• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động công chứng ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

Công chứng là một thể chế có từ hàng trăm năm ở các nước phát triển trên thế giới. Công chứng - hoạt động bổ trợ tích cực về mặt pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và giữ gìn kỷ cương pháp luật, đặc biệt, trong xã hội đa dạng về sở hữu, có nền kinh tế hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường và Nhà nước pháp quyền. Do đó ở Việt Nam hiện nay, cùng với xúc tiến việc đổi mới và hoàn thiện nền tư pháp, thì việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức, hoạt động công chứng đang được Nhà nước ta quan tâm. Đối với nước ta, công chứng là một lĩnh vực rất mới mẻ, cả về mặt lý luận và thực tiễn, do từ trước đến nay chưa có một đề tài khoa học nào nghiên cứu về công tác công chứng. Chính vì vậy, được sự đồng ý của Bộ Tư pháp và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý tổ chức nghiên cứu đề tài: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động Công chứng ở Việt Nam”.

Để góp phần nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về công chứng, phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ đưa ra những luật cứ khoa học bước đầu, trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta, đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động công chứng, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về công chứng ngày càng phát triển của xã hội.

PHẦN I -  LÝ LUẬN VỀ CÔNG CHỨNG

I. KHÁI NIỆM “CÔNG CHỨNG”

1. Bản chất của công chứng

Notarie - tiếng Pháp, Notary - tiếng Anh, Notariat - tiếng Đức, Hottapiat - tiếng Nga, đều có gốc La tinh là Notarius, có nghĩa là viết, ghi chép. Vậy công chứng viên là người viết hoặc với nghĩa rộng là lập các văn bản.

Ở Việt Nam, trước đây trong thời thuộc Pháp và dưới chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, dùng từ chưởng khế, có nghĩa là người giữ các văn bản.

Thuật ngữ “công chứng” được chính thức sử dụng sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong Nghị định ngày 1/10/1945 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ công hoà bổ nhiệm ông Vũ Quý Vĩ làm công chứng tại Hà Nội. Sau đó thuật ngữ “công chứng” được sử dụng trong Nghị định số 143-HĐBT ngày 20/11/1981 của Hội đồng bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, và Nghị định số 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về “tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước.

Xét về chức năng, mục đích của hoạt động này, thì thuật ngữ “công chứng” sát nghĩa hơn. Vậy bản chất của công chứng là gì?

Ở Cộng hoà Pháp, theo Điều 1 Sắc lệnh số 45-2390 ngày 2/11/1945. Theo đó, “công chứng viên là công chức được bổ nhiệm để tiếp nhận các văn bản và hợp đồng mà các bên đương sự phải hoặc muốn tạo cho chúng tính xác thực giống như các văn bản của chính quyền và để đảm bảo đúng ngày tháng lưu giữ các văn bản, hợp đồng và cấp các bản sao của văn bản và hợp đồng đó.

Lệnh số 48/PQ của Tổng thống Công hoà Bê-nanh ban hành “Điều lệ công chứng” cũng chép lại gần như nguyên văn điều luật trên của Cộng hoà Pháp.

Ở vương quốc Anh, Luật Công chứng quy định: công chứng viên là công chức được bổ nhiệm. Công chứng viên thực hiện các hành vi công chứng sau: soạn thảo, chứng nhận hoặc xác nhận, chứng thư và các giấy tờ khác (bao gồm giấy tờ chuyển nhượng bất động sản và tài sản cá nhân, giấy Ủy quyền liên quan đến bất động sản và tài sản cá nhân ở Anh, xứ Wales, các nước khác thuộc khối thịnh vượng chung của Anh hoặc ở nước ngoài); chứng nhận hoặc xác nhận các văn bản giao dịch, soạn thảo di chúc hoặc các giấy tờ liên quan đến di chúc, lập kháng nghị hàng hải về sự cố xảy ra đối với tầu và hàng hóa trên tầu trong thời gian tàu đi trên biển....

Theo Luật Công chứng nhà nước năm 1973 của Liên Xô (cũ), tại Điều 1 quy định: nhiệm vụ của công chứng nhà nước là (i) bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, các nông trang tập thể, các tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác; (ii) củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ cương pháp luật; (iii) phòng ngừa những vi phạm pháp luật. Để thực hiện nhiệm vụ này, công chứng viên phải chứng thực kịp thời, chính xác những hợp đồng và những giao ước pháp lý khác, làm thủ tục quyền thừa kế, cấp giấy chứng thực đòi nợ và thực hiện những việc công chứng khác.

Theo Điều 6 của Dụ số 43 ngày 29/11/1954 của chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn, thì chưởng khế có nhiệm vụ: (i) Lập tất cả những văn kiện và khế ước mà những đương sự trước các Toà án buộc phải làm; (ii) Lập những văn kiện và khế ước mà các đương sự này muốn cho có tính cách công chứng y như các văn kiện do công quyền lập ra; (iii) Xác định niên hiệu những văn kiên và khế ước ấy; (iv) Quản thủ những văn kiện này; (v) Cấp các bản trích sao và toàn sao.

Xét về phương pháp thể hiện và nội dung chi tiết của khái niệm về công chứng trong pháp luật của các nước trên thế giới có những điểm khác nhau, nhưng về bản chất của khái niệm đó là giống nhau. Bản chất của công chứng là tạo lập nên một loại chứng cứ bằng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn hẳn những loại chứng cứ khác, bởi nó mang dấu ấn của công quyền và được bảo đảm bằng trách nhiệm đặc biệt của công chứng viên - là một công chức do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện chức năng công chứng.

Những chứng cứ bằng văn bản do công chứng tạo lập ra đáng tin cậy, bởi chúng được công chứng viên lưu giữ bảo quản tuyệt đối an toàn, bí mật, và khi có yêu cầu thì đích thân công chứng viên sẽ cung cấp những chứng cứ đó cho công dân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đặc biệt là Toà án).

Như vậy để bảo đảm mục đích của công chứng là cung cấp một loại chứng cứ đáng tin cậy và không thể phản bác, thì nội dung của công chứng phải bao gồm những công đoạn sau đây:

- Lập văn bản công chứng. Lập văn bản công chứng được hiểu là công chứng viên giúp đương sự thể hiện ý chí của họ bằng văn bản; công chứng viên có thể giúp đương sự thảo văn bản, có thể đương sự tự thảo văn bản, công chứng viên kiểm tra để khẳng định ý chí của đương sự, kiểm tra tính hợp pháp của văn bản do đương sự tự thảo... Trong cả hai trường hợp công chứng viên cùng với đương sự ký vào văn bản. Văn bản đó được gọi là “văn bản công chứng”.

- Lưu giữ bản gốc của văn bản công chứng một cách tuyệt đối an toàn, bí mật;

- Cấp bản toàn sao hoặc trích sao cho đương sự, toà án hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Vai trò của công chứng, vị trí của hoạt động công chứng trong quản lý xã hội

Bằng cách tạo nên và cung cấp những chứng cứ đáng tin cậy và không thể phản bác trong các quan hệ dân sự, thương mại (đặc biệt là các quan hệ về gia đình, tài sản), công chứng đã tạo ra một sự bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân, tổ chức, khi họ tham gia các quan hệ đó. Đây là một biện pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đặc biệt trong xã hội có nhiểu thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, trong đó sở hữu tư nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Công chứng còn có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và hạn chế những tranh chấp, kiện tụng trong xã hội. Sự đáng tin cậy và không thể phản bác của văn bản công chứng buộc công dân phải tự nguyện thi hành những nghĩa vụ và giúp họ đương nhiên được hưởng những quyền lợi mà văn bản công chứng đã xác nhận, mà không phải nhờ đến sự phán xét của toà án. Ở đâu có hoạt động công chứng phát triển, những vụ tranh chấp, kiện cáo về dân sự giảm đi đáng kể.

Khi yêu cầu công chứng, công dân còn được tư vấn để xử sự đúng pháp luật, để dàn xếp, hòa giải những mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ. Ở các nước có nền công chứng phát triển, đặc biệt các nước theo luật tập quán (Conmon law), vai trò tư vấn của công chứng ngày càng được coi trọng và mở rộng.

Với chức năng và vai trò nêu trên, công chứng được coi là một trong các hoạt động bổ trợ tư pháp, với nghĩa hẹp là hỗ trợ cho hoạt động xét xử của toà án, và với nghĩa rộng là hỗ trợ (góp phần) vào việc duy trì kỷ cương pháp luật trong xã hội.

3. Các trường phái công chứng trên thế giới

Tuy chức năng, mục đích như nhau, nhưng nếu xét về những khía cạnh cụ thể như quan niệm về các việc công chứng, về ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng, về tổ chức công chứng, thì trên thế giới hiện nay có hai trường phái công chứng.

a) Trường phái công chứng của các nước hệ thống pháp luật La tinh - luật viết (bao gồm các nước lục địa Châu Âu, Châu Phi và một số nước chịu ảnh hưởng của hệ thống luật La tinh), có những đặc điểm nổi bật sau đây:

- Nội dung, trình tự, thủ tục công chứng được quy định cụ thể và chặt chẽ;

- Phạm vi các việc công chứng được pháp luật giới hạn (việc cụ thể hoặc nhóm việc);

- Ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng rất cao. Nếu không có kiện cáo về tính khách quan, đúng đắn của công chứng viên khi lập văn bản công chứng, thì hợp đồng được coi như một phán quyết của Toà án, buộc các bên phải thi hành. Bởi vậy người ta gọi “công chứng viên” là “thẩm phán về hợp đồng”.

- Công chứng viên là công chức do Nhà nước bổ nhiệm. Tuy vậy, tổ chức công chứng có thể là cơ quan nhà nước, có thể là tổ chức hành nghề tự do. Do đó, công chứng viên có thể là viên chức trong bộ máy nhà nước, có thể là người được Nhà nước bổ nhiệm nhưng hành nghề tự do (không phải là viên chức nhà nước). Trong cả hai trường hợp công chứng viên đều phải hoạt động chuyên trách, không được kiêm nhiệm.

b) Trường phái công chứng của các nước theo luật tập quán (Common law).

Do ảnh hưởng của hệ thống luật tập quán, nên công chứng ở các nước này cũng mang tính chất mềm dẻo, linh hoạt hơn, với những đặc điểm nổi bật sau đây:

- Pháp luật không quy định chi tiết, chặt chẽ về công chứng;

- Các việc công chứng không bó hẹp trong một phạm vi rõ ràng;

- Văn bản công chứng chỉ có giá trị là chứng cứ, chứ không có hiệu lực buộc các người có liên quan phải thực hiện;

- Công chứng là một nghề tự do hoàn toàn, tương tự như nghề luật sư; luật sư có thể đồng thời là công chứng viên.

Ngoài ra còn phải kể đến nhóm công chứng của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trước đây). Trong điều kiển chỉ khuyến khích và phát triển hai thành phần kinh tế nhà nước và tập thể, trong cơ chế hành chính - bao cấp, vai trò công chứng không được coi trọng và không có cơ sở để phát triển. Vì vậy công chứng ở các nước xã hội chủ nghĩa (trước đây) nhìn chung mang nặng tính chất hình thức, khó phân biệt hoạt động công chứng với việc thực thi hành chính của chính quyền. Xuất phát từ những đặc điểm trên đây, công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa có những đặc trưng sau đây:

- Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trước đây) đều là công chứng nhà nước. Công chứng viên là viên chức trong bộ máy nhà nước; tổ chức công chứng là cơ quan nhà nước và được lập theo đơn vị hành chính; những nơi chưa lập tổ chức công chứng thì giao cho chính quyền thực hiện công chứng;

- Ý nghĩa của văn bản công chứng không được coi trọng, vai trò của công chứng viên không được đề cao, trách nhiệm bồi thường dân sự của công chứng hầu như không được nhắc đến.

II. Ý NGHĨA PHÁP LÝ VÀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG

1. Ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng

Văn bản được làm theo thủ tục công chứng có ý nghĩa pháp lý đặc biệt, khác với các văn bản mang tính chất thị thực hay quyết định của chính quyền.

Một văn bản công chứng ở bất cứ nước nào thuộc hai trường phái công chứng trên thế giới, đều có ý nghĩa sau đây:

- Ngày, tháng, năm lập văn bản được coi như chính xác không thể tranh cãi;

- Trước các toà án, văn bản công chứng là những chứng cứ hoàn toàn được tin cậy về những điều mà các đương sự đã thỏa thuận được ghi trong văn bản.

Tuy vậy hai trường phái công chứng có quan niệm khác nhau về mức độ giá trị của văn bản công chứng:

- Trường phái công chứng theo hệ thống pháp luật La tinh cho rằng, văn bản công chứng có giá trị như văn bản của chính quyền. Văn bản công chứng hợp đồng có hiệu lực thực hiện đối với các bên ngang với phán quyết toà án.

- Trường phái công chứng theo hệ thống luật tập quán thì văn bản công chứng chỉ đơn thuần có giá trị chứng cứ ở mức độ cao.

2. Hình thức văn bản được công chứng và thủ tục lập văn bản công chứng

Pháp luật các nước, đặc biệt các nước theo hệ thống luật viết, quy định rất chặt chẽ về hình thưc văn bản công chứng và thủ tục lập văn bản công chứng. Các văn bản do một công chứng viên lập, trừ một số trường hợp (di chúc, tặng cho bất động sản, đương sự không biết hoặc không thể ký) phải do hai công chứng viên, hoặc một công chứng viên lập có hai hoặc bốn người làm chứng.

Về hình thức các văn bản phải:

- Ghi tên công chứng viên và tên văn phòng công chứng; tên, họ, tư cách và chỗ ở của các đương sự và các nhân chứng; ngày, tháng, năm lập văn bản;

- Viết tay hoặc đánh máy bằng loại mực không phai, viết liền làm một văn bản, chữ viết phải rõ ràng, không viết tắt, không viết chữ chồng lên nhau, không viết xen giữa hai dòng chữ, không để khoảng cách trắng. Bản đánh máy phải là bản đánh đầu tiên, không do giấy than đánh ra. Các số tiền, ngày tháng phải viết bằng chữ.

- Đương sự, nhân chứng, công chứng viên phải cùng ký tên. Phải ghi chú đã đọc văn bản cho mọi người nghe. Nếu văn bản không do viết tay, đương sự, nhân chứng và công chứng viên phải ký tắt dưới mỗi trang.

- Những chữ thêm phải ghi vào bên lề, mọi người phải ký tên hoặc ký tắt dưới chữ đó. Phải tính số chữ đã gạch bỏ ra lề hoặc dưới văn bản.

Văn bản lập ra không tuân thủ các quy định trên thì bị coi là vô hiệu. Nếu không có chữ ký của những người tham dự thì văn bản chỉ có giá trị như một tư chứng thư.

Công chứng viên phải giữ lại nguyên bản các văn bản mà họ lập ra. Tuy nhiên, một số văn bản, như Ủy quyền, có thể làm văn bản chính cấp, không phải giữ nguyên bản.

Chỉ có công chứng viên giữ nguyên bản mới có quyền cấp bản trích sao hay bản toàn sao. Công chứng viên không được giao nguyên bản cho ai, trừ khi có một bản án cho phép. Không được cấp bản trích sao lần thứ hai. Không được cấp bản trích sao hay bản toàn sao hay tiết lộ nội dung của văn bản mình giữ cho người khác biết, nếu không có lệnh của toà án, trừ đương sự, những người thừa kế của đương sự hay những người đã được họ nhượng quyền.

III. PHẠM VI CÁC VIỆC CÔNG CHỨNG

Ở các nước việc lựa chọn việc nào là việc công chứng có sự khác nhau.

Tại Cộng hoà Pháp, công chứng viên được giao trách nhiệm tiếp nhận các văn bản và hợp đồng mà các bên đương sự phải hoặc muốn có tính chất công chứng. Pháp luật về công chứng chỉ quy định chung như vậy, còn văn bản và hợp đồng nào phải công chứng thì được quy định tại văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn đối với những loại hợp đồng sau đây bắt buộc phải thực hiện công chứng: (i) Hợp đồng cho, biếu bất động sản, loại tài sản có giá trị lớn; (ii) Hợp đồng hôn nhân; (iii) Hợp đồng cầm cố; (iv) Tất cả Ủy quyền; (v) Hợp đồng bán nhà sắp xây dựng; (vi) Hợp đồng cho, biếu có chia sẻ.

Kể cả những việc do pháp luật buộc phải công chứng và những việc pháp luật không buộc phải công chứng, trong thực tiễn công chứng ở Pháp và một số nước, người ta chia thành 3 nhóm việc công chứng. Đó là:

- Nhóm việc công chứng về quan hệ gia định, gồm hợp đồng hôn nhân, các việc về thừa kế, cho, tặng tài sản trong gia đình...

- Nhóm việc về tài sản gồm các hợp đồng chuyển nhượng tài sản, đặc biệt là những hợp đồng mua bán, cho thuê bất động sản...

- Nhóm việc về kinh doanh, doanh nghiệp bao gồm khai trình vốn, điều lệ công ty...

Ở Liên Xô (cũ) các việc công chứng được liệt kê rất chi tiết cụ thể, bao gồm:

- Chứng nhận các giao ước (hợp đồng, di chúc, giấy Ủy quyền...),

- Quyết định các biện pháp bảo vệ tài sản thừa kế;

- Cấp giấy chứng nhận quyền thừa kế;

- Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần trong tài sản chung của vợ chồng;

- Ra lệnh cấm chuyển nhượng nhà ở;

- Chứng thực bản sao tài liệu và trích lục văn bản;

- Chứng nhận chữ ký trên giấy tờ;

- Chứng nhận bản dịch tài liệu từ tiếng này sang tiếng khác;

- Chứng nhận công dân còn sống;

- Chứng nhận công dân đang ở một nơi nhất định;

- Chứng nhận công dân là người trong ảnh;

- Chứng nhận thời gian xuất trình giấy tờ;

- Chuyển đơn từ của công dân, các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, tổ chức, nông trang tập thể, hợp tác xã và tổ chức xã hội cho các công dân khác, các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, các tổ chức khác.

- Nhận gửi tiền trả nợ và ngân phiếu trả nợ;

- Cấp giấy chứng thực đòi nợ;

- Làm chứng thư cự tuyệt hối phiếu;

- Đưa séc để thanh toán và chứng thực séc chưa được thanh toán;

- Nhận giữ giấy tờ;

- Lập kháng nghị hàng hải;

- Pháp luật Liên Xô có thể quy định các việc công chứng khác.

Nói chung, việc công chứng liên quan chặt chẽ đến luật dân sự. Bộ luật Dân sự là cơ sở pháp lý chủ yếu của hoạt động công chứng.

Nói tóm lại, căn cứ vào tính chất của quan hệ có thể chia thành 2 nhóm việc công chứng:

- Nhóm thứ nhất. Các việc công chứng mà đương sụ muốn được công chứng hay còn gọi là công chứng tự nguyện. Khi đương sự yêu cầu thì công chứng viên thực hiện, không được từ chối, nếu nội dung công chứng không trái pháp luật.

- Nhóm thứ hai. Pháp luật quy định một số việc bắt buộc phải thực hiện công chứng (như chuyển sở hữu bất động sản hoặc những việc quan trọng khác).

Căn cứ vào nội dung các quan hệ, có thể chia thành 3 nhóm việc công chứng sau:

- Những việc công chứng về quan hệ gia đình;

- Những việc công chứng về quan hệ tài sản, đặc biệt là bất động sản;

- Những việc công chứng có liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.

IV. VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨNG

Tất cả các nước có thể chế công chứng đều nói tới vấn đề trách nhiệm của công chứng. Trách nhiệm của công chứng bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự và trách nhiệm kỷ luật. Tuỳ theo công chứng viên là người làm nghề tự do hay là viên chức trong bộ máy nhà nước, mà việc xác định trách nhiệm công chứng khác nhau.

- Công chứng tự do, công chứng viên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đương sự do lỗi của công chứng viên gây ra khi thực hiện công chứng, vừa phải chịu trách nhiệm kỷ luật (do tổ chức hiệp hội công chứng xem xét và quyết định). Công chứng viên phải nộp một khoản tiền, ký quỹ hoặc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để bảo đảm bồi thường thiệt hại cho đương sự.

- Công chứng nhà nước, tức là Nhà nước đứng ra làm công chứng, thì Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những lỗi do công chứng viên phạm phải khi hành sự hay những công việc họ được giao phó vì nhiệm vụ công chứng của họ. Được coi là lỗi về công vụ tất cả những lỗi công chứng viên đã phạm do vô ý trong khi thi hành công vụ. Cũng được coi như là lỗi về công vụ khi có sự gian dối mà công chứng viên phạm phải. Trách nhiệm vật chất của Nhà nước đối với người thứ ba hay đương sự bị tổn thất sẽ được bảo đảm bằng một quỹ riêng gọi là “Quỹ bảo đảm” mở tại Ngân hàng. Quỹ này được lập bằng cách trích một tỷ lệ nhất định của số lệ phí và tiền công thu được trong mỗi tháng. Còn công chứng viên, vì là viên chức ăn lương nhà nước, nên phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính.

V. MỘT SỐ MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨNG TRÊN THẾ GIỚI

Ở Cộng hoà Pháp, có hai hình thức tổ chức công chứng:

- Văn phòng công chứng tập thể, trong đó công chứng viên hoạt động nhân danh văn phòng công chứng chứ không được nhân danh cá nhân;

- Văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên.

Việc lập các văn phòng công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định và kiểm soát trên cơ sở các tiêu chuẩn về kinh tế, dân số và địa lý.

Người có thể được bổ nhiệm công chứng viên phải có các điều kiện sau:

- Là công dân Pháp,

- Chưa bị án hình sự về các tội do có hành vi trái với danh dự, tính trung thực và lối sống lành mạnh hoặc bị thi hành kỷ luật hành chính như cách chức, xóa tên, bãi miễn;

- Không bị phá sản, vỡ nợ;

- Có bằng cao học luật hoặc bằng có giá trị tương đương được cấp theo quy định liên bộ giữa Tư pháp và Đại học.

- Được đào tạo chuyên ngành công chứng và thi đỗ bằng thi tuyển công chứng viên hoặc có bằng cao học chuyên ngành công chứng.

Công chứng viên phải hoạt động chuyên trách, không được kiêm thêm chức năng thẩm phán, công tố viên, luật sư, thư ký toà... Tuy nhiên, công chứng viên có thể kiêm nhiệm giảng dậy ở khoa luật, trường đại học hoặc các trường pháp lý khác và tham gia các hội dân sự hoạt động không vì mục đích kiếm lợi nhuận. Công chứng viên không được trực tiếp hoặc thông qua một người trung gian thực hiện kinh doanh, thương mại, không được tham gia quản lý các công ty vô danh, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Công chứng viên được bổ nhiệm bằng Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Có ba hình thức bổ nhiệm là:

+ Bổ nhiệm theo kế vị: Sau khi công chứng viên của một văn phòng công chứng phải ngừng hoạt động vì bị chết hoặc nghỉ hưu, người ứng cử vào danh sách bổ nhiệm công chứng viên để kế vị công chứng viên (là người thuộc các hàng thừa kế của người để lại văn phòng công chứng), phải có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đơn được chuyển cho ông biện lý bên cạnh toà rộng quyền nơi đặt trụ sở của văn phòng công chứng kèm theo hồ sơ và cam kết giữa người ứng cử với công chứng viên hoặc với người có quyền hợp pháp đối với phòng đó. Ông biện lý lấy ý kiến nhận xét của Trung tâm đào tạo công chứng viên về tư cách, khả năng hàng nghề và tài chính của người được để nghị bổ nhiệm. Trong vòng 45 ngày nếu đủ tiêu chuẩn, ông biện lý có ý kiến bằng văn bản và chuyển hồ sơ cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

+ Bổ nhiệm công chứng viên để lập văn phòng công chứng mới: Theo để nghị của Ủy ban tuyển chọn (do Hội đồng công chứng khu vực chỉ định) Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên bằng Nghị định để lập văn phòng mới. Hồ sơ của từng ứng cử viên được gửi cho ông biện lý bên cạnh toà rộng quyền nơi sẽ đặt văn phòng công chứng. Sau khi lấy ý kiến của Hội đồng xét tư cách và ý kiến của Hội đồng công chứng khu vực, ông biện lý có ý kiến bằng văn bản và gửi cùng hồ sơ lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

+ Bổ nhiệm công chứng viên cho các văn phòng công chứng bị khuyết: Khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tuyên bố một văn phòng công chứng bị khuyết và không thể bộ nhiệm công chứng viên theo kế vị được, thì việc bổ nhiệm một công chứng viên để kế tục hoạt động được thực hiện theo trình tự bổ nhiệm công chứng viên cho một văn phòng mới thành lập. Công chứng viên mới được bổ nhiệm phải nộp một khoản tiền do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Trong vòng một tháng kề từ khi có Nghị định bổ nhiệm, công chứng viên phải tuyên thệ tại toà rộng quyền và chỉ được hoạt động sau ngày tuyên thệ. Trước khi hoạt động, công chứng viên phải đăng ký chữ ký và chữ ký tắt tại toà rộng quyền nơi đặt trụ sở của văn phòng.

Để quản lý công chứng viên của các văn phòng công chứng nêu trên, ở cấp tỉnh Cộng hòa Pháp thành lập một phòng quản lý công chứng, bảo đảm việc duy trì hoạt động và kỷ luật giữa các công chứng viên của các văn phòng công chứng trong phạm vi từng tỉnh. Tại các toà thượng thẩm thành lập Hội đồng công chứng khu vực để quản lý các phòng quản lý công chứng. Còn trong phạm vi cả nước, ở Pháp thành lập Hội đồng công chứng tối cao để đại diện cho toàn ngành công chứng bên cạnh các cơ quan chính quyền và đặt bên cạnh Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ở nhiều nước theo luật La tinh, mô hình tổ chức công chứng cũng tương tự như ở Cộng hoà Pháp.

Ở Liên Xô (cũ) mỗi tỉnh có một hoặc một số phòng công chứng nhà nước, ngoài ra ở thủ đô các nước cộng hoà và tại trung tâm các tỉnh, vùng cũng có phòng công chứng nhà nước. Thứ nhất, phòng này có nhiệm vụ thực hiện các việc làm công chứng phức tạp, khó hơn như: chứng nhận bản sao các văn bản của các cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý nhà nước tổi cao Liên Xô; có liên quan đến quyền và lợi ích riêng của công dân, chứng nhận bản sao các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài... Ở những nơi không có phòng công chứng nhà nước, một số việc là công chứng đơn giản được giao cho Ủy ban chấp hành Xô Viết thành phố, thị trấn, xã thực hiện, đây không phải cơ quan chuyên trách.

Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trước đây) cũng là công chứng nhà nước và cũng có mô hình tổ chức về cơ bản giống như ở Liên - Xô (cũ).

Ở miền Nam nước ta dưới thời chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn, tổ chức công chứng cũng là cơ quan nhà nước, công chứng viên là viên chức ăn lương nhà nước. Theo Dụ số 43 ngày 29/11/1954 ấn định quy chế chung ngạch chưởng khế thì trong quản hạt mỗi toà án sở thẩm hoặc toà án hoà giải rộng quyền lập một phòng chưởng khế thuộc Bộ Tư pháp.

Tóm lại, trên thế giới cơ 2 mô hình tổ chức công chứng.

Mô hình thứ nhất là mô hình tổ chức công chứng nhà nước, trong đó tổ chức công chứng là cơ quan nhà nước, công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm (thường là Bộ trưởng Bộ Tư pháp), là viên chức ăn lương nhà nước, lệ phí và tiền công thu được nộp vào ngân sách nhà nước; các phòng công chứng được lập theo đơn vị hành chính hoặc quản hạt của mỗi toà án sơ thẩm; phòng công chứng trực thuộc chính quyền địa phương hoặc Bộ Tư pháp.

Mô hình công chứng tư do, trong đó công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm (Tổng thống hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp) làm việc cho những tổ chức hành nghề tự do. Tổ chức hành nghề công chứng là các văn phòng công chứng tư nhân hoặc tập thể, có một quy chế giống như doanh nghiệp. Các công chứng viên có tổ chức hiệp hội của họ.

PHẦN II - CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY - THỰC TIỄN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

I. LƯỢC SỬ VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM

1. Tổ chức công chứng thời Pháp thuộc ở Việt Nam

Ở Việt Nam, công chứng được hình thành từ thời Pháp thuộc. Văn bản công chứng đầu tiên được lập vào năm 1886([1]). Đến ngày 24/5/1931, Sắc lệnh mới về tổ chức công chứng được ban hành. Tổ chức công chứng tại Việt Nam thời Pháp thuộc phỏng theo nguyên tắc tổ chức công chứng tại nước Pháp và các nước trên thế giới chịu ảnh hưởng của luật La Mã.

Người có thể được bổ nhiệm làm công chứng viên phải có các điều kiện sau: (i) Quốc tịch Pháp, 25 tuổi; (ii) Có bằng cử nhân luật hoặc tốt nghiệp trường công chứng và phải tập sự 4 năm, trong đó có 1 năm là thư ký thứ nhất của một văn phòng công chứng. Nếu không có học vị trên thì thời gian tập sự là 6 năm, trong đó 2 năm là thư ký thứ nhất.

Các thành viên của toà án, chánh lục sự có bằng cử nhân luật, các luật sư đã có 5 năm thâm niên trong nghề phải tập sự 2 năm và qua một kỳ sát hạch về nghiệp vụ. Nếu đã có 10 năm thâm niên trong nghề thì phải qua kỳ thi sát hạch.

Tổng thống Pháp thiết lập Văn phòng công chứng bằng Sắc lệnh, khi thấy cần thiết. Thời kỳ này có 1 văn phòng công chứng ở Hà nội và 3 văn phòng công chứng ở Sài Gòn. tại các Toà án sơ thẩm như ở Hải Phòng, Nam Định, Đã Nẵng và các tỉnh Nam bộ có chánh lục sự kiêm công chứng viên.

Công chứng viên được bổ nhiệm theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp và giữ chức vụ suốt đời. Đã giữ chức vụ được 10 năm thì có thể giới thiệu người kế vị với Tổng thống Pháp. Công chứng viên không hưởng lương, nhưng được thu phí và thù lao do Nhà nước ấn định, phải nộp một phần lệ phí và thù lao cho công quỹ (tỷ lệ 1/4) hoặc nộp thuế theo chế độ thuế hiện hành. Công chứng viên không được kiêm nhiệm một công vụ khác. Công chứng viên phải nộp tiền ký quỹ để bảo đảm bồi thường thiệt hại do các lỗi phạm phải khi thi hành công vụ. Công chứng viên phải tuyên thệ. Mỗi người có 1 con dấu, chữ ký và chữ ký tắt phải lưu trữ tại toà án sở thẩm quản hạt.

2. Tổ chức Công chứng thời chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn

Tại miền Nam, chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn ban hành Dụ số 43 ngày 29/11/ 1954 quy định về ngạch chưởng khế với mục đích thiết lập trong quản hạt mỗi toà án sơ thẩm hoặc hoà giải rộng quyền một phòng chưởng khế thuộc Bộ Tư pháp, song thực tế chỉ thành lập được phòng chưởng khế ở Sài Gòn([2]).

Điều kiện để được bổ nhiệm là chưởng khế:

- Có quốc tịch Việt Nam;

- Có tuổi đời ít nhất là 25 tuổi, mà nhiều nhất là 35 tuổi. Giới hạn về tuổi được nhập ngạch được tăng thêm tối đa 10 năm cho những thí sinh nào là công chức có thâm niên xin công nhận để hưởng lệ về hưu trí.

- Có bằng cấp cử nhân hay tiến sĩ luật khoa hoặc tốt nghiệp một học đường chưởng khế đã được chính phủ công nhận.

- Chưa bị can án lần nào và được hưởng các công quyền, dân quyền và gia quyền;

- Trúng tuyển một kỳ thi nhập ngạch (điều kiện tổ chức và chương trình thì sẽ do Nghị định của Tổng trưởng Bộ Tư pháp ấn định sau khi thỏa hiệp với Bộ phụ trách công vụ).

- Đã làm tròn nhiệm vụ đối với luật lệ về quân dịch.

Như vậy, các chưởng khế người Việt Nam đã thay các Công chứng viên của Pháp. Chưởng khế được hưởng lương từ ngân sách. Ngoài ra còn được hưởng 7% tiền hoa hồng được tính trên tổng số lệ phí và tiền công do chưởng khế thu cho quốc gia. Phòng chưởng khế này hoạt động cho đến trước ngày miền Nam được giải phóng 30/4/1975.

3. Tổ chức công chứng trong chế độ dân chủ nhân dân và Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy nhà nước thực dân, phong kiến bị đập tan, cùng với việc xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới, ngày 1/10/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Nghị định bổ nhiệm một công chứng viên là người Việt Nam ở Hà Nội, thay thế người Pháp. Các luật lệ cũ về công chứng vẫn tiếp tục thi hành, trừ những khoản không hợp với nền độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà Việt Nam. Công chứng lúc này còn mang đậm dấu ấn của công chứng Pháp, như phải ký quỹ một số tiền bảo đảm hoặc có thể lấy bất động sản mà bảo đảm thay vào số tiền đó, phải tuyên thệ. Do điều kiện và hoàn cảnh của kháng chiến nên phòng công chứng này phải ngừng hoạt động.

Tiếp sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 ấn định “thể lệ việc thị thực các giấy tờ”. Theo đó, quyền thị thực các giấy tờ trước đây giao cho lý trưởng các làng và thị trưởng ở thành thị, nay giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Riêng ở thành thị việc thị thực của Ủy ban thành phố phải có thêm Ủy ban nhân dân thị xã chứng nhận. Tuy nhiên, Ủy ban thị thực phải là Ủy ban nơi trú quán một bên đương sự lập ước và việc bất động sản phải là Ủy ban ở nơi bất động sản, nếu có nhiều bất động sản ở nhiều nơi khác nhau thì giấy tờ về bất động sản ấy phải do Ủy ban mỗi nơi thị thực. Các Ủy ban thị thực phải chịu trách nhiệm về việc thị thực không đúng về căn cước của đương sự, ngày tháng thị thực và quyền sở hữu trên bất động sản đem bán hay cầm cố. Nếu xảy ra thiệt hại đến tư nhân, công quỹ của làng hay của thành phố vì thị thực không đúng, thì phải bồi thường. Việc thị thực được thu một khoản lệ phí theo tỷ lệ từ 0,1% đến 1%. Xét về cả nội dung, thủ tục và chủ thể thực hiện, thì việc thị thực theo Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 không phải là việc công chứng mà chỉ là một thủ tục hành chính. Càng về sau này, việc thị thực chỉ được thực hiện một cách hình thức như xác nhận ngày, tháng, năm, địa chỉ thường trú và chữ ký của đương sự.

Đến ngày 29/2/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký tiếp Sắc lệnh số 85-SL ban hành thể lệ trước bạ về các việc mua bán trao đổi nhà cửa, ruộng đất. Theo Sắc lệnh này, văn tự phải đưa Ủy ban kháng chiến hành chính xã hay thị xã chứng thực chữ ký của người mua, bán, cho, nhận đổi và chứng thực những người bán, cho hay đổi là chủ những nhà cửa, ruộng đất đem bán, cho hay đổi.

Thời kỳ Ủy ban nhân dân được giao việc thị thực đã đạt được kết quả nhất định trong điều kiện của cơ chế hành chính, bao cấp; phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ, các quan hệ giao dịch, nhất là quan hệ tài sản còn ít và đơn giản. Thực chất đây cũng không phải là hoạt động công chứng.

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, căn cứ vào các quy định của Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức tư pháp, ngày 10/10/1987 Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 574-QLTPK về công tác công chứng nhà nước. Công tác công chứng nhà nước của Ủy ban nhân dân các địa phương được cải tiến và nâng cao chất lượng, đồng thời thành lập Phòng Công chứng nhà nước ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có nhu cầu lớn về công chứng và có đủ điều kiện cần thiết. Sau mấy chục năm không tổ chức hoạt động công chứng, thì đây là bước thí điểm cần thiết để rút ra những kinh nghiệm tiếp tục từng bước xây dựng xây dựng tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta.

Ngày 27/2/1991m Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 45-HĐBT về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị định đã đạt được kết quả bước đầu đáng khính lệ; đồng thời cũng bộc lộ những thiếu sót, hạn chế, đòi hỏi phải nghiên cứu từ kinh nghiệm thực tiễn công chứng của nước ta, kết hợp tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, để từng bước xây dựng và hoàn thiện nền công chứng Việt Nam.

II. QUAN NIỆM VỀ CÔNG CHỨNG THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Theo Điều 1 Nghị định số 45-HDBT ngày 27/1/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, thì “công chứng nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa...”.

Đây là quan niệm chính thức về công chứng ở Việt Nam. Quan niệm này có những nội dung chưa hợp lý sau đây:

- Công chứng chỉ được hiểu đơn thuận là “việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng, giấy tờ...”. Quan niệm về công chứng như vậy là chưa đầy đủ, bởi nó chưa bao gồm cả quá trình lập, lưu giữ và cấp văn bản công chứng, như quan niệm phổ biến về công chứng trên thế giới. Chỉ khi công chứng thực hiện đủ 3 công đoạn thì mới đạt được mục đích của nó là tạo lập nên và cung cấp một loại chứng cứ đáng tin cậy và không thể phản bác. Công chứng của các nước trên thế giới, đặc biệt các nước theo luật La tinh, rất coi trọng và quy định rất cụ thể, chặt chẽ việc lập lưu giữ và cấp văn bản công chứng.

- “Tính xác thực của các hợp đồng, giấy tờ” trong quan niệm về công chứng là chưa rõ ràng và chuẩn xác. Tính xác thực (hay đích thực) của các loại văn bản công chứng không giống nhau, có những phạm vi và mức độ khác nhau. Có những loại văn bản công chứng chỉ bảo đảm “đích thực” về ý chí của đương sự, về ngày, tháng, năm lập văn bản (di chúc, khước từ quyền hưởng di sản, kháng nghị hàng hải, cam đoan...); có văn bản công chứng ngoài việc bảo đảm tính đích thực về những vấn đề trên còn phải bao đảm không trái pháp luật và phù hợp với thực tế (các loại hợp đồng, xác định giá trị tài sản bằng hiện vật để đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tư nhân...).

Quan niệm về công chứng chưa đầy đủ và chuẩn xác dẫn đến việc xác định giá trị văn bản công chức, các việc công chứng không rõ ràng và không đầy đủ. Do đó đã hạn chế tạc dụng và hiệu quả của công chứng trong thực tế, gây lúng túng cho công chứng viên, các vơ quan nhà nước có thẩm quyền và công dân.

III. VỀ PHẠM VI CÁC VIỆC CÔNG CHỨNG

Việc xác định phạm vi, gianh giới các việc công chứng, hay nói cách khác là xác định thẩm quyền của cơ quan công chứng được làm những việc gì? Công chứng khác với thị thực hành chính như thế nào? có ý nghĩa rất quan trọng.

Muốn xác định được thế nào là việc công chứng, cần phải căn cứ vào hai yếu tố sau:

- Thứ nhất, pháp luật xác định loại việc nào là thuộc vào phạm vi công chứng. Ví dụ Điều 15 Nghị định số 45-HĐBT đã xác định rõ phạm vi việc công chứng và trong một số văn bản pháp luật đã quy định một số việc bắt buộc phải công chứng.

- Thứ hai, các việc công chứng nêu trên phải do người có thẩm quyền được giao thực hiện và ký công chứng. Theo quy định tại Nghị định số 45-HĐBT thì những người đó là công chứng viên, thành viên của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, viên chức lãnh sự. Nếu một việc nào đó thuộc vào phạm vi việc công chứng nhưng không do một trong ba loại người nêu trên ký thì văn bản đó không phải là văn bản công chứng, nó là thị thực hành chính. Thí dụ chứng thực di chúc là một việc công chứng, nhưng nếu di chúc đó do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực thì di chúc được thị thực đó không phải là văn bản công chứng.

Hai yếu tố nêu trên là điều kiện cần và đủ cho việc xác định một văn bản công chứng. Vấn đề xác định phạm vi các việc công chứng ở các nước có sự khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và do Nhà nước lựa chọn. Thông thường có hai cách như sau:

- Nhà nước xác định một khung pháp lý về công chứng, sau đó các văn bản pháp luật khác quy định một số việc bắt buộc phải công chứng (như ở Pháp, Anh, Đức...).

- Nhà nước liệt kê các việc công chứng (như ở Liên Xô cũ...).

Qua nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước và căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh của nước ta ở thời điểm hiện tại, Nghị định số 45-HĐBT đã xác định các việc sau đây thuộc vào phạm vi việc công chứng;

- Chứng nhận các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác;

- Chứng nhận giấy ủy quyền;

- Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc những quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia di sản.

- Chứng nhận tài sản chung của vợ, chồng hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng;

- Chứng nhận kháng nghị hàng hải;

- Chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu;

- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việc và tiếng nước ngoài;

- Nhận giữ giấy tời, tài liệu;

- Cấp bản sao văn bản công chứng và giấy tờ, tài liệu đang lưu giữ;

- Các việc công chứng khác do pháp luật quy định.

Việc liệt kê các hành vi công chứng cụ thể như trên có ưu điểm giúp công chứng viên xác định rõ ràng việc mình được làm và phải làm; giúp cho Nhà nước theo dõi, kiểm tra hoạt động của công chứng viên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng lại có những nhược điểm mà trong thực tế ngày càng bộc lộ rõ, bởi quy định cụ thể như vậy không thể bao hết được nhiều việc mà công dân cần đến công chứng, dẫn đến vừa bó tay công chứng viên, lại vừa không đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công dân muốn có được sự bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự bằng việc công chứng.

Nhiều việc công dân yêu cầu công chứng nhưng không có trong 10 việc công chứng mà Nghị định số 45-HĐBT đã quy định. Thí dụ: khai nhận thừa kế, chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật của công ty trách nhiệm hữu hạn để xin phép thành lập, công chứng điều lệ công ty, cam đoan, chứng nhận chữ ký... Đứng trước nhu cầu thực tiễn, nhiều phòng công chứng đã công chứng những việc nêu trên; ngược lại một số phòng công chứng không làm vì cho rằng những việc đó không thuộc các việc công chứng, gây thắc mắc và phản ứng trong nhân dân.

IV. VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG

Điều 1 Nghị định số 45-HĐBT quy định “các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ”. Quy định như vậy quá chung chung, thiếu cụ thể. Vì thực tế thủ tục thực hiện công chứng có sự khác nhau, nên giá trị pháp lý của văn bản công chứng cũng phải có sự khác nhau.

Trước tiên cần xác định chứng cứ là gì? Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do pháp luật quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền dùng làm căn cứ để xác định những tình tiết pháp lý cần thiết cho việc giải quyết vụ việc.

Chứng cứ phải cụ thể (như lời nói hoặc việc làm, vật làm chứng, tài liệu...), chứng tỏ điều đó là có thật[3].

Như vậy để bảo đảm giá trị chứng cứ của văn bản công chứng, công chứng viên phải xem xét và kiểm tra các yếu tố sau đây:

- Nội dung của văn bản, giấy tờ đó phải là những quan hệ, những sự kiện có thật;

- Văn bản, giấy tờ đó phải được lập ra trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của đương sự. Đương sự phải hoàn toàn hiểu được quan hệ pháp lý mà mình tham gia, hiểu được quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình khi ký kết, cũng như thực hiện những điều đã ghi trong văn bản, giấy tờ đó.

- Phải kiểm tra, đối chiếu xem nội dung của văn bản, giấy tờ đó có phù hợp với pháp luật hiện hành hay không?

Có thể nói rằng cách thực hiện công chứng của công chứng viên ở nước ta là công chứng mang tính chất nội dung. Tức là một khi văn bản được lập ra và đã được công chứng đúng pháp luật, thì nó là một chứng cứ không thể bác bỏ được. Các quan hệ, các sự kiện, quyền và nghĩa vụ của công dân, của tổ chức được ghi trong văn bản đó phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Pháp luật sẽ bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ đó được thực hiện. Nếu xẩy ra tranh chấp thì văn bản đó là cơ sở đáng tin cậy để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân xử đúng sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại. Như thế các văn bản, giấy tờ đó có giá trị thực hiện, chứ không chỉ là giá trị chứng cứ đơn thuần.

Tuy nhiên, trong trường hợp một văn bản được lập ra và được công chứng không đúng (không đúng sự thật khách quan, không đúng trình tự, thủ tục, không phù hợp với pháp luật), kể cả trường hợp do lỗi chủ quan hoặc lỗi khách quan, thì văn bản, giấy tờ đó đều không có giá trị pháp lý và do đó nó không có giá trị bắt buộc thực hiện. Khi có tranh chấp, kiện tụng đối với văn bản, giấy tờ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền xem xét, nếu phát hiện thấy nội dung văn bản, giấy tờ đó vi phạm pháp luật, hoặc có những tình tiết pháp lý mới chưa được xác định trong văn bản thì có quyền tuyên bố bác bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản, giấy tờ đó.

Từ sự phân tích trên và căn cứ vào trình tự thủ tục thực hiện các việc công chứng, thì giá trị pháp lý của văn bản công chứng được chia ra làm hai loại như sau:

- Đối với các việc công chứng được thực hiện mang tính chất nội dung như: chứng nhận hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng khác, thuận phân chia di sản; chứng nhận ủy quyền: chứng nhận tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ, chồng... thì văn bản công chứng không những có giá trị chứng cứ, mà có hiệu lực thực hiện đối với các cá nhân và tổ chức có liên quan.

- Đối với các việc công chứng được thực hiện mang tính hình thức (hay còn gọi là nhóm thị thực) như chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký người dịch, chứng nhận chữ ký, cam đoan, tuyên thệ khai danh dự, chứng nhận kháng nghị hàng hải... thì loại văn bản công chứng này có giá trị chứng cứ.

V. TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM

1. Công chứng nhà nước - công chứng t do

Ở các nước có công chứng “tự do”, thì hoạt động công chứng do các công chứng viên tự tổ chức theo quy định của pháp luật. Sau khi được bổ nhiệm, công chứng viên mở văn phòng công chứng tư nhân hoặc văn phòng công chứng tập thể. Văn phòng công chứng tự hạch toán và làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (gần giống doanh nghiệp). Công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân hoàn toàn về việc làm công chứng của mình, mỗi công chứng viên đều có con dấu riêng. Để bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại do lỗi của công chứng viên gây ra đối với đương sự; các công chứng viên phải ký quỹ một khoản tiền hoặc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Công chứng “tự do” đề cao trách nhiệm cá nhân của công chứng, giảm nhẹ sự bao biện về trách nhiệm của Nhà nước; việc tổ chức hệ thống công chứng linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời và thuận lợi nhu cầu về công chứng của công dân, tránh được sự nhầm lẫn giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng công chứng, đồng thời giảm nhẹ được bộ máy nhà nước.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam nên theo mô hình công chứng nào? Công chứng tư hay công chứng nhà nước? Công chứng của Việt Nam hiện nay là công chứng nhà nước. Công chứng nhà nước là một hoạt động quan trọng của Nhà nước, nó có các đặc điểm như sau:

- Nhà nước, bổ nhiệm công chứng viên. Nhà nước giao cho công chứng viên thực hiện và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về việc công chứng do họ thực hiện. Tổ chức công chứng là cơ quan nhà nước.

- Công chứng được sử dụng con dấu mang hình quốc huy.

- Công chứng viên là công chức, được hưởng lương do Nhà nước trả theo ngạch, bậc công chức nhà nước.

- Lệ phí công chứng thu được nộp vào ngân sách nhà nước.

- Khi công chứng viên gây ra thiệt hại thì Nhà nước chịu trách nhiệm dân sự đối vơí đương sự, công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính.

- Công chứng nhà nước được Nhà nước cấp kinh phí bảo đảm hoạt động, Công chứng nhà nước không phải là tổ chức dịch vụ, nên không hoạt động theo nguyên tắc hạch toán hoặc theo nguyên tắc tự trang trải. Công chứng nhà nước là cơ quan quan trọng hỗ trợ cho việc quản lý của Nhà nước bằng pháp luật. Nhà nước quản lý công chứng chặt chẽ hơn về tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, về nghiệp vụ chuyên môn. Điều này là cần thiết trong điều kiện của một nước đang phát triển, có nền kinh tế, xã hội chưa ổn định, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và còn đang có nhiểu thay đổi. Mặt khác, ở một mức độ nhất định, công chứng nhà nước cũng tạo điều kiện tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.

Công chứng “tự do” có những ưu điểm lớn, không thể phủ nhận được, nhưng nó chỉ hoàn toàn phù hợp với một nước có nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền phát triển.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần tiếp tục duy trì công chứng nhà nước, đồng thời nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm phù hợp của các thể chế công chứng trên thế giới, từng bước đổi mới với mục tiêu nâng cao hiệu quả và tác dụng của hoạt động công chứng, góp phần tích cực bổ trợ cho công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong các quan hệ dân sự, thương mại; góp phần giúp Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền.

2. Mô hình tổ chức công chứng hiện nay ở Việt Nam

Việc tổ chức công chứng hiện nay ở Việt Nam ở nước ta như sau:

- Trong nước có Phòng Công chứng nhà nước và ở những nơi chưa có Phòng Công chứng nhà nước thì Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện một số việc công chứng.

- Ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự được giao thực hiện công chứng.

a. Phòng Công chứng nhà nước

Cơ quan công chứng nhà nước ở nước ta có tên gọi là Phòng Công chứng nhà nước, Phòng Công chứng nhà nước là cơ quan chuyên trách thực hiện công chứng.

Phòng Công chứng nhà nước là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng ở ngân hàng, có con dấu mang hình quốc huy.

Ở mỗi tỉnh thành lập các phòng công chứng nhà nước bao gồm Phòng Công chứng nhà nước số 1 tại trung tâm của tỉnh và Phòng Công chứng nhà nước khu vực được tính từ số 2 trở đi theo thứ tự thời gian Ủy ban nhân dân ra quyết định thành lập. Việc xác định thẩm quyền theo địa hạt cho các Phòng Công chứng nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Cho đến nay đã thành lập được 54 Phòng Công chứng nhà nước. Mới có 14 Phòng Công chứng nhà nước có trụ sở riêng.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thành lập Phòng Công chứng nhà nước số 1 đầu tiên của cả nước, ngày 21/9/1988. Tỉnh Tiền Giang là nơi sớm nhất thành lập 3 Phòng Công chứng nhà nước, thay thế cho các Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện công chứng. Phân bổ khu vực hoạt động của từng Phòng Công chứng nhà nước ở Tiền Giang như sau: Phòng Công chứng nhà nước số 1 hoạt động trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, huyện Chơ Gao và một phần huyện Châu Thành: Phòng Công chứng nhà nước số 2 hoạt động trên địa bàn thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây: Phòng Công chứng nhà nước số 3 hoạt động trên địa bàn huyện Cai Lây, huyện Cái Bè và một phần huyện Châu thành.

Mặc dầu, nhiều phòng cơ sở vật chất rất khó khăn, trụ sở chật hẹp, trang thiết bị và phương tiện làm việc tối thiểu còn rất thiếu, nhưng các công chứng viên và các nhân viên đã rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng văn bản công chứng, đáp ứng yêu cầu công chứng của nhân dân, được nhân dân hoan nghênh, tín nhiệm.

Tuy nhiên, việc xác định Phòng Công chứng nhà nước là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã dẫn đến nhầm lẫn coi Phòng Công chứng nhà nước cũng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cho nên cần phải xác định lại vị trí của Phòng Công chứng nhà nước. Thực chất, Phòng Công chứng nhà nước là cơ quan tư pháp bổ trợ, thuộc ngành tư pháp và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp.

Nhà nước giao việc thực hiện công chứng cho đích danh công chứng viên, ngay cả Trưởng Phòng Công chứng nhà nước khi ký văn bản công chứng cũng ký với tư cách công chứng viên. Cho đến nay chúng ta mới bổ nhiệm được 106 công chứng viên cho 54 Phòng Công chứng nhà nước. Đội ngũ công chứng viên hiện này có đặc điểm như sau:

- Số lượng còn ít, so với nhu cầu đang ngày càng tăng:

- Các công chứng viên được đào tạo về pháp lý (bậc đại học), song chưa được đào tạo nghiệp vụ công chứng, mà chủ yếu thực hiện công chứng bằng cách đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Công tác công chứng là một công việc phức tạp, đòi hỏi kiến thức khá toàn diện về chính trị, kinh tế, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, xã hội, có kinh nghiệm sống phong phú thì mới vững tin trong nghề nghiệp. Song số công chứng viên đáp ứng được yêu cầu trên còn ít, nên hiệu quả công tác chưa cao.

