• Thuộc tính
Tên đề tài Bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (phần 1 báo cáo phúc trình)
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

BỘ TƯ PHÁP

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ

 

 

ĐỀ TÀI

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ

PHẦN I: BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

 

 

BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2012

 

 

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ



ĐỀ TÀI

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ
PHẦN I: BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

 

BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

 

 

 

 

 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Thị Hải Yến
Thư ký đề tài: TS. Nguyễn Như Quỳnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2012

 

DANH SÁCH THAM GIA THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

STT

Họ và tên

Cơ quan

1.

TS. Trần Lê Hồng
Giám đốc Trung tâm Thông tin

Cục Sở hữu trí tuệ

2.

TS. Lê Ngọc Lâm
Trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp

Cục Sở hữu trí tuệ

3.

TS. Phạm Hồng Quất
Phó Chánh Thanh tra

Bộ Khoa học và Công nghệ

4.

TS. Nguyễn Thanh Tú

Bộ Tư pháp

5.

ThS. Lê Duy Thiện

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn

Cục Sở hữu trí tuệ

6.

Luật sư. Lê Xuân Lộc

Công ty Luật Tilleke&Gibbins

7.

TS. Vũ Thị Hải Yến
Giám đốc Trung tâm SHTT

Trường ĐH Luật Hà Nội

8.

TS. Nguyễn Như Quỳnh
Phó Giám đốc Trung tâm SHTT

Trường ĐH Luật Hà Nội

9.

ThS. Kiều Thị Thanh

Trường ĐH Luật Hà Nội

10.

Đặng Thị Vân Anh
Trung tâm Sở hữu trí tuệ

Trường Đại học Luật Hà Nội

11.

Đặng Thị Hồng Tuyến

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

BẢNG TỪ VIẾT TẮT

Bộ luật dân sự

BLDS

Bộ luật tố tụng dân sự

BLTTDS

Bộ luật hình sự

BLHS

Sở hữu trí tuệ

SHTT

Sở hữu công nghiệp

SHCN

Tài sản trí tuệ

TSTT

 

 

 


 

MỤC LỤC

 

MỤC LỤC 5

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ “BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP” 9

PHẦN MỞ ĐẦU- 9

CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ VÀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM- 23

1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG DOANH NGHIỆP- 23

1.1.1. Khái quát chung về tài sản trí tuệ 23

1.1.2. Tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp 34

1.2. KHÁT QUÁT CHUNG VỀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP- 36

1.2.1. Khái niệm bảo vệ TSTT và đặc thù của cơ chế bảo vệ TSTT 36

1.2.3. Ý nghĩa của việc bo vệ tài sản trí tuệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam- 47

1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG 1- 50

CHƯƠNG 2. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG VIỆC BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP 52

2.1. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG XÂY DỰNG, TẠO LẬP, XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI TÀI SẢN TRÍ TUỆ- 52

2.2. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP- 58

2.3. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CHỐNG LẠI CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM-- 65

2.3.1.      Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại Trung Quốc 67

2.3.2.      Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ 73

2.3.3.      Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại CHLB Đức 75

2.3.4.      Bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp tại Thái Lan 76

2.4. KẾT LUẬN CHƯƠNG 2- 80

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM- 82

3.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ- 82

3.1.1.      Quy định của pháp luật về xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ 82

3.1.2.      Quy định của pháp luật về quản lý, khai thác TSTT của doanh nghiệp  104

3.1.3.   Quy định của pháp luật về các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ 115

3.2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM-- 133

3.2.1.      Thực trạng xác lập quyền đối với TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam  133

3.2.2.      Thực trạng hoạt động quản lý, thương mại hóa tài sản trí tuệ 153

3.2.3.   Thực trạng hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm- 165

3.3. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN- 169

3.3.1.      Hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT 169

3.3.2.      Hoạt động của các cơ quan thực thi 173

3.3.3.      Vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp 192

3.4. KẾT LUẬN CHƯƠNG 3- 197

CHƯƠNG 4. TỔNG KẾT THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ CÁC GIẢI PHÁP 200

4.1. TỔNG KẾT THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM-- 200

4.1.1.      Thực trạng xác lập quyền 200

4.1.2.      Thực trạng quản lý, khai thác TSTT 201

4.1.3.      Thực trạng bảo vệ, xử lý xâm phạm TSTT 201

4.1.4.      Những nguyên nhân hạn chế hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam- 202

4.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ- 204

4.2.1.      Sự cần thiết và tiêu chí hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ TSTT   204

4.2.2.      Các kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ TSTT 205

4.3. CÁC GIẢI PHÁP KHÁC NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM-- 217

4.3.1.      Các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT từ phía Nhà nước 218

4.3.2.      Các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT từ phía doanh nghiệp 228

4.3.3.      Các giải pháp từ phía các chủ thể khác 240

KẾT LUẬN- 242

TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỀ TÀI 246

PHỤ LỤC 255

 


 

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ “BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”

 

PHẦN MỞ ĐẦU

  1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Nhân loại đang bước vào một nền kinh tế mới - nền kinh tế tri thức - nền kinh tế chủ yếu dựa vào các kết quả đầu tư trong các lĩnh vực trí tuệ và khoa học công nghệ. Các tài sản trí tuệ (TSTT) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, quyết định sự phát triển và thịnh vượng của mỗi doanh nghiệp, quốc gia, khu vực cũng như toàn xã hội, trở thành “động lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế”, “trở thành một nguồn của cải tạo ra sự thịnh vượng”.[1] Do đó, mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến không chỉ các chủ thể nắm giữ TSTT mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp; đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội.

Đối với doanh nghiệp, TSTT có vị trí quan trọng trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Bảo vệ TSTT trước hết giúp các doanh nghiệp giữ lợi thế cạnh tranh từ các sáng tạo trí tuệ được bảo hộ độc quyền, tạo sự ổn định và phát triển thị phần, xây dựng và phát triển uy tín đối với người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, ngăn cản các đối thủ cạnh tranh không trung thực... Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và cạnh tranh khốc liệt hiện nay, TSTT được công nhận là một trong những lợi thế tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Bên cạnh việc các doanh nghiệp cần chủ động trong chiến lược, kế hoạch và các hoạt động bảo vệ TSTT, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm hệ thống pháp luật, các biện pháp chế tài và các cơ quan thực thi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mới thực sự bắt đầu từ thập niên cuối thế kỷ XX nhưng đã có sự ảnh hưởng to lớn và tác động trực tiêp tới nền kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của các giao lưu thương mại quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức to lớn mà một trong những thách thức hàng đầu là vấn đề nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước. TSTT đóng vai trò là nhân tố quyết định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường.

Nhận thức được vai trò quan trọng của TSTT đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những chiến lược và kế hoạch để bảo vệ TSTT từ khâu tạo lập, đăng ký, quản lý, khai thác và bảo vệ TSTT chống lại các hành vi xâm phạm.

Để đáp ứng nhu cầu bảo hộ TSTT nói chung, TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cũng như nhu cầu hoàn thiện các chính sách, pháp luật theo các cam kết quốc tế, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ TSTT. Kể từ khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của TSTT đối với sự phát triển của doanh nghiệp nên đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ tài sản này. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tế, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thể hiện qua một số hoạt động cơ bản sau đây:

Hoạt động xác lập quyền

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký, xác lập quyền đối với TSTT trước khi đưa sản phẩm ra thị trường dẫn đến những hệ lụy như: mất khả năng bảo hộ TSTT đó; bị chủ thể khác chiếm đoạt thành quả đầu tư; không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm... Số lượng đơn đăng ký bảo hộ TSTT còn hết sức khiêm tốn so với yêu cầu thực tiễn, chứng tỏ các doanh nghiệp chưa tận dụng được công cụ này trong việc thúc đẩy và bảo hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lượng đơn đăng ký SHTT bị từ chối khá cao vì lý do người nộp đơn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết cơ bản trong đăng ký, xác lập quyền đối với SHTT; doanh nghiệp Việt Nam cũng thường không tiến hành tra cứu thông tin SHCN trước khi đăng ký dẫn đến lãng phí công sức, tiền của đầu tư cho những nghiên cứu trùng lặp cũng như chi phí đăng ký.

Hoạt động xác lập quyền SHTT ở nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải trả những bài học đắt giá khi bị mất quyền SHTT ở thị trường nước ngoài.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, tình trạng nợ đọng đơn đăng ký, đơn không được giải quyết dứt điểm, đúng thời hạn quy định xảy ra phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các doanh nghiệp, có thể làm mất cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường cũng như nguy cơ TSTT bị xâm phạm mà không có căn cứ pháp lý để bảo vệ.

Bên cạnh đó, do quy định của pháp luật chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng tranh chấp, xung đột quyền SHTT giữa những đối tượng có sự giao thoa như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, quyền tác giả... diễn ra phổ biến khiến cho nhiều Văn bằng bảo hộ đã được cấp, sau đó lại bị hủy bỏ do xung đột với quyền SHTT đã được bảo hộ trước.

Hoạt động quản lý, khai thác TSTT

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu trong việc quản lý, khai thác TSTT. Nhiều doanh nghiệp chưa định hình được chính xác những TSTT mà mình nắm giữ và đặc tính của nó, vì vậy mà chưa chủ động trong kế hoạch đăng ký độc quyền. Những doanh nghiệp mặc dù nhận thức được vai trò quan trọng của bảo vệ TSTT nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu là làm thủ tục xác lập quyền đối với TSTT, việc quản lý TSTT trí tuệ đó sau khi được bảo hộ hầu như chưa được thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp lúng túng, không có kiến thức và kinh nghiệm trong việc kiểm soát, quản lý, phát triển TSTT trí tuệ. Rất ít doanh nghiệp có sự quan tâm và đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt động tạo lập, quản lý, phát triển TSTT.

Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc khai thác thương mại TSTT qua các hình thức: chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng, nhượng quyền thương mại, góp vốn bằng TSTT... Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm về hoạt động này, cũng như chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ (như hướng dẫn về định giá TSTT, góp vốn bằng TSTT...) nên nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thua thiệt, mất thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tận dụng được lợi thế của khai thác TSTT như một công cụ bảo vệ TSTT.

Hoạt động bảo vệ, xử lý xâm phạm TSTT

Trên thực tế, hành vi xâm phạm TSTT có chiều hướng gia tăng, phổ biến; tính chất và mức độ xâm phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Bên cạnh một số doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể vi phạm, vẫn còn một bộ phận lớn doanh nghiệp mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan nhà nước, chưa tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền SHTT.

Một cách khái quát, các cơ quan thực thi quyền SHTT đã và đang phát huy được vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm TSTT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, do sự hạn chế về năng lực, lực lượng, sự vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục cùng với sự thiếu thốn các điều kiện cần thiết như phương tiện, điều kiện kỹ thuật, kinh phí... nên hiệu quả hoạt động của các cơ quan này bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong các biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay, biện pháp hành chính thường được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn do tính chất nhanh chóng về thời gian, thủ tục đơn giản và có hiệu lực xử lý ngay. Trong khi đó, do vướng mắc trong quy định của pháp luật, số vụ xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự rất hạn chế. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Thực trạng kể trên do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu:

- Thứ nhất: “Việt Nam vẫn là một nước đang chuyển đổi và cả các học giả Việt Nam cũng như nước ngoài đều cho rằng khung pháp lý còn thiếu đồng bộ và chưa hoàn chỉnh, ít nhất là đối với các vấn đề liên quan đến thương mại.”[2] Hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam về bảo vệ TSTT vẫn bộc lộ những tồn tại như: (i) Các quy định liên quan đến bảo vệ TSTT nằm phân tán ở rất nhiều văn bản khác nhau, do đó thiếu tính hệ thống và đồng bộ. (ii) Do tình trạng “cát cứ” trong xây dựng, ban hành và thi hành các văn bản pháp luật của các ngành khác nhau nên dẫn tới tình trạng vẫn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất; (iii) Nhiều vấn đề quy định trong luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc các quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất; (iv) Còn tồn tại những quy định bất cập, chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong việc bảo vệ TSTT.

- Thứ hai: Thiếu chính sách về bảo vệ TSTT mang tính quốc gia và thiếu cơ quan điều phối chung về SHTT nên chưa thực sự tạo nên một bước đột phá trong việc phát triển và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Thứ ba: Nhận thức và ý thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với bảo vệ TSTT còn hạn chế. Thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96% trong cộng đồng doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp này chưa dành được nguồn lực cần thiết cho việc bảo vệ TSTT.[3] Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò quan trọng của TSTT đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó còn chủ quan và thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ TSTT của chính mình ở cả thị trường trong nước và nước ngoài; thường không có các biện pháp bảo vệ phòng ngừa cũng như còn bị động trong việc tiến hành các biện pháp bảo vệ TSTT khi có xâm phạm. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức, thiếu thông tin và hiểu biết cơ bản về pháp luật SHTT nên gặp khó khăn trong hoạt động xác lập, khai thác và bảo vệ TSTT. Bên cạnh đó, do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên hạn chế về tài chính cũng là một cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT

- Thứ tư: Năng lực và điều kiện của các cơ quan quản lý và thực thi

Các cơ quan quản lý và thực thi thiếu về trình độ, nhân lực và các điều kiện cần thiết để tác nghiệp. Thẩm quyền của nhiều cơ quan có sự chồng lấn hoặc phân tán. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan xác lập quyền SHTT cũng như các cơ quan thực thi còn yếu dẫn đến hiệu quả hoạt động xác lập quyền SHTT cũng như thực thi quyền chưa cao.

Bảo vệ TSTT nói chung và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng không chỉ là một yêu cầu khách quan của thị trường cạnh tranh và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mà nó còn mang lại những cơ hội và sự đột phá trong phát triển lợi ích doanh nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện từ việc xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi, tăng cường nhận thức, ý thức của các doanh nghiệp về TSTT cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để bảo hộ TSTT có thể trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp cả từ phía nhà nước, doanh nghiệp, công chúng và các tổ chức liên quan.

  1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
    1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới hiện nay, bảo vệ TSTT là vấn đề mang tính thời sự, một trong những vấn đề dành được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới (đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á - nơi mà hệ thống pháp luật về bảo hộ TSTT vẫn còn hết sức mới mẻ). Vì vậy, bảo vệ TSTT là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, có thể dẫn ra một số công trình tiêu biểu sau đây:

  • Arthur Wineburg, Intellectual property protection in Asia, (Bảo hộ Sở hữu trí tuệ ở Châu Á) Butterworth Legal Publishers, 1991.
  • Christopher Heath, Kung-Chung Liu, The protection of well-known marks in Asia, (bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Châu Á) The Hague; Boston: Kluwer Law International, 2000.
  • Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), The enforcement of intellectual property rights: A case book/World Intellectual Property Organization, (Thực thi quyền sở hữu trí tuệ: sách của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), WIPO, 2002.
  • Daniel J. Gervais, Intellectual property, trade & development: strategies to optimize economic development in a TRIPS plus era, (Sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển: chiến lược để tối ưu hóa sự phát triển kinh tế hậu Hiệp định TRIPs), New York: Oxford University Press, 2007.
  • Chow, Daniel C.K., and Lee, Edward, International Intellectual Property: Problems, Cases, and Materials, (Sở hữu trí tuệ quốc tế - vấn đề, vụ việc và tài liệu) Thomson West, 2006.
  • Frederick M. Abbott, Thomas Cottier và Francis Gurry, International Intellectual Property in An Integrated World Economy, (Sở hữu trí tuệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới), Wolters Kluwer, 2007.
  • Keith E. Maskus, The WTO, intellectual property rights and the knowledge economy (WTO, quyền sở hữu trí tuệ và nền kinh tế tri thức), Northhampton, MA : E. Elgar Pub, 2004.
  • Shhid Alikhan, Lợi ích kinh tế - xã hội của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển, 2007.
  • Carolyn Deere, The Implementation Game: The TRIPS Agreement and the Global Politics of Intellectual Property Reform in Developing Countries (Luật lệ thực thi: Hiệp định TRIPs và chiến lược toàn cầu cho việc cải cách sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển), Oxford University Press, 2009.

Những công trình nghiên cứu trên đây đã phân tích một cách khá toàn diện về mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế tri thức hiện nay; vai trò quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội; đối với việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng đổi mới công nghệ, thúc đẩy đầu tư, thương mạị...; vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển... Đặc biệt, các nghiên cứu đều nêu bật vai trò của bảo vệ TSTT như là công cụ pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh từ phía các chủ thể khác.

Bên cạnh những công trình nghiên cứu liên quan đến việc bảo vệ TSTT nói chung, một số công trình đã tập trung nghiên cứu, bàn thảo về vấn đề bảo vệ TSTT trong các doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nước phát triển với sự hiện diện của các công ty đa quốc gia và cả các nước đang phát triển nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) đã ban hành hướng dẫn cho công ty đa quốc gia trong đó nêu rõ vai trò của TSTT đối với phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.[4] Bên cạnh đó, ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, các nước đang phát triển cũng nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của TSTT trong phát triển doanh nghiệp. Điều này thể hiện trong nghiên cứu sau đây: Thitapha Wattanapruttipaisan, Intellectual Property Rights and Enterprise Development: Some Policy Issue and Options in ASEAN, Asia-Pacific Development Journal, Vol. 11, No. 1, June 2004.

Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã công bố một số công trình nghiên cứu về vấn đề này,[5] trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những doanh nghiệp thường khó có điều kiện dành nguồn lực thích đáng cho bảo vệ TSTT - là đối tượng nghiên cứu chủ yếu.

  • Esteban Burrone, Guriqbal Singh Jaiya, Intellectual Property (IP) Rights and Innovation in Small and Medium-Sized Enterprises (Quyền sở hữu trí tuệ và sự đổi mới trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
  • Stuart Macdonald, Tim Turpin, Amelia Ancog, Maximizing the Contribution of IP Rights (IPRs) to SME Growth and Competitivenes (Tối đa hoá vai trò của quyền SHTT đối với sự tăng trường và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ) (03/2005).
  • Simon Robwell, Philippe Van Eachhout, Alasdair Reid, Jacek Walendowski Effects of Counterfeiting on EU SMEs and a Review of Various Public and Private IPR Enforcement Initiatives and Resources (Ảnh hưởng của nạn hàng giả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Âu và khái quát về các sáng kiến và nguồn lực công và tư cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ), (08/2007).

Cơ quan sáng chế Nhật Bản (Japan Patent Office) cũng đã phát hành một cuốn sách phân tích về vấn đề quản lý sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Intellectual Property Managemnet for Small and Midium-sized Enterprises (Quản lý Sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ TSTT trong doanh nghiệp cũng là đề tài nghiên cứu của nhiều công trình khoa học khác. Ví dụ: Shahid Alikhan, Raghunath Mashelkar, Intellectual Property and Competitive Strategies in the 21st Century, 2nd edition (Sở hữu trí tuệ và những chiến lược cạnh tranh) , Wolters Kluwer, 2009.

Những công trình này đã phân tích một cách khái quát vai trò quan trọng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, là một yếu tố quan trọng tác động đến sự tăng trưởng và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp. Các công trình đã nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến bảo vệ TSTT trong doanh nghiệp: xác lập và quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh; vai trò của TSTT trong các hoạt động chuyển giao, góp vốn, đầu tư...

  1. Tình hình nghiên cứu trong nước

Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế, thực hiện chính sách đối ngoại “mở cửa”, thiết lập các quan hệ kinh tế, thương mại với nước ngoài, đặc biệt, sự kiện Việt Nam nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ và thương mại. Nhận thức được vai trò quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến sâu sắc, trong khoảng gần hai chục năm qua, ở Việt Nam đã có nhiều công trình tập trung nghiên cứu về vấn đề này. Những công trình nghiên cứu có giá trị tham khảo cao có thể kể đến như:

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Viện Khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao “Nâng cao vai trò và năng lực của Tòa án nhân dân trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn’ năm 1998; (Chủ nhiệm TS. Đinh Ngọc Hiện)

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Bộ Tư pháp “Pháp luật về Sở hữu trí tuệ - thực trạng và phương hướng phát triển những năm đầu thế kỷ XXF năm 2000. (Chủ nhiệm PGS. TS. Lê Hồng Hạnh).

Đề tài nghiên cứu cấp đại học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực” (mã đề tài QG.01.10) năm 2001-2002 (Chủ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Bá Diến).

  • Đề tài “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội” của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội năm 2005.
  • Sách chuyên khảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, 2005. GS.TS. Lê Hồng Hạnh (chủ biên).
  • Sách chuyên khảo Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, Nxb Tư pháp, 2005. TS. Lê Xuân Thảo.
  • Sách chuyên khảo Quyền sở hữu công nghiệp trong hoạt động thương mại, Nxb Tư pháp, 2006. TS. Nguyễn Thanh Tâm.
  • Sách Cẩm nang pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (dùng cho doanh nghiệp và doanh nhân). Đinh Thị Mai Phương (chủ biên), Phan Thị Hải Anh, Điêu Ngọc Tuấn.
  • Thông tin khoa học pháp lý của Viện Khoa học pháp lý, Bộ tư pháp, tháng 11/2006, “Một số vấn đề về chế tài bồi thường thiệt hại trong các tranh chấp về sở hữu trí tuệ - kinh nghiệm nước ngoài và quy định của pháp luật Việt Nam”.
  • Thông tin khoa học pháp lý của Viện Khoa học pháp lý, Bộ tư pháp Tháng 9/2009 “Các quy định pháp luật và thực tiễn định giá TSTT trong các doanh nghiệp’

 

  • Đề tài cấp Đại học quốc gia “Thực trạng và những giải pháp nhằm nâng cao hiểu biết của xã hội về hoạt động bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” (Mã số QG.05.04). Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Thị Quế Anh.

Các công trình nghiên cứu kể trên đã góp phần quan trọng trong việc hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Có thể đưa ra một số nhận xét khái quát:

  • Phần lớn các công trình được thực hiện trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ để đảm bảo tình phù hợp và tương thích với các điều ước quốc tế và các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ, kịp thời đáp ứng đòi hỏi cấp bách của việc Việt Nam xin gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO.
  • Một số công trình đã đề cập đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dưới góc độ lý luận và thực tiễn, tuy nhiên, chỉ nghiên cứu ở từng vấn đề cụ thể như: vấn đề bảo hộ một TSTT cụ thể; nghiên cứu về một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hoặc một nội dung của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
  • Liên quan đến bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam, một số công trình đã bước đầu chỉ ra vai trò của tài sản trí tuệ trong bối cảnh kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam; khía cạnh thương mại của tài sản trí tuệ; một số vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay như nạn làm hàng giả, hàng nhái, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khó khăn trong định giá TSTT...

Tuy nhiên chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ vấn đề bảo vệ TSTT của doanh nghiệp Việt Nam về cả phương diện lý luận và thực tiễn. Hiện nay, chưa có công trình nào nghiên cứu các công cụ bảo vệ TSTT ở bình diện vi mô, tức là hoạt động bảo vệ TSTT của chính doanh nghiệp ở trong doanh nghiệp cũng như trong môi trường tương tác với bên ngoài: đối tác, đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng, các cơ quan Nhà nước... Các công cụ bảo vệ TSTT của doanh nghiệp ở bình diện vĩ mô bao gồm hệ thống pháp luật, các biện pháp thực thi hành chính, hình sự, dân sự... cũng chưa được nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật trong việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp, bao gồm không chỉ các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ mà cả các quy định pháp luật có liên quan như: pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh, pháp luật chuyển giao công nghệ, thuê... vẫn cần được làm rõ.

  1. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
    1. Mục tiêu chung

Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn bảo vệ TSTT trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đê xuât các giải pháp từ phía doanh nghiệp cũng như những giải pháp từ phía Nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT trong các doanh nghiệp Việt Nam.

  1. Các mục tiêu cụ thể
  • Đánh giá các quy định pháp luật cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ TSTT; chỉ ra những bât cập trong các quy định của pháp luật về vấn đề này;
  • Đánh giá thực trạng bảo vệ TSTT trong các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: thực trạng hoạt động đăng ký, xác lập quyên; quản lý, sử dụng, khai thác; bảo vệ TSTT trước các hành vi xâm phạm. Trên cơ sở đó, chỉ rõ những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong bảo vệ TSTT;
  • Xác định nguyên nhân của những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong bảo vệ TSTT và đưa ra các giải pháp, bao gồm các kiên nghị hoàn thiện pháp luật và các giải pháp khác nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam
  1. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
    1. Nghiên cứu về mặt lý luận
  • Nghiên cứu về tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, đặc thù của TSTT của doanh nghiệp và vai trò của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cơ chê thị trường và xu thê hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
  • Làm rõ khái niệm và nội hàm của bảo vệ TSTT; đặc thù của cơ chê bảo vệ TSTT so với cơ chê bảo vệ các tài sản khác; các biện pháp bảo vệ TSTT trí tuệ của doanh nghiệp, bao gồm các biện pháp mang tính phòng vệ và biện pháp tân công; các biện pháp ở tầm vi mô và vĩ mô...
  • Những yêu cầu của cơ chê thị trường và xu thê hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ TSTT.
    1. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế

Đề tài tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong bảo vệ TSTT, cụ thể trong các khâu xây dựng, khai thác và bảo vệ TSTT của doanh nghiệp, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

  1. Nghiên cứu thực trạng
  • Nghiên cứu đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến: đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; quản lý, khai thác, sử dụng TSTT và bảo vệ TSTT của doanh nghiệp
  • Nghiên cứu, đánh giá thực trạng bảo vệ TSTT qua các hoạt động: đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; quản lý, khai thác TSTT; bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp trước hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.
    1. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT trong doanh nghiệp Việt Nam.
  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đề tài được thực hiện trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu khoa học sau:

  • Phương pháp phân tích, tổng hợp (là phương pháp truyền thống trong nghiên cứu luật học) được sử dụng xuyên suốt đề tài để phân tích các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ TSTT, các vụ việc thực tế, thực trạng bảo vệ TSTT... để cung cấp cái nhìn toàn diện, chính xác, đầy đủ về thực trạng pháp luật và thực tiễn bảo vệ TSTT ở Việt Nam.
  • Phương pháp nghiên cứu tình huống (case study): được sử dụng để nghiên cứu một số vụ việc điển hình, từ đó có những phân tích, luận giải, đề xuất, kiến nghị
  • Phương pháp nghiên cứu so sánh: Trong đề tài này, phương pháp so sánh được sử dụng trong trường hợp cần phân tích và luận giải những tương tự và khác biệt giữa quy định của pháp luật SHTT Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia; giữa quy định của pháp luật SHTT Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ TSTT; Đặc biệt, phương pháp so sánh được sử dụng phổ biến khi nghiên cứu thực tiễn nước ngoài trong việc bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp. Trên cơ sở so sánh, đề tài đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong pháp luật, thực tiễn Việt Nam về bảo vệ TSTT, đê xuât những giải pháp có tính tham khảo để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam.
  • Phương pháp điều tra, khảo sát: đây là một trong những phương pháp quan trọng được sử dụng khi nghiên cứu đê tài này để có đánh giá khách quan và tổng quát về thực trạng bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam.
  • Phương pháp phỏng vấn: Được thực hiện khi cần thu thập ý kiên của các chuyên gia (cán bộ các cơ quan quản lý và thực thi SHTT); các luật sư SHTT, một số chủ thể sáng tạo và doanh nghiệp.
  1. CÁC DẠNG HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN ĐÃ ĐƯỢC ĐỀ TÀI TRIỂN KHAI

Đề tài được thực hiện với sự phối hợp của các chuyên gia đến từ: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tư pháp; Viện Khoa học SHTT, Trường Đại học Luật Hà Nội, các công ty Luật và đại diện sở hữu trí tuệ như Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh, Công ty Luật Tilleke&Gibbins...

Những người tham gia đề tài đã tiến hành thu thập tài liệu, thông tin, số liệu...; dịch tài liệu, nghiên cứu tài liệu và số liệu thực tế để thực hiện các chuyên đê.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 358 người thuộc ba nhóm đối tượng khác nhau: nhóm đối tượng là cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; nhóm đối tượng doanh nghiệp; nhóm đối tượng đại diện sở hữu trí tuệ, công ty luật ở rất nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Thuận, Đắc Lắk, Sơn La, Đồng Nai, Yên Bái, Vĩnh Phúc...

Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi cũng đã tiến hành 2 cuộc Hội thảo khoa học để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia bao gồm: các nhà quản lý, các luật sư, các nhà nghiên cứu, các cán bộ thuộc các cơ quan thực thi.

Những người thực hiện đề tài cũng đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn chuyên gia (đối với một số thẩm định viên của Cục SHTT, thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ, cán bộ Tòa án, quản lý thị trường.), các tổ chức, cá nhân liên quan (một số luật sư thuộc các Công ty, Văn phòng Luật, đại diện SHTT; nhà sáng tạo, chủ sở hữu quyền SHTT.) nhằm thu thập dữ liệu, ý kiên về các vấn đề liên quan đến bảo vệ TSTT.

Đề tài cũng sử dụng số liệu thống kê của nhiều cơ quan, tổ chức như: Báo cáo thường niên hoạt động SHTT của Cục SHTT, Báo cáo hàng năm của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan...

  1. KẾT CẤU BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

Phần 1: Báo cáo phúc trình gồm 4 chương

Chương 1: Những vấn đề lý luận về TSTT và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam

Chương 2: Kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp

Chương 3: Thực trạng bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam

Chương 4: Tổng kết thực trạng bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp

Phần 2: Danh mục tài liệu tham khảo

Phần 3: Phụ lục


 

CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ VÀ
BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

 

1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG DOANH NGHIỆP

1.1.1. Khái quát chung về tài sản trí tuệ

1.1.1.1. Khái niệm tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ

Theo quan niệm truyền thống, tài sản được phân chia thành động sản (những tài sản có thể dịch chuyển một cách cơ học) và bất động sản (những tài sản gắn liền với đất đai, không thể di dời được). Sự chiếm hữu đối với những tài sản vật chất hữu hình như đất đai, vốn, nguồn lao động đã từng là tiêu chuẩn để so sánh tình trạng kinh tế, là thước đo sự giàu có về của cải trong suốt lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại.[6] Tuy nhiên, trong quá trình vận động của xã hội, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đã có tác động sâu rộng, mãnh liệt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, làm gia tăng các của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho loài người. Nhân loại đang bước sang một nền kinh tế mới - kinh tế tri thức - nền kinh tế chủ yếu dựa trên các kết quả đầu tư vào các lĩnh vực trí tuệ và khoa học công nghệ. Tri thức khoa học và thông tin đã và đang trở thành bộ phận cấu thành quan trọng hàng đầu của lực lượng sản xuất, đóng vai trò quyết định đối với nền sản xuất vật chất trên quy mô toàn cầu. Các sản phẩm trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học... đang ngày càng tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, đóng vai trò là một loại tài sản quan trọng trong cấu trúc tài sản của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các nhà kinh tế học cổ điển và hiện đại đều thống nhất rằng quá trình tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi hai nguồn chính: (i) vốn, lao động; (ii) công nghệ (trong đó bao gồm tài sản trí tuệ - TSTT). Tuy nhiên, tương quan của hai nguồn này đang dần thay đổi. Nếu như nền kinh tế truyền thống chủ yếu dựa vào nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên thì trong thời đại hiện nay, lý thuyết tăng trưởng kinh tế mới ra đời, thừa nhận những TSTT là “động lực nội sinh cho tăng trưởng kinh tế”, “tri thức trở thành một nguồn của cải tạo ra sự thịnh vượng”. [7] Vì vậy, thừa nhận và bảo vệ TSTT cũng như quyền đối với TSTT là vấn đề cần thiết ở mọi thời đại. Công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với TSTT nhằm khuyến khích sáng tạo, phân chia và sử dụng hiệu quả nguồn TSTT, hài hoà lợi ích của chủ thể sáng tạo và các chủ thể khác trong xã hội.

  • Tài sản trí tuệ

Cùng với sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT), thuật ngữ TSTT ngày càng được sử dụng phổ biến và hiện diện trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Thuật ngữ TSTT lần đầu tiên được chính thức xuất hiện và gắn liền với thuật ngữ “quyền SHTT” trong pháp luật SHTT Việt Nam, cụ thể là tại khoản 1 Điều 4 Luật SHTT: “Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với TSTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng”. Tuy nhiên, kể từ khi Luật SHTT ra đời, trên phương diện pháp lý, hầu như chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam quy định cụ thể về TSTT.

Dưới góc độ pháp lý, để hiểu rõ hơn về TSTT, có thể đi từ khái niệm “tài sản” trong Bộ luật dân sự (BLDS). Điều 163 BLDS 2005 định nghĩa bằng cách liệt kê các loại tài sản: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Quy định này hoàn toàn chưa đưa ra được tiêu chí chung để xác định như thế nào là tài sản nhưng có thể coi đây là căn cứ pháp lý để xác định tài sản chỉ có thể thuộc một trong bốn loại: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều 181 BLDS quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền SHTT’. Theo những quy định này, “quyền SHTT” là một loại quyền tài sản - với ý nghĩa là một loại tài sản trong dân sự, hay nói một cách khác, TSTT được tiếp cận từ góc độ quyền tài sản mà cụ thể là quyền SHTT.

Theo định nghĩa quyền SHTT quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật SHTT: “Quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với TSTT...” thì TSTT có thể chính là đối tượng của quyền SHTT. Dưới góc độ pháp lý, TSTT được hiểu theo nghĩa hẹp, chính là các đối tượng của quyền SHTT, bao gồm: các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (như: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng); các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) (như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý...) và các đối tượng của quyền đối với giống cây trồng (như: vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch).

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, TSTT từ cách tiếp cận khái niệm tài sản trong BLDS và cách tiếp cận khái niệm quyền SHTT trong Luật SHTT sẽ có hai cách hiểu khác nhau:

  • Theo quy định của BLDS Việt Nam: khái niệm TSTT đồng nhất với khái niệm “quyền tài sản” mà cụ thể là “quyền SHTT”;
  • Theo quy định của Luật SHTT: TSTT là các đối tượng của quyền SHTT;

Cách tiếp cận của BLDS chỉ giới hạn TSTT là “quyền SHTT” đã được nhà nước bảo hộ pháp lý; Cách tiếp cận của Luật SHTT cũng giới hạn TSTT phải là những “đối tượng SHTT” - tức là những đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng. Trong khi dưới góc độ kinh tế, TSTT có thể được tiếp cận dưới góc độ rộng hơn, bao gồm các sản phẩm của hoạt động sáng tạo trí tuệ. Trí tuệ theo cách giải thích trong các từ điển tiếng Việt là “Phần suy nghĩ, tư duy của con người, bao gồm những khả năng tưởng tượng, ghi nhớ, phê phán, lý luận, thu nhận tri thức... có thể tiến lên tới phát minh khoa học, sáng tạo nghệ thuật”.[8] Như vậy, TSTT là một dạng tài sản hình thành trong quá trình tư duy của con người đối với thế giới khách quan được nhận biết dưới dạng kết quả cụ thể của hoạt động sáng tạo của con người và có giá trị khi đem lại những lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho người nắm tài sản này.

Người nắm giữ TSTT có thể xác lập quyền sở hữu của mình thông qua thủ tục xác lập quyền phù hợp với quy định của pháp luật. Ví dụ, quyền SHCN đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ. Chủ sở hữu quyền SHTT không chỉ có quyền khai thác mà còn có thể chuyển giao quyền SHTT của mình cho người khác giống như chủ sở hữu của những tài sản thông thường khác. Vì vậy, quyền SHTT có thể được coi như một loại tài sản - TSTT.

Như vậy, TSTT có thể là quyền SHTT - những quyền pháp lý đạt được trên cơ sở bảo hộ nhà nước đối với những thành quả sáng tạo trí tuệ. Tuy nhiên, bên cạnh những sáng tạo trí tuệ đã được bảo hộ, những kết quả sáng tạo trí tuệ được thể hiện dưới dạng các dữ liệu, thông tin, bí quyết. nhưng chưa nhận được sự bảo hộ pháp lý thì có được coi là TSTT không? Ví dụ Công ty X nghiên cứu tạo ra một loại dược phẩm mới nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế thì công thức chế tạo ra loại dược phẩm đó có được coi là TSTT không?

Trên thực tế, những đối tượng SHTT này vẫn mang lại cho chủ thể nắm giữ nó những lợi ích kinh tế nhất định (thông qua việc sử dụng, khai thác thương mại); chủ thể nắm giữ vẫn có thể chuyển giao cho người khác như những tài sản thông thường. Chính do nhận thức không đầy đủ về TSTT nên trong thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức cũng như doanh nghiệp đã bỏ quên hoặc lãng phí những TSTT trí tuệ như các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật. của mình, không ý thức được việc phát triển và biến nó thành quyền SHTT.

Theo cách tiếp cận này, TSTT được hiểu theo nghĩa rộng là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ của con người, bao gồm tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ từ các ý tưởng, tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học cho tới các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, thiết kế bố trí, phần mềm máy tính... Ở góc độ này, TSTT có thể là bất kỳ tri thức nào có giá trị do cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ, dù được pháp luật bảo hộ hay chỉ có tính hữu ích thông thường.

Nói tóm lại, TSTT là những thành quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, thể hiện dưới dạng các tri thức, thông tin, dữ liệu, bí quyết... mà chủ thể có thể sở hữu một cách hợp pháp.

TSTT bao gồm: (i) các đối tượng của quyền SHTT được pháp luật ghi nhận và bảo hộ; (ii) những kết quả sáng tạo trí tuệ chưa được bảo hộ pháp lý, bao gồm các ý tưởng, sáng kiến, thông tin, bí quyết.

  • Quyền sở hữu trí tuệ

Khái niệm “quyền SHTT” liên quan chặt chẽ đến khái niệm TSTT. Vậy khái niệm TSTT và “quyền SHTT” có phải là hai thuật ngữ đồng nhất? Mối tương quan giữa khái niệm TSTT và khái niệm “quyền SHTT” như thế nào?

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, quyền SHTT được xác định là tài sản tồn tại dưới dạng quyền tài sản từ khá lâu. Điều 172 BLDS 1995[9] và sau đó là Điều 163 BLDS 2005 định nghĩa tài sản: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Điều 188 BLDS năm 1995 và sau đó Điều 181 BLDS năm 2005 đều quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền SHTT. Theo các quy định kể trên của BLDS năm 1995 và BLDS 2005, quyền SHTT được xem là một dạng quyền tài sản và thuộc phạm trù tài sản mà không phải là các đối tượng SHTT như tác phẩm, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại...

Tuy nhiên, đến Phần thứ sáu của BLDS năm 1995 về “Quyền SHTT và chuyển giao công nghệ” đã có một sự tiếp cận khác về quyền SHTT. Trong phần này, việc dùng các thuật ngữ “chủ sở hữu tác phẩm”,[10]hợp đồng sử dụng tác phẩm”,[11] “chủ sở hữu các đối tượng SH”[12] đã chứng minh đối tượng SHTT được tiếp cận dưới góc độ tài sản xét từ góc độ bản chất của quyền sở hữu. Quyền SHTT thể hiện bản chất là quyền sở hữu, tức là nó được tiếp cận dưới góc độ là một dạng của quyền sở hữu, mà không phải là tài sản như cách tiếp cận trong Phần Quyền sở hữu.

Trong Phần thứ sáu của BLDS năm 2005, có thể nhận thấy sự khác biệt trong tiếp cận về quyền SHTT đối với ba lĩnh vực của SHTT là quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng. Theo quy định tại Chương XXXV BLDS, Quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng thì cách tiếp cận vẫn giữ nguyên như trong BLDS năm 1995. Trong khi đó, có sự thay đổi cơ bản tại các quy định về quyền tác giả, khi thay vì “chủ sở hữu tác phẩm” thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giã” đã được sử dụng trực tiếp tại Điều 740, tương tự như vậy, thay vì “hợp đồng sử dụng tác phẩm” sử dụng thuật ngữ “chuyển giao quyền tác giã” và “hợp đồng chuyển giao quyền tác giả” (Điều 742 và Điều 743). Đây là một minh chứng khá rõ về việc quyền tác giả trong BLDS năm 2005 được tiếp cận dưới góc độ của tài sản.

Sự khác biệt trong tiếp cận các dạng quyền SHTT dưới góc độ tài sản càng thể hiện rõ nét hơn trong Luật SHTT. Luật SHTT dành cả Chương III để quy định về “chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan”. Theo Luật SHTT, quyền tác giả được xem như tài sản. Nếu như đối với tài sản hữu hình, chủ sở hữu nắm giữ tài sản thì một cách tương ứng, Luật SHTT chỉ rõ “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Như vậy, quyền tác giả là một dạng tài sản dưới hình thức quyền tài sản.

Trong khi đó, các quy định về quyền SHCN tiếp tục thể hiện khuynh hướng coi đối tượng SHCN và giống cây trồng là tài sản. Điều 121 Luật SHTT quy định về “Chủ sở hữu đối tượng SHCN’ và làm rõ về chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp và các đối tượng SHCN khác. Không thống nhất với quyền SHCN như trong BLDS năm 2005, theo Luật SHTT, quyền đối với giống cây trồng không trực tiếp thể hiện là một dạng của quyền sở hữu mặc dù không khẳng định rằng đây không phải là tài sản. Điều này thể hiện qua việc không dùng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng’ cũng như “chủ sở hữu giống cây trồng”. Thay vào đó, thuật ngữ “chủ bằng bảo hộ” đã được sử dụng. Về bản chất, cách tiếp cận này tương tự như trong phần về quyền SHCN vì theo Điều 121 Luật SHTT, chủ sở hữu đối tượng SHCN là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN tương ứng.

Quyền sở hữu đem lại cho chủ sở hữu ba quyền năng: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Quyền SHTT dù tiếp cận dưới góc độ quyền hay tài sản thì cũng là vô hình nên quyền năng chiếm hữu về mặt vật chất sẽ không thể có được. Xuất phát từ cách tiếp cận coi quyền SHTT là một dạng của quyền sở hữu mà không phải là tài sản nên trong các quy định về quyền SHCN, nội dung của quyền SHCN được làm rõ thông qua quyền năng sử dụng và định đoạt (Điều 123 Luật SHTT).

Như vậy, có thể thấy trong pháp luật Việt Nam hiện nay, mà cụ thể là trong BLDS và Luật SHTT, khái niệm “quyền SHTT” được tiếp cận từ các góc độ khác nhau:

  • Theo khái niệm tài sản quy định tại Điều 163 BLDS, quyền SHTT là một loại tài sản. Các quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan trong Phần thứ VI BLDS 2005 và Luật SHTT cũng đồng quan điểm này khi coi quyền tác giả, quyền liên quan là một loại tài sản và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan là người nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản này.
  • Theo các quy định về quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng trong Phần thứ VI BLDS 2005 và Luật SHTT, quyền SHTT là một loại quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo hộ mà nội dung bao gồm quyền sử dụng, định đoạt. đối với các đối tượng SHCN và giống cây trồng.
  • Ngoài ra, dưới góc độ lý luận pháp luật về quyền SHTT, quyền SHTT có thể hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập, khai thác, sử dụng, định đoạt và bảo vệ các TSTT.

Có thể thấy rất rõ là pháp luật dân sự Việt Nam và pháp luật SHTT Việt Nam chưa có quy định thống nhất về vấn đề quyền SHTT là tài sản hay đối tượng SHTT là tài sản. Vì vậy, cả về mặt lý luận và trong thực tiễn sử dụng, ở một khía cạnh nhất định, “quyền SHTT” có thể hiểu đồng nghĩa với TSTT - một loại tài sản trong cấu trúc tài sản nói chung.

Trong tiếng Anh, sự phân biệt một cách rạch ròi giữa quyền SHTT và TSTT không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận thấy, thậm chí với thuật ngữ “Intellectual Property” tùy thuộc ngữ cảnh có thể được dùng thay thế cho thuật ngữ “Intellectual Property Rights” (quyền SHTT) hay “Intellectual Property Assets” (TSTT).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần có cách hiểu và sử dụng thuật ngữ cho chính xác và thống nhất. TSTT được sử dụng để chỉ những tài sản là kết quả sáng tạo trí tuệ của con người. “Quyền SHTT” là quyền sở hữu đối với TSTT.

1.1.1.2. Đặc điểm của tài sản trí tuệ

  • TSTT có thuộc tính vô hình

Nếu dựa vào khả năng có thể chiếm hữu vật chất đối với tài sản, các loại tài sản có thể phân chia thành hai loại: tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình như vốn, nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang thiết bị... - là những tài sản mà con người có thể chiếm hữu được, tiếp cận được bằng các giác quan. Điều dễ nhận thấy nhất khi phân biệt TSTT với các tài sản thông thường là ở tính “vô hình” của tài sản này. “SHTT là thuật ngữ mô tả những ý tưởng, sáng chế, công nghệ, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn học, những cái vô hình khi mới được tạo ra nhưng trở nên đáng giá dưới dạng sản phẩm hữu hình”.[13] TSTT bao gồm những tri thức, hiểu biết, thông tin là kết quả của hoạt động sáng tạo nên mang tính phi vật chất, mặc dù trên thực tế, nó vẫn được biểu hiện thông qua một số dạng hình thái vật chất nhất định, ví dụ một tác phẩm văn học như truyện ngắn có thể được ấn hành dưới dạng sách in, có thể thông qua phát thanh như đọc truyện trên đài, hoặc bằng các dữ liệu điện tử trên internet... Trên thế giới, từ những năm 60 của thế kỷ XX, đã xuất hiện làn sóng các Công ty thúc đẩy việc xem xét đưa tài sản vô hình (trong đó có TSTT) vào bảng kế toán của doanh nghiệp.[14]

  • TSTT có đặc tính sáng tạo và đổi mới

TSTT dù trong lĩnh vực nào đều là kết quả của hoạt động sáng tạo và đổi mới, được tạo ra trên nền tảng tri thức và thông tin được kết tụ, tích lũy. TSTT trong lĩnh vực SHCN liên quan đến các giải pháp kỹ thuật mới (sáng chế, giải pháp hữu ích); những sáng tạo mang tính thẩm mỹ của các sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp (kiểu dáng công nghiệp) hoặc các chỉ dẫn thương mại có giá trị trong hoạt động thương mại (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại.). Khác với lĩnh vực SHCN, lĩnh vực quyền tác giả bảo hộ sự sáng tạo trong việc lựa chọn và sắp xếp các từ ngữ, nốt nhạc, màu sắc, hình ảnh.

  • TSTT có khả năng xác định được và kiểm soát được

Mặc dù vô hình, TSTT vẫn có thể xác định được về bản chất (nội dung), phạm vi (giới hạn), chức năng, công dụng và giá trị. TSTT chịu sự kiểm soát và tác động của con người thông qua các hành vi có chủ đích (sáng tạo, khai thác, sử dụng, mua bán, trao đổi, cho thuê, góp vốn.) nhằm tạo ra giá trị vật chất hoặc tinh thần của tài sản.

  • TSTT không bị giới hạn về phạm vi sử dụng

Trong khi các tài sản vật chất bị giới hạn về phạm vi sử dụng thì TSTT do đặc tính vô hình nên nó có thể được sử dụng, khai thác cùng một lúc ở nhiều nơi, không bị giới hạn về không gian, thời gian và tần suất sử dụng. Đặc tính này cũng khiến cho TSTT có được những lợi thế vượt trội so với tài sản vật chất là thu được lợi nhuận khổng lồ nếu được khai thác thương mại cùng một lúc ở mọi nơi. Nhưng cũng là bất lợi cho chủ sở hữu tài sản vô hình vì rất khó kiểm soát nếu như nó bị tùy tiện khai thác sử dụng.

  • TSTT không bị hao mòn, cạn kiệt

Ngày nay, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt do việc khai thác, các tài sản vật chất luôn bị hao mòn, giảm sút giá trị qua quá trình sử dụng thì TSTT có thể coi như nguồn tài nguyên quý báu bởi sự sáng tạo của con người là vô tận và những sáng tạo đó không hề bị hao mòn, cạn kiệt qua việc sử dụng, khai thác, thậm chí càng sử dụng lâu dài, phạm vi sử dụng càng rộng thì TSTT càng có giá trị. TSTT vừa là nguyên liệu đầu vào, vừa là sản phẩm đầu ra của một quy trình sáng tạo.

  • TSTT có đặc tính “khả năng sinh lời”

TSTT là nhân tố quyết định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp. TSTT tạo cho người nắm giữ nó ưu thế cạnh tranh trên thị trường thông qua việc thu lợi nhuận cao hơn từ việc bán các sản phẩm hàm chứa yếu tố sáng tạo trí tuệ (thông qua doanh số bán hàng cao hơn hoặc giá bán cao hơn so với việc bán các sản phẩm tương tự). Hơn nữa, TSTT cũng tạo ra cho chủ sở hữu thu nhập từ việc chuyển nhượng (bán) hoặc chuyển giao quyền sử dụng (cấp li xăng) cho người khác.

  • TSTT dễ bị xâm phạm

Do đặc tính vô hình và tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin của tài sản trí tụê, chủ thể nắm giữ tài sản tuệ khó kiểm soát và khó ngăn chặn chủ thể khác khai thác, sử dụng loại tài sản này.[15] Đặc biệt, TSTT càng dễ dàng bị xâm phạm hơn trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. TSTT dễ bị sao chép, bắt chước, làm giả, làm nhái thậm chí chiếm đoạt bằng các công nghệ tinh vi và khó kiểm soát. Với sự bùng nổ của Internet như hiện nay, chỉ vài giây sau khi một tác phẩm văn học mới được upload trên một website thì hàng triệu người có thể khai thác, sử dụng tự do tác phẩm này nếu tác giả không sử dụng các biện pháp pháp lý và kỹ thuật nhất định nhằm bảo vệ TSTT của mình. Nói cách khác, TSTT tiềm tàng khả năng bị xâm phạm hơn những tài sản hữu hình khác, có khả năng lan truyền rộng lớn và dễ có khả năng được vật chất hoá hàng hoạt, sau đó trở thành thực thể tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người cũng như của cả xã hội.[16] Do vậy, việc thiết lập các biện pháp bảo vệ hữu hiệu đối với TSTT cả từ góc độ cá nhân, tổ chức, quốc gia và liên quốc gia là vấn đề hết sức cần thiết và bức xúc hiện nay.

  • Quyền sở hữu đối với TSTT mang tính đặc thù khác quyền sở hữu tài sản thông thường

Nếu như chủ sở hữu tài sản vật chất thường có đầy đủ ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản, thì đối với TSTT, do tính chất vô hình của tài sản, quyền chiếm hữu hoàn toàn không có ý nghĩa. Chủ sở hữu quyền SHTT chỉ thực hiện hai quyền năng sử dụng và định đoạt.

Quyền sở hữu tài sản vật chất không bị hạn chế về thời gian và không gian cho đến chừng nào phát sinh những sự kiện pháp lý là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu. Trong khi đó, quyền SHTT bị giới hạn về mặt không gian - phạm vi lãnh thổ bảo hộ và về thời hạn bảo hộ. “Chủ thể của quyền SHTT chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ" - khoản 1 Điều 7 Luật SHTT.

Quyền sở hữu tài sản thông thường thuần tuý là quyền mang tính chất tài sản. Còn quyền SHTT trong một số trường hợp bao gồm cả quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó có những quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể và không thể chuyển giao được.

Đối với quyền SHTT, chủ sở hữu quyền có thể khai thác lợi ích từ tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau như: trực tiếp khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao quyền SHTT cho chủ thể khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHTT để thu về một khoản lợi ích vật chất nhất định.

  • Quyền sở hữu đối với TSTT được xác lập trên những căn cứ do pháp luật quy định

Theo quy định của BLDS 2005 và Luật SHTT, quyền sở hữu đối với TSTT có thể được xác lập dựa trên hai căn cứ:

Đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ: Căn cứ này chủ yếu áp dụng đối với các TSTT là đối tượng của quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng như: sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Xác lập trên cơ sở sáng tạo ra sử dụng hợp pháp TSTT: Căn cứ này áp dụng đối với việc xác lập quyền tác giả và quyền liên quan; quyền SHCN đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng; các TSTT khác như các sáng kiến, bí quyêt.

1.1.1.3. Phân loại TSTT

TSTT rất đa dạng, có thể tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau và có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:

  • Dựa vào lĩnh vực sáng tạo:

TSTT có thể chia thành 3 nhóm

TSTT là đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng;

TSTT là đối tượng của quyền SHCN: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;

TSTT là đối tượng của quyền đối với giống cây trồng: các giống cây trồng được chọn tạo, phát hiện hoặc phát triển.

  • Dựa vào thủ tục xác lập quyền:

TSTT có thể được chia thành 2 nhóm:

TSTT mà quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục luật định: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng;

TSTT mà quyền sở hữu được xác lập tự động cùng với sự ra đời của TSTT: đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; tên thương mại; bí mật kinh doanh; nhãn hiệu nổi tiếng, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và các TSTT khác như: bí quyết, sáng kiến kỹ thuật...

  • Dựa vào tính chất:

Các TSTT có thể được phân loại theo 3 nhóm :

TSTT là sản phẩm sáng tạo khoa học - kỹ thuật: các đối tượng có bản chất khoa học - kỹ thuật gồm: giải pháp kỹ thuật có thể bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích; các thông tin, bí quyết kỹ thuật; các kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí mạch tích hợp; giống cây trồng; cơ sở dữ liệu, bản vẽ thiết kế, công thức, công trình nghiên cứu.

TSTT là sản phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật: các tác phẩm văn học/âm nhạc/hội họa/điêu khắc/mỹ thuật/sân khấu/điện ảnh.; các cuộc biểu diễn; các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

TSTT là sản phẩm sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, thương mại: nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, tên miền, bí mật kinh doanh.

  • Dựa vào tính bảo hộ pháp lý:

Các TSTT có thể được chia thành 2 nhóm

TSTT đã được bảo hộ pháp lý: Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền SHCN; quyền đối với giống cây trồng;

TSTT chưa được bảo hộ pháp lý: các kết quả sáng tạo trí tuệ chưa được bảo hộ pháp lý.

1.1.2. Tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp

Sự thức tỉnh về vai trò của SHTT đối với tăng trưởng kinh tế đã kéo theo sự thay đổi trong quan niệm về tài sản trong các doanh nghiệp. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Tổ chức SHTT thế giới “các TSTT đang là cơ sở để đánh giá sự trụ vững và hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp’". Giá trị tài sản của các doanh nghiệp hiện nay được xác định theo nguyên tắc kế toán chung đã được chấp nhận, theo đó có thể liệt kê tài sản trong doanh nghiệp bao gồm:

  1. vốn lưu động (Working Capital) như: tiền, hàng hóa lưu kho, nguyên liệu dự trữ...
  2. tài sản cố định (Fixed Assets) như: nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị;
  3. tài sản vô hình (Intangible Assets)[17]

Khái niệm “tài sản vô hình” xuất hiện vào những năm 70 của Thế kỷ XX cùng với sự ra đời và phát triển của các lý thuyết về định giá tài sản của công ty. Theo hướng dẫn định giá quốc tế số 4 về định giá tài sản vô hình (International Valuation Guidance Note N.4 Valuation of Intangible Assets), Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất, tạo ra những quyền và ưu thế cho người sở hữu và mang lại lợi ích kinh tế cho người sở hữu tài sản đó. Ở Việt Nam, theo Tiêu chuẩn định giá số 12- Phân loại tài sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 219/2008/QĐ- BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) quy định “Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị do chủ tài sản nắm giữ để sử dụng phục vụ mục đích của mình; nó bao gồm: kỹ năng quản lý, bí quyết marketing, danh tiếng, uy tín, tên hiệu, biểu tượng doanh nghiệp và việc sở hữu các quyền và công cụ hợp pháp (quyền sử dụng đất, quyền sáng chế, bản quyền, quyền kinh doanh hay các hợp đồng)”. Như vậy có thể khẳng định, trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay đều thừa nhận khái niệm tài sản vô hình.

Có nhiều cách thức khác nhau để phân biệt các tài sản vô hình. Theo cách phân loại của Ủy ban thẩm định quốc tế, tài sản vô hình bao gồm: các quyền, các mối quan hệ, TSTT và các nhóm tài sản vô hình khác (thường được gọi là uy tín).[18] Dựa vào tiêu chí dấu hiệu, tài sản vô hình có hai loại:

Tài sản vô hình không thể nhận diện (Unidentifiable Intangible Assets) bao

gồm:

Các quyền: phát sinh theo những cam kết, thỏa thuận, hợp đồng với các cá nhân, doanh nghiệp khác hoặc các cơ quan quản lý nhà nước, có giá trị thương mại như: quyền sử dụng đất; các hợp đồng phân phối hàng hóa (trong đó bao gồm các điều kiện có lợi cho việc bán, lưu trữ, vận chuyển lưu thông hàng hóa); các hợp đồng lao động (cơ sở cho doanh nghiệp giữ chân các nhân viên chủ chốt); các hợp đồng tài chính, bảo hiểm (với những điều kiện hấp dẫn hơn, chi phí thấp hơn); các hợp đồng cung cấp hàng hóa (với điều kiện và giá cả tốt hơn).

Các mối quan hệ: như quan hệ với khách hàng; quan hệ với lực lượng lao động; quan hệ với các nhà phân phối.mà doanh nghiệp tạo lập được trong quá trình hoạt động kinh doanh;

Uy tín (goodwill); danh tiếng (Reputation)

TSTT (Intellectual Asset) được coi là tài sản vô hình có thể nhận diện (Identifiable Intangible Assets). Nếu như những tài sản vô hình như uy tín, danh tiếng, hệ thống phân phối, nguồn nhân lực, các mối quan hệ… tự phát triển trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mặc dù qua thực tiễn sử dụng được thừa nhận là một loại tài sản nhưng không được ghi chép trong bất kỳ sổ sách quyết toán nào của doanh nghiệp thì TSTT lại đáp ứng được các tiêu chí của tài sản nói chung:

  • Có thể nhận dạng được và xác định được sự tồn tại của nó;
  • Có các quyền tồn tại pháp lý và được bảo hộ pháp lý;
  • Có thể được sở hữu và có thể chuyển giao;
  • Được tạo lập, đồng thời có thể bị hủy bỏ hoặc chấm dứt sự tồn tại vào một thời điểm xác định được hoặc khi có những sự kiện nhất định.

Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có thể là bất kỳ dữ liệu, thông tin, bí quyết, tri thức nào mà doanh nghiệp có thể sở hữu và sử dụng một cách hợp pháp, thông qua hoạt động sáng kiến đổi mới bên trong doanh nghiệp hoặc được tiếp nhận chuyển giao từ bên ngoài.

Trong khoảng vài thập niên gần đây, TSTT đang dần đóng vai trò “thước đo khả năng tồn tại và hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp”. Năm 1982, khoảng 62% tài sản trong các doanh nghiệp của Hoa Kỳ là tài sản vật chất, nhưng đến năm 2000, con số này đã giảm xuống chỉ còn 30%”.[19] Theo báo cáo Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ năm 2006, TSTT chiếm khoảng 47% giá trị tài sản trong các Công ty của Hoa Kỳ.[20] Đặc biệt, có những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như Microsoft hay trong lĩnh vực giải trí như Walt Disney thì có đến trên 80% giá trị tài sản là TSTT. Công ty Microsoft có giá thị trường ước tính khoảng 270 tỉ USD, trong đó khoảng 180 tỉ được coi là có xuất xứ từ TSTT của công ty này, bao gồm nhãn hiệu, bằng độc quyền sáng chế, các bí quyết kỹ thuật, bản quyền...[21] Tài sản vô hình hiện nay được thừa nhận như một bộ phận tài sản quan trọng trong doanh nghiệp, góp phần gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư. TSTT có thể được sử dụng để: ngăn chặn các sản phẩm cạnh tranh; tạo lập dòng thu nhập từ việc thương mại hóa TSTT; ngăn cản các đối tượng vi phạm quyền; kêu gọi vốn đầu tư; nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp; nâng giá doanh nghiệp/cổ phần /cổ phiếu.

Một TSTT của doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định và được doanh nghiệp tiến hành các thủ tục bảo hộ có thể trở thành một “đối tượng SHTT” và doanh nghiệp được xác lập quyền SHTT - tức là xác lập độc quyền đối với TSTT. Như vậy, một doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều TSTT nhưng nếu không có sự quan tâm tiến hành các thủ tục để xác lập độc quyền thì doanh nghiệp có thể mất hay bỏ lỡ chính tài sản mà mình đã đầu tư nghiên cứu, sáng tạo. Xác lập độc quyền rồi nhưng nếu doanh nghiệp không có chiến lược quản lý, khai thác đúng đắn cũng sẽ dẫn đến lãng phí TSTT. TSTT là đối tượng dễ bị xâm phạm, chiếm đoạt. Chính vì vậy, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả và bảo vệ các tài sản này đang là mối quan tâm đối với hầu hết các doanh nghiệp.

1.2. KHÁT QUÁT CHUNG VỀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP

1.2.1. Khái niệm bảo vệ TSTT và đặc thù của cơ chế bảo vệ TSTT

Cơ chế bảo hộ quyền SHTT có mục tiêu chung là khuyến khích hoạt động sáng tạo, đổi mới khoa học - công nghệ; cổ vũ việc đầu tư và tái đầu tư tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật - mỹ thuật ứng dụng, các sáng kiến kinh doanh; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đồng thời sử dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực trí tuệ của xã hội. Nguyên tắc vận hành của cơ chế nói trên là thông qua việc thừa nhận và bảo vệ bằng pháp luật đối với các quyền SHTT, bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất trong một thời gian nhất định đủ để chủ thể quyền khai thác đối tượng SHTT của mình nhằm không những bù đắp các chi phí đầu tư tạo ra giá trị của các đối tượng đó mà còn có thể thu lợi nhuận để tái đầu tư, tiếp tục tạo ra các thành tựu sáng tạo mới.

Trong khi việc tạo dựng, củng cố giá trị của TSTT thực chất là một quá trình đầu tư tốn kém thì việc sao chép, chiếm đoạt hoặc đánh cắp loại tài sản này lại là nguy cơ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng do bản chất của cạnh tranh và mối lợi bất chính trước mắt. Vì vậy, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật thừa nhận nhưng nếu không có công cụ để bảo vệ quyền đó thì mọi nỗ lực chính đáng của chủ sở hữu đều bị vùi dập bởi tệ nạn chiếm đoạt nói trên, trong khi chính bản thân chủ thể quyền lại không có đủ khả năng tự mình xử lý triệt để tệ nạn đó. Công cụ “bảo vệ” đó phải có vai trò ngăn cản và xử lý bất kỳ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào, diễn ra trên quy mô và với mức độ nghiêm trọng như thế nào. Cơ chế bảo vệ TSTT thực chất là một hệ thống, không chỉ bao gồm các hoạt động tự bảo vệ từ phía chủ sở hữu TSTT mà còn bao gồm các công cụ, biện pháp của Nhà nước như hệ thống pháp luật về SHTT; các biện pháp chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự và hệ thống các cơ quan quản lý, thực thi và các tổ chức bổ trợ cho việc thực thi quyền (bao gồm cả hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ).

“Bảo vệ TSTT” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong thực tế thương mại và trong các văn bản pháp lý quốc tế về SHTT. Trong tiếng Anh, thuật ngữ tương ứng được sử dụng trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS)[22] là “protection of intellectual property”. Trên thực tế, thuật ngữ “protection” có thể được hiểu là “bảo vệ” hoặc “bảo hộ”. Theo chú thích 3 của Hiệp định TRIPS, “bảo vệ” hay “bảo hộ” (protection) có phạm vi khá rộng, bao gồm các vấn đề liên quan đến giá trị, phạm vi, việc đạt được, thực thi cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến việc sử dụng quyền SHTT.

Tuy nhiên, thuật ngữ “bảo vệ TSTT” không được sử dụng trong các văn bản pháp luật Việt Nam mà thay vào đó, thuật ngữ “bảo vệ quyền SHTT” lần đầu tiên được sử dụng trong Phần thứ Năm của Luật SHTT 2005. Trong nhiều tài liệu cũng như trong thực tế, hai thuật ngữ “bảo vệ TSTT” và “bảo vệ quyền SHTT” được sử dụng thay thế cho nhau và với ý nghĩa như nhau. Theo chúng tôi, hai thuật ngữ này có thể dùng với ý nghĩa tương tự trong một số trường hợp cụ thể nhưng cần phải lưu ý những khác biệt giữa chúng để sử dụng cho chính xác.

Bảo vệ TSTT là những biện pháp, cách thức được áp dụng để phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm TSTT (kể cả những TSTT chưa được đăng ký, xác lập quyền); trong khi đó, bảo vệ quyền SHTT là những biện pháp cụ thể được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT đã được pháp luật bảo hộ. Nội hàm của khái niệm “bảo vệ TSTT” rộng hơn nội hàm khái niệm “bảo vệ quyền SHTT”. Cụ thể, bảo vệ TSTT bao gồm những biện pháp được áp dụng cả trước và kể từ khi quyền SHTT được xác lập; trong khi đó, bảo vệ quyền SHTT chỉ bao gồm những biện pháp được áp dụng kể từ khi quyền SHTT được xác lập.

Thuật ngữ “bảo vệ quyền SHTT” được sử dụng trong Luật SHTT có phạm vi khá hẹp, chỉ bao gồm biện pháp tự bảo vệ và các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT (biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự). Nói cách khác, khái niệm “bảo vệ quyền SHTT” được đánh đồng với khái niệm “thực thi quyền SHTT” bao gồm các biện pháp do pháp luật quy định được chủ thể quyền SHTT và các cơ quan Nhà nước tiến hành để ngăn ngừa và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Trên thực tế, hoạt động bảo vệ TSTT có thể được tiến hành ở bất kỳ giai đoạn nào, từ giai đoạn tạo lập, xác lập quyền, khai thác đến bảo vệ TSTT trước các hành vi xâm phạm; Bảo vệ TSTT bao gồm cả các biện pháp mang tính chất “phòng vệ” (defensive) và “tấn công” (offensive). Bảo vệ TSTT bao gồm các biện pháp do chính chủ thể quyền tiến hành cũng như các biện pháp được thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong đề tài này, thuật ngữ “bảo vệ TSTT” được chúng tôi khai thác theo nghĩa rộng bao gồm cả những biện pháp mang tính phòng vệ và những biện pháp mang tính tấn công nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm TSTT của cả chủ thể quyền SHTT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Vì vậy, có thể định nghĩa: “Bảo vệ TSTT là những biện pháp, cách thức được chủ thể quyền, các cơ quan nhà nước, các cá nhân, tổ chức khác tiến hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm TSTT”.

Đặc thù của cơ chế bảo vệ TSTT

Thứ nhất, các biện pháp bảo vệ TSTT được áp dụng ở bất kỳ thời điểm nào và trong suốt quá trình tồn tại của TSTT. Cụ thể, bảo vệ TSTT phải được tiến hành:

  1. Ngay từ khi tạo ra TSTT: chủ thể thực hiện các biện pháp bảo mật trong quá trình tạo lập TSTT; tiến hành các thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT...
  2. Trong quá trình khai thác TSTT: chủ sở hữu áp dụng các biện pháp quản lý nội bộ trong hoạt động tự khai thác TSTT; thiết lập độc quyền đối với TSTT; trao đổi quyền sử dụng TSTT với đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh, loại bỏ đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường độc quyền.
  3.  Khi có hành vi xâm phạm TSTT/quyền SHTT và sau khi xử lý hành vi xâm phạm TSTT/quyền SHTT.

Thứ hai, các biện pháp bảo vệ TSTT phong phú, đa dạng.

  • Nếu dựa vào tính chất của biện pháp bảo vệ TSTT, có thể chia các biện pháp bảo vệ TSTT thành hai loại: (i) Các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn như: thiết lập độc quyền đối với TSTT (đăng ký xác lập quyền SHTT; loại bỏ đối thủ cạnh tranh.); xây dựng và ban hành các quy định về quản trị TSTT trong doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp bảo mật với nhân viên, đối tác và các bên liên quan; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để ngăn chặn việc sửa chữa, sao chép tác phẩm, giả mạo nhãn hiệu...; (ii) Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT như biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuât nhập khẩu qua biên giới.
  • Nêu dựa vào chủ thể thực hiện hành vi bảo vệ tài sản, có thể chia các biện pháp bảo vệ TSTT thành hai loại: (i) Các biện pháp tự bảo vệ do chủ thể nắm giữ TSTT thực hiện (chủ thể nắm giữ TSTT/quyền SHTT có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ khi chưa có hành vi xâm phạm hoặc hành vi xâm phạm đã xảy ra). Đây có thể xem như công cụ bảo vệ TSTT trên bình diện “vi mô”, bao gồm các hành động bảo vệ TSTT của doanh nghiệp (trong doanh nghiệp và trong mối quan hệ tương tác với bên ngoài: đối thủ cạnh tranh, đối tác, người tiêu dùng, cơ quan Nhà nước); (ii) Các biện pháp bảo vệ TSTT của Nhà nước. Đây là biện pháp bảo vệ ở bình diện “vĩ mô”, bao gồm các công cụ (hệ thống pháp luật) và các biện pháp bảo hộ được thực hiện bởi các cơ quan thực thi và các tổ chức hỗ trợ.
  • Nêu dựa vào thời điểm tiến hành biện pháp bảo vệ TSTT, có thể các biện pháp bảo vệ TSTT thành ba loại biện pháp: (i) ngay từ khi tạo ra TSTT; (ii) trong quá trình khai thác thương mại TSTT/quyền SHTT; (iii) khi có hành vi xâm phạm TSTT/ quyền SHTT và sau khi xử lý hành vi xâm phạm TSTT/quyền SHTT. Cần phải lưu ý rằng, bản thân hoạt động khai thác thương mại TSTT/quyền SHTT ở một khía cạnh nhất định cũng có liên quan đến bảo vệ TSTT bởi vì hoạt động này chứng tỏ quyền khai thác, sử dụng TSTT/quyền SHTT hợp pháp của chủ thể nắm giữ TSTT; đồng thời hoạt động này làm cho tổ chức, các nhân khác nhận biêt được TSTT thuộc quyền sở hữu của chủ thể nắm giữ quyền và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm TSTT/quyền SHTT[23].  Bên cạnh đó, hoạt động khai thác thương mại TSTT cũng là một cách thức để chủ thể loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường độc quyền.

Thứ ba, bảo vệ TSTT đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của nhiều chủ thể như: (i) Chủ thể nắm giữ TSTT: tác giả, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp TSTT thông qua hợp đồng sử dụng, người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; (ii) Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Người tiêu dùng; (iii) Các tổ chức quản lý tập thể TSTT (Hiệp hội...).

Hơn nữa, do đặc tính vô hình của TSTT và khía cạnh thương mại, TSTT dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảo vệ loại tài sản này. Sự phối hợp của các chủ thể nêu trên được coi là cần thiết khi áp dụng các biện pháp bảo vệ TSTT/quyền SHTT, cho dù đó là biện pháp phòng ngừa hay biện pháp xử lý hành vi xâm phạm.

Thứ tư, việc bảo vệ TSTT chủ yếu được thực hiện thông qua thừa nhận hệ thống các quyền dành cho tác giả, chủ sở hữu quyền SHTT và các chủ thể liên quan khác. Cụ thể, pháp luật quốc gia và các công ước quốc tế trao cho chủ thể quyền SHTT một số độc quyền. Trên cơ sở này, xâm phạm TSTT/quyền SHTT được phòng ngừa và xử lý.

Thứ năm, bảo vệ TSTT không chỉ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể nắm giữ TSTT/quyền SHTT và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền SHTT mà còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và tháo gỡ những rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế.

1.2.2. Các biện pháp bảo vệ TSTT của doanh nghiệp

1.2.2.1. Các biện pháp phòng vệ

Như đã đề cập ở trên, các biện pháp bảo vệ TSTT phong phú, đa dạng, trong đó bao gồm các biện pháp phòng vệ (defensive) có tính chất phòng ngừa để bảo vệ TSTT và các biện pháp tấn công (offensive) nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm. Để ngăn chặn, hạn chế hành vi xâm phạm TSTT, doanh nghiệp có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp phòng ngừa sau: đăng ký xác lập quyền SHTT; khai thác giá trị của TSTT; thiết lập độc quyền đối với TSTT; áp dụng các biện pháp kiểm soát TSTT; áp dụng các biện pháp bảo mật TSTT; áp dụng các biện pháp công nghệ…

Thứ nhất, đăng ký xác lập quyền SHTT

Khác với các tài sản thông thường, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu là yêu cầu bắt buộc đối với phần lớn các đối tượng SHTT. Hầu hết các nước trên thế giới đều quy định thủ tục đăng ký xác lập quyền SHCN mang tính chất bắt buộc, ngoại trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại và bí mật kinh doanh. Điều này tương tự đối với giống cây trồng. Mặc dù thủ tục đăng ký xác lập quyền tác giả không mang tính bắt buộc nhưng các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được khuyến khích tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền tác giả. Thông qua thủ tục đăng ký tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân đối với TSTT được xác lập, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Đối với các TSTT mà quyền SHTT được xác lập không thông qua thủ tục đăng ký mà thông qua quá trình sử dụng (như nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại và bí mật kinh doanh) hoặc khi thỏa mãn các điều kiện nhất định do pháp luật quy định (như quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học phát sinh khi tác phẩm có tính nguyên gốc và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định), chủ thể nắm giữ TSTT phải tính đến áp dụng các biện pháp thương mại và kỹ thuật khác để bảo vệ TSTT/quyền SHTT.

