• Thuộc tính
Tên đề tài Pháp chế Bộ ngành
Nội dung tóm tắt
 
 

Nhằm góp phần tăng cường pháp chế trong các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý, ngày 6/9/1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là pháp chế ngành).

Thực hiện Nghị định số 94/CP nêu trên, tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, ngành đã được thành lập, kiện toàn. Hoạt động pháp chế ở các Bộ, ngành ngày càng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng cho việc thực hiên quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với từng ngành, từng lĩnh vực, tạo lập và giữ vững trật tự, kỷ cương, phép nước.

 Tuy nhiên, thời gian qua công tác pháp chế ở các Bộ ngành vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành còn gặp không ít khó khăn, trong đó có cả trở ngại, vướng mắc về nhận thức. Chính vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá một cách chính xác, khách quan thực trạng tình hình hoạt động của pháp chế ngành cũng như tìm ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập trên cơ sở đó xác định phương hướng và giải pháp đổi mới, đẩy mạnh hoạt động pháp chế ngành là việc làm hết sức cần thiết.

Việc nghiên cứu đề tài này nhằm các mục tiêu sau đây:

- Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành trong điều kiện hiện nay;

- Đánh giá thực trạng pháp luật về pháp chế ngành;

- Xác định phương hướng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, hoàn thiện các quy định pháp luật về pháp chế ngành nhằm phát huy hiệu quả của các tổ chức này trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với từng ngành, lĩnh vực cũng như toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội.

I. KHÁI NIỆM VỀ PHÁP CHẾ, PHÁP CHẾ NGÀNH VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ NGÀNH

1. Khái niệm về pháp chế

Pháp chế là một khái niệm pháp lý được sử dụng rộng rãi trong sách báo pháp lý, trong khoa học pháp lý và cả trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Việc xác định một cách khoa học và chính xác nội hàm của khái niệm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khẳng định chức năng, nhiệm vụ và vai trò của pháp chế, xác định nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức triển khai các hoạt động pháp chế, tăng cường pháp chế.

Từ trước đến nay, ở nước ta nội hàm của khái niệm pháp chế vẫn chưa được quy định rõ ràng và cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khoa học pháp lý, các nhà lý luận đã dành sự chú ý đáng kể cho việc xác định nội hàm của khái niệm “pháp chế”, song cho đến nay vẫn còn có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau.

Khi nói về pháp chế xã hội chủ nghĩa, có ý kiến cho rằng “Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị - xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác”([1]).

Loại ý kiến thứ hai cho rằng  “Pháp chế xã hội chủ nghĩa là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật”([2]).  Cũng có ý kiến thứ ba khẳng định “Pháp chế là toàn bộ pháp luật của một nhà nước, một thời kỳ của một nhà nước hay toàn bộ pháp luật về một lĩnh vực của đời sống”([3]).

Theo quan điểm của chúng tôi, cách hiểu thứ nhất không chỉ ra rõ đây là chế độ cụ thể gì, không rõ kết cấu nội tại của khái niệm và về bản chất dễ bị quy kết là phiến diện và đồng nhất nội dung khái niệm “pháp chế” với một trong những yêu cầu cơ bản của pháp chế là mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Và như vậy cách hiểu này không thể hiện đúng và đầy đủ nội hàm của khái niệm “pháp chế”.

Trên thực tế cũng dễ bị quy kết là phiến diện và đồng nhất nội dung khái niệm “pháp chế” với hệ thống pháp luật của quốc gia - một trong những yêu cầu cơ bản của pháp chế, không đề cập đến các yêu cầu cơ bản khác là pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, phải được bảo vệ, và cũng không có khả năng thể hiện rõ kết cấu nội tại của khái niệm. Nói cách khác, cách hiểu thứ ba cũng không thể hiện đúng và đầy đủ nội hàm của khái niệm “pháp chế”.

Cách hiểu thứ hai có tính khái quát hơn, thể hiện đầy đủ hơn nội hàm của khái niệm “pháp chế”. Đó là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Bản thân chế độ quản lý này được hình thành trên cơ sở pháp luật, theo quy định của pháp luật.

Để xác lập chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật, phải ban hành pháp luật với những quy định cụ thể về các vấn đề như:

- Chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, nội dung, công cụ, phương pháp, hình thức trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội;

- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của các cơ quan nhà nước;

- Khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội;

- Các biện pháp nhằm tạo lập và bảo vệ trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. 

 Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định rằng cách hiểu thứ hai nêu trên thể hiện đầy đủ các thành tố cơ bản và đồng thời cũng là những yêu cầu cơ bản của pháp chế.

2. Khái niệm về pháp chế ngành và tổ chức pháp chế ngành

Pháp chế là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Điều này có nghĩa là từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội đều phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật; chính bộ máy nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng đều phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật.

Với cách xác định  nội hàm của khái niệm “Pháp chế” như đã nêu ở trên, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định “Pháp chế ngành” là chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành. Khái niệm “ngành” hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng ở đây có thể dùng để chỉ cả một lĩnh vực hay một loại quan hệ kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, ngoại thương....và cũng có thể dùng để chỉ một nhóm hay một số nhóm, một bộ phận quan hệ xã hội của từng lĩnh vực, từng loại quan hệ xã hội trên phạm vi cả nước hoặc trong phạm vi một đơn vị hành chính lãnh thổ nhất định. Khái niệm ngành ở đây rộng hay hẹp và nội dung cụ thể ra sao tuỳ thuộc vào quan niệm của các cấp có thẩm quyền trong từng văn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, cách xác định nội hàm của khái niệm “ngành” không ảnh hưởng đến vấn đề thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành. Đồng thời phải hiểu “pháp chế ngành” mà chúng ta đang bàn luận được hiểu là chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành trên phạm vi cả nước. Pháp chế ngành đòi hỏi:

- Phải có hệ thống các quy định pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có hiệu lực thực sự và luôn luôn được hoàn thiện về từng ngành, lĩnh vực để làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của bản thân bộ máy nhà nước trong ngành và lĩnh vực đó, đồng thời là công cụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước;

- Hệ thống các quy định của pháp luật về ngành, lĩnh vực phải được mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội chấp hành nghiêm chỉnh;

- Phải có tổ chức chuyên trách đủ mạnh để giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành (sau đây gọi là Thủ trưởng  ngành) thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành được phân công phụ trách.

Tổ chức pháp chế ngành là tổ chức được thành lập để giúp Thủ trưởng Bộ, ngành thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành được phân công phụ trách trên phạm vi cả nước, tức là thực hiện chức năng của pháp chế trong ngành do cơ quan mình quản lý. Phạm vi quản lý của Bộ, ngành mở rộng đến đâu thì phạm vi hoạt động của “tổ chức pháp chế ngành” được mở ra tới đó. 

Cũng như pháp chế nói chung, pháp chế ngành được thiết lập trong các lĩnh vực hoạt động có tính chất nội bộ của quốc gia và cả trong các hoạt động đối ngoại của quốc gia. Vì vậy, có thể nói hoạt động của tổ chức pháp chế ngành bao quát cả lĩnh vực hoạt động đối ngoại do Bộ, ngành chủ quản thực hiện.

II. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT NƯỚC TA VỀ PHÁP CHẾ  NGÀNH

1. Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trước năm 1997

Trước khi có đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền kinh tế và tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của nước ta được quản lý theo cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, một cơ chế ra đời do yêu cầu của thời chiến và còn tồn tại nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ này, vấn đề pháp luật và pháp chế đương nhiên chưa thể có điều kiện để được quan tâm đúng mức. Vì vậy, chưa có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nào được ban hành để điều chỉnh một cách đầy đủ và toàn diện về vấn đề pháp chế ngành. Tuy nhiên, trong một số văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành cũng đã có một vài quy định khái quát về tổ chức pháp chế của Bộ, ngành như:

- Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính; Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952, trong đó có quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;

- Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng, Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế;

- Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an, Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;

- Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;...

Nội dung của các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên chỉ quy định việc cho phép thành lập tổ chức pháp chế ở  Bộ, ngành này hay Bộ, ngành khác riêng rẽ. Một số văn bản cấp Bộ, ngành ngoài việc quy định cả việc thành lập cũng đã quy định cả chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành như Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Trong những trường hợp Bộ, ngành không có tổ chức pháp chế chuyên trách thì từng phần nội dung cụ thể của công tác pháp chế (soạn thảo văn bản, kiểm soát việc ban hành văn bản, kiểm  tra việc thực hiện văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật...) được giao cho Văn phòng của Bộ, ngành hoặc liên quan đến đơn vị chức năng nào của Bộ, ngành, thì được chính thức hoặc mặc nhiên giao cho các đơn vị chức năng đó thực hiện. Ngay cả khi có Vụ hay Phòng Pháp chế thì Vụ hay Phòng Pháp chế cũng không phải là tổ chức duy nhất thực hiện tất cả các nhiệm vụ pháp chế nêu trên mà chỉ là lực lượng chủ yếu hoặc chủ trì thực hiện; các đơn vị chức năng khác của Bộ, ngành cũng đều có thể được giao nhiệm vụ chủ trì, tham gia hoặc phối hợp thực hiện một vài nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

Như vậy, có thể thấy thời gian qua các quy định của pháp luật về pháp chế ngành rất tản mạn, chủ yếu gồm các quy định do lãnh đạo của từng Bộ, ngành ban hành để áp dụng riêng cho Bộ, ngành mình, không thống nhất trên cả nước, thiếu cụ thể và hiệu lực thi hành thấp.

Tình trạng trên của pháp luật đã không tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, không tạo điều kiện thúc đẩy và phát huy vai trò của pháp chế ngành trong các hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

Cùng với việc chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, chủ trương chuẩn bị tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế và tư duy pháp lý... khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Ngày 17/6/1985 Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước.

Theo quy định của Nghị định số 178/HĐBT, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế; các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ chính sách và pháp chế thì thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

Việc thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Chính sách và Pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và biên chế được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế.

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Và như vậy, Nghị định này không quy định một mô hình thống nhất cho các tổ chức pháp chế ngành. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nhà nước ta, pháp luật quy định không chỉ cho phép mà còn buộc phải thành lập tổ chức pháp chế ngành ở tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Nghị định số 178/HĐBT còn quy định khá rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức pháp chế ngành. Cụ thể như sau:

+ Các vụ, Phòng pháp chế thuộc các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng:

+ Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

+ Thẩm tra và chịu trách nhiệm về pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ, Uỷ ban nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

+ Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

+ Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ảnh với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở Trung ương.

Phối hợp với các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

+ Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

+ Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng giao.

Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế của các Bộ, Uỷ ban, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có quyền:

+ Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

+ Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

+ Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

  Như vậy, Nghị định số 178/HĐBT tuy chưa quy định rõ chức năng của tổ chức pháp chế ngành, nhưng đã quy định khá rõ và tương đối đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của tổ chức pháp chế ngành. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất của nước ta đến thời điểm này chuyên điều chỉnh vấn đề pháp chế ngành, tạo điều kiện cho việc từng bước thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, và cũng là một bước đột phá về nhận thức theo hướng tích cực đối với pháp chế ngành ngay trong điều kiện đất nước ta mới chỉ chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn không đầy đủ, tầm hiệu lực thấp, mô hình tổ chức pháp chế ngành vẫn không thống nhất, thiếu các quy định về những biện pháp bảo đảm thi hành. Điều rất dễ nhận thấy là hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng. Tình trạng này của pháp luật là một trong những nguyên nhân làm cho pháp chế ngành gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà không thể tháo gỡ nổi.

Sau hơn mười năm thực hiện Nghị định số 178/HĐBT nêu trên, tổ chức pháp chế không phải đã được thành lập ở tất cả các các Bộ, ngành; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngành không được tăng cường đầy đủ về số cũng như chất lượng, điều kiện để hoạt động cũng không được bảo đảm tốt, và đương nhiên không thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nguyên nhân làm cho các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn có nhiều điểm khiếm khuyết và các hoạt động pháp chế ngành hiện nay không bứt lên để đáp ứng yêu cầu là do:

- Lãnh đạo các cấp các ngành nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ về vị trí và vai trò của pháp chế ngành cũng như về việc cần thiết phải thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật theo đúng yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền;

- Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hình thành, nhà nước pháp quyền cũng đang còn trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai xây dựng, và do đó chưa tạo ra được sự thúc ép thực sự mạnh mẽ đối với việc triển khai thực hiện chế độ quản lý đối với tổ chức và bộ máy của nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

- Các tổ chức pháp chế ở một số Bộ, ngành và các cán bộ pháp chế ngành ở đây chưa đủ sức bằng hành động thực tiễn của mình chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành. 

2. Nội dung chủ yếu của các văn bản pháp luật về pháp chế ngành từ 1997 đến nay

2.1. Về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế ngành trong giai đoạn mới, ngày 6/9/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo quy định của Nghị định số 94/CP, tổ chức pháp chế phải được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước. Về hình thức tổ chức, các tổ chức pháp chế ngành có thể là Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế.

Theo Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP) giữa Bộ Tư pháp và Ban tổ chức và Cán bộ Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Pháp chế có thể thuộc Văn phòng Bộ hoặc trực thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

Việc thành lập Vụ Pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, có ý kiến của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Việc thành lập Phòng Pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công tác pháp chế mà có thể giữ nguyên mô hình tổ chức hoặc tổ chức lại theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này. Trong trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế ghép như Vụ Pháp chế - Chính sách, Vụ Thanh tra - Pháp chế, Vụ Pháp chế - Tổng hợp..., thì tách lĩnh vực pháp chế thành tổ chức độc lập theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này.

Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP- BTP còn quy định cả chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ pháp chế ngành. Cụ thể là cán bộ pháp chế phải là người có trình độ cử nhân luật, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành mình. Cần bố trí cán bộ, công chức từ chuyên viên trở lên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ pháp chế, tổ chức pháp chế. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân luật và thực tiễn soạn thảo văn bản mà chưa có kiến thức chuyên ngành thì cần có kế hoạch đào tạo để đạt yêu cầu kiến thức chuyên ngành. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành và kinh nghiệm chuyên môn mà chưa có kiến thức pháp luật thì cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về:

- Chất lượng và hiệu quả hoạt động pháp chế của Bộ, ngành mình;

- Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế Bộ;

- Quy hoạch việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Điều 7 của Nghị định số 94/CP quy định rõ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ theo quy định của Nghị định này. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP  còn quy định rõ việc này phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 21/12/1997.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

Tuy nhiên, nhìn vào các quy định nêu trên chúng ta vẫn chưa thấy được một mô hình thống nhất cho các tổ chức pháp chế ngành. Cách quy định như vậy tạo cơ hội cho sự tuỳ tiện và thiếu thống nhất trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế ngành.

2.2. Chức năng của Tổ chức pháp chế ngành

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các chức năng sau đây:

- Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao;

- Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

- Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

- Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

2.3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức pháp chế ngành

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Trong công tác xây dựng pháp luật.

+  Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

+ Thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

+ Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

- Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

+ Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để:

* Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

* Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.

* Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

- Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

+ Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

+ Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Như vậy, Nghị định 94/CP nêu trên quy định cũng khá rõ và cụ thể chức năng của tổ chức pháp chế ngành. Nghị định 94/CP  cũng quy định rõ các quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành và cũng là một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thể hiện sự nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nhà nước ta đối với công tác pháp chế ngành.

Ngoài các quy định của Nghị định số 94/CP, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành còn được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành. Tuy nhiên, trên thực tế thì các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành chỉ cụ thể hoá các quy định của Nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của mỗi Bộ, ngành.

Các quy định của Nghị định số 94/CP cùng với các văn bản của các Bộ ngành, về cơ bản, có thể nói bước đầu đã hình thành một hệ thống tương đối cụ thể về pháp chế ngành, nhưng còn có không ít nhược điểm. Nhược điểm cơ bản của hệ thống này là ở chỗ vẫn chỉ là những quy định có tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành và một số quy định cần thiết khác. Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, tuy khá hơn với Nghị định số 178/HĐBT ở chỗ Nghị định số 94/CP khẳng định rõ chức năng của pháp chế ngành, nhưng lại có một vài  điểm thụt lùi vì một số quy định rất cần thiết và quan trọng đã được khẳng đinh tại Nghị định số 178/HĐBT, nhưng không được tiếp tục khẳng định tại Nghị định số 94/CP như:

- Quy định pháp chế ngành phải là cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành;

- Tổ chức pháp chế của các Bộ, Uỷ ban, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế thuộc ngành ở cả trung ương và địa phương;

- Thừa nhận sự tồn tại của hệ thống pháp chế của mỗi ngành gồm tổ chức pháp chế của các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương là các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương...

Cũng như giai đoạn trước, nội dung các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn không đề cập cụ thể đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng, mặc dù cùng với sự tích cực và chủ động đẩy mạnh việc hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, hoạt động đối ngoại của cả nước ta nói chung và của từng Bộ, ngành nói riêng ngày càng sôi động, và trong hoạt động đối ngoại cũng rất cần tăng cường pháp chế.

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành trong những năm qua.

Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp lý các vấn đề pháp chế ngành, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, cần nghiên cứu xử lý tất cả các nhược điểm nêu trên, đặc biệt là nhược điểm về tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành các quy định hiện hành về pháp chế ngành và không có quy định cụ thể bao quát hết các lĩnh vực như lĩnh vực hoạt động đối ngoại v.v...

III. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

1. Thực trạng triển khai Nghị định 94/CP về xây dựng tổ chức của pháp chế ngành

Thực hiện Nghị định số 94/CP về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành, một số Bộ, ngành đã tiến hành kiện toàn tổ chức pháp chế ngành đã được thành lập theo Nghị định số 178/HĐBT; một số Bộ, ngành đã tiến hành làm thủ tục thành lập mới tổ chức pháp chế của mình. Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 94/CP của Bộ Tư pháp, đến hết năm 1999 có 40/48 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 vụ pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép với cơ quan tổng hợp hoặc thanh tra, 15 phòng pháp chế và 3 ban pháp chế. Và cho đến tháng 1/2003 đã có thêm các Vụ Pháp chế của các Bộ mới được thành lập là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông.

Một số Bộ, ngành cũng đã chú trọng lựa chọn, bố trí và bồi dưỡng cán bộ pháp chế theo yêu cầu của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP, làm cho số cán bộ pháp chế vừa có trình độ, kiến thức pháp luật cần thiết, vừa có kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành ngày càng gia tăng. Trong tổng số hơn 300 cán bộ pháp chế ngành hiện nay đã có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học, gần hai trăm cử nhân luật. Số cán bộ pháp chế này được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhưng nhìn chung có phông kiến thức chung về pháp luật và nghiệp vụ công tác pháp chế tương đối vững vàng. Nhiều người trong số này đang tiếp tục được nâng cao thêm về trình độ, kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý hành chính và lý luận chính trị; một số khác đang được bổ túc thêm kiến thức chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

 Đáng chú ý là một số Bộ, ngành, điển hình là các Bộ, ngành như Thuỷ sản, Khoa học và Công nghệ, Công an, Công nghiệp, văn hoá - Thông tin, Thương mại,... không chỉ kiện toàn tổ chức pháp chế mà còn rất chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức này như ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế để quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành, với lãnh đạo của Bộ, ngành; đưa các quy định về bảo đảm hoạt động pháp chế vào Quy chế làm việc của Bộ, ngành, vào cả Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành...

Chính những việc làm nêu trên đã giúp khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế ngành, tạo điều kiện và môi trường ngày càng thuận lợi cho pháp chế ngành phát huy vai trò của mình trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Nhờ đó một số tổ chức pháp chế ngành như Vụ Pháp chế Bộ Công an, Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá Thông tin, Tổng cục Du lịch... đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường pháp chế trong các lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

Bên cạnh những thành tích kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh công tác pháp chế ngành ở một số Bộ, ngành nêu trên, thì ở một số cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế; ở một số Bộ, ngành lớn vẫn còn tình trạng pháp chế ghép với bộ phận tổng hợp hoặc với thanh tra mặc dù Nghị định 94/CP đã ban hành được 5 năm. Nói cách khác, quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/ TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này chưa được một số Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.

Về cán bộ pháp chế ngành, con số hơn 300 người, trong đó có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học vẫn là con số rất khiêm tốn, và rất tiếc cũng còn một số lượng tương đối lớn cán bộ pháp chế ngành chưa có trình độ cử nhân luật.

Nhìn vào con số trên chúng ta thấy tuy có sự tiến bộ rõ rệt về số lượng và chất lượng cán bộ pháp chế ngành so với cuối năm 1997, đầu năm 1998 và đặc biệt so với những năm trước năm 1997, nhưng so với chức năng và nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định số 94/CP thì còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy ở không ít bộ, ngành số cán bộ pháp chế ngành chưa đạt tới con số 10; thậm chí có Phòng Pháp chế chỉ có 2 – 3 chuyên viên, không có cả trưởng hay phó phòng để điều hành  công việc hàng ngày.

Thực trạng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế ngành như nêu trên gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành, làm hạn chế đáng kể hiệu quả công tác pháp chế ở nhiều Bộ, ngành, và như vậy cũng góp phần hạn chế hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Có thể nói tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay ở một số Bộ, ngành không đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ở một số Bộ, ngành tổ chức pháp chế ngành không được hình thành hay không được kiện toàn, không phát huy được vai trò của mình có nhiều, tuy nhiên có thể nêu ra đây một số nguyên nhân chính, đó là:  

- Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn nhiều khiếm khuyết.

- Lãnh đạo của một số các Bộ, ngành và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước các cấp, các ngành làm tham mưu cho lãnh đạo chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về yêu cầu của nền kinh tế thị trường và của việc xây dựng nhà nước pháp quyền đối với việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật cũng như vị trí, vai trò của pháp chế ngành; chưa chấm dứt thói quen quản lý và hoạt động của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.

- Các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc và bảo đảm thi hành các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành.

- Công tác nghiên cứu lý luận về pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vấn đề này chưa được chú trọng.

2. Thực trạng hoạt động của tổ chức pháp chế ngành

 Có thể nói rằng, hoạt động quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành khác và các địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước; liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật. Vì vậy công tác của các tổ chức pháp chế ngành cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

Để tiện theo dõi, chúng tôi phân tích tình hình hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành theo từng nhiệm vụ đã được quy định trong Nghị định số 94/CP như sau:

a. Trong công tác xây dựng pháp luật

- Về đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Pháp chế ngành. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức pháp chế ngành đã triển khai hoặc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này, vẫn còn một số tổ chức pháp chế ngành vẫn chưa đủ thế và lực để thực hiện nhiệm vụ.

- Về thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Nhiệm vụ này được tất cả các tổ chức pháp chế ngành triển khai với những mức độ khác nhau. Nhiều tổ chức pháp chế ngành phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc thẩm định các dự thảo văn bản, đóng góp phần quan trọng vào việc nâng cao một cách rõ rệt chất lượng của dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý. Tuy nhiên chất lượng thẩm định của một số tổ chức pháp chế ngành chưa cao, còn để tồn tại những sai sót, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản do Bộ, ngành mình ban hành hoặc trình cấp trên ban hành. Nhiều khi việc thẩm định chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật pháp lý đơn thuần hoặc chỉ có tính chất hình thức.

- Về trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đây là việc được tất cả các tổ chức pháp chế ngành thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức pháp chế ngành ít khi trực tiếp chủ trì soạn thảo văn bản mà chỉ làm công việc điều phối chung việc soạn thảo các văn bản và cử người tham gia vào quá trình soạn thảo, cuối cùng dành nỗ lực cho hoạt động thẩm định giúp nâng cao chất lượng của văn bản về mặt nội dung và kỹ thuật.

- Về việc làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

Đây là công việc cũng không kém phần phức tạp vì khối lượng văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến rất lớn và ngày càng nhiều. Có những văn bản gửi xin ý kiến không phải một lần, nội dung rất đa dạng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu không có kiến thức pháp luật tổng hợp và vững vàng thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Thông thường hiện nay các tổ chức pháp chế ngành mới chỉ tập trung nghiên cứu và góp ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của ngành mình nhằm thực hiện chức năng “gác cổng” cho ngành, chưa chú ý nhiều đến việc đóng góp ý kiến toàn diện cho dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý.

Ngoài những văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến, hiện nay có một khối lượng lớn dự thảo văn bản do Chính phủ gửi xin ý kiến thành viên chính phủ và một số tổ chức pháp chế ngành được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chuẩn bị văn bản góp ý kiến và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

b. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

- Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1997 về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt, thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

- Các Bộ, ngành đã xác định việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Trên thực tế các tổ chức pháp chế ngành vẫn thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc kiến nghị bãi bỏ một loạt giấy phép theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

- Một số tổ chức pháp chế ngành đã bước đầu phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách; kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành; kiến nghị đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành. Đây là vấn đề khá bức xúc và cũng hết sức phức tạp, do lực lượng còn quá mỏng cho nên có thể nói đa số các tổ chức pháp chế ngành chưa thực sự triển khai thực hiện.

c. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác này được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành và nhiều tổ chức pháp chế ngành đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình.

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; một số Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật v.v...

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều bất cập như hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn đơn điệu, đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp còn thiếu thông tin pháp luật về từng ngành, lĩnh vực.

d. Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Một số tổ chức pháp chế ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

Nhiều tổ chức pháp chế ngành làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình trong việc xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý; góp ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Cũng có những tổ chức pháp chế chưa triển khai mạnh mẽ hoạt động này vì thiếu nhân lực, thiếu phương tiện và kinh phí...

đ. Trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành

Đây là lĩnh vực chưa có quy định cụ thể, vì vậy, không có cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động pháp chế trong lĩnh vực phức tạp này. Tuy nhiên, một số tổ chức pháp chế ngành đã cố gắng triển khai các hoạt động như tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến cho các dự thảo điều ước quốc tế mà Bộ, ngành mình cần ký kết hoặc trình cấp trên ký kết hoặc tham gia; tham gia xử lý một số vấn đề pháp lý nảy sinh trong hoạt động đối ngoại, rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý để có những kiến nghị cần thiết...

Tóm lại, hoạt động pháp chế ngành hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; một số nhiệm vụ được triển khai rất có mức độ. Pháp chế ngành chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật; chưa triển khai hoạt động một cách thống nhất và có hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành.

Nhìn chung hoạt động của pháp chế ngành chưa đồng đều, có nơi mạnh và phát huy tốt vai trò của mình, có nơi rất lúng túng và không đủ lực hoặc không có đủ điều kiện để phát huy vai trò giúp Bộ trưởng, thủ trường ngành thực hiện tốt việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

1. Phương hướng và các quan điểm chỉ đạo quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành.

1.1. Phương hướng

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nghĩa là xây dựng một nhà nước trong đó việc tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, tổ chức và hoạt động của từng cơ quan nhà nước, hoạt động của từng công chức, viên chức nhà nước cũng như việc tổ chức và quản lý kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật và bằng pháp luật. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả, nếu chúng ta quan tâm tăng cường pháp chế nói chung trên phạm vi cả nước và pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng.

Từ những phân tích nêu trên, chũng tôi cho rằng phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành hiện nay thể hiện ở hai điểm có sự tác động qua lại và gắn bó rất chặt chẽ với nhau như sau:

- Bảo đảm pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật.

- Tổ chức pháp chế ngành phải được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực hoạt động hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoạt động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế.

1.2. Các quan điểm chỉ đạo

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành theo tinh thần và để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, cần phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:

- Tổ chức Pháp chế ngành phải thực sự trở thành tổ chức đủ thế và lực để giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công trong hoạt động đối nội, đối ngoại.

Cần phải hiểu rằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhà nước nói chung và từng Bộ, ngành nói riêng chỉ được phép thực hiện quản lý kinh tế và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Đây là vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cũng là của nhà nước pháp quyền. Nếu làm ngược lại thì phải trả giá đắt. Thiếu tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết để giúp việc thì Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

- Tổ chức Pháp chế ngành phải vươn lên để thực sự trở thành trung tâm, đầu mối  xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.        

Không phải bất kỳ tổ chức nào cũng có thể thực hiện tốt công tác làm đầu mối xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý. Chỉ có tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết mới có thể làm tốt nhiệm vụ này.

- Tổ chức Pháp chế ngành phải trở thành “Văn phòng luật sư” đáng tin cậy không chỉ của lãnh đạo Bộ, ngành mà của cả từng đơn vị , từng công chức, viên chức của Bộ, ngành mình cả về pháp luật quốc gia lẫn pháp luật quốc tế…

Thực tiễn hàng ngày trong công tác quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành cho thấy thường có khá nhiều vấn đề pháp lý hay khía cạnh pháp lý của các vấn đề khác nảy sinh và cần phải được xử lý một cách khoa học và đúng đắn. Việc xử lý những vấn đề này cần đến sự trợ giúp của những người có kiến thức pháp luật chuyên ngành vững vàng và nghiệp vụ pháp chế chuyên ngành cần thiết thì mới có hiệu quả.

- Tổ chức Pháp chế ngành thực sự là tổ chức chân rết, mắt xích, thành tố của hệ thống pháp chế của Chính phủ và của cả quốc gia.

Như đã trình bày ở các mục trên, pháp chế tồn tại trên quy mô cả nước, trong phạm vi từng hệ thống cơ quan nhà nước,  trong hệ thống cơ quan quyền lực cũng như hệ thống cơ quan quản lý hành chính....

Trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính, có tổ chức pháp chế của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương. Và do đó các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế không chỉ gồm các tổ chức pháp chế ngành, pháp chế địa phương mà có Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan đầu mối, chủ trì công tác pháp chế của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý công tác pháp chế. Với cách tiếp cận này thì các tổ chức pháp chế ngành là chân rết, mắt xích của Bộ Tư pháp tại các Bộ, ngành.

Các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp và cả cơ quan hành chính địa phương cũng cần có các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế. Tuy nhiên phạm vi chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan pháp chế không hoàn toàn giống nhau, song hoạt động của tất cả các cơ quan này đều hướng vào bảo đảm các yêu cầu cơ bản của pháp chế. Có thể khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan pháp chế ngành và các cơ quan pháp chế khác luôn luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tiễn chứng tỏ rằng một khi tổ chức pháp chế ngành vững mạnh, hoạt động có hiệu quả thì Bộ Tư pháp có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong các hoạt động pháp chế và công tác pháp chế chung của Chính phủ cũng sẽ có hiệu quả. Vì vậy cần thiết kế cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ mạnh mẽ giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức pháp chế ngành, đồng thời Bộ Tư pháp phải phát huy tốt vai trò chủ đạo.

2. Các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành.

Để quán triệt các quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công phương hướng nêu trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

2.1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP

a. Về mặt tổ chức, cán bộ pháp chế ngành:

Nghị định số 94/CP (sửa đổi) cần quy định:

+ Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải có tổ chức pháp chế độc lập;

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải có Vụ Pháp chế;

+ Các cơ quan thuộc chính phủ có tổ chức Pháp chế trực thuộc Thủ trưởng cơ quan;

 + Khẳng  định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ pháp chế;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng pháp chế ít nhất phải có trình độ thạc sỹ hoặc tiến sỹ luật học thì mới đủ tầm và điều kiện giữ vững và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế;

+ Khung biên chế tối thiểu của Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế;

+ Các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành đều có bộ phận làm công tác pháp chế, tức là hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

+ Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.     

b. Về chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của pháp chế ngành:

Nội dung của Nghị định số 94/CP (sửa đổi) cần khẳng định rõ hơn, đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành đã được quy định trong Nghị định số 94/CP, đồng thời phải giao thêm cho các tổ chức pháp chế ngành các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

* Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình do chính Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành mình hoặc các Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác, các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá bỏ mọi mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống các quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực.

* Tư vấn cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày.

Giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý chuyên ngành cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương.

* Hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế và bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình và các sở, ban ngành có liên quan ở địa phương.

* Thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế trong các hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành mình.

c. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành

Cần bổ sung vào Nghị định số 94/CP (sửa đổi) các quy định sau đây:

+ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý công tác pháp chế của Chính phủ, trong đó có pháp chế ngành.

+ Quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hiệu quả hoạt động pháp chế ngành và một số biện pháp xử lý cần phải được áp dụng đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

+ Khẳng định rõ Hồ sơ các dự án văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi chỉ được Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của pháp luật, nếu có văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế ngành.

+ Bộ Tư pháp định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành và kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường tổ chức và hoạt động pháp chế tại các Bộ, ngành.

+ Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

+ Hàng quý, nửa năm và cuối năm, các Bộ, ngành phải gửi Bộ Tư pháp  báo cáo về công tác pháp chế của Bộ, ngành mình. Hàng năm Bộ Tư pháp phải có báo cáo riêng về đánh giá công tác pháp chế ngành gửi Chính phủ.

Về lâu dài, nên đặt vấn đề nghiên cứu để tiến tới xây dựng một văn bản pháp luật  có tầm hiệu lực cao hơn về pháp chế ngành.

2.2. Các biện pháp cần thực hiện trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP

Trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu triển khai ngay một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp tục thực hiện các quy định của Nghị định số 94/CP. Cụ thể là phải có biện pháp có hiệu quả để đôn đốc các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện dứt điểm các yêu cầu sau đây:

- Hoàn tất việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ mà ở đó từ trước đến nay chưa có tổ chức pháp chế ngành nhằm bảo đảm ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ nào còn ghép pháp chế với thanh tra, tổng hợp, chính sách hoặc với các nội dung hoạt động khác thì khẩn trương tách bộ phận pháp chế thành tổ chức độc lập.

- Sớm hình thành hệ thống tổ chức pháp chế ngành trong những Bộ, ngành lớn, tức là thành lập bộ phận làm công tác pháp chế ở các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.         

- Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành có đủ trình độ, kiến thức pháp luật và tư thế để hoàn thành nhiệm vụ.

- Tất cả các  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, quy định rõ và cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành phù hợp với văn bản có liên quan của Chính phủ, quy định mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định này cũng cần phải được khẳng định cả trong quy chế làm việc của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức pháp chế ngành.

 - Chỉ đạo các tổ chức pháp chế ngành tiến hành mở rộng các hoạt động sang lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành; yêu cầu bản thân tổ chức pháp chế ngành phải chủ động và sáng tạo lựa chọn các hình thức và biện pháp có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ được giao, tự thân đổi mới mình nhằm chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

Nước ta không thể có nền pháp chế vững mạnh nếu pháp chế trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương không được tăng cường. Pháp chế trong từng ngành, từng lĩnh vực là bộ phận cấu thành không thể tách rời của toàn bộ cơ thể pháp chế thống nhất của quốc gia. Và sẽ là phi lý, nếu hô hào tăng cường pháp chế, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền mà không quan tâm đầy đủ, đúng mức đến việc tăng cường pháp chế ngành.

Có thể nói, các Bộ, ngành không thể thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được giao, không thể nâng cao được hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao, nếu coi nhẹ hay không tăng cường công tác pháp chế ngành.

V. KẾT LUẬN

Từ những điểm trình bày ở trên, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định rằng pháp chế có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Pháp chế là công cụ tạo lập và củng cố trật tự, kỷ cương, phép nước; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực; góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; thúc đẩy quá trình hình thành nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong hàng ngũ cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đó dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Song rất tiếc rằng trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Chúng ta không thể xây dựng được nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không thể có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nếu coi nhẹ và không tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tức là không tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đồi sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Có thể nói tăng cường pháp chế thực chất là: tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả  công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tiễn của hơn 10 năm đổi mới, hơn 10 năm xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước  cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không  có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

Ngay từ trước khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, một số văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ và cấp Bộ, ngành đã được ban hành nhằm  xây dựng và từng bước tăng cường pháp chế ngành, phục vụ yêu cầu nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực.  Đặc biệt từ năm 1978 đến nay, với việc ban hành Nghị định số 178/HĐBT, Nghị định số 94/CP và hàng loạt văn bản cấp Bộ, ngành phục vụ yêu cầu tiếp tục xây dựng và tăng cường pháp chế ngành trong điều kiện mới, tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành có bước chuyển biến rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, ngành đã được thành lập hoặc kiện toàn, hoạt động khá sôi động và khẳng định được vị trí,vai trò của mình.

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật về pháp chế ngành. Tổ chức pháp chế ngành ở một số cơ quan chưa được kiện toàn, cán bộ pháp chế chưa được chú ý bồi dưỡng, tăng cường, điều kiện hoạt động còn có nhiều khó khăn vướng mắc. Vì vậy hiệu quả công tác, vai trò và tác dụng của tổ chức pháp chế ngành ở những cơ quan này còn rất hạn chế. Nội dung của các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành cũng còn nhiều điểm chưa đầy đủ, chưa hợp lý, bất cập, tính khả thi và tầm hiệu lực thấp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng phát huy vai trò, tác dụng của các tổ chức pháp chế ngành trong những năm qua.

Để tăng cường công tác pháp chế ngành phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành. Với nhiệm vụ nặng nề này, chúng ta cần có những biện pháp hết sức tích cực và đồng bộ. Trong số các biện pháp cần triển khai, biện pháp quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

Phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành phải là: bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, có đủ thế và lực hoạt động, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật. Cần phải có những quan điểm chỉ đạo rõ ràng, đúng đắn cho quá trình hoàn thiện này. Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành phải đầy đủ, đồng bộ, bao quát hết tất cả các lĩnh vực do từng Bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý và có hiệu lực thực sự, có các biện pháp bảo đảm thi hành, được kiểm tra việc chấp hành trên thực tế...

Điều không kém phần quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trước hết của cán bộ, công chức nhà nước về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của pháp chế nói chung và của pháp chế ngành nói riêng.



([1]) Giáo trình “Lý luận Nhà nước và pháp luật” (PGS, TS Lê Minh Tâm làm chủ biên), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, năm 1997, tr. 486.

([2]) Giáo trình “Pháp lý đại cương” (PGS, TS Nguyễn Thị Mơ và PGS, TS Hoàng Ngọc Thiết làm chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 1999, tr. 43.

([3]) Từ điển luật học. NXB từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 1999, tr. 364.

 

 

Nội dung toàn văn

 

PHÁP CHẾ BỘ NGÀNH

LỜI MỞ ĐẦU

 

I.  TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta đề ra từ năm 1986, nước ta đã từng bước chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng đông thời bắt đầu tiến hành xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nhà nước thực hiện quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải có nền pháp chế vững mạnh thì mới có thể bảo đảm cho sự quản lý của nhà nước có hiệu lực và hiệu quả thực sự; hiến pháp và pháp luật nói chung được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; trật tự, kỷ cương, phép nước được tôn trọng; kinh tế - xã hội phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng , dân chủ và văn minh.

 

Để xây dựng nền pháp chế vững mạnh, cần triển khai một loạt biện pháp rất đồng bộ, từ việc xây dựng  và thường xuyên hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và áp dụng các biện pháp bảo vệ pháp luật cho đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách tích cực và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi địa bàn, ở Trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên những hoạt động này trước hết phải được triển khai có hiệu quả ở các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Nhằm góp phần tăng cường pháp chế trên toàn xã hội nói chung và pháp chế trong các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng (sau đây gọi là pháp chế ngành), ngày 6/9/1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây goi là tổ chức pháp chế ngành).

Thực hiện nghị định số 94/CP nêu trên, tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, ngành được thành lập, kiện toàn, hoạt động pháp chế ở các Bộ, ngành ngày càng được đẩy mạnh, tổ chức pháp chế ngành góp phần ngày càng quan trọng cho việc thực hiên quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với từng ngành, từng lĩnh vực, tạo lập và giữ vững trật tự, kỷ cương, phép nước.

 Tuy nhiên công tác pháp chế ở các Bộ ngành vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành còn gặp không ít trở ngại, khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có cả trở ngại, vướng mắc về nhận thức. Chính vì vậy tiến hành nghiên cứu để đánh giá thật chính xác, khách quan thực trạng tình hình hoạt động của pháp chế ngành, tìm cho ra những nguyên nhân khách quan va chủ quan của những hạn chế, bất cập của hoạt động pháp chế ngành để rồi xác định phương hướng và giải pháp đổi mới, đẩy mạnh hoạt động pháp chế ngành là việc làm hết sức cần thiết.

II.  TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC.

Trong những năm qua ở nước ta có một số công trình nghiên cứu sơ bộvà chưa chính thức về pháp chế ngành ở một vài Bộ ngành, có tính chất cục bộ; chưa có công trình nào có tính chất tổng thể, hệ thống, toàn diện và sâu sắc về pháp chế Bộ, ngành nhằm góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách và pháp luật về pháp chế Bộ, ngành và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành.

 

III.  MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI.

 

Việc nghiên cứu đề tài này nhằm các mục tiêu sau đây:

 

-        Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành trong điều kiện hiện nay;

 

-        Đánh giá khoa học thực trạng pháp luật về pháp chế Bộ, ngành;

 

- Xác định phương hướng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, hoàn thiện các quy định pháp luật về pháp chế ngành nhằm phát huy hiệu quả của các tổ chức ngày trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với từng ngành, lĩnh vực cũng như toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội.

 

IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU.

 

Hoạt động nghiên cứu đề tài được giới hạn trong việc phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi có nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 

V.  NỘI DUNG NGHIÊN CỨU.

 

Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào các vấn đề sau đây:

 

-        Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành;

 

-        Thực trạng tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành;

 

-        Thực trạng cơ chế, chính sách và pháp luật về pháp chế Bộ, ngành;

 

-        Phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế Bộ, ngành;

 

-        Phương hướng và giải pháp kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế Bộ,   ngành.

 

VI.  PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

 

Các phương pháp được sử dụng để thực hiên đề tài gồm:

 

-        Phân tích tổng hợp;

 

-        So sánh đối chiếu;

 

-        Lịch sử và hệ thống các thông tin số liệu.

 

VII.  DẠNG SẢN PHẨM, KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI.

 

Sản phẩm của đề tài là báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, trong đó phân tích cơ sở lý luận để tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành; thực trạng pháp luật về pháp chế ngành; thực trạng tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành; phương hưpứng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành.

 

VIII.  ĐỊA CHỈ ÁP DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.

           

Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ được gửi cho Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về pháp chế ngành.

 

 

 

Chương I

 

CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐỂ TỔ CHỨC VÀ HOẠT

ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

 

 

I.                KHÁI NIỆM, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

 VÀ VAI TRÒ CỦA  PHÁP CHẾ.

 

1. Khái niệm về pháp chế

 

Pháp chế là một khái niệm pháp lý được sử dụng rộng rãi trong sách báo pháp lý, trong khoa học pháp lý và cả trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Việc xác định một cách khoa học và chính xác nội hàm của khái niệm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khẳng định chức năng, nhiệm vụ và vai trò của pháp chế, xác định nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức triển khai các hoạt động pháp chế, tăng cường pháp chế.

 

Từ trước đến nay ở nước ta nội hàm của khái niệm này vẫn chưa được quy định rõ ràng và cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khoa học pháp lý, các nhà lý luận đã dành sự chú ý đáng kể cho việc xác định nội hàm của khái niệm “pháp chế”, song cho đến nay vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

 

Khi nói về pháp chế xã hội chủ nghĩa, có ý kiến cho rằng “Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị – xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác” [1].

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng  “Pháp chế xã hội chủ nghĩa là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật”[2].  Cũng có ý kiến thứ ba khẳng định “Pháp chế là toàn bộ pháp luật của một nhà nước, một thời kỳ của một nhà nước hay toàn bộ pháp luật về một lĩnh vực của đời sống” [3].

 

Theo quan điểm của chúng tôi, cách hiểu thứ nhất không cho chúng ta rõ đây là chế độ gì cụ thể, không rõ kết cấu nội tại của khái niệm và về bản chất dễ bị quy kết là phiến diện và đã đồng nhất nội dung khái niệm “pháp chế” với một trong những yêu cầu cơ bản của pháp chế là mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Và như vậy cách hiểu này không thể hiện đúng và đầy đủ nội hàm của khái niệm “pháp chế”.

 

Cách hiểu thứ ba trên thực tế cũng dễ bị quy kết là phiến diện và đã đồng nhất nội dung khái niệm “pháp chế” với hệ thống pháp luật của quốc gia - một trong những yều cầu cơ bản  của pháp chế, không đề cập đến các yêu cầu cơ bản khác là pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, phải được bảo vệ, và cũng không có khả năng thể hiện rõ kết cấu nội tại của khái niệm. Nói cách khác, cách hiểu thứ ba cũng không thể hiện đúng và đầy đủ nội hàm của khái niệm “pháp chế”.

 

Cách hiểu thứ hai có tính khái quát hơn, thể hiện đầy đủ hơn nội hàm của khái niệm “pháp chế”. Đó là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Bản thân chế độ quản lý này được hình thành trên cơ sở pháp luật, theo quy định của pháp luật.

 

Để xác lập chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật, phải ban hành pháp luật với những quy định cụ thể về các vấn đề như:

 

-        Chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, nội dung, công cụ, phương pháp, hình thức trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội;

 

-        Nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của các cơ quan nhà nước;

 

-        Khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội;

 

-        Các biện pháp  nhằm tạo lập và bảo vệ trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. 

 

Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định rằng cách hiểu thứ hai nêu trên thể hiện đầy đủ các thành tố cơ bản và đồng thời cũng là những yêu cầu cơ bản của pháp chế.

 

Các yêu cầu cơ bản của pháp chế bao gồm:

 

a.     Trước hết phải có pháp luật.

 

Cần phải khẳng định rằng, không có pháp luật thì không có pháp chế, tức là không thể có chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật.

Pháp luật là tổng hợp các nguyên tắc, quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra hoặc chấp nhận, ràng buộc mọi người, mọi tổ chức trong xã hội khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội, được nhà nước bảo đảm thi hành bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp cưỡng chế. Song trong nhà nước pháp quyền, chính pháp luật lại là cơ sở cho việc tổ chức và  triển khai hoạt động của bản thân bộ máy nhà nước, là công cụ để lực lượng lãnh đạo xã hội thực hiện quản lý bản thân nhà nước, để nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu pháp luật ở đây phải là một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

Hệ thống pháp luật thống nhất là một hệ thống trong đó:

 

-        Hiến pháp có hiệu lực tối cao. Các bộ luật, đạo luật, pháp lệnh chuyên ngành không được trái hay mâu thuẫn với Hiến pháp, đều phải được ban hành trên cơ sở và nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp vào các lĩnh vực quan hệ xã hội cụ thể;

 

-        Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không được trái hay mâu thuẫn với các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và của Chủ tịch nước;

 

-        Các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ không được trái hay mâu thẫn với các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

 

-        Các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chính quyền địa phương không được trái hay mâu thuẫn với các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng không được trái hay mâu thuẫn với các văn bản quy phạm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở Trung ương.

 

-        Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền cũng như hình thức, trình tự và thủ tục quy định.

 

Xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất như nêu trên sẽ loại trừ  được các hiện tượng không mong muốn như mâu thuẫn, chồng chéo, lủng củng, loại trừ lẫn nhau giữa các quy định của pháp luật, giữa các văn bản quy phạm pháp luật - những hiện tượng làm giảm, thậm chí có lúc vô hiệu hoá hiệu lực của pháp luật, làm giảm hiệu qủa và hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm được sự thống nhất nêu trên của pháp luật là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện tốt các yêu cầu tiếp theo của pháp chế.

 

Hệ thống pháp luật mà pháp chế đòi hỏi không phải chỉ là hệ thống pháp luật thống nhất mà còn phải đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch  và cụ thể.

 

 Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, không thể dùng mệnh lệnh chủ quan, duy ý chí để quản lý, để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Những quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh về mặt pháp lý thì phải có các quy định của pháp luật để áp dụng. Nói cách khác, không thể chấp nhận tình trạng thiếu pháp luật, thiêú sự đồng bộ của pháp luật. Không thể có nhà nước pháp quyền, nếu pháp luật không đầy đủ, không đồng bộ.

 

Để mọi cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong xã hội dễ dàng và chính xác thực hiện pháp luật, các quy định của pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Pháp chế không thể chấp nhận tình trạng nội dung pháp luật mập mờ, chung chung. Tình trạng này một mặt tạo cơ hội cho các phần tử xấu lợi dụng khe hở của pháp luật hoặc vận dụng pháp luật một cách lắt léo, tuỳ tiện, mặt khác gây khó khăn, lúng túng cho các tổ chức, cá nhân muốn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

 

 Như vậy, sự đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và cụ thể của hệ thống pháp luật sẽ góp phần một mặt loại bỏ tình trạng khó khăn, lúng túng, thiếu căn cứ pháp luật của các cơ quan nhà nước trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý kinh tế, xã hội; bảo đảm tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện pháp luật một cách có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các quan hệ xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; mặt khác tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các đối tượng dù đó là cơ quan, tổ chức hay cá nhân. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chúng ta chỉ có quyền đòi hỏi các cơ quan, tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh và chính xác các quy định của pháp luật khi các quy định của pháp luật đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và cụ thể.

 

Hệ thống pháp luật mà pháp chế đòi hỏi còn phải có tính khả thi cao. Điều này có nghĩa là nội dung các quy định của pháp luật phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể, với tính chất, đặc điểm cũng như  xu hướng phát triển lành mạnh, tiến bộ của các mối quan hệ xã hội, đồng thời cũng phải phù hợp với các điều kiện và khả năng của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật. Tất cả những quy định có nội dung thoát ly thực tiễn cuộc sống và cả những quy định có nội dung không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể, với tính chất, đặc điểm cũng như  xu hướng phát triển lành mạnh, tiến bộ của các mối quan hệ xã hội, không phù hợp với các điều kiện và khả năng của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, không thống nhất, đồng bộ, không rõ ràng, minh bạch và thiếu cụ thể đều trở thành hình thức, không có tính khả thi.

 

Hệ thống pháp luật mà pháp chế đòi hỏi còn phải không ngừng và kịp thời được hoàn thiện. Việc luôn luôn và kịp thời được hoàn thiện là điều kiện bảo đảm cho pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, cụ thể và tính khả thi ngày càng cao hơn, các quy định của pháp luật một mặt vừa theo kịp sự phát triển, thay đổi về tính chất và đặc điểm của các mối quan hệ xã hội, vừa tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội mới tiếp tục phát triển thuận lợi.

 

Tính thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện của hệ thống pháp luật phải được trước hết xử lý ngay trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Nói cách khác, muốn bảo đảm tốt yêu cầu này của pháp chế, cơ quan lập pháp cũng như các cơ quan hành chính các cấp cần phải có các biện pháp có hiệu quả để triển khai tốt các việc sau đây:

 

-        Soạn thảo hoặc thẩm định pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao của hệ thống văn bản pháp luật trước khi ký ban hành;

 

-        Thường xuyên rà soát, đánh giá nội dung các văn bản hiện hành do các cơ quan có thẩm quyền ở tất cả các cấp ban hành, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị biện pháp khắc phục những điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật làm cho hệ thống pháp luật của Nhà nước ta không ngừng được hoàn thiện.

 

b.     Pháp  luật  phải  được  mọi  cơ quan nhà nước, 

công  chức, viên chức nhà nước và mọi tổ chức,  

      cá nhân trong xã hội chấp hành nghiêm chỉnh.                            

 

Nếu có hệ thống pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện, nhưng trên thực tế không được chấp hành nghiêm chỉnh thì pháp luật trở thành hình thức, thậm chí vô nghĩa. Và như vậy cũng không có pháp chế.

 

Muốn cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh trong xã hội thì trước hết các cơ quan nhà nước, các công chức, viên chức nhà nước từ trên xuống dưới phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; không có ngoại lệ trong việc chấp hành pháp luật.

 

Để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Công tác tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật có nhiều nội dung, trong đó có việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thi hành pháp luật, thanh tra và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật v.v.... Đây là những công việc phức tạp và cũng cần phải được triển khai đồng bộ với sự tham gia của rất nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả các cơ quan tư pháp, v.v....

 

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình được pháp luật quy định, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành hoặc soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật, thanh tra và kịp thời xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Pháp luật sẽ không được chấp hành nghiêm chỉnh, nếu các cơ quan, tổ chức và từng cá nhân không tự nguyên thi hành. Vì vậy một trong các nội dung quan trọng bậc nhất và có tính chất cơ bản, lâu dài của công tác tổ chức thi hành pháp luật là phải làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật trước hết của cán bộ, công chức nhà nước và sau đó là của tất cả các tầng lớp nhân dân; dần dần tạo ra cho họ ý thức tự nguyện và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 

c.     Cần xây dựng hệ thống cơ quan chuyên  trách

đủ mạnh để giúp các cấp có thẩm quyền  xây

     dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật.

 

Thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật nhằm đáp ứng các yêu cầu của pháp chế từ trước đến nay cho chúng ta thấy rằng, tất cả các cơ quan nhà nước dưới những hình thức và mức độ khác nhau đều tham gia thực hiện phần việc này hay phần việc khác thuộc nhiệm vụ của pháp chế. Cụ thể như sau:

 

-        Có cơ quan thực hiện việc quyết định ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền do chính pháp luật quy định, bao gồm:

 

+ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ lập hiến, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các bộ luật, đạo luật, nghị quyết;

 

+ Chủ tịch nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, lệnh;

 

+ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các pháp lệnh, nghị quyết;

 

+ Hội đồng nhân dân các cấp ban hành các nghị quyết.

 

-        Các cơ quan vừa thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của mình, vừa có trách nhiệm tổ chức soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình các cấp trên có thẩm quyền ban hành, bao gồm:

 

+ Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các nghị định, nghị quyết; trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các văn bản được phân công soạn thảo: các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

+ Hội đồng Thẩm phán ban hành Nghị quyết; Chánh ánToà án nhân dân tối cao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, thông tư, chỉ thị, trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các văn bản được phân công soạn thảo: các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

+ Viên trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, thông tư, chỉ thị, trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các văn bản được phân công soạn thảo: các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

 

+ Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, chỉ thị;

 

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của mình như các quyết định, chỉ thị và thông tư; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo văn bản được phân công soạn thảo: nghị định, nghị quyết của Chính phủ, các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

+ Uỷ ban nhân dân ban các cấp hành các quyết định, chỉ thị, soạn thảo trình Hội đồng nhân dân cùng cấp các dự thảo nghị quyết.

 

Để ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, mỗi cấp có thẩm quyền nêu trên đều phải thực hiện việc tổ chức soạn thảo các dự thảo văn bản. Thông thường các cơ quan có thẩm quyền nêu trên giao cho các đơn vị chức năng của mình trực tiếp soạn thảo các dự thảo văn bản. Ví dụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao v.v... soạn thảo các dự thảo thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ soạn thảo các dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, thường vụ Quốc hội, các dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng Bộ, ngành giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành hoặc các dự thảo văn bản cần trình cấp trên ban hành v.v...

 

Theo thực tiễn của nước ta, các cơ quan soạn thảo văn bản không nhất thiết là các cơ quan pháp chế. Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không dứt khoát phải là Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội mà có thể là Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội.

 

Thông thường các cơ quan quản lý hay theo dõi chuyên ngành nào thì được giao soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoặc liên quan nhiều đến chuyên ngành đó. Trên thực tế hầu hết các dự thảo luật pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không phải do các Uỷ ban của Quốc hội hay Bộ Tư pháp soạn thảo mà do các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chuyên ngành của Chính phủ soạn thảo. Nhưng Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm định tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức pháp chế ngành thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành trình Thủ trưởng Bộ, ngành.

 

Những đơn vị chức năng nào không được giao trực tiếp soạn thảo hay chủ trì thẩm định, thẩm tra thì tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản về/liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình trong quá trình soạn thảo hoặc thẩm đtra, thẩm định văn bản.

 

Tất cả các đơn vị chức năng của mỗi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đều thực hiện hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến chuyên ngành của mình, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến chuyên ngành được phân công theo dõi.

 

Với cách đặt vấn đề này và nhìn vào thực tiễn công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật những năm qua và vào hệ thống các chức năng, nhiệm vụ của pháp chế trình bày ở phần sau, chúng ta có thể nói tất cả các cơ quan nhà nước các cấp, các ngành, với những hình thức và mức độ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chính mình, đều tham gia thực hiện các công viêc khác nhau liên quan đến công tác pháp chế, bởi lẽ các cơ quan này đều phải thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của mình, các cấp có thẩm quyền nêu trên  không thể thiếu cơ quan chuyên trách làm đầu mối giúp việc triển khai một cách có hiệu quả một, một số, thậm chí hầu hết các công đoạn quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật. Ví dụ các công đoạn sau đây: xây dựng và trình duyệt, đôn đốc thực hiện  chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và dài hạn; rà soát, kiểm tra, đánh giá các văn bản hiện hành để phát hiện và kiến nghị các biện pháp khắc phục các điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu kiến nghị, soạn thảo hoặc thẩm định pháp lý các dự thảo văn bản  quy phạm pháp luật mới để trình cấp có thẩm quyền ban hành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện các biện pháp khác nhằm bảo vệ pháp luật; xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày; giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành pháp luật v.v...

 

Thực tiễn cho thấy chỉ có các cơ quan chuyên trách mới có đủ điều kiện về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và về nghiệp vụ cần thiết để bảo đảm việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật.

 

Ví dụ, để tiến hành một cách có hiệu qủa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, không phải bất kỳ cơ quan nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu mà phải là các cơ quan có đội ngũ cán bộ vừa nắm vững kiến thức pháp luật vừa làm chủ nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có rất nhiều cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, song cơ quan có đủ điều kiện và năng lực về chuyên môn làm đầu mối, chủ trì về mặt nội dung phải là các cơ quan chuyên trách về pháp luật thì mới có chất lượng và hiệu quả, mới có điều kiện duy trì thường xuyên và gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

 

Tham gia vào quá trình hoạt động bảo vệ pháp luật có tất cả các cơ quan nhà nước, với những hình thức và mức độ khác nhau, nhưng không thể thiếu cơ quan chuyên trách là các cơ quan công an, toà án, kiểm sát. Chỉ có các cơ quan này mới đủ điều kiện về mọi mặt để trực tiếp thực hiện có hiệu qủa nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.

 

Các cơ quan làm đầu mối thực hiện việc soạn thảo, thẩm định hay tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đều có thể được xếp vào phạm trù “cơ quan pháp chế” hay “tổ chức pháp chế”, nếu các cơ quan đó được thành lập chỉ để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của pháp chế trình bày tại mục I.2 của chương này. Nói cách khác, chỉ những cơ quan chuyên trách công tác pháp chế mới được gọi là cơ quan pháp chế. Với cách tiếp cận này thì Uỷ ban pháp luật của Quốc hội là cơ quan pháp chế của Quốc hội; cơ quan chuyên trách về tư pháp và pháp chế hiện nay của Chính phủ là Bộ Tư pháp, thực hiện không chỉ chức năng quản lý nhà nước về tư pháp mà cả chức năng quản lý nhà nước về công tác pháp chế, đồng thời trực tiếp thực hiện tất cả các nhiệm vụ của pháp chế Chính phủ; Các tổ chức pháp chế ngành - cơ quan chuyên trách về pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện tất cả các chức năng và nhiệm vụ của pháp chế trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành quản lý.

 

Tuỳ theo tính chất, chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, tất cảc các cơ quan ít hoặc nhiều đều được giao thực hiện hoặc tham gia thực hiện những công đoạn nhất định và cụ thể của quá trình xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật, song chúng ta không thể coi tất cả các cơ quan này đều là cơ quan pháp chế.

 

Các cơ quan chuyên trách được gọi là “cơ quan pháp chế” nêu trên cần phải được hình thành trong tất cả các hệ thống cơ quan nhà nước: cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý hành chính, từ trung ương cho tới địa phương các cấp, đặc biệt trong các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành các cấp. Tuy nhiên từng cơ quan trong hệ thống phải được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, và phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ, khoa học thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu các cơ quan giúp việc nêu trên đủ mạnh, hoạt động có hiệu quả  thì đương nhiên sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế, tức là tăng cường được chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Thực tiễn của nước ta những năm qua trong lĩnh vực đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã chứng minh hùng hồn cho sự tồn tại có tính tất yếu, khách quan của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp - cơ quan pháp chế của Chính phủ và các tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thực tiễn những năm qua cũng chứng minh rằng ở nơi nào, lúc nào các cơ quan pháp chế nêu trên được tăng cường cả về thế và lực thì ở nơi đó, lúc đó công tác xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh hơn và có hiệu quả hơn.

Như đã trình bày ở trên, pháp chế là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Nhà nước phải thực hiện quản lý không chỉ đối với các hoạt động đối nội mà cả các hoạt động đối ngoại. Vì vậy chế độ quản lý này được thiết lập không chỉ trong các mối quan hệ có tính chất nội bộ mà cả trong các mối quan hệ đối ngoại của quốc gia.

 

Nước ta là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối, chính sách làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế. Thực hiện đường lối, chính sách này, đương nhiên số lượng các điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương mà nước ta ký kết hoặc tham  gia ngày càng nhiều, và theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại, chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện những điều mà chúng ta đã cam kết trong các điều ước quốc tế đó.

 

Theo Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, các Bộ, ngành không chỉ có quyền và trách nhiệm đề xuất việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về/liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công quản lý mà còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế đó. Có nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc tham gia, trong đó có cả biện pháp sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật mới của nước ta. Và như vậy các yêu cầu của pháp chế trình bày ở trên thích hợp cho cả các quan hệ nội bộ và quan hệ đối ngoại của quốc gia.

 

2. Chúc năng và nhiệm vụ của pháp chế

 

a. Chức năng của pháp chế.

 

Trên cơ sở nghiên cứu nội hàm của khái niệm “Pháp chế” trình bày tại mục 1 nêu trên, chúng ta có thế xác định chức năng của pháp chế như sau:

 

-        Giúp cho các cấp có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trong lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại, bằng pháp luật và theo pháp luật. Cụ thể là:

 

+ Pháp chế bảo đảm cho Đảng lãnh đạo và nhân dân thực hiện quản lý nhà nước của mình bằng pháp luật và theo pháp luật. Điều đó có nghĩa là pháp chế bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, của từng cơ quan, công chức, viên chức của nhà nước từ Trung ương đến địa phương được thực hiện trên cơ sở pháp luật, theo pháp luật.

 

+ Pháp chế bảo đảm cho mọi hoạt động quản lý của nhà nước đối với xã hội và đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội được thực hiện bằng pháp luật, theo pháp luật một cách nghiêm túc.

 

+ Pháp chế bảo đảm cho  mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội có đầy đủ hành lang pháp lý an toàn trong mọi hoạt động, biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 

-        Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cho pháp luật trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

-        Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật rà soát, kiểm tra, đánh giá các văn bản hiện hành để phát hiện và kiến nghị các biện pháp khắc phục các điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

-        Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật trước hết của cán bộ, công chức nhà nước và sau đó là của tất cả các tầng lớp nhân dân; dần dần tạo ra cho họ tính tự nguyện và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 

-        Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và cả các biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp lý các quan hệ xã hội.

 

-        Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; Rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế để nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành điều ước quốc tế  trước hết của cán bộ, công chức nhà nước; kiểm tra việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam hoặc sửa đổi bổ sung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

 

 

b. Nhiệm vụ của pháp chế

 

Để thực hiện các chức năng của mình, pháp chế phải có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

 

- Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

+  Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của cơ quan chủ quản và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

 

+ Thẩm định các dự thảo văn bản, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế do các đơn vị khác cùng cấp soạn thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyềnễem xét quyết định;

 

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế, được giao;

 

+ Làm đầu mối giúp cơ quan cấp trên trực tiếp tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế, do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến.

 

- Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế.

 

+ Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và cả các dự thảo điều ước quốc tế, trình cơ cấp trên trực tiếp phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

 

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan trong việc đề xuất với cơ quan cấp trên trực tiếp để kiến nghị với cấp có thẩm quyền về việc đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ:

 

·       Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan  nhà nước cấp dưới ban hành trái với các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên; các điều ước quốc tế cấp thấp trái với các điều ước cao hơn, trái với Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản, tiến bộ của pháp luật quốc tế hiện đại, trái với các quy đinh của Nhà nước ta về thủ tục và thẩm quyền đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế.

 

·       Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan  nhà nước cùng cấp  ban hành nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước chuyên ngành;

 

- Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

 

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

+ Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

 

+ Tư vấn cho các cấp lãnh đạo và cho các cơ quan, tổ chức của Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước và cả trong việc xử lý các vi phạm pháp luật.

 

3. Vai trò của pháp chế

 

Với các chức năng và nhiệm vụ nêu trên, pháp chế có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng ta không thể xây dựng được nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nếu không xây dựng nhà nước pháp quyền; không thể có nhà nước pháp quyền,  nếu coi nhẹ và không tăng cường pháp chế, tức là không tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đồi sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Vai trò của pháp chế thể hiện cụ thể ở những điểm sau đây:

 

-        Pháp chế phải là công cụ tạo lập và củng cố trật tự, kỷ cương, phép nước. Xã hội ta là xã hội còn có giai cấp và đấu tranh giai cấp, và vì vậy còn có nhà nước và pháp  luật. Trong hoàn cảnh này xã hội sẽ lộn xộn, rối loạn, không thể tồn tại bình thường và phát triển, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chứ, cá nhân không thể được bảo đảm, nếu không có trật tự, kỷ cương, phép nước. Cần phải khẳng định rằng không thể có trật tự, kỷ cương, phép nước, nếu không có pháp luật và pháp luật không được mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh. Mọi trật tự, kỷ cương, phép nước được hình thành trên cơ sở pháp luật và nhờ có việc pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.

    

-        Góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực.  Tăng cường pháp chế là tăng cường việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, và tăng cường công tác bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh. Pháp luật được hoàn thiện và được chấp hành nghiêm chỉnh thì đương nhiên trật tự, kỷ cương, phép nước được hình thành, được tăng cường và có nghĩa là quản lý nhà nước đối với xã hội có hiệu lực và hiệu quả. 

 

-        Góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Một khi nhờ có một nền pháp chế vững mạnh thì có trật tự, kỷ cương, phép nước, và đương nhiên không chỉ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng mà cả các quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân đều được tôn trọng và bảo vệ. Không thể bảo vệ được lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong một xã hội lộn xộn, rối loạn.

 

-        Thúc đẩy quá trình hình thành nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong hàng ngũ cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp. Nhờ tăng cường pháp chế mà trật tự, kỷ cương, phép nước được xác lập và tăng cường thường xuyên, liên tục, mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân hàng ngày, hàng giờ luôn luôn phải hoạt động trong khuôn khổ quy định, dần dần tạo thành nề nếp, thành thói quen, thành yêu cầu tự nhiên của mỗi cơ quan, tổ chúc, cá nhân trong xã hội.

 

-        Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đó dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Như ở các mục trên đã trình bày, không có pháp chế thì không có nhà nước pháp quyền và cũng không xây dựng được nền kinh té thị trường. Nếu tăng cường pháp chế thì tạo điều kiện và mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho việc xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền.

 

Có thể nói tăng cường pháp chế thực chất là: tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả  công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả  công tác tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm  chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước  cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

Tuy vậy, cho đến nay trong xã hội ta vẫn còn một bộ phận không nhỏ, trong đó có không ít cán bộ, công chức nhà nước chưa thấy rõ và thấy hết vai trò, tác dụng to lớn của pháp chế đối với việc nâng cao  hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đối với việc bảo vệ trật tự, kỷ cương, phép nước. Điều này được minh chứng bởi thực tế trong thời gian qua ở một số nơi hoạt động pháp chế không được quan tâm đúng mức, các tổ chức pháp chế không được chú ý tăng cường.

 

 

II.    KHÁI NIỆM, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM

        VỤ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ NGÀNH 

           

            1. Khái niệm về pháp chế ngành và tổ chức pháp chế ngành

 

Pháp chế, như đã trình bày ở mục I, là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật.  Điều này có nghĩa là từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội đều phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật; chính bộ máy nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng đều phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật.

 

Với cách xác định  nội hàm của khái niệm “Pháp chế” như đã nêu ở trên, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định “Pháp chế ngành” là chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành. Khái niệm “ngành” hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng ở đây có thể dùng để chỉ cả một lĩnh vực hay một loại quan hệ kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, ngoại thương v.v...và cũng có thể dùng để chỉ một nhóm hay một số nhóm, một bộ phận quan hệ xã hội của từng lĩnh vực, từng loại quan hệ xã hội trên phạm vi cả nước hoặc trong phạm vi một đơn vị hành chính lãnh thổ nhất định. Khái niệm ngành ở đây rộng hay hẹp và nội dung cụ thể ra sao tuỳ thuộc vào quan niệm của các cấp có thẩm quyền trong từng văn cảnh cụ thể. Tuy nhiên cách xác định nội hàm của khái niệm “ngành” không ảnh hưởng đến vấn đề thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành. Đồng thời phải hiểu “pháp chế ngành” mà chúng ta đang bàn luận được hiểu là chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành trên phạm vi cả nước.

 

Pháp chế ngành đòi hỏi:

 

-        Phải có hệ thống các quy định pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có hiệu lực thực sự và luôn luôn được hoàn thiện  về từng ngành, lĩnh vực để làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của bản thân bộ máy nhà nước trong ngành và lĩnh vực, và là công cụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước;

 

-        Hệ thống các quy định của pháp luật về ngành, lĩnh vực phải được mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội chấp hành nghiêm chỉnh;

 

-        Phải có tổ chức chuyên trách đủ mạnh để giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành (sau đây gọi là Thủ trưởng  ngành) thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành được phân công phụ trách.

 

Tổ chức pháp chế ngành là tổ chức được thành lập để giúp Thủ trưởng Bộ,  ngành thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành được phân công phụ trách trên phạm vi cả nước, tức là thực hiện chức năng của pháp chế trong ngành do cơ quan mình quản lý.

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều Bộ là những cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; một số Bộ và các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là các cơ quan quản lý một ngành hay một lĩnh vực gồm một số ngành nhất định. Theo xu hướng chung của các nước trên thế giới và cũng là của quá trình cải cách hành chính nói chung và cải cách bộ máy nhà nước nói riêng hiện nay ở nước ta, các Bộ, cơ quan ngang Bộ ngày càng trở thành các cơ quan quản lý tổng hợp hơn, tức là quản lý đa ngành, thậm chí đa lĩnh vực hơn. Song trên thực tế hiện nay người ta vẫn gọi chung tổ chức pháp chế ở các Bộ và ở các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều là “tổ chức pháp chế ngành”. Phạm vi quản lý của Bộ, ngành mở rộng đến đâu thì phạm vi hoạt động của “tổ chức pháp chế ngành” được mở ra tới đó. Vì vậy, cần khẳng định rằng khái niệm “tổ chức pháp chế ngành” được sử dụng hiện nay hoàn toàn có tính chất quy ước.

 

Cũng như pháp chế nói chung, pháp chế ngành được thiết lập trong các lĩnh vực hoạt động có tính chất nội bộ của quốc gia và cả trong các hoạt động đối ngoại của quốc gia. Vì vậy, có thể nói hoạt động của tổ chức pháp chế ngành bao quát cả lĩnh vực hoạt động đối ngoại do Bộ, ngành chủ quản của mình thực hiện.

 

 

 

2. Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành

 

a. Chức năng của tổ chức pháp chế ngành

 

-        Giúp Thủ trưởng Bộ, ngành tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, cụ thể là soạn thảo các văn bản pháp luật, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cho các quy định pháp luật về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

-        Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật rà soát, kiểm tra, đánh giá các văn bản hiện hành luật về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để phát hiện và kiến nghị các biện pháp khắc phục các điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

-        Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành, lĩnh vực để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, trước hết của cán bộ, công chức nhà nước và sau đó là của tất cả các tầng lớp nhân dân; dần dần tạo ra cho họ tính tự nguyện và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nói chung và theo pháp luật về ngành, lĩnh vực nói riêng.

 

-        Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị cả các biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp lý các quan hệ xã hội trong ngành, lĩnh vực.

 

-        Tổ chức thực hiện hoặc tham gia công tác nghiên cứu, xây dựng các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành; thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; Rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế để nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành điều ước quốc tế chuyên ngành trước hết của cán bộ, công chức nhà nước; kiểm tra việc thực hiện các điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam hoặc sửa đổi bổ sung các điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

 

Có thể nói tăng cường pháp chế ngành thực chất là tăng cường chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực, trong từng ngành, từng lĩnh vực. Cụ thể là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả  công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật về ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành; làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật và thực hiện các điều ước quốc tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực.

 

b. Nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành

 

Để thực hiện các chức năng của mình, tổ chức pháp chế ngành phải có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

 

- Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

+  Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trình Thủ trưởng Bộ, ngành duyệt chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ, ngành mình và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

 

+ Thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, và cả các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành, do các đơn vị khác cùng cấp soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng Bộ, ngành ký ban hành hoặc để Thủ trưởng Bộ, ngành trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành hoặc xem xét quyết định;

 

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, và cả các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành,  được Thủ trưởng Bộ, ngành giao;

 

+ Làm đầu mối giúp Thủ trưởng Bộ, ngành tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và cả các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành, do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành khác và các địa phương gửi lấy ý kiến.

 

- Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, và cả các điều ước quốc tế chuyên ngành.

 

+ Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, và cả các điều ước quốc tế chuyên ngành,  trình Thủ trưởng Bộ, ngành phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế đó;

 

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan trong việc đề xuất với Thủ trưởng Bộ, ngành để: 

 

·       Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

 

·       Kiến nghị với Thủ trưởng Bộ, ngành khác đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.

 

·       Đình chỉ thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

 

 

- Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành.

 

Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế chuyên ngành, trong phạm vi ngành, lĩnh vực.

 

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

+ Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành trong phạm vi ngành, lĩnh vực.

 

+ Tư vấn cho Thủ trưởng Bộ, ngành và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước và cả trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

 

 

 

Chương II

 

CÁC QUY ĐỊNH CỦA  PHÁP LUẬT

NƯỚC TA VỀ PHÁP CHẾ  NGÀNH

 

1. CÁC QUY ĐỊNH CỦA  PHÁP LUẬT VỀ

    PHÁP  CHẾ  NGÀNH  TRƯỚC  NĂM 1997

 

1.    Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT của Hội đồng

      Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của

      pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh

        thuộc khu vực nhà nước  ngày  17  tháng  6  năm 1985.

 

Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT ngày  17  tháng  6  năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước (sau đây gọi là nghị định số 178/HĐBT), và cũng là trước khi có đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam,  nền kinh tế và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của nước ta được quản lý theo cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, một cơ chế ra đời do yêu cầu của thời chiến và còn tồn tại nhiều năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Trong cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, vấn đề pháp luật và pháp chế đương nhiên chưa thể có điều kiện để được quan tâm đúng mức. Vì vậy, không có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nào được ban hành để chuyên điều chỉnh  một cách đầy đủ và toàn diện các vấn đề pháp chế ngành. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã có một số văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả cấp Bộ ngành về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành, trong đó có một vài quy định khái quát về tổ chức pháp chế của Bộ, ngành. Ví dụ:

 

-        Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính, Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952, trong đó có quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;

 

-        Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng, Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế;

 

-        Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an, Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;

 

-        Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;

 

-         v.v...

         

Nội dung của các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên chỉ quy định việc cho phép thành lập tổ chức pháp chế ở  Bộ, ngành này hay Bộ, ngành khác riêng rẽ. Nội dung của các văn bản cấp Bộ, ngành quy định cả việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành. Ví dụ, theo Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Ban Pháp chế Bộ Xây dựng có chức năng giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực pháp luật bao gồm ban hành văn bản pháp quy, theo dõi tổ chức thực hiện pháp chế, làm tư vấn pháp luật cho Bộ trưởng. Nhiệm vụ cụ thể của Ban Pháp chế Bộ Xây dựng gồm:

 

-        Hệ thống hoá các văn bản pháp luật về ngành; giúp Bộ trưởng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước gửi đến.

 

-        Chuẩn bị để trình Bộ trưởng quyết định chương trình, kế hoạch công tác pháp chế; giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thi hành thống nhất trong toàn ngành.

 

-        Giúp Bộ xem lại lần cuối cùng các dự thảo văn bản pháp quy trước khi các cục, vụ, viện trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành; theo dõi việc ban hành các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ nhưng trái với các văn bản cấp Bộ.

 

-        Giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề pháp chế phát sinh trong quá trình chỉ đạo và quản lý.

 

-         Các lĩnh vực công tác; phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật trong ngành.

 

-        Bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp chế cho cán bộ trong ngành.

-        V.v...

Trong những trường hợp Bộ, ngành không có tổ chức pháp chế chuyên trách thì từng phần nội dung cụ thể của công tác pháp chế (soạn thảo văn bản, kiểm soát việc ban hành văn bản, kiểm  tra việc thực hiện văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật v.v...) được giao cho Văn phòng của Bộ, ngành hoặc liên quan đến đơn vị chức năng nào của Bộ, ngành, thì được chính thức hoặc mặc nhiên giao cho các đơn vị chức năng đó thực hiện. Ngay cả khi có Vụ hay Phòng Pháp chế thì Vụ hay Phòng Pháp chế cũng không phải là tổ chức duy nhất thực hiện tất cả các nhiệm vụ pháp chế nêu trên mà chỉ là lực lượng chủ yếu hoặc chủ trì thực hiện; các đơn vị chức năng khác của Bộ, ngành cũng đều có thể được giao nhiệm vụ chủ trì, tham gia hoặc phối hợp thực hiện một vài nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

 

Như vậy, trước ngày ban hành Nghị định số 178/HĐBT, các quy định của pháp luật nước ta về pháp chế ngành rất tản mạn, chủ yếu gồm các quy định do lãnh đạo của từng Bộ, ngành ban hành để áp dụng riêng cho Bộ, ngành mình,  không thống nhất trên cả nước, thiếu cụ thể và hiệu lực thi hành thấp. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì đây là thời kỳ không có nền kinh tế thị trường, không có nhà nước pháp quyền và cũng không có cả ý tưởng xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Vì vậy không có nhu cầu thực hiện việc quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Và do đó trong một thời gian dài không có chủ trương thống nhất về thành lập tổ chức pháp chế ở tất cả các Bộ, ngành, không có văn bản chung và thống nhất và có hiệu lực cao quy định về pháp chế ngành. Ngay cả Bộ Tư pháp - cơ quan chuyên trách của Chính phủ về những vấn đề tư pháp, pháp chế và pháp luật cũng có giai đoạn không tồn tại.

 

Nội dung các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này còn thiếu nhiều, không đồng bộ, hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng.

 

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật không tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, không tạo điều kiện thúc đẩy và phát huy vai trò của pháp chế ngành trong các hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

 

2.    Giai đoạn từ ngày ban hành Nghị định số 178/HĐBT 

đến  khi ban hành Nghị định số 94/CP năm 1997

 

Chỉ khi bắt đầu chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, công tác pháp chế nói chung, công tác pháp chế ngành nói riêng, mới bắt đầu được quan tâm, bởi lẽ chính việc quản lý nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Cùng với việc chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, chủ trương chuẩn bị tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế và tư duy pháp lý v.v...khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Vì vậy, Quốc hội nước ta đã quyết định tái thành lập Bộ Tư pháp, và ngày  17  tháng  6  năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước.

 

Theo quy định của Nghị định số 178/HĐBT, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế; các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ chính sách và pháp chế thì thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

 

Việc thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Chính sách và Pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

 

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được Nhà nước giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế.

 

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

 

Và như vậy, Nghị định này không quy định một mô hình thống nhất cho các tổ chức pháp chế ngành. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nhà nước ta, pháp luật quy định không chỉ cho phép mà còn buộc phải thành lập tổ chức pháp chế ngành ở tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

 

Nghị định số 178/HĐBT còn quy định khá rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức pháp chế ngành. Cụ thể như sau:

 

+ Các vụ, Phòng pháp chế thuộc các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng:

 

+ Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

 

+ Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

 

+ Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

 

+ Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ảnh với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

 

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở Trung ương.

 

Phối hợp với các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

 

+ Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

 

+ Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng giao.

 

c.     Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng được quyền:

 

+ Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

 

+ Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

 

+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

 

+ Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Như vậy, Nghị định số 178/HĐBT tuy chưa quy định rõ chức năng của tổ chức pháp chế ngành, nhưng đã quy định khá rõ và tương đối đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của tổ chức pháp chế ngành. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất của nước ta từ trước đến nay chuyên điều chỉnh vấn đề pháp chế ngành, tạo điều kiện cho việc từng bước thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, và cũng là một bước đột phá về nhận thức theo hướng tích cực đối với pháp chế ngành ngay trong điều kiện đất nước ta mới chỉ chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

 

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn không đầy đủ, tầm hiệu lực thấp, mô hình tổ chức pháp chế ngành vẫn không thống nhất, thiếu các quy định về những biện pháp bảo đảm thi hành. Điều rất dễ nhận thấy là hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng. Tình trạng này của pháp luật là một trong những nguyên nhân làm cho pháp chế ngành gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà không thể tháo gỡ nổi.

 

Sau hơn mười năm thực hiện Nghị định số 178/HĐBT nêu trên, tổ chức pháp chế không phải đã được thành lập ở tất cả các các Bộ, ngành; đội ngũ cán bộ làm  công tác pháp chế ngành không được tăng cường đầy đủ về số cũng như chất lượng, điều kiện để hoạt động cũng không được bảo đảm tốt, và đương nhiên không thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền.

 

Một trong những nguyên nhân làm cho các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn có nhiều điểm khiếm khuyết và các hoạt động pháp chế ngành trong giai đoạn này không thể bứt lên để đáp ứng yêu cầu, về mặt chủ quan, chủ yếu do nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ của lãnh đạo các cấp các ngành về vị trí và vai trò của pháp chế ngành, về việc cần thiết phải thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật theo đúng yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền; do nhiều người vẫn chưa từ bỏ thói quen và phong cách quản lý không bằng pháp luật.

 

Về mặt khách quan, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hình thành, nhà nước pháp quyền cũng đang còn trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai xây dựng, và do đó chưa tạo ra được sự thúc ép thực sự mạnh mẽ đối với việc triển khai thực hiện chế độ quản lý đối với tổ chức và bộ máy của nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Về phía mình, các tổ chức pháp chế ở một số Bộ, ngành và các cán bộ pháp chế ngành ở đây chưa đủ sức bằng hành động thực tiễn của mình chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành. 

 

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế ngành trong giai đoạn mới, ngày 6/9/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 

 

II.  NỘI  DUNG  CHỦ  YẾU  CỦA  CÁC  VĂN  BẢN  PHÁP 

LUẬT VỀ PHÁP CHẾ NGÀNH TỪ NĂM 1997 ĐẾN NAY.

 

1. Về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành

 

Theo quy định của Nghị định số 94/CP, tổ chức pháp chế phải được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước. Về hình thức tổ chức, các tổ chức pháp chế ngành có thể là Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế.

 

Theo Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP) giữa Bộ Tư pháp và Ban tổ chức và Cán bộ Chính phủ phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Pháp chế có thể thuộc Văn phòng Bộ hoặc trực thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

 

Việc thành lập Vụ Pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, có ý kiến của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Việc thành lập Phòng Pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

 

Trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công tác pháp chế mà có thể giữ nguyên mô hình tổ chức hoặc tổ chức lại theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này. Trong trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế ghép như Vụ Pháp chế - Chính sách, Vụ Thanh tra - Pháp chế, Vụ Pháp chế - Tổng hợp v.v..., thì tách lĩnh vực pháp chế thành tổ chức độc lập  theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này.

 

Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP còn quy định cả chức danh, tiêu chuẩn  của cán bộ pháp chế ngành. Cụ thể là cán bộ pháp chế phải vừa là người có trình độ cử nhân luật, vừa có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành mình. Cần bố trí cán bộ, công chức từ chuyên viên trở lên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ pháp chế, tổ chức pháp chế. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân luật và thực tiễn soạn thảo văn bản mà chưa có kiến thức chuyên ngành thì cần có kế hoạch đào tạo để đạt yêu cầu kiến thức chuyên ngành. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành và kinh nghiệm chuyên môn mà chưa có kiến thức pháp luật thì cần có kế hoạch bồi dường, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật.

 

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về:

 

-        Chất lượng và hiệu quả hoạt động pháp chế của Bộ, ngành mình;

 

-        Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế Bộ;

 

-        Quy hoạch việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

 

Điều 7 của Nghị định số 94/CP  nêu trên quy định rõ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ theo quy định của Nghị định này. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP  còn quy định rõ việc này phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 21/12/1997.

 

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

 

Nhìn vào các quy định nêu trên chúng ta thấy không tạo ra được một mô hình thống nhất và dứt khoát cho các tổ chức pháp chế ngành. Cách quy định như vậy tạo ra cơ hội cho sự tuỳ tiện và thiếu thống nhất trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế ngành.

 

2. Về chức năng của Tổ chức pháp chế ngành.

 

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các chức năng sau đây:

 

-        Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao;

 

-        Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

 

-        Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

 

-        Phổ biến, giáo dục pháp luật;

 

-        Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

 

3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức pháp chế ngành

 

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

-        Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

+  Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

 

+ Thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

 

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

 

+ Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 

-        Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

 

+ Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

 

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để:

 

·       Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

 

·       Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.

 

·       Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

 

-        Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

 

-        Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

+ Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

 

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

 

+ Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

 

Như vậy, Nghị định 94/CP nêu trên quy định cũng khá rõ và cụ thể chức năng của tổ chức pháp chế ngành. Nghị định 94/CP  cũng quy định rõ các quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành và cũng là một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thể hiện sự nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nhà nước ta đối với công tác pháp chế ngành.

 

Ngoài các quy định của Nghị định số 94/CP, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành còn được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành. Ví dụ: Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổ chức Pháp chế, Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, Quy chế làm việc của Bộ, ngành, Quy chế Văn thư, Lưu trữ của Bộ, ngành v.v... Các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành thực tế chỉ cụ thể hoá các quy định của Nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của mỗi Bộ, ngành.

 

Các quy định của Nghị định số 94/CP cùng với các văn bản của các Bộ ngành, về cơ bản, có thể nói bước đầu đã hình thành một hệ thống tương đối cụ thể về pháp chế ngành, nhưng còn có không ít nhược điểm. Nhược điểm cơ bản của hệ thống này là ở chỗ vẫn chỉ là những quy định có tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành và một số quy định cần thiết khác. Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, tuy khá hơn với Nghị định số 178/HĐBT ở chỗ Nghị định số 94/CP khẳng định rõ chức năng của pháp chế ngành, nhưng lại có một vài  điểm thụt lùi vì một số quy định rất cần thiết và quan trọng đã được khẳng đinh tại Nghị định số 178/HĐBT, nhưng không được tiếp tục khẳng định tại Nghị định số 94/CP như:

 

-        Quy định pháp chế ngành phải là cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành;

 

-        Tổ chức pháp chế của  các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế thuộc ngành ở cả trung ương và địa phương;

 

-        Thừa nhận sự tồn tại của hệ thống pháp chế của mỗi ngành gồm tổ chức pháp chế của  các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương là các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương  v.v...

 

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn không đề cập cụ thể đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng, mặc dù cùng với sự tích cực và chủ động đẩy mạnh việc hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, hoạt động đối ngoại của cả nước ta nói chung và của từng Bộ, ngành nói riêng ngày càng  sôi động, và trong hoạt động đối ngoại cũng rất cần tăng cường pháp chế.

 

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành trong những năm qua.

 

Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp lý các vấn đề pháp chế ngành, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, cần nghiên cứu xử lý tất cả các nhược điểm nêu trên, đặc biệt là nhược điểm về tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành các quy định hiện hành về pháp chế ngành và không có quy định cụ thể bao quát hết các lĩnh vực như lĩnh vực hoạt động đối ngoại v.v...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương III

 

 

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT

ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

 

I.     THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC QUY

         ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH 94/CP VỀ XÂY

    DỰNG TỔ CHỨC CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

 

Thực hiện quy định của Nghị định số 94/CP về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành, một số Bộ, ngành đã tiến hành kiện toàn tổ chức pháp chế ngành đã được thành lập theo Nghị định số 178/HĐBT; một số Bộ, ngành đã tiến hành làm thủ tục thành lập mới tổ chức pháp chế của mình. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 94/CP, đến hết năm 1999 đã có 40/48 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 vụ pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép với cơ quan tổng hợp hoặc thanh tra, 15 phòng pháp chế và 3 ban pháp chế. Cho đến tháng 1 năm 2003 đã có thêm các Vụ Pháp chế của các Bộ mới được thành lập là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông.

 

Một số Bộ, ngành cũng đã chú trọng lựa chọn, bố trí và bồi dưỡng cán bộ pháp chế theo yêu cầu nêu trên của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP, làm cho số cán bộ pháp chế vừa có trình độ, kiến thức pháp luật cần thiết, vừa có kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành ngày càng gia tăng. Trong tổng số hơn 300 cán bộ pháp chế ngành hiện nay đã có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học, gần hai trăm cử nhân luật. Số cán bộ pháp chế này được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhưng nhìn chung có phông kiến thức chung về pháp luật và nghiệp vụ công tác pháp chế tương đối vững vàng. Nhiều người trong số này đang tiếp tục được nâng cao thêm về trình độ, kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý hành chính và lý luận chính trị; một số khác đang được bổ túc thêm kiến thức chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

 

Đáng chú ý là một số Bộ, ngành, điển hình là các Bộ, ngành như Thuỷ sản, Khoa học và Công nghệ, Công an, Công nghiệp, văn hoá - Thông tin, Thương mại, v.v... không chỉ kiện toàn tổ chức pháp chế mà còn rất chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức này như ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế để quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành, với lãnh đạo của Bộ, ngành; đưa các quy định về bảo đảm hoạt động pháp chế vào Quy chế làm việc của Bộ, ngành, vào cả Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành v.v...

 

Chính những việc làm nêu trên đã giúp khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế ngành, tạo điều kiện và môi trường ngày càng thuận lợi cho pháp chế ngành phát huy vai trò của mình trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Nhờ đó một số tổ chức pháp chế ngành như Vụ Pháp chế Bộ Công an, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản, Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại, Vụ Pháp chế  Bộ Văn hoá Thông tin, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch v.v...đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường pháp chế trong các lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

 

Bên cạnh những thành tích kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh công tác pháp chế ngành ở một số Bộ, ngành nêu trên, rất tiếc cho đến tận ngày hôm nay, đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày ban hành Nghị định số 94/CP mà ở một số cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế; ở một số Bộ, ngành lớn vẫn còn tình trạng pháp chế ghép với bộ phận Tổng hợp hoặc với thanh tra. Nói cách khác, quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này chưa được một số Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.

 

Hiện nay đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, vấn đề tổ chức pháp chế ngành ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng là vấn đề được các cấp, các ngành bàn luận. Hầu hết các Bộ, ngành đều kiến nghị và khẳng định yêu cầu có Vụ Pháp chế độc lập trong cơ cấu tổ chức của mình.

 

Theo các nghị định mới được ban hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ mới được thành lập là Bộ tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông, sự tồn tại của Vụ Pháp chế ở các Bộ này đã được khẳng định.  Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong quá trình sắp xếp lại bộ máy này vẫn có những ý kiến trái ngược với yêu cầu đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đòi xoá bỏ tổ chức pháp chế ngành với tư cách là một tổ chức độc lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành. Điều này chứng tỏ trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

 

Về cán bộ pháp chế ngành, con số hơn 300 người, trong đó có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học vẫn là con số rất khiêm tốn, và rất tiếc cũng còn một số lượng tương đối lớn cán bộ pháp chế ngành chưa có trình độ cử nhân luật.

Nhìn vào con số nêu trên chúng ta thấy tuy có sự tiến bộ rõ rệt về số lượng và chất lượng cán bộ pháp chế ngành so với cuối năm 1997, đầu năm 1998 và đặc biệt so với những năm trước năm 1997, nhưng so với chức năng và nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định số 94/CP thì còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy ở không ít bộ, ngành số cán bộ pháp chế ngành chưa đạt tới con số 10; thậm chi có Phòng Pháp chế chỉ có 2 – 3 chuyên viên, không có cả trưởng hay phó phòng để điều hành  công việc hàng ngày.

 

Thực trạng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế ngành như nêu trên gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành, làm hạn chế đáng kể hiệu quả công tác pháp chế ở nhiều Bộ, ngành, và như vậy cũng góp phần hạn chế hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Có thể nói tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay ở một số Bộ, ngành không đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công.

 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ở một số Bộ, ngành tổ chức  pháp chế ngành không được hình thành hay không được kiện toàn, không phát huy được vai trò của mình theo như mong muốn và cũng là theo quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này, nhưng chủ yếu gồm:

 

-        Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn nhiều khiếm khuyết.

 

-        Lãnh đạo của một số các Bộ, ngành và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước các cấp, các ngành làm tham mưu cho lãnh đạo chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về  yêu cầu của nền kinh tế thị trường và của việc xây dựng nhà nước pháp quyền đối với việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật cũng như vị trí, vai trò của pháp chế ngành; chưa chấm dứt thói quen quản lý và hoạt động của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.

 

-        Các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp có hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc và bảo đảm thi hành các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành.

-        Công tác nghiên cứu lý luận về pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vấn đề này chưa được chú trọng.

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA

TỔ CHỨC PHÁP CHẾ NGÀNH

 

Hơn 5 năm qua kể từ ngày nghị định số 94/CP bắt đầu có hiệu lực, các tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện ở mức cao nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.

 

Có thể nói rằng, hoạt động quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành (đặc biệt là các Bộ, ngành lớn, tổng hợp)  có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành khác và các địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước; liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật. Vì vậy công tác của các tổ chức pháp chế ngành cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

 

Để tiện theo dõi, chúng tôi phân tích tình hình hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành theo từng nhiệm vụ đã được quy định trong Nghị định số 94/CP như sau:

 

a. Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

-        Về đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

 

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Pháp chế ngành, nhiều tổ chức pháp chế ngành triển khai rất tốt. Song thời gian qua không phải tất cả các tổ chức pháp chế ngành đã triển khai hoặc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này. Một số tổ chức pháp chế ngành chưa đủ thế và lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

-        Về thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

 

          Nhiệm vụ này được tất cả các tổ chức pháp chế ngành triển khai với những mức độ khác nhau. Nhiều tổ chức pháp chế ngành phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc thẩm định các dự thảo văn bản, đóng góp phần quan trọng vào việc nâng cao một cách rõ rệt chất lượng của dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý. Tuy nhiên chất lượng thẩm định của một số tổ chức pháp chế ngành chưa cao, còn để tồn tại những sai sót, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản do Bộ, ngành mình ban hành hoặc trình cấp trên ban hành. Nhiều khi việc thẩm định chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật pháp lý đơn thuần hoặc chỉ có tính chất hình thức.

 

-        Về trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đây là việc được tất cả các tổ chức pháp chế ngành thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức pháp chế ngành ít khi trực tiếp chủ trì soạn thảo văn bản mà chỉ làm  công việc điều phối chung việc soạn thảo các văn bản và cử người tham gia vào quá trình soạn thảo, cuối cùng dành nỗ lực cho hoạt động thẩm định giúp nâng cao chất lượng của văn bản về mặt nội dung và kỹ thuật.

 

-        Về việc làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 

Hầu hết các tổ chức pháp chế mạnh đều được Bộ trưởng giao thực hiện toàn bộ công tác này; một số nơi tổ chức pháp chế không mạnh thì Bộ trưởng chỉ giao một phần công việc.

 

Đây là công việc cũng không kém phần phức tạp vì khối lượng văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến rất lớn và ngày càng nhiều. Có những văn bản gửi xin ý kiến không phải một lần,  nội dung rất đa dạng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu không có kiến thức pháp luật tổng hợp và vững vàng thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Thông thường hiện nay các tổ chức pháp chế ngành mới chỉ tập trung nghiên cứu và góp ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của ngành mình nhằm thực hiện chức năng “gác cổng” cho ngành, chưa chú ý nhiều đến việc đóng góp ý kiến toàn diện cho dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý.

 

Ngoài những văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến, hiện nay có một khối lượng lớn dự thảo văn bản do Chính phủ gửi xin ý kiến thành viên chính phủ và một số tổ chức pháp chế ngành được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chuẩn bị văn bản góp ý kiến và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

 

b.  Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

 

- Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1997 về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt, thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

 

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

 

- Các Bộ, ngành đã xác định việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Trên thực tế các tổ chức pháp chế  ngành vẫn thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc kiến nghị bãi bỏ một loạt giấy phép theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

 

- Một số tổ chức pháp chế ngành đã bước đầu phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách; kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành; kiến nghị đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành. Đây là vấn đề khá bức xúc và cũng hết sức phức tạp, nhưng do lực lượng còn quá mỏng cho nên có thể nói đa số các tổ chức pháp chế ngành chưa thực sự triển khai thực hiện.

 

c. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Công tác này được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành và nhiều tổ chức pháp chế ngành đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình.

 

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

 

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các Bộ, ngành lựa chọn những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật trung ương; tổ chức cho cán bộ, công chức thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999; giúp lãnh đạo soạn thảo các văn bản phối hợp để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo dục pháp luật trong trường học).

 

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật v.v...

 

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên công tác này cũng còn nhiều bất cập như hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn đơn điệu, đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp còn thiếu thông tin pháp luật về từng ngành, lĩnh vực.

 

d. Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

Một số tổ chức pháp chế ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

 

Nhiều tổ chức pháp chế ngành làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình trong việc xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý; góp ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Cũng có những tổ chức pháp chế chưa triển khai mạnh mẽ hoạt động này vì thiếu nhân lực, thiếu phương tiện và kinh phí v.v...

 

đ. Trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành.

 

Đây là lĩnh vực chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ của pháp chế. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý vững vàng để triển khai hoạt động pháp chế trong lĩnh vực phức tạp này. Tuy một số tổ chức pháp chế ngành cố gắng triển khai các hoạt động như tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến cho các dự thảo điều ước quốc tế mà Bộ, ngành mình cần ký kết hoặc trình cấp trên ký kết hoặc tham gia; tham gia xử lý một số vấn đề pháp lý nảy sinh trong hoạt động đối ngoại, rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý để có những kiến nghị cần thiết v.v..., song không ít tổ chức pháp chế ngành chưa thể triển khai hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Tóm lại, hoạt động phấp chế  ngành  hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; một số nhiệm vụ được triển khai rất có mức độ. Pháp chế chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật; chưa triển khai hoạt động một cách thống nhất và có hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, hoạt động của pháp chế cần chú trọng cả công tác thi hành pháp luật và các công việc điều hành hàng ngày của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị và hoạt động đối ngoại.

 

Nhìn chung hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành chưa đồng đều, có nơi mạnh và phát huy tốt vai trò của mình, có nơi rất lúng túng và không đủ lực hoặc không có đủ điều kiện để phát huy vai trò giúp Bộ trưởng, thủ trường ngành thực hiện tốt việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương IV

 

 

       PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI TỔ

     CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

 

I.   PHƯƠNG  HƯỚNG  VÀ  CÁC QUAN ĐIỂM

     CHỈ ĐẠO QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI TỔ CHỨC

     VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

 

1. Phương hướng

         

Như đã trình bày ở các mục trên, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nghĩa là xây dựng một nhà nước trong đó việc tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, tổ chức và hoạt động của từng cơ quan nhà nước, hoạt động của từng công chức, viên chức nhà nước cũng như việc tổ chức và quản lý kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật và bằng pháp luật. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả, nếu chúng ta quan tâm tăng cường pháp chế nói chung trên phạm vi cả nước và pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng.

         

Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy rằng nền pháp chế của đất nước chúng ta không thể vững mạnh, nếu pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý không được tăng cường, bởi vì pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý là bộ phận cấu thành của toàn bộ cơ thể pháp chế của quốc gia. Để tăng cường pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý, không có cách nào khác là phải khẩn trương và kiên quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành. Nói cách khác, hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành phải theo tinh thần và chính là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành.

         

Từ những điểm phân tích tại tất cả các mục nêu trên, tôi cho rằng phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành hiện nay thể hiện ở hai điểm có sự tác động qua lại và gắn bó rất chật chẽ với nhau như sau:

 

-  Bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật.

 

Điều muốn nói ở đây là pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực hay không lại không tự nhiên mà có hay tự hình thành do yêu cầu khách quan của thực tiễn mà tuỳ thuộc vào quyết định chủ quan của cấp có thẩm quyền và tất nhiên nội dung của quyết định này cuối cùng phải thể hiện ra dưới dạng các quy định pháp luật. Yêu cầu khách quan của thực tiễn chỉ tạo điều kiện, thôi thúc và làm cơ sở cho sự ra đời của quyết định có tính chất đúng đắn, khách quan của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận thức được hoặc không nhận thức đúng được yêu cầu khách quan của thực tiễn thì sẽ không thể có được quyết định nào hoặc không có quyết định nào phù hợp với yêu cầu khách quan.

 

- Tổ chức pháp chế ngành phải được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực  hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành,  lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoật động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại ngày càng sôi động phù hợp với yêu cầu phát triền kinh tế - xã hội và hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế.

 

Thực tiễn công tác háp chế ngành thời gian qua cho thấy trong điều kiện nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức còn hạn chế, thói quen sống và làm việc theo pháp luật chưa được khẳng định chắc chắn thì cán bộ pháp chế không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không có thế và có lực.

 

Nếu pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, nhưng không được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực  hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành,  lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoạt động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại thì tổ chức pháp chế ngành chỉ tồn tại một cách hình thức, không thể hoàn thành được các chức năng và nhiệm vụ được giao.

         

          2. Các quan điểm chỉ đạo.

 

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành theo tinh thần và để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, theo tôi, cần phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:     

 

- Tổ chức Pháp chế ngành phải thực sự trở thành tổ chức đủ thế và lực để  giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công trong hoạt động đối nội cũng như đối ngoại.

 

Cần phải hiểu rằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhà nước nói chung và từng Bộ, ngành nói riêng chỉ được phép thực hiện quản lý kinh tế và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Đây là vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cũng là của nhà nước pháp quyền. Nếu làm ngược lại thì phải trả giá đắt. Thiếu tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết để giúp việc thì Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

         

- Tổ chức Pháp chế ngành phải vươn lên để thực sự trở thành trung tâm, đầu mối  xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.      

Không phải bất kỳ tổ chức nào cũng có thể thực hiện tốt công tác làm đầu mối  xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý. Chỉ có tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết mới có thể làm tốt nhiệm vụ này.

 

- Tổ chức Pháp chế ngành phải trở thành “Văn phòng luật sư” đáng tin cậy không chỉ của lãnh đạo Bộ, ngành mà của cả từng đơn vị , từng công chức, viên chức của Bộ, ngành mình cả về pháp luật quốc gia lẫn pháp luật quốc tế.         

 

Thực tiễn hàng ngày trong công tác quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành cho thấy thường có khá nhiều vấn đề pháp lý hay khía cạnh pháp lý của các vấn đề khác nảy sinh và càn phải được xử lý một cách khoa học và đúng đắn. Việc xử lý những vấn đề này cần đến sự trợ giúp của những người có kiến thức pháp luật chuyên ngành vững vàng và nghiệp vụ pháp chế chuyên ngành cần thiết thì mới có hiệu quả.

         

- Tổ chức Pháp chế ngành thực sự là tổ chức chân rết, mắt xích, thành tố của hệ thống pháp chế của Chính phủ và của cả quốc gia.

 

Như đã trình bày ở các mục trên, pháp chế tồn tại trên quy mô cả nước, trong phạm vi từng hệ thống cơ quan nhà nước,  trong hệ thống cơ quan quyền lực cũng như hệ thống cơ quan quản lý hành chính v.v...

 

Trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính, có tổ chức pháp chế của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương. Và do đó các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế không chỉ gồm các tổ chức pháp chế ngành, pháp chế địa phương mà có Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan đầu mối, chủ trì công tác pháp chế của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý công tác pháp chế. Với cách tiếp cận này thì các tổ chức pháp chế ngành là chân rết, mắt xích của Bộ Tư pháp tại các Bộ, ngành.

 

Các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp và cả cơ quan hành chính địa phương cũng cần có các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế. Tuy nhiên phạm vi chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan pháp chế không hoàn toàn giống nhau, song hoạt động của tất cả các cơ quan này đều hướng vào bảo đảm các yêu cầu cơ bản của pháp chế. Có thể khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan pháp chế ngành và các cơ quan pháp chế khác luôn luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

 

Thực tiễn chứng tỏ rằng một khi tổ chức pháp chế ngành vững mạnh, hoạt động có hiệu quả thì Bộ Tư pháp có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong các hoạt động pháp chế và công tác pháp chế chung của Chính phủ cũng sẽ có hiệu quả. Vì vậy cần thiết kế cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ mạnh mẽ giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức pháp chế ngành, đồng thời Bộ Tư pháp phải phát huy tốt vai trò chủ đạo.     

 

II.  CÁC GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ

       HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ NGÀNH

 

            Để quán triệt các quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công phương hướng nêu trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

 

1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP.

 

a. Về mặt tổ chức, cán bộ pháp chế ngành:

 

Nghị định số 94/CP (sửa đổi) cần quy định rõ:

 

+ Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải có tổ chức pháp chế độc lập;

 

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải có Vụ Pháp chế;

 

+ Các cơ quan thuộc chính phủ có Vụ hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Thủ trưởng cơ quan;

 

+ Khẳng  định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ pháp chế;

 

+ Cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng pháp chế ít nhất phải có trình độ thạc sỹ luật học hoặc tiến sỹ luật học thì mới đủ tầm và điều kiện giữ vững và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế;

 

+ Khung biên chế tối thiểu của Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế;

 

+ Các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành đều có bộ phận làm  công tác pháp chế, tức là hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

 

+ Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.         

 

b. Về chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của pháp chế ngành:

 

Nội dung của Nghị định số 94/CP (sửa đổi) cần khẳng định rõ hơn, đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành đã được quy định trong Nghị định số 94/CP, đồng thời phải giao thêm chocác tổ chức pháp chế ngành các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

·       Kiểm  tra các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình do chính Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành mình hoặc các Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác, các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá bỏ mọi mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống các quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực.

 

·       Tư vấn cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày.

         

·       Giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý chuyên ngành cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương.

 

 

·       Hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế và bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình và các sở, ban ngành có liên quan ở địa phương.

 

·       Thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế trong các hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành mình.

 

c. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện các

quy định của pháp luật về pháp chế ngành:

 

Cần bổ sung vào Nghị định số 94/CP (sửa đổi) các quy định sau đây:

 

+ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý công tác pháp chế của Chính phủ, trong đó có pháp chế ngành.

 

+ Quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hiệu quả hoạt động pháp chế ngành và một số biện pháp xử lý cần phải được áp dụng đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

 

+ Khẳng định rõ Hồ sơ các dự án văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi chỉ được Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của pháp luật, nếu có văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế ngành.

 

+ Bộ Tư pháp định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành và kịp thời kiến nghị Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường tổ chức và hoạt động pháp chế tại các Bộ, ngành.

 

+ Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

 

+ Hàng quý, nửa năm và cuối năm, các Bộ, ngành phải gửi Bộ Tư pháp  báo cáo về công tác pháp chế của Bộ, ngành mình. Hàng năm Bộ Tư pháp phải có báo cáo riêng về đánh giá công tác pháp chế ngành gửi Chính phủ.

 

Về lâu dài, nên đặt vấn đề nghiên cứu để tiến tới xây dựng một văn bản pháp luật  có tầm hiệu lực cao hơn về pháp chế ngành.

 

1.    Các biện pháp cần thực hiện trong thời

    gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP

 

Hiện nay chúng ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP. Chúng tôi cho rằng phần lớn các quy định của Nghị định số 94/CP đều hợp lý, hơn nữa lại đang hiện hành, Vì vậy trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu triển khai ngay  một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp tục thực hiện các quy đinh của Nghị định số 94/CP. Cụ thể là phải có biện pháp có hiệu quả để đôn đốc các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện dứt điểm các yêu cầu sau đây:

- Hoàn tất việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ mà ở đó từ trước đến nay chưa có tổ chức pháp chế ngành nhằm bảo đảm ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ nào còn ghép pháp chế với thanh tra, tổng hợp, chính sách hoặc với các nội dung hoạt động khác thì khẩn trương tách bộ phận pháp chế thành tổ chức độc lập.

         

Việc thành lập các tổ chức pháp chế ngành độc lập trong cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành là cần thiết, bởi đây là lĩnh vực công tác đòi hỏi có tổ chức chuyên trách, với đội ngũ cán bộ chuyên trách có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế vững vàng. Ghép với các chuyên môn khác sẽ không bảo đảm tính tập trung, chuyên sâu của cán bộ pháp chế, làm giảm hiệu quả của công tác pháp chế. Mặt khác, nội dung công tác pháp chế rộng và phức tạp, đòi hỏi phải có bộ máy đủ thẩm quyền và cơ cấu tổ chức ngang tầm thì mới có thế và lực trong quan hệ với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành.

 

- Sớm hình thành hệ thống tổ chức pháp chế ngành trong những Bộ, ngành lớn, tức là thành lập bộ phận làm công tác pháp chế ở các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.   

 

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành là những đơn vị pháp nhân hành chính, trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao. Việc quản lý nhà nước ở đây cũng phải được thực hiện bằng pháp luật và theo pháp luật. Vì vậy, cần phải có tổ chức chuyên trách giúp lãnh đạo cục, tổng cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.         

 

Vì các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, cho nên các tổ chức pháp chế ở các đơn vị này phải nằm trong hệ thống thống nhất các cơ quan pháp chế của Bộ, ngành. Tổ chức pháp chế của Bộ, ngành là cơ quan giữ vai trò đầu mối, chủ đạo của hệ thống này. Do phạm vi hoạt động hẹp và lại có tổ chức pháp chế của Bộ, ngành bao quát chung toàn bộ công tác pháp chế của Bộ, ngành, tổ chức pháp chế  của các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành nên được tổ chức dưới các hình thức gọn nhẹ, linh hoạt, và có thể ghép với đơn vị tổng hợp, chính sách hoặc thanh tra.

 

- Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

 

Thực tiễn những năm qua cho thấy ở những nơi nào có cán bộ chuyên trách theo dõi một lĩnh vực công tác nhất định thì hiệu quả công tác trong lĩnh vực đó có hiệu quả rõ rệt. Những lĩnh vực công tác không có người làm đầu mối và chịu trách nhiệm thì không bao giờ được thực hiện tốt. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cần phải hình thành một tổ chức pháp chế độc lập, cồng kềnh, vì ở sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sở tư pháp chịu trách nhiệm chung về công tác pháp chế của địa phương.

 

- Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành có đủ trình độ, kiến thức pháp luật và tư thế để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Vấn đề tổ chức và cán bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định đối với hiệu quả công tác pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy ở Bộ, ngành nào cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và năng động thì ở đó hoạt động pháp chế sôi động, hiệu quả, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế được khẳng định, được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy cần đến pháp chế, thậm chí không thể thiếu pháp chế. Những nơi nào cán bộ pháp chế không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và không năng động thì ở đó hoạt động pháp chế kém hiệu quả, không có tiếng nói đối với lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế không được khẳng định, không được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy không cần đến pháp chế, cảm thấy có pháp chế thì thừa, thậm chí vướng cho hoạt động của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số Bộ, ngành không muốn thành lập tổ chức pháp chế hoặc không muốn thành lập tổ chức pháp chế ngành độc lập.

 

- Tất cả các  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, quy định rõ và cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành phù hợp với văn bản có liên quan của Chính phủ, quy định mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định này cũng cần phải được khẳng định cả trong quy chế làm việc của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức pháp chế ngành.

 

- Chỉ đạo các tổ chức pháp chế ngành tiến hành mở rộng các hoạt động pháp chế sang lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành mình; yêu cầu bản thân tổ chức pháp chế ngành phải chủ động và sáng tạo lựa chọn các hình thức và biện pháp có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ được giao, tự thân đổi mới mình nhằm chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

 

Đất nước ta không thể có nền pháp chế vững mạnh nếu pháp chế trong từng  ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương không được tăng cường. Pháp chế trong từng  ngành, từng lĩnh vực là bộ phận cấu thành không thể tách rời của toàn bộ cơ thể pháp chế thống nhất của quốc gia. Và như vậy, sẽ là phi lý, nếu hô hào tăng cường pháp chế, đẩy manh việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà không quan tâm đầy đủ và đúng mức đến việc tăng cường pháp chế ngành.

 

Có thể nói, các Bộ, ngành không thể thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được giao, không thể nâng cao được hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao, nếu coi nhẹ hay không tăng cường công tác pháp chế ngành.

 

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          KẾT LUẬN

 

 

 

Từ những điểm trình bày ở các chương, mục nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở đê khẳng định rằng pháp chế có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Pháp chế là công cụ tạo lập và củng cố trật tự, kỷ cương, phép nước; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực; góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; thúc đẩy quá trình hình thành nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong hàng ngũ cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đó dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Song rất tiếc rằng trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

 

Chúng ta không thể xây dựng được nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không thể có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,  nếu coi nhẹ và không tăng cường pháp chế xã họi chủ nghĩa, tức là không tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đồi sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Có thể nói tăng cường pháp chế thực chất là: tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả  công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả  công tác tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm  chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước  cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không  có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

Ngay từ trước khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, một số văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ và cấp Bộ, ngành đa được ban hành nhằm  xây dựng và từng bước tăng cường pháp chế ngành, phục vụ yêu cầu nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực.  Đặc biệt từ năm 1978 đến nay, với việc ban hành Nghị định số 178/HĐBT, Nghị định số 94/CP và hàng loạt văn bản cấp Bộ, ngành phục vụ yêu cầu tiếp tục xây dựng và tăng cường pháp chế ngành trong điều kiện mới, tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành có bước chuyển biến rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, ngành đã được thành lập hoặc kiện toàn, hoạt động khá sôi động và khẳng định được vị trí,vai trò của mình.

 

Tuy nhiên vẫn có tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật về pháp chế ngành. Tổ chức pháp chế ngành ở một số cơ quan chưa được kiện toàn, cán bộ pháp chế chưa được chú ý bồi dưỡng, tăng cường, điều kiện hoạt động còn có nhiều khó khăn vướng mắc. Vì vậy hiệu quả công tác, vai trò và tác dụng của tổ chức pháp chế ngành ở những cơ quan này còn rất hạn chế. Nội dung của các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành cũng còn nhiều điểm không đầy đủ, chưa hợp lý, bất cập, tính khả thi và tầm hiệu lực thấp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng phát huy vai trò, tác dụng của các tổ chức pháp chế ngành trong những năm qua.

 

Để tăng cường công tác pháp chế ngành phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành. Với nhiệm vụ nặng nề này, chúng ta cần có những biện pháp hết sức tích cực và đồng bộ. Trong số các biện pháp cần triển khai, biện pháp quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

 

Phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành phải là: bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, có đủ thế và lực hoạt động, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật. Cần phải có những quan điểm chỉ đạo rõ ràng, đúng đắn cho quá trình hoàn thiện này. Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành phải đầy đủ, đồng bộ, bao quát hết tất cả các lĩnh vực do từng Bô, ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước và có hiệu lực thực sự, có các biện pháp bảo đảm thi hành, được kiểm tra việc chấp hành trên thực tế v.v...

 

Điều không kém phần quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trước hết của cán bộ, công chức nhà nước về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của pháp chế nói chung và của pháp chế ngành nói riêng.

 

 

 

 

 

 

PHẦN II

 

CÁC BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

 

 CỦA PHÁP CHẾ BỘ, NGÀNH

 

                                                                                          TS. NGUYỄN AM HIỂU

                                             Phó Vụ trưởng Vụ PL dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp

 

1. Từ cuối năm 1986 đến nay, việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn là mối quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Điều đó đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng. Theo tinh thần các văn kiện của Đảng, mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật cụ thể là:

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm phát triển đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

- Xây dựng cơ chế và các điều kiện thi hành pháp luật;

- Dân chủ hoá đời sống xã hội, kể cả các hoạt động của các cơ quan Nhà nước;

- Thực hiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các mục tiêu chủ yếu như trên, hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, trước hết là của các cơ quan Nhà nước mà trong đó có vai trò rất quan trọng của các tổ chức pháp chế.

Nói như vậy không có nghĩa là trong nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá vai trò của hoạt động pháp chế không được khẳng định. Có thể nói, trong nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá hoạt động pháp chế đã được phát huy khá tốt ở nhiều nước. Nó được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc khá thống nhất và chặt chẽ và với mục đích quan trọng nhất là góp phần thực hiện kế hoạch Nhà nước, trong tất cả mọi giai đoạn từ lập kế hoạch, thông qua kế hoạch, thực hiện và kiểm tra thực hiện kế hoạch.

2. Vậy pháp chế Bộ, ngành trong nền kinh tế thị trường là gì? Muốn trả lời được câu hỏi trên đây cũng như để xác định được vị trí, vai trò của pháp chế Bộ, ngành cần phải xuất phát từ bản chất của nền kinh tế thị trường và nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Có rất nhiều học thuyết khác nhau về kinh tế thị trường và có rất nhiều mô hình kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thực tế cũng như hầu hết các học thuyết đến nay đều thống nhất thừa nhận những vấn đề cơ bản như nền kinh tế thị trường là nền kinh tế phát triển trên cơ sở bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tự do hợp đồng.. Nền kinh tế thị trường cũng chỉ có thể phát triển trên cơ sở pháp luật phải bảo vệ các nguyên tắc, quy luật cơ bản của thị trường như bảo vệ cạnh tranh, tự do giá cả…

Tuy nhiên, thị trường luôn không phải là một cơ chế hoàn hảo có thể tự điều chỉnh được tất cả mọi quan hệ xã hội theo nghĩa tích cực của nó, các yếu tố tiêu cực như việc huỷ hoại môi trường, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế cạnh tranh, độc quyền, các tệ nạn xã hội.. cũng là các hiện tượng tất yếu của cơ chế thị trường.

Chính vì vậy Nhà nước trong nền kinh tế thị trường luôn có hai nhiệm vụ rất cơ bản như trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã tiếp tục khẳng định là xây dựng và bảo vệ các yếu tố tích cực của thị trường, đồng thời có các biện pháp hạn chế các yếu tố tiêu cực mà nền kinh tế thị trường mang lại. Để thực hiện được hai nhiệm vụ trọng yếu và lớn lao này Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật (hệ thống pháp luật ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng là xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật cũng như các biện pháp hỗ trợ khác). Khi mà vai trò của pháp luật có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội thì chắc chắn hoạt động pháp chế ở các Bộ, nghành, thậm chí đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng rất quan trọng.

Trước hết cần khẳng định pháp chế là một hoạt động liên quan đến pháp luật cần thiết cho các cơ quan Nhà nước trong mọi chế độ xã hội, mọi hình thái Nhà nước. Nói cách khác, không Nhà nước nào không có hoạt động pháp chế, tuy nó có thể được diễn đạt dưới các ngôn từ khác nhau, với những nội dung và hình thức khác nhau.

Theo Nghị định 94/1997/NĐ-CP ngày 6 tháng 9 năm 1997 thì “tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật từng ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật” (Điều1 Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997).

Quy định này của Nghị định 94 không định nghĩa hoạt động pháp chế là gì mà chỉ nói về các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức pháp chế, cụ thể là pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mà chúng ta thường sử dụng một tên gọi ngắn gọn hơn là “pháp chế Bộ, ngành”. Bản thân quy định này không bao trùm lên tất cả các hoạt động pháp chế và hoạt động liên quan đến pháp chế mà chỉ gồm các hoạt động chủ yếu, có tên tuổi, đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật mô phỏng theo chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan pháp luật, đó là:

- Tổ chức xây dựng pháp luật;

- Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

- Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

- Phổ biến, giáo dục pháp luật và

- Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Ở đây cần phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm tổ chức pháp chế và khái niệm pháp chế hay khái niệm hoạt động pháp chế. Tổ chức pháp chế là các đơn vị cụ thể thuộc một cơ quan nào đó, được pháp luật và thủ trưởng cơ quan giao cho các chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tổ chức pháp chế không phải là đơn vị duy nhất có hoạt động pháp chế. Pháp chế hay hoạt động pháp chế là một khái niệm rất rộng và được thực hiện bởi mọi đơn vị của cơ quan mà trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức pháp chế với chức năng là một tổ chức chuyên sâu. Có thể nói không hoạt động nào của cơ quan Nhà nước mang tính chất công quyền mà lại không phải là hoạt động pháp chế.

3. Nói như vậy thì chức năng, nhiệm vụ hay vai trò cụ thể của pháp chế là gì khi tất cả hoạt động mang tính chất công quyền đều mang tính pháp chế.

Trước hết, như chúng ta đều biết trong nền kinh tế thị trường, dù được tổ chức và quản lý theo cơ chế nào thì vẫn luôn luôn xuất hiện khả năng can thiệp của con người vào các quan hệ, quy luật của thị trường. Thí dụ các hình thức hạn chế cạnh tranh và xu hướng tiến tới độc quyền, sự can thiệp vào giá cả…

Chính vì vậy Nhà nước cần phải có một hành lang pháp lý để con người và chính cả Nhà nước không can thiệp một cánh tuỳ tiện vào các quan hệ và quy luật của thị trường. Nhìn từ góc độ đó pháp chế các Bộ, ngành có chức năng hay vai trò vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật. Tổ chức pháp chế có trách nhiệm góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, ngăn cản các khả năng pháp luật cho phép cơ quan Nhà nước và mỗi tổ chức, cá nhân có khả năng can thiệp vào các quan hệ thị trường. Nói cách khác như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định là pháp luật phải bảo vệ đồng bộ các yếu tố của thị trường. Chức năng, nhiệm vụ này của pháp chế được thể hiện trong các công việc cụ thể như góp phần xây dựng pháp luật,  chương trình làm luật, thẩm định văn bản trước khi ban hành, rà soát, hệ thống hoá để phát hiện những khả năng pháp luật tạo ra cơ hội để Nhà nước can thiệp vào các quan hệ lành mạnh của thị trường.

Một chức năng, nhiệm vụ khác rất quan trọng của pháp chế là góp phần vào việc tổ chức thực hiện pháp luật và kiểm tra thực hiện pháp luật. Để pháp luật đi vào đời sống thực tiễn không phải là công việc đơn giản mà Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể để thi hành, tức là Nhà nước phải xây dựng cơ chế thích hợp và chuẩn bị các điều kiện vất chất cụ thể (ở Việt Nam hiện nay Nhà nước chưa có kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức thực thi pháp luật). Kiểm tra việc thực hiện pháp luật cũng là một chức năng vô cùng quan trọng bởi trong nền kinh tế thị trường các hành vi can thiệp vào các quan hệ lành mạnh của thị trường luôn luôn tiềm ẩn từ các cơ quan Nhà nước cũng như từ chính các doanh nghiệp.

Mặt khác, các yếu tố tiêu cực của thị trường như ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại, các hành vi gây tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng, sự phân hoá giàu nghèo và các tệ nạn xã hội. Hoạt động pháp chế cá trách nhiệm góp phần quan trọng vào việc hạn chế các tiêu cực của thị trường. cũng phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường.

Có thể nói tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành luôn luôn tồn tại cùng với Nhà nước. Tuy nhiên ở từng giai đoạn cụ thể, tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành được nhìn nhận và quan tâm ở các mức độ và góc độ khác nhau.

4. Nhận thức rõ vai trò của hoạt động pháp chế, khi bắt đầu tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ngày 17 tháng 6 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động pháp chế. Nghị định số 178/HĐBT đã quy định khá đầy đủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện Nghị định 178/HĐBT các Bộ, ngành và các doanh nghiệp Nhà nước đã xây dựng được một hệ thống các tổ chức pháp chế khá vững mạnh và các tổ chức pháp chế đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới cơ chế quản lý cũng đặt ra các tổ chức pháp chế Bộ, ngành và doanh nghiệp trước những thách thức ghê gớm. Trước hết, tại các cơ quan Nhà nước yêu cầu cải cách hành chính và giảm biên chế của các cơ quan Nhà nước luôn đặt ra một câu hỏi mà các tổ chức pháp chế luôn phải trả lời về sự tồn tại của mình. Mặt khác, không phải tất cả mọi tổ chức, cá nhân đều nhận thức đúng đắn về chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế, thậm chí có những quan điểm cho rằng hoạt động pháp chế đã cản trở hoạt động của các đơn vị khác trong cơ quan. Ngoài ra cũng phải kể đến là do hoạt động pháp chế mới được quan tâm nhiều hơn trở lại nên lực lượng còn rất yếu và chính vì vậy việc tự khẳng định mình không phải là dễ dàng.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, việc đổi mới cơ chế quản lý đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách thức. Cơ chế bao cấp đã để lại một hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp khi chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới nhất là gánh nặng về biên chế quá nhiều so với sự cần thiết thật sự của doanh nghiệp. Mặt khác quyền tự định đoạt của doanh nghiệp Nhà nước tuy đã được pháp luật khẳng định về mặt nguyên tắc nhưng chưa thật sự được bảo đảm trong các quy định cụ thể của pháp luật cũng như trong thực tiễn.

Trước tình hình đó, pháp chế Bộ, ngành và doanh nghiệp Nhà nước đã phải chống chọi với nhiều cơn sóng gió và không phải có những lúc đã chao đảo. Nghị định 94/CP ngày 6 tháng 9 năm 1997 là khẳng định pháp lý về thực tế nói trên về tình hình pháp chế sau hơn 10 năm đổi mới.

5. Thực hiện Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức pháp chế ở hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được củng cố, kiện toàn, ổn định về tổ chức và đi vào hoạt động có nề nếp, phát huy được hiệu quả, vai trò của mình.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 94/CP của bộ Tư pháp, đến hết năm 1999 đã có 40/48 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 Vụ Pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép, 15 Phòng Pháp chế và 3 Ban Pháp chế.

Tính đến hết tháng 12 năm 2000 chỉ còn lại 7 cơ quan chưa có tổ chức Pháp chế, đó là: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt nam, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Năm 2000 đội ngũ cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành tiếp tục được tăng cường cả về số lượng cũng như chất lượng nâng tổng số cán bộ Pháp chế lên hơn 300 người, trong đó có 14 Tiến sĩ luật, 23 Thạc sĩ Luật, 195 cử nhân luật, còn lại đều có bằng đại học chuyên ngành.

Nhiều tổ chức Pháp chế có đội ngũ cán bộ Pháp chế mạnh cả cề số lượng cũng như chất lượng như Vụ Pháp chế ngân hàng Nhà nước, Vụ Pháp chế Bộ Công an, Vụ Pháp chế-Vận tải, Bộ giao thông vận tải, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại, Bộ khoa học công nghệ & môi trường,Vụ pháp chế Tổng cục Hải quan v.v. Nhiều cơ quan tuy chưa có tổ chức pháp chế độc lập nhưng cũng hoạt động rất mạnh như Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…

6. Tổ chức pháp chế đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan trong đơn vị đề xuất, tổng hợp, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ, ngành lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của Bộ, ngành mình để đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng Pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ, chương trình xây dựng văn bản của Bộ, Ngành;  tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật khi đã được thông qua; đồng thời đôn đốc việc thực hiện.

Trong những năm qua các tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành đã trực tiếp soạn thảo, tham gia soạn thảo hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật trong đó bao gồm nhiều Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị.

Các tổ chức pháp chế cũng có vai trò vô cùng quân trọng trong việc thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm  quy trình soạn thảo và trình văn bản theo đúng quy định của pháp luật.

7. Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt trong việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ, ngành đã xác định đó là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật. 

8. Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các Bộ, ngành lựa chọn những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật trung ương; tổ chức cho cán bộ, công chức thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999; giúp lãnh đạo soạn thảo các văn bản phối hợp để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo dục pháp luật trong trường học).

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật.

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

9. Có thể nói, Nghị định 94/CP của Chính phủ đã tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới hoật động pháp chế. Tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành đã tiếp tục được kiện toàn. Tuy nhiên, Nghị định mới chỉ quy định về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mà bỏ qua một mảng công tác pháp chế vô cùng quan trọng đó là tổ chức pháp chế ở các Sở quản lý ngành và ở các doanh nghiệp Nhà nước. để có cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế ở các Sở quản lý ngành và các doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra thì cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 94/CP theo hướng bổ sung thêm về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế ở các Sở quản lý ngành và  ở các doanh nghiệp Nhà nước. Quy định về pháp chế doanh nghiệp Nhà nước là rất quan trọng và thể hiện sự đặc thù của pháp luật Việt nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên để tôn trọng quyền tự định đoạt của các doanh nghiệp, quy định của Nhà nước về vấn đề này chỉ nên có tính chất hướng dẫn.

Mặt khác, Nghị định 94/CP quy định không thống nhất về tổ chức đối với tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành dẫn đến tình trạng tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành hiện nay không thống nhất. Một số Bộ, ngành lớn, quản lý nhiều lĩnh vực, nhưng công tác pháp chế không được chú trọng, không có Vụ Pháp chế đủ mạnh để có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác pháp chế đặt ra. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đên hoạt động pháp chế, nhất là trong điều kiện thứ bậc trong bộ máy nhà nước còn nhiều ảnh hưởng rất lớn đến các công việc chuyên môn như hiện nay.

