• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài.
1 1. Kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ này, mặc dù chiến tranh lạnh và xu thế đối đầu trên thế giới đã chấm dứt, nhưng cộng đồng quốc tế lại phải đối mặt với một thách thức mới - sự huỷ hoại nghiêm trọng đến mức báo động an toàn sinh thái trên trái đất, mà hậu quả khủng khiếp của, nó không kém phần nguy hiểm hơn chiến tranh hạt nhân, và thậm chí cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào có thể ngăn chặn được. Chẳng hạn, chúng ta có thể ngăn chặn được chiến tranh, giải quyết được các cuộc xung đột vũ trang khu vực hoặc quốc tế bằng con đường đàm phán về chính trị, ngoại giao... nhưng thảm hoạ về môi sinh - mặt trái của quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, thì ai sẽ ngăn chặn và ngăn chặn như thế nào. Vấn đề này cho đến nay rõ ràng là vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng. Chính vì vậy, không phải đơn giản mà vào năm 1992, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về bảo vệ môi trường kèm theo hai văn bản quốc tế quan trọng – “Tuyên ngồn của trái đất” và “môi trường trong thế kỷ XXI”. Đồng thời, cũng trong cùng thời gian dó, tác giả Sarôn Bergli trong một bài viết đăng trên tạp chí “Niuxuic”" đã cảnh báo cho chúng ta biết trước về thảm hoạ nghiêm trọng của sự huỷ diệt môi sinh rằng : “Hàng ngày trên thế giới có 42 triệu acre (1 acre = 0,4047 ha) rừng bị huỷ diệt, và sau 47 năm nữa thì rừng trên trái đất sẽ không còn… Tới năm 2020 các nguồn dự trữ khoáng sản có ích và các nhiên liệu khác sẽ giảm đến mức chi còn đủ dùng cho trong 30 năm... Vào khoảng năm 2100 thì thế giới sẽ bị huỷ diệt” .
1.2. Cùng với xu thế chung, tất yếu và có tính quy luật của sự hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, ở một mức độ nào đó Việt Nam cũng khẳng định quyết tâm bảo vệ bằng pháp luật, kể cả pháp luật hình sự an toàn sinh thái trên đất nước của mình. Chẳng hạn về mặt PLHS đó là một loạt các quy định của BLHS năm 1985 có liên quan đến việc bảo vệ môi trường (như các điều 179, 180, 181, 195..., và đặc biệt vừa qua, BLHS năm 1999 hiện hành lần đầu tiên đã tuyên bố trong lời nói đầu của Bộ luật này một trong những tư tưởng rất hay và nhiệm vụ của PLHS Việt Nam là “... đảm bảo cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao”, đồng thời trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài lần đầu tiên BLHS 1999 còn ghi nhận một chương mới riêng biệt - Chương XVII “Các tội phạm về môi trường” với mười tội danh (các Điều 182 - 191).
1.3. Tuy nhiên, các quy định của Chương XVII trong BLHS 1999 của nước ta chưa thể để cập được hết tất cả những hành vi xâm hại môi trường khác xảy ra trong thực tiễn đời sống xã hội, mà mới chi tội phạm hoá ở một chừng mực nhất định bảy nhóm hành vi bị nghiêm cấm bởi Luật bảo vệ môi trường Việt Nam năm 1993 (Điều 29). Trong khi đó, nhận thức của các cơ quan bảo vệ pháp luật về các tội phạm này chưa thống nhất; nhiều trường hợp phạm tội về môi trường chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi vi phạm pháp luật về môi trường thì vẫn đang diễn ra hàng ngày và ngày càng nghiêm trọng. Điều này cho thấy thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự để bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế và bất cập. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở thực tế và các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm về môi trường đang là vấn đề mới trong khoa học pháp lý, còn rất ít người quan tâm.
Thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu bức xúc đòi hỏi các nhà luật học phải tiếp tục suy ngẫm và phân tích thực tiễn lập pháp và áp dụng PLHS của nước ta, đồng thời kết hợp với việc nghiên cứu, so sánh các quy phạm PLHS của các nước trong khu vực và trên thế giới, để luận chứng và đưa ra các kiến giải lặp pháp đối với các tội phạm về môi trường với nhiều phương án khác nhau, từ đó sẽ lựa chọn phương án tối ưu và khả thi nhằm hoàn thiện các quy định của PLHS Việt Nam về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm hại môi trường.
2. Mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của Đề tài.
Mục tiêu của đề tài là làm rõ các vấn đề lý luận, các đặc trưng pháp lý cơ bản của các tội phạm môi trường và thực tiễn của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường. Trên cơ sở đó có các kiến giải về hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành có hiệu quả trong thực tế.
Phạm vi nghiên cứu: đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về tội phạm môi trường ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về tội phạm môi trường trong thời gian gần đây.
3. Phương pháp nghiên cứu.
3.1. Phương pháp luận để nghiên cứu đề tài là những nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.
3.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể sẽ được sử dụng là: phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh pháp luật, khảo sát thực tế....
4. Nội dung nghiên cứu của đề tài.
Đề tài sẽ nghiên cứu các nội dung chính sau:
Phần I: Chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường ở nước ta.
Phần II: Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường theo pháp luật hình sự hiện hành của nước ta.
Phần III: Phương hướng hoàn thiện pháp luật hình sự về tội phạm môi trường và các biện pháp bảo đảm thực hiện.
5. Nhu cầu kinh tế, xã hội, địa chỉ áp dụng.
- Phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước.
- Phục vụ cho hoạt động thực tiễn của các cơ quan chức năng: Toà án, Công an, Kiểm sát...
6. Dự kiến kết quả đạt được của đề tài.
Kết quả của đề tài là các luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về xử lý các tội phạm về môi trường và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm môi trường.
Dự kiến đề tài sẽ xuất bản một cuốn sách chuyên khảo về tội phạm môi trường theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các cán bộ, sinh viên... và cơ quan áp dụng pháp luật (Toà án, kiểm sát, công an...). 
PHẦN I
CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ ĐỐl VỚI CÁC TỘI PHẠM 
VỀ MÔI TRƯỜNG Ở NƯỚC TA.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG.
1. Khái niệm chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường.
Chính sách - theo cách nói của Lênin, là sự tham gia vào các công việc của Nhà nước, là đường hướng của Nhà nước, là sự xác định các hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Nhà nước .
Việc điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước được thực hiện ở tầm vĩ mô, trước hết là bằng chính sách, tức là bằng; việc xác định hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Nhà nước trong đời sống xã hội nói chung cũng như trong các lĩnh vực cụ thể của xã hội nói riêng.
Trong lĩnh vực pháp luật, chính sách pháp luật đựợc hiểu là việc xác định đường hướng, các hình thức, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Nhà nước trong việc sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển của xã hội. Chính sách pháp luật cùng với các chính sách khác được hoạch định cho từng giai đoạn phát triển của đất nước nhằm tạo lập cơ sở đúng đắn cho việc sử dụng một cách có hiệu quả các khả năng điều chỉnh của pháp luật, xác định đúng đắn cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật của xã hội, của mỗi cá nhân.
Chính sách hình sự, trước hết là một bộ phận của chính sách pháp luật vì vậy nó vừa có mối liên hệ chặt chẽ với đường lối, chính sách chung của Nhà nước, vừa có sự gắn bó hữu cơ với chính sách pháp luật và mang những đặc tính chung của chính sách pháp luật. Mối quan hệ giữa chính sách pháp luật với chính sách hình sự là mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng, giữa tổng thể với bộ phận cấu thành tổng thể đó. Chính sách hình sự, về cơ bản có thể coi là sự cụ thể hoá của chính sách pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm.
Như vậy, chính sách hình sự là những định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng pháp luật hình sự vào lĩnh vực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường là một bộ phận, một nội dung hợp thành của chính sách hình sự. Hay nói cách khác chính sách hình sự được thể hiện đối với tổng thể các tội phạm và đối với từng loại tội phạm cụ thể, trong đó có các tội phạm về môi trường. Mối quan hệ giữa chính sách hình sự và bộ phận chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường là mối quan hê giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể với bộ phận cấu thành tổng thể đó.
Với tư cách là một bộ phận của chính sách hình sự, hướng triển khai đồng thời là mục tiêu cụ thể của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường bao gồm những vấn đề sau:
Một là, xác định phạm vi điều chỉnh bằng pháp luật hình sự thông qua việc quy định những hành vi nào là tội phạm về môi trường;
Hai là, xác định tính chất, mức độ tác động bằng các hình thức trách nhiệm hình sự, thông qua việc quy định loại hình phạt, các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt, mức độ của chế tài đối với các tội phạm về môi trường;
Ba là, xác định quá trình hình thành và phát triển ý thức của con người và xã hội về các tội phạm về môi trường thông qua việc sử dụng pháp luật hình sự.
Những mục tiêu trên đây mới chỉ là tiêu đề, điều kiện để tiếp tục triển khai chính sách hình sự. Đạt được các mục tiêu đó có nghĩa là tạo được công cụ cần thiết phục vụ cho việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường. Và việc công cụ đó có được sử dụng như thế nào cũng cần được xác định trong chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường, bởi vì chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường là những định hướng, chủ trương sử dụng pháp luật hình sự trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về môi trường.
Ở phương diện này chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường có thể được hiểu dưới các góc độ sau: 
Thứ nhất, chính sách hình sự đối với các tội phạm về mội trường xác định tính chất và nội dung những biện pháp trực tiếp đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm về môi trường;
Thứ hai, chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hình thức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan tư pháp hình sự;
Thứ ba, chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường xác định tính chất, mức độ, đặc điểm của hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật về thi hành án hình sự cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan đến việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường; 
Thứ tư, chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường xác định khả năng và hình thức lôi cuốn sự tham gia của các cá nhân, các cơ quan, tổ chức và toàn thể xã hội vào cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm về môi trường;
Như vậy, chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường được hiểu ở hai phương diện cơ bản là: chính sách đối với tội phạm về môi trường và hình thức, nội dung trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường và chính sách về tổ chức đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường. Phương diện thứ nhất phản ánh mức độ phản ứng của Nhà nước, của xã hội đối với tội phạm về môi trường và người phạm tội thông qua việc xác định hành vi nào là tội phạm về môi trường và tính chất, mức độ, hình thức xử lý trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường. Phương diện thứ hai thể hiện đường hướng triển khai thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước thông qua việc tổ chức đấu tranh phòng và chống các tội phạm về môi trường.
Chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường cho đến nay vẫn luôn là mối quan tâm lớn của mọi quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, không một Nhà nước nào thực hiện việc bảo vệ môi trường mà không cần đến hay không thông qua pháp luật hình sự và bằng các hoạt động của các cơ quan Nhà nước có mối liên kết chặt chẽ. Vì vậy, chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường còn là những định hướng, quan điểm xác định tính chất, nhiệm vụ, hình thức sử dụng pháp luật hình sự, đồng thời, tổ chức đấu tranh phòng và chống các tội phạm về môi trường đạt hiệu quả.
Ở nước ta, so với nhiều quốc gia khác, vấn đề hoạch định chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường lại càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, yêu cầu của việc đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về môi trường không chỉ nhằm bảo vệ môi trường với tư cách là một bộ phận của tự nhiên, mà còn là các biện pháp nhằm bảo vệ các điều kiện cần thiết để phát triển con người về mọi mặt. Với tính cách là một bộ phận của chính sách hình sự và đường lối, chính sách về bảo vệ môi trường, chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường luôn được đề cập trong các văn kiện của Đảng và được cụ thể hoá, “Nhà nước hoá” trong các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước ta, từ đó được triển khai thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, toàn thể xã hội và công dân, từ hoạt động lập pháp, áp dụng pháp luật hình sự cho đến việc hình thành và xây dựng ý thức pháp luật, v.v...
2. Nội dung và các lĩnh vực thể hiện của chính sách hình sự đối vối các tội phạm về môi trường
2.1. Nội dung của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường
Chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường với tính cách là những đường hướng, chủ trương sử dụng pháp luật hình sự trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về môi trường bao hàm hai vấn đề lớn: 1) chính sách đối với tội phạm về môi trường, hình thức nội dung trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường; 2) Chính sách về tổ chức đấu tranh phòng chống các tội phạm về môi trường. Hai bộ phận này của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường có mối liên hệ gắn bó trong thể thống nhất, không thể nói đến bộ phận này mà lãng quên bộ phận khác, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, cái này là tiền đề của cái kia, và ngược lại, cái kia lại là kết quả của các tiền đề. Việc chỉ chú trọng mặt này hay mặt khác của hai bộ phận nói trên đều làm giảm, thậm chí ở mức độ nào độ còn triệt tiêu hiệu quả của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường. Chính sách hình sự đúng đắn đối với các tội phạm về môi trường phải là sự kết hơp chặt chẽ tạo sự cộng hưởng giữa chính sách đối với các tội phạm về môi trường và hình thức, nội dung trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường và chính sách về tổ chức đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về môi trường.
Quan hệ biện chứng giữa hai bộ phận của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường và thực tế giải quyết mối quan hệ đó cho phép lý giải tại sao một trong hai bộ phận cấu thành có lúc được giải quyết tốt nhưng hiệu quả chung của chính sách đó chưa cao? Biện chứng vừa là sự ràng buộc, vừa thể hiện tính độc lập của từng bộ phận trong hệ thống. Tính độc lập tương đối trong mối quan hệ giữa chính sách đối tội phạm về môi trường và hình thức, nội dung trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về môi trường và chính sách về tổ chức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm về môi trường vừa cho phép, vừa phải đòi hỏi phải có sự xem xét kỹ lưỡng cả hai nội dung đó, từ đó xác định đúng những gì đã làm được trong lĩnh vực này và lĩnh vực kia, xác định được những vấn đề đặt ra trong các lĩnh vực đó và có hướng giải quyết, khắc phục. Nếu pháp luật hình sự về các tội phạm về môi trường dù có hoàn thiện đến đâu, nhưng việc tổ chức đấu tranh với các tội phạm đó còn có thiếu sót, thì vẫn dẫn đến kết quả bị hạn chế. Và ngược lại, phương pháp biện chứng đòi hỏi thừa nhận vấn đề: hiệu quả chung phụ thuộc vào hiệu quả của các bộ phận cấu thành hệ thống chung đó.
2.2. Chính sách đối với các tội phạm về môi trường và các hình thức trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường
2.2.1. Chính sách đối với các tội pham về môi trường
Vấn đề tội phạm về môi trường là một trong những vấn đề trung tâm của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường. Việc đánh giá, giải quyết vấn đề này như thế nào sẽ chi phối toàn bộ quá trình hoạch định và thực hiện chính sách đó.
Chính sách đối với các tội phạm về môi trường, hiểu một cách đơn giản là chính sách trong việc xem xét, đánh giá chủ quan dưới góc độ pháp luật các hành vi nguy hiểm xảy ra một cách khách quan trong xã hội. Như vậy, chính sách đối với vấn đề tội phạm về môi trường thể hiện và phụ thuộc trước hết vào nhận thức về tội phạm về môi trường của những người hoạch định và thực hiện chính sách đó. Nhận thức về tội phạm về môi trường tập trung vào các vấn đề: tội phạm về môi trường là gì? Nguyên nhân và điều kiện của tội phạm về môi trường? Tại sao con người lại thực hiện tội phạm về môi trường? Bản chất của tội phạm về môi trường và cách thức phòng ngừa và chống tội phạm về môi trường?
Chính sách về tội phạm môi trường là việc xem xét, đánh giá dưới góc độ pháp luật hành vi nguy hiểm xảy ra một cách khách quan trong xã hội. Hay nói cách của C.Mác, là “Nhà làm luật... không làm ra luật, không sáng chế ra chúng, mà chỉ hình thức hoá, ghi nhận trong các đạo luật thực định và có ý thức những quy luật nội tại của các quan hệ tinh thần” . Như vậy chính sách đối với các tội phạm về môi trường không phải là ý chí chủ quan thoát ly khi các điều kiện thực tế, mà chính là sự nhận thức thực tại khách quan. Và nhận thức đúng vẫn chưa đủ, mà vấn đề còn là làm thế nào để chuyển hoá được nhận thức đó thành đường lối, chủ trương, thành những công thức, quy phạm, chế định pháp luật về các tội phạm về môi trường.
Chính sách về tội phạm môi trường thể hiện sự phản ứng của Nhà nước, của xã hội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường và người thực hiện hành vi đó. Đó là phản ứng có hình thức chủ quan trước một hiện tượng khách quan. Hình thức phản ứng chủ quan đó có thể đúng đắn, phù hợp với hiện thực khách quan, nhưng cũng có thể không sát, chưa đúng, thậm chí không đúng. Để có được một cơ sở khách quan cho việc xác định hành vi này hay hành vi khác là tội phạm về môi trường, cần xem xét một số vấn đề sau:
Một là, xác định những yếu tố, quá trình hoặc sự thay đổi xã hội nào cần được xem xét khi coi hành vi nào đó là tội phạm về môi trường hay không;
Hai là, mức hình phạt vừa và đủ đối với loại hành vi đó trên cơ sở xem xét các yếu tố, hoàn cảnh, điều kiện xã hội có liên quan;
Ba là, hệ quả xã hội của việc áp dụng quy định về tội phạm về môi trường và hình phạt đối với hành vi đó.
Để giải quyết thoả đáng những vấn đề nêu trên cần có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, thích hợp. Chủ trương, chính sách đó chính là chính sách về vấn đề tội phạm về môi trường. Chính sách về vấn đề tội phạm về môi trường đúng đắn cho phép xác định đúng phạm vi cần và đủ của sự điều chỉnh bằng pháp luật hình sự.
2.2.2. Chính sách về các hình thức trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường
Nói đến tội phạm về môi trường không thể không nói đến các hình thức trách nhiệm hình sự mà trước hết là hình phạt. Mối liên hệ chặt chẽ giữa tội phạm về môi trường và hình phạt đối yới tội phạm đó đã khiến cho tính phải chịu hình phạt trở thành một trong những tính chất của tội phạm. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì nếu không để truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt thì việc quy định tội phạm về môi trường là vô nghĩa. Chính sách hình phạt đối với các tội phạm về môi trường là hệ quả tất yếu của chính sách về tội phạm: đánh giá như thế nào về tội phạm sẽ có mức độ xử lý về trách nhiệm hình sự như thế ấy. Nếu chính sách về tội phạm môi trường thể hiện sự phản ứng của Nhà nước và xã hội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường, thì chính sách về hình phạt thể hiện thái độ của Nhà nước và của xã hội trong việc xử lý đối với hành vi và người thực hiện hành vi đó trong lĩnh vực môi trường. Chính sách hình phạt đối với các tội phạm về môi trường có thể là nghiêm trị, có thể là khoan hồng cũng phải nằm trong khuôn khổ tính khách quan của tội phạm về môi trường. Biên độ nặng nhẹ của hình phạt, tính chất nghiêm trị hay khoan hồng của nó được giới hạn trước hết bởi mục đích của hình phạt, tức là mục tiêu được đặt ra khi xây dựng và áp dụng hình phạt. Xác định đúng mục đích của hình phạt cũng là một trong những điều kiện cần thiết cho việc hoạch định và triển khai chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường. Ý nghĩa của vấn đề này thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, mục đích đặt ra cho hình phạt là mục tiêu, là cái mốc mà toàn bộ quá trình xây dựng các quy định về hình phạt, áp dụng các quy định đó trong thực tiễn, xây dựng và giáo dục ý thức pháp luật nhằm đạt đến. Mục đích đúng sẽ cho hướng đi đúng. Ngược lại, mục đích sai có thể làm cho hình phạt mất phương hướng;
Thứ hai, Mục đích của hình phạt là tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả của nó. Mức độ đạt được mục đích chính là hiệu quả của các hình phạt;
Thứ ba, mục đích hình phạt vừa xác định phạm vi, giới hạn của hình phạt, vừa là một trong các tiêu chí để xác định nội dung các biện pháp thực hiện. Mục đích chi phối toàn bộ quá trình xây dựng và áp dụng các biện pháp thực hiện chế tài hình phạt.
Chính sách hình phạt đối với các tội phạm về môi trường của Nhà nước thể hiện thái độ của Nhà nước, của xã hội “nghiêm trị” đối với các loại hành vi phạm tội nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường và đối với người cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; mặt khác, khoan hồng đối với người ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Chính sách này được quán triệt trong toàn bộ các quy định về trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với các tội phạm về môi trường, cũng như trong toàn bộ quá trình để thực hiện chính sách hình sự có sự phân biệt và phân hoá giữa các loại hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường và giữa loại người phạm tội. Trong toàn bộ hoạt động xây dựng pháp luật hình sự, cũng như trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đều phải giải quyết các mối tương quan sau đây:
- Tương quan giữa các mức độ nặng - nhẹ của hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường;
- Tương quan giữa hành vi phạm tội với nhân thân người phạm tội
trong lĩnh vực môi trường;
- Tương quan giữa tính chất tăng nặng - giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường;
- Tương quan về độ tuổi của người phạm tội;
- Tương quan giữa các yếu tố bắt buộc áp dụng với các yếu tố tuỳ nghi áp dụng;
- Tương quan giữa yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự và khả năng điều tra, phát hiện tội phạm;
- Tương quan giữa trách nhiệm của cá nhân người phạm tội với trách nhiệm của xã hội, của Nhà nước…
2.2.3. Chính sách về tổ chức đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm môi trường
a) Mối quan hệ giữa chính sách về tổ chức phòng ngừa các tội phạm môi trường và chính sách về tổ chức, đấu tranh chống các tội phạm môi trường
Chính sách về tổ chức phòng ngừa và tổ chức đấu tranh chống các tội phạm môi trường là một trong hai bộ phận hợp thành chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường. Nội dung của chính sách đó là các chủ trương, đường hướng vể việc tổ chức, về các giải pháp, phương pháp đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về môi trường. Đây là bộ phận không thể thiếu được của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường, bởi lẽ, chính sách về tội phạm và hình phạt đối với các tội phạm về môi trường mới chỉ là điểm khởi đầu, còn chính sách về tổ chức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm về môi trường là điểm nối tiếp ở giai đoạn thực hiện: Nếu chỉ dừng lại ở chính sách vế vấn đề tội phạm về môi trường thi chính sách hình sự dù có đúng đắn đến đâu cũng chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, kế hoạch, dự định mà không có hiệu quả thực tế. Chính vì vậy, vấn đề tổ chức đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về môi trường là một nội dung lớn của chính sách hình sự mà Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước.
Về phần mình, chính sách về tổ chức đấu tranh phòng ngừa và đấu tranh chống các tội phạm môi trường cũng bao gồm hai bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ, đó là: chính sách tổ chức phòng ngừa tội phạm môi trường và chính sách tổ chức đấu tranh trực tiếp chống tội phạm môi trường.
Tội phạm về môi trường là một hiện tượng xã hội, là một thể thống nhất có cấu trúc riêng vận động theo quy luật nhất định. Đấu tranh với hiện tượng này phải là tiến hành đồng bộ nhiều loại giải pháp khác nhau, có loại trực tiếp chống các hành vi phạm tội đã xảy ra, có loại phòng ngừa, ngăn chạn các hành vi phạm tội xuất hiện. Hiệu quả đấu tranh với tội phạm về môi trường, do vậy, phụ thuộc vào hiệu qủa của các biện pháp chống tội phạm về môi trường cũng như của các biện pháp phòng ngừa tội phạm về môi trường. Lý luận và thực tiễn đấu tranh với tội phạm đã khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh chống tội phạm với phòng ngừa tội phạm. Như vậy, tổ chức đấu tranh chống tội phạm về môi trường không thể tách rời việc tổ chức đấu tranh phòng ngừa tội phạm về môi trường, từ đó, có thể thấy rằng chính sách về tổ chức đấu tranh chống tội phạm về môi trường không thể tách rời khỏi chính sách về tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường: chống tội phạm về môi trường chính là để phòng ngừa và ngược lại, phòng ngừa tội phạm về môi trường chính là để không còn phải chống.
Mặc dù chính sách tổ chức đấu tranh chống tội phạm về môi trường và chính sách về tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ như vậy, nhưng đây là hai bộ phận có tính độc lập tương đối của một thể thống nhất, mỗi bộ phận có vai trò, vị trí riêng trong hệ thống đó. Đấu tranh chống tội phạm về môi trường là tổng hợp tất cả các biện pháp đấu tranh trực diện với tội phạm về môi trường. Mũi nhọn này luồn là công cụ sắc bén và cấp thiết mà mọi người đều quan tâm. Nhưng chính sách đấu tranh chống tội phạm về môi trường dù đạt hiệu quả đến đâu cũng chỉ có thể giúp Nhà nước khắc phục, hạn chế, kiểm soát tội phạm về môi trường chứ không thể loại trừ được loại tội phạm đó. Chính vì vậy mà đã từ lâu, C.Mác đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa phòng ngừa trong chính sách đấu tranh với tội phạm. Theo Mác, “Nhà lập pháp thông minh thì phòng ngừa tội phạm để không phải trừng trị người phạm tội” .
Như vậy, chính sách tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường vừa phải là một hệ thống thống nhất của chính sách về tổ chức đấu tranh chống tội phạm về môi trường và chính sách về tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường, lại vừa phải là một chính sách linh hoạt thích ứng với yêu cầu của từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của xã hội. Điều này có nghĩa là việc hoạch định, triển khai chính sách về tổ chức đấu tranh với tội phạm được tiến hành trong mối tương quan giữa các bộ phận theo yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra cho từng thời kỳ khác nhau và tuỳ thuộc hoàn cảnh thực tế củá xã hội trong thời kỳ đó.
b) Chính sách hình sự về tổ chức đấu tranh chống tội phạm môi trường
Đấu tranh chống tội phạm về môi trường với tính cách là các biện pháp trực diện giải quyết, xử lý các hành vi phạm tội về môi trường các lĩnh vực: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, cải tạo, giáo dục người phạm tội. Toàn bộ các hoạt động này được dựa trên cơ sở một hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động, về thủ tục tiến hành. Như vậy, chính sách hình sự về tổ chức đấu tranh chống tội phạm về môi trường ở đây có nghĩa là chính sách sử dụng các yếu tố tổ chức pháp lý, các thủ tục pháp lý nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội về môi trường, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Nhưng các hoạt động nói trên chủ yếu là hoạt động chuyên môn của hệ thống các cơ quan tư pháp hình sự. Do vậy, có thể hiểu ngắn gọn chính sách về tổ chức đấu tranh chống tội phạm về môi trường là đường hướng, chủ trương, chính sách và các hệ giải pháp về tổ chức các cơ quan tư pháp hình sự.
Nói đến tổ chức tư pháp hình sự tức là nói đến các cơ quan tư pháp hifh sự với những chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, phương thức hoạt động, sự phối hợp và mối quan hệ qua lại của các cơ quan này. Chính sách hình sự ở đây chính là tư tưởng chủ đạo, đường hướng làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về môi trường theo nguyên tắc bảo đảm sự phân công hợp lý, phối hợp đúng đắn, nhịp nhàng giữa các cơ quan này nhằm thực hiện mục tiêu chung là hiệu quả của việc đấu tranh chống tội phạm về môi trường.
Chính sách hình sự về thủ tục tố tụng hình sự là những tư tưởng chỉ đạo, là đường lối, phương châm nhằm thực hiện các nguyên tắc của tố tụng hình sự, thực hiện nhiệm vụ của tố tụng hình sự.
Thủ tục tố tụng là những giai đoạn, những mắt xích kế tiếp nhau trong một quá trình nhằm phát hiện, xử lý tội phạm và người phạm tội. Việc bảo đảm quá trình phức tạp này trở thành một quá trình liên tục dựa trên những cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo hiệu quả của tố tụng hình sự đòi hỏi phải có một chính sách chung định hướng cho toàn bộ quá trình đó. Đây chính là vai trò chính sách hình sự phải đảm nhận.
c) Chính sách hình sư về tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường
Phòng ngừa tội phạm hiểu theo nguyên nghĩa của nó là ngăn ngừa không để cho tội phạm xảy ra, bảo vệ xã hội và con người khỏi sự xâm hại của tội phạm. Với nghĩa đó thì phòng ngừa tội phạm về môi trường có thể hiểu là tổng hợp các biện pháp khác nhau của Nhà nước và xã hội hướng tới việc khắc phục, hạn chế, tiến tới thủ tiêu tội pham về môi trường bằng cách khắc phục, hạn chế, loại trừ  nguyên nhân và điều kiện của tội phạm về môi trường. Như vậy, chính sách hình sự về tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường là những quan điểm, những chủ trương bảo đảm tính khoa học, tính khả thi và hiệu quả của việc tổ chức và thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế, thủ tiêu nguyên nhân và điều kiện của tội phạm về môi trường, đẩy lùi và ngăn chặn tội phạm về môi trường. Với ý nghĩa đó nội dung của việc hoạch định chính sách hình sự đối với việc tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường bao gồm những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, đảm bảo cơ sở khoa học cho các hoạt động phòng ngừa và chống tội phạm về môi trường trên cơ sở hiểu rõ bản chất, nguyên nhân và điều kiện của tội phạm về môi trường;
Thứ hai, nắm vững thực trạng tình hình tội phạm về môi trường với tất cả những đặc trưng cơ bản của nó nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác các hoạt động phòng ngừa và chống tội phạm về môi trường;
Thứ ba, đánh giá đúng thực trạng hệ thống các biện pháp phòng ngừa và chống tội phạm về môi trường để có định hướng đứng phát huy điểm mạnh, khắc phục yếu kém;
Thứ tư, có chính sách hợp tác quốc tế thoả đáng với các nước trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm về môi trường;
Thứ năm, có chính sách thích hợp nhằm nâng cao khả năng nghiệp vụ, chuyên môn cũng như khả năng về kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm về môi trường.
Tội phạm về môi trường là hệ quả của nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau, là hệ quả tác động của nhiều hiện tượng, quá trình xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, việc phòng ngừa tội phạm về môi trường không chỉ thể bằng một loại biện pháp và càng không thể thực hiện được chỉ trong một thời gian ngắn. Phòng ngừa tội phạm về môi trường là một quá trình lâu dài, tổng hợp nhiều loại biện pháp ở tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Việc tổ chức cũng phải tuân theo quan điểm hệ thống, tổng hợp, nghĩa là cần phải tổ chức việc phòng ngừa tội phạm về môi trường ở các cấp độ khác nhau, mức độ khác nhau; phạm vi khác nhau trên cơ sở một định hướng chung. Việc tổ chức này tuỳ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, từng giai đoạn và tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của xã hội. Trong thời gian hiện nay, việc tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường thường được thực hiện ở các cấp độ sau đây:
Cấp độ thứ nhất: Tổ chức phòng ngừa tội phạm về môi trường trên phạm vi toàn quốc gia. Đây thông thường là các chương trình phòng, chống tội phạm quốc giar chịu sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Các chương trình này được hoạch định cho thời gian tương đối dài với sự tham gia của nhiều chủ thể; bao gồm nhiều loại biện pháp khác nhau có tầm chiến lược cả về chiều sâu và chiều rộng. Đây là việc triển khai các biện pháp trên bình diện vĩ mô nhằm giải quyết các vấn đề cồ liên quan đến tội phạm về môi trường trong nhiều lĩnh vực, triển khai các giải pháp lớn về kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng. Các yếu tố vĩ mô đó có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách người phạm tội, động cơ của hành vi phạm tội. Vì thế tác động đến các yếu tố này là giải quyết một cách căn bản, gốc rễ những yếu tố thuộc về nguyên nhân sâu xa và khách quan của tội phạm về môi trường.
Cấp độ thứ hai: Cấp độ này bao gồm các giải pháp, chính sách cho các nhóm quan hệ xã hội, tức là chủ trương, phương hướng tác động đến các môi trường hẹp, nơi có sự đan xen giữa các lợi ích, nhu cầu chung của xã hội, của tập thể và cá nhân.
Các chủ trương, giải pháp ở đây nhằm vào hai hướng:
Thứ nhất, loại trừ những nhân tố tiêu cực có khả năng dẫn đến hành vi tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường;
Thứ hai, nhằm tạo ra những môi trường lành mạnh và tích cực ở các nhóm cộng đồng trên cơ sở phân loại các nhóm cộng đồng đó. Chẳng hạn, loại môi trường sống không bền vững, loại cố định, loại chính thức, loại không chính thức.
Cấp độ thứ ba: Gồm các chủ trương, chính sách cần áp dụng cho việc phòng ngừa cụ thể đối với từng cá nhân, từng nhóm có liên quan. Đây là các chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt cho quá trình hình thành nhân cách, loại trừ các biểu hiện có ảnh hưởng xấu đến quá trình đó. Đây là một hệ thống các biện pháp nằm trong các chủ trương, kế hoạch của những cấp có thẩm quyền đối với việc tạo việc làm, giúp vượt khó, thay đổi nhận thức lệch lạc.
Với những quan điểm trình bày trên, có thể hình dung chính sách hình sự một cách khái quát qua sơ đồ sau:
 
 
3. Các lĩnh vực của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường
3.1. Lĩnh vực pháp luật hình sự.
Chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường, như đã trình bày ở trên, là chính sách thể hiện sự phản ứng của Nhà nước, của xã hội đối với tội phạm về môi trường và người phạm tội, lại vừa là chính sách đường hướng cho việc tổ chức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm về môi trường. Phản ứng và cách xử lý đó, trước hết được thể hiện trong nhận thức của Nhà nước, của xã hội và của cá nhân xét về mặt ý thức, và được thể hiện trong hiện thực khách quan thông qua toàn bộ quá trình xây dựng và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự. Đây chính là các lĩnh vực mà trong đó nội dung của chính sách hình sự đối với các tội phạm về môi trường được thể hiện.
Quan điểm về quy định tội phạm về môi trường và sử dụng hình phạt của chính sách hình sự chỉ có được cụ thể hoá, pháp luật hoá trong pháp luật hình sự. Quá trình triển khai thực hiện thông qua quá trình tội phạm hoá (hoặc phi tội phạm hoá) và quá trình quy định trách nhiệm hình sự và hình phạt (hình sự hoá hoặc phi hình sự hoá). Như vậy, đây là lĩnh vực thể hiện đầu tiên của chính sách hình sự.
Tội phạm (phi tội phạm hoá) trong lĩnh vực môi trường là quá trình xác định hành vi này hay hành vi khác là tội phạm (hay không còn là tội phạm) trong lĩnh vực môi trường. Việc xác định tội phạm như vậy phải dựa vào các quan điểm về giá trị của các quan hệ môi trường, tầm quan trọng của các quan hệ môi trường, về định hướng phát triển loại quan hệ xã hội này hay xã hội khác trong từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Chính những quan điểm này quy định thái độ và mức độ phản ứng của Nhà nước, của xã hội đối với các vi phạm xâm phạm các quan hệ xã hội đó. Bước phát triển tiếp theo là xác định mức độ xâm phạm các quan hệ nói trên có thể coi là tội phạm, nghĩa là xác định giới hạn của việc sử dụng pháp luật hình sự. Giai đoạn tiếp theo của tội phạm hoá là đánh giá tính chất và mức độ nghiêm trọng (nguy hiểm) của các vi phạm, trên cơ sở đó đưa ra mô hình pháp lý về loại tội này hay loại tội khác.
Quan điểm về tội phạm về môi trường không chỉ được “thể hiện ở các mô hình pháp lý về tội phạm cụ thể, mà còn được thể hiện ở các nguyên tắc, đường lối xử lý, đánh giá tội phạm về môi trường. Quá trình hình sự hóa, phi hình sự hoá cụ thể hoá quan điểm này thành nguyên tắc, đường lối xử đối với các tội phạm về môi trường và đối với những cá nhân con người phạm tội khác nhau. Đó có thể là khoan hồng, nhưng cũng có thể là nghiêm trị, đó có thể là việc giảm nhẹ trách nhiệm, nhưng cũng có thể tăng nặng trách nhiệm...
3.2. Lĩnh vực áp dụng pháp luật hình sự.
Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự là lĩnh vực thứ hai và là tiếp theo lĩnh vực thứ nhất của chính sách hình sự. Quan hệ giữa hai lĩnh vực này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động lập pháp với áp dụng pháp luật.
Áp dụng pháp luật là chính sách hình sự trong thực tiễn - thực tiễn hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Mặc dù các cơ quan áp dụng pháp luật không có quyền có một “chính sách” nào khác ngoài chính sách hình sự đã được thể chế hoá bằng pháp luật, nhưng sự biểu hiện của chính sách đó trong thực tế bao giờ cũng đa dạng hơn, phong phú hơn so với các quy phạm và chế định pháp luật. Và do vậy, trong giới hạn của pháp luật, các cơ quan thực tiễn phải đưa ra các quyết định phù hợp. Việc đưa các quy phạm pháp luật vào đời sống được thực hiện thông qua bốn khả năng mà cơ quan áp dụng pháp luật có thể sử dụng: khả năng sử dụng cường độ khác nhau khi áp dụng quy định của pháp luật; khả năng vận dụng các quy phạm đánh giá; khả năng áp dụng tuỳ nghi các quy định của pháp luật và khả năng giải thích pháp luật.
Cường độ áp dụng quy định của pháp luật có nghĩa là số lần áp dụng một loại quy phạm nào đó trong biên độ dao động của quy định pháp luật. Pháp luật so với quan điểm, đường hướng trong chính sách hình sự là sự cụ thể hóa, là sự thể hiện chung của chính sách đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm về môi trường, nhưng so với thực tiễn thì nó lại là mô hình chung được vận dụng đối với những trường hợp đa dạng, phong phú. Chính vì vậy, tính thống nhất giữa quan điểm chỉ đạo và thực tiễn áp dụng pháp luật đòi hỏi, một mặt, duy trì và giữ vững nguyên tắc pháp chế, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và của chính sách hình sự; mặt khác, bảo đảm được yêu cầu cụ thể của tình hình và sự chuyển biến linh hoạt, mềm dẻo trong đối sách, đảm bảo tính công bằng trong điều kiện xã hội cụ thể.
