc áp dụng hình phạt tử hình. Trong hoạt động thi hành án cần có những qui định mở rộng những căn cứ, điều kiện hoãn và miễn thi hành hình phạt tử hình. Đặc biệt những quy định liên quan đến việc ăn năn, hối lỗi, lập công chuộc tội, giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.Trong quá trình hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS, cần chú ý mở rộng những trường hợp mặc dù điều luật vẫn còn quy định hình phạt tử hình nhưng khi xét xử, Toà án không cần thiết áp dụng hình phạt tử hình; hoặc mặc dù đã bị xử phạt tử hình nhưng không cần thi hành hình phạt này mà đề nghị Chủ tịch nước cho ân giảm xuống tù chung thân nếu phát hiện thấy nhiều tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, như khắc phục đáng kể hậu quả tác hại, bồi thường thiệt hại, ăn năn hối cải và khai báo những thông tin quan trọng phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...

1.2.2. Về hình phạt tù và các hình phạt khác không phải là phạt tù

a) Đối với hình phạt tù: đây là loại hình phạt khá nghiêm khắc và được quy định phổ biến trong hầu hết các điều luật của BLHS. Chúng tôi cho rằng thời gian qua, việc quy định hình phạt này trong BLHS là tương đối hợp lý; hình phạt tù đã có tác dụng rõ rệt trong việc trừng trị kẻ phạm tội, đồng thời có ý nghĩa giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới; hình phạt tù còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng hình phạt tù cũng cho thấy những bất cập nhất định, mà trước hết là tình trạng tăng lên không ngừng của số lượng phạm nhân trong các trại giam dẫn đến sự quá tải ở các cơ sở giam giữ; theo đó là những khó khăn trong việc cải thiện điều kiện giam giữ, sinh hoạt, lao động, học tập, khám chữa bệnh... của người bị kết án phạt tù. Do đó, cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, sự nâng cao dân trí, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật, yêu cầu của hội nhập quốc tế... thì cần nghiên cứu giảm hình phạt tù trong BLHS và thay vào đó là áp dụng các loại hình phạt khác không phải là phạt tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ... trong đó, cần tập trung vào các loại tội ít nghiêm trọng hoặc các trường hợp phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đề ra yêu cầu: “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền; cải tạo không giam giữ đối với các loại tội ít nghiêm trọng”.

Quán triệt quan điểm nêu trên, trong quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự cần giảm bớt quy định hình phạt tù trong BLHS và thay vào đó là các hình phạt khác không phải là hình phạt tù; đồng thời, đối với những tội phạm tuy BLHS vẫn còn quy định hình phạt tù thì trong khi xét xử, Toà án cũng hạn chế áp dụng hình phạt này, chỉ tuyên phạt tù trong trường hợp thật sự cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội và xét thấy cần thiết phải quản lý chặt chẽ người đó trong một môi trường đặc biệt là trại giam.

Để bảo đảm đạt được mục đích của hình phạt, đồng thời với việc hạn chế quy định hình phạt tù trong BLHS và hạn chế áp dụng hình phạt này trong khi xét xử, cần nâng cao hiệu quả áp dụng các hình phạt không phải là hình phạt tù, nhất là phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài về việc bổ sung các hình thức khác chấp hành hình phạt tuy không tước tự do (như phạt tù giam) nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ người bị kết án, bằng cách áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao trong việc giám sát người bị kết án, cho họ vẫn có thể chung sống với cộng đồng nhưng hạn chế và loại trừ khả năng tái phạm, theo dõi chặt chẽ di biến động của họ, không để họ trở thành mối nguy hiểm cho xã hội.

b) Đối với hình phạt tiền: phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm các tội ít nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính... BLHS hiện hành có 69/263 điều luật quy định phạt tiền là hình phạt chính và 110/263 điều quy định phạt tiền là hình phạt bổ sung, điều này cho thấy yêu cầu áp dụng phổ biến hình phạt tiền trong chính sách hình sự nước ta. Tuy nhiên, nhiều mức tiền phạt quy định còn bất hợp lý, không phù hợp với thực tế; mức tiền phạt đối với một số loại tội phạm là quá cao do quan niệm cho rằng với mức phạt đó mới đủ sức răn đe, ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm. Trong nhiều vụ án, toà án tuyên mức phạt mà trong thực tế không có khả năng thi hành, như vụ Tân Trường Sanh có 3 bị cáo bị xử phạt trên 950 tỷ đồng trong khi khả năng thi hành chỉ khoảng 100 tỷ đồng; vụ Vũ Xuân Trường và đồng bọn, một số bị cáo bị tử hình hoặc tù chung thân và còn bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng...

Một tồn tại nữa là, pháp luật hiện hành chưa có quy định việc miễn hoặc giảm chấp hành hình phạt này dẫn đến tình trạng nợ, tồn đọng án kéo dài không thể giải quyết dứt điểm (hiện nay có trên 57.000 vụ với số tiền trên 4.900 tỷ đồng không thi hành được vì người phải thi hành đang chấp hành hình phạt tù hoặc không có tài sản). Số lượng bản án phạt tiền được thi hành nghiêm chỉnh là rất ít, điều đó bộc lộ sự hạn chế của các cơ quan thi hành án và sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là trong trường hợp người bị kết án có điều kiện kinh tế để có khả năng thi hành án nhưng bản án vẫn không được thi hành.

Từ thực tế đó cho thấy, pháp luật hình sự cần được điều chỉnh khi quy định mức tiền phạt đối với một số loại tội phạm theo hướng bám sát hơn điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta trong từng thời kỳ và được Toà án áp dụng linh hoạt, hợp lý khi tuyên phạt đối với từng bị cáo, phù hợp với tính chất, đặc điểm của tội phạm và điều kiện, khả năng thực tế bảo đảm thi hành án của người bị kết án. Trong BLHS cần bổ sung quy định việc miễn hoặc giảm chấp hành hình phạt tiền đối với trường hợp thực tế không có khả năng thi hành hoặc có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

c) Tương tự, hình phạt cải tạo không giam giữ, hiện nay việc áp dụng hình phạt này cũng chưa được thực hiện phổ biến; số lượng bị cáo bị xử phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ không đáng kể, trung bình mỗi năm chỉ khoảng gần 2% tổng số các trường hợp bị áp dụng hình phạt.

Một tồn tại, hạn chế là hình phạt cải tạo không giam giữ chưa được chấp hành nghiêm chỉnh trên thực tế; hầu hết các cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm và cũng không có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục người bị kết án. Hiện nay ở trung ương và địa phương vẫn chưa có một cơ quan nào chuyên trách theo dõi công tác thi hành hình phạt này. Nhiều bản án được Toà án tuyên hình phạt này nhưng trong thực tế, người bị kết án vẫn hoàn toàn tự do và không có ai quản lý, giáo dục họ. Pháp luật tuy đã có quy định về trách nhiệm của các cơ quan thi hành án, quyền và nghĩa vụ của người bị kết án trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng hầu hết các uỷ ban nhân dân cấp xã chưa nắm được chức năng, nhiệm vụ của mình đối với việc thi hành hình phạt này. Tình trạng phổ biến ở nhiều đơn vị, địa phương là còn gặp nhiều lúng túng về trình tự, thủ tục thi hành án, về các biện pháp quản lý, giáo dục người bị kết án, về xử lý các trường hợp vi phạm nên đã buông lỏng việc thi hành án. Từ đó dẫn đến việc tuyên các hình phạt này chủ yếu mới mang tính hình thức, không bảo đảm tính răn đe, giáo dục của hình phạt.

Đến nay, mặc dù trong BLHS có quy định tội không chấp hành án (Điều 304) nhưng thực tế có rất ít người không chấp hành án lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Vì vậy, việc nghiên cứu hạn chế hình phạt tù và thay vào đó là các hình phạt khác nhẹ hơn phải được tiến hành trong bối cảnh các hình phạt do Toà án tuyên đều phải được thi hành nghiêm chỉnh, trong đó có hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ, đúng như yêu cầu được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị là “xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành”.

1.2.3. Về quy định về việc hoãn chấp hành và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của BLHS thì người bị xử phạt tù chưa chấp hành bản án có thể được hoãn chấp hành hình phạt, phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù trong trại giam có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nếu thuộc một trong những trường hợp như:

- Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

- Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

- Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm.

Trong thực tế, những trường hợp được hoãn chấp hành hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số người bị kết án còn ở ngoài xã hội. Cần lưu ý là, những đối tượng nêu trên là người phạm tội và đã có bản án phạt tù của Toà án, họ được tạm thời ở ngoài xã hội chủ yếu vì lý do nhân đạo, do đó họ không hoàn toàn được tự do mà phải chịu sự quản lý nhất định của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 263 của BLTTHS thì người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc quản lý. Tuy nhiên, đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về việc quản lý những đối tượng này trong thời gian họ được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án. Để việc quản lý được chặt chẽ và bảo đảm đúng mục đích của việc hoãn hoặc tạm đình chỉ thì cần có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người bị kết án; trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi ngưòi bị kết án cư trú hoặc làm việc; chế độ quản lý, giáo dục đối với những người này... Do pháp luật chưa quy định chặt chẽ những vấn đề nêu trên nên thời gian qua, việc quản lý người bị kết án phạt tù được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt còn bị buông lỏng; người bị kết án tự do đi lại, cơ quan có thẩm quyền không nắm được đầy đủ thông tin về họ...

Cần thấy rằng, mặc dù khoản 2 Điều 61 quy định trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước, tức là họ sẽ không được hoãn chấp hành hình phạt nữa, nhưng thực tế cơ quan tư pháp ở nhiều địa phương vẫn e ngại không buộc họ phải vào chấp hành hình phạt trong trại giam, chủ yếu do những khó khăn khi phải quản lý người bị kết án đang có thai, đang nuôi con nhỏ hoặc bị bệnh nặng...

Việc cho phép người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành hình phạt hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt là quy định chủ yếu mang tính nhân đạo; tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng quy định này của pháp luật để trốn tránh việc vào trại giam chấp hành hình phạt tù. Đây là tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương nhưng các cơ quan chức năng đang lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các quy định tại Điều 61 và Điều 62 của BLHS. Phổ biến nhất là trường hợp người bị kết án là phụ nữ đã lợi dụng việc được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61, theo đó, đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Những người này khi được tại ngoại, đã liên tục có thai để kéo dài thời hạn được hoãn hoặc tạm đình chỉ, khi con gần đủ 36 tháng tuổi lại có thai tiếp... Nhiều trường hợp trong số này đã tiếp tục phạm tội mới (chủ yếu là các tội phạm về buôn bán ma tuý), nhưng cơ quan pháp luật gặp khó khăn khi cần bắt, giam giữ, xét xử và thi hành án với họ.