10. Về hoạt động phấp chế Bộ, ngành, hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Pháp chế chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, công việc chủ yếu của pháp chế cần được tập trung chủ yếu vào hoạt đông thi hành pháp luật và các công việc điều hành hàng ngày của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị.

11. Thực hiện chức năng theo dõi, hướng dẫn các tổ chức pháp chế, trong những năm qua Bộ tư pháp ngoài việc ra các văn bản hướng dẫn đã phối hợp khá nhịp nhàng với các Bộ, ngành tổ chức các buổi sinh hoạt, gặp  gỡ những người hoạt động pháp chế để thảo luận những vấn đề chuyên môn, cũng như trao đổi kinh nghiệm công tác. Có thể nói, các hoạt động này đã mang lại hiệu quả rất lớn. Những người hoạt động pháp chế có điều kiện để trao đổi, học tập lần nhau không phải chỉ có về chuyên môn mà còn tạo lập nên tình đồng nghiệp. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoật động pháp chế.

Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta chưa triển khai việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người hoạt động pháp chế. Chúng tôi cho rằng, đây là một việc làm rất cần thiết. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, ý thức pháp luật chưa cao, kể cả các công chức Nhà nước.

Nói tóm, lại để xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dưng nhà nước pháp  quyền, tổ chức và hoạt động pháp chế cần phải đựơc củng cố. Các tổ chức pháp chế phải có vị trí quan trọng trong mỗi cơ quan thì mới có thể thực hiện được sứ mệnh của mình. Mặt khác, cần mở rộng các hình thức hoạt động pháp chế, có thể do tổ chức pháp chế hoặc không phải do tổ chức pháp chế thực hiện.

 

THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN

 

THIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÁP CHẾ  NGÀNH

 

                                          PGS. TS Đoàn Năng

                                          Vụ trưởng Vụ PC Bộ KHCN&MT

 

Pháp chế là chế độ quản lý đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Pháp chế ngành là chế độ quản lý đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội,  quản lý của nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật và theo pháp luật

Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dưng phải có nền pháp chế vững mạnh thì mới có thể bảo đảm cho sự quản lý của nhà nước có hiệu lực và hiệu quả thực sự; Hiến pháp và pháp luật nói chung được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; trật tự, kỷ cương, phép nước được tôn trọng; kinh tế - xã hội phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Để xây dựng nền pháp chế vững mạnh, cần triển khai một loạt biện pháp rất đồng bộ, từ việc xây dựng và thường xuyên hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và áp dụng các biện pháp bảo vệ pháp luật cho đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách tích cực và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi địa bàn, ở Trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên những hoạt động này trước hết phải được triển khai có hiệu quả ở các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thực hiện Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây goi là Nghị định số 94/CP), tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là tổ chức pháp chế ngành) được thành lập, kiện toàn; hoạt động pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là pháp chế ngành) ngày càng được đẩy mạnh. Tổ chức pháp chế ngành góp phần ngày càng quan trọng vào việc thực hiên quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với từng ngành, từng lĩnh vực, tạo lập và giữ vững trật tự, kỷ cương, phép nước.

Tuy nhiên những năm qua công tác pháp chế ở các Bộ ngành vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành còn gặp

không ít trở ngại, khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có cả trở ngại, vướng mắc về pháp luật. Chính vì vậy tiến hành nghiên cứu để đánh giá thật chính xác, khách quan thực trạng pháp luật về pháp chế ngành, xác định đúng đắn phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành là việc làm hết sức cần thiết.

Trong phạm vi bài này, tôi tập trung phân tích các quy định của  pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thực tiễn triển khai những quy định này và phương hướng, những quan điểm chỉ đạo và giải pháp hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành.

I.  CÁC QUY ĐỊNH CỦA  PHÁP LUẬT NƯỚC TA VỀ PHÁP CHẾ  NGÀNH 

1. Các quy định của  pháp luật về pháp  chế  ngành  trước  năm 1997

a.    Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước  ngày  17  tháng  6  năm 1985.

Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT ngày  17  tháng  6  năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước (sau đây gọi là nghị định số 178/HĐBT), và cũng là trước khi có đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam,  nền kinh tế và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của nước ta được quản lý theo cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, một cơ chế ra đời do yêu cầu của thời chiến và còn tồn tại nhiều năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, vấn đề pháp luật và pháp chế đương nhiên chưa thể có điều kiện để được quan tâm đúng mức. Vì vậy, không có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nào được ban hành để chuyên điều chỉnh  một cách đầy đủ và toàn diện các vấn đề pháp chế ngành. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã có một số văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả cấp Bộ ngành về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành, trong đó có một vài quy định khái quát về tổ chức pháp chế của Bộ, ngành. Ví dụ:

-        Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính, Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952, trong đó có quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;

-        Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng, Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế;

-        Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an, Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;

-        Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;

-         v.v...

          Nội dung của các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên chỉ quy định việc cho phép thành lập tổ chức pháp chế ở  Bộ, ngành này hay Bộ, ngành khác riêng rẽ. Nội dung của các văn bản cấp Bộ, ngành quy định cả việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành. Ví dụ, theo Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Ban Pháp chế Bộ Xây dựng có chức năng giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực pháp luật bao gồm ban hành văn bản pháp quy, theo dõi tổ chức thực hiện pháp chế, làm tư vấn pháp luật cho Bộ trưởng. Nhiệm vụ cụ thể của Ban Pháp chế Bộ Xây dựng gồm:

-        Hệ thống hoá các văn bản pháp luật về ngành; giúp Bộ trưởng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước gửi đến.

-        Chuẩn bị để trình Bộ trưởng quyết định chương trình, kế hoạch công tác pháp chế; giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thi hành thống nhất trong toàn ngành.

-        Giúp Bộ xem lại lần cuối cùng các dự thảo văn bản pháp quy trước khi các cục, vụ, viện trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành; theo dõi việc ban hành các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ nhưng trái với các văn bản  cấp Bộ.

-        Giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề pháp chế phát sinh trong quá trình chỉ đạo và quản lý.

-        Các lĩnh vực công tác; phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật trong ngành.

-        Bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp chế cho cán bộ trong ngành.

-        V.v...

Trong những trường hợp Bộ, ngành không có tổ chức pháp chế chuyên trách thì từng phần nội dung cụ thể của công tác pháp chế (soạn thảo văn bản, kiểm soát việc ban hành văn bản, kiểm  tra việc thực hiện văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật v.v...) được giao cho Văn phòng của Bộ, ngành hoặc liên quan đến đơn vị chức năng nào của Bộ, ngành, thì được chính thức hoặc mặc nhiên giao cho các đơn vị chức năng đó thực hiện. Ngay cả khi có Vụ hay Phòng Pháp chế thì Vụ hay Phòng Pháp chế cũng không phải là tổ chức duy nhất thực hiện tất cả các nhiệm vụ pháp chế nêu trên mà chỉ là lực lượng chủ yếu hoặc chủ trì thực hiện; các đơn vị chức năng khác của Bộ, ngành cũng đều có thể được giao nhiệm vụ chủ trì, tham gia hoặc phối hợp thực hiện một vài nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

Như vậy, trước ngày ban hành Nghị định số 178/HĐBT, các quy định của pháp luật nước ta về pháp chế ngành rất tản mạn, chủ yếu gồm các quy định do lãnh đạo của từng Bộ, ngành ban hành để áp dụng riêng cho Bộ, ngành mình,  không thống nhất trên cả nước, thiếu cụ thể và hiệu lực thi hành thấp. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì đây là thời kỳ không có nền kinh tế thị trường, không có nhà nước pháp quyền và cũng không có cả ý tưởng xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Vì vậy không có nhu cầu thực hiện việc quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Và do đó trong một thời gian dài không có chủ trương thống nhất về thành lập tổ chức pháp chế ở tất cả các Bộ, ngành, không có văn bản chung và thống nhất và có hiệu lực cao quy định về pháp chế ngành. Ngay cả Bộ Tư pháp – cơ quan chuyên trách của Chính phủ về những vấn đề tư pháp, pháp chế và pháp luật cũng có giai đoạn không tồn tại.

Nội dung các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này còn thiếu nhiều, không đồng bộ, hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng.

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật không tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, không tạo điều kiện thúc đẩy và phát huy vai trò của pháp chế ngành trong các hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

b.    Giai đoạn từ Nghị định số 178/HĐBT đến khi ban hành Nghị định số 94/CP năm 1997

Chỉ khi bắt đầu chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, công tác pháp chế nói chung, công tác pháp chế ngành nói riêng, mới bắt đầu được quan tâm, bởi lẽ chính việc quản lý nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Cùng với việc chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, chủ trương chuẩn bị tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế và tư duy pháp lý v.v...khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Vì vậy, Quốc hội nước ta đã quyết định tái thành lập Bộ Tư pháp, và ngày  17  tháng  6  năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước.

Theo quy định của Nghị định số 178/HĐBT, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế; các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ chính sách và pháp chế thì thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

Việc thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Chính sách và Pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được Nhà nước giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế.

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Và như vậy, Nghị định này không quy định một mô hình thống nhất cho các tổ chức pháp chế ngành. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nhà nước ta, pháp luật quy định không chỉ cho phép mà còn buộc phải thành lập tổ chức pháp chế ngành ở tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Nghị định số 178/HĐBT còn quy định khá rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức pháp chế ngành. Cụ thể như sau:

+ Các vụ, Phòng pháp chế thuộc các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng:

+ Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

+ Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

+ Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

+ Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ảnh với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở Trung ương.

Phối hợp với các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

+ Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

+ Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng giao.

d.    Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng được quyền:

+ Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

+ Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

 

+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

+ Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Như vậy, Nghị định số 178/HĐBT tuy chưa quy định rõ chức năng của tổ chức pháp chế ngành, nhưng đã quy định khá rõ và tương đối đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của tổ chức pháp chế ngành. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất của nước ta từ trước đến nay chuyên điều chỉnh vấn đề pháp chế ngành, tạo điều kiện cho việc từng bước thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, và cũng là một bước đột phá về nhận thức theo hướng tích cực đối với pháp chế ngành ngay trong điều kiện đất nước ta mới chỉ chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn không đầy đủ, tầm hiệu lực thấp, mô hình tổ chức pháp chế ngành vẫn không thống nhất, thiếu các quy định về những biện pháp bảo đảm thi hành. Điều rất dễ nhận thấy là hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng. Tình trạng này của pháp luật là một trong những nguyên nhân làm cho pháp chế ngành gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà không thể tháo gỡ nổi.

Sau hơn mười năm thực hiện Nghị định số 178/HĐBT nêu trên, tổ chức pháp chế không phải đã được thành lập ở tất cả các các Bộ, ngành; đội ngũ cán bộ làm  công tác pháp chế ngành không được tăng cường đầy đủ về số cũng như chất lượng, điều kiện để hoạt động cũng không được bảo đảm tốt, và đương nhiên không thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Một trong những nguyên nhân làm cho các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn có nhiều điểm khiếm khuyết và các hoạt động pháp chế ngành trong giai đoạn này không thể bứt lên để đáp ứng yêu cầu, về mặt chủ quan, chủ yếu do nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ của lãnh đạo các cấp các ngành về vị trí và vai trò của pháp chế ngành, về việc cần thiết phải thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật theo đúng yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền; do nhiều người vẫn chưa từ bỏ thói quen và phong cách quản lý không bằng pháp luật.

Về mặt khách quan, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hình thành, nhà nước pháp quyền cũng đang còn trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai xây dựng, và do đó chưa tạo ra được sự thúc ép thực sự mạnh mẽ đối với việc triển khai thực hiện chế độ quản lý đối với tổ chức và bộ máy của nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Về phía mình, các tổ chức pháp chế ở một số Bộ, ngành và các cán bộ pháp chế ngành ở đây chưa đủ sức bằng hành động thực tiễn của mình chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành. 

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế ngành trong giai đoạn mới, ngày 6/9/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2.  Nội  dung  chủ  yếu  của  các  văn  bản  pháp luật về pháp chế ngành từ năm 1997 đến nay.

a. Về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành

Theo quy định của Nghị định số 94/CP, tổ chức pháp chế phải được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước. Về hình thức tổ chức, các tổ chức pháp chế ngành có thể là Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế.

Theo Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP) giữa Bộ Tư pháp và Ban tổ chức và Cán bộ Chính phủ phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Pháp chế có thể thuộc Văn phòng Bộ hoặc trực thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

Việc thành lập Vụ Pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, có ý kiến của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Việc thành lập Phòng Pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công tác pháp chế mà có thể giữ nguyên mô hình tổ chức hoặc tổ chức lại theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này. Trong trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế ghép như Vụ Pháp chế - Chính sách, Vụ Thanh tra - Pháp chế, Vụ Pháp chế - Tổng hợp v.v..., thì tách lĩnh vực pháp chế thành tổ chức độc lập  theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này.

 

Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP còn quy định cả chức danh, tiêu chuẩn  của cán bộ pháp chế ngành. Cụ thể là cán bộ pháp chế phải vừa là người có trình độ cử nhân luật, vừa có kiến thức  chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành mình. Cần bố trí cán bộ, công chức từ chuyên viên trở lên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ pháp chế, tổ chức pháp chế. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân luật và thực tiễn soạn thảo văn bản mà chưa có kiến thức chuyên ngành thì cần có kế hoạch đào tạo để đạt yêu cầu kiến thức chuyên ngành. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành và kinh nghiệm chuyên môn mà chưa có kiến thức pháp luật thì cần có kế hoạch bồi dường, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về:

-        Chất lượng và hiệu quả hoạt động pháp chế của Bộ, ngành mình;

-        Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế Bộ;

-        Quy hoạch việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, trưởng ban Ban tổ chức – Cán bộ Chính phủ.

Điều 7 của Nghị định số 94/CP  nêu trên quy định rõ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ theo quy định của Nghị định này. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP  còn quy định rõ việc này phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 21/12/1997.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

Nhìn vào các quy định nêu trên chúng ta thấy không tạo ra được một mô hình thống nhất và dứt khoát cho các tổ chức pháp chế ngành. Cách quy định như vậy tạo ra cơ hội cho sự tuỳ tiện và thiếu thống nhất trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế ngành.

b. Về chức năng của Tổ chức pháp chế Bộ.

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các chức năng sau đây:

-        Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao;

-        Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

-        Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

-        Phổ biến, giáo dục pháp luật;

-        Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

c. Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tổ chức pháp chế Bộ.

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

-        Trong công tác xây dựng pháp luật.

+  Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

+ Thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

+ Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

-        Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

+ Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để:

 

·       Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

·       Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.

·       Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

-        Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

+ Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

+ Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Như vậy, Nghị định 94/CP nêu trên quy định cũng khá rõ và cụ thể chức năng của tổ chức pháp chế ngành. Nghị định 94/CP  cũng quy định rõ các quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành và cũng là một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thể hiện sự nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nhà nước ta đối với công tác pháp chế ngành.

Ngoài các quy định của Nghị định số 94/CP, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành còn được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành. Ví dụ: Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổ chức Pháp chế, Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, Quy chế làm việc của Bộ, ngành, Quy chế Văn thư, Lưu trữ của Bộ, ngành v.v... Các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành thực tế chỉ cụ thể hoá các quy định của Nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của mỗi Bộ, ngành.

Các quy định của Nghị định số 94/CP cùng với các văn bản của các Bộ ngành, về cơ bản, có thể nói bước đầu đã hình thành một hệ thống tương đối cụ thể về pháp chế ngành, nhưng còn có không ít nhược điểm. Nhược điểm cơ bản của hệ thống này là ở chỗ vẫn chỉ là những quy định có tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành và một số quy định cần thiết khác. Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, tuy khá hơn với Nghị định số 178/HĐBT ở chỗ Nghị định số 94/CP khẳng định rõ chức năng của pháp chế ngành, nhưng lại có một vài  điểm thụt lùi vì một số quy định rất cần thiết và quan trọng đã được khẳng đinh tại Nghị định số 178/HĐBT, nhưng không được tiếp tục khẳng định tại Nghị định số 94/CP như:

-        Quy định pháp chế ngành phải là cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành;

-        Tổ chức pháp chế của  các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế thuộc ngành ở cả trung ương và địa phương;

-        Thừa nhận sự tồn tại của hệ thống pháp chế của mỗi ngành gồm tổ chức pháp chế của  các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương là các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương  v.v...

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn không đề cập cụ thể đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng, mặc dù cùng với sự tích cực và chủ động đẩy mạnh việc hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, hoạt động đối ngoại của cả nước ta nói chung và của từng Bộ, ngành nói riêng ngày càng  sôi động, và trong hoạt động đối ngoại cũng rất cần tăng cường pháp chế.

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành trong những năm qua.

Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp lý các vấn đề pháp chế ngành, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, cần nghiên cứu xử lý tất cả các nhược điểm nêu trên, đặc biệt là nhược điểm về tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành các quy định hiện hành về pháp chế ngành và không có quy định cụ thể bao quát hết các lĩnh vực như lĩnh vực hoạt động đối ngoại v.v...

3.   Thực trạng triển khai các quy định của nghị định 94/CP về xây dựng tổ chức của pháp chế ngành.

 

Thực hiện quy định của Nghị định số 94/CP về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành, một số Bộ, ngành đã tiến hành kiện toàn tổ chức pháp chế ngành đã được thành lập theo Nghị định số 178/HĐBT; một số Bộ, ngành đã tiến hành làm thủ tục thành lập mới tổ chức pháp chế của mình. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 94/CP, đến hết năm 1999 đã có 40/48 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 vụ pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép với cơ quan tổng hợp hoặc thanh tra, 15 phòng pháp chế và 3 ban pháp chế. Cho đến tháng 1 năm 2003 đã có thêm các Vụ Pháp chế của các Bộ mới được thành lập là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông.

Một số Bộ, ngành cũng đã chú trọng lựa chọn, bố trí và bồi dưỡng cán bộ pháp chế theo yêu cầu nêu trên của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP, làm cho số cán bộ pháp chế vừa có trình độ, kiến thức pháp luật cần thiết, vừa có kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành ngày càng gia tăng. Trong tổng số hơn 300 cán bộ pháp chế ngành hiện nay đã có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học, gần hai trăm cử nhân luật. Số cán bộ pháp chế này được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhưng nhìn chung có phông kiến thức chung về pháp luật và nghiệp vụ công tác pháp chế tương đối vững vàng. Nhiều người trong số này đang tiếp tục được nâng cao thêm về trình độ, kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý hành chính và lý luận chính trị; một số khác đang được bổ túc thêm kiến thức chuyên ngành kinh tế – kỹ thuật.

 Đáng chú ý là một số Bộ, ngành, điển hình là các Bộ, ngành như Thuỷ sản, Khoa học và Công nghệ, Công an, Công nghiệp, văn hoá - Thông tin, Thương mại, v.v... không chỉ kiện toàn tổ chức pháp chế mà còn rất chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức này như ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế để quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành, với lãnh đạo của Bộ, ngành; đưa các quy định về bảo đảm hoạt động pháp chế vào Quy chế làm việc của Bộ, ngành, vào cả Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành v.v...

Chính những việc làm nêu trên đã giúp khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế ngành, tạo điều kiện và môi trường ngày càng thuận lợi cho pháp chế ngành phát huy vai trò của mình trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Nhờ đó một số tổ chức pháp chế ngành như Vụ Pháp chế Bộ Công an, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản, Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại, Vụ Pháp chế  Bộ Văn hoá Thông tin, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch v.v...đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường pháp chế trong các lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

Bên cạnh những thành tích kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh công tác pháp chế ngành ở một số Bộ, ngành nêu trên, rất tiếc cho đến tận ngày hôm nay, đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày ban hành Nghị định số 94/CP mà ở một số cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế; ở một số Bộ, ngành lớn vẫn còn tình trạng pháp chế ghép với bộ phận Tổng hợp hoặc với thanh tra. Nói cách khác, quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này chưa được một số Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.

Hiện nay đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, vấn đề tổ chức pháp chế ngành ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng là vấn đề được các cấp, các ngành bàn luận. Hầu hết các Bộ, ngành đều kiến nghị và khẳng định yêu cầu có Vụ Pháp chế độc lập trong cơ cấu tổ chức của mình.

Theo các nghị định mới được ban hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ mới được thành lập là Bộ tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính – Viễn thông, sự tồn tại của Vụ Pháp chế ở các Bộ này đã được khẳng định.  Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong quá trình sắp xếp lại bộ máy này vẫn có những ý kiến trái ngược với yêu cầu đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đòi xoá bỏ tổ chức pháp chế ngành với tư cách là một tổ chức độc lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành. Điều này chứng tỏ trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Về cán bộ pháp chế ngành, con số hơn 300 người, trong đó có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học vẫn là con số rất khiêm tốn, và rất tiếc cũng còn một số lượng tương đối lớn cán bộ pháp chế ngành chưa có trình độ cử nhân luật.

Nhìn vào con số nêu trên chúng ta thấy tuy có sự tiến bộ rõ rệt về số lượng và chất lượng cán bộ pháp chế ngành so với cuối năm 1997, đầu năm 1998 và đặc biệt so với những năm trước năm 1997, nhưng so với chức năng và nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định số 94/CP thì còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy ở không ít bộ, ngành số cán bộ pháp chế ngành chưa đạt tới con số 10; thậm chi có Phòng Pháp chế chỉ có 2 – 3 chuyên viên, không có cả trưởng hay phó phòng để điều hành  công việc hàng ngày.

Thực trạng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế ngành như nêu trên gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành, làm hạn chế đáng kể hiệu quả công tác pháp chế ở nhiều Bộ, ngành, và như vậy cũng góp phần hạn chế hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Có thể nói tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay ở một số Bộ, ngành không đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ở một số Bộ, ngành tổ chức  pháp chế ngành không được hình thành hay không được kiện toàn, không phát huy được vai trò của mình theo như mong muốn và cũng là theo quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này, nhưng chủ yếu gồm:

-        Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn nhiều khiếm khuyết.

-        Lãnh đạo của một số các Bộ, ngành và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước các cấp, các ngành làm tham mưu cho lãnh đạo chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về  yêu cầu của nền kinh tế thị trường và của việc xây dựng nhà nước pháp quyền đối với việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật cũng như vị trí, vai trò của pháp chế ngành; chưa chấm dứt thói quen quản lý và hoạt động của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.

-        Các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp có hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc và bảo đảm thi hành các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành.

-        Công tác nghiên cứu lý luận về pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vấn đề này chưa được chú trọng.

4.    Thực trạng triển khai các quy định của Nghị định số 94/CP về hoạt động của tổ chức pháp chế ngành

Hơn 5 năm qua kể từ ngày nghị định số 94/CP bắt đầu có hiệu lực, các tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện ở mức cao nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.

Có thể nói rằng, hoạt động quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành (đặc biệt là các Bộ, ngành lớn, tổng hợp)  có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành khác và các địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước; liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật. Vì vậy công tác của các tổ chức pháp chế ngành cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

Để tiện theo dõi, chúng tôi phân tích tình hình hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành theo từng nhiệm vụ đã được quy định trong Nghị định số 94/CP như sau:

a. Trong công tác xây dựng pháp luật.

-        Về đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Pháp chế ngành, nhiều tổ chức pháp chế ngành triển khai rất tốt. Song thời gian qua không phải tất cả các tổ chức pháp chế ngành đã triển khai hoặc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này. Một số tổ chức pháp chế ngành chưa đủ thế và lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.

-        Về thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

          Nhiệm vụ này được tất cả các tổ chức pháp chế ngành triển khai với những mức độ khác nhau. Nhiều tổ chức pháp chế ngành phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc thẩm định các dự thảo văn bản, đóng góp phần quan trọng vào việc nâng cao một cách rõ rệt chất lượng của dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý. Tuy nhiên chất lượng thẩm định của một số tổ chức pháp chế ngành chưa cao, còn để tồn tại những sai sót, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản do Bộ, ngành mình ban hành hoặc trình cấp trên ban hành. Nhiều khi việc thẩm định chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật pháp lý đơn thuần hoặc chỉ có tính chất hình thức.

-        Về trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đây là việc được tất cả các tổ chức pháp chế ngành thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức pháp chế ngành ít khi trực tiếp chủ trì soạn thảo văn bản mà chỉ làm  công việc điều phối chung việc soạn thảo các văn bản và cử người tham gia vào quá trình soạn thảo, cuối cùng dành nỗ lực cho hoạt động thẩm định giúp nâng cao chất lượng của văn bản về mặt nội dung và kỹ thuật.

-        Về việc làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

Hầu hết các tổ chức pháp chế mạnh đều được Bộ trưởng giao thực hiện toàn bộ công tác này; một số nơi tổ chức pháp chế không mạnh thì Bộ trưởng chỉ giao một phần công việc.

Đây là công việc cũng không kém phần phức tạp vì khối lượng văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến rất lớn và ngày càng nhiều. Có những văn bản gửi xin ý kiến không phải một lần,  nội dung rất đa dạng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu không có kiến thức pháp luật tổng hợp và vững vàng thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Thông thường hiện nay các tổ chức pháp chế ngành mới chỉ tập trung nghiên cứu và góp ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của ngành mình nhằm thực hiện chức năng “gác cổng” cho ngành, chưa chú ý nhiều đến việc đóng góp ý kiến toàn diện cho dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý.

Ngoài những văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến, hiện nay có một khối lượng lớn dự thảo văn bản do Chính phủ gửi xin ý kiến thành viên chính phủ và một số tổ chức pháp chế ngành được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chuẩn bị văn bản góp ý kiến và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

b.  Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

- Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1997 về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt, thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

- Các Bộ, ngành đã xác định việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Trên thực tế các tổ chức pháp chế  ngành vẫn thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc kiến nghị bãi bỏ một loạt giấy phép theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

- Một số tổ chức pháp chế ngành đã bước đầu phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách; kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành; kiến nghị đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành. Đây là vấn đề khá bức xúc và cũng hết sức phức tạp, nhưng do lực lượng còn quá mỏng cho nên có thể nói đa số các tổ chức pháp chế ngành chưa thực sự triển khai thực hiện.

c. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công tác này được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành và nhiều tổ chức pháp chế ngành đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình.

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các Bộ, ngành lựa chọn những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật trung ương; tổ chức cho cán bộ, công chức thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999; giúp lãnh đạo soạn thảo các văn bản phối hợp để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo dục pháp luật trong trường học).

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật v.v...

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên công tác này cũng còn nhiều bất cập như hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn đơn điệu, đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp còn thiếu thông tin pháp luật về từng ngành, lĩnh vực.

d. Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

Một số tổ chức pháp chế ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

Nhiều tổ chức pháp chế ngành làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình trong việc xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý; góp ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Cũng có những tổ chức pháp chế chưa triển khai mạnh mẽ hoạt động này vì thiếu nhân lực, thiếu phương tiện và kinh phí v.v...

đ. Trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành.

Đây là lĩnh vực chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ của pháp chế. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý vững vàng để triển khai hoạt động pháp chế trong lĩnh vực phức tạp này. Tuy một số tổ chức pháp chế ngành cố gắng triển khai các hoạt động như tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến cho các dự thảo điều ước quốc tế mà Bộ, ngành mình cần ký kết hoặc trình cấp trên ký kết hoặc tham gia; tham gia xử lý một số vấn đề pháp lý nảy sinh trong hoạt động đối ngoại, rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý để có những kiến nghị cần thiết v.v..., song không ít tổ chức pháp chế ngành chưa thể triển khai hoạt động trong lĩnh vực này.

Tóm lại, hoạt động phấp chế  ngành  hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; một số nhiệm vụ được triển khai rất có mức độ. Pháp chế chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật; chưa triển khai hoạt động một cách thống nhất và có hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, hoạt động của pháp chế cần chú trọng cả công tác thi hành pháp luật và các công việc điều hành hàng ngày của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị và hoạt động đối ngoại.

Nhìn chung hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành chưa đồng đều, có nơi mạnh và phát huy tốt vai trò của mình, có nơi rất lúng túng và không đủ lực hoặc không có đủ điều kiện để phát huy vai trò giúp Bộ trưởng, thủ trường ngành thực hiện tốt việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

II.  PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÁP CHẾ NGÀNH

 1.   Phương hướng và các quan điểm chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành

a. Phương hướng

Như đã trình bày ở các mục trên, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nghĩa là xây dựng một nhà nước trong đó việc tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, tổ chức và hoạt động của từng cơ quan nhà nước, hoạt động của từng công chức, viên chức nhà nước cũng như việc tổ chức và quản lý kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật và bằng pháp luật. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả, nếu chúng ta quan tâm tăng cường pháp chế nói chung trên phạm vi cả nước và pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng.

          Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy rằng nền pháp chế của đất nước chúng ta không thể vững mạnh, nếu pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý không được tăng cường, bởi vì pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý là bộ phận cấu thành của toàn bộ cơ thể pháp chế của quốc gia. Để tăng cường pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý, không có cách nào khác là phải khẩn trương và kiên quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành. Nói cách khác, hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành phải theo tinh thần và chính là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành.

          Từ những điểm phân tích tại tất cả các mục nêu trên, tôi cho rằng phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành hiện nay thể hiện ở hai điểm có sự tác động qua lại và gắn bó rất chật chẽ với nhau như sau:

-  Bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật.

Điều muốn nói ở đây là pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực hay không lại không tự nhiên mà có hay tự hình thành do yêu cầu khách quan của thực tiễn mà tuỳ thuộc vào quyết định chủ quan của cấp có thẩm quyền và tất nhiên nội dung của quyết định này cuối cùng phải thể hiện ra dưới dạng các quy định pháp luật. Yêu cầu khách quan của thực tiễn chỉ tạo điều kiện, thôi thúc và làm cơ sở cho sự ra đời của quyết định có tính chất đúng đắn, khách quan của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận thức được hoặc không nhận thức đúng được yêu cầu khách quan của thực tiễn thì sẽ không thể có được quyết định nào hoặc không có quyết định nào phù hợp với yêu cầu khách quan.

- Tổ chức pháp chế ngành phải được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực  hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành,  lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoật động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại ngày càng sôi động phù hợp với yêu cầu phát triền kinh tế - xã hội và hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế.

Thực tiễn công tác háp chế ngành thời gian qua cho thấy trong điều kiện nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức còn hạn chế, thói quen sống và làm việc theo pháp luật chưa được khẳng định chắc chắn thì cán bộ pháp chế không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không có thế và có lực.

Nếu pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, nhưng không được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực  hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành,  lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoạt động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại thì tổ chức pháp chế ngành chỉ tồn tại một cách hình thức, không thể hoàn thành được các chức năng và nhiệm vụ được giao.

          b. Các quan điểm chỉ đạo.

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành theo tinh thần và để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, theo tôi, cần phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:     

- Tổ chức Pháp chế ngành phải thực sự trở thành tổ chức đủ thế và lực để  giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công trong hoạt động đối nội cũng như đối ngoại.

Cần phải hiểu rằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhà nước nói chung và từng Bộ, ngành nói riêng chỉ được phép thực hiện quản lý kinh tế và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Đây là vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cũng là của nhà nước pháp quyền. Nếu làm ngược lại thì phải trả giá đắt. Thiếu tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết để giúp việc thì Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

- Tổ chức Pháp chế ngành phải vươn lên để thực sự trở thành trung tâm, đầu mối  xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.      

Không phải bất kỳ tổ chức nào cũng có thể thực hiện tốt công tác làm đầu mối  xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý. Chỉ có tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết mới có thể làm tốt nhiệm vụ này.

- Tổ chức Pháp chế ngành phải trở thành “Văn phòng luật sư” đáng tin cậy không chỉ của lãnh đạo Bộ, ngành mà của cả từng đơn vị , từng công chức, viên chức của Bộ, ngành mình cả về pháp luật quốc gia lẫn pháp luật quốc tế.         

Thực tiễn hàng ngày trong công tác quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành cho thấy thường có khá nhiều vấn đề pháp lý hay khía cạnh pháp lý của các vấn đề khác nảy sinh và cần phải được xử lý một cách khoa học và đúng đắn. Việc xử lý những vấn đề này cần đến sự trợ giúp của những người có kiến thức pháp luật chuyên ngành vững vàng và nghiệp vụ pháp chế chuyên ngành cần thiết thì mới có hiệu quả.

          - Tổ chức Pháp chế ngành thực sự là tổ chức chân rết, mắt xích, thành tố của hệ thống pháp chế của Chính phủ và của cả quốc gia.

Như đã trình bày ở các mục trên, pháp chế tồn tại trên quy mô cả nước, trong phạm vi từng hệ thống cơ quan nhà nước,  trong hệ thống cơ quan quyền lực cũng như hệ thống cơ quan quản lý hành chính v.v...

Trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính, có tổ chức pháp chế của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương. Và do đó các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế không chỉ gồm các tổ chức pháp chế ngành, pháp chế địa phương mà có Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan đầu mối, chủ trì công tác pháp chế của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý công tác pháp chế. Với cách tiếp cận này thì các tổ chức pháp chế ngành là chân rết, mắt xích của Bộ Tư pháp tại các Bộ, ngành.

Các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp và cả cơ quan hành chính địa phương cũng cần có các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế. Tuy nhiên phạm vi chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan pháp chế không hoàn toàn giống nhau, song hoạt động của tất cả các cơ quan này đều hướng vào bảo đảm  các yêu cầu cơ bản của pháp chế. Có thể khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan pháp chế ngành và các cơ quan pháp chế khác luôn luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tiễn chứng tỏ rằng một khi tổ chức pháp chế ngành vững mạnh, hoạt động có hiệu quả thì Bộ Tư pháp có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong các hoạt động pháp chế và công tác pháp chế chung của Chính phủ cũng sẽ có hiệu quả. Vì vậy cần thiết kế cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ mạnh mẽ giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức pháp chế ngành, đồng thời Bộ Tư pháp phải phát huy tốt vai trò chủ đạo.     

2.   Các giải pháp hoàn thiện pháp luật phục vụ yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành

          Để quán triệt các quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công phương hướng nêu trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

a. Cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP theo hướng khẳng định dứt khoát các vấn đề sau đây:

- Về mặt tổ chức, cán bộ pháp chế ngành:

+ Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải có tổ chức pháp chế độc lập;

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải có Vụ Pháp chế;

+ Các cơ quan thuộc chính phủ có Vụ hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Thủ trưởng cơ quan;

+ Khẳng định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ pháp chế;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng pháp chế ít nhất phải có trình độ thạc sỹ luật học hoặc tiến sỹ luật học thì mới đủ tầm và điều kiện giữ vững và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế;

+ Khung biên chế tối thiểu của Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế;

+ Các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành đều có bộ phận làm  công tác pháp chế, tức là hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

+ Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.         

- Về chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của pháp chế ngành:

+ Khẳng định rõ hơn, đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành đã được quy định trong Nghị định số 94/CP.

+ Tổ chức pháp chế ngành phải có thêm các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

·       Kiểm  tra các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình do chính Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành mình hoặc các Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác, các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá bỏ mọi mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống các quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực.

·       Tư vấn cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày.

Giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý chuyên ngành cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương.

·       Hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế và bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình và các sở, ban ngành có liên quan ở địa phương.

·       Thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế trong các hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành mình.

-        Về các biện pháp bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành:

+ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý công tác pháp chế của Chính phủ, trong đó có pháp chế ngành.

+ Quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hiệu quả hoạt động pháp chế ngành và một số biện pháp xử lý cần phải được áp dụng đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

+ Khẳng định rõ Hồ sơ các dự án văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi chỉ được Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của pháp luật, nếu có văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế ngành.

+ Bộ Tư pháp định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành và kịp thời kiến nghị Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường tổ chức và hoạt động pháp chế tại các Bộ, ngành.

+ Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

+ Hàng quý, nửa năm và cuối năm, các Bộ, ngành phải gửi Bộ Tư pháp  báo cáo về công tác pháp chế của Bộ, ngành mình. Hàng năm Bộ Tư pháp phải có báo cáo riêng về đánh giá công tác pháp chế ngành gửi Chính phủ.

- Về lâu dài, nên đặt vấn đề nghiên cứu để tiến tới xây dựng một văn bản pháp luật có tầm hiệu lực cao hơn về pháp chế ngành.

Thay cho lời kết luận

Hiện nay chúng ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP. Chúng tôi cho rằng phần lớn các quy định của Nghị định số 94/CP đều hợp lý, hơn nữa lại đang hiện hành, Vì vậy trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu triển khai ngay  một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp tục thực hiện các quy đinh của Nghị định số 94/CP. Cụ thể là phải có biện pháp có hiệu quả để đôn đốc các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện dứt điểm các yêu cầu sau đây:

- Hoàn tất việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ mà ở đó từ trước đến nay chưa có tổ chức pháp chế ngành nhằm bảo đảm ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ nào còn ghép pháp chế với thanh tra, tổng hợp, chính sách hoặc với các nội dung hoạt động khác thì khẩn trương tách bộ phận pháp chế thành tổ chức độc lập.

          Việc thành lập các tổ chức pháp chế ngành độc lập trong cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành là cần thiết, bởi đây là lĩnh vực công tác đòi hỏi có tổ chức chuyên trách, với đội ngũ cán bộ chuyên trách có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế vững vàng. Ghép với các chuyên môn khác sẽ không bảo đảm tính tập trung, chuyên sâu của cán bộ pháp chế, làm giảm hiệu quả của công tác pháp chế. Mặt khác, nội dung công tác pháp chế rộng và phức tạp, đòi hỏi phải có bộ máy đủ thẩm quyền và cơ cấu tổ chức ngang tầm thì mới có thế và lực trong quan hệ với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành.

- Sớm hình thành hệ thống tổ chức pháp chế ngành trong những Bộ, ngành lớn, tức là thành lập bộ phận làm  công tác pháp chế ở các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.   

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành là những đơn vị pháp nhân hành chính, trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao. Việc quản lý nhà nước ở đây cũng phải được thực hiện bằng pháp luật và theo pháp luật. Vì vậy, cần phải có tổ chức chuyên trách giúp lãnh đạo cục, tổng cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.         

Vì các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, cho nên các tổ chức pháp chế ở các đơn vị này phải nằm trong hệ thống thống nhất các cơ quan pháp chế của Bộ, ngành. Tổ chức pháp chế của Bộ, ngành là cơ quan giữ vai trò đầu mối, chủ đạo của hệ thống này. Do phạm vi hoạt động hẹp và lại có tổ chức pháp chế của Bộ, ngành bao quát chung toàn bộ công tác pháp chế của Bộ, ngành, tổ chức pháp chế  của các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành nên được tổ chức dưới các hình thức gọn nhẹ, linh hoạt, và có thể ghép với đơn vị tổng hợp, chính sách hoặc thanh tra.

- Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

Thực tiễn những năm qua cho thấy ở những nơi nào có cán bộ chuyên trách theo dõi một lĩnh vực công tác nhất định thì hiệu quả công tác trong lĩnh vực đó có hiệu quả rõ rệt. Những lĩnh vực công tác không có người làm đầu mối và chịu trách nhiệm thì không bao giờ được thực hiện tốt. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cần phải hình thành một tổ chức pháp chế độc lập, cồng kềnh, vì ở sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sở tư pháp chịu trách nhiệm chung về công tác pháp chế của địa phương.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành có đủ trình độ, kiến thức pháp luật và tư thế để hoàn thành nhiệm vụ.

Vấn đề tổ chức và cán bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định đối với hiệu quả công tác pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy ở Bộ, ngành nào cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và năng động thì ở đó hoạt động pháp chế sôi động, hiệu quả, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế được khẳng định, được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy cần đến pháp chế, thậm chí không thể thiếu pháp chế. Những nơi nào cán bộ pháp chế không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và không năng động thì ở đó hoạt động pháp chế kém hiệu quả, không có tiếng nói đối với lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế không được khẳng định, không được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy không cần đến pháp chế, cảm thấy có pháp chế thì thừa, thậm chí vướng cho hoạt động của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số Bộ, ngành không muốn thành lập tổ chức pháp chế hoặc không muốn thành lập tổ chức pháp chế ngành độc lập.

- Tất cả  các  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, quy định rõ và cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành phù hợp với văn bản có liên quan của Chính phủ, quy định mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định này cũng cần phải được khẳng định cả trong quy chế làm việc của  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức pháp chế ngành.

- Chỉ đạo các tổ chức pháp chế ngành tiến hành mở rộng các hoạt động pháp chế sang lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành mình; yêu cầu bản thân tổ chức pháp chế ngành phải chủ động và sáng tạo lựa chọn các hình thức và biện pháp có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ được giao, tự thân đổi mới mình nhằm chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

Đất nước ta không thể có nền pháp chế vững mạnh nếu pháp chế trong từng  ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương không được tăng cường. Pháp chế trong từng  ngành, từng lĩnh vực là bộ phận cấu thành không thể tách rời của toàn bộ cơ thể pháp chế thống nhất của quốc gia. Và như vậy, sẽ là phi lý, nếu hô hào tăng cường pháp chế, đẩy manh việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà không quan tâm đầy đủ và đúng mức đến việc tăng cường pháp chế ngành.

Có thể nói, các Bộ, ngành không thể thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được giao, không thể nâng cao được hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao, nếu coi nhẹ hay không tăng cường công tác pháp chế ngành.

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm  chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước  cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không  có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

PHÁP CHẾ CÔNG AN NHÂN DÂN

 

26 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

 

TS. Trần Đình Nhã

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công An

 

I.                Về quá trình hình thành và phát triển

của tổ chức pháp chế ngành công an

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Bộ Nội vụ cùng các Bộ, ngành khác có nhiệm vụ phải trực tiếp xây dựng nhiều văn bản pháp luật để tăng cường vai trò quản lý nhà nước thống nhất về an ninh, trật tự bằng pháp luật ở cả hai miền. Để đáp ứng với nhiệm vụ này, ngày 27/10/1975 Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 2493/BNV thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng và giao cho một đồng chí Cục trưởng phụ trách Phòng trực thuộc này.

Quyết định đã quy định chức năng của Phòng Pháp chứ là “có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý thống nhất công tác pháp chế, hướng dẫn thi hành pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Bộ Nội vụ, nghiên cứu đề xuất ý kiến với Bộ trưởng về việc ban hành những văn bản pháp quy càn thiết cho công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.

Với Quyết định số 2493 ngày 27/10/1975, có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử, tại một Bộ thuộc Chính phủ đã hình thành một tổ chức pháp chế độc lập, trực tiếp giúp Bộ trưởng một loạt vấn đề pháp luật, pháp chế.

Kể từ đây, công tác pháp chế trong lực lượng công an nhân dân đã có vị trí được xác định trong hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ, công tác pháp chế đã có sự lãnh đạo, quản lý thống nhất từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương.

Quyết định đã quy định 7 nhiệm vụ của Phòng Pháp chế, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động pháp chế đối với các bộ phận pháp chế, cán bộ pháp chế ở các đơn vị thuộc cơ quna Bộ và công an các địa phương.”.

Thực hiện nhiệm vụ này, Phòng Pháp chế đã hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương xây dựng tổ chức pháp chế có từ 3 - 5 cán bộ chuyên trách. Như vậy

 

 

hệ thống tổ chức pháp chế đã được xây dựng tù Bộ đến Công an các địa phương ngay từ năm 1975.

Chỉ trong 2 năm 1975 đến 1977, Phòng Pháp chế, Bộ Nội vụ đã tự khẳng định mình qua công tác tham mưu, tư vấn về pháp luật cho lãnh đạo Bộ, trong đó có những vấn đề rất quan trọng như: Dự thảo 3 sắc luật quy định về an ninh, trật tự vùng mới giải phóng; xây dựng Điều lệ xử phạt vi cảnh; tham mưu giúp lãnh đạo Bộ tham gia xây dựng Bộ luật hình sự, sửa đổi Hiến pháp... Ban hành nhiều văn bản pháp quy phục vụ quản lý an ninh, trật tự trong tình hình đất nưúc mới thống nhất.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế ngày càng lớn, các đồng chí phụ trách công tác pháp chế đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công An báo cáo Hội đồng Chính phủ thành lập Vụ Pháp chế trong Bộ Công an. Ngày 21/1/1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 08/CP thành lập Vụ pháp chế trực thuộc Bộ Công an. Đây lại là Vụ Pháp chế đầu tiên được thành lập ở một Bộ. Với Quyết định này, từ đây pháp chế ngành Công an đã có một tổ chức ổn định, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong 10 năm (1977 - 1987), lực lượng pháp chế đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ Công an về pháp luật, đặc biệt là hình sự, tố tụng hình sự, hành chính và các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến an ninh trật tự. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập lực lượng CAND, Vụ Pháp chế đã biên tập và xuất bản tập I, tập II các văn bản pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương (trên 20.000 cuốn), phục vụ kịp thời công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công An cũng đã chú ý đến việc xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế từ Bộ đến Công an các địa phương. Để hình thành hệ thống pháp chế trong ngành công an, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 57-QĐ/BNV ngày 15/5/1985 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức pháp chế ở các đơn vị, địa phương. Thực hiện Quyết định này, các Tổng cục và Công an địa phương đều có tổ pháp chế chuyên trách.

Năm 1987, Bộ Nội vụ thực hiện chủ trương của Nhà nước sắp xếp lại tổ chức theo hướng gọn đầu mối, giảm biên chế nên Vụ Pháp chế được sáp nhập vào Cục Tham mưu tổng hợp thành Tổ chuyên viên pháp chế do một đồng chí Trưởng phòng phụ trách.

Giai đoạn 1987-1991 là những năm tháng khó khăn đối với công tác pháp chế vì biên chế ít, lại không còn đầu mối độc lập về mặt tổ chức. Vì vậy, tổ chuyên viên pháp chế hầu như chỉ tập trung vào công tác xây dựng và tham gia xây dựng văn bản pháp luật, còn các chức năng, nhiệm vụ khác ít được triển khai thực hiện

Trong những năm tháng khó khăn đó, tổ chuyên viên pháp chế đã có rất nhiều cố gắng để phấn đấu vươn lên, tự khẳng định vai trò của mình. Cán bộ của đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, yên tâm, yêu nghề, say mê làm việc và đã tích cực tham gia vào việc xây dựng Bộ luật tố tục hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh thi hành án phạt tù, cùng các văn bản hướng dẫn và nhiều văn bản quản lý Nhà nước về an ninh trật tự.

Thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng VI, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có trách nhiệm tham mưu cho Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong điều kiện kinh tế thị trường. Để đáp ứng yêu cầu này, tổ chức pháp chế trong lực lượng Công an phải được củng cố và tăng cường. Vì vậy, ngày 20/11/1991, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 1584-QĐ/BNV về việc thành lập lại Vụ Pháp chế. Hiện nay, Vụ Pháp chế là đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, biên chế gồm 32 đồng chí, có 3 phòng chức năng, là một trong những đơn vị không thể thiếu được trong bộ máy tổ chức của Bộ Công an, được quan tâm củng cố, phát triển, ngày càng đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Lực lượng pháp chế ở Bộ, Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện (kiêm nhiệm) hiện nay có khoảng 700 đồng chí.

II.            NHỮNG KẾT QUẢ CÔNG TÁC CỦA LỰC

LƯỢNG PHÁP CHẾ CÔNG AN NHÂN DÂN

 

1.    Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế có năng lực đáp

ứng yêu cầu công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo

Công an các cấp về PL có liên quan đến an ninh trật tự:

Xuất phát từ nhận thức rằng, muốn làm tốt công tác tham mưu, tư vấn đề pháp luật cho lãnh đạo Bộ Công an thì vấnd dề quan trọng hàng đầu là phải hiểu rõ về công tác này và không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, am hiểu nghiệp vụ Công an nên tù nhiều năm nay chúng ta đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhờ đó, cho đến nay, ở Vụ Pháp chế đã có 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ (hiện nay có 3 nghiên cứu sinh tiến sĩ), số cán bộ nghiên cứu khác 100% có trình độ đại học. Bên cạnh đó hàng năm đều có kế hoạch cử cán bộ đi học các nước: Lý luận chính trị cao cấp, bổ túc nghiệp vụ công an; tổ chức 1 lớp ngoại ngữ tiếng Anh ngay trong đơn vị.

Đối với đội ngũ cán bộ pháp chế ở công an các đơn vị, địa phương đã thường xuyên được cung cấp tài liệu, văn bản hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ công tác pháp chế (công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, kiểm tra việc thi hành pháp luật và những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành); trong các năm 1994, 1995, 1997, 1998, 2001 mỗi năm mở 1 lớp tập huấn công tác pháp chế, mỗi lớp từ 5 đến 7 ngày.

Hiện nay, ngành công an đã xây dựng được hệ thống tổ chức pháp chế ở tất cả 6 Tổng cục và 61 công an địa phương với đội ngũ làm công tác pháp chế chuyên trách gồm trên 200 đồng chí và gần 500 đồng chí kiêm nhiệm.

Nhờ có đội ngũ cán bộ pháp chế như vậy nên công tác tham mưu về pháp luật cho lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an các địa phương ngày càng có chất lượng. Đội ngũ cán bộ pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Công an các địa phương nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giữ vững an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là tham mưu, tư vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm và thi hành án hình sự, bảo đảm cho công tác này tuân thủ pháp luật, tránh oan, sai, sót, lọt tội phạm; công tác xử phạt vi phạm hành chính. Một công tác khác không kém phần quan trọng là việc tham mưu để lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản nhằm tăng cường pháp chế trong lực lượng công an. Cụ thể là Vụ Pháp chế đã chủ động đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 14-CT/BNV (V19) ngày 1/10/1992 về “tăng cường pháp chế XHCN trong lực lượng công an nhân dân”. Nội dung chỉ thị gồm 6 điểm: (1) Rà soát văn bản pháp luật để loại bỏ những văn bản hết hiệu lực và đề xuất xây dựng mới hoặc bổ sung những quy định còn thiếu; (2) Đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản pháp luật, chú trọng công tác thẩm định văn bản pháp luật; (3) Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; (4) Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thi hành pháp luật; (%) Xử lý nghiêm minh, kịp thời và triệt để các vụ vi phạm pháp luật; (6) Kiện toàn tổ chức và cán bộ pháp chế ở các đơn vị đủ sức làm tham mưu, tư váan pháp luật cho lãnh đạo. Qua 9 năm thực hiện, Chỉ thị này đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác tăng cường pháp chế trong Công an nhân dân.

Trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Chỉ thị số 14-CT/BNV (V19), để đẩy mạnh công tác pháp chế lên ngang tầm với tình hình nhiệm vụ mới, Vụ Pháp chế đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 07/CT/BNV (V19) ngày 26/3/1998 về tăng cường công tác pháp chế trong lực lượng Công an nhân dân trước tình hình mới để thay thể chỉ thị số 14 nêu trên. Chỉ thị này đã được các cấp Công an tổ chức và thực hiện có hiệu quả. Năm 1999 trong Hội nghị sơ kết công tác pháp chế trong lực lượng công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 18 cá nhân trong lực lượng CAND có thành tích xuất sắc về công tác pháp chế.

2.     Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và

tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng pháp chế đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thông qua công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đã tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp 1980, 1992; Bộ luật hình sự 1985 và 4 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985; Bộ luật hình sự năm 1999; Bộ luật Tố tụng hình sự, các luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức cơ quan điều tra theo Luật TTHS; trực tiếp soạn thảo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.

Chỉ tính trong 10 năm qua, lực lượng pháp chế đã xây dựng hàng chục văn bản để báo cáo Lãnh đạo Bộ công an trình Quốc Hội, UBTVQH, Chính phủ ban hành hoặc Bộ Công an ban hành. Trong đó có một số văn bản quan trọng như: Pháp lệnh thi hành án phạt tù (1993); Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế Trại Giam (199); Nghị định của Chính phủ về chống mại dâm, ma tuý (199); Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về việc bổ niệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra (1994); Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về chống lập Quỹ trái phép trong lực lượng CAND (1995); 3 Nghị định của Chính phủ ban hành 3 Quy chế về Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, Quản chế hành chính (1997); Quyết định của Bộ trưởng ban hành 12 Quy chế dân chủ trong lực lượng CAND, Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ, tạm giam (1998); Nghị định của Chính phủ về công an xã (1999), Luật Phòng chống ma tuý (2000). Đặc biệt, chỉ tính riêng năm 2001, trong số 8 Nghị định do Bộ Công an trình và được Chính phủ ban hành thì Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo 6 Nghị định, trong đó có những Nghị định rất quan trọng và quá trình soạn thảo rất công phu như: Nghị định của Chính phủ về thi hành hình phạt trục xuất; hình phạt cấm cư trú, quản chế; biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Nghị định về kinh doanh dịch vụ bảo vệ, các Nghị định thi hành Luật Phòng, chống ma tuý...Đang chủ trì việc nghiên cứu, soạn thảo dự án luật: Luật An ninh quốc gia; Luật Công an nhân dân. Phối hợp với các Tổng cục, các ngành soạn thảo Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ và hàng chục Nghị định có liên quan đến an ninh, trật tự. Quá trình soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị pháp chế thuộc lực lượng Công an đã đảm bảo đi vào nề nếp, đúng thủ tục trình tự.

Sở dĩ đạt được kết quả trên là do các đơn vị pháp chế đã quản lý thống nhất được công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an bằng việc chủ động đề xuất xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chế về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lực lượng CAND (Quyết định số 836/1997/QĐ-BNV (V19) ngày 18/10/1997). Quyết định này phân định rõ chức năng xây dựng văn bản và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là chức năng của pháp chế, nhờ đó công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực sự đi vào nề nếp. Trong 5 năm trở lại đây, Vụ Pháp chế đã tham gia hàng chục Ban soạn thảo Luật, Pháp lệnh do các ngành yêu cầu; tham gia trên 500 lượt ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư do các ngành trưng cầu ý kiến. Vụ Pháp chế đã trực tiếp tham gia soạn thảo, góp ý kiến hoặc thẩm định 409 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an ban hành. Lực lượng pháp chế các đơn vị, địa phương cũng đã trực tiếp xây dựng hoặc thẩm định hàng trăm văn bản pháp luật trước khi trình lãnh đạo duyệt đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

3.    Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến,

giáo dục PL và kiểm tra việc thi hành PL

Lực lượng pháp chế CAND đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các văn bản pháp luật mới cho cán bộ, chiến sỹ. Mở lớp tập huấn chức danh (Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Trưởng phó Công an cấp quận huyện); tập huấn pháp chế về công tác bắt, giam giữ, thi hành án phạt tù và những vấn đề về pháp luật hình sự, hành chính có liên quan đến công tác Công an; tổ chức biên soạn, biên tập hệ thống hoá và xuất bản, in 14 cuốn sách để cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương, trong đó đáng chú ý là những cuốn pháp luật về quản lý xuất, nhập cảnh cư trú và đi lại của người nước ngoài; pháp luật về quản lý biên giới Việt Trung; Pháp lệnh thi hành án phạt tù và các văn bản hướng dẫn thi hành; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hànhc hính và các văn bản hướng dẫn cần thiếtl các quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án; Những văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1985; các Quy chế thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đã được hệ thống hoá thành Công báo nội bộ và được cấp phát đến Công an cấp huyện.

Năm 1998, Vụ Pháp chế đã chủ động đề xuất với Lãnh đạo Bộ cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an. Trong 3 năm qua, được sự tham gia của Cục tin học nghiệp vụ- Tổng cục Khoa học - kỹ thuật và công nghệ đã thiết lập Trung tâm cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, chuyển dữ liệu lên đĩa CD cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo và công tác nghiên cứu xây dựng văn bản pháp luật.

Đã tham mưu để Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Công an; tổ chức xây dựng Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của 6 Tổng cục và 61 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cho đến nay, các Hội đồng này đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an và nhân dân. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên pháp chế CAND gồm 2650 người là Báo cáo viên cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp huyện.

Đã chủ động tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các đơn vị kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật trong lực lượng CAND. Qua công tác kiểm tra các đơn vị pháp chế đã kịp thời đề xuất Lãnh đạo Bộ công an, lãnh đạo Công an địa phương chấn chỉnh những đơn vị thực hiện không đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm; về trật tự an toàn giao thông; về quản lý hành chính, quản lý xuất nhập cảnh... Đặc biệt, năm 2001, qua việc chủ động kiểm tra việc thực hiện các Quy chế dân chủ trong lực lượng CAND Vụ Pháp chế đã có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện 12 Quy chế dân chủ của CAND các cấp và đề xuất Bộ trưởng ra chỉ thị chấn chỉnh.

Những cố gắng trên đã góp phần đáng kể trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lực lượng CAND.

Trong suốt quãng thời gian hình thành, phát triển lớn mạnh, lực lượng pháp chế CAND luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, phấn đấu hoàn thành mọi chức năng, nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, năm 1985 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng hai, năm 2000, được Nhà nước tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất. Hàng chục lượt đơn vị và hàng trăm lượt cá nhân đã được Bộ Công an tặng cờ, bằng khen trong tổng kết thi đua hàng năm và khen thưởng thành tích đột xuất. Năm 2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định tặng Cờ thi hđua xuất sắc cho Vụ Pháp chế, 1 phòng được công nhận đơn vị quyết thắng, 3 cán bộ được công nhận là chiến sỹ thi đua, 22 cán bộ được công nhận là cá nhân xuất sắc.

III. KẾT LUẬN:

Từ những kết quả hoạt động nêu trên, bước đầu chúng tôi xin nêu một số kết luận sau đây:

1. Lực lượng pháp chế CAND cũng như lực lượng pháp chế của các ngành, các cấp được hình thành và phát triển với xu thế chung của đất nước là để góp phần thực hiện nguyên tắc hiến định: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN (Điều 12 Hiến pháp năm 1992). Bởi vậy, tuy có thể thăng trầm, song sự tồn tại và phát triển và hợp với yêu cầu khách quan và không thể đảo ngược.

2. Cơ hội củng cố và phát triển của lực lượng pháp chế CAND phụ thuộc vào 2 điều kiện chủ yếu:

a)    Nhận thức đúng đắn và sự quan tâm thực sự của các cấp lãnh đạo CAND về công tác pháp chế;

b)    Khả năng đáp ứng yêu cầu về mặt pháp chế (xây dựng văn bản quy phạm, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra việc thực hiện...) của lực lượng pháp chế.

Bên cạnh đó, sự tác động, yêu cầu từ bên ngoài (từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và từ phía nhân dân) cũng là cơ hội và điều kiện cần thiết để lực lượng CAND quan tâm củng cố, phát triển tổ chức và huy động cán bộ làm tốt công tác pháp chế.

3. Khi đã nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác pháp chế, lực lượng pháp chế trong việc thực hiện chức năng của Bộ, ngành, cần tạo ra những đảm bảo thực tế về tổ chức, con người và điều kiện vật chất cần thiết. Chẳng hạn, ở Bộ Công an, từ lâu tổ chức pháp chế ở Bộ đã là một Vụ độc lập, được cơ cấu thành 3 phòng và có trên ba chục cán bộ được đào tạo bài bản. Để số cán bộ này đảm đương được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, hàng năm, lãnh đạo Bộ Công an còn khuyến khích cán bộ pháp chế tham dự các lớp đào tạo (tiến sỹ, thạc sỹ, học tại chức, học ngoại ngữ, tin học...).

Về cơ sở vật chất, Vụ Pháp chế đang quản lý một cơ sở dữ liệu các văn bản pháp luật cần thiết cho công tác công an, đã được trang bị 2 ô tô, 12 máy vi tính, 3 máy photocopy, 4 máy in lade, và một số phương tiện khác phục vụ công tác. Ngoài ra, Vụ Pháp chế đã đề xuất và được Lãnh đạo Bộ Công an chấp thuận (từ 5 năm nay) là hàng năm Bộ trích một khoản kinh phí nghiệp vụ để hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản, tuyên truyền pháp luật (Trung bình soạn thảo 1 Nghị định được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng, các văn bản quy phạm khác từ 7 đến 10 triệu đồng). Khoản kinh phí này, lãnh đạo Bộ Công an giao Vụ pháp chế hướng dẫn và kiểm tra việc chi tiêu dựa theo hình thức chi tiêu và thanh toán đề tài khoa học cấp cơ sở.

4. Đáp lại sự quan tâm và tạo điều kiện từ phía lãnh đạo Bộ Công an (và lãnh đạo Công an các cấp), đến lượt mình, các tổ chức pháp chế phải cố gằng thể hiện vai trò và khả năng đáp ứng yêu cầu của mình.

Trong nhiều năm qua, lực lượng pháp chế CAND đã chứng minh được tính đúng đắn của các quyết định về tăng cường pháp chế trong CAND và các biện pháp củng cố, phát huy vai trò các tổ chức pháp chế từ phía lãnh đạo các cấp Công an. Chính vì thế, ngày nay, lực lượng pháp chế CAND đã có vị trí vững vàng trong hệ thống tổ chức và hoạt động của toàn lực lượng CAND, từ Trung ương đến địa phương.

 

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ PHƯƠNG

 

HƯỚNG CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CỦA

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

 

                                                                    PGS.TS. Đoàn Năng

                                                                   Vụ trưởng Vụ PC Bộ KHCN&MT

 

 

I.                KHÁI LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

CÁC TỔ CHỨC PHÁP PHÁP  CHẾ  CỦA 

BỘ  KHOA  HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

          Tiền thân của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khoá I ngày 29/4/1958 và Sắc lệnh số 16/SL của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/1959.

Theo Nghị quyết số 165/NQ/TVQH ngày 11/10/1965 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội, Uỷ ban Khoa hoc Nhà nước được tách thành Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia).

Năm 1975, với việc thành lập Viện Khoa học Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia), Nhà nước ta hoàn thành việc tách các cơ quan nghiên cứu khoa học ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước về khoa học – kỹ thuật - Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

          Từ năm 1992, Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường và ngày 30/9/1992 được đổi tên thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

          Theo Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về  nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước các lĩnh vực sau đây:

-        Khoa học và công nghệ;

-        Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ;

-        Chuyển giao công nghệ;

-        Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng;

-        Bảo vệ môi trường.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Có thể nói rằng, phạm vi hoạt động quản lý nhà nước của Bộ KHCN&MT rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành và địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước. Vì vậy công tác pháp chế của Bộ KHCN&MT cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

Nếu hiểu nội dung công tác pháp chế theo tinh thần của Nghị định số 94/CP  ngày 6 / 9 / 1997 về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thì từ ngày thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước đến nay đã hơn 40 năm, ở những mức độ khác nhau và dưới các hình thức và biện pháp khác nhau, các nội dung công tác pháp chế quy định trong Nghị định này đã được tiến hành đều đặn. Song chỉ có điều là không phải lúc nào cũng có tổ chức pháp chế, không phải lúc nào công tác pháp chế cũng do một tổ chức pháp chế thực hiện và được coi trọng.

Trước năm 1981, tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước không có tổ chức nào chuyên trách công tác pháp chế, mọi công tác mà ngày nay người ta gọi là công tác pháp chế, đều do Văn phòng của Uỷ ban và các đơn vị trực thuộc Uỷ ban trực tiếp tiến hành; cán bộ chuyên trách công tác này cũng chưa có.

Từ năm 1981, một tổ pháp chế của Phòng Tổng hợp thuộc Văn phòng của Uỷ ban được thành lập, do một Phó văn phòng trực tiếp phụ trách và đã có một số cán bộ được đào tạo về chuyên ngành pháp luật.

Năm 1983, Phòng pháp chế - Lưu trữ thuộc Văn phòng của Uỷ ban được thành lập, do một Phó Văn phòng trực tiếp phụ trách và được bổ sung thêm một vài cán bộ có trình độ đại học luật.

Năm 1992, Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi truường và được đổi tên thành Bộ KHCN&MT, Phòng Pháp chế - Lưu trữ thuộc Văn phòng Bộ tiếp tục tồn tại và được bổ sung thêm một số cán bộ có trình độ đại học luật.

Năm 1997, Phòng Pháp chế - Lưu trữ được tách ra thành hai phòng độc lập trực thuộc Văn phòng Bộ là Phòng Pháp chế và Phòng Lưu trữ. Đồng thời các tổ chức pháp chế ở một số đơn vị trực thuộc bộ cũng lần lượt được thành lâp: Ban Tổng hợp - Pháp chế thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Phòng Pháp chế - Quản lý thuộc Cục Sở hữu công nghiệp; Phòng Pháp chế - Chính sách thuộc Cục Môi trường, Ban Pháp chế Khoa học thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (sau khi Luật KH&CN được ban hành, Ban này đã bị giải thể).

Với Quyết định số 114/1998/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/7/1998, Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ KHCN&MT đã được thành lập, sau đó Bộ đã giải thể Phòng Pháp chế thuộc văn phòng Bộ; các tổ chức pháp chế thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Môi trường vẫn tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Vụ Pháp chế thuộc Bộ KHCN&MT có 8 thành viên, trong đó có 01 PGS, tiến sỹ luật luật học. 01 thạc sỹ, 01 người đang theo chương trình đào tạo thạc sỹ, 05 người là cử nhân luật. Vụ đang tiếp tục tạo điều kiện cho các cử nhân lần lượt đi đào tạo để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn và nghiệp vụ.

Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Môi trường cũng bao gồm những người có trình độ đại học luật hoặc tương đương, trong đó có một số người là tiến sỹ luật học, thạc sỹ luật học; một số khác đang theo học chương trình đào tạo thạc sỹ luật học.

Như vậy, các tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT là một hệ thống, bao gồm  Vụ Pháp chế thuộc Bộ và các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KHCN&MT.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế thuộc Bộ KHCN&MT được quy định tại Điều lệ Tổ chức và Hoạt Động của Vụ được ban hành  kèm  theo Quyết định số 2206/1998/QĐ-BKHCNMT ngaỳ 16/11/ 1998 của Bộ trưởng Bộ KHCN&MT, phù hợp với nội dụng của Nghị định số 94/CP ngày 6 /9 / 1997 về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Môi trường cũng được quy định cụ thể tại các văn bản tương ứng.

Tại kỳ họp thứ nhất của mình đầu năm 2002, Quốc hội Khoá  IX quyết định thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyển toàn bộ Cục Môi trường sang Bộ mới này, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đổi thành Bộ Khoa học và Công nghệ, và do đó trong hệ thống tổ chức pháp chế của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ còn Vụ Pháp chế Bộ và các tổ chức pháp chế ở Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp.

 

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA PHÁP CHẾ BỘ KHCN&MT

1.    Tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện

chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

Trong điều kiện ý thức pháp luật không cao và chưa từ bỏ được thói quen tuy có luật, pháp lệnh hay nghị định, nhưng vẫn chờ đợi văn bản cụ thể của cấp Bộ thì mới thi hành luật, pháp lệnh hay nghị định, đang còn tồn tại trong từng cơ quan, tổ chức và từng con người của Việt Nam nói chung và của Bộ KHCN&MT nói riêng, nếu chỉ dựa vào các quy định của luật, pháp lệnh hay nghị định như Nghị định số 94/CP mà không cụ thể hoá các quy định đó thành văn bản thích hợp của Bộ trưởng thì việc thi hành rất khó khăn.

Vì vậy từ tháng 9 năm 1998, tức là ngay sau khi được thành lập được gần 2 tháng, Vụ pháp chế Bộ KHCN&MT đã khẩn trương triển khai việc soạn thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của mình trình Bộ trưởng ký ban hành nhằm cụ thể hoá các quy định của nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của Bộ. Vụ pháp chế Bộ KHCN&MT cũng khẩn trương triển khai soạn thảo trình Bộ trưởng ký ban hành Quy chế soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Bộ KHCN&MT.

Hai văn bản cấp Bộ nêu trên một mặt quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của pháp chế Bộ, mặt khác cũng khẳng định rõ ràng và đúng đắn vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ  của pháp chế Bộ, mối quan hệ công tác và cơ chế phối hợp giữa pháp chế Bộ với các đơn vị trong và ngoài Bộ. Những nội dung này còn được Vụ Pháp chế Bộ đề nghị ghi nhận cụ thể trong Quy chế làm việc và Quy chế văn thư lưu trữ của Bộ  được ban hành ngay sau khi ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ và Quy chế soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Bộ KHCN&MT.

Ngoài việc chú ý hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, để thống nhất nhận thức và hành động của tất cả các tổ chức, cá nhân trong Bộ trong việc chấp hành các văn bản pháp lý nêu trên, Bộ đã cho phép tổ chức các hội nghị để giới thiệu, giải thích cụ thể nội dung các văn bản cũng như yêu cầu của lãnh đạo Bộ trong việc thi hành các văn bản này.

Nhờ có các căn cứ pháp lý đầy đủ, cụ thể, vững chắc và những động tác quán triệt hết sức cần thiết và kịp thời nêu trên, ngay từ những ngày mới thành lập, Vụ pháp chế Bộ đã có điều kiện rất thuận lợi để triển khai các hoạt động của mình.

2.    Tổ chức thực hiện chức năng,

nhiệm vụ của Vụ pháp chế Bộ.

a. Trong công tác xây dựng pháp luật.

- Hàng năm Vụ Pháp chế Bộ đều lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật trình Bộ trưởng phê duyệt và theo dõi đôn đốc việc thực hiện chương trình sau khi đã được phê duyệt.

- Thẩm định về mặt pháp lý tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và cả các dự thảo điều ước quốc tế do các đơn vị trong Bộ soạn thảo trình Bộ trưởng xem xét ký ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên xem xét quyết định. Trung bình mỗi năm Vụ Pháp chế thẩm định khoảng 60 dự thảo văn bản các loại.

- Chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công cuả Bộ trưởng. Vụ Pháp chế tham gia soạn thảo tất cả các dự thảo văn bản do các đơn vị trong Bộ chủ trì và nhiều dự thảo văn bản do các đơn vị ngoài Bộ chủ trì.

- Làm đầu mối giúp Bộ trưởng chuẩn bị ý kiến tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì việc chuẩn bị văn bản góp ý kiến của Bộ đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ khác, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương gửi xin ý kiến. Trung bình mỗi năm Vụ Pháp chế chuẩn bị ý kiến tham gia xây dựng khoảng trên dưới 100 dự thảo văn bản các loại.

b.  Công tác tổng rà soát và hệ thống hóa văn bản.     

          Với tư cách là thường trực Ban Chỉ đạo của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về tổng rà soát và hệ thống hóa VBQPPL, Vụ Pháp chế đã tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài Bộ, kể cả với các Sở KHCN&MT,  để hệ thống hoá, rà soát, đánh giá nội dụng các VBQPPL trong các lĩnh vực:

-        Quản lý khoa học và công nghệ,

-        Chuyển giao công nghệ,

-        Bảo vệ môi trường,

-        Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp,

-        Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng,

-        Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,

-        An toàn và kiểm soát bức xạ.

-    Các điều ước quốc tế về các lĩnh vực nêu trên.

Mục tiêu của công tác rà soát, hệ thống hoá là để xác định rõ những văn bản đã hết hiệu lực, những văn bản đang có hiệu lực, xác định những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong các văn bản hiện hành để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

Vụ đã trình Lãnh đạo Bộ 6 loại danh mục: Danh mục đầy đủ các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT; danh mục các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT đã hết hiệu lực; danh mục các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT đang còn có hiệu lực; danh mục các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT đang còn có hiệu lực nhưng có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; danh mục các VBQPPL mới về KHCN&MT  cần phải được ban hành; danh mục các điều ước quốc tế về/liên quan đến KHCN&MT mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Trên cơ sở kết quả rà soát, hệ thống hoá, Bộ trưởng Bộ KHCN&MT đã ban hành quyết định huỷ bỏ một loạt văn bản cấp Bộ và quyết định ban hành hoặc trình cấp trên ban hành một loạt văn bản sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các VBQPPL về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

- Vụ đã chủ động tiếp tục tiến hành việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật  giai đoạn II, đặc biệt tập trung vào việc rà soát các giấy phép để thi hành Luật Doanh nghiệp; đã tham mưu cho Bộ và cho Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Chính phủ trong việc hủy bỏ 04 giấy phép (Giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm môi trường; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thiết bị tin học; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phế liệu, phế thải là kim loại; Giấy Chứng nhận Tổ chức dịch vụ đại diện Sở hữu công nghiệp).

- Sau khi có Quyết định 19/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 30/2000/NĐ-CP của Chính phủ về hủy một số loại giấy phép, trong đó có 4 Giấy phép Ngành Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp, Vụ Pháp chế cùng Cục Môi trường chủ động đề nghị Bộ hủy bỏ Thông tư liên Bộ số 2880/KCM-TM và Giấy phép về môi trường đối với việc nhập khẩu phế liệu cấp theo Thông tư này.

- Vụ Pháp chế cùng các đơn vị liên quan của Bộ chủ động rà soát và đề nghị Lãnh đạo Bộ hủy bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ về vấn đề nhập khẩu thiết bị cũ đã qua sử dụng.

Vụ cũng hướng dẫn cho các địa phương (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường) giải quyết các vướng mắc trong quản lý nhà nước sau khi có quyết định hủy bỏ một số giấy phép trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KHCN&MT.

c. Tư vấn cho Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc xử lý các khía cạnh pháp lý của công tác quản lý nhà nước về KHCN&MT, ví dụ khía cạnh pháp lý của vấn đề nhập khẩu phế liệu, vấn đề nhập khẩu tầu cũ để phá dỡ, vấn đề mã số mã vạch, trong việc giải quyết một số trường hợp khiếu nại về bảo hộ quyền sở hữu công nghệp , vấn đề thu phí chuyển giao công nghệ, góp ý cho việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật, cho việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường v.v...

- Tư vấn cho Lãnh đạo Bộ tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm dưới luật cũng như trong việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc khác có liên quan đến Bộ.

- Thường xuyên giải đáp các thắc mắc của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài Bộ, cả ở trung ương và địa phương trong việc giải thích và vận dụng pháp luật về KHCN&MT thông qua việc trả lời trực tiếp, trả lời qua điện thoại hoặc bằng công văn, bằng trả lời phỏng vấn trên các báo, đài v.v...

d. Về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

          Từ đầu năm 1999 đến nay Vụ đã tổ chức biên tập và phối hợp với Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản mỗi năm  02 Tập sách: “Văn bản pháp luật mới về khoa học, công nghệ và môi trường”. Ngoài ra Vụ Pháp chế còn phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia cho ra mắt bạn đọc thêm 03 cuốn sách: các văn bản pháp luật hiện hành về sở hữu công nghiệp; các văn bản pháp luật hiện hành về an toàn và kiểm soát bức xạ, các văn bản pháp lênh hiện hành về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Một số cuốn sách văn bản pháp luật hiện hành về các vấn đề khác cũng đang được chuẩn bị.

Vụ Pháp chế còn phối hợp chặt chẽ với một số báo, tạp chí, đài, bao gồm cả đài truyền hình để thực hiện việc tuyên truyền và phổ biến, giải đáp pháp luật pháp luật dưới các hình thức như viết bài, cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, họp báo v.v...; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để tổ chức các buổi giới thiệu nội dung các văn bản pháp luật về KHCN&MT, đặc biệt là nội dung Luật KH&CN mới được Quốc hội ban hành, tại các cuộc tập huấn và tại một số trường đại học, các tổ chức, cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ.

Đặc biệt đáng chú ý là Vụ Pháp chế đã chủ động soạn thảo và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phê duyệt chương trình hành động của Bộ trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến pháp luật giai đoạn từ nay đến năm 2007, và đã thực hiện hàng loạt biện pháp triển khai thi hành các văn bản này.

đ. Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật.

Vụ pháp chế đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về KHCN&MT (Ví dụ kiểm tra tại một số nhà máy, xí nghiệp có vấn đề khiếu nại về bảo vệ môi trường ở Thái Bình, các xí nghiệp lắp ráp xe máy ở Hải phòng, các cơ sở kiểm định phương tiện giao thông của Cục Đăng kiểm Việt Nam v.v...); tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật về KHCN&MT để có những kiến nghị thích hợp về việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về KHCN&MT.

e. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ việc thực hiện chức năng,       nhiệm vụ được giao và vấn đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

          Để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm Vụ kiến nghị và đều được Lãnh đạo Bộ cho phép  triển khai nghiên cứu ít nhất hai đề tài hoặc đề án cấp Bộ. Ví dụ các đề tài sau đây:

-        Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về KHCNMT nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của VN trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ Việt - Mỹ và các điều ước quốc tế  khác mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

-        Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng hệ thống pháp luật về KHCN&MT giai đoạn 2001-2005 phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước;

-        Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin các VBQPPPL phục vụ cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và môi trường.

-        Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế quy định trong các điều ước quốc tế về Khoa học và công nghệ mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

v.v...

Ngoài các đề tài được Lãnh đạo Bộ giao Vụ trực tiếp chủ trì nghiên cứu, Vụ còn mở rộng hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài Bộ, nhận chủ trì nghiên cứu thêm một số đề tài, dự án của các cơ quan khác, khuyến khích anh chị em trong vụ tham  gia nghiên cứu với tư cách là cộng tác viên  của các đề tài do các đơn vị khác trong Bộ và cả các đơn vị ngoài Bộ triển khai nhằm tạo điều kiện cho anh chị em  tiếp cận ngay với kết quả nghiên cứu của các đề tài, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác của Vụ.

Vụ cũng tạo điều kiện và khuyến khích anh chị em  trong vụ tận dụng mọi cơ hội để tham gia các cuộc tập huấn, các lớp bồi dưỡng kiến thức chính trị và chuyên môn, các cuộc hội thảo, các cuộc họp bàn về các vấn đề chuyên môn ở trong và ngoài Bộ nhằm  bồi dưỡng thêm về chuyên môn và nghiệp vụ; đặc biệt tạo điều kiện và khuyến khích anh chị em  trong vụ tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ, thạc sỹ, tiến sỹ ở trong cũng như ngoài nước.

f. Quan hệ phối hợp giữa Vụ Pháp chế Bộ với tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ và với các đơn vị không có tổ chức pháp chế.

Quan hệ phối hợp giữa Vụ Pháp chế Bộ với các tổ chức pháp chế ở các      đơn vị trực thuộc Bộ và với các đơn vị không có tổ chức pháp chế được quy định rất rõ ràng và cụ thể tại các văn bản pháp quy do Bộ trưởng ban hành như: Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế; Quy chế soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Bộ KHCN&MT; Quy chế làm việc và Quy chế văn thư lưu trữ của Bộ KHCN&MT.

Theo quy định của các văn bản nêu trên và trên thực tế, Vụ Pháp chế thực sự đã trở thành đầu mối xử lý các vấn đề pháp lý của Bộ. Trong mọi vấn đề, Vụ Pháp chế đều phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan bằng văn bản. Về phía mình, Vụ Pháp chế sẵn sàng góp ý kiến, hỗ trợ mọi mặt một cách có hiệu quả để các đơn vị xử lý các vấn đề pháp lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản trong bất cứ thời gian nào có yêu cầu mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Chính vì vậy các đơn vị luôn luôn tìm đến với Pháp chế và cũng tạo điều kiện hỗ trợ pháp chế hoàn thành nhiệm vụ. Có thể khẳng định quan hệ phối hợp giữa Vụ Pháp chế Bộ với các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ và với các đơn vị không có tổ chức pháp chế hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng và có hiệu quả.

3. Hoạt động của tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ.

Các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ gần giống chức năng và nhiệm vụ của Vụ Pháp chế Bộ như xây dựng chính sách và pháp luật, rà soát và hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật v.v..., nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc Bộ và được giao xử lý nhiều vấn đề cụ thể hàng ngày thuộc nội dung công tác quản lý nhà nước phù hợp với đặc thù của đơn vị.

Nhìn chung các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ đều phát huy tốt vai trò cầm chịch về pháp chế ở tầm đơn vị trực thuộc Bộ trong công tác soạn thảo, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, góp ý xây dựng các dự thảo văn bản do Vụ Pháp chế Bộ và các đơn vị khác gửi xin ý kiến, xử lý các vấn đề pháp lý theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị mình và còn xử lý nhiều vấn đề quản lý chuyên ngành rất cụ thể v.v...Các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ đều có quan hệ chặt chẽ và có hiệu quả với Vụ Pháp chế Bộ trong công tác chuyên môn và nghiệp vụ với tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Có thể nói, các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ cùng với Vụ Pháp chế Bộ tạo thành một hệ thống tổ chức pháp chế tương đối hợp lý và hoàn chỉnh của Bộ KHCN&MT.

II.            ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC PHÁP

CHẾ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CỦNG CỐ

TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CỦA  BỘ  KHCN&MT

Tính đến thời điểm  này, có thể nói về mặt tổ chức, tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT đã được củng cố tương đối tốt, đặc biệt Vụ Pháp chế của Bộ, tuy mới có lịch sử tồn tại và hoạt động gần 05 năm (từ 6/7/1998), nhưng đã có đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên trưởng thành nhanh về chuyên môn và nghiệp vụ, về cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt của công tác pháp chế của Bộ trong điều kiện phạm vi quản lý nhà nước của Bộ rất rộng, đa dạng và phức tạp. Các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ cũng được tăng cường về số và chất lượng, về cơ bản cũng đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý chuyên ngành hiện nay của các dơn vị này.

Đạt được kết quả nêu trên trước kết nhờ có nhận thức đúng đắn của Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ về vai trò của công tác pháp chế trong việc thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật. Do có nhận thức đúng đắn nên Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ luôn luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tối đa, chỉ đạo sát sao để các tổ chức pháp chế hoàn thành nhiệm vụ. Về phần mình, các tổ chức pháp chế cũng đã làm được việc bằng hành động thực tế, từng bước chứng minh cho các cấp lãnh đạo và mọi tổ chức, cá nhân trong Bộ không chỉ không coi nhẹ mà còn phải khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của các tổ chức pháp chế.

Tuy nhiên, tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Cụ thể là hệ thống pháp luật về KHCN&MT đang còn có nhiều vấn đề bất cập: Luật KH&CN, Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được Chính phủ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn; sau khi có các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ sẽ phải có hàng loạt văn bản tiếp theo của cấp Bộ để hướng dẫn thi hành cụ thể; trong một số lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ, an toàn và kiểm soát bức xạ v.v... còn nhiều vấn đề chưa có văn bản hướng dân thi hành cấp Chính phủ và cả cấp Bộ; nhiều vấn đề đã hướng dẫn thi hành nhưng đến nay không còn phù hợp với thực tiễn và cần sửa đổi, bổ sung; ngay bản thân nhiều quy định của luật, pháp lệnh về những lĩnh vực này đến nay cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn đã và đang đổi thay hết sức nhanh chóng.

Để chuẩn bị cho việc hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế, việc rà soát, đánh giá các quy định hiện hành của Việt Nam về KHCN&MT để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế của Việt Nam  trong lĩnh vực này cũng là vấn đề phức tạp và phải hoàn thành sớm.

Vì những lẽ nêu trên, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về KHCN&MT trong thời gian tới còn rất nặng nề và đòi hỏi rất khẩn trương.

Các loại văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành, địa phương soạn thảo ngày càng nhiều, vì vậy khối lượng văn bản mà Pháp chế Bộ phải chuẩn bị tham  mưu cho Lãnh đạo Bộ góp ý kiến sẽ ngày càng nhiều và cũng rất da dạng, phức tạp. Việc kiểm soát, đánh giá và kiểm tra việc thi hành được một khối lượng rất lớn văn bản về/liên quan đến khoa học và công nghệ do các cơ quan cua Nhà nước ở trung ương cũng như địa phương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá hết những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ cũng là một thách thức không nhỏ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đòi hỏi phải làm nhiều hơn, chất lượng cao hơn; công tác kiểm  tra việc thi hành pháp luật và tham  mưu cho lãnh đạo Bộ và các tổ chức, cá nhân xử lý những vấn đề pháp lý nảy sinh trong quản lý nhà nước về KHCN&MT, trong thực tiễn hoạt động KHCN và bảo vệ môi trường cũng sẽ ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi chất lượng cao hơn.

Có thể nói, để vượt qua được những khó khăn, thách thức nêu trên, các tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT (nay là Bộ KH&CN) sẽ phải vươn lên hơn nữa về mọi mặt, phải được giúp đỡ, tăng cường cả về số lượng và chất lượng cũng như cơ sở vật chất, phải được động viên, khích lệ về mặt tinh thần để làm việc.

Việc củng cố tổ chức pháp chế của Bộ KHCN&MT hiện nay chủ yếu tập trung vào xây dựng đội ngũ như: bổ sung thêm một số phó vụ trưởng Vụ Pháp chế; đẩy mạnh hơn việc đào tạo, bồi dưỡng cho các chuyên viên pháp chế về mọi mặt nhằm làm cho đội ngũ cán bộ pháp chế thực sự trở thành đội ngũ tinh nhuệ; tiến tới mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động sang các hoạt động đối ngoại của Bộ và cả hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường ở các địa phương; chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động pháp chế của các Cục, Tổng cục thuộc Bộ và các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhằm tạo ra một hệ thống các tổ chức pháp chế chuyên ngành khoa học, công nghệ và môi trường vững mạnh, đáp ứng tối đa các yêu cầu của nhiệm vụ được giao.

         

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

BỘ VĂN HÓA-THÔNG TIN

 

                                                                                               LÊ ANH TUYẾN,

                                                       VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ, BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN

 

 

I-                QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN

Bộ Văn hoá Thông tin hiện nay mà tiền thân là Bộ Tuyên truyền được thành lập ngày 28-8-1945. Theo quy định tại nghị định 81/CP ngày 8-11-1993 của chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn  và tổ chức Bộ máy của Bộ văn hoá Thông tin  thì hoạt động văn hoá thông tin thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành văn hoá thông tin bao gồm gần hai mươi lĩnh vực đó là: Xuất bản, báo chí, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, bảo tồn bảo tàng, bản quyền tác giả, mỹ thuật, thư viện, quảng cáo, triển lãm nghệ thuật, thông tin cổ động, nếp sống văn hoá, lễ hội, nhiếp ảnh, văn hoá dân tộc, dịch vụ văn hoá, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm. Trong các lĩnh vực đó có những lĩnh vực lại bao gồm rất nhiều  hoạt động như xuất bản lại bao gồm cả in và phát hành, trong hoạt động in cũng có hàng chục loại hình in khác nhau như in ốp-xét, in Ty-pô, in Xêlen, in lõm, in flexxô...Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều loại hình khác nhau như ca múa, nhạc, xiếc, rối, tuồng, chèo, cải lương...ngay trong nhạc cũng có nhiều loại khác nhau như  nhạc dây, nhạc gõ, nhạc hơi... mà mỗi loại đó đều có những đặc điểm riêng biệt. Số ngành nghề thuộc phạm vi quản lí của ngành văn hoá thông tin có đến 48 chức danh nghề nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 1/4 tổng số chức danh nghề nghiệp  trong tất cả các ngành do Ban tổ chức các bộ Chính phủ ban hành.

Văn hoá thông tin không chỉ đa dạng về lĩnh vực, đa dạng về hoạt động, đa dạng về ngành nghề mà các khái niệm còn rất trừu tượng, khó xác định tiêu chí hoạc danh giới cụ thể. Chẳng hạn như trong cuộc sống của chúng ta thường gặp khái niệm “đồi trụy” nhưng xác định thế nào là đồi trụy cũng không đơn giản vì có những tranh ảnh khoả thân nhiều người cho rằng đó là đồi trụy nhưng cũng không ít người cho rằng đó là tác phẩm nghệ thuật đích thực thể hiện vẻ đẹp  của “toà thiên nhiên”. Hoặc như Hiến pháp 1992 có quy định “công dân có quyền tự do tín ngưỡng”(điều 70) nhưng Hiến pháp 1992 cũng quy định “Bài trừ mê tín, hủ tục”(điều30). Như vậy phải xác định thế nào là “tín ngưỡng” để  công dân  được thực hiện quyền tự do và thế nào “mê tín” phải bài trừ theo quy định của Hiến Pháp. Việc xác định các khái niệm đó thật không đơn giản, đã không ít các cuộc hội thảo khoa học để bàn về các khái niệm đó nhưng cũng chưa có được những kết luận để có thể thể chế thành pháp luật.

Từ khhi xã hội có Nhà nước đến nay, Nhà nước ở các quốc gia đều phải sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. ở nước ta, kế thừa quy định tại các Hiến pháp trước, Hiến pháp 1992 quy định “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Thực hiện phương châm đó của Nhà nước, để đáp ứng yêu cầu quản lý ngành văn hóa thông tin bằng pháp luật, từ năm 1960 Bộ Văn hóa (lúc đó) đã hình thành tổ chức pháp chế thuộcVăn phòng Bộ, có thời gian là phòng pháp chế, có thời gian là tổ chuyên viên pháp chế. Năm 1995, khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường được 8 năm, kinh tế xã hội đã có sự phát triển đáng kể, văn hóa cũng phát triển đa dạng, đó là nhu cầu của xã hội, là điều kiện do phát triển kinh tế tạo ra. Thời gian này cũng bộc lộ rõ mặt trái của cơ chế thị trường trong hoạt động văn hóa. Do chạy theo lợi nhuận, nhiều tổ chức, cá nhân đã sản xuất, nhập khẩu và lưu hành trong xã hội nhiều sản phẩm có nội dung không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục thẩm mỹ, làm xói mòn truyền thống đạo đức của dân tộc. Để đáp ứng yêu cầu quản lý ngành văn hóa thông tin thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ngành và thành lập vụ pháp chế để làm tham mưu cho Bộ là rất cần thiết.

Theo đề nghị của Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 01-3-1995 Chính phủ đã có quyết định 123/TTg thành lập Vụ pháp chế thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin.

Căn cứ quyết định 123/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-11-1995 Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin đã có quyết định số 3348/TC-QĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ pháp chế như sau:

- Chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật và chương trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy hàng năm và dài hạn của Bộ Văn hóa-Thông tin trình Bộ trưởng.

- Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của các đơn vị trực thuộc Bộ.

- Tổ chức soạn thảo, tham gia soản thảo các dự án, văn bản được Bộ giao. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và thống nhất của các văn bản trước khi trình Bộ trưởng.

- Nghiên cứu, chuẩn bị để bộ góp ý kiến với các dự án, văn bản pháp quy do các Bộ, ngành, địa phương soạn thảo có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin.

- Tham gia nghiên cứu, góp ý kiến các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền ký kết của Bộ hoặc do Bộ trình Chính phủ ký kết.

- Tổ chức việc phổ biến các văn bản pháp luật: tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ pháp lý trong ngành văn hóa-thông tin.

- Tổ chức hệ thống hoá và rà soát các văn bản pháp luật về quản lý ngành và đề xuất với Bộ trưởng biện pháp xử lý.

- Kiến nghị với Bộ trưởng việc đình chỉ thực  hiện hoặc bãi bỏ văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị trái với hệ thống pháp luật của ngành văn hóa thông tin.

- Phối hợp với thanh tra chuyên ngành tổ chức thanh tra các chuyên ngành văn hóa thông tin theo quyết định của Bộ trưởng.

- Xây dựng quy hoạch hệ thống tổ chức pháp chế trong các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương để trình Bộ trưởng.

- Tham gia phân bổ, quản lý ngân sách xây dựng pháp luật của ngành văn hóa thông tin.

- Quản lý việc khắc dấu, sự dụng con dấu của các đơn vị thuộc Bộ.

- Thực  hiện một số nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.

Ngày 23-5-1995, Vụ Pháp chế đã có đề án trình lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thông tin về tổ chức pháp chế ngành văn hóa thông tin, trong đó có tổ chức Vụ pháp chế gồm 7 biên chế và bố trí cán bộ có trình độ đại học Luật để làm công tác pháp chế ở các đơn vị sau đây: Cục điện ảnh, Cục xuất bản, Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục bảo tồn bảo tàng, Cục bản quyền tác giả, Cục văn hóa thông tin cơ sở, Vụ báo chí, Vụ thư viện, Vụ mỹ thuật, Vụ tổ chức cán bộ, các Sở văn hóa thông tin.

Đến nay Vụ pháp chế đã có 6 người (1 vụ trưởng, 1 vụ phó, 4 chuyên viên) trong đó tất cả đều có trình độ đại học luật, 2 thạc sĩ, 4 người có 2 bằng đại học: Đại học luật và đại học chuyên ngành văn hóa thông tin. Các đơn vị: Cục điện ảnh, Cục bản quyền, Cục văn hóa thông tin cơ cở, Cụ nghệ thuật biểu diễn, Cục bảo tồn bảo tàng, Vụ báo chí, Vụ tổ chức cán bộ, Vụ đào tạo, Thanh tra Bộ đã có cán bộ trình độ đại học luật để làm công tác pháp chế. Sở văn hoá thông tin Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã có cán bộ đại học luật làm công tác pháp chế. Sở văn hoá thông tin TP.Hồ Chí Minh có bộ phận pháp chế. Một số doanh nghiệp cũng có cán bộ đại học luật để làm  công tác pháp chế ở doanh nghiệp.

II-             THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ PHÁP CHẾ

VÀ VỊ TRÍ CỦA CÔNG TÁC PHÁP CHẾ TRONG

VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ

NƯỚC NGÀNH VĂN HÓA THÔNG TIN.

Theo quy định tại Nghị định 94/CP ngày 6-9-1997 của  Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì Vụ pháp chế ở Bộ Văn hoá-Thông tin có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành văn hoá thông tin; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Những quy định tại Nghị định 94/CP đã được thể hiện thành chức năng, nhiệm vụ của Vụ pháp chế Bộ Văn hóa-Thông tin tại Quyết định 3348/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin nêu tại mục I trên đây.

Thực hiện quy định tại Nghị định 94/CP của Chính phủ và Quyết định 3348/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin; từ khi thành lập đến nay, Vụ pháp chế đã thực hiện các công việc sau đây:

1- Làm chương trình xây dựng pháp luật của ngành văn hóa thông tin, đề nghị bổ sung chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa IX và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá X gồm 6 dự án:

1.1. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí,

1.2. Luật di sản văn hóa,

1.3. Luật điện ảnh,

1.4. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xuất bản,

1.5. Pháp lệnh thư viện,

1.6. Pháp lệnh quảng cáo.

Trong 6 dự án đó đã được Quốc hội đưa vào chương trình 4 dự án. Dự án Luật điện ảnh (số 1.3) và dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xuất bản (số 1.4) chưa được đưa vào chương trình.

Khi chương trình xây dựng pháp luật đã được chấp nhận, Vụ pháp chế giúp Bộ trưởng tổ chức việc thực hiện, thành lập các Ban soạn thảo, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và cơ quan soạn thảo của Bộ Văn hoá-Thông tin thực hiện qui trình soạn thảo theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí đã được Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-1999.

- Luật di sản văn hóa được Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001.

- Pháp lệnh thư viện đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-12-2000.

- Pháp lệnh quảng cáo được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-11-2001.

- Căn cứ vào yêu cầu của từng văn bản, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị được phân công chủ trì để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc soạn thảo các văn bản đó đó để đảm bảo tiến độ và chất lượng.

2- Từ năm 1995 đến nay Bộ Văn hóa-Thông tin đã trình Chính phủ ban hành các văn bản sau đây:

- Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 về tổ chức và hoạt động điện ảnh.

- Nghị định 87/CP ngày 12-12-1995 về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

- Nghị định 88/CP ngày 14-12-1995 về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa thông tin.

- Nghị định 67/CP ngày 31-10-1996 ban hành quy chế hoạt động thông tin báo chí của phóng viên nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

- Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

- Nghị định 98/CP ngày 13-9-1997 ban hành quy chế hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài.

- Nghị định 06/1999/NĐ-CP ngày 10-2-1999 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/CP ngày 6-11-1992 quy định chi tiết thi hànhh Luật xuất bản.

- Nghị định 26/2000/NĐ-CP ngày 3-8-2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 về tổ chức và hoạt động điện ảnh.

- Nghị định 72/2000/NĐ-CP ngày 5-12-2000 về công bố, phố biến tác phẩm ra nước ngoài.

- Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

- Quyết định 174/1999/QĐ-TTg ngày 23-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ về phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật.

- Chỉ thị 04/1998/CT-TTg ngày 22-01-1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp thực hiện Hiệp định quyền tác giả Việt Nam-Hoa Kỳ.

- Chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

- Chỉ thị 39/1998/CT-TTg ngày 3-12-1998 về đẩy mạnh công tác văn hóa thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mỗi năm Vụ pháp chế cũng soạn thảo hoặc phối hợp  với các đơn vị trong Bộ soạn thảo để trình Bộ trưởng ban hành trên 30 quyết định, chỉ thị hoặc thông tư để đáp ứng yêu cầu của quản lý ngành. Tử năm 1995 đến nay Bộ Văn hóa-Thông tin đã ban hành gần 200 văn bản.

3- Thực hiện chức năng được giao, Vụ pháp chế giúp Bộ tổ chức phổ biến các văn bản được ban hành dưới nhiều hình thức: tổ chức Hội nghị để quán triệt, tổ chức lớp tập huấn ngắn ngày cho các đối tượng, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức in và chỉ đạo các địa phương in các văn bản đã được ban hành để phổ biến rộng rãi trong xã hội; biên tập tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn cho các Sở Văn hóa Thông tin.

Những văn bản quan trọng như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Pháp lệnh cán bộ công chức, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, Pháp lệnh chống tham nhũng đều tổ chức Hội nghị gồm cán bộ chủ chốt và các đơn vị thuộc Bộ để nghiên cứu, quán triệt, sau đó các đơn vị tổ chức quán triệt cho tất cả các cán bộ tại đơn vị.

Đối với các văn bản chuyên ngành văn  hóa thông tin cần được nghiên cứu sâu để áp dụng chính xác thì Vụ pháp chế đã tổ chức hoặc phối hợp với Trường Cán bộ văn hóa thông tin thuộc Bộ tổ chức các lớp bồi dưỡng từ 7 đến 10 ngày, giúp cho cán bộ các đơn vị và các địa phương nâng cao hiểu biết và chủ động thi hành.

4- Hàng năm Vụ Pháp chế đều hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa thông tin đã được ban hành và định kỳ xuất bản các tập văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa thông tin.

- Năm 1996 đã xuất bản văn bản pháp quy về văn hóa thông tin tập IV gồm các văn bản từ năm 1987 đến 1996, dày 1000 trang khổ 13x19.

- Năm 2000 đã xuất bản văn bản pháp quy về văn hóa thông tin tập V gồm các văn bản từ năm 1997-1999, dày 650 trang khổ 13x19.

Những cuốn văn bản được xuất bản đều cung cấp cho các đơn vị thuộc Bộ và các Sở văn hóa thông tin, giúp cho các đơn vị có tư liệu tham khảo và áp dụng khi thi hành công vụ, được các đơn vị rất hoan nghênh.

5- Như đã trình bày tại mục I, Bộ Văn hóa - Thông tin quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực trìu tượng khó xác định tiêu chí hoặc gianh giới. Khi kinh tế, xã hội phát triển cũng đồng thời phát sinh nhiều hiện tượng mới, nhiều quan hệ xã hội mới, trong đó những sản phẩm văn hóa có nội dung không lành mạnh là biểu hiện mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng thường xuyên xuất hiện dưới nhiều loại sản phẩm, nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Vì vậy việc thiết lập và duy trì trật tự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn hóa thông tin, đảm bảo cho các hoạt động lành mạnh được phát triển, sản phẩm có nội dung xấu phải được ngăn là việc thường xuyên và rất phức tạp đối với ngành văn hóa thông tin.

Thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật, Vụ pháp chế đã chủ động nghiên cứu thực tế, đề xuất các biện pháp thích hợp như ban hành văn bản, tổ chức lực lượng thanh tra và xử lý vi phạm khi cần thiết. Bộ Văn hoá-Thông tin đã chỉ đạo tăng cường quản lý việc sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu hành băng đĩa có nội dung ca nhạc sân khấu, chấn chỉnh vi phạm tại các di tích lịch sử, văn hóa, tăng cường quản lý quảng cáo, lễ hội... Những việc đó đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn các sản phẩm như băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, tranh ảnh, xuất bản phẩm có nội dung xấu, ngăn chặn những biểu hiện trái truyền thống văn hóa và đạo đức trong các hoạt động dịch vụ văn hóa, đảm bảo trật tự quản lý của nhà nước.

6- Tổ chức nghiên cứu góp ý kiến hàng trăm văn bản do các Bộ, ngành khác soạn thảo, đảm bảo yêu cầu của Chính phủ và các ngành.

7- Vụ pháp chế đã phát hiện văn bản của Bộ khác ban hành trái Luật xuất bản, văn bản của địa phương ban hành trái với quy định tại Nghị đinh 87/CP ngày 12-12-1995. Khi phát hiện các trường hợp đó Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin có văn bản yêu cầu nơi ban hành văn bản trái pháp luật điều chỉnh văn bản đã ban hành.

8- Ngoài những hoạt động đã nêu từ điểm 1 đến điểm 7, Vụ pháp chế cũng được Bộ Văn hóa thông tin giao trách nhiệm làm đầu mối giúp Bộ chỉ đạo việc thực hiện Luật doanh nghiệp, bãi bỏ giấy phép hành nghề, tư vấn cho Bộ có ý kiến trong việc giải quyết một số vụ án dân sự, hình sự và hành chính có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Ngành Văn hóa Thông tin.

9. Theo chức năng được Bộ Văn hóa-Thông tin giao cho Vụ pháp chế tại quyết định số 3348/TC-QĐ đã nêu trên thì việc tham gia phân bổ, quản lý ngân sách xây dựng pháp luật của ngành văn hóa thông tin không được thực hiện được; việc phối hợp với Thanh tra chuyên ngành tổ chức thanh tra chuyên ngành Văn hóa thông tin cũng chưa thực hiện

Những hoạt động nêu trên của Vụ Pháp chế đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực quản lý của ngành văn hóa thông tin, tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa ngày càng phát triển. Bộ Văn hóa-Thông tin cũng như các Sở Văn hóa Thông tin đều thấy rõ đóng góp tích cực của Vụ pháp chế đối với hoạt động quản lý ngành.

III-           MỐI QUAN HỆ GIỮA VỤ PHÁP CHẾ VỚI TỔ CHỨC

PHÁP CHẾ CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ VÀ BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI.

Bộ Văn hóa-thông tin đã có sự phân công rõ ràng về chức năng nhiệm vụ của Vụ pháp chế với các đơn vị thuộc Bộ trong công tác pháp chế.

Vụ pháp chế chịu trách nhiệm trong việc làm kế hoạch xây dựng văn bản pháp quy chuyên ngành, theo dõim đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch; trực tiếp tổ chức soạn thảo văn bản có liên quan đến nhiều ngành thuộc Bộ hoặc không thuộc chức năng quản lý của ngành nào; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc soạn thảo các văn bản thuộc chức năng quản lý của các ngành.

Các vụ, cục thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức soạn thảo và phối hợp với Vụ pháp chế trong việc soạn thảo các văn bản thuộc lĩnh vực đã được phân công.

Do sự phân công rõ ràng như vậy nên việc tổ chức soạn thảo văn bản hoặc phổ biến các văn bản đã được ban hành không bị chồng chéo.

Tuy quy định đã rõ ràng nhưng trong việc thực hiện thì có những trường hợp phối hợp chưa tốt nên ảnh hưởng đến chất lượng văn bản.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch ban hành văn bản về Văn hóa thông tin cũng như quá trình tổ chức soạn thảo và trình văn bản, Vụ pháp chế có quan hệ phối hợp thường xuyên với các vụ chức năng thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội nêu các dự án thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đảm bảo thời gian và chất lượng.

IV-           KIẾN NGHỊ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG

           CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ Ở BỘ VH-TT

1- Do nhu cầu tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, các vụ, cục có chức năng giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở Bộ Văn hóa-Thông tin cần cán bộ có trình độ đại học luật để làm công tác pháp chế nhưng không có biên chế. Số cán bộ hiện có cũng không thể đào tạo kiến thức pháp luật được, vì vậy về chủ trương cần có sự chỉ đạo từ các cơ quan chức năng là Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ để các đơn vị tham mưu về quản lý Nhà nước trong các Bộ bố trí cán bộ có trình độ đại học Luật. Về  lâu dài công chức trông bộ máy Nhà nước đều phải áp dụng pháp luật khi thi hành công vụ nên cần tăng dần tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học luật trong các cơ quan tham mưu của các Bộ.

2- Đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn cụ thể việc chi thù lao trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, kể cả văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng.

Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên ở Bộ Văn hóa phải vận dụng chi thù lao cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật như chi cho nghiên cứu khoa học và mỗi dự án không được hội thảo quá hai lần. Trong thực tế có văn bản phải soạn thảo mấy chục lần mà chi thù lao không quá hai lần hội thảo thì không thể thực hiện được.

3- Cần sửa ngay một số quy định không còn phù hợp hoặc không rõ trong các văn bản hiện hành cụ thể như sau:

a. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định tại văn bản ban hành sau. Điều 2 Luật doanh nghiệp có quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này và quy định của luật chuyên ngành về cùng một vấn đề thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành”. Như vậy là quy định về việc giải quyết xung đột trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật doanh nghiệp khác nhau, gây nhiều khó khăn khi giải quyết xung đột trong các văn bản. Lợi dụng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều cơ quan khi soạn thảo văn bản ban hành sau đã đưa nội dung khác với quy định của văn bản chuyên ngành gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý. Ở các nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì đều quy định trong trường hợp có xung đột pháp luật sẽ áp dụng quy định tại luật chuyên ngành. Vì vậy đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi quy định giải quyết xung đột tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

b. Nghị định 101/CP ngày 23-9-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm định văn bản do các Bộ, ngành soạn thảo trước khi trình Thủ tướng,  trong đó qui định rõ trường hợp Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp thống nhất ý kiến thì trình văn bản lên Thủ tướng. Nghị định 101/CP chưa có quy định trường hợp ý kiến của Văn phòng Chính phủ không thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp thì giải quyết như thế nào. Vì vậy đã có nhiều trường hợp  ý kiến hai cơ quan không thống nhất, văn bản không được trình lên thủ tướng, thời gian ban hành văn bản bị kéo dài. Đề nghị cần có quy định cách giải quyết khi có ý kiến khác nhau giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

c. Theo quy định của Văn phòng Chính phủ, các vụ chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp trong việc thẩm định văn bản nhưng không có quy định qui trình phối hợp và thời gian cụ thể. Vì vậy trên thực tế có nhiều văn bản do các Bộ, ngành trình phải qua qui trình thẩm định ở Văn phòng Chính phủ, người tham gia thẩm định không theo dõi quá trình soạn thảo, không hiểu hết vấn đề, cơ quan soạn thảo lại phải trình bày, như vậy thời gian thẩm định cũng kéo dài. Đề nghị cần có qui định rõ ở Văn phòng Chính phủ cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định và qui trình cũng như thời gian thẩm định để tránh kéo dài thời gian.

Qui trình thẩm định văn bản chưa rõ nêu trên đã ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa thông tin, vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét để giải quyết, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế ở Bộ Văn hóa-Thông tin nói riêng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế trong Bộ máy Nhà nước nói chung./.

 

 

thực trạng tổ chức, hoạt động và phương hướng

 

củng cố tổ chức pháp chế của Bộ Thủy sản

 

TS. Đinh Xuân Thảo - Vụ trưởng Vụ Pháp chế

CN. Đàm Thị Thanh Xuân - Chuyên viên Vụ Pháp chế

 

 

I.               LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN

CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ THỦY SẢN

1.    Tổ chức Pháp chế Bộ Thuỷ

sản theo Nghị định số 178/HĐBT

Bộ Thuỷ sản được thành lập năm 1981 trên cơ sỏ kế thừa, tiếp nối Bộ Hải sản (thành lập năm 1977) và Tổng cục Thuỷ sản (ra đời năm 1960).

Từ khi thành lập (năm 1981) trong tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản không có đơn vị pháp chế độc lập, chỉ có một cán bộ của Văn phòng Bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.

Sau khi có Nghị định số 178/HĐBT ngày 17/6/1985 của Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Pháp chế Bộ, Ngành và trong khu vực xí nghiệp quốc doanh, Bộ Thủy sản có bộ phận pháp chế thuộc Văn phòng Bộ với mô hình Phòng hành chính - Pháp chế. Tuy nhiên, trong Phòng Hành chính - Pháp chế  chỉ có một cán bộ pháp chế chuyên trách. Sau đó đến những năm  90, Bộ cử một Phó Văn phòng Bộ phụ trách công tác pháp chế của Bộ cùng một cán bộ pháp chế phòng Hành chính - Pháp chế làm công tác Pháp chế của Bộ. Cán bộ pháp chế Phòng hành chính - pháp chế và Phó văn phòng phụ trách công tác pháp chế Bộ Thủy sản đều chưa qua đào tạo về luật kể cả dài hạn và ngắn hạn, chỉ được tham dự một vài lớp tập huấn  chuyên đề do Bộ Tư pháp tổ chức.

Do tình hình tổ chức và cán bộ làm công tác pháp chế như nêu trên, nên từ năm 1981 đến năm 1997 công tác pháp chế của Bộ Thuỷ sản có nhiều hạn chế và bất cập. Các mặt hoạt động như xây dựng pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật... có tiến hành, nhưng không chuyên sâu, không hệ thống; nhiều khi còn nặng về hình thức. Mới chủ yếu tập trung vào công tác pháp chế hành chính như thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản; góp ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Ngành khác gửi lấy ý kiến. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật mới làm được ở cơ quan Bộ; chưa tổ chức và theo dõi  được việc thực thi pháp luật trong ngành; bỏ trống nhiệm vụ làm tư vấn pháp luật trong khi đòi hỏi từ thực tế của ngành về lĩnh vực này ngày một nhiều, chưa làm tốt chức năng tham mưu cho Bộ trưởng trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành.

Trước tình hình đó, việc củng cố tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ Thuỷ sản là nhu cầu bức xúc. Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản cũng đã sớm thấy vị trí, vai trò của Pháp chế Bộ, Ngành. Tuy nhiên, bối cảnh tổ chức lúc bấy giờ và do hạn chế cuả Nghị định số 178/HĐBT, vì vậy không tạo được điều kiện cho việc xây dựng tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên trách ở Bộ Thuỷ sản.

2. Việc thành lập Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản

Trước nhu cầu bức xúc và đòi hỏi khách quan của Ngành, ngay sau khi có  Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Thuỷ sản đã có văn bản đề nghị và  ngày 06/2/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/1998/QĐ-TTg thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Thủy sản. Sau một thời gian chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất làm việc, ngày 11/7/1998 Bộ trưởng Bộ Thủy sản đã ban hành Quyết định số 349/1998/QĐ-BTS về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế, từ đó Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản chính thức đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cụ thể là:

2.1. Chức năng: Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong Ngành. Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

2.2.Nhiệm vụ, quyền hạn

2.2.1. Trong công tác xây dựng pháp luật

a. Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật dài hạn của Bộ trình Bộ trưởng và đôn đốc thực hiện chương trình đã được duyệt.

b. Thẩm định pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

c. Trực tiếp hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao.

d. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 

2.2.2.  Trong công tác rà soát, hệ thống hoá

văn bản quy phạm phạm pháp luật

a. Thường xuyên tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Ngành, đề xuất phương án xử lý  kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng quyết định.

b. Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề  xuất với Bộ trưởng để: 

- Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành những Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ ban hành về quản lý ngành.

- Kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ ban hành về quản lý Ngành.

- Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban Nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ ban hành về quản lý Ngành.

2.2.3.  Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp

luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

a. Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi Ngành.

b. Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

c. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong Ngành.

d. Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các giải pháp khắc phục.

III.         THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG, VAI

TRÒ CỦA VỤ PHÁP CHẾ BỘ TRONG VIỆC

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH THUỶ SẢN

 

1.Về tổ chức và cán bộ 

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản được thành lập trên cơ sở Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ, Quyết định số 27/1998/QĐ-TTg ngày 6/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 349/1998/QĐ - BTS ngày 11/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản. Vụ Pháp chế được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã hơn ba năm. Hiện tại Vụ có 6 biên chế gồm:  Vụ trưởng; 1 Vụ Phó và 4 chuyên viên; trong đó có 1 Tiến sĩ Luật, 1 kỹ sư chuyên ngành thuỷ sản và 4 cán bộ có trình độ Cử nhân Luật. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ, bộ phận chuyên viên được hình thành theo các mảng công việc như sau:

- Bộ phận xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: bao gồm xây dựng, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

- Bộ phận tổ chức thi hành pháp luật (tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật) trong ngành.

- Bộ phận tổng hợp, thông tin pháp lý, tư vấn pháp luật.

Việc chia ra các bộ phận công tác như trên là để có sự chuyên sâu, chuyên môn hoá cán bộ, tạo điều kiện hỗ  trợ lẫn nhau và để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng ổn định và lâu dài. Hiện tại Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản tổ chức làm việc theo chế độ chuyên viên. Mỗi chuyên viên được giao một mảng công việc, nhận và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ đã được Vụ trưởng phân công.

So với chức năng nhiệm vụ, số biên chế của Vụ hiện nay là quá ít. Vụ đang đề nghị xin thêm biên chế. Trong lúc chờ có thêm biên chế chính thức, Vụ phải sử dụng một số cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

2. Về hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản

Song song với việc kiện toàn về mặt tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ pháp chế Ngành, Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản rất quan tâm, chỉ đạo hoạt động của tổ chức Pháp chế nên hoạt động của Vụ Pháp chế đã sớm có nền nếp và đạt được những kết quả thiết thực trên một số lĩnh vực công tác sau đây:

2.1. Trong công tác  xây dựng Pháp luật

Thực hiện Điều 4 của Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã chủ động phối hợp với các đơn vị, các Bộ, ngành có liên quan đề xuất, tổng hợp, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ lập dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật của Bộ để đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng Pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật khi đã được thông qua; đồng thời đôn đốc việc thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng.

Vụ đã chủ trì triển khai xây dựng Luật Thuỷ sản - văn bản pháp luật cao nhất đầu tiên của ngành.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khoá X, từ đầu năm 1998, Bộ Thuỷ sản - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuỷ sản đã khẩn trương triển khai công việc tổng kết đánh giá tình hình thi hành Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thời gian qua; hệ thống hoá và phân tích hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về hoạt động thuỷ sản. Đã nghiên cứu, xây dựng "Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội ngành thuỷ sản thời kỳ 2000-2010" và ba chương trình quốc gia về phát triển nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ sản xa bờ và phát triển xuất khẩu thuỷ sản đến 2005, đồng thời triển khai xây dựng Dự án Luật Thuỷ sản.

Với vai trò thường trực Ban soạn thảo Luật và Tổ trưởng tổ biên tập Luật, Vụ Pháp chế đã làm việc với tinh thần khẩn trương chuẩn bị dự thảo luật. Đến nay đã có dự thảo 9 Luật Thuỷ sản, đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Vụ Pháp chế Chủ trì triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản. Với tinh thần chủ động, khẩn trương đến nay dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm địnhvà đang trình Chính phủ. Phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ tiến hành dự thảo một số Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Quy chế, TCN...

Là đơn vị chuyên môn được lãnh đạo Bộ giao chủ trì nghiên cứu góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Ngành gửi lấy ý kiến. Trong thời gian qua Pháp chế Bộ đã giúp Lãnh đạo Bộ nghiên cứu góp ý đầy đủ với tinh thần nghiêm túc và có trách nhiệm các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng và đúng thời hạn.

 Việc thẩm định về mặt pháp lý  dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:  Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã thực hiện thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Nhìn chung công tác đã góp phần hạn chế được những sai sót về mặt pháp lý trong quá trình soạn thảo, nâng dần chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ ban hành.

Sau ba năm thành lập và đi vào hoạt động, Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã có nhiều cố gắng và bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của việc quản lý ngành bằng pháp luật. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế như:

- Việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của các văn bản, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn; chưa đôn đốc sâu sát việc xây dựng đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.

- Chất lượng thẩm định và ý kiến tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với các đơn vị và các Bộ, ngành khác trong  một số trường hợp còn hạn chế.

Nguyên nhân:

Sự phối hợp của Vụ Pháp chế và các đơn vị khác trong Bộ chưa thật chặt chẽ, thường xuyên; xác định trách nhiệm chưa thật rõ ràng.

Lực lượng cán bộ, công chức của Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản còn thiếu về số lượng và trình độ không đồng đều, thời gian công tác trong ngành còn ít, kinh nghiệm tích luỹ chưa nhiều đã dẫn đến sự hạn chế kết quả xây dựng cũng như thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

2.2. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện Quyết định số 335/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thuỷ sản đã nhanh chóng triển khai thành lập Ban chỉ đạo của Bộ do một Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản làm Trưởng ban, Vụ Pháp chế làm nòng cốt trong việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ. Tiến hành tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ gửi Ban Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ số 1885/BC-BTS ngày 11/8/1998 gửi báo cáo danh mục văn bản quy phạm pháp luật, trong đó gồm:

- Danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của ngành thuỷ sản ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 30/6/1998, gồm 218 văn bản.

- Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Thuỷ sản đã ban hành về quản lý ngành thuỷ sản từ ngày 02/7/1976 đến ngày 30/6/1998 gồm 132 văn bản.

- Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ Ban thường vụ Quốc Hội, Chủ Tịch nước, Chính phủ ban hành để đề nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ dung gồm 22 văn bản đề nghị bãi bỏ và 9 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung.

- Lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Thuỷ sản.

- Trình Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản ký Quyết định bãi bỏ 67 văn bản quy phạm pháp luật của ngành đã hết hiệu lực, không còn phù hợp.

- Tham gia nhóm thư ký của Tổ công tác Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu hải quan, đề xuất các vấn đề trên thuộc phạm vi quản lý của ngành báo cáo đầy đủ, kịp thời lên Tổ công tác của Chính phủ theo đúng tiến độ.

- Tiến hành việc rà soát danh mục các giấy phép đề nghị bãi bỏ hoặc chuyển thành Nghị định kinh doanh có điều kiện theo Luật Doanh nghiệp.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc bộ tiến hành việc rà soát các văn bản quy phạm Pháp luật của ngành có Liên quan đến Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và các cam kết quốc tế Việt Nam trong ASEAN, các cam kết quốc tế  gửi Bộ Tư Pháp, Uỷ ban quốc gia - Hợp tác Kinh tế quốc tế.

Nhìn chung, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhất định nhưng Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã tập trung chỉ đạo và bước đầu thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn có nhiều hạn chế:

- Tiến độ thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với quy định.

- Cán bộ làm công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp  luật thiếu về số lượng lại phải đảm nhận công việc hàng ngày theo chức trách phân công nên chưa có sự chuyên sâu. Mặt khác kinh phí dành cho công tác này hầu như không có. Tất cả các yếu tố này ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

2.3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hàng năm Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã lập kế hoạch để triển khai công tác này, phân công từ 1-2 chuyên viên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong hơn ba năm qua, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp tổ chức giới thiệu các văn bản quy phạm  pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức của Bộ như:   Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Pháp lệnh chống Tham nhũng, Luật Giáo dục, Luật Hình sự 1999, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống ma tuý... và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến ngành.

Triển khai việc giảng dạy pháp luật trong các trường trung học chuyên nghiệp của Bộ, tập huấn cho các cán bộ tại các Sở quản lý ngành về những vấn đề pháp luật liên quan đến ngành.

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ Tư pháp, tổ chức Pháp chế Bộ đã tham mưu giúp lãnh đạo Bộ lựa chọn những cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được Pháp chế Bộ Thuỷ sản sử dụng chủ yếu là tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, tập huấn cho cán bộ công chức trong cơ quan, thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật, giới thiệu những văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành trên các tạp chí của ngành.

Pháp chế Bộ Thuỷ sản triển khai hoạt động tuyên truyền khá đều đặn và có hiệu quả, bước đầu đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo cho Pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất và công bằng.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế: đối tượng tuyên truyền mới chỉ là cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ; chưa triển khai được nhiều xuống các Sở quản lý ngành và đối tượng là ngư dân. Triển khai giảng dạy bộ môn giáo dục pháp luật tại các trường Trung học chuyên nghiệp của Bộ chưa tiến thường xuyên và toàn diện. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được tuyên truyền còn hạn chế, một số trường hợp việc phổ biến văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức.

CÔNG TÁC KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã tham gia, phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị hữu quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật nói chung và việc thực hiện những quy định trong ngành Thuỷ sản nói riêng đã đạt được những kết quả bước đầu. Một số trường hợp vi phạm pháp luật hoặc các vụ khiếu nại, tố cáo bức xúc đã được xử lý thấu tình, đạt lý góp phần tăng cường xây dựng kỷ cương của ngành.

Công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà kết quả của công tác này còn nhiều hạn chế. Hoạt động của Pháp chế Bộ Thuỷ sản với lực lượng cán bộ còn rất mỏng, kinh nghiệm công tác còn thiếu, chưa được tập huấn, hướng dẫn sâu sát, thường xuyên (như đã được đề cập ở phần trên) lại phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn nên kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Từ những hạn chế đó đã chỉ ra cần phải có những biện pháp thích hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật đạt kết quả cao, phát huy tác dụng thiết thực đối với hoạt động toàn ngành.

2.4. Tư vấn pháp luật

Ngành thuỷ sản có nhiều đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các tổng công ty, công ty luôn có quan hệ giao dịch, hợp đồng với nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị nói trên hiện chưa có tổ chức pháp chế, chưa có cử nhân luật làm việc vì vậy khi cần thiết, các đơn vị đó đã đề nghị Pháp chế bộ Thuỷ sản giúp tư vấn pháp luật cho họ. Thực tế những năm qua công việc này đã có tác dụng tích cực.

2.5. Hợp tác quốc tế về pháp luật

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản là đầu mối  tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về Pháp luật của Bộ, Ngành thủy sản. Lĩnh vực thuỷ sản có liên quan nhiều đến luật pháp quốc tế như Luật biển, luật nghề cá và đã hình thành quan hệ hợp tác song phương, đa phương về pháp luật trong lĩnh vực nghề cá ở khu vực và trên thế giới. Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã chủ trì trong việc đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt - Trung năm 2000; xây dựng Luật nghề cá có trách nhiệm của các nước Đông - Nam Á, tham gia luật nghề cá có trách nhiệm của FAO; xây dựng sổ tay pháp luật cho ngư dân Việt Nam - Thái Lan...

Đánh giá chung:  Nghị định số 94/CP và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý cho cho việc tổ chức và hoạt động của Pháp chế các Bộ, Ngành nói chung và Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản nói riêng. Đạt được kết quả như trên một phần là sự cố gắng, nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ pháp chế, sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ với các tổ chức Pháp chế của các Bộ ngành.

2.    Vai trò của Vụ Pháp chế trong việc

quản lý Nhà nước của Ngành Thuỷ sản.

Sau hơn ba năm thành lập, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản thông qua các hoạt động của mình đã có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về lĩnh vực pháp chế trong công tác lãnh đạo và quản lý ngành, từng bước khẳng định được vai trò là một tổ chức pháp chế độc lập, chuyên trách. Nhìn lại kết quả công tác đã đạt được và theo đánh giá của Lãnh đạo Bộ thì Vụ Pháp chế đã trở thành đơn vị không thể thiếu trong việc thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật của Bộ và ngành Thuỷ sản.

II.            MỐI QUAN HỆ GIỮA VỤ PHÁP CHẾ BỘ THUỶ

SẢN VỚI CÁC TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CỦA CÁC

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ VỚI BỘ TƯ PHÁP 

 

1.    Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thủy sản

với các tổ chức pháp chế của các đơn vị trực thuộc.

Hiện nay các đơn vị trực thuộc Bộ Thuỷ sản nói chung là chưa có tổ chức pháp chế, chỉ có một số Tổng công ty, công ty của ngành có 1-2 cán bộ pháp chế. Vụ Pháp chế đang tham mưu với Lãnh đạo bộ để xây dựng hệ thống pháp chế của ngành. Đối với các đơn vị tham mưu của Bộ là mối quan hệ phối hợp trong công tác; Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm về mặt pháp luật đối các văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc bộ soạn thảo. Có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ về mặt nội dung, pháp lý trong công tác rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Là đầu mối tổng hợp dự kiến Chương trình xây dựng Pháp luật hàng năm của Bộ để gửi  Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ...

3.    Mối quan hệ giữa tổ chức Pháp

chế Bộ Thuỷ sản với Bộ Tư pháp

Pháp chế Bộ Thủy sản luôn coi Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý cấp trên của mình, vì vậy luôn thực hiện việc thỉnh thị báo cáo công tác. Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của Bộ Tư pháp  từ đội ngũ cán bộ đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Thông tin hai chiều được bảo đảm. Bộ Tư pháp thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng cho pháp chế Bộ Thuỷ sản. Quan hệ tốt giữa Pháp chế Bộ Thuỷ sản với Bộ Tư pháp đã làm nâng cao vị trí và lòng tin của Vụ Pháp chế đối với Bộ Thuỷ sản.

IV.          KIẾN NGHỊ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

KIỆN TOÀN TỔ CHỨC NÂNG CAO HIỆU QUẢ

HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ PHÁP CHẾ BỘ THUỶ SẢN

Sau ba năm được thành lập và đi vào hoạt động, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã  ổn định về tổ chức, từng bước được cũng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả, khẳng định được sự cần thiết phải có tổ chức Pháp chế Bộ, từng bước góp phần thực hiện việc quản lý Ngành bằng pháp luật. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đang còn nhiều hạn chế và bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là cán bộ của Vụ Pháp chế còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác chưa có tổ chức pháp chế ở các đơn vị, tổ chức trực thuộc bộ để tạo thành hệ thống pháp chế trong ngành. Để kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp chế Bộ, Ngành nói chung và pháp chế Bộ Thuỷ sản nói riêng, xin kiến nghị phương hướng và giải pháp như sau:    

1. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 theo hướng thống nhất về mặt tổ chức đối với pháp chế các Bộ, Ngành cụ thể là: quy định rõ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải có Vụ Pháp chế. Ngoài ra cần bổ sung thêm quy định về tổ chức pháp chế ở các cơ sở quản lý ngành và ở các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, ngành để cùng với pháp chế Bộ, ngành tạo thành một hệ thống pháp chế hoàn chỉnh trong mỗi ngành từ trung ương đến địa phương.

2. Tăng cường đội ngũ cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế các bộ, ngành. Nên có quy định biên chế tối thiểu thống nhất cho pháp chế các Bộ, ngành. Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ cần phân bổ biên chế cán bộ pháp chế cho các Bộ, ngành đủ và kịp thời.

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản từ khi thành lập đến nay năm 2000 được 6 biên chế, năm 2001 được tăng thêm 2 biên chế, hiện tổng số có 8 biên chế. Để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng đòi hỏi thực tế của ngành, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đang xây dựng đề án tổ chức của Vụ trong những năm tới như sau:

- Lãnh đạo Vụ 2 - 3 biên chế

-Bộ phận tổng hợp, thông tin pháp lý: 3 biên chế

- Bộ phận văn bản pháp quy (xây dựng, thẩm định rà soát, tư vấn pháp luật): từ 4-5 biên chế

- Bộ phận tổ chức thi hành pháp luật (phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật và tham gia xử lý vi phạm pháp luật): 3-4 biên chế.

Tổng cộng:  12-15 biên chế

Có được số lượng biên chế cán bộ như trên, Vụ Pháp chế mới có điều kiện chuyên sâu, chuyên môn hoá cán bộ, tạo điều kiện cho việc hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các chuyên viên và để có quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng ổn định lâu dài.

3. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế các Bộ, Ngành.

Do đặc thù đa số tổ chức pháp chế Bộ, Ngành mới thành lập từ khi có Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 nên hầu hết cán bộ Pháp chế ngành còn mới, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về công tác pháp chế ngành, một số chuyên viên chưa  được đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành của Bộ, Ngành mình phụ trách; một số từ cán bộ chuyên môn của ngành sang làm công tác pháp chế chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói chung cũng như pháp luật chuyên ngành. Thời gian qua Bộ Tư pháp đã mở được một số lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế các Bộ, Ngành. Tuy nhiên, cần phải tăng cường hơn về đào tạo, bồi dưỡng mọi lĩnh vực, đặc biệt chú ý về kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kỹ thuật rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật.

Đối với các cán bộ, công chức đã được tuyển dụng có trình độ cử nhân Luật cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành dưới nhiều hình thức khác nhau như: tập huấn, tham gia các cuộc hội thảo chuyên ngành, đi thực tế địa phương...

Pháp chế Bộ Thuỷ sản cần có kế hoạch đào tạo sau đại học đối với các cán bộ, công chức của Vụ với các chuyên ngành Luật Tư pháp, Hành chính, Kinh tế, Quốc tế; đào tạo chuyên môn của ngành, đào tạo ngoại ngữ để có hiểu biết đầy đủ về ngành và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ nhất định phục vụ tốt cho công tác pháp chế Bộ.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp chế Bộ

Vụ Pháp chế Bộ Thủy sản cần chủ động nghiên cứu đề xuất ý kiến tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc ban hành đầy đủ quy chế của cơ quan Bộ để tạo thành một hệ thống đồng độ phục vụ tốt cho quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan. Quy định rõ phạm vi, thẩm quyền của tổ chức pháp chế trong việc làm đầu mối tổng hợp, lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật, soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Cụ thể như sau:

a. Về công tác xây dựng pháp luật, thẩm định và tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của Vụ Pháp chế cần bám sát hơn nữa chương trình xây dựng Pháp luật hàng năm và của cả nhiệm kỳ Quốc hội; Chương trình xây dựng Pháp luật của Chính phủ và của Bộ; nắm vững sự phân công của Uỷ Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ về cơ quan chủ trì soạn thảo, đơn vị tham gia soạn thảo để chủ động phối hợp tổ chức tốt, đảm bảo đúng tiến độ soạn thảo và tham gia ý kiến đầy đủ.

