• Thuộc tính
Tên đề tài Phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp: Thực trạng và hướng hoàn thiện
Nội dung tóm tắt
Phân cấp trong hoạt động quản lý nhà nước là chủ trương nhất quán, được đề cập một cách hệ thống và sâu sắc trong các văn kiện quan trọng của Đảng ta thời gian gần đây. Với mục tiêu tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đề ra phương hướng “Phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ”. Văn kiện Hội nghị cũng chỉ ra rằng, việc phân cấp được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc “chính quyền trung ương quản lý tập trung một số lĩnh vực theo ngành dọc được xác định từ yêu cầu thực tế. Đối với một số lĩnh vực khác, trung ương trực tiếp quản lý một phần, còn một phần phân cấp cho địa phương quản lý. Một số khác nữa ngoài những lĩnh vực nêu trên thì giao quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương theo luật định”. Phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương tiếp tục được nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) với tính chất là một trong những nhiệm vụ phải làm từ đó đến Đại hội Đảng IX. Văn kiện Đại hội Đảng IX xác định “phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương” và “phân cấp mạnh và toàn diện giữa các cấp trong hệ thống hành chính nhà nước” là một trong những định hướng nhằm cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước. Phân cấp quản lý nhà nước cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là về chế định Chính phủ, chế định Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Vấn đề này được đặt ra nhằm tìm hướng giải quyết những vấn đề bất cập trong dịp xây dựng các Luật về tổ chức các cơ quan nhà nước (Luật tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân). Tuy nhiên, có thể nói, về mặt thể chế cũng như trên thực tế, phân cấp quản lý nhà nước vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và đồng bộ. Chính vì vậy, văn kiện Đại hội Đảng IX đã chỉ ra rằng “Cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết, thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả thấp”.
Ngày 30/6/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để tổ chức thực hiện Nghị quyết này, 22 bộ, ngành (trong đó có Bộ Tư pháp) phải xây dựng đề án phân cấp quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực để trình Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung tương ứng.
Về phía ngành tư pháp, vấn đề phân cấp quản lý với phương châm kết hợp quản lý theo ngành dọc và quản lý theo lãnh thổ cũng đã từng được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu đó không theo kịp những thay đổi và đòi hỏi về phân cấp quản lý trong giai đoạn hiện nay. Định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp đặt ra cho ngành tư pháp những nhiệm vụ và trách nhiệm mới. Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/3/2002 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 12/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ ra rằng “Nội dung của Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị liên quan trực tiếp đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp. Vì vậy, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp cần xác định rõ những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình để tích cực triển khai thực hiện”.
Chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực xây dựng một số đề án nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp các cấp, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác của ngành để thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã và đang được triển khai như “Hoàn thiện cơ chế quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp”; “Quản lý hành chính tư pháp : thực trạng và phương hướng đổi mới”; “Cơ chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thẩm quyền, thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương”. Những đề tài đó, trong chừng mực nhất định, đã khám phá cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của ngành. Tuy nhiên, mặc dù có đề cập tới mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan nhà nước địa phương trong việc thực hiện một số nhiệm vụ của ngành, song các đề tài nêu trên mới chỉ dừng ở từng nhóm việc cụ thể mà chưa vươn tới sự bao quát ở quy mô toàn ngành. Cho đến nay, vấn đề phân cấp quản lý trong nội bộ ngành tư pháp, có thể nói, chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống. Một số kết quả nghiên cứu đã trở nên lỗi thời do không đáp ứng yêu cầu cập nhật thông tin và tính thời sự trong bối cảnh bản thân tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đã có những thay đổi nhất định bởi những quy định pháp luật mới. Vì vậy, việc triển khai thực hiện đề tài cấp Bộ: ''Phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp: Thực trạng và hướng hoàn thiện” ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm đánh giá thực trạng, nghiên cứu cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, hoàn thiện hệ luận cứ khoa học làm căn cứ cho những giải pháp về phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp, có tính tới những đặc thù trong công tác của ngành. Việc triển khai đề tài cũng là việc làm thiết thực nhằm góp phần thực hiện những giải pháp được nêu trong Chương trình tổng thể về cải cách nền hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà một nội dung quan trọng trong đó là phân cấp mạnh mẽ và triệt để trong quản lý nhà nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng góp phần thúc đẩy việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; đồng thời, phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng Dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP của Chính phủ.
Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu cơ sở lý luận của việc phân cấp quản lý nhà nước và đặc điểm phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp; đánh giá thực trạng và thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp. Từ đó, đề ra một hệ các nguyên tắc, tiêu chí, nội dung phân cấp quản lý; những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân cấp và cơ chế tiến hành phân cấp trên cơ sở thể hiện một cách đầy đủ những đặc điểm trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác tư pháp. Để thực hiện mục tiêu nói trên, đề tài có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu thực trạng phân định thẩm quyền (thực trạng pháp luật và thực tế áp dụng các quy định pháp luật) giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước địa phương;
- Phát hiện những điểm bất cập trong cơ chế phân định thẩm quyền hiện tại;
- Đề xuất việc phân định lại thẩm quyền giữa các chủ thể nói trên dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí nhất định nhằm: kiến nghị việc chuyển giao một số thẩm quyền từ Bộ cho địa phương; kiến nghị việc chuyển một số công việc của địa phương lên để Bộ thực hiện việc quản lý thống nhất.
Trong khuôn khổ Đề tài này, phạm vi nghiên cứu tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc phân định thẩm quyền và trách nhiệm giữa Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân các cấp (đặc biệt là cấp tỉnh) trong việc quản lý nhà nước về công tác tư pháp trong một số lĩnh vực như: công chứng, chứng thực, hộ tịch, luật sư, tư vấn pháp luật, trọng tài thương mại và thi hành án dân sự; thực trạng các quy định của pháp luật hiện hành về phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác tư pháp giữa Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân (trọng tâm là cấp tỉnh); thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề tương ứng.
Việc nghiên cứu được tiến hành dựa trên phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, hệ quan điểm của Đảng về Nhà nước và pháp luật. Các phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ được áp dụng một cách linh hoạt trong quá trình tiếp cận từng nội dung nghiên cứu cụ thể như so sánh, thống kê, phân tích, tổng hợp, điều tra xã hội học…
Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:
- Phương pháp nghiên cứu tại chỗ, gồm có: nghiên cứu các văn bản, các quy định pháp luật, thông tin, tư liệu về tình hình phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp;
- Tiến hành khảo sát trực tiếp và điều tra xã hội học ở một số địa phương hoặc các đơn vị của cơ quan Bộ Tư pháp;
- Tổ chức tọa đàm khoa học với quy mô thích hợp để đánh giá, tổng kết tình hình và xác định định hướng nghiên cứu, hoàn thiện nội dung đề tài.
- Nghiên cứu khái niệm, ý nghĩa, nội dung, cơ sở lý luận của phân cấp trong hoạt động quản lý nhà nước; xác định những đặc điểm của hoạt động quản lý nhà nước về công tác tư pháp; các nguyên tắc, tiêu chí, nội dung phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp.
- Phân tích, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành và thực trạng tiến hành phân cấp quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực: công chứng, chứng thực; hộ tịch; luật sư, tư vấn pháp luật; trọng tài thương mại và thi hành án dân sự.
- Hình thành luận cứ khoa học, hệ quan điểm về nguyên tắc, nội dung phân định thẩm quyền và trách nhiệm giữa Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân các cấp (đặc biệt là cấp tỉnh) trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác tư pháp
- Đề xuất nội dung quản lý nhà nước thống nhất về công tác tư pháp do Bộ thực hiện và nội dung phân cấp quản lý nhà nước cho Uỷ ban nhân dân thực hiện, đặc biệt là cấp tỉnh; Xác định cơ chế kiểm tra việc thực hiện những nhiệm vụ được phân cấp.
- Kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về phân cấp quản lý nhà nước và điều kiện bảo đảm thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp.
Nội dung toàn văn

A. Phần mở đầu

1. Tính cấp thiết của Đề tài

Phân cấp trong hoạt động quản lý nhà nước là chủ trương nhất quán, được đề cập một cách hệ thống và sâu sắc trong các văn kiện quan trọng của Đảng ta thời gian gần đây. Với mục tiêu tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng (Khóa VIII) đề ra phương hướng “Phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ”. Văn kiện Hội nghị cũng chỉ ra rằng, việc phân cấp được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc “chính quyền trung ương quản lý tập trung một số lĩnh vực theo ngành dọc được xác định từ yêu cầu thực tế. Đối với một số lĩnh vực khác, trung ương trực tiếp quản lý một phần, còn một phần phân cấp cho địa phương quản lý. Một số khác nữa ngoài những lĩnh vực nêu trên thì giao quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương theo luật định”. “Phân cấp thẩm quyền giữa trung ương và địa phương” tiếp tục được nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (Khóa VIII) với tính chất là một trong những nhiệm vụ phải làm từ đó đến Đại hội Đảng IX.

          Văn kiện Đại hội Đảng IX xác định “phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương” và “phân cấp mạnh và toàn diện giữa các cấp trong hệ thống hành chính nhà nước” là một trong những định hướng nhằm cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước.

          Phân cấp quản lý nhà nước đã được thảo luận sôi nổi trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là về chế định Chính phủ và chế định Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Vấn đề này cũng được bàn để tìm hướng giải quyết trong dịp xây dựng các Luật về tổ chức các cơ quan nhà nước (Luật tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân). Tuy nhiên, có thể nói, về mặt thể chế cũng như trên thực tế, phân cấp quản lý nhà nước vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và đồng bộ. Chính vì vậy, văn kiện Đại hội Đảng IX đã chỉ ra rằng “Cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết, thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả thấp”.

          Ngày 30 tháng 6 năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để tổ chức thực hiện Nghị quyết này, 22 bộ, ngành (trong đó có Bộ tư pháp) phải xây dựng đề án phân cấp quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực để trình Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung tương ứng.

          Về phía ngành tư pháp, vấn đề phân cấp quản lý với phương châm kết hợp quản lý theo ngành dọc và quản lý theo lãnh thổ cũng đã từng được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu đó không theo kịp những thay đổi và những đòi hỏi về phân cấp quản lý trong giai đoạn hiện nay. Định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp đã đặt ra trước ngành tư pháp những nhiệm vụ và trách nhiệm mới. Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/3/2002 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 12/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ ra rằng “Nội dung của Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị trực tiếp liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp. Vì vậy, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp cần xác định rõ những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình để tích cực triển khai thực hiện”.              

          Chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tư pháp đã tích cực xây dựng một số đề án nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp các cấp, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác của ngành để thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã và đang được triển khai như “Hoàn thiện cơ chế quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ tư pháp”; “Quản lý hành chính tư pháp : thực trạng và phương hướng đổi mới”; “Cơ chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thẩm quyền, thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương”. Những Đề tài đó, trong một chừng mực nhất định, đã khám phá cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của ngành. Tuy nhiên, mặc dù có đề cập tới mối quan hệ giữa Bộ tư pháp với các cơ quan nhà nước địa phương trong việc thực hiện một số nhiệm vụ của ngành, song các Đề tài nêu trên mới chỉ ở từng nhóm việc cụ thể mà chưa vươn tới sự bao quát ở quy mô toàn ngành. Cho đến nay, vấn đề phân cấp quản lý trong nội bộ ngành tư pháp, có thể nói, chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống. Một số kết quả nghiên cứu đã trở nên lỗi thời do không đáp ứng yêu cầu cập nhật thông tin và tính thời sự trong bối cảnh bản thân tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đã có những thay đổi nhất định bởi những quy định pháp luật mới. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề tài cấp Bộ '' Phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp: Thực trạng và hướng hoàn thiện” ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm đánh giá thực trạng, nghiên cứu cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, hoàn thiện hệ luận cứ khoa học làm căn cứ cho những giải pháp về phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp, có tính tới những đặc thù trong công tác của ngành. Việc triển khai Đề tài cũng là việc làm thiết thực nhằm góp phần thực hiện những giải pháp được nêu trong Chương trình tổng thể về cải cách nền hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà một nội dung quan trọng trong đó là phân cấp mạnh mẽ và triệt để trong quản lý nhà nước. Kết quả nghiên cứu của Đề tài cũng góp phần thúc đẩy việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; đồng thời, phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng Dự thảo Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết  số 08/2004/NQ-CP của Chính phủ.

          2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài

Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu cơ sở lý luận của việc phân cấp quản lý nhà nước và đặc điểm phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp; đánh giá thực trạng và thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp. Từ đó, đề ra một hệ quan điểm về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, nội dung phân cấp quản lý; những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân cấp và cơ chế tiến hành phân cấp trên cơ sở thể hiện một cách đầy đủ những đặc điểm trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác tư pháp. Để thực hiện mục tiêu nói trên, Đề tài có nhiệm vụ:

- Nghiên cứu thực trạng phân định thẩm quyền (thực trạng pháp luật và thực tế áp dụng các quy định pháp luật) giữa Bộ tư pháp và các cơ quan nhà nước địa phương;

-  Phỏt hiện những điểm bất cập trong cơ chế phõn định thẩm quyền hiện tại;

- Đề xuất việc phân định lại thẩm quyền giữa các chủ thể nói trên dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí nhất định nhằm: - kiến nghị việc chuyển giao một số thẩm quyền từ Bộ cho địa phương; - kiến nghị việc chuyển một số công việc của địa phương lên để Bộ thực hiện việc quản lý thống nhất. 

          3. Phạm vi nghiên cứu

          Trong khuôn khổ Đề tài này, phạm vi nghiên cứu tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc phân định thẩm quyền và trách nhiệm giữa Bộ tư pháp và Uỷ ban nhân dân các cấp (đặc biệt là cấp tỉnh) trong việc quản lý nhà nước về công tác tư pháp; thực trạng các quy định của pháp luật hiện hành về phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác tư pháp giữa Bộ tư pháp và Uỷ ban nhân dân (trọng tâm là cấp tỉnh);  thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề tương ứng. 

4. Nhu cầu kinh tế xã hội, địa chỉ áp dụng

Nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý công tác tư pháp. Việc phân định rõ ràng thẩm quyền quản lý nhà nước trên cơ sở xác định những nội dung cần được quản lý thống nhất ở tầm trung ương và những vấn đề cần giao quyền chủ động cho địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, đồng thời, phát huy dân chủ, tính chủ động của địa phương là một xu hướng tất yếu hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài có thể được tham khảo trong quá trình xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp như Thông tư về tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương, Nghị định về phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003[1] hoặc về lâu dài, để phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện một số các luật, pháp lệnh chuyên ngành như Luật thi hành án, Pháp lệnh công chứng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng hợp nhất... Trước mắt, kết quả nghiên cứu của Đề tài góp phần thúc đẩy việc thực hiện một số nhiệm vụ của Bộ Tư pháp đã được xác định trong các chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung liên quan đến cải cách hành chính và phân cấp quản lý nhà nước như chương trình 136 về cải cách hành chính; chương trình 909 về đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; chương trình 121 về nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2003-2005; chương trình 69 về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước giai đoạn 2003-2005.

          5. Phương pháp nghiên cứu

          Việc nghiên cứu được tiến hành dựa trên phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, hệ quan điểm của Đảng về Nhà nước và pháp luật. Các phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ được áp dụng một cách linh hoạt trong quá trình tiếp cận từng nội dung nghiên cứu cụ thể như so sánh, thống kê, phân tích, tổng hợp, điều tra xã hội học…

          Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:

- Phương pháp nghiên cứu tại chỗ, gồm có: Nghiên cứu các văn bản, các quy định pháp luật, thông tin, tư liệu về tình hình phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp;

          - Tiến hành khảo sát trực tiếp và điều tra xã hội học ở một số địa phương hoặc các đơn vị của cơ quan Bộ tư pháp;

          - Tổ chức tọa đàm khoa học với quy mô thích hợp để đánh giá, tổng kết tình hình và xác định định hướng nghiên cứu, hoàn thiện nội dung Đề tài.

 

6. Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài :

          - Nghiên cứu khái niệm, ý nghĩa, nội dung, cơ sở lý luận của phân cấp trong hoạt động quản lý nhà nước; xác định những đặc điểm của hoạt động quản lý nhà nước về công tác tư pháp; các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, nội dung phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp

- Phân tích, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành và thực trạng tiến hành phân cấp quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực: công chứng, hộ tịch, tư vấn pháp luật, thi hành án dân sự, quản lý công chức …  

- Hình thành luận cứ khoa học, hệ quan điểm về nguyên tắc, tiêu chí, nội dung phân định thẩm quyền và trách nhiệm giữa Bộ tư pháp và Uỷ ban nhân dân các cấp (đặc biệt là cấp tỉnh) trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác tư pháp

- Đề xuất nội dung quản lý nhà nước thống nhất về công tác tư pháp do Bộ thực hiện và nội dung phân cấp quản lý nhà nước cho Uỷ ban nhân dân, đặc biệt là cấp tỉnh; Xác định cơ chế kiểm tra việc thực hiện  những nhiệm vụ được phân cấp

- Kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về phân cấp quản lý nhà nước và cơ chế thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp.

B. Phần nội dung

I. Những vấn đề lý luận

1. Khái niệm phân cấp

1.1. Thuật ngữ phân cấp – các cách tiếp cận

   Hiện nay, có một số quan niệm khác nhau xung quanh khái niệm “phân cấp”. Phân cấp được hiểu là chia ra, tách ra thành nhiều cấp, nhiều hạng từ một chỉnh thể[2].   

          Theo một số tác giả, phân cấp chính là phân quyền giữa trung ương và địa phương[3]. Có quan niệm khác cho rằng, phân cấp có thể theo hai hướng: một hướng nằm ngang là sự phân chia căn cứ vào sự khác nhau của các công việc của một cấp; hướng nằm dọc (thẳng đứng) là sự phân chia theo cơ cấu thứ bậc công việc giữa các cấp khác nhau[4].

          Dưới góc độ ngôn ngữ, “cấp” được hiểu là loại hạng trong một hệ thống (xếp theo trình độ cao thấp, trên dưới)[5]. Từ đó, phân cấp quản lý được cắt nghĩa là giao bớt một phần quyền quản lý cho cấp dưới, quy định nhiệm vụ và quyền hạn cho mỗi cấp[6]. Như vậy, ở đây có hai nội dung cần lưu ý là chuyển giao thẩm quyền cho cấp dưới và xác định thẩm quyền của mỗi cấp trong đó.

          Hiện nay, căn cứ vào cách phân chia đơn vị hành chính – lãnh thổ mà ở Việt Nam hình thành các cấp chính quyền: trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Dưới góc độ tổ chức quyền lực nhà nước, việc xác định thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền là một đòi hỏi bức thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của từng cấp, bảo đảm nguyên tắc pháp chế và trật tự trong hoạt động quản lý nhà nước. Việc phân cấp quản lý nhà nước, trước hết, được thực hiện nhằm giải quyết mối quan hệ giữa trung ương và địa phương là một trong những vấn đề cơ bản của luật Hiến pháp. Đối với các cấp chính quyền địa phương, “đã là ba cấp chính quyền cùng lo cho một địa bàn thì đòi hỏi một sự phân cấp, đúng hơn là phân định hết sức rành mạch phạm vi cấp độ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp để biết chuyên lo phần việc được phân công”[7].

          Như vậy, phân cấp quản lý nhà nước, trước hết được hiểu là phân cấp giữa trung ương với chính quyền cấp tỉnh; đồng thời, còn bao hàm cả phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.

          Dưới ánh sáng các văn kiện của Đảng, phân cấp được tiến hành theo hướng “phân cấp rõ hơn cho địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý lãnh thổ” và  trên cơ sở nguyên tắc “chính quyền trung ương quản lý tập trung một số lĩnh vực theo ngành dọc được xác định từ yêu cầu thực tế. Đối với một số lĩnh vực khác, trung ương trực tiếp quản lý một phần, còn một phần phân cấp cho địa phương quản lý”. Cũng với tinh thần đó mà hiện nay, phân cấp được hiểu là việc chuyển giao nhiệm vụ, thẩm quyền từ cơ quan quản lý nhà nước cấp trên xuống cơ quan quản lý cấp dưới nhằm đạt mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả quản lý.[8] Việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn chỉ có thể được tiến hành một khi thẩm quyền và trách nhiệm của cấp chuyển giao và cấp được chuyển giao đã được xác định hết sức rõ ràng. Vì vậy, bản thân khái niệm phân cấp phải hàm chứa trong đó nội dung phân định thẩm quyền của từng cấp hay nói một cách khác, phân định thẩm quyền là tiền đề cho việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn (hoặc rộng hơn nữa, điều chỉnh khối lượng nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của mỗi cấp chính quyền).

          Từ đây, có thể đưa ra khái niệm về phân cấp quản lý nhà nước như sau: Phân cấp quản lý nhà nước là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa khối lượng và tính chất thẩm quyền với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

1.2. Phân cấp và các khái niệm có liên quan

          Trong khoa học pháp lý nước ngoài, khái niệm phân quyền được sử dụng phổ biến thay vì “phân cấp”, trong đó ngoài phân quyền theo chiều ngang, còn có phân quyền theo chiều dọc, tức là giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là trong mô hình Nhà nước Liên bang. “Phân cấp” là khái niệm không dễ dàng định nghĩa và cho đến nay, có thể nói, chưa có sự thống nhất cao về cách hiểu. Theo Báo cáo của Tổ chức JICA (Nhật Bản) về “Phân cấp ở các nước đang phát triển” thì thông thường, “phân cấp” bao gồm ba yếu tố là “tản quyền” (deconcentration), “uỷ quyền” (delegation) và “phân quyền” (devolution). Đến lượt mình, tản quyền là sự dàn trải bớt các chức năng của chính quyền trung ương cho các cơ quan trung ương đóng tại địa phương. Uỷ quyền là giao quyền cho chính quyền địa phương được thay mặt chính quyền trung ương thực hiện các chính sách do chính quyền trung ương đưa ra kèm theo nghĩa vụ báo cáo về việc thực hiện cho chính quyền trung ương. Phân quyền là việc giao cho chính quyền địa phương không chỉ quyền ra quyết định mà còn cả quyền định đoạt tài khoá.

