• Thuộc tính
Tên đề tài Hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và khả năng xã hội hoá
Nội dung tóm tắt

Đề tài tập trung làm rõ ba nội dung chủ yếu:

  • Một số vấn đề lý luận cơ bản về giám định tư pháp (đặc biệt là bản chất giám định tư pháp) và xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp;
  • Đánh giá tình hình hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng từ năm 1997 đến nay qua một số lĩnh vực chuyên môn;
  • Khả năng xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp và đề xuất một số giải pháp nhằm xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 

Nội dung toàn văn

LỜI NÓI ĐẦU

 

Cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc triển khai chủ trương này đánh dấu bằng Nghị quyết Trung ương 8 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX, X và đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật đã được đặc biệt chú trọng, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Xác định cải cách tư pháp phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới hoạt động, lập pháp và hành pháp, phát huy sức mạnh của quyền lực nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng; quán triệt “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân. Từng bước thực hiện xã hội hoá một số hoạt động của cơ quan tư pháp”.

  1. Tính cấp thiết của đề tài

Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, xuất hiện và tồn tại do nhu cầu của hoạt động tố tụng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Thông qua việc đánh giá, kết luận về phương diện chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án, hoạt động giám định đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động tố tụng, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học, góp phần giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, yếu tố kỹ thuật chuyên môn của hành vi phạm tội và các tranh chấp trong các vụ án ngày càng nhiều và phổ biến thì nhu cầu về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng ngày càng lớn và bức thiết hơn.

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, việc đổi mới và hoàn thiện các tổ chức bổ trợ tư pháp nói chung và giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Cụ thể hoá chủ trương từng bước hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp. Sớm hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp, “...Phát triển và kiện toàn đội ngũ giám định viên... có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…”, trong thời gian qua Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp trong thời gian qua cũng có những bước tiến đáng kể, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, đáp ứng phần nào yêu cầu của thực tiễn.

Hoạt động giám định tư pháp ở nước ta nói chung và trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đặc biệt là việc xác định phạm vi, đối tượng cho đến công tác quản lý về mặt Nhà nước đối với hoạt động này. Đà Nẵng là một thành phố trẻ, năng động, tình hình kinh tế - xã hội đang có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, các quan hệ xã hội ngày càng phát triển phong phú, đa dạng dẫn đến các tranh chấp, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra cũng phức tạp. Mặc dù công tác giám định tư pháp được các ca quan quản lý Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhưng chưa toàn diện, đúng mức và đồng đều trong các lĩnh vực. Sau khi Pháp lệnh Giám định tư pháp ra đời và khẳng định việc củng cố thành lập tổ chức ở ba lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự thì sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn không thành lập tổ chức giám định hầu như rất hạn chế và mờ nhạt. Trong khi đó, thực tế cho thấy hướng mở rộng cho các tổ chức ngoài Nhà nước có đủ điều kiện tham gia vào hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực chuyên môn như xây dựng, môi trường, giao thông công chính, văn hoá,... và kể cả một số lĩnh vực đã thành lập tổ chức giám định là một giải pháp được đặt ra và có tính khả thi. Tuy nhiên, để triển khai và vận hành giải pháp trên có hiệu quả trong thực tế thì cần phải có một quá trình nghiên cứu, thí điểm, kiểm nghiệm và tiến hành theo một lộ trình phù hợp, đồng bộ.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài Hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và khả năng xã hội hoá là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, góp phần tích cực tìm ra giải pháp để hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng ngày càng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra, từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay, đặc biệt là cơ chế, cách thức huy động nguồn lực bên ngoài Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới.

  1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Mục tiêu của đề tài được xác định là:

  • Trên cơ sở phân tích bản chất giám định tư pháp và đánh giá thực trạng hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng trong bảy lĩnh vực đó là: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, văn hoá, xây dựng, giao thông công chính và môi trường, đề tài đề xuất phạm vi, mức độ xã hội hoá trong lĩnh vực giám định pháp y và các lĩnh vực giám định về xây dựng, giao thông công chính, môi trường, góp phần hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về giám định tư pháp trong thời gian tới.
  • Từ thực trạng tại Đà Nẵng, đưa ra các kiến nghị đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.
  1. Phương pháp nghiên cứu của đề tài

Việc nghiên cứu được tiến hành dựa trên phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, hệ quan điểm của Đảng về nhà nước và pháp luật. Các phương pháp nghiên cứu khoa học được áp dụng một cách linh hoạt, xuyên suốt trong quá trình tiếp cận từng nội dung nghiên cứu cụ thể như thống kê, phân tích, tổng hợp, điều tra xã hội học,...

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:

  • Phương pháp nghiên cứu tại chỗ, gồm có: Nghiên cứu, đánh giá các văn bản pháp luật có liên quan; tiến hành so sánh, phân tích tình hình, kết quả thực tiễn theo không gian và thời gian.
  • Tiến hành khảo sát trực tiếp, điều tra xã hội học ở một số địa phương, đối tượng về tình hình hoạt động giám định tư pháp và xã hội hoá giám định tư pháp;
  • Tổ chức toạ đàm, hội thảo khoa học với quy mô thích hợp để đánh giá, tổng kết tình hình và xác định định hướng, phạm vi nghiên cứu, hoàn thiện nội dung đề tài.
  1. Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài

Đề tài tập trung làm rõ ba nội dung chủ yếu:

  • Một số vấn đề lý luận cơ bản về giám định tư pháp (đặc biệt là bản chất giám định tư pháp) và xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp;
  • Đánh giá tình hình hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng từ năm 1997 đến nay qua một số lĩnh vực chuyên môn;
  • Khả năng xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp và đề xuất một số giải pháp nhằm xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
  1. Cơ cấu của đề tài

Lời nói đầu

Chương I: Một số vấn đề lý luận cơ bản về giám định tư pháp và xã hội hoá giám định tư pháp.

Chương II. Tình hình hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng từ năm 1997 đến nay.

Chương III: Đề xuất xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp - kinh nghiệm từ thực tiễn ở thành phố Đà Nẵng.

Các hệ chuyên đề cụ thể

Danh mục tài liệu tham khảo.

  1. Kết quả nghiên cứu của đề tài

Đề tài nghiên cứu thực tiễn tổ chức, hoạt động giám định tư pháp tại thành phố Đà Nẵng và tổng hợp, đánh giá các số liệu để qua đó đề xuất hướng xã hội hoá trong một số lĩnh vực giám định tư pháp.

Sản phẩm của đề tài là tài liệu, số liệu cụ thể của một địa phương, mang tính tham khảo, đóng góp kinh nghiệm, phản ánh bức tranh thực tiễn để phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về giám định tư pháp ở nước ta trong thời gian tới.

 

PHẦN THỨ NHẤT

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH ĐỀ TÀI

 

CHƯƠNG I

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

  1. KHÁI NIỆM, BẢN CHẤT, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁM ĐỘNG TƯ PHÁP
  1. Khái niệm giám định tư pháp

Thông thường để tìm hiểu nội dung một khái niệm, trước hết người ta tiếp cận với nội dung ngữ nghĩa của các từ dùng để biểu đạt khái niệm đó. Sau đó, để hiểu một cách đầy đủ, cụ thể và sâu sắc hơn, không chỉ dừng lại ở nội dung ngữ nghĩa mà phải tim hiểu, nghiên cứu những nội dung thực tế cụ thể được khái quát, phản ánh trong khái niệm.

Theo cách trên, trước hết ta tiếp cận với một số khái niệm về tư pháp.

Chữ “tư pháp” trong tiếng Việt có ít nhất là 3 nghĩa:

Thứ nhất, theo tự điển “Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt” của tác giả Trần Văn Kiệm (1989) chữ “tư” có 19 nghĩa trong đó nghĩa thứ năm thì chữ “tư” được hiểu là lo cho pháp luật được thi hành, bảo vệ pháp luật.

Ở đây, chữ “tư pháp” có nghĩa là thi hành luật pháp. Đây là định nghĩa chính xác nhất được dùng để chỉ Bộ Tư pháp. Đó là cơ quan có nhiệm vụ thi hành luật pháp quốc gia. Có lẽ vì ý nghĩa này mà hiện nay chữ “tư pháp” được dùng để dịch cho chữ Justice (có nghĩa là công lý) như trong chữ Justice Department của Hoa Kỳ. Theo Từ điển Việt Anh của Viện Khoa học xã hội Việt Nam do Phạm Chấn Liêu, Lê Khả Kế, xuất bản 1993 NXB thành phố Hồ Chí Minh, chữ tư pháp có nghĩa là công lý. Từ điển Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn cũng định nghĩa tư pháp là Justice.

Thứ hai, “tư pháp” thường dùng để nói đến ngành toà án. Khi nói đến quan điểm tam quyền phân lập, tức là nguyên tắc tam quyền phân lập, phân chia quyền lực Nhà nước ra làm 3 hệ thống, bao gồm: lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì chữ tư pháp ở đây có nghĩa là toà án.

Nghĩa thứ ba của tư pháp có nghĩa là Luật Dân sự (private law), khác với công pháp (public law).

Trên cơ sở thống nhất cách hiểu khái niệm tư pháp, để làm rõ hơn về nội hàm của giám định tư pháp, chúng ta bàn thêm về khái niệm “b trợ tư pháp, các tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp.

Thuật ngữ “bổ trợ” có nghĩa là “giúp thêm vào, phụ thêm vào cho đủ hơn, tốt hơn”. Từ đó, ta có thể nêu khái niệm “bổ trợ tư pháp” là giúp thêm vào để bảo vệ luật tốt hơn. Các tổ chức bổ trợ tư pháp là các tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giúp cho các cơ quan tư pháp bảo vệ luật tốt hơn, nghĩa là giúp cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án xét xử một cách khách quan, công minh, đúng luật.

Hoạt động bổ trợ tư pháp là các hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp nhằm mục đích giúp cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo vệ luật và cũng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Từ những lập luận trên, chúng ta có thể nêu lên khái niệm “bổ trợ tư pháp” như sau: là tất cả các hoạt động của các tổ chức được Nhà nước thành lập hoặc thừa nhận nhằm giúp cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, giám sát xét xử và thi hành án.

Nền tư pháp hiện đại thể hiện rõ rằng, hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp luôn gắn với nhau. Tổ chức, hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp cùng tồn tại, cùng phát triển. Đối với nước ta, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì càng phải đề cao vai trò của hoạt động bổ trợ tư pháp.

Nhà nước pháp quyền đề cao việc bảo vệ pháp luật bao nhiều thì cũng đề cao bổ trợ tư pháp bấy nhiều. Một trong những biểu hiện đặc trưng của nhà nước pháp quyền là nhà nước tạo ra các tiền đề để phát triến song song các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Hoạt động bổ trợ tư pháp có vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết tại các cơ quan tố tụng, là hoạt động giúp làm sáng tỏ được bản chất của một vụ, việc từ đó xác định được trách nhiệm của các bên đó là hoạt động giám định tư pháp.

“Giám định là hoạt động khoa học, sử dụng những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, phương tiện kỹ thuật để nghiên cứu, xem xét, so sánh một hiện tượng, một sự vật... giúp cho con người có nhận thức khách quan để giải quyết vấn đề nào đó một cách chính xác trên cơ sở khoa học. Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân nên có nhiều loại hoạt động giám định khác nhau như giám định chất lượng công trình xây dựng trong xây dựng, giám định thương tật trong y tế, giám định chất lượng hàng hoá trong thương mại, v.v...

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính và các vụ án khác nêu phát sinh những vấn đề liên quan đến kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên môn thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trưng cầu giám định các cá nhân, tổ chức, cơ quan chuyên môn thực hiện giậm định. Hoạt động giám định này được gọi là giám định tư pháp.

Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Giám định tư pháp thì: Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Nói tóm lại, giám định tư pháp là một hoạt động khoa học chuyên sâu, do các chuyên gia (giám định viên) thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... tiến hành trên cơ sở kiến thức, phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quyết định trưng cầu của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử được công minh, đúng pháp luật.

  1. Bản chất của giám định tư pháp

Trên cơ sở khái niệm giám định tư pháp nêu tại Điều 1 Pháp lệnh Giám định tư pháp thì thấy rằng Pháp lệnh chỉ điều chỉnh hoạt động giám định do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật. Còn giám định không do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu và không nhằm phục vụ cho việc giải quyết cho việc giải quyết vụ án thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh. Những việc giám định do cơ quan thanh tra, công chứng, ngân hàng... yêu cầu để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, hoạt động chuyên môn của các cơ quan này không phải là giám định tư pháp.

Cũng như trước đây, theo quy định tại Nghị định 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp thì chỉ cơ quan tố tụng mới có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp. Người tham gia tố tụng chỉ có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, không được trực tiếp yêu cầu Tổ chức giám định tư pháp thực hiện giám định.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là một trong những mục tiêu hướng tới của chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền. Mặt khác, nhằm góp phần đưa công tác giải quyết các vụ án theo nguyên tắc tranh tụng theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW, Pháp lệnh Giám định tư pháp đã có hướng mở rộng quyền trực tiếp yêu cầu giám định đến một số người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là trong các vụ án dân sự, kinh tế khi mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên đương sự.

Trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, với nhiều loại quan hệ ngày càng đa dạng, phức tạp thì việc các tranh chấp xảy ra cần đến hoạt động giám định để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến tranh chấp ngày càng nhiều, không nhất thiết phải trong giai đoạn tố tụng do các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu mà có thể do chính các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện. Luật Thương mại năm 2005 cũng cho phép các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định được phép kinh doanh dịch vụ giám định thương mại. Các tranh chấp giữa các bên, nếu đã có trưng cầu giám định, khi đưa ra giải quyết tại cơ quan tố tụng, nếu được cơ quan này chấp nhận, kết luận giám định này cũng được xem là kết luận giám định tư pháp. Do đó, chúng ta thấy rằng hoạt động giám định là hoạt động không thuộc ngành tư pháp nhưng mang tính hỗ trợ cho hoạt động tư pháp. Dù có hỗ trợ cho hoạt động tư pháp hay không thì hoạt động này vẫn tồn tại như một nhu cầu tất yếu của xã hội.

Xuất phát từ thực tiễn và dự báo về nhu cầu giám định trong thời gian tới, Pháp lệnh Giám định tư pháp xác định rõ tổ chức giám định chỉ được duy trì và thành lập ở lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Vì ba lĩnh vực này có số lượng yêu cầu giám định lớn, thường xuyên và cần được Nhà nước đầu tư về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Còn các lĩnh vực giám định khác như kế toán - tài chính, văn hoá, xây dựng, môi trường,... thì không thành lập tổ chức giám định chuyên trách mà chỉ có giám định viên tư pháp tại các cơ quan, tổ chức. Quy định này không làm phát sinh thêm đầu mối tổ chức, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và thực tế hoạt động ở các lĩnh vực trên, đồng thời huy động được đội ngũ chuyên gia và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện sẵn có của cơ quan, tổ chức chuyên môn để phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp. Đây là điểm mới, thể hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp.

Trong xu hướng hội nhập, chúng ta cần xác định giám định tư pháp là hoạt động đặc thù, không mang tính quyền lực, không mang tính hành chính. Đây là hoạt động mang tính nghề nghiệp, là một dịch vụ pháp lý đặc biệt.

Giám định tư pháp là hoạt động không mang tính quyền lực nhà nước, không có tính phán xét, quyền uy mà là một hoạt động mang tính xã hội, dân sự, xuất phát từ bên trong nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Hoạt động này suy cho cùng cũng là nhằm góp phần phụng sự công lý, bảo vệ quyền và lợi ích, nhu cầu chính đáng của công dân.

Giám định tư pháp là hoạt động không mang tính hành chính, mệnh lệnh - phục tùng mà có tính khoa học, chất lượng, giá trị của kết luận giám định không phụ thuộc vào cấp hành chính mà phụ thuộc vào trình độ, năng lực và uy tín của tổ chức, người giám định.

Để hiểu rõ hơn về bản chất của giám định tư pháp, cần phân biệt giữa công vụ và dịch vụ công. Công vụ là hoạt động có tính chất phục vụ bởi bản chất hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành - điều hành, hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hoạt động thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, đó cũng là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước nói chung và của nên hành chính nói riêng, đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì tính chất phục vụ này càng thể hiện rõ nét. Xuất phát từ tính chất phục vụ của công vụ, hoạt động công vụ do đó được bảo đảm thực hiện bằng ngân sách nhà nước và đối tượng được phục vụ của công vụ về nguyên tắc không phải trả tiền, hoạt động công vụ không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Dịch vụ công cũng giống với công vụ ở chỗ mục đích của nó nhằm phục vụ nhân dân, vì lợi ích công cộng, tuy nhiên, khác với công vụ, dịch vụ công ngoài tính chất phục vụ còn mang tính chất dịch vụ, tức là “công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định của số đông, có tổ chức và được trả công” từ đó dịch vụ công mang một số đặc điểm sau:

  • Hoạt động dịch vụ công có thể do cả Nhà nước và tư nhân thực hiện bởi nó không gắn với quyền lực nhà nước, không nhất thiết phải do Nhà nước thực hiện thông qua đội ngũ công chức;
  • Dịch vụ công có thể được thực hiện thông qua quan hệ hợp đồng dân sự (hợp đồng dịch vụ) giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ;
  • Do mang tính chất dịch vụ nên trong một chừng mực nhất định hoạt động dịch vụ công có thể hướng tới mục đích lợi nhuận;
  • Đối tượng phục vụ có thể không bình đẳng hoàn toàn trong việc hưởng dịch vụ công vì có thể trong một số trường hợp có người dân có nhu cầu sử dung, có người không có nhu cầu sử dụng, có người có điều kiện sử dụng và có người không, do vậy, người sử dụng có thể phải trả tiền.

Ngoài các hoạt động trên, có một hoạt động nữa cũng thường được nói tới đó là “dịch vụ hành chính công”, về bản chất, dịch vụ hành chính công cũng là một loại dịch vụ công.

Giám định tư pháp là một hoạt động mang tính nghề nghiệp, dịch vụ chứ không phải là hoạt động công vụ. Về cơ bản, ở góc độ dân sự, mối quan hệ giữa bên có nhu cầu giám định và người giám định là một quan hệ mang tính chất dịch vụ, “thuận mua vừa bán”. Tổ chức giám định cung cấp dịch vụ, còn người dân có nghĩa vụ trả một khoản phí cho dịch vụ đó. Ngoại trừ các vụ việc hình sự thì do Nhà nước chi trả.

Kinh nghiệm một số quốc gia như Canada, Pháp, Italia, Thuy Điển, Thái Lan,... cho thấy, Nhà nước chỉ cần quan tâm tới việc bảo đảm tính đúng pháp luật của dịch vụ, còn việc giao cho ai thực hiện các giao dịch đó không quan trọng. Vấn đề này cũng tương tự như các văn phòng công chứng, khi hội đủ các điều kiện luật định, có thể công chứng một số loại hồ sơ, giấy tờ giao dịch dân sự. Người dân sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn, có thể họ sẽ thích lựa chọn công chứng tại Văn phòng công chứng hơn cơ quan công chứng Nhà nước bởi sự linh hoạt về thời gian, nhanh chóng về thủ tục, lợi ích các bên được tư vân đảm bảo hợp lý và người dân cảm thấy thoải mái khi bỏ tiền ra để được phục vụ.

Khi đã được xác định là một hoạt động dịch vụ, không mang tính hành chính thì hoạt động giám định tư pháp hoàn toàn có thể tiến hành xã hội hoá như là một quy luật tất yếu, phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển.

Ở nước ta, việc tiến hành xã hội hoá dịch vụ giám định tư pháp, tương tự như dịch vụ công chứng mà chúng ta đã thực hiện, sẽ đem lại nhiều lợi ích:

Trước hết, Nhà nước vừa bảo đảm việc quản lý xã hội bằng pháp luật và đáp ứng được nhu cầu về giám định của các cơ quan tố tụng cũng như của người dân, vừa đảm bảo mục tiêu tinh giản bộ máy hành chính.

Thứ hai, thủ tục giám định sẽ trở nên đơn giản, thuận tiện, khuyến khích người dân thực hiện các quan hệ, giao dịch dân sự theo đúng quy định pháp luật.

Thứ ba, giảm bớt hiện tượng tiêu cực, những nhiễu phát sinh từ hoạt động giám định.

Cuối cùng, việc xã hội hoá dịch vụ giám định tư pháp sẽ nâng cao vai trò, vị trí của nghề giám định đối với xã hội, với tư cách là người hỗ trợ, giám sát và phản biện xã hội.

  1. Vai trò, mục đích, ý nghĩa của giám định tư pháp
  1. Vai trò của giám định tư pháp

Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, xuất hiện và tồn tại do nhu cầu của hoạt động tố tụng, có ý nghĩa đặc biệt và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Sự tương tác giữa hoạt động giám định và hoạt động tố tụng là một trong những tiêu chí để đánh giá, là yếu tố phản ánh trình độ phát triển hệ thống tư pháp của một quốc gia.

Thông qua việc đánh giá, kết luận về phương diện chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án, hoạt động giám định tư pháp đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động tố tụng, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học, góp phần giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Trong tình hình hiện nay, khi hình thái kinh tế - xã hội đa dạng, khoa học kỹ thuật phát triển, tranh chấp trong các quan hệ, giao dịch, hành vi phạm tội trong các vụ án ngày càng nhiều, với tính chất phức tạp, tinh vi và mức độ nghiêm trọng, thì nhu cầu về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng ngày càng lớn và trở nên bức thiết hơn.

Xét trên phương diện quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền, hoạt động giám định tư pháp góp phần bảo vệ một cách hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ không thể phản bác, bảo đảm an toàn cho công dân trong các quan hệ pháp luật mà họ tham gia.

1.1.3.2. Mục đích ý nghĩa của giám định tư pháp

Giám định tư pháp là nhằm mục đích đưa ra những kết luận khoa học, chính xác, khách quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân trong các vụ án hình sự hoặc dân sự. Hoạt động giám định tư pháp là nhằm bổ trợ cho hoạt động tố tụng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng hoạt động của các cơ quan tố tụng như điều tra, kiểm sát, toà án. Thực tiễn ở Đà Nẵng trong thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp giải quyết vụ án kéo dài, ách tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ kết luận của các tổ chức giám định. Thực hiện giám định tư pháp cũng là nhằm làm sáng tỏ vụ án, tránh tình trạng oan sai, thiếu vô tư, khách quan từ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Giám định tư pháp mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng hoạt động tố tụng theo cơ chế minh bạch, đúng người đúng tội, phụng sự công lý. Giám định tư pháp là một kênh quan trọng đánh giá trình độ phát triển pháp luật và mức độ dân chủ của một quốc gia.

  1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
    1. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển giám định tư pháp trên thế giới

Trên thế giới, giám định tư pháp, nhất là giám định pháp y đã có từ rất lâu đời. Từ thời cổ đại, ở Trung quốc, Ấn Độ, Hy lạp, La Mã... vấn đề khám tử thi và thưong tích đã được đặt ra theo yêu cầu của vua chúa, quan lại để phán xử một số vụ án.

Công tác y pháp, bộ phận ra đời sớm nhất của giám định tư pháp, có lịch sử lâu đời từ trước Công nguyên hàng nghìn năm phản ánh lịch sử loài người sống trong xã hội có sự tuân thủ pháp luật do con người đề ra. Lịch sử y pháp trải qua ba thời kỳ: thời kỳ nguyên thuý, thời thượng cổ và thời chuyển tiếp.

Thời nguyên thuý, loài người tuy là những bộ tộc lạc hậu nhưng đã có nền y học và luật pháp khởi thuý, quan hệ mật thiết với nhau thông qua tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan. Người truyền giáo thời đó vừa là thầy thuốc vừa là luật gia quan niệm rằng bệnh tật và chết chóc là do ma quý hãm hại hoặc là hình phạt mà thiên thần giáng xuống những kẻ có hành vi sai trái không tuân thủ luật của thiên thần. Vì vậy gia đình nào có người đau ốm bị thương hoặc chết do bất cứ nguyên nhân gì đều mời người truyền giáo đến hành lễ, cho thuốc và phán xử như quan toà. Phần lớn những nhà truyền giáo thời đó đều hiểu biết tác dụng chữa bệnh của cây cỏ và biết phân biệt những loại cây có chất độc. Tình trạng này còn tiếp diễn cho đến tận thế kỷ XVI sau công nguyên, điển hình là Poluyt Dakiat, nhà pháp y người Ý, một linh mục kiêm bác sĩ y khoa.

Thời thượng cổ, năm 2200 trước công nguyên vua Hamurabi nước Babylon đã quy định việc hành nghề y theo luật pháp nêu rõ quyền lợi của thầy thuốc nội, ngoại khoa, cụ thể có những điều lệ truy tố nếu họ mắc sai sót khi điều trị gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Tại Hy Lạp, tử thi được coi là vật thiêng liêng, nhưng với những cái chết nghi vấn, thầy thuốc được mổ xác để tìm nguyên nhân. Hipocrat, cha đẻ của ngành y nhận định người béo dễ chết đột ngột và người ở lứa tuổi từ 40-60 thường vỡ mạch máu não. Tại La Mã, y pháp được chú trọng đặc biệt, dưới thời hoàng đế Juytstiniang giám định viên y pháp không chỉ là nhân chứng tại phiên toà mà còn có thể tham gia vào việc định mức án cho bị cáo.

Thời chuyển tiếp, khoảng đầu thế kỷ thứ V sau công nguyên, người Đức lật đổ chế độ La Mã, là dân tộc đầu tiên thời bây giờ để ra việc giám định các thương tích để xác minh hung khí và thầy thuốc phải gửi văn bản giám định cho toà án. Tại Pháp dưới thời Saclomanho, những nhà hình pháp thường xuyên cần đến sự cộng tác của các thầy thuốc để tìm ra manh mối các vụ án. Nhưng phải đợi đến thế kỷ sau, y pháp mới khởi đầu sự tiến triển dưới thời vua Hăng ri đệ tứ, luật pháp quy định các bác sĩ sau khi được trưng dụng giám định các trường hợp chết do thương tích hoặc thai nghén đều phải làm nhân chứng trước toà. Trường Đại học tỉnh Mongpelie được phép của Giáo hoàng cho mổ tử thi. Giám định viên Angtoan Louis thụ lý vụ án Cala đã chứng minh anh ta tự treo cổ chết, phục hồi quyền công dân cho ông bố bị tuyên án tử hình vì bị kết tội giết con. Vào thế kỷ XVIII, Trung Quốc đã ấn hành bộ Y pháp học gồm 5 quyển đề cập đến dấu hiệu chết, khám nghiệm tử thi, chết treo, chết đuối, chết cháy và trúng độc. Từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, nền pháp y thế giới đã phát triển mạnh và có cơ sở vững chắc, các cơ cấu và tổ chức pháp y lần lượt được thay thế khiến cho khoa học thực sự thâm nhập công tác này để nó tiến lên song song với nền y học hiện đại.

  1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển giám định tư pháp ở nước ta
    1. Giai đoạn trước năm 1988

Dưới thời Pháp thuộc, Trường Đại học Y Hà Nội được khánh thành năm 1904 nhưng đến năm 1919 y pháp mới được đưa vào giảng dạy nhưng chưa thành một bộ môn. Bác sĩ y pháp phụ trách môn này cũng không phải là chuyên viên y pháp. Sau đó bác sĩ Vũ Công Hoè và bác sĩ Trương Cam Cống là những chuyên viên giải phẫu bệnh đầu tiên giảng dạy môn này.

Sau khi giành độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, chính quyền cách mạng non trẻ phải tập trung vào giải quyết với những vấn nạn lớn của đất nước là diệt giặc đói, giặc dốt, chống thù trong giặc ngoài, rồi kháng chiến chống thực dân Pháp. Do đó, mặc dù hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp đã được triển khai nhưng chủ yếu là xét xử các thành phần phản cách mạng. Vì thế, nhu cầu về giám định tư pháp trong thời kỳ đó không nhiều và nếu có thì chỉ tập trung lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự. Việc thực hiện giám định ở thời kỳ đó do các cán bộ chuyên môn trong ngành y tế, công an, quốc phòng thực hiện.

Thời kỳ từ 1947 - 1954, giáo sư Vũ Công Hòe là chuyên viên y pháp và sau khi giải phóng thủ đô từ tháng 10 năm 1954 công tác y pháp được chuyển cho bác sĩ Trương Cam Cống phụ trách giảng dạy và giám định.

Sau ngày thống nhất đất nước, Bộ Y tế đã giao cho Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo bác sĩ chuyên khoa y pháp. Năm 1976, Tổ Y pháp được hình thành trong bộ môn giải phẫu bệnh. Đến năm 1983, Bộ Y tế ra quyết định thành lập bộ môn y pháp Trường Đại học Hà Nội cơ sở đặt tại Bệnh viện Việt Đức để giám định những vụ án quan trọng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bộ môn vừa giảng dạy, vừa xúc tiến việc đào tạo chuyên viên trong và ngoài nước, kiện toàn kiến thức chuyên môn tiến tới việc thành lập Viện Y pháp với đội ngũ giám định viên chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương, được Nhà nước chính thức công nhận.

Trong khi chưa có Viện Y pháp, Nhà nước ta đã tổ chức được Viện Khoa hoc hình sự đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Nội vụ có đội ngũ chuyên viên được đào tạo trong nước và nước ngoài làm công tác giám định: tử thi, người sống, tang vật, hồ sơ, tư liệu với những phòng sinh vật học, sinh hoá, huyết học, X quang, độc chất học, nhiếp ảnh... vừa phục vụ cho hoạt động sự vụ vừa phục vụ cho nghiên cứu.

Về mặt lập pháp, sau ngày độc lập 02 tháng 9 năm 1945, Nhà nước ta đã có Sắc lệnh số 68/SL ngày 30 tháng 11 năm 1945 và sắc lệnh số 162/SL ngày 25 tháng 6 năm 1946 về công tác y pháp quy định nhiệm vụ của giám định viên mỗi khi được cơ quan pháp luật trưng tập.

Từ khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, bộ máy chính quyền và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật được củng cố, nhu cầu về giám định tư pháp của hoạt động tố tụng lớn hơn trước, nhất là giám định pháp y. Để đáp ứng yêu cầu của thực tế, ngày 12/12/1956, Liên Bộ Y tế - Tư pháp đã ban hành Thông tư số 2795/HC-TP quy định về một số điều cụ thể trong công tác giám định pháp y như: những trường hợp cần phải có giám định pháp y, cơ quan trưng cầu giám định pháp y, việc lựa chọn giám định viên pháp y, trình tự thủ tục trưng cầu và thực hiện giám định, cấp phí cho giám định viên. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành mạng lưới đội ngũ giám định viên pháp y kiêm nhiệm ở các tỉnh, thành của miền Bắc, phục vụ cho hoạt động tố tụng.

Tiếp theo đó, ngày 12/5/1961, liên ngành Kiểm sát - Toà án - Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Y tế ban hành Thông tư số 423 - TT/LB về trách nhiệm của các cơ quan công an, y tế, kiểm sát, toà án trong việc khám nghiệm tử thi, chế độ trang bị, phòng ngừa và phụ cấp khám nghiệm tử thi. Mặc dù còn dừng lại ở mức độ nhất định, song những quy định của văn bản này đã góp phần khắc phục những khó khăn về giám định pháp y trong hoạt động tố tụng ở thời gian đó.

Đến đầu những năm 60, nước ta bắt đầu có một số cán bộ được đào tạo pháp y ở Liên Xô và Cộng hoà dân chủ Đức (trước đây) về nước. Năm 1962, Bộ Quốc phòng thành lập Phòng pháp y thuộc Cục Quân y. Trong khi đó, hệ thống giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng công an nhân dân cũng được hình thành từ đầu những năm 60. Đến năm 1978, Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an được thành lập. Đây là cơ quan Trung ương của lực lượng giám định kỹ thuật hình sự và pháp y công an nhân dân. Đến năm 1980, ở tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều thành lập Phòng kỹ thuật hình sự có chức năng thực hiện giám định kỹ thuật hình sự và pháp y. Để tạo hành lang pháp lý cần thiết cho tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng công an, phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, ngày 11/3/1987 Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ra Quyết định số 19 - QĐ/BNV về việc ban hành “Điều lệ giám định kỹ thuật hình sự”. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần, ngày 11/3/1988, Liên Bộ Tư pháp - Y tế đã ban hành Thông tư liên bộ số 166/TT - LB hướng dẫn và quy định về công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần để phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng.

  1. Giai đoạn từ 1988 đến 2004 (trước khi ban hành Pháp lệnh Giám định tư pháp)

Hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định y pháp nói riêng đã có bước ngoặt cơ bản và quan trọng khi nhà nước ta bắt đầu thể chế hoá bằng những văn bản có tính quy phạm. Để triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, ngày 21 tháng 7 năm 1988 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 117/HĐBT quy định rõ nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của hoạt động giám định tư pháp... Sau khi Nghị định này ra đời, một mạng lưới các tổ chức giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên tư pháp ở nhiều lĩnh vực được hình thành và phát triển trong toàn quốc.

Nghị định 117/HĐBT ra đời đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của hệ thống tổ chức giám định tư pháp của nước ta trên nhiều lĩnh vực như: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính - kế toán, văn hoá, xây dựng, khoa học kỹ thuật. Việc triển khai hoạt động giám định tư pháp theo Nghị định 117/HĐBT đã đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vụ án chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên hoạt động giám định tư pháp chỉ mới tập trung đáp ứng các yêu cầu giám định trong tố tụng hình sự, còn các yêu cầu của tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính cũng như chuyên ngành giám định đòi hỏi công nghệ tiên tiến, hiện đại thì giám định tư pháp còn nhiều lúng túng, hạn chế, thể hiện ở một số điểm cơ bản như:

  • Hình thức tổ chức và địa vị pháp lý của các tổ chức giám định tư pháp theo Nghị định 117/HĐBT còn mang tính chất quá độ, không được quy định cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, không xác định được thống nhất về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức này, dẫn đến những vấn đề về nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật không được đầu tư thích đáng. Việc quản lý điều hành gặp nhiều khó khăn và mang nặng tính hình thức.
  • Việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp chưa phù hợp với nhu cầu thực tế và chưa thực sự chú trọng trình độ chuyên môn và khả năng nghiệp vụ của người được đề nghị bổ nhiệm. Vì thế nên mới có tình trạng có giám định viên từ khi được bổ nhiệm chưa được mời giám định lần nào, hay có nhiều lĩnh vực có nhu cầu giám định cao nhưng địa phương không có giám định viên được bổ nhiệm trong lĩnh vực này và cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tìm các nhà chuyên môn giỏi để thực hiện giám định.
  • Chưa có quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành các cấp trong việc chăm lo về trang thiết bị, phương tiện, kinh phí hoạt động nên dẫn đến tình trạng thiếu thốn khó khăn về điều kiện hoạt động của các tổ chức giám định.

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định bởi những vấn đề cụ thể sau:

  • Về cơ sở pháp lý, Nghị định 117/HĐBT ban hành từ năm 1988, các quy định của Nghị định này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đã trở nên bất cập và hạn chế trước yêu cầu của hoạt động tư pháp trong tình hình mới. Nhiều vấn đề về giám định tư pháp như hình thức tổ chức, địa vị pháp lý của các tổ chức giám định, phương thức hoạt động, trình tự, thủ tục giám định, cơ chế giải quyết khi có xung đột về kết luận giám định, trách nhiệm của các bộ ngành quản lý về giám định tư pháp... chưa được quy định rõ hoặc chưa quy định nên đã phát sinh những vướng mắc khó khăn cho các tổ chức giám định, cơ quan quản lý và cơ quan trưng cầu giám định.
  • Đội ngũ giám định viên phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm chưa được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ và kiến thức pháp lý. Một phần vì chế độ đãi ngộ không thoả đáng không tương xứng với công sức cũng như trách nhiệm của giám định viên đối vởi việc đưa ra kết luận giám định.
  • Điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động giám định tư pháp còn rất thiếu thốn lạc hậu không đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định làm ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng. Thực tế trang thiết bị phương tiện thực hiện giám định là những yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả và chất lượng giám định. Việc thiếu thốn trang thiết bị, thậm chí là cả những trang thiết bị tối thiểu tại các tổ chức giám định nhất là các tổ chức giám định tại địa phương đã ảnh hưởng đến việc có được những kết luận giám định chính xác, hoặc đề xảy ra mâu thuẫn giữa các kết luận giám định.
  • Theo quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp, các Bộ chủ quản và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Tư pháp và Sở chủ quản đảm nhận công tác quản lý giám định tư pháp. Tuy nhiên, nội dung quản lý chủ yếu mới tập trung vào việc thành lập tổ chức giám định, bổ nhiệm giám định viên; còn những vấn đề lớn như đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, trang bị kiến thức pháp lý cho giám định viên, chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động giám định có thực hiện nhưng không thường xuyên, không đồng đều giữa các lĩnh vực giám định. Sự quan tâm, chủ động của các các Bộ, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cũng như sự phối kết hợp giữa cơ quan chuyên môn chủ quản với cơ quan tư pháp còn nhiều hạn chế... Mặc dù đã cố gắng nhưng do thiếu sự phân định cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp nên trong giai đoạn này vai trò, trách nhiệm đối với hoạt động giám định tư pháp chưa được phát huy đúng mức. Có thể nói, hoạt động giám định tư pháp còn dừng lại ở chừng mực nhất định, thậm chí có nơi, có lúc còn buông lỏng; các ngành các cấp chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến công tác giám định tư pháp, đặc biệt là về trụ sở, điều kiện vật chất cho hoạt động giám định tư pháp.

1.2.2.3. Từ năm 2005 đến nay

Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, các tổ chức giám định đã được thành lập ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động tố tụng, góp phân tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy rằng, tổ chức và hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng, nhất là yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, việc đổi mới và hoàn thiện các tổ chức bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng. Đặc biệt Nghị quyết số 08-NQ-TW ngày 02 tháng 12 năm 2002 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian đến đã chỉ rõ: “Từng bước hoàn thiện các tổ chức giám định Thành lập cơ quan giám định quốc gia. Sớm hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp”.

Để kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý nâng cao vai trò, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, khắc phục những bất cập trong thực tiễn, ngày 28 tháng 9 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định 117 quy định toàn diện về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Nhìn chung, hoạt động giám định tư pháp thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế xã hội phát triển, nền kinh tế có sự chuyển đổi căn bản, khoa học kỹ thuật phát triển, tội phạm và các tranh chấp cũng ngày càng phát sinh nhiều, theo chiều hướng ngày một tinh vi, xảo quyệt và ngày càng phức tạp, thì công tác giám định tư pháp ở nước ta chưa đủ khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của thực tế đặt ra. Thực tế cho thấy, ở chừng mực nhất định thì hoạt động giám định tư pháp về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu giám định mà chủ yếu là các yêu cầu của tố tụng hình sự (như kỹ thuật hình sự, pháp y...) còn các yêu cầu về tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính cũng như ở những chuyên ngành giám định đòi hỏi công nghệ tiên tiến, hiện đại (như xây dựng, giao thông công chính, môi trường...) thì giám định tư pháp còn nhiều lúng túng, hạn chế, chưa có khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của thực tế.

  1. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
    1. Mục tiêu xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp

Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm mình, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, trong đó nêu rõ quan điểm: Cải cách tư pháp gắn liền với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp với tính chất “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cải cách đặt trong mối quan hệ biện chứng với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới hoạt động lập pháp và hành pháp, phát huy sức mạnh của quyền lực nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng; quán triệt “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân. Từng bước thực hiện xã hội hoá một số hoạt động của cơ quan tư pháp”; cải cách trên cơ sở kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc và những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội trong tương lai; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo hướng xác định rõ nội dung và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp.

Trên cơ sở đó, để kịp thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, tạo cơ sở pháp lý nâng cao vai trò và hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới nhằm hướng đến mục tiêu cơ bản sau:

Một là, phải đảm bảo tính “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội dưới sự quản lý của Nhà nước”, giảm bớt chi phí từ ngân sách, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp nhằm phục vụ đắc lực cho việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật trong điều kiện cải cách tư pháp.

Hai là, mở rộng đối tượng được trưng cầu giám định, cho phép các tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về con người, trang thiết bị, phương tiện giám định đều có thể tham gia vào hoạt động giám định tư pháp mà không phân biệt là thuộc Nhà nước hay không thuộc Nhà nước, đa dạng hoá sự lựa chọn trong quan hệ cung cầu nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của hoạt động tố tụng, góp phần đắc lực vào quá trình cải cách tư pháp ở nước ta.

Ba là, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta và yêu cầu hội nhập quốc tế.

  1. Nguyên tắc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp

Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau đây:

  1. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động giám định tư pháp

Xã hội hoá giám định tư pháp cũng là một trong những nội dung cơ bản của cải cách tư pháp, vì vậy hoạt động này phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp. Nhà nước phải có sự hỗ trợ nhất định cho các đối tượng tham gia xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp.

Xã hội hoá không có nghĩa là Nhà nước bị loại mất vai trò quản lý của mình, ngược lại vai trò quản lý nhà nước cần tăng lên khi thiết lập lại vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ công. Sự thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước và bỏ mặc theo kiểu “khoán trắng” có thể dẫn đến sự mất ổn định trong cung ứng dịch vụ công và làm cho quá trình xã hội hoá thiếu tính bền vững, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Quản lý Nhà nước vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển xã hội trên cơ sở huy động nguồn lực, vừa đảm bảo quá trình xã hội hoá diễn ra theo quy luật của thị trường.

  1. Nguyên tắc mức độ, tính chất tham gia vào hoạt động giám định tư pháp của các đối tượng xã hội phù hợp với điều kiện và năng lực của từng đốỉ tượng

Đây là nguyên tắc quan trọng trong quá trình xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp. Bởi vì, sự phù hợp về điều kiện và năng lực của đối tượng tham gia hoạt động này nhằm để thống nhất được cả 2 mục tiêu: vừa mở rộng lực lượng xã hội tham gia hoạt động giám định tư pháp, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động này, đáp ứng yêu cầu đặt ra của xã hội.

  1. Nguyên tắc quan hệ giữa các đối tượng xã hội tham gia hoạt động giám định tư pháp phải vừa là cạnh tranh, vừa là phối hợp, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng

Nhà nước tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo luật pháp (không phân biệt, đối xử trong hay ngoài Nhà nước) để thúc đẩy các lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động giám định tư pháp nhằm phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng các tổ chức giám định đạt trình độ tiên tiên trong khu vực và trên thế giới. Cạnh tranh là nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi, thu hút nguồn tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, phối hợp là trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và hỗ trợ thông tin trong quá trình cung cấp dịch vụ, đảm bảo phát triển bền vững.

1.4 MỘT SÓ VẤN ĐỀ VỀ DỊCH VỤ CÔNG VÀ XÃ HỘI HOÁ DỊCH VỤ CÔNG

1.4.1. Khái niệm và đặc điểm dịch vụ công

  1. Khái niệm

Về lý thuyết, dịch vụ công là các dịch vụ có đặc tính không loại trừ và không cạnh tranh trong tiêu dùng. Không loại trừ có nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền sử dụng, tiêu dùng dịch vụ này, không loại trừ bất cứ ai, bất kể họ có trả tiền cho dịch vụ đó hay không. Không cạnh tranh có nghĩa là sử dụng, tiêu dùng của người này không làm giảm đi hoặc ảnh hưởng đến việc sử dụng, tiêu dùng của những người khác.

Trong thực tế ở Việt Nam, khái niệm dịch vụ công được hiểu hẹp hơn so với quốc tế, tức là không bao gồm các chức năng công quyền như lập pháp, hành pháp, tư pháp, an ninh quốc phòng,...Xét về phạm vi thì khái niệm dịch vụ công theo nghĩa rộng mà quốc tế thường dùng bao gồm hầu như toàn bộ hành chính - sự nghiệp (theo cách gọi thông dụng ở Việt Nam). Còn khái niệm dịch vụ công theo nghĩa hẹp mà Việt Nam đang dùng thì có phạm vi gần trùng với khu vực sự nghiệp công với những dịch vụ hành chính công.

Hiện nay, khái niệm cũng như nội hàm của thuật ngữ dịch vụ công ở nước ta vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã quy định vấn đề dịch vụ công trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, như Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Điều 8 quy định các nhiệm vụ của Chính phủ: “Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, các dịch vụ công..”; hoặc Điều 22: “Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực...”. Nghị định số 86/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại Điều 9 về quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công thuộc ngành lĩnh vực.

Có thể thấy rằng khái niệm và phạm vi dịch vụ công cho dù được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, chúng đều có tính chất chung là nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của xã hội, của cộng đồng và Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các dịch vụ này cho xã hội. Ngay cả khi Nhà nước chuyển giao một phần việc cung ứng dịch vụ công cho khu vực tư nhân thì Nhà nước vẫn có vai trò điều tiết nhằm đảm bảo sự công bằng trong phân phối các dịch vụ này và khắc phục các bất cập của thị trường.

Từ tính chất trên đây, dịch vụ công có thể được hiểu là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hay uý quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện.

Trên thực tế, có những loại dịch vụ rất quan trọng phục vụ nhu cầu chung của cả cộng đồng, nhưng tư nhân không muốn hoặc chưa đủ điều kiện tham gia, vì nó không mang lại lợi nhuận, hoặc do tư nhân không đủ quyền lực và vốn để tổ chức việc cung ứng. Đối với những loại dịch vụ này, hơn ai hết Nhà nước có khả năng và trách nhiệm cung ứng cho người dân. Bên cạnh đó, cũng có những loại dịch vụ mà thị trường có thể cung cấp nhưng cung cấp không đầy đủ, hoặc dễ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng nói riêng và toàn thể xã hội nói chung, chẳng hạn như dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt, ... Trong trường hợp đó, Nhà nước có trách nhiệm trực tiếp cung ứng hoặc kiểm soát thị trường tư nhân để đáp ứng những quyền lợi cơ bản của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà nước không phải là tác nhân duy nhất cung ứng dịch vụ công. Tuỳ theo tính chất và loại hình, dịch vụ công có thể do các cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện hoặc có thể được chuyên giao cho khu vực phi nhà nước. Có thể thấy rõ rằng, theo thời gian, vai trò của Nhà nước và các tác nhân khác trong cung ứng dịch vụ công có sự biến đổi đáng kể dẫn đến các dạng thức cung ứng dịch vụ công khác nhau. Hiện nay, việc cung ứng dịch vụ công ở hầu hết các nước thông thưòng được tiến hành theo các hình thưc sau:

  • Các cơ quan nhà nước trực tiếp cung ứng dịch vụ công. Theo hình thức này Nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp cung ứng dịch vụ công đối với các dịch vụ liên quan đến an ninh quốc gia và lợi ích chung của đất nước (như quốc phòng, an ninh,...) mà chỉ có cơ quan công quyền mới có đủ tư cách pháp lý để làm. Nhà nước với vai trò chủ đạo của mình, cũng trực tiếp cung ứng các loại dịch vụ thuộc các lĩnh vực và địa bàn không thuận lợi đầu tư (ví dụ vùng sâu, vùng xa) mà thị trường không thể hoặc không muốn tham gia do chi phí quá lớn hay không có lợi nhuận. Các đơn vị sự nghiệp do Nhà nước thành lập để cung ứng như các bệnh viện và trường học công, các cơ sở cung cấp điện nước.. .hoạt động tương tự các công ty nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận. Ban đầu, Nhà nước đầu tư cho các đơn vị đó, sau đó họ sẽ tự trang trải và khi cần thiết có thể nhận được sự hỗ trợ bù đắp của Nhà nước.
  • Nhà nước chuyển một phần hoạt động cung ứng dịch vụ công cho thị trường dưới các hình thức:

+ Uý quyền cho các công ty tư nhân hoặc tổ chức phi chính phủ cung ứng một số dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và thường có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Công ty tư nhân hoặc tổ chức phi chính phủ được uý quyền phải tuân thủ những điều kiện do Nhà nước quy định và được Nhà nước cấp kinh phí (loại dịch vụ nào có thu tiền của người thụ hưởng thì chỉ được nhà nước cấp một phần kinh phí).

+ Liên doanh cung ứng dịch vụ công giữa Nhà nước và một số đối tác trên cơ sở đóng góp nguồn lực, chia sẻ rủi ro và cùng phân chia lợi nhuận. Hình thức này cho phép Nhà nước giảm phần đầu tư từ ngân sách cho dịch vụ công mà vẫn tham gia quản lý trực tiếp và thường xuyên các dịch vụ này nhằm đảm bảo lợi ích chung.

+ Chuyển giao trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức khác đối với các dịch vụ mà các tổ chức này có điều kiện thực hiện có hiệu quả như đào tạo, khám chữa bệnh, tư vấn, giám định...(bao gồm các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội...), đặc biệt là, các tổ chức này tuy là đơn vị tư nhân hoặc phi chính phủ nhưng được khuyến khích hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận, chỉ thu phí để tự trang trải.

+ Tư nhân hóa dịch vụ công, trong đó nhà nước bán phương tiện và quyền chi phối của mình đối với dịch vụ nào đó cho tư nhân song vẫn giám sát và đảm bảo lợi ích công bằng pháp luật.

+ Mua dịch vụ công từ khu vực tư nhân đối với các dịch vụ mà tư nhân có thể làm tốt và giảm được số người làm dịch vụ trong cơ quan nhà nước, như bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, các phương tiện tin học, đáp ứng nhu cầu về phương tiện đi lại, làm vệ sinh và công việc phục vụ trong cơ quan...

1.4.1.2 Đặc điểm

Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm dịch vụ công nhưng về cơ bản các ý kiến đó đều thống nhất xác định dịch vụ công là những hoạt động có các đặc điểm chính:

  • Là các hoạt động hướng đến phục vụ lợi ích chung, thiết yếu của nhân dân, của cộng đồng xã hội,
  • Các dịch vụ này thực hiện trên cơ sở pháp luật, do Nhà nước trực tiếp tổ chức thực hiện hoặc uý quyền cho các tổ chức xã hội, hoặc tư nhân thực hiện.

Khi cung ứng dịch vụ công, các cơ quan nhà nước, các tổ chức được uý quyền cung ứng tiến hành giao dịch với khách hàng ở những mức độ khác nhau.

  • Việc trao đổi dịch vụ công không thông qua quan hệ thị trường đầy đủ thông thường. Người sử dụng dịch vụ công thường không trực tiếp trả tiền, hay nói đúng hơn là đã trả tiền dưới hình thức đóng thuế vào ngân sách nhà nước. Cũng có những dịch vụ, người sử dụng vẫn phải trả toàn bộ hoặc một phần kinh phí. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có trách nhiệm bảo đảm cung ứng các dịch vụ này không nhằm mục tiêu lợi nhuận.
  • Mọi người dân (bất kể đóng thuế nhiều hay ít, hoặc không phải đóng thuế) đều có quyền ngang nhau trong việc tiếp cận các dịch vụ công với tư cách là đối tượng phục vụ của chính quyền.

Dịch vụ công có 3 nhóm chính là:

  • Dịch vụ sự nghiệp công: (còn gọi là dịch vụ phúc lợi công cộng) thường được gọi là hoạt động sự nghiệp gồm các hoạt động cung cấp các phúc lợi xã hội thiết yếu trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo, văn hoá, thể thao, bảo hiểm an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy...
  • Dịch vụ công ích: là các dịch vụ có tính chất kinh tế hàng hoá thường do các doanh nghiệp công ích thực hiện theo yêu cầu của nhà nước, không nhằm mục tiêu lợi nhuận để phục vụ nhân dân như: Cung cấp điện, nước, kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vận tải công cộng, khuyến nông, khuyến công, ...
  • Trong thời gian gần đây, có ý kiến nhận định hoạt động cấp phép, công chứng, hộ khẩu, hộ tịch... là một loại dịch vụ công nữa gọi là dịch vụ hành chính công. Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng dân chủ hoạt động quản lý của nhà nước không thuần tuý là cai trị mà còn mang ý nghĩa phục vụ. Do vậy, các hoạt động trên cần được hiểu là dịch vụ hành chính công. Công dân đến giao dịch phải được các cơ quan và công chức nhà nước đối xử như đối với khách hàng, phải được phục vụ chu đáo.

Xuất phát từ đặc điểm lịch sử phát triển và truyền thống văn hóa của đất nước ta, trên nền tảng các quan điểm về phát huy các tiềm lực xã hội và đổi mới quản lý bộ máy hành chính nhà nước, trên 20 năm đổi mới vừa qua nhất là từ sau Đại hội VIII, IX, X đến nay chúng ta đã xã hội hóa dịch vụ công ở nhiều lĩnh vực và đã thu được nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Nhìn một cách tổng quan, chúng ta có thể khẳng định:

Thứ nhất, dịch vụ phúc lợi công cộng được nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia cung ứng nhiều, sôi nổi và khá thành công. Cụ thể là các dịch vụ giáo dục, đào tạo, khuyến học (hết sức phong phú về loại hình đào tao, mô hình trường lớp, và nội dung kiến thức. Đến nay theo thống kê chưa đầy đủ cả nước có trên 40 trường đại học dân lập, trên 1.000 trường phổ thông tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dân lập, đó là chưa kể tới hàng chục ngàn các trường mẫu giáo, nhà trẻ, các trung tâm giáo dục cộng đồng,..). Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh ngoài khu vực nhà nước cũng phát triển rất mạnh. Ngoài số các bệnh viện tư nhân ra đời, cả nước có gần 10.000 phòng khám đông tây y dân lập... Các dịch vụ văn hoá thể thao, bảo hiểm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, tệ nạn xã hội... gần như đã trở thành các phong trào quần chúng rộng khắp các vùng dân cư.

Thứ hai, các dịch vụ công ích được cung cấp theo nhiều mô hình mới. Hầu hểt các địa phương đều có phong trào kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng các công trình: Đường giao thông, đường dây và trạm phân phối điện, đập nước và kênh dẫn nước, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh... Hầu hết các hoạt động tuyên truyền, chuyển giao, hỗ trợ, tư vấn về khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường đều do các tổ chức xã hội của nhân dân đảm nhận...

Như vậy chúng ta có thể thấy các hình thức, nội dung chất lượng cung cấp dịch vụ công của các tổ chức ngoài Nhà nước là khá phong phú, đa dạng, và đang mở ra một khả năng to lớn trong việc góp sức cùng Nhà nước thực hiện cung ứng cho xã hội những dịch vụ thiết yếu này.

Thứ ba, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nhân dân tham gia cung ứng dịch vụ công, ví dụ như chính sách mờ rộng các loại trường đào tạo, huy động mọi lực lượng tham gia mở trường học, mở phòng khám chữa bệnh, mở cơ sở nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện.

Thứ tư, lực lượng tham gia cung ứng dịch vụ công được mở rộng: Ngoài khu vực nhà nước, còn có các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp cổ phần nhà nước và tư nhân kết hợp. Đặc biệt có cả các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài cũng tham gia hoạt động này. Đáng quan tâm hơn cả là sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tổ chức hội quần chúng. Có thể khẳng định hầu hết các hội tham gia các hoạt động này, có nhiều hội hoạt động khá hiệu quả, được xã hội tín nhiệm như các hoạt động của các hội: Khuyến học, Y học cổ truyền, các hội trong Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Các liên đoàn thể thao, các hội trong Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật.

l.4.2. Đặc điểm của xã hội hoá dịch vụ công

Thế nào là xã hội hoá dịch vụ công?

Thuật ngữ “xã hội hóa” (socialization - tiếng Anh) không có nghĩa hiểu xã hội hoá theo cách dùng hiện nay trong tiếng Việt. Xã hội hoá các dịch vụ công có thể hàm chứa những nghĩa sau:

  • Nhà nước giảm bớt tương đối vai trò của mình trong cung cấp dịch vụ công ở những lĩnh vực mà người dân có thể đảm nhận được;
  • Xã hội hoặc người dân (private sector) nhận lấy phần trách nhiệm cung cấp dịch vụ, lượng người tham gia cung cấp dịch vụ tăng lên;
  • Chia sẻ chi phí (cost sharing) giữa công và tư;
  • Quyền lợi và trách nhiệm của người dân gia tăng hay nói cách khác quyền tự chủ của người dân gia tăng;
  • Về tổng thể người dân có nhiều cơ hội sử dụng các dịch vụ công do Nhà nước và các thành phần kinh tế tư nhân cung cấp;
  • Chịu tác động của quy luật giá cả và quy luật cung - cầu. Do chi phí được chia sẻ dẫn đến xu hướng người dân có quyền quyết định hoặc từ chối một dịch vụ mà không chịu lệ thuộc vào dịch vụ như trước kia.
  • Sự độc quyền của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ truyền thống bị giảm đi.