Rõ ràng, so với các nước có thể chế công chứng hoàn chỉnh trên thế giới, thì đội ngũ công chứng viên của ta còn quá trẻ về nghề nghiệp, lại chưa được đào tạo nghề một cách chính quy. Bởi vậy việc xây dựng một quy chế công chứng viên hoàn chỉnh, chặt chẽ, và việc tổ chức đào tạo công chứng viên là rất cần thiết, cần xúc tiến càng sớm càng tốt.

b. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước ở huyện, thị xã. Ở những nơi chưa có Phòng Công chứng nhà nước, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã được giao kiêm nhiệm thực hiện một số công việc công chứng như:

- Chứng nhận hợp đồng dân sự;

- Chứng nhận giấy Ủy quyền;

- Chứng nhận di chúc;

- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt.

Việc giao cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện công chứng là cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho công dân, trong điều kiện đội ngũ công chứng viên, số lượng các Phòng Công chứng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu công chứng trên mọi địa bàn đất nước.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyết định giao cho một Phó Chủ tịch hoặc một Ủy viên Ủy ban nhân dân ký công chứng, nhưng phần lớn những người này không có chuyên môn, nghiệp vụ công chứng, thiếu kiến thức pháp lý cần thiết, chưa được tập huấn nghiệp vụ công chứng, lại bận rất nhiều việc khác, cho nên thường chậm trễ, gây phiền hà cho đương sự, không bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác công chứng. Mặt khác, tổ chức tư pháp cấp huyện lại thiếu ổn định, biên chế còn thiếu và yếu về nghiệp vụ, vì vậy không đủ sức giúp Ủy ban nhân dân thực hiện tốt công tác công chứng.

Bởi vậy, có nhiều ý kiến đề nghị để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tránh tuỳ tiện trong việc thực hiện công chứng, không nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công chứng, mà cần khẩn trươngthành lập Phòng Công chứng nhà nước khu vực để đảm nhiệm việc công chứng của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự ở nước ngoài

Các yêu cần công chứng của công dân và tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ta tại nước sở tại thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Lãnh sự và Nghị định số 45-HĐBT. Việc giao cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự thực hiện chức năng công chứng là phù hợp với thực tế khách quan và thông lệ quốc tế. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự được thực hiện các việc công chứng như cơ quan công chứng ở trong nước. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Lãnh sự thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự được làm thêm một số việc công chứng sau:

- Chứng thực chữ ký trên các giấy tờ;

- Chứng thực thời gian trình nộp giấy tờ;

- Nhận bản quản tiền, ngân phiếu và các đồ vật có giá trị của công dân Việt Nam.

Như vậy, phạm vi hoạt động công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự rộng hơn so với hoạt động công chứng của cơ quan công chứng ở trong nước. Nhưng trên thực tế việc thực hiện công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, hoặc lãnh sự chỉ tập trung vào một số việc như chứng nhận chữ ký trong các đơn từ, chứng nhận bản dịch, bản sao. Những công việc này đều có nội dung đơn giản, rõ ràng và thủ tục cũng không có gì phức tạp. Đương nhiên, trong thời gian tới các yêu cầu về công chứng sẽ đa dạng hơn và phức tạp, do các quan hệ giữa người ở nước ngoài và người trong nước tăng lên.

Điều đáng quan tâm là cần phải xác định rõ người được giao ký các việc công chứng ở các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự, trên cơ sở đó có kế hoạch để huấn luyện, đào tạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công chứng. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao cần sơm có Thông tư liên Bộ hướng dẫn về tổ chức, kiểm tra và quản lý hoạt động công chứng của các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

PHẦN III - KIẾN NGHỊ VỀ NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC ĐỔI MỚI CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thực hiện đường lối và chủ trương đổi mới từng bước vững chắc do Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, được Đại hội VII bổ sung và phát triển, đất nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đã thu được những thành tựu đáng khích lệ về kinh tế, xã hội; đã hình thành rõ nét nền kinh tế nhiều thành phần dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể là nền tảng, sở hữu tư nhân được Hiến pháp công nhận và được Nhà nước khuyến khích phát triển. Cơ chế thị trường ngày càng mở rộng và phát triển sôi động. Các quan hệ xã hội, trong đó có các quan hệ dân sự, thương mại ngày càng phong phú đa dạng. Với chức năng, mục đích tạo ra những bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân và tổ chức trong các quan hệ mà họ tham gia, công chứng Việt Nam cũng phải từng bước đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Thể chế công chứng ở Việt Nam hiện nay là một thể chế mới ở bước đầu hình thành, còn chưa hoàn chỉnh, có những nội dung không còn phù hợp với những điều kiện và yêu cầu mới. Bởi vậy đổi mới thể chế công chứng là một yêu cầu khách quan và cấp bách, nhưng phải có bước đi phù hợp, vững chắc. Căn cứ vào cơ sở lý luận đã được đúc kết bước đầu, căn cứ tình hình thực tiễn về kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật, thực tiễn tổ chức và hoạt động công chứng ở Việt Nam hiện nay, đổi mới thể chế công chứng cần thực hiện bằng các bước sau đây:

Bước một. Sửa đổi, bổ sung và tiếp tục cụ thể hoá Nghị định số 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước.

(1) Sửa đổi, bổ sung Nghị định 45-HĐBT với những nội dung sau đây:

- Làm rõ ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng. Văn bản công chứng là những chứng cứ không thể phản bác, trừ khi xác minh được lỗi do cố ý gian dối của công chứng viên hoặc người được giao làm công chứng trong khi thực hiện việc công chứng đó, hoặc do văn bản công chứng lập không đúng thẩm quyền, thủ tục do pháp luật quy định.

- Quy định trách nhiệm dân sự của công chứng và lập quỹ bồi thường dân sự của công chứng. Vì là công chứng nhà nước nên Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi của công chứng viên gây ra cho đương sự khi thực hiện công chứng. Công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước với tư cách là một viên chức nhà nước theo luật hành chính. Để bảo đảm việc Nhà nước bồi thường thiệt hại vật chất cho đương sự, lập quỹ bảo đảm bằng cách trích một tỷ lệ thích ứng trong số tiền lệ phí công chứng thu được hàng tháng.

- Bổ sung thêm một nhóm việc công chứng kịp thời đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân; những việc công chứng khác mà công dân yêu cầu khi họ thấy cần khẳng định chắc chắn hơn ý chí cuả họ và muốn làm tăng thêm giá trị chứng cứ của văn bản.

- Công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp; Trưởng phòng Công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phòng Công chứng nhà nước không thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, mà do Bộ Tư pháp quản lý trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý các Phòng Công chứng trong tỉnh trong phạm vi chức năng, thẩm quyền do pháp luật quy định.

Ngoài ra về mặt thực tiễn tổ chức, cần lập thêm các Phòng Công chứng khu vực để dần dần thay thế việc làm công chứng của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.

(2) Tiếp tục cụ thể hoá Nghị định số 45-HĐBT và các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến công chứng.

- Bộ Tư pháp cần ban hành quy chế về trình tự, thủ tục lập, lưu giữ và cấp văn bản công chứng; phát hành thống nhất một số mẫu biểu cần thiết;

- Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính ra Thông tư liên ngành về công chứng hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê nhà ở. Trong đó quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục mua bán, thuê nhà ở, trách nhiệm của cơ quan công chứng, cơ quan thuế, cơ quan nhà đất đối với quá trình giải quyết việc mua bán nhà ở...

- Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngoại giao ra Thông tư liên ngành hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công chứng tại các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Bước hai. Ban hành luật (hoặc pháp lệnh) về công chứng với nội dung đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động công chứng.

(1) Đổi mới quan niệm về công chứng:

- Xác định rõ công chứng nhà nước là Nhà nước làm công chứng, chứ không phải là Nhà nước thực hiện quyền lực của mình;

- Công chứng viên chứng nhận tính đích thực hoặc xác thực các hợp đồng và giấy tờ. Tuy nhiên, tính đích thực hoặc xác thực này không phải đối với mọi trường hợp đều giống nhau, cho nên không buộc công chứng viên trong mọi trường hợp phải xác minh trong thực tế những nội dung trong văn bản công chứng;

- Công chứng được quan niệm là một quá trình gồm 3 công đoạn: lập, lưu giữ bản gốc và cấp bản công chứng. Quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục thực hiện 3 công đoạn này;

- Để đáp ứng yêu cầu phát triển của các giao dịch không bó hẹp phạm vi công chứng trong 10 nhóm việc như hiện nay, mở rộng phạm vi công chứng theo nguyên tắc: công chứng tất cả các hợp đồng, giấy tờ mà pháp luật quy định phải công chứng, hoặc đương sự muốn được công chứng để khẳng định chắc chắn hơn ý chí của họ, để tăng thêm giá trị chứng cứ của hợp đồng, giấy tờ;

- Văn bản công chứng có giá trị chứng cư cao hơn hẳn văn bản chỉ do đương sự lập ra (tư chứng thư) ở chỗ: văn bản công chứng đã có dấu ấn của công quyền, tạo nên sự an toàn pháp lý cao cho đương sự và tạo thuận lợi cho cơ quan xét xử khi giải quyết tranh chấp. Làm rõ giá trị pháp lý của từng loại việc công chứng.

(2) Đổi mới quy chế công chứng viên:

- Xây dựng chức danh, tiêu chuẩn, ngạch, bậc công chứng. Ngạch công chứng viên có 5 bậc và công chứng viên trưởng;

- Tổ chức bồi dưỡng kiểm tra sát hạch công chứng viên, tiến tới có trường hoặc khoa đào tạo chính quy những ngươi làm nghề công chứng sau khi tốt nghiệp Đại học Luật.

- Quy định rõ và cụ thể trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên với tư cách là một công chức nhà nước. Lập quỹ bồi thường để chi trả đương sự nếu trong khi thi hành nhiệm vụ do lỗi của công chứng viên gây ra thiệt hại vật chất đối với cá nhân và tổ chức. Khi xẩy ra thiệt hại, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm dân sự đối với đương sự hoặc người thứ ba bị thiệt hại do việc làm của công chứng nhà nước, công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính.

(3) Đối với tổ chức và quản lý công chứng.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta đang ở giai đoạn hình thành, hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ và đồng bộ, để phát huy tốt tác dụng và hiệu quả của công chứng, bảo đảm và tăng cường sự quản lý của Nhà nước, cần tiếp tục duy trì công chứng nhà nước, đổi mới tổ chức và quản lý công chứng theo các nội dung cơ bản sau đây:

- Đổi tên “Phòng Công chứng nhà nước” thành “Công chứng nhà nước” để không bị nhầm lẫn là cơ quan quản lý nhà nước. Công chứng nhà nước được thành lập ở các khu vực dân cư tập trung có nhu cầu lớn về công chứng;

- Xác định lại vị trí của công chứng nhà nước. Công chứng nhà nước không phải là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Các Công chứng nhà nước có vị trí tương đối độc lập, thực hiện chức năng do pháp luật quy định và chịu sự quản lý của Nhà nước;

- Quản lý các Công chứng nhà nước và các công chứng viên trong phạm vi cả nước thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thành lập Cục Công chứng để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý các tổ chức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý các Công chứng nhà nước và công chứng viên trong phạm vi từng tỉnh theo chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định.



([1]) Được lưu giữ tại Phòng Công chứng nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh.

([2]) Nay là trụ sở của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh.

([3]) Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản khoa học xã hội 1988 trang 212.

 

Nội dung toàn văn

BỘ TƯ PHÁP

VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHÁP LÝ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

       
   

ĐỀ TÀI KHOA HỌC

MÃ SỐ: 92 – 98 – 224

 

 
 

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Năm 1993

 

     UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC     CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

   TRUNG TÂM THÔNG TIN TƯ LIỆU                   Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

KHOA HỌC VÀ CONG NGHỆ QUỐC GIA            ----------o0o---------

 

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1992

Căn cứ Quyết định 271/QĐ ngày 6/6/1980 và Quyết định số 478/TCCB ngày 18/9/1990 của Uỷ ban khoa học Nhà nước về công tác đăng ký Nhà nước đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ và nộp báo cáo kết quả nghiên cứu.

CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Số đăng ký 92-98-224 /ĐT

Tên để tài: Cơ sở lý luận và thực tiện xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động Công chứng ở Việt Nam.

Mã số đề tài (nếu có):

Thuộc Chương trình (nếu có):

Số Hợp đồng (nếu có):

Thời gian bắt đầu:  2/1992                    Dự kiến kết thúc: 2/93

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Văn Thảo

Cơ quan chủ trì:  Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Cơ quan quản lý: Bộ Tư pháp

Hồ sơ số: 6741, lưu tại Trung tâm thông tin- tư liệu KHCN quốc gia 24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

T/L CHỦ NHIỆM UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC

                                  KT/Giám đốc

                                   TRUNG TÂM THÔNG TIN - TƯ LIỆU

                                     KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

 

     BỘ TƯ PHÁP                        CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

          =*=                                          Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

  Số: 167-QĐ/TP                                 --------------o0o---------------

 

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 1993

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 282 ngày 20/6/1980 của Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước (nay là Bộ KH - CN và môi trường) quy định thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình khoa học - kỹ thuật;

Cắn cứ vào kế hoạc nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1992 của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý;

Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học năm 1992.

Điều 2: Các đồng chính có tên trong danh sách kèm theo là thành viên của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu chính thức các đề tài nghiên cứu khoa học năm 1992.

Điều 3: Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài có trách nhiệm tiến hành công việc theo các thủ tục đã được Bộ khoa học công nghệ và môi trường quy định.

Điều 4: Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

 

 

 

                                                              Nguyễn Đình Lộc

 

DANH SÁCH HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ VÀ NGHIỆM THU

 

Đề tài: “Cơ sở lý luật và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động Công chứng ở Việt Nam”

Mã số: 92-98-224

(kèm theo quyết định số 143-QĐ/TP ngày 20 tháng 3 năm 1993)

 

Đồng chí Nguyễn Đình Lộc:         Phó tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chủ tịch Hộ đồng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiến:       Phó tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phó chủ tịch Hội đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Thảo:        Cử nhân luật, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Uỷ viên Hội đồng

Đồng chí Nguyễn Văn Yển:          Cử nhân luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội - Uỷ viên Hội đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn:        Phó tiến sĩ - Phó Viện nghiên cứu khoa học pháp lý-Phản biện-Uỷ viên Hội đồng.

Đồng chí Hà Hùng Cường:           Phó tiến sĩ, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế - Phản biện - Uỷ viên Hội đồng.

Đồng chí Dương Đăng Huệ:         Phó tiến sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự- kinh tế - Phản biện - Uỷ viên Hội đồng.

 

Nhóm đề tài

Chủ nhiệm đề tài:

Nguyễn Văn Thảo:                  Phó Vụ trưởng Vụ luật sư, Công chứng, giám định, hộ tịch, Bộ Tư pháp

Phó chủ nhiệm đề tài:

Dương Đình Thành:                Chuyên Viên Vụ luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch, Bộ Tư pháp.

Thư ký đề tài:

Đinh Mai Phương:                   Chuyên viên - Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.

Vũ Quý Vĩ:                             Luật sư.

Bùi Đình Dĩnh - Nguyễn Hữu Tráng: Phó tiến sĩ - Vụ lãnh sự Bộ ngoại giao.

Nguyễn Văn Thảo:                  Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.

Trần Hữu Thắng:                     Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ.

Nguyễn Như Trình:                 Chuyên viên - Vụ luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch - Bộ Tư pháp.

Nguyễn Văn Tuân:                  Phó tiến sĩ - Vụ Luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch - Bộ Tư pháp.

Bùi Ngọc Toàn:                       Chuyên viên - Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Đặng Văn Khanh:                    Phó Phòng Công chứng Nhà nước số 1 Thành phố Hà Nội.

Lê Kim Thanh:                        Chuyên viên - Vụ Luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch - Bộ Tư pháp.

 

MỤC LỤC

Lời mở đầu

PHẦN MỘT

BÁO CÁO TỔNG THUẬT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

A. Lý luận về công chứng.............................................................. Trang 16

I/  Khái niệm về công chứng                                                                     16

1.     Bản chất của công chứng................................................................ 16

2.     Vai trò của công chứng, vị trí của hoạt động công chứng trong cơ cấu quản lý xã hội........................................................... 19

3.     Các trường phái công chứng trên thế giới............................. 20

II/ Ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng.................................. 22

1.     Ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng

2.     Hình thức văn bản được công chứng và thủ tục lập văn bản công chứng

III/ Phạm vi các việc công chứng................................................... 24

IV/ Vấn đề trách nhiệm của công chứng......................................... 27

V/  Một số mô hình tổ chức và quản lý công chứng trên thế giới.... 28

B.  Công chứng Nhà nước ở Việt Nam hiện nay, thực tiễn tổ chức và hoạt động công chứng............................................................... 32

I/  Lược sử về sự hình thành và phát triển công chứng ở Việt Nam. 32

1.     Tổ chức công chứng thời Pháp thuộc ở Việt Nam................. 32

2.     Tổ chứuc công chứng thời Chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn............................................................................................. 33

3.     Tổ chứuc công chứng trong chế độ dân chủ nhân dân và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.......................................................... 34

II/ Quan niệm về công chứng theo pháp luật hiện hành.................. 37

III/ Về phạm vi các việc công chứng.............................................. 38

IV/ Vấn đề xác định ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng........ 41

V/ Tổ chức công chứng ở Việt Nam................................................ 43

1.     Công chứng Nhà nước và công chứng “tự do”...................... 43

                                                                                                       Trang

2.     Mô hình tổ chức công chứng hiện nay ở Việt Nam............... 45

a) Phòng Công chứng Nhà nước................................................ 45

b) Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã.............................................. 47

c) Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự ở nước ngoài........ 48

C. Kiến nghị về nội dung và các bước đổi mới công chứng ở Việt Nam.......................................................................................... 50

PHẦN HAI

CÁC CHUYÊN ĐỀ KHOA HỌC

1.     Khái niệm chung về công chứng, vai trò của công chứng trong quản lý xã hội......................................................................................... 56

Nguyễn Văn Thảo

2.     Quy chế Công chứng viên thời Pháp thuộc ở Việt Nam và tiếp thu vận dụng vào công chứng Việt Nam trong nền kinh tế thị trường... 69

Vũ Quý Vĩ

3.     Quan điểm về công chứng theo Nghị định 45-HĐBT ngày 27 Tháng 2 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước, đánh giá thực trạng công chứng ở Việt Nam hiện nay................................................................................................. 82

Dương Đình Thành

4.     Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc công chứng ở Việt Nam 93

Nguyễn Văn Tuân

5.     Giá trị pháp lý của các văn bản giấy tờ công chứng ở nước ta hiện nay............................................................................................... 106

Đặng Văn Khanh

6.     công chứng đối với việc quản lý và phát triển các quan hệ hợp đồng ở nước ta...................................................................................... 118

Bùi Ngọc Toàn

7.     Tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của Công chứng viên................... 133

Trần Hữu Thắng

                                                                                                       Trang

8.     Tổ chức công chứng ở Việt Nam, những cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng Nhà nước.. 143

Nguyễn Như Trình

9.     Việc thực hiện chức năng công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài............................... 157

Bùi Đình Dĩnh - Nguyễn Hữu Tráng

10.  Nội dung tổng quát thể chế công chứng một số nước................... 180

Nguyễn Văn Thảo

11.  Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (cũ), đặc điểm chung, ưu, nhược điểm và quan điểm tiếp thu vận dụng vào Việt Nam...................................................................................... 191

Lê Kinh Thanh

 

PHẦN BA

                      KHẢO SÁT ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌC                              203

 

PHẦN BỐN

                                              TƯ LIỆU                                                         212

1.     Kết quả hoạt động Công chứng Nhà nước năm 1991-1992.. 213

2.     Kết quả hoạt động của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh...................................................... 215

3.     Kết quả hoạt động của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hà Nội............................................................... 217

4.     Mô hình tổ chức và quản lý công chứng ở Cộng hoà Pháp. 219

5.     Mô hình tổ chức và quản lý công chứng ở Liên Xô (cũ)..... 220

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Công chứng là một thể chế có từ hàng trăm năm nay ở các nước sớm phát triển trên thế giới. Công chứng là hoạt động bổ trợ tích cực về mặt pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và giữ gìn kỷ cương pháp luật, đặc biệt trong xã hội đa dạng về sở hữu, có nền kinh tế hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường và Nhà nước pháp quyền. Do đó trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay, cùng với xúc tiến việc đổi mới và hoàn thiện nền tư pháp, thì việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức, hoạt động Công chứng đang được Nhà nước ta quan tâm.

Được sự đồng ý của Bộ Tư pháp và Bộ khoa học, công nghệ và môi trường,Viện nghiên cứu khoa học pháp lý tổ chức nghiên cứu  đề tài: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động Công chứng ở Việt Nam”.

Tham gia thực hiện đề tài có các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý, các cán bộ hoạt động thực tiễn thuộc các cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao, Trọng tài kinh tế Nhà nước, Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Phòng Công chứng Nhà nước, Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp nhiều tỉnh, Toà án nhân dân, Hội luật gia...

Đối với nước ta, có thể nói Công chứng chứng là một lĩnh vực rất mới mẻ, cả về mặt lý luận và thực tiễn. Từ trước đến nay chưa có một đề tài khoa học nào nghiên cứu về công tác công chúng.

Vì vậy, đề góp phần nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về công chứng, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi chỉ đưa ra những luật cứ khoa học bước đầu, để trên cơ sở đó, và căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta, đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động Công chứng, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về Công chứng ngày càng phát triển của xã hội ta nói chúng và của công dân.

Để đạt mục tiêu trên, trong quá trình nghiên cứu đề tài, ngoài những phương pháp nghiên cứu khoa học thường áp dụng, Ban chủ nhiệm đề tài đặc biệt chú trọng sự dụng phương pháp tổng hợp, phân tích và so sánh về mặt lý luận các trường phái công chứng trên thế giới; Phương pháp điều tra, tổng hợp và phân tích thực tiễn tổ chức và hoạt động Công chứng, đặc biệt là tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta trong thời gian qua, kể từ khi Nhà nước ta ban hành Nghị định số 45-HĐBT ngày 27 tháng 2 năm 1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) “về mặt tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước”.

Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học này được Ban chủ nhiệm đề tài phản ánh tập trung trong báo cáo phúc trình kèm theo các chuyên để của các tác giả.

Chúng tôi hy vọng rằng kết quả nghiên cứu đề tài “cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động Công chứng ở Việt Nam” sẽ góp phần đổi mới một bước tổ chức và hoạt động Công chứng ở nước ta, đặt cơ sở bước đầu về mặt lý luận cho các bước nghiên cứu tiếp theo sâu, rộng hơn, nhằm từng bước tiến  hành hoàn thiện thể chế công chứng ở Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần I

 

 

 

 
 

PHÚC TRÌNH KẾT QUẢ

NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

A.- LÝ LUẬN VỀ CÔNG CHỨNG

 

I.- KHÁI NIỆM VỀ CÔNG CHỨNG.

1) Bản chất của công chứng.

Notarie - tiếng Pháp, Notary - tiếng Anh, Notariat - tiếng Đức, Hottapiat - tiếng Nga, đề có gốc La tinh là Notarius, có nghĩa là Viết, ghi chép. Vậy Công chứng viên là người viết, hoặc với nghĩa rộng hơn là lập các văn bản.

Ở Việt Nam, trước đây trong thời thuộc Pháp và dưới chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, dùng từ Chưởng Khế, có nghĩa là người giữ các văn bản.

Thuật ngữ “Công chứng” được chính thực sử dụng sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ công hoà, trong Nghị định ngày 1/10/1945 của Bộ trưởng Tư pháp nước Việt Nam dân chủ công hoà bổ nhiệm ông Vũ Quý Vĩ làm Công chứng tại Hà Nội. Sau đó thuật ngữ “Công chứng” được sử dụng trong Nghị định 143-HĐBT ngày 20/11/1981 của Hội đồng bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp và Nghị định số 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng bộ trưởng “về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước”.

Xét về chức năng và mục đích của hoạt động này, thì thuật ngữ “Công chứng” sát nghĩa hơn.

Vậy bản chất của Công chứng là gì?

Ở Cộng hoà Pháp, theo Điều 1 Sắc lệnh số 45 – 2390 ngày 2/11/1945 (đã dùng lại gần như y nguyên khái niệm về Công chứng của luật công chứng ngày 25 tháng Gió năm XI/1980), thì: “Công chứng viên là Công chứng đượng bổ nhiệm để tiếp nhận các văn bản và hợp đồng mà các bên đương sự phải hoặc muốn tạo cho chúng tính xác thực giống như các văn bản của Chính quyền và để đảm bảo đúng ngày tháng, lưu giữ các văn bản, hợp đồng và cấp các bản sao của văn bản và hợp đồng đó.

Lệnh số 48 /PQ của Tổng thống Công hoà Bê-nanh ban hành “Điều lệ công chứng” cũng chép lại gần như nguyên văn điều luật trên của Công hoà Pháp.

ở vương quốc Anh, luật công chứng quy định: công chứng viên là công chức được bổ nhiệm. Công chứng viên thực hiện các hành vi Công chứng sau: soạn thảo, chứng nhận hoặc xác nhận, chứng thư và các giấy tờ khác  bao gồm chuyển nhượng bất động sản và tài sản cá nhân, giấy uỷ quyền liên quan đến bất động sản và tài sản cá nhân ở Anh, xứ Wales, các nước khác được cộng đồng Anh hoặc ở nước ngoài; chứng nhận hoặc xác nhận các văn bản giao dịch, soạn thảo di chúc hoặc các giấy tờ liên quan đến di chúc, lập kháng nghị hàng hải về sự cố xẩy ra đối với tầu và hàng hoá trên tầu trong thời gian tâu đi trên biển....

Theo luật về Công chứng Nhà nước năm 1973 của Liên Xô (cũ), tại Điều 1 có quy định: nhiệm vụ của công chứng Nhà nước là bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các cơ quan Nhà nước, và xí nghiệp, các nông trang tập thể, các tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác, là củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ cương pháp luật, là phòng ngừa những vi phạm pháp luật, bằng cách chứng thực kịp thời và chính xác những hợp đồng và những giao ước pháp lý khác, làm thủ tục quyền thừa kế, cấp giấy chứng thực đòi nợ và thực hiện những việc là công chứng khác.

Theo Điều 6 của Dụ số 43 ngày 29/11/1954 cỷa Chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn thì chưởng khế có nhiệm vụ:

- Lập tất cả những văn kiện  và khế ước mà những đương sự trước các Toà án bó buộc phải làm;

- Lập những văn kiện và khế ước mà các đương sự này muốn cho có tính cách Công chứng y như các văn kiện do công quyền lập ra;

- Xác định niên hiệu những văn kiên và khế ước ấy;

- Quản thủ những văn kiện này;

- Cấp các bản sao đại tư và toàn sao.

Xét về phương pháp thể hiện và nội dung chi tiết của khái niệm về công chứng trong pháp luật của các nước trên thế giới có những điểm khác nhau, nhưng về bản chất của khái niệm đó là giống nhau. Bản chất của công chứng là tạo lập nên một loại chứng từ cứ bằng văn bản (Công chứng thư -acte notarie) có giá trị pháp lý cao hơn hẳn những loại chứng cứ khác, bởi nó mang dấu ấn của công quyền và được bảo đảm bằng trách nhiệm đặc biệt của công chứng viên - là một công chức do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện chức năng Công chứng.

Những chứng cứ bằng văn bản do Công chứng tạo lập ra còn đáng tin cậy bởi chúng được Công chứng viên lưu giữ bảo quản tuyệt đối an toàn, bí mật, và khi có yêu cầu thì đích thân công chứng viên sẽ cung cấp những chứng cứ đó cho công dân, tổ chức hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đặc biệt là Toà án).

Như vậy để bảo đảm mục đích của Công chứng là cung cấp một loại chứng cứ đáng tin cậy và không thể phản bác, thì nội dung của Công chứng phải bao gồm những công đoạn sau đây:

Lập văn bản Công chứng. Lập văn bản Công chứng được hiểu là Công chứng viên giúp đương sự thể hiện ý chí của họ bằng văn bản; Công chứng viên có thể giúp đương sự thảo văn bản, có thể đương sự tự thảo văn bản, Công chứng viên kiểm tra để khẳng định ý chí của đương sự, kiểm tra tính hợp pháp của văn bản do đương sự tự thảo”... Trong cả hai trường hợp Công chứng viên cùng với đương sự ký vào văn bản. Văn bản đó được gọi là Văn bản Công chứng.

- Lưu giữ bản gốc của văn bản công chứng một cách tuyệt đối an toàn, bí mật;

- Cấp bản toàn sao hoặc trích sao cho đương sự, toà án hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2) Vai trò của công chứng, Vị trí của hoạt động Công chứng trong cơ cấy quản lý xã hội.

Bằng cách tạo nên và cung cấp những chứng cứ đáng tin cậy và không thể phản bác trong các quan hệ dân sự, thương mại (đặc biệt là các quan hệ về gia đình, tài sản) Công chứng đã tạo ra một sự bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân, tổ chức. Khi họ tham gia các quan hệ đó. Đây là một biện pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất bảo về quyền và lợi ích hợp Pháp của công dân tổ chức, đặc biệt trong xã hội có nhiểu thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, trong đó sở hữu tư nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Công chứng còn có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và hạn chế những tranh chấp, kiện tụng trong xã hội. Sự đáng tin cậy và không thể phản bác của văn bản công chứng buộc công dân phải tự nguyện thi hành những nghĩa vụ và giúp họ đương nhiên được hưởng những quyền lợi mà văn bản công chứng đã xác nhận, mà không phải nhờ đến sự phán xét của toà án. Ở những nước hoạt động công chứng chặt chẽ và phát triển, những vụ tranh chấp, kiện cáo về dân sự giảm đi đáng kể.

Khi yêu cầu Công chứng, công dân còn được tư vấn để xử sự đúng pháp luật, để dàn xếp, hoá giải những mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ. Ở các nước có nền Công chứng phát triển, đặc biệt các nước theo luật tập quán (Conmon law), vai trò tư vấn của Công chứng ngày càng được coi trọng và mở rộng.

Với chức năng và vai trò nêu trên, Công chứng được coi là một trong các hoạt động bổ trợ tư pháp (auxiliares de la justice), với nghĩa hẹp là hỗ trợ cho hoạt động xét xử của Toà án, và với nghề rộng là hỗ trợ (góp phần) vào việc duy trì kỷ cương pháp luật trong xã hội.

3) Các trường phái công chứng trên thế giới:

Tuy chức năng, mục đích như nhau, nhưng nếu xét về những khía cạnh cụ thể như quan niệm về các việc công chứng, về ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng, về tổ chức công chứng, thì trên thế giới hiện nay có hai trường phái Công chứng.

a - Trường phái Công chứng của các nước hệ thống pháp luật La tinh -luật viết (bao gồm các nước lục địa Châu Âu, Châu Phi và một số nước chịu ảnh hưởng của hệ thống luật La tinh), có những đặc điểm nổi bật sau đây:

- Nội dung, trình tự, thủ tục Công chứng được quy định cụ thể và chặt chẽ;

- Phạm vi các việc Công chứng được pháp luật giới hạn (theo việc cụ thể hoặc theo nhóm việc);

- Ý nghĩa pháp lý của văn bản Công chứng rất cao. Nếu không có kiện cáo về khách quan, đúng đắn của Công chứng viên khi lập văn bản Công chứng, thì hợp đồng được coi như một phán quyết của Toà án, buộc các bên phải thi hành. Bởi vậy người ta gọi Công chứng viên là  “Thẩm phán về hợp đồng”.

- Công chứng viên là Công chứng do Nhà nước bổ nhiệm. Tuy vậy tổ chức Công chứng có thể là cơ quan Nhà nước, có thể là tổ chức hành nghề tư do, do đó Công chứng viên có thể là viên chức trong bộ máy Nhà nước, có thể là người  được Nhà nước bổ nhiệm nhưng hành nghề tự do (không phải là viên chức Nhà nước). Trong cả hai trường hợp công chứng viên đều phải hoạt động chuyên trách, không được kiêm nhiệm.

b - Trường phái Công chứng của các nước theo luật tập quán (common law).

Do ảnh hưởng của hệ thống luật tập quán, nên công chứng ở các nước này cũng mang tính chất mềm dẻo, linh hoạt hơn, với những đặc điểm nổi bật sau đây:

- Pháp luật không quy định chi tiết, chặt chẽ về Công chứng;

- Các việc Công chứng không bó hẹp trong một phạm vi rõ ràng;

- Văn bản Công chứng chỉ có giá trị là chứng cứ, chứ không có hiệu lực buộc các người có liên quan phải thực hiện;

- Công chứng là một nghề tự do hoàn toàn, tương tự như nghề luật sư; luật sư có thể vừa là Công chứng viên.

Ngoài ra còn phải kể đến nhóm Công chứng của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trước đây). Trong điều kiển chỉ khuyến khích và phát triển hai thành phần kinh tế Nhà nước và tập thể, trong cơ chế hành chính - bao cấp, vai trò công chứng không được coi trọng và không có cơ sở để phát triển. Vì vậy công chứng ở các nước xã hội chủ nghĩa (trước đây) nhìn chung mang nặng tính chất hình thức, hoạt động Công chứng nhiều khi khó phân biệt với việc thực thi hành chính của chính quyền. Xuất phát từ những đặc điểm trên đây, Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trước đây) có những đặc trưng sau đây:

- Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trướng đây) đều là Công chứng Nhà nước. Công chứng viên là viên chức trong bộ máy Nhà nước; tổ chức công chứng là cơ quan Nhà nước và được lập theo đơn vị hành chính; những nơi chưa lập tổ chức công chứng thì giao cho chính quyền thực hiện công chứng;

- Ý nghĩa của văn bản công chứng không được coi trọng, vai trò của công chứng viên không được đề cao, trách nhiệm bồi thường dân sự của Công chứng hầu như không được nhắc đến.

II.- Ý NGHĨA PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG, HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG.

1) Ý nghĩa pháp lý của văn bản công chứng.

Văn bản được làm theo thủ tục công chứng có ý nghĩa pháp lý đặc biệt, khác với các văn bản mang tính chất thị thực hay quyết định của chính quyền.

Nhìn chung một văn bản công chứng ở bất cứ nước nào thuộc hai trường phái công chứng trên thế giơí, đều có ý nghĩa sau đây:

- Ngày, tháng, năm lập văn bản được coi như chính xã không thể bị đem ra tranh cãi;

- Trước các Toà án, văn bản công chứng là những chứng cứ hoàn toàn được tin cậy về những điều mà các đương sự đã thỏa thuận được ghi trong văn bản.

Tuy vậy hai trường phái công chứng có quan niệm khác nhau về mức độ giá trì của văn bản công chứng:

- Trường phái Công chứng theo hệ thống pháp luật La tinh cho rằng văn bản công chứng có giá trị như văn bản của Chính quyền. Văn bản công chứng hợp đồng có hiệu lực thực hiện đối với các bên ngang với phán quyết của Toà án.

- Trường phái công chứng theo hệ thống luật tập quán thì văn bản Công chứng chỉ đơn thuần có giá trị chứng cứ ở mực độ cao.

2) Hình thức văn bản được công chứng và thủ tục lập văn bản công chứng.

Pháp luật các nước, đặc biệt các nước theo hệ thống luật viết, quy định rất chặt chẽ về hình thưc văn bản công chứng và thủ tục lập văn bản công chứng.

Các văn bản do một công chứng viên lập, trừ một số trường hợp (đi chúc, tăng cho bất động sản, đương sự không biết hoạt không thể ký) phải do hai công chứng viên hoặc một công chứng viên lập có hai hoặc bốn người làm chứng.

Về hình thức các văn bản phải:

- Ghi tên công chứng viên và tên văn  phòng Công chứng tên, họ, tư cách và chỗ ở của các đương sự và các nhân chứng, ngày tháng, năm lập văn bản;

- Viết tay hoặc đánh máy bằng loại mức không phải, viết liền làm một văn bản, chữ viết phải rõ ràng, không viết tắt, không viết chữ chồng lên nhau, không viết xen giữa hai dòng chữ, không để khoảng cách trắng. Bản đánh máy phải là bản đánh đầu tiên, không do giấy than đánh ra. Các số tiền, ngày tháng phải viết bằng chữ.

- Đương sự, nhân chứng, công chứng viên phải cùng ký tên. Phải ghi chú đã đọc văn bản cho mọi người nghe. Nếu văn bản không do viết tay, đương sự, nhân chứng và công chứng viên phải ký dưới một trang mặt.

- Những chữ thêm phải ghi vào bên lề, mọi người phải ký tên hoặc ký tắt dưới chữ đó. Phải tính số chữ đã gạch  bỏ ra lề hoặc dưới văn bản.

Văn bản lập ra không tuân thủ các quy định trên thì bị coi như là vô hiệu. Nếu không có chữ ký của các người tham dự thì văn bản chỉ có giá trị như mộ tư chứng thư.

Công chứng viên phải giữ lại nguyên bản các văn bản mà họ lập ra. Tuy nhiên, một số văn bản như uỷ quyền, có thể làm văn bản  chính cấp, không phải giữ nguyên bản.

Chỉ có Công chứng viên giữ nguyên bản mới có quyền cấp bản sao đại tự hay bản toàn sao. Công chứng viên không được giao nguyên bản cho ai, trừ khi có một bản án cho phép. Không được cấp bản sao đại tự lần thứ hai. Không được vấp bản sao đại tự hay bản toàn sao hay tiết lộ nội dung của văn bản mình giữ cho người khác biết, nếu không có lệnh của Toà án, trừ các đương sự, những người thừa kế của các đương sự hay những người đã được họ nhượng quyền.

III.- PHẠM VI CÁC VIỆC CÔNG CHỨNG.

Một vấn đề quan trọng là xã định phạm vi các việc Công chứng, phân định giữa Công chứng và thị thực hành chính. Ở các nước việc lựa chọn việc nào là việc công chứng có sự khác nhau.

Ở Cộng hoà Pháp Công chứng viên được giao trach nhiệm tiếp nhận các văn bản và hợp đồng mà các bên đương sự phải hoặc muốn có tính chất công chính. Tại luật về Công chứng chỉ quy định chung như vậy, còn văn bản và hợp đồng nào phải Công chứng thì được quy định tại văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn đối với những loại hợp đồng sau đây bắt buộc phải thực hiện công chứng:

- Hợp đồng cho, biếu bất động sản, loại tài sản có giá trị lớn;

- Hợp đồng hôn nhân;

- Hợp đồng cầm cố;

- Tất cả uỷ quyền;

- Hợp đồng bán nhà sắp xây dựng;

- Hợp đồng cho, biếu có chia sẻ.

Kể cả những việc do pháp luật buộc phải Công chứng và những việc pháp luật không buộc phải Công chứng, trong thực tiễn Công chứng ở Pháp và một số nước, người ta chia thành 3 nhóm việc Công chứng, căn cứ vào nội dung các quan hệ, đó là các nhóm sau đây:

- Nhóm việc Công chứng về quan hệ gia định, gồm hợp đồng hôn nhân, các việc có liên quan đến thừa kế, cho, tặng tài sản trong gia đình v.v....

- Nhóm việc về tài sản gồm các hợp đồng chuyển nhượng tài sản, đặc biệt là những hợp đồng mua bán, cho thuê bất động sản v.v...

- Nhóm việc về kinh doanh, doanh nghiệp bao gồm khai trình vốn, điều lệ công ty v.v...

Ở Liên Xô (cũ) các việc Công chứng được liệt kê tất chi tiết cụ thể, bao gồm:

- Chứng nhân các giao ước (hợp đồng, di chúc, giấy uỷ quyền...),

- Quyết định các biện pháp bảo vệ tài sản thừa kế;

- Cấp giấy chứng nhận quyền thừa kế;

- Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần tài sản trong tài sản chung của vợ chồng;

- Ra lệnh cấm chuyển nhượng nhà ở;

- Chứng thực bản sảo tài liệu và trích lục văn bản;

- Chứng nhận chữ ký trên giấy tờ;

- Chứng nhận bản dịch tài liệu từ tiếng này sang tiếng khác;

- Chứng nhận công dân còn sống;

- Chứng nhận công dân đang ở một nơi nhất định;

- Chứng nhận công dân là người trong ảnh;

- Chứng nhận thời gian xuất trình giấy tờ;

- Chuyển đơn từ của công dân, của các cơ quan Nhà nước, của các xí nghiệp, của các tổ chức, các nông trang tập thể, các tổ chức hợp tác xã và các tổ chức xã hội khác cho các công dân khác, các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp, nông trang tập thể, các tổ chứuc hợp tác xã và các tổ chức xã hội khác.

- Nhận gửi tiền trả nợ và ngân phiếu trả nợ;

- Cấp giấy chứng thực đòi nợ;

- Làm chứng thư cự tuyệt hối phiếu;

- Đưa séc để thanh toán và chứng thực séc chưa được thanh toán;

- Nhận giữ giấy tờ;

- Lập kháng nghị hàng hải;

- Pháp luật Liên xô có thể quy định các việc công chứng khác.

Nói chung, việc Công chứng liên quan chặt chẽ đến luật dân sự. Bộ luật dân sự là cơ sở pháp lý chủ yếu của hoạt động công chứng.

Nói tóm lại, căn cứ vào tính chất của quan hệ có thể chia thành 2 nhóm việc Công chứng:

- Nhóm thứ nhất: Các việc Công chứng mà đương sụư muốn được Công chứng hay còn gọi là Công chứng tự nguyện. Trên cơ sở các việc được quy định một cách khái quát hay cụ thể, khi đương sự yêu cầu thì Công chứng viên thực hiện, không được từ chối, nếu nội dung Công chứng không trái pháp luật.

- Nhóm thứ hai: Pháp luật có quy định một số việc bắt buộc phải thực hiện Công chứng, chẳng hạn như chuyển sở hữu bất động sản hoặc những việc quan trọng khác.

Nếu cắn cứ vào nội dung các quan hệ, có thể chia thành 3 nhóm việc Công chứng sau đây:

- Những việc Công chứng về quan hệ gia đình;

- Những việc Công chứng về quan hệ tài sản, đặc biệt là bất động sản;

- Những việc công chứng có liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.

IV.- VẤN  ĐỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨNG.

Tất cả các nước có thể chế Công chứng đều nói tới vấn đề trách nhiệm của Công chứng. Trách nhiệm của Công chứng bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự và trách nhiệm kỷ luật. Tuỳ theo Công chứng viên là người làm nghề tự do hay là viên chức trong bộ máy Nhà nước, mà việc xác định trách nhiệm Công chứng khác nhau.

- Đối với Công chứng là nghề tự do. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đương sự so lỗi của Công chứng viên gây ra khi thực hiện Công chứng, vừa phải chịu trách nhiệm kỹ thuật (trách nhiệm kỷ luật do tổ chức hiệp hội Công chứng xem xét và quyết định. Công chứng viên phải nộp một khoản tiền, ký quỹ hoặc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để bảo đảm bồi thường thiệt hại cho đương sự).

- Đối với Công chứng Nhà nước tức là Nhà nước đứng ra làm Công chứng thì Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự về những lỗi do Công chứng viên phạm phải khi hành sự hay những công việc họ được giao phó vì nhiệm vụ công chứng của họ. Được coi là lỗi về công vụ tất cả những lỗi công chứng viên đã phạm do vô ý trong khi thi hành công vụ. Cũng được coi như là lỗi về công vụ sự gian dối mà Công chứng viên phảm phải. Trách nhiệm vật chất của Nhà nước đối với người thứ ba hay đương sự bị tổn thất sẽ được bảo đảm bằng một quỹ riêng gọi là “Quỹ bảo đảm” mở tại Ngân khố. Quỹ này được lập bằng cách trích một tỷ lệ nhất định của số lệ phí và tiền công thu được trong mỗi tháng. Còn công chứng viên, vì là viên chức ăn lương Nhà nước, nên phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính.

V.- MỘT SỐ MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨNG TRÊN THẾ GIỚI.

Ở Cộng hoà Pháp, có hai hình thức tổ chức Công chứng:

- Văn phòng Công chứng tập thể, trong đó có nhiều công chứng viên; công chứng viên hoạt động nhân danh văn phòng Công chứng chứ không được nhân danh cá nhân;

- Văn phòng Công chứng chỉ có một công chứng viên.

Việc lập các văn phòng Công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định và kiểm soát trên cơ sở các tiêu chuẩn về kinh tế, dân số và địa lý.

Người có thể được bổ nhiệm công chứng viên phải có các điều kiện sau:

- Là công dân Pháp,

- Chưa bị án hình sự về các tội do có hành vi trái với danh dự, tính trung thực và lối sống lành mạnh hoặc bị thi hành kỷ luật hành chính như cách chức, xoá tên, bãi miễn;

- Không bị phá sản, vỡ nợ;

- Có bằng cao học luật hoặc một bằng có giá trị tương đương được cấp theo quy định liên bộ giữa Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Đại học.

- Được đào tạo chuyên ngành công chứng và thi đỗ bằng thi tuyển Công chứng viên hoặc có bằng cao học chuyên ngành công chứng.

Công chứng viên phải hoạt động chuyên trách, không được kiêm thêm chức năng thẩm phán, công tố viên, luật sư, thư ký toà ... Tuy nhiên, Công chứng viên có thể kiêm nhiệm giảng dậy ở khoa luật, trường Đại học hoặc các trường Pháp lý khác và cũng có thể tham gia các Hội dân sự hoạt động không vì mục đích kiếm lợi nhuận. Công chứng viên không được trực tiếp hoặc thông quan một người trung gian thực hiện kinh doanh, thương mại, không được tham gia quản lý các công ty vô danh, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Công chứng viên được bổ nhiệm bằng Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - có ba hình thức bổ nhiệm là:

+ Bổ nhiệm theo kế vị;

Sau khi Công chứng viên của một văn phòng Công chứng phải ngừng hoạt động vì bị chết hoặc nghỉ hưu, người ứng cử vào danh sách, bổ nhiệm Công chứng viên để kế vị Công chứng viên, đó là người thuộc các hàng thừa kế của người để lại văn phòng Công chứng, phải có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đơn được chuyển cho ông biện lý bên cạnh toà rộng quyền nơi đặt trụ sở của văn phòng Công chứng kèm theo hồ sơ và cam kết giữa người ứng cử với Công chứng viên hoặc với người có quyền hợp pháp đối với phòng đó. Ông biện lý lấy ý kiến nhận xét của trung tâm đào tạo Công chứng viên về tư cách, khả năng hàng nghề và tài chính của người được để nghị bổ nhiệm. Trong vòng 45 ngày nếu đủ tiêu chuẩn, ông biện lý có ý kiến bằng văn bản và chuyển hồ sơ cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

+ Bổ nhiệm công chứng viên để lập Văn phòng công chứng mới.

Theo để nghị của Uỷ ban tuyển chọn (do Hội đồng công chứng khu vực chỉ định) Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên bằng Nghị định để lập văn phòng mới. Hồ sơ của từng ứng cử viên được gửi cho ông biện lý bên cạnh toà rộng quyền nơi sẽ đặt văn phòng Công chứng. Sau khi lấy ý kiến của Hội đồng xét tư cách và ý kiến của Hội đồng Công chứng khu vực, ông biện lý có ý kiến bằng văn bản và gửi cùng hồ sơ lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

+ Bổ nhiệm Công chứng viên cho các văn phòng Công chứng bị khuyết.

Khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tuyên bố một văn phòng công chứng bị khuyết và không thể bộ nhiệm Công chứng viên theo kế vị được thì trong trường hợp này việc bổ nhiệm một Công chứng viên để kế tục hoạt động được thực hiện trình tự bổ nhiệm Công chứng viên cho một văn phòng mới thành lập. Công chứng viên mới được bổ nhiệm phải nộp một khoản tiền do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Trong vòng một tháng kề tư khi có Nghị định bổ nhiệm Công chứng viên phải tuyên thệ tại toà rộng quyền và chỉ được hoạt động chức năng say ngày tuyên thệ. Trước khi hoạt động Công chứng viên phải đăng ký chữ ký và chữ ký tắt tại toà rộng quyền nơi đặt trụ sở của văn phòng.

Để quản lý các Công chứng viên của các văn phòng Công chứng nêu trên, ở cấp tỉnh thành lập một phòng quản lý Công chứng bảo đảm việc duy trì hoạt động và kỷ luật giữa các Công chứng viên của các văn phòng Công chứng trong phạm vi từng tỉnh.

Ở các Toà thượng thẩm thành lập Hội đồng Công chứng khu vực để quản lý các phòng quản lý Công chứng.

Trong phạm vi cả nước thành lập Hội đồng Công chứng tối cao để đại diện cho toàn ngành Công chứng bên cạnh các cơ quan chính quyền và đặt bên cạnh Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ở nhiều nước theo luật La tinh, mô hình tổ chức Công chứng cũng tương tự như ở Cộng hoà Pháp.

Ở Liên Xô (cũ) mỗi tỉnh có một hoặc một số phòng Công chứng Nhà nước, ngoài ra ở thủ đô các nước Cộng hoà và tại trung tâm các tỉnh, vùng còng có phòng công chứng Nhà nước thứ nhất, phòng này có nhiệm vụ thực hiện các việc làm Công chứng phức tạp, khó hơn như: Chứng nhận bản sao các văn bản của các cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý Nhà nước tổi cao Liên Xô, có liên quan đến quyền và lợi ích riêng của công dân, chứng nhận bản sao các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài .... Ở những nơi không có phòng Công chứng Nhà nước, một số việc là Công chứng đơn giản được giao cho Uỷ ban chấp hành Xô viết thành phố, thị trấn, xã thực hiện, đây không phải cơ quan chuyên trách thực hiện công chứng.

Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (trước đây) cũng là Công chứng Nhà nước và cũng có mô hình tổ chức về cơ bản giống như ở Liên - Xô (cũ).

Ở miền Nam nước ta dưới thời chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn tổ chức Công chứng cũng là cơ quan Nhà nước, Công chứng viên cũng là viên chức ăn lương Nhà nước. Theo Dụ số 43 ngày 29 tháng 11 năm 1954 ấn định Quy chế chung ngạch chưởng khế thì trong quản hạt mỗi Toà án sở thẩm hoặc Toà án hoà giải rộng quyền lập một phòng chưởng khế thuộc Bộ Tư pháp.

Tóm lại hiện nay về tổng thê, trên thế giới cơ 2 mô hình tổ chức Công chứng.

Mô hình thứ nhất là mô hình tổ chức Công chứng Nhà nước, trong đó tổ chức Công chứng là cơ quan Nhà nước, Công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm (thường là Bộ trưởng Bộ Tư pháp), là viên chức ăn lương Nhà nước, lệ phí và tiền công thu được nộp vào ngân sách Nhà nước; các phòng Công chứng được lập theo đơn vị hành chính hoặc quản hạt của mỗi Toà án sơ thẩm; phòng Công chứng trực thuộc chính quyền địa phương hoặc Bộ Tư pháp.

Mô hình Công chứng tư do, trong đó công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm (tổng thống hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp) những tổ chức hành nghề tự do. Tổ chức hành nghề công chứng là các văn phòng Công chứng tư nhân hoặc tập thể, có một quy chế giống như doanh nghiệp. Các Công chứng viên có tổ chức hiệp hội của họ.

 

 

B.-  CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY THỰC TIỄN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

 

I.- LƯỢC SỬ VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM.

1) Tổ chức Công chứng thời Pháp thuộc ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, Công chứng được hình thành từ thời Pháp thuộc. Văn bản Công chứng đầu tiên được lập vào năm 1886 (hiện nay được lưu giữ tạo Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh). Đến ngày 24/5/1931 một Sắc lệnh mới về tổ chức Công chứng được ban hành. Tổ chức Công chứng tại Việt Nam thời Pháp thuộc phỏng theo các nguyên tắc tổ chức Công chứng tại nước Pháp, và nói chung tại các nước trên thế giới chịu ảnh hưởng của luật La Mã.

Người có thể được bổ nhiệm làm Công chứng viên phải có các điều kiện sau:

- Quốc tịch Pháp, 25 tuổi;

- Có bằng cử nhân luật hoặc tốt nghiệp trường công chứng và phải tập sự 4 năm, trong đó có 1 năm là thư ký thứ nhất của một văn phòng Công chứng.

Nếu không có học vị trên thì thời gian tập sự là 6, trong đó có 2 năm là thư ký thứ nhất.

Các thành viên của Toà án, chánh lỵc sự có bằng cử nhân luật, các luật sư đã có 5 năm thâm niên trong nghề phải tập sự 2 năm và qua một kỳ sát hạch về nghiệp vụ. Nếu đã có 10 năm thâm niên trong nghề thì phải qua kỳ thi sát hạch.

Nói chung Công chứng viên không được kiêm nhiệm một công vụ khác.

Tổng thống Pháp thiết lập Văn phòng Công chứng bằng Sắc lệnh, khi thấy cần thiết.

Công chứng viên được bổ nhiệm do Sắc lệnh của Tổng thống Pháp và giữ chức vụ suốt đời. Đã giữ chức vụ được 10 năm thì có thể giới thiện người kế vị với Tổng thống Pháp. Công chứng viên không hưởng lương, nhưng được thu phí  và thù lao do Nhà nước ấn định, phải nộp một phần lệ phí và thù lao cho công quỹ (tỷ lệ 1/4) hoặc nộp thuế theo chế độ thuế khoá hiện hành.