Tổ chức Sở hữu trí thế giới (WIPO) khuyến cáo các doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền SHTT càng sớm càng tốt. Theo Tổ chức này, một trong những điểm quyết định, cốt yếu trong bảo vệ pháp lý TSTT là biến những tài sản vô hình thành những quyền tài sản mang tính độc quyền cho dù chỉ trong một thời hạn nhất định. Điều này giúp doanh nghiệp có quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình và khai thác tối đa những quyền này. Nói ngắn gọn, bảo vệ TSTT làm cho những tài sản vô hình “trở nên hữu hình” bằng cách biến chúng thành những tài sản độc quyền có giá trị mà có thể mua bán trên thị trường. Nếu những ý tưởng đổi mới, kiểu dáng sáng tạo và nhãn hiệu đầy quyền lực của doanh nghiệp không được bảo vệ dưới hình thức quyền SHTT, chúng có thể bị doanh nghiệp khác sử dụng vô hạn một cách tự do và hợp pháp. Tuy nhiên, khi được bảo vệ bởi những quyền SHTT, những TSTT có giá trị rõ ràng đối với doanh nghiệp bởi vì chúng trở thành những quyền tài sản chỉ có thể được thương mại hóa hoặc sử dụng nếu có sự cho phép của doanh nghiệp[24].  Tóm lại, đối với hầu hết các TSTT, đăng ký xác lập quyền SHTT biến những TSTT vô hình trở thành những quyền nhân thân và tài sản cụ thể được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền SHTT là một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề không đầy đủ “tức là đặc tính vô hình, dễ bị sao chép và lan truyền của TSTT”.[25]

Thứ hai, doanh nghiệp tiến hành khai thác thương mại TSTT

Theo Thông tư số 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN ngày 02/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2011-2015, khai thác thương mại TSTT là doanh nghiệp đưa “TSTT vào áp dụng, sử dụng, quản lý trong thực tế nhằm tạo ra các lợi ích, ưu thế cho chủ sở hữu, người tham gia vào việc áp dụng, sử dụng TSTT đó và cho xã hội” (Khoản 2 Điều 3). Theo một tài liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, doanh nghiệp khai thác TSTT với nhiều mục đích khác nhau và một trong những mục đích đó là phòng vệ (chẳng hạn ngăn chặn đối thủ cạnh tranh xâm nhập thị trường và thực thi quyền sáng chế chống lại hành vi xâm phạm).[26]  Việc khai thác TSTT là một cách thức thiết lập độc quyền đối với TSTT, quyết định giá độc quyền, chứng tỏ quyền khai thác, sử dụng TSTT/quyền SHTT hợp pháp của chủ thể nắm giữ TSTT; loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường độc quyền. Đồng thời hoạt động này làm cho tổ chức, cá nhân khác nhận biết được TSTT thuộc quyền sở hữu của chủ thể nắm giữ quyền và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm TSTT.

Thứ ba, doanh nghiệp sử dụng các hợp đồng để bảo vệ TSTT

Xuất phát từ nguyên tắc tự do hợp đồng - một nguyên tắc kinh điển của pháp luật hợp đồng, các bên trong hợp đồng có quyền thoả thuận nội dung hợp đồng và chủ thể thứ ba không có quyền can thiệp vào những nội dung đó.[27] Cho nên, hợp đồng có thể được sử dụng như một biện pháp pháp lý giúp củng cố quyền của chủ thể nắm giữ TSTT và bảo vệ TSTT. Doanh nghiệp có thể ký kết các hợp đồng bảo mật với người lao động (thông qua hợp đồng lao động và cả hợp đồng dân sự) về nghĩa vụ giữ bí mật thương mại của doanh nghiệp trong thời gian làm việc và kể cả sau khi đã rời khỏi doanh nghiệp. Thông qua các điều khoản trong hợp đồng như hợp đồng li-xăng, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng nhượng quyền thương mại... doanh nghiệp có thể ràng buộc trách nhiệm của đối tác, nhà phân phối, bên gia công. nhằm phòng ngừa xâm phạm TSTT từ phía bên kia hoặc từ các chủ thể khác.

Thứ tư, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa và phát hiện hành vi xâm phạm TSTT/quyền SHTT

Các biện pháp công nghệ rất đa dạng và phong phú như sử dụng mật mã, mã hóa thông tin, dãn tem, nhãn chống hàng giả. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả trong bảo vệ TSTT là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học trong môi trường kỹ thuật số. Các biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học trong môi trường kỹ thuật số được chia thành hai loại: (i) các biện pháp kiểm soát tiếp cận nội dung (measures that control access to content); (ii) các biện pháp kiểm soát sao chép nội dung (measures that control the copying of content).[28]

Thứ năm, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kiểm soát TSTT

Đây cùng được coi là một biện pháp quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế xâm phạm TSTT. Doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống kiểm soát, quản trị TSTT từ: xác định , bên cạnh những biện pháp cơ bản nêu trên, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp xây dựng, duy trì bộ phận chuyên trách về bảo vệ TSTT. Bộ phận này có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược bảo vệ TSTT cho doanh nghiệp. Một hoạt động khác không kém phần quan trọng và doanh nghiệp cần tiến hành thường xuyên, đó là tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức và hiểu biết của cán bộ, nhiên viên doanh nghiệp về TSTT, xâm phạm TSTT và bảo vệ TSTT.

1.2.2.2.Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT

Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT là những cách thức được chủ thể quyền cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để bảo vệ quyền SHTT khi các quyền này bị xâm phạm. Khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT, việc xác định biện pháp nào sẽ được áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu dựa vào hai yếu tố: một là sự lựa chọn của người bị xâm hại; hai là tính chất, mức độ xâm phạm.

Tính chất xâm phạm được xác định dựa trên các căn cứ: (i) Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: xâm phạm do vô ý, xâm phạm cố ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm; (ii) Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức, tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.

Mức độ xâm phạm được xác định dựa trên các căn cứ: (i) Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm; (ii) Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.

Do tính chất, mức độ xâm phạm của mỗi hành vi xâm phạm quyền SHTT rất khác nhau, cho nên không thể áp dụng chỉ một loại biện pháp để xử lý tất cả các hành vi này. Nói cách khác, cần phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Với tư cách là chủ thể của quyền SHTT, hơn ai hết, chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng hợp pháp quyền SHTT là người nhận thức rõ nhất về hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình. Vì vậy, trong thực tế, biện pháp tự bảo vệ thường là biện pháp được áp dụng đầu tiên khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT.

  • Biện pháp tự bảo vệ

Biện pháp tự bảo vệ xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự được ghi nhận tại Điều 9 BLDS. Biện pháp tự bảo vệ được ghi nhận tại Điều 255 BLDS và được cụ thể hoá tại Điều 198 Luật SHTT. Biện pháp tự bảo vệ cho phép chủ thể bị xâm phạm quyền SHTT được áp dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền của mình. Các biện pháp mà chủ thể bị xâm phạm quyền SHTT có thể lựa chọn để áp dụng là: ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có Toà án và trọng tài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chủ thể bị xâm phạm quyền SHTT có thể sử dụng các biện pháp này bằng cách trực tiếp gặp chủ thể vi phạm hoặc sử dụng các phương thức khác như: gọi điện thoại, gửi thư qua bưu điện, gửi thư điện tử, fax; hoặc tiến hành những hành vi cụ thể để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Người bị xâm phạm quyền sở hữu có thể lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền SHTT của mình. Tuy nhiên, việc chủ thể áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng của mình không được trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

Biện pháp tự bảo vệ là biện pháp thể hiện cao nhất sự tự định đoạt cũng như tính chủ động của chủ thể. Biện pháp tự bảo vệ có thể được thực hiện không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục hay trình tự nào, vì vậy có thể kịp thời, nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các chủ thể có thể hòa giải, thương lượng với nhau để chấm dứt tranh chấp vào bất kỳ thời điểm nào. Đây cũng là biện pháp có tính kinh tế cao nhất do tiết kiệm được thời gian, chi phí tốn kém cho việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, do biện pháp tự bảo vệ không có tính cưỡng chế nên trong trường hợp người có hành vi xâm phạm không tự nguyện chấm dứt hành vi xâm phạm thì biện pháp này chưa phát huy được tối đa hiệu quả trên thực tế. Mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng trong chừng mực nhất định, biện pháp này cũng giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm.

  • Biện pháp bảo vệ được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nhận thức được vai trò quan trọng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền SHTT, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) đi đến thống nhất trong Hiệp định TRIPS rằng: các nước thành viên phải có những biện pháp thích hợp để bảo vệ quyền SHTT. Các biện pháp đó bao gồm: (i) Các biện pháp chế tài dân sự và hành chính. Cụ thể, Toà án có thể ra lệnh đình chỉ, yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi này, yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; tiêu huỷ hàng hoá vi phạm; (ii) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iii) Các biện pháp kiểm soát biên giới; (iv) Các biện pháp hình sự.[29]  Tuân thủ Hiệp định TRIPS, pháp luật Việt Nam cũng cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền SHTT. Cụ thể bao gồm: biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, biện pháp dân sự và biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT. Việc quy định nhiều biện pháp bảo vệ quyền SHTT khác nhau cũng xuất phát từ chính sự phong phú, đa dạng của các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng. Hơn nữa, quy định nhiều biện pháp bảo vệ quyền SHTT còn nhằm xử lý hiệu quả hành vi xâm phạm quyền SHTT; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu các đối tượng SHTT và các chủ thể quyền liên quan khác.

Biện pháp hành chính được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để xử lý những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp hành chính bao gồm các hình thức xử lý hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Khi hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền SHCN, và quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Áp dụng biện pháp hình sự để giải quyết những hành vi xâm phạm quyền SHTT là “một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm,...bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức...” [30]

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục tố tụng dân sự cho phép tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, tác giả, chủ sở hữu các đối tượng SHCN và chủ văn bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng cũng như các chủ thể có quyền liên quan khác (ví dụ: người được thừa kế quyền SHTT, người được chuyển giao quyền giao quyền SHTT, tổ chức đại diện tập thể) được quyền khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền của mình; buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại, phải thực hiện nghĩa vụ, phải xin lỗi, cải chính công khai; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liêụ và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.

Trong thực tiễn bảo hộ quyền SHTT trên thế giới và Việt Nam hiện nay, giám định về sở hữu trí tuệ được coi là một yếu tố bổ trợ đắc lực cho việc bảo đảm các các điều kiện để bảo vệ, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, góp phần nâng cao tính hiệu quả của cơ chế bảo hộ và thực thi quyền SHTT nói chung. Vì vậy, có thể nói giám định về sở hữu trí tuệ là một khâu bổ trợ đắc lực cho việc vận hành hiệu quả cơ chế bảo hộ quyền SHTT; nói cách khác đó cũng là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền SHTT của mình.

1.2.3. Ý nghĩa của việc bo vệ tài sản trí tuệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với vai trò là nền tảng và động lực của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, TSTT trở thành một công cụ hết sức quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời với việc TSTT trở thành yếu tố cạnh tranh quan trọng bậc nhất, việc thiết lập hệ thống bảo hộ hiệu quả đối với TSTT có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động mấu chốt của doanh nghiệp như: đầu tư, chuyển giao công nghệ, cạnh tranh..., từ đó, giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh canh tranh quốc tế khốc liệt, diễn biến phức tạp của các hoạt động kinh tế trong hội nhập kinh tế, nhất là hiện nay cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trên thế giới ngày càng có diễn biến phức tạp và không thuận lợi.

Ý nghĩa của việc bảo vệ TSTT đối với các doanh nghiệp được thể hiện dưới các góc độ cơ bản sau đây:

  • Làm gia tăng lợi nhuận và các giá trị thương mại cho doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, dường như bất kỳ sản phẩm nào do doanh nghiệp sản xuất hoặc dịch vụ nào do doanh nghiệp cung cấp đều thường xuyên sử dụng hoặc tạo ra các giao dịch lớn về trí tuệ.[31] TSTT có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh và chiến lược cạnh tranh: từ phát triển sản phẩm đến thiết kế sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đến tiếp thị, từ tăng các nguồn lực tài chính đến xuất khẩu hoặc mở rộng thị phần ra nước ngoài thông qua chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng SHCN hoặc nhượng quyền thương mại.[32] TSTT là nhân tố quyết định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia. Chẳng hạn, theo Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ thì khối TSTT trong các doanh nghiệp Mỹ (không kể ngành tài chính) đã đóng góp 30% thu nhập của các doanh nghiệp vào giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, và đã tăng lên thành 48% vào năm 2000. TSTT chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kết cấu giá trị của doanh nghiệp. Trước đây, khi nói đến tài sản hay giá trị của doanh nghiệp, người ta nhắc nhiều đến vốn, tiền tệ, máy móc, thiết bị… hay những tài sản hữu hình khác. Hiện nay, kết cấu giá trị của doanh nghiệp đã hoàn toàn thay đổi. Phần lớn giá trị của doanh nghiệp nằm ở những tài sản vô hình mà chủ yếu tập trung trong TSTT. Trong nhiều năm trở lại đây, việc định giá tài sản SHTT trong doanh nghiệp khi mua bán, sáp nhập, chuyển giao quyền SHTT hay trong các hoạt động tài chính hàng ngày đã khẳng định được vị trí quan trọng của loại tài sản này.

Khi TSTT được bảo vệ hợp pháp, TSTT trở thành tài sản kinh doanh giá trị của doanh nghiệp. Cụ thể, TSTT có thể tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp thông qua chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN, chuyển nhượng hoặc thương mại hóa TSTT và kết quả là tăng thị phần của doanh nghiệp hoặc tăng lợi nhuận; TSTT có thể giúp duy trì danh tiếng, uy tín, giá trị của doanh nghiệp trong mắt của các nhà đầu tư các tổ chức tài chính; trong trường hợp bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, TSTT làm tăng giá trị thực sự của doanh nghiệp; TSTT giúp duy trì và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp để khai thác và bảo vệ TSTT bất kỳ ở nơi đâu có thể.[33]

  • Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới trong doanh nghiệp

Là một loại tài sản phi vật chất xuất hiện muộn hơn so với những loại tài sản thông thường khác nhưng thông qua khả năng của nó đối với việc tạo ra và duy trì sự độc quyền trên thị trường, TSTT - dù với một khoảng thời gian không dài đã ngày càng được thế giới thừa nhận là một tài sản thương mại quan trọng và là một động lực cho đổi mới và tiến bộ công nghệ. Bên cạnh những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, bảo hộ TSTT còn góp phần quan trọng trong việc khuyến khích hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong cá nhân tổ chức, là nguồn đóng góp cơ bản cho sự phát triển khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật và văn minh của nhân loại.

  • Thúc đẩy cạnh tranh và lành mạnh hoá thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và lưu thông thương mại trong nước và quốc tế

Thế giới đang chứng kiến một thời đại phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Không kể đến những công ty tên tuổi hay các tập đoàn nổi tiếng, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay coi SHTT là vấn đề ưu tiên hàng đầu khi họ bước vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay thương mại. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh thêm nữa về vai trò của SHTT trong việc tạo ra khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất ở khắp nơi trên thế giới. Khi cạnh tranh trong thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế ngày càng mạnh thì giá trị của những TSTT ngày càng trở nên rõ ràng đối với những người buộc phải cạnh tranh nhằm duy trì và cải thiện vị trí của mình trên thị trường. Giá trị kinh tế của TSTT trước hết nằm ở chỗ giúp doanh nghiệp có một vị trí ổn định trên thị trường và từ đó tạo nên ưu thế cho sự phát triển. Ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ là một ví dụ rất điển hình minh họa cho sự bảo hộ hiệu quả quyền SHTT. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ ...đã trải qua những kinh nghiệm quý báu về việc quyền SHTT bị xâm hại khi không có một sự hiểu biêt đúng đắn về việc bảo hộ quyền SHTT, để cho các doanh nghiệp khác thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các đối tượng quyền SHTT được bảo hộ.

  • Thúc đẩy hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích chuyển giao và phổ biến công nghệ của doanh nghiệp

Sự bảo hộ mạnh mẽ và có hiệu quả đối với TSTT là một yêu tố quyết định để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

  • Cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo, đầu tư với lợi ích của công chúng

Một mục đích lớn nữa của việc bảo vệ TSTT là tạo ra sự cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo ra công nghệ mới và lợi ích của người sử dụng công nghệ, tức là lợi ích của những người thường gánh chịu những chi phí và nguồn lực cho việc sáng tạo và những người sử dụng thành quả sáng tạo đó như một công cụ quan trọng để cải thiện công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường. Mối quan hệ này thường được khái quát lên thành mối quan hệ giữa cá nhân người sáng tạo và công chúng hưởng thụ. Theo đó, bảo hộ quyền SHTT sẽ cho phép những người sở hữu quyền SHTT có quyền được khai thác độc quyền đối tượng sáng tạo của mình trong một khoảng thời gian hạn chế. Đây được coi như một đặc quyền bởi vì họ là người đã bỏ ra những chi phí, nhân lực cũng như công sức sáng tạo vào hoạt động sáng tạo ra các đối tượng SHTT đó. Vì thế, để cân bằng lợi ích này thì những người không phải là chủ sở hữu quyền SHTT chỉ được khai thác vì mục đích thương mại các đối tượng này nếu được sự cho phép của họ và phải trả một khoản thù lao tương xứng.

1.3. KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Cùng với sự phát triển của pháp luật SHTT, thuật ngữ TSTT ngày càng được sử dụng phổ biến và hiện diện trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, có liên quan chặt chẽ đến khái niệm “quyền SHTT”. Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý, hầu như chưa có một văn bản nào của Việt Nam quy định cụ thể về khái niệm TSTT. Vì vậy, cả trên phương diện lý luận và thực tế, thuật ngữ TSTT có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. TSTT có những tính chất khác biệt so với tài sản hữu hình, vì vậy mà việc sở hữu, khai thác, bảo vệ tài sản này có đặc thù riêng.

Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có thể là bất kỳ dữ liệu, thông tin, bí quyết, tri thức nào mà doanh nghiệp có thể sở hữu và sử dụng một cách hợp pháp, thông qua hoạt động sáng kiến đổi mới bên trong doanh nghiệp hoặc được tiếp nhận chuyển giao từ bên ngoài. Một TSTT của doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định và được doanh nghiệp tiến hành các thủ tục bảo hộ có thể trở thành một “đối tượng SHTT” và doanh nghiệp được xác lập quyền SHTT - tức là xác lập độc quyền đối với TSTT. Như vậy, một doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều TSTT nhưng nếu không có sự quan tâm tiến hành các thủ tục để xác lập độc quyền thì doanh nghiệp có thể mất hay bỏ lỡ chính tài sản mà mình đã đầu tư nghiên cứu, sáng tạo. Xác lập độc quyền rồi nhưng nếu doanh nghiệp không có chiến lược quản lý, khai thác đúng đắn, không có những biện pháp bảo vệ thích hợp thì TSTT có thể dễ dàng bị xâm phạm, chiếm đoạt.

Bảo vệ TSTT là những biện pháp, cách thức được chủ thể quyền, các cơ quan nhà nước, các cá nhân, tổ chức khác tiến hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm TSTT.

Vấn đề “Bảo vệ TSTT” được đề tài khai thác theo nghĩa rộng, trên cả bình diện vi mô và vĩ mô, bao gồm không chỉ hoạt động bảo vệ TSTT của doanh nghiệp (ở cả trong và ngoài doanh nghiệp) mà cả những công cụ, biện pháp bảo vệ của Nhà nước như hệ thống pháp luật, các biện pháp thực thi, các cơ quan có thẩm quyền…; bảo vệ TSTT không chỉ bao gồm các biện pháp mang tính phòng vệ mà cả những biện pháp mang tính tấn công nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm TSTT của cả chủ thể quyền SHTT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hoạt động bảo vệ TSTT có thể được tiến hành ở bất kỳ giai đoạn nào, từ giai đoạn tạo lập, xác lập quyền, khai thác đến bảo vệ TSTT trước các hành vi xâm phạm.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, TSTT trở thành một công cụ hết sức quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển của mỗi doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng thúc đẩy các hoạt động mấu chốt của doanh nghiệp như: đầu tư, chuyển giao công nghệ, cạnh tranh..., từ đó, giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh canh tranh quốc tế khốc liệt, diễn biên phức tạp của các hoạt động kinh tế trong hội nhập kinh tế.


CHƯƠNG 2. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG VIỆC BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP

 

2.1. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG XÂY DỰNG, TẠO LẬP, XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Nhiều quốc gia trên thế giới đã gặt hái được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên việc bảo hộ TSTT đáng ghi nhận, đặc biệt là trong hoạt động xây dựng, xác lập quyền đối với TSTT. Sau đây là những bài học kinh nghiệm quý báu của các quốc gia đối với hoạt động này.

  • Nhà nước cần có sự nhận thức đầy đủ về vai trò của TSTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó xây dựng một chiến lược quốc gia và hệ thống các chính sách, pháp luật nhằm bảo hộ TSTT

Với đặc thù về hoạt động cạnh tranh hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ, thành công của doanh nghiệp bao giờ cũng phải được sự hỗ trợ, nếu không nói là có khởi đầu là hệ thống chính sách và pháp luật của quốc gia đảm bảo hiệu quả cho tài sản của doanh nghiệp. Vì lẽ đó, trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ trung hạn và dài hạn của mỗi nước, chính sách và pháp luật về đảm bảo TSTT thông qua xác lập quyền đối với loại tài sản này phải được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở những nước nhận thức vấn đề này một cách đầy đủ là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai thành công hệ thống xác lập quyền đối với TSTT. Khi đó, các doanh nghiệp có hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc xác lập quyền của mình đối với TSTT. Đây chính là kinh nghiệm quan trọng nhất mà các nước đi trước đã chỉ ra, điển hình như Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngày nay, thế giới phải thừa nhận sự phát triển kỳ diệu của các doanh nghiệp Hàn Quốc với năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp của bất kỳ nước nào trên thế giới. Sở dĩ có được sự phát triển ngoạn mục này, Hàn Quốc đã có nhận thức hết sức rõ ràng về TSTT đối với sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, có lẽ Hàn Quốc là nước duy nhất trên thế giới đã thành lập Bộ Kinh tế tri thức và có hoạt động hết sức thành công trong việc thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp dựa trên TSTT. Điển hình là việc Tập đoàn Samsung đã vươn lên vị trí thứ nhất về số đơn đăng ký sáng chế trên thế giới. Sự kiện này tự thân đã nói lên một cách đầy đủ nhất về thành công của hoạt động xác lập quyền đối với TSTT của doanh nghiệp.

Đối với Nhật Bản, nhận thức về TSTT đã có sự thay đổi khi nước này không còn giữ được năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển của mình như trước. Năm 1997 Chính phủ Nhật Bản ra Báo cáo về Chiến lược quốc gia phục hồi nền kinh tế (report on the national strategy to revive the economy) trên cơ sở đó thông qua Chiến lược quốc gia về SHTT trong đó xác định Nhật Bản hướng đến trở thành một quốc gia phát triển dựa vào SHTT. Để đạt được mục đích này, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật cơ bản về SHTT năm 2002 (Basic Law on Intellectual Property). Trên cơ sở Đạo luật này, Trụ sở điều hành chiến lược SHTT quốc gia đã được thành lập năm 2003 và là cơ quan điều phối việc triển khai Chương trình chiến lược SHTT hàng năm của Nhật Bản. Tháng 7/2003, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng "Chương trình chiến lược về sáng tạo, bảo hộ và khai thác TSTT", bao gồm một loạt các biện pháp đồng bộ cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ và khai thác các TSTT với sự tham gia của Nhà nước, chính quyền địa phương, các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp.

Chiến lược quốc gia về SHTT của Nhật Bản nhấn mạnh nhu cầu nâng cao tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xuất khẩu thông qua việc tăng doanh số xuất khẩu hàng hoá dựa trên TSTT, thực thi quyền SHTT nhằm thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tăng cường cơ hội thương mại quốc tế và khu vực thông qua việc hài hoà hoá pháp luật nhằm giảm thiểu các rào cản thương mại, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và duy trì các ngành công nghiệp chủ chốt và biến thông tin/tri thức thành một nguồn của cải quan trọng của quốc gia. Một trong những mục tiêu cụ thể là tăng cường số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Nhật Bản cũng như ở nước ngoài. Như vậy, mối quan hệ trực tiếp giữa nhận thức của Chính phủ về TSTT với yêu cầu tăng cường xác lập quyền SHTT được định hình một cách chắc chắn, làm cơ sở cho sự gia tăng các hoạt động xác lập quyền SHTT theo từng năm.

Tiếp bước Nhật Bản, hàng loạt nước trên thế giới đã tăng cường nhận thức về quyền SHTT, trên cơ sở đó doanh nghiệp có điều kiện và động lực phát triển và xác lập quyền SHTT của mình. Ví dụ như Hung-ga-ri có một Kế hoạch quốc gia rõ ràng về SHTT và thúc đẩy hoạt động R&D. Một số cơ quan Chính phủ liên quan điều phối chính sách khuyến khích hoạt động R&D, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ICTs, các hoạt động sáng tạo và SHTT. Cơ sở của Kế hoạch này chính là sự kết hợp chặt chẽ các chính sách khác nhau trong một Kế hoạch quốc gia nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của một số ngành hoặc nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, (chẳng hạn như công nghệ thông tin) thông qua việc hỗ trợ của Chính phủ đối với R&D, các khoản vay nhằm thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài, chính sách trả góp các khoản vay (khuyến khích bằng tài chính), sự phân chia trách nhiệm một cách có chiến lược giữa các cơ quan chính phủ liên quan và sự tăng nhanh đáng kể vốn đầu tư cho hoạt R&D. Một điều cần lưu ý là sự kết hợp giữa chính sách và kế hoạch này dựa trên sự phân tích thống kê về SWOT (S - mặt mạnh, W - mặt yếu, O - cơ hội và T - nguy cơ trong nền kinh tế Hung-ga-ri và so sánh với các nước trong khối OECD (đặc biệt là các nước EU mà Hung-ga-ri là thành viên từ 1/5/2004).

Tương tự như vậy, Chiến lược của Đan Mạch về "Chính sách công nghiệp của Đan Mạch. Các xu hướng mới đối với quyền sở hữu công nghiệp" nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp hộ sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp nhanh hơn và rẻ hơn. Chiến lược đó cũng nhấn mạnh rằng việc bảo hộ pháp lý quyền SHTT phải được thiết lập cùng với sự phát triển công nghệ và sự tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức. Đây chính là cơ sở cho sự gia tăng của hoạt động xác lập quyền SHTT của Đan Mạch.

  • Có cơ chế bảo hộ quyền SHTT hiệu quả dựa trên sự cân bằng lợi ích của các chủ thể trong xã hội

Như trên đã phân tích, việc bảo hộ TSTT chủ yếu được thực hiện đối với quyền SHTT. Cơ chế bảo hộ quyền SHTT là một công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Với việc thừa nhận và bảo vệ các quyền của doanh nghiệp bằng pháp luật, trao quyền độc quyền, cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và người sử dụng TSTT, hệ thống bảo hộ SHTT góp phần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp cũng như nhà hoạt động khoa học, nghệ thuật, kinh doanh - thương mại an tâm đầu tư và cống hiến cho hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới, cải tiến và đổi mới sản phẩm, từ đó, làm gia tăng giá trị và cấu trúc tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, việc tạo ra cơ chế hiệu quả bảo hộ quyền SHTT dựa trên sự cân bằng về lợi ích của các chủ thể trong xã hội, trong đó có doanh nghiệp, chính là kinh nghiệm quan trọng thứ hai của các nước đảm bảo hiệu quả của hoạt động xác lập quyền đối với TSTT của doanh nghiệp.

Cơ chế bảo hộ quyền SHTT được thiết lập từ lâu tại các nước phát triển. Cơ chế bảo hộ càng hiệu quả thì doanh nghiệp càng thu được lợi ích từ việc xác lập quyền đối với TSTT của mình và làm gia tăng mạnh các hoạt động tạo lập và xác lập quyền SHTT. Để có thể thấy được sự phát triển toàn diện một hệ thống bảo hộ quyền SHTT, có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

Hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Hoa Kỳ được xây dựng và phát triển đối với hầu hết các đối tượng SHTT và đảm bảo việc xác lập quyền một cách hiệu quả. Do hệ thống này quá lớn nên việc phân tích sẽ chỉ dừng ở phần về quyền tác giả và quyền liên quan.

Hệ thống quyền tác giả và quyền liên quan được xây dựng dựa trên nền tảng bảo hộ quy định trong Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mục 8 của Điều 1 chỉ rõ “Nghị viện có thẩm quyền ... thúc đẩy tiến bộ của khoa học và nghệ thuật bằng việc đảm bảo độc quyền cho tác giả và nhà sáng chế đối với các bản viết và phát kiến của mình trong khoảng thời gian hạn chế”. Hệ thống quyền tác giả và quyền liên quan ngày nay được pháp điển hóa trong Tiểu mục 17 của Bộ luật của Hoa Kỳ (United States Code: Title 17), bao gồm một khối lượng khổng lồ những sửa đổi qua hàng trăm năm và gồm cả Đạo luật Bản quyền năm 1976 với những sửa đổi năm 2002. Bên cạnh đó, hệ thống án lệ cùng kết hợp với Tiêu mục 17 trở thành hệ thống điều chỉnh rất cụ thể, toàn diện và đầy đủ đối với hầu hết các quan hệ bản quyền và quyền liên quan. Các quy định của Tiêu mục 17 không chỉ thuần túy điều chỉnh việc bảo hộ bản quyền và quyền liên quan ở Hoa Kỳ mà nó còn như những chuẩn mực trong việc đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa người sử dụng và tác giả và chủ sở hữu. Nền tảng cho những chuẩn mực này chính là học thuyết “sử dụng hợp lý” (the doctrine of "fair use”). Sự cân bằng lợi ích này tạo nên sự vững chắc của hệ thống bảo hộ quyền, đồng thời là công cụ tuyệt vời thúc đẩy sáng tạo để tạo nên những tác phẩm mới và quyền tác giả sẽ được xác lập. Chính hệ thống bảo hộ quyền tác giả đảm bảo việc xác lập quyền một cách lành mạnh và nghiêm minh nên các đối tượng của quyền tác giả ở Hoa Kỳ đã phát triển để trở thành những ngành công nghiệp thành công, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế của Hoa Kỳ. Đó là ngành công nghiệp xuất bản, ngành công nghiệp điện ảnh, ngành công nghiệp phần mềm, ngành công nghiệp nội dung số, v.v..

  • Tổ chức cơ quan xác lập quyền SHTT mạnh

Hệ thống xác lập quyền đối với TSTT muốn tốt thì các cơ quan thực hiện việc xác lập quyền và cá nhân làm việc trong các cơ quan này phải tốt. Tuy điều này có vẻ hiển nhiên nhưng kinh nghiệm của các nước phát triển và kém phát triển cho thấy chất lượng của hoạt động xác lập quyền đối với TSTT tỷ lệ với chất lượng của cơ quan xác lập quyền.

Những cơ quan xác lập quyền mạnh trên thế giới như Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, Cơ quan Sáng chế châu Âu, Cơ quan SHTT Hàn Quốc... được tổ chức, đầu tư và quản lý tốt đã tạo nên các hoạt động xác lập quyền SHTT lành mạnh và các doanh nghiệp đã được thụ hưởng thành quả này để TSTT của mình luôn được đảm bảo. Chính vì vậy, kinh nghiệm quan trọng thứ ba của các nước là tổ chức cơ quan xác lập quyền (cơ quan SHTT) mạnh là yếu tố then chốt cho các hoạt động xác lập quyền của doanh nghiệp.

Cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp của Đanh Mạch (DKPTO - Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đan Mạch) - một nước nhỏ ở Bắc Âu với quy mô dân số chỉ khoảng 6 triệu dân là một cơ quan mạnh cả về quy mô lẫn hoạt động hỗ trợ một cách tích cực đối với việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy, DKPTO không chỉ đảm bảo cho các hoạt động xác lập quyền của các doanh nghiệp Đan Mạch mà còn thực hiện các dịch vụ thẩm định thuê cho các cơ quan sở hữu công nghiệp khác trên thế giới, ví dụ dịch vụ thẩm định đơn đăng ký sáng chế của Singapore.

Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đan Mạch được xây dựng trở thành một phần của Bộ Kinh doanh và Phát triển Đan Mạch hết sức năng động, hiện đại và định hướng thị trường. Mục tiêu của Cơ quan không chỉ đảm bảo hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu...) mà còn trở thành trung tâm thông tin chiến lược, phát triển quan hệ đối tác mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Điều tạo nên sức mạnh cho DKPTO trước tiên là nguồn nhân lực chất lượng cao và số lượng đáng kể. Hiện nay có khoảng 200 người làm việc cho DKPTO, trong đó trên 100 là kỹ sư và khoảng 50 là chuyên gia pháp lý. Nêu tính tỷ lệ theo dân số thì Cục SHTT của Việt Nam theo tỷ lệ với DKPTO sẽ là gần 2.600 người mà thực tê hiện nay mới chỉ là khoảng 300 người. Không chỉ ưu thế về số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực của DKPTO đủ sức đảm bảo toàn bộ hoạt động xác lập quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp của Đan Mạch, đồng thời cung cấp hàng loạt dịch vụ chất lượng cao về SHTT cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, ví dụ: tra cứu đối tượng (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng...); tầm soát các đối tượng được đăng ký trên thế giới; v.v. Chất lượng hoạt động của DKPTO được khẳng định qua Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000.2008, đảm bảo phù hợp với cả hoạt động của các doanh nghiệp.

  • Hệ thống thực thi quyền có hiệu quả

Hệ thống bảo hộ quyền SHTT hiệu quả sẽ góp phần đắc lực ngăn chặn các hành vi xâm phạm (nạn sao chép lậu, làm hàng giả, hàng nhái,...) đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp. Ngược lại, chính việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc và bộ máy thực thi pháp luật hiệu quả có vai trò lớn trong xử lý và đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm môi trường pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và tự tin gia nhập các thị trường hàng hoá, dịch vụ trong nước, khu vực và toàn cầu. Như vậy, kinh nghiệm quan trọng thứ tư mà các nước thành công trong các hoạt động xác lập quyền đối với TSTT của doanh nghiệp chính là một hệ thống thực thi quyền một cách hiệu quả. Đây chính là động lực cho các hoạt động xác lập quyền đối với TSTT của doanh nghiệp.

  • Tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp

Quyền SHTT (TSTT) được xem như một tài sản thương mại quan trọng, là động lực cho đổi mới và tiến bộ công nghệ. Hệ thống bảo hộ mạnh và có hiệu quả đối với các quyền SHTT là yếu tố quyết định thúc đẩy việc đổi mới, chuyển giao, thương mại hoá và xuất nhập khẩu công nghệ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, phát triển năng lực công nghệ nội sinh và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Ngược lại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong một môi trường kinh doanh không lành mạnh có thể triệt tiêu những nỗ lực của doanh nghiệp đối với hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, thương mại hoá và xuất nhập khẩu công nghệ dẫn đến giảm năng suất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là, môi trường kinh doanh lành mạnh là điều kiện không thể thiếu cho việc thúc đẩy các hoạt động xác lập quyền đối với TSTT của doanh nghiệp. Nói cách khác, bài học thứ năm quan trọng của các nước là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, trên cơ sở đó tạo ra môi trường lành mạnh cho cả hoạt động xác lập quyền có thể nhận thấy qua thực tiễn xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nước trên thế giới. Những nước có thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh đều đảm bảo tốt nhất việc xác lập quyền của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp không thấy quyền SHTT là những rào cản đối với hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, ở các nước có thứ hạng thấp về cạnh tranh, việc xác lập quyền SHTT lại có nhiều vấn đề, ví dụ tại Việt Nam, không chỉ tình trạng đơn tồn đọng lớn (1 nhãn hiệu để được đăng ký có thể mất 2 đến 3 năm) làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, mà chất lượng xử lý đơn đăng ký cũng còn nhiều điều phải bàn trong khi chưa có được cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả.

2.2. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP

Ngày nay, khi TSTT đã trở thành động lực và nguồn tài sản có giá trị rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp có khả năng sử dụng, khai thác TSTT được hay không; hiệu quả của hoạt động này như thế nào được các nước đặc biệt quan tâm và tìm mọi cách để ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp. Kinh nghiệm của các nước chỉ rõ chỉ có đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, tạo lập được TSTT và khai thác thành công tài sản này bởi các doanh nghiệp thì các nước mới đảm bảo sự phát triển của quốc gia mình, hội nhập được với thế giới và đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và trong các hoạt động kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp ở những nước phát triển đã sớm có sự đầu tư mang tính chiến lược dài hạn và có bài bản nhằm phát triển TSTT của doanh nghiệp. Một nhãn hiệu đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu như Coca Cola của Mỹ thực sự đã tồn tại hàng trăm năm, với hàng trăm năm tồn tại nhưng cho đến nay nhãn hiệu này vẫn tiêp tục dẫn đầu bảng xếp hạng về giá trị nhãn hiệu lớn nhất trên thế giới. Hoặc với sáng chế về công nghệ bán dẫn được mua lại từ nước ngoài, công ty Sony của Nhật Bản từ một cơ sở sửa chữa máy quay đĩa nhỏ với 20 công nhân vào năm 1946 đã trở thành một công ty điện tử hàng đầu thế giới như ngày nay bằng sự khởi đầu là việc ứng dụng thành công công nghệ bán dẫn vào sản xuất radio. Những thành tựu kinh tế mà các doanh nghiệp này đạt được chính là nhờ họ có những chính sách đầu tư thoả đáng vào nghiên cứu sáng tạo và bồi tụ, phát triển TSTT của mình. Đầu tư cho việc phát triển TSTT ở các ngành công nghệ mũi nhọn mới cũng là một sự đầu tư rất lớn, chẳng hạn trong ngành công nghệ sinh học thì có tới 45% thu nhập hàng năm được tái đầu tư lại cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trong vài năm gần đây, một nhãn hiệu đang được xem như là một “hiện tượng” với tốc độ phát triển mạnh mẽ đột biến, đó là nhãn hiệu điện tử “Samsung” của Hàn Quốc. Từ một nhãn hiệu không mấy ai biết tới, chỉ trong vài năm, Samsung đã lọt vào danh sách 100 nhãn hiệu đứng đầu và có giá trị lớn nhất thế giới và liên tục lên hạng. Thành tựu của Samsung không chỉ là kết quả của hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm mà nó còn là kết quả của hoạt động nghiên cứu sáng tạo có định hướng tốt, công ty này đã tạo ra và độc quyền những công nghệ mới như công nghệ DNIe cho sản phẩm ti vi… Nếu bàn rộng ra, không chỉ có Samsung thay đổi bộ mặt của mình trên trường kinh tế thế giới, những chính sách đầu tư tốt cho SHTT của khối doanh nghiệp ở Hàn Quốc trong những năm gần đây còn có tác dụng làm thay đổi bộ mặt của cả quốc gia này, Hàn Quốc ngày nay đã có một vị thế khác mạnh mẽ hơn trước đây rất nhiều.

Khai thác thông tin SHTT hiệu quả cũng là một trong những yếu tố giúp cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả công cụ SHTT. Như chúng ta đã biết, việc độc quyền các đối tượng SHTT chỉ mang tính lãnh thổ trong khi thông tin SHTT đối với các đối tượng đã được bảo hộ này lại được công bố công khai trên phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp ở nhiều nước đã biết sử dụng thông tin SHTT nhằm đạt được lợi thế kinh doanh ở tầm chiến lược. Cơ quan SHTT của Úc đã đưa ra lời khuyên về sử dụng thông tin Sáng chế như sau: “Đừng sáng chế lại cái bánh xe, tra cứu thông tin bằng độc quyền sáng chế toàn cầu có thể giúp bạn tránh lãng phí thời gian và tiền bạc khi lặp lại công việc đã được làm đâu đó.”. Sử dụng hiệu quả thông tin SHTT không chỉ giúp doanh nghiệp tránh lãng phí, có định hướng đúng trong nghiên cứu và phát triển mà nó còn giúp doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ với giá rẻ, hoặc thậm chí không mất tiền, đồng thời thông qua hoạt động này doanh nghiệp còn theo dõi được xu hướng phát triển công nghệ, tình hình nghiên cứu phát triển của các đối thủ cạnh tranh hiện tại và những doanh nghiệp khác có khả năng biến thành đối thủ cạnh tranh trong lương lai… cuối cùng, sử dụng thông tin SHTT còn giúp doanh nghiệp tự mình tránh được hành vi xâm phạm quyền của người khác.

Quản lý SHTT đang trở thành một yếu tố chính trong hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp ở các nước phát triển. TSTT góp phần quan trọng vào giá trị thị trường của các công ty, để hoạt động quản lý doang nghiệp có thể phát huy tối đa giá trị tài sản của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phải làm cho giới kinh doanh hiểu rõ và tập trung chú ý vào TSTT. Chính vì vậy, ông Kamil Idris, tổng giám đốc tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã khẳng định “Chiếm hữu và quản lý TSTT đang trở thành một yếu tố quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp” (SHTT-Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, trang 64).

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc quản lý SHTT, trước đây việc quản lý SHTT chỉ tập trung giới hạn trong các bộ phận pháp lý thì nay đang ngày càng được mở rộng nhiều hơn cho các bộ phận khác nhằm quản lý SHTT một cách tích cực và có hiệu quả hơn nữa. Để đáp ứng nhu cầu về quản lý SHTT một cách toàn diện và hiệu quả, các nước phát triển còn đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh việc đào tạo chuyên sâu về pháp luật SHTT trong một phạm vi hẹp cho những chuyên gia chuyên ngành, đào tạo về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT được chú ý đến trong mọi ngành nghề. Ví dụ, ở Singapore, các sinh viên ở trường đại học đều được trang bị kiến thức cơ bản về quyền SHTT cũng như tầm quan trọng của TSTT. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, những cựu sinh viên này đã xây dựng cho công ty của mình một chính sách SHTT riêng.

Tóm lại, đối với các nước phát triển, SHTT không còn là một vấn đề mới mẻ, chính vì vậy mà các doanh nghiệp tại những nước này nhận thức được rất rõ giá trị của TSTT. Từ đó họ có những đầu tư thích đáng mang tính chiến lược cho hoạt động SHTT, khai thác hiệu quả thông tin SHTT và quản lý tốt TSTT. Doanh nghiệp có một chính sách quản lý SHTT tốt không chỉ làm cho bản thân doanh nghiệp đó lớn mạnh mà nó còn góp phần làm cho nến kinh tế của quốc gia lớn mạnh hơn.

  • Kinh nghiệm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Hoa kỳ hiện nay vẫn là siêu cường số một về mặt kinh tế và quân sự. Điều này thể hiện qua việc Hoa kỳ sản xuất ra một lượng của cải bằng 1/4 GDP của thế giới trong khi dân số chỉ bằng 1/22 dân số toàn thế giới. Sở dĩ Hoa Kỳ thu được thành công như vậy là do Hoa Kỳ có được các doanh nghiệp mạnh, đi đầu trên thế giới trong việc tạo lập, phát triển và khai thác TSTT. Bản thân các doanh nghiệp của Hoa Kỳ nhận thức và đặt trọng tâm vào TSTT trong chiến lược phát triển của mình. Song song với việc tự tạo ra và khai thác TSTT, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ xây dựng được các quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả với các viện nghiên cứu và các trường đại học, nhờ đó hiệu quả kinh doanh TSTT tăng lên mạnh mẽ để luôn giữ vị trí số một trên thế giới.

Hệ thống nghiên cứu và phát triển ở Hoa kỳ bao gồm các cơ sở nghiên cứu trong các công ty, hàng trăm trường đại học và hơn 700 phòng thí nghiệm liên bang. Kinh phí đầu tư hàng năm cho hệ thống này hiện nay lên tới 400 tỷ USD.

Hoa kỳ hiện đã hình thành một hệ thống hợp tác rất chặt chẽ giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp. Một cột mốc quan trọng đánh dấu sự đột phá trong quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học và viện nghiên cứu là sự kiện thông qua Đạo luật Bayh-Dole. Năm 1980, trước lo ngại về sự giảm sút năng suất và sức ép cạnh tranh với Nhật Bản và Tây Âu, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Bayh-Dole, theo đó, lần đầu tiên các trường đại học, viện nghiên cứu được phép sở hữu đối với những kết quả nghiên cứu do chính quyền Liên bang hỗ trợ dưới hình thức là chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế. Chính từ đây, các trường đại học, viện nghiên cứu có cơ hội kiếm lợi nhuận từ việc cấp phép cho các công ty của Hoa kỳ sử dụng những sáng chế của mình và mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học ngày càng bền vững hơn vì dựa trên lợi ích chung và quan hệ đối tác cùng thắng (win-win partnership).

Trong mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, các trường đại học thực hiện việc nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, công nghệ mới, các loại máy móc, thiết bị mới, tức những TSTT được tạo thành. Từ đó, doanh nghiệp dựa trên vốn và kinh nghiệm kinh doanh của mình để thương mại hóa các kết quả được tạo ra. Đây chính là chìa khóa cho thành công của các hoạt động khai thác TSTT trong doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.

Song song với mối quan hệ đối tác cùng có lợi giữa doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu, Chính phủ cũng tích cực tạo môi trường thuận lợi để mối quan hệ đối tác này cũng như các hoạt động khai thác TSTT của doanh nghiệp hoặc trường đại học, viện nghiên cứu trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Nổi bật trong đó là chính sách ưu đãi về thuế đối với công tác nghiên cứu thử nghiệm công nghệ, theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện để đổi mới và đầu tư phát triển TSTT, qua đó đóng vai trò tạo động lực đổi mới công nghệ trong nền kinh tế.

Một yếu tố không thể không nhắc đến trong thành công của mối quan hệ đối tác doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học là yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao mà Hoa Kỳ đã dày công tạo ra. Chính phủ Hoa kỳ đã tập trung vào việc cải tiến hệ thống giáo dục của mình và đầu tư nhiều cho nên khoa học cơ bản, tỷ lệ đầu tư cho khoa học cơ bản của họ cao hơn nhiều nước để từ đó có được sự phát triển gấp nhiều lần khoa học ứng dụng với số lượng khổng lồ TSTT được tạo ra. Hoa Kỳ đã rất thành công trong việc sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của đội ngũ trí thức để tạo ra TSTT. Họ đã tạo ra được những cơ chế hữu hiệu, những phương tiện và điều kiện đầy đủ nhất có thể có để đội ngũ trí thức làm việc hết mình để tạo ra kết quả - TSTT cho nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng.

Một trong những yêu tố chính tạo nên tính năng động của nên KH&CN Hoa Kỳ là đường lối đặc sắc về chế độ hợp đồng. Phương thức hợp đồng trong KH&CN duy trì sự cạnh tranh thường xuyên giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm khác nhau, giữa các trung tâm khoa học khác nhau và giữa các nhà nghiên cứu khác nhau. Sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ còn thể hiện ở những con số ân tượng về đầu tư ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu. Ngay từ năm 1950 Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) ra đời để có kinh phí chi cho các chương trình nghiên cứu. Quỹ Khoa học Quốc gia được nhận 3% ngân sách nghiên cứu của Mỹ và Giám đốc cơ quan này được coi là cố vấn riêng của Tổng thống về chính sách KH&CN. Xuất phát từ ngân sách, sự hỗ trợ về tài chính cuối cùng cũng tìm được đường về với doanh nghiệp. Những đơn vị được phân bổ ngân sách có được sự độc lập và tính mục tiêu cao để có được nguồn ngân sách. Như vậy, với cơ chế tự chủ cao này, nên KH&CN Hoa kỳ nói chung và các trí thức Hoa kỳ nói riêng đã thấm nhuần tinh thần thực tiễn rất cao. Họ chỉ làm những gì mà thực tiễn thực sự cần. Một thực tiễn của Hoa Kỳ cho thấy phần lớn những nghiên cứu khoa học của Chính phủ Liên bang đều được tiến hành ngoài các phòng thí nghiệm của Chính phủ, mà cụ thể là của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Chính vì vậy, TSTT được tạo ra không bị quên lãng mà ngược lại được khai thác một cách tối đa và hiệu quả trong các doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ đứng hàng đầu thê giới với tỷ trọng tài sản vô hình mà chủ yếu là TSTT chiếm đến trên 90% tài sản của doanh nghiệp, tức hàng chục tỷ đô la.

  • Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản nổi tiếng từ lâu với nền kinh tế công nghệ cao dựa trên việc khai thác TSTT hiệu quả của các doanh nghiệp. Cuối thế kỷ XX các hoạt động tạo lập và khai thác TSTT được tăng tốc bởi chính sách chiến lược về quyền SHTT. Nhật Bản đi đầu thế giới trong việc xây dựng chiến lược SHTT quốc gia và triển khai hiệu quả chiến lược này trong phạm vi toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Chính từ chính sách này, các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển mạnh sang hoạt động dựa vào công nghệ cao và đầu tư cho các hoạt động tạo lập và khai thác TSTT, qua đó tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế Nhật Bản.

Để hỗ trợ và trong quá trình triển khai chiến lược quốc gia về SHTT, Nhật Bản đã ban hành các đạo luật mới nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống quy định về tạo lập và khai thác TSTT, điển hình là: Luật thúc đẩy chuyển giao công nghệ (1998), Luật đặc biệt nhằm khôi phục công nghiệp (nổi tiếng với tên gọi Luật Bayh-Dole của Nhật Bản) (1999), Luật liên quan đến tổ chức các trường đại học quốc gia (2003)... Điều quan trọng trong các đạo luật này là việc cho phép việc sở hữu hoặc khai thác các TSTT được tạo ra trong các hoạt động R&D. Chính vì vậy, doanh nghiệp của Nhật Bản có nhiều cơ hội trong việc khai thác TSTT. Điều này có nghĩa là chính sách của Nhật Bản đã khơi thông nguồn lực của các doanh nghiệp trong việc khai thác TSTT.

  • Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Chính sách đúng đắn của Hàn Quốc đã giúp nước này vươn lên trở thành một nước hàng đầu trên thế giới trong việc phát triển và khai thác TSTT thành công. Chìa khóa đầu tiên cho sự thành công là Luật Sáng chế Hàn Quốc (1961), trong đó thể hiện mạnh mẽ sự cam kết của Chính phủ đối với việc đầu tư vào các hoạt động R&D. Luật Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển đã được ban hành từ năm 1972 cho phép các cơ sở nghiên cứu bằng kinh phí của Chính phủ được sở hữu đối với các sáng chế được tạo ra. Đây chính là đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc khai thác TSTT, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại hóa TSTT. Như vậy, có thể nói rằng kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc trong việc khai thác TSTT chính là định hướng thị trường của các hoạt động nghiên cứu từ rất sớm, lấy trọng tâm trong nghiên cứu là khai thác thương mại. Khai thác thương mại đồng thời là mục tiêu cao nhất của các hoạt động R&D. Theo định hướng này, Hàn Quốc sau đó tiếp tục ban hành các quy định trong nhiều văn bản quan trọng, điển hình như: Luật về đổi mới KH&CN, Luật về thúc đẩy các doanh nghiệp mạo hiểm, Luật về thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hay Luật sửa đổi Luật Sáng chế... Với những quy định mới, các trường đại học có thể sở hữu các sáng chế được tạo ra trong trường đồng thời có điều kiện thuận lợi để thực hiện việc khai thác chúng trên cơ sở thành lập các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm. Các doanh nghiệp này sau đó sẽ gia nhập vào đội ngũ các doanh nghiệp thành công của Hàn Quốc trong khai thác TSTT.

  • Kinh nghiệm của CHLB Đức

Xuất phát từ đặc thù trong nền kinh tế Đức dựa trên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, các hoạt động tạo lập và khai thác TSTT có sự can thiệp đáng kể của Nhà nước, đặc biệt khi tư nhân không đầu tư đủ cho nghiên cứu ứng dụng và đổi mới đòi hỏi sự bao cấp của nhà nước và một cơ chế, chính sách và khung pháp lý đầy đủ để hỗ trợ tăng mức đầu tư tư nhân lên nhằm có thể khai thác đầy đủ những lợi ích xã hội từ TSTT được tạo ra. Ngoài ra, sức cạnh tranh quốc tế của Đức từ các sản phẩm công nghệ cao phụ thuộc nặng vào phát triển và phổ biến nhanh các công nghệ mới, tức phụ thuộc cao vào khả năng khai thác TSTT. Chính vì vậy, ngân sách của Đức năm 2010 dành cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 86,3 tỷ USD (bằng khoảng 2,6% GDP), trong đó khu vực doanh nghiệp đóng góp hai phần ba (66%).

Cũng giống như ở Hoa Kỳ, sự hỗ kinh phí nghiên cứu của Nhà nước là rất đáng kể ở Đức. Nhà nước đã tài trợ cho 15 trung tâm nghiên cứu quốc gia có tổng số nhân viên khoảng 24.000 người và ngân sách hàng năm 2,2 tỷ Euro (2004). Để tạo cú hích cho các hoạt động tạo lập và khai thác TSTT, Đức đã ban hành Luật về sáng chế ngày 18/1/2002, trong nhấn mạnh đến việc tăng cường quyền và đảm bảo lợi ích cho nhà sáng chế nhằm giải phóng sức sáng tạo và thúc đẩy các hoạt động khai thác sáng chế. Cụ thể, theo Đạo luật mới, nhà sáng chế được phép công bố sáng chế của họ miễn là họ thông báo cho cơ quan làm việc của họ hai tháng trước khi công bố, nhà sáng chế có thể sử dụng không độc quyền sáng chế mà họ tạo ra. Mặt khác, Đạo luật cũng đảm bảo quá trình khai thác được hiệu quả từ góc độ của trường đại học, theo đó trường đại học có thể giữa lại quyền đối với sáng chế để khai thác. Nhìn chung, việc sử dụng, khai thác TSTT ở Đức cuối cùng vẫn gắn với hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

  • Kinh nghiệm của Liên bang Nga

Thời gian qua, Nga đã có nhiều cải cách để thúc đẩy hệ thống nghiên cứu phát triển (R&D) và sau đó khai thác những kết quả theo cơ chế thị trường hiện đang được phát triển mạnh tại Nga. Chính phủ vẫn là nguồn tài trợ chính cho các hoạt động R&D và chiếm khoảng 65% tổng chi cho R&D của quốc gia. Với những cải cách gần đây, doanh nghiệp dần thay thế Nhà nước để đầu tư cho R&D. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp công và tư) thực hiện gần 2/3 khối lượng R&D, còn các viện nghiên cứu thuộc chính phủ chỉ thực hiện khoảng 30%. Các viện nghiên cứu của các trường đại học thực hiện phần còn lại 7%. Điều này có nghĩa là cơ chế, chính sách của Nga hướng mạnh đến phát triển các hoạt động liên quan đến ứng dụng TSTT bởi doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ cho phát triển nguồn TSTT và khai thác tài sản này trước tiên tập trung vào khía cạnh tài chính: Giảm thuế cho hoạt động R&D ban hành trong năm 2007; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ phát triển và cải tiến sản phẩm được miễn thuế; mở rộng diện các quỹ hỗ trợ R&D không nằm trong diện tính thuê; cho phép các tài sản cố định sử dụng trong R&D được áp dụng các điều kiện khâu hao nhanh hơn. Đặc biệt, việc miễn giảm thuế là một hình thức hỗ trợ cho các hoạt động R&D mà không phải hoạt động đầu tư trực tiếp như ở nhiều nước phương tây khác. Cụ thể như Luật Thuế mới của Nga các hoạt động R&D sử dụng kinh phí từ ngân sách của Nhà nước hoặc các quỹ ngoài ngân sách của các bộ, ngành và hiệp hội đều là đối tượng được miễn giảm thuế VAT; các hoạt động R&D do các trường đại học hoặc tổ chức nghiên cứu thực hiện theo hợp đồng cũng không phải chịu thuế VAT; hoạt động đối với sáng chế như khai thác sáng chế hay chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác và đối tượng của quyền tác giả không phải chịu thuế VAT; v.v..

Tháng 11/2005, Chính phủ Nga đã ban hành các quy định về sở hữu kết quả nghiên cứu được ngân sách tài trợ dựa trên kinh nghiệm của các nước nhằm tăng cường việc tạo ra và khai thác quyền SHTT. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức khoa học và giáo dục của Nhà nước được phép sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu mà họ tạo ra từ việc sử dụng ngân sách nhà nước. Ngược lại, Nhà nước bảo lưu quyền tự do sử dụng các kết quả này cho nhu cầu quốc phòng và an ninh của mình.

2.3. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CHỐNG LẠI CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM

Khi các TSTT được bảo vệ hiệu quả, các doanh nghiệp được tiếp thêm động lực để quyết định đầu tư, phát triển TSTT của mình và ngược lại, môi trường bảo vệ TSTT yếu kém sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp trong việc phát triển, khai thác TSTT. Việc bảo vệ TSTT chủ yếu thực hiện đối với quyền SHTT do trong số các loại TSTT công cụ bảo vệ về mặt pháp lý hầu như chỉ có đối với quyền SHTT.

Bảo vệ quyền SHTT trong các doanh nghiệp được thực hiện theo hai hướng: bảo vệ trong nội bộ doanh nghiệp và bảo vệ bên ngoài doanh nghiệp.

Bảo vệ trong nội bộ doanh nghiệp

Vấn đề bảo vệ quyền SHTT trong nội bộ doanh nghiệp rất đa dạng và khác nhau giữa các doanh nghiệp phụ thuộc vào đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô của hoạt động, phạm vi hoạt động, lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, ở đây vẫn có một số kinh nghiệm có thể khai quát chung. Điển hình là việc xây dựng quy chế quản lý quyền SHTT trong nội bộ doanh nghiệp. Tất cả các hoạt động liên quan đến đối tượng SHTT được định hình làm rõ và quy định cụ thể đối với toàn thể cán bộ, nhân viên. Những quy định này làm thành các quy trình tác nghiệp và những quy tắc xử xự trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền SHTT của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc bảo vệ quyền SHTT trong doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức bộ phận và cán bộ chuyên trách về SHTT. Ở những doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về SHTT và cán bộ chuyên trách về SHTT được đào tạo thì các hoạt động SHTT, từ tổ chức các hoạt động R&D đến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, được thực hiện hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất là nhận thức và sự chỉ đạo trực tiếp của những người quản lý cao nhất của doanh nghiệp. Chính sự nhận thức và chỉ đạo này tạo nên tính thống nhất trong hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ quyền SHTT nói riêng, các hoạt động đối với TSTT nói chung. Do vấn đề SHTT liên quan đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp nên nếu không có sự ủng hộ và chỉ đạo của người quản lý thì các cán bộ chuyên trách cũng như bộ phận chuyên trách về SHTT không thể thực hiện được.

Bảo vệ bên ngoài doanh nghiệp

Việc bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp khó khăn hơn với các đối tượng bên ngoài, kể cả đối tác lẫn đối thủ cạnh tranh và toàn bộ hệ thống bảo vệ quyền SHTT của mỗi nước.

Việc bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp trên thế giới là một nhiệm vụ khó khăn cả đối với các nước phát triển. Xuất phát từ đặc thù của quyền SHTT, các hoạt động bảo vệ được quy định thống nhất từ trung ương để thuận tiện cho việc quản lý và chỉ đạo, nhằm đạt hiệu quả cao, song nhiệm vụ bảo vệ quyền SHTT ở mỗi quốc gia được thực hiện tương đối đồng đều ở các khu vực và được tập trung hơn ở một số thành phố lớn nơi các vi phạm diễn ra nghiêm trọng nhất. Về cơ bản những cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ, các biện pháp, chế tài xử lý cũng được áp dụng tương đối thống nhất trên cả nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ở các thành phố lớn thuận lợi hơn và có cơ hội tốt hơn trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình. Với đặc thù này, việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như sau:

2.3.1. Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, việc bảo vệ quyền SHTT tốt cần bắt đầu từ sự nhận thức đúng đắn và sự quyết tâm của các cơ quan thực thi và của chính doanh nghiệp.

Nhận thức của các cơ quan chức năng về bảo vệ quyền SHTT

Do quyền SHTT có những đặc thù riêng: tầm quan trọng của các quyền này; khó khăn trong đảm bảo thực thi; tình trạng xâm phạm tràn lan; xung đột lợi ích quốc gia và quốc tế từ việc bảo hộ và thực thi… nên việc bảo vệ các quyền SHTT chỉ có hiệu quả khi có một sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về sự cần thiết phải bảo vệ quyền SHTT tại Trung Quốc. Cùng với việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Trung quốc, nhận thức về vấn đề này ngày càng trở nên rõ ràng và sâu sắc. Trung Quốc thực hiện việc bảo vệ quyền SHTT dựa trên sự huy động rộng rãi tất cả các lực lượng của xã hội để tăng tính hiệu quả mà nòng cốt là các cơ quan thực thi. Doanh nghiệp nắm quyền SHTT và nếu các quyền này và lợi ích liên quan bị vi phạm có thể khởi kiện tại Tòa án Nhân dân theo luật định và nhận được sự bảo hộ về mặt tư pháp thực tế và hiệu quả. Đồng thời, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống các biện pháp mang tính dân sự, hành chính và hình sự và được thực hiện bởi hệ thống các cơ quan rộng khắp từ trung ương đến cơ sở.

Các cơ quan tham gia bảo vệ quyền SHTT ở Trung Quốc khá nhiều và tạo thành một hệ thống phức tạp. Trên cơ sở bản chất của hoạt động, các cơ quan này có thể chia thành 2 nhóm: các cơ quan tư pháp và các cơ quan hành chính.

Các cơ quan tư pháp: Các cơ quan tư pháp tham gia bảo vệ quyền SHTT tạo thành hệ thống Tòa án thống nhất. Đây là hệ thống cơ quan có vai trò tối quan trọng và có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng đối với các vụ, việc liên quan đến quyền SHTT. Hệ thống Tòa án gồm 4 cấp: Tòa án Nhân dân tối cao; các Tòa án Nhân dân cấp cao (High People's Courts) của các Tỉnh; các Tòa án Nhân dân cấp trung (Intermediate People's Courts) của các thành phố lớn; và các Tòa án Nhân dân cấp đầu tiên (Primary People's Courts) được tổ chức tại các quận huyện.

Khi nhận thức được bản chất đặc trưng của các vụ án về quyền SHTT và bản chất tiên tiến của các công nghệ gắn với các quyền này, năm 1992 Tòa án Nhân dân tối cao đã chấp nhận cho tổ chức trong cơ cấu của Tòa án Nhân dân ở một số tỉnh và thành phố tự trị trực tiếp trực thuộc Chính phủ trung ương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến và Hải Nam Tòa SHTT để đáp ứng nhu cầu của các khu vực này. Sang năm 1993, nhiều Tòa án nỗ lực thiết lập Tòa SHTT bên cạnh các Tòa Dân sự, Hình sự và Hành chính để chuyên môn hóa trong giải quyết các vụ việc về SHTT. Tòa án Nhân dân tối cao thành lập Tòa này vào tháng 10 năm 1996 với tên gọi là Tòa (Bộ phận) Dân sự số 3. Việc tăng cường của các Tòa án đối với giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền SHTT, cũng như tối ưu hóa hệ thống Tòa án là những đảm bảo quan trọng cho việc giải quyết các vụ việc của Tòa án Nhân dân chính xác và hiệu quả. Đến cuối năm 2000, Tòa này được thành lập tại Tòa án Nhân dân cấp cao Bắc Kinh và tại 13 Tòa án Nhân dân cấp cao khác như Thượng Hải, Quảng Đông...

Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân cấp trung ở tất cả các khu vực kinh tế đặc biệt, cũng như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng thiết lập các Tòa SHTT. Tòa án Nhân dân cấp trung ở các thành phố thủ phủ của các tỉnh khác, thành phố và vùng tự trị cũng thiết lập các Bộ phận chuyên trách đối với các vụ án liên quan đến bảo hộ quyền SHTT. Cho đến năm 2000, Tòa SHTT đã được tổ chức tại 30 Tòa án Nhân dân cấp trung ở các thành phố như: Thâm Quyến, Nam Ninh; và 4 Tòa án Nhân dân cấp đầu tiên ở các khu phát triển kinh tế công nghệ cao.

Đến nay, khuynh hướng thành lập Tòa chuyên trách về SHTT tiếp tục được củng cố và có thể mở rộng ra tất cả các Toà án Nhân dân cấp cao và cấp trung.

Tòa án ở Trung Quốc không có quyền lập pháp, tuy nhiên theo Hiến pháp, Tòa án Nhân dân tối cao có thẩm quyền giải thích luật khi cần thiết (Thông tư, Thông báo, Ý kiến) và những giải thích này được áp dụng như luật. Những giải thích này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền SHTT ở Trung Quốc. Đến cuối năm 2001, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành 27 giải thích về mặt tư pháp trực tiếp liên quan đến SHTT, 22 trong đó vẫn còn hiệu lực.

Các cơ quan hành chính: Hoạt động tích cực bảo vệ quyền SHTT của các cơ quan hành chính là một đặc thù lớn của hệ thống thực thi quyền SHTT của Trung Quốc. Khác với nhiều nước, các vụ việc dân sự (tranh chấp quyền, xâm phạm quyền) được giải quyết bởi Tòa án, Trọng tài và người trung gian hòa giải, một số lượng lớn các vụ việc như vậy ở Trung Quốc có thể được giải quyết bởi các cơ quan hành chính về SHTT được chỉ định. Đó là các cơ quan sau:

+ Văn phòng Sáng chế (patent) Nhà nước và các Văn phòng Sáng chế địa phương được tổ chức ở các thành phố lớn để giải quyết các vụ việc về sáng chế;

+ Cơ quan Quản lý công thương được thành lập ở tất cả các cấp, từ cấp trên của quận, huyện để giải quyết các vụ việc liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa;

+ Cơ quan Nông lâm được tổ chức từ trên cấp tỉnh cho các vụ việc về giống cây trồng mới; và

+ Cơ quan Sáng chế nhà nước có chức năng đối với các vụ việc liên quan đến mạch tích hợp.

Các cơ quan hành chính về quyền SHTT thực hiện chức năng và thẩm quyền nhằm bảo vệ luật và trật tự trong lĩnh vực SHTT, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, làm trung gian hòa giải, giải quyết các trường hợp kể cả những vi phạm quyền SHTT, và bảo vệ lợi ích của quảng đại quần chúng, đảm bảo môi trường kinh tế xã hội tốt.

Các cơ quan hành chính tích cực điều tra các trường hợp xâm phạm quyền SHTT nghiêm trọng theo yêu cầu của người nắm quyền và trên cơ sở trách nhiệm hành chính đối với các vi phạm được quy định trước. Đó là các hành vi sao chép trái phép, làm hàng giả hoặc các hành vi làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.

Hải quan cũng có thể coi là một cơ quan hành chính tham gia bảo vệ quyền SHTT. Ngày 1 tháng 10 năm 1995, Quy chế quản lý việc bảo vệ của Hải quan đối với quyền SHTT của Hội đồng Nhà nước có hiệu lực. Quy chế đáp ứng các yêu cầu cơ bản của Hiệp định TRIPs theo các nội dung: phạm vi bảo vệ quyền SHTT bởi Hải quan; quy định cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; thẩm quyền điều tra và xử phạt của Hải quan đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT; đặc biệt là thành lập hệ thống tập trung hóa các quyền SHTT đăng ký tại Hải quan (Centralized IPR Recordation System (CIPRS) - Hiệu quả của hệ thống này thể hiện qua việc thu giữ hàng hóa vi phạm tại Hải quan các cảng chủ yếu dựa trên thông tin của hệ thống này hơn là dựa vào thông tin của người nắm giữ quyền.

Ngoài ra, một số cơ quan hành chính khác cũng có thể tham gia xử lý một số các vi phạm riêng lẻ về SHTT bao gồm: Bộ Công an và các Cơ quan Công an địa phương; Cơ quan quốc gia về giám sát chất lượng; Thanh tra và Kiểm dịch Nhà nước và các cơ quan giám sát kỹ thuật địa phương; Bộ Văn hóa và các Cơ quan Văn hóa địa phương;...

Vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT

Việc bảo vệ quyền SHTT sẽ hiệu quả nhất khi có sự tham gia của chính doanh nghiệp có các quyền tương ứng bị xâm phạm. Chính vì vậy, Trong năm 2003, Chính phủ Trung Quốc tiến hành xây dựng cơ chế hợp tác và liên lạc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm hoàn thiện hơn môi trường đầu tư nước ngoài, tăng cường đấu tranh với các vi phạm, hàng giả và hàng kém chất lượng, qua đó tăng cường hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Đứng đầu phối hợp trong cơ chế này là Cơ quan quốc gia về Chỉnh đốn và Tiêu chuẩn hóa trật tự kinh tế thị trường và có sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Cơ quan Công thương Nhà nước, Cơ quan Nhà nước về Thanh tra chất lượng, Cơ quan Nhà nước về Thông tin và Xuất bản, Văn phòng kiểm soát thực phẩm và dược phẩm, Cơ quan SHTT Nhà nước, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, và Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Trung Quốc. Cơ chế này tạo ra sự liên hệ thường xuyên với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thu thập các thông tin về các vấn đề và các khuyến nghị đối với việc đấu tranh chống hàng giả; bảo vệ quyền SHTT; cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài. Thông qua cơ chế này, các cơ quan thực thi đẩy nhanh việc hợp tác trong đấu tranh chống vi phạm đối với quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đã đạt được những kết quả đáng kể.

Các biện pháp bảo vệ TSTT

  • Biện pháp hành chính:

Bảo vệ quyền SHTT ở Trung Quốc theo các thủ tục hành chính rất đơn giản và thuận tiện. Các vụ án được nhanh chóng chuyển cho những cán bộ có thẩm quyền để giải quyết, việc điều tra có thể được thực hiện ngay sau đó và do đó hiệu quả đạt được sẽ cao.

Trong số các cơ quan hành chính tham gia bảo vệ quyền SHTT, các Cơ quan Công thương đóng vai trò rất quan trọng trong phối hợp với các chi nhánh địa phương của các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng tiến hành chiến dịch cao điểm đấu tranh với các vi phạm các thương hiệu nổi tiếng.

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính bảo vệ quyền SHTT tại biên giới của Trung Quốc là Hải quan. Cơ quan này đã có nhiều nỗ lực để mọi người tin rằng thương mại bất hợp pháp các hàng hóa vi phạm quyền SHTT gây nguy hại cho thị trường cạnh tranh lành mạnh trong nước và cả uy tín quốc tế của Trung Quốc. Để thực hiện nghĩa vụ của mình, Hải quan cố gắng tránh việc thu giữ thông qua tăng cường khám xét đối với việc vận chuyển. Thay vào đó, Hải quan Trung Quốc sử dụng hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích rủi ro để đấu tranh với các chuyến vận chuyển bị nghi ngờ. Bên cạnh đó, trong tháng 9 năm 2004 Hải quan Trung Quốc đã thiết lập hệ thống báo cáo và điều tra về quyền SHTT trực tuyến để phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và những người nắm quyền.

Đấu tranh với các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến SHTT không thể thiếu hoạt động của cảnh sát. Ngoài các hoạt động thường xuyên đấu tranh chống các tội phạm về SHTT, Cơ quan Cảnh sát thường tổ chức các chiến dịch, tập trung đấu tranh với các tội phạm nếu thấy có dấu hiệu phát triển.

Để hoạt động bảo vệ quyền SHTT của các cơ quan chức năng thu được kết quả thì cần sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ từ phía những người nắm quyền, đặc biệt là các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã có những hoạt động phù hợp để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, giúp họ có những biện pháp bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả nhất.

  • Biện pháp dân sự

Trung Quốc tạo các điều kiện cần thiết cho hoạt động hiệu quả của hệ thống Tòa án, trong đó chú trọng đến việc quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh và có thể áp dụng nhanh chóng đáp ứng yêu cầu đa dạng về bảo vệ các quyền SHTT trong thực tế. Ví dụ, để bảo vệ quyền tác giả, Trung Quốc thường áp dụng các biện pháp hình sự và dân sự. Những người nắm quyền tác giả khi các quyền của mình bị vi phạm có thể sử dụng các biện pháp dân sự, gồm cả phạt tiền, các biện pháp khẩn cấp tạm thời, phá hủy các sản phẩm vi phạm và công bố các quyết định của Tòa án. Khi thiệt hại thực tế khó có thể đánh giá, Tòa án sẽ xác định tổng thiệt hại dựa trên mức độ nghiêm trọng của vi phạm và lỗi của bị đơn trong khoảng 10.000 đến 300.000 Nhân dân tệ (khoảng từ 1.200 đến 36.000 US $). Hoạt động của Tòa án nhằm bảo vệ quyền SHTT khá tích cực trên cả ba góc độ: xét xử dân sự (kinh tế), hành chính và hình sự. Trong đó, giải quyết các vụ án dân sự (kinh tế) đang ngày càng giữ vị trí quan trọng.