Đối với những dự thảo đã được đưa vào Chương trình chính thức của Quốc hội cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo, gửi lấy ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương các đơn vị thuộc bộ. Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ đúng tiến độ.

b. Về công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cần xác định rõ đây là nhiệm vụ phải tiến hành thường xuyên. Trong thời gian tới cần tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác này, rút ra kinh nghiệm, bài học  kịp thời. Qua rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để có ý kiến tham mưu chính xác về việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành.

c. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/01/1998 cuả Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản cần phải chủ động, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn ngành từ trung ương đến địa phương; đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra sát sao hơn việc thực hiện Chương trình, kế hoạch đó. Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ Báo cáo viên Pháp luật cho cán bộ Vụ Pháp chế nhằm cung cấp nguồn báo cáo viên tại chỗ cho Bộ Thuỷ sản để chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ, Trong ngành. Cần quan tâm hơn nữa việc triển khai thực hiện tốt môn giáo dục pháp luật trong các trường trung học chuyên nghiệp của ngành.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn, cần chú trọng hơn hình thức tập huấn cho cán bộ của ngành; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm và triển khai thực hiện đúng kế hoạch công tác, nội dung cần đi vào chiều sâu nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, công chức, phát huy tác dụng thiết thực của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

d. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế ngành; tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của Vụ. Tăng cường công tác tư vấn pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành.

Kết luận: Cũng như pháp chế các Bộ, Ngành khác  pháp chế Bộ Thuỷ sản đã được cũng cố, tăng cường trên cơ sở Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ. Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản thực sự đã có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của Bộ Thuỷ sản, đã góp phần tích cực chp hoạt động quản lý Nhà nước  bằng pháp luật trong ngành thuỷ sản.

Để kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của pháp chế Bộ, Ngành, một mặt các tổ chức pháp chế phải tự khẳng định mình, tự phấn đấu vươn lên; mặt khác Chính phủ cần sớm tổng kết thực tiễn triển khai thực hiện để kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP./.

 

THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG CỦA PHÁP CHẾ BỘ THƯƠNG MẠI

 

                                                                                                                                                                                                     Nguyễn Hữu Chí

                                                     Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thương mại

 

I.               LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, CHỨC NĂNG, NHIỆM

VỤ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ THƯƠNG MẠI

1. Thời kỳ đầu thành lập

Vụ Pháp chế Bộ Thương mại từ khi thành lập đã tồn tại dưới các tên gọi khác nhau như Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ, Phòng Pháp chế thuộc Bộ và chính thức trở thành Vụ Pháp chế theo quy định của Nghị định số 231/CP ngày 21 tháng 6 năm 1979 của Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, bộ máy của Vụ được quy định cụ thể tại Quyết định số 1226/BNgT/TCCB ngày 22 tháng 11 năm 1982 của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Theo Quyết định này, Vụ Pháp chế được xác định là một bộ phận của Bộ có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý công tác soạn thảo pháp luật ngoại thương, các Điều ước quốc tế trong lĩnh vực ngoại thương; hướng dẫn và theo dõi việc thi hành pháp luật ngoại thương, các Công ước quốc tế thuộc lĩnh vực ngoại thương; và làm tư vấn cho Bộ trưởng và các tổ chức ngoại thương về các vấn đề pháp lý. Với các chức năng này, Vụ Pháp chế được giao những nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực sau:

1.1- Công tác soạn thảo pháp luật ngoại thương: lập chương trình soạn thảo pháp luật ngoại thương; tham gia góp ý kiến với các Vụ, Cục của Bộ Ngoại thương về các dự thảo văn bản được soạn thảo; nghiên cứu các dự án pháp luật do Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác soạn thảo; tổ chức hệ thống hóa pháp luật ngoại thương;

1.2- Công tác Điều ước: tham gia soạn thảo và đàm phán các văn bản Điều ước thuộc chức năng của Bộ;

1.3- Công tác tư vấn: nghiên cứu và soạn thảo các hợp đồng mẫu kinh doanh về ngoại thương; tham gia ý kiến hướng dẫn các tổ chức ngoại thương về các vấn đề pháp lý trong kinh doanh ngoại thương;

1.4- Trong các công tác khác: tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngoại thương; tham gia đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ trong ngành về kiến thức pháp lý; tham gia ý kiến với Hội đồng Trọng tài Ngoại thương và Hội đồng Trọng tài hàng hải bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp về các vấn đề pháp lý.

Cơ cấu của Vụ Pháp chế theo Quyết định số 1126/BNgT/TCCB bao gồm ba phòng: Phòng Pháp luật Ngoại thương, Phòng Điều ước quốc tế và Phòng Tư vấn pháp lý. Vụ do một Vụ trưởng đứng đầu và một số Phó Vụ trưởng giúp việc.

Tuy rằng cơ cấu và chức năng của Vụ Pháp chế thời gian này còn đơn giản và chỉ phục vụ cho hoạt động của Bộ Ngoại thương lúc bấy giờ nhưng công tác pháp chế đã thực sự được xác định là một lĩnh vực độc lập và đây cũng chính một trong những nền móng đầu tiên giúp cho Vụ Pháp chế có một bề dày lịch sử trong công tác thương mại nói chung và ngoại thương nói riêng cũng như các kinh nghiệm quý báu trong công tác pháp chế.

2. Trong giai đoạn hiện nay

Tính đến thời điểm Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ được ban hành thì Vụ Pháp chế Bộ Thương mại đã có bề dày hoạt động trên 15 năm. Việc ban hành Nghị định này đã đánh dấu một bước phát triển mới và đặc biệt quan trọng về tổ chức và công tác pháp chế ở các cơ quan Trung ương, trong đó có Bộ Thương mại. Với Nghị định này, Vụ được ổn định về tổ chức và tăng cường thêm nhiều mặt, đặc biệt là về nhiệm vụ và quyền hạn. Công tác của Vụ đã chuyển biến và được khẳng định rõ nét hơn trong hoạt động của Bộ, chức năng, nhiệm vụ của Vụ được nâng lên để phù hợp hơn với yêu cầu và điều kiện mới. Vụ Pháp chế có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về mặt pháp luật đối với mọi hoạt động thương mại thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cụ thể có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

2.1- Quản lý thống nhất về mặt pháp lý việc soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (kể các văn bản Điều ước quốc tế) thuộc lĩnh vực thương mại;

2.2- Tổng hợp chương trình xây dựng pháp luật về lĩnh vực thương mại; là đầu mối thực hiện chương trình được duyệt và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về mặt pháp lý đối với dự thảo cuối cùng các văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm cả văn bản Điều ước quốc tế) thuộc lĩnh vực thương mại trước khi trình Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

2.3- Nghiên cứu hoặc chủ trì, phối hợp với các Vụ hữu quan nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ các ý kiến tham gia đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền soạn thảo gửi đến đề nghị Bộ Thương mại tham gia ý kiến;

2.4- Chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản Điều ước quốc tế, phối hợp với các Vụ xác lập kế hoạch, tham gia đàm phán, ký kết và phổ biến các văn bản Điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực thương mại;

2.5- Hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thi hành pháp luật trong các hoạt động thương mại, đề xuất với Bộ trưởng về những biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh về pháp lý trong hoạt động của các đơn vị;

2.6- Hướng dẫn các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại và việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại. Soạn thảo các Quy chế về các loại hình kinh doanh, các hợp đồng mẫu và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện;

2.7- Tham gia ý kiến với các Vụ chức năng để trình Lãnh đạo Bộ về các tổ chức kinh tế nước ngoài lập các loại hình kinh doanh tại Việt Nam và tham gia kiểm tra hoạt động của các tổ chức này;

2.8- Tham gia ý kiến với các Vụ liên quan để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Điều lệ của các doanh nghiệp thuộc Bộ;

2.9- Tư vấn cho Bộ trưởng giải quyết các vấn đề về nghiệp vụ và quản lý phát sinh trong hoạt động thưoưng mại;

2.10- Nghiên cứu các Điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động thương mại để đề xuất hoặc tham gia việc sửa đổi, bổ sung;

2.11- Tham gia đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành thương mại  theo chương trình đào tạo của Bộ và Nhà nước;

2.12- Thực hiện việc hệ thống hóa pháp luật về lĩnh vực thương mại.

Các nhiệm vụ và quyền hạn được tăng cường thêm cho Vụ đã chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của công tác pháp chế trong điều kiện mới. Đặc biệt, với các chức năng tư vấn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các cán bộ trong ngành cũng như chức năng phê duyệt Điều lệ doanh nghiệp thuộc Bộ … công tác pháp chế trong ngành ngoại thương đã được nâng cao và góp phần tích cực tạo nên những chuyển biến mới, thành tựu mới của ngành ngoại thương trong thời gian gần đây. Với các thành tích đã đạt được, Vụ Pháp chế đã nhiều năm liên tục được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.

Cơ cấu của Vụ Pháp chế hiện nay bao gồm 11 cán bộ, 01 Vụ trưởng, 02 Phó Vụ trưởng và 8 chuyên viên. Trong đó, lực lượng cán bộ trẻ là 6 cán bộ. Tất cả các cán bộ của Vụ đều được đào tạo về chuyên ngành kinh tế ngoại thương và pháp luật. Trình độ ngoại ngữ của cán bộ trong Vụ cũng được nâng cao và góp phần quan trọng cho Vụ chủ động nghiên cứu, học tập luật pháp nước ngoài trong bối cảnh kinh tế và pháp luật Việt Nam đang tích cực hội nhập với thế giới. Một trong những điểm nổi bật của Vụ là sự kết hợp hài hòa giữa sự năng động, sức trẻ của các cán bộ trẻ và kinh nghiệm quý báu của các cán bộ đi trước. Việc phân công công tác cũng được nêu cụ thể, rõ ràng theo lĩnh vực phụ trách đến từng chuyên viên, chính yếu tố này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cán bộ cũng như để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

II.              THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ PHÁP

CHẾ TRONG MỘT SỐ NĂM GẦN ĐÂY

1. Công tác xây dựng pháp luật

Công tác xây dựng pháp luật trong những năm gần đây là công tác trọng tâm nhất của Vụ Pháp chế. Cụ thể, Vụ Pháp chế có những nhiệm vụ sau:

- Lập chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả văn bản Điều ước quốc tế về thương mại, hàng năm và dài hạn thuộc thẩm quyền của Bộ trình Bộ trưởng quyết định thực hiện chương trình xây dựng pháp luật;

- Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác thuộc Bộ chủ trì soạn thảo trước khi trình Bộ ký ban hành hoặc Bộ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật được giao;

- Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác soạn thảo gửi đến lấy ý kiến.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Luật Thương mại được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/1998, để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại, ngoài việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại nói chung, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thương mại để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về thương mại là công tác trọng tâm nhất của Vụ. Cụ thể như sau:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành

a.1- Các văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo

Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo trình Bộ ban hành hoặc để Bộ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số văn bản sau đây, đặc biệt là bao gồm 07 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại:

          + Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài;

+ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

+ Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/4/1999 về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa;

+ Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ngày 05/5/1999 về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại;

+ Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài;

+ Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 06/9/2000 quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam;

+ Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài.

+ Thông tư liên tịch số 36/2000/TTLT-BTM -BTCCBCP ngày 27/1/2000 giữa Bộ Thương mại và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý về thương mại ở đị a phương;

+ Quyết định số 08/2002/QĐ-TTg ngày 11/1/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12/11/1998 ban hành Quy chế Khu Thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Thông tư số 11/1999/TT-BTM ngày 11/5/1999 hướng dẫn thi hành Quy chế Khu Thương mại Lao Bảo;

          + Quyết định số 835/2001/QĐ-TTg ngày 01/8/2001 ban hành bản Quy định về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container tại cảng Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh;

          + Thông tư số 14/2001/TT-BTM ngày 02/5/2001 hướng dẫn việc mua bán hàng hóa qua biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

          và nhiều Thông tư, Quyết định, Chỉ thị, Quy chế khác của Bộ Thương mại để hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

a.2- Các văn bản Vụ Pháp chế phối hợp chính

Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm phối hợp chính trong việc soạn thảo để Bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành tất cả các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền soạn thảo và ban hành của bộ Thương mại, cụ thể một số văn bản quan trọng sau:

+ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;

+ Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03/1/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/CP ngày 03/1/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

          + Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 31/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nươcs và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chế Ghi nhãn hàng hóa;

          + Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều hành xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong từng thời kỳ, và mới đây nhất là Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005;

          + Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 hướng dẫn thi hành Quy chế Ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

          + Thông tư số 22/2000/TT-BTM ngày 15/12/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 26/2001/TT-BTM ngày 04/12/2001 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 22/2000/TT-Bộ Thương mại ;

          + Thông tư liên tịch số 27/2001/TTLT/BTM-TCHQ giữa Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc nhập khẩu ôtô của một số đối tượng theo đường phi mậu dịch.

          b) Các văn bản đang trong quá trình soạn thảo

          b.1- Một số văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì

          + Luật Cạnh tranh;

          + Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thương mại;

          + Nghị định về phát triển thị trường ngoài nước;

          b.2- Các văn bản Vụ Pháp chế phối hợp soạn thảo

          + Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế;

          + Pháp lệnh về các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hóa với nước ngoài;

          + Pháp lệnh về Thương mại điện tử;

          + Nghị định quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

          + Nghị định về tổ chức và quản lý chợ.

          và nhiều văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Thương mại.

          c) Công tác tham gia ý kiến vào các dự án pháp luật do cơ quan khác chủ trì

          Đối với những dự án pháp luật mà Bộ Thương mại là cơ quan có trách nhiệm phối hợp chính, Vụ Pháp chế là cơ quan chủ trì trong Bộ về việc nghiên cứu, tham gia ý kiến. Lãnh đạo cũng như chuyên viên của Vụ cũng trực tiếp tham gia vào Ban soạn thảo nhiều dự án Luật, Pháp lệnh như: Luật Hải quan, Luật Dầu khí, Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh Giá, Pháp lệnh về phòng, chống tệ nạn mại dâm...

          Ngoài ra, Vụ Pháp chế cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tổng hợp và tham gia ý kiến vào các dự án pháp luật như : Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Thống kê, Luật Thuỷ sản, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Phòng Chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ, Luật Di sản văn hóa và nhiều dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định khác... Trung bình hàng tháng Vụ Pháp chế phải nghiên cứu và tham gia ý kiến vào khoảng 15 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ hoặc các cơ quan khác gửi đến.

2. Công tác Điều ước quốc tế

Về công tác này, Vụ Pháp chế có một số nhiệm vụ cụ thể sau:

          - Phối hợp với các Vụ chức năng của bộ trong việc soạn thảo các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại và tham gia đàm phán, ký kết các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ;

          - Nghiên cứu các văn bản Điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực thương mại để kiến nghị việc tham gia khi thấy cần thiết

          Cụ thể, trong thời gian qua Vụ đã trực tiếp tham gia soạn thảo và ký kết các văn bản Điều ước quốc tế như Hiệp định thương mại Việt Nam - Brunei; Hiệp định mua bán ở vùng biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và Campuchia... và tham gia ý kiến vào các Hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã ký với các nước như Hoa Kỳ, Nigeria, Marốc, Nam Phi … Hiện nay, Vụ Pháp chế được giao chủ trì nghiên cứu, soạn thảo các Hiệp định mậu dịch tư do Việt Nam - Liên bang Nga; tham gia soạn thảo Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - Ucraina, Việt Nam - Belarút.

          Vụ cũng đã chủ trì nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ tham gia ý kiến vào các dự thảo Hiệp định do Bộ, ngành khác gửi đến liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, đa dạng hóa sinh học, vũ khí hóa học …

3. Công tác tư vấn pháp lý

Vụ Pháp chế có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng xem xét giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thương mại, cụ thể Vụ Pháp chế đã thực hiện một số việc sau:

- Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi một số vụ tranh chấp có giá trị lớn, quan trọng nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân Việt Nam và đã góp phần tích cực trong việc giảm bớt thiệt hại kinh tế cho thương nhân Việt Nam trị giá hàng chục tỷ đồng;

- Giúp các thương nhân có tranh chấp thương lượng với nhau và hướng dẫn cho thương nhân giải quyết vụ việc kịp thời, hạn chế tối đa những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.

- Tích cực trả lời, giải thích những vấn đề còn chưa rõ liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật của ngành thương mại.

4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nền tảng cho Vụ Pháp chế thực hiện công tác này là các Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến 2002.

Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế được Bộ trưởng giao là cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối giúp Bộ trưởng triển khai thực hiện công tác phổ biến phápluật thương mại theo kế hoạch được Bộ duyệt. Vụ đã có kế hoạch triển khai cụ thể việc phổ biến, tập huấn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thương mại đặc biệt là các văn bản có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các thương nhân như: Luật Thương mại, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thương mại, cơ chế điều hành xuất nhập khẩu hàng hóa hàng năm, các quy định về Ghi nhãn hàng hóa...

          Vụ cũng tăng cường công tác phổ biến giáo dục thông qua việc cử cán bộ trực tiếp tham gia giảng dạy tại các khóa học do Bộ Thương mại hoặc các trường đại học, trung tâm giáo dục đào tạo tổ chức. Hình thức phổ biến pháp luật thông qua các Hội nghị, hội thảo chuyên đề cũng là một phương pháp có tác dụng tích cực với nội dung chuyên sâu đã được Vụ áp dụng. Vụ đã trực tiếp chủ trì tổ chức một số Hội nghị chuyên đề như: về giám định hàng hóa tại Thành phố Vũng Tàu; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý về thương mại ở địa phương tại Phú Thọ và Thành phố Hồ Chí Minh; về công tác văn phòng đại diện, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam ở Hà Nội …

          Ngoài ra, Vụ cũng chịu trách nhiệm trong việc định kỳ cung cấp thông tin cho các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm thông qua đó đưa thông tin về pháp luật Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài có quan tâm hoặc trực tiếp cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có yêu cầu.

          Với các hoạt động như vậy, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được thực tiến chấp nhận, góp phần không nhỏ trong các thành tựu về cải cách hành chính mà Bộ Thương mại đã đạt được trong thời gian qua.

5.    Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm

pháp luật trong lĩnh vực thương mại

Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Vụ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:

          - Thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại và đề xuất phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

          - Theo dõi, cập nhật các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại và thực hiện hệ thống hóa các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại.

          Với các nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế đã giữ vai trò nòng cốt trong Ban chỉ đạo hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình Tổng rà soát của Nhà nước cũng như chương trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu và hải quan. Có thể nói đây là một nhiệm vụ phức tạp và chiếm nhiều thời gian của Vụ vì toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thương mại qua các thời kỳ lịch sử chưa được hệ thống hóa, nhiều văn bản chưa được huỷ bỏ, có số lượng lớn các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo nhau gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Kết quả của quá trình rà soát là Vụ đã báo cáo Bộ trình Chính phủ bải bỏ, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản và trình Bộ ra quyết định bãi bỏ 387 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ.

          Mới đây, Vụ đã được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, làm tiền đề cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để thực hiện nhiệm vụ mới, phức tạp này, Vụ đã tập trung sức lực và khẳng định quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm từng bước đưa hệ  thống pháp luật thương mại Việt Nam hội nhập với pháp luật thương mại quốc tế.

6. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Việc nâng cao trình độ pháp lý cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại là một nhiệm vụ ngày càng quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ luôn tích cực tham gia công tác giảng dạy về pháp lý văn bản quy phạm pháp luật thương mại tại các khóa học của Bộ hoặc các trường, trung tâm tổ chức.

Xác định được nhiệm vụ đào tạo và đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nhằm ngày càng nâng cao trình độ cán bộ của Vụ, giúp cập nhật các thông tin, kiến thức mới. Trong các năm qua, dưới sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ cũng như nhờ vào sự chủ động của mình, Vụ đã cử hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa học về nghiệp vụ, chuyên môn, ngoại ngữ trong và ngoài nước. Những kiến thức thu thập được tại các khóa học này đã giúp cho cán bộ của Vụ ngày càng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Vụ trong điều kiện mới.

7. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Đây là một công tác trọng yếu nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực sự đi vào cuộc sống. Hàng năm, căn cứ vào chương trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại do Bộ phê duyệt, Vụ xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra cụ thể tại các cơ quan quản lý về thương mại ở địa phương. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian nên hàng năm Vụ chỉ thực hiện được một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ví dụ năm 2001, Vụ đã chủ trì đoàn đi thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Quảng Ninh, Lào Cai. Sau khi kết thúc chuyến đi, Vụ có tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ các kiến nghị có liên quan đến chính sách, luật pháp để có phương hướng và chỉ đạo tổng thể nhằm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế.

Có thể thấy rằng, hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ Thương mại trong những năm gần đây đã thể hiện sự cải tiến, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả về chất lượng và phương pháp tổ chức hoạt động pháp chế. Mặc dù số lượng cán bộ còn ít những Vụ đã nỗ lực khắc phục các khó khăn để hoàn thành chương trình công tác với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Vai trò của Vụ ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ trên phạm vi cả nước. Với sự cố gắng này, Vụ Pháp chế đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác từ năm 1997 đến năm 1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Từ năm 1998 đến 2001, Vụ Pháp chế đã liên tục được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế và nhiều năm liền Vụ được Bộ trưởng Bộ Thương mại tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc.

III. MỐI QUAN HỆ GIỮA VỤ PHÁP CHẾ BỘ THƯƠNG MẠI VỚI

      CÁC TỔ CHỨC PHÁP CHẾ THUỘC BỘ VÀ VỚI BỘ TƯ PHÁP

 

1.    Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thương mại

      và các tổ chức pháp chế thuộc Bộ, ngành khác

Sự phối hợp chặt chẽ trong công tác với các tổ chức pháp chế của Bộ, ngành khác luôn được Vụ Pháp chế Bộ Thương mại đánh giá là một yêu cầu trọng tâm trong công tác pháp chế của Vụ. Sự phối hợp chặt chẽ này không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn giữa các Vụ nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ mà còn là yếu tố tích cực giúp thực hiện thuận lợi những nhiệm vụ có liên quan đến công tác pháp chế giữa các Bộ ngành, ví dụ như phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp...

Vụ Pháp chế ở các Bộ, ngành giữ vai trò là cơ quan tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật, do đó, sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan tham mưu sẽ tạo thuận lợi không nhỏ cho việc phối hợp giữa các Bộ, ngành. Tổ chức pháp chế của Văn phòng chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Y tế... là một số các tổ chức pháp chế có môt quan hệ mật thiết và rất hiệu quả với Vụ Pháp chế Bộ Thương mại

2. Mối quan hệ với Bộ Tư pháp

Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thương mại và Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở những chỉ đạo về nghiệp vụ, chuyên môn công tác pháp chế của Bộ Tư pháp với tổ chức pháp chế Bộ mà còn thể hiện rất mật thiết thông qua hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm của Vụ khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ là nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ đầu với Bộ Tư pháp thì sẽ có thuận lợi rất lớn trong công tác soạn thảo cũng như thẩm định, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.

Hàng năm, Vụ báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động của Vụ trong năm và có những kiến nghị , đề xuất nhằm hoàn thiện tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp nói chung cũng như các tổ chức pháp chế Bộ nói riêng. Các hoạt  động tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp, việc tạo điều kiện đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ của Vụ, việc tham gia các hoạt động như Câu lạc bộ Pháp chế, tham gia các hội thảo, hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức là những yếu tố tích cực để thắt chặt thêm mối quan hệ chặt chẽ vốn có giữa Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế Bộ Thương mại.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Công tác pháp chế của Vụ Pháp chế Bộ Thương mại trong giai đoạn hiện nay ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động của Bộ Thương mại. Thuận lợi cũng có và khó khăn cũng nhiều. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhằm tăng cường công tác pháp chế nói chung và công tác pháp chế của Bộ Thương mại nói riêng, Vụ xin có một số kiến nghị sau:

1. Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với tổ chức pháp chế các Bộ cũng như giữa các tổ chức pháp chế các Bộ với nhau dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp, đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin về việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giữa các Bộ. Bộ Tư pháp cần chủ trì hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là do các Bộ ban hành, nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản.

2. Bộ Tư pháp cần lưu ý đến việc phân công nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm giao nhiệm vụ chủ trì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như nội dung dự kiến của văn bản quy phạm pháp luật.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần có Quy chế của mình về việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ cụ thể, thực tế của Bộ, ngành mình.

4. Tăng cường vai trò thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tổ chức pháp chế Bộ, cơ thể cần có quy định nếu văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ và chưa có ý kiến thẩm định của tổ chức pháp chế Bộ thì Bộ Tư pháp sẽ từ chối thẩm định. Quy định như vậy vừa tăng cường vai trò của tổ chức pháp chế Bộ, vừa giúp giảm áp lực công việc cho Bộ Tư pháp.

5. Bộ Tư pháp trong phạm vi thẩm quyền, khả năng của mình cần tăng cường đào tạo cho cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn ở trong nước, ở nước ngoài.

6. Bộ Tư pháp cần cung cấp định kỳ các thông tin về pháp luật nước ngoài cho các tổ chức pháp chế Bộ với những lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là các văn bản luật của nước ngoài.

7. Tăng thời gian tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh cho tương xứng với vai trò, tính phức tạp của văn bản.

8. Bộ Tư pháp cần phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng cường hỗ trợ tài chính cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

 

 

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ

 

PHƯƠNG HƯỚNG CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

CỦA BỘ XÂY DỰNG

 

BÙI SỸ HIỂN - VỤ PHÁP CHẾ

 

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN

          Cách đây hơn 40 năm, ngày 29 tháng 4 năm 1958, Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng và ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Xây dựng.

A. Tổ chức Pháp chế giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1984

          Năm 1974, Vụ Pháp chế lần đầu tiên được thành lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Tại Điều 2 Quyết định số 09/CP ngày 15 tháng 01 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, có qui định:

          "...và các cơ quan chức năng trực tiếp thuộc Bộ trưởng và Thứ trưởng thường trực như: Vụ cán bộ, Vụ I, Ban thanh tra, Ban thanh tra an toàn, Vụ tổ chức và cải tiến quản lý, Vụ Pháp chế, Vụ Thông tin tuyên truyền và thi đua, ban điều độ, Cục Giám định xây dựng Nhà nước, Văn phòng.

          Các Vụ, Các Ban đều không có phòng; biên chế mỗi Vụ, Ban trên dưới 10 cán bộ. Mỗi Vụ có Vụ trưởng phụ trách, có thể có một Vụ phó giúp việc. Mỗi Ban có Trưởng ban phụ trách..."

          Ngày 29 tháng 5 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định 118/CP về việc sửa đổi một số tổ chức của Bộ Xây dựng, trong đó đã đổi tên Vụ Pháp chế thành Ban Pháp chế. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Pháp chế chính thức được ban hành theo Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 01 tháng 11 năm 1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; bao gồm các nội dung sau:

          1. Về chức năng:

          Ban Pháp chế là cơ quan chức năng, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực công tác pháp luật: ban hành văn bản pháp quy, theo dõi tổ chức thực hiện pháp chế, làm tư vấn pháp luật cho Bộ trưởng.

          2. Các nhiệm vụ cụ thể:

          2.1 Hệ thống hoá các văn bản pháp luật, pháp quy của Ngành. Giúp Bộ trưởng góp ý kiến về các dự thảo pháp luật do các cơ quan Nhà nước gửi đến.

          2.2 Chuẩn bị để trình Bộ trưởng quyết định Chương trình, kế hoạch về công tác pháp chế, giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đóc thực hiện kế hoạch đó bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thi hành thống nhất trong toàn ngành Xây dựng.

          2.3 Giúp Bộ xem lại lần cuối cùng các dự thảo văn bản pháp quy trước khi các Cục, Vụ, Viện và đơn vị trực thuộc trình ký, bảo đảm theo đúng pháp chế của Nhà nước.

          Theo dõi việc ban hành các văn bản pháp quy của các cơ quan trực thuộc Bộ và kiến nghị bổ sung, sửa đổi, huỷ bỏ các văn bản pháp quy của cấp dưới của Bộ khi xét thấy sai về pháp chế.

          2.4 Giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề pháp chế phát sinh trong khi chỉ đạo và quản lý các lĩnh vực công tác, phổ biến hướng dẫn thi hành pháp luật và tổ chức thực hiện công tác pháp chế ở trong ngành.

          2.5 Cung cấp tài liệu cho Nhà xuất bản xây dựng lập kế hoạch xuất bản các Bộ luật pháp của ngành. Bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ pháp chế cho các Bộ trong ngành.

          3. Về quyền hạn:                                                                                             Trong khi tiến hành nhiệm vụ, Trưởng Ban pháp chế được quyền:

          3.1 Tham gia với các Vụ, Viện... trong việc dự thảo các văn bản pháp quy và soát xét lại về mặt pháp chế của các dự thảo đó trước khi Bộ trưởng ký.

3.2 Yêu cầu các đơn vị trong ngành cung cấp những văn bản pháp quy do các đơn vị ban hành.

4. Về cơ cấu tổ chức

Ban pháp chế có Trưởng Ban phụ trách, có một số chuyên viên, cán bộ giúp việc.

B. Tổ chức Pháp chế giai đoạn từ 1984 đến 1996

Ngày 12 tháng 9 năm 1984 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị dịnh số 119/HĐBT về việc sắp xếp lại bộ máy giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Trong Nghị định này không còn tên Ban Pháp chế. Một số cán bộ được điều động làm việc tại Văn phòng Bộ.

Ngày 17/6/1985 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị điịnh số 178/HĐBT về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực nhà nước, với nững nội dung chính như sau:

Điều 1: Nay quy định tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất , kinh doanh thuộc khu vực nhà nước:

1. Các Bộ, Uỷ ban nhà nước, cơ quan khácc thuộc Hội đồng Bộ trưởng(sau đây gọi tắt là Bộ) có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ Chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ pháp chế.

Các Bộ có khối lượng công tác pháp chế không lớn mà chưa có Vụ chính sách thì thành lập phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

2. Các Sở chuyên môn, Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, công ty có chuyên viên pháp lý.

Điều 2: Các Vụ, phòng pháp chế thuộc các Bộ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng:

1. Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

2. Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ trình Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

3. Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

4. Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi tổng hợp và phản ánh với Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường phpá chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

5. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở trung ương.

Phối hợp với các sở tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự  pháp lý ở các cơ quan đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

6. Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

7. Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3: Vụ Chính sách và Pháp chế , Vụ Pháp chế hoặc phòng Pháp chế của các Bộ được quyền:

1. Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

2. Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

3. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

4. Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 4:  Việc thành lập Vụ pháp chế hoặc Vụ Chính sách và pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập phòng pháp chế do Bộ trưởng do Bộ trưởng quyết định.

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được nhà nước giao. Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ Chính sách và phpá chế, Vụ pháp chế hoặc phòng pháp chế.

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định.

Điều 5: Chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các sở chuyên môn,liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, công ty, Xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp có nhiệm vụ giúp thủ trưởng đơn vị:

          1. Nghiên cứu có hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của đơn vị; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị.

          2. Làm cố vấn pháp lý cho Thủ trưởng đơn vị; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác thuộc đơn vị trong việc dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền Thủ trưởng đơn vị ban hành.

          3. Theo dõi việc thực hiện pháp luật Nhà nước và các văn bản do Thủ trưởng đơn vị ban hành; phản ánh kịp thời với Thủ trưởng những vi phạm và sơ hở trong việc thực hiện pháp luật, kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong đơn vị mình.

          Điều 6: Chuyên viên pháp lý hoặc cán sự pháp lý ở các sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, công ty, Xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp được quyền:

          1. Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị chuẩn bị trình Thủ trưởng ban hành;kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ sở, bộ phận ấy.

          2. Tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật trong các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị; kiến nghị với Thủ trưởng những biện pháp bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật  trong các cơ sở, bộ phận ấy.

          3. Yêu cầu các chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp trực thuộc báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

          Tuy nhiên, ở thời điểm đó Bộ Xây dựng cũng chưa có biện pháp cụ thể để triển khai  thực hiện văn bản này

C. Tổ chức Pháp chế giai đoạn từ năm 1997 đến nay

Đến tháng 12 năm 1997, căn cứ Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Quyết định số 1045/1997/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15 tháng 12 năm 1997 về việc thành lập và qui định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế. Căn cứ vào nghị định 94/CP ngày 6/9/1997, Thông tư 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997, Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15/12/1997 và Thông tư liên tịch Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ Tư pháp số 302/1997/TTLT/BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 thì chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng như sau:

1.  Chức năng

Vụ Pháp chế có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành Xây dựng.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

2.1. Trong công tác xây dựng pháp luật

- Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn về các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng (xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà, công trình công cộng và kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị - nông thôn trong cả nước) trình Bộ trưởng quyết định và phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật theo kế hoạch, tiến độ được giao.

- Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

-  Trực tiếp tổ chức soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ giao.

- Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước cấp trên, các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

2.2. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL

- Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành Xây dựng, đề xuất các phương án trình Bộ trưởng xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các kết quả rà soát văn bản QPPL, trình bổ sung, sửa đổi các văn bản thuộc ngành cho phù hợp với pháp luật và yêu cầu quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Xây dựng trong việc đề xuất với Bộ trưởng để:

+ Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản QPPL của Nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

+ Kiến nghị với bộ trưởng đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do Bộ, ngành mình ban hành.

+ Đình chỉ thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của uỷ ban nhân dân và Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ, ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

2.3.  Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp

luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

- Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc ngành xây dựng tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng.

- Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ Xây dựng

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật; tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành Xây dựng. Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành Xây dựng; đề xuất các biên pháp khắc phục.

3. Quyền hạn và cơ cấu tổ chức

Trong khi tiến hành nhiệm vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế được quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở thuộc ngành ở địa phương cung cấp những tài liệu và tình hình cần thiêts trong công tác quản lý, xây dựng, thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng.

- Vụ Pháp chế có Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và một số chuyên viên giúp việc.

           II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ

                VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ XÂY DỰNG TRONG

                 VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

 

1/ Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động

     của tổ chức pháp chế Bộ Xây dựng

Sau khi đất nước được thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác xây dựng cơ bản được mở rộng về phạm vi và quy mô. Trình độ xây dựng được nâng cao, ngành Xây dựng dần dần trở nên một ngành sản xuất lớn, quản lý xây dựng theo lối cũ không còn phù hợp với tình hình mới nữa. Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong xây dựng cần được thống nhất trong cả nước, cần được tăng cường mới quản lý được một ngành sản xuất lớn như vậy.

Tình hình đó đòi hỏi phải có tổ chức pháp chế giúp Bộ trưởng quản lý công tác ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật ngành Xây dựng. Năm 1974, Vụ Pháp chế lần đầu tiên được thành lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng theo Quyết định số 09/CP ngày 15 tháng 01 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ, đến năm 1978 được đổi tên thành Ban Pháp chế. Lực lượng pháp chế hầu hết là cán bộ quản lý nhiều nơi tập hợp lại, nhưng đã sớm ổn định tổ chức và bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ do Bộ giao.

Để tổ chức chỉ đạo công tác pháp chế, Bộ xây dựng đã ban hành các văn bản:

1.1.        Chỉ thị số 21/BXD-PC ngày 28/9/1976 về việc

tăng cường pháp chế trong xây dựng trước tình

hình mới, tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

- Sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh, công bố và hướng dẫn thực hiện các văn kiện pháp chế hiện hành theo quyền hạn từng cấp;

- Phổ biến rộng rãi, sưu tầm đầy đủ, nắm vững pháp chế trong sản xuất và xây dựng. Người nào, tổ chức nào làm việc gì phải biết đầy đủ, biết chắc các văn kiện pháp chế có liên quan. Bảo đảm điều kiện cho cán bộ biết pháp chế, tra cứu các văn kiện pháp chế thuận tiện. Nơi có nhiều vấn đề pháp chế thì phải có người, có tổ chức chuyên trách nắm pháp chế phục vụ cho chỉ đạo quản lý. Tư liệu pháp chế cần được quản lý có nề nếp, không để mất mát, báo chí, phát thanh thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp chế.

- Nghiêm chỉnh thi hành pháp chế, tìm mọi biện pháp thực hiện pháp chế để đạt kết quả tốt nhất trong sản xuất và quản lý. Phát hiện và xử lý khi pháp chế bị vi phạm.

- Bồi dưỡng trình độ pháp chế cho đơn vị, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế.

- Vấn đề pháp chế trong xây dựng cần trở thành nội dung thường xuyên trong các kỳ kiểm điểm công tác, sơ kết, tổng kết.

- Mỗi đơn vị đều phải có tổ chức pháp chế, nhất là ở các xí nghiệp kinh doanh hạch toán kinh tế và các Viện nghiên cứu. Những đơn vị lớn như Sở xây dựng Hà Nội, Hải phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các Ty xây dựng quản lý lực lượng lao động khoảng năm nghìn người, tổng sản lượng khoảng 25 triệu đồng pgải có một tổ hoặc một phòng pháp chế. Các đơn vị khác thì bố trí cán bộ chuyên trách hay bán chuyên trách. Hệ thống pháp chế từ Bộ đến cơ sở phải hoạt động theo chương trình kế hoạch thống nhất.

1.2. Thông tư số 25/ BXD-PC ngày 29/9/1977 hướng

      dẫn về tổ chức và hoạt động của bộ phận pháp

     chế ở cơ sở (tổ, phòng, ban hoặc cán bộ chuyên

    trách, bán chuyên trách làm công tác pháp chế) với

   các vấn đề chính sau đây:

* Chức năng của bộ phận pháp chế ở cơ sở:

- Giúp thủ trưởng trong việc quản lý cơ sở, làm cho mọi hoạt động của cơ sở theo đúng pháp chế và làm tư vấn cho thủ trưởng về các vấn đề pháp chế.

- Giúp thủ trưởng quản lý thống nhất công tác xây dựng các văn bản pháp quy (chức trách, nhiệm vụ công tác; nội quy; quy trình sản xuất, nghiên cứu; biện pháp quản lý các mặt cụ thể) thuộc thẩm quyền cơ sở; hướng dẫn, theo dõi và đôn dốc thi hành pháp luật ở cơ sở.

- Giúp đỡ và tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên chức nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật; bồi dưỡng hiểu biết về pháp chế; trả lời, hướng dẫn cho cán bộ công nhân viên chức ở cơ sở cách giải quyết công việc theo đúng pháp luật của Nhà nước.

* Nhiệm vụ của bộ phận pháp chế ở cơ sở:

- Giúp thủ trưởng chuẩn bị về kế hoạch và biện pháp thi hành các văn bản pháp luật trong cơ sở, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác pháp chế của cấp trên. Trong từng thời gian, đề nghị thủ trưởng tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật và kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý những việc vi phạm pháp luật. Giúp thủ trưởng kiến nghị lên cấp trên giải đáp các vấn đề về pháp luật, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới pháp luật để đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế.

- Giúp thủ trưởng lập chương trình xây dựng các văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của cơ sở, tổ chức việc phân công nghiên cứu, viết các văn bản đó trong các phòng, ban nghiệp vụ, các bộ phận công tác ở cơ sở.

- Tham gia ý kiến với các phòng ban, các bộ phận trong quá trình dự thảo các văn bản pháp quy; ở các đơn vị có kinh doanh thì chú trọng tham gia ý kiến vào các hợp đồng kinh tế.

- Tham gia ý kiến vào việc hoàn chỉnh văn bản trước khi thủ trưởng ký, bảo đảm cho các văn bản của cơ sở theo đúng pháp chế của Nhà nước.

- Giúp thủ trưởng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp quy mà cấp trên hoặc các cơ quan khác gửi đến hỏi ý kiến.

-  Xây dựng và quản lý hồ sơ về pháp chế ở cơ sở, tổ chức sưu tầm, tích luỹ, thống nhất quản lý các văn bản pháp luật của cơ sở. Xây dựng tủ sách pháp lý ở cơ sở. Trích nội dung các văn bản pháp luật có liên quan với cơ sở, viết văn bản giải thích, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản đó ở cơ sở. Cung cấp tin tức, tình hình, viết bài cho các cơ quan thông tin, báo chí để phổ biến rộng rãi các vấn đề về pháp luật. Giảng bài, nói chuyện về pháp chế ở các trường lớp, các cuộc họp.

- Trả lời, góp ý kiến về các vấn đề pháp luật và gới thiệu văn kiện pháp lý cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ sở khi họ có vấn đề đến hỏi. Bảo vệ cán bộ công nhân viên chức về mặt pháp luật, thực hiện quyền làm chủ tập thể.

- Mỗi lần cơ sở làm báo cáo sơ kết, tổng kết công tác đều cung cấp các nội dung báo cáo pháp chế ở cơ sở để đưa vào báo cáo chung, đồng thời báo cáo về công tác pháp chế cho cơ quan pháp chế cấp trên trực tiếp.

* Quyền hạn của bộ phận pháp chế ở cơ sở

- Được tham dự những cuộc họp của lãnh đạo cơ sở bàn về công tác chung của cơ sở, bàn về các nghiệp vụ công tác, từ đó mà đề nghị các biện pháp lập thành văn bản pháp quy các chủ trương, chỉ thị của cơ quan lãnh đạo, các quyết định cải tiến quản lý ở cơ sở.

- Được dự các cuộc họp khác để nắm tình hình thi hành pháp luật ở cơ sở, từ đó kiến nghị các vấn đề pháp chế cần tiến hành.

- Có thể được thủ trưởng uỷ quyền thay mặt để giải quyết  các vấn đề pháp lý theo chức năng quản lý của cơ sở.

- Được liên hệ, phối hợp với các bộ phận khác để giúp thủ trưởng lập và thực hiện chương trình xây dựng văn bản pháp quy của cơ sở, tham gia ý kiến trong quá trình dự thảo và giúp thủ trưởng thẩm tra lần sau cùng trước khi ký ban hành hoặc trình lên cấp trên. Tham gia ý kiến với tổ chức thanh tra trong việc xử lý các việc vi phạm pháp luật ở cơ sở, tham gia ý kiến vào các vấn đề của cơ sở đưa ra Hội đồng trọng tài

- Được liên hệ với tổ chức pháp chế của cơ quan quản lý cấp trên, của cơ quan, cơ sở khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về pháp chế.

- Trực tiếp làm việc, thỉnh thị, báo cáo và kiến nghị với thủ trưởng cơ sở và cơ quan pháp chế cấp trên về các vấn đề pháp chế ở cơ sở. Kiến nghị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế cho cơ sở. Tham gia hoạt động nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học pháp lý và dự các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ theo triệu tập của cơ quan pháp chế cấp trên.

* Về tổ chức pháp chế ở cơ sở: Thông tư số 25/BXD-PC ngày 29/9/1997 nêu rõ:

"Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mỗi cơ sở nên xây dựng bộ phận pháp chế cho phù hợp, tránh cồng kềnh, hình thức, không có tác dụng thiết thực. Vì vậy, cần căn cứ các Chỉ thị của Bộ Xây dựng đã ban hành mà tổ chức bộ phận pháp chế ở cơ sở cho sát tình hình thực tế. Các Sở, ty, Chi cục hướng dẫn cho các cơ sở trực thuộc tổ chức cho phù hợp với điều kiện ở địa phương”

- Chỉ thị số 21-BXD/PC đã vạch rõ: “Những đơn vị lớn như Sở Xây dựng Hà Nội, Hải phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các ty, công ty quản lý lực lượng lao động khoảng 25 triệu đồng thì phải có một tổ chức hoặc một phòng pháp chế. Các đơn vị khác thì bố trí cán bộ chuyên trách hoặc ban chuyên trách."

- Công văn số 1898-BXD/TTr quy định: "Mõi công ty trực thuộc Bộ cần sắp xếp một số cán bộ từ 1 đến 5 cán bộ chuyên trách giúp Chủ nhiệm làm công tác thanh tra và pháp chế. Số cán bộ chuyên trách này tổ chức thành một ban gọi là Ban Thanh tra pháp chế".

- Các phòng, ban, tổ .... nghiệp vụ trong cơ sở cần cử 1 cán bộ chịu trách nhiệm về công tác pháp chế trong phòng, ban, tổ của mình theo hình thức kiêm nhiệm công tác pháp chế. Giữa các cán bộ được giao làm công tác pháp chế cần có sinh hoạt nghiệp vụ thường xuyên với nhau để thống nhất hoạt động theo chương trình công tác pháp chế ở cơ sở.

- Để thực hiện sự quản lý thống nhất chương trình, kế hoạch công tác pháp chế, mỗi cơ sở sau khi lãnh đạo cơ sở quyết định về tổ chức và hoạt động của bộ phận pháp chế, cần báo cáo lên cơ quan quản lý pháp chế cấp trên.

- Làm cho hệ thống nghiệp vụ pháp chế từ trên xuống dưới hoạt động có chương trình thống nhất và ăn khớp với nhau là góp phần quan trọng vào việc thi hành các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Thưc hiện nghiêm chỉnh pháp chế xã hội chủ nghĩa để cải tiến và nâng cao trình độ quản lý và nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao là trách nhiệm của đồng chí Giám đốc và các cán bộ lãnh đạo khác ở cơ sở. Đó cũng là một trong các biện pháp cụ thể để thực hiện quyền làm chủ tập thể mà mọi người đều phải tham gia. Để làm được như vậy, cần thiết phải có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế"

Tháng 7 năm 1996, bộ phận pháp chế thuộc Phòng tổng hợp pháp chế-Văn phòng Bộ được hình thành, biên chế 2 chuyên viên với nhiệm vụ chủ yếu là tham gia thẩm định, soát xét về mặt pháp lý các dự thảo văn bản trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành.

Triển khai thực hiện Nghị định 94/CP ngày 6 tháng 9 năm 1997, tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hình thành. Bộ Xây dựng đã thành lập Vụ Pháp chế trên cơ sở tách bộ phận pháp chế thuộc Phòng tổng hợp pháp chế - Văn phòng Bộ và điều động một số cán bộ từ các Cục, Vụ của Bộ.

Để triển khai tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế sau khi được thành lập, Bộ Xây dựng đã bố trí 11 cán bộ lãnh đạo Vụ và các chuyên viên (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, 08 chuyên viên) hầu hết có trình độ đại học và trên đại học luật, đại học kiến trúc, xây dựng và 01 nhân viên hợp đồng dài hạn. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác pháp chế, như:

+ Chỉ thị 01/1998/CT-BXD ngày 12/3/1998 của Bộ trưởng về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong ngành Xây dựng

+ Quyết định số 07/1999/QĐ-BXD ngày 2/2/1999 ban hành Quy chế về soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản QPPL và văn bản cá biệt ngành Xây dựng.

+ Chỉ thị số 13/1998/CT-BXD ngày 20/11/1998 về phổ biến giáo dục pháp luật năm 1999 trong ngành Xây dựng

+ Chỉ thị số 13/1999/CT-BXD ngày 15/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ngành Xây dựng

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các văn bản nêu trên, những năm qua, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ lập Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và đôn đốc việc nghiên cứu soạn thảo; tổ chức nghiên cứu Đề án cải cách hành chính trong ngành xây dựng, Đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp; tổ chức phổ biến Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức kiểm tra việc thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành; thực hiện tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng từ năm 1976 đến nay; tổ chức nghiên cứu soạn thảo Luật Xây dựng và tham gia góp ý, thẩm định pháp lý đối với các dự thảo văn bản gửi đến; chuẩn bị văn bản của Bộ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp Quốc hội; tổ chức nghiên cứu một số đề tài khoa học phục vụ thực hiện công tác pháp chế.

2. Mối quan hệ giữa tổ chức pháp chế Bộ

    Xây dựng với các tổ chức pháp chế của

    các đơn vị trực thuộc và với Bộ Tư pháp 

Đối với pháp chế cơ sở, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm và bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, phổ biến theo hình thức kiêm nhiệm, bán chuyên trách như ghép vào Ban thanh tra, phòng tổ chức, hành chính hoặc phòng Kế hoạch; doanh nghiệp duy nhất thuộc Bộ Xây dựng có thành lập phòng pháp chế là Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam. Lực lượng pháp chế cơ sở chủ yếu hoạt động theo chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị cơ sở, hầu như không có mối liên hệ công việc với Vụ Pháp chế thuộc Bộ.

Đối với Bộ Tư Pháp, quan hệ giữa Bộ Tư pháp với Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng là quan hệ giữa Bộ quản lý lĩnh vực với tổ chức pháp chế ngành thuộc Bộ chuyên ngành Xây dựng. Mối quan hệ này được xác định bằng các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo về mặt chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế, về chế độ thông tin báo cáo, như: Nghị định 101/ CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 1793/1997/TT-BTP ngày 30 tháng 12 năm 1997 hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn tổ chức cho Pháp chế ngành cử cán bộ tham gia tại các hội nghị, hội thảo về các vấn đề pháp lý có liên quan, về sơ kết, tổng kết công tác theo định kỳ, tham dự các khoá học đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế... 

3. Vai trò của tổ chức pháp chế Bộ Xây dựng

    trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước

Từ khi được thành lập lại đến nay, Vụ pháp chế Bộ Xây dựng đã từng bước triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế, góp phần tích cực vào việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, thể hiện trên các mặt sau:

3.1. Về công tác xây dựng pháp luật

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính Phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký Quyết định số 07/1999/QĐ-BXD ngày 2/2/1999 ban hành Quy chế về soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản QPPL và văn bản cá biệt ngành Xây dựng. Công tác lập Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, công tác soạn thảo, thẩm định , ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã dần dần đi vào nề nếp theo Quy chế của Bộ. Các Ban soạn thảo dự án Luật Xây dựng và các Nghị định đã được thành lập và hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền; tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định pháp lý hoặc tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản QPPL do các Cục, Vụ, Viện chủ trì soạn thảo và do các Bộ, ngành, địa  phương gửi lấy ý kiến, tính trong 3 năm từ 1999 đến 2000, Vụ Pháp chế đã thẩm định pháp lý đối với 112 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo và tham gia ý kiến đối với 217 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương gửi đến.

3.2. Về công tác giáo dục, phổ biến pháp luật

Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-BXD ngày 20/11/1998 về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 1999 trong ngành Xây dựng. Việc triển khai thực hiện tập trung vào các văn bản QPPL về quản lý đầu tư và xây dựng, Luật kiếu nại tố cáo, Luật doanh nghiệp, Nghị quyết số 58/2000/NQ-UBTVQH của UBTV Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1/7/1991 thông qua các hình thức tập huấn, giảng dạy, in gửi tài liệu và viết bài đăng trên các Tạp chí Xây dựng, Báo Xây dựng, Báo Pháp luật...;  trong 3 năm 1998- 2000 đã tổ chức 9 lớp tập huấn, giảng dạy các văn bản về quản lý đầu tư và xây dựng, Luật kiếu nại tố cáo, Luật doanh nghiệp, Nghị quyết số 58/2000/NQ-UBTVQH của UBTV Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1/7/1991 ở Hà nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Khánh Hoà, Vĩnh Long, Lai Châu. Quảng Ninh.

3.3. Về công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật chưa theo kế hoạch, chưa được duy trì thường xuyên. Để khắc phục tình trạng này, Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị số 13/1999/CT-BXD ngày 15/12/1999 về công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ngành Xây dựng, giao cho Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Chánh thanh tra xây dựng lập kế hoạch phối hợp với các Cục, Vụ tổ chức các đoàn kiểm tra, đoàn công tác; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng về tình hình thi hành pháp luật và các kiến nghị xử lý vi phạm, kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL sau khi đã tiến hành các đợt kiểm tra;

Đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật và công tác quản lý ngành tại Sở Xây dựng Hà Nội (tháng 6/2000). Qua kiểm tra đã đánh giá được việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương và tình hình thực hiện pháp luật, đồng thời phát hiện được những bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền kịp thời rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đã đi thực tế nắm tình hình thi hành pháp luật ở một số Sở Xây dựng như: Hà Giang, Tuyên Quang... và đã có báo cáo kiến nghị Bộ trưởng.

Đầu năm 2001, đã phối hợp với Vụ quản lý vật liệu xây dựng thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai thực hiện Thông tư 06/2000/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Thủ tướng Chính phủ đối với mặt hàng vật liệu xây dựng. Sau khi được kiểm tra, hướng dẫn, các doanh nghiệp đã khẩn trương sửa đổi, bổ sung nhãn bao bì hàng hoá theo đúng qui định mới.

Đã hướng dẫn các doanh nghiệp như Tổng Công ty xây dựng số 1, Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Công ty xây dựng số 7.... trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế.

3.4. Về công tác rà soát, hệ thống hoá

       văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện Quyết định 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo kế hoạch ( 2 năm 1997-1998) về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản QPPL, Vụ Pháp chế đã giúp Ban chỉ đạo của Bộ tập hợp các văn bản QPPL ngành Xây dựng do các cơ quan cso thẩm quyền ban hành trong hơn 20 năm (1976-nay). Vụ Pháp chế đã phối hợp với các Cục, Vụ, Viện triển khai nghiên cứu rà soát. Kết quả đã lập được 790 văn bản QPPL theo quy định và 41 văn bản đề nghị ban hành mới, theo các danh mục:

- Danh mục văn bản QPPL đã hết hiệu lực, được thay thế, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ gồm 407 văn bản;

                              - Danh mục văn bản QPPL đề nghị giữ nguyên hiệu lực, gồm 291 văn bản;

- Danh mục văn bản QPPL đang còn hiệu lực nhưng có một số quy định cần được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, gồm 89 văn bản và 3 công văn;

- Danh mục văn bản QPPL đề nghị ban hành mới, gồm 41 văn bản.

         Trên cơ sở kết quả Tổng rà soát và hệ thống hoá 861văn bản QPPL ngành Xây dựng ban hành từ 2/7/1976 đến 31/12/1999, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định 06/1999/QĐ-BXD ngày 28/1/1999 bãi bỏ 44 văn bản QPPL có nội dung không còn phù hợp với thực tế; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 21/2000/QĐ-BXD ngày 25/10/2000 công bố danh mục 327 văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng hết hiệu lực thi hành và thường xuyên tổ chức rà soát các văn bản QPPL kể cả các văn bản QPPL mới ban hành để xử lý theo thẩm quyền; Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao rà soát, chấn chỉnh việc ban hành các văn bản về quản lý chất lượng công trình xây dựng và kinh tế xây dựng;

 3.5.  Các công tác khác

Trong khi xây dựng các văn bản QPPL về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nhà và kiến trúc, quy hoạch...thời gian qua, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các Cục, Vụ tham mưu với Bộ tập trung cải cách các thủ tục hành chính trong việc bỏ các loại giấy phép, chứng chỉ; Đơn giản hoá các thủ tục, hồ sơ về thẩm định, xét duyệt dự án đầu tư, thiết kế, tổng dự toán công trình xây dựng theo hướng giảm thiểu thể chế hành chính, thay vào đó là các thể chế dân sự nhằm khuyến khích phát huy tối đa mọi nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, đồng thời vẫn bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Thực hiện Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Vụ Pháp chế đã phối hợp với Vụ Tổ chức, lao động giúp Bộ chuẩn bị Đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp của Bộ . Đến nay Đề án đã được hoàn thành trình Chính phủ, trong đó đã rà soát, đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước 5 lĩnh vực ngành Xây dựng: xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà, quy hoạch, kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn; kiến nghị sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, định hướng tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp của Bộ Xây dựng, phân công, phân cấp quản lý Nhà nước ngành Xây dựng đối với các Bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các yêu cầu cải cách hành chính mà  Đảng và Chính phủ đã đề ra. 

Đồng thời với nghiên cứu sắp xếp bộ máy quản lý nêu trên, một dự án sự nghiệp kinh tế nghiên cứu chương trình xây dựng khung pháp luật các lĩnh vực ngành Xây dựng cũng đã được triển khai, bảo đảm tính đồng bộ trong cải cách hành chính cả về thể chế và bộ máy quản lý.

Có thể nói, cho đến nay các mặt hoạt động pháp chế ở Bộ Xây dựng đã và đang được triển khai đầy đủ theo quy định của Nghị định 94/CP ngày 6 tháng 9 năm 1994 phục vụ đắc lực và ngày càng phát huy tác dụng việc thực hiện chức năng quản lý ngành Xây dựng

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP KIỆN TOÀN

     TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT

     ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ XÂY DỰNG

          Qua lược lại lịch sử hình thành và đánh giá vai trò của tổ chức pháp chế Bộ Xây dựng, có thể khẳng định trong quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành không thể thiếu vắng tổ chức pháp chế trong cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc Bộ trưởng, nhất là trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

          Ngay từ năm 1985(ngày 17/6), Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực nhà nước, trong đó qui định: "Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ Chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế. Các Bộ có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ Chính sách và Pháp chế thì thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng." (Điều 1)

          Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ tiếp tục khẳng định: "Tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức pháp chế Bộ) có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao..." (Điều 1)." Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước có Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế." (Điều 3).

          Căn cứ Nghị định số 94/CP nêu trên và Quyết định số 1045/1997/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15 /12/1997 thành lập và qui định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế.

Hiện nay, theo Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Bộ Xây dựng đã chuẩn bị Đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp của Bộ, đến nay Đề án đã được hoàn thành trình Chính phủ, trong đó có phần kiến nghị sửa đổi  cơ cấu bộ máy tổ chức giúp việc Bộ trưởng. Đối với Vụ Pháp chế, Đề án đã nêu 3 phương án sau đây:

Phương án 1- Giữ nguyên Vụ Pháp chế trong cơ cấu bộ máy giúp việc Bộ trưởng.

Đối với công tác pháp chế, ngoài việc tập trung lập kế hoạch xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản và tổ chức phổ biến, kiểm tra thực hiện pháp luật, nên tập trung đầu mối tổ chức soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Vụ Pháp chế, các Cục, Vụ khác theo chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế  soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đây là xu hướng phù hợp với yêu cầu mới hiện nay trong việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

Phương án 2 - Sáp nhập Vụ Pháp chế vào Văn phòng Bộ, thành lập Phòng pháp chế hoặc ghép vào Phòng tổng hợp thành Phòng tổng hợp-pháp chế xây dựng thuộc Văn phòng Bộ, thực hiện các chức năng của Vụ Pháp chế. Một số chuyên viên của Vụ Pháp chế sẽ được điều động vào các Cục Vụ để hỗ trợ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị đó.

 Vụ Pháp chế có chức năng tổng hợp lập kế hoạch biên soạn văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định các văn bản và tham gia ý kiến, phổ biến văn bản qui phạm pháp luật, tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Công việc này gắn liền với hoạt động của Văn phòng, nên bổ sung cán bộ pháp chế cho các Vụ để gắn với chuyên ngành khi biên soạn các văn bản quản lý. Ở bộ phận pháp chế thuộc Văn phòng Bộ cần bố trí 5-6 người.

Phương án 3 - Hợp nhất Vụ pháp chế và Vụ Chính sách xây dựng thành Vụ Pháp chế và Chính sách xây dựng. Ngoài việc giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, các chuyên viên Luật sẽ có điều kiện trực tiếp soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy, cũng còn có hạn chế, vì Vụ Chính sách xây dựng chỉ được giao giúp Bộ trưởng quản lý lĩnh vực xây dựng (là một trong 5 lĩnh vực của Bộ Xây dựng: Xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý nhà, kiến trúc quy hoạch và công trình công cộng). Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997,Thông tư 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế ngành cũng phù hợp với Thông tư liên tịch 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ Tư pháp giải thích Nghị định 94/CP ghi rõ: " TRong trường hợp đã thành lập tổ chức pháp chế ghép ( Như Vụ Pháp chế- tổng hợp; Vụ Thanh tra -pháp chế; Vụ Chính sách - pháp chế; Phòng pháp chế - tổng hợp trực thuộc Văn phòng Bộ v.v....). thì nay tách lĩnh vực pháp chế riêng và tổ chức lại theo quy định tại điểm 1 của Mục này. Đồng thời, cũng phải có phương án tổ chức đối với lĩnh vực công tác trước đây đã ghép với tổ chức pháp chế theo hướng giao cho các tổ chức hiện có đảm nhiệm lĩnh vực công tác đó; nếu cần phải có tổ chức riêng đảm nhiệm lĩnh vực công tác này, thì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định").

Theo chúng tôi, tổ chức pháp chế độc lập trong cơ cấu tổ chức của mỗi Bộ là cần thiết và hợp lý. Điều đáng lưu ý là với 3 nhiệm vụ mà Nghị định 94/Cp giao cho tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ như vậy là quá đầy đủ và rõ ràng (Trong công tác xây dựng pháp luật, trong công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản, trong phổ biến giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật). Đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật Lãnh đạo Bộ có thể giao tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo toàn bộ văn bản pháp luật của Bộ, song Bộ cũng có thể giao các Cục, Vụ chuyên môn chủ trì soạn thảo các văn bản đó, một số văn bản có thể giao tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo. Việc cơ bản là tổ chức pháp chế phải chịu trách nhiệm hoàn thành việc thẩm định pháp lý  toàn bộ những văn abnr pháp  luật trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành.  Vai trò của Tổ chức pháp chế Bộ đã khẳng định ở phần trên. Vấn đề giữ nguyên ở cấp Vụ độc lập hay hợp nhất vào Vụ khác, cần cân nhắc để phát huy một cách ổn định hết vai trò của tổ chức pháp chế trong việc góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của Bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật đó trong thực tế, chứ không phải tách - nhập tuỳ tiện theo ý kiến chủ quan. Hơn nữa, báo cáo chính trị tại Đại hội TW -9 nêu rõ : " Nhà nước ta là một trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của nhân, do dân và vì dân". Vì vậy, vai trò của tổ chức pháp chế độc lập lại càng rõ hơn bao giờ hết.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế; Chính phủ cần có văn bản về củng cố, tăng cường tổ chức lại các tổ chức pháp chế địa phương và pháp chế ở các cơ sở trực thuộc Bộ, ngành cũng có tổ chức pháp chế ( phòng, ban, tổ ....) tạo thành mạng lưới tổ chức pháp chế từ TW đến địa phương, từ cấp ngành đến cấp cơ sở trực thuộc bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

 

Báo cáo về  tổ chức, hoạt động

 

và phương hướng củng cố tổ chức

pháp chế của Bộ Giao thông vận tải

          

 

                                                            TS. TRỊNH MINH HIỀN

                                                     Chuyên viên chính, Vụ Pháp chế - Vận tải

 

Xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra. Để đạt được mục tiêu đó, xây dựng và củng cố hoạt động của các tổ chức pháp chế chuyên ngành là một trong những biện pháp hữu hiệu cần phải được thực hiện một cách khoa học và có hiệu quả.

Bản báo cáo này sẽ đề cập đến việc tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải, thực trạng và phương hướng kiện toàn tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ, góp phần  vào sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Lịch sử hình thành và phát triển của

           TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

1.         Lịch sử hình thành và phát triển

          của Bộ Giao thông vận tải

Ngày 28-8-1945, bằng Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ Giao thông công chính ( tiền thân của Bộ Giao thông vận tải ) là một trong 12 Bộ đầu tiên đã được thành lập sau khi cách mạng tháng Tám thành công. Nhiệm vụ của Bộ là thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chính và giao thông.

Ngày 20-9-1955, phiên họp thứ 2 của Quốc hội đã có Nghị quyết tách Bộ Giao thông công chính ra làm 2 Bộ: Bộ Giao thông bưu điện và Bộ Thuỷ lợi kiến trúc. Bộ Giao thông bưu điện phụ trách các ngành vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường bộ và bưu điện.

Ngày 21-2-1961, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 25/NQ/NQH phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 14-2-1961, tách bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, lập Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải phụ trách các ngành vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển theo Nghị định số 160/CP ngày 9/10/1961 của Hội đồng Chính phủ.

 

 

Ngày 31-3-1990, Hội đồng Nhà nước ra Quyết định số 24/NQ/HĐNN đổi tên Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Hàng không dân dụng, Tổng cục Bưu điện vào Bộ Giao thông vận tải.  Chức năng của Bộ lúc này là thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đường biển, đường bộ, đường sông, đường hàng không và bưu chính viễn thông.

Ngày 26-10-1992, Chính phủ có Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện, trực thuộc Chính phủ. Sau khi có Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chính phủ đã ra Nghị định số 22/CP ngày 22-3-1994 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu bộ máy của Bộ Giao thông vận tải.

Từ năm 1995 - 1996 đến nay, sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng thuộc Chính phủ lại được tái thành lập và chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không lại được trả về cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Bộ trở lại tên gọi Bộ Giao thông vận tải với chức năng  quản lý Nhà nước về giao thông và vận tải đường sắt, đường biển, đường bộ và đường sông trong phạm vi cả nước.

Trong cả quá trình hình thành và phát triển, tuy tên gọi có thay đổi và chức năng nhiệm vụ cũng thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, nhưng phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải là rất rộng và bao gồm nhiều chuyên ngành giao thông vận tải khác nhau. Mỗi ngành giao thông và vận tải đều rất cần các luật lệ để điều chỉnh các quan hệ về đi lại, đỗ vượt, cơ sở hạ tầng, vận chuyển v.v... Điều này đòi hỏi phải có sự tổ chức sắp xếp bộ máy một cách khoa học và thích hợp thì mới có thể đáp ứng nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao cho ngành.

2.    Lịch sử hình thành và phát triển của

     tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải

Có thể nói, trong tổ chức bộ máy của các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước của Việt Nam, đặc biệt là tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải, tổ chức pháp chế là một trong những tổ chức được thành lập sớm nhất. Tuy cũng phải trải qua nhiều bước thăng trầm, lúc mạnh mẽ, lúc nhỏ nhoi, lúc độc lập, lúc ghép, nhưng trong suốt quãng thời gian trên 55 năm đã qua, tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải vẫn luôn luôn cùng tồn tại, phát triển và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của ngành Giao thông vận tải và đã đóng góp công sức của mình cho việc thể chế kịp thời, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần cho giao thông vận tải thông suốt và hoạt động theo một khuôn khổ pháp lý nhất định. Vì vậy pháp chế Bộ Giao thông vận tải có quyền tự hào đã đóng góp công sức của mình trong thành quả chung mà toàn ngành và toàn xã hội đã đạt được trong quãng thời gian qua.

Chính thức ngày 13-4-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký và công bố Sắc lệnh số 50, trong Sắc lệnh này đã quy định tổ chức tiền thân của Vụ Pháp chế ngày nay là Ty Tố tụng và pháp chế - một trong 5 cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải. Sắc lệnh này cũng quy định Ty Tố tụng và pháp chế gồm 2 phòng: phòng Tố tụng và phòng Pháp chế. Nhiệm vụ của phòng Pháp chế là: sưu tập các luật lệ quy tắc cũ để khảo cứu và khởi thảo luật lệ quy tắc mới; xét và thảo các dự án quyết định, nghị định, sắc lệnh v.v...

Ngày 14-7-1952, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính đã ký Nghị định số 117-ND về tổ chức Bộ Giao thông vận tải, trong đó không có tổ chức pháp chế riêng. Nhiệm vụ pháp chế được giao cho Văn phòng Bộ đảm nhiệm.

Sau hoà bình lập lại, Ban Pháp chế Bộ lại được thành lập, với chức năng nhiệm vụ: xây dựng pháp luật; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra việc thi hành pháp luật; nghiên cứu khoa học pháp lý và đào tạo cán bộ pháp chế; xây dựng công tác pháp chế.

Ngày 19-7-1978, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 180/CP cho phép Bộ Giao thông vận tải chuyển Ban Pháp chế thành Vụ Pháp chế. Trong số 11 nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế còn có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng trong việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực an toàn giao thông, tổ chức việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế trong toàn ngành...

Ngày 12-5-1990, bằng Nghị  định số 151-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập 7 Vụ quản lý tổng hợp và 4 Vụ quản lý chuyên ngành ( trong số đó có Vụ Vận tải). Với 11 Vụ tham mưu không có tên Vụ Pháp chế nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được quyền quyết định thành lập một số cơ quan giúp việc khác nên Bộ trưởng đã ký văn bản thành lập Ban Pháp chế.

Do yêu cầu sắp xếp lại tổ chức và tinh giảm biên chế nên ngày 4-1-1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định số 012 QĐ/TCCB-LĐ sáp nhập Vụ Vận tải vào Ban Pháp chế để tổ chức thành Vụ Pháp chế và Vận tải. Nhiệm vụ của Vụ Pháp chế và Vận tải bao gồm cả lĩnh vực pháp chế, quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông.

Ngày 22-3-1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/CP về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải. Căn cứ vào văn bản này, Vụ Pháp chế là 1 trong 8 cơ quan tham mưu  giúp việc Bộ trưởngvà một số Vụ quản lý chuyên ngành khác đã bị xoá bỏ.

Xuất phát từ tình hình thực tế là Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông và vận tải, nên chức năng nhiệm vụ của Vụ Pháp chế vẫn phải đi sâu tham mưu giúp việc Bộ trưởng để quản lý các chuyên ngành giao thông, vận tải trong phạm vi cả nước. Do đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2153 QĐ/TCCB-LĐ ngày 15-8-1996 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tổ chức của Vụ Pháp chế và Vận tải. Ngoài các nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị định 94/CP ngày 6-9-1997 về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Vụ Pháp chế và Vận tải còn có nhiệm vụ tham mưu để giải quyết các công việc liên quan đến quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông vận tải, như: xây dựng và tổ chức xây dựng các văn bản để quản lý vận tải mang tính chất chung; tổng hợp, cân đối phát triển các ngành vận tải bằng việc thể chế thành văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải chung không do các Cục quản lý chuyên ngành thực hiện; xây dựng các đề án có liên quan đến an toàn giao thông; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vận tải, cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải theo sự phân công của lãnh đạo Bộ; tham gia xây dựng các Hiệp định, Nghị định thư liên vận quốc tế, tham dự các đoàn đàm phán, các hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực vận tải; thực hiện chức năng là đầu mối thường trực giúp lãnh đạo Bộ tập hợp tình hình và chỉ đạo thường xuyên hoặc đột xuất một số mặt công tác trọng tâm thuộc lĩnh vực vận tải và an toàn vận tải. Tham mưu trong lĩnh vực an toàn giao thông thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là đề xuất các biện pháp để tăng cường quản lý trong công tác đào tạo người lái tầu, lái xe, quản lý chất lượng phương tiện để đảm bảo an toàn cho người và xe, trong lĩnh vực đảm bảo cầu đường, và đặc biệt là lĩnh vực tuyên truyền thực hiện pháp luật về an toàn giao thông.

Biên chế của Vụ Pháp chế - Vận tải  là 16 người, nhưng hiện nay Vụ chỉ có 15 thành viên. Một nửa số thành viên của Vụ đã tốt nghiệp đại học luật là bằng đại học thứ hai sau đại học chuyên ngành giao thông vận tải.

Cụ thể: về trình độ luật học: có 1 thạc sỹ luật, 5 cử nhân luật và 2 người đang học đại học luật tại chức; về trình độ chuyên ngành: có 2 tiến sỹ kinh tế vận tải, 1 thạc sỹ kinh tế vận tải, 10 kỹ sư kinh tế vận tải. Số cán bộ còn lại có nhiều người đã qua các lớp tập huấn nghiệp vụ pháp lý ngắn hạn.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng như lãnh đạo Vụ khuyến khích các anh chị em đã có bằng đại học chuyên ngành giao thông vận tải có điều kiện đi học thêm đại học tại chức về luật, khuyến khích, động viên tất cả anh chị em học sử dụng máy vi tính, ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ ... Do đó, nói chung các thành viên của Vụ đều đã được đào tạo cơ bản, tất cả đều tự sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, đa số sử dụng được một ngoại ngữ, một số sử dụng được hai ngoại ngữ.

Tuy nhiên, với xu thế đi lên của xã hội và  toàn cầu hoá nền kinh tế, trình độ của các thành viên trong Vụ còn cần phải được nâng lên rất nhiều mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động

           CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ GIAO THÔNG VẬN

           TẢI. VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ GIAO

           THÔNG VẬN TẢI TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHỨC

           NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ.

1.     Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động

     của tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải.

          a. Về tổ chức:

Như trên đã nêu, Vụ Pháp chế - Vận tải là một Vụ ghép giữa cơ quan tham mưu tổng hợp ( Ban Pháp chế ) và Vụ tham mưu chuyên ngành ( Vụ Vận tải ). Do tính chất của công việc nên chức năng của Vụ Pháp chế - Vận tải cũng bao gồm cả chức năng pháp chế và chức năng quản lý vận tải, trong đó có cả chức năng nhiệm vụ về an toàn giao thông.

Căn cứ Nghị định số 94/CP của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chưa hoàn toàn thực hiện quy định có một Vụ Pháp chế độc lập. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho công tác pháp chế của Vụ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mỗi thành viên của Vụ phải đảm nhiệm cả hai hoặc cả ba nhiệm vụ pháp chế, quản lý vận tải và an toàn giao thông, do vậy công việc rất bận, rất nhiều, và rất rộng nên không thể đồng thời thực hiện được thật tốt tất cả các nhiệm vụ.

b. Về hoạt động:

* Công tác pháp chế:

+ Xây dựng pháp luật:

- Hàng năm, Vụ Pháp chế - Vận tải đều tập hợp chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trình Văn phòng Chính phủ tập hợp, đồng thời theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đã được duyệt.

- Thẩm định các dự thảo văn bản do các Cục quản lý chuyên ngành soạn thảo trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành hay trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt các dự án Luật, Pháp lệnh, Bộ trưởng đều giao cho Vụ chủ trì tổ chức xây dựng, thực hiện các bước theo trình tự do luật định.

- Chủ trì hoặc tham gia ý kiến với các Vụ tham mưu khác soạn thảo ý kiến đóng góp của Bộ cho các văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ hay các Bộ ngành khác gửi lấy ý kiến.

- Tham gia vào việc soạn thảo và đàm phán, ký kết các hiệp định song phương, đa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chỉ tính từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP ngày 23-9-1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành

Cụ thể:

- Trong số 4 Dự án Luật chuyên ngành là: Luật Đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thuỷ nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì Vụ Pháp chế - Vận tải đều là cơ quan chủ trì, tham mưu chính cho Lãnh đạo Bộ để tổ chức xây dựng, bảo vệ thông qua các cấp trong đó có việc thông qua trước Quốc hội. Ngày 29-6-2001, Quốc hội đã thông qua Luật Giao thông đường bộ Việt Nam và ngày 12-7-2001, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 07/2001/L/CTN công bố Luật này. Ba Dự án Luật còn lại đang được Ban soạn thảo của Bộ tích cực chuẩn bị lấy ý kiến các Bộ ngành, xin thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến công việc này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2001.

- Khoảng 17 Nghị định của Chính phủ, 7 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Khoảng 130 Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng được ban hành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải.

Trong số các văn bản nói trên, một số do Vụ Pháp chế - Vận tải trực tiếp soạn thảo, đa số do Vụ tham gia xây dựng ngay từ ban đầu cùng với các Cục, Vụ có liên quan và hầu hết các văn bản này đều do Vụ thẩm định để trình lên các cấp có thẩm quyền ban hành.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP, Vụ Pháp chế - Vận tải đã soạn thảo để trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 3163/1997/QĐ-BGTVT ngày 22-10-1997 ban hành Quy chế xây dựng và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngành Giao thông vận tải.

Căn cứ vào Quyết định này, mọi văn bản quy phạm pháp luật trước khi Lãnh đạo Bộ ký ban hành hoặc ký gửi cơ quan khác ban hành đều phải được Vụ Pháp chế - Vận tải thẩm định về tính hợp pháp của văn bản. Tuy nhiên trong thực tế công việc này chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Có một số trường hợp ban soạn thảo trình văn bản quy phạm pháp luật thẳng lên Lãnh đạo Bộ để ký ban hành, không gửi Vụ Pháp chế -Vận tải để thẩm định theo quy định. Điều này đã làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng văn bản của Bộ và có những văn bản đã bị trả lại vì thiếu thủ tục pháp lý theo luật định và như vậy cũng đã làm ảnh hưởng đến tổ chức pháp chế ngành.

Ngoài việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành mình, Vụ Pháp chế Vận tải còn cử thành viên tham gia vào ban soạn thảo nhiều dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định do các Bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo, như: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Hải quan, Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật về các vùng biển Việt Nam, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tầu biển, Pháp lệnh về Thủ đô, Nghị định về quản lý các di sản văn hoá dưới nước ở Việt Nam v.v...

Vụ Pháp chế - Vận tải đã tích cực tham gia vào việc soạn thảo và đàm phán, ký kết hầu hết các hiệp định song phương hoặc đa phương về  vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

+ Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật:

- Thực hiện Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 28-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ban hành giai đoạn 1976 - 1996, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật đồng thời giao nhiệm vụ cho Vụ Pháp chế - Vận tải chủ trì phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành và các Vụ tham mưu khác để thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở đề nghị của Vụ, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, trong đó phân loại rõ: văn bản còn hiệu lực thi hành, văn bản cần huỷ bỏ, văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, Vụ cũng đã tham mưu, soạn thảo văn bản và được Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 813/2000/QĐ-BGTVT ngày 5-4-2000 về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ.

Tuy nhiên, công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chưa được Vụ Pháp chế Vận tải chú trọng đúng mức và thực hiện thường xuyên. nên thực tế không thể khẳng định các văn bản này còn vấn đề gì cần phải xây dựng bổ sung để cho hệ thống pháp luật của ngành Giao thông vận tải hoàn toàn đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước.

 Một trong những đòi hỏi của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong quá trình tiến tới gia nhập các tổ chức này hoặc tiến đến hội nhập khu vực và quốc tế - đó là vấn đề minh bạch hoá luật pháp trong nước. Nếu công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản pháp luật thực hiện không đầy đủ, đúng mức thì chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Việc kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật hoặc chồng chéo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực giao thông vận tải là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải đã được quy định trong  Luật Tổ chức Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về lĩnh vực này, trong thời gian qua, Vụ Pháp chế - Vận tải chưa thực hiện tốt việc đề xuất để tham mưu trình lãnh đạo Bộ có văn bản để xử lý hoặc để Bộ trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Một nhiệm vụ cần thiết phải làm và Vụ Pháp chế - Vận tải cũng đã chỉ đạo để thực hiện là pháp điển hoá các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giao thông vận tải. Vì vậy các Cục quản lý chuyên ngành, đặc biệt là ngành hàng hải, đã biên tập và xuất bản được nhiều sách pháp luật. Các Cục chuyên ngành khác như Đường bộ, Đường sông, Đường sắt đều có các tập văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển hoá của ngành mình được xuất bản để phục vụ cho việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật và để cho mọi người  quam tâm có thể nghiên cứu, tra cứu, viện dẫn, thực hiện.

          + Phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật:

Vụ Pháp chế - Vận tải đã kết hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài ngành để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức như:  Tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo, viết báo, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin, giảng dạy v.v... Tuy nhiên, các hình thức hiện nay còn đơn điệu, chủ yếu là báo cáo, phổ biển mỗi khi có văn bản quy phạm pháp luật mới....Nhìn chung, công tác này chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có biện pháp, hình thức sinh động để thực hiện.

 - Kiểm tra việc thực hiện pháp luật:

          Vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật bằng các hình thức trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng công văn... với các Cục quản lý chuyên ngành, các Hiệp hội chuyên ngành và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra các cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện pháp luật chưa được Vụ chủ động tiến hành. Có thể xuất phát từ quan điểm cho rằng hiện nay các doanh nghiệp đã bị quá nhiều đoàn của các ngành khác đến kiểm tra nên không muốn làm phiền doanh nghiệp thêm nữa. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Vụ và các cơ quan liên quan cũng chưa thật chặt chẽ, nên trong thanh tra ít khi có thành viên của Vụ Pháp chế - Vận tải tham gia.

          Vụ chưa tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong nước. Hàng năm có tổ chức Hội nghị về vận tải. Trong Hội nghị này chủ yếu là giải quyết những vướng mắc về thể chế, đánh giá chất lượng các văn bản và bàn về những vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung và xây dựng thể chế mới thành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới để phục vụ kịp thời cho sản xuất kinh doanh và quản lý. Còn việc kiểm tra thi hành pháp luật về giao thông vận tải cũng phải thẳng thắn mà nhận thấy rằng công tác này của Vụ chưa được chú trọng và chưa được thực hiện thường xuyên như quy định.

* Công tác quản lý Nhà nước về vận tải

Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực pháp chế , Vụ Pháp chế - Vận tải còn thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vận tải.

Cụ thể:

+ Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vận tải, cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải theo sự phân công của lãnh đạo Bộ;

+ Tham gia xây dựng các Hiệp định, Nghị định thư liên vận quốc tế; tham dự các đoàn đàm phán, các hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực vận tải;

+ Thực hiện chức năng là đầu mối thường trực giúp lãnh đạo Bộ tổng hợp tình hình và chỉ đạo thường xuyên hoặc đột xuất một số mặt công tác trọng tâm thuộc lĩnh vực vận tải.

Trong lĩnh vực tham mưu cho Bộ trưởng để quản lý Nhà nước về vận tải, trong đó tham mưu giải quyết các vụ việc phát sinh hàng ngày có một khối lượng lớn công việc. Những công việc này có rất nhiều sắc thái khác nhau, không theo một kiểu mẫu nào mà lại cần phải được tham mưu chính xác, giải quyết kịp thời để phục vụ các đơn vị  kinh doanh vận tải hoạt động đảm bảo thực hiện theo đúng pháp luật. Vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, đặc biệt là đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, vẫn còn nhiều vướng mắc giữa quản lý Nhà nước và việc kinh doanh của doanh nghiệp mà hiện tại chưa có biện pháp khắc phục vì nhiều người không hiểu và không đồng quan điểm rằng hoạt động vận tải không đơn thuần như những hoạt động kinh doanh khác. Nó luôn luôn động, luôn luôn tiểm ẩn nguy cơ xẩy ra tai nạn, mang tính an toàn xã hội, an toàn giao thông, đặc biệt an toàn cho con người - một loại hàng hoá đặc biệt.

* Công tác tham mưu trong lĩnh vực an toàn giao thông

Đây là một công việc hết sức khó khăn trong tình hình chung của một đất nước khi hầu hết người dân chưa có đầy đủ ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Mặt khác công tác này Vụ  giao cho một Phó Vụ trưởng sau đó đồng chí này lại được giao kiêm Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, mà  công việc của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cũng rất nhiều và rất bận. Do đó trong thực tế công tác an toàn giao thông Vụ cũng chỉ mới thực hiện trên các văn bản Chỉ thị, Nghị quyết..., các đề án để chỉ đạo mà chưa có phương thức hoạt động cụ thể. Một số công tác có liên quan đến nhiệm vụ này cũng chỉ nặng ở “ bề nổi “ như tổ chức hội thảo, thi lái tầu lái xe giỏi, thi tìm hiểu về pháp luật an toàn giao thông v.v... Vì vậy hiệu quả vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra là giảm hoặc kìm chế tai nạn giao thông gia tăng.

 Để hoạt động của Vụ có hiệu quả, trong khi Vụ không được chấp nhận có tổ chức thành các phòng nên Vụ phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo nhóm: đường biển, đường sắt, đường bộ, đường sông và tổng hợp. Các nhóm này giải quyết cả ba lĩnh vực pháp chế, vận tải, an toàn giao thông liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của mình.

Có thể nói, trong công tác pháp chế, nhiệm vụ xây dựng pháp luật được Vụ Pháp chế - Vận tải tập trung thực hiện nên kết quả nhìn chung là tốt. Nhiệm vụ còn lại của pháp chế đã được quy định trong Nghị định 94/CP thì Vụ đã có nhiều cố gắng, nhưng vì đầu tư thời gian có hạn để thực hiện nên kết quả còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được mong muốn.

Một trong những lý do khách quan là do Vụ Pháp chế - Vận tải hiện nay đang là một Vụ ghép, biên chế chưa đủ, tham mưu giải quyết nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, do kinh phí cho một số hoạt động cần thiết của Vụ để phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật, tổ chức hội nghị v.v... còn hạn hẹp nên cũng ảnh hưởng đến kết quả công việc. Tuy nhiên lý do chủ quan là Vụ cũng chưa thật sự tập trung để giải quyết những công tác khác như đã tập trung giải quyết công tác xây dựng pháp luật - một công tác cấp bách trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý của Nhà nước ta.

2.     VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

      TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG

      QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ

Vụ Pháp chế - Vận tải hoạt động trên cơ sở thực hiện các Quyết định của Bộ: số 2153QĐ/TCCB-LĐ ngày 15-8-1996 ban hành bản quy định chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế cán bộ của Vụ; số 3163/1997/QĐ-BGTVT ngày 22-10-1997 ban hành quy chế xây dựng và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngành giao thông vận tải. Trong số các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải đã được ban hành, không ít thì nhiều đều có công lao đóng góp của các thành viên trong Vụ dưới mọi hình thức: trực tiếp soạn thảo, tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến, thẩm định v.v... Có thể nói, Vụ  đã thực sự trở thành một cơ quan tham mưu về pháp lý cho Lãnh đạo Bộ. Hay nói cách khác, Vụ như một cơ quan tư vấn pháp luật cho Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình.

Mối quan hệ giữa tổ chức pháp chế

           BỘ VỚI CÁC TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CỦA CÁC

           ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ VỚI BỘ TƯ PHÁP

1.      Với các tổ chức pháp chế của các đơn vị trực thuộc

          Qua Sơ đồ tổ chức bộ máy Bộ Giao thông vận tải, có thể thấy Bộ Giao thông vận tải bao gồm:

- Các tổ chức giúp việc Bộ trưởng: là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ;

- Các tổ chức quản lý chuyên ngành: bao gồm các Cục quản lý chuyên ngành, có tư cách pháp nhân;

- Các tổ chức sự nghiệp: gồm các trường, viện nghiên cứu, Sở ý tế, báo Giao thông vận tải;

- Các tổ chức sản xuất kinh doanh: gồm đủ các loại hình doanh nghiệp, từ Liên hiệp đến Tổng công ty 91, Tổng công ty 90, Công ty 500 và các công ty khác. Riêng Liên hiệp Đường sắt Việt Nam vừa là một tổ chức sản xuất kinh doanh, vừa đảm nhiệm một số chức năng quản lý.

          Tại các tổ chức nói trên, công tác pháp chế có thể do Ban, Phòng Pháp chế đảm nhiệm ( như tại Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ), có thể do một tổ chức ghép thực hiện ( như Ban Thanh tra - Pháp chế của Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, Ban Giá và thể chế của Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông ), có thể phân công cho một số cán bộ phụ trách v.v... Tuy nhiên, ở những tổ chức không có tổ chức pháp chế độc lập hoặc ghép, đặc biệt nếu đó là các Cục quản lý chuyên ngành, thì công tác pháp chế đã không đạt được hiệu quả như mong muốn ( ví dụ như Cục Đường bộ Việt Nam không có Ban Pháp chế mà chỉ có cán bộ học trường luật được biên chế vào các ban chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ).

          Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế - Vận tải và các tổ chức pháp chế của các đợn vị trực thuộc được quy định trong các Quyết định của Bộ số 2153QĐ/TCCB-LĐ ngày 15-8-1996 ban hành bản quy định chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tổ chức của Vụ và số 3163/1997/QĐ-BGTVT ngày 22-10-1997 ban hành quy chế xây dựng và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngành giao thông vận tải.

          Theo các quy định này, Vụ Pháp chế - Vận tải là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực pháp lý chuyên ngành. Khi được giao nhiệm vụ góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác soạn thảo, Vụ thường lấy ý kiến của các Cục quản lý chuyên ngành, các Hiệp hội, các Tổng công ty 91, 90 có liên quan. Ngược lại, khi các cơ quan, đơn vị cần xin ý kiến hoặc tham khảo ý kiến của Vụ, thì Vụ đều nghiên cứu trả lời đầy đủ với tinh thần trách nhiệm và chất lượng cao.

          2. Đối với Bộ Tư pháp:

           Vụ Pháp chế Vận tải có một mối quan hệ mật thiết với Bộ Tư pháp. Trước khi Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình cơ quan có thẩm quyền về một văn bản nào trong lĩnh vực giao thông vạn tải, Bộ Giao thông vận tải ( qua Vụ Pháp chế - Vận tải ) đều tham khảo ý kiến  của Bộ Tư pháp, sau đó xin thẩm định của Bộ Tư pháp ( nếu có quy định ). Nhiều khi  để tăng thêm chất lượng văn bản, Vụ đã trưc tiếp làm việc với các Vụ chuyên môn của Bộ Tư pháp để trực tiếp chỉnh lý dự thảo.

          Nhìn chung, sự phối hợp giữa Vụ Pháp chế - Vận tải và các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc và với Bộ Tư pháp là chặt chẽ và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số vấn đề cũng nảy sinh cần được nghiên cứu để hoàn thiện. Ví dụ như:

- Thủ tục gửi 10 bộ hồ sơ thẩm định là lãng phí vì có thể không dùng đến 10 bộ, ngoài ra còn lãng phí tiền gửi bưu điện.

-  Một số văn bản dự thảo của Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Tư pháp để xin ý kiến, nhưng Bộ Tư pháp không có ý kiến gì, đến khi thẩm định lại có ý kiến khác, gây khó khăn và chậm trễ khi soạn thảo và ban hành văn bản.

- Sau khi có Luật Doanh nghiệp ra đời, trong thực tế, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ đã có một số điểm không hoàn toàn như quy định tại Nghị định số 101/CP và Quy chế làm việc của Chính phủ. Ví dụ như: sau khi đã có ít nhất 2/3 thành viên Chính phủ đồng ý, Thủ tướng Chính phủ  trước khi ký ban hành văn bản còn hỏi ý kiến của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Nếu những tổ này có ý kiến khác thì cơ quan soạn thảo lại phải tiếp tục chỉnh lý lại dự thảo mà không cần có ý kiến thẩm định lại của Bộ Tư pháp nữa. Điều này đã làm giảm giá trị của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, đồng thời kéo dài thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà cụ thể là Nghị định của Chính phủ.

Việc hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ giao thông vận tải là vô cùng cần thiết. Có hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành thì mới giải quyết được kịp thời khối lượng lớn các văn bản pháp luật mà Nhà nước và xã hội đòi hỏi phải có.

Kiến nghị phương hướng và giải pháp

            KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO HIỆU

           QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

           BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

1.       Về tổ chức cán bộ:

- Xuất phát từ nhu cầu cần có một Vụ Pháp chế độc lập hoạt động theo theo đúng Nghị định 94/CP, do đó có thể là tách Vụ Pháp chế - Vận tải thành Vụ Pháp chế và Vụ Vận tải. Từ đó các chức năng về pháp chế do Vụ Pháp chế đảm nhiệm, các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông do Vụ Vận tải đảm nhiệm. Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Vụ Vận tải, vì theo Nghị định só 22/CP hiện nay Bộ đã có Vụ Pháp chế. Tuy nhiên đề nghị này đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

- Cần sửa đổi Nghị định 94/CP theo hướng quy định tổ chức pháp chế ở các Cục quản lý chuyên ngành, các Tổng công ty 91, 90, còn các loại hình doanh nghiệp khác có thể không cần có tổ chức pháp chế độc lập và có thể dùng hình thức thuê luật sư khi doanh nghiệp cần hoặc chỉ bố trí một cán bộ pháp chế giúp trực tiếp giám đốc. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần kiên quyết triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 94/CP ở tất cả các Bộ, ngành bằng việc phải thành lập tổ chức pháp chế hoạt động độc lập ở các Bộ, cơ quan nganh Bộ.

- Cần có cán bộ pháp chế được đào tạo chuyên sâu, có nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật, vì đây thực sự là một lĩnh vực khó làm trong cơ chế thị trường hiện nay. 

- Tăng cường hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành giao thông vận tải. Các Hiệp hội này tập hợp được khá đông và đầy đủ các thành phần kinh tế, là nơi để thực thi pháp luật, nên phải tận dụng ý kiến đóng góp của các tổ chức này trong công tác pháp chế.

2. Về hoạt động:

a. Đối với tổ chức pháp chế Bộ:

- Trong ba nhiệm vụ của một tổ chức pháp chế Bộ là: xây dựng pháp luật, rà soát và hệ thống hoá văn bản pháp luật, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thì tổ chức pháp chế Bộ mới tập trung nhiều sức lực và thời gian để thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thể chế hoá các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong ngành giao thông vận tải. Khối lượng công việc này quá đồ sộ. Hai nhiệm vụ còn lại cần phải được chú trọng để thực hiện tốt hơn nữa thì mới đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

          - Công tác xây dựng pháp luật: cần có kế hoạch 5 năm, 10 năm, trên cơ sở đó triển khai kế hoạch hàng năm để thực hiện. Thực tế hiện nay, các Cục quản lý chuyên ngành đề xuất tên và loại văn bản cần xây dựng trong năm sau và Vụ Pháp chế - Vận tải tập hợp lại để trình Bộ, tuy nhiên chưa có một tầm nhìn xa và bao quát, cân đối trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, cần có biện pháp để thực hiện quy định các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành hoặc trình cơ quan khác ban hành theo thẩm quyền phải được Vụ Pháp chế - Vận tải thẩm tra trình.

- Công tác rà soát và hệ thống hoá các văn bản pháp luật: cần phải được thực hiện thường xuyên, không chỉ làm theo từng đợt, theo yêu cầu của cấp trên. Nếu công tác này thực hiện không tốt thì công tác xây dựng pháp luật cũng không có cơ sở để thực hiện tốt được. Ngoài ra, theo yêu cầu của Tổ chức thương mại quốc tế, nếu Việt Nam muốn trở thành thành viên của tổ chức này thì phải minh bạch hoá các văn bản quy phạm pháp luật thuộc hệ thống pháp luật trong nước. Đây là một đòi hỏi phải được thực hiện.

- Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật: cần được chú trọng thực hiện thường xuyên. Đây cũng là  đề nghị của một số doanh nghiệp, vì bản thân họ có thể cũng không hiểu là họ có vi phạm gì không. Ngoài ra, công tác kiểm tra, nhắc nhở của tổ chức pháp chế đối với doanh nghiệp chắc sẽ nhẹ nhàng hơn là việc thanh tra, xử phạt của các tổ chức thanh tra chuyên ngành. Do đó nếu làm tốt công tác này thì chẳng những pháp luật được thực hiện nghiêm túc mà còn tránh cho doanh nghiệp những sai phạm họ không cố tình vi phạm.

- Cần tiến hành hội nghị pháp chế chuyên ngành của Bộ sâu rộng hơn nữa để tổng kêt công tác pháp chế, phổ biến kinh nghiệm thực hiện, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc. Qua đó lãnh đạo các đơn vị này cũng nhận thấy tầm quan trọng của công tác pháp chế trong đơn vị mình.

- Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cả về chuyên ngành giao thông vận tải, cả về pháp luật, trong đó thật chú trọng đến kỹ thuật xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của tổ chức pháp chế Bộ. Thường xuyên cập nhật kiến thức bằng cách cử cán bộ đi học các lớp học ngắn hạn do Bộ Tư pháp hay tổ chức trong nước, nước ngoài tổ chức.

b. Đối với Bộ Tư pháp:

- Cần thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, trao đổi, phổ biển, cập nhật kiến thức về pháp luật cho các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, đặc biệt là những văn bản luật mới được ban hành và có tính phổ biến như Luật Doanh nghiệp, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Lao động v.v...

- Cải cách công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, hiện tại quy định này còn nhiều vấn đề nên tốc độ để ban hành được một văn bản còn mất quá nhiều thời gian và công của. Cần phải có quy định để khi văn bản đến Bộ Tư pháp thì không phải gửi thêm cho một vài cơ quan nào đó nữa. Ngay cả thủ tục Bộ có dự án phải gửi 10 Bộ hồ sơ thẩm định cũng cần được sửa đổi để tránh  gây tốn kém và lãng phí.

- Cần phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế  về sử dụng kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả văn bản do các  Bộ ban hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 101/CP vì các văn bản này cũng khá nhiều. Đối với Bộ Giao thông vận tải, các loại văn bản này còn nhiều hơn số lượng các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị mà trách nhiệm của Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ( Quy chế hiện nay chỉ bao gồm văn bản cấp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trở lên ).

c. Đối với Chính phủ:

- Cần có kế hoạch ban hành văn bản pháp luật trong 5 năm, 10 năm để có thể chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

- Đề nghị có văn bản chính thức giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho các Bộ ngay từ đầu năm để các Bộ có cơ sở triển khai thực hiện, trong đó đã cân nhắc văn bản nào cần, văn bản nào không cần, văn bản nào chồng chéo giữa các Bộ thì phải lược bỏ v.v...

- Nghiên cứu trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, nếu cần thiết thì yêu cầu cơ quan soạn thảo bắt buộc phải lấy ý kiến một số cơ quan như Tổ thi hành Luật doanh nghiệp, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ... trước khi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ không trái Quy chế làm việc của Chính phủ, nâng cao giá trị văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp và rút ngắn thời gian ban hành văn bản của Chính phủ.

d. Đối với Quốc hội:

- Nên tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách để đẩy nhanh tốc độ xây dựng văn bản luật. Với tốc độ như hiện nay, còn rất nhiều văn bản luật cần được ban hành sẽ không có điều kiện để được Quốc hội thông qua do không đủ thời gian.

- Trong khi chưa thực hiện được việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì trước hết Quốc hội cũng có tầm nhìn vĩ mô để xác định cụ thể từng năm trong cả một nhiệm kỳ, thứ tự Luật cần ban hành theo mức độ cấp bách đòi hỏi của cuộc sống của xã hội và công bố thành một chương trình, không nên đưa ra nhiều chương trình: chính thức, dự bị, chuẩn bị rồi từ đó thay đổi, việc làm này gây ra một sự không bình thường làm cho chất lượng của luật bị ảnh hưởng. Quốc hội cần khẳng định chính thức Luật nào phải được trình để thông qua, nếu không thực hiện được thì cơ quan chủ trì phải bị xử lý chứ không thể cho qua một cách bình thường được. Có như vậy việc thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao mới nghiêm minh.

 - Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật ban hành văn bản áp dụng pháp luật, như đã ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật để việc ban hành loại văn bản này cũng đi vào nề nếp và theo đúng khuôn mẫu thống nhất.

- Đề nghị Quốc hội tăng cường thực hiện công tác giải thích luật bằng văn bản chính thức và tăng cường công tác kiểm tra thực hiện luật. Có như vậy việc hiểu và thực hiện luật mới thống nhất và hiệu quả của những văn bản luật mới được nâng cao.                                 

Nhìn lại một chặng đường trên 55 năm thành lập và phát triển, tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công việc chung của toàn ngành giao thông vận tải và sự nghiệp pháp chế của đất nước. Đánh giá đúng thực trạng tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ cũng như đề ra phương hướng, giải pháp kiện toàn tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức là góp phần củng cố hệ thống pháp chế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với xu thế  hội nhập khu vực  và quốc tế.

Bản báo cáo này do tôi biên soạn và đã được Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải của Bộ Giao thông vận tải Phan Bá Hiếu nhất trí, chấp nhận.

 

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

 

 

NGUYỄN TIẾN VỴ

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công nghiệp.

 

A.   THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

      PHÁP CHẾ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

 

I.     Vài  nét về sự hình thành và phát triển của ngành Công nghiệp

 

1.    Vị trí, tầm quan trọng của ngành công nghiệp trong sự nghiệp

          xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

          Công nghiệp là một ngành sản xuất quan trọng, là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Để phát triển kinh tế xã hội không một quốc gia nào lại không tiến hành công nghiệp hóa, với những phương thức và bước đi khác nhau phụ thuộc vào điều kiện khách quan và yếu tố chủ quan của mình. Nhìn chung sản xuất công nghiệp tạo ra nguồn thu cho nền kinh tế và giải quyết việc làm cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp.

          Khi ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến phát triển sẽ làm tăng đáng kể giá trị của các ngành sản xuất nguyên liệu như nông lâm, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản và thúc đẩy các ngành này phát triển.

          Chỉ có phát triển công nghiệp mới tạo ra nhiều chủng loại, số lượng sản phẩm và dịch vụ đời sống xã hội. Sự phát triển của sản xuất công nghiệp là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia. Đó chính là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao.

          Việt Nam là một quốc gia nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp,  phát triển nông nghiệp là rất quan trọng nhưng không đủ để vươn lên ngang hàng với các quốc gia có thu nhập trung bình vì chúng ta không có nhiều đất canh tác. Hơn nữa, phát triển nông nghiệp dựa vào cơ cấu và năng suất cây trồng thì càng không dễ gì, vì theo tiêu chuẩn quốc tế năng suất cây trồng ở Việt Nam không còn ở mức thấp.

          Công nghiệp hóa nhanh là giải pháp hàng đầu đối với hầu hết các nước nghèo muốn vươn lên hàng các quốc gia có mức thu nhập trung bình, nhưng phần lớn các nước này không có khả năng làm được, vì công nghiệp hóa đòi hỏi phải có vốn và quan trọng hơn nữa là phải có lao động lành nghề. Hai yếu tố này ở các nước trên đều không đủ. Khác với các nước nghèo khác, Việt Nam nghèo về đất đai, tiền vốn nhưng giầu có về nhân lực. Đây là cơ sở để công nghiệp Việt Nam có thể bước vào con đường công nghiệp hóa với nhiều thuận lợi hơn một số quốc gia nghèo khác.

          Xuất phát từ đặc điểm trên, Đảng ta chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trung tâm cho toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

          2. Tổ chức quản lý Nhà nước về công nghiệp hiện nay

          Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế - xã hội, đưa vị thế của Việt Nam ngay càng cao trên trường quốc tế. Thành quả đó có phần đóng góp xứng đáng của ngành công nghiệp nước ta đang ngày càng phát triển vững mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13-15%, các cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành trên khắp mọi miền đất nước với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

          Đi đôi với sự phát triển của các ngành công nghiệp, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về công nghiệp đã hình thành và từng bước được bổ sung hoàn thiện. Trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi tổ chức khác nhau, đến ngày 21 tháng 10 năm 1995, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 đã ra Nghị quyết về việc thành lập Bộ Công nghiệp (tên gọi này được lặp lại sau 40 năm) trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng và Công nghiệp nhẹ.

          Bộ Công nghiệp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ngành công nghiệp : cơ khí; luyện kim; điện tử - tin học; hóa chất; địa chất; tài nguyên khoáng sản; mỏ (bao gồm: than, dầu mỏ, khí đốt và đá quý); điện và công nghiệp tiêu dùng trong phạm vi cả nước. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý Nhà nước quy định tại Chương IV - Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm1993 và tại Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp.

          Như vậy, nếu như trước đây công tác quản lý nhà nước ngành Công nghiệp còn phân tán ở nhiều Bộ, thì nay về cơ bản đã tập trung về Bộ Công nghiệp quản lý thống nhất. Đối với 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công nghiệp là cơ quan giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp.

          Hiện nay, các cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành công nghiệp bao gồm 6 Vụ : Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính kế toán, Vụ Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và 2 Cục quản lý nhà nước chuyên ngành : Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

II. Về sự hình thành và phát triển của tổ chức

      pháp chế trong ngành Công nghiệp

 

1.    Tổ chức và hoạt động pháp chế trong ngành

     công nghiệp trước ngày 01 tháng 11 năm 1995

Trước năm 1995, tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành công nghiệp thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 178/HĐBT. Bộ Công nghiệp nặng thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ với 3 cán bộ. Bộ Công nghiệp nhẹ công tác pháp chế do Phòng Hành chính - Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ phụ trách. Còn tại Bộ Năng lượng, công tác pháp chế do Văn phòng Bộ phụ trách. Tuy nhiên, hoạt động pháp chế tại cả 3 Bộ tiền nhiệm của Bộ Công nghiệp đều rất hạn chế. Các bộ phận này mới thực hiện được một số công việc như tham gia đóng góp ý kiến đối với một số văn bản mang tính chất chung do các cơ quan khác gửi đến, tham gia soát xét về mặt hình thức và pháp lý của một số văn bản ở các đơn vị cơ sở công tác pháp chế cũng chưa được quan tâm. Công ty Điện lực I có thành lập Phòng Pháp chế nhưng sau đó chỉ còn một cán bộ làm công tác này.

2. Tổ chức và hoạt động pháp chế trước năm 1998

          Trước năm 1998, hoạt động pháp chế tại cơ quan Bộ Công nghiệp được thực hiện một cách phân tán bởi các Vụ, Viện, Cục trong Bộ, công việc liên quan đến lĩnh vực nào thì đơn vị chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó thực hiện. Văn phòng Bộ chủ yếu chịu trách nhiệm hướng dẫn về kỹ thuật soạn thảo văn bản và làm đầu mối tham gia những văn bản quy phạm pháp luật không liên quan đến các lĩnh vực do các Vụ, Cục, Viện phụ trách. Trong Văn phòng Bộ có Phòng Tổng hợp - Pháp chế với một cán bộ tốt nghiệp Đại học Luật song các hoạt động pháp chế còn rất hạn chế. Vị trí và vai trò của công tác pháp chế rất khiêm tốn so với các hoạt động khác. ở các cơ sở trong ngành công nghiệp, công tác pháp chế cũng chưa được chú trọng. Hầu như không có Tổng công ty, doanh nghiệp hoặc Sở Công nghiệp nào có bộ phận pháp chế. Các hoạt động mang tính chất hoạt động pháp chế đều được giao cho các phòng ban chuyên môn, chủ yếu là phòng Tổ chức - Hành chính đảm nhiệm.

Kết quả lớn nhất của công tác pháp chế trong ngành công nghiệp trước năm 1998 là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản. Bộ đã chủ trì soạn thảo Luật Khoáng sản theo sự phân công của Chính phủ và Luật Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 3 năm 1996. Sau khi Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua, Bộ Công nghiệp đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản và trình Chính phủ thông qua ngày 01 tháng 11 năm 1996. Sau đó Bộ Công nghiệp đã ban hành và phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Có thể nói, việc ban hành một cách đồng bộ các văn bản điều chỉnh hoạt động khoáng sản đã góp phần tích cực lập lại trật tự trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản, ngăn ngừa một cách có hiệu quả các hoạt động trái phép trong lĩnh vực khoáng sản, bảo vệ được tài nguyên của đất nước.

          3. Tổ chức và hoạt động của pháp chế công nghiệp hiện nay

          3.1. Tổ chức và hoạt động của pháp chế cơ quan Bộ Công nghiệp

3.1.1. Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế cơ quan Bộ Công nghiệp.

Đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước ngành công nghiệp, Vụ Pháp chế Bộ Công nghiệp đã được thành lập theo Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng: “là cơ quan chuyên môn giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành công nghiệp; tổ chức công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật” trong ngành công nghiệp. Vụ Pháp chế có các quyền hạn và nhiệm vụ sau:

- Đề xuất chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm của Bộ Công nghiệp; trình Bộ trưởng phê duyệt và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình pháp luật đó.

- Thẩm định về mặt pháp lý các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Giúp Bộ trưởng chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật được giao.

- Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi lấy ý kiến.

- Thường xuyên tổ chức việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành; đề xuất phương án trình Bộ trưởng xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị với Chính phủ đình chỉ việc thi hành những quy định của các Bộ, ngành, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp trái với văn bản pháp luật của nhà nước và văn bản pháp luật thuộc ngành do Bộ ban hành.

- Tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành pháp luật và đề xuất với Bộ trưởng các biện pháp thực hiện pháp luật, ngăn ngừa, loại trừ các vi phạm pháp luật trong ngành công nghiệp.

- Theo dõi, quản lý, hướng dẫn và kiểm tra công tác pháp chế của các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và của các Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thực hiện các việc khác về pháp luật được Bộ giao.

3.1.2. Hoạt động của pháp chế cơ quan Bộ Công nghiệp

- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm và là một trong những hoạt động nổi bật của tổ chức pháp chế.

Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Bộ đã tiến hành tổng kết và kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 68/CP với những quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, phân cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp một số loại giấy phép hoạt động khoáng sản trước đây thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp. Ngày 15 tháng 12 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 68/CP.

Bộ Công nghiệp cũng phối hợp với các Bộ: Công an, Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại các Nghị định 27/CP, 47/CP và 86/CP của Chính phủ.

Bộ đã chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực với sự giúp đỡ về tài chính của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á. Bộ đã hoàn thiện các quy định về tiếp nhận, quản lý lưới điện trung áp nông thôn tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam tiếp nhận hệ thống lưới điên trung áp nông thôn góp phần bảo đảm chất lượng điện năng, chống thất thu và đưa nhanh ánh sáng điện đến với những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá nông thôn. Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp để thay thế Nghị định số 70/HĐBT, Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 về hoạt động điện lực và sử dụng điện để thay thế Nghị định số 80/HĐBT ban hành từ ngày 19 tháng 7 năm 1983.

Hiện nay, Bộ Công nghiệp đang chuẩn bị các dự thảo Nghị định của Chính phủ về:

+ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực,

+ Tổ chức và hoạt động của thanh tra điện lực,

+ Về an toàn điện,

+ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,

+ Cấp giấy phép hoạt động điện lực,

+ Điều tiết hoạt động điện lực,

+ Lập biểu giá điện,

+ Sản xuất và kinh doanh thuốc lá,

+ Quản lý và an toàn hoá chất,

Trong 5 năm qua, Bộ Công nghiệp đã ban hành 750 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có 683 Quyết định, 32 Chỉ thị, 26 Thông tư, 9 Nghị quyết liên tịch và Thông tư liên tịch về các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

          Các văn bản do Bộ Công nghiệp ban hành tập trung vào các lĩnh vực về tổ chức bộ máy, quy chế lề lối làm việc, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ, về đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, về điện lực, khoáng sản, về xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành, về hướng dẫn triển khai các sản phẩm trọng điểm, danh mục các sản phẩm được hưởng ưu đãi trong đầu tư, hướng dẫn thực hiện các quy định đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các văn bản quy định về an toàn trong lĩnh vực hoạt động công nghiệp đặc biệt là công nghiệp năng lượng.

- Công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Xuân Chuẩn làm Trưởng ban. Sau một thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Ban Chỉ đạo đã rà soát các văn bản do Bộ Công nghiệp và các Bộ tiền nhiệm ban hành trong giai đoạn 1976 - 1996 với số lượng hơn 3600 văn bản và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký Quyết định công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp và các Bộ tiền nhiệm ban hành trong giai đoạn 1976-1996 gồm 1014 văn bản.

Bộ đã hướng dẫn các Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Trên cơ sở rà soát các loại giấy phép theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng quyết định bãi bỏ giấy phép hành nghề sản xuất phân NPK do Bộ Công nghiệp nặng ban hành từ năm 1993 đến nay không còn phù hợp với những quy định của Luật Doanh nghiệp và chuyển từ việc cấp giấy phép hành nghề thăm dò khoáng sản sang việc quy định các điều kiện không cần giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.

- Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật.

Một trong những chức năng quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước là thực hiện chức năng kiểm tra việc thi hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của mình. Trong những năm qua, Bộ Công nghiệp đã đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm phát hiện các vi phạm pháp luật, đề xuất với Lãnh đạo Bộ các biện pháp thực hiện pháp luật, ngăn ngừa, loại trừ các vi phạm pháp luật trong ngành công nghiệp. Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở trong ngành như: Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở cơ sở, kiểm tra việc thực hiện các quy chế về tài chính, giá cả, về quản lý đất đai, về việc chấp hành các quy định của Bộ Luật lao động trong việc ký kết hợp đồng lao động, thoả ước lao động, về việc thực hiện các quy định về hợp đồng kinh tế, về việc thực hiện các quy định trong lắp ráp xe máy, về thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ về ghi nhãn sản phẩm hàng hoá, về việc chấp hành các quy định trong hoạt động khoáng sản, về kỹ thuật an toàn công nghiệp, về công tác văn phòng, về quản lý và sử dụng con dấu..

Qua kiểm tra, Bộ đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các vi phạm pháp luật ở cơ sở, giúp các cơ sở nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục. Từ thực tế, các đơn vị đã đề xuất và xây dựng trình Lãnh đạo Bộ ký các chỉ thị nhằm tăng cường công tác quản lý của các đơn vị.

Tuy nhiên đánh giá về kết quả công tác xây dựng và kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành công nghiệp còn nổi lên một số tồn tại cần khắc phục, cụ thể như sau:

+ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tién hành còn chậm và chưa đồng bộ, nhiều lĩnh vực quan trọng chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc đã có thì cũng không còn phù hợp với những quy định hiện hành của pháp luật nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Chất lượng một số Dự thảo văn bản chưa đạt yêu cầu.

+ Việc quán triệt và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

+ Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ở cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên và đều đặn. Văn bản ban hành ra nhưng chưa được đôn đốc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện thường xuyên nên hiệu quả đạt được còn thấp.

Nguyên nhân của những tồn tại trên một phần do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật ở cơ sở còn hạn chế, một phần do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và rộng khắp, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở cơ quan Bộ và các đơn vị cơ sở còn yếu và còn thiếu. Vụ Pháp chế  của Bộ mới được thành lập từ đầu năm 1998 với số lượng biên chế hết sức eo hẹp. Nhiều cơ sở chưa tổ chức được bộ phận pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khách quan về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước của Bộ.

          3.2. Tổ chức và hoạt động pháp chế trong ngành địa chất - khoáng sản

3.2.1. Đặc điểm của công tác quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phát triển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 20 tháng 3 năm 1996 Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Khoáng sản, đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có hai chức năng sau:

a) Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản và tìm kiếm phát hiện mỏ trong phạm vi cả nước với tổng giá trị hàng năm lên tới trên dưới một trăm tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước (với tư cách là một tổ chức sự nghiệp kinh tế);

b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản với hai mảng công việc, đó là:

- Quản lý nhà nước các hoạt động địa chất do bản thân các đơn vị của Cục thực hiện là chủ yếu nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách;

- Quản lý nhà nước các hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản với phạm vi quản lý là toàn ngành, trong cả nước.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản có 2 tính chất:

          Thứ nhất : Đối với công tác khảo sát, thăm dò - quản lý một cách toàn diện từ khâu xét duyệt đề án, cấp giấy phép, theo dõi quá trình thực hiện, thẩm định hoặc xét duyệt báo cáo, lưu trữ các báo cáo tổng kết;

Thứ hai : Đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản : Quản lý chủ yếu ở giác độ tài nguyên khoáng sản với mục tiêu chính là quản lý việc khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo vệ, chống lãng phí tổn thất tài nguyên khoáng sản. Để thực hiện nhiệm vụ này cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và chuyên ngành khác như: kế hoạch đầu tư, an toàn lao động, khoa học, công nghệ và môi trường ...

Do đặc điểm nêu trên, bộ máy của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (cơ quan Cục) vừa thực hiện chức năng chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất với tư cách là một cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp của các đơn vị địa chất, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong toàn ngành địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước.

Cho đến nay, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tuy chưa có tổ chức pháp chế riêng nhưng với đội ngũ hiện có của mình đã có rất nhiều cố gắng để hoàn thành một khối lượng lớn công việc công tác pháp chế, như xây dựng Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật...

3.2.2 Hoạt động pháp chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về địa chất và tài nguyên khoáng sản

Nói chung, hoạt động pháp chế trong ngành địa chất khoáng sản bao gồm hai mặt : xây dựng pháp luật và bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống, cụ thể là các nôi dung sau:

- Xây dựng hoặc làm đầu mối xây dựng và thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản trước khi thủ trưởng quyết định ban hành, đặc biệt là các văn bản có tính quy phạm do đơn vị được phép ban hành theo thẩm quyền (hoặc được cấp trên uỷ quyền) như: quyết định, các định mức, các văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình, quy phạm điều tra cơ bản địa chất trong đơn vị;

- Chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến địa chất và khoáng sản do Bộ giao, như dự thảo luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và các Thông tư hướng dẫn về công tác địa chất và khoáng sản;

- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Cục hoặc các cơ quan, ban ngành ở địa phương gửi tới để lấy ý kiến và tổng hợp các ý kiến để thủ trưởng xem xét, quyết định;

- Thực hiện công tác tư vấn pháp lý cho thủ trưởng đơn vị trong các hoạt động của đơn vị, kể cả trong tổ chức quản lý các hoạt động địa chất cũng như trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản;

- Hệ thống hoá và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện đang áp dụng trong ngành địa chất và khoáng sản nhằm phát hiện những văn bản chồng chéo, các quy định của pháp luật không phù hợp với thực tế hoạt động của ngành hoặc các khoảng trống về pháp luật để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung;

- Thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện các quyết định của cấp trên, việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về địa chất và khoáng sản nói riêng nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật;

- Thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành nói riêng tại đơn vị.

III. Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt

       động pháp chế ngành công nghiệp

          Ngay từ khi thành lập cũng như trong suốt quá trình hoạt động, các đơn vị cơ sở đã làm phát sinh, tham gia nhiều mối quan hệ kinh tế - xã hội khác nhau như : quan hệ kinh tế, quan hệ với người lao động, quan hệ với các cơ quan quản lý... và các quan hệ này được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, sự xuất hiện và tồn tại của hoạt động pháp chế tại các đơn vị cơ sở là một tất yếu khách quan.

          Một mặt, hoạt động pháp chế trong ngành công nghiệp đã góp phần bảo vệ có hiệu quả các quyền lợi chính đáng của cơ quan, doanh nghiệp; giúp lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp ban hành những quyết định khả thi phù hợp với pháp luật và thu được hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, doanh nghiệp.

Mặt khác, hiệu quả của công tác pháp chế trong ngành công nghiệp đã có tác dụng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và bảo đảm sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực trong ngành công nghiệp, góp phần phát triển bền vững để thực sự ngang tầm với vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân.

Vì vậy, có thể nói rằng, hoạt động pháp chế trong ngành công nghiệp đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh tế cũng như góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy vậy, thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động pháp chế trong ngành công nghiệp hiện nay còn  một số khó khăn và hạn chế sau:

          Một là, việc soạn thảo và thẩm định về mặt pháp lý các văn bản còn có nhiều bất cập. Tại nhiều đơn vị, văn bản do phòng, ban nào soạn thảo, phòng ban đó thẩm định nên còn thiếu khách quan. bên cạnh đó, do yêu cầu phải ban hành ngay nên không có thời gian để các phòng ban khác tham gia đóng góp trước khi trình ký. Tại những đơn vị có cán bộ pháp chế chuyên trách thì cũng chỉ có điều kiện tham gia đóng góp những văn bản quan trọng hoặc do yêu cầu của Hội đồng quản trị hoặc lãnh đạo đơn vị hoặc bộ phận soạn thảo.

          Hai là, còn sai sót trong việc thực hiện các chế độ, chính sách hoặc chưa thực hiện đầy đủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (do thiếu hiểu biết hoặc cố ý làm trái) đặc biệt là trong các lĩnh vực: đầu tư, mua sắm, ký kết hợp đồng kinh tế và trong quản lý vốn - tài sản Nhà nước giao. Những sai sót này còn chậm được phát hiện và khắc phục.

          Ba là, do cán bộ được đào tạo ở nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau và trình độ chuyên môn không đồng đều, kiến thức pháp luật chưa được bồi dưỡng có hệ thống, nên có sự cách biệt về nhận thức, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất;

          Bốn là, ở nhiều đơn vị công tác rà soát văn bản, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp  luật cho cán bộ công nhân viên chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến việc hiểu biết về pháp luật của cán bộ, công nhân viên đơn vị còn hạn chế;

          Năm là, công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật của các đơn vị chủ yếu là do các phòng ban nghiêp vụ chuyên môn có liên quan tiến hành, dẫn đến thiếu khách quan, không thu được kết quả như mong muốn vì không có sự tách rời giữa bộ phận quyết định, điều hành và bộ phận kiểm tra, giám sát.

          Thiếu sót bao trùm là nhận thức về công tác pháp chế chưa đúng mức nên việc tổ chức thực hiện công tác này chưa được quan tâm như là một công tác quan trọng không thể thiếu. Đối với những đơn vị không có bộ phận pháp chế hoặc cán bộ pháp chế chuyên trách, hoạt động pháp chế hầu như không được quan tâm đúng mức, công tác pháp chế bị buông lỏng. Đối với những đơn vị đã có bộ phận pháp chế, nhưng hoạt động pháp chế được kiêm nhiệm cùng với công tác khác, nên cán bộ được phân công phụ trách cũng ít đầu tư cho công tác pháp chế vì xem nó là thứ yếu, dẫn đến hiệu quả công tác pháp chế thấp.

          Nguyên nhân khách quan của tình trạng nói trên là nền kinh tế thị trường ở nước ta mới được bắt đầu, chưa phát triển, các mối quan hệ kinh tế còn tương đối đơn giản, việc xử lý các vấn đề pháp lý nảy sinh trong nhiều trường hợp còn mang tính chất duy ý chí, áp đặt, do đó chưa đặt ra yêu cầu gay gắt về công tác pháp chế như ở các nước có nền kinh tế đã phát triển.

          Về chủ quan, một mặt, công tác pháp chế tại các đơn vị trong ngành công nghiệp còn phân tán chưa có đầu mối do chưa có bộ phận pháp chế độc lập về mặt tổ chức với các chức năng nhiệm vụ riêng biệt và rõ ràng. Nhận thức về hoạt động pháp chế của nhiều đơn vị còn chưa được đầy đủ, chưa thấy được sự cần thiết phải có tổ chức pháp chế tại đơn vị. Mặt khác, cho đến nay cũng chưa có một khung pháp lý nào cho việc ra đời và tồn tại của tổ chức pháp chế tại các đơn vị trong ngành công nghiệp.

B. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU LỰC,

     HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ VÀ DỰ KIẾN MÔ

     HÌNH TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU LỰC VÀ HIỆU

           QUẢ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

          Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của hoạt động quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp và thực tế tổ chức, hoạt động của công tác pháp chế trong ngành, cần thiết phải nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác pháp chế nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Có thể nêu ra một số giải pháp cơ bản như sau:

1.    Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và phối

    hợp của các cơ quan chức năng trong hoạt động pháp chế

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế trong ngành công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, thủ trưởng các cơ quan đơn vị đối với tổ chức pháp chế và các mặt hoạt động của công tác pháp chế. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của các cấp uỷ Đảng đến công tác pháp chế. Trong từng giai đoạn, các cấp uỷ Đảng đề ra phương hướng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong ngành công nghiệp, tổ chức thực hiện pháp luật, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, công chức, công nhân viên, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp chế. Trong các Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng cần có nội dung về tăng cường pháp chế trong cơ quan, doanh nghiệp. Các tổ chức Đảng và đảng viên được phân công làm công tác pháp chế phải gương mẫu trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước và quy định của cơ quan, doanh nghiệp.

          Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm, tạo điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, giao lưu trao đổi kinh nghiêm giữa các tổ chức pháp chế trong và ngoài ngành để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2.    Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng

     và sự cần thiết của công tác pháp chế

          Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành đến nay đã tròn bốn năm. Sau khi có Nghị định của Chính phủ, một loạt các tổ chức pháp chế ở các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã được hình thành, củng cố và phát triển.

          Tuy nhiên, hiện nay ở một số cơ quan, đơn vị việc quán triệt Nghị định 94/CP nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng và tạo điều kiện để các tổ chức pháp chế hoạt động còn chưa được quan tâm. Việc quan tâm đến công tác pháp chế ở một số cơ sở còn hạn chế. Điều này có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan.

          Về khách quan : Nghị định số 94/CP ban hành đã được bốn năm song đến nay vẫn chưa có một Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nên các Sở Công nghiệp, các Cục, các Tổng công ty, doanh nghiệp, Viện, Trường trong ngành công nghiệp chưa có mô hình thống nhất để xây dựng pháp chế của cơ quan, doanh nghiệp mình.

          Về chủ quan : Do nhận thức và quyết tâm của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, chưa thấy hết sự cần thiết của tổ chức và hoạt động pháp chế trong cơ quan, doanh nghiệp nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá khi chúng ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, khi chúng ta đang chuẩn bị hội nhập với khu vực và quốc tế. Mặt khác, còn có một lý do nữa, đó là một số cán bộ được phân công làm công tác pháp chế ở các đơn vị chưa thực sự phát huy được vai trò, chưa thực sự năng động nên tác dụng và uy tín còn hạn chế.

          Vấn đề đặt ra là cần phải quán triệt sâu sắc những tinh thần cơ bản của Nghị định số 94/CP của Chính phủ và Quyết định số 08/1998/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp để mọi cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên khác trong cơ quan, doanh nghiệp thấy được sự cần thiết của công tác pháp chế, hiểu rõ những chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế để từ đó tạo điều kiện cho công tác pháp chế hình thành và phát triển.

3.    Xây dựng và củng cố các tổ chức pháp

                chế trong ngành công nghiệp

3.1 Củng cố các tổ chức pháp chế hiện có

          Sau khi có Nghị định số 94/CP của Chính phủ và Quyết định số 08/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp, một số các tổ chức pháp chế ở trong ngành công nghiệp đã được hình thành đi vào hoạt động và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đối với các tổ chức này cần phải củng cố về mặt tổ chức, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tăng cường cán bộ có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò nòng cốt của mình, phát huy những kết quả đã đạt được, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

          Củng cố Vụ Pháp chế để trở thành cơ quan đầu mối quản lý và hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành công nghiệp.

3.2 Xây dựng và phát triển các tổ chức pháp chế mới

          Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các tổ chức pháp chế ở các tổ chức pháp chế ở các Cục, các Sở Công nghiệp, các Tổng công ty, các doanh nghiệp, Viện trường, Trung tâm thuộc Bộ. Mô hình về tổ chức pháp chế trong các cơ quan, doanh nghiệp ngành công nghiệp sẽ trình bày trong mục riêng.

4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế

          Một trong những nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của công tác pháp chế ở các cơ quan, doanh nghiệp là đội ngũ cán bộ pháp chế. Thực tế đã chứng minh, ở cơ quan, doanh nghiệp nào có đội ngũ cán bộ pháp chế mạnh thì ở đó công tác pháp chế được coi trọng và có cơ hội phát huy được vai trò của mình, đóng góp xứng đáng vào kết quả chung của cơ quan, doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra và cũng là nhu cầu cấp bách ở các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay là phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế.

          Đối với những cán bộ có trình độ chuyên môn về ngành kinh tế kỹ thuật nhưng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật hiện đang được các cơ quan, doanh nghiệp bố trí làm công tác pháp chế thì cần được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Những cán bộ còn trẻ, khoẻ cần được gửi đi đào tạo tại Trường Đại học Luật. Số còn lại có thể theo học các khoá bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức pháp luật chung hoặc bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành do Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công nghiệp mở.

          Hình thức mở lớp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Có thể mở lớp bồi dưỡng kiến thức chung và phương pháp công tác pháp chế trong ngành công nghiệp hoặc các lớp chuyên đề về hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, về soạn thảo văn bản, về thẩm định văn bản, nghiệp vụ rà soát văn bản...

          Tiến tới cán bộ pháp chế ở cơ sở phải đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ pháp lý tương ứng với nhiệm vụ được giao. Cán bộ Pháp chế ở Vụ Pháp chế và Pháp chế các Cục, Vụ, Tổng công ty, Sở Công nghiệp phải có trình độ đại học chuyên ngành và đại học Luật. Cán bộ pháp chế ở các cơ sở khác phải có trình độ đại học chuyên ngành và trình độ pháp lý phải đạt tối thiểu từ trung cấp trở lên. Phối hợp với Phân viện Hà Nội mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp Phòng, Ban Pháp chế trở lên.

5. Mở rộng và tăng cường các hoạt động pháp chế

          Để tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế trong các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cần phải mở rộng và tăng cường các hoạt động pháp chế, cụ thể:

          - Đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác của cơ quan doanh nghiệp như Quy chế, Nội quy, Quy định nhằm đưa mọi hoạt động của cơ quan đi vào nền nếp.

          - Rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

          - Thẩm định các văn bản trước kh trình Lãnh đạo ký.

          - Tư vấn các vấn đề thuộc về Hợp đồng.

          - Đại diện cho các cơ quan, doanh nghiệp trong các vụ tranh tụng trước toà.

          - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

          - Tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ở cơ sở.

6.    Hoàn thiện và bổ sung hệ thống văn bản quy phạm  

    pháp luật chi phối các hoạt động của ngành công nghiệp

 

6.1.        Một số văn bản quy phạm pháp luật liên

         quan đến các hoạt động kinh tế.

- Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Luật Doanh nghiệp nhà nước được ban hành ngày 20 tháng 4 năm 1995. Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ nhiều tồn tại đòi hỏi phải được sửa đổi bổ sung như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước, cơ chế tạo động lực đối với doanh nghiệp và người lao động, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, quyền của chủ sở hữu nhà nước, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị..

- Các Luật thuế.

Trong những năm qua, các Luật thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế của đất nước, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, tạo nên sự công bằng trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước có đủ sức cạnh tranh để chuẩn bị cho sự hội nhập với khu vực và thế giới… Mặc dù vậy, nhiều quy định trong các Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tính đến các đặc thù riêng của từng ngành, từng khu vực...nên trong quá trình áp dụng đã nảy sinh nhiều điều bất hợp lý.

- Các văn bản dưới luật.

Nhìn chung, các văn bản dưới luật có nhược điểm khá phổ biến là ban hành không kịp thời, thiếu đồng bộ, nội dung hướng dẫn chưa thật rõ ràng, cụ thể, đôi khi còn tạo nên những mâu thuẫn, chồng chéo... khiến cho việc thi hành luật pháp gặp không ít khó khăn.