Việc bắt những đối tượng nêu trên vào trại giam để chấp hành hình phạt vừa không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 61 của BLHS, vừa làm tăng thêm khó khăn cho các trại giam do tình trạng trẻ em trên 2 năm phải ở trong trại cùng với mẹ hiện đang là vấn đề vướng mắc chưa có hướng giải quyết. Theo quy định tại Quy chế trại giam ban hành kèm theo Nghị định số 60-CP ngày 16/9/1993 của Chính phủ thì nữ phạm nhân có con nhỏ trên 2 tuổi phải gửi con về gia đình hoặc người thân nuôi; trường hợp họ không có người thân thì Ban Giám thị trại liên hệ gửi con của phạm nhân vào các trại xã hội. Tuy nhiên đa số người thân của những người này không muốn nhận các cháu về nuôi; các trại xã hội lại chỉ nhận các cháu có hộ khẩu thường trú tại địa phương mình, trong khi việc bố trí phạm nhân thi hành án tại trại giam nào lại không phụ thuộc vào nơi cư trú của họ. Do đó, các cháu phải ở lại trại giam với mẹ trong khi pháp luật không có quy định nào về chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các cháu.

Thực tế cũng cho thấy việc quản lý những người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và việc bảo đảm để họ trở lại trại giam chấp hành án khi thời hạn hoặc lý do hoãn, tạm đình chỉ đã hết chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, kết hợp tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài cho thấy trong thời gian tới, nên nghiên cứu thu hẹp diện đối tượng được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, tiến tới xoá bỏ quy định này trong Bộ luật hình sự. Tại Hàn Quốc và một số nước, pháp luật hình sự hầu như không quy định các trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù, vì các cơ sở y tế, phúc lợi xã hội trong trại giam rất tốt, có thể chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân không kém gì các bệnh viện ở ngoài hoặc tại gia đình. Do đó, trong tương lai khi điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta đã phát triển cao thì cần xem xét lại quy định về việc hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nhằm hạn chế tình trạng người bị kết án tù giam nhưng vẫn ở ngoài xã hội và thực tế chúng ta rất khó quản lý họ, tạo kẽ hở để pháp luật không được thực hiện nghiêm chỉnh.

1.2.4. Về các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Trong Chương X của BLHS quy định biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Có ý kiến cho rằng, việc quy định các biện pháp tư pháp này chưa bảo đảm tính nhất quán trong các biện pháp và chế tài hình sự, và trong thực tế rất khó phân biệt các biện pháp này với các biện pháp xử lý hành chính tương tự.

Xem xét quy định của BLHS về biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nhiều quy định giống với hai biện pháp xử lý hành chính cùng tên. Do đó, khi cụ thể hoá các biện pháp này bằng các văn bản hướng dẫn cũng như quá trình áp dụng trong thực tiễn đã gặp lúng túng khi cần phân biệt giữa biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng và biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cũng như phân biệt giữa biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thực tế hiện nay, chế độ áp dụng đối với hai biện pháp này là gần tương tự nhau; đối tượng áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng được chấp hành ngay trong trường giáo dưỡng hành chính chứ không có hệ thống trường giáo dưỡng riêng cho đối tượng giáo dưỡng tư pháp, với chế độ sinh hoạt, học tập, lao động, sinh hoạt... giống nhau.

Do đó, nên tính đến phương án bỏ hai biện pháp tư pháp này. Trong trường hợp cần áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án có thể miễn hình phạt đối với họ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tương ứng.

1.3. Về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Hiện nay, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân được ghi nhận trong luật hình sự ở nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Canada, Australia... Đặc biệt, một số nước theo truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa đã thiết lập lại nguyên tắc trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật thực định như: Hà Lan năm 1950 đối với các tội phạm kinh tế và đến năm 1976 đối với mọi tội phạm; Bồ Đào Nha năm 1982; Pháp 1994; Phần Lan năm 1995, Vương quốc Bỉ năm 1999 và gần đây nhất là Thụy Sỹ với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2003 đã chính thức thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Một số nước như Châu Mỹ Latinh, Châu á (Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc...) cũng đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Ở Việt Nam, từ lâu trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được quy định trong lĩnh vực pháp luật khác nhau như dân sự, kinh tế và hành chính. Tuy nhiên trong lĩnh vực hình sự, trong cả hai lần pháp điển hoá với việc ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 và 1999, các nhà làm luật vẫn chưa chấp nhận nguyên tắc trách nhiệm hình sự của pháp nhân bên cạnh nguyên tắc trách nhiệm hình sự của cá nhân. Mặc dù, trong Tờ trình Quốc hội về Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Chính phủ ngày 9/4/1998 có đề nghị thiết lập chế định trách nhiệm của pháp nhân song Quốc hội cho rằng: “Vấn đề này đối với ta còn mới, ý kiến còn khác nhau... cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn, chưa thật chín. Việc bổ sung chỉ đặt ra khi có đủ điều kiện”[28].

Trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.205 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thì việc nghiên cứu làm sáng tỏ về mặt khoa học những vấn đề lý luận cơ bản của trách nhiệm hình sự nói chung và trách nhiệm hình sự của pháp nhân nói riêng không chỉ có ý nghĩa chính trị - xã hội - pháp lý, mà còn có ý nghĩa khoa học thực tiễn. Nó thiết thực góp phần tiếp tục hoàn thiện Bộ luật hình sự, đảm bảo việc xử lý về hình sự triệt để, công bằng, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Chúng tôi cho rằng, theo nguyên tắc chung, việc phân biệt tội phạm và các hành vi phạm pháp luật khác là căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội (đối với tội phạm thì tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn các hành vi vi phạm pháp luật khác). Do vậy, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của các tổ chức (đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, lĩnh vực môi trường...) có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao cũng phải được coi là vi phạm PLHS.

Mặt khác, thực tế ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường, trật tự quản lý kinh tế... không chỉ do các cá nhân mà còn do tổ chức thực hiện mang tính phổ biến. Các hành vi xâm hại môi trường, trật tự quản lý kinh tế nói trên của các cơ quan, tổ chức chỉ bị xử lý bằng các biện pháp khác mà không thể xử lý bằng các biện pháp hình sự, do đó tính cưỡng chế không cao, việc giải quyết các vi phạm không triệt để , từ đó dẫn đến hiện tượng môi trường vẫn tiếp tục bị xâm hại bởi các cơ quan, tổ chức, trật tự quản lý kinh tế bị buông lỏng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh....

Nghiên cứu, khảo sát tình hình vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức ở nước ta, đồng thời tham khảo Luật Hình sự của một số nước trên thế giới, chúng tôi kiến nghị: Đối với tội phạm nói chung và tội phạm về trât tự quản lý kinh tế, môi trường nói riêng, BLHS nên quy định cả các cơ quan, tổ chức cũng phải bị truy cứu TNHS khi có hành vi xâm hại môi trường với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao. Do không thể áp dụng các hình phạt như hình phạt tù, chung thân, tử hình v.v. . . nên hình phạt đối với các cơ quan, tổ chức có thể là: giải thể, phạt tiền, cấm hoạt hoạt động v.v. . .

1.4. Về vấn đề nguồn của luật hình sự

Pháp luật thực định nước ta chi coi Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành là nguồn của luật hình sự. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, người áp dụng các quy phạm pháp luật phải cụ thể hóa các quy định pháp luật trong thực tiễn sao cho phù hợp và chính xác trong từng trường hợp tương ứng cụ thể. Thậm chí có những trường hợp cụ thể người áp dụng phải và chỉ có thể dựa trên các giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo của thực tiễn xét xử, như các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao với tính chất là cơ quan xét xử cao nhất của đất nước (hoặc đôi khi là các Thông tư liên tịch của Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan tư pháp khác– Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp). GS. TSKH luật Tkeseliađze G.T đã từng đề cập đến vai trò quan trọng của thực tiễn xét xử  “là phòng thí nghiệm đặc sắc mà trong đó kiểm tra tính đúng đắn và hiệu quả của đạo luật hình sự..., là công cụ nắm bắt, soạn thảo lại và truyền cho nhà làm luật các yêu cầu của thực tiễn xã hội, có nghĩa là người đưa thông tin xã hội”[29], vì chỉ có thông qua thực tiễn xét xử mới có thể khẳng định được sự đúng đắn và hiệu quả của các quy phạm và các chế định của luật hình sự. Chẳng hạn như, PLHS Việt Nam thường quy định một số tội phạm có tính chất tài sản mà hậu quả phạm tội không đư­ợc nhà làm luật quy định tương ứng với các mức độ thiệt hại cụ thể (định lượng) mà chỉ được quy định bằng các phạm trù có tính chất đánh giá (định tính) nh­ư “hậu quả nghiêm trọng”, “hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Do đó: trong giai đoạn trước khi thông qua Bộ luật hình sự năm 1999, bằng những hướng dẫn thống nhất có tính chất chỉ đạo trong Thông tư­ liên tịch số 01/1998/TTLT ngày 02/01/1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) “Hướng dẫn áp dụng Luật ngày 10/5/1997 về sửa đổi và bổ sung một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1985” (điểm “e” khoản 1 mục 1 Phần B) định lượng đối với các mức thiệt hại cụ thể trong trư­ờng hợp hành vi phạm tội chỉ gây thiệt hại về tài sản đã được đưa ra cụ thể như sau: a) Hậu quả nghiêm trọng – từ 300 triệu đồng đến d­ưới 500 triệu đồng; b) Hậu   biệt nghiêm trọng – từ một tỷ đồng trở lên[30]. Từ sau khi pháp điển hóa lần thứ hai luật hình sự Việt Nam với việc  thông qua BLHS năm 1999, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bằng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999” đã đưa ra những giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 liên quan đến các phạm trù có tính chất đánh giá (định tính) của các cấu thành tội phạm tại một số điều luật như: a) Gây hậu quả “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” – Điều 203; b) Có giá trị “lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” – Điều 248; c) Các tình tiết “với quy mô  lớn”, “thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” – Điều 249; v.v...[31].