          Ở Việt Nam, ngoài phân cấp, trong các văn bản pháp luật và trong các tác phẩm chuyên khảo, công trình khoa học còn có những khái niệm khác như phân công, phân nhiệm, phân quyền. Trong một số trường hợp, những khái niệm này được đồng nhất với nhau, tuy nhiên, đôi chỗ, có sự phân biệt.

          Có ý kiến cho rằng, cần phân biệt “phân cấp quản lý” với một số khái niệm gần với nó là phân công, phân nhiệm, phân quyền vì: “phân công và phân nhiệm đều để chỉ sự xác định quyền hạn, trách nhiệm cả theo chiều ngang và chiều dọc. Thông thường, người ta sử dụng khái niệm phân công để chỉ quan hệ theo chiều ngang với dụng ý phân biệt nó với phân cấp. Nếu phân quyền được hiểu là phân giao quyền hạn cho một cơ quan hoặc một cấp chính quyền nào đấy thì thực ra sử dụng thuật ngữ phân công và phân cấp là đầy đủ và chính xác hơn”[9].

2. Công tác tư pháp

2.1. Quan niệm về công tác tư pháp qua các giai đoạn

Công tác tư pháp với tính chất là một hoạt động chuyên ngành đã được đặc biệt chú ý ngay từ buổi ban đầu của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bộ Tư pháp là một trong 12 Bộ được thành lập ở thuở khai sinh Nhà nước công – nông – binh non trẻ theo Tuyên cáo ngày 28 tháng 08 năm 1945 của Chính phủ lâm thời. Với tính chất là cơ quan thuộc bộ máy hành pháp đứng đầu là nguyên thủ quốc gia, Bộ Tư pháp của những ngày đầu tiên thực hiện những chức năng cơ bản về bảo đảm quyền dân chủ của con người thông qua những quy định của pháp luật về thẩm quyền trong việc bắt, điều tra, truy tố, xét xử, giam, tha phạm nhân, thẩm quyền tổ chức các Toà án dân sự, thương sự, hình sự, công việc thực hiện các Hiệp định tương trợ và uỷ thác tư pháp với nước ngoài, thẩm quyền tổ chức và quản lý các chức danh tư pháp khác nhau. Như vậy, ở thời kỳ sơ khai, “tư pháp” với tính chất là một hoạt động hành pháp được gắn chặt với các hoạt động tố tụng và hoạt động của Toà án – các cơ quan tư pháp theo nghĩa xét xử.

          Trong các giai đoạn tiếp theo, bản thân tổ chức ngành tư pháp và các trọng tâm hoạt động của ngành có những bước thay đổi nhất định. Một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới quá trình đó là quan niệm về “tư pháp”.

          Xét dưới góc độ triết học pháp quyền, tư pháp được quan niệm như một ý tưởng cao đẹp về một nền công lý là một giá trị xã hội thể hiện ở lẽ công bằng, ở sự tôn trọng nhân phẩm và nguyên tắc  bình đẳng. Với tư duy đó mà các văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người đã coi “sự phủ nhận thô bạo các quyền con người …đã đe doạ những nền tảng của tự do, công lý”[10]; đồng thời, “việc công nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới”[11]. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước Việt Nam non trẻ – một Nhà nước theo đuổi “ý tưởng nhân quyền và dân quyền” đã thiết lập Bộ Tư pháp với chức năng chính là bảo đảm quyền dân chủ của con người.

          Xét theo giác độ tổ chức quyền lực nhà nước, tư pháp là một loại quyền lực độc lập đặc trưng bởi hoạt động xét xử, cùng với quyền lực lập pháp và hành pháp tạo thành một thể quyền lực nhà nước thống nhất. Theo nghĩa này, xét xử là một đặc quyền của Toà án, còn được gọi là các cơ quan tư pháp.

          Dưới khía cạnh tổ chức bộ máy nhà nước, tư pháp được cắt nghĩa là “Toà án, hệ thống các cơ quan Toà án”[12]. Trong ngữ cảnh tổ chức Nhà nước Việt Nam, tư pháp không chỉ bao gồm hệ thống các cơ quan xét xử là Toà án mà còn bao hàm cả các cơ quan thực hiện quyền công tố là Viện kiểm sát.

          Với hai cách hiểu cuối cùng, đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa quản lý nhà nước về công tác tư pháp với tính chất là một nhiệm vụ mang tính hành chính của cơ quan thuộc bộ máy hành pháp với hoạt động tư pháp là một lĩnh vực có tính độc lập cao độ, là thẩm quyền riêng của Toà án. Việc phân biệt lập pháp – hành pháp – tư pháp như ba quyền lực là một hạt nhân của học thuyết phân quyền. Tính độc lập của Toà án, theo cách hiểu thống nhất, thể hiện ở sự phủ định bất kỳ một sự can thiệp vào quá trình thông qua phán quyết của Toà án về các vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của các cơ quan này. Tuy nhiên, kinh nghiệm tổ chức nhà nước ở các nước cho thấy, để hiện thực hoá nguyên tắc độc lập đó, để quan hệ giữa Toà án các cấp thực sự là các quan hệ giữa những chủ thể tiến hành tố tụng, việc quản lý Toà án về tổ chức và nhân sự được giao cho cơ quan hành pháp là Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, công tác quản lý thi hành án cũng là một nhiệm vụ của cơ quan hành chính mà không phải là nhiệm vụ của chính Toà án là cơ quan đã ra một phán quyết cụ thể. “Vì tự do, cần phải phân biệt, một mặt, các định chế nhà nước có quyền thông qua quyết định về việc áp dụng sức mạnh nhưng lại không có sức mạnh đó; mặt khác, các định chế nhà nước có sức mạnh chính trị và có khả năng sử dụng nó nhưng không có quyền ra quyết định về áp dụng sức mạnh. Toà án có đầy đủ quyền lực để có thể ra quyết định về việc áp dụng sức mạnh trong từng trường hợp cụ thể nhưng bản thân Toà án không nên được trao sức mạnh để thi hành những quyết định đó”[13]. Là hoạt động mang tính hành chính hướng tới khách thể quản lý là tổ chức và nhân sự của cơ quan tư pháp nên từ đó, khái niệm quản lý “công tác hành chính tư pháp” đã được hình thành. Trong lịch sử hơn nửa thế kỷ ngành tư pháp thì Bộ Tư pháp có 35 năm quản lý Toà án địa phương.

          Như vậy, nhận thức về tư pháp có tác động nhất định đến tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp. Mặc dù vậy, qua các giai đoạn phát triển, trải qua nhiều thử thách, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí của mình trong cơ cấu tổ chức nhà nước và đảm nhiệm những công việc với những trọng tâm phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng.

2.2. Phạm vi và đặc điểm của công tác tư pháp

Theo Luật tổ chức Chính phủ và Nghị định 86/2002/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện ba chức năng cơ bản.

Nghị định 62/2003/NĐ-CP xác định hai chức năng chính của Bộ Tư pháp: quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc định hướng hai chức năng này cũng bước đầu thể hiện phạm vi cũng như đặc thù của công tác tư pháp.

Về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, hiện nay, Bộ Tư pháp thực hiện chức năng “quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước”.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, công tác tư pháp được định hình theo các hướng cơ bản: - xây dựng pháp luật; - tư pháp và hỗ trợ cho hoạt động tư pháp.  Từ đó, “công tác tư pháp”, theo cách hiểu hiện nay, không chỉ nghiêng về hoạt động tư pháp theo nghĩa xét xử và bổ trợ cho hoạt động xét xử mà còn nhấn mạnh trọng tâm vào công tác xây dựng pháp luật đã từng coi là chức năng đặc trưng và duy nhất của cơ quan tiền nhiệm một thời.

Việc nhấn mạnh chức năng “quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật” của Bộ Tư pháp xuất phát từ cơ sở mang tính lý luận và thực tiễn. Đối với Việt Nam, thực tiễn công tác lập pháp nhiều năm qua cho thấy, Chính phủ là chủ thể đưa ra một số lượng lớn, nếu không muốn nói là đại đa số các dự án luật để Quốc hội xem xét, thông qua. Điều này được giải thích bởi độ am tường của Chính phủ đối với nhu cầu điều chỉnh pháp luật được phát hiện qua quá trình quản lý và khả năng dự báo đối với sự phát triển của các quan hệ xã hội đó. Bên cạnh đó, với bức tranh lập pháp của ngày hôm nay, Chính phủ còn được giao một thẩm quyền hết sức quan trọng là ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Ngoài xây dựng pháp luật, công tác tư pháp được nhấn mạnh vào một lĩnh vực khác gắn với hoạt động xét xử (hay hoạt động tư pháp vốn được dùng để chỉ công tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà biểu tượng là Toà án). Về mặt lý luận, chức năng này của Bộ Tư pháp (không chỉ riêng Bộ Tư pháp Việt Nam) xuất phát và được quy định bởi bản thân chức năng của Chính phủ. Như đã nêu, một trong những phương hướng hoạt động ưu tiên của cơ quan hành pháp là bảo vệ quyền, tự do của công dân và trật tự xã hội. Cũng chính để thực hiện chức năng này mà cần có cơ quan giúp Chính phủ tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực hành chính  tư pháp nhằm bảo đảm tính độc lập của Toà án là yếu tố tạo dựng nên công lý.

Nói đến hoạt động hành chính tư pháp, trước hết phải đề cập đến công tác thi hành án. Hiện nay, theo Luật tổ chức Chính phủ, thi hành án được đưa vào nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp. Bên cạnh đó, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân lại quy định Viện kiểm sát thực hiện  kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có thi hành án. Như vậy, vấn đề đặt ra là thi hành án sẽ phải được coi là hoạt động tư pháp hay hành chính tư pháp. Đó là về mặt pháp lý. Còn dưới góc độ khoa học, vẫn còn những quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý của thi hành án nói chung và ví dụ được nêu sau đây liên quan đến mảng thi hành án hình sự, nói riêng. Một số nhà khoa học cho rằng thi hành án hình sự là một giai đoạn đặc biệt của tố tụng hình sự (như Bộ luật tố tụng hình sự dành một phần riêng để quy định về việc thi hành bản án, quyết định của Toà án). Một số người khác lại cho rằng, thi hành án hình sự là một lĩnh vực hành chính tư pháp độc lập và thực chất là việc tổ chức thi hành các hình phạt đã được định ra trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Đó chính là việc thực thi công lý trên cơ sở đã được hoạt động tố tụng hình sự chứng minh[14]. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án hình sự khác với nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Cần lưu ý rằng, hoạt động thi hành án nói chung và thi hành án hình sự nói riêng có quan hệ chặt chẽ với pháp luật tố tụng nhưng là hoạt động chấp hành do pháp luật hành chính điều chỉnh và do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện.

Nếu nói một cách khách quan, việc giao “trọn gói” công tác thi hành án cho Toà án là những người trực tiếp ra bản án, quyết định có ưu điểm nhất định thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc của những người thi hành án với từng nội dung của bản án mà chính họ là tác giả. Tuy nhiên, mặt khác, dưới góc độ quản lý nhà nước thì nội dung của thi hành là rất rộng, bao gồm chế độ tổ chức thi hành án, áp dụng các biện pháp hành chính, giáo dục, y tế, văn hoá, thực hiện chế độ, chính sách đối với người phải thi hành án. Ngoài ra, còn phải tính tới các yếu tố khác như bảo đảm cơ sở vật chất cho việc thi hành án… Với nội dung phức tạp và khối lượng công việc như vậy, thi hành án đồi hỏi chuyên môn hoá ở mức độ cao. Đối với Toà án, sự chuyên môn hoá là để tập trung vào công tác xét xử mà không nên bị chi phối bởi các hoạt động chuyên môn mang tính chấp hành và điều hành. Với tư duy theo hướng đó, đã có ý kiến đề nghị giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý và tổ chức thi hành án (trong đó có thi hành án hành án hình sự)[15], xuất phát và dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng “Sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án theo hướng tiến tới tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành án vào Bộ Tư pháp”[16].

Như vậy, mặc dù các quy định của pháp luật mà cụ thể là Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Viện kiểm sát còn có những điểm về kỹ thuật cần phải được bàn thêm, song một lần nữa, cần khẳng định rằng, thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng là hoạt động trong lĩnh vực hành chính tư pháp, thuộc thẩm quyền của Chính phủ với tư cách là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật định.

Như vậy, công tác tư pháp, theo quan điểm hiện nay là hoạt động gắn với công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ và gắn với công tác “tư pháp” của Toà án. Sau những cải cách trong tổ chức bộ máy nhà nước theo các Luật vừa được Quốc hội ban hành, chức năng của Bộ Tư pháp có những thay đổi nhất định và từ đó, phạm vi công tác tư pháp cũng có biến chuyển so với các giai đoạn trước. Về tương lai, không loại trừ khả năng sẽ có những thay đổi tiếp theo về cách tiếp cận “công tác tư pháp”. Những luận cứ khoa học và quá trình tổng kết thực tiễn sẽ là cơ sở để thảo luận một cách nghiêm túc một lần nữa về tính ưu việt của mô hình cơ quan hành pháp quản lý Toà án nhân dân về mặt tổ chức để góp phần bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án vốn là một đòi hỏi và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền.    

3. Phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp

3.1. Một số vấn đề lý luận về phân cấp quản lý nhà nước

          Văn kiện Đại hội Đảng IX xác định “phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương” và “phân cấp mạnh và toàn diện giữa các cấp trong hệ thống hành chính nhà nước” là một trong những định hướng nhằm cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước.

Trước thềm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và ngay cả hiện nay, vấn đề phân công trong tổ chức quyền lực nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn. Để làm sáng tỏ cơ sở lý luận của “phân cấp quản lý nhà nước”, cần đề cập tới một số vấn đề sau đây: - cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa trung ương và địa phương; - ý nghĩa, vai trò, mục tiêu, nguyên tắc, chủ thể và nội dung phân cấp quản lý nhà nước.

          Là một phạm trù gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước, quản lý nhà nước ra đời với tính chất là bộ phận quản lý xã hội quan trọng nhất; hay nói một cách khác, Nhà nước là chủ thể đảm nhiệm một phần quản lý xã hội quan trọng nhất. Quản lý nhà nước (hay quản lý các công việc của Nhà nước), hiểu theo nghĩa rộng, được thực hiện bởi tất cả các cơ quan nhà nước. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành được đặc trưng bởi các yếu tố: - tính tổ chức; - được thực hiện trên cơ sở và để thi hành luật; - được bảo đảm thực hiện chủ yếu bởi hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước (hoặc một số tổ chức xã hội trong trường hợp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước).

          Như đã nêu, quản lý nhà nước là một dạng của quản lý xã hội. Vì vậy, quản lý nhà nước cũng là sản phẩm của việc phân công lao động nhằm liên kết và phối hợp hoạt động bị quản lý.

          Mối quan hệ giữa trung ương và địa phương là một vấn đề chính trị – pháp lý, liên quan đến việc xác định hình thức Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong mô hình Nhà nước tương ứng. Dưới hai góc độ nói trên, việc định hình mối quan hệ trung ương - địa phương cho phép nhận biết vị trí của từng cấp chính quyền trong cơ cấu quyền lực nhà nước; phương thức tổ chức quyền lực nhà nước.

          Quy chế pháp lý của từng cấp chính quyền được thể hiện ở địa vị hiến định, ở khối lượng thẩm quyền mà cấp đó đảm nhiệm. Khi thực hiện những thẩm quyền của mình, mỗi cấp chính quyền có tính độc lập tương đối song không biệt lập với các chủ thể quản lý nhà nước khác. Đồng thời, thực tiễn quản lý nhà nước không loại trừ trường hợp có nhiều chủ thể quản lý có cùng chung khách thể và đối tượng quản lý, nhưng phạm vi quản lý lại ở mức độ khác nhau. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần định rõ phạm vi hoạt động của mỗi cấp chính quyền nhà nước. Từ đó, mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, xét về bản chất, thể hiện ở việc phân cấp quản lý nhà nước, có nghĩa là phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trung ương với các cơ quan nhà nước ở địa phương mà trước hết là cấp tỉnh. Đối với một số trường hợp khác, phân cấp có tiến hành để giải quyết mối quan hệ trực tiếp giữa trung ương và các cấp chính quyền thấp hơn- cấp huyện hoặc cấp xã.

           

          Mối quan hệ giữa trung ương và địa phương (trước hết là cấp tỉnh) được quyết định bởi mô hình tổ chức Nhà nước và các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quyền lực nhà nước. Vì vậy, việc giải quyết mối quan hệ giữa trung ương - địa phương phải tuân thủ và bị chi phối bởi hai yếu tố nói trên.   Theo Hiến pháp và truyền thống tổ chức Nhà nước ta, Việt Nam luôn là một Nhà nước đơn nhất. Đặc trưng của mô hình Nhà nước này là quyền lực nhà nước được tập trung, thống nhất; Nhà nước là chủ thể duy nhất mang chủ quyền quốc gia và các cơ quan nhà nước được tổ chức theo thứ bậc và hoạt động theo trật tự hiến định, luật định. Từ đây, việc xác định mối quan hệ giữa trung ương - địa phương phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc về chủ quyền quốc gia là nơi thể hiện tính tối cao của quyền lực nhà nước trong quan hệ đối nội và tính độc lập của nó trong quan hệ đối ngoại. Chủ quyền quốc gia đòi hỏi bảo đảm tính thống nhất, tập trung của quyền lực nhà nước, đặc biệt trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, có liên quan đến đời sống của một bộ phận lớn hoặc của toàn bộ xã hội, đến lợi ích của Nhà nước.  Cũng chính xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà các cơ cấu lãnh thổ địa phương trong Nhà nước đơn nhất không thể được thừa nhận quy chế độc lập tuyệt đối và không có khái niệm “Nhà nước trung ương” và “Nhà nước địa phương” trong mô hình Nhà nước đơn nhất.

          Như đã nêu trên, mối quan hệ giữa trung ương - địa phương là một nội dung của tổ chức quyền lực nhà nước. Vì vậy, mối quan hệ đó phải được xác định dựa trên các nguyên tắc hiến định về tổ chức quyền lực nhà nước: đó là nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; tập trung dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

          Đề cập đến mối quan hệ trung ương - địa phương, cần phải giải quyết một vấn đề mang tính lý luận là kết hợp hai khía cạnh: tập trung hoá quyền lực nhà nước để bảo đảm chủ quyền quốc gia và dân chủ vốn là đặc trưng của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tập trung quyền lực là một yếu tố nhằm bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, nhằm thực hiện triệt để nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong một số lĩnh vực và trường hợp, Nhà nước mà biểu tượng là các cơ quan trung ương phải thể hiện rõ vai trò của mình bằng cách đưa ra quyết định cuối cùng để bảo vệ lợi ích của toàn quốc gia, dân tộc. Cũng chính vì vậy mà kinh nghiệm tổ chức nhà nước nhiều quốc gia cho thấy một số lĩnh vực quan trọng của đời sống xã  hội không thể được phân cấp cho địa phương như lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, ngoại giao, chính sách tiền tệ… Ngoài mục tiêu bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, mối quan hệ trung ương - địa phương phải được xác định sao cho phù hợp với nhu cầu, nguyên tắc dân chủ, bảo đảm quyền tự chủ, sáng tạo của địa phương và phát huy tối đa năng lực, tiềm năng của địa phương nhằm góp phần vào sự phát triển toàn diện và vững mạnh của cả nước. Để kết hợp hai khía cạnh nói trên, vấn đề đặt ra là cần khai thác một cách khoa học và vận dụng thích hợp nguyên tắc phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước vốn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Để có cơ chế phối hợp một cách hiệu quả, điều đầu tiên là cần phân định rõ thẩm quyền của từng chủ thể quản lý nhà nước hay nói một cách khác, tiền đề của phối hợp phải là tính rõ ràng trong việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, để thực hiện nguyên tắc pháp chế, mối quan hệ trung ương - địa phương phải được xây dựng dựa trên một nền tảng và cơ sở pháp lý vững chắc. Vì vậy, việc phân định thẩm quyền phải được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay là hình thành cơ sở lý luận để xây dựng và tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc pháp lý, các quy định pháp luật về mối quan hệ giữa trung ương - địa phương.  

         

          Là một nhiệm vụ mang tính chiến lược và là biện pháp nhằm cải cách toàn diện tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phân cấp được tiến hành để hướng tới một mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể.

          Ngày 11 tháng 6 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 121/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003-2005). Tại đó, mục tiêu phân cấp quản lý trung ương - địa phương được khái quát hoá là “nhằm quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp trong hệ thống hành chính nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương trong giải quyết công việc cho dân nhanh chóng, thuận lợi góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và của cả nước”.

           

          Với mục tiêu được đặt ra như vậy, phân cấp có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng dưới các góc độ: góc độ tổ chức quyền lực nhà nước, pháp chế  và góc độ dân chủ.