Một trong những đảm bảo để thực tiễn có khả năng vừa thực hiện đúng quan điểm của chính sách hình sự, vừa đáp ứng yêu cầu cụ thể của thực tế trong những điều kiện cụ thể, là sự hiện diện của các quy định có tính chất đánh giá của pháp luật tạo khả năng để chủ thể áp dụng pháp luật có quyết định đúng đắn, phù hợp yêu cầu thực tế. Mặt khác, cũng phải nhận thấy là ở đây, pháp luật còn giao trách nhiệm để cho chủ thể áp dụng pháp luật phải cân nhắc, đánh giá tình hình thực tế trên cơ sở quy định của pháp luật để có quyết định đúng đắn. Chẳng hạn, chế định quyết định hình phạt trong pháp luật hình sự đòi hỏi Toà án phải “cân nhắc” không chỉ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mà còn phải “cân nhắc” các yếu tố thuộc về nhân thân người phạm tội, “cân nhắc” các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt.
Xuất phát từ tính ổn định tương đối, pháp luật chỉ ghi nhận và điều chỉnh những hoàn cảnh và hành vi đặc trưng nhất. Do vậy, các quy phạm pháp luật không thể phản ánh hết tất cả các mặt của đời sống xã hội sinh động và đa dạng. Tính khái quát và phổ biến của quy phạm pháp luật và yêu cầu áp dụng nó một cách cụ thể là hai mặt của sự thống nhất biện chứng. Sự thống nhất này đòi hỏi sự sáng tạo và qua đó làm nổi bật vai trò quan trọng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật. Vai trò đó thể hiện ở yêu cầu làm thế nào để mục đích của cơ quan lập pháp được thực hiện đầy đủ và đúng đắn trong mọi điều kiện. Những tiền đề của việc giải quyết vấn đề đó trước hết phải được tạo ra từ hoạt động xây dựng pháp luật. Mặt khác, các điều đó không phải do người làm luật “làm ra”, mà do các điều kiện khách quan quyết định cùng với các yếu tố chủ quan như kinh nghiệm làm luật, trình độ của cán bộ xây dựng pháp luật…
Pháp luật hình sự Việt Nam đi từ việc quy định khái niệm tội phạm một cách khái quát nhất, chung nhất, đến việc quy định những yếu tố cấu thành cụ thể hơn, từ việc quy định chế tài không xác định (ví dụ chỉ xác định: “phải nghiêm trị”, “cần khoan hồng”...) đến việc quy định các chế tài có tính xác định tương đối (chẳng hạn, “bị phạt cải tạo không giam giữ đến..., hoặc phạt tù từ... đến...”). Như vậy, có thể nói, pháp luật, dù có hoàn thiện đến đâu cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất cả những hoàn cảnh cụ thể của đời sống xã hội, và vì vậy, luôn tồn tại khả năng áp dụng tùy nghi các quy định của pháp luật ở những giới hạn, phạm vi nhất định.
Sử dụng khả năng giải thích pháp luật và hướng đẫn thi hành pháp luật trong chính sách hình sự là việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật tuỳ thuộc theo hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể dựa vào khả năng giải thích và hướng dẫn thi hành pháp luật.
Yêu cầu của pháp chế đòi hỏi pháp luật phải được hiểu đúng về nội dung cũng như tinh thần của điều luật. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là quy định của pháp luật là một mô hình cứng nhắc không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, thời gian và điều kiện cụ thể. Nhiều quy định của pháp luật, ngay từ đầu, đã dự liệu khả năng khắc phục tình trạng này bằng cách để người áp dụng pháp luật có quyền đánh giá và từ đó vận dụng điều luật tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể. Chẳng hạn, trong luật hình sự thường có các quy định như: xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; nó gây thiệt hại nghiêm trọng; với số lượng lớn; có giá trị đặc biệt; thủ đoạn tàn bạo; động cơ đê hèn; v.v... Những quy phạm đánh giá này phản ánh một hiện thực khách quan là trong sự phát triển không ngừng của các quan hệ xã hội, không thể xác định trước được một số phạm trù có khả năng biến đổi lớn về chất cũng như về lượng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, một tấn thóc tại thời điểm này có thể là có giá trị lớn, nhưng thời điểm khác giá trị đích thực của nó lại không còn như trước. Trong khi đó, quy phạm pháp luật vừa phải là mô hình có tính ổn định tương đối, vừa phải có khả năng phục vụ kịp thời yêu cầu của phát triển xã hội. Chính ở đây, việc sử dụng khả năng giải thích pháp luật và hướng dẫn thi hành pháp luật có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chính sách hình sự.
3.3. Lĩnh vực ý thức pháp luật.
Lĩnh vực thứ ba của chính sách hình sự là ý thức pháp luật. Chính sách hình sự trong ý thức có nghĩa là chính sách hình sự đã được nhận thức. Và vấn đề quan trọng là đúng hay sai, cao hay thấp, đầy đủ hay phiến diện?
Ý thức pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm về môi trường là ý thức xã hội và ý thức cá nhân về vai trò, mục đích và ý nghĩa của pháp luật hình sự nói chung cũng như của chế định nào đó trong pháp luật hình sự, là trình độ hiểu biết và nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đấu tranh chống tội phạm nói chung cũng như chống loại tội phạm về môi trường nói riêng.
Ý thức pháp luật là sự phản ánh đời sống xã hội và đời sống pháp luật trong con người và trong xã hội, vì vậy nó vừa có cơ sở khách quan lại vừa mang tính chủ quan. Do vậy, làm thế nào để pháp luật của Nhà nước, để thực tiễn áp dụng pháp luật và ý thức pháp luật là một thể thống nhất - đó là yêu cầu của việc đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho chính sách hình sự của Nhà nước được hiểu và thực hiện đúng đắn.
Trong lĩnh vực chính sách hình sự, ý thức pháp luật bao gồm:
Thứ nhất, nhận thức về các quy định của luật hình sự về tội phạm về môi trường; các chế định của luật hình sự xác định trách nhiệm và hình phạt, các điều kiện giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và hình phạt, miễn, giảm trách nhiệm hình sự và hình phạt;
Thứ ba, nhận thức về việc áp dụng các quy định của pháp luật về tội phạm về môi trường trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật;
Thứ tư, nhận thức về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp hình sự;
Ý nghĩa của ý thức pháp luật trong việc thể hiện chính sách hình sự được thể hiện ở các điểm sau:
- Chính sách hình sự được nhận thức trở thành quan điểm chung của công dân sẽ giúp họ không phạm tội và có thái độ đúng đắn trong việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm về môi trường, hỗ trợ giúp đỡ cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan này;
- Đối với các cơ quan, cán bô bảo vệ pháp luật, chính sách hình sự được nhận thức đúng sẽ giúp họ thực hiện và duy trì đường lối xử lý đúng đắn, ổn định, theo sát yêu cầu của pháp luật, bảo vệ đầy đủ lợi ích của cá nhân, tổ chức Nhà nước và xã hội;
- Đối với hoạt động lập pháp, nhận thức đúng chính sách hình sự sẽ tạo cơ sở, căn cứ cần thiết đảm bảo quá trình tội phạm hoá, phi tội phạm hoá, hình sự hoá - phi hình sự hoá được thực hiện một cách khoa học, phù hơp với đường lối của Đảng và tiến bộ xã hội.
Sự thống nhất giữa chính sách hình sự, quy định của pháp luật hình sự và ý thức pháp luật phải thể hiên ở chỗ: Pháp luật thể chế hoá đầy đủ và đúng đắn các chủ trương, chính sách, còn ý thức thì phải ở mức độ không chỉ cán bộ viên chức Nhà nước mà toàn thể nhân dân trong xã hội cũng chia sẻ những giá trị và mục đích mà chính sách đề ra và pháp luật đã quy định.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TỘI PHẠM HOÁ CÁC HÀNH VI NGUY HIỂM CHO XÃ HỘI XÂM PHẠM MÔI TRƯỜNG
Trong những thập kỷ gần đây vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những vấn đề của thời đại được các quốc gia và cộng đồng quốc tế đặc biệt chú trọng. Đã có nhiều giải pháp mang tính tổng thể ở phạm vi quốc tế đã được đưa ra. Chẳng hạn, năm 1992 Liên hợp quốc đã thông qua “Công ước về bảo vệ môi trường”, “Tuyên ngôn của trái đất” và “Môi trường trong thế kỷ XXI”. Cùng với xu thế chung của nhân loại, Việt Nam ngày càng coi trọng hơn sự nghiệp bảo vệ môi trường, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để bảo vệ môi trường có hiệu quả hơn.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã ý thức ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ môi trường và do vậy đã ghi nhận điều đó ở tầm Hiến pháp. Điều 29 Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã quy định rõ: “Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường”.
Dựa vào quy định hiến định đó Nhà nước ta đã ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật khác nhau để bảo vệ môi trường. Trong số các biện pháp pháp lý được sử dụng để bảo vệ môi trường có biện pháp pháp lý hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 của nước ta, lần đầu tiên các nhà lập pháp Việt Nam đã xây dựng một chương riêng - Chương XVII: Các tội phạm về môi trường. Điều đó thể hiện sự phát triển của tư duy pháp lý hình sự trong việc phòng, chống các hành vi nguy hiểm xâm phạm môi trường ở nước ta.
Trong thời đại ngày nay, do sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học và công nghệ và sự tác động tiêu cực của nó đến chất lượng của môi trường, ở nước ta cũng như ở các nước trên thế giới đã và đang đặt ra và thảo luận sôi nổi vấn đề về khả năng và giới hạn bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự. Vấn đề đó đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi ở các hội nghị khoa học quốc tế. Ở nước ta, trong quá trình soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 1999, việc quy định các tội phạm về môi trường cũng là một chủ đề gây tranh luận rất sôi nổi trên nhiều phương diện, song nhìn chung có thể khẳng định rằng, các biện pháp pháp lý hình sự ngày càng được sử dụng nhiều hơn để bảo vệ môi trường và điều đó nói lên vai trò to lớn của pháp luật hình sự trong việc bảo vệ môi trường.
Vấn đề trung tâm của việc bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự là vấn đề tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Phạm vi của việc bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự và hiệu quả của việc bảo vệ đó ở một mức độ rất lớn tuỳ thuộc vào việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm xâm phạm lĩnh vực nói trên. Do vậy, cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, đầy đủ các nhân tố quyết định khối lượng, tính chất và các phương thức của việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường.
1. Sự cần thiết khách quan của việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường, trước hết, được quyết định bởi tính nguy hiểm ngày càng cao của các hành vi xâm hại lĩnh vực môi trường và sự thay đổi trong tính chất của tính nguy hiểm của các hành vi xâm hại đó. Trong điều kiện phát triển của khoa học và công nghệ xã hội loài người phải đối đầu với sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên ngày càng tăng lên nhanh chóng, với sự ô nhiễm không khí, nước và đất rất có hại cho sức khoẻ và đời sống của con người, với sự tuyệt chủng của nhiều loại động vật và thực vật. Trong những điều kiện như vậy, thiệt hại gây ra cho môi trường có những thuộc tính (tính chất) mới thể hiện ở chỗ: thiệt hại đó mang nhiều khía cạnh hơn, tức là làm thương tổn đến những yếu tố khác nhau của môi trường và làm rối loạn các chức năng khác nhau của môi trường trong đời sống xã hội; thiệt hại đó không thể phục hồi được bằng các lực lượng thiên nhiên hoặc bằng hoạt động của con người; và cuối cùng thiệt hại đó có thể đe doạ các giá trị xã hội quan trọng nhất, cả chính sự phồn vinh và sự tồn tại của thế hệ hôm nay và của các thế hệ trong tương lai. Nếu như đối với thiên nhiên chỉ có quan hệ mang tính chất tiêu thụ, hám lợi mà không có tính chất bảo vệ, thì trong điều kiện hiện nay cái đó có nghĩa là hoạt động phá hoại xã hội, là hình thức dã man về mặt xã hội, là tội phạm chống đối tính mạng và sức khoẻ của các thế hệ hôm nay và các thế hệ trong tương lai. Xuất phát từ nhận thức như vậy, các nhà làm luật nước ta đã sử dụng các biện pháp hình sự để đấu tranh với các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường.
Đương nhiên, cần phải khẳng định rằng quá trình xuất hiện cuộc khủng hoảng sinh thái lỗi không phải là do cách mạng khoa học và công nghệ mà là do các mâu thuẫn xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội chưa được giải quyết một cách thoả đáng, hợp lý. Chính cách mạng khoa học và công nghệ đưa ra chiếc chìa khoá cho việc giải quyết những vấn đề sinh thái: công nghệ xử lý nước thải, các phương tiện chống ô nhiễm không khí... Song, chừng nào các mâu thuẫn đó đang còn tồn tại thì cuộc đấu tranh với các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại môi trường cần phải được tiến hành cả bằng các biện pháp pháp lý hình sự.
2. Việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường được xác định bởi cả những nhân tố, đòi hỏi chính trị thuộc cả chính sách đối nội lẫn chính sách đối ngoại của Nhà nước ta.
Xét về khía cạch của chính sách trong nước, Luật hình sự được coi như là một trong những biện pháp để thực hiện chức năng bảo vệ môi trường với tư cách là một trong những chức năng độc lập của Nhà nước ta. Ở quan hệ chính trị, việc khẳng định và kết luận về sự tồn tại của chức năng đó thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân của mình về việc bảo đảm sự bình yên về sinh thái cho cuộc sống của các thế hệ hiện nay và mai sau. Chúng tôi cho rằng việc thừa nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của công dân gắn rất chặt với việc tồn tại và thực hiện chức năng đó. Như vậy, việc bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự không chỉ là phương tiện để thực hiện chiến lược, chương trình, chính sách bảo vệ môi trường quốc gia mà còn là một trong những bảo đảm cho việc thực hiện quyền sống trong môi trường trong lành của công dân. Và chính điều này làm cơ sở cho nhà làm luật nước ta tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường.
Pháp luật hình sự nước ta là phương tiện để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được quy định trong các công ước và văn bản quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Có một số công ước và văn bản quốc tế quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm pham môi trường nhất định. Theo các công ước và các văn bản quốc tế đó trong Bộ luât Hình sự năm 1985 trước đây của nước ta và trong Bộ luật Hình sự năm 1999 hiện nay đã có nhiều quy phạm pháp luật tương ứng. Có thể khẳng định rằng trong quá trình phát triển sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường số lượng các quy phạm quy định các tội phạm về môi trường ngày càng tăng lên. Do vậy, sự phát triển mang tính nguyên tắc được thể hiện trong việc soạn thảo và áp dụng các công ước và bộ luật mang tính khu vực lẫn mang tính quốc tế đã trở thành mô hình cho việc xây dựng pháp luật quốc gia về bảo vệ môi trường. Các công ước quốc tế đó buộc các quốc gia ký kết, trong đó có nước ta quy định và áp dụng các biện pháp trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường.
3. Trong quá trình quy định tội danh các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường cần phải cân nhắc vai trò và vị trí của pháp luật hình sự trong hệ thống các biện pháp bảo vệ môi trường. Và điều đó đã được nhà lập pháp chúng ta nhận thức tương đối đầy đủ trong quá trình xây dựng các tội phạm về môi trường khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1999. Ở đây cần phải nhận thấy rằng pháp luật hình sự không phải là biện pháp chính, cơ bản để bảo vệ môi trường. Trong sự nghiệp bảo vệ môi trường thì pháp luật hình sự có khả năng mang tính hạn chế khách quan. Thứ nhất, pháp luật hình sự không có khả năng khắc phục được nguyên nhân của các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường; thứ hai, các đặc điểm của phương pháp điều chỉnh của luật hình sự (phương pháp giáo dục - trừng trị) tự mình hạn chế lĩnh vực áp dụng của pháp luật hình sự. Cần phải nhận thức sâu sắc và nhấn mạnh điều đó, bởi vì việc không đánh giá hết khả năng của luật hình sự trong lĩnh vực đó có thể gây ra những thiệt hại là: trông cậy vào “sức mạnh vô hạn” của sự trừng trị mà có thể bỏ qua các biện pháp khác có hiệu quả hơn để bảo vệ môi trường.
Với tư cách là một biện pháp bảo vệ tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội, Luật hình sự đóng vai trò phòng ngừa và giáo duc trong cuộc đấu tranh với các hành vi nguy hiểm nhất cho xã hội xâm phạm môi trường. Do đó, nó chiếm một vị trí nhất định trong hệ thống các biện pháp của Nhà nước và của xã hội nhằm sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển môi trường bền vững.
Ở nước ta, hệ thống các biện pháp đó bao gồm: 1) Các biện pháp mang tính chính trị, bao gồm việc xác định các phương hướng cơ bản của chiến lược bảo vệ môi trường; 2) Các biện pháp mang tính kinh tế, bao gồm việc tạo ra các đòn bẩy và kích thích về mặt kinh tế cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cũng như quy định các chế tài kinh tế đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đó; 3) Các biện pháp mang tính kỹ thuật, bao gồm việc soạn thảo và thực hiện các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để bảo vệ môi trường; 4) Các biện pháp mang tính tổ chức, bao gồm việc xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý việc bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống các cơ quan thanh tra môi trường; 5) Các biện pháp mang tính pháp lý, bao gồm việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; 6) Các biện pháp mang tính giáo dục, bao gồm việc giáo dục sinh thái và giáo dục cho mọi tầng lớp dân cư về pháp luật môi trường từ trẻ em cho đến các nhà doanh nghiệp.
Hệ thống các biện pháp đó là cơ sở để đẩy mạnh việc phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm môi trường và tạo ra “cái nền” cần thiết cho việc tội phạm hoá một cách có căn cứ những hành vi nguy hiểm nhất cho xã hội trong số những hành vi xâm phạm môi trường. Đồng thời, các vi phạm trong các yếu tố này hay các yếu tố khác của hệ thống đó đều có thể làm giảm một cách cơ bản hiệu quả của các biện pháp pháp lý hình sự trong đấu tranh với các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Ở đây cần phải nhận thức rằng tính nhất quán không đầy đủ và tính thoả hiệp, nhượng bộ của việc tuân thủ các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên thường nảy sinh do sự không hoàn thiện của cơ chế kinh tế điều chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường, do sự thiếu vắng một hệ thống các kích thích và chế tài kinh tế được lập luận đầy đủ nhằm bảo đảm cho việc tuân thủ các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự năm 1999 ở một chừng mực rất lớn được quyết định bởi trạng thái và sự phát triển của các ngành pháp luật khác, trước hết là Luật Hiến pháp và Luật Môi trường, Luật Hành chính. 
Việc tội phạm hoá các hành vi đó đã xuất phát từ các tư tưởng, nguyên tắc, yêu cầu đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 về bảo vệ môi trường, như ý nghĩa của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường đối với lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau; cần phải bảo vệ tất cả các yếu tố của mối trường bằng tổng thể các biện pháp khác nhau; nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; xử lý thích đáng các hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường. Những tư tưởng, nguyên tắc, yêu cầu đó được thể hiện tập trung ở Điều 29 và ở nội dung các điều khác của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992. 
Trong các quy phạm của pháp luật về môi trường quy định rất cụ thể nghĩa vụ của những người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quy định việc cấm thực hiện hành vi có hại cho môi trường, cấm tiến hành các hoạt động kinh tế có tác động có hại đối với môi trường. Việc vi phạm các quy định đó trong những điều kiện nhất định phải bị xử lý bằng trách nhiệm hình sự. Bởi vì có nhiều quy phạm pháp luật hình sự được ban hành để bảo vệ môi trường được xây dựng theo dạng quy phạm viện dẫn đến pháp luật về môi trường, do đó khi có sự thay đổi trong pháp luật về môi trường thì khối lượng của việc tội phạm hoá hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được xác định trước đó có thể bị thav đổi. Ngoài ra, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình sự còn chỉ ra một cách trực tiếp trách nhiệm hình sự đối với việc vi phạm các quy định của pháp luật môỏi trường. 
Trong thời gian gần đây do sự tác động của những thay đổi diễn ra trong đời sống xã hội ở nước ta mà pháp luật về môi trường đã có những thay đổi rất cơ bản. Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm sử dụng hợp lý và bảo vệ có hiệu quả hơn môi trường nói chung và các yếu tố cụ thể của môi trường như đất, nước, rừng...
Đồng thời, cùng lúc Nhà nước ta cũng đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ví dụ, đó là các hành vi vi phạm hành chính được quy định ở các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (bao gồm 30 điều); Nghị định số 48/CP ngày 12/8/1996 về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (bao gồm 14 điều); Nghị định số 77/CP ngày 29/11/1996 về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (bao gồm 32 điều); Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai (bao gồm 32 điều);v.v... Một mặt, các quy định đó tạo ra khả năng đấu tranh với các hành vi xâm hại môi trường bằng các biện pháp pháp lý nhẹ hơn các biện pháp pháp lý hình sự. Nhưng mặt khác, việc đó cũng đòi hỏi phải xác định những tiêu chuẩn rõ ràng để phân biệt các hành vi vi phạm hành chính với các tội phạm về môi trường, tức là các tiêu chuẩn chuyên ngành của việc tội phạm hoá. Điều đó ở mức độ nhất định đã được thể hiện ở Chương XVII của Bộ luật Hình sự năm 1999.
5. Khi tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường, nhà làm luật nước ta đã cân nhắc cả các nhân tố tội phạm học như: thực trạng, cơ cấu và diễn biến của các hành vi xâm hại trong lĩnh vực đó. Việc nghiên cứu thực tiễn cho thấy rằng các hành vi xâm hại môi trường là một trong những loại hành vi xảy ra phổ biến nhất ở nước ta hiện nay và các thiệt hại do các hành vi đó gây ra có chiều hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Về mặt truyền thống, người ta liệt kê vào nhóm các tội phạm về môi trường các loại hành vi săn bắt trái phép khác nhau như: săn bắt trái phép động vật hoang dã quý hiếm; đánh bắt cá trái phép; săn bắt trái phép trong rừng. Nhưng trong quá trình phát triển của xã hội cùng với tác động của tiến bộ khoa học công nghệ đã xuất hiện nhiều loại hành vi nguy hại mới xâm hại các yếu tố cụ thể của môi trường như không khí, nước, đất, rừng, v.v... Và ngay cả những người thực hiện các loại hành vi săn bắn trái phép nói trên cũng sử dụng ngày càng nhiều hơn các công cụ phương tiện gây tác hại lớn cho môi trường.
Đồng thời tính chất nghiêm trọng của các thiệt hại do các hành vi xâm phạm môi trường gây ra ngày càng chuyển dịch và hướng về hướng gây ô nhiễm không khí, nước, đất do tiến hành các hoạt động kinh tế nhất định (nói một cách chính xác hơn là tiến hành những hoạt động phi kinh tế). Nhà làm luật nước ta nhận thức sâu sắc và chỉ rõ rằng vấn đề đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp của pháp luật hình sự cần phải trở thành một trong những vấn đề trung tâm trong lĩnh vực phòng ngừa các hậu qủa có hại của quá trình tiến bộ khoa học và công nghệ.
6. Hiệu quả của việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại cho môi trường tuỳ thuộc không nhỏ vào trạng thằi của ý thức pháp luật về lĩnh vực đó. Việc toàn dân thảo luận Hiến pháp năm 1992 trước đây và thảo luận việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992 vừa qua, cũng như thảo luận Luật Môi trường năm 1993 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến việc bảo vệ môi trường và Bộ luật Hình sự năm 1999 trong thời gian qua cho thấy phần lớn nhân dân ta đều đòi hỏi phải tăng cường việc bảo vệ môi trường, trong có có việc tăng cường bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự.
Đồng thời hiện nay trong ý thức thông thường của dân cư và cả của một số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế có quan niệm mang tính phổ biến về “tính vô chủ”, “việc sử dụng không phải trả tiền” và “tính vô tận” của tài nguyên thiên nhiên có thể tạo ra những lực cản cả cho việc tuân thủ lẫn việc áp dụng pháp luật hình sự. Việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường như được thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có thể đóng vai trò nhất định của mình trong việc giáo dục ý thức pháp luật trong lĩnh vực quan hệ xã hội đó.
7. Cuối cùng, việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường được nhà làm luật nước ta thực hiện đã cân nhắc cả các quy luật sinh thái, chẳng hạn quy luật: môi trường là một hệ thống thống nhất, tất cả các yếu tố của môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc xâm phạm đến một trong những yếu tố của môi trường có thể gây tác hại đến hoạt động của toàn bộ hệ thống, do vậy một mắt xích nào đó của hệ thống đó không được bảo vệ thì điều đó có thể đe doạ toàn bộ hệ thống. Những yếu tố môi trường như không khí, biển và sông, các loài chim di cư theo mùa, các loài cá di cư và các loài động vật di cư không có giới hạn hành chính và ngay cả cũng không có biên giới quốc gia, mà một số loài trong đó nói chung ở ngoài chủ quyền quốc gia (ở ngoài biển khơi...). Và điều đó đòi hỏi phải có cách bảo vệ môi trường mang tính thống nhất cao bằng các biện pháp pháp luật hình sự của các quốc gia. Cuối cùng, bằng các biện pháp của mình pháp luật hình sự bảo đảm việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng của môi trường đã được soạn thảo trên cơ sở nghiên cức các quy luật sinh thái.
8. Các nhu cầu khách quan của xã hội và các điều kiện của việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường đã được nhà làm luật “chuyển tải một cách đúng đắn đến ngôn ngữ của luật hình sự”. Để thực hiện được điều đó việc tội phạm hoá đã đáp ứng các đòi hỏi và quy tắc pháp lý nhất định của kỹ thuật lập pháp. Việc tuân thủ các đòi hỏi và quy tắc đó là nhằm khắc phục cả những chỗ hỏng lẫn những điều “dư thừa” trong việc bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự; phân biệt một cách rõ ràng các tội phạm về môi trường với các vi phạm hành chính và kỷ luật trong lĩnh vực môi trường; bảo đảm việc không thoát khỏi áp dụng các biện pháp tác động pháp lý hình sự đối với tất cả các tội phạm về môi trường đã thực hiện và được làm rõ; tuân thủ “chế độ tiết kiệm” trừng trị bằng hình sự; việc phân hoá trách nhiệm hình sự tuỳ thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và các đặc điểm của nhân thân người phạm tội.
Trong quá trình soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 1999, dựa vào việc nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 về các tội phạm liên quan đến môi trường và thực tiễn áp dụng các quy định đó và các đòi hỏi của Hiến pháp năm 1992 đối với việc bảo vệ môi trường, người ta đã chỉ rõ những hạn chế nhất định của việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Những người làm công tác nghiên cứu và thực tiễn đều thống nhất thừa nhận rằng có quá nhiều chỗ hỏng trong Bộ luật Hình sự năm 1985 trong việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Có một số lượng lớn các hành vi vi phạm đòi hỏi của pháp luật môi trường, đặt biệt các vi phạm xảy ra trong quá trình hoạt động kinh tế, trong xây dựng, trong hoạt động của các nhà máy... không bị xử lý bằng trách nhiệm pháp luật.
Do vậy, có rất nhiều kiến nghị về việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường được đưa ra và nhiều kiến nghị đã được nhà lập pháp nước ta chấp nhận. Điều đó được thể hiện rõ ở chương XVII của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Khi chúng ta nói về việc hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ môi trường, thì thông thường chúng tạ nói về việc mở rộng khối lượng của việc bảo vệ đó, về việc quy định các cấu thành tội phạm mới xâm phạm môi trường. Và đương nhiên các chỗ hỏng đã được phát hiện cần phải được khắc phục. Tuy vậy, cũng cần phải khắc phục cả những điều dư thừa của việc tội phạm hoá.
Ở đây cần phải nhận thấy rằng việc mở rộng ở mức độ nào đó của nhóm các khách thể thiên nhiên cần phải được bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý hình sự không hoàn toàn đồng nghĩa và cần phải mở rộng lĩnh vực trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực đó, bởi lẽ nhóm các hành vi chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật hình sự có thể thu hẹp bằng việc chuyển một số hành vi phạm tội có tính nguy hiểm không lớn cho xã hội sang phạm trù vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó, bằng việc xác định phạm vi rõ ràng hơn và nhỏ hơn của trách nhiệm hình sự.
Sự cần thiết mang tính tất yếu của việc hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ môi trường như đã được thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được quyết định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, pháp luật hình sự về bảo vệ môi trường cần phải được hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi, nguyên tắc mang tính hiến định về bảo vệ môi trường như nói ở trên. Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 1985 sau bốn lần đươc sửa đổi, bổ sung, nhưng không có lần nào có sửa đổi, bổ sung liên quan đến các tội phạm liên quan đến môi trường, các quy định về nhóm tội phạm đó trong Bộ luật Hình sự năm 1985 “lạc hậu” so với các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được ban hành trong những năm gần đây. Thứ ba, trong thời hạn 15 năm có hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 1985, nhiều thiếu sót của các quy định về các tội phạm liên quan đến môi trường đã được chỉ rõ, đặc biệt là có nhiều chỗ hỏng trong việc bảo vệ các khách thể môi trường cụ thể. Việc xây dựng Chương XVII: Các tội phạm về môi trường năm 1999 đã khắc phục cơ bản sự không hoàn thiện của pháp luật hình sự trước đây trong việc bảo vệ môi trường.
Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, nhóm các tội phạm về môi trường được xây dựng thành một chương riêng và đứng ở vị trí sau chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tên gọi của nhóm tội phạm đó và vị trí của chúng trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được xác định như vậy là có cơ sở khoa học. Bởi lẽ việc quy định như vậy: 1) phù hợp với việc nhận thức về môi trường với tư cách là một tổ hợp thống nhất, một hệ thống thống nhất, tất cả các yếu tố của nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; 2) phản ánh được tính nguy hiểm cao cho xã hội của các hành vi xâm hại đến môi trường trong điều kiện của cách mạng khoa học công nghệ, bởi lẽ hiện nay tính nguy hiểm cao cho xã hội của các hành vi đó không chỉ thể hiện ở việc đe doạ sở hữu, hoặc lợi ích kinh tế, hoặc sức khoẻ của dân cư, mà là đe doạ chính sự tồn tại và hoạt động sống của xã hội loài người, của các thế hệ hôm nay và mai sau; 3) xuất phát từ sự hiện có và tồn tại của khách thể loại thống nhất cua các tội phạm về môi trường - đó là các quan hệ xã hội trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường với tư cách là cơ sở của sự tồn tại và của hoạt động sống của xã hội loài người; 4) cho phép tránh được sự không hài hoà, thống nhất giữa các quy phạm pháp luật hình sự, sự không thống nhất trong các tiêu chuẩn của việc tội phạm hoá.
Các cấu thành tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 1999 được xây dựng theo kiểu quy phạm viện dẫn như: “vi phạm pháp luật về...”, “... trái pháp luật”. Điều đó được luận giải rằng pháp luật hình sự đóng vai trò phục vụ, vai trò bảo vệ trong mối quan hệ với pháp luật điều chỉnh việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với những trường hợp vi phạm nguy hiểm nhất đến pháp luật đó. Ngoài ra, trong trường hợp các cấu thành tội phạm của nhóm tội phạm này được xây dựng theo dạng cấu thành vật chất, tức là gây ra những thiệt hại nghiêm trọng trở lên đối với các khách thể tự nhiên cụ thể: không khí, nước, đất...
Các nhà làm luật nước ta đã nhận thức rằng đối tượng bị các tội phạm về môi trường xâm hại là tất cả các yếu tố của môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc chủ quvền của nước ta do các công ước quốc tế quy định (thềm lục địa) hoặc các vùng có chế độ riêng (các nguồn sống của vùng đặc quyền kinh tế). Các yếu tố nói trên cần phải được bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý hình sự khỏi các hành vi nguy hiểm gây thiệt hại cho chúng.
9. Cùng với việc mơ rộng nhóm các khách thể tự nhiên được bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý hình sự và nhóm các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhà làm luật đã xác định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn của việc tội phạm hoá loại hành vi nói trên. Chúng tôi cho rằng các điều kiện (tiêu chuẩn) đó có thể được nhận thức và phân thành năm nhóm sau:
- Các tiêu chuẩn của việc tội phạm hoá liên quan đến hậu quả. Phần lớn các cấu thành tội phạm phải được xây dựng theo loại cấu thành vật chất, tức là quy định dấu hiệu gây hậu quả thực tế cho môi trường. Trong những trường hợp khó thể hiện tính thiệt hại đó bằng số lượng thì cần phải (hoặc mới) sử dụng các khái niệm đánh giá: gây hâu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong một số trường hợp tính chất của thiệt hại được xác định bằng các thuộc tính đặc biệt của đối tượng bị xâm hại: động vật hoang dã quý hiếm thuộc sách đỏ, khu bảo tồn thiên nhiên.
- Với mục đích thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự nhà làm luật đã sử dụng các tiêu chuẩn tội phạm hoá đề cập đến tính chất của chính hành vi. Đó là các dấu hiệu như phương thức, công cụ và phương tiện thực hiện hành vi.
- Nhà làm luật cũng đã sử dụng cả các tiêu chuẩn đề cập đến tình huống thực hiện sự xâm hại đến môi trường. Đó là các dấu hiệu như địa điểm, thời gian và hoàn cảnh của sự xâm hại đó.
- Trong một số trường hợp để thu hẹp phạm vi của trách nhiệm hình sự nhà làm luật đã sử dụng các dấu hiệu về nhân thân người vi phạm, tính nguy hiểm cao của người đó: đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm. Điều đó phù hợp với nhận thức về việc sử dụng trách nhiệm hình sự với tư cách là biện pháp cuối cùng được áp dụng khi các biện pháp tác động khác không có hiệu quả.
Về nguyên tắc, các tiêu chuẩn trên nói trên đã được sử dụng với sự thể hiện có cường độ cao hơn để xây dựng các cấu thành tăng nặng.
10. Việc nghiên cứu vấn đề tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường được thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 1999 cho phép rút ra những kết luận sau đây:
Có các nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến quá trình tội phạm hoá, đến khối lượng và phương thức của quá trình tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Đó là sự xuất hiện các quan hệ xã hội mới, là các đòi hỏi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước và các nhân tố khác. Trong quá trình tội phạm hoá nhóm hành vi đó, nhà làm luật đã cân nhắc cả thực trạng, cơ cấu và diễn biến của các hành vi xâm hại đó.
Việc tội phạm hoá có thể đi theo phương thức phản ánh tối đa trong các quy phạm quy định các tội phạm về môi trường các nguyên tắc, luận điểm của Hiến pháp nước ta về lĩnh vực đó, cần phải cân nhắc các quy luật sinh thái, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cùng với việc mở rộng khối lượng tội phạm hoá, đồng thời quá trình đó, trong một số trường hợp cũng cần phải thu hẹp. Việc làm chính xác và thu hẹp phạm vi tội phạm hoá có thể đạt được bằng các cách khác nhau: chỉ ra hình thức và phương thức thực hiện hành vi phạm tội; chỉ ra hậu quả; chỉ ra việc đã áp dụng các biện pháp tác động khác.
Trong tổng thể các hướng tội phạm hoá nói trên đều nhằm bảo đảm sự bảo vệ tương ứng môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự với việc cân nhắc tối đa ở đó các hậu quả của quá trình tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường.
III. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỘI PHẠM MÔI TRƯỜNG.
1. Khái quát về quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Từ những năm 60, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thông qua các chủ trương, chính sách như: Chỉ thị số 7/TTg ngày 16/01/1964 về việc thu tiền bán khoáng lâm sản và chi tiền nuôi rừng; Nghị quyết số 183/CP ngày 25/9/1966 về công tác trồng cây gây rừng; Pháp lệnh quy định bảo vệ rừng ngày 11/9/1972 v.v... Tuy nhiên, vào thời điểm này chúng ta cũng chưa thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước, đây cũng là thái độ chung của cộng đồng quốc tế đối với công tác bảo vệ môi trường. Đến năm 1980, lần đầu tiên vấn đề bảo vệ môi trường mới được chính thức ghi nhận tại Điều 36 của Hiến pháp 1980: “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường”. Tuy nhiên, từ năm 1980 đến l992, việc ban hành các văn bản pháp luật để làm cơ sở cho công tác bảo vệ môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường trên thực tế gần như bị thả nổi. Đây là nguyên nhân chính làm mất đi một nửa diện tích rừng, làm 40% diện tích lãnh thổ trở thành đất trống, đồi núi trọc, thế giới động thực vật và nguồn lợi thuỷ sản
bị suy giảm nghiêm trọng v.v...
Trước thực trạng trên, Đại hội Đảng VII (1991) đã chỉ rõ ảnh hưởng và tác dụng to lớn của môi trường đối với con người và sự phát triển lâu dài của đất nước. Trên cơ sở đó, Điều 29 Hiến pháp 1992 xác định rõ: “Các tổ chức, cá nhân, phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”, “Nghiêm cấm mọi hành vi làm suy kiệt và huỷ hoại môi trường. Với quy định này, Hiến pháp 1992 đã khẳng định tính nghiêm khắc của pháp luật đối với công tác bảo vệ môi trường, làm cơ sở cho việc quy định các tội phạm về môi trường trong Bộ luật hình sự sau này. Đồng thời, vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ là chính sách của Đảng và Nhà nước, mà nó còn được pháp luật hoá và trở thành một ngành luật độc lập, mang tính nguyên tắc cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Sau Hiến pháp, ngày 27/12/1993 Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua. Văn bản này đã thể hiện rõ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với công tác bảo vệ môi trường. Đây là sự biểu hiện tập trung nhất việc cụ thể hoá Hiến Pháp 1992. Luật BVMT đã hệ thống hoá và khái quát được khá đầy đủ tinh thần của nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn v.v.. của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống suy thoái và ô nhiễm môi trường, cũng như thẩm quyền giải quyết, xử lý các sự cố về ô nhiễm môi trường.
Để cụ thể hoá Luật bảo vệ mội trường Chính phủ đã ban hành Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Chính phủ đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; quy định danh mục tiêu chuẩn môi trường và hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước gây tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường Việt Nam.