Như vậy, xã hội hoá có thể xem là một hình thức phi công lập hóa (privatization), tức có sự tham gia của các đối tác khác bên ngoài Nhà nước (không bị chi phối và phụ thuộc bởi ngân sách nhà nước). Xã hội hoá thực chất là một quá trình huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển các dịch vụ công và làm cho nhiều người hơn được hưởng lợi từ các dịch vụ đó cũng như chịu trách nhiệm nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ.

Xã hội hoá thể hiện bản chất của kinh tế thị trường về quan hệ cung - cầu, trao đổi, mua bán. Song, về ý nghĩa xã hội, xã hội hoá mang tính nhân văn hơn do cải thiện chất lượng dịch vụ, sự công bằng  và bình đẳng trong xã hội.

Về cơ bản việc xã hội hoá các dịch vụ công là đúng hướng và mang lại hiệu quả nhiều hơn, tuy nhiên nó đang tiềm ẩn nhiều nghịch lý và thách thức như sau:

Một là có lúc, có nơi, và ở không ít các hoạt động đang có dấu hiệu thương mại hóa không những ở các hoạt động giáo dục, y tế, thể thao mà nguy hiểm hơn còn diễn ra cả trong các hoạt động văn hoá nghệ thuật và xây dựng các khu đô thị mới núp dưới danh nghĩa nhà ở cho những người thu nhập thâp... Hai là: Lợi dụng chủ trương xã hội hoá không ít người đang có suy nghĩ và hành động theo kiểu “tự do hóa” coi thường pháp luật, coi thường lợi ích của nhân dân, của nhà nước để làm giàu bằng mọi giá ... Thậm chí ở một số hoạt động chúng ta còn thấy dấu hiệu xa rời mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là: Tính bình đẳng, công bằng trong thụ hưởng và tham gia cung cấp dịch vụ công không được tôn trọng ở một số nơi, ở một số hoạt động cụ thể. Bốn là: Hoạt động quản lý của hầu hết các cơ quan nhà nước từ trung ương đến các địa phương đang gặp rất nhiều lúng túng, khó khăn. Có nơi triển khai chậm, có nơi khuyến khích xã hội hoá nhưng coi nhẹ vai trò quản lý, thậm chí còn buông lỏng quản lý dẫn đến những sai sót nghiêm trọng.

Những nghịch lý trên cũng có thể coi là những thách thức trong bước khởi đầu của tiến trình đổi mới vai trò, trách nhiệm quản lý dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Nhà nước chuyển giao một số dịch vụ công cho các khu vực ngoài Nhà nước lúc này là cần thiết, bởi lẽ lúc này tiềm lực kinh tế, và kinh nghiệm quản lý của Nhà nước còn chưa đủ. Tuy nhiên, chuyển giao không phải là rũ bỏ, mà chuyển giao trong sự tăng cường vai trò quản lý của nhà nước. Và cũng vì thế, cần khẳng định lại rằng, xã hội hoá dịch vụ công không phải là cứu cánh của nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước mà nó chỉ là một trong những giải pháp trong tiến trình đổi mới hoạt động quản lý nhà nước mà thôi. Bởi vậy, hơn bao giờ hết để vượt qua những thách thức, đẩy mạnh tiến trình xã hội hoá dịch vụ công, chúng ta phải nắm vững các quan điểm cơ bản của Đảng ta về đổi mới quản lý nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về phát huy mọi tiềm lực trong xã hội...

Xuất phát từ bản chất của giám định tư pháp là một hoạt động dịch vụ công, mang tính nghề nghiệp, chính vì thế việc đặt ra vấn đề xã hội hoá giám định tư pháp là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, vấn đề đặt ra đó là, cần nghiên cứu, xác định lộ trình, mức độ, phạm vi xã hội hoá giám định tư pháp một cách cụ thể để đạt được mục tiêu và hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp thì hoạt động giám định tư pháp do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật. Còn giám định mà không do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu và không nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án như việc giám định do các cơ quan thanh tra, công chứng, ngân hàng ... yêu cầu để phục vụ cho chức năng chuyên môn của các cơ quan này thì không phải là giám định tư pháp. Như vậy, từ nội hàm bản chất của hoạt động giám định tư pháp như vừa phân tích, thì phạm vi giám định tư pháp cũng cần được tiến hành nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng cả về góc độ lý luận lẫn thực tiễn để giám định tư pháp tồn tại và phát triển theo đúng quỹ đạo và quy luật phát triển của xã hội.

 

CHƯƠNG II

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TỪ NĂM 1997 ĐẾN NAY

  1. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI THC TIỄN TẠI ĐÀ NẴNG
  1. Mặt tích cực

Thời gian qua, việc áp dụng triển khai các văn bản pháp luật về giám định tư pháp ở thành phố Đà Nẵng đã đạt được những mục tiêu và kết quả cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Tạo cơ sở pháp lý để bước đầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp trên cơ sở củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp hiện có.

Pháp lệnh Giám định tư pháp đã tạo nền móng cho việc xây dựng, củng cố, sắp xếp tổ chức ở ba lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự; bỏ chế độ bổ nhiệm giám định viên theo nhiệm kỳ mà quy định chế độ giám định viên suốt đời. Tuy nhiên, giám định viên tư pháp không thể làm việc suốt đời nếu như vi phạm kỷ luật, không đủ trình độ hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp (thay cho việc không bổ nhiệm lại như quy định trong Nghị định 117/HĐBT). Theo Điều 9 Pháp lệnh này, giám định viên có hành vi cố ý vi phạm trong hoạt động chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các điều cấm của pháp luật trong lĩnh vực tư pháp sẽ bị miễn nhiệm... Việc công nhận giám định viên suốt đời là phù hợp với một nghề có tính chất đặc thù như giám định tư pháp.

Về điều kiện chuyên môn và kinh nghiệm, Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định thông thoáng hơn so với Nghị định 117/HĐBT. Để được bổ nhiệm giám định viên tư pháp, ngoài các điều kiện cơ bản, Pháp lệnh đòi hỏi người được bổ nhiệm phải có phẩm chất đạo đức tốt. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ giám định viên theo Pháp lệnh Giám định tư pháp được thể hiện trong các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của giám định viên. Theo đó, việc từ chối đưa ra kết luận giám định mà không có lý do chính đáng là một điều cấm đối với giám định viên. Các quy định trên đã tạo ra những điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp ở Đà Nẵng ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn và đạo đức nghê nghiệp vững vàng.

Thứ hai: Từng bước nâng cao dần chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp nhằm phục vụ đắc lực cho việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan đúng pháp luật trong điều kiện cải cách tư pháp.

Thứ ba: Góp phần tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức của các cấp uý Đảng, lãnh đạo chính quyền trong việc quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động giám định tư pháp, tạo cơ sở để xây dựng, cải thiện chế độ về vật chất và tinh thần đối với người làm giám định tư pháp.

Thứ tư: Quy định về trình tự thủ tục trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp nhằm bảo đảm hoạt động tư pháp được chính xác và khách quan; hướng đến sự thống nhất, phù hợp của Pháp lệnh Giám định tư pháp với các quy định về trình tự thủ tục tố tụng trong các văn bản pháp luật đã được ban hành.

Thứ năm: Tạo cơ sở tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động giám định tư pháp, trong đó cơ bản phân định được nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp. Đây là yếu tố quan trọng bước đầu để thay đổi phương thức và từng bước nâng cao hiệu quả quản lý về mặt nhà nước đối với tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.

  1. Về tồn tại, hạn chế

Về phạm vi giám định tư pháp: Theo pháp luật hiện hành, khái niệm giám định tư pháp phải bao gồm hai dấu hiệu là “do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu” và “để giải quyết các vụ án”. Vì vậy, đối với các trường hợp giám định không do các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu thì không phải là giám định tư pháp và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Giám định tư pháp.

Về nguyên tắc, quy định như trên không có nghĩa là các đương sự không có quyền gì về trưng cầu giám định mà việc trưng cầu giám định phải thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ trưng cầu giám định theo đề nghị của các đương sự. Nếu từ chối phải giải thích rõ và có lý do chính đáng.

Mới nhìn qua thì việc để các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu sẽ thuận tiện và đảm bảo hơn về mặt pháp lý cho việc giải quyết vụ án so với việc để các đương sự trực tiếp trưng cầu. Tuy nhiên, quy định này chỉ phần nào phù hợp đối với lĩnh vực tố tụng hình sự nhưng lại chưa phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt và tự chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự. Như đã nêu ở trên, tuy về nguyên tắc quy định giám định tư pháp phải do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu và để giải quyết vụ án không có nghĩa là đương sự không có quyền về vấn đề trưng cầu giám định, nhưng quyền ở đây chỉ là quyền đề nghị trưng cầu mà không phải là quyền trực tiếp trưng cầu. Quyền đề nghị này có được đáp ứng hay không lại phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm (đồng thời cũng là quyền) tự chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự.

Mặt khác, trên thực tế, có nhiều vụ án mà việc trưng cầu giám định phải tiến hành trước khi khởi tố vụ án, đặc biệt là các vụ án cố ý gây thương tích, làm tiền giả, giấy tờ, con dấu giả... Để có căn cứ khởi tố vụ án, cơ quan chức năng phải cho tiến hành giám định các đối tượng cần giám định.

Theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp, việc giám định trên không phải là giám định tư pháp vì không được tiến hành trong giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, vì các kết luận giám định này có ý nghĩa là căn cứ để khởi tố vụ án và được các cơ quan giám định tiến hành giám định trên cơ sở trưng cầu của cơ quan chức năng. Vì vậy, Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định, đối với các trường hợp này thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể không cần trưng cầu giám định lại mà có thể sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp làm cơ sở giải quyết vụ án (khoản 3 Điều 35). Đây cũng là một quy định còn mâu thuẫn, tạo độ vênh và dễ dẫn đến sự tuỳ tiện trong việc thực thi pháp luật.

Về tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, Pháp lệnh Giám định tư pháp có một số nội dung đã bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Các vấn đề về tổ chức như hình thức tổ chức, địa vị pháp lý của các tổ chức giám định.. phương thức hoạt động giám định tư pháp; quy chuẩn chuyên môn của từng lĩnh vưc giám định; chi phí giám định; cơ chế quản lý giám định tư pháp chưa được quy định một cách cụ thể, nhiều điểm còn mang tính nguyên tắc, chung chung do vậy đã phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức giám định tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền quản lý và cho cả các cơ quan trưng cầu giám định.

Bên cạnh đó, các quy định có liên quan của pháp luật tố tụng về giám định tư pháp cũng chỉ dừng lại ở những quy định có tính chất nguyên tắc, thậm chí còn nhiều vấn đề của giám định tư pháp thuộc sự điều chỉnh của pháp luật tố tụng chưa được tính đến như nhiệm vụ, quyền hạn của các ca quan tiến hành tố tụng có trưng cầu, yêu cầu giám định của các bên đương sự trong tố tụng dân sự nói chung, việc bảo đảm quyền yêu cầu giám định của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, đặc biệt là cơ chế giải quyết xung đột kết luận giám định...

Lâu nay chúng ta hay nói về vấn đề “xung đột giám định”, thực chất là sự không giống nhau hay việc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định. Việc này liên quan đến cơ chế giám định lại vì việc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định chỉ xảy ra đối với các trường hợp mà việc giám định đó có từ 2 lần giám định trở lên. Vì vậy, Pháp lệnh Giám định tư pháp đã có các quy định đối với các trường hợp giám định lại. Theo quy định của Pháp lệnh, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ trưng cầu giám định lại trong trường hợp là: một, có nghi ngờ về kết quả giám định; hai, có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định. Nếu có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại (lần 1) về cùng một vấn đề thì việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định với ít nhất 3 thành viên là những chuyên gia giỏi, trình độ chuyên môn cao, có uy tín thực hiện. Hội đồng này do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ quản lý về lĩnh vực cần giám định thành lập. Vì thế, kết luận của Hội đồng này là “kết luận giám định cuối cùng” mà không cần giám định lại. Nhưng để thận trọng hơn thì trong những trường hợp đặc biệt, việc giám định lại vẫn có thể tiến hành và việc trưng cầu giám định lại này được giao cho VKSND tối cao xem xét và quyết định.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành về giám định tư pháp vẫn chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục về thời gian, chi phí giám định lại, đây là một trong những vướng mắc thường gặp trong thực tiễn hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng.

Về địa vị pháp lý người làm giám định chưa được quy định rõ ràng, đội ngũ giám định viên hiện có ở Đà Nẵng đều là cán bộ chuyên môn thuộc các cơ quan nhà nước và hầu hết là kiêm nhiệm. Điều đó có nghĩa là đội ngũ giám định viên hiện nay đều là những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thuần tuý được Nhà nước bao cấp, mà không có giám định viên nào là người nằm ngoài khu vực nhà nước. Phần lớn giám định viên ít được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức pháp lý nhưng công việc lại yêu cầu chất xám và trách nhiệm lớn. Trong khi đó, nếu chỉ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế thì chưa đủ để giám định viên làm tốt và thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện giám định vì giữa công việc chuyên môn với việc giám định có đặc thù riêng, đòi hỏi người làm giám định phải có nghiệp vụ làm giám định và phải có kiến thức cần thiết về lĩnh vực giám định. Thực tế đã có trường hợp giám định viên vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện giám định do không có kiến thức pháp lý cần thiết, khi bị xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự họ mới nhận ra là đã vi phạm, từ đó dẫn đến tâm lý bất an, hoang mang và bất hợp tác của giám định viên. Chính điều này cũng tạo thêm một lý đo để các nhà chuyên môn không muốn tham gia vào hoạt động giám định tư pháp bên cạnh chế độ bồi dưỡng quá thấp, không thoả đáng, trong khi trách nhiệm thì quá lớn, thậm chí sơ sót là có thể bị xử lý hình sự. Tất cả những điều đó đã tạo nên khó khăn trong việc thu hút các chuyên gia giỏi vào hoạt động giám định tư pháp và cũng như bản thân các giám định viên cũng không tha thiết với hoạt động giám định tư pháp.

Bên cạnh đó, với quy định về quy trình bổ nhiệm giám định viên như hiện nay thì còn nhiều nhà chuyên môn giỏi ở nhiều đơn vị, tổ chức như các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường Đại học và tổ chức chuyên môn khác chưa được tính đến để bổ nhiệm làm giám định viên, cũng như chưa có chế độ đãi ngộ, thù lao thoả đáng để thu hút họ tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

Về điều kiện vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giám định tư pháp còn rất thiếu thốn, lạc hậu do trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tố tụng hoặc nếu có đáp ứng được thì không kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng. Thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, ngoài tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, hầu hết trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định của các tổ chức giám định tư pháp còn rất hạn chế, nếu có thì cũng rất lạc hậu, thô sơ, trong khi đó trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả và chất lượng giám định.

Pháp lệnh Giám định tư pháp xác định rõ tổ chức giám định tư pháp được duy trì và thành lập ở ba lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Chính vì ba lĩnh vực này có yêu cầu giám định lớn, thường xuyên nên cần phải được Nhà nước đầu tư về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Còn các lĩnh vực khác như kế toán, tài chính, văn hoá, xây dựng, môi trường... thì không thành lập tổ chức giám định chuyên trách mà chỉ có giám định viên tư pháp ở các cơ quan tổ chức chuyên môn. Quy định này có ưu điểm là vừa không làm phát sinh thêm đầu mối tổ chức, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và thực tế hoạt động giám định ở các lĩnh vực nêu trên, đồng thời vừa huy động được đội ngũ chuyên gia cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện sẵn có của các cơ quan tổ chức chuyên môn bên ngoài Nhà nước phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp. Đây là điểm mới so với quy định trước đây và thể hiện được chủ trương xã hôì hoá hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng cho thấy, có một số nội dung giám định thuộc lĩnh vực giám định pháp y cũng có thể nghiên cứu tiến hành xã hội hóa để huy động thêm các nguồn lực từ bên ngoài Nhà nước.

Điểm hạn chế của pháp luật hiện hành nữa đó là, hiện chưa có bảng tỷ lệ thương tích cho hoạt động giám định pháp y nên việc xác định tỷ lệ thương tích của pháp y vẫn phải dựa trên bảng tỷ lệ thương tật của y khoa, trong khi loại hình thương tích pháp y khác với thương tích y khoa, đặc biệt có một số loại hình thương tích pháp y mà y khoa không có, như các thương tích do tội phạm tình dục gây ra... từ đó dẫn đến việc không thống nhất, thiếu chính xác trong việc xác định tỷ lệ thương tích pháp y. Tình trạng này gây khó khăn cho cả giám định viên và cơ quan tiến hành tố tụng, tạo kẽ hở để tiêu cực phát sinh, làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Đối với hoạt động giám định pháp y tâm thần, mặc dù số lượng vụ việc không lớn bằng giám định pháp y và kỹ thuật hình sự nhưng thời gian thực hiện một vụ việc giám định pháp y tâm thần kéo dài, phải mất từ 10-30 ngày để theo dõi diễn biến tình trạng tâm thần của đối tượng giám định. Hoạt động giám định pháp y tâm thần phải cần đến đội ngũ người chăm sóc, phục vụ ăn uống, canh giữ đối tượng giám định và một khoản kinh phí không nhỏ để lưu giữ đối tượng giám định. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về mức kinh phí này. Thực tế, tại Đà Nẵng do thiếu kinh phí lưu giữ nên tổ chức giám định phải rút ngắn thời gian theo dõi đối tượng còn một nửa, hoặc do không có khu lưu giữ riêng nên nhiều đối tượng khi được nhốt chung với những bệnh nhân tâm thần đã bắt chước biểu hiện tâm thần của người bệnh, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giám định pháp y tâm thần và kết quả giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vấn đề môi trường, xây dựng, tài chính, giao thông công chính,... được Nhà nước và xã hội quan tâm, nhu cầu giám định về các lĩnh vực này trong những năm gần đây cũng tăng lên, đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định các hành vi xâm phạm đến môi trường, sinh thái, xây dựng thì các yêu cầu về lĩnh vực này sẽ phát sinh và được dự báo nhiều hơn trong thời gian đến. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Giám định tư pháp thì các lĩnh vực này không thành lập tổ chức mà chỉ có giám định viên hoặc người thực hiện giám định theo vụ việc, mà hoạt động giám định về môi trường, sinh thái, tài chính, giao thông công chính, xây dựng,... lại còn khá mới mẻ ở thành phố Đà Nẵng, đội ngũ giám định viên vừa thiếu lại vừa yếu, các cơ quan chủ quản thì ít quan tâm đầu tư trang thiết bị, nên khi có yêu cầu giám định về các lĩnh vực này, bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn lúng túng, không biết mời chuyên gia ở các chuyên ngành nào cho phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của vụ việc.

Từ quy định của pháp luật về giám định tư pháp, qua thực tiễn ở Đà Nẵng cho thấy, phần lớn số lượng vụ việc giám định tư pháp được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, dù nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính đã tăng nhưng cũng chỉ chiếm số lượng nhỏ so với tố tụng hình sự. Trong số các lĩnh vực giám định thì lĩnh vực giám định pháp y và kỹ thuật hình sự là lĩnh vực có nhu cầu thường xuyên và số lượng giám định lớn nhất. Bên cạnh những điểm tích cực thì vẫn còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật về giám định tư pháp. Chính những bất câp về thể chế đã làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức và hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng, nhất là việc mở rộng đối tượng tham gia hoạt động giám định, kêu gọi chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia giỏi ở các khu vực ngoài Nhà nước.

  1. . KHÁI QUÁT TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRƯỚC KHI CÓ PHÁP LỆNH GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Sau năm 1997, cùng với sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, các vụ án, tranh chấp kinh tế, dân sự tại Đà Nẵng đã trở nên đa dạng và phức tạp. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đòi hỏi ở trình độ cao hơn, kéo theo các hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó hoạt động giám định tư pháp cần phải đổi mới, nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Tuy mỗi lĩnh vực giám định có ý nghĩa và vai trò khác nhau nhưng có điểm chung là hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự và giải quyết các tranh chấp trong tố tụng dân sự.

Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài đánh giá khái quát tình hình tổ chức và hoạt động giám định tư pháp tại thành phố Đà Nẵng trong 7 lĩnh vực như sau:

  1. Giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y
    1. Cơ sở thành lập và cơ cấu tồ chức

Trung tâm Pháp y được thành lập dựa trên Tổ chức Giám định Pháp y thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 2243/QĐ-UB. Trung tâm có 09 giám định viên, trong đó có 04 bác sĩ và 05 cán bộ chuyên ngành khác, là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, có nhiệm vụ thực hiện giám định phục vụ cho hoạt động tố tụng hình sự và một số hoạt động tư pháp dân sự. Pháp y là một hoạt động thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, căng thẳng về tâm lý, cường độ công việc cao, phải đảm bảo đáp ứng kịp thời, đây đủ theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ở thành phố Đà Nẵng, giám định pháp y là một trong những hoạt động giám định tư pháp thường xuyên và có số vụ việc lớn nhất triển khai ở cả 3 ngành: Y tế, Công an, Quân đội. Trong đó, Pháp y Y tế thực hiện giám định với số lượng lớn và toàn diện nhất gồm: giám định thương tích, giám định tử thi, độc chẩn giới tính, tuổi, tình dục, hung khí... Trong thực tiễn, Pháp y Y tế thực hiện một số vụ giám định do Quân đội, Công an chuyển sang. Hàng năm, ngành Pháp y thành phố đã thực hiện rất nhiều vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Trước yêu cầu bức xúc của thực tiễn, cũng như đòi hỏi của cải cách tư pháp thì việc nâng cao chất lượng của hoạt động giám định tư pháp đang đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi cần có kế hoạch, biện pháp đầu tư tập trung về con người và cơ sở vật chất cho công tác giám định nói chung và giám định pháp y nói riêng.

  1. Chức năng, nhiệm vụ

Chức năng và nhiệm vụ của tổ chức giám đính pháp y là giám định về tử thi và giám định thương tích, giám định thương tích bao gồm nhiều dạng như giám định về tỷ lệ mất sức, thương tật, giám định mô cơ thể qua kính hiển vi, giám định về tội phạm tình dục, giám định có thai hay không có thai, nhận dạng ... để hỗ trợ cho cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trong tố tụng dân sự, giám định pháp y có vai trò và ý nghĩa hỗ trợ cho Toà án trong việc xác định mức độ thương tích, nguyên nhân tổn thương, hung khí sử dụng. Từ đó, tạo cơ sở cho việc xác định ai là người gây ra thiệt hại, mức độ thiệt hại để buộc bên có lỗi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại trong các vụ án dân sự như: gây thương tích, trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng lao động hay xác định huyết thống trong các vụ án truy nhận cha cho con, cấp dưỡng, các vụ án về thừa kế... nhằm đảm bảo sự thật khách quan về vụ án.

  1. Mục đích và yêu cầu

Mục đích

Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y là một trong những chuyên khoa của ngành y nói chung nhằm mục đích phục vụ và hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, công bằng và đúng pháp luật.

Công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y nhằm mục đích nghiên cứu, ứng dụng hầu hết tất cả những kiến thức khoa học vào việc xác định mức độ tổn hại sức khỏe, phẩm giá của con người, nguyên nhân gây tử vong bởi những hành vi xâm hại đến thân thể, khi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giám định làm căn cứ cho việc xác định tội danh, đưa ra mức hình phạt đối với bị can, bị cáo được chính xác, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và tài sản của các tổ chức và cá nhân, bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y nhằm mục đích tham gia vào công tác xác định mối quan hệ huyết thống cho những nạn nhân trong các vụ thảm họa, thiên tai, địch hoạ. Xác định ADN còn giúp cho việc truy nhận cha cho con hay những người thân bị thất lạc được chính xác, thuận lợi và dễ dàng.

Yêu cầu

  • Kịp thời: các đối tượng giám định pháp y là những tang vật sinh học, người sống mang dấu vết thương tích, dấu hiệu bệnh tật, xác chết, vết má, phủ tạng... Những đối tượng này luôn luôn biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh, do đó phải giám định kịp thời, tức là giám định “nóng”.
  • Đầy đủ: có nghĩa là phải khám nghiệm, xét nghiệm toàn bộ và có hệ thống, phải thu lượm đủ hết tang vật, tài liệu, chứng cứ có thể thu thập được.
  • Chính xác: là yêu cầu cơ bản của một vụ khám nghiệm hay giám định pháp y. Muốn chính xác phải tý mý, thận trọng trong khám nghiệm, xét nghiệm phải có kỹ thuật bảo đảm, phương tiện bảo đảm, phương pháp đúng và có tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, chính xác còn có ý nghĩa là phải trung thực trong hồ sơ giám định, trong kết luận giám định.
  • Bí mật: yêu cầu về bí mật xuất phát từ tính chất nghiệp vụ và chính trị của công tác điều tra vụ án.
  • Khách quan: giám định viên pháp y phải trung thực với sự thật khách quan của quá trình nghiên cứu giám định. Khi đưa ra các kết luận giám định, giám định viên pháp y chỉ căn cứ vào kết quả của việc nghiên cứu trên cơ sở kiến thức, phương pháp nghiệp vụ, chuyên môn chứ không gò ép, chạy theo một ý muốn chủ quan hoặc các yếu tố khác để làm sai sự thật.
  1. Tình hình hoạt động

Yêu cầu cơ bản của công tác điều tra, truy tố, xét xử là các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp theo luật định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo đối với các vụ án hình sự, trong các vụ án dân sự cũng phải thu thập đầy đủ chứng cứ để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án đó được chính xác. Chính vì thế, hoạt động giám định pháp y gắn bó với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, dân sự. Bằng hoạt động khoa học chuyên sâu thuộc lĩnh vực pháp y có thể giúp giải đáp chính xác, khách quan nhiều vấn đề liên quan đến các vụ án mà điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể tự mình trả lời được.

Hoạt động giám định pháp y ở Đà Nẵng trước khi có Pháp lệnh Giám định có những tồn tại, hạn chế sau đây:

Một là, hoạt động giám định pháp y tại Đà Nẵng còn mang tính chất phân tán, chắp vá, chất lượng giám định còn thấp. Chủ yếu tập trung vào hoạt động giám định thương tích (chiếm đến 87%).

Hai là, về đội ngũ giám định viên pháp y của thành phố còn ít do thiếu biên chế, chủ yếu là những người làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về pháp y. Trình độ chuyên môn của giám định viên pháp y còn hạn chế.

Ba là, về cơ chế quản lý nhà nước, chính sách đối với đội ngũ giám định viên pháp y còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Chưa có những quy định thật cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến hiệu quả hoạt động giám định pháp y chưa cao.

Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu. Trụ sở làm việc của Trung tâm hiện đang nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Đà Nẵng.

  1. Giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần
  1. Cơ sở thành lập và cơ cấu tổ chức

Pháp y tâm thần là một trong những vấn đề sức khỏe của con người có liên quan đến pháp luật, là một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong ngành tâm thần học và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, người bị bệnh tâm thần do bị rối loạn về tư duy nhận thức, cảm xúc, ý thức, hành vi,... có thể gây nguy hại cho bản thân họ, cho tài sản, cho tính mạng những người khác, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nên cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo vệ xã hội và bản thân người bệnh.

Nói cách khác, pháp y tâm thần là một bộ phận của tâm thần học phát triển cùng với sự phát triển chung của ngành tâm thần học. Tâm thần bệnh học chỉ chú ý nghiên cứu vấn đề chẩn đoán, tìm nguyên nhân và tính chất bệnh với mục đích chữa bệnh và phòng bệnh còn pháp y tâm thần chủ yếu nghiên cứu mối liên hệ đặc biệt của các trạng thái rối loạn tâm thần đối với các vấn đề hình sự và dân sự. Do đó, công tác giám định pháp y tâm thần có tầm quan trọng và ý nghĩa về chính trị, phức tạp về chuyên môn y tế và pháp luật cần phải được tổ chức thực hiện tốt nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, tính mạng tài sản cho nhân dân, đồng thời cũng thể hiện tính nhân đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa là bảo vệ và điều trị cho người bệnh tâm thần công bằng trước pháp luật. Công tác này có mối quan hệ mật thiết giữa ngành y tế với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về hình sự, người phạm tội thường giả tạo bệnh tâm thần trước, trong hay sau khi vi phạm để trốn tránh pháp luật. Một số thì có xu hướng làm cho bệnh nặng hơn, lợi dụng bệnh tật để đạt mục đích riêng có lợi cho mình. Vì vậy, cần phải được xem xét giám định khi cần xử lý về mặt pháp luật đảm bảo sự công minh, công bằng của mỗi công dân trước pháp luật. Do vậy, cần phải tổ chức tốt công tác giám định pháp y tâm thần riêng biệt để giám định chính xác những đối tượng, những bị can, bị cáo, phạm nhân nghi có rối loạn tâm thần và đã bị bệnh tâm thần, xác định tình trạng tinh thần, mức độ, thể loại,... Từ đó xác định năng lực trách nhiệm pháp lý của đối tượng vi phạm.

Về dân sự, có những người bệnh tâm thần không làm được một số nghề nào đó hoặc được miễn trách nhiệm về một số nghĩa vụ công dân (nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động,...) hay không được sử dụng một số quyền lợi công dân (như bầu cử, ứng cử, ký hợp đông mua bán, vay mượn, kết hôn, thừa kế,...). Do đó công tác pháp y tâm thần cần được tổ chức tốt để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người bệnh và quyền lợi của xã hội trong việc bồi thường thiệt hại về dân sự.

Năm 1989, thực hiện Nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ban hành Quyết định số 631/QĐ-UB ngày 07 tháng 3 năm 1989 thành lập tổ Giám định Pháp y tâm thần Quảng Nam - Đà Nẵng riêng biệt đầu tiên và bổ nhiệm 5 giám định viên. Đến ngày 25/11/1999, ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 136/1999/QĐ-UB thành lập tổ chức giám định pháp y tâm thần, đặt trong Bệnh viện tâm thần thành phố, với 03 giám định viên.

  1. Mục đích, ý nghĩa

Hoạt động giám định pháp y tâm thần nhằm đạt được bốn mục đích sau:

Một là, giám định tình trạng sức khỏe - sức khỏe tâm thần của đương sự (bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị hại, người làm chứng, người lập di chúc, quyền công dân, nghĩa vụ quân sự, khả năng lao động,...) trước, trong, sau khi xảy ra vụ án và hiện tại.

Hai là, giám định khả năng chịu trách nhiệm hình sự, dân sự của đương sự.

Ba là, đề xuất biện pháp chữa bệnh đối với người được xem là mất năng lực trách nhiệm hình sự hoặc mất một phần năng lực trách nhiệm hình sự, dân sự.

Bốn là, nghiên cứu khoa học về pháp y tâm thần.

Giám định pháp y tâm thần được chia làm 2 nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất: Giám định theo tiêu chuẩn y học: xác định tình trạng sức khỏe tâm thần của đương sự, họ bị bệnh gì? mức độ nặng hay nhẹ?... phải áp dụng tiêu chuẩn và nguyên tắc chẩn đoán ICD10 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO);

Thứ hai: Giám định theo tiêu chuẩn pháp luật: có mất lý trí không? Có còn hay mất năng lực phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự không? Có phải điều trị bắt buộc hay áp dụng hình thức điều trị khác không?

Giám định pháp y tâm thần là một dạng hoạt động giám định tư pháp, là một ngành quan trọng trong tâm thần học, công tác giám định pháp y tâm thần có ý nghĩa chính trị to lớn, không những tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa mà còn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của công dân nói chung, của người bệnh tâm thần nói riêng. Đồng thời nghiên cứu mối liên quan của bệnh tâm thần với vấn đề pháp lý về tính chất, đặc điểm, mức độ ảnh hưởng nguy hại, mức độ phạm tội hoặc bị hại của từng loại bệnh; giữa công tác điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết người bệnh trong từng vụ án, đồng thời đề ra biện pháp để tổ chức điều trị và phòng ngừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hạn chế những hậu quả thiệt hại to lớn cho người và của cải vật chất do người bệnh tâm thần gây nên, làm giảm thiểu những tai nạn rủi ro do con người chủ quan vô ý thức gây nên như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…

  1. Tình hình hoạt động

Trước khi có Pháp lệnh Giám định tư pháp, Tổ Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, đon vị khác ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên và các cơ quan điều tra hình sự của các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 5, Viện phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng thưc hiện hoạt động giám định nhanh chóng và chính xác giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tốt các vụ án, ít có sai sót.

Ở Đà Nẵng có 6 hình thức giám định pháp y tâm thần cơ bản sau đây:

  • Lưu nội trú để giám định

Hình thức này giám định với những trường hợp khó khăn và phức tạp cho việc chẩn đoán bệnh cũng như xác định năng lực trách nhiệm hành vi về hình sự hay dân sự của đối tượng. Thời gian lưu đối tượng để làm giám định tại cơ sở nội trú trung bình 4-6 tuần, nhưng cũng tùy thuộc vào từng trường hợp để giám định có thể thời gian ngắn hơn hoặc cần thiết có thể kéo dài thì phải thông báo cho cơ quan trưng cầu giám định được biết. Tuy nhiên, hoạt động giám định tâm thần còn phải cần đến đội ngũ người chăm sóc, phục vụ ăn uống, canh giữ đối tượng giám định và một khoản kinh phí không nhỏ để lưu giữ đối tượng giám định. Đây là những khó khăn đối với tổ chức giám định pháp y tâm thần.

  • Giám định tại phòng khám tổ chức giám định (giám định ngay)

Áp dụng cho những trường hợp đơn giản sau khi đã tiếp nhận trưng cầu và hồ sơ liên quan đến vụ án của đối tượng. Các giám định viên nghiên cứu và giám định trên hồ sơ trước, hẹn cơ quan trưng cầu đưa đối tượng đến giám định trực tiếp. Tổ GĐPYTT, tiến hành thăm khám giám định, làm các xét nghiệm nếu thấy cần thiết và làm biên bản cho kết quả kết luận giám định.

  • Giám định tại phòng giam

Áp dụng đối với các trường hơp can phạm bị giam giữ không thể áp giải đối tượng đến giám định được: phạm nhân bị biệt giam, phạm nhân bị bệnh không đi được. Tùy theo cơ quan trưng cầu yêu cầu, Tổ GĐPYTT đến giám định tại chỗ (tại phòng giam) và làm các biên bản kết luận trả lời kết quả giám định sau cho cơ quan trưng cầu.

  • Giám định tại gia (tại nhà người bệnh)

Áp dụng giám định đối với các đối tượng bị bệnh nặng đau nằm tại chỗ không đi làm được hoặc các trường hợp mà đối tượng phủ định chống đối không chịu đi thì theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định thì Tổ GĐPYTT sẽ đến tận nơi (tại gia) để giám định và có văn bản kết luận giám định, trả kết quả sau cho cơ quan trưng cầu.

  • Giám định vắng mặt

Hình thức này ít được thực hiện, chỉ những trường hợp nào rất đặc biệt, quan trọng mới thực hiện. Áp dụng cho các đối tượng vắng mặt mà cơ quan tiến hành tố tụng không triệu tập được mà có đầy đủ hồ sơ, có quá trình tiền sử, bệnh sử đã từng được điều trị bệnh tâm thần ở các cơ sở chuyên khoa tâm thần đã có chẩn đoán bệnh trước đó.

  • Giám định tại Hội đồng xét xử

Hình thức này chỉ áp dụng cho những trường hợp bệnh tật đã rõ ràng và đã có thời gian điều trị nội trú tại các Bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Mục đích của hình thức giám định này thực chất là giám định viên được trưng cầu tới Hội đồng xét xử để làm rõ thêm kết luận của tập thể giám định hoặc của mình cho Hội đồng xét xử và các bên tham dự rõ.

  1. Giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự
    1. Cơ sở thành lập, cơ cấu tổ chức và mục đích, ý nghĩa

Hệ thống giám định tư pháp kỹ thuật hình sự Công an nhân dân được hình thành từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, đến năm 1978, Viện Khoa học hình sự là cơ quan trung ương của lực lượng giám định tư pháp kỹ thuật hình sự và pháp y ra đời. Ngày 11 tháng 3 năm 1987, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 19-QĐ/BNV về “Điều lệ giám định kỹ thuật hình sự”, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y phục vụ yêu cầu trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.

Thực hiện Nghị định 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 11 tháng 9 năm 1989, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ban hành Quyết định số 2059/QĐ-UB về việc thành lập Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến năm 1997, sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nâng, tổ chức giám định kỹ thuật hình sự cũng được chia tách thành 02 tổ chức thuộc 02 địa phương khác nhau. Theo đó, ngày 29 tháng 01 năm 1997, Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 195/QĐ-UB thành lập Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an thành phố Đà Nẵng.

Thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, Nghị định số 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2006/TT-BCA-C11 ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an và Hướng dẫn số 4638/HD-C11(C21) ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Tổ chức Giám định kỹ thuật hình sự Công an thành phố Đà Nẵng đổi tên thành Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Đà Nẵng, gồm 10 giám định viên được bố trí ở các đội khám nghiệm, giám định, Kỹ thuật phòng chống tội phạm. 100% giám định viên có trình độ đại học, trong đó có 03 cán bộ tốt nghiệp đại học cảnh sát chuyên ngành kỹ thuật hình sự, 02 cán bộ tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành hóa, tin học, 01 cán bộ tốt nghiệp đại học y khoa..., 04 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 02 cán bộ có trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị... Phòng Kỹ thuật hình sự đã và đang thực hiện công tác giám định trong các lĩnh vực: kỹ thuật tài liệu, đường vân, chữ viết, ma túy, dấu vết súng đạn, cơ học...

Trước năm 1988 công tác giám định kỹ thuật hình sự là một hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân, chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự về vai trò, vị trí pháp lý của người giám định và kết luận giám định. Vì thế người giám định không có tư cách pháp lý, giá trị chứng cứ của kết luận giám định chưa được đánh giá, nhìn nhận một cách đúng đắn, khoa học, chưa thực sự trở thành chứng cứ trong việc xem xét, xử lý vụ việc. Phần lớn kết quả giám định nhằm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng, trình độ nhận thức của những người tiến hành tố tụng.

Nghị định 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng ra đời đã quy định địa vị pháp lý, phạm vi hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, thẩm quyền, tiêu chuẩn giám định viên, giá trị pháp lý của kết luận giám định là cơ sở pháp lý để hình thành, củng cố, phát triển tổ chức và đội ngũ giám định viên, đưa kết luận giám định trở thành chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự thực hiện các nhiệm vụ truy nguyên khác nhau nhằm làm sáng tỏ một vụ việc có tính hình sự với mục đích xác định và chứng minh sự đồng nhất của các hiện tượng vật chất đang có liên quan đến vụ việc với những hiện tượng vật chất đã được xác định, thu thập trong quá trình điều tra. Thông qua công tác giám định, giám định viên sử dụng kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, những kinh nghiệm thực tiễn, các phương tiện, phương pháp khoa học để nghiên cứu, so sánh, kết luận giúp cho cơ quan trưng cầu giám định có nhận thức khách quan, giải quyết, xử lý vụ việc được chính xác, khoa học, kết luận giám định trở thành chứng cứ vô cùng quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ của ngành, áp dụng các biện pháp tố tụng.

  1. Tình hình hoạt động

Sau khi thành lập, đội ngũ giám định viên trong lĩnh vực kỹ thuật hinh sự ngày càng tăng lên về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn. Tuy số lượng giám định viên vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế ở Đà Nẵng nhưng cơ bản đã đảm bảo chất lượng, có trình độ chuyên môn khá trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn an tâm tư tưởng công tác, không có giám định viên nào vi phạm các quy định pháp luật.

Các điều kiện vật chất, phương tiện thiết bị phục vụ cho công tác giám định được từng bước cải thiện, được trang bị nhiều máy móc hiện đại. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế và mặt bằng chung thì còn thiếu, nhiều phương tiện không đồng bộ, lạc hậu, hư hỏng, không có phụ tùng thay thế, việc sửa chữa thiết bị, mua hóa chất tốn nhiều kinh phí và chậm chạp.

Trong công tác giám định kỹ thuật hình sự, các giám định viên luôn bám sát nguyên tắc “thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, khoa học”, đảm bảo bám sát phưong pháp giám định, sử dụng các phương tiện, máy móc, các phần mềm chuyên dụng, hoàn thành và đăng ký các hồ sơ giám định đúng thủ tục pháp lý, đúng thời gian quy định đặc biệt là đối với các vụ giám định ma túy, các giám định viên luôn tích cực, khẩn trương giám định ra kết luận kịp thời, phục vụ cho các cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp nghiệp vụ của ngành.

Trước khi có Pháp lệnh Giám định tư pháp, so với các hoạt động giám định tư pháp khác, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự ở Đà Nẵng đã gặp những thuận lợi nhất định, đáp ứng cơ bản được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trên các lĩnh vực giám định truyền thống, chữ ký, chữ viết, kỹ thuật tài liệu, đường vân, ma túy, dấu vết súng đạn và cơ học…. Các vụ giám định đều đưa ra kết luận khẳng định có ý nghĩa truy nguyên hình sự hoặc loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất các kết luận khả năng gây khó khăn cho công tác xử lý vụ việc của cơ quan trưng cầu giám định, không có vụ việc nào phải chuyển lên cơ quan giám định cấp trên là Viện Kỹ thuật hình sự. Một số vụ giám định, giám định viên đã tiến hành giám định, đưa ra kết luận giám định chính xác nhưng do tính chất, tầm quan trọng của chuyên án nên cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định lại để củng cố thêm niềm tin vào chứng cứ để từ đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp tố tụng mang tính then chốt, quyết định thành công của chuyên án. Hầu hết các kết luận giám định đều được cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao, không để xảy ra tình trạng xung đột kết luận giám định.

  1. Giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá
    1. Cơ sở thành lập, cơ cấu tổ chức

Trước đây, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chưa có tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá vỉ chưa có đủ đội ngũ các chuyên gia cộ trình độ chuyên môn để giám định các loại tác phẩm văn hoá và yêu cầu thực hiện giám định trong lĩnh vực văn hoá trong giai đoạn này vẫn còn chưa nhiều.

Thực hiện Nghị định 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, ngày 13 tháng 3 năm 1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 352/QĐ-UB về việc thành lập tổ chức giám định tác phâm văn học - nghệ thuật và văn hoá phẩm tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến nàm 1997, Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tiên hành xây dựng, củng cố lại tổ chức giám định tư pháp về văn hoá trên địa bàn thành phố, nhằm phục vụ yêu cầu của công tác giám định trong bối cảnh tình hình mới. Ngày 06 tháng 6 năm 2001, ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 69/QĐ-UB về việc thành lập tổ giám định tư pháp các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật và văn hoá phẩm nghệ thuật của thành phố, gồm 05 thành viên.

2.2.4.2. Mục đích, ý nghĩa

Hoạt động giám định tư pháp về văn hoá ở Đà Nẵng bao gồm các hoạt động sau:

Một là: Giám định sách, báo, tạp chí, lịch, bản đề, các loại tài liệu, văn bản thuộc mọi lĩnh vực, được ấn loát, đánh máy, chép tay hoặc được sao chép bằng mọi hình thức. Bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ các đồ án thiết kế những công trình đơn thuần, dân dụng.

Hai là: Giám định các loại tranh thông thường hoặc tranh nghệ thuật, tác phẩm mỹ thuật các thể loại: đồ họa, khắc kẽm, khắc gỗ, sơn khắc, sơn dầu, sơn mài, điều khắc, khảm trai và bằng các chất liệu đá, gỗ, xương, gốm sứ, sành, thuý tinh, vải, lụa, giấy, kim loại, than đá, thạch cao...

Ba là: Giám định phim điện ảnh đã quay, phim chụp ảnh đã chụp, ảnh thông thường, ảnh nghệ thuật, phim đèn chiếu, các loại bằng video đã ghi, các loại bằng Cassette, bằng cối đã ghi, đĩa mềm máy vi tính, các loại bằng đĩa đã ghi tiếng, ghi hình hoặc ghi mã số khác.

Bốn là: Giám định đồ thủ công mỹ nghệ thuộc các thể loại và chất liệu. Đồ thờ cúng, bản phiên các loại đồ cổ bằng mọi chất liệu.

Mục đích của hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá nêu trên nhằm phục vụ cho việc xem xét, phân tích các tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hóa phẩm có mang nội dung đồi trụy, phản động chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không, có phải di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là nguyên bản, nguyên gốc hay là đồ giả cổ, đồ copy, phiên bản và trên cơ sở đó đưa những kết luận về chuyên môn theo trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá là một hoạt động bổ trợ tư pháp, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, thông qua đó góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong việc giải quyết các vụ án nói chung.

2.2.4.3. Đánh giá tình hình hoạt động

Từ năm 1997 đến trước khi có Pháp lệnh, bên cạnh những yếu tố tích cực, nhiều vấn đề bất cập cũng nảy sinh, một số loại văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh nhập lậu đã lưu hành tràn lan trên thị trường. Nhiều văn hoá phẩm in, sang lậu tại nước ngoài sau đó vận chuyển trái phép về Việt Nam qua các đường khác nhau, phần lớn là những văn hoá phẩm độc hại, đồi trụy, phản động làm cho tình hình quản lý hết sức khó khăn. Trong thời gian này đã có nhiều vụ án được điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến việc kinh doanh, buôn lậu văn hóa phẩm…, công tác giám định tư pháp về văn hoá trên địa bàn thành phố đã được cơ quan chuyên môn thực hiện nhằm giải quyết những vụ án đã xảy ra.

Trong quá trình mở cửa, giao lưu và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, với sự tác động của nền kinh tế thị trường, vấn đề quản lý văn hoá trên cả nước nói chung, ở thành phố Đà Nẵng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Những năm qua, các loại hình văn hoá phẩm như sách báo, băng, đĩa ca nhạc, phim ảnh đồi trụy, phản động từ nước ngoài chuyển vào, đến các sách báo, tài liệu phản động từ trong nước chuyển ra, rồi việc buôn bán cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia, khai thác trái phép cổ vật, di vật... diễn ra khá nhiều. Tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước tình trạng trộm cắp cổ vật gia tăng liên tục ở mức báo động, nhiều tượng phật, đồ thờ tự, sắc phong ở tại các đình, chùa.. .bị trộm cắp như ở Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định...Bên cạnh việc cổ vật trong di tích bị mất cắp thì nạn đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học cũng đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Một số di chỉ khảo cổ học ở An Giang, Lâm Đồng, các lăng mộ ở các tỉnh miền Trung... đã trở thành mảnh đất bị đào bới dữ dội để tìm cổ vật. Thị trường đến về buôn bán cô vật được hình thành những tệ nạn buôn bán trái phép chưa được các ca quan chức năng quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp xử lý triệt để và việc xử lý chưa nghiêm khiến cho những đối tượng hoạt động buôn bán trái phép cổ vật văn hoá vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhiều cửa hàng ở các trung tâm du lịch lớn trong đó có thành phố Đà Nẵng, bày bán công khai cổ vật nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý. Du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch tại thành phố ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu mua cổ vật tăng theo, kẻ xấu từ đó cũng lợi dụng buôn bán kiếm lời, trong khi đó, trình độ nghiệp vụ và khả năng giám định cổ vật của cán bộ ở các địa phương, của Hải quan cửa khẩu chưa cao nên còn để thất thoát nhiều cổ vật...

  1. Giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính

2.2.5.1. Cơ sở thành lập

Công tác giám định nói chung, giám định tư pháp nói riêng hiện nay có rất nhiều văn bản pháp quy cũng như tài liệu đề cập đến. Theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17020, định nghĩa “giám định là việc kiểm tra thiết kế sản phẩm, dịch vụ, quá trình hay nhà xưởng thiết bị và xác định sự phù hợp của chúng với các yêu cầu cụ thể hoặc yêu cầu chung trên cơ sở của sự đánh giá chuyên nghiệp”.

Dù không có khái niệm về công tác giám định tư pháp cho từng lĩnh vực cụ thể nhưng có thể hình dung nội dung công việc trong một số lĩnh vực như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, kế toán tài chính bởi tính phổ biến, thường xuyên phục vụ cho công việc điều tra, giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, khái niệm giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính lại là một khái niệm khá mới mẻ, đối với nhiều người, kể cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Về mặt nhân sự, trước khi Pháp lệnh Giám định tư pháp có hiệu lực, Đà Nẵng chưa có giám định viên tư pháp về giao thông công chính. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp thì: “Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn điều kiện bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở từng chuyên ngành thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý”.

Tuy nhiên, cho đến nay nội dung này chưa được triển khai, thành phố mới chỉ có 05 cá nhân được bổ nhiệm giám định viên giao thông công chính (đều là cán bộ công chức của Sở Giao thông vận tải), trong đó 03 người chuyên ngành cầu đường và 02 người chuyên ngành cơ khí. Tuy nhiên, tất cả các giám định viên này đều chưa được bồi dưỡng bổ sung, củng cố kiến thức pháp luật về hình sự và dân sự liên quan đến công tác giám định.

Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải có Phòng Giám định và quản lý chất lượng công trình nhưng chức năng của Phòng chỉ dừng lại ở việc tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán; thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng, giám định chất lượng các công trình cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới các công trình cơ sở hạ tầng giao thông công chính trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Giao thông vận tải, nghĩa là mới thực hiện công tác giám định trên lĩnh vực xây dựng cơ bản chuyên ngành.

Như vậy, có thể khẳng định rằng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn khá mới mẻ không chỉ với nhiều người mà còn với ngay cả ngành giao thông công chính thành phố.

  1. Mục đích và ý nghĩa

Cùng với sự phát triển của lĩnh vực giao thông công chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tranh chấp cũng như cáe vi phạm trong lĩnh vực này như tai nạn giao thông, xây dựng cầu đường,... ngày càng nhiều, càng phức tạp, phát sinh nhu cầu về giám định của hoạt động tố tụng, nhất là tố tụng dân sự ngày càng lớn và phổ biến. Do tính chất đặc thù của hoạt động giao thông công chính là đa lĩnh vực, nhiều đối tượng, tổ chức tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động trải rộng, thời gian dài,... Chính vì thế, công tác giám định nói chung, giám định tư pháp nói riêng trong lĩnh vực giao thông công chính cũng trở nên đa dạng và phức tạp.

Do công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính chưa được nhiều người thấu hiểu, cũng như phổ biến rộng rãi nên nhiều vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng giao thông, vận tải, phương tiện - người lái gây ra lãng phí thất thoát, hoặc ảnh hưởng đến thân thể, tính mạng của con người nhưng chưa được xử lý kịp thời, hoặc phải kéo dài thời gian xem xét, hoặc “chìm xuồng”, hoặc xử lý hành chính nội bộ... vì không thực hiện hoặc không thê thực hiện giám định tư pháp. Điều đó đã làm cho chế tài thực thi pháp luật không nghiêm, kém hiệu lực và hiệu quả.

Công trình giao thông là những công trình công cộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân, của xã hội. Hạ tầng giao thông như: đường sá, cầu cống,… kém chất lượng, xuống cấp thì làm cho lưu thông bị ngừng trệ, lãng phí về thời gian, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế. Cho đến nay, chủ đầu tư là người duy nhất khẳng định về chất lượng công trình. Tư vấn giám sát công trình là người giúp chủ đầu tư thực hiện quản lý chất lượng công trình. Chất lương công trình phụ thuộc vào rất nhiều vào năng lực, đạo đức của người cán bộ giám sát cũng như trình độ quản lý dự án của chủ đầu tư. Người dân là những người sẽ hưởng thụ các sản phẩm của xây dựng công trình giao thông nhưng lại không có được những thông tin, đánh giá mang tính độc lập về chất lượng công trình.

Do vậy, khi có sự cố công trình xảy ra, ảnh hưởng đến lợi ích, tính mạng của con người, thường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm dẫn đến sự cố mà vụ sập cầu dẫn đang thi công ở Cần Thơ là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, mặc dù số lượng công việc trưng cầu giám định cũng như giám định tư pháp ở Sở Giao thông vận tải chưa nhiều, nhưng cũng đã phần nào thấy được tính đa dạng phức tạp của công tác giám định tư pháp giao thông công chính. Giám định nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng giao thông nói riêng là công việc mới, chưa có tiền lệ, việc triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề khó khăn. Thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân là đối tượng bị xử lý chưa đọng thuận về tính chất mức độ vi phạm trong lĩnh vực giao thông công chính, chỉ với kết luận của cơ quan quản lý chức năng hành chính đơn thuần, mà không có trưng cầu giám định tư pháp. Cũng có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng chưa đúng những quy định của pháp luật về giám định tư pháp, nhất là việc định giá các tài sản bị xâm hại để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự còn nhiều tuỳ tiện và nhiều trường hợp không trưng cầu giám định, chỉ căn cứ vào lời khai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại của người bị hại và lời nhận tội của bị cáo. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định chưa theo đúng quy định tại các văn bản pháp luật nói trên.

Do vậy chắc chắn một điều là, giám định tư pháp càng nhiều tại các vụ án có liên quan sẽ càng khiến cho việc đánh giá phân tích phục vụ cho điều tra giải quyết vụ án nhanh chóng và chính xác hơn. Kết luận của giám định tư pháp giao thông công chính là yếu tố quan trọng trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực giao thông công chính khách quan, công bằng  và nghiêm minh. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, việc kết luận đúng sai trong thi hành pháp luật cần thiết phải thông qua giám định tư pháp và có ý nghĩa để cao ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn thành phố.

2.2.5.3. Đánh giá kết quả hoạt động

Lĩnh vực giao thông công chính khá rộng, bao gồm các chuyên ngành sau:

  • Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, đường sắt như: đường sá, cầu cống, bến phà, cầu phao, sân bay, nhà ga, nhà chờ xe buýt, đường hầm, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu, đường, các thiết bị cân, đếm xe; các công trình phụ trợ an toàn giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ (đèn tín hiệu, biển báo hiệu, giá long môn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường);...
  •  Hạ tầng kỹ thuật đô thị: vỉa hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe trong đô thị.
  •  Các hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đăng kiểm; công tác quản lý đào tạo lái xe, thuyền viên và người lái phương tiện thuý nội địa; sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp đăng ký biển số xe máy chuyên dùng theo qui định; công tác công nghiệp giao thông vận tải địa phương.

Hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực giao thông công chính trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gồm 2 giai đoạn 1975 - 1997 (thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) và sau này (từ năm 1997 đến nay), có thể nhận thấy rằng, mặc dù hoạt động giám định giao thông công chính trên địa bàn thành phố diễn ra khá liên tục nhưng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực này lại rất hạn chế, do nguồn lực và năng lực giám định chưa thể đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hoạt động giám định giao thông công chính như: giám định chất lượng công trình cầu đường, giám định tổ chức an toàn giao thông, giám định chất lượng xe máy lưu thông, giám định chất lượng cây xanh trồng trên đường phố,... là một việc làm thường xuyên của ngành giao thông công chính thành phố Đà Nẵng, trong đó giám định chất lượng công trình và giám định chất lượng phương tiện là hai chuyên ngành được quan tâm nhất nhờ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Chỉ tính từ khi tách thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành hàng trăm lượt giám định chất lượng công trình xây dựng cầu đường định kỳ hay đột xuất, hàng ngàn xe ô tô các loại lưu thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông công chính rất rộng, liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội của người dân cũng như các lĩnh vực khác như:

  • Ảnh hưởng của rác thải đô thị môi trường, sức khỏe con người;
  • Chất lượng xe máy (phanh, khí xả,...) ảnh hưởng đến tính mạng, thân thể con người;
  • Xây dựng cầu cống ảnh hưởng đến nhà cửa cá nhân, các công trình công cộng;
  • Ảnh hưởng của công viên, cây xanh đến nhu cầu vui chơi, giải trí;
  • Ảnh hưởng của hệ thống đường sá đến sự thuận lợi trong lưu thông xe máy, an toàn giao thông;

2.2.6. Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

  1. Cơ sở thành lập

Trước khi có Pháp lệnh Giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra một cách phân tán đơn lẻ. Tùy theo tính chất và mức độ từng vụ việc, cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án có thể trưng cầu các doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có khả năng giám định về xây dựng.

Thời gian này, Sở Xây dựng tham gia công tác giám định theo yêu cầu ở dajng giám định theo vụ việc (cử chuyên gia, chuyên viên để phối hợp giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực tranh chấp xây dựng). Lực lượng chủ yếu là các chuyên viên phòng giám định kỹ thuật, phòng Thanh tra. Công việc chủ yếu là xác định chất lượng còn lại của công trình xây dựng và xác định mức đền bù thiệt hại.