         

          Phân cấp quản lý nhà nước là một nội dung của cải cách hành chính và rộng hơn, đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Vì vậy, nó phải được tiến hành trên cơ sở những định hướng và quan điểm chỉ đạo xuyên suốt hai quá trình nói trên, trong đó phải kể đến các nguyên tắc: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; tập trung dân chủ; pháp chế. Bên cạnh đó, phân cấp được đặc trưng bởi một số nguyên tắc như sau:

          * Bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước: Như đã biết, quản lý nhà nước là sản phẩm của sự phân công lao động nhằm phối hợp và liên kết hoạt động của các tổ chức, cá nhân. Xuất phát từ tính thống nhất của quyền lực nhà nước mà các chủ thể quản lý dù có chức năng, nhiệm vụ cụ thể ở phạm vi và quy mô khác nhau song tất cả cùng hướng tới một mục tiêu chung và một nhiệm vụ chung. Phân cấp quản lý hay phân công lao động trong quản lý được tiến hành trên nền nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động vì một mục tiêu chung nhất.

          Xét dưới góc độ  lý luận, nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân loại theo các tiêu chí khác nhau, trong đó có một tiêu chí theo cấp độ. Để bảo đảm chủ quyền quốc gia là biểu tượng của tính thống nhất của quyền lực nhà nước, một số lĩnh vực quản lý nhà nước và một số thẩm quyền trong từng lĩnh vực đó được xem như đặc quyền của trung ương và việc chuyển giao cho địa phương là sự vi phạm tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Chính vì vậy mà một số chức năng của Nhà nước chỉ có thể được phân công theo chiều ngang giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp mà không thể phân cấp theo chiều dọc cho các cơ quan địa phương.

          * Bảo đảm tính hiệu quả: Phân cấp là một quá trình bắt đầu từ việc thử nghiệm hoặc rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền để phát hiện khả năng, tính trội của một cấp nhất định trong việc đảm nhiệm một công việc, hoạt động thuộc nội dung quản lý nhà nước. Việc lựa chọn chủ thể quản lý phải xuất phát từ tiêu chí hiệu quả, có nghĩa là cấp nào có khả năng đạt được mục tiêu, chất lượng và yêu cầu quản lý với chi phí ít nhất và thời gian ngắn nhất thì nên giao nhiệm vụ tương ứng cho cấp đó. Hiện nay, có nhiều tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Dưới góc độ bảo đảm tính nhân dân của nền hành chính nhà nước, chất lượng của công tác quản lý phải được phản ánh bằng các chỉ số như: sự gần dân, thuận lợi cho dân, nhanh chóng và đơn giản về thủ tục. Nguyên tắc bảo đảm tính hiệu quả của phân cấp quản lý nhà nước cũng được áp dụng một cách phổ biến ở một số nước và đôi khi, được gọi là nguyên tắc “cấp tốt nhất”.

          * Bảo đảm tính phù hợp: Nếu như tính hiệu quả là tiêu chí có nhằm vào việc đánh giá khả năng chủ quan của chủ thể quản lý nhà nước thì tính phù hợp nhằm vào việc đánh giá các yếu tố khách quan tác động đến hiệu quả quản lý nhà nước. Tính phù hợp là một phạm trù rộng, bao gồm các nội dung đa dạng sau đây:

          - Phân cấp quản lý nhà nước phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Xu hướng trong quản lý nhà nước hiện nay là định rõ vai trò và phạm vi tác động của Nhà nước đối với các lĩnh vực quan hệ xã hội cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tránh xu thế quản lý ôm đồm. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội dân sự. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước cần được phân cấp theo tư duy mới là không nhất thiết phải “nhà nước hoá” mà trái lại, cần xã hội hoá để phát huy tính tích cực của các thiết chế của xã hội dân sự. Theo xu hướng đó, một số công việc quản lý có thể chuyển giao cho các chủ thể phi nhà nước, các tổ chức xã hội và nhiệm vụ của Nhà nước là hoạch định chính sách, giữ quyền thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp. Chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu “xoá bỏ dần sự phân biệt kinh tế trung ương với kinh tế địa phương”, xoá bỏ chế độ bộ chủ quản… Những yếu tố đó trong tốc độ phát triển kinh tế – xã hội phải được tính đến trong quá trình phân cấp.

          - Phân cấp phải phù hợp với đặc thù quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực: Chức năng quản lý là phương tiện để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ quản lý. Việc phân ngành, lĩnh vực được thực hiện để bảo đảm tính chuyên nghiệp, thống nhất và tính đặc thù trong mỗi lĩnh vực cụ thể. Mỗi ngành kinh tế – xã hội, lĩnh vực công tác đòi hỏi những phương thức thực hiện và cơ chế quản lý thích hợp. Như trên đã nêu, đối với một số lĩnh vực quản lý nhà nước đặt ra nhu cầu tập trung hoá quyền lực ở mức độ cao nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia và tính thống nhất của quyền lực nhà nước; một số lĩnh vực khác – lại đòi hỏi quá trình không những phi trung ương hoá, phi tập trung hoá mà còn có thể áp dụng cơ chế chuyển giao mạnh mẽ một số thẩm quyền quản lý cho các tổ chức xã hội. Vì vậy, việc phân cấp quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực nói chung và đối với công tác tư pháp nói riêng, phải phản ánh đầy đủ những đặc thù và yêu cầu đối với ngành, lĩnh vực

          * Phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính –lãnh thổ: đơn vị hành chính – lãnh thổ là địa bàn được hình thành dựa theo các tiêu chí đa dạng như yếu tố dân cư, địa lý, diện tích, địa bàn nông thôn, đô thị, đồng bằng, vùng biên giới, miền núi, hải đảo… Ngay các địa bàn cùng một loại như nông thôn hay đô thị cũng được phân loại theo các tiêu chí như mức độ phát triển kinh tế-xã hội, mật độ dân cư, mức độ đô thị hoá, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và công nghiệp… Ngoài ra, một số đô thị cấp tỉnh còn được hưởng quy chế đặc thù do vị trí và tầm quan trọng của chúng như những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Sự đặc thù của đối tượng và địa bàn quản lý chi phối tính chất nhiệm vụ, nội dung và phương thức quản lý nhà nước. Vì vậy, phân cấp quản lý nhà nước phải bảo đảm sự phù hợp của từng loại hay nhóm đơn vị hành chính –lãnh thổ; trong một số trường hợp, phải phù hợp và tạo đà phát triển cho đơn vị hành chính –lãnh thổ có quy chế đặc biệt.

           

          Quản lý nhà nước đòi hỏi sự phân công lao động để đạt được mục tiêu và hiệu quả quản lý. Để sự phân công đó đạt được độ chín về mặt khoa học, độ thuyết phục về tính thực tế và sự hứa hẹn về mức độ hiệu quả, cần bám sát và tiến hành các bước sau đây:

          * Khảo sát, đánh giá thực trạng phân cấp quản lý nhà nước với các nội dung: đánh giá thực trạng các quy định pháp luật và thực tế áp dụng các quy định đó trong việc phân cấp giữa trung ương -địa phương và giữa các cấp địa phương với nhau;

          * Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập trong quản lý nhà nước về từng lĩnh vực công tác cụ thể;

          * Đề xuất nội dung phân cấp giữa các chủ thể quản lý theo tinh thần xác định rõ địa chỉ phân cấp và trách nhiệm của từng chủ thể.  Việc đề xuất nội dung phân cấp có thể liên quan đến việc chuyển giao thẩm quyền từ trung ương cho địa phương, từ cấp trên xuống cấp dưới và không loại trừ trường hợp ngược lại: vì mục tiêu thống nhất quản lý nhà nước và vì tính hiệu quả, nhiệm vụ cấp dưới được kiến nghị chuyển giao lên cấp trên hoặc cấp trung ương.

          Sản phẩm cuối cùng của quá trình phân cấp quản lý nhà nước là một hệ thống quy định pháp luật về phân định thẩm quyền quản lý nhà nước và cơ chế thực hiện những thẩm quyền đó. Như vậy, suy cho cùng, phân cấp bao gồm các nội dung cụ thể như sau:

          * Xác định những thẩm quyền đặc biệt của trung ương trong việc quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực công tác cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước;

          * Xác định những thẩm quyền riêng của từng cấp chính quyền theo tiêu chí “cấp tốt nhất”;

          * Xác định thẩm quyền chung của hai (hoặc một số) cấp chính quyền và cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thẩm quyền chung đó. Thực tiễn quản lý nhà nước cho thấy không loại trừ sự tác động của một số chủ thể lên cùng một đối tượng và khách thể quản lý. Trong trường hợp này, không nên tuyệt đối hoá việc phân định thẩm quyền theo nghĩa “mỗi việc chỉ do một chủ thể đảm nhiệm”. Vấn đề đặt ra là cần xác định phạm vi trách nhiệm của mỗi chủ thể “đồng quản lý” và có cơ chế quản lý thích hợp.

          * Quy định các điều kiện về tài chính, tổ chức, nhân sự để bảo đảm thực hiện thẩm quyền được phân định, đặc biệt là những thẩm quyền mới được chuyển giao;

          * Xác định cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện thẩm quyền là kết quả của phân cấp quản lý nhà nước.

           

3.2. Đặc điểm của phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp

Mục tiêu phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp là phân định rõ thẩm quyền quản lý nhà nước của từng chủ thể quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là giữa Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân, trước hết là cấp tỉnh trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Việc phân định thẩm quyền được tiến hành trên cơ sở rà soát những nhiệm vụ, quyền hạn hiện có của Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; đánh giá những hạn chế của cơ chế phân cấp hiện tại hoặc những nguyên khác (về tổ chức, cán bộ) làm cản trở quá trình phân cấp và đề xuất việc điều chỉnh lại các thẩm quyền cho phù hợp.

Việc phân cấp trong nội bộ ngành phải đáp ứng các nguyên tắc chung như bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước; dân chủ hoá hoạt động quản lý nhà nước; nguyên tắc bảo đảm tính hiệu quả và sự phù hợp; nguyên tắc về “cấp tốt nhất”… Riêng về lĩnh vực tư pháp, do đặc thù của các mặt công tác nên các nguyên tắc cần được bổ sung nghiên cứu là bảo đảm nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; bảo đảm tính khoa học và kế thừa kinh nghiệm thích hợp của nước ngoài. Ngoài ra, đối với một số công tác tư pháp đặc thù, cần nhắc tới một định hướng khác là thúc đẩy quá trình xã hội hoá một số hoạt động quản lý trên cơ sở chuyển giao thẩm quyền quản lý cho một số chủ thể phi nhà nước[17].

Về tiêu chí phân cấp, như đã nêu trên đây, do công tác tư pháp bao gồm những nội dung đòi hỏi sự quản lý tập trung thống nhất và gắn với chủ quyền quốc gia nên việc phân cấp chỉ nên áp dụng với các nội dung công việc mang tính tổ chức thực hiện và tác nghiệp; các hành vi quản lý khác như điều chỉnh pháp luật và hoạch định chính sách, chỉ nên tập trung ở trung ương mà đại diện là Bộ Tư pháp. Cần phải nói thêm rằng, về công tác điều chỉnh pháp luật thì trong giai đoạn quá độ hiện nay, việc giao một phần nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp là thích hợp, nhưng tiến tới, cần tập trung vào các chủ thể có thẩm quyền khác như Quốc hội hoặc trường hợp hãn hữu, Chính phủ.

Chủ thể phân cấp quản lý nhà nước ở đây là Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân các cấp (mà trước hết là cấp tỉnh). Một vấn đề mang tính lý luận đặt ra liệu Sở Tư pháp và các cơ quan tư pháp khác thuộc Uỷ ban nhân dân có phải là chủ thể quản lý nhà nước? Điều này có ý nghĩa quan trọng vì việc chuyển giao thẩm quyền, trong một số trường hợp, được thực hiện giữa Bộ và cơ quan ngành dọc theo thủ tục uỷ quyền. Về vấn đề này, cần nhấn mạnh rằng, chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước ở địa phương là Uỷ ban nhân dân. Vì vậy, việc phân cấp, trước hết là nhằm vào Uỷ ban nhân dân. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc quản lý theo lãnh thổ.

Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực công tác đòi hỏi phát huy nguyên tắc quản lý nhà nước theo ngành dọc thống nhất, việc phân định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp địa phương là những chủ thể thực sự tham gia vào quá trình quản lý nhà nước là hết sức cần thiết.

Về cơ bản, nội dung phân cấp bao gồm các vấn đề sau đây:

- Xác định những thẩm quyền riêng của Bộ Tư pháp (trong đó có thẩm quyền quản lý nhà nước thống nhất đối với các công việc được xã hội hoá);

- Xác định thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân với ba loại việc như sau: + Những việc do Uỷ ban nhân dân toàn quyền quyết định; + Những việc do Uỷ ban nhân dân thực hiện trên cơ sở quyết định của Bộ; + Những việc Uỷ ban nhân dân được quyết định sau khi có ý kiến của Bộ; Đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện và xã, tương tự như vậy, cũng cần xác định những vấn đề thuộc thẩm quyền độc lập của mỗi cấp và những việc thực hiện theo quyết định hay ý kiến của cơ quan cấp trên.

- Xác định thẩm quyền của các cơ quan tư pháp địa phương: Những thẩm quyền được thực hiện với tư cách là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân và những nhiệm vụ được thực hiện theo thủ tục uỷ quyền từ phía Bộ.

- Xác định những vấn đề có thể chuyển giao cho các chủ thể phi nhà nước.

II. THỰC TRẠNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Khái quát về tổ chức và hoạt động của ngành tư pháp

1.1. Giai đoạn từ năm 1981 đến 1993

Tính đến nay, ngành tư pháp đã có gần 6 thập kỷ tổ chức và hoạt động với điểm khởi đầu là Nghị định số 37 ngày 01 tháng 12 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt cơ sở pháp lý cho việc tổ chức ngành.

          Năm 1961, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ được ban hành và trong danh mục các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 3) không có Bộ Tư pháp. Cũng năm đó, Bộ Tư pháp giải thể và công việc do Bộ thực hiện trước đây được giao cho Toà án nhân dân tối cao và Vụ Pháp chế của Phủ Thủ trướng. Điều này làm liên tưởng đến sự kiện tương tự vào năm 1956 tại Liên Xô. Ngày 30 tháng 05 năm 1956, Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành nghị quyết liên tịch về sự cần thiết giải thể Bộ Tư pháp; chuyển giao các chức năng của Bộ về lãnh đạo công tác của các cơ quan tư pháp cho các Bộ Tư pháp của các nước Cộng hoà; thành lập Uỷ ban pháp chế thuộc Hội đồng Bộ trưởng với nhiệm vụ hệ thống hoá và pháp điển hoá pháp luật toàn Liên bang. Ngày 31 tháng 5 năm 1956, Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao đã ra Pháp lệnh giải thể Bộ Tư pháp. “Từ đó, việc thực hiện quản lý Toà án có thay đổi cơ bản về tính chất. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định về việc giải thể Bộ Tư pháp như một sai lầm”[18]. Đến năm 1970, Bộ Tư pháp mới được tái lập ở Liên Xô.

          Năm 1972, Uỷ ban pháp chế – một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ ra đời với trách nhiệm quản lý thống nhất pháp chế của Hội đồng Chính phủ, “làm cho pháp chế trở thành sức mạnh, uy quyền của Nhà nước”.

          Năm 1981, sau một quá trình chuẩn bị, Bộ Tư pháp được tái lập như một hiện tượng và đòi hỏi tất yếu. Sau đó một năm, Toà án nhân dân Tối cao đã chuyển giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ quản lý các Toà án nhân dân địa phương và hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải. Bộ Tư pháp “tái lập” được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 143/HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981. Trong thời kỳ đó, hoạt động của Bộ tập trung vào các nội dung chính là xây dựng pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật, đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý. Những đóng góp của Bộ đã in đậm dấu ấn trong quá trình hình thành hệ thống pháp luật bước đầu mang tính đồng bộ của một Nhà nước thống nhất theo tư duy quản lý kinh tế và xã hội bằng luật, pháp lệnh mà không phải bằng nghị định, thông tư như trước đây. Bộ đã trực tiếp soạn thảo các luật, bộ luật lớn và quan trọng như Bộ Luật hình sự năm 1985, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Quốc tịch năm 1986 và các Pháp lệnh, trong đó phải kể đến Pháp lệnh xử phạt hành chính và Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989, Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987…

          Năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới được ban hành. Cùng lúc đó, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được đặt ra như một nhiệm vụ trung tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật đã đặt ra trước bộ máy nhà nước nói chung và ngành tư pháp nói riêng những trọng trách mới. Trong bối cảnh đó, Nghị định 38/CP được ban hành đánh dấu một giai đoạn hoạt động mới của ngành tư pháp.

1.2. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay

Từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam là vấn đề đã được đề cập tại Hội nghị lần thứ hai BCH trung ương Khoá VII và kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá VIII khi thông qua Hiến pháp 1992. Để tiến tới một Nhà nước pháp quyền, trọng tâm hoạt động của Nhà nước được định hướng vào việc xây dựng pháp luật; đổi mới hệ thống chính trị; cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Cũng ở thời điểm đó, ngành tư pháp được phân công nhiều nhiệm vụ mới với đầy thử thách để thực hiện sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Định hướng hoạt động của ngành tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng sau đây: - Xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp giữ vai trò giúp Chính phủ phối hợp hoạt động của các Bộ trong việc soạn thảo các dự án Luật, hướng dẫn nghiệp vụ lập pháp, lập quy cho các Bộ); - “Đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán, xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện kỹ thuật cho công tác xét xử”; - “Nghiên cứu và thực hiện từng bước cuộc cải cách tư pháp đi đôi với cải cách hành chính, cải cách lập pháp, thực hiện chủ trương tiến hành một cuộc cải cách lớn về bộ máy nhà nước đã được Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra”[19].

          Tháng 12 năm 1992, Chính phủ đã đề ra Chương trình hoạt động của mình tập trung sự chỉ đạo vào 10 công tác lớn và những công tác đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các mặt hoạt động của các cơ quan Tư pháp và Toà án. Trước thời điểm ban hành Nghị định 38/CP, vấn đề đổi mới ngành tư pháp đã được nguyên Thủ tướng Chính phủ quan tâm đặc biệt: “Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, ngành tư pháp giữ một vị trí và vai trò rất quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước”[20]. Với tinh thần đó, toàn ngành tư pháp đã vươn lên để thực hiện chức năng được xác định trong Nghị định 38/CP là “quản lý nhà nước thống nhất về công tác tư pháp; xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý về mặt tổ chức Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp khác được Chính phủ giao”. Để thực hiện những chức năng đó, Bộ Tư pháp được giao một hệ thống nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực: Xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật; quản lý Toà án nhân dân địa phương; quản lý và tổ chức thi hành án dân sự; quản lý công tác tư pháp khác bao gồm tổ chức và hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, thống kê tư pháp, lý lịch tư pháp, các công việc về quốc tịch theo quy định của pháp luật; quản lý nhà nước về công tác hoà giải; phổ biến giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng viên chức tư pháp; nghiên cứu khoa học pháp lý; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo. Với một cơ cấu tổ chức gồm 16 đơn vị (cùng các đơn vị mới là Cục trợ giúp pháp lý thành lập năm 1997, Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm -năm 2001 và Trường đào tạo các chức danh tư pháp – năm 1998), Bộ Tư pháp luôn ở tư thế sẵn sàng đảm đương những lĩnh vực công tác mới, cùng Chính phủ và Nhà nước chuẩn bị những tiền đề cho một Nhà nước pháp quyền là nguyên tắc mới được ghi nhận trong dịp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001. 

          Sau khi có Nghị định 38, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ đã ban hành Thông tư liên bộ số 12-TTLB ngày 26 tháng 7 năm 1993 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương bao gồm: Sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng tư pháp ở huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; Ban tư pháp ở xã, phường, thị trấn. Là những cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, các cơ quan tư pháp địa phương có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp trong phạm vi địa phương và chịu sự quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp. Đối chiếu hệ thống thẩm quyền của Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương (đặc biệt là các Sỏ Tư pháp), có thể thấy rằng, tuy có khác về quy mô và phạm vi hoạt động, song các mặt công tác của các cơ quan đó đều có những điểm chung nhất là quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (với các hoạt động cụ thể là soạn thảo, tham gia soạn thảo, kiểm tra trước văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật) và quản lý nhà nước về công tác tư pháp (quản lý công tác thi hành án dân sự, hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; riêng Sở Tư pháp còn quản lý Toà án cấp huyện về mặt tổ chức theo sự phân cấp của Bộ Tư pháp).   

Trong số những lĩnh vực công tác của Bộ được triển khai từ Nghị định 38/CP, không thể không kể đến những dấu ấn quan trọng về xây dựng pháp luật. Đầu những năm 90, việc nỗ lực để xoá bỏ hệ thống pháp luật hình thành trong thời kỷ quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp cũng đồng nghĩa với nhu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật mới để thể chế hóa toàn diện chính sách đổi mới của Đảng. Trong gần một thập niên, Bộ đã góp phần xây dựng và hoàn thiện những bộ luật, đạo luật có tính xương sống như Bộ luật dân sự, hình sự, tố tụng hình sự, Luật Quốc tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh thi hành án dân sự… Cùng lúc đó, Bộ đã tham gia cùng các Bộ, ngành khác soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức pháp chế Bộ, ngành về công xác xây dựng, soạn thảo văn bản, góp phần tạo nên sự khởi sắc trong công tác xây dựng pháp luật và lập pháp của nước nhà. Chính vì thế, đã có nhận định cho rằng ngành tư pháp là ngành chịu trách nhiệm chủ yếu trước Nhà nước về hoạt động xây dựng pháp luật.

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Bộ đã đặc biệt chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ đạo các Sở Tư pháp tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương, xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, biên soạn tài liệu và hướng dẫn kịp thời cho nhân dân các văn bản pháp luật mới.