  • Biện pháp hình sự:

Hoạt động giải quyết các vụ án hình sự của Tòa án Trung Quốc được chú trọng trong những năm qua. Theo Luật Tố tụng hình sự (năm 1996) và các giải thích tư pháp liên quan, người tố cáo có thể báo tin tội phạm về SHTT cho cảnh sát. Cảnh sát có nghĩa vụ mở hồ sơ vụ án để điều tra và truy tố. Người tố cáo có thể kiện trực tiếp tại Tòa án và Tòa án phải thụ lý và xem xét vụ án, trừ các vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự xã hội và lợi ích quốc gia. Nếu Tòa án xác định rằng không có đủ chứng cứ cho việc truy tố hình sự và sự tố cáo có thể được cảnh sát tiếp nhận, trong trường hợp này, Tòa án sẽ chuyển cho cảnh sát. Đơn khởi kiện dân sự có thể được nộp kèm theo với các vụ án hình sự này. Trong thời gian tranh tụng dân sự về xâm phạm SHTT, nếu Tòa án phát hiện ra tội phạm SHTT đã được thực hiện thì Tòa án sẽ chuyển cho cảnh sát để điều tra tiếp. Nếu cơ quan quản lý về SHTT phát hiện ra tội phạm SHTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, họ phải chuyển vụ án cho cảnh sát. Các cơ quan này không được đơn giản chỉ phạt tiền và bỏ qua cho đối tượng phạm tội.

Các quy định nội dung của các tội phạm về SHTT khá rõ ràng và cụ thể. Mục 7 của Luật Hình sự năm 1997 xác định 7 dạng hành vi xâm phạm quyền SHTT, cụ thể như giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký; giả mạo sáng chế; xâm phạm quyền tác giả, bí mật kinh doanh; bán các tác phẩm sao chép bất hợp pháp; làm giả hoặc sản xuất không được phép hoặc bán các sản phẩm mang nhãn hiệu hoặc dấu hiệu đã đăng kýv.v. Tuy nhiên, trong số này không có các chế tài hình sự đối với các hành vi xâm phạm sáng chế chung. Các hình phạt được quy định khá nghiêm khắc. Đối tượng thực hiện tội phạm về SHTT có thể bị xử phạt tù dưới 7 năm tù hoặc quản chế hình sự, với phạt tiền hình sự, hoặc phạt tiền hình sự được quyết định riêng.

Mặc dù Luật Hình sự có nhiều nỗ lực để làm rõ các hành vi phạm tội liên quan đến SHTT, nhưng đối với lĩnh vực phức tạp này vẫn phải để lại nhiều vấn đề, nhất là các tiêu chuẩn chi tiết cho các Tòa án quyết định trong các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân tối cao cũng tích cực tham gia giải thích các quy định của Luật Hình sự như “bản chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng bán hàng tương đối lớn và lớn” hoặc “một số lớn thu nhập bất hợp pháp”.

Cho đến nay, Tòa án Nhân dân tối cao vẫn chưa ban hành đày đủ các giải thích liên quan. Đây là một khó khăn đối với các hoạt động xét xử của Tòa án Trung Quốc trong thời gian qua.

Để tăng cường ý nghĩa giáo dục của hoạt động xét xử, Các Tòa án Nhân dân lựa chọn các vụ án điển hình và đưa xét xử trước công chúng, tiến hành các chiến dịch thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hiệu quả xã hội không thể phủ nhận đạt được với các hoạt động giáo dục của các biện pháp trên.

2.3.2. Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

Quyền SHTT tại Mỹ, nhất là tại New York được coi là có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu tính giá trị thực tế của quyền SHTT bị xâm phạm cũng được xếp thứ hạng cao trên thế giới. Nghịch lý này thực ra rất đơn giản và nằm ở mức sống cao và sự phát triển kinh tế của Hoa Kỳ.

Sự tác động của tình trạng xâm phạm quyền SHTT đến Thành phố New York là vô cùng to lớn. Theo đánh giá của Văn phòng Giám sát trưởng Thành phố, trong năm 2003 23 tỷ đô la đã được dùng mua hàng giả tại Thành phố New York, trong khi con số này tại Bang New York (không kể Thành phố New York) và cả nước lần lượt là 34 tỷ và 287 tỷ. Số liệu này cho thấy thiệt hại của các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ bị thiệt hại đến mức độ nào liên quan đến TSTT. Hoạt động thương mại trái phép này đã cướp đi của Thành phố New York nói riêng khoảng 1 tỷ US$ tiền thuế, và của cả nước là hàng chục tỷ đô la tiền thuế. Điều quan trọng nhất là nếu không cải thiện được tình trạng bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp thì những thiệt hại này tiếp tục tăng và doanh nghiệp sẽ bị suy yếu và ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh. Điều này có thể dễ nhận thấy qua một ví dụ nhỏ. Kẻ cầm đầu một nhóm tội phạm gốc Việt thực hiện hoạt động giết người thuê đã thú nhận kiếm được 13 triệu dollars từ việc bán đồng hồ giả hiệu Rolex và Cartier tại khu Chinatown của Thành phố New York cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Những nguyên nhân khiến tình trạng xâm phạm quyền SHTT qua hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng giả có nhiều, song những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn còn không nhỏ ở Hoa Kỳ là:

+ Lượng hàng vận chuyển đến và đi rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ đô la mỗi năm và Hoa Kỳ là thị trường số một trên thế giới.

+ Hoa Kỳ là thị trường có khả năng sinh lợi cao cho hàng giả vì thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ trong nhóm đầu của thế giới;

+ Hoa Kỳ có có thuế tiêu thụ cao làm tăng giá các hàng hóa bán lẻ hợp pháp;

+ Hoa Kỳ là nước có dân số đông và một lượng lớn du khách (hàng năm có khoảng gần 50 triệu du khách, trong đó có khoảng 5 triệu du khách nước ngoài) làm phát sinh nhu cầu cao cả đối với hàng hóa hợp pháp và cả đối với hàng giả.

Bảo vệ quyền SHTT tại Hoa Kỳ chủ yếu thông qua việc giải quyết theo trình tự dân sự hoặc hình sự với trụ cột là hệ thống Tòa án. Tuy nhiên, Chính quyền Liên bang và của từng Bang cho rằng vẫn cần thiết nghiên cứu hệ thống biện pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. Những biện pháp này và kinh nghiệm triển khai trong thực tế là những bài học rất tốt cho các nơi khác. Điển hình như tại New York, Văn phòng Giám sát trưởng Thành phố đã xây dựng hệ thống các đề xuất giúp việc thực thi, đặc biệt là bảo vệ các quyền SHTT cho có hiệu quả, và bao gồm:

+ Xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ cho ngành công nghiệp gồm cả các đại diện của Bang New York, Thành phố New York và Chính phủ Liên bang;

+ Khuyến khích các sáng tạo trong nghiên cứu SHTT và gắn các trung tâm đào tạo với các viện công lập hay tư nhân;

+ Tăng cường giáo dục và sự hiểu biết của công chúng liên quan đến hàng giả, cũng như những quy định về thực hiện để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết khi họ mua hàng của những người kinh doanh trên đường phố;

+ Mở rộng các lợi ích và kỹ thuật tiên tiến của công nghiệp trí tuệ chống làm giả phổ biến như ứng dụng các kỹ thuật được sử dụng trong công nghiệp âm nhạc cho các ngành công nghiệp khác;

+ Tăng cường thực thi các quy định của pháp luật chống công nghiệp làm giả như các quy định bắt buộc về an toàn áp dụng với các cửa hàng bán lẻ;

Đề xuất đầu tiên gắn với việc bảo hộ quyền SHTT trong các doanh nghiệp vì sự hợp tác giữa Thành phố và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn hàng giả. Việc triển khai đề xuất này có vai trò rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ vi phạm này. Một số cơ chế hỗ trợ quan trọng tồn tại có thể trợ giúp một cách cơ bản các công ty tư nhân kiểm soát và phòng ngừa hàng giả, cụ thể:

+ Các tổ chức quốc tế như Bộ phận dịch vụ liên quan đến tội phạm thương mại của Phòng Thương mại quốc tế đã phát triển các kỹ thuật tiên tiến giúp nhận dạng hàng giả, cung cấp các cơ sở dữ liệu của các nhà sản xuất và phân phối hàng giả;

+ Các liên minh công nghiệp rộng rãi như Hiệp hội Công nghiệp ghi âm hay Hiệp hội phim ảnh Mỹ thực hiện hoạt động tập huấn cảnh sát nhận biết hàng giả và khám phá các nguồn hàng giả để trợ giúp các cơ quan thực thi pháp luật về SHTT;

+ Các tổ chức công ty cá nhân trong lĩnh vực trang phục, nữ trang và các ngành công nghiệp khác thực hiện việc thuê điều tra và đại diện làm việc về thực thi pháp luật về SHTT.

2.3.3. Kinh nghiệm bảo vệ TSTT của doanh nghiệp tại CHLB Đức

Bảo vệ quyền SHTT tại CHLB Đức khá tốt. Những kết quả đạt được dựa trên một điểm ưu việt của hệ thống bảo vệ quyền SHTT của Đức là hoạt động tranh tụng hiệu quả trong hoạt động của hệ thống Tòa án. Phần lớn các tranh chấp về vi phạm đối với sáng chế dẫn tới việc xét xử. Hơn 50% tất cả các vụ án về sáng chế ở châu Âu được bắt đầu tại các Tòa án của Đức. Các Quyết định của các Tòa án Đức về vi phạm và hiệu lực của văn bằng được công nhận là quan điểm có hiệu lực được đưa ra bởi các cơ quan có thẩm quyền không chỉ trong phạm vi của nước Đức, mà còn cả ở nước ngoài.

Hệ thống Tòa án thực hiện xét xử dân sự của Đức được tổ chức rất chặt chẽ và gồm các cấp sau:

+ Tòa án địa phương (Amtsgerichte) có thẩm quyền đối với các vụ kiện tụng mà giá trị của yêu cầu đến 10.000 Eu.;

+ Tòa án Khu vực (Landgerichte) là tòa có nhiệm vụ giải quyết sơ thẩm đối với các vụ án mà yêu cầu vượt trên 10.000 Eu.;

+ Tòa án trên cấp Khu vực (Oberlandesgerichte) nhận và giải quyết sơ thẩm các Quyết định của Tòa án cấp dưới;

+ Cuối cùng, Tòa án Tối cao Liên bang Đức (Bundesgerichtshof) đặt tại Karlsruhe sẽ giải quyết các kháng cáo, kháng nghị của các Tòa cấp dưới.

Nước Đức có truyền thống xây dựng Tòa án chuyên trách trong lĩnh vực SHTT. Điều này đã tạo nên ưu thế theo đó các bên tranh tụng có thể dựa vào các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý rất phức tạp - lĩnh vực SHTT. Tiếp nữa, nguyên đơn và bị đơn có thể tránh được việc tiêu tốn thời gian không cần thiết cho kháng cáo và giải quyết phúc thẩm. Thiết lập các tòa án chuyên trách về SHTT về mặt kỹ thuật có hiệu quả thông qua việc tập trung thẩm quyền vào một số nhỏ Tòa án Khu vực đặc biệt (Landgerichte) với tư cách là các tòa sơ thẩm mà nguyên đơn có thể khởi kiện. Bên cạnh đó, Đức còn tổ chức Tòa án đặc biệt hỗ trợ giải quyết một số dạng vụ việc đặc thù cho phù hợp với bản chất của các vụ việc này. Tòa án Sáng chế Liên bang tại Munich có thể được coi là Tòa án đặc biệt đó. Tòa án này về bản chất, nửa là tòa dân sự, nửa là tòa hành chính. Tòa án này là Tòa án cấp trên Khu vực và các Quyết định của nó có thể được kháng cáo tại Tòa án Tối cao Liên bang Đức.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Các Tòa án chuyên trách của Đức được phân chia phụ thuộc vào các đối tượng của quyền SHTT. Các Tòa án khu vực đặc biệt (Landgerichte) thực hiện việc xét xử sơ thẩm đối với các vấn đề liên quan đến sáng chế (tương tự đối với mẫu hữu ích); nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; quyền tác giả.

Với vai trò chủ đạo trong bảo vệ quyền SHTT tại CHLB Đức, Tòa án có thẩm quyền quyết định các biện pháp có tính chất khác nhau. Yêu cầu đối với việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được nộp cho Tòa án Khu vực có thẩm quyền, nếu được chấp nhận thì biện pháp được áp dụng rất nhanh, chỉ trong vài ngày. Các biện pháp này thường được cho phép khi hiệu lực của Văn bằng bảo hộ được khẳng định bởi cơ quan có thẩm quyền (tức Cơ quan Sáng chế châu Âu hoặc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đức), và vi phạm là rõ ràng và hiển nhiên.

Tóm lại, với hệ thống Tòa án chuyên trách được tổ chức tốt và hiệu quả như trên, các doanh nghiệp ở Đức có được một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền sở hữu của mình đối với sáng chế mà khó có nơi có được. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp tại Đức có được các hoạt động đầu tư cho phát triển TSTT và thành công trong khai thác TSTT vào hàng đầu thế giới và qua đó củng cố vị trí cường quốc xuất khẩu của Đức.

2.3.4. Bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp tại Thái Lan

Cũng giống như các nước trong khu vực có cùng trình độ phát triển, tình hình bảo vệ quyền SHTT chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc xâm phạm quyền SHTT còn xảy ra khá phổ biến. Trước thực trạng đó, Thái Lan bắt tay vào đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền SHTT phục vụ phát triển của các doanh nghiệp. Ngày 1 tháng 4 năm 1997, nhóm làm việc liên cơ quan (Văn phòng của Ủy ban hỗn hợp về đấu tranh với các vi phạm quyền SHTT) bắt đầu hoạt động. Nhóm làm việc chỉ đạo Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan dành ưu tiên hàng đầu cho thực thi các quyền SHTT. Thêm vào đó, các bước tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kiểm soát của Bộ phận điều tra các tội phạm kinh tế cũng được thực hiện, kể cả việc bổ nhiệm chỉ huy trưởng của Bộ phận này nhằm tăng cường những sáng kiến chống nạn sao chép lậu.

Chính phủ Hoàng gia Thái Lan liên tục và bền bỉ thực hiện một cách có hệ thống các biện pháp đấu tranh với các vi phạm quyền SHTT trên tất cả các phương diện. Nỗ lực này của Thái Lan đã được đền đáp đầy đủ. Hoạt động bảo vệ quyền SHTT tại đây đã thu được nhiều kết quả và dần đi vào nền nếp.

Các cơ quan tham gia vào hoạt động thực thi quyền SHTT của Thái Lan bao gồm: Cơ quan SHTT Thái Lan; Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; Cục Hải quan; Cục Điều tra đặc biệt; và cơ quan tư pháp là Bộ Tư pháp và Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế trung ương. Thẩm quyền của các cơ quan này được quy định khá rõ ràng:

+ Cơ quan SHTT Thái Lan thông qua Văn phòng Phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm quyền SHTT thực hiện nhiệm vụ phối hợp toàn bộ hoạt động của các cơ quan thực thi quyền SHTT;

+ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan thực hiện hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với các tội phạm quy định trong luật hình sự và luật SHTT. Những Bộ phận thực hiện chức năng này của Cảnh sát là Phòng đấu tranh với tội phạm công nghệ và kinh tế, và cảnh sát địa phương;

+ Cục Hải quan là cơ quan giám sát và ngăn chặn hoạt động vận chuyển theo thẩm quyền và theo yêu cầu của người nắm quyền đối với hàng hóa vi phạm;

+ Cục Điều tra đặc biệt giải quyết các vụ án hình sự đặc biệt.

Bên cạnh đó, một lực lượng thực hiện nhiệm vụ cơ động được thành lập để thực hiện các cuộc truy quét và bắt giữ sản phẩm sao chép lậu tại các khu vực của Bangkok.

Các cơ quan chức năng của Thái Lan tham gia bảo vệ quyền SHTT trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất; phân phối; và xuất khẩu, nhập khẩu. Về sản xuất, các cơ quan này giám sát chặt chẽ các hoạt động dễ bị lợi dụng để xâm phạm quyền SHTT như việc cấp giấy phép đối với việc nhập khẩu các máy móc sản xuất đĩa CD và giám sát quy trình sản xuất đĩa CD. về phân phối, Cục SHTT phối hợp với Cảnh sát và đại diện của những người nắm quyền SHTT trong đấu tranh chống lại các vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến sao chép trái phép, ở những nơi mà các doanh nghiệp có quyền đã chỉ ra. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhằm tằng cường bảo vệ quyền SHTT.

Triết lý thường thấy trong hoạt động bảo vệ quyền SHTT của Thái Lan là dành ưu tiên cho các cuộc truy quét của cảnh sát, coi các quyền SHTT như những “quyền công”. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của Thái Lan đã chỉ ra rằng, nếu các thủ tục bảo vệ quyền SHTT được quy định đầy đủ dành cho các “quyền tư”, hiệu quả và hoạt động tư pháp có hiệu quả và thông tuệ, thì thủ tục xét xử dân sự có thể tốt và thậm chí tốt hơn so với thủ tục hành chính và hình sự. Với nỗ lực rất lớn của Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại, Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế (Intellectual Property and International Trade Court) đã được thành lập giúp cho hoạt động bảo vệ các quyền SHTT. Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế trung ương chính thức ra mắt vào ngày 1 tháng 12 năm 1997. Đây là Tòa án chuyên trách đối với các vấn đề SHTT, tuy nhiên theo lý giải của các nhà chuyên môn của Thái Lan, các vấn đề thương mại quốc tế được kết hợp trong Tòa này cũng dễ dàng để tiếp cận và giải quyết hơn. Tòa án mới này ra đời với nhiều điểm mới và đặc trưng nổi bật:

+ Việc sử dụng rộng rãi các Quy tắc của Tòa làm tăng tính hiệu quả của cơ quan tư pháp (tòa án). Có lẽ đây là quan điểm về cách tiếp cận duy nhất của Hệ thống luật chung để giải quyết các vấn đề “dân sự”;

+ Thẩm quyền xét xử chuyên biệt cả về dân sự lẫn hình sự đối với việc thực thi các quyền SHTT trên toàn quốc;

+ Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán, trong đó 2 thẩm phán chuyên nghiệp có kinh nghiệm trong các vấn đề SHTT và thương mại quốc tế. Thẩm phán thứ ba là người không chuyên về SHTT và thương mại quốc tế. Cách tổ chức hội đồng xét xử như vậy là sự đảm bảo kép của chuyên môn hóa.

+ Đây là lần đầu tiên ở Thái Lan lệnh Anton Piller được quy định. Đây là một dạng đặc biệt của Quyết định sơ bộ theo thẩm quyền của tòa án, và được áp dụng ở nơi có nguy cơ hiện thực khi bị đơn có thể tìm cách hủy bỏ các sản phẩm vi phạm và các tài liệu liên quan đến hoạt động vi phạm của họ. Với lệnh Anton Piller, cùng với việc ban hành Quyết định chống lại bị đơn, Tòa án còn ra lệnh cho bị đơn cho phép nguyên đơn (luật sư của nguyên đơn) vào các cơ sở của mình để tìm kiếm, kiểm tra, thu thập những sản phẩm vi phạm và các tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm của bị đơn. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp tố tụng dân sự trước xét xử hỗ trợ hoạt động xét xử được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả và công bằng;

+ Cho phép xem xét chứng cứ ở ngoài Tòa án qua truyền hình, kể cả ở hải ngoại, theo yêu cầu;

+ Việc xét xử cả ngày và tiếp diễn được phép thực hiện và có hiệu quả tích cực hơn so với thủ tục xem xét từng phần trước đó;

+ Việc sử dụng lời khai làm chứng và lời khai có tuyên thệ của các nhân chứng có ý nghĩa tích cực đối với vụ án;

+ Có thể yêu cầu và ra lệnh nhanh chóng đối với các Quyết định sơ bộ;

+ Khả năng xem xét và thẩm định các chứng cứ của người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan;

+ Có thể sử dụng thủ tục “nhảy cóc” ở nơi việc kháng cáo trực tiếp thuộc Ban SHTT và Thương mại quốc tế của Tòa án Tối cao. Đây là cố gắng nhằm tránh sự chậm trễ;

+ Với sự đồng ý của các bên, các chứng cứ dạng tư liệu bằng tiếng Anh không liên quan đến các nội dung chính của tranh chấp có thể không phải dịch ra tiếng Thái;

+ Khả năng áp dụng việc xét xử có sử dụng camera trong các vụ án thích hợp nhằm bảo vệ các quyền SHTT hoặc tránh thiệt hại cho hoạt động kinh doanh quốc tế của các bên;

+ Khả năng mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vấn đề khác bởi các quy định bổ sung tiếp theo.

Khi thực hiện triết lý mới về thực thi quyền SHTT bằng thủ tục dân sự với tư cách là những “quyền tư”, thì đồng thời có những tiến bộ trong luật và thực tiễn của Thái Lan về SHTT nhằm bảo vệ các quyền SHTT như “các quyền công”, đó là:

+ Các hình phạt dành cho các vi phạm đối với quyền SHTT nặng hơn. Hình phạt cao nhất đối với vi phạm quyền tác giả vì mục đích thương mại có thể đến 4 năm tù hoặc phạt tiền đến 800.000 Baht (20.000 US$), hoặc cả hai. Đây là hình phạt khá nặng khi so sánh với hình phạt cho tội trộm cắp mà có mức phạt cao nhất là 3 năm tù và 6000 Baht tiền phạt;

+ Hình phạt có thể tăng gấp đôi đối với những người tái phạm với cùng tội đó trong vòng 5 năm;

+ Một nửa của tiền phạt được trả cho người nắm quyền SHTT;

+ Bên cạnh tiền phạt nhận được, người nắm quyền vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;

+ Sự phân chia trong thực thi luật: hiện nay, không chỉ cảnh sát mà cả nhân viên của Cục SHTT cũng có thể cho phép tìm kiếm để thực hiện các cuộc truy quét. Điều này làm giảm bớt khả năng tiết lộ bí mật trong các cuộc truy quét;

+ Những người nắm quyền SHTT có thể yêu cầu Quyết định sơ bộ hoặc lệnh Anton Piller trước khi khởi kiện dân sự hoặc trong những trường hợp đặc biệt trước khi tiên hành việc kêt tội cá nhân trong một vụ án hình sự.

Như vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến SHTT bằng Tòa án SHTT và Thương mại quốc tế thể hiện tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, hiệu quả, nhưng lại hêt sức mêm dẻo với những quy định rất vì “các bên” trong tranh chấp, hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp.

Tóm lại, kinh nghiệm của Thái Lan - một nước có điều kiện phát triển khá tương đồng với Việt Nam có thể giúp chúng ta trong việc định hướng hoàn thiện các hoạt động bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt là việc tổ chức tòa chuyên trách về SHTT.

2.4. KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Từ thực tiễn hêt sức đa dạng về bảo vệ TSTT nói chung, của doanh nghiệp nói riêng ở nhiều quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Để có thể bảo hộ thành công TSTT, yếu tố quan trọng hàng đầu là có một hệ thống chính sách và pháp luật hiệu quả để tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc xác lập, khai thác và bảo vệ TSTT, đồng thời, tạo ra cơ chế bảo hộ hiệu quả quyền SHTT dựa trên sự cân bằng về lợi ích của các chủ thể trong xã hội, trong đó có doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống cơ quan xác lập quyền và cơ quan thực thi quyền SHTT mạnh để bảo đảm hoạt động quản lý và thực thi quyền SHTT hiệu quả, tạo động lực cho hoạt động xác lập, bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp.

Có chính sách đầu tư thỏa đáng vào nghiên cứu, sáng tạo để tạo dựng, phát triển TSTT sẽ là cơ sở để doanh nghiệp đạt được những thành tựu kinh tế.

Khai thác thông tin SHTT cũng là một trong những yếu tố giúp cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả công cụ SHTT, tránh lãng phí thời gian và tiên bạc, có định hướng đúng trong nghiên cứu và phát triển, có thể sử dụng công nghệ với giá rẻ, hoặc thậm chí không mất tiền, đồng thời doanh nghiệp còn theo dõi được xu hướng phát triển công nghệ, tình hình nghiên cứu phát triển của các đối thủ cạnh tranh hiện tại và những doanh nghiệp khác có khả năng biến thành đối thủ cạnh tranh trong lương lai... Sử dụng thông tin SHTT còn giúp doanh nghiệp tự mình tránh được hành vi xâm phạm quyên của người khác.

Bảo vệ TSTT trong các doanh nghiệp được thực hiện theo hai hướng: bảo vệ trong nội bộ doanh nghiệp và bảo vệ bên ngoài doanh nghiệp. Phụ thuộc vào đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế quản lý TSTT trong nội bộ doanh nghiệp để quản lý các vấn đề liên quan đến TSTT. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể có bộ phận và những cán bộ chuyên trách về SHTT để hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Việc bảo vệ TSTT bên ngoài được thực hiện bởi hệ thống cơ quan thống nhất từ trung ương đến địa phương với các biện pháp, chế tài xử lý được áp dụng thống nhất.

Xây dựng Tòa án chuyên trách về SHTT là phương án tối ưu được nhiều quốc gia lựa chọn để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT.


 

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN BẢO VỆ
TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

 

3.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Hệ thống pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp vì nó tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp xác lập độc quyền đối với TSTT, khai thác, ngăn cấm chủ thể khác sử dụng bất hợp pháp TSTT; tạo cơ sở cho chủ thể quyền cũng như các cơ quan Nhà nước áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm TSTT. Trong phần này, chúng tôi đi sâu phân tích một số quy định của pháp luật liên quan đến: xác lập quyền đối với TSTT; quản lý khai thác TSTT và bảo vệ quyền SHTT chống lại các hành vi xâm phạm.

3.1.1. Quy định của pháp luật về xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ

TSTT có thể là bất kỳ dữ liệu, thông tin, bí quyết... nào, trong đó có những tài sản đáp ứng được các điều kiện luật định có thể trở thành một đối tượng SHTT được pháp luật bảo hộ. Với nhóm TSTT có thể trở thành đối tượng SHTT, việc bảo hộ pháp lý được xác lập trên cơ sở các căn cứ do pháp luật quy định. Việc bảo hộ pháp lý đối với kết quả sáng tạo trí tuệ là để ghi nhận quyền sở hữu cũng như ghi nhận độc quyền cho chủ thể đối với thành quả sáng tạo trí tuệ đó. Đối với một số TSTT nếu không được chủ thể tiến hành các thủ tục bảo hộ thích hợp có thể dẫn đến khả năng mất TSTT, đồng nghĩa với việc những công sức và chi phí cho đầu tư, nghiên cứu không được đền đáp.

Pháp luật SHTT quy định các nguyên tắc phát sinh quyền khác nhau đối với các TSTT, theo đó một số đối tượng SHTT chỉ được Nhà nước bảo hộ khi đã được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một số khác việc bảo hộ không phụ thuộc vào việc đăng ký. Căn cứ vào trình tự, thủ tục xác lập quyền, TSTT có thể được chia thành 2 nhóm: (i) TSTT mà quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục luật định: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Đây là những TSTT mà quyền sở hữu chỉ phát sinh trên cơ sở chủ thể nộp đơn đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này cấp văn bằng bảo hộ; (ii) TSTT mà quyền sở hữu được xác lập tự động cùng với sự ra đời của TSTT: đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; tên thương mại; bí mật kinh doanh; nhãn hiệu nổi tiếng. Đây là những TSTT mà quyền sở hữu phát sinh trên cơ sở sáng tạo ra và sử dụng TSTT, không phụ thuộc vào việc đã đăng ký hay chưa đăng ký xác lập quyền.

Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và các văn bản hướng dẫn đã quy định khá đầy đủ và cụ thể về điều kiện bảo hộ cũng như trình tự, thủ tục xác lập quyền đối với các đối tượng SHTT, đồng thời, các quy định này cũng bảo đảm tính tương thích nhất định với các chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể sáng tạo, đầu tư thực hiện việc xác lập quyền SHTT của mình, đồng thời cũng là căn cứ để các cơ quan xác lập quyền xem xét khả năng bảo hộ quyền SHTT. Bên cạnh những mặt tiến bộ, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho việc áp dụng và giải quyết tranh chấp trên thực tế.

3.1.1.1. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 6 Luật SHTT, quyền SHCN đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng chỉ được xác lập và bảo hộ khi đối tượng được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ. Theo nguyên tắc này, các sáng chế/giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng cho dù được tạo ra hay được đưa vào sử dụng trên thực tế, thì quyền sở hữu đối với các đối tượng đó vẫn chưa được xác lập và chủ sở hữu chưa có được một công cụ pháp lý hữu hiệu được Nhà nước công nhận để bảo vệ các TSTT của mình. Đối với các đối tượng này, quyền SHTT chỉ có thể được xác lập trên cơ sở xem xét đơn đăng ký với điều kiện đơn đăng ký đó đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn (điều kiện) bảo hộ theo luật định.

  • Quy định về điều kiện bảo hộ

Trong các đối tượng SHCN phải đăng ký để xác lập quyền, sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu luôn là những đối tượng chiếm số lượng đơn đăng ký nhiều nhất.

  • Điều kiện bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích

Một trong những điểm khác biệt của pháp luật Việt Nam là mở rộng phạm vi bảo hộ đối với các giải pháp kỹ thuật, theo đó bằng độc quyền không chỉ cấp cho sáng chế mà còn cho giải pháp hữu ích - có thể hiểu đơn giản là một sáng chế ở trình độ thấp hơn. Quy định về cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích có thể xem như một sự “linh hoạt” của pháp luật SHTT Việt Nam xuất phát từ thực tiễn nên khoa học - công nghệ của nước nhà còn non kém so với thế giới và việc bảo hộ giải pháp hữu ích sẽ khuyến khích, kích thích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và bộc lộ kết quả sáng tạo của các nhà khoa học trong nước. Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật SHTT hiện nay còn thiếu vắng những quy định liên quan đến giải pháp hữu ích như: Luật SHTT chỉ có định nghĩa về sáng chế mà không có khái niệm “giải pháp hữu ích”; Hơn nữa, chỉ có sáng chế được quy định là đối tượng của quyền SHCN tại khoản 2 Điêu 3 Luật SHTT, trong khi đó tại Điêu 58 quy định sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Pháp luật SHTT cũng chưa quy định rõ đối tượng nào là giải pháp hữu ích. Sự thiếu sót này không chỉ làm ảnh hưởng đến tính khoa học, thống nhất của văn bản pháp luật mà còn gây ra những khó khăn cho cả những chủ thể sáng tạo lẫn cơ quan xác lập quyền trong quá trình nộp đơn và thẩm định đơn yêu cầu bảo hộ. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp giải pháp kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu bảo hộ là sáng chế nhưng vẫn đăng ký bảo hộ sáng chế, sau khi bị từ chối lại quay sang nộp đơn yêu cầu bảo hộ là giải pháp hữu ích khiến cho hoạt động này trở nên chồng chéo, hao tốn công sức, thời gian, tiên bạc của cả người đăng ký và cơ quan xác lập quyền.

  • Quy định về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu

So với quy định về nhãn hiệu trong các văn bản pháp luật trước đây (BLDS 1995 và Nghị định 63NĐ/CP năm 1996), quy định về nhãn hiệu trong Luật SHTT 2005 đã có rất nhiều thay đổi tiên bộ, cụ thể:

  • Về định nghĩa nhãn hiệu

Định nghĩa nhãn hiệu tại khoản 16 Điề 4 Luật SHTT 2005 “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” đã có sự thay đổi rõ rệt so với định nghĩa được đưa ra tại Điều 785 BLDS 1995 “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Thuật ngữ “nhãn hiệu” được thay thế cho thuật ngữ “nhãn hiệu hàng hóa” đã khái quát được tât cả các loại nhãn hiệu vì nhãn hiệu không chỉ được dùng cho hàng hóa mà còn được dùng để phân biệt dịch vụ do các tổ chức, cá nhân khác nhau cung cấp. Chức năng của nhãn hiệu cũng được mở rộng đúng với thực tiễn, theo đó nhãn hiệu không chỉ để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại mà để phân biệt hàng hóa, dịch vụ nói chung. Quy định này đã giải quyết được những tranh chấp không đáng có đã từng xảy ra.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu Trường Sinh

Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Foremost, trụ sở ở Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên sản xuất các loại sữa, trong đó có sản phẩm sữa đặc có đường mang nhãn hiệu “Trường Sinh” và đã được Cục SHCN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp Trường Sinh, trụ sở tại 270, Thuỵ Khê, Hà Nội sản xuất sản phẩm sữa đậu nành cao cấp cũng lấy nhãn hiệu “Trường Sinh”. Công ty Foremost cho rằng, việc xuất hiện sản phẩm sữa đậu nành mang nhãn hiệu “Trường Sinh” trên thị trường gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, có thể làm cho họ lầm tưởng sữa đậu nành Trường Sinh cũng do Công ty Foremost sản xuất, làm ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng, uy tín của Công ty bị giảm sút. Vì vậy, Công ty sữa Foremost đã kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, yêu cầu buộc Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu này và phải bồi thường thiệt hại bằng 5% tổng doanh thu kể từ khi sản xuất sữa đậu nành mang nhãn hiệu Trường Sinh.

Khi xảy ra vụ tranh chấp nhãn hiệu Trường Sinh, Cục SHTT đã có văn bản kết luận gửi cho Tòa án: Nhãn hiệu Trường Sinh cho sữa đậu nành của công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh tương tự với nhãn hiệu Trường Sinh cho sữa đặc có đường đã được bảo hộ của Công ty Foremost vì hai sản phẩm cùng loại. Căn cứ vào kết luận này của Cục SHCN, trong bản án dân sự sơ thẩm số 08 ngày 9/3/2000 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và bản án phúc thẩm dân sự số 115 ngày 18/9/2000 của Tòa án nhân dân tối cao đều phán quyết: Chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Foremost, buộc công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Trường Sinh” cho sản phẩm sữa đậu nành; bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty Foremost vì không đưa ra được chứng cứ về sự thiệt hại.

Mặc dù vụ án đã được hai cấp tòa án xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh không chấp nhận phán quyết trên và đã có đơn thư khiếu nại gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đề nghị hoãn thi hành án và xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, đồng thời khiếu nại tới các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ thương mại, Hội luật gia Việt Nam... và các cơ quan này trong các công văn trả lời của mình đều đề nghị phải xem xét lại vụ tranh chấp này.

Lí do chính mà Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh đưa ra là căn cứ vào quy định của Điều 785 BLDS thì nhãn hiệu hàng hoá để phân biệt những hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau; Các cơ quan như Cục quản lí chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ y tế trong văn bản số 469 ngày 8/6/2001 và Cục quản lí thị trường Bộ thương mại đều xác định hai sản phẩm sữa đặc có đường và sữa đậu nành của hai công ty trên không cùng loại thực phẩm, chúng khác nhau về bản chất, thành phần chất lượng chủ yếu, thành phần cấu tạo, quy trình chế biến, cách sử dụng... Vì hai sản phẩm này khác loại nên các cơ quan này cho rằng Công ty công nghiệp Trường Sinh vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu “Trường Sinh” mà không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá của Công ty Foremost. Điểm mấu chốt mà các bên vẫn còn tranh cãi trong vụ việc này là hai loại sữa mang nhãn hiệu “Trường Sinh” của hai cơ sở sản xuất kể trên là cùng loại hay không cùng loại.

Theo chúng tôi, dù hai loại sữa này là “cùng loại” theo đánh giá của Cục SHCN và theo nhận định trong hai bản án kể trên, hay “khác loại” theo kết luận của Cục quản lí chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và Cục quản lí thị trường thì việc sử dụng cùng một nhãn hiệu Trường Sinh vẫn có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của chúng vì: hai loại sữa này tương tự nhau - đều là sữa - là loại đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cùng mục đích sử dụng; chúng thường cùng được bày bán ở một nơi (cùng kênh tiêu thụ)... Do đó, hàng hoá, hoặc dịch vụ mặc dù không cùng loại nhưng nếu chúng tương tự nhau hoặc có liên quan đến nhau thì cũng không thể sử dụng cùng nhãn hiệu vì rất dễ làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng rằng chúng cùng nguồn gốc, khi đó nhãn hiệu không thực hiện được chức năng phân biệt của mình. Vì vậy, quy định của Điều 785 BLDS: Nhãn hiệu hàng hoá để phân biệt hàng hoá, dịch vụ “cùng loại” là không mang tính khái quát, dễ gây ra nhận thức không đúng là nhãn hiệu hàng hoá chỉ để phân biệt những hàng hoá dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau, còn nếu hàng hoá không cùng loại thì có thể sử dụng cùng nhãn hiệu mà không vi phạm quyền SHCN như quan điểm của bên Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh trong vụ tranh chấp nêu trên.[34]

Sự mở rộng khái niệm nhãn hiệu trong Luật SHTT 2005 cũng phù hợp với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng vì nhãn hiệu sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt nếu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả đăng ký cho các hàng hóa, dịch vụ không tương tự nếu việc sử dụng nhãn hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng.[35]

Mặc dù khái niệm nhãn hiệu tại khoản 16 Điều 4 Luật SHTT “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” được coi là một sự mở rộng so với quy định của BLDS 1995 trước đây, thì trong điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tại khoản 1 Điều 72 Luật SHTT[36]  lại thu hẹp khả năng bảo hộ chỉ dành cho các dấu hiệu “nhìn thấy được”. Trên thế giới, hiện nay đã có nhiều nước thừa nhận việc bảo hộ đối với các dấu hiệu “không nhìn thấy được” như dấu hiệu âm thanh hoặc mùi vị. Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng không giới hạn khả năng bảo hộ chỉ dành cho những dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng thị giác.[37] Quan điểm của mỗi quốc gia về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, xuất phát từ những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau có thể có những quy định khác nhau. Hiện nay, quy định của Luật SHTT chỉ giới hạn trong việc bảo hộ những nhãn hiệu truyền thống là những dấu hiệu nhìn thấy được. Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện nay, việc mở rộng đối tượng bảo hộ, tạo điều kiện cho các chủ thể trong việc đăng ký nhãn hiệu mà vẫn đảm bảo đáp ứng khả năng phân biệt của nhãn hiệu là điều đặc biệt cần thiết. Trong tương lai khi mà các loại hàng hóa, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, các nhà sản xuất mong muốn tìm kiếm những nhãn hiệu mới lạ, độc đáo cho các sản phẩm của mình để thu hút công chúng thì mục tiêu cần hướng tới của Việt Nam là mở rộng phạm vi bảo hộ nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của các chủ thể và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

  • Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu

Đối với việc đăng ký nhãn hiệu, điểm h khoản 2 Điều 74 Luật SHTT quy định: “dấu hiệu được đăng ký không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm". Tương ứng với quy định này, điểm d khoản 1 Điều 95 quy định văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng năm năm liên tục mà không có lý do chính đáng. Việc quy định nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu nhằm tránh tình trạng “đăng ký chiếm chỗ”, tức là đăng ký nhãn hiệu mà không có nhu cầu sử dụng, thậm chí đăng ký với dụng ý ngăn các chủ thể thực sự có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó. Thời hạn năm năm là hợp lý, tạo điều kiện cho chủ thể có đủ thời gian và điều kiện để có kế hoạch dụng nhãn hiệu một cách thích hợp. Ví dụ trường hợp một doanh nghiệp muốn đưa một sản phẩm mới ra thị trường nhiều nước thì trước đó rất lâu, họ phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia dự định nhằm tránh việc bị mất quyền hoặc bị xâm phạm quyền.

Tuy nhiên, quy định này cũng ngăn chặn việc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký (còn được gọi là “nhãn hiệu đối chứng”) nhưng không được sử dụng. Thực tế, cơ quan xác lập quyền không có nghĩa vụ theo dõi, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký, vì vậy dẫn đến thực trạng cơ quan xác lập quyền từ chối đăng ký nhãn hiệu với lý do nhãn hiệu đó trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đối chứng trong khi nhãn hiệu đối chứng mặc dù có mặt trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Ở Việt Nam, với đặc thù là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp phần lớn là vừa và nhỏ hoặc các hộ kinh doanh cá thể nên khó có điều kiện và khả năng để tìm hiểu liệu nhãn hiệu đối chứng có được sử dụng trong năm năm liên tục không. Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát các nhãn hiệu đối chứng không được sử dụng. Về vấn đề này, có thể học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Đối với trường hợp đăng ký nhãn hiệu trên cơ sở “dự định sử dụng”, khi đơn được chấp nhận, chủ thể phải nộp Bản tuyên bố sử dụng nhãn hiệu và sử dụng nhãn hiệu từ 6 tháng đến 1 năm kể từ khi đăng ký để tránh việc mất quyền. Nếu trong thời hạn này mà nhãn hiệu chưa được đưa vào sử dụng thì có thể tiếp tục gia hạn Bản tuyên bố, mỗi lần 6 tháng và phải nộp phí gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 36 tháng. Đối với tất cả các nhãn hiệu, sau năm thứ 5 và năm thứ 9 kể từ khi đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu phải có thông báo gửi tới cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ để chứng minh nhãn hiệu đang được sử dụng tại Mỹ thì mới được tiếp tục duy trì quyền sở hữu nhãn hiệu.[38]

Nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi" là một thuật ngữ được sử dụng trong trường hợp xem xét khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Theo điểm g khoản 2 Điều 74 Luật SHTT, nhãn hiệu đăng ký bị coi là không có khả năng phân biệt nếu trùng hoặc tương tự với “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi”. Về tiêu chuẩn, có thể coi như mức độ sử dụng và thừa nhận rộng rãi của loại nhãn hiệu này thấp hơn nhãn hiệu nổi tiếng; tuy nhiên, quyền sở hữu đối với “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” giống như nhãn hiệu nổi tiếng, có thể đạt được trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào việc đăng ký. Quyền của chủ sở hữu “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” chỉ được pháp luật bảo hộ trước những dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự. Quy định này được xem như là một biện pháp phòng ngừa chủ thể sản xuất kinh doanh lợi dụng uy tín của các nhãn hiệu đã có danh tiếng trên thị trường để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đồng thời thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trong việc bảo hộ những nhãn hiệu có danh tiếng trên thị trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong khi “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” là một trong những tiêu chí để xem xét khả năng phân biệt của nhãn hiệu nhưng khái niệm cũng như phương thức xác định nhãn hiệu này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật SHTT, vì vậy gây rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Có nhiều trường hợp cơ quan xác lập quyền là Cục SHTT từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu với lý do dấu hiệu trùng với “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” nhưng không đưa ra được căn cứ thuyết phục mà chủ yếu dựa trên ý kiến chủ quan của thẩm định viên.

Những dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu" đóng một vai trò rất quan trọng đến việc xem xét một dấu hiệu có hay không được bảo hộ là nhãn hiệu. Tuy nhiên thế nào là “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” vẫn chưa được pháp luật xây dựng thành một khái niệm cụ thể. Hiện nay, nội dung của khái niệm này có thể hiểu theo hai hướng:

Cách hiểu thứ nhất: căn cứ theo tên điều luật trong Luật SHTT 2005 thì “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” chính là các trường hợp đã được liệt kê trong Điều 73 Luật SHTT.

Cách hiểu thứ hai: “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” không chỉ là dâu hiệu được quy định tại Điêu 73 Luật SHTT mà còn bao gồm những dấu hiệu không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ khác. Những dấu hiệu không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ khác cụ thể là các dấu hiệu không đáp ứng được điều kiện bảo hộ theo Điêu 72 Luật SHTT; các dấu hiệu không có khả năng phân biệt theo Điều 74 Luật SHTT; dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia; và cả những trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu khác mà văn bản dưới luật là Thông tư số 01/2007/TT - BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ - CP ngày 22/9/2006 của Chính quy quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN đề cập tới như: dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình; dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia.

Trên thực tế, khi đánh giá một dấu hiệu có khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu hay không, các thẩm định viên không chỉ dựa vào những quy định ở Điêu 73 Luật SHTT mà còn phải xem xét xem dấu hiệu đó có thuộc các trường hợp không được bảo hộ nằm rải rác trong các quy định khác của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn (cụ thể là Thông tư 01/2007 kể trên). Có trường hợp Luật SHTT không quy định dâu hiệu đó không được bảo hộ là nhãn hiệu nhưng trong Thông tư 01/2007 lại quy định.[39] Sự không rõ ràng và thiếu đồng bộ giữa luật và các văn bản hướng dẫn gây nhiêu khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu bởi phải tìm ra tất cả các trường hợp ẩn khác để xem xét xem dấu hiệu đăng ký có phù hợp hay không. Đối với chủ thể đăng ký, quy định không rõ ràng, thống nhất của pháp luật có thể dẫn đến cách hiểu sai lệch cũng như tâm lý hoài nghi, mất niềm tin đối với các quyết định cấp hay từ chối cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan xác lập quyền.

  • Quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, xác lập quyền
  • Quy định về quyền đăng ký

Quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu trong Luật SHTT 2005 có nhiều thay đổi tiến bộ so với quy định trong các văn bản trước đây. Lần đầu tiên, tại khoản 3 Điều 86 và khoản 5 Điều 87, Luật SHTT quy định về trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu. Đây là một nội dung đã được quy định trong Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN mà Việt Nam là thành viên. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sở hữu chung một đối tượng SHCN, tránh tình trạng tranh chấp không đáng có. Ví dụ: Hai tổ chức cùng hợp tác đầu tư để tạo ra một sáng chế; hay trường hợp vợ chồng, anh chị em muốn đăng ký và sở hữu chung một nhãn hiệu dùng cho sản phẩm, dịch vụ mà họ cùng sản xuất, kinh doanh. Sau đây là một tranh chấp đã có được hướng giải quyết với quy định này của Luật SHTT.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu Tré “Bà Đệ”[40]

Gia đình bà Đệ sinh sống và sản xuất nem tré tại 81 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng từ năm 1956. Đến nay đã trên 50 năm, sản phẩm “Tré Bà Đệ” được nhiều người ưa chuộng và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Đà Nẵng. Năm 1994, bà Đệ qua đời. Trong 6 người con (1 trai, 5 gái) của bà Đệ thì có 2 người con gái là bà Mai Thị Thu Thảo, trú 81 Hải Phòng - thành phố Đà Nẵng (vợ ông Nguyễn Chánh nay đã chết) và bà Mai Thị Thanh Bình, trú K77/2A Hải Phòng - thành phố Đà Nẵng nối nghiệp bà Đệ làm tré. Từ khi bà Đệ mất, cơ sở 81 Hải Phòng của ông Nguyễn Chánh và cơ sở 77 Hải Phòng của bà Thanh Bình vẫn tổ chức sản xuất kinh doanh tré và sản phẩm đều mang nhãn hiệu “Tré Bà Đệ”. Ngày 10-11-2005, ông Nguyễn Chánh đứng tên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Tré Bà Đệ” tại Cục SHTT. Sau khi biết tin, ngày 15-09-2006, bà Bình gửi đơn đến Sở Khoc học - Công nghệ Đà Nẵng và Cục SHTT khiếu nại về việc ông Chánh đăng ký độc quyền sử dụng thương hiệu “Tré Bà Đệ” cho sản phẩm tré của mình là không đúng. Ông Chánh cho rằng ông là người nộp đơn đăng ký trước và việc đăng ký hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Về phía bà Bình thì cho rằng việc ông Chánh thực hiện các thủ tục, hồ sơ đăng ký bảo hộ “Tré Bà Đệ” không thông qua gia đình là sự chiếm đoạt SHTT của gia đình bà vì “Tré Bà Đệ” là nghề truyền thống do mẹ của bà để lại cho các con trong gia đình, trong đó có vợ chồng ông Chánh. Ngày 29-12-2006, Cục SHTT có văn bản trả lời ông Chánh và bà Bình: Đề nghị ông Chánh và bà Bình cùng nhau thương lượng, đi đến thỏa thuận trong việc cùng đứng tên đăng ký và sử dụng nhãn hiệu “Tré Bà Đệ” hoặc đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Với quy định của Điều 87 Luật SHTT hiện nay, ông Chánh và bà Bình là những người trong gia đình, cùng sản xuất và bán nem Tré có thể thỏa thuận để cùng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này.

Đối với nhãn hiệu tập thể, Điều 87 Luật SHTT 2005 đã quy định người có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể là “tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để cho các thành viên của mình sử dụng”. Quy định này đã khắc phục được tình trạng không rõ ràng trước đây dẫn đến nhiều nhãn hiệu tập thể được cấp nhưng về mặt bản chất chỉ là việc nhiều chủ thể cùng ủy quyền cho một người nào đó đăng ký nhãn hiệu tập thể và cùng sử dụng nhãn hiệu theo một thỏa thuận chung, mà giữa các chủ thể này không có mối quan hệ về mặt tổ chức sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh những điểm tiến bộ, quy định về quyền đăng ký SHTT cũng còn có một số vướng mắc. Khoản 1 Điều 87 quy định “Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp”. Hiện nay quy định này dẫn đến 2 cách hiểu và vận dụng khác nhau:

Quan điểm 1: Chỉ có những tổ chức cá nhân đang sản xuất hàng hóa hoặc đang cung cấp dịch vụ mới có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Những người theo quan điểm này cho rằng các nhà làm luật quy định như vậy nhằm ngăn chặn tình trạng “đăng ký chiếm chỗ” - có nghĩa là chủ thể đăng ký nhãn hiệu không hề sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ nhưng đăng ký nhãn hiệu để ngăn chặn người khác đăng ký hoặc với mục đích nhằm bán lại cho chính chủ. Vì vậy, nếu trong trường hợp có khiếu nại về việc người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không có quyền đăng ký thì Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ.

Quan điểm 2: Quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật SHTT được hiểu là tổ chức, cá nhân có thể đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dự định sẽ sản xuất; dịch vụ do mình cung cấp hoặc dự định sẽ cung cấp. Quan điểm này dựa trên lý do trước khi đưa sản phẩm ra thị trường hoặc trước khi cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp bao giờ cũng có nhu cầu đăng ký trước nhãn hiệu để xác lập độc quyền, ngăn chặn việc xâm phạm nhãn hiệu của chủ thể khác. Việc đăng ký bao giờ cũng mất một khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm. Nếu sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ rồi mới đăng ký nhãn hiệu thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo, chào hàng, bảo vệ nhãn hiệu trên thị trường... Mặt khác, theo quy định của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn, trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, người đăng ký không cần xuất trình hay nộp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quy định này hiện nay có thể gây tâm lý hoang mang cho chủ thể đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp họ mới chỉ có “dự định” mà chưa tiên hành đăng ký kinh doanh cho việc sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.

  • Quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được quy định tại Điều 90 Luật SHTT, trong đó quy định trường hợp có nhiều đơn đăng ký sáng chế trùng hoặc tương đương, kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể, nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho một đơn duy nhất theo thỏa thuận của những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đơn đó đều bị từ chối bảo hộ. Thực tế cho thấy, các chủ thể nộp đơn thường không thỏa thuận được, không từ bỏ quyền của mình cũng như không nhượng quyền cho người khác và theo quy định, sau thời hạn 2 tháng kể từ khi có thông báo thẩm định nội dung, nêu người nộp đơn không nộp văn bản thỏa thuận thì các đơn chính thức bị từ chối. Tuy nhiên, Cục SHTT sẽ giải quyết như thế nào nếu sau khi các đơn đăng ký đều bị từ chối, một trong các chủ thể này lại tiếp tục theo đuổi chính đơn đăng ký trước đây, hoặc người thứ ba đăng ký cùng một đối tượng? Nếu Cục SHTT chấp nhận bảo hộ cho trường hợp này thì quyền lợi của người đã nộp đơn đăng ký trước đây không được bảo vệ.

Giải quyết tình huống này, các quốc gia có các giải pháp khác nhau. Ví dụ ở Nhật, nêu các chủ đơn không thỏa thuận được thì sẽ chọn cách bốc thăm để giải quyết, mặc dù có yếu tố may rủi nhưng bảo đảm công bằng cho các bên, tránh khả năng bị người thứ ba sử dụng bất chính. Trong khi đó, Trung Quốc lại áp dụng nguyên tắc “sử dụng đầu tiên", theo đó văn bằng bảo hộ được cấp cho nhãn hiệu được sử dụng trước. Biện pháp này theo chúng tôi là hợp lý và công bằng hơn cả, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền sẽ mất thời gian và công sức trong việc xem xét các chứng cứ để đưa ra quyết định cuối cùng.

  • Quy định về trình tự, thủ tục xác lập quyền

Điều 119 Luật SHTT quy định về thời hạn xử lý đơn đăng ký SHCN nhưng quy định này dường như không có giá trị trên thực tế vì tình trạng đơn đăng ký không được xử lý đúng thời hạn quy định khá phổ biến. Việc tồn đọng đơn sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi Cục SHTT làm thất lạc hồ sơ đăng ký dẫn đến người nộp đơn phải nộp lại đơn từ đầu. Việc nợ đọng đơn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ví dụ: khi doanh nghiệp muốn quảng cáo cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường thì phải chứng minh nhãn hiệu hay kiểu dáng sử dụng cho sản phẩm đã đăng ký bảo hộ quyền SHTT nhưng lại chưa đăng ký được; mặt khác, nếu sản phẩm đã đưa ra thị trường nhưng chưa đăng ký sẽ dẫn đến dễ bị chủ thể cạnh tranh xâm phạm mà không thể bảo vệ.

Quy định về đăng ký nhãn hiệu theo thỏa ước Madrid có một ưu điểm rất lớn, đó là quy định nếu quá thời hạn xét nghiệm đơn (12 tháng) mà cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hiệu không có thông báo từ chối thì nhãn hiệu đương nhiên được coi là đã được bảo hộ tại quốc gia chỉ định. Tuy nhiên cần cân nhắc tính khả thi khi bổ sung quy định này với đơn quốc gia vì lượng đơn quá nhiều, đến mức Cục SHTT khó lòng đáp ứng được thời hạn xét nghiệm, cho dù có thể tăng lên 18 tháng, thậm chí 24 tháng.[41]

3.1.1.2. Xác lập quyền SHTT trên cơ sở tạo ra và sử dụng đối tượng SHTT

Theo Điều 6 Luật SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền SHCN đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh xác lập tự động, không phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

  • Quy định về xác lập quyền tác giả, quyền liên quan

Theo nguyên tắc chung, quyền tác giả và quyền liên quan đương nhiên được xác lập, không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, trừ biệt lệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.[42] Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được định hình hoặc được thực hiện. Nói tóm lại, tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng sẽ tự động được bảo hộ khi nó “ra đời” mà không cần bất kỳ thủ tục đăng ký, nộp bản sao, nộp lệ phí hay bất kỳ yêu cầu nào khác về thủ tục.

Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ tự động cũng sẽ gây ra một số khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Không phải dễ dàng để chứng minh tôi là người tạo ra tác phẩm hay bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đầu tiên - “nguyên gốc”. Vì vậy, hầu hết các quốc gia khuyến khích các nhà sáng tạo đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại cơ quan đăng ký quốc gia như một cơ sở pháp lý chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Ví dụ ở Hoa Kỳ, mặc dù việc bảo hộ quyền tác giả phát sinh tại thời điểm tác phẩm được hoàn thành nhưng chủ sở hữu bản quyền chỉ có thể khởi kiện hành vi xâm phạm bản quyền khi họ đã đăng ký quyền tác giả tại Văn phòng quyền tác giả Hoa Kỳ cấp liên bang. Như vậy có thể hiểu theo pháp luật bản quyền Hoa Kỳ, để có được sự bảo hộ pháp lý đầy đủ đối với quyền tác giả, quyền liên quan thì chủ thể phải đăng ký.

Theo quy định của Luật SHTT, về bản chất, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan chỉ có ý nghĩa như một loại chứng cứ chứng minh khi có tranh chấp chứ không có giá trị để xác định chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Trường hợp có chứng cứ ngược lại, chủ thể vẫn phải đưa ra những chứng cứ khác như: thời gian sáng tạo tác phẩm hay đối tượng của quyền liên quan, bản gốc của tác phẩm... để chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu của mình.

Quy định của Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan còn tồn tại khá nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật cũng như giải quyết tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan, nổi cộm có một số vấn đề sau:

- Trong Luật SHTT hiện nay chưa có khái niệm về tác phẩm gốc, mà chỉ có khái niệm về tác phẩm phái sinh, theo khoản 8 Điều 4 Luật SHTT “là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Quy định này mới chỉ mang tính chất liệt kê chứ chưa chỉ ra được các dấu hiệu cơ bản của tác phẩm phái sinh. Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn không có quy định để giải thích các thuật ngữ như: “tác phẩm gốc”, “dịch”, “phóng tác”, “cải biên”, “chuyển thể”, “biên soạn”, “chú giải”, “tuyển chọn”... dẫn đến sự hiểu đa nghĩa đối với các thuật ngữ, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

- Luật SHTT sử dụng thuật ngữ “đồng tác giả” nhưng lại không có định nghĩa cụ thể, vì vậy có thể dẫn đến hai cách hiểu và vận dụng khác nhau. Quan điểm 1: hai tác giả trở lên cùng sáng tạo nên một tác phẩm thì họ là các đồng tác giả của tác phẩm đó, không cần có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí. Ví dụ: tác giả của một bản nhạc không lời đã chết. Một người khác đã viết thêm lời cho bản nhạc thành bài hát. Quan điểm 2: Đồng tác giả là từ hai cá nhân trở nên cùng hợp tác để trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Sự hợp tác thể hiện ở việc các tác giả có sự bàn bạc, thỏa thuận về nội dung, kết cấu, hình thức, cách trình bày... tác phẩm và tác phẩm được tạo ra là một thể thống nhât. Do quy định của pháp luật không cụ thể, rõ ràng, dẫn đến trong thực tiễn có thể áp dụng tùy tiện, không chính xác, thậm chí nhiều tranh chấp không giải quyết được vấn đề quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.

Hiện nay, Luật SHTT dùng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả”. Điều 36 Luật SHTT định nghĩa “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”, theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ nắm các quyền tài sản chứ không nắm các quyền nhân thân. Trong khi đó, theo quy định của Luật SHTT, quyền tác giả bao gồm cả các quyền nhân thân và quyền tài sản. Cách sử dụng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” dẫn đến cách hiểu chủ sở hữu nắm toàn bộ các quyền nhân thân và tài sản thuộc quyền tác giả. Vì vậy, thuật ngữ này nên sửa lại cho chính xác là “chủ sở hữu tác phẩm” - là những người có các quyền tài sản liên quan đến tác phẩm như: quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm...

  • Quy định về xác lập quyền đối với tên thương mại

Quyền SHCN đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện thời gian, lãnh thổ, lĩnh vực trong đó tên thương mại đã được chủ thể đó sử dụng. Tuy nhiên trong thực tế, tên thương mại thường trùng hoặc là một bộ phận, hoặc gắn liền với tên doanh nghiệp đã được đăng ký khi tiến hành đăng ký kinh doanh tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi có tranh chấp liên quan đến tên thương mại thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trong đó có tên doanh nghiệp) là một chứng cứ vô cùng quan trọng.

Theo quy định của Điều 76 Luật SHTT, tên thương mại chỉ được bảo hộ nếu “có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Thực tế áp dụng quy định về xác lập quyền đối với tên thương mại có rất nhiều bất cập.

Quy định về “khu vực kinh doanh”: Khoản 21 Điều 4 Luật SHTT quy định “khu vực kinh doanh” là “khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng". Quy định này chưa thật rõ ràng dẫn đến những cách áp dụng khác nhau trên thực tế. Theo quy định kể trên, “khu vực kinh doanh” không hoàn toàn trùng với địa giới hành chính. Trong khi đó, việc quản lý tên thương mại trước đây lại theo địa giới hành chính và căn cứ vào các yếu tố như nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, chi nhánh hay nơi doanh nghiệp đặt văn phòng giao dịch. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương", có nghĩa hai doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng khác về phạm vi tỉnh, thành vẫn có thể đăng ký tên thương mại trùng. Trong khi đó theo quy định kể trên của Luật SHTT, “khu vực kinh doanh” không chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của tỉnh, thành mà được xem xét trên phạm vi toàn quốc, thậm chí vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Ví dụ trường hợp Ngân hàng Công thương Việt Nam trước đây có tên giao dịch là INCOMBANK (viết tắt bằng tiếng Anh của cụm từ “Ngân hàng Công thương Việt Nam”. Năm 2008, ngân hàng này đã phải đổi tên giao dịch thành VIETTINBANK khi phát hiện ra một Ngân hàng thương mại quốc tế của quốc gia khác cũng có tên giao dịch INCOMBANK. Mặc dù hai ngân hàng này đăng ký kinh doanh ở các quốc gia khác nhau nhưng khả năng gây nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra vì các ngân hàng thường có hoạt động giao dịch quốc tế và “khu vực kinh doanh” của các chủ thể như ngân hàng không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ở phạm vi quốc tế.

Vì vậy, hai doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng khác về phạm vi tỉnh, thành, thậm chí khác về phạm vi quốc gia như vụ việc trên mà đăng ký cùng một tên thương mại vẫn có khả năng gây nhầm lẫn và không đáp ứng được điều kiện bảo hộ của tên thương mại theo quy định của Luật SHTT. Rõ ràng là quy định của Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký tên doanh nghiệp không thống nhất với quy định về điều kiện bảo hộ tên thương mại trong Luật SHTT, dẫn đến trong thực tế xảy ra rất nhiều tranh chấp liên quan đến tên thương mại. Sau đây là một vụ việc tranh chấp mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có những quan điểm trái ngược nhau về cách giải quyết do quy định không thống nhất của pháp luật.

Vụ tranh chấp tên thương mại - nhãn hiệu TOÀN THẮNG[43]

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Toàn Thắng ở Khánh Hòa và DNTN Toàn Thắng ở Bình Định cùng được Sở kế hoạch và đầu tư của hai tỉnh này cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Hai doanh nghiệp cùng mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên quốc lộ 1A và đều sử dụng bảng hiệu “XĂNG DẦU TOÀN THẮNG”. DNTN Toàn Thắng ở Bình Định đẵ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “TOÀN THẮNG” số 56273 ngày 11/08/2004. Doanh nghiệp này đã gửi đơn khiếu nại DNTN Toàn Thắng ở Khánh Hòa về hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Cả Cục SHTT và Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa đều thống nhất cho rằng DNTN Toàn Thắng (Khánh Hòa) có dấu hiệu vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu “TOÀN THẮNG” của DNTN Toàn Thắng (Bình Định) vì nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc. Trong khi đó Sở kế hoạch đầu tư Khánh Hòa lại có quan điểm ngược lại với lý do DNTN Toàn Thắng ở Khánh Hòa đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) theo đúng Luật Doanh nghiệp; DNTN Toàn Thắng Khánh Hòa đã được cấp GCNĐKKD ngày 12/10/2001 - tức là trước thời điểm DNTN Toàn Thắng (Bình Định) đăng ký nhãn hiệu. Điểm mấu chốt của vụ tranh chấp trên là theo quy định của Nghị định 88/2006/NĐ-CP tại thời điểm đó, việc hai doanh nghiệp trùng tên thương mại, kinh doanh cùng một lĩnh vực được Sở kế hoạch đầu tư của mỗi tỉnh cấp GCNĐKKD là đúng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT (Cục SHTT) cũng không thể tra cứu, kiểm tra xem nhãn hiệu đăng ký có trùng với tên thương mại của chủ thể kinh doanh khác hay không để từ chối những nhãn hiệu trùng với tên thương mại của người khác đã được sử dụng hợp pháp trước ngày nhãn hiệu được đăng ký.

Nhằm khắc phục sự thiếu thống nhất giữa pháp luật về đăng ký kinh doanh và pháp luật SHTT, Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 15/04/2010 đã có những sửa đổi cơ bản về đăng ký tên doanh nghiệp. Điều 14 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định về những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp, trong đó khoản 1 quy định: “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng kỷ trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kỷ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể. Quy định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011”. Quy định này đã phần nào giải quyết được mâu thuẫn giữa quy định về đăng ký doanh nghiệp và quy định của pháp luật SHTT liên quan đến điều kiện bảo hộ tên thương mại.

Đồng thời, Nghị định 43/2010/NĐ-CP cũng đưa ra hướng giải quyết đối với trường hợp các tên doanh nghiệp đã được đăng ký trùng trước ngày Nghị định này có hiệu lực “Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP nhưng không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên doanh nghiệp”. Có thể nhận thấy cách giải quyết này không triệt để vì việc đổi tên doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đăng ký trùng tên là không bắt buộc; pháp luật chỉ “khuyến khích” các doanh nghiệp đăng ký đổi tên hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt với các doanh nghiệp trùng tên ở các tỉnh thành khác. Thực tế, việc đổi tên hay bổ sung một yếu tố nào đó vào tên doanh nghiệp là điều mà hầu hết các doanh nghiệp thường không mong muốn (trừ khi ở vào hoàn cảnh bắt buộc) vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, con dấu, bảng hiệu, quảng cáo... có liên quan. Vì vậy, rõ ràng là thực trạng tranh chấp do các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trùng tên thương mại vẫn đang xảy ra mà chưa có cách giải quyết triệt để.

Xung đột giữa bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại: Tên thương mại và nhãn hiệu là những chỉ dẫn thương mại có mối liên quan rất mật thiết vì thành phần tên riêng của tên thương mại thường đồng thời cấu thành nhãn hiệu chính - “house mark” của doanh nghiệp. Cũng theo quy định tại Điều 78 Luật SHTT, tên thương mại chỉ được coi là có khả năng phân biệt nếu: không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Quy định của Luật SHTT về điều kiện bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu đều xác định nguyên tắc chung: tên thương mại không được bảo hộ nêu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý mà quyền SHCN được xác lập sớm hơn[44] ; ngược lại, nhãn hiệu đăng ký cũng sẽ bị từ chối nếu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác.[45] Trên tinh thần đó, Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định về cách thức xử lý đối với trường hợp có xung đột giữa tên thương mại và quyền SHCN đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cụ thể, Điều 17 Nghị định này quy định:

“Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Cục SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp vi phạm quyền SHCN được thực hiện theo các quy định của pháp luật về SHTT.

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp vi phạm các quy định về S TT. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo ộô quyền SHCN thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên”.

Sự thiếu thống nhất trong hệ thống cơ quan đăng ký SHTT và cơ quan đăng ký tên doanh nghiệp

Một bước tiến bộ đáng kể trong việc đăng ký tên doanh nghiệp là hiện nay chúng ta đã xây dựng được Hệ thống mạng đăng ký doanh nghiệp quốc gia để làm cơ sở tra cứu thông tin về tên doanh nghiệp của các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký SHCN. Tuy nhiên, giữa Cơ quan nhà nước về quản lý kinh doanh và Cơ quan nhà nước quản lý SHTT (Cục SHTT) chưa có nối mạng cơ sở dữ liệu. Việc tra cứu đòi hỏi tốn kém rất nhiều thời gian, công sức, trong khi khối lượng công việc của các cơ quan này rất lớn. Có lẽ vì vậy mà cơ quan đăng ký doanh nghiệp đã đẩy cho doanh nghiệp trách nhiệm tra cứu xem tên doanh nghiệp có trùng hay tương tự với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký trước không và tự chịu trách nhiệm nếu việc đăng ký tên doanh nghiệp vi phạm SHTT. Cơ sở dữ liệu công khai về SHCN do Cục SHTT quản lý (viết tắt là IPLib) không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến khả năng bị trùng hoặc tương tự giữa tên thương mại và nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý là hoàn toàn có thể xảy ra.

Một vấn đề nữa là hiện nay việc đăng ký doanh nghiệp, trong đó có đăng ký tên doanh nghiệp đang thuộc sự quản lý của rất nhiều bộ, ngành khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; Bộ Tư pháp quản lý tên thương mại của các tổ chức hành nghề dịch vụ pháp lý; Bộ Công thương quản lý tên doanh nghiệp của các Sở giao dịch hàng hóa; Bộ Tài chính quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước quản lý tên thương mại của các ngân hàng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán... Các cơ quan kể trên (ngoại trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đều không phải là cơ quan đăng ký kinh doanh mà chỉ là cơ quan cấp giấy phép thành lập (thay cho Giấy đăng ký kinh doanh) nhưng lại không có báo cáo hay thông tin lại cho cơ quan quản lý kinh doanh. Do không có sự thống nhất trong việc quản lý tên thương mại dẫn đến vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp trùng tên thương mại. Trong tương lai, chúng tôi cho rằng việc đăng ký doanh nghiệp cũng như quản lý tên thương mại cần phải quy về một đầu mối để có thể kiểm soát.

  • Quy định về xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Với quy định tại Điều 75 Luật SHTT, có thể xem như một bước tiến của pháp luật Việt Nam khi đã đưa ra được những tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, mặc dù mới chỉ dừng lại ở mức định tính. Tuy nhiên, các tiêu chí này dường như chưa hoàn toàn thống nhất với định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật SHTT “là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Trong khi định nghĩa này chú trọng tiêu chí nhãn hiệu nổi tiếng phải là “nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi” thì một số tiêu chí để xem xét nhãn hiệu nổi tiếng quy định tại Điều 75 Luật SHTT hướng tới nhãn hiệu phải được biết đến ở phạm vi quốc tế - nổi tiếng thế giới như: phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu lưu hành; số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng... Trên thực tế, có những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới (đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT) nhưng lại không được nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến; Trong khi ngược lại, có những nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi nhưng lại không đáp ứng được tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền khi xem xét khả năng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Sau đây là một vụ việc thực tế.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu “Best buy” và hình[46]

Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc được thành lập năm 1966 tại Hoa Kỳ và liên tục phát triển từ đó đến nay với một chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ nội thất, hàng gia dụng, thiết bị viễn thông, điện tử... tại Hoa Kỳ và Châu Âu và là chủ sở hữu nhãn hiệu “Bestbuy” và hình tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là chủ sở hữu trang web www.bestbuy.com. Công ty luôn là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Hoa Kỳ và Châu Âu và thường giữ vị trí thứ 2 trong “top” các nhà bán lẻ trên thế giới do Interbrand bình chọn. Công ty TNHH Lựa chọn Hoàn Hảo của Việt Nam với tên giao dịch là Bestbuy Company Limited được thành lập năm 2002 tại Việt Nam với ngành nghề sản xuất, buôn bán đồ nội thất, hàng gia dụng, thiết bị viễn thông, điện tử... cũng sử dụng nhãn hiệu “Bestbuy” và hình từ năm 2003, đăng ký tên miền www.bestbuy.com.vn từ 24/03/2003 và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Bestbuy” và hình cho nhóm 35 ngày 07/05/2007.

Nhãn hiệu Bestbuy của Công ty Bestbuy Enterprise Services, Inc

 

Nhãn hiệu Bestbuy của Công ty TNHH Lựa chọn Hoàn Hảo

 

Năm 2008, Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc đã thông qua đại diện hợp pháp của mình nộp đơn đến Cục SHTT để phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Bestbuy” và hình cho Công ty TNHH Lựa chọn Hoàn Hảo của Việt Nam với lý do nhãn hiệu này tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc. Vụ việc này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan xác lập quyền vì nếu căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật SHTT thì nhãn hiệu “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc có thể coi là nhãn hiệu nổi tiếng và nếu như vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu của Công ty TNHH Lựa chọn Hoàn Hảo sẽ bị từ chối vì nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng tại khoản 20 Điều 4 Luật SHTT thì nhãn hiệu “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc có thể không được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng vì khó có thể chứng minh nhãn hiệu đó được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi vì Công ty này chưa tiến hành hoạt động thương mại tại Việt Nam. Trong vụ việc này, mặc dù các bên đều đưa ra rất nhiều bằng chứng để chứng minh và thuyết phục cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã 4 năm trôi qua, Cục SHTT vẫn không thể đưa ra quyết định: có công nhận nhãn hiệu “Bestbuy” và hình của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc là nhãn hiệu nổi tiếng hay không? Công ty TNHH Lựa chọn Hoàn Hảo có thể xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hay không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật SHTT, Quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng nhãn hiệu. Như vậy, một nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được bảo hộ mà không cần thủ tục đăng ký hay ghi nhận nào. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, do quy định của pháp luật chưa đủ cụ thể, rõ ràng, do sự hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm trong việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nên các cơ quan chức năng thường ngần ngại trong việc áp dụng biện pháp xử lý vì họ không chắc chắn nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ có phải nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Về thủ tục xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng vẫn còn thiếu tính cụ thể và hợp lý. Pháp luật đã quy định đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì không cần tiến hành thủ tục đăng ký mà vẫn được bảo hộ. Tuy nhiên, việc xác định một nhãn hiệu nổi tiếng hay không lại phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan và trình độ hiểu biết của những cán bộ của cơ quan có thẩm quyền, vì vậy mà có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu như đối với loại nhãn hiệu phải tiến hành thủ tục đăng ký, nhãn hiệu được bảo hộ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chủ sở hữu có thể tiến hành nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu thì đối với nhãn hiệu nổi tiếng, vấn đề công nhận và bảo vệ đặt ra khi nào? Theo quy định hiện nay, vấn đề chứng minh một nhãn hiệu là nổi tiếng lại là nhiệm vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu, và hoạt động công nhận và bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được thực hiện khi nhãn hiệu bị xâm phạm. Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng không thể tiến hành các hoạt động nhằm phòng ngừa hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng mà chỉ có thể lên tiếng bảo vệ nhãn hiệu của mình khi đã có hành vi xâm phạm xảy ra. Điều này là một bất cập lớn trong quy định hiện nay về xác lập quyền SHCN đối với nổi tiếng.