Công chứng viên phải nộp tiền ký quỹ để bảo đảm bồi thường thiệt hại do các lỗi phạm phải trong khi thi hành công vụ. Công chứng viên phải tuyên thệ. Mỗi người có 1 con dấu, chữ ký và chữ ký tắt phải lưu trữ tại Toà án sở thẩm quản hạt.

Lúc đó, có 1 văn phòng Công chứng ở Hà nội và 3 văn phòng Công chứng ở Sài Gòn. Tại các Toà án sơ thẩm như ở Hải Phòng, Nam Định, Đã Nẵng và các tỉnh Nam bộ có chắnh lục sự kiêm công chứng viên.

Thời Pháp thuộc, một hợp đồng giữa hai bên là người Việt Nam có thể làm dưới hình thưc:

- Do hai bên đương sự thoả thuận và ký (được gọi là tư chứng thư);

- Công chứng thư có thể là:

+ Hợp đồng do chính quyền thị thực tức là do trưởng phố ở các thành thị và lý trưởng ở nông thôn thị thực;

+ Hợp đồng do Công chứng viên lập.

2) Tổ chức Công chứng thời chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn.

Tại miền Nam, chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn ban hành Dụ số 43 ngày 29/11/1954 quy định về ngạch chưởng khế. Ý định thiết lập trong quản hạt mỗi Toà án sơ thẩm hoặc hoà giải rộng quyền một phòng chưởng khế thuộc Bộ Tư pháp, song thực tế chỉ thành lập được phòng chưởng khế ở Sài Gòn (nay chính là trụ sở của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thành phố Hồ Chí Minh).

Người muốn được bổ nhiệm là chưởng khế phải có các điều kiện sau:

- Có quốc tịch Việt Nam;

- Có ít nhất là 25 tuổi, mà nhiều nhất là 35 tuổi. Giới hạn về tuổi được nhập ngạch được tăng thêm 10 năm là cùng cho những thí sinh nào là công chức có thâm niên mà có thể xin công nhận để hưởng lệ và hữu trí.

- Có bằng cấp cử nhân hay tiễn sĩ luật khoa hoặc tốt nghiệp một học đường chưởng khế đã được Chính phủ công nhận.

- Chưa bị can án lần nào và được hưởng các công quyền, dân quyền và gia quyền;

- Trúng tuyển một kỳ thi nhập ngạch, mà điều kiện tổ chứuc và chương trình thì sẽ do Nghị định của Tổng trưởng Bộ Tư pháp ấn định sau khi thỏa hiệp với Bộ phụ trách công vụ.

- Đã làm tròn nhiệm vụ đối với luật lệ về quân dịch.

Như thế các chưởng khế người Việt Nam đã thay các Công chứng viên của Pháp.

Chưởng khế được hưởng lương từ ngân sách và ngoài ra còn được hưởng 7% tiền hoả hồng được tính trên tổng số lệ phí và tiền công do chưởng khế thu cho quốc gia.

Phòng chưởng khế này hoạt động cho đến trước ngày miền Nam được giải phóng 30/40/1975.

3) Tổ chức Công chứng trong chế độ dân chủ nhân dân và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng tháng Tám  thành công, bộ máy nhà nước thực dân – phong kiến bị đập tan, cùng với việc xây dựng bộ máy Nhà nước kiểu mới, ngày 1/10/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Nghị định bổ nhiệm một Công chứng viên là người Việt Nam ở Hà nội thay thế Công chứng viên người Pháp. Các luật lệ cũ về Công chứng vẫn tiếp tục thi hành, trừ những khoản không hợp với nền độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà Việt Nam. Công chứng lúc này còn mang đậm dấu ấn của Công chứng Pháp như phải ký quỹ một số tiền bảo đảm hoặc có thể lấy bất động sản mà bảo đảm thay vào số tiền đó, sau đó thì tuyên thệ. Do điều kiện và hoàn cảnh của khách chiến nền Phòng Công chứng này phải ngừng hoạt động.

Tiếp sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 ấn định “thể lệ việc thị thực các giấy tờ”. Theo Sắc lệnh này quyền thị thực các giấy tờ trước đây giao cho lý trưởng các làng và trưởng phố ở thành thị, nay giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã. Riêng ở thành thị việc thị thực của Uỷ ban các phố phải có thêm Uỷ ban nhân dân thị xã chứng nhận. Tuy nhiên Uỷ ban thị thực phải là Uỷ ban ở trú quan một bên đương sự lập ước và việc bất động sản phải là Uỷ ban ở nơi bất động sản, nếu có nhiều bất động sản ở nhiều nơi khác nhau thì giấy tờ làm ra và bất động sản ấy phải do Uỷ ban mỗi nơi thị thực. Các Uỷ ban thị thực phải chịu trách nhiệm về việc thị thực không đúng về căn cước của đương sự, ngày tháng thị thực và quyền sở hữu trên bất động sản đem bán hay cầm cố. Nếu xẩy ra thiệt hại đến tư nhân vì thị thực không đúng, công quỹ của làng hay của thành phố phải bồi thường. Việc thị thực được thu một khoản lệ phí theo tỷ lệ từ 0,1% đến 1%. Xét về cả nội dung, thủ tục và chủ thể thực hiện thì việc thị thực theo quy định của Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 không phải là việc Công chứng mà chỉ là một thủ tục hành chính. Càng về sau này, việc thị thực chỉ được thực hiện một cách hình thức như xác nhận ngày, tháng, năm, địa chỉ thường trú và chữ ký của đương sự.

 

Đến ngày 29/2/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký tiếp Sắc lệnh 85-SL ban hành “thể lệ chước bạ về các việc mua bán chao đổi nhà cửa, ruộng đất. Theo Sắc lệnh này thì văn tự phải đưa Uỷ ban kháng chiến hành chính xã hay thị xã nhận thực chữ ký của các người mua, bán, cho, nhận đổi và nhận thực những người bán, cho hay đổi là chủ những nhà cửa, ruộng đất đem bán, cho hay đổi.

Thời kỳ này Uỷ ban nhân dân được giao việc thị thực, đã đạt được kết quả nhất định trong điều kiện của cơ chế hành chính – bao cấp; việc giao này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ, các quan hệ giao dịch, nhất là quan hệ tài sản còn ít và đơn giản. Thực chất đây cũng không phải là hoạt động Công chứng.

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, căn cứ vào các quy định của Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Tư pháp, ngày 10/10/1987 Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 574-QLTPK về công tác Công chứng Nhà nước. Công tác Công chứng Nhà nước của Uỷ ban nhân dân các địa phương được cải tiến và nâng cao chất lượng, đồng thời thành lập Phòng Công chứng Nhà nước ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có nhu cầu lớn về Công chứng và có đủ điều kiện cần thiết. Sau mấy chục năm không tổ chức hoạt động công chứng, thì đây là bước thí điểm cần thiết để rút ra những kinh nghiệm tiếp tục từng bước xây dựng xây dựng tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta.

Ngày 27/2/1991 Hội đồng bộ trưởng đã ban hành Nghị định 45-HĐBT về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị định này chúng ta đã đạt được kết quả bước đầy đáng khính lệ, đồng thời cũng bộc lộ những thiếu sót, hạn chế, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu từ thiếu sót, hạn chế, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu từ kinh nghiệm thực tiễn Công chứng của nước ta, kết hợp tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, để từng bước xây dựng và hoàn thiện nền Công chứng Việt Nam. Như lời chỉ thị của Tổng bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Tư pháp và Toà án cấp tỉnh toàn quốc ngày 10/8/1992: “các cơ quan và tổ chức Tư pháp bổ trợ cho công tác xét xử như cơ quan Công chứng, đoàn luật sư, hệ thống giám định Tư pháp, tổ chức lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp, đều có vai trò trong xét xử, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Những cơ quan đó phải được đổi mới gắn liền với việc đổi mới cơ quan Toà án”.

II.- QUAN NIỆM VỀ CÔNG CHỨNG THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH.

Theo Nghị định 45-HDBT ngày 27/1/1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) “ về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước”, thì “Công chứng Nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa...” (Điều 1 Nghị định 45-HĐBT).

Đây là quan niệm chính thức về Công chứng ở Việt Nam hiện nay. Quan niệm này gồm những nội dung đặc trưng sau đây:

- Công chứng chỉ được hiểu đơn thuận là “việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng, giấy tờ...”. Quan niệm về công chứng như vậy là chưa đầy đủ, bởi nó chưa bao gồm cả quá trình lập, lưu giữ và cấp văn bản công chứng,như quan niệm phổ biến về công chứng trên thế giới. Chỉ khi công chứng thực hiện đủ 3 công đoạn thì mới đạt được mục đích của nó là tạo lập nênvà cung cấp một loại chứng cứ đáng tin cậy và không thể phản bác. Công chứng của các nước trên thế giới, đặc biệt các nước theo luật La tinh, rất coi trọng và quy định rất cụ thể, chặt chẽ việc lập lưu giữ và cấp văn bản công chứng.

- “Tính xác thực của các hợp đồng, giấy tờ” trong quan niệm về công chứng là chưa rõ ràng và chuẩn xác. Thực ra tính xác thực (hay đích thực) của các loại văn bản công chứng không giống nhau, ở những phạm vi và mức độ khác nhau. Có những loại văn bản công chứng chỉ bảo đảm “đích thực” về ý chí của đương sự, về ngày, tháng, năm lập văn bản (di chuc, khước từ quyền hưởng di sản, kháng nghị hàng hải, cam đoan v.v...); có những loại văn bản công chứng ngoài việc bảo đảm tính đích thực về những vấn đề trên còn phải bao đảm không trái pháp luật và phù hợp với thực tế (các loại hợp đồng, xác định giá trị tài sản bằng hiện vật để đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tư nhân....).

Quan niệm về Công chứng chưa đầy đủ và chuẩn xác dẫn đến việc xác định giá trị văn bản công chức, các việc Công chứng không rõ ràng và không đầy đủ, do đó trong thực tế đã hạn chế tạc dụng và hiệu quả của công chứng, lúng túng cho công chứng viên, các vơ quan Nhà nước liên quan có thẩm quyền và công dân. Bởi vậy vấn đề điều chỉnh và làm rõ quan niệm về công chứng là một vấn đề quan trong hàng đầu trong đổi mới thể chế cong chứng ở nước ta hiện nay.

III.- VỀ PHẠM VI CÁC VIỆC CÔNG CHỨNG.

Việc xác định phạm vi, gianh giới các việc công chứng, hay nói cách khác là xác định thẩm quyền của cơ quan công chứng được làm những việc gì? Công chứng khác với thị thực hành chính như thế nào? có ý nghĩa rất quan trọng.

Muốn xác định được thế nào là việc công chứng, cần phải căn cứ vào hai yếu tố sau đây:

- Thức nhất là pháp luật xác định loại việc nào là việc công chứng, thuộc vào phạm vi công chứng, chẳng hạn như Điều 15 Nghị định 45-HĐBT đã xác định rõ phạm vi việc công chứng và trong một số văn bản pháp luật đã quy định một số việc bắt buộc phải công chứng.

- Thứ hai là các việc Công chứng nêu trên phải do người có thẩm quyền được giao thực hiện và ký Công chứng. Theo quy định của Nghị định số     45-HĐBT thì những ngưoiừ đó là Công chứng viên, thành viên của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, viên chức lãnh sự. Nếu một việc nào đó thuộc vào phạm vi việc Công chứng nhưng không do một trong ba loại người nêu trên ký thì văn bản đó phải là văn bản công chứng, nó là thị thực hành chính, thí dụ chứng thực di chúc là một việc công chứng, nhưng nếu di chúc đo do Uỷ ban nhân dân xã, phương, thị trấn chứng thực thì di chúc được thị thực đó không phải là văn bản công chứng.

Hai yếu tố nêu trên là điều kiện cần và đủ cho việc xác định một văn bản Công chứng.

Vấn đề xác định phạm vi các việc Công chứng ở các nước có sự khác nhau tuy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng nước và do Nhà nước lựa chọn, thông thường có hai cách như sau:

- Nhà nước xác định một khung pháp lý về công chứng sau đó các văn bản pháp luật khác quy định một số việc bắt buộc phải công chứng (thí dụ như ở Pháp, Anh, Đức ...).

- Nhà nước liệt kê các việc công chứng (thí dụ như ở Liên Xô cũ...).

Qua nghiên cứu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước và căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh của nước ta ở thời điểm hiện tại Nghị định số        45-HĐBT đã xác định các việc sau đây thuộc vào phạm vi việc Công chứng;

- Chứng nhận các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác;

- Chứng nhận giấy uỷ quyền;

- Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc những quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia di sản.

- Chứng nhận tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng;

- Chứng nhận kháng nghị hàng hải;

- Chứng nhận chữ ký của người dịnh giấy tờ, tài liệu;

- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việc và tiếng nước ngoài;

- Nhận giữ giấy tời, tài liệu;

- Cấp bản sao văn bản công chứng và giấy tờ, tài liệu đang lưu giữ;

- Các việc công chứng khác do pháp luật quy định.

Việc liệt kê các hành vi Công chứng cụ thể như trên có ưu điểm giúp công chứng viên xác định rõ ràng việc mình được làm và phải làm, giúp cho Nhà nước theo dõi, kiểm tra hoạt động của các Công chứng viên dễ dàng hơn; xong lại có những nhược điểm mà trong thực tế ngày càng bộc lộ rõ, bởi quy định cụ thể như vậy không thể bao hết được nhiều việc mà công dân cần đến Công chứng, dẫn đến vừa bó tay Công chứng viên, lại vừa không đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công dân muốn có được sự bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự bằng việc Công chứng.

Thời gian qua các Phòng Công chứng trong cả nước đều gặp phải nhiều việc công dân yêu cầu Công chứng nhưng không có trong 10 việc Công chứng mà Nghị định 45-HĐBT đã quy định, thí dụ: khai nhận thừa kế, chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vậy của công ty trách nhiệm hữu hạn để xin phép thành lập, công chứng điều lệ công ty, cam đoan, chứng nhận chữ ký... Dưới sức ép của nhu cầy thực tiễn nhiều Phòng công chứng đã công chứng những việc nêu trên, ngược lại một số Phòng Công chứng không làm vì chò rằng những việc đó không được liệt kê trong Nghị định 45-HĐBT, gây thắc mắc và phản ứng trong nhân dân.

IV.- VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG

Điều 1 Nghị định 45-HĐBT quy định “các hợp đồng và giấy tờ đã được Công chứng có giá trị chứng cứ”. Quy định như vậy là quá chung chung, thiếu cụ thể. Vì thực tế thủ tục thực hiện Công chứng có sự khác nhau, nên giá trị pháp lý của văn bản Công chứng cũng phải có sự khác nhau.

Trước tiên cần xác định chứng cứ là gì? chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do pháp luật quy định mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dùng làm căn cứ để xác định những tình tiết pháp lý cần thiết cho việc giải quyết đắn vụ việc.

Chứng cứ là cái cụ thể (như lời nói hoặc việc làm, vật làm chứng, tài liệu v.v...) tỏ rõ điều gì đó là có thật (từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản khoa học xã hội 1988 trang 212).

Như vậy để bảo đảm giá trị chứng cứ của văn bản công chứng, Công chứng viên tiến hành thực hiện Công chứng phải xem xét và kiểm tra các yếu tố sau đây:

- Nội dung của văn bản, giấy tờ đó phải là những quan hệ, những sự kiện có thật;

- Văn bản, giấy tờ đó phải được lập ra trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của đương sự. Đương sự phải hoàn toàn hiểu được các quan hệ pháp lý mà mình tham gia, hiểu được quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong khi ký kết cũng như thực hiện những điều đã ghi trong văn bản, giấy tờ đó.

- Phải kiểm tra, đối chiếu xem nội dung của văn bản, giấy tờ đó có phù hợp với Pháp luật hiện hành hay không?

Có thể nói rằng cách thực hiện công chứng của Công chứng viên ở nước ta là Công chứng mang tính chất nội dung. Tức là một khi văn bản được lập ra và đã được công chứng đúng pháp luật thì nó là một chứng cứ không thể bác bỏ được. Các quan hệ, các sự kiện, quyền và nghĩa vụ của công dân, của tổ chức được ghi trong văn bản đó phải được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Pháp luật sẽ bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ đó được thực hiện. Nếu xẩy ra tranh chấp thì văn bản đó là cơ sở đáng tin cậy để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân xử đúng sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại. Như thế các văn bản, giấy tờ đó có giá trị thực hiện, chứ không chỉ là giá trị chứng cứ đơn thuần.

Tuy nhiên, trong trường hợp một văn bản được lập ra và được công chứng không đúng (chẳng hạn như không đúng sự thật khách quan, không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, không phù hợp với pháp luật), kể cả trường hợp do lỗi chủ quan hoặc lỗi khách quan, thì văn bản, giấy tờ đó đều không có giá trị pháp lý và do đó nó không có giá trị bắt buộc thực hiện. Khi có sự tranh chấp, kiện tụng đối với văn bản, giấy tờ đó thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyền xem xét, nếu phát hiện thấy nội dung văn bản, giấy tờ đó vi phạm pháp luật, hoặc có những tình tiết pháp lý mới chưa được xác định trong văn bản thì có quyền tuyên bố bác bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản, giấy tờ đó.

Từ sự phân tích trên và căn cứ vào trình tự thủ tục thực hiện các việc công chứng, thì giá trị pháp lý của văn bản công chứng được chia ra làm hai loại như sau:

- Đối với các việc công chứng được thực hiện mang tính chất nội dung như: chứng nhận hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng khác, thuận phân chia di sản; chứng nhận uỷ quyền: chứng nhận tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ, chồng... thì văn bản công chứng không những có giá trị chứng cứ mà có hiệu lực thực hiện đối với các cá nhân và tổ chức có liên quan.

- Đối với các việc Công chứng được thực hiện mang tính hình thức (hay còn gọi là nhóm thị thực) như chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký người dịch, chứng nhận chữ ký, cam đoan, tuyên thệm khai danh dự, chứng nhận kháng nghị hàng hải... thì loại văn bản công chứng này có giá trị chứng cứ.

V.- TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM.

1) Công chứng Nhà nước là Công chứng “tư do”.

- Một vấn đề rất quan trọng cần được nghiên cứu thấu đáo là vấn đề “Công chứng” hay “Công chứng Nhà nước”. Công chứng của ta hiện nay là Công chứng Nhà nước. Công chứng Nhà nước là một hoạt động quan trọng của Nhà nước, nó có các đặc điểm như sau:

- Nhà nước, bổ nhiệm công chứng viên – Nhà nước giao cho công chứng viên thực hiện công chứng và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về việc công chứng do họ thực hiện. Tổ chức công chứng alf cơ quan Nhà nước.

- Công chứng được sử dụng con dấu mang hình quốc huy.

- Công chứng viên là công chức, được hưởng lương do Nhà nước trả theo ngạch, bậc công chức Nhà nước.

- Lệ phí công chứng thu được nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Khi công chứng viên gây ra thiệt hại đối với đương sự thì Nhà nước chịu trách nhiệm dân sự đối vơí đương sự: Công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính.

- Công chứng Nhà nước được Nhà nước cấp kinh phí bảo đảm hoạt động, Công chứng Nhà nước không phải là tổ chức dịch vụ, cho nên không hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế hoặc theo nguyên tắc tự trang trải. Công chứng Nhà nước là một biện pháp quan trọng hỗ trợ cho việc quản lý của Nhà nước bằng pháp luật. Nhà nước quản lý công chứng chặt chẽ hơn về tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, về nghiệp vụ chuyên môn. Điều này là cần thiết trong điều kiện của một nước đang phát triển, trong đó kinh tế, xã hội chưa ổn định, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và còn đang có nhiểu thay đổi. Mặt khác, ở một mức độ nhất định, Công chứng Nhà nước cũng đào tạo điều kiện tăng thu nhập cho ngân sách Nhà nước.

Ở các nước có Công chứng “tự do” thì hoạt động Công chứng do các công chứng viên tự tổ chức theo quy định của Pháp luật. Sau khi được bổ nhiệm, Công chứng viên mở văn phòng Công chứng tư nhân hạc văn phòng Công chứng tập thể. Văn phòng Công chứng tự hạch toán và làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (gần giống như một doanh nghiệp). Công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân hoàn toàn về việc làm Công chứng của mình, mỗi Công chứng viên đều có con dấu riêng. Để bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại do lỗi của Công chứng viên gây ra đối với đương sự (theo trách nhiệm dân sự), các Công chứng viên phải ký quỹ một khoản tiền hoặc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Công chứng “tự do” đề cao trách nhiệm cá nhân của công chứng, giảm nhẹ sự bao biện về trách nhiệm của Nhà nước; việc tổ chức hệ thống Công chứng linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời và thuận lợi nhu cầu về Công chứng của công dân, tránh được sự nhầm lẫn giữa chức năng quản lý Nhà nước với chức năng công chứng, đồng thời giảm nhẹ được bộ máy Nhà nước.

Công chứng “tự do” có những ưu điểm lớn, không thể phủ nhận được, nhưng nó chỉ hoàn toàn phù hợp với một nước có nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền phát triển.

Trong điều kiện kinh tế, xã hội, Nhà nước pháp luật của ta hiện nay, chúng ta cần tiếp tục duy trì công chứng Nhà nước, đồng thời nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm phù hợp của các thể chế Công chứng trên thế giới, từng bước đổi mới với mục tiêu nâng cao hiệu quả và tác dụng của hoạt động công chứng, góp phần tích cực bổ trợ cho công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong các quan hệ dân sự, thương mại mà họ tham gia ngày càng nhiều và đa dạng, góp phần giúp Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

2) Mô hình tổ chức công chứng hiện nay ở Việt Nam.

Việc tổ chức công chứng hiện nay ở Việt Nam ở nước ta như sau:

- Trong nước có Phòng Công chứng Nhà nước và ở những nơi chưa có Phòng Công chứng Nhà nước thì Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện một số việc Công chứng.

- Ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự được giao thực hiện Công chứng.

a) Phòng công Công chứng Nhà nước.

Cơ quan Công chứng Nhà nước ở nước ta có tên gọi là Phòng Công chứng Nhà nước, Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan chuyên trách thực hiện Công chứng.

Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng ở Ngân hàng, có con dấu mang hình quốc huy.

Ở mỗi tỉnh thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước bao gồm Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tại trung tâm của tỉnh và các Phòng Công chứng Nhà nước khu vực được tính từ số 2 trở đi theo thứ tự thời gian Uỷ ban nhân dân ra quyết định thành lập. Việc xác định thẩm quyền theo địa hạt cho các Phòng Công chứng Nhà nước do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Cho đến nay đã thành lập được 54 Phòng Công chứng Nhà nước trong đó có 51 Phòng Công chứng Nhà nước số 1, 2 Phòng Công chứng Nhà nước số 2 và 1 Phòng Công chứng Nhà nước số 3.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thành lập Phòng Công chứng Nhà nước số 1 đầu tiên của cả nước, ngày 21/9/1988.

Tỉnh Tiền Giang là nơi sớm nhất thành lập 3 Phòng Công chứng Nhà nước, thay thế cho các Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã  thực hiện Công chứng. Phân bổ khu vực hoạt động của từng Phòng Công chứng Nhà nước ở Tiền Giang như sau: Phòng Công chứng Nhà nước số 1 hoạt động trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, huyện Chơ Gao và một phần huyện Châu Thành: Phòng Công chứng Nhà nước số 2 hoạt động trên địa bàn thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây: Phòng Công chứng Nhà nước số 3 hoạt động trên địa bàn huyện Cai Lây, huyện Cái Bè và một phần huyện Châu thành.

Mới có 14 Phòng Công chứng Nhà nước có trụ sở riêng.

Mặc dầu, nhiều Phòng cơ sở vật chất rất khó khăn, trụ sở chật hẹp, trang thiết bị và phương tiện làm việc tối thiểu còn rất thiếu nhưng các Công chứng viên và các nhân viên đã rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng văn bản công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của nhân dân, được nhân dân hoan nghênh, tín nhiệm.

Tuy nhiên việc xác định Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh đã dẫn đến nhầm lẫn coi Phòng Công chứng Nhà nước cũng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Cho nên cần phải xác định lại vị trí của Phòng Công chứng Nhà nước. Thực chất Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan Tư pháp bổ trợ, thuộc ngành Tư pháp và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp.

Nhà nước giao việc thực hiện Công chứng cho đích danh Công chứng viên, ngay cả trưởng phòng Công chứng Nhà nước khi ký văn bản Công chứng cũng ký với tư cách Công chứng viên. Cho đến nay ta mới bổ nhiệm được 106 Công chứng viên cho 54 Phòng Công chứng Nhà nước. Đội ngũ Công chứng viên hiện này có đặc điểm như sau:

- Số lượng còn ít, so với nhu cầu đang ngày càng tăng:

- Các Công chứng viên được đào tạo về pháp lý (bậc đại học), song chưa được đào tạo nghiệp vụ Công chứng mà chủ yếu thực hiện Công chứng bằng cách đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Công tác Công chứng là một công việc phức tạp, đòi hỏi kiến thức khá toàn diện: chính trị, kinh tế, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, xã hội, hiểu cả nhân tình thế thái, lại có kinh nghiệm sống phong phú thì mới vững tin trong nghề nghiệp. Song số Công chứng viên đáp ứng được yêu cầu trên còn ít, nên hiệu quả công tác chưa cao.

Rõ ràng, so với các nước có thể chế Công chứng hoàn chỉnh trên thế giới, thì đội ngũ Công chứng viên của ta còn quá trẻ về nghề nghiệp, lại chưa được đào tạo nghề một cách chính quy, có hệ thống. Bởi vậy việc xây dựng một quy chế Công chứng viên hoàn chỉnh, chặt chẽ, và việc tổ chức đào tạo Công chứng viên là rất cần thiết, cần xúc tiến càng sớm càng tốt.

b) Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã.

Ở những nơi chưa có Phòng Công chứng Nhà nước, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã được giao thực hiện một số việc Công chứng.

Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã là cơ quan chấp hành và hành chính Nhà nước ở huyện, thị xã, là cơ quan kiêm nhiệm được giao thực hiện một số công chứng như:

- Chứng nhận hợp đồng dân sự;

- Chứng nhận giấy uỷ quyền;

- Chứng nhận di chúc;

- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt.

Việc giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện Công chứng là cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho công dân, trong điều kiện đội ngũ Công chứng viên, số lượng các Phòng Công chứng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu Công chứng trên mọi địa bàn đất nước.

Tuy nhiên trong thực tế, một số Uỷ ban nhân dân  huyện, thị xã có quyết định giao cho một Phó Chủ tịch hoặc một Uỷ viên Uỷ ban nhân dân ký Công chứng, nhưng phần lớn những người này không có chuyên môn, nghiệp vụ Công chứng, thiếu kiến thức pháp lý cần thiết, chưa được tập huấn nghiệp vụ Công chứng, lại bận rất nhiều việc khác, cho nên thường làm chậm trễ, gây phiền hà cho các đương sự, không bảo đảm chất lượng và hiểu quả công tác Công chứng. Mặt khác, tổ chức Tư pháp huyện, thị xã lại thiếu ổn định, biên chế còn thiếu và yếu về nghiệp vụ, vì vậy không đủ sức giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện tốt công tác Công chứng.

Bởi vậy, có nhiều ý kiến đề nghị để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tránh tuỳ tiện trong việc thực hiện Công chứng, không nên giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện Công chứng, mà khẩn trương tiến hành thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước khu vực để đảm nhiệm việc thực hiện Công chứng của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã.

c) Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự ở nước ngoài.

Các yêu cần Công chứng của công dân và tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ta tại nước sở tại thực hiện thao quy định cảu Pháp lệnh lãnh sự và các quy định của Nghị định 45-HĐBT. Việc giao cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự thực hiện chức năng công chứng là phù hợp với thực tế khách quan và thông lệ quốc tế.

Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự được thực hiện các việc công chứng như cơ quan Công chứng ở trong nước. Tuy nhiên theo Pháp lệnh lãnh sự ngày 24/11/1990 thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự được làm thêm một số việc Công chứng sau đây:

- Chứng thực chữ ký trên các giấy tờ;

- Chứng thực thời gian trình nộp giấy tờ;

- Nhận bản quản tiền, ngân phiếu và các đồ vật có giá trị của công dân Việt Nam.

Như vậy phạm vi hoạt động Công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự rộng hơn so với hoạt động Công chứng của các cơ quan Công chứng ở trong nước. Nhưng trên thực tế việc thực hiện công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự chỉ tập trung vào một số việc như chứng nhận chữ ký trong các đơn từ (thí dụ đơn xin cho người thân xuất cảnh, giấy uỷ quyền, giấy mời, chứng nhận bản dịch, bản sao) ( thí dụ bản dịch, sao giấy chứng nhận bậc thợ, lái xe do nước sở tại cấp...). Những công việc này đều có nội dung đơn giản, rõ ràng và thủ tục cũng không có gì phức tạp. Đương nhiên, trong thời gian tới các yêu cầu về Công chứng sẽ đan dạng hơn và phức tạp, do các quan hệ giữa người ở nước ngoài và người trong nước tăng lên.

Điều đáng quan tâm hiện nay là cần phải xác định rõ người được giao ký các việc Công chứng ở các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể để huấn luyện, đào tạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ Công chứng. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao cần sơm có Thông tư Liên Bộ hướng dẫn về tổ chức, kiểm tra và quản lý hoạt động Công chứng của các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

 

C.- KIẾN NGHỊ VỀ NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC ĐỔI MỚI CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM.

Thực hiện đường lối và chủ trương đổi mới từng bước vững chắc do Đại hội VI cảu Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, được Đại hội VII bổ sung và phát triển, đất nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đã thu được những thành tựu đáng khích lệ về kinh tế, xã hội. Đã hình thành rõ nét nền kinh tế nhiều thành phần dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể là nền tảng, sở hữu tư nhân được Hiến pháp công nhận và được Nhà nước khuyến khích phát triển. Cơ chế thị trường đang ngày càng mở rộng và phát triển sôi động. Các quan hệ xã hội, trong đó có các quan hệ dân sự, thương mại, đặc biệt là các quan hệ về sở hữu tài sản, ngày càng phong phú đa dạng. Với chức năng, mục đích tạo ra những bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân và tổ chức trong các quan hệ mà họ tham gia, Công chứng Việt Nam cũng phải từng bước đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Thể chế công chứng ở Việt Nam hiện nay là một thể chế mới ở bước đầu hình thành, còn chưa hoàn chỉnh, có những nội dung không còn phù hợp với những điều kiện và yêu cầu mới. Bởi vậy đổi mới thể chế Công chứng là một yêu cầu khách quan và cấp bách, nhưng phải có bước đi phù hợp, vững chắc. Căn cứ vào cơ sở lý luận đã được đúc kết bước đầu, căn cứ tình hình thực tiễn về kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật, thực tiễn tổ chức và hoạt động công chứng ở Việt Nam hiện nay, đổi mới thể chế công chứng cần thực hiện bằng các bước sau đây:

I.- Bước một:  Sửa đổi, bổ sung và tiếp tục cụ thể hoá Nghị định số  45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) “về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước”.

1) Sửa đổi, bổ sung Nghị định 45-HĐBT với những nội dung sau đây:

- Làm rõ ý nghĩa pháp lý của văn bản Công chứng. Văn bản Công chứng là những chứng cứ không thể phản bác, trừ khi xác minh được lỗi do cô ý gian dối của Công chứng viên hoặc người được giao làm công chứng trong khi thực hiện việc Công chứng đó, hoặc do văn bản Công chứng lập không đúng thẩm quyền, thủ tục do pháp luật quy định.

- Quy định trách nhiệm dân sự của Công chứng và lập quỹ bồi thường dân sự của Công chứng. Vì là Công chứng Nhà nước nên Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi của Công chứng viên gây ra cho đương sự khi thực hiện Công chứng. Công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước với tư cách là một viên chức Nhà nước theo luật hành chính. Để bảo đảm việc Nhà nước bồi thường thiệt hại vật chất cho đương sự, lập quỹ bảo đảm bằng cách trích một tỷ lệ thích ứng trong số tiền lệ phí công chứng thu được hàng tháng.

- Bổ sung thêm một nhóm việc Công chứng kịp thời đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân; những việc công chứng khác mà công dân yêu cầu khi họ thấy cần khẳng định chắc chắn hơn ý chí cuả họ và muốn làm tăng thêm giá trị chứng cứ của văn bản.

- Công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp; Trưởng phòng Công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Phòng Công chứng Nhà nước không thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, mà do Bộ Tư pháp quản lý trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý các Phòng Công chứng trong tỉnh trong phạm vi chức năng, thẩm quyền do pháp luật quy định.

Ngoài ra về mặt thực tiễn tổ chức, cần lập thêm các Phòng Công chứng khu vực để dần dần thay thế việc làm Công chứng của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã.

2) Tiếp tục cụ thể hoá Nghị định 45-HĐBT và các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến Công chứng.

- Bộ Tư pháp ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục lập, lưu giữ và cấp văn bản Công chứng; phát hành thống nhất một số mẫu biểu cần thiết;

- Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ xây dựng, Bộ Tài chính ra Thông tư liên ngành về Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê nhà ở, trong đó quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục mua bán, thuê nhà ở, trách nhiệm của cơ quan Công chứng, cơ quan thuế, cơ quan nhà đất đối với quá trình giải quyết việc mua bán nhà ở...

- Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngoại giao ra Thông tư liên ngành hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công chứng tại các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

II.- Bước hai: Ban hành luật (hoặc pháp lệnh) về Công chứng với nội dung đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động Công chứng.

a) Đổi mới quan niệm về Công chứng:

- Xác định rõ Công chứng Nhà nước là Nhà nước làm Công chứng, chứ không phải là Nhà nước thực hiện quyền lực của mình;

- Công chứng viên chứng nhận tính đích thực hoặc xác thực các hợp đồng và giấy tì, tuy nhiên tích đích thực hoặc xác thực này không phải đối với mọi trường hợp đều giống nhau, cho nên không buộc công chứng viên  trong mọi trường hợp phải xác minh trong thực tế những nội dung trong văn bản Công chứng;

- Công chứng được quan niệm là một quá trình gồm 3 công đoạn: Lập, lưu giữ bản gốc và cấp bản công chứng. Quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục thực hiện 3 công đoạn này;

- Để đáp ứng yêu cầu phát triển của các quan hệ giao dịch không bó hẹp phạm vi công chứng trong 10 nhóm việc như hiện nay, mở rộng phạm vi Công chứng theo nguyên tắc Công chứng tất cả các hợp đồng, giấy tờ mà pháp luật quy định phải công chứng hoặc đương sự muốn được Công chứng để khẳng định chắc chắn hơn ý chí của họ để tăng thêm giá trị chứng cứ của hợp đồng, giấy tờ;

- Văn bản Công chứng có giá trị chứng cư cao hơn hẳn văn bản chỉ do đương sự lập ra (tư chứng thư) ở chỗ văn bản Công chứng đã có dấn ấn của công quyền, tạo nên sự an toàn pháp lý cao cho đương sự và tạo thuận lợi cho cơ quan xét xử khi giải quyết tranh chấp. Làm rõ giá trị pháp lý của từng loại việc công chứng.

b) Đổi mới quy chế Công chứng viên:

- Xây dựng chức danh, tiêu chuẩn, ngạch, bậc Công chứng. Ngạch Công chứng viên có 5 bậc 1; 2; 3; 4; 5 và Công chứng viên trưởng;

- Tổ chức bồi dưỡng kiểm tra sát hạch Công chứng viên, tiến tới có trường hoặc khoa đào tạo chính quy những ngươi làm nghề Công chứng sau khi tốt nghiệp Đại học Luật.

- Quy định rõ và cụ thể trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của Công chứng viên với tư cách là một công chức Nhà nước. Lập quỹ bồi thường để chi trả đương sự nếu trong khi thi hành nhiệm vụ do lỗi của Công chứng viên gây ra thiệt hại vật chất đối với cá nhân và tổ chức. Khi xẩy ra thiệt hại, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm dân sự đối với đương sự hoặc người thứ ba bị thiệt hại do việc làm công chứng Nhà nước, Công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính.

c) Đối với tổ chức và quản lý Công chứng.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta còn đang ở giai đoạn hình thành, hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ và đồng bộ, để phát huy tốt tác dụng và hiệu quả của công chứng, bảo đảm và tăng cường sự quản lý của Nhà nước, cần tiếp tục duy trì công chứng Nhà nước, đổi mới tổ chức và quản lý Công chứng theo các nội dung cơ bản sau đây:

- Đổi tên “Phòng Công chứng Nhà nước” thành “Công chứng Nhà nước”; vì nếu để tên là Phòng thì sẽ bị nhầm lẫn là cơ quan quản lý Nhà nước, mà thực chất đây là một loại cơ quan thực hiện một chức năng đặc biệt là chức năng Công chứng. Các Công chứng Nhà nước được thành lập ở các khu vực dân cư tập trung có nhu cầu lớn về công chứng;

- Xác định lại vỉtí của công chứng Nhà nước. Công chứng Nhà nước không phải là cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Các Công chứng Nhà nước có vị trí tương đối độc lập, thực hiện chức năng do Pháp luật quy định và chịu sự quản lý của Nhà nước;

- Quản lý các Công chứng Nhà nước và các Công chứng viên trong phạm vi cả nước thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thành lập Cục Công chứng để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý các tổ chức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý các Công chứng Nhà nước và Công chứng viên trong phạm vi từng tỉnh theo chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định.

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần II

 

 

 
 

CÁC CHUYÊN ĐỀ

 

 

 

 

Chuyên đề

 

 

 

 

 

KHÁI NIỆM CHUNG VỀ CÔNG CHỨNG; VAI TRÒ CỦA CÔNG CHỨNG TRONG QUẢN LÝ XÃ HỘI

 

Nguyễn Văn Thảo

(Vụ luật sư, Công chứng, giám định, hộ tịch)

 

Qua hai năm triên khai tổ chức và hoạt động Công chứng theo Nghị định số 45-HĐBT ngày 27/1/1991 của Hội đồng Bộ trưởng “ về chức năng hoạt động Công chứng Nhà nước”, chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu, song cũng đã gặp phải không ít khó khăn, lúng túng trong một số vấn đề, đặc biệt là các vấn đề như xác định việc nào là việc Công chứng, việc nào  không phải là việc Công chứng, xác định trách nhiệm của Công chứng viên đến đâu với các văn bản mà họ Công chứng, xác định ý nghĩa pháp lý của văn bản đã được Công chứng v.v...

Những vấn đề nêu trên đều có liên quan, hơn nữa đều xuất phát từ một vấn đề mấu chốt là vấn đề quan niệm Công chứng. Bởi vậy muốn giải quyết được những vấn đề này, trước hết phải trả lời rõ ràng, chính xác về mặt lý luận các câu hỏi: Công chứng là gì? Công chứng nhằm mục đích gì?

Quan niệm về Công chứng trong Nghị định 45-HĐBT (Điều 1) qua thực tiễn đã bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế. Điều này có những nguyên nhân khách quan mà theo chúng tôi là tất yếu. Nghị định 45-HĐBT ngày 27 tháng 2 năm 1991 được xây dựng và ban hành trong giai đoạn đầu chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, tư tưởng xây dựng Nhà nước Pháp quyền mới được hình thành, còn chưa được khẳng định; quan niệm về một nền tư pháp nói riêng, và về quản lý Nhà nước nói chung còn mang những dấu ấn của thời kỳ quản lý theo kiểu hành chính - mệnh lệnh, quan liêu - bao cấp; quan hệ về mặt tư pháp với các nước có truyền thống, giầu kinh nghiệm về Công chứng trong cơ chế thị trường chưa được phát triển và mở rộng, kinh nghiệm nước ngoài chủ yếu mà chúng ta nghiên cứu, tiếp thu là tổ chức và hoạt động công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (cũ), cũng mang tính chất hành chính - bao cấp. Ngay trong quá trình dự thảo Nghị định 45-HĐBT cũng đã có những quan niệm khác nhau về Công chứng, nhưng khi đó điều kiện chưa chín mùi để giải quyết một cách triệt để.

Từ đó đến nay tình hình đã có nhiều biến đổi quan trọng đặc biệt trong Hiến pháp 1992, đường lối phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường đã được khẳng định; tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đã được Đảng ta khẳng định. Việc phát triển đa dạng các quan hệ quốc tế, hoà nhập quốc tế, một mặt đã bổ sung cho chúng ta những kiến thức mới về công chứng,  cả về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, mặt khác thúc đẩy chúng ta phải kịp thời đổi mới tổ chức hoạt động Công chứng cho phù hợp xu thế hoà nhập quốc tế.

Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải bắt tay nghiên cứu và tiến hành từng bước cải cách về công chứng, mà trong đó, theo chứng tôi, trước hết phải điều chỉnh quan niệm về công chứng cho chính xác hơn, phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội trong cơ chế mới.

I/ CÔNG CHỨNG LÀ GÌ?

Notaire trong tiếng Pháp có gốc La-tinh alf Notarius, có nghĩa là viết, ghi chép; vậy Notaire là người viết hoặc người lập các văn bản. Trước đây, ở Việt Nam trong thời Pháp thuộc (và dưới thời ngụy quyền Sài Gòn) dùng từ chưởng khế thay cho Notaire. Chưởng khế có nghĩa là người giữ các văn bản. Danh từ công chứng được chính thức sử dụng từ sau khi thành lạp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong Nghị định ngày 1/10/1045 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bổ nhiệm ông Vũ Quý Vĩ làm Công chứng tại Hà Nội. Xét về mục đích của hoạt động này thì từ “Công chứng” sát nghĩa hơn so với từ “Chưởng khế” mục đích đó là tạo ra một loại chứng cứ đáng tin cây hơn và cao hơn thông thường ở chỗ chứng cứ đó có dấu ấn của công quyền, do những người đáng tin cậy được Nhà nước giao cho đứng ra “làm chứng”. Việc lập một văn bản Công chứng không có nghĩa là văn bản đó do Công chứng tự lập ra theo ý chí chủ quan của mình, mà nó được lập theo ý chí (nguyện vọng, thoả thuận, lời khai báo, cam đoan...) của người khác (người có nhu cầu Công chứng). Văn bản do Công chứng lập ra theo ý chí của những người khác, cùng với họ ký vào văn bản ấy, gọi là văn bản công chứng (acte notarie - Công chứng thư). Cùng với sự phát triển nền văn minh, trình dân trí nâng cao, công dân đã có thể tự thể hiện ý chí, nguyện vọng, cam kết ... của mình bằng văn bản, tự toạn thảo (hoặc nhờ luật sư soạn thảo) văn bản để mang đến Công chứng. Do đó Công chứng cũng dần dần chuyển sang việc chủ yếu thực hiện một công đoạn chính để đạt mục đích công chứng là kiểm tra sự khẳng định ý chí của đương sự, kiểm tra tính hợp pháp của văn bản, và cùng với đương sự ký vào văn bản. Cả công đoạn đó cũng được quan niệm là việc “lập văn bản Công chứng” của Công chứng viên. Để đạt được mục đích cung cấp chứng cứ không thể phản bác, bảo đảm tuyệt đối an toàn pháp lý cho đương sự, thì việc Công chứng lưu giữ bản gốc của văn bản Công chứng, và khi cần cấp bản sao của văn bản Công chứng là rất quan trọng, là việc làm không thể thiếu được của Công chứng.

Như vậy, có thể nói tóm lại, Công chứng là việc những người được Nhà nước bổ nhiệm để đứng ra lập các chứng thư đơn phương hoặc hợp đồng của các công dân (hoặc tổ chức), mà pháp luật bắt buộc phải Công chứng; để các chứng thư đơn phương, hợp đồng đó có giá trị chứng cứ cao hơn so với các chứng thư, hợp đồng do họ tự lập ra mà không có công chứng (tư chứng thư); đồng thời để những người có trách nhiệm, đáng tin cậy cất giữ, bảo quản (chứng cứ) đó, để bất cứ khi nào cần thiết sẽ xuất trình ra trước các cơ quan có thẩm quyền hoặc đưa ra trước công dân (tổ chức) khác có liên quan, như một bằng chứng không thể chối cãi, không thể phản bác được.

Như vậy, rõ ràng Công chứng đã tạo ra sự bảo đảm chắc chắn, an toàn cho công dân (tổ chức) trong việc thực hiện ý chí của mình (mà học đã thể hiện trong văn bản được Công chứng), hoặc những thoả thuận với công dân (tổ chức) khác (trong các hợp đồng đã được Công chứng); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp có liên quan đến những việc trên.

II/ SỰ ĐÍCH THỰC (AUTHENTIQUE), HAY SỰ XÁC THỰC (ĐÍCH THỰC; CHÍNH XÁC; AUTHENTIQUE; VRAI, JUSTE), VÀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA VĂN BẢN CÔNG CHỨNG (CÔNG CHỨNG THƯ).

Nghị định 45-HĐBT ngày 27/2/1991 nếu khái niệm công chứng “... là việcchứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật...” (Điều 1 Nghị định 45-HĐBT).

Trong thực tế đã có những sự hiểu khác nhau, hoặc không thoả mãn với định nghĩa này, dẫn đến những khó khăn, lúng túng đối với Công chứng viên khi thực hiện Công chứng. Vì vậy việc làm rõ về mặt lý luận tính xác thực hay đích thực của văn bản Công chứng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cũng là một trong những nội dung cơ bản khi nghiên cứu về Công chứng. Trong vấn đề này cần giải đáp một số câu hỏi sau đây: Công chứng sự đích thực hay sự xác thực (đích thực + xác thực, đúng sự thật) của văn bản Công chứng? chính xác về cái gì?  hoặc đích thực về cái gì?

Theo quan niệm truyền thống về Công chứng, mà các nước có cơ chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền phát triển hiện nay vẫn áp dụng, thì công chứng bảo đảm rằng việc lập chứng thực, hợp đồng này là có thật, do đúng Công chứng viên này lập ra theo đúng ý muốn, lời khai của đương sự (hoặc các đương sự) này (mà họ đã cùng với Công chứng viên ký vào văn bản Công chứng), vào đúng ngày, tháng, năm này, với đúng những nội dung đã ghi trong chứng thư, hợp đồng này. Công chứng viên không thể xác minh được do đó không chịu trách nhiệm về nội dung lời khai, lời trình bày hoặc nội dung thoả thuận trong hợp đồng có đúng sự thật hay không. Nếu chính đương sự muốn cho nội dung của chứng thư, hợp đồng có thêm tính chính xác, đúng sự thật thì bản thân đương sự phải xuất trình các văn tự chứng minh, biên bản giám định v.v... Công chứng viên sẽ ghi nhận việc đương sự đã xuất trình những văn bản chứng minh ấy trong lời chứngn của mình. Nếu sau này phát hiện ro nội dung mà đương sự đx khai hoặc trình bầy trong chứng thư, hợp đồng sại sự thật thì chính đương sự sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Và khi đó văn bản Công chứng sẽ là một bằng chứng không thể chối cãi về sự khai man của đương sự. Vì vậy trước khi Công chứng, bao giờ Công chứng viên cũng phải nhắc nhở đương sự khai hoặc hành động đúng sự thật, nhắc nhở đương sự về hậu quả nghiêm trọng sẽ xẩy ra nếu không làm như vậy.

Quan điểm như trên cũng cho thấy rõ về giá trị pháp lý cảu văn bản Công chứng và ý nghĩa của việc công chứng. Văn bản công chứng mang giá trị chứng cứ, một loại chứng cứ cao hơn chứng cứ thông thường (tư chứng thư) ở chỗ không thể phản bác nó được, trừ khi toà án chứng minh được sự gian dối của chính bản thân công chứng viên trong việc lập văn bản công chứng đó. Người ta phân biệt rõ giá trị của văn bản công chứng vối các loại văn bản do chính quyền cấp hoặc ban hành. Văn bản do chính quền thị thực (acte cetfie) cũng có giá trị chứng cứ cao hơn văn bản thường ( tư chứng thư), song độ tin cậy,mức độ đảm bảo an toàn pháp lý cho đương sự không cao bằng văn bản công chứng, do công chứng của cơ quan chính quyền không phải là người “làm công chứng viên chuyên nghiệp”, do không được lưu giữ, bảo quản chạt chẽ như văn bản công chứng. Bởi vậy, có một số loại văn bản công dân có thể  mang đến chính quyền thị thực, hoăc mang đến công chứng  đều được, nhưng thông thường muốn bảo đảm tin cậy, an toàn hơn, “ăn chắc” hơn thì họ mang đến công chứng. Ngưới ta phân biệt sự khác  nhau rõ ràng về giá trị pháp lý giữa văn bản công chứngvà các quyết định của chính quyền. Quyết định của chính quyến có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với cá nhân tổ chức có liên quan, nếu không thi hành sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước; còn văn bản công chứng không hề có giá trị hiệu lực như vậy .Ví dụ: một chúc thư đã công chúng không có hiệu lực bắt buộc người làm chúc thư phải giữ nguyên nội dung bức thư, mà trước thời điểm mở di chúc (trước khi người đó chết), người đó có thể đến công chứng yêu cầu sửa từng phần của chúc thư hoặc sửa toàn bộ chúc thư đó. Hiệu lực pháp lý cuả di chúc là do pháp luật về thừa kế quy định, chứ không phải bản thân việc công chứng tạo cho di chúc hiệu lực pháp lý đó; công chứng chỉ làm tăng thêm độ tin cậy của di chúc, những người có liên quan không thể tranh cãi được về sự đích thực của di chúc đã được công chứng, toà án không phải xác minh về sự đích thực của di chúc đó; nhưng người được uỷ quền không được hành động ngoài phạm vi nội dung mà người uỷ quyền đã uỷ quyèen cho, trong trương hộp ngược lại, nếu xẩy ra kiện tụng, tranh chấp, thì giấy uỷ quền đã được công chứng sẽ là một chứng cứ không thể chối cãi vè việc hành động vượt quá phạm vi uỷ quyền. Ngược lại, nếu người được uỷ quền đã thưc hiện đúng nội dung uỷ quyền, mà người uỷ quyền lại phủ nhận điều này, hoặc phủ nhận toàn bộ sự uỷ quyền của mình, thì văn bản uỷ quyền của mình, thì văn bản uỷ quyền đã được công chứng sẽ là chứng cứ, không thể phản bác chống lại người uỷ quyền.

Đối với hợp đồng đa phương thì có khác, vì đây là loại văn bản thể hiẹn ý chí của hai hay nhiều bên, có sự giàng buộc giữa các bên về quyền và nghĩa vụ bởi sự thoả thuận đã đạt được thể hiện trong nội dung hợp đồng. Về nguyên tắc, nếu một trong các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung thoả thuận trong hợp đồng, thì bên kia có quyền kiện tới cơ quan có thẩm quyền (Toà án hoặc trọng tài). Lúc đó văn bản hợp đồng sẽ là chứng cứ để toà án(hoặc trọng tài) xem xét và phán quyết. Nếu văn bản hợp đồng không có công chứng thì toà án (hoặc trọng tài) phải xác minh có đúng hợp đồng đó là do các bên tự nguyện lập ra hay không, văn bản hợp đồng là thật hay giả mạo, có đúng chữ ký trong hợp đồng là đích thực của các bên hay không, hợp đồng có bị bên nào làm thêm bớt, sửa chữa không?..; nhưng nếu văn bản hợp đồng đã được công chứng thì toà án (hoặc trọng tài )không phải xác minh những vấn đề nêu trên nữa; hợp đồng đã được công chứng sẽ là bằng chứng không thể chối cãi về sự thoả thuận giữa các bên ký kết.Có một vấn đề là: Toà án (hoặc trọng tài) có quyền bác toàn bộ hoặc một phần nội dung đã được công chứng hay không (tuyên bố hợp đồng có dư hoặc một phần của hợp đồng có là vô hiệu)? pháp luật của các nước trên thế giới đều cho toà án quyền đó. Vậy trong trường hợp nàythì công chứng viên có chịu trách nhiệm vì đã công chứng một hợp đồng là vô hiệu hay không? trách nhiệm như thế nào? đến đâu? theo pháp luật của các nước trên thế giới thì công chứng viên phải chịu trách nhiệm dân sự đôi với đương sự về những thiệt hại do mình gây ra trong việc công chứng. Nều do lỗi của công chứng viên mà hợp đồng bị toà án tuyên bố vô hiệu, do đó gây thiệt hại cho các bên (hoặc một bên) ký kết hợp đồng, thì công chứng viên phải bồi thường thiệt hại đó; mức độ thiệt hại và giá trị khoản bồi thường do toà án quyết định. Còn nếu công chứng có lỗi, mà do các bên ký kết hợp đồng(hoặc một bên) cố tình gian dối, lừa đảo, thì công chứng viên không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vậy để tránh mắc lỗi, tức là làm tròn rách nhiệm thì khi công chứng hợp đồng, công chứng viên phải thực hiện những công việc gì? pháp luật nhiều nước giao cho công chứng viên phải bảo đảm hai nội dung sau:

- Sự đích thực của hợp đồng: hợp đồng có đúng là do các bên tự nguyện thoả thuận với nhau với sự chứng kiến của Công chứng viên và cùng với Công chứng viên ký vào bản hợp đồng đó vào đúng ngày, tháng, năm đó...