6.2.        Các văn bản quy phạm pháp luật liên

          quan đến hoạt động của ngành điện lực

- Luật điện lực.

Luật điện lực điều chỉnh và quy định các nguyên tắc, chuẩn mực trong hoạt động điện lực, xác định địa vị pháp lý của các đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân sử dụng điện, chức năng quản lý nhà nước và điều tiết hoạt động điện lực ở Việt Nam.

Ban chỉ đạo xây dựng Luật Điện lực được thành lập từ tháng 6 năm 1996 và Dự thảo Luật lần thứ nhất đã được xây dựng xong vào tháng 01 năm 1997. Hiện nay, dự thảo Luật Điện lực lần thứ 15 đã được chuẩn bị xong đang báo cáo Ban chỉ đạo để xin ý kiến nhằm hoàn chỉnh trình Chính phủ để xin ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan để sau đó tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội vào nhiệm kỳ 2002-2006. Một số nội dung cần được chú ý thể hiện hợp lý, rõ ràng, cụ thể trong Luật và các văn bản dưới luật như: Nghị định về giá điện, Quy chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tiết, thủ tục cấp phép hoạt động điện lực, về quan hệ hợp tác quốc tế, về cơ cấu của ngành điện trong tương lai.

- Về điều tiết điện lực.

Trong quá trình cải tổ ngành điện, cần tách chức năng điều tiết điện lực ra khỏi chức năng chủ sở hữu. Cơ quan điều tiết điện lực có chức năng giám sát các yếu tố độc quyền trong ngành điện lực, giám sát các hoạt động điện lực trong nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, cấp giấy phép hoạt động điện lực, tư vấn và kiến nghị về biểu giá điện, quản lý nhu cầu sử dụng điện, một số nhiệm vụ liên quan đến kế hoạch đầu tư và xây dựng điện, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cũng như của người sử dụng điện.

- Cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực thì việc xác định, kiểm tra điều kiện và năng lực của đơn vị điện lực có đảm bảo hoạt động được ổn định và liên tục là rất cần thiết. Do vậy việc cấp giấy phép phải dựa trên nguyên tắc là chỉ cấp cho các tổ chức, cá nhân có đủ khả năng, điều kiện thực hiện các nghĩa vụ quy định trong luật và chỉ cấp cho các hoạt động điện lực phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

- Lập và duyệt biểu giá điện.

Cũng xuất phát từ chủ trương đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh trong ngành điện, đảm bảo cho ngành điện có khả năng tự cân đối tài chính, tạo được uy tín tài chính trên thị trường trong và ngoài nước, tiến tới tự vay, tự trả, không cần bảo lãnh của nhà nước. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động điện lực. Nhà nước cần quy định cơ chế xác định và duyệt biểu giá điện, tạo ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thực hiện các dự án BOT, BOO, IPP. Về nguyên tắc, biểu giá điện phải thể hiện đầy đủ các chi phí hợp lý, phản ánh chi phí biên dài hạn, tăng cường khả năng thu hồi vốn cho các doanh nghiệp. Khi thiết lập cơ chế duyệt giá điện cần xem xét kết hợp giữa tổ chức đầu tư, chủ sở hữu với các cơ quan nhà nước trình và duyệt biểu giá điện nghĩa là gắn liền quan hệ giữa đầu tư và giá cả.

- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực

Cần soạn thảo và ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm những quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước về điện lực, những vi phạm trong lĩnh vực hoạt động và sử dụng điện nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự để thay thế quy trình xử lý vi phạm điện và quy trình xử lý vi phạm cung ứng điện do các cơ quan nhà nước ban hành trước đây đến nay không còn phù hợp với những quy định trong Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

- Công tác Thanh tra chuyên ngành điện lực.

Hiện nay hệ thống giám sát điện năng dưới sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp vẫn chỉ thực hiện chức năng giám sát việc cung ứng và sử dụng điện theo Điều lệ cung ứng và sử dụng điện ban hành kèm theo Nghị định số 80/HĐBT ngày 19 tháng 7 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng.

Từ khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập, chức năng quản lý nhà nước đã được tách khỏi chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, do vậy Nhà nước cũng cần xem xét lại chức năng giám sát điện năng để hình thành chức năng thanh tra chuyên ngành điện lực:

+ Giám sát và buộc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn điện cho các hoạt động điện lực,

+ Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định trong nội dung Giấy phép hoạt động điện lực, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động điện lực,

+ Xem xét và giải quyết các khiếu nại của các đơn vị điện lực và khách hàng liên quan đến cung ứng và sử dụng điện.

- Quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả.

Việc chỉ đạo và quản lý nhà nước về nhu cầu điện đang còn bị phân tán, chưa có tổ chức chịu trách nhiệm chính. Nội dung này liên quan chặt chẽ tới chế độ, chính sách sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng năng lượng trong đó có điện năng. Để việc sử dụng tài nguyên năng lượng được hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả cần thiết phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về lĩnh vực này.

- Bảo vệ an toàn điện.

Trong những năm gần đây, hiện tượng vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn điện không ngừng gia tăng gây tổn thất về người và tiền của nhân dân và nhà nước. Ngày 08 tháng 7 năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/1999/NĐ - CP về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Hiện nay, cần thiết phải xây dựng một Nghị định về an toàn điện nói chung để làm cơ sở cho việc ban hành các quy trình, quy phạm trong lĩnh vực này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do việc mất an toàn điện gây ra.

6.3.        Các văn bản quy phạm pháp luật liên

quan đến hoạt động khoáng sản

Cần sớm có kế hoạch đánh giá 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản để có những đề xuất nhằm sửa đổi bổ sung những quy định của Luật Khoáng sản để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam trong thời gian tới. Cần tháo gỡ vấn đề liên quan đến việc phân cấp quản lý các nhiệm vụ điều tra địa chất giữa các Vụ chức năng của Bộ Công nghiệp với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các liên đoàn để tránh tình trạng phân tán lực lượng cán bộ quản lý, chi phí bộ máy cao và giải quyết những vướng mắc trong sản xuất không kịp thời.

Cần tổ chức hệ thống thanh tra khoáng sản từ Trung ương đến địa phương có đầy đủ năng lực (con người, phương tiện, tài chính) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản

Tăng cường sự phối hợp giữa ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý tài nguyên khoáng sản. Sớm xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt dộng của Thanh tra khoáng sản để trình Chính phủ ban hành tạo điều kiện cho Thanh tra khoáng sản có đủ điều kiện về pháp lý và cơ sở vật chất, phương tiện nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi), phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để xây dựng các văn bản về vay vốn tín dung ưu đãi cho hoạt động thăm dò khoáng sản, hoàn chỉnh và ban hành các bộ đơn giá, định mức trong hoạt động thăm dò địa chất.

Cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngành than trong đó có các quy định về định mức, kiểm kê, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng đất bóc và sản lượng than ở các mỏ lộ thiên, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy phạm an toàn khai thác than hầm lò và diệp thạch.

6.4.        Các văn bản quy phạm pháp luật liên

          quan đến quản lý và an toàn hoá chất

Cần sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và an toàn hoá chất để đưa công tác quản lý và an toàn hoá chất đi vào nền nếp. Tiến tới chuẩn bị và xây dựng Luật Hoá học để trình Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ 2002 - 2006.

Thực hiện quy định tại Điều 42 của Luật phòng, chống ma tuý và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp cần sớm xây dựng và ban hành danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp.

DỰ KIẾN ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH TỔ CHỨC

           PHÁP CHẾ TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP

          Đề nhanh chóng đưa công tác pháp chế trong ngành công nghiệp đi vào nền nếp và phát huy vai trò của pháp chế trong hoạt động quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần kiện toàn các tổ chức pháp chế. Dự kiến mô hình tổ chức pháp chế trong các cơ quan doanh nghiệp trong ngành công nghiệp như sau:

1.    Dự kiến mô hình tổ chức pháp

    chế ở cơ quan Bộ Công nghiệp

          Vụ Pháp chế làm đầu mối giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước ngành công nghiệp bằng pháp luật. Đề nghị Bộ bổ sung biên chế và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, chuyên viên để đảm đương được nhiệm vụ Bộ giao.

          Các Vụ, Thanh tra Bộ và Văn phòng Bộ có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế để giúp Thủ trưởng đơn vị trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến văn bản quy phạm pháp luật.

          Các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành có Phòng Pháp chế hoặc Tổ Pháp chế để giúp Cục trưởng trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hiện nay công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra việc thi hành pháp luật đang là một trong những công tác trọng tâm trong chương trình công tác của các Cục này.

          2. Dự kiến  chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế

Dự kiến Vụ Pháp chế có những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau đây:

           - Cùng các bộ phận khác, đề ra và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm ngặt pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Bộ; áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật.

           - Cùng các bộ phận khác, trong một số trường hợp thì chủ động tổng hợp thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành, đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật và trình lãnh đạo Bộ xem xét những kiến nghị đó.

           - Thẩm định các dự thảo Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và các văn bản qui phạm khác trình lãnh đạo Bộ, xét về mặt phù hợp với những yêu cầu của pháp luật, và phê duyệt các dự thảo đó; tự mình hoặc cùng các bộ phận khác chuẩn bị kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những chỉ thị và văn bản qui phạm pháp luật của Bộ thực tế đã hết hiệu lực.

           - Tham gia dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ, Quyết  định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản qui phạm khác do Bộ soạn thảo; tự mình hoặc cùng các bộ phận khác cho kết luận về Dự thảo các văn bản qui phạm pháp luật gửi lấy ý kiến của Bộ; thẩm định Dự thảo các văn bản qui phạm pháp luật và các kết luận trình lãnh đạo Bộ.

           - Tham gia đề xuất kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống quản lý ngành, xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các bộ phận trong cơ cấu Bộ, cũng như của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan và của những người có chức vụ.

- Tham gia đề ra và thực hiện các biện pháp nhằm tổ chức đấu tranh chống việc làm ra sản phẩm kém phẩm chất, chống việc làm tổn thất các giá trị vật chất, chống ăn cắp, làm thiếu hụt tài sản.

           - Lãnh đạo công tác pháp chế trong ngành và kiểm tra tình hình công tác này; tổ chức trao đổi kinh nghiệm công tác của các bộ phận pháp chế; triệu tập các hội nghị, tổ chức hội thảo theo chế độ qui định.

           - Đại diện cho quyền lợi của Bộ trước Toà án, Trung tâm trọng tài cũng như trước các cơ quan khác khi giải quyết các vấn đề pháp lý, theo chế độ qui định.

           - Cùng các bộ phận khác thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ pháp chế và nâng cao kiến thức pháp lý của công chức trong bộ máy cơ quan Bộ và của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan trực thuộc Bộ.

           - Đề ra các biện pháp tuyên truyền pháp luật trong hệ thống Bộ và giải thích các vấn đề pháp lý theo yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan trực thuộc Bộ; cung cấp cho họ thông tin về pháp luật hiện hành và thực tiễn thi hành pháp luật; làm tư vấn cho công nhân viên bộ máy cơ quan Bộ về các vấn đề pháp lý; chuẩn bị cho lãnh đạo Bộ tài liệu tham khảo về pháp luật.

           - Tổ chức thống kê và bảo quản các văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành; áp dụng các biện pháp cải tiến việc cung cấp tài liệu tài liệu tham khảo về pháp luật cho các bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.

           - Phân tích thông tin và các tài liệu khác về công tác pháp chế do doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan gửi lên; tổng hợp các vấn đề và báo cáo với lãnh đạo Bộ khi cần thiết.

           - Tương trợ pháp lý cho các ban chấp hành công đoàn và các tổ chức xã hội khác của Bộ.

           Tuỳ theo đặc điểm của ngành, tuỳ theo lĩnh vực công tác pháp chế (công tác pháp chế kinh tế, công tác pháp chế lao động...) mà Vụ Pháp chế có thể sử dụng những phương pháp, biện pháp khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ chung nói trên cho thích hợp.

 

BÁO CÁO THỰC TRẠNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

 

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CỦNG CỐ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CỦA

TỔNG CỤC DU LỊCH

 

 

TS. Nguyễn Thị Bích Vân

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Tổng cục Du lịch

 

I.                Lịch sử hình thành, phát triển của

tổ chức pháp chế Tổng cục du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và sẽ là lĩnh vực phát triển năng động nhất trong thế kỷ 21. Tại Đại hội của Đảng toàn quốc lần thứ IX, du lịch được xác định là “một ngành kinh tế mũi nhọn”. Tuy nhiên, tổ chức quản lý bộ máy nhà nước về du lịch đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi thành lập và tại thời điểm hiện nay vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ được xác định cho ngành du lịch. Bối cảnh đó không thể không tác động đến sự hình thành và phát triển của tổ chức pháp chế ngành du lịch.

Ngành du lịch Việt Nam, tiền thân là Công ty Du lịch Việt Nam ra đời ngày 9/7/1960. Ban đầu chủ yếu là phục vụ khách của Đảng và Nhà nước. Tháng 6/1978 Tổng cục Du lịch được thành lập, là cơ quan thuộc Chính phủ. Đầu những năm đổi mới, tháng 4/1990 Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ Văn hoá (saulà Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao - Du lịch). Tháng 6/1991 Tổng cục Du lịc chuyển về Bộ Thương mại (sau là Bộ Thương mại - Du lịch).

Năm 1992 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tổ chức bộ máy ngành du lịch. Nghị định 05/CP ngày 26/10/1992 thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/CP ngày 27/12/1990 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục Du lịch. Tại Nghị định này chưa có đề cập gì về tổ chức pháp chế trong cơ cấu bộ máy giúp việc cho Tổng cục trưởng.

Theo Nghị định 20/CP của Chính phủ, Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch trong phạm vi cả nước. Bên cạnh các nhiệm vụ như xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực du lịch chủ yếu như hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch; kinh doanh lữ hành (nội địa, quốc tế), vận chuyển khách du lịch; tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế, quản lý đầu tư các khu du lịch quốc gia... Tổng cục Du lịch còn có một nhiệm vụ quan trọng thể hiện rõ nhất chức năng quản lý Nhà nước đó là soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch; cấp và thu hồi một số giấy phép trong hoạt động kinh doanh du lịch. Trước đây, văn bản quản lý Nhà nước chưa nhiều, chủ yếu là các văn bản cấp Tổng cục chủ yếu mang tính chất quy định, hướng dẫn nghiệp vụ, điều hành thị trường khách du lịch. Do đó, các văn bản về những vấn đề nói trên (bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản điều hành) đều do các vụ quản lý chuyên môn soạn thảo trình Tổng cục ban hành.

Sau khi có Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức Pháp chế Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1046/1997/QĐ-TTg ngày 8/12/1997 thành lập Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch. Tiếp đó, ngày 23/12/1997, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ra quyết định số 407/QĐ-TCDL về chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế. Nghị định 94/CP là cơ sở để công tác pháp chế trong ngành du lịch được nhìn nhận và đánh giá đúng vị trí của nó.

Trước đó, công tác pháp chế không được xác định là một lĩnh vực chuyên môn độc lập. Một số cán bộ có bằng đại học luật ở Tổng cục Du lịch được phân về các vụ chuyên môn và phụ trách công việc khác nhau, không chuyên về các văn bản quy phạm pháp luật. Tại Văn phòng có cán bộ pháp lý làm việc song không có bộ phận pháp lý riêng. Sau đó, coong tác pháp chế được ghép vào công tác tổng hợp theo Quyết định thành lập Phòng Tổng hợp – Thi đua – Pháp chế.

Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch được thành lập với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định 94/CP, có cơ cấu dự tính là 6 cán bộ (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và 04 chuyên viên). Tuy nhiên, từ khi thành lập đến năng 2000, Vụ Phápc hế chỉ có 02 cán bộ (01 Vụ truởng, 01 chuyên viên). Với lực lượng ít ỏi, Vụ Pháp chế chưa triển khai hết các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, song đã góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong xây dựng pháp luật như: Soạn thảo trình Chính phủ và UBTVQH ban hành Pháp lệnh Du lịch – một văn bản có hiệu lực pháp lý cao của ngành, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ cho ngành du lịch.

Cho đến nay, Vụ Pháp chế có 07 cán bộ (01 Vụ trưởng, 01 Vụ phó và 05 chuyên viên, tuy nhiên, sắp tới đồng chí Vụ phó được bổ nhiệm chức vụ mới nên Vụ Pháp chế chỉ còn 06 cán bộ).

II.            THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC

            PHÁP CHẾ TỔNG CỤC DU LỊCH:

1.     Đặc điểm cơ bản về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức

     bộ mấy của Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch:

Ở thời kỳ đầu hình thành, ngành du lịch nhằm mục tiêu dáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước. Quy mô tổ chức nhỏ bé ; cơ quan quản lý ngành du lịch mới tồn tại như một đơn vị chuyên môn có chức năng tham mưu cho Bộ chủ quản thực hiện một số nhiệm vụ hạn hẹp, không đủ sức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước.

Tổng cục Du lịch được thành lập lại; ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế độc lập, có chức năng quản lý Nhà nước về du lịch trong cả nước. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch được tổ chức hoàn chỉnh từ TW đến địa phương với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của mọt cơ quan quản lý Nhà nước của một ngành (giống như các Bộ, cơ quan ngang Bộ). Trực thuộc Tổng cục Du lịch có 15 doanh nghiệp nhà nước; 07 đơn vị sự nghiệp có thu, hoạch toán độc lập. Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương có 14 sở du lịch và 47 sở thương mại- du lịch.

Về chức năng cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nưúc về du lịch ở Việt Nam có thể chia thành các nhóm sau:

·       Quy hoạch, kế hoạch, quản lý công tác đầu tư các khu du lịch;

·       Xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật;

·       Cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn;

·       Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ (lữ hành, khách sạn, công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch);

·       Tuyên truyền quảng bá; hợp tác quốc tế;

·       Đào tạo nguồn nhân lực;

·       Thanh tra, kiểm tra;

·       Thực hiện quản lý với tư cách cơ quan chủ quản đối với các doanh ngiệp trực thuộc;

Trên thế giới, có nhiều mô hình khác nhau về cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Song về cơ bản, dù nằm độc lập hay được cơ cấu trong một Bộ quản lý đa ngành, dưới hình thức Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hay Hội đồng, cơ quan du lịch quốc gia đều có chung các chức năng sa:

-        Quản lý hành chính tổng thể các hoạt động du lịch;

-        Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch quốc gia;

-        Xây dựng các chính sách vĩ mô quản lý điều hành hoạt động du lịch; bảo vệ khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch, môi trường tự nhiên và giám sát các hoạt động triển khai thực thi chính sách;

-        Xúc tiến, phát triển thị trường;

Xem xét các chức năng của cơ quan quản lý Nha fnưúc về du lịch cho thấy công tác pháp chế đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc thực hiện quản lý bằng pháp luật mà còn thể hiện ở sự tham gia thể chế hoá cơ chế chính sách quản lý vĩ mô của ngành du lịch.

2. Hoạt động tổ chức pháp chế ngành du lịch

 2.1. Công tác xây dựng pháp luật.

Xây dựng pháp luật là trọng tâm của công tác pháp chế, đặc biệt đối với công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Kể từ khi Pháp chế du lịch được ban hành, Vụ pháp chế Tổng cục Du lịch đã tham gia xây dựng và hoàn chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình thành khung pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Nói đến pháp luật về du lịch không chỉ bao gồm hệ thống văn bản chuyên ngành như các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh, các văn bản pháp quy về quản lý hoạt động du lịch...Pháp lệnh du lịch đã xác định du lịch là “ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao”. Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch liên quan đến nhiều ngành khác nhau trong mối quan hệ phụ thuộc, tác động qua lại. Vì lý do đó, để hỗ trợ bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch. Thành viên của Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan liên quan trực tiếp đến du lịch như Bộ Công An, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thương mại, Cục Hàng không dân dụng và Tổng cục Du lịch.

Đây là một hình thức tổ chức liên ngành nhằm xây dựng các chính sách quản lý vĩ mô và xử lý các vấn đề liên ngành phát sinh. Nói cách khác trong hệ thống pháp luật về du lịch có các vùng giao thoa giữa các lĩnh vực quản lý ngành khác nhau, thể hiện ở các mối quan hệ sau:

+ Quy định về xuất nhập cảnh: Bao gồm các quy định về cấp hộ chiếu, thị thực, hải quan, thủ tục kiểm tra hành lý, quy định về hàng hoá khách du lịch, hành lý được phép mang theo. Đây là những quy định nhạy cảm vì nó tác động trực tiếp đến khách du lịch. Nếu quy định theo hướng thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

+ Quy định về bảo vệ và phát huy nền văn hoá dân tộc: các di tích văn hoá, lịch sử đều là những điểm đến của khách du lịch. Ngược lại các giá trị văn hoá lịch sử chỉ có thể phát huy nhanh và rộng thông qua hoạt động du lịch trong nước và lan truyền ra phạm vi thế giới. Phân định trách nhiệm quản lý giữa ngành văn hoá và du lịch đối với các khu, điểm du lịch có di tích văn hoá là ván đề bức xúc hiện nay.

+ Quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường: Sự phát triển của du lịch có tác động rất lớn đến môi trường sinh thái. Tài nguyên, môi trường là không gian cho du lịch song đồng thời cũng là nạn nhân của hoạt động du lịch. Gần đây vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra như một vấn đề bức xúc, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Cũng tương tự như vậy, các khu rừng quốc gia, khu vực bảo tồn tự nhiên là những điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái song việc bảo vệ môi truường tự nhiên, hệ sinh thái cũng trở nên vô cùng quan trọng.

Điểm qua một số mối quan hệ trên đây để thấy việc phối hợp liên ngành trong xây dựng các quy định pháp luật là rất quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay công tác xây dựng pháp luật của Tổng cục Du lịch mới chỉ dừng lại ở các văn bản điều chỉnh các hoạt động trực tiếp của ngành, chưua được triển khai ở tầm liên ngành mà ở đó cần phải có các quy định được banhành dưới hình thức liên ngành. Động chạm đến các vấn đề liên ngành, Tổng cục Du lịch mới chỉ tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể, mang tính điều hành, giải pháp. Các vụ chức năng chỉ tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục xử lý vấn đề theo hướng giải pháp tình thế. Chính vì vậy, ở đây đòi hỏi Vụ Pháp chế phải có tầm nhìn vĩ mô để đề xuất các vấn đề cần điều chỉnh bằng pháp luật.

* Trong công tác xây dựng pháp luật, chuẩn bị và đề xuất kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật là khâu quan trọng. Sáng kiến này có thể xuất phát từ các Vụ chức năng trong hoạt động quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý Nhà nước của ngành song về cơ bản, Vụ Pháp chế phải có vai trò đưa ra sáng kiến xây dựng pháp luật bên cạnh vai trò làm đàu mối tôngr hợp các đề xuất xây dựng chương trình, kế hoạch ban hành văn bản pháp luật như quy định trong Nghị định 94/CP. Đề xuất về chương trình xây dựng pháp luật của Bộ, ngành dựa trên các căn cứ:

- Các văn bản Luật, Pháp lệnh trong đó xác định các Nghị định hướng dẫn thi hành cần phải ban hành;

- Các Nghị định của Chính phủ xác định các thông tư, Quyết định, chỉ thị cần phải ban hành;

- Nhu cầu phát sinh từ công tác quản lý Nhà nước nhằm cụ thể hoá hoặc triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành. Ví dụ, để triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhiệm vụ đầu tư xây dựng khu du lịch, Vụ Pháp chế đề xuất xây dựng Thông tư liên bộ Tổng cục Du lịch - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về bảo vệ môi trường trong ngành du lịch; đề xuất xây dựng cơ chế quản lý các dự án đầu tư trong ngành du lịch; quy chế quản lý tài chính đối với chương trình hành động quốc gia...Các văn bản nêu trên không được xác định trong Luật, pháp lệnh hay Nghị định của Chính phủ.

- Đề xuất chương trình xây dựng pháp luật của Bộ, ngành bao gồm đề xuất về nội dung, hình thức văn bản, phạm vi áp dụng, thời gian dự kiến ban hành.

* Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: Đây là hoạt động trọng tâm của Vụ Pháp chế, bao gồm hai loại công việc chủ yếu:

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật;

+ Thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trong hoạt động này, công việc soạn thảo và thẩm định về mặt pháp lý trong nhiều trường hợp không phải là hai công việc, hai giai đoạn độc lập tách rời. Điều này phụ thuộc vào năng lực soạn thảo văn bản các Vụ chuyên môn. Trong ngành du lịch cũng như nhiều Bộ ngành khác, đầu tiên văn bản đuợc giao cho các Vụ chuyênmôn soạn thảo, lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp, trừ các văn bản giao cho Vụ Pháp chế trực tiếp chủ trì. Vụ Pháp chế bắt đầu tham gia từ giai đoạn gửi đi lấy ý kiến các Bộ, ngành. Lúc này, việc xem xét tính pháp lý của văn bản là quan trọng. Có thể coi công việc thẩm định pháp lý bắt đầu từ giai đoạn này, tức là ngay trong quá trình văn bản còn đang được thảo luận, xin ý kiến, chưa phải là giai đoạn cuối trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nói cách khác, hoạt động thẩm định của Vụ Pháp chế không giống như việc thẩm định của Bộ Tư pháp là giai đoạn cuối cùng trước khi văn bản được trình Chính phủ.

Hoạt động thẩm định xem xét kết hợp các yếu tố sau:

- Sự phù hợp của dự thảo với mục tiêu quản lý, chiến lược của ngành;

- Sự phù hợp với chủ trương cải cách hành chính Nhà nước, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Sự thống nhất của dự thảo với cá văn bản quy pạhm pháp luật khác (kể cả trong và ngoài ngành);

- Các khái niệm pháp lý sử dụng trong dự thảo, hình thức, bố cục của dự thảo.

Trên thực tế, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch tham gia ngay từ giai đoạn đầu soạn thảo (giai đoạn sơ thảo). Theo chúng tôi, việc tham gia từ sớm là rất quan trọng nhằm tránh sự đảo lộn về nội dung, bố cục văn bản nếu như sau này phát hiện ra sự không phù hợp hợc không thống nhất về mặt pháp lý buộc phải thay đổi cơ bản nội dung dự thảo.

* Vai trò của Vụ Pháp chế đối với các loại văn bản khác, kông mang tính quy phạm pháp luật (Văn bản quản lý, điều hành)

Đây là một hoạt động chưa được đề cập tới trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ của pháp chế bộ ngành song trên thực tế Vụ pháp chế vẫn tham gia theo yêu cầu của lãnh đạo Cơ quan chủ quản. Văn bản không mang tính quy phạm bao gồm các quyết định áp dụng thí điểm hoặc lâu dài đối với một số quan hệ (Ví dụ quyết định 229/QĐ của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) về đón khách Trung Quốc; các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; các văn bản hướng dẫn, giải thích hoặc triển khai một số quy định pháp luật; các giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định liên quan đến tài sản doanh nghiệp hoặc giải thể, sáp nhập doanh ngiệp trực thuộc, liên quan đến việc tuyển, sa thải, khen thưởng, kỷ luật cán bộ...Nói cách khác, đây là những quyết định cá biệt hoặc quyết định áp dụng pháp luật. Tuy không phải là văn bản quy phạm nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng vì liên quan đến quyền và lợi ích của đối tượng áp dụng đồng thời uy tín, trách nhiệm của người ký quyết định. Chính vì vậy, bảo đảm về mặt pháp lý để các quyết định này được ban hành đúng pháp luật là mong muồn của lãnh đạo cũng như mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, công việc có tính chất “gác cổng về mặt pháp lý” này trong một chừng mực nhất định sẽ can thiệp vào hoạt động điều hành, quản lý thường xuyên của cơ quan chủ quản. Song, làm được điều này sẽ tránh được những khiếu nại, khiếu kiện xảy ra sau khi quyết định đã được ban hành. Trong điều kiện một số quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, quy trình, thủ tục hành chính rõ ràng, min bạch thì công việc thẩm định tính pháp lý của quyết định sẽ đơn giản hơn, song ở Việt nam đây là vấn đề cần suy nghĩ thêm vì dù không muốn, nó vẫn tạo thêm một thủ tục hành chính nữa làm chậm lại quá trình ra quyết định. Hơn nữa công việc này đòi hỏi cán bộ không chỉ có trình độ pháp lý mà phải có kiến thức đầy đủ về các lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành bởi vì việc thẩm định như vâỵ không chỉ bao gồm thẩm định về mặt pháp lý mà còn thẩm định cả vê mặt nội dung, về tính hợp lý của quyết định.

2.2. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về du lịch.

Thực hiện Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Du lịch đã triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do một Phó Tổng cục trưởng làm Trưởng ban và Vụ Pháp chế có vai trò nòng cốt, đầu mối. Kết quả của công tác rà soát, hệ thống hoá là đã tập hợp và ban hành quyển sách “Hệ thống hoá cá văn bản hiện hành về quản lý du lịch”. ban hành năm 1997. Đồng thời, Vụ Pháp chế cũng đã tổ chức phân loại, lập danh mục các văn bản đã hết hiệu lực đề nghị bãi bỏ, danh mục các văn bản đề nghị giữ nguyên, danh mục văn bản còn hiệu lực nhưng cần sửa đổi, bổ sung vào danh mục văn bản đề nghị ban hành mới và đã gửi báo cáo về Ban chỉ đạo tổng rà soát, hệ thống hoá của Chính phủ.

Tuy nhiên, công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Tổng cục du lịch vẫn còn những hạn chế sau:

- Ngành du lịch tuy đã thành lập được 40 năm song trong lịch sử có nhiều lần tách nhập. Phạm vi, khối lượng văn bản cần rà soát khá lớn loại không rõ ràng, thậm chí cả về hình thức văn bản. Do đó, có nhiều khó khăn trong việc xác định phạm vi và hình thức văn bản cần rà soát. Cho đến nay, Vụ Pháp chế mới chỉ rà soát được các văn bản ban hành từ ngày thành lập lại Tổng cục Du lịch (1992) đến nay.

- Việc rà soát mới chỉ dừng lại ở đầu văn bản, chưa đi sâu vao quy định, chế định pháp luật. Do đó, có nhiều văn bản trong đó chứa đựng những quy định lỗi thời, cần huỷ bỏ song văn bản đó về cơ bản chưa có nhu cầu thay thế nên vẫn tồn tại tình trạng các quy định còn hiệu lực và quy định đã lỗi thời cùng tồn tại trong một văn bản. Cũng có trường hợp chưa có cơ sở lý luận về hiệu lực giữa các đạo luật chung và đạo luật chuyên ngành (ví dụ mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh du lịch) nên không rõ như thế nào là mâu thuẫn hoặc trái giữa các quy định thuộc các ngành luật khác nhau.

- Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành di đó có một khối lượng lớn các văn bản liên quan đến du lịch song không do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ban hành song lại không thuộc đối tượng rà soát, hệ thống hoá của ngành du lịch. Bên cạnh đó, có một khối lượng không nhỏ văn bản do các địa phương ban hành liên quan đến hoạt động du lịch. Đã phát hiện không ít trường hợp có mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản trung ương ban hành song đây là công việc phức tạp đòi hỏi thời gian và sự hỗ trợ của cán bộ pháp lý ở địa phương.

- Về nguyên tắc kết quả rà soát cần được thể hiện bằng các hình thức pháp lý có hiệu lực. Tuy nhiên cho đến nay, Tổng cục Du lịch vẫn chưa ban hành được Quyết định về danh mục văn bản đã hết hiệu lực. Có một thực tế là khi Pháp lệnh du lịch được ban hành thì về nguyên tắc các văn bản trước đó đều không còn hiệu lực, song do các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chưa được ban hành kịp thời, do đó, còn một “khoảng trống” với tình trạng không rõ ràng là sẽ áp dụng văn bản nào đối với những hành vi, hoạt động xảy ra trong khoảng thời gian đó. Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật đều sử dụng một cụm từ phổ biến đó là “những quy định nào trái với văn bản này đều bãi bỏ”. Như vậy, chỉ bãi bỏ những quy định nào trái, song như thế nào là rái thì lại không rõ. Đây là một vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

2.3. Công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Du lịch là một lĩnh vực có tính xã hội hoá cao do đó, tham gia hoạt động du lịch không chỉ có các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở TW, địa phương, các doanh nghiệp, khách du lịch mà giữ vai trò quan trọng đó là những cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch đều phải tính tới quyền, lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Mặc khác, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch là công việc quan trọng, đặc biệt là ý thức pháp luật về vệ sinh bảo vệ môi trường, bảo vệ trật tự an toàn tại các khu, điểm du lịch. Do điều kiện hạn chế, cho đến nay Tổng cục Du lịch mới chỉ triển khai được việc phổ biến, tuyên truyền một sô văn bản pháp luật quan trọng đối với cán bộ nhân viên ở cơ quan Tổng cục; triển khai để quán triệt nội dung một số văn bản pháp luật về quản lý ngành cho các Sở du lịch. Trong điều kiện thiếu cán bộ, kinh phí hiện nay, với một phạm vi rộng rãi các đối tượng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì việc tìm ra các hình thức tuyên truyền phổ biến thích hợp là vấn đề quan trọng.

2.4. Công tác kiểm tra thực hiện pháp luật.

Đây là một nội dung hoạt động của pháp chế ngành quy định trong Nghị định 94/CP dựa theo lý luận về pháp chế XHCN trong đó có yếu tố thực hiện pháp luật. Về lý thuyết, việc bảo đảm pháp chế XHCN bao gồm cả hoạt động thực hiện pháp luật song xét về tổng thể thì vấn đề kiểm tra thực hiện pháp luật do nhiều cơ quan tiến hành. Cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở để phân định nội dung kiểm tra thực hiện pháp luật của các cơ quan khác nhau. Ngay trong cơ quan Tổng cục Du lịch, việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật do ba loại đơn vị thực hiện: đó là Thanh tra Du lịch, Vụ Pháp chế và các Vụ quản lý chuyên ngành (Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Kế hoạch và Vụ Đầu tư...). Trong đó các vụ quản lý chuyên ngành và thanh tra du lịch là những tổ chức có điều kiện tiếp cận với đối tượng kiểm tra hơn cả. Vụ Pháp chế không trực tiếp quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Tổng cục Du lịch; đồng thời cũng không có hệ thống chân rết như Thanh tra do đó, chỉ có thể thực hiện công tác này một cách gián tiếp hoặc phải nhờ cậy vào sự phối hợp với các đơn vị khác. Nội dung kiểm tra không rõ ràng, phương tiện vật chất không có kinh phí riêng; theo chúng tôi quy định về nhiệm vụ này hầu như không khả thi trên thực tế.

2.5. Các công tác khác.

Bên cạnh các công việc tại các điểm 2.1, 2.4 kể trên theo chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế quy định tại Nghị định 94/CP, Vụ Pháp chế còn tham gia vào nhiều hoạt động khác, chủ yếu để xem xét, tham gia ý kiến về khía cạnh pháp lý của vấn đề. Vụ Pháp chế cũng được giao làm đầu mối một số chương trình nghiên cứu và phát triển hệ thống văn bản pháp luật; trả lời các vấn đề vướng mắc của địa phương hoặc tham mưu cho Lãnh đạo chỉ đạo một số công tác ở địa phương.

III.         MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁP CHẾ TỔNG CỤC

DU LỊCH VỚI TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CỦA CÁC

ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH VÀ VƠÍ BỘ TƯ PHÁP.

1.    Thực trạng công tác pháp chế ở các Sở Du lịch,

     Sở Thương mại - Du lịch  và doanh nghiệp trực thuộc.

Trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, ở cấp tỉnh, thành phố có 14 Sở du lịch và 47 Sở Thương mại - Du lịch. Hầu như chưa có Sở nào có bộ phận pháp chế độc lập. Một số Sở có cán bộ có bằng luật thì phần lớn làm việc trong tổ chức Thanh tra Sở. Công tác pháp chế do Thanh tra Sở kiêm nhiệm luôn; không có cán bộ chuyên trách về công tác pháp chế. Các văn bản do Sở soạn thảo để UBND tỉnh, thành phố ban hành hoặc do Sở quy định được giao cho các phòng ban chuyên môn thực hiện, không có thẩm định về mặt pháp lý do đó, có một số trường hợp văn bản của cấp tỉnh, thành phố không nhất quán với văn bản của Trung ương như ở trên đã đề cập.

Tổng cục Du lịch có 15 doanh nghiệp trực thuộc song không có doanh nghiệp nào có bộ phận pháp chế doanh nghiệp, thậm chí cán bộ có bằng luật cũng không làm công tác pháp chế mà làm quản lý kinh doanh. Trong điều kiện chưa xây dựng được hệ thống chân rết về tổ chức pháp chế ở địa phương và doanh nghiệp thì mối quan hệ hiện nay giữa Vụ pháp chế và các Sở cũng như doanh nghiệp du lịch phải thông qua Tổng cục Du lịch hoặc các Vụ chức năng; chưa triển khai được các nội dung công tác pháp chế cũng như việc tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ theo tinh thần trong các quy định về công tác pháp chế ngành.

2. Mối quan hệ với Bộ Tư pháp.

Quan hệ giữa Bộ Tư pháp và pháp chế ngành bao gồm hai mặt: Hoạt động liên quan đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp đối với pháp chế ngành và thông tin của pháp chế ngành cho Bộ Tư pháp.

Về hoạt động thứ nhất, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, tranh thủ ý kiến về kỹ thuật xây dựng văn bản và các vấn đề pháp lý khác. Tuy nhiên, có vấn đề là sau khi Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định thì văn bản còn tiếp tục được thảo luận, thay đổi khác nhiều trong thời gian trình Chính phủ. Sự thay đổi này không hoàn toàn dựa theo ý kiến của các thành viên Chính phủ mà trong cơ quan Văn phòng Chính phủ có nhiều đơn vị khác nhau (không phải là Vụ Pháp chế) tham gia. Có trường hợp Dự thảo thay đổi về cơ bản so với văn bản trình Bộ tư pháp thẩm định. Không những thế còn có sự không nhất quán giữa Nghị định và văn bản cấp cao hơn, ví dụ khi trình Chính phủ Nghị định về lữ hành và hướng dẫn du lịch đã có thay đổi một số nội dung do đó không phù hợp với Pháp lệnh Du lịch. Việc dừng vai trò của Bộ Tư pháp sau khi thẩm định sẽ không bảo đảm văn bản được ban hành đủ căn cứ pháp luật. Ngoài ra, nếu Văn phòng Chính phủ (mà thực chất chỉ là Vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ) có ý kiến khác với cơ quan trình thì cơ quan trình không có sự hỗ trợ của cơ quan nào để bảo vệ quan điểm của mình.

Về hoạt động thứ hai, tuy Bộ Tư pháp đã có cố gắng trong việc cải tiến hình thức quan hệ với Pháp chế ngành song nhìn chung việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chưa có nội dung do đó, chưa có hiệu quả thực tế.

IV. KIẾN NGHỊ:

Qua đánh giá công tác pháp chế ở phần trên, Vụ pháp chế có một số kiến nghị sau:

1.    Về mặt tổ chức:

Vụ là hình thức tổ chức thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiên và hiệu quả của công tác pháp chế. Để hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của Vụ Pháp chế, cần thiết lập tổ chức pháp chế ở cơ sở tại Sở Du lịch, Sở Thương mại - Du lịch, các doanh nghiệp du lịch. Trong ngành du lịch, công tác xây dựng văn bản không nhiều ở những nơi không phải là trung tâm du lịch. Tổ chức pháp chế không nhất thiết phải là phòng, ban song phải có cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc phòng, ban ghép với công tác khác.

2.    Về chức năng, nội dung của công tác pháp chế:

-        Hình thành và pháp triển công tác tư vấn, thông tin cho doanh nghiệp;

- Tăng cường tổ chức pháp chế để thực hiện chức năng tham mưu trong công tác thi hành pháp luật: pháp chế ngành cần được tham gia hoặc có ý kiến về cơ sở pháp lý đối với các quyết định quan trọng của lãnh đạo liên quan đến việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật;

- Cần nghiên cứu về tính khả thi của nội dung kiểm tra việc thực hiện pháp luật, pháp chế nên tập trung vào đánh giá việc thực hiện pháp luật, từ đó kiến nghị đề xuất với lãnh đạo về bổ sung, sửa đổi văn bản và có biện pháp tăng cường thi hành pháp luật.

3.    Về mối quan hệ với Bộ Tư pháp:

- Bộ Tư pháp cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho Pháp chế ngành ở 4 nội dung công tác pháp chế là xây dựng văn bản; công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra thực hiện pháp luật.

- Bộ Tư pháp cần tăng cường vai trò của mình trong các giai đoạn khác nhau của quá trình soạn thảo, trình và ban hành văn bản pháp luật; phải phối hợp với pháp chế ngành để xử lý các vấn đề phát sinh đặc biệt là sau giai đoạn thẩm định khi văn bản đã trình lên Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và Quốc Hội.

- Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động pháp chế ngành cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung công tác quản lý nhà nước. Theo quy định hiện nay nếu chỉ hướng dẫn nghiệp vụ là hẹp.

 

BÁO CÁO

 

HIỆN TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

của Phòng Pháp chế Văn phòng Bộ Nn & Ptnt

và phương hướng hoàn thiện

 

                                                                                Trịnh Xuân Thiện

                                                                    Phó trưởng phòng phòng pháp chế

 

 

I.               HIỆN TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

            CỦA PHÒNG PHÁP CHẾ - VĂN PHÒNG BỘ

 

1.    Một vài nét về tình hình đặc điểm chung

   của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

           Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 73/CP ngày 1/11/1995 trên cơ sở sáp nhập 3 bộ: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thuỷ lợi. Bộ máy tính chung cả 3 Bộ cũ lúc đầu sáp nhập là:

          a. Ở Trung ương: Khối quản lý nhà nức có 34 cơ quan trong đó chia ra 18 Vụ, 8 Cục, 2 Ban, 3 Thanh tra Bộ, 3 Văn phòng Bộ, tông số biên chế hành chính ở cơ quan Bộ là 1059 người. Khối sự nghiệp gồm có 29 Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học (trong đó 18 trực thuộc Bộ, 11 trực thuộc Tổng công ty), 47 trường đào tạo (trong đó 31 trực thuộc Bộ, 16 trực thuộc Tổng công ty), 29 Bệnh viện và Trung tâm phục hồi chức năng ( 2 trực thuộc Bộ, 27 trực thuộc Tổng công ty) và 36 đơn vị sự nghiệp khác của Bộ. Khối SXKD có 2 Tổng công ty theo Quyết định 90/TTg, 4 Tổng công ty theo Quyết định 91/TTg, 19 Tổng công ty, Liên hiệp các xí nghiệp, Công ty lớn chưa sắp xếp, 40 Doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

          b. Ở địa phương: Cấp tỉnh có 111 Sở (trong đó chia ra: Sở Nông Lâm Thuỷ lợi 5, Nông nghiệp 23, Nông lâm 25, Sở Lâm nghiệp 15, Sở Thuỷ lợi 43. Các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc UBND Tỉnh và Sở có: Chi cục Kiểm lâm, Ban hoặc Chi cục Định canh định cư, Chi cục di dân và vùng kinh tế mới, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông, Ban Quản lý chương trình nước sinh hoạt nông thôn. Tại cấp Huyện có Phòng Nông lâm thuỷ hoặc Phòng kinh tế, Trạm thú y, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông.

          Từ thực tế nêu trên, việc tổ chức lại bộ máy của ngành để tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như quản lý là một vấn đề rất quan trọng được đặt ra làm sao cho phù hợp với cơ chế mới, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế...theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra.

          Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một Bộ có chức năng hoạt đông và quản lý nhà nước trong phạm vi cả nước, nhiều lĩnh vực chuyên môn và ngành nghề khác nhau (nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn). Hàng năm Bộ tiếp nhận, xử lý và ban hành một khối lượng lớn văn bản giao dịch hành chính, quyết định cá biệt (khoảng 22.000 văn bản đi và 20.000 văn bản đến) với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, với các đơn vị thuộc Bộ. Đông thời hàng năm Bộ chủ động nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền trên 300 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cấp trên ban hành.

          Trước khi thành lập Bộ, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm không có tổ chức pháp chế , công tác pháp chế thường được giao cho các Vụ chức năng hoặc các Cục đảm nhiệm theo lĩnh vực chuyên môn, hoặc giao cho Thanh tra Bộ, Bộ Thuỷ lợi có thành lập Ban pháp chế nhưng tổ chức thiếu ổn định nên hoạt động cũng không hiệu quả cao. Bộ Lâm nghiệp không có tổ chức pháp chế, chỉ có cán bộ làm công tác pháp chế biên chế, sinh hoạt và công tác tại văn phòng Bộ.

          Cho đến nay bộ máy tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, đã được tinh giảm gọn, chỉ còn: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 7 Vụ, 9 Cục quản lý chuyên ngành, 3 Viện Quy hoạch, 32 Viện và trung tâm nghiên cứu,thực nghiệm khoa học 41 trường đào tạo 12 Vườn Quốc gia, 19 Ban quản lý dự án thuỷ lợi, 4 Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập,14 Tổng công ty thuộc Bộ, 31 Công ty độc lập; ở địa phương có 61 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 58 Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND Tỉnh.

          2. Giai đoạn Tổ tư vấn Pháp chế của Bộ trưởng (2/1996 - 11/1997)

          Ngày 10/2/1996 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 172 NN-TCCB/QĐ về việc thành lập Tổ tư vấn pháp chế của Bộ trưởng, Tổ tư vấn do một trợ lý của Bộ trưởng (cấp Vụ) phụ trách và 3 chuyên viên pháp lý và sinh hoạt tại Văn phòng Bộ.

          Tổ Tư vấn Pháp chế có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng và tổ chức thực hiên, quản lý thống nhất công tác pháp chế của Bộ do Bộ trưởng giao, cụ thể là:

          + Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng trong các hoạt động có liên quan đến pháp lý, theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành quản lý;

          + Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật;

          + Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc bộ trình Bộ trưởng ban hành hoặc do bộ trưởng trình cấp trên ban hành theo thẩm quyền;

          + Quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;

          + Phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ánh với Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật của ngành và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế XHCN;

          + Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng giao.

          Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ tư vấn pháp chế của Bộ trưởng mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ của các nhiệm vụ trên, song chưa có hiệu qủa cao vì: Tổ tư vấn biên chế có 4 người quá ít so với nhiệm vụ được giao, các đơn vị bước đầu chưa thật sự coi trọng công tác pháp chế, nhiều văn bản khi xây dựng không được qua Tổ tư vấn góp ý kiến và thẩm định đã trình Bộ ký ban hành, Tổ tư vấn chưa phải là cấp phòng nên chưa có quy định nội quy công tác cụ thể mà thường bị động với công việc, một số nhiệm vụ khác hầu như không được triển khai như hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

          3.  Giai đoạn Phòng pháp chế trực thuộc Văn phòng Bộ đến nay

          Căn cứ vào Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ quy định về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và căn cứ vào văn bản số 219/TCCP-TC ngày 10/10/1997 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ về việc tổ chức pháp chế Bộ, ngày 20/11/1997 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 3011/NN-TCCB/QĐ về việc thành lập Phòng pháp chế trực thuộc văn phòng Bộ trên cơ sở tổ chức lại Tổ tư vấn Pháp chế. Tại Quyết định trên, Phòng Pháp chế có các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:

          1. Đối với công tác xây dựng pháp luật

          + Giúp Chánh văn phòng  đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ để  Chánh văn phòng trình Bộ trưởng và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó sau khi được phê duyệt;

          + Giúp Chánh văn phòng thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

          + Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

          +  Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

          2. Đối với công tác, hệ thống các văn bản quy pham pháp luật

          + Thường xuyên tổ chức việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án để Chánh văn phòng trình Bộ trưởng xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

          + Giúp Chánh văn phòng phối hợp với các đơn vị liên quan thộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng về:

          - Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đông nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ;

          - Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật của Bộ ban hành;

          - Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành do Bộ ban hành.

2.    Đối với công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục

      pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

          + Giúp Chánh văn phòng trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi toàn ngành;

          + Lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ;

          + Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành;

          + Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

          Qua nội dung của các nhiệm vụ trên cho thấy rằng Phòng pháp chế thuộc Văn phòng Bộ thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế của một Bộ chứ không phải là công tác pháp chế của Văn phòng Bộ. Chính vì tổ chức không tương sứng với nhiệm vụ được giao cho nên khi thực hiện nhiệm vụ phòng pháp chế gặp rất nhiều khó khăn.

          Phòng Pháp chế do ông Phó văn phòng kiêm Trưởng phòng, về biên chế của phòng nằm trong tổng biên chế của Văn phòng, do Bộ giao hàng năm. Thực tế hiện nay phòng có tổng số biên chế là 5 cán bộ và chuyên viên. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: có 1 tiến sỹ khoa học về lâm nghiệp, 3 cử nhân luật hệ chính quy, 1 cử nhân luật hệ tại chức (trong đó có 1 người có bằng cao học luật, 2 người có bằng đại học thứ hai). Về trình độ chính trị có 1 cử nhân chính trị, 2 cao cấp chính trị). Nói chung về chất lượng chuyên môn kỹ thuật và trình độ chính trị của cán bộ, chuyên viên trong phòng đã được đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác pháp chế đặt ra cho mỗi cá nhân trong phòng.

          Sau khi thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Bộ, Phòng Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký Quyết định số 37/1998/QĐ-BNN-VP ngày 24/2/1998 Ban hành Quy chế hoạt đông của Phòng Pháp chế-Văn phòng Bộ để làm cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của phòng. Trong quy chế hoạt động của phòng xác định chức năng của phòng là tham mưu cho Chánh văn phòng để giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện theo các quy định của Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ, Thông tư số 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997 của Bộ tư pháp và Quyết định số 3011 NN-TCCB/QĐ ngày 20/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong Quy chế cung nêu lên nguyên tắc làm việc của Trưởng phòng, các phó trưởng phòng, các chuyên viên trong phòng. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ và các cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền.

4.  Một số kết quả cụ thể trong công tác pháp chế

          a.  Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

          + Phòng đã trực tiếp soạn thảo các văn bản:

          * Quyết định số 37/1998/QĐ-BNN/VP ngày 24/2/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Quy chế hoạt đọng của Phòng Pháp chế Văn phòng Bộ.

          * Thông tư số 10/1998/TT-BNN ngày 4/11/1998 về hướng dẫn trình tự soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

          * Soạn thảo Quyết định số 82/QĐ-BNN-VP quy định về xử lý, trình ký văn bản của Bộ.

          * Được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo luật Bảo vệ và phát triển rừng (đang khẩn trương xúc tiến)

          + Tham gia soạn thảo các văn bản trong 1 số lĩnh vực:

          * Luật Tài nguyên nước và 3 Pháp lệnh (Pháp lệnh về Đê điều; Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi cũng như các văn bản dưới luật có liên quan ở lĩnh vực này.

          * Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản khác có liên quan.

          * Tham gia phối hợp với Cục Thú y soạn thảo Pháp lệnh Thú y (sửa đổi) và các văn bản khác có liên quan.

          * Tham gia phối hợp với Cục Khuyến nông và Khuyến lâm tiến hành soạn thảo 2 Pháp lệnh về Giống cây trồng và Giống vật nuôi.

          * Tham gia phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ soạn thảo nhiều Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khi chính Phủ giao cho Bộ chủ trì soạn thảo.

          * Tham gia phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ soạn thảo nhiều Quyết định, Chỉ thị Thông tư của Bộ trưởng, Thông tư liên tịch, Nghị quyết liên tịch của Bộ khi các đơn vị này được Bộ trưởng giao chủ trì soạn thảo các văn bản trên.

          * Ngoài ra Phòng Pháp chế còn trực tiếp soạn thảo và phối hợp với các đơn vị trong Bộ soạn thảo nhiều văn bản quản lý hành chính, báo cáo, thông báo...trong phạm vị quản lý nhà nước của Bộ.

          * Cụ thể các văn bản Quy phạm pháp luật được soạn thảo của từng năm như sau:

          Các văn bản trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền:

          Năm         Quyết định    Chỉ thị    Thông tư   Thông tư  Nghị quyết

       ban hành                                                           liên tịch     liên tịch

          1996             435                20            10            1                 -

          1997             258                20             14           1                 -

          1998             223                14               5           7                 1

          1999             141                  9               7            1                2

          2000             134                  3               6            1                1

     đến 6/2001          41                   4               4           1                 -

          Phòng còn là đầu mối trong công tác góp ý kiến văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi xin ý kiến. Vì là Bộ quản lý đa ngành, nhiều lĩnh vực có liên quan đến các ngành và Bộ khác, nên số lượng văn bản Bộ được gửi xin ý kiến khá lớn, có nhiều văn bản được các Bộ, ngành gửi xin ý kiến nhiều lần.

          Phòng Pháp chế còn được Bộ trưởng giao cho tổng hợp, chuẩn bị các câu hỏi mà các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chất vấn trong mỗi kỳ họp. Đây là công việc rất khó khăn nhưng cũng rất quan trọng, cán bộ và chuyên viên của phòng đã làm tốt, được Bộ trưởng khen ngợi, đánh giá tốt.

          Phòng còn được Bộ trưởng giao cho chuẩn bị những văn bản quy phạm pháp luật Văn phòng Chính phủ gưỉ xin ý kiến thành viên Chính phủ.

          Khi nhận được các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành gửi xin ý kiến đóng góp hoặc Văn phòng gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ, Phòng Pháp chế phải sao gửi các đơn vị liên quan thuộc Bộ xin ý kiến tham gia về chuyên môn, những luật, Pháp lệnh hoặc văn bản có nội dung quan trọng, phức tạp Phòng con tổ chức họp với các đơn vị này để cùng thống nhất ý kiến góp ý, chất lượng góp ý cao hơn.

          Theo Quyết định số 40/1998/QĐ-BNN-VP ngày 2/3/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy chế làm việc của Bộ, tại Điều 21 có quy định: "Văn bản do các đơn vị dự thảo trình Lãnh đạo Bộ ký và ban hành nhân danh Bộ, phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ về quản lý công văn giấy tờ, tập trung về Chánh văn phòng Bộ để soát xét, trình ký và cho phát hành. Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành, trước khi trình ký, phải được phòng Pháp chế thẩm tra.

          Khi công văn đã được Lãnh đạo Bộ ký, nhưng xét thấy có vấn đề cần xin ý kiến thì Chánh văn phòng trực tiếp báo cáo với đồng chí Lãnh đạo Bộ đã ký văn bản đó trước khi phát hành".

          Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm định văn bản, phòng cũng đã phát hiện một số văn bản sai về thể thức, nội dung chuyên môn, ký không đúng thẩm quyền, có nội dung trái với văn bản của cấp trên, khi phát hiện đều trao đổi với đơn vị soạn thảo để chỉnh, sửa nên đã hạn chế tối đa văn bản khi đã phát hành phải sửa chữa, đính chính lại.

          b. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

          Phòng Pháp chế đã tổ chức tốt đợt Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1976 đến 1996 (20 năm) theo Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì thời gian đã lâu, Bộ lại vừa mới thành lập, quản lý đa ngành văn bản ban hành hàng năm với số lượng rất lớn, việc lưu trữ chưa đi vào nề nếp. Phòng pháp chế là nòng cốt trong đợt rà soát này, phòng đã cùng với Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo rà soát văn bản của Bộ lập được danh mục 3350 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi từ tháng 7/1976 đến tháng 8/1998. Số văn bản này đã được đưa vào mạng máy vi tính của Bộ và được phân loại theo danh mục của Ban chỉ đạo của Chính phủ: danh mục văn bản còn hiệu lực giữ nguyên, danh mục văn bán hết hiệu lực cần huỷ bỏ, danh mục văn bản cần bổ sung sửa đổi và danh mục văn bản cần thay thế.

          Tiếp đó Phòng thực hiện đợt rà soát văn bản về xuất nhập khẩu hàng hoá theo Quyết định 670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phòng đã lên được danh mục 221 văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này; làm việc với các Cục, Vụ liên quan giải quyết những vấn đề mà Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và các ngành khác đề nghị để thống nhất thực hiện, đảm bảo đúng pháp luật, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, tạo thông thoáng, đơn giản về thủ tục hải quan, giấy phép cho các doanh nghiệp khi có hàng xuất khẩu.

          Hàng năm phòng còn tổ chức thường xuyên rà soát các văn bản quản lý hành chính của các Cục quản lý chuyên ngành, các Vụ thuộc khối Văn phòng Bộ để tìm ra những văn bản ban hành không đúng thể thức, ký không đúng thẩm quyền, nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật hoặc trái với quy định chung của quản lý hành chính. Sau mỗi đợt rà soát như vậy Phòng đều làm việc với các đơn vị được kiểm tra văn bản rút kinh nghiệm uốn nắn những sai sót và đều có báo cáo nhận xét gửi lãnh đạo Bộ, công việc này được các đơn vị đồng tình ủng hộ, chính vì thế cho đến nay các văn bản quản lý hành chính mà các đơn vị soạn thảo đã đúng mẫu quy định, ít có sai sót về nội dung cũng như ký ban hành.

          Khi phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý hành chính ban hành sai về thủ tục, hình thức, nội dung với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phòng pháp chế đã kịp thời báo cáo với Lãnh đạo Bộ, trao đổi với đơn vị soạn thảo để xử lý kịp thời.

          c. Trong công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật

          Phòng đã xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành từ năm 1998-2002 theo nội dung Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định 03/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước và của Bộ.

          Phòng đã thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư hành chính hàng năm của Bộ, thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng cơ bản, thanh tra và thanh tra chuyên ngành, kiểm lâm...để có những bài giảng phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung và các văn bản luật của ngành quản lý nói riêng. Phòng còn làm việc với các trường nghiệp vụ của Bộ để các trường có chương trình đào tạo bồi dưỡng kiên thức pháp luật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đế quản lý của ngành, xây dựng thư viên, tủ sách pháp luật....

          Phòng đã kết hợp với một số đơn vị trong Bộ tổ chức tuyên truyền Luật tài nguyên nước; Pháp lệnh cán bộ công chức; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí....Thực hiện phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật đến vùng sâu vùng xa, phòng cũng có phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai nhiệm vụ này, song do biên chế có hạn, thời gian xuống các đơn vị không nhiều nên chỉ bàn kế hoạch triển khai không trực tiếp lên lớp được.

           Phòng còn đáp ứng tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và tư vấn về pháp lý cho các đơn vị thuộc Bộ những vấn đề trong việc thực hiện nhiệm vụ Bộ giao.

          d. Công tác kiểm tra việc thực hiên pháp luật và thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng đối với các đơn vị thuộc Bộ.

          Đây cũng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của phòng, những năm qua công tác này có triển khai song kết quả còn ở mức khiêm tốn, chưa được nhiều. Phòng cũng triển khai việc kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, việc xây dựng và thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động ở một số đơn vị, đã phối hợp với Thanh tra Bộ giải quyết một số vụ việc khiếu nại tố cáo của cán bộ trong các đơn vị thuộc Bộ (những việc này được Bộ yêu cầu cụ thể).

          đ. Một số công tác khác

          Các công tác khác như tham gia các hoạt động hội thảo khoa học của Bộ tư pháp, Bộ, ngành khác cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phòng tham gia tích cực và đều có ý kiến đóng góp, tham gia góp phần kết quả của hội thảo cũng như của lớp học. Cử người tham dự các lớp tập huấn về soạn thảo văn bản, trọng tài, công tác pháp chế, tư pháp, quản lý dự án....

          Hàng năm Phòng đã giúp đỡ trường Đại học Luật Hà nội tiếp nhận các em sinh viên về thực tập chuyên môn, thường là từ 2-4 em, có năm số học sinh về thực tập tới 6 em, trong quá trình thực tập tại phòng hoặc tại các đơn vị , Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ các em đã được làm quyen với công tác pháp chế, công việc của một nhân viên, công chức nhà nước, nhân viên hành chính, làm quyen với việc soạn thảo văn bản hành chính, trình tự thủ tục góp ý kiến văn bản, công việc ở các phòng kinh doanh ở các doanh nghiệp, các em sau khi tốt nghiệp ra nhận công tác vẫn giữ mối quan hệ tốt với phòng.

           Một số công tác cụ thể được Bộ trưởng,  Lãnh đạo Bộ, Chánh văn phòng giao phòng đã làm tốt, đúng thời gian. Hàng năm, trong dịp tổng kết công tác văn phòng, Phòng pháp chế đều có báo cáo nhận xét công tác pháp chế của Bộ, của các đơn vị thuộc Bộ,  đây cũng là một nội dung của tổng kết công tác văn phòng.

4.    Một số nhận xét đánh giá hoạt động

công tác pháp chế trong thời gian qua

          a/ Nhận xét chung:

          + Tuy mới thành lập và quy mô chỉ ở cấp phòng thuộc Văn phòng Bộ, nhưng phòng đã ổn định nhanh chóng khâu tổ chức và đi vào hoạt động có nền nếp, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, làm việc theo đúng quy chế của Bộ ban hành, đóng góp có hiệu qủa vào việc thực hiện quản lý nhà nước của Bộ.

          + Được sự quan tâm tạo điều kiện công tác của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Văn phòng Bộ nen tuy nhiệm vụ nặng nề, nhiều khó khăn song vẫn hoàn thành có chất lượng công việc cao, đúng thời gian quy định.

          + Mặc dù biên chế ít, song cán bộ và chuyên viên trong phòng đã chủ động và tích cực, tự giác, có quyết tâm cao hoàn thành một khối lượng lớn công việc của Lãnh đạo Bộ và Chánh văn phòng Bộ giao.

          + Nội bộ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác, nhận thức tư tưởng đúng đắn, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tự giác rèn luyện, không ngừng phấn đấu học tập về chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ giao.

          + Có tác phong làm việc khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ, nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của các Cục, Vụ và các đơn vị trong Bộ.

          +Trong thời gian qua phòng mới chỉ chú trọng làm tốt khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp ý kiến và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và đôn đóc việc thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Công tác phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật chưa làm được nhiều do biên chế quá ít và vị trí chỉ là phòng thuộc Văn phòng nên về mặt quan hệ với các đơn vị trong Bộ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

          +Đánh giá công tác trong thời gian từ khi thành lập Phòng Pháp chế đến nay, Phòng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng 3 Bằng khen , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn tặng 2 Bằng khen và nhiều bằng khen cho cá nhân của phòng về công tác pháp chế.

          b/ Một số tồn tại

          + Tuy tổ chức là Phòng pháp chế, sinh hoạt và biên chế thuộc Văn phòng Bộ, cho nên tổ chức chưa tương sứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến hiệu quả công tác còn thấp.

          + Trong hoạt động chuyên môn, công tác thẩm định văn bản nhiều khi do thời gian, tính chất công việc các đơn vị chủ trì soạn thảo chưa qua phòng pháp chế thẩm định dẫn đến có sai sót về hình thức, nội dung phải chỉnh sửa văn bản ảnh hưởng đến công việc quản lý của Bộ, có văn bản phải soạn thảo chỉnh sửa nhiều lần.

          + Việc xây dựng văn bản hàng năm đã được xây dựng theo kế hoạch đăng ký, trong quá trình thực hiện đã được đôn đốc nhưng kết quả chưa thật tốt, nhiều đơn vị đăng ký xây dựng văn bản nhiều về số lượng, hình thức văn bản nhưng việc hoàn thành theo chỉ tiêu đặt ra rất thấp, pháp chế phải lên lịch điều chỉnh xin hoãn hoặc kéo dài thời gian.

          Có một thực tế là các văn bản của các đơn vị xây dựng phần lớn là theo sự chỉ đạo đột xuất của Bộ và của cấp trên, ảnh hưởng đến việc thực hiện tiến độ đã lên kế hoạch, nhiều văn bản lên kế hoạch đã được duyệt nhưng lại không soạn thảo, từ đó cho thấy việc lên kế hoạch là không sát ở các đơn vị này.

          + Do kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước đầu tư có hạn nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản của các đơn vị được Bộ giao chủ trì soạn thảo.

          + Công tác góp ý văn bản của các Bộ, ngành, của Văn phòng Chính phủ gửi đến cũng còn có nhược điểm là gửi chậm, thường là việc xin ý kiến thời gian quá gấp (có khi chỉ 2, 3 ngày) nên đơn vị không có nhiều thì giờ để nghiên cứu văn bản, góp ý chung chung, chiếu lệ, có khi đơn vị không gửi văn bản góp ý kiến về phòng pháp chế, khi tổng hợp pháp chế phải nghiên cứu trao đổi nhiều về chuyên môn mới đáp ứng được chất lượng góp ý kiến.

II.            TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC CỤC QUẢN LÝ CHUYÊN

NGÀNH, CÁC VỤ CHỨC NĂNG VÀ CÁC DOANH NGHIỆP.

          1. Cục quản lý chuyên ngành

          Hiện nay Bộ có 9 Cục quản lý nhà nước chuyên ngành, mới có 4 Cục ghép công tác pháp chế với công tác thanh tra để thành lập Phòng Thanh tra-Pháp chế, một số cục có cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm ở phòng tổng hợp, hành chính, tổ chức...Cán bộ làm công tác pháp chế có trình độ đại học Luật rất ít, số khác không có trình độ pháp lý, không được bồi dưỡng tập huấn nên cũng hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ. Một số Cục mới củng cố, thành lập và tổ chức công tác pháp chế lại, trước kia công tác này thường đưa về các phòng chuyên môn chịu trách nhiệm.

          Từ thực tế trên đây thấy rằng quản lý nhà nước ở các cục chuyên ngành công tác pháp chế cũng có vai trò rất cần thiết song chưa được Lãnh đạo các Cục quan tâm đúng mức nên vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Cục bị hạn chế. Nhiều văn bản Cục dự thảo cho Bộ phải chỉnh sửa nhiều lần, chất lượng chưa cao, thậm chí có Cục còn ban hành văn bản hành chính thông thường nhưng có nội dung mang tính quy phạm pháp luật, ký không đúng thẩm quyên, ban hành sai thể thức văn bản...đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị, phòng pháp chế Văn phòng Bộ phải giải quyết hậu quả.

          2. Công tác pháp chế ở các Vụ chức năng tham mưu cho Bộ

           Các Vụ không có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế, công tác này thường được phân theo các nhóm chuyên môn. Cán bộ tốt nhiệp đại học pháp lý cũng rất ít, lại chỉ là học tại chức nên cũng rất hạn chế trong công tác.

          Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Vụ chính sách nông nghiêp và nông thôn, nhưng không có cán bộ tốt nghiệp đại học Luật, chỉ là những chuyên viên các lĩnh vực chuyên môn làm chính sách.

          3. Công tác pháp chế ở các doanh nghiệp

          Một số Tổng công ty có phòng Thanh tra-Pháp chế hoạt động tương đối tốt trong lĩnh vực thanh tra kiểm tra. Phần lớn các đơn vị Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, Trung tâm đều không có tổ chức pháp chế, thậm chí có nơi không có cán bộ làm công tác pháp chế chuyên môn hoặc kiêm nhiệm, công tác này được giao cho các phòng kinh doanh, phòng tổng hợp, phòng hành chính, phòng tổ chức đảm nhận.

          Nhìn chung công tác pháp chế ở các Cục, Vụ, Doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ rất yếu, ít có cán bộ làm chuyên trách, phần lớn là kiêm nhiệm. Sinh viên tốt nghiệp đại học Luật được tuyển vào quá ít, phần lớn là cán bộ của cơ quan được cử đi học tại chức pháp lý hoặc tại chức chuyên môn khác có chương trình pháp lý bổ trợ cho nên kiến thức về pháp luật rất yếu, chỉ làm theo kinh nghiệm nên chất lượng công tác pháp chế không cao, soạn thảo văn bản sai sót nhiều, làm công tác tham mưu về pháp chế cho thủ trưởng không có chất lượng cao, thường có sai sót.

III.            PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN TỔ CHỨC

PHÁP CHẾ CỦA BỘ TRONG THỜI GIAN TỚI

          1. Thành lập Vụ Pháp chế ở Bộ

           Bộ máy tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều đầu mối, cơ quan thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Chỉ tính riêng khối cơ quan Bộ đã có 9 Cục quản lý chuyên ngành, 7 Vụ chức năng, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Uỷ ban sông Mê kông, Văn phòng Uỷ ban phòng chống bão lụt Trung ương, Uỷ ban quốc gia phòng và giảm nhẹ thiên tai ...Với trên 200 đầu mối các đơn vị trực thuộc Bộ. Trong thời gian tới để thực hiên tốt công tác Pháp chế của một Bộ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật...Bộ cần thành lập Vụ pháp chế là một Vụ chức năng tham mưu công tác pháp chế cho Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ theo nội dung của Nghị định 94/CP quy định và một số nhiệm vụ thuộc quyền quản lý của Bộ.

          Hiện nay Bộ đang có dự kiến xây dựng đề án thành lập Vụ pháp chế. Vụ pháp chế được thành lập với tổng số biên chế khoảng 12 cán bộ, chuyên viên. Vụ pháp chế sẽ có 1 Vụ trưởng phụ trách chung, 2 Phó Vụ trưởng giúp việc cho Vụ trưởng và được phân công theo dõi một số lĩnh vực chuyên ngành như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi; theo dõi và phụ trách một số mảng công việc như: xây dựng và rà soát văn bản, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quyết định của Bộ trưởng; công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật; theo dõi Doanh nghiệp, khối viện, trường và một số công việc có tính đặc thù của Bộ....

          Có như vậy công tác pháp chế ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới tương sứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, cân đối thống nhất về tổ chức với các đơn vị trong khối cơ quan Bộ, có đủ lực lượng triển khai và thực hiện có hiệu quả chất lượng các công việc được Lãnh đạo Bộ và cấp trên giao. Quan hệ công tác và triển khai công việc với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Kiểm lâm của tỉnh và các cấp tương đương ở địa phương mới có nhiều thuận lợi hơn.

          Triển khai công tác pháp chế xuống các đơn vị Doanh nghiệp, Tổng công ty, Công ty và các đơn vị cấp 2 thuộc Bộ được trực tiếp, đảm bảo thời gian, nội dung và hiệu quả công việc tốt.

          Thống nhất về tổ chức pháp chế với các Bộ, ngành khác để triển khai công việc, phối hợp công tác có hiệu quả hơn.

          2. Các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành

          Cần củng cố tổ chức pháp chế để đủ sức triển khai công việc này ở Cục. Thông thường Cục cũng được Bộ giao chủ trì dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật để Bộ ký ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

          Thực tế những năm qua công tác pháp chế ở các Cục chưa cụ thể, rõ ràng. Các Cục thường thành lập Phòng Thanh tra-pháp chế. Nhưngcông tác pháp chế thường bị coi nhẹ hơn công tác thanh tra.

          Sự phân công công tác pháp chế ở các Cục quản lý chuyên ngành cũng khác nhau, có Cục giao cho phòng Tổ chức hành chính, có Cục lại giao cho phòng Hành chính tổng hợp,

          Từ thực tế trên, do yêu cầu của nhiệm vụ quản lý chuyên môn, cân đối với biên chế được giao và gọn nhẹ đầu mối các phòng trong đơn vị, các Cục cần quan tâm xây dựng và củng cố Phòng thanh tra pháp chế và cần phân thành 2 tổ (nhóm) và giao nhiệm vụ cụ thể, riêng biệt của 2 nhóm này. tạo điều kiện để những cán bộ được phân công làm công tác pháp chế được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế, trình độ pháp luật để thực hiện tốt nhiêm vụ được giao.

          3. Các Vụ chức năng thuộc cơ quan Bộ:

          Do tính chất của nhiệm vụ làm tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, giúp Bộ trong một số lĩnh vực chuyên môn như: tài chính, kế hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, khoa học công nghệ, chính sách.....các Vụ chức năng hàng năm vẫn được Bộ giao chủ trì soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để Bộ ký ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Thực tế trong những năm qua rất ít cán bộ, chuyên viên có trình độ đại học luật được nhận về công tác ở các Vụ, một số ít được đi học tại chức pháp lý hoặc do có thâm niên công tác lâu, tiếp xúc với văn bản nhiều khi có công việc liên quan đế pháp chế thì được giao giải quyết. Như vậy cán bộ làm công tác pháp chế ở các Vụ không phải là cán bộ chuyên trách mà thường là gắn với chuyên môn nên tính chất chỉ là kiêm nhiệm, không ổn định công tác pháp chế, không theo dõi thường xuyên để nắm bắt đầy đủ công tác này.

          Các Vụ cần bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, biên chế của Vụ nhiều, nên bố trí từ 2 đến 3 người và có sự quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế, pháp luật để cán bộ được phân công ngoài trình độ chuyên môn đã có được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp lý đủ khả năng, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giao cho.

5.    Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

và Chi cục Kiểm lâm của tỉnh

          Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và việc thực hiện công tác pháp chế ở địa phương, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chi cục Kiểm lâm tỉnh cân thành lập Phòng pháp chế hoặc có bộ phận gồm một số cán bộ chuyên trách công tác pháp chế ở Văn phòng Sở hoặc ở phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Tổ chức hành chính...Cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách phải có trình độ chuyên viên pháp lý, hoặc chuyên viên của chuyên môn khác nhưng phải được bồi dưỡng kiến thức pháp lý và quản lý hành chính nhà nước (các lớp bồi dưỡng này phải được cấp chứng chỉ của Trường quản lý cán bộ của Bộ, lớp này từ 3 tháng trở lên).

          5.  Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước

          Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện đổi mới đất nước, nền kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển trên cơ sở Nhà nước bảo vệ và tạo điều kiện tự do kinh doanh cho các thành phần kinh tế, trừ những lĩnh vực cần có các điều kiện kinh doanh cụ thể. Từ đó, các hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn này làm phát sinh hàng loạt các mối quan hệ mà pháp luật phải điều chỉnh như: mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước; mối quan hệ với các bạn hàng; mối quan hệ với người lao động; mối quan hệ liên quan đến bảo vệ môi trường sinh thái; các mối quan hệ trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp.

          Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp là chủ thể pháp luật độc lập, mục đích hàng đầu, cơ bản là kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính vì vậy hoạt động của pháp chế là phải phục vụ mục đích của doanh nghiệp, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước, tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

          Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp được tự chủ trong kinh doanh, đúng pháp luật, làm sao kinh doanh có lãi, doanh nghiệp phát triển, có quyền sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế lao động, sử dụng quỹ lương,...

          Từ những xuát phát điểm trên, tổ chức và hoạt động pháp chế ở các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường sẽ khác nhau. Nhà nước về nguyên tắc không can thiệp vào các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Quyết định về  hình thức, quy mô của tổ chức pháp chế của mỗi doanh nghiệp hoàn toàn do doanh nghiệp định đoạt sao cho thích hợp và hoạt động có hiệu quả cao nhất. Thông thường nên có các mô hình như sau:

          + Có tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp

          Đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, ổn định, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thường có rủi ro, thường xuyên phải ký kết các hợp đồng mua bán với nhiều bạn hàng. Các doanh nghiệp này cần phải kiểm soát chặt chẽ  các giao dịch để không có sai sót trong ký kết hợp đồng kinh doanh...đồng thời cũng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp.

          Đối với các doanh nghiệp có mối quan hệ với bạn hàng nước ngoài càng cần phải có tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp. Tổ chức pháp chế của doanh nghiệp phải đặt dưới sự điều hành của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.

          + Thuê luật sư tư vấn

          Doanh nghiệp không có tổ chức pháp chế trực tiếp tại doanh nghiệp có thể chọn hình thức thuê luật sư chuyên nghiệp làm tư vấn. Ơ nước ta đã có Pháp lệnh luật sư mới được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 25/7/2001 thay cho Pháp lệnh luật sư năm 1987. Đây cũng là một thuận lợi cho mô hình này hoạt động.

          Thuê luật sư tư vấn theo 2 phương thức: thuê cho từng vụ việc cụ thể, hoặc 1 thời gian cụ thể có ký hợp đồng thoả thuận, khi xong công việc thì thanh lý hợp đồng; thuê luật sư thường xuyên (có ký hợp đồng) để có thể năm được hoạt động kinh doanh và mọi hoạt đoọng khác của doanh nghiệp. Theo cách này luật sư có thể theo dõi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và báo cáo cho giám đốc biết những vấn đề rủi ro, khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải, đông thời tư vấn biện pháp giải quyết có lợi nhất cho doanh nghiệp.

          + Thực hiên cả hai mô hình trên (có tổ chức

   pháp chế và thuê luật sư tư vấn theo vụ việc)

 

          Mô hình này khắc phục được những nhược điểm của từng mô hình nêu trên và phát huy được ưu điểm của từng mô hình, có thể tiết kiệm được kinh phí, tốt cho việc quản lý, kinh doanh.

          Tóm lại, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc tổ chức pháp chế tại các doanh nghiệp rất đa dạng và phong phú, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Từng doanh nghiệp cụ thể phải xác định được mô hình tổ chức pháp chế của mình sao cho gọn, phù hợp và cân đối với các bộ phận (các phòng) trong doanh nghiệp để chi phí ít, hiệu quả cao, hoạt động chất lửọng... Doanh nghiệp sẽ quyết định cho mình một tổ chức và hoạt động pháp chế thích hợp.

          6. Một số kiến nghị

          a. Bộ Tư pháp :

          + Đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 94/CP về tổ chức và hoạt động pháp chế các Bộ, ngành trong đó quy định cụ thể tổ chức pháp chế Bộ mô hình là gì, tổ chức pháp chế ngành mô hình là gì có tên gọi cụ thể, biên chế cho từng loại mô hình được tính theo cách nào, bao nhiêu biên chế là hợp lý, tiêu chuẩn cụ thể để cho thống nhất tên gọi và đủ lực lượng triển khai nhiệm vụ được giao.

          + Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và học ngoại ngữ cho cán bộ pháp chế.

          + Phối hợp các cơ quan nhà nước soạn thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tổ chức pháp chế ở địa phương (các cấp) và ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, Trường, Viện và các Doanh nghiệp để thống nhất mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn....

          + Tổ chức sinh hoạt pháp chế Bộ, ngành thường xuyên như kinh nghiệm của năm 2000.

          + Trong công tác xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Bộ và cấp Chính phủ cần có khoản kinh phí cụ thể trong ngân sách nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ đúng chất lượng, đúng thời hạn.

          + Khen thưởng kịp thời cán bộ làm công tác pháp chế có thành tích xuất sắc hàng năm và từng phong trào, vụ việc cụ thể khi các đơn vị báo cáo lên. Có tiêu chuẩn thi đua, đăng ký hàng năm.

          b. Bộ và cơ quan ngang bộ:

          + Tổ chức xây dựng lực lượng pháp chế ở Bộ sao cho đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

          + Quan tâm bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi về trang bị vật chất kỹ thuật để cán bộ làm công tác pháp chế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

          + Khen thưởng kịp thời cán bộ làm công tác pháp chế có thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

 

THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

                                                                               NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG

                                       CHUYÊN VIÊN PHÒNG PHÁP CHẾ - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

A.   LỊCH SỬ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN PHÁP

      CHẾ CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Tổ chức Pháp chế của Bộ Giáo dục được hình thành từ năm 1963 tại công văn số 1388/VP ngày 10/4/1963 tổ chức pháp chế của Bộ Giáo dục.

 Phụ trách Tổ chức Pháp chế là một chuyên viên xuất thân là giáo viên.

Tháng 10-1965, Nhà nước quyết định tách Bộ Giáo dục thành 2 Bộ:                  + Bộ Giáo dục          + Bộ Đại học và THCN

- Bộ Giáo dục có tổ chức pháp chế thuộc Văn phòng Bộ vẫn do do đồng chí phụ trách Pháp chế Bộ Giáo dục làm Trưởng phòng Pháp chế.

 - Bộ Đại học và THCN cũng hình thành một tổ chức pháp chế mới trực thuộc Văn phòng giúp Bộ trưởng về công tác pháp chế của ngành. Tổ chức này do một đồng chí nguyên là Trưởng phòng Giáo vụ trường ĐH Tổng hợp phụ trách và ông đồng chí nguyên chuyên viên của Ban Tổ chức Trung ương làm chuyên viên.

 Việc hình thành hai tổ chức Pháp chế của 2 Bộ chỉ là hình thức phân công công tác hoặc có thông báo như công văn 1388/VP nêu trên.

 Nhiệm vụ, chức năng của tổ chức Pháp chế cũng chưa được xác định rõ, chỉ là giúp Bộ trưởng, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành, tham gia các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành khác; tham mưu cho Bộ trưởng về cách giải quyết những công việc có liên quan đến pháp luật. Người phụ trách và chuyên viên làm công tác Pháp chế đều là những cán bộ có thâm niên trong công tác ở ngành Giáo dục, có uy tín trong ngành và có kinh nghiệm công tác văn bản; nhưng những kiến thức về pháp luật, thì còn hạn chế. Những cán bộ này được bồi dưỡng kiến thức pháp lý theo chương trình ngắn hạn từ 3 - 6 tháng do Bộ Tư pháp tổ chức.

 Sau khi thống nhất đất nước, Phòng pháp chế của Bộ Giáo dục được chính thức thành lập theo quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Phòng Pháp chế gồm 2 cán bộ là đồng chí Trưởng phòng Pháp chế Bộ Giáo dục và một đồng chí chuyên viên nguyên là chuyên viên của Vụ Phổ thông chuyển sang; chức năng nhiệm vụ của Phòng Pháp chế đã được xác định rõ. Năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập.

 Đến năm 1989, sau khi đồng chí trưởng phòng về hưu Phòng pháp chế Bộ Giáo dục coi như giải thể, chỉ còn một đồng chí chuyên viên làm công tác pháp chế và sinh hoạt ghép với Phòng Tổng hợp- Văn phòng.

 Bộ Đại học và THCN, tổ chức Pháp chế vẫn là một tổ công tác thuộc Văn phòng, sinh hoạt chung với Phòng Tổng hợp và vẫn chỉ có 2 người. Năm 1985 tổ được bổ sung thêm một cán bộ là mới tốt nghiệp Đại học Luật tại Liên Xô (ngành Luật Quốc tế). Năm 1989 một đồng chí nghỉ hưu và một đồng chí được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Như vậy tổ pháp chế Bộ Đại học và THCN cũng chỉ còn một chuyên viên.

 Năm 1990, sau khi sáp nhập 2 Bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, THCN và Dạy nghề thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức pháp chế lại được hình thành gồm hai người. Đầu năm 1991 tổ được tăng cường thêm một người nguyên là chuyên viên Phòng Tổng hợp.

 Năm 1992, một đồng chí nghỉ hưu, Tổ lại được bổ sung thêm một người  tốt nghiệp đại học Luật. Tổ pháp chế lúc này vẫn có 3 người. Năm 1995, đồng chí này được điều động công tác tại Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ, Tổ còn 2 người.

 Đầu năm 1994, Tổ được nhận thêm một người mới tốt nghiệp trường Đại học Luật. Cuối năm 1995 lại tiếp tục được nhận thêm một người tốt nghiệp Đại học Luật.

 Tháng 9-1995, hai cán bộ cũ nghỉ hưu, Tổ Pháp chế lúc này coi như xoá sổ vì 2 người mới vẫn đang làm hợp đồng chưa được tuyển dụng. Nhiệm vụ công tác pháp chế được thực thi do một nhóm bốn năm người làm hợp đồng cho Văn phòng (2 đồng chí nghỉ hưu tiếp tục làm việc theo chế độ hợp đồng hàng tháng; 2 người mới theo chế độ hợp đồng tạm tuyển). Năm 1996, 1997, 2 người được tuyển dụng, tổ chức pháp chế mới có cán bộ chínhthức.

 Sau khi có Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ngày 01/11/1997 Bộ trưởng ra quyết định thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng (Quyết định số 3523/GD-ĐT). Một cán bộ được Bộ cử phụ trách chuyên môn và quản lý Phòng Pháp chế.  Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 1 đồng chí Phó Chánh Văn phòng phụ trách trực tiếp.

 Từ khi có quyết định thành lập Phòng Pháp chế đã có hai chuyên viên có trình độ đại học Luật, đến tháng 3/2001 thêm một cán bộ tốt nghiệp Đại học Luật nữa.

 Như vậy cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức có một Phòng pháp chế, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng được xác định tại Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1987. Vì biên chế mới có 2 chuyên viên và một nhân viên hợp đồng đều tốt nghiệp Đại học Luật, đến nay vẫn chưa có Trưởng, Phó phòng, mới chỉ có chuyên viên phụ trách phòng và một Phó Chánh Văn phòng chỉ đạo.

B.   ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA

TỔ CHỨC PHÁP CHẾ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO; VAI

TRÒ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TRONG VIỆC THỰC HIỆN

CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 - Chức năng và nhiệm vụ của Tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 về tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã nêu rõ: Tổ chức Pháp chế ở các Bộ ... có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật.

 - Nhiệm vụ của Tổ chức Pháp chế ở các Bộ, điều 4 của Nghị định 94/CP cũng ghi rõ:

 I. Công tác xây dựng pháp luật:

 1) Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn trình Bộ trưởng và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

 2) Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

 3) Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao.

 4) Làm đầu mối giúp Bộ trưởng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 II.  Công tác rà soát, hệ thống hoá

      văn bản quy phạm pháp luật

 1) Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

 2) Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc bộ đề xuất với Bộ trưởng kiến nghị với Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ các văn bản hoặc các quy định do Chính phủ, các Bộ, các tỉnh ban hành trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ đã ban hành.

 III. Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật,

        kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 1) Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

 2) Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

 3) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

 4) Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

 Căn cứ vào những chức năng nhiệm vụ nêu trên, Tổ chức Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện được các nhiệm vụ:

 1) Thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật hầu hết là các loại quyết định ban hành các quy chế, điều lệ, quy định, thông tư, chỉ thị giúp cho công tác quản lý và chỉ đạo nhiệm vụ của ngành. Từ năm 1963 đến nay (bắt đầu có Tổ chức Pháp chế). Các văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định. Trung bình mỗi năm tổ chức pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý thẩm định khoảng 50 văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 20 văn bản của các Bộ, ngành khác chuyển đến lấy ý kiến. Trước khi có Luật Giáo dục thì trung bình mỗi năm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật.

2. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

 Đến nay ngành giáo dục và đào tạo đã có 2 luật:

 - Luật phổ cập giáo dục tiểu học ban hành năm 1991.

 - Luật Giáo dục ban hành ngày 11/12/1998.

 Hai Luật này là luật pháp hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong công tác giáo dục; đưa công tác quản lý, điều hành mọi mặt công tác của ngành theo pháp luật, không còn tình trạng hô hào, khuyến học chung chung.

 Việc xây dựng 2 luật này tốn khá nhiều thời gian, công sức của nhiều cán bộ trong Bộ. Đặc biệt tổ pháp chế Bộ Giáo dục năm 1987 – 1990 được Bộ Giáo dục giao cho chủ trì, làm đầu mối trong việc soạn thảo Luật Phổ cập giáo dục tiểu học; tổ pháp chế (năm 1997 là Phòng Pháp chế) Bộ Giáo dục và Đào tạo 1994 - 1998 được giao chủ trì việc soạn thảo Luật Giáo dục. Trong thời gian gần 5 năm từ việc thuyết trình để đưa việc xây dựng Luật Giáo dục và Chương trình của Quốc hội, đến việc xây dựng đề cương, sọan thảo gần 40 lần, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành các cấp, các nhà khoa học, các nhà giáo lão thành, các nhà giáo nhà quản lý giáo dục trong toàn ngành, các luật gia có tên tuổi tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến khi trình Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Tuy ít người, kinh nghiệm về thực tế giáo dục, cũng như kỹ năng xây dựng luật còn hạn chế, nhưng Tổ đã chủ động tích cực làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình để 2 luật được ban hành kịp thời, có chất lượng, có tính pháp lý tương xứng. Qua việc xây dựng luật, cán bộ Tổ Pháp chế cũng được trưởng thành nhiều về mọi mặt.

Sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực, Phòng Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, gồm   28 văn bản. Để thực hiện việc xây dựng các văn bản này, Phòng Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các nhóm soạn thảo văn bản (mỗi văn bản một nhóm soạn thảo).

Phòng đã được Bộ trưởng giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và một số văn bản chung khác như: Quy chế tổ chức hoạt động các trường ngoài công lập,  Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ.

3. Thực hiện hai đợt tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Tư pháp đợt I: (chưa sáp nhập 2 Bộ: giáo dục và Đại học, THCN và Dạy nghề). Đợt này tập trung rà soát các văn bản từ 1976 đến 1989. Hai Bộ làm nghiêm túc xây dựng thành báo cáo về các loại: - Văn bản cần huỷ bỏ do đã có văn bản thay thế; không phù hợp với tình hình.

 - Các văn bản còn hiệu lực thi hành.

 - Các văn bản cần sửa đổi, bổ sung.

 Những báo cáo này đã được gửi Bộ trưởng 2 Bộ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

 Đợt rà soát này tốn khá nhiều công sức, nhưng kết quả không ra được văn bản quy định nào. Do đó về mặt pháp lý những văn bản quy phạm pháp luật vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý, trừ những văn bản hết hiệu lực và có văn bản khác phủ định.

 Đợt II tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật từ 1976 đến hết năm 1999.

 Kết quả đã trình Bộ trưởng ra quyết định:

 - Bãi bỏ 174 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, không phù hợp với tình hình và cơ chế mới, đã có các văn bản mới thay thế. Bãi bỏ 11 thông tư liên Bộ không còn hiệu lực thi hành.

 - Đề nghị sửa đổi và làm lại 221 văn bản.

 - Đề nghị giữ nguyên hiệu lực 349 văn bản.

 Đợt rà soát này kết quả cũng rất hạn chế.

 Quyết định bãi bỏ văn bản lần thứ nhất bỏ: 221 văn bản. Sau khi ban hành các Vụ chức năng lại có ý kiến xin giữ lại một số văn bản kể cả những công văn hướng dẫn là những văn bản không được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó lại phải ban hành quyết định khác.

 Văn bản cần sửa đổi làm lại các đơn vị thống nhất nhưng sửa thế nào, điều khoản, mục nào cần sửa hoặc bỏ thì không đơn vị nào có ý kiến cụ thể nên loại này cũng chỉ dừng ở dạng báo cáo thống kê.

 4) Về hệ thống hoá các văn bản QPPL.

 Từ khi có tổ chức Pháp chế, tổ Pháp chế và đến nay là Phòng Pháp chế đã cố gắng tập hợp, hệ thống hoá được 20 tập văn bản.

 Về các vấn đề: Mẫu giáo, Phổ thông, Sư phạm, đồ dùng dạy học, chế độ đối với cán bộ giảng dạy, giáo viên, quản lý học sinh, chế độ chi tiêu tài chính, lao động sản xuất. Từ 1991 đến nay cứ 2 năm một lần tổ lại tập hợp thành 2 tập:

 Mầm non, Phổ thông, THCN.

 Đại học, Sau đại học, Giáo dục thường xuyên.

 Các tập văn bản này đã có tác dụng: lưu giữ được văn bản làm tư liệu, giúp các đơn vị trong bộ, các Sở, các trường thực hiện nhiệm vụ của ngành theo đúng pháp luật.

 5) Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tư pháp mỗi khi có luật hoặc pháp lệnh mới ban hành, tổ chức Pháp chế đã sao in các tài liệu như đề cương, câu hỏi, giải đáp các vấn đề của luật và pháp lệnh mới gửi đến các đơn vị để phổ biến tới mọi cán bộ, nhân viên trong Bộ.

 Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Pháp chế của ngành (đã nêu trên) thì tổ Pháp chế trước đây và Phòng Pháp chế hiện nay còn nhiều việc làm chưa tốt và chưa làm được:

 - Việc tổng hợp, dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật hàng năm chỉ mới làm được từ 3 năm nay, nhưng thường thì không thực hiện được. Rà soát văn bản chưa làm được thường xuyên chỉ khi nào Chính phủ có chủ trương tổng rà soát mới làm. Hai đợt tổng rà soát năm1989 và 1998 làm khá công phu nhưng hiệu quả thấp. Nhìn vào khối văn bản quy phạm pháp luật của ngành hiện nay được coi như còn hiệu lực thi hành thì vô cùng khó khăn trong điều hành và xử lý vi phạm. Những văn bản không phải là quy phạm pháp luật mà được áp dụng ở cơ sở như văn bản QPPL (công văn hướng dẫn) còn khá nhiều không thuộc phạm vi rà soát của Pháp chế nhưng lại có tác động lớn đến cơ sở. Nhiều cán bộ quản lý cũng như chuyên viên của các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước, thậm chí không biết lĩnh vực mình quản lý có những văn bản nào điều chỉnh.

 - Việc hệ thống hoá văn bản QPPL đã làm được đều đặn nhưng cũng chỉ mới là tập hợp mà chưa hệ thống hoá theo chuyên mục. Văn bản sau khi hệ thống lại, in, phát hành đến các cơ sở, do số lượng in không nhiều, giá thành cao, lại thêm các quy định về tài chính nên nhiều cơ sở không muốn mua; nếu có kinh phí tổ chức in và phát đến các trường thì tác dụng và hiệu quả thi hành pháp luật trong ngành sẽ tốt hơn nhiều.

 - Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 - Công tác này còn nhiều mặt hạn chế, tổ Pháp chế trước đây cũng như phòng Pháp chế hiện nay hầu như chưa thực hiện được, nhất là việc kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Văn bản QPPL sau khi ban hành ra khỏi cơ quan, đến cơ sở được đón nhận thế nào? có gì vướng mắc? Cán bộ quản lý các cấp thực hiện có gì đúng, sai? Phòng Pháp chế hầu như không nắm được và cũng chưa có khi nào cán bộ Pháp chế được đi về cơ sở để tìm hiểu việc thực thi pháp luật của ngành. Việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành phòng Pháp chế cũng chưa khi nào được hỏi ý kiến.

Sau khi có Luật Giáo dục, và các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục, Phòng Pháp chế đã phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan xử lý một số trường hợp quyết định của địa phương trái với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao vì vai trò, vị trí của một đơn vị cấp Phòng, thuộc Văn phòng thì khó có thể giải quyết được.

 6) Việc xây dựng lề lối làm việc và quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

 Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 101/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để đưa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào nề nếp, Phòng Pháp chế đã đề xuất và xây dựng trình Bộ trưởng ban hành Quy định về hình thức, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, Quy định về hình thức, thủ tục xây dựng văn bản cá biệt của Bộ, Quy định về hình thức, thủ tục xây dựng văn bản hành chính của Bộ; đồng thời ban hành một loạt các văn bản về lề lối làm việc của Bộ như: Quy chế làm việc của cơ quan Bộ, Quy định về tiếp khách nước ngoài, Quy định về lập dự toán, thanh quyết toán chi tiêu... 

C.   Quan hệ giữa tổ chức Pháp chế Bộ Giáo dục

     và Đào tạo với các đơn vị trực thuộc, các Sở,

     trường... Quan hệ với Bộ Tư pháp.

 Tổ chức Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo được hình thành từ rất sớm, đến nay đã được 38 năm. Tháng 11-1997 được Bộ trưởng ra quyết định chính thức thành lập Phòng Pháp chế. Tuy đã có danh nghĩa là một Phòng công tác nhưng đến nay sau 43 tháng Phòng vẫn chỉ có hai cán bộ và một hợp đồng (gọi là "cơ hữu") chưa có trưởng phó phòng và vẫn do một vị Phó Chánh Văn phòng phụ trách kiêm nhiệm với nhiều mặt công tác cụ thể khác. Quan hệ công tác với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở, các trường đều phải qua lãnh đạo Văn phòng, kinh phí hoạt động không có. ở các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở có tổ chức pháp chế hoặc có cán bộ theo dõi pháp chế không? cơ chế lề lối làm việc thế nào? Phòng Pháp chế Bộ không biết và cũng không có quyền biết.

Với Bộ Tư pháp và các tổ chức Pháp chế các Bộ ngành khác, phòng Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ tư cách đồng đẳng, đồng cấp nhưng phòng đã thực hiện nghiêm chỉnh những hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Tư pháp; thực hiện đầy đủ những quy định về báo cáo và thẩm định trình ký các văn bản do Chính phủ và Quốc hội ký.

Phòng Pháp chế cũng đóng góp ý kiến đầy đủ, kịp thời và có chất lượng các văn bản QPPL của các Bộ ngành khác gửi góp ý kiến; tham gia ban soạn thảo các văn bản QPPL với các Bộ khác khi được mời.

 D. Đánh giá chung.

Với cơ chế tổ chức, nhân lực của tổ chức Pháp chế qua các thời kỳ nêu trên và với chức năng, nhiệm vụ được xác định tại Nghị định 94/CP Phòng Pháp chế chưa làm hết chức năng nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân có nhiều nhưng bao trùm lên tất cả là một số Bộ trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quan niệm đầy đủ việc quản lý nhà nước bằng Pháp luật do đó chưa có quyết tâm xây dựng một bộ máy đủ mạnh để giúp mình làm việc này.

38 năm qua Tổ chức Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo tồn tại như một cơ thể "tiên thiên bất túc" nhưng cũng đã làm được nhiều việc quan trọng được Bộ Tư pháp nhiều lần tặng bằng khen. Những việc chưa làm được do không đủ sức còn nhiều, để lại nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện pháp luật của ngành, đối với cơ sở và nhân dân.

D.   Phương hướng, giải pháp kiện toàn tổ chức Pháp

chế và đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Pháp chế

 Trước hết Bộ trưởng và các cán bộ tham mưu cho Bộ trưởng về mặt tổ chức cần hiểu đầy đủ pháp luật là gì? Quản lý nhà nước bằng pháp luật là thế nào? Quán triệt và thực hiện tốt nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các bộ, ngành...

 Ngành Giáo dục và đào tạo có phạm vi và đối tượng quản lý rất lớn, từ giáo dục mầm non đến sau đại học, giáo dục thường xuyên; hầu như mọi người dân đều là đối tượng quản lý của ngành giáo dục và đào tạo; hệ thống trường sở của ngành ở khắp mọi miền từ vùng núi cao đến hải đảo xa xôi, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều liên quan đến giáo dục và đào tạo. Do vậy hệ thống luật pháp của ngành cần phải ứng đáp được những yêu cầu thực tế trên.

 Căn cứ Nghị định 94/CP thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có một vụ Pháp chế hoặc nếu là Phòng thì là một phòng độc lập trực thuộc Bộ trưởng, không nằm trong Văn phòng hoặc một Vụ nào khác. Có đủ chuyên viên đạt trình độ cần thiết để làm các nhiệm vụ đã quy định trong nghị định 94/CP. Đây là điều kiện tiên quyết, sau khi có tổ chức và cán bộ mới triển khai được các nhiệm vụ quan trọng mà trước đây chưa làm được: xây dựng chương trình, kế hoạch soạn thảo các văn bản QPPL hàng năm; rà soát văn bản QPPL thường xuyên, đề nghị Bộ trưởng bãi bỏ các văn bản không đúng quy cách, ban hành sai thẩm quyền, những văn bản không còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, những văn bản đòi hỏi phải vận dụng khi thực hiện; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến toàn ngành. Định kỳ và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành. Cần có đủ kinh phí cho việc thực hiện các mặt công tác của tổ chức Pháp chế.

 

G. Kiến nghị mô hình tổ chức Pháp

   chế Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Ngành giáo dục và đào tạo hiện nay đã có 2 luật là: - Luật Phổ cập giáo dục tiểu học; - Luật Giáo dục. Luật phổ cập giáo dục tiểu học ban hành năm 1991 đến nay đại bộ phận các tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang triển khai phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhiều quận ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện phổ cập Trung học phổ thông. Như vậy, Luật phổ cập giáo dục tiểu học sẽ phải sửa đổi; Luật giáo viên, Luật về đào tạo Đại học cũng sẽ phải chuẩn bị soạn thảo. Những nhiệm vụ của tổ chức Pháp chế theo quy định tại Nghị định 94/CP mà trước đây "Phòng Pháp chế" chưa làm được. Nay muốn làm tốt những nhiệm vụ ấy thì mô hình tổ chức Pháp chế của Bộ phải được tổ chức như sau:

Ở Bộ Giáo dục và Đào tạo: là Vụ Pháp chế

Có một Vụ trưởng, một hoặc 2 Vụ phó. Trình độ: tốt nghiệp đại học Luật, có kinh nghiệm quản lý và hiểu biết về ngành giáo dục và đào tạo. Vụ có 5 đến 7 chuyên viên tốt nghiệp đại học Luật, biết ngoại ngữ, thạo sử dụng máy vi tính.

Ở các đơn vị trực thuộc Bộ, có một chuyên viên làm công tác Pháp chế ở đơn vị làm việc trực tiếp với thủ trưởng theo chế độ chuyên viên.

Ở các Sở có một hoặc hai chuyên viên phụ trách công tác Pháp chế của Sở.

 Các chuyên viên Pháp chế ở các đơn vị và các Sở chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về mô hình tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ  nên được quy định bằng một Nghị định khác thay thế Nghị định 94/CP. Trong đó cần khẳng định:

-        Đối với Bộ: nhất thiết phải tổ chức một Vụ Pháp chế độc lập.

-        Đối với các cơ quan như Tổng cục, Cục..: tổ chức Phòng Pháp chế độc lập.

 

 

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

 

CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

 

 

VÕ THANH LÂM, THẠC SỸ LUẬT HỌC

Phòng Pháp chế - Tổng cục Bưu điện

 

 

I.                thực trạng ngành bưu chính viễn thông

việt nam và sơ lược quá trình hình thành

tổ chức Pháp chế thuộc Tổng cục Bưu Điện

Ngành bưu chính viễn thông là một kinh tế kỹ thuật dịch vụ đã có bề dày phát triển từ hơn nửa thế kỷ qua gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường với sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế, có vai trò là động lực thúc đẩy và có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Chỉ mới sau gần 15 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế với chiến lược hiện đại hoá và tăng tốc độ phát triển thì ngành bưu điện Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể góp phần vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước với tốc độ tăng trưởng của ngành luôn đạt ở mức cao và doanh thu tăng bình quân 20% mỗi năm. Các công nghệ tiên tiến nhất đã được đưa vào sử dụng trên mạng lưới bưu chính viễn thông góp phần nâng cao chất lượng và nhu cầu phục vụ tới mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước với nhiều dịch vụ bưu chính viễn thông mới đã được đưa vào khai thác và phục vụ khách hàng trong cả nước như dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS) trong nước và quốc tế, dịch vụ chuyển tiền nhanh, dịch vụ bưu phẩm không địa chỉ, dịch vụ bưu chính uỷ thác, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, dịch vụ Datapost, dịch vụ internet, dịch vụ thông tin di động, dịch vụ điện thoại VoIP, dịch vụ truyền số liệu, dịch vụ điện thoại hội nghị... với những kết quả cụ thể như sau:

-  Mạng lưới bưu chính có trên 3000 bưu cục chính qui được tổ chức thành 3 cấp theo qui mô phục vụ và địa dư hành chính và trên 4200 Điểm Bưu điện văn hoá xã và 395 Đại lý Bưu điện đa dịch vụ trên khắp cả nước góp phần đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ bưu chính - viễn thông và nâng cao dân trí trong cả nước kể cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bán kính phục vụ bình quân của 1 điểm phục vụ được giảm xuống còn là 3,65 km (2000) so với mức 4,28km (1999). Mạng vận chuyển bưu chính trong nước hiện có hơn 330 tuyến đường thư nối liền các bưu cục trong cả nước với 3 đầu mối trung tâm vận chuyển ở Hà nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Mạng vận chuyển bưu chính quốc tế được thực hiện chủ yếu bằng đường hàng không với 26 tuyến đường bay và 4 tuyến đường thư thuỷ bộ tới hơn 60 nước và qua đó quá giang đi tất cả các nước trên thế giới.

          - Cả nước có gần 3,3 triệu máy điện thoại tăng hơn 36 lần so với thời điểm  mới bắt đầu mở cửa (năm 1987 mới chỉ có khoảng gần 90.000 máy), đạt mật độ điện thoại bình quân 4,23 máy/100 dân (Việt nam là một trong 30 nước trên thế giới có tổng số thuê bao đạt trên 3,0 triệu máy và là quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông đứng thứ 2 trên thế giới trong mấy năm qua). Đã thực hiện số hoá 100% mạng cấp I và cấp II toàn quốc và dịch vụ điện thoại đã được cung cấp tới 7790 trong tổng số 9082 xã trong toàn quốc, đạt mức độ viễn thông hoá nông thôn 85,77% với tổng số 35/61 tỉnh thành trên toàn quốc đã có 100% số xã có máy điện thoại. Thông tin điện thoại cũng đã được trang bị cho các vùng đảo xa và các vùng tuyến đầu của tổ quốc. Mạng đường trục viễn thông quốc gia dã được xây dựng hiện đại có dung lượng lớn, tốc độ cao với các phương thức liên lạc hiện đại nhất hiện nay là cáp quang, viba số và vệ tinh. Sau gần 5 năm đưa vào khai thác mạng thông tin di động đã được phủ sóng ở trung tâm 61/61 tỉnh thành và các huyện lỵ, đô thị quan trọng với gần 800 ngàn thuê bao. Thông tin Internet được chính thức đưa vào phục vụ từ cuối năm 1997 và cho đến nay, với khả năng truy cập trực tiếp vào Internet tại 56/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, đã có hơn 100.000 ngàn thuê bao đăng ký và hàng trăm ngàn người sử dụng của Việt Nam đã có thể truy cập vào mạng Internet, tiếp cận với kho tàng thông tin khổng lồ của thế giới và đang bước đầu tạo nên một phong cách kinh doanh mới - kinh doanh điện tử.

Để có được những thành tích đó, không thể không nói tới vai trò của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông đối với công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông. Quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông với những quy định thể hiện chủ trương tăng cường  mở cửa thị trường và thực hiện cạnh tranh chuẩn bị cho hội nhập kinh tế, tận dụng mọi nguồn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, góp phần tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho các doanh nghiệp và động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và chuẩn bị mở cửa cạnh tranh gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tổ chức pháp chế trong ngành bưu chính viễn thông, một tổ chức có chức năng và nhiệm  vụ gắn liền với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông, cùng với những thay đổi nhất định về mô hình tổ chức quản lý bưu chính viễn thông và việc phân tách chức năng quản lý nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông trong suốt thời gian qua:

- Thời kỳ trước những năm 1990, khi chức năng quản lý nhà nước chưa được phân tách khỏi chức năng quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện thì Tổng cục Bưu điện là một cơ quan nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh về bưu chính viễn thông, và trong khoảng thời gian này ở cơ quan Tổng cục Bưu điện thường không tồn tại một tổ chức chính thức thực hiện công tác pháp chế trong lĩnh vực bưu chính viễn thông (Theo Nghị định số 68-CP ngày 8 tháng 4 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện và Nghị định số 390-CP ngày 2 tháng 11 năm 1979 về sửa đổi một số điều trong Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện thì hệ thống tổ chức của ngành Bưu điện bao gồm Tổng cục Bưu điện, Các bưu điện tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương, các bưu điện huyện và tương đương, các trạm bưu điện xã và tương đương, trong đo quy định rõ hệ thống các bưu điện ở địa phương là đơn vị trực tiếp quản lý mạng lưới kinh doanh nghiệp vụ theo phân cấp của Tổng cục Bưu điện).

- Khi nhà nước chủ trương thực hiện việc bóc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hoạt động kinh doanh ở nhiều ngành kinh tế, chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện đã được phân tách khỏi chức năng quản lý kinh doanh, với việc chuyển Tổng cục Bưu điện (cũ) thành Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam theo Nghị định số 115/HĐBT ngày 7/4/1990 của Hội đồng Bộ trường trong đó xác định rõ "Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam là tổ chức sản xuất kinh doanh hoạt động theo Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh" (Điều 1 Nghị định 115/HĐBT ngày 7/4/1990) và chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện đã được giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện từ năm 1990 theo quy định tại Nghị định 151/HĐBT ngày 12/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ giao thông vận tải và bưu điện, trong đó quy định rõ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông kể cả các nội dung liên quan đến công tác pháp chế được giao cho Vụ Bưu điện, không có tổ chức pháp chế riêng về bưu chính viễn thông và đồng thời khẳng định hệ thống các bưu điện tỉnh, thành phố là các tổ chức kinh doanh thuộc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam - một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Liên hiệp xi nghiệp quốc doanh và chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ giao thông vận tải và bưu điện (Điểm a và điểm d của điều 3, Nghị định 151/HĐBT ngày 12/5/1990 và Điều 2 của Nghị định 115/HĐBT ngày 7/4/1990).

- Kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1992, chức năng quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông lại được tách khỏi Bộ giao thông vận tải và bưu điện, và được giao về cho Tổng cục Bưu điện là cơ quan thuộc Chính phủ mới được thành lập lại theo Nghị định sô 03-CP ngày 26 tháng 10 năm 1992 của Chính phủ. Tiếp đó, vào tháng 5/1993, Nghị định số 28-CP của Chính phủ đã được ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện trong đó có quy định rõ nhiệm vụ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc xây dựng để trình các dự thảo luật, kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật và các quy định của nhà nước về lĩnh vực bưu điện. Như vậy, trong các quy định của Nghị định vẫn không có quy định nào về tổ chức pháp chế trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước về bưu điện. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò quan trọng đối với công tác pháp chế của các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đến giữa năm 1994 Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình đã ban hành Quyết định số 689/TCCB-LĐ ngày 19 tháng 7 năm 1994 giao nhiệm vụ quản lý công tác pháp chế của ngành Bưu điện cho một đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện- đó là Văn phòng Tổng cục, trong đó quy định rõ Văn phòng Tổng cục chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung công tác pháp chế của ngành Bưu điện với các nhiệm vụ cụ thể như sau:

+ Làm đầu mối trong quan hệ với các cơ quan pháp luật của nhà nước;

+ Tổ chức xây dựng và theo dõi văn bản pháp quy chung thuộc các lĩnh vực được Lãnh đạo Tổng cục giao;

+ Tổ chức công tác hệ thống hoá văn bản pháp luật và tuyên truyền pháp luật trong ngành.

+ Làm tư vấn về pháp lý cho lãnh đạo Tổng cục những vấn đề được Lãnh đạo Tổng cục giao.

(Điều 1 - Quyết định số 689/TCCB-LĐ ngày 19 tháng 7 năm 1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện).

Như vậy, mặc dù chưa có một tổ chức chính thức với tên gọi là tổ chức pháp chế, nhưng kể từ cuối tháng 7 năm 1994 thì ở tại Tổng cục Bưu điện đã có  một đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện công tác pháp chế trong ngành bưu điện - đó là Văn phòng Tổng cục. Và kể từ đó, trong tổ chức của Văn phòng luôn duy trì một số lượng nhất định các chuyên viên phụ trách về công tác pháp chế bưu điện.

Sau này, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ngày 11 tháng 3 năm 1996 về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện để thay thế Nghị định số 28-CP ngày 24 tháng 5 năm 1993, trong đó tiếp tục ghi nhận các các nội dung liên quan đến công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc xây dựng để trình các dự thảo luật, kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật và các quy định của nhà nước về lĩnh vực bưu điện của Tổng cục Bưu điện. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện tiếp tục ban hành Quyết định số 268/QĐ-TCBĐ ngày 10 tháng 6 năm 1996 về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Tổng cục, trong đó quy định rõ là giao cho Văn phòng Tổng cục Bưu điện thực hiện và quản lý công tác pháp chế của Tổng cục Bưu điện, thẩm định về mặt pháp lý các văn bản trước khi trình Tổng cục trưởng. Trong thời gian này, Văn phòng Tổng cục Bưu điện duy trì số lượng nhân sự gồm có một chuyên viên chuyên trách công tác pháp chế để thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

- Tháng 9 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ trong đó quy định rõ về các nội dung công tác pháp chế, đồng thời khẳng định sự cần thiết việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập với quy mô nhất định để đảm bảo thực hiện hiệu quả côngtác pháp chế tại các bộ ngành. Nhận thức sâu sắc về sự quan trọng của công tác pháp chế đối với việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện trong điều kiện phát triển hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã quyết định thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ công tác pháp chế của Tổng cục Bưu điện theo các nội dung như quy định tại Nghị định 94/CP (Quyết định số 652/QĐ-TCCB ngày 31 tháng 10 năm 1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục). 

II.              VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHỨC NĂNG,

NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TỔNG

CỤC BƯU ĐIỆN THEO NGHỊ ĐỊNH 94/CP

Theo quy định của Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chức năng nhiệm vụ chính của tổ chức pháp chế của các Bộ Ngành là giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao, đồng thời tổ chức việc triển khai thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở quy định của Ngjhị định này, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-TCCB ngày 31/10/1997 để thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục, với số lượng cán bộ ban đầu rất khiêm tốn là chỉ có 02 người - một trưởng phòng và một chuyên viên - cả hai cán bộ này đều đã tốt nghiệp đại học luật đồng thời có bằng đại học chuyên ngành thông tin liên lạc hoặc điện tử viễn thông, trong đó một cán bộ đã có bằng thạc sỹ luật. Trong quá trình hoạt động từ ngày thành lập đến nay, mặc dù có một số biến động về nhân sự, nhưng số lượng cán bộ pháp chế của phòng đã dần dần được bổ sung và tăng cường cả về mặt số lượng và chất lượng: tổng số cán bộ pháp chế đã nâng lên thành 4 người, trong đó tất cả đều đã tốt nghiệp đại học luật, đáng chú ý là trong đó nhiều cán bộ đã có bằng đại học thứ hai về chuyên ngành điện tử viễn thông và bằng sau đại học về chuyên ngành luật (2 cán bộ đã có bằng thạc sỹ luật học và bằng đại học chuyên ngành điện tử viễn thông, 1 cán bộ có bằng đại học ngoại ngữ và 1 cán bộ đang theo học chương trình đại học ngoại ngữ), là một điều kiện hết sức cần thiết đối với cán bộ pháp luật công tác trong một ngành kinh tế kỹ thuật mang tính đặc thù cao như ngành bưu chính viễn thông. Đây chính là một yếu tố để công tác của phòng đã ngày càng được khẳng định và được các đơn vị chức năng chuyên môn trong Tổng cục đánh giá cao, các cấp lãnh đạo khen ngợi. Với số lượng cán bộ khiêm tốn như vậy song với tinh thần làm việc tích cực và tự giác, trong những năm vừa qua Phòng đã thực hiện được những khối lượng công việc khổng lồ, đặc biệt là trong công tác tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổng  rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn có những nội dung chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa được tốt như theo quy định của Nghị định 94/CP. Sau đây là một số nội dung cụ thể về tình hình thực hiện các chức năng nhiệm vụ của tổ chức pháp chế thuộc Tổng cục Bưu điện.

1.    Chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc thực hiện

chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế:

Trong điều kiện hệ thống pháp luật chung của đất nước đã có những bước được cải thiện rõ rệt cả về số lượng, nội dung, sự thống nhất và ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật so với những năm trước đây, việc triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Tổ chức pháp chế tương đối thuận lợi. Song do một thông lệ đã hình thành thói quen từ nhiều năm nay là việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật của nhà nước chỉ thực sự được triển khai khi đã có những văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, thì hoạt động quản lý và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính viễn thông lại hết sức khó khăn do quá thiếu các văn bản pháp luật điều chỉnh những hoạt động về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, đặc biệt là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao. Điều này được thể hiện ở chỗ là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất để điều chỉnh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông mới chỉ là cấp Nghị định cuả Chính Phủ (Nghị định 121/HĐBT trong thời kỳ từ năm 1987 đến 1997 và Nghị định 109/1997/NĐ-CP từ năm 1997 đến nay), được ban hành từ trước đó nhiều năm do vậy giá trị pháp lý và tính khả thi trên thực tế là rất hạn chế.

Nhận thức được những khó khăn như trên, Tổ chức pháp chế của Tổng cục Bưu điện đã chủ động và mạnh dạn đề xuất với các cấp lãnh đạo để khẩn trương triển khai việc soạn thảo quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức pháp chế nhằm cụ thể hoá những quy định đối với tổ chức pháp chế như trong Nghị định 94/CP đối với tổ chức pháp chế của Tổng cục Bưu Điện, đồng thời triển khai xây dựng quy chế xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chung trong hoạt động xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Tổng cục Bưu điện. Tuy nhiên, do điều kiện bất cập về mặt tổ chức của tổ chức pháp chế - được tổ chức ở mô hình Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng - nên việc xây dựng quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức pháp chế đã ngay lập tức gặp phải khó khăn ngay trong quá trình xây dựng ở những điểm như sau: Mô hình cấp phòng thì không thể có quy định về chức năng nhiệm vụ như các đơn vị chức năng khác của Tổng cục, đặc biệt là trong quan hệ phối hợp công tác giữa Phòng Pháp chế với các đơn vị chức năng này, song để quy định được một cách cụ thể về chức năng nhiệm vụ của phòng pháp chế và đảm bảo cho việc thực hiện chức năng đó một cách hiệu quả thì một yêu cầu hết sức quan trọng là vị trí của phòng và khả năng phối hợp với các vụ chức năng phải ngang bằng với các vụ, hoặc chí ít thì cũng phải là một đơn vị độc lập trực thuộc lãnh đạo Tổng cục. Nhưng điều này lại là những nội dung có tính chất loại trừ lẫn nhau mà chưa thể thực hiện được nếu vẫn duy trì mô hình tổ chức pháp chế dưới hình thức phòng như hiện nay. Do vậy việc xây dựng và hoàn thiện bản dự thảo quy chế này đã bị tạm dừng chưa được tiếp tục triển khai (hiện nay Văn phòng đang phối hợp cùng Vụ tổ chức cán bộ để chuẩn bị đề xuất nâng cấp tổ chức phòng lên thành Vụ Pháp chế theo mô hình đổi mới chung của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông). Đây chính là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn của phòng pháp chế hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện chức năng tư vấn tham mưu cho lãnh đạo trong công tác pháp luật hết sức hạn chế.

2.    Tổ chức thực hiện chức năng,

nhiệm vụ của tổ chức pháp chế:

a. Công tác xây dựng văn bản pháp luật:

Hàng năm, Phòng pháp chế của Tổng cục Bưu điện đều chủ động xây dựng chương trình xây dựng pháp luật của Tổng cục trình lãnh đạo phê duyệt và đăng ký với Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ để tập hợp chương trình công tác chung của Chính phủ. Chương trình này sau khi được phê duyệt, tổ chức pháp chế cũng đồng thời được phân công chủ trì hoặc làm thường trực để triển khai xây dựng nhiều văn bản, hoặc tham gia với các đơn vị chức năng khác của Tổng cục để triển khai xây dựng.

Ngoài ra, Phòng cũng là đơn vị chủ yếu chịu trách nhiệm chính trong việc tham gia đóng góp ý kiến nội dung dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành khác gửi đến, tổ chức giới thiệu và lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến những quyền cơ bản của công dân như dự thảo Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính v.v.  Trong thời gian từ năm 1998 đến nay, Phòng Pháp chế đã chủ trì hoặc tham gia  xây dựng dự thảo trên 20 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, tham gia thẩm định pháp lý hàng chục văn bản quy phạm pháp luật khác về bưu chính viễn thông, trực tiếp góp ý hoặc tổ chức tập hợp ý kiến đóng góp đối với hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan bộ ngành khác gửi đến lấy ý kiến.

Đặc biệt là trong các năm từ 1998 đến 2000, Phòng pháp chế đã giữ vai trò là bộ phận thường trực chịu trách nhiệm công việc điều phối giữa các đơn vị trong và ngoài Tổng cục cũng như trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu khảo sát chuẩn bị tư liệu trong quá trình triển khai xây dựng dự thảo luật bưu chính viễn thông theo chương trình xây dựng luật và pháp luật của quốc hội. Phòng Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức nhiều hoạt động khảo sát và đánh giá thực trạng hệ thống văn bản pháp luật về bưu chính viễn thông, tình hình thực thi các văn bản pháp luật về bưu chính viễn thông tại các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên khắp cả nước, tổ chức nhiều đợt hội thảo và trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật về bưu chính viễn thông với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia pháp luật và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý trong lĩnh vực bưu chính viễn thông như chuyên gia pháp luật của Liên minh viễn thông quôc tế ITU, Liên minh bưu chính thế giới UPU, Cơ quan Bưu chính Mỹ, Hà Lan, Pháp v.v. 

Sau này, khi Quốc hội khoá X có Nghị quyết mới về chương trình xây dựng luật và pháp luật trong năm 2001, việc xây dựng dự thảo luật bưu chính viễn thông đã được chuyển thành việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, thì Phòng pháp chế đã tiếp tục thực hiện tốt chức năng là đơn vị điều phối và trực tiếp tham gia soạn thảo nhiều phần quan trọng trong dự thảo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông. Nội dung các công việc cụ thể mà phòng pháp chế đã triển khai trong thời gian nay là chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, xây dựng đề cương chi tiết và triển khai xây dựng dự thảo pháp lệnh, tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế tại các địa phương và tại các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, Internet; tham quan tìm hiểu kinh nghiệm quản lý của một số nước, mời một số chuyên gia của các tổ chức quốc tế như ITU, UPU. APEC tổ chức các hội thảo để thu thập thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Sau nhiều lần hội thảo Dự thảo pháp lệnh đã được hoàn thiện chính thức đến version 10 và gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành có liên quan và của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông.

Ngoài ra, Phòng pháp chế cũng đã thực hiện tốt vai trò của mình trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức pháp chế của các bộ ngành hữu quan để phối hợp triển khai công tác chuyên môn, dự thảo các văn bản pháp luật liên tịch giữa Tổng cục Bưu điện với các Bộ ngành khác như với Bộ công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao v.v.

c.     Công tác rà soát và hệ thống hoá

văn bản quy phạm pháp luật:

Về công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, vai trò của Phòng Pháp chế đã được khẳng định và được lãnh đạo đánh giá cao, đặc biệt là qua kết quả của đợt công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 1996-2000 theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Chính Phủ. Với nhiệm vụ là bộ phận thường trực ban chỉ đạo công tác này tại Tổng cục, Phòng pháp chế đã phát huy vai trò của mình với những công việc như điều phối, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát và hệ thống hoá tại các đơn vị, tổ chức trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức pháp chế khác, làm việc với thành viên Ban chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tổng rà soát đã được tiến hành đúng tiến độ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo công tác tổng rà soát của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng tốt với kết quả là đã hoàn thành việc xây dựng các danh mục văn bản như: Danh mục toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông được ban hành từ năm 1976 đến 1996, tiếp đó là danh mục bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện ban hành từ 1996 đến 2000, Danh mục các văn bản đã hết hiệu lực thi hành, danh mục văn bản đang còn hiệu lực thi hành, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực thi hành đề xuất sửa đổi bổ sung, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đề nghị xây dựng mới v.v.  Dựa trên kết quả của đợt công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật này, Phòng Pháp chế đã đề xuất  trình Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện xem xét quyết định công bố danh mục văn bản đã hết hiệu lực thi hành gồm 538 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng cục Bưu điện - kể cả các văn bản ban hành liên tịch với các Bộ Ngành chức năng khác (Quyết định số 35/2000/QĐ-TCBĐ) và danh mục văn bản ban hành sai thẩm quyền (gồm những văn bản đã ban hành không đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật - cả về hình thức và nội dung văn bản). Những kết quả đạt được từ đợt công tác tổng rà soát này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các đơn vị chức năng chuyên môn trong Tổng cục trong việc rà soát đánh giá lại thực trạng và yêu cầu quản lý của các đơn vị theo từng lĩnh vực chuyên ngành được phân công, từ đó xác định được những bất cập và đề xuất các biện pháp đổi mới đối với công tác quản lý, thông qua việc ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc sửa đổi những văn bản đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tiếp tục phát huy kết quả của đợt công tác tổng rà soát này, Phòng Pháp chế đã chủ động triển khai thực hiện định kỳ hàng năm  công tác rà soát văn bản tại đơn vị theo đúng như quy định cuả Nghị định số 94/CP. Mặc dù Phòng Pháp chế hiện nay chưa có đủ số lượng cán bộ để có thể phân công một cán bộ chuyên trách phụ trách công tác này song những cán bộ phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn của phòng đã được phân công và chủ động hệ thống hoá những văn bản theo từng mảng công việc mà mình phụ trách và hàng năm đều có tổng hợp và thống kê thành một danh mục chung phục vụ yêu cầu công tác của đơn vị, và kết quả là đã phối hợp với Nhà Xuất Bản Bưu điện ban hành hàng năm các tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tra cứu của các đơn vị chức năng chuyên môn thực thi công tác quản lý của mình đồng thời tạo cơ sở cho các đối tượng thi hành có điều kiện tiếp xúc và hiểu biết về những quy định hiện hành của pháp luật bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện, từ đó có thể nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng này.

Cũng nằm trong nội dung liên quan đến công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, vai trò của Phòng Pháp chế một lần nữa được khẳng định qua đợt công tác rà soát văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu và hải quan theo tinh thần Quyết định số 670/TTg cua Thủ tướng Chính phủ. Phòng đã cùng các đơn vị chức năng tiến hành rà soát lại toàn bộ các quy định về quản lý chuyên ngành đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông, từ đó kiến nghị những biện pháp tháo gỡ và giải quyết những bất cập trong công tác này để tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu vật tư thiết bị bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật. Phòng Pháp chế với tư cách là thường trực tổ công tác này của Tổng cục Bưu điện đã chủ động và tích cực phối hợp vói các vụ chức năng liên quan của Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp v.v. triển khai thực hiện các yêu cầu theo hướng dẫn của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã dự thảo và trình Lãnh đạo Tổng cục ký ban hành thông tư liên tịch về kiểm tra hải quan đối với vật phẩm hàng hoá gửi qua đường bưu điện, một thông tư hướng dẫn về xuất nhập khẩu với những nội dung quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý hiện nay.

Riêng trong năm  2000, việc triển khai thi hành Nghị định số 30/2000/NĐ-CP và Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg về triển khai thi hành luật doanh nghiệp và việc huỷ bỏ một số giấy phép nhằm tạo điều kiện thông thoáng và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, công tác rà soát văn bản pháp luật và vai trò của Phòng Pháp chế một lần nữa được khẳng định thông qua việc rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật là sở cứ pháp lý đối với các loại giấy phép chuyên ngành bưu chính viễn thông và tần số vô tuyền điện do Tổng cục Bưu điện hiện đang quản lý và cấp phép, đối chiếu với các quy định cụ thể của Luật doanh nghiệp, Phòng Pháp chế đã đề xuất và chủ trì soạn thảo thông tư hướng dẫn về kinh doanh có giấy phép và kinh doanh có điều kiện theo tinh thần giảm bớt giấy phép tạo điều kiện thông thoáng, chủ yếu quản lý bằng giấy phép mang tính nghiệp vụ, còn đối với giấy phép mang tính chất thương quyền cấp cho doanh nghiệp chỉ giới hạn ở mức độ tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị định số 30 và quyết định 19 nêu trên..

Như vậy, mặc dù mô hình tổ chức dưới hình thức phòng nhưng có thể khẳng định rằng kể từ khi được tổ chức lại thì Phòng Pháp chế đã thực hiện tốt công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, một nội dung công tác quan trọng của các tổ chức pháp chế nói chung như đã được quy định trong Nghị định số 94/CP.

          c. Công tác tư vấn tham mưu cho Lãnh đạo

 Tổng cục và các đơn vị chức năng:

Việc tham mưu và tư vấn cho lãnh đạo Tổng cục là một nội dung mặc dù chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng như quy định trong Nghị định 94/CP, nhưng đã là một sự nỗ lực đáng trân trọng của phòng trong điều kiện mô hình tổ chức được đặt trực thuộc Văn phòng - đồng nghĩa với những khó khăn và hạn chế nhất định trong việc thực hiện vai trò tư vấn tham mưu của phòng. Tuy nhiên, Phòng Pháp chế cũng đã đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo trong việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, đặc biệt là những đề xuất trong việc xây dựng những văn bản quy phạm  pháp luật về bưu chính viễn thông hoặc việc giải quyết các khiếu nại của các doanh nghiệp và cá nhân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông.

Với hạn chế là không ngang cấp với các vụ chức năng chuyên môn, nhưng Phòng đã chủ động phối hợp tham gia với các Vụ chức năng để đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật mà các vụ chức năng chủ trì soạn thảo, hoặc trao đổi thống nhất về cơ sở pháp lý và việc giải quyết các vấn đề quản lý chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực quản lý về chất lượng, về khoa học công nghệ, về quản lý nghiệp vụ bưu chính viễn thông, việc quản lý xuất nhập khẩu vật tư thiết bị bưu chính viễn thông v.v.

d. Công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật:

Phòng Pháp chế đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị hữu quan ở các Bộ Ngành tổ chức giới thiệu và phổ biến nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới đươc ban hành liên quan đến các quyền cơ bản của công dân nói chung như bộ luật hình sự, pháp lệnh khiếu nại tố cáo, pháp lệnh công chức viên chức... góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp của cán bộ công chức trong ngành bưu điện. Bên cạnh đó Phòng cũng đã chủ trì và chuẩn bị nội dung để phát hành 2 tập sách Những văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện là cơ sở tốt cho việc thực hiện công tác tuyên tuyền và phổ biến pháp luật về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.