Thực tế nhiều nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chủ thể đành chọn cách thức an toàn là đăng ký như nhãn hiệu thông thường để tránh rủi ro, mặc dù tốn kém thời gian, chi phí đăng ký. Vì vậy, việc quy định thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng là cần thiết để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho cả chủ nhãn hiệu và cơ quan thực thi. Tuy nhiên, thủ tục này cần được quy định hợp lý để không trở thành hình thức “đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng” phức tạp, tốn nhiều thời gian, trái với nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.[47]

3.1.2. Quy định của pháp luật về quản lý, khai thác TSTT của doanh nghiệp

Trong nền kinh tế tri thức, TSTT hay quyền SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Khi tài sản (nhất là tài nguyên) hữu hình đang có xu hướng ngày càng giảm và cạn kiệt, giá trị cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào TSTT được doanh nghiệp khai thác.[48] Cần lưu ý rằng TSTT (hay thông tin hàm chứa trong TSTT ) là tài sản vô hình; tài sản này có các đặc tính tương tự như các đặc tính của hàng hóa công cộng; đó là: (i) tính không cạnh tranh và (ii) tính không loại trừ (mất đi) trong sử dụng. Tính không cạnh tranh được thể hiện ở việc một doanh nghiệp (người) khai thác TSTT không hạn chế khả năng của doanh nghiệp (người) khác khai thác chính TSTT đó. Tính không loại trừ thể hiện ở việc một bên thứ ba (dù không được phép) không bị ngăn cấm khai thác TSTT nếu thông tin về TSTT đó đã được công bố. Chính vì vậy, TSTT được bảo hộ qua việc nhà nước thông qua pháp luật SHTT trao cho người nắm giữ tài sản đó các quyền SHTT.[49]  Tuy nhiên, quyền SHTT gắn liền với TSTT chỉ là quyền độc quyền ngăn cấm người khác khai thác TSTT, tức là quyền phủ định (negative right). Ví dụ đối với sáng chế, doanh nghiệp hay người sở hữu (nắm giữ) bằng độc quyền sáng chế có quyền ngăn chặn bên thứ ba, nếu không được phép của chủ sở hữu, thực hiện các hành vi như sản xuất, sử dụng, chào bán, bán hay nhập khẩu sản phẩm chứa đựng sáng chế đó.[50]

3.1.2.1.Quy định của pháp luật liên quan đến quản lý TSTT

Quản lý TSTT là các hoạt động có hệ thống nhằm tạo lập, khai thác sử dụng, bảo vệ, duy trì và nâng cao giá trị của TSTT một cách hiệu quả nhất. Quản lý SHTT có vai trò quan trọng đối với bảo vệ TSTT vì thông qua hoạt động quản lý, các đối tượng SHTT được nhận dạng và sắp xếp, xác định giá trị; doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cho việc đăng ký bảo hộ, gia hạn, quảng bá, khai thác thương mại...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, quy định của pháp luật về quản lý TSTT hầu như còn thiếu vắng trong hệ thống các văn bản pháp quy của Nhà nước. Bộ Tài chính mới chỉ ban hành Thông tư 203/2009/TT-BTC ngày 29/10/2009 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và khấu hao tài sản cố định, trong đó có đề cập tới “tài sản cố định vô hình” nhưng vẫn chưa có quy định riêng cho quản lý tài sản cố định vô hình mà hoàn toàn áp dụng quy định đối với quản lý tài sản cố định nói chung. Điều này rõ ràng không thỏa đáng và phù hợp vì tài sản vô hình nói chung, TSTT nói riêng có những đặc trưng riêng nên không thể quản lý như đối với với tài sản thông thường.

3.2.1.2. Quy định của pháp luật liên quan đến khai thác TSTT

Khai thác thương mại (thương mại hóa) TSTT có thể hiểu là việc doanh nghiệp đưa “TSTT vào áp dụng, sử dụng, quản lý trong thực tế nhằm tạo ra các lợi ích, ưu thế cho chủ sở hữu, người tham gia vào việc áp dụng, sử dụng TSTT đó và cho xã hội”.[51] Việc khai thác này có thể diễn ra dưới một hay nhiều hình thức khác nhau, như: (i) trực tiếp sử dụng TSTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là qua việc đưa các TSTT đó vào các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất hay cung cấp; (ii) chuyển giao TSTT cho doanh nghiệp khác qua hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, bao gồm cả chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại; và (iii) sử dụng TSTT để thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp khác cũng như làm tài sản góp vốn, tài sản bảo đảm trong vay vốn ngân hàng...[52]

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc khai thác TSTT đối với doanh nghiệp Việt Nam, Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 xác định yêu cầu “thực hiện nghiêm túc các quy định về quyền SHTT, tập trung phát triển và khai thác TSTT" và “phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao”.[53] Tuy nhiên, việc khai thác thương mại TSTT phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào chính doanh nghiệp. Nhà nước chỉ có thể khuyến khích và bảo hộ việc khai thác TSTT hợp pháp của doanh nghiệp thông qua các quy định pháp luật, bao gồm pháp luật SHTT và pháp luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động khai thác TSTT đó, và các chính sách hỗ trợ khác.[54]

Các văn bản pháp luật Việt Nam như: BLDS 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật thương mại 2005, Luật SHTT 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật SHTT), Luật đầu tư 2005, Luật chuyển giao công nghệ 2006 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã bước đầu ghi nhận việc thương mại hóa quyền SHTT như: quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng quyền SHTT quy đị nh trong Luật SHTT, Luật Chuyển giao công nghệ; việc góp vốn, đầu tư bằng giá trị TSTT được quy định trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp; ...

  • Trực tiếp khai thác sử dụng TSTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu đối tượng SHTT là độc quyền sử dụng đối tượng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Độc quyền này tạo cơ hội cho chủ sở hữu đối tượng SHTT có thể thu được những lợi ích vật chất từ việc khai thác TSTT nhằm bù đắp các chi phí đã bỏ ra trong quá trình sáng tạo và phát triển đối tượng SHTT, thúc đẩy đầu tư cho những nghiên cứu, sáng tạo mới.

Tự khai thác, sử dụng là hình thức được áp dụng cho tất cả các TSTT. Theo quy định của Luật SHTT, chủ sở hữu của quyền SHTT có quyền tự khai thác các quyền tài sản (đối với quyền tác giả thì chủ sở hữu còn khai thác được cả quyền nhân thân gắn với tài sản) mà pháp luật quy định. Các hình thức sử dụng của chủ sở hữu rất đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào tính chất của TSTT cũng như mục đích, nhu cầu sử dụng của chủ sở hữu.

  • Chuyển giao TSTT cho doanh nghiệp khác

Trong bối cảnh thương mại hiện đại, TSTT hay quyền SHTT là loại tài sản có giá trị kinh tế rất to lớn nên việc chuyển giao loại tài sản này là hoạt động phổ biến và quan trọng. Một mặt, loại “hàng hoá đặc biệt” này đòi hỏi phải được vận động, phải được đưa vào trong lưu thông như: mua bán, trao đổi, cho thuê... một cách thuận tiện như các loại hàng hoá khác. Mặt khác, việc chuyển giao TSTT còn đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của chính chủ sở hữu, các chủ thể khác cũng như của toàn xã hội.

Luật SHTT quy định hai phương thức chuyển giao quyền SHTT là chuyển nhượng quyền SHTT và chuyển quyền sử dụng quyền SHTT.

  • Chuyển nhượng quyền SHTT

Chủ sở hữu quyền SHTT cũng giống như chủ sở hữu các tài sản thông thường khác có quyền định đoạt quyền SHTT thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, có nghĩa là chuyển giao vĩnh viễn quyền SHTT của mình cho người khác. Cách thức định đoạt này phù hợp với trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu sử dụng, khai thác hoặc không có điều kiện khai thác TSTT của mình do thiếu vốn đầu tư hoặc các lý do khác, bên cạnh đó có thể giúp chủ sở hữu thu lợi nhuận tức thì, sáng tạo của họ sớm được ứng dụng, tránh được những rủi ro thị trường (ví dụ như sáng chế của họ có thể bị lạc hậu bởi các công nghệ khác).

Theo các quy định của pháp luật SHTT, chuyển nhượng quyền sở hữu được áp dụng với quyền tác giả và quyền liên quan (tuy nhiên không áp dụng đối với các quyền nhân thân không thể chuyển giao quy định tại Điều 19 Luật SHTT); quyền SHCN đối với sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, bí mật kinh doanh. Quyền SHCN đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao vì đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu cũng được áp dụng với quyền đối với giống cây trồng.

Do quyền SHTT bị giới hạn về thời gian (liên quan đến thời hạn bảo hộ) nên đối với các quyền SHTT có thời hạn bảo hộ hữu hạn, các bên chỉ được chuyển nhượng quyền này trong thời hạn bảo hộ. Do quyền SHTT bị giới hạn về không gian nên chủ sở hữu quyền SHTT chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi không gian được bảo hộ. Trong trường hợp chuyển giao quyền sở hữu thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền SHTT, chủ sở hữu thu được một khoản lợi ích vật chất nhất định nhưng đồng thời quyền SHTT của chủ thể chấm dứt.

Hiện nay, quy định của pháp luật về chuyển nhượng nhãn hiệu, tên thương mại còn điểm bất cập sau:

Theo quy định của khoản 3 Điều 139 Luật SHTT, quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng thành phần tên riêng trong tên thương mại của mình đăng ký làm nhãn hiệu cho các hàng hóa, dịch vụ mà họ sản xuất, kinh doanh. Do đó nhãn hiệu của doanh nghiệp trùng với thành phần phân biệt của tên thương mại. Một vấn đề được đặt ra là doanh nghiệp có thể chuyển nhượng riêng quyền sở hữu nhãn hiệu (mà trùng với tên riêng của doanh nghiệp) này hoặc ngược lại không? Hoặc doanh nghiệp có thể chuyển nhượng quyền đối với tên thương mại cho chủ thể A và quyền đối với nhãn hiệu cho chủ thể B không nếu nhãn hiệu đó lại cấu thành thành phần tên riêng của tên thương mại? Nếu những tình huống này xảy ra thì sẽ có khả năng người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ vì hai chủ thể sản xuất kinh doanh khác nhau có tên thương mại trùng với nhãn hiệu của chủ thể kia. Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp này và đây có thể nói là một lỗ hổng của pháp luật trong việc quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu.

  • Chuyển giao quyền sử dụng quyền SHTT

Thay vì chuyển giao quyền sở hữu, chủ thể có thể lựa chọn cách thức chuyển quyền sử dụng quyền SHTT. Với cách thức này, chủ thể vẫn thu được một khoản lợi ích vật chất nhất định, đồng thời bảo lưu được quyền SHTT. Thoả thuận về việc chuyển quyền sử dụng quyền SHTT phải được xác lập thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan hoặc hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN (thường được gọi là Hợp đồng li - xăng). Thông qua hợp đồng này, những chủ thể khác không phải là chủ sở hữu quyền SHTT cũng có quyền sử dụng, khai thác một cách hợp pháp TSTT trong phạm vi, thời hạn các bên thoả thuận.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc chuyển giao quyền SHCN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kinh doanh quốc tế. Đây là cách thức cơ bản để các doanh nghiệp nội địa được sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu của các công ty nước ngoài, đặc biệt là các nước đang phát triển được nhận li-xăng từ các nước phát triển. Bên cạnh các hình thức hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền SHTT độc lập, việc chuyển giao quyền SHTT còn có thể là một bộ phận quan trọng của nhượng quyền thương mại hay hợp đồng chuyển giao công nghệ.

  • Nhượng quyền thương mại

Các quy định về nhượng quyền thương mại được chính thức ghi nhận tại Luật Thương mại 2005 và được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định 35/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại ngày 31.03.2006.

Khoản 1 Điều 284 của Luật Thương mại 2005 đã liệt kê ra các quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHTT có thể chuyển giao cho bên nhận quyền bao gồm: quyền sử dụng đối với nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh (hay còn gọi là “bí mật kinh doanh”). Tuy nhiên, ngoài các đối tượng trên thì còn có quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp cũng có thể được chuyển giao trong nhượng quyền thương mại nhưng không được quy định trong pháp luật về nhượng quyền thương mại. Trong quá trình thực hiện việc nhượng quyền thương mại, đặc biệt là khi chuyển giao công nghệ sản xuất, bên nhượng quyền có thể sẽ phải cung cấp cho bên nhận quyền các mẫu thiết kế về kiểu dáng của sản phẩm đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và bên nhận quyền được phép sử dụng các kiểu dáng công nghiệp đó. Do vậy, có thể xem đây là một thiếu sót của pháp luật thương mại.

  • Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Chuyển giao công nghệ quy định: “Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ”. Điều 7 Chuyển giao công nghệ Luật quy định đối tượng công nghệ được chuyển giao bao gồm: (i) Bí quyết kỹ thuật;(ii) Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;(iii) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ. Như vậy, đối tượng của quyền SHTT có thể là đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ, bao gồm cả chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao một phần quyền sử dụng.

  • Sử dụng TSTT để thương lượng, đàm phán, góp vốn, làm tài sản bảo đảm

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn có thể tiếp cận công nghệ thông qua li-xăng chéo để có thể sử dụng công nghệ của người khác. Quyền SHTT còn có thể sử dụng như tài sản góp vốn thành lập liên doanh hoặc xây dựng các liên minh chiến lược với các công ty khác, thế chấp... Hiện tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đều ghi nhận quyền góp vốn, đầu tư bằng giá trị TSTT của các doanh nghiệp nhưng không có văn bản nào hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quyền đó bằng cách nào và theo thủ tục nào. BLDS thì quy định các nguyên tắc chung về các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản nói chung nhưng không có quy định riêng áp dụng cho TSTT trong khi Luật SHTT chỉ quy định nội dung bảo hộ và thực thi quyền SHTT mà không đề cập cụ thể đến các khía cạnh dân sự, thương mại của TSTT.

Việc quy định góp vốn bằng quyền SHTT tại Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điêu 5 Nghị định 102/2010/NĐ-CP là một trong những bước tiên quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác thương mại TSTT dưới hình thức này. Theo quy định của hai văn bản trên, tất cả các nhóm quyền của quyền SHTT gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng đều có thể được dùng để góp vốn vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc tính vô hình của TSTT nên việc góp vốn bằng tài sản này sẽ có những đặc thù khác với việc góp góp vốn bằng tài sản thông thường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn riêng về việc góp vốn bằng quyền SHTT.

Đây là một vấn đề rất bức xúc trong doanh nghiệp hiện nay, nhất là trong giai đoạn các doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành mạnh mẽ việc chuyển đổi thành các công ty cổ phần. Một khâu vô cùng quan trọng trong cổ phần hóa là doanh nghiệp phải xác định được giá trị tài sản của doanh nghiệp để tính toán vào giá trị cổ phần của các cổ đông khi cổ phần hóa. Vì thế, việc đưa ra một phương pháp cụ thể để xác định giá trị tài sản vô hình nói chung và TSTT nói riêng là một yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Trong các hình thức khai thác thương mại TSTT, việc sử dụng TSTT làm tài sản bảo đảm (thế chấp) để vay vốn ngân hàng (tổ chức tín dụng), là vấn đề khó khăn nhất và gặp nhiều bất cập nhất hiện nay. Ở Việt Nam, chưa có một thống kê nào cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã thế chấp TSTT để vay vốn ngân hàng mặc dù về nguyên tắc tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận; theo đó “tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch” và tài sản bảo đảm có thể bao gồm cả TSTT vì TSTT là một dạng tài sản theo quy định của BLDS 2005.[55] Đặc biệt, Thông tư số 05/2011/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã chính thức xác nhận giao dịch sử dụng TSTT làm tài sản bảo đảm phải đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm.[56] Tuy nhiên, việc sử dụng TSTT để bảo đảm các khoản vay tại ngân hàng thường gặp nhiều khó khăn và bất cập không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, trong đó nổi bật là các khó khăn trong định giá TSTT.

  • Quy định về định giá TSTT

Định giá TSTT đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ TSTT, đặc biệt là trong hoạt động thương mại hóa tài sản này. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, các văn bản pháp luật quy định về việc định giá TSTT ở Việt Nam vẫn còn khá sơ sài và chưa đồng bộ. Các quy định nằm rải rác các văn bản pháp luật như Luật doanh nghiệp 2005 và một số văn bản của Bộ tài chính như Chuẩn mực kế toán số 04, Thông tư 146/2007/TT-BTC, Thông tư 203/2009/TT-BTC. Những văn bản này hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá TSTT mà chỉ là những quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình.

  • Mối quan hệ giữa pháp luật SHTT và pháp luật liên quan đến khai thác thương mại TSTT

Việc khai thác thương mại TSTT của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến việc khai thác đó. Pháp luật SHTT Việt Nam cũng quy định rõ về vấn đề này, theo đó việc khai thác (thực hiện) “quyền SHTT không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công công, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”.[57] Vụ việc liên quan đến hành vi khai thác nhãn hiệu (và tên thương mại) của một doanh nghiệp nước ngoài của Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines cùng các quan điểm trái ngược nhau của các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Jetstar Pacific Airlines là một ví dụ điển hình để phân tích mối quan hệ giữa việc khai thác thương mại TSTT trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Vụ việc của Pacific Airlines

Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines là doanh nghiệp vận chuyển hàng không hoạt động theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.[58] Tập đoàn Quatas của Australia - doanh nghiệp sở hữu hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways (mang quốc tịch Australia) - sau khi mua cổ phần của Pacific Airlines đã ký hợp đồng (Hợp đồng dịch vụ và thương hiệu) chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (và tên thương mại), gồm ba nhãn hiệu Jetstar, Jet và ngôi sao màu vàng cam, cũng như nhượng quyền thương mại (mô hình hàng không giá rẻ) của Jetstar Airways cho Pacific Airlines . Để được khai thác quyền SHTT và nhận nhượng quyền thương mại như trên, Pacific Airlines phải trả cho Quatas/Jetstar Airways mức phí là 0,2% doanh thu hàng năm. Trên cơ sở đó, Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines và chính thức sử dụng thương hiệu và mô hình hàng không giá rẻ của Jetstar Airways từ ngày 23/5/2008; cụ thể Jetstar Pacific Airlines đã sử dụng nhãn hiệu Jetstar, Jet và ngôi sao màu vàng cam trên máy bay, phòng vé và trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm dịch vụ khác.[59]

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không dân dụng) đã yêu cầu Jetstar Pacific Airlines phải sử dụng nhãn hiệu riêng phân biệt với các nhãn hiệu của Jetstar Airways trong các hoạt động liên quan đến việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không của Jetstar Pacific Airlines. Bộ Giao thông vận tải cho rằng Jetstar Pacific Airlines là hãng hàng không Việt Nam, kinh doanh vận chuyển hàng không theo giấy phép (thương quyền) được cấp theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; do đó Jetstar Pacific Airlines phải sử dụng nhãn hiệu (và tên thương mại) riêng mình. Việc Jetstar Pacific Airlines sử dụng các nhãn hiệu của Jetstar Airways có thể gây nhầm lẫn là Jetstar Airways được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa ở Việt Nam.[60] Nhưng Jetstar Pacific Airlines lại có quan điểm ngược lại. Doanh nghiệp này cho rằng họ có quyền tiến hành kinh doanh vận chuyển hàng không với các nhãn hiệu của Jetstar Airways với lý do Jetstar Pacific Airlines là người sử dụng hợp pháp các nhãn hiệu này thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu và nhượng quyền thương mại đã được hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục SHTT (về nhãn hiệu) và Bộ Công Thương (về nhượng quyền thương mại).[61]

Điểm mấu chốt của tranh chấp nêu trên đó là việc khai thác thương mại quyền SHTT trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Mặc dù hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu và nhượng quyền thương mại giữa Jetstar Pacific Airlines và Jetstar Airways/Quantas là hoàn toàn hợp pháp theo pháp luật SHTT và pháp luật thương mại, việc Jetstar Pacific Airlines sử dụng các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của Jetstar Airways là không phù hợp với giấy phép vận chuyển hàng không theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Nói cách khác quyền sử dụng các nhãn hiệu (và tên thương mại) của Jetstar Pacific Airlines nêu trên không đồng nhất với quyền cung cấp dịch vụ theo sự cấp phép của Bộ Giao thông vận tải.[62] Ở góc độ pháp luật về nhượng quyền thương mại, chính khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại cũng đã khẳng định nếu hàng hóa, dịch vụ kinh doanh theo nhượng quyền thương mại thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh. Chính vì vậy Jetstar Pacific Airlines cuối cùng đã phải chấp nhận sử dụng nhãn hiệu riêng trong hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không của mình.

Tóm lại, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được nhầm lẫn giữa quyền SHTT theo quy định của pháp luật SHTT và việc khai thác thương mại TSTT phát sinh từ quyền này với quyền kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quản lý hoạt động kinh doanh.

  • Khai thác thương mại TSTT trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh

Việc trực tiếp sử dụng hay chuyển giao TSTT thông qua hợp đồng, bao gồm cả chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng (gọi chung là hợp đồng chuyển giao công nghệ), có mối liên hệ mật thiết với pháp luật cạnh tranh. Ở Việt Nam, việc chuyển giao TSTT diễn ra còn ít. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa việc khai thác thương mại TSTT và pháp luật cạnh tranh là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lưu ý.

Việc doanh nghiệp khai thác thương mại TSTT trong phạm vi cho phép của pháp luật SHTT là quyền của doanh nghiệp, nhưng nếu vượt phạm vi cho phép, việc khai thác đó có thể bị coi là lạm quyền và vi phạm pháp luật cạnh tranh. Pháp luật Việt Nam trong chừng mực nhất định cũng có những quy định kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (độc quyền) và thỏa thuận hạn chế hạn chế cạnh tranh trong quá trình khai thác thương mại TSTT. Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi năm 2009) và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 trao quyền cho bên giao và bên nhận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ tự thỏa thuận và quyết định nội dung của hợp đồng với điều kiện việc thực thi quyền SHTT gắn với chuyển giao công nghệ đó “không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”, và “không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”, trong đó có pháp luật cạnh tranh.[63] Cụ thể, Luật Chuyển giao công nghệ quy định rõ rằng các bên (đặc biệt là bên giao) không được thoả thuận về điều khoản hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao công nghệ[64];  trong khi đó, Luật SHTT thừa nhận hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm (theo pháp luật cạnh tranh) của chủ sở hữu sáng chế và giống cây trồng là một trong các căn cứ bắt buộc chuyển giao. [65]

Luật SHTT của Việt Nam cho phép bắt buộc chuyển giao khi doanh nghiệp nắm giữ quyền SHTT (như sáng chế và giống cây trồng) có hành vi hạn chế cạnh tranh cũng như khi các bên liên quan không đạt được thỏa thuận chuyển giao với các điều kiện, điều khoản thương mại hợp lý trong một khoảng thời gian hợp lý.[66]  Như vậy, dưới góc độ pháp luật SHTT, hành vi từ chối chuyển giao quyền sử dụng  TSTT (ít nhất là đối với sáng chế và giống cây trồng) có thể dẫn đến bắt buộc chuyển giao.[67]

Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp trong khai thác thương mại TSTT là không để việc khai thác đó vi phạm pháp luật cạnh tranh. Ngược lại, đối với doanh nghiệp cần tiếp cận TSTT của doanh nghiệp khác, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận TSTT đó có thể vận dụng pháp luật cạnh tranh để phục vụ cho mục đích tiếp cận TSTT của mình (nếu khả thi).

3.1.3. Quy định của pháp luật về các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ

Sau khi chính thức trở thành thành viên của WTO (ngày 11 tháng 01 năm 2007), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động thực thi quyền SHTT. Nỗ lực này thể hiện thông qua nhiều hoạt động như: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các văn bản này đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng, chủ thể quyền SHTT, các công chức của cơ quan thực thi quyền SHTT; đào tạo, nâng cao năng lực của hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT. Các nỗ lực nêu trên nhằm đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam với WTO về các lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ, trong đó Hiệp định TRIPs, đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể coi như Hiệp định TRIPS là một thành tựu của pháp luật quốc tế liên quan đến SHTT vì trước khi có Hiệp định này, hầu như không có các quy định liên quan đến việc thực thi quyền SHTT trong các văn bản pháp lý quốc tế. Một trong những đặc điểm chính và tiên bộ của TRIPS là đã dành sự quan tâm thích đáng đến lĩnh vực thực thi quyền thông qua các thủ tục được quy định trong pháp luật của các quốc gia thành viên cũng như những chuẩn mực tối thiểu liên quan đến việc bảo vệ quyền SHTT.[68] Phần 3 của TRIPS quy định về các thủ tục và các biện pháp bảo vệ quyền SHTT ở các quốc gia thành viên trong đó có các biện pháp dân sự, hình sự, hành chính và biện pháp kiểm soát biên giới.

Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện nay (năm 2012), hệ thống các văn bản về SHTT nói chung và về thực thi quyền SHTT nói riêng của Việt Nam đã tương đối phù hợp với yêu cầu chung của Hiệp định TRIPs. Luật SHTT của chúng ta không chỉ bảo đảm tính phù hợp với các quy định của TRIPS mà các quy định liên quan đến các biện pháp bảo vệ quyền SHTT còn có sự mở rộng hơn mức tối thiểu mà TRIPS quy định.

Tuy nhiên, phù hợp với các cam kết quốc tế chưa phải là điều kiện đảm bảo cho các văn bản pháp luật về bảo vệ TSTT được thực hiện có hiệu quả. Điều thực sự quan trọng là các quy định này phải phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, xã hội của Việt Nam. Hệ thống các văn bản về bảo vệ TSTT phải chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực thi quyền SHTT vốn khá đông đảo và nằm tại nhiều đầu mối khác nhau. Có như vậy, hoạt động bảo vệ TSTT ở Việt Nam mới thực sự phát huy được hiệu quả. Đây là một nội dung khó thực hiện trong điều kiện đang phát triển không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước đang chuyển đổi từ mô hình quản lý kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.

Biện pháp bảo vệ quyền SHTT được hiểu là những cách thức được chủ thể của quyền SHTT hoặc Nhà nước sử dụng để bảo vệ quyền tác giả, quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng khi các quyền này bị xâm phạm.

Khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT, việc xác định biện pháp nào sẽ được áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu dựa vào hai yếu tố: một là sự lựa chọn của người bị xâm hại; hai là tính chất, mức độ xâm phạm. Để bảo vệ TSTT của mình, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các biện pháp bảo vệ như biện pháp tự bảo vệ, biện pháp dân sự, hành chính hay biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, dựa vào hành vi cũng như tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm, các cơ quan nhà nước lựa chọn áp dụng các biện pháp bảo vệ được pháp luật quy định. Theo quy định của Luật SHTT năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, ngoài biện pháp tự bảo vệ như bằng biện pháp công nghệ, thông báo, cảnh báo... chủ thể quyền SHTT có thể bảo vệ TSTT của mình bằng biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp hành chính và biện pháp kiểm soát biên giới.

3.1.3.1. Biện pháp tự bảo vệ

Biện pháp tự bảo vệ được quy định tại Điều 198 Luật SHTT cho phép các chủ thể quyền SHTT được tiến hành các biện pháp trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ quyền SHTT của mình. Biện pháp tự bảo vệ được thể hiện ở việc các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp (bao gồm cả các biện pháp công nghệ) nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm TSTT. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT xảy ra, chủ thể quyền có thể lựa chọn các biện pháp tự bảo vệ quyền SHTT của mình như: yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hoặc khởi kiện tại tòa án hoặc yêu cầu trọng tài giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Một điểm rất quan trọng là biện pháp tự bảo vệ thường là biện pháp được áp dụng trước tiên khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT, thậm chí có những trường hợp việc chủ thể quyền đã áp dụng biện pháp tự bảo vệ được coi là điều kiện tiên quyết để cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính. Ví dụ theo quy định của Thông tư 37/2011/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về SHCN, chủ thể yêu cầu xử lý hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN phải chứng minh bên bị yêu cầu xử lý tiếp tục “sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn mặc dù đã được chủ thể quyền yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hoặc thay đổi chỉ dẫn đó[69] ” ; hoặc tiếp tục “sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn thông qua tên miền mặc dù đã được chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý thông báo và thỏa thuận với các điều kiện hợp lý nhưng không được chấp nhận”.[70] Qua quy định này có thể khẳng định, biện pháp hành chính chỉ được áp dụng để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN khi và chỉ khi chủ thể yêu cầu xử lý vi phạm chứng minh được họ đã áp dụng biện pháp tự bảo vệ, cụ thể là đã yêu cầu bên vi phạm chấm dứt việc sử dụng hoặc thay đổi chỉ dẫn gây nhầm lẫn hoặc thông báo và thỏa thuận với bên có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc đăng ký, chiếm giữ tên miền nhưng không đạt được kết quả. Như vậy, biện pháp tự bảo vệ, mà cụ thể là việc thông báo, khuyến cáo bên vi phạm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của họ (có thể kèm theo những yêu cầu nhất định) phải được chủ thể thực hiện trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính.

3.1.3.2. Biện pháp dân sự

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Nhằm tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp về TSTT, ngày 3/4/2008, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Toà án”. Thông tư này được ban hành với kỳ vọng nhằm giúp chủ thể quyền giải quyết các tranh chấp về SHTT bằng biện pháp dân sự tại Tòa án.

Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ thể quyền SHTT và các chủ thể có quyền liên quan khác có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền của mình. Theo quy định tại Điều 205 của Luật SHTT, chủ thể quyền (nguyên đơn) phải có nghĩa vụ chứng minh về các nội dung sau:

- Chứng minh mình là chủ thể quyền SHTT bằng một trong các chứng cứ sau đây: (i) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về SHCN, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ; (ii) Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng; (iii) Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng SHTT trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.

- Cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền SHTT.

- Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật SHTT.

Luật SHTT năm 2005 đã có một bước tiến bộ vượt bậc khi quy định về các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT ở Điều 205. Theo đó, mức bồi thường thiệt hại về vật chất được tính bằng tổng thiệt hại vật chất được tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào thiệt hại vật chất; giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT, vì giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng SHTT trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện. Điều 205 cũng quy định trong trường hợp không xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất thì Toà án có thẩm quyền ấn định mức bồi thường tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không quá năm trăm triệu đồng. Mức bồi thường về tinh thần trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Trước khi Luật SHTT ra đời, khó khăn lớn nhất trong việc bảo vệ quyền SHTT bằng phương thức dân sự là việc xác định thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi xâm phạm quyền SHTT. Có thể nói, quy định về nguyên tắc và căn cứ xác định thiệt hại trong Luật SHTT là một điểm mới rât quan trọng, lâp đầy khoảng trống về vấn đề này trong BLDS 1995 trước đây. Việc xác định thiệt hại trên cơ sở lợi nhuận thu được của bên xâm phạm hoặc thu nhập hợp pháp bị giảm sút của bên bị thiệt hại tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc tính toán thiệt hại. Một ưu điểm nữa trong quy định của Điêu 205 Luật SHTT về căn cứ xác định mức bồi thường do xâm phạm quyền SHTT là ngoài khoản bồi thường thiệt hại vật chât và tinh thần, chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền SHTT phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Tuy nhiên, thực tế áp dụng các quy định về bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp dân sự vẫn còn tồn tại những bất cập, vướng mắc:

Thứ nhất: Về xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT

Mặc dù quy định của Luật SHTT hiện nay về các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT ở Điều 205 được đánh giá là một sự tiến bộ vượt bậc so với trước đây, tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này vẫn còn những vướng mắc như sau:

- Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP và Mục B.1.4 TTLT số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTTDL-BKHCN-BTP thì khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường về tổn thất về tài sản, thì phải nêu rõ giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền SHTT tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền SHTT đó. Tuy nhiên, pháp luật nước ta chưa có quy định về phương pháp xác định giá trị quyền SHTT hay TSTT, dẫn đến trên thực tê, tòa án gặp rất nhiều khó khăn khi quyết định mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT.

- Hiện nay chưa có hướng dẫn cách xác định thiệt hại trên cơ sở lợi nhuận thu được của bên xâm phạm hoặc thu nhập hợp pháp bị giảm sút của bên bị thiệt hại, dẫn đến khó xác định: lợi nhuận thu được là lợi nhuận thu được trước thuê hay sau thuê (vì doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ nộp thuê đối với Nhà nước); Mặt khác doanh nghiệp có thể có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau. Vì vậy phải có sự phân định rõ giữa lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm với lợi nhuận thu được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp khác; Thu nhập bị giảm sút của bên bị xâm phạm cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân do hành vi xâm phạm như: thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi; hoạt động quảng cáo, maketing chưa hiệu quả... Vì vậy phải xác định chính xác phần thiệt hại nào là do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra.

Thứ hai: Về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự về quyền SHTT

Theo quy định tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các tranh chấp về quyền SHTT là một trong các tranh chấp dân sự nói chung được giải quyết theo các trình tự, thủ tục được quy định trong BLTTDS. Vậy, đối với các tranh chấp về quyền SHTT thì có áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS không? Quyền khởi kiện của chủ thể quyền SHTT có phải chỉ giới hạn trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm không? Hay chủ thể quyền SHTT có quyền khởi kiện kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và kéo dài cho đến hết thời hạn bảo hộ? Sau đây là một vụ việc mà Tòa án đã đình chỉ giải quyết với lý do “hết thời hiệu khởi kiện”.

Vụ kiện xâm phạm giải pháp hữu ích

Ông Hoàng Thịnh là chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại máy cơ khí, đồng thời là một nhà sáng chế ở ĐăkLăk đã được Cục SHTT cấp 4 bằng độc quyền sáng chế cho các công cụ thiết bị, trong đó giải pháp hữu ích cho máy đùn gạch của ông đã được cấp bằng độc quyền số 319 vào tháng 2/2002. Ngay sau khi doanh nghiệp Hoàng Thịnh vừa cho xuất xưởng những chiếc máy đùn gạch đầu tiên thì trên thị trường cũng xuất hiện “máy nhái” sử dụng giải pháp độc quyền của ông. Năm 2003, khi phát hiện lò gạch Việt Mỹ do ông Nguyễn Đình Mỹ sử dụng loại “máy nhái” có gắn trục cào để sản xuất, đồng thời xưởng cơ khí Đình Mỹ của bà Thái Thị Thu Sương, do vợ ông Mỹ đứng tên còn bán loại “máy nhái” này cho một số chủ lò gạch khác, ông Thịnh đã yêu cầu Cơ sở này ngừng sản xuất và bán máy vì chưa được ông cho phép nhưng không được đáp ứng. Vì vậy, ông đã làm đơn tố cáo ông Mỹ bà Sương đến Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk và UBND huyện Krông Ana. Sở khoa học và công nghệ và các cơ quan chức năng khác đã vào cuộc, lập biên bản hiện trường, kiểm tra đối chất với chủ sở hữu và người sử dụng, đánh giá dựa trên máy đùn gạch theo giải pháp hữu ích của ông Thịnh đối với máy móc thiết bị được sử dụng và đưa ra kết luận rằng hành vi của ông Nguyễn Đình Mỹ sử dụng máy đùn gạch dựa trên giải pháp hữu ích của ông Thịnh là trái phép nhưng chưa có phương án giải quyết. Đến cuối tháng 3/2008, UBND tỉnh ĐăkLăk có văn bản chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ xâm phạm quyền sở hữu giải pháp hữu ích này đến Toà án nhân dân tỉnh ĐăkLăk để giải quyết.

Sau hàng chục lần thay đổi lịch, ngày 17 và 18/7/2010 Tòa án nhân dân tỉnh ĐăkLăk mới mở phiên toà sơ thẩm đầu tiên xét xử vụ án xâm phạm giải pháp hữu ích. Hội đồng xét xử đã xác định cơ sở Việt Mỹ đã xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích của ông Hoàng Thịnh và buộc ông Nguyễn Đình Mỹ bồi thường cho ông Hoàng Thịnh số tiền là 351 triệu đồng. Sau phiên toà sơ thẩm, ông Mỹ và bà Sương đã nhiều lần tìm gặp ông Thịnh, xin ông thông cảm chấp nhận giảm một nửa số tiền phải bồi thường. Ông Thịnh đồng ý thỏa thuận với ông Mỹ: Khi nào ông Mỹ đem 206 triệu đồng thi hành án tới, ngoài phần trích chi trả cho luật sư, hai ông sẽ cùng đến tặng trọn gói số tiền còn lại cho Hội Người mù tỉnh Đăk Lăk. Thế nhưng, lòng tốt của ông Thịnh bị ông Mỹ lợi dụng nhằm kéo dài thời gian để ông Mỹ tìm cách “chạy”. Quá hạn thi hành án, ông Thịnh mới biết ông Mỹ đã gửi đơn kháng cáo.

Ngày 25-11-2010 TAND Tối cao về Đăk Lăk xử phúc thẩm. Tình tiết mới được ông Mỹ đưa ra là 3 văn bản của Phòng Đăng ký Kinh doanh huyện Krông Ana, Chi cục Thuế huyện và UBND xã Ea Bông, xác nhận trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2007 không có cơ sở sản xuất gạch nào tên Việt Mỹ đăng ký kinh doanh, nộp thuế và tồn tại trên địa bàn buôn Mlếch xã Ea Bông. Dù 3 văn bản này chỉ cho thấy rất có thể trong khoảng thời gian đó lò gạch Việt Mỹ đã “làm chui”, trốn thuế, bởi các tài liệu quá rõ khác trong hồ sơ vụ án như những đoạn phim phóng sự do Đài THVN, Đài PTTH Đăk Lăk quay tại hiện trường vi phạm của lò gạch Việt Mỹ tại buôn Kô xã Ea Bông, biên bản do đoàn kiểm tra liên ngành lập. đều chứng minh sự tồn tại và hoạt động của cơ sở này, nhưng Tòa Tối cao vẫn tuyên hủy án sơ thẩm để làm rõ thêm vấn đề này, trả hồ sơ về để tòa tỉnh điều tra xét xử lại.

Ngày 19/7/2011, Tòa án nhân dân Tỉnh Đăk Lắc trong phiên xét xử sở thẩm lại đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về việc vi phạm quyền SHTT của ông Hoàng Thịnh, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo với lý do đã quá thời hiệu khởi kiện. Ông Hoàng Thịnh lại một lần nữa gửi đơn kháng cáo nhưng đã bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng bác đơn vẫn với lý do nêu trên.

Trong vụ việc trên, ông Thịnh đã 9 năm trời ròng rã theo kiện, tốn kém không biêt bao nhiêu thời gian và tiền của cho việc tự đi điều tra, thu thập chứng cứ để cung cấp cho các cơ quan chức năng; chi phí đi lại; chi phí thuê luật sư; tiền án phí… dẫn đến doanh nghiệp của ông phá sản, gia cảnh kiệt quệ mà quyền lợi hợp pháp của ông vẫn không được bảo vệ. Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích của ông Thịnh chấm dứt hiệu lực vào tháng 2/2012 nhưng trước đó, từ tháng 7/2011, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện của ông với lý do “hết thời hiệu khởi kiện”, trong khi hành vi xâm phạm giải pháp hữu ích của ông vẫn không bị xử lý; bản thân nhà sáng tạo như ông Thịnh không nhận được một khoản bồi thường nào.

Điêu bât hợp lý là trong khi quyền SHTT của nguyên đơn vẫn đang còn hiệu lực thì Tòa án lại trả lại đơn khởi kiện vì lý do hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLDS và BLTTDS.

Thứ ba: về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo quy định tại Điều 99 BLTTDS và Điều 206 LSHTT thì chủ thể quyền SHTT chỉ có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi họ khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện vụ án dân sự về quyền SHTT. Quy định này chưa thật phù hợp với các quy định của Hiệp định TRIPS[71] vì theo Điều 50.2 của Hiệp định này, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện trong những trường hợp cần thiêt. Mặt khác, quy định này cũng chưa phù hợp với thực tế vì có nhiều trường hợp đương sự không muốn làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của mình trên thương trường cũng như để đảm bảo bí mật thông tin, bí quyêt kinh doanh nên họ không muốn khởi kiện ra tòa án mà chỉ muốn tòa án áp dụng ngay lập tức các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ chứng cứ cũng như ngăn chặc các hậu quả xâu có thể xảy ra.

Quy định của pháp luật hiện nay cũng chưa quy định về việc Tòa án có thể cho phép nguyên đơn được kiểm tra, tìm kiếm thu thập chứng cứ do bị đơn lưu giữ hoặc tại các cơ sở của bị đơn mà không thông báo trước cho bị đơn (còn được gọi là lệnh Anton Piller được áp dụng tại tòa án của nhiều quốc gia). Do tính chất đặc thù của quyền SHTT, khi nguyên đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền SHTT, nguyên đơn phải đưa ra được các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, nhiều khi việc có được các chứng cứ này là rất khó bởi bị đơn khi biết mình bị kiện ra tòa sẽ ngay lập tức tẩu tán hoặc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, tài liệu và những chứng cứ có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT. Do đó, trong trường hợp này, cần thiết phải bảo đảm cho nguyên đơn có được ngay lập tức những chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm quyền SHTT của bị đơn, theo đó nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định cho phép nguyên đơn được kiểm tra, tìm kiếm thu thập chứng cứ do bị đơn lưu giữ hoặc tại các cơ sở của bị đơn mà không thông báo trước cho bị đơn giống như lệnh Anton Piller được áp dụng tại các tòa án của Vương quốc Anh.[72]

Pháp luật SHTT cũng như pháp luật dân sự cũng chưa quy định cụ thể về trường hợp nếu quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai gây thiệt hại cho đương sự hoặc người thứ ba thì ai phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, khoản 2 Điều 101 BTTDS mới chỉ quy định về trách nhiệm bồi thường của tòa án trong trường hợp tòa án áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba mà chưa có quy định về trách nhiệm của tòa án trong trường hợp tòa án không ra hoặc chậm ra quyết định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc tòa án không ra hoặc chậm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể dẫn đến việc bị đơn đã tẩu tán hoặc tiêu hủy hết hàng hóa, chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm quyền SHTT của bị đơn và thiệt hại không nhỏ đã xẩy ra đối với nguyên đơn.

3.1.3.3. Biện pháp hành chính

So với quy định của Luật SHTT 2005 và Nghị định 106/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, quy định của pháp luật SHTT hiện nay (cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc Hội thông qua ngày 19/6/2009, có hiệu lực vào ngày 1/10/2010 và Nghị định 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN ngày 21/09/2010) có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện qua các vấn đề sau:

Thứ nhất: về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp hành chính

Luật SHTT sửa đổi 2009 đã có những sửa đổi căn bản về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Quy định về điều kiện chủ thể quyền phải “thông báo” cho đối tượng vi phạm trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đã bị huỷ bỏ, thay vào đó, biện pháp hành chính được áp dụng khi hành vi xâm phạm “gây thiệt hại” cho tác giả, chủ sở hữu.

Thứ hai: về mức xử phạt

Trước đây, Luật SHTT năm 2005 ấn định mức phạt tiền trong các trường hợp vi phạm hành chính ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được. Quy định này trên thực tế không phù hợp và khó có tính khả thi bởi mức phạt trong nhiều trường hợp có thể quá cao hoặc quá thấp so với hành vi vi phạm. Ví dụ: trong trường hợp giá trị hàng hoá xâm phạm rất thấp do hàng hoá kém chất lượng, không có giá trị sử dụng có nghĩa là hành vi vi phạm càng nghiêm trọng nhưng luật lại xác định mức phạt chỉ bằng giá trị hàng hoá vi phạm nên không có tác dụng răn đe. Ngược lại, hàng hoá xâm phạm có giá trị lớn do bản thân hàng hoá có giá cao, chất lượng không thua kém hàng thật, vì vậy mà yếu tố vi phạm ít nghiêm trọng hơn nhưng mức phạt lại quá lớn dẫn đến không khả thi. Thêm vào đó, quy định này lại mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2008 vì theo văn bản này, Chánh thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền phạt đến 500 triệu.

Luật SHTT sửa đổi 2009 đã có quy định mới về hình thức phạt tiền, theo đó, mức phạt tiền theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 (tối đa đến 500 triệu đồng cho lĩnh vực SHTT) được áp dụng thay vì mức phạt từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hoá vi phạm theo quy định của Luật SHTT 2005 trước đây. Về mức phạt trong Nghị định 97 cũng có thay đổi, không áp dụng phương pháp tính số lần (1 lần đến 2 lần) như Nghị định 106/2006/NĐ-CP mà việc xác định mức phạt cụ thể theo giá trị hàng hoá, dịch vụ vi phạm. Quy định này giúp cho hoạt động xử phạt mang tính khả thi và phù hợp với thực tế hơn, bởi vì các quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền SHCN hoặc Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có những mức phạt phù hợp với từng hành vi vi phạm. Trường hợp giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thì mới căn cứ vào giá trị của hàng hoá vi phạm để ân định mức phạt tiên.

Để đảm bảo tính răn đe trong việc xử lý các đối tượng vi phạm, mức phạt trong Nghị định 97 có sự phân biệt giữa các chủ thể thực hiện hành vi, cụ thể với đối tượng có hành vi bán, chào hàng, tàng trữ, trưng bày để bán có mức phạt thấp hơn so với chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu, đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi vi phạm.

Thứ ba: Về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị xử lý hành chính

Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN đồng thời được quy định cả trong pháp luật cạnh tranh[73]  và pháp luật SHTT.[74] Với quy định tại khoản 3 Điêu 211 Luật SHTT “Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh", Luật SHTT đã dẫn chiếu luật áp dụng để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT là “pháp luật về cạnh tranh”. Tuy nhiên, so với quy định của Luật SHTT 2005, pháp luật cạnh tranh (cụ thể là Luật Cạnh tranh 2004 và Nghị định 120/2005/NĐ-CP) chỉ điều chỉnh hai trong bốn hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN và biện pháp hành chính cũng chỉ được áp dụng để xử lý hai trong bốn hành vi này.

Nghị định 120/2005/NĐ-CP chỉ quy định việc xử lý đối với hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Cạnh tranh là “hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn” và “hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh”. Còn hai hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật SHTT là: sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó và đăng kí, chiếm giữ, sử dụng tên miền bất hợp pháp không được quy định và không được xử lý bằng pháp luật cạnh tranh. Như vậy, cho đến trước thời điểm Nghị định số 97/2010/NĐ- CP ra đời (ngày 21/09/2010), chế tài xử phạt hành chính không được áp dụng đối với hai loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật SHTT.

So với Nghị định 120/2005/NĐ-CP, Nghị định 97/2010/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 97, chế tài xử phạt hành chính cũng như các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng cho cả bốn dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật Cạnh tranh và Luật SHTT.

Một điểm mới quan trọng của Nghị định 97/2010/NĐ-CP là lần đầu tiên ghi nhận cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền bằng biện pháp hành chính. Trước khi có văn bản này, việc giải quyết tranh chấp tên miền căn cứ vào Luật Công nghệ thông tin năm 2005 (Điều 76), Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT (Mục 3, Điều 1), Quyết định số 73/QĐ-VNNIC ngày 17/03/2010, theo đó, việc giải quyết tranh chấp tên miền chỉ có 03 hình thức là: i) khởi kiện tại Tòa án ; ii) thương lượng hòa giải; iii) thông qua trọng tài. Điều này có nghĩa là biện pháp hành chính không được áp dụng. Cũng theo những văn bản trên, việc thu hồi, hủy bỏ... tên miền do cơ quan quản lý tên miền “.vn’ là Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện, hoàn toàn không liên quan đến các biện pháp thực thi hành chính.

Nghị định 97/2010/NĐ-CP tại khoản 10 Điều 14 quy định về hình thức phạt tiền đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền với mức phạt tối đa 20.000.000 đồng và tại khoản 3 Điều 3 quy định về các hình thức xử phạt bổ sung đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có hình thức “buộc thu hồi tên miền”. Biện pháp này do Trung tâm Internet Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi: bên yêu cầu xử lý vi phạm và bên vi phạm không đạt được thỏa thuận về biện pháp giải quyết phù hợp; bên vi phạm không chấm dứt hành vi chiếm giữ quyền sử dụng tên miền hoặc sử dụng tên miền.

Thứ tư: Về cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm

Nghị định 97/2010/NĐ-CP đã mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm cho các cơ quan, cụ thể:

Cơ quan Thanh tra chuyên ngành về SHTT: Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN; thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan; thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có thẩm quyền xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng; thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông có thẩm quyền xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN liên quan đến tên miền.

Cơ quan Quản lý thị trường: Có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường. Đối với hành vi sản xuất sản phẩm, hàng hóa xâm phạm thì cơ quan Quản lý thị trường không có thẩm quyền xử lý. Cơ quan Quản lý thị trường là lực lượng rất đông đảo và có hệ thống tổ chức đến cấp huyện, thị để đảm bảo việc kiểm soát được toàn bộ việc lưu thông hàng hóa tại thị trường trong cả nước. Do đó đây là lực lượng rất quan trọng để bảo đảm thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính đối với thị trường trong cả nước.

Cơ quan Hải quan: Có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa. Cơ quan Hải quan là lực lượng rất quan trọng không thể thiếu để bảo đảm biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới. Trong quá trình làm thủ tục để xem xét cho thông quan hàng hóa, nếu chủ thể quyền SHTT có đơn yêu cầu xử lý lô hàng nhập khẩu tại hải quan có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT thì Cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa.

Cơ quan Công an: Có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi xâm phạm về SHTT và phối hợp với các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan để kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi xâm phạm về Sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền.

UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện: Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra tại địa phương. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về SHTT xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan.

Ngoài ra Điều 15 Nghị định 97/2010/NĐ-CP còn quy định Cục quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN.

Theo quy định của Luật cạnh tranh và Nghị định 120/2005/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý và xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh là Cơ quan quản lý cạnh tranh (cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh, trực thuộc Bộ công thương - trước đây là Bộ Thương mại). Nghị định 97/2010/NĐ-CP tại Điều 15 cũng bổ sung và mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm cho các cơ quan, theo đó

+ Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ và Cục Quản lý cạnh tranh cùng có thẩm quyền xử lý bốn dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN (riêng đối với hành vi vi phạm xảy ra trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ).

+ Cơ quan Thanh tra Thông tin và truyên thông có thẩm quyền xử lý hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền bất hợp pháp.

+ Riêng Trung tâm Internet Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là biện pháp buộc thu hồi tên miền.

Với quy định trên, có thể nhận thấy cùng một hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN có thể thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan. Ví dụ: đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới tên miền, có đến ba cơ quan khác nhau đều có thẩm quyền xử lý là Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ Thông tin và truyên thông, Cục quản lý cạnh tranh. Điều này liệu có gây nên sự chồng chéo về thẩm quyền xử lý giữa các cơ quan này hay không. Vấn đề này đã được Thông tư 37/2011/TT-BKHCN hướng dẫn giải quyết trong Điều 13:

- Trong trường hợp nhiều cơ quan khác nhau cùng có thẩm quyền xử lý một hành vi vi phạm thì chủ thể quyền có thể lựa chọn một trong số các cơ quan đó để nộp đơn yêu cầu xử lý;

- Trường hợp chủ thể quyền đồng thời nộp đơn yêu cầu nhiêu cơ quan có thẩm quyền xử lý cùng một hành vi vi phạm thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Một điểm mới nữa là Nghị định 97/2010/NĐ-CP đã Quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt trong các cơ quan: Thanh tra Khoa học và Công nghệ (Điều 16); Thanh tra Thanh tra thông tin truyền thông (Điều 17); Quản lý thị trường (Điều 18); Hải quan (Điều 19); Công an nhân dân (Điều 20); Cục quản lý cạnh tranh (Điều 21); Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyên; Riêng thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh lên đến 70 triệu (trong Nghị định 120/2005/NĐ-CP là 20 triệu). Điều này cho thấy quy định của Nghị định 97 được phép thay thế cho những quy định cũ không còn phù hợp của Nghị định 120 liên quan đến việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN.

Thứ năm: về hình thức xử lý

Theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định 120/2005/NĐ-CP, các hình thức xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN (bao gồm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn và hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh) chỉ bao gồm: (i) phạt tiền; (ii) tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; (iii) buộc cải chính công khai.

Điều 14 Nghị định 97/2010/NĐ-CP quy định các hình thức xử lý được áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN bao gồm: (i) Phạt tiền; (ii) Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, kể cả hoạt động thương mại điện tử đến sáu tháng; (iii) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm, buộc tiêu hủy yếu tố vi phạm, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm không loại bỏ được yếu tố vi phạm; buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại; buộc loại bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện quảng cáo, trang tin điện tử; buộc thay đổi, thu hồi tên doanh nghiệp, tên miền chứa yếu tố vi phạm; thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi xâm phạm mà có.

So với Nghị định 120/2005/NĐ-CP, hình thức xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN được quy định trong Nghị định 97/2010/NĐ-CP đa dạng và phong phú hơn về các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo quy định của Điều 211 Luật SHTT, tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi và chỉ khi hành vi xâm phạm “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hôi”. Quy định này đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi vì bắt buộc phải tìm ra căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT có “gây ra thiệt hại”. Trên thực tế, có những hành vi vi phạm pháp luật SHTT (ví dụ vi phạm các quy định về quản lý nhà nước về SHTT) chỉ xâm phạm trật tự công cộng nên việc chứng minh có gây thiệt hại cụ thể là máy móc và khiên cưỡng. Mặt khác, biện pháp hành chính hoàn toàn không có chế tài bồi thường như trong dân sự, do đó, việc chứng minh có thiệt hại xảy ra là không cần thiết.

3.1.3.4. Biện pháp hình sự

Điều 212 Luật SHTT quy định “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”. Bộ luật Hình sự 1999 tại Điều 131 quy định tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 171 quy định tội xâm phạm quyền SHCN; riêng hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng chưa được quy định trong Bộ luật hình sự do đây là một đối tượng mới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ Luật hình sự năm 2009 đã thay thế Điều 131 bởi Điều 170a (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) và sửa đổi Điều 171 về Tội xâm phạm quyền SHCN. Như vậy, liên quan đến các tội trong lĩnh vực SHTT, BLHS hiện nay quy định các tội danh bao gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi (Điều 158); Tội xâm phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN (Điều 170); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170 a); Tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171).

Riêng nội dung của Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170 a) và Tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171) trong Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2009 đã loại bỏ yếu tố gây “hậu quả nghiêm trọng’ của hành vi xâm phạm quyền SHTT. Điều 171 đã loại bỏ hành vi xâm phạm những đối tượng SHCN như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp ra khỏi quy định áp dụng chế tài hình sự mà chỉ quy định xử lý hành vi xâm phạm hai đối tượng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Theo đó những người không được phép của chủ thể quyền tác giả và người cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn với “quy mô thương mại” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy có thế thấy với nội dung mới này thì những quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT của Việt Nam đã phù hợp hơn Hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.[75]

Điều kiện để xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đối với vụ án về tội phạm xâm phạm quyền SHTT quy định tại khoản 1 của Điều 131 (nay là Điều 170a) và Điều 171 thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại.

Tuy nhiên những vướng mắc trong thực hiện Điều 131, Điều 171 của Bộ Luật hình sự năm 1999 chưa được Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ Luật hình sự giải quyết như: phân biệt bản chất giữa tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158) và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền SHCN và những quy định mới về “quy mô thương mại” (Điều 170a, Điều 171 Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung).

Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự cần phải giải quyết được cụ thể các vấn đề vướng mắc và những vấn đề mới trong việc xử lý loại tội danh này. Đặc biệt, cần giải thích cụ thể “quy mô thương mại” ở Điều 170a và Điều 171 Luật hình sự sửa đổi năm 2009.

3.1.3.5. Biện pháp kiểm soát biên giới

Biện pháp kiểm soát biên giới (còn gọi là kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT) được quy định tại Điều 216 của Luật SHTT, đồng thời cũng được quy định trong một mục riêng trong Luật Hải quan. Tuy nhiên, do luật này được ban hành trước Luật SHTT và trước thời điểm Việt Nam ra nhập WTO, do vậy một số quy định của Luật Hải quan còn thiếu thống nhất với Luật SHTT như: thời điểm tính thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan, việc phân biệt trường hợp đề nghị dài hạn và trường hợp đề nghị cụ thể và phạm vi thực hiện thẩm quyền mặc nhiên của cơ quan Hải quan đối với hàng hoá xâm phạm quyền. Đồng thời, Luật Hải quan chưa quy định cụ thể đối với trường hợp cho phép mang hàng hoá về bảo quản có lưu lại mẫu tại cơ quan hải quan đối với lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT quy định tại điều 52.2 Hiệp định TRIPs.

Theo quy định tại Điều 57, 58 Luật Hải quan 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2005; Luật SHTT 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hiện nay, cơ quan Hải quan không chỉ tạm dừng làm thủ tục Hải quan khi có đơn đề nghị của chủ thể quyền SHTT mà chủ sở hữu quyền SHTT còn có quyền đề nghị kiểm tra, giám sát dài hạn để cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, có quyền tạm dừng làm thủ tục nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, cơ quan Hải quan còn có trách nhiệm bảo vệ TSTT ngay cả trong trường hợp tự mình phát hiện có vi phạm quyền SHTT. Hơn nữa, quy định chủ thể quyền SHTT phải cung cấp những thông tin như: thông tin về người nhập khẩu, về cửa khẩu nhập, bằng chứng... về lô hàng SHTT trong một khoảng thời gian ngắn là không dễ. Trong khi đó pháp luật SHTT cũng như pháp luật hải quan hiện nay chưa có quy định nào cho phép cơ quan Hải quan trên cơ sở các thông tin được cung cấp trước, được chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (thẩm quyền đương nhiên). Thiếu một cơ chế như vậy, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan Hải quan sẽ không được phát huy và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó việc áp dụng quy định về thẩm quyền tạm dừng đương nhiên của cơ quan Hải quan trong việc thực thi quyền SHTT tại biên giới là một trong những thông lệ chung của hải quan các nước trên thế giới. Để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ TSTT của cơ quan Hải quan, cần bổ sung quy định cơ quan Hải quan có thẩm quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

  1. Đánh giá các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền SHTT

Cho đến thời điểm hiện nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền SHTT đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và bảo đảm tính tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên có thể nhận thấy hệ thống này vẫn bộc lộ những tồn tại sau:

- Hệ thống pháp luật SHTT còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết như: Quy chế thẩm định đơn đăng ký đối với từng đối tượng SHTT dẫn đến việc thực hiện trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Những vấn đề được quy định trong luật chủ yếu mang tính nguyên tắc và chủ yếu sao chép các quy định trong các Điều ước quốc tế, vì vậy nếu không có văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất. Ví dụ trong việc thẩm định đơn đăng ký SHCN, do không có hướng dẫn chi tiết nên cơ quan có thẩm quyền thường lúng túng trong việc xử lý; có thể đưa ra những quyết định không thống nhất; việc quyết định khả năng bảo hộ chủ yếu dựa vào trình độ hiểu biết của thẩm định viên, vì vậy ít nhiều mang tính chủ quan, dẫn tới làm giảm lòng tin của các doanh nghiệp đối với các cơ quan có thẩm quyền.

- Các quy định về bảo vệ quyền SHTT nằm phân tán ở rất nhiều văn bản khác nhau, do đó thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Các văn bản liên quan đến bảo vệ quyền SHTT có thể kể đến như: BLDS, Luật SHTT, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Luật Khoa học và Công nghệ năm 2003; Luật Tố tụng dân sự năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Luật Hải quan, Luật cạnh tranh...và rất nhiều văn bản hướng dẫn, thi hành các luật nêu trên.

- Do tình trạng “cát cứ” trong xây dựng, ban hành và thi hành các văn bản pháp luật do các ngành khác nhau nên dẫn tới tình trạng vẫn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn.

- Một số quy định mới chỉ dừng ở nguyên tắc chứ chưa đủ chi tiết, nên việc áp dụng các chế tài bị lẫn lộn và thiếu hiệu quả. Vẫn còn tồn tại những quy định chưa phù hợp hoặc thiếu cụ thể dẫn đến quy định của pháp luật chưa thực sự giải quyết được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thực thi quyền.

3.2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

3.2.1. Thực trạng xác lập quyền đối với TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam

3.2.1.1. Thực trạng xác lập quyền đối với TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước

Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế, thực hiện chính sách đối ngoại “mở cửa”, thiết lập các quan hệ kinh tế, thương mại với nước ngoài, đặc biệt, sự kiện Việt Nam được gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2006 và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này ngày 11/01/2007 đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc bảo hộ TSTT. Sự phát triển của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền SHTT có thể nhận thấy qua số lượng đơn đăng ký SHCN được nộp vào Cục SHTT không ngừng gia tăng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Biểu đồ dưới đây cho thấy số lượng đơn đăng ký một số đối tượng SHCN cơ bản (bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp) được nộp vào Cục SHTT trong khoảng thời gian này.

 

Biểu đồ : lượng đơn đăng ký SHCN nộp vào Cục SHTT từ 1995 -2010

Biểu đồ trên cho thấy số lượng đơn đăng ký SHCN không ngừng gia tăng và tăng mạnh trong khoảng từ 2005 đến nay. Riêng trong năm 2010, đã có 33.616 đơn đăng ký xác lập quyền được nộp cho Cục SHTT bao gồm 3.582 đơn sáng chế, 299 đơn giải pháp hữu ích, 1.730 đơn kiểu dáng công nghiệp, 27.919 đơn nhãn hiệu, 7 đơn chỉ dẫn địa lý, 2 đơn thiết kế bố trí. Ngoài ra, còn có 4.236 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam và 2.508 yêu cầu gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế.

Tính đến 31/12/2011, Cục SHTT đã tiếp nhận đã tiếp nhận 65.356 đơn các loại, trong đó:

38.789 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, bao gồm: 3.688 đơn sáng chế; 307 đơn giải pháp hữu ích; 1.861 đơn kiểu dáng công nghiệp; 28.237 đơn nhãn hiệu; 5 đơn chỉ dẫn địa lý; 15 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp; 4.567 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam; 109 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (11 đơn sáng chế, 98 đơn nhãn hiệu).[76]

Các chủ thể là các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền SHCN đối với việc bảo vệ TSTT. Sự tiến bộ này được thể hiện qua số liệu đơn đăng ký xác lập quyền SHCN của người Việt Nam ngày càng tăng.

 

So sánh số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam và người nước ngoài, chúng ta có thể thấy những con số đáng khích lệ. Nêu như vào thời điểm năm 2000 và 2001, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam và người nước ngoài có tỉ lệ xâp xỉ: năm 2000 (Việt Nam: 3843; Nước ngoài 2399); năm 2001 (Việt Nam 3090; nước ngoài 3250) thì 10 năm sau, tỉ lệ đó đã có sự thay đổi đáng kể. Năm 2010 (Việt Nam: 21204; nước ngoài: 6719); Năm 2011 (Việt Nam: 22402; nước ngoài: 5835). Những số liệu trên cho thấy các chủ thể Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc đăng ký, xác lập quyền đối với TSTT, đặc biệt là nhãn hiệu.

 


 

Đối với đăng ký sáng chế, so sánh tỉ lệ đơn đăng ký sáng chế của người nước ngoài và người Việt Nam có thể thấy có một sự chênh lệch rất lớn. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam trung bình hằng năm đều chưa bằng 1/10 đơn đăng ký của người nước ngoài. Cho đến 31/12/2012, tổng số bằng độc quyền sáng chế của người nộp đơn Việt Nam được cấp là 458/tổng số 9973; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 576/tổng số 934 cho thấy số Văn bằng bảo hộ các đối tượng mang tính sáng tạo được cấp cho người Việt Nam khá khiêm tốn so với số Văn bằng bảo hộ được cấp cho người nước ngoài. Điều này phản ánh một thực tế rất rõ là trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của chúng ta còn thua kém các nước tiên tiến trên thế giới khá xa, số lượng TSTT mang đặc tính sáng tạo, đổi mới của Việt Nam còn hạn chế. Số liệu này phần nào cũng phản ánh các chủ thể Việt Nam hoặc quá ít giải pháp kỹ thuật mới để đăng ký, hoặc chưa thực sự quan tâm đến việc tạo lập, đăng ký và phát triển tài sản này.

Tính từ năm 1981 (năm đầu tiên thành lập Cục SHTT với tên là Cục sáng chế) đến thời điểm ngày 31/12/2011, tổng số bằng độc quyền sáng chế của người nộp đơn Việt Nam được cấp là 458/tổng số 9973 (riêng trong năm 2011 là 40/985 Bằng độc quyền chế); Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 576/tổng số 934; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 12437/tổng số 16188; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 113877/ tổng số 177900; Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là 26/tổng số 29.[77]

Tuy số lượng văn bằng bảo hộ được cấp cho người Việt Nam tăng đều hàng năm song thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Xét trong bối cảnh nền kinh tế của một quốc gia trên 90 triệu dân, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì số lượng đơn đăng ký còn hết sức khiêm tốn, chứng tỏ các doanh nghiệp chưa tận dụng được công cụ này trong việc thúc đẩy và bảo hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Qua khảo sát nhóm đối tượng doanh nghiệp với câu hỏi “Doanh nghiệp của ông bà có đối tượng trí tuệ nào (có thể đã hoặc chưa được bảo hộ) thuộc vào các loại TSTT được liệt kê dưới đây?”, chúng tôi thu được kết quả thể hiện ở bảng sau.

Các loại TSTT có trong các doanh nghiệp Việt Nam (theo tỉ lệ %)

 

Đã đăng ký và được cấp VBBH

Đăng ký nhưng chưa được cấp VBBH

Chưa đăng ký

Tôi không biết

Tổng

Quyền tác giả

3,6%

0,9%

5,4%

90,1%

100%

Quyền liên quan

0%

0%

2,7%

97,3%

100%

Sáng chế

4,5%

2,7%

6,3%

86,5%

100%

Kiểu dáng công nghiệp

4,5%

0,9%

6,3%

88,3%

100%

Bí mật kinh doanh

0%

0%

7,2%

92,8%

100%

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

0%

0%

2,7%

97,3%

100%

Nhãn hiệu

24,3%

4.5%

14,4%

56,8%

100%

Tên thương mại

7,2%

2,7%

9,0%

81,1%

100%

Chỉ dẫn địa lý

0%

0,9%

5,4%

93,7%

100%

Giống cây trồng

0%

0%

2,7%

97,3%

100%

Số liệu ở bảng trên cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp không biết rõ mình có TSTT nào. Chỉ có rất ít các đối tượng SHTT của các doanh nghiệp được đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, đối tượng được đăng ký và được cấp Văn bằng bảo hộ nhiều nhất là nhãn hiệu (tuy nhiên cũng chỉ chiếm 24,3%), tiếp theo là tên thương mại (7,2 %), kiểu dáng công nghiệp và sáng chế là 4,5 %.

Những con số này có thể giải thích bởi lý do trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ khi mới kinh doanh một mặt hàng hay mới cung cấp một loại dịch vụ thường không biết được mức độ đón nhận của thị trường đối với loại hàng hóa hay dịch vụ mình đưa ra. Và họ thường không thực hiện thao tác đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình trước khi tung sản phẩm, dịch vụ ra thị trường mà thường chờ đợi phản ứng tích cực của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một thời gian nhất định rồi mới đăng ký bảo hộ. Thực tế hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy họ có thể đưa ra thị trường những sản phẩm hàm chứa đối tượng SHCN nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký, xác lập quyền. Những hệ lụy của việc chưa đăng ký xác lập quyền là gì?

- Có thể làm giảm giá trị của TSTT. Nhiều khi họ không biết rằng việc sử dụng một đối tượng SHCN được sáng tạo ra nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền có thể làm mất khả năng bảo hộ TSTT đó. Ví dụ: việc đưa ra thị trường một sáng chế hoặc một kiểu dáng mới trước khi làm thủ tục xác lập quyền có thể làm mất tính mới của đối tượng này, đồng thời làm mất khả năng bảo hộ của sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp.

- Bị chủ thể khác chiếm đoạt thành quả đầu tư: Thực tế nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường những chưa đăng ký đối tượng SHTT như nhãn hiệu chưa đăng ký bảo hộ, nguy cơ mất nhãn hiệu có thể xảy ra vì theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, một chủ thể khác có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó. Như vậy là tạo điều kiện cho chủ thể khác chiếm lấy thành quả đầu tư của mình, đồng thời chiếm lĩnh thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đó.

Một vấn đề nữa là số lượng đơn đăng ký SHCN của các cá nhân, tổ chức Việt Nam bị từ chối khá cao.


BẢNG SO SÁNH SỐ LƯỢNG ĐỐI TƯỢNG SHCN ĐƯỢC CẤP VĂN BẰNG/CHẤP NHẬN BẢO HỘ VÀ TỪ CHỐI BẢO HỘ QUA CÁC NĂM 2010 VÀ 2011

TT

 

Loại đơn đăng ký

Từ chối bảo hộ

Cấp văn bằng/chấp nhận bảo hộ

2010

2011

So sánh

2010

2011

So sánh

1

Sáng chế/GPHI

325

581

Tăng 78,8 %

880

1.054

Tăng 19,8%

2

Kiểu dáng công nghiệp

232

297

Tăng 28 %

1.152

1.145

Giảm 0,6 %

3

Nhãn hiệu đăng ký quốc gia

5.270

7.406

Tăng 40,5 %

16.520

21.440

Tăng 29,8%

4

Nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam

999

1.189

Tăng 19,6 %

3.237

3.378

Tăng 5%

 

Tổng số

6.826

9.473

Tăng 38,8 %

21.789

27.017

Tăng

24,0%

Qua bảng số liệu trên có thể nhận thấy số lượng đơn đăng ký các đối tượng SHCN bị từ chối chính thức cấp văn bằng bảo hộ ngày càng gia tăng. So sánh số lượng đơn đăng ký và số lượng văn bằng bảo hộ SHCN được cấp có thể phần nào phản ánh thực trạng đơn đăng ký SHCN bị cơ quan đăng ký từ chối là khá lớn.

Lý do đơn đăng ký bị từ chối phổ biến là vì đối tượng đăng ký không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ. Qua tham khảo ý kiến của một số thẩm định viên nhãn hiệu tại Cục SHTT chúng tôi được biết nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu vi phạm những điều kiện sơ đẳng, dễ thực hiện, không đáng có như: nhãn hiệu hoàn toàn mang tính mô tả, là tên chung của hàng hóa hoặc dịch vụ... Điều này chứng tỏ doanh nghiệp thiếu kiến thức và hiểu biết cơ bản về SHTT, đồng thời không có sự tư vấn cần thiết trước khi nộp đơn đăng ký, chưa tìm hiểu cũng như nhận thức đầy đủ về các quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhãn hiệu họ đã sử dụng trên thực tế, cứ nộp đơn là đương nhiên được bảo hộ.

Một lý do khác là người nộp đơn hoàn toàn thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong việc làm đơn đăng ký SHCN. Theo ý kiến của Ông Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp, Cục SHTT, thực tế xử lý đơn sáng chế/giải pháp hữu ích cho thấy, phần lớn người nộp đơn trong nước không đáp ứng được yêu cầu đối với bản mô tả. Kỹ năng viết bản mô tả không phải ai cũng có thể dễ dàng có được khi mà sáng chế/giải pháp hữu ích là đối tượng thuộc về các lĩnh vực kỹ thuật và rõ ràng phải am hiểu lĩnh vực kỹ thuật đó thì mới hiểu được khả năng thực hiện của sáng chế/giải pháp hữu ích. Thực tế đối với phần lớn đơn của người Việt Nam, bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích có rất nhiều thiếu sót như sử dụng thuật ngữ không chính xác và không thống nhất, không trình bày theo quy định đối với bản mô tả, các dấu hiệu kỹ thuật không nhất quán và không liên kết với nhau... Điều này cũng xảy ra tương tự với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp khi nhiều người nộp đơn đã không tuân thủ đúng các yêu cầu của đơn đăng ký như: yêu cầu về bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp một cách rõ ràng, sắc nét trên các ảnh chụp/bản vẽ; yêu cầu về tỷ lệ, chiều của kiểu dáng công nghiệp, sự sắp xếp theo thứ tự ... dẫn đến đơn có thiếu sót và bị từ chối

Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là người nộp đơn thường không tiến hành tra cứu thông tin SHCN trước khi đăng ký dẫn đến đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn, kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế… trùng hoặc không khác biệt đáng kể với những đối tượng đã được nộp đơn đăng ký trước. Thực tế xử lý đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cũng cho thấy nhiều công trình nghiên cứu đã không tiến hành tra cứu các tư liệu sáng chế một cách đầy đủ và chính xác dẫn đến việc nghiên cứu trùng lặp với những sáng chế đã tạo ra từ trước đó, thậm chí là bỏ qua nhiều giải pháp có ưu thế hơn trong việc giải quyết nhiệm vụ kỹ thuật được đặt ra.