Cùng với việc ban hành Nghị định 175/CP, một số văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực cụ thể như hành chính, dân sự,.v.v..., đã được Nhà nước lần lượt ban hành như: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 1995; Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 quy định nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; Thông tư số 2433 ngày 3/6/1996 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Để triển khai Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 175/CP của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể đối với công tác bảo vệ môi trường, như Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường ban hành: Thông tư hướng dẫn xử lý sự cố môi trường số 1217/MTg ngày 27/7/1993; Thông tư số 3370/TT-MTg ngày 22/12/1995 hướng dẫn tạm thời về khắc phục sự cố môi trường do cháy nổ xăng dầu; v.v...Thông tư liên bộ số 1590/1997/TTLB-BKHCNMT-BXD của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng, hướng dẫn việc tổ chức triển khai quản lý chất thải.v.v...
Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng đã quy định một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như: Nghĩa vụ của chủ sở hửu trong bảo vệ môi trường (Điều 268); Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng (Điều 272); Quy định việc bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra (Điều 286).
Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, các Tội phạm liên quan đến môi trường được quy định tại một số điều của Bộ luật hình sự 1985 và toàn bộ Chương XVII của Bộ luật hình sự 1999.
2. Các quy định của pháp luật về tội phạm môi trường
2.1. Giai đoạn trước khi có Bộ luật Hình sự 1985
Trong giai đoạn này, đo đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử của đất nước nên những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được chú trọng nhiều. Đất nước ta vừa trải qua chiến tranh, vừa giành được độc lập dân tộc. Từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta lại tập trung vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội để thoát ra khỏi sự khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, vì vậy, vấn đề môi trường chưa được chú ý đúng mức. Hơn nữa, giai đoạn này sự ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường diễn ra và biểu hiện ở mức độ chưa cao; sự ô nhiễm và huỷ hoại môi trường chưa đến mức báo động do công nghiệp chưa phát triển mạnh, các máy móc thiết bị chưa được sử dụng nhiều nên khí thải còn hạn chế, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa tràn lan, rừng chưa bị tàn phá nghiêm trọng... vì những lý do đó, vấn đề bảo vệ môi trường trong giai đoạn này ít được quan tâm.
Trước những năm 60, hầu như chúng ta mới chỉ có một số rất ít các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ các yếu tố môi trường thiên nhiên như: sắc lệnh số 142/SL ngày 21-12-1949 quy định việc lập biên bản các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. Kể từ những năm 60, mặc dù các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với tư cách là một ngành luật độc lập chưa xuất hiện, nhưng đã xuất hiện ở một số văn bản có giá trị pháp lý cao như: Pháp lệnh quy định về quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (ngày 27.09.1961); Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN (ngày 21.10.1970); Pháp lệnh về bảo vệ rừng ngày 11-9-1972; Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh (ngày 31.03.1984)... Đặc biệt trong thời kỳ này là vấn đề bảo vệ môi trường đã đựợc quy định trong đạo luật cao nhất của Nhà nước ta - Hiến pháp năm 1980. Điều 36 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, Hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cải tạo môi trường sống”. Quy định này đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng và cơ bản nhất cho sự điều chỉnh của pháp luật đối với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và những yếu tố bao quanh đó.
1. Theo Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN (ngày 21.10.1970) thì mặc dù văn bản này không quy định các tội phạm trong lĩnh vực môi trường nhưng những quy định của Pháp lệnh này cũng có thể áp dụng để trừng trị các hành vi xâm phạm môi trường. Cụ thể là các tội: Tội cố ý huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản XHCN (Điều 6); Tội cố ý làm trái các nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế, tài chính, gây thiệt hại đến tài sản XHCN (Điều 12); Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản XHCN (Điều 14); Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản XHCN (Điều 18)... Điều 18 quy định: “1) Kẻ nào vô ý làm cho tài sản XHCN bị huỷ hoại hoặc hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm; 2) Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đăc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
Căn cứ vào các quy định này thì tất cả các hành vi vô ý hoặc cố ý huỷ hoại môi trường sống, môi trường sản xuất, sinh hoạt... như: các hành vi đốt, làm cháy, phá hoại nhà máy, hầm lò, nguồn nước... đều có thể áp dụng các quy định trên. Các hành vi trên một mặt xâm hại trực tiếp đến tài sản XHCN, mặt khác cũng xâm hại đến môi trường sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, trong các trường hợp này khách thể trực tiếp được bảo vệ ở đây là tài sản XHCN.
2. Ngày 06.09.1972, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. Theo Pháp lệnh này thì tất cả các hành vi gây thiệt hại đến rừng đều bị nghiêm cấm và chịu những hình phạt nghiêm khắc. Cụ thể tại Chương II - Những biện pháp bảo vệ rừng - Pháp lệnh quy định: Cấm phá rừng. Những rừng tự nhiên và rừng trồng đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt (Điều 3); Cấm mọi hành động chặt cây rừng trái với các điều quy định của Nhà nước (Điều 4); Chính phủ quy định những khu rừng cấm nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, bảo vệ sức khoẻ, nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ các lợi ích đặc biệt khác, ở những khu rừng này, cấm chật cây, trừ trường hợp để dọn rừng và tu bổ rừng, cấm săn bắn chim, muông, thú rừng (Điều 5); Cấm phát rừng, đốt rừng để làm nương rẫy (Điều 6); Cấm đốt lửa trong rừng và ven rừng để dọn đường, hạ cây, lấy củi, săn bắt thú rừng; cấm đốt đồi, bãi thuộc đất rừng để nuôi cỏ non (Điều 7); Cấm ngặt việc thả rông gia súc ở những khu rừng non, rừng mới trồng hoặc mới dặm cây con (Điều 8);...
Để nghiêm trị các hành vi kể trên, Pháp lệnh quy định các hình phạt khá nghiêm khắc. Chẳng hạn, Điều 21 Pháp lệnh quy định người nào vi phạm một trong những điều trên hoặc tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản mà không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng thì bị cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 1 đồng đến 200 đồng. Cơ quan Kiểm lâm nhân dân huyện có quyền cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100 đồng; trong trường hợp số tiền phạt quá 100 đồng thì cơ quan Kiểm lâm nhân dân tinh xét và xử lý. Nếu đương sự khiếu nại, thì uỷ ban hành chính cùng cấp xét và quyết định.
Điều 22 Pháp lệnh quy định nếu người nào vi phạm một trong những điều trên hoặc tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng hoặc đã bị xử phạt mà còn vi phạm thì sẽ bị truy tố trước Toà án nhân dân và có thể bị phạt tù từ ba tháng đến 2 năm và phạt tiền từ 200 đồng đến 2.000 đồng, hoặc một trong hai hình phạt đó. Trong trường hợp cố ý huỷ hoại tài nguyên rừng hoặc cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ về bảo vệ rừng, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vô ý làm cháy rừng hay là có những hành đông khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng thì bị xử phạt theo Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, ngày 21 tháng 10 năm 1970.
Nếu người vi phạm cố ý phá hoại tài nguyên rừng vì mục đích phản cách mạng thì bị xử phạt theo Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, ngày 30 tháng 10 năm 1967.
Ngoài việc xử phạt nói ở Điều 21 và Điều 22, cơ quan xử lý còn có thể thu hồi giấy phép và tịch thu tang vật (Điều 23).
Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn ra lệnh cho người thuộc quyền mình chặt, phá rừng, hoặc làm những việc khác gây thiệt hại đến tài nguyên rùng thì cũng bị xử lý theo các Điều 21, 22, 23 của Pháp lệnh này (Điều 24).
Như vậy, Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng năm 1972 đã quy đinh khá cụ thể và chi tiết các hành vi xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên rừng. Khác với Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN (ngày 21.10.1970), các chế tài áp dụng đối với các hành vi huỷ hoại rừng, làm cháy rừng, xâm phạm các động thực vật trong rừng... được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ rừng năm 1972 không những là chế tài nhằm bảo vệ trực tiếp tài sản XHCN mà còn nhằm mục đích bảo vệ môi trường, cụ thể là bảo tồn và phát triển rừng và các tài nguyên thiên nhiên của khu vực này.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hàng loạt các văn bản có liên quan về quản lý và bảo vệ môi trường, như: Chỉ thị số 134-TTg ngày 21-6-1960 eủa Thủ tướng Chính phủ về việc cấm bắn voi; Quyết định số 41-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định các khu rừng cấm; Nghị quyết số 36/CP ngày 11-3-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý, bảo vệ tài nguyên dưới lòng đất; Nghị định số 221/CP ngày 29-12-1961 của Chính phủ về phòng cháy và chữa cháy rừng; Chỉ thị số 127/CP ngày 24-5-1971 của Hội đồng Chính phủ về công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên; Thông tư số 24-TT/75 ngày 20-9-1975 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời về việc bảo vệ và phục hồi rừng; Các văn bản quy định về kiểm dịch động, thực vật, về quản lý, bảo vệ động thực vật quý hiếm... (Nghị định số 214/CP ngày 14.7.1980 về ban hành Điều lệ kiểm dịch thực vật; Nghị định số 23/HĐBT ngày 10.8.1981 về ban hành Điều lệ kiểm dịch động vật; Thông tư số 16/NN-TT ngày 20.12.1980 của Bộ Nông nghiệp quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Điều lệ kiểm dịch thực vật...).
Đánh giá một cách khái quát, phát luật hình sự nước ta giai đoạn 1945 đến trước 1985 có thể thấy mặc dù chưa đầy đủ, nhưng ở mức độ nhất định đã có những quy định khá cụ thể và chặt chẽ trong việc bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, do những hạn chế khách quan của điều kiện kinh tế - xã hội nên môi trường với tính chất và tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, dân tộc và nhân loại chưa được nhận thức một cách đầy đủ các yếu tố cấu thành cũng như yêu cầu của việc bảo vệ môi trường. Do vậy, trong lĩnh vực lập pháp, các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật hình sự trong việc bảo vệ môi trường nói riêng chưa được nhật thức đầy đủ và khái quát thành một khách thể nhóm với tư cách là đối tượng được bảo vệ của pháp luật hình sự.
Những quy định nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã bước đầu đặt cơ sở quan trọng cho pháp luật về sử dụng, giữ gìn, cải tạo và tái sinh các nguồn thiên nhiên... những yếu tố, bộ phận cấu thành quan trọng của tự nhiên, môi trường thiên nhiên.
2.2. Các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luât hình sự 1985
Cùng với sự phục hồi và ngày càng phát triển của nền kinh tế xã hội, sức ép của vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên: quá trình đô thị hoá; sự sử dụng rộng rãi các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật; nạn phá rừng tràn lan đã làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, rừng bị chặt phá đã không giữ được nước đầu nguồn gây nên nhiều trận lũ lụt, đất đai bị xói mòn, bạc màu; công nghiệp phát triển làm cho ngày càng có nhiều chất thải độc hại; tầng ozon bị thủng đã làm cho nhiệt độ trái đất nóng lên... đã làm cho vấn đề bảo vệ môi trường trở thành thách thức lớn của xã hội, thiên nhiên đã trả thù con người bằng những trận bão, lũ tàn khốc, khí hậu có nhiều biến đổi thất thường trên toàn thế giới...
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường trở thành một nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo cho sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước, trên cơ sở hiến định, Nhà nước ta đã quy định vấn đề bảo vệ môi trường trong Bộ Luật Hình sự năm 1985. Bộ luật Hình sự năm 1985 đã coi một số hành vi xâm hại đến các yếu tố của môi trường gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm và cá nhân vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Nhà nước đã hình sự hoá những hành vi nguy hiểm xâm hại đến môi trường thể hiện sự nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về những hậu quả do việc môi trường bị suy thoái, ô nhiễm gây ra, thể hiện thái độ kiên quyết của Nhà nước trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo đó, những cá nhân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất của Nhà nước, tương xứng với những hành vi nguy hiểm đã gây ra. Trong Bộ luật này, lần đầu tiên các quy định về tội phạm môi trường được ghi nhận khá tổng quát. Chương VIII “Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lí hành chính” và Chương VII “Các tội phạm về kinh tế” đã có một số tội phạm cụ thể về môi trường được ghi nhận, cụ thể là:
- Điều 180. Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai;
- Điều 181. Tội vi phạm và quản lý các quy định về quản lý và bảo vệ rừng;
- Điều 195. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng;
- Điều 216. Tội vi phạm về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn chung, các điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định các tội phạm có liên quan đến môi trường có những đặc điểm:
- Các hành vi phạm tội đã xâm hại đến các khách thể thiên nhiên có ý nghĩa quan trọng: đất đai, rừng, môi trường thiên nhiên... chỉ có Điều 195 quy định đó là những hành vi xâm phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung.
- Hành vi khách quan của các tội phạm này được thể hiện dưới những dạng rõ ràng như hành vi mua bán trái phép, lấn chiếm đất đai, khai thác, sử dụng bừa bãi đất đai làm cho đất bị xói mòn, bạc màu (Điều 180); hành vi săn bắn trái phép chim, thú rừng, khai thác trái phép cây rừng, đốt rừng, lấn chiếm rừng (Điều 181); hành vi vi phạm những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường sống, phòng ngừa dịch bệnh giữ gìn vệ sinh công cộng (Điều 195)...
Hậu quả của những hành vi này là gây ra những thiệt hại cho môi trường: làm xói mòn, biến chất đất; gây cháy rừng, làm suy giảm diện tích rừng, làm mất các giống thú, chim; gây lan truyền những dịch bệnh, làm ô nhiễm môi trường sống, gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người...
- Chủ thể của những tội phạm này là bất kỳ ai đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người có chức vụ, quyền hạn về quản lý đất đai, quản lý và bảo vệ rừng hoặc công dân bình thường,
- Về mặt chủ quan, tội phạm có thể được thực hiện với lỗi cố ý, người thực hiện biết rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và mong muốn thực hiện hành vi đó; ngoài ra, tội phạm cũng có thể được thực hiện với lỗi vô ý.
- Hình phạt được quy định với nhiều mức khác nhau tùy theo tinh chất mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi nguy hiểm gây ra, có thể là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tù đến 10 năm.
Trong một thời gian dài (1985 - 1999) các quy định này cùng với các quy định trong các lĩnh vực chuyên ngành pháp luật về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, về quản lý và bảo vệ các thành tố khác nhau của môi trường... đã góp phần đáng kể trong việc răn đe và trừng trị các tội phạm xâm hại môi trường, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường nói riêng.
Tuy nhiên, các điều luật quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự 1985 do những hạn chế về mặt lập pháp và do sư thay đổi nhanh chóng của điều kiện kinh tế - xã hội cũng như những đòi hỏi, yêu cầu của việc bảo vệ môi trường nên đã bộc lộ một số nhược điểm nhất định. Cụ thể là:
Thứ nhất, trong BLHS năm 1985, các hành vi xâm hại môi trường chưa được hệ thống hóa với tính chất là một chương riêng biệt, mà chỉ được đề cập bằng một số điều luật nằm rải rác ở các chương khác nhau như: “Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, ... thềm lục địa của Việt nam” (Điều 179), “Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai (Điều 180) và “Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” (Điều 181) (Chương VII - “Các tội phạm về kinh tế”); “Tội vi phạm các quy định về môi trường gây hậu quả nghiêm trọng” (Mục A “Các tội xâm phạm an toàn công cộng” - Chương VIII) v.v... Các điều luật nói trên lại quy định khá chung chung với phạm vi hết sức rộng gây khó khăn cho việc hiểu và áp dụng đúng đắn pháp luật. Ví dụ, Điều 195 Bộ luật quy định chung chung là: “người nào vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Thứ hai, Bộ luật hình sự 1985 chưa có sự đánh giá phù hợp về tính chất và mức độ gây thiệt hại cho xã hội của một hành vi đồng thời xâm hại đến hai loại khách thể khác nhau cần được bảo vệ (các quan hệ về tài sản, kinh tế và các quan hệ về quản lý, bảo vệ môi trường). Điều này dẫn đến việc cùng là hành vi gây hại cho môi trường nhưng lại được quy định ở nhiều chương khác nhau, kể cả những chương mà tên của nó không hề gợi cho người đọc một ý tưởng nào về môi trường như Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương các tội xâm phạm trật tự an toàn công cộng và trật tự quản lí hành chính... Từ đó, gây khó khăn cho việc tra cứu, tìm hiểu Bộ luật, và áp dụng pháp luật, đồng thời làm giảm hiệu lực và ý nghĩa của hình phạt được áp dụng.
Thứ bảy mặc dù trong Bộ luật hình sự 1985 có một số điều luật quy định về các hành vi xâm hại môi trường như Điều 180 - Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và Điều 181 - Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, song có lẽ ý đồ của nhà làm luật lúc này chủ yếu là nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế của các nguồn tài nguyên này mà chưa chú ý đến khía cạnh sinh thái của chúng. Hành vi phạm tội được mô tả trong các điều luật này chủ yếu là hành vi mua, bán lấn chiếm đất đai (đất đai được bảo vệ dưới góc độ là tư liệu sản xuất là đối tượng của lao động chứ không phải dưới góc độ là thành phần môi trường quan trọng). Tương tự như vậy, các hành vi khai thác trái phép cây rừng, săn bắt trái phép chim thú... cũng được BLHS 1985 mô tả như những hành vi xâm hại chế độ kinh tế của đất nước. Còn các hành vi gây ô nhiễm đất; đốt phá, huỷ hoại rừng, huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản... (trong đó đất, nước, rừng, nguồn lợi thuỷ sản là các thành phần môi sinh) lại chưa được pháp luật hình sự đề cập một cách đầy đủ. Điều này cho thấy, trong thời gian qua, việc hình sự hoá một số hành vi xâm phạm môi trường còn mờ nhạt.
Thứ tư, do được ban hành năm 1985, Bộ luật chưa thể lường hết các hành vi gây tác hại đến môi trường mà cuộc sống và sự phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới đòi hỏi cần phải hình sự hoá. Trước đây, khi xem xét các hành vi vi phạm pháp luật môi trường đến mức phải truy cứu trách nhiệm pháp lý (mà chủ yếu là trách nhiệm hành chính) người ta chỉ thường tập trung vào một số hành vi như xả rác, phóng uế bừa bãi, làm mất vệ sinh nơi công cộng... Nhưng hiện nay các hành vi vi phạm pháp luật môi trường đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn và dưới rất nhiều hình thức khác nhau, như không thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường; vi phạm các quy định về bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên; vi phạm các quy định về xuất, nhập khẩu công nghệ, thiết bị, chất thải, hoá chất độc hại; vi phạm các quy định trong việc bảo quản và sử dụng các chất dễ gây ô nhiễm; vi phạm các quy định về vệ sinh công cộng... Các hành vi này đã và đang làm huỷ hoại nghiêm trọng đến môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Nếu không được hình sự hoá một cách kịp thời thì các hành vi và hậu quả nói trên sẽ không được ngăn chặn và khó đẩy lùi.
Thứ năm, đối chiếu các quy định của Bộ luật hình sự 1985 với các quy định của pháp luật dân sự, hành chính thì việc áp dụng trên thực tế rất khó xác định trường hợp nào người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự . Ngay các nhà quản lí môi trường đôi khi cũng nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Một số cho rằng, khoản tiền đền bù thiệt hại thực tế do làm ô nhiễm môi trường (điển hình là các sự cố tràn dầu) chính là khoản tiền phạt do Nhà nước bắt buộc người gây ô nhiễm phải trả để khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Họ cho rằng trách nhiệm này hoàn toàn mang bản chất là trách nhiệm hình sự (mặc dù thủ tục tiến hành không tuân theo tố tụng hình sự). Một số khác lại cho rằng, người đã phải chịu hình phạt tù hoặc hình phạt tiền thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế cho các tổ chức và cá nhân khác bị thiệt hại nữa. Sở dĩ có sự khác nhau về cách hiểu như trên là vì các hành vi vi phạm pháp luật môi trường thường gây nên các hậu quả (các thiệt hại) cho nhiều khách thể (các quan hệ xã hội cần được bảo vệ) và do vậy việc đánh giá, xác định quan hệ nào là khách thể trực tiếp thường rất khó khăn. Ví dụ. Hành vi thải hoá chất độc hại vào nguồn nước, nhưng tại nguồn nước đó có rất nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng. Hậu quả là nước sông bị ô nhiễm nặng, hệ sinh thái sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời toàn bộ cá, tôm nuôi bị chết. Nhự vậy, nhất thiết người có hành vi vi phạm phải chịu 2 loại trách nhiệm, trách nhiệm đối với cộng đồng, đối với xã hội và trách nhiệm đối với chính các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại. Các quy định của Bộ luật hình sự 1985 chưa thể hiện rõ được quan điểm này.
Thứ sáu, việc áp dụng pháp luật hình sự để xét xử các tội phạm về môi trường chưa được chú ý trong khi số lượng các vi phạm ngày càng tăng. Theo các số liệu của thực tiễn xét xử do Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp, thì kể từ khi BLHS 1985 có hiệu lực cho đến cuối 1998 thì hầu như không có việc thụ lý và xét xử các tội phạm về môi trường. Năm 1995, tức là 10 năm sau kể từ khi BLHS 1985 có hiệu lực, lần đầu tiên có 1 vụ án hình sự với 3 bị cáo bị đưa ra xét xử theo Điều 195, còn phần lớn số lượng các vụ án hình sự bị đưa ra xét xử tương ứng
theo Điều 179 và Điều 181 BLHS năm 1985 trên lãnh thổ toàn quốc là 1203 vụ, chưa kể các vụ án phá rừng lớn nhất từ trước đến nay ở Tánh Linh, tinh Bình Thuận bị đưa ra xét xử trong năm 1999 với hàng chục bị cáo. Bảng thống kê số lượng vụ án thụ lý và được đưa ra xét xử dưới đây cho thấy rõ thực trạng nêu trên.
Điều luật của BLHS 1985 Số lượng đã thụ lý (1992-1998) Số lượng đã xét xử (1992-1998)
Số vụ án HS Số bị cáo Số vụ án HS Số bị cáo
179 204 327 188 308
181 1208 2612 1015 2079
Thứ bẩy, các hành vi xâm hại môi trường khác (chưa được quy định trong BLHS năm 1985) chỉ mới bị xử lý bằng các chế tài hành chính theo các Nghị định tương ứng của Chính phủ. Việc chỉ đơn thuần xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trượng không đủ sức ngăn chặn các hành vi gây hại cho môi trường. Với các quy định về mức xử phạt hành chính chưa hợp lí, chưa sát thực tế đã dẫn đến các đối tượng thanh tra tiếp tục vi phạm pháp luật và chấp nhận chịu các hình thức xử lí hành chính (thậm chí nhiều lần). Người vi phạm biết rằng khoản tiền phạt mà họ phải chấp hành (kể cả trong trường hợp họ có hành vi tái phạm) thấp hơn rất nhiều so với những khoản lợi mà họ thu được từ việc lẩn tránh pháp luật môi trường. Mặt khác, người vi phạm lại không hề bị mất uy tín về mặt chính trị - điều mà các đối tượng vi phạm rất quan tâm.
Thứ tám, việc xử lý các vụ vi phạm pháp về môi trường kể cả về mặt hình sự lẫn về mặt hành chính thiếu thống nhất. Mặc dù trong hầu hết các văn bản pháp luật về xử lí hành chính đều quy định “khi xét thấy hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có dấu hiệu tội phạm thì hồ sơ được chuyển cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp giải quyết”. Tuy nhiên, việc xử lí này cũng găp rất nhiều khó khăn vì các hành vi gây hại môi trường chưa được hình sự hoá một cách
đầy đủ trong BLHS 1985. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tổng Thanh tra Nhà nước v.v...) không có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng thống nhất pháp luật hình sự đối với tất cả các hành vi xâm hại môi trường được quy định trong BLHS năm 1985.
2.3. Các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự 1999
Bước vào thời kỳ đổi mới, vấn đề bảo vệ môi trường càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Môi trường với các yếu tố tạo thành bao gồm: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác. Nó được nhận thức là các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Việc bảo vệ, giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu cấp thiết của mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng
Điều này cũng được thể hiện khá rõ thông qua hệ thống pháp luật như: Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân 1989, Luật đất đai 19989, Luật bảo vệ và phát triển rừng 1991, Luật đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2000), Luật khoáng sản 1996, Luật tài nguyên nước 1998, Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản 1989, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2001... đều ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cũng như những chế tài cần thiết đối với mọi tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong Luật bảo vệ môi trường 1993 vấn đề bảo vệ môi trường lần đầu tiên đã được ghi nhận tập trung trong một văn bản luật. Đồng thời, trong thời gian này Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường, đáng chu ý nhất là một số văn bản pháp luật sau đây:
- Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 2433/TT-KCM ngày 3/10/1996 của Bộ KH-CN-MT hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;
Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của đất nước thay đổi hàng ngày, có nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện mà pháp luật chưa điều chỉnh hết, Bộ luật hình sự 1985 được xây dựng và ban hành trước thời kỳ đổi mới cho nên chưa thể và chưa có đủ điều kiện để dự liệu hết các hành vi nguy hiểm cho xã hội nói chung, những hành vi nguy hiểm cho xã hội gây tác hại cho môi trường nói riêng Và tội phạm hoá các hành vi này. Những quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về tội phạm về môi trường đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu sót, bỏ lọt những tội phạm mới nảy sinh. Trước thực trạng môi trường sinh thái ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng., một vấn đề mang tính cấp thiết được đặt ra là phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi xâm hại đến môi trường trên nguyên tắc chủ động phòng ngừa từ đầu và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.
Trước những yêu cầu mới và để phù hợp với các quy định về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực chuyên ngành nên trên, việc bảo vệ môi trường trong pháp luật hình sự đã được đặc biệt coi trọng và ghi nhận tại Chương XVII của Bộ luật hình sự 1999 với 10 điều luật quy định khá cụ thể và chi tiết các hành vi xâm hại đến môi trường. Cụ thể là:
- Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182);
- Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183);
- Tội gây ô nhiễm đất (Điều 184);
- Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185);
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186);
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187);
- Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188);
- Tội huỷ hoại rừng (Điều 189);
- Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang đã quý hiếm (Điều 190);
- Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191).
Trong số các tội danh kể trên, có một số tội được chuyển từ các điều tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1985 sang một số tội khác được hình sự hoá từ các điều cấm của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và các văn bản hướng dẫn, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ các nguồn lợi thuỷ sản...; một số tội còn lại là các hành vi đã phát sinh trong thực tế xét thấy rất nguy hiểm cho xã hội, cần phải trừng trị bằng pháp luật hình sự cho nên đã được tội phạm hoá.
Chương XVII - Các tội phạm về môi trường - của Bộ luật hình sự năm 1999 đã thay thế cơ bản các quy định về các tội phạm liên quan đến môi trường, bổ sung thêm một số tội danh mới xuất hiện trong thời gian gần đây, thể hiện sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước trước thực trạng môi trường tiếp tục bị suy thoái, ô nhiễm với mức độ cao; thể hiện thái độ kiên quyết, xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các hành vi làm suy thoái, ô nhiễm môi trường, xâm hại đến các yếu tố của môi trường thiên nhiên. Qua đó, có thể thấy rằng chế định tội phạm về môi trường đã được củng cố thêm một bước, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
IV. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỘI PHẠM MÔI TRƯỜNG Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Hiện nay, ô nhiễm, suy thoái môi trường đang là một vấn đề mang tính toàn cầu. Đây không còn là vấn đề riêng của một hoặc một nhóm các quốc gia nữa, mà đã trở thành một vấn đề chung của tất cả các nước trên hành tinh. Cùng với tiến trình toàn cầu hoá với sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn, thì nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường ngày càng cao.
Các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chất lượng môi trường vẫn đang tiếp tục xuống cấp, đe doạ đến sự sống còn của nhân loại. Do đó, các quốc gia cần phải áp dụng những biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, kể cả các biện pháp pháp lý cứng rắn thông qua áp dụng các loại chế tài từ dân sự, hành chính cho đến hình sự.
Với sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường, Bộ luật hình sự năm 1999 của Việt Nam đã dành hẳn một chương để quy định các tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, vì đây là một chương mới về một nhóm tội phạm phức tạp, trong đó có những tội danh lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật hình sự, cho nên khó tránh khỏi những điểm còn bất hợp lý, cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh thêm trong những lần sửa đổi Bộ luật sắp tới.
Nhằm có thêm những căn cứ lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện Chương các tội phạm về môi trường, việc nghiên cứu để học hỏi kinh nghiệm thích hợp của một số nước ngoài trong việc hình sự hoá các hành vi xâm phạm môi trường là hết sức cần thiết và hữu ích.
Trong phần nghiên cứu này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số vấn đề chính liên quan đến việc hình sự hoá các hành vi xâm hại môi trường của bốn nước là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Liên bang Nga, Singapore và Cộng hoà Liên bang Đức, trong đó đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
1. Trung quốc.
l.l. Chính sách bảo vệ môi trường
Trung Quốc là một nước lớn với diện tích trên 10 triệu ki-lô-mét vuông và dân số hơn 1,2 tỷ người, chiếm khoảng 1/5 dân số của cả thế giới. Đất nước rộng lớn có nhiều mỏ tự nhiên và có trữ lượng lớn và trải dài trên nhiều vùng khí hậu khác nhau, nên môi trường ở Trung quốc rất đa dạng. Cùng với sự phát triển của lịch sử, Trung quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại từ thời cổ đại. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện chính sách cải cách và mở cửa kinh tế, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế, và có nhiều khả năng sẽ trở thành một trong những siêu cường kinh tế trên thế giới, trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước đang phát triển khác, Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức to lớn cần phải giải quyết trong đó có vấn đề môi trường. Nền kinh tế phát triển với tốc độ cao cùng với dân số khổng lồ đã và đang là những nhân tố gây sức ép mạnh đối với môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Nạn ô nhiễm môi trường và nạn khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đang có chiều hướng gia tăng ở Trung Quốc. Cùng với sự suy thoái môi trường trên toàn cầu nói chung, sự xuống cấp về môi trường trong nước là những nguyên nhân chính gây ra các trận bão lụt lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của ở Trung Quốc tròng thời gian vừa qua.
Đứng trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã coi bảo vệ môi trường sinh thái là một nhiệm vụ chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế xã hội của mình. Đối với Trung Quốc, nhiệm vụ này mang một ý nghĩa sống còn xuất phát từ đặc điểm dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở đất nước này. Nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát và bảo vệ thiêt thực, trong đó có các biện pháp pháp lý như quy định và thi hành các chế tài dân sự, hành chính và đặc biệt là tăng cường áp dụng các biện pháp hình sự đối với các vi phạm pháp luật về môi trường. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số vấn đề liên quan đến việc hình sự hoá các hành vi xâm hại môi trường nguy hiểm và một số kinh nghiệm của các nhà làm luật Trung quốc trong việc quy định nhóm tội phạm môi trường, đặc biệt là việc định lượng hoá khung hình phạt đối với nhóm tội phạm này.
1.2. Hình sự hoá các hành vi xâm hại môi trường nguy hiểm và một số kinh nghiệm trong việc quy định nhóm tội phạm môi trường trong bộ luật hình sự mới của Trung quốc
1.2.1. Hình sự hoá các hành vi nguy hiểm xâm hại môi trường
Một trong những biện pháp cứng rắn và hữu hiệu nhất nhằm trực tiếp bảo vệ môi trường là sử dụng các công cụ pháp lý thông qua đó Nhà nước có thể áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với những người vi phạm pháp luật về môi trường. Vì lẽ đó, trong thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng và thực thi một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó đáng chú ý nhất là việc Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Bộ luật hình sự mới vào tháng 3 năm 1997. Bộ luật này đã dành một Tiết riêng trong Chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội để quy định các tội xâm phạm việc bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tiết 6 “Các tội xâm phạm việc bảo vệ tài nguyên môi trường” gồm
9 điều luật từ Điều 338 đến Điều 346.
Khác với cách quy định trong Bộ luật hình sự của Việt Nam và nhiều nước khác, các điều trong Bộ luật hình sự Trung quốc không có tên điều luật. Tuy nhiên, để tiện cho việc nghiên cứu, chúng tôi tự đặt tên cho các điều luật đó như sau căn cứ vào nội dung của từng điều tương ứng:
Điều 338. Tội gây ô nhiễm đất, nước, khí quyển
Điều 339. Tội chôn vùi, tàng trữ, chế biến chất thải rắn được đưa từ nước ngoài vào.
Điều 340. Tội vi phạm pháp luật về bảo vệ động thực vật sống dưới nước.
Điều 341. Tội săn bắt, giết, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc các sản phẩm được làm từ các loại động vật đó.
Điều 342. Tội lấn chiếm trái pháp luật đất nông nghiệp cho các mục đích khác vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.
Điều 343. Tội vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Điều 344. Tội huỷ hoại và làm hư hỏng trái phép pháp luật các loại cây quý vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng.
Điều 345. Hình phạt áp dụng đối với các trường hợp vi phạm cụ thể pháp luật về rừng.
Điều 346. Hình phạt đối với đơn vị phạm tội nói tại các điều từ Điều 338 đến 345.
1.2.2. Một số kinh nghiệm về cách thức quy định và định lượng hoá khung hình phạt đối với nhóm tội phạm môi trường trong bộ luật hình sự mới của Trung quốc
1.2.2.1. Cách thức quy định
1.2.2.1.1. Về phân loại tội phạm môi trường
Tiết 6 này gồm các điều quy định về ba nhóm hành vi sau đây:
a/ Các điều quy định về hành vi gây ô nhiễm môi trường (Điều 338 và Điều 339).
b/ Các điều quy định về hành vi gây thiệt hại cho tài nguvên thiên nhiên và đa dạng sinh học (các điều 340, 341, 342, 343, 344).
c/ Các Điều quy định hình phạt áp dụng đối với các trường hợp phạm tội cụ thể (Điều 345 và Điều 346) trong đó có quy định rõ các trường hợp phạm tội với số lượng tương đối lớn và đặc biệt lớn.
1.2.2.1.2. Về mặt khách quan của tội phạm môi trường
Hầu hết các điều luật trong Tiết này quy định thành tội những hành vi gây ô nhiễm hoặc gây thiệt hai cho tài nguyên thiên nhiên vi phạm các quy định của lĩnh vực pháp luật liên quan. Ví dụ, Điều 338 nói rằng: “người nào thải, chôn vùi hoặc xử lý các chất thải phóng xạ, các chất thải chứa các vi trùng gây bệnh và các vật liệu độc hại hoặc các chất thải nguy hiểm khác vào đất, nước, khí quyển vi phạm các quy định của Nhà nước, gây sự cố ô nhiễm môi trường lớn, thiệt hại nặng cho tài sản công hoặc tư, hoặc làm chết hay gây tổn hại cho sức khoẻ của người...”.
Một số điều như Điều 341, Điều 342 không nói rõ là hành vi liên quan có vi phạm các quy định của pháp luật liên quan, mà chỉ nói rằng các hành vi phạm tội là những hành vi trái pháp luật xâm hại các khách thể môi trường được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ, Điều 341 quy định thành tội người nào săn bắt, giết... trái pháp luật động vật hoang dã hoặc có nguy cơ tuyệt chủng...”.
Một số điều có cấu thành vật chất, nghĩa là hành vi bị coi là phạm tội chỉ khi nó gây ra hậu quả nhất định. Hay nói cách khác, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trọng việc xác định có phạm tội hay không phạm tội. Các Điều 338, 342, 343 là những tội danh có cấu thành vật chất.
Các Điều 339, 340, 341 là ví dụ về các tội danh có cấu thành hình thức, nghĩa là cứ thực hiện hành vi được quy định trong điều luật là phạm tội mà không cần phải gây ra hậu quả. Đối với các tội danh này, thì hậu quả (tương đối nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) là yếu tố định khung tăng nặng.
1.2.2.1.3. Yếu tố định khung hình phạt
Như trên đã nói, các tội quy định tại Tiết 6 bao gồm các tội có cấu thành hình thức và các tội có cấu thành vật chất. Tuy nhiên, trong cả hai loại vừa nêu, đều có chung một điểm là hình phạt nặng hay nhẹ đều được quy định căn cứ vào tính chất của hành vi, loại dụng cụ, phương tiện phạm tội hoặc hậu quả gây ra. Ví dụ, về tính chất hành vi gồm có và dụng cụ phương tiện phạm tội: hành vi đặc biệt nghiêm trọng (Điều 339); phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng (Điều 341); sử dụng dụng cụ, phương tiện bị cấm (Điều 341, 343) v.v...
1.2.2.1.4. Định lượng hoá khung hình phạt
(Ở đây chúng tôi coi hậu quả cũng là một trong các yếu tố định lượng mặc dù các điều luật tương ứng chưa quy định các số lượng cụ thể).
Ngoài các yếu tố mang tính định tính như đã nói ở trên, định lượng cũng là yếu tố rất quan trọng đối với việc xác định tính chất phạm tội của hành vi và loại cũng như mức hình phạt đối với tội phạm đó. Yếu tố mang tính định lượng này được thể hiện bằng hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; loại đối tượng bị xâm hại (môi trường, tài sản hay con người) và mức độ xâm hại (như số lượng cây rừng bị chặt, phá). Ví dụ: về hậu quả, có hậu quả nghiêm trọng (Điều 338, 339), hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (Điều 339) v.v...
1.2.2.1.5. Định lượng làm căn cứ định tội
Điều 342 coi là tội phạm hành vi chiếm bất hợp pháp đất nông nghiệp cho các mục đích khác với diện tích tương đối lớn. Điều 345 thì quy định người nào chặt trái phép cây rừng với số lượng tương đối lớn sẽ
bị coi là phạm tội. Phạm tội trong trường hợp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn sẽ chịu hình phạt nặng hơn. Các Điều 338, 339 lại coi các yếu tố định lượng như gây sự cố ô nhiễm môi trường lớn, gây tổn thất lớn về tài sản, làm chết người và gây tổn hại nặng đến sức khoẻ của con người là yếu tố định tội.