Nhìn lại quá trình hoạt động 10 năm từ khi có Nghị định 38/CP, phải nói rằng, hầu hết các công tác của ngành đều gắn với cuộc cải cách tư pháp, đó là hoàn thiện các cơ quan tài phán của Nhà nước; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật tố tụng. Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 tiếp tục giao cho Bộ Tư pháp quản lý về mặt tổ chức đối với Toà án địa phương nhằm trước hết bảo đảm sự độc lập xét xử của thẩm phán và Toà án nói chung. Thực hiện Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Bộ đã có nhiều biện pháp tích cực để nhanh chóng xây dựng đội ngũ thẩm phán đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. Công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ cho thẩm phán được đặc biệt chú trọng. Từ chỗ chúng ta phải chấp nhận tình trạng thẩm phán, chuyên viên tư pháp, pháp chế, luật sư, công chứng viên được đào tạo ít hoặc chưa qua đào tạo luật, nỗ lực của ngành tư pháp đã từng bước thanh toán hiện tượng làm quan toà mà học luật ít ỏi. Cũng vào năm 1993, Bộ Tư pháp được chuyển giao nhiệm vụ quản lý thi hành án dân sự “mà việc này đang là một khâu yếu”[21]; theo đó, Bộ có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo và tổ chức công tác thi hành án dân sự. Nhận thức được trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vinh dự của mình, Bộ đã ráo riết chỉ đạo công tác đối với 61 Phòng Thi hành án của 61 tỉnh, thành và gần 600 Đội thi hành án ở các huyện, quận trong cả nước cố gắng làm tốt công tác này, làm giảm số án tồn đọng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong vòng 10 năm thực hiện Nghị định 38/CP, Bộ Tư pháp đã được giao thêm 20 nhiệm vụ mới liên quan đến hầu hết các lĩnh vực công tác của ngành, trong đó phải nói đến nhiệm vụ thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (năm 1996), thẩm định dự thảo Điều ước quốc tế (năm 1998), quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (năm 1997), đào tạo bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác (năm 1998), đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (năm 2000)…

Cho đến nay, câu hỏi vẫn được đặt ra: đâu là đặc trưng của công tác tư pháp? Điểm lại quá trình hoạt động của ngành trong 10 năm qua, có thể thấy rằng, hầu hết nếu như không nói là toàn bộ công tác tư pháp đều gắn với hai nhiệm vụ lớn, chung nhất cho cả nước là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, hoàn thiện các cơ quan tài phán của Nhà nước và các tổ chức bổ trợ tư pháp. Mặc dù có thành công và thất bại, có thắng lợi và cũng có những bài học, song đã có một ngành tư pháp của một thập niên đổi mới, một ngành tư pháp quyết tâm cùng với cả nước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam và khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống quản lý nhà nước.

Công cuộc cải cách tư pháp luôn là một yếu tố quan trọng chi phối các mặt công tác của Bộ và ngành tư pháp. Tiếp theo việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2001 và Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2002. Theo đó, việc quản lý Toà án địa phương về mặt tổ chức được chuyển giao cho Toà án nhân dân Tối cao theo tư duy “nắm việc phải nắm con người”. Hoạt động của Bộ Tư pháp được tiến hành theo các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ mới, Nghị định 86/2001/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định 62/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 về  chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Đây là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của Bộ nói riêng và ngành tư pháp nói chung.   

2. Thực trạng quy định của pháp luật và thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về phân cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp

2.1. Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng

Khái niệm và phạm vi quản lý hành chính tư pháp hiện nay chưa được xác định rõ về mặt lý thuyết. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 62/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp thì quản lý hành chính tư pháp bao gồm các lĩnh vực: Công chứng, hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp. Trong báo cáo này chỉ đề cập đến vấn đề phân cấp trong quản lý hai  lĩnh vực nêu trên là lĩnh vực công chứng, chứng thực và hộ tịch.

Việc phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực theo quy định của Nghị định 75/CP như sau:

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp:

 

- Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vềcông chứng, chứng thực; ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật đó;

- Hướng dẫn, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng, chứng thực;

- Ban hành và hướng dẫn việc sử dụng thống nhất các sổ công chứng, chứng thực; quy định và hướng dẫn việc sử dụng mẫu hợp đồng; giao dịch, mẫu nội dung lời chứng;

- Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực theo thẩm quyền;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công chứng, chứng thực theo thẩm quyền;

- Thực hiện hợp tác quốc tế về công chứng, chứng thực;

- Đào tạo nghề công chứng; bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên, chấp thuận việc bổ nhiệm Trưởng, phó phòng Công chứng, việc thành lập Phòng Công chứng.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân  cấp tỉnh:

- Chỉ đạo hoạt động công chứng, chứng thực;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công chứng, chứng thực theo thẩm quyền;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ cho người thực hiện cong chứng, chứng thực của Uỷ ban nhân dân  cấp huyện, cấp xã;

- Hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra hoạt động của Phòng Côngchứng và Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cấp xã;

- Quyết định thành lập và giải thể Phòng Công chứng; quyết định thẩm quyền địa hạt cho từng Phòng Công chứng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Công chứng; bảo đảm trụ sở làm việc, phương tiện, cơ sở vật chất cần thiết khác cho hoạt động của Phòng Công chứng.

Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân  cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân  cấp huyện:

- Hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động chứng thực của Phòng Tư pháp và Uỷ ban nhân dân  cấp xã;

- Kiểm tra,thanh tra hoạt động chứng thực của Phòng Tư pháp và Uỷ ban nhân dân  cấp xã;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về chứng thực theo thẩm quyền;

Phòng Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân  cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

 

Về phân cấp thẩm quyền công chứng, chứng thực:

Thẩm quyền công chứng của Phòng Côngchứng:

- Công chứng hợp đồng,giao dịch có yếu tố nước ngoài;

- Công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền địa hạt của Phòng Công chứng;

- Công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;

- Công chứng bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại;

- Công chứng chữ ký của người nước ngoài, người Việt nam định cư ở nước ngoài trong các giấy tờ phụcvụ cho việc thực hiện các giao dịch trong nước và ở nước ngoài;

- Nhận lưu giữ di chúc.

 

Thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân  cấp huyện:

- Chứng thực bản sao giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

- Chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước;

- Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt;

- Chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản giá trị dưới 50 triệu đồng;

- Chứng thực văn bản thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

Chủ tịch UBND cấp huyện uỷ quyền cho Trưởng phòng Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ trên.

Thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân  cấp xã:

- Chứng thực chữ ký của công dân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước;

-        Chøng thùc di chóc, v¨n b¶n tõ  chèi nhËn di s¶n.

Thùc tiÔn ¸p dông c¸c quy ®Þnh vÒ ph©n cÊp t¹i ®Þa bµn Thµnh phè Hå ChÝ Minh cho thÊy, c¸c quy ®Þnh ®ã ®· gãp phÇn t¹o nªn  kết quả hoạt động c«ng chøng, chøng thùc những năm gần đây t¹i Thµnh phè cã nhiÒu ®Æc thï nµy:

- Năm 2001 ba Phòng Công chứng đã thực hiện 248.086 việc, lệ phí thu được gần 30 tỷ đồng.

- Năm 2002 bốn Phòng Công chứng đã thực hiện 312.669 việc, tăng 26% so với năm  2001; lệ phí thu được hơn 19 tỷ đồng, mức thu giảm là do thực hiện mức thu mớI theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT-BTP-BTC ngày 21/01/2001 của liên Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí công chứng, chứng thực.

- Năm 2003, năm Phòng Công chứng đã thực hiện 402.253 việc, tăng 28% so với năm  2002; lệ phí thu được hơn 18 tỷ đồng, mức thu giảm là do một số loại hồ sơ công chứng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, hồ sơ thế chấp giảm.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý hoạt động công chứng, chứng thực tại TP. Hồ Chí Minh còn có những vấn đề sau:

- Về việc chỉ đạo hoạt động công chứng, chứng thực. Theo phân cấp quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp có thẩm quyền “Hướng dẫn hoạt động công chứng, chứng thực…”. Tuy nhiên từng bước thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Thành phố. Ngày 15/3/2004 UBND Thành phố có Quyết định số 58/2004/QĐ-UB ban hành “71 biểu mẫu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, nhà ở”, trong đó có 21 biểu mẫu liên quan đến hoạt động công chứng. Đây là bước đột phá trong công tác nghiệp vụ của các cơ quan Nhà nước tại Thành phố nói chung, hoạt động công chứng nói riêng, hạn chế những tiêu cực và từng bước đi vào nền nếp.

- Hiện nay một số tỉnh thành trong cả nuớc đã và đang tiến đến xóa bỏ địa hạt giữa các Phòng Công chứng nhưng TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì thẩm quyền về địa hạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định 75/2000/NĐ-CP. Việc xóa bỏ địa hạt có thể sẽ đem lại thuận lợi cho nhân dân. Tuy nhiên tại TP. Hồ Chí Minh khối lượng công việc quá lớn, địa bàn phức tạp cần thực hiện từng bước thận trọng nhằm không gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến các mặt hoạt động khác.

- Đối với hoạt động chứng thực tại UBND các quận, huyện Thành phố được thực hiện đúng quy định hiện hành. Theo Điều 22 Nghị định 75/2000/NĐ-CP và điểm 2 Mục III Thông tư 03/2002/TT-TP thì Trưởng Phòng và Phó Trưởng Phòng Tư pháp có thẩm quyền ký các giấy tờ chứng thực theo ủy quyền của Chủ tịch UBND quận, huyện. Tuy nhiên nhu cầu chứng thực tại TP. Hồ Chí Minh  rất lớn nên hầu hết Chủ tịch UBND quận, huyện đã ủy quyền cho Ủy viên Văn phòng, Trưởng và Phó Phòng Tư pháp được ký các giấy tờ chứng thực sau khi đăng ký chữ ký tại Sở Tư pháp. Việc ủy quyền cho Ủy viên Văn phòng được thực hiện hành vi chứng thực không được quy định trong Nghị định 75/2000/NĐ-CP và Thông tư 03/2002/TT-TP, những năm trước UBND các quận, huyện đề nghị cho phép Ủy viên Văn phòng được ký chứng thực, Sở Tư pháp đã vận dụng Điều 51 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994 “Chủ tịch UBND phân công công tác cho các thành viên khác của UBND; người được phân công phải chịu trách nhiệm trước UBND” để cho phép Ủy viên Văn phòng thực hiện việc chứng thực sau khi đăng ký chữ ký tại Sở Tư pháp. Tuy nhiên hiện nay các Phòng Tư pháp được kiện toàn đầy đủ các chức danh nên việc Ủy viên Văn phòng ký chứng thực là không phù hợp nữa. 

Về công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho người thực hiện chứng thực của UBND cấp huyện, cấp xã. Theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP thì đây là trách nhiệm của UBND Thành phố và Bộ Tư pháp. Mặc dù UBND Thành phố và Bộ Tư pháp không có văn bản ủy quyền, giao nhiệm vụ nhưng thời gian qua Sở Tư pháp thực hiện khá tốt công tác này, đã tập huấn Nghị định 75/2000/NĐ-CP, trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ thông qua từng vụ việc cụ thể khi các đơn vị có yêu cầu, báo cáo các chuyên đề về công chứng chứng thực, chấn chỉnh các thiếu sót, vướng mắc về nghiệp vụ trong giao ban công chứng, giao ban các Phòng tư pháp, thực hiện kiểm tra chéo…

 

2.2. Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự

          Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 về Quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự thì:

Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong cả nước. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :

 

a) Giúp Chính phủ chuẩn bị các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác về công tác thi hành án dân sự;

 

b) Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác thi hành án dân sự; trực tiếp quản lý hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự;

 

c) Thực hiện thanh tra Nhà nước về công tác thi hành án dân sự;

 

d) Quản lý công tác đào tạo cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với Chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự;

 

đ) Quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí, phương tiện cần thiết cho công tác thi hành án dân sự.

 

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của Chính phủ.

 

          Các cơ quan Tư pháp địa phương giúp uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Tư pháp cấp trên trong việc quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự địa phương; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Tư pháp cấp trên về tình hình quản lý công tác thi hành án và tổ chức thi hành án dân sự. Trong các cơ quan Tư pháp địa phương, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đóng vai trò quan trọng nhất. Theo Quyết định 141/QĐ/QLTA-THA ngày 21.3.1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân cấp quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Phòng thi hành án, Đội thi hành án, Giám đốc Sở Tư pháp có nhiệm vụ quyền hạn như sau:

 

          - Kiểm tra, đôn đốc việc kiện toàn tổ chức Phòng thi hành án, Đội thi hành án theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; Xây dựng thực hiện kế hoạch chỉ tiêu biên chế, số lượng Chấp hành viên cho từng Đội thi hành án theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

 

          - Tuyển dụng, tiếp nhận công chức của Phòng thi hành án, Đội thi hành án trong chỉ tiêu biên chế đã được phân bổ theo đúng chức danh, tiêu chuẩn công chức đã được ban hành và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

 

          - Điều động, thuyên chuyển công chức của Phòng thi hành án, Đội thi hành án; đối với việc điều động, thuyên chuyển Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng của Phòng thi hành án, Đội thi hành án thì phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước khi ra quyết định.

 

          - Chuẩn bị nhân sự, hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng của Phòng thi hành án, Đội thi hành án theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

 

- Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định nâng bậc lương đối với Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng, Chuyên viên chính của Phòng thi hành án.

 

          Quyết định nâng bậc lương đối với công chức khác của Phòng thi hành án; Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng và công chức khác của Đội thi hành án sau khi đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp duyệt.

 

          - Xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo theo tiêu chuẩn các ngạch công chức của Phòng thi hành án, Đội thi hành án theo hưỡng dẫn của Bộ Tư pháp.

 

          - Quyết định tặng giấy khen; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khen thưởng đối với tập thể, cá nhân của các Phòng thi hành án, Đội thi hành án theo chế độ khen thưởng hiện hành.

 

          - Quyết định kỷ luật đối với công chức  của Phòng thi hành án, Đội thi hành án; trong trường hợp buộc thôi việc thì phải báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước khi quyết định;

 

          Quyết định tạm đình chỉ công tác theo quy định hiện hành đối với Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng vi phạm kỷ luật, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Tư pháp và chịu trách nhiệm việc quyết định của mình;

 

          Chuẩn bị hồ sơ miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng vi phạm kỷ luật của Phòng thi hành án, Đội thi hành án đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định;

 

          - Kiểm tra công tác của Phòng thi hành án, Đội thi hành án, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức của Phòng thi hành án, Đội thi hành án, trừ khiếu nại về nghiệp vụ thi hành án.

 

          Khi thực hiện các nhiệm vụ trên, Giám đốc Sở Tư pháp tham khảo ý kiến của Trưởng Phòng thi hành án, Trưởng Phòng Tư pháp, Đội trưởng Đội thi hành án.

 

          Nhiệm vụ của Trưởng Phòng tư pháp: theo quy định tại Điều 6 Nghị định 30/CP ngày 2.6.1993 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án và Chấp hành viên đã quy định: Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giúp ủy ban nhân dân cùng cấp và Sở Tư pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương.

Những văn bản nói trên đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về thi hành án dân sự. Có thể lấy ví dụ là Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những đô thị có quy chế đặc thù. Thi hành án với tư cách là một trong những lĩnh vực quan trọng của công tác tư pháp Thành phố, trong khoảng thời gian nêu dưới đây, đã được những kết quả sau:

Năm 2001

- Tổng số việc phải thi hành: 70.116 việc, với tổng số tiền là gần 9.000 tỷ đồng (trong đó mớI thụ lý là 27.606 việc).

- Tổng số việc có điều kiện thi hành: 41.465 việc.

- Đã giải quyết: 37.407 việc, với tổng số tiền là hơn 527 tỷ đồng.

Năm 2002

- Tổng số việc phải thi hành: 76.612 việc, với tổng số tiền là gần 9.000 tỷ đồng (trong đó mớI thụ lý là 27.606 việc), tăng 9% so với năm 2001.

- Tổng số việc có điều kiện thi hành: 43.175 việc.

- Đã giải quyết: 39.070 việc, tăng 4% so với năm 2001, với tổng số tiền là 705 tỷ đồng.

Năm 2003

- Tổng số việc phải thi hành: 81.862 việc, với tổng số tiền là 11.028 tỷ đồng, tăng 6.8% so với năm 2002.

- Tổng số việc có điều kiện thi hành: 52.464 việc.

- Đã giải quyết: 41.184 việc, tăng 8.6% so với năm 2002.

So sánh với số liệu thi hành án 10 năm (từ 1993 đến 2002) giữa TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như sau:

- Thành phố Hồ Chí Minh:

          + Tổng số việc phảI thi hành: 244.854 việc, với tổng số tiền hơn 31.000 tỷ đồng

          + Đã giải quyết: 193.579 việc, với số tiền thu gần 2.107 tỷ đồng

- Thành phố Hà Nội:

          + Tổng số việc phải thi hành: 82.456 việc, với tổng số tiền là gần 500 tỷ đồng

          + Đã giải quyết: 72.399 việc, với số tiền thu là 344,885 tỷ đồng.

- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

          + Tổng số việc phải thi hành: 20.744 việc, với tổng số tiền hơn 1.468 tỷ đồng.

          + Đã giải quyết: 16.407 việc, với số tiền thu là 712,667 tỷ đồng.

- Tỉnh Lâm Đồng:

          + Tổng số việc phải thi hành: 23.922 việc, với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng

          + Đã giải quyết: 22.141 việc, với số tiền thu là 37 tỷ đồng.

Các số liệu như trên cho thấy trong 10 năm(1993-2002):

- Tổng số việc phải thi hành của Thành phố Hồ Chí Minh gấp khoảng 3 lần so với Thành phố Hà Nội,  12 lần so với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, 10 lần so với tỉnh Lâm Đồng.

- Tổng số tiền phải thi hành của Thành phố Hồ Chí Minh gấp 62 lần so với Thành phố Hà Nội, 21 lần so với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 207 lần so với tỉnh Lâm Đồng.

- Tổng số việc  đã giải quyết của Thành phố Hồ Chí Minh gấp 2,7 lần so với Thành phố Hà Nội,  12 lần so với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, 8 lần so với tỉnh Lâm Đồng.

- Tổng số tiền thu được của Thành phố Hồ Chí Minh gấp 6 lần so với Thành phố Hà Nội, 3 lần so với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, 60 lần so với tỉnh Lâm Đồng.

Đối với việc chuyển giao án có giá trị tiền phải thu từ 500.000 đồng trở xuống cho Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành theo Chỉ thị 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện và có những kết quả nhất định. Tính đến quý 1/2004 đã có 17.132/20.753 việc được chuyển về xã, phường giải quyết xong 1.412 việc, đạt tỷ lệ 8.2 %, kết quả đạt được thấp do công tác này còn mới mẻ, nhân sự thiếu, một số địa phương chưa thực sự quan tâm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác quản lý hoạt động thi hành án tại TP. Hồ Chí Minh đặt ra những vấn đề sau:

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Điều 5 Nghị định 30/CP, Uỷ ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền “thực hiện việc quản lý nhà nước…cơ quan tư pháp địa phương giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp…”. Hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự, vẫn chưa có văn bản chính thức nào xác định phạm vi và giới hạn quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân. Chính từ quy định rất chung này nên Uỷ ban nhân dân các cấp vẫn xem cơ quan Thi hành án là cơ quan thuộc ngành dọc, chưa dành sự quan tâm đúng mức, trong khi đó Bộ Tư pháp không có điều kiện chỉ đạo kịp thời xử lý các tình huống phức tạp có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn xã hội tại địa phương. Vậy xác định thẩm quyền quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân Thành phố ở mức độ như thế nào là đúng mức, vừa đủ và không bị xem là can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn của cơ quan thi hành án, nhưng có thể quản lý, chỉ đạo, hỗ trợ, hoạt động thi hành án trên địa bàn.

- Thực hiện Chỉ thị 20/2001/CT-Ttg, Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự ở cấp Thành phố và 24 quận, huyện. Hoạt động của các Ban Chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Thành phố đã có những hỗ trợ tích cực, giải quyết có kết quả các vụ việc khó, tồn đọng kéo dài. Tuy nhiên thẩm quyền của Ban Chỉ đạo thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án chưa được xác định cụ thể, Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu tạm đình chỉ, ngưng việc thi hành án hay không? Hiện nay trong một số vụ việc phức tạp, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Ban Chỉ đạo chỉ có thể yêu cầu các cơ quan chức năng tạm đình chỉ, kháng nghị hành vi trái pháp luật.Thuận lợi của thành phố Hồ Chí Minh là các thành viên Ban chỉ đạo làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, tạo được sự thống nhất nên hoạt động có hiệu quả góp phần tích cực tháo gỡ nhưng khó khăn, bức xúc trong hoạt động thi hành án, vì vậy số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo đã giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên Ban chỉ đạo của các quận huyện hoạt động không đều, chưa được sự quan tâm đúng mức. Sự phối hợp của các ban ngành có liên quan ở một số quận, huyện chưa nhịp nhàng nên kết quả hoạt động còn hạn chế.

Tuy nhiện đánh giá chung, Thành ủy và Uỷ ban nhân dân Thành phố rất quan tâm hỗ trợ đối với công tác thi hành án, không chỉ dừng ở mức “chỉ đạo việc tổ chức phối hợp” như quy định về phân cấp quản lý.