Ngày 16 tháng 02 năm 2004, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 21/2004/QĐ-UB thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng, Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng có chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là giúp cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng; đánh giá, kết luận về chất lượng sản phẩm xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

  1. Vai trò, mục đích và ý nghĩa

Vai trò giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là nhằm mục đích cung cấp các chứng cứ nhằm phục vụ hoạt động tranh tụng liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Kết luận giám định là một trong nhiều loại chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, đánh giá; là yếu tố quan trọng cho hoạt động giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực xây dựng; là một hoạt động bổ trợ không thể thiếu trong hoạt động tư pháp.

Kết quả giám định giúp cho các bên đương sự có cơ sở để thương lượng, hòa giải; hạn chế bất đồng, mâu thuẫn phát sinh trong hoạt động xây dựng; từ đó tiết kiệm được công sức, tiền của cho cả cơ quan tiến hành tố tụng lẫn các bên đương sự trong thời gian giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến xây dựng. Kết luận giám định khoa học, chính xác giúp cho cơ quan tiên hành tố tụng xét xử đúng người đúng tội trong việc xét xử các vụ án liên quan đến xây dựng, đồng thời góp phần bổ trợ cho việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xây dựng được nghiêm minh và đúng pháp luật.

  1. Tình hình hoạt động

Nhìn chung, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng ở Đà Nẵng trước khi có Pháp lệnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là thực hiện giám định theo trưng cầu của Tòa án nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là hoạt động tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Hoạt động này liên quan không chỉ đến chuyên môn xây dựng mà còn ở nhiều lĩnh vực như pháp luật, tài chính... và cả các quan hệ dân sự thông thường khác.

Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng được hiểu cụ thể là xác định các nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hay sự cố cho công trình xây dựng; giám định về giá trị tài sản, về thiệt hại trong xây dựng... Xây dựng là ngành rất phức tạp, có những đặc thù mà các ngành khác không có. Xây dựng lại là một hoat động đa ngành. Công trình, nhà cửa được xây dựng và sử dụng tại chỗ cũng như được phân bố tản mạn nhiều nơi; sản xuất xây dựng có tính lưu động cao, thiếu ổn định. Công trình xây dựng thường có kích thước và chi phí lớn (vốn lốn), có thời gian kiến tạo và sử dụng lâu dài... Các lực lượng liên quan đến xây dưng lại đa dạng như công nhân xây dựng, kỹ sư xây dựng, chủ đầu tư, doanh nghiệp tư vấn, doanh nghiệp xây dựng, tổ chức bảo trợ, ngân hàng...

2.2.7. Giám định trong lĩnh vực môi trường

2.2.7.1. Tổ chức hoạt động

Hoạt động giám định về môi trường ở Đà Nẵng chủ yếu là hoạt động quan trắc và phân tích môi trường (thường gọi là quan trắc môi trường).

Các hoạt động quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố đang thực hiện bao gồm quan trắc hiện trạng môi trường thành phố (thường gọi là chương trình quan trắc môi trường địa phương) bao gồm các hoạt động lấy mẫu và phân tích môi trường không khí, nước, đất... Chương trình quan trắc môi trường qua các năm cũng được củng cố và nâng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của thành phố. Năm 1997, chương trình quan trắc của Đà Nẵng có 22 điểm, kinh phí thực hiện là 70 triệu đồng, với tần suất 2 lần/năm, đến năm 2005, chương trình quan trắc được nâng tầm nhằm kiểm soát tốt vấn đề môi trường, số điểm quan trắc tăng 10, tầng suất là 6 lần/năm, kinh phí tăng 3 lần so với năm 1997. Chương trình quan trắc môi trường nhằm làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá diễn biến chất.

Hoạt động giám định môi trường ở Đà Nẵng chủ yếu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đóng trên địa bàn thành phố. Trong các năm vừa qua, hoạt động này đã góp phần trong công tác xác định mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý hành chính nhằm tăng cường hiệu lực trong công tác bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng hiện chưa có trường hợp nào được bổ nhiệm giám định viên tư pháp về môi trường. Tuy không thành lập về mô hình tổ chức nhưng vai trò của hoạt động giám định trong lĩnh vực môi trường được dự báo là ngày càng quan trọng và cần thiết. Để có cơ sở đề xuất xã hội hoá giám định tư pháp về lĩnh vực môi trường, trong phạm vi đề tài này tập trung phân tích, đánh giá nhu cầu hoạt động môi trường ở Đà Nẵng như sau:

Thứ nhất: Áp lực lên môi trường do phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển trên nhiều lĩnh vực ở Đà Nẵng đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng là diễn ra mạnh nhất (2000-2006). Đến nay, diện mạo của thành phố về cơ sở hạ tầng đã có những thay đổi lớn, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như đường Điện Biên Phủ, thông tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, tuyến cẩm Lệ - Miếu Bông; nhiều công trình trọng điểm khác cũng được đẩy nhanh tiến độ như đường Nguyễn Tri Phương nối dài, quốc lộ 14B Hoà Cầm - Tuý Loan, cầu Thuận Phước, Trung tâm Công nghệ phần mềm giai đoạn 2, Bệnh viện đa khoa 600 giường...

Ngoài ra các công trình xây dựng do Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng được đẩy nhanh tiến độ và có kết quả tốt. Năm 2006, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn là 9.237,094 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản chiếm 70%, tăng hơn 8 lần so với năm 1997.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố trong năm qua, ảnh hưởng đến việc khai thác triệt để các nguồn tài nguyên phục vụ công tác xây dựng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm bụi cũng phát sinh từ quá trình này. Đặc biệt là ô nhiễm bụi do san lấp mặt bằng, khai thác, chế biến và vận chuyển vật liệu xây dựng, các công trình thi công các công trình cao tầng chưa được che chắn đảm bảo gây ô nhiễm bụi trong khu dân cư. Ngoài ra, các công trình xây dựng trong khu dân cư chưa có phương án thoát nước gây tình trạng ứ đọng, ngập úng cục bộ. Chưa kể đến tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép không có phương án bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người. Việc mở rộng khu dân cư mới và phát triển cơ sở hạ tầng đã chiếm dụng một diện tích khá lớn ở huyện Hoà Vang và các quận khác, làm cho diện tích nông nghiệp của thành phố bị thu hẹp, ảnh hưởng đến vấn đề lương thực và sản xuất nông nghiệp. So với năm 1999, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố giảm 3.601 ha.

Với sức ép về dân số và tình trạng phân bố dân cư không đồng đều (cao nhất ở quận Thanh Khê 165.341 người/km2 và quận Hải Châu 192.605 người/km2) ở một số quận nội thành đã gây ra những bất cập về nhà ở, việc làm, đất đai, nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường trong khu dân cư.

Thứ hai: Phát triển du lịch

Với địa thế thuận lợi của Đà Nẵng (dãi ven biển dài, núi Sơn Trà, Nam Hải Vân, giao thông thuận lợi), hiện nay thành phố Đà Nẵng đã chú trọng mạnh đến phát triển du lịch và dịch vụ, định hướng đến năm 2010 là tập trung đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Sự phát triển “nóng” về du lịch trên toàn địa bàn thành phố, nhất là dãy ven biển đã và đang đứng trước những thách thức rất lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Thực trạng hiện nay cho thấy, vấn đề quy hoạch phát triển du lịch chưa được xem xét đến yếu tố môi trường. Đến nay chỉ có các dự án khách sạn có báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại các dự án lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng hay đang triển khai đều bỏ qua việc xem xét yếu tố tác động môi trường. Đặc biệt các nhà hàng ngày càng mọc lên nhiều dọc các tuyến ven biển nhưng không có cam kết bảo vệ môi trường, sẽ có ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực ven biển, làm mất mỹ quan và ô nhiễm chất lượng nước biển. Mặc khác việc khai thác tài nguyên ven biển, rừng cho mục đích du lịch nhưng chưa có tính đến việc đầu tư phục hồi hay tái tạo lại tài nguyên đã bị khai thác. Tất cả các yếu tố trên là một sức ép rất lớn đối với môi trường và phát triển bền vững ở Đà Nẵng nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Thứ ba: Phát triển công nghiệp

Đà Nẵng có 7 khu và cụm công nghiệp, bao gồm Khu công nghiệp Hoà Khánh, Hoà Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hoà cầm, Dịch vụ Thuý sản Đà Nẵng, Đà Nẵng và cụm Công nghiệp Thanh Vinh. Các khu công nghiệp đã được quy hoạch và phát triển quá nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” các KCN và việc quản lý môi trường tại các khu công nghiệp đã không theo kịp với tốc độ phát triển. Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng lại chưa có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp nào được đưa vào hoạt động (trừ KCN Hoà Khánh đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm), chưa hình thành các tổ chức bảo vệ môi trường trong các KCN. Điều này đã gây ra các tác động trực tiếp tới chất lượng môi trường sống của người dân, làm suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm và ảnh hưởng tới các hệ sinh thái. Hơn nữa, các cơ sở công nghiệp hoạt động trong và ngoài KCN không đầu tư hoặc đầu tư chưa có hiệu quả cho các công trình xử lý chất thải dẫn đến tình trạng chất thải không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu trước khi thải vào môi trường. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đến chất lượng môi trường của thành phố Đà Nẵng. Tình trạng trên là chưa kể đến việc sử dụng chủ yếu tài nguyên thiên nhiên của thành phố để sản xuất đáp ứng với yêu cầu phát triển của thành phố, trong khi vẫn chưa tính đến yếu tố phục hồi và bảo vệ nguồn tài nguyên này.

Thứ tư: Phát triển giao thông đô thị

Cùng với quá trình đô thị hoá, giao thông Đà Nẵng phát triến khá mạnh trong những năm gần đây, nhất là giao thông đường bộ. Giao thông phát triển kéo theo các cơ sở phục vụ giao thông cũng được hoàn thiện. Đến nay đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông và mương cống tuyến chính. Đặc biệt, các công trình trọng điểm như đường Điện Biên Phủ, Sơn Trà - Điện Ngọc và các công trình do Cụm Cảng hàng không sân bay miền Trung, đường Lê Hữu Trác, Hoàng Hoa Thám, Duy Tân, Hoàng Văn Thái...đã được đây nhanh tiến độ.

Hiện nay các tuyến đường quốc gia đã hoàn thiện và nâng cấp khá đồng bộ, nên lưu lượng xe bình quân trong ngày có giảm 11,3% so với năm trước (7.387 xe/ngày đêm). Tuy nhiên, mật độ trung bình đường giao thông trong khu vực đô thị lớn hơn nhưng mạng lưới phân bố chưa đồng đều, dải phân cách chưa hợp lý, một số đường trung tâm còn hẹp trong khi đó các phương tiện giao thông cơ giới ngày càng gia tăng do đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ xây dựng của thành phố nên vẫn diễn ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong khu vực đô thị.

Thứ năm: Phát triển khai thác khoáng sản

Khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tương đối đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào nhóm phi kim loại, được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều nhất vẫn là nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thông thường như đá granit, đá phiến, đá phiến tái kết tinh tập trung ở các xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phát, Hòa Khánh, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Bắc...v.v. Tất cả các mỏ đang hoạt động tập trung ở các xã, phường trên đây. Riêng đá granit tại bán đảo Son Trà, khu rừng đặc dụng Hải Vân và khu đá hoa ở Ngũ Hành Sơn là các khu vực có trữ lượng rất lớn hàng tý mét khối nhưng thuộc các khu vực cấm khai thác.

Ngoài ra, cát sỏi xây dựng tại các lưu vực sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Cầu Đỏ, sông Hàn... vẫn được khai thác để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của thành phố, nhưng ở mức độ hạn chế, ngoài mục đích làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, còn chủ yếu là nạo vét luồng lạch, tránh sạt lở bờ sông.

Cát trắng ở Nam Ô là nguồn tài nguyên quý, đảm bảo chất lượng sản xuất kính cao cấp, hiện nay đang cấm khai thác. Sét làm gạch ngói tập trung nhiều ở các xã của Hòa Vang như Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hoà Phong và Hòa Khánh của Liên Chiểu. Hiện nay có một số mỏ đang hoạt động, như An Châu xã Hòa Phú, Phước Sơn xã Hòa Ninh .. .v.v.

Hiện nay, khai thác khoáng sản chủ yếu ở Đà Nẵng là đá xây dựng các loại, hiện có 48 mỏ đá, sét và khai thác cát sông đang hoạt động. Năm 2006, tổng công suất khai thác là 1.441.641m3, tăng gấp 9 lần so với năm 1997, quy mô các mỏ khai thác và sản lượng khai thác cũng tăng nhanh chóng, nhất là vào các thời điểm năm 2001-2006. Việc khai thác khoáng sản hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tài nguyên và môi trường. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được, nếu khai thác không hợp lý, không đúng quy hoạch sẽ cạn kiệt nguồn tài nguyên, nguy cơ hoang mạc hoá, mất cân bằng sinh thái. Trong khai thác chưa tuân thủ các phương án bảo vệ môi trường gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, công tác ký quỹ phục môi trường sinh thái của các chủ dự án khai thác và tận thu mỏ cũng chưa được thực hiện. Một thực trạng nữa ở thành phố là việc chuyên chở vật liệu xây dựng không đảm bảo các điều kiện về an toàn và môi trường đã ô nhiễm bụi giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp. Mặc dù đến nay tình trạng này đã được khắc phục, tuy nhiên việc không kiểm soát chặt của các cơ quan chức năng, thỉnh thoảng đã xảy ra ô nhiễm bụi mà một bộ phận dân cư tại một số khu vực liên quan đã khiếu nại bởi chính hoạt động này.

Công tác giám định trong lĩnh vực môi trường là một công việc hết sức phức tạp, vừa phải đánh giá nguồn tác động vừa phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hoạt động đến môi trường, chi phí khá cao. Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp hiện nay là mới mẻ, chưa có sự nhận thức chính xác do vậy việc xử lý chưa nghiêm minh. Mặc dù có sự bức xúc từ phía nhân dân nhưng việc truy cứu trách nhiệm pháp lý chưa được thực hiện chặt chẽ, nhiều vụ việc chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính, các hoạt động quan trắc môi trường dừng lại là phục vụ cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra môi trường.

2.2.7.2. Đánh giá tình hình hoạt động

Nhờ có sự phục vụ đắc lực của hoạt động giám định môi trường, công tác quản lý nhà nước về môi trường và bảo vệ môi trường của thành phố đã được tăng cường và dần đi vào nề nếp, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường

Trên cơ sở những chính sách và văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo về môi trường nhằm cụ thể hoá một số văn bản pháp luật Trung ương cho phù hơp với yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương, qua đó tăng cường hiệu lực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong 10 năm qua thành phố đã ban hành hơn 10 văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản đã đáp ứng về yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố, chuyển các chính sách từ chuyên ngành sang chính sách đa ngành phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường.

Các chính sách về bảo vệ môi trường trong từng ngành, lĩnh vực cũng đã được quan tâm đúng mức và góp phần giải quyết các vụ việc ô nhiễm môi trường trong thành phố. Trong lĩnh vực môi trường công nghiệp, thành phố đã ban hành chính sách quản lý ô nhiễm công nghiệp làm nền tảng cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp và chính sách bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm dảm bảo môi trường đối với các hoạt động công nghiệp trong các khu công nghiệp ở Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng đã chủ trường tách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư và ban bành cơ chế xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Đây là chính sách quan trọng, bước đầu đã góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện môi trường xanh sạch đẹp tại thành phố Đà Nẵng. Chính sách này được ban hành cùng thời điểm với quá trình đô thị hoá mạnh mẽ tại thành phố, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, điển hình là thực hiện tốt công tác di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm mỗi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải nhằm giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đối với hoạt động du lịch, dịch vụ, thành phố đã ban hành văn bản để chỉ đạo việc quản lý hoạt động du lịch tại các bãi biển, điểm và khu du lịch theo hướng văn minh, trật tự và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là những chính sách rất quan trọng trong lĩnh vực du lịch đã có sự vận dụng khá tốt để điều chỉnh các hoạt động, tạo đà cho sự phát triển du lịch, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp và nhằm đáp ứng cao nhu cầu du lịch và dịch vụ trong thời gian đến.

Xuất phát từ yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố, từ năm 2003 - 2004, tình hình ô nhiễm môi trường bụi do quá trình khai thác, vận chuyên vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình gia tăng đến mức báo động, thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách về đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc thực hiện các quy định nêu trên được tiến hành kịp thời, các sở, ngành liên quan đã phối hợp kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này.

Thứ hai: Hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy phép môi trường

Đến nay, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả nhất định. Tổng số dự án được xem xét và cấp phiếu xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường là 350 dự án, 116 dự án đã được cấp quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM (trong đó 87 cơ sở đang hoạt động và 29 dự án),

Chất lượng các báo cáo ĐTM ngày càng được nâng cao hơn, các phương án bảo vệ môi trường được thẩm định kỹ, các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định có kinh nghiệm và chuyên môn. Thủ tục thẩm định về môi trường thực hiện theo Đề án “Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa” đảm bảo theo hướng công khai các thủ tục, quy trình thẩm định, do đó đã giúp cho các tổ chức và cá nhân thuận lợi hơn khi liên hệ công tác, các hồ sơ thẩm định đều được giải quyết đúng thời hạn quy định.

Thứ ba: Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, quan trắc môi trường

Đối tượng thực hiện kiểm soát ô nhiễm là các cơ sở khai thác tài nguyên, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc các nguồn thải tại các khu vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Mục đích của giám sát là kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thành phố, từng bước chấn chỉnh các cơ sở này đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

Từ thực trạng nêu trên, có thể khẳng định và dự báo tình hình, nhu cầu giám định về môi trường ở Đà Nẵng trong thời gian đến là tương đối đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực như giao thông, xây dựng,...giám định tư pháp về môi trường chưa được nhận thức một cách đầy đủ, còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực và trang thiết bị chưa được cơ quan nhà nước đầu tư, nâng cấp. Đây là một trong những trở ngại lớn ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng ở Đà Nẵng trong thời gian qua.

  1. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TỪ KHI CÓ PHÁP LỆNH GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP ĐẾN NAY
  1. Về tổ chức, hoạt động

Triển khai thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, trong ba lĩnh vực phải thành lập tổ chức, Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng, kiện toàn tổ ehức trong hai lĩnh vực, đó là Trung tâm giám định pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố với cơ cấu bộ máy riêng biệt, trụ sở làm việc đôc lập. Riêng Tổ chức giám định pháp y tâm thần hiện đang xây dựng đề án và dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm nay.

Ở thành phố Đà Nẵng, các tổ chức giám định tư pháp hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, hầu hết chưa kêu gọi, thu hút được nguồn lực nào khác từ bên ngoài Nhà nước. Một số cơ quan chủ quản còn lúng túng, chậm trễ trong việc tham mưu, đề xuất bổ nhiệm đội ngũ giám định viên tư pháp, đặc biêt trong việc lựa chọn người để lập danh sách cử người giám định tư pháp theo vụ việc, nhất là ở các lĩnh vực như văn hoá, giao thông công chính, xây dựng, môi trường.

Về cơ bản, Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP đã giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc củng cố tổ chức cũng như trong hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, do các Bộ, ngành hữu quan chưa ban hành các văn bản quy định hưởng dẫn nên những quy định có tính nguyên tắc chung chi phối đến hoạt động giám định tư pháp chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy trên thực tế. Cụ thể, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ chưa phối hợp ban hành quy định về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng giám định tư pháp; Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ, ngành hữu quan chưa ban hành quy chuẩn chuyên môn trong từng lĩnh vực, điển hình là lĩnh vực pháp y. Vì vậy, cho đến nay tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng tuy đã có những chuyển biến đáng kể so với trước khi Pháp lệnh giám định tư pháp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc do cơ chế chính sách, pháp luật về giám định tư pháp chưa đồng bộ và thống nhất.

Trong ba tổ chức, ngoại trừ tổ chức giám định kỹ thuật hình sự cơ bản được ngành Công an quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, còn lại hoạt động giám định pháp y và pháp y tâm thần trong ngành y tế còn gặp rất nhiều khó khăn vì máy móc, trang thiết bị phục vụ giám định không được bảo đảm vì thiếu thốn, cũ kỹ, lạc hậu. Ngoài ra, hai lĩnh vực này cũng chưa có quy chuẩn chuyên môn để áp dụng.

  1. Về công tác quản lý nhà nước

Về cơ bản, sau khi có Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động giám định tư pháp trên các lĩnh vực ở Đà Nẵng ổn định, hiệu quả hơn, công tác quản lý nhà nước về giám định từng bước đi vào nề nếp. Đồng thời, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức, cơ quan thực hiện việc giám định đã có sự phối hợp kịp thời và nhịp nhàng hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước nhìn chung còn nhiều chồng chéo, bất cập, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Theo Nghị định số 67/200 5/NĐ-CP của Chính phủ, sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước một số công việc trong lĩnh vực giám định tư pháp nhưng chưa quy định rõ ràng và cụ thể về cơ chế, đầu mối quản lý. Hiện nay, các tổ chức giám định và người giám định tư pháp không thuộc biên chế quản lý của Sở Tư pháp, do vậy trên thực tế việc tìm nguồn, lựa chọn nhân sự, rà soát bổ nhiệm giám định viên rất khó khăn. Chính vì không quản lý con người nên việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ làm công tác giám định gặp rất nhiều trở ngại, không phản ánh và gắn kết với nhu cầu, trình độ, năng lực của giám định viên. Thực tế, khi xem xét hồ sơ bổ nhiệm giám định viên thuộc các lĩnh vực hầu như Sở Tư pháp chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn chung của giám định viên như có bằng đại học, thời gian công tác, có phẩm chất chính trị, đạo đức,... để đề nghị bổ nhiệm còn những tiêu chuẩn cụ thể của người được đề nghị để họ có thể làm tốt công tác giám định ở lĩnh vực cụ thể như thế nào thì không có căn cứ áp dụng do không có Bộ, ngành nào ban hành quy chuẩn chuyên môn. Điều này dẫn đến chất lượng của giám định viên tư pháp được bổ nhiệm còn nhiều hạn chế. Mặc khác, Bộ Tư pháp vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc phối hợp tham mưu trong lĩnh vực này gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập, khó thực hiện, không sâu sát và thực hiện không kịp thời với các nội dung như về trình bồ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc; kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; báo cáo hoạt động giám định trên địa bàn thành phố cho Thường trực Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp. Đặc biệt kinh phí để Sở Tư pháp thực hiện quản lý đối với hoạt động này hầu như không có.

Một bất cập trong công tác quản lý hiện nay đó là, thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên thuộc về UBND cấp tỉnh, trong khi việc cấp thẻ giám định viên lại do Bộ Tư pháp tiến hành, chính điều này đã gây ra sự rối rắm, chồng chéo và mất thời gian. Thực tế ở Đà Nẵng, để bổ nhiệm 1 trường hợp làm giám định viên phải qua nhiều thủ tục rườm rà, trước tiên Sở chuyên ngành phải hoàn chỉnh hồ sơ, có ý kiến đề nghị bằng văn bản gửi sang Sở Tư pháp xem xét đồng ý bằng văn bản sau đó hồ sơ phải chuyển đến Sở Nội vụ thẩm định trước khi trình Chủ tịch UBND quyết định bổ nhiệm. Sau khi có quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Tư pháp phải tổng hợp danh sách gửi Bộ Tư pháp để cấp thẻ giám định viên.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức giám định còn thiếu, chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới do các nguyên nhân: Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67 chưa quy định rõ cơ chế, hành lang pháp lý các biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp. Nhiều tổ chức giám định đã được thành lập nhưng chưa được cơ quan chủ quản bố trí trụ sở làm việc, không đầu tư kinh phí để mua sắm phương tiện máy móc vì vẫn còn tồn tại nhận thức là đầu tư cho “con ghẻ” thì cũng “để đi làm việc và phục vụ cho ngành khác”. Trong khi đó, sở Tư pháp không quản lý trực tiếp đối với các tổ chức giám định nên Sở Tư pháp không có cơ sở để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quyết định hỗ trợ được.

  1. Về tình hình đội ngũ giám định viên

Đội ngũ cán bộ làm công tác giám định cơ bản được củng cố và kiện toàn về mặt tổ chức, trình độ chuyên môn của lực lượng giám định viên dần được nâng lên, được đào tạo, bôi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, có tinh thần trách nhiệm, tinh thần học hỏi, trau dồi kinh nghiệm (như lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y). Đối với giám định tư pháp trong một số lĩnh vực như về xây dựng, giao thông, văn hóa cũng được củng cố, bổ sung thêm giám định viên. Tính đến tháng 12 năm 2007, Đà Nẵng có tổng cộng 31 giám định viên hoạt đông trong 6 lĩnh vực, cụ thể là: Pháp y: 04 giám định viên, Kỹ thuật hình sự: 10 giám định viên, pháp y tâm thần: 03 giám định viên, văn hoá: 07 giám định viên, giao thông công chính: 05 giám định viên, xây dựng: 02 giám định viên. Ngoài 31 trường hợp đã được bổ nhiệm giám định viên, Đà Nẵng chưa có trường hợp nào được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc.

Đội ngũ cán bộ giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, kể cả ở ba tổ chức và các lĩnh vực không thành lập tổ chức như văn hoá, xây dựng, giao thông công chính,... Giám định viên trên một số lĩnh vực còn thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm, thiếu tính quyết đoán trong những vụ việc phức tạp, phương pháp làm việc chưa thật khoa học dẫn đến thời gian giám định bị kéo dài hoặc chuyển vụ việc sang giám định viên khác đảm nhận.

Trong lĩnh vực giám định pháp y. Trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố có khoảng 300 vụ giám định pháp y (giám định đại thể) với hàng trăm yêu cầu giám định mô học (giám định vi thể), sinh vật, thương tích, trong khi đó chỉ có 01 bác sỹ được bổ nhiệm giám định viên pháp y từ năm 2005, giám định hóa mới chỉ bước đầu triển khai giám định từ năm 2006 nhưng chưa thể giám định ma túy sinh học (trong máu, nước tiểu...). Một mặt là do thiếu nguồn biên chế, mặt khác theo quy định hiện hành thi mỗi giám định viên chỉ được tiến hành giám định trong một lĩnh vực theo chuyên môn đào tạo (chỉ được bổ nhiệm giám định viên trong 1 lĩnh vực nhất định).

Đối với tổ chức giám định pháp y tâm thần thành phố Đà Nẵng, hiện nay số lượng giám định viên là 03, chủ yếu là cán bộ lãnh đạo bệnh viện làm kiêm nhiệm thường phải đi công tác nên gặp không ít khó khăn, vì vậy còn một số vụ việc giám định chưa đảm bảo, không kịp thời, chất lượng giám định cũng ảnh hưởng; chưa có giám định viên chuyên trách thường trực, thư ký quản lý điều hành nhân lực, tiếp đón các cơ quan tiến hành tố tụng đến quan hệ công tác trưng cầu giám định và hướng dẫn đối tượng đi làm thủ tục xét nghiệm (có lúc giám định viên trưởng phải làm thay việc này), các công việc làm bệnh án, nghiên cứu giám định trên hồ sơ của đối tượng trong vụ án chủ yếu các giám định viên phải làm việc ngoài giờ hành chính, đầu tư nhiều công sức, chất xám cho 1 trường hợp giám định.

Trong các lĩnh vực như văn hoá, giao thông công chính, xây dựng,... đội ngũ giám định viên mới được củng cố hoặc bổ nhiệm vào năm 2006 trong khi nhiều ngành khác đã có giám định viên tư pháp từ những năm 1990. Do đó, lực lượng giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực này vừa thiếu, lại vừa yếu. Số lượng giám định viên trong lĩnh vực văn hoá hiện là 07 người (chiếm tỷ lệ 22% so với tổng số giám định viên tư pháp của thành phố); giao thông công chính hiện có 05 người (chiếm tỷ lệ 16%); giám định viên trong lĩnh vực xây dựng là 02 người (chiếm tỷ lệ 6%).

Riêng trong lĩnh vực môi trường, đến nay chưa có trường hợp nào được bổ nhiệm, công nhận giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc. Theo quy định của pháp luật, hoạt động quan trắc chưa được coi là hoạt động giám định tư pháp về môi trường. Công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường, sinh thái chủ yếu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay có 01 đơn vị (Trung tâm Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường nhưng chỉ dừng ở lại công tác quan trắc phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố.

Trong thực tiễn hoạt động, nhiều trường hợp phải trưng cầu thực hiện giám định tư pháp theo vụ, việc. Việc hình thành lực lượng giám định tư pháp lại phụ thuộc vào biên chế và con người của cơ quan chủ quản, điều này đôi khi đã dẫn đến tình trạng thiếu sự phối hợp hoặc có nhưng mang tính hình thức, không đạt yêu cầu.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ giám định viên ở Đà Nẵng chưa đồng đều, hiện có 17 người có trình độ đại học, 02 thạc sỹ, 13 người có trình độ B ngoại ngữ trở lên, 14 người có trình độ tin học văn phòng và kỹ thuật viên.

Ngoài ra, cán bộ giám định tư pháp ở Đà Nẵng ít có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, chuyên môn, các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của bọn tội phạm từ các đơn vị địa phương khác. Hầu như các giám định viên chưa được đào tạo kỹ năng bảo vệ kết quả giám định trước tập thể, trong các phiên tòa xét xử..., công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người giám định tư pháp nói chung còn nhiều bất cập nhất là trong một số lĩnh vực giám định như: xây dựng, giao thông công chính, môi trường, văn hoá... Nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng còn lúng túng khi lựa chọn tổ chức giám định thực hiện công tác giám định.

Nguyên nhân của hạn chế nói trên có một phần thuộc trách nhiệm của các cơ quan chủ quản ở Trung ương chưa triển khai thi hành kịp thời, đồng bộ Pháp lệnh Giám định tư pháp. Đến nay, chỉ có Bộ Công an đã tiến hành xây dựng và ban hành văn bản thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP. Một số Bộ chưa thực sự quan tâm đến công tác giám định tư pháp và coi việc chăm lo đến công tác này như là một nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành mình vì thế chưa triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn về quy chuẩn chuyên môn ở Bộ, ngành mình. Các Bộ, ngành chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cũng chưa xây dựng và ban hành văn bản về chê độ phụ cấp cho giám định viên tư pháp. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hoạt động cho giám định viên.

  1. Về điều kiện vật chất

Sau khi có Pháp lệnh Giám định tư pháp, mặc dù các cơ quan chủ quản đã quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện phục vụ cho công tác giám định trên các lĩnh vực ở Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn:

Tổ chức giám định pháp y tâm thần thành phố chưa nhận được nguồn hỗ trơ kinh phí nào từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp để trang trải mua sắm trang thiết bị máy móc mà chủ yếu dựa vào ngân sách của Bệnh viện cấp cho giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân để chi trả cho các hoạt động của tổ chức giám định (văn phòng phẩm, tiếp khách, thông tin liên lạc làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng), trong khi mức kinh phí này là quá thấp so với yêu cầu điều trị, đồng thời lại cấp không kịp thời. Máy móc phương tiện được trang bị theo kiểu cấp phát, xin cho. Một số máy móc, thiết bị được trang bị nhưng lại kém chất lượng, lạc hậu, không đồng bộ gây khó khăn cho công tác giám định.

Các trang thiết bị y tế cần thiết cho giám định từ năm 1999 trở về trước như xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh siêu âm, điện não đồ, điện tim, lưu huyết não, X-quang... Bệnh viện chưa được trang bị, mỗi lần cần xét nghiệm, đo điện não đồ để hỗ trợ chẩn đoán bệnh trong giám định, giám định viên phải cùng công an đưa bệnh nhân đi làm nhờ ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, ở Huế, nên gây nhiều phiền phức, chi phí tốn kém, thời gian giám định kéo dài làm ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án không đúng quy định của pháp luật, phải gia hạn.

Không có cơ sở giám định và điều trị bắt buộc riêng để lưu giữ bệnh nhân theo dõi giám định còn để chung với bệnh nhân bình thường khác gây khó khăn, phức tạp trong quản lý, trong quá trình theo dõi giám định không được an toàn; không có phòng tiếp khách cho các cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng ở xa (ngoài thành phố) đưa đối tượng đến giám định nghỉ lại trong thời gian chờ giám định.

Trên lĩnh vực giám định văn hoá thì phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định chưa được đầu tư, điều kiện, phương tiện vật chất phục vụ cho công tác giám định các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật, văn hoá phẩm như băng, đĩa, sách, báo, tạp chí, tài liệu... còn phụ thuộc vào các trang thiết bị của cơ quan như đầu máy, màn hình ti vi... Nhiều ấn phẩm văn hoá cần thẩm định phải sử dụng nhờ trang thiết bị của các tổ chức, cơ quan khác (năm 1998, Tổ giám định đã nhận nhiều quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, viện kiểm sát, toà án. Trong quá trỉnh thực hiện giám định phải nhờ đến phương tiện máy móc của Bảo tàng Đà Nẵng như đầu máy, máy casette, máy quay phim Hi8, để nghe và xem các bằng đĩa, bằng video loại nhỏ... ). Bên cạnh những tài liệu bằng tiếng Việt còn có các tài liệu, sách, báo bằng tiếng nước ngoài như Nhật, Anh, Pháp, Trung, kể cả tiếng của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên…, để đảm tính pháp lý và khoa học của bản dịch, Tổ giám định phải nhờ đến những chuyên gia về ngoại ngữ để dịch, riêng tiếng và chữ viết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Gia-rai, Ê-đê, Ba na ... phải nhờ các chuyên gia ở các Sở Văn hoá - Thông tin như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông... biên dịch giúp.

Trong công việc giám định đồ cổ hầu như không có thiết bị, phương tiện, cán bộ làm công tác chuyên môn tự trang bị các thiết bị cần thiết như máy ảnh, kính lúp, thước đo, bút, giấy vẽ. Đối với những cổ vật bằng các chất liệu như đồng, gốm sứ có giá trị và khó xác định niên đại bằng kinh nghiệm và mắt thường phải nhờ các chuyên gia và máy móc kỹ thuật của các Viện, Trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội như Viện Khảo cổ học để đo bằng phương pháp các-bon C14… Năm 2002, thực hiện việc trưng cầu giám định của Phòng PA25 - Cơ quan Công an thành phố về xác định niên đại 21 hiện vật bằng đồng gồm các loại hình giáo, mác, rìu, ly, tách đựng rượu có niên đại từ thời nhà Hán (thế kỷ II) trước công nguyên và năm 2003 theo quyết định trưng cầu giám định của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố về giám định 383 hiện vật bằng gốm sứ, do thiếu phương tiện máy móc để xác định cụ thể niên đại phục vụ cho công tác tố tụng, Sở Văn hoá - Thông tin đã chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng mời các chuyên gia ở Viện Khảo cổ học Hà Nội tham gia công tác giám định, đồng thời gửi các mẫu hiện vật ra Hà Nội để đo bằng phương pháp phóng xạ các bon C14, nhằm xác định niên đại và xem hiện vật đó là hiện vật giả cổ hay hiện vật thật. Do vậy, trong quá trình thực hiện giám định, thẩm định nội dung, đôi khi còn chậm trễ, không thể đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến tiến trình tiến hành tố tụng.

Đối với giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, khi thực hiện công tác giám định theo yêu cầu, nhiều trang thiết bị, máy móc chuyên dụng cần thiết phục vụ cho công tác giám định không có nên phải đi thuê hoặc mượn của các tổ chức, doanh nghiệp, do đó đã ảnh hưởng nhất định đến tiến trình giám định.

Sở dĩ chưa có sự quan tâm đầu tư về kinh phí, trang thiết bị trong các lĩnh vực như văn hoá, giao thông công chính, xây dựng,... là do pháp luật quy định trách nhiệm đối với cơ quan chủ quản không rõ ràng, dẫn đến nhận thức của các cơ quan này chưa đầy đủ, thiếu quan tâm đến mua sắm, đầu tư trang thiết bị, coi trách nhiệm giám định tư pháp là của cá nhân giám định viên nên chưa tạo điều kiện cho giám định viên tác nghiệp. Trong khi đó, quy định về cơ chế thu hút, mở rộng nguồn nhân lực từ bên ngoài Nhà nước còn rất chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng nên rất khó triển khai thực hiện trong thực tế.

  1. Về phí giám định

Theo Điều 38 Pháp lệnh Giám định tư pháp, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp được thu phí giám định tư pháp và phí giám định tư pháp do Bộ Tài chính quy định theo đề nghị của các Bộ cổ liên quan ban hành, nhưng đến nay chưa có văn bản nào về phí giám định tư pháp được ban hành. Do Bộ Tài chính chưa ban hành phí giám định tư pháp nên dẫn đến nguồn kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong khi theo quy định tại Điều 16 Nghị định 67, phí giám định tư pháp là một nguồn kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định.

Thực tế ở Đà Nẵng, nguồn kinh phí cấp cho các tổ chức giám định được hạch toán vào ngân sách chung của cơ quan chủ quản mà không được hạch toán riêng điều đó đã làm cho các tổ chức giám định rất bị động, rơi vào tình trạng xin - cho, không đáp ứng được nhu cầu trang bị các phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động của tổ chức. Ngoài ra, việc chi trả phí giám định tư pháp theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh cũng gặp nhiều vướng mắc, bên chi trả (cơ quan tiến hành tố tụng và đương sự) và các tổ chức giám định, người giám định không biết căn cứ vào cơ sở nào để thanh toán phí giám định. Bên cạnh đó, quy định về miễn giảm phí giám định đối với người nghèo, đối tượng chính sách cũng chưa được hướng dẫn cụ thể.

  1. Về chế độ thù lao, bồi dưỡng, trách nhiệm của giám định viên

Nghị định số 67/2005/NĐ-CP đã quy định người giám định tư pháp được hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, thù lao là nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giám định tư pháp. Theo đó, nếu người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được bồi dưỡng theo vụ việc giám định, nếu người giám định là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng thù lao giám định từ phí giám định. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên hiện tại các giám định viên vẫn chỉ được hưởng khoản bồi dưỡng rất thấp được áp dụng từ năm 1996 (Quyết định số 160/TTg của Thủ tướng Chính phủ). Theo Thông tư liên bộ số 355/TT/LB ngày 12/10/1999 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 160/TTg, mức bồi dưỡng đối với giám định kế toán tài chính, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật và giám định tư pháp khác là 12.000 đồng/ngày/giám định viên, tính theo ngày công. Đối với giám định pháp y, mức thấp nhất là 10.000 đồng/1 vụ/giám định viên, mức cao nhất là 150.000 đồng/1 vụ/giám định viên.

Như phân tích ở mục 2.3.5, đo phí giám định tư pháp chưa được Bộ Tài chính quy định nên trong thực tế, việc chi thù lao cho người giám định từ phí giám định theo quy định tại Điều 6 Nghị định 67 là điều khó thực hiện.

Vì thiếu cơ chế, chính sách thích hợp nên công tác giám định tư pháp vẫn chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao tham gia, đặc biệt các giám định viên pháp y không yên tâm, không muốn chuyển qua làm giám định viên chuyên trách tại Trung tâm pháp y và Trung tâm giám định pháp y tâm thần thành phố vì chế độ đãi ngộ quá thấp, cá biệt có trường hợp dám định trong lĩnh vực xây dựng, giao thông công chính, người giám định tư pháp khi được trưng cầu tỏ ra e ngại thậm chí từ chối không nhận giám định, một phần vì tâm lý không muốn rắc rối, liên quan đến công tác tư pháp, một phần vì chế độ bồi dưỡng, thù lao quá thấp, không tương xứng, nên không muốn nhận thực hiện giám định, gây đình trệ hoạt động giám định, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan tố tụng.

  1. Về quy chuẩn chuyên môn

Một trong những khó khăn ở Đà Nẵng hiện nay đó là, chưa có hệ thống quy chuẩn, chuyên môn để các giám định viên có thể áp dụng khi thực hiện giám định tư pháp, đặc biệt là chưa có bảng tỷ lệ thương tích riêng dành cho giám định pháp y. Trong khi đó, các loại hình thương tích do tội phạm gây ra khác với các loại hình thương tật trong giám định y khoa cả về cơ chế tác động, tính chất, mức độ thương tích. Chẳng hạn các thương tích do tội phạm tình dục gây ra không thể dưa trên barem thương tật trong giám định y khoa để đánh giá. Mặt khác, mức độ thương tật còn phụ thuộc vào thời điểm thực hiện giám định. Trong khi đó, pháp luât tố tụng hình sự lại quy định hành vi gây thương tích cho nạn nhân từ 11% trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy dễ dẫn đến tình trạng tuỳ tiện, không thống nhất trong việc xác định tỷ lệ thương tích trong giám định pháp y, tạo ra kẽ hở dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực. Đối với giám định tư pháp trong lĩnh xây dựng, môi trường và giao thông công chính, quy chuẩn hiện chưa đầy đủ hoàn chỉnh; quy trình kiểm định chưa thống nhất. Các phương pháp thử được sử dụng trong việc phân tích môi trường, xây dựng, giao thông công chính chưa được chuẩn hóa để làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác các vấn đề để làm chứng cứ pháp lý trong hoạt động giám định tư pháp phục vụ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Từ thực trạng như đã phân tích, đánh giá ở trên, có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn khá nhiều vấn đề tồn tại, bất cập xuất phát từ thể chế, như về công tác quản lý Nhà nước, về tổ chức hoạt động, cơ chế thực thi quyền hạn, trách nhiệm, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên, vấn đề phí giám định và chế độ thù lao cho giám định viên tư pháp...

Để từng bước khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng trong thời gian tới, điều quan trọng là phải tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia chia sẻ cùng các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức và hoạt động giám định tư pháp, cần có những giải pháp đồng bộ trong đó nghiên cứu xã hội hoá một số lĩnh vực giám định tư pháp được xem là một trong những giải pháp hữu ích và trọng tâm nhất.

 

 

CHƯƠNG III

ĐỀ XUẤT XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP - KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

  1. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong việc đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta trong thời gian qua. Trong 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trong về hoàn thiện bộ máy nhà nước, không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là phương châm Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức và công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Cùng với việc cải cách bộ máy nhà nước và cải cách nền hành chính, nhiều Nghị quyết của Đảng ta đã đề ra chủ trương về cải cách tư pháp. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định cải cách tư pháp phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới hoạt động lập pháp và hành pháp, phát huy sức mạnh của quyền lực nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng; quán triệt “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân. Từng bước thực hiện xã hội hoá một số hoạt động của cơ quan tư pháp”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá VIII ngày 18/6/1997 về phát huy quyền làm chủ của nhân dân cũng đã khẳng định: “Đổi mới quản lý Nhà nước đối với hoạt động tư vấn pháp luật, giám định tư pháp... phù hợp với chủ trương xã hội hoá; kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp...”

Như vậy, xã hội hoá dịch vụ công nói chung và xã hội hóa giám định tư pháp là một chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc cải cách tư pháp, đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước, đồng thời phát huy dân chủ trong quản lý, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia vào công việc của Nhà nước, trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, công việc thuộc chức năng Nhà nước.

Công tác xã hội hoá giám định tư pháp trong thời gian đến phải được thực hiện trên cơ sở những quan điểm và định hướng cơ bản sau đây:

Một là, việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp phải xác định phạm vi, mức độ, nội dung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện quan trọng mang tính quyết định đối với tính khả thi, sự thành công của quá trình xã hội hóa giám định tư pháp nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Trong tình hình nước ta hiện nay, xã hội hóa dịch vụ công nói chung, xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp nói riêng là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ chưa có kinh nghiệm nên phải tiến hành thận trọng, tránh chủ quan, duy ý chí, tránh sự sao chép, vay mượn bất kỳ một hình mẫu giám định tư pháp nào để áp đặt vào Việt Nam. cần phải thấy rằng mô hình hoạt động giám định tư pháp hiệu quả nhất có thể không phải là mô hình tiên tiến nhất, hiện đại nhất trên thế giới, rnà phải là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi không chỉ có điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đặc điểm tâm lý, truyền thống dân tộc mà cả xu thế hội nhập quốc tế và khu vực cũng đang tác động mạnh mẽ đến quá trình xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp ở nước ta, đặt ra yêu cầu “quốc tế hoá” lĩnh vực giám định tư pháp, khắc phục những thiết chế “dị biệt” của các thiết chế về giám định tư pháp Việt Nam so với các hệ thống giám định tư pháp trên thế giới hiện nay.

Hai là, xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp phải được coi là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính và chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Ở nước ta, hoạt động giám định tư pháp còn đang là một thiết chế nhà nước, được tổ chức ở các cơ quan công quyền, với chức năng bổ trợ tư pháp. Vì vậy, xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp vừa là yêu cầu từ thực tiễn, vừa là nội dung của cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Có thể xem mối quan hệ giữa cải cách hoạt động giám định tư pháp và cải cách hành chính, cải cách tư pháp là mối quan hệ giữa bộ phận và tổng thể, có sự tác động qua lại lẫn nhau, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện, tránh được sự mâu thuẫn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo; khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, chắp vá, bị động với các giải pháp tình thế trong quá trình thực hiện cải cách hoạt động giám định tư pháp nói riêng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nói chung.

Ba là, đặc trưng của hệ thống chính trị nước ta là một đảng cầm quyền, xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp là một nội dung của cải cách hành chính, cải cách tư pháp, vì thế không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, nhằm định hướng, bảo đảm sự ổn định chính trị, giữ vững bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân trong suốt quá trình xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tạo môi trường pháp lý, khung pháp luật cho quá trình xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp. Thông qua hệ thống pháp luật, Nhà nước bảo đảm quá trình xã hội hoá giữ đúng định hướng, bảo đảm ổn định trật tự, công bằng xã hội, tránh tình trạng tự phát, tự do, vô chính phủ, tuỳ tiện, vô nguyên tắc, gây mất ổn định, trật tự, công bằng xã hội.

Khi xã hội hóa giám định tư pháp, phải xác định đây là một dịch vụ pháp lý đặc biệt, mang tính nghề nghiệp do đó vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp (tổ chức quản lý nghề giám định tư pháp) đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực quản lý nghề giám định, giúp cho Nhà nước giảm tải các công việc không thuộc chức năng quản lý, tạo ra các chuẩn mực chung về đạo đức, phong cách, nghiệp vụ của giám định viên. Tổ chức này sẽ giúp cho giám định viên tự tin bình đẳng trong nghề nghiệp, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của giám định viên trong xã hội cũng như đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao chất lượng hoạt động và trách nhiệm phục vụ khách hàng của giám định viên.

Bốn là, xã hội hoá giám định tư pháp phải được tiến hành theo những bước đi phù hơp, có mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể, xuất phát từ tình hình thực tế, trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và truyền thống pháp lý Việt Nam, kế thừa những thành tựu đã có, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là kinh nghiệm xã hội hoá giám định tư pháp ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Xác định nội dung bước đi không chỉ tính đến tình hình xã hội hiện tại, mà còn phải dự báo được xu thế của phát triển lĩnh vực giám định tư pháp trong tương lai, tầm nhìn 2020.

Năm là, Nhà nước phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát, đánh giá, phản biện hiệu quả và chất lượng của hoạt động dịch vụ công.

3.2 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TỪ THỰC TRẠNG Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

  1. Phạm vi và mức độ xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp

Theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67, tổ chức giám định tư pháp được thành lập và duy trì ở ba lĩnh vực đó là: giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và giám định kỹ thuật hình sự. Riêng các lĩnh vực khác như văn hoá, xây dựng, môi trường, giao thông công chính... thì không thành lập tổ chức giám định chuyên trách mà chỉ có giám định viên tư pháp ở các cơ quan tổ chức chuyên môn. Quy định này không làm phát sinh thêm đầu mối tổ chức, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và thực tế hoạt động ở các lĩnh vực trên, đồng thời tạo cơ chế huy động được đội ngũ chuyên gia giỏi và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện sẵn có của cơ quan, tổ chức chuyên môn để phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp. Đây là quy định tiến bộ, thể hiện tầm nhìn và chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp.

Thực tế hoạt động ở Đà Nẵng cho thấy, ba lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự có yêu cầu giám định lớn, thường xuyên và cần phải được Nhà nước đầu tư về con người, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật. Trong những năm qua, bằng hoạt động của mình, đội ngũ giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực đã phục vụ đắc lực cho hoạt động tố tụng, giúp cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Qua khảo sát thực tế cho thấy, số lượng vụ việc giám định ở Đà Nẵng được thực hiện chủ yếu là theo trưng cầu của cơ quan điều tra chiếm đến 56,7%, có nghĩa là hoạt động giám định tư pháp chủ yếu phục vụ cho hoạt động tố tụng hình sự. Cùng với sư mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án về giải quyết các tranh chấp kinh tế lao động và hành chính, các nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng dân sự nói chung ngày càng tăng nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp hơn trong tổng số các vụ việc giám định tư pháp được thực hiện hàng năm.

Xét về số lượng vụ việc giám định, thì hoạt động giám định pháp y chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên, ổn định (khoảng 41,2%), tiếp đến là lĩnh vực kỹ thuật hình sự (chiếm 32,5%). Mặc dù số lượng vụ việc không nhiều và không sôi động như hai lĩnh vực giám định trên nhưng hoạt động giám định pháp y tâm thần vẫn duy trì thường xuyên, số lượng vụ việc cũng tăng qua từng năm (chiếm khoảng 19% trong tổng số vụ việc ở Đà Nẵng).

Tuy cả ba lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình dung đều chiếm tỷ lệ lớn, hoạt động đa dạng, sôi nổi, phục vụ tích cực cho các cơ quan tố tụng nhưng về bản chất, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng mà việc đánh giá đúng đắn, chính xác sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phạm vi và mức độ xã hội hoá ở một số nội dung.

Như đã phân tích ở chương II, giám định pháp y tâm thần là một hoạt động có tính chất đặc thù, có ý nghĩa quan trọng không thể thiếu trong ngành tâm thần học và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, người bị bệnh tâm thần do bị rối loạn về tư duy nhận thức, cảm xúc, ý thức, hành vi... có thể gây nguy hại cho bản thân họ, cho tài sản, tính mạng của người khác, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nên cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo vệ xã hội và bản thân người bệnh.

Ở Đà Nẵng hiện chỉ có duy nhất một Bệnh viên tâm thần dành cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chưa có tổ chức nào ngoài khu vực Nhà nước muốn tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực này, chính vì vậy hoạt động giám định tâm thần cần tiểp tục có sự quan tâm đầu tư của các cơ quan nhà nước mới có thể đáp ứng được yêu cầu hoạt động tố tụng ở khu vực miền Trung nói chung và ở thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự chủ yếu tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm phục vụ “nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng” trong tố tụng hình sự, thực hiện truy nguyên khác nhau nhằm làm sáng tỏ một vụ việc có tính hình sự với mục đích xác định và chứng minh sự đồng nhất của các hiện tượng vật chất đang có liên quan đến vụ việc với những hiện tượng vật chất đã được xác định, thu thập trong quá trình điều tra, chủ yếu là các lĩnh vực như: kỹ thuật tài liệu, đường vân, chữ viết, ma túy, dấu vết súng đạn, cơ học...

Từ những tính chất đặc thù riêng của hai hoạt động này, đồng thời nội dung hoạt động có liên quan nhiều đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội như đã phân tích ở trên, một lần nữa có thể khẳng định rằng, quy định tại Pháp lệnh Giám định tư pháp trong việc để Nhà nước trực tiếp đảm nhận, đầu tư về nguồn lực, trang thiết bị thích hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới là phù hợp với thực tiễn và xu thế công cuộc cải cách tư pháp.

Riêng đối với lĩnh vực giám định pháp y, nội dung bao gồm hai hoạt động chính đó là giám định về tử thi và giám định thương tích (giám định về tỷ lệ mất sức thương tật, giám định mô cơ thể qua kính hiển vi, giám định về tội phạm tình dục, giám định có thai hay không có thai, nhận dạng ... ) để hỗ trợ cho cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo kết quả thực tiễn từ năm 1997 đến 2007, tổ chức giám định pháp y Đà Nẵng đã thực hiện được 26.799 vụ việc, trong đó, giám định thương tật là 23.536 (chiếm tỷ lệ đến 87%), chỉ có 3.263 vụ việc khám nghiệm tử thi (chiếm tỷ lệ 13%). Tuy số lượng vụ việc lớn, nhưng hoạt động giám thương ở Đà Nẵng còn gặp nhiều trở ngại do đội ngũ giám định viên hạn chế về biên chế, trang thiết bị, phương tiện thiếu, lạc hậu và mang nặng tính bao cấp. Trong khi hiện nay, Đà Nẵng có 4 bệnh viện tư đang hoạt động khá hiệu quả, chính vì vậy trong hoạt động giám định pháp y, ngoài nội dung giám định tử thi, thì các nội dung khác như giám định về tỷ lệ mất sức, thương tật, giám định mô cơ thể qua kính hiển vi, giám định về tội phạm tình dục, giám định có thai hay không có thai, nhận dạng,... Nhà nước không nhất thiết phải “độc quyền” đảm nhận mà hoàn toàn có thể huy động, kêu gọi các tổ chức y tế ngoài Nhà nước cùng thực hiện, điều này vừa phù hợp với tính chất của công việc, vừa đảm bảo được chất lượng giám định do có sự đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và có sự phục vụ của các chuyên gia, bác sỹ giỏi, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài các tổ chức giám định tư pháp được thành lập và duy trì ở 3 lĩnh vực nêu trên, các lĩnh vực khác như văn hoá, xây dựng, giao thông công chính, môi trường,... tuy không thành lập tổ chức nhưng nhu cầu ngày càng gia tăng và cũng không thể thiếu với vai trò là một hoạt động bổ trợ. Đối với các lĩnh vực này, vấn đề đặt ra không phải là xã hội hoá về nội dung từng lĩnh vực vấn đề xã hội hoá đã được Pháp lệnh Giám định tư pháp giải quyết, bằng chứng là mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia thực hiện hoạt động giám định tư pháp nếu có đủ điều kiện nhưng vấn đề đặt ra hiện nay đó là trên thực tế ở Đà Nẵng, việc huy động các nguồn lực này lại không hiệu quả và cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề vừa nêu. Một nguyên nhân thực tế chưa thể phát triển nguồn giám định viên, người giám định theo vụ việc, chưa thu hút được các chuyên gia giỏi vào công tác trong lĩnh vực giám định tư pháp là vì chế độ vật chất và tinh thần hiện nay không cao, trách nhiệm cá nhân đối với công việc lại lớn, trong khi đó người làm giám định cần có hàm lượng chất xám cao, hao tốn sức lực, nhất là làm việc trong môi trường độc hại. Mặt khác, trong quá trình thực hiện giám định, người thực hiện giám định phải chịu nhiều áp lực xã hội (ví dụ như bác sỹ chuyên khoa và bác sỹ giám định tư pháp có sự chênh lệnh khá lớn về chế độ vật chất và tinh thần. Ở Đà Nẵng, trong năm 2006, 2007, việc tuyển dụng bác sỹ chuyên khoa giám định pháp y rất khó khăn vì không ai muốn vào làm việc). Tuy nhiên, để từng bước tháo gỡ khó khăn này, trước hết cần phải có sự thay đổi về thể chể, đặc biệt là phải có quy định rõ ràng, cụ thể về chế độ trách nhiệm, chế độ vật chất, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng về đăng ký, tổ chức hoạt động, chế độ khai báo nộp thuế, thu phí giám định, tạo tâm lý yên tâm, ổn định không những cho người làm công tác giám định tư pháp mà còn đối với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu, điều kiện tham gia vào hoạt đông này. Có như vậy thì mới có thể huy động, thu hút, lôi kéo những chuyên gia giỏi, những người có trình độ chuyên môn và kể cả các tổ chức, doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong số các lĩnh vực giám định tư pháp hiện có ở thành phố Đà Nẵng, thì giám định về văn hoá là lĩnh vực có xu hướng ngày càng có nhu cầu cao hơn với nhiều vụ việc phức tạp. Bên cạnh việc thiếu giám định viên còn có tình trạng có giám định viên nhưng không thể tiến hành giám định do không đúng chuyên ngành cần giám định. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì việc bổ nhiệm giám định viên văn hoá lâu nay chưa bám sát vào nhu cầu của thực tiễn, thiếu cả điều kiện “cần” và “đủ”. Xuất phát từ thực trạng đó, chúng tôi đề xuất cần phải tiếp tục củng cố, duy trì tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trong khi chúng ta chưa thể tiến hành ngay việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trên thực tế, bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, do văn hoá là một nội dung khá rộng lớn, có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia. Trên thực tế đã có nhiều loại văn hoá phẩm mang nội dung đồi trụy, phản động chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, do đó Nhà nước cần có sự đầu tư nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ đội ngũ giám định viên tư pháp.