1.2.2.1.6. Định lượng làm căn cứ định khung hình phạt
Hầu hết các Điều (338, 339, 343, 345) đều coi yếu tố hậu quả (nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) là tình tiết định khung tăng nặng. Ví dụ: Điều 345 tội chặt cây rừng trái phép quy định 3 khung hình phạt khác nhau căn cứ vào số lượng cây bị chặt, cụ thể là:
Khung 1 : Số lượng lớn có thể bị phạt đến 3 năm tù giam.
Khung 2 : Số lượng rất lớn có thể bị phạt đến 7 năm tù giam.
Khung 3 : Số lượng đặc biệt lớn có thể bị phạt tù từ 7 năm trở lên.
Trong tất cả các điều luật có định lượng nêu trên, thì chỉ có Điều 338 có yếu tố “gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người” là được quy định cụ thể như viện dẫn quy phạm giải thích tại Điều 94 bao gồm 3 trường hợp sau đây:
(1) Thương tích dẫn đến mất khả năng sử dụng chân, tay hoặc làm biến dạng cơ thể;
(2) Thương tích dẫn đến khả năng sử dụng cơ quan thính giác, thị giác hoặc chức năng của các cơ quan khác.
(3) Thương tích khác gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất của con người.
Tuy nhiên, những yếu tố định lượng đặc trưng cho các tội phạm về môi trường như thế nào là gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, diện tích lớn, đặc biệt lớn, số lượng lớn, đặc biệt lớn, hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là bao nhiêu thì chưa được quy định rõ ngay trong các điều luật này của Bộ luật hình sự. Trong khi đó, nhiều điều luật khác ví dụ như trong Chương các tội xâm phạm trật tự kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa lại có định lượng rất cụ thể giá trị hàng phạm pháp là bao nhiêu nhân dân tệ thì bị coi là phạm tội. Có lẽ xuất phát từ tính chất mới và phức tạp của hành vi xâm phạm môi trường, các nhà lập pháp Trung Quốc chưa có điều kiện quy định định lượng cụ thể ngay vào từng điều luật mà để cho các cơ quan áp dụng pháp luật sau này ra các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như vậy, các tội phạm về môi trường đã được quy định thành một Tiết riêng trong Bộ luật hình sự Trung Quốc. Với cách thức quy định các tội danh là hết sức đa dạng và linh hoạt, Bộ luật hình sự đã liệt kê được các hành vi xâm hại môi trường phổ biến nhất hiện nay. Các nhà làm luật Trung Quốc cũng đã cố gắng đưa ra một số yếu tố mang tính chất định lượng trong các điều luật của Tiết này. Tuy nhiên, việc thiếu quy định mức định lượng cụ thể trong từng tội danh sẽ phần nào làm mất cân đối giữa chúng với các tội danh có mức định lượng cụ thể trong Bộ luật, gây khó khăn cho việc tìm hiểu và áp dụng chúng trên thực tế.
2. Liên bang Nga
Cũng giống như Bộ luật hình sự năm 1997 của Trung quốc, Bộ luật hình sự mới (ban hành năm 1996) của Nga cũng dành một chương riêng để quy định các tội phạm về môi trường. Đó là Chương 26 “Các tội phạm về sinh thái” với 17 điều quy định về các tội phạm môi trường khác nhau từ Điều 246 đến Điều 262. Cụ thể gồm các điều sau đây:
- Điều 242. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh trong khi tiến hành sản xuất;
- Điều 243. Tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm;
- Điều 244. Tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hoặc độc tố sinh học khác;
- Điều 245. Tội vi phạm các quy định về thú y và các quy định về chống bệnh tật phá hại cây cối;
- Điều 246. Tội gây ô nhiễm nước;
- Điều 247. Tội gây ô nhiễm không khí;
- Điều 248. Tội gây ô nhiễm môi trường biển;
- Điều 249. Tội vi phạm pháp luật Liên bang Nga về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Liên bang Nga;
- Điều 250. Tội làm hư hại đất;
- Điều 251. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng lòng đất;
- Điều 252. Tội khai thác trái phép động, thực vật sống dưới nước;
- Điều 253. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn cá dự trữ;
- Điều 254. Tội săn bắt trái phép;
- Điều 255. Tội phá huỷ nơi trú ngụ của các sinh vật được ghi trong sách đỏ của Liên bang Nga đang ở trong tình trạng nguy hiểm;
- Điều 256. Tội chặt trái phép cây gỗ và cây bụi;
- Điều 257. Tội huỷ hoại hay làm hư hại rừng; và
- Điều 258. Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu thiên nhiên và các công trình thiên nhiên.
Việc phân tích các quy định tại 17 điều (từ 246 đến 262) Chương 26 “Các tội phạm về sinh thái” của Bộ luật hình sự hiện hành của Liên bang Nga năm 1996  cho thấy một số đặc điểm cơ bản sau đây :
- Bộ luật hình sự Liên bang Nga gồm 17 điều bao gồm 22 cấu thành tội phạm. Tất cả các cấu thành này đều được xếp vào ba trong số bốn loại tội phạm theo sự phân loại trong Phần chung Bộ luật hình sự . Cụ thể là: Tội ít nghiêm trọng (18 cấu thành tội phạm cơ bản), tội nghiêm trọng (3 cấu thành tội phạm cơ bản) và tội đặc biệt nghiêm trọng (1 cấu thành tội phạm cơ bản), tức là các tội do cố ý và vô ý mà hình phạt tối đa do Bộ luật hình sự quy định là đối với chúng là: a) không quá 2 năm tước tự do (đối với loại thứ nhất); b) không quá 5 năm tước tự do (đối với loại thứ hai); và c) tước tự do không quá 10 năm (đối với loại thứ ba). 
- Ngoài 21 cấu thành tội phạm cơ bản ra, tại 9 trong số 17 điều đã nêu, nhà làm luật Liên bang Nga còn xây dựng 8 cấu thành tội phạm tăng nặng và 5 cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng, và chúng được xếp vào ba loại tội phạm - tội phạm nghiêm trọng không lớn (2 cấu thành tội phạm tăng nặng), tội phạm nghiêm trọng trung bình (6 cấu thành tội phạm tăng nặng và 4 cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng) và tội phạm nghiêm trọng cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng.
- Như vậy, tất cả các hành vi xâm hại an toàn sinh thái được quy định trong Chương 26 Bộ luật hình sự Nga năm 1996 hiện hành gồm 35 cấu thành tội phạm (21 cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và 5 cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng) được phân loại thành: a) 18 tội phạm nghiêm trọng không lớn; b) 15 tội phạm nghiêm trọng trung bình; và c) 2 tội phạm nghiêm trọng. Đại đa số trong số này là các tội phạm được thực hiện với hình thức lỗi cố ý gián tiếp, chỉ có một tội phạm được thực hiện đối với hình thức lỗi vô ý (Khoản 1 Điều 261), và 5 trường hợp mà trong đó tội phạm được thực hiện với hai hình thức lỗi: cố ý đối với hành vi và vô ý đối với hậu quả dẫn đến chết người .
- Tại các điều luật đề cập đến các tội phạm về sinh thái trong Bộ luật hình sự Nga năm 1996, nhà làm luật Liên bang Nga thường chỉ ra cụ thể những hậu quả đặc trưng chủ yếu nhất và điển hình nhất do các hành vi phạm tội thường gây nên, còn các phạm trù có tính chất đánh giá như “những hậu quả nghiêm trọng khác”, “những hậu quả nghiêm trọng” hay “thiệt hại đáng kể” rất ít khi được sử dụng chỉ được quy định tại 5 cấu thành tội phạm (Điều 246, Khoản 1 Điều 248, Khoản 2 Điều 249, Điều 257 và Điều 262) trong số 35 cấu thành tội phạm (cơ bản, tăng nặng và đặc biệt tăng nặng) của các tội phạm này.
- Đối với các tội phạm về sinh thái, Bộ luật hình sự Nga năm 1996 quy định : a) mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền 50 lần mức tối thiểu của mức thu nhập, mức lương hay nguồn thu nhập khác của người bị kết án áp dụng đối với tội chặt trái phép các cây gỗ và các bụi cây ; b) mức hình phạt cao nhất là tước tự do đến 8 năm áp dụng đối với tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm đối với sinh thái trong trường hợp do vô ý thực hiện các hành vi được quy định tại các Khoản 1 hoặc Khoản 2 của điều luật mà dẫn đến hậu quả chết người hay gây bệnh hàng loạt cho mọi người  hoặc về tội huỷ hoại hay làm hư hỏng rừng, cũng như các cây trồng không thuộc vốn rừng do đốt rừng, do phương pháp nguy hiểm cho nhiều người khác hay do gây 6 nhiễm bằng các chất, các phế liệu, các rác rưởi hoặc các phế thải độc hại (Khoản 2 Điều 261).
3. Singapore
Ở Singapore, việc quy định và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường có một số đặc điểm sau:
- Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật môi trường đến mức độ nào thì bị coi là tội phạm và hình phạt tương ứng cho từng hành vi được quy định ngay tại các luật về môi trường như Luật không khí sạch; Luật về môi trường sức khoẻ cộng đồng; Luật kiểm soát ổ nhiễm môi trường; Luật về hệ thống cống rãnh và hệ thống tiêu thoát nước; Luật về xuất nhập khẩu, quá cảnh chất thải nguy hiểm... mà không quy định trong các văn bản pháp luật hình sự (Luật hình sự Singapore chỉ quy định các tội phạm thông thường). Các đạo luật này đều quy định một cách rõ ràng và cụ thể từng loại trách nhiệm pháp lý mà người có hành vi vi phạm pháp luật môi trường phải gánh chịu như trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự (trong đó chế tài cho hoạt động giải thích pháp luật và áp dụng pháp luật môi trường trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Người giải thích và áp dụng pháp luật không phải nghiên cứu, xem xét và trích dẫn quá nhiều điều luật trong các văn bản riêng biệt quy định về từng loại trách nhiệm pháp lý khác nhau.
- Trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường được quy định khá sớm (lần đầu tiên tại Luật không khí sạch được ban hành năm 1972).
- Hầu hết các cấu thành tội phạm trong lĩnh vực môi trường được quy định dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức. Điều này bắt nguồn từ 2 lý do:
Thứ nhất: Trong lĩnh vực môi trường, dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội thường rất khó xác định, nhất là trong những trường hợp gây nhiễm độc hoá chất, làm suy giảm chất lượng môi trường sống...
Thứ hai: Vì coi trọng hoạt động bảo vệ môi trường và đề cao việc bảo vệ lợi ích công cộng nên theo quan điểm của các nhà lập pháp Singapore chi riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện tính chất nguy hiểm của tội phạm đó.
- Pháp luật môi trường còn phân chia các hành vi vi phạm pháp luật ra làm 2 loại: loại “chịu trách nhiệm tương đối” và loại “chịu trách nhiệm tuyệt đối”. Loại chịu trách nhiệm tuyệt đối dùng để chỉ những vi phạm mà ở đó yếu tố chủ quạn (có lỗi) không cần phải làm rõ. Trong một số trường hợp, việc buộc tội không cần phải làm sáng tỏ sự tồn tại của trạng thái lỗi trong ý thức của người phạm tội.
- Các chế tài hình sự được áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường gồm: phạt tù, phạt tiền, bắt bồi thường và đối với những vi phạm nhỏ thì phạt lao động bắt buộc (chỉ áp dụng đối với những bị cáo đủ 16 tuổi trở lên và đủ tiêu chuẩn về y tế).
- Trách nhiệm hình sự không chỉ áp dụng đối với các thể nhân mà còn áp dụng cả với các pháp nhân.
- Chế tài phổ biến nhất trong các đạo luật về môi trường của Singapore là phạt tiền. Phạt tiền là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt. Người bị kết tội có thể bị áp dụng một trong hai hình phạt tù hoặc hình phạt tiền hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt nêu trên. Các nhà áp dụng pháp luật cho rằng hình phạt tiền được coi là công cụ hữu hiệu nhất trong việc tăng cường hiệu lực pháp luật về bảo vệ môi trường ở quốc gia này. “Việc áp dụng rộng rãi hình phạt tiền sẽ làm tăng hiệu quả trong việc trừng trị kẻ vi phạm và phòng ngừa các vi phạm tương tự. Phạt tiền có độ chính xác, tỷ mỷ cao, dễ thay đổi và vì thế càng dễ trở nên có hiệu quả”.
- Có rất nhiều mức độ phạt tiền khác nhau (phụ thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm). Ví dụ, theo Luật về môi trường sức khoẻ cộng đồng (mục 108) quy định “người nào vi phạm hoặc thực hiện không đúng bất kỳ quy định nào của đạo luật này sẽ bị kết tội về vi phạm đó, nếu ở đó hình phạt tù không được quy định thì sẽ bị phạt tiền đến 2000$ và trong trường hợp tái phạm sẽ bị phạt tiền đến 4000$ hoặc phạt tù đến 3 tháng hoặc cả 2 hình phạt trên”. Tuy nhiên, đối với những vi phạm nghiêm trọng thì mức phạt tiền cũng cao hơn. Cũng tại đạo luật này quy định trong trường hợp đổ rác thải ra nơi công cộng, nếu bị Toà án kết tội thì người vi phạm sẽ bị phạt tới 10000$ (đối với vi phạm lần đầu) và bị phạt tới 20000$ (nếu là tái phạm).
- Hình phạt tù cũng được áp dụng tương đối phổ biến. Thông thường thì hình phạt này được áp dụng trong trường hợp những khoản tiền phạt lớn vẫn không ngăn chặn được những người ngoan cố vi phạm đặc biệt là khi hành vi phạm tội có thể mang lại cho người phạm tội những khoản lợi nhuận lớn. Trong trường hợp đó hình phạt tù tỏ ra hữu ích.
- Hình phạt tù cũng có nhiều chế độ khác nhau. Đạo luật về môi trường sức khoẻ cộng đồng và Đạo luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường quy định người đưa chất thải hoặc các chất độc hại vào nguồn nước ngầm có thể bị phạt tù đến 12 tháng (vi phạm lần đầu). Đối với những người tái phạm thì có thể bị phạt tù với chế độ khắc nghiệt từ 1 đến 12 tháng.
- Hình phạt tạm giữ và tịch thu được áp đụng đối với công cụ và phương tiện được sử dụng vào việc phạm tội. Ví dụ, trong trường hợp người vi phạm đổ chất thải trái pháp luật thì phương tiện chuyên chở được dùng để thực hiện hành vi này có thể bị tạm giữ hoặc có thể bị tịch thu để sung quỹ Nhà nước; thực phẩm không phù hợp cho con người có thể bị tịch thu và tiêu huỷ...
- Lao động cải tạo bắt buộc được áp dụng đối với những người từ 16 tuổi trở lên vì vi phạm một trong những quy định tại mục 18 và 20 của Đạo luật về môi trường sức khoẻ công cộng. Người vi phạm cần phải thực hiện công việc liên quan đến làm vệ sinh sạch sẽ các vị trí nhất định mà không được trả thù lao thì sẽ được thay các quyết định hoặc hình phạt khác. Họ phải thực hiện các công việc này dưới sự giám sát của các nhân viên giám sát. Hình phạt này là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các vi phạm nhỏ. Thực tế cho thấy, những người vi phạm đã bị áp dụng hình phạt lao động cải tạo bắt buộc thường ít tái phạm.
4. Cộng hoà Liên bang Đức
4.1. Nội dung của quy định về các tội phạm môi trường ở cộng hoà Liên bang Đức
Các quy định hiện hành về tội phạm môi trường chủ yếu được xây dựng thông qua việc sửa đổi lần thứ 18 Bộ luật hình sự ngày 28/03/1980 và có hiệu lực từ ngày 01/07/1980, bao gồm các điều từ Điều 324 đến Điều 330d. Cấu thành cơ bản của các tội này là những hành vi gây nhiễm bẩn nguồn nước, không khí cũng như các hành vi nguy hiểm trong xử lý chất thải, vận hành một số thiết bị, các hoạt động có liên quan đến chất phóng xạ, bảo vệ động thực vật và lĩnh vực an toàn thực phẩm, cụ thể :
- Làm nhiễm bẩn nguồn nước (Điều 324): Hành vi làm nhiễm bẩn nguồn nước được coi là hoàn thành khi một phần nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc khi nguồn nước bị nhiễm bẩn trong thời gian ngắn.
Trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ bị nhiễm bẩn của nguồn nước, sự ảnh hưởng của nó tới tính chất của nguồn nước, không phụ thuộc vào ảnh hưởng của nó tới con người hoặc động thực vật, có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền.
Những hành vi dẫn tới sự thay đổi nhỏ về chất lượng nguồn nước thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này sẽ áp dụng trách nhiệm hành chính. Trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng khi hành vi gây nhiễm bẩn nguồn nước vượt tiêu chuẩn cho phép.
- Xử lý chất thải gây nguy hại tới môi trường (Điều 326). Xử lý chất thải bất hợp pháp chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi xử lý chất thải đặc biệt nguy hiểm và vi phạm nghĩa vụ giao nộp chất thải phóng xạ. Đối với chất thải thông thường, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng trong trường hợp số lượng chất thải lớn.
Trách nhiệm hình sự trong những trường hợp này : có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền (Điều 326 Bộ luật hình sự).
Trong trường hợp lắp đặt và vận hành trái phép hệ thống xử lý chất thải thì trường hợp lắp đặt chịu trách nhiệm hành chính và trường hợp vận hành chịu trách nhiệm hình sự, phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền (Điều 327 Khoản k mục 2 Bộ luật hình sự).
- Nhiễm bẩn không khí (Điều 325). Những hành vi gây nhiễm bẩn không khí phải chịu trách nhiệm hình sự là những hành vi làm thay đổi tính chất của không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ của người khác, động, thực vật hoặc các công trình. Căn cứ để xem xét và so sánh là tiêu chuẩn môi trường không khí và sự ảnh hưởng phải vượt ra ngoài khu vực phát thải. Với trường hợp tiếng ồn, phải ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân xung quanh, với mức độ tiếng ồn phải 65dBA và phải liên tục trên 2h30’. Các hành vi trên có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền.
- Gây nguy hiểm cho vùng cần bảo vệ (Điều 329). Những hành vi chịu trách nhiệm hình sự bao gồm:
+ Làm nhiễm bẩn không khí, gây tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép;
+ Vận hành trái phép thiết bị gây ô nhiễm môi trường;
+ Thải chất thải nguy hiểm trái phép:
+ Khai thác cát, đá, sỏi, nước trái phép;
+ Chặt phá rừng, khai thác động thực vật trái phép...
Các hành vi trên có ảnh hưởng trực tiếp tới những thành phần môi trường cơ bản của vùng cần bảo vệ. Những khu vực cần bảo vệ bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử...
Trách nhiệm hình sự được quy định lă phạt tù tới 5 năm hoặc phạt
tiền.
- Các hoạt động trái phép với chất phóng xạ, các chất nguy hiểm khác.
Phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động với chất phóng xạ, ví dụ : như không được phép hoặc theo quy định không được thực hiện một hành vi nào đó, cụ thể là không thực hiện theo chu trình làm việc đã được quy định hoặc thay đổi thiết bị, bố trí thiết bị không xin phép hoặc không giao nộp theo quy định các chất thải phóng xạ. Trách nhiệm hình sự được quy định là 5 năm tù (nếu cố ý); 2 năm tù hoặc phạt tiền (nếu vô ý).
4.2. Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Luật hình sự của Cộng hoà Liên bang Đức, trong các tội phạm về môi trường, không có các quy định về định lượng khung hình phạt, ngoài quy định về tội đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Việc định lượng chủ yếu thông qua việc thẩm phán xem xét tới mức độ hành vi, hình thức của hành vi và hiệu quả việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
Với các tội phạm về môi trường, thẩm phán sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ sau đây để áp dụng hình phạt cho phù hơp.
a) Những tình tiết tăng nặng, gồm:
Vì mục đích lợi nhuận, đặc biệt vì mục đích giảm giá thành mà không thực hiện những biện pháp cần thiết theo quy định;
Hành vi biểu hiện là sự coi thường đặc biệt đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường;
Không thực hiện nghĩa vụ xuất phát từ vị trí nghề nghiệp hoặc kinh tế hoặc là người có trách nhiệm phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó theo quy định;
Hành vi được thực hiện với thời gian dài hoặc trong tình trạng chống đối những quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Nhằm lẩn tránh sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hạn chế sự kiểm tra của cơ quan này;
Gây hậu quả hoặc tạo ra nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho các khu vực cần bảo vệ, cho người, cho động vật, thực vật có giá trị đặc biệt hoặc tài sản có tầm quan trọng về kinh tế, xã hội;
Đã có tiền án, tiền sự;
Che dấu hành vi và hậu quả xảy ra và qua đó có thể tạo khả  năng tiếp tục gây thiệt hại.
b) Những tình tiết giảm nhẹ, gồm:
Thực hiện hành vi trong tình trạng bất khả kháng, không do mình tạo ra hoặc trong tình trạng phải lựa chọn những lợi ích có thể chấp nhận;
Thực hiện hành vi với ý định tốt đẹp và từ đó không nhận ra nghĩa vụ pháp lý của mình;
Hành vi được thực hiện do sự tạo điều kiện thông qua hoạt động không rõ ràng, triệt để của cơ quan hành chính nhà nước;
Không xảy ra hậu quả hoặc hậu quả không lớn;
Thông báo kịp thời hậu quả xảy ra hoặc đã khắc phục hậu quả;
Thiệt hại xảy ra với chính tài sản của người có liên quan;
Bị cáo thành khẩn với pháp luật;
Bị cáo tự nguyện áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường.
4.3. Kinh nghiệm thực tiễn áp dụng các quy định tội phạm về môi trường ở Cộng hoà Liên bang Đức.
Thực tiễn chỉ ra rằng, sự cộng tác, phối kết hợp với các cơ quan Nhà nước về môi trường là không thể thiếu trong quá trình phòng ngừa, trấn áp tội phạm về môi trường. Quá trình hợp tác giúp các cơ quan điều tra, xét xử hiểu rõ nguyên nhân tội phạm, xác định ranh giới giữa hành vi vi phạm nhỏ với tội phạm hình sự... nhằm thực hiện nguyên tắc “khi xử lý những hành vi vi phạm về môi trường của công dân, chỉ áp dụng trách nhiệm hình sự khi áp dụng các trách nhiệm khác không đạt hiệu quả”.
a) Xác định chứng cứ
Việc xác định chứng cứ đối với các tội phạm về môi trường có mức độ khó khăn khác nhau. Đơn giản và dễ chứng minh nhất là việc xác định chứng cứ đối với tội gây nhiễm bẩn nguồn nước bề mặt. Tuy nhiên, đối với những trường hợp xả thải vào hệ thống cống rãnh công cộng hoặc vào tầng nước ngầm cũng gây không ít khó khăn trong quá trình xác định chứng cứ bởi sau thời gian dài thì biểu hiện sự suy giảm chất lượng nguồn nước không còn rõ rệt nữa.
Ngược lại, xác định chứng cứ đối với tội gây nhiễm bẩn không khí là đặc biệt khó khăn. Mặc dù có thể tồn tại rất nhiều chất độc hại trong không khí, nhưng chất độc hại từ nguồn phát thải nào đó sẽ lan toả rất nhanh trong không khí. Từ đó, việc chứng minh sự xấu đi của không khí phụ thuộc vào một nguồn phát thải nào đó là rất khó khăn.
b) Người phạm tội
Thực tiễn chỉ ra rằng, những người có hành vi vi phạm các tội phạm về môi trường là “Nam, công dân Đức, có độ tuổi từ 40-60 chưa có tiền án tiền sự và thường phạm tội một mình, đã học qua phổ thông trung học và có thu nhập ổn định”. Thời gian gần đây, những người phạm tội thường có học vấn cao. Họ thường là kỹ sư, kỹ thuật viên, thương gia, những người lãnh đạo hoặc quản lý.
c) Hình phạt được áp dụng
Hình phạt được áp dụng thực tế chủ yếu là hình phạt tiền hoặc có phạt tù thì cũng với mức án thấp so với khung hình phạt cao nhất tại các điều khoản tương ứng.
Bảng sau đây sẽ phản ánh nhận định trên (theo thống kê Tư pháp của Cộng hoà Liên bang Đức 1981-1987).
Tổng số đã xét xử 1981 1982 1983 1984 1985 1986 1987
907 959 1003 1122 1497 1532 1826
Phạt tiền tỷ lệ% 881 943 978 1092 1470 1474 1757
97,1 98,3 97,5 97,3 98,2 96,2 96,2
Phạt tù tỷ lệ% 26 16 25 30 27 58 69
2,9 1,7 2,5 2,7 1,8 3,8 3,8
TRONG ĐÓ
Từ 5-15 ngày (tỷ lệ%) 26,9 27,1 18,7 17,2 17,8 14,9 12,3
Từ 16-30 ngày (tỷ lệ%) 44,0 43,8 48,1 43,8 45,9 44,4 43,7
Từ 31-90 ngày (tỷ lệ%) 26,8 26,7 29,1 35,0 31,3 36,4 38,8
Từ 91-180 ngày (tỷ lệ%) 2,2 2,3 3,5 3.8 4,6 4,3 4,9
Trên 181 ngày (tỷ lệ%) 0,1 - 0,6 0,3 0,4 0,1 0,3
 
Bảng thông kê phản ánh: mức phạt tù phổ biến là dưới 91 ngày, rất ít những trường hợp phạt tù trên 181 ngày. Hình phạt chủ yếu là phạt tiền (chiếm trên 96%). Điều này chứng tỏ tính ưa việt của hình thức phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường.
 
PHẦN II 
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐl VỚI
CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG THEO PHÁP LUẬT 
HÌNH SỰ HIỆN HÀNH CỦA NƯỚC TA
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
1. Đặc điểm chung của các tội phạm về môi trường.
Môi trường là tất cả những gì ở xung quanh ta: không khí, nước, đất đai, rừng núi, sông hồ, biển cả, thế giới sinh vật v.v... Hằng ngày chúng ta phải hít thở, ăn uống, sống và làm việc trong môi trường đó. Do vậy, môi trường xung quanh có ảnh hưởng rất lớn và trong nhiều trường hợp có những ảnh hưởng quyết định tới sự tồn vong của con người và sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, tình hình môi trường đang bị ô nhiễm, thậm chí đang bị tàn phá nặng nề đang ngày càng trở nên trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở nước ta. Không khí bị ô nhiễm nặng bởi các loại bụi và khí độc do hoạt động của con người thải ra; rừng bị tàn phá tràn lan do nạn đốt rừng làm nương rẫy, đốn cây lấy gỗ, làm củi hoặc chăn thả gia súc bừa bãi; nhiều dòng sông đã trở nên đen hoặc ô nhiễm nặng vì chất thải sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ công cộng, đất đai đang bị nhiễm độc nặng nề bởi các chất thải rắn và lỏng, các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng dùng vượt xa lượng cho phép v.v...
Môi trường sống của chúng ta đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và ở nhiều nơi đã đến mức báo động. Hậu quả thì đã quá rõ ràng: hạn hán, lụt bão xảy ra ngày càng nhiều hơn với mức thiệt hại ngày càng lớn. Các loại dịch bệnh có căn nguyên từ ô nhiễm môi trường như ung thư, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá cũng đang ngày càng gia tăng. Mỗi người chúng ta đang trở thành nạn nhân của ô nhiễm môi trường do chính hành vi của mình gây ra. Trẻ em mà đặc biệt là trẻ em thành phố đang phải sống trong một môi trường độc hại, ảnh hưởng rất xấu tới sự phát triển bình thường của các em.
Môi trường vốn không có biên giới, cho nên ô nhiễm môi trường đang trở thành hiểm họa chung cho cả loài người, một vấn đề có tính chất và quy mô toàn cầu.
Nhằm ngăn chạn sự suy thoái, ô nhiễm môi trường, dần dần phục hồi và phát triển môi trường sinh thái, nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như tuyên truyền giáo dục, kinh tế, hành chính v.v... Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường mà có biện pháp thích hợp. Đối với những hành vi ô nhiễm do hành vi cố ý hoặc thiếu ý thức của con người gây ra vi phạm các điều cấm, thì thường áp dụng các chế tài pháp lý để xử lý người gây ra hành vi đó. Trong số các chế tài pháp lý thì nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự.
Hiến pháp năm 1992 của nước ta (Điều 9) đã quy định rõ:
“Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài ngưyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”.
Ở các nước, trong những thập kỷ gần đây khoa học luật hình sự ngày càng dành sự quan tâm rất lớn đến việc nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của các tội phạm về môi trường và các cấu thành tội phạm cụ thể của chúng. Và ở các nước đó, các cơ quan lập pháp đã quy định nhóm các tội phạm đó trong các Bộ luật hình sự tương ứng.
Ở nước ta, trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, việc quy định nhóm tội phạm về môi trường được đặt ra và thảo luận sôi nổi, từ tên gọi, khái niệm của nhóm tội phạm đó, nhóm hành vi bị coi là tội phạm đến chính sách xử lý bằng hình sự (các hình phạt được áp dụng) đối với chúng. Và Bộ luật hình sự năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2000, trong đó có chương XVII gồm 10 điều quy định các tội phạm về môi trường.
Khái niệm các tội phạm về môi trường được nhận thức và xây dựng dựa vào hai nhóm tiền đề sau:
Thứ nhất, là tính nguy hiểm lớn của sự tác động nhân chủng học (tức là hoạt động của con người). Sự tác động đó gây ra hậu quả đối với môi trường và có thể phá hoại các điều kiện tồn tại của con người.. Ngay cả trong thời gian hiện nay, trong điều kiện của sự khủng hoảng môi trường nghiêm trọng, có nhiều người vẫn chưa có ý thức đầy đủ về các hành vi (sự xâm hại) nguy hại và nguy hiểm đến môi trường với tư cách là loại hành vi phạm tội nguy hiểm. Khi làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm thay đổi các đặc điểm về chất của các khách thể tự nhiên, bằng các phương thức khác nhau hủy hoại nguồn nước, khí quyển, rừng, đất thì chính lúc đó con người có thể làm tổi tệ sự tồn tại của mình, và sau đó có thể làm chấm dứt sự tồn tại đó. Do vậy, việc quy định trách nhiệm pháp lý hình sự đối với các tội phạm về môi thrờng là công cụ tự bảo vệ của xã hội để bảo đảm sự sống của xã hội.
Thứ hai, là các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự và thực hiện trách nhiệm hình sự phải được pháp luật hình sự quy định. Các tội phạm về môi trường chỉ là một loại, một nhóm các tội phạm được Bộ luật hình sự nước ta quy định. Do vậy, khái niệm mô tả nhóm tội phạm đó phải được hình thành và xây dựng trên cơ sở cân nhắc các đặc điểm đặc thù của các hành vi có hại về mặt xã hội và môi trường (sinh thái) và đặc điểm chưng của tội phạm với tư cách là hành vi bị trừng trị bằng hình sự.
Việc phân tích nội dung của khái niệm “các tội phạm về môi trường” cần dựa trên cơ sở làm sáng tỏ các đặc điểm như: tính môi trường (tính sinh thái); tính trái pháp luật và tính nguy hiểm cho xã hội.
Tính môi trường (tính sinh thái) hoặc là việc đưa tội phạm này hay tội phạm khác vào nhóm các tội phạm về môi trường phải dựa vào các quy luật của xã hội và tự nhiên trong sự tác động lẫn nhau của xã hội và con người với tự nhiên. Và việc đưa tội phạm này hay tội phạm khác vào nhóm các tội phạm về môi trường phải phản ánh được trình độ phát triển của khoa học và kỹ thuật; tùy thuộc vào sự hiểu biết (trình độ) của các quan niệm khoa học về các cơ chế khác nhau của hoạt động nhân chủng học (hoạt động của con người); có khả năng tách nhóm các tội phạm đó thành một nhóm có tính độc lập tương đối trong cơ cấu của các hành vi trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội. Các dấu hiệu đồng nhất (tương đồng, giống nhau) của các tội phạm về môi trường là; sự khai thác các khách thể (đối tượng) của môi trường (các bộ phận, các yếu tố, tài nguyên thiên nhiên của nó) là cơ sở nền tảng của hoạt động xã hội hoặc là giá trị xã hội khác (ví dụ như giá trị văn hoá, giá trị tinh thần); hành vi định hướng đến việc sử dụng hay khai thác như vậy các khách thể (đối tượng) của môi trường bị luật hình sự trực tiếp cấm; sự thay đổi trạng thái, tính chất hoặc các thông số cụ thể của môi trường bị lên án trực tiếp về mặt xã hội; sự vi phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
Tính trái pháp luật, với tư cách là sự thể hiện về mặt pháp lý tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về môi trường là một hiện tượng pháp lý rất phức tạp. Các tội phạm đó ở một mức độ lớn hơn so với các tội phạm khác tùy thuộc vào quan điểm và cách xem xét của nhà làm luật, vào trình độ phát triển của văn hoá pháp luật và kỹ thuật lập pháp. Sự đánh giá pháp luật về các tội phạm đó là hay thay đổi, tính nguy hiểm cho xã hội của chúng không phải bao giờ cũng được xã hội, các cơ cấu quyền lực và các luật gia lĩnh hội, thừa nhận giống nhau.
Phần lớn các quy phạm quy định trách nhiệm đối với các tội phạm về môi trường là các quy định viện dẫn. Khi xây dựng các cấu thành tội phạm cụ thể nhà làm luật đã sử dụng rộng rãi thành ngữ “vi phạm các quy định bảo vệ môi trường” và các cách thể hiện tương tự. Do vậy, khi quy định các tội phạm về môi trường cần phải cân nhắc các quy định của luật bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về môi trường không chỉ quy tụ về tổng số các hậu quả đơn nhất có hại cho xã hội, tổng số thiệt hại sinh thái (môi trường) và kinh tế do các hành vi phạm tội đã gây ra, mà còn cả thiệt hại cho sức khoẻ của con người, dù rằng phần hợp thành đó của tính nguy hiểm cho xã hội được thể hiện rất rõ và có thể cảm thấy được. Tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về môi trường có các đặc điểm về chất và lượng.
Đặc điểm về chất của tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về môi trường được xác định bởi tính chất của các giá trị xã hội bị hành vi chống đối pháp luật đó (các tội phạm đó) xâm hại, bởi sự mâu thuẫn của hành vi phạm tội đó với các lợi ích và khả năng hiện thực của xã hội và con người, cũng như bởi toàn bộ nội dung của hành vi có hại về mặt môi trường (các dấu hiệu của cấu thành tội phạm). Như vậy, tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về môi trường thể hiện ở việc làm giảm bớt các lợi ích về môi trường của xã hội, chẳng hạn, ở việc vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành của mỗi người, ở việc gây ra thiệt hại cho sức khỏe, cho tài sản, cho thiên nhiên, ở sự ảnh hưởng đến việc tôn trọng các quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường và các quy phạm khác, ở việc làm giảm an ninh sinh thái đối với dân cư, ở vi phạm kỷ luật môi trường...
Đặc điểm về lượng của tính nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về môi trường được thể hiện ở mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội và được nhà làm luật cân nhắc khi quy định các chế tài và ở nội dung trách nhiệm đối với các hành vi phạm tội đã được thực hiện, ở đây người ta sử dụng các mức độ của thiệt hại đã gây ra (gây ra cái chết của nhiều động vật, làm lây lan dịch bệnh cho động vật, thực vật, làm lây lan côn trùng phá hoại cây cối, việc làm thay đổi một cách cơ bản nền phóng xạ, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng), sử dụng các dấu hiệu định tội rất đa dạng và các thông số về lượng khác thể hiện việc làm giảm các giá trị xã hội của các khách thể về môi trường.
Việc đưa ra khái niệm “tội phạm về môi trường” trước hết là nhằm xác định rõ khách thể của tội phạm về môi trường.
Về vấn đề này hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy vậy, tổng kết các ý kiến khác nhau đó cần đồng ý với quan điểm cho rằng khách thể của các tội phạm về môi trường là tổng hợp các quan hệ xã hội liên quan đến việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, việc bảo vệ môi trường tự nhiên thuận lợi có chất lượng đối với con người và các sinh vật sống khác và việc đảm bảo an ninh sinh thái cho dân cư được luật hình sự bảo vệ.
Do vậy, trong quá trình xây dựng các cấu thành tội phạm về môi trường trong dự thảo Bộ luật hình sự năm 1999 nhà làm luật đã dựa trên và xuất phát từ nhận thức thống nhất về tội phạm về môi trường với tư cách là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự pháp luật sinh thái được xác lập ở nước ta và gây ra thiệt hại cho môi trường bao quanh (tự nhiên) hoặc tạo ra nguy cơ hiện thực trong việc gây ra thiệt hại đó.
Do vậy, có định nghĩa cần được lưu ý là: các tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên thuận lợi, có chất lượng, đến việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc bảo đảm an ninh sinh thái đối với dân cư.
Nhưng ở đây cũng cần phải lưu ý một điểm rằng không phải tất cả các cấu thành tội phạm có khách thể xâm hại là các nguồn tài nguyên tự nhiên có thể và cần phải đưa vào nhóm các tội phạm về môi trường. Chỉ coi là tội phạm về môi trường khi tội phạm đó xâm phạm đến yếu tố tự nhiên nằm trong mối liên hệ không thể tách rời với môi trường tự nhiên bao quanh, ở ý nghĩa đó không coi là tội phạm về môi trường các hành vi (cấu thành) như mua bán, trao đổi những bộ da, bộ lông của những con thú có bộ lông, bộ da quý, hành vi đối xử tàn ác với các động vật nuôi trong nhà v.v...
Do vậy, ở đây phải phân biệt các tội phạm về môi trường với các tội xâm phạm sở hữu. Đối tượng của các tội xâm phạm sở hữu là tài sản có giá trị vật chất mang tính chất hàng hoá có giá. Như vậy, chỉ những đối tượng của thế giới tự nhiên được lấy ra từ môi trường bao quanh trong quá trình hoạt động kinh tế mới trở thành các đối tượng của sở hữu.
2. Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội phạm về môi trường.