Phòng đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền và phổ biến một số văn bản pháp luật hiện hành về bưu chính viễn thông tới các đối tượng thi hành, đặc biệt là các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam, như tổ chức giới thiệu về Nghị định số 109/1997/NĐ-CP về bưu chính viễn thông, Thể lệ khai thác dịch vụ trên mạng PSTN, Nghị định số 79/CP về thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện v.v. Tuy nhiên, công tác này thực sự chưa đạt được hiệu quả như mong muôn do điều kiện hạn hẹp về kinh phí, do mô hình tổ chức còn nằm trong Văn phòng nên Phòng chưa thực sự chủ động triển khai mà hầu hết đếu là phối hợp hoặc hỗ trợ với các đơn vị chức năng khác thuộc Tổng cục như Thanh tra, Vụ chính sách bưu điện v.v.

e. Công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật

về bưu chính, viễn thông và tàn số vô tuyến điện:

Mặc dù đây là một nội dung quan trong nhưng lại là môt nội dung công tác mà tổ chức pháp chế của Tổng cục Bưu điện thực hiện ít hiệu quả nhất, nếu không nói là hầu như chưa thực hiện được trong thời gian hoạt động vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này chủ yếu là do mô hình tổ chức dưới hình thức phòng. Các đơn vị thường lẫn lộn giữa chức năng thanh tra kiểm tra của tổ chức thanh tra và chức năng kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện của tổ chức pháp chế. Bên cạnh đó, do mô hình tổ chức phòng nên thường bị yếu thế hơn trong việc triển khai công tác này - chủ yếu bị phụ thuộc vào tổ chức thanh tra: nếu thanh tra chủ động và tạo điều kiện để hai đơn vị cùng thực hiện theo giới hạn chức năng đã quy định thì tổ chức pháp chế mới có thể thực hiện được công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, còn nếu đơn vị thanh tra không tạo điều kiện hoặc thậm chí cố tình bỏ qua thì tổ chức pháp chế không thể thực hiện được chức năng này. Thêm vào đó, việc tổ chức pháp chế không thực hiện được chức năng kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính viễn thông còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật bởi việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã không được dựa trên cơ sở những khảo sát và đánh giá thực trạng pháp luật mà điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc kiểm tra thực hiện pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện của các đối tượng bị quản lý. Kết quả là những văn bản quy phạm pháp luật như vậy sẽ không phản ánh được yêu cầu thực tiễn quản lý và lẽ tất yếu là tỷ lệ những nội dung bất cập hay không có tính khả thi sẽ cao hơn nhiều so với những văn bản pháp luật điều chỉnh những vấn đề quản lý mà việc kiểm tra tình hình thực thi pháp luật hay khảo sát đánh giá thực tiễn đã được thực hiện tốt theo đúng quy định. 

Như vậy là việc quy định chức năng này đối với các tổ chức pháp chế được tổ chức dưới mô hình phòng pháp chế chỉ là mang tính hình thức mà không có tính khả thi. Vấn đề  này cần được xem xét và quan tâm đặc biệt khi tiến hành bổ sung sửa đổi Nghị định 94/CP. 

f. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ

   thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và

   bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp chế:

Hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ việc thực hiện chức năng quản lý của Phòng Pháp chế thuộc Tổng cục Bưu điện trong thời gian vừa qua đã được Lãnh đạo Tổng cục hết sức quan tâm và hàng năm đều có giao các đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp Tổng cục nhằm  tạo điều kiện để các cán bộ công chức pháp chế có điều kiện đi sâu nghiên cưú về các vấn đề chuyên sâu liên quan đến công tác pháp chế. Riêng trong năm 2001, cán bộ công chức của Phòng Pháp chế đã được giao trực tiếp chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có hai đề tài về nghiên cứu đề xuất một số nội dung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông trong điều kiện mở cửa thị trường và cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông. Các đề tài đã được  triển khai theo tiến độ và hoàn thành với chất lượng tốt và có tính khả thi, sẽ được xem xét để triển khai thực hiện một số nội dung đề xuất trong thời gian tới.

Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học được giao chủ trì, cán bộ công chức của phòng pháp chế đã chủ động tích cực đồng thời được lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện để tham gia nghiên cứu và cộng tác với đơn vị để thực hiện môt số đề tài do các đơn vị chức năng khác của Tổng cục chủ trì. Việc tham gia này không chỉ giúp cán bộ công chức của phòng có điều kiện trao đổi công tác nghiệp vụ mà còn giúp anh chị em có thể học hỏi những kinh nghiệm quản lý chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, là một yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc của cán bộ làm công tác pháp chế trong một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù như ngành Bưu điện.

Ngoài việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, cán bộ công chức của Phòng Pháp chế cũng được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện để tham gia các khoá đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cả ở trong và ngoài nước để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về pháp luật và kiến thức chuyên ngành về bưu chính viễn thông. Nhiều lượt cán bộ của Phòng Pháp chế đã được cử đi học ở nước ngoài như  Hàn quốc, Bruney, Thái Lan, ấn độ, Thuỵ Điển v.v.  Hai cán bộ của Phòng đã được đào tạo tiếp ở bậc sau đại học và tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sỹ luật học. Cũng có hai cán bộ đã tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học về điện tử viễn thông và nhận bằng kỹ sư, hiện đang phát huy tốt những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học tập vào trong công tác chuyên môn.   Cán bộ của Phòng Pháp chế cũng đã được tham gia nhiều hội thảo và các khoá đào tạo ngắn hạn về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

g. Quan hệ phối hợp giữa tổ chức pháp chế và

   các đơn vị chức năng khác thuộc Tổng cục Bưu điện:

Để thực hiện được những chức năng và nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công của lãnh đạo, thì việc phối hợp với các đơn vị chức năng chuyên môn của Tổng cục là một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đối với hiệu quả công tác của tổ chức pháp chế của các bộ ngành nói chung cũng như của Tổng cục Bưu điện nói riêng. Mặc dù có những hạn chế về tổ chức và số lượng cán bộ, trong thời gian vừa qua Phòng Pháp chế của Tổng cục Bưu điện đã hết sức cố gắng trong phối hợp công tác với các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục và cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nhiều đơn vị, đặc biệt là trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Phòng đã tham gia một cách hiệu quả vào việc xây dựng văn bản do các đơn vị chủ xây dựng ngay từ giai đoạn đầu nên trong việc thẩm định đã thực hiện tốt, được các đơn vị tin tưởng và đánh giá cao, và ngày càng có nhiều đơn vị mong muốn có sự tham gia của tổ chức pháp chế trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị chủ trì, đồng thời hết sức tạo điều kiện để phòng pháp chế hoàn thành nhiệm vụ của mình.

III.            ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ Ở TỔNG

CỤC BƯU ĐIỆN VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH 94

1.    Đánh giá chung về công tác pháp

chế tại Tổng cục Bưu điện:

Tính đén thời điểm hiện nay sau hơn 4 năm thành lập và hoạt động (từ tháng 10/1997 đến tháng 12/2001), có thể nói rằng về mặt tổ chức của phòng pháp chế đã được ổn định vói số lượng cán bộ công chức là 4 người mà toàn bộ là được đào tạo chuyên sâu về pháp luật (4 cử nhân luật trong đó có hai thạc sỹ) và đã được đào tạo bổ sung kiến thức về chuyên ngành bưu chính viễn thông (2 người có bằng đại học về điện tử viễn thông), đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn và nâng cao rõ rệt về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về cơ bản đã từng bước đáp ứng được những yêu cầu trước mắt đối với công tác pháp chế ở một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Tổng cục Bưu điện. Để có được kết quả như vậy, một phần rất lớn là nhờ sự quan tâm khuyến khích của lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn với nhận thức rõ ràng về vai trò của công tác pháp chế đối với công tác quản lý nhà nước, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền mà mọi tổ chức cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật, và việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để có thể thực hiện xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tổ chức pháp  chế khác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn và tồn tại cần được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, cụ thể là:

- Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia thanh, kiểm tra việc chấp hành các văn bản Quy phạm pháp luật còn rất  hạn chế;

- Lực lượng cán bộ làm công tác pháp chế còn thiếu;

- Tổ chức bộ máy làm công tác Pháp chế chưa được kiện toàn cho ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ công tác này, nên tính chủ động, vị trí và vai trò tham mưu tư vấn pháp luật cho Lãnh đạo còn hạn chế.

2.    Một số đề xuất về kiện toàn tổ chức và tăng

cường công tác pháp chế tại các bộ ngành:

Việc quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tại Nghhị định 94/CP đã bộc lộ nhiều nội dung bất cập, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động công tác pháp chế tại các Bộ Ngành, thậm chi việc thực hiện không nghiêm túc đối với chính các quy định tại Nghị định này cũng đã là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến công tác pháp chế (như quy định về việc tách độc lập tổ chức pháp chế khỏi các đơn chức năng chuyên môn khác). Để nâng cao hiệu quả công tác pháp chế tại các bộ ngành trong thời gian sắp tới, nhất thiết phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung những quy định tại Nghị định 94/CP với một số nội dung đề xuất như sau:

- Tiếp tục tăng cường và củng cố công tác pháp chế cả về mặt tổ chức và cán bộ: Tổ chức pháp chế phải được phân tách độc lập khỏi các chức năng khác, quy định thống nhất về mô hình Vụ pháp chế ở tất cả các Bộ, cơ quang ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ. Tăng cường cả về số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác pháp chế.

- Về kinh phí hoạt động: Trong điều kiện hạn chế về kinh phí ngân sách đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp như hiện nay thì việc dành một phần nguồn kinh phí này cho công tác pháp chế ở các Bộ ngành là hết sức khó khăn, kể cả đối với Tổng cục Bưu điện, đặc biệt là khi nguồn chi ngân sách được cấp cho các bộ ngành rất hạn chế. Do vậy, đề nghị có quy định rõ ràng về việc cấp kinh phí cho hoạt động pháp chế, đặc biệt là các công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát văn bản mà hiện nay còn được thực hiện theo cơ chế tuỳ nghi.

- Cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trong việc đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn pháp luật và nghiệp vụ quản lý chuyên ngành cho cán bộ pháp chế, kể cả việc đào tạo sau đại học và các chương trình trao đổi kinh nghiệm pháp luật với nước ngoài.

- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và việc kiểm tra thực thi pháp luật phải được chú trọng và tăng cường hơn nữa, trách trường hợp chồng chéo hoặc hiện tượng không phối hợp giữa chức năng thanh tra kiểm tra của đơn vị thanh tra và chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật của tổ chức pháp chế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

I.                VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT:

1.     Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính;

2.      Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952 quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;

3.     Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng;

4.     Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng;

5.     Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;

6.      Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an;

7.     Quyết định số 08/CP ngày 21/1/1977 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Công An;

8.     Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế - Bộ zXây dựng;

9.     Quyết định số 1226/BNgT/TCCB ngày 22/11/1982 của Bộ trưởng Bộ Ngoại Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Pháp chế Bộ Ngoại Thương (nay là Bộ Thương mại);

10. Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;

11. Nghị định số 178/HĐBT ngày 17/6/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước;

12. Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 1/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin;

13. Quyết định số 3348/QĐ-TC ngày 8/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá Thông tin;

14. Quyết định số 2153/QĐ-TCCB-LĐ ngày 15/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tổ chức của Vụ Pháp chế và Vận tải;

15. Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

16. Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

17. Quyết định số 652/QĐ-TCCB ngày 31/10/1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục.

18. Quyết định số 3523/GD-ĐT ngày 1/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ;

19. Quyết định số 3011/NN-TCCB/QĐ ngày 20/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ NN&PTNT;

20. Quyết định số 1046/1997/QĐ-TTg ngày 8/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch;

21. Quyết định số 407/QĐ-TCDL ngày 23/12/1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế ;

22. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 giữa Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức và cán bộ Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

23. Quyết định số 1045/1997/QĐ-TTg ngày 8/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ pháp chế thuộc Bộ Xây dựng;

24. Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15/12/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế;

25. Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

26. Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 16/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Công nghiệp;

27. Quyết định số 27/1998/QĐ-TTg ngày 6/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Thủy sản và Quyết định số 349/1998/QĐ-BTS ngày 11/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế;

28. Quyết định số 114/1998/QĐ-TTg ngày 6/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ);

29.  Quyết định số 2206/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 16/11/1998 của Bộ trưởng Bộ KHCNMT về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ KHCNMT;

30. Quyết định số 812/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 6/5/1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành “Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật”

31. Chỉ thị số 03/2003/CT-BKHCN ngày 18/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ;

32.  Quyết định số 04/2003/QĐ-BKHCN ngày 18/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Chương trình hành động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ (giai đoạn 2003 - 2007);

II.             TÀI LIỆU THAM KHẢO KHÁC:

1.     Giáo trình “Lý luận Nhà nước và pháp luật”. PGS. TS. Lê Minh Tâm chủ biên. NXB Công an nhân dân Hà Nội, năm 1997;

2.     Giáo trình “Pháp lý đại cương”. PGS. TS Nguyễn Thị Mơ và PGS. TS. Hoàng Ngọc Thiết chủ biên. NXB Giáo dục, Hà Nội, mă, 1999

3.     Từ điển Luật học. NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 1999.

 



[1] Giáo trình “Lý luận Nhà nước và pháp luật” (PGS, TS Lê Minh Tâm làm chủ biên), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, năm 1997, tr. 486.

[2] Giáo trình “Pháp lý đại cương” (PGS, TS Nguyễn Thị Mơ và PGS, TS Hoàng Ngọc Thiết làm chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 1999, tr. 43.

[3] Từ điển luật học. NXB từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 1999, tr. 364. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Pháp chế Bộ ngành

lời mở đầu

 

 

I. Tính cấp thiết của đề tài.

 

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta đề ra từ năm 1986, nước ta đã từng bước chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng đông thời bắt đầu tiến hành xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nhà nước thực hiện quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải có nền pháp chế vững mạnh thì mới có thể bảo đảm cho sự quản lý của nhà nước có hiệu lực và hiệu quả thực sự; hiến pháp và pháp luật nói chung được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; trật tự, kỷ cương, phép nước được tôn trọng; kinh tế - xã hội phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng , dân chủ và văn minh.

 

Để xây dựng nền pháp chế vững mạnh, cần triển khai một loạt biện pháp rất đồng bộ, từ việc xây dựng và thường xuyên hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và áp dụng các biện pháp bảo vệ pháp luật cho đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách tích cực và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi địa bàn, ở Trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên những hoạt động này trước hết phải được triển khai có hiệu quả ở các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 

Nhằm góp phần tăng cường pháp chế trên toàn xã hội nói chung và pháp chế trong các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng (sau đây gọi là pháp chế ngành), ngày 6/9/1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây goi là tổ chức pháp chế ngành).

 

Thực hiện nghị định số 94/CP nêu trên, tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, ngành được thành lập, kiện toàn, hoạt động pháp chế ở các Bộ, ngành ngày càng được đẩy mạnh, tổ chức pháp chế ngành góp phần ngày càng quan trọng cho việc thực hiên quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với từng ngành, từng lĩnh vực, tạo lập và giữ vững trật tự, kỷ cương, phép nước.

 

Tuy nhiên công tác pháp chế ở các Bộ ngành vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành còn gặp không ít trở ngại, khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có cả trở ngại, vướng mắc về nhận thức. Chính vì vậy tiến hành nghiên cứu để đánh giá thật chính xác, khách quan thực trạng tình hình hoạt động của pháp chế ngành, tìm cho ra những nguyên nhân khách quan va chủ quan của những hạn chế, bất cập của hoạt động pháp chế ngành để rồi xác định phương hướng và giải pháp đổi mới, đẩy mạnh hoạt động pháp chế ngành là việc làm hết sức cần thiết.

 

II. Tình hình nghiên cứu trong nước.

 

Trong những năm qua ở nước ta có một số công trình nghiên cứu sơ bộvà chưa chính thức về pháp chế ngành ở một vài Bộ ngành, có tính chất cục bộ; chưa có công trình nào có tính chất tổng thể, hệ thống, toàn diện và sâu sắc về pháp chế Bộ, ngành nhằm góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách và pháp luật về pháp chế Bộ, ngành và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành.

 

III. Mục tiêu của đề tài.

 

Việc nghiên cứu đề tài này nhằm các mục tiêu sau đây:

 

  •  

     

    • Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành trong điều kiện hiện nay;

 

  •  

     

    • Đánh giá khoa học thực trạng pháp luật về pháp chế Bộ, ngành;

 

- Xác định phương hướng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, hoàn thiện các quy định pháp luật về pháp chế ngành nhằm phát huy hiệu quả của các tổ chức ngày trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với từng ngành, lĩnh vực cũng như toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội.

 

IV. Phạm vi nghiên cứu.

 

Hoạt động nghiên cứu đề tài được giới hạn trong việc phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi có nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 

V. Nội dung nghiên cứu.

 

Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào các vấn đề sau đây:

 

  •  

     

    • Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành;

 

  •  

     

    • Thực trạng tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành;

 

  •  

     

    • Thực trạng cơ chế, chính sách và pháp luật về pháp chế Bộ, ngành;

 

  •  

     

    • Phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế Bộ, ngành;

 

  •  

     

    • Phương hướng và giải pháp kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế Bộ, ngành.

 

VI. Phương pháp nghiên cứu.

 

Các phương pháp được sử dụng để thực hiên đề tài gồm:

 

  •  

     

    • Phân tích tổng hợp;

 

  •  

     

    • So sánh đối chiếu;

 

  •  

     

    • Lịch sử và hệ thống các thông tin số liệu.

 

VII. Dạng sản phẩm, kết quả nghiên cứu đề tài.

 

Sản phẩm của đề tài là báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, trong đó phân tích cơ sở lý luận để tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành; thực trạng pháp luật về pháp chế ngành; thực trạng tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành; phương hưpứng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành.

 

VIII. Địa chỉ áp dụng kết quả nghiên cứu.

 

Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ được gửi cho Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về pháp chế ngành.

 

 

 

Chương I

Cơ sở lý luận để tổ chức và hoạt

động của pháp chế ngành

 

 

  1.  

     

    1. Khái niệm, chức năng, nhiệm vụ

và vai trò của pháp chế.

 

1. Khái niệm về pháp chế

 

Pháp chế là một khái niệm pháp lý được sử dụng rộng rãi trong sách báo pháp lý, trong khoa học pháp lý và cả trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Việc xác định một cách khoa học và chính xác nội hàm của khái niệm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khẳng định chức năng, nhiệm vụ và vai trò của pháp chế, xác định nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức triển khai các hoạt động pháp chế, tăng cường pháp chế.

 

Từ trước đến nay ở nước ta nội hàm của khái niệm này vẫn chưa được quy định rõ ràng và cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khoa học pháp lý, các nhà lý luận đã dành sự chú ý đáng kể cho việc xác định nội hàm của khái niệm "pháp chế", song cho đến nay vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

 

Khi nói về pháp chế xã hội chủ nghĩa, có ý kiến cho rằng "Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị – xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác" .

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng "Pháp chế xã hội chủ nghĩa là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật". Cũng có ý kiến thứ ba khẳng định "Pháp chế là toàn bộ pháp luật của một nhà nước, một thời kỳ của một nhà nước hay toàn bộ pháp luật về một lĩnh vực của đời sống" .

 

Theo quan điểm của chúng tôi, cách hiểu thứ nhất không cho chúng ta rõ đây là chế độ gì cụ thể, không rõ kết cấu nội tại của khái niệm và về bản chất dễ bị quy kết là phiến diện và đã đồng nhất nội dung khái niệm "pháp chế" với một trong những yêu cầu cơ bản của pháp chế là mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Và như vậy cách hiểu này không thể hiện đúng và đầy đủ nội hàm của khái niệm "pháp chế".

 

Cách hiểu thứ ba trên thực tế cũng dễ bị quy kết là phiến diện và đã đồng nhất nội dung khái niệm "pháp chế" với hệ thống pháp luật của quốc gia - một trong những yều cầu cơ bản của pháp chế, không đề cập đến các yêu cầu cơ bản khác là pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, phải được bảo vệ, và cũng không có khả năng thể hiện rõ kết cấu nội tại của khái niệm. Nói cách khác, cách hiểu thứ ba cũng không thể hiện đúng và đầy đủ nội hàm của khái niệm "pháp chế".

 

Cách hiểu thứ hai có tính khái quát hơn, thể hiện đầy đủ hơn nội hàm của khái niệm "pháp chế". Đó là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Bản thân chế độ quản lý này được hình thành trên cơ sở pháp luật, theo quy định của pháp luật.

 

Để xác lập chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật, phải ban hành pháp luật với những quy định cụ thể về các vấn đề như:

 

  •  

     

    • Chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, nội dung, công cụ, phương pháp, hình thức trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội;

 

  •  

     

    • Nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của các cơ quan nhà nước;

 

  •  

     

    • Khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội;

 

  •  

     

    • Các biện pháp nhằm tạo lập và bảo vệ trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

 

Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định rằng cách hiểu thứ hai nêu trên thể hiện đầy đủ các thành tố cơ bản và đồng thời cũng là những yêu cầu cơ bản của pháp chế.

 

Các yêu cầu cơ bản của pháp chế bao gồm:

 

  1.  

    1. Trước hết phải có pháp luật
    2. .

       

 

Cần phải khẳng định rằng, không có pháp luật thì không có pháp chế, tức là không thể có chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật.

Pháp luật là tổng hợp các nguyên tắc, quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra hoặc chấp nhận, ràng buộc mọi người, mọi tổ chức trong xã hội khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội, được nhà nước bảo đảm thi hành bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp cưỡng chế. Song trong nhà nước pháp quyền, chính pháp luật lại là cơ sở cho việc tổ chức và triển khai hoạt động của bản thân bộ máy nhà nước, là công cụ để lực lượng lãnh đạo xã hội thực hiện quản lý bản thân nhà nước, để nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu pháp luật ở đây phải là một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

Hệ thống pháp luật thống nhất là một hệ thống trong đó:

 

  •  

     

    • Hiến pháp có hiệu lực tối cao. Các bộ luật, đạo luật, pháp lệnh chuyên ngành không được trái hay mâu thuẫn với Hiến pháp, đều phải được ban hành trên cơ sở và nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp vào các lĩnh vực quan hệ xã hội cụ thể;

 

  •  

     

    • Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không được trái hay mâu thuẫn với các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và của Chủ tịch nước;

 

  •  

     

    • Các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ không được trái hay mâu thẫn với các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

 

  •  

     

    • Các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chính quyền địa phương không được trái hay mâu thuẫn với các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng không được trái hay mâu thuẫn với các văn bản quy phạm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở Trung ương.

 

  •  

     

    • Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền cũng như hình thức, trình tự và thủ tục quy định.

 

Xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất như nêu trên sẽ loại trừ được các hiện tượng không mong muốn như mâu thuẫn, chồng chéo, lủng củng, loại trừ lẫn nhau giữa các quy định của pháp luật, giữa các văn bản quy phạm pháp luật - những hiện tượng làm giảm, thậm chí có lúc vô hiệu hoá hiệu lực của pháp luật, làm giảm hiệu qủa và hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm được sự thống nhất nêu trên của pháp luật là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện tốt các yêu cầu tiếp theo của pháp chế.

 

Hệ thống pháp luật mà pháp chế đòi hỏi không phải chỉ là hệ thống pháp luật thống nhất mà còn phải đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và cụ thể.

 

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, không thể dùng mệnh lệnh chủ quan, duy ý chí để quản lý, để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Những quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh về mặt pháp lý thì phải có các quy định của pháp luật để áp dụng. Nói cách khác, không thể chấp nhận tình trạng thiếu pháp luật, thiêú sự đồng bộ của pháp luật. Không thể có nhà nước pháp quyền, nếu pháp luật không đầy đủ, không đồng bộ.

 

Để mọi cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong xã hội dễ dàng và chính xác thực hiện pháp luật, các quy định của pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Pháp chế không thể chấp nhận tình trạng nội dung pháp luật mập mờ, chung chung. Tình trạng này một mặt tạo cơ hội cho các phần tử xấu lợi dụng khe hở của pháp luật hoặc vận dụng pháp luật một cách lắt léo, tuỳ tiện, mặt khác gây khó khăn, lúng túng cho các tổ chức, cá nhân muốn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

 

Như vậy, sự đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và cụ thể của hệ thống pháp luật sẽ góp phần một mặt loại bỏ tình trạng khó khăn, lúng túng, thiếu căn cứ pháp luật của các cơ quan nhà nước trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý kinh tế, xã hội; bảo đảm tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện pháp luật một cách có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các quan hệ xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; mặt khác tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các đối tượng dù đó là cơ quan, tổ chức hay cá nhân. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chúng ta chỉ có quyền đòi hỏi các cơ quan, tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh và chính xác các quy định của pháp luật khi các quy định của pháp luật đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và cụ thể.

 

Hệ thống pháp luật mà pháp chế đòi hỏi còn phải có tính khả thi cao. Điều này có nghĩa là nội dung các quy định của pháp luật phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể, với tính chất, đặc điểm cũng như xu hướng phát triển lành mạnh, tiến bộ của các mối quan hệ xã hội, đồng thời cũng phải phù hợp với các điều kiện và khả năng của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật. Tất cả những quy định có nội dung thoát ly thực tiễn cuộc sống và cả những quy định có nội dung không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí đã đạt được trong từng giai đoạn cụ thể, với tính chất, đặc điểm cũng như xu hướng phát triển lành mạnh, tiến bộ của các mối quan hệ xã hội, không phù hợp với các điều kiện và khả năng của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, không thống nhất, đồng bộ, không rõ ràng, minh bạch và thiếu cụ thể đều trở thành hình thức, không có tính khả thi.

 

Hệ thống pháp luật mà pháp chế đòi hỏi còn phải không ngừng và kịp thời được hoàn thiện. Việc luôn luôn và kịp thời được hoàn thiện là điều kiện bảo đảm cho pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, cụ thể và tính khả thi ngày càng cao hơn, các quy định của pháp luật một mặt vừa theo kịp sự phát triển, thay đổi về tính chất và đặc điểm của các mối quan hệ xã hội, vừa tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội mới tiếp tục phát triển thuận lợi.

 

Tính thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện của hệ thống pháp luật phải được trước hết xử lý ngay trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Nói cách khác, muốn bảo đảm tốt yêu cầu này của pháp chế, cơ quan lập pháp cũng như các cơ quan hành chính các cấp cần phải có các biện pháp có hiệu quả để triển khai tốt các việc sau đây:

 

  •  

     

    • Soạn thảo hoặc thẩm định pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao của hệ thống văn bản pháp luật trước khi ký ban hành;

 

  •  

     

    • Thường xuyên rà soát, đánh giá nội dung các văn bản hiện hành do các cơ quan có thẩm quyền ở tất cả các cấp ban hành, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật để phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị biện pháp khắc phục những điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật làm cho hệ thống pháp luật của Nhà nước ta không ngừng được hoàn thiện.

 

  1.  

     

    công chức, viên chức nhà nước và mọi tổ chức,

    cá nhân trong xã hội chấp hành nghiêm chỉnh.

     

    Nếu có hệ thống pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện, nhưng trên thực tế không được chấp hành nghiêm chỉnh thì pháp luật trở thành hình thức, thậm chí vô nghĩa. Và như vậy cũng không có pháp chế.

     

    Muốn cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh trong xã hội thì trước hết các cơ quan nhà nước, các công chức, viên chức nhà nước từ trên xuống dưới phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; không có ngoại lệ trong việc chấp hành pháp luật.

     

    Để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Công tác tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật có nhiều nội dung, trong đó có việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thi hành pháp luật, thanh tra và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật v.v.... Đây là những công việc phức tạp và cũng cần phải được triển khai đồng bộ với sự tham gia của rất nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả các cơ quan tư pháp, v.v....

     

    Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình được pháp luật quy định, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành hoặc soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật, thanh tra và kịp thời xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

     

    Pháp luật sẽ không được chấp hành nghiêm chỉnh, nếu các cơ quan, tổ chức và từng cá nhân không tự nguyên thi hành. Vì vậy một trong các nội dung quan trọng bậc nhất và có tính chất cơ bản, lâu dài của công tác tổ chức thi hành pháp luật là phải làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật trước hết của cán bộ, công chức nhà nước và sau đó là của tất cả các tầng lớp nhân dân; dần dần tạo ra cho họ ý thức tự nguyện và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

     

     

     

    1. Pháp luật phải được mọi cơ quan nhà nước,
    2. Cần xây dựng hệ thống cơ quan chuyên trách

đủ mạnh để giúp các cấp có thẩm quyền xây

dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật.

 

Thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật nhằm đáp ứng các yêu cầu của pháp chế từ trước đến nay cho chúng ta thấy rằng, tất cả các cơ quan nhà nước dưới những hình thức và mức độ khác nhau đều tham gia thực hiện phần việc này hay phần việc khác thuộc nhiệm vụ của pháp chế. Cụ thể như sau:

 

  •  

     

    • Có cơ quan thực hiện việc quyết định ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền do chính pháp luật quy định, bao gồm:

 

+ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ lập hiến, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các bộ luật, đạo luật, nghị quyết;

 

+ Chủ tịch nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, lệnh;

 

+ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các pháp lệnh, nghị quyết;

 

+ Hội đồng nhân dân các cấp ban hành các nghị quyết.

 

  •  

     

    • Các cơ quan vừa thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của mình, vừa có trách nhiệm tổ chức soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình các cấp trên có thẩm quyền ban hành, bao gồm:

 

+ Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các nghị định, nghị quyết; trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các văn bản được phân công soạn thảo: các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

+ Hội đồng Thẩm phán ban hành Nghị quyết; Chánh ánToà án nhân dân tối cao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, thông tư, chỉ thị, trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các văn bản được phân công soạn thảo: các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

+ Viên trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, thông tư, chỉ thị, trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các văn bản được phân công soạn thảo: các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

 

+ Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như các quyết định, chỉ thị;

 

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của mình như các quyết định, chỉ thị và thông tư; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo văn bản được phân công soạn thảo: nghị định, nghị quyết của Chính phủ, các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; các dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội;

 

+ Uỷ ban nhân dân ban các cấp hành các quyết định, chỉ thị, soạn thảo trình Hội đồng nhân dân cùng cấp các dự thảo nghị quyết.

 

Để ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, mỗi cấp có thẩm quyền nêu trên đều phải thực hiện việc tổ chức soạn thảo các dự thảo văn bản. Thông thường các cơ quan có thẩm quyền nêu trên giao cho các đơn vị chức năng của mình trực tiếp soạn thảo các dự thảo văn bản. Ví dụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao v.v... soạn thảo các dự thảo thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ soạn thảo các dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, thường vụ Quốc hội, các dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng Bộ, ngành giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành hoặc các dự thảo văn bản cần trình cấp trên ban hành v.v...

 

Theo thực tiễn của nước ta, các cơ quan soạn thảo văn bản không nhất thiết là các cơ quan pháp chế. Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không dứt khoát phải là Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội mà có thể là Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội.

 

Thông thường các cơ quan quản lý hay theo dõi chuyên ngành nào thì được giao soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoặc liên quan nhiều đến chuyên ngành đó. Trên thực tế hầu hết các dự thảo luật pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không phải do các Uỷ ban của Quốc hội hay Bộ Tư pháp soạn thảo mà do các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chuyên ngành của Chính phủ soạn thảo. Nhưng Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm định tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức pháp chế ngành thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành trình Thủ trưởng Bộ, ngành.

 

Những đơn vị chức năng nào không được giao trực tiếp soạn thảo hay chủ trì thẩm định, thẩm tra thì tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản về/liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình trong quá trình soạn thảo hoặc thẩm đtra, thẩm định văn bản.

 

Tất cả các đơn vị chức năng của mỗi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đều thực hiện hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến chuyên ngành của mình, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến chuyên ngành được phân công theo dõi.

 

Với cách đặt vấn đề này và nhìn vào thực tiễn công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật những năm qua và vào hệ thống các chức năng, nhiệm vụ của pháp chế trình bày ở phần sau, chúng ta có thể nói tất cả các cơ quan nhà nước các cấp, các ngành, với những hình thức và mức độ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chính mình, đều tham gia thực hiện các công viêc khác nhau liên quan đến công tác pháp chế, bởi lẽ các cơ quan này đều phải thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của mình, các cấp có thẩm quyền nêu trên không thể thiếu cơ quan chuyên trách làm đầu mối giúp việc triển khai một cách có hiệu quả một, một số, thậm chí hầu hết các công đoạn quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật. Ví dụ các công đoạn sau đây: xây dựng và trình duyệt, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và dài hạn; rà soát, kiểm tra, đánh giá các văn bản hiện hành để phát hiện và kiến nghị các biện pháp khắc phục các điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu kiến nghị, soạn thảo hoặc thẩm định pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới để trình cấp có thẩm quyền ban hành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện các biện pháp khác nhằm bảo vệ pháp luật; xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày; giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành pháp luật v.v...

 

Thực tiễn cho thấy chỉ có các cơ quan chuyên trách mới có đủ điều kiện về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và về nghiệp vụ cần thiết để bảo đảm việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật.

 

Ví dụ, để tiến hành một cách có hiệu qủa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, không phải bất kỳ cơ quan nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu mà phải là các cơ quan có đội ngũ cán bộ vừa nắm vững kiến thức pháp luật vừa làm chủ nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có rất nhiều cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, song cơ quan có đủ điều kiện và năng lực về chuyên môn làm đầu mối, chủ trì về mặt nội dung phải là các cơ quan chuyên trách về pháp luật thì mới có chất lượng và hiệu quả, mới có điều kiện duy trì thường xuyên và gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

 

Tham gia vào quá trình hoạt động bảo vệ pháp luật có tất cả các cơ quan nhà nước, với những hình thức và mức độ khác nhau, nhưng không thể thiếu cơ quan chuyên trách là các cơ quan công an, toà án, kiểm sát. Chỉ có các cơ quan này mới đủ điều kiện về mọi mặt để trực tiếp thực hiện có hiệu qủa nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.

 

Các cơ quan làm đầu mối thực hiện việc soạn thảo, thẩm định hay tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đều có thể được xếp vào phạm trù "cơ quan pháp chế" hay "tổ chức pháp chế", nếu các cơ quan đó được thành lập chỉ để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của pháp chế trình bày tại mục I.2 của chương này. Nói cách khác, chỉ những cơ quan chuyên trách công tác pháp chế mới được gọi là cơ quan pháp chế. Với cách tiếp cận này thì Uỷ ban pháp luật của Quốc hội là cơ quan pháp chế của Quốc hội; cơ quan chuyên trách về tư pháp và pháp chế hiện nay của Chính phủ là Bộ Tư pháp, thực hiện không chỉ chức năng quản lý nhà nước về tư pháp mà cả chức năng quản lý nhà nước về công tác pháp chế, đồng thời trực tiếp thực hiện tất cả các nhiệm vụ của pháp chế Chính phủ; Các tổ chức pháp chế ngành - cơ quan chuyên trách về pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện tất cả các chức năng và nhiệm vụ của pháp chế trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành quản lý.

 

Tuỳ theo tính chất, chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, tất cảc các cơ quan ít hoặc nhiều đều được giao thực hiện hoặc tham gia thực hiện những công đoạn nhất định và cụ thể của quá trình xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật, song chúng ta không thể coi tất cả các cơ quan này đều là cơ quan pháp chế.

 

Các cơ quan chuyên trách được gọi là "cơ quan pháp chế" nêu trên cần phải được hình thành trong tất cả các hệ thống cơ quan nhà nước: cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý hành chính, từ trung ương cho tới địa phương các cấp, đặc biệt trong các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành các cấp. Tuy nhiên từng cơ quan trong hệ thống phải được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, và phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ, khoa học thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu các cơ quan giúp việc nêu trên đủ mạnh, hoạt động có hiệu quả thì đương nhiên sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế, tức là tăng cường được chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Thực tiễn của nước ta những năm qua trong lĩnh vực đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã chứng minh hùng hồn cho sự tồn tại có tính tất yếu, khách quan của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp - cơ quan pháp chế của Chính phủ và các tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thực tiễn những năm qua cũng chứng minh rằng ở nơi nào, lúc nào các cơ quan pháp chế nêu trên được tăng cường cả về thế và lực thì ở nơi đó, lúc đó công tác xây dựng, hoàn thiện cũng như tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh hơn và có hiệu quả hơn.

Như đã trình bày ở trên, pháp chế là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Nhà nước phải thực hiện quản lý không chỉ đối với các hoạt động đối nội mà cả các hoạt động đối ngoại. Vì vậy chế độ quản lý này được thiết lập không chỉ trong các mối quan hệ có tính chất nội bộ mà cả trong các mối quan hệ đối ngoại của quốc gia.

 

Nước ta là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối, chính sách làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế. Thực hiện đường lối, chính sách này, đương nhiên số lượng các điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương mà nước ta ký kết hoặc tham gia ngày càng nhiều, và theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại, chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện những điều mà chúng ta đã cam kết trong các điều ước quốc tế đó.

 

Theo Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, các Bộ, ngành không chỉ có quyền và trách nhiệm đề xuất việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về/liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công quản lý mà còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế đó. Có nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc tham gia, trong đó có cả biện pháp sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật mới của nước ta. Và như vậy các yêu cầu của pháp chế trình bày ở trên thích hợp cho cả các quan hệ nội bộ và quan hệ đối ngoại của quốc gia.

 

2. Chúc năng và nhiệm vụ của pháp chế

 

a. Chức năng của pháp chế.

 

Trên cơ sở nghiên cứu nội hàm của khái niệm "Pháp chế" trình bày tại mục 1 nêu trên, chúng ta có thế xác định chức năng của pháp chế như sau:

 

  •  

     

    • Giúp cho các cấp có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trong lĩnh vực đối nội cũng như đối ngoại, bằng pháp luật và theo pháp luật. Cụ thể là:

 

+ Pháp chế bảo đảm cho Đảng lãnh đạo và nhân dân thực hiện quản lý nhà nước của mình bằng pháp luật và theo pháp luật. Điều đó có nghĩa là pháp chế bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, của từng cơ quan, công chức, viên chức của nhà nước từ Trung ương đến địa phương được thực hiện trên cơ sở pháp luật, theo pháp luật.

 

+ Pháp chế bảo đảm cho mọi hoạt động quản lý của nhà nước đối với xã hội và đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội được thực hiện bằng pháp luật, theo pháp luật một cách nghiêm túc.

 

+ Pháp chế bảo đảm cho mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội có đầy đủ hành lang pháp lý an toàn trong mọi hoạt động, biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 

  •  

     

    • Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cho pháp luật trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

  •  

     

    • Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật rà soát, kiểm tra, đánh giá các văn bản hiện hành để phát hiện và kiến nghị các biện pháp khắc phục các điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

  •  

     

    • Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật trước hết của cán bộ, công chức nhà nước và sau đó là của tất cả các tầng lớp nhân dân; dần dần tạo ra cho họ tính tự nguyện và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 

  •  

     

    • Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và cả các biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp lý các quan hệ xã hội.

 

  •  

     

    • Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; Rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế để nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành điều ước quốc tế trước hết của cán bộ, công chức nhà nước; kiểm tra việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam hoặc sửa đổi bổ sung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

 

 

b. Nhiệm vụ của pháp chế

 

Để thực hiện các chức năng của mình, pháp chế phải có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

 

- Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

+ Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của cơ quan chủ quản và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

 

+ Thẩm định các dự thảo văn bản, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế do các đơn vị khác cùng cấp soạn thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyềnễem xét quyết định;

 

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế, được giao;

 

+ Làm đầu mối giúp cơ quan cấp trên trực tiếp tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế, do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến.

 

- Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả các dự thảo điều ước quốc tế.

 

+ Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và cả các dự thảo điều ước quốc tế, trình cơ cấp trên trực tiếp phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

 

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan trong việc đề xuất với cơ quan cấp trên trực tiếp để kiến nghị với cấp có thẩm quyền về việc đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ:

 

  •  

     

    • Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành trái với các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên; các điều ước quốc tế cấp thấp trái với các điều ước cao hơn, trái với Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản, tiến bộ của pháp luật quốc tế hiện đại, trái với các quy đinh của Nhà nước ta về thủ tục và thẩm quyền đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế.

 

  •  

     

    • Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cùng cấp ban hành nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước chuyên ngành;

 

- Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

 

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

+ Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

 

+ Tư vấn cho các cấp lãnh đạo và cho các cơ quan, tổ chức của Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước và cả trong việc xử lý các vi phạm pháp luật.

 

3. Vai trò của pháp chế

 

Với các chức năng và nhiệm vụ nêu trên, pháp chế có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng ta không thể xây dựng được nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nếu không xây dựng nhà nước pháp quyền; không thể có nhà nước pháp quyền, nếu coi nhẹ và không tăng cường pháp chế, tức là không tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đồi sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Vai trò của pháp chế thể hiện cụ thể ở những điểm sau đây:

 

  •  

     

    • Pháp chế phải là công cụ tạo lập và củng cố trật tự, kỷ cương, phép nước. Xã hội ta là xã hội còn có giai cấp và đấu tranh giai cấp, và vì vậy còn có nhà nước và pháp luật. Trong hoàn cảnh này xã hội sẽ lộn xộn, rối loạn, không thể tồn tại bình thường và phát triển, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chứ, cá nhân không thể được bảo đảm, nếu không có trật tự, kỷ cương, phép nước. Cần phải khẳng định rằng không thể có trật tự, kỷ cương, phép nước, nếu không có pháp luật và pháp luật không được mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh. Mọi trật tự, kỷ cương, phép nước được hình thành trên cơ sở pháp luật và nhờ có việc pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.

 

  •  

     

    • Góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Tăng cường pháp chế là tăng cường việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, và tăng cường công tác bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh. Pháp luật được hoàn thiện và được chấp hành nghiêm chỉnh thì đương nhiên trật tự, kỷ cương, phép nước được hình thành, được tăng cường và có nghĩa là quản lý nhà nước đối với xã hội có hiệu lực và hiệu quả.

 

  •  

     

    • Góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Một khi nhờ có một nền pháp chế vững mạnh thì có trật tự, kỷ cương, phép nước, và đương nhiên không chỉ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng mà cả các quyền và lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân đều được tôn trọng và bảo vệ. Không thể bảo vệ được lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trong một xã hội lộn xộn, rối loạn.

 

  •  

     

    • Thúc đẩy quá trình hình thành nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong hàng ngũ cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp. Nhờ tăng cường pháp chế mà trật tự, kỷ cương, phép nước được xác lập và tăng cường thường xuyên, liên tục, mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân hàng ngày, hàng giờ luôn luôn phải hoạt động trong khuôn khổ quy định, dần dần tạo thành nề nếp, thành thói quen, thành yêu cầu tự nhiên của mỗi cơ quan, tổ chúc, cá nhân trong xã hội.

 

  •  

     

    • Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đó dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Như ở các mục trên đã trình bày, không có pháp chế thì không có nhà nước pháp quyền và cũng không xây dựng được nền kinh té thị trường. Nếu tăng cường pháp chế thì tạo điều kiện và mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho việc xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền.

 

Có thể nói tăng cường pháp chế thực chất là: tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

Tuy vậy, cho đến nay trong xã hội ta vẫn còn một bộ phận không nhỏ, trong đó có không ít cán bộ, công chức nhà nước chưa thấy rõ và thấy hết vai trò, tác dụng to lớn của pháp chế đối với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đối với việc bảo vệ trật tự, kỷ cương, phép nước. Điều này được minh chứng bởi thực tế trong thời gian qua ở một số nơi hoạt động pháp chế không được quan tâm đúng mức, các tổ chức pháp chế không được chú ý tăng cường.

 

 

II. Khái niệm, chức năng và nhiệm

vụ của tổ chức pháp chế ngành

 

1. Khái niệm về pháp chế ngành và tổ chức pháp chế ngành

 

Pháp chế, như đã trình bày ở mục I, là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Điều này có nghĩa là từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội đều phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật; chính bộ máy nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng đều phải được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật.

 

Với cách xác định nội hàm của khái niệm "Pháp chế" như đã nêu ở trên, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định "Pháp chế ngành" là chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành. Khái niệm "ngành" hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng ở đây có thể dùng để chỉ cả một lĩnh vực hay một loại quan hệ kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, ngoại thương v.v...và cũng có thể dùng để chỉ một nhóm hay một số nhóm, một bộ phận quan hệ xã hội của từng lĩnh vực, từng loại quan hệ xã hội trên phạm vi cả nước hoặc trong phạm vi một đơn vị hành chính lãnh thổ nhất định. Khái niệm ngành ở đây rộng hay hẹp và nội dung cụ thể ra sao tuỳ thuộc vào quan niệm của các cấp có thẩm quyền trong từng văn cảnh cụ thể. Tuy nhiên cách xác định nội hàm của khái niệm "ngành" không ảnh hưởng đến vấn đề thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành. Đồng thời phải hiểu "pháp chế ngành" mà chúng ta đang bàn luận được hiểu là chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành trên phạm vi cả nước.

 

Pháp chế ngành đòi hỏi:

 

  •  

     

    • Phải có hệ thống các quy định pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có hiệu lực thực sự và luôn luôn được hoàn thiện về từng ngành, lĩnh vực để làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của bản thân bộ máy nhà nước trong ngành và lĩnh vực, và là công cụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước;

 

  •  

     

    • Hệ thống các quy định của pháp luật về ngành, lĩnh vực phải được mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội chấp hành nghiêm chỉnh;

 

  •  

     

    • Phải có tổ chức chuyên trách đủ mạnh để giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành (sau đây gọi là Thủ trưởng ngành) thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành được phân công phụ trách.

 

Tổ chức pháp chế ngành là tổ chức được thành lập để giúp Thủ trưởng Bộ, ngành thực hiện chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành được phân công phụ trách trên phạm vi cả nước, tức là thực hiện chức năng của pháp chế trong ngành do cơ quan mình quản lý.

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều Bộ là những cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; một số Bộ và các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là các cơ quan quản lý một ngành hay một lĩnh vực gồm một số ngành nhất định. Theo xu hướng chung của các nước trên thế giới và cũng là của quá trình cải cách hành chính nói chung và cải cách bộ máy nhà nước nói riêng hiện nay ở nước ta, các Bộ, cơ quan ngang Bộ ngày càng trở thành các cơ quan quản lý tổng hợp hơn, tức là quản lý đa ngành, thậm chí đa lĩnh vực hơn. Song trên thực tế hiện nay người ta vẫn gọi chung tổ chức pháp chế ở các Bộ và ở các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều là "tổ chức pháp chế ngành". Phạm vi quản lý của Bộ, ngành mở rộng đến đâu thì phạm vi hoạt động của "tổ chức pháp chế ngành" được mở ra tới đó. Vì vậy, cần khẳng định rằng khái niệm "tổ chức pháp chế ngành" được sử dụng hiện nay hoàn toàn có tính chất quy ước.

 

Cũng như pháp chế nói chung, pháp chế ngành được thiết lập trong các lĩnh vực hoạt động có tính chất nội bộ của quốc gia và cả trong các hoạt động đối ngoại của quốc gia. Vì vậy, có thể nói hoạt động của tổ chức pháp chế ngành bao quát cả lĩnh vực hoạt động đối ngoại do Bộ, ngành chủ quản của mình thực hiện.

 

 

 

2. Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành

 

a. Chức năng của tổ chức pháp chế ngành

 

 

  • Giúp Thủ trưởng Bộ, ngành tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, cụ thể là soạn thảo các văn bản pháp luật, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cho các quy định pháp luật về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

 

  •  

     

    • Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật rà soát, kiểm tra, đánh giá các văn bản hiện hành luật về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để phát hiện và kiến nghị các biện pháp khắc phục các điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bất cập trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật trở thành một hệ thống thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, có tính khả thi cao và không ngừng được hoàn thiện.

 

  •  

     

    • Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành, lĩnh vực để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, trước hết của cán bộ, công chức nhà nước và sau đó là của tất cả các tầng lớp nhân dân; dần dần tạo ra cho họ tính tự nguyện và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nói chung và theo pháp luật về ngành, lĩnh vực nói riêng.

 

  •  

     

    • Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị cả các biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp lý các quan hệ xã hội trong ngành, lĩnh vực.

 

  •  

     

    • Tổ chức thực hiện hoặc tham gia công tác nghiên cứu, xây dựng các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành; thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; Rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia; tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế để nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành điều ước quốc tế chuyên ngành trước hết của cán bộ, công chức nhà nước; kiểm tra việc thực hiện các điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam cần ký kết hoặc tham gia nhằm phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam hoặc sửa đổi bổ sung các điều ước quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

 

Có thể nói tăng cường pháp chế ngành thực chất là tăng cường chế độ quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực, trong từng ngành, từng lĩnh vực. Cụ thể là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật về ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành; làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật và thực hiện các điều ước quốc tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực.

 

b. Nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành

 

Để thực hiện các chức năng của mình, tổ chức pháp chế ngành phải có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

 

- Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

+ Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trình Thủ trưởng Bộ, ngành duyệt chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ, ngành mình và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

 

+ Thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, và cả các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành, do các đơn vị khác cùng cấp soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng Bộ, ngành ký ban hành hoặc để Thủ trưởng Bộ, ngành trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành hoặc xem xét quyết định;

 

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, và cả các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành, được Thủ trưởng Bộ, ngành giao;

 

+ Làm đầu mối giúp Thủ trưởng Bộ, ngành tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và cả các dự thảo điều ước quốc tế chuyên ngành, do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành khác và các địa phương gửi lấy ý kiến.

 

- Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, và cả các điều ước quốc tế chuyên ngành.

 

+ Tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, và cả các điều ước quốc tế chuyên ngành, trình Thủ trưởng Bộ, ngành phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế đó;

 

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan trong việc đề xuất với Thủ trưởng Bộ, ngành để:

 

  •  

     

    • Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

 

  •  

     

    • Kiến nghị với Thủ trưởng Bộ, ngành khác đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.

 

  •  

     

    • Đình chỉ thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

 

 

- Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành.

 

Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế chuyên ngành, trong phạm vi ngành, lĩnh vực.

 

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

+ Trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật và các điều ước quốc tế chuyên ngành trong phạm vi ngành, lĩnh vực.

 

+ Tư vấn cho Thủ trưởng Bộ, ngành và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước và cả trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

 

 

 

Chương II

 

Các quy định của pháp luật

nước ta về pháp chế ngành

 

1. Các quy định của pháp luật về

 

pháp chế ngành trước năm 1997

 

 

  1.  

     

    1. Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT của Hội đồng

Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của

pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh

thuộc khu vực nhà nước ngày 17 tháng 6 năm 1985.

 

Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT ngày 17 tháng 6 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước (sau đây gọi là nghị định số 178/HĐBT), và cũng là trước khi có đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền kinh tế và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của nước ta được quản lý theo cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, một cơ chế ra đời do yêu cầu của thời chiến và còn tồn tại nhiều năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Trong cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, vấn đề pháp luật và pháp chế đương nhiên chưa thể có điều kiện để được quan tâm đúng mức. Vì vậy, không có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nào được ban hành để chuyên điều chỉnh một cách đầy đủ và toàn diện các vấn đề pháp chế ngành. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã có một số văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả cấp Bộ ngành về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành, trong đó có một vài quy định khái quát về tổ chức pháp chế của Bộ, ngành. Ví dụ:

 

  •  

     

    • Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính, Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952, trong đó có quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;

 

  •  

     

    • Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng, Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế;

 

  •  

     

    • Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an, Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;

 

  •  

     

    • Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;

 

  •  

     

    • v.v...

 

Nội dung của các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên chỉ quy định việc cho phép thành lập tổ chức pháp chế ở Bộ, ngành này hay Bộ, ngành khác riêng rẽ. Nội dung của các văn bản cấp Bộ, ngành quy định cả việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành. Ví dụ, theo Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Ban Pháp chế Bộ Xây dựng có chức năng giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực pháp luật bao gồm ban hành văn bản pháp quy, theo dõi tổ chức thực hiện pháp chế, làm tư vấn pháp luật cho Bộ trưởng. Nhiệm vụ cụ thể của Ban Pháp chế Bộ Xây dựng gồm:

 

  •  

     

    • Hệ thống hoá các văn bản pháp luật về ngành; giúp Bộ trưởng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước gửi đến.

 

  •  

     

    • Chuẩn bị để trình Bộ trưởng quyết định chương trình, kế hoạch công tác pháp chế; giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thi hành thống nhất trong toàn ngành.

 

  •  

     

    • Giúp Bộ xem lại lần cuối cùng các dự thảo văn bản pháp quy trước khi các cục, vụ, viện trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành; theo dõi việc ban hành các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ nhưng trái với các văn bản cấp Bộ.

 

  •  

     

    • Giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề pháp chế phát sinh trong quá trình chỉ đạo và quản lý.

 

  •  

     

    • Các lĩnh vực công tác; phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật trong ngành.

 

  •  

     

     

     

    • Bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp chế cho cán bộ trong ngành.
    • V.v...

Trong những trường hợp Bộ, ngành không có tổ chức pháp chế chuyên trách thì từng phần nội dung cụ thể của công tác pháp chế (soạn thảo văn bản, kiểm soát việc ban hành văn bản, kiểm tra việc thực hiện văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật v.v...) được giao cho Văn phòng của Bộ, ngành hoặc liên quan đến đơn vị chức năng nào của Bộ, ngành, thì được chính thức hoặc mặc nhiên giao cho các đơn vị chức năng đó thực hiện. Ngay cả khi có Vụ hay Phòng Pháp chế thì Vụ hay Phòng Pháp chế cũng không phải là tổ chức duy nhất thực hiện tất cả các nhiệm vụ pháp chế nêu trên mà chỉ là lực lượng chủ yếu hoặc chủ trì thực hiện; các đơn vị chức năng khác của Bộ, ngành cũng đều có thể được giao nhiệm vụ chủ trì, tham gia hoặc phối hợp thực hiện một vài nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

 

Như vậy, trước ngày ban hành Nghị định số 178/HĐBT, các quy định của pháp luật nước ta về pháp chế ngành rất tản mạn, chủ yếu gồm các quy định do lãnh đạo của từng Bộ, ngành ban hành để áp dụng riêng cho Bộ, ngành mình, không thống nhất trên cả nước, thiếu cụ thể và hiệu lực thi hành thấp. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì đây là thời kỳ không có nền kinh tế thị trường, không có nhà nước pháp quyền và cũng không có cả ý tưởng xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Vì vậy không có nhu cầu thực hiện việc quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Và do đó trong một thời gian dài không có chủ trương thống nhất về thành lập tổ chức pháp chế ở tất cả các Bộ, ngành, không có văn bản chung và thống nhất và có hiệu lực cao quy định về pháp chế ngành. Ngay cả Bộ Tư pháp - cơ quan chuyên trách của Chính phủ về những vấn đề tư pháp, pháp chế và pháp luật cũng có giai đoạn không tồn tại.

 

Nội dung các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này còn thiếu nhiều, không đồng bộ, hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng.

 

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật không tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, không tạo điều kiện thúc đẩy và phát huy vai trò của pháp chế ngành trong các hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

 

  1.  

     

    1. Giai đoạn từ ngày ban hành Nghị định số 178/HĐBT

đến khi ban hành Nghị định số 94/CP năm 1997

 

Chỉ khi bắt đầu chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, công tác pháp chế nói chung, công tác pháp chế ngành nói riêng, mới bắt đầu được quan tâm, bởi lẽ chính việc quản lý nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Cùng với việc chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, chủ trương chuẩn bị tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế và tư duy pháp lý v.v...khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Vì vậy, Quốc hội nước ta đã quyết định tái thành lập Bộ Tư pháp, và ngày 17 tháng 6 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước.

 

Theo quy định của Nghị định số 178/HĐBT, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế; các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ chính sách và pháp chế thì thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

 

Việc thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Chính sách và Pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

 

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được Nhà nước giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế.

 

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

 

Và như vậy, Nghị định này không quy định một mô hình thống nhất cho các tổ chức pháp chế ngành. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nhà nước ta, pháp luật quy định không chỉ cho phép mà còn buộc phải thành lập tổ chức pháp chế ngành ở tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

 

Nghị định số 178/HĐBT còn quy định khá rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức pháp chế ngành. Cụ thể như sau:

 

+ Các vụ, Phòng pháp chế thuộc các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng:

 

+ Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

 

+ Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

 

+ Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

 

+ Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ảnh với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

 

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở Trung ương.

 

Phối hợp với các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

 

+ Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

 

+ Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng giao.

 

 

 

  1. Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng được quyền:

 

+ Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

 

+ Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

 

+ Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Như vậy, Nghị định số 178/HĐBT tuy chưa quy định rõ chức năng của tổ chức pháp chế ngành, nhưng đã quy định khá rõ và tương đối đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của tổ chức pháp chế ngành. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất của nước ta từ trước đến nay chuyên điều chỉnh vấn đề pháp chế ngành, tạo điều kiện cho việc từng bước thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, và cũng là một bước đột phá về nhận thức theo hướng tích cực đối với pháp chế ngành ngay trong điều kiện đất nước ta mới chỉ chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

 

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn không đầy đủ, tầm hiệu lực thấp, mô hình tổ chức pháp chế ngành vẫn không thống nhất, thiếu các quy định về những biện pháp bảo đảm thi hành. Điều rất dễ nhận thấy là hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng. Tình trạng này của pháp luật là một trong những nguyên nhân làm cho pháp chế ngành gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà không thể tháo gỡ nổi.

 

Sau hơn mười năm thực hiện Nghị định số 178/HĐBT nêu trên, tổ chức pháp chế không phải đã được thành lập ở tất cả các các Bộ, ngành; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngành không được tăng cường đầy đủ về số cũng như chất lượng, điều kiện để hoạt động cũng không được bảo đảm tốt, và đương nhiên không thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền.

 

Một trong những nguyên nhân làm cho các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn có nhiều điểm khiếm khuyết và các hoạt động pháp chế ngành trong giai đoạn này không thể bứt lên để đáp ứng yêu cầu, về mặt chủ quan, chủ yếu do nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ của lãnh đạo các cấp các ngành về vị trí và vai trò của pháp chế ngành, về việc cần thiết phải thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật theo đúng yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền; do nhiều người vẫn chưa từ bỏ thói quen và phong cách quản lý không bằng pháp luật.

 

Về mặt khách quan, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hình thành, nhà nước pháp quyền cũng đang còn trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai xây dựng, và do đó chưa tạo ra được sự thúc ép thực sự mạnh mẽ đối với việc triển khai thực hiện chế độ quản lý đối với tổ chức và bộ máy của nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Về phía mình, các tổ chức pháp chế ở một số Bộ, ngành và các cán bộ pháp chế ngành ở đây chưa đủ sức bằng hành động thực tiễn của mình chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

 

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế ngành trong giai đoạn mới, ngày 6/9/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

 

 

II. Nội dung chủ yếu của các văn bản pháp

luật về pháp chế ngành từ năm 1997 đến nay.

 

1. Về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành

 

Theo quy định của Nghị định số 94/CP, tổ chức pháp chế phải được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước. Về hình thức tổ chức, các tổ chức pháp chế ngành có thể là Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế.

 

Theo Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP) giữa Bộ Tư pháp và Ban tổ chức và Cán bộ Chính phủ phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Pháp chế có thể thuộc Văn phòng Bộ hoặc trực thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

 

Việc thành lập Vụ Pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, có ý kiến của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Việc thành lập Phòng Pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

 

Trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công tác pháp chế mà có thể giữ nguyên mô hình tổ chức hoặc tổ chức lại theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này. Trong trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế ghép như Vụ Pháp chế - Chính sách, Vụ Thanh tra - Pháp chế, Vụ Pháp chế - Tổng hợp v.v..., thì tách lĩnh vực pháp chế thành tổ chức độc lập theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này.

 

Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP còn quy định cả chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ pháp chế ngành. Cụ thể là cán bộ pháp chế phải vừa là người có trình độ cử nhân luật, vừa có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành mình. Cần bố trí cán bộ, công chức từ chuyên viên trở lên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ pháp chế, tổ chức pháp chế. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân luật và thực tiễn soạn thảo văn bản mà chưa có kiến thức chuyên ngành thì cần có kế hoạch đào tạo để đạt yêu cầu kiến thức chuyên ngành. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành và kinh nghiệm chuyên môn mà chưa có kiến thức pháp luật thì cần có kế hoạch bồi dường, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật.

 

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về:

 

  •  

     

    • Chất lượng và hiệu quả hoạt động pháp chế của Bộ, ngành mình;

 

  •  

     

    • Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế Bộ;

 

  •  

     

    • Quy hoạch việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

 

Điều 7 của Nghị định số 94/CP nêu trên quy định rõ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ theo quy định của Nghị định này. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP còn quy định rõ việc này phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 21/12/1997.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

 

Nhìn vào các quy định nêu trên chúng ta thấy không tạo ra được một mô hình thống nhất và dứt khoát cho các tổ chức pháp chế ngành. Cách quy định như vậy tạo ra cơ hội cho sự tuỳ tiện và thiếu thống nhất trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế ngành.

 

2. Về chức năng của Tổ chức pháp chế ngành.

 

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các chức năng sau đây:

 

  •  

     

    • Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao;

 

  •  

     

    • Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

 

  •  

     

    • Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

 

  •  

     

    • Phổ biến, giáo dục pháp luật;

 

  •  

     

    • Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

 

3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức pháp chế ngành

 

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

  •  

     

    • Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

+ Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

 

+ Thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

 

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

 

+ Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 

  •  

     

    • Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

 

+ Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

 

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để:

 

  •  

     

    • Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

 

  •  

     

    • Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.

 

  •  

     

    • Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

 

  •  

     

    • Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

 

  •  

     

    • Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

+ Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

 

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

 

+ Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

 

Như vậy, Nghị định 94/CP nêu trên quy định cũng khá rõ và cụ thể chức năng của tổ chức pháp chế ngành. Nghị định 94/CP cũng quy định rõ các quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành và cũng là một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thể hiện sự nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nhà nước ta đối với công tác pháp chế ngành.

 

Ngoài các quy định của Nghị định số 94/CP, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành còn được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành. Ví dụ: Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổ chức Pháp chế, Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, Quy chế làm việc của Bộ, ngành, Quy chế Văn thư, Lưu trữ của Bộ, ngành v.v... Các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành thực tế chỉ cụ thể hoá các quy định của Nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của mỗi Bộ, ngành.

 

Các quy định của Nghị định số 94/CP cùng với các văn bản của các Bộ ngành, về cơ bản, có thể nói bước đầu đã hình thành một hệ thống tương đối cụ thể về pháp chế ngành, nhưng còn có không ít nhược điểm. Nhược điểm cơ bản của hệ thống này là ở chỗ vẫn chỉ là những quy định có tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành và một số quy định cần thiết khác. Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, tuy khá hơn với Nghị định số 178/HĐBT ở chỗ Nghị định số 94/CP khẳng định rõ chức năng của pháp chế ngành, nhưng lại có một vài điểm thụt lùi vì một số quy định rất cần thiết và quan trọng đã được khẳng đinh tại Nghị định số 178/HĐBT, nhưng không được tiếp tục khẳng định tại Nghị định số 94/CP như:

 

  •  

     

    • Quy định pháp chế ngành phải là cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành;

 

  •  

     

    • Tổ chức pháp chế của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế thuộc ngành ở cả trung ương và địa phương;

 

  •  

     

    • Thừa nhận sự tồn tại của hệ thống pháp chế của mỗi ngành gồm tổ chức pháp chế của các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương là các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương v.v...

 

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn không đề cập cụ thể đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng, mặc dù cùng với sự tích cực và chủ động đẩy mạnh việc hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, hoạt động đối ngoại của cả nước ta nói chung và của từng Bộ, ngành nói riêng ngày càng sôi động, và trong hoạt động đối ngoại cũng rất cần tăng cường pháp chế.

 

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành trong những năm qua.

 

Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp lý các vấn đề pháp chế ngành, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, cần nghiên cứu xử lý tất cả các nhược điểm nêu trên, đặc biệt là nhược điểm về tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành các quy định hiện hành về pháp chế ngành và không có quy định cụ thể bao quát hết các lĩnh vực như lĩnh vực hoạt động đối ngoại v.v...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương III

 

Thực trạng tổ chức và hoạt

động của pháp chế ngành

 

I. Thực trạng triển khai các quy

định của nghị định 94/CP về xây

dựng tổ chức của pháp chế ngành

 

Thực hiện quy định của Nghị định số 94/CP về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành, một số Bộ, ngành đã tiến hành kiện toàn tổ chức pháp chế ngành đã được thành lập theo Nghị định số 178/HĐBT; một số Bộ, ngành đã tiến hành làm thủ tục thành lập mới tổ chức pháp chế của mình. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 94/CP, đến hết năm 1999 đã có 40/48 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 vụ pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép với cơ quan tổng hợp hoặc thanh tra, 15 phòng pháp chế và 3 ban pháp chế. Cho đến tháng 1 năm 2003 đã có thêm các Vụ Pháp chế của các Bộ mới được thành lập là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông.

 

Một số Bộ, ngành cũng đã chú trọng lựa chọn, bố trí và bồi dưỡng cán bộ pháp chế theo yêu cầu nêu trên của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP, làm cho số cán bộ pháp chế vừa có trình độ, kiến thức pháp luật cần thiết, vừa có kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành ngày càng gia tăng. Trong tổng số hơn 300 cán bộ pháp chế ngành hiện nay đã có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học, gần hai trăm cử nhân luật. Số cán bộ pháp chế này được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhưng nhìn chung có phông kiến thức chung về pháp luật và nghiệp vụ công tác pháp chế tương đối vững vàng. Nhiều người trong số này đang tiếp tục được nâng cao thêm về trình độ, kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý hành chính và lý luận chính trị; một số khác đang được bổ túc thêm kiến thức chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

 

Đáng chú ý là một số Bộ, ngành, điển hình là các Bộ, ngành như Thuỷ sản, Khoa học và Công nghệ, Công an, Công nghiệp, văn hoá - Thông tin, Thương mại, v.v... không chỉ kiện toàn tổ chức pháp chế mà còn rất chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức này như ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế để quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành, với lãnh đạo của Bộ, ngành; đưa các quy định về bảo đảm hoạt động pháp chế vào Quy chế làm việc của Bộ, ngành, vào cả Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành v.v...

 

Chính những việc làm nêu trên đã giúp khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế ngành, tạo điều kiện và môi trường ngày càng thuận lợi cho pháp chế ngành phát huy vai trò của mình trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Nhờ đó một số tổ chức pháp chế ngành như Vụ Pháp chế Bộ Công an, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản, Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại, Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá Thông tin, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch v.v...đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường pháp chế trong các lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

 

Bên cạnh những thành tích kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh công tác pháp chế ngành ở một số Bộ, ngành nêu trên, rất tiếc cho đến tận ngày hôm nay, đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày ban hành Nghị định số 94/CP mà ở một số cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế; ở một số Bộ, ngành lớn vẫn còn tình trạng pháp chế ghép với bộ phận Tổng hợp hoặc với thanh tra. Nói cách khác, quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này chưa được một số Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.

 

Hiện nay đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, vấn đề tổ chức pháp chế ngành ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng là vấn đề được các cấp, các ngành bàn luận. Hầu hết các Bộ, ngành đều kiến nghị và khẳng định yêu cầu có Vụ Pháp chế độc lập trong cơ cấu tổ chức của mình.

 

Theo các nghị định mới được ban hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ mới được thành lập là Bộ tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông, sự tồn tại của Vụ Pháp chế ở các Bộ này đã được khẳng định. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong quá trình sắp xếp lại bộ máy này vẫn có những ý kiến trái ngược với yêu cầu đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đòi xoá bỏ tổ chức pháp chế ngành với tư cách là một tổ chức độc lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành. Điều này chứng tỏ trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

 

Về cán bộ pháp chế ngành, con số hơn 300 người, trong đó có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học vẫn là con số rất khiêm tốn, và rất tiếc cũng còn một số lượng tương đối lớn cán bộ pháp chế ngành chưa có trình độ cử nhân luật.

Nhìn vào con số nêu trên chúng ta thấy tuy có sự tiến bộ rõ rệt về số lượng và chất lượng cán bộ pháp chế ngành so với cuối năm 1997, đầu năm 1998 và đặc biệt so với những năm trước năm 1997, nhưng so với chức năng và nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định số 94/CP thì còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy ở không ít bộ, ngành số cán bộ pháp chế ngành chưa đạt tới con số 10; thậm chi có Phòng Pháp chế chỉ có 2 – 3 chuyên viên, không có cả trưởng hay phó phòng để điều hành công việc hàng ngày.

 

Thực trạng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế ngành như nêu trên gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành, làm hạn chế đáng kể hiệu quả công tác pháp chế ở nhiều Bộ, ngành, và như vậy cũng góp phần hạn chế hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Có thể nói tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay ở một số Bộ, ngành không đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công.

 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ở một số Bộ, ngành tổ chức pháp chế ngành không được hình thành hay không được kiện toàn, không phát huy được vai trò của mình theo như mong muốn và cũng là theo quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này, nhưng chủ yếu gồm:

 

  •  

     

    • Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn nhiều khiếm khuyết.

 

  •  

     

    • Lãnh đạo của một số các Bộ, ngành và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước các cấp, các ngành làm tham mưu cho lãnh đạo chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về yêu cầu của nền kinh tế thị trường và của việc xây dựng nhà nước pháp quyền đối với việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật cũng như vị trí, vai trò của pháp chế ngành; chưa chấm dứt thói quen quản lý và hoạt động của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.

 

  •  

     

     

     

    • Các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp có hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc và bảo đảm thi hành các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành.
    • Công tác nghiên cứu lý luận về pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vấn đề này chưa được chú trọng.

II. Thực trạng hoạt động của

tổ chức pháp chế ngành

 

Hơn 5 năm qua kể từ ngày nghị định số 94/CP bắt đầu có hiệu lực, các tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện ở mức cao nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.

 

Có thể nói rằng, hoạt động quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành (đặc biệt là các Bộ, ngành lớn, tổng hợp) có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành khác và các địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước; liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật. Vì vậy công tác của các tổ chức pháp chế ngành cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

 

Để tiện theo dõi, chúng tôi phân tích tình hình hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành theo từng nhiệm vụ đã được quy định trong Nghị định số 94/CP như sau:

 

a. Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

  •  

     

    • Về đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

 

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Pháp chế ngành, nhiều tổ chức pháp chế ngành triển khai rất tốt. Song thời gian qua không phải tất cả các tổ chức pháp chế ngành đã triển khai hoặc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này. Một số tổ chức pháp chế ngành chưa đủ thế và lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

  •  

     

    • Về thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

 

Nhiệm vụ này được tất cả các tổ chức pháp chế ngành triển khai với những mức độ khác nhau. Nhiều tổ chức pháp chế ngành phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc thẩm định các dự thảo văn bản, đóng góp phần quan trọng vào việc nâng cao một cách rõ rệt chất lượng của dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý. Tuy nhiên chất lượng thẩm định của một số tổ chức pháp chế ngành chưa cao, còn để tồn tại những sai sót, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản do Bộ, ngành mình ban hành hoặc trình cấp trên ban hành. Nhiều khi việc thẩm định chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật pháp lý đơn thuần hoặc chỉ có tính chất hình thức.

 

  •  

     

    • Về trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đây là việc được tất cả các tổ chức pháp chế ngành thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức pháp chế ngành ít khi trực tiếp chủ trì soạn thảo văn bản mà chỉ làm công việc điều phối chung việc soạn thảo các văn bản và cử người tham gia vào quá trình soạn thảo, cuối cùng dành nỗ lực cho hoạt động thẩm định giúp nâng cao chất lượng của văn bản về mặt nội dung và kỹ thuật.

 

  •  

     

    • Về việc làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 

Hầu hết các tổ chức pháp chế mạnh đều được Bộ trưởng giao thực hiện toàn bộ công tác này; một số nơi tổ chức pháp chế không mạnh thì Bộ trưởng chỉ giao một phần công việc.

 

Đây là công việc cũng không kém phần phức tạp vì khối lượng văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến rất lớn và ngày càng nhiều. Có những văn bản gửi xin ý kiến không phải một lần, nội dung rất đa dạng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu không có kiến thức pháp luật tổng hợp và vững vàng thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Thông thường hiện nay các tổ chức pháp chế ngành mới chỉ tập trung nghiên cứu và góp ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của ngành mình nhằm thực hiện chức năng "gác cổng" cho ngành, chưa chú ý nhiều đến việc đóng góp ý kiến toàn diện cho dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý.

 

Ngoài những văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến, hiện nay có một khối lượng lớn dự thảo văn bản do Chính phủ gửi xin ý kiến thành viên chính phủ và một số tổ chức pháp chế ngành được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chuẩn bị văn bản góp ý kiến và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

 

b. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

 

- Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1997 về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt, thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

 

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

 

- Các Bộ, ngành đã xác định việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Trên thực tế các tổ chức pháp chế ngành vẫn thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc kiến nghị bãi bỏ một loạt giấy phép theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

 

- Một số tổ chức pháp chế ngành đã bước đầu phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách; kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành; kiến nghị đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành. Đây là vấn đề khá bức xúc và cũng hết sức phức tạp, nhưng do lực lượng còn quá mỏng cho nên có thể nói đa số các tổ chức pháp chế ngành chưa thực sự triển khai thực hiện.

 

c. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Công tác này được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành và nhiều tổ chức pháp chế ngành đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình.

 

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

 

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các Bộ, ngành lựa chọn những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật trung ương; tổ chức cho cán bộ, công chức thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999; giúp lãnh đạo soạn thảo các văn bản phối hợp để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo dục pháp luật trong trường học).

 

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật v.v...

 

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên công tác này cũng còn nhiều bất cập như hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn đơn điệu, đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp còn thiếu thông tin pháp luật về từng ngành, lĩnh vực.

 

d. Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

 

Một số tổ chức pháp chế ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

 

Nhiều tổ chức pháp chế ngành làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình trong việc xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý; góp ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Cũng có những tổ chức pháp chế chưa triển khai mạnh mẽ hoạt động này vì thiếu nhân lực, thiếu phương tiện và kinh phí v.v...

 

đ. Trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành.

 

Đây là lĩnh vực chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ của pháp chế. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý vững vàng để triển khai hoạt động pháp chế trong lĩnh vực phức tạp này. Tuy một số tổ chức pháp chế ngành cố gắng triển khai các hoạt động như tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến cho các dự thảo điều ước quốc tế mà Bộ, ngành mình cần ký kết hoặc trình cấp trên ký kết hoặc tham gia; tham gia xử lý một số vấn đề pháp lý nảy sinh trong hoạt động đối ngoại, rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý để có những kiến nghị cần thiết v.v..., song không ít tổ chức pháp chế ngành chưa thể triển khai hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Tóm lại, hoạt động phấp chế ngành hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; một số nhiệm vụ được triển khai rất có mức độ. Pháp chế chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật; chưa triển khai hoạt động một cách thống nhất và có hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, hoạt động của pháp chế cần chú trọng cả công tác thi hành pháp luật và các công việc điều hành hàng ngày của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị và hoạt động đối ngoại.

 

Nhìn chung hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành chưa đồng đều, có nơi mạnh và phát huy tốt vai trò của mình, có nơi rất lúng túng và không đủ lực hoặc không có đủ điều kiện để phát huy vai trò giúp Bộ trưởng, thủ trường ngành thực hiện tốt việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương IV

 

Phương hướng và giải pháp đổi mới tổ

Chức và hoạt động của pháp chế ngành

 

I. Phương hướng và các quan điểm

chỉ đạo quá trình đổi mới tổ chức

và hoạt động của pháp chế ngành

 

1. Phương hướng

 

Như đã trình bày ở các mục trên, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nghĩa là xây dựng một nhà nước trong đó việc tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, tổ chức và hoạt động của từng cơ quan nhà nước, hoạt động của từng công chức, viên chức nhà nước cũng như việc tổ chức và quản lý kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật và bằng pháp luật. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả, nếu chúng ta quan tâm tăng cường pháp chế nói chung trên phạm vi cả nước và pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng.

 

Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy rằng nền pháp chế của đất nước chúng ta không thể vững mạnh, nếu pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý không được tăng cường, bởi vì pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý là bộ phận cấu thành của toàn bộ cơ thể pháp chế của quốc gia. Để tăng cường pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý, không có cách nào khác là phải khẩn trương và kiên quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành. Nói cách khác, hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành phải theo tinh thần và chính là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành.

 

Từ những điểm phân tích tại tất cả các mục nêu trên, tôi cho rằng phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành hiện nay thể hiện ở hai điểm có sự tác động qua lại và gắn bó rất chật chẽ với nhau như sau:

 

- Bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật.

 

Điều muốn nói ở đây là pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực hay không lại không tự nhiên mà có hay tự hình thành do yêu cầu khách quan của thực tiễn mà tuỳ thuộc vào quyết định chủ quan của cấp có thẩm quyền và tất nhiên nội dung của quyết định này cuối cùng phải thể hiện ra dưới dạng các quy định pháp luật. Yêu cầu khách quan của thực tiễn chỉ tạo điều kiện, thôi thúc và làm cơ sở cho sự ra đời của quyết định có tính chất đúng đắn, khách quan của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận thức được hoặc không nhận thức đúng được yêu cầu khách quan của thực tiễn thì sẽ không thể có được quyết định nào hoặc không có quyết định nào phù hợp với yêu cầu khách quan.

 

- Tổ chức pháp chế ngành phải được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoật động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại ngày càng sôi động phù hợp với yêu cầu phát triền kinh tế - xã hội và hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế.

 

Thực tiễn công tác háp chế ngành thời gian qua cho thấy trong điều kiện nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức còn hạn chế, thói quen sống và làm việc theo pháp luật chưa được khẳng định chắc chắn thì cán bộ pháp chế không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không có thế và có lực.

 

Nếu pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, nhưng không được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoạt động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại thì tổ chức pháp chế ngành chỉ tồn tại một cách hình thức, không thể hoàn thành được các chức năng và nhiệm vụ được giao.

 

2. Các quan điểm chỉ đạo.

 

 

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành theo tinh thần và để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, theo tôi, cần phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:

 

- Tổ chức Pháp chế ngành phải thực sự trở thành tổ chức đủ thế và lực để giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công trong hoạt động đối nội cũng như đối ngoại.

 

Cần phải hiểu rằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhà nước nói chung và từng Bộ, ngành nói riêng chỉ được phép thực hiện quản lý kinh tế và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Đây là vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cũng là của nhà nước pháp quyền. Nếu làm ngược lại thì phải trả giá đắt. Thiếu tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết để giúp việc thì Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

 

- Tổ chức Pháp chế ngành phải vươn lên để thực sự trở thành trung tâm, đầu mối xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

Không phải bất kỳ tổ chức nào cũng có thể thực hiện tốt công tác làm đầu mối xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý. Chỉ có tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết mới có thể làm tốt nhiệm vụ này.

 

- Tổ chức Pháp chế ngành phải trở thành "Văn phòng luật sư" đáng tin cậy không chỉ của lãnh đạo Bộ, ngành mà của cả từng đơn vị , từng công chức, viên chức của Bộ, ngành mình cả về pháp luật quốc gia lẫn pháp luật quốc tế.

 

Thực tiễn hàng ngày trong công tác quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành cho thấy thường có khá nhiều vấn đề pháp lý hay khía cạnh pháp lý của các vấn đề khác nảy sinh và càn phải được xử lý một cách khoa học và đúng đắn. Việc xử lý những vấn đề này cần đến sự trợ giúp của những người có kiến thức pháp luật chuyên ngành vững vàng và nghiệp vụ pháp chế chuyên ngành cần thiết thì mới có hiệu quả.

 

- Tổ chức Pháp chế ngành thực sự là tổ chức chân rết, mắt xích, thành tố của hệ thống pháp chế của Chính phủ và của cả quốc gia.

 

Như đã trình bày ở các mục trên, pháp chế tồn tại trên quy mô cả nước, trong phạm vi từng hệ thống cơ quan nhà nước, trong hệ thống cơ quan quyền lực cũng như hệ thống cơ quan quản lý hành chính v.v...

 

Trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính, có tổ chức pháp chế của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương. Và do đó các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế không chỉ gồm các tổ chức pháp chế ngành, pháp chế địa phương mà có Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan đầu mối, chủ trì công tác pháp chế của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý công tác pháp chế. Với cách tiếp cận này thì các tổ chức pháp chế ngành là chân rết, mắt xích của Bộ Tư pháp tại các Bộ, ngành.

 

Các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp và cả cơ quan hành chính địa phương cũng cần có các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế. Tuy nhiên phạm vi chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan pháp chế không hoàn toàn giống nhau, song hoạt động của tất cả các cơ quan này đều hướng vào bảo đảm các yêu cầu cơ bản của pháp chế. Có thể khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan pháp chế ngành và các cơ quan pháp chế khác luôn luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

 

Thực tiễn chứng tỏ rằng một khi tổ chức pháp chế ngành vững mạnh, hoạt động có hiệu quả thì Bộ Tư pháp có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong các hoạt động pháp chế và công tác pháp chế chung của Chính phủ cũng sẽ có hiệu quả. Vì vậy cần thiết kế cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ mạnh mẽ giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức pháp chế ngành, đồng thời Bộ Tư pháp phải phát huy tốt vai trò chủ đạo.

II. Các giải pháp đổi mới tổ chức và

hoạt động của pháp chế ngành

 

Để quán triệt các quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công phương hướng nêu trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

 

1. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP.

 

a. Về mặt tổ chức, cán bộ pháp chế ngành:

 

Nghị định số 94/CP (sửa đổi) cần quy định rõ:

 

+ Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải có tổ chức pháp chế độc lập;

 

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải có Vụ Pháp chế;

 

+ Các cơ quan thuộc chính phủ có Vụ hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Thủ trưởng cơ quan;

 

+ Khẳng định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ pháp chế;

 

+ Cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng pháp chế ít nhất phải có trình độ thạc sỹ luật học hoặc tiến sỹ luật học thì mới đủ tầm và điều kiện giữ vững và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế;

 

+ Khung biên chế tối thiểu của Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế;

 

+ Các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành đều có bộ phận làm công tác pháp chế, tức là hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

 

+ Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

 

b. Về chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của pháp chế ngành:

 

Nội dung của Nghị định số 94/CP (sửa đổi) cần khẳng định rõ hơn, đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành đã được quy định trong Nghị định số 94/CP, đồng thời phải giao thêm chocác tổ chức pháp chế ngành các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

  •  

     

    • Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình do chính Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành mình hoặc các Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác, các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá bỏ mọi mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống các quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực.

 

  •  

     

    • Tư vấn cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày.

 

  •  

     

    • Giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý chuyên ngành cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương.

 

 

  •  

     

    • Hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế và bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình và các sở, ban ngành có liên quan ở địa phương.

 

 

  • Thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế trong các hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành mình.

 

 

c. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện các

quy định của pháp luật về pháp chế ngành:

 

Cần bổ sung vào Nghị định số 94/CP (sửa đổi) các quy định sau đây:

 

+ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý công tác pháp chế của Chính phủ, trong đó có pháp chế ngành.

 

+ Quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hiệu quả hoạt động pháp chế ngành và một số biện pháp xử lý cần phải được áp dụng đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

 

+ Khẳng định rõ Hồ sơ các dự án văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi chỉ được Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của pháp luật, nếu có văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế ngành.

 

+ Bộ Tư pháp định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành và kịp thời kiến nghị Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường tổ chức và hoạt động pháp chế tại các Bộ, ngành.

 

+ Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

 

+ Hàng quý, nửa năm và cuối năm, các Bộ, ngành phải gửi Bộ Tư pháp báo cáo về công tác pháp chế của Bộ, ngành mình. Hàng năm Bộ Tư pháp phải có báo cáo riêng về đánh giá công tác pháp chế ngành gửi Chính phủ.

 

Về lâu dài, nên đặt vấn đề nghiên cứu để tiến tới xây dựng một văn bản pháp luật có tầm hiệu lực cao hơn về pháp chế ngành.

 

  1.  

     

    1. Các biện pháp cần thực hiện trong thời

gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP

 

Hiện nay chúng ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP. Chúng tôi cho rằng phần lớn các quy định của Nghị định số 94/CP đều hợp lý, hơn nữa lại đang hiện hành, Vì vậy trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu triển khai ngay một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp tục thực hiện các quy đinh của Nghị định số 94/CP. Cụ thể là phải có biện pháp có hiệu quả để đôn đốc các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện dứt điểm các yêu cầu sau đây:

- Hoàn tất việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ mà ở đó từ trước đến nay chưa có tổ chức pháp chế ngành nhằm bảo đảm ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ nào còn ghép pháp chế với thanh tra, tổng hợp, chính sách hoặc với các nội dung hoạt động khác thì khẩn trương tách bộ phận pháp chế thành tổ chức độc lập.

 

Việc thành lập các tổ chức pháp chế ngành độc lập trong cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành là cần thiết, bởi đây là lĩnh vực công tác đòi hỏi có tổ chức chuyên trách, với đội ngũ cán bộ chuyên trách có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế vững vàng. Ghép với các chuyên môn khác sẽ không bảo đảm tính tập trung, chuyên sâu của cán bộ pháp chế, làm giảm hiệu quả của công tác pháp chế. Mặt khác, nội dung công tác pháp chế rộng và phức tạp, đòi hỏi phải có bộ máy đủ thẩm quyền và cơ cấu tổ chức ngang tầm thì mới có thế và lực trong quan hệ với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành.

 

- Sớm hình thành hệ thống tổ chức pháp chế ngành trong những Bộ, ngành lớn, tức là thành lập bộ phận làm công tác pháp chế ở các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

 

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành là những đơn vị pháp nhân hành chính, trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao. Việc quản lý nhà nước ở đây cũng phải được thực hiện bằng pháp luật và theo pháp luật. Vì vậy, cần phải có tổ chức chuyên trách giúp lãnh đạo cục, tổng cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Vì các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, cho nên các tổ chức pháp chế ở các đơn vị này phải nằm trong hệ thống thống nhất các cơ quan pháp chế của Bộ, ngành. Tổ chức pháp chế của Bộ, ngành là cơ quan giữ vai trò đầu mối, chủ đạo của hệ thống này. Do phạm vi hoạt động hẹp và lại có tổ chức pháp chế của Bộ, ngành bao quát chung toàn bộ công tác pháp chế của Bộ, ngành, tổ chức pháp chế của các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành nên được tổ chức dưới các hình thức gọn nhẹ, linh hoạt, và có thể ghép với đơn vị tổng hợp, chính sách hoặc thanh tra.

 

- Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

 

Thực tiễn những năm qua cho thấy ở những nơi nào có cán bộ chuyên trách theo dõi một lĩnh vực công tác nhất định thì hiệu quả công tác trong lĩnh vực đó có hiệu quả rõ rệt. Những lĩnh vực công tác không có người làm đầu mối và chịu trách nhiệm thì không bao giờ được thực hiện tốt. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cần phải hình thành một tổ chức pháp chế độc lập, cồng kềnh, vì ở sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sở tư pháp chịu trách nhiệm chung về công tác pháp chế của địa phương.

 

- Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành có đủ trình độ, kiến thức pháp luật và tư thế để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Vấn đề tổ chức và cán bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định đối với hiệu quả công tác pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy ở Bộ, ngành nào cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và năng động thì ở đó hoạt động pháp chế sôi động, hiệu quả, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế được khẳng định, được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy cần đến pháp chế, thậm chí không thể thiếu pháp chế. Những nơi nào cán bộ pháp chế không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và không năng động thì ở đó hoạt động pháp chế kém hiệu quả, không có tiếng nói đối với lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế không được khẳng định, không được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy không cần đến pháp chế, cảm thấy có pháp chế thì thừa, thậm chí vướng cho hoạt động của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số Bộ, ngành không muốn thành lập tổ chức pháp chế hoặc không muốn thành lập tổ chức pháp chế ngành độc lập.

 

- Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, quy định rõ và cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành phù hợp với văn bản có liên quan của Chính phủ, quy định mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định này cũng cần phải được khẳng định cả trong quy chế làm việc của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức pháp chế ngành.

 

- Chỉ đạo các tổ chức pháp chế ngành tiến hành mở rộng các hoạt động pháp chế sang lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành mình; yêu cầu bản thân tổ chức pháp chế ngành phải chủ động và sáng tạo lựa chọn các hình thức và biện pháp có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ được giao, tự thân đổi mới mình nhằm chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

 

Đất nước ta không thể có nền pháp chế vững mạnh nếu pháp chế trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương không được tăng cường. Pháp chế trong từng ngành, từng lĩnh vực là bộ phận cấu thành không thể tách rời của toàn bộ cơ thể pháp chế thống nhất của quốc gia. Và như vậy, sẽ là phi lý, nếu hô hào tăng cường pháp chế, đẩy manh việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà không quan tâm đầy đủ và đúng mức đến việc tăng cường pháp chế ngành.

 

Có thể nói, các Bộ, ngành không thể thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được giao, không thể nâng cao được hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao, nếu coi nhẹ hay không tăng cường công tác pháp chế ngành.

 

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết luận

 

 

Từ những điểm trình bày ở các chương, mục nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở đê khẳng định rằng pháp chế có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Pháp chế là công cụ tạo lập và củng cố trật tự, kỷ cương, phép nước; góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực; góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; thúc đẩy quá trình hình thành nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong hàng ngũ cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong đó dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Song rất tiếc rằng trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

 

Chúng ta không thể xây dựng được nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không thể có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nếu coi nhẹ và không tăng cường pháp chế xã họi chủ nghĩa, tức là không tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đồi sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

 

Có thể nói tăng cường pháp chế thực chất là: tăng cường chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

Ngay từ trước khi có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, một số văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ và cấp Bộ, ngành đa được ban hành nhằm xây dựng và từng bước tăng cường pháp chế ngành, phục vụ yêu cầu nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Đặc biệt từ năm 1978 đến nay, với việc ban hành Nghị định số 178/HĐBT, Nghị định số 94/CP và hàng loạt văn bản cấp Bộ, ngành phục vụ yêu cầu tiếp tục xây dựng và tăng cường pháp chế ngành trong điều kiện mới, tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành có bước chuyển biến rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, ngành đã được thành lập hoặc kiện toàn, hoạt động khá sôi động và khẳng định được vị trí,vai trò của mình.

 

Tuy nhiên vẫn có tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật về pháp chế ngành. Tổ chức pháp chế ngành ở một số cơ quan chưa được kiện toàn, cán bộ pháp chế chưa được chú ý bồi dưỡng, tăng cường, điều kiện hoạt động còn có nhiều khó khăn vướng mắc. Vì vậy hiệu quả công tác, vai trò và tác dụng của tổ chức pháp chế ngành ở những cơ quan này còn rất hạn chế. Nội dung của các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành cũng còn nhiều điểm không đầy đủ, chưa hợp lý, bất cập, tính khả thi và tầm hiệu lực thấp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng phát huy vai trò, tác dụng của các tổ chức pháp chế ngành trong những năm qua.

 

Để tăng cường công tác pháp chế ngành phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành. Với nhiệm vụ nặng nề này, chúng ta cần có những biện pháp hết sức tích cực và đồng bộ. Trong số các biện pháp cần triển khai, biện pháp quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

 

Phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành phải là: bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, có đủ thế và lực hoạt động, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật. Cần phải có những quan điểm chỉ đạo rõ ràng, đúng đắn cho quá trình hoàn thiện này. Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành phải đầy đủ, đồng bộ, bao quát hết tất cả các lĩnh vực do từng Bô, ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước và có hiệu lực thực sự, có các biện pháp bảo đảm thi hành, được kiểm tra việc chấp hành trên thực tế v.v...

 

Điều không kém phần quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trước hết của cán bộ, công chức nhà nước về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của pháp chế nói chung và của pháp chế ngành nói riêng.

 

 

 

 

 

phần II

 

các báo cáo chuyên đề

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số vấn đề về tổ chức và hoạt động

của pháp chế bộ, ngành

TS. Nguyễn Am Hiểu

Phó Vụ trưởng Vụ PL dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp

1. Từ cuối năm 1986 đến nay, việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn là mối quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Điều đó đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng. Theo tinh thần các văn kiện của Đảng, mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật cụ thể là:

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm phát triển đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

- Xây dựng cơ chế và các điều kiện thi hành pháp luật;

- Dân chủ hoá đời sống xã hội, kể cả các hoạt động của các cơ quan Nhà nước;

- Thực hiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các mục tiêu chủ yếu như trên, hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, trước hết là của các cơ quan Nhà nước mà trong đó có vai trò rất quan trọng của các tổ chức pháp chế.

Nói như vậy không có nghĩa là trong nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá vai trò của hoạt động pháp chế không được khẳng định. Có thể nói, trong nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá hoạt động pháp chế đã được phát huy khá tốt ở nhiều nước. Nó được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc khá thống nhất và chặt chẽ và với mục đích quan trọng nhất là góp phần thực hiện kế hoạch Nhà nước, trong tất cả mọi giai đoạn từ lập kế hoạch, thông qua kế hoạch, thực hiện và kiểm tra thực hiện kế hoạch.

2. Vậy pháp chế Bộ, ngành trong nền kinh tế thị trường là gì? Muốn trả lời được câu hỏi trên đây cũng như để xác định được vị trí, vai trò của pháp chế Bộ, ngành cần phải xuất phát từ bản chất của nền kinh tế thị trường và nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Có rất nhiều học thuyết khác nhau về kinh tế thị trường và có rất nhiều mô hình kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thực tế cũng như hầu hết các học thuyết đến nay đều thống nhất thừa nhận những vấn đề cơ bản như nền kinh tế thị trường là nền kinh tế phát triển trên cơ sở bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tự do hợp đồng.. Nền kinh tế thị trường cũng chỉ có thể phát triển trên cơ sở pháp luật phải bảo vệ các nguyên tắc, quy luật cơ bản của thị trường như bảo vệ cạnh tranh, tự do giá cả…

Tuy nhiên, thị trường luôn không phải là một cơ chế hoàn hảo có thể tự điều chỉnh được tất cả mọi quan hệ xã hội theo nghĩa tích cực của nó, các yếu tố tiêu cực như việc huỷ hoại môi trường, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế cạnh tranh, độc quyền, các tệ nạn xã hội.. cũng là các hiện tượng tất yếu của cơ chế thị trường.

Chính vì vậy Nhà nước trong nền kinh tế thị trường luôn có hai nhiệm vụ rất cơ bản như trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã tiếp tục khẳng định là xây dựng và bảo vệ các yếu tố tích cực của thị trường, đồng thời có các biện pháp hạn chế các yếu tố tiêu cực mà nền kinh tế thị trường mang lại. Để thực hiện được hai nhiệm vụ trọng yếu và lớn lao này Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật (hệ thống pháp luật ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng là xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật cũng như các biện pháp hỗ trợ khác). Khi mà vai trò của pháp luật có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội thì chắc chắn hoạt động pháp chế ở các Bộ, nghành, thậm chí đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng rất quan trọng.

Trước hết cần khẳng định pháp chế là một hoạt động liên quan đến pháp luật cần thiết cho các cơ quan Nhà nước trong mọi chế độ xã hội, mọi hình thái Nhà nước. Nói cách khác, không Nhà nước nào không có hoạt động pháp chế, tuy nó có thể được diễn đạt dưới các ngôn từ khác nhau, với những nội dung và hình thức khác nhau.

Theo Nghị định 94/1997/NĐ-CP ngày 6 tháng 9 năm 1997 thì "tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật từng ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật" (Điều1 Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997).

Quy định này của Nghị định 94 không định nghĩa hoạt động pháp chế là gì mà chỉ nói về các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức pháp chế, cụ thể là pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mà chúng ta thường sử dụng một tên gọi ngắn gọn hơn là "pháp chế Bộ, ngành". Bản thân quy định này không bao trùm lên tất cả các hoạt động pháp chế và hoạt động liên quan đến pháp chế mà chỉ gồm các hoạt động chủ yếu, có tên tuổi, đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật mô phỏng theo chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan pháp luật, đó là:

- Tổ chức xây dựng pháp luật;

- Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;

- Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

- Phổ biến, giáo dục pháp luật và

- Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

ở đây cần phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm tổ chức pháp chế và khái niệm pháp chế hay khái niệm hoạt động pháp chế. Tổ chức pháp chế là các đơn vị cụ thể thuộc một cơ quan nào đó, được pháp luật và thủ trưởng cơ quan giao cho các chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tổ chức pháp chế không phải là đơn vị duy nhất có hoạt động pháp chế. Pháp chế hay hoạt động pháp chế là một khái niệm rất rộng và được thực hiện bởi mọi đơn vị của cơ quan mà trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức pháp chế với chức năng là một tổ chức chuyên sâu. Có thể nói không hoạt động nào của cơ quan Nhà nước mang tính chất công quyền mà lại không phải là hoạt động pháp chế.

3. Nói như vậy thì chức năng, nhiệm vụ hay vai trò cụ thể của pháp chế là gì khi tất cả hoạt động mang tính chất công quyền đều mang tính pháp chế.

Trước hết, như chúng ta đều biết trong nền kinh tế thị trường, dù được tổ chức và quản lý theo cơ chế nào thì vẫn luôn luôn xuất hiện khả năng can thiệp của con người vào các quan hệ, quy luật của thị trường. Thí dụ các hình thức hạn chế cạnh tranh và xu hướng tiến tới độc quyền, sự can thiệp vào giá cả…

Chính vì vậy Nhà nước cần phải có một hành lang pháp lý để con người và chính cả Nhà nước không can thiệp một cánh tuỳ tiện vào các quan hệ và quy luật của thị trường. Nhìn từ góc độ đó pháp chế các Bộ, ngành có chức năng hay vai trò vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật. Tổ chức pháp chế có trách nhiệm góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, ngăn cản các khả năng pháp luật cho phép cơ quan Nhà nước và mỗi tổ chức, cá nhân có khả năng can thiệp vào các quan hệ thị trường. Nói cách khác như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định là pháp luật phải bảo vệ đồng bộ các yếu tố của thị trường. Chức năng, nhiệm vụ này của pháp chế được thể hiện trong các công việc cụ thể như góp phần xây dựng pháp luật, chương trình làm luật, thẩm định văn bản trước khi ban hành, rà soát, hệ thống hoá để phát hiện những khả năng pháp luật tạo ra cơ hội để Nhà nước can thiệp vào các quan hệ lành mạnh của thị trường.

Một chức năng, nhiệm vụ khác rất quan trọng của pháp chế là góp phần vào việc tổ chức thực hiện pháp luật và kiểm tra thực hiện pháp luật. Để pháp luật đi vào đời sống thực tiễn không phải là công việc đơn giản mà Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể để thi hành, tức là Nhà nước phải xây dựng cơ chế thích hợp và chuẩn bị các điều kiện vất chất cụ thể (ở Việt Nam hiện nay Nhà nước chưa có kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức thực thi pháp luật). Kiểm tra việc thực hiện pháp luật cũng là một chức năng vô cùng quan trọng bởi trong nền kinh tế thị trường các hành vi can thiệp vào các quan hệ lành mạnh của thị trường luôn luôn tiềm ẩn từ các cơ quan Nhà nước cũng như từ chính các doanh nghiệp.

Mặt khác, các yếu tố tiêu cực của thị trường như ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại, các hành vi gây tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng, sự phân hoá giàu nghèo và các tệ nạn xã hội. Hoạt động pháp chế cá trách nhiệm góp phần quan trọng vào việc hạn chế các tiêu cực của thị trường. cũng phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường.

Có thể nói tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành luôn luôn tồn tại cùng với Nhà nước. Tuy nhiên ở từng giai đoạn cụ thể, tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, ngành được nhìn nhận và quan tâm ở các mức độ và góc độ khác nhau.

4. Nhận thức rõ vai trò của hoạt động pháp chế, khi bắt đầu tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ngày 17 tháng 6 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động pháp chế. Nghị định số 178/HĐBT đã quy định khá đầy đủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện Nghị định 178/HĐBT các Bộ, ngành và các doanh nghiệp Nhà nước đã xây dựng được một hệ thống các tổ chức pháp chế khá vững mạnh và các tổ chức pháp chế đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới cơ chế quản lý cũng đặt ra các tổ chức pháp chế Bộ, ngành và doanh nghiệp trước những thách thức ghê gớm. Trước hết, tại các cơ quan Nhà nước yêu cầu cải cách hành chính và giảm biên chế của các cơ quan Nhà nước luôn đặt ra một câu hỏi mà các tổ chức pháp chế luôn phải trả lời về sự tồn tại của mình. Mặt khác, không phải tất cả mọi tổ chức, cá nhân đều nhận thức đúng đắn về chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế, thậm chí có những quan điểm cho rằng hoạt động pháp chế đã cản trở hoạt động của các đơn vị khác trong cơ quan. Ngoài ra cũng phải kể đến là do hoạt động pháp chế mới được quan tâm nhiều hơn trở lại nên lực lượng còn rất yếu và chính vì vậy việc tự khẳng định mình không phải là dễ dàng.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, việc đổi mới cơ chế quản lý đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách thức. Cơ chế bao cấp đã để lại một hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp khi chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới nhất là gánh nặng về biên chế quá nhiều so với sự cần thiết thật sự của doanh nghiệp. Mặt khác quyền tự định đoạt của doanh nghiệp Nhà nước tuy đã được pháp luật khẳng định về mặt nguyên tắc nhưng chưa thật sự được bảo đảm trong các quy định cụ thể của pháp luật cũng như trong thực tiễn.

Trước tình hình đó, pháp chế Bộ, ngành và doanh nghiệp Nhà nước đã phải chống chọi với nhiều cơn sóng gió và không phải có những lúc đã chao đảo. Nghị định 94/CP ngày 6 tháng 9 năm 1997 là khẳng định pháp lý về thực tế nói trên về tình hình pháp chế sau hơn 10 năm đổi mới.

5. Thực hiện Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức pháp chế ở hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được củng cố, kiện toàn, ổn định về tổ chức và đi vào hoạt động có nề nếp, phát huy được hiệu quả, vai trò của mình.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 94/CP của bộ Tư pháp, đến hết năm 1999 đã có 40/48 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 Vụ Pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép, 15 Phòng Pháp chế và 3 Ban Pháp chế.

Tính đến hết tháng 12 năm 2000 chỉ còn lại 7 cơ quan chưa có tổ chức Pháp chế, đó là: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt nam, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Năm 2000 đội ngũ cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành tiếp tục được tăng cường cả về số lượng cũng như chất lượng nâng tổng số cán bộ Pháp chế lên hơn 300 người, trong đó có 14 Tiến sĩ luật, 23 Thạc sĩ Luật, 195 cử nhân luật, còn lại đều có bằng đại học chuyên ngành.

Nhiều tổ chức Pháp chế có đội ngũ cán bộ Pháp chế mạnh cả cề số lượng cũng như chất lượng như Vụ Pháp chế ngân hàng Nhà nước, Vụ Pháp chế Bộ Công an, Vụ Pháp chế-Vận tải, Bộ giao thông vận tải, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại, Bộ khoa học công nghệ & môi trường,Vụ pháp chế Tổng cục Hải quan v.v. Nhiều cơ quan tuy chưa có tổ chức pháp chế độc lập nhưng cũng hoạt động rất mạnh như Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…

6. Tổ chức pháp chế đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan trong đơn vị đề xuất, tổng hợp, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ, ngành lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của Bộ, ngành mình để đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng Pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ, chương trình xây dựng văn bản của Bộ, Ngành; tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật khi đã được thông qua; đồng thời đôn đốc việc thực hiện.

Trong những năm qua các tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành đã trực tiếp soạn thảo, tham gia soạn thảo hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật trong đó bao gồm nhiều Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị.

Các tổ chức pháp chế cũng có vai trò vô cùng quân trọng trong việc thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm quy trình soạn thảo và trình văn bản theo đúng quy định của pháp luật.

7. Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt trong việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ, ngành đã xác định đó là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

8. Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các Bộ, ngành lựa chọn những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật trung ương; tổ chức cho cán bộ, công chức thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999; giúp lãnh đạo soạn thảo các văn bản phối hợp để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo dục pháp luật trong trường học).

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật.

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

9. Có thể nói, Nghị định 94/CP của Chính phủ đã tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới hoật động pháp chế. Tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành đã tiếp tục được kiện toàn. Tuy nhiên, Nghị định mới chỉ quy định về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mà bỏ qua một mảng công tác pháp chế vô cùng quan trọng đó là tổ chức pháp chế ở các Sở quản lý ngành và ở các doanh nghiệp Nhà nước. để có cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế ở các Sở quản lý ngành và các doanh nghiệp Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra thì cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 94/CP theo hướng bổ sung thêm về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế ở các Sở quản lý ngành và ở các doanh nghiệp Nhà nước. Quy định về pháp chế doanh nghiệp Nhà nước là rất quan trọng và thể hiện sự đặc thù của pháp luật Việt nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên để tôn trọng quyền tự định đoạt của các doanh nghiệp, quy định của Nhà nước về vấn đề này chỉ nên có tính chất hướng dẫn.

Mặt khác, Nghị định 94/CP quy định không thống nhất về tổ chức đối với tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành dẫn đến tình trạng tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành hiện nay không thống nhất. Một số Bộ, ngành lớn, quản lý nhiều lĩnh vực, nhưng công tác pháp chế không được chú trọng, không có Vụ Pháp chế đủ mạnh để có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác pháp chế đặt ra. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đên hoạt động pháp chế, nhất là trong điều kiện thứ bậc trong bộ máy nhà nước còn nhiều ảnh hưởng rất lớn đến các công việc chuyên môn như hiện nay.

10. Về hoạt động phấp chế Bộ, ngành, hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Pháp chế chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, công việc chủ yếu của pháp chế cần được tập trung chủ yếu vào hoạt đông thi hành pháp luật và các công việc điều hành hàng ngày của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị.

11. Thực hiện chức năng theo dõi, hướng dẫn các tổ chức pháp chế, trong những năm qua Bộ tư pháp ngoài việc ra các văn bản hướng dẫn đã phối hợp khá nhịp nhàng với các Bộ, ngành tổ chức các buổi sinh hoạt, gặp gỡ những người hoạt động pháp chế để thảo luận những vấn đề chuyên môn, cũng như trao đổi kinh nghiệm công tác. Có thể nói, các hoạt động này đã mang lại hiệu quả rất lớn. Những người hoạt động pháp chế có điều kiện để trao đổi, học tập lần nhau không phải chỉ có về chuyên môn mà còn tạo lập nên tình đồng nghiệp. Điều đó chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoật động pháp chế.

Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta chưa triển khai việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người hoạt động pháp chế. Chúng tôi cho rằng, đây là một việc làm rất cần thiết. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, ý thức pháp luật chưa cao, kể cả các công chức Nhà nước.

Nói tóm, lại để xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dưng nhà nước pháp quyền, tổ chức và hoạt động pháp chế cần phải đựơc củng cố. Các tổ chức pháp chế phải có vị trí quan trọng trong mỗi cơ quan thì mới có thể thực hiện được sứ mệnh của mình. Mặt khác, cần mở rộng các hình thức hoạt động pháp chế, có thể do tổ chức pháp chế hoặc không phải do tổ chức pháp chế thực hiện.

 

thực trạng và phương hướng hoàn

thiện pháp luật về pháp chế ngành

 

PGS. TS Đoàn Năng

Vụ trưởng Vụ PC Bộ KHCN&MT

 

Pháp chế là chế độ quản lý đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Pháp chế ngành là chế độ quản lý đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý của nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật và theo pháp luật

Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dưng phải có nền pháp chế vững mạnh thì mới có thể bảo đảm cho sự quản lý của nhà nước có hiệu lực và hiệu quả thực sự; Hiến pháp và pháp luật nói chung được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; trật tự, kỷ cương, phép nước được tôn trọng; kinh tế - xã hội phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Để xây dựng nền pháp chế vững mạnh, cần triển khai một loạt biện pháp rất đồng bộ, từ việc xây dựng và thường xuyên hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và áp dụng các biện pháp bảo vệ pháp luật cho đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách tích cực và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi địa bàn, ở Trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên những hoạt động này trước hết phải được triển khai có hiệu quả ở các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thực hiện Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây goi là Nghị định số 94/CP), tổ chức pháp chế ở nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là tổ chức pháp chế ngành) được thành lập, kiện toàn; hoạt động pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là pháp chế ngành) ngày càng được đẩy mạnh. Tổ chức pháp chế ngành góp phần ngày càng quan trọng vào việc thực hiên quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với từng ngành, từng lĩnh vực, tạo lập và giữ vững trật tự, kỷ cương, phép nước.

Tuy nhiên những năm qua công tác pháp chế ở các Bộ ngành vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập; tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành còn gặp

không ít trở ngại, khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có cả trở ngại, vướng mắc về pháp luật. Chính vì vậy tiến hành nghiên cứu để đánh giá thật chính xác, khách quan thực trạng pháp luật về pháp chế ngành, xác định đúng đắn phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành là việc làm hết sức cần thiết.

Trong phạm vi bài này, tôi tập trung phân tích các quy định của pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thực tiễn triển khai những quy định này và phương hướng, những quan điểm chỉ đạo và giải pháp hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành.

I. Các quy định của pháp luật nước ta về pháp chế ngành

1. Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trước năm 1997

 

  1.  

     

    1. Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước ngày 17 tháng 6 năm 1985.

Trước khi ban hành Nghị định số 178/HĐBT ngày 17 tháng 6 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước (sau đây gọi là nghị định số 178/HĐBT), và cũng là trước khi có đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền kinh tế và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của nước ta được quản lý theo cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, một cơ chế ra đời do yêu cầu của thời chiến và còn tồn tại nhiều năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cơ chế bao cấp, chỉ huy tập trung cao độ từ trung ương, vấn đề pháp luật và pháp chế đương nhiên chưa thể có điều kiện để được quan tâm đúng mức. Vì vậy, không có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nào được ban hành để chuyên điều chỉnh một cách đầy đủ và toàn diện các vấn đề pháp chế ngành. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã có một số văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả cấp Bộ ngành về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành, trong đó có một vài quy định khái quát về tổ chức pháp chế của Bộ, ngành. Ví dụ:

  •  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    • Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính, Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952, trong đó có quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;
    • Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng, Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế;
    • Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng, Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an, Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;
    • Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;
    • v.v...

Nội dung của các văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu trên chỉ quy định việc cho phép thành lập tổ chức pháp chế ở Bộ, ngành này hay Bộ, ngành khác riêng rẽ. Nội dung của các văn bản cấp Bộ, ngành quy định cả việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành. Ví dụ, theo Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Ban Pháp chế Bộ Xây dựng có chức năng giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực pháp luật bao gồm ban hành văn bản pháp quy, theo dõi tổ chức thực hiện pháp chế, làm tư vấn pháp luật cho Bộ trưởng. Nhiệm vụ cụ thể của Ban Pháp chế Bộ Xây dựng gồm:

  •  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    • Hệ thống hoá các văn bản pháp luật về ngành; giúp Bộ trưởng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước gửi đến.
    • Chuẩn bị để trình Bộ trưởng quyết định chương trình, kế hoạch công tác pháp chế; giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thi hành thống nhất trong toàn ngành.
    • Giúp Bộ xem lại lần cuối cùng các dự thảo văn bản pháp quy trước khi các cục, vụ, viện trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành; theo dõi việc ban hành các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản pháp quy của các đơn vị trực thuộc Bộ nhưng trái với các văn bản cấp Bộ.
    • Giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề pháp chế phát sinh trong quá trình chỉ đạo và quản lý.
    • Các lĩnh vực công tác; phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật trong ngành.
    • Bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp chế cho cán bộ trong ngành.
    • V.v...

Trong những trường hợp Bộ, ngành không có tổ chức pháp chế chuyên trách thì từng phần nội dung cụ thể của công tác pháp chế (soạn thảo văn bản, kiểm soát việc ban hành văn bản, kiểm tra việc thực hiện văn bản, tuyên truyền phổ biến pháp luật v.v...) được giao cho Văn phòng của Bộ, ngành hoặc liên quan đến đơn vị chức năng nào của Bộ, ngành, thì được chính thức hoặc mặc nhiên giao cho các đơn vị chức năng đó thực hiện. Ngay cả khi có Vụ hay Phòng Pháp chế thì Vụ hay Phòng Pháp chế cũng không phải là tổ chức duy nhất thực hiện tất cả các nhiệm vụ pháp chế nêu trên mà chỉ là lực lượng chủ yếu hoặc chủ trì thực hiện; các đơn vị chức năng khác của Bộ, ngành cũng đều có thể được giao nhiệm vụ chủ trì, tham gia hoặc phối hợp thực hiện một vài nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

Như vậy, trước ngày ban hành Nghị định số 178/HĐBT, các quy định của pháp luật nước ta về pháp chế ngành rất tản mạn, chủ yếu gồm các quy định do lãnh đạo của từng Bộ, ngành ban hành để áp dụng riêng cho Bộ, ngành mình, không thống nhất trên cả nước, thiếu cụ thể và hiệu lực thi hành thấp. Đây là điều dễ hiểu, bởi vì đây là thời kỳ không có nền kinh tế thị trường, không có nhà nước pháp quyền và cũng không có cả ý tưởng xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Vì vậy không có nhu cầu thực hiện việc quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Và do đó trong một thời gian dài không có chủ trương thống nhất về thành lập tổ chức pháp chế ở tất cả các Bộ, ngành, không có văn bản chung và thống nhất và có hiệu lực cao quy định về pháp chế ngành. Ngay cả Bộ Tư pháp – cơ quan chuyên trách của Chính phủ về những vấn đề tư pháp, pháp chế và pháp luật cũng có giai đoạn không tồn tại.

Nội dung các quy định của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này còn thiếu nhiều, không đồng bộ, hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng.

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật không tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc cho tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, không tạo điều kiện thúc đẩy và phát huy vai trò của pháp chế ngành trong các hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

  1.  

     

    1. Giai đoạn từ Nghị định số 178/HĐBT đến khi ban hành Nghị định số 94/CP năm 1997

Chỉ khi bắt đầu chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, công tác pháp chế nói chung, công tác pháp chế ngành nói riêng, mới bắt đầu được quan tâm, bởi lẽ chính việc quản lý nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Cùng với việc chuẩn bị chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, chủ trương chuẩn bị tích cực và chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế và tư duy pháp lý v.v...khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Vì vậy, Quốc hội nước ta đã quyết định tái thành lập Bộ Tư pháp, và ngày 17 tháng 6 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước.

Theo quy định của Nghị định số 178/HĐBT, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế; các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ chính sách và pháp chế thì thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

Việc thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Chính sách và Pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được Nhà nước giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế.

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Và như vậy, Nghị định này không quy định một mô hình thống nhất cho các tổ chức pháp chế ngành. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Nhà nước ta, pháp luật quy định không chỉ cho phép mà còn buộc phải thành lập tổ chức pháp chế ngành ở tất cả các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Nghị định số 178/HĐBT còn quy định khá rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức pháp chế ngành. Cụ thể như sau:

+ Các vụ, Phòng pháp chế thuộc các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng:

+ Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

+ Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

+ Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

+ Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ảnh với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở Trung ương.

Phối hợp với các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

+ Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

+ Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng giao.

 

 

  1. Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng được quyền:

+ Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

+ Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

+ Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Như vậy, Nghị định số 178/HĐBT tuy chưa quy định rõ chức năng của tổ chức pháp chế ngành, nhưng đã quy định khá rõ và tương đối đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của tổ chức pháp chế ngành. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất của nước ta từ trước đến nay chuyên điều chỉnh vấn đề pháp chế ngành, tạo điều kiện cho việc từng bước thống nhất quản lý và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, và cũng là một bước đột phá về nhận thức theo hướng tích cực đối với pháp chế ngành ngay trong điều kiện đất nước ta mới chỉ chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn không đầy đủ, tầm hiệu lực thấp, mô hình tổ chức pháp chế ngành vẫn không thống nhất, thiếu các quy định về những biện pháp bảo đảm thi hành. Điều rất dễ nhận thấy là hoàn toàn không đề cập đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng. Tình trạng này của pháp luật là một trong những nguyên nhân làm cho pháp chế ngành gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà không thể tháo gỡ nổi.

Sau hơn mười năm thực hiện Nghị định số 178/HĐBT nêu trên, tổ chức pháp chế không phải đã được thành lập ở tất cả các các Bộ, ngành; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngành không được tăng cường đầy đủ về số cũng như chất lượng, điều kiện để hoạt động cũng không được bảo đảm tốt, và đương nhiên không thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Một trong những nguyên nhân làm cho các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn có nhiều điểm khiếm khuyết và các hoạt động pháp chế ngành trong giai đoạn này không thể bứt lên để đáp ứng yêu cầu, về mặt chủ quan, chủ yếu do nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ của lãnh đạo các cấp các ngành về vị trí và vai trò của pháp chế ngành, về việc cần thiết phải thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật theo đúng yêu cầu của việc xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền; do nhiều người vẫn chưa từ bỏ thói quen và phong cách quản lý không bằng pháp luật.

Về mặt khách quan, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hình thành, nhà nước pháp quyền cũng đang còn trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai xây dựng, và do đó chưa tạo ra được sự thúc ép thực sự mạnh mẽ đối với việc triển khai thực hiện chế độ quản lý đối với tổ chức và bộ máy của nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Về phía mình, các tổ chức pháp chế ở một số Bộ, ngành và các cán bộ pháp chế ngành ở đây chưa đủ sức bằng hành động thực tiễn của mình chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế ngành trong giai đoạn mới, ngày 6/9/1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Nội dung chủ yếu của các văn bản pháp luật về pháp chế ngành từ năm 1997 đến nay.

a. Về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành

Theo quy định của Nghị định số 94/CP, tổ chức pháp chế phải được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước. Về hình thức tổ chức, các tổ chức pháp chế ngành có thể là Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế.

Theo Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP) giữa Bộ Tư pháp và Ban tổ chức và Cán bộ Chính phủ phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Pháp chế có thể thuộc Văn phòng Bộ hoặc trực thuộc Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

Việc thành lập Vụ Pháp chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, có ý kiến của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Việc thành lập Phòng Pháp chế do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế, thì căn cứ vào yêu cầu và khối lượng công tác pháp chế mà có thể giữ nguyên mô hình tổ chức hoặc tổ chức lại theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này. Trong trường hợp đã thành lập Vụ Pháp chế ghép như Vụ Pháp chế - Chính sách, Vụ Thanh tra - Pháp chế, Vụ Pháp chế - Tổng hợp v.v..., thì tách lĩnh vực pháp chế thành tổ chức độc lập theo quy định tại Điểm 1 Mục I của Thông tư liên tịch này.

 

Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP còn quy định cả chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ pháp chế ngành. Cụ thể là cán bộ pháp chế phải vừa là người có trình độ cử nhân luật, vừa có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành mình. Cần bố trí cán bộ, công chức từ chuyên viên trở lên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ pháp chế, tổ chức pháp chế. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân luật và thực tiễn soạn thảo văn bản mà chưa có kiến thức chuyên ngành thì cần có kế hoạch đào tạo để đạt yêu cầu kiến thức chuyên ngành. Nếu cán bộ pháp chế đã có bằng cử nhân chuyên ngành và kinh nghiệm chuyên môn mà chưa có kiến thức pháp luật thì cần có kế hoạch bồi dường, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về:

  •  

     

     

     

     

     

    • Chất lượng và hiệu quả hoạt động pháp chế của Bộ, ngành mình;
    • Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế Bộ;
    • Quy hoạch việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp đội ngũ cán bộ pháp chế theo chức danh, tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng, trưởng ban Ban tổ chức – Cán bộ Chính phủ.

Điều 7 của Nghị định số 94/CP nêu trên quy định rõ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phải triển khai việc thành lập hoặc tổ chức lại tổ chức pháp chế Bộ theo quy định của Nghị định này. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP còn quy định rõ việc này phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 21/12/1997.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

Nhìn vào các quy định nêu trên chúng ta thấy không tạo ra được một mô hình thống nhất và dứt khoát cho các tổ chức pháp chế ngành. Cách quy định như vậy tạo ra cơ hội cho sự tuỳ tiện và thiếu thống nhất trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế ngành.

b. Về chức năng của Tổ chức pháp chế Bộ.

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các chức năng sau đây:

  •  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    • Giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao;
    • Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật;
    • Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;
    • Phổ biến, giáo dục pháp luật;
    • Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

c. Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tổ chức pháp chế Bộ.

Nghị định số 94/CP khẳng định tổ chức pháp chế Bộ có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  •  

     

    • Trong công tác xây dựng pháp luật.

+ Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó;

+ Thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

+ Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

+ Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

  •  

     

    • Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

+ Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

+ Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để:

 

  •  

     

     

     

     

     

    • Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.
    • Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành.
    • Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.
  •  

     

    • Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

- Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

+ Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

+ Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Như vậy, Nghị định 94/CP nêu trên quy định cũng khá rõ và cụ thể chức năng của tổ chức pháp chế ngành. Nghị định 94/CP cũng quy định rõ các quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành và cũng là một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật nước ta về pháp chế ngành, thể hiện sự nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nhà nước ta đối với công tác pháp chế ngành.

Ngoài các quy định của Nghị định số 94/CP, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành còn được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành. Ví dụ: Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổ chức Pháp chế, Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành, Quy chế làm việc của Bộ, ngành, Quy chế Văn thư, Lưu trữ của Bộ, ngành v.v... Các văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, ngành thực tế chỉ cụ thể hoá các quy định của Nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của mỗi Bộ, ngành.

Các quy định của Nghị định số 94/CP cùng với các văn bản của các Bộ ngành, về cơ bản, có thể nói bước đầu đã hình thành một hệ thống tương đối cụ thể về pháp chế ngành, nhưng còn có không ít nhược điểm. Nhược điểm cơ bản của hệ thống này là ở chỗ vẫn chỉ là những quy định có tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành và một số quy định cần thiết khác. Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, tuy khá hơn với Nghị định số 178/HĐBT ở chỗ Nghị định số 94/CP khẳng định rõ chức năng của pháp chế ngành, nhưng lại có một vài điểm thụt lùi vì một số quy định rất cần thiết và quan trọng đã được khẳng đinh tại Nghị định số 178/HĐBT, nhưng không được tiếp tục khẳng định tại Nghị định số 94/CP như:

  •  

     

     

     

     

     

    • Quy định pháp chế ngành phải là cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành;
    • Tổ chức pháp chế của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế thuộc ngành ở cả trung ương và địa phương;
    • Thừa nhận sự tồn tại của hệ thống pháp chế của mỗi ngành gồm tổ chức pháp chế của các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương là các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương v.v...

Cũng giống như giai đoạn trước, nội dung các quy đinh của pháp luật về pháp chế ngành trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn không đề cập cụ thể đến hoạt động pháp chế trong quan hệ đối ngoại nói chung và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế ghi trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nói riêng, mặc dù cùng với sự tích cực và chủ động đẩy mạnh việc hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, hoạt động đối ngoại của cả nước ta nói chung và của từng Bộ, ngành nói riêng ngày càng sôi động, và trong hoạt động đối ngoại cũng rất cần tăng cường pháp chế.

Tình trạng nêu trên của các quy định pháp luật là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành trong những năm qua.

Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp lý các vấn đề pháp chế ngành, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế ngành, cần nghiên cứu xử lý tất cả các nhược điểm nêu trên, đặc biệt là nhược điểm về tầm hiệu lực thấp, thiếu biện pháp bảo đảm thi hành các quy định hiện hành về pháp chế ngành và không có quy định cụ thể bao quát hết các lĩnh vực như lĩnh vực hoạt động đối ngoại v.v...

  1.  

     

    1. Thực trạng triển khai các quy định của nghị định 94/CP về xây dựng tổ chức của pháp chế ngành.

 

Thực hiện quy định của Nghị định số 94/CP về xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ngành, một số Bộ, ngành đã tiến hành kiện toàn tổ chức pháp chế ngành đã được thành lập theo Nghị định số 178/HĐBT; một số Bộ, ngành đã tiến hành làm thủ tục thành lập mới tổ chức pháp chế của mình. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 94/CP, đến hết năm 1999 đã có 40/48 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập tổ chức pháp chế, trong đó có 15 vụ pháp chế chuyên trách, 7 tổ chức pháp chế ghép với cơ quan tổng hợp hoặc thanh tra, 15 phòng pháp chế và 3 ban pháp chế. Cho đến tháng 1 năm 2003 đã có thêm các Vụ Pháp chế của các Bộ mới được thành lập là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính - Viễn thông.

Một số Bộ, ngành cũng đã chú trọng lựa chọn, bố trí và bồi dưỡng cán bộ pháp chế theo yêu cầu nêu trên của Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP, làm cho số cán bộ pháp chế vừa có trình độ, kiến thức pháp luật cần thiết, vừa có kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành ngày càng gia tăng. Trong tổng số hơn 300 cán bộ pháp chế ngành hiện nay đã có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học, gần hai trăm cử nhân luật. Số cán bộ pháp chế này được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhưng nhìn chung có phông kiến thức chung về pháp luật và nghiệp vụ công tác pháp chế tương đối vững vàng. Nhiều người trong số này đang tiếp tục được nâng cao thêm về trình độ, kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý hành chính và lý luận chính trị; một số khác đang được bổ túc thêm kiến thức chuyên ngành kinh tế – kỹ thuật.

Đáng chú ý là một số Bộ, ngành, điển hình là các Bộ, ngành như Thuỷ sản, Khoa học và Công nghệ, Công an, Công nghiệp, văn hoá - Thông tin, Thương mại, v.v... không chỉ kiện toàn tổ chức pháp chế mà còn rất chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức này như ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế để quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành, với lãnh đạo của Bộ, ngành; đưa các quy định về bảo đảm hoạt động pháp chế vào Quy chế làm việc của Bộ, ngành, vào cả Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành v.v...

Chính những việc làm nêu trên đã giúp khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế ngành, tạo điều kiện và môi trường ngày càng thuận lợi cho pháp chế ngành phát huy vai trò của mình trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Nhờ đó một số tổ chức pháp chế ngành như Vụ Pháp chế Bộ Công an, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản, Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại, Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá Thông tin, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch v.v...đã luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường pháp chế trong các lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

Bên cạnh những thành tích kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh công tác pháp chế ngành ở một số Bộ, ngành nêu trên, rất tiếc cho đến tận ngày hôm nay, đã hơn 5 năm trôi qua kể từ ngày ban hành Nghị định số 94/CP mà ở một số cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế; ở một số Bộ, ngành lớn vẫn còn tình trạng pháp chế ghép với bộ phận Tổng hợp hoặc với thanh tra. Nói cách khác, quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này chưa được một số Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.

Hiện nay đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, vấn đề tổ chức pháp chế ngành ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng là vấn đề được các cấp, các ngành bàn luận. Hầu hết các Bộ, ngành đều kiến nghị và khẳng định yêu cầu có Vụ Pháp chế độc lập trong cơ cấu tổ chức của mình.

Theo các nghị định mới được ban hành về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ mới được thành lập là Bộ tài nguyên và Môi trường và Bộ Bưu chính – Viễn thông, sự tồn tại của Vụ Pháp chế ở các Bộ này đã được khẳng định. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong quá trình sắp xếp lại bộ máy này vẫn có những ý kiến trái ngược với yêu cầu đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đòi xoá bỏ tổ chức pháp chế ngành với tư cách là một tổ chức độc lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành. Điều này chứng tỏ trong hàng ngũ cán bộ công chức nhà nước cũng vẫn còn những người chưa thấy hết được vai trò, tác dụng của pháp luật và của tổ chức pháp chế ngành, chưa hiểu thấu đáo đòi hỏi tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Về cán bộ pháp chế ngành, con số hơn 300 người, trong đó có hơn chục tiến sỹ luật học, hơn hai chục thạc sỹ luật học vẫn là con số rất khiêm tốn, và rất tiếc cũng còn một số lượng tương đối lớn cán bộ pháp chế ngành chưa có trình độ cử nhân luật.

Nhìn vào con số nêu trên chúng ta thấy tuy có sự tiến bộ rõ rệt về số lượng và chất lượng cán bộ pháp chế ngành so với cuối năm 1997, đầu năm 1998 và đặc biệt so với những năm trước năm 1997, nhưng so với chức năng và nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định số 94/CP thì còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cho thấy ở không ít bộ, ngành số cán bộ pháp chế ngành chưa đạt tới con số 10; thậm chi có Phòng Pháp chế chỉ có 2 – 3 chuyên viên, không có cả trưởng hay phó phòng để điều hành công việc hàng ngày.

Thực trạng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế ngành như nêu trên gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ngành, làm hạn chế đáng kể hiệu quả công tác pháp chế ở nhiều Bộ, ngành, và như vậy cũng góp phần hạn chế hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Có thể nói tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay ở một số Bộ, ngành không đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ở một số Bộ, ngành tổ chức pháp chế ngành không được hình thành hay không được kiện toàn, không phát huy được vai trò của mình theo như mong muốn và cũng là theo quy định của Nghị định số 94/CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định này, nhưng chủ yếu gồm:

  •  

     

     

     

     

     

     

     

    • Các quy định của pháp luật về pháp chế ngành còn nhiều khiếm khuyết.
    • Lãnh đạo của một số các Bộ, ngành và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước các cấp, các ngành làm tham mưu cho lãnh đạo chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về yêu cầu của nền kinh tế thị trường và của việc xây dựng nhà nước pháp quyền đối với việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật cũng như vị trí, vai trò của pháp chế ngành; chưa chấm dứt thói quen quản lý và hoạt động của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.
    • Các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp có hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc và bảo đảm thi hành các quy định hiện hành của pháp luật về pháp chế ngành.
    • Công tác nghiên cứu lý luận về pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vấn đề này chưa được chú trọng.
  1.  