Thứ hai, việc giám định tư pháp về văn hoá đòi hỏi phải có một hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giám định viên chuyên nghiệp, trong đó cần có sự hỗ trợ, trao đổi trong tập thể giám định viên. Hay nói cách khác, người làm giám định về văn hoá cần có một tổ chức để quản lý, chia sẻ trách nhiệm và áp lực xã hội hơn là việc họ phải làm việc với tư cách cá nhân. Qua thực tế cho thấy, số lượng văn hoá phẩm cũng như hiện vật được yêu cầu giám định ở Đà Nẵng tương đối đa dạng và phong phú, như giám định bằng đĩa, tranh ảnh có nội dung kích dục, đồi trụy, các tài liệu phản động, xuyên tạc, đả kích chế độ, giám định hiện vật gốm, sứ, đồng... đòi hỏi tốn khá nhiều công sức, thời gian. Nhiều vụ việc giám định viên phải tự đi tìm tòi, thuê mượn trang thiết bị ở các cơ quan, đơn vị, thậm chí ở các tỉnh, thành khác như ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế..., điều này đã gây rất nhiều phiền hà, tốn kém thời gian và làm cho chất lượng giám định không cao.

Khoảng 10 năm trở lại đây, hoạt động xây dựng ở Đà Nẵng diễn ra rất sôi động, không chỉ các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước mà cả các công trình xây dựng của dân phát triển nhanh. Cùng với sự phát triển của lĩnh vực xây dựng, các tranh chấp cũng như các vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng lớn và phức tạp. Vì vậy, nhu cầu về giám định xây dựng của cơ quan tố tụng ngày càng nhiều. Hoạt động xây dựng mang tính đặc thù đa dạng, đa ngành, nên có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh như: pháp luật về hành chính, xây dựng, kinh tế, hình sự... Vì thế, công tác giám định tư pháp về xây dựng diễn ra trên nhiều lĩnh vực đòi hỏi có sự tham gia của nhiều loại chuyên gia (chuyên gia kinh tế, kỹ thuật...) nhiều tổ chức chuyên môn thực hiện khi có trưng cầu giám định và phải có trang thiết bị chuyên dụng cần thiết, hiện đại. Do tổ chức giám định được thành lập theo Nghị định số 117/HĐBT trước đây nên không phát huy được hiệu quả vì không phù hợp với đặc thù của hoạt động giám định xây dựng là đa ngành và phụ thuộc rất nhiều vào trang thiết bị, phương tiện giám định. Chính vì vậy, khi cần, cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải trưng cầu các đơn vị, tổ chức hoạt đông trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng. Tuy nhiên, việc trưng cầu và thực hiện giám định trong lĩnh vực này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng không biết tổ chức, đơn vị nào có năng lực làm giám định, còn về phía các tổ chức, đơn vị xây dựng được trưng cầu thì không muốn thực hiện giám định và từ chối, bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do ngại liên quan đến công tác tư pháp và chi trả cho việc thực hiện giám định của cơ quan tiến hành tố tụng thì khó khăn và quá thấp.

Hoạt động giám định về môi trường, giao thông trong những năm gần đây cũng được đặt ra khá nhiều. Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định các hành vi xâm phạm đến môi trường, sinh thái vì vậy nhu cầu từ phía các cơ quan tố tụng được dự báo là sẽ nhiều hơn trong thời gian đến. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng hoạt động giám định về môi trường, sinh thái còn khá mới mẻ, chưa có trường hợp nào được bổ nhiệm giám định viên, nên khi có yêu cầu giám định về lĩnh vực này bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn lúng túng không biết mời chuyên gia ở các chuyên ngành nào cho phù hợp với yêu cầu của vụ, việc.

Trong quá trình hoạt động của mình, ngoài các trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức giám định tư pháp còn nhận được yêu cầu của các cơ quan nhà nước khác như ngân hàng, công chứng, thanh tra... và bản thân một số người tham gia tố tụng như bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự..., thậm chí là của công dân khi họ có tranh chấp với nhau muốn tự giải quyết, trước khi phải nhờ đến các cơ quan tư pháp giải quyết. Những yêu cầu giám định này có nhiều ở lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự và pháp y (giám định thương tích). Tuy nhiên, khi được thành lập thì hầu như các tổ chức giám định tư pháp đều nhận thức chỉ thực hiện nhiệm vụ giám định theo sự trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng như điều tra, kiểm sát và toà án, tập trung phục vụ cho hoạt động tố tụng. Riêng việc đáp ứng các yêu cầu giám định về dân sự, thương mại, hành chính,... thì các tổ chức giám định tư pháp đều không “mặn mà” phục vụ, không tiếp nhận thực hiện các yêu cầu giám định đó, lý do chính là do không rõ ràng về mức thu phí, mà trách nhiệm thì lại lớn. Chính điều này đã tạo nên một nghịch lý là có “cầu” mà không có “cung” về giám định trong cơ chế thị trường.

Từ những phân tích vừa nêu trên, thiết nghĩ các lĩnh vực giám định tư pháp giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khoẻ tính mạng cộng đồng như hoạt động giám định tử thi trong giám định pháp y; giám định pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự, giám định về văn hoá thì Nhà nước cần phải tiếp tục đầu tư về mọi mặt như về trụ sở, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường sự thanh tra, kiểm tra. Qua thực tế ở Đà Nẵng, các tổ chức giám định pháp y, kỹ thuật hình sự và pháp y tâm thần đã và đang tồn tại và hoạt động tương đối ổn định, hiệu quả. Việc còn lại là cần phải củng cố, tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức này để phục vụ tot cho hoạt động tố tụng.

Riêng giám định tư pháp ở các lĩnh vực chuyên môn như xây dựng, môi trường, giao thông công chính và kể cả giám định thương tích (giám định về tỷ lệ mất sức, thương tật, giám định mô cơ thể qua kính hiển vi, giám định về tội phạm tình dục, giám định có thai hay không có thai, nhận dạng...) trong giám định pháp y, Nhà nước nên tiến hành xã hội hoá bằng cách huy động các cơ sở giám định tư nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cũng như trình độ chuyên môn cùng tham gia thực hiện. Bằng chứng thực tiễn ở Đà Nẵng cho thấy, hiện thành phố đang có trên 20 doanh nghiệp, tổ chức hoàn toàn có đủ năng lực tài chính, đầu tư phương tiện, trang thiết bị để cung ứng cho hoạt động giám định mà cơ quan nhà nước chưa đủ sức đầu tư như lĩnh vực về xây dựng (ví dụ như Công ty Delta, Công ty Lửa Việt,..), về giao thông, văn hóa, môi trường, (như Công ty SCC, Công ty Á Châu, Công ty Thái Bình Dương, Công ty Nam Long...), về thương mại, tài chính (như Công ty Bách Việt, Công ty Lửa Việt, Công ty Thái Dương,...). Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tiến tới xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp ở Đà Nẵng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tiến hành việc xã hội hoá một số lĩnh vực giám định tư pháp nêu trên đạt được mục tiêu và hiệu quả cao nhất, trước hết cần phải có một thể chế đồng bộ, hoàn chỉnh, hợp lý.

  1. Một số đề xuất cụ thể về thể chế

Hoàn thiện thể chế về hoạt động giám định tư pháp là một trong những nội dung của cải cách tư pháp và có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động/tư pháp. Hoàn thiện thể chế về hoạt động giám định tư pháp phải được đặt trong bối cảnh cải cách tư pháp nói riêng và trong tổng thể cải cách bộ máy nhà nước nói chung.

Để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW, trước hết cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất. Trong thời gian đến, cần nghiên cứu ban hành Luật Giám định tư pháp, đồng thời sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự để cụ thể hoá một số nội dung làm cơ sở cho việc thực hiện xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp. Cụ thể như sau:

Một là, đổi mới phương pháp tổ chức, tư duy quản lý của Nhà nước. Theo đó, cần phải chuyên trách hoá, hiện đại hóa hoạt động giám định ở một số lĩnh vực giám định đặc thù, có nhu cầu lớn như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, văn hoá nhằm đáp ứng kịp thời, thường xuyên cho hoạt động tố tụng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối với các lĩnh vực khác mà có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên và không nhất thiết Nhà nước phải bảo đảm, đầu tư như tài chính - kế toán, xây dựng, môi trường, giao thông công chính... thì Nhà nước không nên ôm đồm. Bên cạnh việc tăng cường, củng cố đội ngũ giám định viên hiện có, phát huy khả năng, điều kiện cũng như vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chuyên môn chủ quản ở tầm vĩ mô, cần phải nghiên cứu huy động, kêu gọi các tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp ngoài Nhà nước có đủ điều kiện cùng tham gia vào những lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục trưng cầu và thực hiện giám định. Trên cơ sở những quy định chung đó, Bộ chủ quản có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành hữu quan ban hành quy chuẩn thực hiện giám định trong mỗi lĩnh vực giám định cụ thể với những đặc thù riêng của lĩnh vực đó. Trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật (điều kiện về con người, trang thiết thực hiện giám định) và trình tự thủ tục thưc hiện giám định của từng loại việc giám định trong các lĩnh vực giám định. Có như vậy thì chỉ có các đơn vị, tổ chức, con người đủ tiêu chuẩn mới được thưc hiện giám định, tránh được những hoạt động giám định không đảm bảo chất lượng, loại trừ được những trường hợp xung đột kết luận giám định trong hoạt đông tố tụng. Đây cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan xét xử căn cứ vào đó mà đánh giá và sử dụng kết luận giám định được chính xác, làm cơ sở cho các phán quyết đúng đắn.

Để đổi mới công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp tiếp cận theo hướng xã hội hoá trong thời gian đến, bên cạnh việc xác định rõ nội dung quản lý nhà nước của ngành tư pháp, còn phải phân định rõ nhiệm vụ của các ngành, cơ quan ở địa phương trong việc phân công quản lý về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo hướng tập trung một đầu mối, nâng cao chức năng, vai trò quản lý của ngành tư pháp (cụ thể là Sở Tư pháp), đồng thời tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chuyên môn chủ quản và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trước mắt, đề nghị Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế quản lý, đầu mối quản lý, mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm, quyền hạn của Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67 của Chính phủ về trình tự bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc; đầu tư bố trí kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động giám định tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp. Đặc biệt là cơ chế pháp lý về trách nhiệm và các biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp để Sở Tư pháp có cơ sở để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quyết định, góp phần cho hoạt động này đật hiệu quả. Ngoài ra, để đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian, theo chúng tôi nên giao cho UBND cấp tỉnh thống nhất cấp, thu hồi thẻ giám định viên thay vì Bộ Tư pháp thực hiện như hiện nay.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chủ trương xã hội hoá giám định tư pháp có thể mang lại những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế và xã hội, nhưng cũng không loại trừ tình trạng suy nghĩ và hành động theo kiểu “tự do hoá” coi thường pháp luật, coi thường lợi ích của nhân dân, của Nhà nước để làm giàu bất chính hoặc xa rời mục tiêu phát triển xã hội chủ nghĩa. Với thể chế chưa hoàn thiện như hiện nay, hoạt động quản lý của hầu hết các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở địa phương, đang gặp rất nhiều lúng túng, khó khăn. Những nghịch ly trên cũng có thể coi là những thách thức trong tiến trình đổi mới vai trò, trách nhiêm quản lý hoạt động giám định tư pháp của các cơ quan nhà nước. Nhà nước huy động các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước lúc này là cần thiết, bởi lẽ hiện nay tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm quản lý của Nhà nước còn chưa đủ và cần sự chia sẻ. Tuy nhiên việc huy động, chuyển giao không phải là rũ bỏ, mà chuyển giao trong sự tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước. Và cũng vì thế, cần khẳng định lại rằng, xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp không phải là cứu cánh của nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước mà chỉ là một trong những giải pháp trong tiến trình đổi mới hoạt động để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác bổ trợ tư pháp nói chung. Do vậy, Nhà nước cần phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của mình, cần tổng kết, đánh giá kịp thời hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức hoạt động giám định tư pháp trong từng giai đoạn cụ thể. Theo chúng tôi, song song với lộ trình xã hội hoá trong các lĩnh vưc giám định tư pháp, cần nghiên cứu thành lập tổ chức tự quản nghề giám định tư pháp để tách bạch thẩm quyền quản lý nhà nước và thẩm quyền quản lý nghề giám định tư pháp nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng quản lý của Nhà nước thông qua việc thành lập các hình thức hiệp hội.

Hai là, cần có cơ chế phù hợp để bảo đảm quyền yêu cầu giám định tư pháp của một số người tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền tự mình yêu cầu giám định của các bên đương sự trong tố tụng dân sự như là một biện pháp hữu hiệu tìm kiếm chứng cứ của họ. Hiện nay nhu cầu giám định của người dân nói chung, người tham gia tố tụng nói riêng ngày càng nhiều và đó là yêu cầu chính đáng. Việc cho phép người tham gia tố tụng, đặc biệt là các bên đương sự trọng vụ án dân sự, kinh tế, lao động và hành chính có quyền tự mình yêu cầu giám định nhằm tìm kiếm chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc nghĩa vụ tự chứng minh của các bên đương sự trong tố tụng dân sự. Hơn nữa, quy định này góp phần tạo điều kiện bảo đảm quyền dân chủ trong hoạt động tố tụng và tăng khả năng thực tế cho người tham gia tố tụng tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp. Đồng thời, cần cho phép các tổ chức giám định tư pháp cũng như các tổ chức chuyên môn thực hiện giám định theo yêu cầu của người dân nói chung, người tham gia tố tụng nói riêng như là cung cấp dịch vụ có thu phí.

Ba là, về mô hình giám định sau khi xã hội hoá: Tại Điều 15 Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định: “Tổ chức giám định tư pháp được thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự”. Thế nhưng tại Điều 24 Pháp lệnh quy định người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức sau đây:

  • Người giám định tư pháp quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh;
  • Tổ chức giám định tư pháp quy định tại Chương III của Pháp lệnh;
  • Tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định.

Như vậy, về quan điểm lập pháp, bên cạnh ba lĩnh vực giám định được củng cố theo mô hình tổ chức, Nhà nước vẫn thừa nhận các tổ chức chuyên môn khác nếu có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt đông giám định tư pháp. Thậm chí, trong trưừng hợp khả năng chuyên môn, điều kiên về trang thiết bị, phương tiện giám định của tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp trong nước không đáp ứng được yêu cầu giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương của mình quyết định việc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định nước ngoài.

Điều đó cho thấy, để tiến tới xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, Nhà nước cần phải hoàn thiện thể chế, mở rộng chủ thể giám định tư pháp, trước hết cần có quy định cụ thể về địa vị pháp lý, tiêu chuẩn, điều kiện về con người, cơ sở trang thiết bị của các tổ chức chuyên môn này theo mô hình công ty hoặc Văn phòng giám định để thực hiện dịch vụ giám định tư pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị nên thí điểm theo lộ trình, tùng bước tiến tới chuyển toàn bộ các đơn vị, trung tâm thực hiện chức năng giám định tư pháp thuộc các cơ quan nhà nước sang chế độ tự trang trải về tài chính bằng nguồn thu từ phí dịch vụ giám định theo quy định của pháp luật. Áp dụng cơ chế quản lý, cơ chế giám sát phù hợp, bảo đảm sự bình đẳng pháp lý về giữa các tổ chức giám định tư pháp tư nhân với giám định tư pháp do Nhà nước thành lập, giữa giá trị pháp lý của kết luận giám định tư pháp của tư nhân với kết luận giám định tư pháp của Nhà nước. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, từng bước nhân rộng mô hình giám định tư pháp tư nhân. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đến khoảng năm 2020, các lĩnh vực giám định tư pháp ở Đà Nẵng nói riêng và ở Việt Nam nói chung có thể chuyển sang mô hình giám định tư pháp tự đo với các hình thức tổ chức phù hợp.

Bốn là, về kết luận giám định và giám định lại: Hoạt động tố tụng tại Đà Nẵng còn gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành có liên quan về giám định tư pháp chỉ dừng lại ở những quy định có tính chất nguyên tắc, thậm chí còn nhiều vấn đề của giám định tư pháp thuộc điều chỉnh của pháp luật tố tụng chưa rõ ràng như nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng có trưng cầu, yêu cầu giám định của các bên đương sự trong tố tụng dân sự nói chung, việc bảo đảm quyền yêu cầu giám định của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, đặc biệt là cơ chế giải quyết xung đột kết luận giám định hiện nay.

Trong tố tụng hình sự, kết quả giám định về tỷ lệ thương tật của nạn nhân có vai trò rất quan trọng. Đây là căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, để định khung hình phạt với bị can hoặc bị cáo. Thực tế ở Đà Nẵng, có vụ án phải trưng cầu giám định nhiều lần và mỗi lần lại đưa ra kết luận khác nhau.

Trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ở quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng), bị cáo A dùng búa tạ đập nhiều nhát vào đầu C khiến nạn nhân bị thương. Theo kết quả giám định của Tổ chức giám định pháp y thành phố, C bị tổn hại 44% sức khỏe. Người bị hại yêu cầu được giám định lại, và Tổ chức Giám định nháp y Quân đội kết luận là 76%. Căn cứ kết quả lần 2, tòa tuyên phạt bị cáo A 15 năm tù. Sau đó A kháng cáo yêu cầu giám định lại nạn nhân lần nữa, nhung C từ chối. Trong vụ án này theo quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự, nếu nạn nhân bị thương tật 44% thì bị cáo chỉ nhận khung hình phạt 2-7 năm tù; còn 76% thì mức án tăng lên 5-15 năm. Rõ ràng, kết quả giám định ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới quyền lợi của cả bị cáo lẫn bị hại, khi nó là căn cứ để khởi tố hoặc định tội, lượng hình, về vụ việc này, theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh Giám định tư pháp, để giải quyết vướng mắc trên thì thành lập một Hội đồng giám định pháp y cấp quốc gia có ít nhất 3 thành viên gồm những chuyên gia đầu ngành về giám định pháp y với phương tiện tốt nhất phục vụ công tác. Trong các vụ án có kết luận “vênh” nhau trên, kết luận của hội đồng này là kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, trên thực tế giám định pháp y là ngành khoa học đặc thù nên quy định tại Điều 33 Pháp lệnh Giám định tư pháp cho thấy chưa phải là tối ưu, nếu không muốn nói là bất cập. Theo quan điểm của chúng tôi, không thể áp dụng cơ chế hành chính theo kiểu kết luận của tổ chức cao nhất là đáng tin cậy và có quyền phủ quyết các kết luận khác. Theo đó, trong lĩnh vực giám định pháp y, việc hai tổ chức giám định cùng một thương tật và đưa ra kết luận khác nhau (về mức độ) là có thể chấp nhận nếu ở thời điểm khác nhau. Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy, việc thành lập hội đồng (ở Trung ương) với các thủ tục và thời gian kéo dài, đến tại thời điểm giám định lại của hội đồng này thì tình trạng thương tích của nạn nhân không còn như trước đó. Nói cách khác, giám định viên phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Còn việc cân nhắc, xem xét tính đúng đắn, xác thực của các kết luận đó là quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Theo quy định của pháp luật tố tụng, kết luận giám định cũng là nguồn chứng cứ. Việc xem xét đánh giá chứng cứ thế nào để đảm bảo tính chính xác, khách quan thuộc về Hội đồng xét xử. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng xét xử phải xem xét tính chính xác, tính khoa học của từng kết luận trong mối quan hệ với các tài liệu khác của vụ án. Xét thấy cần thiết, tòa án có thể triệu tập giám định viên tới đối chất công khai tại phiên xử. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về tòa án nên đòi hỏi Hội đồng xét xử phải thực sự công tâm, khách quan. Như vậy, vừa đảm bảo tính khách quan, vừa đảm bảo tính độc lập của Hội đồng xét xử.

Do đó, để tiến đến xã hội hoá trong lĩnh vực giám định pháp y như đã đề xuất ở trên, theo chúng tôi cần phải có giải pháp lấp “khoảng trống” trong giám định bằng việc sớm nghiên cứu ban hành văn bản quy định cụ thể hơn về đánh giá, sử dụng kết luận giám định, đặc biệt là xác định rõ cơ chế giải quyết xung đột kết luận giám định trong trường hợp kết luận giám định là chứng cứ mấu chốt, duy nhất làm căn cứ cho việc định tội, lượng hình trong tố tụng hình sự hoặc làm căn cứ để xác định lỗi, trách nhiệm của các đương sự trong tố tụng dân sự.

Qua vụ việc thực tế vừa nêu ở Đà Nẵng cho thấy, cần tăng cưòng hơn nữa sự có mặt của người giám định tại phiên toà với tư cách là nhân chứng chuyên môn để họ trình bày về kết luận giám định - chứng cứ mang tính khoa học, làm sáng rõ hơn những vấn đề cần phải xác định tại phiên toà. Đó là một việc làm rất cần thiết cho việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định cũng như tranh tụng tại phiên toà. Sở dĩ như vậy là vì việc trình bày một cách tường tận, cặn kẽ về quá trình thực hiện giám định và kết quả giám định của người giám định làm cho tất cả các bên tố tụng hiểu rõ hơn về cơ sở và quá trình hình thành nên kết luận giám định cũng như xem xét, đánh giá kết luận giám định trong tổng thể các chứng cứ đươc đưa ra tại phiên toà. Từ đó, hội đồng xét xử dễ dàng hơn trong trong việc đưa ra nhận định, đánh giá kết luận giám định và sử dụng kết luận giám định làm cơ sở cho phán quyết đúng đắn của mình, làm cho người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ đối lập phải “tâm phục, khẩu phục”. Thiết nghĩ trong trường hợp kết luận giám định là chứng cứ mấu chốt, duy nhất để định tội, lượng hình hoặc làm căn cứ để xác định lỗi, trách nhiệm của các đương sự hoặc trường hợp có xung đột kết luận giám định thì người giám định bắt buộc phải tham dự phiên toà để trình bày về kết luận giám định. Thế nhưng, ở Đà Nẵng có những vụ việc được thụ lý giải quyết trong thời gian khá dài, giám định viên thì được thuê từ địa phương ở xa, nhưng pháp luật tố tụng hiện hành lại không quy định rõ ràng, cụ thể về thời hạn giám định nên trong thực tế thời gian giám định bị kéo dài, chi phí cho việc lưu trú, ăn ở đi lại, phương tiện cho giám định viên rất tốn kém.

Về giám định lại, Pháp lệnh và Nghị định cũng chưa giải quyết được những khó khăn trong hoạt động thực tiễn ở Đà Nẵng. Cụ thể, theo Điều 32 Pháp lệnh Giám định tư pháp “Việc giám định lại được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do người đã giám định trước đó hoặc do người giám định khác thực hiện theo quy định của phấp luật tố tụng”, nhưng theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành, vấn đề mấu chốt ở đây đó là, khi phải tiến hành giám định lại trong các vụ án hình sự (giám định tỷ lệ thương tích), các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không có nhiều sự lựa chọn vì giám định viên giỏi, người giám định chuyên ngành rất khan hiếm, trong khi việc tìm kiếm chuyên gia giỏi ở xa lại vừa tốn kém kinh phí, vừa tốn thời gian ảnh hưởng nhiều đến quá trình tố tụng.

Năm là, về phí giám định: Theo quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh Giám định tư pháp, đối với các vụ án hình sự, phí giám định tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng trả và được cấp từ ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm của cơ quan đó. Đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì phí giám định tư pháp do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính. Thế nhưng, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức giám định tư pháp ở Đà Nẵng không biết căn cứ vào văn bản nào để áp dụng mức thu phí giám định tư pháp. Thời gian đến, đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sớm xây dựng biểu phí giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. Riêng trong tố tụng dân sự, hành chính cần quy định khung mức phí để to chức, người giám định và các bên đương sự có thể lựa chọn để cung cấp dịch vụ.

Sáu là, về đội ngũ giám định viên: Bên cạnh tổ chức giám định tư pháp, giám định viên cũng thuộc đối tượng quản lý trong mối quan hệ quản lý giám định tư pháp (như rà soát, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng...). Ở Đà Nẵng trong thời gian qua, việc tạo nguồn phát triển giám định viên và kêu gọi các chuyên gia vào làm việc trong lĩnh vực giám định tư pháp là rất hạn chế do gặp nhiều trở ngại rào cản từ quy định của pháp luật, đó là về biên chế, chế độ thù lao, bồi dưỡng, thu phí giám định, chế độ trách nhiệm,.... Vì vậy, mở rộng và phát triển đội ngũ giám định viên về cả số lượng cũng như chất lượng là góp phần vào việc quản lý giám định tư pháp có hiệu quả, từng bước tạo sự cạnh tranh lành mạnh và tăng thêm sự lựa chọn cho các cơ quan tố tụng khi có nhu cầu.

Để xây dựng đội ngũ giám định viên đảm bảo số lượng và chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, thiết nghĩ trong thời gian tới cần phải có chính sách nhằm thu hút các chuyên gia tham gia vào công tác giám định tư pháp. Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng, phân cấp rõ ràng trong việc bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp như phân tích ở trên nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với thực tế từng địa phương.

Với chế độ chính sách giành cho giám định viên còn quá hạn hẹp như hiện nay, cộng với trách nhiệm nặng nề khi thực hiện giám định tư pháp thì việc thu hút đội ngũ những chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp là rất khó khăn. Vì vậy, việc quy định chế độ chính sách cho những người làm công tác giám định tư pháp một cách thoả đáng là một biện pháp cần thiết. Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm của giám định viên trong khi thực hiện giám định pháp luật cần quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của giám định viên, ví dụ, ngoài việc giám định viên phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì giám định viên phải hoàn trả chi phí giám định và bồi thường thiệt hại nếu kết luận giám định sai do lỗi cố ý.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, dù thực hiện xã hội hoá trong các lĩnh vực giám định ở mức độ khác nhau thì đều phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề giám định viên tư pháp, nhất là ở một số lĩnh vực còn mới mẻ với việc xây dựng chương trình, giáo trình chuẩn với chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong cả nước và đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành. Đồng thời, cần phải xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp của giám định viên tư pháp bảo đảm nguyên tắc, điều kiện bổ nhiệm và quy trình bổ nhiệm chặt chẽ. Vấn đề này cần được tiến hành bởi Bộ chủ quản và Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, về lâu dài cần hoạch định về đào tạo nguồn giám định viên ở một số ngành, lĩnh vực giám định như giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự... từ một số trường đại học và có chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút sinh viên học các chuyên ngành đó. Đồng thời phải có những chính sách đãi ngộ về vật chất, tinh thần thích đáng đối với giám định viên nói riêng và những người tham gia hoạt động giám định tư pháp nói chung, thu hút rộng rãi các chuyên gia giỏi ở các ngành nghề, lĩnh vực và ở mọi khu vực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

Bảy là, chế độ thù lao, bồi dưỡng cho người giám định: Xét về tính chất, giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn có hàm lượng chất xám cao, hao tổn sức lực, nhất là trong công việc và môi trường độc hại. Mặt khác, trong quá trình thưc hiện giám định, người thực hiện giám định phải chịu nhiều áp lực như về trách nhiệm pháp lý, áp lực về chất lượng, thời gian thực hiện vụ việc, áp lực từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, gia đình nạn nhân, người bị hại, áp lực tâm lý xã hội,... Do đó, bên cạnh việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, chế độ vật chất cho người thực hiện giám định cũng cần được quan tâm thích đáng.

Theo khoản 7 Điều 12 Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định “Người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng phụ cấp và các khoản bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Người giám định tư pháp là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng thù lao giám định tư pháp”.

Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa có quy định cụ thể về vấn đề phí giám định để làm cơ sở giải quyết thù lao đối với người giám định tư pháp. Ngoài ra, chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho ngtrời làm giám định hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng chưa được cải tiến. Theo Thông tư liên bộ số 355/TT/LB ngày 12/10/1999 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 160/TTg, mức bồi dưỡng đối với giám định kế toán tài chính, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật và giám định tư pháp khác là 12.000 đồng/ngày/giám định viên, tính theo ngày công. Đối với giám định pháp y, mức thấp nhất là 10.000 đồng/1 vụ/giám định viên, mức cao nhất là 150.000 đồng/1 vụ/giám định viên, với mức bồi dưỡng này ở thành phố Đà Nẵng không thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người giám định.

Trong tình hình hiện xay, cần nghiên cứu tăng mức tiền bồi dưỡng cho mỗi lần giám định, đề xuất khung cụ thể như sau:

  • Đối với trường hợp thực hiện giám định theo trường hợp (vụ việc) thì mức bồi dưỡng cao nhất cho mỗi trường hợp là 1.200.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp; mức thấp nhất là 60.000 đồng/vụ/người giám định tư pháp.
  • Đối với trường hơp thực hiện giám định theo ngày công thì mức bồi dưỡng eao nhất cho một ngày công là 400.000/người/ngày, mức thấp nhất là 80.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, cần có quy định linh hoạt về mức bồi dưỡng giám định theo ngày công và theo vụ việc phù hợp với điều kiện giá cả, mức sống trong từng thời điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người thực hiện giám định.

Trước mắt, nguồn kinh phí chi bồi dưỡng cho hoạt động giám định tư pháp là sự ghi nhận của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ giám định viên trong các tổ chức giám định, do đó cần ghi rõ từ nguồn ngân sách của địa phương được dự toán hàng năm. Riêng đối với những lĩnh vực giám định đã tiến hành xã hội hoá nguồn kinh phí này do các tổ chức, doanh nghiệp giám định chi trả.

3.2.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá giám định tư pháp

Tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hoá để các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các đơn vị công lập, ngoài công ; lập và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã họi hoá trong lĩnh vực giám định tư pháp.

Cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện thể chế, đổi mới nội dung quản lý Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc xã hội hóa dịch vụ công nói chung và hoạt động giám định tư pháp nói riêng, giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn mục đích xã hội hoá, góp phần thực hiện công bằng xã hội thông qua việc tạo thêm cơ hội tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ, giảm tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước để dành đầu tư cho những vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, những người thuộc diện chính sách; trợ giúp người nghèo. Thực tế đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, định hướng chung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp để vừa bảo đảm định hướng phát triển, vừa khuyến khích đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong thời gian đến.

 

 

PHẦN THỨ HAI

CÁC CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU

 

Chuyên đề 1:

HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

TRONG LĨNH VỰC PHÁP Y

BS. Võ Đình Thạnh

Giám đốc Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng

I. Khái niệm và quá trình phát triển của Pháp y Việt Nam:

1. Khái niệm giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y

Giám định pháp y là một hoạt động giám định tư pháp, sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa kọc, kỹ thuật, nghiệp vụ y học để tiến hành khám nghiệm, thu thập tài liệu, tìm ra nguyên nhân và rút ra những kết luận có tính khoa học về những vấn đề có liên quan đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Giám định pháp y là một trong những hoạt động giám định tư pháp thường xuyên và có số vụ việc lớn nhất triển khai ở cả 3 ngành: Y tế, Công an, Quân đội.

Trong đó, Pháp y Y tế thực hiện giám định với số lượng lớn và toàn diện nhất gồm: giám định thương tích, giám định tử thi, độc chẩn giới tính, tuổi, tình dục, hung khí... Trong thực tiễn, Pháp y Y tế thực hiện một số vụ giám định do quân đội, công an chuyển sang. Hằng năm, ngành Pháp y đã thực hiện rất nhiều vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Trước yêu cầu bức xúc của thực tiễn, cũng như đòi hỏi của cải cách tư pháp thì việc nâng cao chất lượng của công tác giám định đang đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi cần có kế hoạch đầu tư tập trung về con người và cơ sở vật chất cho công tác giám định nói chung và giám định pháp y nói riêng.

2. Lịch sử hình thành và phát triển của Pháp y Việt Nam:

Y pháp là một trong những chuyên khoa của ngành Y, có từ hàng nghìn năm và phản ánh lịch sử loài người sống trong xã hội có Luật pháp. Từ thế kỷ thứ V tại La Mã đã có những văn bản liên quan đến giám định thương tích gây ra cái chết của Cezas do Antistius soạn thảo. Tiếp sau đó, vào thế kỷ XII tại một số nước như Jordan, Isarel đã hình thành ngành Pháp y và quy định cụ thể về khám nghiệm tử thi các vụ án mạng và vật gây thương tích.

Đến thế kỷ XIII, năm 1288, tại Ý, Pháp đã bắt đầu hình thành và quy định về giám định viên y pháp để giám định các vụ án mạng và làm nhân chứng tại phiên tòa. Đến thế kỷ XVI, Y pháp mang tính khoa học thực sự ở các nước Châu Âu như Ý, Đức, Pháp và tiếp theo đó các nước Mỹ, Anh cũng đã hình thành để hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp. Năm 1947-1948, sau chiến tranh thế giới lần thứ II, ở Pháp đã ấn hành một bộ luật về ngành Y pháp.

Trước đây, tại Liên Xô, từ thời Nga Hoàng đến Cách mạng tháng Mười Nga, Y pháp chỉ dựa vào kinh nghiệm, ít sử dụng kiến thức khoa học, trong thế kỉ XVII Y pháp chủ yếu dựa vào quân đội... Sau Cách mạng tháng Mười Nga, Y pháp của Liên Xô mang tính khoa học thực sự và phát triển song song với các chuyên khoa khác của Y học hiện đại, đến năm 1932 viện Pháp y Trung ương Liên Xô ra đời và giáo sư Pôpôp - Viện trưởng viện giám định Y pháp Liên bang Xô Viết đã có nhiều công trình và sách Y pháp của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng được phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Tại Trung Quốc, năm 1913 thầy thuốc Y pháp được công khai nghiên cứu thương tích gây chết người và chết vì bệnh.

Còn ở nước ta, môn Y pháp được đưa vào giảng dạy tại trường Y học Hà Nội từ năm 1919 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Địa pháp. Năm 1927, chính quyền thuộc địa có thành lập viện Y pháp và từ đó bộ môn Giải phẫu bệnh - Y pháp của trường đại học Y dược Hà Nội tiếp tục hoạt động trên quy mô toàn quôc.

Hơn 2 tháng sau ngày tuyên bố độc lập 02/9/1945, nhà nước ta đã có sắc lệnh về công tác điều tra - xét xử, trong đó có đề cập đến vẩn đề Y pháp như: Điều 1, Sắc lệnh số 68/SL ngày 30/11/1945; Điều 5, sắc lệnh số 162/SL ngày 25/6/1946, Thông tư số 2795 - HCTP ngày 12/12/1956 của liên bộ Bộ Tư pháp - Bộ Y tế quy định cụ thể về công tác giám định Y pháp. Sự cần thiết phải trưng tập y, bác sĩ chuyên môn Y pháp để giúp đỡ tòa án và công an thụ lý những bị can tình nghi có sự phạm pháp hoặc nhận xét trách nhiệm của can phạm để định tội, lượng hình cho đúng như các trường hợp sau đây:

  • Người chết mà nguyên nhân chưa rõ ràng hoặc tình nghi có án.
  • Phụ nữ tình nghi bị hiếp dâm hoặc phá thai.
  • Người phạm pháp tình nghi có bệnh tâm thần.
  • Người chết bị tổn thương do tai nạn lao động,
  • Người bị đánh có thương tích.

Ngày 21/7/1988 Nghị định 117/1988/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp được ban hành. Trên cơ sở đó, Tổ chức giám định Pháp y Trung ương được thành lập và các tổ chức Pháp y địa phương dần dần tiếp tục được ra đời. Đến năm 2001, Viện Pháp y Trung ương được thành lập, nay là Viện Pháp Y Quốc gia.

* Sự ra đời của Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng

Nghị định 117/1988/HĐBT ra đời đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống tổ chức giám định tư pháp trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong phạm vi toàn quốc. Trong đó, giám định Pháp y là một trong những hoạt động giám định tư pháp thường xuyên nhất, có số lượng vụ việc giám định lớn nhất.

Tổ chức Pháp y Quảng Nam Đà Nẵng được thành lập vào năm 1989 và hoạt động lồng ghép với khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay từ những ngày đầu khi tổ chức Giám định Pháp y Quảng Nam - Đà Nẵng mói thành lập đã góp phần không nhỏ trong công tác giám định, khám nghiệm, phục vụ cho việc tố tụng nói riêng và các vấn đề xã hội khác nói chung. Số lượng cán bộ làm công tác giám định ban đầu rất ít, chỉ có 05 cán bộ, còn lại lồng ghép vào các khoa phòng khác của Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau năm 1997, khi tổ chức Giám định Pháp y được tách riêng, bước đầu đi vào hoạt động mang tính độc lập về thủ tục hành chính, dần dần đã có chuyển biến tốt về mọi mặt, trình độ chuyên môn cũng được nâng cao. Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng được thành lập dựa trên tổ chức giám định Pháp y thành phố theo Quyết định số 2243/QĐ-UB ngày 07/4/2006 của UBND thành phố Đà Nẵng. Trung tâm là đơn yị trực thuộc Sở Y tế, có nhiệm vụ thực hiện giám định phục vu cho công tác điều tra tố tụng hình sự và một số hoạt động tư pháp dân sự. Với tính chất đặc thù của ngành, cán bộ công chức Trung tâm phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, căng thẳng về tâm lý, cường độ công việc cao, đảm bảo đáp ứng 24/24 theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Đến nay, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã có 9 biên chế, trong đó có 4 bác sĩ và 5 cán bộ khác. Tuy nhiên, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

  1. Mục đích và ý nghĩa của Pháp y:

Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y là một trong những chuyên khoa của ngành y nói chung nhằm mục đích phục vụ và hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, công bằng và đúng pháp luật.

Công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y nhằm mục đích nghiên cứu, ứng dụng hầu hết tất cả những kiến thức khoa học vào việc xác định mức độ tổn hại sức khỏe, phẩm giá của con người, nguyên nhân gây tử vong bởi những hành vi xâm hại đến thân thể, khi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giám định làm căn cứ cho việc xác định tội danh, đưa ra mức hình phạt đối với bị can, bị cáo được chính xác, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và tài sản của các tổ chức và cá nhân, bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y nhằm mục đích tham gia vào công tác xác định mối quan hệ huyết thống cho những nạn nhân trong các vụ thảm họa, thiên tai, địch họa. Xác định ADN còn giúp cho việc truy nhận cha cho con hay những người thân bị thất lạc được chính xác, thuận lợi và dễ dàng.

  1. Yêu cầu của hoạt động giám định pháp y

Hoạt động giám định pháp y phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

  • Kịp thời: các đối tượng giám định pháp y là những tang vật sinh học, người sống mang dấu vết thương tích, dấu hiệu bệnh tật, xác chết, vết máu, phủ tạng... Những đối tượng này luôn luôn biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh, do đó phải giám định kịp thời, tức là giám định “nóng”.
  • Đầy đủ: có nghĩa là phải khám nghiệm, xét nghiệm toàn bộ và có hệ thống, phải thu lượm đủ hết tang vật, tài liệu, chứng cứ có thể thu thập được.
  • Chính xác: là yêu cầu cơ bản của một vụ khám nghiệm hay giám định pháp y. Muốn chính xác phải tỷ mỷ, thận trọng trong khám nghiệm; xét nghiệm phải có kỹ thuật, phương tiện bảo đảm, phương pháp đúng và có tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, chính xác còn có ý nghĩa là phải trung thực trong hồ sơ giám định, trong kết luận giám định.
  • Bí mật: yêu cầu về bí mật xuất phát từ tính chất nghiệp vụ và chính trị của công tác điều tra án.
  • Khách quan: giám định viên pháp y phải trung thực với sự thật khách quan của quá trình nghiên cứu giám định. Khi đưa ra các kết luận giám định, giám định viên pháp y chỉ căn cứ vào kết quả của việc nghiên cứu trên cơ sở kiến thức, phương pháp nghiệp vụ, chuyên môn chứ không gò ép, chạy theo một ý muốn chủ quan hoặc các yếu tố khác để làm sai sự thật.
  1. Cơ cấu tổ chức
    1. Viện pháp y Quốc gia:
  • Viện pháp y Quốc gia.
  • Phân viện Pháp y Tp Hồ Chí Minh (Phía Nam)

- Phân Viện Pháp Y Miền Trung (Đà Nẵng).

  • Trung Tâm Pháp Y các tỉnh thành.
  • Tổ chức Pháp y các Tỉnh thành.
  • Viện Trưởng Viện Pháp y Quốc gia.
  • Viện Phó Viện Pháp Y Quốc gia (3 Viện phó).                                       
  • Các phòng ban của viện

 

 

 

  1. Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng

Hiện nay, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng có 01 Giám đốc, 01 khoa giám định tổng hợp; 01 phòng Tổ chức - Tài vụ hành chính và các giám định viên. Với cơ cấu tổ chức như vậy khiến Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Do vậy, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đang xây dựng Đề án trình UBND thành phố cho xây dựng lại trụ sở cũng như mô hình tổ chức hoạt động của Trung tâm nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động giám định pháp y trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

6. Chc năng và nhiệm vụ của Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng

Trung tâm Pháp Y thành phố Đà Nẵng là một cơ quan bổ trợ Tư pháp có chức năng và nhiệm vụ sau:

  1. Giám định sức khỏe phục vụ cho các hoạt động tư pháp dân sự:
  • Tình trạng sức khỏe vợ chồng trước khi kết hôn.
  • Tình trạng sức khỏe đương sự trong các thủ tục tư pháp khác.
  • Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người tham gia mua bảo hiểm.
  • Giám định mẫu phụ hệ phục vụ cho quyền thừa kế, quyền truy nhận cha mẹ.
  • Giám định huyết thống (ADN) tìm người thân trong các vụ thiên tai, thảm họa, tử vong nhiều mà chưa xác định được tung tích.
  1. Giám định người bị thiệt hại sức khỏe trong điều tra hình sự tố tụng.
  2. Giám định tội phạm tình dục.
  3. Giám định sức khỏe bị cáo bị can.                                                        
  4. Giám định các văn bản hồ sơ Y tế.
  5. Giám định các dấu vết sinh học của con người.
  6. Giám định tử thi trong tất cả những cái chết không tự nhiên.
  7. Giám định những sai sót trong chuyên môn nghiệp vụ y tế.
  8. Giám định hóa pháp.
  1. Kết quả hoạt động giám định pháp y trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
  1. Kết quả hoạt động từ 1997 - 2007:

Kết luận giám định chỉ kết luận về mặt khoa học, không kết luận về mặt pháp lý đối với những vấn đề được trưng cầu giám định, không kết luận hành vi phạm tội và người phạm tội. Tuy nhiên, kết luận giám định lại vô cùng quan trọng. Yêu cầu cơ bản của công tác điều tra, truy tố, xét xử là các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp theo luật định để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo đối với các vụ án hình sự, trong các vụ án dân sự cũng phải thu thập đầy đủ chứng cứ để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án đó được chính xác. Chính vì thế, hoạt động giám định pháp y gắn bó với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, dân sự. Bằng hoạt động khoa học chuyên sâu thuộc lĩnh vực pháp y có thể giúp giải đáp chính xác, khách quan nhiều vấn đề liên quan đến các vụ án mà điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể tự mình trả lời được.

Tính từ năm 1997 đên năm 2007, hoạt động của Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã đạt kết quả cạ thể như sau:

Năm

Công việc

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

Khám thương tích

2009

2618

2444

2300

2115

2652

2068

2220

1966

1737

1407

Khám nghiệm tử thi

282

317

316

295

308

310

272

279

289

260

335

Trong số các lĩnh vực giám định tư pháp hiện có trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thì hoạt động giám định pháp y tương đối sôi động và có số lượng vụ việc lớn và thường xuyên nhất. Từ năm 1997 đên 2007, tổ chức giám định pháp y Đà Nẵng đã thực hiện được 23.536 vụ việc về khám thương (chiếm tỷ lệ 87%) và 3.263 vụ việc khám nghiệm tử thi (chiếm tỷ lệ 13%). Đội ngũ giám định viên đã sử đụng các phương tiện, máy móc, các phần mềm chuyên dụng, hoàn thành và đăng ký các hồ sơ giám định đúng thủ tục pháp lý, đúng thời gian quy định. Đặc biệt là đối với các vụ việc liên quan đến án giết người, đội ngũ giám định viên tích cực, khẩn trương giám định ra kết luận kịp thời, phục vụ cho các cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp nghiệp vụ của ngành. Vì vậy, các kết luận giám định đã đảm bảo tính chính xác, khoa học, không xảy ra tình trạng xung đột giám định, giám định lại, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt chứng cứ.

  1. Đánh giá chung

Thời gian qua, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo UBND thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Sở Y tế nên công tác giám định pháp y thành phố đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, đam mê, gắn bó với công việc của đội ngũ cán bộ, công chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hơn thế, sự phối kết hợp giữa Trung tâm và các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các cơ quan tham gia tố tụng được quan tâm chú trọng đã góp phần tạo kết quả tốt cho công tác giám định pháp y trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám định pháp y ở thành phố Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau đây:

Môt là, hoạt động giám định pháp y tại thành phố còn mang tính chất phân tán, chắp vá, chất lượng giám định còn thấp. Chủ yếu tập trung vào hoạt động giám định thưong tích (chiếm đến 87%).

Hai là, về nguồn nhân lực, theo tinh thần Nghị định 67/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005, việc thành lập Trung tâm Pháp y các tỉnh thành, biên chế của mỗi Trung Tâm từ 20 - 25 người. Hiện nay, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng mới có 09 biên chế, chỉ có 04 Bác Sỹ, trong khi đó Pháp y Đà Nẵng phải liên tục tham gia khám, giám định cho riêng thành phố Đà Nẵng và cho cả các huyện của Quảng Nam (Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An), phục vụ cho cơ quan Cảnh sát điều tra quân Khu V, Vùng III Hải Quân, Phòng không – Không quân…có những vụ việc phải đi tham gia khám nghiệm ở các tỉnh Gia Lai, Quy Nhơn và Quảng Ngãi... Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phối kết hợp, nhất là phục vụ án điểm cần thực hiện ngay nhưng lại không đủ nhân lực.

Bên cạnh đó, đội ngũ giám định viên pháp y của thành phố hiện nay chủ yếu là những người làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về pháp y. Trình độ chuyên môn của giám định viên pháp y còn hạn chế.

Ba là, về cơ chế quản lý nhà nước, chính sách đối với đội ngũ giám định viên pháp y còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Chưa có những quy định thật cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến hiệu quả hoạt động giám định pháp y chưa cao.

Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu. Trụ sở làm việc của Trung tâm hiện đang nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Đà Nẵng nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc bố trí nhân lực làm việc, bố trí trang thết bị khám, giám định, ảnh hưởng đến mối quan hệ của các cơ quan tham gia tố tụng, không có nơi làm việc hội nghị và giao ban...

Trong quá trình giám định, khám nghiệm, trang thiết bị dụng cụ đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên hiện tại Trung Tâm Pháp y thành Phố Đà Nẵng đang khám nghiệm tử thi nhờ vào nhà đại thể của Bệnh viện Đà Nẵng và các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố.

Các trang thiết bị khác chưa được đầu tư, hiện nay có những vụ án điểm cần làm xét nghiệm nhóm máu, soi tinh trùng là phải trưng cầu đến Viện Pháp y quốc gia, hay Viện khoa học Kỹ thuật hình sự… Đây là việc trở ngại lớn trong công tác giám định và khám nghiệm.

Hơn thế, tính đến thời điểm hiện tại Trung tâm Pháp y chỉ có 01 chiếc môtô đã sử dụng các đây 20 năm. Do vậy khi có vụ việc cần phải đi xa hay vận chuyển nạn nhân, phải nhờ xe của các cơ quan tố tụng, hoặc của bệnh viện để vận chuyển nạn nhân, đôi lúc y, bác sĩ - giám định viên phải đi bằng môtô 50 - 60 km để khám nghiệm. Do vậy ảnh hưởng rât nhiều đến công tác giám định.

Năm là, về thông tin liên lạc, hầu hết các bác sĩ - giám định viên tự sắm phương tiện thông tin liên lạc chứ chưa được trang bị của nhà nước, chưa được hỗ trợ tiền sử dụng điện thoại. Do vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp nhận thông tin, nhất là các vụ án điểm cần đáp ứng kịp thời.

Sáu là, chế độ bồi dưỡng cho giám định viên vẫn áp dụng khung giá từ năm 1993. Mặt dù Trung tâm đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng nâng mức bồi dưỡng nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Vì tính chất đặc thù của công việc giám định nên đội ngũ giám định viên đôi khi phải làm việc cả ngày lẫn đêm, ngay cả những ngày lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật... nhưng hiện nay cán bộ của Trung tâm vẫn chưa có chế độ trực. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phục vụ công tác chính trị chung của Trung tâm.

  1. Một số đề xuất, kiến nghị và quan điểm xã hội hóa công tác giám định pháp y

l. Đ xuất, kiến nghị

Để đáp ứng kịp thời những yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng cho con người và nâng cao chất lượng giám định pháp y trên địa bàn thành phố, Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đề xuất một số nội dung sau:

  • Để Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm của thành phố loại một trong giai đoạn hội nhập cùng các tỉnh bạn và các nước trong khối Asean, Trung tâm Pháp y đề xuất ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sớm cho xây dựng Trung tâm Pháp y trong thời gian đến với mô hình như sau:

+ Về cơ cấu tổ chức: Theo Đề án trình UBND thành phố sẽ xây 'dựng mô hình tổ chức của Trung tâm trong thời gian tới như sau:

 

 

Phó giám đốc 2

Phó giám đốc 1

Phó giám đốc 1

 

 

 

 

Khoa GĐ tổng hợp

Khoa xét nghiệm

 

Khoa chẩn đoán hình ảnh

           
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

+ Về cơ sở vật chất: (Chia làm 4 khu).

  • Khu điều hành và hành chính:
  • Phòng giám đốc.
  • Phòng phó giám đốc.
  • Phòng tổ chức hành chính.
  • Phòng tài chính kế toán.
  • Phòng khách.
  • Phòng hội trường giao ban.
  • Phòng lưu trữ tủ sách chuyên môn.
  • Khu chuyên môn:
  • Phòng giám định thương tích.
  • Phòng giám định tình dục.
  • Phòng siêu âm, đo điện tim.
  • Phòng chụp và chiếu xquang.
  • Phòng xét nghiệm vi thể.
  • Phòng chờ cho người giám định.
  • Phòng cho cán bộ, thân nhân đưa nạn nhân đến giám định.
  • Phòng lưu bệnh phẩm.
  • Phòng giám định độc chất ma túy.
  • Phòng khám nghiệm tử thi.
  • Phòng lưu trữ tử thi (Phòng lạnh, tủ lạnh )
  • Phòng trực y, bác sĩ nam.
  • Phòng trực y, bác sĩ nữ.
  • Nhà để xe ô tô, nhà để máy phát điện.
  • Khu hậu cần:
  • Phòng kho.
  • Phòng thanh tiệt trùng.
  • Khu vệ sinh. (01 cho khách và đương sự đi giám định, 01 cho CBCNV).
  • Khu xử lý chất thải.
  • Khu đại thể: (Xây dựng hai tầng)

Khu đại thể được gắn liền với phòng khám nghiệm tử thi, kho lưu giữ tử thi, có cả hầm lạnh ở tầng 1, tủ lạnh và phòng mổ ở tầng 2, để có thể bảo quản hơn 100 thi thể, nhằm phòng chống thiên tai, thảm họa.

+Về Trang thiết bị:

  • Phương tiện:
  • Xe ô tô dạng cứu thương.
  • Xe ôtô thông thường.
  • Xe môtô.
  • Thiết bị y tế:
  • Máy điện tim 12 kênh + Tự động phân tích kết quả có màn hình.
  • Máy x-quang có màn hình.
  • Máy CTScanner.
  • Máy cưa sọ não.
  • Bàn mổ vạn năng thủy lực.
  • Đèn mổ có treo trần.
  • Bộ dụng cụ phẫu thuật sọ não.
  • Bộ dụng cụ phẫu thuật lồng ngực.
  • Bộ dụng cụ phẫu thuật bụng.
  • Các bộ dụng cụ khám các chuyên khoa; RHM, TMH, Mắt..
  • Bộ dụng cụ khám sản.
  • Máy đo thính lực .
  • Máy siêu âm mắt.
  • Máy đo thị lực.
  • Máy ghi điện não vi tính.
  • Máy đo nồng độ cồn trong máu.
  • Máy ly tâm đa năng.
  • Kính hiển vi có máy ảnh.
  • Máy siêu âm màu.
  • Máy cắt lát vi thể.
  • Máy cắt lát vi thể đông lạnh.
  • Máy nhuộm tiêu bản.
  • Kính hiểm vi phân cực.
  • Túi hút hơi khí độc.
  • Bàn khám bệnh.
  • Cân trọng lượng có thước đo chiều cao.
  • Đèn đọc x-quang.
  • Tủ sấy điện 300 độ dung tích 70 lít.
  • Tủ lạnh bảo quản bệnh phẩm.
  • Túi đựng tử thi.
  • Mặt nạ chống độc.
  • Máy sấy, máy hấp dụng cụ.
  • Trang thiết bị khác:
  • Camera KTS
  • Máy chụp hình cơ và KTS.
  • Đề nghị Sở Y tế - Sở Tư Pháp phối kết hợp đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chính trang bị xe ôtô và các trang thiết bị chuyên dùng cho Trung tâm Pháp y để phục vụ kịp thời công tác giám định các vụ án của thành phố.
  • Đề nghị Ủy ban nhân dân có kế hoạch thay đổi mức tiền bồi dưỡng cho bác sĩ, giám định viên để động viên tinh thần làm việc, bù đắp lại một phần tổn hại sức khỏe cho cán bộ công tác trong ngành.
  • Về nhân lực: Sở Nội vụ, Sở Y tế có kế hoạch tăng cường đội ngũ bác sĩ - giám định viên cho Trung tâm Pháp y thành phố. Trên cơ sở đó, Trung tâm Pháp y dần tiến tới việc phân định giám định viên chuyên trách và giám định viên kiêm nhiệm để thuận tiện hơn trong việc tiên hành phân công công tác trên thực tế.
  • Sở Y tế cần có kế hoạch phân bổ chế độ trực cho bác sĩ - giám định viên của Trung tâm Pháp y vào chế độ trực chung của ngành Y tế để động viên tinh thần và đảm bảo chế độ làm việc của đội ngũ làm công tác giám định pháp y trên địa bàn Đà Nẵng.
  • Đề nghị Sở Tư pháp thường xuyên chủ trì giao ban các ban ngảnh trong công tác bổ trợ Tư pháp để giao lưu, trao đổi và rút kinh nghiệm trong mối quan hệ phối kết hợp, qua đó bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ - giám định viên.
  1.  Quan điểm về xã hội hóa hoạt động giám định pháp y, những thuận lợi và khó khăn

Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp là một định hướng có ý nghĩa to lớn mang tính chiến lược nhằm huy động tiềm năng kinh tế và nhân lực của mọi thành phần kinh tế và của toàn xã hội góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền.

Bản chất của hoạt động giám định tư pháp là xác định sự thật khách quan, xác lập và củng cố chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử trong các lĩnh vực hình sự, dân sự... Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan giám định tư pháp vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đó vì những nguyên nhân thiếu cán bộ, thiếu phương tiện máy móc kỹ thuật, nguồn kinh phí đầu tư và tái đầu tư trong việc đào tạo cán bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, nhiều địa phương không thể triển khai được một số lĩnh vực giám định nên phải tập trung về một đầu mối trung ương dẫn đến hiện tượng quá tải.

Việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp mà cụ thể là giám định pháp y sẽ khai thác, phát huy được tiềm năng và các nguồn lực góp phần giảm áp lực đối với cơ quan giám định công và giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp không những huy động nguồn lực tài chính mà còn huy động nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý, sức lao động, áp dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học kỹ thuật...