2.1. Khách thể của các tội phạm về môi trường
Khách thể loại (hoặc khách thể nhóm) của các tội phạm về môi trường là tổng thể các quan hệ xã hội hiện thực được hình thành trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, trong việc giữ gìn các điều kiện thiên nhiên thuận lợi đối với con người và các động vật sống khác và trong việc bảo đảm an ninh sinh thái của con người.
Khách thể trực tiếp của các tội phạm về môi trường là dạng quan hệ xã hội cụ thể trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và trong việc bảo vệ an ninh sinh thái của con người.
Đối tượng của các tội phạm về môi trường là các tài nguyên thiên nhiên cụ thể như: không khí, nước, đất, động vật, rừng v.v...
2.2. Mặt khách quan của các tội phạm về môi trường 
Mặt khách quan của các tội phạm về môi trường thông thường bao gồm việc thực hiện hành động (hoặc không hành động) vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, về việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, về an ninh sinh thái; việc gây ra hậu quả do pháp luật quy định (thiệt hại đối với môi trường hoặc đối với sức khoẻ của con người); mối quan hệ nhân quả giữa hành động đó (hoặc không hành động đó) và hậu quả đã gây ra. Phần lớn các cấu thành các tội phạm về môi trường là cấu thành vật chất.
Đối với một số cấu thành tội phạm dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu bắt buộc.
- Hành vi khách quan của các tội phạm về môi trường được thể hiện rất đa dạng như: hành vi thải vào không khí khói bụi, khí độc, các chất độc hại, các chất có chứa yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép (Điều 182); thải vào nguồn nước các hoá chất độc hại, các chất thải độc hại, xác động vật, thực vật, vi khuẩn gây dịch bệnh (Điều 183); chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép (Điều 184); nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu công nghệ máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chất phóng xạ hoặc phế thải không đảm bảo vệ sinh môi trường (Điều 185); đưa hoặc mang ra khỏi khu vực lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm thực vật, động vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh (Điều 187); sử dụng chất nổ, chất độc hoặc hoá chất khác, dòng điện hoặc các ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188); đốt rừng, phá rừng trái phép, huỷ hoại rừng (Điều 189)... Hầu hết các hành vi phạm tội đều được thực hiện dưới dạng hành động (làm một việc pháp luật không cho phép làm) như gây ô nhiễm không khí; gây ô nhiễm nguồn nước; nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản...
Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, hầu hết chỉ cấu thành tội phạm khi có dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính. Đây là dấu hiệu được quy định trong cấu thành của 8/10 tội (các Điều từ 182-191). Dấu hiệu này trong cấu thành tội phạm, có những đặc điểm: 
+ Hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính phải là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường cùng loại mới được coi là căn cứ để xác định dấu hiệu này.
+ Trong một số tội phạm (quy định tại các Điều 187-189), dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính được áp dụng độc lập, hay nói cách khác, người đã bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, chưa hết thời hạn một năm lại tái phạm và hành vi tái phạm cũng giống như hành vi đã bị xử phạt hành chính thì lần tái phạm sau này, dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
+ Trong một số tội phạm (quy định tại các Điều 182-185), dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính lại được áp dụng đồng thời với dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, nếu hành vi của một người có yếu tố đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm nhưng lại chưa gây hậu quả nghiêm trọng (hay ngược lại) thì đều chưa thoả mãn dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Đó là trường hợp người đã bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, chưa hết thời hạn một năm lại có hành vi tái phạm giống như hành vi đã bị xử phạt hành chính thì lần tái phạm sau này, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi đó còn phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị coi là phạm tội.
- Dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng cũng là dấu hiệu bắt buộc của 8/10 tội phạm (các Điều 182-191). Hậu quả nghiêm trọng do các tội phạm về môi trường gây ra có thể là hậu quả về con người (tính mạng, sức khoẻ); hậu quả về tài sản (bao gồm thiệt hại thực tế và chi phí khắc phục hậu quả); hậu quả về môi trường (diện tích đất, nước, khu vực không khí bị ô nhiễm, sự biến đổi khí hậu..
Xuất phát từ quan điểm coi phòng ngừa là chủ yếu và việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ là biện pháp cuối cùng, cho nên hầu hết các điều luật trong chương này đều quy định chỉ coi những hành vi kể trên là tội phạm nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn cố tình không áp dụng những biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc sau khi đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm.
Như vậy, dấu hiệu đã bị xử phạt vị phạm hành chính và gây hậu quả nghiêm trọng được coi là những dấu hiệu bắt buộc có ý nghĩa trong việc định tội của hầu hết các tội phạm trong nhóm này.
- Thời điểm hoàn thành của tội phạm được quy định như sau:
+ Các tội có dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại các Điều 182-185,191) hoàn thành từ thời điểm xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
+ Các tội có đồng thời hai dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính và gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại các Điều 187-189) và các dấu hiệu này được áp dụng độc lập với nhau thì tội phạm hoàn thành từ thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện (đối với trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) hoặc từ thời điểm xảy ra hậu quả nghiêm trọng (đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng).
2.3. Chủ thể của các tội phạm về môi trường
Chủ thể của các tội phạm về môi trường là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật quy định. Đối với một số tội phạm cụ thể, chủ thể của các tội phạm đó là chủ thể đặc biệt, tức là những người theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ thực hiện những hành vi nhất định trong tổ chức công việc, trong việc kiểm tra, thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh môi trường… Trong một số tội, chủ thể có thể là những người có chức vụ, quyền hạn như tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo.
2.4. Mặt chủ quan của các tội phạm về môi trường
Mặt chủ quan của các tội phạm về môi trường được thể hiện ở hình thức lỗi cố ý. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó vâ mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
3. Phân loại các tội phạm về môi trường
Các tội phạm về môi trường có thể được phân thành những nhóm cụ thể hơn dựa vào những tiêu chuẩn nhất định. Tiêu chuẩn thứ nhất là vị trí của các tội phạm đó trong Bộ luật hình sự. Theo tiêu chuẩn đó các tội phạm về môi trường được phân thành hai nhóm: 1, các tội phạm về môi trường được quy định trong chương XVII của Bộ luật hình sự (bao gồm 10 tội phạm cụ thể, từ Điều 182 đến Điều 191); 2, các tội phạm về môi trường khác được quy định ở các chương khác của Bộ luật hình sự. Chẳng hạn, một số tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng cũng xâm phạm, ảnh hưởng đến môi trường, đến an ninh sinh thái của con người.
Tiêu chuẩn thứ hai của việc phân chia các tội phạm về môi trường thành các nhóm là khách thể được bảo vệ bằng biện pháp hình sự. Theo tiêu chuẩn này các tội phạm về môi trường được quy định trong chương XVII của Bộ luật hình sự có thể được phân thành bốn nhóm sau:
1. Nhóm các tội phạm gây ô nhiễm môi trường (từ Điều 181 đến Điều 185 BLHS);
2. Nhóm các tội phạm gây dịch bệnh cho người và động vật (Điều 186 và Điều 187 BLHS);
3. Nhóm các tội phạm hủy hoại môi trường (Điều 188 và Điều 189 BLHS);
4. Nhóm các tội phạm xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số yếu tố của môi trường: hệ động vật và hệ thực vật (Điều 190 và Điều 191 BLHS).
4. Hình phạt đối với các tội phạm về môi trường
Đối với các tội phạm về môi trường nhà làm luật quy định ba loại hình phạt chính, đó là phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
- Đối với các tội phạm này, nhà làm luật mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính. Có 9 trong 10 điều luật quy định hình phạt tiền vối tư cách đó.
Mức phạt tiền được quy định trong phần lớn các điều luật trong chương này là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có một điều luật quy định mức phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng (Điều 188 khoản 2). Đây là mức phạt mang tính khả thi cao. Khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa cách nhau 10 lần cho phép thẩm phán áp dụng linh hoạt trong từng vụ án cụ thể vốn rất khác nhau về tính chất, mức độ và tình hình tài chính của người phạm tội.
- Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định với tư cách là hình phạt chính ở 9 trong số 10 điều luật quy định về nhóm tội phạm về môi trường. Trong đó có 8 điều quy định mức tối thiểu từ sáu tháng đến ba năm, có một điều qụy định mức tối thiểu từ sáu tháng và mức tối đa là hai năm.
- Về hình phạt tù: hầu hết các tội danh của chương này đều quy định mức phạt tù từ 6 tháng (mức tối thiểu của khoản 1) đến 10 năm (mức tối đa của khoản 3), riêng tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186) thì hình phạt tù có thể từ 1 năm đến 12 năm và mức phạt tù tối đa đối với tội huỷ hoại rừng (Điều 189) có thể lên tới 15 năm.
- Tất cả các điều luật đều quy định hai hình phạt bổ sung là phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
+ Về hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung: trong trường hợp xét thấy hình phạt từ vẫn chưa thoả đáng để đạt được mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội, thì điều luật cho phép áp dụng thêm hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung với mức phạt từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng (các điều 188, 190, 191) hoặc từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (các điều 182, 183, 184, 185, 187, 189) hoặc từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng (Điều 186).
+ Tất cả các điều luật trong chương này đều quy định hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm đối với người phạm tội trong trường hợp xét thấy nếu để họ tiếp tục giữ chức vụ, hành nghề hoặc làm các công việc liên quan thì họ có thể tiếp tục phạm tội về môi trường.
II. CÁC TỘI PHẠM CỤ THỂ
1. Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182 BLHS).
Theo Điều 182 BLHS, tội gây ô nhiễm không khí được hiểu là hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các chất độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội gây ô nhiễm không khí 
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ nguồn không khí của Nhà nước.
Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là không khí hay nói cách khác là bầu khí quyển ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.
Mặt khách quan của tội gây ô nhiễm không khí
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các chất độc hại khác; hành vi phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.
Khói, bụi ở đây được hiểu là khói, bụi được thải ra từ bất cứ nguồn nào của hoạt động của con người. Ví dụ: khói, bụi do hoạt động của công trường, lò gạch, nhà máy, xe cộ gây ra do không tuân thủ các quy định về khói, bụi.
Chất độc hại thể hiện ở các dạng khí như: S02, N02, co, chì v.v...
Các yếu tố độc hại khác được thể hiện dưới dạng như gây tiếng ồn, mùi hôi thối...
Bức xạ bao gồm bức xạ điện từ và bức xạ ion hoá được phát ra trong quá trình sử dụng máy móc, thiết bị, vật liệu có nguồn bức xạ có hại.
Phóng xạ có thể được phát ra trong quá trình cất giữ, vận chuyển, sử dụng các nguồn phóng xạ tại các lò phản ứng hạt nhân, cơ sở nghiên cứu hạt nhân, thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ v.v...
Quá tiêu chuẩn cho phép ở đây được hiểu là vượt quá mức tối đa hoặc tiêu chuẩn cho phép được thải lượng khói, bụi hoặc các chất khí độc hại vào không khí được quy định trong các văn bản pháp luật. Đối với mỗi thành phần môi trường Nhà nước quy định một tiêu chuẩn riêng. Ví dụ: TCVN 5937-1995-Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh; TCVN 5939-Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có quy định cụ thể là việc thải ra môi trường quá bao nhiêu lần là quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể được hiểu là cứ thải ra quá mức đó là vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
- Đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đây là tình tiết định tội, theo đó người thực hiện hành vi nói ở khoản 1 Điều 182, trước đó đã bị xử lý hành chính về hành vi gây ô nhiễm không khí, mặc dù có điều kiện nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền như: không lắp đặt hệ thống thiết bị xử lý khói, bụi, không phá bỏ nguồn gây ô nhiễm hoặc không thực hiện các biện pháp khác phòng chống ô nhiễm không khí, do đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp người vi phạm mặc dù đã hết thời hạn được coi là bị xử phạt hành chính mà chưa thực hiện biện pháp khắc phục và gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn coi là yếu tố định tội của tội này.
- Gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là gây suy thoái môi trường không khí, tức là làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường không khí, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống con người và thiên nhiên hoặc tuy chưa gây suy thoái môi trường không khí nhưng đã gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% hoặc nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Chủ thể của tội gây ô nhiễm không khí
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội gây ô nhiễm không khí
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc; phát bức xạ quá tiêu chuẩn cho phép là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
b. Hình phạt
Điều 182 BLHS quy định ba khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản này được hiểu là làm thay đổi cơ bản số lượng, chất lượng của thành phần môi trường không khí, ảnh hưởng xấu đến đời sống con người và thiên nhiên hoặc tuy là chưa thay đổi cơ bản chất lượng, số lượng của thành phần môi trường không khí nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ đối với từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đồng đến dựới 500 triệu đồng.
Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ năm năm đến mười năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở khoản này được hiểu là gây sự cố môi trường không khí, tức là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người, hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng hoặc tuy chưa gây sự cố môi trường nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ cho sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.
Trong trường hợp có hậu quả chết người (do hít phải khí độc) ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182), thì tuỳ trường hợp người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98) hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99).
Theo khoản 4 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
2. Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183 BLHS)
Theo Điều 183 BLHS, tội gây ô nhiễm nguồn nước được hiểu là hành vi thải vào nguồn nước dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội gây ô nhiễm nguồn nước
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ nguồn nước của Nhà nước.
Đối tượng tác động của tội phạm này là nguồn nước bao gồm nước mặt, nước ngầm. Nguồn nước ở đây được hiểu là các dạng nước tích tụ tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được bao gồm sông, suối, kênh, rạch, biển, hồ, đầm, ao, các tầng chứa nước dưới đất, mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác.
Mặt khách quan của tội gây ô nhiễm nguồn nước
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi thải vào nguồn nước dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác.
- Quá tiêu chuẩn cho phép ở đây được hiểu là vượt quá những chuẩn mức, giới hạn cho phép đối với các chất được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường nước được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là TCVN 5942 - 1995 - Tiêu chuẩn chất lượng mặt nước; TCVN 5943 - 1995 - Tiêu chuẩn chất lượng nước biển ven bờ; TCVN 5944 - 1995 - Tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm; TCVN 5942 - 1995 - Tiêu chuẩn thải nước thải công nghiệp và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có quy định cụ thể là việc thải ra môi trường quá bao nhiêu lần là quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể được hiểu là cứ thải quá mức đó là vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
- Đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đây là tình tiết định tội, theo đó, người thực hiện hành vi nói ở khoản 1 Điều 183 trước đó đã bị xử lý hành chính về hành vi gây ô nhiễm không khí, mặc dù có điều kiện nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền như: không lắp đặt hệ thống thiết bị xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, không phá bỏ nguồn gây ô nhiễm họặc không thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm nước, do đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp người vi phạm mặc dù đã hết thời hạn được coi là bị xử phạt hành chính mà chưa thực hiện biện pháp khắc phục và gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn coi là yếu tố định tội của tội này.
- Gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là gây suy thoái nguồn nước, tức là làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần nguồn nước, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống con người và thiên nhiên như gây ô nhiễm ao, hồ, sông, suối... hoặc chưa gây suy thoái các nguồn nước nhưng đã gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% hoặc nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Chủ thể của tội gây ô nhiễm nguồn nước
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên; riêng người thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 của Điều luật thì có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội gây ô nhiễm nguồn nước
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thải vào nguồn nước dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
b. Hình phạt
Điều 183 BLHS quy định ba khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản này được hiểu là làm thay đổi cơ bản số lượng, chất lượng của thành phần của các nguồn nước, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống con người và thiên nhiên như gây ô nhiễm nặng ao, hồ, sông, suối... hoặc tuy là chưa thay đổi cơ bản chất lượng, số lượng của thành phần của các nguồn nước nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên hoặc cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ năm năm đến mười năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở khoản này được hiểu là gây sự cố các nguồn nước, tức là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên như gây nhiễm độc nghiêm trọng các dòng sông lớn, nguồn nước ngầm dùng để sản xuất nước sinh hoạt, gây ô nhiễm biển trên diện tích lớn do sự cố tràn dầu... hoặc tuy chưa gây sự cố các nguồn nước nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ cho sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên hoặc cho từ hai mươi người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo khoản 4 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
3. Tội gây ô nhiễm đất (Điều 184 BLHS)
Theo Điều 184 BLHS, tội gây ô nhiễm đất được hiểu là hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội gây ô nhiễm đất
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ đất đai của Nhà nước.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tài nguyên đất bao gồm: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở, đất chưa sử dụng.
Mặt khách quan của tội gây ô nhiễm đất
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép.
Các chất độc hại nói ở đây bao gồm dầu mỡ; hoá chất độc hại; chất phóng xạ; xác động vật; thực vật, các chất độc hại khác.
Quá tiêu chuẩn cho phép được hiểu là vượt quá các tiêu chuẩn chất lượng đất TCVN 5941-1995 trong đó quy định giới hạn tối đa cho phép của dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất và các tiêu chuẩn chất lượng khác được ban hành kèm theo Quyết định số 229-QĐ/TĐC ngày 25/3/1995 của Bộ trưởng Bộ khoa học, công nghệ và môi trường . Quá tiêu chuẩn cho phép được hiểu là vượt quá giới hạn tối đa cho phép được quy định trong các văn bản pháp luật.
- Đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đây là tình tiết định tội, theo đó, người thực hiện hành vi nói ở khoản 1 Điều 184 trước đó đã bị xử lý hành chính về hành vi gây ô nhiễm đất, mặc dù có điều kiện nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền như: không lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm, phá bỏ nguồn gây ô nhiễm hoặc các biện pháp khác như phòng chống ô nhiễm đất, do đó gây hậu quả nghiêm trọng được quy định ở khoản 1 Điều 184. Trường hợp người vi phạm mặc dù đã hết thời hạn được coi là bị xử phạt hành chính mà chưa thực hiện biện pháp khắc phục và gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn coi là yếu tố định tội của tội này.
- Gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở khoản này được hiểu là gây suy thoái đất, gây ô nhiễm đất đến dưới 3000m2 (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc đến dưới 1000m2 (đối với đất khu dân cư) hoặc tuy chưa gây suy thoái đất nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% hoặc nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Chủ thể của tội gây ô nhiễm đất
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên; riêng người có hành vi quy định tại khoản 3 của Điều luật là người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội gây ô nhiễm đất
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
b. Hình phạt
Điều 184 BLHS quy định ba khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản này được hiểu là làm thay đổi cơ bản chất lượng, số lượng của thành phần đất, gây ô nhiễm đất từ 3000m2 đến dưới 5000m2 (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc từ 1000m2 đến dưới 2000m2 (đối với đất khu dân cư) hoặc tuy chưa làm thay đổi cơ bản chất lượng, số lượng của thành phần đất nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên hoặc cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hạì tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ năm năm đến mười năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở đây được hiểu là sự cố đất, tức là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây ô nhiễm đất từ 5000m2 trở lên (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc từ 2000m2 trở lên (đối với đất khu dân cư) hoặc tuy chưa gây sự cố đất nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên hoặc cho từ hai mươi người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Trong trường hợp có hậu quả chết người (do uống phải nước bị ngộ độc do các chất độc bị thải hoặc bị vùi vào đất hoặc tiếp xúc với các chất độc hại bị thải hay chôn vùi vào đất) ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm đất (Điều 184), thì tuỳ trường hợp người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98) hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99).
Theo khoản 4 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
4. Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185BLHS).
Theo Điều 185 BLHS, tội phạm này được hiểu là hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hóa học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185BLHS).
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ môi trường của nhà nước.
Mặt khách quan của tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhâp khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu những đối tượng nói trên được hiểu là đưa hoặc cho phép đưa những đối tượng đó từ nước ngoài vào nước ta dưới những hình thức khác nhau.
Hành vi nhập khẩu được hiểu là việc nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp qua người được uỷ thác. Nếu người được uỷ thác biết hành vi của mình giúp người uỷ thác nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chất hoặc phế thải là không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thì cũng bị coi là đồng phạm tội phạm này với tư cách là người thực hành.
Hành vi cho phép nhập khẩu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc cấp hoặc phê chuẩn các loại giấy phép nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, các chất hoặc phế thải.
Công nghệ được hiểu là quy trình, phương pháp gia công, chế tạo, làm thay đổi trạng thái, tính chất, hình dáng nguyên vật liệu hay bán thành phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Máy móc, thiết bị được hiểu là những máy móc, dụng cụ, phụ tùng cần thiết cho một hoạt động nào đó.
Các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác được hiểu là các chế phẩm hữu cơ hoặc vô cơ đước sản xuất, điều chế, tổng hợp từ bất kỳ nguyên liệu nào, bằng bất kỳ phương pháp nào và được dùng cho bất kỳ mục đích nào.
Các chất độc hại, các chất phóng xạ, phế thải là chất có chứa chất hoặc hợp chất có hàm lượng độc tố cao có thể gây nguy hại trực tiếp cho môi trường và sức khoẻ con người (tác động đến tim mạch, hệ thần kinh...). Danh mục chất thải nguy hại được ghi trong phụ lục I Quy chế quản lý chất thải nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/7/1999.
Không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường được hiểu là các công nghệ, máy móc, thiết bị, các chế phẩm sinh học, chế phẩm hoá học khác, các chất độc độc hại, chất phóng xạ hoặc phế thải được nhập khẩu vi phạm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường được quy định trong các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Đây là tình tiết định tội, theo đó, người đã bị xử phạt hành chính về việc thực hiện hành vi quy định tại Điều 185, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính (1 năm), nay lại vi phạm cũng hành vi đó và gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 185.
- Gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là gây suy thoái môi trường, tức là làm thay đổi chất lượng, số lượng thành phần môi trường, như gây ô nhiễm không khí, nước, đất... hoặc tuy chưa gây suy thoái môi trường nhưng đã gây tổn hại về sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% hoặc nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Chủ thể của tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185BLHS)
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên. Riêng người thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 của Điều luật là người từ đủ 14 tuổi trở lên. Chủ thể của tội cho phép nhập khẩu là người có chức vụ, quyền hạn.
Mặt chủ quan của tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185 BLHS).
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
b. Hình phạt
Điều 185 BLHS quy định ba khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm thay đổi cơ bản chất lượng, số lượng thành phần môi trường, như gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, đất, không khí... hoặc tuy chưa làm thay đổi cơ bản chất lượng, số lượng thành phần môi trường nhưng đã gây tổn hại cho sức khoẻ của từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên hoặc cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ năm năm đến mười năm đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được hiểu là gây sự cố môi trường, tức là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc gây suy thoái môi trường nghiêm trọng, như gây nhiễm độc các nguồn nước dẫn đến nhiễm độc cho các khu dân cư hay hàng loạt động vật, thực vật của một khu vực nào đó, gây sự cố nghiêm trọng về phóng xạ... hoặc tuy chưa gây sự cố môi trường nhưng đã gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên hoặc cho từ hai mươi người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Trơng trường hợp có hậu quả chết người (do tiếp xức với các chất độc hại trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ hoặc sử dụng do hậu quả của việc vận hành các dây chuyền công nghệ gây ô nhiễm gây ra …), ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185 BLHS), thì tuỳ trường hợp người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98) hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99).
Theo khoản 4 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
5. Tôi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186 BLHS).
Theo Điều 186 BLHS, tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người được hiểu là hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ môi trường của Nhà nước ta.
Mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Động vật là sinh vật có cảm giác và tự vận động được bao gồm các loại thú, cầm, bò sát, chim, sâu bọ, các loại cá, ong tằm...
Thực vật là các loại cây cỏ thuộc tất cả các họ khác nhau và các sinh vật bậc thấp khác có tính chất như cây cỏ.
Sản phẩm động vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, như: thịt, sữa, xương và các sản phẩm khác.
Sản phẩm thực vật là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: rau, quả, dầu thực vật và các sản phẩm khác.
Vật phẩm khác là bất cứ đồ vật gì bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh cho người, như: các dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật; bao bì đóng gói; phương tiện vận chuyển động, thực vật v.v...
Dịch bệnh nguy hiểm là những loại bệnh dễ lây nhiễm, dễ lan rộng nhanh chóng từ người này sang người khác tại các công đồng dân cư. Dịch bệnh nguy hiểm được hiểu là những căn bệnh có khả năng gây tổn hại nặng đến sức khoẻ của người bị nhiễm và có tỷ lệ tử vong cao nhưng lại khó chữa trị hoặc chưa có khả năng chữa trị trong điều kiện hiện nay. Danh mục các loại dịch bệnh nguy hiểm do Bộ y tế quy định. Ví dụ các loại dịch bệnh như dịch tả, bệnh đậu mùa, bệnh thương hàn, bệnh than v.v...
Vùng có dịch bệnh là khu vực có dịch bệnh mà Uỷ ban nhân dân, Bộ trưởng Bộ y tế hoặc Chủ tịch nước công bố là có dịch bệnh. Vùng có dịch bệnh có thể là một làng, một xã hoặc nhiều xã trong một huyện, một hoặc nhiều huyện trong một tỉnh, một hoặc, nhiều tỉnh trong cả nước.
- Hành vi đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người.
Đưa vào Việt nam những đối tượng nói trên được hiểu là chuyển những đối tượng đó vào biên giới Việt nam.
Cho phép đưa vào Việt nam những đối tượng nói trên được hiểu là cấp giấy phép hoặc thủ tục cho người khác đưa những đối tượng đó vào biên giới Việt nam.
- Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người được hiểu là bất kỳ hành vi nào khác vi phạm các quy định của pháp luật làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Ví dụ: không tổ chức tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng dịch cho nhân dân; không tổ chức kịp thời việc khoanh vùng, tẩy uế khu vực có dịch để dịch bệnh lây lan thêm; người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các biện pháp phòng ngừa bắt buộc để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác v.v...
Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người
Chủ thể của tội phạm này là người có nãng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên. Riêng người có hành vi quy định tại khoản 3 của Điều luật thì có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên. Chủ thể hành vi cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật... là người có chức vụ, quyền hạn.
Mặt chủ quan của tội làm lây lan địch bệnh nguy hiểm cho người
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
b. Hình phạt
Điều 186 BLHS quy định hai khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tù từ một năm đến năm năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ năm năm đến mười hai năm đối với các trường hợp phạm tội sau đây:
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho dưới 50 người với mức tổn hại sức khoẻ đối với mỗi người trên 31% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (bao gồm tiền chi phí cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả).
- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 50 người trở lên với mức tổn hại sức khoẻ đối với mỗi người trên 31% hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên hoặc làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian có chiến tranh, thiên tai hoặc trong lực lượng vũ trang.
Trong trường hợp có hậu quả chết người, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186), thì tuỳ trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98) hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99).
Theo khoản 3 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ mộtnăm.đến năm năm.
6. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187 BLHS)
Theo Điều 187 BLHS, tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật được hiểu là hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật dưới những hình thức do Bộ luật hình sự quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội phạm
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ động vật, thực vật của nhà nước ta.
Đối tượng tác động của tội phạm này là động vật và thực vật. Khái niệm động vật và thực vật ở tội phạm này được hiểu tương tự như ở tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau
đây:
- Hành vi làm lây lan dịch bệnh cho động vật, thực vật dưới các dạng sau:
Đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông đông vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh;
Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch;
Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vât, thực vật.
Dịch bệnh là những loại bệnh dễ lây nhiễm, dễ lan rộng và nhanh chóng từ động vật, thực vật này sang động vật, thực vật khác tại các khu chăn nuôi, trồng trọt. Nguy hiểm được hiểu là những căn bệnh có khả năng làm cho động vật hoặc thực vật bị chết hàng loạt. Danh mục những loại dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc Bộ thuỷ sản ban hành. Ví dụ, một số loại dịch bệnh nguy hiểm thường xảy ra ở động vật là dịch lở mồm, long móng ở trâu, bò, dịch chó dại, mèo dại; dịch bò điên; dịch cúm ở gà, vịt v.v...
Khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc sản phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh là khu vực mà uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố là có dịch.
Đối tượng kiểm dịch bao gồm động vật, thực vật và sản phẩm động vật, thực vật; thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi và các sản phẩm khác. Vật phẩm khác là bất cứ đồ vật gì như các dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật, chế biến động vật, thực vật; vật liệu, bao bì đóng gói chứa đựng, lưu thông vận chuyển động vật, thực vật…
Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật được hiểu là bất kỳ hành vi nào ngoài những hành vi nói trên vi phạm các quy định của pháp luật về thú y và kiểm dịch động vật, thực vật. Ví dụ như: cố ý giết, mổ, bán hoặc vứt xác động vật bị dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.
Khái niệm động vật, thực vật, sản phẩm động vật, sản phẩm thực vật, vật phẩm khác được hiểu như ở Điều 186 Bộ luật hình sự.
- Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 10 đến dưới 50 động vật, thực vật hoặc thiệt hại xảy ra có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm được hiểu tương tự như ở các tội phạm đã nói ở trên.
Chủ thể của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực
vật
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên,
Mặt chủ quan của tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
b. Hình phạt
Điều 187 BLHS quy định hai khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười ứiệu đồng đến một trãm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm đối với các trường hợp phạm tội sau đây:
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 50 đến dưới 70 động vật, thực vật hoặc thiệt hại xảy ra có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 70 động vật, thực vật trở lên hoặc thiệt hại xảy ra có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo khoản 3 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
7. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188 BLHS).
Theo Điều 188 BLHS, tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản được hiểu là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi đó hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
a. Dấu hiệu pháp lý
Khách thể của tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
Khách thể của tội phạm này là chế độ bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đối tượng của tội phạm phạm này là nguồn lợi thủy sản bao gồm mọi sinh vật có giá trị kinh tế, khoa học sống ở các vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Mặt khách quan của tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới các dạng sau:
+ Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dùng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
+ Khai thác thủy sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm;
+ Khai thác các loài thủy sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ;
+ Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ.
+ Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi nói trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm giảm nhiều đa dạng sinh học hoặc làm mất đi một số loài thuỷ sản quý hiếm trong khu vực đã khai thác trái phép gây thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (bao gồm tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra).
Dấu hiệu đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm quy định tại điều này, được hiểu là trước đó đã có lần vi phạm, đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích, nay lại có hành vi vi phạm bất kỳ hành vi nào được quy định tại điều này.
Chủ thể của tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
b. Hình phạt
Điều 188 BLHS quy định hai khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến năm năm đối với các trường hợp phạm tội sau đây:
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm thay đổi cơ bản chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, kể cả làm cho các loài thuỷ sản quý hiếm phải rời đi cư trú nơi khác do sử dụng các loại chất nổ hoặc hoá chất độc hại để khai thác thuỷ sản hoặc gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở đây được hiểu là làm suy kiệt tính đa dạng sinh học, phá huỷ nghiêm trọng nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản, làm các loài thuỷ sản phải di dời đi nơi khác hoặc gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.
Trong trường hợp có hậu quả chết người (do việc dùng chất nổ, chất độc gây ra), ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188) thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau: tội vô ý làm chết người (Điều 98), tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99), tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ (Điều 232) hoặc tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (Điều 238).
Theo khoản 3 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
8. Tội huỷ hoại rừng (Điều 189 ĐLHS ).
Theo Điều 189 BLHS, tội hủy hoại rừng được hiểu là hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
a. Dấu hiệu pháp lý.
Khách thể của tội huỷ hoại rừng
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ rừng của Nhà nước ta.
Đối tượng của tội phạm này là rừng tự nhiên bao gồm: rừng phòng
hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Hành vi huỷ hoại rừng trồng bị xử lý về tội huỷ hoại tài sản theo Điều 143 Bộ luật hình sự.
Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng phòng hộ được phân thành: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, chắn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật, động vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch. Rừng đặc dụng được phân thành các loại như vườn quốc gia; khu rừng bảo tồn thiên nhiên; khu rừng văn hoá- xã hội; nghiên cứu thí nghiệm.
Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm nghiệp khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.
Mặt khách quan của tội huỷ hoại rừng
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
Hành vi đốt phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng.
Đốt rừng trái phép là làm cháy rừng trái với các quy định của Nhà nước. Phá rừng trái phép là làm hư hỏng (hủy hoại) rừng trái với các quy định của Nhà nước.
Hành vi khác hủy hoại rừng được hiểu là hành vi khai thác khoáng sản trái phép, san ủi, đào bới hoặc xây dựng các công trình trái phép trong rừng...
- Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi nói trên mà còn vi phạm. Gây hâu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là huỷ hoại từ 2 ha đến dưới 5 ha đối với rừng sản xuất; từ 1 ha đến 5 ha đối với rừng phòng hộ; từ 0,8 ha đến dưới 1,5 ha đối với rừng đặc dụng hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi nói trên mà còn vi phạm được hiểu tương tự như ở các điều luật nói trên.
Chủ thể của tội huỷ hoại rừng
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều luật là người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội huỷ hoại rừng
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi huỷ hoại rừng của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
b. Hình phạt
Điều 189 BLHS quy định ba khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ ba năm đến mười năm đối với các trường hợp phạm tội sau đây:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn;
Diện tích rừng rất lớn được hiểu là diện tích rừng từ 5 ha đến dưới 10 ha đối với rừng sản xuất; từ 3 ha đến dưới 5 ha đối với rừng phòng hộ; từ 1,5 ha đến dưới 3 ha đối với rừng đặc dụng.
- Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hậu quả rất nghiêm trọng ở đây được hiểu là gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm đối với các trường hợp phạm tội sau đây:
- Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;
Diện tích rừng đặc biệt lớn được hiểu là diện tích rừng từ 10 ha trở lên đối với rừng sản xuất; từ 5 ha trở lên đối với rừng phòng hộ; từ 3 ha trở lên đối với rừng đặc dụng.
- Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở đây được hiểu là gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo khoản 4 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đên năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
9. Tội vi phạm các quy định vể bảo vệ động vật hoang di quý hiếm (Điều 190 ĐLHS ).
Theo Điều 190 BLHS, tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm được hiểu là hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận, chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó.
a. Dấu hiệu pháp lý.
Khách thể của tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm của Nhà nước.
Đối tượng của tội phạm này là động vật hoang đã, quý hiếm và sản phẩm từ các loại động vật hoang dã, quý hiếm.
Động vật hoang dã, quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ nói trong điều luật này là các loại động vật được liệt kê trong Bảng 1B: “động vật rừng”, phụ lục 3: “danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm” ban hành kèm theo Nghị định số 18 - HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) và trong công ước GITES. Như vậy, đối tượng bảo vệ của điều này chỉ là động vật hoang dã, quý hiếm.
Sản phẩm từ các loại động vật hoang dã, quý hiếm là mọi loại sản phẩm từ các loại động vật đó dưới dạng sống hay đã qua sơ chế hay tinh chế như xương, thịt, sừng, da, lông...
Mặt khách quan của tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dạng hành vi sau đây:
- Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ.
Buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật hoang dã, quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ.
Săn bắt trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ được hiểu là tìm bắt trái với các quy định của pháp luật động vật hoang dã quý hiếm.
Giết trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ được hiểu là làm cho các động vật đó bị chết một cách bất thường.
Vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ được hiểu là mang chuyển trái với các quy định của Nhà nước các động vật đó từ nơi này đến nơi khác bằng các phương tiện khác nhau.
Buôn bán trái phép động vật hoạng dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc sản phẩm của loại động vật đó được hiểu là mua đi bán lại các động vật đó hoặc sản phẩm của loại động vật đó dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu lợi.
Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm được hiểu là sử dụng các công cụ, phương tiện nói trên để săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm. Công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm là những công cụ, phương tiện có thể săn bắt hàng loạt động vật, gây nguy hại cho con người và môi trường sinh thái được quy định tại Điều 6 Nghị định 39/CP ngày 05/04/1963 ban hành Điều lệ về săn bắt chim thú.
Khu vực bị cấm săn bắt là những khu vực được bảo vệ theo chế độ đặc biệt theo quy định trong các văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy chế bảo vệ các khu vực này mà theo đó nghiêm cấm các hành vi săn bắt các động vật sống ở đó như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, vùng phục hồi sinh thái, khu di tích lịch sử, khu quân sự v.v.
Thời gian bị cấm được hiểu là thời gian mà việc săn bắt, xảy ra trong thời gian đó có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì hay phát triển số lượng của các loài động vật hoang dã quý hiếm tại một số khu vực nào đó. Ví dụ, săn bắt vào mùa sinh sản hoặc thời gian di cư đến của một số loài hoặc một số loài động vật hoang dã quý hiếm.
Trường hợp nuôi nhốt trái phép các loại động vật hoang dã, quý hiếm cũng bị xử lý theo quy định của điều luật này. Nếu chứng minh được chủ nuôi nhốt đã săn bắt trái phép đem về nuôi, nhốt thì xử lý họ về hành vi sắn, bắt trái phép; nếu họ có được động vật đang bị nuôi nhốt là do mua bán, thì xử lý theo hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm; trong trường hợp họ được người khác tặng cho thì có thể xử lý họ về hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
Chủ thể của tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội vi phạm các quy định vê bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm
Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể gây ra và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
b. Hình phạt
Điều 190 BLHS quy định hai khung hình phạt
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm đối với các trường hợp phạm tội sau đây:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
- Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc và thời gian bị cấm;
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Hậu quả rất nghiêm trọng ở đây được hiểu là săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm I B từ 03 con đến 05 con hoặc thuộc nhóm II B từ 05 con đến 07 con hoặc gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chi để khắc phục hậu quả từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Trong trường hợp không tính được bằng con thì gây thiệt hại cho giá trị lâm sản như xương, da, sừng, ngà voi, thịt, mật gấu, tiêu bản từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo giá thị trường ở địa phương.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở đây được hiểu là săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm I B từ 06 con trở lên hoặc thuộc nhóm II B từ 08 con trở lên hoặc gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chi để khắc phục hậu quả từ 500 triệu đồng trở lên. Trong trường hợp không tính đựợc bằng con thì gây thiệt hại cho giá trị lâm sản như xương, da, sừng, ngà voi, thịt, mật gấu, tiêu bản trên 20 triệu đồng theo giá thị trường ở địa phương.
Theo khoản 3 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
10. Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối vối khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191 BLHS )
Theo Điều 191 BLHS, tội phạm này được hiểu là hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt, đã bị xử phạt hành chính về hành vi nàv mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
a. Dấu hiệu pháp lý.