     

    1. Thực trạng triển khai các quy định của Nghị định số 94/CP về hoạt động của tổ chức pháp chế ngành

Hơn 5 năm qua kể từ ngày nghị định số 94/CP bắt đầu có hiệu lực, các tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện ở mức cao nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.

Có thể nói rằng, hoạt động quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành (đặc biệt là các Bộ, ngành lớn, tổng hợp) có phạm vi rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành khác và các địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước; liên quan đến tất cả các lĩnh vực pháp luật. Vì vậy công tác của các tổ chức pháp chế ngành cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

Để tiện theo dõi, chúng tôi phân tích tình hình hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành theo từng nhiệm vụ đã được quy định trong Nghị định số 94/CP như sau:

a. Trong công tác xây dựng pháp luật.

 

  • Về đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

 

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Pháp chế ngành, nhiều tổ chức pháp chế ngành triển khai rất tốt. Song thời gian qua không phải tất cả các tổ chức pháp chế ngành đã triển khai hoặc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này. Một số tổ chức pháp chế ngành chưa đủ thế và lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.

  •  

     

    • Về thẩm định các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Nhiệm vụ này được tất cả các tổ chức pháp chế ngành triển khai với những mức độ khác nhau. Nhiều tổ chức pháp chế ngành phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc thẩm định các dự thảo văn bản, đóng góp phần quan trọng vào việc nâng cao một cách rõ rệt chất lượng của dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý. Tuy nhiên chất lượng thẩm định của một số tổ chức pháp chế ngành chưa cao, còn để tồn tại những sai sót, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản do Bộ, ngành mình ban hành hoặc trình cấp trên ban hành. Nhiều khi việc thẩm định chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật pháp lý đơn thuần hoặc chỉ có tính chất hình thức.

  •  

     

     

     

    • Về trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao. Đây là việc được tất cả các tổ chức pháp chế ngành thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức pháp chế ngành ít khi trực tiếp chủ trì soạn thảo văn bản mà chỉ làm công việc điều phối chung việc soạn thảo các văn bản và cử người tham gia vào quá trình soạn thảo, cuối cùng dành nỗ lực cho hoạt động thẩm định giúp nâng cao chất lượng của văn bản về mặt nội dung và kỹ thuật.
    • Về việc làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

Hầu hết các tổ chức pháp chế mạnh đều được Bộ trưởng giao thực hiện toàn bộ công tác này; một số nơi tổ chức pháp chế không mạnh thì Bộ trưởng chỉ giao một phần công việc.

Đây là công việc cũng không kém phần phức tạp vì khối lượng văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến rất lớn và ngày càng nhiều. Có những văn bản gửi xin ý kiến không phải một lần, nội dung rất đa dạng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu không có kiến thức pháp luật tổng hợp và vững vàng thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Thông thường hiện nay các tổ chức pháp chế ngành mới chỉ tập trung nghiên cứu và góp ý kiến đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của ngành mình nhằm thực hiện chức năng "gác cổng" cho ngành, chưa chú ý nhiều đến việc đóng góp ý kiến toàn diện cho dự thảo văn bản cả về mặt nội dung và kỹ thuật pháp lý.

Ngoài những văn bản pháp luật do các Bộ ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến, hiện nay có một khối lượng lớn dự thảo văn bản do Chính phủ gửi xin ý kiến thành viên chính phủ và một số tổ chức pháp chế ngành được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao chuẩn bị văn bản góp ý kiến và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

b. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

- Thực hiện Quyết định số 355/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/1997 về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành đã nhanh chóng triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà tổ chức Pháp chế Bộ, ngành là nòng cốt, thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình.

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng hầu hết các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói trong đợt tổng rà soát vừa qua, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã thực hiện tốt Quyết định số 335/TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

- Các Bộ, ngành đã xác định việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tổ chức pháp chế của Bộ, ngành mình. Trên thực tế các tổ chức pháp chế ngành vẫn thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc kiến nghị bãi bỏ một loạt giấy phép theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

- Một số tổ chức pháp chế ngành đã bước đầu phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với văn bản pháp luật của nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách; kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do bộ, ngành mình ban hành; kiến nghị đình chỉ việc thi hành, đề nghị Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành. Đây là vấn đề khá bức xúc và cũng hết sức phức tạp, nhưng do lực lượng còn quá mỏng cho nên có thể nói đa số các tổ chức pháp chế ngành chưa thực sự triển khai thực hiện.

c. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công tác này được triển khai ở tất cả các Bộ, ngành và nhiều tổ chức pháp chế ngành đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình.

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ tư pháp lập kế hoạch triển khai công tác này ở Bộ, ngành mình đồng thời lập kế hoạch dài hạn từ năm 1998 - 2002. Các tổ chức pháp chế đã phân công cán bộ chuyên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số Bộ, ngành đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các Bộ, ngành khác thành lập tiểu ban phối hợp hoặc tổ phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tổ chức pháp chế làm đầu mối nhằm triển khai hoạt động phổ biến giáo, dục pháp luật ở Bộ, ngành mình. Các tổ chức Pháp chế còn tham gia, chỉ đạo việc đưa pháp luật vào nội dung giảng dạy trong các trường học thuộc ngành.

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các Bộ, ngành lựa chọn những cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật trung ương; tổ chức cho cán bộ, công chức thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999; giúp lãnh đạo soạn thảo các văn bản phối hợp để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo dục pháp luật trong trường học).

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành sử dụng như tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, biên soạn, phát hành tài liệu, tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật v.v...

Nhìn chung trong những năm qua, tổ chức pháp chế ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên công tác này cũng còn nhiều bất cập như hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn đơn điệu, đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp còn thiếu thông tin pháp luật về từng ngành, lĩnh vực.

d. Trong công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

Một số tổ chức pháp chế ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

Nhiều tổ chức pháp chế ngành làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình trong việc xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý; góp ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Cũng có những tổ chức pháp chế chưa triển khai mạnh mẽ hoạt động này vì thiếu nhân lực, thiếu phương tiện và kinh phí v.v...

đ. Trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành.

Đây là lĩnh vực chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ của pháp chế. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý vững vàng để triển khai hoạt động pháp chế trong lĩnh vực phức tạp này. Tuy một số tổ chức pháp chế ngành cố gắng triển khai các hoạt động như tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến cho các dự thảo điều ước quốc tế mà Bộ, ngành mình cần ký kết hoặc trình cấp trên ký kết hoặc tham gia; tham gia xử lý một số vấn đề pháp lý nảy sinh trong hoạt động đối ngoại, rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý để có những kiến nghị cần thiết v.v..., song không ít tổ chức pháp chế ngành chưa thể triển khai hoạt động trong lĩnh vực này.

Tóm lại, hoạt động phấp chế ngành hiện nay chủ yếu tập trung vào công việc xây dựng pháp luật như soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định và cho ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; một số nhiệm vụ được triển khai rất có mức độ. Pháp chế chưa tham gia nhiều vào công việc điều hành của Bộ trưởng và thủ trưởng đơn vị cũng như chưa tham gia nhiều vào việc triển khai thi hành pháp luật; chưa triển khai hoạt động một cách thống nhất và có hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, hoạt động của pháp chế cần chú trọng cả công tác thi hành pháp luật và các công việc điều hành hàng ngày của Bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị và hoạt động đối ngoại.

Nhìn chung hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành chưa đồng đều, có nơi mạnh và phát huy tốt vai trò của mình, có nơi rất lúng túng và không đủ lực hoặc không có đủ điều kiện để phát huy vai trò giúp Bộ trưởng, thủ trường ngành thực hiện tốt việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

II. Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành

1. Phương hướng và các quan điểm chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành

a. Phương hướng

Như đã trình bày ở các mục trên, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nghĩa là xây dựng một nhà nước trong đó việc tổ chức và hoạt động của bản thân nhà nước, tổ chức và hoạt động của từng cơ quan nhà nước, hoạt động của từng công chức, viên chức nhà nước cũng như việc tổ chức và quản lý kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật và bằng pháp luật. Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả, nếu chúng ta quan tâm tăng cường pháp chế nói chung trên phạm vi cả nước và pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý nói riêng.

Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy rằng nền pháp chế của đất nước chúng ta không thể vững mạnh, nếu pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý không được tăng cường, bởi vì pháp chế trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý là bộ phận cấu thành của toàn bộ cơ thể pháp chế của quốc gia. Để tăng cường pháp chế trong phạm vi các lĩnh vực do từng Bộ, ngành quản lý, không có cách nào khác là phải khẩn trương và kiên quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành. Nói cách khác, hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành phải theo tinh thần và chính là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế ngành.

Từ những điểm phân tích tại tất cả các mục nêu trên, tôi cho rằng phương hướng hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành hiện nay thể hiện ở hai điểm có sự tác động qua lại và gắn bó rất chật chẽ với nhau như sau:

- Bảo đảm cho pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực bằng pháp luật, theo pháp luật.

Điều muốn nói ở đây là pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực hay không lại không tự nhiên mà có hay tự hình thành do yêu cầu khách quan của thực tiễn mà tuỳ thuộc vào quyết định chủ quan của cấp có thẩm quyền và tất nhiên nội dung của quyết định này cuối cùng phải thể hiện ra dưới dạng các quy định pháp luật. Yêu cầu khách quan của thực tiễn chỉ tạo điều kiện, thôi thúc và làm cơ sở cho sự ra đời của quyết định có tính chất đúng đắn, khách quan của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận thức được hoặc không nhận thức đúng được yêu cầu khách quan của thực tiễn thì sẽ không thể có được quyết định nào hoặc không có quyết định nào phù hợp với yêu cầu khách quan.

- Tổ chức pháp chế ngành phải được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoật động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại ngày càng sôi động phù hợp với yêu cầu phát triền kinh tế - xã hội và hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế.

Thực tiễn công tác háp chế ngành thời gian qua cho thấy trong điều kiện nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức còn hạn chế, thói quen sống và làm việc theo pháp luật chưa được khẳng định chắc chắn thì cán bộ pháp chế không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không có thế và có lực.

Nếu pháp chế ngành có hình thức tổ chức hợp lý, thống nhất, phản ánh đúng vị trí và vai trò của nó trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, nhưng không được tăng cường về mọi mặt để có đủ thế và lực hoạt động một cách có hiệu quả và bao quát hết tất cả các ngành, lĩnh vực mà Bộ, ngành được giao quản lý, bao quát cả các hoạt động trong nội bộ quốc gia và cả các hoạt động đối ngoại thì tổ chức pháp chế ngành chỉ tồn tại một cách hình thức, không thể hoàn thành được các chức năng và nhiệm vụ được giao.

b. Các quan điểm chỉ đạo.

 

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về pháp chế ngành theo tinh thần và để đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành, theo tôi, cần phải quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:

- Tổ chức Pháp chế ngành phải thực sự trở thành tổ chức đủ thế và lực để giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công trong hoạt động đối nội cũng như đối ngoại.

Cần phải hiểu rằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường, nhà nước nói chung và từng Bộ, ngành nói riêng chỉ được phép thực hiện quản lý kinh tế và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật. Đây là vấn đề có tính quy luật, tính nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cũng là của nhà nước pháp quyền. Nếu làm ngược lại thì phải trả giá đắt. Thiếu tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết để giúp việc thì Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

- Tổ chức Pháp chế ngành phải vươn lên để thực sự trở thành trung tâm, đầu mối xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý.

Không phải bất kỳ tổ chức nào cũng có thể thực hiện tốt công tác làm đầu mối xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý. Chỉ có tổ chức chuyên trách có đầy đủ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế cần thiết mới có thể làm tốt nhiệm vụ này.

- Tổ chức Pháp chế ngành phải trở thành "Văn phòng luật sư" đáng tin cậy không chỉ của lãnh đạo Bộ, ngành mà của cả từng đơn vị , từng công chức, viên chức của Bộ, ngành mình cả về pháp luật quốc gia lẫn pháp luật quốc tế.

Thực tiễn hàng ngày trong công tác quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành cho thấy thường có khá nhiều vấn đề pháp lý hay khía cạnh pháp lý của các vấn đề khác nảy sinh và cần phải được xử lý một cách khoa học và đúng đắn. Việc xử lý những vấn đề này cần đến sự trợ giúp của những người có kiến thức pháp luật chuyên ngành vững vàng và nghiệp vụ pháp chế chuyên ngành cần thiết thì mới có hiệu quả.

- Tổ chức Pháp chế ngành thực sự là tổ chức chân rết, mắt xích, thành tố của hệ thống pháp chế của Chính phủ và của cả quốc gia.

Như đã trình bày ở các mục trên, pháp chế tồn tại trên quy mô cả nước, trong phạm vi từng hệ thống cơ quan nhà nước, trong hệ thống cơ quan quyền lực cũng như hệ thống cơ quan quản lý hành chính v.v...

Trong hệ thống cơ quan quản lý hành chính, có tổ chức pháp chế của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương. Và do đó các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế không chỉ gồm các tổ chức pháp chế ngành, pháp chế địa phương mà có Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan đầu mối, chủ trì công tác pháp chế của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý công tác pháp chế. Với cách tiếp cận này thì các tổ chức pháp chế ngành là chân rết, mắt xích của Bộ Tư pháp tại các Bộ, ngành.

Các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp và cả cơ quan hành chính địa phương cũng cần có các cơ quan chuyên trách công tác pháp chế. Tuy nhiên phạm vi chức năng và nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan pháp chế không hoàn toàn giống nhau, song hoạt động của tất cả các cơ quan này đều hướng vào bảo đảm các yêu cầu cơ bản của pháp chế. Có thể khẳng định rằng hoạt động của các cơ quan pháp chế ngành và các cơ quan pháp chế khác luôn luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tiễn chứng tỏ rằng một khi tổ chức pháp chế ngành vững mạnh, hoạt động có hiệu quả thì Bộ Tư pháp có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong các hoạt động pháp chế và công tác pháp chế chung của Chính phủ cũng sẽ có hiệu quả. Vì vậy cần thiết kế cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ mạnh mẽ giữa Bộ Tư pháp và các tổ chức pháp chế ngành, đồng thời Bộ Tư pháp phải phát huy tốt vai trò chủ đạo.

  1.  

     

    1. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật phục vụ yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành

Để quán triệt các quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công phương hướng nêu trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

a. Cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP theo hướng khẳng định dứt khoát các vấn đề sau đây:

- Về mặt tổ chức, cán bộ pháp chế ngành:

+ Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải có tổ chức pháp chế độc lập;

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải có Vụ Pháp chế;

+ Các cơ quan thuộc chính phủ có Vụ hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Thủ trưởng cơ quan;

+ Khẳng định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ pháp chế;

+ Cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng pháp chế ít nhất phải có trình độ thạc sỹ luật học hoặc tiến sỹ luật học thì mới đủ tầm và điều kiện giữ vững và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế;

+ Khung biên chế tối thiểu của Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế;

+ Các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành đều có bộ phận làm công tác pháp chế, tức là hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

+ Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

- Về chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của pháp chế ngành:

+ Khẳng định rõ hơn, đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành đã được quy định trong Nghị định số 94/CP.

+ Tổ chức pháp chế ngành phải có thêm các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  •  

     

     

     

    • Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình do chính Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành mình hoặc các Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác, các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá bỏ mọi mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống các quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực.
    • Tư vấn cho lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý hàng ngày.

Giải đáp những thắc mắc về mặt pháp lý chuyên ngành cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương.

  •  

     

     

     

    • Hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế và bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ, ngành mình và các sở, ban ngành có liên quan ở địa phương.
    • Thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế trong các hoạt động đối ngoại của Bộ, ngành mình.
  •  

     

    • Về các biện pháp bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành:

+ Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý công tác pháp chế của Chính phủ, trong đó có pháp chế ngành.

+ Quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hiệu quả hoạt động pháp chế ngành và một số biện pháp xử lý cần phải được áp dụng đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về pháp chế ngành.

+ Khẳng định rõ Hồ sơ các dự án văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi chỉ được Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của pháp luật, nếu có văn bản thẩm định của tổ chức pháp chế ngành.

+ Bộ Tư pháp định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về pháp chế ngành và kịp thời kiến nghị Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp tăng cường tổ chức và hoạt động pháp chế tại các Bộ, ngành.

 

+ Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế ngành.

+ Hàng quý, nửa năm và cuối năm, các Bộ, ngành phải gửi Bộ Tư pháp báo cáo về công tác pháp chế của Bộ, ngành mình. Hàng năm Bộ Tư pháp phải có báo cáo riêng về đánh giá công tác pháp chế ngành gửi Chính phủ.

- Về lâu dài, nên đặt vấn đề nghiên cứu để tiến tới xây dựng một văn bản pháp luật có tầm hiệu lực cao hơn về pháp chế ngành.

Thay cho lời kết luận

Hiện nay chúng ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP. Chúng tôi cho rằng phần lớn các quy định của Nghị định số 94/CP đều hợp lý, hơn nữa lại đang hiện hành, Vì vậy trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu triển khai ngay một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc tiếp tục thực hiện các quy đinh của Nghị định số 94/CP. Cụ thể là phải có biện pháp có hiệu quả để đôn đốc các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện dứt điểm các yêu cầu sau đây:

- Hoàn tất việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ mà ở đó từ trước đến nay chưa có tổ chức pháp chế ngành nhằm bảo đảm ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ nào còn ghép pháp chế với thanh tra, tổng hợp, chính sách hoặc với các nội dung hoạt động khác thì khẩn trương tách bộ phận pháp chế thành tổ chức độc lập.

Việc thành lập các tổ chức pháp chế ngành độc lập trong cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành là cần thiết, bởi đây là lĩnh vực công tác đòi hỏi có tổ chức chuyên trách, với đội ngũ cán bộ chuyên trách có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ pháp chế vững vàng. Ghép với các chuyên môn khác sẽ không bảo đảm tính tập trung, chuyên sâu của cán bộ pháp chế, làm giảm hiệu quả của công tác pháp chế. Mặt khác, nội dung công tác pháp chế rộng và phức tạp, đòi hỏi phải có bộ máy đủ thẩm quyền và cơ cấu tổ chức ngang tầm thì mới có thế và lực trong quan hệ với các đơn vị trong và ngoài Bộ, ngành.

- Sớm hình thành hệ thống tổ chức pháp chế ngành trong những Bộ, ngành lớn, tức là thành lập bộ phận làm công tác pháp chế ở các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, hình thành chân rết cho tổ chức pháp chế của Bộ, ngành.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành là những đơn vị pháp nhân hành chính, trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ được giao. Việc quản lý nhà nước ở đây cũng phải được thực hiện bằng pháp luật và theo pháp luật. Vì vậy, cần phải có tổ chức chuyên trách giúp lãnh đạo cục, tổng cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật.

Vì các cục, tổng cục thuộc Bộ, ngành, cho nên các tổ chức pháp chế ở các đơn vị này phải nằm trong hệ thống thống nhất các cơ quan pháp chế của Bộ, ngành. Tổ chức pháp chế của Bộ, ngành là cơ quan giữ vai trò đầu mối, chủ đạo của hệ thống này. Do phạm vi hoạt động hẹp và lại có tổ chức pháp chế của Bộ, ngành bao quát chung toàn bộ công tác pháp chế của Bộ, ngành, tổ chức pháp chế của các cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành nên được tổ chức dưới các hình thức gọn nhẹ, linh hoạt, và có thể ghép với đơn vị tổng hợp, chính sách hoặc thanh tra.

- Theo ngành dọc, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải bố trí cán bộ theo dõi, làm đầu mối về công tác pháp chế ngành ở địa phương và để phối hợp với cơ quan pháp chế chuyên ngành ở Trung ương, với Sở Tư pháp về công tác pháp chế ngành.

Thực tiễn những năm qua cho thấy ở những nơi nào có cán bộ chuyên trách theo dõi một lĩnh vực công tác nhất định thì hiệu quả công tác trong lĩnh vực đó có hiệu quả rõ rệt. Những lĩnh vực công tác không có người làm đầu mối và chịu trách nhiệm thì không bao giờ được thực hiện tốt. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cần phải hình thành một tổ chức pháp chế độc lập, cồng kềnh, vì ở sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sở tư pháp chịu trách nhiệm chung về công tác pháp chế của địa phương.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ngành có đủ trình độ, kiến thức pháp luật và tư thế để hoàn thành nhiệm vụ.

Vấn đề tổ chức và cán bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định đối với hiệu quả công tác pháp chế nói chung và pháp chế ngành nói riêng. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy ở Bộ, ngành nào cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và năng động thì ở đó hoạt động pháp chế sôi động, hiệu quả, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế được khẳng định, được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy cần đến pháp chế, thậm chí không thể thiếu pháp chế. Những nơi nào cán bộ pháp chế không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế vững vàng và không năng động thì ở đó hoạt động pháp chế kém hiệu quả, không có tiếng nói đối với lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành, vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế không được khẳng định, không được thừa nhận; lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành và tất cả mọi người cảm thấy không cần đến pháp chế, cảm thấy có pháp chế thì thừa, thậm chí vướng cho hoạt động của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số Bộ, ngành không muốn thành lập tổ chức pháp chế hoặc không muốn thành lập tổ chức pháp chế ngành độc lập.

- Tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ đều phải ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, quy định rõ và cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành phù hợp với văn bản có liên quan của Chính phủ, quy định mối quan hệ công tác giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định này cũng cần phải được khẳng định cả trong quy chế làm việc của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức pháp chế ngành.

- Chỉ đạo các tổ chức pháp chế ngành tiến hành mở rộng các hoạt động pháp chế sang lĩnh vực đối ngoại của Bộ, ngành mình; yêu cầu bản thân tổ chức pháp chế ngành phải chủ động và sáng tạo lựa chọn các hình thức và biện pháp có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ được giao, tự thân đổi mới mình nhằm chứng minh cho sự tồn tại hữu ích của tổ chức pháp chế ngành.

Đất nước ta không thể có nền pháp chế vững mạnh nếu pháp chế trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương không được tăng cường. Pháp chế trong từng ngành, từng lĩnh vực là bộ phận cấu thành không thể tách rời của toàn bộ cơ thể pháp chế thống nhất của quốc gia. Và như vậy, sẽ là phi lý, nếu hô hào tăng cường pháp chế, đẩy manh việc xây dựng nhà nước pháp quyền mà không quan tâm đầy đủ và đúng mức đến việc tăng cường pháp chế ngành.

Có thể nói, các Bộ, ngành không thể thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được giao, không thể nâng cao được hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao, nếu coi nhẹ hay không tăng cường công tác pháp chế ngành.

Thực tiễn của hơn mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, hơn mười năm chuyến sang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước, và cũng là hơn mười năm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho chúng ta thấy ở nơi nào, lúc nào pháp chế được tăng cường thì nơi đó, lúc đó có trật tự, kỷ cương, phép nước, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước cao hơn; nơi nào và lúc nào buông lỏng pháp chế thì nơi đó, lúc đó không có trật tự, kỷ cương, phép nước, hoạt động quản lý nhà nước không có hiệu lực và hiệu quả.

 

Pháp chế công an nhân dân

26 năm xây dựng và trưởng thành

TS. Trần Đình Nhã

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công An

của tổ chức pháp chế ngành công an

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Bộ Nội vụ cùng các Bộ, ngành khác có nhiệm vụ phải trực tiếp xây dựng nhiều văn bản pháp luật để tăng cường vai trò quản lý nhà nước thống nhất về an ninh, trật tự bằng pháp luật ở cả hai miền. Để đáp ứng với nhiệm vụ này, ngày 27/10/1975 Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 2493/BNV thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng và giao cho một đồng chí Cục trưởng phụ trách Phòng trực thuộc này.

Quyết định đã quy định chức năng của Phòng Pháp chứ là "có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý thống nhất công tác pháp chế, hướng dẫn thi hành pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Bộ Nội vụ, nghiên cứu đề xuất ý kiến với Bộ trưởng về việc ban hành những văn bản pháp quy càn thiết cho công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội".

Với Quyết định số 2493 ngày 27/10/1975, có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử, tại một Bộ thuộc Chính phủ đã hình thành một tổ chức pháp chế độc lập, trực tiếp giúp Bộ trưởng một loạt vấn đề pháp luật, pháp chế.

Kể từ đây, công tác pháp chế trong lực lượng công an nhân dân đã có vị trí được xác định trong hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ, công tác pháp chế đã có sự lãnh đạo, quản lý thống nhất từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương.

Quyết định đã quy định 7 nhiệm vụ của Phòng Pháp chế, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là "Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động pháp chế đối với các bộ phận pháp chế, cán bộ pháp chế ở các đơn vị thuộc cơ quna Bộ và công an các địa phương.".

Thực hiện nhiệm vụ này, Phòng Pháp chế đã hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương xây dựng tổ chức pháp chế có từ 3 - 5 cán bộ chuyên trách. Như vậy

 

 

hệ thống tổ chức pháp chế đã được xây dựng tù Bộ đến Công an các địa phương ngay từ năm 1975.

Chỉ trong 2 năm 1975 đến 1977, Phòng Pháp chế, Bộ Nội vụ đã tự khẳng định mình qua công tác tham mưu, tư vấn về pháp luật cho lãnh đạo Bộ, trong đó có những vấn đề rất quan trọng như: Dự thảo 3 sắc luật quy định về an ninh, trật tự vùng mới giải phóng; xây dựng Điều lệ xử phạt vi cảnh; tham mưu giúp lãnh đạo Bộ tham gia xây dựng Bộ luật hình sự, sửa đổi Hiến pháp... Ban hành nhiều văn bản pháp quy phục vụ quản lý an ninh, trật tự trong tình hình đất nưúc mới thống nhất.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế ngày càng lớn, các đồng chí phụ trách công tác pháp chế đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công An báo cáo Hội đồng Chính phủ thành lập Vụ Pháp chế trong Bộ Công an. Ngày 21/1/1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 08/CP thành lập Vụ pháp chế trực thuộc Bộ Công an. Đây lại là Vụ Pháp chế đầu tiên được thành lập ở một Bộ. Với Quyết định này, từ đây pháp chế ngành Công an đã có một tổ chức ổn định, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong 10 năm (1977 - 1987), lực lượng pháp chế đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ Công an về pháp luật, đặc biệt là hình sự, tố tụng hình sự, hành chính và các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến an ninh trật tự. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập lực lượng CAND, Vụ Pháp chế đã biên tập và xuất bản tập I, tập II các văn bản pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương (trên 20.000 cuốn), phục vụ kịp thời công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công An cũng đã chú ý đến việc xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế từ Bộ đến Công an các địa phương. Để hình thành hệ thống pháp chế trong ngành công an, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 57-QĐ/BNV ngày 15/5/1985 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức pháp chế ở các đơn vị, địa phương. Thực hiện Quyết định này, các Tổng cục và Công an địa phương đều có tổ pháp chế chuyên trách.

Năm 1987, Bộ Nội vụ thực hiện chủ trương của Nhà nước sắp xếp lại tổ chức theo hướng gọn đầu mối, giảm biên chế nên Vụ Pháp chế được sáp nhập vào Cục Tham mưu tổng hợp thành Tổ chuyên viên pháp chế do một đồng chí Trưởng phòng phụ trách.

Giai đoạn 1987-1991 là những năm tháng khó khăn đối với công tác pháp chế vì biên chế ít, lại không còn đầu mối độc lập về mặt tổ chức. Vì vậy, tổ chuyên viên pháp chế hầu như chỉ tập trung vào công tác xây dựng và tham gia xây dựng văn bản pháp luật, còn các chức năng, nhiệm vụ khác ít được triển khai thực hiện

Trong những năm tháng khó khăn đó, tổ chuyên viên pháp chế đã có rất nhiều cố gắng để phấn đấu vươn lên, tự khẳng định vai trò của mình. Cán bộ của đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, yên tâm, yêu nghề, say mê làm việc và đã tích cực tham gia vào việc xây dựng Bộ luật tố tục hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh thi hành án phạt tù, cùng các văn bản hướng dẫn và nhiều văn bản quản lý Nhà nước về an ninh trật tự.

Thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng VI, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có trách nhiệm tham mưu cho Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- văn hoá - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong điều kiện kinh tế thị trường. Để đáp ứng yêu cầu này, tổ chức pháp chế trong lực lượng Công an phải được củng cố và tăng cường. Vì vậy, ngày 20/11/1991, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 1584-QĐ/BNV về việc thành lập lại Vụ Pháp chế. Hiện nay, Vụ Pháp chế là đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, biên chế gồm 32 đồng chí, có 3 phòng chức năng, là một trong những đơn vị không thể thiếu được trong bộ máy tổ chức của Bộ Công an, được quan tâm củng cố, phát triển, ngày càng đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Lực lượng pháp chế ở Bộ, Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện (kiêm nhiệm) hiện nay có khoảng 700 đồng chí.

 

 

  1. Về quá trình hình thành và phát triển
  2. Những kết quả công tác của lực

lượng pháp chế công an nhân dân

 

 

 

ứng yêu cầu công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo

Công an các cấp về PL có liên quan đến an ninh trật tự:

Xuất phát từ nhận thức rằng, muốn làm tốt công tác tham mưu, tư vấn đề pháp luật cho lãnh đạo Bộ Công an thì vấnd dề quan trọng hàng đầu là phải hiểu rõ về công tác này và không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn pháp lý cao, am hiểu nghiệp vụ Công an nên tù nhiều năm nay chúng ta đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhờ đó, cho đến nay, ở Vụ Pháp chế đã có 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ (hiện nay có 3 nghiên cứu sinh tiến sĩ), số cán bộ nghiên cứu khác 100% có trình độ đại học. Bên cạnh đó hàng năm đều có kế hoạch cử cán bộ đi học các nước: Lý luận chính trị cao cấp, bổ túc nghiệp vụ công an; tổ chức 1 lớp ngoại ngữ tiếng Anh ngay trong đơn vị.

Đối với đội ngũ cán bộ pháp chế ở công an các đơn vị, địa phương đã thường xuyên được cung cấp tài liệu, văn bản hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ công tác pháp chế (công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, kiểm tra việc thi hành pháp luật và những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành); trong các năm 1994, 1995, 1997, 1998, 2001 mỗi năm mở 1 lớp tập huấn công tác pháp chế, mỗi lớp từ 5 đến 7 ngày.

Hiện nay, ngành công an đã xây dựng được hệ thống tổ chức pháp chế ở tất cả 6 Tổng cục và 61 công an địa phương với đội ngũ làm công tác pháp chế chuyên trách gồm trên 200 đồng chí và gần 500 đồng chí kiêm nhiệm.

Nhờ có đội ngũ cán bộ pháp chế như vậy nên công tác tham mưu về pháp luật cho lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Công an các địa phương ngày càng có chất lượng. Đội ngũ cán bộ pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Công an các địa phương nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giữ vững an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là tham mưu, tư vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm và thi hành án hình sự, bảo đảm cho công tác này tuân thủ pháp luật, tránh oan, sai, sót, lọt tội phạm; công tác xử phạt vi phạm hành chính. Một công tác khác không kém phần quan trọng là việc tham mưu để lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản nhằm tăng cường pháp chế trong lực lượng công an. Cụ thể là Vụ Pháp chế đã chủ động đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 14-CT/BNV (V19) ngày 1/10/1992 về "tăng cường pháp chế XHCN trong lực lượng công an nhân dân". Nội dung chỉ thị gồm 6 điểm: (1) Rà soát văn bản pháp luật để loại bỏ những văn bản hết hiệu lực và đề xuất xây dựng mới hoặc bổ sung những quy định còn thiếu; (2) Đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản pháp luật, chú trọng công tác thẩm định văn bản pháp luật; (3) Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; (4) Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thi hành pháp luật; (%) Xử lý nghiêm minh, kịp thời và triệt để các vụ vi phạm pháp luật; (6) Kiện toàn tổ chức và cán bộ pháp chế ở các đơn vị đủ sức làm tham mưu, tư váan pháp luật cho lãnh đạo. Qua 9 năm thực hiện, Chỉ thị này đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác tăng cường pháp chế trong Công an nhân dân.

Trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Chỉ thị số 14-CT/BNV (V19), để đẩy mạnh công tác pháp chế lên ngang tầm với tình hình nhiệm vụ mới, Vụ Pháp chế đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 07/CT/BNV (V19) ngày 26/3/1998 về tăng cường công tác pháp chế trong lực lượng Công an nhân dân trước tình hình mới để thay thể chỉ thị số 14 nêu trên. Chỉ thị này đã được các cấp Công an tổ chức và thực hiện có hiệu quả. Năm 1999 trong Hội nghị sơ kết công tác pháp chế trong lực lượng công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 18 cá nhân trong lực lượng CAND có thành tích xuất sắc về công tác pháp chế.

 

 

tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng pháp chế đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thông qua công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đã tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp 1980, 1992; Bộ luật hình sự 1985 và 4 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985; Bộ luật hình sự năm 1999; Bộ luật Tố tụng hình sự, các luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức cơ quan điều tra theo Luật TTHS; trực tiếp soạn thảo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.

Chỉ tính trong 10 năm qua, lực lượng pháp chế đã xây dựng hàng chục văn bản để báo cáo Lãnh đạo Bộ công an trình Quốc Hội, UBTVQH, Chính phủ ban hành hoặc Bộ Công an ban hành. Trong đó có một số văn bản quan trọng như: Pháp lệnh thi hành án phạt tù (1993); Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế Trại Giam (199); Nghị định của Chính phủ về chống mại dâm, ma tuý (199); Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về việc bổ niệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra (1994); Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về chống lập Quỹ trái phép trong lực lượng CAND (1995); 3 Nghị định của Chính phủ ban hành 3 Quy chế về Trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, Quản chế hành chính (1997); Quyết định của Bộ trưởng ban hành 12 Quy chế dân chủ trong lực lượng CAND, Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ, tạm giam (1998); Nghị định của Chính phủ về công an xã (1999), Luật Phòng chống ma tuý (2000). Đặc biệt, chỉ tính riêng năm 2001, trong số 8 Nghị định do Bộ Công an trình và được Chính phủ ban hành thì Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo 6 Nghị định, trong đó có những Nghị định rất quan trọng và quá trình soạn thảo rất công phu như: Nghị định của Chính phủ về thi hành hình phạt trục xuất; hình phạt cấm cư trú, quản chế; biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Nghị định về kinh doanh dịch vụ bảo vệ, các Nghị định thi hành Luật Phòng, chống ma tuý...Đang chủ trì việc nghiên cứu, soạn thảo dự án luật: Luật An ninh quốc gia; Luật Công an nhân dân. Phối hợp với các Tổng cục, các ngành soạn thảo Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ và hàng chục Nghị định có liên quan đến an ninh, trật tự. Quá trình soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị pháp chế thuộc lực lượng Công an đã đảm bảo đi vào nề nếp, đúng thủ tục trình tự.

Sở dĩ đạt được kết quả trên là do các đơn vị pháp chế đã quản lý thống nhất được công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an bằng việc chủ động đề xuất xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chế về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lực lượng CAND (Quyết định số 836/1997/QĐ-BNV (V19) ngày 18/10/1997). Quyết định này phân định rõ chức năng xây dựng văn bản và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là chức năng của pháp chế, nhờ đó công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực sự đi vào nề nếp. Trong 5 năm trở lại đây, Vụ Pháp chế đã tham gia hàng chục Ban soạn thảo Luật, Pháp lệnh do các ngành yêu cầu; tham gia trên 500 lượt ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư do các ngành trưng cầu ý kiến. Vụ Pháp chế đã trực tiếp tham gia soạn thảo, góp ý kiến hoặc thẩm định 409 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an ban hành. Lực lượng pháp chế các đơn vị, địa phương cũng đã trực tiếp xây dựng hoặc thẩm định hàng trăm văn bản pháp luật trước khi trình lãnh đạo duyệt đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

 

 

  1. Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế có năng lực đáp
  2. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và
  3. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến,

giáo dục PL và kiểm tra việc thi hành PL

Lực lượng pháp chế CAND đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các văn bản pháp luật mới cho cán bộ, chiến sỹ. Mở lớp tập huấn chức danh (Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Trưởng phó Công an cấp quận huyện); tập huấn pháp chế về công tác bắt, giam giữ, thi hành án phạt tù và những vấn đề về pháp luật hình sự, hành chính có liên quan đến công tác Công an; tổ chức biên soạn, biên tập hệ thống hoá và xuất bản, in 14 cuốn sách để cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương, trong đó đáng chú ý là những cuốn pháp luật về quản lý xuất, nhập cảnh cư trú và đi lại của người nước ngoài; pháp luật về quản lý biên giới Việt Trung; Pháp lệnh thi hành án phạt tù và các văn bản hướng dẫn thi hành; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hànhc hính và các văn bản hướng dẫn cần thiếtl các quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án; Những văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự năm 1985; các Quy chế thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đã được hệ thống hoá thành Công báo nội bộ và được cấp phát đến Công an cấp huyện.

Năm 1998, Vụ Pháp chế đã chủ động đề xuất với Lãnh đạo Bộ cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an. Trong 3 năm qua, được sự tham gia của Cục tin học nghiệp vụ- Tổng cục Khoa học - kỹ thuật và công nghệ đã thiết lập Trung tâm cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, chuyển dữ liệu lên đĩa CD cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo và công tác nghiên cứu xây dựng văn bản pháp luật.

Đã tham mưu để Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Công an; tổ chức xây dựng Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của 6 Tổng cục và 61 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cho đến nay, các Hội đồng này đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an và nhân dân. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên pháp chế CAND gồm 2650 người là Báo cáo viên cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp huyện.

Đã chủ động tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các đơn vị kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật trong lực lượng CAND. Qua công tác kiểm tra các đơn vị pháp chế đã kịp thời đề xuất Lãnh đạo Bộ công an, lãnh đạo Công an địa phương chấn chỉnh những đơn vị thực hiện không đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm; về trật tự an toàn giao thông; về quản lý hành chính, quản lý xuất nhập cảnh... Đặc biệt, năm 2001, qua việc chủ động kiểm tra việc thực hiện các Quy chế dân chủ trong lực lượng CAND Vụ Pháp chế đã có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện 12 Quy chế dân chủ của CAND các cấp và đề xuất Bộ trưởng ra chỉ thị chấn chỉnh.

Những cố gắng trên đã góp phần đáng kể trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lực lượng CAND.

Trong suốt quãng thời gian hình thành, phát triển lớn mạnh, lực lượng pháp chế CAND luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, phấn đấu hoàn thành mọi chức năng, nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, năm 1985 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng hai, năm 2000, được Nhà nước tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất. Hàng chục lượt đơn vị và hàng trăm lượt cá nhân đã được Bộ Công an tặng cờ, bằng khen trong tổng kết thi đua hàng năm và khen thưởng thành tích đột xuất. Năm 2001, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định tặng Cờ thi hđua xuất sắc cho Vụ Pháp chế, 1 phòng được công nhận đơn vị quyết thắng, 3 cán bộ được công nhận là chiến sỹ thi đua, 22 cán bộ được công nhận là cá nhân xuất sắc.

III. Kết luận:

Từ những kết quả hoạt động nêu trên, bước đầu chúng tôi xin nêu một số kết luận sau đây:

1. Lực lượng pháp chế CAND cũng như lực lượng pháp chế của các ngành, các cấp được hình thành và phát triển với xu thế chung của đất nước là để góp phần thực hiện nguyên tắc hiến định: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN (Điều 12 Hiến pháp năm 1992). Bởi vậy, tuy có thể thăng trầm, song sự tồn tại và phát triển và hợp với yêu cầu khách quan và không thể đảo ngược.

2. Cơ hội củng cố và phát triển của lực lượng pháp chế CAND phụ thuộc vào 2 điều kiện chủ yếu:

 

 

 

 

  1. Nhận thức đúng đắn và sự quan tâm thực sự của các cấp lãnh đạo CAND về công tác pháp chế;
  2. Khả năng đáp ứng yêu cầu về mặt pháp chế (xây dựng văn bản quy phạm, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra việc thực hiện...) của lực lượng pháp chế.

Bên cạnh đó, sự tác động, yêu cầu từ bên ngoài (từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và từ phía nhân dân) cũng là cơ hội và điều kiện cần thiết để lực lượng CAND quan tâm củng cố, phát triển tổ chức và huy động cán bộ làm tốt công tác pháp chế.

3. Khi đã nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác pháp chế, lực lượng pháp chế trong việc thực hiện chức năng của Bộ, ngành, cần tạo ra những đảm bảo thực tế về tổ chức, con người và điều kiện vật chất cần thiết. Chẳng hạn, ở Bộ Công an, từ lâu tổ chức pháp chế ở Bộ đã là một Vụ độc lập, được cơ cấu thành 3 phòng và có trên ba chục cán bộ được đào tạo bài bản. Để số cán bộ này đảm đương được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, hàng năm, lãnh đạo Bộ Công an còn khuyến khích cán bộ pháp chế tham dự các lớp đào tạo (tiến sỹ, thạc sỹ, học tại chức, học ngoại ngữ, tin học...).

Về cơ sở vật chất, Vụ Pháp chế đang quản lý một cơ sở dữ liệu các văn bản pháp luật cần thiết cho công tác công an, đã được trang bị 2 ô tô, 12 máy vi tính, 3 máy photocopy, 4 máy in lade, và một số phương tiện khác phục vụ công tác. Ngoài ra, Vụ Pháp chế đã đề xuất và được Lãnh đạo Bộ Công an chấp thuận (từ 5 năm nay) là hàng năm Bộ trích một khoản kinh phí nghiệp vụ để hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản, tuyên truyền pháp luật (Trung bình soạn thảo 1 Nghị định được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng, các văn bản quy phạm khác từ 7 đến 10 triệu đồng). Khoản kinh phí này, lãnh đạo Bộ Công an giao Vụ pháp chế hướng dẫn và kiểm tra việc chi tiêu dựa theo hình thức chi tiêu và thanh toán đề tài khoa học cấp cơ sở.

4. Đáp lại sự quan tâm và tạo điều kiện từ phía lãnh đạo Bộ Công an (và lãnh đạo Công an các cấp), đến lượt mình, các tổ chức pháp chế phải cố gằng thể hiện vai trò và khả năng đáp ứng yêu cầu của mình.

Trong nhiều năm qua, lực lượng pháp chế CAND đã chứng minh được tính đúng đắn của các quyết định về tăng cường pháp chế trong CAND và các biện pháp củng cố, phát huy vai trò các tổ chức pháp chế từ phía lãnh đạo các cấp Công an. Chính vì thế, ngày nay, lực lượng pháp chế CAND đã có vị trí vững vàng trong hệ thống tổ chức và hoạt động của toàn lực lượng CAND, từ Trung ương đến địa phương.

 

thực trạng tổ chức, hoạt động và phương

hướng củng cố tổ chức pháp chế của

Bộ khoa học, Công nghệ và môi trường

 

PGS.TS. Đoàn Năng

Vụ trưởng Vụ PC Bộ KHCN&MT

 

  1. khái lược quá trình hình thành

các tổ chức pháp pháp chế của

bộ khoa học, công nghệ và môi trường

Tiền thân của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khoá I ngày 29/4/1958 và Sắc lệnh số 16/SL của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/1959.

Theo Nghị quyết số 165/NQ/TVQH ngày 11/10/1965 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội, Uỷ ban Khoa hoc Nhà nước được tách thành Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia).

Năm 1975, với việc thành lập Viện Khoa học Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia), Nhà nước ta hoàn thành việc tách các cơ quan nghiên cứu khoa học ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước về khoa học – kỹ thuật - Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Từ năm 1992, Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường và ngày 30/9/1992 được đổi tên thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Theo Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước các lĩnh vực sau đây:

  •  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    • Khoa học và công nghệ;
    • Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ;
    • Chuyển giao công nghệ;
    • Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng;
    • Bảo vệ môi trường.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Có thể nói rằng, phạm vi hoạt động quản lý nhà nước của Bộ KHCN&MT rất rộng, liên quan đến hoạt động của tất cả các Bộ, ngành và địa phương, đến mọi tổ chức và cá nhân trên phạm vi cả nước. Vì vậy công tác pháp chế của Bộ KHCN&MT cũng có phạm vi rất rộng, đa dạng và phức tạp.

Nếu hiểu nội dung công tác pháp chế theo tinh thần của Nghị định số 94/CP ngày 6 / 9 / 1997 về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thì từ ngày thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước đến nay đã hơn 40 năm, ở những mức độ khác nhau và dưới các hình thức và biện pháp khác nhau, các nội dung công tác pháp chế quy định trong Nghị định này đã được tiến hành đều đặn. Song chỉ có điều là không phải lúc nào cũng có tổ chức pháp chế, không phải lúc nào công tác pháp chế cũng do một tổ chức pháp chế thực hiện và được coi trọng.

Trước năm 1981, tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước không có tổ chức nào chuyên trách công tác pháp chế, mọi công tác mà ngày nay người ta gọi là công tác pháp chế, đều do Văn phòng của Uỷ ban và các đơn vị trực thuộc Uỷ ban trực tiếp tiến hành; cán bộ chuyên trách công tác này cũng chưa có.

Từ năm 1981, một tổ pháp chế của Phòng Tổng hợp thuộc Văn phòng của Uỷ ban được thành lập, do một Phó văn phòng trực tiếp phụ trách và đã có một số cán bộ được đào tạo về chuyên ngành pháp luật.

Năm 1983, Phòng pháp chế - Lưu trữ thuộc Văn phòng của Uỷ ban được thành lập, do một Phó Văn phòng trực tiếp phụ trách và được bổ sung thêm một vài cán bộ có trình độ đại học luật.

Năm 1992, Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi truường và được đổi tên thành Bộ KHCN&MT, Phòng Pháp chế - Lưu trữ thuộc Văn phòng Bộ tiếp tục tồn tại và được bổ sung thêm một số cán bộ có trình độ đại học luật.

Năm 1997, Phòng Pháp chế - Lưu trữ được tách ra thành hai phòng độc lập trực thuộc Văn phòng Bộ là Phòng Pháp chế và Phòng Lưu trữ. Đồng thời các tổ chức pháp chế ở một số đơn vị trực thuộc bộ cũng lần lượt được thành lâp: Ban Tổng hợp - Pháp chế thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Phòng Pháp chế - Quản lý thuộc Cục Sở hữu công nghiệp; Phòng Pháp chế - Chính sách thuộc Cục Môi trường, Ban Pháp chế Khoa học thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (sau khi Luật KH&CN được ban hành, Ban này đã bị giải thể).

Với Quyết định số 114/1998/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/7/1998, Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ KHCN&MT đã được thành lập, sau đó Bộ đã giải thể Phòng Pháp chế thuộc văn phòng Bộ; các tổ chức pháp chế thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Môi trường vẫn tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Vụ Pháp chế thuộc Bộ KHCN&MT có 8 thành viên, trong đó có 01 PGS, tiến sỹ luật luật học. 01 thạc sỹ, 01 người đang theo chương trình đào tạo thạc sỹ, 05 người là cử nhân luật. Vụ đang tiếp tục tạo điều kiện cho các cử nhân lần lượt đi đào tạo để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn và nghiệp vụ.

Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường – Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Môi trường cũng bao gồm những người có trình độ đại học luật hoặc tương đương, trong đó có một số người là tiến sỹ luật học, thạc sỹ luật học; một số khác đang theo học chương trình đào tạo thạc sỹ luật học.

Như vậy, các tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT là một hệ thống, bao gồm Vụ Pháp chế thuộc Bộ và các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KHCN&MT.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế thuộc Bộ KHCN&MT được quy định tại Điều lệ Tổ chức và Hoạt Động của Vụ được ban hành kèm theo Quyết định số 2206/1998/QĐ-BKHCNMT ngaỳ 16/11/ 1998 của Bộ trưởng Bộ KHCN&MT, phù hợp với nội dụng của Nghị định số 94/CP ngày 6 /9 / 1997 về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Môi trường cũng được quy định cụ thể tại các văn bản tương ứng.

Tại kỳ họp thứ nhất của mình đầu năm 2002, Quốc hội Khoá IX quyết định thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyển toàn bộ Cục Môi trường sang Bộ mới này, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đổi thành Bộ Khoa học và Công nghệ, và do đó trong hệ thống tổ chức pháp chế của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ còn Vụ Pháp chế Bộ và các tổ chức pháp chế ở Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu công nghiệp.

 

II. tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của pháp chế Bộ KHCN&MT

  1.  

    1. Tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện

 

chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế.

Trong điều kiện ý thức pháp luật không cao và chưa từ bỏ được thói quen tuy có luật, pháp lệnh hay nghị định, nhưng vẫn chờ đợi văn bản cụ thể của cấp Bộ thì mới thi hành luật, pháp lệnh hay nghị định, đang còn tồn tại trong từng cơ quan, tổ chức và từng con người của Việt Nam nói chung và của Bộ KHCN&MT nói riêng, nếu chỉ dựa vào các quy định của luật, pháp lệnh hay nghị định như Nghị định số 94/CP mà không cụ thể hoá các quy định đó thành văn bản thích hợp của Bộ trưởng thì việc thi hành rất khó khăn.

Vì vậy từ tháng 9 năm 1998, tức là ngay sau khi được thành lập được gần 2 tháng, Vụ pháp chế Bộ KHCN&MT đã khẩn trương triển khai việc soạn thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của mình trình Bộ trưởng ký ban hành nhằm cụ thể hoá các quy định của nghị định số 94/CP vào điều kiện cụ thể của Bộ. Vụ pháp chế Bộ KHCN&MT cũng khẩn trương triển khai soạn thảo trình Bộ trưởng ký ban hành Quy chế soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Bộ KHCN&MT.

Hai văn bản cấp Bộ nêu trên một mặt quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của pháp chế Bộ, mặt khác cũng khẳng định rõ ràng và đúng đắn vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của pháp chế Bộ, mối quan hệ công tác và cơ chế phối hợp giữa pháp chế Bộ với các đơn vị trong và ngoài Bộ. Những nội dung này còn được Vụ Pháp chế Bộ đề nghị ghi nhận cụ thể trong Quy chế làm việc và Quy chế văn thư lưu trữ của Bộ được ban hành ngay sau khi ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ và Quy chế soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Bộ KHCN&MT.

Ngoài việc chú ý hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của pháp chế Bộ, để thống nhất nhận thức và hành động của tất cả các tổ chức, cá nhân trong Bộ trong việc chấp hành các văn bản pháp lý nêu trên, Bộ đã cho phép tổ chức các hội nghị để giới thiệu, giải thích cụ thể nội dung các văn bản cũng như yêu cầu của lãnh đạo Bộ trong việc thi hành các văn bản này.

Nhờ có các căn cứ pháp lý đầy đủ, cụ thể, vững chắc và những động tác quán triệt hết sức cần thiết và kịp thời nêu trên, ngay từ những ngày mới thành lập, Vụ pháp chế Bộ đã có điều kiện rất thuận lợi để triển khai các hoạt động của mình.

 

  • Tổ chức thực hiện chức năng,

 

nhiệm vụ của Vụ pháp chế Bộ.

a. Trong công tác xây dựng pháp luật.

- Hàng năm Vụ Pháp chế Bộ đều lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật trình Bộ trưởng phê duyệt và theo dõi đôn đốc việc thực hiện chương trình sau khi đã được phê duyệt.

- Thẩm định về mặt pháp lý tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và cả các dự thảo điều ước quốc tế do các đơn vị trong Bộ soạn thảo trình Bộ trưởng xem xét ký ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp trên xem xét quyết định. Trung bình mỗi năm Vụ Pháp chế thẩm định khoảng 60 dự thảo văn bản các loại.

- Chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công cuả Bộ trưởng. Vụ Pháp chế tham gia soạn thảo tất cả các dự thảo văn bản do các đơn vị trong Bộ chủ trì và nhiều dự thảo văn bản do các đơn vị ngoài Bộ chủ trì.

- Làm đầu mối giúp Bộ trưởng chuẩn bị ý kiến tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì việc chuẩn bị văn bản góp ý kiến của Bộ đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ khác, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương gửi xin ý kiến. Trung bình mỗi năm Vụ Pháp chế chuẩn bị ý kiến tham gia xây dựng khoảng trên dưới 100 dự thảo văn bản các loại.

b. Công tác tổng rà soát và hệ thống hóa văn bản.

Với tư cách là thường trực Ban Chỉ đạo của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về tổng rà soát và hệ thống hóa VBQPPL, Vụ Pháp chế đã tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài Bộ, kể cả với các Sở KHCN&MT, để hệ thống hoá, rà soát, đánh giá nội dụng các VBQPPL trong các lĩnh vực:

  •  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    • Quản lý khoa học và công nghệ,
    • Chuyển giao công nghệ,
    • Bảo vệ môi trường,
    • Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp,
    • Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng,
    • Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
    • An toàn và kiểm soát bức xạ.

- Các điều ước quốc tế về các lĩnh vực nêu trên.

Mục tiêu của công tác rà soát, hệ thống hoá là để xác định rõ những văn bản đã hết hiệu lực, những văn bản đang có hiệu lực, xác định những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong các văn bản hiện hành để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

Vụ đã trình Lãnh đạo Bộ 6 loại danh mục: Danh mục đầy đủ các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT; danh mục các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT đã hết hiệu lực; danh mục các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT đang còn có hiệu lực; danh mục các VBQPPL về/liên quan đến KHCN&MT đang còn có hiệu lực nhưng có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; danh mục các VBQPPL mới về KHCN&MT cần phải được ban hành; danh mục các điều ước quốc tế về/liên quan đến KHCN&MT mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Trên cơ sở kết quả rà soát, hệ thống hoá, Bộ trưởng Bộ KHCN&MT đã ban hành quyết định huỷ bỏ một loạt văn bản cấp Bộ và quyết định ban hành hoặc trình cấp trên ban hành một loạt văn bản sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các VBQPPL về/liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ.

- Vụ đã chủ động tiếp tục tiến hành việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn II, đặc biệt tập trung vào việc rà soát các giấy phép để thi hành Luật Doanh nghiệp; đã tham mưu cho Bộ và cho Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Chính phủ trong việc hủy bỏ 04 giấy phép (Giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm môi trường; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thiết bị tin học; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phế liệu, phế thải là kim loại; Giấy Chứng nhận Tổ chức dịch vụ đại diện Sở hữu công nghiệp).

- Sau khi có Quyết định 19/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 30/2000/NĐ-CP của Chính phủ về hủy một số loại giấy phép, trong đó có 4 Giấy phép Ngành Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp, Vụ Pháp chế cùng Cục Môi trường chủ động đề nghị Bộ hủy bỏ Thông tư liên Bộ số 2880/KCM-TM và Giấy phép về môi trường đối với việc nhập khẩu phế liệu cấp theo Thông tư này.

- Vụ Pháp chế cùng các đơn vị liên quan của Bộ chủ động rà soát và đề nghị Lãnh đạo Bộ hủy bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ về vấn đề nhập khẩu thiết bị cũ đã qua sử dụng.

Vụ cũng hướng dẫn cho các địa phương (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường) giải quyết các vướng mắc trong quản lý nhà nước sau khi có quyết định hủy bỏ một số giấy phép trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KHCN&MT.

c. Tư vấn cho Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc xử lý các khía cạnh pháp lý của công tác quản lý nhà nước về KHCN&MT, ví dụ khía cạnh pháp lý của vấn đề nhập khẩu phế liệu, vấn đề nhập khẩu tầu cũ để phá dỡ, vấn đề mã số mã vạch, trong việc giải quyết một số trường hợp khiếu nại về bảo hộ quyền sở hữu công nghệp , vấn đề thu phí chuyển giao công nghệ, góp ý cho việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật, cho việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường v.v...

- Tư vấn cho Lãnh đạo Bộ tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm dưới luật cũng như trong việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc khác có liên quan đến Bộ.

- Thường xuyên giải đáp các thắc mắc của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài Bộ, cả ở trung ương và địa phương trong việc giải thích và vận dụng pháp luật về KHCN&MT thông qua việc trả lời trực tiếp, trả lời qua điện thoại hoặc bằng công văn, bằng trả lời phỏng vấn trên các báo, đài v.v...

d. Về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Từ đầu năm 1999 đến nay Vụ đã tổ chức biên tập và phối hợp với Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản mỗi năm 02 Tập sách: "Văn bản pháp luật mới về khoa học, công nghệ và môi trường". Ngoài ra Vụ Pháp chế còn phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia cho ra mắt bạn đọc thêm 03 cuốn sách: các văn bản pháp luật hiện hành về sở hữu công nghiệp; các văn bản pháp luật hiện hành về an toàn và kiểm soát bức xạ, các văn bản pháp lênh hiện hành về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Một số cuốn sách văn bản pháp luật hiện hành về các vấn đề khác cũng đang được chuẩn bị.

Vụ Pháp chế còn phối hợp chặt chẽ với một số báo, tạp chí, đài, bao gồm cả đài truyền hình để thực hiện việc tuyên truyền và phổ biến, giải đáp pháp luật pháp luật dưới các hình thức như viết bài, cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, họp báo v.v...; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ để tổ chức các buổi giới thiệu nội dung các văn bản pháp luật về KHCN&MT, đặc biệt là nội dung Luật KH&CN mới được Quốc hội ban hành, tại các cuộc tập huấn và tại một số trường đại học, các tổ chức, cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ.

Đặc biệt đáng chú ý là Vụ Pháp chế đã chủ động soạn thảo và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phê duyệt chương trình hành động của Bộ trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến pháp luật giai đoạn từ nay đến năm 2007, và đã thực hiện hàng loạt biện pháp triển khai thi hành các văn bản này.

đ. Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật.

Vụ pháp chế đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về KHCN&MT (Ví dụ kiểm tra tại một số nhà máy, xí nghiệp có vấn đề khiếu nại về bảo vệ môi trường ở Thái Bình, các xí nghiệp lắp ráp xe máy ở Hải phòng, các cơ sở kiểm định phương tiện giao thông của Cục Đăng kiểm Việt Nam v.v...); tổ chức sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật về KHCN&MT để có những kiến nghị thích hợp về việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về KHCN&MT.

e. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và vấn đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm Vụ kiến nghị và đều được Lãnh đạo Bộ cho phép triển khai nghiên cứu ít nhất hai đề tài hoặc đề án cấp Bộ. Ví dụ các đề tài sau đây:

  •  

     

     

     

     

     

    • Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về KHCNMT nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của VN trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ Việt - Mỹ và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;
    • Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng hệ thống pháp luật về KHCN&MT giai đoạn 2001-2005 phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước;
    • Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin các VBQPPPL
    • phục vụ cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và môi trường.

       

       

    • Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế quy định trong các điều ước quốc tế về Khoa học và công nghệ mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

v.v...

Ngoài các đề tài được Lãnh đạo Bộ giao Vụ trực tiếp chủ trì nghiên cứu, Vụ còn mở rộng hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài Bộ, nhận chủ trì nghiên cứu thêm một số đề tài, dự án của các cơ quan khác, khuyến khích anh chị em trong vụ tham gia nghiên cứu với tư cách là cộng tác viên của các đề tài do các đơn vị khác trong Bộ và cả các đơn vị ngoài Bộ triển khai nhằm tạo điều kiện cho anh chị em tiếp cận ngay với kết quả nghiên cứu của các đề tài, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác của Vụ.

Vụ cũng tạo điều kiện và khuyến khích anh chị em trong vụ tận dụng mọi cơ hội để tham gia các cuộc tập huấn, các lớp bồi dưỡng kiến thức chính trị và chuyên môn, các cuộc hội thảo, các cuộc họp bàn về các vấn đề chuyên môn ở trong và ngoài Bộ nhằm bồi dưỡng thêm về chuyên môn và nghiệp vụ; đặc biệt tạo điều kiện và khuyến khích anh chị em trong vụ tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ, thạc sỹ, tiến sỹ ở trong cũng như ngoài nước.

f. Quan hệ phối hợp giữa Vụ Pháp chế Bộ với tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ và với các đơn vị không có tổ chức pháp chế.

Quan hệ phối hợp giữa Vụ Pháp chế Bộ với các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ và với các đơn vị không có tổ chức pháp chế được quy định rất rõ ràng và cụ thể tại các văn bản pháp quy do Bộ trưởng ban hành như: Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế; Quy chế soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Bộ KHCN&MT; Quy chế làm việc và Quy chế văn thư lưu trữ của Bộ KHCN&MT.

Theo quy định của các văn bản nêu trên và trên thực tế, Vụ Pháp chế thực sự đã trở thành đầu mối xử lý các vấn đề pháp lý của Bộ. Trong mọi vấn đề, Vụ Pháp chế đều phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan bằng văn bản. Về phía mình, Vụ Pháp chế sẵn sàng góp ý kiến, hỗ trợ mọi mặt một cách có hiệu quả để các đơn vị xử lý các vấn đề pháp lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản trong bất cứ thời gian nào có yêu cầu mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Chính vì vậy các đơn vị luôn luôn tìm đến với Pháp chế và cũng tạo điều kiện hỗ trợ pháp chế hoàn thành nhiệm vụ. Có thể khẳng định quan hệ phối hợp giữa Vụ Pháp chế Bộ với các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ và với các đơn vị không có tổ chức pháp chế hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng và có hiệu quả.

3. Hoạt động của tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ.

Các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ gần giống chức năng và nhiệm vụ của Vụ Pháp chế Bộ như xây dựng chính sách và pháp luật, rà soát và hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật v.v..., nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc Bộ và được giao xử lý nhiều vấn đề cụ thể hàng ngày thuộc nội dung công tác quản lý nhà nước phù hợp với đặc thù của đơn vị.

Nhìn chung các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ đều phát huy tốt vai trò cầm chịch về pháp chế ở tầm đơn vị trực thuộc Bộ trong công tác soạn thảo, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, góp ý xây dựng các dự thảo văn bản do Vụ Pháp chế Bộ và các đơn vị khác gửi xin ý kiến, xử lý các vấn đề pháp lý theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị mình và còn xử lý nhiều vấn đề quản lý chuyên ngành rất cụ thể v.v...Các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ đều có quan hệ chặt chẽ và có hiệu quả với Vụ Pháp chế Bộ trong công tác chuyên môn và nghiệp vụ với tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Có thể nói, các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ cùng với Vụ Pháp chế Bộ tạo thành một hệ thống tổ chức pháp chế tương đối hợp lý và hoàn chỉnh của Bộ KHCN&MT.

 

 

  1. đánh giá chung về công tác pháp

chế và phương hướng củng cố

tổ chức pháp chế của Bộ khcn&mt

Tính đến thời điểm này, có thể nói về mặt tổ chức, tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT đã được củng cố tương đối tốt, đặc biệt Vụ Pháp chế của Bộ, tuy mới có lịch sử tồn tại và hoạt động gần 05 năm (từ 6/7/1998), nhưng đã có đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên trưởng thành nhanh về chuyên môn và nghiệp vụ, về cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt của công tác pháp chế của Bộ trong điều kiện phạm vi quản lý nhà nước của Bộ rất rộng, đa dạng và phức tạp. Các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc Bộ cũng được tăng cường về số và chất lượng, về cơ bản cũng đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý chuyên ngành hiện nay của các dơn vị này.

Đạt được kết quả nêu trên trước kết nhờ có nhận thức đúng đắn của Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ về vai trò của công tác pháp chế trong việc thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo pháp luật. Do có nhận thức đúng đắn nên Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ luôn luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tối đa, chỉ đạo sát sao để các tổ chức pháp chế hoàn thành nhiệm vụ. Về phần mình, các tổ chức pháp chế cũng đã làm được việc bằng hành động thực tế, từng bước chứng minh cho các cấp lãnh đạo và mọi tổ chức, cá nhân trong Bộ không chỉ không coi nhẹ mà còn phải khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của các tổ chức pháp chế.

Tuy nhiên, tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Cụ thể là hệ thống pháp luật về KHCN&MT đang còn có nhiều vấn đề bất cập: Luật KH&CN, Pháp lệnh Đo lường, Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được Chính phủ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn; sau khi có các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ sẽ phải có hàng loạt văn bản tiếp theo của cấp Bộ để hướng dẫn thi hành cụ thể; trong một số lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ, an toàn và kiểm soát bức xạ v.v... còn nhiều vấn đề chưa có văn bản hướng dân thi hành cấp Chính phủ và cả cấp Bộ; nhiều vấn đề đã hướng dẫn thi hành nhưng đến nay không còn phù hợp với thực tiễn và cần sửa đổi, bổ sung; ngay bản thân nhiều quy định của luật, pháp lệnh về những lĩnh vực này đến nay cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn đã và đang đổi thay hết sức nhanh chóng.

Để chuẩn bị cho việc hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế, việc rà soát, đánh giá các quy định hiện hành của Việt Nam về KHCN&MT để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này cũng là vấn đề phức tạp và phải hoàn thành sớm.

Vì những lẽ nêu trên, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về KHCN&MT trong thời gian tới còn rất nặng nề và đòi hỏi rất khẩn trương.

Các loại văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ngành, địa phương soạn thảo ngày càng nhiều, vì vậy khối lượng văn bản mà Pháp chế Bộ phải chuẩn bị tham mưu cho Lãnh đạo Bộ góp ý kiến sẽ ngày càng nhiều và cũng rất da dạng, phức tạp. Việc kiểm soát, đánh giá và kiểm tra việc thi hành được một khối lượng rất lớn văn bản về/liên quan đến khoa học và công nghệ do các cơ quan cua Nhà nước ở trung ương cũng như địa phương ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, xoá hết những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ cũng là một thách thức không nhỏ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đòi hỏi phải làm nhiều hơn, chất lượng cao hơn; công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật và tham mưu cho lãnh đạo Bộ và các tổ chức, cá nhân xử lý những vấn đề pháp lý nảy sinh trong quản lý nhà nước về KHCN&MT, trong thực tiễn hoạt động KHCN và bảo vệ môi trường cũng sẽ ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi chất lượng cao hơn.

Có thể nói, để vượt qua được những khó khăn, thách thức nêu trên, các tổ chức pháp chế ở Bộ KHCN&MT (nay là Bộ KH&CN) sẽ phải vươn lên hơn nữa về mọi mặt, phải được giúp đỡ, tăng cường cả về số lượng và chất lượng cũng như cơ sở vật chất, phải được động viên, khích lệ về mặt tinh thần để làm việc.

Việc củng cố tổ chức pháp chế của Bộ KHCN&MT hiện nay chủ yếu tập trung vào xây dựng đội ngũ như: bổ sung thêm một số phó vụ trưởng Vụ Pháp chế; đẩy mạnh hơn việc đào tạo, bồi dưỡng cho các chuyên viên pháp chế về mọi mặt nhằm làm cho đội ngũ cán bộ pháp chế thực sự trở thành đội ngũ tinh nhuệ; tiến tới mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động sang các hoạt động đối ngoại của Bộ và cả hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường ở các địa phương; chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động pháp chế của các Cục, Tổng cục thuộc Bộ và các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhằm tạo ra một hệ thống các tổ chức pháp chế chuyên ngành khoa học, công nghệ và môi trường vững mạnh, đáp ứng tối đa các yêu cầu của nhiệm vụ được giao.

 

Thực trạng tổ chức, hoạt động

và phương hướng củng cố tổ chức pháp chế

Bộ văn hóa-thông tin

 

Lê Anh Tuyến,

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá Thông tin

 

 

 

của tổ chức pháp chế Bộ Văn hóa Thông tin

Bộ Văn hoá Thông tin hiện nay mà tiền thân là Bộ Tuyên truyền được thành lập ngày 28-8-1945. Theo quy định tại nghị định 81/CP ngày 8-11-1993 của chính phủ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức Bộ máy của Bộ văn hoá Thông tin thì hoạt động văn hoá thông tin thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành văn hoá thông tin bao gồm gần hai mươi lĩnh vực đó là: Xuất bản, báo chí, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, bảo tồn bảo tàng, bản quyền tác giả, mỹ thuật, thư viện, quảng cáo, triển lãm nghệ thuật, thông tin cổ động, nếp sống văn hoá, lễ hội, nhiếp ảnh, văn hoá dân tộc, dịch vụ văn hoá, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm. Trong các lĩnh vực đó có những lĩnh vực lại bao gồm rất nhiều hoạt động như xuất bản lại bao gồm cả in và phát hành, trong hoạt động in cũng có hàng chục loại hình in khác nhau như in ốp-xét, in Ty-pô, in Xêlen, in lõm, in flexxô...Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có nhiều loại hình khác nhau như ca múa, nhạc, xiếc, rối, tuồng, chèo, cải lương...ngay trong nhạc cũng có nhiều loại khác nhau như nhạc dây, nhạc gõ, nhạc hơi... mà mỗi loại đó đều có những đặc điểm riêng biệt. Số ngành nghề thuộc phạm vi quản lí của ngành văn hoá thông tin có đến 48 chức danh nghề nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 1/4 tổng số chức danh nghề nghiệp trong tất cả các ngành do Ban tổ chức các bộ Chính phủ ban hành.

Văn hoá thông tin không chỉ đa dạng về lĩnh vực, đa dạng về hoạt động, đa dạng về ngành nghề mà các khái niệm còn rất trừu tượng, khó xác định tiêu chí hoạc danh giới cụ thể. Chẳng hạn như trong cuộc sống của chúng ta thường gặp khái niệm "đồi trụy" nhưng xác định thế nào là đồi trụy cũng không đơn giản vì có những tranh ảnh khoả thân nhiều người cho rằng đó là đồi trụy nhưng cũng không ít người cho rằng đó là tác phẩm nghệ thuật đích thực thể hiện vẻ đẹp của "toà thiên nhiên". Hoặc như Hiến pháp 1992 có quy định "công dân có quyền tự do tín ngưỡng"(điều 70) nhưng Hiến pháp 1992 cũng quy định "Bài trừ mê tín, hủ tục"(điều30). Như vậy phải xác định thế nào là "tín ngưỡng" để công dân được thực hiện quyền tự do và thế nào "mê tín" phải bài trừ theo quy định của Hiến Pháp. Việc xác định các khái niệm đó thật không đơn giản, đã không ít các cuộc hội thảo khoa học để bàn về các khái niệm đó nhưng cũng chưa có được những kết luận để có thể thể chế thành pháp luật.

Từ khhi xã hội có Nhà nước đến nay, Nhà nước ở các quốc gia đều phải sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. ở nước ta, kế thừa quy định tại các Hiến pháp trước, Hiến pháp 1992 quy định "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa". Thực hiện phương châm đó của Nhà nước, để đáp ứng yêu cầu quản lý ngành văn hóa thông tin bằng pháp luật, từ năm 1960 Bộ Văn hóa (lúc đó) đã hình thành tổ chức pháp chế thuộcVăn phòng Bộ, có thời gian là phòng pháp chế, có thời gian là tổ chuyên viên pháp chế. Năm 1995, khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường được 8 năm, kinh tế xã hội đã có sự phát triển đáng kể, văn hóa cũng phát triển đa dạng, đó là nhu cầu của xã hội, là điều kiện do phát triển kinh tế tạo ra. Thời gian này cũng bộc lộ rõ mặt trái của cơ chế thị trường trong hoạt động văn hóa. Do chạy theo lợi nhuận, nhiều tổ chức, cá nhân đã sản xuất, nhập khẩu và lưu hành trong xã hội nhiều sản phẩm có nội dung không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục thẩm mỹ, làm xói mòn truyền thống đạo đức của dân tộc. Để đáp ứng yêu cầu quản lý ngành văn hóa thông tin thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ngành và thành lập vụ pháp chế để làm tham mưu cho Bộ là rất cần thiết.

Theo đề nghị của Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 01-3-1995 Chính phủ đã có quyết định 123/TTg thành lập Vụ pháp chế thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin.

Căn cứ quyết định 123/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8-11-1995 Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin đã có quyết định số 3348/TC-QĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ pháp chế như sau:

- Chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật và chương trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy hàng năm và dài hạn của Bộ Văn hóa-Thông tin trình Bộ trưởng.

- Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của các đơn vị trực thuộc Bộ.

- Tổ chức soạn thảo, tham gia soản thảo các dự án, văn bản được Bộ giao. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và thống nhất của các văn bản trước khi trình Bộ trưởng.

- Nghiên cứu, chuẩn bị để bộ góp ý kiến với các dự án, văn bản pháp quy do các Bộ, ngành, địa phương soạn thảo có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin.

- Tham gia nghiên cứu, góp ý kiến các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền ký kết của Bộ hoặc do Bộ trình Chính phủ ký kết.

- Tổ chức việc phổ biến các văn bản pháp luật: tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ pháp lý trong ngành văn hóa-thông tin.

- Tổ chức hệ thống hoá và rà soát các văn bản pháp luật về quản lý ngành và đề xuất với Bộ trưởng biện pháp xử lý.

- Kiến nghị với Bộ trưởng việc đình chỉ thực hiện hoặc bãi bỏ văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị trái với hệ thống pháp luật của ngành văn hóa thông tin.

- Phối hợp với thanh tra chuyên ngành tổ chức thanh tra các chuyên ngành văn hóa thông tin theo quyết định của Bộ trưởng.

- Xây dựng quy hoạch hệ thống tổ chức pháp chế trong các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương để trình Bộ trưởng.

- Tham gia phân bổ, quản lý ngân sách xây dựng pháp luật của ngành văn hóa thông tin.

- Quản lý việc khắc dấu, sự dụng con dấu của các đơn vị thuộc Bộ.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.

Ngày 23-5-1995, Vụ Pháp chế đã có đề án trình lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thông tin về tổ chức pháp chế ngành văn hóa thông tin, trong đó có tổ chức Vụ pháp chế gồm 7 biên chế và bố trí cán bộ có trình độ đại học Luật để làm công tác pháp chế ở các đơn vị sau đây: Cục điện ảnh, Cục xuất bản, Cục nghệ thuật biểu diễn, Cục bảo tồn bảo tàng, Cục bản quyền tác giả, Cục văn hóa thông tin cơ sở, Vụ báo chí, Vụ thư viện, Vụ mỹ thuật, Vụ tổ chức cán bộ, các Sở văn hóa thông tin.

Đến nay Vụ pháp chế đã có 6 người (1 vụ trưởng, 1 vụ phó, 4 chuyên viên) trong đó tất cả đều có trình độ đại học luật, 2 thạc sĩ, 4 người có 2 bằng đại học: Đại học luật và đại học chuyên ngành văn hóa thông tin. Các đơn vị: Cục điện ảnh, Cục bản quyền, Cục văn hóa thông tin cơ cở, Cụ nghệ thuật biểu diễn, Cục bảo tồn bảo tàng, Vụ báo chí, Vụ tổ chức cán bộ, Vụ đào tạo, Thanh tra Bộ đã có cán bộ trình độ đại học luật để làm công tác pháp chế. Sở văn hoá thông tin Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã có cán bộ đại học luật làm công tác pháp chế. Sở văn hoá thông tin TP.Hồ Chí Minh có bộ phận pháp chế. Một số doanh nghiệp cũng có cán bộ đại học luật để làm công tác pháp chế ở doanh nghiệp.

 

 

và vị trí của công tác pháp chế trong

việc thực hiện chức năng quản lý Nhà

nước ngành văn hóa thông tin.

Theo quy định tại Nghị định 94/CP ngày 6-9-1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì Vụ pháp chế ở Bộ Văn hoá-Thông tin có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành văn hoá thông tin; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Những quy định tại Nghị định 94/CP đã được thể hiện thành chức năng, nhiệm vụ của Vụ pháp chế Bộ Văn hóa-Thông tin tại Quyết định 3348/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin nêu tại mục I trên đây.

Thực hiện quy định tại Nghị định 94/CP của Chính phủ và Quyết định 3348/TC-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin; từ khi thành lập đến nay, Vụ pháp chế đã thực hiện các công việc sau đây:

1- Làm chương trình xây dựng pháp luật của ngành văn hóa thông tin, đề nghị bổ sung chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa IX và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá X gồm 6 dự án:

1.1. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí,

1.2. Luật di sản văn hóa,

1.3. Luật điện ảnh,

1.4. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xuất bản,

1.5. Pháp lệnh thư viện,

1.6. Pháp lệnh quảng cáo.

Trong 6 dự án đó đã được Quốc hội đưa vào chương trình 4 dự án. Dự án Luật điện ảnh (số 1.3) và dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xuất bản (số 1.4) chưa được đưa vào chương trình.

Khi chương trình xây dựng pháp luật đã được chấp nhận, Vụ pháp chế giúp Bộ trưởng tổ chức việc thực hiện, thành lập các Ban soạn thảo, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và cơ quan soạn thảo của Bộ Văn hoá-Thông tin thực hiện qui trình soạn thảo theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí đã được Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-1999.

- Luật di sản văn hóa được Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001.

- Pháp lệnh thư viện đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-12-2000.

- Pháp lệnh quảng cáo được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-11-2001.

- Căn cứ vào yêu cầu của từng văn bản, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị được phân công chủ trì để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc soạn thảo các văn bản đó đó để đảm bảo tiến độ và chất lượng.

2- Từ năm 1995 đến nay Bộ Văn hóa-Thông tin đã trình Chính phủ ban hành các văn bản sau đây:

- Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 về tổ chức và hoạt động điện ảnh.

- Nghị định 87/CP ngày 12-12-1995 về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

- Nghị định 88/CP ngày 14-12-1995 về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa thông tin.

- Nghị định 67/CP ngày 31-10-1996 ban hành quy chế hoạt động thông tin báo chí của phóng viên nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

- Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

- Nghị định 98/CP ngày 13-9-1997 ban hành quy chế hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài.

- Nghị định 06/1999/NĐ-CP ngày 10-2-1999 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/CP ngày 6-11-1992 quy định chi tiết thi hànhh Luật xuất bản.

- Nghị định 26/2000/NĐ-CP ngày 3-8-2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 về tổ chức và hoạt động điện ảnh.

- Nghị định 72/2000/NĐ-CP ngày 5-12-2000 về công bố, phố biến tác phẩm ra nước ngoài.

- Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

- Quyết định 174/1999/QĐ-TTg ngày 23-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ về phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật.

- Chỉ thị 04/1998/CT-TTg ngày 22-01-1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp thực hiện Hiệp định quyền tác giả Việt Nam-Hoa Kỳ.

- Chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

- Chỉ thị 39/1998/CT-TTg ngày 3-12-1998 về đẩy mạnh công tác văn hóa thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mỗi năm Vụ pháp chế cũng soạn thảo hoặc phối hợp với các đơn vị trong Bộ soạn thảo để trình Bộ trưởng ban hành trên 30 quyết định, chỉ thị hoặc thông tư để đáp ứng yêu cầu của quản lý ngành. Tử năm 1995 đến nay Bộ Văn hóa-Thông tin đã ban hành gần 200 văn bản.

3- Thực hiện chức năng được giao, Vụ pháp chế giúp Bộ tổ chức phổ biến các văn bản được ban hành dưới nhiều hình thức: tổ chức Hội nghị để quán triệt, tổ chức lớp tập huấn ngắn ngày cho các đối tượng, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức in và chỉ đạo các địa phương in các văn bản đã được ban hành để phổ biến rộng rãi trong xã hội; biên tập tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn cho các Sở Văn hóa Thông tin.

Những văn bản quan trọng như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Pháp lệnh cán bộ công chức, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, Pháp lệnh chống tham nhũng đều tổ chức Hội nghị gồm cán bộ chủ chốt và các đơn vị thuộc Bộ để nghiên cứu, quán triệt, sau đó các đơn vị tổ chức quán triệt cho tất cả các cán bộ tại đơn vị.

Đối với các văn bản chuyên ngành văn hóa thông tin cần được nghiên cứu sâu để áp dụng chính xác thì Vụ pháp chế đã tổ chức hoặc phối hợp với Trường Cán bộ văn hóa thông tin thuộc Bộ tổ chức các lớp bồi dưỡng từ 7 đến 10 ngày, giúp cho cán bộ các đơn vị và các địa phương nâng cao hiểu biết và chủ động thi hành.

4- Hàng năm Vụ Pháp chế đều hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa thông tin đã được ban hành và định kỳ xuất bản các tập văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa thông tin.

- Năm 1996 đã xuất bản văn bản pháp quy về văn hóa thông tin tập IV gồm các văn bản từ năm 1987 đến 1996, dày 1000 trang khổ 13x19.

- Năm 2000 đã xuất bản văn bản pháp quy về văn hóa thông tin tập V gồm các văn bản từ năm 1997-1999, dày 650 trang khổ 13x19.

Những cuốn văn bản được xuất bản đều cung cấp cho các đơn vị thuộc Bộ và các Sở văn hóa thông tin, giúp cho các đơn vị có tư liệu tham khảo và áp dụng khi thi hành công vụ, được các đơn vị rất hoan nghênh.

5- Như đã trình bày tại mục I, Bộ Văn hóa - Thông tin quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực trìu tượng khó xác định tiêu chí hoặc gianh giới. Khi kinh tế, xã hội phát triển cũng đồng thời phát sinh nhiều hiện tượng mới, nhiều quan hệ xã hội mới, trong đó những sản phẩm văn hóa có nội dung không lành mạnh là biểu hiện mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng thường xuyên xuất hiện dưới nhiều loại sản phẩm, nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Vì vậy việc thiết lập và duy trì trật tự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn hóa thông tin, đảm bảo cho các hoạt động lành mạnh được phát triển, sản phẩm có nội dung xấu phải được ngăn là việc thường xuyên và rất phức tạp đối với ngành văn hóa thông tin.

Thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật, Vụ pháp chế đã chủ động nghiên cứu thực tế, đề xuất các biện pháp thích hợp như ban hành văn bản, tổ chức lực lượng thanh tra và xử lý vi phạm khi cần thiết. Bộ Văn hoá-Thông tin đã chỉ đạo tăng cường quản lý việc sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu hành băng đĩa có nội dung ca nhạc sân khấu, chấn chỉnh vi phạm tại các di tích lịch sử, văn hóa, tăng cường quản lý quảng cáo, lễ hội... Những việc đó đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn các sản phẩm như băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, tranh ảnh, xuất bản phẩm có nội dung xấu, ngăn chặn những biểu hiện trái truyền thống văn hóa và đạo đức trong các hoạt động dịch vụ văn hóa, đảm bảo trật tự quản lý của nhà nước.

6- Tổ chức nghiên cứu góp ý kiến hàng trăm văn bản do các Bộ, ngành khác soạn thảo, đảm bảo yêu cầu của Chính phủ và các ngành.

7- Vụ pháp chế đã phát hiện văn bản của Bộ khác ban hành trái Luật xuất bản, văn bản của địa phương ban hành trái với quy định tại Nghị đinh 87/CP ngày 12-12-1995. Khi phát hiện các trường hợp đó Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin có văn bản yêu cầu nơi ban hành văn bản trái pháp luật điều chỉnh văn bản đã ban hành.

8- Ngoài những hoạt động đã nêu từ điểm 1 đến điểm 7, Vụ pháp chế cũng được Bộ Văn hóa thông tin giao trách nhiệm làm đầu mối giúp Bộ chỉ đạo việc thực hiện Luật doanh nghiệp, bãi bỏ giấy phép hành nghề, tư vấn cho Bộ có ý kiến trong việc giải quyết một số vụ án dân sự, hình sự và hành chính có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Ngành Văn hóa Thông tin.

9. Theo chức năng được Bộ Văn hóa-Thông tin giao cho Vụ pháp chế tại quyết định số 3348/TC-QĐ đã nêu trên thì việc tham gia phân bổ, quản lý ngân sách xây dựng pháp luật của ngành văn hóa thông tin không được thực hiện được; việc phối hợp với Thanh tra chuyên ngành tổ chức thanh tra chuyên ngành Văn hóa thông tin cũng chưa thực hiện

Những hoạt động nêu trên của Vụ Pháp chế đã góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực quản lý của ngành văn hóa thông tin, tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa ngày càng phát triển. Bộ Văn hóa-Thông tin cũng như các Sở Văn hóa Thông tin đều thấy rõ đóng góp tích cực của Vụ pháp chế đối với hoạt động quản lý ngành.

 

 

pháp chế các đơn vị thuộc Bộ và Bộ Tư pháp

Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.

Bộ Văn hóa-thông tin đã có sự phân công rõ ràng về chức năng nhiệm vụ của Vụ pháp chế với các đơn vị thuộc Bộ trong công tác pháp chế.

Vụ pháp chế chịu trách nhiệm trong việc làm kế hoạch xây dựng văn bản pháp quy chuyên ngành, theo dõim đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch; trực tiếp tổ chức soạn thảo văn bản có liên quan đến nhiều ngành thuộc Bộ hoặc không thuộc chức năng quản lý của ngành nào; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc soạn thảo các văn bản thuộc chức năng quản lý của các ngành.

Các vụ, cục thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức soạn thảo và phối hợp với Vụ pháp chế trong việc soạn thảo các văn bản thuộc lĩnh vực đã được phân công.

Do sự phân công rõ ràng như vậy nên việc tổ chức soạn thảo văn bản hoặc phổ biến các văn bản đã được ban hành không bị chồng chéo.

Tuy quy định đã rõ ràng nhưng trong việc thực hiện thì có những trường hợp phối hợp chưa tốt nên ảnh hưởng đến chất lượng văn bản.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch ban hành văn bản về Văn hóa thông tin cũng như quá trình tổ chức soạn thảo và trình văn bản, Vụ pháp chế có quan hệ phối hợp thường xuyên với các vụ chức năng thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội nêu các dự án thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đảm bảo thời gian và chất lượng.

 

 

  1. Quá trình hình thành và phát triển
  2. Thực trạng hoạt động của Vụ Pháp chế
  3. Mối quan hệ giữa Vụ pháp chế với tổ chức
  4. Kiến nghị phương hướng và giải pháp nâng

cao hiệu quả công tác pháp chế ở Bộ Vh-TT

1- Do nhu cầu tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, các vụ, cục có chức năng giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở Bộ Văn hóa-Thông tin cần cán bộ có trình độ đại học luật để làm công tác pháp chế nhưng không có biên chế. Số cán bộ hiện có cũng không thể đào tạo kiến thức pháp luật được, vì vậy về chủ trương cần có sự chỉ đạo từ các cơ quan chức năng là Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ để các đơn vị tham mưu về quản lý Nhà nước trong các Bộ bố trí cán bộ có trình độ đại học Luật. Về lâu dài công chức trông bộ máy Nhà nước đều phải áp dụng pháp luật khi thi hành công vụ nên cần tăng dần tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học luật trong các cơ quan tham mưu của các Bộ.

2- Đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn cụ thể việc chi thù lao trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, kể cả văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng.

Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên ở Bộ Văn hóa phải vận dụng chi thù lao cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật như chi cho nghiên cứu khoa học và mỗi dự án không được hội thảo quá hai lần. Trong thực tế có văn bản phải soạn thảo mấy chục lần mà chi thù lao không quá hai lần hội thảo thì không thể thực hiện được.

3- Cần sửa ngay một số quy định không còn phù hợp hoặc không rõ trong các văn bản hiện hành cụ thể như sau:

a. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định tại văn bản ban hành sau. Điều 2 Luật doanh nghiệp có quy định: "Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này và quy định của luật chuyên ngành về cùng một vấn đề thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành". Như vậy là quy định về việc giải quyết xung đột trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật doanh nghiệp khác nhau, gây nhiều khó khăn khi giải quyết xung đột trong các văn bản. Lợi dụng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều cơ quan khi soạn thảo văn bản ban hành sau đã đưa nội dung khác với quy định của văn bản chuyên ngành gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý. ở các nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì đều quy định trong trường hợp có xung đột pháp luật sẽ áp dụng quy định tại luật chuyên ngành. Vì vậy đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi quy định giải quyết xung đột tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

b. Nghị định 101/CP ngày 23-9-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm định văn bản do các Bộ, ngành soạn thảo trước khi trình Thủ tướng, trong đó qui định rõ trường hợp Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp thống nhất ý kiến thì trình văn bản lên Thủ tướng. Nghị định 101/CP chưa có quy định trường hợp ý kiến của Văn phòng Chính phủ không thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp thì giải quyết như thế nào. Vì vậy đã có nhiều trường hợp ý kiến hai cơ quan không thống nhất, văn bản không được trình lên thủ tướng, thời gian ban hành văn bản bị kéo dài. Đề nghị cần có quy định cách giải quyết khi có ý kiến khác nhau giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

c. Theo quy định của Văn phòng Chính phủ, các vụ chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp trong việc thẩm định văn bản nhưng không có quy định qui trình phối hợp và thời gian cụ thể. Vì vậy trên thực tế có nhiều văn bản do các Bộ, ngành trình phải qua qui trình thẩm định ở Văn phòng Chính phủ, người tham gia thẩm định không theo dõi quá trình soạn thảo, không hiểu hết vấn đề, cơ quan soạn thảo lại phải trình bày, như vậy thời gian thẩm định cũng kéo dài. Đề nghị cần có qui định rõ ở Văn phòng Chính phủ cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định và qui trình cũng như thời gian thẩm định để tránh kéo dài thời gian.

Qui trình thẩm định văn bản chưa rõ nêu trên đã ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa thông tin, vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét để giải quyết, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế ở Bộ Văn hóa-Thông tin nói riêng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế trong Bộ máy Nhà nước nói chung./.

 

 

thực trạng tổ chức, hoạt động và phương hướng

củng cố tổ chức pháp chế của Bộ Thủy sản

 

TS. Đinh Xuân Thảo - Vụ trưởng Vụ Pháp chế

CN. Đàm Thị Thanh Xuân - Chuyên viên Vụ Pháp chế

 

 

 

  1. Lịch sử hình thành, phát triển

của tổ chức Pháp chế Bộ Thủy sản

  1.  

     

    1. Tổ chức Pháp chế Bộ Thuỷ

sản theo Nghị định số 178/HĐBT

Bộ Thuỷ sản được thành lập năm 1981 trên cơ sỏ kế thừa, tiếp nối Bộ Hải sản (thành lập năm 1977) và Tổng cục Thuỷ sản (ra đời năm 1960).

Từ khi thành lập (năm 1981) trong tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản không có đơn vị pháp chế độc lập, chỉ có một cán bộ của Văn phòng Bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.

Sau khi có Nghị định số 178/HĐBT ngày 17/6/1985 của Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Pháp chế Bộ, Ngành và trong khu vực xí nghiệp quốc doanh, Bộ Thủy sản có bộ phận pháp chế thuộc Văn phòng Bộ với mô hình Phòng hành chính - Pháp chế. Tuy nhiên, trong Phòng Hành chính - Pháp chế chỉ có một cán bộ pháp chế chuyên trách. Sau đó đến những năm 90, Bộ cử một Phó Văn phòng Bộ phụ trách công tác pháp chế của Bộ cùng một cán bộ pháp chế phòng Hành chính - Pháp chế làm công tác Pháp chế của Bộ. Cán bộ pháp chế Phòng hành chính - pháp chế và Phó văn phòng phụ trách công tác pháp chế Bộ Thủy sản đều chưa qua đào tạo về luật kể cả dài hạn và ngắn hạn, chỉ được tham dự một vài lớp tập huấn chuyên đề do Bộ Tư pháp tổ chức.

Do tình hình tổ chức và cán bộ làm công tác pháp chế như nêu trên, nên từ năm 1981 đến năm 1997 công tác pháp chế của Bộ Thuỷ sản có nhiều hạn chế và bất cập. Các mặt hoạt động như xây dựng pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật... có tiến hành, nhưng không chuyên sâu, không hệ thống; nhiều khi còn nặng về hình thức. Mới chủ yếu tập trung vào công tác pháp chế hành chính như thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản; góp ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Ngành khác gửi lấy ý kiến. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật mới làm được ở cơ quan Bộ; chưa tổ chức và theo dõi được việc thực thi pháp luật trong ngành; bỏ trống nhiệm vụ làm tư vấn pháp luật trong khi đòi hỏi từ thực tế của ngành về lĩnh vực này ngày một nhiều, chưa làm tốt chức năng tham mưu cho Bộ trưởng trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành.

Trước tình hình đó, việc củng cố tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ Thuỷ sản là nhu cầu bức xúc. Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản cũng đã sớm thấy vị trí, vai trò của Pháp chế Bộ, Ngành. Tuy nhiên, bối cảnh tổ chức lúc bấy giờ và do hạn chế cuả Nghị định số 178/HĐBT, vì vậy không tạo được điều kiện cho việc xây dựng tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên trách ở Bộ Thuỷ sản.

2. Việc thành lập Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản

Trước nhu cầu bức xúc và đòi hỏi khách quan của Ngành, ngay sau khi có Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Thuỷ sản đã có văn bản đề nghị và ngày 06/2/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/1998/QĐ-TTg thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Thủy sản. Sau một thời gian chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất làm việc, ngày 11/7/1998 Bộ trưởng Bộ Thủy sản đã ban hành Quyết định số 349/1998/QĐ-BTS về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế, từ đó Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản chính thức đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cụ thể là:

2.1. Chức năng: Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong Ngành. Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

2.2.Nhiệm vụ, quyền hạn

2.2.1. Trong công tác xây dựng pháp luật

a. Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật dài hạn của Bộ trình Bộ trưởng và đôn đốc thực hiện chương trình đã được duyệt.

b. Thẩm định pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

c. Trực tiếp hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao.

d. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

 

    1.  

       

      văn bản quy phạm phạm pháp luật

      a. Thường xuyên tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Ngành, đề xuất phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng quyết định.

      b. Phối hợp với các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng để:

      - Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành những Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ ban hành về quản lý ngành.

      - Kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ ban hành về quản lý Ngành.

      - Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban Nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ ban hành về quản lý Ngành.

       

       

      1. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá
      2. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp

luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

a. Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi Ngành.

b. Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

c. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong Ngành.

d. Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các giải pháp khắc phục.

 

 

  1. Thực trạng Tổ chức, hoạt động, vai

trò của Vụ Pháp chế Bộ trong việc

quản lý Nhà nước ngành thuỷ sản

 

1.Về tổ chức và cán bộ

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản được thành lập trên cơ sở Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ, Quyết định số 27/1998/QĐ-TTg ngày 6/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 349/1998/QĐ - BTS ngày 11/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản. Vụ Pháp chế được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã hơn ba năm. Hiện tại Vụ có 6 biên chế gồm: Vụ trưởng; 1 Vụ Phó và 4 chuyên viên; trong đó có 1 Tiến sĩ Luật, 1 kỹ sư chuyên ngành thuỷ sản và 4 cán bộ có trình độ Cử nhân Luật. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ, bộ phận chuyên viên được hình thành theo các mảng công việc như sau:

- Bộ phận xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: bao gồm xây dựng, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

- Bộ phận tổ chức thi hành pháp luật (tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật) trong ngành.

- Bộ phận tổng hợp, thông tin pháp lý, tư vấn pháp luật.

Việc chia ra các bộ phận công tác như trên là để có sự chuyên sâu, chuyên môn hoá cán bộ, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau và để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng ổn định và lâu dài. Hiện tại Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản tổ chức làm việc theo chế độ chuyên viên. Mỗi chuyên viên được giao một mảng công việc, nhận và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ đã được Vụ trưởng phân công.

So với chức năng nhiệm vụ, số biên chế của Vụ hiện nay là quá ít. Vụ đang đề nghị xin thêm biên chế. Trong lúc chờ có thêm biên chế chính thức, Vụ phải sử dụng một số cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

2. Về hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản

Song song với việc kiện toàn về mặt tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ pháp chế Ngành, Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản rất quan tâm, chỉ đạo hoạt động của tổ chức Pháp chế nên hoạt động của Vụ Pháp chế đã sớm có nền nếp và đạt được những kết quả thiết thực trên một số lĩnh vực công tác sau đây:

2.1. Trong công tác xây dựng Pháp luật

Thực hiện Điều 4 của Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã chủ động phối hợp với các đơn vị, các Bộ, ngành có liên quan đề xuất, tổng hợp, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ lập dự kiến Chương trình xây dựng pháp luật của Bộ để đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng Pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật khi đã được thông qua; đồng thời đôn đốc việc thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng.

Vụ đã chủ trì triển khai xây dựng Luật Thuỷ sản - văn bản pháp luật cao nhất đầu tiên của ngành.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khoá X, từ đầu năm 1998, Bộ Thuỷ sản - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuỷ sản đã khẩn trương triển khai công việc tổng kết đánh giá tình hình thi hành Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thời gian qua; hệ thống hoá và phân tích hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về hoạt động thuỷ sản. Đã nghiên cứu, xây dựng "Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội ngành thuỷ sản thời kỳ 2000-2010" và ba chương trình quốc gia về phát triển nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ sản xa bờ và phát triển xuất khẩu thuỷ sản đến 2005, đồng thời triển khai xây dựng Dự án Luật Thuỷ sản.

Với vai trò thường trực Ban soạn thảo Luật và Tổ trưởng tổ biên tập Luật, Vụ Pháp chế đã làm việc với tinh thần khẩn trương chuẩn bị dự thảo luật. Đến nay đã có dự thảo 9 Luật Thuỷ sản, đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Vụ Pháp chế Chủ trì triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản. Với tinh thần chủ động, khẩn trương đến nay dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm địnhvà đang trình Chính phủ. Phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ tiến hành dự thảo một số Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Quy chế, TCN...

Là đơn vị chuyên môn được lãnh đạo Bộ giao chủ trì nghiên cứu góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Ngành gửi lấy ý kiến. Trong thời gian qua Pháp chế Bộ đã giúp Lãnh đạo Bộ nghiên cứu góp ý đầy đủ với tinh thần nghiêm túc và có trách nhiệm các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng và đúng thời hạn.

Việc thẩm định về mặt pháp lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã thực hiện thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Nhìn chung công tác đã góp phần hạn chế được những sai sót về mặt pháp lý trong quá trình soạn thảo, nâng dần chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ ban hành.

Sau ba năm thành lập và đi vào hoạt động, Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã có nhiều cố gắng và bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của việc quản lý ngành bằng pháp luật. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế như:

- Việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của các văn bản, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn; chưa đôn đốc sâu sát việc xây dựng đồng bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.

- Chất lượng thẩm định và ý kiến tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với các đơn vị và các Bộ, ngành khác trong một số trường hợp còn hạn chế.

Nguyên nhân:

Sự phối hợp của Vụ Pháp chế và các đơn vị khác trong Bộ chưa thật chặt chẽ, thường xuyên; xác định trách nhiệm chưa thật rõ ràng.

Lực lượng cán bộ, công chức của Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản còn thiếu về số lượng và trình độ không đồng đều, thời gian công tác trong ngành còn ít, kinh nghiệm tích luỹ chưa nhiều đã dẫn đến sự hạn chế kết quả xây dựng cũng như thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

2.2. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện Quyết định số 335/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thuỷ sản đã nhanh chóng triển khai thành lập Ban chỉ đạo của Bộ do một Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản làm Trưởng ban, Vụ Pháp chế làm nòng cốt trong việc hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, kiểm tra việc rà soát của các đơn vị thuộc Bộ. Tiến hành tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ gửi Ban Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ số 1885/BC-BTS ngày 11/8/1998 gửi báo cáo danh mục văn bản quy phạm pháp luật, trong đó gồm:

- Danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của ngành thuỷ sản ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 30/6/1998, gồm 218 văn bản.

- Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Thuỷ sản đã ban hành về quản lý ngành thuỷ sản từ ngày 02/7/1976 đến ngày 30/6/1998 gồm 132 văn bản.

- Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ Ban thường vụ Quốc Hội, Chủ Tịch nước, Chính phủ ban hành để đề nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ dung gồm 22 văn bản đề nghị bãi bỏ và 9 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung.

- Lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Thuỷ sản.

- Trình Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản ký Quyết định bãi bỏ 67 văn bản quy phạm pháp luật của ngành đã hết hiệu lực, không còn phù hợp.

- Tham gia nhóm thư ký của Tổ công tác Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu hải quan, đề xuất các vấn đề trên thuộc phạm vi quản lý của ngành báo cáo đầy đủ, kịp thời lên Tổ công tác của Chính phủ theo đúng tiến độ.

- Tiến hành việc rà soát danh mục các giấy phép đề nghị bãi bỏ hoặc chuyển thành Nghị định kinh doanh có điều kiện theo Luật Doanh nghiệp.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc bộ tiến hành việc rà soát các văn bản quy phạm Pháp luật của ngành có Liên quan đến Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và các cam kết quốc tế Việt Nam trong ASEAN, các cam kết quốc tế gửi Bộ Tư Pháp, Uỷ ban quốc gia - Hợp tác Kinh tế quốc tế.

Nhìn chung, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhất định nhưng Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã tập trung chỉ đạo và bước đầu thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn có nhiều hạn chế:

- Tiến độ thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với quy định.

- Cán bộ làm công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thiếu về số lượng lại phải đảm nhận công việc hàng ngày theo chức trách phân công nên chưa có sự chuyên sâu. Mặt khác kinh phí dành cho công tác này hầu như không có. Tất cả các yếu tố này ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

2.3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hàng năm Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã lập kế hoạch để triển khai công tác này, phân công từ 1-2 chuyên viên theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong hơn ba năm qua, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp tổ chức giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức của Bộ như: Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Pháp lệnh chống Tham nhũng, Luật Giáo dục, Luật Hình sự 1999, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống ma tuý... và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến ngành.

Triển khai việc giảng dạy pháp luật trong các trường trung học chuyên nghiệp của Bộ, tập huấn cho các cán bộ tại các Sở quản lý ngành về những vấn đề pháp luật liên quan đến ngành.

Thực hiện Quy chế báo cáo viên pháp luật của Bộ Tư pháp, tổ chức Pháp chế Bộ đã tham mưu giúp lãnh đạo Bộ lựa chọn những cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được Pháp chế Bộ Thuỷ sản sử dụng chủ yếu là tổ chức các buổi nói chuyện, toạ đàm, tập huấn cho cán bộ công chức trong cơ quan, thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật, giới thiệu những văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành trên các tạp chí của ngành.

Pháp chế Bộ Thuỷ sản triển khai hoạt động tuyên truyền khá đều đặn và có hiệu quả, bước đầu đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo cho Pháp luật được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất và công bằng.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế: đối tượng tuyên truyền mới chỉ là cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ; chưa triển khai được nhiều xuống các Sở quản lý ngành và đối tượng là ngư dân. Triển khai giảng dạy bộ môn giáo dục pháp luật tại các trường Trung học chuyên nghiệp của Bộ chưa tiến thường xuyên và toàn diện. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được tuyên truyền còn hạn chế, một số trường hợp việc phổ biến văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức.

Công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã tham gia, phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị hữu quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật nói chung và việc thực hiện những quy định trong ngành Thuỷ sản nói riêng đã đạt được những kết quả bước đầu. Một số trường hợp vi phạm pháp luật hoặc các vụ khiếu nại, tố cáo bức xúc đã được xử lý thấu tình, đạt lý góp phần tăng cường xây dựng kỷ cương của ngành.

Công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà kết quả của công tác này còn nhiều hạn chế. Hoạt động của Pháp chế Bộ Thuỷ sản với lực lượng cán bộ còn rất mỏng, kinh nghiệm công tác còn thiếu, chưa được tập huấn, hướng dẫn sâu sát, thường xuyên (như đã được đề cập ở phần trên) lại phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn nên kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Từ những hạn chế đó đã chỉ ra cần phải có những biện pháp thích hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật đạt kết quả cao, phát huy tác dụng thiết thực đối với hoạt động toàn ngành.

2.4. Tư vấn pháp luật

Ngành thuỷ sản có nhiều đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các tổng công ty, công ty luôn có quan hệ giao dịch, hợp đồng với nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị nói trên hiện chưa có tổ chức pháp chế, chưa có cử nhân luật làm việc vì vậy khi cần thiết, các đơn vị đó đã đề nghị Pháp chế bộ Thuỷ sản giúp tư vấn pháp luật cho họ. Thực tế những năm qua công việc này đã có tác dụng tích cực.

2.5. Hợp tác quốc tế về pháp luật

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản là đầu mối tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về Pháp luật của Bộ, Ngành thủy sản. Lĩnh vực thuỷ sản có liên quan nhiều đến luật pháp quốc tế như Luật biển, luật nghề cá và đã hình thành quan hệ hợp tác song phương, đa phương về pháp luật trong lĩnh vực nghề cá ở khu vực và trên thế giới. Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã chủ trì trong việc đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt - Trung năm 2000; xây dựng Luật nghề cá có trách nhiệm của các nước Đông - Nam á, tham gia luật nghề cá có trách nhiệm của FAO; xây dựng sổ tay pháp luật cho ngư dân Việt Nam - Thái Lan...

Đánh giá chung: Nghị định số 94/CP và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý cho cho việc tổ chức và hoạt động của Pháp chế các Bộ, Ngành nói chung và Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản nói riêng. Đạt được kết quả như trên một phần là sự cố gắng, nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ pháp chế, sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ với các tổ chức Pháp chế của các Bộ ngành.

  1.  

     

    1. Vai trò của Vụ Pháp chế trong việc

quản lý Nhà nước của Ngành Thuỷ sản.

 

Sau hơn ba năm thành lập, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản thông qua các hoạt động của mình đã có nhiều cố gắng trong công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về lĩnh vực pháp chế trong công tác lãnh đạo và quản lý ngành, từng bước khẳng định được vai trò là một tổ chức pháp chế độc lập, chuyên trách. Nhìn lại kết quả công tác đã đạt được và theo đánh giá của Lãnh đạo Bộ thì Vụ Pháp chế đã trở thành đơn vị không thể thiếu trong việc thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật của Bộ và ngành Thuỷ sản.

  1.  

     

    1. Mối quan hệ giữa Vụ pháp chế Bộ THuỷ

sản với các tổ chức pháp chế của các

đơn vị trực thuộc và với Bộ tư pháp

 

  1.  

     

    1. Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thủy sản

với các tổ chức pháp chế của các đơn vị trực thuộc.

Hiện nay các đơn vị trực thuộc Bộ Thuỷ sản nói chung là chưa có tổ chức pháp chế, chỉ có một số Tổng công ty, công ty của ngành có 1-2 cán bộ pháp chế. Vụ Pháp chế đang tham mưu với Lãnh đạo bộ để xây dựng hệ thống pháp chế của ngành. Đối với các đơn vị tham mưu của Bộ là mối quan hệ phối hợp trong công tác; Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm về mặt pháp luật đối các văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc bộ soạn thảo. Có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ về mặt nội dung, pháp lý trong công tác rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Là đầu mối tổng hợp dự kiến Chương trình xây dựng Pháp luật hàng năm của Bộ để gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ...

  1.  

     

    1. Mối quan hệ giữa tổ chức Pháp

chế Bộ Thuỷ sản với Bộ Tư pháp

Pháp chế Bộ Thủy sản luôn coi Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý cấp trên của mình, vì vậy luôn thực hiện việc thỉnh thị báo cáo công tác. Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của Bộ Tư pháp từ đội ngũ cán bộ đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Thông tin hai chiều được bảo đảm. Bộ Tư pháp thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng cho pháp chế Bộ Thuỷ sản. Quan hệ tốt giữa Pháp chế Bộ Thuỷ sản với Bộ Tư pháp đã làm nâng cao vị trí và lòng tin của Vụ Pháp chế đối với Bộ Thuỷ sản.

 

 

  1. Kiến nghị phương hướng và giải pháp

kiện toàn tổ chức nâng cao hiệu quả

hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản

Sau ba năm được thành lập và đi vào hoạt động, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đã ổn định về tổ chức, từng bước được cũng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động có nền nếp, hiệu quả, khẳng định được sự cần thiết phải có tổ chức Pháp chế Bộ, từng bước góp phần thực hiện việc quản lý Ngành bằng pháp luật. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đang còn nhiều hạn chế và bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là cán bộ của Vụ Pháp chế còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác chưa có tổ chức pháp chế ở các đơn vị, tổ chức trực thuộc bộ để tạo thành hệ thống pháp chế trong ngành. Để kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp chế Bộ, Ngành nói chung và pháp chế Bộ Thuỷ sản nói riêng, xin kiến nghị phương hướng và giải pháp như sau:

 

1. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 theo hướng thống nhất về mặt tổ chức đối với pháp chế các Bộ, Ngành cụ thể là: quy định rõ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải có Vụ Pháp chế. Ngoài ra cần bổ sung thêm quy định về tổ chức pháp chế ở các cơ sở quản lý ngành và ở các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, ngành để cùng với pháp chế Bộ, ngành tạo thành một hệ thống pháp chế hoàn chỉnh trong mỗi ngành từ trung ương đến địa phương.

2. Tăng cường đội ngũ cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế các bộ, ngành. Nên có quy định biên chế tối thiểu thống nhất cho pháp chế các Bộ, ngành. Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ cần phân bổ biên chế cán bộ pháp chế cho các Bộ, ngành đủ và kịp thời.

Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản từ khi thành lập đến nay năm 2000 được 6 biên chế, năm 2001 được tăng thêm 2 biên chế, hiện tổng số có 8 biên chế. Để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng đòi hỏi thực tế của ngành, Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản đang xây dựng đề án tổ chức của Vụ trong những năm tới như sau:

- Lãnh đạo Vụ 2 - 3 biên chế

-Bộ phận tổng hợp, thông tin pháp lý: 3 biên chế

- Bộ phận văn bản pháp quy (xây dựng, thẩm định rà soát, tư vấn pháp luật): từ 4-5 biên chế

- Bộ phận tổ chức thi hành pháp luật (phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật và tham gia xử lý vi phạm pháp luật): 3-4 biên chế.

Tổng cộng: 12-15 biên chế

Có được số lượng biên chế cán bộ như trên, Vụ Pháp chế mới có điều kiện chuyên sâu, chuyên môn hoá cán bộ, tạo điều kiện cho việc hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các chuyên viên và để có quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng ổn định lâu dài.

3. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế các Bộ, Ngành.

Do đặc thù đa số tổ chức pháp chế Bộ, Ngành mới thành lập từ khi có Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 nên hầu hết cán bộ Pháp chế ngành còn mới, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về công tác pháp chế ngành, một số chuyên viên chưa được đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành của Bộ, Ngành mình phụ trách; một số từ cán bộ chuyên môn của ngành sang làm công tác pháp chế chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói chung cũng như pháp luật chuyên ngành. Thời gian qua Bộ Tư pháp đã mở được một số lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế các Bộ, Ngành. Tuy nhiên, cần phải tăng cường hơn về đào tạo, bồi dưỡng mọi lĩnh vực, đặc biệt chú ý về kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kỹ thuật rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật.

Đối với các cán bộ, công chức đã được tuyển dụng có trình độ cử nhân Luật cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành dưới nhiều hình thức khác nhau như: tập huấn, tham gia các cuộc hội thảo chuyên ngành, đi thực tế địa phương...

Pháp chế Bộ Thuỷ sản cần có kế hoạch đào tạo sau đại học đối với các cán bộ, công chức của Vụ với các chuyên ngành Luật Tư pháp, Hành chính, Kinh tế, Quốc tế; đào tạo chuyên môn của ngành, đào tạo ngoại ngữ để có hiểu biết đầy đủ về ngành và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ nhất định phục vụ tốt cho công tác pháp chế Bộ.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp chế Bộ

Vụ Pháp chế Bộ Thủy sản cần chủ động nghiên cứu đề xuất ý kiến tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc ban hành đầy đủ quy chế của cơ quan Bộ để tạo thành một hệ thống đồng độ phục vụ tốt cho quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan. Quy định rõ phạm vi, thẩm quyền của tổ chức pháp chế trong việc làm đầu mối tổng hợp, lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật, soạn thảo, tham gia soạn thảo, thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Cụ thể như sau:

a. Về công tác xây dựng pháp luật, thẩm định và tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của Vụ Pháp chế cần bám sát hơn nữa chương trình xây dựng Pháp luật hàng năm và của cả nhiệm kỳ Quốc hội; Chương trình xây dựng Pháp luật của Chính phủ và của Bộ; nắm vững sự phân công của Uỷ Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ về cơ quan chủ trì soạn thảo, đơn vị tham gia soạn thảo để chủ động phối hợp tổ chức tốt, đảm bảo đúng tiến độ soạn thảo và tham gia ý kiến đầy đủ.

Đối với những dự thảo đã được đưa vào Chương trình chính thức của Quốc hội cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo, gửi lấy ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương các đơn vị thuộc bộ. Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ đúng tiến độ.

b. Về công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cần xác định rõ đây là nhiệm vụ phải tiến hành thường xuyên. Trong thời gian tới cần tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác này, rút ra kinh nghiệm, bài học kịp thời. Qua rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để có ý kiến tham mưu chính xác về việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành.

c. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/01/1998 cuả Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản cần phải chủ động, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn ngành từ trung ương đến địa phương; đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra sát sao hơn việc thực hiện Chương trình, kế hoạch đó. Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ Báo cáo viên Pháp luật cho cán bộ Vụ Pháp chế nhằm cung cấp nguồn báo cáo viên tại chỗ cho Bộ Thuỷ sản để chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ, Trong ngành. Cần quan tâm hơn nữa việc triển khai thực hiện tốt môn giáo dục pháp luật trong các trường trung học chuyên nghiệp của ngành.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn, cần chú trọng hơn hình thức tập huấn cho cán bộ của ngành; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm và triển khai thực hiện đúng kế hoạch công tác, nội dung cần đi vào chiều sâu nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, công chức, phát huy tác dụng thiết thực của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

d. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ của pháp chế ngành; tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của Vụ. Tăng cường công tác tư vấn pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành.

Kết luận: Cũng như pháp chế các Bộ, Ngành khác pháp chế Bộ Thuỷ sản đã được cũng cố, tăng cường trên cơ sở Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ. Vụ Pháp chế Bộ Thuỷ sản thực sự đã có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của Bộ Thuỷ sản, đã góp phần tích cực chp hoạt động quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành thuỷ sản.

Để kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của pháp chế Bộ, Ngành, một mặt các tổ chức pháp chế phải tự khẳng định mình, tự phấn đấu vươn lên; mặt khác Chính phủ cần sớm tổng kết thực tiễn triển khai thực hiện để kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/CP./.

 

Thực tiễn hoạt động của pháp chế Bộ Thương mại

Nguyễn Hữu Chí

 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thương mại

 

  1.  

     

    vụ của tổ chức pháp chế Bộ Thương mại

    1. Thời kỳ đầu thành lập

    1. Lịch sử hình thành, chức năng, nhiệm

Vụ Pháp chế Bộ Thương mại từ khi thành lập đã tồn tại dưới các tên gọi khác nhau như Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ, Phòng Pháp chế thuộc Bộ và chính thức trở thành Vụ Pháp chế theo quy định của Nghị định số 231/CP ngày 21 tháng 6 năm 1979 của Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, bộ máy của Vụ được quy định cụ thể tại Quyết định số 1226/BNgT/TCCB ngày 22 tháng 11 năm 1982 của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Theo Quyết định này, Vụ Pháp chế được xác định là một bộ phận của Bộ có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý công tác soạn thảo pháp luật ngoại thương, các Điều ước quốc tế trong lĩnh vực ngoại thương; hướng dẫn và theo dõi việc thi hành pháp luật ngoại thương, các Công ước quốc tế thuộc lĩnh vực ngoại thương; và làm tư vấn cho Bộ trưởng và các tổ chức ngoại thương về các vấn đề pháp lý. Với các chức năng này, Vụ Pháp chế được giao những nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực sau:

1.1- Công tác soạn thảo pháp luật ngoại thương: lập chương trình soạn thảo pháp luật ngoại thương; tham gia góp ý kiến với các Vụ, Cục của Bộ Ngoại thương về các dự thảo văn bản được soạn thảo; nghiên cứu các dự án pháp luật do Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác soạn thảo; tổ chức hệ thống hóa pháp luật ngoại thương;

1.2- Công tác Điều ước: tham gia soạn thảo và đàm phán các văn bản Điều ước thuộc chức năng của Bộ;

1.3- Công tác tư vấn: nghiên cứu và soạn thảo các hợp đồng mẫu kinh doanh về ngoại thương; tham gia ý kiến hướng dẫn các tổ chức ngoại thương về các vấn đề pháp lý trong kinh doanh ngoại thương;

1.4- Trong các công tác khác: tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngoại thương; tham gia đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ trong ngành về kiến thức pháp lý; tham gia ý kiến với Hội đồng Trọng tài Ngoại thương và Hội đồng Trọng tài hàng hải bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp về các vấn đề pháp lý.

Cơ cấu của Vụ Pháp chế theo Quyết định số 1126/BNgT/TCCB bao gồm ba phòng: Phòng Pháp luật Ngoại thương, Phòng Điều ước quốc tế và Phòng Tư vấn pháp lý. Vụ do một Vụ trưởng đứng đầu và một số Phó Vụ trưởng giúp việc.

Tuy rằng cơ cấu và chức năng của Vụ Pháp chế thời gian này còn đơn giản và chỉ phục vụ cho hoạt động của Bộ Ngoại thương lúc bấy giờ nhưng công tác pháp chế đã thực sự được xác định là một lĩnh vực độc lập và đây cũng chính một trong những nền móng đầu tiên giúp cho Vụ Pháp chế có một bề dày lịch sử trong công tác thương mại nói chung và ngoại thương nói riêng cũng như các kinh nghiệm quý báu trong công tác pháp chế.

2. Trong giai đoạn hiện nay

Tính đến thời điểm Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ được ban hành thì Vụ Pháp chế Bộ Thương mại đã có bề dày hoạt động trên 15 năm. Việc ban hành Nghị định này đã đánh dấu một bước phát triển mới và đặc biệt quan trọng về tổ chức và công tác pháp chế ở các cơ quan Trung ương, trong đó có Bộ Thương mại. Với Nghị định này, Vụ được ổn định về tổ chức và tăng cường thêm nhiều mặt, đặc biệt là về nhiệm vụ và quyền hạn. Công tác của Vụ đã chuyển biến và được khẳng định rõ nét hơn trong hoạt động của Bộ, chức năng, nhiệm vụ của Vụ được nâng lên để phù hợp hơn với yêu cầu và điều kiện mới. Vụ Pháp chế có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về mặt pháp luật đối với mọi hoạt động thương mại thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cụ thể có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

2.1- Quản lý thống nhất về mặt pháp lý việc soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (kể các văn bản Điều ước quốc tế) thuộc lĩnh vực thương mại;

2.2- Tổng hợp chương trình xây dựng pháp luật về lĩnh vực thương mại; là đầu mối thực hiện chương trình được duyệt và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về mặt pháp lý đối với dự thảo cuối cùng các văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm cả văn bản Điều ước quốc tế) thuộc lĩnh vực thương mại trước khi trình Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

2.3- Nghiên cứu hoặc chủ trì, phối hợp với các Vụ hữu quan nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ các ý kiến tham gia đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền soạn thảo gửi đến đề nghị Bộ Thương mại tham gia ý kiến;

2.4- Chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản Điều ước quốc tế, phối hợp với các Vụ xác lập kế hoạch, tham gia đàm phán, ký kết và phổ biến các văn bản Điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực thương mại;

2.5- Hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thi hành pháp luật trong các hoạt động thương mại, đề xuất với Bộ trưởng về những biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh về pháp lý trong hoạt động của các đơn vị;

2.6- Hướng dẫn các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại và việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại. Soạn thảo các Quy chế về các loại hình kinh doanh, các hợp đồng mẫu và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện;

2.7- Tham gia ý kiến với các Vụ chức năng để trình Lãnh đạo Bộ về các tổ chức kinh tế nước ngoài lập các loại hình kinh doanh tại Việt Nam và tham gia kiểm tra hoạt động của các tổ chức này;

2.8- Tham gia ý kiến với các Vụ liên quan để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Điều lệ của các doanh nghiệp thuộc Bộ;

2.9- Tư vấn cho Bộ trưởng giải quyết các vấn đề về nghiệp vụ và quản lý phát sinh trong hoạt động thưoưng mại;

2.10- Nghiên cứu các Điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động thương mại để đề xuất hoặc tham gia việc sửa đổi, bổ sung;

2.11- Tham gia đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành thương mại theo chương trình đào tạo của Bộ và Nhà nước;

2.12- Thực hiện việc hệ thống hóa pháp luật về lĩnh vực thương mại.

Các nhiệm vụ và quyền hạn được tăng cường thêm cho Vụ đã chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của công tác pháp chế trong điều kiện mới. Đặc biệt, với các chức năng tư vấn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các cán bộ trong ngành cũng như chức năng phê duyệt Điều lệ doanh nghiệp thuộc Bộ … công tác pháp chế trong ngành ngoại thương đã được nâng cao và góp phần tích cực tạo nên những chuyển biến mới, thành tựu mới của ngành ngoại thương trong thời gian gần đây. Với các thành tích đã đạt được, Vụ Pháp chế đã nhiều năm liên tục được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.

Cơ cấu của Vụ Pháp chế hiện nay bao gồm 11 cán bộ, 01 Vụ trưởng, 02 Phó Vụ trưởng và 8 chuyên viên. Trong đó, lực lượng cán bộ trẻ là 6 cán bộ. Tất cả các cán bộ của Vụ đều được đào tạo về chuyên ngành kinh tế ngoại thương và pháp luật. Trình độ ngoại ngữ của cán bộ trong Vụ cũng được nâng cao và góp phần quan trọng cho Vụ chủ động nghiên cứu, học tập luật pháp nước ngoài trong bối cảnh kinh tế và pháp luật Việt Nam đang tích cực hội nhập với thế giới. Một trong những điểm nổi bật của Vụ là sự kết hợp hài hòa giữa sự năng động, sức trẻ của các cán bộ trẻ và kinh nghiệm quý báu của các cán bộ đi trước. Việc phân công công tác cũng được nêu cụ thể, rõ ràng theo lĩnh vực phụ trách đến từng chuyên viên, chính yếu tố này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ cán bộ cũng như để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

 

  • Thực tiễn hoạt động của Vụ Pháp

 

chế trong một số năm gần đây

1. Công tác xây dựng pháp luật

Công tác xây dựng pháp luật trong những năm gần đây là công tác trọng tâm nhất của Vụ Pháp chế. Cụ thể, Vụ Pháp chế có những nhiệm vụ sau:

- Lập chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả văn bản Điều ước quốc tế về thương mại, hàng năm và dài hạn thuộc thẩm quyền của Bộ trình Bộ trưởng quyết định thực hiện chương trình xây dựng pháp luật;

- Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác thuộc Bộ chủ trì soạn thảo trước khi trình Bộ ký ban hành hoặc Bộ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật được giao;

- Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác soạn thảo gửi đến lấy ý kiến.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Luật Thương mại được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/1998, để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại, ngoài việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại nói chung, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thương mại để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về thương mại là công tác trọng tâm nhất của Vụ. Cụ thể như sau:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành

a.1- Các văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo

Vụ Pháp chế đã chủ trì soạn thảo trình Bộ ban hành hoặc để Bộ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số văn bản sau đây, đặc biệt là bao gồm 07 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại:

+ Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài;

+ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

+ Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/4/1999 về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa;

+ Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ngày 05/5/1999 về khuyến mại, quảng cáo thương mại và hội chợ, triển lãm thương mại;

+ Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài;

+ Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 06/9/2000 quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam;

+ Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài.

+ Thông tư liên tịch số 36/2000/TTLT-BTM -BTCCBCP ngày 27/1/2000 giữa Bộ Thương mại và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý về thương mại ở đị a phương;

+ Quyết định số 08/2002/QĐ-TTg ngày 11/1/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ngày 12/11/1998 ban hành Quy chế Khu Thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Thông tư số 11/1999/TT-BTM ngày 11/5/1999 hướng dẫn thi hành Quy chế Khu Thương mại Lao Bảo;

+ Quyết định số 835/2001/QĐ-TTg ngày 01/8/2001 ban hành bản Quy định về việc thực hiện thí điểm dịch vụ trung chuyển container tại cảng Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh;

+ Thông tư số 14/2001/TT-BTM ngày 02/5/2001 hướng dẫn việc mua bán hàng hóa qua biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

và nhiều Thông tư, Quyết định, Chỉ thị, Quy chế khác của Bộ Thương mại để hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

a.2- Các văn bản Vụ Pháp chế phối hợp chính

Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm phối hợp chính trong việc soạn thảo để Bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành tất cả các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền soạn thảo và ban hành của bộ Thương mại, cụ thể một số văn bản quan trọng sau:

+ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;

+ Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03/1/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/CP ngày 03/1/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

+ Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 31/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nươcs và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chế Ghi nhãn hàng hóa;

+ Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều hành xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong từng thời kỳ, và mới đây nhất là Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005;

+ Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 hướng dẫn thi hành Quy chế Ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Thông tư số 22/2000/TT-BTM ngày 15/12/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 26/2001/TT-BTM ngày 04/12/2001 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 22/2000/TT-Bộ Thương mại ;

+ Thông tư liên tịch số 27/2001/TTLT/BTM-TCHQ giữa Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc nhập khẩu ôtô của một số đối tượng theo đường phi mậu dịch.

b) Các văn bản đang trong quá trình soạn thảo

b.1- Một số văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì

+ Luật Cạnh tranh;

+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thương mại;

+ Nghị định về phát triển thị trường ngoài nước;

b.2- Các văn bản Vụ Pháp chế phối hợp soạn thảo

+ Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế;

+ Pháp lệnh về các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hóa với nước ngoài;

+ Pháp lệnh về Thương mại điện tử;

+ Nghị định quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Nghị định về tổ chức và quản lý chợ.

và nhiều văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Thương mại.

c) Công tác tham gia ý kiến vào các dự án pháp luật do cơ quan khác chủ trì

 

Đối với những dự án pháp luật mà Bộ Thương mại là cơ quan có trách nhiệm phối hợp chính, Vụ Pháp chế là cơ quan chủ trì trong Bộ về việc nghiên cứu, tham gia ý kiến. Lãnh đạo cũng như chuyên viên của Vụ cũng trực tiếp tham gia vào Ban soạn thảo nhiều dự án Luật, Pháp lệnh như: Luật Hải quan, Luật Dầu khí, Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh Giá, Pháp lệnh về phòng, chống tệ nạn mại dâm...

Ngoài ra, Vụ Pháp chế cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tổng hợp và tham gia ý kiến vào các dự án pháp luật như : Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Thống kê, Luật Thuỷ sản, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Phòng Chống ma tuý, Luật Giao thông đường bộ, Luật Di sản văn hóa và nhiều dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định khác... Trung bình hàng tháng Vụ Pháp chế phải nghiên cứu và tham gia ý kiến vào khoảng 15 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ hoặc các cơ quan khác gửi đến.

2. Công tác Điều ước quốc tế

Về công tác này, Vụ Pháp chế có một số nhiệm vụ cụ thể sau:

- Phối hợp với các Vụ chức năng của bộ trong việc soạn thảo các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại và tham gia đàm phán, ký kết các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ;

- Nghiên cứu các văn bản Điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực thương mại để kiến nghị việc tham gia khi thấy cần thiết

Cụ thể, trong thời gian qua Vụ đã trực tiếp tham gia soạn thảo và ký kết các văn bản Điều ước quốc tế như Hiệp định thương mại Việt Nam - Brunei; Hiệp định mua bán ở vùng biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và Campuchia... và tham gia ý kiến vào các Hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã ký với các nước như Hoa Kỳ, Nigeria, Marốc, Nam Phi … Hiện nay, Vụ Pháp chế được giao chủ trì nghiên cứu, soạn thảo các Hiệp định mậu dịch tư do Việt Nam - Liên bang Nga; tham gia soạn thảo Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam - Ucraina, Việt Nam - Belarút.

Vụ cũng đã chủ trì nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ tham gia ý kiến vào các dự thảo Hiệp định do Bộ, ngành khác gửi đến liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, đa dạng hóa sinh học, vũ khí hóa học …

3. Công tác tư vấn pháp lý

Vụ Pháp chế có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng xem xét giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thương mại, cụ thể Vụ Pháp chế đã thực hiện một số việc sau:

- Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi một số vụ tranh chấp có giá trị lớn, quan trọng nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân Việt Nam và đã góp phần tích cực trong việc giảm bớt thiệt hại kinh tế cho thương nhân Việt Nam trị giá hàng chục tỷ đồng;

- Giúp các thương nhân có tranh chấp thương lượng với nhau và hướng dẫn cho thương nhân giải quyết vụ việc kịp thời, hạn chế tối đa những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.

- Tích cực trả lời, giải thích những vấn đề còn chưa rõ liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật của ngành thương mại.

4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nền tảng cho Vụ Pháp chế thực hiện công tác này là các Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến 2002.

Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế được Bộ trưởng giao là cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối giúp Bộ trưởng triển khai thực hiện công tác phổ biến phápluật thương mại theo kế hoạch được Bộ duyệt. Vụ đã có kế hoạch triển khai cụ thể việc phổ biến, tập huấn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thương mại đặc biệt là các văn bản có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các thương nhân như: Luật Thương mại, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thương mại, cơ chế điều hành xuất nhập khẩu hàng hóa hàng năm, các quy định về Ghi nhãn hàng hóa...