Lãnh đạo Thành phố có nhiều biện pháp triển khai thực hiện chủ trương “cải cách tư pháp”. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác thi hành án và giảm tải áp lực công việc, Thành ủy và Uỷ ban nhân dân Thành phố cho phép Sở Tư pháp được tuyển dụng công chức thi hành án rộng rãi trên toàn quốc (không phân biệt hộ khẩu Thành phố và hộ khẩu các địa phương khác) đối với các Cử nhân Luật có học lực trung bình khá, đủ điều kiện về ngoại ngữ, tin học…Sở Tư pháp đã xây dựng và đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án sử dụng sinh viên Trường Đại học Luật cho các công việc tống đạt các giấy tờ thi hành án, đánh máy… 

Qua hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh thi hành án dân sự đã bộc lộ những hạn chế nhất định (trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương khác, nói chung), chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi hành án ở địa phương…

Ngày 28/01/2004 Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004. Pháp lệnh mới đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc đối với hoạt động thi hành án đang tồn tại hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong phân cấp và quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, Điều 57, Điều 58 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đã quy định cụ thể hơn về quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, cụ thể như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về  thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước.

- Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý  nhà nước về  thi hành án dân sự. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có  nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

          a. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi hành án dân sự;

b. Quản lý về tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự;

c.  Hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án;

d. Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án;

đ. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án;

e. Bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí, phương tiện cần thiết cho công tác thi hành án dân sự;

g.  Hợp tác quốc tế về thi hành án.

-  Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

a. Chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch công tác thi hành án dân sự, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo  công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

b. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị  ở địa phương;

          c. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới, cơ quan thi hành án, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể liên quan trên địa bàn trong công tác thi hành án;

d. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức kiểm tra, thanh tra; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án dân sự  ở địa phương;

đ. Cử Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương;

e. Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh;

g. Quyết định khen thưởng và phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

h. Chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự ở địa phương theo qui định của pháp luật.

 

- Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện), trong phạm vi địa phương mình có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

a. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm  c, Điểm d và Điểm h của Khoản 2 Điều này;

 

b. Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện;

c. Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự;

d. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án; đôn đốc thi hành những vụ việc theo quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh.

 

Căn cứ vào quy định nêu trên có thể thấy về cơ bản nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp là không thay đổi. Riêng đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, nhiệm vụ quyền hạn trong quản lý nhà nước đã được làm rõ hơn.

 

2.3. Thực trạng phân cấp quản lý nhà nuớc trong lĩnh vực hộ tịch

Việc phân cấp trong quản lý hộ tịch hiện nay đ­ược quy định tập trung trong hai văn bản, đó là Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về quản lý hộ tịch và Nghị định 68/2002/NĐ-CPngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Theo quy định tại hai văn bản nêu trên thì việc phân cấp thẩm quyền quản lý hộ tịch nh­ sau:

a/ Quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp:

          -  Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch; ban hành theo thẩm quyền văn bản h­ớng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật đó;

          - Hư­ớng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch;

          - Ban hành, h­ớng dẫn việc sử dụng thống nhất các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch;

- Hàng năm tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về hộ tịch báo cáo Chính phủ;

          -  Kiểm tra, thanh tra về đăng ký và quản lý hộ tịch;

          -  Giải quyết khiếu nại, tố cáo về hộ tịch theo thẩm quyền;

          - Nghiên cứu việc áp dụng công nghệ tin học trong đăng ký, quản lý hộ tịch;

          - Cho ý kiến về việc ghi chú các bản án, Quyếtđịnh ly hôn giữa công dân Việt nam và công dân nước ngoài do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giải quyết;

          - Tiếp nhận các hồ sơ của người nước ngoài xin trẻ em Việt nam làm con nuôi;

          -  Thực hiện hợp tác quốc tế về hộ tịch.

b/ Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh:    

-  Chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với Uỷ ban nhân dân các cấp trong địa ph­ơng mình ;

          -  Xây dựng hệ thống tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch trong địa phương mình;

-  Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ hộ tịch ở cấp xã trong địa ph­ương mình;

          -  Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hộ tịch;

          - Tổ chức bồi dư­ỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch tại địa   ph­ương;

          -  Hàng năm bố trí kinh phí cho việc mua và in các biểu mẫu, sổ sách hộ tịch, trang bị cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phư­ơng;

          -  Lưu trữ sổ đăng ký hộ tịch, giấy tờ hộ tịch;

          -  Quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ T­ư  pháp;

          -  Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền;

- Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về hộ tịch báo cáo Bộ T­ pháp theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

- Đăng ký các sự kiện hộ tịch có yếu tố nư­ớc ngoài;

- Đăng ký việc thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc;

- Thực hiện việc ghi chú các bản án ly hôn giữa công dân Việt nam và công dân nước ngoài do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giải quyết.          

          Sở T­ư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà n­ước trong lĩnh vực hộ tịch theo các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.   

          c/ Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện: 

-  Chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã trong địa ph­ương mình;

-  Bổ nhiệm cán bộ Hộ tịch cấp xã và tổ chức bồi d­ưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho cán bộ  Hộ tịch trong địa phư­ơng mình;

-    Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hộ tịch;

-  Quản lý việc sử dụng các loại biểu mẫu, sổ sách hộ tịch theo quy định của Bộ Tư­ pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;        

          -   Giải quyết khiếu nại, tố cáo về hộ tịch theo thẩm quyền;

-  Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về hộ tịch báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

  Phòng Tư­ pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn nêu trên.   

d/ Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã:

-  Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch;

-  Đăng ký các sự kiện hộ tịch không có yếu tố n­ước ngoài;

          -  Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc.

-  L­ưu trữ sổ đăng ký hộ tịch, giấy tờ hộ tịch;

          -  Sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ T­ pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

          -  Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về đăng ký và quản lý hộ tịch theo thẩm quyền;

- Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về hộ tịch báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

Cán bộ Hộ tịch có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.

2.4. Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn pháp luật

 Pháp lệnh luật sư năm 2001 vừa kế thừa những điểm tiến bộ của Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 vừa bổ sung nhiều quy định quan trọng phù hợp với tính hình mới. Cùng với việc ban hành Pháp lệnh về luật sư, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh. Đó là Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư; Nghị định 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam và các Thông tư hướng dẫn thực hiện hai Nghị định trên. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.

Tuy dịch vụ tư vấn pháp luật là một lĩnh vực mới nhưng chúng ta đã nhanh chóng xây dựng được một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động tư vấn pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cũng như điều kiện cho hoạt động tư vấn pháp luật được phát triển một cách thuận lợi.

Về nội dung, quản lý Nhà nước đối với dịch vụ tư vấn pháp luật cũng chính là quản lý Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hành nghề của luật sư, mà trong đó không bao gồm hoạt động tranh tụng của luật sư.

Quản lý Nhà nước đối với dịch vụ tư vấn pháp luật thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

- Xây dựng chiến lược và chính sách phát triển dịch vụ tư vấn pháp luật.

- Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dịch vụ tư vấn pháp luật.

- Tổ chức, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật.

- Cấp giấy phép cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động tư vấn pháp luật.

- Các chức năng quản lý nhà nước khác.

Phân cấp quản lý Nhà nước đối với dịch vụ tư vấn pháp luật được pháp luật quy định như sau:

Ở trung ương, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về dịch vụ tư vấn pháp luật; Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động quản lý Nhà nước của mình trong lĩnh vực này (Điều 38 Pháp lệnh luật sư).

Trong hoạt động quản lý Nhà nước về dịch vụ tư vấn pháp luật (quản lý về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư), Bộ Tư pháp có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Xây dựng và trình Chính phủ quyết định chiến lược và chính sách phát triển nghề luật sư;

- Soạn thảo và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư; hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đó;

- Tổ chức đào tạo nghề luật sư; bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư;

- Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư (đối với luật sư Việt Nam) và cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề (đối với luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam);

- Phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư;

- Ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư;

- Phát hành niên giám, bản tin về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư và thực hiện các biện pháp khác nhằm hỗ trợ phát triển nghề luật sư;

- Tổng kết, định kỳ báo cáo Chính phủ về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư theo thẩm quyền; là đầu mối giải quyết những vấn đề liên quan đến hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế về luật sư;

- Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị quyết của Đoàn luật sư trái với quy định của Pháp lệnh Luật sư, Nghị định 94/2001/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật; đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi Giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Điều 33 Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư; Điều 47 Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam).

Ở địa phương, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Cho phép thành lập Đoàn luật sư; quyết định việc giải thể Đoàn luật sư;

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền;

- Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ tư vấn pháp luật, có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Cấp và thu hồi Giấy đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư  trong các trường hợp pháp luật có quy định;

- Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư cho cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh báo cáo về tình hình hoạt động khi cần thiết.

- Theo dõi việc thuê luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam, người lao động nước ngoài, người lao động Việt Nam, nhận luật sư tập sư tại các tổ chức hành nghề luật sư;

- Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

Ngoài hoạt động quản lý Nhà nước, dịch vụ tư vấn pháp luật còn chịu sự quản lý của tổ chức xã hội – nghề nghiệp/đoàn luật sư.

Nghề luật sư là một nghề tự do, các luật sư hành nghề độc lập theo quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp nên việc hành nghề của luật sư chịu sự quản lý nghề nghiệp của hội nghề nghiệp của luật sư.

Điều 5 Pháp lệnh luật sư quy định: “Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước về hành nghề luật sư với vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề”.

Xuất phát từ nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Điều 33 Pháp lệnh luật sư quy định Đoàn luật sư có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Giám sát và đánh giá kết quả tập sự của luật sư tập sự;

- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, luật sư tập sự trong hoạt động hành nghề;

- Giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư;

- Hoà giải tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa luật sư, luật sư tập sự với Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh; giữa Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh;

- Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho luật sư;

- Phản ánh ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư về xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tổ chức để các luật sư tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thực hiện các quy định pháp luật về phân cấp quản lý Nhà nước đối với dịch vụ tư vấn pháp luật, Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh và Sở Tư pháp đã phát huy vai trò theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Bộ Tư pháp đã khẩn trương soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư; Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam; ban hành Thông tư số 02/2002/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 94/2001/NĐ-CP; Thông tư số 06/2003/TT-BTP ngày 29/10/2003 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.

 Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các Bộ hữu quan trong việc ban hành một số văn bản có liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư, cụ thể như sau:

+ Phối hợp với Bộ Công an trong việc hướng dẫn khắc và sử dụng con dấu cho Đoàn luật sư, Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, chi nhánh Văn phòng luật sư, chi nhánh Công ty luật hợp danh.

+ Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn về chính sách thuế đối với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.

 Đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đặt ra mục tiêu đào tạo đội ngũ luật sư là đội ngũ luật sư vừa phải đủ về số lượng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo về chất lượng. Bộ Tư pháp đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nghề luật sư năm 2002, 2003, xây dựng kế hoạch dài hạn về đào tạo nghề luật sư đến năm 2005, 2010. Cuối năm 2001, đầu năm 2002 đã tổ chức 03 khoá bồi dưỡng cho gần 300 luật sư tập sự. Từ tháng 6/2002 đến nay đã mở 2 khoá đào tạo nghề luật sư ở phía Bắc và phía Nam với gần 1600 học viên. Hiện tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp đang mở khoá 3 với 2000 học viên tham dự.

Trên cơ sở việc rà soát lại đội ngũ luật sư và theo đề nghị của các Đoàn luật sư, Bộ Tư pháp đã tiến hành việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho luật sư của 61 Đoàn luật sư. Việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho các luật sư được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định của Pháp lệnh luật sư và các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của các luật sư.

Bộ Tư pháp đã ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư (kèm theo Quyết định số 356b/2002/QĐ- BT ngày 5/8/2002) làm cơ sở cho các Đoàn luật sư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư của Đoàn mình.

Các Sở Tư pháp đã khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến hành đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư. Điển hình là các Sở Tư pháp Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã rất tích cực với tinh thần chủ động, sáng tạo cao nên đã đi đầu trong việc đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư. Cho đến 30/01/2004, có 801 Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, chi nhánh Văn phòng luật sư, chi nhánh Công ty luật hợp danh đã được các Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động tại 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trên 40 chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Các Sở Tư pháp vẫn đang tiếp tục tiến hành thẩm tra hồ sơ đăng ký hoạt động cho các Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh.

          2.5. Thực trạng phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tổ chức cán bộ

   Tương ứng với các phạm vi và thẩm quyền quản lý khác nhau, cơ chế quản lý tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương cũng có sự khác nhau. Có thể chia thành 3 loại cơ chế sau:

Loại thứ nhất là đối với cơ quan thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thực hiện quản lý một cách toàn diện cả về tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động và chuyên môn, nghiệp vụ.

Loại thứ hai là đối với tổ chức và cán bộ của Phòng Công chứng, Bộ Tư pháp chỉ đạo về nghiệp vụ, hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức; trực tiếp quản lý một số vấn đề về nhân sự trong quan hệ phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Loại thứ ba là đối với tổ chức và cán bộ của các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Ban Tư pháp), Bộ chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, phối hợp ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của Giám đốc Sở Tư pháp; thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

- Quy định về phân định thẩm quyền quản lý về tổ chức cán bộ cơ quan thi hành án dân sự

Công tác tổ chức và cán bộ được xem là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả của các mặt hoạt động của các cơ quan, tổ chức nói chung và đối với cơ quan thi hành án dân sự nói riêng. Ngay từ khi được chuyển giao sang Bộ Tư pháp quản lý, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để xác định rõ phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và chính quyền địa phương trong quản lý công tác Thi hành án dân sự.

Điều 10 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 quy định:

1. Chính phủ là thống nhất quản lý Nhà nước về công tác Thi hành án dân sự trong cả nước.

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a. Giúp Chính phủ chuẩn vị các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác về công tác thi hành án dân sự;

b. Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác thi hành án dân sự; trực tiếp quản lý hệ thống cơ quan thi hành án dân sư; quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự;

c. Thực hiện thanh tra Nhà nước về công tác thi hành án dân sự;

d. Quản lý công tác đào tạo cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự;

đ. Quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí, phương tiện cần thiết cho công tác thi hành án dân sự.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của Chính phủ.

Cơ quan tư pháp địa phương giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tư pháp cấp trên trong việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự.

Như vậy theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, Bộ Tư pháp là cơ quan được giao quản lý công tác Thi hành án dân sự một cách toàn diện bao gồm về tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động và chuyên môn, nghiệp vụ. Trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự; quản lý công tác đào tạo cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng.

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan đến quản lý tổ chức, cán bộ cơ quan Thi hành án, công tác tổ chức cán bộ đã góp phần to lớn vào việc củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự, thể hiện trên tất cả các mặt như tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo… Đến nay cả nước đã có 61 Phòng Thi hành án, 631 Đội Thi hành án với 4357 người, trong đó có 1920 Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng. Nếu so với thời điểm bàn giao công tác Thi hành án thì số Chấp hành viên hiện nay đã tăng hơn 1000 người (năm 1993 chỉ có 700 Chấp hành viên). Hoạt động thi hành án cũng đã thu được những kết quả hết sức quan trọng, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành và của địa phương.

- Quy định về phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ Phòng Công chứng

Theo quy định tại Nghị định số 31/CP và Nghị định số 75/2001/NĐ-CP, việc phân định thẩm quyền quản lý về tổ chức, cán bộ Phòng Công chứng được xác định như sau:

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất về công chứng, chứng thực trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Hướng dẫn, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực;

2. Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực theo thẩm quyền.

3. Đào tạo nghề công chứng; bổ nhiệm Công chứng viên; cấp Thẻ công chứng viên; phát hành niên giám công chứng viên.

4. Thống nhất ý kiến với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc thành lập, giải thể Phòng Công chứng, bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Công chứng

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực trong địa phương mình, có nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ như sau:

1. Quyết định thành lập, giải thể Phòng Công chứng; quyết định thẩm quyền địa hạt cho từng Phòng Công chứng;

2. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Công chứng; tạm đình chỉ hoạt động công chứng của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Công chứng.

3. Định biên chế cho từng Phòng Công chứng.

- Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công chứng, chứng thực trong phạm vi địa phương của mình.:

1. Phòng Công chứng được đặt dưới sự quản lý của Giám đốc Sở Tư pháp. Để đáp ứng nhu cầu công chứng tại địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp lập Đề án thành lập Phòng Công chứng, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định; Đề án phải nêu rõ: lý do thành lập Phòng Công chứng, thẩm quyền địa hạt của Phòng Công chứng trong việc công chứng hợp đồng, giao dich liên quan đến bất động sản; tổ chức, biên chế, nhân sự của Phòng Công chứng; dự kiến công chứng viên, Trưởng Phòng Công chứng; địa điểm đặt trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho hoạt động của Phòng Công chứng.

2. Đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân bổ nhiệm, miễn nhiệm, tạm đình chỉ hoạt động của Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng Công chứng;

3. Quyết định việc biệt phái, điều động, tạm đình chỉ hoạt động của Công chứng viên

- Trưởng phòng Công chứng điều hành và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Phòng Công chứng, có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp về việc bổ nhiệm, điều động, biệt phái, miễn nhiệm công chứng viên, tạm đình chỉ việc thực hiện công chứng của công chứng viên.

2. Đề nghị biên chế, tuyển dụng.

Qua một thời gian thực hiện Nghị định số 31/CP và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, tổ chức và đội ngũ cán bộ công chứng đã được củng cố và kiện toàn một bước. Năm 1996, cả nước có 82 Phòng công chứng với 180 công chứng viên thì đến tháng 4/2003 đã có 107 Phòng công chứng với tổng số cán bộ là 659 người, trong đó có 287 công chứng viên. Các Phòng công chứng và đội ngũ công chứng viên đã và đang phát huy được vai trò của mình, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

- Những quy định về quản lý tổ chức, cán bộ Phòng Công chứng hiện nay đã có sự phân cấp tương đối rõ ràng về thẩm quyền của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp và của cơ quan công chứng, đã xác định  rõ được việc nào do Bộ Tư pháp thực hiện, việc nào do Uỷ ban nhân dân, Sở Tư pháp thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Sự phân định thẩm quyền trong quản lý tổ chức và cán bộ hiện nay đã tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong tổ chức hoạt động công chứng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương những cũng đồng thời bảo đảm sự thống nhất quản lý ngành, lĩnh vực của Bộ Tư pháp.

Công chứng là hoạt động có tính chất đặc thù riêng, công chứng viên là một chức danh tư pháp, hoạt động chuyên trách, không được kiêm nhiệm công việc khác, phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc công chứng của mình, biết và phải biết việc công chứng nếu trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội thì không được thực hiện, phải giữ bí mật về nội dung liên quan đến việc công chứng... Do vây, để bảo đảm cho hoạt động công chứng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, thống nhất trong cả  nước Bộ Tư pháp quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên, đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng; cho ý kiến về việc thành lập Phòng Công chứng.

Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định pháp luật và nhu cầu của địa phương mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các Phòng Công chứng sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân trong địa phương. Đồng thời, việc phân bổ chỉ tiêu biên chế cũng như sắp xếp, điều chuyển cán bộ do chính quyền địa phương chủ động thực hiện ngay trong phạm vi địa phương cho các Phòng công chứng. Điều này đã góp phần từng bước ổn định tổ chức cán bộ và hoạt động của Phòng công chứng theo quy định pháp luật, đặc biệt là đối với những Phòng Công chứng mới được thành lập ở các tỉnh mới chia tách, tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 Quy định về phân định thẩm quyền quản lý đội ngũ cán bộ của cơ quan tư pháp địa phương

Cơ quan tư pháp địa phương ở đây là Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Ban Tư pháp, là các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý công tác tư pháp ở địa phương; đồng thời bảo đảm sự quản lý thống nhất công tác tư pháp từ trung ương đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan tư pháp địa phương là nằm trong biên chế và quản lý của địa phương.

Trong lĩnh vực tổ chức, Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định Chính phủ phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định về một số cơ quan chuyên môn trên cơ sở quy định và hướng dẫn của Chính phủ phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Trong lĩnh vực cán bộ, theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1. Quản lý về số lượng, chất lượng, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luận chuyển, đánh giá, xếp lương và nâng bậc lương đối với công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên.

2. Quyết định chỉ tiêu biên chế các cơ quan hành chính thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

3. Tổ chức việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định;

4. Tổ chức việc thi tuyển, sử dụng và quản lý công chức dự bị theo quy định;

5. Tổ chức việc thi nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên và các ngạch tương đương theo quy định;

6. Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ khác đối với công chức thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

7. Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với công chức thuộc Uỷ  ban nhân dân cấp tỉnh;

8. Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với công chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định;

9. Thực hiện thống kê và báo cáo thống kê công chức theo quy định;

10. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Nhà nước đối với công chức trong cơ quan hành chính thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

11. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Theo quy định hiện hành, công tác quản lý về mặt tổ chức và nhân sự đối với cơ quan tư pháp địa phương do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan tư pháp tại địa phương mình. Việc quyết định thành lập, giải thể, chia tách hay sáp nhập các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân do chính quyền Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Bộ Tư pháp không có thẩm quyền can thiệp vào. Bộ Tư pháp chỉ chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ tư pháp, đảm bảo sự thực hiện thống nhất các công tác tư pháp địa phương trong cả nước. Theo quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003, đối với cán bộ, công chức của cơ quan tư pháp địa phương, Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1. Xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành để Bộ Nội vụ thống nhất ban hành;

2. Quy định nội dung thi tuyển, thi nâng ngạch các ngạch công chức chuyên ngành;

3. Xây dựng chế độ, chính sách đối với công chức chuyên ngành để Bộ Nội vụ trình Chính phủ;

4. Quy định nội dung, chương trình, phương thức và tổ chức đào tạo bồi dưỡng công chức các ngạch công chức chuyên ngành;

5. Tổ chức thi nâng ngạch và cấp giấy chứng nhận ngạch đối với ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên chính được giao quản lý;

7. Phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch đối với các ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên cao cấp được giao quản lý.

Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, phối hợp ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của Giám đốc Sở Tư pháp; thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Ngày 29/11/1994, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 928-QĐ/TC ban hành Bản tiêu chuẩn nghiệp vụ của Giám đốc Sở Tư pháp, trong đó quy định rõ về chức trách, hiểu biết, cũng như yêu cầu về trình độ của Giám đốc Sở Tư pháp làm căn cứ để các địa phương thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng và nâng bậc lương theo quy định của Nhà nước. Đồng thời nhằm góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu to lớn và cấp bách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý cho địa phương, ngày 30/12/1989, Bộ Tư pháp đã có Thông tư số 1084/ĐT hướng dẫn thực hiện phân cấp đào tạo trung học pháp lý  đối với các Sở Tư pháp để công tác đào tạo trung học pháp lý được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đào tạo và thống nhất về hình thức tổ chức, nội dung, chương trình, thời gian học, bảo đảm chất lượng đào tạo.

Cơ chế quản lý ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ nói trên bảo đảm sự thống nhất quản lý về công tác tư pháp trong cả nước nhưng đồng thời cũng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, phát huy được nguồn lực tại chỗ đề hoàn thành các nhiệm vụ tư pháp và nâng cao năng lực của chính quyền địa phương.

Trong thời gian qua, những quy định phân cấp quản lý về tổ chức và cán bộ đã phát huy vai trò tích cực của mình trong việc xây dựng và kiện toàn về tổ chức và cán bộ của cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan và của đội ngũ cán bộ địa phương. Nhiều địa phương, căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của Giám đốc Sở Tư pháp, của cán bộ đảm nhận công tác tư pháp đã thực hiện việc quy hoạch, tuyển chọn, bổ nhiệm, tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương. Đồng thời, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp về phân cấp đào tạo trung học pháp lý, nhiều Sở Tư pháp đã chủ động mở các lớp đào tạo trung học pháp lý để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở.

III. KIẾN NGHỊ

1. Quan niệm về tư pháp và những vấn đề cần được Bộ Tư pháp quản lý tập trung thống nhất

Công tác tư pháp, theo quan điểm hiện nay là hoạt động gắn với công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ và gắn với công tác “tư pháp” của Toà án. Sau những cải cách trong tổ chức bộ máy nhà nước theo các Luật vừa được Quốc hội ban hành, chức năng của Bộ Tư pháp có những thay đổi nhất định và từ đó, phạm vi công tác tư pháp cũng có biến chuyển so với các giai đoạn trước. Về tương lai, không loại trừ khả năng sẽ có những thay đổi tiếp theo về cách tiếp cận “công tác tư pháp”. Những luận cứ khoa học và quá trình tổng kết thực tiễn sẽ là cơ sở để thảo luận một cách nghiêm túc một lần nữa về tính ưu việt của mô hình cơ quan hành pháp quản lý Toà án nhân dân về mặt tổ chức để góp phần bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án vốn là một đòi hỏi và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền.

Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý nhà nước thống nhất về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản QPPL, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước, thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Trong từng mảng, từng lĩnh vực, Bộ Tư pháp phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản QPPL, chiến lược quy hoạch, kế hoạch cũng như các văn bản QPPL về lĩnh vực tư pháp trong phạm vi cả nước. Đồng thời, trong một số các nhiệm vụ tư pháp, Bộ Tư pháp phải trực tiếp tổ chức thực hiện (thực thi) như: Công tác xây dựng pháp luật của Trung ương (trừ các Bộ, ngành); kiểm tra văn bản QPPL trong phạm vi thẩm quyền, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của các Bộ, ngành và địa phương cấp tỉnh ban hành; quản lý hệ thống thi hành án; thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn cụ thể về công chứng, chứng thực, hộ tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, quốc tịch, lý lịch tư pháp; thực hiện trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm; hợp tác quốc tế; cấp ý kiến pháp lý cho các dự án quốc tế, nghiên cứu khoa học pháp lý; xây dựng các cơ sở giữ liệu quốc gia; cải cách hành chính; tổ chức bộ máy biên chế, tài chính, tài sản.v.v...

2. Công tác tư pháp – những kiến nghị cụ thể về việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước

2.1. Lĩnh vực công chứng

Để thực hiện phân cấp quản lý trong lĩnh vực công chứng, chứng thực thì điều trước tiên cần làm là phân biệt chức năng công chứng và chức năng chứng thực. Công chứng là chứng nhận tính xác thực (xác thực về thời gian, địa điểm, t­ư  cách chủ thể, nguồn gốc bất động sản, nội dung thoả thuận, tính hợp pháp v.v.) của hợp đồng, giao dịch v.v. Công chứng là loại hình dịch vụ công, có thu phí. Ngoài chức năng chứng thực, công chứng còn có chức năng t­ư vấn cho các khách hàng của mình, soạn thảo giúp các hợp đồng, giao dịch v.v. Chứng thực là hành vi mang tính chất hành chính do cơ quan hành chính công quyền thực hiện. Ví dụ: chứng thực sao y giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ v.v. Chứng thực là trách nhiệm của cơ quan hành chính phục vụ công dân, không thu phí. Việc phân biệt giữa công chứng và chứng thực là cơ sở để tiến tới xã hội hoá hoạt động công chứng. Thực tế  hoạt động của tổ chức công chứng nhà n­ước hơn 10 năm qua cho thấy điểm hạn chế cơ bản của hệ thống này là tính chất hành chính, quan liêu của nó. Từ đặc điểm hành chính, quan liêu tất yếu dẫn đến thái độ thiếu nhiệt tình, thậm chí cửa quyền của Công chứng viên. Bởi vì Công chứng viên là công chức nhà n­ước và thu nhập của họ không phụ thuộc vào số lư­ợng và chất l­ợng dịch vụ mà họ cung cấp cho khách hàng. Hơn thế nữa, họ cũng không chịu trách nhiệm vật chất trực tiếp trư­ớc khách hàng, trong trường hợp công chứng sai, gây thiệt hại cho khách hàng hoặc ng­ười thứ ba. Mặt khác, muốn công chứng phục vụ nhân đ­ược tốt, thuận tiện thì chúng ta cần một mạng l­ưới các phòng công chứng rộng rãi và phủ kín trong toàn quốc. Thế như­ng vì là công chứng nhà nư­ớc nên chúng ta không thể có đủ biên chế và các điều kiện vật chất khác để phát triển thêm mạng l­ưới đó.Từ thực tiễn đó, theo suy nghĩ của chúng tôi, mục tiêu cơ bản của xã hội hoá  công chứng cần hư­ớng tới việc hình thành một hệ thống công chứng mang tính chất  dịch vụ công, rộng rãi. Hệ thống dịch vụ đó phải lấy việc phục vụ nhân dân làm điều kiện tồn tại của mình, phải coi ng­ười dân là khách hàng. Nói cách khác quan hệ giữa ngư­ời dân (người yêu cầu công chứng) với công chứng viên là quan hệ đối tác chứ không phải là quan hệ hành chính giữa nhà nư­ớc với công dân.

          Vấn đề phân cấp chứng thực bản sao: Hiện nay việc sao y bản chính các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ thuộc thẩm quyền của các Phòng Công chứng và các UBND cấp huyện . Tuy nhiên trên thực tế do nhiều cơ quan, tổ chức, trường học tự tiện đưa ra những quy định chỉ chấp nhận bản sao do Phòng Công chứng chứng nhận nên tình trạng quá tải, ùn tắc bản sao ở một số phòng công chứng ở các thành phố. Có ý kiến đề nghị phân cấp chứng thực bản sao về cho UBND cấp xã thực hiện để thuận tiện cho dân. Tuy nhiên điều lo lắng trong phương án này là tình hình đôị ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế, bất cập, do đó nếu phân cấp cho cấp xã chứng thực bản sao thì rất có thể dẫn đến tình trạng bản sao văn bằng, chứng chỉ giả sẽ tăng lên đáng kể, khó kiểm soát. Mặt khác nếu phân cấp cho cấp xã như vậy thì sẽ dẫn đến quá tải công việc của cán bộ Tư pháp-Hộ tịch. Theo quan điểm của chúng tôi, việc chứng thực bản sao vẫn nên để cấp huyện làm nhưng cần phải tổ chức thật tốt công tác này.

          Vấn đề quản lý tổ chức Phòng Công chứng:

          - Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên vẫn nên giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp như hiện nay. Bởi vì Công chứng viên là một chức danhTư pháp cũng tương tự như Chấp hành viên. Tuy nhiên thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm có thể đơn giản bớt, không nên quá rườm rà như hiện nay. Cụ thể là Giám đốc Sở Tư pháp có thể trực tiếp đề nghị người có đủ tiêu chuẩn để Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Công chứng viên, không nhất thiết phải làm thủ tục tại Phòng Công chứng.        

Về thẩm quyền bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng công chứng: nên giao trực tiếp cho Giám đốc Sở Tư pháp (hiện nay việc bổ nhiệm Trưởng phòng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, Phó phòng do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định). Thủ tục bổ nhiệm cũng không nên bắt buộc phải có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp như hiện nay.

2.2. Lĩnh vực thi hành án dân sự

Việc phân cấp quản lý nhà nước về thi hành án như trong Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 là tương đối phù hợp.

          Thi hành án là một hoạt động tư pháp quan trọng của Nhà nước nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của bản án, quyết định của Toà án. Hoạt động thi hành án có hiệu quả là sự thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tạo ra lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cho đến nay đã có nhiều Nghị quyết của Đảng về kiện toàn tổ chức hệ thống các cơ quan Thi hành án nhưng hầu như các Nghị quyết của Đảng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Cụ thể như, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá VII nêu rõ: "Sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án theo hướng tiến tới tập trung nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thi hành án vào Bộ tư pháp”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá VIII một lần nữa khẳng định: "Kiện toàn các tổ chức thi hành án, bảo đảm thi hành đầy đủ, nhanh các bản án và quyết định của Toà án, của tổ chức trọng tài,.... Chuẩn bị điều kiện để tiến tới giao cho một cơ quan quản lý tập trung thống nhất công tác thi hành án." Tiếp sau các Nghị quyết nêu trên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải kiện toàn tổ chức các cơ quan thi hành án "theo hướng gọn đầu mối". Đây là những chủ trương hết sức quan trọng và khá cụ thể của Đảng về xây dựng hệ thống các cơ quan thi hành án theo hướng thống nhất về công tác tổ chức, gọn đầu mối. Chủ trương đó cũng là nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của các cơ quan thi hành án trong tình hình hiện nay. Vì vậy, cần phải được quán triệt và thực hiện theo các bước đi thích hợp.

Xuất phát từ các yêu cầu nêu trên của công cuộc cải cách tư pháp do Đảng ta đã đề ra thì việc tiếp tục xác định nhiệm vụ quản lý thống nhất công tác tổ chức và hoạt động thi hành án vào Bộ Tư pháp là từng bước để thực hiện Nghị quyết của Đảng về kiện toàn hệ thống các cơ quan Thi hành án theo hướng gọn đầu mối.

          Trong tổng thể các hoạt động tư pháp (từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) thì hoạt động thi hành án là một công đoạn độc lập và giữ vị trí hết sức quan trọng. Hoạt động Thi hành án là hoạt động tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án mang tính quyền lực Nhà nước, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ và các quyền cơ bản của công dân. Do đó quá trình Thi hành án đòi hỏi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các nguyên tắc, trình tự, thủ tục luật định mang tính chất tố tụng để tránh xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của các bên. Để tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra thì hoạt động của cơ quan thi hành án đòi hỏi phải được tổ chức theo hướng chuyên môn hoá và thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

Hoạt động Thi hành án là hoạt động phức tạp đòi hỏi việc giải quyết phải có một cơ chế liên ngành ở Trung ương.

 

Hoạt động thi hành án là hoạt động đòi hỏi sự chỉ đạo tập trung thống nhất và không thể phân cấp vì:

          Một là: Hoạt động Thi hành án là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, quyết định trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đảm bảo về pháp chế thống nhất ở hiệu lực của Bản án, nên đòi hỏi hoạt động của cơ quan Thi hành án phải có tính độc lập tương đối kể cả với chính quyền địa phương. Chính vì vậy, pháp luật quy định Chấp hành viên có thể sử dụng ngay quyền lực được pháp luật quy định để buộc tất cả các chủ thể có nghĩa vụ (cho dù người đó là ai, với chức vụ quyền hạn gì,...) phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của Toà án đã tuyên. Trong quá trình Thi hành án Chấp hành viên chỉ tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Và vì vậy, nếu giao quản lý về tổ chức và hoạt động thi hành án cho Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý thì việc áp dụng nguyên tắc mệnh lệnh hành chính sẽ khó mà tránh khỏi sự can thiệp, ảnh hưởng tới tính độc lập tương đối  trong hoạt động của cơ quan thi hành án, thậm chí có thể làm ngược lại bản án, quyết định của Toà án, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của các bên.

          Hai là: Hoạt động thi hành án dân sự không thể phân cấp quản lý thi hành án cho chính quyền các cấp bởi, trong nhiều trường hợp Uỷ ban nhân dân các cấp chính là chủ thể trực tiếp phải thi hành án hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể phải thi hành án. Thời gian qua, số lượng các vụ việc này có xu hướng ngày càng gia tăng và rất khó thi hành. Thực tiễn, trong cơ chế hiện nay có ba loại việc mà vướng mắc của cơ quan thi hành án có liên quan trực tiếp đến Uỷ ban nhân dân các cấp.

 

          - Loại việc thứ nhất: Uỷ ban nhân dân chính là bên phải thi hành án. Đối với loại việc này hiện nay đang có rất nhiều và rất khó thi hành. Đặc biệt trong thời gian tới, theo chủ trương cải cách hành chính và cải cách tư pháp theo hướng mở rộng phạm vi xét xử của Toà án đối với những vụ việc về hành chính thì bên phải thi hành án là Uỷ ban nhân dân các cấp cũng sẽ ngày càng nhiều hơn. Ví dụ như bản án số 92/HSPT ngày 03/12/1994 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên buộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và Uỷ ban nhân dân huyện Vũng Liêm phải liên đới bồi thường cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh 11 tỷ 293 triệu đồng và bồi thường cho Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh 1 tỷ 215 triệu đồng; hay bản án sơ thẩm số 170/HSST ngày 01/2/1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử James Chor Hang Chow (quốc tịch Canađa) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quyết định giao tàu đường thuỷ I (thuộc sở hữu của ông James Chor Hang Chow) cho công ty vận tải biển Khánh Hoà và dịch vị Hàng hải Khánh Hoà, công ty này đã bán con tàu này giá 595 triệu đồng, nhưng sau đó bản án phúc thẩm số 980/HSPT ngày 14 tháng 8 năm 1995 của Toà phuc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh huỷ Bản án sơ thẩm số 170/HSST mà không tuyên cụ thể việc trả lại con tàu nêu trên mà không tuyên cụ thể việc trả lại con tàu cho ông James Chor Hang Chow . Hiện nay ông James Chor Hang Chow yêu cầu thi hành án nhưng Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà không đồng ý trả lại số tiền bán tàu cho ông James Chor Hang Chow mặc dù cơ quan thi hành án đã xác minh thấy rằng số tiền 595 triệu đồng thu được khi bán con tàu của ông James Chor Hang Chow được chuyển vào tài khoản của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà,... Các vụ việc này đã nhiều lần đưa ra trước Quốc hội nhưng Uỷ ban nhân dân các cấp vẫn cố tình không thi hành án, trong khi đó cơ quan thi hành án cùng cấp thì cũng không thể cưỡng chế buộc Uỷ ban phải thi hành nghĩa vụ của mình.

 

Loại việc thứ hai: Bên phải thi hành án là các cơ quan thuộc Uỷ ban hoặc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân các cấp. Đối với loại việc này hiện nay cũng có rất nhiều và rất khó thi hành, mặc dù nhiều trường hợp doanh nghiệp có điều kiện thi hành, nhưng vì không có sự đồng tình hoặc gây khó khăn của chính quyền địa phương, Ví dụ như việc thi hành án giữa Công ty Thanh Hà Hà Nội đối với công ty xuất nhập khẩu biên giới Thanh Hoá, một vụ việc mà đã có rất nhiều văn bản của Bộ Tư pháp, của Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo thi hành dứt điểm vụ việc nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được thi hành vì không có sự đồng tình của chính quyền địa phương; hay vụ bà Nguyễn Thị Thiềm ở Nam Định với việc Công ty xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Định phải khôi phục quyền lợi cho bà Thiềm nhưng Công ty Thủy sản vẫn cố tình không thi hành vì địa phương không nhất trí, cho dù cuộc họp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Thuỷ sản đều khẳng định rõ trách nhiệm thi hành án của Công ty xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nam Định,...

 

Loại việc thứ ba: Uỷ ban nhân dân các cấp không đồng tình, thậm chí can thiệp trực tiếp đến việc thi hành án của cơ quan thi hành án. Đối với loại việc này hiện nay cũng diễn ra khá phổ biến.

 

Ví dụ như vụ ông Ngô Công Mễ ở Hà Nội. Đây là vụ việc mà án đã qua nhiều cấp xét xử và Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhiều lần khẳng định việc xét xử là đúng, không có cơ sở kháng nghị nhưng Uỷ ban nhân dân huyện Từ liêm vẫn liên tiếp gửi Công văn lên các cơ quan chức năng để đề nghị xem xét lại bản án, đề nghị thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo không cho cưỡng chế thi hành án, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của ông Mễ,...

 

Đối với cả ba loại việc nêu trên hiện nay đã và đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng, gây ra sự khiếu kiện kéo dài trong nhân dân, thậm chí còn tạo ra  một thói quen xấu làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương của Nhà nước, đồng thời cũng thể hiện sự thiếu công bằng trong việc Thi hành án giữa một bên là cá nhân công dân với một bên là các cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế quản lý công tác thi hành án hiện nay còn thể hiện nhiều bất cập, làm cho cơ quan thi hành án thiếu chủ động trong hoạt động của mình. Đối với Bộ Tư pháp tuy là cơ quan được giao quản lý công tác thi hành án nhưng chức năng, nhiệm vụ lại chưa rõ ràng (nhất là đối với Cục quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp thì chức năng, nhiệm vụ còn quá hạn chế,...).

 

Xuất phát từ vấn đề đó, cho thấy cả về lý thuyết cũng như về thực tiễn đều không thể cho phép phân cấp quản lý về tổ chức và hoạt động thi hành án cho Uỷ ban nhân dân các cấp.

 

Ba là: Hoạt động thi hành án là một trong những bước tiếp theo hết sức quan trọng để kết lại một quá trình tố tụng nhằm lập lại trật tự công bằng xã hội. Chính vì vậy, cũng như các hoạt động khác như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì hoạt động thi hành án cũng là hoạt động mang tính quyền lực chung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Một Bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án sẽ không thể thi hành ở mỗi địa phương, mỗi đơn vị hành chính khác nhau thì có mỗi kiểu khác nhau mà chỉ có thể thực hiện theo một nguyên tắc thống nhất và có hiệu lực chung trong toàn quốc đối với bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có liên quan. Đây cũng chính là yêu cầu chung của nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đã được quy định trong Hiến pháp nước ta. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế nước ta đang phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì phạm vi hoạt động thi hành án dân sự không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi của một tỉnh, một địa phương mà đã thể hiện rộng ra trong phạm vi toàn quốc, thậm chí cả ra ngoài quốc gia Việt Nam (vì tài sản của người phải thi hành án có thể có ở rất nhiều địa phương khác nhau, thậm chí ở cả nước ngoài,...) thì đòi hỏi sự chỉ đạo, tổ chức tập trung thống nhất của công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng càng đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, không thể phân cấp để tạo ra sự phân tán trong tổ chức và hoạt động thi hành án.

 

Bốn là: Hoạt động thi hành án là hoạt động quyết định trực tiếp đến quyền con người vì vậy công tác chỉ đạo đòi hỏi khá cụ thể nên phải có tính chuyên sâu và chuyên nghiệp hoá rất cao và phải hạn chế đến mức tối đa việc có sai sót. Trong khi đó, Uỷ ban nhân dân các cấp là cơ quan hành chính, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nên khó có thể đầu tư và tập trung nghiên cứu chuyên sâu cho hoạt động thi hành án và như vậy sẽ khó mà tránh khỏi sự sai sót trong chỉ đạo, dẫn đến gây thiệt đến quyền lợi ích hợp pháp của các bên. Bài học rút ra từ của các đoàn công tác của Chính phủ cho thấy sự tuỳ tiện và việc vi phạm diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đặc biệt ở các vấn  thuộc thẩm quyền chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân các cấp (mất dân chủ, thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí bất chấp pháp luật,...) và nay tiếp tục phân cấp một lĩnh vực hết sức nhạy cảm khó khăn, có liên quan trực tiếp đến nhân quyền mà không có sự hiểu biết và giải quyết thoả đáng thì với những vụ việc hàng đoàn người đi khiếu kiện, hàng 100 thương binh với cờ đảng và cờ tổ quốc đến gây áp lực tại Chính phủ và Bộ Tư pháp như vừa qua hậu quả rất khó lường trước.

 

Năm là: Trong hoạt động thi hành án dân sự, nhiều nội dung quyết định về Thi hành án có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và vượt ra khỏi phạm vi của một tỉnh thì nhất thiết phải có cơ quan Trung ương thống nhất tổ chức chỉ đạo việc Thi hành án, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động Thi hành án trong toàn quốc. Vì vậy, hoạt động thi hành án cần sự quản lý chỉ đạo tập trung thống nhất hơn là sự phân tán.