Như chúng ta đã biết ngành Pháp y Việt Nam ra đời từ rất sớm, tuy nhiên cho đến nay nhìn chung mức độ phát triển còn rất chậm, thậm chí còn lạc hậu. Để phục vụ cho công tác bổ trợ tư pháp ngày một phát triển, ở các nước trên thế giới đã hình thành Viện pháp y Quốc gia, các Trung tâm Pháp y và đã có Tổ giám định Pháp y tư nhân, Giám định viên tư…, xã hội hóa công tác Pháp y đã và đang phát triển rất mạnh và đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, ở nước ta trong thời gian đến, để xã hội hóa họat động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc xã hội hóa cần phải được thực hiện theo từng giai đoạn. Bởi lẽ với cơ chế, chính sách như hiện nay thì xã hội hóa hoạt động tư pháp sẽ rất khó triển khai thực hiện trên thực tế. Do đó, muốn xã hội hóa họat động giám định pháp y, trước hết đòi hỏi đáp ứng những điều kiện cần và đủ sau:

  • Hoàn thiện pháp luật liên quan đến giám định tư pháp:

Cần rà soát các văn bản pháp quy về công tác giám định để có sự thống nhất trong việc triển khai thực hiện, cần có văn bản quy định rõ, cụ thể các khoản phí, lệ phí giám định, định mức, thẩm quyền thu và chi, các thủ tục trưng cầu giám định của tổ chức, công dân... cho phù hợp với tình hình thực tế để khuyến khích, động viên tinh thần làm việc của đội ngũ giám định viện. Nâng mức phụ cấp và bồi dưỡng giám định một cách hợp lý đối với giám định viên và cán bộ trợ lý giám định nhằm đảm bảo sức hút nghề nghiệp, bù đắp những hao tổn, áp lực tâm lý cho cán bộ.

  • Về  nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp:

Đây là một vấn đề cần được đặt lên hàng đầu, bởi lẽ đội ngũ giám định viên có vai trò rất quan trọng trong việc xác định chứng cứ của vụ án. Kết luận giám định chỉ kết luận về mặt khoa học, không kết luận về mặt pháp lý đối với những vấn đề được trưng cầu giám định, không kết luận hành vi phạm tội và người phạm tội nhưng kết luận giám định lại vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực cho công tác giám định tư pháp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này nó liên quan đến nhiều yếu tố như: chế độ, phụ cấp, cơ sở, trang thiết bị, điều kiện làm việc... Hiện tại, công tác giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng chưa được đầu tư thích đáng nên việc thu hút nhân lực cho công tác này hết sức khó khăn nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Chính vì vậy, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, có những điều kiện ưu đãi cho đội ngũ giám định viên để thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn, có năng lực vào công tác giám định. Bên cạnh đó, người làm công tác pháp y phải co đay đủ trình độ chuyên môn của ngành y và chuyên môn chuyên khoa Pháp y, 00 đủ phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, phải có lập trường quan điểm rõ ràng hiểu biết về luật pháp, có bản lĩnh, sức khỏe, yêu nghề...

  • Về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp:

Phát huy vai trò quản lý nhà nước khi thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp. Chính quyền địa phương cần xây dựng định hướng xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp phù hợp với bối cảnh chung của đất nước và phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia vào công tác này.

PHIẾU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TÍCH.

  • Số phiếu phát ra: 50 phiếu
  • Số phiếu thu về: 50 phiếu

Các chỉ tiêu đánh giá

Phương án đánh giá

Kết quả

I) Về cán bộ tổ chức

l. Thái độ của cán bộ tổ chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc

  • Rất tốt
  • Tốt
  • Bình thường
  • Chưa tốt
  • 35 phiếu, tỷ lệ: 70%
  • 15 phiếu, tỷ lệ 30%

2. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, tổ chức khi tiếp xúc , giải quyết công việc

  • Có tinh thần trách nhiệm cao
  • Bình thường
  • Thiếu trách nhiệm
  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 05 phiếu, tỷ lệ 10%

3. Cán bộ công chức hướng dẫn thủ tục và các yêu cầu liên quan để giải quyết hồ sơ

  • Đầy đủ, một lần, dễ hiểu
  • Tạm được
  • Còn khó hiểu

□ Không hiểu, cảm thấy phiền hà

  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 03 phiếu, tỷ lệ 6%
  • 02 phiếu, tỷ lệ 4%

4. Cách thức làm việc của cán bộ công chức

  • Am hiểu công việc, chuyên nghiệp
  • Tạm được
  • Giải quyết công việc còn lúng túng, tỏ ra không am hiểu công việc
  • 47 phiếu, tỷ lệ 94 %
  • 03 phiếu, tỷ lệ 6%

II) Cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất và các điều kiện hỗ trợ tổ chức, công, dân trong khi giao dịch (dịch vụ photo, bàn ghế, nước uống, quạt gió...)

  • Rất tốt
  • Chưa tốt
  • Chưa thuận tiện

 

- 0%

  • 15 phiếu, tỷ lệ 30%
  • 35 phiếu, tỷ lệ 70%

III) Về công khai công vụ

1. Vị trí làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

  • Thuận tiện
  • Tạm được
  • Chưa thuận tiện
  • 25 phiếu, tỳ lệ 50%
  • 5 phiếu, tỷ lệ 10%
  • 20 phiếu, tỷ lệ 40%

2. Các nội dung niêm yết công khai

  • Rõ ràng, đầy đủ
  • Tạm được
  • Chưa rõ ràng, đầy đủ

- 50 phiếu, tỷ lệ 100%

3. Đeo thẻ công chức, đặt bảng tên trên bàn của cán bộ xử lý công việc

  • Không

- 50 phiếu, tỷ lệ 100%

IV) Về quy trình

1. Quy định giải quyết hồ sơ công việc theo quy định hiện hành

  • Hợp lý
  • Chưa hợp lý, cần cải tiến thêm
  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 05 phiếu, tỷ lệ 10%

2. Cách thức giải quyết theo quy trình đã quy định

□ Đúng trình tự, cách thức

□ Chưa đúng trình tự, cách thức

  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 05 phiếu, tỷ lệ 10%

V) Về thủ tục

1. Thủ tục hồ sơ theo quy định hiện hành

  • Đơn giản, dễ thực hiện
  • Rườm rà, cần cải tiến thêm
  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 05 phiếu, tỷ lệ 10%

2. Ngoài thủ tục quy định có yêu cầu thêm thủ tục, giấy tờ nào khác?

  • Không

Nếu có, thêm loại giấy tờ gỉ?.......................................

 

VI) Về thời gian

1. Thời gian chờ đợi để đến lượt giải quyết hồ sơ

  • Nhanh
  • Tạm được
  • Lâu
  • 40 phiếu, tỷ lệ 80%
  • 10 phiếu, tỷ lệ 20%

2. Nếu chờ đợi lâu, lý do

  • Do nhiều công dân, tổ chức đến cùng một lúc
  •  Do cán bộ, công chức xử lý chậm
  • Lý do khác (Công chức đi làm muộn, làm việc riêng, lãnh đạo đi vắng...
  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 5 phiếu, tỷ lệ 10%

3. Thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ

  • Sớm hơn
  • Đúng hẹn
  • Trễ hẹn
  • 10 phiếu, tỷ lệ 20%
  • 40 phiếu, tỷ lệ 80%

VII) Về phí, lệ phí

1. Việc thu phí, lệ phí theo quy định đã niêm yết

□ Đúng quy định

□ Không đúng quy định

- 50 phiếu, tỷ lệ 100%

2. Tổ chức, công dân phải chịu chi phí ngoài quy định

□Có

□ Không

 

VIII) Về cơ chế giám sát, góp ý

1. Các điều kiện để phản ánh, kiến nghị, góp ý (số điện thoại đường dây nóng, hộp thư, sổ góp ý)

  • Có nhưng không thường xuyên
  • Không có
  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 5 phiếu, tỷ lệ 10%

2. Việc cơ quan và cán bộ, công chức tiếp thu các phản ánh, kiến nghị, đóng góp.

  • Có nhưng không tốt lắm
  • Không có
  • 45 phiếu, tỷ lệ 90%
  • 3 phiếu, tỷ lệ 6%
  • 2 phiếu, tỷ lệ 4%

3. Việc cơ quan và cán bộ công chức phản hồi các phản ánh, kiến nghị, góp ý

  • Có phản hồi
  • Có phản hồi nhưng chưa thỏa đáng
  • Không phản hồi
  • 40 phiếu, tỷ lệ 80%
  • 4 phiếu, tỷ lệ

 

  • 6 phiếu, tỷ lệ 12%

IX) Mức hài lòng chung của tổ chức, công dân

  • Rất hài lòng
  • Hài lòng
  • Chưa hài lòng
  • 20 phiếu, tỷ lệ 40%
  • 30 phiếu, tỷ lệ 60%

 

 

 

 

 

Chuyên đề 2:

NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH PHÁP Y TÂM THẦN Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

BS. Phan Ngọc Hà

Bệnh viện tâm thần thành phố Đà Nẵng

  1. Khái niệm cơ bản về giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần
  1. Khái niệm giám định pháp y tâm thần (GĐPYTT):

Pháp y tâm thần (PYTT) là một trong những vấn đề sức khỏe bệnh tật của con người (y học) có liên quan tới pháp luật, là một hoạt động quan trọng không thể thiếu được trong ngành tâm thần học và trong hỗ trợ tư pháp thi hành pháp luật của một quốc gia. Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần - người bị bệnh tâm thần do bị rối loạn về tư duy nhận thức, cảm xúc, ý thức, hành vi,... có thể gây nguy hại cho bản thân họ, cho tài sản, cho tính mạng những người khác, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, sự an toàn và quyền lợi của người khác, nên cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo vệ xã hội và bản thân người bệnh.

Nói cách khác PYTT là một bộ phận của tâm thần học phát triển cùng với sự phát triển chung của ngành tâm thần học. Tâm thần bệnh học chỉ chú ý nghiên cứu vấn đề chẩn đoán, tìm nguyên nhân và tính chất bệnh với mục đích chữa bệnh và phòng bệnh còn PYTT chủ yếu nghiên cứu mối liên hệ đặc biệt của các trạng thái rối loạn tâm thần đối với các vấn đề hình sự và dân sự. Do đó công tác GĐPYTT là một công tác có tầm quan trọng lớn về chính trị, phức tạp về chuyên môn y tế và pháp luật cần phải được tổ chức thực hiện tốt nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội, tính mạng tài sản cho nhân dân, đồng thời cũng thể hiện tính nhân đạo của chế độ XHCN là bảo vệ và điều trị cho người bệnh tâm thần công bằng trước pháp luật.

Người bệnh tâm thần vì không nhận thức được tác hại hay không kiềm chế được hành vi (bởi các rối loạn tâm thần chi phối gây nên nhất định, trong những trường hợp cụ thể nhất định) được miễn hoàn toàn hay giảm một phần năng lực trách nhiệm về hành vi phạm pháp của mình. Lợi dụng điểm này, tội phạm giả tạo bệnh tâm thần trước, trong hay sau khi phạm pháp để trốn tránh pháp luật. Một số thì có xu hướng làm cho bệnh nặng hơn, lợi dụng bệnh tật để đạt mục đích riêng có lợi cho mình. Vì vậy cần phải được xem xét giám định khi cần xử lý về mặt pháp luật đảm bảo sự công minh, công bằng của mỗi công dân trước pháp luật, do vậy cần phải có tổ chức tốt công tác giám định pháp y tâm thần riêng biệt để giám định chính xác những đối tượng, những bị can, bị cáo, phạm nhân nghi có rối loạn tâm thần và đã bị bệnh tâm thần, xác định họ có bị bệnh hay không? Bị bệnh gì? Mức độ bệnh tật ra sao? Có giả tạo hay giả làm tăng triệu chứng nặng? Xác định năng lực trách nhiệm hành vi phạm pháp của đối tượng, bị can, bị cáo, phạm nhân còn hay mất lúc phạm pháp như thế nào?

Có những người bệnh tâm thần (bị một số rối loạn tâm thần nhất định trong những trường hợp cụ thể nhất định) không làm được một số nghề nào đó hoặc đươc miễn trách nhiệm về một số nghĩa vụ công dân (nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao đông,...) hay không được sử dụng một số quyền lợi công dân (như bầu cử, ứng cử, ký hợp đồng mua bán, vay mượn, kết hôn, giao quyền thừa kế,...). Do đó công tác pháp y tâm thần cần được tổ chức tốt để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh và trách nhiệm xã hội những thiệt hại về dân sự.

Công tác giám định PYTT là một lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp về mặt chuyên môn (y học), quan trọng về chính trị, một mặt phải đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội; tính mạng, tài sản cho nhân dân, cho nhà nước; mặt khác phải thể hiện tính nhân đạo của chế độ là tổ chức điều trị và bảo vệ người bệnh tâm thần. Công tác này có mối quan hệ mật thiết giữa ngành y tế với các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp) phối hợp với nhau bằng những thủ tục có tính chất pháp lý mà pháp luật đã quy định.

Công tác này đã được sự quan tâm của nhiều nước, ở nước Nga từ năm 1669 đã có những lệnh quy định những người bị bệnh tâm thần đều bị xem là mất năng lực trách nhiệm và được miễn xét xử khi phạm pháp. Ở các nước Tây Âu từ giữa thế kỷ 19 đã có những quy ước pháp chế hình sự và dân sự với người bị bệnh tâm thần. Do yêu cầu xã hội, ngành PYTT ra đời và phát triển song song với ngành tâm thần học.

Ở nước ta ngành tâm thần học ra đời vào năm 1957 và từ đó đến nay vấn đề PYTT ngày càng được quan tâm: từ ngành y tế đến toà án, Viện kiểm sát, công an. Nhiều đối tượng bị can, bị cáo, phạm nhân nghi có rối loạn tâm thần đã được đưa ra hội đồng GĐPY và sau khi xác nhận bị bệnh tâm thần đã được cơ quan pháp luật cho miễn tố hoặc giảm án. Điều đó đã thể hiện tinh thần nhân đạo của chế độ, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của người bị bệnh tâm thần.

Ở miền Bắc từ năm 1970 và ở miền Nam sau năm 1975 chưa có tổ chức GĐPYTT nhưng đã có những trường hợp TAND tối cao, VKSND tối cao đã chuyển đến Bệnh viện tâm thần TW tiến hành GĐPYTT một số trường hợp bị can, bị cáo có rối loạn tâm thần. Ở một số địa phương có chuyên khoa tâm thần đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tiến hành giám định cho các đối tượng phạm tội, nghi có rối loạn tâm thần do các cơ quan tố tụng trưng cầu giám định.

  1. Cơ sở thành lập:

Do nhu cầu ngày càng tăng về công tác GĐPYTT và đảm bảo chặt chẽ hơn về tính pháp lý, ngày 21/7/1988 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 117/HĐBT về Giám định tư pháp, tại điểm 4 Nghị định này đã quy định việc bổ nhiệm giám định viên (GĐV) và giám định viên trưởng các cấp; tại Thông tư số 78/TT-GĐ ngày 26/1/1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/HĐBT, ở tuyến trung ương Bộ Y tế sau khi thảo luận với Bộ Tư pháp đã có quyết định số 64/BYT-GĐ ngày 18/2/1989 bổ nhiệm GDV-PYTTTW gồm 9 GĐV và giao cho Bệnh viện tâm thần TW quản lý công tác GĐPYTT toàn quốc. Có những trường hợp đặc biệt giải quyết những vụ án phức tạp theo trưng cầu của VKSND tối cao hoặc TAND tối cao thì Chính phủ ra quyết định thành lập hôi đồng GĐPYTT TW giám định xong vụ án thì giải tán.

Trước năm 1989, tỉnh QN-ĐN cũ chưa có tổ chức GĐPYTT riêng biệt vì chưa có đủ đội ngũ bác sĩ chuyên môn, chỉ có 1 bác sĩ giám đốc Bệnh viện tâm thần Trần Đình Thông làm GĐV trong hội đồng GĐPY chung của tỉnh QN-ĐN cũ. Do vậy, đầu năm 1989 để thực hiện theo Nghị định 117/HĐBT và GĐPY, Bệnh viện tâm thần QN-ĐN để nghị Sở Y tế và Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tư pháp bàn về công tác GĐPYTT. Qua hội nghị này đề nghị UBND tỉnh QN-ĐN quyết định thành lập tổ GĐPYTT và đã được UBND tỉnh QN-ĐN ra quyết định số 631/QĐ-UB ngày 7/3/1989 thành lập Tổ GĐPYTT Quảng Nam - Đà Nẵng và bổ nhiệm 5 GĐV do BS. Trần Đình Thông Giám đốc bệnh viện làm Giám định viên trưởng. Đến năm 1997, Tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng được thành lập, có 3 GĐV do BS. Phan Ngọc Hà làm Giám định viên trưởng.

  1. Mục đích thành lập tổ GĐPYTT:

GĐPYTT là một tổ chức bổ trợ tư pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp nhằm 4 mục đích:

  • Giám định tình trạng sức khỏe - sức khỏe tâm thần của đương sự (bị can, bị cáo, phạm nhân, bị hại, người làm chứng, người lập di chúc, quyền công dân, nghĩa vụ quân sự, khả năng lao động,...) trước, trong, sau khi xảy ra vụ án và hiện tại.
  • Giám định khả năng chịu trách nhiệm hình sự, dân sự của đương sự.
  • Đề xuất biện pháp chữa bệnh đối với người được xem là mất năng lực trách nhiệm hình sự hoặc mất một phần năng lực trách nhiệm hình sự, dân sự.
  • Nghiên cứu khoa học về pháp y tâm thần.
  • GĐPYTT thường chia làm 2 mục:
  • Giám định theo tiêu chuẩn y học: xác định tình trạng sức khỏe tâm thần của đương sự, họ bị bệnh gì? mức độ nặng hay nhẹ?... phải áp dụng tiêu chuẩn và nguyên tắc chẩn đoán ICD10 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
  • Giám định theo tiêu chuẩn pháp luật: có mất lý trí không? Có còn hay mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự, dân sự không? Có phải điều trị bắt buộc hay một hình thức điều trị khác không?
  1. Ý nghĩa của GĐPYTT:

GĐPYTT là công tác bổ trợ về tư pháp, là một ngành quan trọng trong tâm thần học, đặc biệt trong chế độ XHCN công tác GĐPYTT có ý nghĩa chính trị to lớn. Nó không những tăng cường pháp chế XHCN mà còn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của công dân nói chung, của người bệnh tâm thần nói riêng. Đồng thời nghiên cứu khoa học mối liên quan của bệnh tâm thần với vấn đề pháp lý về tính chất, đặc điểm, mức độ ảnh hưởng nguy hại, mức độ phạm tội hoặc bị hại của từng loại bệnh; giữa công tác điều tra xét xử và giải quyết người bệnh trong từng vụ án, đồng thời đề ra biện pháp để tổ chức điều trị và phòng ngừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hạn chế những hậu quả thiệt hại to lớn cho người và của cải vật chất do người bệnh tâm thần gây nên, làm giảm thiểu những tai nạn rủi ro do con người chủ quan vô ý thức gây nên như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động,...

5. Tổ chức hoạt động:

Từ khi thành lập 1989 đến nay, tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng và ngành tâm thần trung ương đã tổ chức hoạt động đúng theo quy trình quy định, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan đơn vị khác trong khu vực 14 tỉnh thành Miền Trung, Tây Nguyên và các cơ quan điều tra hình sự của các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 5, VKSND tối cao và TAND tối cao tại Đà Nẵng. Với tinh thần trách nhiệm cao, tổ GĐPYTT luôn đảm bảo giám định nhanh chóng và chính xác theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết tốt các vụ án. Qua 18 năm hoạt động, đã giám định được tổng số 830 ca, trong đó các đối tượng bị can, bị cáo và phạm nhân là 533 ca, người bị hại 123ca, các trường hợp ly hôn 31 ca, giám định sức khỏe cho người lao động và quyền công dân là 56ca, giám định lại sau điều trị bắt buộc là 87 ca.

Cụ thể đã giám định cho các cơ quan đơn vị tiến hành tố tụng giải quyết tốt các vụ án như sau:

  • Tp. Đà Nẵng: 401 ca
  • Quảng Nam: 234 ca
  • Đăk Lăk, Đăk Nông: 23 ca
  • Quảng Ngãi: 18 ca
  • Quảng Bình: 18 ca
  • QK V và Hải quân vùng III: 17 ca
  • Bình Định: 13 ca
  • Gia Lai, Kon Tum: 7 ca
  • Phú Yên, Khánh Hòa: 6 ca
  • Thừa Thiên Huế - Lâm Đồng: 3 ca
  1. Các hình thức hoạt động GĐPYTT thành phố Đà Nẵng:

Căn cứ Điều 131 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tiến hành giám định theo hình thức nào phải tùy thuộc vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc đó.

  • Ở Đà Nẵng có 6 hình thức GĐPYTT sau:
  • Lưu nội trú để giám định:

Hình thức này giám định với những trường hợp khó khăn và phức tạp cho việc chẩn đoán bệnh cũng như xác định năng lực trách nhiệm hành vi về hình sự hay dân sự của đối tượng. Do vậy, đối tượng được lưu lại cơ sở GĐPYTT Bệnh viện chuyên khoa tâm thần để theo dõi giám định. Giám định viên có trách nhiệm làm bệnh án theo dõi khám xét lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ cho giám định. Đồng thời nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do cơ quan trưng cầu giám định cung cấp. Khi đủ điều kiện thì tiến hành giám định và làm văn bản kết luận. Thời gian lưu đối tượng để làm giám định tại cơ sở nội trú trung bình 4- 6 tuần, nhưng cũng tùy thuộc vào từng trường hợp để giám định có thể rút ngắn hơn hoặc cần thiết có thể kéo dài thì phải thông báo cho cơ quan trưng cầu giám định được biết.

  • Giám định tại phòng khám tổ chức giám định (Giám định ngay):

Áp dụng cho những trường hợp đơn giản sau khi đã tiếp nhận trưng cầu và hồ sơ liên quan đến vụ án của đối tượng. Các giám định viên nghiên cứu và giám định trên hồ sơ trước, hẹn cơ quan trưng cầu đưa đối tượng đến giám định trực tiếp. Tổ GĐPYTT, tiến hành thăm khám giám định, làm các xét nghiệm nếu thấy cần thiết và làm biên bản cho kết quả kết luận giám định.

  • Giám định tại phòng giam:

Áp dụng đối với các trường hợp can phạm bị giam giữ không thể áp giải đối tượng đến giám định được: phạm nhân bị biệt giam, phạm nhân bị bệnh không đi được. Tùy theo cơ quan trưng cầu yêu cầu, Tổ GĐPYTT đến giám định tại chỗ (tại phòng giam) và làm các biên bản kết luận trả lời kết quả giám định sau cho cơ quan trưng cầu.

  • Giám định tại gia (tại nhà người bệnh):

Áp dụng giám định đối với các đối tượng bị bệnh nặng đau nằm tại chỗ không đi làm được hoặc các trường hợp mà đối tượng phủ định chống đối không chịu đi, theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định thì Tổ GĐPYTT sẽ đến tận nơi (tại gia) để giám định và có văn bản kết luận giám định, trả kết quả sau cho cơ quan trưng cầu.

  • Giám định vắng mặt:

Hình thức này ít được thực hiện, chỉ những trường hợp nào rất đặc biệt, quan trọng mới thực hiện. Áp dụng cho các đối tượng vắng mặt mà cơ quan tiến hành tố tụng không triệu tập được mà có đầy đủ hồ sơ, có quá trình tiền sử, bệnh sử đã từng được điều trị bệnh tâm thần ở các cơ sở chuyên khoa tâm thần đã có chẩn đoán bệnh trước đó.

  • Giám định tại Hội đồng xét xử:

Hình thức này chỉ áp dụng cho những trường hợp bệnh tật đã rõ ràng và đã có thời gian điều trị nội trú tại các Bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Mục đích của hình thức giám định này thực chất là giám định viên được trưng cầu tới Hội đồng xét xử để làm rõ thêm kết luận của tập thể giám định hoặc của mình cho Hội đồng xẻt xử và các bên tham dự rõ.

  1. Hoạt động nghiên cứu khoa học: Đã tiến hành nghiên cứu 3 đề tài chuyên đề về giám định pháp y tâm thần:
  • Nghiên cứu đặc điểm hình thái qua GĐPYTT 248 ca tại Tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng từ 1994-2001.
  • Nhận xét tình hình áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng từ 1998-2004.
  • Nghiên cứu rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não gặp trong GĐPYTT tại Tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng.
  1.  Đánh giá thực trạng, tình hình hoạt động giám định tư pháp của Tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng từ khi thành lập 1989-2007:
  1. Về tổ chức:

Danh sách GĐV-GĐPYTT qua các thời kỳ

S

T

T

Họ và tên

Trình độ Chuyên môn

Chức danh Giám định

Chức danh Chính quyền

Chức

đanh

Đảng

Ghi

chú

I. Thời kỳ 1989-1992:

1

Trần Đình Thông

BS-CKSB

GĐV trưởng

Giám đốc BV

ĐUY/SYT

Hưu 1992

2

Phan Ngọc Hà

BS-CKSB

GĐV

P. Giám đốc

Bí thư

 

3

Lâm Tứ Trung

BS-CKSB

GĐV

TP/KHTH

Đảng viên

 

4

Võ Quang Thiều

BS-CKSB

GĐY

TP. Khám

Đảng viên

 

5

Nguyễn Văn Minh

Bác sĩ

GĐV

TK. Nam

Đảng viên

 

II. Thời kỳ 1993-1996:

1

Phan Ngọc Hà

BS-CKI

GĐV trưởng

Giám đốc BV

ĐUV/SYT

Bí thư c.bộ

 

2

Lâm Tứ Trung

BS-CKI

GĐV

P. Giám đốc

Đảng viên

 

3

Võ Quang Thiều

BS-CKSB

GĐV

TP. Khám

Đảng viên

 

II. Thời kỳ 1997-2007:

1

Phan Ngọc Hà

BS-CKI

GĐV trưởng

Giám đốc BV

ĐUV/SYT

Bí thư c.bộ

 

2

Lâm Tứ Trung

BS-CKI-ThS

GĐV

P. Giám đốc

Chi ủy viên

 

3

Trần Nguyên Ngọc

BS-CKI

GĐV

P. Giám đốc

Chi ủy viên

 

 
 
  • Tiền thân của Tổ chức GĐPYTT thành phố Đà Nẵng được thành lập ngày 07/3/1989 do UBND tỉnh QN-ĐN cũ ra quyết định thành lập. Đến tháng 01/1997 chia tách tỉnh, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định thành lập lại Tổ chức GĐPYTT thành phố Đà Nẵng hoạt động liên tục 18 năm nay.

Tuy có quyết định thành lập Tổ chức GĐPYTT thành phố Đà Nẵng nhưng các GĐV được bổ nhiệm chủ yếu làm kiêm nhiệm, không có biên chế riêng như thường trực, thư ký giúp Tổ chức GĐPYTT tiếp và giao nhận hồ sơ của các cơ quan tiến hành tố tụng, theo dõi thống kê báo cáo phải nhờ nhân viên phòng Kế hoạch - Tổng hợp làm giúp.

  1. Chất lượng và trình độ chuyên môn:
  • Thời kỳ 1989-1992: Giai đoạn mới thành lập, trình độ chuyên môn về y học bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng như trình độ hiểu biết về pháp lý của đội ngũ giám định viên còn hạn chế, chưa có thâm niên, kinh nghiệm nghề nghiệp nên trong giám định tư pháp chất lượng chẩn đoán kết luận còn chưa cao, sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chưa đảm bảo chặt chẽ bởi đa số GĐV chưa qua đào tạo giám định tư pháp bài bản, vừa làm vừa học vừa rút ra kinh nghiệm. Hơn nữa, trong gian đoạn này do ngành chuyên khoa tâm thần của nước ta nói chung còn non trẻ, tính chất y học về tâm thần học mới được tiếp cận, ảnh hưởng nhiều hình thái và trường phái của các nước XHCN và TBCN nên chưa được thống nhất trong phân loại bệnh quốc tế giữa y bệnh học và giám định tư pháp học.

Bên cạnh đó, đội ngũ GĐV hoạt động không ổn định và thường xuyên bị phân tán do các nhiệm vụ khác của Bệnh viện chi phối như: đi công tác, đi học dài ngày, không được đào tạo bồi dưỡng…

  • Thời kỳ 1993-1996: Tổ GĐPYTT QN-ĐN (cũ) tuy còn 3 GĐV nhưng dần dần từng bước đi vào hoạt động tương đối ổn định, trình độ chuyên môn y học chuyên khoa được nâng lên, được bồi dưỡng, tập huấn hằng năm nên tiếp thu nhiều kinh nghiệm giám định tư pháp của quốc tế, của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ, trao đổi những am hiểu và kinh nghiệm học tập trong quá trình làm việc tiếp nhận hồ sơ giám định trong từng vụ việc song vẫn chưa thực sự ổn định.
  • Thời kỳ 1997-2007: Từ năm 1997, Tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng được thành lập, với 3 GĐV do BS. Phan Ngọc Hà là GĐV trưởng và bổ sung thêm BS.CKI Trần Nguyên Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện làm GĐV. Từ đó đến nay hoạt động giám định pháp y tâm thần vẫn duy trì và ngày càng đảm bảo chất lượng, góp phần giải quyết nhanh chóng các vụ án, ít sai sót.
  1. Kết quả hoạt động:
  1. Tổng kết quá trình hoạt động điều trị bắt buộc từ khi thành lập đến nay:
  • Giai đoạn 1 (từ 1989-1996): có 15 ca chủ yếu của QN-ĐN (cũ) tuy có thực hiện Nghị định 117/HĐBT nhưng chưa có thông tư liên tịch 03/TTLT ngày 24/9/1997 nên việc giám định và điều trị bắt buộc cũng chưa được đảm bảo.
  • Giai đoạn 2 (từ 1997-2007): có 249 ca, có 14 tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên. Sau khi có thông tư liên tịch 03/TTLT ngày 24/9/1997 của 6 Bộ và cơ quan ngang bộ (Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, VKSND tối cao, TAND tối cao) được ban hành, số bệnh nhân thông qua các tổ chức GĐPY đặc biệt là các tổ chức GĐPYTT hoạt động tốt ở mỗi địa phương trong đó nổi bật là Tổ chức GĐPYTT thành phố Đà Nẵng. Bình Định, Đăk Lăk, Khánh Hòa có sự hỗ trợ của Tổ chức GĐPYTT TW2 đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, bệnh nhân tâm thần được bảo vệ, được quản lý điều trị, chăm sóc tốt theo đúng luật định của nhà nước quy định. Sau khi Pháp lệnh Giám định tư pháp của UBTV Quốc hội khóa XI ban hành năm 2004 càng làm cho chất lượng GĐPYTT được củng cố và đạt hiệu quả cao.

Biểu đồ theo dõi số bệnh nhân điều trị bắt buộc vào viện từ l989-2007

 

1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007

 

 

Theo dõi biểu đồ trên, cho thấy có sự dao động tăng giảm. Năm 1998 đạt đỉnh cao nhất là 35 ca; nhưng 2 năm sau 1999 và 2000 giảm xuống thấp nhất còn 23 và 12 ca; song đến năm 2001 lại bắt đầu có xu hướng tăng lên hàng năm. Đến năm 2004-2005 đạt đỉnh điểm bằng năm 1998 là 34-35 ca nhưng 2 năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 giảm còn 31-14 ca. Sở dĩ có sự tăng giảm này phụ thuộc vào số lượng các vụ án có liên quan đến đối tượng bị bệnh tâm thần gây nên và cũng có thể do ngành tâm thần các địa phương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng rộng khắp và có hiệu quả ở các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên đạt chất lượng tương đối tốt so với trước đây.

Bảng theo dõi số liệu kết quả hoạt động GĐPYTT từ 1989-2007:

 

STT

Năm

Tổng số

Bị can, bị cáo

Bị hại

Ly

Hôn

Sức

khỏe

Giám

định

lại

Không

còn

NLHV

Còn

NLHV

Cộng

1

1989

31

5

16

21

10

 

 

 

2

1990

20

8

5

13

7

 

 

 

3

1991

24

9

10

19

5

 

 

 

4

1992

22

8

10

18

4

 

 

 

5

1993

28

13

11

24

4

 

 

 

6

1994

25

8

13

21

4

 

 

 

7

1995

26

8

15

23

2

 

1

 

8

1996

25

8

15

23

2

 

 

 

9

1997

28

9

14

23

4

1

 

 

10

1998

35

15

15

30

5

 

 

 

11

1999

43

10

8

18

10

4

 

11

12

2000

47

12

10

22

5

7

 

13

13

2001

55

11

15

26

13

3

9

4

14

2002

54

14

16

30

10

3

0

11

15

2003

57

18

16

34

11

3

0

9

16

2004

100

29

28

57

6

3

23

11

17

2005

70

29

16

45

9

1

7

8

18

2006

103

26

34

60

10

5

14

14

19

6/2007

37

10

16

26

2

1

2

6

Tổng cộng

830

250

283

533

123

31

56

87

 

 

Nhận xét: Phân tích bảng trên cho thấy các đối tượng phạm pháp gây án nghi có biểu hiện của bệnh tâm thần được các cơ quan tiến hành tố tụng đưa tới giám định tại Tổ GĐPYTT chiếm tỷ lệ lớn nhất: 533/830 = 64,21% trong tổng số các trường hợp giám định. Trong đó số đối tượng không còn năng lực hành vi lúc gây án chiếm tỷ lệ: 250/533 = 46,9% trong số đối tượng gây án và số đối tượng còn năng lực hành vi lúc gây án chiêm tỷ lệ: 283/533 = 53,1%, người bị hại chiếm tỷ lệ: 123/830 = 14,8% trong tổng số các trường hợp giám định. Giám định để tòa án dân sự giải quyết ly hôn chiếm tỷ lệ: 31/830 = 3,7%; giám định sức khỏe để xác định khả năng lao động các quyền và nghĩa vụ của công dân chiếm tỷ lệ: 56/830 = 6,7%; Giám định lại sau điều trị bắt buộc để xuất viện trở về cộng đồng và tiếp tục thực hiện theo luật định chiếm tỷ lệ: 87/830 = 10,48% trong tổng số các trường hợp giám định.

Bảng theo dõi địa phương có cơ quan trưng cầu giám định và đối tượng được giám định

(Từ ngày 07 tháng 3 năm 1989 đến 30 tháng 6 năm 2007)

STT

Cơ quan trưng cầu giám định Pháp y tâm thần

Tổng

cộng

Bị can, bị cáo

Bi

hại

Ly

hôn

Sức

khỏe

Giám

định

lại

Miễn

Còn

Cộng

 

ĐÀ NẴNG

418

116

160

276

61

27

47

7

1

Công an Đà Nẵng

119

40

60

100

17

0

0

2

2

Công an Hải Châu

35

13

16

29

6

0

0

0

3

Công an Thanh Khê

40

12

19

31

9

0

0

0

4

Công an Liên Chiểu

15

6

6

12

3

0

0

0

5

Công an Sơn Trà

10

6

3

9

1

0

0

0

6

Công an NHành Sơn

16

8

7

15

1

0

0

0

7

CA huyện Hòa Vang

39

7

20

27

12

0

0

0

8

VKSND Đà Nẵng

15

3

5

8

6

0

0

1

9

Phòng Điều tra hình sự QK5

9

6

2

8

1

0

0

0

10

VKSNDTC tại Đà Nẵng

1

0

1

1

0

0

0

0

11

Tòa án ND tối cao tại Đà Nẵng

1

0

1

1

0

. 0

0

0

12

Tòa án ND Đà Nẵng

19

6

12

18

0

0

0

1

13

TAND huyện Hòa Vang

7

0

2

2

1

2

2

0

14

VKS QS/QK5

2

2

0

2

0

0

0

0

15

TAND Hải Châu

16

1

1

2

0

11

3

0

17

Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu

2

0

1

1

0

1

0

0

18

Tòa án nhân dân quận Sơn Trà

8

3

0

3

1

3

1

0

 

19

Viện Kiểm sát ND Thanh Khê

2

1

1

2

0

0

0

0

20

Viện Kiểm sát ND Ngũ Hành Sơn

1

0

0

0

0

0

0

1

21

BĐT Hình Sự Vùng 3 Hải quân

1

1

0

1

0

0

0

0

22

CQĐT Hình Sự sư đoàn 307

1

0

1

1

0

0

0

0

23

Sở y tế Đà Nẵng

1

0

0

0

0

0

1

0

24

BĐT Hình sự Sư đoàn 375

1

0

1

1

0

0

0

0

25

TCTy Xây dựng TTNT M. Trung

1

0

0

0

0

0

1

0

26

TTĐiều Dưỡng người tâm thần ĐN

19

0

0

0

0

0

19

0

27

Bưu điện Đà Nẵng

1

0

0

0

0

0

1

0

28

Trường Giáo dưỡng số 3 Bộ CA

3

0

0

0

2

0

0

1

29

Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản ĐN

2

0

0

0

0

0

1

1

30

Xí Nghiệp Toa xe Đà Nẵng

1

0

0

0

0

0

1

0

31

Trường Trung học Đường sắt ĐN

1

0

0

0

0

0

1

0

32

Công ty Điện Lực 3

2

0

0

0

0

0

2

0

33

Cty TNHH Đồng Tâm

1

0

, 0

0

0

0

1

0

34

TCTy Hàng không VN/KVực M Trung

- 1

0

0

- 0

0

0

1

0

35

XN Xăng dầu hàng không M Trung

1

0

0

0

0

0

1

0

36

Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 5

1

0

0

0

0

0

1

0

37

BQL Dự án CT Thủy điện vừa và nhỏ

1

0

0

0

0

0

1

0

38

Trung Tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ĐN

1

0

0

0

0

0

1

0

 
 

 

 

39

J 258 Cục quản lý xe máy

2

1

0

1

0

0

1

0

 

40

Cty Thông tin tín hiệu Đường sắt ĐN

2

0

0

0

0

0

2

0

 

41

Hội đồng Giám định y khoa ĐN

2

0

0

0

0

0

2

0

 

42

Xí nghiệp đường săt Đà Nẵng

1

0

0

0

0

0

1

0

 

43

Phòng Điều tra hình sựu QĐ3

1

0

0

0

1

0

0

0

 

 

Quảng Nam

324

120

112

232

62

4

9

17

 

1

Công an tỉnh Quảng Nam

45

20

17

37

8

0

0

0

 

2

Công an huyện Đại Lộc

27

10

7

17

6

0

1

3

 

3

Công an huyện Điện Bàn

34

14

14

28

4

0

0

2

 

4

Công an huyện Quế Sơn

9

3

1

4

4

0

1

0

 

5

Công an huyện Hiệp Đức

11

2

6

8

3

0

0

0

 

6

Công an huyện Duy Xuyên

22

8

6

14

7

0

1

0

 

7

Công an thị xã Tam Kỳ

36

13

16

29

6

0

1

0

 

8

Công an huyện Tiên Phước

15

9

2

11

4

0

0

0

 

9

Công an huyện Trà My

11

9

2

11

0

0

0

0

 

10

Công an huyện Phước Sơn

6

3

2

5

1

0

0

0

 

11

Công an huyện Núi Thành

17

6

8

14

3

0

0

0

 

12

Công an huyện Thăng Bình

15

8

3

11

4

0

0

0

 

13

Công an thị xã Hội An

19

3

9

12

7

0

0

0

 

14

Công an huyện Nam Giang

1

1

0

1

0

0

0

0

 

15

Tòa án ND huyện Nam Giang

1

0

1

1

0

0

0

0

 

16

Tòa án ND tỉnh Quảng Nam

15

5

10

15

0

0

0

0

 

17

Tòa án ND Thăng Bình

3

0

2

2

1

0

0

0

 

18

Tòa án ND huyện Đại Lộc

3

1

0

1

0

2

0

0

 

19

Tòa án ND huyện Tiên Phước

5

0

1

1

1

2

1

0

 

20

Tòa án ND huyện Duy Xuyên

4

2

0

2

0

0

1

1

 

21

Tòa án ND huyện Hiệp Đức

1

0

1

1

0

0

0

0

 

22

Viện kiểm sát ND Quảng Nam

16

1

4

5

2

0

2

7

 

23

Viện kiểm sát ND huyện Tiên Phước

3

2

0

2

0

0

0

1

 

24

Viện kiểm sát ND Tam Kỳ

1

0

0

0

0

0

0

1

 

25

Viện kiểm sát ND Thăng Kỳ

2

0

0

0

1

0

0

1

 

26

Viện kiểm sát ND Duy Xuyên

0

0

0

0

0

0

0

0

 

27

Phòng thanh tra huyện Hiệp Đức

2

0

0

0

0

0

1

1

 

 

Quảng Ngãi

18

6

0

6

0

0

0

12

 

1

Công an tỉnh Quảng Ngãi

8

3

0

3

0

0

0

5

 

2

Viện kiểm sát ND Quảng Ngãi

4

0

0

0

0

0

0

4

 

3

CA huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi

1

0

0

0

0

0

0

1

 

4

Viện KS ND Sơn Tịnh Quảng Ngãi

2

0

0

0

0

0

0

2

 

5

CA huyện Nghĩa Hành Quảng Ngãi

1

1

0

1

0

0

0

0

 

6

Viện KS ND Trà Bồng Quảng Ngãi

1

1

0

1

0

0

0

0

 

7

CA huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi

1

1

0

1

0

0

0

0

 

 

BÌNH ĐỊNH

13

1

0

1

0

0

0

12

 

1

Viện kiểm sát ND tỉnh Bình Định

7

0

0

0

0

0

0

7

 

2

Tòa án huyện Tuy Phước, Bình Định

1

0

0

0

0

0

0

1

 

3

CA huyện Tuy Phước, Bình Định

1

0

0

0

0

0

0

1

 

4

Công an tỉnh Bình Định

1

1

0

1

0

0

0

0

 

5

Cục V 26 Bộ Công an (Bình Định)

3

0

0

0

0

0

0

3

 

 

PHÚ YÊN

3

0

0

0

0

0

0

3

 

1

Viện KSND Sông Hinh, Phú Yên

1

0

0

0

0

0

0

1

 

2

Viện kiểm sát ND Tuy Hòa, Phú Yên

1

0

0

0

0

0

0

1

 

3

Công an huyện Sông Hinh, Phú Yên

1

0

0

0

0

0

0

1

 

 

KHÁNH HÒA

3

0

0

0

0

0

0

3

 

1

Viện kiểm sát ND tỉnh Khánh Hòa

2

0

0

0

0

0

0

2

 

2

Viện KS ND Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

1

0

0

0

0

0

0

1

 

 

ĐẮK LẮK

23

0

1

1

0

0

0

22

 

1

Viện kiểm sát ND tỉnh Đắk Lắk

16

0

0

0

0

0

0

16

 

2

Viện kiểm sát ND Ea H’l eo, Đắk  Lắk

1

0

0

0

0

0

0

1

 

3

Tòa án huyện Krông Bút, Đắk Lắk

1

0

0

0

0

0

0

1

 

4

Viện KSND Krông Pắk, Đắk Lắk

2

0

0

0

0

0

0

2

 

5

B CH/Quân sự tỉnh Đắk Lắk

1

0

1

1

0

0

0

0

 

6

Viện kiểm sát ND Đắk Nông

2

0

0

0

0

0

0

2

 

 

GIA LAI

3

0

0

0

0

0

0

3

 

1

Viện kiểm sát ND tỉnh Gia Lai

2

0

0

0

0

0

0

2

 

2

Công an thị xã An Khê tỉnh Gia Lai

1

0

0

0

0

0

0

1

 

 

KON TUM

4

1

2

3

0

0

0

1

 

1

Tòa án ND tỉnh Kon Tum

2

0

1

1

0

0

0

1

 

2

Công an Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

1

1

0

1

0

0

0

0

 

3

Công an tỉnh Kon Tum

1

0

1

1

0

0

0

0

 

 

THỪA THIÊN -HUẾ

1

0

0

0

0

0

0

1

 

1

Tòa án ND huyện Phú Lộc, TTHuế

1

0

0

0

0

0

0

1

 

 

QUẢNG BÌNH

18

6

8

14

0

0

0

4

 

1

Công an tỉnh Quảng Bình

8

4

4

8

0

0

0

0

 

2

Tòa án ND Quảng Ninh, Quảng Bình

1

0

0

0

0

0

0

1

 

3

Viện KS ND Lệ Thủy, Quảng Bình

1

0

0

0

0

0

0

1

 

4

Công an huyện Lệ Thủy, Quảng Bình

2

0

2

2

0

0

0

0

 

5

Công an thị xã Đồng Hới, Quảng Bình

1

0

1

1

0

0

0

0

 

6

Công an Quảng Trạch, Quảng Bình

2

1

1

2

0

0

0

0

 

7

Viện KSND Quảng Trạch, Quảng Bình

1

0

0

0

0

0

0

1

 

8

Công an Minh Hóa, Quảng Bình

1

1

0

1

0

0

0

0

 

9

Tòa án ND Quảng Trạch, Quảng Bình

1

0

0

0

0

0

0

1

 

 

LÂM ĐỒNG

2

0

0

0

0

0

0

2

 

1

VKSND tỉnh Lâm đồng

2

0

0

0

0

0

0

2

 

TNG CỘNG

830

250

283

533

123

31

56

87

 

 

Bảng theo dõi cơ quan địa phương quyết định điều trị bắt buộc:

STT

CƠ QUAN QUYẾT ĐỊNH ĐIU TRỊ BẮT BUỘC

TỔNG SỔ

 

ĐÀ NẴNG

34

1

Viện kiểm sát nhân TP Đà Nẵng

13

2

Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê

6

3

Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu

2

4

Viện kiểm sát nhân dân quận Ngũ Hành Sơn

2

5

Viện kiểm sát quân sự quân khu 5

2

6

Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng

8

7

Tòa án nhân dân quận Sơn Trà

1

 

QUẢNG NAM

54

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam

18

2

Viên kiểm sát nhân dân thị xã Hội An

2

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Lộc

4

4

Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên

3

5

Viện kiểm sát nhân dân Thị xã Tam Kỳ

3

6

Viện kiểm sát nhân dân huyện Trà My

5

7

Viện kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình

4

8

Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Giang

1

9

Viện kiểm sát nhân dân huyện Điện Bàn

1

10

Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Phước

7

11

Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn

1

12

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam

2

13

Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc

1

14

Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn

1

15

Tòa án nhân dân Duy Xuyên

1

 

QUẢNG NGÃI

27

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

19

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Sơn

3

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Tịnh

3

4

Viện kiểm sát nhân dân huyện Trà Bồng

1

5

Viện kiểm sát nhân dân huyện Mộ Đức

1

 

BÌNH ĐỊNH

29

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định

18

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cát

2

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoài Ân

1

4

Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước

1

5

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định

6

6

Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước

1

 

PHÚ YÊN

14

1

Viện kiểm sát tỉnh Phú Yên

9

2

Viện kiểm sát nhân huyện Sông Hinh

2

3

Viện kiểm sát nhân huyện Sông Cầu

1

4

Viện kiểm sát nhân dân TP Tuy Hòa

1

5

Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Hòa

1

 

KHÁNH HÒA

10

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa

6

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh

2

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Vĩnh

1

4

Tòa án nhân dân huyện Khánh Hòa

1

 

ĐẮK LẮK

40

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk

24

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Buk

3

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông

1

4

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Mil

3

5

Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar

1

6

Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H'Leo

3

7

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Păk

3

8

Viện kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột

1

9

Tòa án nhân dân huyện Krông Buk

1

 

GIA LAI

22

1

Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Gia lai

14

2

Viện kiểm sát nhân dân Thị xã Plei Ku

1

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện An Khê

1

4

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Pơ

1

5

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ

3

6

Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro

1

7

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Đoa

1

 

ĐẮK NÔNG

6

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông

6

 

LÂM ĐỒNG

6

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng

6

 

KON TUM

 

1

Viên kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Kum

3

2

Tòa án sát nhân dân tỉnh Kon Tum

1

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi

1

 

THỪA THIÊN - HUẾ

4

1

Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Vang

1

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện A Lưới

1

3

Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc

1

4

Tòa án sát nhân dân huyện Phong Điền

1

 

QUẢNG TRỊ

6

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị

4

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện Gio Linh

1

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Triệu Phong

1

 

QUẢNG BÌNH

7

1

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình

3

2

Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch

1

3

Viện kiểm sát nhân dân huyện Lệ Thuỷ

1

4

Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh

1

5

Tòa án nhân dân huyện Quảng Trạch

1

 

TỎNG CỘNG

264

 

4. Điều kiện vật chất, trang thiết bị cho hoạt động GĐPYTT:

Từ khi thành lập đến nay chưa có được nguồn hỗ trợ kinh phí nào từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện công tác này, chủ yếu dựa vào ngân sách của Bệnh viện cấp cho giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân để chi trả cho các hoạt động của Tổ giám định (văn phòng phẩm, tiếp khách, thông tin liên lạc làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng) đều phụ thuộc vào kinh phí của Bệnh viện làm ảnh hưởng không ít đến kinh phí phục vụ người bệnh. Hơn thế, kinh phí cấp cho giường bệnh quá thấp so với yêu cầu điều trị, đồng thời lại cấp không kịp thời.

Các trang thiết bị y tế cần thiết cho giám định từ năm 1999 trở về trước như xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh siêu âm, điện não đồ, điện tim, lưu huyết não, x-quang,... Bệnh viện chưa được trang bị, mỗi lần cần xét nghiệm, đo điện não đồ để hỗ trợ chẩn đoán bệnh trong giám định, GĐV phải cùng công an đưa bệnh nhân đi làm nhờ ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, ở Huế, nên gây nhiều phiền phức, chi phí tốn kém, thời gian giám định kéo dài làm ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án không đúng quy định của pháp luật phải gia hạn. Từ năm 2000 đến nay, Bệnh viện cũng dần dần được đầu tư các trang thiết bị y tế cần thiết, được ứng dụng hoạt động tốt giúp rất nhiều trong việc chân đoán giám định.

  1. Những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong hoạt động GĐPYTT:
  1. Thuận lợi:
  • Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giám định tư pháp là hành lang pháp lý, tạo điều kiện để công tác GĐPYTT được tiến hành một cách thuận lợi và đạt hiệu quả
  • Được sự quan tâm phối hợp, chỉ đạo trực tiểp của Sở Tư pháp và Sở Y tế.
  • Sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tương đối tốt về thủ tục pháp lý đã quy định ngày một chính xác, đúng mực hơn.
  • Đội ngũ GĐV luôn tích cực, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, không ngừng học tập nâng cao trình độ và kinh nghiệm về chuyên môn, được bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhận thức chính trị vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
  1. Khó khăn:
  • Vtổ chức: Tổ GĐPYTT thành phố Đà Nẵng từ khi thành lập đến nay số lượng GĐV chủ yếu là cán bộ lãnh đạo Bệnh viện làm kiêm nhiệm, thường phải đi công tác nên gặp không ít khó khăn nên một số vụ việc giám định chưa đảm bảo, không kịp thời, chất lượng giám định cũng bị ảnh hưởng; chưa có GĐV chuyên trách thường trực, thư ký quản lý điều hành nhân lực, tiếp đón các cơ quan tiến hành tố tụng đến liên hệ công tác trưng cầu giám định và hướng dẫn đối tượng đi làm thủ tục xét nghiệm (có lúc GĐV trưởng phải làm thay việc này), các công việc làm bệnh án, nghiên cứu giám định trên hồ sơ của đối tượng trong vụ án chủ yếu các GVĐ phải làm việc ngoài giờ hành chính, đầu tư nhiều công sức, chất xám cho các trường hợp giám định.
  • Về điều kiện vật chất, trang thiết bị:

Không được cấp kinh phí hoạt động trong nguồn kinh phí của cơ quan hằng năm nên ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của Bệnh viện, phục vụ điều trị nuôi dưỡng bệnh nhân trong lúc Bệnh viện không thu viện phí và thường xuyên quá tải.

Không có cơ sở giám định và điều trị bắt buộc riêng để lưu giữ bệnh nhân theo dõi giám định, còn chung với bệnh nhân bình thường khác gây khó khăn, phức tạp trong quản lý, theo dõi giám định không được an toàn; không có phòng tiếp khách nghỉ lại cho các cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng ở xa đưa đối tượng đến giám định trong thời gian chờ giám định.

Chưa có trang thiết bị hệ thống theo dõi, thu và ghi hình, ghi âm cũng như nhân viên chuyên môn y tế và an ninh bảo vệ trong quá trình bệnh nhân lưu lại theo dõi giám định để phát hiện hành vi thật giả của đối tượng.

Sử dụng thông tin liên lạc điện thoại và điện thoại di động, các GĐV phải tự chi trả.

Chế độ bồi dưỡng thù lao giám định viên còn thấp, chế độ đãi ngộ, thu hút các bộ, công chức tham gia công tác giám định còn rất nhiều hạn chế.

  • Vtrình độ chuyên môn, nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý của GĐV: Đa số GĐY đã đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật song vẫn còn hạn chế về mặt kiến thức trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hóa - kinh tế - xã hội... nên gặp không ít khó khăn trong giám định từng đối tượng có trình độ, nghề nghiệp khác nhau.
  • Về quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng đến trưng cầu: Tuy có phối hợp tốt song còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do một số cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng trình độ còn hạn chế về nghiệp vụ, hồ sơ cung câp không đầy đủ, văn bản trưng cầu không rõ ràng, yêu cầu chung chung, chưa hiểu biết một số thuật ngữ chuyên môn...                                                                                         

III. Những kiến nghị và đề xuất

  1. Về tổ chức:

Bổ nhiệm thêm GĐV đủ 5 người và trong đó có 01 GĐV trưởng khoa GĐPYTT và điều trị bắt buộc làm thường trực chuyên trách, cho 01 chỉ tiêu biên chế hành chính làm thư ký và quản lý nhân lực, thống kê báo cáo và tiếp đón khách của các cơ quan tiến hành tố tụng đến liên hệ làm việc trưng cầu giám định và một nhân viên hộ lý tạp vụ để hướng dẫn bệnh nhân di làm xét nghiệm chuẩn bị cho giám định.

Để công tác GĐPYTT cũng như quyền lợi của công dân được đảm bảo và chặt chẽ, hoàn chỉnh hơn về tính pháp lý, đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tư pháp phối hợp chỉ đạo ngành tâm thần tiếp tục đề nghị Quốc hội xây dựng và sớm ban hành Bộ luật sức khoẻ tâm thần.

  1. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:
  • Đề nghị Sở Tư pháp và Sở Y tế sớm thống nhất đề xuất với UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định thành lập và xây dựng cơ sở Trung tâm GĐPYTT có giường bệnh (30 giường điều trị bắt buộc) thuộc Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Năcxg trong dự án xây dựng nâng cấp Bệnh viện.
  • Các phương tiện trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác giám định như: máy vi tính xách tay, điện não đồ, Double não, Siêu âm màu, hệ thống camera theo dõi, máy ghi âm, ghi hình chụp ảnh để theo dõi các hoạt động của đối tượng lưu theo dõi để giám định tại khoa giám định.
  • Cấp kinh phí theo kế hoạch cho trung tâm hoạt động hằng năm.
  • Đưa chế độ trách nhiệm của GĐV vào lương.
  • Có chế độ đào tạo tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm, bổ sung thêm chuyên môn giám định tại các cơ sở trong và ngoài nước về pháp lý tư pháp học.
  • Có chế độ thi đua khen thưởng động viên hằng năm theo quy định của Nhà nước.
  1. Quan điểm về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần:

Trước hết chúng ta cần hiểu rằng hoạt động giám định tư pháp nói chung và GĐPYTT nói riêng là một nhu cầu lớn, hết sức cần thiết để giải quyết các mối liên hệ của tổ chức đời sống xã hội. Công tác giám định tư pháp nói chung và GĐPYTT nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, đội ngũ các tổ chức giám định tư pháp nói chung và GĐPYTT nói riêng chưa đáp ứng đầy đủ cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu trong các tổ chức cơ sở của Nhà nước, làm kiêm nhiệm bị chi phối nhiều công việc của cơ quan, đơn vị nên sự tập trung cho công tác này còn hạn chế về thời gian, chất lượng giám định làm ảnh hưởng không ít cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hơn nữa, trên thực tế đã có quy định cho phép xã hội hóa các dịch vụ hành nghề y dược tư nhân, hành nghề luật sư tư nhân... Với những vấn đề nêu trên chúng tôi thiết nghĩ nhà nước ta cũng cần xã hội hóa về công tác giám định tư pháp nói chung và GĐPYTT nói riêng với lợi ích tận dụng được nguồn nhân lực trong xã hội đang bị hoang phí (chất xám, phương tiện trang thiêt bị,…).

  • Giảm được chi phí cho ngân sách.
  • Dịch vụ luôn sẵn có mọi nơi, đảm bảo kịp thời và chủ động trong giải quyết các vụ án và vụ việc.
  • Phát huy tối đa quyền công dân khi cần thiết trong giải quyết quyền lợi của mình với pháp luật.
  • Song để thực hiện xã hội hóa còn có sự chuẩn bị giải quyết các khó khăn trước mắt, phải có trường đào tạo về GĐV tư pháp.
  • Nhà nước nên cho phép một số địa phương có điều kiện làm thí điểm để từ đó rút ra những mô hình, kinh nghiệm họat động giám định tư pháp trong tương lai.
  • Có hệ thống cơ quan quản lý cấp giấy phép (như pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, hành nghề luật sư).