Qua khảo sát về lý do các doanh nghiệp Việt Nam không tiến hành đăng ký bảo hộ TSTT, chúng tôi nhận được kết quả:

Lý do

Số lượng

Tỷ lệ %

Chi phí đăng ký tốn kém

15

17.9%

Không biết trình tự, thủ tục đăng ký

40

47.6%

Thấy không cần thiết phải đăng ký

23

27.4%

Lý do khác

6

7.1%

Tổng

84

100.0%

Trong số 84 doanh nghiệp được khảo sát trả lời không đăng ký bảo hộ TSTT thì 23 doanh nghiệp cho rằng không cần thiết phải đăng ký (chiếm 27,4%); Một bộ phận không nhỏ là 40/84 doanh nghiệp trả lời họ hoàn toàn không biết trình tự, thủ tục đăng ký (chiếm 47,6%); 15 doanh nghiệp vì lý do chi phí tốn kém nên không đăng ký (chiếm 17,9%). Số liệu này cho thấy chính các doanh nghiệp chưa có ý thức tự bảo vệ TSTT của mình, bằng việc chủ động tiến hành hoạt động đăng ký xác lập quyền. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp chỉ đến khi TSTT của doanh nghiệp bị chủ thể khác vi phạm hoặc khi xảy ra tranh chấp liên quan quyền SHTT thì doanh nghiệp mới tính đến chuyện đi đăng ký bảo hộ;

Kết quả khảo sát về tình hình đăng ký xác lập quyền SHCN của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy kết quả:

  • Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền SHCN đối với TSTT. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không biết, không quan tâm doanh nghiệp của mình có tài sản gì. Số lượng doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký xác lập quyền đối với TSTT chiếm tỉ lệ rất ít, mà cũng chủ yếu đối với nhãn hiệu. Đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN mang tính sáng tạo như sáng chế chiếm số lượng nhỏ, điều này phản ánh trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam chưa cao, các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm nhiều đến đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
  • Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức và hiểu biết cơ bản về SHTT, thiếu kỹ năng trong việc làm đơn đăng ký, đồng thời không có sự tư vấn và tìm hiểu cần thiết về các quy định pháp luật SHTT dẫn đến đơn đăng ký thường bị từ chối do không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ hoặc phải sửa chữa nhiều lần, gây mất thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
  • Người nộp đơn thường không tiến hành tra cứu thông tin SHCN trước khi đăng ký dẫn đến đơn đăng ký không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ (như điều kiện về tính mới, khả năng phân biệt...). Không những thế, nhiều doanh nghiệp đã phí phạm thời gian và tiền của vào việc đầu tư nghiên cứu những sáng tạo kỹ thuật đã bị trùng lặp.

Những nguyên nhân đó đã dẫn tới việc đăng ký xác lập quyền chưa thật hiệu quả, khiến cho các chủ thể kinh doanh có khả năng mất cơ hội cạnh tranh trên thị trường cũng như bị xâm phạm quyền mà không có căn cứ pháp lý để bảo vệ cũng như yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

3.2.1.2. Thực trạng xác lập quyền đối với TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài

  • Thực trạng đăng ký, xác lập quyền

Nền kinh tế thế giới đang hội nhập ngày càng sâu và rộng, các hoạt động kinh doanh thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài ngày càng phát triển nhanh chóng, các sản phẩm hàng hóa cũng như dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường quốc tế. Thích ứng với xu thế chung của thế giới, những doanh nghiệp Việt Nam đang dần ý thức được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ TSTT của chính mình. Kể từ khi Việt Nam nộp đơn xin gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và được kết nạp vào tổ chức này năm 2006, nhận thức được vai trò quan trọng của việc bảo hộ TSTT trong bối cảnh kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến sâu sắc, hoạt động xác lập và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, mối quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam dường như mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện hoạt động bảo hộ ở trong nước, việc đăng ký, xác lập quyền đối với TSTT của doanh nghiệp ở nước ngoài vẫn chưa nhận được sự quan tâm, coi trọng đúng mức.

Trong khi số lượng đơn đăng ký SHTT của các chủ thể Việt Nam tại Cục SHTT ngày càng gia tăng theo từng năm thì số lượng đơn đăng ký quốc tế của các chủ thể Việt Nam lại rất hạn chế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới hiện nay, bảo hộ TSTT là vấn đề dành được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á. Các bảng số liệu sau đây so sánh số lượng đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu của Việt Nam so với với một số quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ năm 2005 đến nay.

Đơn nhãn hiệu nộp theo hệ thống Madrid của một số nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á[78]

Hàng năm, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu theo con đường quốc tế của Việt Nam so với số lượng đơn đăng ký trong nước có khoảng cách rất lớn. Ví dụ năm 2011, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam ở trong nước là 22402 đơn thì số đơn đăng ký quốc tế chỉ có 58 - một con số quá bé nhỏ.

 

Nước

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Nhật

244

398

698

801

840

981

1217

1265

1531

1530

Hàn Quốc

-

78

114

135

175

262

169

248

335

443

Trung Quốc

237

524

1021

1242

1328

1413

1576

1423

1890

2127

Singapore

53

68

96

139

165

146

161

193

179

221

Việt Nam

23

21

15

30

20

27

52

43

57

58

Đơn sáng chế PCT của một số nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á[79]

Nước

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Nhật

14.063

17.414

20.264

24.869

27.033

27.731

28.744

29.807

32.180

38.888

Hàn Quốc

2.520

2.949

2.558

4.688

5.944

7.061

7.908

8.049

9.668

10.447

Trung Quốc

1.018

1.295

1.706

2.503

3.951

5.456

6.089

7.906

12.295

16.406

Singapore

330

282

431

443

476

542

568

572

642

671

Malaysia

18

-

45

38

60

103

174

224

354

265

Philippin

20

21

11

26

23

15

14

20

14

18

Thái Lan

9

7

12

9

11

5

17

19

73

66

Indonesia

16

2

6

8

8

9

10

7

16

13

Việt Nam

2

7

2

-

10

5

6

5

9

18

Dựa trên các con số thực tế về số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế ở bảng trên để so sánh thì có thể thấy sự chênh lệch rất rõ trong khâu xác lập quyền SHTT ở nước ngoài của chúng ta so với nhiều nước Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các nước Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, trong thời gian vài năm trở lại đây đang có tỉ lệ phát triển rất nhanh về số lượng đơn đăng ký quốc tế sáng chế theo PCT. Hiện nay, hai nước này cùng với Nhật Bản đang nằm trong nhóm 10 nước xuất xứ có số lượng đơn đăng ký quốc tế PCT nhiều nhất. Trong khu vực Đông Nam Á, Singgapore, Malaysia cũng là những quốc gia có số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế rất cao. Singgapore là quốc gia chỉ có dân số khoảng 5 triệu người (gần bằng 1/18 dân số của Việt Nam là trên 90 triệu) nhưng số lượng đơn sáng chế của quốc gia này gấp hàng chục lần so với Việt Nam. Thái Lan cũng là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có số lượng đơn đăng ký sáng chế tăng rất cao trong vài năm gần đây. Có được thành tựu như vậy không chỉ vì họ có nền khoa học kỹ thuật phát triển hiện đại mà còn do ý thức bảo vệ TSTT của các chủ thể. Có thể nhận thấy, trong khi các nước, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á và một số quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và thương mại đi đôi với bảo vệ thành quả sáng tạo của họ thông qua việc đăng ký ra nước ngoài các sáng chế, nhãn hiệu ... thì các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn khá thờ ơ với hoạt động này. Nếu so sánh về trình độ khoa học kỹ thuật hay nghiên cứu, chúng ta có thể không thua kém các nước trong khu vực như Tháiland, Malaysia. nhưng bảo vệ các TSTT trên trường quốc tế thì chúng ta thực sự phải học hỏi và đầu tư hơn rất nhiều.

Những con số trên đây mới cho thấy số lượng đơn đăng ký quốc tế. Trên thực tế, không phải đơn đăng ký nào cũng được chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ. Chính vì vậy, con số thực tế các TSTT được bảo hộ của các cá nhân hay doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài còn ít hơn rất nhiều. Điều này phản ánh một thực tế, công tác xác lập quyền SHTT ở nước ngoài của chúng ta còn yếu và chưa được quan tâm đúng mức. Nó cũng dẫn tới một hệ lụy tất yếu, khi không được bảo hộ đúng mức thì TSTT bị xâm phạm là điều hiển nhiên.

  • Thực trạng bị mất quyền SHTT tại nước ngoài

Do thiếu quan tâm cũng như chủ quan trong việc đăng ký xác lập quyền SHTT tại nước ngoài dẫn đến không ít các doanh nghiệp Việt Nam đã phải trả những bài học đắt giá khi bị mất quyền SHTT tại thị trường nước ngoài.

  • Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất “thương hiệu” tại nước ngoài

TSTT phổ biến nhất trong hoạt động thương mại của các doanh nghiệp chính là các chỉ dẫn thương mại như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là đối tượng bị xâm phạm nhiều nhất. Điều đáng tiếc là những doanh nghiệp mắc sai lầm, chủ quan không đăng ký nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài không phải là những doanh nghiệp mới, còn “non nớt” mà lại là những doanh nghiệp lớn của Việt Nam - những doanh nghiệp đáng lẽ phải ý thức được hơn ai hết giá trị của TSTT đối với hoạt động kinh doanh thương mại của họ.

Đầu tiên phải nói tới trường hợp của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam Vinataba, được thành lập từ năm 1985. Nhãn hiệu Vinataba đã được Công ty đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam từ năm 1990. Đến năm 2001, khi Tổng Công ty muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài và bắt đầu đăng ký quyền SHTT ở nước ngoài thì mới biết nhãn hiệu Vinataba đã bị công ty Putra Satbat Industry của Indonexia đăng ký tại 13 nước, trong đó có Lào, Camphuchia, Trung Quốc... những nước ngay sát Việt Nam và là thị trường tiềm năng hàng đầu của doanh nghiệp. Nếu không dành lại được quyền sở hữu nhãn hiệu, Vinataba không thể xuất khẩu sang các nước mà Putra Satbat đã đăng ký, và thuốc lá Vinataba giả có thể thẩm lậu vào Việt Nam qua các nước làng giềng như Lào, Trung Quốc và Camphuchia. Vinataba không chỉ là sản phẩm chủ lực của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam mà còn là sản phẩm chủ lực của ngành thuốc lá Việt Nam. Đến nay, sau rất nhiều công sức đấu tranh giành lại nhãn hiệu, doanh nghiệp này mới chỉ thành công ở Camphuchia. Và tất nhiên, cuộc chiến nhãn hiệu này dù kết quả thế nào ta cũng có thể khẳng định thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu chắc chắn không hề nhỏ.

Bài học của Công ty Vifon Việt Nam là ví dụ thứ hai, nhãn hiệu Vifon được đăng ký ở Việt Nam năm 1990. Khi Công ty xuất khẩu hàng sang Mỹ thì bị ách lại vì nhãn hiệu Vifon đã bị một Công ty Nhật Bản đăng ký. Năm 1995 công ty nộp đơn đăng ký tại Balan thì bị từ chối vì đã có Công ty Kim Lân đăng ký nhãn hiệu khác với hình ảnh giống của Vifon. Điều đáng nói ở đây Kim Lân chính là bạn làm ăn của Vifon.

Một trường hợp khác là nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên - cái tên được đánh giá là nổi bật nhất của cà phê Việt Nam đã bị một công ty của Hoa Kỳ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) từ tháng 7-2000. Sau hai năm thương thảo, công ty này đã chấp thuận trả lại quyền bảo hộ và nhận làm đại lý phân phối sản phẩm cà phê Trung Nguyên của Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Là một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất và có tiềm lực kinh tế lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng đã “suýt” mất TSTT vô cùng quan trọng là nhãn hiệu của tập đoàn “PetroVietnam và hình ngọn lửa”. Tháng 4-2002, một công ty của Hoa Kỳ là Nguyen Lai Corporation có địa chỉ tại 11015 Pacific HWY.SW LAKEWOOD, WA 98499 (Hoa Kỳ) đã nộp đơn đến Cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đăng ký nhãn hiệu PetroVietnam & hình ngọn lửa - thương hiệu quen thuộc và rất nổi tiếng đại diện cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Thông qua sự tư vấn của Luật sư, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã xác định đúng hướng để giành lại tài sản của mình trên thị trường quốc tế. Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã không thương lượng với Công ty Nguyễn Lai về việc mua lại nhãn hiệu mà gửi đơn khiếu nại cùng các tài liệu liên quan đến USPTO để yêu cầu USPTO hủy bỏ đăng ký nói trên. Căn cứ để khiếu nại là theo quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ, tranh chấp nhãn hiệu sẽ được giải quyết với phần thắng thuộc về công ty nào chứng minh được thời gian đã sử dụng thương hiệu trong thực tế dài hơn. Mặt khác, công ty Nguyen Lai khó có thể chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu này cho dịch vụ khai thác và thăm dò dầu khí. Song song với việc khiếu nại, ngày 29/10/2002, Petro Việt Nam đã tiến hành đăng ký quốc tế nhãn hiệu “Petro và hình ngọn lửa” (số đơn 798003) theo hệ thống Madrid với 45 quốc gia chỉ định. Sau khi giành phần thắng tại USPTO, ngày 30/06/2004, Petro Việt Nam đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu “Petro và hình ngọn lửa” tại Cộng đồng Châu Âu (số đơn 002917516) và ngày 02/08/2005 đăng ký nhãn hiệu này tại Hoa Kỳ (số đơn 2980715) và đã được cấp văn bằng bảo hộ. Trong vụ việc này, Petro Việt Nam đã sớm phát hiện ra việc mất nhãn hiệu và đã có biện pháp kịp thời để giành lại tài sản của mình.

Bài học của việc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài còn rất nhiều như Bia Sài gòn tại Mỹ và Canada, bánh phồng tôm Sagiang tại Pháp và Châu Âu hay kẹo dừa Bến tre tại Trung Quốc... Nhãn hiệu là tài sản của riêng các doanh nghiệp, nếu bị “đánh cắp” hay xâm phạm thì có thể hiểu được, tuy nhiên đối với những tài sản quốc gia như tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý thì việc mất thương hiệu không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Nước mắm Phan Thiết, gắn với địa danh Phan Thiết rất lâu đời, là một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký tại Việt Nam. Chỉ dẫn “nước mắm nhỉ thượng hạng Phan Thiết” đã bị một doanh nghiệp có tên Kim Seng, trụ sở tại 1561 Chapin road, MonTebello, California 90640 và tại 6121 Randolph street, City of Commerce, California 90040 (Mỹ) kinh doanh đa sản phẩm đăng ký nhãn hiệu từ năm 1999. Đến năm 2009, nhãn hiệu này tiếp tục được gia hạn và có hiệu lực trên toàn nước Mỹ. Việc này chỉ được phát hiện nhờ điều tra của một giáo viên Mỹ gốc Việt.

Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắc Lắc được xem là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam với sản lượng chiếm gần một nửa tổng sản lượng cà phê cả nước. Năm 2005, cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục SHTT Việt Nam cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đây được xem như tài sản của quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt mới được sử dụng chỉ dẫn này. Thế nhưng tháng 6/2011, thông qua sự phát hiện của một Công ty Luật Việt Nam, chúng ta mới biết thông tin hai chỉ dẫn “Buôn Ma Thuột” và “Đắk Lắk” đã bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc và Pháp. Hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu” và ”BUON MA THUOT COFFEE 1896 và logo” đã lần lượt bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd, văn phòng tại Quảng Châu (Trung Quốc), đăng ký độc quyền nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm, trong đó có cà phê vào 14/11/2010 và 14/06/2011 và đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho công ty này. Với việc đăng ký độc quyền các chỉ dẫn này, doanh nghiệp của Trung Quốc không chỉ gây nhầm lẫn về nguồn gốc địa lý của cà phê Buôn Ma Thuột mà còn ngăn chặn việc xuất khẩu cà phê có chỉ dẫn Buôn Ma Thuột của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc - một thị trường xuất khẩu cà phê rất lớn của Việt Nam. Thậm chí vụ việc sẽ trở nên càng nghiêm trọng nếu doanh nghiệp Trung Quốc trên cơ sở được cấp văn bằng bảo hộ tại Trung Quốc sẽ tiếp tục đăng ký trên quy mô toàn thế giới.

Còn chỉ dẫn DAK LAK thì bị Công ty ITM ENTREPRISES (Pháp) đăng ký nhãn hiệu, được cơ quan SHTT Pháp cấp độc quyền từ tháng 9/1997. Đáng nói, thương hiệu cà phê DAK LAK không chỉ bảo hộ tại Pháp mà còn được bảo hộ tại nhiều quốc gia như Áo, Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Đức, Italy...

Nước mắm Phú Quốc - một chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam cũng bị Công ty Viet Huong Fishsauce, một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hoá và được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Mỹ cấp nhãn hiệu từ năm 1982. Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này từ năm 1982 tới nay sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” có hình bản đồ Việt Nam và đảo Phú Quốc. Sau đó công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở cộng đồng chung Châu Âu và Autralia. Mới đây nhất- năm 2006, công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên. Mới đây 11-5-2011, một doanh nghiệp tại Hồng Kông là Công ty TNHH thương mại Việt Hương (VIET HUONG TRADING COMPANY LIMITED) đã chính thức nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú quốc” cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.

Tất cả những vụ chiếm đoạt nhãn hiệu trên thường nhằm mục đích ép chính chủ phải mua lại tài sản của chính mình với giá cắt cổ. Nếu không, sẽ không được xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường đã bị chiếm đoạt những nhãn hiệu đó.

  • Vụ việc Duy Lợi khởi kiện để bảo vệ giải pháp hữu ích và bảo vệ kiểu dáng tại nước ngoài

Năm 1999, DNTN Duy Lợi nộp đơn xin bảo hộ giải pháp hữu ích “Giá treo võng” tại Việt Nam và đơn đã được công bố trên Công báo SHCN. Năm 2002, khi Duy Lợi xuất khẩu sản phẩm võng xếp/giá treo võng vào Nhật Bản thì đã bị một doanh nghiệp Nhật Bản là Johnson Miki yêu cầu dừng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Giá treo võng hoặc nếu tiếp tục sản xuất và xuất khẩu vào Nhật Bản thì phải trả 4 đô la/1 sản phẩm; nếu không sẽ bị Công ty này kiện do xâm phạm quyền SHTT đối với sáng chế (Công ty Johnson Miki đã nộp đơn xin bảo hộ “Giá treo võng tiện lợi” tại Nhật Bản năm 2001 và đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế). Miki còn đe dọa sản phẩm của Duy Lợi không được bán tại 112 quốc gia thành viên của Hiệp hội sáng chế quốc tế.

Duy Lợi cùng với sự tư vấn của Luật sư đã nộp đơn khiếu nại đến Cơ quan đăng ký sáng chế Nhật Bản (JPO) để yêu cầu cơ quan này hủy bỏ Bằng độc quyền sáng chế của Miki với lý do sáng chế đã mất tính mới vì Giải pháp hữu ích “Giá treo võng” của Duy Lợi đã được công bố trên Công báo SHCN Việt Nam trước thời điểm Miki nộp đơn đăng ký tại JPO. Tháng 03/2003, JPO đã chấp nhận đề nghị của Duy Lợi và Duy Lợi đã giành thắng lợi

Ngày 23/03/2000, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Duy Lợi đã nộp đơn đến Cục SHTT Việt Nam đề nghị cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm khung võng xếp của Duy Lợi. Ngày 31/07/2003, Cục SHTT đã cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 7173 cho sản phẩm này theo quy định của pháp luật Việt Nam.[80]

Tháng 9/2001, Võng xếp Duy Lợi xuất một container hàng sang Hoa Kỳ, sau đó không thấy đơn đặt hàng nào từ đây nữa. Sau đó, qua tìm hiểu, Duy Lợi được biết ông Chung Sen Wu (Đài Loan) đã nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế đối với khung vòng xếp tương tự với sản phẩm của Duy Lợi tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) vào ngày 15/08/2001 và đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế theo pháp luật Hoa Kỳ ngày 22/10/2002. Trong trường hợp này thì theo nguyên tắc bảo hộ lãnh thổ của quyền SHTT, khung võng xếp của Duy Lợi khi vào thị trường Hoa Kỳ sẽ bị coi là vi phạm sáng chế vì bằng độc quyền sáng chế của ông Wu đang có hiệu lực tại Hoa Kỳ.

Trên cơ sở tư vấn của một Công ty Luật, ngày 29/09/2004, Duy Lợi đã khiếu nại yêu cầu Cơ Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) hủy Bằng độc quyền sáng chế cho ông Wu với lý do sáng chế này không bảo đảm tính mới theo theo pháp luật Hoa Kỳ. Cụ thể ông Wu nộp đơn đăng ký sáng chế tại Hoa Kỳ sau ngày công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của Duy lợi tại Việt Nam, có nghĩa là sáng chế này đã mất tính mới và kiểu dáng khung võng xếp của ông Wu sao chép khung võng của Duy Lợi. Cuối cùng, ngày 19/09/2005, USPTO đã hủy bỏ Bằng sáng chế đối với khung vòng xếp đã cấp cho ông Wu.[81]

Thành công của DNTN Duy Lợi có thể xem như tiền lệ tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam học tập khi bị xâm phạm quyền SHTT tại nước ngoài

  • Thực trạng mất tên miền

Trong các đối tượng liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp thì tên miền cũng là một tài sản bị xâm phạm nhiều và việc lấy lại tài sản này khá khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã không thể sở hữu được tên miền quốc tế của chính mình khi muốn phát triển hoạt động ra ngoài lãnh thổ Việt Nam do những tên miền này đã thuộc về các doanh nghiệp khác. Thậm chí nhiều tên miền còn dẫn người truy cập đến các trang tin có nội dung không mong muốn.

Một loạt các tên miền có liên quan đến các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông như vnpt.com, mobifone.com, vinaphone.com... đều không thuộc về các doanh nghiệp trong nước.[82] Nếu như tên miền mobifone.com dẫn đến một website snte.com chuyên về nội thất của một công ty Hàn Quốc thì tên miền vinaphone.com lại trỏ về một website “sex” với những hình ảnh không mấy đẹp mắt. Trong khi đó, tên miền của đơn vị “mẹ” hai doanh nghiệp trên là vnpt.com cũng thuộc về một đơn vị của nước ngoài khác mà ngôn ngữ hiển thị chủ yếu bằng tiếng Anh. Điều tương tự cũng xảy ra với tên miền Viettel.com. Như vậy, một loạt các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam cũng đang chịu cảnh không có tên miền quốc tế.

Chưa hết, trang web traphaco.com (giống tên Công ty Traphaco của Việt Nam) lại hóa thành một web chuyên giới thiệu loại dược phẩm của Mỹ. Tên miền của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nổi tiếng SJC (sjc.com) dẫn sang một trang web của doanh nghiệp tại Lasvegas (Mỹ). Bên cạnh đó, khách truy cập vào tên miền trungnguyen.com (cà phê Trung Nguyên) sẽ bắt gặp nội dung ở ngay trang chủ kêu gọi phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Trang battrang.com (giống với thương hiệu gốm Bát Tràng) cũng được mặc định tới một website của doanh nghiệp Hàn Quốc. Tên miền thienlong.com (giống với website của Công ty Thiên Long) chuyên về văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh lại là web chuyên bán các loại điện thoại di động. Khá nhiều các website có tên giống với nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam có đuôi ".com" đang bị sử dụng làm trang giới thiệu các dịch vụ sản phẩm của nước ngoài. Như trang web baoviet.com - giống tên miền của Tập đoàn Bảo Việt được chỉ tới trang tạp phẩm nước ngoài. Web vietnammobile.com - mạng di động thứ 6 tại Việt Nam được sử dụng làm web bán sim thẻ của một đại lý chuyên về kho số (hiển thị cả tiếng Việt và tiếng Anh). Ngay cả trang agribank.com - tên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng được dẫn tới website của một ngân hàng của Mỹ.

Mục đích chính của việc chiếm dụng tên miền trùng với nhãn hiệu, tên thương mại của các doanh nghiệp lớn là bán lại cho chính chủ để kiếm lời hoặc lừa dối, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Điển hình, tên miền viettel.com được rao bán với giá 1,5 triệu USD tại Mỹ. Trang damphumy.com (Đạm Phú Mỹ) cũng được chào giá 600 USD. Trường hợp của công ty BKAV cũng là một ví dụ. Đầu tháng 01/2012, công ty an ninh mạng hàng đầu Việt Nam này thông báo đã mua lại tên miền quốc tế “bkav.com” với giá 2 tỷ đồng, một cái giá quá đắt so với việc chi 10 USD (khoảng hơn 200.000 đồng) để mua bkav.com khi chưa có ai đăng kí trước từ năm 2001. “Theo một vị lãnh đạo của Bkav, trước đó công ty đã dành một khoản thời gian đàm phán hơn 2 năm trời để mua lại tên miền này và đối tác "không giảm một xu".[83]

Chính vì tư duy các tên miền có đuôi .com thường không ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở trong nước, nên nhiều doanh nghiệp đã gặp rắc rối khi muốn mở rộng thị trường ra toàn cầu. Trong kinh doanh, nếu doanh nghiệp không sử dụng được tên miền trùng với tên thương mại và nhãn hiệu chính của mình quả là một thiệt thòi lớn.

Đánh giá chung:

Qua các vụ việc trên, có thể nhận thấy rõ khâu xác lập quyền SHTT tại nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, vì vậy đã dẫn tới nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn của Việt Nam bị mất TSTT như nhãn hiệu, tên miền hay kiểu dáng công nghiệp... vào tay đối thủ cạnh trạnh, thậm chí là bạn hàng, nhà nhập khẩu, phân phối ở nước ngoài. Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng khâu sản xuất còn việc tiêu thụ thường giao phó cho các đại lý, đối tác kinh doanh. Tranh chấp xảy ra khi sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có vị trí, uy tín ở thị trường nước ngoài và một trong các đại lý, đối tác hay đối thủ cạnh tranh đi đăng ký bảo hộ TSTT với mục đích ép chính chủ phải mua lại tài sản của mình với giá cao hoặc ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm và thực hiện hoạt động kinh doanh sang thị trường đó. Điều này sẽ dẫn tới doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn, mở rộng thị trường ra nước ngoài và mất đi những nguồn lợi dồi dào về kinh tế từ thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến cả chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Không chỉ gặp những rắc rối về pháp lý, các doanh nghiệp còn bị lãng phí những chi phí đã bỏ ra để tạo dựng, xây dựng, phát triển TSTT nhưng không thể sử dụng, khai thác ở thị trường nước ngoài. Như vậy, mọi công sức đầu tư của doanh nghiệp coi như đã bị mất vào tay đối thủ cạnh tranh. Việc mất thương hiệu đồng thời còn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh mà doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Không chỉ các doanh nghiệp phải chịu thiệt hại khi bị mất TSTT tại nước ngoài, nhà nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ như: mất thị trường xuất khẩu, năng lực cạnh tranh giảm sút, thất thu thuế. Khi doanh nghiệp không thể mở rộng thị trường ra nước ngoài, thay vì các nguồn lợi kinh tế từ nước ngoài chảy vào nước ta thì nguồn lợi đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng và nhà nước ta mất đi một nguồn thu không nhỏ.

  1. Nguyên nhân của tình trạng mất quyền SHTT tại nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam

- Do ý thức và nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về việc đăng ký, xác lập quyền chưa cao

Nguyên nhân thực sự đầu tiên xuất phát từ chính sự chủ quan và mất cảnh giác của các doanh nghiệp Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp mới chỉ chú trọng vào thị trường trong nước và đăng ký bảo hộ TSTT của mình ở thị trường này. Khi đã có thương hiệu và uy tín vững chắc, doanh nghiệp mới phát triển ra nước ngoài. Tuy vậy, họ mới chỉ nghĩ tới việc tìm kiếm đối tác, khách hàng hay đại lý phân phối mà chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, trong khi đây lại là yếu tố quyết định sản phẩm của doanh nghiệp có thể thâm nhập được vào thị trường đó hay không. Sự chủ quan và thiếu ý thức này dẫn tới hậu quả đối thủ cạnh tranh hoặc chính đối tác ở nước ngoài đã lợi dụng đăng ký mất TSTT.

- Các doanh nghiệp Việt Nam không vận dụng được ưu thế của quyền ưu tiên khi đăng ký quốc tế

Các đối tượng SHCN chủ yếu như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp khi đăng ký ra nước ngoài, đặc biệt là theo hệ thống các Điều ước quốc tế đều được hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn nộp trước tại quốc gia xuất xứ. Tuy nhiên quyền ưu tiên chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định. Việc không nộp đơn trong thời hạn ưu tiên có thể khiến doanh nghiệp mất đi khả năng bảo hộ tại nước đó, thậm chí là một loạt các quốc gia khác. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thường tự đặt mình vào trường hợp nộp đơn đăng ký bảo hộ SHTT ở nước ngoài quá muộn nên không thể vận dụng được ưu thế của quyền ưu tiên.

- Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức và thông tin về SHTT

Bên cạnh sự chủ quan, ý thức bảo hộ TSTT của mình chưa cao, thì một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng quyền SHTT bị xâm phạm nhiều ở nước ngoài là do nhiều doanh nghiệp thiếu kiến thức pháp luật về SHTT. Rất nhiều doanh nghiệp nhầm tưởng SHTT là vấn đề chung của mọi quốc gia nên đã là tài sản của mình thì ở đâu cũng được bảo hộ. Vì thế, họ tin rằng bằng cách nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp ở nước sở tại là họ sẽ tự động nhận được sự bảo hộ trên toàn thế giới.

Hầu hết các doanh nghiệp không có kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc làm đơn cũng như theo đuổi thủ tục đăng ký quốc tế, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực tài chính để thuê các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực này.

Một hạn chế nữa là hầu như các doanh nghiệp thiếu thông tin và tra cứu thông tin về SHTT. Rất ít doanh nghiệp có điều kiện tra cứu hoặc thuê luật sư tra cứu xem nhãn hiệu hay sáng chế... đã được đăng ký hay sử dụng ở thị trường nước ngoài chưa? Thậm chí có trường hợp mất TSTT đến cả hơn chục năm chúng ta mới phát hiện ra. Việc phát hiện quá muộn càng làm gây khó khăn cho việc giải quyết.

- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không lựa chọn và sử dụng hệ thống đăng kỷ quốc tế hoặc khu vực

Một điểm nữa làm cho công tác xác lập quyền của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn, đó là không sử dụng các hệ thống bảo hộ khu vực hoặc quốc tế. Hệ thống đăng ký quốc tế có nhiều tiện lợi như: có thể đăng ký cùng một lúc đối tượng tại nhiều quốc gia mà chi phí không quá cao; thủ tục đơn giản, không phụ thuộc nhiều vào quy định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại lựa chọn phát triển kinh doanh ở quốc gia nào thì đăng ký bảo hộ SHTT ở quốc gia đó. Việc này vướng phải nhiều thủ tục phức tạp hơn, tốn nhiều thời gian, mất nhiều lần nộp đơn và có thể sẽ gây ra tốn kém.

- Hạn chế về khả năng tài chính

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chi phí tốn kém cho việc đăng ký quyền SHTT hay giải quyết tranh chấp về SHTT ở nước ngoài là một cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp.

3.2.2. Thực trạng hoạt động quản lý, thương mại hóa tài sản trí tuệ

3.2.2.1. Thực trạng quản lý TSTT

Quản lý TSTT là các hoạt động có hệ thống nhằm tạo lập, khai thác sử dụng, bảo vệ, duy trì và nâng cao giá trị của TSTT một cách hiệu quả nhất. Các TSTT thường có đời sống ngắn/hữu hạn do chỉ được bảo hộ trong một thời hạn nhất định; những TSTT mang đặc tính sáng tạo đổi mới thường chỉ có giá trị trong thời gian ngắn do sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ. Vì vậy, việc quản lý TSTT phải được thực hiện liên tục trong suốt vòng đời của chúng để bảo đảm khai thác giá trị của TSTT một cách hiệu quả.

Quản lý TSTT dường như là một vấn đề khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn mơ hồ, không biết được mình đang nắm giữ những TSTT nào, tình trạng của nó ra sao, có cần đăng ký hay không... Đối với những doanh nghiệp đã ý thức được vai trò của TSTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thì hầu hết mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu là làm thủ tục xác lập quyền đối TSTT, việc quản lý TSTT trí tuệ đó sau khi được bảo hộ hầu như chưa được thực hiện. Bản thân các doanh nghiệp hoàn toàn lúng túng, không có kiến thức và kinh nghiệm trong việc xây dựng kiểm soát, quản lý TSTT trí tuệ của mình. Nhiều TSTT của doanh nghiệp đã có uy tín, danh tiếng trên thị trường nhưng doanh nghiệp lại chưa xây dựng được một quy chế để quản lý cũng như chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khi sử dụng, khai thác tài sản đó vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, đầu tư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả thương mại TSTT trí tuệ mà nguy hiểm hơn, doanh nghiệp không chuẩn bị được những biện pháp bảo vệ TSTT khi khai thác. Nhiều sáng chế, giải pháp kỹ thuật sau khi được đăng ký nhưng không được quản lý và có chiến lược khai thác hiệu quả dẫn đến bị “bỏ quên” trong một thời gian, dẫn đến công nghệ bị lỗi thời hoặc thời hạn bảo hộ hết hiệu lực. Đối với chỉ dẫn địa lý, mặc dù cho đến năm 2011 đã có 26 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được đăng ký bảo hộ nhưng rất ít địa phương thành lập và tổ chức thành công một hệ thống quản lý tập thể đối với chỉ dẫn địa lý, cụ thể là trong việc xây dựng quy chế của Hiệp hội những người sử dụng chỉ dẫn địa lý và xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát chỉ dẫn địa lý. Như trường hợp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đã được Cục SHTT cấp chứng nhận đăng bạ số 04 cho tỉnh Đắk Lắc từ năm 2005 nhưng địa phương này đã chậm chễ trong việc quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý này. Mãi đến tháng 8/2011 Sở Khoa học Công nghệ mới cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho 8 thành viên của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Điều này có nghĩa là trong một thời gian dài, việc quản lý chỉ dẫn địa lý này bị “thả nổi” trong tình trạng “cha chung không ai khóc” và hậu quả là chỉ dẫn này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chân đăng ký trước và đã được bảo hộ tại Trung Quốc. Qua vụ việc này có thể thấy rõ bài học TSTT nếu không được quan tâm quản lý, phát triển thì không những lãng phí lớn về kinh tế mà còn dẫn đến sự mất mát về TSTT.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện các loại TSTT của Việt Nam còn ít và giá trị chưa cao, nếu không có biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc tạo ra và quản lý các TSTT sẽ dẫn tới tình trạng giá trị của TSTT bị giảm sút, thậm chí bị mất mát, thua thiệt. Có thể nói, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng xã hội về giá trị TSTT đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc đầu tư với chiến lược dài hạn và có bài bản của các doanh nghiệp để phát triển TSTT chỉ đếm được trên đầu ngón tay: Trung Nguyên; Phở 24; Kinh Đô; Động Lực; Bitis... Sức ép của doanh số, lợi nhuận, chỉ tiêu. làm các nhà quản lý doanh nghiệp không đủ (nhiều khi là không dám) kiên trì và quyết tâm theo đuổi một chiến lược lâu dài để phát triển TSTT.

Không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được các TSTT là những tài sản có giá trị rất lớn, là thứ vũ khí cạnh tranh rất lợi hại mà doanh nghiệp cần khai thác triệt để. Bằng chứng là các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư kinh phí và nhân lực cho các hoạt động SHTT. Ngân sách họ dành cho hoạt động này là còn khá khiêm tốn, bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp còn chưa có bộ phận chuyên trách về SHTT mà chỉ dừng lại ở chỗ thuê dịch vụ hỗ trợ phát triển thương hiệu đối với những vụ việc cụ thể ngắn hạn, như: quảng cáo; tổ chức sự kiện, khuyến mãi...

Hạn chế về nguồn thông tin SHTT cũng là một thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam không dễ dàng vượt qua. Có thể thấy, việc thiếu thông tin để định hướng nghiên cứu - phát triển khiến nhiều nhà chuyên môn ví các doanh nghiệp Việt Nam như “người lái xe đi trong sương mù” bởi rất ít doanh nghiệp có bộ phận Market & Research để thu thập và xử lý các nguồn thông tin nhiều chiều từ phía khách hàng; đối tác; đối thủ và môi trường sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước; đặc biệt đối với các nguồn thông tin về SHTT nói riêng và khoa học công nghệ nói chung thì càng hạn hẹp. Chính vì thế, việc định hướng cho nghiên cứu - phát triển là rất khó khăn và còn tốn kém, mất thời gian khi nghiên cứu bị trùng lặp.

Nhờ có Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp của Chính phủ, hiện nay đã có 54 đặc sản nổi tiếng (38 sản phẩm nông, lâm, hải sản; 11 sản phẩm thủ công, làng nghề; 04 sản phẩm thủy sản và 01 dịch vụ) của 42 địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển TSTT dưới các dự án khác nhau như về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, cói Nga Sơn, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế...); tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (hoa Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải...) và quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...). Các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT (đặc biệt là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý) khi đưa ra thị trường đòi hỏi được quản lý chất lượng và các yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, Chương trình đang hỗ trợ các dự án thuộc lĩnh vực này. Việc triển khai hiệu quả quản lý quyền SHTT góp phần đưa sản phẩm được bảo hộ SHTT của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Một số kết quả nghiên cứu, sáng chế đã được hỗ trợ áp dụng vào thực tiễn góp phần khai thác giá trị của sáng chế, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng như Dự án áp dụng sáng chế số 5874 để thiết kế xây dựng công trình bảo vệ bờ trên nền đất mềm yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Vàm Đá Bạc, Cà Mau.

3.2.2.2. Thực trạng khai thác thương mại TSTT

Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Muốn hội nhập thành công, không có con đường nào khác là các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Để làm được điều đó, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ thì một vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm chính là làm thế nào để khai thác, phát huy giá trị thương mại của TSTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Khai thác giá trị thương mại của TSTT không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn được xem là một biện pháp bảo vệ TSTT. Ví dụ khi doanh nghiệp khai thác (tận dụng) giá trị của những TSTT bằng cách trao đổi (hay "li-xăng chéo"), doanh nghiệp có thể khai thác được những TSTT mà bình thường do thiếu một điều kiện hay bộ phận cần thiết nên có thể “bị xếp xó”, không có giá trị, hoặc nếu sử dụng khai thác thì lại xâm phạm quyền của người khác. Việc sử dụng trao đổi (hay “li xăng chéo”) chính là một cách thức bảo vệ để tránh lãng phí và tránh bị người khác xâm phạm. Đồng thời, thông qua nội dung của các hợp đồng chuyển giao TSTT, doanh nghiệp có thể xác định các điều khoản bảo vệ TSTT của mình, đó là cũng là một cách thức bảo vệ. Trong hoạt động thương mại hóa TSTT, doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch bảo mật đối với các thông tin, tài liệu, bí quyết được coi là bí mật kinh doanh của mình. Sau đây là một số nét chính trong hoạt động khai thác TSTT của doanh nghiệp

  • Tự khai thác sử dụng

Tự sử dụng TSTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ là một hình thức khai thác TSTT của doanh nghiệp mà còn có thể xem như một cách thức bảo vệ TSTT. Thông qua việc sử dụng TSTT của mình, doanh nghiệp thiết lập độc quyền đối với TSTT.

  • Chuyển nhượng TSTT

Do bản chất của TSTT là loại tài sản có khả năng sinh ra lợi nhuận và mang lại giá trị kinh tế cho người nắm giữ nên tất yếu nó phải được đưa vào lưu thông trao đổi. Chuyển nhượng TSTT là một trong những cách thức thương mại hóa TSTT khá phổ biến.

Trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, từ trước khi luật SHTT ra đời, nhiều nhà xuất bản đã thực hiện việc nhận chuyển nhượng quyền tác giả các tác phẩm văn học như Nhà xuất bản trẻ vào tháng 7.2003 đã nhận chuyển nhượng quyền tác giả của 39 tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, tháng 6.2005 Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã nhận chuyển nhượng quyền tác giả của 6 tác giả có nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi là: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Hà Ân, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa.[84] Kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả cùng với sự ra đời của Luật SHTT, ý thức tôn trọng quyền tác giả ngày càng được nâng cao với việc tăng cường các giao dịch về bản quyền. Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty First News là những đơn vị đi đầu trong việc ký kết mua bản quyền của tác phẩm nước ngoài dịch sang tiếng Việt để xuất bản tại Việt Nam, góp phần cung cấp các sản phẩm văn hóa đọc hay về nội dung, đẹp hình thức, tạo cơ hội cho người đọc Việt Nam được tiếp nhận những tác phẩm nổi tiếng vừa đoạt giải thưởng lớn của thế giới với thời gian nhanh nhất.

Trong lĩnh vực SHCN, chúng ta có thể tham khảo thực trạng chuyển nhượng quyền SHCN thông qua các bảng số liệu sau:

Thống kê hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng SHCN ở Việt Nam theo chủ thể

Nguồn: Báo cáo thường niên hoạt động SHTT 2011, Cục SHTT

Năm

Số đơn đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN

Số đơn đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN đã đăng ký

 

VN-VN

VN-NN

NN-NN

Tổng số

VN-VN

VN-NN

NN-NN

Tổng số

2006

97(189)

12(42)

114(308)

223(539)

37(84)

7(15)

34(107)

78(206)

2007

287

(826)

29

(87)

208(522)

524(1435)

237(670)

18(38)

199

(461)

454

(1169)

2008

315

(751)

27(52)

229

(574)

571

(1377)

270

(609)

36

(111)

232

(589)

538

(1309)

2009

370

(866)

50

(185)

288

(752)

708

(1803)

604

(1714)

24

(44)

20

(43)

648

(1801)

2010

369

(790)

67

(169)

214

(590)

650

(1549)

304

(696)

69

(214)

203

(505)

576

(1415)

2011

456

(958)

29

(141)

225

(848)

710

(1947)

325

(693)

37

(153)

179

(820)

541

(1666)

(Số trong ngoặc đơn là số lượng đối tượng SHCN được chuyển nhượng)

VN-VN: Chuyển giao của người Việt Nam cho người Việt Nam;

VN-NN: Chuyển giao của người Việt Nam cho người nước ngoài;

NN-NN: Chuyển giao của người nước ngoài cho người nước ngoài;

Qua bảng số liệu trên có thể nhận thấy số lượng các hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN tăng đáng kể trong thời gian vài năm trở lại đây, trong đó số lượng hợp đồng giữa các chủ thể Việt Nam chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy các chủ thể Việt Nam (mà chủ yếu là các doanh nghiệp) ngày càng quan tâm hơn đến việc khai thác TSTT

Số lượng hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng SHCN đã được đăng ký tại Cục SHTT theo đối tượng

Năm/Đối tượng

Nhãn hệu

Kiểu dáng công nghiệp

Sáng chế GPHI

Tổng số

2006

358 (757)

8 (10)

17 (24)

383 (791)

2007

423 (1089)

9 (55)

22 (25)

454 (1169)

2008

495 (1212)

15 (44)

28 (53)

538 (1309)

2009

604 (1714)

24 (44)

20 (43)

648 (1801)

2010

532 (1336)

19 (37)

25 (42)

576 (1415)

2011

502 (1587)

21 (56)

18 (23)

541 (1666)

 

(Số trong ngoặc đơn là số lượng đối tượng SHCN được chuyển nhượng)

Số liệu ở bảng trên cho thấy số lượng hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu có số lượng lớn nhất (so với số hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp và sáng chế/giải pháp hữu ích). Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì số lượng đơn và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cũng chiếm số lượng nhiều nhất so với các đối tượng SHCN khác. Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu kinh nghiệm nên trong nhiều trường hợp chuyển nhượng TSTT, doanh nghiệp Việt Nam đã phải chịu những thua thiệt.

Sau đây là một vụ việc tiêu biểu cho việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu kem đánh răng “P/S” của Công ty Hóa mỹ phẩm Phong Lan cho Tập đoàn Unilever của Anh - Hà Lan năm 1995. Công ty Hóa mỹ phẩm Phong Lan đã từ bỏ chức năng sản xuất kem đánh răng và chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu P/S cho Tập đoàn Unilever với giá là 5 triệu USD. Tập đoàn này thành lập một liên doanh P/S ELISA để tiếp nhận nhãn hiệu “P/S”, việc sản xuất và tiêu thụ kem đánh răng P/S do liên doanh đảm nhận, còn Công ty Hóa mỹ phẩm Phong Lan chỉ nhận làm gia công vỏ hộp kem đánh răng (bằng nhôm) cho liên doanh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của sản xuất, việc gia công vỏ ống kem đánh răng bằng nguyên liệu nhôm không còn phù hợp mà thay vào đó là nguyên liệu nhựa. Do công ty Hóa mỹ phẩm Phong Lan không thể đầu tư dây chuyền mới để làm vỏ hộp kem đánh răng bằng nhựa nên đã không đáp ứng được yêu cầu và sản phẩm cho liên doanh.[85] Với việc chuyển nhượng 1 nhãn hiệu kem đánh răng với giá 5 triệu USD tại thời điểm năm 1995 của một công ty của Việt Nam lúc đó không phải là một con số nhỏ. Nhưng điều đáng nói ở đây việc Tập đoàn Unilever nhận chuyển nhượng nhãn hiệu kem đánh răng P/S là việc thâm nhập thị trường Việt Nam một cách khá dễ dàng. Vào thời điểm năm 1995 thì thị phần của kem đánh răng P/S tại Việt Nam là không nhỏ, chiếm khoảng 65%. Và với việc nhận chuyển nhượng này thì Tập đoàn Unilever đương nhiên đã dành được 65% thị phần kem đánh răng ở Việt Nam mà không phải chịu bất cứ một chi phí nào cho việc xây dựng nhãn hiệu, quảng cáo, phát triển, cạnh tranh, thời gian. nếu tiến hành việc đưa 1 nhãn hiệu kem đánh răng mới vào Việt Nam. Rõ ràng với giá 5 triệu USD mà có thể độc quyền chiếm được 65% thị trường kem đánh răng ở Việt Nam là một cái giá quá rẻ. Đây là một bài học cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam khi chuyển nhượng các đối tượng SHCN nói chung và nhãn hiệu nói riêng thì cần phải tính toán thật kỹ xem liệu việc chuyển nhượng đó có mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và bản thân mình.

  • Chuyển quyền sử dụng quyền SHTT

Chuyển quyền sử dụng quyền SHTT là một hình thức khai thác TSTT của chủ sở hữu, theo đó họ có thể thu về một khoản lợi nhuận (phí chuyển giao quyền sử dụng) mà không nhất thiết phải trực tiếp khai thác, sử dụng quyền SHTT. Có nhiều lý do để chủ sở hữu lựa chọn cách thức chuyển giao này. Đối với những chủ sở hữu không hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc không có năng lực kinh doanh, việc chuyển giao quyền sử dụng có thể giúp họ thu được một khoản phí. Việc chuyển quyền sử dụng quyền SHTT không những đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mặt khác còn giúp họ có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường trong nước hoặc nước ngoài thông qua bên sử dụng quyền SHTT nếu doanh nghiệp đó không thể thâm nhập vào thị trường này do các điều kiện về thị trường, thuế, chi phí vận chuyển hoặc do quy định của pháp luật. Việc cho phép chủ thể khác sử dụng quyền SHTT có thể làm gia tăng danh tiếng và sự nhận biết của người tiêu dùng đối với TSTT. Bên nhận quyền SHTT cũng có thể thu được những lợi ích lớn từ việc chuyển quyền sử dụng: không cần chi phí cho việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sáng tạo trí tuệ đó, tránh được các rủi ro, dễ dàng có một vị trí trên thương trường. Chuyển quyền sử dụng quyền SHTT còn góp phần phổ biến văn hóa, công nghệ, hạn chế độc quyền... Vì vậy, việc chuyển quyền sử dụng quyền SHTT đem lại lợi ích cho cả chủ sở hữu TSTT, bên được chuyển giao quyền sử dụng TSTT đó và toàn xã hội.

Mặc dù theo quy định hiện nay, việc đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN là không bắt buộc, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn hình thức đăng ký này để nâng cao tính pháp lý của hợp đồng, đặc biệt là giá trị đối với bên thứ ba.

Số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHCN đã được đăng ký tại Cục SHTT[86]

 

VN-VN

VN-NN

NN-NN

Tổng số

Tổng sô

2006

77 (141)

55 (373)

4 (5)

135 (519)

2007

53 (72)

70 (300)

12 (818)

135 (1190)

2008

132 (260)

76 (477)

33 (103)

241 (840)

2009

74 (98)

65 (387)

24 (146)

163 (622)

2010

69 (147)

60 (399)

16 (71)

145 (617)

2011

64 (73)

54 (281)

25 (156)

143 (510)

VN-VN: Chuyển giao của người Việt Nam cho người Việt Nam;

VN-NN: Chuyển giao của người Việt Nam cho người nước ngoài;

NN-NN: Chuyển giao của người nước ngoài cho người nước ngoài;

  • Sử dụng TSTT để thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp khác; làm tài sản góp vốn trong kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm

Ở Việt Nam hiện nay, việc các doanh nghiệp sử dụng TSTT để thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp khác; làm tài sản góp vốn trong kinh doanh hoặc làm tài sản bảo đảm trong vay vốn ngân hàng (tổ chức tín dụng) ngày càng phổ biến trên thế giới.

Việc góp vốn bằng quyền SHTT diễn ra ở Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào việc góp vốn bằng nhãn hiệu. Đối với việc góp vốn bằng quyền SHCN đối với sáng chế được ghi nhận trong các quy định của pháp luật song việc góp vốn để thành lập doanh nghiệp, liên doanh, đầu tư được ghi nhận hoặc công bố là rất ít, nếu có thì chủ yếu là góp vốn liên doanh bằng quyền sở hữu công nghệ (có thể bao gồm cả sáng chế) của doanh nghiệp nước ngoài vào doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như Công ty Nippon Sheet Glass của Nhật Bản đã góp vốn bằng quyền sở hữu “công nghệ kính nổi” để thành lập liên doanh với Công ty Kinh Đô của Việt Nam, giá trị công nghệ được xác định là 2.000.000 USD;

Một ví dụ tiêu biểu cho việc góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan”. Năm 1995, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải đã liên doanh với Tập đoàn Colgate - Pamolive (Hoa Kỳ) thành lập nên Công ty Liên doanh Colgate - Pamolive Sơn Hải. Kể từ khi liên doanh được thành lập, quyền sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” được chuyển nhượng cho liên doanh với giá 3 triệu USD. Như vậy, với liên doanh trên 10 triệu USD, công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải đã góp 30% vốn.[87] Do không có ý định phát triển nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” nên việc sản xuất loại kem đánh răng này giảm dần và cuối cùng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” bị mất hẳn trên thị trường. Năm 1998, Công ty Sơn Hải đã nhượng lại phần vốn góp cho Colgate - Pamolive vì liên doanh không thực hiện được đúng mục tiêu ban đầu nên liên tục bị thua lỗ. Với hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” để thành lập liên doanh, sau 3 năm nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” đã bị thay thế bằng nhãn hiệu kem đánh răng “Colgate” của Tập đoàn Colgate - Palmolive. Điều này có thể cho thấy rằng các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức góp vốn liên doanh không chỉ lấy được thị phần mà các nhãn hiệu của Việt Nam mất rất nhiều chi phí, công sức, thời gian. để xây dựng mà còn có thể triệt tiêu chúng một cách khá dễ dàng. Do đó đây cũng lại là một bài học lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng nhãn hiệu.[88]

Việc chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng TSTT hay dùng TSTT để góp vốn hay làm tài sản bảo đảm đều có liên quan đến vấn đề định giá TSTT. Định giá TSTT là một công việc khó khăn, mang tính chuyên môn rất cao. Dưới góc độ kinh tế, một TSTT có thể được định giá thương mại theo một trong (hoặc kết hợp cả) ba phương pháp chủ yếu sau: theo chi phí (cost approach), theo thị trường (market approach), và theo thu nhập (income approach).[89]  Việc xác định tổng chi phí đầu tư nghiên cứu và triển khai TSTT để từ đó định giá tài sản này thường không chính xác vì các chi phí như vậy rất khó có thể thống kê đầy đủ và giá trị thương mại của TSTT có thể lớn hơn rất nhiều so với tổng chi phí đầu tư thực tế.[90] Định giá TSTT thông qua thị trường thường khó khăn vì thị trường TSTT có giới hạn, khó có thể xác định TSTT tương tự, và các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng TSTT trên thực tế thường được bảo mật cao. Theo phương pháp tiếp cận theo thu nhập, người định giá xác định giá trị hiện tại của các dòng tiền (cash flows) liên quan đến TSTT để từ đó ước tính dòng tiền (và lợi nhuận) trong tương lai và từ đó xác định được giá trị của TSTT đó. Mặc dù phương pháp này có tính chính xác cao hơn hai phương pháp nêu trên nhưng phải sử dụng nhiều thông số để phân tích và rất phức tạp. Ngoài ra, cần lưu ý là TSTT có thể mất giá trị thương mại trong một khoảng thời gian ngắn hơn thời gian bảo hộ theo pháp luật SHTT.

Có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa giá trị của quyền SHTT của doanh nghiệp không được định giá để tính vào giá trị của doanh nghiệp. Ví dụ như: Bệnh viện Bình Dân, khách sạn Tràng Tiền, Nhà hàng Bánh tôm Hồ Tây... Tuy nhiên cũng đã có một số doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa cũng đã chú trọng đến việc định giá quyền SHTT của mình.

Năm 2005, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX) tiến hành cổ phần hóa thì giá trị của quyền đối với nhãn hiệu “VINACONEX” được định giá là 3,5 tỷ đồng trong tổng giá trị tài sản là gần 3.700 tỷ đồng.[91] Đối với một Tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng đã hình thành và phát triển lâu đời thì giá trị của nhãn hiệu VINACONEX được định giá chỉ chưa được bằng 1/1000 trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp thì quả là một con số khiêm tốn. Ản tượng hơn VINACONEX, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - doanh nghiệp lớn trong ngành luyện kim của Việt Nam đã cổ phần hóa trong năm 2009 với giá trị của quyền đối với nhãn hiệu “TISCO” được định giá 54 tỷ đồng trong tổng số giá trị tài sản của doanh nghiệp là 1.840 tỷ đồng.[92] Con số 54 tỷ đồng có thể nói là con số ấn tượng đối với giá trị của một nhãn hiệu ở Việt Nam. Song giá trị của quyền đối với nhãn hiệu này chỉ chưa bằng 3% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp thì đối với một công ty đã hình thành được 50 năm như CTCP Gang thép Thái Nguyên thì giá trị của quyền đối với nhãn hiệu TISCO được định giá quá thấp chăng? Và đặc biệt khi so sánh con số 54 tỷ đồng cho nhãn hiệu TISCO vào năm 2009 và con số 5 triệu USD đối với nhãn hiệu kem đánh răng P/S của Công ty Hóa Mỹ phẩm Phong Lan được định giá năm 1995 thì quả là quá thấp.

Trước năm 2010, nhãn hiệu (tên thương mại) “Vinashin” của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) từng được định giá cao nhờ cùng với sự phát triển theo chiều rộng và bề nổi của Tập đoàn. Vì vậy Tập đoàn này đã góp vốn bằng nhãn hiệu “Vinashin” với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thành lập các doanh nghiệp liên doanh, theo đó giá trị nhãn hiệu này đã được định giá khoảng 30% giá trị của doanh nghiệp mới (giá trị góp vốn). Tuy nhiên, từ năm 2010 khi những bất cập trong quản lý và thực trạng thua lỗ của Tập đoàn bị công khai, những sự kỳ vọng trước đây về nhãn hiệu “Vinashin” đã sụp đổ, nhãn hiệu này hầu như mất hết giá trị, thậm chí còn là trở ngại đối với doanh nghiệp liên quan khi vay vốn ngân hàng.[93] Chính vì khó khăn trong định giá nhãn hiệu khiến cho Bộ Tài chính mặc dù đã soạn thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu từ cuối năm 2009 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể ban hành.

Như vậy, việc định giá TSTT là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn, nhất là ở các nước nơi mà thị trường SHTT chưa được phát triển như Việt Nam hiện nay. Trong giao dịch bảo đảm, việc định giá TSTT có thể phải tiến hành hai lần: lần thứ nhất là khi chuẩn bị giao kết hợp đồng bảo đảm và hợp đồng tín dụng, và lần thứ hai là khi xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp đi vay không hoàn trả đúng và đủ theo quy định của hợp đồng tín dụng. Trong lần định giá thứ hai, thông thường giá trị tài sản trị tuệ sẽ bị giảm mạnh. Điều này càng cản trở ngân hàng chấp nhận TSTT là tài sản bảo đảm. Với nhiều trường hợp, việc định giá TSTT của doanh nghiệp Việt Nam quá thấp so với giá trị thực của chúng dẫn đến tình trạng chưa phản ánh được giá trị thực tế đồng thời dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế.

Qua khảo sát nhu cầu thương mại TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các nhóm đối tượng cán bộ, doanh nghiệp và các Công ty Luật, đại diện SHTT, chúng tôi nhận được kết quả sau:

 

Nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

 

Cán bộ

Doanh nghiệp

Cty luật/Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Không có nhu cầu

15

9.1

9

8.1

0

0

Có nhưng rất ít

111

67.3

71

64

51

62.2

Có nhiều nhu cầu

37

22.4

27

24.3

28

34.1

Không trả lời

2

1.2

4

3.6

3

3.7

Tổng

165

100%

111

100%

82

100%

Biểu đồ thể hiện bảng thống kê

 

Qua số liệu và biểu đồ trên, có thể thấy rõ nhu cầu khai thác thương mại TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam có nhưng còn rất ít. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được việc khai thác TSTT sẽ dẫn đến mất cơ hội và lợi ích từ việc: tăng doanh thu, nâng cao vị thế cạnh tranh; quảng bá thương hiệu; nâng cao uy tín, huy động tài chính và vốn... Một hạn chế nữa của các doanh nghiệp Việt Nam khi khai thác TSTT là chưa thực sự quan tâm đến những thỏa thuận bảo đảm quyền SHTT của mình và có sự giám sát việc thực hiện những thỏa thuận đó. Sự chủ quan này có thể là nguyên nhân dẫn đến đây là một vấn đề rất quan trọng

3.2.3. Thực trạng hoạt động bảo vệ tài sản trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm

Trong việc bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp, biện pháp công nghệ là một trong những biện pháp khá hữu hiệu thường được các chủ thể áp dụng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa các thông tin chỉ dẫn về quyền SHTT (như văn bằng bảo hộ, số hiệu văn bằng bảo hộ, phạm vi bảo hộ, thời hạn bảo hộ, hoặc các ký hiệu như © (bảo hộ quyền tác giả) ® (nhãn hiệu đã đăng ký) lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ... để thông báo về quyền SHTT của mình, đồng thời khuyến cáo chủ thể khác về hành vi xâm phạm. Ví dụ như để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà xuất bản, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình thường đưa các thông tin quản lý quyền lên bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ để ngăn chặn hành vi  sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình... bất hợp pháp. Việc dán tem, nhãn chống hàng giả được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến cho các loại sản phẩm hàng hóa để giúp người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả. Như trường hợp Công ty May 10 đã tiến hành đưa “tem chống hàng giả” vào thẻ bài và “sợi chống hàng giả” vào dệt nhãn sản phẩm. Khi nghi ngờ hàng giả, bằng các thiết bị chuyên dụng, Công ty có thể nhanh chóng xác định nguồn gốc của sản phẩm thông qua các nội dung bí mật trên “tem chống hàng giả” và “sợi chống hàng giả”.

Một số doanh nghiệp đã chủ động đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể vi phạm như: gửi thư khuyến cáo, tổ chức họp báo công khai, thông tin quảng cáo để giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả... Nhiều doanh nghiệp thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý, các nơi bán sản phẩm nhằm phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong hệ thống tiêu thụ. Bên cạnh đó, đã có những doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực với các cơ quan thực thi trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm;

Để tìm hiểu về nhận thức của các doanh nghiệp đối với việc bảo vệ TSTT, chúng tôi đã có câu hỏi khảo sát dành cho 111 doanh nghiệp: “Theo nhìn nhận của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quan tâm như thế nào đến việc bảo vệ quyền SHTT của mình?”. Kết quả khảo sát khá khả quan với 73/111 doanh nghiệp (chiếm 65,8%) cho rằng quyền SHTT là một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp phải quan tâm; chỉ có 12/111 doanh nghiệp (chiếm 10,8%) cho rằng SHTT chưa phải vấn đề quan trọng so với các vấn đề khác của doanh nghiệp. Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã dần nhận thức được vai trò quan trọng của bảo vệ quyền SHTT.

Qua khảo sát 111 doanh nghiệp để tìm hiểu về các biện pháp mà các doanh nghiệp thường tiến hành để bảo vệ TSTT của mình, chúng tôi nhận được kết quả: Biện pháp mà doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất đó là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý (chiếm 30,9%), tiếp theo đó là doanh nghiệp tiến hành việc thông báo, khuyến cáo cho khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp họ phân biệt hàng thật, hàng giả (chiếm 25,5%); doanh nghiệp tự yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại. (chiếm 20%); có một số ít doanh nghiệp lựa chọn biện pháp khởi kiện tại Tòa án (chiếm 12,7%) hay tự thay đổi mẫu mã bao bì để tránh bị xâm phạm (chiếm 9,1%). Điều này cho thấy doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền SHTT đã có những biện pháp tích cực nhất định để bảo vệ quyền của mình.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp lúng túng, bị động trong việc bảo vệ TSTT của mình; mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; chưa tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát vì ngại rầy rà, mất thời gian. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực, kinh phí hạn chế, vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp không có các cán bộ chuyên trách về SHTT cũng như chưa có chiến lược cụ thể trong hoạt động bảo vệ TSTT. Nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được việc quản lý TSTT như tài sản thông thường, vì vậy mà chưa dành sự quan tâm cần thiết đến việc đăng ký bảo hộ TSTT cũng như áp dụng các biện pháp để phát hiện và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm. Phần lớn người sản xuất chỉ quan tâm đến lợi nhuận, làm sao sản xuất được nhiều, bán hàng được chạy, chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà không có chiến lược phát triển lâu dài, không quan tâm đến việc xây dựng, xác lập và bảo vệ quyền đối với TSTT. Có những doanh nghiệp do sợ bị ảnh hưởng đến doanh số và mức tiêu thụ sản phẩm, không dám công khai về sản phẩm bị làm giả. Có những sản phẩm làm giả tinh vi đến mức chính doanh nghiệp sản xuất cũng không phát hiện được, đến khi biết tuy có một số biện pháp khắc phục nhưng không đáng kể.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền SHTT diễn ra phổ biến là nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT còn hạn chế. Do hiểu biết về SHTT còn thấp, nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp thấy nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. nào có uy tín trên thị trường là bắt chước, sử dụng cho sản phẩm của mình để ăn theo, “vô tư” xâm phạm quyền của người khác. Người dân cũng như các doanh nghiệp chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền SHTT;

Để có sự đánh giá tương đối khách quan về nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tôn trọng quyền SHTT của chủ thể khác, chúng tôi đã tiến hành khảo sát đối với 165 đối tượng là cán bộ các cơ quan thực thi và 82 đối tượng ở các Công ty Luật , đại diện SHTT với câu hỏi: “Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với việc tôn trọng quyền SHTT của các doanh nghiệp khác?”, chúng tôi đã nhận được kết quả thể hiện ở bảng sau

Nhận thức của các doanh nghiệp VN về việc tôn trọng quyền SHTT

Mức độ tôn trọng quyền SHTT

Cán bộ

Cty Luật, Đại diện

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Tôn trọng quyền SHTT của DN khác như của mình

44

26.7

6

7.3

Vì lợi ích của DN mình, có thể xâm phạm quyền SHTT của người khác

76

46.1

47

57.3

Sẵn sàng xâm phạm quyền SHTT vì lợi nhuận

39

23.6

26

31.7

Không trả lời

6

3.6

3

3.7

Tổng

165

100%

82

100%

Mặc dù ý kiến của nhóm cán bộ của các cơ quan thực thi và Công ty Luật, đại diện SHTT về nhận thức của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT là có sự khác nhau, tuy nhiên họ đều có nhận định chung cho rằng các doanh nghiệp vì lợi ích của doanh nghiệp mình có thể xâm phạm quyền SHTT của người khác (Công ty Luật, đại diện SHTT là 57,3%; Cán bộ là 46,1%). Cũng tương tự như vậy, số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp sẵn sàng xâm phạm quyền SHTT của doanh nghiệp khác vì lợi nhuận, ở nhóm Công ty Luật, đại diện SHTT là 31,7% và nhóm cán bộ 23,6%. Đây là những đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp khi quyền SHTT của các doanh nghiệp bị xâm phạm, do vậy đánh giá của họ là có cơ sở.

3.3. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN

3.3.1. Hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT

Hiện nay, thẩm quyền quản lý Nhà nước về SHTT tập trung vào ba Bộ chủ quản, thực chất là tập trung vào ba cơ quan chuyên trách của các Bộ này là Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả và Cục trồng trọt. Trên thực tế, các Cục (mà đặc biệt là Cục SHTT) quá tải về công việc, trong khi các Sở, Phòng chuyên môn ở địa phương lại chỉ có chức năng hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trong việc xác lập quyền chứ không được trực tiếp tham gia vào các hoạt động đăng ký bảo hộ hay thủ tục cấp lại, sửa đổi, hủy bỏ... văn bằng bảo hộ. Các cơ quan xác lập quyền như Cục SHTT mới chỉ có văn phòng đại diện tại 3 tỉnh, thành phố lớn; hệ thống đăng ký qua mạng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, chưa được áp dụng;  vì vậy các doanh nghiệp buộc phải đến làm việc trực tiếp tại các cơ quan này, gây khó khăn, tốn kém thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Biểu đồ dưới đây cho thấy số lượng đơn đăng ký một số đối tượng SHCN cơ bản (bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp) được nộp vào Cục SHTT trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây.

 

Biểu đồ: lượng đơn đăng ký SHCN nộp vào Cục SHTT từ 1995 -2010

Biểu đồ trên cho thấy số lượng đơn đăng ký SHCN không ngừng gia tăng và tăng mạnh trong khoảng từ 2005 đến nay. Riêng trong năm 2010, đã có 33.616 đơn đăng ký xác lập quyền được nộp cho Cục SHTT bao gồm 3.582 đơn sáng chế, 299 đơn giải pháp hữu ích, 1.730 đơn kiểu dáng công nghiệp, 27.919 đơn nhãn hiệu, 7 đơn chỉ dẫn địa lý, 2 đơn thiết kế bố trí. Ngoài ra, còn có 4.236 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam và 2.508 yêu cầu gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế.

Tính đến 31/12/2011, Cục SHTT đã tiếp nhận 65.356 đơn các loại, trong đó:

38.789 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, bao gồm: 3.688 đơn sáng chế; 307 đơn giải pháp hữu ích; 1.861 đơn kiểu dáng công nghiệp; 28.237 đơn nhãn hiệu; 5 đơn chỉ dẫn địa lý; 15 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp; 4.567 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam; 109 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (11 đơn sáng chế, 98 đơn nhãn hiệu). 

26.547 đơn khác, cụ thể là: sửa đổi đơn: 1.959; chuyển nhượng đơn: 499; cấp lại VBBH: 693; gia hạn VBBH: 4.534; gia hạn đăng ký quốc tế: 2.863; sửa đổi VBBH: 4.715; duy trì VBBH: 4.621; chuyển nhượng VBBH: 1.929; chuyển giao quyền sử dụng: 742; chấm dứt/huỷ bỏ VBBH: 227; khiếu nại: 1.205; tra cứu: 577; phản đối cấp VBBH: 680; các loại đơn khác: 1.303.[94]

Những con số trên đã cho thấy khối lượng công việc mà Cục SHTT tiếp nhận và xử lý là rất lớn. Mặc dù các đơn đăng ký liên tục được xử lý theo thời gian nhưng do những đặc thù riêng mà không phải tất cả các đơn đều được xử lý đúng thời hạn. Qua khảo sát ý kiến của các đối tượng cán bộ (trong đó có cả cán bộ các cơ quan xác lập quyền) và các Công ty luật (chủ thể thường xuyên đại diện cho các doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền) về hoạt động của các cơ quan đăng ký xác lập quyền SHTT, chúng tôi nhận được kết quả khá thống nhất, trong đó 39,4 % đối tượng cán bộ và 35,4% cho rằng thủ tục chậm trễ, không đúng thời hạn;

Để có cái nhìn tổng quát hơn, chúng ta cùng xem xét đánh giá của các đối tượng là cán bộ, doanh nghiệp và Công ty Luật (đại diện) về thủ tục đăng ký quyền SHTT hiện nay.

 

Hầu hết các đối tượng đều nhận định thủ tục đăng ký hiện nay còn chậm trễ và phức tạp. Có rất nhiều lý do khiến cho công tác thẩm định đơn không đáp ứng được quy định về thời hạn của pháp luật. Những nguyên nhân cơ bản của việc chậm trễ này có thể tóm lược như sau:

- Năng lực của các cơ quan xác lập quyền chưa đủ để bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các đơn yêu cầu xác lập quyền cũng như các hoạt động hỗ trợ cho việc xác lập. Lượng đơn đăng ký tăng nhanh đối với hầu hết các đối tượng SHCN, trong khi Cục SHTT không tiên lượng được chính xác mức độ gia tăng để chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực sẵn sàng ứng phó với tình hình. Kết quả là cơ quan chuyên môn luôn ở thế bị động, hụt hơi, không đủ sức giải quyết khối lượng công việc ngày càng gia tăng như vậy, dẫn đến tình trạng nợ đọng đơn.

- Hạ tầng cơ sở của Cục SHTT còn yếu kém không đáp ứng đủ các nhu cầu kỹ thuật trong công tác xử lý đơn, cụ thể hệ thống tự động hóa chưa phát triển đầy đủ và còn nhiều yếu kém, hệ thống thông tin - tư liệu SHCN chưa được xây dựng theo hướng hiện đại và chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho công tác xử lý đơn, mạng Internet chậm và hay bị nghẽn mạng dù đã nhiều lần được cải thiện, máy tính để xử lý đơn và truy cập mạng để tra cứu còn có cấu hình thấp và không được trang bị đầy đủ cho Thẩm định viên, chỗ làm việc không đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng nhân lực của các đơn vị thẩm định nói riêng và của cả Cục nói chung.

- Đội ngũ Thẩm định viên còn thiếu và chưa đáp ứng đủ yêu cầu về chất lượng chuyên môn, nhiều Thẩm định viên mới được tuyển dụng còn đang trong thời gian học việc và tích lũy kiến thức, năng lực chuyên môn không đồng đều giữa các thẩm định viên. Công tác đào tạo Thẩm định viên chưa được chú trọng ở mức cao, chưa có đầy đủ các tài liệu chuyên môn dành cho Thẩm định viên, kiến thức được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau tùy thuộc vào từng Thẩm định viên khiến cho quan điểm đánh giá các đối tượng đăng ký nhiều khi không nhất quán.

- Hệ thống các quy phạm pháp luật về SHTT còn nhiều bất cập khiến cho việc xử lý đơn bị kéo dài, không giải quyết được dứt điểm.

- Cơ chế quản lý còn bộc lộ nhiều chồng chéo, chưa phát huy hết tiềm năng của Thẩm định viên, chưa có chính sách phù hợp để khích lệ cũng như răn đe người lao động để nâng cao năng suất lao động hơn nữa.

Các nguyên nhân cơ bản được nêu trên đây đã khiến cho các đơn đăng ký SHCN không được giải quyết dứt điểm đúng thời hạn quy định. Một lượng đơn không nhỏ còn trong tình trạng nợ đọng, không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.