- Hợp đồng được Công chứng là không trái pháp luật (không chứa đựng những yếu tố mà theo pháp luật sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu: không vi phạm các điều cấm của pháp luật, các bên ký kết có đủ năng lực hành vi và thẩm quyền ký kết hợp đồng đó theo quy định của pháp luật...). Hợp đồng đã được Công chứng giành buộc chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết, nó là cơ sở pháp lý không thể phản bác, để các bên có thể buộc bên kia phải thực hiện đúng những thoả thuận đã ghi trong hợp đồng. Vì vậy ở các nước theo luật La tinh người ta cho rằng, trong trường hợp này không cần thiết có một bản án của Toà án, và người ta quan niệm công chứng viên là “thẩm phán về hợp đồng”.

Qua những điểm trình bày trên đây có thể thấy rõ tính xác thực hay đích thực của văn bản công chứng là có nội dung và có giới hạn: địch thực hay xác thực về điều gì, chứ không phải là đích thực về mọi điều. (Vì vậy, theo chúng tôi dùng từ “đích thực: hay “xác thực” đều được, vấn đề cơ bản là ở chỗ đích thực hay xác thực về cái gì). Nội dung và giới hạn này của tích đích thực hay xác thực phải được pháp luật định rõ. Theo chúng tôi, về phương diện này, có thể chia thành hai nhóm việc công chứng sau đây:

- Nhóm thứ nhất: Gồm những văn tự (giấy tờ) thể hiện ý chí đơn phương (di chúc, giấy khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản thừa kế, lời khai trình, cam đoan v.v...). Đối với nhóm này Công chứng viên chỉ  chứng nhận ý chí của đương sự: đích thực là đương sự mong muốn như vậy, khai trình như vậy ... trong tình trạng đủ năng lực hàng vi, đích thực văn bản này đã được lập và đương sự đã ký vào ngày, tháng, năm này. Văn bản Công chứng cũng chỉ có giá trị chứng cứ không thể phản bác về những vấn đề nêu trên. Công chứng viên chỉ bảo đảm tính đích thực và chịu trách nhiệm trong phạm vi nêu trên, chứ không xác nhận và do đó cũng không có trách nhiệm về việc nội dung những mong muốn nguyện vọng, lời khai trình, cam đoanv.v.. có phù hợp, có đúng với sự thật hay không;

- Nhóm thứ hai: Là các hợp đồng đa phương. Đối với nhóm việc này Công chứng phải bảo đảm sự đích thực rằng:

a) Hợp đồng được lập không trái với pháp luật, nghĩa là không vi phạm những điều dẫn đến hợp đồng vô hiệu (toàn bộ hay từng phần) theo quy định của pháp luật. Các trường hợp hợp đồng vô hiệu theo pháp luật của ta đã được quy định trong Điều 15 Pháp lệnh hợp đồng dân sự, đó là:

+ Nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội;

+ Một hoặc các bên không có quyền giao kết hợp đồng.

b) Các bên ký kết hợp đồng đã tự nguyện thoả thuận về những điều khoản ghi trong hợp đồng và đã ký với sự chứng kiến của Công chứng viên vào đúng ngày, tháng, năm.

Như vậy rõ ràng đối với hợp đồng, Công chứng viên không chỉ bảo đảm sự đích thực về sự thoả thuận (ý chí) của các đương sự, về ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; mà còn phải bảo đảm rằng nội dung hợp đồng đã được ký kết không vi phạm những điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội và các bên đều có quyền giao kết hợp đồng. Công chứng viên phải thực hiện những thao tác cần thiết để bảo đảm đích thực của cả hai nội dung trên.

III/ CÔNG CHỨNG VÀ CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC.

Quy lại, trên thế giới hiện nay có hai mô hình Công chứng: Công chứng “tư do” và Công chứng Nhà nước. Về nội dung, ý nghĩa, mục đích Công chứng, nhìn chung không khác nhau. Bản thân thuật ngữ Công chứng đã mang ý nghĩa là sự làm chứng công khai, có dấu ấn của công quyền. Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện một công vụ. Sự khác nhau cơ bản của hai mô hình Công chứng nói trên là về chủ thể Công chứng, từ đó dẫn đến những điểm khác nhau về mặt tổ chức Công chứng.

Ở các nước có Công chứng “tự do” thì hoạt động Công chứng do các Công chứng viên tự tổ chức theo quy định của pháp luật. Sau khi được bổ nhiệm, Công chứng viên có thể mở văn phòng Công chứng tư nhân hoặc văn phòng Công chứng tập thể; Văn phòng Công chứng tự hạch toán và làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (gần giống như một tổ chức kinh doanh dịch vụ). Công chứng viên chịu trách nhiệm cá nhân hoàn toàn về việc làm Công chứng của mình, mỗi công chứng viên đều có con dấu riêng; để bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hai do việc Công chứng của mình gây ra đối với đương sự (theo trách nhiệm dân sự), các Công chứng viên phải ký quỹ một khoản tiền (tương đối lớn) ...

Công chứng Nhà nước là Nhà nước làm Công chứng, Nhà nước chịu trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) về việc làm Công chứng đối với đương sự, Công chứng viên chịu trách nhiệm trước Nhà nước theo luật hành chính. Tổ chức Công chứng là cơ quan Nhà nước, Công chứng viên là nhân viên trong bộ máy Nhà nước; mỗi phòng Công chứng chỉ có một co dấu. Lệ phí công chứng thu được nộp vào ngân sách Nhà nước; các Công chứng viên hưởng lương từ ngân sách theo ngạch, bậc công chức cộng thêm một khoản tiền tính theo tỷ lệ nhất định trong một số tiền lệ phí (cộng với tiền công chứng) mà Công chứng viên thu được hàng tháng. Để bảo đảm việc Nhà nước bồi thường thiệt hại cho đương sự, hàng tháng Nhà nước tính một tỷ lệ phần trăm nhất định trong tổng số tiền lệ phí Công chứng (và tiền công) thu được để lập một quỹ bảo đảm.

Như vậy, có thể nói, khác nhau cơ bản giữa Công chứng “tư do” và công chứng Nhà nước chỉ là về mặt tổ chức. Nếu so sánh 2 hệ thống tổ chức công chứng thì có thể thấy như sau:

Công chứng “tự do” có ưu định phát huy cao hơn trách nhiệm cá nhân của công chứng viên, giảm nhẹ sự bao biện về trách nhiệm của Nhà nước; về tổ chức hệ thống Công chứng linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời và thuận lợi nhu cầu về Công chứng của công dân; tránh được sự nhầm lẫn giữa chức năng quản lý Nhà nước với chức năng Công chứng, đồng thời giảm nhẹ được bộ máy Nhà nước ....

Công chứng Nhà nước không có những ưu điểm trên đây, nhưng lạo tạo điều kiện để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn về tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, kịp thời hơn về nghiệp vụ chuyên môn; điều này là cần thiết trong điều kiện của một nước đang phát triển, trong đó kinh tế, xã hội chưa ổn định, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và còn đang có nhiều thay đổi. Mặt khác, ở một mứuc độ nhất định, Công chứng Nhà nước cũng tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho ngân sách Nhà nước.

Tóm lại, Công chứng “tự do” có những ưu điểm lớn, không thể phủ nhận được; nó hoàn toàn phù hợp với một nước có nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền phát triển. Trong điều kiện kinh tế, xã hội, Nhà nước, pháp luật của ta hiện nay, theo chúng tôi, chúng ta cần nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm phù hợp, từng bước đổi mới để nâng cao hiệu quả và tác dụng của hoạt động Công chứng, góp phần tích cực hỗ trợ cho công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong cơ chế thị trường đang hình thành và phát triển, góp phần giúp Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

IV/ VAI TRÒ CỦA CÔNG CHỨNG TRONG XÃ HỘI.

Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của Công chứng, có thể thấy rõ: Công chứng là một biện pháp tích cực hỗ trợ cho công dân (và các tổ chức) để bảo đảm án toàn cho họ trong các quan hệ dân sự, bằng cách tạo ra những chứng cứ pháp lý không thể phản bác. Khi đến Công chứng, công dân còn được những người có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn về pháp luật hướng dẫn, giúp đỡ, tránh được nhưng sai lầm, sơ xuất khi tham gia các quan hệ pháp lý. Công chứng là một biện pháp phòng ngừa có hiệu quả và quan trọng ở cả hai khía cạnh: làm cho công dân thận trọng, có trách nhiệm hơn trong việc thể hiện ý chí của mình phù hợp với pháp luật khi quyết định tham gia các quan hệ pháp lý, đồng thời nếu có xẩy ra tranh chấp trong các quan hệ pháp lý đó thì đã có một cơ sở chắc chắn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; mặt khác bằng cách tạo ra một chứng cứ không thể phản bác, Công chứng tạo thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi xem xét giải quyết các tranh chấp (nếu có xẩy ra).

Bản thân Công chứng không phải là một hoạt động của quản lý Nhà nước, nhưng nó góp phần hỗ trợ tích cực để Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế xã hội bằng pháp luật, một yêu cầu cốt lõi của Nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy mà trong Nhà nước pháp quyền người ta quan niệm Công chứng là một trong các hoạt động bổ trợ tư pháp. Trong kinh tế thị trường, khi các quan hệ sở hữu được mở rộng (nhất là sở hữu bất động sản) thì vai trò của Công chứng càng trở lên đặc biệt quan trọng. Bởi vậy việc đổi mới công chứng đối với nước ta hiên nay thực sự là vấn đề cấp bách./.

 

QUY CHẾ CÔNG CHỨNG VIÊN THỜI PHÁP THUỘC Ở VIỆT NAM VỀ TIẾP THU VẬN DỤNG VÀO CÔNG CHÚNG VIỆT NAM TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

 

                              Vũ Quý Vĩ

                            (Đoàn luật sư Hà Nội)

 

Thời pháp thuộc, một hợp đồng giữa hai bên là người Việt Nam có thể làm dưới hình thức:

- Tư thự chứng thư, chỉ do hai bên đương sự ký  (Acte sous seing prive);

- Công chính chứng thư (Acte authentique). Ví dụ hợp đồng liên quan đến chuyển dịch bất động sản. Hình thức này gồm:

+ Hợp đồng do chính quyền thị thực (Acte certifie) tức do trưởng phố ở các thành thị và lý trưởng ở nông thôn thị thực;

+ Hợp đồng do Công chứng lập (Acte notarie).

I.- TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG THỜI PHÁP THUỘC Ở VIỆT NAM.

Tổ chức Công chứng do Pháp lệnh số 24/5/1931 quy định.

Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Dụ số 43 (29/11/1956), giữ lại những quy định cơ bản của Sắc lệnh 24/5/1931.

1/ Chức năng của Công chứng viên:

Theo Điêu 1 của Sắc lệnh 24/5/1931, Công chứng viên là người thực hành công vụ (fonctionnaire public) để nhận tất cả các văn bản, hợp đồng mà các đương sự phải hoặc muốn có tính chất công chính (acte authentique):

- Xác định ngày lập các văn bản, hợp đồng ấy;

- Lưu trữ các văn bản hợp đồng ấy;

- Cấp các bản sao các văn bản, hợp đồng ấy.

2/ Đặc tính của các văn bản, hợp đồng đã được Công chứng:

Dưới đây gọi chung là văn bản.

Ngày thành lập văn bản được coi như là chính xác.

Trước các toà án, các văn bản đã được Công chứng là những chứng cứ hoàn toàn được tin cậy (font pleine foi) và các điều mà các đương sự đã thoả thuận được ghi trong văn bản.

Công chứng viên cấp cho đương sự “Bản sao đại tự” (grosse) hoặc bản toàn sao (expédition) các văn bản đã lập.

“Bản sao đại tự” có hiệu lực thi hành như một bán án của Toà án.

Do các đặc tính của các văn bản đã được công chứng, nên Sắc lệnh năm 1931 quy định chặt chẽ:

- Quy chế của các công chứng viên;

- Hình thức của các văn bản được Công chứng;

- Sổ sách Công chứng viên phải giữ;

- Giám sát các Phòng Công chứng.

3/ Quy chế Công chứng viên:

Sắc lệnh năm 1931 quy định những điều kiện để được bổ nhiệm Công chứng viên: Quốc tích Pháp 25 tuổi, bằng cấp, thời gian tập sự.

Người có bằng cử nhân luật hoặt tốt nghiệp trường Công chứng phải tập sự 4 năm trong đó có 1 năm là thư ký thứ nhất của một phòng Công chứng. Nếu không có học vị trên thì thời gian tập sự là 6 năm trong đó có 2 năm làm thư ký thứ nhất.

Các thành viên của Toà án, Chánh lục sự có bằng cử nhân luật, các luật sư đã có 5 năm thâm niên trong nghề phải tập sự 2 năm và qua một kỳ sát hạch về nghiệp vụ. Nếu đã có 10 năm thâm niên trong nghề thì phải qua kỳ thi sát hạch.

Công chứng viên được bổ nhiệm do Sắc lệnh của Tổng thống Pháp.

Công chứng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ suốt đời. Nếu đã giữ chức vụ được 10 năm thì có thể giới thiệu người kế tiếp với Tổng thống Pháp.

Các Công chứng viên không hưởng lương, nhưng được thu lệ phí và thù lao do Nhà nước ấn định.

Công chứng viên phải nộp tiền ký quỹ (Cautionnement) để đảm bảo bồi thường thiệt hại cho các lỗi phạm trong khi thi hành công vụ.

Các Công chứng viên phải tuyên thệ. Mỗi người phải có một con dấu, chữ ký và chữ ký tắt phải lưu trữ tại Phòng Lục sư Toà án sơ thẩm quản hạt.

Nói chung, Công chứng viên không được kiêm nhiệm một công vụ khác.

Tổng thống Pháp thiết lập thêm Phòng Công chứng khi cần thiết bằng Sắc lệnh. Về tổ chức trước đây có một Phòng Công chứng ở Hà Nội và ba Phòng Công chứng ở Sài Gòn.

Tại các Toà án sơ thẩm (Hải Phòng; Nam Định; Đà Nẵng và các tỉnh Nam Bộ); Chánh lục sự kiêm Công chứng viên.

Dưới Chính quyền Sài Gòn, Công chứng viên là một ngành trong quy chế công chức trực thuộc Tổng trưởng tư pháp. Công chứng viên được bổ nhiệm theo Sắc lệnh của Quốc trưởng theo đề nghị của Tổng trưởng tư pháp. Ngoài lương, Công chứng viên được hưởng 7% số tiền thù lao do Phòng Công chứng thu trong tháng cho công quỹ.

4/ Hình thức các văn bản được Công chứng:

Các văn bản do Công chứng viên lập trừ một số trường hợp (di chúc, tặng cho bất động sản, đương sự không biết hoặc không thể ký) phải do hai Công chứng viên hoặc một Công chứng viên lập có hai hoặc bốn người làm chứng.

Các văn bản phải:

- Ghi tên và trụ sở của Công chứng viên, tên, họ, tư cách và chỗ ở  của các đương sự và các nhân chứng, ngày tháng lập văn bản;

- Viết tay hoặc đánh máy bằng một mực không phai, viết liền làm một văn bản, chữ viết phải rõ ràng, không viết tắt, không viết chữ chồng lên nhau, không viết xen giữa hai dòng chữ, không để khoản cách trắng. Bản đánh máy phải là bản đầu tiên, không do giấy than đánh ra. Các số tiền, ngày tháng viết bằng chữ;

- Đương sự, nhân chứng, Công chứng viên phải cùng ký tên. Phải ghi chú đã đọc văn bản cho mọi người nghe. Nếu văn bản không do viết tay, đương sự, nhân chứng và Công chứng viên phải dưới mỗi mặt trang.

- Những chữ thêm phải ghi vào bên lệ, mọi người phải ký tên hoặc ký tắt dưới các chữ đó. Phải tính số chữ đa gạch bỏ, ghi ra lề hoặc dưới văn bản.

Văn bản lập ra không tuân thủ các quy định trên thì bị coi như vô hiệu, nếu không có chữ ký của các người tham dự. Nếu có chữ ký của họ thì văn bản chỉ có giá trị như một tư thự  chứng thư.

Công chứng viên phải giữ lại nguyên bản các văn bản mà họ lập ra. Tuy nhiên, một số văn bản như uỷ quyền có thể làm văn bản chấp chiếu (acte en brevet) không phải giữ nguyên bản.

Chỉ có Công chứng viên giữ nguyên bản mới có quyền cấp bản sao đại tự hay bản toàn sao. Công chứng viên không được giao nguyên bảo cho ai, trừ khi có một bản án cho phép. Không được cấp bản sao đại tự lần thứ hai. Không được cấp bản sao đại tự hày toàn sao  hay tiết lộ nôi dung của văn bản mình giữ cho người khác biết, nếu không có lệnh của Toà án trừ các đương sự, những người thừa kế của các đương sự hay những người đã được họ nhượng quyền (ayantdroit).

Nếu cần xuất trình một văn bản đã được Công chứng ra ngoài quản hạt của Công chứng viên ra, chữ ký của Công chứng viên cấp bản sao phải được Chánh án Toà án nhân dân nơi có trụ sở của Công chứng viên ấy chứng thực bản sao.

5/ Sổ sách Phòng Công chứng phải giữ:

Công chứng viên phải giữ:

- Sổ mục lục các văn bản họ lập ra;

- Sổ sách kế toán để ghi các loại thu chi, ít nhất là:

+ Một quyển nhật ký thu chi,

+ Một quyền ghi lệ phí các văn bản,

+ Một quyển sổ cái;

Theo mẫu quy định.

Sổ sách phải ghi hằng ngày, theo thứ tự ngày tháng, không để chỗ trống, không được ghi thêm ra ngoài lề.

Sổ nhật ký phải do Chánh án Toà án nhân dân sơ thầm đánh số và ký tên.

Khi thu tiền, Công chứng viên phải phát một biên lai xé từ một quyển sổ có tồn căn theo mẫu quy định và Chánh án Toà án dân sự đánh số ký tên. Phòng Công chứng chỉ dùng một quyển sổ có tòn căn cho đến hết mới tiếp sang cuốn khác.

Các số tiền đương sự giao cho Công chứng viên giữ quá một thời gian ngắn, Công chứng viên phải gửi vào tài khoản tại ngân khố quốc gia.

6/ Giám sát các Phòng công chứng:

Ngoài sự giám sát của Chánh án Toà án sơ thẩm như đã nói ở trên, các Phòng Công chứng còn chịu sự giám sát của Việt trưởng Viện Công tố (Procurlur général).

Viên chức này có trách nhiệm kiểm tra kế toán của Phòng Công chứng.

Các viên chức Sở Trước bạ có thể đến kiểm tra các Phòng Công chứng.

Viện trưởng Viện công tố có thể truy tố Công chứng viên về vi phạm quy tắc.

Về hình phạt, Việt trưởng Viện công tố có thể cảnh cáo, phê phán thưòng và phê phán có khiển trách (Censure simple ét censure avec réprimande).

Còn các hình phạt khác như huyền chức, cách chức, Viện trưởng Viện công tố trình lên Giám đốc ngành Tư pháp.

 

II.- TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG TẠI PHÁP VÀ NÓI CHUNG TẠI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI THEO HỆ LUẬT LA TINH

Tổ chức Công chứng tại Việt Nam thời Pháp thuộc phỏng theo các nguyên tắc tổ chức Công chứng tại nước Pháp và nói chung tại các nước trên thế giới chịu ảnh hưởng của Luật La-Mã. Các nguyên tắc cơ bản của tổ chức đó là:

Chức năng của công chứng viên:

1/ Xác nhận tính xác thực của văn bản (Authentìỉe) nghĩa là:

- Ghi nhận sự thoả thuận của các đương sự;

- Xác định ngày tháng thành lập văn bản.

Do Công chứng viên là người thực hành một công vụ, nên văn bản đã được Công chứng có giá trị như một chứng cứ không thể chối cãi được (Force probante) về nội dung và ngày tháng  ghi trong văn bản.

Văn bản đã được Công chứng có hiệu lực pháp luật như một bản án của Toà án.

Người ta nói Công chứng viên là “thẩm phán về các hợp đồng” (Megistrat des contrats).

2/ Khuyên bảo một cách khách quan các đương sự về tầm quan trong và hậu quả các cam kết của họ.

3/ Hoà giải giữa các đương sự để đi đến lập một hợp đồng bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên đương sự.

4/ Làm tất cả các thể thức luật pháp quy định để hợp đồng được hoàn chỉnh (như trước bạ, sang tên các hợp đồng chuyển dịch bất động sản).

5/ Lưu trữ các văn bản đã lập để cấp bản sao.

 

 

Quy chế Công chứng viên:

Công chứng viên vừa là một người thừa hành công vụ do Nhà nước bổ nhiệm, đặt dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp, vừa là một người làm nghề tự do.

1/ Là một người thừa hành công vụ, Công chứng viên phải:

- Làm nhiệm vụ khi có người yêu cầu;

- Do Nhà nước bổ nhiệm;

- Tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp (déontologie);

- Chỉ có quyền hành nghề trong quản hạt của mình (sau này đã được mở rộng ra toàn quốc);

- Gửi tiền nhận giữ của các đương sự vào ngân khố quốc gia;

- Thu lệ phí và thù lao theo một bản lệ phí do Nhà nước quy định;

- Chịu sự kiểm tra hàng năm tiến hành dưới sự hướng dẫn cảu Viện Công tố về hoạt động của Phòng Công chứng, nhất là về kế toán, cách thức lập các văn bản, thu chi theo bản lệ phí.

- Có quỹ bảo đảm tập thể do các Công chứng viên đóng góp để bồi thường cho các đương sự bị thiệt hại, do sai lầm hoặc do lỗi của Công chứng viên.

- Việc mở một Phòng Công chứng mới do Nhà nước quyết định.

2/ Là một người làm nghề tự do nên về công chứng viên:

- Thực tế là một người chủ một tổ chức dịch vụ từ tổ chức Phòng Công chứng, tuyển và giả lương người giúp việc.

- Là một cố vấn cho các đương sự, phải giữ bí mật nghề nghiệp.

- Chịu trách nhiệm về các hành vi Công chứng và lời hướng dẫn của mình.

Về đương sự:

- Được tự ý chọn Công chứng viên.

III.- MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM:

Nghị định số 45-HĐBT ngày 27/2/1991 quy định tổ chức và hoạt động Công chứng ở Việt Nam ra đời sau khi Nhà nước đã có chủ trương chuyển dần từ nên kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự điều chỉnh của Nhà nước và mở rộng kinh tế đối ngoại.

Nhưng Nghị định này phỏng theo mô hinh Công chứng của Liên Xô trước đây (Luật ngày 9/7/1973).

Nguyên tắc cơ bản của Nghị định là:

- Phòng Công chứng là có quan Nhà nước, Công chứng viên là công chức ăn lương trong biên chế Nhà nước;

- Các hành vi Công chứng giới hạn trong một bản liệt kê;

- Khi cần làm văn bản, hợp đồng đã liệt kê trong bản đồ, đương sự buộc phải đến một Phòng Công chứng mà thực tế họ không có quyền lựa chọn.

Trong nền kinh tế thị trường, tổ chức và hoạt động Công chứng ngoài chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chứuc kinh tế, tổ chức xã hội (Điều 1 Nghị định 45) còn phải hữu hiện và được lòng tin của các tổ chức kinh tế và cả người nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.

1/ Công chứng là một công vụ, nguyên tắc đó là cần thiết và phải giữ.

a) Nhưng nên đề cao vị trí, vai trò của Công chứng viên;

Văn bản pháp luật quy định tổ chức và hoạt động Công chứng nên là một đạo luật.

Một Nghị định sẽ quy định cụ thể:

- Nghĩa vụ của Công chứng viên;

- Các thủ tục thực hiện các việc Công chứng;

- Tổ chức việc quản lý, giám sát Công chứng viên.

Các Công chứng viên nên do Chủ tính Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm như các Thẩm phán theo Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 6/10/1992.

Nghị định số 45 quy định trong Điều 14, đoạn 4, người được bổ nhiệm là Công chứng viên phải làm công tác pháp lý 5 năm trở lên và được huấn luyện nghiệp vụ Công chứng. Nhưng ta chưa có trường đào tạo Công chứng. Nay ta đã có các Phòng Công chứng ở các thành phố, nên chỉ có thể quy định người muốn được bổ nhiệm là Công chứng viên phải có thời gian tập sự ít ra là 2 năm và quan một kỳ thi sát hạch.

b) Nên đề cao tính chất của văn bản đã được Công chứng.

Nghị định số 45 quy định: “Các hợp đồng và giấy tờ đã được Công chứng có giá trị chứng cứ”.

Điều 32 của Nghị định quy định: Đương sự có quyền khiếu nại gửi cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc từ chối thực hiện Công chứng hoặc về nội dung công chứng.

Như vậy, một văn bản đã được Công chứng không có giá trị hơn một văn bản chi do các bên đương sự ký, nếu có tranh chấp, Toà án vẫn phải điều tra xác minh. Tổ chức Công chứng cũng không có tác dụng ngăn ngừa các vụ kiện.

Cần phải xác định nguyên tắc: Các văn bản đã được Công chứng có tính chất xác thực về ngày thành lập các văn bản đó và về nội dung cam kết của các đương sự. Các văn bản đó là bằng chứng không thể phản bác được.

Có thể coi hợp đồng đã được Công chứng có giá trị như một bản án của Toà án. Ví dụ một hợp đồng vay nợ có thế chấp nhà. Hết hạn mà nợ không trả, người chủ nợ có thể yêu cầu Công chứng viên cấp một bản sao hợp đồng để thi hành. một bản án trong trường hợp này là thừa.

2/ Hình thức của văn bản để Công chứng:

Điều 15 Nghị định số 45 liệt kê chín hành vi công chứng.Chương III quy định thủ tục cho mỗi loại văn bản.

Không cần thiết liệt kê các  loại văn bản phải  công chứng mà cũng không thể liệt kê hết vì điều 15 đã ghi thêm các việc công chứng khác do pháp luật quy định.

Mới đây một lô luật và pháp lệnh đặt ra phải công chứng.

Có những hành vi đơn giản như uỷ quyền không cần thiết phải công chứng.

Có những hành vi không nên đưa công chứng như chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu vì công chứng khong kiểm tra đựoc nội dung dịch .

Trong luật công chứng chỉ nên ghi chung chung: các văn bản, hợp đồng mà pháp luật quy định phải được công chứng, phải tuân  thủ thể thức đó. Nội dung các văn bản hợp đồng đưa công chứng phải phù hợp với pháp luật.

Cần quy địng bằng một nghị định, hình thứcchung cho tất cả các loại văn bản. Điều 7 Nghị định số 45 quy định văn bản công chứng phải thể hiện rõ ràng là chưa đủ.Phải quy định cụ thể nhằm không thể thêm bớt sau khi các văn bản đó đã được công chứngvà để các văn bản có thể lưu trữ lâu dài.

Điều 7 Nghị định 45 quy định văn bản công chứng theo đúng mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định .

Các văn bản công chứng phải thể hiện ý chí của các bên đương sự nên không thể theo đúng một mẫu thống nhất.

Các Phòng Công chứng ở Pháp có những quyển mẫu văn bản (formulaire) để tra cứu và phỏng theo thì lập một văn bản.

3/ Quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng:

Điều 9 và 10 Nghị định số 45 quy định Bộ Tư pháp quản lý thống nhất về tổ chức và hoạt động Công chứng trong cả nước. Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Công chứng ở địa phương.

Điều 32 quy định đương sự có quyền khiến mại về việc từ chối thực hiện Công chứng về nội dung Công chứng đã làm của cơ quan Công chứng, khiếu nại được giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết và trả lời cho người khiếu nại nếu không nhất trí với giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì giử khiếu nại lên Bộ Tư pháp.

Không nên giao cho một cơ quan hàng chính giám sát hoạt động Công chứng. Nghị định số 45 không quy định cụ thể khiếu nại nội dung Công chứng là thế nào. Nếu là tranh chấp về nội dung văn bản đã Công chứng thì tranh chấp về nội dung văn bản đã Công chứng thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền của các Toà án.

Công việc giám sát các Phòng công chứng nên giao cho Viện Kiểm sát và Toà án.

4/ Có nên thay đổi tư cách Công chứng viên từ một Công chức thành một người làm nghề tự do?

Nếu vẫn giữ nguyên nguyên tắc Công chứng là một công vụ, mà cho Trưởng phòng Công chứng được thu lệ phí và thù lao theo bản lệ phí do Nhà nước quy định, còn tự tổ chứuc phòng, tuyển mộ nhân viên, trang trải các chi phí hoạt động của Phòng, thì Công chứng viên trở thành một người làm nghề tự do.

Và như thế có lợi cho Nhà nước, cho Công chứng viên và nhân viên của Phòng công chứng và cho nhân dân.

Phòng Công chứng phải nộp một phần lệ phí và thù lao cho công quỹ (có thể là 1/4) hoặc nộp thuế cho theo chế độ thuế khoá hiện hành.

 Nhà nước lại không phải bỏ ra kinh phí lớn lúc thành lập Phòng Công chứng (xây dựng nhà cửa, sắm các dụng cụ văn phòng...) không phải trả chi phí hoạt động của Phòng, biên chế Nhà nước không phìng ra.

Phòng Công chứng sẽ tổ chức gọn nhẹ hơn, năng động hơn. Thu nhập của Công chứng viên và các nhân viên sẽ cao hơn.

Các đương sự có quyền lựa chọn Công chứng viên. Dịch vụ sẽ tốt hơn.

Ngành Công chứng Việt Nam có thể tham gia Liên hiệp Công chứng quốc tế (Union internationle du Notariat) và nhận được sự giúp đỡ về thiết bị và đào tạo.

Tổ chức Công chứng ở các nước theo hệ luật La tinh có từ mấy thế kỷ. Việc tham khảo và áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm của họ là cần thiết./.

 

QUAN ĐIỂM VỀ CÔNG CHỨNG THEO NGHỊ ĐỤN SỐ 45-HĐBT NGÀY 27/2/1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

               Dương Đình Thành

           (Bộ Tư pháp)

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị đinh sô 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, đã đến lúc chúng ta cần đáng giá toàn diện những việc đã làm được và những việc chưa làm được, tìm ra những nguyên nhân thành công và thiếu sót, hạn chế, đề ra phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động Công chứng đáp ứng với yêu cầu của công cuộc đổi mới, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

I.- QUAN NIỆM VỀ CÔNG CHỨNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ  45 - HĐBT NGÀY 27/2/1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC.

1/ Cơ sở của các quan điểm về Công chứng:

Đảng ta đã đề ra quan điểm đổi mới toàn diện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Những quan điểm đổi mới đó đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội, nhất là các quan hệ giao dịch, dân sự. Nhằm tránh tính tự phát, tuỳ tiện của các quan hệ giao dịch, dân sự, tránh mọi sự vi phạm và tranh chấp có thể xẩy ra, Nhà nước đã thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước để phục vụ việc quản lý các giao dịch, đồng thời giúp đỡ pháp lý cho công dân và các tổ chức.

Nhà nước ta phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nên kinh tế quốc dân. Chính cơ sở kinh tế này đã quyết định tới việc xây dựng Công chứng Việt Nam, bản chất của Công chứng xã hội chủ nghĩa là Công chứng Nhà nước. Sự chứng nhận tính xác thực từ phía Nhà nước sẽ tạo ra độ tin cậy cao của nhân dân.

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành một số lượng lớn các văn bản pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chính, trong đó có nhiều quy định, nhiều văn bản về Công chứng Nhà nước, nhiều việc theo quy định phải thực hiện Công chứng. Việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật đang trở thành hiện thực.

Trong thời gian qua, trên phạm vi toàn quốc tình hình trang chấp dân sự xẩy ra ngày càng nhiều và rất phức tạp. Hàng năm các Toà án nhân dân địa phương đã thụ lý một khối lượng các vụ tranh chấp về dân sự khá lớn, năm 1985: 8054 vụ kiện; năm 1986: 9.293 vụ kiện; năm 1987: 8.470 vụ kiện; năm 1988: 11.527 vụ kiện; năm 1989: 14.689 vụ kiện; năm 1990: 25.279 vụ kiện; năm 1991: 17.522 vụ kiện. Mặc dù có rất nhiều cố gắng trong việc giải quyết các tranh chấp, hàng năm  ở các Toà án nhân dân vẫn tồn đọng khá nhiều vụ kiện. Cá biệt có những vụ do tranh chấp dân sự không được giải quyết kịp thời đã dẫn tới những vụ án hình sự, đánh đập, đam chém lẫn nhau làm mất tị án, tình làng nghĩa xóm. Qua xem xét nguyên nhân  dẫ tới các vụ tranh chấp dân sự cho thấy hầu hết các bên khi ký kết hợp đồng đều không tuân thủ quy định của pháp luật, nội dung hợp đồng sơ sài, các hợp đồng không có sự chứng nhận của cơ quan Công chứng. Điều này gây rất nhiều khó khăn, tốn kém thời gian cho cơ quan Toà án khi xem xét giải quyết tranh chấp.

Ngay từ những năm 1950, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng “xét xử đúng là tốt, những không phải xét xử thì tốt hơn”. Tiếp tục tinh thần Điều 12 Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1992 tại Điều 12 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Như thế tư tưởng phòng ngừa vi phạm pháp luật được đề cao trong điều luật cơ bản, nhiệm vụ chính của pháp luật xã hội chủ nghĩa là phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm trật tự kỷ cương. Nhà nước cần sử dụng các biện pháp phòng ngừa tác động tích cực vào quản lý các giao dịch, chứ không thụ động để các tranh chấp, vi phạm xẩy ra thì mới tìm cách phán xét, nếu như vậy sẽ rất tốn kém thời gian vật chất, hậu quả đáng tiếc và không đáng có sẽ xẩy ra. Do đó việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật là yêu cầu cần thiết trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Mà công chứng Nhà nước cơ tác dụng đáp ứng yêu cầu đó. Do vậy cho rằng Công chứng Nhà nước là tổ chức bổ trợ là không thoả đáng.

Nhận thức được vai trò của Công chứng Nhà nước trong điều kiện của đổi mới, ngay từ 10/ 10 / 1087 Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 574 - QLTPK về công tác Công chứng Nhà nước, bước đầu cải tiến và nâng cao chất lượng công tác Công chứng Nhà nước của Uỷ ban nhân dân các địa phương, thành lập Phòng Công chứng Nhà nước ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có nhu cầu lớn về Công chứng và có đủ điểu kiện cần thiết. Sau đó Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 858 - QLTPK   ngày 15/10/1987 hướng dẫn thực hiện các việc công chứng. Để phát huy hiệu quả của hoạt động Công chứng Nhà nước, từng bước đưa hoạt động này đi vào nền nếp, ngày 27 / 2 / 1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 45-HĐBT về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước.

Càng ngày, chúng ta càng thấy rõ hơn Công chứng Nhà nước là hoạt động quan trọng của Nhà nước bằng việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chứuc kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện khẩu hiệu sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

2/ Quan niệm về công chứng theo Nghị định số 45-HĐBT:

Công chứng ở nước ta theo Nghị định số 45-HĐBT là Công chứng Nhà nước. Công chứng Nhà nước là một hoạt động quan trọng của Nhà nước. Công chứng Nhà nước có đặc điểm như sau:

- Nhà nước bổ nhiệm Công chứng viên. Nhà nước giao cho Công chứng viên thực hiện Công chứng và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về Công chứng do  thực hiện. Tổ chức Công chứng là cơ quan Nhà nước.

- Được sử dụng con dấu mang hình quốc huy.

- Công chứng viên là công chức, được hưởng lương do Nhà nước đài thọ theo ngạch, bậc Công chứng viên.

- Lệ phí Công chứng thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Khi Công chứng viên gây ra thiệt hại, đối với đương sự thì Nhà nước chịu trách nhiệm dân sự đối với đương sự, Công chứng viên chịu trách nhiệm vật chất đối với Nhà nước theo quan hệ luật lao động.

Với đặc điểm nêu trên Công chứng Nhà nước được Nhà nước cấp kinh phí bảo đảm hoặt động Công chứng Nhà nước không phải là tổ chức dịch vụ, cho nên không hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế hoặc theo nguyên tắc tự trang trải. Công chứng Nhà nước là một biện pháp, một kiểu trong quá trình quản lý của Nhà nước.

Công chứng Nhà nước được nhân dân, cơ quan, tổ chức tin cậy. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục duy trì Công chứng Nhà nước thì rất khó tham gia tổ chức Liên hiệp công chứng quốc tế (thành lập năm 1950 bao gồm 42 nước) với tư cách là thành viên vì tổ chức này coi Công chứng là nghề nghiệp tự do.

Chúng ta mới triển khai hoạt động Công chứng trong vài năm trở      lại đây, cho nên còn có hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của nước ta kết hợp tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta đã cố gắng bảo đảm các nguyên tắc và thông lệ quốc tế về Công chứng, như nguyên tắc pháp chế, giữ bí mật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân .... Công chứng ở nước ta chịu ảnh hưởng của hai trường phát Công chứng là Continental và Ang lô-sắcxông. Nhưng chịu ảnh hưởng lớn, chủ yếu của trường phái Công chứng Continental.

Các việc  công chứng chỉ do công chưng viên của các Phòng công chứng nhà nước thực hiện.Nhưng do chưa thành lập đủ các phòng công chứng Nhà nước ở các khu vực, cho nên Nghị định 45-HĐBT đã giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã không là tỉnh lỵ, nơi chưa có Phòng công chứng Nhà nước thực hiện mộtn số việc công chứng. Cơ sở cho sự phan cấp đó như sau:

- Bảo đảm thuận tiện cho nhân dân;

- Phân cấp một số việc  công chứng đơn giản ;

- Chỉ được thực hiện các việc công chứng được giao cho đến khi thành lập Phòng công chứng Nhà nước tại nơi đó.

II.- ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY:

 1/ Về các văn bản pháp luật quy định công chứng:

Việc xây dựng các văn bản pháp luật về công chứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động công chứng đi vào nền nếp. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn hàng loạt các văn bản quy định về Công chứng như sau:

- Nghị định sô 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước.

- Thông tư số 276-TT/CC ngày 20/4/1991 của Bộ Tư pháp hướng dẫ về tổ chức và quản lý Công chứng Nhà nước.

- Thông tư số 120-TT/CC ngày 26/2/1994 của Bộ Tư pháp hướng dẫn viếc chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân và của công ty cổ phần.

- Thông tư Liên Bộ số 84-TT/LB ngày 18/12/1992 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định chế độ thu lệ phí Công chứng.

- Công văn số 145-CV/CC ngày 21/3/1991 của Bộ Tư pháp về tuyên truyền Công chứng và đôn đốc thành lập Phòng Công chứng Nhà nước.

- Quyết định số 90-HĐBT ngày 19/7/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc bổ sung Nghị định số 56-CP ngày 17/3/1966 của Hội đồng Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng con dấu trong các cơ quan, xí nghiệp và tổ chức xã hội.

- Thông tư số 11-TT/BNV (C135 ngày 7/12/1989 của Bộ Nội vụ hướng dẫn mẫu dấu, việc khắc và quản lý, sử dụng con dấu Phòng Công chứng Nhà nước ở tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

- Bộ luật hàng hải Việt Nam.

- Luật doanh nghiệp tư nhân.

- Luật công ty.

- Pháp lệnh lãnh sự.

- Pháp lệnh hợp đồng dân sự.

- Pháp lệnh nhà ở.

- Pháp lệnh thừa kế.

- Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

- Nghị định số 17-HĐBT ngày 16/1/1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

- Quy định về việc thế chấp tài sản để vay vốn Ngân hàng (ban hành theo quyết định số 156-NH/QĐ ngày 18/11/1989 của Tổng giám đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam.

- Nghị định số 12-HĐBT ngày 1/2/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành trước cơ quan có thểm quyền của Nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quy định tạm thời về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị tàn tật, ở các cơ sở nuôi dưỡng do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý (ban hành kèm theo quyết định số 145-HĐBT ngày 29/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng).

Cho đến nay theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các việc sau đây phải được thực hiện Công chứng.

- Hợp đồng mua bán nhà ở,

- Hợp đồng thuê nhà ở,

- Hợp đồng chuyển nhượng sở hữu tầu biển tại Việt Nam,

- Việc thế chấp tài sản,

- Chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân,

- Chứng nhận trị giá số tài sản bằng hiện vật của công ty để phát hành trái phiếu,

- Chứng nhận bản dịch các giấy tờ của người nước ngoài xin kết hôn với công dân Việt Nam tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

- Chứng nhận bản dịch các giấy tờ của người nước ngoài xin nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị tàn tật ở các cơ sở nuôi dưõng do ngành lao động, thương bịnh và xã hội quản lý.

Với việc ban hành gần 20 văn bản nêu trên là một cố gắng rất lớn của Nhà nước ta trong việc phát triển lĩnh vực Công chứng.

Trong thực tế đã xẩy ra hai xu hướng trái ngược nhau:

- Trước đây, không cần đến Công chứng, các việc thị thực, chứng nhận được giao cho các Uỷ ban nhân dân, các quan hệ xã hội bị chi phối chủ yếu bởi cơ chế hành chính - bao cấp.

- Hiện nay, có xu hướng là cái gì cũng muốn Công chứng và khi có dấu Công chứng thì nói chung được tin cậy tuyệt đối.

Đối với lĩnh Công chứng, số lượng văn bản có quy định về Công chứng đã nêu ở trên còn chưa đầy đủ, chậm được cụ thể hoá, nhất là về trình tự, thủ tục thực hiện từng việc Công chứng, trong việc phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện từng vụ việc. Trong quá trình triển khai về tổ chức và quản lý Công chứng đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, lúng túng, cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp chẳng hạn như việc bổ nhiệm Công chứng viên, quản lý các Phòng Công chứng Nhà nước như thế nào cho có hiệu quả?

2/ Tình hình tổ chức Công chứng:

Theo Nghị định số 45-HĐBT ở nước ta Công chứng được tổ chức như sau:

- Ở trong nước gồm có Phòng Công chứng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã.

Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan chuyên trách thực hiện Công chứng. Cho đến nay đã thành lập được 49 Phòng Công chứng Nhà nước số 1 với số lượng 93 Công chứng viên, và có 44 nhân viên nghiệp vụ Công chứng, 57 nhân viên khác và 15 người làm việc theo chế độ hợp đồng. Mới có 14 Phòng Công chứng Nhà nước có trụ sở riêng. Mặc dầu nhiều Phòng cơ sở vật chất rất khó khăn, trụ sở chật hẹp, trang thiết bị và phương tiện làm việc tối thiểu còn rất thiếu, nhưng các Công chứng viên và các nhân viên đã rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu Công chứng của nhân dân, được nhân dân hoan nghênh, tín nhiệm.

Còn lại 4 tỉnh chưa thành lập Phòng Công chứng Nhà nước là do có khó khăn về nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất nhất là chưa được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan hữu trách.

Việc tổ chức các Phòng Công chứng Nhà nước rất khác nhau, có Phòng 17 người, có Phòng chỉ có 1 người.

Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã là cơ quan chấp hành và hành chính Nhà nước ở huyện, thị xã, là cơ quan kiêm nhiệm thực hiện một số việc Công chứng đơn giản. Thực tế hiện nay ở huyện một số việc Công chứng sau đây được thực hiện phổ biến như sau:

- Chứng nhận bảo sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt;

- Chứng nhận hợp đồng mua bán nhà ở;

- Chứng nhận thế chấp tài sản;

- Chứng nhận giấy uỷ quyền.

Người ký Công chứng là thành viên Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, phổ biến là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện được giao ký Công chứng, có một vài người là Chủ Tịch Uỷ ban nhân dân huyện hoặc Uỷ viên Uỷ ban nhân dân huyện. Hầu hết những người này không có chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kiến thức pháp lý cần thiết, bận nhiều công việc khác, cho nên có ít thời gian giành cho hoạt động Công chứng. Cán Bộ Tư pháp huyện thường xuyên không ổn định, lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác, cho nên cũng hạn chế tới kết quả và chất lượng của hoạt động công chứng.

 

 

3/ Việc tổ chức thực hiện các việc công chứng:

Theo báo cáo kết quả hoạt động của 32 Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thì Công chứng được các việc như sau (kề từ khi bắt đầu hoạt động cho đến hết quý II năm 1992):

- Chứng nhận hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác: có 14.113 việc,

- Chứng nhận giấy uỷ quyền: 2.507 việc,

- Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc nhượng quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia di sản: 1.659 việc,

- Chứng nhận tài sản chung của vợ chồng, chứng nhận tài sản riêng của vợ hoặc chồng: 103 việc,

- Chứng nhận kháng nghị hàng hải: 5 việc;

- Chứng nhận chữ ký của người dịch: 23.690 việc;

- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài:       có 799.642 việc;

- Nhận giữ giấy tờ, tài liệu: 288 việc,

- Cấp bản sao văn bản Công chứng: 119 việc,

- Chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần: 610 việc;

- Chứng nhận điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phấn: 7 việc;

- Thực hiện các việc Công chứng khác: 264 việc;

Tổng số các việc Công chứng đã được thực hiện: 843.238 việc.

Qua số liệu thống kê trên đây, chúng ta thấy các việc Công chứng khong được thực hiện một cách đồng đều. Tỷ lệ thực hiện Công chứng có sự chênh lệch lơn, chưa tập trung được nhiều vào nhóm việc Công chứng trọng tâm là Công chứng các hợp đồng, nhất là đối với các loại hợp đồng dân sự bắt buộc phải Công chứng. Điều này cần phải được tính đến khi điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp lại các nhóm việc Công chứng có cùng tính chất, đặc biệt.

III.- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:

- Tiếp tục cụ thể hoá Nghị định sô 45-HĐBT ngày 27/2/1991 và các văn bản có quy định các việc phải thực hiện công chứng, sửa đổi một số quy định của Nghị định sô 45-HĐBT  cho phù hợp với thực tế cuộc sống, chuẩn bị xây dựng luật Công chứng.

- Tăng cường hơn nưa công tác tuyên truyền, phổ biến về công chứng làm cho Công chứng đi vào cuộc sống, đưa vấn đề Công chứng vào chương trình học Đại học luật, có lớp đào tạo và bồi dưỡng công chứng viên.

- Tăng cường công tác kiểm tra về tổ chức và hoạt động Công chứng, có kế hoạch định kỳ kiểm tra các Phòng Công chứng Nhà nước./.

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ VIỆC CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM.

 

          Nguyễn Văn Tuân

        (Vụ luật sư, Công chứng, GĐ, HT)

 

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế hàng hoá nhiềm thành phần theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước, đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều vấn đề cấp thiết của khoa học pháp lý và tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong đó có pháp luật về tổ chức và hoạt động công chứng.

Ngày 27 tháng 2 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước. Ở hầu hết các tỉnh đã thành lập Phòng Công chứng Nhà nước. Hoạt động Công chứng Nhà nước đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật. Đối với chúng ta Công chứng còn là một lĩnh vực mới, chưa có kinh nghiệm nhiều, vì vậy các Phòng Công chứng khi thực hiện nhiệm vụ của mình còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Trong khi đó các văn bản hướng dẫn còn ít và chưa kịp thời. Có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và quy định một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề về việc Công chứng.

I.- KHÁI NIỆM VIỆC CÔNG CHỨNG:

Vấn đề đặt ra là việc Công chứng là gì và phạm vi của nó đến đâu? Ai, có quan nào có quyền thực hiện chức năng Công chứng? Có xác định rõ các việc Công chứng và từ đó xác định thẩm quyền Công chứng thì mới làm tổ chức năng Công chứng và tránh được nhưng sai sót trong hoạt động Công chứng.

Các việc Công chứng được quy định tại Điều 15 Nghị định 45-HĐBT và tại Điều 24 Pháp lệnh lãnh sự. Ngoài ra các việc Công chứng còn được quy định ở các văn bản pháp luật như: Bộ luật hàng hải, luật doanh nghiệp tư nhân, luật công ty, Pháp lệnh hợp đồng dân sự, pháp lệnh nhà ở, pháp lệnh thừa kế, pháp lệnh hợp đồng kinh tế v.v...

Theo quy định của các văn bản pháp luật nêu trên chỉ có Công chứng viên, lãnh sự và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thị xã nơi chưa có Phòng Công chứng Nhà nước có quyền thực hiện việc (hành vi) Công chứng. Trong đó có những việc chỉ thuộc thẩm quyền của Công chứng viên, ví dụ như chứng nhận tài sản chung của vợ chồng  hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng  (Điều 15 Nghị định số 45-HĐBT); hoặc chỉ thuộc thẩm quyền của lãnh sự, ví dụ như chứng thực thời gian nộp trình giấy tờ (Điều 14 Pháp lệnh lãnh sự). Có việc vừa thuộc thẩm quyền của cơ quan Công chứng, vừa thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, ví dụ như chứng thực di chúc (Điều 14 Pháp lệnh thừa kế).

Theo chúng tôi việc Công chứng được xác định bởi hai yếu tố sau:

Thứ nhất là những việc phải được pháp luật quy định Công chứng. Có những việc pháp luật quy định bắt buộc phải Công chứng, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng sở hữu tầu biển tại Việt Nam (Điều 27 Bộ luật hàng hải) và có những việc có thể lựa chọn một trong hai hình thức là chứng thực của cơ quan hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, ví dụ như chứng thực di chúc. Ngoài ra còn có việc, nếu có cơ quan Công chứng thì cơ quan Công chứng thực hiện việc chứng thực đó, còn nếu chưa có cơ quan công chứng thì do Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở chứng thực, ví dụ hợp đồng thuê nhà ở (Điều 21 Pháp lệnh nhà ở).

Thứ hai là những việc nêu trên phải do Công chứng viên hoặc cơ quan có chức năng Công chứng thực hiện việc chứng nhận đó.

Đối với di chúc nếu do Uỷ ban nhân dân xã, phường chứng thực thì không được hiểu là việc Công chứng, còn nếu do Công chứng viên chứng nhận thì là việc Công chứng. Có những việc nằm trong hoạt động của Công chứng viên như tư vấn cho các bên trong việc ký kết hợp đồng hoặc trong việc viết di chúc thì cũng không được hiểu là việc Công chứng.

Tóm lại việc Công chứng là việc mà được pháp luật quy định và do Công chứng viên hoặc cơ quan có chức năng công chứng thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định.

II.- VĂN BẢN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ VIỆC CÔNG CHỨNG:

Trước khi ban hành Nghị định số 45-HĐBT, Bộ Tư pháp đã ra thông tư  số 574-QLTPK (10/10/1987) và thông tư 858-QLTPK ngày 15/10/1987 hướng dẫn về công tác Công chứng Nhà nước. Nghị định số 45-HĐBT, tại Điều 15 quy định những việc Công chứng được liệt kê trong 9 nhóm việc. Việc Công chứng quy định bằng cách liệt kê như vậy sẽ không đầy đủ vì thế mà tại Điều 15 Nghị định 45-HĐBT có quy định thêm một nhóm việc Công chứng được gọi là các việc Công chứng khác do pháp luật quy định.

Để xác định việc Công chứng cần hiểu rõ khái niệm Công chứng, thẩm quyền Công chứng và các văn bản pháp luật nào quy định các việc Công chứng.

Điều 1 Nghị định 45-HĐBT quy định Công chứng Nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, vậy tính xác thực đến đâu? Có những quan điểm cho rằng Công chứng Nhà nước là công chứng nội dung, không phải là Công chứng hình thức. Để khẳng định điều đó tại Điều 1 Nghị định 45-HĐBT có quy định “các hợp đồng và giấy tờ đã được Công chứng có giá trị chứng cứ”. Nhưng tại Điều 32 Nghị định 45-HĐBT lại quy định “đương sự có quyền khiếu nại về nội dung Công chứng”. Theo Điều 22 Nghị định 45-HĐBT thì Công chứng viên chứng nhận nội dung các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác theo quy định của pháp luật. Nhưng có những việc theo chúng tôi công chứng manh tính chất hình thức như việc chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ tài liệu và việc chứng nhận kháng nghị hàng hải.

Để bảo đảm tính pháp chế trong các văn bản pháp luât, việc công chứng cần được quy định rõ, trách chồng chéo mâu thuẫn. Ví dụ công chứng viên chỉ chứng nhận chữ ký của người dịch chứ không chứng nhận bản dịch (có thể Công chứng viên thông thạo ngoại ngữ đó). Còn lãnh sự có quyền chứng thực bản dịch. Vấn đề này cần được lý giải như thế nào? Theo chúng tôi các việc Công chứng thuộc thẩm quyền lãnh sự được quy định dựa trên các việc Công chứng được quy định chung và có tính đến đặc thù của các việc Công chứng ở nước ngoài. Tất nhiên có những việc Công chứng chỉ được thực hiện ở nước ngoài và ngược lại có những việc công chứng chỉ thực hiện ở trong nước.