 

Chuyên đề 3:

NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT

ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG Ở

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VÀO THỜI GIAN ĐẾN

Trần Thọ Phạm Nghĩa

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng

  1. Khái quát chung

1.l. Khái niệm, vai trò, mục đích, ý nghĩa của giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đối với hoạt động tố tụng

  1. Khái niệm

Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là hoạt động của cá nhân, tô chức có năng lực giám định sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng những vấn đề có liên quan đến vụ án (hình sự, hành chính, dân sự); thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Như vậy, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là hoạt động:

  • Do cá nhân, tổ chức có năng lực giám định các vấn đề liên quan lĩnh vực xây dựng. Đối với cá nhân là giám định viên tư pháp:

+ Có trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực xây dựng và có kinh nghiệm công tác trên 5 năm.

+ Có phẩm chất đạo đức tốt.

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

  • Kết luận về chuyên môn lĩnh vực xây dựng.
  • Thực hiện theo trưng cầu, phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.
  1. Vai trò
  • Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng cung cấp nguồn chứng cứ cho hoạt động tranh tụng liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Kêt luận giám định là một trong nhiều loại chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, đánh giá.
  • Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là trợ thủ đắc lực cho hoạt động giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực xây dựng; là một hoạt động bổ trợ không thể thiếu trong hoạt động tư pháp.
  1. Mục đích và ý nghĩa
  • Kết quả giám định giúp cho các bên đương sự có cơ sở để thương lượng, hòa giải; hạn chế bất đồng, mâu thuẫn phát sinh trong hoạt động xây dựng; từ đó tiết kiệm đuợc công sức, tiền của cho cả cơ quan tiên hành tố tụng lẫn các bên đương sự trong thời gian giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến xây dựng.
  • Kết luận giám định khoa học, chính xác giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người đúng tội trong các vụ án liên quan đến xây dựng; bảo đảm tính chính xác, khách quan đúng pháp luật của hoạt động tố tụng.
  • Góp phần bổ trợ cho việc thực thi pháp luật trong xây dựng nghiêm minh và hiệu quả.

1.2. Quá trình hình thành hoạt động Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  1. Cơ sở pháp lý
  • Nghị định số 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp.
  • Pháp lệnh Giám định tư pháp số 24/2004/PL-ƯBTVQH11 của Ủy ban Thường yụ Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 9 năm 2004 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.
  • Nghị định số 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 5 năm 2005 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp.
  • Quyết định số 21/2004/QDĐ-UB của UBND thành phố Đà Nằng ngày 16 tháng 2 năm 2004 về việc thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng.
  1. Quá trình hình thành

Trước khi Pháp lệnh về Giám định tư pháp ra đời (2004), hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diễn ra một cách phân tán, đơn lẻ. Tùy theo cơ quan và người tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án, họ trưng cầu các doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có khả năng giám định về xây dựng.

Sở Xây dựng có tham gia công tác giám định tư pháp theo yêu cầu của Sở Tư pháp ở dạng giám định theo vụ việc (cử chuyên gia, chuyên viển đê phôi hợp để giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng). Lực lượng chủ yếu là các chuyên viên phòng Giám định kỹ thuật, phòng Thanh tra. Công việc chủ yếu là xác định chất lượng còn lại của công trình xây dựng và xác định mức đền bù thiệt hại.

Sau khi Pháp lệnh về Giám định tư pháp ra đời và Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng được thành lập, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây đựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có sự tập trung hơn.

Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng có chức năng giúp cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng; đánh giá, kết luận về chất lượng sản phẩm xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

  1. Kết quả hoạt động
    1. Kết quả hoạt động từ khi thành lập đến nay

Trung tâm Kiểm định chất lưọng xây dựng Đà Nẵng thành lập ngày 16 tháng 2 năm 2004. Hoạt động giám định về xây dựng giúp cơ quan và người tiến hành tố tụng bắt đầu từ năm 2005. Từ năm 2005 đến tháng 11 năm 2007, Trung tâm đã tiến hành giám định theo trưng cầu của tòa án nhân dân các quận huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 11 vụ (năm 2005: 04 vụ, năm 2006: 04 vụ, năm 2007: 03 vụ). Hầu hết các vụ án đều liên quan đến xác định nguyên nhân và bồi thường thiệt hại cho công trình do bên bị đơn gây ra trong quá trình thi công công trình lân cận. Cụ thể là bảng thống kê sau (tính đến tháng 11/2007):

STT

Công trình

Cơ quan trưng cầu

Mức bồi thường theo kết quả giám định (đồng)

Mức yêu cầu bồi thường của nguyên đơn (đồng)

 

 (đồng)

1

Nhà ở ông Nguyễn Thanh

TAND quận Thanh Khê

22.011.000

70.000.000

2

Nhà ở Ông Lê Văn Khống

TAND huyện Hòa Vang

36.535.000

96.000.000

3

Nhà ở ông Lê Văn Tiếng

TAND quận Hải Châu

182.070.000

Không y/cầu

4

Nhà ở ông Trần Hữu Trung

TAND quận Hải Châu

7.572.000

8.000.000

5

Nhà ở ông Phạm Thanh Phong

TAND quận Hải Châu

2.678.000

4.115.000

6

Nhà ở ông Nguyễn Khuyến

TANĐ quận Hải Châu

9.256.000

38.000.000

7

Nhà ở ông Nguyễn Trà

TAND quận Hải Châu

30.963.000

40.382.000

8

Nhà ở ông Nguyễn Minh Thịnh

TAND quận Hải Châu

11.603.000

24.666.000

9

Nhà ở bà Đoàn Thị Liên

TAND quận Hải Châu

1.293.000.

25.000.000

10

Nhà 242 Hoàng Diệu

TAND quận Hải Châu

262.162.000

250.000.000

11

Nhà ở ông Phạm Tất

TAND quận Hải Châu

2.809.000

15.000.000

 

 

  1. Nhận xét, đánh giá

Qua kết quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2005 đến tháng 11 năm 2007 cho thấy rằng số lượng vụ việc liên quan đến xây dựng mà cơ quan tiến hành tố tụng cụ thể là Toà án nhân dân các quận, huyện trưng cầu tại Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng để phục vụ cho công tác xét xử không nhiều. Tuy nhiên, những kết quả giám định cụ thể nêu trên là chứng cứ quan trọng giúp Toà án nhân dân quận, huyện xác định nguyên nhân và mức bồi thường thiệt hại cho công trình do bên bị đơn gây ra trong quá trình thi công công trình lân cận, từ đó giải quyết các vụ việc đúng pháp luật.

Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là hoạt động tương đối phức tạp đòi hỏi nhiều công sức. Nó liên quan không chỉ đến chuyên môn xây dựng mà còn ở nhiều lĩnh vực như pháp luật, tài chính... và cả các quan hệ dân sự thông thường khác.

Xây dựng ngày càng phát triển, các tranh chấp, các quan hệ nảy sinh cũng như các vi phạm ngày càng nhiều và trở nên phức tạp. Do đó nhu cầu về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng ngày càng tăng. Trong khi đó, việc hình thành và hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng chưa thực sự đuợc coi trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

Tóm lại, giám định tư pháp xây dựng được hiểu cụ thể là xác định các nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng hay sự cố cho công trình xây dựng; giám định về giá trị tài sản, về thiệt hại trong xây dựng... Xây dựng là ngành rất phức tạp, có những đặc thù mà các ngành khác không có. Xây dựng lại là một hoạt động đa ngành. Công trình, nhà cửa được xây dựng và sử dụng tại chỗ cũng như được phân bố tản mạn nhiều nơi; sản xuất xây dựng có tính lưu động cao, thiếu ổn định. Công trình xây dựng thường có kích thước lớn và chi phí lớn (vốn lớn), có thời gian kiến tạo và sử dụng lâu dài... Các lực lượng liên quan đến xây dựng lại vô cùng đa dạng: công nhân xây dựng, kỹ sư xây dựng, chủ đầu tư, doanh nghiệp tư vấn, doanh nghiệp xây dựng, tổ chức bảo trợ, ngân hàng... Các quan hệ phát sinh trong quá trình xây dụng vô cùng phong phú. Nếu không có giám định thì không thể có kết luận chính xác về mặt chất lượng, khối luợng, giá cả công trình xây dựng... Do đó cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng không thể xét xử đúng đắn, chính xác và sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Nhiều vi phạm pháp luật trong xây dựng gây ra lãng phí, thất thoát lớn, các tranh chấp liên quan đến nhà đất, tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại trong xây dựng... chưa được giải quyết hay giải quyết không được triệt để, dẫn đến sự khiếu nại của các bên đương sự cũng xuất phát từ việc không có giám định tư pháp xây dựng. Vì vậy kết quả giám định xây dựng là một trong những nguồn chứng cứ không thể thiếu

  1. Thuận lợi:

Hoạt động giám định trong lĩnh vực xây dựng trong thời gian qua có những thuận lợi nhất định:

  • Cán bộ thực hiện giám định xây dựng được đào tạo bài bản về chuyên môn cũng như nghiệp vụ công tác kiểm định ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao.
  • Thiết bị thí nghiệm phục vụ cho công tác kiểm định trong xây dựng ngày càng nhiều và hiện đại.
  • Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp ngày càng hoàn thiện, cụ thể.
  • Hệ thống các tiêu chuẩn xây dựng, quy trình, quy phạm xây dựng ngày càng được bổ sung và hoàn thiện.

b. Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên gặp nhiều khó khăn do đặc thù của ngành xây dựng rất phức tạp, có những vụ việc không thể xác định được nguyên nhân hoặc thời gian giám định bị kéo dài do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau như:

  • Bị chi phối, tác động bởi nhiều văn bản, chính sách nên việc giám định đòi hỏi người giám định tư pháp phải là những chuyên gia. Để thực hiện công việc giám định đôi lúc cần phải có sự hỗ trợ của các tổ chức chuyên môn xây dựng khác như các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu... Điều này đã chiếm không ít thời gian trong quá trình giám định.
  • Trong khi thực hiện công việc giám định xây dựng, nhiều trang thiết bị, máy móc chuyên dùng phải sử dụng mà chúng chỉ có ở các cơ quan chủ quản. Điều này ảnh hưởng nhất định đến tiến trình giám định.
  • Hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng của Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ, hoàn chỉnh; quy trình kiểm định chưa thống nhất. Nhiều dự án khi thực hiện đầu tư do không có tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng trong nước đã áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng nước ngoài. Như vậy buộc người giám định tư pháp phải không ngừng cập nhật thông tin, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
  • Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người giám định tư pháp nói chung còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm thoả đáng.
  • Mức phí cho việc thực hiện giám định tư pháp trong xây dựng thấp. Một số tổ chức xây dựng, người giám định tư pháp khi được trưng cầu tỏ ra e ngại thậm chí từ chối không nhận giám định một phần vì không muốn rắc rối hoặc ngại liên quan đến tư pháp, một phần vì mức phí giám định không tương xứng. Các vụ án dân sự do đương sự yêu cầu trưng cầu giám định trả phí giám định, trong khi đó các vụ án hình sự lại đuợc lấy từ ngân sách.
  • Lực lượng giám định tư pháp trong xây dựng quá ít. Nhiều cơ quan và người tiến hành tố tụng còn lúng túng khi lựa chọn tổ chức xây dựng thực hiện công tác giám định.
  • Trong tranh chấp dân sự (liên quan đến đất đai, thiệt hại xây dựng...) do mâu thuẫn cá nhân, xích mích giữa hàng xóm với nhau làm cho quá trình giám định gặp không ít khó khăn.
  • Công tác bảo vệ cho người giám định tư pháp còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự yên tâm thật sự cho họ.
  • Bên cạnh đó, bản thân cơ quan và người tiến hành tố tụng chưa được trang bị những hiểu biết về lĩnh vực xây dựng nên họ gặp không ít khó khăn trong việc ra quyết định trưng cầu và thể hiện đầy đủ các nội dung cần phục vụ cho công việc giám định.

2.3. Phương hướng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến; đề xuất, kiến nghị

  1. Phương hướng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trong thời gian đến
  • Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp, cần sớm ban hành quy chế hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
  • Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn để công nhận các tổ chức hoạt động xây dựng có đủ điều kiện thực hiện công tác giám định tư pháp; đồng thời công bố danh sách các tổ chức đó.
  • Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn để công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, bổ sung cho đội ngũ giám định viên.
  • Quy hoạch, bố trí cán bộ hợp lý nhằm tạo nguồn bổ nhiệm Giám định viên.
  • Trang bị máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giám định, phục vụ kịp thời cho hoạt động giải quyết các vụ án liên quan đên lĩnh vực xây dựng.
  1. Một số đề xuất và kiến nghị
  • Hiện nay Đà Nẵng chỉ có 2 giám định viên tư pháp xây dựng, lại hoạt động kiêm nhiệm, nên chăng cần tăng cường lực lượng giám định viên tư pháp trong xây dựng. Có một số người có kiến thức và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nhưng chưa được bổ nhiệm làm giám định viên, do đó chưa tập trung được họ hoạt động trong lĩnh vực giám định tư pháp. Thành phố cần có cơ chế thu hút, huy động có hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn vào hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đặc biệt là việc hình thành đội ngũ giám định viên tư pháp theo vụ việc để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng tăng.
  • Bộ Xây dựng cần sớm đưa ra quy định, tiêu chuẩn để công nhận các cá nhân có đủ điều kiện là người giám định theo vụ việc, các tổ chức chuyên môn xây dựng có đủ điều kiện năng lực giám định, những nguyên tắc giám định tư pháp về xây dựng, quy trình tiến hành và chi phí giám định tư pháp.
  • Các Bộ cần phối hợp để sớm đưa ra mức phí giám định tư pháp thỏa đáng, hợp lý.
  • Có chế độ bồi dưỡng thường xuyên các kiến thức pháp luật cũng như kiến thức chuyên môn cho những nguời giám định tư pháp.
  • Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa của giám định tư pháp xây dựng đến từng người dân.
  • Tổ chức hội nghị thường niên về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và giám định tư pháp nói chung để các giám định viên có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm.

3. Xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

  1. Xu hướng chung

Giám định tư pháp là một hoạt động bổ trợ cho hoạt động tư pháp. Xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp là xu hướng chung, tất yếu của thời đại và hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

  1. Quan điểm của cơ quan về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Xu hướng xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là một tất yếu do hoạt động giám định tư pháp trọng xây dựng mang tính nghề nghiệp, dịch vụ. Xây dựng ngày càng phát triển kéo theo số lượng các vụ án ngày càng nhiều. Do đó nhu cầu giám định tư pháp ngày càng gia tăng. Việc xã hội hóa sẽ từng bước giải quyết nhiều khó khăn, tồn đọng trong hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực xây dựng như tình trạng “khát” giám định viên tư pháp, mức phí giám định tư pháp...

Tất cả các thành phần kinh tế, tổ chức chuyên môn xây dựng có đủ năng lực giám định đều có thể thực hiện công tác giám định. Khi các tổ chức này vào cuộc sẽ tạo nên những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng như sau:

  1. Thuận lơi
  • Khi có nhu cầu về giám định tư pháp, các tổ chức và cá nhân có thể lựa chọn các cá nhân hay tổ chức có đủ năng lực đáp ứng công việc.
  • Các tổ chức này có sự đầu tư cơ sở vật chất tốt, có các chuyên gia giỏi giúp cho kết quả giám định có tính chính xác cao hơn nên phục vụ tốt cho việc xét xử các vụ án.
  • Tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động giám định tư pháp, từ đó nâng cao năng lực hoạt động giám định tư pháp.
  1. Khó khăn

Các tổ chức này hoạt động vì lợi ích kinh tế nên khó tránh khỏi trường hợp vì lợi nhuận mà họ có thể đưa ra các kết luận giám định sai lệch, gây ra tình trạng xét xử không đúng người đúng tội và dẫn đến khiếu nại của các đương sự.

Chính vì thế, xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng là một tất yếu song phải được tiến hành từng bước và theo một quy trình, lộ trình hợp lý. Nhà nước cần phải khuyến khích xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp bằng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau để làm sao mọi tổ chức, cá nhân có khả năng đều có thể tham gia vào lĩnh vực giám định tư pháp đồng thời phải quản lý một cách có hiệu quả. Do vậy, xã hội hoá hoạt động giám định phải được tiến hành từng bước và theo một quy trình, lộ trình hợp lý.

  1. Phạm vi, lộ trình xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng
  1. Phạm vi:

Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện trong mọi hoạt động liên quan đến xây dựng từ đầu tư xây dựng, chất lượng xây dựng, sự cố xây dựng, giá trị tài sản, thiệt hại trong xây dựng, sửa chữa công trình...

  1. Lộ trình xã hội hóa

Việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng tiến hành theo lộ trình phù hợp với tình hình chung và quá trình xã hội hóa giám định tư pháp nói chung. Có thể phân thành 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp; chuẩn bị cơ sở vật chât; xây dựng quy định, tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động giám định tư pháp về xây dựng; đào tạo, bồi dưỡng giám định viên tư pháp.
  • Giai đoạn 2: Xét công nhận các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng và công bố danh sách.
  • Giai đoạn 3: Thực hiện xã hội hóa giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng có sự quản lý của Nhà nước.

4. Dự báo hậu quả về kết luận giám định tư pháp, phân tích trách nhiệm về mặt pháp lý của tổ chức, cá nhân khi được trưng cầu:

  1. Dự báo hậu quả của kết luận giám định tư pháp:

Kết luận giám định chỉ kết luận về mặt khoa bọc, không kết luận về mặt pháp lý đối với những vấn đề được trưng cầu giám định, không kết luận hành vi phạm tội và người phạm tội. Tuy nhiên, kết luận giám định lại vô cùng quan  trọng.

- Với những kết luận giám định khoa học, chính xác là nguồn chứng cứ quan trọng giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội, gỡ tội, xác định năng lực trách nhiệm hình sự; truy tìm tung tích nạn nhân, truy tìm người gây án qua dấu vết con người; xác định công cụ phạm tội, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản... Những kết luận giám định này ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và việc ra các quyết định của Thẩm phán nói riêng, của người tiến hành tố tụng nói chung. Trong các vụ án phức tạp, có nhiều tài liệu mâu thuẫn nhau, hoặc các tài liệu do đương sự cung cấp chưa đủ độ để định hình rõ nét sự thật trong quan hệ tranh chấp đó thì kết luận giám định gần như có vai trò là chứng cứ duy nhất quyết định.

- Kết luận giám định đúng đắn không chỉ tạo tiền đề quan trọng trong việc xét xử đúng người, đúng tội mà còn tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức cho cả cơ quan tố tụng lẫn các bên đương sự, giúp cho các bên có cơ sở để thương lượng, hoà giải, hạn chế bất đồng mâu thuẫn từ đó tiết kiệm được thời gian xác minh, kiểm tra, thu thập chứng cứ, thời gian giải quyết vụ việc... Mặt khác, việc giám định bảo đảm tính khách quan, khoa học sẽ tạo ra tâm lý tin tưởng đối với những người tham gia tố tụng và nhân dân nói chung về phán quyết của Toà án, đương sự sẽ ít kháng cáo, khiếu nại.

  • Kết luận giám định không rõ ràng hoặc phương pháp, phương tiện tiến hành giám định còn thủ công thì việc yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại hay xảy ra và thật phức tạp khi bản kết luận giám định sau lại khác biệt nhiều hoặc hoàn toàn mâu thuẫn với kết luận giám định trước sẽ tạo ra sự “dao động” trong niềm tin của người tiến hành tố tụng.
  1. Trách nhiệm về mặt pháp lý của tổ chức, cá nhân khi được trưng cầu

Theo điều 24 của Pháp lệnh Giám định tư pháp thì người trung cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức sau đây:

Người giám định tư pháp quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh (Giám định viên tư pháp, Người giám định tư pháp theo vụ việc);

Tổ chức giám định tư pháp quy định tại Chương III của Pháp lệnh;

Tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định.

Sau đây gọi chung là người giám định tư pháp.

Khác vói những người tham gia tố tụng khác, người giám định tham gia tố tụng với tư cách là một nhà chuyên môn về vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như các bên đưong sự quan tâm. Ý kiến của người giám định là ý kiến của nhà chuyên môn, do đó, nó có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Chính vì thế mà khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu thì cá nhân, tổ chức nêu trên thực hiện giám định theo yêu cầu và phải chịu trách nhiệm pháp lý về mọi hoạt động liên quan đến việc giám định, có nghĩa là họ phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định đồng thời có thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi (sự trừng phạt) từ những việc đã làm. Trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân khi được trưng cầu thể hiện tại Pháp lệnh Giám định tư pháp, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể:

  • Nghĩa vụ:
  1. Khi được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu thì tổ chức giám định tư pháp, người thực hiện giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện việc giám định đồng thời phải từ chối nhận trưng cầu giám định nếu không có đủ trang thiết bị, phương tiện để thực hiện giám định, nội dung yêu cầu giám định không thuộc chuyên môn hoặc vượt quá khả năng chuyên môn của mình (Điều 28 Pháp lệnh GĐTP).

Điểm c Điều 60 BLTTHS quy định: Người giám định phải là chối việc thực hiện giám định trong trường hợp nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình.

Điểm d khoản 1 Điều 68 BLTTDS quy định: “Phải thông báo bằng văn bản cho Toà án biết về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được”

Như vậy, để đảm bảo tính chính xác, khách quan của kết luận giám định, pháp luật đã quy định rõ những trường hợp tổ chức, người giám định phải từ chối do trang thiết bị, trình độ của người giám định không bảo đảm.

  1. Khi thực hiện giám định, người giám định tư pháp phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
  • Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.
  • Trung thực, chính xác, khách quan.
  • Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu.
  • Chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định.

Đây là nghĩa vụ của người giám định vì một khi đã trở thành nguyên tắc, nó sẽ trở thành sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam buộc các chủ thể tham gia giám định tư pháp đều có trách nhiệm phải tuân thủ nghiêm chỉnh không thể vì bất cứ một lý do nào mà lại vi phạm.

  1. Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định; đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định biết.
  2. Lập hồ sơ giám định:

Lập hồ sơ giám định là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình giám định tư pháp. Hồ sơ giám định do người giám định tư pháp lập gồm có những tài liệu sau: Quyết định trưng cầu giám định; biên bản giao, nhận đối tượng giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; bản ảnh giám định; kết luận giám định trước đó hoặc kết quả xét nghiệm, thực nghiệm giám định do người khác thực hiện; các tài liệu khác có liên quan đến việc giám định; kết luận giám định.

Việc lập hồ sơ giám định là hết sức quan trọng bởi lẽ những tài liệu, văn bản lưu trữ trong hồ sơ phản ánh khách quan sự vật, hiện tượng được yêu cầu giám định đồng thời hồ sơ giám định là nguồn chứng cứ mà người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi giải quyết các vụ án vì vậy nó được bảo quản, lưu trữ trong thời gian rất dài (30 năm).

đ) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu.

Với địa vị pháp lý là người tham gia tố tụng, cho nên người giám định có nghĩa vụ tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của toà án để làm rõ những vấn đề liên quan đến giám định và kết luận giám định. Trường hợp người giám định vì lý do nào đó mà vắng mặt tại phiên toà thì tuỳ tình hình mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Người giám định tham gia phiên toà theo yêu cầu của toà án và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến kết luận giám định của mình. Do đó, chủ toạ thường yêu cầu người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định. Khi trình bày, người giám định có quyền giải thích, bổ sung về kết luận giám định, các căn cứ đưa ra để kết luận giám định. Những người tham gia tố tụng, kiểm sát viên có mặt tại phiên toà có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề chưa rõ hoặc mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với các tình tiết khác của vụ án; họ có thể đưa ra các lý lẽ, chứng cứ để không chấp nhận kết luận giám định.

Khi có người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên toà và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại; trong trường họp này thì HĐXX quyết định hoãn phiên toà.

Điểm đ Điều 60 BLTTHS quy định: “Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, toà án”

Điểm c khoản 1 điều 68 BLTTDS quy định: Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực.

  1. Bảo quản các mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định.

Điểm đ khoản 1 điều 68 BLTTDS quy định: Phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được.

  1. Giữ bí mật về kết quả giám định, thông tin và tài liệu giám định. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc người giám định phải thực hiện nghiêm chỉnh bởi lẽ những thông tin, tài liệu và kết quả giám định là nguồn chứng cứ cho hoạt động tranh tụng. Kết quả giám định, thông tin và tài liệu giám định chỉ được xuất trình theo yêu cầu của người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án.

Điểm e khoản 1 điều 68 BLTTDS quy định: “Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ thông tin bí mật mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp thẩm phán quyết định trưng cầu giám định.

Điểm đ Điều 60 BLTTHS quy định: “không được tiết lộ bí mật điều tra mà họ biết được khi tham gia tố tụng với tư cách là người giám định”.

  1. Từ chối giám định.

Người giám định tham gia tố tụng với tư cách là một nhà chuyên môn về vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như các bên đường sự quan tâm. Vì vậy, người giám định phải vô tư, khách quan, trung thực giống như người tiến hành tố tụng, nếu họ không vô tư, khách quan thì không được tham gia giám định. Sự vô tư, khách quan của người giám định có ảnh hưởng quan trọng đến kết luận giám định. Nếu người giám định đã thiếu vô tư, có định kiến trước thì đù phương pháp, phương tiện giám định có tiên tiến đến mức nào đi chăng nữa, trình độ chuyên môn có cao bao nhiêu thì kết luận giám định cũng không đảm bảo chính xác, thậm chí bóp méo sự thật nguy hiểm, dẫn đến làm oan cho người khác. Vì vậy, pháp luật đòi hỏi sự vô tư, khách quan của người giám định.

Điều 37 Pháp lệnh GĐTP quy định: Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:

  • Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án hoặc đã tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó;
  • Đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo;
  • Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong một vụ án mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng người đó có thể không vô tư trong khi thực hiện giám định.

Điều 16 Bộ luật TTDS quy định: “Chánh án Toà án, thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, người phiên dịch, người giám định không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.

Để bảo đảm cho người giám định vô tư, khách quan thì người giám định phải từ chối hoặc bị thay đổi theo khoản 3 Điều 68 Bộ luật TTDS; Điều 42 Bộ luật TTHS.

k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật tố tụng.

  • Gánh chịu những hậu quả bất lợi (sự trừng phạt) từ những việc đã làm:

Giám định tư pháp là hoạt động mang tính nghề nghiệp, dịch vụ do đó trong quá trình thực hiện giám định, nếu người thực hiện giám định gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 điều 68 Bộ luật TTDS quy định: Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng hoặc kết luận giám định sai sự thật hoặc khi được toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bộ luật TTHS quy định: Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 308 của Bộ luật Hình sự. Người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 307 của BLHS.

Điều 13 Pháp lệnh GĐTP quy định: Người giám định phải bồi thường thiệt hại trong trưòng hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan.

Như vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động giám định tư pháp là một loại trách nhiệm dân sự. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện giám định tư pháp, có lỗi, gây thiệt hại cho đương sự phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Pháp lệnh giám định tư pháp đã quy định nguyên tắc người giám định phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định, cụ thể:

Người giám định thực hiện giám định với tư cách giám định cá nhân thì thực hiện toàn bộ việc giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định.

Trong trường hợp giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn thì những người giám định cùng thực hiện việc giám định, ký vào bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó; nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi người giám định ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận giám định chung và chịu trách nhiệm về ý kiến đó.

Trong trường hợp giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc giám định thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của: mình (Điều 31 Pháp lệnh GĐTP).

Điểm d Điều 60 Bộ luật TTHS quy định: Người giám định ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhât với kết luận chung trong trường hợp giám định do một nhóm người giám định tiến hành.


 

 

Chuyên đề 4:

THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VỀ KỸ THUẬT HÌNH SỰ Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

Võ Hoàng Trung

Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Đà Nẵng

  1. Khái quát cơ sở thành lập, cơ cấu tổ chức và mục đích hoạt động giám định tư pháp Kỹ thuật hình sự

Hệ thống giám định tư pháp Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an nhân dân hình thành từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Đến năm 1978, Viện khoa học hình sự là cơ quan trung ương của lực lượng giám định tư pháp KTHS và pháp y ra đời. Ngày 11/3/1987 Bộ trựởng Bộ nội vụ (Nay là Bộ công an) ký quyết định số 19/QĐ-BNV ban hành “Điều lệ giám định kỹ thuật hình sự”, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác giám định KTHS và pháp y phục vụ các yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.

Thực hiện Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN) ký Quyết định số 2059/QĐ-VB ngày 11/9/1989 thành lập Tổ chức giám định KTHS tỉnh QNĐN. Đến năm 1997, tỉnh QNĐN chia tách thành 2 đơn vị hành chính, tổ chức giám định KTHS cũng được chia tách thành hai tổ chức. Ngày 29/01/1997 Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 195/QĐ-UB thành lập Tổ chức giám định KTHS Công an thành phố Đà Nẵng.

Thực hiện Pháp lệnh Giám định Tư pháp, Nghị định số 67/2005/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ, Thông tư số 09/2006/TT-BCA-C11 ngày 22/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an, hướng dẫn số 4638/HD-C11 (C21) ngày 20/12/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Tổ chức giám định KTHS Công an thành phố Đà Nẵng đổi thành phòng KTHS Công an thành phố Đà Nẵng, gồm có 01 trưởng phòng, 01 phó phòng, 10 giám định viên được bố trí ở các đội Khám nghiệm, Giám định, Kỹ thuật phòng, chống tội phạm. 100% giám định viên có trình độ đại học, trong đó: 03 người tốt nghiệp đại học cảnh sát chuyên ngành KTHS, 02 người tốt nghiệp đại học Bách khoa chuyên ngành hóa, tin học, 01 người tốt nghiệp đại học y khoa…, 04 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 02 người có trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị... Hiện nay, phòng KTHS đã và đang thực hiện công tác giám định trong các lĩnh vực: kiểm tra tài liệu, đường vân, chữ viết, ma túy, dấu vết súng đạn, cơ học...

Trước năm 1988, công tác giám định KTHS là một hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CAND, chưa được quy định trong luật Tố tụng Hình sự về vai trò, vị trí pháp lý của người giám định và kết luận giám định. Vì thế, người giám định không có tư cách pháp lý, giá trị chứng cứ của kết luận giám định chưa được đánh giá, nhìn nhận một cách đúng đắn, khoa học, chưa thực sự trở thành chứng cứ trong việc xét xử, xử lý vụ việc. Phần lớn kết luận giám định nhằm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng, trình độ nhận thức của người và cơ quan tiến hành tố tụng.

Nghị định 117/HĐBT ra đời đã quy định địa vị pháp lý, phạm vi hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, thẩm quyền, tiêu chuẩn giám định viên, giá trị pháp lý của kết luận giám định là cơ sở pháp lý để hình thành, củng cố, phát triển tổ chức và đội ngũ giám định viên, đưa kết luận giám định trở thành chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Hoạt động giám định tư pháp của phòng KTHS - Công an thành phố Đà Nẵng thực hiện các nhiệm vụ truy tìm nguyên khác nhau nhằm làm sáng tỏ một vụ việc có tính hình sự với mục đích xác định và chứng minh sự đồng nhất của các hiện tượng vật chất đang có liên quan đến vụ việc với những hiện tượng vật chất đã được xác định, thu thập trong quá trình điều tra. Thông qua công tác giám định, giám định viên sử dụng kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, những kinh nghiệm thực tiễn, các phương tiện, phương pháp khoa học để nghiên cứu, so sánh, kết luận giúp cho cơ quan trưng cầu giám định có nhận thức khách quan, giải quyết, xử lý vụ việc được chính xác, khoa học; kết luận giám định trở thành chứng cứ vô cùng quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ của ngành, áp dụng các biện pháp tố tụng. Ngoài ra, phòng KTHS còn có nhiệm vụ làm công tác tham mưu cho Lãnh đạo Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Công an thành phố, Sở Tư pháp về các mặt công tác của đơn vị, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.

  1. Thực trạng, tình hình hoạt động của công tác giám định tư pháp kỹ thuật hình sự thời gian qua

Từ khi thành lập đến nay, đội ngũ giám định viên của phòng KTHS ngày càng tăng lên về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn. Tuy số lượng giám định viên vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế nhưng đều đảm bảo chất lượng, trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, luôn an tâm tư tưởng công tác, không có giám định viên nào vi phạm các quy định pháp luật. Năm 1999, do sơ xuất nên 2 giám định viên đã kết luận giám định hồ sơ xe máy, hình dấu Hải quan nhầm lẫn nhưng sau đó đã kịp thời phát hiện thu hồi kết luận giám định, không để xảy ra hậu quả lớn.

Các điều kiện vật chất, phương tiện thiết bị phục vụ cho công tác giám định được từng bước cải thiện, được trang bị nhiều máy móc hiện đại. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế và mặt bằng chung thì còn thiếu, nhiều phương tiện không đồng bộ, lạc hậu, hư hỏng, không có phụ tùng thay thế, việc sửa chữa thiết bị, mua hóa chất tốn nhiều kinh phí và chậm chạp.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng từ năm 1997 đến nay, phòng KTHS đã tiến hành giám định hàng chục ngàn vụ việc các loại với hơn 16 ngàn yêu cầu, cụ thể:

 

 

 

Năm

Loại GĐ

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

Đường Vân

123

124

184

200

202

135

184

98

857

985

391

Súng đạn, cơ học

 

3

3

4

 

7

 

 

 

10

14

Bóc dán ảnh

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

Tiền

VND

 

74

 

5

10

 

168

289

215

119

 

Chữ ký

54

45

18

16

422

49

93

205

206

89

134

Chữ viết

80

44

61

70

15

28

14

31

63

74

87

Hình dấu

71

97

36

32

555

64

89

194

411

481

106

In ấn phẩm

60

3

2

4

275

26

61

176

99

98

107

Chữ đánh máy

 

7

9

2

 

 

 

 

 

 

 

GĐ các tài liệu khác

1

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

Số khung

11

17

35

100

1089

267

195

112

107

604

535

Số máy

10

17

35

100

1114

282

198

112

167

604

535

Dấu nổi

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

Đề cal

 

 

 

 

14

3

4

3

4

 

 

Ma túy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

99

162

Các loại khác

1

3

4

7

1

3

6

6

2

12

32

Tổng cộng

412

447

410

540

3707

857

1019

1226

2191

3175

2100

 

Phòng KTHS tiến hành giám định phục vụ cho công tác trinh sát, điều tra, truy tố, xét xử... do các cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra thành phố và quận, huyện, tòa án, các cơ quan khác (Chủ yếu là các cơ quan điều tra quân đội) trưng cầu và các yêu cầu giám định số khung, số máy, hồ sơ xe máy, ôtô phục vụ

công tác đăng ký, quản lý xe của phòng CSGT- Công an thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:

Năm

Công an

Tòa án

Cơ quan khác

Tổng cộng

1997

51

5

3

59

1998

53

9

4

66

1999

82

5

2

89

2000

92

4

4

100

2001

330

7

5

342

2002

311

10

6

3.27

2003

165

9

6

280

2004

280

6

7

293

2005

235

4

6

245

2006

179

9

5

193

2007

200

13

8

221

 

 

Từ khi thành lập đến nay, khối lượng yêu cầu giám định trong các lĩnh vực là khác nhau, chủ yếu tập trung ở yêu cầu giám định số khung (chiếm 19,47%), số máy (chiếm 19,73%), đường vân (chiếm 21,6 %), hình dấu (chiếm 13,2%), in ấn phẩm (chiếm 5,66%)... Cơ quan trưng cầu giám định chủ yếu là các cơ quan điều tra công an thành phố Đà Nằng và các quận, huyện (chiếm 90,49%).

Nhìn chung, trong công tác giám định, các giám định viên luôn bám sát các nguyên tắc: “Thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, khoa học”, đảm bảo bám sát phương pháp giám định, sử dụng các phương tiện, máy móc, các phần mềm chuyên dụng, hoàn thành và đăng ký các hồ sơ giám định đúng thủ tục pháp lý, đúng thời gian quy định đặc biệt là đối với các vụ giám định ma túy, các giám định viên luôn tích cực, khẩn trương giám định ra kết luận kịp thời, phục vụ cho các cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp nghiệp vụ của ngành. Các giám định viên luôn làm việc với tinh thần độc lập và tinh thần tập thể cao, không để xảy ra sai sót lớn. Vì vậy, các kết luận giám định luôn đảm bảo tính chính xác, khoa học, không xảy ra tình trạng xung đột giám định, giám định lại, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt chứng cứ.

Thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp KTHS đã đáp ứng cơ bản được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trên các lĩnh vực giám định truyền thống, chữ ký, chữ viết, kỹ thuật tài liệu, đường vân, ma túy, dấu vết súng đạn và cơ học... Các vụ giám định đều đưa ra kết luận khẳng định có ý nghĩa truy nguyên hình sự hoặc loại trừ, hạn chế đến mức thấp nhất các kết luận khả năng gây khó khăn cho công tác xử lý vụ việc của cơ quan trưng cầu giám định, không có vụ việc nào phải chuyển lên cơ quan giám định cấp trên là Viện KTHS. Một số vụ giám định, phòng KTHS đã tiến hành giám định, đưa ra kết luận giám định chính xác nhưng do tính chất, tầm quan trọng của chuyên án nên cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu viện KHHS giám định lại để củng cố thêm niềm tin vào chứng cứ để từ đó thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp tố tụng mang tính then chốt, quyết định thành công của chuyên án. Hầu hết các kết luận giám định đều được cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao, không để xảy ra tình trạng xung đột kết luận giám định.

Những thành tích điển hình trong công tác giám định của phòng KTHS từ năm 1997 đến nay:

  1. Vụ giả mạo giấy tờ nhà nước của bà Phạm Thị Thanh - trú K7 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, nguyên là cán bộ an ninh quận 2, Đà Nẵng đã giả mạo giấy tờ đòi nhà nước trả nợ 71 lượng vàng, hai triệu đồng tiền ngụy mà cách mạng mượn. Qua công tác giám định đã xác định được phương thức, thủ đoạn giả mạo buộc bà Thanh phải cuối đầu nhận tội.
  2. Từ năm 2001 đến 2006, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra các vụ trộm, cướp tài sản có tổng giá trị lên đến 10 tỉ VNĐ và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự chung trên địa bàn thành phố. Các chuyên án được thành lập nhưng vẫn chưa có lối thoát. Trong khoảng thời gian đó, phòng KTHS đã tiến hành giám định sàng lọc gần 1000 yêu cầu, loại khỏi diện nghi vấn hàng trăm đối tượng do các cơ quan điều tra cung cấp. Ngày 27/3/2Ọ06 phòng KTHS đã chứng minh, kết luận khẳng định Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1957, trú tổ 43, Hòa Phú 4, Hòa Vang, Đà Nẵng, là đối tượng gây ra các vụ án trên. Từ kết quả công tác giám định đã giúp cơ quan điều tra phá vỡ bế tắc, tháo nút thắt mang tính quyết định đưa chuyên án tiến triển đi đến thành công, bắt toàn bộ những tên tội phạm gây án.

Thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định kỹ thuật hình sự thời gian qua:

  • Thuận lợi:

Pháp lệnh Giám định Tư pháp và Nghị định số 67 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho công tác giám định tư pháp nói chung và lĩnh vực giám định KTHS nói riêng.

KTHS trong đó có giám định tư pháp KTHS là một biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an đã và đang phát huy hiệu quả vai trò trong công tác trinh sát, điều tra, truy tố, xét xử, ngày càng được nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan trọng trong phòng chống tội phạm. Từ đó có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bô Công an, viện KHHS, Ban Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban ngành có liên quan đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi về biên chế, kiện toàn tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trang bị máy móc, phương tiện hiện đại..., triển khai các lĩnh vực giám định mới, giúp cho công tác giám định tư pháp KTHS từng bước ổn định, đáp ứng được yêu cầu trước mắt của địa phương.

Đội ngũ cán bộ giám định ngày càng vững mạnh, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị, có tinh thần trách nhiệm, tinh thần học hỏi, trao dồi kinh nghiệm, tiếp thu những tiến bộ của KHKT, an tâm công tác, không ngại khó khăn, vất vả, môi trường độc hại...

Phòng KTHS - Công an thành phố Đà Nẵng được trang bị nhiều máy móc, phương tiện hiện đại, đồng bộ như kính hiển vi so sánh, kính hiến vi soi nối MZ - 1000, máy giám định tài liệu DOCULAB, máy quang phổ hồng ngoại, hệ thống máy sắc ký khí, tủ sấy, các hệ thống chiếu sáng, các phần mềm chuyên ngành phục vụ đắc lực, hiệu quả cho giám định viên trong công tác giám định.

Phòng KTHS là một đơn vị nghiệp vụ của lực lượng vũ trang nên công tác lãnh đạo, chỉ huy luôn được đặt lên hàng đầu. Ban Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo phòng, ban chỉ huy đội luôn chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, quản lý công việc và cán bộ; đảm bảo các giám định viên được phân công nhiệm vụ đúng năng lực chuyên môn, đúng phương pháp, quy trình, hồ sơ, thủ tục giám định theo quy định nên hạn chế được sai sót, chất lượng giám định được nâng lên.

Sự phối kết hợp giữa phòng KTHS với các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng công an thành phố khá chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả, tạo điêu kiện cho đơn vị, các giám định viên nắm bắt thông tin liên quan đến vụ việc, cung cấp các mẫu so sánh... phục vụ tốt cho công tác giám định.

  • Khó khăn:

Hiện nay, do thiếu biên chế, thiếu phương tiện, thiếu các mẫu chuẩn, do khó khăn trong công tác tuyển dụng cán bộ nên không thể triển khai được một số lĩnh vực giám định như: Trung bình mỗi năm trên địa bàn thành phố có khoảng 300 vụ giám định pháp y (Giám định đại thể) với hàng trăm yêu cầu giám định mô học (Giám định vi thể), sinh vật, thương tích mặc dù đơn vị đã có 01 bác sỹ được phong giám định viên pháp y từ năm 2005 nhưng không thể triển khai được lĩnh vực này vì thiếu bác sỹ, y công; Giám định hóa mới chỉ bước đầu triển khai giám định từ năm 2006 nhưng chưa thể giám định ma túy sinh học trong máu, nước tiểu.... Tuy thiếu cán bộ nhưng theo quy định thì mỗi giám định viên chỉ được tiến hành giám định trong một lĩnh vực theo chuyên môn đào tạo (Chỉ được bổ nhiệm giám định viên trong 1 lĩnh vực nhất định), máy móc phương tiện được trang bị theo kiểu cấp phát, xin-cho, đơn vị không thể chủ động khảo sát, đề xuất trang bị. Một số máy móc, hóa chất được trang bị nhưng lại kém chất lượng, lạc hậu, không đồng bộ gây khó khăn cho công tác giám định.

  • Cán bộ giám định còn chưa thường xuyên cập nhật các thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, tin học còn yếu, ít chịu học tập, nâng cao trình độ học vấn sau đại học. Một số giám định có bản lĩnh, tính quyết đoán kém trong những vụ việc phức tạp, phương pháp bàn việc chưa khoa học nên dẫn đến kéo dài thời gian giám định hoặc chuyển vụ việc sang giám định viên khác đảm nhận. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giám định viên chưa đồng đều, ít được đào tạo lại và đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm... nên ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian giám định.
  • Cán bộ giám định ít có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, chuyên môn, các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của bọn tội phạm từ các đơn vị địa phương khác. Hầu như các giám định viên chưa được đào tạo kỹ năng bảo vệ kết quả giám định trước tập thể, trong các phiên tòa xét xử...
  • Chế độ bồi dưỡng cho giám định viên quá thấp, không thể bù đắp tái sản xuất sức lao động, những hao tổn trí lực, độc hại, áp lực tâm lý nên chưa khuyến khích, động viên đúng mức cho giám định viên cũng như thu hút cán bộ. Chế độ kinh phí còn hạn hẹp, được cấp phát theo định mức hàng quý.
  • Phòng làm việc, phòng thí nghiệm, phòng cất giữ các mẫu vật, các điều kiện vật chất cho cơ sở làm việc chưa đảm bảo, thiếu thốn.
  • Các nguồn kinh phí phục vụ giám định, mua sắm hóa chất, thay thế phụ tùng hư hỏng... còn hạn hẹp, thẩm quyền thu, chi, thanh toán chưa cụ thể, rõ ràng.
  • Phòng KTHS không có tư cách pháp nhân, không có nguồn thu phí từ công tác giám định để đầu tư và tái đầu tư hao mòn máy móc, hóa chất, bồi dưỡng cho giám định viên...
  • Một số lãnh đạo Công an thành phố, quận, huyện chưa đánh giá đúng mức vai trò, tầm quan trọng của biện pháp KTHS nên chưa có sự đầu tư, quan tâm mang tính chiến lược lâu dài như vấn đề cán bộ, mua sắm phương tiện thiết bị...
  1. Một số đề xuất, kiến nghị và quan điểm về công tác xã hội hoá giám định kỹ thuật hình sự trong thời gian đến
  1. Đề xuất, kiến nghị

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phạm tội, đặc biệt là các tội phạm công nghệ cao, các nhu cầu của tổ chức, cơ quan, cá nhân về giám định tư pháp trong các lĩnh vực lao động, dân sự, hành chính, hôn nhân - gia đình... ngày càng tăng. Để công tác giám định tư pháp KTHS ngày càng đáp ứng có hiệu quả trong những năm tiếp theo, cần:

  • Lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Công an thành phố Đà Nẵng, phòng KTHS phối kết hợp để tuyển dụng cán bộ, xây dựng đề án tuyển dụng, đào tạo cán bộ giám định, đặc biệt là cán bộ làm công tác pháp y theo hướng: Tuyển chọn; gửi đào tạo tại Học viện quân y - Bộ quốc phòng đối với những học sinh thi đậu các trường đại học Công an nhân dân; tuyển chọn đưa đi đào tạo ngành những chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đang phục vụ trong ngành có nguyện vọng, đăng báo tuyển dụng rộng rãi, kết hợp với các phòng đào tạo của các trường y để thông báo tuyển dụng.

Lãnh đạo Công an thành phố kết hợp với các trường đại học Công an nhân dân để đào tạo cán bộ chuyên ngành KTHS, tuyển dụng sinh viên các trường đại học Công an nhân dân chuyên ngành KTHS có hộ khẩu ở các địa phương khác có nguyện vọng phục vụ lâu dài tại Đà Nẵng.

  • Đề xuất Bộ Công an triển khai đào tạo chuyên ngành KTHS tại các trường trung cấp Cảnh sát nhân dân để bổ sung cho lực lượng KTHS đang thiếu hụt; cử cán bộ, chiến sĩ nghĩa vụ quân sự học chuyên ngành này.
  • Thường xuyên mở các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn giám định, trao đồi bản lĩnh, kinh nghiệm tại Viện Khoa học hình sự hoặc tại địa phương. Cử cán bộ đi giao lưu, học tập kinh nghiệm, cách làm mới, kiến thức, các kỹ năng nghiệp vụ, phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm tại một số đơn vị bạn.
  • Về phương tiện: cần xây dựng đề án mua sắm, trang bị phương tiện phục vụ cho công tác giám định, đặc biệt là các phương tiện hiện đại nhằm đấu tranh đối với tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, triển khai các lĩnh vực giám định đối với địa phương mà hiện nay do thiếu phương tiện nên không thể thực hiện được.
  • Hiện nay, điều kiện làm việc của giám định viên chưa đảm bảo, bàn và phòng làm việc thiếu, không có phòng riêng để xử lý, chụp ảnh dấu vết, cất giữ mẫu vật, phòng thí nghiệm. Vì vậy lãnh đạo Công an thành phố cần quan tâm giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho giám định viên làm việc hiệu quả...
  • Về chế độ bồi dưỡng cho giám định viên, đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Tài chính thay đổi một số quy định hiện hành trong Thông tư 355, Thông tư 363 liên ngành... theo hướng nâng cao mức bồi dưỡng thỏa đáng hơn, tạo thu hút nghề nghiệp, yên tâm công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác KTHS.
  • Quy định chính sách, cơ chế cụ thể, rõ ràng cho phép phòng KTHS tiến hành triển khai rộng rãi các lĩnh vực giám định có thu phí, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
  • Nâng cao vai trò của Sở Tư pháp trong việc quản lý công tác giám định tư pháp của nhà nước, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động nhằm không ngừng kiện toàn tổ chức giám định tư pháp và nâng cao năng lực, trình độ giám định viên. Hằng năm, Sở Tư pháp cần dự trù một khoản kinh phí nhất định để hỗ trợ cho phòng KTHS nói riêng và các cơ quan giám định trên địa bàn thành phố nói chung trong việc tổ chức và tiến hành bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, pháp lý cho giám đinh viên cũng như cho các hoạt động nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động giám định tư pháp.
  1. Quan điểm về công tác xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, những thuận lợi và khó khăn

Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp là một định hướng có ý nghĩa to lớn mang tính chiến lược nhằm huy động tiềm năng kinh tế và nhân lực của mọi thành phần kinh tế và của toàn xã hội góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền.

Trong thời kỳ bao cấp, mọi công việc muốn triển khai thực hiện đều phải trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước. Chính tư duy không muôn cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia nên đã tạo ra một gánh nặng, nhà nước không đủ sức để lo, tạo nên sức ỳ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, không huy động được nguồn nhân lực, nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân. Chuyển sang giai đoạn đổi mới, với chủ trương xã hội hoá trong nhiều lĩnh vực, chúng ta đã và đang huy động được sức dân, khơi dậy tính chủ động của mọi tầng lớp, mọi ngành, mọi thành phần kinh tế nhằm xây dựng và phát triển đất nước, đẩy mạnh tốc độ và hiệu quả của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp là một phương thức để thực hiện phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với mục tiêu phục vụ lợi ích của cộng đồng, của nhân dân và của xã hội. Qua đó, các thành phần kinh tế, nhân dân được tạo điều kiện thực hiện quyền làm chủ, được đóng góp vai trò của mình trong sự phát triển chung của đất nước, khắc phục tâm lý trông chờ, thụ động, ỷ lại vào nhà nước, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xoá bỏ sự bao biện, làm thay, góp phần đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Bản chất của hoạt động giám định tư pháp là xác định sự thật khách quan, xác lập và củng cố chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử trong các lĩnh vực kinh tế, hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình... Trong những năm qua, bên cạnh yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì nhiều vấn đề mới phát sinh kèm theo những nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên các phạm vi dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân và gia đình... tăng cao đòi hỏi phải được giải quyết trên cơ sở khoa học, khách quan, chính xác. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan giám định tư pháp vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đó vì những nguyên nhân thiếu cán bộ, thiếu phương tiện máy móc kỹ thuật, nguồn kinh phí đầu tư và tái đầu tư trong việc đào tạo cán bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, nhiều địa phương không thể triển khai được một số lĩnh vực giám định nên phải tập trung về một đầu mối trung ương dẫn đến hiện tượng quá tải, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và hoạt động ngoài luồng. Bên cạnh đó, việc trưng cầu các cơ quan Nhà nước giám định còn nặng nề, phức tạp, thiếu công khai vì thủ tục hành chính rườm rà, phong cách làm việc của cán bộ khi tiếp xúc với nhân dân còn quan liêu, làm cho người dân khi có nhu cầu nhưng lại ngại liên hệ, tiếp xúc.

Việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp sẽ khai thác, phát huy được tiềm năng và các nguồn lực của các thành phần kinh tế, góp phần giảm áp lực đối với cơ quan giám định công và giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước. Thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung kinh phí đầu tư cho việc triển khai các lĩnh vực giám định đòi hỏi mức vốn cao, kỹ thuật hiện đại và chuyên môn sâu, tránh được hiện tượng giàn trải, “phân chia”, kém hiệu quả. Không chỉ là huy động nguồn lực tài chính mà còn huy động nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý, sức lao động... và tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý, làm chủ xã hội. Khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, áp dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học kỹ thuật...

Thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp sẽ từng bước khắc phục tư tưởng, cách làm hành chính quan liêu, cơ chế “xin-cho”, trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước và giải quyết tốt giữa ba mối quan hệ lợi ích: Nhà nước-Nhà đầu tư - Đối tượng có liên quan đến giám định tư pháp.

Ngoài ra, xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp sẽ tạo ra một môi trường công bằng, lành mạnh, công khai, minh bạch giữa các cơ quan giám định tư pháp, tạo lập các cơ sở dịch vụ trong toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của tổ chức và nhân dân. Hiện nay, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội thì mức sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, trình độ dân trí càng được nâng lên, các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các quan hệ lao động, dân sự, hôn nhân gia đình đòi hỏi được giải quyết minh bạch, khách quan, khoa học, đúng pháp luật thông qua công tác giám định tư pháp như: Xác định quan hệ huyết thống, xác định các mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa, các giấy tờ có giá trị bằng tiền, các hợp đồng, các văn bằng, chứng chỉ… có nhu cầu ngày càng lớn.

Các thành phần kinh tế ngoài hoạt động đầu tư giám định tư pháp có thu, còn làm tốt các hoạt động xã hội: xoá đói, giảm nghèo, cứu trợ..., thu hút vốn góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp gặp không ít khó khăn, đó là:

Nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân còn chịu ảnh hưởng của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, chưa thấy được sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp, vẫn còn nặng nề tư tưởng dựa dẫm, trông chờ vào nhà nước, nhà nước làm được chừng nào, hiệu quả đến đâu thì tốt chừng đó.

Chúng ta đã và đang xúc tiến xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiều lĩnh vực với mục đích thực hiện chủ trương xã hội hoá. Tuy nhiên, sự tháo bỏ các vướng mắc còn chậm chạp, nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, lỗi thời, ràng buộc lẫn nhau, không tạo được môi trường lành mạnh, thông thoáng thu hút các nhà đầu tư. Công tác xây dựng pháp luật hiện nay còn mang tính thụ động, chắp vá, đi sau và đôi khi còn thiếu tính ổn định, chưa thấy hết những vấn đề mới sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện như: những hậu quả xấu về môi trường, xã hội; xu hướng “xã hội hoá” thành “tư nhân hoá”...

Để triển khai công tác giám định tư pháp đòi hỏi nguồn lực về vốn, con người, tuy nhiên những quy định pháp luật về chế độ thu phí giám định, bồi dưỡng giám định tư pháp... đã quá lạc hậu, không đủ để lấy thu bù chi, khó khăn cho việc thu hồi vốn đối với các nhà đầu tư là một trở ngại rất lớn. Nguồn nhân lực cung cấp cho hoạt động giám định tư pháp là vô cùng lớn, chúng ta có đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, cử nhân, bác sĩ.... đông đảo, các cán bộ làm công tác giám định đang nghỉ hưu tuy vẫn đảm bảo sức khỏe, năng lực nhưng khả năng thu hút họ là vô cùng yếu, chính sách đãi ngộ, chế độ bồi dưỡng, công tác đào tạo và tái đào tạo gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, để được công nhận là giám định viên tư pháp đòi hỏi cán bộ phải được đào tạo một cách bài bản, chính quy, chuyên sâu về lĩnh vực giám định. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có được một trường lớp đào tạo mang tính xã hội, các giám định viên chủ yếu được đào tạo ngay trong các “lò” của nhà nước hoặc được các giám định viên có kiến thức, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm hướng dẫn, bồi đưỡng, đào tạo trực tiếp. Vì vậy, các cơ quan giám định bên ngoài dù có con người nhưng vẫn khó có thể đào tạo họ trở thành những giám định viên.

  1. Định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng họat động giám định tư pháp kỹ thuật hình sự trong thời gian đến

Trong xu thế toàn cầu hóa, thành phố Đà Nẵng đã và đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Bọn tội phạm dùng mọi thủ đoạn, phương thức tinh vi, xảo quyệt, trong đó triệt để sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hoạt động. Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác giám định tư pháp KTHS nói riêng cần quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo theo định hướng sau:

Công tác giám định tư pháp KTHS phải gắn với thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả những vấn đề có liên quan đến giám định tư pháp do thực tiễn đặt ra. Phải luôn xác đinh biện pháp khoa học kỹ thuật, trong đó có giám định tư pháp là một trong những biện pháp quan trọng, cơ bản của ngành, góp phần năng cao năng lực chiến đấu, chất lượng, hiệu quả công tác công an, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp trong lực lượng công an, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Giám định tư pháp KTHS phải đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào khai thác những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới, ưu tiên khai thác, làm chủ một số phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng có hiệu quả cao trong công tác giám định. Nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, các phương tiện kỹ thuật của bọn tội phạm để tham mưu cho Giám đốc, các cơ quan liên quan có biện pháp chủ động phòng ngừa, đối phó.