 Như vậy, những điều đã nêu trên về vai trò của thực tiễn xét xử chính là một minh chứng rất cụ thể, rõ ràng, xác đáng và đảm bảo sức thuyết phục nhất cho luận điểm rằng: đã đến lúc nhà làm luật cần nghĩ đến xu hướng đã tồn tại trong thực tiễn xét xử Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay là: coi những giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo của cơ quan xét xử cao nhất đất nước là một trong những nguồn quan trọng của pháp luật hình sự và chính thức ghi nhận điều này trong luật thực định. 

Một vấn đề khác về nguồn của luật hình sự là tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự hay còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Đây là vấn đề thuộc về quan điểm lập pháp của các nước. Theo pháp luật thực định của nước ta, tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự, trong khi đó nhiều nước trên thế giới, tội phạm và hình phạt còn được quy định trong các luật chuyên ngành. Mỗi cách quy định có những ưu điểm và hạn chế nhất định:

Theo cách quy định của Bộ luật hình sự nước ta thì việc tìm hiểu và áp dụng pháp luật khá thuận tiện do tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự, điều này cũng bảo đảm được nguyên tắc pháp chế trong áp dụng pháp luật hình sự, hạn chế tối đa sự tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, điểm hạn chế của cách quy định này là pháp luật hình sự sẽ không có sự linh hoạt và thay đổi kịp thời để ứng phó với tình hình tội phạm diễn ra trên thực tế. Trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành, nhất là các luật được ban hành sau Bộ luật hình sự các nhà làm luật có thể đã lường trước được các hành vi nguy hiểm trên thực tế hoặc những hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội do những luật chuyên ngành điều chỉnh, họ đã thấy trước được những trường hợp cần tội phạm hoá, phi tội phạm hoá, hình sự hoá, phi hình sự hoá... song không thể đưa vào luật chuyên ngành được và như vậy cũng không thể có phương áp tối ưu cho việc xử lý các trường hợp này.

Ngược lại, ở các nước quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành sẽ có được những phương án ứng phó kịp thời với đối với tình hình tội phạm trong lĩnh vực luật chuyên ngành điều chỉnh, song lại có những khó khăn cho cơ quan áp dụng pháp luật, cho việc tìm hiểu pháp luật hình sự...

Rõ ràng nếu cân nhắc tính hiệu quả trong hai phương án trên, thì rõ ràng việc quy định tội phạm và hình phạt không chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự mà còn được quy định cả trong các Luật chuyên ngành sẽ hiệu quả hơn nhiều so với phương án của luật thực định nước ta hiện nay.

2. Một số nội dung cơ bản của việc hoạch định chính sách pháp luật tố tụng hình sự

- Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng đến 2020 xác định: cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, đảm bảo sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại toà làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của toà hành chính đối với tất cả các loại khiếu kiện hành chính.

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 xác định những nội dung cơ bản của Chính sách pháp luật tố tụng hình sự giai đoạn từ nay đến 2020 là:

+ Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm soát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình. Xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam.

          + Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ. Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định.

+ Từng bước thực hiện việc công khai hóa các bản án, trừ những bản án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục...

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng tôi cho rằng các định hướng chủ yếu của việc hoạch định chính sách pháp luật TTHS cần được triển khai theo hướng:

          Thứ nhất, để BLTTHS mới thực sự phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền (VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng…) cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật để bảo đảm việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan được thống nhất[32]. Những vấn đề cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn là:

          - Việc áp dụng các biện bảo vệ người làm chứng, người bị hại, những người tham gia tố tụng khác cũng như những người thân thích của họ trong trường hợp những người này bị đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản;

          - Mối quan hệ giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

          - Việc bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự cho người bị oan và việc bồi thường cho người bị thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra;

          - Việc khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự;

          - Việc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;

          - Việc tham gia tố tụng của người bào chữa và cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa;

          - Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn;

          - Việc xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

          - Việc chuyển vụ án để điều tra, truy tố, xét xử theo thẩm quyền;

- Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra, xét xử;

- Việc đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;

          - Thủ tục tranh tụng tại phiên toà;

          - Thủ tục tố tụng đặc biệt (thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; thủ tục rút gọn);

          - Quy định về hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự.

          …

          Những vấn đề nêu trên đang có nhiều vướng mắc trong thực tiễn nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ.     

Thứ hai, qua nghiên cứu những quy định của Bộ luật và cũng từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng ở nước ta thời gian qua cho thấy: có một số nội dung của BLTTHS năm 2003 cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (mà cụ thể là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) giải thích chính thức để bảo đảm việc nhận thức và áp dụng được thống nhất, đó là:

          - Những biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại, những người tham gia tố tụng khác cũng như những người thân thích của họ trong trường hợp những người này bị đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản (Điều 7; khoản 3 Điều 103; khoản 5 Điều 211) được hiểu là những biện pháp cụ thể nào?

          - Đối với người làm chứng, ngoài việc thanh toán chi phí đi lại thì cơ quan triệu tập họ còn phải thanh toán những khoản chi phí nào khác (điểm c; khoản 3 Điều 55)?

          - Thẩm quyền điều tra của CQĐT của VKSND tối cao được “điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”, đó là những tội phạm cụ thể nào (khoản 3 Điều 110)?

          - Viện Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra “trong trường hợp cần thiết” cần được hiểu là những trường hợp nào (các điều 129, 131, 133, 135, 138…)?

          Thứ ba, thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cho thấy một số quy định của Bộ luật còn mâu thuẫn, chồng chéo cần được nghiên cứu thêm. Xin nêu một ví dụ để minh hoạ: Theo quy định của LTCVKSND năm 2002, trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử của Toà án và một trong những nội dung của hoạt động kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát là kiểm sát các bản án và quyết định của Toà án theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 18 LTCVKSND; điểm e, khoản 1 Điều 37 BLTTHS). Tuy nhiên, tại Điều 254 BLTTHS quy định về việc giao bản án và quyết định phúc thẩm đã “quên” không quy định Toà án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp (trong khi đó bản án, quyết định phúc thẩm được gửi đi rất nhiều nơi như: người kháng nghị, Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an nơi đã xử sơ thẩm, người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan Thi hành án dân sự trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự…), do đó Viện kiểm sát cấp phúc thẩm không có điều kiện và không thể thực hiện được nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ra bản án, quyết định của Toà án để bảo đảm tính hợp pháp và có căn cứ của việc ra bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm. Vướng mắc này cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét để giải quyết.

          Thứ tư, để thực hiện thắng lợi những nội dung của cải cách tư pháp mà chúng ta đang tiến hành, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số chế định tố tụng hình sự như:

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quy trình tố tụng theo hướng cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bình đẳng, chặt chẽ nhưng thuận tiện, dễ tiếp cận, đảm bảo sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Ngoài việc xét xử công khai theo luật định thì mọi bản án, quyết định của Toà án cần phải được công khai hoá, bảo đảm cho mọi người dân, cơ quan báo chí, truyền thông có thể tiếp cận dễ dàng;

- Mở rộng tranh tụng trong tất cả các phiên toà hình sự. Bảo đảm cho luật sư được phép tham gia tố tụng ngay khi khởi tố bị can, bị tạm giữ, thậm chí là ngay khi cá nhân bị coi là nghi phạm và bị cơ quan điều tra tiếp xúc, thẩm vấn. Các quy định về tố tụng phải bảo đảm cho luật sư được tranh tụng bình đẳng với cơ quan công tố;

- Xác định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của từng chức danh tư pháp trong quá trình tố tụng, tránh sự lẫn lộn giữa chức năng kiểm sát và chức năng công tố, chức năng xét xử (trọng tài) của Toà án với chức năng buộc tội của cơ quan công tố. Mở rộng quyền hạn cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chủ động thực thi nhiêm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình. Phân định thẩm quyền quản lý hành chính với thẩm quyền tố tụng ( như trách nhiệm, quyền hạn của người tiến hành tố tụng trong hoạt động tư pháp...);

- Trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cần xác định rõ hơn các căn cứ tạm giam; hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm và chủ thể phạm tội (như người chưa thành niên, người già yếu, người có hoàn cảnh đặc biệt...); thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo theo hướng tiến tới chỉ có Thẩm phán mới có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam;

- Hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân theo hướng Hội thẩm phải là người đại diện cho tiếng nói của người dân, thể hiện quan điểm, thái độ của người dân trong việc xem xét, phán quyết các vụ án hình sự trên cơ sở quy định của pháp luật, tránh việc chuyên nghiệp hoá hội thẩm, " thẩm phán hoá Hội thẩm". Trong từng vụ án cụ thể, Thẩm phán có trách nhiệm giải thích chính xác, khách quan về mặt pháp luật cho Hội thẩm, bảo đảm cho Hội thẩm hiểu đúng tinh thần của các quy phạm phán luật có thể được áp dụng đối với vụ án cụ thể trước khi Hội thẩm phát biểu quan điểm của họ về hướng giải quyết vụ án.

          - Hiện nay chúng ta đang là thành viên của một số điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và đang xem xét để tham gia vào một số điều ước quốc tế khác (như: Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…). Trong các điều ước quốc tế này có một số quy định liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự (như: việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật điều tra đặc biệt; phong toả, tạm giữ, tịch thu tài sản; bí mật ngân hàng…). Những vấn đề này cần được nghiên cứu để nội luật hoá trong BLTTHS hoặc trong các văn bản quy phạm pháp luật khác làm cơ sở pháp lý để bảo đảm đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả.

- Quy đinh chặt chẽ hơn nữa những căn cứ kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lam, thiếu căn cứ.

                - Quy định cụ thể chế định minh oan cho người vô tội, chế định bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây ra... Trong đó, cần thống nhất quan điểm, một trong các nhiệm vụ của pháp luật TTHS Việt Nam trong giai đoạn xây dựng NNPQ - minh oan một cách nhanh chóng và hoàn toàn cho người vô tội. Khẳng định minh oan là một trong các nguyên tắc của luật TTHS  với nội dung: Đó là việc nhà nước bồi thường hoàn toàn hoặc một phần thiệt hại về vật chất, khắc phục các hậu quả của thiệt hại về tinh thần và phục hồi lại các quyền bị tổn thất cho công dân đã bị oan do cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng tương ứng có thẩm quyền gây ra cho họ trong quá trình truy cứu TNHS; Công dân đã bị oan có quyền được minh oan và cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng tương ứng có thẩm quyền đã làm oan phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định của pháp luật để kịp thời minh oan cho công dân đó; Trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại về vật chất, khắc phục các hậu quả của thiệt hại về tinh thần và phục hồi lại các quyền bị tổn thất cho công dân đã bị oan do cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng tương ứng có thẩm quyền gây ra, cũng như việc quyết định các diện công dân được minh oan và công nhận quyền được minh oan của từng người phải do Bộ luật TTHS (hoặc Luật bồi thường nhà nước) quy định. Các căn cứ để cho người bị tình nghi là phạm tội hoặc bị cáo không bị coi là người có tội và phải được minh oan: a) Không có sự kiện phạm tội  mà vụ án hình sự vẫn được khởi tố, điều tra hoặc xét xử; b) Hành vi mà họ đã thực hiện không phải là tội phạm; c) Họ không có liên quan gì đến việc thực hiện tội phạm và; d) Kiểm sát viên rút cáo trạng buộc tội bị cáo tại phiên tòa; Các căn cứ và những hậu quả của sự minh oan, cũng như trình tự bồi thường thiệt hại và phục hồi các quyền lợi cho người được minh oan...