Vụ cũng tăng cường công tác phổ biến giáo dục thông qua việc cử cán bộ trực tiếp tham gia giảng dạy tại các khóa học do Bộ Thương mại hoặc các trường đại học, trung tâm giáo dục đào tạo tổ chức. Hình thức phổ biến pháp luật thông qua các Hội nghị, hội thảo chuyên đề cũng là một phương pháp có tác dụng tích cực với nội dung chuyên sâu đã được Vụ áp dụng. Vụ đã trực tiếp chủ trì tổ chức một số Hội nghị chuyên đề như: về giám định hàng hóa tại Thành phố Vũng Tàu; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý về thương mại ở địa phương tại Phú Thọ và Thành phố Hồ Chí Minh; về công tác văn phòng đại diện, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam ở Hà Nội …

Ngoài ra, Vụ cũng chịu trách nhiệm trong việc định kỳ cung cấp thông tin cho các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm thông qua đó đưa thông tin về pháp luật Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài có quan tâm hoặc trực tiếp cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có yêu cầu.

Với các hoạt động như vậy, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được thực tiến chấp nhận, góp phần không nhỏ trong các thành tựu về cải cách hành chính mà Bộ Thương mại đã đạt được trong thời gian qua.

  1.  

     

    1. Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm

pháp luật trong lĩnh vực thương mại

Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Vụ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại và đề xuất phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

- Theo dõi, cập nhật các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại và thực hiện hệ thống hóa các văn bản Điều ước quốc tế về thương mại.

Với các nhiệm vụ này, Vụ Pháp chế đã giữ vai trò nòng cốt trong Ban chỉ đạo hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình Tổng rà soát của Nhà nước cũng như chương trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu và hải quan. Có thể nói đây là một nhiệm vụ phức tạp và chiếm nhiều thời gian của Vụ vì toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thương mại qua các thời kỳ lịch sử chưa được hệ thống hóa, nhiều văn bản chưa được huỷ bỏ, có số lượng lớn các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo nhau gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Kết quả của quá trình rà soát là Vụ đã báo cáo Bộ trình Chính phủ bải bỏ, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản và trình Bộ ra quyết định bãi bỏ 387 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ.

Mới đây, Vụ đã được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, làm tiền đề cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để thực hiện nhiệm vụ mới, phức tạp này, Vụ đã tập trung sức lực và khẳng định quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm từng bước đưa hệ thống pháp luật thương mại Việt Nam hội nhập với pháp luật thương mại quốc tế.

6. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Việc nâng cao trình độ pháp lý cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại là một nhiệm vụ ngày càng quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này, Vụ luôn tích cực tham gia công tác giảng dạy về pháp lý văn bản quy phạm pháp luật thương mại tại các khóa học của Bộ hoặc các trường, trung tâm tổ chức.

Xác định được nhiệm vụ đào tạo và đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nhằm ngày càng nâng cao trình độ cán bộ của Vụ, giúp cập nhật các thông tin, kiến thức mới. Trong các năm qua, dưới sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ cũng như nhờ vào sự chủ động của mình, Vụ đã cử hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa học về nghiệp vụ, chuyên môn, ngoại ngữ trong và ngoài nước. Những kiến thức thu thập được tại các khóa học này đã giúp cho cán bộ của Vụ ngày càng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Vụ trong điều kiện mới.

7. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

Đây là một công tác trọng yếu nhằm bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực sự đi vào cuộc sống. Hàng năm, căn cứ vào chương trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại do Bộ phê duyệt, Vụ xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra cụ thể tại các cơ quan quản lý về thương mại ở địa phương. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian nên hàng năm Vụ chỉ thực hiện được một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ví dụ năm 2001, Vụ đã chủ trì đoàn đi thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Quảng Ninh, Lào Cai. Sau khi kết thúc chuyến đi, Vụ có tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ các kiến nghị có liên quan đến chính sách, luật pháp để có phương hướng và chỉ đạo tổng thể nhằm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế.

Có thể thấy rằng, hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ Thương mại trong những năm gần đây đã thể hiện sự cải tiến, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả về chất lượng và phương pháp tổ chức hoạt động pháp chế. Mặc dù số lượng cán bộ còn ít những Vụ đã nỗ lực khắc phục các khó khăn để hoàn thành chương trình công tác với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Vai trò của Vụ ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ trên phạm vi cả nước. Với sự cố gắng này, Vụ Pháp chế đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác từ năm 1997 đến năm 1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Từ năm 1998 đến 2001, Vụ Pháp chế đã liên tục được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế và nhiều năm liền Vụ được Bộ trưởng Bộ Thương mại tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc.

III. Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thương mại với

các tổ chức pháp chế thuộc Bộ và với Bộ Tư pháp

 

  1.  

     

    và các tổ chức pháp chế thuộc Bộ, ngành khác

    Sự phối hợp chặt chẽ trong công tác với các tổ chức pháp chế của Bộ, ngành khác luôn được Vụ Pháp chế Bộ Thương mại đánh giá là một yêu cầu trọng tâm trong công tác pháp chế của Vụ. Sự phối hợp chặt chẽ này không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn giữa các Vụ nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ mà còn là yếu tố tích cực giúp thực hiện thuận lợi những nhiệm vụ có liên quan đến công tác pháp chế giữa các Bộ ngành, ví dụ như phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp...

    Vụ Pháp chế ở các Bộ, ngành giữ vai trò là cơ quan tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật, do đó, sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan tham mưu sẽ tạo thuận lợi không nhỏ cho việc phối hợp giữa các Bộ, ngành. Tổ chức pháp chế của Văn phòng chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Y tế... là một số các tổ chức pháp chế có môt quan hệ mật thiết và rất hiệu quả với Vụ Pháp chế Bộ Thương mại

    2. Mối quan hệ với Bộ Tư pháp

    Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thương mại và Bộ Tư pháp không chỉ dừng lại ở những chỉ đạo về nghiệp vụ, chuyên môn công tác pháp chế của Bộ Tư pháp với tổ chức pháp chế Bộ mà còn thể hiện rất mật thiết thông qua hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm của Vụ khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ là nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ đầu với Bộ Tư pháp thì sẽ có thuận lợi rất lớn trong công tác soạn thảo cũng như thẩm định, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.

    Hàng năm, Vụ báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động của Vụ trong năm và có những kiến nghị , đề xuất nhằm hoàn thiện tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp nói chung cũng như các tổ chức pháp chế Bộ nói riêng. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp, việc tạo điều kiện đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ của Vụ, việc tham gia các hoạt động như Câu lạc bộ Pháp chế, tham gia các hội thảo, hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức là những yếu tố tích cực để thắt chặt thêm mối quan hệ chặt chẽ vốn có giữa Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế Bộ Thương mại.

    IV. Kết luận và kiến nghị

    Công tác pháp chế của Vụ Pháp chế Bộ Thương mại trong giai đoạn hiện nay ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động của Bộ Thương mại. Thuận lợi cũng có và khó khăn cũng nhiều. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, Vụ Pháp chế Bộ Thương mại đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhằm tăng cường công tác pháp chế nói chung và công tác pháp chế của Bộ Thương mại nói riêng, Vụ xin có một số kiến nghị sau:

    1. Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với tổ chức pháp chế các Bộ cũng như giữa các tổ chức pháp chế các Bộ với nhau dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp, đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin về việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giữa các Bộ. Bộ Tư pháp cần chủ trì hệ thống hóa toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là do các Bộ ban hành, nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản.

    2. Bộ Tư pháp cần lưu ý đến việc phân công nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm giao nhiệm vụ chủ trì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như nội dung dự kiến của văn bản quy phạm pháp luật.

    3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần có Quy chế của mình về việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ cụ thể, thực tế của Bộ, ngành mình.

    4. Tăng cường vai trò thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tổ chức pháp chế Bộ, cơ thể cần có quy định nếu văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ và chưa có ý kiến thẩm định của tổ chức pháp chế Bộ thì Bộ Tư pháp sẽ từ chối thẩm định. Quy định như vậy vừa tăng cường vai trò của tổ chức pháp chế Bộ, vừa giúp giảm áp lực công việc cho Bộ Tư pháp.

    5. Bộ Tư pháp trong phạm vi thẩm quyền, khả năng của mình cần tăng cường đào tạo cho cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn ở trong nước, ở nước ngoài.

    6. Bộ Tư pháp cần cung cấp định kỳ các thông tin về pháp luật nước ngoài cho các tổ chức pháp chế Bộ với những lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là các văn bản luật của nước ngoài.

    7. Tăng thời gian tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh cho tương xứng với vai trò, tính phức tạp của văn bản.

    8. Bộ Tư pháp cần phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng cường hỗ trợ tài chính cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

     

     

    thực trạng tổ chức, hoạt động và

    phương hướng củng cố tổ chức pháp chế

    của Bộ xây dựng

     

    Bùi Sỹ Hiển - Vụ Pháp chế

     

    I. Lịch sử hình thành, phát triển

    Cách đây hơn 40 năm, ngày 29 tháng 4 năm 1958, Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng và ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Xây dựng.

    A. Tổ chức Pháp chế giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1984

    Năm 1974, Vụ Pháp chế lần đầu tiên được thành lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Tại Điều 2 Quyết định số 09/CP ngày 15 tháng 01 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, có qui định:

    "...và các cơ quan chức năng trực tiếp thuộc Bộ trưởng và Thứ trưởng thường trực như: Vụ cán bộ, Vụ I, Ban thanh tra, Ban thanh tra an toàn, Vụ tổ chức và cải tiến quản lý, Vụ Pháp chế, Vụ Thông tin tuyên truyền và thi đua, ban điều độ, Cục Giám định xây dựng Nhà nước, Văn phòng.

     

    Các Vụ, Các Ban đều không có phòng; biên chế mỗi Vụ, Ban trên dưới 10 cán bộ. Mỗi Vụ có Vụ trưởng phụ trách, có thể có một Vụ phó giúp việc. Mỗi Ban có Trưởng ban phụ trách..."

    Ngày 29 tháng 5 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định 118/CP về việc sửa đổi một số tổ chức của Bộ Xây dựng, trong đó đã đổi tên Vụ Pháp chế thành Ban Pháp chế. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Pháp chế chính thức được ban hành theo Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 01 tháng 11 năm 1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; bao gồm các nội dung sau:

    1. Về chức năng:

     

    Ban Pháp chế là cơ quan chức năng, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực công tác pháp luật: ban hành văn bản pháp quy, theo dõi tổ chức thực hiện pháp chế, làm tư vấn pháp luật cho Bộ trưởng.

    2. Các nhiệm vụ cụ thể:

     

    2.1 Hệ thống hoá các văn bản pháp luật, pháp quy của Ngành. Giúp Bộ trưởng góp ý kiến về các dự thảo pháp luật do các cơ quan Nhà nước gửi đến.

    2.2 Chuẩn bị để trình Bộ trưởng quyết định Chương trình, kế hoạch về công tác pháp chế, giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đóc thực hiện kế hoạch đó bảo đảm cho pháp luật được ban hành và thi hành thống nhất trong toàn ngành Xây dựng.

    2.3 Giúp Bộ xem lại lần cuối cùng các dự thảo văn bản pháp quy trước khi các Cục, Vụ, Viện và đơn vị trực thuộc trình ký, bảo đảm theo đúng pháp chế của Nhà nước.

    Theo dõi việc ban hành các văn bản pháp quy của các cơ quan trực thuộc Bộ và kiến nghị bổ sung, sửa đổi, huỷ bỏ các văn bản pháp quy của cấp dưới của Bộ khi xét thấy sai về pháp chế.

    2.4 Giúp Bộ trưởng giải quyết các vấn đề pháp chế phát sinh trong khi chỉ đạo và quản lý các lĩnh vực công tác, phổ biến hướng dẫn thi hành pháp luật và tổ chức thực hiện công tác pháp chế ở trong ngành.

    2.5 Cung cấp tài liệu cho Nhà xuất bản xây dựng lập kế hoạch xuất bản các Bộ luật pháp của ngành. Bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ pháp chế cho các Bộ trong ngành.

    3. Về quyền hạn: Trong khi tiến hành nhiệm vụ, Trưởng Ban pháp chế được quyền:

     

    3.1 Tham gia với các Vụ, Viện... trong việc dự thảo các văn bản pháp quy và soát xét lại về mặt pháp chế của các dự thảo đó trước khi Bộ trưởng ký.

    3.2 Yêu cầu các đơn vị trong ngành cung cấp những văn bản pháp quy do các đơn vị ban hành.

    4. Về cơ cấu tổ chức

    Ban pháp chế có Trưởng Ban phụ trách, có một số chuyên viên, cán bộ giúp việc.

    B. Tổ chức Pháp chế giai đoạn từ 1984 đến 1996

    Ngày 12 tháng 9 năm 1984 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị dịnh số 119/HĐBT về việc sắp xếp lại bộ máy giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Trong Nghị định này không còn tên Ban Pháp chế. Một số cán bộ được điều động làm việc tại Văn phòng Bộ.

    Ngày 17/6/1985 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị điịnh số 178/HĐBT về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực nhà nước, với nững nội dung chính như sau:

    Điều 1: Nay quy định tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất , kinh doanh thuộc khu vực nhà nước:

     

    1. Các Bộ, Uỷ ban nhà nước, cơ quan khácc thuộc Hội đồng Bộ trưởng(sau đây gọi tắt là Bộ) có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ Chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ pháp chế.

    Các Bộ có khối lượng công tác pháp chế không lớn mà chưa có Vụ chính sách thì thành lập phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

    2. Các Sở chuyên môn, Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, công ty có chuyên viên pháp lý.

    Điều 2: Các Vụ, phòng pháp chế thuộc các Bộ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng:

    1. Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

    2. Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ trình Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

    3. Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

    4. Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi tổng hợp và phản ánh với Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường phpá chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

    5. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở trung ương.

    Phối hợp với các sở tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

    6. Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

    7. Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng giao.

    Điều 3: Vụ Chính sách và Pháp chế , Vụ Pháp chế hoặc phòng Pháp chế của các Bộ được quyền:

     

    1. Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

    2. Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

    3. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

    4. Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Điều 4: Việc thành lập Vụ pháp chế hoặc Vụ Chính sách và pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập phòng pháp chế do Bộ trưởng do Bộ trưởng quyết định.

    Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được nhà nước giao. Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ Chính sách và phpá chế, Vụ pháp chế hoặc phòng pháp chế.

    Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định.

    Điều 5: Chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các sở chuyên môn,liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, công ty, Xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp có nhiệm vụ giúp thủ trưởng đơn vị:

     

    1. Nghiên cứu có hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của đơn vị; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị.

    2. Làm cố vấn pháp lý cho Thủ trưởng đơn vị; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác thuộc đơn vị trong việc dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền Thủ trưởng đơn vị ban hành.

    3. Theo dõi việc thực hiện pháp luật Nhà nước và các văn bản do Thủ trưởng đơn vị ban hành; phản ánh kịp thời với Thủ trưởng những vi phạm và sơ hở trong việc thực hiện pháp luật, kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong đơn vị mình.

    Điều 6: Chuyên viên pháp lý hoặc cán sự pháp lý ở các sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, công ty, Xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp được quyền:

    1. Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị chuẩn bị trình Thủ trưởng ban hành;kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ sở, bộ phận ấy.

    2. Tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật trong các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị; kiến nghị với Thủ trưởng những biện pháp bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong các cơ sở, bộ phận ấy.

    3. Yêu cầu các chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp trực thuộc báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Tuy nhiên, ở thời điểm đó Bộ Xây dựng cũng chưa có biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện văn bản này

    C. Tổ chức Pháp chế giai đoạn từ năm 1997 đến nay

    Đến tháng 12 năm 1997, căn cứ Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Quyết định số 1045/1997/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15 tháng 12 năm 1997 về việc thành lập và qui định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế. Căn cứ vào nghị định 94/CP ngày 6/9/1997, Thông tư 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997, Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15/12/1997 và Thông tư liên tịch Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ Tư pháp số 302/1997/TTLT/BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 thì chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng như sau:

    1. Chức năng

    Vụ Pháp chế có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành Xây dựng.

    2. Nhiệm vụ và quyền hạn

    2.1. Trong công tác xây dựng pháp luật

    - Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn về các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng (xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà, công trình công cộng và kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị - nông thôn trong cả nước) trình Bộ trưởng quyết định và phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật theo kế hoạch, tiến độ được giao.

    - Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

    - Trực tiếp tổ chức soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ giao.

    - Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước cấp trên, các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

    2.2. Trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL

    - Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành Xây dựng, đề xuất các phương án trình Bộ trưởng xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các kết quả rà soát văn bản QPPL, trình bổ sung, sửa đổi các văn bản thuộc ngành cho phù hợp với pháp luật và yêu cầu quản lý.

    - Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Xây dựng trong việc đề xuất với Bộ trưởng để:

    + Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản QPPL của Nhà nước và của Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.

    + Kiến nghị với bộ trưởng đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật do Bộ, ngành mình ban hành.

    + Đình chỉ thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của uỷ ban nhân dân và Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ, ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình ban hành.

    2.3. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp

    luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

     

    - Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc ngành xây dựng tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng.

    - Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ Xây dựng

    - Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật; tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành Xây dựng. Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành Xây dựng; đề xuất các biên pháp khắc phục.

    3. Quyền hạn và cơ cấu tổ chức

    Trong khi tiến hành nhiệm vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế được quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở thuộc ngành ở địa phương cung cấp những tài liệu và tình hình cần thiêts trong công tác quản lý, xây dựng, thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng.

    - Vụ Pháp chế có Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và một số chuyên viên giúp việc.

    II. Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động và

    vai trò của tổ chức pháp chế Bộ xây dựng trong

    việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước

     

    1/ Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động

    của tổ chức pháp chế Bộ Xây dựng

    Sau khi đất nước được thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác xây dựng cơ bản được mở rộng về phạm vi và quy mô. Trình độ xây dựng được nâng cao, ngành Xây dựng dần dần trở nên một ngành sản xuất lớn, quản lý xây dựng theo lối cũ không còn phù hợp với tình hình mới nữa. Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong xây dựng cần được thống nhất trong cả nước, cần được tăng cường mới quản lý được một ngành sản xuất lớn như vậy.

    Tình hình đó đòi hỏi phải có tổ chức pháp chế giúp Bộ trưởng quản lý công tác ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật ngành Xây dựng. Năm 1974, Vụ Pháp chế lần đầu tiên được thành lập trong cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng theo Quyết định số 09/CP ngày 15 tháng 01 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ, đến năm 1978 được đổi tên thành Ban Pháp chế. Lực lượng pháp chế hầu hết là cán bộ quản lý nhiều nơi tập hợp lại, nhưng đã sớm ổn định tổ chức và bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ do Bộ giao.

    Để tổ chức chỉ đạo công tác pháp chế, Bộ xây dựng đã ban hành các văn bản:

    1. Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế Bộ Thương mại

       

       

      1. Chỉ thị số 21/BXD-PC ngày 28/9/1976 về việc

tăng cường pháp chế trong xây dựng trước tình

hình mới, tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:

- Sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh, công bố và hướng dẫn thực hiện các văn kiện pháp chế hiện hành theo quyền hạn từng cấp;

- Phổ biến rộng rãi, sưu tầm đầy đủ, nắm vững pháp chế trong sản xuất và xây dựng. Người nào, tổ chức nào làm việc gì phải biết đầy đủ, biết chắc các văn kiện pháp chế có liên quan. Bảo đảm điều kiện cho cán bộ biết pháp chế, tra cứu các văn kiện pháp chế thuận tiện. Nơi có nhiều vấn đề pháp chế thì phải có người, có tổ chức chuyên trách nắm pháp chế phục vụ cho chỉ đạo quản lý. Tư liệu pháp chế cần được quản lý có nề nếp, không để mất mát, báo chí, phát thanh thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp chế.

- Nghiêm chỉnh thi hành pháp chế, tìm mọi biện pháp thực hiện pháp chế để đạt kết quả tốt nhất trong sản xuất và quản lý. Phát hiện và xử lý khi pháp chế bị vi phạm.

- Bồi dưỡng trình độ pháp chế cho đơn vị, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế.

- Vấn đề pháp chế trong xây dựng cần trở thành nội dung thường xuyên trong các kỳ kiểm điểm công tác, sơ kết, tổng kết.

- Mỗi đơn vị đều phải có tổ chức pháp chế, nhất là ở các xí nghiệp kinh doanh hạch toán kinh tế và các Viện nghiên cứu. Những đơn vị lớn như Sở xây dựng Hà Nội, Hải phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các Ty xây dựng quản lý lực lượng lao động khoảng năm nghìn người, tổng sản lượng khoảng 25 triệu đồng pgải có một tổ hoặc một phòng pháp chế. Các đơn vị khác thì bố trí cán bộ chuyên trách hay bán chuyên trách. Hệ thống pháp chế từ Bộ đến cơ sở phải hoạt động theo chương trình kế hoạch thống nhất.

1.2. Thông tư số 25/ BXD-PC ngày 29/9/1977 hướng

dẫn về tổ chức và hoạt động của bộ phận pháp

chế ở cơ sở (tổ, phòng, ban hoặc cán bộ chuyên

trách, bán chuyên trách làm công tác pháp chế) với

các vấn đề chính sau đây:

* Chức năng của bộ phận pháp chế ở cơ sở:

- Giúp thủ trưởng trong việc quản lý cơ sở, làm cho mọi hoạt động của cơ sở theo đúng pháp chế và làm tư vấn cho thủ trưởng về các vấn đề pháp chế.

- Giúp thủ trưởng quản lý thống nhất công tác xây dựng các văn bản pháp quy (chức trách, nhiệm vụ công tác; nội quy; quy trình sản xuất, nghiên cứu; biện pháp quản lý các mặt cụ thể) thuộc thẩm quyền cơ sở; hướng dẫn, theo dõi và đôn dốc thi hành pháp luật ở cơ sở.

- Giúp đỡ và tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên chức nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật; bồi dưỡng hiểu biết về pháp chế; trả lời, hướng dẫn cho cán bộ công nhân viên chức ở cơ sở cách giải quyết công việc theo đúng pháp luật của Nhà nước.

* Nhiệm vụ của bộ phận pháp chế ở cơ sở:

- Giúp thủ trưởng chuẩn bị về kế hoạch và biện pháp thi hành các văn bản pháp luật trong cơ sở, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác pháp chế của cấp trên. Trong từng thời gian, đề nghị thủ trưởng tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật và kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý những việc vi phạm pháp luật. Giúp thủ trưởng kiến nghị lên cấp trên giải đáp các vấn đề về pháp luật, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới pháp luật để đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế.

- Giúp thủ trưởng lập chương trình xây dựng các văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền của cơ sở, tổ chức việc phân công nghiên cứu, viết các văn bản đó trong các phòng, ban nghiệp vụ, các bộ phận công tác ở cơ sở.

- Tham gia ý kiến với các phòng ban, các bộ phận trong quá trình dự thảo các văn bản pháp quy; ở các đơn vị có kinh doanh thì chú trọng tham gia ý kiến vào các hợp đồng kinh tế.

- Tham gia ý kiến vào việc hoàn chỉnh văn bản trước khi thủ trưởng ký, bảo đảm cho các văn bản của cơ sở theo đúng pháp chế của Nhà nước.

- Giúp thủ trưởng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp quy mà cấp trên hoặc các cơ quan khác gửi đến hỏi ý kiến.

- Xây dựng và quản lý hồ sơ về pháp chế ở cơ sở, tổ chức sưu tầm, tích luỹ, thống nhất quản lý các văn bản pháp luật của cơ sở. Xây dựng tủ sách pháp lý ở cơ sở. Trích nội dung các văn bản pháp luật có liên quan với cơ sở, viết văn bản giải thích, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện văn bản đó ở cơ sở. Cung cấp tin tức, tình hình, viết bài cho các cơ quan thông tin, báo chí để phổ biến rộng rãi các vấn đề về pháp luật. Giảng bài, nói chuyện về pháp chế ở các trường lớp, các cuộc họp.

- Trả lời, góp ý kiến về các vấn đề pháp luật và gới thiệu văn kiện pháp lý cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ sở khi họ có vấn đề đến hỏi. Bảo vệ cán bộ công nhân viên chức về mặt pháp luật, thực hiện quyền làm chủ tập thể.

- Mỗi lần cơ sở làm báo cáo sơ kết, tổng kết công tác đều cung cấp các nội dung báo cáo pháp chế ở cơ sở để đưa vào báo cáo chung, đồng thời báo cáo về công tác pháp chế cho cơ quan pháp chế cấp trên trực tiếp.

* Quyền hạn của bộ phận pháp chế ở cơ sở

- Được tham dự những cuộc họp của lãnh đạo cơ sở bàn về công tác chung của cơ sở, bàn về các nghiệp vụ công tác, từ đó mà đề nghị các biện pháp lập thành văn bản pháp quy các chủ trương, chỉ thị của cơ quan lãnh đạo, các quyết định cải tiến quản lý ở cơ sở.

- Được dự các cuộc họp khác để nắm tình hình thi hành pháp luật ở cơ sở, từ đó kiến nghị các vấn đề pháp chế cần tiến hành.

- Có thể được thủ trưởng uỷ quyền thay mặt để giải quyết các vấn đề pháp lý theo chức năng quản lý của cơ sở.

- Được liên hệ, phối hợp với các bộ phận khác để giúp thủ trưởng lập và thực hiện chương trình xây dựng văn bản pháp quy của cơ sở, tham gia ý kiến trong quá trình dự thảo và giúp thủ trưởng thẩm tra lần sau cùng trước khi ký ban hành hoặc trình lên cấp trên. Tham gia ý kiến với tổ chức thanh tra trong việc xử lý các việc vi phạm pháp luật ở cơ sở, tham gia ý kiến vào các vấn đề của cơ sở đưa ra Hội đồng trọng tài

- Được liên hệ với tổ chức pháp chế của cơ quan quản lý cấp trên, của cơ quan, cơ sở khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về pháp chế.

- Trực tiếp làm việc, thỉnh thị, báo cáo và kiến nghị với thủ trưởng cơ sở và cơ quan pháp chế cấp trên về các vấn đề pháp chế ở cơ sở. Kiến nghị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế cho cơ sở. Tham gia hoạt động nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học pháp lý và dự các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ theo triệu tập của cơ quan pháp chế cấp trên.

* Về tổ chức pháp chế ở cơ sở: Thông tư số 25/BXD-PC ngày 29/9/1997 nêu rõ:

"Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mỗi cơ sở nên xây dựng bộ phận pháp chế cho phù hợp, tránh cồng kềnh, hình thức, không có tác dụng thiết thực. Vì vậy, cần căn cứ các Chỉ thị của Bộ Xây dựng đã ban hành mà tổ chức bộ phận pháp chế ở cơ sở cho sát tình hình thực tế. Các Sở, ty, Chi cục hướng dẫn cho các cơ sở trực thuộc tổ chức cho phù hợp với điều kiện ở địa phương"

- Chỉ thị số 21-BXD/PC đã vạch rõ: "Những đơn vị lớn như Sở Xây dựng Hà Nội, Hải phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các ty, công ty quản lý lực lượng lao động khoảng 25 triệu đồng thì phải có một tổ chức hoặc một phòng pháp chế. Các đơn vị khác thì bố trí cán bộ chuyên trách hoặc ban chuyên trách."

- Công văn số 1898-BXD/TTr quy định: "Mõi công ty trực thuộc Bộ cần sắp xếp một số cán bộ từ 1 đến 5 cán bộ chuyên trách giúp Chủ nhiệm làm công tác thanh tra và pháp chế. Số cán bộ chuyên trách này tổ chức thành một ban gọi là Ban Thanh tra pháp chế".

- Các phòng, ban, tổ .... nghiệp vụ trong cơ sở cần cử 1 cán bộ chịu trách nhiệm về công tác pháp chế trong phòng, ban, tổ của mình theo hình thức kiêm nhiệm công tác pháp chế. Giữa các cán bộ được giao làm công tác pháp chế cần có sinh hoạt nghiệp vụ thường xuyên với nhau để thống nhất hoạt động theo chương trình công tác pháp chế ở cơ sở.

- Để thực hiện sự quản lý thống nhất chương trình, kế hoạch công tác pháp chế, mỗi cơ sở sau khi lãnh đạo cơ sở quyết định về tổ chức và hoạt động của bộ phận pháp chế, cần báo cáo lên cơ quan quản lý pháp chế cấp trên.

- Làm cho hệ thống nghiệp vụ pháp chế từ trên xuống dưới hoạt động có chương trình thống nhất và ăn khớp với nhau là góp phần quan trọng vào việc thi hành các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Thưc hiện nghiêm chỉnh pháp chế xã hội chủ nghĩa để cải tiến và nâng cao trình độ quản lý và nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao là trách nhiệm của đồng chí Giám đốc và các cán bộ lãnh đạo khác ở cơ sở. Đó cũng là một trong các biện pháp cụ thể để thực hiện quyền làm chủ tập thể mà mọi người đều phải tham gia. Để làm được như vậy, cần thiết phải có tổ chức chuyên trách công tác pháp chế"

Tháng 7 năm 1996, bộ phận pháp chế thuộc Phòng tổng hợp pháp chế-Văn phòng Bộ được hình thành, biên chế 2 chuyên viên với nhiệm vụ chủ yếu là tham gia thẩm định, soát xét về mặt pháp lý các dự thảo văn bản trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành.

Triển khai thực hiện Nghị định 94/CP ngày 6 tháng 9 năm 1997, tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hình thành. Bộ Xây dựng đã thành lập Vụ Pháp chế trên cơ sở tách bộ phận pháp chế thuộc Phòng tổng hợp pháp chế - Văn phòng Bộ và điều động một số cán bộ từ các Cục, Vụ của Bộ.

Để triển khai tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế sau khi được thành lập, Bộ Xây dựng đã bố trí 11 cán bộ lãnh đạo Vụ và các chuyên viên (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, 08 chuyên viên) hầu hết có trình độ đại học và trên đại học luật, đại học kiến trúc, xây dựng và 01 nhân viên hợp đồng dài hạn. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác pháp chế, như:

+ Chỉ thị 01/1998/CT-BXD ngày 12/3/1998 của Bộ trưởng về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong ngành Xây dựng

+ Quyết định số 07/1999/QĐ-BXD ngày 2/2/1999 ban hành Quy chế về soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản QPPL và văn bản cá biệt ngành Xây dựng.

+ Chỉ thị số 13/1998/CT-BXD ngày 20/11/1998 về phổ biến giáo dục pháp luật năm 1999 trong ngành Xây dựng

+ Chỉ thị số 13/1999/CT-BXD ngày 15/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ngành Xây dựng

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các văn bản nêu trên, những năm qua, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ lập Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và đôn đốc việc nghiên cứu soạn thảo; tổ chức nghiên cứu Đề án cải cách hành chính trong ngành xây dựng, Đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp; tổ chức phổ biến Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức kiểm tra việc thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành; thực hiện tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ngành xây dựng từ năm 1976 đến nay; tổ chức nghiên cứu soạn thảo Luật Xây dựng và tham gia góp ý, thẩm định pháp lý đối với các dự thảo văn bản gửi đến; chuẩn bị văn bản của Bộ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp Quốc hội; tổ chức nghiên cứu một số đề tài khoa học phục vụ thực hiện công tác pháp chế.

2. Mối quan hệ giữa tổ chức pháp chế Bộ

Xây dựng với các tổ chức pháp chế của

các đơn vị trực thuộc và với Bộ Tư pháp

Đối với pháp chế cơ sở, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm và bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, phổ biến theo hình thức kiêm nhiệm, bán chuyên trách như ghép vào Ban thanh tra, phòng tổ chức, hành chính hoặc phòng Kế hoạch; doanh nghiệp duy nhất thuộc Bộ Xây dựng có thành lập phòng pháp chế là Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam. Lực lượng pháp chế cơ sở chủ yếu hoạt động theo chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị cơ sở, hầu như không có mối liên hệ công việc với Vụ Pháp chế thuộc Bộ.

Đối với Bộ Tư Pháp, quan hệ giữa Bộ Tư pháp với Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng là quan hệ giữa Bộ quản lý lĩnh vực với tổ chức pháp chế ngành thuộc Bộ chuyên ngành Xây dựng. Mối quan hệ này được xác định bằng các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo về mặt chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế, về chế độ thông tin báo cáo, như: Nghị định 101/ CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 1793/1997/TT-BTP ngày 30 tháng 12 năm 1997 hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn tổ chức cho Pháp chế ngành cử cán bộ tham gia tại các hội nghị, hội thảo về các vấn đề pháp lý có liên quan, về sơ kết, tổng kết công tác theo định kỳ, tham dự các khoá học đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế...

3. Vai trò của tổ chức pháp chế Bộ Xây dựng

trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước

Từ khi được thành lập lại đến nay, Vụ pháp chế Bộ Xây dựng đã từng bước triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế, góp phần tích cực vào việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, thể hiện trên các mặt sau:

3.1. Về công tác xây dựng pháp luật

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính Phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký Quyết định số 07/1999/QĐ-BXD ngày 2/2/1999 ban hành Quy chế về soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản QPPL và văn bản cá biệt ngành Xây dựng. Công tác lập Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, công tác soạn thảo, thẩm định , ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã dần dần đi vào nề nếp theo Quy chế của Bộ. Các Ban soạn thảo dự án Luật Xây dựng và các Nghị định đã được thành lập và hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền; tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định pháp lý hoặc tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản QPPL do các Cục, Vụ, Viện chủ trì soạn thảo và do các Bộ, ngành, địa phương gửi lấy ý kiến, tính trong 3 năm từ 1999 đến 2000, Vụ Pháp chế đã thẩm định pháp lý đối với 112 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo và tham gia ý kiến đối với 217 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương gửi đến.

3.2. Về công tác giáo dục, phổ biến pháp luật

Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-BXD ngày 20/11/1998 về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 1999 trong ngành Xây dựng. Việc triển khai thực hiện tập trung vào các văn bản QPPL về quản lý đầu tư và xây dựng, Luật kiếu nại tố cáo, Luật doanh nghiệp, Nghị quyết số 58/2000/NQ-UBTVQH của UBTV Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1/7/1991 thông qua các hình thức tập huấn, giảng dạy, in gửi tài liệu và viết bài đăng trên các Tạp chí Xây dựng, Báo Xây dựng, Báo Pháp luật...; trong 3 năm 1998- 2000 đã tổ chức 9 lớp tập huấn, giảng dạy các văn bản về quản lý đầu tư và xây dựng, Luật kiếu nại tố cáo, Luật doanh nghiệp, Nghị quyết số 58/2000/NQ-UBTVQH của UBTV Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1/7/1991 ở Hà nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Khánh Hoà, Vĩnh Long, Lai Châu. Quảng Ninh.

3.3. Về công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật

 

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật chưa theo kế hoạch, chưa được duy trì thường xuyên. Để khắc phục tình trạng này, Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký ban hành Chỉ thị số 13/1999/CT-BXD ngày 15/12/1999 về công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ngành Xây dựng, giao cho Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Chánh thanh tra xây dựng lập kế hoạch phối hợp với các Cục, Vụ tổ chức các đoàn kiểm tra, đoàn công tác; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng về tình hình thi hành pháp luật và các kiến nghị xử lý vi phạm, kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL sau khi đã tiến hành các đợt kiểm tra;

Đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật và công tác quản lý ngành tại Sở Xây dựng Hà Nội (tháng 6/2000). Qua kiểm tra đã đánh giá được việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương và tình hình thực hiện pháp luật, đồng thời phát hiện được những bất cập để kiến nghị các cấp có thẩm quyền kịp thời rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đã đi thực tế nắm tình hình thi hành pháp luật ở một số Sở Xây dựng như: Hà Giang, Tuyên Quang... và đã có báo cáo kiến nghị Bộ trưởng.

Đầu năm 2001, đã phối hợp với Vụ quản lý vật liệu xây dựng thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai thực hiện Thông tư 06/2000/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Thủ tướng Chính phủ đối với mặt hàng vật liệu xây dựng. Sau khi được kiểm tra, hướng dẫn, các doanh nghiệp đã khẩn trương sửa đổi, bổ sung nhãn bao bì hàng hoá theo đúng qui định mới.

Đã hướng dẫn các doanh nghiệp như Tổng Công ty xây dựng số 1, Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Công ty xây dựng số 7.... trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế.

3.4. Về công tác rà soát, hệ thống hoá

văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện Quyết định 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo kế hoạch ( 2 năm 1997-1998) về Tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản QPPL, Vụ Pháp chế đã giúp Ban chỉ đạo của Bộ tập hợp các văn bản QPPL ngành Xây dựng do các cơ quan cso thẩm quyền ban hành trong hơn 20 năm (1976-nay). Vụ Pháp chế đã phối hợp với các Cục, Vụ, Viện triển khai nghiên cứu rà soát. Kết quả đã lập được 790 văn bản QPPL theo quy định và 41 văn bản đề nghị ban hành mới, theo các danh mục:

- Danh mục văn bản QPPL đã hết hiệu lực, được thay thế, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ gồm 407 văn bản;

 

- Danh mục văn bản QPPL đề nghị giữ nguyên hiệu lực, gồm 291 văn bản;

 

- Danh mục văn bản QPPL đang còn hiệu lực nhưng có một số quy định cần được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, gồm 89 văn bản và 3 công văn;

 

- Danh mục văn bản QPPL đề nghị ban hành mới, gồm 41 văn bản.

 

Trên cơ sở kết quả Tổng rà soát và hệ thống hoá 861văn bản QPPL ngành Xây dựng ban hành từ 2/7/1976 đến 31/12/1999, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định 06/1999/QĐ-BXD ngày 28/1/1999 bãi bỏ 44 văn bản QPPL có nội dung không còn phù hợp với thực tế; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 21/2000/QĐ-BXD ngày 25/10/2000 công bố danh mục 327 văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng hết hiệu lực thi hành và thường xuyên tổ chức rà soát các văn bản QPPL kể cả các văn bản QPPL mới ban hành để xử lý theo thẩm quyền; Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao rà soát, chấn chỉnh việc ban hành các văn bản về quản lý chất lượng công trình xây dựng và kinh tế xây dựng;

3.5. Các công tác khác

Trong khi xây dựng các văn bản QPPL về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý nhà và kiến trúc, quy hoạch...thời gian qua, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các Cục, Vụ tham mưu với Bộ tập trung cải cách các thủ tục hành chính trong việc bỏ các loại giấy phép, chứng chỉ; Đơn giản hoá các thủ tục, hồ sơ về thẩm định, xét duyệt dự án đầu tư, thiết kế, tổng dự toán công trình xây dựng theo hướng giảm thiểu thể chế hành chính, thay vào đó là các thể chế dân sự nhằm khuyến khích phát huy tối đa mọi nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, đồng thời vẫn bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Thực hiện Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Vụ Pháp chế đã phối hợp với Vụ Tổ chức, lao động giúp Bộ chuẩn bị Đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp của Bộ . Đến nay Đề án đã được hoàn thành trình Chính phủ, trong đó đã rà soát, đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước 5 lĩnh vực ngành Xây dựng: xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà, quy hoạch, kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn; kiến nghị sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, định hướng tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp của Bộ Xây dựng, phân công, phân cấp quản lý Nhà nước ngành Xây dựng đối với các Bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các yêu cầu cải cách hành chính mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Đồng thời với nghiên cứu sắp xếp bộ máy quản lý nêu trên, một dự án sự nghiệp kinh tế nghiên cứu chương trình xây dựng khung pháp luật các lĩnh vực ngành Xây dựng cũng đã được triển khai, bảo đảm tính đồng bộ trong cải cách hành chính cả về thể chế và bộ máy quản lý.

Có thể nói, cho đến nay các mặt hoạt động pháp chế ở Bộ Xây dựng đã và đang được triển khai đầy đủ theo quy định của Nghị định 94/CP ngày 6 tháng 9 năm 1994 phục vụ đắc lực và ngày càng phát huy tác dụng việc thực hiện chức năng quản lý ngành Xây dựng

III. phương hướng và giải pháp kiện toàn

tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt

động của tổ chức pháp chế bộ xây dựng

Qua lược lại lịch sử hình thành và đánh giá vai trò của tổ chức pháp chế Bộ Xây dựng, có thể khẳng định trong quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành không thể thiếu vắng tổ chức pháp chế trong cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc Bộ trưởng, nhất là trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.

Ngay từ năm 1985(ngày 17/6), Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực nhà nước, trong đó qui định: "Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ Chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế. Các Bộ có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ Chính sách và Pháp chế thì thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng." (Điều 1)

Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ tiếp tục khẳng định: "Tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức pháp chế Bộ) có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao..." (Điều 1)." Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực công tác trong cả nước có Vụ Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế." (Điều 3).

Căn cứ Nghị định số 94/CP nêu trên và Quyết định số 1045/1997/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15 /12/1997 thành lập và qui định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế.

Hiện nay, theo Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Bộ Xây dựng đã chuẩn bị Đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế hành chính sự nghiệp của Bộ, đến nay Đề án đã được hoàn thành trình Chính phủ, trong đó có phần kiến nghị sửa đổi cơ cấu bộ máy tổ chức giúp việc Bộ trưởng. Đối với Vụ Pháp chế, Đề án đã nêu 3 phương án sau đây:

Phương án 1- Giữ nguyên Vụ Pháp chế trong cơ cấu bộ máy giúp việc Bộ trưởng.

Đối với công tác pháp chế, ngoài việc tập trung lập kế hoạch xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản và tổ chức phổ biến, kiểm tra thực hiện pháp luật, nên tập trung đầu mối tổ chức soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Vụ Pháp chế, các Cục, Vụ khác theo chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đây là xu hướng phù hợp với yêu cầu mới hiện nay trong việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

Phương án 2 - Sáp nhập Vụ Pháp chế vào Văn phòng Bộ, thành lập Phòng pháp chế hoặc ghép vào Phòng tổng hợp thành Phòng tổng hợp-pháp chế xây dựng thuộc Văn phòng Bộ, thực hiện các chức năng của Vụ Pháp chế. Một số chuyên viên của Vụ Pháp chế sẽ được điều động vào các Cục Vụ để hỗ trợ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị đó.

Vụ Pháp chế có chức năng tổng hợp lập kế hoạch biên soạn văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định các văn bản và tham gia ý kiến, phổ biến văn bản qui phạm pháp luật, tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Công việc này gắn liền với hoạt động của Văn phòng, nên bổ sung cán bộ pháp chế cho các Vụ để gắn với chuyên ngành khi biên soạn các văn bản quản lý. ở bộ phận pháp chế thuộc Văn phòng Bộ cần bố trí 5-6 người.

Phương án 3 - Hợp nhất Vụ pháp chế và Vụ Chính sách xây dựng thành Vụ Pháp chế và Chính sách xây dựng. Ngoài việc giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế, các chuyên viên Luật sẽ có điều kiện trực tiếp soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy, cũng còn có hạn chế, vì Vụ Chính sách xây dựng chỉ được giao giúp Bộ trưởng quản lý lĩnh vực xây dựng (là một trong 5 lĩnh vực của Bộ Xây dựng: Xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý nhà, kiến trúc quy hoạch và công trình công cộng). Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997,Thông tư 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế ngành cũng phù hợp với Thông tư liên tịch 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ Tư pháp giải thích Nghị định 94/CP ghi rõ: " TRong trường hợp đã thành lập tổ chức pháp chế ghép ( Như Vụ Pháp chế- tổng hợp; Vụ Thanh tra -pháp chế; Vụ Chính sách - pháp chế; Phòng pháp chế - tổng hợp trực thuộc Văn phòng Bộ v.v....). thì nay tách lĩnh vực pháp chế riêng và tổ chức lại theo quy định tại điểm 1 của Mục này. Đồng thời, cũng phải có phương án tổ chức đối với lĩnh vực công tác trước đây đã ghép với tổ chức pháp chế theo hướng giao cho các tổ chức hiện có đảm nhiệm lĩnh vực công tác đó; nếu cần phải có tổ chức riêng đảm nhiệm lĩnh vực công tác này, thì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định").

Theo chúng tôi, tổ chức pháp chế độc lập trong cơ cấu tổ chức của mỗi Bộ là cần thiết và hợp lý. Điều đáng lưu ý là với 3 nhiệm vụ mà Nghị định 94/Cp giao cho tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ như vậy là quá đầy đủ và rõ ràng (Trong công tác xây dựng pháp luật, trong công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản, trong phổ biến giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật). Đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật Lãnh đạo Bộ có thể giao tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo toàn bộ văn bản pháp luật của Bộ, song Bộ cũng có thể giao các Cục, Vụ chuyên môn chủ trì soạn thảo các văn bản đó, một số văn bản có thể giao tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo. Việc cơ bản là tổ chức pháp chế phải chịu trách nhiệm hoàn thành việc thẩm định pháp lý toàn bộ những văn abnr pháp luật trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành. Vai trò của Tổ chức pháp chế Bộ đã khẳng định ở phần trên. Vấn đề giữ nguyên ở cấp Vụ độc lập hay hợp nhất vào Vụ khác, cần cân nhắc để phát huy một cách ổn định hết vai trò của tổ chức pháp chế trong việc góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của Bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật đó trong thực tế, chứ không phải tách - nhập tuỳ tiện theo ý kiến chủ quan. Hơn nữa, báo cáo chính trị tại Đại hội TW -9 nêu rõ : " Nhà nước ta là một trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của nhân, do dân và vì dân". Vì vậy, vai trò của tổ chức pháp chế độc lập lại càng rõ hơn bao giờ hết.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế; Chính phủ cần có văn bản về củng cố, tăng cường tổ chức lại các tổ chức pháp chế địa phương và pháp chế ở các cơ sở trực thuộc Bộ, ngành cũng có tổ chức pháp chế ( phòng, ban, tổ ....) tạo thành mạng lưới tổ chức pháp chế từ TW đến địa phương, từ cấp ngành đến cấp cơ sở trực thuộc bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

 

Báo cáo về tổ chức, hoạt động

và phương hướng củng cố tổ chức

pháp chế của Bộ Giao thông vận tải

 

TS. Trịnh Minh Hiền

Chuyên viên chính, Vụ Pháp chế - Vận tải

 

 

Xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra. Để đạt được mục tiêu đó, xây dựng và củng cố hoạt động của các tổ chức pháp chế chuyên ngành là một trong những biện pháp hữu hiệu cần phải được thực hiện một cách khoa học và có hiệu quả.

Bản báo cáo này sẽ đề cập đến việc tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải, thực trạng và phương hướng kiện toàn tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Lịch sử hình thành và phát triển của

tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải

  1.  

     

    của Bộ Giao thông vận tải

    1. Lịch sử hình thành và phát triển

Ngày 28-8-1945, bằng Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ Giao thông công chính ( tiền thân của Bộ Giao thông vận tải ) là một trong 12 Bộ đầu tiên đã được thành lập sau khi cách mạng tháng Tám thành công. Nhiệm vụ của Bộ là thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chính và giao thông.

Ngày 20-9-1955, phiên họp thứ 2 của Quốc hội đã có Nghị quyết tách Bộ Giao thông công chính ra làm 2 Bộ: Bộ Giao thông bưu điện và Bộ Thuỷ lợi kiến trúc. Bộ Giao thông bưu điện phụ trách các ngành vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường bộ và bưu điện.

Ngày 21-2-1961, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 25/NQ/NQH phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 14-2-1961, tách bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, lập Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải phụ trách các ngành vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển theo Nghị định số 160/CP ngày 9/10/1961 của Hội đồng Chính phủ.

 

 

Ngày 31-3-1990, Hội đồng Nhà nước ra Quyết định số 24/NQ/HĐNN đổi tên Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Hàng không dân dụng, Tổng cục Bưu điện vào Bộ Giao thông vận tải. Chức năng của Bộ lúc này là thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đường biển, đường bộ, đường sông, đường hàng không và bưu chính viễn thông.

Ngày 26-10-1992, Chính phủ có Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện, trực thuộc Chính phủ. Sau khi có Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chính phủ đã ra Nghị định số 22/CP ngày 22-3-1994 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu bộ máy của Bộ Giao thông vận tải.

Từ năm 1995 - 1996 đến nay, sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng thuộc Chính phủ lại được tái thành lập và chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không lại được trả về cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Bộ trở lại tên gọi Bộ Giao thông vận tải với chức năng quản lý Nhà nước về giao thông và vận tải đường sắt, đường biển, đường bộ và đường sông trong phạm vi cả nước.

Trong cả quá trình hình thành và phát triển, tuy tên gọi có thay đổi và chức năng nhiệm vụ cũng thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, nhưng phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải là rất rộng và bao gồm nhiều chuyên ngành giao thông vận tải khác nhau. Mỗi ngành giao thông và vận tải đều rất cần các luật lệ để điều chỉnh các quan hệ về đi lại, đỗ vượt, cơ sở hạ tầng, vận chuyển v.v... Điều này đòi hỏi phải có sự tổ chức sắp xếp bộ máy một cách khoa học và thích hợp thì mới có thể đáp ứng nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao cho ngành.

 

  • Lịch sử hình thành và phát triển của

 

tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải

Có thể nói, trong tổ chức bộ máy của các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước của Việt Nam, đặc biệt là tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải, tổ chức pháp chế là một trong những tổ chức được thành lập sớm nhất. Tuy cũng phải trải qua nhiều bước thăng trầm, lúc mạnh mẽ, lúc nhỏ nhoi, lúc độc lập, lúc ghép, nhưng trong suốt quãng thời gian trên 55 năm đã qua, tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải vẫn luôn luôn cùng tồn tại, phát triển và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của ngành Giao thông vận tải và đã đóng góp công sức của mình cho việc thể chế kịp thời, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần cho giao thông vận tải thông suốt và hoạt động theo một khuôn khổ pháp lý nhất định. Vì vậy pháp chế Bộ Giao thông vận tải có quyền tự hào đã đóng góp công sức của mình trong thành quả chung mà toàn ngành và toàn xã hội đã đạt được trong quãng thời gian qua.

Chính thức ngày 13-4-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký và công bố Sắc lệnh số 50, trong Sắc lệnh này đã quy định tổ chức tiền thân của Vụ Pháp chế ngày nay là Ty Tố tụng và pháp chế - một trong 5 cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải. Sắc lệnh này cũng quy định Ty Tố tụng và pháp chế gồm 2 phòng: phòng Tố tụng và phòng Pháp chế. Nhiệm vụ của phòng Pháp chế là: sưu tập các luật lệ quy tắc cũ để khảo cứu và khởi thảo luật lệ quy tắc mới; xét và thảo các dự án quyết định, nghị định, sắc lệnh v.v...

Ngày 14-7-1952, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính đã ký Nghị định số 117-ND về tổ chức Bộ Giao thông vận tải, trong đó không có tổ chức pháp chế riêng. Nhiệm vụ pháp chế được giao cho Văn phòng Bộ đảm nhiệm.

Sau hoà bình lập lại, Ban Pháp chế Bộ lại được thành lập, với chức năng nhiệm vụ: xây dựng pháp luật; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra việc thi hành pháp luật; nghiên cứu khoa học pháp lý và đào tạo cán bộ pháp chế; xây dựng công tác pháp chế.

Ngày 19-7-1978, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 180/CP cho phép Bộ Giao thông vận tải chuyển Ban Pháp chế thành Vụ Pháp chế. Trong số 11 nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế còn có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng trong việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực an toàn giao thông, tổ chức việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế trong toàn ngành...

Ngày 12-5-1990, bằng Nghị định số 151-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định thành lập 7 Vụ quản lý tổng hợp và 4 Vụ quản lý chuyên ngành ( trong số đó có Vụ Vận tải). Với 11 Vụ tham mưu không có tên Vụ Pháp chế nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được quyền quyết định thành lập một số cơ quan giúp việc khác nên Bộ trưởng đã ký văn bản thành lập Ban Pháp chế.

Do yêu cầu sắp xếp lại tổ chức và tinh giảm biên chế nên ngày 4-1-1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định số 012 QĐ/TCCB-LĐ sáp nhập Vụ Vận tải vào Ban Pháp chế để tổ chức thành Vụ Pháp chế và Vận tải. Nhiệm vụ của Vụ Pháp chế và Vận tải bao gồm cả lĩnh vực pháp chế, quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông.

Ngày 22-3-1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/CP về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải. Căn cứ vào văn bản này, Vụ Pháp chế là 1 trong 8 cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởngvà một số Vụ quản lý chuyên ngành khác đã bị xoá bỏ.

Xuất phát từ tình hình thực tế là Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông và vận tải, nên chức năng nhiệm vụ của Vụ Pháp chế vẫn phải đi sâu tham mưu giúp việc Bộ trưởng để quản lý các chuyên ngành giao thông, vận tải trong phạm vi cả nước. Do đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 2153 QĐ/TCCB-LĐ ngày 15-8-1996 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tổ chức của Vụ Pháp chế và Vận tải. Ngoài các nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị định 94/CP ngày 6-9-1997 về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Vụ Pháp chế và Vận tải còn có nhiệm vụ tham mưu để giải quyết các công việc liên quan đến quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông vận tải, như: xây dựng và tổ chức xây dựng các văn bản để quản lý vận tải mang tính chất chung; tổng hợp, cân đối phát triển các ngành vận tải bằng việc thể chế thành văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải chung không do các Cục quản lý chuyên ngành thực hiện; xây dựng các đề án có liên quan đến an toàn giao thông; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vận tải, cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải theo sự phân công của lãnh đạo Bộ; tham gia xây dựng các Hiệp định, Nghị định thư liên vận quốc tế, tham dự các đoàn đàm phán, các hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực vận tải; thực hiện chức năng là đầu mối thường trực giúp lãnh đạo Bộ tập hợp tình hình và chỉ đạo thường xuyên hoặc đột xuất một số mặt công tác trọng tâm thuộc lĩnh vực vận tải và an toàn vận tải. Tham mưu trong lĩnh vực an toàn giao thông thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là đề xuất các biện pháp để tăng cường quản lý trong công tác đào tạo người lái tầu, lái xe, quản lý chất lượng phương tiện để đảm bảo an toàn cho người và xe, trong lĩnh vực đảm bảo cầu đường, và đặc biệt là lĩnh vực tuyên truyền thực hiện pháp luật về an toàn giao thông.

Biên chế của Vụ Pháp chế - Vận tải là 16 người, nhưng hiện nay Vụ chỉ có 15 thành viên. Một nửa số thành viên của Vụ đã tốt nghiệp đại học luật là bằng đại học thứ hai sau đại học chuyên ngành giao thông vận tải.

Cụ thể: về trình độ luật học: có 1 thạc sỹ luật, 5 cử nhân luật và 2 người đang học đại học luật tại chức; về trình độ chuyên ngành: có 2 tiến sỹ kinh tế vận tải, 1 thạc sỹ kinh tế vận tải, 10 kỹ sư kinh tế vận tải. Số cán bộ còn lại có nhiều người đã qua các lớp tập huấn nghiệp vụ pháp lý ngắn hạn.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng như lãnh đạo Vụ khuyến khích các anh chị em đã có bằng đại học chuyên ngành giao thông vận tải có điều kiện đi học thêm đại học tại chức về luật, khuyến khích, động viên tất cả anh chị em học sử dụng máy vi tính, ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ ... Do đó, nói chung các thành viên của Vụ đều đã được đào tạo cơ bản, tất cả đều tự sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, đa số sử dụng được một ngoại ngữ, một số sử dụng được hai ngoại ngữ.

Tuy nhiên, với xu thế đi lên của xã hội và toàn cầu hoá nền kinh tế, trình độ của các thành viên trong Vụ còn cần phải được nâng lên rất nhiều mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động

của tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận

tải. Vai trò của tổ chức pháp chế Bộ Giao

thông vận tải trong việc thực hiện chức

năng quản lý Nhà nước của Bộ.

 

  • Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động

 

của tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải.

a. Về tổ chức:

 

Như trên đã nêu, Vụ Pháp chế - Vận tải là một Vụ ghép giữa cơ quan tham mưu tổng hợp ( Ban Pháp chế ) và Vụ tham mưu chuyên ngành ( Vụ Vận tải ). Do tính chất của công việc nên chức năng của Vụ Pháp chế - Vận tải cũng bao gồm cả chức năng pháp chế và chức năng quản lý vận tải, trong đó có cả chức năng nhiệm vụ về an toàn giao thông.

Căn cứ Nghị định số 94/CP của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chưa hoàn toàn thực hiện quy định có một Vụ Pháp chế độc lập. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho công tác pháp chế của Vụ chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mỗi thành viên của Vụ phải đảm nhiệm cả hai hoặc cả ba nhiệm vụ pháp chế, quản lý vận tải và an toàn giao thông, do vậy công việc rất bận, rất nhiều, và rất rộng nên không thể đồng thời thực hiện được thật tốt tất cả các nhiệm vụ.

b. Về hoạt động:

* Công tác pháp chế:

+ Xây dựng pháp luật:

- Hàng năm, Vụ Pháp chế - Vận tải đều tập hợp chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trình Văn phòng Chính phủ tập hợp, đồng thời theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đã được duyệt.

- Thẩm định các dự thảo văn bản do các Cục quản lý chuyên ngành soạn thảo trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành hay trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt các dự án Luật, Pháp lệnh, Bộ trưởng đều giao cho Vụ chủ trì tổ chức xây dựng, thực hiện các bước theo trình tự do luật định.

- Chủ trì hoặc tham gia ý kiến với các Vụ tham mưu khác soạn thảo ý kiến đóng góp của Bộ cho các văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ hay các Bộ ngành khác gửi lấy ý kiến.

- Tham gia vào việc soạn thảo và đàm phán, ký kết các hiệp định song phương, đa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Chỉ tính từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP ngày 23-9-1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành

Cụ thể:

- Trong số 4 Dự án Luật chuyên ngành là: Luật Đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thuỷ nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì Vụ Pháp chế - Vận tải đều là cơ quan chủ trì, tham mưu chính cho Lãnh đạo Bộ để tổ chức xây dựng, bảo vệ thông qua các cấp trong đó có việc thông qua trước Quốc hội. Ngày 29-6-2001, Quốc hội đã thông qua Luật Giao thông đường bộ Việt Nam và ngày 12-7-2001, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 07/2001/L/CTN công bố Luật này. Ba Dự án Luật còn lại đang được Ban soạn thảo của Bộ tích cực chuẩn bị lấy ý kiến các Bộ ngành, xin thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến công việc này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2001.

- Khoảng 17 Nghị định của Chính phủ, 7 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Khoảng 130 Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng được ban hành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải.

Trong số các văn bản nói trên, một số do Vụ Pháp chế - Vận tải trực tiếp soạn thảo, đa số do Vụ tham gia xây dựng ngay từ ban đầu cùng với các Cục, Vụ có liên quan và hầu hết các văn bản này đều do Vụ thẩm định để trình lên các cấp có thẩm quyền ban hành.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP, Vụ Pháp chế - Vận tải đã soạn thảo để trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 3163/1997/QĐ-BGTVT ngày 22-10-1997 ban hành Quy chế xây dựng và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngành Giao thông vận tải.

Căn cứ vào Quyết định này, mọi văn bản quy phạm pháp luật trước khi Lãnh đạo Bộ ký ban hành hoặc ký gửi cơ quan khác ban hành đều phải được Vụ Pháp chế - Vận tải thẩm định về tính hợp pháp của văn bản. Tuy nhiên trong thực tế công việc này chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Có một số trường hợp ban soạn thảo trình văn bản quy phạm pháp luật thẳng lên Lãnh đạo Bộ để ký ban hành, không gửi Vụ Pháp chế -Vận tải để thẩm định theo quy định. Điều này đã làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng văn bản của Bộ và có những văn bản đã bị trả lại vì thiếu thủ tục pháp lý theo luật định và như vậy cũng đã làm ảnh hưởng đến tổ chức pháp chế ngành.

Ngoài việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành mình, Vụ Pháp chế Vận tải còn cử thành viên tham gia vào ban soạn thảo nhiều dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định do các Bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo, như: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Hải quan, Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật về các vùng biển Việt Nam, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tầu biển, Pháp lệnh về Thủ đô, Nghị định về quản lý các di sản văn hoá dưới nước ở Việt Nam v.v...

Vụ Pháp chế - Vận tải đã tích cực tham gia vào việc soạn thảo và đàm phán, ký kết hầu hết các hiệp định song phương hoặc đa phương về vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

+ Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật:

- Thực hiện Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 28-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ban hành giai đoạn 1976 - 1996, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật đồng thời giao nhiệm vụ cho Vụ Pháp chế - Vận tải chủ trì phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành và các Vụ tham mưu khác để thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở đề nghị của Vụ, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, trong đó phân loại rõ: văn bản còn hiệu lực thi hành, văn bản cần huỷ bỏ, văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, Vụ cũng đã tham mưu, soạn thảo văn bản và được Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 813/2000/QĐ-BGTVT ngày 5-4-2000 về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ.

Tuy nhiên, công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chưa được Vụ Pháp chế Vận tải chú trọng đúng mức và thực hiện thường xuyên. nên thực tế không thể khẳng định các văn bản này còn vấn đề gì cần phải xây dựng bổ sung để cho hệ thống pháp luật của ngành Giao thông vận tải hoàn toàn đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước.

Một trong những đòi hỏi của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong quá trình tiến tới gia nhập các tổ chức này hoặc tiến đến hội nhập khu vực và quốc tế - đó là vấn đề minh bạch hoá luật pháp trong nước. Nếu công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản pháp luật thực hiện không đầy đủ, đúng mức thì chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Việc kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật hoặc chồng chéo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực giao thông vận tải là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải đã được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về lĩnh vực này, trong thời gian qua, Vụ Pháp chế - Vận tải chưa thực hiện tốt việc đề xuất để tham mưu trình lãnh đạo Bộ có văn bản để xử lý hoặc để Bộ trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Một nhiệm vụ cần thiết phải làm và Vụ Pháp chế - Vận tải cũng đã chỉ đạo để thực hiện là pháp điển hoá các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giao thông vận tải. Vì vậy các Cục quản lý chuyên ngành, đặc biệt là ngành hàng hải, đã biên tập và xuất bản được nhiều sách pháp luật. Các Cục chuyên ngành khác như Đường bộ, Đường sông, Đường sắt đều có các tập văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển hoá của ngành mình được xuất bản để phục vụ cho việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật và để cho mọi người quam tâm có thể nghiên cứu, tra cứu, viện dẫn, thực hiện.

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật:

Vụ Pháp chế - Vận tải đã kết hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài ngành để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo, viết báo, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin, giảng dạy v.v... Tuy nhiên, các hình thức hiện nay còn đơn điệu, chủ yếu là báo cáo, phổ biển mỗi khi có văn bản quy phạm pháp luật mới....Nhìn chung, công tác này chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có biện pháp, hình thức sinh động để thực hiện.

- Kiểm tra việc thực hiện pháp luật:

Vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật bằng các hình thức trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng công văn... với các Cục quản lý chuyên ngành, các Hiệp hội chuyên ngành và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra các cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện pháp luật chưa được Vụ chủ động tiến hành. Có thể xuất phát từ quan điểm cho rằng hiện nay các doanh nghiệp đã bị quá nhiều đoàn của các ngành khác đến kiểm tra nên không muốn làm phiền doanh nghiệp thêm nữa. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Vụ và các cơ quan liên quan cũng chưa thật chặt chẽ, nên trong thanh tra ít khi có thành viên của Vụ Pháp chế - Vận tải tham gia.

Vụ chưa tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong nước. Hàng năm có tổ chức Hội nghị về vận tải. Trong Hội nghị này chủ yếu là giải quyết những vướng mắc về thể chế, đánh giá chất lượng các văn bản và bàn về những vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung và xây dựng thể chế mới thành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới để phục vụ kịp thời cho sản xuất kinh doanh và quản lý. Còn việc kiểm tra thi hành pháp luật về giao thông vận tải cũng phải thẳng thắn mà nhận thấy rằng công tác này của Vụ chưa được chú trọng và chưa được thực hiện thường xuyên như quy định.

* Công tác quản lý Nhà nước về vận tải

 

Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực pháp chế , Vụ Pháp chế - Vận tải còn thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vận tải.

Cụ thể:

+ Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vận tải, cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải theo sự phân công của lãnh đạo Bộ;

+ Tham gia xây dựng các Hiệp định, Nghị định thư liên vận quốc tế; tham dự các đoàn đàm phán, các hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực vận tải;

+ Thực hiện chức năng là đầu mối thường trực giúp lãnh đạo Bộ tổng hợp tình hình và chỉ đạo thường xuyên hoặc đột xuất một số mặt công tác trọng tâm thuộc lĩnh vực vận tải.

Trong lĩnh vực tham mưu cho Bộ trưởng để quản lý Nhà nước về vận tải, trong đó tham mưu giải quyết các vụ việc phát sinh hàng ngày có một khối lượng lớn công việc. Những công việc này có rất nhiều sắc thái khác nhau, không theo một kiểu mẫu nào mà lại cần phải được tham mưu chính xác, giải quyết kịp thời để phục vụ các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động đảm bảo thực hiện theo đúng pháp luật. Vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, đặc biệt là đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, vẫn còn nhiều vướng mắc giữa quản lý Nhà nước và việc kinh doanh của doanh nghiệp mà hiện tại chưa có biện pháp khắc phục vì nhiều người không hiểu và không đồng quan điểm rằng hoạt động vận tải không đơn thuần như những hoạt động kinh doanh khác. Nó luôn luôn động, luôn luôn tiểm ẩn nguy cơ xẩy ra tai nạn, mang tính an toàn xã hội, an toàn giao thông, đặc biệt an toàn cho con người - một loại hàng hoá đặc biệt.

* Công tác tham mưu trong lĩnh vực an toàn giao thông

 

Đây là một công việc hết sức khó khăn trong tình hình chung của một đất nước khi hầu hết người dân chưa có đầy đủ ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Mặt khác công tác này Vụ giao cho một Phó Vụ trưởng sau đó đồng chí này lại được giao kiêm Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, mà công việc của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cũng rất nhiều và rất bận. Do đó trong thực tế công tác an toàn giao thông Vụ cũng chỉ mới thực hiện trên các văn bản Chỉ thị, Nghị quyết..., các đề án để chỉ đạo mà chưa có phương thức hoạt động cụ thể. Một số công tác có liên quan đến nhiệm vụ này cũng chỉ nặng ở " bề nổi " như tổ chức hội thảo, thi lái tầu lái xe giỏi, thi tìm hiểu về pháp luật an toàn giao thông v.v... Vì vậy hiệu quả vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra là giảm hoặc kìm chế tai nạn giao thông gia tăng.

Để hoạt động của Vụ có hiệu quả, trong khi Vụ không được chấp nhận có tổ chức thành các phòng nên Vụ phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo nhóm: đường biển, đường sắt, đường bộ, đường sông và tổng hợp. Các nhóm này giải quyết cả ba lĩnh vực pháp chế, vận tải, an toàn giao thông liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của mình.

Có thể nói, trong công tác pháp chế, nhiệm vụ xây dựng pháp luật được Vụ Pháp chế - Vận tải tập trung thực hiện nên kết quả nhìn chung là tốt. Nhiệm vụ còn lại của pháp chế đã được quy định trong Nghị định 94/CP thì Vụ đã có nhiều cố gắng, nhưng vì đầu tư thời gian có hạn để thực hiện nên kết quả còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được mong muốn.

Một trong những lý do khách quan là do Vụ Pháp chế - Vận tải hiện nay đang là một Vụ ghép, biên chế chưa đủ, tham mưu giải quyết nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, do kinh phí cho một số hoạt động cần thiết của Vụ để phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật, tổ chức hội nghị v.v... còn hạn hẹp nên cũng ảnh hưởng đến kết quả công việc. Tuy nhiên lý do chủ quan là Vụ cũng chưa thật sự tập trung để giải quyết những công tác khác như đã tập trung giải quyết công tác xây dựng pháp luật - một công tác cấp bách trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý của Nhà nước ta.

 

  • Vai trò của tổ chức pháp chế

 

trong việc thực hiện chức năng

quản lý nhà nước của Bộ

Vụ Pháp chế - Vận tải hoạt động trên cơ sở thực hiện các Quyết định của Bộ: số 2153QĐ/TCCB-LĐ ngày 15-8-1996 ban hành bản quy định chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế cán bộ của Vụ; số 3163/1997/QĐ-BGTVT ngày 22-10-1997 ban hành quy chế xây dựng và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngành giao thông vận tải. Trong số các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải đã được ban hành, không ít thì nhiều đều có công lao đóng góp của các thành viên trong Vụ dưới mọi hình thức: trực tiếp soạn thảo, tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến, thẩm định v.v... Có thể nói, Vụ đã thực sự trở thành một cơ quan tham mưu về pháp lý cho Lãnh đạo Bộ. Hay nói cách khác, Vụ như một cơ quan tư vấn pháp luật cho Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình.

Mối quan hệ giữa tổ chức pháp chế

Bộ với các tổ chức pháp chế của các

đơn vị trực thuộc và với Bộ Tư pháp

1. Với các tổ chức pháp chế của các đơn vị trực thuộc

Qua Sơ đồ tổ chức bộ máy Bộ Giao thông vận tải, có thể thấy Bộ Giao thông vận tải bao gồm:

- Các tổ chức giúp việc Bộ trưởng: là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ;

- Các tổ chức quản lý chuyên ngành: bao gồm các Cục quản lý chuyên ngành, có tư cách pháp nhân;

- Các tổ chức sự nghiệp: gồm các trường, viện nghiên cứu, Sở ý tế, báo Giao thông vận tải;

- Các tổ chức sản xuất kinh doanh: gồm đủ các loại hình doanh nghiệp, từ Liên hiệp đến Tổng công ty 91, Tổng công ty 90, Công ty 500 và các công ty khác. Riêng Liên hiệp Đường sắt Việt Nam vừa là một tổ chức sản xuất kinh doanh, vừa đảm nhiệm một số chức năng quản lý.

Tại các tổ chức nói trên, công tác pháp chế có thể do Ban, Phòng Pháp chế đảm nhiệm ( như tại Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ), có thể do một tổ chức ghép thực hiện ( như Ban Thanh tra - Pháp chế của Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, Ban Giá và thể chế của Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông ), có thể phân công cho một số cán bộ phụ trách v.v... Tuy nhiên, ở những tổ chức không có tổ chức pháp chế độc lập hoặc ghép, đặc biệt nếu đó là các Cục quản lý chuyên ngành, thì công tác pháp chế đã không đạt được hiệu quả như mong muốn ( ví dụ như Cục Đường bộ Việt Nam không có Ban Pháp chế mà chỉ có cán bộ học trường luật được biên chế vào các ban chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ).

Mối quan hệ giữa Vụ Pháp chế - Vận tải và các tổ chức pháp chế của các đợn vị trực thuộc được quy định trong các Quyết định của Bộ số 2153QĐ/TCCB-LĐ ngày 15-8-1996 ban hành bản quy định chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tổ chức của Vụ và số 3163/1997/QĐ-BGTVT ngày 22-10-1997 ban hành quy chế xây dựng và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngành giao thông vận tải.

Theo các quy định này, Vụ Pháp chế - Vận tải là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực pháp lý chuyên ngành. Khi được giao nhiệm vụ góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác soạn thảo, Vụ thường lấy ý kiến của các Cục quản lý chuyên ngành, các Hiệp hội, các Tổng công ty 91, 90 có liên quan. Ngược lại, khi các cơ quan, đơn vị cần xin ý kiến hoặc tham khảo ý kiến của Vụ, thì Vụ đều nghiên cứu trả lời đầy đủ với tinh thần trách nhiệm và chất lượng cao.

2. Đối với Bộ Tư pháp:

 

Vụ Pháp chế Vận tải có một mối quan hệ mật thiết với Bộ Tư pháp. Trước khi Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình cơ quan có thẩm quyền về một văn bản nào trong lĩnh vực giao thông vạn tải, Bộ Giao thông vận tải ( qua Vụ Pháp chế - Vận tải ) đều tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp, sau đó xin thẩm định của Bộ Tư pháp ( nếu có quy định ). Nhiều khi để tăng thêm chất lượng văn bản, Vụ đã trưc tiếp làm việc với các Vụ chuyên môn của Bộ Tư pháp để trực tiếp chỉnh lý dự thảo.

Nhìn chung, sự phối hợp giữa Vụ Pháp chế - Vận tải và các tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc và với Bộ Tư pháp là chặt chẽ và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số vấn đề cũng nảy sinh cần được nghiên cứu để hoàn thiện. Ví dụ như:

- Thủ tục gửi 10 bộ hồ sơ thẩm định là lãng phí vì có thể không dùng đến 10 bộ, ngoài ra còn lãng phí tiền gửi bưu điện.

- Một số văn bản dự thảo của Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Tư pháp để xin ý kiến, nhưng Bộ Tư pháp không có ý kiến gì, đến khi thẩm định lại có ý kiến khác, gây khó khăn và chậm trễ khi soạn thảo và ban hành văn bản.

- Sau khi có Luật Doanh nghiệp ra đời, trong thực tế, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ đã có một số điểm không hoàn toàn như quy định tại Nghị định số 101/CP và Quy chế làm việc của Chính phủ. Ví dụ như: sau khi đã có ít nhất 2/3 thành viên Chính phủ đồng ý, Thủ tướng Chính phủ trước khi ký ban hành văn bản còn hỏi ý kiến của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Nếu những tổ này có ý kiến khác thì cơ quan soạn thảo lại phải tiếp tục chỉnh lý lại dự thảo mà không cần có ý kiến thẩm định lại của Bộ Tư pháp nữa. Điều này đã làm giảm giá trị của văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, đồng thời kéo dài thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà cụ thể là Nghị định của Chính phủ.

Việc hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ giao thông vận tải là vô cùng cần thiết. Có hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động của pháp chế ngành thì mới giải quyết được kịp thời khối lượng lớn các văn bản pháp luật mà Nhà nước và xã hội đòi hỏi phải có.

Kiến nghị phương hướng và giải pháp

kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu

quả hoạt động của tổ chức pháp chế

Bộ Giao thông vận tải

1. Về tổ chức cán bộ:

- Xuất phát từ nhu cầu cần có một Vụ Pháp chế độc lập hoạt động theo theo đúng Nghị định 94/CP, do đó có thể là tách Vụ Pháp chế - Vận tải thành Vụ Pháp chế và Vụ Vận tải. Từ đó các chức năng về pháp chế do Vụ Pháp chế đảm nhiệm, các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về vận tải và an toàn giao thông do Vụ Vận tải đảm nhiệm. Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Vụ Vận tải, vì theo Nghị định só 22/CP hiện nay Bộ đã có Vụ Pháp chế. Tuy nhiên đề nghị này đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

- Cần sửa đổi Nghị định 94/CP theo hướng quy định tổ chức pháp chế ở các Cục quản lý chuyên ngành, các Tổng công ty 91, 90, còn các loại hình doanh nghiệp khác có thể không cần có tổ chức pháp chế độc lập và có thể dùng hình thức thuê luật sư khi doanh nghiệp cần hoặc chỉ bố trí một cán bộ pháp chế giúp trực tiếp giám đốc. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần kiên quyết triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 94/CP ở tất cả các Bộ, ngành bằng việc phải thành lập tổ chức pháp chế hoạt động độc lập ở các Bộ, cơ quan nganh Bộ.

- Cần có cán bộ pháp chế được đào tạo chuyên sâu, có nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật, vì đây thực sự là một lĩnh vực khó làm trong cơ chế thị trường hiện nay.

- Tăng cường hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành giao thông vận tải. Các Hiệp hội này tập hợp được khá đông và đầy đủ các thành phần kinh tế, là nơi để thực thi pháp luật, nên phải tận dụng ý kiến đóng góp của các tổ chức này trong công tác pháp chế.

2. Về hoạt động:

a. Đối với tổ chức pháp chế Bộ:

- Trong ba nhiệm vụ của một tổ chức pháp chế Bộ là: xây dựng pháp luật, rà soát và hệ thống hoá văn bản pháp luật, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thì tổ chức pháp chế Bộ mới tập trung nhiều sức lực và thời gian để thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thể chế hoá các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong ngành giao thông vận tải. Khối lượng công việc này quá đồ sộ. Hai nhiệm vụ còn lại cần phải được chú trọng để thực hiện tốt hơn nữa thì mới đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

- Công tác xây dựng pháp luật: cần có kế hoạch 5 năm, 10 năm, trên cơ sở đó triển khai kế hoạch hàng năm để thực hiện. Thực tế hiện nay, các Cục quản lý chuyên ngành đề xuất tên và loại văn bản cần xây dựng trong năm sau và Vụ Pháp chế - Vận tải tập hợp lại để trình Bộ, tuy nhiên chưa có một tầm nhìn xa và bao quát, cân đối trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, cần có biện pháp để thực hiện quy định các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành hoặc trình cơ quan khác ban hành theo thẩm quyền phải được Vụ Pháp chế - Vận tải thẩm tra trình.

- Công tác rà soát và hệ thống hoá các văn bản pháp luật: cần phải được thực hiện thường xuyên, không chỉ làm theo từng đợt, theo yêu cầu của cấp trên. Nếu công tác này thực hiện không tốt thì công tác xây dựng pháp luật cũng không có cơ sở để thực hiện tốt được. Ngoài ra, theo yêu cầu của Tổ chức thương mại quốc tế, nếu Việt Nam muốn trở thành thành viên của tổ chức này thì phải minh bạch hoá các văn bản quy phạm pháp luật thuộc hệ thống pháp luật trong nước. Đây là một đòi hỏi phải được thực hiện.

- Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật: cần được chú trọng thực hiện thường xuyên. Đây cũng là đề nghị của một số doanh nghiệp, vì bản thân họ có thể cũng không hiểu là họ có vi phạm gì không. Ngoài ra, công tác kiểm tra, nhắc nhở của tổ chức pháp chế đối với doanh nghiệp chắc sẽ nhẹ nhàng hơn là việc thanh tra, xử phạt của các tổ chức thanh tra chuyên ngành. Do đó nếu làm tốt công tác này thì chẳng những pháp luật được thực hiện nghiêm túc mà còn tránh cho doanh nghiệp những sai phạm họ không cố tình vi phạm.

- Cần tiến hành hội nghị pháp chế chuyên ngành của Bộ sâu rộng hơn nữa để tổng kêt công tác pháp chế, phổ biến kinh nghiệm thực hiện, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các đơn vị trực thuộc. Qua đó lãnh đạo các đơn vị này cũng nhận thấy tầm quan trọng của công tác pháp chế trong đơn vị mình.

- Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cả về chuyên ngành giao thông vận tải, cả về pháp luật, trong đó thật chú trọng đến kỹ thuật xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của tổ chức pháp chế Bộ. Thường xuyên cập nhật kiến thức bằng cách cử cán bộ đi học các lớp học ngắn hạn do Bộ Tư pháp hay tổ chức trong nước, nước ngoài tổ chức.

b. Đối với Bộ Tư pháp:

- Cần thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, trao đổi, phổ biển, cập nhật kiến thức về pháp luật cho các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, đặc biệt là những văn bản luật mới được ban hành và có tính phổ biến như Luật Doanh nghiệp, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Lao động v.v...

- Cải cách công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, hiện tại quy định này còn nhiều vấn đề nên tốc độ để ban hành được một văn bản còn mất quá nhiều thời gian và công của. Cần phải có quy định để khi văn bản đến Bộ Tư pháp thì không phải gửi thêm cho một vài cơ quan nào đó nữa. Ngay cả thủ tục Bộ có dự án phải gửi 10 Bộ hồ sơ thẩm định cũng cần được sửa đổi để tránh gây tốn kém và lãng phí.

- Cần phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về sử dụng kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả văn bản do các Bộ ban hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 101/CP vì các văn bản này cũng khá nhiều. Đối với Bộ Giao thông vận tải, các loại văn bản này còn nhiều hơn số lượng các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị mà trách nhiệm của Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ( Quy chế hiện nay chỉ bao gồm văn bản cấp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trở lên ).

c. Đối với Chính phủ:

 

- Cần có kế hoạch ban hành văn bản pháp luật trong 5 năm, 10 năm để có thể chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

- Đề nghị có văn bản chính thức giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho các Bộ ngay từ đầu năm để các Bộ có cơ sở triển khai thực hiện, trong đó đã cân nhắc văn bản nào cần, văn bản nào không cần, văn bản nào chồng chéo giữa các Bộ thì phải lược bỏ v.v...

- Nghiên cứu trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, nếu cần thiết thì yêu cầu cơ quan soạn thảo bắt buộc phải lấy ý kiến một số cơ quan như Tổ thi hành Luật doanh nghiệp, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ... trước khi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ không trái Quy chế làm việc của Chính phủ, nâng cao giá trị văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp và rút ngắn thời gian ban hành văn bản của Chính phủ.

d. Đối với Quốc hội:

- Nên tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách để đẩy nhanh tốc độ xây dựng văn bản luật. Với tốc độ như hiện nay, còn rất nhiều văn bản luật cần được ban hành sẽ không có điều kiện để được Quốc hội thông qua do không đủ thời gian.

- Trong khi chưa thực hiện được việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì trước hết Quốc hội cũng có tầm nhìn vĩ mô để xác định cụ thể từng năm trong cả một nhiệm kỳ, thứ tự Luật cần ban hành theo mức độ cấp bách đòi hỏi của cuộc sống của xã hội và công bố thành một chương trình, không nên đưa ra nhiều chương trình: chính thức, dự bị, chuẩn bị rồi từ đó thay đổi, việc làm này gây ra một sự không bình thường làm cho chất lượng của luật bị ảnh hưởng. Quốc hội cần khẳng định chính thức Luật nào phải được trình để thông qua, nếu không thực hiện được thì cơ quan chủ trì phải bị xử lý chứ không thể cho qua một cách bình thường được. Có như vậy việc thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao mới nghiêm minh.

- Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật ban hành văn bản áp dụng pháp luật, như đã ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật để việc ban hành loại văn bản này cũng đi vào nề nếp và theo đúng khuôn mẫu thống nhất.

- Đề nghị Quốc hội tăng cường thực hiện công tác giải thích luật bằng văn bản chính thức và tăng cường công tác kiểm tra thực hiện luật. Có như vậy việc hiểu và thực hiện luật mới thống nhất và hiệu quả của những văn bản luật mới được nâng cao.

Nhìn lại một chặng đường trên 55 năm thành lập và phát triển, tổ chức pháp chế Bộ Giao thông vận tải tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công việc chung của toàn ngành giao thông vận tải và sự nghiệp pháp chế của đất nước. Đánh giá đúng thực trạng tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế Bộ cũng như đề ra phương hướng, giải pháp kiện toàn tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức là góp phần củng cố hệ thống pháp chế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Bản báo cáo này do tôi biên soạn và đã được Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải của Bộ Giao thông vận tải Phan Bá Hiếu nhất trí, chấp nhận.

 

Thực trạng tổ chức, hoạt động và phương hướng củng cố tổ chức pháp chế trong ngành công nghiệp

 

Nguyễn Tiến Vỵ

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công nghiệp.

 

 

 

  1. Thực trạng tổ chức, hoạt động

pháp chế trong ngành công nghiệp

 

 

 

  1. Vài nét về sự hình thành và phát triển của ngành Công nghiệp

 

 

 

  1. Vị trí, tầm quan trọng của ngành công nghiệp trong sự nghiệp

xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Công nghiệp là một ngành sản xuất quan trọng, là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Để phát triển kinh tế xã hội không một quốc gia nào lại không tiến hành công nghiệp hóa, với những phương thức và bước đi khác nhau phụ thuộc vào điều kiện khách quan và yếu tố chủ quan của mình. Nhìn chung sản xuất công nghiệp tạo ra nguồn thu cho nền kinh tế và giải quyết việc làm cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp.

Khi ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến phát triển sẽ làm tăng đáng kể giá trị của các ngành sản xuất nguyên liệu như nông lâm, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản và thúc đẩy các ngành này phát triển.

Chỉ có phát triển công nghiệp mới tạo ra nhiều chủng loại, số lượng sản phẩm và dịch vụ đời sống xã hội. Sự phát triển của sản xuất công nghiệp là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia. Đó chính là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao.

Việt Nam là một quốc gia nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, phát triển nông nghiệp là rất quan trọng nhưng không đủ để vươn lên ngang hàng với các quốc gia có thu nhập trung bình vì chúng ta không có nhiều đất canh tác. Hơn nữa, phát triển nông nghiệp dựa vào cơ cấu và năng suất cây trồng thì càng không dễ gì, vì theo tiêu chuẩn quốc tế năng suất cây trồng ở Việt Nam không còn ở mức thấp.

Công nghiệp hóa nhanh là giải pháp hàng đầu đối với hầu hết các nước nghèo muốn vươn lên hàng các quốc gia có mức thu nhập trung bình, nhưng phần lớn các nước này không có khả năng làm được, vì công nghiệp hóa đòi hỏi phải có vốn và quan trọng hơn nữa là phải có lao động lành nghề. Hai yếu tố này ở các nước trên đều không đủ. Khác với các nước nghèo khác, Việt Nam nghèo về đất đai, tiền vốn nhưng giầu có về nhân lực. Đây là cơ sở để công nghiệp Việt Nam có thể bước vào con đường công nghiệp hóa với nhiều thuận lợi hơn một số quốc gia nghèo khác.

Xuất phát từ đặc điểm trên, Đảng ta chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trung tâm cho toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

2. Tổ chức quản lý Nhà nước về công nghiệp hiện nay

 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế - xã hội, đưa vị thế của Việt Nam ngay càng cao trên trường quốc tế. Thành quả đó có phần đóng góp xứng đáng của ngành công nghiệp nước ta đang ngày càng phát triển vững mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13-15%, các cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành trên khắp mọi miền đất nước với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

Đi đôi với sự phát triển của các ngành công nghiệp, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về công nghiệp đã hình thành và từng bước được bổ sung hoàn thiện. Trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi tổ chức khác nhau, đến ngày 21 tháng 10 năm 1995, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 đã ra Nghị quyết về việc thành lập Bộ Công nghiệp (tên gọi này được lặp lại sau 40 năm) trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng và Công nghiệp nhẹ.

Bộ Công nghiệp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ngành công nghiệp : cơ khí; luyện kim; điện tử - tin học; hóa chất; địa chất; tài nguyên khoáng sản; mỏ (bao gồm: than, dầu mỏ, khí đốt và đá quý); điện và công nghiệp tiêu dùng trong phạm vi cả nước. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý Nhà nước quy định tại Chương IV - Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm1993 và tại Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp.

Như vậy, nếu như trước đây công tác quản lý nhà nước ngành Công nghiệp còn phân tán ở nhiều Bộ, thì nay về cơ bản đã tập trung về Bộ Công nghiệp quản lý thống nhất. Đối với 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công nghiệp là cơ quan giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp.

Hiện nay, các cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành công nghiệp bao gồm 6 Vụ : Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính kế toán, Vụ Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và 2 Cục quản lý nhà nước chuyên ngành : Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

II. Về sự hình thành và phát triển của tổ chức

pháp chế trong ngành Công nghiệp

 

  1.  

     

    1. Tổ chức và hoạt động pháp chế trong ngành

công nghiệp trước ngày 01 tháng 11 năm 1995

Trước năm 1995, tổ chức và hoạt động của pháp chế ngành công nghiệp thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 178/HĐBT. Bộ Công nghiệp nặng thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ với 3 cán bộ. Bộ Công nghiệp nhẹ công tác pháp chế do Phòng Hành chính - Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ phụ trách. Còn tại Bộ Năng lượng, công tác pháp chế do Văn phòng Bộ phụ trách. Tuy nhiên, hoạt động pháp chế tại cả 3 Bộ tiền nhiệm của Bộ Công nghiệp đều rất hạn chế. Các bộ phận này mới thực hiện được một số công việc như tham gia đóng góp ý kiến đối với một số văn bản mang tính chất chung do các cơ quan khác gửi đến, tham gia soát xét về mặt hình thức và pháp lý của một số văn bản ở các đơn vị cơ sở công tác pháp chế cũng chưa được quan tâm. Công ty Điện lực I có thành lập Phòng Pháp chế nhưng sau đó chỉ còn một cán bộ làm công tác này.

2. Tổ chức và hoạt động pháp chế trước năm 1998

Trước năm 1998, hoạt động pháp chế tại cơ quan Bộ Công nghiệp được thực hiện một cách phân tán bởi các Vụ, Viện, Cục trong Bộ, công việc liên quan đến lĩnh vực nào thì đơn vị chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó thực hiện. Văn phòng Bộ chủ yếu chịu trách nhiệm hướng dẫn về kỹ thuật soạn thảo văn bản và làm đầu mối tham gia những văn bản quy phạm pháp luật không liên quan đến các lĩnh vực do các Vụ, Cục, Viện phụ trách. Trong Văn phòng Bộ có Phòng Tổng hợp - Pháp chế với một cán bộ tốt nghiệp Đại học Luật song các hoạt động pháp chế còn rất hạn chế. Vị trí và vai trò của công tác pháp chế rất khiêm tốn so với các hoạt động khác. ở các cơ sở trong ngành công nghiệp, công tác pháp chế cũng chưa được chú trọng. Hầu như không có Tổng công ty, doanh nghiệp hoặc Sở Công nghiệp nào có bộ phận pháp chế. Các hoạt động mang tính chất hoạt động pháp chế đều được giao cho các phòng ban chuyên môn, chủ yếu là phòng Tổ chức - Hành chính đảm nhiệm.

Kết quả lớn nhất của công tác pháp chế trong ngành công nghiệp trước năm 1998 là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản. Bộ đã chủ trì soạn thảo Luật Khoáng sản theo sự phân công của Chính phủ và Luật Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 3 năm 1996. Sau khi Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua, Bộ Công nghiệp đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản và trình Chính phủ thông qua ngày 01 tháng 11 năm 1996. Sau đó Bộ Công nghiệp đã ban hành và phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Có thể nói, việc ban hành một cách đồng bộ các văn bản điều chỉnh hoạt động khoáng sản đã góp phần tích cực lập lại trật tự trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản, ngăn ngừa một cách có hiệu quả các hoạt động trái phép trong lĩnh vực khoáng sản, bảo vệ được tài nguyên của đất nước.

3. Tổ chức và hoạt động của pháp chế công nghiệp hiện nay

 

3.1. Tổ chức và hoạt động của pháp chế cơ quan Bộ Công nghiệp

 

3.1.1. Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức pháp chế cơ quan Bộ Công nghiệp.

Đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước ngành công nghiệp, Vụ Pháp chế Bộ Công nghiệp đã được thành lập theo Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng: "là cơ quan chuyên môn giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành công nghiệp; tổ chức công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật" trong ngành công nghiệp. Vụ Pháp chế có các quyền hạn và nhiệm vụ sau:

- Đề xuất chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm của Bộ Công nghiệp; trình Bộ trưởng phê duyệt và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình pháp luật đó.

- Thẩm định về mặt pháp lý các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Giúp Bộ trưởng chủ trì soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật được giao.

- Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi lấy ý kiến.

- Thường xuyên tổ chức việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành; đề xuất phương án trình Bộ trưởng xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị với Chính phủ đình chỉ việc thi hành những quy định của các Bộ, ngành, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp trái với văn bản pháp luật của nhà nước và văn bản pháp luật thuộc ngành do Bộ ban hành.

- Tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành pháp luật và đề xuất với Bộ trưởng các biện pháp thực hiện pháp luật, ngăn ngừa, loại trừ các vi phạm pháp luật trong ngành công nghiệp.

- Theo dõi, quản lý, hướng dẫn và kiểm tra công tác pháp chế của các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và của các Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thực hiện các việc khác về pháp luật được Bộ giao.

3.1.2. Hoạt động của pháp chế cơ quan Bộ Công nghiệp

- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm và là một trong những hoạt động nổi bật của tổ chức pháp chế.

Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Bộ đã tiến hành tổng kết và kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 68/CP với những quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, phân cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp một số loại giấy phép hoạt động khoáng sản trước đây thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp. Ngày 15 tháng 12 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 68/CP.

Bộ Công nghiệp cũng phối hợp với các Bộ: Công an, Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại các Nghị định 27/CP, 47/CP và 86/CP của Chính phủ.

Bộ đã chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực với sự giúp đỡ về tài chính của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu á. Bộ đã hoàn thiện các quy định về tiếp nhận, quản lý lưới điện trung áp nông thôn tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam tiếp nhận hệ thống lưới điên trung áp nông thôn góp phần bảo đảm chất lượng điện năng, chống thất thu và đưa nhanh ánh sáng điện đến với những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá nông thôn. Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp để thay thế Nghị định số 70/HĐBT, Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 về hoạt động điện lực và sử dụng điện để thay thế Nghị định số 80/HĐBT ban hành từ ngày 19 tháng 7 năm 1983.

Hiện nay, Bộ Công nghiệp đang chuẩn bị các dự thảo Nghị định của Chính phủ về:

+ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực,

+ Tổ chức và hoạt động của thanh tra điện lực,

+ Về an toàn điện,

+ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,

+ Cấp giấy phép hoạt động điện lực,

+ Điều tiết hoạt động điện lực,

+ Lập biểu giá điện,

+ Sản xuất và kinh doanh thuốc lá,

+ Quản lý và an toàn hoá chất,

Trong 5 năm qua, Bộ Công nghiệp đã ban hành 750 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có 683 Quyết định, 32 Chỉ thị, 26 Thông tư, 9 Nghị quyết liên tịch và Thông tư liên tịch về các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Các văn bản do Bộ Công nghiệp ban hành tập trung vào các lĩnh vực về tổ chức bộ máy, quy chế lề lối làm việc, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ, về đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, về điện lực, khoáng sản, về xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành, về hướng dẫn triển khai các sản phẩm trọng điểm, danh mục các sản phẩm được hưởng ưu đãi trong đầu tư, hướng dẫn thực hiện các quy định đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các văn bản quy định về an toàn trong lĩnh vực hoạt động công nghiệp đặc biệt là công nghiệp năng lượng.

- Công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Xuân Chuẩn làm Trưởng ban. Sau một thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Ban Chỉ đạo đã rà soát các văn bản do Bộ Công nghiệp và các Bộ tiền nhiệm ban hành trong giai đoạn 1976 - 1996 với số lượng hơn 3600 văn bản và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký Quyết định công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp và các Bộ tiền nhiệm ban hành trong giai đoạn 1976-1996 gồm 1014 văn bản.

Bộ đã hướng dẫn các Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Trên cơ sở rà soát các loại giấy phép theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng quyết định bãi bỏ giấy phép hành nghề sản xuất phân NPK do Bộ Công nghiệp nặng ban hành từ năm 1993 đến nay không còn phù hợp với những quy định của Luật Doanh nghiệp và chuyển từ việc cấp giấy phép hành nghề thăm dò khoáng sản sang việc quy định các điều kiện không cần giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.

- Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật.

Một trong những chức năng quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước là thực hiện chức năng kiểm tra việc thi hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của mình. Trong những năm qua, Bộ Công nghiệp đã đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm phát hiện các vi phạm pháp luật, đề xuất với Lãnh đạo Bộ các biện pháp thực hiện pháp luật, ngăn ngừa, loại trừ các vi phạm pháp luật trong ngành công nghiệp. Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở trong ngành như: Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở cơ sở, kiểm tra việc thực hiện các quy chế về tài chính, giá cả, về quản lý đất đai, về việc chấp hành các quy định của Bộ Luật lao động trong việc ký kết hợp đồng lao động, thoả ước lao động, về việc thực hiện các quy định về hợp đồng kinh tế, về việc thực hiện các quy định trong lắp ráp xe máy, về thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ về ghi nhãn sản phẩm hàng hoá, về việc chấp hành các quy định trong hoạt động khoáng sản, về kỹ thuật an toàn công nghiệp, về công tác văn phòng, về quản lý và sử dụng con dấu..

Qua kiểm tra, Bộ đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các vi phạm pháp luật ở cơ sở, giúp các cơ sở nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục. Từ thực tế, các đơn vị đã đề xuất và xây dựng trình Lãnh đạo Bộ ký các chỉ thị nhằm tăng cường công tác quản lý của các đơn vị.

Tuy nhiên đánh giá về kết quả công tác xây dựng và kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành công nghiệp còn nổi lên một số tồn tại cần khắc phục, cụ thể như sau:

+ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tién hành còn chậm và chưa đồng bộ, nhiều lĩnh vực quan trọng chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc đã có thì cũng không còn phù hợp với những quy định hiện hành của pháp luật nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Chất lượng một số Dự thảo văn bản chưa đạt yêu cầu.

+ Việc quán triệt và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

+ Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ở cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên và đều đặn. Văn bản ban hành ra nhưng chưa được đôn đốc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện thường xuyên nên hiệu quả đạt được còn thấp.

Nguyên nhân của những tồn tại trên một phần do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật ở cơ sở còn hạn chế, một phần do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và rộng khắp, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở cơ quan Bộ và các đơn vị cơ sở còn yếu và còn thiếu. Vụ Pháp chế của Bộ mới được thành lập từ đầu năm 1998 với số lượng biên chế hết sức eo hẹp. Nhiều cơ sở chưa tổ chức được bộ phận pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khách quan về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước của Bộ.

3.2. Tổ chức và hoạt động pháp chế trong ngành địa chất - khoáng sản

3.2.1. Đặc điểm của công tác quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản

Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phát triển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 20 tháng 3 năm 1996 Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Khoáng sản, đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có hai chức năng sau:

a) Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản và tìm kiếm phát hiện mỏ trong phạm vi cả nước với tổng giá trị hàng năm lên tới trên dưới một trăm tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước (với tư cách là một tổ chức sự nghiệp kinh tế);

b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản với hai mảng công việc, đó là:

- Quản lý nhà nước các hoạt động địa chất do bản thân các đơn vị của Cục thực hiện là chủ yếu nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách;

- Quản lý nhà nước các hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản với phạm vi quản lý là toàn ngành, trong cả nước.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản có 2 tính chất:

Thứ nhất : Đối với công tác khảo sát, thăm dò - quản lý một cách toàn diện từ khâu xét duyệt đề án, cấp giấy phép, theo dõi quá trình thực hiện, thẩm định hoặc xét duyệt báo cáo, lưu trữ các báo cáo tổng kết;

Thứ hai : Đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản : Quản lý chủ yếu ở giác độ tài nguyên khoáng sản với mục tiêu chính là quản lý việc khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo vệ, chống lãng phí tổn thất tài nguyên khoáng sản. Để thực hiện nhiệm vụ này cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và chuyên ngành khác như: kế hoạch đầu tư, an toàn lao động, khoa học, công nghệ và môi trường ...

Do đặc điểm nêu trên, bộ máy của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (cơ quan Cục) vừa thực hiện chức năng chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất với tư cách là một cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp của các đơn vị địa chất, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong toàn ngành địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước.

Cho đến nay, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tuy chưa có tổ chức pháp chế riêng nhưng với đội ngũ hiện có của mình đã có rất nhiều cố gắng để hoàn thành một khối lượng lớn công việc công tác pháp chế, như xây dựng Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật...

3.2.2 Hoạt động pháp chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về địa chất và tài nguyên khoáng sản

Nói chung, hoạt động pháp chế trong ngành địa chất khoáng sản bao gồm hai mặt : xây dựng pháp luật và bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống, cụ thể là các nôi dung sau:

- Xây dựng hoặc làm đầu mối xây dựng và thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản trước khi thủ trưởng quyết định ban hành, đặc biệt là các văn bản có tính quy phạm do đơn vị được phép ban hành theo thẩm quyền (hoặc được cấp trên uỷ quyền) như: quyết định, các định mức, các văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình, quy phạm điều tra cơ bản địa chất trong đơn vị;

- Chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến địa chất và khoáng sản do Bộ giao, như dự thảo luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và các Thông tư hướng dẫn về công tác địa chất và khoáng sản;

- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, Cục hoặc các cơ quan, ban ngành ở địa phương gửi tới để lấy ý kiến và tổng hợp các ý kiến để thủ trưởng xem xét, quyết định;

- Thực hiện công tác tư vấn pháp lý cho thủ trưởng đơn vị trong các hoạt động của đơn vị, kể cả trong tổ chức quản lý các hoạt động địa chất cũng như trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản;

- Hệ thống hoá và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện đang áp dụng trong ngành địa chất và khoáng sản nhằm phát hiện những văn bản chồng chéo, các quy định của pháp luật không phù hợp với thực tế hoạt động của ngành hoặc các khoảng trống về pháp luật để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung;

- Thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện các quyết định của cấp trên, việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về địa chất và khoáng sản nói riêng nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật;

- Thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành nói riêng tại đơn vị.

III. Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt

động pháp chế ngành công nghiệp

Ngay từ khi thành lập cũng như trong suốt quá trình hoạt động, các đơn vị cơ sở đã làm phát sinh, tham gia nhiều mối quan hệ kinh tế - xã hội khác nhau như : quan hệ kinh tế, quan hệ với người lao động, quan hệ với các cơ quan quản lý... và các quan hệ này được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, sự xuất hiện và tồn tại của hoạt động pháp chế tại các đơn vị cơ sở là một tất yếu khách quan.

Một mặt, hoạt động pháp chế trong ngành công nghiệp đã góp phần bảo vệ có hiệu quả các quyền lợi chính đáng của cơ quan, doanh nghiệp; giúp lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp ban hành những quyết định khả thi phù hợp với pháp luật và thu được hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, doanh nghiệp.

Mặt khác, hiệu quả của công tác pháp chế trong ngành công nghiệp đã có tác dụng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và bảo đảm sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực trong ngành công nghiệp, góp phần phát triển bền vững để thực sự ngang tầm với vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân.

Vì vậy, có thể nói rằng, hoạt động pháp chế trong ngành công nghiệp đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh tế cũng như góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy vậy, thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động pháp chế trong ngành công nghiệp hiện nay còn một số khó khăn và hạn chế sau:

Một là, việc soạn thảo và thẩm định về mặt pháp lý các văn bản còn có nhiều bất cập. Tại nhiều đơn vị, văn bản do phòng, ban nào soạn thảo, phòng ban đó thẩm định nên còn thiếu khách quan. bên cạnh đó, do yêu cầu phải ban hành ngay nên không có thời gian để các phòng ban khác tham gia đóng góp trước khi trình ký. Tại những đơn vị có cán bộ pháp chế chuyên trách thì cũng chỉ có điều kiện tham gia đóng góp những văn bản quan trọng hoặc do yêu cầu của Hội đồng quản trị hoặc lãnh đạo đơn vị hoặc bộ phận soạn thảo.

Hai là, còn sai sót trong việc thực hiện các chế độ, chính sách hoặc chưa thực hiện đầy đủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (do thiếu hiểu biết hoặc cố ý làm trái) đặc biệt là trong các lĩnh vực: đầu tư, mua sắm, ký kết hợp đồng kinh tế và trong quản lý vốn - tài sản Nhà nước giao. Những sai sót này còn chậm được phát hiện và khắc phục.

Ba là, do cán bộ được đào tạo ở nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau và trình độ chuyên môn không đồng đều, kiến thức pháp luật chưa được bồi dưỡng có hệ thống, nên có sự cách biệt về nhận thức, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất;

Bốn là, ở nhiều đơn vị công tác rà soát văn bản, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ công nhân viên chưa được tiến hành thường xuyên dẫn đến việc hiểu biết về pháp luật của cán bộ, công nhân viên đơn vị còn hạn chế;

Năm là, công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật của các đơn vị chủ yếu là do các phòng ban nghiêp vụ chuyên môn có liên quan tiến hành, dẫn đến thiếu khách quan, không thu được kết quả như mong muốn vì không có sự tách rời giữa bộ phận quyết định, điều hành và bộ phận kiểm tra, giám sát.

Thiếu sót bao trùm là nhận thức về công tác pháp chế chưa đúng mức nên việc tổ chức thực hiện công tác này chưa được quan tâm như là một công tác quan trọng không thể thiếu. Đối với những đơn vị không có bộ phận pháp chế hoặc cán bộ pháp chế chuyên trách, hoạt động pháp chế hầu như không được quan tâm đúng mức, công tác pháp chế bị buông lỏng. Đối với những đơn vị đã có bộ phận pháp chế, nhưng hoạt động pháp chế được kiêm nhiệm cùng với công tác khác, nên cán bộ được phân công phụ trách cũng ít đầu tư cho công tác pháp chế vì xem nó là thứ yếu, dẫn đến hiệu quả công tác pháp chế thấp.

Nguyên nhân khách quan của tình trạng nói trên là nền kinh tế thị trường ở nước ta mới được bắt đầu, chưa phát triển, các mối quan hệ kinh tế còn tương đối đơn giản, việc xử lý các vấn đề pháp lý nảy sinh trong nhiều trường hợp còn mang tính chất duy ý chí, áp đặt, do đó chưa đặt ra yêu cầu gay gắt về công tác pháp chế như ở các nước có nền kinh tế đã phát triển.

Về chủ quan, một mặt, công tác pháp chế tại các đơn vị trong ngành công nghiệp còn phân tán chưa có đầu mối do chưa có bộ phận pháp chế độc lập về mặt tổ chức với các chức năng nhiệm vụ riêng biệt và rõ ràng. Nhận thức về hoạt động pháp chế của nhiều đơn vị còn chưa được đầy đủ, chưa thấy được sự cần thiết phải có tổ chức pháp chế tại đơn vị. Mặt khác, cho đến nay cũng chưa có một khung pháp lý nào cho việc ra đời và tồn tại của tổ chức pháp chế tại các đơn vị trong ngành công nghiệp.

B. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực,

hiệu quả công tác pháp chế và dự kiến mô

hình tổ chức pháp chế trong ngành công nghiệp

 

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu

quả công tác pháp chế trong ngành công nghiệp

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của hoạt động quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp và thực tế tổ chức, hoạt động của công tác pháp chế trong ngành, cần thiết phải nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác pháp chế nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Có thể nêu ra một số giải pháp cơ bản như sau:

  1.  

     

    hợp của các cơ quan chức năng trong hoạt động pháp chế

    Để tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế trong ngành công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, thủ trưởng các cơ quan đơn vị đối với tổ chức pháp chế và các mặt hoạt động của công tác pháp chế. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của các cấp uỷ Đảng đến công tác pháp chế. Trong từng giai đoạn, các cấp uỷ Đảng đề ra phương hướng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong ngành công nghiệp, tổ chức thực hiện pháp luật, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, công chức, công nhân viên, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp chế. Trong các Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng cần có nội dung về tăng cường pháp chế trong cơ quan, doanh nghiệp. Các tổ chức Đảng và đảng viên được phân công làm công tác pháp chế phải gương mẫu trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước và quy định của cơ quan, doanh nghiệp.

    Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm, tạo điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, giao lưu trao đổi kinh nghiêm giữa các tổ chức pháp chế trong và ngoài ngành để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

     

     

    và sự cần thiết của công tác pháp chế

    Nghị định số 94/CP ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành đến nay đã tròn bốn năm. Sau khi có Nghị định của Chính phủ, một loạt các tổ chức pháp chế ở các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã được hình thành, củng cố và phát triển.

    Tuy nhiên, hiện nay ở một số cơ quan, đơn vị việc quán triệt Nghị định 94/CP nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng và tạo điều kiện để các tổ chức pháp chế hoạt động còn chưa được quan tâm. Việc quan tâm đến công tác pháp chế ở một số cơ sở còn hạn chế. Điều này có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan.

    Về khách quan : Nghị định số 94/CP ban hành đã được bốn năm song đến nay vẫn chưa có một Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nên các Sở Công nghiệp, các Cục, các Tổng công ty, doanh nghiệp, Viện, Trường trong ngành công nghiệp chưa có mô hình thống nhất để xây dựng pháp chế của cơ quan, doanh nghiệp mình.

    Về chủ quan : Do nhận thức và quyết tâm của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, chưa thấy hết sự cần thiết của tổ chức và hoạt động pháp chế trong cơ quan, doanh nghiệp nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá khi chúng ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, khi chúng ta đang chuẩn bị hội nhập với khu vực và quốc tế. Mặt khác, còn có một lý do nữa, đó là một số cán bộ được phân công làm công tác pháp chế ở các đơn vị chưa thực sự phát huy được vai trò, chưa thực sự năng động nên tác dụng và uy tín còn hạn chế.

    Vấn đề đặt ra là cần phải quán triệt sâu sắc những tinh thần cơ bản của Nghị định số 94/CP của Chính phủ và Quyết định số 08/1998/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp để mọi cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên khác trong cơ quan, doanh nghiệp thấy được sự cần thiết của công tác pháp chế, hiểu rõ những chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế để từ đó tạo điều kiện cho công tác pháp chế hình thành và phát triển.

     

     

    1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và phối
    2. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng
    3. Xây dựng và củng cố các tổ chức pháp

chế trong ngành công nghiệp

3.1 Củng cố các tổ chức pháp chế hiện có

Sau khi có Nghị định số 94/CP của Chính phủ và Quyết định số 08/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp, một số các tổ chức pháp chế ở trong ngành công nghiệp đã được hình thành đi vào hoạt động và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đối với các tổ chức này cần phải củng cố về mặt tổ chức, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tăng cường cán bộ có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò nòng cốt của mình, phát huy những kết quả đã đạt được, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Củng cố Vụ Pháp chế để trở thành cơ quan đầu mối quản lý và hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành công nghiệp.

3.2 Xây dựng và phát triển các tổ chức pháp chế mới

Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các tổ chức pháp chế ở các tổ chức pháp chế ở các Cục, các Sở Công nghiệp, các Tổng công ty, các doanh nghiệp, Viện trường, Trung tâm thuộc Bộ. Mô hình về tổ chức pháp chế trong các cơ quan, doanh nghiệp ngành công nghiệp sẽ trình bày trong mục riêng.

4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế

Một trong những nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của công tác pháp chế ở các cơ quan, doanh nghiệp là đội ngũ cán bộ pháp chế. Thực tế đã chứng minh, ở cơ quan, doanh nghiệp nào có đội ngũ cán bộ pháp chế mạnh thì ở đó công tác pháp chế được coi trọng và có cơ hội phát huy được vai trò của mình, đóng góp xứng đáng vào kết quả chung của cơ quan, doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra và cũng là nhu cầu cấp bách ở các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay là phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế.

Đối với những cán bộ có trình độ chuyên môn về ngành kinh tế kỹ thuật nhưng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật hiện đang được các cơ quan, doanh nghiệp bố trí làm công tác pháp chế thì cần được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Những cán bộ còn trẻ, khoẻ cần được gửi đi đào tạo tại Trường Đại học Luật. Số còn lại có thể theo học các khoá bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức pháp luật chung hoặc bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành do Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công nghiệp mở.

Hình thức mở lớp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Có thể mở lớp bồi dưỡng kiến thức chung và phương pháp công tác pháp chế trong ngành công nghiệp hoặc các lớp chuyên đề về hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, về soạn thảo văn bản, về thẩm định văn bản, nghiệp vụ rà soát văn bản...

Tiến tới cán bộ pháp chế ở cơ sở phải đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ pháp lý tương ứng với nhiệm vụ được giao. Cán bộ Pháp chế ở Vụ Pháp chế và Pháp chế các Cục, Vụ, Tổng công ty, Sở Công nghiệp phải có trình độ đại học chuyên ngành và đại học Luật. Cán bộ pháp chế ở các cơ sở khác phải có trình độ đại học chuyên ngành và trình độ pháp lý phải đạt tối thiểu từ trung cấp trở lên. Phối hợp với Phân viện Hà Nội mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp Phòng, Ban Pháp chế trở lên.

5. Mở rộng và tăng cường các hoạt động pháp chế

Để tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế trong các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cần phải mở rộng và tăng cường các hoạt động pháp chế, cụ thể:

- Đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác của cơ quan doanh nghiệp như Quy chế, Nội quy, Quy định nhằm đưa mọi hoạt động của cơ quan đi vào nền nếp.

- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

- Thẩm định các văn bản trước kh trình Lãnh đạo ký.

- Tư vấn các vấn đề thuộc về Hợp đồng.

- Đại diện cho các cơ quan, doanh nghiệp trong các vụ tranh tụng trước toà.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật ở cơ sở.

  1.  

     

    pháp luật chi phối các hoạt động của ngành công nghiệp

     

     

     

    quan đến các hoạt động kinh tế.

    - Luật Doanh nghiệp nhà nước.

    Luật Doanh nghiệp nhà nước được ban hành ngày 20 tháng 4 năm 1995. Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ nhiều tồn tại đòi hỏi phải được sửa đổi bổ sung như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước, cơ chế tạo động lực đối với doanh nghiệp và người lao động, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, quyền của chủ sở hữu nhà nước, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị..

    - Các Luật thuế.

    Trong những năm qua, các Luật thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế của đất nước, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, tạo nên sự công bằng trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước có đủ sức cạnh tranh để chuẩn bị cho sự hội nhập với khu vực và thế giới… Mặc dù vậy, nhiều quy định trong các Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tính đến các đặc thù riêng của từng ngành, từng khu vực...nên trong quá trình áp dụng đã nảy sinh nhiều điều bất hợp lý.

    - Các văn bản dưới luật.

    Nhìn chung, các văn bản dưới luật có nhược điểm khá phổ biến là ban hành không kịp thời, thiếu đồng bộ, nội dung hướng dẫn chưa thật rõ ràng, cụ thể, đôi khi còn tạo nên những mâu thuẫn, chồng chéo... khiến cho việc thi hành luật pháp gặp không ít khó khăn.

     

     

    quan đến hoạt động của ngành điện lực

    - Luật điện lực.

    Luật điện lực điều chỉnh và quy định các nguyên tắc, chuẩn mực trong hoạt động điện lực, xác định địa vị pháp lý của các đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân sử dụng điện, chức năng quản lý nhà nước và điều tiết hoạt động điện lực ở Việt Nam.

    Ban chỉ đạo xây dựng Luật Điện lực được thành lập từ tháng 6 năm 1996 và Dự thảo Luật lần thứ nhất đã được xây dựng xong vào tháng 01 năm 1997. Hiện nay, dự thảo Luật Điện lực lần thứ 15 đã được chuẩn bị xong đang báo cáo Ban chỉ đạo để xin ý kiến nhằm hoàn chỉnh trình Chính phủ để xin ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan để sau đó tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội vào nhiệm kỳ 2002-2006. Một số nội dung cần được chú ý thể hiện hợp lý, rõ ràng, cụ thể trong Luật và các văn bản dưới luật như: Nghị định về giá điện, Quy chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tiết, thủ tục cấp phép hoạt động điện lực, về quan hệ hợp tác quốc tế, về cơ cấu của ngành điện trong tương lai.

    - Về điều tiết điện lực.

     

    Trong quá trình cải tổ ngành điện, cần tách chức năng điều tiết điện lực ra khỏi chức năng chủ sở hữu. Cơ quan điều tiết điện lực có chức năng giám sát các yếu tố độc quyền trong ngành điện lực, giám sát các hoạt động điện lực trong nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, cấp giấy phép hoạt động điện lực, tư vấn và kiến nghị về biểu giá điện, quản lý nhu cầu sử dụng điện, một số nhiệm vụ liên quan đến kế hoạch đầu tư và xây dựng điện, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cũng như của người sử dụng điện.

    - Cấp giấy phép hoạt động điện lực.

    Trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động điện lực thì việc xác định, kiểm tra điều kiện và năng lực của đơn vị điện lực có đảm bảo hoạt động được ổn định và liên tục là rất cần thiết. Do vậy việc cấp giấy phép phải dựa trên nguyên tắc là chỉ cấp cho các tổ chức, cá nhân có đủ khả năng, điều kiện thực hiện các nghĩa vụ quy định trong luật và chỉ cấp cho các hoạt động điện lực phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

    - Lập và duyệt biểu giá điện.

    Cũng xuất phát từ chủ trương đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh trong ngành điện, đảm bảo cho ngành điện có khả năng tự cân đối tài chính, tạo được uy tín tài chính trên thị trường trong và ngoài nước, tiến tới tự vay, tự trả, không cần bảo lãnh của nhà nước. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động điện lực. Nhà nước cần quy định cơ chế xác định và duyệt biểu giá điện, tạo ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thực hiện các dự án BOT, BOO, IPP. Về nguyên tắc, biểu giá điện phải thể hiện đầy đủ các chi phí hợp lý, phản ánh chi phí biên dài hạn, tăng cường khả năng thu hồi vốn cho các doanh nghiệp. Khi thiết lập cơ chế duyệt giá điện cần xem xét kết hợp giữa tổ chức đầu tư, chủ sở hữu với các cơ quan nhà nước trình và duyệt biểu giá điện nghĩa là gắn liền quan hệ giữa đầu tư và giá cả.

    - Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực

    Cần soạn thảo và ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm những quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước về điện lực, những vi phạm trong lĩnh vực hoạt động và sử dụng điện nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự để thay thế quy trình xử lý vi phạm điện và quy trình xử lý vi phạm cung ứng điện do các cơ quan nhà nước ban hành trước đây đến nay không còn phù hợp với những quy định trong Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

    - Công tác Thanh tra chuyên ngành điện lực.

    Hiện nay hệ thống giám sát điện năng dưới sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp vẫn chỉ thực hiện chức năng giám sát việc cung ứng và sử dụng điện theo Điều lệ cung ứng và sử dụng điện ban hành kèm theo Nghị định số 80/HĐBT ngày 19 tháng 7 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng.

    Từ khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập, chức năng quản lý nhà nước đã được tách khỏi chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, do vậy Nhà nước cũng cần xem xét lại chức năng giám sát điện năng để hình thành chức năng thanh tra chuyên ngành điện lực:

    + Giám sát và buộc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn điện cho các hoạt động điện lực,

    + Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định trong nội dung Giấy phép hoạt động điện lực, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động điện lực,

    + Xem xét và giải quyết các khiếu nại của các đơn vị điện lực và khách hàng liên quan đến cung ứng và sử dụng điện.

    - Quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả.

    Việc chỉ đạo và quản lý nhà nước về nhu cầu điện đang còn bị phân tán, chưa có tổ chức chịu trách nhiệm chính. Nội dung này liên quan chặt chẽ tới chế độ, chính sách sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng năng lượng trong đó có điện năng. Để việc sử dụng tài nguyên năng lượng được hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả cần thiết phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về lĩnh vực này.

    - Bảo vệ an toàn điện.

    Trong những năm gần đây, hiện tượng vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn điện không ngừng gia tăng gây tổn thất về người và tiền của nhân dân và nhà nước. Ngày 08 tháng 7 năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/1999/NĐ - CP về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Hiện nay, cần thiết phải xây dựng một Nghị định về an toàn điện nói chung để làm cơ sở cho việc ban hành các quy trình, quy phạm trong lĩnh vực này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do việc mất an toàn điện gây ra.

     

     

    quan đến hoạt động khoáng sản

    Cần sớm có kế hoạch đánh giá 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản để có những đề xuất nhằm sửa đổi bổ sung những quy định của Luật Khoáng sản để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam trong thời gian tới. Cần tháo gỡ vấn đề liên quan đến việc phân cấp quản lý các nhiệm vụ điều tra địa chất giữa các Vụ chức năng của Bộ Công nghiệp với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các liên đoàn để tránh tình trạng phân tán lực lượng cán bộ quản lý, chi phí bộ máy cao và giải quyết những vướng mắc trong sản xuất không kịp thời.

    Cần tổ chức hệ thống thanh tra khoáng sản từ Trung ương đến địa phương có đầy đủ năng lực (con người, phương tiện, tài chính) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản

    Tăng cường sự phối hợp giữa ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý tài nguyên khoáng sản. Sớm xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt dộng của Thanh tra khoáng sản để trình Chính phủ ban hành tạo điều kiện cho Thanh tra khoáng sản có đủ điều kiện về pháp lý và cơ sở vật chất, phương tiện nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

    Sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi), phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để xây dựng các văn bản về vay vốn tín dung ưu đãi cho hoạt động thăm dò khoáng sản, hoàn chỉnh và ban hành các bộ đơn giá, định mức trong hoạt động thăm dò địa chất.

    Cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngành than trong đó có các quy định về định mức, kiểm kê, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng đất bóc và sản lượng than ở các mỏ lộ thiên, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy phạm an toàn khai thác than hầm lò và diệp thạch.

     

     

    quan đến quản lý và an toàn hoá chất

    Cần sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và an toàn hoá chất để đưa công tác quản lý và an toàn hoá chất đi vào nền nếp. Tiến tới chuẩn bị và xây dựng Luật Hoá học để trình Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ 2002 - 2006.

    Thực hiện quy định tại Điều 42 của Luật phòng, chống ma tuý và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp cần sớm xây dựng và ban hành danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp.

    Dự kiến đề xuất mô hình tổ chức

    pháp chế trong ngành công nghiệp

    Đề nhanh chóng đưa công tác pháp chế trong ngành công nghiệp đi vào nền nếp và phát huy vai trò của pháp chế trong hoạt động quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần kiện toàn các tổ chức pháp chế. Dự kiến mô hình tổ chức pháp chế trong các cơ quan doanh nghiệp trong ngành công nghiệp như sau:

    chế ở cơ quan Bộ Công nghiệp

    Vụ Pháp chế làm đầu mối giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước ngành công nghiệp bằng pháp luật. Đề nghị Bộ bổ sung biên chế và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, chuyên viên để đảm đương được nhiệm vụ Bộ giao.

    Các Vụ, Thanh tra Bộ và Văn phòng Bộ có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế để giúp Thủ trưởng đơn vị trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến văn bản quy phạm pháp luật.

    Các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành có Phòng Pháp chế hoặc Tổ Pháp chế để giúp Cục trưởng trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hiện nay công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra việc thi hành pháp luật đang là một trong những công tác trọng tâm trong chương trình công tác của các Cục này.

    2. Dự kiến chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế

     

    Dự kiến Vụ Pháp chế có những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản sau đây:

    - Cùng các bộ phận khác, đề ra và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm việc tuân thủ nghiêm ngặt pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Bộ; áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật.

    - Cùng các bộ phận khác, trong một số trường hợp thì chủ động tổng hợp thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành, đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật và trình lãnh đạo Bộ xem xét những kiến nghị đó.

    - Thẩm định các dự thảo Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và các văn bản qui phạm khác trình lãnh đạo Bộ, xét về mặt phù hợp với những yêu cầu của pháp luật, và phê duyệt các dự thảo đó; tự mình hoặc cùng các bộ phận khác chuẩn bị kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những chỉ thị và văn bản qui phạm pháp luật của Bộ thực tế đã hết hiệu lực.

    - Tham gia dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản qui phạm khác do Bộ soạn thảo; tự mình hoặc cùng các bộ phận khác cho kết luận về Dự thảo các văn bản qui phạm pháp luật gửi lấy ý kiến của Bộ; thẩm định Dự thảo các văn bản qui phạm pháp luật và các kết luận trình lãnh đạo Bộ.

    - Tham gia đề xuất kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống quản lý ngành, xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các bộ phận trong cơ cấu Bộ, cũng như của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan và của những người có chức vụ.

    - Tham gia đề ra và thực hiện các biện pháp nhằm tổ chức đấu tranh chống việc làm ra sản phẩm kém phẩm chất, chống việc làm tổn thất các giá trị vật chất, chống ăn cắp, làm thiếu hụt tài sản.

    - Lãnh đạo công tác pháp chế trong ngành và kiểm tra tình hình công tác này; tổ chức trao đổi kinh nghiệm công tác của các bộ phận pháp chế; triệu tập các hội nghị, tổ chức hội thảo theo chế độ qui định.

    - Đại diện cho quyền lợi của Bộ trước Toà án, Trung tâm trọng tài cũng như trước các cơ quan khác khi giải quyết các vấn đề pháp lý, theo chế độ qui định.

    - Cùng các bộ phận khác thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ pháp chế và nâng cao kiến thức pháp lý của công chức trong bộ máy cơ quan Bộ và của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan trực thuộc Bộ.

    - Đề ra các biện pháp tuyên truyền pháp luật trong hệ thống Bộ và giải thích các vấn đề pháp lý theo yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan trực thuộc Bộ; cung cấp cho họ thông tin về pháp luật hiện hành và thực tiễn thi hành pháp luật; làm tư vấn cho công nhân viên bộ máy cơ quan Bộ về các vấn đề pháp lý; chuẩn bị cho lãnh đạo Bộ tài liệu tham khảo về pháp luật.

    - Tổ chức thống kê và bảo quản các văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành; áp dụng các biện pháp cải tiến việc cung cấp tài liệu tài liệu tham khảo về pháp luật cho các bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.

    - Phân tích thông tin và các tài liệu khác về công tác pháp chế do doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan gửi lên; tổng hợp các vấn đề và báo cáo với lãnh đạo Bộ khi cần thiết.

    - Tương trợ pháp lý cho các ban chấp hành công đoàn và các tổ chức xã hội khác của Bộ.

    Tuỳ theo đặc điểm của ngành, tuỳ theo lĩnh vực công tác pháp chế (công tác pháp chế kinh tế, công tác pháp chế lao động...) mà Vụ Pháp chế có thể sử dụng những phương pháp, biện pháp khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ chung nói trên cho thích hợp.

     

    Báo cáo thực trạng tổ chức hoạt động

    và phương hướng củng cố Tổ chức pháp chế của

    Tổng cục du lịch

     

    TS. Nguyễn Thị Bích Vân

    Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Tổng cục Du lịch

    pháp chế Tổng cục Du lịch:

    bộ mấy của Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch:

    ở thời kỳ đầu hình thành, ngành du lịch nhằm mục tiêu dáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước. Quy mô tổ chức nhỏ bé ; cơ quan quản lý ngành du lịch mới tồn tại như một đơn vị chuyên môn có chức năng tham mưu cho Bộ chủ quản thực hiện một số nhiệm vụ hạn hẹp, không đủ sức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước.

    Tổng cục Du lịch được thành lập lại; ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế độc lập, có chức năng quản lý Nhà nước về du lịch trong cả nước. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch được tổ chức hoàn chỉnh từ TW đến địa phương với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của mọt cơ quan quản lý Nhà nước của một ngành (giống như các Bộ, cơ quan ngang Bộ). Trực thuộc Tổng cục Du lịch có 15 doanh nghiệp nhà nước; 07 đơn vị sự nghiệp có thu, hoạch toán độc lập. Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương có 14 sở du lịch và 47 sở thương mại- du lịch.

    Về chức năng cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nưúc về du lịch ở Việt Nam có thể chia thành các nhóm sau:

    Trên thế giới, có nhiều mô hình khác nhau về cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Song về cơ bản, dù nằm độc lập hay được cơ cấu trong một Bộ quản lý đa ngành, dưới hình thức Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hay Hội đồng, cơ quan du lịch quốc gia đều có chung các chức năng sa:

    Xem xét các chức năng của cơ quan quản lý Nha fnưúc về du lịch cho thấy công tác pháp chế đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc thực hiện quản lý bằng pháp luật mà còn thể hiện ở sự tham gia thể chế hoá cơ chế chính sách quản lý vĩ mô của ngành du lịch.

    2. Hoạt động tổ chức pháp chế ngành du lịch

    2.1. Công tác xây dựng pháp luật.

    Xây dựng pháp luật là trọng tâm của công tác pháp chế, đặc biệt đối với công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch trong giai đoạn hiện nay.

    Kể từ khi Pháp chế du lịch được ban hành, Vụ pháp chế Tổng cục Du lịch đã tham gia xây dựng và hoàn chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình thành khung pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Nói đến pháp luật về du lịch không chỉ bao gồm hệ thống văn bản chuyên ngành như các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh, các văn bản pháp quy về quản lý hoạt động du lịch...Pháp lệnh du lịch đã xác định du lịch là "ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao". Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch liên quan đến nhiều ngành khác nhau trong mối quan hệ phụ thuộc, tác động qua lại. Vì lý do đó, để hỗ trợ bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch. Thành viên của Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan liên quan trực tiếp đến du lịch như Bộ Công An, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thương mại, Cục Hàng không dân dụng và Tổng cục Du lịch.

    Đây là một hình thức tổ chức liên ngành nhằm xây dựng các chính sách quản lý vĩ mô và xử lý các vấn đề liên ngành phát sinh. Nói cách khác trong hệ thống pháp luật về du lịch có các vùng giao thoa giữa các lĩnh vực quản lý ngành khác nhau, thể hiện ở các mối quan hệ sau:

    + Quy định về xuất nhập cảnh: Bao gồm các quy định về cấp hộ chiếu, thị thực, hải quan, thủ tục kiểm tra hành lý, quy định về hàng hoá khách du lịch, hành lý được phép mang theo. Đây là những quy định nhạy cảm vì nó tác động trực tiếp đến khách du lịch. Nếu quy định theo hướng thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

    + Quy định về bảo vệ và phát huy nền văn hoá dân tộc: các di tích văn hoá, lịch sử đều là những điểm đến của khách du lịch. Ngược lại các giá trị văn hoá lịch sử chỉ có thể phát huy nhanh và rộng thông qua hoạt động du lịch trong nước và lan truyền ra phạm vi thế giới. Phân định trách nhiệm quản lý giữa ngành văn hoá và du lịch đối với các khu, điểm du lịch có di tích văn hoá là ván đề bức xúc hiện nay.

    + Quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường: Sự phát triển của du lịch có tác động rất lớn đến môi trường sinh thái. Tài nguyên, môi trường là không gian cho du lịch song đồng thời cũng là nạn nhân của hoạt động du lịch. Gần đây vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra như một vấn đề bức xúc, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Cũng tương tự như vậy, các khu rừng quốc gia, khu vực bảo tồn tự nhiên là những điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái song việc bảo vệ môi truường tự nhiên, hệ sinh thái cũng trở nên vô cùng quan trọng.