Tình trạng xử lý đơn không kịp thời hạn của cơ quan đăng ký vẫn chưa được khắc phục triệt để, khiến cho các chủ thể kinh doanh có khả năng mất cơ hội cạnh tranh trên thị trường cũng như bị xâm phạm quyền mà không có căn cứ pháp lý để bảo vệ cũng như yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Một vấn đề nổi cộm nữa trong hoạt động của các cơ quan quản lý là tình trạng hủy bỏ Văn bằng bảo hộ đã được cấp diễn ra khá phổ biến, nhiều trường hợp gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Tình trạng nay do nhiều lý do khách quan và chủ quan:

- Do sự giao thoa giữa các đối tượng SHTT nên cùng một đối tượng có thể có nhiều cơ chế bảo hộ khác nhau. Ví dụ cùng một dấu hiệu hình (như mẫu hoa văn) có thể là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ quyền tác giả; hoặc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Vì vậy, thực tế tranh chấp giữa nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký trước và ngược lại; tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả; hoặc tranh chấp nhãn hiệu và tên thương mại diễn ra khá phổ biến. Nhiều văn bằng bảo hộ đã được cấp, sau đó lại bị hủy bỏ do quyền SHTT được bảo hộ lại xung đột với quyền SHTT đã được xác lập trước.

- Các cơ quan đăng ký thuộc rất nhiều đầu mối khác nhau, không có sự quản lý thống nhất. Giữa các cơ quan đăng ký, xác lập quyền (Cục SHTT, Cục bản quyền tác giả, Cơ quan đăng ký kinh doanh...) chưa có sự nối mạng thông tin nên không có điều kiện tiếp cận với kho dữ liệu của cơ quan khác để có điều kiện tra cứu tình trạng bảo hộ. Ví dụ Cục SHTT khi xem xét đơn đăng ký nhãn hiệu không có cơ hội tiếp cận kho dữ liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh hay Cục bản quyền tác giả để xem xét nhãn hiệu có trùng hay tương tự với tên thương mại của chủ thể khác, hay tên nhân vật hoặc hình tượng nhân vật thuộc quyền tác giả của người khác hay không.

- Hiện nay vẫn chưa có cơ chế đảm bảo tính độc lập, nhanh chóng, khách quan khi xử lý việc khiếu nại liên quan đến việc đăng ký, hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Ví dụ tại Cục SHTT, việc giải quyết công việc này do chuyên viên phòng giải quyết khiếu nại của Cục SHTT xử lý, trong khi mức độ quan trọng và tính phức tạp của công việc này đòi hỏi phải có một hội đồng gồm nhiều thành viên hoạt động độc lập để đưa ra quyết định khách quan, đúng pháp luật.

3.3.2. Hoạt động của các cơ quan thực thi

3.3.2.1. Cơ quan thanh tra chuyên ngành

Năm 2006 - 2008, cơ quan thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã kiểm tra và xử lý trên 5.667 vụ việc liên quan đến việc sao chép băng đĩa, in sách lậu, chương trình máy tính, đã xử phạt cảnh cáo 519 trường hợp, phạt tiền đối với các cơ sở còn lại với số tiền lên đến trên 10.000.000.000 đồng (Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2006 - 2010 của Bộ KH&CN ngày 12/10/2009).[95]

Năm 2009, thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg, cơ quan Thanh tra chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.429 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó phát hiện 3.013 cơ sở vi phạm. Đã xử lý: phạt cảnh cáo 188 cơ sở; tạm giữ giấy phép 37 cơ sở; đình chỉ hoạt động 143 cơ sở. Thu giữ: 649.324 băng đĩa các loại, 3.885 sách. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 11.500.510.000 đồng (Báo cáo số 85/TTra ngày 29/7/2010 của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch).

Năm 2009 - 2010, chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm đã được thực hiện khá mạnh với tần suất dày, thường xuyên, là động thái cụ thể nhất nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam.[96]

Năm 2006 - 2008, Cơ quan thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền SHCN, đã xử phạt cảnh cáo 152 cơ sở, phạt tiền 307 cơ sở với số tiền 1.847.988.200 đồng, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hoá.[97]

Năm 2009, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 61 vụ, đã xử lý 38 vụ xâm phạm về nhãn hiệu, 02 vụ xâm phạm về kiểu dáng và 05 vụ xâm phạm giải pháp hữu ích, đã xử phạt cảnh cáo 01 vụ, phạt tiền 45 vụ với tổng số tiền phạt 697.356.000 đồng và xử lý 156.426 sản phẩm xâm phạm quyền SHCN (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2009 của Cục SHTT).[98]

Theo số liệu tổng hợp được từ 55 báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/thành phố năm 2009, các Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 7453 cơ sở, đã xử lý 1.012 cơ sở vi phạm hành chính bằng các hình thức: cảnh cáo 146 cơ sở, phạt tiền 866 cơ sở với số tiền 3.175.469.500 đồng, tịch thu, xử lý và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm hành chính.[99] Theo báo cáo của Thanh tra Bộ khoa học và công nghệ, từ tháng 7/2006 (thời điểm Luật SHTT 2005 có hiệu lực) đến 10/2011, Thanh tra KHCN tại 63 tỉnh, thành phố đã xử lý:

- 1.561 vụ xâm phạm nhãn hiệu/giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền phạt là

9.021.421.0  đồng;

- 107 vụ xâm phạm KDCN với tổng số tiền phạt là 264.354.000 đồng;

- Các đối tượng khác: 43 vụ với tổng số tiền phạt là 28.250.000 đồng;

Trong cùng thời gian trên, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử lý:

- 134 vụ xâm phạm quyền SHCN liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp với tổng số tiền phạt 2,5 tỷ đồng;

- Thực hiện việc hòa giải theo thủ tục dân sự cho các bên sau kết quả thanh tra khoảng 08 vụ việc.

3.3.2.2.Cơ quan quản lý thị trường

Năm 2008, Cơ quan Quản lý thị trường đã thụ lý 2.697 vụ (415 vụ xâm phạm KDCN, 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 7 vụ xâm phạm CDDL, 3 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh), trong đó xử lý 2.506 vụ (389 vụ xâm phạm KDCN, 2.105 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 6 vụ xâm phạm CDDL, 2 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh) với tổng số tiền phạt lên tới hơn 7.000.000.000 đồng (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2008 của Cục SHTT).[100]

Năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Y tế. đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn, nhiều vụ bị phát hiện tại Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Tại TP.Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Đồng Nai, Cà Mau, Hải Dương cũng là những địa phương có số vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý khá cao, chủ yếu liên quan đến nhãn hiệu (tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng; tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng...) (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT năm 2009 của Cục SHTT).

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) trong năm 2010, tổng số vụ xử lý xâm phạm quyền SHTT là 10472 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính thu được là trên 44 tỷ đồng.[101]

Năm 2011, Cục quản lý thị trường xử lý 12910 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt hành chính thu được trên 35 tỷ đồng.[102]

3.3.2.3. Cơ quan Công an

Năm 2006 -2009, Cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự và quản lý kinh tế chức vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 76 vụ xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tân dược, và chỉ đạo Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế địa phương tập trung đấu tranh các đối tượng chuyên sản xuất hàng xâm phạm quyền SHTT. Ngoài ra lực lượng cảnh sát còn phối hợp với các cơ quan thực thi kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, đối với các cơ sở xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, tiêu hủy hàng hóa xâm phạm (Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

Lực lượng cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hoá giả mạo SHTT như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện. Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.

3.3.2.4. Cơ quan Hải quan

Năm 2006 -2008, Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến SHTT. Cơ quan Hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về SHTT (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi xách...). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng (Theo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

Năm 2009, Cơ quan Hải quan trong tập trung nhiều vào công tác chống hàng giả, đã xử lý nhiều vụ xâm phạm nhãn hiệu, tịch thu và tiêu hủy số lượng lớn hàng giả[103], số tiền phạt hành chính gần 2 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan đã tham gia với hải quan các nước trong khu vực (Thái Lan, Cambodia, Lào, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc) triển khai chuyên án Storm (2009-2011) do Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với Interpol chủ trì với mục đích là đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán và vận chuyển các loại thuốc giả trong khu vực. Lực lượng hải quan đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với đại diện một số doanh nghiệp (Puma, Tyco...) để thảo luận xây dựng những biện pháp phối hợp đấu tranh chống hàng giả.

Đến tháng 9/2011, ngành Hải quan đã và đang thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT với gần 330 đối tượng quyền bao gồm: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay, các đơn vị Hải quan trong cả nước đã tiến hành kiểm soát và phát hiện hơn 250 trường hợp hàng hoá bị nghi ngờ vi phạm về SHTT, xử lý 30 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm gần 14,2 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách Nhà nước gần 8 tỷ đồng.[104]

3.3.2.5. Cơ quan Tòa án

- Giải quyết tranh chấp SHTT bằng biện pháp dân sự

Qua thống kê của TANDTC, việc giải quyết tranh chấp về TSTT từ năm 2000 đến năm 2005 của toàn ngành Tòa án như sau: thụ lý 93 vụ, đã giải quyết 61 vụ, trong đó tạm đình chỉ, đình chỉ, rút đơn khởi kiện là 16 vụ, hòa giải thành 12 vụ, đưa ra xét xử 33 vụ (bao gồm 11 vụ tranh chấp về quyền tác giả và liên quan, 22 vụ tranh chấp về quyền SHCN)[105]. Kể từ khi Luật SHTT có hiệu lực thi hành, tình hình giải quyết các tranh chấp về TSTT cũng không có chuyển biến đáng kể, theo số liệu thống kê của TANDTC từ 01/7/2006 cho đến ngày 22/6/2009 thì toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về TSTT (trong đó chiếm đa số là tranh chấp về quyền tác giả với 90 vụ ; tranh chấp về TSTT chỉ chiếm 10 vụ ; tranh chấp về quyền sử dụng tác phẩm chiếm 5 vụ ; tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ chiếm 3 vụ. Riêng tại Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội thì từ ngày 01/7/2006 đến nay mới chỉ thụ lý 7 vụ.[106]

  1. Đánh giá về hoạt động xử lý xâm phạm quyền SHTT của hệ thống các cơ quan thực thi
  • Ưu điểm

Nhìn chung, các cơ quan thực thi đã phát huy được vai trò tích cực trong việc xử lý các xâm phạm SHTT, đặc biệt là vai trò của các cơ quan hành chính. Một số lượng lớn các hành vi xâm phạm quyền SHTT đã được ngăn chặn và xử lý bởi các cơ quan này, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh.

Trong các biện pháp bảo vệ TSTT, biện pháp hành chính thường được các chủ thể quyền ưu tiên lựa chọn vì việc xử lý các xâm phạm quyền SHTT theo trình tự hành chính thì thường diễn ra trong thời gian ngắn, giải quyết nhanh chóng vụ việc, có hiệu lực đình chỉ ngay hành vi xâm phạm quyền SHTT tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền đến thanh tra, kiểm tra nên đáp ứng kịp thời yêu cầu về thời gian để chủ thể quyền có thể khai thác hiệu quả các đối tượng SHCN của mình cũng như bảo đảm tính ổn định của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hạn chế của biện pháp này là chủ thể quyền không thể yêu cầu bên xâm phạm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra mà phải thực hiện thông qua một vụ kiện dân sự tại Tòa án.

  • Hạn chế

Thứ nhất: Năng lực của cán bộ trong các cơ quan thực thi SHTT vẫn còn hạn chế

Phần lớn cán bộ trong các cơ quan thực thi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản và cần thiết về SHTT; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng thực hành xử lý vụ việc của phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật còn hạn chế; Một nghịch lý nữa là nơi mạnh về chuyên môn (như Thanh tra chuyên ngành) thì lại thiếu về lực lượng; nơi mạnh về lực lượng như Quản lý thị trường, Công an thì lại thiếu chuyên môn, kinh nghiệm về SHTT.

Qua khảo sát về thực trạng bảo vệ TSTT của doanh nghiệp, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT (bao gồm 165 người). Trong nhóm đối tượng là cán bộ có 57 người làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, chiếm 34,5%; 14 đối tượng làm việc tại Tòa án chiếm 8,5%; Thanh tra chuyên ngành của bộ 9 đối tượng chiếm 5,5%; số đối tượng làm việc tại Ủy ban nhân dân là 23 đối tượng chiếm 13,9%; Công an chiếm 21,8% với 36 đối tượng; số người làm việc tại quản lý thị trường là 16 đối tượng chiếm 9,7%; 5 đối tượng làm việc trong ngành hải quan chiếm 3% và 1,2% làm việc tại các cơ quan khác. Dưới đây là Bảng đánh giá mức độ hiểu biết về pháp luật SHTT của cán bộ các cơ quan thực thi (những con số này cũng chỉ là đánh giá chủ quan của người được khảo sát).

Mức độ hiểu biết về pháp luật SHTT của cán bộ các cơ quan thực thi

Mức độ nhận thức

Số người

Tỷ lệ %

Biết rõ

46

27,9

Biết một chút

106

64,2

Hoàn toàn không biết

13

7,9

Không trả lời

0

0

Tổng

165

100%

 

Qua bảng số liệu trên, chúng ta thấy rằng trong số 165 cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, chỉ có 27,9% số đối tượng được hỏi biết rõ về pháp luật SHTT; 64,2% đối tượng biết một chút về pháp luật SHTT và 7,9% đối tượng này hoàn toàn không biết về pháp luật SHTT. Đây chính là đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền SHTT nói chung và TSTT trong các doanh nghiệp nói riêng vậy mà số lượng đối tượng “Biết rõ” về pháp luật SHTT chiếm tỉ lệ không nhiều còn số lượng đối tượng “Biết một chút” lại chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn 7,9% cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT hoàn toàn không có hiểu biết về pháp luật SHTT.

Kênh thông tin tiếp xúc với các quy định của pháp luật SHTT của các đối tượng là cán bộ trong các cơ quan thực thi

Kênh thông tin

 

Số lượng

Tỷ lệ phần trăm

Tự nghiên cứu, tìm hiểu

99

29,3

Được học trong chương trình đào tạo

83

24,6

Được tham gia tập huấn, hội thảo

58

17,2

Qua các phương tiện đại chúng

90

26,6

Các kênh thông tin khác

8

2,4

Tổng

 

100%

Từ số liệu ở bảng trên, có thể thấy rằng đối với các cán bộ ở các cơ quan thực thi, nhận thức về pháp luật SHTT chủ yếu thu được từ việc tự tìm hiểu (chiếm 29,3%), từ các phương tiện thông tin đại chúng (26,6%) và từ việc được học trong chương trình đào tạo (24,6%), còn lại là từ những nguồn khác. Đây đều là nhóm đối tượng trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến SHTT vậy mà số lượng đối tượng được đào tạo bài bản trong các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn cũng như được tham gia các hội thảo về SHTT lại thấp hơn. Số liệu này có thể phản ánh phần nào về kiến thức cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ các cơ quan thực thi SHTT.

Thứ hai: Hầu hết các cơ quan thực thi đều thiếu phương tiện cần thiết, điều kiện kỹ thuật, công nghệ và kinh phí để tác nghiệp, xử lý hành vi xâm phạm.

Các cơ quan thực thi đều trong tình trạng thiếu phương tiện đi lại, thiếu thiết bị tác nghiệp (như máy ảnh, máy quay camera...) nên gặp rất nhiều khó khăn trong điều tra, thu thập, xác minh chứng cứ. Hầu như các cơ quan thực thi đều chưa được trang bị các thiết bị để nhận biết hàng thật, hàng giả. Chúng ta cũng chưa có cơ sở dữ liệu và kết nối thông tin giữa các cơ quan để xác định đối tượng SHTT được bảo hộ và đối tượng xâm phạm. Bên cạnh đó, kinh phí ngân sách hạn hẹp cho lực lượng thực thi cũng là một cản trở rất lớn đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. Nhà nước chưa có kinh phí cho hoạt động thu giữ, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, nếu ra quân thu gom hàng giả, hàng vi phạm, đơn vị phải mất nhiều công sức cũng như kinh phí tiêu hủy. Hơn nữa, toàn bộ số tiền phạt được nộp về ngân sách nhà nước nên cán bộ thực thi không mặn mà với việc này.

Thứ ba: tổ chức và hoạt động các cơ quan thực thi chưa thực sự phù hợp

Chúng ta tuy có nhiều cơ quan thực thi, (mỗi cơ quan lại có nhiều cấp: trung ương, tỉnh, huyện) nhưng tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực thi còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện nay có nhiều đầu mối thụ lý vụ việc theo các thủ tục khác nhau, cụ thể có tới sáu loại cơ quan (UBND các cấp, Tòa án, Thanh tra chuyên ngành, Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường, Hải quan) cùng có thẩm quyền xử lý xâm phạm trong lĩnh vực SHTT. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi muốn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý nhưng lúng túng, không biết gửi đơn đến cơ quan nào hoặc là gửi đơn đồng thời tới tất cả các cơ quan nhưng không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Thậm chí giữa các cơ quan cùng hệ thống thực thi hành chính nhưng thẩm quyền đan chéo cả về chiều dọc và chiều ngang; Giữa các cơ quan này cũng chưa có sự phối kết hợp để xử lý vụ việc. Chưa kể đến tính chất song trùng trực thuộc về tổ chức và nhân sự giữa cơ quan chuyên môn ở địa phương với chính quyền địa phương đã phần nào làm hạn chế khả năng hoạt động của các cơ quan xử lý vi phạm ở địa phương. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng một số vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục và chuyên môn về SHTT đã hạn chế hiệu quả hoạt động bảo vệ TSTT của các chủ thể quyền nói chung, các doanh nghiệp nói riêng tại Việt Nam.

Thứ tư: Số vụ án xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự đến nay rất hạn chế

Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ thể quyền thường có tâm lý "e ngại", không muốn vụ việc quá ầm ĩ nên chủ yếu lựa chọn biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, các cơ quan thực thi cũng có tâm lý e ngại khi áp dụng biện pháp hình sự đối với các vụ việc xâm phạm quyền SHTT do kiến thức, kinh nghiệm áp dụng pháp luật đối với tội phạm xâm phạm quyền SHTT không nhiều. Căn cứ để xác định các yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền SHTT trong Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa đồng bộ, thống nhất. Thực tiễn xét xử của các vụ vi phạm về nhãn hiệu cho thấy hầu như các Thẩm phán xét xử thường vận dụng Điều 156 về Tội làm hàng giả hơn Điều 171 về Tội xâm phạm quyền SHCN bởi các lý do: thứ nhất, việc điều tra tìm chứng cứ để đáp ứng cấu thành tội phạm của Điều 171 thường rất phức tạp và khó khăn do trình độ chuyên môn của các cán bộ trong ngành chưa cao; thứ hai do mức hình phạt của tội danh này thấp nên các Thẩm phán cũng thường không muốn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thành phố Hà Nội - nơi được xem là có nhiều vụ việc được xét xử liên quan đến tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, thì từ năm 2000 - 2010, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội không thụ lý, giải quyết vụ án nào liên quan các tội xâm phạm quyền SHTT, trong khi đó đã xét xử tới 17 vụ với 41 bị cáo liên quan đến các tội danh thuộc các Điều 156 và 157.

Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ xét xử duy nhất 01 vụ (trước khi có Thông tư 01), các toà án khác trong cả nước cũng không xét xử vụ việc nào liên quan đến tội danh xâm phạm quyền SHCN.[107] Phân tích một số vụ việc và bản án, không phải lúc nào những căn cứ pháp lý do các cơ quan tố tụng áp dụng cũng phù hợp với bản chất của sự việc.

Dưới đây là một số ví dụ thực tiễn xét xử của Toà án liên quan đến loại tội danh sản xuất buôn bán hàng giả:

Vụ sản xuất nước mắm giả

Ông NK (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) thành lập cơ sở sản xuất nước mắm. Do “sinh sau đẻ muộn”, lại không có tên tuổi nên cơ sở ít có khách hàng. Thấy mọi người thích các nhãn hiệu nổi tiếng như Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc - Thanh Châu..., ông đã thu mua vỏ chai cũ của các cơ sở này về làm sạch rồi bơm nước mắm của mình vào để đem bán. Được một thời gian, ông mua chai mới, in nhãn hàng mới có các dấu hiệu, hình thức hệt như sản phẩm của các cơ sở trên để làm thành các chai nước mắm thành phẩm loại 1 lít và 1/2 lít.

Khi hành vi của ông K bị phát hiện, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định chất lượng nước mắm do cơ sơ của ông K sản xuất. Kết quả giám định ghi nhận: “Sản phẩm không có lạc khuẩn, giới hạn phát hiện nhỏ hơn 0,03 mml, nồng độ đạm ghi trên nhãn mác đúng với nồng độ đạm được xác định ở nước mắm trong chai” - tức là nước mắm của ông K hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo như tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Từ lúc bắt đầu thực hiện cho đến khi bị phát hiện, cơ sở của ông NK đã sản xuất khoảng 5.000 lít nước mắm và thu lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng.

Tháng 2/2008, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Đức đã ra quyết định truy tố ông NK về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Tháng 3/2008, Toà án nhân dân huyện mở phiên toà sơ thẩm để xét xử bị cáo NK về tội danh này. Xét thấy hành vi của bị cáo gây thiệt hại không lớn, chất lượng nước mắm do cơ sở mà bị cáo đã làm giả nên Toà tuyên phạt bị cáo K 2 năm tù. Ông NK đã kháng cáo.[108]

Vụ sản xuất, buôn bán bột ngọt giả

Do có quen biết từ trước trong việc buôn bán lạc, đậu, Nguyễn Thị H và Đỗ Thị D thấy bột ngọt nhãn hiệu MIWON trên thị trường có giá rẻ hơn bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO, mặt khác bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO có chất lượng tốt hơn và tiêu thụ nhanh hơn nên khoảng tháng 11/2009 H và D đã bàn nhau sản xuất bột ngọt AJINOMOTO giả với thủ đoạn: D mua 30 thùng bột ngọt nhãn hiệu MIWON tại Siêu thị METRO với giá 12.900.000 đồng (434.000 đ/thùng), sau đó D đã bán 30 thùng MIWON cho H với giá 13.014.000 đ, (hưởng chênh lệnh là 114.000đồng). Sau khi mua bột ngọt MIWON của D, H đã bỏ túi bột ngọt nhãn hiệu MIWON và đóng vào túi bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO và sử dụng máy dán mép túi nilông để dán loại.

Số bột ngọt MIWON mua của Đỗ Thị D, Nguyễn Thị H đã sản xuất số lượng bột ngọt giả AJINOMOTO gồm: (i) 101 gói loại 01 kg/gói, đã bán cho D 100 gói giá 36.800 đồng/gói, số tiền là 3.680.000 đồng; (ii) 205 gói loại 454g/gói đã bán cho D 202 gói giá 16.800 đ/gói số tiền là 3.393.600 đồng; (iii) 60 gói loại 410g/gói đã bán cho D 60 gói giá 15.800 đ/gói số tiền là 948.000 đồng.Tổng số D đã trả cho H số tiền là 8.021.600 đồng.

Còn lại 02 kg bột ngọt MIWON nguyên liệu để đóng gói sang vỏ AJINOMOTO giả H chưa kịp sản xuất.

Số bột ngọt AJINOMOTO giả Đỗ Thi D mua của Nguyễn Thị H đã được D bán lẻ tại chợ như sau: (i) 09 gói loại 01kg/gói giá 37.000 đồng/gói số tiền là 333.000 đồng, được lãi 1.800 đồng; (ii) 60 gói loại 410g/gói giá 16.000 đồng/gói số tiền là 960.000 đồng, được lãi 1.200 đồng.

Số bột ngọt còn lại cơ quan điều tra đã thu giữ được khi D đang trên đường đi tiêu thụ và thu giữ được tại nhà D.

Tại cơ quan điều tra cả D và H đều khai nhận hành vi phạm tội nêu trên. Ngày 27/01/2010, Công ty AJINOMOTO Việt Nam đã có công văn kèm theo bảng báo giá gửi Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị xử lý Nguyễn Thị H và Đỗ Thị D theo pháp luật. Giá trị hàng thật tương đương với số lượng hàng giả mà Nguyễn Thị H, Đỗ Thị D sản xuất gây thiệt hại cho Công ty AJINOMOTO Việt Nam như sau: (i) Loại 400 g số lượng 65 gói x 17.200 đồng/gói = 1.118.000 đồng; (ii) Loại 454 g số lượng 205 gói x 19.100 đồng/gói = 3.915.500 đồng; (iii) Loại 01kg số lượng 101 gói x 39.000 đồng = 3.939.000 đồng. Tổng số là 8.972.500 đồng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố Nguyễn Thị H, Đỗ Thi D phạm tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.

Tại phiên toà xét xử, các bị cáo cũng đã khai nhận tội như nội dung bản cáo trạng mà Viện Kiểm sát truy tố, lời khai của bị cáo tại toà và ở cơ quan điều tra là thống nhất, phù hợp với các gói bột ngọt AJINOMOTO thu giữ của các bị cáo sau khi giám định được xác định là bột ngọt AJINOMOTO giả, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã nhận định:

“Từ tháng 11/2009 đến tháng 01/2010 hai bị cáo Đỗ Thị D và Nguyễn Thị H đã mua bột ngọt nhãn hiệu MIWON đóng gói vào túi nilông giả nhãn hiệu AJINOMOTO sản xuất 371 gói bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO giả (gồm 65 gói loại 400 gam và 410 gam, 205 gói loại 454 gam, 101 gói lại 1kg) để mang bán thu lợi bất chính.

Hành vi trái pháp luật nêu trên của các bị cáo Đỗ Thị D và Nguyễn Thị H phạm tội “sản xuất hàng giả là thực phẩm” tội và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.

Hành vi sản xuất hàng giả của các bị cáo được thực hiện bằng cách: mua bột ngọt MIWON có giá thành thấp đóng lẻ vào túi nilon có nhãn mác AJINOMOTO để làm giả bột ngọt AJINOMOTO để bán với giá cao hơn.[109]

Toà án đã tuyên bị cáo D 24 tháng tù và bị cáo H 24 tháng tù (cho hưởng án treo), tịch thu để tiêu huỷ toàn bộ số tang vật là các gói bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO theo khoản 1 Điều 157 Bộ Luật Hình sự.

Cả hai vụ việc bị cáo đều bị xử lý hình sự với tội danh sản xuất hàng giả lương thực, thực phẩm theo Điều 157 ở hai thời điểm khác nhau: trước (vụ việc 1) và sau (vụ việc 2) khi có Thông tư 01, nhưng hai vụ án đều được Toà án có chung phán quyết các bị cáo đã có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, nhưng không chứng minh được các bị cáo cố tình sản xuất hàng giả liên quan đến chất lượng, cả hai Toà án đều căn cứ vào hành vi giả mạo nhãn hiệu để quy kết tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả của Điều 157 mà không phải với tội danh xâm phạm quyền SHCN theo Điều 171.

  1. Vụ việc thứ nhất, sản phẩm nước mắm của ông NK đều đạt theo đúng chỉ tiêu trên nhãn mác, không gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, do đó không thể quy kết ông NK sản xuất hàng giả (chất lượng). Ông NK muốn lấy nhãn hiệu nước mắm uy tín, được người tiêu dùng biết đến (Tám Phú, Bốn Phương, Phú Quốc - Thanh Châu) để gắn cho sản phẩm do chính ông sản xuất nhằm tiêu thụ nhanh.
  2. Tương tự, vụ việc thứ hai: D và H đã mua sản phẩm thật, một loại bột ngọt cũng có uy tín trên thị trường (mang nhãn hiệu MIWON) để đóng gói gắn với nhãn hiệu mà theo các bị cáo là có uy tín hơn. Trong ý thức của bị cáo không có ý định là làm giả chất lượng sản phẩm của AJINOMOTO mà chỉ lợi dụng tới uy tín của nhãn hiệu này nhằm trục lợi cao hơn. Có thể sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu D và H mua các sản phẩm MIWON gói lớn này để về đóng gói lẻ và gắn nhãn hiệu MIWON hoặc đóng gói không có nhãn mác để bán (chất lượng theo tiêu chuẩn của hãng MIWON vẫn đảm bảo, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng). Tình huống này cũng thường được những người buôn bán nhỏ lẻ thực hiện để đáp ứng nhu cầu mua các gói nhỏ của người tiêu dùng.

Tuy nhiên các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy tố và Toà án cũng không thể xét xử các bị cáo theo Điều 171 (vụ giả bột ngọt AJINOMOTO), vì theo Thông tư 01 thì tội danh này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi: “vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền SHCN có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật SHTT và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền SHCN" theo khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự: a) Đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng”.

Rõ ràng các bị cáo trong vụ việc này đều không thuộc các trường hợp bị truy tố do: lợi nhuận bị cáo thu được, thiệt hại vật chất gây ra cho chủ thể quyền, hay giá trị hàng do các bị cáo sản xuất đều nằm dưới mức quy định theo hướng dẫn của Thông tư số 01.

Một số quan điểm đánh giá cao việc ra đời của Thông tư 01, cho rằng đối với SHTT chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hay sao chép lậu, nghĩa là truy cứu khi đó là những sản phẩm giả mạo về hnh thức.[110] Tuy nhiên thực tế cho thấy với những sản phẩm giả mạo SHTT bao giờ cũng gắn liền với việc sản phẩm đó có chất lượng thấp (không có chất lượng tương đương với hàng thật), do đó với những quy định như hiện nay thì rất khó cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền SHTT. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy: từ khi có Thông tư 01 Toà án vẫn không thể áp dụng những hướng dẫn này để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền SHTT. Những khó khăn, vướng mắc từ các Điều luật đã không được Thông tư số 01 hướng dẫn xử lý triệt để, thậm chí còn làm khó khăn hơn cho việc truy tố, xét xử. Chính vì vậy mà Việt Nam luôn bị các nước thành viên WTO phê phán về khả năng thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự, điều mà Hiệp định TRIPs và các nước thành viên WTO rất quan tâm và coi đó là biện pháp hữu hiệu, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm chống lại tình trạng xâm phạm quyền SHTT hiện nay.

Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, chưa có vụ việc xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng chưa xét xử vụ việc hình sự nào liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền SHTT.

Theo báo cáo của Công ty Gang thép Thái Nguyên tại Hội nghị toàn quốc về thực thi quyền SHTT tô chức tại Hà Nội tháng 9 năm 2004, trong thời gian từ năm 2000 đến nay, rất nhiều vụ việc về sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái thép TISCO đã được các cơ quan chức năng kết hợp với Công ty Gang Thép TN phát hiện, bắt giữ và xử lý. Tuy vậy, hầu hết các vụ việc chỉ dừng lại ở hình thức xử lý hành chính, chỉ duy nhất có một vụ việc được Toà án Nhân dân huyện Đông Anh đưa ra truy tố tại toà hình sự với mức phạt: Phạt tù án treo 12 tháng, thời gian thử thách và cấm kinh doanh 24 tháng, phạt tiền 5 triệu đồng.

Thứ năm: Số vụ tranh chấp SHTT được giải quyết tại Tòa án rất khiêm tốn

Trong thực tế, việc bảo vệ TSTT tại Việt Nam thường thông qua biện pháp hành chính hơn là khởi kiện trước Tòa án. Mặc dù mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chưa cao và năng lực giải quyết xâm phạm SHTT của các cơ quan thực thi bằng biện pháp hành chính chưa thực sự đồng đều, các doanh nghiệp vẫn có xu hướng chọn biện pháp hành chính do biện pháp này dễ thực hiện, nhanh chóng về thủ tục và ít tốn kém. Với những số liệu xử lý xâm phạm SHTT của các cơ quan thực thi kể trên, có thể thấy số vụ việc tranh chấp về TSTT được xét xử tại Toà án rất khiêm tốn so với việc xử lý của các cơ quan chức năng khác. Điều này được phản ánh bởi những nguyên nhân sẽ được phân tích dưới đây.

- Tranh chấp về SHTTphức tạp, khó giải quyết

Giải quyết các tranh chấp TSTT là vấn đề khó, nhiều vụ việc đòi hỏi có kỹ thuật chuyên môn sâu, nhiều vụ việc liên quan đến bên thứ 3, có các yếu tố nước ngoài, nên quá trình cung cấp tài liệu, chứng cứ giữa các bên thường mất nhiều thời gian, dẫn đến việc giải quyết thường bị kéo dài, có trường hợp phải xét xử nhiều lần, nhiều cấp, gây tốn kém thời gian, tiền bạc của đương sự và của nhà nước là một trong những nguyên nhân chính. Đây là một điều bất lợi cho chủ thể quyền vì TSTT của họ thường bị giới hạn trong một thời gian nhất định, hơn nữa, việc chậm giải quyết đã không đáp ứng kịp thời đối với hoạt động khai thác quyền của chủ thể quyền. Theo quy định tại Điều 179 của BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự là 4 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Tuy nhiên, với những đặc thù của tranh chấp về TSTT thì để đáp ứng đúng thời hạn giải quyết như quy định trên vẫn còn là việc khó đối với Tòa án. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các đương sự ít lựa chọn Toà án là một giải pháp hữu hiệu như hiện nay.

Vụ việc xâm phạm nhãn hiệu của Công ty Gedeon Richter

Công ty Gedeon Richter (gọi tắt là Công ty GR) được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu “Postinor” (thuốc ngừa thai khẩn cấp) được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng ký quốc tế số R441292 ngày 19/10/1998, tháng 4 năm 2004 Công ty GR phát hiện Công ty TNHH Trung Nam và Công ty Dược Bình Dương sử dụng các chi tiết từ màu sắc, cách sắp xếp và trình bày bao gói của mẫu hộp thuốc ngừa thai mang nhãn hiệu “Posinight” tương tự như trên mẫu hộp thuốc ngừa thai mang nhãn hiệu "Posinor’’ của Công ty GR. Để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của mình, Công ty GR đã làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty TNHH Trung Nam và Công ty Dược Bình Dương chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT và đòi bồi thường thiệt hại số tiền là 85.348 USD và chi phí luật sư là 9.496 USD, bồi thường tổn thất về tinh thần với mức tối thiểu là 10 tháng lương cơ bản, thu hồi và tiêu hủy tất cả các hộp thuốc có chỉ dẫn thương mại, cụ thể là hình hoa hồng màu hồng, chữ số 2 màu hồng được bố trí trên bao bì cùng với việc công khai xin lỗi trên báo Tuổi trẻ và Thanh niên trong 3 kỳ liên tiếp.

Tiếp nhận đơn khởi kiện này, ngày 12/11/2004 TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án số 2360/2004/DS-ST để xem xét đơn khởi kiện của Công ty GR, tuy nhiên sau gần hai năm, với nhiều lần gia hạn, đến ngày 29/3/2006, TAND TP. Hồ Chí Minh mới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự này và ra bản án dân sự số 275/2006/DS-ST. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Tòa án đã buộc Công ty TNHH Dược Trung Nam và Công ty Dược Bình Dương cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho Công ty GR số tiền 46.969 USD, buộc chấm dứt hành vi sử dụng trái phép đối với nhãn hiệu hàng hóa mà nguyên đơn đã đăng ký bảo hộ, buộc bị đơn có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ vỏ bao bì đã sử dụng hình ảnh hoa hồng màu hồng và số 2 màu hồng mà nguyên đơn đã được bảo hộ, đồng thời thông báo về việc thu hồi này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bác các yêu cầu khác của nguyên đơn như đòi bồi thường tổn thất về tinh thần, công khai xin lỗi trên báo chí. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về đòi bồi thường chi phí cho Luật sư mà chỉ chấp nhận bồi hoàn chi phí cho việc thu thập thông tin của nguyên đơn là 400.000 đồng.

- Tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn

Trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến SHTT, Tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan chức năng có liên quan để kết luận đối với hành vi xâm phạm nên dẫn đến tình trạng Toà án rất bị động, khó khăn cho việc ra phán quyết.

Ở vụ án dân sự nêu trên, TAND TP. Hồ Chí Minh đã phải hai lần có Công văn để đề nghị Cục SHTT cho ý kiến, ngoài ra còn phải lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn là Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế để phục vụ cho việc xét xử của Tòa. Tình trạng này cũng dẫn đến việc giải quyết của Tòa án bị kéo dài và trong nhiều trường hợp việc nhìn nhận, đánh giá về các hành vi xâm phạm TSTT của các cơ quan chức năng đôi khi chưa thống nhất.

Có trường hợp cơ quan chức năng còn phải đề nghị Chính phủ can thiệp vào quá trình giải quyết của của Tòa án. Điển hình là vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty sữa Foremost Việt Nam và Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh. Vụ kiện đã diễn ra trong thời gian khá dài và Tòa án đã phải xử lý các ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thương mại, Bộ Y tế, Cục SHTT Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo quan điểm của Bộ Thương mại thì sản phẩm sữa đặc có đường mang nhãn hiệu ‘‘Trường Sinh’’ của Công ty Foremost thuộc nhóm 29 trong danh mục hàng hóa của Bộ Thương mại, còn sản phẩm sữa đậu nành mang nhãn hiệu ‘‘Trường Sinh’’ của Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh thuộc nhóm 32, do đó đây là hai sản phẩm không cùng nhóm và không có sự xâm phạm. Theo quan điểm của Bộ Y tế thì đây là hai sản phẩm có chất dinh dưỡng khác nhau, việc có vi phạm hay không thì thuộc kết luận của Cục SHTT. Còn Cục SHTT cho biết đã từ chối cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đối với nhãn hiệu ‘‘Sữa đậu nành cao cấp Trường Sinh" của Công ty Trường Sinh ở thời điểm năm 1998, và sau khi Công ty Foremost có đơn gửi Cục SHTT về việc Công ty Trường Sinh đã xâm phạm quyền được bảo hộ của mình thì Cục đã hai lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Trường Sinh chấm dứt ngay việc sử dụng nhãn hiệu Trường Sinh cho sản phẩm sữa đậu nành.

Như vậy, trong nhiều trường hợp thì Tòa án chưa đủ khả năng trong việc đưa ra nhận định về hành vi xâm phạm nên còn phụ thuộc nhiều vào kết luận các yếu tố vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước về SHTT để kết luận có hay không có hành vi xâm phạm về SHCN như đã nêu ở trên.

- Tâm lý e ngại của chính các chủ thể quyền

Các chủ thể quyền thường có tâm lý e ngại không muốn lựa chọn biện pháp khởi kiện tại Tòa án bởi lẽ, quyền SHTT thường được gắn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và các chủ thể cũng rất chú trọng tới việc bảo vệ bí mật kinh doanh và bí mật của các đối tượng của TSTT. Tâm lý này là một trong những lý do cản trở các chủ sở hữu không muốn đưa tranh chấp ra trước Tòa án, bởi lẽ nếu đưa tranh chấp ra trước tòa đồng nghĩa với việc phải công khai những vấn đề liên quan mà   đương sự không muốn, do vậy họ lại chuyển sang chọn phương pháp đơn giản hơn, hiệu quả nhanh hơn đó là khiếu nại đến cơ quan nhà nước hoặc các lực lượng thực thi để đề nghị xử lý bằng biện pháp hành chính.

- Việc xác định và chứng minh thiệt hại về TSTT rất khó khăn

Việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHCN là một khó khăn cho chủ thể quyền trước Toà án. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, một nguyên tắc rất quan trọng là nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án về mức độ thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm TSTT do bên kia gây ra. Tuy nhiên, chủ sở hữu thường không đưa ra được chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền của bị đơn hoặc không chứng minh được mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, mặc dù hành vi xâm phạm và thiệt hại thực tế đã xảy ra và thiệt hại tiềm ẩn nếu có do bị xâm phạm quyền, do vậy, yêu cầu đòi bồi thường thường ít được Tòa án chấp nhận toàn bộ.

- Thủ tục tố tụng kéo dài làm ảnh hưởng đến lợi ích của chủ sở hữu TSTT

Thực tế, các tranh chấp dân sự tại Tòa án thường phải theo những trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều vụ việc phải xét xử đi xét xử lại nhiều lần... mà không thu được kết quả như mong muốn, dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức, tiền của của chủ sở hữu TSTT, trong khi đó quyền SHTT chỉ được bảo hộ trong một thời hạn nhất định. Thực tế này là một trong những nguyên nhân chính làm nản lòng các chủ sở hữu không muốn khởi kiện hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình tại Tòa án.

- Những hạn chế từ phía cơ quan Tòa án

Lĩnh vực SHTT là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, không chỉ đối với người dân mà ngay cả đối với các cán bộ Tòa án. Hiện nay ở nước ta, Tòa án còn thiếu các thẩm phán có trình độ chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực SHTT. Hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp thông qua con đường tố tụng dân sự còn chưa được kiện toàn và chưa có toà án chuyên trách về SHTT càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án còn hạn chế. Mặt khác, chúng ta chưa có các tổ chức thăm dò và đánh giá ý kiến của công chúng, người tiêu dùng một cách độc lập, do vậy đã làm hạn chế khả năng giải quyết của các cơ quan tư pháp. Tại nhiều nước, các cơ quan thực thi và giúp việc cho hoạt động thực thi đều có trình độ cao về SHCN như Thẩm phán, các học giả nghiên cứu, giảng dậy trong các trường đại học, những người hoạt động trong lĩnh vực SHTT và các tổ chức đại diện SHTT. Trong khi đó, tại Việt Nam, kinh nghiệm trong hoạt động thực thi còn rất ít (chỉ khoảng 10 năm), do vậy không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ.[111]

- Quy định của pháp luật chưa thống nhất

Do hệ thống pháp luật nội dung còn nhiều điểm chưa thống nhất khiến cho các bản án, quyết định của Tòa án chưa mang tính thuyết phục cao, chưa tạo được lòng tin đối với chủ thể bị vi phạm. Có trường hợp sau khi có bản án của Tòa án cấp phúc thẩm, đương sự vẫn cho rằng phán quyết của Tòa phúc thẩm không đúng nên đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chính phủ, cơ quan đảng và báo chí.

- Việc thi hành án khó khăn

Một thực trạng hiện nay trong việc thi hành các bản án dân sự là rất khó khăn. Theo nguồn tin của Bộ Tư pháp, thì hiện còn khoản 500.000 bản án có hiệu lực chưa được thi hành án (mà trong đó, hầu hết là các bản án dân sự). Việc các bản án có hiệu lực pháp luật chưa được thực thi trong thực tế đã làm giảm hiệu lực của việc thực thi quyền bằng trình tự dân sự.

- Chi phí cho hoạt động tư pháp rất tốn kém

Một nguyên nhân khác cũng cản trở các doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp dân sự là chi phí cho hoạt động tư pháp thường rất tốn kém do phải thuê luật sư, bảo đảm các chi phí cho luật sư hoạt động... trong khi đó nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được các chi phí này.

Những nguyên nhân cơ bản này dẫn tới thực tế là các tranh chấp về TSTT hiện nay thì nhiều song được xét xử tại Toà án là rất hạn chế, trong khi đó, các vụ việc xử lý xâm phạm bằng biện pháp hành chính được áp dụng nhiều hơn và trong chừng mực nào đó lại tỏ ra hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chủ thể quyền. Theo đánh giá tại Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc gia về TSTT do Đại học Quốc gia thực hiện, có đến 90% số vụ việc vi phạm được giải quyết theo biện pháp xử phạt hành chính. Tình trạng này dẫn đến hệ quả là các quan hệ dân sự, các tranh chấp dân sự bị hành chính hóa quá mức, qua đó thể hiện việc bảo vệ TSTT không triệt để và không tránh khỏi tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm với qui mô lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.[112] Thực tế cho thấy, các cơ quan thực thi ở Việt Nam đã cố gắng xử lý bằng biện pháp hành chính khá nhiều các hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của nhiều công ty, tập đoàn lớn đang kinh doanh tại Việt Nam như Honda, Luis Vuitton, Lacoste, AMP, Sisco... nhưng tình trạng vi phạm đối với các nhãn hiệu này vẫn đang tiếp diễn với quy mô rộng khắp.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc bảo vệ TSTT chủ yếu bằng biện pháp dân sự và do hệ thống tư pháp đảm trách, các cơ quan hành chính khác chỉ thực hiện những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm TSTT ban đầu để đảm bảo tính tức thì của hoạt động thực thi. Theo họ, bảo vệ TSTT bằng biện pháp dân sự cần được đề cao và được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn so với biện pháp hành chính, hình sự bởi biện pháp dân sự đã phần nào bảo đảm được trình tự, thủ tục công khai, công bằng để người tham gia tố tụng dân sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại TAND, bảo đảm được các nguyên tắc, thủ tục tố tụng đầy đủ, có hệ thống, xác định được rõ chức năng, thẩm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng, thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, tại Việt nam, thực tiễn giải quyết các tranh chấp tài sản tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn.

Qua khảo sát đánh giá của các doanh nghiệp đối với hiệu quả của các biện pháp bảo vệ TSTT, chúng tôi thu được kết quả thể hiện qua bảng sau.

Biểu đồ: Hậu quả của các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm QSHTT

 

Biểu đồ cho thấy đa số ý kiến đều đồng ý cho rằng các biện pháp bảo vệ quyền SHTT như biện pháp hình sự, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp tự bảo vệ hiện nay hiệu quả chưa cao.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan thực thi trên thực tế. Có cả những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Theo ý kiến của đối tượng cán bộ của các cơ quan thực thi, những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình thực thi đó là do năng lực cán bộ chưa cao (thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm) chiếm 56,4%; ngoài ra thì điều kiện kỹ thuật và công nghệ để tác nghiệp thiếu (49,1%) và vấn đề chồng chéo về thẩm quyền của nhiều cơ quan (49,7%) hay doanh nghiệp và công chúng chưa có ý thức bảo vệ quyền SHTT (47,9%) chính là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan thực thi hiện nay.

3.3.3. Vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp

3.3.3.1. Vai trò của của các cơ quan xác lập quyền

Mặc dù không phải là những cơ quan trong hệ thống thực thi quyền SHTT nhưng Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng) lại là các cơ quan chuyên môn có vai trò quan trọng trong công tác phối hợp để thực thi quyền SHTT. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan này sẽ cung cấp các ý kiến chuyên môn giúp cho các cơ quan thực thi có kết luận có hay không có hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Để tăng cường việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền SHTT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 845/CT-TTg ngày 2/6/2011 về việc tăng cường công tác thực thi quyền SHTT, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ của các cơ quan này là: xây dựng mạng thông tin quốc gia về bảo hộ quyền SHTT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về SHTT và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền SHTT cũng như hỗ trợ việc bảo hộ quyền SHTT cho các doanh nghiệp địa phương.

Ví dụ như đối với Cục SHTT - cơ quan xác lập quyền SHCN, hoạt động giải quyết khiếu nại của cơ quan này khá sôi động với số lượng các vụ tranh chấp, khiếu kiện không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.

Số liệu về giải quyết khiếu nại của Cục SHTT

Đối tượng SHCN

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Sáng chế/GPHI

0

11

7

10

15

16

22

Kiểu dáng công nghiệp

7

12

10

3

13

11

11

Nhãn hiệu

428

367

363

409

882

884

1172

Tổng số

435

390

380

422

910

911

1205

3.3.3.2. Vai trò của tổ chức giám định SHTT đối với việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp

Mục đích cơ bản của giám định về SHTT là nhằm phục vụ việc giải quyết tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về quyền SHTT. Chủ thể sử dụng công cụ này có thể và thường là các bên liên quan trong vụ tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT nhằm mục đích tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các yêu cầu giám định thường được thực hiện trong trường hợp các bên tranh chấp gặp khó khăn trong việc tự mình đánh giá vụ việc tranh chấp và/hoặc hành vi xâm phạm do đó cần được hỗ trợ ý kiến chuyên gia về bản chất vụ việc đang xem xét, hoặc khi cần thu thập thêm chứng cứ pháp lý về tình trạng bảo hộ, mức độ tương tự, yếu tố xâm phạm... để chứng minh cho lập luận của mình đối với bên kia hoặc trước cơ quan thực thi quyền SHTT nhằm bổ trợ cho kết luận về hành vi xâm phạm. Thực tiễn thời gian qua cho thấy rằng các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giám định về SHTT như một biện pháp hữu hiệu nhằm tự bảo vệ quyền SHTT cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, cụ thể là:

- Yêu cầu giám định về SHTT nhằm mục đích xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT do người thứ ba thực hiện: Bên yêu cầu giám định nhằm mục đích này có thể là chủ thể quyền đối với đối tượng SHTT được bảo hộ (gồm chủ sở hữu, người được chủ sở hữu cho phép sử dụng đối tượng được bảo hộ dưới hình thức cấp li- xăng, người có quyền tạm thời đối với đối tượng được bảo hộ...), người có quyền và lợi ích bị ảnh hưởng do hành vi xâm phạm quyền đối với đối tượng được bảo hộ (nhà nhập khẩu, phân phối, gia công...). Trong trường hợp này, kết luận giám định về tình trạng bảo hộ, mức độ tương tự giữa đối tượng bị nghi ngờ với đối tượng được bảo hộ, đặc biệt là kết luận về yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng được bảo hộ, giá trị thiệt hại... thường được bên yêu cầu giám định sử dụng với vai trò là bằng chứng chuyên môn đối với bên xâm phạm và/hoặc chứng cứ pháp lý trước cơ quan thực thi nhằm xử lý hành vi xâm phạm.

- Yêu cầu giám định về SHTT nhằm mục đích phản đối cáo buộc của người khác về việc xâm phạm quyền SHTT: Bên yêu cầu giám định nhằm mục đích này thường là người bị chủ thể quyền đối với đối tượng được bảo hộ cáo buộc có hành xâm phạm quyền của mình (tức là những người bị coi là trực tiếp thực hiện hành vi sử dụng đối tượng được bảo hộ như sản xuất, khai thác công dụng, lưu thông, nhập   khẩu..., hoặc những người có quyền sử dụng hợp pháp đối tượng được bảo hộ (chẳng hạn người sử dụng sáng chế nhằm mục đích cá nhân, phi thương mại, nghiên cứu, thử nghiệm..., người sử dụng sản phẩm được đưa ra thị trường một cách hợp pháp, người có quyền sử dụng trước đối với sáng chế...). Trong trường hợp này, kết luận giám định về tình trạng bảo hộ, mức độ tương tự giữa đối tượng bị nghi ngờ với đối tượng được bảo hộ, yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng được bảo hộ, giá trị thiệt hại... có thể được bên yêu cầu giám định sử dụng với vai trò là bằng chứng chuyên môn đối với bên cáo buộc xâm phạm và/hoặc chứng cứ pháp lý trước cơ quan thực thi nhằm phản đối cáo buộc của người khác về hành vi xâm phạm.

- Yêu cầu giám định về SHTT nhằm mục đích xem xét hiệu lực bảo hộ hoặc phạm vi bảo hộ đã được xác lập: Bên yêu cầu giám định về SHTT nhằm mục đích này thường là chủ thể quyền đối với đối tượng được bảo hộ muốn xem xét lại hiệu lực hoặc phạm vi bảo hộ quyền đối với đối tượng quyền SHTT của người khác đã được xác lập nhưng có xung đột quyền đối với mình, hoặc muốn xác định rõ ràng hiệu lực hoặc phạm vi bảo hộ quyền của mình làm căn cứ để xử lý người thứ ba; hoặc cũng có thể là người bị cáo buộc xâm phạm cho rằng hành vi của mình là hợp pháp vì đối tượng được bảo hộ không còn hiệu lực hoặc đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm không thuộc phạm vi bảo hộ đã được xác lập hoặc đối tượng được bảo hộ không đáp ứng điều kiện bảo hộ do đó cần bị hủy bỏ hiệu lực... Trong trường hợp này, kết luận giám định về tình trạng bảo hộ, mức độ tương tự giữa đối tượng bị nghi ngờ với đối tượng được bảo hộ có thể được bên yêu cầu giám định sử dụng với vai trò là bằng chứng chuyên môn đối với bên liên quan trong vụ tranh chấp và/hoặc chứng cứ pháp lý trước cơ quan thực thi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ xâm phạm.

- Yêu cầu giám định về SHTT nhằm những mục đích khác phục vụ việc bảo vệ quyền SHTT: Ngoài những mục đích chính trên đây, trong thực tế các doanh nghiệp có thể yêu cầu giám định về SHTT nhằm những mục đích khác liên quan tới việc bảo vệ quyền SHTT, chẳng hạn: kiểm tra nhằm khẳng định khả năng sử dụng một đối tượng cụ thể một cách hợp pháp mà không xâm phạm quyền được bảo hộ của người khác; hoặc nhằm phân tích bản chất (nội dung) của đối tượng được bảo hộ nhằm mục đích cải tiến, đổi mới, thay đổi một đối tượng cụ thể phục vụ việc xác lập quyền hoặc sử dụng một cách hợp pháp...

Nói tóm lại, giám định về SHTT có vai trò là một khâu bổ trợ trong quá trình kết luận và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, cũng như giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quyền SHTT.

Trong khi nhu cầu giám định SHTT ngày càng tăng thì ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có duy nhất 01 tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện giám định SHTT là Viện Khoa học SHTT và mới chỉ có 04 người được cấp thẻ Giám định viên. Với số lượng quá ít ỏi như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với hoạt động này.

3.3.3.3. Vai trò của các Đại diện SHTT

Đại diện SHTT là một dịch vụ do tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm đại diện cho chủ thể quyền, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chủ thể quyền SHTT và có trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh hoặc các thông tin về hành vi xâm phạm quyền SHTT cho chủ thể quyền mà mình là đại diện, có trách nhiệm giải trình làm rõ các nội dung liên quan đến yêu cầu xử lý trước cơ quan thực thi.

Hiện nay Việt Nam có trên 100 Công ty, văn phòng dịch vụ đại diện SHTT đang hoạt động. Các tổ chức này đã có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xử lý xâm phạm quyền SHTT như: tiến hành hoạt động điều tra, xác minh để xác định chính xác số lượng, phạm vi hàng hóa vi phạm có mặt trên thị trường, các cửa hàng đại lý, phân phối để thông báo cho các doanh nghiệp cũng như đưa ra kế hoạch chi tiết cho các bước cần tiến hành như: gửi thư khuyến cáo hay đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành xử lý theo các thủ tục dân sự, hành chính hay hình sự. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ của các đại diện trong quá trình xử lý vi phạm quyền SHTT góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan chức năng, giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, qua đó bảo đảm tối đa quyền lợi của chủ thể quyền.

Tuy nhiên do các tổ chức này hoạt động theo cơ chế cạnh tranh lẫn nhau và vì lợi nhuận nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT.

3.3.3.4. Vai trò của các tổ chức quản lý tập thể

Hiện nay ở Việt Nam có 4 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan đó là: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) và Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) và Hiệp hội quyền sao chép (VIETRRO). Đây là những tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và được thành lập bởi sự tự nguyện của các hội viên được thành lập với 2 mục tiêu chính: (i) thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi vật chất cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; (ii) có bộ máy hiệu quả để chuyên thu và phân phối tiền bản quyền, quản trị các quyền được giao phó. Tuy nhiên do đây là một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam nên tính chuyên nghiệp của các tổ chức này thường chưa cao, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ còn hạn chế, nhân lực ít... nên đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức này.

Trong lĩnh vực SHCN, vai trò của các Hội, hiệp hội ngành nghề trong việc bảo vệ TSTT khá mờ nhạt. Các tổ chức này thường không có bộ phận hoặc đầu mối liên lạc về chống hàng giả, chống xâm phạm quyền SHCN để tư vấn cho các thành viên về chiến lược, kỹ năng chống hàng giả và xâm phạm quyền SHCN.

Hiện nay, cùng với việc nhà nước bảo hộ cho gần 30 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý cũng đang dần được thành lập. Tuy nhiên hầu như các tổ chức này hoàn toàn bỡ ngỡ với nhiệm vụ, chức năng mới của mình, đặc biệt là trong hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý (quản lý bên trong và bên ngoài) sau khi đã đăng ký. Nhiều chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ nhưng vấn đề quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý vẫn bị thả nổi, chưa phát huy được vai trò bảo vệ chỉ dẫn địa lý.

3.3.3.5. Vai trò của công chúng

Việc bảo vệ TSTT không thể thiếu vai trò của cộng đồng người tiêu dùng. Với tư cách là người bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT, hành vi cạnh trang không lành mạnh của các chủ thể kinh doanh, người tiêu dùng có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự để xử lý hành vi xâm phạm, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người tiêu dùng.

3.4. KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Từ những phân tích ở trên, có thể rút ra những kết luận chung cho thực trạng pháp luật và thực tiễn bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam như sau:

  • Thực trạng pháp luật về bảo vệ TSTT

Cho đến thời điểm hiện nay, hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam về bảo vệ TSTT đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và bảo đảm tính tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên có thể nhận thấy hệ thống này vẫn bộc lộ những tồn tại sau:

Các quy định liên quan đến bảo vệ TSTT nằm phân tán ở rất nhiều văn bản khác nhau, do đó thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Do tình trạng “cát cứ” trong xây dựng, ban hành và thi hành các văn bản pháp luật do các ngành khác nhau thực hiện nên dẫn tới tình trạng vẫn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn thiếu thống nhất.

Mặc dù khá đầy đủ về khung pháp lý nhưng nhiều vấn đề quy định trong luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc các quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như tâm lý hoài nghi, mất niềm tin của các chủ thể đối với các quyết định của các cơ quan này.

Vẫn còn tồn tại những quy định bất cập, chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong việc bảo vệ TSTT

  • Thực trạng bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam

- Thực trạng xác lập quyền

Mặc dù trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về TSTT đã ngày càng được nâng lên, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký, xác lập quyền và dành sự quan tâm đúng mức cho hoạt động này, dẫn đến những hệ lụy như: mất khả năng bảo hộ TSTT ; bị chủ thể khác chiếm đoạt thành quả đầu tư; mất quyền đối với TSTT ở nước ngoài; không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm.

Số lượng đơn đăng ký bị từ chối vì đối tượng đăng ký không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ khá cao do người nộp đơn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết cơ bản trong đăng ký, xác lập quyền đối với SHTT ; thường không tiến hành tra cứu thông tin SHCN trước khi đăng ký; Tình trạng đơn đăng ký không được giải quyết dứt điểm, đúng thời hạn của cơ quan đăng ký xảy ra phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các doanh nghiệp.

Tình trạng tranh chấp, xung đột quyền SHTT giữa những đối tượng có sự giao thoa diễn ra phổ biến khiến cho nhiều Văn bằng bảo hộ đã được cấp, sau đó lại bị hủy bỏ do xung đột với quyền SHTT đã được bảo hộ trước.

- Thực trạng quản lý, khai thác thương mại TSTT

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu là làm thủ tục xác lập quyền đối với TSTT, rất ít doanh nghiệp có sự quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt động tạo lập, quản lý, phát triển TSTT.

Hoạt động khai thác thương mại TSTT còn rất hạn chế do các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm về hoạt động này, cũng như chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để hoạt động này phát triển.

- Thực trạng bảo vệ, xử lý xâm phạm TSTT

Bên cạnh một số doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, vẫn còn một bộ phận lớn doanh nghiệp mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan nhà nước, chưa tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền SHTT.

Các cơ quan thực thi quyền SHTT đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm TSTT. Tuy nhiên, do sự hạn chế về năng lực, lực lượng, sự vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục cùng với sự thiếu thốn các điều kiện cần thiết dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

Trong các biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay, biện pháp hành chính thường được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn do tính chất nhanh chóng về thời gian, thủ tục đơn giản và có hiệu lực xử lý ngay. Trong khi đó, do vướng mắc trong quy định của pháp luật, số vụ xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự rất hạn chế. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

 

CHƯƠNG 4. TỔNG KẾT THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ CÁC GIẢI PHÁP

 

4.1. TỔNG KẾT THỰC TRẠNG BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

4.1.1. Thực trạng xác lập quyền

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, lượng đơn đăng ký SHCN của các chủ thể Việt Nam (phần lớn là các doanh nghiệp Việt Nam) nộp vào Cục SHTT không ngừng gia tăng, phần nào chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đen việc đăng ký, xác lập quyền đối với TSTT. Tuy nhiên việc xác lập quyền cũng bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế:

Tuy số lượng văn bằng bảo hộ được cấp cho người Việt Nam tăng đều hàng năm song thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Xét trong bối cảnh nên kinh tế của một quốc gia trên 90 triệu dân, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì số lượng đơn đăng ký còn hết sức khiêm tốn, chứng tỏ các doanh nghiệp chưa tận dụng được công cụ này trong việc thúc đẩy và bảo hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số lượng đơn đăng ký cũng như Văn bằng bảo hộ các đối tượng mang tính sáng tạo được cấp cho người Việt Nam khá khiêm tốn so với người nước ngoài. Điều này phản ánh một thực tế rất rõ là trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của chúng ta còn thua kém các nước tiên tiến trên thế giới khá xa; số lượng TSTT mang đặc tính sáng tạo, đổi mới của Việt Nam còn hạn chế; các chủ thể Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc tạo lập, đăng ký và phát triển tài sản này.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký, xác lập quyền đối với TSTT trước khi đưa sản phẩm ra thị trường dẫn đến những hệ lụy như: mất khả năng bảo hộ TSTT đó (ví dụ giải pháp kỹ thuật, kiểu dáng công nghiệp mất tính mới.); bị chủ thể khác chiếm đoạt thành quả đầu tư; không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm.

Số lượng đơn đăng ký bị từ chối vì đối tượng đăng ký không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ khá cao. Lý do chính là người nộp đơn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết cơ bản trong đăng ký, xác lập quyền đối với SHTT; thường không tiến hành tra cứu thông tin SHCN trước khi đăng ký;

Tình trạng nợ đọng đơn, đơn không được giải quyết dứt điểm, đúng thời hạn quy định của cơ quan đăng ký xảy ra phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các doanh nghiệp, có thể làm mất cơ hội cạnh tranh trên thị trường cũng như bị xâm phạm quyền mà không có căn cứ pháp lý để bảo vệ.

Tình trạng tranh chấp, xung đột quyền SHTT giữa những đối tượng có sự giao thoa như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, quyền tác giả... diễn ra phổ biến khiến cho nhiều Văn bằng bảo hộ đã được cấp, sau đó lại bị hủy bỏ do xung đột với quyền SHTT đã được bảo hộ trước.

Hoạt động xác lập quyền SHTT ở nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải trả những bài học đắt giá khi bị mất quyền SHTT ở thị trường nước ngoài.

4.1.2. Thực trạng quản lý, khai thác TSTT

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu là làm thủ tục xác lập quyền đối với TSTT, việc quản lý TSTT trí tuệ đó sau khi được bảo hộ hầu như chưa được thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp lúng túng, không có kiến thức và kinh nghiệm trong việc kiểm soát, quản lý, phát triển TSTT trí tuệ. Rất ít doanh nghiệp có sự quan tâm và đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt động tạo lập, quản lý, phát triển TSTT.

Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến việc khai thác thương mại TSTT qua các hình thức: chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng, nhượng quyền thương mại, góp vốn bằng TSTT... Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm về hoạt động này, cũng như chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ (như hướng dẫn về định giá TSTT, góp vốn bằng TSTT...) nên nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thua thiệt, mất thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài.

4.1.3. Thực trạng bảo vệ, xử lý xâm phạm TSTT

Bên cạnh một số doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể vi phạm, vẫn còn một bộ phận lớn doanh nghiệp mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan nhà nước, chưa tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền SHTT.

Nhìn chung, các cơ quan thực thi quyền SHTT đã phát huy được vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm TSTT. Tuy nhiên, do sự hạn chế về năng lực, lực lượng, sự vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục cùng với sự thiếu thốn các điều kiện cần thiết như phương tiện, điều kiện kỹ thuật, kinh phí... dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

Trong các biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay, biện pháp hành chính thường được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn do tính chất nhanh chóng về thời gian, thủ tục đơn giản và có hiệu lực xử lý ngay. Trong khi đó, do vướng mắc trong quy định của pháp luật, số vụ xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự rất hạn chế. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan: tranh chấp tài sản trí tuệ phức tạp, nhiều vụ việc đòi hỏi có kỹ thuật chuyên môn sâu; Tòa án thường bị động, khó khăn cho việc ra phán quyết do phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan chuyên môn; thủ tục giải quyết tại Tòa án kéo dài, qua nhiều cấp xét xử; tâm lý e ngại của chủ thể quyền; việc xác định và chứng minh thiệt hại về TSTT rất khó khăn; năng lực chuyên môn của đội ngũ thẩm phán hạn chế; chi phí tố tụng tốn kém.

Bên cạnh các cơ quan thực thi, các cơ quan chuyên môn như Cục SHTT, Cục bản quyền tác giả, Viện Khoa học SHTT cũng có vai trò quan trọng trong công tác phối hợp để thực thi quyền SHTT như cung cấp các ý kiến chuyên môn giúp cho các cơ quan thực thi có kết luận có hay không có hành vi xâm phạm quyền SHTT, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến SHTT.

4.1.4. Những nguyên nhân hạn chế hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam

- Hệ thống pháp luật về bảo vệ TSTT

Hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam về bảo vệ TSTT vẫn bộc lộ những tồn tại như: (i) Các quy định liên quan đến bảo vệ TSTT nằm phân tán ở rất nhiều văn bản khác nhau, do đó thiếu tính hệ thống và đồng bộ. (ii) Do tình trạng “cát cứ” trong xây dựng, ban hành và thi hành các văn bản pháp luật của các ngành khác nhau nên dẫn tới tình trạng vẫn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất; (iii)Nhiều vấn đề quy định trong luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc các quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất; (iv) Còn tồn tại những quy định bất cập, chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong việc bảo vệ TSTT. Những hạn chế đó đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp.

- Cơ chế chính sách về bảo vệ TSTT

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù hệ thống bảo hộ TSTT đã có nhưng vẫn thiếu một định hướng mang tính chiến lược quốc gia nên chưa thực sự tạo nên một bước đột phá trong việc phát triển và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Thiếu một cơ quan điều phối quốc gia về SHTT

Quản lý Nhà nước về SHTT là việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hoạt động: xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách bảo hộ quyền SHTT; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về SHTT; tổ chức bộ máy quản lý về SHTT; đào tạo bỗi dưỡng cán bộ về SHTT; thực hiện thủ tục đăng ký quyền SHTT; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật SHTT, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về SHTT…[113]

Ở Việt Nam hiện nay, Chính Phủ thống nhất quản lý nhà nước về SHTT và thẩm quyền quản lý nhà nước đối với từng bộ phận của SHTT thuộc về ba bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.[114]

Tuy nhiên, hoạt động của Chính phủ với chức năng quản lý Nhà nước rất rộng, nên không thể tập trung chuyên sâu vào quản lý về SHTT. Trên thực tế, việc quản lý SHTT thuộc về ba bộ chủ quản kể trên, hoạt động của các cơ quan thuộc các bộ này hoàn toàn độc lập, vì vậy mà thiếu đi sự phối hợp thống nhất. Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan thực thi hầu như không có sự gắn kết về nhiệm vụ và hành động, vì vậy mà không có sự phối hợp chặt chẽ và cơ chế hành động thống nhất. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn thiếu một cơ quan là đầu mối trung tâm của cả hệ thống quản lý và thực thi SHTT.

- Nhận thức và ý thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với bảo vệ TSTT

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò quan trọng của TSTT đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó, các doanh nghiệp chưa có ý thức, chủ quan và thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ TSTT của chính mình ở cả thị trường trong nước và nước ngoài; thường không có các biện pháp bảo vệ phòng ngừa cũng như còn bị động trong việc tiến hành các biện pháp bảo vệ TSTT khi có xâm phạm.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức, thiếu thông tin và hiểu biết cơ bản về pháp luật SHTT nên gặp khó khăn trong hoạt động xác lập, khai thác và bảo vệ TSTT. Bên cạnh đó, do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên hạn chế về tài chính cũng là một cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT.

- Năng lực và điều kiện của các cơ quan quản lý và thực thi

Các cơ quan quản lý và thực thi thiếu về trình độ, nhân lực và các điều kiện cần thiết để tác nghiệp. Thẩm quyền của nhiều cơ quan có sự chồng lấn hoặc phân tán. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan xác lập quyền SHTT cũng như các cơ quan thực thi còn yếu dẫn đến hiệu quả hoạt động xác lập quyền SHTT cũng như thực thi quyền chưa cao.

4.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

4.2.1. Sự cần thiết và tiêu chí hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ TSTT

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT của doanh nghiệp nói riêng, bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam nói chung đòi hỏi phải có rất nhiều yếu tố, trong đó môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng. Trong những năm gần đây, chúng ta đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống pháp luật về SHTT, về cơ bản hệ thống pháp luật này đã được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về SHTT và đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, do các văn bản pháp luật được ban hành vào nhiều thời điểm khác nhau, do nhiều bộ ngành khác nhau soạn thảo nên hệ thống pháp luật SHTT chưa thực sự đồng bộ, nhiều quy định còn thiếu cụ thể hoặc chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật này. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ TSTT còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như pháp luật về kinh doanh, pháp luật cạnh tranh, pháp luật tài chính. nên giữa quy định của Luật SHTT với các quy định có liên quan thuộc các lĩnh vực khác không tránh khỏi mâu thuẫn, không thống nhất.

Việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật SHTT và pháp luật liên quan là một yêu cầu cần thiết để tạo môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xác lập, phát triển, thương mại hóa cũng như bảo vệ TSTT chống lại các hành vi xâm phạm. Các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ TSTT cần phải đáp ứng các tiêu chí: (i) đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật SHTT; giữa pháp luật SHTT với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan; (ii) đảm bảo tính đầy đủ, rõ ràng và phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như các lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập; (iii) đảm bảo tính phù hợp và tương thích với các quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (iv) nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; (v) đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu TSTT cũng như lợi ích chung của xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia.

4.2.2. Các kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ TSTT

  • Bổ sung khái niệm “tài sản trí tuệ”

Thuật ngữ TSTT lần đầu tiên được chính thức xuất hiện và gắn liền với thuật ngữ “quyền SHTT” trong pháp luật SHTT Việt Nam, cụ thể là tại khoản 1 Điều 4 Luật SHTT. Tuy nhiên, kể từ khi Luật SHTT ra đời, trên phương diện pháp lý, hầu như chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam quy định cụ thể về TSTT. Hiện nay, thuật ngữ TSTT được tiếp cận theo hai hương: (i) theo quy định của BLDS, khái niệm TSTT đồng nhất với khái niệm “quyền tài sản” mà cụ thể là “quyền SHTT”; (i) theo quy định của Luật SHTT, TSTT là các đối tượng của quyền SHTT.

Cách tiếp cận của BLDS chỉ giới hạn TSTT là “quyền SHTT” đã được nhà nước bảo hộ pháp lý; Cách tiếp cận của Luật SHTT cũng giới hạn TSTT phải là những “đối tượng SHTT” - tức là những đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Trong khi dưới góc độ kinh tế và trên thực tế, TSTT có thể là bất kỳ sản phẩm của sáng tạo trí tuệ của con người, từ các ý tưởng, sáng kiến, thông tin, bí quyết, giải pháp, mà có thể chưa được coi là đối tượng của quyền SHTT. Chính do nhận thức không đầy đủ về TSTT nên trong thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức cũng như doanh nghiệp đã bỏ quên hoặc lãng phí những TSTT trí tuệ như các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp ký thuật. của mình, không ý thức được việc phát triển và biến nó thành quyền SHTT. TSTT là một phạm trù rộng và ngày càng phát triển mạnh, nhất là ý nghĩa của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi một sự tiếp cận mới đối với TSTT để ngày càng đảm bảo tốt hơn lợi ích cho người tạo ra hay nắm loại tài sản này nhằm sử dụng một cách hiệu quả nhất vào công cuộc phát triển đất nước.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần có quy định cụ thể về khái niệm TSTT để có cách hiểu và sử dụng thuật ngữ cho chính xác và thống nhất. Khái niệm TSTT có thể được định nghĩa như sau: “TSTT là những thành quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, thể hiện dưới dạng các tri thức, thông tin, dữ liệu, bí quyết... mà chủ thể có thể sở hữu một cách hợp pháp”.

Với khái niệm trên, có thể phân biệt hai khái niệm TSTT và quyền SHTT: TSTT được sử dụng để chỉ những tài sản là kết quả sáng tạo trí tuệ của con người; Quyền SHTT là quyền sở hữu đối với TSTT.

  • Bổ sung quy định về giải pháp hữu ích

Mặc dù việc bảo hộ giải pháp hữu ích được quy định trong Luật SHTT nhưng trong luật này vẫn còn thiếu vắng một số quy định liên quan đến giải pháp hữu ích như: Luật SHTT chỉ có định nghĩa về sáng chế mà không có khái niệm “giải pháp hữu ích”; Hơn nữa, chỉ có sáng chế được quy định là đối tượng quyền SHCN tại khoản 2 Điều 3 Luật SHTT, trong khi đó tại Điều 58 quy định sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích; Pháp luật SHTT cũng chưa quy định rõ đối tượng nào là giải pháp hữu ích. Sự thiếu sót này không chỉ làm ảnh hưởng đến tính khoa học, thống nhất của văn bản pháp luật mà còn gây ra những khó khăn cho cả những chủ thể sáng tạo lẫn cơ quan xác lập quyền trong quá trình nộp đơn và thẩm định đơn yêu cầu bảo hộ. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể hơn về giải pháp hữu ích:

- Bổ sung khái niệm giải pháp hữu ích: “Là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp

- Bổ sung giải pháp hữu ích vào khoản 2 Điều 3 Luật SHTT, theo đó, nội dung được sửa như sau: “Đối tượng của quyền SHCN bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tich hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”.