- Nghiên cứu xây dựng và áp dụng các thủ tục tố tụng đặc biệt đối với những loại án đặc thù, chủ thể và đối tượng phạm tội đặc biệt (tiếp tục hoàn thiện thủ tục rút gọn, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về một số thủ tục tố tụng đặc biệt, như: thủ tục mặc cả thú tội, thủ tục dàn xếp cung khai...)

            -  Nghiên cứu xây dựng các Luật có liên quan trực tiếp để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả cho việc áp dụng các chế định hoặc các quy phạm tương ứng của pháp luật TTHS hiện hành (Ví dụ: Luật về các biện nghiệp vụ đảm bảo cho việc truy nã và cho hoạt động điều tra hình sự; Luật bảo vệ Thẩm phán; Luật bảo vệ nhân chứng.....).  

3. Một số nội dung cơ bản của việc hoạch định chính sách pháp luật thi hành án hình sự

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 xác định: "Xây dựng Bộ luật thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án; xác định Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án; từng bước xã hội hoá hoạt động thi hành án". Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 tiếp tục xác định những nội dung cơ bản của Chính sách pháp luật thi hành án hình sự giai đoạn từ nay đến 2020 là: Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án. Xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và của cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc thi hành các hình phạt không phải là hình phạt tù để thực hiện nghiêm túc các bản án của tòa án. Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng, tổng kết lý luận và thực tiễn chúng tôi cho rằng việc hoạch định chính sách pháp luật về thi hành án hình sự trong tương lai cần tập trung vào các vấn đề cơ bản[33]:

3.1. Xây dựng Bộ luật thi hành án theo hướng:

- Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng về công tác thi hành án, như: Thông báo số 136-TB/TW ngày 15.01.1996 về ý kiến của Bộ Chính trị về Đề án: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp"; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương khoá VIII, Văn kiện Đại hội Đảng IX, Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá IX, Nghị quyết đại hội Đảng X, Nghị quyết số 08-NQ/TW Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW...

- Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác thi hành án, điều chỉnh toàn diện hoạt động thi hành án từ thủ tục thi hành án, cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án, xã hội hoá công tác thi hành án, các điều kiện bảo đảm hoạt động thi hành án và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm trong thi hành án;

- Giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng án chưa được thi hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thi hành án, nâng cao kỷ luật, kỷ cương pháp luật của Nhà nước;

- Tổng kết thực tiễn thi hành án hình sự, dân sự, giải quyết các mâu thuẫn, bất cập về mặt pháp luật, về thực tiễn xét xử và thực tiễn thi hành án; kế thừa và phát triển, pháp điển hoá các quy định còn phù hợp của pháp luật thi hành án ở nước ta trong thời gian qua, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

- Xây dựng cơ chế bảo đảm quản lý nhà nước tập trung, thống nhất hoạt động thi hành án về một đầu mối; các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án và cơ quan quản lý thi hành án phải thể hiện rõ quan điểm cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xã hội hoá dịch vụ công về thi hành án, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

- Bảo đảm mối quan hệ hài hoà, thống nhất giữa Bộ luật thi hành án với các Bộ luật, luật khác có liên quan (như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức TAND, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...), quy định tương ứng của các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

3.2. Về hoàn thiện thủ tục thi hành án hình sự cần tập trung vào các vấn đề như:

+ Về thi hành hình phạt tử hình:

- Nghiên cứu, đổi mới hình thức thi hành án tử hình: theo pháp luật hiên hành chúng ta chỉ có một hình thức thi hành hình phạt tử hình là xử bắn. Hình thức này hạn chế ở chỗ gây tác động tâm lý mạnh đối với cán bộ, công an làm nhiệm vụ bắn, người bị tử hình và thân nhân của người bị tử hình. Để việc thi hành án tử hình được thực hiện mền dẻo, linh hoạt và sát với thực tế cần phải hạn chế hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn, đồng thời bổ sung các hình thức thi hành án tử mình mới như tiêm thuốc độc, ngồi ghế điện, dùng hơi ngạt...;

Qua nghiên cứu thực tiễn thi hành hình phạt tử hình trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay chưa nên bỏ hình thức thi hành án bằng xử bắng. Hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng xử bắn vẫn có tác dụng tích cực trong những điều kiện, thời điểm nhất định (như khi cần phải thể hiện thái độ cứng rắn của Nhà nước trong việc trấn áp mạnh mẽ tội phạm...). Do vậy, trước mắt có thể vẫn nghiên cứu, bổ sung hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước ta khả năng lựa chọn hình thức thích hợp để thi hành án, đáp ứng yêu cầu chính trị trong từng giai đoạn hoặc ở từng địa phương nhất định.

Việc bổ sung hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc xét trên nhiều phương diện thì hình thức này ưu việt hơn so với các hình thức khác mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Ưu điểm nổi trội của hình thức thi hành án này là ở chỗ nó giảm bớt sự đau đớn trước khi chết và giữ nguyên vẹn xác của người bị thi hành hình phạt tử hình, có khả năng áp dụng trong điều kiện như nước ta, cũng như làm giảm áp lực tâm lý cho những người được giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành án. Về cơ sở pháp lý cần phải bổ sung, sửa đổi khoản 3 Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, đồng thời, phải rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với quy định bổ sung của Bộ luật tố tụng hình sự. Mặt khác, cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát cụ thể, toàn diện cả trong và ngoài nước về hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc (như độc tính của các loại thuốc độc sẽ sử dụng, các phương tiện kỹ thuật cần thiết, tự sản xuất hay nhập khẩu, giá thành thuốc độc và các phương tiện kèm theo, trình tự thi hành, đào tạo, huấn luyện cán bộ...) để có phương án triển khai cụ thể hơn14.

- Cần quy định rõ các vấn đề về mai táng phạm nhân bị thi hành hình phạt tử hình, như: quy định rõ nơi mai táng phù hợp với từng hình thức thi hành hình phạt tử hình; quy định rõ các trường hợp cho gia đình phạm nhân được nhận xác người bị thi hành hình phạt tử hình để mai táng, các trường hợp không cho nhận xác và cần giữ bí mật nơi mai táng; các chi phí về quá trình thi hành hình phạt tử hình, mai táng phạm nhân...

+ Đối với công tác thi hành hình phạt tù:

- Đối với công tác thi hành án phạt tù (nhằm vào các đối tượng bị Toà án kết án tù có thời hạn, tù chung thân) thì toàn bộ hoạt động quản lý, giáo dục, cải tạo những người bị kết án trong trại giam là để hoàn trả cho xã hội những người không còn nguy hiểm và hữu ích, nó quan hệ trực tiếp tới quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Vì vậy, công tác thi hành án phạt tù cần phải thực hiện song hành hai nhiệm vụ giam giữ và giáo dục một cách có hiệu quả. Giam giữ nhằm tước bỏ và hạn chế nhất định quyền tự do và những lợi ích vật chất hay lợi ích tinh thần như tước bỏ sự tự do đi lại, tự do lựa chọn nơi cư trú, tự do giao tiếp với gia đình, xã hội, tước đoạt một phần thu nhập trong thời gian chấp hành hình phạt tù, buộc phải ăn uống, sinh hoạt theo một chế độ qui định… Trong thời gian giam giữ, người bị kết án phải được sự giáo dục để họ nhận rõ tội lỗi, sai lầm mà họ đã phạm phải nhằm xây dựng cho họ nhân cách, đạo đức, thế giới quan mới, có văn hoá, có nghề nghiệp và đủ sức khoẻ để cải tạo họ từ người phạm tội trở thành người lương thiện. Các biện pháp giáo dục được thực hiện thông qua dạy văn hoá, phổ biến thời sự, chính sách, chương trình giáo dục công dân, dạy nghề. Việc giáo dục còn thể hiện qua việc tổ chức đời sống vật chất, tinh thần, tổ chức các hoạt  động thể thao, văn hoá, văn nghệ, giao lưu… Ngoài ra, cần tổ chức cho phạm nhân lao động để họ hiểu rõ hơn giá trị cuộc sống, giá trị của lao động. Đây là một biện pháp giáo dục hữu ích và thiết thực.

- Cách phân loại trại giam cũng cần kết hợp hai tính chất giam giữ và giáo dục theo hướng, kết hợp giữ phân loại trại giam theo tiêu chí tính chất tội phạm ( các trại giam giữ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, phạm các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và các trại giam giữ các đối tượng phạm tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng...) theo tuổi và giới tính (trại giam dành cho phụ nữ, người chưa thành niên) và theo quá trình giáo dục cải tạo (những người sắp mãn hạn tù sẽ được chuyển đến giáo dục, cải tạo ở các trại giam có các điều kiện gần với cộng đồng hơn, kết hợp giữa giáo dục cải tạo với dạy nghề, bảo đảm cho họ được tái hoà nhập cộng đồng một cách tốt nhất).

- Bổ sung, hướng dẫn thực hiện việc quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS; quy định chính sách ưu đãi đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công an làm việc, tiếp xúc với phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS...

+ Đối với thi hành các hình phạt không phải là phạt tù và án treo:

- Việc thi hành các hình phạt không phải hình phạt tù và những người được hưởng án treo cũng cần phải áp dụng những biện pháp thích hợp sao cho người bị kết án hay được hưởng án treo thấy rõ được chính sách nhân đạo của pháp luật, thể hiện tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc thi hành các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, quản lý và giáo dục người được hưởng án treo… cũng như đối với các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản… cần phải được tổ chức thực hiện theo những thủ tục, trình tự chặt chẽ, đúng pháp luật.