Khách thể của tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên
Tội phạm này xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên.
Đối tượng của tội phạm này là khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được Nhà nước bảo vệ đặc biệt.
Khu bảo tồn thiên nhiên là khu vực có mục đích chủ yếu để bảo vệ đa dạng sinh học, các nguồn gen quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.
Vườn quốc gia là quần thể các điều kiện tự nhiên trước hết của các loài động vật, thực vật tạo nên hệ sinh thái đặc biệt phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan, du lịch sinh thái.
Khu di tích thiên nhiên là nơi có sinh cảnh, danh lam thắng cảnh thiên nhiên đặc biệt có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu khoa học, tham quan, du lịch sinh thái.
Các khu thiên nhiên khác có thể là danh lam thắng cảnh thiên nhiên, công viên quốc gia phục vụ nghi ngơi, giải trí, tham quan, du lịch sinh thái.
Được Nhà nước bảo vệ đặc biệt được hiểu là các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được thành lập theo các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Ví dụ: Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác; Bộ trưởng Bộ thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể ra quyết định thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên ven biển theo sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, nội dung “được Nhà nước bảo vệ đặc biệt” còn bao gồm được nhà nước bảo vệ theo các quy chế, nội quy khai thác, sử dụng và bảo vệ riêng của từng khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích thiên nhiên hoặc các khu thiên nhiên khác được niêm yết tại các khu vực này để mọi người biết và chấp hành.
Mặt khách quan của tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở các dấu hiệu sau:
- Hành vi vi phạm chế độ sử dụng, khai thác các đối tượng nói trên. Vi phạm chế độ sử dụng, khai thác khu bảo tồn thiên nhiên được hiểu là vi phạm các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về việc sử dụng, khai thác các khu bảo tồn thiên nhiên. Ví dụ như chặt cây, săn bắt động vật hoang dã; chăn thả gia súc; làm nương rẫy trái phép trong các khu vực đó. Trường hợp săn bắt động vật hoang dã không phải là động vật hoang dã quý hiếm, thì có thể xử lý theo điều này nếu việc săn bắt như vậy bị cấm trong các văn bản pháp luật hiện hành quy định về việc sử dụng, khai thác các khu bảo tồn thiên nhiên.
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là việc khai thác các nguồn lợi sinh vật không đúng thời vụ, địa bàn và sử dụng công cụ, phương tiện khai thác huỷ diệt hàng loạt, làm tổn hại đến đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái hoặc gây thiệt hại tài sản do phải chi để khắc phục hậu quả từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng
Chủ thể của tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên
Tội phạm này được thực hiện do cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra, hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
b. Hình phạt
Điều 191 BLHS quy định hai khung hình phạt.
Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ hai năm đến năm năm đối với các trường hợp phạm tội sau đâv:
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng ở đây được hiểu là gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm hoặc gây thiệt hại tài sản do phải chi để khắc phục hậu quả từ 200 triệu đồng trở lên.
Theo khoản 3 đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
III. THỰC TRẠNG TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ 
1. Tình hình tội phạm về môi trường.
1.1. Giai đoạn từ 1985 đến 1999.
Mặc dù Bộ luật Hình sự 1985 đã quy định một số điều luật về tội phạm về môi trường nằm rải rác ở các Chương VII: Các tội phạm về kinh tế và Chương VIII: Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính , nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực đến cuối năm 1998 thì hầu như không có việc thụ lý và xét xử các vụ án về môi trường. Mãi 10 năm sau khi Bộ luật hình sự có hiệu lực (1995), lần đầu tiên có 1 vụ án hình sự với 03 bị cáo bị đưa ra xét xử theo Điều 195, còn phần lớn số lượng các vụ án hình sự bị đưa ra xét xử tương ứng theo Điều 179 và Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 1985. Bảng thống kê số lượng vụ án đã thụ lý và được đưa ra xét xử dưới đây cho ta thấy thực trạng nêu trên (Theo số liệu của thực tiễn xét xử do Văn phòng Toà án nhân dân tối cao tổng hợp)
Điều luật của BLHS năm 1985 Sô lượng vụ án đã thụ lý (1992-1998) Sô lượng vụ án đã xét xử
Số vụ án hình sự Số bị cáo Số vụ án hình sự Số bị cáo
179 204 327 188 308
181 1208 2612 1015 2079
 
Từ thực tiễn trên cho ta thấy, các quy định của Bộ luật hình sự 1985 về tội phạm về môi trường  và thực tiễn áp dụng còn có những hạn chế nhất định. Những hạn chế từ thực tiễn áp dụng pháp luật biểu hiện cụ thể là:
(1) Việc áp dụng pháp luật hình sự để xét xử các tội về môi trường chưa được chú ý, chưa có kinh nghiệm trong việc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Mặc dù, trên thực tế tình trạng vi phạm pháp luật môi trường đang có chiều hướng gia tăng, các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, thậm chí huỷ hoại nghiêm trọng môi trường xảy ra ngày một nhiều hơn, phức tạp hơn. Song do thiếu cơ sở pháp luật hình sự để xử lý một cách nghiêm minh, triệt để, nên phần lớn các hành vi gây thiệt hại cho môi trường chi bị xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc áp dụng trách nhiệm dân sự hoặc cả hai biện pháp. Trong trường hợp áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại cho người khác thì cụm từ “bồi thường thiệt hại” cũng được người gây ô nhiễm môi trường thay bằng cụm từ “hỗ trợ” những người bị thiệt hại, để loại trừ và giảm nhẹ trách nhiệm của mình.
(2) Các hành vi xâm hại môi trường khác (chưa được quy định trong BLHS năm 1985) chỉ mới bị xử lý bằng các chế tài hành chính theo các Nghị định của Chính phủ, không đủ sức ngăn chặn các hành vi gây hại cho môi trường. Với các quy định về mức xử phạt hành chính chưa hợp lý chưa sát thực tế đã dẫn đến các đối tượng bị thanh tra vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật và chấp nhận chịu các hình thức xử lý hành chính (kể cả trong trường hợp họ có hành vi tái phạm) thấp hơn rất nhiều so với những khoản lợi mà họ thu được từ việc lẩn tránh pháp luật. Mặt khác, họ lại không hề bị mất uy tín về mặt chính trị - Điều mà các đối tượng vi phạm rất quan tâm.
(3) Việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật về môi trường kể cả về mặt hình sự lẫn về mặt hành chính thiếu thống nhất. Mặc dù trong hầu hết các văn bản pháp luật về xử lý hành chính đều quy định “Khi xét thấy hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường có dấu hiệu tội phạm thì hồ sơ được chuyển cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp giải quyết” nhưng trên thực tế hầu như không truy cứu trách nhiệm hình sự được vì các hành vi này chưa được hình sự hoá một cách đầy đủ trong BLHS.
1.2. Giai đoạn từ 1999 đến nay.
Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực từ ngày 1/7/2000, nhưng đối với Chương XVII - Tội phạm về môi trường thì từ 1/7/2000 đến hết 2001 chỉ mới thụ lý được 28 vụ với 56 bị cáo. Trong đó, Tội lây lan dịch bệnh cho người là 3 vụ; Tội huỷ hoại rừng (Điều 189) đã thụ lý 13 vụ với 28 bị cáo; Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188) đã thụ lý được 4 vụ và 9 bị cáo; Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm đã thụ lý 6 vụ, 14 bị cáo; Tội gây ô nhiễm nguồn nước đã thụ lý 2 vụ, 2 bị cáo.
Thực tế xét xử cho thấy các vi phạm về môi trường xảy ra nhiều hơn rất nhiều lần so với thực tế thụ lý của Toà án.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy sự kiểm soát tội phạm về môi trường, khả năng nắm bắt tình hình tội phạm thực tế của các cơ quan chức năng và các biện pháp đấu tranh, còn quá nhiều bất cập nên tỷ lệ tội phạm ẩn còn rất cao.
Tính trong cả nước, từ năm 1992 đến 1997 đã phát hiện 973 vụ sử dụng chất nổ đánh cá làm 130 người chết, 150 người bị thương song mới chỉ đưa ra truy tố trước pháp luật 47/973 vụ, chiếm tỷ lệ 4,83%.
Từ tháng 5/1997 đến tháng 5/1998 đã phát hiện 39.489 vụ vi phạm pháp luật về rừng nhưng chỉ có 188 vụ khởi tố về hình sự chiếm tỷ lệ 0,40%.
Những con số này chỉ là một phần nhỏ trong số các vi phạm về môi trường mà chúng ta thống kê được so với số vụ vi phạm môi trường mà vì lý do này hay lý do khác các cơ quan chức năng chưa phát hiện được.
Từ thực tiễn cho thấy, đối với các loại hành vi xâm hại đến an toàn sinh thái trong thực tiễn điều tra, truy tố xét xử còn là một hiện tượng ít được nhìn nhận đầy đủ về một mức độ và tính chất nguy hiểm của hành vi đó, mặc dù đây không phải là hành vi mới phát sinh ở nước ta và công luận đã thường xuyên cảnh báo.
Đối với vấn đề môi trường hiện nay các vi phạm bị phát hiện hầu như chỉ đưa vào xử lý hành chính, qua các đợt thanh tra về môi trường trong các năm vừa qua cho thấy :
Năm 1995 theo số liệu báo cáo của 21/53 sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, đã tiến hành được 1292 cơ sở và đã vận dụng chế tài ở các ngành liên quan (Y tế) để xử phạt vi phạm hành chính đối với 75 cơ sở vi phạm (phạt cảnh cáo 57 cơ sở và phạt tiền 18 cơ sở với số tiền phạt là 7,35 triệu đồng).
Năm 1996, sau khi Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường được ban hành, thì các tổ chức thanh tra mới thực sự có chế tài trong hoạt động thanh tra về lĩnh vực này. Trong 6 tháng Bộ và các sở Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tiến hành thanh tra được 993 cơ sở và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 49,2 triệu đồng.
Năm 1997 kể cả Bộ và các Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường trong cả nước đã tiến hành thanh tra được 9.384 cơ sở và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 4.390 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 2.175 cơ sở và phạt tiền 2.215 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.566,81 triệu đồng. Đồng thời đã kiến nghị với chính quyền địa phương đình chỉ 114 cơ sở hoạt động đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, 61 sở đã tiến hành thanh tra được 8.929 cơ sở và đã xử phạt vi phạm hành chính 4.228 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 2125 cơ sở và phạt tiền 2103 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.393,11 triệu đồng.
Năm 1998, Bộ và các sở Khoa học công nghệ và Môi trường đã thanh tra được 2.700 cơ sở và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.522 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 1.325 cơ sở và phạt tiền 197 cơ sở với tổng số tiền 350,8 triệu đồng.
Tổng hợp kết quả cho thấy, trong 5 năm từ 1985 đến 6/ 2000 đã xử phạt hành chính đối với 6.679 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 3706 cơ sở và phạt tiền 2.592 cơ sở với tổng số tiền phạt là 2.153,73 triệu đồng. Hành vi vi phạm chính là: không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm chiếm 76%; gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không xử lý chất thải chiếm 18%; vi phạm trong xử lý chất thải chiếm 3,7%; vi phạm bởi gây ô nhiễm bởi tiếng ồn, độ rung chiếm 1,2%. Ngoài ra, còn phải áp dụng các biện pháp bồi thường thiệt hại do ô nhiễm gây ra, suy thoái và sự cố môi trường. Trong 5 năm từ 1995 đến 2000 đã xác định nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại về môi trường và hoà giải để các bên bồi thường cho nhau. Chỉ tính những vụ Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và 10 sở KHCNMT xử lý thì tổng số tiền buộc phải bồi thường dưới nhiều hình thức là 4.384 triệu đồng (chưa kể bồi thường do tàu Nepture arics trả do Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoà giải).
Qua số liệu trên cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường chủ yếu là được xử lý bằng các biện pháp hành chính, còn trong lĩnh vực hình sự chưa được quan tâm đúng mức.
2. Kết quả điều tra, xử lý tội phạm về môi trường.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Toà án nhân dân tối cao thì trong vòng 15 năm (từ 1985 đến 1999) chỉ có một vụ án gồm 3 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hâu quả nghiêm trọng, theo Điều 195 BLHS.
Kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực đến hết năm 2001, toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý tất cả 28 vụ phạm tội về môi trường. Trong số 22 vụ đã xử chỉ có 2 vụ án với 2 bị cáo bị kết án về tội gây ô nhiễm nguồn nước (một bị cáo bị phạt tù và cho hưởng án treo, một bị cáo bị phạt tù dưới 7 năm).
Thực tế cho thấy, thống kê trên vẫn chưa phản ánh đúng về thực trạng vi phạm pháp luật gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất ở nước ta trong những năm qua. Không phải không có hoặc có ít hành vi gây nguy hiểm cho môi trường không khí, đất, nước mà có rất nhiều và có nhiều trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể là:
- Vụ sự cố tràn dầu tại cảng Cát Lái (huyện Thủ Đức) do tàu Neptune anes (Singapore) gây ra ngày 3/10/1994 đã làm tràn gần 1.700 tấn dầu vào nguồn nước, làm ô nhiễm một diện tích khoảng 65.000 ha, trong đó diện tích bị ô nhiễm nặng là 40.000 ha. Hậu quả về môi trường là làm thay đổi đột biến đặc tính hoá học của nước, làm biến dạng quá mức của tính đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc hệ sinh vật nước, hệ sinh thái ruộng lúa bị phá huỷ ở một số vùng. Hậu quả về kinh tế là gây thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản, về cây trồng và các hoạt động nông nghiệp khác... (giá trị thiệt hại mà các tổ chức và cá nhân thuộc tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đòi bồi thường là 20.000.000 USD). Tuy nhiên, vụ việc này chỉ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo đó, bên gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại kinh tế của cư dân, thiệt hại về môi trường và chương trình làm sạch môi trường phục hồi sản xuất đối với những khu vực có thể làm sạch được. Tổng mức bồi thường trong trường hợp cụ thể này là 4.200.000 USD.
- Vụ ném 4 bao chất độc Natricyanua (NACN) xuống sông Trường Giang thuộc địa phận xã Diêm Phổ (Đà Nẵng) (xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngày 8/3/2002, chỉ một ngày sau khi sự việc xảy ra cá chết nổi trắng dọc theo một đoạn sông dài...
Hoặc với số liệu thống kê sau đây phần nào cho phép chúng ta khẳng định nhận thức trên:
- Về tràn dầu: Từ năm 1995 đến tháng 9/2000 đã xảy ra 30 vụ tràn dầu, lượng dầu tràn ra ngoài môi trường ước tính 91.622 tấn, cụ thể:
BẢNG THỐNG KÊ SỰ CỐ TRÀN DẦU TỪ 1995 – 1999
Năm Số vụ Lượng dầu bị tràn (tấn) Ghi chú
1995 2 202 Còn 4 chưa rõ nguyên nhân
1996 7 68.332 Có 3 vụ không tính được lượng dầu tràn ra
1997 4 2.454 Có 2 vụ không tính được lượng dầu tràn ra
1998 6 12.937 4 vụ không tính được lượng dầu tràn ra
1999 10 7.697 5 vụ không tính được lượng dầu tràn ra
2000 1 Tính đến tháng 9 năm 2000 đã xảy ra một vụ tràn dầu. tuy nhiên chưa tính được lượng dầu tràn ra
 
Vê ngộ độc cấp: Trong 5 năm (1995-1999) số vụ ngộ độc cấp tăng lên dáng kể, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cấp đó là do sử dụng hoá chất trong công nghiệp, nông nghiệp chưa đúng quy trình hoặc các biện pháp phòng ngừa chưa được chặt chẽ. Theo số liệu của Vụ Điều trị - Bộ Y tế, trong 2 năm 1998 - 1999 có tới hơn 6.100 trường hợp ngộ độc do hoá chất bảọ vệ thực vật, hoá chất diệt cỏ dùng trong nông nghiệp. Quí I năm 2000 có 802 trường hợp ngộ độc do hoá chất bảo vệ thực vật. Ngộ độc do thuốc diệt chuột có 2.051 trường hợp, do các loại dược phẩm có 3.121 trường hợp và ngộ độc thực phẩm là gần 6.000 trường hợp. Trong đó từ năm 1997 đến Quí I năm 2000 đã xảy ra 1.195 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 21.756 người (trong đó có 169 người tử vong).
Về rò rỉ hoá chất: từ 1995 đến tháng 6/2000, sự cố môi trường do rò rỉ hoá chất xảy ra nhiều, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người. Cụ thể, ngày 11/1/1999 ở mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ rò rỉ khí Mê Tan (CH4) dẫn đến nổ sập hầm làm 19 người chết, 12 người bị thương; ngày 6/7/2000 tại Công ty thủy sản Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà xảy ra vụ ngạt khí Mê tan làm 4 người chết...
Vậy nguyên nhân của thực trạng trên là gì?
Qua nghiên cứu về cơ sở pháp lý và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về các tội gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất cho thấy có mấy nguyên nhân cơ bản nổi lên như sau:
(1) Về cơ sở pháp lý:
Cả 3 điều luật (Điều 182, 183, 184 BLHS) đều quy định hành vi vi phạm chỉ cấu thành tội phạm khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Có nghĩa là mọi trường hợp dù hành vi gây ô nhiễm không khí, gây ô nhiễm nguồn nước, gây ô nhiễm đất nguy hiểm đến mức độ nào đi chăng nữa đều phải qua xử phạt hành chính. Đồng thời, nếu đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi được liệt kê trong điều luật mà người vi phạm cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(2) Về thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử: 
- Về việc xác định hậu quả: Cấu thành tội phạm đòi hỏi phải có hậu quả trực tiếp thì tội phạm mới hoàn thành. Nhưng tính chất hành vi của những tội này hậu quả thường không xảy ra ngay, chủ yếu tồn tại dưới dạng tiềm tàng, không gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội một cách tức thời mà xảy ra với tiến độ chậm, từ từ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc định tội.
- Việc xác định chứng cứ trong các tội phạm này rất khó khăn, đặc biệt đối với tội gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Trường hợp gây ô nhiễm không khí, mặc dù biết rõ có rất nhiều chất độc hại trong không khí của một khu vực nào đó, nhưng chúng lan toả rất nhanh trong không khí nên việc chứng minh sự xấu đi của không khí là rất khó khăn. Hoặc đối với tội gây ô nhiễm nguồn nước: chất thải công nghiệp, y tế, xác động, thực vật, thải các chất dầu, mỡ, nước thải sinh hoạt, vi khuẩn, siêu vi khuẩn gây dịch bệnh chỉ trong một thời gian ngắn nó đã lan toả sang những khu vực khác nên rất khó xác định. Ngay như trường hợp xả thải vào hệ thống cống rãnh chuyên dùng cũng rất khó khăn trong quá trình xác định chứng cứ (sau thời gian dài thì sự suy giảm chất lượng nguồn nước không còn rõ rệt).
Theo báo cáo của Toà án nhân dân tối cao tính từ ngày 01/7/2000 đến hết năm 2001, Tòa án nhân dân tối cao mới chỉ thụ lý và xét xử các tội phạm về môi trường như sau:
TỶ LỆ% CỦA TỪNG TỘI ĐÃ THỤ LÝ, XÉT XỬ
(so với tổng số tội phạm môi trường đã thụ lý từ 01/7/2000 đến tháng 12/2000)
Tổng số vụ đã thụ lý Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản
số vụ (bị can) số vụ % số vụ % số vụ %
28 (56) 3 10,7% 6 21,4% 4 14,2%
 
Phân tích Bảng thống kê trên cho thấy, từ 1/7/2000 đến hết năm 2001, toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý tất cả 28 vụ án tội phạm hình sự về môi trường. Trong đó, tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người là 3 vụ (chiếm tỷ lệ 10,7% trong tổng số vụ); Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật là 6 vụ (chiếm 21,4% tổng số vụ); Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản: 4 vụ (chiếm tỷ lộ 14.2% tổng số vụ).
SỐ VỤ, BỊ CÁO ĐÃ THỤ LÝ, ĐÃ ĐƯA RA XÉT XỬ 
 (từ 01/7/2000 đến tháng 12/2000)
STT Tên tội Số vụ đã thụ lý Số vụ đã đưa ra xét xử
Số vụ Số bị can Số vụ Số bị cáo
1 Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186) 3 3 (chưa có số liệu thống kê)
2 Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187) 6 14 5 10
3 Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188) 4 9 4 9
 
Như vậy, đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật thụ lý 6 vụ với 14 bị can thì mới xét xử 5 vụ với 10 bị can; tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản thụ lý 4 vụ, 9 bị can thì đã đưa ra xét xử cả 4 vụ với 9 bị can.
Nếu so với Bộ luật hình sự 1985 thì Bộ luật hình sự 1999 có bước tiến vượt bậc về cụ thể hoá hành vi xâm phạm đến môi trường sống, sức khoẻ của con người thông qua việc làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; động vật, thực vật hoặc huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản mà cụ thể là:
Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1999, các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; hoặc huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản gâv hậu quả nghiêm trọng cùng bị xử lý về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 195 Bộ luật hình sự năm 1985 - mà theo thống kê của Toà án thì trong vòng 10 năm, từ năm 1985 đến 1995 chỉ xét xử 1 vụ, 3 bị cáo). Hoặc đối với hành vi sử dụng chất cháy, chất độc, chất nổ... để khai thác thuỷ sản... còn bị truy cứa trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt trái phép chất cháy, chất độc, chất phóng xạ (Điều 96 BLHS năm 1985). Vì vậy, Bộ luật hình sự năm 1985 đã không cụ thể hoá được hành vi đồng thời cá thể hoá hình phạt, dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, hoặc không đánh giá đúng khách thể mà hành vi vi phạm đã xâm phạm...
Bộ luật hình sự năm 1999 đã dành một chương quy định các tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, kể từ khi được ban hành cho đến nay việc xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản xảy ra rất ít (dường như việc xử lý vi phạm chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính. Các tội phạm khác trong Chương tội phạm môi trường của BLHS 1999 cùng nằm trong tình trạng này). Đây là một vấn đề cần được nhà làm luật quan tâm hơn nữa để có biện pháp khắc phục kịp thời.
3. Đánh giá hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về môi trường
3.l. Những kết quả đạt được và những hạn chế
3.1.1. Những kết quả đạt được
- Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về môi trường bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là sau khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực. Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao thì kết quả xét xử tội phạm về môi trường như sau:
+ Từ 1985 - 1998: đã thụ lý 1413 vụ với 2942 bị cáo (đã xét xử 1204 vụ với 2390 bị cáo) vi phạm 3 điều: Điều 179, 181 và 195 Bộ luật Hình sự 1985.
+ Từ 1/7/1999 - 2002: đã thụ lý 28 vụ với 56 bị cáo (đã xử 20 vụ với 44 bị cáo) vi phạm các điều: 183, 186, 187, 188, 189 và 190 Bộ luật Hình sự năm 1999.
- Công tác thanh tra nhà nước về môi trường đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần làm giảm các hành vi huỷ hoại môi trường. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 3 năm (1997 - 1999), thanh tra môi trường các cấp đã thanh tra được 17741 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là 6510 cơ sở. Hàng năm thanh tra môi trường các cấp đã giải quyết hàng ngàn đơn, thư. Năm 1999, Thanh tra Cục Môi trường và Thanh tra của một số Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã buộc các cơ sở gây ô nhiễm làm thiệt hại tới môi trường và sức khoẻ nhân dân thực hiện đền bù với tổng số tiền là 1.367.332.000 đồng. Số lượng cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đã giảm dần theo năm (Ví dụ: năm 1997 số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường chiếm 47% số cơ sở đã thanh tra, đến năm 1999 chỉ còn 23%).
- Các cơ quan chức năng như: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và công nghệ), Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong việc ban hành, kiểm tra tiêu chuẩn về môi trường, phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về môi trường.
3.1.2. Những hạn chế.
Mặc dù có được những kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn và bộc lộ những hạn chế nhất định. Những hạn chế chủ yếu được thể hiện qua những mặt sau:
- Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vừa thiếu vừa chưa đồng bộ. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định 10 tội phạm về môi trường, nhưng vẫn chưa khái quát hết tình hình tội phạm về môi trường trong thực tế. Mặt khác, mặc dù đã có Bộ luật Hình sự 1999 nhưng việc xử lý loại tội phạm này vẫn gặp nhiều vướng mắc, cần có sự hướng dẫn thi hành. Chẳng hạn các quy định như: “hậu quả rất nghiêm trọng”, “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “Huỷ hoại diện tích rừng rất lớn” vẫn rất chung chung, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc truy tố, xét xử các loại án này.
- Hoạt động tố tụng trong thời gian qua cũng có nhiều hạn chế. Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao thì từ năm 1985 đến 1999 chúng ta chỉ xét xử các vụ vi phạm tại 3 Điẻu: 195, 179 và 181 của Bộ luật Hình sự 1985 và đến nay vẫn chưa xử lý hết trong khi đó tội phạm về môi trường đang tăng lên cả về số lượng và tính chất nguy hiểm. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Từ năm 1999 đến 2001 (sau khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực), chúng ta đã thụ lý 28 vụ với 56 bị cáo. Mặc dù số lượng vụ án về môi trường được đưa ra truy tố, xét xử đã tăng nhưng so với tình hình thực tế thì tỷ lệ vẫn còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.
3.2. Nguyên nhân của tình hình tội phạm về môi trường và những hạn chế của công tác điều tra, xử lý tội phạm về môi trường.
Từ việc phân tích tình hình tội phạm về môi trường và kết quả điều tra, xử lý cho ta thấy, tội phạm về môi trường hiện nay đã và đang là một vấn đề yếu kém trong điều tra, xét xử; số lượng tội phạm đã bị xử lý không đánh giá đúng với tình hình tội phạm diễn ra trên thực tế. Điều đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân chủ yếu tác động trực tiếp tới vấn đề nêu trên là:
(1) Chưa có sự hướng dẫn kịp thời về Chương các tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự 1999. Hiện nay, chưa có một văn bản nào hướng dẫn việc áp dụng các điều luật về môi trường, mặc dù đây là quy định đã phôi thai từ một số quy định trước đây của Bộ luật hình sự 1985, cấu thành cơ bản của các tội quy định trong chương cũng có những nét đặc thù, nhiều tình tiết định lượng, định tính chưa được cụ thể hoá đòi hỏi phải được nghiên cứu, hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này (như dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” và dấu hiệu hậu quả). Về dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” được quy định tại 8 trong số 10 tội danh của chương này và đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Về dấu hiệu “hậu quả” (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) cũng là dấu hiệu khó xác định nhất. Dấu hiệu “hậu quả” ở đây rất đa dạng có thể là hậu quả về môi trường, sinh thái, những thiệt hại về vật chất... và đối với mỗi thành phần môi trường bị xâm bại lại có tiêu chí khác nhau để đánh giá mức độ thiệt hại khác nhau. Ví dụ: cùng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hậu quả nghiêm trọng ở tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183 BLHS) hoàn toàn khác với hậu quả nghiêm trọng ở tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188 BLHS); hậu quả gây ô nhiễm môi trường thường khó xác định được ngay sau khi hành vi vi phạm được thực hiện; thiệt hại môi trường khó định lượng, không thể cân đo, đong đếm được, có loại thiệt hại gián tiếp, tiềm ẩn thường phải ước lượng, dự đoán, không có những tiêu chí đánh giá thiệt hại một cách chính xác... (Ví dụ Điều 189 Tội huỷ hoại rừng thì gây thiệt hại nghiêm trọng ở đây là bao nhiêu ha đối với rừng phòng hộ?, bao nhiêu ha đối với rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn?...; hay Điều 184 Tội gây ô nhiễm đất “người nào chôn vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép,...” vậy tiêu chuẩn cho phép là bạo nhiêu?, căn cứ vào đâu để đánh giá mức chuẩn?...). Chính vì những lý do trên nên trong pháp luật hình sự một số nước như Singapore, Australia...chỉ quy định tội phạm môi trường là loại tội phạm có cấu thành hình thức và hậu quả (nếu có) chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
(2) Chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cơ quan trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về môi trường, việc phân công, phân cấp điều tra về tội phạm môi trường chưa thống nhất, thiếu tính hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan đến điều tra các vụ án về môi trường chưa được chặt chẽ và ít có hiệu quả. Đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan điều tra của lực lượng cảnh sát nhân dân và thanh tra chuyên ngành về điều tra tội phạm về môi trường.
(3) Công tác tổ chức phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường chưa tiến hành một cách đồng bộ, chưa xây dựng được kế hoạch hợp lý, cụ thể nhằm phối hợp các hoạt động của các bộ, ngành có liên quan để thực hiện chiến lược về bảo vệ môi trường của Đảng và nhà nước. Nhiều trường hợp các cơ quan còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Lực lượng cán bộ bảo vệ môi trường của ta còn mỏng, lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về môi trường cũng như các phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về môi trường. Công tác điều tra xử lý các hành vi phạm tội về môi trường ở một số nơi chưa được coi trọng, thiếu nghiêm khắc và cương quyết trong xử lý. Tình trạng này góp phần làm cho tội phạm về môi trường có chiều hướng tăng lên cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Gần đây, tội phạm huỷ hoại rừng diễn ra nhiều ở tất cả địa phương có rừng, hành vi phạm tội của bọn tội phạm ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Có những kẻ vi phạm còn ngang nhiên chống lại người thi hành công vụ, sự nghiệp bảo vệ rừng ở một số địa phương có lúc đã trở thành một cuộc chiến có đổ máu. Tìm ra được giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này vẫn là một câu trả lời bị bỏ ngỏ.
(4) Việc nhận diện được một hành vi vi phạm môi trường là rất khó, đòi hỏi phải có sự trợ giúp của các phương tiện khoa học kỹ thuật, phải có sự đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, có sự định tính, định lượng cụ thể mới có thể xác định đó là một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chỉ có thể bị xử lý về hình sự khi chủ thể tiến hành các hành vi đó “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy. để ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc đối với các một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là một việc rất kỳ công và tốn kém.
(5) Trong một thời gian dài, quan niệm của chúng ta về vấn đề bảo vệ môi trường còn bị xem nhẹ, chưa coi vấn đề môi trường là cấp thiết cần ưu tiên giải quyết. Ý thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường của đại bộ phận nhân dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và bộ phận dân cư miền núi, vùng sâu vùng xa... nhiều người còn chưa hiểu được thế nào là môi trường trong lành; như thế nào là gây ô nhiễm mổi trường; tội phạm về môi trường… Tại các vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn duy trì các hình thức đốt rừng làm nương, rẫy, du canh du cư, săn bắt thú rừng, chặt gỗ phá rừng... Đây là những hành vi khởi nguồn của tội phạm về môi trường.
(6) Công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đối với các tầng lớp dân cư trong xã hội còn nhiều hạn chế. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường nói chung còn mang tính hình thức, khuếch trương phong trào mà chưa tiến hành một cách thường xuyên, sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
 
PHẦN III
PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ
VỀ TỘI PHẠM MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP
BẢO ĐẢM THỰC HIỆN
I. MỘT SỐ DỰ BÁO VỀ TÌNH HÌNH TỘI PHẠM TRONG THỜI GIAN TỚI .
Dự báo tội phạm thực chất là phỏng đoán, phán đoán tình hình tội phạm sẽ diễn ra trong tương lai, kèm theo đó là khả năng phòng ngừa, đấu tranh. Một trong những điều kiện quyết định cho việc dự báo có chất lượng tình hình tội phạm nói chung và tình hình tội phạm về môi trường nói riêng là phải có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, có độ chính xác cao. Đây là vấn đề rất khó trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện hay.
Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta giai đoạn 2001-2010 là: “Đưa GDP năm 2010 lên gấp đôi năm 2000. Nhịp độ tăng xuất khẩu gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP. Tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế đạt trên 30% GDP. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ trọng tăng trưởng trong GDP của nông nghiệp 16-17%, công nghiệp 40-41%, dịch vụ 42-43%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 50%. Tỷ lệ dân cư đô thị khoảng 32-33%.
Nâng lên đáng kể chỉ số phát triển con người. Giải quyết cơ bản vấn đề việc làm ở cả thành thị và nông thôn, nâng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề lên 40%... Mức sống và chất lượng cuộc sống vật chất, văn hoá, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong một xã hội an toàn, lành mạnh với môi trường sinh thái được bảo vệ và cải thiện” .
Như vậy, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta từ nay đến năm 2010 sẽ có những bước phát triển vượt bậc, đồng thời cũng có những tác động trực tiếp đến diễn biến của tình hình tội phạm nói chung và tội phạm môi trường nói riêng. Tình hình tội phạm là hệ quả trực tiếp của các diễn biến trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra hàng loạt các loại tội phạm mới cũng như tạo ra những áp lực đối với diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, trong đó có tội phạm về môi trường.
Trên cơ sở các dự báo về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và phân tích diễn biến tình hình tội phạm trong nước, chúng tôi tạm thời đưa ra một số dự báo về diễn biến tình hình tội phạm môi trường ở nước ta giai đoặn từ nay đến 2010 như sau:
1. Về các tội phạm môi trường đã được quy định trong Chương XVII, Bộ luật Hình sự 1999.
Theo các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 1999, chúng ta có thể chia thành 4 nhóm và sắp xếp theo trật tự sau: Nhóm 1: Các hành vi gây ô nhiễm môi trường (từ Điều 181 đến Điều 185); Nhóm 2: Các hành vi gây dịch bệnh cho người và động vật (Điều 186 và Điều 187); Nhóm 3: Các hành vi huỷ hoại tài nguyên môi trường (từ Điều 188 và Điều 189); Nhóm 4: Các hành vi xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường (Điều 190 và 191);
(1) Theo đánh giá chung thì tình hình về nhóm tội phạm gây ô nhiễm môi trường có thể không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường . Hành vi làm cho môi trường trở thành độc hại hoặc trạng thái môi trường bị thay đổi là vi phạm tiêu chuẩn môi trường (các tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mực, giới hạn cho phép nhằm đánh giá những hành vi và trạng thái môi trường). Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi trực tiếp hoặc gián tiếp các tính chất vật lý, hoá học, sinh học của bẩt kỳ thành phần môi trường nào làm cho tiêu chuẩn chất lượng của thành phần môi trường đó bị vi phạm dẫn đến làm nguy hại hoặc có khả năng gây nguy hại cho môi trường và sức khoẻ con người. Nhân tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các chất thải ở tất cả các dạng: rắn, lỏng, khí, và các dạng khác. Khi chất thải được đưa vào môi trường xung quanh nhiều tới mức vượt quá khả năng chịu tải (khả năng tự làm sạch, tự pha loãng) của môi trường thì xảy ra ô nhiễm. Chất thải nói ở đây là bao gồm cả những sản phẩm khi thất thoát vào môi trường vì lý do nào đó, đặc biệt là khi xảy ra sự cố môi trường (sự cố tràn dầu, rò rỉ hoá chất, sự cố va đâm của các phương tiện khi chuyên chở hàng hoá dễ gây ô nhiễm..).
Theo dự báo, tỷ trọng GDP từ khu vực công nghiệp ở nước ta sẽ tăng tới 34% vào năm 2010. Với dự kiến tăng trưởng công nghiệp như vậy, sự ô nhiễm công nghiệp sẽ trở thành một vấn đề rất đáng lo ngại. Cường độ độc hại trên quy mô toàn quốc dự tính sẽ tăng lên 3,8 lần sau 10 năm ( 2000-2010), có nghĩa tỷ lệ tăng ô nhiễm hàng năm sẽ là 14% nếu không có các biện pháp kịp thời để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm.
Hiện nay, vấn đề sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề cần thiết phải có sự quan tâm đúng mức, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thuốc bảo vệ thực vật được dùng ở Việt Nam từ nhiều năm nay và số lượng được sử dụng hàng năm vào khoảng 6.500-9000 tấn, chủ yếu là các loại thuốc có độc tính cao, dễ gây nhiễm độc và chậm phân huỷ trong môi trường như ĐT, 666 (BHC), Parathion Ethy Polychlorocamphene. Nhiều lô thuốc đã qua hạn còn tồn đọng trong các kho, nếu không xử lý kịp thời, các lô thuốc này có thể bằng các con đường khác nhau được sử dụng trở lại, mặt khác do tồn đọng lâu trong các kho sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các khu vực xung quanh.
Hiện tuợng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã cục bộ xảy ra ở một số nơi làm ô nhiễm nguồn nước, đất, có nơi gia tăng tổn dư thuốc sâu trong nông sản thực phẩm, có nơi xảy ra nhiễm độc và ngộ độc thuốc sâu cho người sử dụng. Đáng lo ngại hơn là việc xử lý không đúng kỹ thuật các chất thải công nghiệp và sinh hoạt khác của người và súc vật, hoặc các xác sinh vật chết (chất thải sinh hoạt ở khu vực đô thị, chất thải y tế, chất thải lỏng của ngành công nghiệp và của các bệnh viện), đã dẫn tới tình trạng đất bị suy thoái và ô nhiễm khá nặng nề. Ô nhiễm đất làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, huỷ diệt sự sống một số sinh vật trong những khu vực ô nhiễm nặng, đồng thời còn đe doạ sức khoẻ con người thông qua vật nuôi, cây trồng, thậm chí gây ra những biến dạng sinh thái và di truyền nặng nề cho hệ sinh sống.
(2) Tội phạm gây ô nhiễm về nguồn đất, nguồn nước (thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh,..,) sẽ tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm do thiếu xử lý cần thiết các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp, do các hoá chất dùng trong nông nghiệp và các nguồn nhiễm xạ, nhiễm bẩn từ các nguyên vật liệu khác dùng: trong sản xuất...
(3) Tội phạm huỷ hoại các tài nguyên môi trường, vi phạm các chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số đối tượng môi trường sẽ gia tăng một cách đáng kể và với mức độ ngày càng nguy hiểm, mang tính chất quyết liệt.