Hoạt động giám định tư pháp KTHS phải được phát triển theo quy hoạch, kế hoạch về tổ chức, cán bộ, năng lực, trình độ của giám định viên, phương tiện kỹ thuật và được quản lý thống nhất, chặt chẽ, khoa học từ Trung ương đến địạ phương.

Tăng cường đầu tư xây dựng tiềm lực về con người và phương tiện, lấy phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm khâu đột phá, củng cố, phát triển nguồn nhân lực là then chốt để đẩy nhanh tốc độ phát triển của biện pháp nghiệp vụ khoa học kỹ thuật của ngành.

Quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, ngành; xây dựng cơ chế hoạt động giám định tư pháp KTHS hợp lý, năng động để thúc đẩy sự phát triển nhưng phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của toàn hệ thống lực lượng công an nhân dân. Khuyến khích các giám định viên nghiên cứu khoa học ứng dụng, cải tiến phương tiện kỹ thuật.                        

Mục tiêu, yêu cầu đặt ra với công tác giám định tư pháp KTHS trong những năm tới nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới: Phát triển toàn diện, có chiều sâu hoạt động giám định từ hoàn thiện cơ sở pháp lý, công tác tổ chức cán bộ, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kiến thức cho cán bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang bị, phương tiện hiện đại.

  • Về cơ sở pháp lý:

Nghiên cứu và thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật có liên quan đến công tác giám định tư pháp, Nghị định số 67 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về việc phân cấp xét xử cho tòa án cấp quận, huyện có mức án đến 15 năm, đòi hỏi hoạt động điều tra nói chung, hoạt động giám định tư pháp KTHS nói riêng phải được đầu tư, nâng cấp cho phù hợp với yêu cầu mới.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, quyết định... của Bộ trưởng Bộ Công an như Chỉ thị về tăng cường công tác ICTHS trong tình hình mới, Chỉ thị 07 về tăng cường công tác pháp y công an nhân dân.

Rà soát các văn bản pháp quy có liên quan đến công tác giám định để đề xuất với ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan liên quan kiến nghị thay đổi theo hướng mở rộng thẩm quyền giám định của phòng KTHS đối với các cơ quan, tổ chức, công dân có nhu cầu; Tăng thẩm quyền giám định cho các cơ quan giám định địa phương; Quy định rõ, cụ thể các khoản phí, lệ phí giám định, định mức, thẩm quyền thu và chi, các thủ tục trưng cầu (yêu cầu) giám định của tổ chức, công dân...; Nâng mức phụ cấp và bồi dưỡng giám định một cách hợp lý đối với giám định viên và cán bộ trợ lý giám định nhằm đảm bảo sức hút nghề nghiệp, bù đắp những hao tổn, áp lực tâm lý cho cán bộ.

  • Về công tác xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện kỹ thuật:

Tiến hành rà soát lại thực trạng về tổ chức, đội ngũ giám định viên, trang bị phương tiện phục vụ giám định. Đánh giá kết quả đạt được từ ngày thành lập đến nay, tìm ra những nguyên nhân thành công, những bài học kinh nghiệm; đề xuất phương án cải cách về mô hình tổ chức, công tác cán bộ, trang bị phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW. Nghiên cứu tăng cường về tổ chức và cán bộ đề phòng KTHS thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, triển khai những lĩnh vực giám định mới.

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộ để tham mưu cho Giám đốc, phòng Tổ chức cán bộ Công an thành phố, đảm bảo cho phòng KTHS đủ biên chế, đảm bảo chất lượng cho hoạt động giám định.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu cho Giám đốc, phòng Hậu cần, Viện Khoa học hình sự về mua sắm trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành, các loại hóa chất phục vụ công tác giám định để hoàn thiện, từng bước hiện đại hóa hệ thống thiết bị, phương tiện kỹ thuật. Tiến hành triển khai, ứng dụng có hiệu quả dự án “Tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng KTHS từ năm 2007 trở về sau” khi được Chính phủ đồng ý phê duyệt.

Làm tốt công tác hậu cần, thanh toán bồi dưỡng giám định cho giám định viên, cán bộ trợ lý kịp thời, đúng quy định.

  • Về nâng cao chất lượng giám định tư pháp kỹ thuật hình sự:

Xây dựng các quy trình giám định, các quy chuẩn chuyên môn các lĩnh vực giám định. Tham mưu cho Giám đốc, Viện khoa học hình sự tăng cường về cán bộ, đào tạo cán bộ, trang bị phương tiện để triển khai những lĩnh vực giám định pháp y, sinh vật, hóa, âm thanh, tuổi mực, giám định nhận dạng qua ảnh, nhận dạng người qua lồng ghép ảnh hộp sọ, ảnh x-quang răng người.

Nâng cao năng lực giám định tư pháp KTHS theo chiều sâu như giám định tuổi mực, giám định tài liệu in vi tính, giám định hóa, ma túy, pháp y, thương tích... đi sâu vào các lĩnh vực giám định phục vụ đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm sinh học, hóa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KTHS.

Cán bộ và năng lực cán bộ là yếu tố quan trọng hàng đầu để hoạt động giám định tư pháp KTHS đi đúng hướng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội trong thời gian đến. Xây dựng kế hoạch cử cán bộ đào tạo các lớp chuyên đề về giám định, đào tạo nâng cao để tiếp cận những thành tựu mới của khoa học hình sự trên thế giới, nắm bắt những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của bọn tội phạm đồng thời khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị.

  • Về công tác lãnh đạo, chỉ huy:

Thực hiện tốt các quy định của ngành, các quy định về giám định tư pháp như thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo phòng, chỉ huy đội trong việc quản lý cán bộ, giao vụ việc cho giám định viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở giám định viên thực hiện đúng các quy định về Pháp lệnh giám định tư pháp, Điều lệ giám định KTHS, các thông tư của Bộ, Tổng cục cảnh sát và các quy định về Điều lệnh nội vụ công an nhân dân. Tăng cường sự giám sát giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các giám định viên, đảm bảo không để xảy ra tình trạng sai sót trong quy trình giám định, kết luận giám định, bỏ qua các dấu vết khó (đường vân), các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu tổ chức, cá nhân trưng cầu giám định.

Nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ chiến sỹ, kịp thời động viên, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, sai trái, xử lý nghiêm, công khai, công bằng những vi phạm.

 


 

Chuyên đề 5:

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TRONG LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG THÀNH PH ĐÀ NẴNG

Nguyễn Ngọc Sơn

Trung tâm Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng

  1. Tổ chức hoạt động

Trong thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp về môi trường ở Đà Nẵng chủ yếu là hoạt động quan trắc và phân tích môi trường (thường gọi là quan trắc môi trưòng).

Khái niệm về quan trắc (monitoring) môi trường bao gồm hệ thống quan trắc môi trường phục vụ các trạm lấy mẫu, đo đạc phục vụ hoạt động quan trắc môi trường; các phòng thí nghiệm, trung tâm phân tích mẫu, quản lý và xử lý số liệu quan trắc môi trường. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, bảo đảm yêu cầu quan trắc nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có đủ năng lực chuyên môn và trang thiết bị kỹ thuật được tham gia hoạt động quan trắc môi trường.

Hoạt động quan trắc phải được tuân thủ theo các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trưòng:

  • Hệ thống tiêu chuẩn môi trường quốc gia bao gồm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường xung quanh và tiêu chuẩn về chất thải.
  • Tiêu chuẩn về chất lượng môi trường xung quanh bao gồm:

+ Nhóm tiêu chuẩn môi trường đối với đất phục vụ cho các mục đích về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và mục đích khác;

+ Nhóm tiêu chuẩn môi trường đối với nước mặt và nước dưới đất phục vụ các mục đích về cung cấp nước uống, sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, tưới tiêu nông nghiệp và mục đích khác;

+ Nhóm tiêu chuẩn môi trường đối với nước biển ven bờ phục vụ các mục đích về nuôi trồng thuỷ sản, vui chơi, giải trí và mục đích khác;

+ Nhóm tiêu chuẩn môi trường đối với không khí ở vùng đô thị, vùng dân cư nông thôn;

+ Nhóm tiêu chuẩn về âm thanh, ánh sáng, bức xạ trong khu vực dân cư, nơi công cộng.

  • Tiêu chuẩn về chất thải bao gồm:

 

+ Nhóm tiêu chuẩn về nưóc thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt và hoạt động khác;

+ Nhóm tiêu chuẩn về khí thải công nghiệp; khí thải từ các thiết bị dùng để xử lý, tiêu huỷ chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế và từ hình thức xử lý khác đối với chất thải;

+ Nhóm tiêu chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị chuyên dụng;

+ Nhóm tiêu chuẩn về chất thải nguy hại;

+ Nhóm tiêu chuẩn về tiếng ồn, độ rung đối với phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động xây dựng.

Quan trắc môi trường là phức hợp các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ và tổ chức đảm bảo kiểm soát một cách có hệ thống trạng thái và khuynh hướng phát triển của các quá trình tự nhiên và nhân tạo. Quan trắc, đo đạc, ghi chép, phân tích và thông tin là phương sách có hiệu quả nhất làm giảm nhẹ trong nhiều trường họp có thể hạn chế hoàn toàn ô nhiễm do con người gây ra đối với môi trường.

Các hoạt động quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố đang thực hiện bao gồm quan trắc hiện trạng môi trường thành phố (thường gọi là chương trình quan trắc môi trường địa phương) bao gồm các hoạt động lấy mẫu và phân tích môi trường không khí, nước, đất... Chương trình quan trắc môi trường qua các năm cũng được củng cố và nâng cao nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của thành phố. Năm 1997, chương trình quan trắc của Đà Nẵng có 22 điểm, kinh phí thực hiện là 70 triệu đồng, với tần suất 2 lần/năm, đến năm 2005, chương trình quan trắc được nâng tầm nhằm kiểm soát tốt vấn đề môi trường, số điểm quan trắc tăng 10, tần suất là 6 lần/năm, kinh phí tăng 3 lần so với năm 1997. Chương trình quan trắc môi trường nhằm làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá diễn biến chất.

Quan trắc môi trường phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đóng trên địa bàn thành phố. Trong các năm vừa qua, hoạt động quan trắc đã góp phần trong công tác xác định mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý hành chính nhằm tăng cường hiệu lực trong công tác bảo vệ môi trường.

Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định không thành lập tổ giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường mà chỉ thực hiện trưng cầu người giám định tư pháp theo vụ, việc và tổ chức chuyên môn có điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện giám định. Thời gian qua, việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng về lĩnh vực môi trường tại Đà Nẵng còn rất hạn chế, một phần là do việc xử lý hình sự các tội phạm về môi trường chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào việc xử lý ở mức độ hành chính. Hiện nay, ở Đà Nẵng chưa có trường hợp nào được bổ nhiệm giám định viên tư pháp về môi trường.

Tuy không thành lập về mô hình tổ chức nhưng vai trò của hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường được dự báo là ngày càng quan trọng và cần thiết bởi các lý do sau:

Thứ nhất: Áp lực lên môi trường do phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển trên nhiều lĩnh vực ở Đà Nẵng, đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng là diễn ra mạnh nhất (2000 - 2006). Đến nay, diện mạo của thành phố về cơ sở hạ tầng đã có những thay đổi lớn, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như đường Điện Biên Phủ, thông tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, tuyến Cẩm Lệ - Miếu Bông; nhiều công trình trọng điểm khác cũng được đẩy nhanh tiến độ như đường Nguyễn Tri Phương nối dài, quốc lộ 14B Hoà Cầm - Tuý Loan, cầu Thuận Phước, Trung tâm Công nghệ phần mềm giai đoạn 2, Bệnh viện đa khoa 600 giường...

Ngoài ra các công trình xây dựng do Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng được đẩy nhanh tiến độ và có kết quả tốt. Năm 2006, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn là 9.237,094 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản chiếm 70% tăng hơn lần so với năm 1997. Đến nay thu nhập (GDP) bình quân đầu người ước đạt 17.55 triệu đồng tăng gần 4 lần so với cách đây 10 năm.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố trong năm qua, ảnh hưởng đến việc khai thác triệt để các nguồn tài nguyên phục vụ công tác xây dựng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm bụi cũng phát sinh từ quá trình này. Rõ nét nhất là ô nhiễm bụi do san lấp mặt bằng, khai thác, chế biến và vận chuyển vật liệu xây dựng, những công trình thi công các công trình cao tầng chưa được che chắn đảm bảo gây ô nhiễm bụi trong khu dân cư. Ngoài ra, các công trình xây dựng trong khu dân cư chưa có phương án thoát nước gây tình trạng ứ đọng, ngập úng cục bộ. Chưa kể đến tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trái phép không có phương án bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người.

Đến năm 2007, đã có nhiều khu đô dân cư mới được hình thành, trên toàn thành phố có khoảng 265 khu dân cư trong đô thị chưa kể khu dân cư thuộc vùng ven thành phố. Việc mở rộng khu dân cư mới và phát triển cơ sở hạ tầng đã chiếm dụng một diện tích khá lớn ở huyện Hoà Vang và các quận khác, làm cho diện tích nông nghiệp của thành phố bị thu hẹp, ảnh hưởng đến vấn đề lương thực và sản xuất nông nghiệp. So với năm 1999, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố giảm 3.601 ha.

Với sức ép về dân số và tình trạng phân bố dân cư không đồng đều (cao nhất ở quận Thanh Khê 165.341 người/km2 và quận Hải Châu 192.605 người/km2) ở một số quận nội thành đã gây ra những bất cập về nhà ở việc làm đất đai, nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên và ảnh hưởng đến chất lưọng môi trường trong khu dân cư.

Thứ hai: Phát triển du lịch

Với địa thế thuận lợi của Đà Nẵng (dãi ven biển dài, núi Sơn Trà, Nam Hải Vân, giao thông thuận lợi), hiện nay thành phố Đà Nẵng đã chú trọng mạnh đến phát triển du lịch và dịch vụ, định hướng đến năm 2010 là tập trung đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Đến cuối năm 2006, Đà Nẵng có 34 dự án đầu tư du lịch, trong đó có 11 dự án đầu tư nước ngoài, có 04 dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như khách sạn Queen, khách sạn Minh Toàn, khách sạn Golden Sea và khách sạn Phú Mỹ, các dự án khác đang trong giai đoạn triển khai. Dự kiến đến năm 2010, xây dựng bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch lớn đặc thù (Bãi Nam, Bãi Bụt, Bãi Trẹm, Bãi Tiên Sa), phát triển các biệt thự cao cấp Nam Sơn Trà, khu du lịch Sơn Trà - Thọ Quang; Phát triển khu vực Nam Furama - Non Nước thành khu dư lịch quốc tế lớn chất lượng cao; Xây dựng khu Làng Vân, khu Nam ô thành khu du lịch sinh thái, nghỉ biển lớn đồng thời đầu tư phát triển vệt ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước gồm các dự án du lịch Xuân Thiều và Đa Phước; Đẩy mạnh các dự án du lịch biển vệt đường Phạm Văn Đông, khu vực Mỹ Khê, Bắc Mỹ An.

Sự phát triển “nóng” về du lịch trên toàn địa bàn thành phố, nhất là dãy ven biển đã và đang đứng trước những thách thức rất lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Thực trạng hiện nay cho thấy, vấn đề quy hoạch phát triển du lịch chưa được xem xét đến yếu tố môi trường. Đến nay chỉ có các dự án khách sạn có báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại các dự án lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng hay đang triển khai đều bỏ qua việc xem xét yếu tố tác động môi trường. Đặc biệt các nhà hàng ngày càng mọc lên nhiều dọc các tuyến ven biển nhưng không có cam kết bảo vệ môi trường, sẽ có ảnh hưởng lớn đến môi trường khu vực ven biển, làm mất mỹ quan và ô nhiễm chất lượng nước biển. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên ven biển, rừng cho mục đích du lịch nhưng chưa có tính đến việc đầu tư phục hồi hay tái tạo lại tài nguyên đã bị khai thác. Tất cả các yếu tố trên là một sức ép rất lớn đối với môi trường và phát triển bền vững ở Đà Nẵng nếu không kiểm soát chặt chẽ.

Thứ ba: Phát triển công nghiệp

Hoạt động công nghiệp ở Đà Nẵng trong những năm qua liên tục đạt mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp trên toàn địa bàn đến cuối năm 2006 đạt 8.513, 548 tỷ đồng tăng gấp 4 lần so với năm 1997. Các ngành nghề sản xuất chủ yếu và có giá trị xuất khẩu cao đó là: thuỷ sản, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, may mặc và giày da. Phát triển công nghiệp trong những năm qua cũng được đẩy mạnh ở Đà Nẵng cả về quy mô và cơ cấu đầu tư. Đến nay, toàn thành phố có 34 dự án đang hoạt động có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động phần lớn trong các khu công nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước hoạt động trong và ngoài khu công nghiệp.

Hiện Đà Nẵng có 07 khu và cụm công nghiệp, bao gồm Khu công nghiêp Hoà Khánh, Hoà Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hoà cầm, Dịch vụ Thuỷ sản Đà Nẵng, Đà Nẵng và cụm Công nghiệp Thanh Vinh. Các khu công nghiệp đã được quy hoạch và phát triển quá nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” các KCN và việc quản lý môi trường tại các khu công nghiệp đã không theo kịp với tốc độ phát triển. Từ năm 1997 - 2007, đã có nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng lại chưa có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp nào được đưa vào hoạt động (trừ KCN Hoà Khánh đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm), chưa hình thành các tổ chức bảo vệ môi trường trong các KCN. Điều này đã gây ra các tác động trực tiếp tới chất lượng môi trường sống của người dân, làm suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm và ảnh hưởng tới các hệ sinh thái. Hơn nữa, các cơ sở công nghiệp hoạt động trong và ngoài KCN không đầu tư hoặc đầu tư chưa có hiệu quả cho các công trình xử lý chất thải dẫn đến tình trạng chất thải không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu trước khi thải vào môi trường. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đến chất lượng môi trường của thành phố Đà Nẵng. Tình trạng trên là chưa kể đến việc sử dụng chủ yếu tài nguyên thiên nhiên của thành phố để sản xuất đáp ứng với yêu cầu phát triển của thành phố, trong khi vẫn chưa tính đến yếu tố phục hồi và bảo vệ nguồn tài nguyên này.

Thứ tư: Phát triển giao thông đô thị

Cùng với quá trình đô thị hoá, giao thông Đà Nẵng phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, nhất là giao thông đường bộ. Giao thông phát triển kéo theo các cơ sở phục vụ giao thông cũng được hoàn thiện. Đến nay đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông và mương cống tuyến chính. Đặc biệt, các công trình trọng điểm như đường Điện Biên Phủ, Sơn Trà - Điện Ngọc và các công trình do Cụm Cảng hàng không sân bay miên Trung, đường Lê Hữu Trác, Hoàng Hoa Thám, Duy Tân, Hoàng Văn Thái... đã được đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay các tuyến đường quốc gia đã hoàn thiện và nâng cấp khá đồng bộ, nên lưu lượng xe bình quân trong ngày có giảm 11,3% so với năm trước (7.387 xe/ngày đêm). Tuy nhiên, mật độ trung bình đường giao thông trong khu vực đô thị lớn hơn nhưng mạng lưới phân bố chưa đồng đều, dải phân cách chưa hợp lý, một số đường trung tâm còn hẹp trong khi đó các phương tiện giao thông cơ giới ngày càng gia tăng do đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ xây dựng của thành phố nên vẫn diễn ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong khu vực đô thị.

Thứ năm: Phát triển khai thác khoáng sản

Khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tương đối đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào nhóm phi kim loại, được dùng để sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều nhất vẫn là nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thông thường như đá granit, đá phiến, đá phiến tái kết tinh tập trung ở các xã Hòa Khương Hòa Nhơn, Hòa Phát, Hòa Khánh, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Bắc... Riêng đá granit tại bán đảo Sơn Trà, khu rừng đặc dụng Hải Vân và khu đá hoa ở Ngũ Hành Sơn là các khu vực có trữ lượng rất lớn hàng tỷ mét khối nhưng thuộc cac khu vực cấm khai thác.

Ngoài ra, cát sỏi xây dựng tại các lưu vực sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Cầu Đỏ, sông Hàn... vẫn được khai thác để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của thành phố, nhưng ở mức độ hạn chế, ngoài mục đích làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, còn chủ yếu là nạo vét luồng lạch, tránh sạt lở bờ sông.

Cát trắng ở Nam ô là nguồn tài nguyên quý, đảm bảo chất lượng sản xuất kính cao cấp, hiện nay đang cấm khai thác. Sét làm gạch ngói tập trung nhiều ở các xã của Hòa Vang như Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hoà Phong và Hòa Khánh của Liên Chiểu. Hiện nay có một số mỏ đang hoạt động, như An Châu xã Hòa Phú, Phước Sơn xã Hòa Ninh...

Hiện nay, khai thác khoáng sản chủ yếu ở Đà Nẵng là đá xây dựng các loại, hiện có 48 mỏ đá, sét và khai thác cát sông đang hoạt động. Năm 2006, tổng cộng suất khai thác là l.441.641m3, tăng gấp 9 lần so với năm 1997, quy mô các mỏ khai thác và sản lượng khai thác cũng tăng nhanh chóng, nhât là vào các thời điểm năm 2001-2006. Việc khai thác khoáng sản hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tài nguyên và môi trường. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được, nếu khai thác không hợp lý, không đúng quy hoạch sẽ cạn kiệt nguồn tài nguyên, nguy cơ hoang mạc hoá, mất cân bằng sinh thái. Trong khai thác chưa tuân thủ các phương án bảo vệ môi trường gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, công tác ký quỹ phục hồi môi trường/sinh thái của các chủ dự án khai thác và tận thu mỏ cũng chưa được thực hiện. Một thực trạng nữa ở thành phố là việc chuyên chở vật liệu xây dựng không đảm bảo các điều kiện về an toàn và môi trường đã ô nhiễm bụi giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp. Mặc dù đến nay tình trạng này đã được khắc phục, tuy nhiên việc không kiểm soát chặt của các cơ quan chức năng, thỉnh thoảng đã xảy ra ô nhiễm bụi mà một bộ phận dân cư tại một số khu vực liên quan đã khiếu nại bởi chính hoạt động này.

Công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường là một công việc hết sức phức tạp, vừa phải đánh giá nguồn tác động vừa phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hoạt động đến môi trường, chi phí khá cao. Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp hiện nay là mới mẻ, chưa có sự nhận thức chính xác do vậy việc xử lý chưa nghiêm minh. Mặc dù có sự bức xúc từ phía nhân dân nhưng việc truy cứu trách nhiệm pháp lý chưa được thực hiện chặt chẽ, nhiêu vụ việc chỉ dừng lại ở biện pháp hành chính, các hoạt động quan trắc môi trường dừng lại là phục vụ cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra môi trường.

  1. Đánh giá tình hình hoạt động

Từ năm 1997 đến nay, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của thành phố nói chung, của các cấp các ngành nói riêng đã được tăng cưòng và không ngừng nâng cao, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường đi vào nề nếp. Hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của thành phố ngày càng được tăng cường, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường

Ngày 21 tháng 12 năm 1993, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên về lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Trên cơ sở những chính sách và văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm cụ thể hoá một số văn bản pháp luật Trung ương cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương, qua đó tăng cường hiệu lực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong 10 năm qua, thành phố đã ban hành hơn 10 văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ bản đã đáp ứng về yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố, chuyển các chính sách từ chuyên ngành sang chính sách đa ngành phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường.

Các chính sách về bảo vệ môi trường trong từng ngành, lĩnh vực cũng được quan tâm đúng mức và góp phần giải quyết các vụ việc ô nhiễm môi trường trong thành phố. Trong lĩnh vực môi trường công nghiệp, thành phố đã ban hành chính sách quản lý ô nhiễm công nghiệp làm nền tảng cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp và chính sách bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm đảm bảo môi trường đối với các hoạt động công nghiệp trong các khu công nghiệp ở Đà Nẵng.

Để góp phần cải thiện bộ mặt thành phố, tách riêng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, thành phố bạn hành cơ chê xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là chính sách quan trọng, bước đầu đã góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện môi trường xanh, sạch, đẹp tại thành phố Đà Nẵng. Chính sách này được ban hành cùng thời điểm với quá trình đô thị hoá mạnh mẽ tại thành phố, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, điển hình là thực hiện tốt công tác di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải nhằm giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đối với hoạt động du lịch, dịch vụ, thành phố đã ban hành chính sách để chỉ đạo việc quản lý hoạt động đu lịch tại các bãi biển, điểm và khu du lịch theo hướng văn minh, trật tự và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là những chính sách rất quan trọng trong lĩnh vực du lịch đã có sự vận dụng khá tốt để điều chỉnh các hoạt động, tạo đà cho sự phát triển du lịch, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp và nhằm đáp ứng cao nhu cầu du lịch và dịch vụ trong thời gian đến.

Xuất phát từ yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố, từ năm 2003 - 2004, tình hình ô nhiễm môi trường bụi do quá trình khai thác, vận chuyên vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình gia tăng đến mức báo động, thành phố Đà Nẵng đã ban hành chính sách về đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc thực hiện các quy định nêu trên được tiến hành kịp thời, các sở, ngành liên quan đã phối hợp kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này.

Như vậy, sau 10 năm thực hiện việc xây dựng và hoàn thiện chính sách môi trường, thành phố Đà Nẵng cơ bản đã đáp ứng và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Từ chỗ xây dựng các chính sách chuyên ngành tiến tới đa ngành. Tuy nhiên, để đáp ứng cao với nhu cầu bảo vệ môi trường phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, cần phải đẩy mạnh xây dựng các chính sách đa ngành có lồng ghép bảo vệ môi trường, như là lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải, năng lượng, khai thác thuỷ sản.

Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động môi trường, công tác truyền thông môi trường là một công cụ quan trọng trong quản lý môi trường, hoạt động truyền thông được duy trì thường xuyên và đẩy mạnh từ năm 1995 đến nay. Truyền thông môi trường được thực hiện dưới hình thức chuyên đề hoặc lồng ghép trong các chương trình nghiệp vụ thường xuyên, các dự án, đề tài, đề án chuyên ngành hay đa ngành. Ngoài ra truyên thông môi trường được áp dụng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm ở Đà Nẵng. Đối tượng được tuyên truyền rất đa dạng và phụ thuộc vào mục tiêu của từng hoạt động cụ thể.

Nội dung và hình thức tuyên truyền ngày càng được chú trọng để nâng cao chất lượng truyền thông. Các nội dung truyền thông luôn đảm bảo phù hợp với đối tượng và nhu cầu thực tế, trong đó nội dung được thiết kế theo hướng từ kiến thức cơ bản, chuyên sâu, khái quát, kỹ thuật. Ngoài ra, hoạt động truyên thông ở Đà Nẵng còn đa dạng về phương pháp thực hiện, cụ thể là: Tổ chức các cuộc thi, biên soạn tờ gấp, tờ rơi, dựng panô, áp phích, mít tinh, diễu hành. Các hình thức truyền thông một chiều và hai chiều đan xen sinh động, thật sự thu hút sự quan tâm. Qua đó nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý môi trường và các cơ quan có liên quan ngày càng chặt chẽ hơn, nhận thức của nguời dân trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao góp phần cải thiện đáng kể tình tình trạng ô nhiễm môi trường của thành phố Đà Nẵng.

Thứ hai: Hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp giấy phép môi trường

Đến nay, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả nhất định. Tổng số dự án được xem xét và cấp phiếu xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường là 350 dự án, 116 dự án đã được cấp quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM (trong đó 87 cơ sở đang hoạt động và 29 dự án).

Chất lượng các báo cáo ĐTM ngày càng được nâng cao hơn, các phương án bảo vệ môi trường được thẩm định kỹ, các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định có kinh nghiệm và chuyên môn. Thủ tục thẩm định về môi trường thực hiện theo Đề án “Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa” đảm bảo theo hướng công khai các thủ tục, quy trình thẩm định, do đó đã giúp cho các tổ chức và cá nhân thuận lợi hơn khi liên hệ công tác, các hồ sơ thẩm định đều được giải quyết đúng thời hạn quy định.

Thứ ba: Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, quan trắc môi trường

Đối tượng thực hiện kiểm soát ô nhiễm là các cơ sở khai thác tài nguyên, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc các nguồn thải tại các khu vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Mục đích của giám sát là kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thành phố, từng bước chấn chỉnh các cơ sở này đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

 

Chuyên đề 6:

HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC VĂN HOÁ Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Hồ Tấn Tuấn - Hồ Thị Thiên Trang

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng

I. Khái quát về cơ sở thành lập, cơ cấu tổ chức, mục đích, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

  1. Khái niệm giám định tư pháp tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

Theo quy định tại Pháp lệnh Giám định tư pháp thì: “Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án”. Không có khái niệm cụ thể về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá, đây là một khái niệm khá mới mẻ đối với nhiều người, kể cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp có thể hiểu và đưa ra khái niệm về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa như sau:

“Giám định tư pháp về văn hóa là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành để giám định các loại hình tác phẩm văn học - nghệ thuật và văn hoá phẩm đưa ra kết luận về những vấn đề chuyên ngành văn hoá có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhăm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án”.

2. Cơ sở thành lập, cơ cấu tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

Giai đoạn trước đây, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chưa có tổ chức Giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá vì chưa có đủ đội ngũ các chuyên gia có trình độ chuyên môn để giám định các tác phâm, loại văn hoá phẩm và yêu cầu giám định trong lĩnh vực văn hoá trong giai đoạn này vẫn còn chưa nhiều.

Thực hiện Nghị định 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, ngày 13 tháng 3 năm 1990, Ủy ban nhân đân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 352/QĐ-UB về việc thành lập tổ chức giám định tác phẩm văn học - nghệ thuật và văn hoá phẩm tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cơ cấu của tổ chức giám định tư pháp về văn hoá lúc bấy giờ gồm có 05 thành viên, do Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin là giám định viên trưởng. Đến năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, việc chia tách đơn vị hành chính đã dẫn đến việc tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá cũng được chia tách thành hai tổ chức thuộc hai địa phương khác nhau. Trên cơ sở chia tách địa giới hành chính, Sở Văn hoá - Thông tin thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tiến hành xây dựng, củng cố lại tổ chức giám định tư pháp về văn hoá trên địa bàn thành phố, nhằm phục vụ yêu cầu của công tác giám định trong bối cảnh tình hình mới. Ngày 06 tháng 6 năm 2001, ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định số 69/QĐ-UB về việc thành lập tổ giám định tư pháp các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật và văn hoá phẩm nghệ thuật của thành phố, tổ giám định này bao gồm 05 thành viên, do Trưởng phòng Quản lý văn hoá Sở làm giám định viên trưởng và ngày 04 tháng 01 năm 2006 các thành viên trong tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá đã được cấp thẻ giám định viên tư pháp về văn hoá.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2006, thực hiện quy định tại Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp thì tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, tài chính kế toán, xây dựng, khoa học kỹ thuật hình sự được thành lập theo Nghị định số 117/HĐBT ngày 21 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp được giải thể theo quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”, do đó, tổ chức giám định tư pháp về văn hoá trực thuộc Sở Văn hoá - Thông tin thành phố Đà Nẵng được giải thể, các giám định viên tư pháp trong lĩnh vực hoạt động giám định độc lập theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Giám định viên tư pháp.

  1. Mục đích, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

Hoạt động giám định tư pháp về văn hoá thông thường bao gồm các hoạt động sau:

  • Giám định sách, báo, tạp chí, lịch, bản đồ, các loại tài liệu, văn bản thuộc mọi lĩnh vực, được ấn loát, đánh máy, chép tay hoặc được sao chép bằng mọi hình thức. Bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ các đồ án thiết kế những công trình đơn thuần, dân dụng.
  • Giám định các loại tranh thông thường hoặc tranh nghệ thuật, tác phẩm mỹ thuật các thể loại: đồ họa, khắc kẽm, khắc gỗ, sơn khắc, sơn dầu, sơn mài, điêu khắc, khảm trai và bằng các chất liệu đá, gỗ, xương, gốm sứ, sành, thuỷ tinh, vải, lụa, giấy, kim loại, than đá, thạch cao...
  • Giám định phim điện ảnh đã quay, phim chụp ảnh đã chụp, ảnh thông thường, ảnh nghệ thuật, phim đèn chiếu, các loại băng Video đã ghi. Các loại băng Cassette, băng cối đã ghi, đĩa mềm máy vi tính, các loại băng đĩa đã ghi tiếng, ghi hình hoặc ghi mã số khác.
  • Giám định đồ thủ công mỹ nghệ thuộc các thể loại và chất liệu. Đồ thờ cúng, bản phiên các loại đồ cổ bằng mọi chất liệu.

Mục đích của các hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá nêu trên nhằm phục vụ cho việc xem xét, phân tích các tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm có mang nội dung đồi truỵ, phản động chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không, có phải di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là nguyên bản, nguyên gốc hay là đồ giả cổ, đề copy, phiên bản và trên cơ sở đó đưa những kết luận về chuyên môn theo trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá là một hoạt động bổ trợ tư pháp, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, thông qua đó góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong việc giải quyết các vụ án nói chung.

  1. Đánh giá thực trạng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá từ khi được thành lập đến nay
  1. Thực trạng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm qua

Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, văn hoá đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Xu thế hội nhập, giao lưu văn hoá với nước ngoài được thúc đẩy tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự quảng bá nền văn hoá Việt Nam ra thế giới, đồng thời nền văn hoá trong nước cũng có điều kiện tiếp xúc, thu nhận những tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu, làm phong phú thêm cho văn hoá dân tộc.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nhờ mở rộng giao lưu, trao đổi, các sản phẩm văn hoá được lưu hành, phổ biến rộng rãi trên thị trường, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. vấn đề tiếp thu, giao nhận văn hoá diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình và nhiều cách trao đổi. Trong đó, cách thông thường hay được sử dụng nhất là thông qua con đường xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm văn hoá.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nhiều vấn đề bất cập cũng nảy sinh, một số loại văn hoá phẩm có nội dung không lành mạnh nhập lậu đã lưu hành tràn lan trên thị trường. Nhiều văn hoá phẩm in, sang lậu tại nước ngoài sau đó vận chuyển trái phép về Việt Nam qua các đường khác nhau, phần lớn là những văn hoá phẩm độc hại, đồi trụy, phản động làm cho tình hình quản lý hết sức khó khăn. Trong những năm qua đã có nhiều vụ án được truy tố, xét xử liên quan đến việc kinh doanh, buôn lậu văn hoá phẩm..., công tác giám định tư pháp về văn hoá trên địa bàn thành phố cũng đã được thực hiện nhằm giải quyết những vụ án đã xảy ra.

Trong quá trình mở cửa, giao lưu và hội nhập của đất nước, với sự tác động của nền kinh tế thị trường, vấn đề quản lý văn hoá trên cả nước nói chung, ở thành phố Đà Nẵng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, các loại hình văn hoá phẩm như sách báo, băng, đĩa ca nhạc, phim ảnh đồi trụy, phản động từ nước ngoài chuyển vào, đến các sách báo, tài liệu phản động từ trong nước chuyển ra, rồi việc buôn bán cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia, khai thác trái phép cổ vật, di vật... diễn ra khá nhiều. Tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước tình trạng trộm cắp cổ vật gia tăng liên tục ở mức báo động, nhiều tượng phật, đồ thờ tự, sắc phong ở tại các đình, chùa bị trộm cắp như ở Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định... Bên cạnh việc cổ vật trong di tích bị mất cắp, nạn đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học cũng đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Một số di chỉ khảo cổ học ở An Giang, Lâm Đồng, các lăng mộ ở các tỉnh miền Trung... đã trở thành mảnh đất bị đào bới dữ dội để tìm cổ vật. Thị trường đen về buôn bán cổ vật được hình thành nhưng tệ nạn buôn bán trái phép chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp xử lý triệt để và việc xử lý chưa nghiêm khiến cho những đối tượng hoạt động buôn bán trái phép cổ vật văn hoá vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhiều cửa hàng ở các trung tâm du lịch lớn trong đó có thành phố Đà Nẵng, bày bán công khai cổ vật nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý. Khách nứóc ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu mua cổ vật tăng theo, kẻ xấu từ đó cũng lợi dụng buôn bán kiếm lời, trong khi đó, trình độ nghiệp vụ và khả năng giám định cổ vật của cán bộ ở các địa phương, của Hải quan cửa khẩu chưa cao nên còn để thất thoát nhiều cổ vật...

Trong vòng 10 năm qua, kể từ khi tách tỉnh đến nay, Sở Văn hoá - Thông tin thành phố Đà Nẵng đã nhận được yêu cầu giám định và đã thực hiện giám định trên 350 văn hoá phẩm các loại gồm băng video, băng casette, đĩa VCD, DVD, sách, báo, tạp chí, tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài mang nội dung phản động và đồi trụy và hơn 600 cổ vật bằng chất liệu đồng, gốm, sứ các loại, theo quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan: Công an thành phố, Công an các quận, huyện, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố.

Sau đây là bảng thống kê số lượng văn hoá phẩm và số lượng cổ vật đã giám định từ năm 1997 đến nay:

Năm

Quyết định trưng cầu giám định

Cơ quan, đơn vị

Nội dung yêu cầu giám định

1998

QĐ số 311/AN ngày 27/3/1998

CA quận Sơn Trà

03 băng video

QĐ số 05 ngày 11/4/1998

CA Tp Đà Nẵng

01 băng video

QĐ số 09 ngày 6/5/1998

CA Tp Đà Nẵng

03 sách về tôn giáo, 04 thư ngỏ, 01 tập báo, 02 băng vídeo, 10 băng cassette

QĐ số 12 ngày 21/5/1998

CA Tp Đà Nẵng

01 băng video

QĐ số 29/AN ngày 10/9/1998

CA Q. Hải Châu

01 băng video, 12 tập tài liệu

QĐ số 21 ngàv 10/9/1998

CA Tp Đà Nẵng

41 băng cassette

QĐ số 26 ngày 19/11/1998

CA Tp Đà Nẵng

36 tập thơ, tài liệu, bản tin, truyện thuyết giảng đạo phật, Thiên Chúa.

1999

QĐ sô 03 ngày 14/4/1999

CA Tp Đà Nẵng

01 băng video

QĐ số 06 ngày 27/7/1999

CA Tp Đà Nẵng

02 băng video

QĐ số 07 ngày 17/8/1999

CA Tp Đà Nẵng

02 băng video

QĐ số 08 ngày 30/8/1999

CA Tp Đà Nẵng

04 băng video

QĐ số 10 ngày 27/9/1999

CA Tp Đà Nẵng

03 băng video

2000

QĐ số 02 ngày 18/01/2000

CA Tp Đà Nẵng

06 băng video, 04 đĩa VCD

QĐ số 04 ngày 13/3/2000

CA Tp Đà Nẵng

01 băng video

QĐ sổ 06 ngày 26/5/2000

CA Tp Đà Nẵng

79 băng video

QĐ số 15 ngày 23/6/2000

CA Tp Đà Nẵng

04 băng video

QĐ số 10 ngày 22/9/2000

Đội KT LN 814

01 băng video

QĐ số 11 ngày 26/10/2000

Đội KT LN 814

05 băng video

2001

QĐ số 01 ngày 05/3/2001

CA Q. Thanh Khê

01 băng video

QĐ số 55 ngày 22/05/2001

Đội KT LN 814

02 băng video

QĐ số 35 ngày 18/6/2001

CA Q. Thanh Khê

26 băng video, 02 đĩa VCD

QĐ số 27 ngày 08/8/2001

CA Q. Hải Châu

15 đĩa VCD

QĐ số 342 ngày 20/8/2001

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tp ĐN

08 đĩa VCD

2002

QĐ số 10/CV ngày 7/1/2002

CA Q. Thanh Khê

03 đĩa VCD

QĐ số 02 ngày 25/11/2002

CA Q. Hải Châu

06 đĩa VCD

QĐ sổ 2300 ngày 14/8/2002

PA.25 - CA Tp Đà Nẵng

21 hiện vật bằng đồng

2003

QĐ số 26 ngày 07/04/2003

CA Q. Thanh Khê

42 đĩa VCD

Ngày 01/10/2003

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tp ĐN

383 hiện vật gốm, sứ

2004

Ngày 19/01/2004

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tp ĐN

234 hiện vật gốm, sứ

2006

QĐ số 08 ngày 13/9/2006

CA Tp Đà Nẵng

16 tập tài liệu tiếng Việt

2007

QĐ số 69/PA25 ngày 27/3/2007

CA Tp Đà Nẵng

03 đĩa VCD

 

Nhận xét:

Qua việc thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá như đã trình bày ở trên thỉ trong 10 năm qua (1997 - 2007), năm nào cũng nhận được công văn hoặc quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng ở các đơn vị quận, huyện cũng như thành phố, chỉ riêng năm 2005 là không có yêu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng. Qua số liệu được trưng cầu giám định cho thấy, số lượng văn hoá phẩm cũng như hiện vật được yêu cầu giám định càng về sau này ít dần, nhiều nhất là vào các năm 1998, 2002 và 2003 và chủ yếu tập trung vào việc giám định băng đĩa có nội dung kích dục, đồi trụy, các tài liệu phản động, xuyên tạc, đả kích chế độ, chỉ có một số ít trưng cầu giám định hiện vật gốm, sứ, đồng.

  1. Những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

2.1. Những khó khăn trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

  • Về trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho hoạt động giám định:

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định chưa được đầu tư đúng mức. Phương tiện vật chất để giúp cán bộ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hoá thực hiện công tác giám định các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật, văn hoá phẩm như băng, đĩa, sách, báo, tạp chí, tài liệu... còn phụ thuộc vào các trang thiết bị của cơ quan như đầu máy, màn hình ti vi…có những trường hợp muốn thực hiện việc giám định các ấn phẩm văn hoá có tính chất đặc thù cần thẩm định phải sử dụng nhờ trang thiết bị của các Tổ chức, cơ quan khác, ví dụ như trong năm 1998, tổ giám định đã nhận các quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan như:

  1. Tờ trình về việc kiểm tra giám định băng hình số: 311/AN ngày 27/3/1998 của ông Thiếu tá Lê Hùng, phó trưởng Công an quận Sơn Trà, giám định 03 băng video có nội dung kích động nhân dân, chông nhà nước CHXHCNVN, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, mang tính phản động.
  2. Trưng cầu giám định số: 05 ngày 11/4/1998 của ông Trương Văn Thanh, Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT Công an thành phố Đà Nẵng trưng cầu giám định 01 băng video có nội dung kích dục, mang tính đôi trụy.
  3. Quyết định trưng cầu giám định số 09 ngày 6/5/1998 của ông Huỳnh Kim Như, Phó Thủ trưởng thứ nhất, cơ quan ANĐT thành phố Đà Nẵng về việc trưng cầu giám định:      
  • 03 sách có nội dung tôn giáo.
  • 04 thư ngỏ

- 01 tập báo

  • 02 băng video
  • 10 băng cassette.
  1. Trưng cầu giám định số: 12 ngày 21 /5/1998 của ông Huỳnh Kim Như, Phó Thủ trưởng thứ nhất, cơ quan ANĐT công an thành phố Đà Nẵng trưng cầu giám định 01 băng video có nội dung kích dục, mang tính đồi trụy.
  2. Công văn số: 29/AN ngày 10/9/1998 của ông Nguyễn Đình Chính, Phó Trưởng công an quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng về việc trưng cầu giám định 01 băng video phim truyện, có ghi cảnh làm tình, kích dục.
  3. Quyết định trưng cầu giám định số 21 ngày 10/9/1998 của ông Huỳnh Kim Như, Phó Thủ trưởng thứ nhất, cơ quan ANĐT công an thành phố Đà Nẵng trưng cầu giám định 12 tập tài liệu mang tính phản động.

7. Quyết định trưng cầu giám định số 26 ngày 19/11/1998 của ông Huỳnh Kim Như, Phó Thủ trưởng thứ nhất, cơ quan ANĐT công an thành phố Đà Nẵng trưng cầu giám định:

  • 41 băng cassette
  • 36 tập thơ, tài liệu, bản tin, truyện thuyết giảng đạo Phật, Thiên Chúa.

Tổng cộng trong năm 1998, giám định 08 băng video, 03 sách, 53 tập thơ, tài liệu, truyện, 51 băng casette.

Trong quá trình giám định phải nhờ đến phương tiện máy móc của Bảo tàng Đà Nẵng như đầu máy, máy casette, máy quay phim Hi8, để nghe và xem các băng đĩa, băng video loại nhỏ... Bên cạnh những tài liệu bằng tiếng Việt còn có các tài liệu, sách, báo bằng tiếng nước ngoài như Nhật, Anh, Pháp, Trung, kể cả tiếng của đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên..để đảm tính pháp lý và khoa học của bản dịch, Tổ giám định phải nhờ đến những người giỏi về ngoại ngữ để dịch, riêng tiếng và chữ viết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Gia-rai, Ê-đê, Ba na... phải nhờ các chuyên gia ở các Sở Văn hóa - Thông tin như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông... biên dịch giúp.

Trong công việc giám định đồ cổ hầu như không có phương tiện để phục vụ cho công tác giám định, cán bộ làm công tác chuyên môn tự trang bị các thiết bị cần thiết như máy ảnh, kính lúp, thước đo, bút, giấy vẽ. Đối với những cổ vật bằng các chất liệu như đồng, gốm sứ có giá trị và khó xác định niên đại bằng kinh nghiệm và mắt thường phải nhờ các chuyên gia và máy móc kỹ thuật của các Viện, Trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội như Viện Khảo cổ học để đo bằng phương pháp Các bon C14... Cụ thể trong năm 2002, thực hiện việc trưng cầu giám định của Phòng PA.25, Cơ quan Công an thành phố về xác định niên đại 21 hiện vật bằng đồng gồm các loại hình giáo, mác, rìu, ly, tách đựng rượu có niên đại từ thời nhà Hán (thế kỷ II) trước công nguyên và năm 2003 theo quyết định trưng cầu giám định của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố về giám định 383 hiện vật bằng gốm sứ. Do thiếu phương tiện máy móc để xác định cụ thể niên đại phục vụ cho công tác tố tụng, Sở Văn hoá - Thông tin đã chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng mời các chuyên gia ở Viện Khảo cổ học - Hà Nội tham gia công tác giám định, đồng thời gởi các mẫu hiện vật ra Hà Nội để đo bằng phương pháp phóng xạ các bon C14, nhằm xác định niên đại và xem hiện vật đó là hiện vật giả cổ hay hiện vật thật.

Chính những yếu tố thiếu thốn về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám định đã tạo ra tình trạng các giám định viên tư pháp về văn hoá trong quá trình thực hiện công tác giám định, thẩm định nội dung yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đôi khi còn chậm trễ về thời gian thực hiện giám định, không thể đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến tiến trình tiến hành tố tụng.

  • Về cơ chế chính sách:

Những khó khăn thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá một phần là do chưa có cơ chế chính sách, chưa có quy định cụ thể về việc bảo đảm trang thiết bị cơ sở vật chất cho hoạt động giám định trong lĩnh vực này, một phần chưa co sự quan tâm đung mức của các Bộ, ngành hữu quan để đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu về quy chuẩn chuyên môn để thực hiện công tác giám định trong lĩnh vực văn hoá mặc dù Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP đã quy đinh về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho đội ngũ giám định tư pháp, nhưng các quy đinh này còn chung chung và Bộ Tài chính cũng chưa có quy định cụ thể về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng giám định tư pháp, do đó việc thực hiện chế độ bồi dưỡng cho các giám định viên tư pháp văn hoá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua là không nhiều, đôi khi các giám định viên còn phải làm việc ngoài giờ nhưng không được tăng thêm về chế độ bồi dưỡng.

Ngoài ra, việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn giám định tư pháp cho đội ngũ cán bộ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hoá vẫn chưa được chú trọng, chưa được quan tâm đúng mức, do đó chưa tạo được động lực chưa khuyến khích được các chuyên gia, những người có chuyên môn tích cực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá, họ chưa thấy hết được vai trò, tâm quan trọng của công tác giám định tư pháp trong việc góp phần tăng cường pháp chế và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, ngoài công tác chuyên môn ra thì việc thực hiện công tác giám định tư pháp về văn hoá của đội ngũ giám định viên là công việc kiêm nhiệm, do đó gặp không ít khó khăn trong việc phân bổ thời gian để thực hiện công tác này. Từ năm 2006, khi tổ giám định tư pháp về văn hoá trên địa bàn thành phố bị giải thể thì việc thực hiện công tác giám định tư pháp trpng lĩnh vực văn hoá lại càng khó khăn, vì đội ngũ giám định này phải hoạt động và làm việc độc lập, không có giám định viên trưởng, đồng thời không có tổ giám định thì khó quy tụ các giám định viên cùng bàn bạc, thảo luận và cùng chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm trong việc thực hiện công tác giám định, chính vì vậy đã hạn chế phân nào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của cỗng tác giám định. Vừa qua, khi thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu giám định của các cơ quan, đơn vị đang thụ lý hồ sơ để tiến hành tố tụng; lãnh đạo Sở văn hoá – Thông tin rất lúng túng trong việc cử người làm giám định viên trưởng để Tổ chức, thực hiện việc giám định.

  1. . Những thuận lợi trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

Tuy điều kiện vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nhưng Tổ giám định được lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện về thời gian, dành thời gian cho việc thực hiện công tác giám định, đồng thời cũng tạo điều kiện làm việc với các tổ chức, cơ quan chuyên môn khác, nhằm đem lại kết quả chuyên môn cao và có tính khoa học, phục vụ cho công tác tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua đội ngũ cán bộ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn thành phố đã từng bước được rà soát, củng cố sắp xếp lại. Đội ngũ cán bộ giám định viên tư pháp văn hoá làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, tiếp thu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, an tâm công tác, không ngại khó khăn vất vả để hoàn thành công việc giám định được giao.

Giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thực hiện việc giám đinh đã có sự phối hợp nhanh chóng và nhịp nhàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ qua đó đã giúp cho công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá từng bước được ổn định, đáp ứng được yêu cầu trước mắt của địa phương.

  1. Xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá:
  1. Xu hướng chung

Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, một trong những quan điểm được quán triệt để thực hiện mục tiêu nói trên là “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân. Từng bước thực hiện xã hội hóa một số hoạt động của cơ quan tư pháp”.

Để lập thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, tạo cơ sở pháp lý nâng cao vai trò và hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới phải hướng đến mục tiêu sau:

Một là, phải đảm bảo tính “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội dưới sự quản lý của Nhà nước”, giảm bớt chi phí từ ngân sách, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp nhằm phục vụ đắc lực cho việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật trong điều kiện cải cách tư pháp.

Hai là, mở rộng đối tượng được trưng cầu giám định, cho phép các tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về con người, trang thiết bị, phương tiện giám định đều có thể tham gia vào hoạt động giám định tư pháp mà không phân biệt là thuộc nhà nước hay không thuộc nhà nước, đa dạng hoá sự lựa chọn trong quan hệ cung cầu nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của hoạt động tố tụng, góp phần đắc lực vào quá trình cải cách tư pháp ở nước ta.

Ba là, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.

  1. Quan điểm của tổ chức về xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá

Khi nói đến xã hội hoá hoạt động tư pháp về văn hoá, thiết nghĩ cũng cần nói đến nhận thức chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá. Ở đây, xã hội hoá hoạt động văn hoá là nhằm huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi thành phần kinh tế xã hội cùng tham gia sáng tạo và phát triển sự nghiệp văn hoá, là đa dạng hoá, dân chủ hoá nhưng không có nghĩa là thương mại hoá hoạt động văn hoá. Xã hội hoá là chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân, tổ chức tập thể, tư nhân làm, nhưng Nhà nước không giảm nhẹ trách nhiệm quản lý của mình. Xã hội hoá hoạt động văn hoá được thực hiện với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế liên doanh liên kết với các đơn vị nhà nước, hoặc tự bỏ vốn để sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá và thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hoá về văn hoá, hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành văn hoá - thông tin đều mở ra các cơ chế mới thu hút các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hoá trên nhiều lĩnh vực lĩnh như: xuất bản - in - phát hành sách, điện ảnh, bảo tàng, thư viện, biểu diễn nghệ thuật, mỹ thuật, bản quyền tác giả, kinh doanh dịch vụ văn hoá, và lĩnh vực đào tạo... Tuy nhiên, cho đến nay lĩnh vực giám định tư pháp về văn hoá chưa đặt ra vấn đề về nhu cầu xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở thống kê số liệu những trường hợp yêu cầu giám định trong lĩnh vực văn hoá những năm qua, bao gồm yêu cầu giám định các tác phẩm văn hoá nghệ thuật cũng như giám định các cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia... cho thấy sự cần thiết phải xã hội hoá lĩnh vực giám định tư pháp về văn hoá, một mặt để mở rộng lực lượng xã hội tham gia hoạt động giám định tư pháp về văn hoá, đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động này, một mặt, tạo được môi trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trước pháp luật, qua đó thúc đẩy được các lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động giám định tư pháp nhằm giúp hoạt động này phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng được các tổ chức giám định đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, huy động được các chuyên gia, nhà khoa học, những nhà hoạt động thực tiễn giỏi tham gia vào lĩnh vực này, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao mà xã hội đặt ra.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực trạng về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua, có thể đưa ra một số đánh giá về những thuận lợi, khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp như sau:

  1. Thuận lợi trong quá trình xã hội hoá hoạt động giám định về văn hoá:

Như phân tích trên cho thấy, việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá sẽ góp phần mở rộng lực lượng xã hội tham gia vào công tác giám định tư pháp thông qua việc huy động được các chuyên gia, nhà khoa học, những nhà hoạt động thực tiễn giỏi tham gia vào lĩnh vực này. Do đó, khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu về giám định tư pháp có thể dễ dàng hơn trong việc lựa chọn cá nhân, Tổ chức giám định tư pháp có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu công việc mà họ đặt ra. Bên cạnh đó, một khi hoạt động này được xã hội hoá, thì bên cạnh các tổ chức giám định tư pháp của các cơ quan nhà nước và các giám định viên tư pháp hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan nhà nước, các Tổ chức tư nhân có thể thành lập tổ chức giám định tư pháp của riêng mình hoặc cá nhân có thể đăng ký để đưọc bổ nhiệm giám định viên tư pháp và khi đó để phục vụ cho công việc mang tính chất dịch vụ của mình, các tổ chức, cá nhân nay sẽ tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại, cũng như đầu tư về nhân lực để phục vụ công tác giám định được tốt hơn, cho những kết quả giám định có tính chính xác cao. Từ đó cho thấy, việc xã hội hoá hoạt động giam định tư pháp sẽ góp phần bổ trợ cho các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết tốt các vụ án, mặt khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho người dân, cơ quan tiến hành tố tụng hơn khi được tự do lựa chọn tổ chức, cá nhân giám định đáp ứng nhu cầu công việc mình.