- Cần quy định về cơ chế thực thi hành phạt cải tạo không giam giữ để đảm bảo tính nghiêm khắc của nó, đặc biệt là quy định rõ nghĩa vụ chấp hành hình phạt của người bị kết án, nghĩa vụ của các cơ quan có trách nhiệm giám sát, giáo dục người bị kết án. Bên cạnh đó, cần quy định rõ những điều kiện vật chất cụ thể để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả. Nếu không xác định rõ được cơ chế bảo đảm thi hành thì nên bỏ loại hình phạt này.

- Cần quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền của Toà án trong việc áp dụng hình phạt trục xuất, quy định rõ khi người bị áp dụng hình phạt trục xuất có bị coi là có án tích không? Có được quay trở lại Việt Nam không? Nếu được thì quy định thời hạn là bao nhiêu?

- Bổ sung các quy định về tổ chức thi hành hình phạt cảnh cáo, hậu quả pháp lý của nó trong BLHS Việt Nam và BLTTHS Việt Nam .

- Về việc áp dụng và thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo hướng: quy định rõ các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm xâm phạm thuần phong, đạo đức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm con người thì không cho hưởng án treo; Quy định rõ thời hạn Toà án phải gửi bản sao bản án cùng quyết định thi hành án cho chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan nơi họ làm việc để theo dõi, giáo dục; Bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục theo dõi, giám sát, tổng kết thực hiện đối với các trường hợp được hưởng án treo để có căn cứ xoá án tích chuẩn xác.

3.3. Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác thi hành án hình sự

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 đề ra chủ trương "Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án". Xã hội hoá một số hoạt động về thi hành án hình sự là một vấn đề cần được nghiên cức kỹ trên cả phương diện lý luân và thực tiễn triển khai. Qua nghiên cứu chúng tôi cho rằng, chính sách xã hội hoá một số hoạt động trong công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề như:

- Chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho những phạm nhân sắp được trả tự do, quy định cụ thể điều kiện, thủ tục, chính sách khuyến khích để các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội có thể tham gia vào việc dậy nghề, dậy học văn hoá, phát triển thể chất... cho phạm nhân trước khi họ được tái hoà nhập cộng đồng;

- Tạo cơ chế pháp lý để huy động sự tham gia tích cực của gia đình, người thân của người bị kết án, của các đoàn thể xã hội và cộng đồng dân cư vào việc giám sát, giáo dục người bị kết án, giúp họ nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo và chuẩn bị về mặt tâm lý cho quá trình tái hoà nhập cộng đồng;

- Trong tương lai có thể nghiên cứu mô hình tù tại gia, mô hình nhà tù tư nhân với những điều kiện, thủ tục pháp lý chặt chẽ, kết hợp với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ của hệ thống cơ quan quản lý công tác thi hành án

            3.4. Xây dựng cơ chế bảo đảm cho người mãn hạn tù được tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả

          -. Về pháp luật, cần ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở trong công tác tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó phải xác định rõ nhiệm vụ quản lý đối tượng về mặt hành chính là nhiệm vụ của Công an cơ sở, còn việc giúp đỡ, giáo dục đối tượng là nhiệm vụ của toàn xã hội đặc biệt là nhân dân khu phố, thôn, xóm và các đoàn thể tại cơ sở, trong đó khuyến khích các cá nhân, tổ chức tình nguyện đứng ra nhận trách nhiệm giúp đỡ, giáo dục đối tượng. Việc giao đối tượng cho ai giúp đỡ, giáo dục phải được quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của họ.

        - Về cơ chế, chính sách, Nhà nước cần cho nghiên cứu và ban hành một số chính sách khuyến khích hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội, cụ thể như: các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người mãn hạn tù, người đã chấp hành xong chế tài hành chính vào làm việc với tỷ lệ lớn; các chính sách đãi ngộ và ghi nhận công lao như: tuyên dương, tặng thưởng danh hiệu... đối với những tổ chức và cá nhân tình nguyện có thành tích trong hoạt động tái hoà nhập cộng đồng.

        - Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật tại cơ sở, cần hướng vào các mục tiêu: xoá bỏ mặc cảm về tâm lý của đối tượng đối với cộng đồng, xoá bỏ những trở ngại về tâm lý của cộng đồng với đối tượng; làm cho nhân dân, các đoàn thể cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của họ trong công tác tái hoà nhập cộng đồng, tránh việc nhầm tưởng rằng đây là công việc của Công an cơ sở; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tạo điều kiện, nhận người tái hoà nhập cộng đồng vào làm việc.

        -. Việc dạy nghề, dạy văn hoá cho người đang chấp hành hình phạt tù, trẻ em tại trường giáo dưỡng cần được quan tâm, quán triệt và chỉ đạo thường xuyên từ phía cơ quan quản lý trại giam, trường giáo dưỡng cũng như ý thức tích cực của mỗi cán bộ trường, trại. Các mô hình dạy nghề, hướng nghiệp cần được đổi mới về nội dung và phương pháp dạy, nghề dạy...

        - Các cơ sở giáo dục, cải tạo cần thực hiện nghiêm túc việc thông báo, liên hệ với gia đình phạm nhân và chính quyền cơ sở nơi phạm nhân sẽ về nơi cư trú, về tình hình thi hành án của đối tượng. Đặc biệt là việc thông báo hai tháng trước khi đối tượng mãn hạn tù. Trong vấn đề này cần xác minh cụ thể xem đối tượng sẽ về cư trú tại địa phương nào, trên cơ sở đó thông báo cho chính quyền sở tại biết về việc đối tượng sẽ về cư trú tại địa phương. Trong thông báo cần nêu rõ quá trình rèn luyện, cải tạo của đối tượng, đề xuất các biện pháp quản lý, giúp đỡ, giáo dục cụ thể.

- Thiết lập mối quan hệ giữa cộng đồng xã hội với trại giam ngay từ giai đoạn người phạm tội vào các cơ sở cải tạo. Việc giữ các mối liên hệ giữa phạm nhân và gia đình, tổ chức xã hội ở địa phương, việc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng phạm nhân để từ đó kiến nghị các phương thức giáo dục thích hợp là những công việc nên được giao cho xã hội nếu chúng ta thực sự muốn xã hội hóa công tác này.

 

4. Một số nội dung về hoàn thiện tổ chức hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn tới

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02.6.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 xác định những nội dung cơ bản của Chính sách pháp luật về tổ chức hệ thống tư pháp hình sự giai đoạn từ nay đến 2020. Căn cứ vào những định hướng trên và trên cơ sở các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về chính sách hình sự, về cải cách hệ thống tư pháp hình sự, chúng tôi cho rằng hệ thống cơ quan tư pháp hình sự trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần triển khai theo các định hướng sau:

4.1. Vấn đề tổ chức hệ thống các cơ quan Điều tra

Nghị quyết 49-NQ/TW chỉ rõ: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát, điều tra ban đầu với hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra. Xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra theo hướng cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự, các cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và tiến hành một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách. Trước mắt, tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức cơ quan điều tra theo pháp luật hiện hành (Nghị quyết 49-NQ/TW).

Từ những đinh hướng lớn về hoàn thiện hệ thống các cơ quan Điều tra đã đ­ược Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW đề cập, trong tương lai hệ thống cơ quan điều tra cần được nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện trên các phương diện sau:

- Về mặt thể chế, cần ban Luật tổ chức và hoạt động điều tra hình sự. Tuy nhiên, mô hình của việc tổ chức lại hệ thống các cơ quan điều tra mặc dù thuộc nhánh quyền hành pháp nh­ưng triển khai theo ph­ương án nào (?) để đảm bảo hiệu quả cao nhất của hoạt động điều tra hình sự chính là vấn đề mà chúng ta cần phải suy ngẫm và cân nhắc hết sức thận trọng khi quyết định.

          - Thực tiễn lập pháp của n­ước ta trong thời gian qua cho thấy, nếu đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TW thì mô hình của hệ thống các cơ quan điều tra như­ đang đư­ợc tổ chức trên cơ sở các quy định của Pháp lệnh năm 2004 hiện hành (các điều 9-25) thể hiện một loạt những nh­ược điểm nh­ư sau: 1) Các Cơ quan điều tra không hề nằm trong cùng một hệ thống chung, duy nhất và thống nhất từ trên xuống dư­ới, mà trái lại có nhiều hệ thốngnằm rải rác cùng một lúc trong nhiều cơ quan Nhà nư­ớc khác nhau (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSNDTC và ở cả các cơ quan khác đ­ược giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nh­ư Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát biển, v.v...); 2) Thậm chí ngay trong cùng một hệ thống các Cơ quan điều tra cũng còn tồn tại nhiều đầu mối khác nhau và; 3) Thực trạng manh mún và xé lẻ như vậy của mô hình hệ thống các CQQĐTr hiện nay ở n­ước ta rõ ràng là khó mà có thể chấp nhận đư­ợc vì rõ ràng là nó chư­a đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW là "theo h­ướng thu gọn đầu mối". Do  đó, để khắc phục thực trạng này và thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW, theo quan điểm của chúng tôi mô hình của việc tổ chức lại hệ thống các Cơ quan điều tra ở Việt Nam có thể đư­ợc triển khai theo một trong hai phư­ơng án sau:             

           - Ph­ương án thứ nhất (có thể coi là bư­ớc đệm để thực hiện Phư­ơng án thứ hai): ban hành văn bản pháp luật mới với tên gọi là Luật “Về Ủy ban điều tra của Chính phủ” hoặc cũng có thể gọi là Luật “Về Ủy ban điều tra ở Việt Nam” (dù tên gọi thế nào thì cũng cần phải phù hợp với tên gọi của Luật về Viện công tố). Nếu theo ph­ương án này, thì hệ thống Cơ quan điều tra của n­ước ta sẽ có các đặc điểm cơ bản dư­ới đây:  

             1) Về tính chất, hệ thống Cơ quan điều tra ở Việt Nam theo Luật mới ban hành sẽ là một hệ thống Cơ quan điều tra chung và độc lập, duy nhấtthống nhất từ trên xuống dưới vì sẽ đư­ợc tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền điều tra tất cả các tội phạm ­tương ứng với các tội phạm mà bốn Cục chuyên trách của Viện công tố thực hiện chức năng công  (như phân tích trên). Đồng thời, ư­u điểm của mô hình này còn có khả năng khắc phục tình trạng manh mún xé lẻ của hệ thống Cơ quan điều tra như­ hiện nay (Ví dụ: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSNDTC và ở cả các cơ quan khác đư­ợc giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như­ Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát biển, v.v...).         