Việt Nam được xem là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học (hệ thực vật rừng phong phú về chủng loại với 10.484 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 1.030 loài rêu, 2.500 loài tảo và 826 loài nấm; hệ động vật cũng hết sức phong phú với 275 loài thú, 830 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 472 loài cá nước ngọt, khoảng hơn 2000 loài cá biển và thêm vào đó có hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và nước ngọt,...). Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của nước ta. Tuy nhiên, thay vì bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này và sử dụng một cách hợp lý, chúng ta đang khai thác một cách quá mức và phí phạm, không những thế nhiều người còn sử dụng những biện pháp mang tính chất huỷ diệt như các chất độc, kích điện,… nhiều loài hiện đã trở nên hiếm, một số loài có nguy cơ diệt vong. Độ che phủ của rừng Việt Nam đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng đã bị hạ thấp quá mức, rừng bị suy thoái một cách nặng nề và hết sức trầm trọng...
Trong cơ chế thị trường thì mục đích lợi nhuận, lợi nhuận siêu ngạch là mục đích mà bọn buôn lậu, trốn thuế kiếm được nhiều nhất. Chúng sẽ tìm mọi cách, bất chấp tất cả và bằng mọi giá để thực hiện được mục tiêu của chúng, vì vậy mà các loại tội phạm về đốt, phá rừng để lấy gỗ buôn bán trái phép, săn bắt các loại thú quý hiếm để mang đi tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu lậu là tình trạng rất đáng lo ngại. Bọn lâm tặc không từ một thủ đoạn nào để khai thác và khai thác cho được các loại tài nguyên trên, từ thủ đoạn đưa hối lộ cho tới cả việc chúng sẵn sàng chống trả một cách quyết liệt với các lực lượng có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường.
(4) Ngày càng xuất hiện nhiều nhóm tội phạm có tổ chức khá chặt chẽ hoạt động mang tính chất xuyên quốc gia về buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Có nhiều khả năng có sự xâm nhập móc nối của các tổ chức tội phạm quốc tế vào các hoạt động này.
(5) Tội phạm môi trường là một loại tội phạm có khả năng bị bỏ lọt cao do pháp luật trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ và hoàn thiện  - đó là tội phạm ẩn . Cụ thể:
- Tính trong cả nước, từ năm 1992 - 1997: Đã phát hiện 973 vụ sử dụng chất nổ đánh cá làm 130 người chết, 150 người bị thương song mới chỉ đưa ra truy tố trước pháp luật 47/973 vụ, chiếm tỷ lệ 4,83%. Đây là con số quá nhỏ so với tình hình tội phạm thực tế.
- Từ tháng 5/1997-5/1998: phát hiện 39.489 vụ vi phạm pháp luật về rừng nhưng chỉ có 206 vụ khởi tố về hình sự, chiếm tỷ lệ 0,52%.
Những số liệu trên đây mới chỉ là số vụ bị các cơ quan chức năng bắt và xử lý, còn thực tế con số vụ án về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta còn lớn hơn rất nhiều.
2. Các tội phạm về môi trường có thể sẽ xảy ra ở Việt nam trong thời gian tới.
Trong những năm tới, vấn đề về môi trường đối với nước ta càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong tương lai, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội thì tình hình tội phạm cũng có những diễn biến phức tạp hơn. Nhiều hành vi vi phạm môi trường sẽ xảy ra với hình thức đa dạng, tính chất và mức độ nghiêm trọng khó lường.
(1) Tội vận chuyển chất thải, chất phóng xạ trái phép qua biên giới
Hiện nay trên thế giới, nhất là ở các nước có nền kinh tế phát triển ở mức độ cao, tiên tiến, do chính sách chạy đua khai thác tài nguyên tự nhiên và với sự tăng trưởng kinh tế càng cao đồng nghĩa với cạn kiệt tài nguyên càng nhanh. Nền công nghiệp phát triển đồng nghĩa với tăng nhanh khí thải tăng thêm hiệu ứng nhà kính, phá huỷ tầng ôzôn,... Chất thải nguy hiểm là những sản phẩm phụ không mong muốn nhưng cũng không tránh khỏi sự phát triển công nghiệp. Nhưng đó không phải là lý do bào chữa cho việc không lập một kế hoạch khả thi để giải quyết vấn đề chất thải. Kho vũ khí hạt nhân tuy đã được giảm bớt song nó vẫn còn đủ làm chết 1 tỷ người và làm nhiễm xạ 1 tỷ người khác, nghĩa là đủ sức làm chết ngay lập tức, làm nhiễm xạ 1/3 cư dân trên hành tinh.
Không phải các nước tiên tiến này không nhận thấy sự nguy hiểm của chất thải do chính họ bất chấp tất cả các tiêu chuẩn về môi trường phát triển bền vững, mà họ còn nhận biết rõ và sớm hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển. Và vấn đề chính là ở chỗ các nước tiên tiến này tìm mọi cách vận chuyển các loại chất thải độc hại “tống” sang các nước khác mà Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài tầm ngắm của họ. Mục đích này của các nước phát triển được thực hiện dưới rất nhiều hình thức, thậm chí có thể gọi là thủ đoạn bởi lợi dụng vào trình độ phát triển kém hơn về kinh tế, về kỹ thuật của các nước nghèo, với nhu cầu phải phát triển bằng mọi cách và vì nhu cầu ngoại tệ mạnh cấp thiết, các nước kém phát triển, đặc biệt một số nước ở Châu á như Ấn Độ, là nước nhập khẩu sắt thép phế liệu với số lượng lớn, bất chấp sự cấm đoán của toà án nước này, hoặc Bắc Tnều Tiên, nước có ý định tiếp nhận chất thải nguy hiểm vì nhu cầu ngoại tệ mạnh cấp thiết.... Mặt khác, các nước phát triển còn cho rác thải lên máy bay “đổ trộm” vào vùng biển thuộc biên giới của một quốc gia nào đó...
Giống như ở các nước Châu Á khác, ở Việt Nam chất thải phóng xạ sinh ra ngày càng nhiều: ngoài lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, chất phóng xạ nguy hiểm sinh ra từ y học hạt nhân, từ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trong công nghiệp, địa chất, xây dựng, trong khi đó chúng ta lại chưa có biện pháp xử lý thích hợp về quản lý chất thải phóng xạ, đầu tư phát triển tổ chức, nhân lực và tài chính; Bên cạnh đó, việc nhập khẩu chất thải cũng đã bắt đầu thấy xuất hiện song chưa phải là phổ biến và chúng ta cũng chưa có một số liệu thống kê một cách thật đầy đủ và chính xác về loại hành vi này và do đó cơ quan điều tra cũng chưa khởi tố hình sự vụ vi phạm nào dưới hình thức phạm tội này.
Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta cần hết sức chú ý ở đây chính là bên cạnh việc hình sự hoá tội phạm này để xử lý đối với các tội phạm trong nước, chúng ta còn phải có kế hoạch phối hợp với tổ chức cảnh sát qưốc tế về phòng chống loại tội phạm xuyên quốc gia này thì hiệu quả của công cuộc đấu tranh tội phạm môi trường mới có kết quả.
(2) Tội phạm về vũ khí sinh học
Vũ khí sinh học đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, đây là loại vũ khí dễ chế tạo, dễ sử dụng, giá thành thấp và hậu quả của nó gây ra cho nhân loại vô cùng khủng khiếp. Chỉ cần vài chục gam vi khuẩn dịch hạch hoặc nhiệt thân đựng trong ống thuỷ tinh nhỏ có thể dấu kín trong một chiếc bút máy cài sau ve áo,...khi tung ra có thể làm cho hàng nghìn người mắc bệnh trong một thời gian ngắn.
Việc phát hiện và ngăn chặn vũ khí sinh học này hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức nghiên cứu và luyện tập chống lại vũ khí này. Ở Pháp, các cơ quan như Tổng cục An ninh đối ngoại, Tổng cục an ninh lãnh thổ, Tổng cục Tình báo, Quân đội, Cảnh sát đã tập dượt các phương án phát hiện và ngăn chặn vũ khí sinh học. Vũ khí sinh học đối với nước ta là một khái niệm còn hết sức mới mẻ. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động phòng ngừa và có thể có khả năng ứng cứu một cách kịp thời loại tội phạm vũ khí sinh học mang tính huỷ diệt này chúng ta cần thiết phải nghiên cứu và quy định tội danh này trong luật hình sự; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất cũng như các phương tiện kỹ thuật, tài chính cho việc này để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa cũng như đấu tranh chống loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
II. PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI PHẠM MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN.
Đối với Việt Nam - một nước đang phát triển và trong quá trình hội nhập quốc tế - thì vấn đề bảo vệ môi trường đã thực sự trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong pháp luật, có lẽ các yêu cầu về bảo vệ môi trường là vấn đề được nhiều ngành luật đề cập đến nhiều nhất. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) quy định: “Các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải, thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”, “Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường”.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự 1999, trong đó đã có một chương mới - Chương “Các tội phạm về mội trường” - với 10 điều luật quy định khá đầy đủ và cụ thể các tội phạm về môi trường. Đây thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung và các tội phạm về môi trường nói riêng.
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 1999 mới có hiệu lực thi hành từ 01.07.2000, nhiều quy định của BLHS còn chưa được hiểu thống nhất, cấu thành cơ bản của các tội quy định trong Chương các tội phạm về môi trường cũng có những nét đặc thù, nhiều tình tiết định lượng định tính chưa được cụ thể hoá. Mặt khác, lại chưa có hướng dẫn của các cơ quan chức năng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trên thực tế có nhiều khó khăn, nhiều cơ quan tư pháp địa phương (Công an, Viện kiểm sát, Toà án) còn khá lúng túng trong việc điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ môi trường trong pháp luật chuyên ngành (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật khoáng sản v.v.) do được ban hành ở các thời điểm khác nhau nên còn có nhiều quy định, nhiều đánh giá tính chất của từng yếu tố môi trường, đánh giá hành vi xây hại môi trường... còn chưa thống nhất.
Trước yêu cầu đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về tội phạm môi trường và việc bảo đảm tổ chức thực hiện các quy định này được đặt ra khá cấp thiết. Đây là vấn đề phức tạp, hoạn thiện các quy định của pháp luật hình sự về môi trường không thể tách rời, biệt lập với việc hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành về môi trường (đặc biệt là hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm hành chính, dân sự, kỷ luật trong lĩnh vực môi trường) và việc bảo đảm tổ chức đưa pháp luật vào cuộc sống. Đây là những vấn đề đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ từ việc xây dựng pháp luật hình sự đến việc xây dựng pháp luật chuyên ngành, từ xây dựng pháp luật đến việc tổ chức thực hiện pháp luật, từ nỗ lực của các cơ quan trung ương đến từng địa phương...
A. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI PHẠM MÔI TRƯỜNG.
Mặc dù Bộ luật hình sự năm 1999, đã dành một chương riêng - chương XVII quy định 10 tội danh về môi trường (từ điều 182 đến điều 191) - nhưng dựa vào các thành tựu phát triển của khoa học môi trường, vào việc nghiên cứu sự tác động của quá trình phát triển kinh tế đến môi trường, vào các quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường và các căn cứ khác cho thấy cần phải hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường mới đáp ứng được một cách đầy đủ nhu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm đó trong giai đoạn hiện nay và sắp tới ở đất nước ta.
Các quy định trong Bộ luật hình sự 1999 vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Chẳng hạn: Chương XVII của Bộ luật hình sự 1999 mới chỉ quy định bảy nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong Luật bảo vệ môi trường 1993, chưa bao hàm hết một số hành vi xâm hại môi trường khác, trong khi những hành vi này đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành và văn bản xử lý vi phạm hành chính của Chính phủ ; Bộ luật hình sự không đưa ra khái niệm chung về tội phạm môi trường nên vẫn còn nhiều tranh luận khác nhau về vấn đề thế nào là tội phạm về môi trường? Tội phạm về môi trường khác với hành vi vi phạm hành chinh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở những điểm nào? Các dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” và dấu hiệu “hậu quả” (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) chưa được hướng dẫn cụ thể; việc quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền với tính chất là chế tài tuy nghi tại khoản cuối cùng của mỗi điều luật nhưng lại không quy định rõ đó là “hình phạt bổ sung” sẽ khó đảm bảo được sự nhận thức đúng đắn và thống nhất như ý đồ của nhà làm luật...
Chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội phạm về môi trường cần được tiến hành theo 2 giai đoạn sau:
1. Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định về tội phạm môi trường của Bộ luật hình sự 1999.
Để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của các quy đinh về tội phạm môi trường trong Bộ luật hình sự 1999 vấn đề bức xúc đặt ra là phải có văn bản hướng dẫn thi hành. Qua nghiên cứu và thực tế thi hành chúng tôi thấy có rất nhiều vấn đề cần được hướng dẫn. Trong số đó, có hai vấn đề cần được ưu tiên hướng đẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất điều luật. Đó là dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” và dấu hiệu về “hậu quả”. Đây là những vấn đề cần có sự đầu tư nghiên cứu không chỉ của cơ quan tiến hành tố tụng mà của cả cơ quan chuyên ngành.
1.1. Về dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này”.
Dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” được quy định tại rất nhiều tội danh của BLHS, riêng chương này đã có 8 trong số 10 tội danh có quy định dấu hiệu này. Chúng tôi cho rằng vấn đề không chỉ ở chỗ cần cắt nghĩa thế nào là “đã bị xử phạt hành chính” (được hiểu là hành vi vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính, chưa hết thời hạn 1 năm lại tiếp tục vi phạm) mà còn ở chỗ cụm từ “hành vi này” được hiểu như thế nào trong một tội danh cụ thể (hiểu theo nghĩa rộng, chung theo tội danh hay hiểu theo nghĩa hẹp, theo từng hành vi cụ thể trong tội danh). Ví dụ: một người cho phép nhập khẩu thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường và bị xử phạt hành chính về việc cho phép nhập khẩu đó, chưa hết l năm người đó chuyển sang làm giám đốc công ty và lại nhập khẩu thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường thì có coi là “đã bị phạt hành chính về hành vi này” hay không; ví dụ khác: một người dùng chất nổ để khai thác thuỷ sản và “bị xử phạt hành chính, chưa hết 1 năm lại khai thác thuỷ sản ở khu vực bị cấm thì có coi là đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hay không?. Về vấn đề này ý kiến còn chưa thống nhất. Có ý kiến (đánh giá thiên về ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi) cho rằng, trong những trường hợp như vậy cần phải coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” vì cho dù được thể hiện dưới nhiều hoạt động khác nhau nhưng hành vi chung là nhập khẩu thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường (ở ví dụ thứ nhất) hoặc hành vi chung là huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (ở ví dụ thứ hai). Ý kiến khác lại cho rằng, trong những trường hợp như vậy không thể coi là đã thoả mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính vê hành vi này” vì việc cho phép nhập khẩu hoàn toàn độc lập với việc nhập khẩu cũng như việc dùng chất nổ để khai thác thuỷ sản không thể đồng nhất với việc khai thác thuỷ sản tại khu vực bị cấm, đây là những hành vi khác nhau, do đó, trong những trường hợp như vậy chưa đủ đấu hiệu để cấu thành tội phạm. Chúng tôi thiên về loại ý kiến thứ nhất.
1.2. Về dấu hiệu “hậu quả”.
Có thể nói rằng dấu hiệu gây hậu quả (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) trong Chương này là một dấu hiệu khó xác định nhất và cũng chính vì vậy cần phải có hướng dẫn cụ thể để có thể áp dụng và áp dụng thống nhất trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Vấn đề khó khăn là ở chỗ:
Thứ nhất, hậu quả rất đa dạng có thể là hậu quả về môi trường, sinh thái, những thiệt hại về vật chất,... và đối với mỗi thành phần của môi trường bị xâm hại lại có những tiêu chí khác nhau để đánh giá mức độ thiệt hại là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khác nhau. Ví dụ cùng là gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hậu quả nghiêm trọng ở tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183 BLHS) hoàn toàn khác với hậu quả nghiêm trọng ở tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188 BLHS);
Thứ hai, hậu quả gây ra từ ô nhiễm môi trường thường là khó xác định được ngay sau khi hành vi vi phạm được thực hiện mà cần phải có một quá trình chuyển hoá. Ví dụ hành vi thải hoá chất độc hại vào nguồn nước không phải khi nào cũng gây ra hậu quả ngay mà hậu quả có thể chỉ xảy ra sau một thời gian dài sử dụng nguồn nước có hoá chất độc hại đó như gây ung thư cho người, các sinh vật bị thoái hoá, huỷ diệt...;
Thứ ba, rất khó xác định được những tiêu chí để đánh giá một cách đầy đủ mức độ tác động (gây thiệt hại) của hành vi xâm hại môi trường. Thiệt hại do hành vi xâm hại môi trường có loại trực tiếp có thể cân đong, đo đếm được có loại thiệt hại gián tiếp, tiềm ẩn thường phải ước lượng, dự đoán, không thể có những tiêu chí có thể đánh giá thiệt hại một cách chính xác;
Thứ tư, khó có thể có được các tiêu chí có đầy đủ tính khoa học và thực tiễn để xác định hậu quả, ở mức này là nghiêm trọng và ở mức khác là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
Chính vì những khó khăn về việc xác định hậu quả và mức độ hậu quả mà luật một số nước như Singapore, Australia,… chỉ quy định tội phạm môi trường là loại tội phạm có cấu thành hình thức và hậu quả (nếu có) chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Xuất phát từ những phân tích trên, chúng tôi thiết nghĩ việc hướng dẫn dấu hiệu “hậu quả” đối với các tội phạm về môi trường trong khi ta chưa có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để đánh giá hậu quả một cách chính xác thì nên lấy một số tiêu chí sau đây:
- Thiệt hại về người (tính mạng, sức khoẻ);
- Thiệt hại về tài sản (gồm thiệt hại thực tế và chi phí khắc phục hậu quả);
- Thiệt hại về môi trường tự nhiên và sinh thái;
- Thiệt hại về cảnh quan.
Về mức định lượng thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nên được hướng dẫn theo từng điều luật cụ thể nhằm định lượng được chính xác hơn về mức độ hậu quả của từng tội danh.
1.3. Một số kiến nghị cụ thể về hướng dẫn dấu hiệu “hậu quả”.
Như đã phân tích ở trên, vấn đề xác định hậu quả cũng như các tiêu chí định lượng cho tính chất, mức độ của hậu quả là hết sức khó khăn, nếu như không nói rằng, cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề này là không thể thực hiện được. Do vậy, những kiến nghị dưới đây chỉ mang tính ước lệ trên cơ sở có sự cân nhắc so sánh với các mức định lượng để xử phạt hành chính về hành vi tương ứng và các mức định lượng quy định tại các chương khác của Bộ luật hình sự. Cụ thể là:
1.3.1. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 182 - Tội gây ô nhiễm không khí.
a) “Gây hậu quả nghiêm trọng nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61%;
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật với mỗi người từ 11% đến dưới 31%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây: 
- Gây tổn hại sức khoẻ từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường không khí, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên.
c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 3 là một trong những trường hợp sau đây :
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai mươi người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên;
- Gây suy thoái môi trường nghiêm trọng;
- Trong trường hợp có hậu quả chết người (do hít phải khí độc) thì tuỳ từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 98 (tội vô ý làm chết người), hoặc theo Điều 99 (tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính) nếu có yếu tố vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính.
1.3.2. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 183 - Tội gây ô nhiễm nguồn nước.
a) “Gây hậu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sửc khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên (do uống phải hoặc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm);
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dước 31%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hai sức khoẻ từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do dùng nước để ăn, uống hoặc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Gây suy thoái môi trường - tức là làm thay đổi chất lượng và số lượng thành phần của các nguồn nước, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên như gây ô nhiễm nặng ao, hồ, sồng, suối...
c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 3 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do dùng nước để ăn, uống hoặc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm...);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai mươi người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên;
- Gây sự cố môi trường, như gây nhiễm độc nghiêm trọng cho các dòng sông lớn, nguồn nước ngầm dùng để sản xuất nước sinh hoạt, gây ô nhiễm biển trên diện tích lớn do sự cố tràn đầu...;
- Trong trường hợp có hậu quả chết người (do dùng nước để ăn, uống hoặc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm...) thì tuỳ từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 98 (tội vô ý làm chết người) hoặc theo Điều 99 (tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính) nếu có yếu tố vi phạm quy tắc nghề nghiêp, quy tắc hành chính
1.3.3. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 184 - Tội gây ô nhiễm đất.
a) “Gây hậu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên (do uống phải nước bị ngộ độc do các chất độc bị thải hoặc chôn vùi vào đất hoặc tiếp xúc với các chất độc hại bị thải hay chôn vùi vào đất...)
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31%.
- Gây thiệt hại tài sản từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu dồng;
- Gây ô nhiễm đến dưới 3000m2 (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc đến dưới 1000m2 (đối với đất khu dân cư).
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây: 
- Gây tổn hại sức khoẻ cho một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do uống phải nước bị ngộ độc do các chất độc bị thải hoặc chôn vùi vào đất hoặc tiếp xúc với các chất độc hại bị thải hay chôn vùi vào đất);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Gây ô nhiễm đất từ 300m2 đến dưới 5000m2 (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc từ 1000m2 đến dưới 2000m2 (đối với đất khu dân cư).
c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 3 là những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do uống phải nước bị ngộ độc do các chất độc bị thải hoặc chôn vùi vào đất hoặc tiếp xúc với các chất độc hại bị thải hay chôn vùi vào đất);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ 20 người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên;
- Gây ô nhiễm đất từ 5000m2 trở lên (đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp) hoặc từ 2000m2 trở lên (đối với đất khu dân cư).
Trong trường hợp có hậu quả chết người (do uống phải nước bị ngộ độc do các chất độc bị thải hoặc chôn vùi vào đất hoặc tiếp xúc với các chất độc hại bị thải hay chôn vùi vào đất) thì tuỳ từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 98 (tội vô ý làm chết người hoặc theo Điều 99 (tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính) nếu có yếu tố vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính.
1.3.4. Về mức hậu quả làm căn cứ truv cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 185 - Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết  bị, các chất hoặc phế thải không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
a) “Gây hâu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên (do tiếp xúc với các chất độc hại trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, cất trữ hoặc sử dụng hoặc do hậu quả của việc vận hành các dây chuyền công nghệ gây ô nhiễm gây ra...)
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31%.
- Gây thiệt hại tài sản từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ một người đến năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do tiếp xúc với các chất độc hại trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, cất trữ hoặc sử dụng do hậu quả của việc vận hành các dây chuyền công nghệ ô nhiễm gây ra);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ hai người đến dưới hai mươi người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến đưới 61%;
- Gây thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (kể cả tiền bỏ ra để tiêu huỷ hoặc khắc phục sự cố);
- Gây suy thoái môi trường như gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, đất, không khí.
c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 3 là những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ sáu người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do tiếp xúc với các chất độc hại trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, cất trữ hoặc do hậu quả của việc vận hành các dây chuyền công nghệ gây ô nhiễm gây ra);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ 20 người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61% ; 
- Gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên (kể cả tiền bỏ ra để tiêu huỷ hoặc khắc phục sự cố);
Trong trường hợp có hậu quả chết người (do tiếp xúc với các chất độc hại trong quá trình nhập khẩu, vận chuyển, cất trữ hoặc do hậu quả của việc vận hành các dây chuyền công nghệ gây ô nhiễm gây ra) thì tuỳ từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 98 (tội vô ý làm chết người hoặc theo Điều 99 (tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính) nếu có yếu tố vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính.
1.3.5. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 186 - Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
a) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 10 người đến 50 người với mức tổn hại sức khoẻ đối với mỗi người từ 31% trở lên;
- Gây thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng (bao gồm tiền chi cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả);
b) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là những trường hợp sau đây:
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 50 người trở lên với mức tổn hại sức khoẻ đối với mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên (bao gồm tiền chi cho việc ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả);
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian có chiến tranh, thiên tai;
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm trong lực lượng vũ trang trong thời gian có chiến tranh
- Trong trường hợp có hậu quả chết người thì tuỳ từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 98 (tội vô ý làm chết người hoặc theo Điều 99 (tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính) nếu có yếu tố vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính.
1.3.6. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 187. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.
a) “Gây hậu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người (do ăn phải động thực vật bị nhiễm bệnh) với mức tổn hại sức khoẻ đối với mỗi người từ 31% trở lên;
- Thiệt hại xảy ra có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 50 người đến dưới 70 người (do ăn phải động thực vật bị nhiễm bệnh) với mức tổn hại sức khoẻ đối với mỗi người từ 31% trở lên;
- Thiệt hại xảy ra có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là những trường hợp sau đây:
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho từ 70 người trở lên (do ăn phải động thực vật bị nhiễm bệnh) với mức tổn hại sức khoe đối với mỗi người từ 31% trở lên;
- Thiệt hại xảy ra có giá trị trên 500 triệu đồng.
1.3.7. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 188 - Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.
ạ) “Gây hậu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên (do dùng chất nổ, chất độc...);
- Gây tổn hại cho sức khoẻ cho nhiều người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 11% đến dưới 31%;
- Gây thiệt hại cho các loài thuỷ sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
- Làm giảm đa dạng sinh học hoặc làm mất đi một số loài thuỷ sản quý hiếm trong khu vực đã khai thác trái phép.
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người đến ‘năm người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên (do dùng chất nổ);
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ 2 người đến dưới 20 người mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 31% đến dưới 61%;
- Gây thiệt hại cho các loài thuỷ sản có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Làm cho các loài thuỷ sản quý hiếm phải dời đi cư trú nơi khác do sử dụng các loại chất nổ hoặc hoá chất độc hại để khai thác thuỷ sản.
c) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 3 là những trường hợp sau đây:
- Gây tổn hại sức khoẻ cho từ 6 người trở lên mà tỷ lệ thương tật đối với mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thiệt hại cho các loài thuỷ sản có giá trị từ 500 triệu đồng;
- Làm mất tính đa dạng sinh học, phá huỷ nơi cư ngụ của các loài thuỷ sản.
1.3.8. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 189 - Tội huỷ hoại rừng.
a) “Gây hậu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây thiệt hại về tài sản từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
- Huỷ hoại từ 2ha đến dưới 5ha đối với rừng sản xuất; từ 1ha đến dưới 3 ha đối với rừng phòng hộ; từ 0,8ha đến dưới l,5ha đối với rừng đặc dụng.
b) “Diện tích rừng lớn”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Huỷ hoại từ 5ha đến dưới 10ha đối với rừng sản xuất; từ 3ha đến dưới 5 ha đối với rừng phòng hộ; từ l,5ha đến dưới 3ha đối với rừng đặc dụng.
c) “Diện tích rừng đặc biệt lớn”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 3 là những trường hợp sau đây:
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng trở lên;
- Huỷ hoại từ 10ha trở lên đối với rừng sản xuất; từ 5ha trở lên đối với rừng phòng hộ; từ 3ha trở lên đối với rừng đặc dụng.
1.3.9. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 190 - Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
a) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” nói tại điểm đ khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Săn bắn, giết, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm với những mức sau đây:
+ Động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB từ 03 con đến 05 con;
+ Động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IIB từ 05 con đến 07 con;
+ Giá trị lâm sản như xương, da, sừng, ngà voi, thịt, mật gấu, tiêu bản có giá trị từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo giá thị trường ở địa phương;
- Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chỉ để khắc phục hậu quả từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
b) “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nói tại điểm đ khoản 2 là những trường hợp sau đây:
- Săn bắn, giết, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm với những mức sau đây:
+ Động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB từ 05 con trở lên;
+ Động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IIB từ 07 con trở lên;
+ Giá trị lâm sản như xương, da, sừng, ngà voi, thịt, mật gấu, tiêu bản có giá trị trên 20 triệu đồng theo giá thị trường ở địa phương;
- Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do phải chi để khắc phục hậu quả từ 300 triệu đồng trở lên.
1.3.10. Về mức hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản của Điều 191 - Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên.
a) “Gây hậu quả nghiêm trọng” nói tại khoản 1 là một trong những trường hợp sau đây:
- Khai thác các nguồn lợi sinh vật không đúng thời vụ, địa bàn và sử dụng công cụ, phương tiện khai thác huỷ diệt hàng loạt, làm tổn hại tính đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái;
- Gây thiệt hại tài sản do phải chi để khắc phục hậu quả từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
b) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” nói tại khoản 2 là một trong những trường hợp sau đây:
- Gây nguy cơ tuyệt chủng hoặc gây tuyệt chủng một hoặc một số loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm;
- Gây thiệt hại tài sản do phải chi để khắc phục hậu quả từ 300 triệu đồng trở lên.
2. Hoàn thiện các quy định về tội phạm môi trường trong tương lai.
2.1. Điều chỉnh tối đa, rõ ràng cụ thể về mặt pháp luật hình sự những vấn đề quan trọng liên quan đến các tội phạm về môi trường
Phương hướng hoàn thiện này thể hiện ở những khía cạnh, nội dung sau:
- Quy định một cách chính xác tối đa giới hạn giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm về môi trường và hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường không bị coi là tội phạm. Vấn đề này không chỉ có ý nghĩa pháp lý quan trọng mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, môi trường to lớn. Về nguyên tắc, giới hạn giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm về môi trường và hành vi không bị coi là tội phạm trong lĩnh vực này phải được Bộ luật Hình sự quy định và quy định rõ ràng chứ không nên giao quyền đó cho các cơ quan khác phân định, đặc biệt là các cơ quan áp dụng pháp luật, ơ đây việc nhận thức và quy định rõ khái niệm tội phạm về môi trường và vi phạm pháp luật hành chính về môi trường có ý nghĩa rất quan trọng. Nghiên cứu 10 tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự hiện hành cho thấy vấn đề này chưa được nhà lập pháp nước ta quy định rõ, chưa cụ thể mà giành quyền đó cho các cơ quan khác. Đó là một chỗ hỏng cần phải được khắc phục.
- Quy định rõ ràng, cụ thể, chính xác các cấu thành tội phạm về môi trường, bởi vì điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm tính ổn định, tính thống nhất của hoạt động áp dụng pháp luật. Tính rõ ràng, cụ thể, chính xác đề cập đến tất cả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm về môi trường, đặc biệt là các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan và khách quan. Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội phạm về môi trường cho thấy có một số điều luật quy định tội phạm về môi trường có các dấu hiệu quá chung chung, không rõ ràng, cụ thể, chính xác bởi vậy rất khó có được nhận thức chung trong việc giải thích pháp luật và do vậy, đương nhiên làm cho các cơ quan áp dụng pháp luật khó áp dụng. Việc hoàn thiện các dấu hiệu cấu thành tội phạm về môi trường theo hướng nêu trên phải dựa vào thành tựu phát triển của khoa học môi trường, vào các phạm trù, khái niệm của lĩnh vực khoa học đó.
- Giải thích tốt về mặt lập pháp mối tương quan của luật và quyền phán quyết của Toà án, tức là phải quy định rõ giới hạn có căn cứ về quyền tư pháp quyết của Toà án. Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội phạm về môi trường cho thấy nhà làm luật chưa giải quyết tốt mối tương quan nói trên. Điều đó thể hiện ở chỗ các quy định về các tội phạm về môi trường quy định các khái niệm đánh giá quá chung chung, quá rộng. Chẳng hạn, như khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Để bảo đảm tính tối cao của luật, tính thống nhất của việc áp dụng nó, chúng tôi cho rằng trong lĩnh vực các tội phạm về môi trường, nhà làm luật cần thu hẹp quyền tự phán quyết của Toà án trong việc định tội danh. Điều này lại càng có ý nghĩa lớn đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay, khi mà đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố và xét xử chưa có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực môi trường.
2.2. Tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực môi trường
Như chúng ta đã biết pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật hình sự do các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá đạo đức... quyết định. Do vậy, khi trong xã hội có những biến đổi về các mặt nói trên, tất yếu dẫn đến việc cần phải thay đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với các điều kiện đó. Trong thời gian qua, đặc biệt trong tiến trình đổi mới, ở xã hội chúng ta có những biến đổi to lớn về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội... Chính cái đó quyết định sự cần thiết phải thay đổi hoặc bổ sung các quy định của pháp luật hình sự có liên quan đến việc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều đó được thể hiện rất rõ trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Như vậy, quá trình tội phạm hoá là do nhu cầu phát triển về mọi mặt của xã hội quyết định, nó là sự phản ánh, là kết quả của quá ưình đó.
Trong lĩnh vực môi trường, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến lĩnh vực đó. So với Bộ luật Hình sự năm 1985, trong lĩnh vực này Bộ luật Hình sự năm 1999 có nhiều quy định về các tội phạm mới. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và ngày càng sử dụng một cách rộng rãi hơn công cụ pháp lý hình sự để bảo vệ lĩnh vực đó. Đây là hướng phát triển hợp quy luật của pháp luật hình sự.
Tuy vậy, nghiên cứu diễn biến của các quan hệ môi trường đã và đang diễn ra ở xã hội nước ta cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự và các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm đó (tuy rằng đã có sự tiến bộ rất lớn so với trước đây) cho thấy rằng việc bảo vệ bằng các quy định của pháp luật hình sự đối với các quan hệ đó vẫn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết chiều sâu và chiều rộng của loại quan hệ đang phát triển rất nhanh đó. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường cần được tiến hành theo hướng tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực này. Việc tội phạm hoá trong lĩnh vực này có thể được tiến hành bằng hai cách sau: 1) tội phạm hoá một số hành vi mới, nguy hiểm lớn cho xã hội xâm phạm lĩnh vực môi trường, nảy sinh trong quá trình phát triển của xã hội; 2) tội phạm hoá lại những hành vi đã được luật hình sự hiện hành coi là tội phạm về môi trường, nhưng do sự thay đổi của tình hình mà hành vi đó có tính chất nguy hiểm lớn hơn cần quy định lại và tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với chúng. Việc tội phạm hoá trong lĩnh vực này cần theo hướng phân họá cao hơn, tức là cần quy định nhiều tội phạm hơn theo sự xâm hại đến các yếu tố của môi trường.
2.3. Định lượng hoá một số dấu hiệu của các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự
Trong tất cả các quy định của chương XVII Bộ luật Hình sự năm 1999 đều có sử dụng ba phạm trù có tính chất đánh giá là: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” với tư cách là các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm tăng nặng đặc biệt. Việc quy định các dấu hiệu đó là các dấu hiệu bắt buộc của các cấu thành tội phạm tương ứng là hoàn toàn đúng đắn. Song, nếu như chỉ dừng lại quy định một cách khái quát như vậy mà không chỉ rõ những hậu quả đặc trưng chủ yếu nhất và điển hình nhất do các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường gây ra và không định lượng rõ ràng về mặt lập pháp các giới hạn (tiêu chí) cụ thể của ba phạm trù nêu trên thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong việc áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự.
Việc định lượng hoá các dấu hiệu (ba phạm trù nói trên) của các tội phạm về môi trường, một mặt, làm cơ sở cho việc phân định các tội phạm về môi trường với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, và mặt khác, là căn cứ để phân đinh các khung hình phạt trong từng tội phạm về môi trường. Điều đó cho thấy rằng việc định lượng hoá các dấu hiệu của các tội phạm về môi trường trong sự tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường là yêu cầu mang tính nguyên tắc. Việc làm rõ các mức độ hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra và quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ tránh được sự tuỳ tiện, sự không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật. Do vậy, đây là một nội dung quan trọng, một hướng của việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm về môi trường.
Việc định lượng hoá các dấu hiệu nói trên của các cấu thành tội phạm về môi trường là vấn đề rất phức tạp, bởi lẽ nó không chỉ đề cập đến những vấn đề pháp lý mà còn liên quan đến những vấn đề môi trường rộng lớn. Do vậy, việc định lượng hoá đó cần phải dựa vào những cơ sở nhất định. Đó là,
Thứ nhất, việc định lượng hoá ở mức độ phân biệt tội phạm về môi trường với vi phạm hành chính về môi trường và ở mức độ phân biệt các khung hình phạt các tội phạm về môi trường phải được tiến hành dựa vào các hiểu biết của khoa học môi trường và của khoa học pháp lý vững chắc. Trong đó, các hiểu biết pháp lý hình sự cho phép xác định loại tội phạm, các dấu hiệu cơ bản của tội phạm và khung hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, còn các hiểu biết của khoa học môi trường cho phép xác định các dấu hiệu liên quan đến các lĩnh vực môi trường cụ thể, xác định được các loại và mức thiệt hại về mặt môi trường do hành vi phạm tội gây ra, thiệt hại về sinh thái, về đa dạng sinh học, về cảnh quan, thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ của con người...
Thứ hai, để bảo đảm tính tương thích giữa các khung hình phạt của các hành vi phạm tội tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của các hành vi đó, cần phải định lượng rõ các yếu tố có tính khách quan của tội phạm như giá trị, tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính chất và mức độ hậu quả, các yếu tố có tính chủ quan của tội phạm như tính chất của động cơ, mục đích phạm tội. Trong những trường hợp đặc biệt khi các thành tựu của khoa học môi trường chưa cho phép định lượng được một cách rõ ràng thì lúc đó các dấu hiệu của các tội phạm về môi trường mới dừng lại ở mức định tính.
Việc định lượng hoá các dấu hiệu (các dấu hiệu đang nói ở đây là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”) cần phải dựa vào các hiểu biết mà khoa học môi trường đưa ra. Các hiểu biết đó giúp chúng ta xác định tính chất, mức độ, các loại thiệt hại môi trường do hành vi phạm tội gây ra, đưa ra những công cụ, nguyên tắc để xác định hiện trạng môi trường, xác định sự tác động ảnh hưởng của hành vi phạm tội đối với các yếu tố cấu thành cụ thể của môi trường hoặc đối với toàn bộ môi trường.