 

          Sáu là: Trong xây dựng Nhà nước và pháp quyền thì cần thiết phải tách bạch hoạt động của cơ quan hành chính ở địa phương với hoạt động của cơ quan tư pháp. Vì vậy, việc giao cho uỷ ban nhân dân các cấp quản lý về tổ chức hoạt động Thi hành án sẽ không phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa,... Chưa nói đến việc nếu giao cho Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự thì khi đó thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng về Thi hành án là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Thủ tướngChính phủ. Trong trường hợp đó, để đảm bảo quyền lợi, người dân sẽ khiếu nại trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc Thủ tướng sẽ là nơi giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân về thi hành án, một vấn đề mà trong cải cách hành chính, tư pháp chúng ta đang muốn tránh.

          Bảy là: Qua kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới thì hoạt động thi hành án được xem là một nghề như đối với nghề Thẩm phán và không thể giao cho chính quyền địa phương. Chính quyền chỉ là cơ quan hỗ trợ và cũng là đối tượng phải thi hành án.

          Với tất cả những nội dung nêu trên cho thấy, hoạt động thi hành án là hoạt động đặc biệt phức tạp, có liên quan trực tiếp đến quyền con người vá các quyền cơ bản của công dân nên cần thiết phải thật sự ổn định cả về tổ chức và hoạt động trên cơ sở từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém để không ngừng hoàn thiện.

Thứ tư: Chỉ có giao cho một cơ quan quản lý tập trung thống nhất về công tác tổ chức và hoạt động thi hành án thì mới đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động thi hành án và yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay: Hiện nay không chỉ khối lượng công việc của các cơ quan thi hành án phải đảm nhiệm ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp mà phạm vi hoạt động thi hành án cũng đã vượt ra khỏi phạm vi của một địa phương, có liên quan đến phạm vi toàn quốc. Vì vậy, yêu cầu chỉ đạo tập trung thống nhất của cơ quan ở Trung ương là hết sức cần thiết. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, ngoài việc hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án đối với các cơ quan thi hành án trong phạm vi toàn quốc, tổ chức giải quyết khiếu nại, quản lý công tác thi hành án theo thẩm quyền, Cục  thi hành án thuộc Bộ Tư pháp đã phải trực tiếp chỉ đạo các Phòng thi hành án có liên quan phối hợp tổ chức thi hành án hoặc giúp cho Ban chỉ đạo Thi hành án Trung ương do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án những vụ án lớn, khó khăn phức tạp như Vụ EPCO  Minh Phụng, Tân Trường Sanh,... Để phát huy hơn nữa công tác này, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền  quy định chức danh Chấp hành viên Cục thi hành án để trực tiếp hỗ trợ hoặc trực tiếp thi hành đối với các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương mà cơ quan thi hành án địa phương không thể giải quyết được. Khắc phục tình trạng "trên bảo dưới không nghe", nhiều vụ việc Cục thi hành án, Bộ Tư pháp, thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo đi chỉ đạo lại nhiều lần nhưng bên phải Thi hành án không thi hành, các cơ quan thi hành án ở địa phương thì không thể tổ chức cưỡng chế đối với Uỷ ban nhân cùng cấp, trong khi đó thì Cục thi hành án cũng không có biện pháp gì để huỷ quyết định hoặc rút lên trực tiếp thi hành,...

2.3. Lĩnh vực hộ tịch

Ngoài những điểm hợp lý trong phân cấp về quản lý, đăng ký hộ tịch hiện nay vẫn còn một số điểm bất hợp lý sau đây:

- Nhiệm vụ chỉ đạo công tác hộ tịch giữa Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện chưa được phân định rõ ràng;

- Nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tập trung cho Bộ Tư pháp quá lớn, hầu hết các vướng mắc đều tập trung về Bộ Tư pháp hướng dẫn, làm cho bộ bị quá tải trong công việc này;

- UBND cấp tỉnh còn sa vào giải quyết những vụ việc hộ tịch cụ thể, không thuộc chức năng của cơ quan hành chính thẩm quyền chung;

- Sở Tư pháp hầu như bị sa đà vào các vụ việc hộ tịch cụ thể có yếu tố nước ngoài, hoặc các việc thay đổi, cải chính hộ tịch v.v. nên không tập trung vào việc chính là cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, kiểm tra, v.v. công tác hộ tịch của địa phương.

Trong công tác hộ tịch hiện nay ở các địa phương hầu như chủ yếu tập trung ở hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã; còn cấp huyện hầu như chưa được chú ý nhiều.

a- Việc hướng dẫn chỉ đạo công tác hộ tịch cần được phân cấp rõ giữa Bộ Tư pháp và các cấp chính quyền địa phương. Cụ thể là: Bộ Tư pháp chỉ đạo và hướng dẫn những vấn đề chung nhất, những vấn đề mà pháp luật về hộ tịch quy định chưa rõ hoặc còn thiếu. UBND cấp tỉnh chỉ đạo chung về công tác hộ tịch ở địa phương mình. Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong công tác chỉ đạo chung về công tác hộ tịch, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo những vấn đề cụ thể. UBND cấp huyện chỉ đạo chung công tác hộ tịch trong phạm vi cấp huyện.

          b- Cần sớm củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ hộ tịch chuyên trách cấp xã để họ đủ sức giải quyết cả những việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài nhằm giải phóng Sở Tư pháp khỏi công việc cụ thể và tập trung vào công tác rham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo. Trước mắt cần giao việc giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho Sở Tư pháp toàn quyền giải quyết, không phải trình UBND cấp tỉnh giải quyết như hiện nay vừa mất thời gian vừa không đúng chức năng của UBND.

c- Việc xem xét và ghi chú các Bản án, Quyết định ly hôn giữa công dân Việt nam vàcôngdân nước ngoài do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giải quyết cần giao toàn quyền cho UBND cấp tinh quyết định, không phải xin ý kiến của Bộ tư pháp.

2.4. Lĩnh vực quản lý dịch vụ tư vấn pháp luật

Các quy định pháp luật hiện hành về phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư vấn pháp luật tương đối cụ thể, rõ ràng và hợp lý. Chức năng quản lý giữa Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp phù hợp với các nguyên tắc phân cấp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức của các cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy, theo chúng tôi nên giữ nguyên nội dung phân cấp như hiện nay và và thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn pháp luật.

Mặc dù Đề tài tập trung vào tìm hiểu về việc phân cấp quản lý Nhà nước song chúng ta cũng cần lưu ý tới hoạt động quản lý của tổ chức nghề nghiệp đối với dịch vụ tư vấn pháp luật. Hoạt động quản lý Nhà nước là cơ sở cho các hoạt động quản lý khác và các hoạt động quản lý cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực và góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về việc phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, sẽ không quá sớm khi chúng ta nghĩ đến việc chuyển giao dần những công việc có tính chất chuyên môn, những hoạt động quản lý mà không nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước cho tổ chức nghề nghiệp. Điều này sẽ góp phần tạo sự chủ động cho hoạt động nghề nghiệp của tổ chức hành nghề và tất nhiên cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho hoạt động quản lý Nhà nước, giúp cho hoạt động quản lý Nhà nước đạt được hiệu quả cao hơn.

Trong điều kiện hiện nay, để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cần lưu ý một số đề xuất sau:

* Điều chỉnh và hoàn thiện một bước quy chế pháp lý

- Sớm ban hành Luật về luật sư, quy định thống nhất hoạt động quản lý về dịch vụ tư vấn pháp luật của luật sư, hạn chế khác biệt giữa luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài, tạo một cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động này.

- Ban hành quy chế kiểm tra hết tập sự, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuẩn bị vào hành nghề của các luật sư, góp phần thúc đẩy dịch vụ tư vấn pháp luật phát triển.

* Đổi mới phương thức và các biện pháp quản lý

- Tạo cơ chế phối hợp trong quản lý giữa các cơ quan Nhà nước:

Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan  (Tài chính, Thuế, Lao động, Thương binh và xã hội, Công an ...), các cơ quan quản lý dự án đầu tư, các Sở Tư pháp giải quyết những công việc liên quan và tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư. Ví dụ: hướng dẫn tổ chức hành nghề về các thủ tục hành chính liên quan; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật thuế, chế độ kế toán áp dụng đối với tổ chức hành nghề luật sư; đăng ký hành nghề, đăng ký gia hạn hoạt động, thuê lao động v.v... Kiến nghị với Chính phủ về những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động của các tổ chức hành nghề và phối hợp với các cơ quan hữu quan để từng bước xử lý.

- Tăng cường chế độ thông tin, báo cáo:

 Việc cập nhật thường xuyên để nắm thông tin đa dạng, đầy đủ liên quan đến đối tượng quản lý cũng góp phần đáng kể vào hiệu quả quản lý. Để có được nguồn thông tin phong phú, phản ánh thực chất hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề, chúng ta phải kết hợp nhiều phương thức: thông qua công việc quản lý hàng ngày; qua các báo cáo định kỳ (6 tháng và 1 năm); tổ chức thường xuyên các cuộc tọa đàm giữa các tổ chức hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam; gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu và giải đáp những vướng mắc hoặc hướng dẫn bằng văn bản đối với từng trường hợp cụ thể...

Việc tổ chức cuộc họp với đại diện của các tổ chức luật sư nước ngoài và các cơ quan Nhà nước hữu quan cũng là một trong những biện pháp hữu ích để củng cố và phát triển hoạt động luật sư tại Việt Nam. Các cuộc gặp mặt này có thể được tổ chức hàng năm, là diễn đàn để các luật sư trong nước và nước ngoài trao đổi ý kiến, kinh nghiệm hành nghề và việc hợp tác trong hành nghề; những thuận lợi và khó khăn, kiến nghị về những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; thông qua đó đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật tại Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc và xử lý vi phạm của tổ chức hành nghề luật sư:

Để tăng cường công tác quản lý thông qua việc rà soát lại về tổ chức và nắm thông tin đầy đủ về hoạt động của các tổ chức hành nghề, cần tiến hành kiểm tra về tổ chức và hoạt động của một số tổ chức hành nghề luật sư có nhiều biến động, nếu phát hiện thấy những biểu hiện lệch lạc thì cần phải được chấn chỉnh kịp thời (về số tổ chức gần như không hoạt động, thay đổi luật sư nước ngoài, giảm số lượng nhân viên lao động Việt Nam, thay đổi trụ sở làm việc; việc sử dụng cử nhân luật Việt Nam tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề và nhân viên lao động...).

Bộ Tư pháp phối hợp với các Sở Tư pháp địa phương trong việc:

+Lập chương trình, kế hoạch kiểm tra về tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, bảo đảm có nội dung và trọng tâm kiểm tra cụ thể, nhanh gọn và không gây phiền hà cho công việc của các tổ chức đó;

  + Theo dõi, nhắc nhở bằng văn bản đối với tổ chức chậm trễ hoặc không thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu;

+ Đề xuất, xử lý và phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý những vi phạm các quy định pháp luật về thuế, thuê lao động, hành nghề tư vấn pháp luật của người không phải là luật sư của tổ chức hành nghề...

-  Thực hiện một số công việc nhằm hỗ trợ cho hoạt động quản lý:

+ Tạo điều kiện để luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam có sự gắn bó trong  hoạt động hợp tác hành nghề:

+ Bộ Tư pháp là đầu mối giúp các tổ chức luật sư nước ngoài tìm đối tác Việt Nam và ngược lại; giới thiệu các tổ chức hành nghề tham gia tư vấn cho các dự án lớn khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức Việt Nam; tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề giữa luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam;

 + Đánh giá và biểu dương kịp thời hiệu quả việc hợp tác hành nghề giữa tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật Việt Nam, việc nhận đào tạo cử nhân luật Việt Nam tập sự của các tổ chức luật sư nước ngoài;

- Khuyến khích các tổ chức luật sư nước ngoài cử luật sư đến giảng bài, trao đổi chuyên môn tại các hội thảo, các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư Việt Nam.

+ Tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa các tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam, tạo cơ hội để tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài tích cực tham gia các hoạt động như:

- Trao đổi thông tin, ý kiến đánh giá và góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và khung pháp lý về tổ chức, hoạt động luật sư ở Việt Nam nói riêng; cung cấp kinh nghiệm về kỹ năng lập pháp và tài liệu tham khảo về hệ thống pháp luật nước ngoài.

- Tổ chức, hỗ trợ tổ chức các hội thảo khoa học, các chương trình đào tạo cán bộ pháp luật, khảo sát trong và ngoài nước về các lĩnh vực pháp luật...

* Tạo điều kiện hỗ trợ về nhân sự và cơ sở vật chất cần thiết cho công tác quản lý

Trong giai đoạn tới, xu hướng mở rộng hình thức hành nghề, phạm vi, lĩnh vực hành nghề của luật sư nước ngoài và cùng với nhiều vấn đề nảy sinh khác sẽ dẫn đến tình trạng khối lượng công việc quản lý ngày càng tăng. Do đó, cần bổ sung cán bộ có trách nhiệm theo dõi lĩnh vực này, vì hiện nay các Sở Tư pháp chỉ phân công 01 cán bộ thực hiện công việc này và chỉ mang tính chất kiêm nhiệm. Thực hiện phương thức phân công cán bộ chuyên quản ở cấp Sở, nhóm chuyên quản ở cấp Bộ, để có thể thực hiện công tác nghiệp vụ một cách thường xuyên, kịp thời và chuyên sâu.

- Hỗ trợ trong việc bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ làm công tác quản lý.

- Hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất cho hoạt động quản lý: trang thiết bị văn phòng (máy tính, fax, tủ hồ sơ, biểu mẫu sổ sách để theo dõi); các ứng dụng tin học (phần mềm quản lý nhân sự, lưu trữ hồ sơ, kết nối mạng nội bộ giữa cơ quan  Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp ...).   

2.5. Lĩnh vực tổ chức cán bộ

Bên cạnh những thuận lợi và ưu điểm được nêu trên đây, trong quá trình thực tiễn thực hiện quy định về phân định thẩm quyền quản lý về tổ chức và cán bộ công chứng đã phát sinh những vướng mắc nhất định. 

Hiện nay, tại một số Phòng Công chứng mới được thành lập hoặc ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có tình trạng không có đủ công chứng viên theo quy định tại Nghị định số 75/200/NĐ-CP ngày 8/12/2000 (Phòng công chứng phải có ít nhất là 3 công chứng viên). Thực hiện quy định về phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ công chứng, sự can thiệp vào việc bổ sung biên chế cho các Phòng còn thiếu cán bộ có chức danh là công chứng viên rất khó khăn. Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng công chứng, luân chuyển cán bộ từ nơi này đến nơi khác là do địa phương quyết định. Do vậy dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu. Nghề nghiệp công chứng viên có tính chất đặc thù, cần được khuyến khích

Theo quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ thì việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Công chứng phải có sự chấp thuận của Bộ Tư pháp. Trong quá trình thực hiện Nghị định, có quan điểm cho rằng quy định này là không cần thiết. Bởi vì, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giám đốc Sở Tư pháp không có quy định phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tư pháp. Do vậy không cần thiết phải quy định có sự chấp thuận bằng văn bản đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Công chứng. Trong nhiều trường hợp, quy định này sẽ gây phiền hà cho việc củng cố, kiện toàn Phòng Công chứng. 

Việc xây dựng quy  hoạch đội ngũ công chứng viên chưa thực hiện được do điều này phải phụ thuộc chủ yếu vào địa phương, tuy nhiên, hiện nay địa phương chưa có những có những dự kiến chiến lược về phát triển hoạt động công chứng cũng như dự kiến cho việc bổ sung nguồn công chứng viên của địa phương mình.

Việc thành lập Phòng công chứng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định theo nhu cầu của địa phương. Do vậy, trong nhiều trường hợp chưa có một sự chuẩn bị tốt cho việc thành lập như thiếu số lượng công chứng viên theo quy định  hoặc nhiều nơi khi thành lập xong Phòng Công chứng mới tìm nguồn cán bộ để bổ nhiệm công chứng viên dẫn đến phải bổ nhiệm cả những người không có đủ tiêu chuẩn chức danh công chứng viên.

Việc giao cho chính quyền địa phương quyết định về tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương một mặt phát huy được tính chủ động của địa phương, nhưng cũng đã tạo ra sự không thống nhất về tổ chức và hoạt động tư pháp. Bởi lẽ, chính quyền có những nhận thức khác nhau về vị trí, vai trò của công tác tư pháp nên có sự bố trí, sắp xếp về tổ chức và cán bộ khác nhau. Tại một số địa phương, tổ chức và cán bộ của cơ quan tư pháp chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải đảm nhận (số lượng cán bộ ít, tổ chức còn hạn chế, Phòng Tư pháp bị giải thể, cán bộ xã) điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động tư pháp, không đáp ứng được yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

Với cơ chế quản lý song trùng trực thuộc, chất lượng và hiệu quả  hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương không chỉ phụ thuộc vào chính quyền địa phương mà còn phụ thuộc cả vào Bộ quản lý chuyên ngành. Trong nhiều trường hợp sư phối kết hợp giữa hai cơ quan này còn có nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là sự phối hợp của chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp cấp trên trong việc bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Trong thời gian gần đây, một tình trạng diễn ra khá phổ biến là khi bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan tư pháp, địa phương chỉ tham khảo ý kiến của cơ quan tư pháp cấp trên khi có sự vướng mắc trong nội bộ, hoặc chỉ tham khảo mang tính chất hình thức (khi đã có quyết định bổ nhiệm) thậm chí nhiều nơi còn không tham khảo ý kiến của cơ quan tư pháp cấp trên.

Việc đổi mới phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương nhằm phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương và của cơ quan tư pháp địa phương, trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất quản lý ngành, lĩnh vực của Bộ Tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quản lý nhà nước.

Trước mắt, cần tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc đang vướng mắc hiện nay trong quá trình quản lý về tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp địa phương giữa Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân cấp quản lý của ngành Tư pháp, trong đó có phân cấp quản lý về tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương.

Sau đây là một số giải pháp đổi mới việc thực hiện phân cấp quản lý về tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp địa phương:

* Hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp địa phương

Một trong những nguyên tắc cần được quán triệt trong quá trình phân cấp quản lý nhà nước nói chung và phân cấp quản lý nhà nước về tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp nói riêng là phân cấp quản lý phải được thể chế hoá thành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ được tiến hành trên cơ sở các quy định của pháp luật. Do vậy, để thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp địa phương, Bộ Tư pháp cần phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành những quy định  về phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp trong đó có phân cấp quản lý về tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương, bao gồm các nội dung cụ thể sau:

- Phạm vi, mục tiêu và các nguyên tắc của việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực tư pháp;

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tư pháp địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác tư pháp bảo đảm hiệu quả, thống nhất trong quản lý công tác tư pháp từ trung ương đến cơ sở.

- Phân cấp quản lý tổ chức cán bộ trên cơ sở các nhiệm vụ, quyền hạn giao cho từng cấp và phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại cơ quan tư pháp.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng và hoàn thiện một cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong các việc quản lý tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là trong việc thành lập các cơ quan, tổ chức tư pháp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan tư pháp; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, khen thưởng và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân thuộc ngành nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức và cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

* Đổi mới nhận thức về phân cấp quản lý nhà nước và phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương

Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải có sự nhận thức đầy đủ và khách quan về phân cấp quản lý nhà nước nói chung trong đó có phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ, phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ cơ quan tư pháp địa phương.  Không nên chỉ quan niệm phiến diện, giản đơn rằng nhất thiết phải từ bỏ quản lý tập trung và ngược lại, đề cao tuyệt đối sự  phân cấp. Thực tiễn công tác yêu cầu phải thực hiện phân cấp quản lý đúng và hợp lý. Trung ương cần thực hiện đúng và đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nhận thức khách quan và đúng đắn về năng lực, trình độ của chính quyền và cơ quan tư pháp địa phương để từ đó xác định đúng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác tư pháp trong đó có quản lý về tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương.

 *  Định hướng phân cấp về tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương phù hợp với đặc thù hoạt động quản lý của ngành Tư pháp.

- Đối với cơ quan thi hành án dân sự địa phương

Theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước bao gồm cả tổ chức và cán bộ. Do vậy định hướng của  phân cấp quản lý về tổ chức cán bộ cơ qua thi hành án cần phải bảo đảm sự thống nhất quản lý của cơ quan thi hành án dân sự  bao gồm việc ban hành những văn bản quy định về tổ chức, cán bộ, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ban hành Quy chế về mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư pháp và chính quyền địa phương trong việc quản lý tổ chức và cán bộ cơ quan thi hành án dân sự; quản lý các cơ quan thi hành án dân sự; quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên; thực hiện chế độ chính sách đối với Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Về nguyên tắc Bộ Tư pháp phải là cơ quan thống nhất quản lý công tác thi hành án dân sự trong cả nước, song để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động của cơ quan thi hành án, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, thực hiện phân cấp cho Giám đốc Sở thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý tổ chức cán bộ ở địa phương như tổ chức thi, tuyển dụng, điều động, luân chuyển, nâng lương, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật (trừ trường hợp buộc thôi việc) đối với cán bộ cơ quan thi hành án dân sự trên cơ sở hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp trong từng lĩnh vực quản lý tổ chức, cán bộ cơ quan tư pháp ở địa phương nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác được giao.

- Đối với cơ quan công chứng

Tổ chức lại hệ thống cơ quan công chứng chuyên trách. Mỗi tỉnh có thể chỉ có một trung tâm công chứng và khi cần thiết có thể đặt các văn phòng công chứng chuyên trách. Các công chứng viên chịu sự quản lý và điều động của Trung tâm công chứng. Việc thành lập các Trung tâm Công chứng do chính quyền địa phương quyết định trên cơ sở thống nhất ý kiến của Bộ Tư pháp.