2) Về cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ, để đảm bảo việc điều tra theo luật định, thì hệ thống Cơ quan điều tra ở n­ước ta chỉ nên tổ chức ở hai cấp. Đối với cấp TW sẽ thành lập Ủy ban điều tra TW với cơ cấu là bốn Cục chuyên trách nh­ư sau: a) Cục điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia; b) Cục điều tra các tội phạm trong các LLVTND; c) Cục điều tra các tội phạm hình sự th­­ường và; d) Cục điều tra các tội phạm tham nhũng. Đối với cấp tỉnh và thành phố trực thuộc TW, thì hoạt động điều tra sẽ đư­ợc tổ chức theo một trong hai hư­ớng là: a) H­ướng thứ nhất - thành lập các Ủy ban điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc TW với bốn Phòng điều tra tương ứng với bốn nhóm tội phạm mà bốn Cục điều tra của Ủy ban điều tra TW có nhiệm vụ điều tra; b) Hư­ớng thứ hai - thành lập Cơ quan đại diện của Ủy ban  điều tra TW tại các tỉnh và thành phố trực thuộc TW với bốn Phòng điều tra tư­ơng ứng với bốn nhóm tội phạm mà bốn Cục điều tra của Ủy ban điều tra TW có nhiệm vụ điều tra. Đối với cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh sẽ không thành lập các Ủy ban điều tra mà các tội phạm trên địa bàn các cấp này sẽ do Ủy ban điều tra tỉnh và thành phố trực thuộc TW (nếu theo hướng thứ nhất) hoặc Cơ quan đại diện của Ủy ban điều tra TW (nếu theo h­ướng thứ hai) tại các tỉnh và thành phố trực thuộc TW trực tiếp điều tra.  

3) Và cuối cùng, về tính khả thi, việc thành lập một hệ thống Cơ quan điều tra chung, duy nhất và thống nhất từ trên xuống d­ưới sẽ đảm bảo đ­ược sự khả thi của hoạt động điều tra hình sự vì các lý do sau: a) Đảm bảo tính độc lập - vì với một hệ thống Cơ quan điều tra như­ Phư­ơng án này thì các điều tra viên sẽ không còn bị phụ thuộc vào thủ tr­­ưởng cơ quan (mà trong đó có Cơ quan điều tra ấy) do sự phục tùng về quan hệ hành chính, mà chỉ tuân theo pháp luật và hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật; b) Đảm bảo tính chuyên sâu - vì với một hệ thống Cơ quan điều tra như vậy thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các điều tra viên sẽ càng ngày càng đư­­ợc nâng cao hơn và; d) Đảm bảo tính gọn nhẹ - vì với một hệ thống Cơ quan điều tra như­ vậy thì sự chỉ đạo hoạt động điều tra hình sự trên toàn quốc sẽ đơn giản hơn, tránh đ­ư­ợc sự manh mún, cồng kềnh và phức tạp nh­ hệ thống Cơ quan điều tra hiện hành với sự phụ thuộc vào nhiều loại cơ quan chủ quan.     

          - Ph­ương án thứ hai (chính là phư­ơng án tổ chức lại hệ thống các Cơ quan điều tra theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQQ/TW là: "tăng cư­ờng trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra") - hệ thống các Cơ quan điều tra sẽ không độc lập nh­ưng vẫn chung, duy nhất và thống nhất từ trên xuống dư­ới mà cấp TW sẽ chuyển bốn Cục điều tra bốn nhóm tội phạm (nh­ư đã nêu ở ph­ương án thứ nhất) sang trực thuộc hệ thống Viện công tố TW (song song với bốn Cục thực hành quyền công tố); còn ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW - thành lập Cơ quan đại diện của Viện công tố TW tại các tỉnh và thành phố trực thuộc TW với bốn Phòng điều tra tư­ơng ứng với bốn nhóm tội phạmbốn Cục điều tra của Viện công tố TW có nhiệm vụ điều tra, đồng thời bốn Phòng điều tra này của Cơ quan đại diện Viện công tố TW sẽ đảm nhiệm cả việc điều tra tất cả các tội phạm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc TW t­ương ứng - không thành lập các Cơ quan điều tra cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Cần lư­u ý răng, các ư­u điểm của phư­ơng án thứ hai này là: 1) Thể hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQQ/TW về "tăng cư­ờng trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra" mà suy cho cùng là Viện công tố phải chỉ đạo Cơ quan điều tra vì theo quy luật phát triển chung và thực tiễn của các nhà nước pháp quyền trên thế giới - vấn đề này chỉ có thể thực hiện đư­ợc khi Cơ quan điều tra trực thuộc và nằm trong hệ thống Viện công tố; 2) Về cơ bản, vẫn hội tụ đầy đủ tất các đặc điểm về tính chất, cơ cấu chuyên môn nghiệp vụsự khả thi (như­ ở phư­ơng án thứ nhất).

4.2. Vấn đề tổ chức hệ thống các Viện công tố

          Những vấn đề về thành lập Viện công tố đã đư­ợc Nghị quyết số 49-NQ/TW khẳng định là: “Viện kiểm sát nhân dân đ­ược tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của tòa án. Nghiên cứu việc chuyển viện kiểm sát thành viên công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra”. Như­ vậy, từ quan điểm này về tổ chức lại hệ thống các cơ quan Viện công tố, chúng ta cần phải có sự nhận thức thống nhất rằng: nếu nh­ư chỉ sửa đổi, bổ sung (dù là cơ bản) các quy định của Luật "Về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân" năm 2002 hiện hành, thì sẽ tạo nên sự chắp vá, thiếu đồng bộ của văn bản và chính vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất và toàn diện thì cần phải ban hành văn bản pháp luật mới điều chỉnh việc tổ chức và hoạt động của các Viện công tố thuộc nhánh quyền hành pháp để thay mặt cho công quyền (Nhà n­ước) truy tố ngư­ời phạm tội ra tr­ước Toà án. Theo hướng này, chúng ta cần phải ban hành Luật mới với tên gọi có thể là một trong hai ph­ương án sau: 1) Luật “Về Viện Công tố của Chính phủ” hoặc là 2) Luật “Về Viện Công tố ở Việt Nam”- t­­ương ứng với việc thực hiện chức năng cơ bản, quan trọng và riêng biệt liên quan đến hoạt động tư­­ pháp hình sự - chức năng truy tố. Theo đó, hệ thống Viện công tố của nư­ớc ta sẽ có các đặc điểm cơ bản dư­ới đây: 

- Về tính chất, hệ thống Viện công tố ở Việt Nam theo Luật mới sẽ là hệ thống Viện công tố chung vì các Viện công tố này sẽ đ­ược tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền truy tố (buộc tội) song song với thẩm quyền xét xử của các Tòa án (chứ không phải theo thẩm quyền lãnh thổ - căn cứ vào địa giới hành chính như­ trư­ớc đây) nên sẽ thực hiện quyền công tố đối với cả các tội phạm trong các LLVTND. Và vì vậy, sẽ tránh đư­ợc tình trạng thiếu thống nhất và thiếu đồng bộ nh­­ư hiện nay là hệ thống VKSND thì đư­­ợc điều chỉnh bằng Luật, trong khi đó hệ thống VKSQS - lại được điều chỉnh bằng Pháp lệnh).

- Về phân cấp, nếu căn cứ vào thẩm quyền công tố thì hệ hệ thống các Viện công tố theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW phải phù hợp với hệ thống Tòa án nên từ cấp thấp nhất đến cấp TW song song với bốn cấp của hệ thống Toà án nó sẽ bao gồm bốn cấp của Viện công tố t­ương ứng nh­ư sau: 1) Các Viện công tố sơ thẩm khu vực; 2) Các Viện công tố phúc thẩm; 3) Các Viện công tố th­ượng thẩm khu vực và; 4) Viện công tố TW (hoặc gọi là Viện công tố tối cao).

Trong tương lai (sau năm 2020), hệ thống Viện công tố cũng chỉ có 3 cấp tương ứng với sự đổi mới của hệ thống toà án: Viện công tố cấp sơ thẩm khu vực, Viện công tố cấp phúc thẩm và Viện công tố tối cao.

- Về chức năng: Viện công tố các cấp chỉ thực hiện chức năng công tố trong lĩnh vực tố tụng hình sự (mà không thực hiện chức năng kiểm sát tư pháp như hiện nay). Bởi lẽ:

+ Bản chất của công tố là đại diện cho quyền lực công, đại diện cho Nhà nước truy tố (buộc tội) đối với các cá nhân (tổ chức) có các hành vi  bị coi là xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Do vậy, công tố thực chất là chức năng buộc tội (không phải là chức năng xét xử) và xét về bản chất không phải là quyền tư pháp (quyền phán quyết hành vi có tội hay không có tội) mà là quyền hành pháp thuộc Chính phủ. Do vậy, về lý luận cũng như thực tiễn tổ chức ở các nước, hệ thống công tố thuộc Chính phủ.

+ Phạm vi thực hành quyền công tố cũng chỉ giới hạn trong lĩnh vực tố tụng hình sự, còn trong các vụ án phi hình sự thì Viện công tố chỉ thực hiện chức năng của Luật sư công để đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích công của Nhà nước.

+ Do Viện công tố thực hiện chức năng buộc tội, nên chức năng của Cơ quan điều tra và Cơ quan công tố có liên quan mật thiết và hỗ trợ cho nhau. Khâu điều tra là tiền để, cơ sở để thực hiện quyền công tố. Do vậy, lý luận và thực tiễn tổ chức ở các nước thì Viện Công tố thường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động điều tra (hiện này Viện kiểm sát thực hiện cả chức năng giám sát tư pháp, giám sát hoạt động điều tra nên pháp luật không thể quy định Viện kiểm sát chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động điều tra).

- Về cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ, để đảm bảo việc thực hành quyền công tố theo luật định, thì trong hệ thống Viện công tố TW sẽ thành lập bốn Cục chuyên trách sau: 1) Cục thực hành quyền công tố đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia; 2) Cục thực hành quyền công  tố đối với các tội phạm trong các LLVTND; 3) Cục thực hành quyền công tố đối với các tội phạm hình sự thư­­ờng và; 4) Cục thực hành quyền công tố đối với các tội phạm tham nhũng (để tăng cường hơn nữa cuộc đấu tranh với quốc nạn này).