Việc định lượng các thiệt hại về môi trường là một trong những vấn đề rất phức tạp và khó khăn vì những lý do sau đây:
- Thiệt hại về môi trường rất khó được chứng minh đầy đủ. Bởi vì môi trường là tổng hợp các điều kiện sống của con người cũng như của hệ sinh vật, nên nó cấu thành bởi rất nhiều yếu tố (nhiều thành phần) khác nhau, các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau và tác động tương hỗ lẫn nhau và cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đến tài sản của họ. Việc gây ra những thiệt hại cho thành phần môi trường này có thể sẽ đồng thời làm cho một hoặc vài thành phần môi trường khác bị tổn hại và nguy hiểm hơn là gây thiệt hại hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho sức khoẻ của con người và tài sản của họ. Như vậy, điều đó cho thấy rằng hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường có thể gây ra nhiều loại thiệt hại khác nhau. Việc xác định thiệt hại tổng thể do tội phạm về môi trường gây ra đòi hỏi phải xuất phát và dựa vào việc xác định các thiệt hại cụ thể đối với từng thành phần môi trường, thiệt hại đối với tài sản, thiệt hại đối với sức khoẻ, tính mạng của con người.
- Hậu quả mà con người phải gánh chịu từ hành vi ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường có thể trực tiếp và có thể gián tiếp hoặc do sự cộng hưởng của những nguyên nhân khác. Môi trường là đối tượng khai thác, sử dụng của rất nhiều người, vì vậy trên thực tế có những thiệt hại về môi trường có thể do sự tác động đồng thời của nhiều người, nhiều nguyên nhân gây nên (dù rằng với những mức độ tác động khống giống nhau) và các tác động này thường mang tính tiềm ẩn, đan xen nhau. Vấn đề quan trọng là phải chỉ rõ trong các thiệt hại đó có các thiệt hại nào là thiệt hại do việc thực hiện các tội phạm về môi trường gây ra. Việc xác định thiệt hại đó lại gặp khó khăn nhiều hơn trong trường hợp khi những thiệt hại về môi trường do hành vi phạm tội gây ra lại nằm trong số các thiệt hại do sự cố môi trường, sự biến môi trường gây ra. Vì vậy, việc xác định việc thực hiện tội phạm về môi trường có phải là nguyên nhân gây tổn hại cho sức khoẻ và tính mạng của con người đòi hỏi phải dựa vào cả những yếu tố dịnh lượng lẫn những yếu tố định tính.
- Trong một số trường hợp không thể xác định được ngay mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra, bởi vì hậu quả xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân gây ra (đã nói ở trên) hoặc hậu quả không xảy ra ngay sau khi hành vi phạm tội đã được thực hiện mà phải trải qua một thời gian rất dài mới nảy sính, xuất hiện, ví dụ: các trường hợp bị nhiễm chất phóng xạ, chất độc hoá học...
- Các tiêu chí xác định tính chất ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi vi phạm pháp luật môi trường ở nước ta chưa được hình thành, chẳng hạn như việc phân loại thiệt hại môi trường, tính chất, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của các thiệt hại này đến môi trường và đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Để khắc phục những khó khăn đó, việc xác định thiệt hại về môi trường cần phải tuân theo một số nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, con người là trung tâm, là mục đích hàng đầu của việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào làm thay đổi chất lượng môi trường cũng bị coi là nghiêm trọng, nếu nó gây nguy hại đến tính mạng và sức khoẻ của con người và đặc biệt nghiêm trọng nếu gây nguy hại đến tính mạng và sức khoẻ của cộng đồng người.
Thứ hai, xuất phát từ đặc tính của môi trường là vừa mang giá trị kinh tế, vừa mang giá trị xã hội, giá trị nhân văn (ví dụ như: cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử...), cho nên không phải trong mọi trường hợp đều lấy tổn thất về giá trị kinh tế làm thước đo mức độ thiệt hại về môi trường. Khi xác định thiệt hại cần phải dựa vào sự kết hợp xem xét vai trò, vị trí, tầm quan trọng của từng thành phần môi trường đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đối với những thiệt hại có tính “vô hình” như vậy việc xác định mức độ thiệt hại về môi trường không nhất thiết phải được định lượng.
Thứ ba, thiệt hại vật chất về môi trường phải được hiểu là khái niệm tổng thể được hợp thành từ ba yếu tố:
- Tổn thất thực tế, như tổn hại trong môi trường thiên nhiên, những chi phí cho việc phục hồi lại tình trạng ban đầu đã bị phá hoại v.v...;
- Tổn thất dưới dạng các chi phí không sử dụng được, những chi phí bổ sung và;
- Tổn thất dưới dạng các thu nhập không nhận được (lợi nhuận bị mất).
Mặt khác, việc xác định thiệt hại về môi trường do hành vi phạm tội gây ra không có nghĩa chỉ là xác định thiệt hại thực tế đã xảy ra mà còn phải xác định cả những thiệt hại mang tính tiềm tàng, các thiệt hại tất yếu sẽ xảy ra. Những thiệt hại có tính đương nhiên, tất yếu (mặc dù chưa xảy ra vào thời điểm hành vi phạm tội đã được thực hiện, nhưng được các nhà khoa học kết luận về khả năng sẵn có của nó) cũng phải coi là một yếu tố cấu thành thiệt hại do tội phạm gây ra.
Thứ tư, xuất phát từ thực tế là các hành vi vi phạm pháp luật môi trường đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do vậy quan điểm đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cần phải được thể hiện rõ trong quan, điểm đánh giá mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Suy thoái và ô nhiễm môi trường có tính chất đặc biệt được thể hiện ở chỗ là hậu quả của hành vi gây ô nhiễm và suy thoái môi trường thường kéo dài, khó khắc phục hoặc rất tốn kém mới khắc phục được. Do vậy, việc định lượng khung hình phạt của các tội phạm về môi trường vừa phải nhằm mục đích phòng ngừa là chính, đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm khắc của Nhà nước, của cộng đồng đối với các hành vi phạm tội đã được thực hiện. Phòng ngừa và xử lý là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau trong xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội và mối liên hệ này cần được đặc biệt chú trọng trong định lượng khung hình phạt của các tội phạm về môi trường.
Trong quá trình định lượng các thiệt hại về môi trường cần phải dựa vào các đặc điểm, nội dung, các biểu hiện cụ thể của các loại thiệt hại về môi trường. Các tội phạm về môi trường gây ra nhiều loại thiệt hại khác nhau, do vậy, cần phải phân loại để nhận thức chúng một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc định lượng chúng.
Thiệt hại về môi trường có thể phân theo nhiều tiêu chí khác nhau. Mỗi tiêu chí phân loại đều có ý nghĩa nhất định đối với việc định lượng khung hình phạt của các tội phạm về môi trường. Các tiêu chí đó được thể hiện như sau;
- Căn cứ vào đối tượng bị gây thiệt hại về môi trường được chia thành: thiệt hại đối với sức khoẻ, tính mạng của con người; thiệt hại về tài sản; thiệt hại đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái; thiệt hại do mất hoặc giảm giá trị cảnh quan.
- Căn cứ vào khoảng thời gian mà hành vi phạm tội gây ra hậu quả đối với môi trường, đối với tài sản, đối với sức khoẻ và tính mạng của con người, thiệt hại về môi trường được chia thành: thiệt hại trước mắt, thiệt hại lâu dài; thiệt hại thực tế, thiệt hại tiềm tàng...
- Căn cứ vào mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra, thiệt hại về môi trường được phân thành: thiệt hại trực tiếp, thiệt hại gián tiếp, thiệt hại thứ sinh, thiệt hại phát sinh.
Trong các tiêu chí phân loại nói trên, tiêu chí thứ nhất có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xác định các loại thiệt hại cần phải được xác định, cần phải được định lượng.
Thực tiễn cho thấy rằng các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, đặc biệt các tội phạm về môi trường đã và có thể gây ra các loại thiệt hại như nói ở tiêu chí thứ nhất. Các thiệt hại đó được thể hiện cụ thể như sau:
Thiệt hại đối với sức khoẻ và tính mạng của con người thể hiện ở chỗ khi cơ thể con người hấp thụ hoặc bị tác dộng bởi các chất độc hại do tội phạm về môi trường gây ra mà sinh ra bệnh tật hoặc các thương tổn khác. Ví dụ, do con người hấp thụ các chất độc loại như Dioxin, Pb, Hg, S02, N02, CO, C6 H6, Metanol, to luen. Xya nua, Formaldehyte... mà dẫn đến tử vong hoặc tổn hại đến sức khoẻ. Các loại bệnh hoặc thương tổn đối với sức khoẻ của con người có thể bao gồm: ung thư, mất khả năng sinh sản, mất khả năng thính giác, nấm ngoài da, viêm họng các bệnh cấp tính và mãn tính về đường hô hấp, về đường tiêu hoá
Thiệt hại về tài sản thể hiện ở chỗ do môi trường sống của hệ sinh vật bị ô nhiễm, suy thoái mà làm giảm năng xuất cây trồng, vật nuôi (cá tôm bị chết do ô nhiễm nguồn nước, do bị đánh bắt hàng loạt; lúa, hoa màu, cây cối bị chất do ô nhiễm, đất, ô nhiễm không khí, do côn trùng phá hoại...), các hoá chất độc hại, chất a xít phá huỷ, ăn mòn các nguyên liệu, kim loại (các công trình xây dựng, phương tiện giao thông bị hư hại...).
Thiệt hại đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái thể hiện ở chỗ do tài nguyên thiên nhiên bị khai thác một cách quá mức mà rừng bị tàn phá, nguồn nước bị cạn kiệt, động, thực vật quý hiếm bị sát hại, sinh vật nước và các loài nhạy cảm bị huỷ diệt, suy giảm đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, tai biến sinh thái...
Thiệt hại do mất hoặc giảm giá trị cảnh quan thể hiện ở chỗ do có hành vi phạm tội mà cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, bị thu hẹp; danh lam thắng cảnh bị tàn phá; di tích lịch sử bị huỷ hoại (khu du lịch, khu vui chơi, giải trí bị thu hẹp, nhiễm bẩn, ô uế, có mùi hôi thối; khu di tích bị lấn chiếm, phá vỡ...).
Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu không xác định được một cách chính xác các mức độ thiệt hại đã, đang và sẽ xảy ra, thì người ta có thể căn cứ vào tình trạng môi trường để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Theo quan điểm của một số nhà khoa học thì tương ứng với ba cấp độ của tình trạng môi trường: môi trường bị ô nhiễm; môi trường bị suy thoái và sự cố môi trường là các mức độ tương ứng của các hành vi vi phạm: bình thường, đáng kể, nghiêm trọng.
Nghiên cứu tính chất, khả năng của các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường và các loại thiệt hại do từng hành vi phạm tội cụ thể gây ra cho thấy có những tội phạm gây ra 4 loại thiệt hại nói trên, có những tội phạm chỉ gây ra 1,2 hoặc 3 loại thiệt hại trong số 4 loại thiệt hại nói trên. Sơ đồ sau đây thể hiện hậu quả có thể xảy ra của 10 tội phạm đã được quy định ở chương XVII của Bộ luật Hình sự.
Tội phạm Những loại thiệt hại
Thiệt hại về người Thiệt hại về tài sản Thiệt hại về môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học Thiệt hại về giá trị cảnh quan
Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182) X X X X
Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183) X X X X
Tội gây ô nhiễm đất (Điều 184) X X X X
Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc... (Điều 185) X
Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186) X
Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187) X X
Tội huỷ hoạt nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188) X X
Tội huỷ hoại rừng (Điều 189) X X X
Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190) X X X
Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191) X X
 
Một trong những vấn đề quan trọng của việc định lượng dấu hiệu hậu quả trong các tội phạm về môi trường là dựa vào những căn cứ nào để có thể xác định mức độ thiệt hại về môi trường. Chúng tôi cho rằng cần phải có quan điểm phân hoá, cụ thể trong việc đưa ra các căn cứ để xác định mức độ thiệt hại của từng loại thiệt hại về môi trường. Theo đó, mức độ thiệt hại về môi trường cần được xác định như sau:
Đối với thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ cần dựa vào:
- Số lượng người bị chết;
- Số lượng người bị gây tổn hại về sức khoẻ;
- Tỷ lệ thương tích (tổn hại sức khoẻ);
- Loại bệnh (bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính).
Đối với thiệt hại về tài sản được quy giá trị thiệt hại bằng tiền cần dựa vào:
- Quy mô, phạm vi, diện tích bị thiệt hại;
- Mức độ thiệt hại, sau khi đã trừ đi tỷ lệ giảm sút về năng suất do các yếu tố khác gây ra như thời tiết, sâu bệnh... (đối với cây trồng, vật nuôi); tỷ lệ hao mòn vô hình và hữu hình (đối với công trình, phương tiện giao thông), cụ thể: b1 - thiệt hại đến 25%; b2 - thiệt hại đến 50%; b3 - thiệt hại đến 75%; b4 - thiệt hại đến 100%.
Đối với thiệt hại về môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học cần dựa vào:
- Số lượng tài nguyên thiên nhiên bị huỷ hoại, cụ thể: al - diện tích; a2 - trữ lượng; a3 - số loài;
- Loại tài nguyên, cụ thể: bl - có khả năng tự tái tạo, tự phục hồi; b2 - loại không có khả năng tự tái tạo, tự phục hồi và hiện tại chưa có nguồn tài nguyên khác thay thế; b3 - loại quý hiếm; b4 - loại đặc biệt quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng; b5 - loại có tầm quan trọng đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khác (nơi cư trú của những loài động, thực vật đặc hữu);
- Mức độ đa dạng sinh học, cụ thể: cl - đa dạng về gen; c2 - đa dạng về giống (loài); c3 - đa dạng về hệ sinh thái;
- Vùng trong đó hệ sinh thái tồn tại, cụ thể: dl - vùng nhảy cảm; d2 - vùng ngập mặn; d3 - vùng cửa biển...
Đối với những thiệt hại về giá trị cảnh quan cần dựa vào:
- Loại cảnh quan, cụ thể: al - khu di tích lịch sử được xếp hạng; a2 - vườn quốc gia; a3 - khu bảo tồn thiên nhiên; a4 - công viên quốc gia.
- Giá trị cảnh quan, cụ thể: bl - tầm quốc gia; b2 - tầm quốc tế; b3 - công trình có giá trị lịch sử đặc biệt.
- Tỷ lệ thiệt hại, cụ thể: cl - 25%; c2 - 50%; c3 - 75%; c4 - 100%;
- Khu vực cụ thể trong khu di tích cảnh quan, cụ thể: dl - vùng bảo vệ nghiêm ngặt; d2 - vùng phục hồi sinh thái; d3 - vùng đệm.
2.4. Tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về môi trường và bảo đảm sự tương xứng giữa các chế tài của các tội phạm về môi trường.
Nghiên cứu các hình thức trách nhiệm, mức độ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với các tội phạm về môi trường cho thấy Nhà nước ta đã thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm đó so với Bộ luật Hình sự năm 1985. Tuy vậy, xuất phát từ nhu cầu đấu tranh đối với các tội phạm này trong giai đoạn hiện nay, thì sự nghiêm khắc đó vẫn chưa thoả đáng. Mặt khác, nghiên cứu về các loại và mức chế tài được quy định đối với các tội phạm về môi trường trong chương XVII của Bộ luật Hình sự cũng chỉ rõ rằng nhà làm luật chưa bảo đảm sự tương xứng về mức nghiêm khắc của các chế tài đối với các tội phạm về môi trường. Chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về môi trường cần phải khắc phục các hạn chế nói trên.
Về nội dung thứ nhất cần hoàn thiện theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với khoản 2 ở một số tội phạm về môi trường và tăng mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt tiền ở tất cả các khoản 1 của các điều luật quy định các tội phạm về môi trường. Đặc biệt đối với các tội phạm về môi trường gây ra các loại thiệt hại về tài sản, thiệt hại về môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, thiệt hại về giá trị cảnh quan.
Về nội dung thứ hai, cần cân đối lại mức nghiêm khắc của các chế tài (loại và mức) đối với các tội phạm về môi trường theo hướng là các tội phạm về môi trường (được quy định ở khung cơ bản, khung tăng nặng và khung tăng nặng đặc biệt) có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội tương đối như nhau thì cần quy định những loại và mức chế tài có mức nghiêm khắc giống nhau.
2.5. Bổ sung thêm điều kiện để đủ dấu hiệu cấu thành của điều khoản cơ bản quy định tại: Điều 182 - Tội gây ô nhiễm không khí; Điều 183 - Tội gây ô nhiễm nguồn nước; Điều 184 - Tội gây ô nhiễm đất; Điều 185 - Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; Điều 187- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; Điều 188 - Tội huỷ hoại nguồn nước; Điều 189 - Tội huỷ hoại rừng; Điều 191 - Tội vi phạm các chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên.
- Đối với các điều 182, 183, 184, 185,187, 189 BLHS cần bổ sung thêm tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật”, hoặc “đã bị kết án về tội phạm này chưa được xóa án mà còn vi phạm”.
- Điều 188 bổ sung thêm dấu hiệu “đã bị xử lý kỷ luật”;
- Điều 191 bổ sung thêm dấu hiệu “đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.
2.6. Xác định rõ pháp nhân là chủ thể của các tội phạm về môi trường.
Trong các văn bản pháp luật về xỷ lý hành chính đã quy định các cơ quan, tổ chức khi các cơ quan, tổ chức đó vì lợi ích của cơ quan, tổ chức mình có hành vi vi phạm các quy định về môi trường đều bị xử lý hành chính.
Theo nguyên tắc chung, việc phân biệt tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác là căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội (đối với tội phạm thì tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn các hành vi vi phạm pháp luật khác). Do vậy, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của các tổ chức có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao cũng phải được coi là vi phạm PLHS.
Mặt khác, thực tế ở nước ta và nhiều nước trên thế giới hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường không chỉ do các cá nhân mà còn do tổ chức thực hiện mang tính phổ biến. Các hành vi xâm hại môi trường nói trên của các cơ quan, tổ chức chi bị xử lý bằng các biện pháp khác mà không thể xử lý bằng các biện pháp hình sự, do đó tính cưỡng chế không cao, việc giải quyết các vi phạm không triệt để, từ đó dẫn đến hiện tượng môi trường vẫn tiếp tục bị xâm hại bởi các cơ quan, tổ chức.
Nghiên cứu, khảo sát tình hình vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức ở nước ta, đồng thời tham khảo Luật Hình sự của một số nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, chúng tôi kiến nghị: Đối với tội phạm nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng, BLHS nên quy định cả các cơ quan, tổ chức cũng phải bị truy cứu TNHS khi có hành vi xâm hại môi trường với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao. Do không thể áp dụng các hình phạt như hình phạt tù, chung thân, tử hình v.v. . . nên hình phạt đối với các cơ quan, tổ chức có thể là: Giải thể, phạt tiền, cấm hoạt hoạt động v.v…
2.7. Quy định thêm điều luật khái niệm các tội phạm về môi trường.
Trên cơ sở xác định cụ thể khách thể của các tội phạm về môi trường và mở rộng phạm vi chủ thể không chỉ là cá nhân mà cả đối với pháp nhân, đồng thời để khái quát tội phạm về môi trường căn cứ vào một số dấu hiệu cụ thể đặc trưng cho loại tội phạm này, giải quyết những vấn đề tranh luận, giúp cho các cơ quan Điều tra, truy tố, xét xử áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự được đúng đắn, có cơ sở, tránh nhầm lẫn giữa tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường khác và giữa tội phạm về môi trường với các tội phạm khác. Theo chúng tôi, cần quy định thêm điều luật quy định khái niệm về các tội phạm về môi trường như sau:
Các tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do cá nhân hoặc các cơ quan, tổ chức thực hiện, xâm phạm an toàn sinh thái của xã hội và gây thiệt hại đáng kể cho môi trường thiên nhiên xung quanh và sức khoẻ của con người và các lợi ích khác của trật tự pháp luật môi trường đã quy định.
Các cơ quan tổ chức nói trên là các cơ quan, tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
2.8. Bổ sung một số tội phạm mới.
Trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu và bổ sung một số tội phạm mới. Cụ thể là:
- Tội vận chuyển chất thải, chất phóng xạ trái phép qua biên giới;
- Tội phạm về vũ khí sinh học;
- Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh khi tiến hành sản xuất:
- Tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm cho môi trường:
- Tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hay độc tố sinh học khác;
- Hình sự hoá thêm một số tội danh trong Bộ luật Hình sự của nước ta về một số tội liên quan tới môi trường (mặc dù các hành vi vi phạm này đã được quy định trong một số văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường) như: các hành vi khai thác, buôn bán rễ hồi, móng trâu, bò, dầu xá xị, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc...; các hành vi nhập khẩu các loại vật nuôi (ốc bươu vàng, cá hổ, sâu sống làm thức ăn cho chim cảnh), giống cây trồng (ngô không hạt ở Lâm đồng, khoai tây ghẻ…), các loại hoá chất độc hại (thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng, các hoá chất độc hại trong việc chế biến và bảo quản lương thực, thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của nhân dân) không rõ nguồn gốc...
B. HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG.
Trên cơ sở của Hiến pháp 1992 (sửa đổi), hàng loạt các văn bản luật lần lượt ra đời nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong số đó phải kể đến là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật khoáng sản v.v… Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng ban hành khá nhiều văn bản nhằm hướng dẫn, cụ thể hoá, bảo đảm các quy định của luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn như: Nghị định 175/CP ngày 18.10.1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 26 ngày 26.4.1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 48/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Nghị định số 77/CP ngày 29.11.1996 của Chính phủ về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định số 04/CP ngày 10.1.1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; Thông tư 24H3/TT-KMC ngày 03.10.1996 của Bộ Khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/CP....
Tuy nhiên, so với các quy định của Bộ luật hình sự 1999, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 và yêu cầu của thực tiễn thì các văn bản này đã có những hạn chế, bất cập nhất định.
Nghiên cứu các quy định của Luật bảo vệ môi trường về trách nhiệm đối với các hành vi gây hậu quả môi trường cho thấy các quy định của Luật này đều mang tính nguyên tắc và nằm rải rác ở nhiều nơi (Điều 7, 30, 49, 50, 51, 52). Điều luật chỉ nêu giả định còn phần sau đó đều là “theo quy định của pháp luật”. Các điều luật về bồi thường thiệt hại trong Luật bảo vệ môi trường không quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại mà nêu “bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, “khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”. Nhưng thực tế, những quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại đều có những hạn chế, dẫn chiếu lòng vòng (Luật bảo vệ môi trường thì quy định “bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, Điều 628 Bộ luật dân sự lại quy định “cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”). Vấn đề khôi phục môi trường là một trách nhiệm pháp lý đặc thù, song lại chưa được quy định rõ ràng, những thiệt hại về môi trường do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra cũng chưa được quy định rõ ràng... Đồng thời, Luật bảo vệ môi trường còn thiếu các quy định cụ thể về quyền khởi kiện của tổ chức, cá nhân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về môi trường...
Do vậy, để đảm bảo sự đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
1. Về trách nhiệm hành chính trong Luật bảo vệ môi trường.
- Để tránh sự trùng lắp, các nội dung về trách nhiệm pháp lý (hành chính, kỷ luật, dân sự) của tổ chức, cá nhân cần được quy định tập trung vào một chương (không nên để rải rác như hiện nay).
- Sửa lại Điều 7 để bảo đảm tính chặt chẽ về mặt pháp lý;
- Cần có quy định thống nhất giữa các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên khoáng sản....
- Quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về trách nhiệm khôi phục môi trường cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
- Quy định tương thích giữa mức phạt tiền trong các Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (Nghị định số 26 ngày 26.4.1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định Số 48/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Nghị định số 77/CP ngày 29.11.1996 của Chính phủ về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm san; Nghị định số 04/CP ngày 10.1.1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai) so với Bộ luật hình sự 1999.
2. Cần quy định rõ việc giải quyết tranh chấp dân sự trong lĩnh vực môi trường.
2.1. Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp môi trường;
- Nguyên tắc khuyến khích các bên tranh chấp tự thương lượng và hoà giải ngay tại cơ sở;
- Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền;
- Nguyên tắc ưu tiên các biện pháp nhằm khôi phục tình trạng môi trường bị thiệt hại;
2.2. Về trình tự, thủ tục.
Đối với tranh chấp môi trường phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước về môi trường:
Trước hết, đương sự phải khiếu nại với chính cơ quan nhà nước hoặc cá nhân đã ra quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính mà đương sự có căn cứ cho rằng những quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái với pháp luật về nội dung và thẩm quyền làm xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc khiếu nại thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
Đối với tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ lợi ích cá nhân và bảo vệ lợi ích môi trường chung được giải quyết theo các bước thương lượng, hoà giải và cuối cùng là kiện ra toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
2.3. Về hình thức giải quyết tranh chấp: tuỳ theo tính chất của từng loại vụ việc có thể quy định các hình thức giải quyết theo thủ tục tố tụng tại toà án hoặc phi toà án (thương lượng, hoà giải, trọng tài).
2.4. Về xác định bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
- Xác định các loại thiệt hại, bao gồm thiệt hại về tính mạng sức khoẻ, tài sản, về thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan sinh thái, về văn hoá tinh thần...
- Xác định mức đền bù thiệt hại: ngoài các thiệt hại có thể quy ra để đền bù một cách trực tiếp, các thiệt hại khác được xác định theo các chi phí mà các đơn vị phải trả do không thực hiện xử lý ô nhiễm nhưng chưa đạt tiêu chuẩn bao gồm:
+ Chi phí phục hồi môi trường: được tính theo phần tải lượng ô nhiễm xả ra vượt quá mức cho phép mà lẽ ra các đơn vị phải thực hiện ngăn ngừa, phòng chống.
+ Chi phí đền bù sức khoẻ, tài sản, vui chơi giải trí được xác định trên cơ sở ô nhiễm vượt trội ngày càng nhiều thì thiệt hại gây ra càng lớn. Chi phí này được tính theo tỷ lệ phần trăm với chi phí phục hồi môi trường.
2.5. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây hại tới môi trường.
- Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về các lợi ích cá nhân do hành vi gây hại tới môi trường có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường trực tiếp hoặc khởi kiện theo trình tự tố tụng.
- Đối với lợi ích môi trường chung hoặc lợi ích của cộng đồng dân cư thì những người có lợi ích liên quan có thể cử đại diện đứng ra yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện theo trình tự tố tụng.
C. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính đối với các hành vi xâm hại môi trường là cần thiết, song việc đưa pháp luật vào cuộc sống lại càng cần thiết và phức tạp hơn nhiều. Do vậy, khi xây dựng pháp luật phải tính đến một cách đầy đủ, toàn diện các điều kiện về cơ chế, tổ chức, đội ngũ cán bộ, nguồn lực tài chính và điều kiện vật chất khác nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật. Cần khắc phục tình trạng chờ đợi, thái độ né tránh, địa phương cục bộ, thiếu phối hợp, ở khâu nào chi biết khâu đó, thiếu đồng bộ, nhịp nhàng, lại thiếu nghiêm minh, tuỳ tiện trong xây dựng, thực hiện pháp luật; phải có những biện pháp vận động, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân, tổ chức tốt công tác thi hành, áp dụng pháp luật. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm cho pháp luật được thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ. Chủ động đấu tranh phòng chống các tội phạm về môi trường, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm. Để làm tốt công tác tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống, chúng tôi kiến nghị một số biện pháp bảo đảm thực hiện sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội phạm môi trường.
Hiện nay chúng ta đã có Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng địa phương và cơ sở. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường nói riêng đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhận thấy rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn nặng về tính phong trào, bề nổi, hiệu quả chưa cao, hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa thật sát hợp với nhu cầu, điều kiện của đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, nhất là đối với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thiếu một hệ thống dịch vụ pháp lý đủ mạnh để giúp công dân, doanh nghiệp nắm vững pháp luật, xử sự theo pháp luật trong hoạt động của mình và trong những trường hợp cần thiết phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Mặt khác, thông tin pháp luật chưa kịp thời, chưa cập nhật và chưa thống nhất.
Ngày 17-01-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2003/TT-BTP ngày 14.03.2003 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản này phần nào đã khắc phục được những hạn chế nêu trên trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về môi trường nói riêng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển hệ thống thông tin pháp luật.
Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần có phương hướng giải pháp cụ thể phát triển hệ thống thông tin pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật về môi trường nói chung, pháp luật về đấu tranh phòng chống các tội phạm về môi trường nói riêng và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng của nhân dân đối với hệ thống pháp luật.
Xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn từ 2003 đến 2007. Đa dạng hóa nguồn thông tin pháp luật, kiện toàn mạng lưới thông tin pháp luật, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ thông tin phù hợp với pháp luật. Hình thành Trung tâm thông tin pháp luật Quốc gia, trong đó có chuyên mục về lĩnh vực môi trường và tội phạm môi trường. Tăng cường trao đổi thông tin pháp luật với các tổ chức quốc tế và các quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia là thành viên của ASEAN.
Thành lập Nhà xuất bản tư pháp để đẩy mạnh in ấn, phát hành đầy đủ, chính xác, kịp thời với giá cả phù hợp các văn bản pháp luật, các tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp luật. Xuất bản các ấn phẩm bằng tiếng một số dân tộc thiểu số về eác lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đất đai, bảo vệ đa dạng sinh học...
Các biện pháp cụ thể:
(1) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác PBGDPL về môi trường
Sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác PBGDPL về môi trường tập trung ở các vấn đề:
- Đưa ra mục tiêu, định hướng nội dung va xác định đối tượng cần giáo dục pháp luật về môi trường trong từng thời kỳ cho phù hợp;
- Xác định vị trí, trách nhiệm của các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể trong hoạt động PBGDPL về môi trường: chỉ đạo việc đưa công tác PBGDPL về môi trường đối với cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước, chỉ đạo triển khai hoạt động PBGDPL về môi trường rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc lãnh dạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PBGDPL về môi trường theo các định hướng đã xác định.
(2) Xác định cụ thể các định hướng PBGDPL về môi trường ở các đơn vị, địa phương. Trong đó tập trung vào:
- Xác định và phân loại rõ các đối tượng cần PBGDPL về môi trường như: cán bộ, viên chức nhà nước, cán bộ quản lý và công nhân trong các doanh nghiệp, nông dân, thanh niên, sinh viên, học sinh, các tầng lớp nhân dân.
- Lựa chọn nội dung hình thức và biện pháp PBGDPL về môi trường phù hợp với từng loại đối tượng.
- Kết hợp chặt chẽ đồng bộ giữa PBGDPL về môi trường với thi hành pháp luật về môi trường.
- Xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật về môi trường.
- Đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cần thiết để đảm bảo hoạt động PBGDPL về môi trường có hiệu quả.
(3) Xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường dài hạn và hàng năm
Trên cơ sở định hướng công tác tuvên truyền PBGDPL về môi trường ở đơn vị, địa phương đã được xác định, cơ quan chức năng dự thảo kế hoạch dài hạn và ngắn hạn để PBGDPL về môi trường. Trong kế hoạch phải xác định cụ thể đối tượng, nội dung, biện pháp, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện, tiến độ, thời gian thực hiện.
(4) Sử dụng tổng hợp các phương tiện, biện pháp tuyên truyên PBGDPL về môi trường. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí , đài phát thanh, truyền hình (xây dựng chuyên trang, chuyên mục, viết tin, bài...), kể cả hình thức văn hoá, nghệ thuật khác để PBGDPL về môi trường.
(5) Tăng cường phối hợp tổ chức công tác PBGDPL về môi trường giữa các đơn vị, địa phương, đưa giáo dục pháp luật về môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tỏ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Liên đoàn động... trong công tác PBGDPL về môi trường cho các thành viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức này.
2. Kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực áp dụng pháp luật của các cơ quan quản lý về môi trường và các cơ quan tư pháp.
Trong thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã được kiện toàn một bước. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường vẫn còn nhiều vấn để cần giải quyết như: tổ chức quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương còn quá mỏng, thiếu hẳn tổ chức cần thiết ở cấp cơ sở (cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn). Đội ngũ cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn...
Do vậy, Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI đã thông qua việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan Nhà nước về bảo vệ môi trường với việc thiết lập Bộ Tài nguyên và môi trường. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đang được bố trí, sắp xếp lại từ trung ương đến địa phương. Chắc chắn việc kiện toàn này sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý.
Đồng thời, trong thời gian tới chúng ta cũng cải cách tổ chức của cơ quan tiến hành tố tụng với trọng tâm là sắp xếp lại Toà án theo nguyên tắc hai cấp xét xử, mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện đối với các tội phạm về môi trường; bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên kiến thức pháp luật về môi trường và tội phạm môi trường cho cán bộ quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ pháp chế Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn đối với đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường. Cụ thể như sau:
- Thường xuyên đào tạo, nâng cao kiến thức về môi trường cho những cán bộ công tác liên quan đến lĩnh vực này.
- Thành lập và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường ở từng xã, thôn cho đến huyện, tỉnh, thành phố.
- Nâng cao kiến thức về môi trường cho các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về môi trường.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra môi trường; thành lập các bộ phận thanh tra môi trường tương ứng tại các quận, huyện, phường, xã, khu công nghiệp tập trung, tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ, tăng cường năng lực kỹ thuật và kinh phí phục vụ cho các hoạt động thanh tra môi trường.
- Cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ cho những cán bộ trực tiếp bảo vệ môi trường, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kiểm lâm.
- Có chế độ ưu đãi, khuyến khích những cán bộ làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa...
3. Tăng cường ký kết hoặc gia nhập các Công ước quốc tế trong lĩnh vực tội phạm về môi trường.
Toàn cầu hoá, hợp tác và cạnh tranh là xu thế khách quan trong thập kỷ này và trong những thập kỷ tới, đòi hỏi Nhà nước ta phải tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Quan điểm chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm cần được quán triệt sâu sắc trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Hệ thống pháp luật hình sự nói chung và pháp luật về tội phạm môi trường nói riêng cần phải hài hoà với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời phải nội luật hoá các cam kết quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động hội nhập và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào việc gia nhập các điều ước quốc tế như: Công ước Liên hợp quốc năm 2000 về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước quốc tế năm 1997 về chống hành vi khủng bố quốc tế bằng bom; Công ước năm 1980 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân; Công ước năm 1991 về đánh dấu chất nổ dẻo nhằm mục đích kiểm tra...
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các cam kết, chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia nhằm hài hoà hoá các quy định pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, bảo đảm cho việc thực hiện các cam kết quốc tế. 
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần khẩn trương ban hành Luật về ký kết, thực hiện điều ước quốc tế trong đó quy định rõ quy trình, cơ chế chuyển hoá các quy phạm của điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật Việt Nam và quy định điều kiện, thủ tục thi hành điều ước quốc tế tại Việt Nam.
4. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về môi trường
Nhà nước cần có chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường. Cụ thể như sau:
- Tổ chức, tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về môi trường để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm cũng như đúc rút các bài học về bảo vệ môi trường. Hơn nữa qua đó còn bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề môi trường với các nước trên thế giới.
- Tận dụng các nguồn tài trợ quốc tế, đặc biệt là Quỹ Môi trường toàn cầu; thành lập và nhanh chóng vận hành Quỹ Môi trường quốc gia và quỹ ở các địa phương nhằm huy động, tiếp nhận và cho vay vốn phục vụ mục đích bảo vệ môi trường
- Tăng cường hợp tác về đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về môi trường. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút nhiều hơn nữa các dự án của các Chính phủ, tổ chửc phi Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường (các khu bảo tồn quốc gia, bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm...).
- Cần tạo điều kiện cho cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường quan hệ đối ngoại, học hỏi khảo sát kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào thực tế của Việt Nam, nâng cao hiệu lực bảo vệ pháp luật.
 
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAO KHẢO 
1. Các văn kiện của Đảng có liên quan:
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX;
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010;
- Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Các văn bản pháp luật về môi trường:
- Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1946, 1959, 1980 và năm 1992.
- Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1985 và 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1989 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Luật Bảo vệ môi trường, năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Bảo vệ và phát triển rừng, năm 1991; Luật Đất đai, năm 1993 và Luật sửa đổi một số điều Luật Đất đai năm 1998; Luật Tài nguyên nước, năm 1998; Luật Khoáng sản, năm 1996; Pháp lệnh Thú y, năm 1996; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 ... và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Các công trình khoa học:
- Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia - Bộ khoa học Công nghệ và môi trường - tháng 6/2000.
- Báo cáo tổng thuật đề tài khoa học cấp bộ “Tội phạm về môi trường - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” - Vụ pháp chế, Bộ Công an (Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Đình Nhã) năm 2002;
- Báo cáo tổng thuật “Môi trường và sức khoẻ ở Việt nam 30 năm sau chiến tranh”, Hội thảo Việt - Mỹ về chất Piorxin - Hà Nội 2002, Giáo sư Hoàng Đình Cần.
- Báo cáo tham luận tại Hội thảo quốc tế về môi trường “Chiến tranh hoá học 1961-1971 đối với tài nguyên rừng Nam Việt Nam” - Phùng Tửu Bôi và Trần Quốc Dũng.
- Báo cáo khoa học “Nguyên nhân suy thoái môi trường rừng, đa dạng sinh học và những giải pháp khắc phục” - Cục Kiểm sát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Vấn đề tội phạm hoá một số hành vi xâm hại tới môi trường trong Bộ luật hình sự hiện hành - Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 6/2001;
4. Các tài liệu tham khảo khác:
- Các Giáo trình luật hình sự, luật môi trường, Luật công pháp của các Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa luật trường Đại học quốc gia; 
- Các tạp chí khoa học: Tạp chí Lập pháp, Tạp chí Nhà nước và pháp luật; Tạp chí Dân chủ và pháp luật; Tạp chí Luật học .v.v.
5. Các tư liệu nước ngoài
- Công ước Liên hợp quốc ngày 9/12/1948 về phòng ngừa và chống tội diệt chủng, Nxb Pháp lý, năm 1997.
- Bộ luật hình sự Liên bang Nga. NXB sách pháp lý, Moskva, 1996 (tiếng Nga). Xem các Điều 242-258 của bản dịch Dự thảo Bộ luật hình sự Nga năm 1995 đăng số chuyên đề “về luật hình sự của một số nước trên thế giới” của Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 1998, Tr.114-119).
- Bộ luật hình sự CHLB Đức.
- Bộ luật hình sự Trung Quốc.
- Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của Singapore. 
' 11 Xem Khoản 3 Điều 247 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.
 
File đính kèm downloadTải về