Xác định công chứng là hoạt động nghề nghiệp, không có nội dung quản lý nhà nước; Công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm; công chứng viên hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc công chứng do mình thực hiện; phân cấp việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng, phó phòng công chứng cho chính quyền địa phương.

Nghiên cứu việc thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng, cho phép các tổ chức, cá nhân được thực hiện một số công việc theo quy định của pháp luật. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân này theo nguyên tắc tự hạch toán thu chi, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ đó giảm tải cho cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi hơn cho nhân dân.

- Đối với cơ quan tư pháp địa phương

Bộ Tư pháp với vị trí là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, thực hiện hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ quan tư pháp địa phương, ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiêu chuẩn chức danh cán bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục thực hiện phân cấp việc đào tạo, bồi dưỡng trung học pháp lý đối với các Sở Tư pháp để đáp ứng nhu cầu to lớn và cấp bách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý cho địa phương.

* Kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan tư pháp các cấp để đáp ứng được với yêu cầu  nhiệm vụ đảm nhận

Để có sự phân cấp thật sự, các cơ quan tư pháp địa phương cần phải được kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động bảo đảm có thể hoàn thành các nhiệm vụ được phân cấp. Cụ thể như sau:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác tư pháp để mọi hoạt động của các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cũng như tạo điều kiện cho nhân dân có căn cứ để thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan và cán bộ tư pháp các cấp.

-  Kiện toàn tổ chức các cơ quan tư pháp một cách hợp lý, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.

Bộ Tư pháp ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hquy định  định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, cán bộ của cơ quan tư pháp (bao gồm cơ quan thi hành án dân sự, Phòng công chứng và Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp).

Kiện toàn tổ chức các cơ quan tư pháp một cách hợp lý, thành lập đầy đủ hệ thống các cơ quan tư pháp từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và ban hành các Quy chế về Tổ chức và hoạt động quy định về  phạm vi trách nhiệm, lề lối làm việc, quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ theo đúng nguyên tắc cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nghiên cứu từng bước mở rộng các hình thức giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

         

           Về việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp ở các cấp chính quyền địa phương

          Có thể nói, về cơ bản, vị trí, tính chất, chức năng của các cơ quan tư pháp địa phương tương đối giống nhau, đều là cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp, giúp UBND quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp trên địa bàn hành chính - lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của UBND.

          Có những nhiệm vụ, qưyền hạn mà cơ quan tư pháp cấp nào cũng phải thực hiện như: Kế hoạch, chương trình công tác; xây dựng văn bản QPPL; kiểm tra văn bản QPPL; phổ biến giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hộ tịch, quốc tịch, công chứng.v.v... Trong những nhiệm vụ quyền hạn này tuy cùng công việc theo tên gọi nhưng phạm vi, nội dung lại có điểm khác nhau, căn cứ vào yêu cầu phân cấp. Ví dụ: trong nhiệm vụ xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản QPPL, phổ biễn giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự; công chứng, chứng thực; hộ tịch, quốc tịch .v.v... Ở đây, việc khác nhau trong nội dung nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể ở từng cấp là thể hiện rõ việc phân cấp trong lĩnh vực tư pháp. Ví dụ: Tư pháp cấp xã được giao những nhiệm vụ, quyền hạn mang tính chất thực thi, phục vụ trực tiếp yêu cầu của công dân theo nguyên tắc việc gì gắn trực tiếp yêu cầu của dân, gắn với cơ sở ở cấp xã thực hiện tốt hơn thì giao cho tư pháp xã như: trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn làng, bản, thôn, ấp xây dựng hương ước; tổ chức lấy ý kiến nhân dân các dự án, dự thảo văn bản; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý, sử dụng tủ sách pháp luật; trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong thi hành án dân sự; đăng ký, quản lý hộ tịch; chứng thực chữ ký di chúc; tổ chức hoà giải cơ sở.v.v…

          Tương tự như trên, có những nhiệm vụ, quyền hạn cần thiết phải giao cho Tư pháp cấp huyện mà cấp tỉnh và Trung ương không nên và cũng không thể thực hiện được như: Giúp chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt nội dung các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp; thực hiện kiểm tra văn bản do chính quyền địa phương cấp xã ban hành; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; tổ chức, phối hợp lực lượng thi hành án ở cấp huyện; thực hiện chứng thực một số việc ở huyện; hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký, quản lý hộ tịch ở cấp xã. v.v...

          Những nội dung phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp như đã được phân tích ở trên là một trong những nguyên tắc cơ bản chi phối việc xác định phương hướng kiện toàn cơ quan tư pháp địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp ở từng cấp tỉnh, huyện và xã.

          Về hướng kiện toàn  Sở Tư pháp:

          Về chức năng  Cần thể hiện đầy đủ hơn nội dung chức năng mà Thông tư liên Bộ số 12/TTLB đã quy định. Có thể quy định đầy đủ hơn các chức năng của Sở như cách thể hiện chức năng của Bộ Tư pháp đã được quy định trong Nghị định số 62/2003/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước trên địa bàn về công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra văn bản QPPL; phổ biến giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

          Về nhiệm vụ, quyền hạn  Cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp về các lĩnh vực tư pháp theo hướng sau đây:

          Thứ nhất: Quy định rõ những nhiệm vụ quyền hạn của Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh mà bất kỳ cơ quan chuyên môn nào của UBND cũng phải thực hiện như: chuẩn bị chương trình, kế hoạch; tổ chức chỉ đạo thực hiện các văn bản; chỉ dạo hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; thanh tra, kiểm tra; quản lý về tổ chức cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; quản lý tài chính, tài sản của Sở được giao.

          Thứ hai: Quy định rõ những nhiệm vụ quyền hạn của Sở Tư pháp về từng lĩnh vực tư pháp cụ thể theo tinh thần phân công, phân cấp:

          - Về công tác xây dựng văn bản QPPL (dự kiến chương trình xây dựng văn bản QPPL, chủ trì, tham gia soạn thảo văn bản; thẩm định các dự thảo quyết định, chỉ thị của UBND; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản QPPL);

          - Về kiểm tra văn bản QPPL (Giúp UBND cấp tỉnh tự kiểm tra văn bản của UBND; hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác kiểm tra văn bản QPPL; kiểm tra văn bản của HĐND và UBND cấp huyện, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật);

          - Về phổ biến giáo dục pháp luật (Xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến GDPLvà tổ chức thực hiện; biên soạn tài liệu, đề cương phổ biến GDPL tại địa phương; hướng dẫn kiểm tra việc xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật);

          - Về thi hành án dân sự (Giúp UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo phối hợp thi hành án; thực hiện một số nhiệm vụ quản lý cán bộ, công chức của Phòng, Đội thi hành án và tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án dân sự theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp);

          - Về quản lý công chứng, chứng thực (Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động chứng thực của UBND cấp huyện và cấp xã; trình UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, giải thể Phòng Công chứng, xác định thẩm quyền địa hạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng công chứng; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên);

          - Về quản lý và đăng ký hộ tịch, quốc tịch (Hướng dẫn, kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch; giúp UBND cấp tỉnh trong việc thẩm định hồ sơ và trình UBND quyết định việc đăng ký các sự kiện hộ tịch phát sinh ở địa phương cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho phép thay đổi họ tên, chữ đệm...giải quyết các việc về con nuôi có yếu tố nước ngoài và về quốc tịch theo pháp luật.

          - Về quản lý luật sư, tư vấn pháp luật (Trình UBND cấp tỉnh thành lập, giải thể Đoàn Luật sư; cấp thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh và Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật; thực hiện đăng ký hành nghề, đăng ký thay đổi nội dung giấy phép, đăng ký gia hạn hoạt động của Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài; theo dõi việc tiếp nhận và sử dụng người tập sự hành nghề tư vấn pháp luật; tổ chức, hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật...);

          - Thống nhất quản lý các hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương và các hoạt động khác về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp (giám định tư pháp, lý lịch tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại) và hoạt động hoà giải ở cơ sở

Trong điều kiện hiện nay, cần quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong các lĩnh vực: cải cách hành chính, quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Sở; tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật...

          Về cơ cấu tổ chức của sở Tư pháp.

          Thông tư liên Bộ số 12/TTLB không quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp mà mới dừng ở những quy định mang tính nguyên tắc chung: Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, tình hình cụ thể ở địa phương, quy mô tổ chức, khối lượng công việc và khả năng cán bộ để quyết định cơ cấu bộ máy và biên chế của Sở Tư pháp theo nguyên tắc tổ chức gọn nhẹ, gồm những công chức chuyên môn được đào tạo đúng ngành nghề, có đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức hành chính do Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành.

          Việc quy định những nguyên tắc như vậy, mặc dù đã thể hiện đúng nguyên tắc giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cơ cấu tổ  chức nội bộ của Sở Tư pháp, tuy nhiên do thiếu những quy định có tính định hướng về tổ chức khung một số phòng, ban thuộc Sở (mà Sở Tư pháp nào cũng cần phải có) cho nên thực trạng cơ cấu tổ chức nội bộ của Sở Tư pháp không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Cơ cấu một số các phòng, ban thuộc Sở không giống nhau về tên gọi, cũng như về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Chẳng hạn, Sở Tư pháp của hai thành phố lớn trực thuộc Trung ương nhưng Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh có các đơn vị: Văn phòng Sở, Phòng văn bản, Phòng tổ chức, Phòng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng hộ tịch - lý lịch tư pháp - quốc tịch, Thanh tra Sở; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội lại có các đơn vị: Văn phòng Sở, Phòng văn bản pháp quy, Phòng tổ chức đào tạo, Phòng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Phòng hộ tịch, Thanh tra Sở, Phòng quản lý toà án. Còn đối với các tỉnh, thì Sở Tư pháp có số phòng ít hơn các Sở của thành phố thuộc Trung ương (Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn có các đơn vị: Phòng hành chính - tổng hợp, Phòng phổ biến, tuyên truyền pháp luật và văn bản pháp quy, Phòng tổ chức, quản lý toà án - thi hành án, Phòng quản lý tư pháp khác và Thanh tra Sở; Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long lại có cơ cấu gồm: Phòng hành chính - tổng hợp, Phòng văn bản - tuyên truyền, Phòng tổ chức - thanh tra, Phòng hộ tịch).

          Bên cạnh đó theo quy định của pháp luật các Sở Tư pháp đều có các đơn vị thuộc Sở Tư pháp là Phòng thi hành án dân sự, Trung tâm trợ giúp pháp lý, còn Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì còn nhiều địa phương không thành lập hoặc giao việc bán đấu giá do Sở Tài chính - vật giá quản lý.

          Theo chúng tôi để khắc phục những hạn chế thiếu sót như vừa nêu, cần quy định khung cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp theo hướng: xác định rõ một số Phòng, ban thuộc cơ cấu cứng mà Sở nào cũng phải có và những phòng, ban do UBND cấp tỉnh thành lập căn cứ tình hình thực tế địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn được giao. Đồng thời cũng cần quy định rõ các đơn vị trực thuộc Sở.

Theo hướng nêu trên, các Phòng thuộc cơ cấu cứng có thể bao gồm: Phòng xây dựng văn bản; Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng kiểm tra văn bản QPPL; Phòng hành chính tư pháp (thực hiện quản lý hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại); Thanh tra Sở; Văn phòng Sở.   

 Các đơn vị trực thuộc Sở bao gồm: Phòng thi hành án (biên chế do Bộ Tư pháp phân bổ); Các Phòng công chứng; Trung tâm trợ giúp pháp lý; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; các đơn vị sự nghiệp khác.

         

          Về hướng kiện toàn Phòng Tư pháp:

          Về chức năng: Cần thể hiện đầy đủ hơn nội dung chức năng của Phòng Tư pháp đã được quy định tại Thông tư liên Bộ số 12/TTLB. Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra văn bản QPPL; phổ biến giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; chứng thực; hộ tịch; công tác hoà giải và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

          Về nhiệm vụ, quyền hạn:  Cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp về các lĩnh vực tư pháp theo hướng như đã nêu trong phần đề xuất về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp. Riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp trong từng lĩnh vực tư pháp cụ thể, cần quy định rõ:

          - Về công tác xây dựng văn bản QPPL: Trình UBND cấp huyện các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ pháp luật về công tác quản lý tư pháp trên địa bàn cấp huyện; tham gia soạn thảo văn bản; thẩm định các dự thảo quyết định, chỉ thị của UBND, thẩm định dự thảo hương ước, quy ước trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án, dự thảo văn bản QPPL; rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành;

          - Về kiểm tra văn bản QPPL: Giúp UBND cấp huyện tự kiểm tra văn bản QPPL; hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện tự kiểm tra văn bản QPPL; kiểm tra văn bản của HĐND và UBND cấp xã, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định các biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật;

          - Về phổ biến, giáo dục pháp luật: Xây dựng, trình UBND cấp huyện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm ở địa phương; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt; cấp các đề cương, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan, đơn vị khác tại địa phương theo quy định của pháp luật;     

- Về thi hành án dân sự: Giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Tư pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương; làm thường trực Ban chỉ đạo thi hành án cấp huyện;

- Về công tác chứng thực: Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã; thực hiện chứng thực một số việc theo sự uỷ quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

          - Về công tác hộ tịch: Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch; quản lý các sổ sách, biểu mẫu về hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp;

- Về công tác hoà giải: Hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy định về công tác hoà giải trên địa bàn theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên và UBND cấp huyện; trình UBND cấp huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở địa phương; tổ chức thi đua khen thưởng công tác hoà giải ở địa phương;

 

          Về  cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp

          Theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 12/TTLB, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã nêu trên thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cơ cấu bộ máy của Phòng Tư pháp.

          Điều cần lưu ý, trong thời gian vừa qua, để triển khai Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27/3/2001 của Chính phủ về việc tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các địa phương đã sáp nhập một số đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sáp nhập Phòng Tư pháp vào Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, việc sáp nhập này là trái với quy định tại Nghị định: “ Những cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã được quy định tại các Luật, Pháp lệnh thì vẫn giữ nguyên tổ chức và tên gọi như hiện nay”. Bên cạnh đó việc sáp nhập Phòng Tư pháp không tính đến các nhiệm vụ mới được giao. Do đó, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác tư pháp tại các địa phương, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan tư pháp cấp huyện (Theo Tài liệu toạ đàm về tổ chức và hoạt động Tư pháp cấp huyện- Thực trạng và giải pháp kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả Bộ Tư pháp  tháng 11/2003).

          Trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải khẳng định việc tồn tại của Phòng Tư pháp trong số các phòng chuyên môn của UBND cấp huyện. Phòng Tư pháp có thể bố trí chuyên viên hoặc nhóm chuyên viên để đảm nhiệm các nhiệm vụ, quyền hạn đã nêu ở trên.

          Hướng kiện toàn Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn:

          Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tư pháp

          Thông tư liên Bộ số 12/TTLB quy định Ban Tư pháp xã, phường thị trấn là cơ quan chuyên môn của UBND cấp xã. Cách quy dịnh như vậy là quá ngắn gọn, không thể hiện đầy đủ vị trí, chức năng của Ban Tư pháp cấp xã.

          Để thực hiện chức năng là cơ quan chuyên môn của UBND cấp xã, Ban Tư pháp được giao 06 nhiệm vụ quyền hạn cụ thể:

          - Giúp UBND cấp xã thực hiện quản lý nhà nước các công việc tư pháp;

          - Giúp UBND cấp xã soạn thảo, ban hành các quyết định, chỉ thị để thi hành cá quyết định, chỉ thị của UBND cấp huyện.

          - Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân;

          - Thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch, quản lý lý lịch tư pháp và thống kê tư pháp;

          - Hướng dân, quản lý hoạt động của tổ hoà giải;

          - Tổ chức việc phối hợp thi hành án ở địa phương theo sự chỉ đạo của Đội thi hành án;

Chúng tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, cần phải thể hiện một cách đầy đủ, hợp lý chức năng của Ban Tư pháp: là cơ quan chuyên môn của UBND cấp xã có chức năng giúp UBND cấp xã quản lý nhà nước trên địa bàn về xây dựng pháp luật, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào chức năng nêu trên và theo tinh thần phân cấp cần phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tư pháp theo hướng như đã nêu ở trên. Cụ thể là các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc một số lĩnh vực tư pháp như: về công tác xây dựng và ban hành văn bản ở địa phương (tham gia soạn thảo, thẩm định các dự thảo văn bản QPPL; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng hương ước, quy ước; tự kiểm tra văn bản QPPL; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật; về thi hành án dân sự( đôn đốc thi hành án; quản lý hồ sơ thi hành án...); việc đăng ký quản lý hộ tịch; thực hiện các hành vi quốc tịch theo quy định; chứng thực chữ ký, di chúc...; về hoà giải ở cơ sở (bồi dưỡng nghiệp vụ, củng cố nhân sự, sơ kết tổng kết về công tác hoà giải...)

 Về cơ cấu, tổ chức của Ban Tư pháp

          Theo quy định hiện hành, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn do một Phó Chủ tịch UBND  cấp xã phụ trách, một số chức danh kiêm nhiệm và chức danh tư pháp-hộ tịch chuyên trách.

 Chúng tôi cho rằng cần có quy định mới về cơ cấu tổ chức của Ban Tư pháp: Ban Tư pháp có Trưởng Ban, phó trưởng ban và các thành viên. Trưởng ban do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND đảm nhiệm. Giúp việc Trưởng ban có Phó trưởng ban là cán bộ tư pháp chuyên trách.

 

*  Đổi mới công tác quản lý cán bộ

Chính quyền địa phương  căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư pháp xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế đánh giá cán bộ chính quyền cơ sở, trong đó có cán bộ Tư pháp cấp xã phù hợp với đặc thù tính chất công việc, bao gồm: đánh giá về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm và hiệu quả công tác;

Cấp uỷ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp cấp trên cần tăng cường chế độ kiểm tra thường xuyên đối với tổ chức và cán bộ tư pháp địa phương; coi trọng việc tổng kết thực tiễn, đánh giá hiệu quả công tác để khẳng định vị trí, vai trò của công tác tư pháp, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, đồng thời nâng cao để nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác Tư pháp.

* Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng của đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp địa phương đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Phối hợp với các cơ quan  Nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp địa phương; xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất trong phạm vi cả nước trong đó chú trọng cơ cấu phần kỹ năng nghiệp vụ tương xứng với yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương; xây dựng và hoàn thiện giáo trình, tài liệu phục vụ kịp thời công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp này; mở rộng, đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng  cán bộ tư pháp cấp xã phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, địa phương và đối tượng đào tạo, đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và không ảnh hưởng quá trình công tác Tư pháp địa phương.

 



[1] Theo dự kiến, để triển khai thi hành Luật này, Chính phủ sẽ ban hành ba Nghị định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cấp chính quyền địa phương: tỉnh, huyện, xã.

[2] Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học 2000, tr 770.

[3] Xem: Nguyễn Cửu Việt. Một số quan điểm về cải cách hành chính. Tạp chí khoa học. Đại học Quốc gia Hà Nội. 1997. Số 4, Tr.12.

¸ GS. Đoàn Trọng Truyến (Chủ biên). Hành chính học đại cương. NXB. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1997, Tr.744.

[5] Từ điển Tiếng Việt. Viện Ngôn ngữ học. Trung tâm từ điển học NXB Đà Nẵng. 1995, Tr.119.

[6] Từ điển Tiếng Việt. Sdd, Tr.744.

[7] TS. Nguyễn Đình Lộc. Một số ý kiến nghiên cứu về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nghiên cứu lập pháp. 2001. Số 1, Tr.24.

[8] Xem: Bộ Nội vụ. Đề án phân cấp quản lý nhà nước trung ương - địa phương. Hà nội. 8/2003. Tr.1.

[9] Trương Đắc Linh. Phân cấp quản lý trung ương và địa phương: một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu lập pháp. 2002. Số 3, Tr. 24-25.

[10] Tuyên bố của Hội nghị nhân quyền thế giới tại Tê-hê-ran ngày 13.05.1968 ((Khoản11).

[11] Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Lời nói đầu).

[12] X.I. Ozegôv. Từ điển Tiếng Nga. NXB Bách khoa Toàn thư Xô viết. Matxcova, 1968. Tr.897.

[13] V.A. Trit-ver-nhin. Về học thuyết Nhà nước dân chủ hiến định. Matxcova, 1993, Tr.92-96.

[14] Vũ Trọng Hách. Hoàn thiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự. Luận án Tiến sỹ luật học. Hà Nội, 2003, Tr.125.

[15] Vũ Trọng Hách. Sdd. Tr.160.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Khoá VII. NXB. Chính trị quốc gia. Hà nội, 1995, Tr.39.

[17] Chỉ thị 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nghị quyết 08/NQQ-TƯ ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan khác xây dựng Đề án xã hội hoá một số hoạt động thi hành án dân sự, kinh tế, thương mại.

[18] A. Smư- ca-lin. Hệ thống tư pháp Xô viết thời gian sau Chiến tranh. Tư pháp Nga. 2002. Số 12, Tr.40.

[19] Bài phát biểu của Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười “Xây dựng Nhà nước pháp quyền là một trong những nhiệm vụ trung tâm của đổi mới hệ thống chính trị” tại Hội nghị tập huấn cho cán bộ lãnh đạo Sở Tư pháp và Toà án nhân dân cấp tỉnh – Tháng 8.1992.

[20] Bài phát biểu của nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt “Ngành tư pháp phấn đấu vươn lên mọi mặt, hoàn thành tốt trách nhiệm trong cơ chế mới” tại Hội nghị tập huấn chuyên đề công tác tư pháp; Tháng 2.1993.

[21] Bài phát biểu của nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Sđd.

 

File đính kèm downloadTải về