- Về chức năng phối hợp, việc thành lập các Viện công tố thành một hệ thống chặt chẽ từ TW xuống đến các cấp t­ương ứng với hệ thống Toà án là nhằm: 1) Đảm bảo sao cho hệ thống các cơ quan Viện công tố phải là cơ quan chủ đạo, quan trọng trong hệ thống của tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cả nư­ớc, đồng thời phối hợp hoạt động của tất cả các cơ quan BVPL trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm; 2) Bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế, đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc xét xử của Toà án đạt hiệu quả cao.    

4.3. Vấn đề tổ chức hệ thống các Tòa án chung

 Những vấn đề về cải cách hệ thống Tòa án đã đư­ợc Nghị quyết số 49-NQ/TW khẳng định là khâu trọng tâm của chiến l­ược CCTP đến năm 2020 vì khi đề cập đến vấn đề này, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã ghi rõ: "Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân". Nh­ư vậy, có thể nói quan điểm này của Đảng là hoàn toàn đúng đắn vì trong bất kỳ NNPQ đích thực nào quyền tư pháp mà hiện diện là Tòa án cũng đư­ợc coi và cần đư­ợc coi là trung tâm và là hệ thống cấu thành quan trọng nhất của bộ máy quyền lực Nhà nư­ớc, là “linh hồn” và “thanh lá chắn thép” trong sự nghiệp cao cả của việc bảo vệ một cách vững chắc và hữu hiệu sự công bằng xã hội, các quyền và tự do của con ngư­ời, cũng nh­ư các lợi ích của xã hội và của Nhà nư­ớc.

Từ quan điểm này của Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách hệ thống Tòa án, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn tới, chúng ta cần ban hành Luật "Về hệ thống Tòa án chung ở Việt Nam" (thay cho Luật tổ chức toà án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh về tổ chức Toà án quân sự 2002) nhằm thiết lập một hệ thống Toà án thống nhất ở nước ta, theo hướng:

- Về tính chất, hệ thống TAND ở Việt Nam theo Luật mới sẽ là hệ thống Tòa án chung vì các Tòa án này sẽ được tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử (chứ không phải theo thẩm quyền lãnh thổ - căn cứ vào địa giới hành chính như­ tr­ớc đây) nên sẽ xét xử cả các tội phạm trong các Lực l­ượng vũ trang nhân dân.       

- Về phân cấp, nếu căn cứ vào thẩm quyền xét xử thì hệ thống Tòa án chung ở Việt Nam sẽ đư­ợc tổ chức thành bốn cấp  là: 1) Các Tòa án sơ thẩm khu vực thực hiện chức năng xét xử lần đầu các vụ án theo thẩm quyền; 2) Các Tòa án phúc thẩm thực hiện chức năng chủ yếu là xét xử lần thứ hai (phúc thẩm) các vụ án mà Toà án khu vực đã xét xử như­ng bản án hoặc quyết định bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị, đồng thời các Toà án phúc thẩm cũng có cả chức năng xét xử lần đầu một số vụ án theo thẩm quyền; 3) Các Tòa án thượng thẩm khu vực thực hiện chức năng xét xử lần thứ hai (phúc thẩm) các vụ án mà Toà án phúc thẩm đã xét xử lần đầu (sơ thẩm) nh­ưng bản án hoặc quyết định bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị và; 4) Tòa án nhân dân tối cao thực hiện bốn chức năng - tổng kết thực tiễn xét xử, hư­ớng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ, đồng thời xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm tất cả các vụ án do các Tòa án ba cấp d­ưới xét xử nhưng bị kháng nghị.   

Trong tương lai (sau năm 2020), mô hình này có thể phát triển thành hệ thống toà án gồm 3 cấp:

+ Toà án cấp sơ thẩm: xét xử sơ thẩm toàn bộ các vụ án;

+ Toà án cấp phúc thẩm: xét xử phúc thẩm toàn bộ các vụ án;

+ Toà án tối cao: xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, hướng dẫn đường lối xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật.

- Mặc dù trong Nghị quyết số 49-NQ/TW không chỉ rõ, nh­ưng với tính chất chung (như­ đã nêu trên) hệ thống TAND theo Luật mới, thì các Tòa án quân sự từ nay sẽ trở thành các Tòa chuyên trách thuộc hệ thống Tòa án chung ở tất cả bốn cấp để chuyên xét xử các tội phạm trong các lực lượng vũ trang (ví dụ: Tòa án Quân sự TW thuộc TANDTC trư­ớc đây sẽ đ­ược gọi là Tòa chuyên trách để xét xử các tội phạm trong các lực lượng vũ trang và theo sự phân công của Chánh án TANDTC có thể đảm nhiệm thêm cả việc xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa).  

4.4. Vấn đề tổ chức hệ thống các cơ quan Thi hành án

Những vấn đề về tổ chức hệ thống các cơ quan thi hành án đã đ­ược Nghị quyết số 49-NQ/TW khẳng định là: "Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư­ pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án. Như­ vậy, từ quan điểm này về tổ chức hệ thống các CQTHA, chúng tôi cho rằng, định hướng hoàn thiện hệ thống cơ quan thi hành án hình sự cần tập trung vào các vấn đề sau:

a) Cần nhận thức rõ thế nào là quản lý thống nhất công tác thi hành án trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay: thống nhất quản lý Nhà nước về thi hành án cần được hiểu là thống nhất cả về mặt quản lý nhà nước lẫn tổ chức thực hiện công tác thi hành án. Do vậy, khi đã giao cho một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án thì phải giao cho cơ quan đó quản lý cả tổ chức, bộ máy và con người để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý. Bởi lẽ:

- Xuất phát từ bản chất, chức năng của hoạt động thi hành án là hiện thực hoá các phán quyết của Toà án. Các quan hệ xã hội bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại được trả lại trạng thái bình thường (về mặt pháp lý) thông qua các phán quyết của Toà án và nó được hiện thực hoá khi mà các bên đương sự tự nguyện thực hiện phán quyết của Toà án hoặc thông qua hoạt động thi hành các phán quyết trên của hệ thống cơ quan thi hành án. Thông thường, một hành vi bị coi là tội phạm hình sự sẽ xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội khác nhau được pháp luật bảo vệ, do vậy, trách nhiệm pháp lý của người thực hiện hành vi phạm tội không chỉ là trách nhiệm hình sự mà còn có cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, đồng thời trách nhiệm hình sự cũng không phải chỉ là hình phạt tù, cải tạo không giam giữ... mà cả hình phạt tiền, tịch thu tài sản, công cụ, phương tiện phạm tội...  Từ bản chất của hành vi vi phạm dẫn đến trách nhiệm hình sự và phán quyết của Toà án đã hàm chứa yếu tố thống nhất, không thể tách về mặt trách nhiệm pháp lý người bị tuyên án. Do vậy, trong mối quan hệ giữa thi hành án hình sự và thi hành án dân sự thì qúa trình thi hành án không thể xé lẻ, cắt khúc và giao cho nhiều cơ quan khác nhau thực hiện. Nhất là khi pháp luật hình sự và tố tụng hình sự phát triển ở mức linh hoạt hơn, cho phép chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù (nếu đương sự cố tình không chấp hành hình phạt tiền) thì tình trạng xé lẻ, cắt khung trong công tác thi hành án càng không thể chấp nhận được. Điều này đặt ra yêu cầu khách quan là hoạt động quản lý công tác thi hành án nói chung cần được đặt dưới sự quản lý tập trung thống nhất của một hệ thống cơ quan.

- Lý luận và quản lý nhà nước cũng như thực tiễn hoạt động quản lý cho thấy cơ quan nào quản lý công việc, thì cơ quan đó phải nắm tổ chức, bộ máy và nhân sự. Thông qua chất lượng, hiệu quả công việc mới có thể đánh giá đúng phẩm chất, năng lực cán bộ để từ đó có quy hoạch, kế hoạch sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự phù hợp. Ngược lại, nếu không nắm được tổ chức, nhân sự thì sẽ không thể có được chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, hệ luỵ là làm hạn chế rõ rệt đến hiệu quả quản lý, điều hành, không có được sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, nhanh nhậy.

b) Trên cơ sở nhận thức về quản lý thống nhất công tác thi hành án và mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp cần thiết lập mô hình tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án phù hợp và hiệu quả. Cụ thể là Bộ Tư pháp quản lý thống nhất công tác thi hành án (bao gồm thi hành án dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế, lao động, trọng tài...) cả về tổ chức và nghiệp vụ theo hướng: ở Trung ương có Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp, ở các địa phương có cơ quan thi hành án cấp tỉnh (hay Cục thi hành án), cơ quan thi hành án cấp huyện (hay Chi cục thi hành án). Công tác thi hành án phạt tù mà hiện nay Bộ Công an đang đảm nhiệm sẽ được chuyển giao toàn bộ sang Bộ Tư pháp. Trong các cơ quan thi hành án có lực lượng cảnh sát tư pháp chịu trách nhiệm dẫn giải phạm nhân, bảo vệ cưỡng chế thi hành án, làm nhiệm vụ thi hành án phạt tù... Bộ Tư pháp cũng quản lý việc thi hành án các hình phạt khác như: án treo, cải tạo không giam giữ và các biện pháp tư pháp khác.

          Mô hình tổ chức này có ưu điểm là tạo được sự quản lý Nhà nước tập trung, thống nhất, tạo điều kiện bảo đảm đầu tư về con người, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, đảm bảo sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, điều hành nhanh nhạy, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh được sự can thiệp vào hoạt động thi hành án, đảm bảo hoạt động thi hành án có hiệu quả. Đặc biệt mô hình này tạo ra khả năng thực hiện cho việc kết hợp chặt chẽ giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự hiện đang bị chia cắt là nguyên nhân gây nên tình trạng án tồn đọng.

          Mô hình này thích ứng với phương thức chuyển giao đồng bộ, đảm bảo được yêu cầu sớm thống nhất công tác thi hành án như định hướng của Đảng, không phải thực hiện nhiều lần, hình thành bộ máy nhanh chóng. Tuy nhiên, phưong án này đòi hỏi đầu tư lớn về kinh phí trong cùng một thời điểm, sắp xếp, bố trí nhân sự cho phù hợp vốn là điều không đơn giản. Mặt khác, nhược điểm của mô hình này là dẫn đến những xáo trộng lớn trong công tác chuyển giao quản lý từ Bộ công an sang Bộ Tư pháp. Do vậy, cần phải có lộ trình, bước đi và các đề án chuẩn bị thật cụ thể.

c) Xây dựng mô hình Trại giam và phân trại giam trong các Trại tạm giam phù hợp với tình hình thực tế. Về chế độ giam giữ: khắc phục dần hình thức tổ chức giam chung trong từng buồng lớn nhiều phạm nhân như hiện nay. Nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước xây dựng Trại giam thành nhiều buồng giam riêng 1, 2 người, đủ điều kiện vệ sinh, ánh sáng. Trước mắt cần quy hoạch, bố trí lại địa điểm xây dựng mới một số Trại giam trọng điểm theo mẫu thiết kế hiện đại, căn cứ vào phân loại người bị kết án, trong đó chia nhỏ số phòng giam giữ và đầu tư xây dựng các khu sản xuất công nghiệp, dịch vụ lớn trong Trại giam.