    Điểm qua một số mối quan hệ trên đây để thấy việc phối hợp liên ngành trong xây dựng các quy định pháp luật là rất quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay công tác xây dựng pháp luật của Tổng cục Du lịch mới chỉ dừng lại ở các văn bản điều chỉnh các hoạt động trực tiếp của ngành, chưua được triển khai ở tầm liên ngành mà ở đó cần phải có các quy định được banhành dưới hình thức liên ngành. Động chạm đến các vấn đề liên ngành, Tổng cục Du lịch mới chỉ tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể, mang tính điều hành, giải pháp. Các vụ chức năng chỉ tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục xử lý vấn đề theo hướng giải pháp tình thế. Chính vì vậy, ở đây đòi hỏi Vụ Pháp chế phải có tầm nhìn vĩ mô để đề xuất các vấn đề cần điều chỉnh bằng pháp luật.

    * Trong công tác xây dựng pháp luật, chuẩn bị và đề xuất kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật là khâu quan trọng. Sáng kiến này có thể xuất phát từ các Vụ chức năng trong hoạt động quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý Nhà nước của ngành song về cơ bản, Vụ Pháp chế phải có vai trò đưa ra sáng kiến xây dựng pháp luật bên cạnh vai trò làm đàu mối tôngr hợp các đề xuất xây dựng chương trình, kế hoạch ban hành văn bản pháp luật như quy định trong Nghị định 94/CP. Đề xuất về chương trình xây dựng pháp luật của Bộ, ngành dựa trên các căn cứ:

    - Các văn bản Luật, Pháp lệnh trong đó xác định các Nghị định hướng dẫn thi hành cần phải ban hành;

    - Các Nghị định của Chính phủ xác định các thông tư, Quyết định, chỉ thị cần phải ban hành;

    - Nhu cầu phát sinh từ công tác quản lý Nhà nước nhằm cụ thể hoá hoặc triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành. Ví dụ, để triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhiệm vụ đầu tư xây dựng khu du lịch, Vụ Pháp chế đề xuất xây dựng Thông tư liên bộ Tổng cục Du lịch - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về bảo vệ môi trường trong ngành du lịch; đề xuất xây dựng cơ chế quản lý các dự án đầu tư trong ngành du lịch; quy chế quản lý tài chính đối với chương trình hành động quốc gia...Các văn bản nêu trên không được xác định trong Luật, pháp lệnh hay Nghị định của Chính phủ.

    - Đề xuất chương trình xây dựng pháp luật của Bộ, ngành bao gồm đề xuất về nội dung, hình thức văn bản, phạm vi áp dụng, thời gian dự kiến ban hành.

    * Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: Đây là hoạt động trọng tâm của Vụ Pháp chế, bao gồm hai loại công việc chủ yếu:

    + Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật;

    + Thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

    Trong hoạt động này, công việc soạn thảo và thẩm định về mặt pháp lý trong nhiều trường hợp không phải là hai công việc, hai giai đoạn độc lập tách rời. Điều này phụ thuộc vào năng lực soạn thảo văn bản các Vụ chuyên môn. Trong ngành du lịch cũng như nhiều Bộ ngành khác, đầu tiên văn bản đuợc giao cho các Vụ chuyênmôn soạn thảo, lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp, trừ các văn bản giao cho Vụ Pháp chế trực tiếp chủ trì. Vụ Pháp chế bắt đầu tham gia từ giai đoạn gửi đi lấy ý kiến các Bộ, ngành. Lúc này, việc xem xét tính pháp lý của văn bản là quan trọng. Có thể coi công việc thẩm định pháp lý bắt đầu từ giai đoạn này, tức là ngay trong quá trình văn bản còn đang được thảo luận, xin ý kiến, chưa phải là giai đoạn cuối trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nói cách khác, hoạt động thẩm định của Vụ Pháp chế không giống như việc thẩm định của Bộ Tư pháp là giai đoạn cuối cùng trước khi văn bản được trình Chính phủ.

    Hoạt động thẩm định xem xét kết hợp các yếu tố sau:

    - Sự phù hợp của dự thảo với mục tiêu quản lý, chiến lược của ngành;

    - Sự phù hợp với chủ trương cải cách hành chính Nhà nước, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;

    - Sự thống nhất của dự thảo với cá văn bản quy pạhm pháp luật khác (kể cả trong và ngoài ngành);

    - Các khái niệm pháp lý sử dụng trong dự thảo, hình thức, bố cục của dự thảo.

    Trên thực tế, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch tham gia ngay từ giai đoạn đầu soạn thảo (giai đoạn sơ thảo). Theo chúng tôi, việc tham gia từ sớm là rất quan trọng nhằm tránh sự đảo lộn về nội dung, bố cục văn bản nếu như sau này phát hiện ra sự không phù hợp hợc không thống nhất về mặt pháp lý buộc phải thay đổi cơ bản nội dung dự thảo.

    * Vai trò của Vụ Pháp chế đối với các loại văn bản khác, kông mang tính quy phạm pháp luật (Văn bản quản lý, điều hành)

     

    Đây là một hoạt động chưa được đề cập tới trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ của pháp chế bộ ngành song trên thực tế Vụ pháp chế vẫn tham gia theo yêu cầu của lãnh đạo Cơ quan chủ quản. Văn bản không mang tính quy phạm bao gồm các quyết định áp dụng thí điểm hoặc lâu dài đối với một số quan hệ (Ví dụ quyết định 229/QĐ của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) về đón khách Trung Quốc; các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; các văn bản hướng dẫn, giải thích hoặc triển khai một số quy định pháp luật; các giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định liên quan đến tài sản doanh nghiệp hoặc giải thể, sáp nhập doanh ngiệp trực thuộc, liên quan đến việc tuyển, sa thải, khen thưởng, kỷ luật cán bộ...Nói cách khác, đây là những quyết định cá biệt hoặc quyết định áp dụng pháp luật. Tuy không phải là văn bản quy phạm nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng vì liên quan đến quyền và lợi ích của đối tượng áp dụng đồng thời uy tín, trách nhiệm của người ký quyết định. Chính vì vậy, bảo đảm về mặt pháp lý để các quyết định này được ban hành đúng pháp luật là mong muồn của lãnh đạo cũng như mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, công việc có tính chất "gác cổng về mặt pháp lý" này trong một chừng mực nhất định sẽ can thiệp vào hoạt động điều hành, quản lý thường xuyên của cơ quan chủ quản. Song, làm được điều này sẽ tránh được những khiếu nại, khiếu kiện xảy ra sau khi quyết định đã được ban hành. Trong điều kiện một số quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, quy trình, thủ tục hành chính rõ ràng, min bạch thì công việc thẩm định tính pháp lý của quyết định sẽ đơn giản hơn, song ở Việt nam đây là vấn đề cần suy nghĩ thêm vì dù không muốn, nó vẫn tạo thêm một thủ tục hành chính nữa làm chậm lại quá trình ra quyết định. Hơn nữa công việc này đòi hỏi cán bộ không chỉ có trình độ pháp lý mà phải có kiến thức đầy đủ về các lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành bởi vì việc thẩm định như vâỵ không chỉ bao gồm thẩm định về mặt pháp lý mà còn thẩm định cả vê mặt nội dung, về tính hợp lý của quyết định.

    2.2. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về du lịch.

    Thực hiện Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Du lịch đã triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do một Phó Tổng cục trưởng làm Trưởng ban và Vụ Pháp chế có vai trò nòng cốt, đầu mối. Kết quả của công tác rà soát, hệ thống hoá là đã tập hợp và ban hành quyển sách "Hệ thống hoá cá văn bản hiện hành về quản lý du lịch". ban hành năm 1997. Đồng thời, Vụ Pháp chế cũng đã tổ chức phân loại, lập danh mục các văn bản đã hết hiệu lực đề nghị bãi bỏ, danh mục các văn bản đề nghị giữ nguyên, danh mục văn bản còn hiệu lực nhưng cần sửa đổi, bổ sung vào danh mục văn bản đề nghị ban hành mới và đã gửi báo cáo về Ban chỉ đạo tổng rà soát, hệ thống hoá của Chính phủ.

    Tuy nhiên, công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Tổng cục du lịch vẫn còn những hạn chế sau:

    - Ngành du lịch tuy đã thành lập được 40 năm song trong lịch sử có nhiều lần tách nhập. Phạm vi, khối lượng văn bản cần rà soát khá lớn loại không rõ ràng, thậm chí cả về hình thức văn bản. Do đó, có nhiều khó khăn trong việc xác định phạm vi và hình thức văn bản cần rà soát. Cho đến nay, Vụ Pháp chế mới chỉ rà soát được các văn bản ban hành từ ngày thành lập lại Tổng cục Du lịch (1992) đến nay.

    - Việc rà soát mới chỉ dừng lại ở đầu văn bản, chưa đi sâu vao quy định, chế định pháp luật. Do đó, có nhiều văn bản trong đó chứa đựng những quy định lỗi thời, cần huỷ bỏ song văn bản đó về cơ bản chưa có nhu cầu thay thế nên vẫn tồn tại tình trạng các quy định còn hiệu lực và quy định đã lỗi thời cùng tồn tại trong một văn bản. Cũng có trường hợp chưa có cơ sở lý luận về hiệu lực giữa các đạo luật chung và đạo luật chuyên ngành (ví dụ mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh du lịch) nên không rõ như thế nào là mâu thuẫn hoặc trái giữa các quy định thuộc các ngành luật khác nhau.

    - Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành di đó có một khối lượng lớn các văn bản liên quan đến du lịch song không do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ban hành song lại không thuộc đối tượng rà soát, hệ thống hoá của ngành du lịch. Bên cạnh đó, có một khối lượng không nhỏ văn bản do các địa phương ban hành liên quan đến hoạt động du lịch. Đã phát hiện không ít trường hợp có mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản trung ương ban hành song đây là công việc phức tạp đòi hỏi thời gian và sự hỗ trợ của cán bộ pháp lý ở địa phương.

    - Về nguyên tắc kết quả rà soát cần được thể hiện bằng các hình thức pháp lý có hiệu lực. Tuy nhiên cho đến nay, Tổng cục Du lịch vẫn chưa ban hành được Quyết định về danh mục văn bản đã hết hiệu lực. Có một thực tế là khi Pháp lệnh du lịch được ban hành thì về nguyên tắc các văn bản trước đó đều không còn hiệu lực, song do các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chưa được ban hành kịp thời, do đó, còn một "khoảng trống" với tình trạng không rõ ràng là sẽ áp dụng văn bản nào đối với những hành vi, hoạt động xảy ra trong khoảng thời gian đó. Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật đều sử dụng một cụm từ phổ biến đó là "những quy định nào trái với văn bản này đều bãi bỏ". Như vậy, chỉ bãi bỏ những quy định nào trái, song như thế nào là rái thì lại không rõ. Đây là một vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

    2.3. Công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật.

     

    Du lịch là một lĩnh vực có tính xã hội hoá cao do đó, tham gia hoạt động du lịch không chỉ có các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở TW, địa phương, các doanh nghiệp, khách du lịch mà giữ vai trò quan trọng đó là những cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch đều phải tính tới quyền, lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Mặc khác, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch là công việc quan trọng, đặc biệt là ý thức pháp luật về vệ sinh bảo vệ môi trường, bảo vệ trật tự an toàn tại các khu, điểm du lịch. Do điều kiện hạn chế, cho đến nay Tổng cục Du lịch mới chỉ triển khai được việc phổ biến, tuyên truyền một sô văn bản pháp luật quan trọng đối với cán bộ nhân viên ở cơ quan Tổng cục; triển khai để quán triệt nội dung một số văn bản pháp luật về quản lý ngành cho các Sở du lịch. Trong điều kiện thiếu cán bộ, kinh phí hiện nay, với một phạm vi rộng rãi các đối tượng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì việc tìm ra các hình thức tuyên truyền phổ biến thích hợp là vấn đề quan trọng.

    2.4. Công tác kiểm tra thực hiện pháp luật.

    Đây là một nội dung hoạt động của pháp chế ngành quy định trong Nghị định 94/CP dựa theo lý luận về pháp chế XHCN trong đó có yếu tố thực hiện pháp luật. Về lý thuyết, việc bảo đảm pháp chế XHCN bao gồm cả hoạt động thực hiện pháp luật song xét về tổng thể thì vấn đề kiểm tra thực hiện pháp luật do nhiều cơ quan tiến hành. Cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở để phân định nội dung kiểm tra thực hiện pháp luật của các cơ quan khác nhau. Ngay trong cơ quan Tổng cục Du lịch, việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật do ba loại đơn vị thực hiện: đó là Thanh tra Du lịch, Vụ Pháp chế và các Vụ quản lý chuyên ngành (Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Kế hoạch và Vụ Đầu tư...). Trong đó các vụ quản lý chuyên ngành và thanh tra du lịch là những tổ chức có điều kiện tiếp cận với đối tượng kiểm tra hơn cả. Vụ Pháp chế không trực tiếp quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Tổng cục Du lịch; đồng thời cũng không có hệ thống chân rết như Thanh tra do đó, chỉ có thể thực hiện công tác này một cách gián tiếp hoặc phải nhờ cậy vào sự phối hợp với các đơn vị khác. Nội dung kiểm tra không rõ ràng, phương tiện vật chất không có kinh phí riêng; theo chúng tôi quy định về nhiệm vụ này hầu như không khả thi trên thực tế.

    2.5. Các công tác khác.

     

    Bên cạnh các công việc tại các điểm 2.1, 2.4 kể trên theo chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế quy định tại Nghị định 94/CP, Vụ Pháp chế còn tham gia vào nhiều hoạt động khác, chủ yếu để xem xét, tham gia ý kiến về khía cạnh pháp lý của vấn đề. Vụ Pháp chế cũng được giao làm đầu mối một số chương trình nghiên cứu và phát triển hệ thống văn bản pháp luật; trả lời các vấn đề vướng mắc của địa phương hoặc tham mưu cho Lãnh đạo chỉ đạo một số công tác ở địa phương.

    Du lịch với tổ chức pháp chế của các

    đơn vị trong ngành và vơí Bộ Tư pháp

     

    tổ chức Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo; vai

    trò của tổ chức Pháp chế trong việc thực hiện

    chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo

    - Chức năng và nhiệm vụ của Tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

    Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 về tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã nêu rõ: Tổ chức Pháp chế ở các Bộ ... có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, Tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật.

    - Nhiệm vụ của Tổ chức Pháp chế ở các Bộ, điều 4 của Nghị định 94/CP cũng ghi rõ:

    I. Công tác xây dựng pháp luật:

    1) Đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn trình Bộ trưởng và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó.

    2) Thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

    3) Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao.

    4) Làm đầu mối giúp Bộ trưởng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

    II. Công tác rà soát, hệ thống hoá

    văn bản quy phạm pháp luật

    1) Thường xuyên tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án trình Bộ trưởng xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

    2) Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc bộ đề xuất với Bộ trưởng kiến nghị với Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ các văn bản hoặc các quy định do Chính phủ, các Bộ, các tỉnh ban hành trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ đã ban hành.

    III. Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật,

    kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

    1) Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành.

    2) Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ.

    3) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành.

    4) Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

    Căn cứ vào những chức năng nhiệm vụ nêu trên, Tổ chức Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện được các nhiệm vụ:

    1) Thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật hầu hết là các loại quyết định ban hành các quy chế, điều lệ, quy định, thông tư, chỉ thị giúp cho công tác quản lý và chỉ đạo nhiệm vụ của ngành. Từ năm 1963 đến nay (bắt đầu có Tổ chức Pháp chế). Các văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định. Trung bình mỗi năm tổ chức pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý thẩm định khoảng 50 văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 20 văn bản của các Bộ, ngành khác chuyển đến lấy ý kiến. Trước khi có Luật Giáo dục thì trung bình mỗi năm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật.

    2. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

    Đến nay ngành giáo dục và đào tạo đã có 2 luật:

    - Luật phổ cập giáo dục tiểu học ban hành năm 1991.

    - Luật Giáo dục ban hành ngày 11/12/1998.

    Hai Luật này là luật pháp hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong công tác giáo dục; đưa công tác quản lý, điều hành mọi mặt công tác của ngành theo pháp luật, không còn tình trạng hô hào, khuyến học chung chung.

    Việc xây dựng 2 luật này tốn khá nhiều thời gian, công sức của nhiều cán bộ trong Bộ. Đặc biệt tổ pháp chế Bộ Giáo dục năm 1987 – 1990 được Bộ Giáo dục giao cho chủ trì, làm đầu mối trong việc soạn thảo Luật Phổ cập giáo dục tiểu học; tổ pháp chế (năm 1997 là Phòng Pháp chế) Bộ Giáo dục và Đào tạo 1994 - 1998 được giao chủ trì việc soạn thảo Luật Giáo dục. Trong thời gian gần 5 năm từ việc thuyết trình để đưa việc xây dựng Luật Giáo dục và Chương trình của Quốc hội, đến việc xây dựng đề cương, sọan thảo gần 40 lần, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ngành các cấp, các nhà khoa học, các nhà giáo lão thành, các nhà giáo nhà quản lý giáo dục trong toàn ngành, các luật gia có tên tuổi tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến khi trình Chính phủ, Quốc hội thông qua.

    Tuy ít người, kinh nghiệm về thực tế giáo dục, cũng như kỹ năng xây dựng luật còn hạn chế, nhưng Tổ đã chủ động tích cực làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình để 2 luật được ban hành kịp thời, có chất lượng, có tính pháp lý tương xứng. Qua việc xây dựng luật, cán bộ Tổ Pháp chế cũng được trưởng thành nhiều về mọi mặt.

    Sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực, Phòng Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, gồm 28 văn bản. Để thực hiện việc xây dựng các văn bản này, Phòng Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các nhóm soạn thảo văn bản (mỗi văn bản một nhóm soạn thảo).

    Phòng đã được Bộ trưởng giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và một số văn bản chung khác như: Quy chế tổ chức hoạt động các trường ngoài công lập, Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ.

    3. Thực hiện hai đợt tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Tư pháp đợt I: (chưa sáp nhập 2 Bộ: giáo dục và Đại học, THCN và Dạy nghề). Đợt này tập trung rà soát các văn bản từ 1976 đến 1989. Hai Bộ làm nghiêm túc xây dựng thành báo cáo về các loại: - Văn bản cần huỷ bỏ do đã có văn bản thay thế; không phù hợp với tình hình.

    - Các văn bản còn hiệu lực thi hành.

    - Các văn bản cần sửa đổi, bổ sung.

    Những báo cáo này đã được gửi Bộ trưởng 2 Bộ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

    Đợt rà soát này tốn khá nhiều công sức, nhưng kết quả không ra được văn bản quy định nào. Do đó về mặt pháp lý những văn bản quy phạm pháp luật vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý, trừ những văn bản hết hiệu lực và có văn bản khác phủ định.

    Đợt II tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật từ 1976 đến hết năm 1999.

    Kết quả đã trình Bộ trưởng ra quyết định:

    - Bãi bỏ 174 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, không phù hợp với tình hình và cơ chế mới, đã có các văn bản mới thay thế. Bãi bỏ 11 thông tư liên Bộ không còn hiệu lực thi hành.

    - Đề nghị sửa đổi và làm lại 221 văn bản.

    - Đề nghị giữ nguyên hiệu lực 349 văn bản.

    Đợt rà soát này kết quả cũng rất hạn chế.

    Quyết định bãi bỏ văn bản lần thứ nhất bỏ: 221 văn bản. Sau khi ban hành các Vụ chức năng lại có ý kiến xin giữ lại một số văn bản kể cả những công văn hướng dẫn là những văn bản không được coi là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó lại phải ban hành quyết định khác.

    Văn bản cần sửa đổi làm lại các đơn vị thống nhất nhưng sửa thế nào, điều khoản, mục nào cần sửa hoặc bỏ thì không đơn vị nào có ý kiến cụ thể nên loại này cũng chỉ dừng ở dạng báo cáo thống kê.

    4) Về hệ thống hoá các văn bản QPPL.

    Từ khi có tổ chức Pháp chế, tổ Pháp chế và đến nay là Phòng Pháp chế đã cố gắng tập hợp, hệ thống hoá được 20 tập văn bản.

    Về các vấn đề: Mẫu giáo, Phổ thông, Sư phạm, đồ dùng dạy học, chế độ đối với cán bộ giảng dạy, giáo viên, quản lý học sinh, chế độ chi tiêu tài chính, lao động sản xuất. Từ 1991 đến nay cứ 2 năm một lần tổ lại tập hợp thành 2 tập:

    Mầm non, Phổ thông, THCN.

    Đại học, Sau đại học, Giáo dục thường xuyên.

    Các tập văn bản này đã có tác dụng: lưu giữ được văn bản làm tư liệu, giúp các đơn vị trong bộ, các Sở, các trường thực hiện nhiệm vụ của ngành theo đúng pháp luật.

    5) Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

    Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tư pháp mỗi khi có luật hoặc pháp lệnh mới ban hành, tổ chức Pháp chế đã sao in các tài liệu như đề cương, câu hỏi, giải đáp các vấn đề của luật và pháp lệnh mới gửi đến các đơn vị để phổ biến tới mọi cán bộ, nhân viên trong Bộ.

    Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Pháp chế của ngành (đã nêu trên) thì tổ Pháp chế trước đây và Phòng Pháp chế hiện nay còn nhiều việc làm chưa tốt và chưa làm được:

    - Việc tổng hợp, dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật hàng năm chỉ mới làm được từ 3 năm nay, nhưng thường thì không thực hiện được. Rà soát văn bản chưa làm được thường xuyên chỉ khi nào Chính phủ có chủ trương tổng rà soát mới làm. Hai đợt tổng rà soát năm1989 và 1998 làm khá công phu nhưng hiệu quả thấp. Nhìn vào khối văn bản quy phạm pháp luật của ngành hiện nay được coi như còn hiệu lực thi hành thì vô cùng khó khăn trong điều hành và xử lý vi phạm. Những văn bản không phải là quy phạm pháp luật mà được áp dụng ở cơ sở như văn bản QPPL (công văn hướng dẫn) còn khá nhiều không thuộc phạm vi rà soát của Pháp chế nhưng lại có tác động lớn đến cơ sở. Nhiều cán bộ quản lý cũng như chuyên viên của các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước, thậm chí không biết lĩnh vực mình quản lý có những văn bản nào điều chỉnh.

    - Việc hệ thống hoá văn bản QPPL đã làm được đều đặn nhưng cũng chỉ mới là tập hợp mà chưa hệ thống hoá theo chuyên mục. Văn bản sau khi hệ thống lại, in, phát hành đến các cơ sở, do số lượng in không nhiều, giá thành cao, lại thêm các quy định về tài chính nên nhiều cơ sở không muốn mua; nếu có kinh phí tổ chức in và phát đến các trường thì tác dụng và hiệu quả thi hành pháp luật trong ngành sẽ tốt hơn nhiều.

    - Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

    - Công tác này còn nhiều mặt hạn chế, tổ Pháp chế trước đây cũng như phòng Pháp chế hiện nay hầu như chưa thực hiện được, nhất là việc kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Văn bản QPPL sau khi ban hành ra khỏi cơ quan, đến cơ sở được đón nhận thế nào? có gì vướng mắc? Cán bộ quản lý các cấp thực hiện có gì đúng, sai? Phòng Pháp chế hầu như không nắm được và cũng chưa có khi nào cán bộ Pháp chế được đi về cơ sở để tìm hiểu việc thực thi pháp luật của ngành. Việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành phòng Pháp chế cũng chưa khi nào được hỏi ý kiến.

    Sau khi có Luật Giáo dục, và các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục, Phòng Pháp chế đã phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan xử lý một số trường hợp quyết định của địa phương trái với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao vì vai trò, vị trí của một đơn vị cấp Phòng, thuộc Văn phòng thì khó có thể giải quyết được.

    6) Việc xây dựng lề lối làm việc và quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

    Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 101/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để đưa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào nề nếp, Phòng Pháp chế đã đề xuất và xây dựng trình Bộ trưởng ban hành Quy định về hình thức, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, Quy định về hình thức, thủ tục xây dựng văn bản cá biệt của Bộ, Quy định về hình thức, thủ tục xây dựng văn bản hành chính của Bộ; đồng thời ban hành một loạt các văn bản về lề lối làm việc của Bộ như: Quy chế làm việc của cơ quan Bộ, Quy định về tiếp khách nước ngoài, Quy định về lập dự toán, thanh quyết toán chi tiêu...

     

     

    và Đào tạo với các đơn vị trực thuộc, các Sở,

    trường... Quan hệ với Bộ Tư pháp.

    Tổ chức Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo được hình thành từ rất sớm, đến nay đã được 38 năm. Tháng 11-1997 được Bộ trưởng ra quyết định chính thức thành lập Phòng Pháp chế. Tuy đã có danh nghĩa là một Phòng công tác nhưng đến nay sau 43 tháng Phòng vẫn chỉ có hai cán bộ và một hợp đồng (gọi là "cơ hữu") chưa có trưởng phó phòng và vẫn do một vị Phó Chánh Văn phòng phụ trách kiêm nhiệm với nhiều mặt công tác cụ thể khác. Quan hệ công tác với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở, các trường đều phải qua lãnh đạo Văn phòng, kinh phí hoạt động không có. ở các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở có tổ chức pháp chế hoặc có cán bộ theo dõi pháp chế không? cơ chế lề lối làm việc thế nào? Phòng Pháp chế Bộ không biết và cũng không có quyền biết.

    Với Bộ Tư pháp và các tổ chức Pháp chế các Bộ ngành khác, phòng Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ tư cách đồng đẳng, đồng cấp nhưng phòng đã thực hiện nghiêm chỉnh những hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Tư pháp; thực hiện đầy đủ những quy định về báo cáo và thẩm định trình ký các văn bản do Chính phủ và Quốc hội ký.

    Phòng Pháp chế cũng đóng góp ý kiến đầy đủ, kịp thời và có chất lượng các văn bản QPPL của các Bộ ngành khác gửi góp ý kiến; tham gia ban soạn thảo các văn bản QPPL với các Bộ khác khi được mời.

    D. Đánh giá chung.

    Với cơ chế tổ chức, nhân lực của tổ chức Pháp chế qua các thời kỳ nêu trên và với chức năng, nhiệm vụ được xác định tại Nghị định 94/CP Phòng Pháp chế chưa làm hết chức năng nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân có nhiều nhưng bao trùm lên tất cả là một số Bộ trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quan niệm đầy đủ việc quản lý nhà nước bằng Pháp luật do đó chưa có quyết tâm xây dựng một bộ máy đủ mạnh để giúp mình làm việc này.

    38 năm qua Tổ chức Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo tồn tại như một cơ thể "tiên thiên bất túc" nhưng cũng đã làm được nhiều việc quan trọng được Bộ Tư pháp nhiều lần tặng bằng khen. Những việc chưa làm được do không đủ sức còn nhiều, để lại nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện pháp luật của ngành, đối với cơ sở và nhân dân.

     

     

    chế và đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Pháp chế

    Trước hết Bộ trưởng và các cán bộ tham mưu cho Bộ trưởng về mặt tổ chức cần hiểu đầy đủ pháp luật là gì? Quản lý nhà nước bằng pháp luật là thế nào? Quán triệt và thực hiện tốt nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các bộ, ngành...

    Ngành Giáo dục và đào tạo có phạm vi và đối tượng quản lý rất lớn, từ giáo dục mầm non đến sau đại học, giáo dục thường xuyên; hầu như mọi người dân đều là đối tượng quản lý của ngành giáo dục và đào tạo; hệ thống trường sở của ngành ở khắp mọi miền từ vùng núi cao đến hải đảo xa xôi, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều liên quan đến giáo dục và đào tạo. Do vậy hệ thống luật pháp của ngành cần phải ứng đáp được những yêu cầu thực tế trên.

    Căn cứ Nghị định 94/CP thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có một vụ Pháp chế hoặc nếu là Phòng thì là một phòng độc lập trực thuộc Bộ trưởng, không nằm trong Văn phòng hoặc một Vụ nào khác. Có đủ chuyên viên đạt trình độ cần thiết để làm các nhiệm vụ đã quy định trong nghị định 94/CP. Đây là điều kiện tiên quyết, sau khi có tổ chức và cán bộ mới triển khai được các nhiệm vụ quan trọng mà trước đây chưa làm được: xây dựng chương trình, kế hoạch soạn thảo các văn bản QPPL hàng năm; rà soát văn bản QPPL thường xuyên, đề nghị Bộ trưởng bãi bỏ các văn bản không đúng quy cách, ban hành sai thẩm quyền, những văn bản không còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, những văn bản đòi hỏi phải vận dụng khi thực hiện; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến toàn ngành. Định kỳ và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong ngành. Cần có đủ kinh phí cho việc thực hiện các mặt công tác của tổ chức Pháp chế.

     

    G. Kiến nghị mô hình tổ chức Pháp

    chế Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Ngành giáo dục và đào tạo hiện nay đã có 2 luật là: - Luật Phổ cập giáo dục tiểu học; - Luật Giáo dục. Luật phổ cập giáo dục tiểu học ban hành năm 1991 đến nay đại bộ phận các tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang triển khai phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhiều quận ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện phổ cập Trung học phổ thông. Như vậy, Luật phổ cập giáo dục tiểu học sẽ phải sửa đổi; Luật giáo viên, Luật về đào tạo Đại học cũng sẽ phải chuẩn bị soạn thảo. Những nhiệm vụ của tổ chức Pháp chế theo quy định tại Nghị định 94/CP mà trước đây "Phòng Pháp chế" chưa làm được. Nay muốn làm tốt những nhiệm vụ ấy thì mô hình tổ chức Pháp chế của Bộ phải được tổ chức như sau:

    ở Bộ Giáo dục và Đào tạo: là Vụ Pháp chế

    Có một Vụ trưởng, một hoặc 2 Vụ phó. Trình độ: tốt nghiệp đại học Luật, có kinh nghiệm quản lý và hiểu biết về ngành giáo dục và đào tạo. Vụ có 5 đến 7 chuyên viên tốt nghiệp đại học Luật, biết ngoại ngữ, thạo sử dụng máy vi tính.

    ở các đơn vị trực thuộc Bộ, có một chuyên viên làm công tác Pháp chế ở đơn vị làm việc trực tiếp với thủ trưởng theo chế độ chuyên viên.

    ở các Sở có một hoặc hai chuyên viên phụ trách công tác Pháp chế của Sở.

    Các chuyên viên Pháp chế ở các đơn vị và các Sở chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Về mô hình tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nên được quy định bằng một Nghị định khác thay thế Nghị định 94/CP. Trong đó cần khẳng định:

     

     

     

     

     

     

    Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động

    của Tổ chức pháp chế Tổng cục Bưu điện

     

    Võ Thanh Lâm, Thạc sỹ Luật học

    Phòng Pháp chế - Tổng cục Bưu điện

     

    nhiệm vụ của tổ chức pháp chế Tổng

    cục Bưu điện theo Nghị định 94/CP

    Theo quy định của Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì chức năng nhiệm vụ chính của tổ chức pháp chế của các Bộ Ngành là giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao, đồng thời tổ chức việc triển khai thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở quy định của Ngjhị định này, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-TCCB ngày 31/10/1997 để thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục, với số lượng cán bộ ban đầu rất khiêm tốn là chỉ có 02 người - một trưởng phòng và một chuyên viên - cả hai cán bộ này đều đã tốt nghiệp đại học luật đồng thời có bằng đại học chuyên ngành thông tin liên lạc hoặc điện tử viễn thông, trong đó một cán bộ đã có bằng thạc sỹ luật. Trong quá trình hoạt động từ ngày thành lập đến nay, mặc dù có một số biến động về nhân sự, nhưng số lượng cán bộ pháp chế của phòng đã dần dần được bổ sung và tăng cường cả về mặt số lượng và chất lượng: tổng số cán bộ pháp chế đã nâng lên thành 4 người, trong đó tất cả đều đã tốt nghiệp đại học luật, đáng chú ý là trong đó nhiều cán bộ đã có bằng đại học thứ hai về chuyên ngành điện tử viễn thông và bằng sau đại học về chuyên ngành luật (2 cán bộ đã có bằng thạc sỹ luật học và bằng đại học chuyên ngành điện tử viễn thông, 1 cán bộ có bằng đại học ngoại ngữ và 1 cán bộ đang theo học chương trình đại học ngoại ngữ), là một điều kiện hết sức cần thiết đối với cán bộ pháp luật công tác trong một ngành kinh tế kỹ thuật mang tính đặc thù cao như ngành bưu chính viễn thông. Đây chính là một yếu tố để công tác của phòng đã ngày càng được khẳng định và được các đơn vị chức năng chuyên môn trong Tổng cục đánh giá cao, các cấp lãnh đạo khen ngợi. Với số lượng cán bộ khiêm tốn như vậy song với tinh thần làm việc tích cực và tự giác, trong những năm vừa qua Phòng đã thực hiện được những khối lượng công việc khổng lồ, đặc biệt là trong công tác tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn có những nội dung chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa được tốt như theo quy định của Nghị định 94/CP. Sau đây là một số nội dung cụ thể về tình hình thực hiện các chức năng nhiệm vụ của tổ chức pháp chế thuộc Tổng cục Bưu điện.

    nhiệm vụ của tổ chức pháp chế:

    a. Công tác xây dựng văn bản pháp luật:

    Hàng năm, Phòng pháp chế của Tổng cục Bưu điện đều chủ động xây dựng chương trình xây dựng pháp luật của Tổng cục trình lãnh đạo phê duyệt và đăng ký với Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ để tập hợp chương trình công tác chung của Chính phủ. Chương trình này sau khi được phê duyệt, tổ chức pháp chế cũng đồng thời được phân công chủ trì hoặc làm thường trực để triển khai xây dựng nhiều văn bản, hoặc tham gia với các đơn vị chức năng khác của Tổng cục để triển khai xây dựng.

    Ngoài ra, Phòng cũng là đơn vị chủ yếu chịu trách nhiệm chính trong việc tham gia đóng góp ý kiến nội dung dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành khác gửi đến, tổ chức giới thiệu và lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến những quyền cơ bản của công dân như dự thảo Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính v.v. Trong thời gian từ năm 1998 đến nay, Phòng Pháp chế đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng dự thảo trên 20 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, tham gia thẩm định pháp lý hàng chục văn bản quy phạm pháp luật khác về bưu chính viễn thông, trực tiếp góp ý hoặc tổ chức tập hợp ý kiến đóng góp đối với hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan bộ ngành khác gửi đến lấy ý kiến.

    Đặc biệt là trong các năm từ 1998 đến 2000, Phòng pháp chế đã giữ vai trò là bộ phận thường trực chịu trách nhiệm công việc điều phối giữa các đơn vị trong và ngoài Tổng cục cũng như trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu khảo sát chuẩn bị tư liệu trong quá trình triển khai xây dựng dự thảo luật bưu chính viễn thông theo chương trình xây dựng luật và pháp luật của quốc hội. Phòng Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức nhiều hoạt động khảo sát và đánh giá thực trạng hệ thống văn bản pháp luật về bưu chính viễn thông, tình hình thực thi các văn bản pháp luật về bưu chính viễn thông tại các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên khắp cả nước, tổ chức nhiều đợt hội thảo và trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước và xây dựng pháp luật về bưu chính viễn thông với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia pháp luật và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý trong lĩnh vực bưu chính viễn thông như chuyên gia pháp luật của Liên minh viễn thông quôc tế ITU, Liên minh bưu chính thế giới UPU, Cơ quan Bưu chính Mỹ, Hà Lan, Pháp v.v.

    Sau này, khi Quốc hội khoá X có Nghị quyết mới về chương trình xây dựng luật và pháp luật trong năm 2001, việc xây dựng dự thảo luật bưu chính viễn thông đã được chuyển thành việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, thì Phòng pháp chế đã tiếp tục thực hiện tốt chức năng là đơn vị điều phối và trực tiếp tham gia soạn thảo nhiều phần quan trọng trong dự thảo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông. Nội dung các công việc cụ thể mà phòng pháp chế đã triển khai trong thời gian nay là chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, xây dựng đề cương chi tiết và triển khai xây dựng dự thảo pháp lệnh, tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế tại các địa phương và tại các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, Internet; tham quan tìm hiểu kinh nghiệm quản lý của một số nước, mời một số chuyên gia của các tổ chức quốc tế như ITU, UPU. APEC tổ chức các hội thảo để thu thập thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Sau nhiều lần hội thảo Dự thảo pháp lệnh đã được hoàn thiện chính thức đến version 10 và gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành có liên quan và của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông.

    Ngoài ra, Phòng pháp chế cũng đã thực hiện tốt vai trò của mình trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức pháp chế của các bộ ngành hữu quan để phối hợp triển khai công tác chuyên môn, dự thảo các văn bản pháp luật liên tịch giữa Tổng cục Bưu điện với các Bộ ngành khác như với Bộ công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao v.v.

    văn bản quy phạm pháp luật:

    Về công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, vai trò của Phòng Pháp chế đã được khẳng định và được lãnh đạo đánh giá cao, đặc biệt là qua kết quả của đợt công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 1996-2000 theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Chính Phủ. Với nhiệm vụ là bộ phận thường trực ban chỉ đạo công tác này tại Tổng cục, Phòng pháp chế đã phát huy vai trò của mình với những công việc như điều phối, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát và hệ thống hoá tại các đơn vị, tổ chức trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức pháp chế khác, làm việc với thành viên Ban chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tổng rà soát đã được tiến hành đúng tiến độ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo công tác tổng rà soát của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng tốt với kết quả là đã hoàn thành việc xây dựng các danh mục văn bản như: Danh mục toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông được ban hành từ năm 1976 đến 1996, tiếp đó là danh mục bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện ban hành từ 1996 đến 2000, Danh mục các văn bản đã hết hiệu lực thi hành, danh mục văn bản đang còn hiệu lực thi hành, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực thi hành đề xuất sửa đổi bổ sung, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đề nghị xây dựng mới v.v. Dựa trên kết quả của đợt công tác tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật này, Phòng Pháp chế đã đề xuất trình Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện xem xét quyết định công bố danh mục văn bản đã hết hiệu lực thi hành gồm 538 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng cục Bưu điện - kể cả các văn bản ban hành liên tịch với các Bộ Ngành chức năng khác (Quyết định số 35/2000/QĐ-TCBĐ) và danh mục văn bản ban hành sai thẩm quyền (gồm những văn bản đã ban hành không đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật - cả về hình thức và nội dung văn bản). Những kết quả đạt được từ đợt công tác tổng rà soát này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các đơn vị chức năng chuyên môn trong Tổng cục trong việc rà soát đánh giá lại thực trạng và yêu cầu quản lý của các đơn vị theo từng lĩnh vực chuyên ngành được phân công, từ đó xác định được những bất cập và đề xuất các biện pháp đổi mới đối với công tác quản lý, thông qua việc ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc sửa đổi những văn bản đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

    Tiếp tục phát huy kết quả của đợt công tác tổng rà soát này, Phòng Pháp chế đã chủ động triển khai thực hiện định kỳ hàng năm công tác rà soát văn bản tại đơn vị theo đúng như quy định cuả Nghị định số 94/CP. Mặc dù Phòng Pháp chế hiện nay chưa có đủ số lượng cán bộ để có thể phân công một cán bộ chuyên trách phụ trách công tác này song những cán bộ phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn của phòng đã được phân công và chủ động hệ thống hoá những văn bản theo từng mảng công việc mà mình phụ trách và hàng năm đều có tổng hợp và thống kê thành một danh mục chung phục vụ yêu cầu công tác của đơn vị, và kết quả là đã phối hợp với Nhà Xuất Bản Bưu điện ban hành hàng năm các tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tra cứu của các đơn vị chức năng chuyên môn thực thi công tác quản lý của mình đồng thời tạo cơ sở cho các đối tượng thi hành có điều kiện tiếp xúc và hiểu biết về những quy định hiện hành của pháp luật bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện, từ đó có thể nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng này.

    Cũng nằm trong nội dung liên quan đến công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, vai trò của Phòng Pháp chế một lần nữa được khẳng định qua đợt công tác rà soát văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu và hải quan theo tinh thần Quyết định số 670/TTg cua Thủ tướng Chính phủ. Phòng đã cùng các đơn vị chức năng tiến hành rà soát lại toàn bộ các quy định về quản lý chuyên ngành đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại vật tư, thiết bị bưu chính viễn thông, từ đó kiến nghị những biện pháp tháo gỡ và giải quyết những bất cập trong công tác này để tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu vật tư thiết bị bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật. Phòng Pháp chế với tư cách là thường trực tổ công tác này của Tổng cục Bưu điện đã chủ động và tích cực phối hợp vói các vụ chức năng liên quan của Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp v.v. triển khai thực hiện các yêu cầu theo hướng dẫn của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã dự thảo và trình Lãnh đạo Tổng cục ký ban hành thông tư liên tịch về kiểm tra hải quan đối với vật phẩm hàng hoá gửi qua đường bưu điện, một thông tư hướng dẫn về xuất nhập khẩu với những nội dung quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý hiện nay.

    Riêng trong năm 2000, việc triển khai thi hành Nghị định số 30/2000/NĐ-CP và Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg về triển khai thi hành luật doanh nghiệp và việc huỷ bỏ một số giấy phép nhằm tạo điều kiện thông thoáng và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, công tác rà soát văn bản pháp luật và vai trò của Phòng Pháp chế một lần nữa được khẳng định thông qua việc rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật là sở cứ pháp lý đối với các loại giấy phép chuyên ngành bưu chính viễn thông và tần số vô tuyền điện do Tổng cục Bưu điện hiện đang quản lý và cấp phép, đối chiếu với các quy định cụ thể của Luật doanh nghiệp, Phòng Pháp chế đã đề xuất và chủ trì soạn thảo thông tư hướng dẫn về kinh doanh có giấy phép và kinh doanh có điều kiện theo tinh thần giảm bớt giấy phép tạo điều kiện thông thoáng, chủ yếu quản lý bằng giấy phép mang tính nghiệp vụ, còn đối với giấy phép mang tính chất thương quyền cấp cho doanh nghiệp chỉ giới hạn ở mức độ tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị định số 30 và quyết định 19 nêu trên..

    Như vậy, mặc dù mô hình tổ chức dưới hình thức phòng nhưng có thể khẳng định rằng kể từ khi được tổ chức lại thì Phòng Pháp chế đã thực hiện tốt công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, một nội dung công tác quan trọng của các tổ chức pháp chế nói chung như đã được quy định trong Nghị định số 94/CP.

    Tổng cục và các đơn vị chức năng:

    Việc tham mưu và tư vấn cho lãnh đạo Tổng cục là một nội dung mặc dù chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng như quy định trong Nghị định 94/CP, nhưng đã là một sự nỗ lực đáng trân trọng của phòng trong điều kiện mô hình tổ chức được đặt trực thuộc Văn phòng - đồng nghĩa với những khó khăn và hạn chế nhất định trong việc thực hiện vai trò tư vấn tham mưu của phòng. Tuy nhiên, Phòng Pháp chế cũng đã đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo trong việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý, đặc biệt là những đề xuất trong việc xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông hoặc việc giải quyết các khiếu nại của các doanh nghiệp và cá nhân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông.

    Với hạn chế là không ngang cấp với các vụ chức năng chuyên môn, nhưng Phòng đã chủ động phối hợp tham gia với các Vụ chức năng để đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật mà các vụ chức năng chủ trì soạn thảo, hoặc trao đổi thống nhất về cơ sở pháp lý và việc giải quyết các vấn đề quản lý chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực quản lý về chất lượng, về khoa học công nghệ, về quản lý nghiệp vụ bưu chính viễn thông, việc quản lý xuất nhập khẩu vật tư thiết bị bưu chính viễn thông v.v.

    d. Công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật:

    Phòng Pháp chế đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị hữu quan ở các Bộ Ngành tổ chức giới thiệu và phổ biến nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới đươc ban hành liên quan đến các quyền cơ bản của công dân nói chung như bộ luật hình sự, pháp lệnh khiếu nại tố cáo, pháp lệnh công chức viên chức... góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp của cán bộ công chức trong ngành bưu điện. Bên cạnh đó Phòng cũng đã chủ trì và chuẩn bị nội dung để phát hành 2 tập sách Những văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện là cơ sở tốt cho việc thực hiện công tác tuyên tuyền và phổ biến pháp luật về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.

    Phòng đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền và phổ biến một số văn bản pháp luật hiện hành về bưu chính viễn thông tới các đối tượng thi hành, đặc biệt là các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam, như tổ chức giới thiệu về Nghị định số 109/1997/NĐ-CP về bưu chính viễn thông, Thể lệ khai thác dịch vụ trên mạng PSTN, Nghị định số 79/CP về thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện v.v. Tuy nhiên, công tác này thực sự chưa đạt được hiệu quả như mong muôn do điều kiện hạn hẹp về kinh phí, do mô hình tổ chức còn nằm trong Văn phòng nên Phòng chưa thực sự chủ động triển khai mà hầu hết đếu là phối hợp hoặc hỗ trợ với các đơn vị chức năng khác thuộc Tổng cục như Thanh tra, Vụ chính sách bưu điện v.v.

    e. Công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật

    về bưu chính, viễn thông và tàn số vô tuyến điện:

    Mặc dù đây là một nội dung quan trong nhưng lại là môt nội dung công tác mà tổ chức pháp chế của Tổng cục Bưu điện thực hiện ít hiệu quả nhất, nếu không nói là hầu như chưa thực hiện được trong thời gian hoạt động vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này chủ yếu là do mô hình tổ chức dưới hình thức phòng. Các đơn vị thường lẫn lộn giữa chức năng thanh tra kiểm tra của tổ chức thanh tra và chức năng kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện của tổ chức pháp chế. Bên cạnh đó, do mô hình tổ chức phòng nên thường bị yếu thế hơn trong việc triển khai công tác này - chủ yếu bị phụ thuộc vào tổ chức thanh tra: nếu thanh tra chủ động và tạo điều kiện để hai đơn vị cùng thực hiện theo giới hạn chức năng đã quy định thì tổ chức pháp chế mới có thể thực hiện được công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, còn nếu đơn vị thanh tra không tạo điều kiện hoặc thậm chí cố tình bỏ qua thì tổ chức pháp chế không thể thực hiện được chức năng này. Thêm vào đó, việc tổ chức pháp chế không thực hiện được chức năng kiểm tra việc thực thi pháp luật về bưu chính viễn thông còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật bởi việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã không được dựa trên cơ sở những khảo sát và đánh giá thực trạng pháp luật mà điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc kiểm tra thực hiện pháp luật về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện của các đối tượng bị quản lý. Kết quả là những văn bản quy phạm pháp luật như vậy sẽ không phản ánh được yêu cầu thực tiễn quản lý và lẽ tất yếu là tỷ lệ những nội dung bất cập hay không có tính khả thi sẽ cao hơn nhiều so với những văn bản pháp luật điều chỉnh những vấn đề quản lý mà việc kiểm tra tình hình thực thi pháp luật hay khảo sát đánh giá thực tiễn đã được thực hiện tốt theo đúng quy định.

    Như vậy là việc quy định chức năng này đối với các tổ chức pháp chế được tổ chức dưới mô hình phòng pháp chế chỉ là mang tính hình thức mà không có tính khả thi. Vấn đề này cần được xem xét và quan tâm đặc biệt khi tiến hành bổ sung sửa đổi Nghị định 94/CP.

    f. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ

    thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và

    bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp chế:

    Hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ việc thực hiện chức năng quản lý của Phòng Pháp chế thuộc Tổng cục Bưu điện trong thời gian vừa qua đã được Lãnh đạo Tổng cục hết sức quan tâm và hàng năm đều có giao các đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp Tổng cục nhằm tạo điều kiện để các cán bộ công chức pháp chế có điều kiện đi sâu nghiên cưú về các vấn đề chuyên sâu liên quan đến công tác pháp chế. Riêng trong năm 2001, cán bộ công chức của Phòng Pháp chế đã được giao trực tiếp chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó có hai đề tài về nghiên cứu đề xuất một số nội dung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông trong điều kiện mở cửa thị trường và cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông. Các đề tài đã được triển khai theo tiến độ và hoàn thành với chất lượng tốt và có tính khả thi, sẽ được xem xét để triển khai thực hiện một số nội dung đề xuất trong thời gian tới.

    Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học được giao chủ trì, cán bộ công chức của phòng pháp chế đã chủ động tích cực đồng thời được lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện để tham gia nghiên cứu và cộng tác với đơn vị để thực hiện môt số đề tài do các đơn vị chức năng khác của Tổng cục chủ trì. Việc tham gia này không chỉ giúp cán bộ công chức của phòng có điều kiện trao đổi công tác nghiệp vụ mà còn giúp anh chị em có thể học hỏi những kinh nghiệm quản lý chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, là một yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc của cán bộ làm công tác pháp chế trong một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù như ngành Bưu điện.

    Ngoài việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, cán bộ công chức của Phòng Pháp chế cũng được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện để tham gia các khoá đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cả ở trong và ngoài nước để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về pháp luật và kiến thức chuyên ngành về bưu chính viễn thông. Nhiều lượt cán bộ của Phòng Pháp chế đã được cử đi học ở nước ngoài như Hàn quốc, Bruney, Thái Lan, ấn độ, Thuỵ Điển v.v. Hai cán bộ của Phòng đã được đào tạo tiếp ở bậc sau đại học và tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sỹ luật học. Cũng có hai cán bộ đã tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học về điện tử viễn thông và nhận bằng kỹ sư, hiện đang phát huy tốt những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học tập vào trong công tác chuyên môn. Cán bộ của Phòng Pháp chế cũng đã được tham gia nhiều hội thảo và các khoá đào tạo ngắn hạn về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

    g. Quan hệ phối hợp giữa tổ chức pháp chế và

    các đơn vị chức năng khác thuộc Tổng cục Bưu điện:

    Để thực hiện được những chức năng và nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công của lãnh đạo, thì việc phối hợp với các đơn vị chức năng chuyên môn của Tổng cục là một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đối với hiệu quả công tác của tổ chức pháp chế của các bộ ngành nói chung cũng như của Tổng cục Bưu điện nói riêng. Mặc dù có những hạn chế về tổ chức và số lượng cán bộ, trong thời gian vừa qua Phòng Pháp chế của Tổng cục Bưu điện đã hết sức cố gắng trong phối hợp công tác với các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục và cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nhiều đơn vị, đặc biệt là trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và công tác rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Phòng đã tham gia một cách hiệu quả vào việc xây dựng văn bản do các đơn vị chủ xây dựng ngay từ giai đoạn đầu nên trong việc thẩm định đã thực hiện tốt, được các đơn vị tin tưởng và đánh giá cao, và ngày càng có nhiều đơn vị mong muốn có sự tham gia của tổ chức pháp chế trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị chủ trì, đồng thời hết sức tạo điều kiện để phòng pháp chế hoàn thành nhiệm vụ của mình.

    cục Bưu điện và một số đề xuất sửa đổi Nghị định 94

    cường công tác pháp chế tại các bộ ngành:

    Việc quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tại Nghhị định 94/CP đã bộc lộ nhiều nội dung bất cập, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động công tác pháp chế tại các Bộ Ngành, thậm chi việc thực hiện không nghiêm túc đối với chính các quy định tại Nghị định này cũng đã là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến công tác pháp chế (như quy định về việc tách độc lập tổ chức pháp chế khỏi các đơn chức năng chuyên môn khác). Để nâng cao hiệu quả công tác pháp chế tại các bộ ngành trong thời gian sắp tới, nhất thiết phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung những quy định tại Nghị định 94/CP với một số nội dung đề xuất như sau:

    - Tiếp tục tăng cường và củng cố công tác pháp chế cả về mặt tổ chức và cán bộ: Tổ chức pháp chế phải được phân tách độc lập khỏi các chức năng khác, quy định thống nhất về mô hình Vụ pháp chế ở tất cả các Bộ, cơ quang ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ. Tăng cường cả về số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác pháp chế.

    - Về kinh phí hoạt động: Trong điều kiện hạn chế về kinh phí ngân sách đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp như hiện nay thì việc dành một phần nguồn kinh phí này cho công tác pháp chế ở các Bộ ngành là hết sức khó khăn, kể cả đối với Tổng cục Bưu điện, đặc biệt là khi nguồn chi ngân sách được cấp cho các bộ ngành rất hạn chế. Do vậy, đề nghị có quy định rõ ràng về việc cấp kinh phí cho hoạt động pháp chế, đặc biệt là các công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát văn bản mà hiện nay còn được thực hiện theo cơ chế tuỳ nghi.

    - Cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trong việc đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn pháp luật và nghiệp vụ quản lý chuyên ngành cho cán bộ pháp chế, kể cả việc đào tạo sau đại học và các chương trình trao đổi kinh nghiệm pháp luật với nước ngoài.

    - Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và việc kiểm tra thực thi pháp luật phải được chú trọng và tăng cường hơn nữa, trách trường hợp chồng chéo hoặc hiện tượng không phối hợp giữa chức năng thanh tra kiểm tra của đơn vị thanh tra và chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật của tổ chức pháp chế.

     

    Tài liệu tham khảo

     

     

    1. Hoàn thiện và bổ sung hệ thống văn bản quy phạm
    2. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên
    3. Các văn bản quy phạm pháp luật liên
    4. Các văn bản quy phạm pháp luật liên
    5. Các văn bản quy phạm pháp luật liên
      1.  

         

        1. Dự kiến mô hình tổ chức pháp

      tổ chức pháp chế Tổng cục du lịch

      Du lịch là một ngành kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và sẽ là lĩnh vực phát triển năng động nhất trong thế kỷ 21. Tại Đại hội của Đảng toàn quốc lần thứ IX, du lịch được xác định là "một ngành kinh tế mũi nhọn". Tuy nhiên, tổ chức quản lý bộ máy nhà nước về du lịch đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi thành lập và tại thời điểm hiện nay vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ được xác định cho ngành du lịch. Bối cảnh đó không thể không tác động đến sự hình thành và phát triển của tổ chức pháp chế ngành du lịch.

      Ngành du lịch Việt Nam, tiền thân là Công ty Du lịch Việt Nam ra đời ngày 9/7/1960. Ban đầu chủ yếu là phục vụ khách của Đảng và Nhà nước. Tháng 6/1978 Tổng cục Du lịch được thành lập, là cơ quan thuộc Chính phủ. Đầu những năm đổi mới, tháng 4/1990 Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ Văn hoá (saulà Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao - Du lịch). Tháng 6/1991 Tổng cục Du lịc chuyển về Bộ Thương mại (sau là Bộ Thương mại - Du lịch).

      Năm 1992 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tổ chức bộ máy ngành du lịch. Nghị định 05/CP ngày 26/10/1992 thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/CP ngày 27/12/1990 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục Du lịch. Tại Nghị định này chưa có đề cập gì về tổ chức pháp chế trong cơ cấu bộ máy giúp việc cho Tổng cục trưởng.

      Theo Nghị định 20/CP của Chính phủ, Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch trong phạm vi cả nước. Bên cạnh các nhiệm vụ như xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực du lịch chủ yếu như hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch; kinh doanh lữ hành (nội địa, quốc tế), vận chuyển khách du lịch; tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế, quản lý đầu tư các khu du lịch quốc gia... Tổng cục Du lịch còn có một nhiệm vụ quan trọng thể hiện rõ nhất chức năng quản lý Nhà nước đó là soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch; cấp và thu hồi một số giấy phép trong hoạt động kinh doanh du lịch. Trước đây, văn bản quản lý Nhà nước chưa nhiều, chủ yếu là các văn bản cấp Tổng cục chủ yếu mang tính chất quy định, hướng dẫn nghiệp vụ, điều hành thị trường khách du lịch. Do đó, các văn bản về những vấn đề nói trên (bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản điều hành) đều do các vụ quản lý chuyên môn soạn thảo trình Tổng cục ban hành.

      Sau khi có Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức Pháp chế Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1046/1997/QĐ-TTg ngày 8/12/1997 thành lập Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch. Tiếp đó, ngày 23/12/1997, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ra quyết định số 407/QĐ-TCDL về chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế. Nghị định 94/CP là cơ sở để công tác pháp chế trong ngành du lịch được nhìn nhận và đánh giá đúng vị trí của nó.

      Trước đó, công tác pháp chế không được xác định là một lĩnh vực chuyên môn độc lập. Một số cán bộ có bằng đại học luật ở Tổng cục Du lịch được phân về các vụ chuyên môn và phụ trách công việc khác nhau, không chuyên về các văn bản quy phạm pháp luật. Tại Văn phòng có cán bộ pháp lý làm việc song không có bộ phận pháp lý riêng. Sau đó, coong tác pháp chế được ghép vào công tác tổng hợp theo Quyết định thành lập Phòng Tổng hợp – Thi đua – Pháp chế.

      Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch được thành lập với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định 94/CP, có cơ cấu dự tính là 6 cán bộ (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và 04 chuyên viên). Tuy nhiên, từ khi thành lập đến năng 2000, Vụ Phápc hế chỉ có 02 cán bộ (01 Vụ truởng, 01 chuyên viên). Với lực lượng ít ỏi, Vụ Pháp chế chưa triển khai hết các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, song đã góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong xây dựng pháp luật như: Soạn thảo trình Chính phủ và UBTVQH ban hành Pháp lệnh Du lịch – một văn bản có hiệu lực pháp lý cao của ngành, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ cho ngành du lịch.

      Cho đến nay, Vụ Pháp chế có 07 cán bộ (01 Vụ trưởng, 01 Vụ phó và 05 chuyên viên, tuy nhiên, sắp tới đồng chí Vụ phó được bổ nhiệm chức vụ mới nên Vụ Pháp chế chỉ còn 06 cán bộ).

       

       

      1. Lịch sử hình thành, phát triển của
      2. Thực trạng hoạt động của tổ chức

       

       

      1. Đặc điểm cơ bản về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

      • Quy hoạch, kế hoạch, quản lý công tác đầu tư các khu du lịch;
      • Xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật;
      • Cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn;
      • Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ (lữ hành, khách sạn, công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch);
      • Tuyên truyền quảng bá; hợp tác quốc tế;
      • Đào tạo nguồn nhân lực;
      • Thanh tra, kiểm tra;
      • Thực hiện quản lý với tư cách cơ quan chủ quản đối với các doanh ngiệp trực thuộc;

       

       

       

       

       

       

       

       

      • Quản lý hành chính tổng thể các hoạt động du lịch;
      • Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch quốc gia;
      • Xây dựng các chính sách vĩ mô quản lý điều hành hoạt động du lịch; bảo vệ khai thác có hiệu quả các tài nguyên du lịch, môi trường tự nhiên và giám sát các hoạt động triển khai thực thi chính sách;
      • Xúc tiến, phát triển thị trường;

       

       

      1. Mối quan hệ giữa pháp chế Tổng cục
    6. .

       

       

       

      1. Thực trạng công tác pháp chế ở các Sở Du lịch,

      Sở Thương mại - Du lịch và doanh nghiệp trực thuộc.

      Trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, ở cấp tỉnh, thành phố có 14 Sở du lịch và 47 Sở Thương mại - Du lịch. Hầu như chưa có Sở nào có bộ phận pháp chế độc lập. Một số Sở có cán bộ có bằng luật thì phần lớn làm việc trong tổ chức Thanh tra Sở. Công tác pháp chế do Thanh tra Sở kiêm nhiệm luôn; không có cán bộ chuyên trách về công tác pháp chế. Các văn bản do Sở soạn thảo để UBND tỉnh, thành phố ban hành hoặc do Sở quy định được giao cho các phòng ban chuyên môn thực hiện, không có thẩm định về mặt pháp lý do đó, có một số trường hợp văn bản của cấp tỉnh, thành phố không nhất quán với văn bản của Trung ương như ở trên đã đề cập.

      Tổng cục Du lịch có 15 doanh nghiệp trực thuộc song không có doanh nghiệp nào có bộ phận pháp chế doanh nghiệp, thậm chí cán bộ có bằng luật cũng không làm công tác pháp chế mà làm quản lý kinh doanh. Trong điều kiện chưa xây dựng được hệ thống chân rết về tổ chức pháp chế ở địa phương và doanh nghiệp thì mối quan hệ hiện nay giữa Vụ pháp chế và các Sở cũng như doanh nghiệp du lịch phải thông qua Tổng cục Du lịch hoặc các Vụ chức năng; chưa triển khai được các nội dung công tác pháp chế cũng như việc tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ theo tinh thần trong các quy định về công tác pháp chế ngành.

      2. Mối quan hệ với Bộ Tư pháp.

       

      Quan hệ giữa Bộ Tư pháp và pháp chế ngành bao gồm hai mặt: Hoạt động liên quan đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp đối với pháp chế ngành và thông tin của pháp chế ngành cho Bộ Tư pháp.

      Về hoạt động thứ nhất, Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, tranh thủ ý kiến về kỹ thuật xây dựng văn bản và các vấn đề pháp lý khác. Tuy nhiên, có vấn đề là sau khi Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định thì văn bản còn tiếp tục được thảo luận, thay đổi khác nhiều trong thời gian trình Chính phủ. Sự thay đổi này không hoàn toàn dựa theo ý kiến của các thành viên Chính phủ mà trong cơ quan Văn phòng Chính phủ có nhiều đơn vị khác nhau (không phải là Vụ Pháp chế) tham gia. Có trường hợp Dự thảo thay đổi về cơ bản so với văn bản trình Bộ tư pháp thẩm định. Không những thế còn có sự không nhất quán giữa Nghị định và văn bản cấp cao hơn, ví dụ khi trình Chính phủ Nghị định về lữ hành và hướng dẫn du lịch đã có thay đổi một số nội dung do đó không phù hợp với Pháp lệnh Du lịch. Việc dừng vai trò của Bộ Tư pháp sau khi thẩm định sẽ không bảo đảm văn bản được ban hành đủ căn cứ pháp luật. Ngoài ra, nếu Văn phòng Chính phủ (mà thực chất chỉ là Vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ) có ý kiến khác với cơ quan trình thì cơ quan trình không có sự hỗ trợ của cơ quan nào để bảo vệ quan điểm của mình.

      Về hoạt động thứ hai, tuy Bộ Tư pháp đã có cố gắng trong việc cải tiến hình thức quan hệ với Pháp chế ngành song nhìn chung việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chưa có nội dung do đó, chưa có hiệu quả thực tế.

      IV. Kiến nghị:

      Qua đánh giá công tác pháp chế ở phần trên, Vụ pháp chế có một số kiến nghị sau:

       

      1. Về mặt tổ chức
      :

       

      Vụ là hình thức tổ chức thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiên và hiệu quả của công tác pháp chế. Để hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của Vụ Pháp chế, cần thiết lập tổ chức pháp chế ở cơ sở tại Sở Du lịch, Sở Thương mại - Du lịch, các doanh nghiệp du lịch. Trong ngành du lịch, công tác xây dựng văn bản không nhiều ở những nơi không phải là trung tâm du lịch. Tổ chức pháp chế không nhất thiết phải là phòng, ban song phải có cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc phòng, ban ghép với công tác khác.

       

    7. Về chức năng, nội dung của công tác pháp chế
    8. :

       

       

       

      • Hình thành và pháp triển công tác tư vấn, thông tin cho doanh nghiệp;

      - Tăng cường tổ chức pháp chế để thực hiện chức năng tham mưu trong công tác thi hành pháp luật: pháp chế ngành cần được tham gia hoặc có ý kiến về cơ sở pháp lý đối với các quyết định quan trọng của lãnh đạo liên quan đến việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật;

      - Cần nghiên cứu về tính khả thi của nội dung kiểm tra việc thực hiện pháp luật, pháp chế nên tập trung vào đánh giá việc thực hiện pháp luật, từ đó kiến nghị đề xuất với lãnh đạo về bổ sung, sửa đổi văn bản và có biện pháp tăng cường thi hành pháp luật.

       

      1. Về mối quan hệ với Bộ Tư pháp
      2. :

         

      - Bộ Tư pháp cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho Pháp chế ngành ở 4 nội dung công tác pháp chế là xây dựng văn bản; công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra thực hiện pháp luật.

      - Bộ Tư pháp cần tăng cường vai trò của mình trong các giai đoạn khác nhau của quá trình soạn thảo, trình và ban hành văn bản pháp luật; phải phối hợp với pháp chế ngành để xử lý các vấn đề phát sinh đặc biệt là sau giai đoạn thẩm định khi văn bản đã trình lên Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và Quốc Hội.

      - Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động pháp chế ngành cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung công tác quản lý nhà nước. Theo quy định hiện nay nếu chỉ hướng dẫn nghiệp vụ là hẹp.

       

      Báo cáo

      Hiện trạng tổ chức và hoạt động

      của Phòng Pháp chế Văn phòng Bộ Nn & Ptnt

      và phương hướng hoàn thiện

       

      Trịnh Xuân Thiện

       

      Phó trưởng phòng phòng pháp chế

       

       

      1.  

         

        1. Hiện trạng tổ chức và hoạt động

      của Phòng Pháp chế - Văn phòng Bộ

       

      1.  

         

        của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định số 73/CP ngày 1/11/1995 trên cơ sở sáp nhập 3 bộ: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thuỷ lợi. Bộ máy tính chung cả 3 Bộ cũ lúc đầu sáp nhập là:

        a. ở Trung ương: Khối quản lý nhà nức có 34 cơ quan trong đó chia ra 18 Vụ, 8 Cục, 2 Ban, 3 Thanh tra Bộ, 3 Văn phòng Bộ, tông số biên chế hành chính ở cơ quan Bộ là 1059 người. Khối sự nghiệp gồm có 29 Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học (trong đó 18 trực thuộc Bộ, 11 trực thuộc Tổng công ty), 47 trường đào tạo (trong đó 31 trực thuộc Bộ, 16 trực thuộc Tổng công ty), 29 Bệnh viện và Trung tâm phục hồi chức năng ( 2 trực thuộc Bộ, 27 trực thuộc Tổng công ty) và 36 đơn vị sự nghiệp khác của Bộ. Khối SXKD có 2 Tổng công ty theo Quyết định 90/TTg, 4 Tổng công ty theo Quyết định 91/TTg, 19 Tổng công ty, Liên hiệp các xí nghiệp, Công ty lớn chưa sắp xếp, 40 Doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

        b. ở địa phương: Cấp tỉnh có 111 Sở (trong đó chia ra: Sở Nông Lâm Thuỷ lợi 5, Nông nghiệp 23, Nông lâm 25, Sở Lâm nghiệp 15, Sở Thuỷ lợi 43. Các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc UBND Tỉnh và Sở có: Chi cục Kiểm lâm, Ban hoặc Chi cục Định canh định cư, Chi cục di dân và vùng kinh tế mới, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông, Ban Quản lý chương trình nước sinh hoạt nông thôn. Tại cấp Huyện có Phòng Nông lâm thuỷ hoặc Phòng kinh tế, Trạm thú y, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông.

        Từ thực tế nêu trên, việc tổ chức lại bộ máy của ngành để tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như quản lý là một vấn đề rất quan trọng được đặt ra làm sao cho phù hợp với cơ chế mới, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế...theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra.

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một Bộ có chức năng hoạt đông và quản lý nhà nước trong phạm vi cả nước, nhiều lĩnh vực chuyên môn và ngành nghề khác nhau (nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn). Hàng năm Bộ tiếp nhận, xử lý và ban hành một khối lượng lớn văn bản giao dịch hành chính, quyết định cá biệt (khoảng 22.000 văn bản đi và 20.000 văn bản đến) với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, với các đơn vị thuộc Bộ. Đông thời hàng năm Bộ chủ động nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền trên 300 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cấp trên ban hành.

        Trước khi thành lập Bộ, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm không có tổ chức pháp chế , công tác pháp chế thường được giao cho các Vụ chức năng hoặc các Cục đảm nhiệm theo lĩnh vực chuyên môn, hoặc giao cho Thanh tra Bộ, Bộ Thuỷ lợi có thành lập Ban pháp chế nhưng tổ chức thiếu ổn định nên hoạt động cũng không hiệu quả cao. Bộ Lâm nghiệp không có tổ chức pháp chế, chỉ có cán bộ làm công tác pháp chế biên chế, sinh hoạt và công tác tại văn phòng Bộ.

        Cho đến nay bộ máy tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, đã được tinh giảm gọn, chỉ còn: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 7 Vụ, 9 Cục quản lý chuyên ngành, 3 Viện Quy hoạch, 32 Viện và trung tâm nghiên cứu,thực nghiệm khoa học 41 trường đào tạo 12 Vườn Quốc gia, 19 Ban quản lý dự án thuỷ lợi, 4 Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập,14 Tổng công ty thuộc Bộ, 31 Công ty độc lập; ở địa phương có 61 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 58 Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND Tỉnh.

        2. Giai đoạn Tổ tư vấn Pháp chế của Bộ trưởng (2/1996 - 11/1997)

         

        Ngày 10/2/1996 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 172 NN-TCCB/QĐ về việc thành lập Tổ tư vấn pháp chế của Bộ trưởng, Tổ tư vấn do một trợ lý của Bộ trưởng (cấp Vụ) phụ trách và 3 chuyên viên pháp lý và sinh hoạt tại Văn phòng Bộ.

        Tổ Tư vấn Pháp chế có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng và tổ chức thực hiên, quản lý thống nhất công tác pháp chế của Bộ do Bộ trưởng giao, cụ thể là:

        + Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng trong các hoạt động có liên quan đến pháp lý, theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành quản lý;

        + Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật;

        + Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc bộ trình Bộ trưởng ban hành hoặc do bộ trưởng trình cấp trên ban hành theo thẩm quyền;

        + Quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;

        + Phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ánh với Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật của ngành và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế XHCN;

        + Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng giao.

        Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ tư vấn pháp chế của Bộ trưởng mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ của các nhiệm vụ trên, song chưa có hiệu qủa cao vì: Tổ tư vấn biên chế có 4 người quá ít so với nhiệm vụ được giao, các đơn vị bước đầu chưa thật sự coi trọng công tác pháp chế, nhiều văn bản khi xây dựng không được qua Tổ tư vấn góp ý kiến và thẩm định đã trình Bộ ký ban hành, Tổ tư vấn chưa phải là cấp phòng nên chưa có quy định nội quy công tác cụ thể mà thường bị động với công việc, một số nhiệm vụ khác hầu như không được triển khai như hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

        3. Giai đoạn Phòng pháp chế trực thuộc Văn phòng Bộ đến nay

         

        Căn cứ vào Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ quy định về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và căn cứ vào văn bản số 219/TCCP-TC ngày 10/10/1997 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ về việc tổ chức pháp chế Bộ, ngày 20/11/1997 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 3011/NN-TCCB/QĐ về việc thành lập Phòng pháp chế trực thuộc văn phòng Bộ trên cơ sở tổ chức lại Tổ tư vấn Pháp chế. Tại Quyết định trên, Phòng Pháp chế có các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:

        1. Đối với công tác xây dựng pháp luật

         

        + Giúp Chánh văn phòng đề xuất, tổng hợp, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ để Chánh văn phòng trình Bộ trưởng và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đó sau khi được phê duyệt;

        + Giúp Chánh văn phòng thẩm định về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do các đơn vị khác thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

        + Trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao;

        + Làm đầu mối giúp Bộ trưởng tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác hoặc địa phương gửi lấy ý kiến.

        2. Đối với công tác, hệ thống các văn bản quy pham pháp luật

         

        + Thường xuyên tổ chức việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, đề xuất phương án để Chánh văn phòng trình Bộ trưởng xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

        + Giúp Chánh văn phòng phối hợp với các đơn vị liên quan thộc Bộ trong việc đề xuất với Bộ trưởng về:

        - Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết của Hội đông nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với văn bản pháp luật của Nhà nước và của Bộ;

        - Kiến nghị với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do chính cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước và văn bản pháp luật của Bộ ban hành;

        - Đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản của Bộ về ngành do Bộ ban hành.

         

         

        1. Một vài nét về tình hình đặc điểm chung
        2. Đối với công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục

      pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật

      + Giúp Chánh văn phòng trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi toàn ngành;

      + Lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật của Bộ;

      + Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành;

      + Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành, đề xuất các biện pháp khắc phục.

      Qua nội dung của các nhiệm vụ trên cho thấy rằng Phòng pháp chế thuộc Văn phòng Bộ thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế của một Bộ chứ không phải là công tác pháp chế của Văn phòng Bộ. Chính vì tổ chức không tương sứng với nhiệm vụ được giao cho nên khi thực hiện nhiệm vụ phòng pháp chế gặp rất nhiều khó khăn.

      Phòng Pháp chế do ông Phó văn phòng kiêm Trưởng phòng, về biên chế của phòng nằm trong tổng biên chế của Văn phòng, do Bộ giao hàng năm. Thực tế hiện nay phòng có tổng số biên chế là 5 cán bộ và chuyên viên. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: có 1 tiến sỹ khoa học về lâm nghiệp, 3 cử nhân luật hệ chính quy, 1 cử nhân luật hệ tại chức (trong đó có 1 người có bằng cao học luật, 2 người có bằng đại học thứ hai). Về trình độ chính trị có 1 cử nhân chính trị, 2 cao cấp chính trị). Nói chung về chất lượng chuyên môn kỹ thuật và trình độ chính trị của cán bộ, chuyên viên trong phòng đã được đào tạo cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác pháp chế đặt ra cho mỗi cá nhân trong phòng.

      Sau khi thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Bộ, Phòng Pháp chế đã trình Bộ trưởng ký Quyết định số 37/1998/QĐ-BNN-VP ngày 24/2/1998 Ban hành Quy chế hoạt đông của Phòng Pháp chế-Văn phòng Bộ để làm cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của phòng. Trong quy chế hoạt động của phòng xác định chức năng của phòng là tham mưu cho Chánh văn phòng để giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện theo các quy định của Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ, Thông tư số 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997 của Bộ tư pháp và Quyết định số 3011 NN-TCCB/QĐ ngày 20/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong Quy chế cung nêu lên nguyên tắc làm việc của Trưởng phòng, các phó trưởng phòng, các chuyên viên trong phòng. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ và các cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền.

      4. Một số kết quả cụ thể trong công tác pháp chế

      a. Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

       

      + Phòng đã trực tiếp soạn thảo các văn bản:

      * Quyết định số 37/1998/QĐ-BNN/VP ngày 24/2/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Quy chế hoạt đọng của Phòng Pháp chế Văn phòng Bộ.

      * Thông tư số 10/1998/TT-BNN ngày 4/11/1998 về hướng dẫn trình tự soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

      * Soạn thảo Quyết định số 82/QĐ-BNN-VP quy định về xử lý, trình ký văn bản của Bộ.

      * Được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo luật Bảo vệ và phát triển rừng (đang khẩn trương xúc tiến)

      + Tham gia soạn thảo các văn bản trong 1 số lĩnh vực:

      * Luật Tài nguyên nước và 3 Pháp lệnh (Pháp lệnh về Đê điều; Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi cũng như các văn bản dưới luật có liên quan ở lĩnh vực này.

      * Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản khác có liên quan.

      * Tham gia phối hợp với Cục Thú y soạn thảo Pháp lệnh Thú y (sửa đổi) và các văn bản khác có liên quan.

      * Tham gia phối hợp với Cục Khuyến nông và Khuyến lâm tiến hành soạn thảo 2 Pháp lệnh về Giống cây trồng và Giống vật nuôi.

      * Tham gia phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ soạn thảo nhiều Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khi chính Phủ giao cho Bộ chủ trì soạn thảo.

      * Tham gia phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ soạn thảo nhiều Quyết định, Chỉ thị Thông tư của Bộ trưởng, Thông tư liên tịch, Nghị quyết liên tịch của Bộ khi các đơn vị này được Bộ trưởng giao chủ trì soạn thảo các văn bản trên.

      * Ngoài ra Phòng Pháp chế còn trực tiếp soạn thảo và phối hợp với các đơn vị trong Bộ soạn thảo nhiều văn bản quản lý hành chính, báo cáo, thông báo...trong phạm vị quản lý nhà nước của Bộ.

      * Cụ thể các văn bản Quy phạm pháp luật được soạn thảo của từng năm như sau:

      Các văn bản trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền:

      Năm Quyết định Chỉ thị Thông tư Thông tư Nghị quyết

      ban hành liên tịch liên tịch

      1996 435 20 10 1 -

      1997 258 20 14 1 -

      1998 223 14 5 7 1

      1999 141 9 7 1 2

      2000 134 3 6 1 1

      đến 6/2001 41 4 4 1 -

      Phòng còn là đầu mối trong công tác góp ý kiến văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi xin ý kiến. Vì là Bộ quản lý đa ngành, nhiều lĩnh vực có liên quan đến các ngành và Bộ khác, nên số lượng văn bản Bộ được gửi xin ý kiến khá lớn, có nhiều văn bản được các Bộ, ngành gửi xin ý kiến nhiều lần.

      Phòng Pháp chế còn được Bộ trưởng giao cho tổng hợp, chuẩn bị các câu hỏi mà các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chất vấn trong mỗi kỳ họp. Đây là công việc rất khó khăn nhưng cũng rất quan trọng, cán bộ và chuyên viên của phòng đã làm tốt, được Bộ trưởng khen ngợi, đánh giá tốt.

      Phòng còn được Bộ trưởng giao cho chuẩn bị những văn bản quy phạm pháp luật Văn phòng Chính phủ gưỉ xin ý kiến thành viên Chính phủ.

      Khi nhận được các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành gửi xin ý kiến đóng góp hoặc Văn phòng gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ, Phòng Pháp chế phải sao gửi các đơn vị liên quan thuộc Bộ xin ý kiến tham gia về chuyên môn, những luật, Pháp lệnh hoặc văn bản có nội dung quan trọng, phức tạp Phòng con tổ chức họp với các đơn vị này để cùng thống nhất ý kiến góp ý, chất lượng góp ý cao hơn.

      Theo Quyết định số 40/1998/QĐ-BNN-VP ngày 2/3/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy chế làm việc của Bộ, tại Điều 21 có quy định: "Văn bản do các đơn vị dự thảo trình Lãnh đạo Bộ ký và ban hành nhân danh Bộ, phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ về quản lý công văn giấy tờ, tập trung về Chánh văn phòng Bộ để soát xét, trình ký và cho phát hành. Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành, trước khi trình ký, phải được phòng Pháp chế thẩm tra.

       

      Khi công văn đã được Lãnh đạo Bộ ký, nhưng xét thấy có vấn đề cần xin ý kiến thì Chánh văn phòng trực tiếp báo cáo với đồng chí Lãnh đạo Bộ đã ký văn bản đó trước khi phát hành".

      Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm định văn bản, phòng cũng đã phát hiện một số văn bản sai về thể thức, nội dung chuyên môn, ký không đúng thẩm quyền, có nội dung trái với văn bản của cấp trên, khi phát hiện đều trao đổi với đơn vị soạn thảo để chỉnh, sửa nên đã hạn chế tối đa văn bản khi đã phát hành phải sửa chữa, đính chính lại.

      b. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

       

      Phòng Pháp chế đã tổ chức tốt đợt Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1976 đến 1996 (20 năm) theo Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì thời gian đã lâu, Bộ lại vừa mới thành lập, quản lý đa ngành văn bản ban hành hàng năm với số lượng rất lớn, việc lưu trữ chưa đi vào nề nếp. Phòng pháp chế là nòng cốt trong đợt rà soát này, phòng đã cùng với Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo rà soát văn bản của Bộ lập được danh mục 3350 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi từ tháng 7/1976 đến tháng 8/1998. Số văn bản này đã được đưa vào mạng máy vi tính của Bộ và được phân loại theo danh mục của Ban chỉ đạo của Chính phủ: danh mục văn bản còn hiệu lực giữ nguyên, danh mục văn bán hết hiệu lực cần huỷ bỏ, danh mục văn bản cần bổ sung sửa đổi và danh mục văn bản cần thay thế.

      Tiếp đó Phòng thực hiện đợt rà soát văn bản về xuất nhập khẩu hàng hoá theo Quyết định 670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phòng đã lên được danh mục 221 văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này; làm việc với các Cục, Vụ liên quan giải quyết những vấn đề mà Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và các ngành khác đề nghị để thống nhất thực hiện, đảm bảo đúng pháp luật, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, tạo thông thoáng, đơn giản về thủ tục hải quan, giấy phép cho các doanh nghiệp khi có hàng xuất khẩu.

      Hàng năm phòng còn tổ chức thường xuyên rà soát các văn bản quản lý hành chính của các Cục quản lý chuyên ngành, các Vụ thuộc khối Văn phòng Bộ để tìm ra những văn bản ban hành không đúng thể thức, ký không đúng thẩm quyền, nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật hoặc trái với quy định chung của quản lý hành chính. Sau mỗi đợt rà soát như vậy Phòng đều làm việc với các đơn vị được kiểm tra văn bản rút kinh nghiệm uốn nắn những sai sót và đều có báo cáo nhận xét gửi lãnh đạo Bộ, công việc này được các đơn vị đồng tình ủng hộ, chính vì thế cho đến nay các văn bản quản lý hành chính mà các đơn vị soạn thảo đã đúng mẫu quy định, ít có sai sót về nội dung cũng như ký ban hành.

      Khi phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý hành chính ban hành sai về thủ tục, hình thức, nội dung với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phòng pháp chế đã kịp thời báo cáo với Lãnh đạo Bộ, trao đổi với đơn vị soạn thảo để xử lý kịp thời.

      c. Trong công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật

       

      Phòng đã xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành từ năm 1998-2002 theo nội dung Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định 03/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước và của Bộ.

      Phòng đã thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư hành chính hàng năm của Bộ, thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng cơ bản, thanh tra và thanh tra chuyên ngành, kiểm lâm...để có những bài giảng phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung và các văn bản luật của ngành quản lý nói riêng. Phòng còn làm việc với các trường nghiệp vụ của Bộ để các trường có chương trình đào tạo bồi dưỡng kiên thức pháp luật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đế quản lý của ngành, xây dựng thư viên, tủ sách pháp luật....

      Phòng đã kết hợp với một số đơn vị trong Bộ tổ chức tuyên truyền Luật tài nguyên nước; Pháp lệnh cán bộ công chức; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí....Thực hiện phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật đến vùng sâu vùng xa, phòng cũng có phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai nhiệm vụ này, song do biên chế có hạn, thời gian xuống các đơn vị không nhiều nên chỉ bàn kế hoạch triển khai không trực tiếp lên lớp được.

      Phòng còn đáp ứng tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và tư vấn về pháp lý cho các đơn vị thuộc Bộ những vấn đề trong việc thực hiện nhiệm vụ Bộ giao.

      d. Công tác kiểm tra việc thực hiên pháp luật và thực hiện các Quyết định của Bộ trưởng đối với các đơn vị thuộc Bộ.

       

      Đây cũng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của phòng, những năm qua công tác này có triển khai song kết quả còn ở mức khiêm tốn, chưa được nhiều. Phòng cũng triển khai việc kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, việc xây dựng và thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động ở một số đơn vị, đã phối hợp với Thanh tra Bộ giải quyết một số vụ việc khiếu nại tố cáo của cán bộ trong các đơn vị thuộc Bộ (những việc này được Bộ yêu cầu cụ thể).

      đ. Một số công tác khác

       

      Các công tác khác như tham gia các hoạt động hội thảo khoa học của Bộ tư pháp, Bộ, ngành khác cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phòng tham gia tích cực và đều có ý kiến đóng góp, tham gia góp phần kết quả của hội thảo cũng như của lớp học. Cử người tham dự các lớp tập huấn về soạn thảo văn bản, trọng tài, công tác pháp chế, tư pháp, quản lý dự án....

      Hàng năm Phòng đã giúp đỡ trường Đại học Luật Hà nội tiếp nhận các em sinh viên về thực tập chuyên môn, thường là từ 2-4 em, có năm số học sinh về thực tập tới 6 em, trong quá trình thực tập tại phòng hoặc tại các đơn vị , Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ các em đã được làm quyen với công tác pháp chế, công việc của một nhân viên, công chức nhà nước, nhân viên hành chính, làm quyen với việc soạn thảo văn bản hành chính, trình tự thủ tục góp ý kiến văn bản, công việc ở các phòng kinh doanh ở các doanh nghiệp, các em sau khi tốt nghiệp ra nhận công tác vẫn giữ mối quan hệ tốt với phòng.

      Một số công tác cụ thể được Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, Chánh văn phòng giao phòng đã làm tốt, đúng thời gian. Hàng năm, trong dịp tổng kết công tác văn phòng, Phòng pháp chế đều có báo cáo nhận xét công tác pháp chế của Bộ, của các đơn vị thuộc Bộ, đây cũng là một nội dung của tổng kết công tác văn phòng.

       

       

      1. Một số nhận xét đánh giá hoạt động

      công tác pháp chế trong thời gian qua

      a/ Nhận xét chung:

      + Tuy mới thành lập và quy mô chỉ ở cấp phòng thuộc Văn phòng Bộ, nhưng phòng đã ổn định nhanh chóng khâu tổ chức và đi vào hoạt động có nền nếp, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, làm việc theo đúng quy chế của Bộ ban hành, đóng góp có hiệu qủa vào việc thực hiện quản lý nhà nước của Bộ.

      + Được sự quan tâm tạo điều kiện công tác của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Văn phòng Bộ nen tuy nhiệm vụ nặng nề, nhiều khó khăn song vẫn hoàn thành có chất lượng công việc cao, đúng thời gian quy định.

      + Mặc dù biên chế ít, song cán bộ và chuyên viên trong phòng đã chủ động và tích cực, tự giác, có quyết tâm cao hoàn thành một khối lượng lớn công việc của Lãnh đạo Bộ và Chánh văn phòng Bộ giao.

      + Nội bộ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác, nhận thức tư tưởng đúng đắn, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tự giác rèn luyện, không ngừng phấn đấu học tập về chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ giao.

      + Có tác phong làm việc khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ, nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của các Cục, Vụ và các đơn vị trong Bộ.

      +Trong thời gian qua phòng mới chỉ chú trọng làm tốt khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp ý kiến và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và đôn đóc việc thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Công tác phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật chưa làm được nhiều do biên chế quá ít và vị trí chỉ là phòng thuộc Văn phòng nên về mặt quan hệ với các đơn vị trong Bộ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

      +Đánh giá công tác trong thời gian từ khi thành lập Phòng Pháp chế đến nay, Phòng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng 3 Bằng khen , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn tặng 2 Bằng khen và nhiều bằng khen cho cá nhân của phòng về công tác pháp chế.

      b/ Một số tồn tại

       

      + Tuy tổ chức là Phòng pháp chế, sinh hoạt và biên chế thuộc Văn phòng Bộ, cho nên tổ chức chưa tương sứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến hiệu quả công tác còn thấp.

      + Trong hoạt động chuyên môn, công tác thẩm định văn bản nhiều khi do thời gian, tính chất công việc các đơn vị chủ trì soạn thảo chưa qua phòng pháp chế thẩm định dẫn đến có sai sót về hình thức, nội dung phải chỉnh sửa văn bản ảnh hưởng đến công việc quản lý của Bộ, có văn bản phải soạn thảo chỉnh sửa nhiều lần.

      + Việc xây dựng văn bản hàng năm đã được xây dựng theo kế hoạch đăng ký, trong quá trình thực hiện đã được đôn đốc nhưng kết quả chưa thật tốt, nhiều đơn vị đăng ký xây dựng văn bản nhiều về số lượng, hình thức văn bản nhưng việc hoàn thành theo chỉ tiêu đặt ra rất thấp, pháp chế phải lên lịch điều chỉnh xin hoãn hoặc kéo dài thời gian.

      Có một thực tế là các văn bản của các đơn vị xây dựng phần lớn là theo sự chỉ đạo đột xuất của Bộ và của cấp trên, ảnh hưởng đến việc thực hiện tiến độ đã lên kế hoạch, nhiều văn bản lên kế hoạch đã được duyệt nhưng lại không soạn thảo, từ đó cho thấy việc lên kế hoạch là không sát ở các đơn vị này.

      + Do kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước đầu tư có hạn nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản của các đơn vị được Bộ giao chủ trì soạn thảo.

      + Công tác góp ý văn bản của các Bộ, ngành, của Văn phòng Chính phủ gửi đến cũng còn có nhược điểm là gửi chậm, thường là việc xin ý kiến thời gian quá gấp (có khi chỉ 2, 3 ngày) nên đơn vị không có nhiều thì giờ để nghiên cứu văn bản, góp ý chung chung, chiếu lệ, có khi đơn vị không gửi văn bản góp ý kiến về phòng pháp chế, khi tổng hợp pháp chế phải nghiên cứu trao đổi nhiều về chuyên môn mới đáp ứng được chất lượng góp ý kiến.

      1.  

         

        ngành, các vụ chức năng và các doanh nghiệp.

        1. Cục quản lý chuyên ngành

         

        Hiện nay Bộ có 9 Cục quản lý nhà nước chuyên ngành, mới có 4 Cục ghép công tác pháp chế với công tác thanh tra để thành lập Phòng Thanh tra-Pháp chế, một số cục có cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm ở phòng tổng hợp, hành chính, tổ chức...Cán bộ làm công tác pháp chế có trình độ đại học Luật rất ít, số khác không có trình độ pháp lý, không được bồi dưỡng tập huấn nên cũng hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ. Một số Cục mới củng cố, thành lập và tổ chức công tác pháp chế lại, trước kia công tác này thường đưa về các phòng chuyên môn chịu trách nhiệm.

        Từ thực tế trên đây thấy rằng quản lý nhà nước ở các cục chuyên ngành công tác pháp chế cũng có vai trò rất cần thiết song chưa được Lãnh đạo các Cục quan tâm đúng mức nên vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Cục bị hạn chế. Nhiều văn bản Cục dự thảo cho Bộ phải chỉnh sửa nhiều lần, chất lượng chưa cao, thậm chí có Cục còn ban hành văn bản hành chính thông thường nhưng có nội dung mang tính quy phạm pháp luật, ký không đúng thẩm quyên, ban hành sai thể thức văn bản...đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị, phòng pháp chế Văn phòng Bộ phải giải quyết hậu quả.

        2. Công tác pháp chế ở các Vụ chức năng tham mưu cho Bộ

         

        Các Vụ không có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế, công tác này thường được phân theo các nhóm chuyên môn. Cán bộ tốt nhiệp đại học pháp lý cũng rất ít, lại chỉ là học tại chức nên cũng rất hạn chế trong công tác.

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Vụ chính sách nông nghiêp và nông thôn, nhưng không có cán bộ tốt nghiệp đại học Luật, chỉ là những chuyên viên các lĩnh vực chuyên môn làm chính sách.

        3. Công tác pháp chế ở các doanh nghiệp

         

        Một số Tổng công ty có phòng Thanh tra-Pháp chế hoạt động tương đối tốt trong lĩnh vực thanh tra kiểm tra. Phần lớn các đơn vị Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, Trung tâm đều không có tổ chức pháp chế, thậm chí có nơi không có cán bộ làm công tác pháp chế chuyên môn hoặc kiêm nhiệm, công tác này được giao cho các phòng kinh doanh, phòng tổng hợp, phòng hành chính, phòng tổ chức đảm nhận.

        Nhìn chung công tác pháp chế ở các Cục, Vụ, Doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ rất yếu, ít có cán bộ làm chuyên trách, phần lớn là kiêm nhiệm. Sinh viên tốt nghiệp đại học Luật được tuyển vào quá ít, phần lớn là cán bộ của cơ quan được cử đi học tại chức pháp lý hoặc tại chức chuyên môn khác có chương trình pháp lý bổ trợ cho nên kiến thức về pháp luật rất yếu, chỉ làm theo kinh nghiệm nên chất lượng công tác pháp chế không cao, soạn thảo văn bản sai sót nhiều, làm công tác tham mưu về pháp chế cho thủ trưởng không có chất lượng cao, thường có sai sót.

        1. tổ chức pháp chế ở các cục quản lý chuyên
        2. Phương hướng hoàn thiện tổ chức

      pháp chế của Bộ trong thời gian tới

      1. Thành lập Vụ Pháp chế ở Bộ

       

      Bộ máy tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều đầu mối, cơ quan thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Chỉ tính riêng khối cơ quan Bộ đã có 9 Cục quản lý chuyên ngành, 7 Vụ chức năng, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Uỷ ban sông Mê kông, Văn phòng Uỷ ban phòng chống bão lụt Trung ương, Uỷ ban quốc gia phòng và giảm nhẹ thiên tai ...Với trên 200 đầu mối các đơn vị trực thuộc Bộ. Trong thời gian tới để thực hiên tốt công tác Pháp chế của một Bộ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật...Bộ cần thành lập Vụ pháp chế là một Vụ chức năng tham mưu công tác pháp chế cho Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ theo nội dung của Nghị định 94/CP quy định và một số nhiệm vụ thuộc quyền quản lý của Bộ.

      Hiện nay Bộ đang có dự kiến xây dựng đề án thành lập Vụ pháp chế. Vụ pháp chế được thành lập với tổng số biên chế khoảng 12 cán bộ, chuyên viên. Vụ pháp chế sẽ có 1 Vụ trưởng phụ trách chung, 2 Phó Vụ trưởng giúp việc cho Vụ trưởng và được phân công theo dõi một số lĩnh vực chuyên ngành như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi; theo dõi và phụ trách một số mảng công việc như: xây dựng và rà soát văn bản, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quyết định của Bộ trưởng; công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật; theo dõi Doanh nghiệp, khối viện, trường và một số công việc có tính đặc thù của Bộ....

      Có như vậy công tác pháp chế ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới tương sứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, cân đối thống nhất về tổ chức với các đơn vị trong khối cơ quan Bộ, có đủ lực lượng triển khai và thực hiện có hiệu quả chất lượng các công việc được Lãnh đạo Bộ và cấp trên giao. Quan hệ công tác và triển khai công việc với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Kiểm lâm của tỉnh và các cấp tương đương ở địa phương mới có nhiều thuận lợi hơn.

      Triển khai công tác pháp chế xuống các đơn vị Doanh nghiệp, Tổng công ty, Công ty và các đơn vị cấp 2 thuộc Bộ được trực tiếp, đảm bảo thời gian, nội dung và hiệu quả công việc tốt.

      Thống nhất về tổ chức pháp chế với các Bộ, ngành khác để triển khai công việc, phối hợp công tác có hiệu quả hơn.

      2. Các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành

      Cần củng cố tổ chức pháp chế để đủ sức triển khai công việc này ở Cục. Thông thường Cục cũng được Bộ giao chủ trì dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật để Bộ ký ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

      Thực tế những năm qua công tác pháp chế ở các Cục chưa cụ thể, rõ ràng. Các Cục thường thành lập Phòng Thanh tra-pháp chế. Nhưngcông tác pháp chế thường bị coi nhẹ hơn công tác thanh tra.

      Sự phân công công tác pháp chế ở các Cục quản lý chuyên ngành cũng khác nhau, có Cục giao cho phòng Tổ chức hành chính, có Cục lại giao cho phòng Hành chính tổng hợp,

      Từ thực tế trên, do yêu cầu của nhiệm vụ quản lý chuyên môn, cân đối với biên chế được giao và gọn nhẹ đầu mối các phòng trong đơn vị, các Cục cần quan tâm xây dựng và củng cố Phòng thanh tra pháp chế và cần phân thành 2 tổ (nhóm) và giao nhiệm vụ cụ thể, riêng biệt của 2 nhóm này. tạo điều kiện để những cán bộ được phân công làm công tác pháp chế được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế, trình độ pháp luật để thực hiện tốt nhiêm vụ được giao.

      3. Các Vụ chức năng thuộc cơ quan Bộ:

      Do tính chất của nhiệm vụ làm tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, giúp Bộ trong một số lĩnh vực chuyên môn như: tài chính, kế hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, khoa học công nghệ, chính sách.....các Vụ chức năng hàng năm vẫn được Bộ giao chủ trì soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để Bộ ký ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Thực tế trong những năm qua rất ít cán bộ, chuyên viên có trình độ đại học luật được nhận về công tác ở các Vụ, một số ít được đi học tại chức pháp lý hoặc do có thâm niên công tác lâu, tiếp xúc với văn bản nhiều khi có công việc liên quan đế pháp chế thì được giao giải quyết. Như vậy cán bộ làm công tác pháp chế ở các Vụ không phải là cán bộ chuyên trách mà thường là gắn với chuyên môn nên tính chất chỉ là kiêm nhiệm, không ổn định công tác pháp chế, không theo dõi thường xuyên để nắm bắt đầy đủ công tác này.

      Các Vụ cần bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, biên chế của Vụ nhiều, nên bố trí từ 2 đến 3 người và có sự quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế, pháp luật để cán bộ được phân công ngoài trình độ chuyên môn đã có được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp lý đủ khả năng, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giao cho.

       

       

      1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

      và Chi cục Kiểm lâm của tỉnh

      Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và việc thực hiện công tác pháp chế ở địa phương, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chi cục Kiểm lâm tỉnh cân thành lập Phòng pháp chế hoặc có bộ phận gồm một số cán bộ chuyên trách công tác pháp chế ở Văn phòng Sở hoặc ở phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Tổ chức hành chính...Cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách phải có trình độ chuyên viên pháp lý, hoặc chuyên viên của chuyên môn khác nhưng phải được bồi dưỡng kiến thức pháp lý và quản lý hành chính nhà nước (các lớp bồi dưỡng này phải được cấp chứng chỉ của Trường quản lý cán bộ của Bộ, lớp này từ 3 tháng trở lên).

      5. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước

       

      Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện đổi mới đất nước, nền kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển trên cơ sở Nhà nước bảo vệ và tạo điều kiện tự do kinh doanh cho các thành phần kinh tế, trừ những lĩnh vực cần có các điều kiện kinh doanh cụ thể. Từ đó, các hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn này làm phát sinh hàng loạt các mối quan hệ mà pháp luật phải điều chỉnh như: mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước; mối quan hệ với các bạn hàng; mối quan hệ với người lao động; mối quan hệ liên quan đến bảo vệ môi trường sinh thái; các mối quan hệ trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp.

      Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp là chủ thể pháp luật độc lập, mục đích hàng đầu, cơ bản là kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính vì vậy hoạt động của pháp chế là phải phục vụ mục đích của doanh nghiệp, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước, tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

      Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp được tự chủ trong kinh doanh, đúng pháp luật, làm sao kinh doanh có lãi, doanh nghiệp phát triển, có quyền sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế lao động, sử dụng quỹ lương,...

      Từ những xuát phát điểm trên, tổ chức và hoạt động pháp chế ở các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường sẽ khác nhau. Nhà nước về nguyên tắc không can thiệp vào các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Quyết định về hình thức, quy mô của tổ chức pháp chế của mỗi doanh nghiệp hoàn toàn do doanh nghiệp định đoạt sao cho thích hợp và hoạt động có hiệu quả cao nhất. Thông thường nên có các mô hình như sau:

      + Có tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp

       

      Đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, ổn định, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thường có rủi ro, thường xuyên phải ký kết các hợp đồng mua bán với nhiều bạn hàng. Các doanh nghiệp này cần phải kiểm soát chặt chẽ các giao dịch để không có sai sót trong ký kết hợp đồng kinh doanh...đồng thời cũng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp.

      Đối với các doanh nghiệp có mối quan hệ với bạn hàng nước ngoài càng cần phải có tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp. Tổ chức pháp chế của doanh nghiệp phải đặt dưới sự điều hành của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.

      + Thuê luật sư tư vấn

       

      Doanh nghiệp không có tổ chức pháp chế trực tiếp tại doanh nghiệp có thể chọn hình thức thuê luật sư chuyên nghiệp làm tư vấn. Ơ nước ta đã có Pháp lệnh luật sư mới được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 25/7/2001 thay cho Pháp lệnh luật sư năm 1987. Đây cũng là một thuận lợi cho mô hình này hoạt động.

      Thuê luật sư tư vấn theo 2 phương thức: thuê cho từng vụ việc cụ thể, hoặc 1 thời gian cụ thể có ký hợp đồng thoả thuận, khi xong công việc thì thanh lý hợp đồng; thuê luật sư thường xuyên (có ký hợp đồng) để có thể năm được hoạt động kinh doanh và mọi hoạt đoọng khác của doanh nghiệp. Theo cách này luật sư có thể theo dõi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và báo cáo cho giám đốc biết những vấn đề rủi ro, khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải, đông thời tư vấn biện pháp giải quyết có lợi nhất cho doanh nghiệp.

      + Thực hiên cả hai mô hình trên (có tổ chức

       

      pháp chế và thuê luật sư tư vấn theo vụ việc)

       

      Mô hình này khắc phục được những nhược điểm của từng mô hình nêu trên và phát huy được ưu điểm của từng mô hình, có thể tiết kiệm được kinh phí, tốt cho việc quản lý, kinh doanh.

      Tóm lại, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc tổ chức pháp chế tại các doanh nghiệp rất đa dạng và phong phú, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Từng doanh nghiệp cụ thể phải xác định được mô hình tổ chức pháp chế của mình sao cho gọn, phù hợp và cân đối với các bộ phận (các phòng) trong doanh nghiệp để chi phí ít, hiệu quả cao, hoạt động chất lửọng... Doanh nghiệp sẽ quyết định cho mình một tổ chức và hoạt động pháp chế thích hợp.

      6. Một số kiến nghị

       

      a. Bộ Tư pháp :

       

      + Đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 94/CP về tổ chức và hoạt động pháp chế các Bộ, ngành trong đó quy định cụ thể tổ chức pháp chế Bộ mô hình là gì, tổ chức pháp chế ngành mô hình là gì có tên gọi cụ thể, biên chế cho từng loại mô hình được tính theo cách nào, bao nhiêu biên chế là hợp lý, tiêu chuẩn cụ thể để cho thống nhất tên gọi và đủ lực lượng triển khai nhiệm vụ được giao.

      + Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và học ngoại ngữ cho cán bộ pháp chế.

      + Phối hợp các cơ quan nhà nước soạn thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tổ chức pháp chế ở địa phương (các cấp) và ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, Trường, Viện và các Doanh nghiệp để thống nhất mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn....

      + Tổ chức sinh hoạt pháp chế Bộ, ngành thường xuyên như kinh nghiệm của năm 2000.

      + Trong công tác xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Bộ và cấp Chính phủ cần có khoản kinh phí cụ thể trong ngân sách nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ đúng chất lượng, đúng thời hạn.

      + Khen thưởng kịp thời cán bộ làm công tác pháp chế có thành tích xuất sắc hàng năm và từng phong trào, vụ việc cụ thể khi các đơn vị báo cáo lên. Có tiêu chuẩn thi đua, đăng ký hàng năm.

      b. Bộ và cơ quan ngang bộ:

       

      + Tổ chức xây dựng lực lượng pháp chế ở Bộ sao cho đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

      + Quan tâm bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tạo mọi điều kiện thuận lợi về trang bị vật chất kỹ thuật để cán bộ làm công tác pháp chế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

      + Khen thưởng kịp thời cán bộ làm công tác pháp chế có thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

       

       

      thực trạng và phương hướng tổ chức pháp chế

      Bộ Giáo dục và Đào tạo

       

      Nguyễn Đức Cường

      Chuyên viên Phòng Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo

       

       

       

       

      chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo

      1. Lịch sử hình thành, phát triển pháp

      Tổ chức Pháp chế của Bộ Giáo dục được hình thành từ năm 1963 tại công văn số 1388/VP ngày 10/4/1963 tổ chức pháp chế của Bộ Giáo dục.

      Phụ trách Tổ chức Pháp chế là một chuyên viên xuất thân là giáo viên.

      Tháng 10-1965, Nhà nước quyết định tách Bộ Giáo dục thành 2 Bộ: + Bộ Giáo dục + Bộ Đại học và THCN

      - Bộ Giáo dục có tổ chức pháp chế thuộc Văn phòng Bộ vẫn do do đồng chí phụ trách Pháp chế Bộ Giáo dục làm Trưởng phòng Pháp chế.

      - Bộ Đại học và THCN cũng hình thành một tổ chức pháp chế mới trực thuộc Văn phòng giúp Bộ trưởng về công tác pháp chế của ngành. Tổ chức này do một đồng chí nguyên là Trưởng phòng Giáo vụ trường ĐH Tổng hợp phụ trách và ông đồng chí nguyên chuyên viên của Ban Tổ chức Trung ương làm chuyên viên.

      Việc hình thành hai tổ chức Pháp chế của 2 Bộ chỉ là hình thức phân công công tác hoặc có thông báo như công văn 1388/VP nêu trên.

      Nhiệm vụ, chức năng của tổ chức Pháp chế cũng chưa được xác định rõ, chỉ là giúp Bộ trưởng, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành, tham gia các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành khác; tham mưu cho Bộ trưởng về cách giải quyết những công việc có liên quan đến pháp luật. Người phụ trách và chuyên viên làm công tác Pháp chế đều là những cán bộ có thâm niên trong công tác ở ngành Giáo dục, có uy tín trong ngành và có kinh nghiệm công tác văn bản; nhưng những kiến thức về pháp luật, thì còn hạn chế. Những cán bộ này được bồi dưỡng kiến thức pháp lý theo chương trình ngắn hạn từ 3 - 6 tháng do Bộ Tư pháp tổ chức.

      Sau khi thống nhất đất nước, Phòng pháp chế của Bộ Giáo dục được chính thức thành lập theo quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Phòng Pháp chế gồm 2 cán bộ là đồng chí Trưởng phòng Pháp chế Bộ Giáo dục và một đồng chí chuyên viên nguyên là chuyên viên của Vụ Phổ thông chuyển sang; chức năng nhiệm vụ của Phòng Pháp chế đã được xác định rõ. Năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập.

      Đến năm 1989, sau khi đồng chí trưởng phòng về hưu Phòng pháp chế Bộ Giáo dục coi như giải thể, chỉ còn một đồng chí chuyên viên làm công tác pháp chế và sinh hoạt ghép với Phòng Tổng hợp- Văn phòng.

      Bộ Đại học và THCN, tổ chức Pháp chế vẫn là một tổ công tác thuộc Văn phòng, sinh hoạt chung với Phòng Tổng hợp và vẫn chỉ có 2 người. Năm 1985 tổ được bổ sung thêm một cán bộ là mới tốt nghiệp Đại học Luật tại Liên Xô (ngành Luật Quốc tế). Năm 1989 một đồng chí nghỉ hưu và một đồng chí được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Như vậy tổ pháp chế Bộ Đại học và THCN cũng chỉ còn một chuyên viên.

      Năm 1990, sau khi sáp nhập 2 Bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, THCN và Dạy nghề thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức pháp chế lại được hình thành gồm hai người. Đầu năm 1991 tổ được tăng cường thêm một người nguyên là chuyên viên Phòng Tổng hợp.

      Năm 1992, một đồng chí nghỉ hưu, Tổ lại được bổ sung thêm một người tốt nghiệp đại học Luật. Tổ pháp chế lúc này vẫn có 3 người. Năm 1995, đồng chí này được điều động công tác tại Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ, Tổ còn 2 người.

      Đầu năm 1994, Tổ được nhận thêm một người mới tốt nghiệp trường Đại học Luật. Cuối năm 1995 lại tiếp tục được nhận thêm một người tốt nghiệp Đại học Luật.

      Tháng 9-1995, hai cán bộ cũ nghỉ hưu, Tổ Pháp chế lúc này coi như xoá sổ vì 2 người mới vẫn đang làm hợp đồng chưa được tuyển dụng. Nhiệm vụ công tác pháp chế được thực thi do một nhóm bốn năm người làm hợp đồng cho Văn phòng (2 đồng chí nghỉ hưu tiếp tục làm việc theo chế độ hợp đồng hàng tháng; 2 người mới theo chế độ hợp đồng tạm tuyển). Năm 1996, 1997, 2 người được tuyển dụng, tổ chức pháp chế mới có cán bộ chínhthức.

      Sau khi có Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ngày 01/11/1997 Bộ trưởng ra quyết định thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng (Quyết định số 3523/GD-ĐT). Một cán bộ được Bộ cử phụ trách chuyên môn và quản lý Phòng Pháp chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 1 đồng chí Phó Chánh Văn phòng phụ trách trực tiếp.

      Từ khi có quyết định thành lập Phòng Pháp chế đã có hai chuyên viên có trình độ đại học Luật, đến tháng 3/2001 thêm một cán bộ tốt nghiệp Đại học Luật nữa.

      Như vậy cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức có một Phòng pháp chế, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng được xác định tại Nghị định số 94/CP ngày 6/9/1987. Vì biên chế mới có 2 chuyên viên và một nhân viên hợp đồng đều tốt nghiệp Đại học Luật, đến nay vẫn chưa có Trưởng, Phó phòng, mới chỉ có chuyên viên phụ trách phòng và một Phó Chánh Văn phòng chỉ đạo.

       

    9. Đánh giá thực trạng Tổ chức, hoạt động của
    10. Quan hệ giữa tổ chức Pháp chế Bộ Giáo dục
    11. Phương hướng, giải pháp kiện toàn tổ chức Pháp
    12. Đối với Bộ: nhất thiết phải tổ chức một Vụ Pháp chế độc lập.
    13. Đối với các cơ quan như Tổng cục, Cục..: tổ chức Phòng Pháp chế độc lập.

      việt nam và sơ lược quá trình hình thành

      tổ chức Pháp chế thuộc Tổng cục Bưu Điện

      Ngành bưu chính viễn thông là một kinh tế kỹ thuật dịch vụ đã có bề dày phát triển từ hơn nửa thế kỷ qua gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường với sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế, có vai trò là động lực thúc đẩy và có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Chỉ mới sau gần 15 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế với chiến lược hiện đại hoá và tăng tốc độ phát triển thì ngành bưu điện Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể góp phần vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước với tốc độ tăng trưởng của ngành luôn đạt ở mức cao và doanh thu tăng bình quân 20% mỗi năm. Các công nghệ tiên tiến nhất đã được đưa vào sử dụng trên mạng lưới bưu chính viễn thông góp phần nâng cao chất lượng và nhu cầu phục vụ tới mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước với nhiều dịch vụ bưu chính viễn thông mới đã được đưa vào khai thác và phục vụ khách hàng trong cả nước như dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS) trong nước và quốc tế, dịch vụ chuyển tiền nhanh, dịch vụ bưu phẩm không địa chỉ, dịch vụ bưu chính uỷ thác, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, dịch vụ Datapost, dịch vụ internet, dịch vụ thông tin di động, dịch vụ điện thoại VoIP, dịch vụ truyền số liệu, dịch vụ điện thoại hội nghị... với những kết quả cụ thể như sau:

      - Mạng lưới bưu chính có trên 3000 bưu cục chính qui được tổ chức thành 3 cấp theo qui mô phục vụ và địa dư hành chính và trên 4200 Điểm Bưu điện văn hoá xã và 395 Đại lý Bưu điện đa dịch vụ trên khắp cả nước góp phần đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ bưu chính - viễn thông và nâng cao dân trí trong cả nước kể cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bán kính phục vụ bình quân của 1 điểm phục vụ được giảm xuống còn là 3,65 km (2000) so với mức 4,28km (1999). Mạng vận chuyển bưu chính trong nước hiện có hơn 330 tuyến đường thư nối liền các bưu cục trong cả nước với 3 đầu mối trung tâm vận chuyển ở Hà nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Mạng vận chuyển bưu chính quốc tế được thực hiện chủ yếu bằng đường hàng không với 26 tuyến đường bay và 4 tuyến đường thư thuỷ bộ tới hơn 60 nước và qua đó quá giang đi tất cả các nước trên thế giới.

      - Cả nước có gần 3,3 triệu máy điện thoại tăng hơn 36 lần so với thời điểm mới bắt đầu mở cửa (năm 1987 mới chỉ có khoảng gần 90.000 máy), đạt mật độ điện thoại bình quân 4,23 máy/100 dân (Việt nam là một trong 30 nước trên thế giới có tổng số thuê bao đạt trên 3,0 triệu máy và là quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông đứng thứ 2 trên thế giới trong mấy năm qua). Đã thực hiện số hoá 100% mạng cấp I và cấp II toàn quốc và dịch vụ điện thoại đã được cung cấp tới 7790 trong tổng số 9082 xã trong toàn quốc, đạt mức độ viễn thông hoá nông thôn 85,77% với tổng số 35/61 tỉnh thành trên toàn quốc đã có 100% số xã có máy điện thoại. Thông tin điện thoại cũng đã được trang bị cho các vùng đảo xa và các vùng tuyến đầu của tổ quốc. Mạng đường trục viễn thông quốc gia dã được xây dựng hiện đại có dung lượng lớn, tốc độ cao với các phương thức liên lạc hiện đại nhất hiện nay là cáp quang, viba số và vệ tinh. Sau gần 5 năm đưa vào khai thác mạng thông tin di động đã được phủ sóng ở trung tâm 61/61 tỉnh thành và các huyện lỵ, đô thị quan trọng với gần 800 ngàn thuê bao. Thông tin Internet được chính thức đưa vào phục vụ từ cuối năm 1997 và cho đến nay, với khả năng truy cập trực tiếp vào Internet tại 56/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, đã có hơn 100.000 ngàn thuê bao đăng ký và hàng trăm ngàn người sử dụng của Việt Nam đã có thể truy cập vào mạng Internet, tiếp cận với kho tàng thông tin khổng lồ của thế giới và đang bước đầu tạo nên một phong cách kinh doanh mới - kinh doanh điện tử.

      Để có được những thành tích đó, không thể không nói tới vai trò của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông đối với công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông. Quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông với những quy định thể hiện chủ trương tăng cường mở cửa thị trường và thực hiện cạnh tranh chuẩn bị cho hội nhập kinh tế, tận dụng mọi nguồn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, góp phần tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho các doanh nghiệp và động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và chuẩn bị mở cửa cạnh tranh gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tổ chức pháp chế trong ngành bưu chính viễn thông, một tổ chức có chức năng và nhiệm vụ gắn liền với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông, cùng với những thay đổi nhất định về mô hình tổ chức quản lý bưu chính viễn thông và việc phân tách chức năng quản lý nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông trong suốt thời gian qua:

      - Thời kỳ trước những năm 1990, khi chức năng quản lý nhà nước chưa được phân tách khỏi chức năng quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện thì Tổng cục Bưu điện là một cơ quan nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh về bưu chính viễn thông, và trong khoảng thời gian này ở cơ quan Tổng cục Bưu điện thường không tồn tại một tổ chức chính thức thực hiện công tác pháp chế trong lĩnh vực bưu chính viễn thông (Theo Nghị định số 68-CP ngày 8 tháng 4 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện và Nghị định số 390-CP ngày 2 tháng 11 năm 1979 về sửa đổi một số điều trong Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện thì hệ thống tổ chức của ngành Bưu điện bao gồm Tổng cục Bưu điện, Các bưu điện tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương, các bưu điện huyện và tương đương, các trạm bưu điện xã và tương đương, trong đo quy định rõ hệ thống các bưu điện ở địa phương là đơn vị trực tiếp quản lý mạng lưới kinh doanh nghiệp vụ theo phân cấp của Tổng cục Bưu điện).

      - Khi nhà nước chủ trương thực hiện việc bóc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hoạt động kinh doanh ở nhiều ngành kinh tế, chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện đã được phân tách khỏi chức năng quản lý kinh doanh, với việc chuyển Tổng cục Bưu điện (cũ) thành Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam theo Nghị định số 115/HĐBT ngày 7/4/1990 của Hội đồng Bộ trường trong đó xác định rõ "Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam là tổ chức sản xuất kinh doanh hoạt động theo Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh" (Điều 1 Nghị định 115/HĐBT ngày 7/4/1990) và chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện đã được giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện từ năm 1990 theo quy định tại Nghị định 151/HĐBT ngày 12/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ giao thông vận tải và bưu điện, trong đó quy định rõ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông kể cả các nội dung liên quan đến công tác pháp chế được giao cho Vụ Bưu điện, không có tổ chức pháp chế riêng về bưu chính viễn thông và đồng thời khẳng định hệ thống các bưu điện tỉnh, thành phố là các tổ chức kinh doanh thuộc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam - một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Liên hiệp xi nghiệp quốc doanh và chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ giao thông vận tải và bưu điện (Điểm a và điểm d của điều 3, Nghị định 151/HĐBT ngày 12/5/1990 và Điều 2 của Nghị định 115/HĐBT ngày 7/4/1990).

      - Kể từ ngày 1 tháng 11 năm 1992, chức năng quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông lại được tách khỏi Bộ giao thông vận tải và bưu điện, và được giao về cho Tổng cục Bưu điện là cơ quan thuộc Chính phủ mới được thành lập lại theo Nghị định sô 03-CP ngày 26 tháng 10 năm 1992 của Chính phủ. Tiếp đó, vào tháng 5/1993, Nghị định số 28-CP của Chính phủ đã được ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện trong đó có quy định rõ nhiệm vụ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc xây dựng để trình các dự thảo luật, kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật và các quy định của nhà nước về lĩnh vực bưu điện. Như vậy, trong các quy định của Nghị định vẫn không có quy định nào về tổ chức pháp chế trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước về bưu điện. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò quan trọng đối với công tác pháp chế của các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đến giữa năm 1994 Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình đã ban hành Quyết định số 689/TCCB-LĐ ngày 19 tháng 7 năm 1994 giao nhiệm vụ quản lý công tác pháp chế của ngành Bưu điện cho một đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện- đó là Văn phòng Tổng cục, trong đó quy định rõ Văn phòng Tổng cục chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung công tác pháp chế của ngành Bưu điện với các nhiệm vụ cụ thể như sau:

      + Làm đầu mối trong quan hệ với các cơ quan pháp luật của nhà nước;

      + Tổ chức xây dựng và theo dõi văn bản pháp quy chung thuộc các lĩnh vực được Lãnh đạo Tổng cục giao;

      + Tổ chức công tác hệ thống hoá văn bản pháp luật và tuyên truyền pháp luật trong ngành.

      + Làm tư vấn về pháp lý cho lãnh đạo Tổng cục những vấn đề được Lãnh đạo Tổng cục giao.

      (Điều 1 - Quyết định số 689/TCCB-LĐ ngày 19 tháng 7 năm 1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện).

      Như vậy, mặc dù chưa có một tổ chức chính thức với tên gọi là tổ chức pháp chế, nhưng kể từ cuối tháng 7 năm 1994 thì ở tại Tổng cục Bưu điện đã có một đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện công tác pháp chế trong ngành bưu điện - đó là Văn phòng Tổng cục. Và kể từ đó, trong tổ chức của Văn phòng luôn duy trì một số lượng nhất định các chuyên viên phụ trách về công tác pháp chế bưu điện.

      Sau này, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ngày 11 tháng 3 năm 1996 về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện để thay thế Nghị định số 28-CP ngày 24 tháng 5 năm 1993, trong đó tiếp tục ghi nhận các các nội dung liên quan đến công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc xây dựng để trình các dự thảo luật, kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật và các quy định của nhà nước về lĩnh vực bưu điện của Tổng cục Bưu điện. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện tiếp tục ban hành Quyết định số 268/QĐ-TCBĐ ngày 10 tháng 6 năm 1996 về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Tổng cục, trong đó quy định rõ là giao cho Văn phòng Tổng cục Bưu điện thực hiện và quản lý công tác pháp chế của Tổng cục Bưu điện, thẩm định về mặt pháp lý các văn bản trước khi trình Tổng cục trưởng. Trong thời gian này, Văn phòng Tổng cục Bưu điện duy trì số lượng nhân sự gồm có một chuyên viên chuyên trách công tác pháp chế để thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

      - Tháng 9 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP về tổ chức pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ trong đó quy định rõ về các nội dung công tác pháp chế, đồng thời khẳng định sự cần thiết việc thành lập các tổ chức pháp chế độc lập với quy mô nhất định để đảm bảo thực hiện hiệu quả côngtác pháp chế tại các bộ ngành. Nhận thức sâu sắc về sự quan trọng của công tác pháp chế đối với việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện trong điều kiện phát triển hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã quyết định thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ công tác pháp chế của Tổng cục Bưu điện theo các nội dung như quy định tại Nghị định 94/CP (Quyết định số 652/QĐ-TCCB ngày 31 tháng 10 năm 1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục).

       

       

      1. thực trạng ngành bưu chính viễn thông
      2. Việc Tổ chức thực hiện các chức năng,

       

       

      chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế:

       

      Trong điều kiện hệ thống pháp luật chung của đất nước đã có những bước được cải thiện rõ rệt cả về số lượng, nội dung, sự thống nhất và ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật so với những năm trước đây, việc triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Tổ chức pháp chế tương đối thuận lợi. Song do một thông lệ đã hình thành thói quen từ nhiều năm nay là việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật của nhà nước chỉ thực sự được triển khai khi đã có những văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, thì hoạt động quản lý và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính viễn thông lại hết sức khó khăn do quá thiếu các văn bản pháp luật điều chỉnh những hoạt động về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, đặc biệt là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao. Điều này được thể hiện ở chỗ là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất để điều chỉnh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông mới chỉ là cấp Nghị định cuả Chính Phủ (Nghị định 121/HĐBT trong thời kỳ từ năm 1987 đến 1997 và Nghị định 109/1997/NĐ-CP từ năm 1997 đến nay), được ban hành từ trước đó nhiều năm do vậy giá trị pháp lý và tính khả thi trên thực tế là rất hạn chế.

      Nhận thức được những khó khăn như trên, Tổ chức pháp chế của Tổng cục Bưu điện đã chủ động và mạnh dạn đề xuất với các cấp lãnh đạo để khẩn trương triển khai việc soạn thảo quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức pháp chế nhằm cụ thể hoá những quy định đối với tổ chức pháp chế như trong Nghị định 94/CP đối với tổ chức pháp chế của Tổng cục Bưu Điện, đồng thời triển khai xây dựng quy chế xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chung trong hoạt động xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Tổng cục Bưu điện. Tuy nhiên, do điều kiện bất cập về mặt tổ chức của tổ chức pháp chế - được tổ chức ở mô hình Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng - nên việc xây dựng quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ chức pháp chế đã ngay lập tức gặp phải khó khăn ngay trong quá trình xây dựng ở những điểm như sau: Mô hình cấp phòng thì không thể có quy định về chức năng nhiệm vụ như các đơn vị chức năng khác của Tổng cục, đặc biệt là trong quan hệ phối hợp công tác giữa Phòng Pháp chế với các đơn vị chức năng này, song để quy định được một cách cụ thể về chức năng nhiệm vụ của phòng pháp chế và đảm bảo cho việc thực hiện chức năng đó một cách hiệu quả thì một yêu cầu hết sức quan trọng là vị trí của phòng và khả năng phối hợp với các vụ chức năng phải ngang bằng với các vụ, hoặc chí ít thì cũng phải là một đơn vị độc lập trực thuộc lãnh đạo Tổng cục. Nhưng điều này lại là những nội dung có tính chất loại trừ lẫn nhau mà chưa thể thực hiện được nếu vẫn duy trì mô hình tổ chức pháp chế dưới hình thức phòng như hiện nay. Do vậy việc xây dựng và hoàn thiện bản dự thảo quy chế này đã bị tạm dừng chưa được tiếp tục triển khai (hiện nay Văn phòng đang phối hợp cùng Vụ tổ chức cán bộ để chuẩn bị đề xuất nâng cấp tổ chức phòng lên thành Vụ Pháp chế theo mô hình đổi mới chung của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông). Đây chính là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn của phòng pháp chế hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện chức năng tư vấn tham mưu cho lãnh đạo trong công tác pháp luật hết sức hạn chế.

       

       

      1. Chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc thực hiện
      2. Tổ chức thực hiện chức năng,
      1.  

         

        1. Công tác rà soát và hệ thống hoá

       

       

      1. c. Công tác tư vấn tham mưu cho Lãnh đạo

       

       

      1. Đánh giá chung về công tác pháp chế ở Tổng

       

       

      chế tại Tổng cục Bưu điện:

      Tính đén thời điểm hiện nay sau hơn 4 năm thành lập và hoạt động (từ tháng 10/1997 đến tháng 12/2001), có thể nói rằng về mặt tổ chức của phòng pháp chế đã được ổn định vói số lượng cán bộ công chức là 4 người mà toàn bộ là được đào tạo chuyên sâu về pháp luật (4 cử nhân luật trong đó có hai thạc sỹ) và đã được đào tạo bổ sung kiến thức về chuyên ngành bưu chính viễn thông (2 người có bằng đại học về điện tử viễn thông), đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn và nâng cao rõ rệt về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về cơ bản đã từng bước đáp ứng được những yêu cầu trước mắt đối với công tác pháp chế ở một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Tổng cục Bưu điện. Để có được kết quả như vậy, một phần rất lớn là nhờ sự quan tâm khuyến khích của lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn với nhận thức rõ ràng về vai trò của công tác pháp chế đối với công tác quản lý nhà nước, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền mà mọi tổ chức cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật, và việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để có thể thực hiện xây dựng nhà nước pháp quyền.

      Tuy nhiên, cũng như nhiều tổ chức pháp chế khác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn và tồn tại cần được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, cụ thể là:

      - Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia thanh, kiểm tra việc chấp hành các văn bản Quy phạm pháp luật còn rất hạn chế;

      - Lực lượng cán bộ làm công tác pháp chế còn thiếu;

      - Tổ chức bộ máy làm công tác Pháp chế chưa được kiện toàn cho ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ công tác này, nên tính chủ động, vị trí và vai trò tham mưu tư vấn pháp luật cho Lãnh đạo còn hạn chế.

       

       

      1. Đánh giá chung về công tác pháp
      2. Một số đề xuất về kiện toàn tổ chức và tăng

       

      1. Văn bản quy phạm pháp luật
      2. :

         

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

       

      1. Sắc lệnh số 50 ngày 13/4/1946 của Chính phủ có quy định về Phòng Tố tụng và Pháp chế Bộ Giao thông Công chính;
      2. Nghị định số 117/NĐ ngày 14/7/1952 quy định giao cho Văn phòng Bộ Giao thông Công chính thực hiện nhiệm vụ pháp chế;
      3. Quyết định số 09/CP ngày 15/1/1974 của Hội đồng Chính phủ về cơ cấu của Bộ Xây dựng;
      4. Quyết định số 2493/BNV ngày 27/10/1975 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng;
      5. Quyết định số 735/QĐ ngày 29/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Phòng Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục;
      6. Quyết định số 08/CP ngày 21/7/1977 của Hội đồng Chính phủ về Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công an;
      7. Quyết định số 08/CP ngày 21/1/1977 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Công An;
      8. Quyết định số 1772/BXD-TCCB ngày 1/11/1978 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Pháp chế - Bộ zXây dựng;
      9. Quyết định số 1226/BNgT/TCCB ngày 22/11/1982 của Bộ trưởng Bộ Ngoại Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Pháp chế Bộ Ngoại Thương (nay là Bộ Thương mại);
      10. Quyết định số 57/QĐ-BNV ngày 15/5/1985 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về tổ chức pháp chế ở các đơn vị và địa phương;
      11. Nghị định số 178/HĐBT ngày 17/6/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động của pháp chế ở các ngành các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực nhà nước;
      12. Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 1/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin;
      13. Quyết định số 3348/QĐ-TC ngày 8/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá Thông tin;
      14. Quyết định số 2153/QĐ-TCCB-LĐ ngày 15/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tổ chức của Vụ Pháp chế và Vận tải;
      15. Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật
      16. Nghị định 94/CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
      17. Quyết định số 652/QĐ-TCCB ngày 31/10/1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng Tổng cục.
      18. Quyết định số 3523/GD-ĐT ngày 1/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng Bộ;
      19. Quyết định số 3011/NN-TCCB/QĐ ngày 20/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ NN&PTNT;
      20. Quyết định số 1046/1997/QĐ-TTg ngày 8/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế Tổng cục Du lịch;
      21. Quyết định số 407/QĐ-TCDL ngày 23/12/1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế ;
      22. Thông tư liên tịch số 302/1997/TTLT-BTCCBCP-BTP ngày 30/12/1997 giữa Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức và cán bộ Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
      23. Quyết định số 1045/1997/QĐ-TTg ngày 8/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ pháp chế thuộc Bộ Xây dựng;
      24. Quyết định số 909/BXD-TCLĐ ngày 15/12/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế;
      25. Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
      26. Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 16/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Công nghiệp;
      27. Quyết định số 27/1998/QĐ-TTg ngày 6/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Thủy sản và Quyết định số 349/1998/QĐ-BTS ngày 11/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Pháp chế;
      28. Quyết định số 114/1998/QĐ-TTg ngày 6/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ);
      29. Quyết định số 2206/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 16/11/1998 của Bộ trưởng Bộ KHCNMT về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp chế Bộ KHCNMT;
      30. Quyết định số 812/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 6/5/1999 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành "Quy chế soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật"
      31. Chỉ thị số 03/2003/CT-BKHCN ngày 18/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ;
      32. Quyết định số 04/2003/QĐ-BKHCN ngày 18/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành "Chương trình hành động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ (giai đoạn 2003 - 2007);

       

      1. Tài liệu tham khảo khác
      2. :

         

       

       

       

       

       

       

      1. Giáo trình "Lý luận Nhà nước và pháp luật". PGS. TS. Lê Minh Tâm chủ biên. NXB Công an nhân dân Hà Nội, năm 1997;
      2. Giáo trình "Pháp lý đại cương". PGS. TS Nguyễn Thị Mơ và PGS. TS. Hoàng Ngọc Thiết chủ biên. NXB Giáo dục, Hà Nội, mă, 1999
      3. Từ điển Luật học. NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, năm 1999.
File đính kèm downloadTải về