  • Mở rộng phạm vi đối tượng bảo hộ là nhãn hiệu

Mặc dù khái niệm nhãn hiệu tại khoản 16 Điều 4 Luật SHTT “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” được coi là một sự mở rộng so với quy định của BLDS 1995 trước đây, nhưng trong điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tại khoản 1 Điều 72 Luật SHTT[115] lại thu hẹp khả năng bảo hộ chỉ dành cho các dấu hiệu “nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình không gian ba chiều... ”. Hơn nữa, việc liệt kê như vậy cũng không đầy đủ đối với những dấu hiệu “nhìn thấy được” có thể bảo hộ là nhãn hiệu vì trên thực tế, nhiều quốc gia đã chấp nhận bảo hộ cho nhãn hiệu là “những hình ảnh động” - hình ảnh được thay đổi trong một khoảng thời gian nhất định.

Với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện nay, chúng tôi cho rằng Luật SHTT nên mở rộng phạm vi đối tượng bảo hộ là nhãn hiệu, không chỉ bao gồm “những dấu hiệu nhìn thấy được” mà còn bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào khác có khả năng phân biệt như: âm thanh, mùi vị...; Việc mở rộng phạm vi dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của các chủ thể, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc bảo hộ các dấu hiệu độc đáo làm nhãn hiệu và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

  • Bổ sung quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “đăng ký chiếm chỗ” nhãn hiệu

Nhằm tránh tình trạng “đăng ký chiếm chỗ”, tức là đăng ký nhãn hiệu mà không có nhu cầu sử dụng, thậm chí đăng ký với dụng ý ngăn các chủ thể khác (những người thực sự có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu) đăng ký, theo chúng tôi, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát các nhãn hiệu đối chứng không được sử dụng. Về vấn đề này, có thể học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Đối với trường hợp đăng ký nhãn hiệu trên cơ sở “dự định sử dụng”, khi đơn được chấp nhận, chủ thể phải có “Bản cam kết” về việc sử dụng nhãn hiệu và cung cấp các chứng cứ chứng về việc sử dụng nhãn hiệu trong một thời hạn để được tiếp tục duy trì quyền sở hữu nhãn hiệu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về việc chủ sở hữu nhãn hiệu phải cung cấp chứng cứ sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký, nếu không, đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ.

  • Bổ sung quy định hướng dẫn về nhãn hiệu được “sử dụng và thừa nhận rộng rãi”

Trong khi “nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi" là một trong những tiêu chí để xem xét khả năng phân biệt của nhãn hiệu nhưng khái niệm cũng như phương thức xác định nhãn hiệu này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật SHTT, vì vậy gây rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Theo chúng tôi, các tiêu chí xác định một nhãn hiệu được coi là “sử dụng và thừa nhận rộng rãi” cần được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn Luật SHTT như: thời gian sử dụng; phạm vi sử dụng; mức độ sử dụng...

  • Cần làm rõ quy định về “Những dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu”

Mặc dù đây là quy định đóng một vai trò rất quan trọng đến việc xem xét một dấu hiệu có hay không được bảo hộ là nhãn hiệu. Tuy nhiên thế nào là “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” vẫn chưa được pháp luật xây dựng thành một khái niệm cụ thể. Hiện nay, nội dung của khái niệm này có thể hiểu theo hai hướng: (i) căn cứ theo tên điều luật trong Luật SHTT 2005 thì “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” chính là các trường hợp đã được liệt kê trong Điều 73 Luật SHTT; (ii) “dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu” không chỉ là dấu hiệu được quy định tại Điều 73 Luật SHTT mà còn bao gồm những dấu hiệu không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ khác (như: các dấu hiệu không đáp ứng được điều kiện bảo hộ theo Điều 72 Luật SHTT; các dấu hiệu không có khả năng phân biệt theo Điều 74 Luật SHTT; dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia).

Trên thực tế, khi đánh giá một dấu hiệu có hay không khả năng được bảo hộ là nhãn hiệu, các thẩm định viên không chỉ dựa vào những quy định ở Điều 73 Luật SHTT mà còn phải xem xét xem dấu hiệu đó có thuộc các trường hợp không được bảo hộ nằm rải rác trong các quy định khác của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, các nhà lập pháp nên hoàn thiện hơn về nội hàm của quy định này, theo hướng bổ sung thêm một số dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu vào Điều 73 Luật SHTT để việc áp dụng pháp luật được chính xác.

  • Bổ sung giải pháp cho trường hợp nhiều chủ thể cùng nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tại khoản 3 Điều 90 Luật SHTT

Điều 90 Luật SHTT quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, trong đó khoản 3 quy định trường hợp nhiều đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng hay nhãn hiệu có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho một đơn duy nhất theo thỏa thuận của những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đơn đó đều bị từ chối bảo hộ. Thực tế cho thấy, các chủ thể nộp đơn thường không thỏa thuận được, không từ bỏ quyền của mình cũng như không nhượng quyền cho người khác và theo quy định, sau thời hạn 2 tháng kể từ khi có thông báo thẩm định nội dung, nếu người nộp đơn không nộp văn bản thỏa thuận thì các đơn chính thức bị từ chối. Như vậy quyền lợi của người đăng ký không được bảo vệ. Về vấn đề này, chúng ta có thể học tập giải pháp mà Trung Quốc đang áp dụng, đó là căn cứ vào nguyên tắc “sử dụng đầu tiên" đối với nhãn hiệu, theo đó văn bằng bảo hộ được cấp cho nhãn hiệu được sử dụng trước. Tương tự như vậy, đối với sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, có thể căn cứ vào nguyên tắc “sáng tạo đầu tiên”, hay “bộc lộ đầu tiên”. Biện pháp này có thể bảo đảm sự công bằng và hợp lý cho người nộp đơn.

  • Sửa đổi quy định về “tác phẩm phái sinh”

Hiện nay, khái niệm tác phẩm phái sinh trong Luật SHTT không định nghĩa cụ thể loại tác phẩm này mà chỉ liệt kê các dạng tác phẩm thuộc tác phẩm phái sinh. Việc liệt kê có thể chỉ đúng và đủ tại thời điểm nhất định nhưng có thể thiếu sót nếu như trong thực tế phát sinh những loại hình tác phẩm phái sinh mới. Ví dụ vấn đề chương trình máy tính có thuộc tác phẩm phái sinh hay không, khi nó được hình thành từ một/những mã nguồn mở (tác phẩm gốc).[116] Do đó, xây dựng khái niệm tác phẩm phái sinh là rất cần thiết. Chúng tôi nhất trí với đề xuất về khái niệm tác phẩm phái sinh sau đây của một nhà nghiên cứu:[117]Tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định”.

  • Bổ sung khái niệm đồng tác giả

Luật SHTT sử dụng thuật ngữ “đồng tác giả” nhưng lại không có định nghĩa cụ thể, vì vậy có thể dẫn đến hai cách hiểu và vận dụng khác nhau. Quan điểm 1: hai tác giả trở lên cùng sáng tạo nên một tác phẩm thì họ là các đồng tác giả của tác phẩm đó, không cần có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí. Ví dụ: tác giả của một bản nhạc không lời đã chết. Một người khác đã viết thêm lời cho bản nhạc thành bài hát. Quan điểm 2: Đồng tác giả là từ hai cá nhân trở nên cùng hợp tác để trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Sự hợp tác thể hiện ở việc các tác giả có sự bàn bạc, thỏa thuận về nội dung, kết cấu, hình thức, cách trình bày... tác phẩm và tác phẩm được tạo ra là một thể thống nhất. Do quy định của pháp luật không cụ thể, rõ ràng, dẫn đến trong thực tiễn có thể áp dụng tùy tiện, không chính xác, thậm chí nhiều tranh chấp không giải quyết được vấn đề quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.

Hiện nay, Luật SHTT dùng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả”. Điều 36 Luật SHTT định nghĩa “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”, theo đó, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ nắm các quyền tài sản chứ không nắm các quyền nhân thân. Trong khi đó, theo quy định của Luật SHTT, quyền tác giả bao gồm cả các quyền nhân thân và quyền tài sản. Cách sử dụng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” dẫn đến cách hiểu chủ sở hữu nắm toàn bộ các quyền nhân thân và tài sản thuộc quyền tác giả. Vì vậy, thuật ngữ này nên sửa lại cho chính xác là “chủ sở hữu tác phẩm” - là những người có các quyền tài sản liên quan đến tác phẩm như: quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm...

  • Bổ sung quy định về thủ tục xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng trong pháp luật SHTT hiện nay vẫn còn thiếu tính cụ thể và hợp lý ở các khía cạnh sau:

Pháp luật SHTT đã quy định đối với nổi tiếng không cần tiến hành thủ tục đăng ký mà vẫn được bảo hộ. Tuy nhiên, việc chứng minh một nhãn hiệu là nổi tiếng lại không phải là vấn đề đơn giản đối với chủ sở hữu nhãn hiệu. Thêm nữa, việc xác định một nhãn hiệu nổi tiếng hay không lại phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan và trình độ hiểu biết của những cán bộ của cơ quan có thẩm quyền, vì vậy mà có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Ở Việt Nam hiện nay, việc công nhận và bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được thực hiện khi có tranh chấp hoặc nhãn hiệu bị xâm phạm. Điều này ảnh hưởng đến việc chủ sở hữu nhãn hiệu muốn tiến hành các hoạt động nhằm phòng ngừa hành vi xâm phạm. Thông thường, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng chỉ có thể lên tiếng bảo vệ nhãn hiệu của mình khi đã có hành vi xâm phạm xảy ra.

Một bất cập nữa là hiện nay chúng ta chưa có danh mục hay đăng bạ quốc gia về nhãn hiệu nổi tiếng, vì vậy mà thiếu cơ sở để bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo chúng tôi, pháp luật cần quy định thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho cả chủ nhãn hiệu và cơ quan thực thi. Tuy nhiên, thủ tục này cần được quy định hợp lý để không trở thành hình thức “đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng” phức tạp, tốn nhiều thời gian, trái với nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.[118] Cụ thể:

- Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có thể yêu cầu Cục SHTT ra Quyết định công nhận nhãn hiệu của mình là nổi tiếng trên cơ sở cung cấp các tài liệu chứng minh nhãn hiệu đó đã nổi tiếng ở Việt Nam;

- Việc công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng có thể thông qua một quyết định của Tòa án hay Quyết định của Cục SHTT về một vụ việc cụ thể trong đó có công nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu này;

- Cục SHTT cần ghi nhận nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục SHTT và phải thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu về việc ghi nhận này. Nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng phải được đăng bạ trong Công báo quốc gia về SHCN;

- Việc chấm dứt hiệu lực bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng cũng cần được quy định cụ thể vì không phải một nhãn hiệu đã nổi tiếng thì sẽ mãi mãi nổi tiếng. Khi nhãn hiệu đã được công nhận là nổi tiếng nhưng đến thời điểm nó không còn đáp ứng được các tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng nữa thì Cục SHTT cần ra văn bản tuyên bố hủy bỏ việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

  • Cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp trong trường hợp hết thời hạn xử lý đơn đăng ký SHCN mà cơ quan đăng ký không có kết quả xử lý đơn

Mặc dù hiện nay Luật SHTT quy định cụ thể về thời hạn xử lý đơn đăng ký SHCN nhưng quy định này không mang tính khả thi trên thực tế. Do nhiều lý do chủ quan và khách quan mà đơn đăng ký SHCN thường không được xử lý trong thời hạn quy định, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định về đăng ký nhãn hiệu theo thỏa ước Madrid có một ưu điểm rất lớn, đó là nếu quá thời hạn xét nghiệm đơn (12 tháng) mà cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hiệu không có thông báo từ chối thì nhãn hiệu đương nhiên được coi là đã được bảo hộ tại quốc gia chỉ định.

Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan đăng ký đối với công tác xử lý đơn, bảo vệ quyền lợi của chủ thể nộp đơn, chúng tôi cho rằng cần tham khảo quy định của Thỏa ước Madrid để bổ sung thời hạn tối đa cơ quan có thẩm quyền phải có kết quả xử lý đơn, đồng thời cũng bổ sung quy định chế tài đối với cơ quan có thẩm quyền khi xử lý đơn quá thời hạn.

  • Sửa đổi quy định về đăng ký doanh nghiệp

Một vấn đề nổi cộm hiện nay liên quan đến bảo hộ tên thương mại là việc đăng ký doanh nghiệp, trong đó có đăng ký tên doanh nghiệp đang thuộc sự quản lý của rất nhiều bộ, ngành khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; Bộ Tư pháp quản lý tên thương mại của các tổ chức hành nghề dịch vụ pháp lý; Bộ Công thương quản lý tên doanh nghiệp của các Sở giao dịch hàng hóa; Bộ Tài chính quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước quản lý tên thương mại của các ngân hàng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý tên thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán...

Các cơ quan kể trên (ngoại trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đều không phải là cơ quan đăng ký kinh doanh mà chỉ là cơ quan cấp giấy phép thành lập (thay cho Giấy đăng ký kinh doanh) và các cơ quan này không có trách nhiệm báo cáo hay thông tin lại cho cơ quan quản lý kinh doanh. Thực tế này dẫn đến không có sự thống nhất trong việc quản lý tên thương mại, tình trạng doanh nghiệp trùng tên thương mại gây nhầm lẫn khá phổ biến. Giải pháp cho tình trạng này là việc đăng ký doanh nghiệp cần phải quy về một đầu mối (như Bộ kế hoạch và Đầu tư) để có thể kiểm soát tên thương mại thống nhất và hiệu quả.

  • Bổ sung quy định liên quan đến chuyển nhượng nhãn hiệu, tên thương mại

Theo quy định của khoản 3 Điều 139 Luật SHTT, quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng thành phần tên riêng trong tên thương mại của mình đăng ký làm nhãn hiệu cho các hàng hóa, dịch vụ mà họ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về trường hợp này. Để tránh tình trạng người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu hoặc tên thương mại mà nhãn hiệu trùng với thành phần tên riêng của tên thương mại, theo chúng tôi, pháp luật cần bổ sung quy định:

- Nếu nhãn hiệu trùng với thành phần tên riêng của tên thương mại thì không được chuyển nhượng riêng nhãn hiệu;

- Khi chuyển nhượng quyền đối với tên thương mại (cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó) mà thành phần tên riêng của tên thương mại lại trùng với nhãn hiệu thì phải chuyển giao đồng thời quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc chủ sở hữu không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu; hoặc không được chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho chủ thể thứ ba.

  • Bổ sung “kiểu dáng công nghiệp” vào quy định của Luật Thương mại 2005 về nhượng quyền thương mại

Khoản 1 Điều 284 của Luật Thương mại 2005 về Nhượng quyền thương mại đã liệt kê các quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHTT có thể chuyển giao cho bên nhận quyền bao gồm: quyền sử dụng đối với nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh (hay còn gọi là “bí mật kinh doanh”). Tuy nhiên, ngoài các đối tượng trên thì còn có quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp cũng có thể được chuyển giao trong nhượng quyền thương mại nhưng không được quy định trong pháp luật về nhượng quyền thương mại. Do vậy, cần phải bổ sung thêm đối tượng này vào quy định trên.

  • Bổ sung quy định hướng dẫn về góp vốn bằng TSTT

Quy định góp vốn bằng quyền SHTT tại Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 5 Nghị định 102/2010/NĐ-CP là một trong những bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác thương mại TSTT dưới hình thức này. Tuy nhiên, do đặc tính vô hình của TSTT nên việc góp vốn bằng tài sản này sẽ có những đặc thù khác với việc góp góp vốn bằng tài sản thông thường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn riêng về việc góp vốn bằng quyền SHTT. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về góp vốn bằng TSTT.

  • Quy định về định giá TSTT

Định giá TSTT là vấn đề vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến rất nhiều hoạt động của doanh nghiệp như: (i) chuyển giao TSTT: chuyển nhượng (mua bán TSTT), chuyển giao quyền sử dụng TSTT, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại; (ii) dùng TSTT để góp vốn thành lập doanh nghiệp, góp vốn liên doanh, đầu tư, hợp tác kinh doanh; (iii) dùng TSTT để thế chấp, cầm cố, vay vốn; (iv) phát triển mở rộng ngành nghề kinh doanh, thị trường tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ. (v) tranh tụng và bồi thường thiệt hại; (vi) tái cấu trúc doanh nghiệp, sáp nhập, mua bán, giải thể doanh nghiệp; (vii) phân chia tài sản doanh nghiệp; (viii) xây dựng kế hoạch quản trị và phát triển TSTT của doanh nghiệp; (ix) cổ phần hóa doanh nghiệp, tham gia thị trường chứng khoán…

Các văn bản pháp luật hiện hành về thẩm định giá hiện này mới chủ yếu quy định về dịch vụ thẩm định giá, các phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản hữu hình, nhưng chưa có quy định về phương pháp thẩm định giá đối với các tài sản vô hình cũng như các TSTT.[119] Trong thực tế, do thiếu những quy định hướng dẫn cụ thể nên việc định giá TSTT gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định về định giá TSTT.

  • Pháp luật Hình sự cần bổ sung quy định hướng dẫn về các tội xâm phạm quyền SHTT

Như chúng tôi đã phân tích trong chương 3 của đề tài, những vướng mắc trong áp dụng Điều 131 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) và Điều 171 (Tội xâm phạm quyền SHCN) của Bộ Luật hình sự năm 1999 chưa được Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ Luật hình sự 2009 giải quyết như: phân biệt bản chất giữa tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158) và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170 a), tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171); thuật ngữ “quy mô thương mại” chưa được làm rõ.

Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự cần phải giải quyết được cụ thể các vấn đề vướng mắc và những vấn đề mới trong việc xử lý loại tội danh này. Đặc biệt, cần giải thích cụ thể “quy mô thương mại ” ở Điều 170a và Điều 171 Luật hình sự sửa đổi năm 2009.

  • Sửa đổi quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Điều 206 Luật SHTT

Theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật SHTT và Điều 99 BLTTDS, chủ thể quyền SHTT chỉ có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện”. Quy định này không những không phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPs mà còn không bảo đảm được yêu cầu bảo vệ quyền SHTT của chủ thể quyền. Lý do là trên thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn khởi kiện (vì muốn bảo vệ bí mật kinh doanh hoặc không muốn ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.) mà họ chỉ muốn Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ, ngăn chặn hậu quả xấu do hành vi xâm phạm quyền SHTT xảy ra. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung vào Điều 206 Luật SHTT trường hợp chủ thể quyền có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện hoặc ngay cả khi đương sự không khởi kiện.

Cần bổ sung quy định Tòa án có quyền cho phép nguyên đơn được kiểm tra, tìm kiếm thu thập chứng cứ do bị đơn lưu giữ hoặc tại các cơ sở của bị đơn mà không thông báo trước cho bị đơn (còn được gọi là lệnh Anton Piller được áp dụng tại tòa án của nhiều quốc gia) để bảo đảm ngăn chặn bị đơn tẩu tán hoặc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, tài liệu và những chứng cứ có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Cần bổ sung trách nhiệm bồi thường của tòa án khi có lỗi trong việc không ra hoặc chậm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà gây thiệt hại cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba thì tòa án phải bồi thường.

  • Sửa đổi Điều 211 Luật SHTT về hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính

Theo quy định của Điều 211 Luật SHTT, tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi và chỉ khi hành vi xâm phạm “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”. Quy định này đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi vì bắt buộc phải tìm ra căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT có “gây ra thiệt hại”. Trên thực tế, có những hành vi vi phạm pháp luật SHTT (ví dụ vi phạm các quy định về quản lý nhà nước về SHTT) chỉ xâm phạm trật tự công cộng nên việc chứng minh có gây thiệt hại cụ thể là máy móc và khiên cưỡng. Mặt khác, biện pháp hành chính hoàn toàn không có chế tài bồi thường như trong dân sự, do đó, việc chứng minh có thiệt hại xảy ra là không cần thiết. Vì vậy, theo chúng tôi, điểm a khoản 1 Điều 211 Luật SHTT nên bỏ cụm từ “gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”. Việc xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng khi có “xâm phạm quyền SHTT”.

  • Cần bổ sung hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện tranh chấp về quyền SHTT

Như chúng tôi đã phân tích trong chương 1 của đề tài, do tính chất đặc thù của quyền SHTT là tính “bảo hộ có thời hạn” nên thời hiệu khởi kiện tranh chấp về SHTT không thể áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện nói chung. Đối với các tranh chấp về SHTT, khi quyền SHTT đang còn hiệu lực bảo hộ mà Tòa án lại từ chối thụ lý với lý do “hết thời hiệu khởi kiện” (thông thường là 2 năm) là bất hợp lý và không bảo vệ được lợi ích của chủ thể quyền.[120] Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung hướng dẫn về cách xác định thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về SHTT như sau:

+ Đối với các tranh chấp về quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19; khoản 2 Điều 29; khoản 2 Điều 122 của Luật SHTT và thì các quyền này được bảo hộ vô thời hạn nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp này.

+ Đối với các quyền nhân thân có thể chuyển giao và các quyền tài sản thì chủ thể quyền SHTT có quyền khởi kiện kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và kéo dài cho đến hết thời hạn bảo hộ (Hình 1).

+ Đối với các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng chuyển giao quyền SHTT thì đây là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự nên phải áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 427 BLDS đó là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc tranh chấp (Hình 2a và 2b).

 

4.3. CÁC GIẢI PHÁP KHÁC NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Bảo hộ TSTT nói chung và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng không chỉ là một yêu cầu khách quan của thị trường cạnh tranh và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mà nó còn mang lại những cơ hội và sự đột phá trong phát triển lợi ích doanh nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện từ việc xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi, tăng cường nhận thức, ý thức của các doanh nghiệp về TSTT cũng như có những chính sách hỗ trợ cụ thể để bảo hộ TSTT có thể trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp cả từ phía nhà nước, doanh nghiệp, công chúng và các tổ chức liên quan. Vì vậy, các giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT được chúng tôi chia thành 3 nhóm: các giải pháp từ phía nhà nước; các giải pháp từ phía doanh nghiệp; giải pháp cho công chúng và các tổ chức liên quan.

4.3.1. Các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT từ phía Nhà nước

4.3.1.1. Cần xây dựng một chương trình quốc gia về tài sản trí tuệ

Với đặc thù về hoạt động cạnh tranh hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ, thành công của doanh nghiệp bao giờ cũng phải được sự hỗ trợ, nếu không nói là có khởi đầu là hệ thống chính sách và pháp luật của quốc gia đảm bảo hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống bảo hộ TSTT đã có nhưng do thiếu một định hướng mang tính chiến lược nên chưa thực sự tạo nên một bước đột phá trong việc phát triển và bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI - Đảng cộng sản Việt Nam phần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã xác định yêu cầu: “phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao để làm chủ thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, góp phần bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”,[121] tuy nhiên vẫn chưa thể xem đây như một chính sách quốc gia về TSTT.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp theo Quyết định số 68/2005/QĐ-BKHCN. Chương trình (giai đoạn 1: 2005 -2010) được thực hiện với mục tiêu: (i) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT và (ii) Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, phạm vi của Chương trình này vẫn còn khá hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý; số doanh nghiệp được hưởng lợi ích thiết thực từ chương trình khá khiêm tốn. Giai đoạn 2 của Chương trình (2011 - 2015) đang được triển khai nhưng chưa thấy có hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là trong hoạt động bảo vệ TSTT chống lại các hành vi xâm phạm. Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp đã cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với việc phát triển TSTT của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một chương trình hành động thống nhất mang tính quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền đối với TSTT.

Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Trung Quốc…[122] cho thấy họ đã gặt hái được những thành tựu quan trọng về kinh tế, khoa học, công nghệ do có một chính sách quốc gia về phát triển TSTT. Sự thành công và phát triển của những quốc gia này được xây dựng dựa trên một chính sách cạnh tranh với thị trường thế giới thông qua các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao và giá cả phù hợp. Chính sách quốc gia về bảo hộ TSTT cũng là nhân tố quan trọng khuyến khích sự phát triển của khoa học công nghệ.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chương trình hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Mối gắn kết lỏng lẻo giữa các cơ quan quản lý và thực thi thuộc các bộ ngành khác nhau, các địa phương khác nhau là một trong các nguyên nhân cản trở quá trình xây dựng pháp luật cũng như thi hành pháp luật về thực thi quyền SHTT.

Để TSTT có thể thực sự trở thành công cụ thúc đẩy đổi mới và phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam, trước hết, Nhà nước cần có một chiến lược và kế hoạch phát triển TSTT mang tính quốc gia ở cả tầm trung và dài hạn trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ của mình, trong đó xây dựng các bước đi phù hợp và hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Chính sách của nhà nước là yếu tố hàng đầu tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ TSTT.

Chiến lược tổng thể quốc gia về TSTT sẽ xác định các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hộ TSTT. Hệ thống bảo hộ TSTT bền vững cần được xây dựng theo một chu trình khép kín bao gồm: sáng tạo (tạo dựng) TSTT - quản lý TSTT - khai thác TSTT - bảo vệ TSTT. Chiến lược quốc gia có tính định hướng, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới; phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên các TSTT. Bên cạnh chiến lược chung, Nhà nước cũng cần có những chương trình, chiến lược cụ thể liên quan đến các hoạt động: tạo lập và phát triển TSTT; bảo hộ (xác lập quyền) đối với TSTT; khai thác TSTT; bảo vệ TSTT... Trên cơ sở chiến lược quốc gia về bảo hộ TSTT, các chính sách, pháp luật sẽ được ban hành và từng bước hoàn thiện để làm cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát triển TSTT.

4.3.1.2. Xây dựng cơ chế bảo hộ quyền SHTT hiệu quả dựa trên sự cân bằng lợi ích của các chủ thể trong xã hội và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Cơ chế bảo hộ quyền SHTT là một công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Với việc thừa nhận và bảo vệ các quyền của doanh nghiệp bằng pháp luật, trao độc quyền, cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và người sử dụng TSTT, hệ thống bảo hộ SHTT góp phần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp cũng như nhà hoạt động khoa học, nghệ thuật, kinh doanh - thương mại an tâm đầu tư và cống hiến cho hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các ý tưởng mới, cải tiến và đổi mới sản phẩm, từ đó, làm gia tăng giá trị và cấu trúc tài sản của doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh lành mạnh là điều kiện không thể thiếu cho việc thúc đẩy các hoạt động xác lập, khai thác và bảo vệ TSTT của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong một môi trường kinh doanh không lành mạnh có thể triệt tiêu những nỗ lực của doanh nghiệp đối với hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, thương mại hoá và xuất nhập khẩu công nghệ dẫn đến giảm năng suất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

4.3.1.3. Cần thành lập một cơ quan điều phối quốc gia về SHTT

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi SHTT ở Việt Nam, Chính phủ cần thành lập một cơ quan điều phối riêng về SHTT với tên gọi có thể là “Ủy ban quốc gia về SHTT”.[123]  Cơ quan này có chức năng là cơ quan thường trực giúp Chính phủ xây dựng và giám sát thực hiện chiến lược và chương trình hành động quốc gia về SHTT, đồng thời có nhiệm vụ điều phối thống nhất hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi SHTT của các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể:

Ủy ban điều phối sẽ có báo cáo quốc gia thường niên về tình hình quản lý và thực thi SHTT, đồng thời xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động về SHTT. Nội dung hành động cụ thể của các cơ quan bảo hộ cũng như thực thi sẽ được Ủy ban này lên kế hoạch đồng bộ, theo lộ trình thích hợp với điều kiện trong nước cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cơ quan này có trách nhiệm điều phối và kiểm soát hoạt động của các cơ quan trong hệ thống bảo hộ và thực thi SHTT, theo đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý chuyên môn, cơ quan thực thi thuộc các bộ, ngành, địa phương khác nhau có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ gắn kết với nhiệm vụ, hoạt động của các cơ quan khác nhằm đạt được mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, bảo đảm hoạt động của các cơ quan này hướng tới một mục tiêu chung là phục vụ phát triển sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, lợi ích ngành công nghiệp và lợi ích quốc gia. Sự ra đời của cơ quan này sẽ tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý SHTT và cơ quan thực thi SHTT ; giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan thực thi SHTT; giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, công chúng… trong việc bảo hộ TSTT.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm đề xuất các sáng kiến cho chương trình hành động được đưa ra trong từng năm trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động của năm trước đó.

4.3.1.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi SHTT

Đây là một yêu cầu hết sức quan trọng để phát huy hiệu quả bảo vệ TSTT vì cơ quan quản lý có đủ mạnh thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xác lập quyền SHTT; cơ quan thực thi hoạt động hiệu quả thì mới bảo đảm ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này bao gồm các giải pháp sau:

  • Sắp xếp lại một cách phù hợp và hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi

- Đối với các cơ quan quản lý về SHTT:

Hiện nay, thẩm quyền quản lý Nhà nước tập trung vào ba Bộ chủ quản, thực chất là tập trung vào ba cơ quan chuyên trách của các Bộ này là Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả và Cục trồng trọt. Trên thực tế như chúng tôi đã phân tích trong chương 3, các Cục này (mà đặc biệt là Cục SHTT) quá tải về công việc, trong khi các Sở, Phòng chuyên môn ở địa phương lại chỉ có chức năng hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trong việc xác lập quyền chứ không được trực tiếp tham gia vào các hoạt động đăng ký bảo hộ hay thủ tục cấp lại, sửa đổi, hủy bỏ… văn bằng bảo hộ. Các cơ quan xác lập quyền như Cục SHTT mới chỉ có Văn phòng đại diện tại ba tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh); hệ thống đăng ký qua mạng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, chưa được áp dụng; vì vậy các doanh nghiệp khi muốn tiến hành các thủ tục như đăng ký, sửa đổi, gia hạn, hủy bỏ… văn bằng bảo hộ buộc phải đến làm việc trực tiếp tại các cơ quan này, gây khó khăn, tốn kém thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần có sự phân công lại chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý SHTT ở Trung ương và địa phương theo hướng chia sẻ bớt nhiệm vụ của các Cục cho các Phòng SHTT ở địa phương trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký, vừa giảm tải công việc cho các Cục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể đăng ký khi tiến hành các thủ tục liên quan đến xác lập, gia hạn… quyền SHTT.

Liên quan đến quản lý tên doanh nghiệp (tên thương mại), cũng cần quy về một đầu mối cơ quan đăng ký là Bộ kế hoạch và đầu tư, thay vì rất nhiều cơ quan như hiện nay.

- Đối với các cơ quan thực thi SHTT:

Hiện nay các cơ quan hành chính đang chiếm ưu thế trong việc bảo vệ quyền SHTT, tuy nhiên chức năng xử lý hành chính các vi phạm SHTT dàn trải, phân tán ở rất nhiều đầu mối cơ quan với các trình tự, thủ tục xử lý khác nhau; các cơ quan lại chồng chéo về thẩm quyền dẫn đến làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc yêu cầu xử lý do không biết thẩm quyền của từng loại cơ quan, đồng thời cũng hạn chế việc kiểm tra, kiểm soát, phối hợp hoạt động.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần xem xét, phân công lại cụ thể chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan thực thi hành chính; quy định một đầu mối tiếp nhận và xử lý các khiếu nại hành chính về SHTT theo hướng một cửa, đồng thời quy định thống nhất trình tự xử lý vi phạm hành chính về SHTT.

  • Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và thực thi SHTT

Mặc dù trong mỗi hệ thống cơ quan quản lý và cơ quan thực thi có rất nhiều cơ quan, với chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng cần phải có một cơ chế phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ. Sự phối hợp thể hiện trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nối mạng cơ sở dữ liệu để công khai thông tin và cung cấp, trao đổi thông tin giữa: (i) Các cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý với nhau (như Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả, Cục trồng trọt, cơ quan đăng ký kinh doanh...); (ii) Các cơ quan trong hệ thống thực thi (Tòa án, Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, UBND...); (iii) Giữa các cơ quan quản lý với các cơ quan thực thi.

  • Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan quản lý và thực thi SHTT

Hiện nay, phần lớn cán bộ trong các cơ quan quản lý và thực thi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản và cần thiết về SHTT. Vì vậy, để nâng cao năng lực của cán bộ các cơ quan này, cần có sự đào tạo, tập huấn thường xuyên và định kỳ theo hướng chuyên sâu từng bước về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng thực hành xử lý vụ việc cho các cán bộ trong các cơ quan này.

Đặc biệt, cần phải xây dựng và cập nhật thường xuyên các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về SHTT dành cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý và thực thi. Tài liệu bồi dưỡng không chỉ bao gồm các kiến thức chung về SHTT mà còn bao gồm các bài giảng hướng dẫn về nghiệp vụ thông qua các vụ việc, bài tập mẫu đã được xử lý để truyền đạt kiến thức và rút kinh nghiệm.

  • Tăng cường nhân lực cho các cơ quan quản lý và thực thi

So với yêu cầu của thực tiễn thì nhân lực của các cơ quan quản lý và thực thi SHTT ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “tồn đọng” đơn của Cục SHTT là do đội ngũ thẩm định viên quá mỏng so với số lượng đơn cần phải xử lý. Lực lượng thanh tra KH&CN, thanh tra văn hóa, thanh tra thông tin truyền thông tuy có lợi thế về mặt nghiệp vụ nhưng lại yếu về mặt lực lượng. Vì vậy, một yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần tăng cường nhân lực cho các cơ quan này.

  • Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện kỹ thuật và kinh phí để tác nghiệp

Đối với các cơ quan quản lý SHTT như Cục SHTT, Cục bản quyền tác giả, Cục trồng trọt…, cần trang bị và nâng cấp thường xuyên cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng nhu cầu kỹ thuật trong công tác xử lý đơn, cụ thể: hệ thống đăng ký tự động cần sớm được đưa vào sử dụng; hệ thống thông tin - tư liệu SHTT; mạng Internet; máy tính… cần được nâng cấp thường xuyên để công tác xử lý đơn và tra cứu có thể tiến hành nhanh chóng, chính xác. Các cơ quan thực thi cũng cần được cung cấp phương tiện, máy móc kỹ thuật hiện đại như: hệ thống máy tính quản lý dữ liệu, phương tiện đi lại, phương tiện kiểm tra hàng hóa vi phạm, máy ảnh, máy quay camera… để phục vụ cho công tác điều tra và xử lý xâm phạm.

Nhà nước cũng cần quy định cụ thể về kinh phí và phương tiện cho các hoạt động của các cơ quan này như: kinh phí cho hoạt động thu giữ, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm SHTT... Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách khen thưởng, đãi ngộ thích hợp để có tác dụng khích lệ các cán bộ trong cơ quan quản lý và thực thi thực hiện tốt nhiệm vụ.

4.3.1.5. Tăng cường việc bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp dân sự

Biện pháp dân sự là biện pháp duy nhất có khả năng giúp chủ thể quyền SHTT có thể khôi phục, khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền gây ra. Để tăng cường việc bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp dân sự, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của công chúng, Tòa án cũng cần tiến hành một số công việc nhằm nâng cao hiệu quả xét xử các tranh chấp SHTT như: tổ chức tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các trang chấp SHTT tại Tòa án; xây dựng các phiên toà mẫu xét xử các vụ án dân sự về SHTT; công bố các quyết định, bản án của Toà án về SHTT. Việc công bố này sẽ tăng cường tính minh bạch và có tác dụng trong việc giúp Toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử, nâng cao chất lượng của việc ra bản án, nâng cao kinh nghiệm khai thác và đánh giá chứng cứ, đồng thời tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp thấy được kết quả giải quyết các vụ án SHTT của toà án, nâng cao niềm tin và sự tín nhiệm của các doanh nghiệp đối với biện pháp bảo vệ này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền SHTT đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, dẫn đến một số trường hợp xâm phạm quyền SHTT tuy thuộc lĩnh vực dân sự, lẽ ra cần phải được giải quyết theo thủ tục dân sự tại Toà án nhưng lại được xử lý bằng biện pháp hành chính. Để hạn chế tình trạng “hành chính hoá” các quan hệ dân sự, cần nghiên cứu và ban hành quy định giao cho Tòa án giải quyết một số loại tranh chấp liên quan nhiều đến việc cung cấp chứng cứ chứng minh như: tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan; tranh chấp sáng chế, bố trí thiết kế mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

4.3.1.6. Trong tương lai cần thành lập Tòa án chuyên trách về SHTT

Tranh chấp về SHTT thường có tính chất phức tạp, khó giải quyết, nhiều vụ việc đòi hỏi có kỹ thuật chuyên môn sâu; việc xét xử tại Tòa án theo thủ tục chung thường mất nhiều thời gian, hầu hết phải xét xử nhiều lần, nhiều cấp, trong khi quyền đối với TSTT thường bị giới hạn trong một thời gian nhất định; trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến SHTT, Tòa án thường chưa đủ khả năng trong việc đưa ra nhận định về hành vi xâm phạm, vì vậy phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan chức năng có liên quan dẫn đến tình trạng Toà án rất bị động, khó khăn trong việc ra phán quyết; các chủ thể quyền thường có tâm lý e ngại sợ lộ bí mật thông tin khi khởi kiện ra Tòa án vì TSTT thường được gắn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần học tập kinh nghiệm thành lập Tòa chuyên trách về SHTT với các lý do sau:

Thứ nhất: Thẩm phán thuộc các Tòa chuyên trách về SHTT là những người được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu và có kinh nghiệm trong lĩnh vực SHTT nên có thể đảm đương việc xét xử và ra quyết định độc lập đối với các vụ án về SHTT mà không cần phải xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Điều nay sẽ làm tăng tính chủ động của Tòa án và rút ngắn thời gian xét xử.

Thứ hai: Thủ tục xét xử các vụ tranh chấp SHTT có thể rút gọn so với thủ tục tố tụng thông thường để bảo đảm cho chủ thể quyền kịp thời khai thác TSTT trong thời hạn bảo hộ cũng như phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba: Trong các vụ việc cần bảo đảm tính bí mật thông tin liên quan đến TSTT Tòa chuyên trách về SHTT có thể áp dụng thủ tục riêng.

Thứ tư: Tòa chuyên trách về SHTT có thể áp dụng lệnh Anton Piller (được quy định trong Hiệp định TRIPs), theo đó để tránh việc bị đơn tìm cách tẩu tán hoặc hủy bỏ các sản phẩm vi phạm và các tài liệu liên quan đến hoạt động vi phạm của họ, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi xét xử là cho phép nguyên đơn (luật sư của nguyên đơn) vào các cơ sở của bị đơn để tìm kiếm, kiểm tra, thu thập những sản phẩm vi phạm và các tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm của bị đơn.

Với những ưu thế của Tòa chuyên trách về SHTT, chắc chắn biện pháp dân sự sẽ là sự ưu tiên lựa chọn của các doanh nghiệp để giải quyết tranh chấp và xử lý xâm phạm TSTT.

4.3.1.7. Cần thành lập các tổ chức hỗ trợ phát triển TSTT ở địa phương

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp không chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn mà nằm ở khắp các khu vực, địa phương, do đó phần lớn doanh nghiệp thường thiếu thông tin và sự tư vấn từ phía các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức dịch vụ (đại diện SHCN, đại diện quyền tác giả, quyền liên quan...)… Các cơ quan nhà nước ở Trung ương thường quá tải về công việc, không có đủ lực lượng và không có điều kiện đến từng địa phương để hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp. Do sự hạn chế về khả năng tài chính, rất ít doanh nghiệp (ngoại trừ các doanh nghiệp lớn) có điều kiện sử dụng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ các Tổ chức đại diện. Các Phòng SHTT thuộc các Sở do đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau nên chưa có sự tập trung vào hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải thành lập và đưa vào hoạt động các Tổ chức hỗ trợ phát triển TSTT tại các khu vực, địa phương để các tổ chức này có thể chủ động tư vấn, hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp ngay tại địa phương một cách kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên hoạt động của các tổ chức này cũng phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh hỗ trợ vô bổ, chạy theo thành tích hoặc lợi dụng hình thức hỗ trợ để sử dụng ngân sách hoặc các nguồn tài trợ một cách bất hợp pháp.

4.3.1.8. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp trong bảo vệ TSTT

Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và tổ chức triển khai giai đoạn 2005 - 2010 đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: tuyên truyền, phổ biến và đào tạo, huấn luyện về SHTT; hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể dùng cho đặc sản của các địa phương; khai thác, áp dụng sáng chế...

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT của doanh nghiệp, trong giai đoạn tới, chương trình hỗ trợ của nhà nước nên tập trung vào những hoạt động và nội dung thiết thực hơn nữa như:

+ Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, đồng thời mở nhiều khóa đào tạo, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức của xã hội cũng như các doanh nghiệp về SHTT. Các khóa đào tạo cần hướng đến phục vụ từng đối tượng riêng biệt như: các nhà sản xuất, kinh doanh; các cán bộ quản lý SHTT trong doanh nghiệp; các Hội, hiệp hội quản lý tập thể TSTT...

+ Nhà nước cũng cần có hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thông tin khoa học công nghệ, đặc biệt là thông tin sáng chế để phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, tránh việc nghiên cứu trùng lặp, tìm ra những giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật, nảy sinh các ý tưởng mới.

+ Tăng cường hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin, tra cứu thông tin SHTT để phục vụ cho hoạt động đăng ký xác lập quyền cũng như hoạt động giải quyết tranh chấp SHTT cho các doanh nghiệp cũng như các chủ thể khác.

+ Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị TSTT. Các TSTT nếu chỉ đăng ký bảo hộ thì chưa đủ để nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm sử dụng các TSTT đó. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, áp dụng các quy trình quản lý và phát triển TSTT, khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học đặc biệt là đối với các đặc sản địa phương và các sản phẩm chiến lược, có tiềm năng xuất khẩu.

+ Hỗ trợ về tài chính, tư vấn: Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy nguồn tài chính dành cho hoạt động bảo vệ TSTT rất hạn chế, thậm chí là không có. Phần lớn các doanh nghiệp cũng không có điều kiện tài chính để có được sự tư vấn từ các chuyên gia, luật sư trong việc bảo vệ TSTT. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc bảo vệ TSTT, đồng thời huy động sự hỗ trợ tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật, pháp lý. từ các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyên môn.

+ Cần nghiên cứu và đưa ra chính sách ưu đãi về thuế đối với công tác nghiên cứu thử nghiệm công nghệ, theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện để đổi mới và đầu tư phát triển TSTT, tạo động lực đổi mới công nghệ trong nền kinh tế.

+ Vai trò hỗ trợ của Chính phủ trong việc giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến SHTT ở nước ngoài. Mặc dù các tranh chấp liên quan đến SHTT của các doanh nghiệp Việt Nam xảy ra ở nước ngoài trước hết thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam, vì về bản chất TSTT là những tài sản tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm mang những nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý là thương hiệu quốc gia thì Chính phủ Việt nam thông qua các bộ, ngành, cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Cục SHTT... cần có sự hỗ trợ nhất định nhằm bảo vệ thương hiệu quốc gia, qua đó phát triển hoạt động thương mại của Việt Nam. Có nhiều vụ tranh chấp TSTT ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất lợi vì họ khá xa lạ với hệ thống pháp luật, trình tự thủ tục, cơ quan giải quyết, sự khác biệt về văn hóa pháp lý cũng như ngôn ngữ. Do đó, sự hỗ trợ thích hợp từ phía các cơ quan liên quan trước và sau khi giải quyết tranh chấp có giá trị rất lớn trong việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp.[124]

4.3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT từ phía doanh nghiệp

Ở Việt Nam, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mới thực sự bắt đầu từ thập niên cuối thế kỷ XX nhưng đã có sự ảnh hưởng to lớn và tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của các giao lưu thương mại quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức to lớn mà một trong những thách thức hàng đầu là vấn đề nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường trong và ngoài nước.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp sở hữu TSTT và khai thác TSTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng còn ở mức độ khiêm tốn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận thức được sự cần thiết của bảo vệ TSTT và tiến hành các biện pháp bảo vệ TSTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi nhuận, xây dựng và phát triển danh tiếng, uy tín trong kinh doanh.

4.3.2.1. Các doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức và ý thức đối với việc bảo vệ TSTT

TSTT có thể trở thành công cụ quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển doanh nghiệp hay không, điều này phụ thuộc trước tiên và chủ yếu vào nhận thức và ý thức của chính doanh nghiệp. Như chúng tôi đã phân tích trong phần “Thực trạng bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam” tại Chương III, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam khá thờ ơ với việc bảo vệ TSTT. Sự thờ ơ này có thể dẫn đến doanh nghiệp bỏ quên, lãng phí hay mất TSTT của mình.

Trước hết, doanh nghiệp cần nhận thức được TSTT là một yếu tố cạnh tranh quan trọng quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, vì vậy cần phải có chiến lược, kế hoạch xây dựng (tạo lập), quản lý và bảo vệ thích hợp. Với tư cách chủ sở hữu, hoặc người có quyền sử dụng, khai thác TSTT, doanh nghiệp cần nhận thức rằng bảo vệ TSTT vừa là quyền, đồng thời là trách nhiệm của họ; Còn trách nhiệm của Nhà nước chủ yếu là bảo đảm vận hành cơ chế bảo hộ có hiệu quả.

Việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp phải được tiến hành từ bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp đến các bộ phận sản xuất, kinh doanh. Những người điều hành doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về TSTT để có thể đưa TSTT vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; giải quyết được xung đột lợi ích liên quan đến TSTT giữa doanh nghiệp với đối tác, nhà đầu tư, người lao động… Những người lao động chuyên môn nếu như có kiến thức về SHTT sẽ có thể vận dụng vào công việc, có những báo cáo kịp thời với cấp quản lý khi phát hiện ra các vấn đề liên quan đến SHTT, đồng thời có ý thức trong việc bảo vệ các dữ liệu thông tin được coi như bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Để nâng cao nhận thức đối với việc bảo vệ TSTT, doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm về SHTT; chủ động cập nhật thông tin; thường xuyên tìm hiểu về vấn đề này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo trong và ngoài địa bàn để cùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực SHTT. Các doanh nghiệp cũng có thể lập những diễn đàn về SHTT trên truyền hình, báo chí… để cùng trao đổi thông tin, kinh nghiệm, góp phần quảng bá và phát triển TSTT của doanh nghiệp...

Để việc phòng và chống hành vi xâm phạm quyền SHTT được thực hiện ngay từ chính người dân, doanh nghiệp cần quan tâm đến hoạt động phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận biết và phân biệt hàng nhái, hàng giả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm, tờ rơi, quảng cáo hoặc thông qua các triển lãm, hội nghị khách hàng…

4.3.2.2. Xây dựng chiến lược đối với tài sản trí tuệ để phát huy tối đa lợi thế của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Việc bảo vệ TSTT của doanh nghiệp chỉ có hiệu quả khi doanh nghiệp có một chiến lược SHTT phù hợp. Chiến lược SHTT của doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch kinh doanh, vì vậy, khi xây dựng chiến lược SHTT, doanh nghiệp cần phải cân nhắc các yếu tố: bản chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thị trường; khả năng tăng trưởng kinh doanh; tính phù hợp của các TSTT với hoạt động kinh doanh; mục tiêu sử dụng TSTT… Để có chiến lược SHTT đúng đắn, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu sử dụng TSTT để làm gì? Thông thường các mục tiêu có thể là để: ngăn chặn các sản phẩm cạnh tranh; tạo thu nhập từ việc thương mại hóa; ngăn cản vi phạm quyền SHTT; nâng cao uy tín của doanh nghiệp… Từ mục tiêu đó, trên cơ sở TSTT hiện có của doanh nghiệp và thực trạng trên thị trường để xây dựng chiến lược SHTT của doanh nghiệp.

Khi xây dựng chiến lược SHTT của mình, doanh nghiệp cần xác định các vấn

đề:

(i) Những TSTT hiện có của doanh nghiệp: phân loại TSTT; tình trạng bảo hộ (đã đăng ký hay chưa; thời hạn bảo hộ; khả năng gia hạn.);

(ii) Dự kiến nhu cầu đối với những TSTT mới và các cách thức để có được chúng như: tự nghiên cứu phát triển; do nhận chuyển giao từ chủ thể khác; do phát triển từ những TSTT hiện có.

(iii) Xác định phương thức bảo hộ phù hợp đối với từng loại TSTT: tài sản nào nên đăng ký xác lập quyền; tài sản nào nên bảo vệ như một bí mật kinh doanh.

(iv) Xác định phương thức khai thác TSTT (tự khai thác; thương mại hóa TSTT (bán, li - xăng (bao gồm cả chuyển quyền sử dụng và nhượng quyền thương mại); huy động tài chính, vốn (thế chấp); dùng TSTT để xác lập mối quan hệ với đối tác chiến lược (li - xăng chéo, liên doanh liên kết.)

(v) Xác định phương hướng duy trì và phát triển TSTT;

(vi) Xác định các phương thức bảo vệ: Quy chế bảo mật trong doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm.

4.3.2.3. Các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cần được quan tâm áp dụng trong suốt quá trình tồn tại của tài sản trí tuệ

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến việc bảo vệ TSTT khi phát hiện ra có hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình, thậm chí là các biện pháp bảo vệ chỉ được áp dụng khi hành vi xâm phạm gây đã gây cho doanh nghiệp những thiệt hại đáng kể. Rõ ràng, việc bảo vệ TSTT trong những trường hợp như vậy là quá muộn, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải bỏ ra các chi phí rất lớn chỉ để cố gắng khắc phục, giải quyết hậu quả do việc không áp dụng các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ TSTT của mình.

Vì vậy, các biện pháp bảo vệ TSTT cần được tiến hành trong suốt quá trình tồn tại của TSTT, từ khi TSTT được tạo ra cho đến khi nó được đưa vào sử dụng, khai thác…

Các TSTT có đặc điểm khi đã bộc lộ, công bố sẽ dễ dàng bị chủ thể khác chiếm đoạt, sử dụng, khai thác. Vì vậy, ngay từ quá trình nghiên cứu để tạo lập TSTT, các doanh nghiệp cần lưu ý đến các biện pháp bảo mật thông tin liên quan đến TSTT như: xây dựng Nội quy lao động hoặc Quy chế bảo mật trong nội bộ doanh nghiệp; Quy chế sử dụng máy tính/mạng...; sử dụng hợp đồng lao động hoặc các hợp đồng khác để xác định tác giả, chủ sở hữu của tài sản trí tuệ được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng; đưa các điều khoản về trách nhiệm bảo mật trong các hợp đồng lao động, thuê khoán công việc, hợp đồng nghiên cứu… giữa doanh nghiệp với các bên liên quan.

Tiến hành các thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT càng sớm càng tốt đối với các đối tượng mà quyền SHTT chỉ phát sinh trên cơ sở đăng ký.

Trong quá trình sử dụng, khai thác: Doanh nghiệp cần cân nhắc sử dụng, khai thác như thế nào để vừa tận dụng được các độc quyền đối với TSTT nhưng vẫn có thể bảo vệ TSTT trước các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, nếu doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký bảo hộ đối tượng SHTT, có nghĩa là doanh nghiệp đã có một lợi thế pháp lý ban đầu nên có thể yên tâm xúc tiến chiến dịch tung sản phẩm mới ra thị trường với quy mô và mức giá mà doanh nghiệp cho là phù hợp mà không cần bận tâm đến phản ứng của đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, nếu TSTT chưa được đăng ký mà doanh nghiệp tung sản phẩm mới ra thị trường để kiểm nghiệm thực tế về nhu cầu và sở thích của khách hàng thì có khả năng nếu sản phẩm được thị trường hưởng ứng, các đối thủ cạnh tranh sẽ nhận biết được và với lợi thế hơn hẳn về thương mại, công nghệ hay tài chính, đối thủ cạnh tranh sẽ nhanh chân chiếm lĩnh thị trường trước. Vì vậy, khi quyết định đưa TSTT vào sử dụng, khai thác, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc thiết lập độc quyền đối với TSTT để duy trì sức mạnh thị trường.[125]

Trong quá trình khai thác TSTT qua các hình thức như chuyển giao quyền sử dụng (hợp đồng li - xăng); hay trao đổi quyền sử dụng (li - xăng chéo); hay dùng TSTT để liên doanh, liên kết, doanh nghiệp cần quan tâm đến những điều khoản bảo vệ TSTT như: xác định chủ sở hữu, người có quyền sử dụng, phạm vi sử dụng, thời hạn sử dụng, giám sát việc sử dụng.

Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT, doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng tìm biện pháp giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết.

4.3.2.4. Các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cần được áp dụng đối với tât cả các bên liên quan

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mới chỉ đề phòng việc xâm phạm TSTT từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường mà quên mất rằng tranh chấp hay vi phạm TSTT còn có thể từ các chủ thể liên quan như người lao động, đối tác, nhà phân phối, đại lý… Vì vậy, những biện pháp bảo vệ phòng ngừa cần được áp dụng đối với tất cả các bên liên quan.

Đối với người lao động trong doanh nghiệp: biện pháp bảo vệ có thể tiến hành thông qua các Quy định, Nội quy, Quy chế... trong doanh nghiệp hoặc các Hợp đồng lao động trong đó xác định tư cách chủ sở hữu của doanh nghiệp đối với các TSTT được tạo ra trong quá trình thực hiện công việc được giao; trách nhiệm bảo mật, không tiết lộ thông tin của nhân viên.

Đối với đối tác của doanh nghiệp: Trong quan hệ với đối tác như: đại lý, nhà phân phối, nhà đầu tư, bên gia công... doanh nghiệp cần sử dụng các hợp đồng để xác định tư cách chủ thể của quyền SHTT; đặc biệt lưu ý đến điều khoản xác định quyền sở hữu, tỉ lệ sở hữu, nghĩa vụ thông báo, chuyển giao… đối với những TSTT mới phát sinh trong quá trình thực hiện, triển khai các hợp đồng nghiên cứu, thuê khoán chuyên môn, hợp tác kinh doanh…; đồng thời ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan nhằm phòng ngừa xâm phạm TSTT từ phía bên kia hoặc từ các chủ thể khác. Thực tế có nhiều TSTT đã bị doanh nghiệp bỏ sót hoặc để rơi vào tay đối tác, thay vì trở thành quyền SHTT mang lại nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp.[126]

Đối với đối thủ cạnh tranh: doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin đăng ký quyền SHTT của đối thủ để kịp thời ngăn chặn việc đăng ký đối tượng SHTT trùng hoặc tương tự; khảo sát thị trường để kịp thời phát hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng như hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ cạnh tranh.

4.3.2.5. Doanh nghiệp cần dành sự đầu tư thích đáng cho hoạt động quản lý, phát triển TSTT

Kinh nghiệm quý báu của nhiều doanh nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam đã chỉ rõ việc đầu tư cho hoạt động quản lý TSTT là chìa khóa thành công cho việc phát triển TSTT của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường nội địa cũng như quốc tế. Ông Kamil Idris, tổng giám đốc tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã khẳng định “Chiếm hữu và quản lý TSTT đang trở thành một yếu tố quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp".[127]

Quản lý TSTT trong doanh nghiệp được hiểu bao gồm cả hoạt động quản lý bên ngoài và bên trong.[128]

  • Quản lý TSTT trong nội bộ doanh nghiệp

Hoạt động quản lý TSTT trong nội bộ doanh nghiệp bao gồm rất nhiều hoạt động như: Xác định TSTT hiện có, xác định nhu cầu đối với những TSTT mới; Xác định phương thức bảo hộ phù hợp (đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. hay không cần đăng ký đối với tác phẩm, bí mật kinh doanh…); Xác định cách thức quản lý; Xác định phương thức khai thác; Xác định cách thức duy trì và phát triển TSTT (phương thức bảo vệ phù hợp; những thay đổi cần có để nâng cao giá trị TSTT; phát triển TSTT mới…).

  • Quản lý bên ngoài doanh nghiệp

Hoạt động quản lý bên ngoài doanh nghiệp bao gồm các hoạt động:

- Quảng bá, tiếp thị.. nhằm gia tăng giá trị và uy tín của TSTT;

- Giám sát hoạt động thương mại hóa TSTT; Sử dụng các hợp đồng xác định tư cách độc quyền, quy định về nghĩa vụ không tiết lộ thông tin bằng văn bản với bên thứ ba; với bên đối tác;

- Rà soát thị trường và yêu cầu các đại lý bán hàng, các nhà phân phối cung cấp thông tin, báo cáo thị trường khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT của đối thủ cạnh tranh;

- Theo dõi các hành vi xâm phạm TSTT của doanh nghiệp; phối hợp với luật sư cũng như các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các xâm phạm TSTT.

- Theo dõi việc nộp đơn của đối thủ cạnh tranh; Cập nhật thông tin về các đăng ký mới trùng hoặc tương tự với đối tượng SHTT của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra ý kiến phản đối nếu có khả năng ảnh hưởng đến tính độc quyền của TSTT của doanh nghiệp;

- Đăng ký giám sát hải quan để ngăn chặn hàng xâm phạm SHTT qua cửa khẩu…

Hoạt động bảo vệ cũng như quản lý TSTT của doanh nghiệp chỉ hiệu quả nếu doanh nghiệp xây dựng được quy chế quản lý TSTT của doanh nghiệp và thành lập (phân công) được bộ phận chuyên trách hoặc cán bộ chuyên trách về SHTT.

  • Xây dựng quy chế quản lý TSTT trong nội bộ doanh nghiệp

Quản lý TSTT trong nội bộ doanh nghiệp rất đa dạng và khác nhau giữa các doanh nghiệp phụ thuộc vào đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô của hoạt động, phạm vi hoạt động, lĩnh vực hoạt động… Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đang sở hữu TSTT có thể xây dựng quy chế quản lý TSTT riêng, trong đó, các hoạt động liên quan đến đối tượng SHTT được định hình làm rõ và quy định cụ thể đối với toàn thể cán bộ, nhân viên. Những quy định này làm thành các quy trình tác nghiệp và những quy tắc xử xự trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo cho việc quản lý TSTT của doanh nghiệp. Quy chế quản lý TSTT có thể bao gồm các nội dung:

+ Xác định TSTT hiện có của doanh nghiệp (loại TSTT; văn bằng bảo hộ; thời hạn bảo hộ; giá trị.)

+ Xác định quyền đăng ký, quyền sở hữu, quyền sử dụng.TSTT

+ Hệ thống quản lý TSTT: từ bộ phận lãnh đạo đến bộ phận chuyên trách có những quyền và trách nhiệm gì;

+ Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với TSTT: thông qua các hợp đồng lao động; chính sách đối với người lao động.

+ Quy định về việc kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng, khai thác TSTT…

  • Phân công cán bộ chuyên trách hoặc thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT

Để quản lý TSTT một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, doanh nghiệp nên thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT với các cán bộ chuyên trách về SHTT được đào tạo không chỉ về kỹ năng quản lý mà cả các kiến thức pháp lý về SHTT.

Bộ phận này đồng thời có trách nhiệm lưu giữ và quản lý các hồ sơ về TSTT: như hồ sơ đăng ký, văn bằng bảo hộ, các hợp đồng chuyển giao quyền SHTT; theo dõi thời hạn bảo hộ; duy trì hiệu lực... đối với quyền SHTT của doanh nghiệp; theo dõi các hành vi xâm phạm TSTT của doanh nghiệp của đối thủ cạnh tranh.; phối hợp với luật sư cũng như các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các xâm phạm TSTT; theo dõi việc nộp đơn của đối thủ cạnh tranh để kịp thời đưa ra ý kiến phản đối nếu có khả năng ảnh hưởng đến tính độc quyền của TSTT của doanh nghiệp…

4.3.2.6. Quan tâm đến đăng ký, xác lập quyền SHTT ở trong nước và thị trường tiềm năng ở nước ngoài

Như chúng tôi đã phân tích thực trạng ở chương 3 của đề tài, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tự bảo vệ TSTT của mình bằng việc chủ động tiến hành hoạt động đăng ký xác lập quyền mà chỉ đến khi TSTT của doanh nghiệp bị chủ thể khác vi phạm hoặc khi xảy ra tranh chấp liên quan quyền SHTT thì doanh nghiệp mới tính đến chuyện đi đăng ký bảo hộ. Nếu doanh nghiệp đưa ra thị trường những sản phẩm hàm chứa đối tượng SHTT nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký, xác lập quyền thì có thể dẫn đến những hệ lụy như: mất khả năng bảo hộ TSTT đó (đối tượng như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mất tính mới do đã bị bộc lộ); có khả năng bị chủ thể khác chiếm đoạt thành quả đầu tư, đồng thời chiếm lĩnh thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đó; không có cơ sở pháp lý để bảo vệ khi có xâm phạm quyền…

Để việc đăng ký thành công, hạn chế tối đa đơn đăng ký bị từ chối bảo hộ, tùy thuộc vào tính chất của đối tượng SHTT, trước khi tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền, doanh nghiệp cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Cân nhắc cẩn thận khả năng bảo hộ của đối tượng.

Ví dụ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích hay kiểu dáng công nghiệp, cần xem xét liệu đối tượng đó có bị mất “tính mới” do đã bị bộc lộ trước thời điểm nộp đơn hay chưa. Đối với nhãn hiệu, cần xem xét khả năng sử dụng cả dưới góc độ pháp lý và marketing. Dưới góc độ pháp lý, nhãn hiệu phải có khả năng được bảo hộ ở cả Việt Nam và các thị trường tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mới khởi nghiệp thường sử dụng những nhãn hiệu là các từ thông dụng, tên của cá nhân, người thân hoặc tên, biểu tượng của một địa danh... Cách xây dựng nhãn hiệu như vậy có thể sẽ gây ra một số bất lợi khi muốn đăng ký ở nước ngoài hoặc bất lợi khi sử dụng cho sản phẩm của doanh nghiệp như: khó phát âm, nhãn hiệu có những nghĩa không mong muốn (nghĩa xấu) trong ngôn ngữ khác, khách hàng khó có khả năng ghi nhớ, không đăng ký được do trùng với tên, hình ảnh của địa danh… Vì vậy mà doanh nghiệp cần tính toán cẩn thận để có sự lựa chọn tối ưu cho nhãn hiệu sao cho nhãn hiệu không chỉ phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ (không có tính mô tả; không gây nhầm lẫn; không phải là tên gọi chung…) mà còn cần phải phải dễ nhớ, dễ viết, dễ phát âm trong nhiều ngôn ngữ, không có những ý nghĩa bất lợi ngoài ý muốn ở các ngôn ngữ khác, không chỉ có khả năng đăng ký nhãn hiệu mà có thể đăng ký làm tên miền… Ngoài ra, dưới góc độ marketing, nhãn hiệu phải có khả năng thâm nhập cả thị trường trong và ngoài nước, có khả năng tạo ấn tượng và khả năng lưu lại trong tâm trí của người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng…

Thứ hai: Cần cân nhắc chiến lược sử dụng TSTT để có quyết định đúng đắn.

Trước khi đăng ký, doanh nghiệp cần lưu ý các câu hỏi sau:

- Mục đích đăng ký để làm gì? Thực tế cho thấy bên cạnh mục đích chính là đăng ký để xác lập quyền, nhiều chủ thể đăng ký với mục đích gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh (vì từ lúc nộp đơn cho đến lúc ngã ngũ có được cấp bằng hay không thường mất vài năm và trong thời gian đó sẽ không ai dám sử dụng. Vì vậy đăng ký để ngăn chặn người khác sử dụng cũng là một mục đích). Ngoài ra việc đăng ký có thể vì những mục đích khác như: để quảng cáo, để nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.

- Thị trường mục tiêu mà sản phẩm sẽ được phân phối, dịch vụ được tiến hành?

- Địa điểm sản xuất?

- Hàng hóa hoặc dịch vụ có dễ bị sao chép hay làm nhái không?

- Chi phí cho việc đăng ký? Quá trình đăng ký kéo dài bao lâu? Chi phí cho việc thực thi nếu quyền SHTT bị xâm phạm.

Trả lời những câu hỏi đó sẽ giúp doanh nghiệp có quyết định đúng đắn khi đăng ký xác lập quyền SHTT.

Thứ ba: Doanh nghiệp cần tiến hành tra cứu thông tin SHTT.

Việc tra cứu có thể do bộ phận chuyên trách SHTT của doanh nghiệp thực hiện hoặc thuê dịch vụ để kiểm tra thông tin đối tượng SHTT dự định đăng ký đã được đăng ký hay sử dụng ở thị trường trong nước và nước ngoài chưa.

Đây là một yêu cầu rất quan trọng để: tránh lãng phí thời gian và tiền bạc cho những đối tượng không có khả năng đăng ký; tránh rủi ro về mặt pháp lý khi sử dụng đối tượng SHCN dẫn đến xâm phạm quyền SHCN của chủ thể khác. Việc tra cứu thông tin về đối tượng SHCN có thể chỉ trong phạm vi lãnh thổ VN nếu liên quan đến thị trường trong nước hoặc tra cứu thông tin SHCN tại thị trường nước ngoài khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường đó.

Thứ tư: Doanh nghiệp cần tự tìm hiểu hoặc thông qua dịch vụ hỗ trợ, tư vấn của Luật sư, Đại diện SHTT để nắm bắt được trình tự, thủ tục và các yêu cầu cho việc đăng ký, tránh tình trạng đơn đăng ký bị từ chối do không đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và hình thức.

Thứ năm: Nên lưu ý tiến hành đăng ký tên miền đồng bộ với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay tên thương mại.

Nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên miền là những yếu tố có mối quan hệ rất mật thiết, thường là những chỉ dẫn thương mại giúp người tiêu dùng có thể nhận biết về doanh nghiệp cũng như sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Trong thời đại hiện nay, sử dụng tên miền để giới thiệu, quảng bá, cung cấp sản phẩm, dịch vụ… là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp. Nhãn hiệu hay tên miền đều theo nguyên tắc “first to file”, ưu tiên cho người đăng ký trước. Do đó, để tránh tình trạng nhãn hiệu, tên thương mại hay chỉ dẫn địa lý bị chủ thể khác đăng ký làm tên miền, gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nên nhanh chóng đăng ký tên miền thống nhất với nhãn hiệu chính, tên thương mại của mình.

Thứ sáu: Cân nhắc tiến hành việc bảo hộ TSTT ở cả phạm vi quốc gia và quốc tế.

Xuất phát từ đặc tính vô hình của TSTT và khía cạnh thương mại của quyền SHTT, TSTT và quyền SHTT dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia và quyền SHTT là một thành tố gắn bó mật thiết với hoạt động thương mại quốc tế - hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia, lãnh thổ.

Do quyền SHTT mang tính lãnh thổ nên khi doanh nghiệp đăng ký TSTT của mình ở đâu thì chỉ nhận được sự bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Việc đăng ký bảo hộ tại nước ngoài sẽ tạo cơ sở thuận lợi và chắc chắn cho việc triển khai và mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả hoạt động xuất khẩu nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp nên đăng ký xác lập sản phẩm ra thị trường quyền SHTT ở nước ngoài nơi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT.

Thứ bảy: Các doanh nghiệp Việt Nam nên vận dụng ưu thế của quyền ưu tiên khi đăng ký quốc tế

Các đối tượng SHCN chủ yếu như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp khi đăng ký ra nước ngoài, đặc biệt là theo hệ thống các Điều ước quốc tế đều được hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn nộp trước tại quốc gia xuất xứ. Tuy nhiên quyền ưu tiên chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định. Vì vậy mà doanh nghiệp cần phải tận dụng thời gian ưu tiên này để tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ tại các thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp có dự định hay đang phát triển. Đặc biệt đối với việc đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích hay kiểu dáng công nghiệp, việc vận dụng quyền ưu tiên tránh được tình trạng đối tượng bị mất đi tính mới và tránh được tình trạng có thể bị đối thủ đăng ký mất. Việc không nộp đơn trong thời hạn ưu tiên có thể khiến doanh nghiệp mất đi khả năng bảo hộ tại nước đó, thậm chí là một loạt các quốc gia khác. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường tự đặt mình vào trường hợp nộp đơn đăng ký bảo hộ SHTT ở nước ngoài quá muộn nên không thể vận dụng được ưu thế của quyền ưu tiên.

Thứ tám: Doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng hệ thống đăng ký quốc tế hoặc khu vực

Hệ thống đăng ký quốc tế có nhiều tiện lợi như: có thể đăng ký cùng một lúc đối tượng tại nhiều quốc gia mà chi phí không quá cao; thủ tục đơn giản vì chỉ cần nộp một đơn duy nhất với một ngôn ngữ thống nhất; không phụ thuộc nhiều vào quy định của mỗi quốc gia. Còn nếu doanh nghiệp lựa chọn đăng ký tại từng quốc gia riêng lẻ có thể vướng phải nhiều thủ tục phức tạp vì mỗi quốc gia có trình tự, thủ tục riêng; đơn theo ngôn ngữ riêng, mất nhiều thời gian cho nhiều lần nộp đơn và vì vậy có thể còn tốn kém hơn đăng ký quốc tế.

4.3.2.7. Sử dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ tài sản trí tuệ

Để chủ động ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp công nghệ như:

- Đưa thông tin về quyền SHTT lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình. như: văn bằng bảo hộ, thời hạn bảo hộ, chủ thể quyền hoặc các dấu hiệu chỉ dẫn về quyền SHTT… Việc đưa thông tin về quyền SHTT đang được bảo hộ vừa khẳng định độc quyền được bảo hộ, đồng thời khuyến cáo chủ thể khác không được xâm phạm.

- Sử dụng các phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật để đánh dấu, phân biệt sản phẩm được bảo hộ như: dán tem, nhãn chống hàng giả, hoặc sử dụng các biện pháp công nghệ nhằm bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học trong môi trường kỹ thuật số như các biện pháp kiểm soát tiếp cận nội dung (measures that control access to content) và các biện pháp kiểm soát sao chép nội dung (measures that control the copying of content).[129]

4.3.2.8. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong thực thi quyền SHTT

Doanh nghiệp cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc: cung cấp thông tin về bảo hộ TSTT đối với các loại hàng hóa, dịch vụ; thị trường lưu hành các hàng hóa đó; các dấu hiệu phân biệt hàng hóa do mình sản xuất và hàng hóa xâm phạm; mẫu hàng thật, hàng giả; điều tra, phát hiện các hành vi xâm phạm…

Bảo vệ TSTT trước hết là bảo vệ lợi ích cho chính doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý như phương tiện, thông tin.

4.3.2.9. Khai thác thông tin SHTT hiệu quả

Như chúng ta đã biết, việc độc quyền các đối tượng SHTT chỉ mang tính lãnh thổ trong khi thông tin SHTT đối với các đối tượng đã được bảo hộ này lại được công bố công khai trên phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp ở nhiều nước đã biết sử dụng thông tin SHTT nhằm đạt được lợi thế kinh doanh ở tầm chiến lược. Sử dụng hiệu quả thông tin SHTT không chỉ giúp doanh nghiệp tránh lãng phí khi đầu tư nghiên cứu trùng lặp, mà nó còn có tác dụng định hướng đúng đắn, làm nảy sinh các ý tưởng trong nghiên cứu và phát triển. Khai thác thông tin kỹ thuật, công nghệ còn giúp doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ với giá rẻ, hoặc thậm chí không mất tiền, đồng thời thông qua hoạt động này doanh nghiệp còn theo dõi được xu hướng phát triển công nghệ, tình hình nghiên cứu phát triển của các đối thủ cạnh tranh hiện tại và những doanh nghiệp khác có khả năng biến thành đối thủ cạnh tranh trong lương lai…Cuối cùng, sử dụng thông tin SHTT còn giúp doanh nghiệp tự mình tránh được hành vi xâm phạm quyền của người khác.

4.3.3. Các giải pháp từ phía các chủ thể khác

  • Đối với người tiêu dùng

Việc bảo vệ TSTT không thể thiếu vai trò của cộng đồng người tiêu dùng. Với tư cách là người bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT, hành vi cạnh trang không lành mạnh của các chủ thể kinh doanh, người tiêu dùng có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự để xử lý hành vi xâm phạm, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người tiêu dùng.

Để nâng cao nhận thức cho công chúng về bảo vệ TSTT, có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các phương thức tuyên truyền, cổ động khác để cung cấp cho người tiêu dùng những hiểu biết cần thiết về SHTT; cách thức phân biệt hàng thật, hàng giả; kỹ năng phát hiện và tố cáo vi phạm SHTT.

Để tạo thuận lợi cho công chúng tham gia vào hoạt động bảo vệ và xử lý xâm phạm quyền SHTT, cần thiết lập các đường dây nóng, hộp thư tố giác để người tiêu dùng có thể cung cấp các thông tin về hàng nhái, hàng giả, hành vi xâm phạm quyền SHTT. Thực tế cho thấy những tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo rất e ngại khi bị công luận, người tiêu dùng lên án. Đồng thời, cũng cần có cơ chế khen thưởng, đãi ngộ đối với người cung cấp thông tin, đóng góp cho hoạt động bảo vệ quyền SHTT.