Nhưng thực tế văn bản pháp luật về lãnh sự có hình thức văn bản cao hơn và ban hành trước so với văn bản pháp luật về Công chứng. Vì vậy hình thức văn bản pháp luật về Công chứng nói chung cần được nâng lên thành luật hoặc pháp lệnh.

Thẩm quyền Công chứng theo lãnh thổ được quy định tại Điều 22 nghị định 45-HĐBT, Thông tư 276-TT/CC ngày 20/4/1991 cảu Bộ Tư pháp và Thông tư số 120-TT/CC ngày 26/2/1992 của Bộ Tư pháp.

Theo Nghị định 45-HDBT về các việc Công chứng, chúng tôi tạm chia thành các nhóm việc sau:

1) Chứng nhận hợp đồng bao gồm các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác. Chúng tôi cho rằng chứng nhận uỷ quyền và chứng nhận di chúc cũng nằm trong nhóm việc này vì uỷ quyền và di chúc là hợp đồng dấn sự.

2) Chứng nhận sự việc: chứng nhận kháng nghị hàng hải; chứng nhận chữ kỹ người dịch giấy tờ, tài liệu; chứng nhận bản sao giấy tờ tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài; cấp bản sao văn bản Công chứng và giấy tờ tài liệu hiện đang lưu giữ; chứng nhận khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản.

3) Chứng nhận quyền: chứng nhận thuận phân chia tài sản; chứng nhận tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

4) Việc nhận giữ tài liệu, giấy tờ. Việc nhận giữ giấy tờ, tài liệu là do Công chứng viên hay Phòng Công chứng thực hiện? Đối với loại việc này cũng cần nghiên cứu xem nó có phải là việc Công chứng không  vì việc công chứng và nhiệm vụ của Công chứng là hai khái niệm không phải đồng nhất.

5) Các việc công chứng khác do pháp luật quy định.

III.- THỰC TẾ THỰC HIỆN CÁC VIỆC CÔNG CHỨNG:

Qua thực tế cho thấy việc chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu chiếm tỷ lệ cao so với toàn bộ các việc Công chứng. Yêu cầu chứng nhận bản sao rất đa dạng vè mục đích soa cũng khác nhau. Điều 30 Nghị định 45-HĐBT có những điểm quy định còn chung chung nên khi thực hiện cần có sự vận dụng.

Ở Hà Bắc, để đáp ứng yêu cầu của công dân và tổ chức, trong một số trường hợp sau khi làm rõ mục đích của việc sao, Công chứng viên đã ghi rõ mục đích của việc sao giấy tờ, tài liệu. Có trường hợp Công chứng viên từ chối sao nhưng khi phóng viên hoặc cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu sao thì Công chứng viên đã ghi cụ thể theo yêu cầu của ai, họ tên, chức vụ cơ quan để dùng làm tài liệu tham khảo.

Ở thành phố Hồ Chí Minh số người có yêu cầu Công nhận tờ khai danh dự về khai sinh để bổ túc hồ sơ xuất cảnh rất nhiều vì không có giấy tờ khai sinh mà pháp luật chưa quy định thủ tục cấp thế vì khai sinh. Công chứng viên đã chứng nhận tờ khai danh dự về khai sinh cho họ. Những giấy tờ này khi giử ra nước ngoài nhất là ở Pháp đã được chấp nhận dễ dàng.

Đối với việc sao giấy tờ, tài liệu chưa phân biệt rõ đối với loại nào cần phải công chứng và loại nào cần phải thị thực. Có ý kiến cho rằng việc sao giấy khai sinh nên để cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường , thị trấn thực hiện và nói chung các loại giấy tờ tài liệu do cơ quan nào cấp thì cơ quan đó có thẩm quyền sao. Một số địa phương cũng lúng túng trong việc chứng nhận bản sao những giấy tờ do chế độ cũ cấp vì những loại giấy tờ này loại nào hiện nay còn giá trị pháp lý, loại nào không còn giá trị pháp lý cũng chưa đựoc quy định rõ.

Việc chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu, đa số ở các phòng công chứng thực hiện đúng quy định của Nghị định 45-HĐBT, song có Phòng Công chứng, công chứng viên “chứng nhận bản dịch này dịch đúng từ bản tiếng ...” mà không chứng nhận chữ ký của người dịch.

Các việc công chứng có liên quan đến thừa kế theo quy định của Nghị định 45-HĐBT là: Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản; chứng nhận giấy thuận phân chia tài sản. Nhưng thực tế ở các Phòng công chứng ngoài các việc nói trên, công chứng viên đã thực hiện các việc sau: chứng nhận khai mở di chúc; chứng nhận khai nhận thừa kế.

Trong thời gian vừa qua ở các Phòng công chứng đã làm tốt việc chứng nhận hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác. Số lượng các hợp đồng về dân sự có tăng lên so với các hợp đồng về kinh tế. Nội dung chủ yếu trong các hợp đồng về dân sự là mua bán, cho nhà ở, ô tô, xe máy, cho vay tiền,  vàng. Nhưng chưa có quy định thống nhất và cụ thể về thủ tục, nguyên tắc phối hợp, các loại mẫu biểu, hồ sơ có liên quan đến thẩm quyền, nội dung và thể thức công chứng các hợp đồng dân sự. Mẫu các hợp đồng dân sự và nội dung chứng nhận của công chứng viên là vấn đề mà các phòng công chứng rất quan tâm.

Việc chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật của chủ doanh nghiệp tư nhận và công ty đã được triển khai và thực hiện ở hầu hết các Phòng công chứng. Trong khi thực hiện cũng còn nhiều vấn đề nảy sinh. Khó nhất là làm sao xác định đúng nguồn vốn, tài sản nào có thể đưa vào vốn. Có nhất thiết phải qua công chứng để làm thủ tục xác định vốn tài sản bằng hiện vật? ở một số nước trên thế giới việc đó phải do các chuyên gia về kiểm toán, tài chính làm thì mới chính xác.

Ở Hà Bắc trước và sau khi có thông tư 120 của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu phải có chứng nhận vốn trong hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp. Khi xét duyệt chỉ tin vào lời khai về vốn của người xin phép thành lập doanh nghiệp là chưa đủ chính xác vì không ít trường hợp họ khai không đúng sự thật, họ không phải là chủ sở hữu những tài sản mà họ khai.

Trình tự, thủ tục chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật để thành lập doanh nghiệp tư nhận và công ty, chứng nhận tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng chưa được quy định thống nhất vì thế khi thực hiện có nhiều vướng mắc và gây khó khăn cho đương sự.

Hiện nay chưa có quy định hoặc hướng dẫn cũng như mẫu chứng nhận cụ thể về từng loại việc công chứng mà thực tiễn các trường hợp yêu cầu công chứng rất đa dạng cho nên mỗi địa phương chứng nhận một cách khác nhau.

Do yêu cầu bức thiết của công dân, ở nhiều phòng công chứng nhà nước đã thực hiện những việc công chứng  ngoài quy định của Nghị định 45-HĐBT. Ví dụ ở thành phố Hồ Chí Minh đã chứng nhận thêm các việc sau đây: giải trừ thế chấp, chứng nhận cam kết đi du lịch rồi trở về Việt nam, giấy đồng ý cho con xuất cảnh theo cha hoặc mẹ, giấy khai sanh danh dự cho người nước ngoài, giấy khai sinh danh dự cho ông bà không có khai sinh và không thể làm thủ tục khai sinh lại...

IV. PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI VỀ VIỆC CÔNG CHỨNG

Công chứng viên ở Pháp có vai trò xác thực các hợp đồng có nghĩa là ghi nhận sự thoả thuận của các bên và tạo cho hợp đồng có hiệu lực. Để xác thực một hợp đồng công chứng viên có nhiều nhiệm vụ từ việc tư vấn cho các bên, hoà giải đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm cho hợp đồng thực hiện. Công chứng viên chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các văn bản do họ lập ra và các lời khuyên tư vấn của họ.

Luật công chứng của Cộng hoà liên bang Đức áp dụng cho tất cả các hành vi công chứng do công chứng viên và những người hoặc cơ quan có thẩm quyền về công chứng thực hiện. Các việc công chứng bao gồm:

- Công chứng việc tuyên bố ý chí;

- Các hành vi công  chứng khác.

Việc chứng thực tuyên bố ý chí phải được thực hiện bằng văn bản chứng thư. Luật định rõ người tham gia công chứng là người trực tiếp tuyên bố ý chí của mình  hoặc tuyên bố ý chí với danh nghĩa của người khác mà việc tuyên bố ý chí này cần được Công chứng.

Việc chứng thực tuyên bố ý chí hoặc sự kiện khác với tuyên bố ý chí đều phải thực hiện bằng văn bản chứng thư.

Các chứng thực đơn giản như chứng thực chữ ký, dấu vân tay, tên gàng, thời điểm xuất trình giấy tờ cá nhân, việc đã vào sổ đăng ký hoặc các bản sao lục và các văn bản đơn giản khác được thực hiện bằng một chứng thư đơn giản, có chữ ký, ngày, tháng và nơi lập chứng thư được niêm phong, đóng dấu và có chữ ký của Công chứng viên.

Theo Quy chế Công chứng viên của Vương quốc Anh, Công chứng viên thực hiện các hành vi Công chứng sau: soạn thảo, chứng nhận hoặc xác nhận chứng thư và các giấy tờ khác bao gồm chuyển nhượng bất động sản và tài sản cá nhân ở Anh, xứ Wales; các nước khác thuộc cộng đồng Anh hoặc ở nước ngoài; chứng nhận hoặc xác nhận các văn bản giao dịch, soạn thảo di chúc hoặc các giấy tờ liên quan đến di chúc, soạn thảo kháng nghị hàng hải về sự cố xẩy ra đối với tầu và hàng hoá trên tầu trong thời gian tàu đi trên biển. Khi thực hiện Công chứng, Công chứng viên sử dụng con dấu của minh.

Luật số 50 “Luật Công chứng Nhà nước” của Cu Ba quy định Công chứng viên soạn thảo và xác nhận những tài liệu sau đây:

a) Những bản ghi mà nội dung là một hoạt động pháp lý;

b) Những biên bản ghi nhận các sự kiện, hoạt động hoặc tình huống mà về bản chất không phải là pháp lý;

c) Bất kỳ một tài liệu nào được quy định bởi pháp luật.

Ở Cộng hoà dân chủ Đức (trước đây) hoạt động của cơ quan Công chứng Nhà nước dựa trên nguyên tắc của Luật dân sự. Cơ quan Công chứng Nhà nước không giải quyết những trường hợp xung đột pháp luật giữa công dân với công dân và vi phạm pháp luật. Tất cả các quyết định của cơ quan Công chứng xuất phát từ Công chứng viên. Phòng Công chứng thực hiện các việc sau đây:

a) Chứng thực và thi thực;

b) Các vấn đề về di chúc và thừa kế;

c) Đỡ đầu, chăm sóc, xoá bỏ việc nhận con nuôi;

đ) Ký gửi.

Ở Liên Xô (trước đây) các việc Công chứng được liệt kê thành các nhóm việc theo thẩm quyền của Phòng Công chứng. Uỷ ban chấp hành xô viết đại biểu nhân dân địa phương và cơ quan lãnh sự ở nước ngoài.

Qua nghiên cứu pháp luật của một số nước về công chứng chúng tôi thấy việc quy định các việc Công chứng ở mỗi nước có những điểm khác nhau. Có nước việc Công chứng được quy định một cách chung còn những việc Công chứng cụ thể do các văn bản pháp luật khác quy định. Ở nước khác thì các việc Công chứng được quy định bằng cách liệt kê và các việc Công chứng được giới hạn trong bảng liệt kê dó.

Các việc Công chứng có thể tạm chia ra làm hai loại: phức tạp và đơn giản. Loại phức tạp cần phải xem xét, kiểm tra, xác minh rồi mới đưa ra kết luận được. Loại việc này thường là những việc Công chứng có liên quan đến các loại hợp đồng, xác thực quyền, chứng nhận ý chí của đương sự, những việc có liên quan đến thừa kế, hôn nhân và gia đình v.v... Trong những việc này chúng tôi thấy có những việc cần phải nghiên cứu và xem xét như việc chững nhận quyền thừa kế vì nó là cơ sở cho việc thực hiện quyền thừa kế. Những việc đơn giản có tính chất thi thực, trong những trường hợp này Công chứng viên không phải làm những thủ tục phức tạp, ví dụ như chứng nhận chữ ký, sao lục, chứng nhận tuyên thệ, cam đoan. Trong thực tế việc tuyên thệ, cam đoan có rất nhiều người yêu cầu và Công chứng viên đã thực hiện việc này.

Các việc Công chứng chủ yếu do Công chứng viên thực hiện, ngoài ra Nhà nước còn giao cho một số người hoặc cơ quan thực hiện. Quy định thẩm quyền Công chứng có mối quan hệ mật thiết với việc quy định các việc Công chứng.

V.- KIẾN NGHỊ:

Qua thực tế hoạt động của các Phòng Công chứng và nghiên cứu các văn bản pháp luật của Việt Nam cũng như tham khảo của nước ngoài, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

1/ Cần ban hành một văn bản pháp luật về Công chứng với hình thức luật hoặc pháp lệnh. Với hình thức văn bản này mới giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng như xác định vị trí pháp lý của Công chứng viên, thâm quyền công chứng và các việc Công chứng. Trên cơ sở luật hoặc pháp lệnh về Công chứng Chính phủ sẽ ban hành những văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

2/ Cần xác định rõ khái niệm Công chứng vì có xác định rõ khái niệm Công chứng thì mới xác định đúng các việc Công chứng. Không nên khẳng định là Công chứng nội dung hay Công chứng hình thức mà chỉ nên quy định “Công chứng Nhà nước là chứng nhận tính xác thực”. Còn tính xác thực đến đâu và xác thực cái gì, xác thực nội dung sự việc hay xác thực sự việc thì cần phải cân nhắc. Theo chúng tôi nên là xác thực việc, sự việc đó được đương sự thể hiện qua ý chí của mình, sự việc đó cũng như ngày tháng thực hiện sự việc đó là có xẩy ra và không còn tranh cãi nữa.

3/ Cần quy định thống nhất một số thuật ngữ trong các văn bản pháp luật có liên quan đến Công chứng như “việc Công chứng” và “hành vi Công chứng”, “chứng nhận” và “chứng thực”. Có thể dùng thuật ngữ “Công chứng” và được hiểu là “chứng thực” đối với những việc phức tạp và mang tính chất thi thực đối với nhưng việc đơn giản.

4/ Ngoài Công chứng viên là người chủ yếu thực hiện chức năng Công chứng, Nhà nước còn giao cho ai được quyền thực hiện chức năng đó. Đối với những người này cũng cần có quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của họ. Cần phân biệt thểm quyền Công chứng theo chủ thể, theo lãnh thổ và theo vụ việc.

5/ Về các việc Công chứng không nên quy định quá chung và cũng không nên liệt kê vì liệt kê sẽ không hết những việc Công chứng. Các việc công chứng sẽ được quy định cụ thể ở các văn bản pháp luật khác nhau. Vì vậy các việc Công chứng chỉ nên quy định trong một “khung”, theo loại việc. Riêng đối với việc Công chứng đơn gian mang tính chất thi thực cần liệt kê một số việc cụ thể, còn các việc khác nên giao cho các cơ quan hành chính, cơ quan quản lý thực hiện. Ở đây cần có sự phân cấp rõ ràng.

Chúng tôi đề xuất các việc Công chứng nên chia thành các nhóm sau:

a- Các loại hợp đồng mà pháp luật quy định cần Công chứng;

b- Các việc có liên quan đến thừa kế, hôn nhân và gia đình mà pháp luật quy định cần Công chứng;

c-  Các việc khác đơn giản mang tính chất thị thực, đối với các việc này có liệt kê cụ thể.

6/ Về nội dung chứng nhận của Công chứng viên cần có quy định thống nhất. Nội dung đó thể hiện tính xác thực của văn bản được Công chứng. Tất nhiên không thể quy định mẫu cho từng việc Công chứng mà chỉ nên quy định mẫu chung nhất để trên cơ sở đó Công chứng viên áp dụng cho từng trường hợp cụ thể của việc Công chứng.

7/ Cần hoàn thiện những văn bản pháp luật khác mà những quy định của nó có liên quan đến việc công chứng để từ đó mới thực hiện tốt việc Công chứng./.

 

GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CÁC VĂN BẢN GIẤY TỜ CÔNG CHỨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 

        Đặng Văn Khánh

         Công chứng viên - Phó Phòng Công chứng Nhà nước số 1

       thành phố Hà nội.

 

Việc ban hành Nghị định sô 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoặc động Công chứng Nhà nước đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển của sự nghiệp Công chứng Nhà nước của Nhà nước ta. Mới qua một thời gian ngắn hoạt động, đã cho thấy việc thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước ở các tỉnh, thành phố là phù hợp với sự đòi hỏi khách quan của một nền sản xuất hàng hoá, nó đã và sẽ góp phần không nhỏ giúp cho Nhà nước ta quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Tuy nhiên các Phòng Công chứng Nhà nước mới ra đời, các việc làm Công chứng mới được triển khai, nên trên thực tế hầu hết quần chúng nhân dân (trong đó có không ít những cán bộ lãnh đạo) chưa hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của Công chứng Nhà nước, từ đó dẫn đến không hiểu hết giá trị pháp lý của các văn bản Công chứng, điển hình có 2 dạng nhận thức về giá trị pháp lý của các văn bản Công chứng là:

- Dạng thứ nhất cho rằng: Việc làm Công chứng của các Công chứng viên chỉ là việc xác nhận chữ ký của các đương sự đã ký trên các văn bản, giấy tờ mà họ xuất trình, mà không cần phải chứng nhận gì về nội dung pháp lý của các văn bản đó. Do đó Công chứng viên không cần phải kiểm tra, xem xét gì về nội dung của nó có đúng pháp luật hay không. Thậm chí họ còn cho rằng: Công chứng Nhà nước là một hình thức “dịch vụ” mới của ngành Tư pháp;

- Người lại, Dang thứ hai lại quá đề cao giá trị pháp lý của các văn bản đã được Công chứng, dẫn đến hiểu sai lệch nội dung của các văn bản đó.

Ví dụ như: Người ta đã coi “Giấy đặt cọc để mua bán nhà” khi đã được Công chứng thì có giá trị như là hợp đồng mua bán nhà.

Coi biên bản họp gia đình để phân chia di sản thừa kế, khi đã được công chứng thì những người thừa kế nghiễm nhiên là chủ sở hữu kỷ phần mà họ được hưởng...

Xuất phất từ tình hình thực tế đã nêu trên và quan tham khảo pháp luật về Công chứng của một số nước, chúng tôi thấy: Việc xác định gía trị pháp lý của các văn bản Công chứng như Điều 1 Nghị định 45-HĐBT: “Các hợp đồng và giấy tờ đã được Công chứng có giá trị chứng cứ” là quá trình khái quát, chưa cụ thể và chưa phù hợp với từng loại văn bản, giấy tờ khi đã được công chứng.

Vì vậy trong phạm vi đề tài này chúng tôi muôn góp một phần nhỏ vào việc làm sáng tỏ hơn về giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ đã được công chứng ở nước ta hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi xin lần lượt trình bày các vấn đề sau:

- Một vài nhật xét về việc thực hiện công chứng ở các nước trên thế giới;

- Việc xác định giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ cong chứng ở nước ta hiện nay;

- Một số kiến nghị, đề xuất.

I.- MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG CHỨNG Ở CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI:

Qua nghiên cứu những văn bản pháp luật và những văn bản Công chứng của một số nước trên thế giới, chúng tôi thấy mặc dù việc thực hiện Công chứng ở mỗi nước có khác nhau nhưng tựu chung vẫn thể hiện dưới 2 dạng sau:

Một loại văn bản giấy tờ hoặc một sự việc;

Khi đương sự có một yêu cầu công chứng một loại văn bản giấy tờ hoặc một sự việc nào đó, thì phải đến trước mặt công chứng viên, khi đó Công chứng viên chỉ cần kiểm tra xem đương sự có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp lý để ký kết văn bản, giấy tờ đó không, mà không cần phải kiểm tra tính hợp pháp của văn bản, giấy tờ đó. Nếu đương sự có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp lý để ký các văn bản, giấy tờ đó, thì Công chứng viên cho đương sự ký, và Công chứng viên chứng nhận rằng đương sự đã ký tên vào văn bản đó trước mặt mình. Chúng tôi có thể xem đây là dạng công chứng mang tính chất hình thức.

Như vậy vấn đề đặt ra là giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ được công chứng theo hình thức này đến đâu? Thể hiện ở chỗ nào?

Theo chúng tôi thì đối với các văn bản, giấy tờ được thực hiện theo hình thức này, chỉ có giá trị chứng minh rằng: Việc đương sự đã ký tên vào văn bản, giấy tờ đó là có thật, chữ ký của trên văn bản, giấy tờ đó đích thực là của đương sự, mà không phải của một người nào khác. Còn việc xem xét về nội dung của các văn bản giấy tờ đó có đúng sự thật khách quan không, có phù hợp với pháp luật của Nhà nước không lại thuộc về các cơ quan chức năng khi tiếp nhận văn bản, giấy tờ đó.

Ví dụ: Một đương sự lập 1 bản di chúc để định đoạt di sản thừa kế của mình sau khi người đó chết.

Nếu thực hiện Công chứng mang tính chất hình thức thì: Đương sự đó mang bản di chúc do mình lập (hoặc nhờ một người nào đó viết hộ) đến trước mặt công chứng viên, Công chứng viên tiến hành kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, kiểm tra xem người đó có đủ khả năng nhận thức trong việc lập di chúc của mình không. Nếu người đó vẫn có đủ khả năng nhận thức về việc làm của mình thì Công chứng viên đồng ý để người đó ký tên vào bản di chúc do họ lập ra, đồng thời tiến hành việc chứng nhận chữ ký của người đó trong bản di chúc này. Và như vậy, sau khi người để lại di chúc chết, việc mở thừa kế được thực hiện thì việc xác định xem khối di sản do người chế để lại là có thật hay không? Việc định đoạt trong di chúc của người quá cố có đúng pháp luật hay không là do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Trên thế giới ở Vương quốc Anh và những nước theo hệ thống công chứng của Anh chủ yếu thực hiện theo hình thức Công chứng này. Theo “thông tin khoa học pháp lý” của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp 58/1992) cho thấy ở Vương quốc Anh “các giấy tờ xác nhận hoặc chứng nhận việc người nợ không chịu thanh toán nợ đã được công chứng chưa đủ giá trị chứng cứ tại các toà án của Anh. Do đó việc xuất trình giấy chứng nhận nói trên chưa để chứng minh là người nợ thực sự từ chối việc thành toán thương phiếu. Để chứng minh sự việc đó, Công chứng viên, hoặc thư ký của Công chứng. Người đã chứng nhận các giấy tờ phải được triệu tập đến toà”.

Dạng thứ hai cho thấy khi tiến hành Công chứng, các Công chứng viên không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra xem đương sự có đủ năng lực hành vi, năng lực pháp lý trong việc ký kết văn bản, giấy tờ đó không, mà điều rất quan trọng là công chứng viên phải kiểm tra được nội dung của văn bản do đương sự lập ra, có thực sự là ý chí, nguyện vọng của họ hay không? có phù hợp với pháp luật của Nhà nước hay không? các đương sự có đủ quyền năng pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được ghi trong văn bản, giấy tờ đó không. Và như vậy việc chứng nhận của công chứng viên không dừng lại ở mức độ chỉ chứng nhận chữ ký của đương sự trên văn bản, giấy tờ đó, mà còn phải chứng nhận cả về nội dung của văn bản, giấy tờ đó nữa.

Chúng ta có thể xem đây là dang công chứng mang tính chất Công chứng nội dung:

Như vậy giá trị pháp lý cảu các văn bản, giấy tờ được thực hiện theo hình thức này, không chỉ có giá trị chứng minh văn bản, giấy tờ đó là có thật, chữ ký trên văn bản, giấy tờ đó là đích thực của đương sự; mà nó còn có giá trị chứng mình rằng: văn bản, giấy tờ đó được lập ra trên cơ sở sở ý chí, nguyện vọng của đương sự, đồng thời ý chí, nguyện vọng ấy cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế, khách quan cũng như phù hợp với những quy định của pháp luật. Chính vì những lẽ trên, theo chúng tôi thì những văn bản, giấy tờ được Công chứng theo hình thức này không chỉ có giá trị chứng cứ, mà nó còn có giá trị thi hành, giá trị thực hiện đối với tất cả các cơ quan Nhà nước và công dân có liên quan.

Ví dụ: Khi các đương sự thực hiện việc ký một hợp đồng mua bán nhà tại cơ quan công chứng, thì ngoài việc kiểm tra năng lực hành vi, năng lực quản lý của các bên đương sự, Công chứng viên còn phải kiểm tra quyền năng pháp lý của các đương sự (như quyền sở hữu của người bán đối với diện tích nhà đem bán); xem xét, kiểm tra sự thoả thuận của hai bên mua – bán đã ghi trong hợp đồng đó có phù hợp với pháp luật không? quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được thực hiện như thế nào?

Sau khi Công chứng viên đã xem xét và thấy rằng nội dung của hợp đồng này hoàn toàn phù hợp với những quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan, thì thực hiện công chứng bản hợp đồng đó. Và khi đó bản hợp đồng này có giá trị thực hiện, tức là các bên tham gia ký kết hợp đồng phải thực hiện đúng những điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Bên nào không thực hiện hoặc thực hiện sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên thế giới hiện nay Công hoà Pháp và các nước thuộc hệ thống Công chứng của Pháp vẫn thực hiện theo hình thức Công chứng này. Điều 24 điều lệ Công chứng nước Cộng hoà BêNanh ban hành ngày 29/8/1968 cũng quy định “Các văn bản đã được Công chứng đem lại lòng tin cho các đương sự trong hợp đồng.

Các văn bản Công chứng có hiệu lực trong cả nước Cộng hoà BêNanh”.

Luật dân sự của Công hoà dân chủ Đức (cũ) cũng xác định một văn bản được lập tại Công chứng Nhà nước (ví dụ như việc chứng nhận quyền thừa kế) có giá trị đối với tất cả các cơ quan và các công dân khác.

II.- VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CÁC VĂN BẢN, GIẤY TỜ CÔNG CHỨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY:

Qua nghiên cứu một số văn bản, giấy tờ được lập tại Văn phòng Công chứng viên Maurice Deroche tại Hà Nội (như các chứng thư đoạn mại, di chúc..) trong thời kỳ Pháp thuộc, chúng tôi thấy các văn bản, giấy tờ này đều được thực hiện theo hình thức Công chứng nội dung. Ví dụ: một bản di chúc được chứng nhận tại Văn phòng của Công chứng viên Maurice Deroche, thì sau khi người đó chết, những người thừa kế được chỉ định trong di chúc có quyền đem di chúc đó đến Sở quản thủ điền thổ để sang tên trước bạ phần mà mình được hưởng, đồng thời Sở quản thủ điền thổ nếu xét thấy không có khiếu nại, kiện tụng gì về bản di chúc đó thì phải căn cứ vào bản di chúc đó để sang tên thừa kế cho họ.

Sau ngày hoà bình lập lại, Nhà nước ta đã giao cho chính quyền các cấp (Uỷ ban hành chính trước đây và ngày nay là Uỷ ban nhân dân) thực hiện một số việc Công chứng. Thực tế cho thấy các cấp chính quyền khi thực hiện công chứng hoàn toàn theo dạng công chứng hình thức tức là: xác nhận địa chỉ hoặc thị thực chữ ký của các đương sự trong các văn bản, giấy tờ.

Ngày này khi thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, thì vấn đề cần phải xác định rõ xem hành vi công chứng của các Công chứng viên ở nước ta thực hiện theo hình thức nào; công chứng mang tính chất hình thức hay công chứng mang tính chất nội dung.

Điều 1 Nghị định sô 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước đã chỉ rõ: “Công chứng Nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Điều 2 của Nghị định 45 cũng chỉ rõ: “Khi thực hiện Công chứng phải tuân theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định trong Nghị định này, các quy định khác của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc công nhận”.

Từ những quy định trên cho thấy:

Khi Công chứng viên thực hiện hành vi Công chứng của mình phải đảm bảo được một cách chính xác rằng: Nội dung của văn bản, giấy tờ đó phải là những quan hệ, những sự kiện có thật, phải phản ánh được một cách trung thực ý chí, nguyện vọng của đương sự, và điều rất quan trọng là nội dung của văn bản đó phải phù hợp với pháp luật của Nhà nước ta, cũng như các điều ước quốc tế mà nước ta đã tham gia ký kết hoặc công nhận.

Qua hoạt động thực tiễn, chúng tối thấy để đảm bảo cho việc chứng nhận về nội dung của các văn bản, giấy tờ do đương sự lập ra, nhất thiết Công chứng viên phải xem xét và kiểm tra các yếu tố sau:

- Nội dung của văn bản, giấy tờ đó phải là những quan hệ, những sự kiện có thật;

- Văn bản, giấy tờ đó phải được lập ra trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của đương sự. Tức là đương sự phải hoàn toàn hiểu được các quan hệ pháp lý mà mình tham gia, hiểu được quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong khi ký kết cũng như thực hiện những điều đã ghi trong văn bản, giấy tờ đó.

- Và cuối cùng là phải kiểm tra, đối chiếu xem nội dung của văn bản, giấy tờ đó có phù hợp với pháp luật hiện hành của Nhà nước không.

Như vậy có thể khẳng định được rằng: Hành vi công chứng của các công chứng viên ở nước ta là hành vi Công chứng có tính chất nội dung. Tức là một khi văn bản được lập ra và đã được công chứng đúng pháp luật thì nó là một căn cứ không thể bác bỏ được. Các quan hệ, các sự kiện, quyền và nghĩa vụ của công dân, của tổ chức được ghi trong văn bản đó phải được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và mọi công dân tôn trọng; pháp luật sẽ đảm bảo cho các quyền và nghĩa vụ đó được thực hiện. Nếu xẩy ra tranh chấp thì văn bản đó là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân xử đúng, sai, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại. Tức là các văn bản, giấy tờ này có giá trị thực hiện, chứ không chỉ là giá trị chứng cư đơn thuần.

Tuy nhiên xung quanh vấn đề này cũng cần phải giải quyết một số yêu cầu sau:

- Trong trường hợp một văn bản, giấy tờ được lập ra và được Công chứng không đúng (như không đúng sự thật khách quan, không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, không phù hợp với pháp luật, kể cả trong trường hợp do lỗi chủ quan hoặc lỗi khách quan, thì văn bản, giấy tờ đó đều không có giá trị pháp lý và vì vậy mà nó không có giá trị bắt buộc thực hiện. Và một khi có sự tranh chấp, kiện tụng đối với văn bản, giấy tờ đó thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyền xem xét, nếu phát hiện thấy nội dung văn bản, giấy tờ đó vi phạm pháp luật hoặc có những căn cứ pháp lý mới chưa được xác định trong văn bản khi Công chứng viên thực hiện hành vi Công chứng thì có quyền tuyên bố bác bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản, giấy tờ đó.

Ví dụ như có một việc kiện vê “giấy khai nhận di sản thừa kế” đã được lập và chứng nhận tại Phòng Công chứng, thì Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền có quyền xem xét, nếu có đủ các chứng cứ để khẳng định rằng khi lập và chứng nhận “giấy khai nhận thừa kế” này, Công chứng viên đã bỏ sót người được hưởng thừa kế hoặc là di sản thừa kế được ghi nhận trong giấy tờ không đúng như thực tế, vì vậy mà ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của những người thừa kế hợp pháp, thì Toà án có quyền tuyên bố bác bỏ một phần hoặc toàn bộ “Giấy khai nhận di sản thừa kế” đó. Mặt khác nếu không có đủ chứng cứ để khẳng định rằng nội dung của “giấy khai nhân di sản thừa kế” đó là không đúng pháp luật, thì Toà án cũng không có quyền bác bỏ mà phải yêu cầu các bên được sự thực hiện đúng theo những điều khoản đã ghi trong “giấy khai nhận di sản thừa kế” đó.

- Vấn đề thứ 2 là: Theo Điều 15 Nghị định 45-HĐBT thì hiện nay tại các Phòng Công chứng Nhà nước đang thực hiện các hành vi công chứng sau.

1. Chứng nhận các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác;

2. Chứng nhận giấy uỷ quyền;

3. Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia di sản;

4. Chứng nhận tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của vợ chồng;

5. Chứng nhận khánh nghị hàng hải;

6. Chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu;

7. Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

8. Cấp bản sao văn bản Công chứng và giấy tờ tài liệu hiện đang lưu giữ;

9. Nhận giữ giấy tờ, tài liệu;

10. Các việc Công chứng khác do pháp luật quy định.

Vấn đề đặt ra là: Tất cả các hành vi Công chứng nói trên đều có giá trị pháp lý như nhau không?

Quan thực tế hoạt động và căn cứ vào trình tự thực hiện các việc làm công chứng chúng tôi thấy rằng cần phân chia các hành vi công chứng nói trên thành 2 nhóm hành vi công chứng sau:

- Nhóm hành vi Công chứng những loại văn bản, giấy tờ được lập và chứng nhận tại Phòng Công chứng Nhà nước: Chứng nhận các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, các loại hợp đồng khác, chứng nhận di chúc, khước từ, nhường quyền hưởng di sản thừa kế, thuận phân chia di sản thừa kế, chứng nhận uỷ quyền, chứng nhận tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.

Nhóm hành vi Công chứng này thuộc loại Công chứng mang tính chất nội dung; vì rằng những văn bản, giấy tờ này đã được Công chứng viên chứng nhận đảm bảo tính xác thực của các quan hệ, các sự kiện pháp lý các quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự theo đúng luật pháp của Nhà nước. Do đó đối với các loại văn bản, giấy tờ này có giá trị thực hiện đối với tất cả các cơ quan và cá nhân.

- Nhóm hành vi công chứng thứ hai: là nhóm gồm các loại văn bản, giấy tờ mà khi thực hiện hành vi công chứng, công chứng viên chỉ có thể chứng nhận sự có thực của các sự viêc, hiện tượng hoặc giấy tờ, tài liệu đó (như: chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký người dịch, chứng nhận chữ ký của đương sự, chứng nhận kháng nghị hàng hải). Ví dụ: Đối với một bản sao khi đã được Công chứng thì bản sao đó có giá trị chứng minh rằng: trên thực tế có bản chính và nội dung của bản chính đó đúng hoàn toàn với nội dung của bản sao này. Còn nội dung của văn bản đó có được chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận văn bản đó.

Như vậy những văn bản, giấy tờ thuộc nhóm này được thực hiện theo tính chất công chứng hình thức, và như vậy nó chỉ có giá trị chứng cứ mà hoàn toàn không có giá trị thực hiện.

Nói tóm lại: Đối với việc xác định giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ Công chứng ở nước ta hiện nay, theo chứng tôi cần phải căn cứ vào trình tự, thủ tục pháp lý (nếu có thể gọi là trình tự tố tụng công chứng như luật công chứng của Cộng hoà dân chủ Đức - cũ ) để xác định cụ thể giá trị pháp lý của từng loại văn bản, giấy tờ công chứng như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Và như vậy, thì việc quy định về giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ công chứng như Điều 2 của Nghị định 45-HĐBT là chưa cụ thể và chưa chính xác; vì Điều 2 của Nghị định 45-HĐBT quy định rằng “các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ”.

Như chúng ta đã biết “chứng cứ là cái cụ thể  (như lời nói hoặc việc làm, vật làm chứng, tài liệu v.v..) tỏ rõ điều gì đó là có thật” (từ diển tiếng Việt - Nhà xuất bản khoa học xã hội 1998 trang 212). Một văn bản, gấy tờ có giá trị chứng cứtức là văn bản, giấy tờ đó chỉ có giá trị chứng minh rằng nó là có thật, còn nó có được thực hiện hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứng cứ khác nữa .

Ví dụ: Theo Điều 17, 18 của Pháp lệnh thừa kế thì di chúc viết không có chứng thực, xác nhận của các co quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc di chúc miệng vẫn được coi là một chứng cứ, nhưng nó được coi là hợp pháp (tức là có giá trị thực hiện như những di chúc được lập có chứng thực, xác nhận hay không) lại còn phụ thuộc vào các chứng cứ khác nhằm chứng minh rằng khi lập di chúc đó, người lập di chúc ở trong trạng thái hoàn toàn tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn, không bị lừa dối và nội dung của di chúc đó không trái với quy địng của pháp luật.

 

III.- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT:

1) Hiện nay những văn bản của Nhà nước ta về lĩnh vực công chứng còn quá thiếu, hình thức văn bản lại quá thấp (mới ở hình thức Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng) vì vậy Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành luật  về công chứng Nhà nước, trong đó cần có quy định rõ ràng, cụ thể trình tự thủ tục (hay có thể gọi là trình tự tố tụng công chứng) để tiến hành từng loại hành vi công chứng, có như vậy thì các công chứng viên mới thấy rõ được trách nhiệm, quyền hạn của mình trong khi thực hiện hành vi công chứng; đòng thời cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước cũng như công dân giám sát được những việc làm của các công chứng viên có đúng pháp luật hay không.

Trên cơ sở quy định cụ thể về trình tự, thủ tụccông chứng, mà quy định rõ gia trị pháp lý của từng laọi văn bản công chứng (như loại văn bản, giấy tờ nào khi đã được công chứngthì có giá trị thực hiện; còn loại văn bản nào có giá trị chứng cứ).

2) Trong bộ luật dân sự mà Nhà nước ta đang soạn thảo, cần quy định rõ những loại văn bản, giáy tờ gì nhất thiết bắt buộc phải đựoc công chứng, còn những loại văn bản giâý tờ gì thì không bắt buộc phải qua công chứng. Có như vậy thì mới đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản giấy tờ đó theo đúng luật định.

3) Nhà nước cần sớm có bộ luật về hành chính, để đảm bảo cho các trình tự thủ tục ban hành, quản lý các văn bản cũng như các loại biểu mẫu của Nhà nước mang tính đồng bộ, thống nhất trong cả nước, tránh được tình trạng thiếu đồng bộ, chồng chéo như hiện nay.

 

 

CÔNG CHỨNG VỚI VIỆC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC QUAN HỆ HỢP ĐỒNG Ở NƯỚC TA

 

                   Bùi Ngọc Toàn

                (Trọng tài Kinh tế Nhà nước)

 

Sau những năm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới nền kinh tế nước ta từ nền kinh tế tập trung theo kế hoạch sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hiện nay chúng ta đã đạt được  những thành tích đáng kể trên các mặt của đời sống xã hội. Từ chỗ người dân hầu như chỉ biết đến và chỉ có thể tham gia các quan hệ hành chính, cấp phát - giao nọp thì ngày nay họ đã thực sự trở thành chủ thể có các quyền cơ bản để tham gia một cách rộng rãi các quan hệ giao dịch - sản xuất thương  mại. Ngược lại, trước đây người dân chỉ biết đến các cơ quan, đơn vị quốc doanh, Nhà nước mới có quyền tham gia quan hệ thương mại thì bây giờ chính họ lại trở thành một chủ thể bình đẳng với tổ chức cơ quan Nhà nước khác, trong việc thiết lập và thực hiện các quan hệ kinh doanh, buôn bán.

Sự thay đổi địa vị pháp lý theo chủ trương mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật chính là  điều kiện cơ bản thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Người dân cũng như các tổ chức khác đòi hỏi Nhà nước phải có những biện pháp quản lý hữu hiệu để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng đồi thời, Nhà nước với tư cách là một bộ máy cai trị, cũng đòi hỏi phải có những thay đổi trong cơ chế quản lý để một mặt, đáp ứng các yêu cầu của nhân dân, và mặt khác phải bảo đảm giữ gìn trật tự kỷ cương luật pháp phù hợp với điều kiện mới của nền kinh tế hàng hoá, khuyến khích phát triển kinh doanh thương mại.

Một trong các yêu cầu của quản lý Nhà nước hiện nay là phải tăng cường vai trò của công chứng Nhà nước với tư cách là một biện pháp quản lý nhằm “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cảu công dân và cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (1).

I.- CÔNG CHỨNG ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG TRONG THỜI KỲ THỰC HIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TẬP TRUNG THEO KẾ HOẠCH.

1/ Những đặc nét cảu hợp đồng dân sự:

Các quan hệ hợp đồng dân sự chính thức được pháp luật điều chỉnh thông qua việc Nhà nước ban hành pháp lệnh hợp đồng dân sự ngày 7/5/91. Tuy nhiên trước đó, mặc dù chưa có hay có một số văn bản dưới luật điều chỉnh một vài loại hợp đồng cụ thể thì hợp đồng dân sự với tính cach là một hình thức cụ thể của các quan hệ hành tiền vẫn luôn tồn tại và phát triển trong các giai đoạn của đất nước ta từ trước đến nay.

Trong cơ chế quản lý theo kiểu tập trung quan liêu bao cấp, một số chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã quyết định đến việc hình thành và phát triênr các quan hệ hợp đồng dân sự ở nước ta.

Có thể nêu ra một số chính sách cơ bản:

- Không thừa nhận sở hữu tư bản tư nhận;

- Công nhận sở hữu cá nhân;

- Ngăn cấm việc kinh doanh, buôn bán, đầu cơ, tích luỹ của các cá nhân;

- Nhà nước độc quyền về kinh doanh, buôn bán nhưng lại theo cách cấp phát, giao nộp - bù lỗ.

Như vậy trên thực tế đã tồn tại loại quan hệ:

- Quan hệ hợp đồng giữa người dân với các tổ chức kinh tế - Nhà nước và tập thể trong việc mua bán hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

- Quan hệ hợp đồng giữa những người dân với nhau để phục vụ hỗ trợ đời sống thường ngày.

- Quan hệ kinh tế (cấp phát giao nộp) giữa các đơn vị kinh tế của Nhà nước với nhau và với các tổ chức kinh tế tập thể (cung ứng vật tư hàng hoá, vận chuyển xây dựng cơ bản, thu mua nông lâm, thổ sản...).

Nhưng cũng cần phải thừa nhận là vẫn tồn tại và phát triển các quan hệ mua bán hàng hoá giữa người dân với nhau và giữa họ với các tổ chức kinh tế xã hội, tập thể dưới hình thức kinh tế ngầm, trái pháp luật.

Trên cơ sở hình thành các nhóm quan hệ xã hội như vậy các nhà luật đã phân chia: quan hệ hợp đồng dân sự và quan hệ hợp đồng kinh tế.

Quan hệ hợp đồng dân sự là những quan hệ hợp đồng giữa các cá nhân với nhau, giữa họ với các pháp nhân khác với mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt tron đời sống hàng ngày. Ngày nay, mặc dù đời sống đã có nhiều biến chuyển, các cá nhân có thể tham gia sản xuất buôn bán như mọi chủ thể khác, những dấu ấn về hợp đồng dân sự trước đây vẫn phản ánh rõ nét tại Điều 1 của Pháp lệnh hợp đồng dân sự. “Hợp đồng dân sự là thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay mượn, tặng cho tài sản; hoãn hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng”.

Có thể nói, trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, quan hệ hợp đồng dân sự có những đặc nét lớn:

- Mục đích của việc hình thành hợp đồng hầu như chỉ hạn hẹp trong phạm vi phục vụ tiêu dùng hàng ngày. Ví dụ như mua bán cái kim, sợi chỉ, quân áo, giầy dép, chăn màn, lương thực, thực phẩm...

- Quan hệ hợp đồng về cơ bản là giữa người dân với Nhà nước và tổ chức tập thể.

Tư đó dẫn đến hệ quả:

- Giá trị của đối tượng hợp đồng không lớn (trừ một số rất ít trường hợp giá trị hợp đồng lớn và có văn bản hợp đồng như việc mua bán, thuê mượn nhà cửa).

- Hình thức hợp đồng chủ yếu là thoả thuận miệng;

- Trao đồi bằng tiền mang tính nhất thời, trao tiền, trao hàng là kết thúc hợp đồng, không có các trường hợp trả bằng cách thanh toán quan ngân hàng và nợ nần lớn, kéo dài;

- Hầu như có ít tranh chấp hợp đồng và nếu có cũng được giải quyết cơ bản theo hình thức thoả thuận hoặc bằng con đường hành chính (ngoài Toà án).

Như vậy thực tế tồn tại của các quan hệ hợp đồngdân sự trong thời kỳ này chưa thật cần thiết đòi hỏi phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân giống như ở các nơi có nền kinh tế thị trường. Ngoài những nguyên nhân khác khiến cho công chứng chưa thể đóng vai trò quan trọngtrong các quan hệ hợp đồng còn có nguyên nhân do  chính cách thức quản lý cũ đưa lại. Đó là việc thu hẹp và đơn giản hoá đáng kể các quan hệ giao dịch của những người dân và các tổ chức khác.Đời sống con người nghèo nàn, lạc hậu, thiếu mất sự chủ động sáng tạo trong việc phát huy dân chủ.

 

 

 

2/ Đặc điểm của hợp đồng kinh tế:

Nếu như hợp đồng dân sự trong cơ chế cũ bị hạn chế về phạm vi và quy mô thì ngược lại, hợp đồng kinh tế lại trở thành công cụ quản lý quan trọng của Nhà nước đối với kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.

Đặc trưng của  hợp đồng kinh tế trong thời kỳ này gồm:

- Chủ thể phải là các tổ chức cơ quan, đơn vị thuộc thành phần sở hữu Nhà nứơc và tập thể

- Các hợp đồng có mục đích xây dựng và thực hiện kế hoạch pháp lệnh Nhà nước;

- Ký kết hợp đồng, thay đổi, huỷ bỏ hợp đồng phải đúng theo quy định của pháp luật;

- Việc ký kết thực hiện hợp đồng là một nghĩa vụ của các bên.

Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ, Uỷ ban nhân dân) đã tha nhf lập các tổ chức quản lý việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế theo đúng kế hoạch và luật pháp, đó là cơ quan trọng tài kinh tế.

Có thể nói, trong thời kỳ thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hầu như mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ đều chỉ biết đến  hợp đồng kinh tế  chứ không chú ý đến hợp đồng dân sự.

Như vậy, công chứng với tính cách là biện pháp bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị, cơ quan Nhà nước đã không thể đóng vai trò gì trong việc ký kết, thay đổi hay huỷ bỏ hợp đồng kinh tế. Nhà nước không có chủ trương đưa việc công chứng trên lĩnh vực hợp đồng kinh tế, hơn nữa đã có thời gian Nhà nước trực tiếp giao cho các cơ quan Trọng tài kinh tế thực hiện đăng ký bắt buộc các hợp đồng kinh tế để quản lý số lượng, nội dung ký kết  hợp đồng kinh tế (1984-1985), về thực chất đăng ký hợp đồng cũng là một loại công chứng bắt buộc đối với việc đăng ký hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên biện pháp đăng ký hợp đồng này đã bị huỷ bỏ vì hạn chế đến quyền tự chủ kinh doanh của các đơn vị kinh tế.

Nhìn chung, trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các quan hệ hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự đựoc hình thành với những đặc điểm riêng của nó mà không cần có vai trò của Công chứng Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia.

Trên lĩnh vực hợp đồng dân sự, chỉ có thể áp dụng được việc Công chứng bắt buộc đối với một vài loại hợp đồng mua bán, thuê mướn nhà đất nhưng kết quả cũng không cao.

II.- CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HỢP ĐỒNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Ở NƯỚC TA:

1/ Đặc điểm các quan hệ hợp đồng hiện nay:

Trong thời gian qua, kể từ sau Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần  thứ VI (1986) đất nước ta đang chuyển mạnh từ nền kinh tế tập chung sang nền kinh tế thị trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Chủ chương mọi  thành phần kinh tế đều được tự do kinh doanh theo đúng pháp luật trên cơ sở đều bình đẳng trước pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cơ ban cho sự phát triển một nền kinh tế ở nước ta.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh diễn ra sôi nổi ở khắp đất nước, mọi người dân tuỳ theo khả năng chuyên môn và mức độ vốn liêng đều có thể tham gia sản xuất lưu thông hàng hoá.

Trên phương diện nghiên cứu khoa học pháp lý, hiện tượng phân tách hợp kinh tế với hợp động dân sự trong cơ chế cũ đã ngày càng trở lên khó khăn. Nguyên nhân chính của việc xoá nhoà ranh rới giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự với tính cách là hai loại hợp đồng khác nhau về bản chất, nguyên tắc điều chỉnh chính là ở chỗ xoá bỏ chế độ độc quyền kinh doanh của các đơn vị quốc doanh, tập thể và tạo nên sự bình đẳng trong kinh doanh giữa mọi thành phần kinh tế với nhau. Có thể tìm thấy sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng dân sự ngay trong pháp lệnh hợp đồng dân sự. Điều 1 của Pháp lệnh khẳng định mục đích của hợp đồng dân sự chỉ là tiêu dùng, trong khi đó Điều 57 khoản 1 lại cho phép áp dụng Pháp lệnh đối với việc ký kết hợp đồng có mục đích kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

Hơn nữa, cùng với việc cho phép tự do kinh doanh, việc thừa nhận quyền sở hữu tư bản tư nhân của Nhà nước cũng đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân yên tâm bỏ vốn kinh doanh và tìm các biện pháp để bảo vệ uy tín, quyền sở hữu của mình và kèm theo là bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân con người.

Trên lĩnh vực hợp đồng, không chỉ hình thành các quan hệ vốn có như mua bán, xây dựng, vận tải... mà còn xuất hiện các quan hệ mới: quan hệ hợp đồng để thành lập các công ty, các quan hệ liên quan đến phá sản, giải thể công ty...

Đặc điểm của các quan hệ hợp đồng hiện nay trước hết phải kể đến là: chúng được thiết lập, thay đổi hay chấm dứt đều trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi giữa mọi cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Các tổ chức, cá nhân đều có thể ký hợp đồng để nhằm thể hiện tất cả những gì mà pháp luật không cấm đoán. Có nghĩa là mọi khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông, các đối tượng hợp đồng đều có thể được thoả thuận thực hiện.

- Giá trị tài sản chuyển dịch có độ lớn không hạn chế.

2/ Yêu cầu và nhiệm vụ của Công chứng trong giai đoạn hiện nay:

Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên, yêu cầu của quản lý Nhà nước đặt ra trên lĩnh vực Công chứng là:

- Phải đảm bảo khuyến khích mọi thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát sản xuất lưu thông hàng hoá;

- Góp phần bảo vệ quyền sở hữu của mọi thành phần kinh tế;

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ký kết và thực hiện hợp đồng, bảo đảm hài hoà 3 lợi ích của cá nhân, tập thể và Nhà nước.

Về nguyên tắc, cần phải xem xét quan hệ hợp là những quan hệ riêng tư không thể can thiệp vào các quá trình thiết lập và thực hiện chúng. Quan hệ hợp đồng chính là một biểu hiện cụ thể của quyền tự do kinh doanh; đó là tự do hợp đồng. Nói như vậy có nghĩa là hợp đồng chỉ được hình thành một khi các bên đã thoả thuận với nhau, nói cách khác là chỉ khi đã đạt được sự nhất trí (sự thống nhất về ý chí) giữa các bên.

Trên thực tế, trong quá trình tìm kiếm bạn hàng đã xuất hiện các loại quan hệ hợp đồng với các cấp độ khác nhau. Có những mối quan hệ đã trở thành chuyền thống, liên tục, ổn định bền vững và phát triển. Ở những quan hệ này độ tin cậy lẫn nhau đạt tới mức độ cao. Các bên nhiều khi không cần đến thủ tục hay hình thức ký kết hợp đồng thông thường mà có thể đơn giản hoá việc ký kết bằng văn bản thành thông qua điện tín, điện thoại.... Bên cạnh đó cũng có những quan hệ mới, phức tạp đòi hỏi phải thận trọng khi thiết lập và thực hiện để không bị thua thiệt hay bị lừa đảo.

Mặt khác cũng có những quan hệ hợp đồng về mặt quản lý đồi hỏi Nhà nước phải giám sát chặt chẽ vì lợi ích của Nhà nước, hoặc cũng vì lợi ích của chính các bên. Ở đây ngoài yếu tố trực tiếp tác động đến việc hình thành, thay đổi các quan hệ: đó là các bên, còn có các yếu tố thứ ba tác động đến các quan hệ đó là Nhà nước (thông qua các cơ quan chức năng).

Trong nhiều trường hợp, yếu tố Nhà nước đóng vai trò quyết định đến hiệu lực của hợp đồng hoặc đối với việc chuyển giao quyền sở hữu...