Đối với phân trại giam trong Trại tạm giam, không nên để tồn tại thành một bộ phận độc lập mà chỉ cần bố trí thành đội phạm nhân, với số lượng vừa đủ để phục vụ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ theo chế độ hợp đồng với Trại giam. Số phạm nhân này chủ yếu vẫn do các Trại giam quản lý

d) Xây dựng lực lượng cảnh sát tư pháp: Tổ chức lực lượng cảnh sát tư pháp thành một lực lượng vũ trang theo một hệ thống từ Trung ương đến địa phương thuộc biên chế của ngành tư pháp, nằm trong hệ thống các cơ  quan tư pháp  và do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhằm bảo đảm việc chỉ huy, điều hành thống nhất, điều động lực lượng phục vụ nhu cầu công tác xét xử và thi hành án (kể cả thi hành án hình sự) được thường xuyên, trực tiếp và kịp thời, khắc phục được những tồn tại do thiếu sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay.



[1] Đào Trí úc. Luật hình sự Việt Nam. (Quyển I). Những vấn đề chung. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội, 2000, tr.182.

[2] Phạm Thư - Chính sách hình sự và việc thực hiện chính sách hình sự ở nước ta – Luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội 2005, tr.56.

[3] Vụ quản lý khoa học và công nghệ, Bộ Công an – Cơ sở khoa học để hoàn thiện chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam, Nxb CAND, Hà Nội 2001, tr.12.

[4] Xem: Gertxenzôn A.A. Luật hình sự và xã hội học. NXB. Sách pháp lý. Maxcơva, 1970, tr.179 (tiếng Nga).

[5] Kôvalev M.I., Vorônhin Iu.A. Tội phạm học và chính sách hình sự. NXB Trường ĐHTH Xverđlôv, 1980, tr.8 (tiếng Nga).

[6] Babaev M.M. Về mối tương quan của chính sách hình sự và chính sách phòng ngừa tội phạm – Trong tập: những vấn đề xã hội học của luật hình sự. NXB Khoa học. Maxcơva, 1983, tr.12 (tiếng Nga).

[7] Xem: Các căn cứ của điều cấm về hình sự. NXB Khoa học. Maxcơva, 1978, tr.223 (tiếng Nga).

[8] Xem: Korobiôv A.I. Chính sách hình sự: Khái niệm, nội dung, cơ cấu. – Trong sách: Những vấn đề của chính sách hình sự. NXB. Trường ĐHTH Viễn đông. Vlađivôxtôk, 1985, tr.37 (tiếng Nga).

[9] Xem: Chính sách hình sự và tình trạng phạm tội: Những vấn đề, các con đường giải quyết. NXB. Kiến thức, Maxcơva, 1991, tr.35 (tiếng Nga);

[10] Xem: Từ điển luật hình sự (Tập thể tác giả do GS. A.V.Haumôv chủ biên). NXB. Bec, Maxcơva, 1997, tr.595-596 (tiếng Nga).

[11] Xem:  Borôđin X.V. Luật hình sự Xô viết trong cuộc đấu tranh chống tội phạm. – Tạp chí nhà nước và pháp luật Xô viết, 1977, No 10, tr.132-140 (tiếng Nga) ; Galperin I.M.,Kurlianđxki V.I. Đối tượng của chính sách hình sự và những hướng cơ bản của việc nghiên cứu nó. – Trong sách: Những phương hướng cơ bản của cuộc đấu tranh chống tội phạm. NXB Sách pháp lý, Maxcơva, 1975, tr.5-28 (tiếng Nga); Ixmailôv I.A. Chính sách hình sự và chính trị học hình sự. – Trong tập: Các tóm tắt khoa học của Trường ĐHTH Azerbaidan. Phần khoa học pháp lý, 1976, No 1, tr.41-51 (tiếng Nga).

[12] Xem: Các hình thức mới của tình trạng phạm tội và phòng ngừa tình trạng phạm tội. Bút ký của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc. Nữu Uớc, 1985, tr.25-27 (tiếng Nga).

[13] Xem cụ thể hơn: Lê Cảm. Các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền (Một số vấn đề lý luận cơ bản). – Trong sách: Việt Nam học. Kỷ yếu Hội  thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam học (Hà Nội, 14-17/7/1998). Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm KHXH & NVQG xuất bản. Hà Nội, 1998, tr.117-118.

[14] Các hành vi này, trước khi bị "hình sự hoá" chỉ bị coi là hành vi trái đạo đức hoặc vi phạm pháp luật khác và đã được quy định trong ngành luật tương ứng phi hình sự (như: luật hành chính, luật dân sự, luật môi trường, luật lao động, v.v...) mà đối với việc thực hiện hành vi ấy chỉ bị áp dụng chế tài pháp lý ít nghiêm khắc hơn hình phạt.

[15] Như BLHS năm 1999 nhà làm luật nước ta đã: a) Bổ sung một quy phạm mới tại khoản 2 Điều 22 về việc loại trừ TNHS về hành vi không tố giác tội phạm của nhau đối với những người thân thích gần, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc một số tội đặc biệt nghiêm trọng khác do luật định (Điều 313) mà trước đây đã bị trừng phạt theo quy định tương ứng trong PLHS  (Điều 19 BLHS năm 1985); b) Bổ sung thêm vào chế định miễn TNHS một dạng miễn TNHS mới – miễn TNHS khi có văn bản đại xá (khoản 3 Điều 25), cũng như vào chế định miễn chấp hành hình phạt (CHHP) hai dạng miễn CHHP mới – miễn CHHP khi có văn bản đặc xá hoặc văn bản đại xá (khoản 2 Điều 57); c) Loại trừ hình phạt tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội (Điều 39) mà trước đây được quy định trong PLHS đã hiện hành (đoạn 3 khoản 1 Điều 31 BLHS năm 1985); v.v...

 

[16] Đào Trí úc. Luật hình sự Việt Nam. (Quyển I). Những vấn đề chung. NXB. Khoa học xã hội. Hà Nội, 2000, tr.209.

[17] Xem Đề tài cấp nhà nước năm 2000 do Bộ Tư pháp chủ trì "Luật cứ khoa học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án ở Việt Nam trong giai đoạn mới"

[18] Xem cụ thể hơn: Khởi tố, bắt tạm giam Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT nhà nước Lương Quốc Dũng - Trong báo “Pháp luật” (của Bộ Tư pháp) số 44, ngày 20/2/2004; Từ nguồn tin tố giác ngày 30-12-2003 đến lệnh bắt tạm giam ngày 19-2-2004 - Trong báo “An ninh Thủ đô” số 11, ngày 20/2/2004.

[19] Hiện nay có tình trạng đối tượng điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thuộc Bộ (ngành) nào, thì văn bản đó được giao cho chính Bộ (ngành) đó biên soạn Dự án tương ứng nên thường dẫn đến xu hướng thiên kiến, “cục bộ”, “quyền anh-quyền tôi”, dành cho ngành (Bộ) của mình nhiều quyền (ít nghĩa vụ) mà không đặt mục đích cao nhất là văn bản đó phải đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên trên hết.

[20] Xem: Báo Nhân dân, số ra ngày  /12/2001. Tr.2. Bài " Nhìn lại năm 2001 - chống buôn lậu và  gian lận thương mại, mặt trận nóng bỏng và quyết liệt/Tác giả Phan Văn Minh/

[21]  Xem:  Báo Công an nhân dân từ số 1253 đến số 1263  tháng 12  năm 2001. Xem: Bùi Xuân Biên. Những đặc điểm nổi bật của công tác phòng chống ma tuý trong thời gian qua... Phòng chống ma tuý. Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma tuý, mại dâm. Số 6-2001.

[22] Xem: Bùi Xuân Biên. Những đặc điểm nổi bật của công tác phòng chống ma tuý trong thời gian qua... Phòng chống ma tuý. Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma tuý, mại dâm. Số 6-2001.

[23] Xem Báo cáo phúc trình đề tài cấp bộ 2002: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với cac tội phạm môi trường.

[24] Thông tin khoa học pháp lý số 6+7 năm 2004: "Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và phi hình sự hoá các quan hệ hình sự" – tr 20,21.

[25] M. Lisanxki và I. Maclôva. Sự điều chỉnh pháp luật quan hệ tín dụng ngân hàng - Tạp chí “Kinh tế và pháp luật” số 4 – 1999, tr.132-136.

[26] Viện khoa học pháp lý – Thông tin KHPL số 6+7-2004: "Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và phi hình sự hoá các quan hệ hình sự", tr 256,257.

[27] Những dự báo trong phần này được tiếp thu từ đề tài cấp bộ " Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường" - Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Văn Lợi.

[28] Bộ Tư pháp. Bản thuyết minh về Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Hà Nội, tháng 2/1999, tr. 5.

[29] Tkeseliađze G.T. Thực tiễn xét xử và đạo luật hình sự. NXB Khoa học. Tbilisi, 1975, tr.5 (tiếng Nga).

[30] Xem: Giải đáp một số vấn đề về hình sự, dâm sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng. TANDTC xuất bản. Hà Nội, 1999, tr.31.

[31] Xem: Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999”. – Trong sách: các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động và tố tụng. TANDTC xuất bản. Hà Nội, tr,42-50.

[32] Vấn đề này lẽ ra phải được cơ quan soạn thảo Dự án Bộ luật phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan chuẩn bị dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để trình cơ quan có thẩm quyền thông qua cùng với việc thông qua BLTTHS theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 26 Luật ban hành văn bản quy phạm  pháp luật.

[33] Một số kiến nghị của phần này đã được tiếp thu từ đề tài cấp nhà nước độc lập bảo vệ năm 2005 "Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án Việt Nam trong giai đoạn mới - Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Đình Lộc - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đề tài cấp bộ năm 2003 "Hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình - Thực trạng và giải pháp" - Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Văn Lợi – P.Viện trưởng Viện KHPL.

14 Dự thảo đề án về tử hình - Bộ Công an - Hà Nội - 2003.

 

File đính kèm downloadTải về