  • Đối với các tổ chức luật sư, đại diện SHTT

Hiện nay, các tổ chức hành nghề luật sư, Đại diện SHTT đã và đang có vai trò tích cực trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển TSTT, tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT, thương mại hóa TSTT, xử lý tranh chấp và xâm phạm quyền SHTT. Do lĩnh vực SHTT là một lĩnh vực mới, đòi hỏi chuyên môn sâu nên cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của các tổ chức này, đồng thời cũng cần tăng cường việc tổ chức thi và cấp thẻ Đại diện SHTT để cung cấp lực lượng hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT.

  • Đối với các tổ chức giám định SHTT

Hoạt động giám định có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về quyền SHTT. Trong khi nhu cầu về giám định SHTT ngày càng tăng cao thì hiện nay ở nước ta mới chỉ có một tổ chức duy nhất được công nhận đủ điều kiện giám định SHTT là Viện Khoa học SHTT và mới chỉ có 04 người được cấp thẻ Giám định viên. Vì vậy trong tương lai gần, cần tổ chức các khóa đào tào và tổ chức thi để cấp thẻ Giám định viên SHTT nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về vấn đề này.

  • Đối với các tổ chức quản lý tập thể

Cần trợ giúp các hiệp hội ngành nghề thành lập bộ phận hoặc đầu mối liên lạc về chống hàng giả, chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để tư vấn cho các thành viên về chiến lược, kỹ năng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bản thân các tổ chức này phải tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ; các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan cần thực hiện việc thu và phân phối tiền bản quyền công khai, minh bạch để xứng đáng với sự tin tưởng và ủy thác của thành viên. Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này trong các hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền, đồng thời cũng giám sát hoạt động của tổ chức trong việc chấp hành pháp luật.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, TSTT trở thành một công cụ hết sức quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển của mỗi doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng thúc đẩy các hoạt động mấu chốt của doanh nghiệp như: đầu tư, chuyển giao công nghệ, cạnh tranh..., từ đó, giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh canh tranh quốc tế khốc liệt, diễn biến phức tạp của các hoạt động kinh tế trong hội nhập kinh tế.

TSTT có những tính chất khác biệt so với tài sản hữu hình, vì vậy mà việc sở hữu, khai thác, bảo vệ tài sản này có đặc thù riêng. Bảo vệ TSTT bao gồm những biện pháp có thể được áp dụng trước và kể từ khi quyền SHTT được xác lập; bao gồm cả những biện pháp mang tính phòng ngừa, ngăn chặn như: thiết lập độc quyền đối với TSTT, đăng ký xác lập quyền SHTT, xây dựng và ban hàng các quy định để quản lý TSTT, áp dụng các biện pháp bảo mật với nhân viên, đối tác và các bên liên quan, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn sửa chữa, sao chép tác phẩm, giả mạo nhãn hiệu… và những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm như biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Việc bảo vệ có thể tiến hành ngay từ khi tạo ra TSTT thông qua thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT; trong quá trình khai thác thương mại TSTT/quyền SHTT; khi có hành vi xâm phạm TSTT/ quyền SHTT và sau khi xử lý hành vi xâm phạm TSTT/quyền SHTT.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra để có thể bảo hộ thành công TSTT, yếu tố quan trọng hàng đầu là có một hệ thống chính sách và pháp luật hiệu quả để tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc xác lập, khai thác và bảo vệ TSTT, đồng thời, tạo ra cơ chế bảo hộ hiệu quả quyền SHTT dựa trên sự cân bằng về lợi ích của các chủ thể trong xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ quan xác lập quyền và cơ quan thực thi quyền SHTT mạnh cũng là yếu tố quan trọng tạo động lực cho hoạt động xác lập, bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm hiện nay, hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam về bảo vệ TSTT đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và bảo đảm tính tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên có thể nhận thấy hệ thống này vẫn bộc lộ những tồn tại: (i) Các quy định liên quan đến bảo vệ TSTT nằm phân tán ở rất nhiều văn bản khác nhau, do đó thiếu tính hệ thống và đồng bộ. (ii)Do tình trạng “cát cứ” trong xây dựng, ban hành và thi hành các văn bản pháp luật do các ngành khác nhau thực hiện nên dẫn tới tình trạng vẫn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. (iii) Mặc dù khá đầy đủ về khung pháp lý nhưng nhiều vấn đề quy định trong luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc các quy định cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như tâm lý hoài nghi, mất niềm tin của các chủ thể đối với các quyết định của các cơ quan này; (iv)Vẫn còn tồn tại những quy định bất cập, chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong việc bảo vệ TSTT.

Mặc dù trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về TSTT đã ngày càng được nâng lên, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký, xác lập quyền dẫn đến những hệ lụy như: mất khả năng bảo hộ TSTT; bị chủ thể khác chiếm đoạt thành quả đầu tư; mất quyền đối với TSTT ở nước ngoài; không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm. Số lượng đơn đăng ký bị từ chối vì đối tượng đăng ký không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ khá cao do người nộp đơn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết cơ bản trong đăng ký, xác lập quyền đối với SHTT; thường không tiến hành tra cứu thông tin SHCN trước khi đăng ký; Tình trạng đơn đăng ký không được giải quyết dứt điểm, đúng thời hạn của cơ quan đăng ký xảy ra phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các doanh nghiệp. Tình trạng tranh chấp, xung đột quyền SHTT giữa những đối tượng có sự giao thoa diễn ra phổ biến khiến cho nhiều Văn bằng bảo hộ đã được cấp, sau đó lại bị hủy bỏ do xung đột với quyền SHTT đã được bảo hộ trước.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu là làm thủ tục xác lập quyền đối với TSTT, rất ít doanh nghiệp có sự quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực cho hoạt động tạo lập, quản lý, phát triển TSTT. Hoạt động khai thác thương mại TSTT còn rất hạn chế do các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm về hoạt động này, cũng như chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để hoạt động này phát triển.

Vẫn còn một bộ phận lớn doanh nghiệp chưa tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền SHTT.

Các cơ quan thực thi quyền SHTT do sự hạn chế về năng lực, lực lượng, sự vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục cùng với sự thiếu thốn các điều kiện cần thiết dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

Trong các biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay, biện pháp hành chính thường được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn do tính chất nhanh chóng về thời gian, thủ tục đơn giản và có hiệu lực xử lý ngay. Trong khi đó, do vướng mắc trong quy định của pháp luật, số vụ xâm phạm quyền SHTT bị khởi tố hình sự rất hạn chế. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật SHTT và pháp luật liên quan là một yêu cầu cần thiết để tạo môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho các hoạt động xác lập, phát triển, thương mại hóa cũng như bảo vệ TSTT chống lại các hành vi xâm phạm. Các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ TSTT cần phải đáp ứng các tiêu chí: (i) đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật SHTT; giữa pháp luật SHTT với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan; (ii) đảm bảo tính đầy đủ, rõ ràng và phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như các lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập; (iii) đảm bảo tính phù hợp và tương thích với các quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (iv) nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; (v) đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu TSTT cũng như lợi ích chung của xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ TSTT của các doanh nghiệp Việt Nam, cần phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đối với Nhà nước, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi SHTT, đồng thời có những chính sách và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc bảo vệ TSTT của mình. Về phía doanh nghiệp, để TSTT thực sự trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần tự nâng cao nhận thức, ý thức đối về TSTT; xây dựng chiến lược SHTT phù hợp với chiến lược sản xuất, kinh doanh và dành sự quan tâm thích đáng đến việc quản lý và bảo vệ TSTT. Các biện pháp bảo vệ TSTT của doanh nghiệp cần được áp dụng trong suốt quá trình tồn tại của TSTT; được áp dụng đối với tất cả các bên liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường vai trò hỗ trợ tích cực của người tiêu dùng, các tổ chức luật sư, đại diện SHTT, các tổ chức giám định, các tổ chức quản lý tập thể đối trong hoat động bảo vệ TSTT của doanh nghiệp.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỀ TÀI

A. TÀI LIỆU TRONG NƯỚC

I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT

  1. Bộ luật dân sự 2005
  2. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011.
  3. Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
  4. Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009
  5. Luật Hải quan năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2005.
  6. Luật Cạnh tranh 2004
  7. Luật Thương mại 2005
  8. Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29/11/2006
  9. Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết một số điều của luật cạnh tranh
  10. Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh
  11. Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan, được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/09/2011 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2006/NĐ-CP
  12. Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010
  13. Nghị định 104/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về quyền đối với giống cây trồng;
  14. Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010
  15. Nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13/05/2009 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
  16. Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN
  17. Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011
  18. Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/2/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT
  19. Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL- BKH&CN-BTP ngày 03 tháng 4 năm 2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại Toà án nhân dân
  20. Thông tư số 44/2011/TT-BTC ngày 01/04/2011hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan
  21. Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.
  22. Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 17/2009/TT-BKHCN ngày 18/6/2009 và Thông tư số 01/2007/TT- BKHCN ngày 14/2/2007.

II. BÀI VIẾT, SÁCH, TẠP CHÍ, TÀI LIỆU HỘI THẢO

  1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2007), Báo cáo Chương trình hành động về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội.
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2009), Báo cáo sơ kết Chương trình hành động về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006 - 2010.
  3. Nguyễn Văn Bảy, Đưa sở hữu trí tuệ vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, Tài liệu Hội thảo
  4. Cục Sở hữu trí tuệ , Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ (các năm từ 2005 - 2011), Hà Nội.
  5. Cục Sở hữu trí tuệ, Tài liệu Hội thảo Quyền sở hữu trí tuệ với việc hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, 2010
  6. Cục Sở hữu trí tuệ, Báo cáo tổng quan về hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam năm 2008
  7. Cục Sở hữu trí tuệ, Báo cáo tổng quan về hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam năm 2009
  8. Chánh Thanh tra Bộ KH&CN (2009), Quyết định số 50/QĐ-Ttra ngày 03/8/2009 xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp
  9. Nguyễn Hữu Cẩn, Giám định Sở hữu trí tuệ - một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, Tài liệu Hội thảo Thương mại hóa tài sản trí tuệ, Trường Đại học Luật 5.2012
  10.  Hoàng Anh Công, Pháp luật hải quan với việc thực thi bảo hộ quyền SHTT, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 89/2006,
  11.  Đào Minh Đức, Mô thức tổ chức hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh
  12.  Lê Hồng Hạnh, Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, 2005
  13.  Shhid Alikhan, Lợi ích kinh tế - xã hội của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển, 2007
  14.  Kamil Idris, Sở hữu trí tuệ một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)
  15.  Trần Lê Hồng, Một số vấn đề về tài sản trí tuệ nhìn từ góc độ khoa học pháp lý và vấn đề hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Tài liệu Hội thảo Thương mại hóa tài sản trí tuệ, Trường Đại học Luật 5.2012
  16.  Trần Văn Hải, Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4/2012
  17.  Trần Văn Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2008), Thực thi quyền SHTT theo quy định của WTO đăng trên Tạp chí Thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 31 - 7/2008
  18.  Lê Xuân Lộc, Giải quyết tranh chấp tên miền .Vn bằng biện pháp hành chính - Tín hiệu mới từ Thông tư 37/2011/TT-BKHCN, Tài liệu Hội thảo Thương mại hóa tài sản trí tuệ, Trường Đại học Luật 5.2012
  19.  Hoàng Lan Phương, Hoàn thiện các quy định của pháp luật để quản lý việc định giá tài sản trí tuệ ở Việt Nam, đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn
  20.  Trần Ngọc Sơn, Bài giảng về quản trị tài sản trí tuệ
  21.  Lê Xuân Thảo, Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, Nxb Tư pháp, 2005
  22.  Nguyễn Thanh Tâm, Quyền sở hữu công nghiệp trong hoạt động thương mại, Sách chuyên khảo, Nxb Tư pháp, 2006
  23.  Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cẩm nang sở hữu trí tuệ: chính sách, pháp luật và áp dụng, 2005
  24.  Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH, TT&DL (2010), Những quy định của pháp luật điều chỉnh những hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan trên Internet
  25.  Uỷ ban nhân dân tỉnh Đông Nai (2008), Quyết định số 3813/Qđ-UBND ngày 17/11/2008 xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp
  26.  Phạm Hồng Quất, Định giá nhãn hiệu phục vụ cho chuyển nhượng, li xăng nhãn hiệu tại Việt Nam, Tài liệu Hội thảo Thương mại hóa tài sản trí tuệ, Trường Đại học Luật 5.2012
  27.  Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (2010), Báo cáo Tổng kết công tác thanh tra năm 2009 của các Sở Khoa học và Công nghệ
  28.  Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2010), Báo cáo số 85/TTra ngày 29/7/2010 về việc một năm thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
  29.  Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPS: Kinh nghiệm cho Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
  30.  Nguyễn Thanh Tú, Một số vấn đề pháp lý về khai thác thương mại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4/2012
  31.  Đoàn Văn Trường, Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình, NXB Khoa học kỹ thuật, năm 2005
  32.  Hà Thị Nguyệt Thu, Bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu theo Luật SHTT 2005, Luận văn thạc sĩ luật học, 2009
  33.  Vũ Thị Hải Yến, Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa trong BLDS, tạp chí Luật học 3/2003
  34.  Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tài liệu Hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật SHTT, 9/2011

III. INTERNET

  1. Trần Minh Dũng, Bảo vệ quyền sở hứu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, http://thanhtra.most.gov.vn/vi/cac-bai-nghien-cuu-shtt/bao-ve-quyen-so-huu-tri- tue-bang-bien-phap-hanh-chinh>.
  2. Dũng Hà (2008), Đề xuất mô hình Toà SHTT cho Việt Nam, http://www.dddn.com.vn, ngày 4/6/2008.
  3. Tú Oanh, Báo an ninh thủ đô (2010), Vướng mắc trong công tác giám định SHTT, http:///www.anninhthudo.vn đăng ngày 28/3/2010.
  4. Vũ Mạnh Chu (2008), Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Toàn cảnh bản quyền tác giả năm 2008, http://www.cinet.vn, ngày 31/8/2010

B. TÀI LIỆU NƯỚC NGOÀI

I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT

  1. Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, năm 1883
  2. Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, năm 1886
  3. Hiệp ước về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), năm 1994
  4. Hiệp ước Hợp tác bằng sáng chế
  5. Thoả ước Madrid và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu, năm 1891

II. BÀI VIẾT, SÁCH, TẠP CHÍ, TÀI LIỆU HỘI THẢO

  1. Abbott, Frederick M., Cottier, Thomas and Gurry, Francis, International Intellectual Property in An Integrated World Economy, Wolters Kluwer, 2007
  2. Aplin, Tanya, and Davis, Jennifer, Intellectual Property Law: Text, Cases, and Materials, Oxford University Press, 2009
  3. Wolfgang von Meibom and Boris Kreye, Patent litigation in Europe: focus on Germany, MIP magazine, September 2004 issue
  4. Paul Tauchner - Vossius & Partner, Specialist IP Courts in Germany, http://www.vossiusandpartner.de
  5. Paul Tauchner, The Principles of the Doctrine of Equivalence in Germany, http://www.vossiusandpartner.de, September 2000
  6. OECD, Valuation and Exploitation of intellectual Property, DSTI/D0C (2006)5, 30-Jun-2006,
  7. William C. Thomson, Bootleg Billions: The Impact of the Counterfeit Goods Trade on New York City, 11/2004
  8. Akarawit Sumawong, Infringement Cases relating to Industrial Property Rights under the Central Intellectual Property and International Trade Court in Thailand, Chief Justice, the Central Intellectual Property and International Trade Court, Bangkok Thailand
  9. Thailand’s IPR Enforcement Measures And Activities, 004/IPEG/024, XIX IPEG Meeting, Phuket, Thailand, 30 August - 1 September 2004
  10. Status and Perspectives 2008, Danish Patent and Trademark Office (DKPTO)
  11. Toshiko Takenaka, Success or Failure? Japan's National Strategy on Intellectual Property and Evaluation of Its Impact from the Comparative Law Perspective, Washington University Global Studies Law Review, Volume 8, Issue 2 Law in Japan: A Celebration of the Works of John Owen Haley1,710 IPR Violations Handled Since 2000. Xinhua News Agency, China Daily December 22, 2004
  12. Dai Yan & Lin Hu, Bilateral meeting sign of progress on IPR protection, China Daily, Updated: 2005-01-14 00:00
  13. China Strengthens IPR Protection, CRIENGLISH.com, 2005-3-31 20:43:47
  14. Copyright in China, Wang & Wang Law Office, 2004
  15. Court affirms 29 well-known trademarks, People's Daily Online, Updated: 2005¬04-30 14:29
  16. Intellectual property and development, Carsten Fink & Keith E. Maskus, Ngân hàng thế giới và NXB Đại học Oxford hợp tác xuất bản;
  17. Evaluation and exploitation of intellectual property, Shigeki Kamiyama, Jerry Sheehan, Catalina Martinez, Ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD);
  18. Best practices in providing IP services to beneficiaries of business and technology incubators, GURIQBAL SINGH JAIYA & JAEKAP YOON, SMEs Division- NXB WIPO;
  19. Intellectual property support for SMEs (Needs Assessment Questionnaire - A Brief Presentation of the Findings and Recommendations), SMEs Division - NXB WIPO;
  20. The use of intellectual property as a tool for economic growth in the association of south east asian nations (ASEAN) region, NXB WIPO;
  21. Intellectual property - A power tool for economic growth, Kamil Idris, NXB WIPO;
  22. IP asset development and management: a key strategy for economic growth, NXB WIPO;
  23. Intellectual property in ASEAN countries - studies on infrastructure and economic impact, NXB WIPO;
  24. Free International Web-Based Patent Sites, Garry McKiernan, Science & Technology Libraries, Vol.22, No.1/2.2001;
  25. Intellectual property information. A case study of Questel-Orbit, Mechtild Stock and Wolfgang G.Stock (2005), Information Service & Use 25, IOS Press;
  26. WIPO and SMEs (Tài liệu cuộc họp cấp cao của các Lãnh đạo Cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực Mỹ La tinh tại Quito, 5-6/11/2010);
  27. National Studies on Assessing the Economic Contribution of the Copyright- Based Industries - Creative Industries, Series No. 3, NXB WIPO;
  28. The Use of Intellectual Property as a Tool for Economic Growth in the Association of South East Asian Nations (ASEAN) Region, NXB WIPO;
  29. Teaching of Intellectual Property - Principles and Methods, Yo Takagi, Larry Allman & Mpazi A. Sinjela, NXB WIPO;
  30. Secrets of Intellectual Property: A Guide for Small and Medium-sized Exporters, NXB WIPO;
  31. Conducting effective IPR public education and awareness campaigns for SMEs the experience of Korea (Tài liệu tại Hội thảo “Conducting effective IPR public education and awareness campaigns for SMEs” Melboune, Australia tháng 4/2009);
  32. Korean National Experience on building IP awareness and capacity of SMEs, Jae-Hong Paek - KIPO (tài liệu hội thảo tháng 7/2008);
  33. Intellectual Property Strategy for SMEs - KIPO’s Supporting Programs for SMEs, Jong-Hyub CHOI, Chánh án Tòa Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (tài liệu Hội thảo “WIPO Asia Regional Workshop on IP for Managers and Staffs of SMEs and SME Support Institutions”);
  34. Assistance to SMEs and Foreigners by JPO and other Agencies, Junichi Matsuo - Giám đốc Phòng Sở hữu trí tuệ, JETRO Bangkok (tài liệu Hội thảo tháng 8/2005)
  35. Intellectual Property Policies for the Twenty - First Century: The Japanese Experience in Wealth Creation, Hisamitsu Arai, NXB WIPO;
  36. WIPO, Workshop on the implementation issues of the WIPO Copyright Treaty

III. TÀI LIỆU INTERNET

  1. Russell Parr, Pricing Intangible Assets: Methods of Valuation of Intellectual Property, www.wipo.int
  2. WIPO, Intellectual Property for Business, ,
  3. China Courts are working actively and IPR cases are increasing recently, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news20.htm
  4. Intellectual Property Courts in China - The organization, functions and powers of the People's courts, http://www.chinaiprlaw.com/english/courts/court1.htm
  5. Presiding Court Judge on Protection of Internet Intellectual Property Rights, Beijing Time, Monday, March 03, 2003, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news29.htm
  6. IP Enforcement in China, Wang & Wang Law Office, 2004
  7. Cui Ning and Qin Jize, IPR strategy to define government's role, China Daily, Updated: 2004-06-14, 11:08, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news37.htm
  8. IPR violators could be jailed up to 7 years, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news36.htm
  9. IPR Violators Now Major Criminals, China Daily December 22, 2004, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news39.htm
  10. Zhongguo Zhishichanquan sitabaohu, judicial protection of inteleectual property rights in China http: //www .chinaiprlaw.com/english/news/news23.htm
  11. JIANG ZHIPEI, Judicial Remedy and Provisional Measures For IP Rights Protection in Civil Procedures in China, http://www.chinaiprlaw.com/english/forum/forum27.htt
  12. Chris X. Lin, Recent Developments Of Patent Enforcement In China - - A Comprehensive Legal Framework At Work, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news31.htm
  13. Ten years of enforcement in China, http://www.chinaiprlaw.com/english/news/news26.htm
  14. A Brief Introduction to Intellectual Property Right Tribunal of Sichuan Higher People's Court, http://www.chinaiprlaw.com/english/courts/sichuan.htm
  15. A Brief Introduction to the Intellectual Property Trial Chamber of Fujian higher People's Court, http://www.chinaiprlaw.com/english/courts/fujian.htm
  16. A Brief Introduction to the Intellectual Property Trial Chamber of Tianjin Higher People's Court Tianjin intermediate People's Court, http://www.chinaiprlaw.com/english/courts/tianjin.htm

 

 

PHỤ LỤC

PHIẾU KHẢO SÁT

(Dành cho doanh nghiệp Việt Nam)

 

Kính thưa Quý Ông/Bà!

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, các tài sản trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam đã dành sự quan tâm đứng mức và nguồn lực cần thiết cho việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình hay chưa? Hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan nhà nước đã đáp ứng được yêu cầu trong thực tiễn bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp và của các chủ thể khác chưa?

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện đề tài khoa học “Bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và giải pháp” với mục tiêu nghiên cứu và đánh giá thực trạng bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam qua các hoạt động: đăng ký, xác lập quyền; khai thác thương mại tài sản trí tuệ; bảo vệ tài sản trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh, từ đó tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu kể trên, chúng tôi kính đề nghị Quý Ông/ Bà trả lời giúp các câu hỏi dưới đây. Với mỗi câu hỏi có sẵn phương án trả lời, xin Ông/Bà vui lòng đánh dấu “x” vào ô □ của phương án thích hợp. Với câu hỏi không có sẵn phương án trả lời, xin Ông/Bà vui lòng ghi rõ ý kiến trả lời vào dòng để trống.

Chúng tôi mong nhận được những ý kiến chân thành của Quý Ông/Bà.

Xin trân trọng cảm ơn!

Câu 1: Xin Ông /Bà tự đánh giá hiểu biết của mình về quyền sở hữu trí tuệ? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Biết rõ      2. □ Biết một chút  3. □ Hoàn toàn không biết

Câu 2. Ông/Bà có được những kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ qua những kênh thông tin nào? (có thể chọn nhiều phương án)

1. □ Tự nghiên cứu, tìm hiểu

2. □ Được học trong chương trình đào tạo

3. □ Được tham gia tập huấn, hội thảo

4. □ Qua các phương tiện thông tin đại chúng

5. □ Các kênh thông tin khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 3. Doanh nghiệp của ông bà có đối tượng trí tuệ nào (có thể đã hoặc chưa được bảo hộ) thuộc các loại tài sản trí tuệ được liệt kê sau đây? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

STT

Tài sản trí tuệ

Tình trạng

Đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ(1)

Đã đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ(2)

Chưa đăng ký(3)

Tôi không biết (4)

1

Quyền tác giả

 

 

 

 

2

Quyền liên quan

 

 

 

 

3

Sáng chế

 

 

 

 

4

Kiểu dáng công nghiệp

 

 

 

 

5

Bí mật kinh doanh

 

 

 

 

6

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

 

 

 

 

7

Nhãn hiệu

 

 

 

 

8

Tên thương mại

 

 

 

 

9

Chỉ dẫn địa lý

 

 

 

 

10

Quyền đối với giống cây trồng

 

 

 

 

Câu 4. Nếu doanh nghiệp của Ông/Bà đã từng đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xin Ông/Bà cho biết lý do đăng ký?(có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Để khẳng định quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ;

2. □ Để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm;

3. □ Để gây danh tiếng, uy tín;

3. □ Thấy doanh nghiệp khác đăng ký thì mình cũng đăng ký;

4. □ Lý do khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

………………………………………………………………………………….

Câu 5. Nếu doanh nghiệp của Ông/Bà chưa đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xin Ông/Bà cho biết lý do tại sao? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Chi phí đăng ký tốn kém;

2. □ Không biết trình tự, thủ tục đăng ký;

3. □ Thấy không cần thiết phải đăng ký;

4. □ Lý do khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 6. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

STT

Chọn phương án trả lời thích hợp

1

□ Nhanh chóng, đúng thời hạn

□ Chậm trễ, không đúng thời hạn

2

□ Thuận lợi

□ Không thuận lợi

3

□ Đơn giản

□ Phức tạp

Câu 7. Xin Ông/Bà cho biết, doanh nghiệp của Ông/Bà có tiến hành hoạt động nào sau đây liên quan đến việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Chuyển nhượng (mua bán) tài sản trí tuệ;

2. □ Chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ (hợp đồng license);

3. □ Góp vốn bằng tài sản trí tuệ;

4. □ Cầm cố, thế chấp tài sản trí tuệ,

5. □ Các hình thức khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

………………………………………………………………………………….

Câu 8. Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ (như mua bán, chuyển quyền sử dụng, góp vốn...) của các doanh nghiệp của Việt Nam? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Không có nhu cầu         2. □ Có những rất ít         3. □ Có nhiều nhu cầu

Câu 9. Xin Ông/Bà cho biết doanh nghiệp của Ông (Bà) có từng bị chủ thể khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình không? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Chưa bao giờ      2. □ Có

Câu 10. Nếu ở câu 9 Ông/Bà trả lời là “có” thì xin vui lòng cho biết loại tài sản trí tuệ nào của doanh nghiệp của Ông (Bà) bị xâm phạm? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học

2. □ Quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng

3. □ Sáng chế

4. □ Kiểu dáng công nghiệp

5. □ Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

6. □ Bí mật kinh doanh;

7. □ Nhãn hiệu

8. □ Tên thương mại

9. □ Chỉ dẫn địa lý

10. □ Quyền đối với giống cây trồng

Câu 11. Ở câu 9, nếu Ông/Bà trả lời là “có” thì xin vui lòng cho biết doanh nghiệp của Ông/Bà đã tiến hành những biện pháp nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Tự yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm,

bồi thường thiệt hại.;

2. □ Tự thay đổi bao bì, mẫu mã để tránh bị xâm phạm;

3. □ Thông báo, khuyến cáo cho khách hàng trên các phương tiện thông tin

đại chúng để giúp họ phân biệt hàng thật, hàng giả;

4. □ Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm;

5. □ Khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm ra Tòa án;

6. □ Các biện pháp khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 12. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trong thực tế hiện nay, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam thường có phản ứng như thế nào? (sắp xếp theo mức độ: A: Tất cả các doanh nghiệp; B: Phần lớn doanh nghiệp; C: Rất ít doanh nghiệp)

STT

 

Mức độ

 

 

A

B

C

1

Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, có các biện pháp tự bảo vệ

 

 

 

2

Doanh nghiệp chủ động nhờ các cơ quan chức năng, thuê luật sư bảo vệ

 

 

 

3

Doanh nghiệp bị động, lúng túng trong việc tìm biện pháp giải quyết

 

 

 

4

Doanh nghiệp không tìm biện pháp giải quyết mà tự chịu thiệt hại

 

 

 

5

Ý kiến khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ) …………………………………………………………

 

 

 

Câu 13. Xin Ông /Bà vui lòng đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sau (A: Hiệu quả cao; B: Hiệu quả chưa cao; C: Không hiệu quả)

STT

Biện pháp

Mức đô

A

B

C

1

Tự bảo vệ

 

 

 

2

Biện pháp khởi kiện dân sự (tại Tòa án)

 

 

 

3

Biện pháp xử lý hành chính

 

 

 

4

Biện pháp xử lý hình sự

 

 

 

Câu 14. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp thường yêu cầu cơ quan nào trong các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây (sắp xếp theo mức độ được lựa chọn: A: Rất nhiều; B: Không nhiều; C: Ít được lựa chọn; D: Không được lựa chọn)

 

STT

 

Cơ quan thực thi

Mức độ được lựa chọn

A

B

C

D

1

Tòa án

 

 

 

 

2

Thanh tra (Khoa học và Công nghệ; Thông tin và truyền thông; văn hóa)

 

 

 

 

3

Công an

 

 

 

 

4

Quản lý thị trường

 

 

 

 

5

Hải quan

 

 

 

 

6

Ủy ban nhân dân các cấp

 

 

 

 

7

Cục quản lý cạnh tranh

 

 

 

 

 

Câu 15. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, năng lực của các cơ quan thực thi (Tòa án, Công an, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp, Cục quản lý cạnh tranh) trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

 

STT

 

NĂNG LỰC

MỨC Đ

Tốt

Trung bình

Yếu

1

Kiến thức cơ bản về pháp luật nói chung và kiến thức về sở hữu trí tuệ nói riêng

 

 

 

2

Kỹ năng thực hành xử lý vụ việc

 

 

 

3

Phương tiện kỹ thuật và công nghệ để tác nghiệp

 

 

 

Câu 16. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước các hành vi xâm phạm có thực sự quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam không? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Quan trọng nhất

2. □ Một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp phải quan tâm

3. □ Chưa phải vấn đề quan trọng so với những vấn đề khác cấp thiết hơn

4. □ Không quan trọng và không đáng quan tâm

Câu 17. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, hệ thống pháp luật của Việt Nam về Sở hữu trí tuệ như thế nào? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Rất hoàn chỉnh, đầy đủ, phù hợp với thực tế;

2. □ Tương đối đầy đủ nhưng còn một số bất cập, hạn chế so với thực tiễn;

3. □ Không đầy đủ và có nhiều bất cập, hạn chế so với thực tiễn;

4. □ Ý kiến khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

………………………………………………………………………………

Xin Ông/Bà vui lòng cho biết một số thông tin

(những thông tin này chỉ phục vụ thống kê khoa học)

- Họ và tên:

- Doanh nghiệp của Ông/Bà thuộc loại hình doanh nghiệp nào:

- Doanh nghiệp của Ông/Bà thuộc lĩnh vực kinh doanh nào:

- Chức vụ (bộ phận công tác) của Ông/Bà trong doanh nghiệp

Xin chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của Ông/Bà!

PHIẾU KHẢO SÁT

(Dành cho cán bộ của các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ)

 

Kính thưa Quý Ông/Bà!

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện đề tài khoa học “Bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và giải pháp” với mục tiêu nghiên cứu và đánh giá thực trạng bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam qua các hoạt động: đăng ký, xác lập quyền; khai thác thương mại tài sản trí tuệ; bảo vệ tài sản trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh, từ đó tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu kể trên, chúng tôi kính đề nghị Quý Ông/ Bà trả lời giúp các câu hỏi dưới đây. Với mỗi câu hỏi có sẵn phương án trả lời, xin Ông/Bà vui lòng đánh dấu “x” vào ô □ của phương án thích hợp. Với câu hỏi không có sẵn phương án trả lời, xin Ông/Bà vui lòng ghi rõ ý kiến trả lời vào dòng để trống.

Chúng tôi mong nhận được những ý kiến chân thành của Quý Ông/Bà.

Xin trân trọng cảm ơn!

Câu 1: Xin Ông /Bà tự đánh giá hiểu biết của mình về pháp luật sở hữu trí tuệ? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Biết rõ      2. □ Biết một chút 3. □ Hoàn toàn không biết

Câu 2. Ông/Bà có được những kiến thức về pháp luật sở hữu trí tuệ qua những kênh thông tin nào? (có thể chọn nhiều phương án)

1. □ Tự nghiên cứu, tìm hiểu

2. □ Được học trong chương trình đào tạo

3. □ Được tham gia tập huấn, hội thảo

4. □ Qua các phương tiện thông tin đại chúng

5. □ Các kênh thông tin khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 3. Xin Ông/Bà cho biết các doanh nghiệpViệt Nam thường xác lập quyền đối với những tài sản trí tuệ nào? (mức độ phổ biến: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không có)    

STT

Tài sản trí tuệ

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Quyền tác giả

 

 

 

 

2

Quyền liên quan

 

 

 

 

3

Sáng chế

 

 

 

 

4

Kiểu dáng công nghiệp

 

 

 

 

5

Bí mật kinh doanh

 

 

 

 

6

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

 

 

 

 

7

Nhãn hiệu

 

 

 

 

8

Tên thương mại

 

 

 

 

9

Chỉ dẫn địa lý

 

 

 

 

10

Quyền đối với giống cây trồng

 

 

 

 

Câu 4. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ là gì? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Để khẳng định quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ;

2. □ Để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm;

3. □ Để gây danh tiếng, uy tín;

3. □ Thấy doanh nghiệp khác đăng ký thì mình cũng đăng ký;

4. □ Lý do khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 5. Theo ý kiến của Ông/Bà, lý do mà doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ là gì? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

5. □ Chi phí đăng ký tốn kém;

6. □ Không biết trình tự, thủ tục đăng ký;

7. □ Thấy không cần thiết phải đăng ký;

8. □ Lý do khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 6. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? (lựa chọn phương án thích hợp)

1 □ Nhanh chóng, đúng thời hạn     □ Chậm trễ, không đúng thời hạn

2 □ Thuận lợi    □ Không thuận lợi

3 □ Đơn giản    □ Phức tạp

Câu 7. Theo hiểu biết của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam có thường khai thác thương mại tài sản trí tuệ qua các hoạt động được liệt kê sau đây không?(mức độ phổ biến: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không c

STT

Hoạt động

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Chuyển nhượng (mua bán) tài sản trí tuệ

 

 

 

 

2

Chuyển giao quyền sử dụng (hợp đồng license)

 

 

 

 

3

Góp vốn bằng tài sản trí tuệ

 

 

 

 

4

Cầm cố, thế chấp… tài sản trí tuệ

 

 

 

 

5

Hình thức khác (nếu có, vin vui lòng ghi rõ)…………………………...

 

 

 

 

Câu 8. Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ (như mua bán, chuyển quyền sử dụng, góp vốn...) của các doanh nghiệp của Việt Nam? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Không có nhu cầu 2. □ Có nhưng rất ít       3. □ Có nhiều nhu cầu

Câu 9. Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp khác? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác như của chính mình.

2. □ Vì lợi ích của doanh nghiệp mình, có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

3. □ Sẵn sàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác vì lợi nhuận

Câu 10. Xin Ông/Bà đánh giá về mức độ phổ biến của hành vi xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay? (mức độ phổ biến: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không có)    

STT

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Quyền tác giả

 

 

 

 

2

Quyền liên quan

 

 

 

 

3

Sáng chế

 

 

 

 

4

Kiểu dáng công nghiệp

 

 

 

 

5

Bí mật kinh doanh

 

 

 

 

6

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

 

 

 

 

7

Nhãn hiệu

 

 

 

 

8

Tên thương mại

 

 

 

 

9

Chỉ dẫn địa lý

 

 

 

 

10

Quyền đối với giống cây trồng

 

 

 

 

11

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh

 

 

 

 

Câu 11. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam thường tiến hành những biện pháp nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình (mức độ áp dụng: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không áp dụng)                

STT

Biện pháp bảo vệ

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Tự yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại…;

 

 

 

 

2

Tự thay đổi bao bì, mẫu mã để tránh bị xâm phạm;

 

 

 

 

3

Thông báo, khuyến cáo cho khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp họ phân biệt hàng thật, hàng giả;

 

 

 

 

4

Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm;

 

 

 

 

5

Khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm ra Tòa án;

 

 

 

 

6

Các biện pháp khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ) ………………………………..

 

 

 

 

Câu 12. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trong thực tế hiện nay, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam thường có phản ứng như thế nào? (sắp xếp theo mức độ: A: Tất cả các doanh nghiệp; B: Phần lớn doanh

STT

 

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, có các biện pháp tự bảo vệ

 

 

 

 

2

Doanh nghiệp chủ động nhờ các cơ quan chức năng, thuê luật sư bảo vệ

 

 

 

 

3

Doanh nghiệp bị động, lúng túng trong việc tìm biện pháp giải quyết

 

 

 

 

4

Doanh nghiệp không tìm biện pháp giải quyết mà tự chịu thiệt hại

 

 

 

 

5

Khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm ra Tòa án;

 

 

 

 

6

Ý kiến khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ) …………………………………………………………

 

 

 

 

Câu 13. Xin Ông /Bà vui lòng đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sau (A: Hiệu quả cao; B: Hiệu quả chưa cao; C: Không hiệu quả)               

STT

Biện pháp

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Tự bảo vệ

 

 

 

 

2

Biện pháp khởi kiện dân sự (tại Tòa án)

 

 

 

 

3

Biện pháp xử lý hành chính

 

 

 

 

4

Biện pháp xử lý hình sự

 

 

 

 

Câu 14. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp thường yêu cầu cơ quan nào trong các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây (sắp xếp theo mức độ được lựa chọn: A: Rất nhiều; B: Không nhiều; C: Ít được lựa chọn; D: Không được lựa chọn)    

STT

Cơ quan thực thi

Mức độ được lựa chọn

 

 

A

B

C

D

1

Tòa án

 

 

 

 

2

Thanh tra (Khoa học và Công nghệ; Thông tin và truyền thông; văn hóa)

 

 

 

 

3

Công an

 

 

 

 

4

Quản lý thị trường

 

 

 

 

5

Hải quan

 

 

 

 

6

Ủy ban nhân dân các cấp

 

 

 

 

7

Cục quản lý cạnh tranh

 

 

 

 

Câu 15. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, những nguyên nhân chủ quan nào ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ? (sắp xếp theo mức độ: A: Ảnh hưởng nhiều; B: Có ảnh hưởng; C: Ảnh hưởng ít)

STT

Nguyên nhân

Mức độ ảnh hưởng

 

 

A

B

C

D

1

Năng lực cán bộ chưa cao (thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm)

 

 

 

 

2

Lực lượng cán bộ thực thi thiếu

 

 

 

 

3

Điều kiện kỹ thuật và công nghệ để tác nghiệp thiếu

 

 

 

 

4

Các cơ quan thực thi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng để xử lý vụ việc

 

 

 

 

5

Chồng chéo về thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan

 

 

 

 

6

Phần lớn doanh nghiệp và công chúng chưa có có ý thức tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

 

 

 

 

7

Nhận thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ xuất phát từ nhu cầu hội nhập hơn là nhu cầu nội tại trong nước

 

 

 

 

8

Nhận thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp trong nước

 

 

 

 

9

Các nguyên nhân khác (nếu có, xin nêu rõ) ………………………………………

 

 

 

 

Câu 16. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quan tâm như thế nào đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình không? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm hàng đầu

2. □ Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp phải quan tâm

3. □ Chưa phải vấn đề quan trọng so với những vấn đề khác cấp thiết hơn

4. □ Không quan trọng và không đáng quan tâm

Câu 17. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, hệ thống pháp luật của Việt Nam về Sở hữu trí tuệ có những tồn tại nào cần khắc phục (có thể chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Chưa đầy đủ;

2. □ Thiếu hệ thống, phân tán tại nhiều văn bản;

3. □ Chồng chéo trong xây dựng, ban hành và thi hành văn bản pháp luật của các ngành khác nhau

4. □ Chưa phù hợp thực tiễn

5. □ Ý kiến khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Xin Ông/Bà vui lòng cho biêt một số thông tin

(những thông tin này chỉ phục vụ thống kê khoa học)

- Họ và tên:

- Trình độ học vấn cao nhất hiện nay

1. ð Phổ thông trung học

4. ð Đại học

2.  Trung cấp

5. ð Thạc sĩ

3.  Cao đẳng

6. ð Tiến sĩ và trên Tiến sĩ

- Đơn vị, cơ quan công tác

  1. ð Cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT
  2.  ð Tòa án
  3.  ð Thanh tra chuyên ngành của Bộ
  4.  ð Uỷ ban nhân dân
  1.  ð Công an
  2.  ð Quản lý thị trường
  3.  ð Hải quan
  4.  ð Cơ quan khác (xin ghi rõ)

…………………….

Xin chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của Ông/Bà!

 

PHIẾU KHẢO SÁT

(Dành cho Đại diện sở hữu trí tuệ, Công ty Luật và các đối tượng khác)

Kính thưa Quý Ông/Bà!

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện đề tài khoa học “Bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và giải pháp” với mục tiêu nghiên cứu và đánh giá thực trạng bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam qua các hoạt động: đăng ký, xác lập quyền; khai thác thương mại tài sản trí tuệ; bảo vệ tài sản trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh, từ đó tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu kể trên, chúng tôi kính đề nghị Quý Ông/ Bà trả lời giúp các câu hỏi dưới đây. Với mỗi câu hỏi có sẵn phương án trả lời, xin Ông/Bà vui lòng đánh dấu “x” vào ô □ của phương án thích hợp. Với câu hỏi không có sẵn phương án trả lời, xin Ông/Bà vui lòng ghi rõ ý kiến trả lời vào dòng để trống.

Chúng tôi mong nhận được những ý kiến chân thành của Quý Ông/Bà.

Xin trân trọng cảm ơn!

Câu 1: Xin Ông /Bà tự đánh giá hiểu biết của mình về pháp luật sở hữu trí tuệ? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Biết rõ      2. □ Biết một chút 3. □ Hoàn toàn không biết

Câu 2. Ông/Bà có được những kiến thức về pháp luật sở hữu trí tuệ qua những kênh thông tin nào? (có thể chọn nhiều phương án)

1. □ Tự nghiên cứu, tìm hiểu

2. □ Được học trong chương trình đào tạo

3. □ Được tham gia tập huấn, hội thảo

4. □ Qua các phương tiện thông tin đại chúng

5. □ Các kênh thông tin khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 3. Xin Ông/Bà cho biết các doanh nghiệpViệt Nam thường xác lập quyền đối với những tài sản trí tuệ nào? (mức độ phổ biến: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không có)    

 

STT

Tài sản trí tuệ

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Quyền tác giả

 

 

 

 

2

Quyền liên quan

 

 

 

 

3

Sáng chế

 

 

 

 

4

Kiểu dáng công nghiệp

 

 

 

 

5

Bí mật kinh doanh

 

 

 

 

6

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

 

 

 

 

7

Nhãn hiệu

 

 

 

 

8

Tên thương mại

 

 

 

 

9

Chỉ dẫn địa lý

 

 

 

 

10

Quyền đối với giống cây trồng

 

 

 

 

Câu 4. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ là gì? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Để khẳng định quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ;

2. □ Để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm;

3. □ Để gây danh tiếng, uy tín;

3. □ Thấy doanh nghiệp khác đăng ký thì mình cũng đăng ký;

4. □ Lý do khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 5. Theo ý kiến của Ông/Bà, lý do mà doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ là gì? (có thể lựa chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Chi phí đăng ký tốn kém;

2. □ Không biết trình tự, thủ tục đăng ký;

3. □ Thấy không cần thiết phải đăng ký;

4. □ Lý do khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Câu 6. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? (lựa chọn phương án thích hợp)

1 □ Nhanh chóng, đúng thời hạn     □ Chậm trễ, không đúng thời hạn

2 □ Thuận lợi                                   □ Không thuận lợi

3 □ Đơn giản                                   □ Phức tạp

Câu 7. Theo hiểu biết của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam có thường khai thác thương mại tài sản trí tuệ qua các hoạt động được liệt kê sau đây không? (mức độ phổ biến: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không có)        

STT

Hoạt động

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Chuyển nhượng (mua bán) tài sản trí tuệ

 

 

 

 

2

Chuyển giao quyền sử dụng (hợp đồng license)

 

 

 

 

3

Góp vốn bằng tài sản trí tuệ

 

 

 

 

4

Cầm cố, thế chấp… tài sản trí tuệ

 

 

 

 

5

Hình thức khác (nếu có, vin vui lòng ghi rõ)…………………………...

 

 

 

 

Câu 8. Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu khai thác thương mại tài sản trí tuệ (như mua bán, chuyển quyền sử dụng, góp vốn...) của các doanh nghiệp của Việt Nam? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1.     □ Không có nhu cầu 2. □ Có nhưng rất ít         3. □ Có nhiều nhu cầu

Câu 9. Ông/Bà đánh giá như thế nào về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp khác? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

4. □ Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác như của chính mình.

5. □ Vì lợi ích của doanh nghiệp mình, có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

6. □ sẵn sàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác vì lợi nhuận

Câu 10. Xin Ông/Bà đánh giá về mức độ phổ biến của hành vi xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay? (mức độ phổ biến: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không có)    

STT

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Quyền tác giả

 

 

 

 

2

Quyền liên quan

 

 

 

 

3

Sáng chế

 

 

 

 

4

Kiểu dáng công nghiệp

 

 

 

 

5

Bí mật kinh doanh

 

 

 

 

6

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

 

 

 

 

7

Nhãn hiệu

 

 

 

 

8

Tên thương mại

 

 

 

 

9

Chỉ dẫn địa lý

 

 

 

 

10

Quyền đối với giống cây trồng

 

 

 

 

11

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh

 

 

 

 

Câu 11. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam thường tiến hành những biện pháp nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình (mức độ áp dụng: A: Rất phổ biến; B: Tương đối phổ biến; C: Ít phổ biến; D: Không áp dụng)                

STT

Biện pháp bảo vệ

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Tự yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại…;

 

 

 

 

2

Tự thay đổi bao bì, mẫu mã để tránh bị xâm phạm;

 

 

 

 

3

Thông báo, khuyến cáo cho khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp họ phân biệt hàng thật, hàng giả;

 

 

 

 

4

Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm;

 

 

 

 

5

Khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm ra Tòa án;

 

 

 

 

6

Các biện pháp khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ) ………………………………..

 

 

 

 

Câu 12. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, trong thực tế hiện nay, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam thường có phản ứng như thế nào? (sắp xếp theo mức độ: A: Tất cả các doanh nghiệp; B: Phần lớn doanh nghiệp; C; Rất ít doanh nghiệp)         

STT

 

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, có các biện pháp tự bảo vệ

 

 

 

 

2

Doanh nghiệp chủ động nhờ các cơ quan chức năng, thuê luật sư bảo vệ

 

 

 

 

3

Doanh nghiệp bị động, lúng túng trong việc tìm biện pháp giải quyết

 

 

 

 

4

Doanh nghiệp không tìm biện pháp giải quyết mà tự chịu thiệt hại

 

 

 

 

5

Ý kiến khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ) …………………………………………………………

 

 

 

 

Câu 13. Xin Ông /Bà vui lòng đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sau (A: Hiệu quả cao; B: Hiệu quả chưa cao; C: Không hiệu quả)       

STT

Biện pháp

Mức độ

 

 

A

B

C

D

1

Tự bảo vệ

 

 

 

 

2

Biện pháp khởi kiện dân sự (tại Tòa án)

 

 

 

 

3

Biện pháp xử lý hành chính

 

 

 

 

4

Biện pháp xử lý hình sự

 

 

 

 

Câu 14. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp thường yêu cầu cơ quan nào trong các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây (sắp xếp theo mức độ được lựa chọn: A: Rất nhiều; B: Không nhiều; C: Ít được lựa chọn; D: Không được lựa chọn)    

STT

Cơ quan thực thi

Mức độ được lựa chọn

 

 

A

B

C

D

1

Tòa án

 

 

 

 

2

Thanh tra (Khoa học và Công nghệ; Thông tin và truyền thông; văn hóa)

 

 

 

 

3

Công an

 

 

 

 

4

Quản lý thị trường

 

 

 

 

5

Hải quan

 

 

 

 

6

Ủy ban nhân dân các cấp

 

 

 

 

7

Cục quản lý cạnh tranh

 

 

 

 

Câu 15. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, những nguyên nhân chủ quan nào ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ? (sắp xếp theo mức độ: A: Ảnh hưởng nhiều; B: Có ảnh hưởng; C: Ảnh hưởng ít)

STT

Nguyên nhân

Mức độ ảnh hưởng

 

 

A

B

C

D

1

Năng lực cán bộ chưa cao (thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm)

 

 

 

 

2

Lực lượng cán bộ thực thi thiếu

 

 

 

 

3

Điều kiện kỹ thuật và công nghệ để tác nghiệp thiếu

 

 

 

 

4

Các cơ quan thực thi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng để xử lý vụ việc

 

 

 

 

5

Chồng chéo về thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan

 

 

 

 

6

Phần lớn doanh nghiệp và công chúng chưa có có ý thức tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

 

 

 

 

7

Nhận thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ xuất phát từ nhu cầu hội nhập hơn là nhu cầu nội tại trong nước

 

 

 

 

8

Nhận thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp trong nước

 

 

 

 

9

Các nguyên nhân khác (nếu có, xin nêu rõ) ………………………………………

 

 

 

 

Câu 16. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quan tâm như thế nào đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình không? (chỉ chọn 1 phương án trả lời)

1. □ Quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm hàng đầu

2. □ Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp phải quan tâm

3. □ Chưa phải vấn đề quan trọng so với những vấn đề khác cấp thiết hơn

4. □ Không quan trọng và không đáng quan tâm

Câu 17. Theo nhìn nhận của Ông/Bà, hệ thống pháp luật của Việt Nam về Sở hữu trí tuệ có những tồn tại nào cần khắc phục (có thể chọn nhiều phương án trả lời)

1. □ Chưa đầy đủ;

2. □ Thiếu hệ thống, phân tán tại nhiều văn bản;

3. □ Chồng chéo trong xây dựng, ban hành và thi hành văn bản pháp luật của các ngành khác nhau

4. □ Chưa phù hợp thực tiễn

5. □ Ý kiến khác (nếu có, xin vui lòng ghi rõ)

Xin Ông/Bà vui lòng cho biết một số thông tin

(những thông tin này chỉ phục vụ thống kê khoa học)

- Họ và tên:

- Trình độ học vấn cao nhất hiện nay

1. ð Phổ thông trung học

4. ð Đại học

2.  Trung cấp

5. ð Thạc sĩ

3.  Cao đẳng

6. ð Tiến sĩ và trên Tiến sĩ

 - Đơn vị, cơ quan công tác

1. □ Đại diện sở hữu trí tuệ               3. □ Công ty thâm định giá

2. □ Công ty, Văn phòng Luật

(không có đại diện sở hữu trí tuệ)      4. □ Cơ quan khác (xin ghi rõ)

 

Xin chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của Ông/Bà!

 



[1] Kamil Idris, “Sở hữu trí tuệ - một công cụ để phát triển kinh tế”, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, tr. 55 (bản dịch của Cục Sở hữu trí tuệ).

[2] Christina Moëll, Rules of Origin in the Common Commercial and Development Policies of the European Union, Juristforlaget in Lund, 2008, tr. 277.

[3] Khảo sát 500 doanh nghiệp của Việt Nam thì chỉ có 56% doanh nghiệp có hiểu biết về sở hữu trí tuệ và chỉ có 10% doanh nghiệp trích trên 5% từ quỹ đầu tư để phát triển nhóm tài sản này (Theo Diệu Phương, “Phát triền TSTT - vẫn vướng rào cản nhận thức”, Trang thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội ngày 12/12/2009).

[4] Xem: OECD, Responsible Business Conduct: OECD Guidelines for Multinational Enterprises, April 2010.

[5] Các tài liệu này có thể tìm đọc trên trang web của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO www.wipo.int

[6] Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr 55 (bản dịch của Cục SHTT).

[7] Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr 30 (bản dịch của Cục SHTT)

[8] Xem từ điển trực tuyến như: http://vdict.com hay http://www.informatik.uni-leipzig.de

[9] Điều 172 BLDS 1995 “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

[10] Xem Điều 746 BLDS 1995.

[11] Xem Điều 767 BLDS 1995.

[12] Xem Điều 794 BLDS 1995.

[13] Kamil Idris “SHTT - một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, sách do Tổ chức SHTT thế giới WIPO ấn hành, tr.8.

[14] Như trên, tr 57.

[15]  Về lập luận này, xem: Aplin, Tanya, and Davis, Jennifer, Intellectual Property Law: Text, Cases, and Materials, Oxford University Press, 2009, tr. 2.

[16]    Trần Minh Dũng, Bảo vệ quyền sở hứu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, <http://thanhtra.most.gov.vn/vi/cac-bai-nghien-cuu-shtt/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-bang-bien-phap-hanh- chinh>.

[17] Có quan điểm coi TSTT là một loại tài sản độc lập với tài sản vô hình trong doanh nghiệp. xem Russell Parr, Pricing Intangible Assets: Methods of Valuation of Intellectual Property, www.wipo.int

[18] Đoàn Văn Trường, Các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình, NXB Khoa học kỹ thuật, năm 2005, Phụ lục tr 266 - 267.

[19] Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr 54 (bản dịch của Cục SHTT)

[20] Jennie Ness, Tùy viên SHTT khu vực Đông Nam Á, Thương vụ Hoa Kỳ, Tài liệu Hội thảo Quyền sở hữu trí tuệ với việc hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu

[21] Kamil Idris, SHTT - Một công cụ để phát triển kinh tế, Tổ chức SHTT thế giới, tr 63 (bản dịch của Cục SHTT)

[22] Xem Điều 3.1 và Điều 4.1 Hiệp định TRIPS.

[23] Về lập luận này, xem thêm: WIPO, Intellectual Property for Business, , tr. 14.

[24] WIPO, Intellectual Property for Business, , tr. 6.

[25] Abbott, Frederick M., Cottier, Thomas and Gurry, Francis, International Intellectual Property in An Integrated World Economy, Wolters Kluwer, 2007, tr. 7.

[26] Xem OECD, Valuation and Exploitation of intellectual Property, DSTI/DOC(2006)5, 30-Jun-2006, tr. 7&8.

[27] Về nguyên tắc tự do hợp đồng, xem: Collins, Hugh, The Law of Contract, LexisNexis UK, 2003, tr. 25; McKendrick, Ewan, Contract Law, Macmillan Education Ltd., 1990, tr. 3; Kraus, Jody S. and Scott, Robert E., Contract Law and Theory, LexisNexis Matthew Bender, 2007; Benson, Peter (ed.), The Theory of Contract Law, Cambridge University Press, 2001.

[28] Xem WIPO, Workshop on the implementation issues of the WIPO Copyright Treaty (WCT) and the WIPO Performances and Phonograms Treaty (WPPT), 1999, WCT-WPPT/IMP/3, tr.7.

[29] Xem Phần III-Thực thi quyền SHTT của Hiệp định TRIPS.

[30] Trích Lời nói đầu của Bộ luật hình sự năm 1999.

[31] WIPO, Intellectual Property for Business, , tr. 4.

[32] WIPO, Intellectual Property for Business, , tr. 5.

[33] WIPO, Intellectual Property for Business, , tr. 6.

[34] Xem Vũ Thị Hải Yến, Khái niệm nhãn hiệu hàng hóa trong BLDS, tạp chí Luật học 3/2003

[35] Xem điểm I khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.

[36] Điều 72. “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình không gian ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

[37] Khoản 1 Điều 15 Hiệp định TRIPs quy định “Bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp khác đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa”.

[38] Xem Hà Thị Nguyệt Thu, Bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu theo Luật SHTT 2005, Luận văn thạc sĩ luật học, 2009

[39] Điều 74 Luật SHTT không đưa ra trường hợp loại trừ khi nhãn hiệu trùng với tên, hình tượng nhân vật của tác giả thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Nhưng Điều 39.3 điểm l Thông tư số 01/2007 quy định dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt và không được bảo hộ là nhãn hiệu khi “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi”.

[40] Nguồn: www.trebadedn.com/VN/Index.aspx?P=5&ID=1

[41] Nguyễn Anh Ngọc, Công ty INVESTIP, Một số ý kiến góp ý vào báo cáo tổng hợp kết quả rà soát luật SHTT và một số kiến nghị, Hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật SHTT, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam 9/2011

[42] Điều 20 Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được bảo hộ “không phụ thuộc vào việc định hình”

[43] Nguồn: www.dostbinhdinh.org.vn/MagazineNewsPage.asp?TinTS_ID..

[44] Xem khoản 3 Điều 78 Luật SHTT

[45] Xem điểm k khoản 2 Điều 74 Luật SHTT

[46] Tài liệu được cung cấp bởi Văn phòng Luật sư Minervas, đại diện theo ủy quyền của Công ty Bestbuy Enterprise Sevices, Inc.

[47] Ý kiến của Luật sư Đoàn Hồng Sơn, Công ty Luật TNHH IP-MAX tại Hội Thảo báo cáo rà soát Luật SHTT do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tháng 9/2011

[48] Nhãn hiệu Google được định giá vào năm 2010 là 36,191 tỷ USD, năm 2011 là 44,294 tỷ USD (tăng 22,39%); Microsoft năm 2010 là 33,604 tỷ USD, năm 2011 là 42,805 tỷ USD (tăng 27,38%). Xem www.brandfinance.com/images/upload/brandfinance_global500_2011_web.pdf

[49] Xem Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật cạnh tranh, chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPS: Kinh nghiệm cho Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 45-54.

[50] Xem Điều 28.1(a) Hiệp định TRIPS, Điều 124 Luật SHTT năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Việt Nam (Luật SHTT 2005/2009). Quyền ngăn chặn hành vi nhập khẩu còn phụ thuộc vào quy định hết quyền (right exhaustion) của pháp luật quốc gia. Ngoài ra, quyền SHTT mà chủ sở hữu nắm giữ là các quyền độc quyền pháp lý mà pháp luật quốc gia trao cho chủ sở hữu đó; nó đang và sẽ là quyền mang tính lãnh thổ (territorial right). Điều đó có nghĩa là một TSTT được bảo hộ ở quốc gia nào thì quyền SHTT đối với TSTT này chỉ được bảo vệ và thực thi trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó.

[51] Xem khoản 2 Điều 3 Thông tư số 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN ngày 02/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2011-2015.

[52] Dưới góc độ mục đích, việc khai thác TSTT có thể chia thành 5 mục đích: (i) phòng vệ (defence), (ii) đảm bảo lợi thế (securing superiority), (iii) chiến lược kinh doanh (business strategy), (iv) chiến lược quản lý (management strategy), và (v) tài sản tài chính (financial assets). Xem OECD, “Valuation and Exploitation of intellectual Property”, STI Working Paper 2006/5, DSTI/DOC(2006)5, 2006, tr. 8.

[53] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 135 và 102 (có nhấn mạnh).

[54] Đối với ví dụ về các chính sách hỗ trợ khác, xem: Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2011-2015; và Thông tư số 112/2011/TTLT/BTC-BKHCN, chú thích số 51.

[55] Xem khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ/CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, được sửa đổi theo Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012.

[56] Xem Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 05/2011/TT-BTP.

[57] Khoản 2 Điều 7 Luật SHTT 2005/2009.

[58] Luật số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006.

[59] Xem www.jetstar.com/vn/vi/about-us/our-company; www.sggp.org.vn/thitruongkt/2009/9/203387/.

[60] Cần lưu ý là Việt Nam hiện nay không có bất kỳ cam kết nào về việc mở cửa thị trường vận chuyển hang không nội địa trong WTO; Hiệp định hàng không song phương giữa Việt Nam và Australia cũng chưa quy định về việc một hãng hàng không Australia được cấp quyền vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam.

[61] Xem www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=131&article=159780.

[62] Xem Điều 110 (Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

[63] Xem khoản 2 Điều 7 Luật SHTT 2005/2009; Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[64] Điều 20 Luật Chuyển giao công nghệ 2006.

[65] Điểm d khoản 1 điều 145 và điểm c khoản 1 Điều 195 Luật SHTT 2005/2009.

[66] Khoản 1 điều 145 và Khoản 1 Điều 195 Luật SHTT 2005/2009

[67] Áp dụng tương tự (ít nhất là về mặt lý thuyết), hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm của chủ sở hữu các quyền SHTT khác (như quyền tác giả và quyền liên quan) cũng có thể là căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng các TSTT này. Tuy nhiên, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS 2005 và Luật SHTT 2005 về quyền tác giả và quyền liên quan đã không đề cập đến khả năng này. Vì vậy, vấn đề khắc phục hành vi lạm dụng quyền tác giả và quyền liên quan, vi phạm pháp luật cạnh tranh bằng việc bắt buộc chuyển giao có thể gặp nhiều khó khăn trong thực tế ở Việt Nam.

[68] Graeme B. Dinwoodie, William O. Henessey, Shira Perlmuter, International Interlectual Property Law, LexisNexsis, trang 1068 - 1069.

[69] Xem điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư 37/2011/TT-BKHCN.

[70] Xem điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư 37/2011/TT-BKHCN

[71] Theo quy định tại Mục 3 Điều 50.2 Hiệp định TRIPs về Các biện pháp khẩn cấp tạm thời, “trong trường hợp cần thiết, đặc biệt nếu bất kỳ một sự chậm trễ nào cũng có nguy cơ gây hậu quả không thể khắc phục được cho chủ thể quyền, hoặc nếu có thể thấy rằng chứng cứ đang có nguy cơ bị tiêu hủy, các cơ quan xét xử có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp tạm thời trước khi nghe bị đơn trình bày ý kiến”.

[72] Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Cẩm nang sở hữu trí tuệ: chính sách, pháp luật và áp dụng, Cục sở hữu trí tuệ phát hành năm 2005, tr. 230.

[73] Luật cạnh tranh 2004; Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

[74] Luật SHTT 2005; Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN; Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011.

[75] Khi sửa đổi, bổ sung Tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền có liên quan và Tội xâm phạm quyền SHCN cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc có dùng cụm từ “quy mô thương mại” hay không: “Có ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc liệt kê hành vi hoặc hậu quả như dự thảo Luật sẽ không bao quát hết và không phù hợp với Luật SHTT và đề nghị sử dụng cụm từ “quy mô thương mại” ở các điều luật nêu trên cho phù hợp với các cam kết quốc tế của Nhà nước ta khi ký kết Hiệp định thương mại với Hoa kỳ và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ý kiến khác cho rằng khái niệm “quy mô thương mại” không rõ, không bảo đảm tính minh bạch và có thể dẫn đến việc xử lý hình sự tràn lan. UBTVQH thấy rằng, việc cụ thể hoá yếu tố “quy mô thương mại” bằng các cụm từ “vì mục đích kinh doanh” và “hàng hoá vi phạm có số lượng lớn, có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng” tuy có rõ hơn nhưng cũng không quy định được hết mọi trường hợp và vẫn cần phải có hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. Bên cạnh đó, nếu quy định như vậy thì sẽ gây bất lợi cho chúng ta trong hoạt động đối ngoại và các nước trong Tổ chức thương mại thế giới có điều kiện để cho rằng Việt Nam chưa thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quốc tế. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng khái niệm “quy mô thương mại” trong cấu thành cơ bản của hai điều luật này và giao cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó, Điều 170a, Điều 171 được chỉnh lý như dự thảo Luật." Xem Báo cáo số 247/BC- UBTVQH12 ngày 17/6/2009.

[76] Xem Báo cáo tổng kết của Cục SHTT năm 2011, www.noip.gov.vn

[77] Báo cáo thường niên hoạt động SHTT năm 2011.

[78] Nguồn: http://www.wipo.int/romarin?KEY=871464

[79] Nguồn: http://www.wipo.int/pct/en/activity/index.html

[80] Xem http://www.logovn.com/chuyen-trang/bao-ho-thuong-hieu/718-logovn.html

[81] Xem http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20051017143255

[82] Sở Khoa học công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhiều thương hiệu lớn bị nhái tên miền, Chuyên đề SHTT và hội nhập, số 131 (tháng 01/2012), http://sokhcn.bariavungtau.gov.vn/news_detail.asp?news_id=4080&cat_id=149&page=1

[83] Cường Cao, Trung Nguyên mất tên miền thương hiệu café chồn, VTC News, http://biz.cafef.vn/2012041812194370CA47/trung-nguyen-mat-ten-mien-thuong-hieu-cafechon.chn

[84] http://www.haimat.vn/article/chuyen-nhuong-tac-quyen-tai-vn

[85] http://sohuutritue.thv.vn/News/Detail/?gID=2&tID=55&cID=26472

[86] Báo cáo thường niên hoạt động SHTT năm 2011 của Cục SHTT

[87] http://dddn.com.vn/14097cat104/Cau-chuyen-danh-mat-thuong-hieu-Da-Lan.htm

[88] Xem Hoàng Lan Phương, “Vấn đề Định giá trong thương mại hóa TSTT”, đề tài nghiên cứu cấp trường, Trường Đại học Khoa học – xã hôi và nhân văn 2011

[89] Định giá theo chi phí là dựa trên sự tích lũy những chi phí trong việc nghiên cứu, phát triển, đăng ký bảo hộ… TSTT; định giá theo thị trường là ước lượng giá trị TSTT qua việc xem xét những hoạt động mua bán trên thị trường liên quan đến những TSTT tương tự; định giá theo thu nhập nhắm đến việc đo lường lợi ích kinh tế của TSTT trong việc tạo ra một khoản lợi nhuận hay dòng tiền phát sinh trong tương lai. Xem A.H. Raymond, chú thích số.; “Câu chuyện định giá thương hiệu”, http://vneconomy.vn/20101027114233210P0C5/cau-chuyen-dinh-gia-thuong-hieu.htm. Xem thêm các phương pháp thẩm định giá quy định tại Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP về thẩm định giá

[90] Xem Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam – Chuẩn mực số 04: Tài sản cố định vô hình được ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC (đoạn 36-52).

[91] https://lantabrand.com/cat1news343.html

[92] http://www.vnbrand.net/Thong-tin-thuong-hieu/thuong-hieu-tisco-duoc-dinh-gia-54-ti-dong.html

[93] Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tính đến 31/12/2007, Tập đoàn này đã sử dụng thương hiệu (nhãn hiệu, tên thương mại) để góp vốn vào 103 công ty cổ phần, liên doanh với giá trị quy ra tiền tới 2.067 tỷ đồng, tính bằng 30% tổng vốn điều lệ doanh nghiệp nhận góp vốn (Công văn số 15576/BTC-TCDN ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền SHCN). Xem thêm “Câu chuyện định giá thương hiệu”, chú thích số 89; “Góp vốn bằng thương hiệu : DN “bơi” cách nào cũng đúng”, http://dddn.com.vn/20110512042243279cat177/gop-von-bang-thuong-hieu--dn-boi-cach-nao-cung-dung.htm; “Một số vấn đề về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu”,

[94] Xem Báo cáo tổng kết của Cục SHTT năm 2011, www.noip.gov.vn

[95] Năm 2008, với 1.200 máy tính của các doanh nghiệp tại TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên bị kiểm tra, các chủ doanh nghiệp đều thừa nhận hành vi cài đặt trái phép chương trình máy tính và có cam kết sớm khắc phục. Nhiều website bị kiểm tra như 24h.com.vn, socbay.com.vn, zing.vn, bongdaso.com, vnmedia.vn, clip.vn, baobongda.com.vn... đều phải thực hiện yêu cầu ngừng truyền phát, tháo dỡ các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm bản quyền. Công ty Cổ phần viễn thông FPT bị xử phạt 20 triệu đồng bởi hành vi truyền phát phim chưa được phép của một số tổ chức phát sóng trên thế giới (Bài viết toàn cảnh bản quyền năm 2008 của tác giả Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam được đăng trên trang http://www.cinet.vn)

[96] Từ năm 2009 đến nay, thanh tra Bộ VHTT&DL tiến hành thanh tra đột xuất 58 doanh nghiệp nằm tại các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, kiểm tra 2873 máy tính, sản phẩm phần mềm vi phạm chủ yếu là windows XP, microsoft office, mtd 2002, autocad, adobe photoshop, symantec antivirus; xử phạt vi phạm hành chính 09 doanh nghiệp với mức phạt130 triệu đồng, xử phạt cảnh cáo 27 doanh nghiệp. Năm 2010 hướng dẫn 12 doanh nghiệp mua hơn 5 tỷ đồng bản quyền phần mềm sử dụng tại công ty. Sau thanh tra, các doanh nghiệp đều có ý thức ký hợp đồng mua bản quyền phần mềm; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, không cho phép các nhân viên tự ý cài đặt phần mềm không có bản quyền.

[97] Điển hình năm 2008, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Cửa hàng Thương mại Dịch vụ Thời trang Hàng Đào với mức phạt 183.360.000 đồng vì đã có hành vi buôn bán quần áo là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “LACOSTE” và nhãn hiệu “Hình cá sấu”(Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

[98] Điển hình năm 2009, Thanh tra Bộ KH&CN đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cơ khí SXTM-DV Khải Đức Thành (TPHCM) với mức phạt 147.000.000 đồng vì đã có hành vi sản xuất sản phẩm xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích “Cửa cuốn”.

[99] Điển hình là Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã phát hiện 20 cơ sở (đã xử phạt cảnh cáo và buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm trên 530 sản phẩm...); Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã xử lý 06 cơ sở.

[100] Cuối năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3813/QĐ-UBND xử phạt Công ty TNHH Duy Thịnh với mức phạt 329.073.800 đồng vì đã có hành vi sản xuất (lắp ráp) sản phẩm xe máy xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp xe máy của Công ty Honda (Nhật Bản).

[101] Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Báo cáo tổng kết 2010.

[102] Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Báo cáo tổng kết 2011.

[103] 3.756 linh kiện điện thoại mang nhãn hiệu Nokia, 800 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, 7.729 lọ mỹ phẩm các loại, 3.940 chai dầu nhớt các loại mang nhãn hiệu Vistra, Castrol, Honda; 93.820 bao thuốc lá các loại mang nhãn hiệu Vinataba, 555, White horse...

[104] Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hải quan 1991-2011, Tổng cục Hải qua

[105] Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về SHTT. Lê Xuân Thảo (2005), Nxb Tư pháp, Hà Nội

[106] Tài liệu Hội thảo về SHTT do TANDTC, Cơ quan phát triển quốc tế Ausralia tổ chức, phát hành, tháng 9/2010.

[107] Xem các báo cáo tổng kết công tác ngành toà án từ năm 2003 đến 2008.

[108] Báo Pháp luật online – thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/5/2008

[109] Bản án hình sự sơ thẩm số 184/2010/HSST ngày 16/4/2010 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội

[110] Xâm phạm quyền SHCN khó truy cứu trách nhiệm hình sự (http://hanggiavietnam.com/diendan/showthread.php?t=43)

[111] Dũng Hà (2008), Đề xuất mô hình Toà SHTT cho Việt Nam, http://www.dddn.com.vn, ngày 4/6/2008.

[112] Đại học Quốc gia Hà Nội (2005), Cơ chế thực thi pháp luật về bảo hộ quyền SHTT trong tiến trình hộp nhập quốc tế của Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc gia, Mã số QGTĐ.03.05, Hà Nội.

[113] Xem Điều 10 Luật SHTT

[114] Xem Điều 11 Luật SHTT

[115] Điều 72. “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện sau đây: 2. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình không gian ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”

[116] Xem Trần Văn Hải, “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh”, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4, 2012

[117] Như trên

[118] Ý kiến của Luật sư Đoàn Hồng Sơn, Công ty Luật TNHH IP-MAX tại Hội Thảo báo cáo rà soát Luật SHTT do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tháng 9/2011

[119] Xem Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3.8.2005 về thẩm định giá, Quyết định số 129/2008/QĐ-BTC ngày 31.12.2008 về việc ban hành 06 tiêu chuẩn thẩm định giá (đợt 3).

[120] Xem vụ việc tranh chấp giải pháp hữu ích của Ông Hoàng Thịnh mà chúng tôi đã phân tích trong chương 3 của đề tài

[121] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

[122] Xem chương 2 đề tài

[123] Xem chương 2 đề tài. Ở Nhật Bản, cơ quan này có tên là Hội đồng quốc gia về SHTT; ở Hoa Kỳ là Cơ quan điều phối quốc gia (The National IPR Coordination Center). Ở Hàn Quốc còn thành lập riêng Bộ quản lý tri thức…

[124] Xem Nguyễn Thanh Tú, Giải quyết tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài: vai trò của Chính phủ, Hội thảo về Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, Hà Nội 2011

[125] Tham khảo Đào Minh Đức, “Mô thức tổ chức hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

[126] Tham khảo Đào Minh Đức, “Mô thức tổ chức hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

[127] Kamil Idris, Sở hữu trí tuệ - Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, Bản dịch của Cục SHTT, tr 64

[128] Trong phần này, chúng tôi có tham khảo từ các tài liệu sau: - Trần Ngọc Sơn (Công ty Định giá và Thương hiệu Favi), Bài giảng về quản trị TSTT; - Nguyễn Văn Bảy (Cục SHTT) “Đưa sở hữu trí tuệ vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; Một số vấn đề cần quan tâm trong việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu”, tài liệu Hội thảo - Japan Patent Office “Intellectual Property Management for Small and Medium-sized Enterprises”

[129] Xem WIPO, Workshop on the implementation issues of the WIPO Copyright Treaty (WCT) and the WIPO Performances and Phonograms Treaty (WPPT), 1999, WCT-WPPT/IMP/3, tr.7.

 

File đính kèm ...