Như vậy, vấn đề Công chứng hợp đồng cũng không thể vượt lên trên các nhu cầu của xã hội. Công chứng xét cho cùng chỉ là một trong nhiều biện pháp bảo đảm quyền lợi cho các bên hợp đồng.

Phù hợp với nhu cầu trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của các đơn vị kinh tế, trước hết phải xác định là có hai loại Công chứng hợp đồng. Công chứng tự nguyện và Công chứng bắt buộc.

a) Công chứng tự nguyện:

Công chứng tự nguyện là loại Công chứng chỉ được tiến hành khi các bên hợp đồng có nhu cầu cần Công chứng. Loại Công chứng này cũng giống như nhiệm vụ xét xử của các vụ án dấn sự của Toà án, các vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế - Các cơ quan này chỉ thực thi nhiệm vụ giải quyết tranh chấp khi có đơn khiếu nại. Công chứng tự nguyện biểu hiện sự tôn trọng quyền tự quyết của các bên nhằm bảo vệ lợi ích của mình và nó trở thành một điều kiện trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng.

Công chứng tự nguyện mang tính chất như là một loại dịch vụ pháp lý đối với các bên hơn là một biện pháp quản lý Nhà nước. Cho nên Công chứng tự nguyện hợp đồng thông thường được các bên chủ động xác định về nội dung, quy mô địa điểm, thời gian Công chứng.

Nội dung việc Công chứng tự nguyện rất phong phú có thể các bên chỉ để nghị chính thực là giữa các bên có sự ký kết một bản hợp đồng với chữ ký của chính các bên (thông qua đại diện của các bên tại một địa điểm và một thời gian nhất định mà không yêu cầu phải xem xét đến nội dung hợp đồng).

Cũng có trường hợp các bên đề nghị chứng thực giữa các bên có thực hiện biện pháp bảo đảm hợp đồng: cầm cố bảo lãnh tài sản hay đặt cọc hoặc thế chấp tài sản với số tiền, số tài sản, đặc điểm tính chất của tài sản... Nhìn chung các bên có thể yêu cầu Công chứng các vấn đề cần thiết phát sinh không chỉ lúc ký kết hợp đồng mà trong cả quá trình thực hiện hợp đồng nữa.

Ở mọi trường hợp Công chứng tự nguyện, Công chứng đóng vai trò như một nhân chứng chứng kiến các sự kiện, hành vi pháp lý xẩy ra trong một số trường hợp, Công chứng đóng vai trò là người giám định trong phạm vi hạn hẹp. Vì thế những vụ việc được công chứng có giá trị như chứng cư hợp pháp trong những trường hợp giải quyết tranh chấp.

Về phía cơ quan Công chứng, sau khi đã nhận được đề nghị Công chứng thì mọi hoạt động nhằm đạt được kết quả theo để nghị lại do cơ quan này chủ động đề xuất và tiến hành. Chẳng hạn khi Công chứng vấn đề ký kết hợp đồng, người có thẩm quyền công chứng phải xem xét đến năng lực pháp lý, năng lực hành vi của người ký kết, kiểm tra nhân thân của các bên nhằm đảm bảo sự bình đẳng và thoả thuận giưã các bên.

Thật là không đúng khi cho rằng một khi có yêu cầu Công chứng thì Công chứng phải thực hiện tất cả các khía cạnh liên quan đến việc ký kết hợp đồng (cả về hình thức lẫn nội dung). Vì lý do:

Thứ nhất, làm như vậy là can thiệp vô cớ vào các hoạt động riêng tư của các bên ký hợp đồng, không tôn trọng quyền tự quết của các bên và tính tự chịu trách nhiệm của các bên với nhau và vơí Nhà nước. Trước hết công chứng theo cách nói trên là không thể phù hợp với lợi ích của các bên và  không phát triển được loại công chứng này bởi vì nó không hấp dẫn.

Thứ hai, xét về mặt chất lưọng, công chứng hiểu theo kiểu xem  xét tính hợp pháp của các thoả thuận sẽ  không thể đem lại kết quả tốt bởi vì giữa thực tế giao dịch phong phú và sự hiểu biết hạn hẹp của một số lượng ít ỏi các cá nhân có thẩm quyền luôn có những khoảng cách có thể khắc phục nổi. Hơn nữa, tính hợp pháp đòi hỏi phải xem xét nhiều khía cạnh và phải quyết được (ra quyết định) về sự hợp pháp đó thì đây không thuộc thẩm quyền của công chứng. Nếu ra quyền cho công chứng quyết định điều này, ý kia của hợp đồng là hợp pháp hay khônh hợp pháp thì có nghĩa là biến cơ quan công chứng thành cơ quan xét xử. Trong khi đó, quyền quyết định chính là ở toà án và chỉ có toà án mới làm đựoc điều này (hiện nay còn có trọng tài kinh tế). Đặt trường hợp một hợp đồng đã được công chứng về nội dung, sau đó ra xét xử Toà án xác định đây là hợp đồng vô hiệu thì phải giải quyết ra sao? rõ ràng là giao cho công chứng xác nhận tính hợp pháp của nội dung hợp đồng là một vấn đề cần nghiên cứu thêm.

b) Công chứng bắt buộc:

Hình thức công chứng bắt buộc là một biện pháp thực hiện một khâu quản lý của Nhà nước đối với một vấn đề quan trọng. Trong thực tế nhiều năm qua, Công chứng bắt buộc thường được tiến hành đối với một số loại hợp đồng cụ thể. Đó là hợp đồng mua bán nhà cửa, thuê mượn nhà đất, mua bán các loại phương tiện đi lại như tầu thuyền, ôtô, xe máy, súng săn, video... Tóm lại Công chứng bắt buộc gắn với việc chuyển quyền sở hữu hay sử dụng giữa các bên tham gia hợp đồng.

Xét trong toàn khâu quản lý Nhà nước đối với việc chuyển dịch một số đối tượng hợp đồng, Công chứng không phải là mục đích mà chỉ là biện pháp thực hiện quản lý. Điều đó có nghĩa là Công chứng là khâu bắt buộc để thực hiện quyền sở hữu trong hợp đồng. Nhưng nếu như bản thân các bên hợp đồng từ chối việc chuyển giao quyền sở hữu theo quy định thì Công chứng cũng không có ý nghĩa bắt buộc nữa.

Chẳng hạn trên lĩnh vực mua bán nhà cửa, từ lâu, Nhà nước xác định nhà cửa là loại bất động sản có giá trị cao và liên quan đến vấn đề quản lý, quy hoạch đô thị, quản lý hộ khẩu. Vì thế cần phải có sự giám sát của Nhà nước. Mặt khác, cũng do giá trị tài sản lớn, Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ việc mua bán nhà cửa để tiện thu thuế, gắn liền việc thu thuế với việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà cửa.

Trong các trường hợp mua bán nhà cửa (bất động sản) thuộc diện quản lý của Nhà nước, việc chuyển quyền sở hữu, không được thực hiện một cách tự nhiên giữa hai chủ thể mà phải có sự công nhận của Nhà nước thì mới coi là hợp pháp. Trong các khâu của mua bán nhà cửa Công chứng đóng vai trò xác thực việc mua bán để làm cơ sở cho việc thực hiện thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu.

Do đó, bắt buộc phải Công chứng thì mới có thể hoàn tất việc mua bán nhà cửa. Các bên, vì quyền lợi của mình phải tiến hành yêu cầu Công chứng.

 Phạm vi Công chứng bắt buộc mở rộng hay thu hẹp và nhằm vào đối tượng nào là tuỳ thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ quản lý của Nhà nước trong từng giai đoạn. Nếu như trước đây, yêu cầu Công chứng bắt buộc đối với việc mua bán radio casselt, xe đạp thì giờ đây, việc này đã được chấm dứt; ngược lại, việc Công chứng mua bán đầu Video, lại trở nên bắt buộc.

Trong lĩnh vực công ty, việc thành lập một công ty đòi hỏi phải có sự thoả thuận của các thành viên và công chứng giá bất động sản của các bên tham gia là bắt buộc...

Trong cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, vài trò Công chứng bắt buộc là rất quan trọng. Nó giúp cho Nhà nước quản lý tất các khâu quan trọng của quá trình định hướng bình ổn và phát triển xã hội. Tuy nhiên, nếu như quan lý Nhà nước không tốt, áp dụng quá nhiều hình thức bắt buộc cứng nhắc thì Công chứng không những không phát huy được vai trò mà trở nên cản trở đối với việc bảo vệ quyền là lợi ích của các đơn vị kinh tế.

III.- NHỮNG BIỆN PHÁP NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CÔNG CHỨNG ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG TRONG THỜI GIAN TỚI.

Công chứng đối với hợp đồng hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn phức tạp.

Đại đa số người dân nước ta (chiếm hơn 80%) là còn sống ở các vùng nông thôn, miền núi, ý thức pháp luật rất thấp. Rất nhiều người chưa được học chữ, chưa hiểu biết pháp luật cơ bản và cũng chưa ý thức được mình có các quyền với nghĩa vụ gì do Nhà nước quy định. Do vậy, thực tiễn hợp đồng giữa họ với nhau cũng rất đơn giản, chỉ diễn ra giữa các bên thông qua văn tự và cũng có khi có người làm chứng mà không cần có các thủ tục khác. Ngay chính quyền địa phương cũng không muốn can thiệp vào công việc riêng tư của các bên.

Hơn nữa, chúng ta còn chưa có những pháp luật cụ thể để thể chế hoá chủ trương thừa nhận quyền sở hữu tư nhân, cụ thể hoá vấn đề sở hữu đối với các xí nghiệp quốc doanh như luật dân sự. Luật thương mại, Luật phá sản... cho nên trên thực tế, chưa thực sự tuân thủ nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa  các cá nhân, tư nhân với các tổ chức quốc doanh và tập thể. Vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức quốc doanh và tập thể. Vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức quốc doanh có hệ thống pháp luật riêng, còn các tổ chức, đơn vị của tư nhân cũng có hệ thống pháp luật dành riêng cho họ. Và lẽ dĩ nhiên, mối quan hệ giao lưu giữa một bên là các đơn vị, tổ chức quốc doanh với bên kia là các tư nhân đang gặp phải những mâu thuẫn lớn do xung đột giữa hai hệ thống pháp luật. Những khó khăn trên không thể khắc phục ngay được mà phải có thời gian. Như vậy, cần xác định các biện pháp nâng cao vai trò của Công chứng đối với các hợp đồng theo các hướng sau:

1/ Những biện pháp cần thiết trước mắt:

- Cần phải đầu tư xây dựng các chương trình tuyên truyền, quảng cáo về công chứng, nêu những lợi ích chủ yếu của việc Công chứng đối với vấn đề bảo vệ các quyền của các bên ký kết hợp đồng cần phải xác định Công chứng là một dịch vụ pháp lý đặc biệt bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chứuc và góp phần quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật.

- Cần cải tiến phương thức hoạt động Công chứng sao cho không bị cứng nhắc, mà phải mềm dẻo, linh hoạt. Chẳng hạn cần tạo điều kiện và khuyến khích Công chứng ngay tại nơi có yêu cầu chứ không cần phải để Công chứng tại cơ quan Công chứng.

- Cần tiếp tục tăng cường các cán bộ (Công chứng viên) có năng lực thực sự để bảo đảm Công chứng khách quan, đúng pháp luật, kịp thời.

Tóm lại, cần phải sửa đổi một số quy định cũng như bổ sung các quy định mới hoặc cụ thể hoá các quy định đã có để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Công chứng trong thời gian tới.

2/ Những biện pháp lâu dài nhằm nâng cao vai trò Công chứng.

- Trước hết cần tiếp tục cải cách hệ thống pháp luật nước ta cho phù hợp với yêu cầu chuyển sang cơ chế thị trường. Đặc biệt là phải xác định rõ ràng các nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do hợp đồng gắn liền với nguyên tắc bình đẳng thoả thuận và cùng có lợi và phải thể hiện chúng trong các điều luật cơ bản: Luật dấn sự - tố tụng dấn sự. Đây là Bộ luật chính đối với việc bảo vệ quyền sở hữu của các thành phần trong xã hội và là cơ sở pháp lý vững chắc để thông qua đó thúc đẩy hoạt động công chứng phát triển;

- Song song với việc xây dựng các Bộ luật hay luật quan trọng để tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, cần ban hành Luật Công chứng, trong đó cần đa dạng hoá các hình thức tổ chức và hoạt động của Công chứng. Cần quan tâm đến khía cạnh của hoạt động Công chứng theo hình thực tổ chức hội, tư nhân, tạo điều kiện thực hiện sâu rộng mạng lưới Công chứng tới tận cơ sở xã phường. Đặc biệt là còn có những quy định nghiêm ngặt, thậm chí cần có bổ sung những điều khoản của Bộ luật hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật về toàn bộ các loại hợp đồng cần Công chứng, tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho người dân và lợi ích của người dân./.

 

TIÊU CHUẨN, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ

CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN

 

                    Trần Hữu Thắng

                 (Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ)

 

1- Một vài nét về đội ngũ Công chứng viên:

Sau một thời gian khá dài, chúng ta không có tổ chức Công chứng Nhà nước, mà sử dụng Uỷ ban hành chính các cấp và sau này là Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng Công chứng Nhà nước (tuy không đầy đủ). Trong vai năm gần đây, chúng ta tổ chức lại hệ thống Công chứng Nhà nước và từng bước triển khai hệ thống đó trong cả nước.

Công tác Công chứng đã tồn tại khá lâi, ở nhiều nước trên thế giới và đối với Việt Nam, khi chúng ta bắt tay vào công việc này cũng còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu những hiểu biết cơ bản trong cán bộ và phổ cập rộng đến toàn dân. Chính vì vậy mà đội ngũ Công chứng viên còn khá non trẻ so với các đội ngũ cán bộ khác.

Sau đây là một số đặc điểm của đội ngũ Công chứng viên so với đội ngũ Công chức Nhà nước nói chung:

- Đội ngũ Công chứng viên nhìn chung số lượng còn ít, trong khi đội ngũ công chức thì quá đông mà chất lượng thấp;

- Công chứng viên nhìn chung được đào tạo, có kiến thức về quản lý Nhà nước và pháp luật, trong khi đội ngũ công chức Nhà nước ít được đào tạo, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước và pháp luật;

- Số đông Công chứng viên còn thiếu kinh nghiệm công tác do mới tham gia công việc này và tuổi đời bình quân còn khá trẻ so với đội ngũ công chức ngành khác có cùng tính chất công việc (thẩm phán Toà án...);

- Công tác công chứng là một công việc phức tạp, đòi hỏi kiến thức khá toàn diện, lại có kinh nghiệm sống phong phú thì mới vững tin trong nghề nghiệp. Song số công chứng đap ứng được yêu cầu trên còn ít, nên hiệu quả công ta chưa cao.

Hoạt động của cơ quan Công chứng Nhà nước mà kết quả được thể hiện qua việc làm của các Công chứng viên, đây cũng là nét đặc thù của loại công việc này. Do đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam cần có đội ngũ Công chứng viên giỏi, vững vàng, thành thạo nghiệp vụ để xác nhận tính đích thực của các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ các quyền sở hữu, thừa kế, quan hệ tài sản. Điều đó, đòi hỏi ở các Công chứng viên không chỉ có trình độ chung là đã có bằng Đại học Pháp lý như ở nước ta chẳng hạn; mà đòi hỏi phải có tiêu chuẩn cụ thể, được tuyện dụng theo quy trình ngặt nghèo, có nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng và chế độ đãi ngộ thoả đáng.

2- Tiếu chuẩn -  bổ nhiệm Công chứng viên:

a) Tiêu chuẩn - các điều kiện cần có:

1. Là công dân Việt Nam.

2. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tư cách tốt; có lịch sử bản thân rõ ràng. Tuổi từ 30 trở lên.

3. Có kiến thức xã hội rộng, nhạy cảm chính trị, hiểu biết các chủ trương, chính sách của Nhà nước và tâm lý xã hội.

4. Tốt nghiệp Đại học Pháp lý.

5. Có thời gian tối thiểu 7 năm công tác trong ngành pháp luật và tốt nghiệp khoá đào tạo nghiệp vụ Công chứng Nhà nước.

6. Biết sử dụng thông thạo tối thiểu một ngoại ngữ cho công tác chuyên môn.

Các điều kiện cần có đối với Công chứng viên:

- Có đủ sức khoẻ để đảm nhiệm công việc; không được thực thi công vụ khi trạng thái sức khoả làm ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng giải quyết công việc.

- Có lối sống lành mạnh, trung thực, không bị các hình thức kỷ luật về hành chính (cách chức, bãi miễn), về hình sự. Không vi phạm các quy định về tội tham nhũng, nhận hối lộ.

- Công chứng viên phải qua tuyển chọn do Hội đồng tuyển chọn quốc gia xét duyệt và định kỳ có sát hạch để chuyển ngạch. Công chứng viên đủ điều kiện được chuyển ngạch (nâng bậc), được giữ cương vị cao hơn hoặc có thể bị giáng ngạch hoặc buộc thôi đảm nhận công việc nếu không đủ khả năng hoăc không xứng đáng với cương vị của mình.

Khi xét đến tiêu chuẩn của Công chứng viên, có đề cập đến tuổi đời của họ bởi lẽ cần có ít nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống thực tiễn và am hiểu các mặt hoạt động của xã hội. Điều kiện cần có cho Công chứng viên phải nói đến sức khoẻ, trạng thái tinh thần của họ khi làm việc. Những bệnh kinh niên, bệnh có liên quan đến thần kinh làm ảnh hưởng sức khoẻ càn được khám, điều trị, không để Công chứng viên trong điều kiện sức khoẻ không đảm bảo.

b) Bổ nhiệm Công chứng viên:

Tổ chức thi tuyển:

Thành lập Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Ban hành Quy chế tuyển chọn Công chứng viên. Dựa vào Quy chế tiến hành việc thi tuyển Công chứng viên theo 3 bước:

- Bước  một: Xét hồ sơ, đối chiếu các tiêu chuẩn đã quy định như đã nói ở trên, xét các điều kiện cần phải có đối với người Công chứng viên.

- Bước hai: Những người đã qua bước một, có danh sách để dự thi tuyển sẽ được thông báo trước về thời gian, nội dung cần chuẩn bị và dự kỳ thi. Hình thức thi gồm thi viết, vấn đáp và kỹ năng thực hành qua các tình huống cụ thể.

- Bước ba: Công bố kết quả về tuyển chọn và ra quyết định bổ nhiệm chức danh Công chứng viên. Những người dự thi chưa đạt yêu cầu sẽ được nói rõ những vấn đề cần phải được tiếp tục hoàn thiện nếu muốn trở thành Công chứng viên và đăng ký dự thi vào kỳ khác. Hội đồng cũng sẽ công bố những người dự thi không đạt yêu cầu, kết quả thấp, không đủ khả năng và điều kiện để trở thành Công chứng viên và để họ tìm công việc thích hợp với khả năng của họ hoặc tiếp tục công việc đang làm trước khi họ dự thi.

Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên Nhà nước không trực tiếp phân công nhiệm vụ và nơi công tác của Công chứng viên trúng tuyển.

Bổ nhiệm Công chứng viên:

Chậm nhất một tháng sau khi Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên công bố kết quả, Công chứng viên trúng tuyển phải được bố trí việc làm tại cơ quan Công chứng Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Công chứng viên và phân công nơi công tác theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giám đốc Sở Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền điều động Công chứng viên từ địa phương này sang địa phương khác sau khi có sự thoả thuận của các địa phương đó.

Công chứng viên có quyền đề đạt nguyện vọng về nơi công tác của mình với cấp có thẩm quyền, song sau khi đã có quyết định phân công nơi công tác phải chấp hành nghiêm túc.

Công chứng viên phải qua thời gian tập sự 1 năm để vào các ngạch của Công chứng viên. Trước khi hết thời hạn phải có báo cáo nhận xét kết quả công việc và đánh giá của người phụ trách, quản lý Công chứng viên đó.

c) Cấp bậc công chứng viên:

Công chứng viên Nhà nước gồm 2 loại:

- Công chứng viên.

- Công chứng viên trưởng.

Công chứng viên có 3 bậc, bậc 1, bậc 2 và bậc 3 mỗi bậc là 3 năm. Công chứng viên trưởng có 2 bậc, bậc 1 và bậc 2; mỗi bậc là 4 năm.

Công chứng viên sau 1 năm tập sự sẽ được xép vào Công chứng viên bậc 1. Hết thời hạn 3 năm, Công chứng viên bậc 1 phải dự một kỳ sát hạch để chuyển bậc do Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên Nhà nước gửi yêu cầu và Sở Tư pháp tình, thành phố đứng ra tổ chức kỳ sát hạch. Nếu đạt yêu cầu sẽ được xếp vào bậc 2, nếu không đạt sẽ kéo dài 6 tháng rồi dự kỳ sát hạch lại.

Công chứng viên bậc 2 lên bậc 3 sau 3 năm, nếu không có khuyết điểm nghiêm trọng và đảm bảo yêu cầu công việc, không phải qua kỳ sát hạch.

Công chứng viên bậc 3, sau thời hạn 3 năm, nếu muốn chuyển ngạch sang Công chứng viên trưởng phải dự kỳ sát hạch để chuyển ngạch. Nội dung yêu cầu sát hạch do Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên Nhà nước đề ra và cử người trong thành viên Hội đồng về địa phương tham gia với Sở Tư pháp địa Phương để tổ chức kỳ sát hạch. Kết quả kỳ sát hạch sẽ được báo cáo về Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên Nhà nước xét và xác nhận kết quả kỳ sát hạch. Sau khi nhận được xác nhận kết quả sát hạch của Hội đồng tuyển chọn Công chứng viên Nhà nước, Công chứng viên bậc 3 sẽ được tuyển là ngạch Công chứng viên trưởng bậc 1.

Công chứng viên bậc 3 không đạt yêu cầu qua kỳ sát hạch sẽ tiếp tục công việc với Công chứng viên bậc 3 của mình và được đăng ký sát hạch lại sau 1 năm, nếu muốn dự kỳ tiếp. Nếu không muốn chuyển ngạch sang Công chứng viên trưởng thì Công chứng viên bậc 3 chỉ phải dự một lần sát hạch chuyển ngạch bắt buộc, sau đó sẽ tính thâm niên theo năm để hưởng lương ở bậc 3 cho tới khi nghỉ hưu nếu không có vi phạm kỷ luật.

Công chứng viên bậc 1, muốn lên bậc 2 mà thời gian ở bậc 1 mới là 1 năm hoặc 2 năm thì phải qua kỳ sát hạch và được cấp quản lý nhận xét và chấp nhận để dự sát hạch. Bậc 2 lên bậc 3 với thời hạn ngắn hơn 3 năm (song ít nhất cũng đã được 1 năm) cũng phải làm như bậc 1 lên bậc 2.

Công chứng viên trưởng bậc 1 sau 4 năm sẽ được chuyển sang bậc 2 nếu không có vi phạm kỷ luật. Nếu mới ở bậc 1 được 2 năm mà muốn chuyển sang bậc 2 thì phải qua kỳ sát hạch và được cấp quản lý nhận xét và chấp nhận để dự sát hạch. Công chứng viên trưởng bậc 2 sẽ được tính thâm niên công tác sau khi đã vào bậc vào tiền lương.

Phân loại theo các bậc 1; 2; 3 đối với Công chứng viên và bậc 1, 2 đối với Công chứng viên trưởng là để phân biệt mức lương và chế độ đãi ngộ cũng như phân giao công việc cho hợp lý. Còn tên gọi chung vẫn là: Công chứng viên và Công chứng viên trưởng, mà Công chứng viên trưởng trước hết phải là Công chứng viên, do đó dùng tên gọi Công chứng viên cho cả hai đối tượng là phù hợp.

3- Nghĩa vụ - quyền lợi của Công chứng viên:

a) Nghĩa vụ công chứng viên:

Nghĩa vụ của Công chứng viên là bổn phận, trách nhiệm của họ phải thực hiện  trước nhiệm vụ được giao. Nghĩa vụ của Công chứng viên gắn với thẩm quyền của Nhà nước giao theo luật định.

Thẩm quyền công chứng viên:

Thẩm quyền được giao cho Công chứng viên khi thi hành nhiệm vụ và được Nhà nước quy định bằng văn bản pháp quy. Thẩm quyền được giao cho Công chứng viên là do nhiệm vụ, chứ không phải do cá nhân, để tránh lạm dụng quyền hành, tự cho mình có quyền mà quên rằng thẩm quyền là do nhiệm vụ quy định. Do đó, thẩm quyền cũng chính là nghĩa vụ của Công chứng viên.

Thẩm quyền được xác định dựa trên nguyên tắc:

- Phục vụ lợi ích nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân;

- Hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao;

- Tuân thủ quy định của pháp luật.

Thẩm quyền Công chứng viên thể hiện trên các mặt:

- Yêu cầu được có đủ các giấy tờ, tài liệu cần thiết và có liên quan cho việc thực hiện công chứng theo quy định của trình tự, thủ tục thực hiện công chứng;

- Yêu cầu các cơ quan Nhà nước,  các tổ chức xã hội, kinh tế cung cấp các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ cần thiết để thực hiện công chứng và giúp Công chứng viên trong việc làm sáng tỏ hoặc giám định những vấn đề về kinh tế kỹ thuật;

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về công tác công chứng thể hiện trên những trường hợp được phép công chứng, những trường hợp không được phép công chứng và những trường hợp không thuộc phạm vi công chứng.

Nghĩa vụ công chứng viên:

- Làm tròn bổn phận theo chức trách được giao thể hiện bằng sự trung thành với Nhà nước, tận tâm phục vụ nhân dân tận tuỵ với công việc;

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về công tác công chứng do luật định. Thực hiện đúng quy chế làm việc, chấp hành sự phân công của cấp trên;

- Giữ bí mật về tài liệu và nội dung công chứng, những sự việc mà mình biết có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp đã quy định cho các cơ quan công chứng;

- Không được làm bất cứ điều gì có hại cho Nhà nước và thanh danh của công chứng viên. Không lợi dụng danh nghĩa công việc đang phụ trách để tiến hành các hoạt động tư lợi.

b) Quyền lợi công chứng viên:

Để đảm bảo cho Công chứng viên hoàn thành nhiệm vụ, Nhà nước phải quan tâm đến lợi ích vật chất, và lợi ích tinh thần bằng những quy định đãi ngộ thoả đáng đối với Công chứng viên.

Tiền lương: Công chứng viên với những tiêu chuẩn như đã nói ở trên, do tính chấp phức tạp của công việc nên chế độ tiền lương phải được xem xét thoả đáng, nhằm giúp Công chứng viên yên tâm làm viêc, đảm bảo cuộc sống của họ và không phải làm thêm những việc khác để đủ tiền lương dẫn đến méo mó nghề nghiệp và thanh danh của Công chứng viên.

Như đã trình bày ở phần trên, lương Công chứng viên trả theo bậc và ngạch; ngạch Công chứng viên có 3 bậc: 1; 2; 3 và ngạch Công chứng viên trưởng có 2 bậc: 1; 2. Hết bậc mà Công chứng viên không đủ điều kiện chuyển ngạch hoặc đã ở bậc cuối cùng rồi thì được chuyển sang chế độ thâm niên (mỗi năm công tác thêm 1% tiền lương).

Phụ cấp: Là khoản ngoài lương trả cho Công chứng viên khi đang làm việc tại cơ quan công chứng. Đó là phụ cấp trách nhiệm đối với Công chứng viên được đảm nhận chức trách quản lý, điều hành. Phụ cấp khi Công chứng viên được điều động đến công tác ở vùng xa xôi, có nhiều khó khăn; phụ cấp cho công tác phí và thâm niên công tác.

Nghỉ theo chế độ: Công chứng viên được chế độ nghỉ phép hàng năm; nghỉ ốm đau, bệnh tật, nghỉ đẻ (nữ), nghỉ ngày lễ, nghỉ để lo việc gia đình.

Chế độ nghỉ hưu: Công chứng viên đến tuổi nghỉ hưu thì được về hưu theo quy định của Nhà nước. Để đảm bảo quyền lợi cho Công chứng viên khi về hưu nên tính toán kết hợp 2 yếu tố: tuổi công tác và số năm công tác là Công chứng viên.

Quyền lợi tình thân:

- Được học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Được tham gia các kỳ thi sát hạch để nâng bậc và chuyển ngạch;

- Được khen thưởng khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Có sự đảm bảo và bảo vệ danh dự khi thi hành công vụ, bảo vệ an toàn và chăm lo sức khoẻ trong khi là việc.

C) Quản lý công chứng viên:

Thống nhất việc quản lý đội ngũ Công chứng viên trong phạm vi cả nước vào cơ quan Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ:

- Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Công chứng viên;

- Xây dựng tiêu chuẩn Công chứng viên;

- Phân công quản lý chức danh Công chứng viên ở các địa phương và theo dõi; kiểm tra việc quản lý đó của các địa phương;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Công chứng viên.

Công chứng viên phạm kỷ luật, tuỳ theo lỗi nhẹ hay nặng sẽ phải chịu một tróng những hình thức kỷ luật sau:

-        Khiển trách;

-        Cảnh cáo;

-        Cách chức Công chứng viên;

-        Buộc thôi việc.

Trường hợp phạm kỷ luật nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc thi hành kỷ luật ở hình thức cách chức, buộc thôi việc hoặc cao hơn phải đưa ra Hội đồng kỷ luật cơ quan xem xét. Do tính chất phức tạp của công việc nên khi Công chứng viên phạm khuyết điểm phải đưa ra Hội đồng kỷ luật xem xét thì bị tạm đình chỉ chức vụ Công chứng viên.

Công chứng viên có quyền khiếu nại về quyết định kỷ luật mình lên cấp trên cấp ra quyết định kỷ luật và cấp nhận đơn khiếu nại có trách nhiệm trả lời cho Công chứng viên.

Người phụ trách các cơ quan Công chứng Nhà nước sẽ được tuyển chọn trong số các Công chứng viên trưởng để bổ nhiệm và vẫn đảm nhận một phần công việc như những Công chứng viên trong công tác nghiệp vụ. Trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Công chứng viên phải quy định rõ trách nhiệm của Công chứng viên trưởng với tư cách là Công chứng viên khác; đồng thời quy định trách nhiệm, quyền hạn với tư cách là người phục trách cơ quan Công chứng Nhà nước, quản lý, điều hành hoạt động cơ quan theo quy định của Quy chế.

Để việc hoạt động của Công chứng viên có hiệu quả, cần sớm ban hành tiêu chuẩn Công chứng viên Nhà nước (cụ thể, trên nhiều phương diện), Quy chế tổ chức và hoạt động của Công chứng viên ./.

 

TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM, NHỮNG CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC HIỆN HOÀN THIỆN TỔ CHỨUC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC.

 

           Nguyễn Như Trình

          (Vụ luật sư, Công chứng, giám định, hộ tịch)

 

Mở đầu:

Nghiên cứu những vấn đền lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện tổ chức quản lý hoạt động Công chứng ở Việt Nam, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công chứng, có ý nghĩa rất quan trọng và rất cần thiết, là mỗi quan tâm của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, củac các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý.

Tổ chức quản lý Công chứng ở Việt Nam, tuy đã được hình thành từ thời Pháp thuộc, nhưng đến nay 1987 tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng ở nước ta mới được chính thức quy định tại một số văn bản của Nhà nước; đặc biệt, ngày 27 tháng 2 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 45-HĐBT “Về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước”.

Triển khai Nghị định 45 nói trên trong mấy năm qua ở Việt Nam, nhìn chung bước đầu đã có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của công dân và các tổ chức. Tuy nhiên trong thực tế triển khai tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng đã bộc lộ những thiếu sót, tồn tại cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn yêu cầu Công chứng ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta đã có những nhận thức đúng đắn về Nhà nước Pháp quyền, trong đó Nhà nước phải được tổ chức bằng pháp luật và hoạt động theo pháp luật. Vấn đề kiện toàn lại hệ thống tổ chức ngành tư pháp, trong đó có vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng Nhà nước không chỉ là vấn đề riêng của ngành Tư pháp mà phải được đặt trong tổng thể nhiệm vụ của toàn xã hội.

Vì vậy, nghiên cứu vấn đề tổ chức và quản lý Công chứng, những căn cứ và thực tiễn là nhằm tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và quản lý Công chứng ở nước ta; đưa ra những mô hình tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng phù hợp với điều kiện pháp triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, thực hiện đổi mới quản lý kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng.

 

I.- TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨC:

- Muốn xác định một cách khoa học hình thức tổ chức và các phương pháp quản lý hoạt động Công chứng, trước hết cần thấy rõ những tính chất, đặc điển của hoạt động này.

Hoạt động Công chứng ở ta hiện nay là hoạt động nghề nghiệp chuyên môn, do Công chứng viên thực hiện nhân danh Nhà nước; vì vậy đó là hoạt động mang tính chất Nhà nước, nhằm hướng tới mục đích là bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và trật tự pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp và vi phạm pháp luật; cung cấp các tài liệu có giá trị chứng cứ khi cần thiết để phục vụ việc giải quyết các tranh chấp.

Việc Công chứng do công chứng viên thực hiện nhân danh Nhà nước; công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về những việc Công chứng do mình thực hiện.

Để thực hiện các việc làm Công chứng, Nhà nước lập ra các Phòng Công chứng Nhà nước. Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan chuyên trách, được Nhà nước giao cho thực hiện một chức năng nhất định là Công chứng; ngoài chức năng này, Phòng Công chứng Nhà nước không thực hiện bất cứ chức năng nào khác. Vì vậy, cơ quan Công chứng không phải là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân và không phải là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, nên tổ chức Công chứng Nhà nước không thể tổ chức thành hệ thống giống như các cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý hành chính Nhà nước khác. Các việc Công chứng ở nước ngoài do cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện.

Hoạt động Công chứng phải tuân theo những quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm tính chính xác, khách quan, kịp thời và giữ bí mật.

Những yêu cầu trên đòi hỏi trách nhiệm to lớn của các công chứng viên và đặc ra những vấn đề rất quan trọng trong việc tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng.

Từ những tính chất, đặc điểm này, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng như thế nào, để vừa phát huy được chất lượng, hiệu quả của hoạt động Công chứng, vừa tránh được bộ máy tổ chức cồng kềnh, lãnh phí.

- Tại một số nước trên thế giới, để thực hiện các việc làm công chứng nhà nước đều bổ nhiệm các công chứng viên và lập ra hoặc cho phép lập ra các tổ chức công chứng. Tuy nhiên hình thức tổ chức có khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi nước, nhưng có những điểm chung, đó là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng Công chứng; ngoài chức năng này, tổ chức Công chứng không được thực hiện bất cứ chức năng nào khác. Các việc Công chứng ở nước ngoài đều do đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước đó ở nước ngoài thực hiện.

Ví dụ:

Ở Liên Xô (cũ) mỗi tỉnh có 1 hoặc một số Phòng Công chứng Nhà nước, ngoài ra ở thủ đo các nước Cộng hoà và tại trung tâm các tỉnh, vùng còn có Phòng Công chứng Nhà nước thứ nhât, Phòng này có nhiệm vụ thực hiện các việc làm Công chứng phức tạp, khó hơn như: chứng nhận bản sao các văn bản của các cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý Nhà nước tối cao Liên Xô, có liên quan đến quyền và lợi ích riêng của công dân, chứng nhận bản sao các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài ... Ở những nơi không có Phòng Công chứng Nhà nước, một số việc làm Công chứng đơn giản được giao cho Uỷ ban chấp hành xô viết thành phố, thị trấn, xã thực hiện, đây không phải cơ quan chuyên trách thực hiện công chứng.

Ở Cộng hoà dân chủ Đức (cũ) mô hình tổ chức Công chứng đơn giản hơn ở Liên Xô (cũ). Ở nước này, có quan duy nhất được thực hiện chức năng Công chứng là Phòng Công chứng Nhà nước. Ngoài Phòng Công chứng Nhà nước ra, không có cơ quan nào khác trên lãnh thổ nước Đức được thực hiện chức năng Công chứng. Khác với Liên Xô (Phòng Công chứng được thành lập ở cấp tỉnh), ở Đức, Phòng Công chứng được thành lập ở từng huyện. Việc phân cấp này có ưu điểm là thuận lợi cho việc đi lại của công dân và việc quản lý công tác công chứng cũng được thu về một mối, làm đơn giản bộ máy Công chứng Nhà nước.

Ở Cu Ba hệ thống tổ chức Công chứng cũng gần giống CHDC Đức (cũ). Các Phòng Công chứng cũng được thành lập ở mỗi quận, huyện; chỉ có một điểm khác là khi một công chứng viên có thẩm quyền ở nhiều quận, huyện khác nhau thì có thể thành lập ở mỗi quận, huyện này Văn Phòng công chứng viên trực thuộc Phòng Công chứng. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh còn lập ra một tàng thư Công chứng. Tại đây, ngoài việc thực hiện các việc làm Công chứng như ở cấp quận, huyện; công chứng viên còn có trách nhiệm cất giữ các sổ Công chứng gốc do các Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng và các lãnh sự quá giử tới, sau khi đã lưu giữ chứng từ từ 20 đến 40 năm.

Ở nước Cộng hoà Pháp, hệ thống tổ chức Công chứng được tổ chức như sau:

Ở pháp công chứng viên hoạt dưới 1 trong 2 dạng:

a) Hoạt động tập thể trong một Hiệp hội Công chứng chuyên nghiệp;

b) Hoạt đông tại một Văn phòng Công chứng tư nhân.

Đối với các Hiệp hội công chứng chuyên nghiệp:

Các hội viên cũng thực hiện chức năng tại một trụ sở được gọi là Văn phòng Công chứng. Việc thành lập các Hiệp hội Công chứng, bổ nhiệm công chứng viên được công bố bằng Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Hội viên chỉ được là thành viên một Hiệp hội Công chứng chuyên nghiệp và không được hoạt động nhân danh cá nhân mà phải nhân danh Hiệp hội Công chứng đó.

Đối với các văn phòng Công chứng tư nhân:

Mỗi một công chứng viên thực hiện chức năng trong một Văn phòng Công chứng do chính mình làm chủ. Các Công chứng viên hoạt động theo dạng này nếu ở cùng phạm vi thẩm quyền của một Toà rộng quyền, có thể thành lập một nghiệp đoàn các công chứng viên tư nhân.

 

II.- TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM THEO NGHỊ ĐỊNH 45-HĐBT:

1) Cơ sở và thực tiễn để định ra tổ chức và quản lý công chứng ở Việt Nam.

Thực hiện Nghị định số 143-HĐBT ngày 21/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp - Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 574 - QLTPK ngày 10/10/1987 và Thông tư số 858 - QLTPK ngày 15 / 10/ 1987 hướng dẫn thực hiện các việc Công chứng Nhà nước; ngày 19/7/1989 Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 90-HĐBT quy định Phòng Công chứng Nhà nước được sử dụng con dấu mang hình quốc huy.

Chỉ trong thời gian ngắn, được sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp, 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Phòng Công chứng Nhà nước.

Để phát huy hiệu quả của hoạt động Công chứng Nhà nước ngày 27 tháng 2 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 45-HĐBT “Về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước” và Bộ Tư pháp đã ra Thông tư 276-TT/CC ngày 20/4/1991 hướng dẫn về tổ chức và quản lý Công chứng.

Đến nay (10/1992) có 48 Phòng Công chứng Nhà nước số 1 được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong quá trình xây dựng các văn bản nói trên, chúng ta đã tham khảo và tiếp thu một cách có chọn lọn các kinh nghiệm và thực tiễn Công chứng của một số nước trên thế giới vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta.

Nghị định 45-HĐBT ra đời là một có sở pháp lý quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động Công chứng ở nước ta, đáp ứng đòi hỏi bức xúc của quản lý kinh tế, quản lý xã hội trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, theo quan điểm mở cửa của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của công dân và các tổ chức, góp phần xây dựng Nhà nước pháp  quyền, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

2) Tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng trong thực tiễn:

- Nghị định 45-HĐBT ra đời trong thời gian ngắn đã được triển khai rộng khắp trong cả nước và đã có 48 Phòng Công chứng Nhà nước được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa bảo đảm yêu cầu của công tác Công chứng, nhưng nhiều Phòng công chứng đã hoạt động có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng công chứng của công dân, các tổ chức và có tín nhiệm trong nhân dân.

Để quản lý thống nhất, chặt chẽ và bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng của các Phòng Công chứng Nhà nước, các Công chứng viên, trưởng phòng Công chứng, có nhiều ý kiến đề nghị nên giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định việc thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, trưởng phòng Công chứng; qua thực tiễn chúng tôi thấy ý kiến nêu trên là hợp lý và sẽ hạn chế được một số địa phương tuỳ tiện ra quyết định thành lập Phòng Công chứng, bổ nhiệm công chứng viên, trưởng phòng Công chứng mà không có ý kiến thông nhất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc cố tình đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào làm việc ở các cương vị nói trên.

Có nhiều ý kiến còn đề nghị đổi tên “Phòng Công chứng Nhà nước       số 11..” thành “Công chứng Nhà nước số 1...” và đổi tên “Trưởng phòng công chứng” thành “công chứng viên trưởng”, chúng tôi thấy những ý kiến trên cần được nghiên cứu kỹ, nhưng rõ ràng vấn đề là nếu để  Phòng Công chứng Nhà nước và chức danh trưởng phòng công chứng thì dễ lầm lẫn với cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân và cơ quan quản lý Nhà nước.

- Uỷ ban nhân huyện, thị xã nơi chưa có Phòng Công chứng Nhà nước thực hiện 4 việc làm công chứng đơn giản (điều 20 Nghị định 45) là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, có ưu điểm là thận tiện cho các đương sự.

Tuy nhiên, trong thực tế một số Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có quyết định giao cho đồng chí Phó chủ tịch hoặc một thành viên Uỷ ban ký công chứng, nhưng phần lớn các đồng chí này đều không có chuyên môn nghiệp vụ công chứng, thiếu kiến thức pháp lý cần thiết, chưa được tập huấn về nghiệp vụ công chứng, lại bận rất nhiều việc khác, cho nên thường làm chậm trễ, gây phiền hà cho các đương sự, không đảm  bảo chất lượng và hiệu quả của công tác công chứng. Mặt khác tổ chức Tư pháp huyện, thị xã lại thiếu ổn định, biên chế còn thiếu và yếu về nghiệp vụ, vì vậy không đủ sức giúp Uỷ ban thực hiện tốt công tác công chứng.

Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tránh tuỳ tiện trong việc thực hiện công chứng, không nên giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện các việc công chứng, mà khẩn trưong tiền hành việc thành lập các Phòng Công chứng Nhà nước khu vực để đảm nhiệm việc thực hiện công chứng của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những ý kiến trên, nhưng cần được tiền hành từng bước có trọng điểm và chuẩn bị chu đáo về cả hai yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất và con người.

- Đối với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các yêu cầu công chứng của công dân và tổ chức Việt Nam ở ngoài (điều 19 Nghị định 45) là hợp lý và phù hợp với thực tế khách quan và cũng không có cơ quan nào khác có thể đảm  đương được nhiệm vụ này ở nước ngoài.

Theo quy định của Pháp lệnh lãnh sự 1990 và nghị định 45 thì phạm vi và thẩm quyền thực hiện các việc công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài rất rộng. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng cần phải xác định rõ người được giao ký các việc công chứng ở các cơ quan này, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể để huấn luyện, đào tạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công chứng. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao cần sớm có thông tư Liên ngành hướng dẫn về tổ chức, kiểm tra và quản lý hoạt động Công chứng của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

Có một số ý kiến đề nghị Nhà nước ta cũng cần có quy định rõ về trình tự, thủ tục và giá trị của các văn bản đã được Công chứng ở Việt Nam khi đưa ra nước ngoài và những văn bản đã được Công chứng của các nước ngoài vào Việt Nam.

3- Quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng:

Từ chỗ không có cơ quan nào quản lý, nay Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng trong cả nước;  Chúng tôi thấy bước đầu có nhiều kết quả tốt như việc thành lập các Phòng Công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên, trưởng Phòng Công chứng đều có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước khi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định.

Về nghiệp vụ, Bộ Tư pháp đã bước đầu hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước, đảm bảo áp dụng thống nhất các quy định của Pháp luật trong lĩnh vực Công chứng; tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, đạo tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các Công chứng viên và những người được giao thực hiện Công chứng.

Tuy vậy, còn có nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý các Phòng Công chứng Nhà nước nên giao cho Giám đốc Sở Tư pháp quản lý trực tiếp, về hoạt động chuyên môn thì Phòng Công chứng Nhà nước độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Một số ý kiến khác lại cho rằng nên để Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý trực tiếp các Phòng Công chứng Nhà nước.

Những ý kiến nêu trên đang còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất, nhưng theo chúng tôi ý kiến thứ nhất có nhiều điểm hợp lý hơn. Vì nếu chỉ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập 3 Phòng Công chứng, thì cả nước sẽ có tới 159 Phòng, nếu Bộ trưởng Bộ Tư pháp  trực tiếp quản lý thì không thể sâu sát, chặt chẽ được. Vì vậy, chúng tôi thấy giao cho Sở tư pháp quản lý các Phòng Công chứng Nhà nước tại địa phương, còn về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thì các Phòng Công chứng độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là phù hợp.

Ý kiến thứ hai đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý các Phòng Công chứng Nhà nước, vấn đề này chúng tôi thấy cần được nghiên cứu kỹ và phải có thời gian thử nghiệm mới đi đến kết luận được. Theo chúng tôi thì Phòng Công chứng Nhà nước nằm trong hệ thống các cơ quan tư pháp, vì vậy việc tách ra thành một hệ thống riêng biệt cần phải cấn nhắc kỹ, trước mắt trong giai đoạn hiện nay Bộ trưởng Bộ Tư pháp chưa thể quản lý trực tiếp các Phòng Công chứng trong cả nước được.

Tại một số nước trên thế giới, việc quản lý thống nhất tổ chức và hoạt động Công chứng trong phạm vi cả nước đều thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức hoạt động Công chứng, bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Công chứng; tổng kết, phổ biến kinh nghiệm hoạt động Công chứng; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Công chứng viên và Uỷ nhiệm cho cơ quan Tư pháp mỗi tỉnh, thành phố thực hiện việc quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng ở địa phương.

Thí dụ: Ở Liên Xô (cũ) việc quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng ở tỉnh, vùng do Ban Tư pháp của Uỷ ban chấp hành xô viết tỉnh, vùng thực hiện, Ở CHDC Đức (cũ) được giao cho Chánh án Toà án các tỉnh, thành phố thực hiện. Ở CuBa giao cho Sở Tư pháp. Cộng hoà pháp: ở cấp quốc gia có Hội đồng công chứng tối cao bên cạnh Bộ Tư pháp. Ở cấp Toà thượng thẩm có Hội đồng công chứng khu vực; ở cấp tỉnh thành lập Phòng Công chứng đảm nhiệm duy trì kỷ luật đối với các Công chứng viên của các Văn Phòng Công chứng tại địa phương.

4- Nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót:

- Trong một thời gian dài, Nhà nước ta đã buông lỏng và chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng; không quan tâm xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh quy định về tổ chức và hoạt động công chứng;

- Những quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính, dẫn sự, Công chứng chưa có hoặc chưa đầy đủ và đồng bộ; chưa cụ thể và phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, do đó khi thực hiện Công chứng đã gặp nhiều vấn đề không có hoặc thiếu cơ sở pháp lý nên không thể thực hiện Công chứng được;

- Việc quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân, Sở tư pháp và Bộ Ngoại giao chưa được cụ thể, rõ ràng, nhất là nhiệm vụ quản lý của Giám đốc Sở tư pháp đối với các Phòng Công chứng Nhà nước ở địa phương;

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể; công tác thông tin khoa học trong nước và nước ngoài còn thiếu và yếu;

- Cơ sở vật chất (trụ sở, phương tiện làm viêc...) nghèo nàn, chật hẹp, chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương, nhiều Phòng không đạt yêu cầu của công tác công chứng, không bảo đảm nguyên tắc giữ bí mật;

- Chế độ lương, phụ cấp trách nhiệm, bồi dưỡng cho Công chứng viên và những người thực hiện Công chứng chưa hợp lý, chưa thống nhất, mỗi địa phương một khác, vì vậy chưa động viên Công chứng viên hoàn thành nhiệm vụ.

III.- KIẾN NGHỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRONG THỜI GIAN TỚI:

1- Về tổ chức và quản lý Công chứng Nhà nước:

Theo chúng tôi Nhà nước ta cần quan tâm xây dựng tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng theo hướng chính quy, sao cho không bị lạc hậu so với các nước trên thế giới, nhưng vẫn phù hợp với tình hình thực tế nước ta để phát huy tác dụng cao nhất.

Thực chất về tổ chức và quản lý hoạt động Công chứng theo Nghị định số 45-HĐBT được triển khai trong mấy năm qua cũng vẫn đang trong quá trình hình thành, thể nghiệm, chưa thật ổ định. Vì vậy việc tiếp tục củ cố, hoàn thiện tổ chức và hoạt động Công chứng ở nước ta là rất cần thiết và bức xúc, nhưng vần phải thực hiện từng bước và phải có sự chuẩn bị chu đáo về hai yếu tố cơ bản là con người và cơ sở vật chất.

Trên tinh thần đó và qua thực tiễn đã trình bày ở các phần trên, chúng tôi xin kiến nghị phương hướng xây dựng và hoàn thiện tổ chức, quản lý hoạt động Công chứng ở nước ta trong thời gian tới như sau:

- Trước hết chúng tôi kiến nghị đổi tên “Phòng Công chứng Nhà nước số 1....” thành Công chứng Nhà nước số 1...” và đổi chức danh “Trưởng Phòng Công chứng” thành “ Công chứng viên trưởng”.

Việc đổi tên như trên sẽ phân biệt được rõ ràng hơn, đó là cơ quan được Nhà nước giao cho thực hiện một chức năng nhất định là chức năng Công chứng, hoàn toàn không phải là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân và cơ quan quản lý hành chính Nhà nước; vì vậy nó không thể là cơ quản ngang với các Ban, Ngành trong tỉnh như đã có nhiều người lầm tưởng.

- Xúc tiến thành lập ngay các “Công chứng Nhà nước số 1; 2; 3... (như Nghị định 45 quy định) và đặt trụ sở tại các trung tâm dân cư trong tỉnh, thành phố để thực hiện toàn bộ các việc Công chứng - như vậy Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã không thực hiện các việc Công chứng nữa.

Qua thực tế, chúng tôi thấy rằng nếu cứ tiếp tục giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện các việc Công chứng sẽ không thể bảo đảm chất lượng, hiệu quả được và rất dễ tuỳ tiện trong việc ký Công chứng. Vì vậy nhiều địa phương đã có kiến nghị không nên giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện Công chứng nữa và một số địa phương đã chủ động xúc tiến việc thành lập Phòng Công chứng Nhà nước số 2; số 3... để thay thế việc Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện Công chứng.

- Để quản lý tổ chức và hoạt động của các Công chứng Nhà nước được sâu sát, chặt chẽ, chúng tôi đề nghị ở Trung ương nên có Vụ Công chứng Nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý thống nhất tổ chức và hoạt động Công chứng trong cả nước. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Phòng quản lý Công chứng nằm trong Sở tư pháp, có nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở tư pháp quản lý tổ chức và hoạt động của các “Công chứng Nhà nước” trong phạm vi địa phương.

Trong thực tế mấy năm qua, đây là vấn đề vướng mắc, gây cấn nhất, nhiều “Phòng Công chứng Nhà nước” coi mình là cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân, có con dấu quốc huy ... là ngang với các ban, ngành trong tỉnh, cho nên đã không chịu sự quản lý của Giám đốc Sở tư pháp. Vì vậy, chúng tôi thấy quy định như trên là để phân định rõ cơ quan “Công chứng Nhà nước” là cơ quan được Nhà nước giao cho một chức năng là chức năng Công chứng, ngoài chức năng này cơ quan “Công chứng Nhà nước” không có bất cứ chức năng nào khác. Do đó khẳng định tính chất của nó không thể giống như cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan quản lý hành chính Nhà nước khác.

Vấn đề này, tại nhiều nước trên thế giới cũng đều có một cơ quan trung gian, tại tỉnh, thành phố để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc quản lý tổ chức và hoạt động Công chứng.

2) Để thực hiện tốt phương hướng nói trên, chúng tôi xin kiến nghị các biện pháp sau:

1. Sớm ban hành Pháp lệnh hoặc luật về Công chứng Nhà nước.

Nghị định 45 quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động Công chứng, tuy nhiên mô hình tổ chức công chứng này mới chỉ là bước quá độ.

Để phù hợp với yêu cầu phát triển của hoạt động Công chứng trong tình hình mới, chúng tôi thấy cần thiết phải ban hành Pháp lệnh hoặc Luật về Công chứng Nhà nước. Pháp lệnh hoặc Luật này quy định một cách đầy đủ, toàn diện về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước.