Một khía cạnh thuận lợi khác của công tác xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp cần đề cập đến ở đây, đó là một khi nhà nước đã đề ra chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp, nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng trong xã hội tham gia vào công tác này, nhà nước sẽ không “bao thầu” tất cả mọi công việc như trước đây nữa, như vậy sẽ tạo ra môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, không kể trong hay ngoài cơ quan nhà nước, không kể giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài. Đây là một yếu tố góp phần thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng dịch vụ giám định. Việc phát triển của các tổ chức giám định sẽ góp phần chia sẻ và hỗ trợ các thông tin, kinh nghiệm trong quá trình cung cấp dịch vụ giám định, đẩy nhanh tôc độ phát triển của loại hình này, đồng thời cũng đảm bảo cho việc phát triển mang tính định hướng, bền vững theo chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

  1. Khó khăn trong quá trình xã hội hoá hoạt động giám, định về văn hoá
  • Về  hoàn thiện pháp luật liên quan đến giám định tư pháp:
  • Nghị định số 67/2005/NĐ-CRngày 19/5/2005 của Chính phửcpy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp đã cho phép các Tổ chức giám định tư pháp thực hiện việc giám định theo yêu cầu của các tổ chức và cá nhân. Quy định này mở ra “hành lang” để người có nhu cầu giám định và các tổ chức giám định có thể gặp được nhau. Việc cho phép các tổ chức giám định tư pháp có thể nhận giám định theo yêu cầu giám định của các cá nhân, tổ chức tháo gỡ khó khăn cho chính các tổ chức giám định. Đồng thời, quy định này cũng giúp cho nhiều tổ chức, cá nhân thoát khỏi “cơn khát” nhu cầu về giám định phục vụ cho các giao dịch dân sự, kinh tế. Theo quy định của Nghị định này, các kết luận giám định xuất phát từ việc yêu cầu của các tổ chức và cá nhân được thực hiện theo các quy chuẩn về chuyên môn của từng lĩnh vực, nhưng trình tự nhận và thực hiện yêu cầu giám định hiện nay vẫn được thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp. Tuy nhiên, các kết luận giám định do cá nhân, Tổ chức yêu cầu không được coi là giám định tư pháp, mặc dù về thực chất thì hoạt động giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức vẫn thực hiện theo các quy định chung của pháp luật về giám định tư pháp. Chỉ với sự khác biệt nhỏ này giữa các kết luận giám định trong và ngoài tố tụng sẽ có những hệ quả khiến cơ quan tiến hành tố tụng phải lựa chọn. Khi các tổ chức, cá nhân và cả các cơ quan nhà nước có nhu cầu giám định để sử dụng trong các giao dịch kinh tế, dân sự, phục vụ công tác quản lý nhà nước thì các kết luận giám định ngoài tố tụng được coi là những tài liệu, chứng cứ rất quan trọng đối với các giao dịch kinh tế dân sự và công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt là các kết luận giám định ngoài tố tụng được yêu cầu giám định, được ban hành và sử dụng một cách hợp pháp như vậy thì chẳng có lý do gì để không sử dụng các kết luận này làm chứng cứ khi nó liên quan đến việc giải quyết các vụ án dân sự, hình sự... Do đó, trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, nếu một khi đã có kết luận giám định do cá nhân tổ chức yêu cầu thì việc cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại là không cần thiết, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc. Vì bản chất của các kết luận giám định là các kết luận khoa học, ai yêu cầu giám định thì kết quả cũng vậy. Hơn nữa, giám định tư pháp hay giám định ngoài tố tụng cũng đều do các tổ chức giám định thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Giám định Tư pháp và Nghị định 67/2005/NĐ-CP. Nên cá nhân, tổ chức yêu cầu hay cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu không làm thay đổi bản chất của các kết luận giám định đó. Nhưng đặt giả thiết ngược lại, nếu cơ quan tiến hành tố tụng không cần trưng cầu giám định lại mà sử dụng kết luận giám định do cá nhân, Tổ chức yêu cầu thì giữa giám định tư pháp và giám định ngoài tố tụng chẳng có sự khác biệt nào và sự phân biệt về hai loại kết luận giám định này theo quy định pháp luật lại là quy định thừa. Chính những mâu thuẫn trên đã tạo ra khó khăn cho chính các cơ quan tố tụng, vì thế nội dung này cần được từng bước khắc phục trong quá trình hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp, thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật về giám định tư pháp, mở rộng phạm vi, đối tượng được quyền trưng cầu giám định sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp. Do đó, để đáp ứng nhu cầu xã hội hoá các lĩnh vực giám định tư pháp trong giai đoạn sắp tới, thiết nghĩ bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các hoạt động giám định: tư pháp của Tổ chức giám định của các cơ quan nhà nước và giám định viên tư pháp kiêm nhiệm trong các cơ quan nhà nước thì việc mở rộng, tạo điêu kiện thuận lợi cho việc thực hiện giám định ngoài tố tụng của các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp về văn hoá nói riêng.
  • Kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển, nền kinh tế ngày càng có sự chuyển đổi theo chiều hướng đi lên, khoa học kỹ thuật phát triển, nhưng cũng từ đó thì việc phát sinh tội phạm và các tranh chấp cũng xảy ra ngày càng nhiều, theo chiều hướng ngày càng tinh vi, xảo quyệt và ngày càng phức tạp, công tác giám định tư pháp ở nước ta chưa đủ khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu thực tế đặt ra. Mặc dù Pháp lệnh Giám định tư pháp, Nghị định số 67/2005/NĐ-CP đã được ban hành, là cơ sở pháp lý quan trọng tạo ra những bước chuyển mình cơ bản trong công tác giám định tư pháp, giải quyết những khó khăn, vướng măc trong tổ chức, cũng như trong hoạt động giám định tư pháp, tuy nhiên các quy định có liên quan đến giám định tư pháp cũng chỉ dừng lại ở những quy định có tính chất nguyên tắc chung, chưa có quy định cụ thể trong từng lĩnh vực giám định chuyên ngành, chưa có quy định cụ thể về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho người thực hiện giám định, cũng như chưa có quy định về quy chuẩn chuyên môn trong từng lĩnh vực, các Bộ, ngành hữu quan, cũng như chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác Tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, chưa ban hành được những cơ chế chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá nói riêng. Đây là một trong những khó khăn khi tiến hành thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp.
  • Về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp:

Công tác quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp trên lĩnh vực văn hoá trong quá trình xã hội hoá thời gian đến sẽ gặp những khó khăn nhất định đối với việc quản lý về tổ chức, hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng giám định tư pháp. Một khi loại hình dịch vụ giám định xuất hiện, thì các Tổ chức này có thể vì lợi ích kinh tế, vì mục đích lợi nhuận mà họ có thể đưa ra các kết luận giám định sai lệch, gây ra tình trạng xét xử không đúng người đúng tội và dẫn đến khiếu nại của các đương sự. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động này, tuy nhiên phải có cơ chế quản lý một cách có hiệu quả.

  1. Lộ trình, phạm vi xã hội hoá lĩnh vực văn hoá

Từ những phân tích nêu trên về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá nói riêng mà việc thực hiện xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp phải được tiến hành từng bước và theo một lộ trình hợp lý.

3.1. Những công việc cần thực hiện để xây dựng lộ trình xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp về văn hóa trên địa bàn thành phố:

  • Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá cần xây dựng kế hoạch rà soát, củng cố lại đội ngũ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp để huy động các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực văn hoá tham gia vào công tác giám định tư pháp.
  • Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên môn nghiệp vụ giám định tư pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định trong lĩnh vực văn hoá, kết hợp với việc đào tạo kiến thức pháp luật phục vụ cho công tác giám định đạt hiệu quả; có chế độ bồi dưỡng, phụ cấp phù hợp cho đội ngũ làm công tác giám định tư pháp để khuyến khích đội ngũ này tích cực tham gia vào công tác giám định.
  • Thứ ba, cần có chính sách, cơ chế phù hợp để hỗ trợ, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá.

Từ việc phân tích thực trạng và những công việc phải thực hiện để xã hội hoá hoạt động giám định nêu trên, có thể xây dựng lộ trình thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo hướng sau:

+ Giai đoạn 1: Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp, ví dụ như: các chính sách về phụ cấp, bồi duỡng cho giám định viên tư pháp; chính sách về hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giám định; chính sách bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên tư pháp; xây dựng quy định, tiêu chuẩn về quy chuẩn chuyên môn trong từng lĩnh vực giám định làm cơ sở cho giám định viên khi thực hiện nghiệp vụ giám định tư pháp...

+ Giai đoạn 2: Tiến hành rà soát, củng cố lại tổ chức, hoạt động của đội ngũ giám định viên tư pháp về văn hoá trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó đề xuất Kế hoạch phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp về văn hoá thông qua việc xây dựng các chính sách để thu hút đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hoá tham gia vào công tác giám định tư pháp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ khả năng tham gia vào công tác này.

+ Giai đoạn 3: Phát huy vai trò quản lý nhà nước khi thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp. Chính quyền địa phương cần xây dựng định hướng xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp phù hợp với bối cảnh chung của đất nước và phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia vào công tác này. Đồng thời, tiến hành xét công nhận các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng và công bố công khai danh sách các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ.

  1. Phạm vi xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp

Trong công tác xã hội hoá giám định tư pháp về văn hoá trong thời gian đến; trước hết cần phải xã hội hoá công tác giám định cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia, vì hiện nay, theo Luật Di sản văn hoá đã cho phép xây dựng các bảo tàng tư nhân, các sưu tập tư nhân. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có khoảng 3 nhà sưu tập tư nhân đang xin thành lập bảo tàng tư nhân. Việc xã hội hoá lĩnh vực giám định cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia (gọi tắt là giám định cổ vật) sẽ thu hút các nhà sưu tập tư nhân, những người yêu thích cổ vật cùng hợp tác giám định, cùng chia sẻ kinh nghiệm và Tổ chức trưng bày cô vật, xây dựng các bảo tàng tư nhân thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực giám định sách, báo, tạp chí, lịch, bản đồ, các tài liệu thuộc mọi lĩnh vực, các loại tranh thông thường hoặc tranh nghệ thuật, tác phẩm mỹ thuật các thể loại, đồ thủ công mỹ nghệ thuộc các thể loại cũng có thể tiến hành xã hội hoá trong lĩnh vực này nếu tổ chức, cá nhân có khả năng thực hiện việc giám định đó.

Xu hưóng sắp tới, bên cạnh các tổ chức, cá nhân có chức năng thực hiện giám định ở trong nước, có thể huy động, khuyến khích các tổ chức nước ngoài tham gia vào công tác giám định văn hoá trong trường hợp các Tổ chức, cá nhân giám định trong nước không thực hiện được việc giám định đó, nhất là trong lĩnh vực giám định về các tài liệu, tranh ảnh nghệ thuật, tác phẩm mỹ nghệ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, tác phẩm.

Tuy nhiên, riêng lĩnh vực giám định các tài liệu, phim ảnh có nội dung tuyên truyền chống phá, đả kích chế độ thì công tác xã hội hoá trong lĩnh vực này cần được xem xét, cân nhắc việc cần thiết xã hội hoá lĩnh vực này hay không vì tính chất nhạy cảm của các tài liệu, phim ảnh được yêu cầu giám định, để đảm bảo tính bí mật quốc gia, bảo đảm không bị phát tán ra bên ngoài, do đó công tác giám định đối với lĩnh vực này thiết nghĩ không nên thực hiện xã hội hoá giám định, việc giám định này vẫn nên giao cho giám định viên thuộc cơ quan nhà nước thực hiện.

  1. Định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá ở thành phố trong thời gian tới
    1. Định hướng chung

Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giám định viên tư pháp cũng như cho công tác giám định tư pháp và các quy chuẩn về giám định tư pháp trong lĩnh vực về văn hoá.... theo lộ trình xã hội hoá đã đề ra, chính quyền địa phương sẽ xây dựng Kế hoạch để phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn thành phố, ban hành các quy định về chính sách ưu đãi, thu hút những chuyên gia giỏi, những người có trình độ, tâm huyết với công việc giám định tư pháp tham gia vào đội ngũ giám định viên tư pháp về văn hoá nhằm mục tiêu củng cố và phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp về văn hoá cả về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở đó, sẽ ban hành quy chế hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng làm cơ sở để các giám định viên tư pháp về văn hoá hoạt động một cách quy mô chặt chẽ, hiệu quả hơn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các giám định viên khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một giám định viên tư pháp.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ khả năng thực hiện việc giám định văn hoá tham gia vào hoạt động giám định tư pháp, kiến nghị, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để tổ chức các lớp tập huấn vừa bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ giám định cũng như kiến thức pháp luật để phục vụ chọ công tác giám định được tốt hơn, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá để các giám định viên, các nhà chuyên gia có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình thực hiện công tác giám định tư pháp.

Ngoài ra, để xã hội nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố, chính quyền thành phố cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá, phổ biến trong mọi người dân về chế độ, chính sách ưu đãi, đãi ngộ của nhà nước đối với các chuyên gia giỏi khi tham gia vào công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, qua đó sẽ thu hút được các chuyên gia giỏi tham gia vào công tác này.

  1. Định hướng, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá trong thời gian tới
  • Nên chăng thành lập lại tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá, để những người làm công tác giám định có được một tổ chức để hoạt động, làm việc, trao đổi chuyên môn và quy tụ những người yêu thích công việc giám định như giám định cổ vật, di vật... góp phần vào công tác xã hội hoá giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hoá.
  • Trong công tác giám định tư pháp về văn hoá nói riêng, công tác giám định tư pháp nói chung cần có chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng cho các giám đinh viên xứng đáng và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất để giám định viên làm việc, có như thế bản thân người giám định viên mới yên tâm làm việc và công tác giám định mới có kết quả tốt.
  • Riêng trong công tác giám định cổ vật, để làm tốt công tác xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp về văn hoá, cụ thể về giám định cổ vật, đề nghị:

+ Cần có cơ chế khen thưởng thích hợp để động viên kịp thời những người có công bảo vệ di sản văn hoá.

+ Cho phép xây dựng các bộ sưu tập và bảo tàng tư nhân (theo quy định tại các Điều 49, 50 Luật Di sản văn hoá, Điều 35, 36, 37 Nghị định 92/2002/NĐ-CP).

+ Thí điểm mở các cửa hàng mua bán cổ vật do Nhà nước quản lý để tạo ra thị trường cổ vật hợp pháp (Điều 28, 29, 30, 31 Nghị định 92/2002/NĐ-CP).

  1. Giá trị của kết luận giám định tư pháp và trách nhiệm về mặt pháp lý của tổ chức, cá nhân khi được các cơ quan tố tụng trưng cầu
  1. Giá trị của kết luận giám định tư pháp

Giám định tư pháp ngày càng thể hiện vị trí đặc biệt trong việc tìm ra sự thật khách quan, xác lập chứng cứ phục vụ điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, xét xử đúng các vụ, việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo quy định Hiện hành thì kết luận giám định chỉ kết luận về mặt khoa học không kết luận về mặt pháp lý đối với những vấn đề được trưng cầu giám định, không kết luận hành vi phạm tội và người phạm tội.

Kết quả giám định không chỉ tạo tiền đề quan trọng trong việc xét xử đúng đắn mà còn tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức cho cơ quan tố tụng lẫn các bên đương sự, giúp cho các bên có cơ sở để thương lượng, hoà giải, hạn chế bất đồng mâu thuẫn từ đó tiết kiệm được thời gian xác minh, kiểm tra thu thập chứng cứ, thời gian giải quyết các vụ, việc.

Sản phẩm kết luận giám định tư pháp là kết quả hoạt động của giám định viên. Giám định viên là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định được các bên đương sự thoả thuận lựa chọn, hoặc được Toà án trưng cầu để giám định đối tượng đó theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự. Tuy nhiên, không phải mọi kết luận giám định đều được đưa ra một cách chính xác, khoa học, do đó, để đảm bảo quyền lợi của các đương sự khi tham gia tố tụng, pháp luật cũng đã có quy định cụ thể việc giải quyết vấn đề phát sinh nếu kết luận giám định đó có căn cứ là không chính xác, cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Pháp lệnh Giám định tư pháp thì “Trong trường họp người tham gia tố tụng có căn cứ cho rằng kết luận giám định tư pháp không chính xác, không khách quan, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại...”

Mặt khác, để khắc phục tình trạng có nhiều trường hợp giải quyết những vụ án khó, kéo dài, ách tắc do có sự khác nhau, mâu thuẫn giữa các nội dung kết luận giám định tư pháp về cùng một vấn đề, tuy rằng pháp luật không có quy định về vấn đề giám định cuối cùng nhưng pháp luật cũng đã dự liệu quy định việc đưa ra kết luận giám định cũng nên có điểm dừng, bằng cách quy định nếu có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại, thì việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện, việc Hội đồng giám định đã thực hiện giám định lần này thì sẽ không giám định lại nữa trừ trường hợp đặc biệt do Viện trưởng VKSNDTC quyết định (khoản 2, khoản 3 Điều 33 Pháp lệnh). Những quy định trên đã tạo điều kiện thuận tiện trong việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong việc đưa ra các kết luận giám định khác nhau do những các nhân, tổ chức giám định khác nhau thực hiện.

  1. Trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân khi được cơ quan tố tụng trưng cầu giám định

Theo quy định của pháp luật thì người giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp và người giám định viên tư pháp theo vụ việc”. Giám định viên tư pháp có địa vị pháp lí độc lập trong tố tụng, họ là người tham gia tố tụng, là chủ thể có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng, trong đó có những quyền về tố tụng nhằm tạo điều kiện cho người giám định hoàn thành tốt những nhiệm vụ như: được đọc các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu toà án cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc giám định; đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định... (Điều 68 BLTTDS, Điều 60 BLTTHS). Khi có yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, giám định viên được giao thực hiện giám định sẽ sử dụng phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, chuyên môn đưa ra kết luận về những vấn đề được trưng cầu giám định có liên quan đến vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Cho nên, vai trò của giám định viên tư pháp được thể hiện trên hai phương diện: Cung cấp nguồn chứng cứ cho hành động tranh tụng và tham gia trực tiếp vào quá trình tranh tụng (thông qua việc giải thích kết luận giám định). Khác với những người tham gia tố tụng khác, người giám định tham gia tố tụng với tư cách là một nhà chuyên môn về vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như các bên đương sự quan tâm, ý kiến của người giám định là ý kiến của nhà chuyên môn. Do đó, nó ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự, kết luận giám định, ý kiến của người giám định còn ảnh hưởng đến hành vi, sự lựa chọn của các bên đương sự như họ có thể dễ dàng nhượng bộ nhau trong hoà giải, rút đơn khởi kiện... Vì thế tại Điều 16 BLTTDS và Điều 14 BLTTHS đều quy định: “...người giảm định... không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lí do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự vô tư, khách quan của người giám định, pháp luật tố tụng cũng có những quy định người giám định phải thông báo bằng văn bản cho toà án biết về việc “không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; tài liệu không đủ hoặc không sử dụng được; không được tự mình thu thập tài liệu để tiên hành giám định, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp thẩm phán quyết định trưng cầu giám định. Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lí do chính đáng hoặc kết luận sai sự thật hoặc khi được Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lí do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật” (Điều 68 BLTTDS, Điều 60 BLTTHS). Đồng thời, người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi nếu: Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; họ đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án; họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án với tư cách là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư kí toà án, kiểm sát viên. (Điều 46, Điều 68 BLTTDS, Điều 60 BLTTHS).

Một vấn đề cần bàn đến ở đây đó là trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà lại đưa ra kết luận giám định sai. Theo quy định tại Điêu 30 Pháp lệnh thì “Trong trường hợp tổ chức giám định tư pháp hoặc Tổ chức chuyên môn được trưng cầu giám định thì người đứng đầu tổ chức đó cử người thực hiện giám định và chịu trách nhiệm về việc cử người đó. Người thực hiện giám định chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định... Trong trường họp cá nhân được trưng cầu giám định thì người đó tiếp nhận và thực hiện việc giám định. Người đứng đầu tổ chức chủ quản có trách nhiệm tạo điều kiện cho người giám định tư pháp thực hiện giám định” và tại khoản 9 Điều 13 Pháp lệnh cũng đã quy định người thực hiện giám định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt cho các Tổ chức, cá nhân có liên quan và sẽ bị miễn nhiệm trong trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do cố ý vi phạm trong hoạt động chuyên môn hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp (khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh).

 

Chuyên đề 7:

HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH: THỰC TRẠNG, NHU CẦU, ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

Bùi Hồng Trung

Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng

Phần 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH THỜI GIAN QUA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.

  1. Khái niệm về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính

Công tác giám định nói chung, giám định tư pháp nói riêng hiện nay có rất nhiều văn bản pháp quy cũng như tài liệu đề cập đến. Theo Tiêu chuẩn ISO/ IEC 17020, định nghĩa “giám định là việc kiểm tra thiết kế sản phẩm, dịch vụ, quá trình hay nhà xưởng thiết bị và xác định sự phù hợp của chúng với các yêu cầu cụ thể hoặc yêu cầu chung trên cơ sở của sự đánh giá chuyên nghiệp”.

Ở Việt Nam, trước đây có Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp (ban hành ngày 21/7/1988). Đến nay đã có Pháp lệnh Giám định tư pháp - pháp lệnh số 24/2004/PL - UBTVQH 11 ngày 29/9/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005. Pháp lệnh này có quy định về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của người giám dịnh tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; trình tự thủ tục trưng cầu giám định, thực hiện giám định, phí giám định tư pháp và quản lý Nhà nước về giám định tư pháp. Giám định không do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu và không nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án thi không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này.

Khái niệm giám định tư pháp tại Pháp lệnh Giám định tư pháp hiện nay và tại Nghị định số 117/HĐBT trước đây hầu như không có sự thay đổi lớn về nội dung công việc. Cụ thể, theo Nghị định số 117/HĐBT, “giám định tư pháp là sử dụng những kiến thức, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để kết luận về vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân (trong văn bản này gọi chung là cơ quan tiến hành tố tụng) nhằm phục vụ công tác điều trat truy tố và xét xử”. Còn theo Pháp lệnh Giám định tư pháp, “giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án”.

Dù không có khái niệm về công tác giám định tư pháp cho từng lĩnh vực cụ thể nhưng chúng ta vẫn dễ dàng hình dung nội dung công việc trong một số lĩnh vực như lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, kế toán tài chính bởi tính phổ biến, thường xuyên phục vụ cho công việc điều tra, giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, khái niệm giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính thì lại là một khái niệm khá mới mẻ, đối với nhiều người, kể cả những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Căn cứ vào Pháp lệnh giám định tư pháp (2004), có thể hiểu:

Công tác giám định tư pháp lĩnh vực giao thông công chính là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận những vấn đề về chuyên ngành giao thông công chính có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Lĩnh vực giao thông công chính khá rộng, bao gồm các chuyên ngành sau:

  • Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, đường sắt như: đường sá, cầu cống, bến phà, cầu phao, sân bay, nhà ga, nhà chờ xe buýt, đường hầm, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu, đường, các thiết bị cân, đếm xe; các công trình phụ trợ an toàn giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ (đèn tín hiệu, biển báo hiệu, giá long môn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường);...
  • Hạ tầng kỹ thuật đô thị: vỉa hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe trong đô thị.
  • Các hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đăng kiểm; công tác quản lý đào tạo lái xe, thuyền viên và người lái phương tiện thuỷ nội địa; sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp đăng ký biển số xe máy chuyên dùng theo qui định; công tác công nghiệp giao thông vận tải địa phương.

Hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực giao thông công chính trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Trong thời gian vừa qua bao gồm cả 2 giai đoạn 1975 - 1997 (thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) & sau này (1997 - nay), qua tìm hiểu ở các cá nhân và tổ chức có liên quan, có thể nhận thấy rằng, mặc dù hoạt động giám định giao thông công chính trên địa bàn Thành phố diễn ra khá liên tục thì hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực này lại rất hạn chế, thậm chí không vụ án nào có tiến hành trưng cầu giám định tư pháp giao thông thông công chính để phục vụ công tác điều tra, xét xử.

Hoạt động giám định giao thông công chính như: giám định chất lượng công trình cầu đường, giám định tổ chức an toàn giao thông, giám định chất lượng xe máy lưu thông, giám định chất lượng cây xanh trồng trên đường phố,... là một việc làm thường xuyên của ngành giao thông công chính Thành phố Đà Nẵng, trong đó giám định chất lượng công trình và giám định chất lượng phương tiện là hai chuyên ngành được quan tâm nhất nhờ hệ thống văn bản luật và dưới luật khá chặt chẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Chỉ tính từ khi tách Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, sở Giao thông Công chính đã tiến hành hàng trăm lượt giám định chất lượng công trình xây dựng cầu đường định kỳ hay đột xuất, hàng ngàn xe ô tô các loại lưu thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, như đã biết, lĩnh vực giao thông công chính rất rộng, liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội của người dân cũng như các lĩnh vực khác:

  • Ảnh hưởng của rác thải đô thị môi trường, sức khỏe con người;
  • Chất lượng xe máy (phanh, khí xả,...) ảnh hưởng đến tính mạng, thân thể con người;
  • Xây dựng cầu cống ảnh hưởng đến nhà cửa cá nhân, các công trình công cộng;
  • Ảnh hưởng của công viên, cây xanh đến nhu cầu vui chơi, giải trí;
  • Ảnh hưởng của hệ thống đường sá đến sự thuận lợi trong lưu thông xe máy, an toàn giao thông;

Những vấn đề tương tự như nêu trên có thể kể ra không hết ở đây, hằng ngày ta có thể bắt gặp rất nhiều phản ánh các tồn tại, vướng măc trên các tờ báo, tạp chí. Tuy nhiên, chúng chỉ dừng ở mức độ kiến nghị xử lý. Một số trường hợp có thể khiếu kiện nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính.

Lấy ví dụ điển hình, hiện nay một lĩnh vực có tính chất “nóng” là tình hình tai nạn giao thông với số lượng trung bình 3-5 vụ/ ngày, liên quan đến tính mạng con người, nhiều trường hợp cơ quan công an điều tra xét xử phải tiến hành điều tra, xét xử nhưng hầu như ít có yêu cầu trưng cầu giám định giao thông.

Theo Sở Giao thông Công chính, đến nay chỉ có duy nhất 03 trường hợp được mời tham gia giám định trong đó chỉ một vụ là giám định tư pháp. Cụ thể:

  • 01 trường hợp liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên đường Điện Biên Phủ (năm 2005). Cơ quan Công an quận Thanh Khê đề nghị Sở Giao thông Công chính kiểm tra, xác nhận mức độ vi phạm của việc xe máy chạy vào làn đường sát với dải phân cách gây tai nạn cho một người đi bộ băng ngang đường không thuộc phạm vi bố trí vạch người đi bộ.

- 01 trường hợp liên quan đến vụ kiện “Xâm phạm quyền sở hữu tác phẩm kiến trúc”: Tòa Phúc thẩm tại Đà Nẵng có Công văn số 2779/CV-TPT ngày 04/10/2007 đề nghị Sở Giao thông Công chính cử người tham gia giải quyết ở giai đoạn phúc thẩm đối với vụ kiện này. Theo vụ kiện thì:

Các nguyên đơn (gồm nhiều cá nhân) cho rằng Công ty CP Tư vấn giao thông và xây dựng Quảng Trị (bị đơn) đã sao chép toàn bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật của chiếc cầu phao Triệu Độ bắc qua sông Thạch Hãn để xây dựng một chiếc cầu phao khác tại Triệu Thuận bắc qua sông Thạch Hãn, nhưng không xin phép chủ sở hữu và tác giả của bản thiết kế cầu phao Triệu Độ. Vụ kiện đã được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm, nhưng các nguyên đon không đồng ý với bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo và cho rằng kết luận ở Quảng Trị là không khách quan vì các đơn vị giám định là các đơn vị cùng ngành có liên quan hoạt động của phía bị đơn ở Quảng Trị; đồng thời yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cho giám định lại hai bộ hồ sơ của 02 cầu phao nói trên với hội đồng giám đinh tại thành phố Đà Nẵng.

  • 01 trường hợp liên quan đến vụ trộm tài sản do ngành giao thông quản lý. Công an quận Cẩm Lệ phát hiện có 02 thuyền đến dưới chân trụ cầu Cẩm Lệ để cắt trộm sắt. Để có cơ sở cho việc xử lý người vi phạm, Công an quận Cẩm Lệ đã đề nghị Sở GTCC Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại do cưa cắt, đục để lấy sắt tại các chân trụ Cầu Đỏ.

Về mặt pháp lý, ngoài trừ Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (giai đoạn trước năm 2005), Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/NĐ - CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh giám định tư pháp (từ năm 2005 đến nay), ở thành phố không có một văn bản pháp lý cấp Bộ hay Thành phố đề cập đến công tác giám định tư pháp lĩnh vực giao thông công chính.

Về mặt con người, trước khi Pháp lệnh Giám định tư pháp có hiệu lực, toàn thành phố hoàn toàn không có giám định viên giao thông công chính. Theo quy định tại mục 2 Điều 1 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh giám định tư pháp, “Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở từng chuyên ngành thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành mình quản lý”. Tuy nhiên hiện nay vấn đề này chưa được triển khai. Cho đến nay, Thành phố mới chỉ có 05 cá nhân được bổ nhiệm giám định viên giao thông công chính (đều là cán bộ công chức của Sở Giao thông Công chính), trong đó 03 người chuyên ngành cầu đường và 02 người chuyên ngành cơ khí. Tuy nhiên, tất cả các giám định viên này đều chưa được bồi dưỡng bổ sung, củng cố kiến thức pháp luật về hình sự và dân sự liên quan đến công tác giám định.

Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông Công chính có Phòng Giám định & quản lý chất lượng công trình nhưng chức năng của Phòng chỉ dừng lại ở tham mưu cho Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổng dự toán; thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng, giám định chất lượng các công trình cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới các công trình cơ sở hạ tầng giao thông công chính trên địa bàn theo phân cấp của UBND thành phố và Bộ GTVT, nghĩa là mới thực hiện công tác giám định trên lĩnh vực xây dựng cơ bản chuyên ngành.

Như vậy có thể nói rằng, hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực giao thông công chính thành phố Đà Nẵng vẫn còn khá mới mẻ không chỉ với nhiêu người mà còn với cả ngành giao thông công chính Thành phố.


 

Phần 2

ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH

  1. Khái quát một số quy định về hoạt động giám định tư pháp hiện nay

Theo quy định của luật pháp, không thành lập tổ giám định tư pháp trong ngành giao thông công chính mà chỉ thực hiện trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức chuyên môn có điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện giám định. Giám định viên tư pháp giao thông công chính là người có đủ tiêu chuẩn quy định được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Cần lưu ý rằng người giám định theo vụ việc không phải là giám định viên tư pháp, nhưng có kiến thức chuyên sâu, có uy tín về lĩnh vực cần giám định có thể trưng cầu thực hiện giám định theo vụ việc. Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc theo đề nghị của bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh thành phố. Việc giám định do một người thực hiện gọi là giám định cá nhân. Nếu do hai người trở lên thực hiện gọi là giám định tập thể. Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp là tuân thủ luật pháp, tuân theo quy chuẩn chuyên môn; trung thực, chính xác, khách quan; chỉ kết luận vê chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi yêu cầu; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định.

Người giám định tư pháp có quyền yêu cầu người trưng cầu giám định cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến đối tượng giám định; có quyền sử dụng kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn do tổ chức cá nhân khác thực hiện nhằm phục vụ cho giám định; độc lập đưa ra kết luận giám định; có quyền từ chối giám định khi các tài liệu liên quan không cấp đầy đủ, không đủ thời gian thực hiện giám định, hoặc khi tham gia tố tụng vói tư cách là người giám định tư pháp; có quyền hưởng phụ cấp và các khoản bồi dưỡng khác theo quy định nếu là người hưởng từ ngân sách, hoặc được hưởng thù lao giám định tư pháp nếu không hưởng lương ngân sách.

Nghĩa vụ của người giám định tư pháp là tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định:

  • Thực hiện giám định theo đúng nội dung, thời gian của trưng cầu giám định;
  • Lập hồ sơ giám định; bảo quản hồ sơ mẫu vật giám định; giữ bí mật kết quả giám định, thông tin tài liệu giám định;
  • Từ chối giám định đối với một số đối tượng theo quy định;
  • Bồi thường thiệt hại khi cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân tổ chức có liên quan.

Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người giám định tư pháp:

  • Từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng;
  • Cố ý đưa ra giám định sai sự thật;
  • Lợi dụng việc giám định để trục lợi;
  • Tiết lộ điều tra mà mình biết được khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người giám định tư pháp; tiết lộ thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định đối với các vụ án khác.

Tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định: Toà án, Công an, VKS, Thanh tra... Kết quả giám định sẽ phục vụ cho công tác tiến hành tố tụng và quản lý. Tổ chức cá nhân thực hiện giám định tư pháp được thu phí giám đinh tư pháp. Phí giám định tư pháp là khoản tiền chi trả thù lao giám định tư pháp và các khoản chi phí cần thiết khác cho việc thực hiện giám định theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với các vụ án hình sự, phí giám định tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng trả và được cấp từ ngân sách Nhà nước theo dự toán hàng năm của cơ quan đó. Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì phí giám định tư pháp do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Trường hợp miễn, giảm, theo quy định của Chính phủ.

  1. Vai trò của giám định tư pháp giao thông công chính

Cùng với sự phát triển của lĩnh vực giao thông công chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tranh chấp cũng như các vi phạm trong lĩnh vực này như tai nạn giao thông, xây dựng cầu đường,... ngày càng nhiều, càng phức tạp, phát sinh nhu cầu về giám định của hoạt động tố tụng, nhất là tố tụng dân sự ngày càng lớn và phổ biến. Như đã nêu ở phần trên, đặc thù của hoạt động giao thông công chính là đa lĩnh vực, nhiều đối tượng, tổ chức tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động trải rộng, thời gian dài,...Chính vì thế, công tác giám định nói chung; giám định tư pháp nói riêng trong lĩnh vực giao thông công chính cũng trở nên đa dạng và phức tạp.

Do công tác giám định tư pháp trong một số lĩnh vực trong đó có giao thông công chính chưa được nhiều người thấu hiểu, cũng như phổ biến rộng rãi nên nhiều vi phạm luật pháp trong lĩnh vực xây dựng giao thông, vận tải, phương tiện - người lái gây ra lãng phí thất thoát, hoặc ảnh hưởng đến thân thể, tính mạng của con người nhưng chưa được xử lý kịp thời, hoặc phải kéo dài thời gian xem xét, hoặc “chìm xuồng”, hoặc xử lý hành chính nội bộ... vì không thực hiện hoặc không thể thực hiện giám định tư pháp. Điều đó đã làm cho chế tài thực thi luật pháp không nghiêm, kém hiệu lực và hiệu quả.

Lấy ví dụ như hoạt động giám định tư pháp trong xây dựng công trình giao thông. Những công trình giao thông là những công trình công cộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân, của xã hội. Hạ tầng giao thông như: đường sá, cầu cống,… kém chất lượng, xuống cấp thì làm cho lưu thông bị ngừng trệ, lãng phí về thời gian, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế. Cho đến nay, Chủ đầu tư là người duy nhất khẳng định về chất lượng công trình. Tư vấn giám sát công trình là người giúp Chủ đầu tư thực hiện quản lý chất lượng công trình. Chất lượng công trình phụ thuộc vào rất nhiều vào năng lực, đạo đức của người cán bộ giám sát cũng như trình độ quản lý dự án của Chủ đầu tư. Người dân là những người sẽ hưởng thụ các sản phẩm của xây dựng công trình giao thông nhưng lại không có được những thông tin, đánh giá mang tính độc lập về chất lượng công trình.

Do vậy, khi có sự cố công trình xảy ra, ảnh hưởng đến lợi ích, tính mạng của con người, thường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm dẫn đến sự cố mà vụ sập cầu dẫn đang thi công ở Cần Thơ là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, như đã nêu ở trên, mặc dù số lượng công việc trưng cầu giám định cũng như giám định tư pháp ở Sở Giao thông Công chính chưa nhiều, nhưng chúng ta cũng đã phần nào thấy được tính đa dạng phức tạp của công tác giám định tư pháp giao thông công chính. Giám định nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng giao thông nói riêng là công việc mới, chưa có tiền lệ, việc triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề khó khăn. Thực tế có nhiều Tổ chức, cá nhân là đối tượng bị xử lý chưa đồng thuận về tính chất mức độ vi phạm trong lĩnh vực giao thông công chính, chỉ với kết luận của cơ quan quản lý chức năng hành chính đơn thuần, mà không có trưng cầu giám định tư pháp. Cũng có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng chưa đúng những quy định của pháp luật về giám định tư pháp, nhất là việc định giá các tài sản bị xâm hại để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự còn nhiều tuỳ tiện và nhiều trường hợp không trưng cầu giám định, chỉ căn cứ vào lời khai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại của người bị hại và lời nhận tội của bị cáo. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định chưa theo đúng quy định tại các văn bản pháp luật nói trên.

Do vậy chắc chắn một điều là, giám định tư pháp càng nhiều tại các vụ án có liên quan sẽ càng khiến cho việc đánh giá phân tích phục vụ cho điều tra giải quyết vụ án nhanh chóng và chính xác hơn. Kết luận của giám định tư pháp giao thông công chính là yếu tố quan trọng trong việc xử lý các hành vi vi phạm luật pháp trên lĩnh vực giao thông công chính khách quan, công bằng và nghiêm minh. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, việc kết luận đúng sai trong thi hành luật pháp cần thiết phải thông qua giám định tư pháp sẽ có ý nghĩa đề cao sự tôn nghiêm thực thi luật pháp trong thực tế.

  1. Đánh giá các thuận lợi khó khăn trong việc thực hiện công tác giám định tư pháp giao thông công chính hiện nay

Từ thực trạng công tác giám định tư pháp đã được nêu ở mục 2 phần 1, có thể nhận thấy một số thuận lợi cũng như khó khăn trong việc thực hiện công tác giám định tư pháp hiện nay như sau:

  1. Thuận lợi:

Trong phạm vi thành phố bước đầu đã có 1 đội ngũ giám định viên tư pháp lĩnh vực giao thông công chính với số lượng 5 người là những người có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn và uy tín trong ngành. Đây là những nhân tố hạt nhân, góp phần tích cực trong việc hình thành đội ngũ giám định tư pháp viên tư pháp lĩnh vực này trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

  1. Khó khăn, tồn tại:

a- Thực trạng giám định tư pháp trong các ngành kỹ thuật nói chung ngành giao thông công chính nói riêng chưa tưong xứng với yêu cầu.

  • Các giám định viên giao thông công chính đều mới được bổ nhiệm vào năm 2006 trong khi nhiều ngành khác đã có giám định viên tư pháp từ những năm 1990.
  • Lực lượng giám định viên tư pháp lĩnh vực giao thông công chính ở thành phố còn quá mỏng trong khi lĩnh vực này khá rộng lớn. Theo số liệu do Sở Tư pháp cung cấp, tất cả các giám định viên giao thông công chính (05 người) đêu là cán bộ của Sở Giao thông Công chính, hoạt động kiêm nhiệm, chiếm tỷ lệ 16% so với số lượng về giám định viên của thành phố Đà Nẵng, không có phương tiện làm việc, máy móc, thiết bị phục vụ chuyên trách cho công tác giám định. Do đó, trong nhiều trường hợp phải trưng cầu thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc.

b- Việc hình thành lực lượng giám định tư pháp giao thông công chính lại phân tán theo Bộ, ngành TW và địa phương riêng biệt.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu sự phối hợp hoặc khép kín trong xử lý sai phạm; xử lý thiếu khách quan, không công bằng; hoặc phải kéo dài, hoặc cho qua.

c- Việc hình thành và hoạt động giám định tư pháp nói chung, giám định tư pháp giao thông công chính nói riêng chưa được tuyên truyền để mọi người thấu hiểu và coi trọng.  

Ngoài nguyên nhân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của giám định tư pháp trong giao thông công chính, còn có sự trì trệ của tư duy áp đặt trong công tác tư pháp, chưa coi trọng việc thực thi luật pháp của nhà nước pháp quyền và xã hội công dân.

d- Chưa có một cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai trưng cầu giám định tư pháp (bao gồm cả giám định tư pháp GTCC). Cần có 1 cơ quan giám định tư pháp chuyên nghiệp, sớm có đề án tổ chức cơ quan bổ trợ tư pháp về công tác giám định. Có như vậy mới giúp tòa án ra các phán quyết chính xác, đúng luật.

Theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp, giám định tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, nhưng lại không quy định chức năng giám định bổ trợ tư pháp cho cơ quan cụ thể nào trong khi thực tế xét xử của tòa án gặp phải nhiều vụ mà giá trị tài sản, mức độ thiệt hại, tính chất kỹ thuật của vật tranh chấp... là cơ sở để định tội, xác minh đúng sai, nhận định bản chất của vụ việc… Vậy là, tòa cứ phải tự xoay xở, gặp nhiều khó khăn trong xét xử.

Trong trường hợp ngành tòa án không tổ chức giám định tư pháp chuyên ngành giao thông công chính đối với một số công việc có liên quan mà trưng cầu giám định tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có khả năng giám định cũng sẽ dẫn đến khó khăn như sau: Đã là doanh nghiệp thì việc thực hiện hoàn toàn vì mục đích kinh doanh. Đồng thời, những kết quả của doanh nghiệp không phải là kết luận của tổ chức giám định tư pháp nên bị đương sự khiếu nại rất nhiều lần. Một số doanh nghiệp đã từ chối, không nhận giám định khi tòa án yêu cầu vì không muốn gặp rắc rối, trong khi phí thu được không tương xứng. Nhiều vụ án đòi bồi thường thiệt hại do xây dựng đã bị kéo quá dài do khâu này không thực hiện được.

Ví dụ một vụ việc xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh tuy chưa phải là hoạt động giám định tư pháp nhưng cũng ít nhiều là bài học kinh nghiệm cho việc triển khai thực hiện của chúng ta. Kết quả kiểm định chung cư số 5 Nguyễn Siêu chịu ảnh hưởng bởi công trình xây dựng cao ốc Saigon Residences (11D Thi Sách, Q.l, TP.HCM) do Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) công bố tối 2-1 tại UBND P.Bến Nghé đã không nhận được sự đồng tình của người dân. Theo kết quả kiểm định, “công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, cần được gia cố sửa chữa để có thể tiếp tục sử dụng”. Nhưng theo người dân, quá trình SCQC khảo sát chung cư để đưa ra kết quả kiểm định trên không có sự giám sát, ký nhận của bà con; kết quả kiểm định thiếu lần quan trắc cuối cùng; tính tỉ lệ phần trăm cấu kiện nguy hiểm trong nền móng bị sai... Ông Lê Hòa Bình - phó giám đốc SCQC - thừa nhận những sai sót này. Chính vì vậy hơn 20 hộ dân sống tại chung cư đã yêu cầu thuê đơn vị khác kiểm định lại chung cư, đồng thời không đồng ý phương án để SCQC khảo sát nhằm đánh giá lại những vấn đề sai sót như đã nói.

Trong các cuộc tiếp xúc trước đây với người dân, bà Lê Anh Thư - Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Căn hộ Sài Gòn (chủ đầu tư công trình cao ốc Saigon Residences) - hứa khi có kết quả kiểm định của SCQC sẽ mời một đơn vị chuyên môn phản biện, nhưng thực tế công ty này đã không thực hiện lời hứa. Lý giải điều này, bà Thư nói “đã trao đổi với đơn vị thi công thấy kết quả kiểm định có thể chấp nhận được nên... không cần mời đơn vị phản biện!

Phần 3

MỘT SỐ GII PHÁP ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH

Tăng cường năng lực giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính về cơ chế, tổ chức thực hiện đang là một đòi hỏi cần thiết trong quản lý hoạt động đầu tư xây đựng.

  1. Tăng cường số lượng giám định viên tư pháp; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giám định tư pháp:

Trong bất kỳ công việc nào thì con người luôn là yếu tố quyết định đến chất lượng. Do vậy cần phải tăng cường chất lượng giám định tư pháp giao thông công chính cùng với công tác phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp. Các kiến nghị giải pháp cụ thể:

  • Sở Tư pháp cần phối hợp với Sở Giao thông Công chính xây dựng một khung tiêu chuẩn cho giám định viên tư pháp chuyên ngành giao thông công chính. Trên cơ sở đó có thông báo rộng rãi đến các cá nhân có năng lực đáp ứng đăng ký.
  • Khung chuẩn giám định viên tư pháp cần quy định chặt chẽ hơn để chất lượng giám định viên được nâng cao. Điều khiến nhiều người băn khoăn là việc lựa chọn các cá nhân thực hiện công tác giám định, giám định tư pháp trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nói chung, lĩnh vực giao thông công chính nói riêng có thật sự “chất lượng”?. Theo quy định của Pháp lệnh Giám định Tư pháp, các cá nhân đều có thể được trưng cầu giám định nếu “Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn theo ngành đã học từ năm năm trở lên; Có phẩm chất đạo đức tốt; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Như vậy khung “chuẩn” hiện quá rộng và hơi chung chung: Đối tượng kỹ sư chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực giao thông công chính với đòi hỏi 5 năm kinh nghiệm rất nhiều; có phẩm chất đạo đức tốt và có hành vi năng lực dân sự đây đủ được thể hiện như thế nào? Các nội dung này cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, thể hiện chi tiết để thuận lợi cho việc xem xét, công nhận.
  • Có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các giám định viên tư pháp, góp phần bổ trợ cho việc thực thi luật pháp trong lĩnh vực giao thông công chính nghiêm minh và hiệu quả.

Điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất phục v công tác giám định:

  1. Cơ chế, chính sách, chế độ dành cho Giám định viên

(tạo điều kiện của cơ quan, đơn vị khi làm việc kiêm nhiệm ...);

  • Những vấn đề cần xem xét có liên quan đến quản lý Nhà nước về giám định trong thời gian tới liên quan đến giám định tư pháp giao thông công chính như tính chuyên trách hay kiêm nhiệm; có hình thành tổ chức giám định hay chỉ thực hiện giám định viên, giám định theo sự việc; các yếu tố để hình thành chi phí giám định; giám định theo bộ, ngành địa phương như hiện nay hay hình thành theo khu vực, vùng miền để kịp thời giám định các vi phạm luật pháp.
  • Nghiên cứu chấn chỉnh tổ chức giám định tư pháp sẽ là một giải pháp góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, hạn chế và xử lý lãng phí thất thoát trong xây dựng.
  • Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp cần soạn thảo hướng dẫn giám định tư pháp về xây dựng để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này, trong đó bao hàm những nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp về xây dựng; điều kiện công nhận tổ chức, giám định viên; nhiệm vụ, quyền hạn của giám định viên; các hình thức tổ chức giám định; quá trình tiến hành, kết luận của Tổ chức giám định và chi phí giám định.

Tuy nhiên, đây đều là những vụ án phức tạp, nghiêm trọng lại đang bị “vướng” ở khâu giám định thiệt hại. Sau gần hai năm điều tra, tới nay kết quả giám định thiệt hại 34 ôtô mà cơ quan điều tra xác định (nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến và Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng đã cho mượn, điều động trái quy định) vẫn chưa có. Trong khi đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính lập hội đồng giám định, song tới khi hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, việc này vẫn chưa thấy hồi âm. “Chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh về việc này. Thời gian qua nhiều đơn vị đã bất hợp tác với cơ quan điều tra trong công tác giám định. Tôi không hiểu đã có ai bị xử lý về việc này chưa?”

  • Tổ chức và cơ chế chính sách hoạt động tư pháp hiện có nhiều điều chưa phù hợp với ngành giao thông công chính. Hiện nay, Pháp lệnh Giám định tư pháp do tính đa dạng, phức tạp, có nhiều luật pháp chi phối như: luật pháp về hành chính, luật pháp về kỹ thuật, luật pháp về kinh tế, luật pháp về hình sự... Công tác giám định tư pháp GTCG diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều loại chuyên gia (chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, chuyên gia tư pháp, luật sư..) nhiều tổ chức chuyên môn thực hiện khi có trưng cầu giám định (phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu...), cần được nghiên cứu bổ sung

Đề xuất, kiến nghị tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông công chính:

Cần xã hội hóa từng phần hoạt động giám định tư pháp.

  • Các văn bản về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự quy định người tham gia tố tụng như bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... chỉ được đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án) trưng cầu giám định. Còn bản thân họ không được trực tiếp yêu cầu giám định viên tiến hành giám định.
  • Để mở rộng quyền dân chủ cho những người tham gia tố tụng, đặc biệt trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động, pháp luật nên quy định cho đương sự được quyền trực tiếp yêu cầu giám định. Bởi những vụ kiện này, bản thân các bên phải xuất trình chứng cứ. Mà kết quả giám định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng. Còn trong các vụ án hình sự thì giữ nguyên hiện hành, bởi lĩnh vực này cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Đối với hoạt động tố tụng trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động... hướng lâu dài là xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp. Tức là phải tận dụng đội ngũ chuyên gia, điều kiện trang thiết bị kỹ thuật của cả tư nhân, tập thể, thậm chí của cả các tổ chức nước ngoài... để phục vụ hoạt động giám định. Riêng giám định phục vụ án hình sự thì nên để tổ chức nhà nước tiến hành.

- Tới đây ngoài bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, người giám định còn phải có trình độ pháp lý. cần thành lập Hiệp hội giám định viên để nâng cao uy tín nghề nghiệp của thành viên, gắn danh dự của các nhà chuyên môn vào chức danh giám định viên mà họ được công nhận.

 

 

PHỤ LỤC 1


 

 

DANH SÁCH GIÁM ĐỊNH VIÊN TỪ PHÁP THÀNH PHÓ ĐÀ NẴNG

Stt

Họ và tên

Quê quán

Chức vụ hiện tại

Chuyên ngành giám định

Năm sinh

Trình độ

Đảng

viên

Thời

điểm

tham

gia

công

tác

chuyên

môn

Thời

điểm

b

nhiệm

GĐV

Nam

Nữ

VH

CM

Chuyên

ngành

Kiến thức pháp lý

Ngoại

ngữ

Tin

học

Luật

#

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

I. Pháp y tâm thần

01

Phan Ngọc Hà

Quảng Nam

G.đổc BVTT

Pháp y TT

1948

 

10/10

 

 

CK1

 

Ab

VP

ĐV

1985

1990

02

Lâm Tú Trung

Quảng Nam

PGĐ BVTT

Pháp y TT

1962

 

12/12

 

 

CK1

 

Ac

VP

ĐV

1986

1990

03

Trần Nguyên Ngọc

Quảng Nam

PGĐ BVTT

Pháp y TT

1965

 

12/12

 

 

Bsĩ CKTT

 

CN

VP

ĐV

1992

1997

II. Trung tâm pháp y

01

Trịnh Lương Trân

Quảng Ngãi

GĐ Sở Y tế

Pháp y

1947

 

10/10

 

ĐH Y khoa

Ngoại sản

 

Ac

VP

ĐV

1972

1999

02

Lê Hoài Minh

Quảng Nam

GĐ viên

Pháp y

1948

 

10/10

 

ĐH Y khoa

Nội

 

Aa,Na

 

 

1973

1999

03

Mai Xuân Ngọc

Nghệ An

Truờng phòng

Pháp y

1970

 

12/12

 

ĐH Y khoa

Pháp y

 

Ab

KTV

 

1993

2003

04

Võ Đình Thạnh

Quảng Nam

Giám đốc

Pháp y

1955

 

12/12

 

ĐH Y khoa

Ngoại sản

 

Ab

 

ĐV

1984

2005

III. Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Công an TP Đà Nẵng

01

Phạm Phúc

Quảng Nam

GĐV trưởng

Truyền thống 1

1958

 

12/12

 

TC

KTHS

 

Aa

VP

ĐV

1982

2002

02

Lê Văn Hiền

Đà Nẵng

GĐ viên

Tài liệu

1961

 

12/12

ĐH

 

Luật

ĐH

Aa

VP

ĐV

1979

1997

03

Trần Hữu Thơm

Quảng Nam

GĐ viên

Truyền thống

1954

 

12/12

 

TC

KTHS

 

Aa

VP

ĐV

1976

1997

04

Lê Bá Công

Quảng Nam

GĐ viên

Đường vân'

1962

 

12/12

ĐH

 

Luậl

ĐH

Aa

VP

ĐV

1992

2002

05

Lê Minh Sùng

Quảng Nam

GĐ viên

Truýền thống

1960

 

12/12

 

TC

KTHS

 

Aa

VP

ĐV

1983

2003

06

Võ Hoàng Trung

Quàng Nam

GĐ viên

Công cụ, sú ne dan

1973

 

12/12

ĐH

 

Luật

ĐH

 

VP

 

2000

2004

07

Nguyễn Mạnh Toàn

Quảng Nam

GĐ viên

Tài liệu

1975

 

12/12

ĐH

 

Tin học

 

 

VP

 

2000

2Ö04

08

Nguyễn Thị Thanh Thuý

Quảng Nam

GĐ viên

Tài liệu

 

1976

12/12

ĐH

 

KTế

 

 

VP

 

2000

2004

09

Lê Văn Hải

Quảng Nam

GĐ viên

Pháp y

1974

 

 

 

ĐH

Y khoa

 

 

VP

1 A

2000 ^

2.005 1

10

Lê Văn Tuý

 

GĐ viên

Hoá học

1974

 

 

ĐH

 

Kỹ sư

 

 

 

 

 

2005

IV. Giám định văn hoá

01

Nguyễn Minh Đức

Quảng Nam

Trưởng píì òng

Văn hoá

1947

 

12/12

 

ĐH

Âm nhạc

 

 

VP

ĐV

1965

2001

02

Cao Đình Liên

Quảng Nam

Trưởng phòng

Văn hoá

1952

 

10/10

 

ĐH

Đạo diễn

 

 

 

ĐV

1972

2001

03

Hồ Tấn Tuấn

Quảng Nam

Trường phòng

Văn hoá

1964

 

12/12

 

ĐH

Khảo cổ

 

 

 

ĐV

1986

2001

04

Lê Tấn Hùng

Quảng Nam

Phó phòng

Văn hoá

1960

 

12/12

 

ĐH

Văn hoá

 

 

 

ĐV

1978

2001

05

Nguyễn Thị Hồng

Quảng Nam

Trưởng phòng

Văn hóa

 

1959

12/12

 

ĐH

Lịch sử

 

 

 

ĐV

1981

2001

06

Nguyễn Đình Thậm

Quảng Ngãi

Giám đốc

Văn hoá

1958

 

12/12

 

ĐH

Âm nhạc

 

Ab

KTV

 

2001

2006

07

Huỳnh Thị Đoan Anh

TT-Huế

Phó phòng

Văn hoá

 

1959

12/12

 

ĐH

Lịch sử

 

Ac

VP

ĐV

1981

2006

V. Giám định xây dụng

01

Lê Tùng Lâm

Quảng Nam

Phó phòng

Xây dựng

1973

 

12/12

 

Thạc sĩ

Xây dụng

 

Ac

 

ĐV

 

2006

02

Trần Thọ Phạm Nghĩa

Bắc Ninh

 

Xây dựng

 1978

 

12/12

 

ĐH

Xây dựng

 

 

 

 

 

2006

VI. Giám định giao thông công chính

01

Nguyễn Hương

Quảng Nam

Giám đốc

Giao thông

1959

 

12/12

 

ĐH

Cơ khí

 

Ab

VP

ĐV

1982

2006

02

Võ Chí Quang

Quảng Nam

Chuyên viên

Giao thông

71961

 

12/12

 

ĐH

Cầu đường

 

Ab

cc

 

1997

2006

03

Trần Thị Nam Phương

Quảng Nam

Trưởng phòng

Giao thông

 

1957

10/10

 

ĐH

Cầu hầm

 

Aa, N

KTV

ĐV

1979

2006

04

Trần Văn Thiện

Quàng Nam

Đội trưởng

Giao thông

1962

 

12/12

 

ĐH

Cơ khí

 

Ab

 

ĐV

1985

200ố

05

Bùi Hồng Trung

Quảng Nam

Phó phòng

Giao thông

1974

 

12/12

 

Thạc sĩ

Cầu đường

 

Ac

 

ĐV

1996

2006

 

 

 

PHỤ LỤC 2

BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CỦA ĐỘI NGŨ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP Ở THÀNH PHỔ ĐÀ NẴNG

 

9.68%

6.45%

 

  • Thạc sĩ

»

  • Đại học

«      I

□ Trung cấp

83.87%

 

PHỤ LỤC 3

BIÊU ĐỒ THỂ HIỆN TỶ LỆ SỐ LƯỢNG GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP TRONG CÁC LĨNH VỰC Ở THÀNH PHO ĐÀ NẴNG

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo tổng kết 4 năm (2004 - 2008) về tình hình triển khai thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp của UBND thành phố Đà Nẵng.
  2. Đổi mới tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2004.
  3. Một số vấn đề đổi mới quản lý dịch vụ công ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Đạm, Phó trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, NXB Chính trị quốc gia, năm 2002.
  4. Phụ lục Thông tin Khoa học pháp lý, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, năm 2007.

5. Từ điển Việt Anh của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, NXB thành phố Hồ Chí Minh, năm 1993;

  1. Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 1995;
  2. Các nghị quyết, văn bản pháp luật tham khảo:
  • Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới;
  • Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thông pháp luật Việt Nam đên aăm 2010, định hướng đến năm 2020;
  • Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
  • Sắc lệnh số 68/SL ngày 30 tháng 11 năm 1945 và sắc lệnh số 162/SL ngày 25 tháng 6 năm 1946 về công tác y pháp quy định nhiệm vụ của giám định viên;
  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004;
  • Luật Thương mại năm 2005;
  • Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21/5/1996 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 05/4/2006;
  • Pháp lệnh Giám định Tư pháp ngày 11/10/2004;
  • Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ;
  • Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng;
  • Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp;
  • Thông tư liên bộ số 355/TT-LB ngày 12/10/1996 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Tài Chính - Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 160/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
  • Thông tư liên tịch số 03/TTLT ngày 24/9/1997 của Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao;
  • Thông tư số 09/2006/TT-BCA-C11 ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Nghị định số 67/2005/NĐ-CP của Chính phủ;

 

File đính kèm downloadTải về