Trên cơ sở Pháp lệnh hoặc Luật nói trên, Chính phủ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động Công chứng và hệ thống văn bản pháp luật về Công chứng hoàn chỉnh.

Bộ Tư pháp có các thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện các việc Công chứng, Thông tư lệ phí Công chứng và ban hành các biểu mẫu, sổ sách Công chứng để đưa hoạt động này từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

2. Cần khẩn trương tổ chức đào tạo đội ngũ Công chứng viên giỏi để tăng cường cho các “Công chứng Nhà nước” trong cả nước - Tại trường Đại học Pháp lý Hà Nội cần có chương trình, nội dung giảng dạy chuyên sâu về Công chứng.

3. Ngay từ đầu năm 1993, Nhà nước cần dành một khoản kinh phí cần thiết cho việc thành lập các “Công chứng Nhà nước” (bao gồm kinh phí cho xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện tối thiểu ban đầu) bảo đảm yêu cầu của công tác Công chứng.

4. Ban hành sớm chức danh, tiêu chuẩn, ngạch bậc Công chứng, áp dụng thống nhất trong cả nước, động viên Công chứng viên yên tâm phục vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

5. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao ban hành thông tư Liên ngành hướng dẫn về tổ chức và hoạt động Công chứng tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài./.

 

VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG CÔNG CHỨNG CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

 

            Bùi Đình Đĩnh, Phó Vụ trưởng

          và Nguyễn Hữu Tráng, Tổ trưởng

        Tổ nghiên cức pháp lý, Vụ lãnh sự

     Bộ Ngoại giao.

 

Ngày nay với chính sách mở cửa, tăng cường giao lưu quốc tế, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài (con số thống kê mới đây là hơn 2 triệu người)  và những công dân Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài cũng có nhiều hoạt động liên quan đến trong nước. Quan hệ xã hội, kinh tế cũng sẽ làm nẩy sinh những vấn đề pháp lý giữa người ở nước ngoài với trong nước và ngược lại, trong đó có vấn đề Công chứng chữ ký, tài liệu và văn bản giao dịch v.v...

Ở trong nước kể từ Nghị định số 45 của Hội đồng Bộ trưởng đã hình thành một hệ thống các Phòng Công chứng Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp công dân Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ngoài, theo tập quán quốc tế, và kể từ Công ước viên 1963 về quan hệ lãnh sự các quốc gia đã có sự bảo đảm pháp lý quốc tế cho hoạt động Công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự. Từ trước đến nay các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của ta ở nước ngoài vẫn thực hiện công việc Công chứng (như một tập quán được thừa nhận hoặc theo các hiện định lãnh sự song phương). Pháp lệnh lãnh sự 1990 đã chính thức đề cập đến chức năng này của lãnh sự Việt Nam. Mục đích của hoạt động Công chứng, suy cho cùng cũng là nhằm tăng cường giúp đỡ và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài, giúp họ thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

1) Cơ sở pháp lý của hoạt động Công chứng ở nước ngoài.

Thông thường hoạt động Công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao (CQĐDNG) và cơ quan lãnh sự (CQLS) được quy định trong văn bản nội luật của mỗi nước, đặc biệt là những văn bản quy định về hoạt động lãnh sự ( thí dụ điều 10 Luật lãmh sự  ngày 11 tháng 9 năm 1974 của Cộng hoà Liên bang Đức; điều 45 Điều lệ lãnh sự của Liên xô cũ ....). Tuy nhiên văn bản nội Luật cũng chỉ  quy định lãnh sự được công chứng cái gì ( các hành vi công chứng) và theo thể thức như thế nào ( thủ tục công chứng). Việc lãnh sự có đựơc phép thực hiện những công việc đó trên lãnh thổ một quốc gia khác hay không lại do pháp luật quốc tế điều chỉnh. Pháp luật quốc tế có thể điều chỉnh thông qua:

a- Nhưng tập quán quốc tế được các quốc gia thừa nhận và áp dụng rộng rãi (luật tập quán quốc tế);

b- Các điều ước quốc tế đa phương phổ cập (thí dụ Công ước của quốc tế đa phưong phổ cập (thí dụ Công ước của Liên hợp quốc về quan hệ lãnh sự, ký tại Viên năm 1963), hoặc điều ước quốc tế khu vực (thí dụ Công ước quốc tế khu vực (thí dụ Công ước Havana 1928 về Viên chức lãnh sự) hoặc

c- Các điều ước quốc tế song phương (hiệp định lãnh sự).

Dưới đây xin lần lượt phân tích các vấn đề nêu trên.

a- Cơ sở pháp lý quốc tế:

Trong hoạt động ngoại giao, lãnh sự, nhiều thông lệ quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng (như vấn đề lễ tân ngoại giao hay quyền ưu đãi miền trừ lãnh sự). Tuy nhiên su thế hiện nay là đi vào phấp điển hoá các thông lệ quốc tế, biến những quy định bất thành văn thành những quy phạm thành văn.

Một trong những văn bản quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động lãnh sự của các quốc gia là Công ước Viên về quan hệ lãnh sự ngày 24/4/1963 (dưới đây gọi tắt là Công ước Viên 1963) (1). Điều 5 Công ước quy định một cách tổng quát các chức năng lãnh sự, trong đó có chức năng “ hoạt động với tư cách là Công chứng viên và hộ tịch viên và thực hiện những chức năng tương tự, cũng như thực hiện một số chức năng có tính chất hành chính, với điều kiện không trái với luật và quy định của nước tiếp nhận lãnh sự”(mục f). Bản  thân quy định này không nêu cụ thể những hành vi công chứng mà lãnh sự thực hiện, vì như đã trình bày ở trên, các hành vi công chứng cụ thể thông thường được pháp luật của nước cử lãnh sự quy định. Căn cứ vào Điều 5 (f) nói trên thì hoạt đọng Công chứng của lãnh sự không được trái với pháp luật nước sở tại. Qua đó cũng có thể thấy tính đặc thù của hoạt động Công chứng ở nước ngoài.

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có viên chức lãnh sự thuộc các Tổng lãnh sự quán, lãnh sự quán ta ở nước ngoài mới thực hiện công việc Công chứng. Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cũng thực hiện các chức năng lãnh sự, trong đó có chức năng Công chứng, thông qua hoạt động của những viên chức ngoại giao được uỷ nhiệm thực hiện chức năng lãnh    sự (thuộc các Phòng lãnh sự Đại sứ quá hay các Tuỳ viên lãnh sự khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh lãnh sự 1990, phù hợp với Điều 3 Công ước Viên 1963).

Xuất phát từ quan điểm cho rằng, càng quy định chi tiết các chức  năng lãnh sự thì càng tào thuận lợi cho việc thực hiện các chức năng đó, Cộng hoà Áo và Cộng hoà Liên bang Séc và Slovakia đã đưa ra sáng kiến dự thảo Nghị định thư bổ sung Công ước Viên về các chức năng lãnh sự.   Tháng 9/1990 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định đưa đề mục này vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng và voà chương trình nghị sự Uỷ ban pháp luật. Có 6 nước làm đồng tác giả Nghị quyết về đề mục này (Nghị quyết A/45/90 của Đại hội đồng) là Áo, Côlômbia, Síp, Séc và Slovakia, Macagaska và Mỹ. Năm 1991 vấn đề này lại được thảo luận tại Uỷ ban pháp luật vào tháng 11 (2).

Điều 3 dự thảo Nghị định thư bổ sung, quy định chi tiết Điều 5 (f) Công ước Viên, có những nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng Công chứng, đó là:

- Chứng thực tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận lập và để sử dụng ở nước cử lãnh sự (khoản 1 mục d);

- Chứng thực chữ ký của công dân nước cử trên các giấy tờ, tài liệu, bản chụp, đoạn trích tài liệu (Điều 3 khoản 1 mục 2);

- Chứng thực chữ ký của công dân nước tiếp nhận trên các giấy tờ, tài liệu, bản chụp, đoạn trích tài liệu, nếu những giấy tờ, tài liệu đó được sử dụng tại các nhà chức trách và các cơ quan công quyền của nước cử (Điều 3 khoản 1 mục f);

Điều 4 dự thảo quy định viên chức lãnh sự có quyền lập, chứng thực dưới hình thức Công chứng ở nước tiếp nhận các chứng thư pháp lý và hợp đồng dưới đây, nếu những chứng thư và hợp đồng đó không trái với luật và quy định của nước tiếp nhận:

- Những chứng thư pháp lý và hợp đồng giữa các công dân nước cử cũng như những thư pháp lý đơn phương (Unilaterallegal acts), của bất kỳ người nào, với điều kiện những chứng thư pháp lý và hợp đồng đó không liên quan đến việc thiết lập, chuyển nhượng hay huỷ bỏ các quyền đối với bất động sản ở nước tiếp nhận (mục a);

- Di chúc của công dân nước cử hoặc những tuyên bố khác liên quan đến việc thừa kế của công dân đó (mục b);

- Những chứng thư pháp lý hoặc hợp đồng chỉ liên quan đến tài sản có ở nước cử hoặc chỉ liên quan đến những công việc được thực hiện ở nước đó, mà không cần lưu ý đến quốc tịch của các bên tham gia (mục c);

Ngoài ra Điều 5 dự thảo Nghị định thư bổ sung còn quy định viên chức lãnh sự có quyền nhận giữ tài liệu, tiền mặt, đồ vật quý hoặc những tài sản khác của công dân nước cử (khoản 1 mục a). Theo các quy định hiện hành của Việt Nam (Điều 24 mục 8 Pháp lệnh lãnh sự; Điều 14 mục 8 Nghị định số 45) thì những công việc này cũng thuộc chức năng Công chứng.

Hiện nay Việt Nam chưa bày tỏ quan điểm chính thức về nội dung dự thảo Nghị định thư nêu trên, nhưng đánh giá từ góc độ nghiên cứu thì dự thảo này đã tập hợp tương đối đầy đủ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng lãnh sự nói chung và hoạt động Công chứng nói riêng. Hiệp định lãnh sự song phương của nhiều nước, cũng như HĐLS ta ký với nước ngoài cũng có những quy định tương tự.

Cho đến nay nước ta đã ký 12 Hiệp định lãnh sự với nước ngoài (với Liên Xô cũ 1978; Ba Lan 1979; Bungary 1979; Hugary năm 1979; Mông Cổ năm 1979; Tiệp Khắc năm 1980; Cu Ba 1981; Pháp 1981; Nicaragoa 1983; Lào 1985; Apganixtan 1987; và với Irắc 1990), trong đó đều có những điều khoản quy định về hoạt động cong chứng của lãnh sự ở nước ngoài. Tuy nhiên những quy định này không hoàn toàn đồng nhất về nội dung và có thể chia thành những nhóm sau đây:

a) Quy định khá cụ thể các hành vi Công chứng mà viên chức lãnh sự có quyền thực hiện ở nước tiếp nhận, bao gồm: nhận, lập, chứng thực tờ khai, di chúc, tài liệu, giấy tờ; chứng thực tìa liệu chữ ký; dịch hoặc chức thực dịch đúng; chứng thực bản chụp, bản sao; lập chứng thực hợp đồng, trừ hợp đồng liên quan đến bất động sản có ở nước tiếp nhận; nhận giữ đồ vật, tài liệu, tiền hoặc đồ vật quý (Điều 36; 37 Hiệp định lãnh sự với Apganixtan; Điều 34; 35 Hiệp định lãnh sự với Ba Lan; Điều 33; 34 Hiệp định lãnh sự với Bungary).

b) Nêu một số hành vi Công chứng như trên, nhưng quy định rõ địa điểm thực hiện hành vi đó (Điều 37; 38 Hiệp định lãnh sự với Tiệp Khắc; Điều 12 Hiệp định lãnh sự với Cu Ba; Điều 35 Hiệp định lãnh sự với Pháp; Điều 33 Hiệp định lãnh sự với Nicaragoa và Điều 36 Hiệp định lãnh sự với Lào);

c) Không quy định cụ thể các hành vi công chứng mà dẫn chiếu đến pháp luật nước cử lãnh sự. Đối tượng yêu cầu công chứng được quy định rõ là:

- Người có bất cứ quốc tịch nào để sử dụng giấy tờ, tài liệu công chứng ở nước cử lãnh sự;

- Công dân nước cử lãnh sự để sử dụng giấy tờ, tài liệu công chứng ở nước ngoài (Điều 28 Hiệp định lãnh sự với Liên Xô cũ; Điều 30 Hiệp định lãnh sự với Mông Cổ).

Tất cả các Hiệp định lãnh sự đều quy định một điều về việc công nhận giá trị của các giấy tờ, tài liệu mà lãnh sự nhận, lập hoặc công chứng.

Nói tóm lại, các Hiệp định lãnh sự mà nước ta ký kết trong thời gian qua là sự tổng kết hoạt động lãnh sự của ta kể từ khi lập nước và cũng phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của tập quán quốc tế về lãnh sự (3).

b- Cơ sở pháp lý quốc gia:

Như đã trình bày, cơ sở pháp lý quốc gia quan trọng nhất đối với hoạt động lãnh sự của một Nhà nước là luật hoặc Pháp lệnh về lãnh sự, thí dụ Luật về quan hệ lãnh sự của Liệ hiệp Vương Quốc Anh 1968, Luật lãnh sự của CHLB Đức 1974; Luật về cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Oxtrâylia năm 1978 v.v... Nhưng văn bản này ít nhiều đều đề cập đến chức năng công chứng của viên chức lãnh sự.

Trước này Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh lãnh sự (PLLS) ngày 13/11/1990 (4), nước ta không có văn bản pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh hoạt động lãnh sự cảu nước ta ở nước ngoài. Pháp lệnh lãnh sự là văn bản hoàn chỉnh và có hiệu lực pháp lý cao đủ điều chỉnh hoạt động lãnh sự của ta trong giai đoạn mới.

Về vấn đề công chứng, Pháp lệnh lãnh sự quy định trong 3 điều các nội dung sau:

1.     Các hành vi công chứng (Điều 24);

2.     Nguyên tắc thực hiện công chứng (Điều 25);

3.     Hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu (Điều 26).

So với những chức năng lãnh sự khác (như về hộ chiếu, thị thực 1 điều; hộ tịch 1 điều; thừa kế 1 điều v.v...) thì Pháp lệnh quy định tương đối cụ thể về chức năng công chứng của lãnh sự.

Theo Điều 24 Pháp lệnh lãnh sự thì lãnh sự có quyền thực hiện các hành vi công chứng dưới đây:

1) Chứng thực hợp đồng, trừ hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu bất động sản ở nước tiếp nhận giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu hợp đồng đó được thực hiện ở Việt Nam hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau:

- Trường hợp pháp luật Việt Nam quy định phải lập thành văn bản và phải được Công chứng thì lãnh sự có quyền Công chứng hợp đồng đó; điều này áp dụng tương tự nếu một bên ký hợp đồng là công dân Việt Nam và bên kia là người nước ngoài. Một trong những điều kiện mà lãnh sự phải xác minh trước khi Công chứng là hợp đồng đó phải được thực hiện ở Việt Nam (khoản 2 Điều 13; khoản 2 Điều 57 Pháp lệnh hợp đồng dân sự ngày 29/4/1991);

- Riêng đối với hợp đồng liên quan đến bất động sản ở nước tiếp nhận thì lãnh sự không Công chứng mà giới thiệu công dân Việt Nam đến cơ quan Công chứng nước sở tại để thực hiện việc Công chứng (theo nguyên tắc Lex rei sitate).

Trường hợp 2 công dân Việt Nam dang cư trú ở nước ngoài giao kết hợp bán nhà ở Việt Nam và đề nghị lãnh sự công chứng thì lãnh sự giải quyết như thế nào? theo các Điều 31, 32 và 33 pháp lệnh nhà ở (26/3/1991) thì hợp đồng bán nhà phải được cơ quan công chứng chứng nhận. Theo Điều 24 (1) pháp lệnh lãnh sự thì về mặt lý thuyết lãnh sự có thẩm quyền công chứng hợp đồng đó, vì Điều này (Điều 24/1) hoàn toàn không đề cập đến vấn đề hợp đồng nào (chẳng hạn hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu bất động sản ở nước cử )thì lãnh sự không được công chứng. Ngược lại Điều 22 Nghị định 45/HĐBT ngày 27/2/1991 lại quy định “các hợp đồng chuyển giao bất động sản phải được công chứng tại phòng công chứng nhà nước nơi có bất động sản đó”. Vậy lãnh sự thực hiện quy định nào? đương nhiên pháp lệnh có hiệu lực pháp lý cao hơn nghị định, nhưng theo quan điểm nghiên cứu thì đối với việc công chứng hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu bất động sản thì Điều  số 22(b) Nghị định 45/HĐBT là quy định hợp lý và thực tiễn hơn.

2) Chứng thực và bảo quản di chúc

Điều 14 pháp lệnh thừa kế (30/8/1990) quy định loại di chúc viết được cơ quan công chứng chứng thực và Điều 15 quy định cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài có quyền công chứng di chúc của công dân Việt Nam theo yêu cầu của họ .

Điều 15(3) nghị định 45/HĐBT và ngay cả pháp lệnh thừa kế (Điều 14 và 15) đều không đề cập đến bảo quản di chúc. Tuy nhiên trên thực tế cơ quan công chứng nhà nước hoặc công chưng viên ở nhiều nước cũng thự hiện việc bảo quản di chúc. Việc quy định thêm công việc này cho lãnh sự là có hướng đến điều kiện cư trú của công dân việt nam ở nước ngoài và việc bảo đảm an toàn pháp lý cho họ trong việc định đoạt tài sản hợp pháp ở nước ngoài .

3) Chứng nhận giấy uỷ quyền của pháp nhân và công nhân; đoạn trích tài liệu, bản sao, bản chụp giấy tờ, tài liệu; chữ ký trên giấy tờ; chứng thực bản dịch và thời gian chứng thực giấy tờ;

Theo báo cáo công tác lãnh sự của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán và lãnh sự quán của ta ở nước ngoài thì đây là những công việc thường hay gặp nhất trong hoạt động công chứng. Nguyên nhân cũng thật đơn giản. Trong nhiều trường hợp của cuộc sống thường ngày, công dân việt nam ở nước ngoài (đối tượng chủ yếu là công dân tạm trú ở nước ngoài) dẫn đến các thủ tục hành chính, giấy tờ, như uỷ nhiệm cho thân nhân ở trong nước giải quyết những vấn đề về tài sản, sao chụp trích các giấy tờ liên quan đến việc lưu trú, học tập lao động ở nước ngoài. Những hoạt động này thực sự đã góp phần đáng kể giúp đỡ và tạo điều kiện cho công dân việt nam thực hiện các quyền và lợi ich chính đáng của họ ở nước ngoài.

4) Nhận bảo quản giấy tờ, tài liệu tiền ngân phiếu và các đồ vật có giá trị của công dân việt nam.

Chức năng bảo quản giấy tờ tài liệu cũng được giao cho phòng công chứng nhà nước ở trong nước (Điều 15/8 Nghị định 45-HĐBT), tuy nhiên phòng công chứng nhà nước ở trong nước không có chức năng nhận bảo quản tiền, ngân phiếu và đồ vật có giá trị của công dân. Quy định này của Nghị định 45-HĐBT hoàn toàn phù hợp công dân Việt Nam cần thiết phải gửi ngoài tài liệu, giấy tờ, tài sản quý của mình để bảo đảm an toàn vì cơ quan đại diện ngoại giao lãnh sự được hưởng quyền bất khả sâm phạm. Hiệp định lãnh sự ta ký với nước ngoài và hiệp định lãnh sự các nước ký với nhau cũng quy định thẩm quyền này

Ngoài 4 nhóm ccông việc nói trên pháp lệnh lãnh sự còn quy định một số công việc công chứng dưới đây :

- Chứng thực các giâý tờ, tài liệu của tàu biển Việt Nam các bản khai liên quan đến tàu hàng hoá tài chính của tàu (khoản 3 Điều 36); chứng thực và ghi vào nhật ký tàu về những thay đổi về nhân sự sảy ra trong hành trình hoặc khi tàu ở cảng;

- Xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải và chứng thực kháng nghị hàng hải. chứng nhận kháng nghị hàng hải cũng là một hành vi công chứng được quy định tại Điều 15(5) nghị định 45-HĐBT. Điều 56 khoản 3 bộ luật hàng hải Việt Nam (30/6/1990) quy định khi tàu hoạt động ở nước ngoài, thuyền trưởng trình kháng nghị hàng hải tại cơ quan đại diện ngoại giao cơ quan lãnh sự có thẩm quyền của việt nam để xác nhận việc trình kháng nghị này. Theo Điều 13 khoản 1 Nghị định số 189 ngày 4/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh lãnh sự thì cơ quan lãnh sự nơI tầu Việt Nam cập cảng đầu tiên sau khi xẩy ra sự cố là cơ quan có thẩm quyền làm việc này. Tuy Bộ luật hàng hảI không quy định nhưng theo Pháp lệnh lãnh sự thì lãnh sự có quyền chứng thực khách nghị hàng hải (Điều 39 khoản 2 Pháp lệnh lãnh sự) sau khi đủ căn cứ để khẳng định việc kháng nghị hàng hải là đúng sự thật (khoản 2 Điều 13 Nghị định189/HĐBT). Thẩm quyền chứng thực kháng nghị hàng hải của viên chức lãnh sự cũng tương đương với thẩm quyền của công chứng viên tại các Phòng công chứng Nhà nước ở trong nước.

Nhìn chung trên cơ sở tổng kết thực tiễn ký kết và thực hiện Hiệp định lãnh sự nước ta ký với nước ngoàI trong thời gian qua, Pháp lệnh lãnh sự đã dự kiến tương đối đầy đủ các hành vi công chứng mà lãnh sự Việt Nam thực hiện ở nước ngoài. Đương nhiên không thể nói rằng Pháp lệnh lãnh sự đã dự kiến hết các trường hợp, nhất là những trường hợp nảy sinh trong tương lai. Vì lẽ đó Pháp lệnh lãnh sự còn quy định là “Lãnh sự có thể thực hiện các hành vi công chứng khác theo quy định của Pháp luật Việt Nam” (câu cuối Điều 24). Theo chúng tôi, những hành vi công chứng khác nói ở đây đã được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành hoặc sẽ được quy định trong tương lai. Hiện nay trong Nghị định 45-HĐBT có quy định một số hành vi công chứng của công chứng viên thuộc Phòng công chứng Nhà nước ở trong nước. Những công việc này không được đề cập đến trong Pháp lệnh lãnh sự. Tuy nhiên theo sự phân tích ở trên thì lãnh sự có thể thực hiện, nêu đIều kiện thực tế cho phép và không trái với pháp luật sở tại.

Những công việc đó là: chứng nhận khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia di sản (Điều 15/3; ĐIều 25); chứng nhận tài sản chung hoặc tài sản riêng của vợ chồng (Điều 15/4; Điều số 27) và cấp bản sao văn bản công chứng và giấy tờ, tài liệu hiện đang lưu giữ (Điều 15/9 Nghị định 45-HĐBT).

Trong khi thực hiện công chứng, lãnh sự phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục công chứng (Điều 25 khoản 1 Pháp lệnh lãnh sự; Điều 19 Nghị định 45-HĐBT dẫn chiếu đến các đIều khác, đặc biệt các ĐIều 16; 17 và 18 Nghị định).

 

*                  *

*

Do đặc tính của hoạt động ở nước ngoài, hợp pháp hoá lãnh sự cũng được coi là một trong những hành vi công chứng của lãnh sự.

Hợp pháp hoá là việc xác nhận tích chất thực của chữ ký, chức vụ của người ký văn bản và trong nhiều trường hợp xác định tính chất thực của việc gắn xi hoặc của con dấu đóng trên giấy tờ, tài liệu (Điều 1 Công ước ngày 5 tháng 10 năm 1961 về việc miễn hợp pháp hoá các giấy tờ chính thức của nước ngoài). Định nghĩa trên đây cũng được nhiều nước đưa vào văn bản luật quốc gia (ĐIều 13 khoản 1 và 4 Luật lãnh sự của Cộng hoà Liên ban Đức ngày 11 tháng 9 năm 1974; mục I chương I Thông tư về hợp pháp hoá lãnh sự của Bộ ngoại giao Liên Xô trước đây - ngày 6 tháng 7 năm 1984 v.v...).

Việc hợp phá hoá chỉ được thực hiện đối với các giấy tờ, tài liệu chính thức do các cơ quan có thẩm quyền của nước cử hoặc nước tiếp nhận lập ra, khi những giấy tờ, tài liệu đó được sử dụng ở nước cử hoặc nước tiếp nhận (nước tiếp nhận văn bản, không phải nước lập văn bản); Không hợp pháp hoá các giầy tờ cá nhân, trừ khi giấy tờ cá nhân đó đã được công chứng ở nước nơi lập văn bản. Cũng theo Công ước ngày 5/10/1961 kể trên (Điều 1) thì giấy tờ, tài liệu chính thức bao gồm:

- Văn bản của Toà án hoặc của một quan chức hoạt động với tư cách là cơ quan bảo vệ pháp luật, bao gồm cả văn bản của cơ quan công tố Nhà nước, cơ quan thi hành án (mục a);

- Văn bản của các cơ quan hành chính (mục b);

- Văn bản công chứng (mục c);

- Những xác nhận chính thức trên các giấy tờ, tài liệu cá nhân, như chứng nhận về việc đăng ký, về thời gian trình nộp giấy tờ và việc công chứng chữ ký (mục d).

Thông qua việc hợp pháp hoá lãnh sự, giấy tờ, tài liệu lập ra ở nước này có giá trị sự dụng ở nước kia. Hiện nay chỉ trừ những nước đã ký với ta Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý (Liên Xô cũ năm 1981, Tiệp Khắc  năm 1982, Cu Ba 1984, Hungary 1985, Bungary 1986) với thoả thuận về việc công nhận hiệu lực của giấy tờ, tài liệu, còn lại về nguyên tắc các nước đều yêu cầu mọi giấy tờ, tài liệu lập ra hoặc công chứng ở Việt Nam muốn sử dụng trên lãnh thổ của nước họ đều phải qua thủ tục hợp pháp hoá. Các Hiệp định lãnh sự ra ký với nước ngoài đều có thoả thuận về chức năng hợp pháp hoá lãnh sự.

Pháp lệnh lãnh sự quy định tài Điều 26 về thẩm quyền của lãnh sự trong việc hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu, bao gồm hai công việc chính dưới đây:

Chứng thực chữ ký và con dấu trên giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước nhận lập và sự phù hợp của giấy tờ, tài liệu đó với pháp luật nước tiếp nhận (khoản 1 câu 2). Điều kiện là các giấy tờ, tài liệu này phải được sử dụng ở Việt Nam và có nội dung không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Thực hiện công việc tương tự đối với những giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức Việt Nam lập khi những giấy tờ, tài liệu đó được sử dụng ở nước tiếp nhận (khoản 1 câu 2).

Việc thực hiện chức năng hợp pháp hoá đòi hỏi lãnh sự phải lưu ý một số vấn đề pháp lý như về cở sở để xem xét hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu, thủ tục hợp pháp hoá v.v... Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – theo Điều 26 khoản 3 Pháp lệnh lãnh sự sẽ được quy định trong Thông tư về những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chức năng hợp pháp hoá lãnh sự.

2/ Đặc điểm của hoạt động công chứng ở nước ngoài:

Từ việc trình bày cơ sở pháp lý của hoạt động công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, có thể thấy một số đặc điểm khác nhau giữa hoạt động công chứng ở trong và ngoài nước:

a) Hành vi và thủ tục công chứng do pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế quy định:

Đây là một đặc điểm nổi bật của hoạt động công chứng nói riêng và của hoạt động lãnh sự nói chung, cũng là những hoạt động ở nước ngoài nhưng hoạt động ngoại giao phần nhiều mang tính chính trị, được điều chỉnh bằng pháp luật quốc tế (chẳng hạn Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao mà nước ta đã tham gia). Không có văn bản luật quốc gia nào quy định trực tiếp việc thực hiện chức năng ngoại giao ở nước ngoài. Theo khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh lãnh sự thực hiện các chức năng quy định trong Pháp lệnh và các chức năng khác không trái với Pháp luật việt Nam và được nước tiếp nhận chấp thuận.

Hoạt động công chứng được nhiều người đánh giá là hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật, với mục đích là giúp đỡ pháp lý để công dân thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của họ và nhằm bảo đảm pháp chế. So với hoạt động công chứng ở trong nước thì hoạt động công chứng ở nước ngoài có điểm giống nhau là đều có cơ sở pháp lý là luật quốc gia (Pháp lệnh lãnh sự và Nghị định 45-HĐBT và những văn bản khác). Tuy nhiên, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự còn thực hiện cả những công việc công chứng tuy không quy định trong các văn bản nói trên những được thoả thuận trong các điều ước quốc tế (Hiệp định lãnh sự). Vì vậy có thể cho rằng trong nhiều trường hợp phạm vi hoạt động công chứng của lãnh sự ở nước ngoài được mở rộng hơn so với đồng nghiệp trong nước. Điều này hoàn toàn có thể lý giải từ tính đặc thù của công tác lãnh sự là phải tuânthủ pháp luật nước mình, pháp luật quốc tế, đồng thời lưu ý tình hình trong khu vực lãnh sự, thực tiễn và pháp luật ở nước tiếp nhận.

b) Đối tượng của hoạt động công chứng:

Đối tượng đến các Phòng Công chứng Nhà nước ở các địa phương trong nước chủ yếu là công dân Việt Nam. Trường hợp người nước ngoài đến yêu cầu công chứng, nếu có cũng không phải là nhiều.

Đối tượng phục vụ của hoạt động công chứng của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài chủ yếu cũng là công dân Việt Nam. Trường hợp vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nược sở tại đến yêu cầu công chứng nhưng vấn đề  chỉ liên quan đến nước sở tải thì lãnh sự không thực hiện công chứng ma giới thiệu họ đến cơ quan hoặc công chứng viên hoạt động ở nước tiếp nhận. Ngoài ra người nước ngoài cũng có yêu cầu công chứng tại cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam vì họ có nhu cầu sử dụng giấy tờ, tài liệu ở Việt Nam - hợp đồng, giấy uỷ quyền, bản chụp, dịch, trích tài liệu.v.v... Ngày nay với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng các xí nghiệp liên doanh hay 100% vốn nướcngoài.... Để được thành lập và hoạt động ở Việt Nam họ cần phải thực hiện những thủ tục hành chính nhất định. Một trong những vấn đề quan trọng của thủ tục hành chính là giá trị pháp lý của các văn bản nước ngoài mà cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài nộp cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Đối với phần lớn các nước trên thế giới ta chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp, nước ta lại chưa tham gia Công ước đa phương nào về vấn đề công nhận giá trị giấy tờ, tài liệu (như Công ước đã nêu ngày 5/10/1961), nên xu hướng công tác hợp pháp hoá lãnh sự sẽ phát triển trong tương lai.

c) Tuy về lý thuyết phạm vi hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ta ở nước ngoài rộng hơn so với hoạt động của các Phòng Công chứng Nhà nước ở địa phương, nhưng trên thực tế việc công chứng lại chỉ tập trung vào một số công việc như chứng nhận chữ ký trong các đơn từ (thí dụ đơn xin cho người thân xuất cảnh), giấy uỷ quyền, giấy mời, chứng nhận bản dịch, bản sao (thí dụ bản dịch, sao giấy chứng nhận bậc thợ, lái xe do nước sở tại cấp v.v...). Những công việc này đều có nội dung đơn giản, rõ ràng và thủ tục cũng không có gì phức tạp. Đương nhiên, trong thời gian tới các yêu cầu về công chứng sẽ phức tạp và đa dạng hơn, do các quan hệ giữa người ở nước ngoài và người trong nước tăng lên.

Theo chúng tôi một trong những lý do mà hoạt động công chứng ở nước ngoài thời gian qua chỉ tập trung vào một số công việc đơn giản là do quan niệm chưa đúng từ hai phía cá nhân và cơ quan lãnh sự về hoạt động công chứng, coi việc công chứng chỉ đơn thuần là thủ tục chứng thực hành chính đơn giản. Bằng Pháp lệnh lãnh sự và Nghị định 45-HĐBT và các văn bản khác ban hành mới đây, hoạt động công chứng nói chung mới được đánh giá đúng mức và có cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài (nhất là những người định cư ở nước ngoài) thì việc công chứng tại các Phòng công chứng hoặc Công chứng viên nước sở tại có nhiều thuận lợi hơn: cơ quan công chứng hoặc Công chứng viên có ở mọi nơi, gần nơi cư trú của đương sự, trong khi Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán lại chỉ đóng ở Thủ đô hay các thành phố lớn. Đối với những quan hệ pháp lý chỉ liên quan đến nước sở tại thì việc công chứng tại cơ quan công chứng hoặc Công chứng viên sở tại bảo đảm một sự an toàn pháp lý cao hơn, nếu không muốn nói là trong những trường hợp như vậy đương sự phải công chứng tại cơ quan công chứng hoặc Công chứng viên nước đó. Vì những lý do nêu trên mà công dân Việt Nam chỉ yêu cầu công chứng tại cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam khi giấy tờ, tài liệ công chứng được sự dụng ở Việt Nam hay quan hệ pháp lý có liên quan đến cá nhân, tổ chức Việt Nam. Ngay cả trường hợp này pháp luật Việt Nam cũng dành cho đương sự quyền lựa chọn, thí dụ: theo Điều 12 Khoản 2 Pháp lệnh thừa kế thì công dân Việt Nam ở nước ngoài có thể lập và công chứng di chúc tại cơ quan công chứng nước ngoài, theo những điều kiện và thủ tục mà nước đó quy định. Di chúc đó cũng được cộng nhận là di chúc hợp pháp, nếu nội dung không trái với pháp luật Việt Nam.

d) Địa điểm thực hiện hành vi công chứng:

Tương tự Điều 5 (đoạn hai) Nghị định 45-HĐBT, Điều 25(2) Pháp lệnh lãnh sự cũng quy định việc công chứng được thực hiện tại cơ quan lãnh sự; trong trường hợp cần thiết có thể thực hiện ngoài cơ quan lãnh sự. So với công chứng viên trong nước, lãnh sự phải đặc biệt lưu ý điều này vì những lý do dưới đây:

- Hoạt động lãnh sự là một hoạt động chính thức của quốc gia này trên lãnh thổ một quốc gia khác và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật quốc tế, đồng thời tôn trọng luật và quy định của nước sở tại. Những hoạt động của lãnh sự như cấp hộ chiếu, thị thực (Điều 5/d), với tư cách Công chứng viên, hộ tịch viên và thực hiện các công việc có tính chất hành chính (Điều 5/f Công ước Viên 1963) v.v... lãnh sự phải thực hiện tại trụ sở cơ quan lãnh sự;

- Trong những trường hợp cần thiết lãnh sự có thể thực hiện hành vi công chứng bên ngoài trụ sở cơ quan lãnh sự. Tuy nhiên quy định này không có nghĩa là cho phép lãnh sự tuỳ tiện hoạt động ở bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan lãnh sự. Trong các Hiệp định lãnh sự với Tiệp Khắc, Pháp và Lào có những quy định cụ thể về địa điểm thực hiện công chứng: tại trụ sở cơ quan lãnh sự, nhà ở của viên chức lãnh sự, nhà ở của công dân nước cử lãnh sự, trên tầu biển hoặc máy bay của nước cử. Ngoài những địa điểm trên lãnh sự không được phép thực hiện hành vi công chứng. Các Hiệp định lãnh sự ký với Liên Xô cũ, Mông Cổ, Nicaragoa thì quy định phạm vi rông hơn (trong khu vực lãnh sự).

Trong hoạt động thực tế của mình, lãnh sự cần phải hạn chế đến mức thấp nhất việc thực hiện các hành vi chính thức, nhân danh Nhà nước Việt Nam ở bên ngoài trụ sở cơ quan lãnh sự. Trường hợp thật cần thiết phải thực hiện ở bên ngoài thì cần lưu ý hết sức quy định (đặc biệt là Hiệp định lãnh sự nếu có) hoặc tập quan quốc tế cũng như tập quan ở nước sở tại để tránh những sai sót không đáng có.

e) Hợp pháp hoá cũng là công việc công chứng:

Đây là một hành vi công chứng mà Công chứng viên ở trong nước không có. Quan hệ xã hội, kinh tế v.v.... đòi hỏi các thủ tục hành chính và việc xem xét công nhận các văn bản, tài liệu của nước ngoài để sử dụng ở Việt Nam là một công viêng thuộc chức năng lãnh sự.

Tuy hành vi cụ thể cũng là chứng thực chữ kỹ trên giấy tờ, những hợp pháp hoá khác việc công chứng đã trình bày ở trên là chứng thực chữ ký trên văn bản do cơ quan hoặc tổ chức nước tiếp nhận lập ra (hoặc đã công chứng), đồng thời chứng thực con dấu và sự phù hợp của văn bản đó với pháp luật nước sở tại (nước lập văn bản) về hình thức văn bản, thẩm quyền của người ký văn bản. Tuy bằng việc hợp pháp hoá lãnh sự không xác nhận sự đúng đắn về nội dung của văn bản, những vì văn bản đó được sử dụng ở Việt Nam nên yêu cầu lãnh sự cũng phải kiểm tra nội dung trước khi hợp pháp hoá.

Hợp pháp hoá thực chất là hành vi công chứng cuối cùng trong một loạt các hành vi công chứng, bắt đầu bằng chứng thực của cơ quan (hoặc người) cấp trên của cơ quan lập văn bản và kết thúc bằng việc chứng thực của một quan chức được uỷ quyền của Bộ ngoại giao (Vụ lãnh sự) nước sở tại, trước khi văn bản đó giử đền cho lãnh sự Việt Nam hợp pháp hoá. Các chứng thực này là cần thiết vì lãnh sự không thể biết hết được những người (cấp) có thẩm quyền lập, ký hay chứng thực văn bản ở nước tiếp nhận. Bộ ngoại giao nước sở tại sẽ xác nhận các hành vi công chứng trước đó, đồng thời xác nhận luôn cả sự phù hợp của văn bản đó với pháp luật nước tiếp nhận.

Thủ tục nói trên cũng áp dụng đối với yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam về việc công chứng giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức Việt Nam lập ra (hoặc công chứng) khi những giấy tờ, tài liệu đó sử dụng ở nước ngoài (nước tiếp nhận lãnh sự). Thực tế là lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài không thể biết được hết những quy định liên quan đền việc cấp phát các giấy tờ hành chính, cũng như những cá nhân có quyền ký các giấy tờ đó. Vì vậy trước khi lãnh sự hợp pháp hoá, giấy tờ, tài liệu cần phải được Bộ ngoại giao Việt Nam (Vụ lãnh sự) xác nhận. Đương nhiên, sau khi Bộ Ngoại giao xác nhận đương sự có thể lựa chọn một trong hai cách: đề nghị Địa sứ quán hoặc lãnh sự quán (hoặc Tổng lãnh sự quán) của nước (nơi sử dụng văn bản) hợp pháp hoá giử giấy tờ ra nước ngoài yêu cầu Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán ta ở nước ngoài hợp pháp hoá.

3/ Đánh giá về hoạt động công chứng ở nước ngoài.

Kể từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ công hoà ra đời và nhất là sau khi kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp, nước ta đã phát triển quan hệ lãnh sự với nhiều nước. Những Tổng lãnh sự quan ta ở Ấn Độ, Indonesia trong những năm cuối của thập kỷ 50 đã thực hiện cả sứ mệnh ngoại giao. Hoạt động lãnh sự thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố uy tín quốc tế của Nhà nước ta, tăng  cường giao lưu giưa nhân dân ta với nhân dân thế giới. Trong sự đánh giá chung đó cũng thấy được phần nào kết quả của hoạt động công chứng. Tuy số lượng công chứng không nhiều, tính chất không phức tạp những nhìn chung hoạt động công chứng của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ta thời gian qua đã góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là những kết quả nói trên không ngang tầm yêu cầu của tình hình và hoạt động công chứng nói riêng cũng như hoạt động lãnh sự nói chung phải phấn đấu hơn nữa mới đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của giai đoạn mới.

Nguyên nhân của những tồn tại nói trên là:

Khách quan: Thời gian trước đây quan hệ kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch v.v.... của ta với nước ngoài chưa phát triển. Vì vậy yêu cầu đối với hoạt động công chứng chưa nhiều.

Chủ quan: Như đã trình bày ở trên, quan điểm về công chứng trong nhân dân và cơ quan Nhà nước của ta chưa đúng mức do đó chưa sử dụng triệt để hình thức này trong việc bảo đảm các giáo dịch pháp lý hàng ngày (ở trong nước cũng như ở ngoài nước); đội ngũ những người thực hiện chức năng lãnh sự chưa được đào tạo chuyên sâu về pháp lý nói chung và về vấn đề công chứng nói riêng, chưa được trang bị những kiến thức cũng như phương tiện cần thiết để nghiên cứu và thực hiện công chứng.

Thời gian tời để đưa công tác lãnh sự lên ngang tầm những đòi hỏi của hoạt động đối ngoại năng động của Nhà nước ta trong giai đoạn mới theo tình thần Đại hội Đảng lần thứ VII, cần làm tốt những việc dưới đây:

1/ Vấn đề quyết định là vấn đề cán bộ:

Tình trạng phổ biến thời gian qua là coi công tác lãnh sự là hoạt độn phụ bên cạnh hoạt động chính là ngoại giao, do đó những công việc về lãnh sự đều do viên chức ngoại giao thực hiện kiêm nhiệm do những người không hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao, lãnh sự tiến hành, Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của công tác lãnh sự.

Nghị định số 189 ngày 4/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh lãnh sự đã đưa ra những tiêu chuẩn của viên chức lãnh sự, đó là:

Thuộc biên chế của cơ quan Nhà nước, đã qua đào tạo nghiệp vụ lãnh sự;

Bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, có kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cơ bản, có trình độ ngoại ngữ cần thiết (Điều 2 khoản 2 và 3). Viên chức của cơ quan đại diện Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài được uỷ nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự cũng phải đáp ứng các điều kiện nói trên (Điều 2 khoản 4).

Như vậy, lần đầu tiên chúng ta có nhứng quy định pháp lý cho việc bổ nhiệm những người làm công tác lãnh sự, trong đó yêu cầu về kiền thức pháp lý và nghiệp vụ lãnh sự được đặc biệt nhấn mạnh. Nếu thực hiện nghiêm túc quy định nói trên thì chắc chắn hoạt động lãnh sự nói chung và hoạt động công chứng nói riêng sẽ phát triển một bước về chất.

Công chứng viên ở trong nước phải là người đã tốt nghiệp Đại học pháp lý (có bằng cử nhân luật) và được huẩn luyện nghiệp vụ công chứng (Điều 14 Nghị định 45-HĐBT). Trong điều kiện hiện nay của ta yêu cầu phải tốt nghiệp Đại học pháp lý chưa thể đặt ra đối với viên chức ngoại giao thực hiện chức năng lãnh sự hoặc đối với viên chức lãnh sự. Tuy nhiên không vì thế mà xem nhẹ yêu cầu về kiến thức pháp lý và về việc huấn luyện nghiệp vụ lãnh sự (khoản 3 Điều 2 Nghị định 189-HĐBT), trong đó có nghiệp vụ công chứng (mục II/8 câu cuối Thông tư số 276-TT/CC ngày 20/4/1991 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về tổ chức và quản lý công chứng Nhà nước). Trong tương lai, thi hành các văn bản nói trên Bộ Ngoại giao có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ pháp lý và chuyên môn cho những ngưoưừ được cử thực hiện chức năng lãnh sự tại các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ta ở nước ngoài.

2/ Cung cấp đầy đủ và thường xuyên tài liệu về Công chứng Nhà nước:

Nguyên nhân của việc đánh giá chưa đúng mức ý nghĩa pháp lý cũng như thực tiễn của công chứng là nhân dân và cả lãnh sự chưa có khái niệm đầy đủ về vấn đề này. Ngay ở trong nước, một thời gian dài chúng ta cũng còn quan niệm hoạt động công chứng là sản phẩm của pháp luật tư sản thời thực dân. Mọi hoạt động liên quan đến việc chức thực (trước kia còn gọi là nhận thực hay thị thực) giấy tờ trong giao dịch hành chính, dân sự v.v... đều do các Uỷ ban hành chính (sau này là Uỷ ban nhân dân) thực hiện. Ngày nay tuy đã hình thành hệ thống các Phòng công chứng ở địa phương nhưng một phần công việc này vẫn được giao cho Uỷ ban nhân dân, nhất là ở những nơi chưa có Phòng Công chứng Nhà nước.

Do hoàn cảnh hoạt động độc lập ở bên ngoài nên lãnh sự lại càng cần phải được hướng dẫn nghiệp vụ và cung cấp thông tin, tài liệu, kể cả văn bản có liên quan và tài liệu tham khảo.

3/ Hoàn thiện thêm một bước nữa các văn bản có liên quan:

Kể từ Hiến pháp 1980 đến nay và nhất là trong nhiệm kỳ của Quốc hội khoá VIII vừa qua, nhiều văn bản pháp quy từ luật, pháp lệnh và các văn bản của Chính phủ đã được ban hành. Nhìn chung, trong những lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội đã có văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong lĩnh vực hoạt động ngoại giao, lãnh  sự cũng như vậy. Bên cạnh việc tham gia vào những “luật chơi” quốc tế như tham gia Công ước viên 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước Viên về quan hệ Ngoại giao 1961, Nhà nước ta cũng đã ban hành một số luật, pháp lệnh, Nghị định liên quan trực tiếp đến hoạt động đối ngoại, như luật quốc tịch 1988, Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 1989, Pháp lệnh lãnh sự v.v... hoặc những văn bản gián tiếp điều chỉnh một số lĩnh vực nhất định, như Bộ luật hàng hải, luật hôn nhân – gia đình, pháp lệnh thừa kế...

Tuy nhiên không thể nói rằng mọi vấn đề phát sinh đều đã có văn bản điều chỉnh. Chúng ta còn thiếu nhiều quy định liên quan đến tư pháp quốc tế, đặc biệt là các quy phạm xung đột.

Về công chứng, Nghị định 45-HĐBT đáp ứng được yêu cầu trước mắt của hoạt động này. Chúng ta còn có thời gian để xem xét, kiểm nghiệm và tổng kết, vì trên thực tế hoạt động công chứng ở nước ta mới được phục hồi trong những năm gần đây. Tiến tới, hoạt động công chứng cũng phải được điều chỉnh bằng luật (như đa số các nước) hoặc Pháp lệnh, tạo một cơ sở pháp lý cao cho hoạt động này và từ đó tạo sự an toàn pháp lý cao hơn cho công dân Việt Nam trong các quan hệ xã hội./.

 

 

NỘI DUNG TỔNG QUÁT THỂ CHẾ CÔNG CHỨNG

MỘT SỐ NƯỚC

 

            Nguyễn Văn Thảo

           Viện trưởng Viện khoa học pháp lý

 

1/ Đặc điểm:

Công chứng, tiếng La-Tinh được ghép bởi hai chữ Notarius và de nota.

Notarius là người thư ký, người ghi chép. De nota là viết thành văn bản.

Công chứng là một thể chế xuất hiện từ lâu đời ở các nước thuộc Âu Châu, đặc biệt là Pháp cũng như các nước Mỹ – Anh.

Sự phát triển hoạt động và thể chế Công chứng từ thế kỷ thứ X, thứ XI đến thế kỷ thứ XX hiện nay đã hình thành hệ thống thể chế công chứng:

Hệ thống thể chế công chứng “theo luật viết” hình thành từng bước quan hoạt động Công chứng của người La Mã (những Tabellions) được gọi là hệ thống thể chế Công chứng phỏng theo Luật La Mã. Các nước thuộc lục địa Châu Âu, Châu Phi đều theo hệ thống thể chế Công chứng này.

Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu trước đây có thể chế công chứng “theo luật viết”. Tuy nhiên vì nền kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Á không chấp nhận chế độ sở hữu của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể nên hoạt động công chứng không phát triển, hoạt động tương đối đơn giản vì ít phải chứng thực các quan hệ thuộc sở hữu tư nhân.

Hệ thống thể chế công chứng “theo truyền thống” dựa vào chế độ Pháp luật thao án lệ của Toà án. Văn bản pháp luật ở những nước này có rất ít, việc giải quyết các quan hệ sở hữu dựa chủ yếu vào sự hướng dẫn của các án lệ do Toà án quyết định, theo kinh nghiệm của các vụ án đã xét để lại, được xem như là một tiền lệ để giải quyết các vụ sau.

Hai hệ thống gọi là hệ thống Anglô-Saxon (án lệ) và hệ thống pháp luật lục địa (luật viết), tuy có nhiều đặc điểm rất khác nhau và tác dụng khác nhau nhưng xét về cơ bản, thể chế công chứng của các nước đều nhằm giải quyết các mối quan hệ sở hữu trong các lĩnh vực gia đình, thừa kế, vay mượn, tín dụng, kinh doanh và các mối quan hệ thân phận con người trong xã hội.

Xét về mặt đó, quan niệm về hệ công chứng ở các nước đều có những đặc điểm chung:

1.1/ Thể chế công chứng là một thể chế giải quyết các mối quan hệ về tài sản trong gia đình và các mối quan hệ gia đình. Các Công chứng viên, dựa vào pháp luật quy định phải giải quyết phần lớn các công việc thuộc về gia đình nên thường được mệnh danh là cố vấn cho các gia đình. Đó là các mối quan hệ về sở hữu tài sản giữa vợ và chồng, sở hữu chung, sở hữu riêng của chộng, của vợ, các việc tặng cho, mua bán, chuyển nhượng tài sản trong gia đình. Công chứng viên có nhiệm vụ chứng thực các sự kiện, các giấy tờ có liên quan đến quyền thừa kế của những người trong gia đình trong những trường hợp người chồng hoặc vợ (chủ gia đình) chết đi, mất tích.

Những việc có liên quan đến giám hộ, trợ tá cho những vị thành niên là chủ sở hữu có liên quan chặt chẽ với hoạt động công chứng.

Có thể nói trong một chế độ công nhận quyền sở hữu tư nhân, thể chế công chứng được xem như là một thể chế có ảnh hưởng lớn đến những thăng trầm về sở hữu của từng gia đình, Công chứng viên được xem như là một người theo dõi và giúp đỡ chặt chẽ cho mỗi gia đình trong việc bảo vệ và giải quyết đúng đắn các quan hệ về tài sản và tiền của cho họ cũng như các mối quan hệ về thân phận của mỗi người trong gia đình (con đẻ, con nuôi, con riêng, con ngoài giá thú, cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn...), Công chứng viên là người không thể thếu được để dự thảo các văn bản, nêu các giải pháp, chứng thực các sự kiện để làm cho những cuộc dàn xếp gia đình trở nên ổn thoả, đúng pháp luật.

1.2/ Thể chế công chứng là một thể chế góp phần vào giải quyết các quan hệ sở hữu trong hoạt động kinh doanh.

Trước hết là vấn đề huy động vốn trong việc thành lập các công ty kinh doanh và vấn đề vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Việc hình thành vốn, gọi chung là vôn thương nghiệp (fonds de commerce) có vai trò rất lớn của công chứng.

Các Công chứng viên chứng thực về sở hữu chủ các tài sản được góp vào vốn, trong đó có bất động sản (đất đai, nhà xưởng) các Công chứng viên chứng thực các giá trị khác góp phần hình thành vốn thương nghiệp như quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu văn nghệ, quyền sở hữu thương mai.v.v...

Ở nhiều nước, luật pháp cho phép Công chứng viên đóng vai trò trung gian trong việc góp vốn kinh doanh. Người ta gửi cho Công chứng viên các tài sản (tiền, vàng, bạc) và khi muốn góp vốn vào một công ty nào, người ta uỷ quyền công chứng đưa vốn đó đến công ty.

Công chứng viên có vai trò lớn trong việc xem xét, chứng thực tính hợp pháp và sự thoả thuận giữa 2 bên trong các hợp đồng kinh doanh.

Thể chế Công chứng và các hoạt động tín dụng có quan hệ chặt chẽ với nhau, đặc biệt là trong các hoạt động huy động vốn để kinh doanh.

Thể chế công chứng bảo đảm bí mật tuyệt đối cho tất cả những người nào, nếu họ muốn, xác nhận số tài sản của họ và giữ gìn bảo vệ tài sản đó theo ý muốn của sở hữu chủ

1.3/ Thể chế công chứng là một thể chế có quan hệ mật thiết với luật thừa kế.

Chứng thực sở hữu tài sản là một đặc trưng của hoạt động công chứng.

Chứng thực mọi sự kiện, mọi giấy tờ liên quan đến sở hữu tài sản, đến việc phân chia tài sản trong mọi trường hợp, đặc biệt là trong trường hợp thừa kế là một đặc trưng lớn trong hoạt động công chứng.

Sự phân chia tài sản trong thừa kế hoặc theo pháp luật quy định hoặc theo chỉ định của chủ sở hữu đều thông qua một chứng thu di chúc của chủ sở hữu ghi nhận tại công chứng do Công chứng viên thực hiện.

Thừa kế là một vấn đề rất phức tạp, phụ thuộc vào các chế định của mỗi nước đồng thời phụ thuộc vào phong tụ và các điều kiện cụ thể của các tài sản thừa kế. Các tài sản thừa kế có thể là động sản hoặc bất động sản, tài sản cũ hoặc tài sản ít giá trị sử dụng, tài sản hiện là vốn thương nghiệp hoặc là cổ phần tại một công ty, tài sản hiện đang cho mượn, cho vay, tài sản có một giá trị biến động thời giá, tài sản ở những vùng nông thôn xa xôi với tài sản ở những vùng buôn bán sầm uất v.v....

Những vẫn đề có làm tăng lên vai trò quan trọng và tính chất cụ thể, thực tiễn của hoạt động Công chứng viên trong đời sống kinh tế – xã hội, họ phải can thiệp rất cụ thể vào các môi quan hệ đó khi phân chia tài sản thừa kế, khi định giá tài sản thừa kế, khi giải quyết cụ thể về chuyển nhượng các tài sản thừa kế.

1.4/ Thể chế công chứng được xem như pháp luật về chứng cứ, văn bản công chứng là một chứng cứ có ý nghĩa bắt buộc đối với Toà án.

Các Toà án buộc phải công nhân các văn bản công chứng như là những chứng cứ hiển nhiên, không thể bác bỏ. Khi có những văn bản công chứng trước toà án, Toà án chấp nhận những văn bản đó, coi đó là những chứng cứ đầy tin cậy, không được bác bỏ, là căn cứ phán xét của Toà án.

Người ta có thể đặc ra một số vấn đề. Nếu văn bản công chứng không đúng sự thật, không đủ độ tin cậy thì tại sao lại bắt buộc Toà án phải chấp nhận các văn bản đó, phải xét xử và quyết định theo các văn bản đó.

Thể chế công chứng của mỗi nước đã dự kiến các trường hợp đó, gọi là sự rủi ro công chứng (risque notarial).

Nhà nước lập ra một quỹ gọi là quỹ rủi ro công chứng để bồi thường những thiệt hại do phán quyết, của Toà án dựa vào những văn bản công chứng có khuyết điểm. Cần phải noi thêm, trong tình hình hiện nay, với việc đào tạo các Công chứng viên, với thủ tục công chứng chặt chẽ, với danh dự nghề nghiệp của Công chứng viên, những rủi ro công chứng xẩy ra không nhiều.

Những rủi ro công chứng do lỗi của cá nhân Công chứng viên thì Công chứng viên phải chịu trách nhiệm kỷ luật rất nghiêm.

Văn bản công chứng gồm hai loại:

- Chứng thư công (acte anthentique) do một Công chứng viên được bổ nhiệm chính thức lập ra để chứng thực cho các bên đến nhờ làm công chứng trong các trường hợp mua bán (văn tự mua bán), khế ước giữa các hiệp hội, các công ty, những trường hợp người này tặng cho người kia một tài sản, các di chúc. Ở mỗi nước, thể chế công chứng ấn định các hành vi công chứng cụ thể của cơ quan công chứng và Công chứng viên.

- Chứng thư tư (acte sons seing privé) trong nhiều trường hợp các bên tham gia một quan hệ tài sản nào đó (mua bán, tặng cho, giao dịch, hợp đồng, khế ước, giao kèo, di chúc...) tự làm lấy văn bản  thoả thuận không nhờ vào Công chứng viên viết một văn bản công chứng (chứng thư công) mà tự làm lấy một văn bản thoả thuận ( chứng thư tư).

Cũng có trường hợp các bên viết một chứng thư tư phải nhờ vào Công chứng viên góp ý kiến hoặc hướng dẫn cho cách viết bản nhưng đó chỉ là sự nhờ vả tư vấn để làm một chứng thư tư.

Tất cả các trường hợp làm chứng thư tư đều phải nộp bản gốc cho Công chứng viên để các trường hợp cần thiết ra toà, bản gốc đó sẽ là một chứng cứ bắt buộc mặt dù đó là một văn bản thoả thuận giữa các bên

2/ So sánh :

Ở nước ta, thể hiện công chứng hiện hành giao cho Công chứng viên thực hiện 15 hành vi công chứng.

Ở một số nước mà chúng ta có được thông tin, các Công chứng viên thực hiện rất nhiều hành vi công chứng quy tụ lại trên mấy nhóm lớn:

2.1/ Chứng thực về mua bán bất động sản;

2.2/ Chứng thực về các quan hệ vay mượn cầm cố;

2.3/ Chứng thực về việc tặng cho tài sản giữa 2 công dân, giữa vợ chồng, giữa bố mẹ con cái;

2.4/ Chứng thực thừa kế;

2.5/ Chứng thực về các hợp đồng kinh doanh;

2.6/ Chứng thực về các quan hệ hôn nhân, gia đình;

2.7/ Chứng thực về các quan hệ phụ thuộc;

2.8/ Chứng thực về các kháng nghị hàng hải.

Trong nhóm thứ nhất, chứng thực về mua bán bất động sản, hầu hết các nước đề cho rằng bắt buộc phải công chứng. Viê mua bán bất động sản nếu không tiến hành công chứng sẽ bị coi là vô hiệu, nếu có tranh chấp, toà án sẽ coi việc mua bán đó là bất hợp pháp.

Trong nhóm thứ hai, chứng thực về các quan hệ vay mượn, cầm cố, hầu hết các nước đều cho rằng phải tiến hành công chứng.

Trong nhóm thức ba, Chứng thực về việc tặng cho tài sản giữa hai công dân, giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ con cái, nhiều nước cho rằng phải tiến hành công chứng, riêng có Hà Lan thấy không cần thiết phải công chứng.

Trong nhóm thứ tư, chứng thực về thừa kế, nhiều nước cho rằng phải tiến hành công chứng nhưng cũng có nước cho rằng chỉ cần công chứng trong một số trường hợp đặc biệt (người cho thừa kế khôngcó gia đình, con cái là vị thành niên, con cái là người không có năng lực hành vi...) (Canada, Bỉ, Hy Lạp).

Trong nhóm thứ năm, Chứng thực về các hợp động kinh doanh, hầu hết các nước đề cho rằng phải thực hiện công chứng, riêng Canada thấy không cần thiết.

Trong nhóm thứ sáu, chứng thực về các quan hệ hôn nhân, gia đình, tất cả các nước đều thấy sự cần thiết của công chứng.

Trong nhóm thứ bẩy, chứng thực về các quan hệ phụ thuộc (như hợp đồng làm công, quan hệ chủ thợ ...) hầu hết các nước đều thấy sự cần thiết của công chứng, riêng Hy Lạp thấy không cần thiết.

3/ Tổ chức:

Hai hệ thống thể chế công chứng có nhiều cách tổ chức khác nhau, mỗt nước xuất phát từ đặc điểm riêng của mình để ấn định cách tổ chức hoạt động, đào tạo và bổ nhiệm Công chứng viên, các thủ tục về công chứng.

3.1/ Về Công chứng viên:

Hệ thống thể chế công chứng theo truyền thống, dựa vào các án lệ, điển hình là nước Anh, bổ nhiệm Công chứng viên dựa vào sự phân loại:

Công chứng viên giáo hội được tuyển từ những người làm ở toà án giáo hội hoặc làm cố vấn pháp lý cho các linh mục, do giáo hoàng tuyển chọn.

Công chứng viên cấp cao được tuyển chọn theo luật từ những người có chứng chỉ luật sư, việc cấp chứng chỉ hành nghe do Toà đại Pháp Hoàng gia thực hiện, có quyền hành nghề rộng rãi ở các địa phương.

Công chứng viên cấp cơ sở (quận) được tuyển chọn theo luật, từ những người có chứng chỉ luật sư, hành nghề trong một khu vực nhất định.

Chế động Công chứng viên ở Anh xem họ là một viên chức Nhà nước (trừ các Công chứng viên giáo hội).

Hệ thống thể chế công chứng theo luật viết, điển hình là Cộng hoà Pháp tuyển Công chứng viên chủ yếu dựa vào việc đào tạo có hệ thống về luật và qua trươngf đào tạo Công chứng viên.

Tất cả các Công chứng viên đề do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, chỉ được hoạt động trong khu vực chỉ định và đều là công chức Nhà nước.

Những năm gần đây, có phong trào ở một số nước, đặc biệt là ở Châu Âu, đã nhìn nhận công chứng như một nghề tự do, Công chứng viên tổ chức văn Phòng công chứng theo ý mình, tuyển và trả lương cho người làm công, chịu trách nhiệm hoàn toàn về các chứng thư do họ lập ra và về mọi hoạt động công chứng của mình. Dĩ nhiên họ vãn phải có đủ điều kiện của một công chứng viên mới được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng họ không phải là viên chức Nhà nước mà hoạt động độc lập.

Cùng với phong trào đó đã xuất hiện tổ chức Liên hiệp công chứng quốc tế, thành lập năm 1950, đến nay đã tập hợp được 42 nước, ở những nước đó đã có hoặc đang nghiên cứu thể chế công chứng là một nghề tự do.

3.2/ Bộ máy:

Công chứng viên là một chức danh, dù là công chức hay một nghề tự do, đều hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm về các hành vi công chứng của mình.

Họ có Văn phòng riêng hoặc cùng chung nhau lập ra một văn phòng.

Bộ máy quản lý công chứng là một bộ máy có chức năng theo dõi đánh giá hoạt động của Công chứng viên, quản lý bản thân Công chứng viên về các mặt: bồ dưỡng nâng cao trình độ, đạo đức, phẩm hạnh, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Công chứng viên v.v... bộ máy đó không thực hiện các hành vi công chứng.

Ở các nước thuộc hệ thống công chứng theo luật viết, các hoạt động công chứng phát triển, số lượng công chứng viên đông đảo, bộ máy quản lý hoạt động công chứng tương đối chặt chẽ, có bộ máy từ cơ sở (quận, huyện) đến khu vực (tỉnh hoặc liên tỉnh) và Hội đồng công chứng Trung ương đặt bên cạnh Bộ Tư pháp để quản lý các Công chứng viên.

3.3/ Lợi hại:

Thể chế công chứng thuộc hệ thống Angle-saxon (truyền thống và dựa vào án lệ) hoặc thuộc hệ thống Cortinental (luật viết) đều có những mặt lợi và bất lợi.

Hệ thống Anglen-saxon ít có pháp luật thành văn nên hoạt động công chứng chủ yếu dựa vào các tiền lệ đã giải quyết, theo nguyên tắc tự do kiết ước, hai bên thoả thuận, lập chứng thư tư, tự thảo lấy văn bản, nhờ công chứng viên bổ trợ như là một cố vấn và khi có tranh chấp thì phó thác cho toà án giải quyết. Nếu toà án giải quyết tốt lại trở thành một án lệ để tiếp tục giải quyết các tranh chấp sau.

Hệ thống này giải quyết nhanh chóng các mối quan hệ giữa 2 bên, rất có tác dụng thiết thực nhưng lại dẫn đến sự tranh chấp nhiều hơn, phải nhờ vào toà án, làm tăng lên tình trạng lạm phát các án lệ. Hệ thống này cũng làm cho việc xét xử các tranh chấp về công chứng nhiều hơn, các bên do tự thảo lấy chứng thư nên đứng trước toà sẽ muốn mình là kẻ thắng, thế mạnh thế yếu của hai bên phụ thuộc vào nhiều điều kiện nên việc xét xử bị thiên vị, thiếu công bằng.

Hệ thống Cortinentae là hệ thống luật viết, có đủ pháp luật, các thủ tục công chứng chặt chẽ, Công chứng viên của Nhà nước nên giải quyết công việc có phần chậm hơn, ít linh hoạt nhưng khách quan hơn, làm cho các bên ký kết hiểu biết pháp luật và nếu có sự tranh chấp trước toà, Công chứng viên sẽ là người đứng ra, bảo đảm các văn bản như là một chứng cứ phải chấp nhận..

*                  *

*

Thể chế công chứng là một thể chế rất quan trọng của đời sống kinh tế và xã hội trong tất cả các nước, đặc biệt quan trọng trong các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

Ở nước ta, thể chế này còn rất mới mẻ, mặc dù thời Pháp thuộc ta đã có cơ quan quản lý văn khế những những năm sau đó chúng ta đã không triển khai, đến này lập lại, trong điều kiện mới nên còn rất chập chững, chưa có kinh nghiệm.

Cách tiếp cận để xây dựng được một thể chế công chứng có hiệu quả ở nước ta cần trải qua những bước tiếp cận cần thiết là:

- Xây dựng một hệ thống quan niệm thống nhất làm luật cứ cho việc hoàn thiện thể chế công chứng mới mẻ của chúng ta;

- Đánh giá thực trạng của quan hệ trong xã hội cần thiết đòi hỏi có công chứng;

- Tổng kết hoạt động công chứng hiện nay, rút ra những vấn đề có ý nghĩa kinh nghiệm;

- Xây dựng một thể chế mới về công chứng phù hợp với tình hình./.

 

 

CÔNG CHỨNG Ở CÁC NƯỚC THUỘC HỆ THỐNG

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (CŨ)

ĐẶC ĐIỂM CHUNG, ƯU, NHƯỢC ĐIỂM VÀ QUAN ĐIỂM TIẾP THU VẬN DỤNG VÀO VIỆT  NAM.

 

I.- KHÁI NIỆM CHUNG:

Công chứng ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (cũ) tuy có những điểm riêng biệt phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nước, song nó cũng có những nét nổi bật chung. Trước hết, đó là hoạt động mang tính chất Nhà nước, do các cơ quan Nhà nước đảm nhiệm và nó đề hướng tới một mục đích duy nhất là bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cũng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và trật tự pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp và vi phạm pháp luật, cung cấp các tài liệu có giá trị chứng cứ khi cần thiết để phục vụ việc giải quyết các tranh chấp.

Nhìn chung, ở các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (cũ), khi thực hiện việc làm công chứng, Công chứng viên và những người được giao làm nhiệm vụ này đều phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1/ Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa:

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nhằm hướng cho các Công chứng viên tuân thủ pháp luật một cách chính xác và triệt để khi thực hành nhiệm vụ. Cụ thể là, khi thực hiện công chứng, Công chứng viên phải dựa trên các văn bản pháp luật hiện hành (luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư...) của Nhà nước. Ngoài ra, cần kiểm tra xem các việc làm mà đương sự yêu cầu và các giấy tờ mà họ xuất trình có phù hợp với pháp luật không? Nếu nghi ngờ giấy tờ là giả mạo, Công chứng viên có thể giử đi giám định. Nếu phát hiện ra sai sót của chính mình, công chứng viên cũng phải nhanh chóng tìm biện phát để xoá bỏ sai sót đó.

2/ Tính chính xác của các văn bản công chứng:

Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ, các văn bản công chứng phải dựa trên cơ sở các sự việc có thật để sao cho kết luật của Công chứng viên là có căn cứ. Để làm được việc trong một số trường hợp cần thiết, Công chứng viên không những chỉ kiểm tra, xem xét những giấy tờ mà đương sự xuất trình mà còn phải tự ý yêu cầu thêm các thông tin cần thiết khác. Khi nhận các giấy tờ của đương sự, Công chứng viên cần lưu ý xem các giấy tờ đó có đúng do các cơ quan có thẩm quyền cấp và có phải đúng do người có trách nhiệm ký hay không; các giấy tờ có được làm theo đúng mẫy quy định hay không, có còn hiệu lực thi hành hay không...

3/ Nguyên tắc khách quan:

Công chứng viên không được phép thiên vị trong khi thực hiện công chứng, không được có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài một quan tâm đến công việc. Để đảm bảo được nguyên tắc này, luật công chứng của hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa cũ đều quy định: Công chứng viên không được thực hiện công chứng cho bản thân mình, cho vớ (chồng) mình hoặc cho bố, mẹ, các con, anh, chị em ruột của mình.

4/ Giúp đỡ các được sự trong việc thực hiện quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ:

Công chứng viên có nhiệm vụ giải thích cho các đương sự hiễu rõ quyền và nghĩa vụ của họ trong việc làm công chứng; thống báo trước các hậu quả của việc làm công chứng mà họ muốn thực hiện, để tình trạng không an hiểu pháp luật và các tình trạng tương tự không gây ảnh hưởng xấu đến các đương sự.

Ngoài ra, Công chứng viên có thể giúp đỡ các đương sự cả về mặt kỹ thuật. Nếu đương sự yêu cầu, Công chứng viên phải lập bản mẫu các hợp động, đơn từ hoặc chuẩn bị bản sao các giấy tờ, tài liệu cho đương sự.

5/ Giữ bí mật các việc làm công chứng

Đây là nguyên tắc chung đối với công chứng viên của hầu hết các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa (cũ). Nguyên tắc này nhằm cung câp thông tin của công dân đối với các cơ quan công chứng làm cho họ không cảm thấy e ngại khi phải đến cơ quan công chứng để chứng nhận một việc mà họ không muốn cho người khác biết.

II.- TỔ CHỨC CÔNG CHỨNG Ở CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (TRƯỚC ĐÂY):

Thực hiện các việc là công chứng, ở các nước xã hội chủ nghĩa thành lập ra các Phòng Công chứng Nhà nước. Đây là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng công chứng. Ngoài chức năng này, Phòng công chứng không thực hiện bất cứ chức năng nào khác. Các việc công chứng ở nước ngoài đền do lãnh sự hoặc đại diện ngoại giao ở nước đó thực hiện.

Tuy nhiên, do điều kiện dân sự, mật độ giữa các Phòng công chứng và tính chất phức tạp của các Phòng công chứng ở từng nước có khác nhau, cho nên việc tổ chức các hệ thống công chứng ở mỗi nước cũng có những nét riêng biệt. Ví dụ ở Liên Xô (trước đây), mỗi tỉnh có một hoặc một số Phòng Công chứng Nhà nước, ngoài ra ở thủ đô các nước cộng hoà và tại trung tâm các tỉnh, vùng còn có Phòng Công chứng Nhà nước thứ nhất. Phòng này có chức năng thực hiện các việc làm công chứng phức tạp hơn (ví dụ: chứng nhận bản sao các văn bản của các cơ quan quyền lực và cơ quan quản lý Nhà nước tối cao Liên Xô có liên quan đến quyền và lợi ích riêng cảu công dân, chứng nhận bản sao các giấy tờ ghi bằng tiếng nước ngoài...). Ngoài ra, ở những nơi không có Phòng Công chứng Nhà nước, một số việc làm công chứng đơn giản được thực hiện tại Uỷ ban chấp hành xô viết thành phố, thị trấn, xã. khác với các Phòng công chứng, đây không phải là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng công chứng. Ngoài chức năng đó ra, Uỷ bản chấp hành xô viết  còn được thực hiện các chức năng khác theo quy định của Pháp luật.

So với mô hình công chứng ở Liên xô, mô hình công chứng ở Cộng hoà dân chủ Đức có đơn giản hơn. ở nước này cơ quan dyu nhất được thực hiện chức năng công chứnglà Phòng Công chứng Nhà nước. Ngoài cơ quan này ra không còn cơ quan nào khác trên lãnh thổ nước Đức thực bhiện chức năng đó. Và cũng khác với Liên xô ( Phòng Công chứng được thành lập ở cấp tỉnh), ở Đức Phòng Công chứng được thành lập trên lãnh thổ từng huyện. Việc phân cấp này có ưu điểm hơnlà ở chỗ thuận tiện cho việc đi lại của công dân, mặt khác, việc quản lý công tác công chứng cũng được thu về một mối, làm đơn giản hoá bộ máy Công chứng Nhà nước.

Hệ thống công chứng Nhà nước ở Cu ba cũng gần giốngở cộng hoà dân chủ Đức. Cụ thể là các Phòng Công chứng cũng được thành lập ở mỗi quận huyện. Khi một Công chứng viên có thẩm quyền ở nhiều quận, huyện khác nhau thì có thể thành lập ra ở các quận, huyện này văn phòng công chứng viên trực thuộc Phòng Công chứng. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh còn lập ra một tàng thư công chứng.Tại đây ngoài việc thực hiện các việc làm coong chứng như ở các quận, huyện; Công chứng viên còn có trách nhiệm cất giữ các sổ công chứng gốc do các phòng công chứng, văn phòng Công chứng viên và các lãnh sứ quán gửi tới sau khi đã lưu giữ chúng từ 20 đến 40 năm.

III.- CÔNG CHỨNG VIÊN:

Khác với các nước TBCN (ví dụ : ở Pháp, Công chứng viên phải là nhân viên Nhà nước, không do Nhà nước trả tiền lương, tiền thu lao công chứng không phải nộp vào ngân sách Nhà nước mà giữ lại thay cho tiền lương để nộp thuế thu nhập), ở các nước XHCN, các Công chứng viên đều là nhân viên Nhà nước và do Nhà nước trả tiền lương. Lệ phí công chứng được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều kiện để bổ nhiệm Công chứng viên ở hầu hết các nước XHCN đều giống nhau :

- Là công dân của nước mà họ sẽ được bổ nhiệm làm Công chứng viên ở đó;

- Có phẩm chất đạo đức tốt;

- Đã tốt nghiệp Đại học gháp lý.

Riêng ở Liên xô, trong một số trường hợp đặc biệt, cũng có thể bổ nhiệm làm Công chứng viên những người không có bằng đại học pháp lý nhưng đã công tác trong ngành luật từ 3 năm trở lên.

Trình tự bổ nhiệm và miễn nhiệm các Công chứng viên ở từng nước XHCN có điểm khác nhau. ở Đức, các Công chứng viên do Bộ trưởngTư pháp bổ nhiệm và miễn nhiệm. ở Liên xô, chỉ có các Công chứng viên trưởngcủa Phòng Công chứng Nhà nước thứ nhất mới do Bộ trưởng Tư pháp nước cộng hoà đó bổ nhiệm và miễn nhiệm, còn các Công chứng viên khác do trưởng ban Tư pháp của Uỷ ban chấp hành xô viết tỉnh, vùng bổ nhiệm và miễn nhiệm. ở Cu ba, Giám đốc Sở tư pháp bổ nhiệm công chứng viên sau khi đã có giấy chứng nhận đủ tư cách của Bộ trưởng Tư pháp.

IV.- QUẢN LÝ CÔNG TÁC CÔNG CHỨNG:

Nhìn chung, ở các nước xã hội chủ nghĩa, việc quản lý thống nhất công tác công chứng trong phạm vi cả nước thuộc thẩm quyền Bộ tư pháp. Bộ tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước; đảm bảo việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công chứng; tổng kết và phổ biến kinh nghiệm hoạt động công chứng; đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho công chứng viên.

Bộ tư pháp có thể uỷ nhiệm cho một cơ quan nào đó ở mỗi tỉnh thực hiện việc quản lý công tác công chứng ở địa phương mình. ở Liên Xô, việc quản lý công tác công chứng ở từng tỉnh, vùng do Ban Tư pháp của Uỷ ban chấp hành Xô viết tỉnh, vùng thực hiện. ở Đức, việc quản lý này được giao cho Chánh án toà án các tỉnh thực hiện.

V.- CÁC VIỆC LÀM CÔNG CHỨNG:

Danh mục các việc làm công chứng ở từng nước xã hội chủ nghĩa trước đây không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, xét về mục đích các việc làm đó vẫn mang một số tính cách chung; vì vậy có thể chia ra thành các nhóm như sau:

1/ Các việc làm công chứng nhằm tăng thêm sự rõ ràng của các quyền lợi hiển nhiên. Ví dụ: chứng nhận quyền thừa kế, chứnh nhận quyền sở hữu riêng trong tài sản chung của vợ, chồng.

2/ Các việc làm công chứng nhằm tăng cường hiệu lực thi hành cho các văn bản, giấy tờ. Nhóm này gồm các như: cấp chứng thực đòi nợ, ra quyết định chia di sản thừa kế.

3/ Các việc làm công chứng nhằm làm tăng giá trị chứng cứ. Nhóm này gồm có chứng nhận hợp đồng, cung cấp bằng chứng; chứng nhận kháng nghi hàng hải; chứng nhận di chúc.

4/ Các việc là công chứng nhằm tăng tính chuẩn xác và độ tin cậycủa các văn bản giấy tờ. Nhóm này gồm có: chứng nhận bản dịch, chứng nhận chữ ký...

5/ Các việc công chứng có tính chất bổ sung. Nhóm này bao gồm các việc làm công chứng khác: nhận giữ giáy tờ tài liệu; nhận đồ ký gửi...

VI.-  QUAN ĐIỂM TIẾP THU VẬN DỤNG VÀO VIỆT NAM;

Hoạt động công chứng ở nước ta tuy được hình thành từ thời Pháp thuộc, nhưng chỉ từ năm 1987 trở lại đây, hoạt động này mời được chình thức quy định tại một số văn bản của Nà nước. Đặc biệt, ngày 27//2/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 45/HĐBT “Về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước”. Do sự ra đời muộn màng của các văn bản nêu trên, chúng ta có đièu kiện để tham khảo và tiếp thu một cách có chọn lọc các kinh nghiệm và thực tiễn công chứng ở nước ngoài , đặc biệt ở các nước thuộc hệ thông XHCN trước đây.

Là một trong những nước nằm trong hệ thống XHCN , hoạt động công chứng ở nước ta không thể tách ra khỏi hoạt động công chứng của toàn bộ hệ thống XHCN. Vì vậy, tuy có những nét đặc thù riêng do sự chi phối của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và một số điều kiện khác, hoạt động công chứng ở Việt nam, xét về mặt tổng thể, vẫn mang những đặc điểm chung  của hoạt động ở hầu hết các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây.

Trước hết, xét về nguyên tắc hoạt động, tất cả các nguyên tắc nêu ở phần trên đều được áp dụng ở Việt nam. Đó là những nguyên tắc chung không thể thiếu trong khi thực hiện công chứng.

Về mặt tổ chức, do hoạt động công chứng ở nước ta mới được triển khai, cho nên không thể thành lập ngay tất cả các phòng công chứng. Ở mọi khu vực dân cư theo như mô hình công chứng ở cộng hoà dân chủ Đức ( cũ ) được.Trong điều kiện như vậy, việc tiếp thu, vận dụng mô hình công chứng Liên xô là phù hợp hơn cả. Có nghĩa là, trước mắt chỉ thành lập Phòng Công chứng Nhà nước ở các trung tâm dân cư như nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã tỉnh lỵ. Ngoài ra, ở những nơi chưa thành lập Phòng Công chứng Nhà nước, các vệc công chứng đơn giản (4 việc theo điều 20 Nghi định 45/ HĐBT) được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã cho đến khi thành lập được Phòng Công chứng Nhà nước tại nơi đó.

Về điều kiện để bổ nhiệm Công chứng viên, ở nước ta do hoạt động công chứng còn mới mẻ, các Công chứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cho nên ngoài các điều kiện như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác (là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phầm chất đạo đức tốt, đã tốt nghiệp đại học pháp lý), các Công chứng viên tương lai còn phải có thêm một điều kiện nữa là “Đã làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên và được huấn luyện nghiệp vụ công chứng”.

Ở nước ta, việc quản lý thống nhất công tác công chứng trong cả nước, cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp. Ngoài ra, vì Phòng Công chứng Nhà nước là cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, cho nên ở mỗi tỉnh, theo sự hướng dẫn thống nhất của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm quản lý công tác công chứng ở địa phương mình.

Danh mục các việc làm công chứng ở Việt Nam hiện nay bao gồm 10 nhóm việc theo như Điều 15 Nghị định 45-HĐBT đã quy định. Đó là những nhóm việc tiêu biểu đã được tiếp thu lưa chọn sau khi tham khảo các việc làm công chứng ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác như: Đức; Liên Xô ... Ngoài các nhóm việc này ra, hiện nay do sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, Nhà nước khuyến khích việc đầu tư kinh doanh và bảo hộ lợi ích hợp pháp của các chủ doanh nghiệp tư nhân và những người góp vốn đầu tư; Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty còn quy định them cho các Phòng công chứng một nhóm việc nữa. Đó là việc công chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân và của công ty cổ phần.

Nói chung, việc quy định các nhóm việc công chứng như đã nêu trên là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước ta hiện này. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của các Phòng công chứng trong thời gian qua, có thể đưa ra một số đề xuất nhỏ: nên quy định thêm việc chứng nhận chữ ký và việc chứng nhận quyền thừa kế. Đây là những việc mà có nhiều đương sự đến yêu cầu nhưng các Phòng công chứng còn lúng túng trong việc giải quyết vì Nghị định 45-HĐBT không có quy định các việc đó. Đặc biệt là việc chứng nhận quyền thừa kế. Trong Nghị định 45-HĐBT chỉ có quy định việc chứng nhận giấy thuận phân chia di sản thừa kế. Nhưng đây chỉ là áp dụng trong trường hợp có nhiều người thừa kế. Vậy nếu chỉ có một người thừa kế thì giải quyết thế nào?

Ngoài ra, Pháp lệnh lãnh sự có quy định cho lãnh sự nước Việt Nam tại nước ngoài thực hiện một số việc công chứng mà Nghị định 450-HĐBT không quy định (như chứng thực thời gian trình nộp giấy tờ; chứng thực chữ ký; nhận bảo quản tiền, ngân phiếu và các đồ vật có giá trị). Thiết nghĩ, Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng cũng nên quy định thêm các việc này cho các Phòng công chứng, bởi vì, Phòng công chứng là cơ quan chính được thành lập ra để thực hiện công chứng nên không thể có phạm vi các việc công chứng hẹp hơn các cơ quan khác (lãnh sự, Uỷ ban nhân dân) được.

Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng cũng nên quy định thêm việc “cấp bản sao văn bản công chứng và giấy tờ hiên đang lưu giữ” cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện. Bởi vì, sẽ không công bằng nếu như công dân khi đến Phòng công chứng yêu cầu công chứng thì sau này nếu muốn sẽ được cấp bản sao văn bản công chứng, còn khi đến Uỷ ban nhân dân yêu cầu thì sau này lại không thể xin cấp bản sao văn bản công chứng.

Cuối cùng, nên quy định thêm một chứng về việc áp dụng Luật công chứng Việt Nam đối với người nước ngoài như thế nào, và trong trường hợp nào thì được áp dụng Luật công chứng của nước ngoài và các hiệp ước quốc tế tại Việt Nam.

Danh mục các việc làm công chứng ở một số nước xã hội chủ nghĩa (cũ).

+) Ở Liên Xô có các việc công chứng sau:

1/ Chứng nhận hợp đồng, di chúc, giấy ủy quyền;

2/ Quyết định biện pháp bảo vệ tài sản thừa kế;

3/ Cấp giấy chứng nhận quyền thừa kế;

4/ Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần tài sản trong khối tài sản chung của vở, chồng;

5/ Ra lệnh cấm chuyển nhượng nhà ở;

6/ Chứng nhân bản sao giấy tờ, tài liệu và trích lục từ các giấy tờ tài liệu đó;

7/ Chứng nhận chữ ký trên các giấy tờ;

8/ Chứng nhận sự chính xác của bản dịch tài liệu từ tiếng này sang tiếng khác;

9/ Chứng nhận công dân còn sống;

10/ Chứng nhận công dân đang ở một nơi nhất định;

11/ Chứng nhận công dân là người có trong ảnh;

12/ Chứng nhận thời gian xuất trình giấy tờ;

13/ Chuyển đơn từ của công dân và các tổ chức cho các công dân khác và tổ chức khác;

14/ Nhận giữ tiền và chứng khoán để trả cho chủ nợ;

15/ Cấp chứng thực đòi nợ;

16/ Lập kháng nghị kỳ phiếu;

17/ Xuất trình séc để thanh toán và chứng nhận séc chưa được thành toán;

18/ Nhận giữ giấy tờ, tài liệu;

19/ Lập kháng nghị hàng hải.

Ngoài các việc nêu trên, pháp luật Liên Xô và các nước cộng hoà có thể quy định cho các Phòng công chứng thực hiện một số việc khác.

+) Ở CHDC Đức có các nhóm việc công chứng sau:

1/ Chứng thực và thị thực:

- Chứng thực bao gồm chứng thực các hợp đồng, các hành vi pháp lý đơn phương, kết luận về các sự kiện và các giao ước khác;

- Thị thực: bao gồm thị thực chữ ký, dấu tay, bản sao đánh máy, bản chụp lại hoặc in lại.

2/ Các công việc về di chúc và thừa kế:

- Bản quản di chúc;

- Mở di chúc;

- Chứng nhận quyền thừa kế;

- Bảo đảm và quản lý di sản;

- Thông báo việc chia di sản dưa theo đơn yêu cầu;

- Phân xử, quyết định việc chia di sản.

3/ Tình người đỡ đầu và chăm sóc cho những người không có năng lực hành vi, xóa bỏ việc nhận con nuôi.

4/ Nhận đồ ký giử: bao gồm tiền Mác, Ngoại tệ, Ngân phiếu, Giấy chứng nhận, chứng từ, văn bằng, vật quý.

+) Ở Cu Ba có các việc công chứng sau:

1/ Xác nhận sự tin cậy của các hoạt động pháp lý mà pháp luật yêu cầu phải được công chứng viên thể thức hoá và các hoạt động khác mà các bên yêu cầu.

2/ Xác nhận sự tin cậy của các sự kiện, hoạt động có tầm quan trọng pháp lý mà từ đó phát sinh hoặc công bố những quyền lợi hợp pháp của con người;

3/ Thừa nhận, xử lý và giải quyết các tài liệu của hoạt động tự nguyện có tính chất tư pháp và các hoạt động công bố người thừa kế;

4/ Cho ý kiến về nhận thức và năng lực hành vi của các cá nhân đứng tên trong các văn bản công chứng;

5/ Xác nhận sự tin cậy của các bản kháng nghị, yêu cầu, thông báo và chứng nhận;

6/ Thể thức hóa tất cả các loại tài liệu, văn bản Nhà nước và tư nhân;

7/ Cất giữ các tài liệu thương mại và các tài liệu khác, đồ vật, tài sản để thế chấp cho các hợp đồng hoặc để kiểm soát chúng;

8/ Xác nhận hiệu lực của luật quốc gia để có hiệu lực ở nước ngoài, xác nhận các bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng nước ngoài và ngược lại;

9/ Xác nhận sự tồn tại của đồ vật và người;

10/ Cung cấp các bản sao toàn bộ hoặc một phần của các văn bản công chứng đang được cất giữ;

11/ Viết các biên bản chứng nhận toàn bộ hoặc một phần của các tài liệu sau khi đã được xem;

12/ Xác nhận việc thể thức hoá hôn nhân.

 

 

                                                  Lê Kim Thanh

Chuyên viên Vụ Luật sư, CC, GĐ, HT


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                    Phần III

 

 

 
 

KẾT QUẢ ĐIỂU TRA

XÃ HỘI HỌC

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

KẾT QUẢ TỔNG HỢP PHIẾU ĐIỀU TRA KHẢO SÁT

Số phiếu gửi đi:               400

Số phiếu thu về:               201

Địa bàn hỏi: Phòng Công chứng Nhà nước, Sở tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, các cơ quan nghiên cứu, Hội Luật gia ... trên toàn quốc.

 

Kết quả

Câu hỏi

Trả lời

Số phiếu

Những việc nào, những quan hệ tài sản nào cần phải thực hiện công chứng?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn bản công chứng có giá trị như thế nào?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cơ quan công chứng có tên gọi như thế nào?

 

 

 

 

 

 

 

Cơ quan nào được giao thực hiện công chứng?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nếu chỉ có cơ quan công chứng thì tổ chức như thế nào?

 

 

 

 

 

 

 

Bổ nhiệm công chứng viên?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mức lương của Công chứng viên?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mức lương của thủ trưởng cơ quan công chứng.

 

 

 

 

 

 

 

 

Việc quản lý cơ quan công chứng như thế nào?

 

 

 

Nhất trí với các nhóm việc công chứng được quy định trong Nghị định 45-HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước như sau:

1.     Chứng nhận các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác;

2.     Chứng nhận giấy uỷ quyền;

3.     Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc nhường quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia tài sản;

4.     Chứng nhận tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của vợ hoặc chồng;

5.     Chứng nhận kháng nghị hàng hải;

6.     Chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu;

7.     Chứng nhận bàn sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

8.     Nhận giữ giấy tờ, tài liệu;

9.     Cấp bảo sao văn bản công chứng và giấy tờ, tài liệu hiện đang lưu giữ;

10. Các việc công chứng khác do pháp luật quy định.

Ngoài ra còn các ý kiến khác sau đây:

-        Trước mặt nên thực hiện 10 nhóm việc công chứng nêu trên;

-        Các việc công chứng phải được mở rộng đáp ứng các mối quan hệ xã hội, theo ý muốn của chủ sở hữu;

-        Rất nhiều việc cần phải thực hiện công chứng không thể kể hết được;

-        Cần phải quy định rõ ràng, cụ thể và kịp thời, không nên quy định như hiện nay là do cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cơ sở chứng thực, quy định này là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng;

-        Ngoài 10 nhóm việc công chứng nêu trên, cần thêm các nhóm việc sau đây:

1.     Chứng nhận chữ ký;

2.     Đăng ký kết hôn người nước ngoài;

3.     Chứng nhận các cuộc xổ số kiến thiết;

4.     Chứng nhận các việc giao vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước;

5.     Chứng nhận tài sản thế chấp cho công dân hoặc tập thể vay nợ của nhau hoặc vay nợ của Ngân hành Nhà nước;

6.     Cấp giấy chứng nhận đòi nợ đã đăng ký công chứng;

7.     áp dụng những biện pháp về công chứng đối với người nước ngoài và người không có quốc tích;

8.     Chứng nhận vốn ban đầu bằng tài sản cho các doanh nghiệp công ty cổ phần;

9.     Chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật của công ty trách nhiệm hữu hạn;

10. Chứng nhận công dân mất tích;

11. Chứng nhận việc chuyển nhượng tín phiếu, cổ phần cho công dân và các tổ chức;

12. Chứng nhận điều lệ hoặc cam kết của tổ chức mới thành lập hoặc nhóm người góp vốn với nhau để kinh doanh;

13. Xác nhận những sự kiện, vấn đề, giấy tờ có ý nghĩa pháp lý làm cơ sở phát sinh quyền và nghĩa vụ;

14. Chứng nhận quyền thừa kế.

Những việc đề nghị công chứng không làm

1.     Chứng nhận sao y giấy tờ, tài liệu tiềng Việt ... Những việc này giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, huyện thị thực;

2.     Giữ giấy tờ, tài liệu.

Những quan hệ tài sản cần công chứng:

-        Các quan hệ tài sản thuộc diện phải sang tên trước bạ quyền sở hữu hoặc đăng ký quản lý với các cơ quan chức năng của Nhà nước đều phải thực hiện công chứng, cụ thể là:

1.     Nhà đất bao gồm quyền sở hữu hoặc quản lý nhà, quyền sử dụng đất (như nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, công trình kiến trúc...)

2.     Xe ôtô các loại;

3.     Xe gắn máy bao gồm: xe 2 bánh, xe 3 bánh, xe lam, xe xích lô máy;

4.     Tầu thuyền bao gồm cả canô, xàlan, thuyền dùng để vận tải, hàng hoá, hành khách hoặc đánh cá trên sông, biển;

5.     Các tài sản hoặc phương tiện khác bao gồm xe xích lô, xe hơi, xe bagác, vidio, cátset, camera, súng hơi;

 

 

Về giá trị của văn bản công chứng:

-        Có giá trị chứng cứ:

+ Đặc biệt;

+ Không thể phản bác;

+ Pháp lý;

+ Cao.

-        Nhưng không nên coi nó là chứng cứ duy nhất khi giải quyết tranh chấp;

-        Có giá trị như chứng cứ;

-        Là chứng cứ, là chứng cứ quan trọng;

-        Có giá trị tuyệt đối;

-        Có giá trị như bản gốc;

-        Thay thế được bản chính trong sử dụng;

-        Có giá trị pháp lý cao;

-        Có giá trị pháp lý cao nhất;

-        Có giá trị hơn chứng thư hành chính của Uỷ ban nhân dân các cấp;

-         Có giá trị như một quyết định của chính quyền Nhà nước có thẩm quyền;

-        Như là một phán quyết của Thẩm phán Toà án;

-        Như một quyết định của một cơ quan pháp luật;

-        Có giá trị tương đương một bản án có hiệu lực pháp luật về hợp đồng;

-        Tạo ra một sự tin cậy cao;

-        Có hiệu lực trong quản lý Nhà nước ở phạm vi toàn quốc và quốc tế;

 

 

-        Tên gọi như hiện nay là phù hợp, không cần phải đổi tên khác;

ý kiến khác:

-        Phòng công chứng;

-        Công chứng Nhà nước;

-        Văn Phòng Công chứng Nhà nước;

-        Viện Công chứng Nhà nước;

 

 

 

-        Chỉ có cơ quan công chứng thực hiện công chứng, nhằm bảo đảm tính độc lập, tính khác quan. Không nên để Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã trực hiện công chứng như hiện nay vì không bảo đảm tính khách quan và tính chứng cứ;

-        Vừa do cơ quan công chứng, vừa do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã như hiện nay là phù hợp với các tỉnh miền núi;

-        ở những khu vực nào có Phòng Công chứng Nhà nước số 2; 3... thì Uỷ ban nhân dân huyện không thực hiện công chứng. Khi chưa có Phòng công chứng khu vực thì Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã thực hiện một số việc công chứng được quy định;

 

 

 

-        Mỗi tỉnh, thành phố có một cơ quan công chứng;

-        ở tỉnh, thành phố có Phòng công chứng trung tâm, liên huyện có Phòng công chứng khu vực;

-        Mỗi huyện có một cơ quan công chứng;

-        Mỗi Toà án khu vực có một cơ quan công chứng;

 

 

 

-        Bộ Tư pháp bổ nhiệm Công chứng viên;

+ Theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

+ Theo đề nghị của Giám đốc Sở tư pháp nếu là Công chứng viên trưởng thì sau khi thống nhất với Uỷ ban nhân dân tỉnh;

+ Theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan công chứng;

+ Theo đề nghị của Toà án nhân dân tỉnh;

-        Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm Công chứng viên;

+ Sau khi có ý kiến thông nhất của Bộ Tư pháp;

+ Theo đề nghị của Giám đốc Sở tư pháp, khi cần Bộ Tư pháp kiểm tra có ý kiến.

 

 

 

-        Cần có thanh bảng lương riêng cho Công chứng viên;

-        Theo thang lương chuyên viên với mức lương khởi điểm:

+ 290đ

+ 333đ

+ 359đ

+ 390đ

-        Theo bảng lương Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố;

-        Ngoài mức lương chính của Công chứng viên, cần có chế độ ưu đãi, nên có phụ cấp trách nhiệm;

-        Hưởng lương như hiện nay là lương của trưởng Phòng nghiệp vụ của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

-        Như mức lương của Giám đốc sở, ban ngành, cấp tỉnh;

-        Như mức lương của Phó Giám đốc sở, ban, ngành cấp tỉnh;

-        Hưởng lương Công chứng viên với phụ cấp trách nhiệm chức vụ (7% hoặc 10%);

 

 

 

-        Bộ Tư pháp quản lý thống nhất, toàn diện - thành lập Cục công chứng giúp Bộ quản lý;

-        Như Điều 9; 10 Nghị định 45-HĐBT là phù hợp;

-        Mô hình tổ chức nên theo một số ngành hiện nay như kho bạc Nhà nước, Cục thuế...

-        Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng. Bộ Tư pháp chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công chứng;

-        Do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý hoặc do Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý. Không uỷ quyền vì trong thực tế việc uỷ quyền cho Sở tư pháp trực tiếp quản lý về tổ chức và hoạt động của Phòng Công chứng Nhà nước thì Phòng Công chứng Nhà nước như 1 Phòng của Sở tư pháp.

 

 

 

 

100

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

58

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

120

35

60

 

120

 

 

101

 

52

 

 

20

 

134

 

142

57

 

 

98

 

 

73

 

 

56

152

 

 

 

 

 

180

102

 

 

 

 

 

 

 

 

 

188

100

 

28

 

 

152

 

 

15

 

 

 

 

37

163

159

82

 

70

129

129

52

72

110

150

59

 

187

 

192

 

198

 

193

 

124

120

 

200

 

 

 

200

 

20

70

48

21

 

 

 

 

 

 

 

 

160

 

 

50

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

60

 

 

70

21

 

50

 

 

 

142

 

37

 

 

68

 

 

25

 

10

 

51

 

40

 

 

21

 

 

 

 

80

 

 

2

4

28

7

 

80

 

200

 

 

30

 

 

38

 

43

 

90

 

 

 

 

 

90

 

 

26

 

 

29

 

 

20

 

 

 

 

 

 

36

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

        Phần IV

 

 

 
 

TƯ LIỆU

 

 

 

 

 

 

 

 


 

KẾT QUẢ CÔNG CHỨNG

1991- 1992

 

Vể tổ chức hoạt động công chứng

Năm 1991

Năm 1992

1

2

3

Về hoạt động

 

 

 

 

 

-        Chứng nhận hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và các hợp đồng khác.

-        Chứng nhận giấy uỷ quyền;

-        Chứng nhận di chúc, chứng nhận khước từ hoặc nhượng quyền hưởng di sản, chứng nhận giấy thuận phân chia di sản;

-        Chứng nhận tài sản chung của  vợ chồng hoặt tài sản riêng của vợ hoặc chồng;

-        Chứng nhận khánh nghị hàng hải

-        Chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu;

-        Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

-        Nhận giữ giấy tờ, tài liệu;

-        Cấp bảo sao văn bản công chứng và giấy tờ, tài liệu đang lưu giữ;

-        Chứng nhận trị giá tài sản bằng hiện vật của doanh nghiệp tư nhân, của công ty trách nhiệm hữu hạn, của công ty cổ phần; chứng nhận điều lệ của công ty trách nhiệm hưu hạn, của công ty cổ phần;

-        Thực hiện các việc công chứng khác do pháp luật quy định;

Tổng số việc Công chứng đã thực hiện:

Tổng số thu lệ phí công chứng;

     II. Về tổ chức:

-        Số Phòng Công chứng Nhà nước đã thành lập được, trong đó có:

+ Phòng Công chứng Nhà nước số 1

+ Phòng Công chứng Nhà nước số 2

+ Phòng Công chứng Nhà nước số 3

-        Tổng số Công chứng viên

Theo báo cáo của 27 Phòng Công chứng Nhà nước (việc)

 

 

7.092

1.891

 

 

1.318

 

12

3

 

33.546

 

512.785

21

 

 

 

 

 

 

 

259

 

 

556.647

754.207.441đ

 

 

36 Phòng

 

36 Phòng

 

 

67 Người

Theo báo cáo 32 Phòng Công chứng Nhà nước (việc)

 

 

24.318

2.704

 

 

2.406

 

76

2

 

78.578

 

563.641

608

 

65

 

 

 

 

 

2.450

 

768

680.582

2.943.576.773

 

 

54 Phòng

 

51 Phòng

2 Phòng

1 Phòng

106 Người

 

 

- Chứng nhận giao vốn,

- Chứng nhận các tờ khai danh dự về khái sinh của người nước ngoài, của Việt Kiều khi là thủ tục kết hôn với người Việt Nam;

- Chứng nhận các tờ khai nhìn nhận con ngoài gía thú.

Kết quả cụ thể:

 

 

Năm 1990

Năm 1991

8 tháng 15 ngày đầu năm 1992

Số lượng văn bản được chứng nhận

 

63.417

 

118.405

 

141.439

 

 

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG CÔNG CHỨNG NHÀ NƯỚC SỐ 1

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (TÌNH ĐẾN NGÀY 15/8/1992)

 

- Chứng nhận các hợp đồng dấn sự, các hợp đồng kinh tế bao gồm các hợp đồng mua bán hoặc hứa mua, hứa bán, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thuê, mướn, vay, tặng, cho tài sản, các hợp đồng góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng tương phân, tương thuận và các thoả thuận khác: 601 việc;

- Chứng nhận các cam kết thế chấp, bảo lãnh để vay tiền, vay vàng của Ngân hàng, tín dụng, của cá nhân trong nước và của người nước ngoài hoặc để bảo đảm thực hiện các hợp đồng kinh tế về sản xuất, trao đổi hàng hoá, hoặc làm đại lý... 2.844 việc;

- Chứng nhận các giấy uỷ quyền quản lý, sử dụng, bán nhà hoặc xe cộ  uỷ quyền đại diện trước toà, uỷ quyền làm thay một số dịch vụ: 3.334;

- Chứng nhận di chúc: 2.817;

- Chứng nhận việc nhường quyền hưởng di sản thừa kế hoặc khước từ quyền hưởng di sản thừa kế;

- Chứng nhận giấy thuận phân chia di sản thừa kế;

- Chứng nhận tài sản chủ của vợ chồng;

- Chứng nhận tài sản riêng của vợ hoặc chồng;

- Chứng nhận chữ ký của người dịch giấy tờ, tài liệu;

- Chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu;

- Nhẫn giữ giấy tờ tài, tài liệu;

- Cấp các bản sao giấy tờ, tài liệu đang lưu trữ;

- Chứng nhận khai trình vốn của các công ty tư doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các xí nghiệp tư doanh, doanh nghiệp tư nhận, chứng nhận điều lệ của các công ty tư doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; chứng nhận chuyển nhượng phần nào, chứng nhận tăng vốn;


 

 

Kết quả hoạt động của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 Thành phố Hà Nội (tính theo số văn bản)

 

TT

 

1990

1991

1992

1

 

2

 

3

4

 

5

 

6

 

7

 

8

9

 

10

 

11

 

12

 

13

 

14

 

15

16

 

Chứng nhận bản sao tiếng Việt và tiếng nước ngoài

Chứng nhận chữ ký của người dịch

Chứng nhận giấy uỷ quyền

Chứnh nhận hợp đồng mua bán nhà

Chứng nhận khai nhận di sản thừa kế nhà

Chứng nhận khai nhận di sản thừa kế là tiền tiết kiệm

Chứng nhận nhường quyền hưởng di sản thừa kế

Chứng nhận di chúc

Chứng nhận giấy cho nhận nhà

Chứng nhận tài sản chung của vợ chồng

Chứng nhận tài sản riêng của vợ chồng

Chứng nhận hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản;

Chứng nhận trị giá tài sản để thành lập doanh nghiệp;

Chứng nhận điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn;

Nhận giữ giấy tờ;

Chứng nhận văn bản có ý nghĩa pháp lý khác (cam đoan, đặt cọc, báo lãnh, giao nhận tiền vàng, phân địn quyền sở hữu mà trong cộng đồng sở hữu chủ, thuê nhà, bán nhà, chứng nhận chữ ký...

 

56.159

 

10.669

296

 

175

 

29

 

 

 

34

111

 

17

 

3

 

 

19

 

 

 

 

 

1

 

165

 

194.159

 

19.841

784

 

700

 

120

 

 

 

231

157

 

54

 

 

 

 

 

 

 

48

 

 

 

 

265

 

336.964

 

12.859

653

 

712

 

131

 

351

 

128

110

 

46

 

4

 

2

 

53

 

120

 

45

 

 

238

 

Tổng cộng:

67.778

216.157

352.419

 

Tổng số lệ phí đã nộp vào ngân sách

543693590

195165841

450879340

 

SƠ ĐỒ TỔ CHỨC

VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨNG Ở LIÊN XÔ (CŨ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 


MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨNG

Ở CÔNG HOÀ PHÁP (NGHỀ TỰ DO)

 

 

 

           
 

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

 

Hội đồng công chứng tối cao

(Conseil Su erieur du Notariat)

 
   

 

Toà thượng thẩm

 

 

 

                                 Bổ nhiệm công chứng viên

                                  cho phép lập vP CC  mới

                                  giám sát nghề nghiệp        

 

 

 

 

 

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1). Công chứng Nhà nước - NXB Pháp lý 1991, trang 12.

(1) Công ước này có hiệu lực từ ngày 19/3/1967; cho đến cuối năm 1991 có 131 nước tham gia.Ngày 27/5/1992 Hộ đồng Nhà nước ta đã quyết định tham gia Công ước này (Nghị quyết số 610-NQ/HDNN8 ngày 20/6/1992).  Ngày 12/8/1992 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta đã gửi công hàm cho ông Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo quyết định nói trên của Nhà nước ta.

(2) Cho đến cuối năm 1991 đã có 29 nước bầy tỏ quan điểm; đa số ủng hộ đề nghị của Áo và CHLB Séc và Slovakia. Nauy thấy không cần thiết phải có Nghị định thư bổ sung. Thụy sĩ cho rằng Điều 5 Công ước đã đủ (Theo báo cáo của Phải đoàn nước ta tại Liên hợp quốc ngày 15/10/1991).

(3) Trước khi quyết định tham gia Công ước Viên 1963, trên thực tế nước ta vẫn vận dụng nội dung Cong ước như là  một tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi.

 

File đính kèm downloadTải về