• Thuộc tính
Tên đề tài So sánh một số chế định trong pháp luật doanh nghiệp, đầu tư các nước Lào, Campuchia và Indonesia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường chung ASEAN
Nội dung tóm tắt

Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần mở rộng thị trường của mình ra các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có xu hướng gia tăng đầu tư tại các thị trường Lào, Campuchia và Indonesia và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Đây là 3 quốc gia có thị trường phát triển mạnh và đầy tiềm năng. Với các chế định và chính sách đầu tư gợi mở áp dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài, số lượng doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư và kinh doanh tại ở các nước này đang ngày càng gia tăng và phát triển.Với các điều kiện thực tế và định hướng mới trên tiến trình gia nhập AEC, việc nghiên cứu đề tài “So sánh một số chế định trong pháp luật doanh nghiệp, đầu tư các nước Lào, Campuchia và Indonesia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường chung ASEAN” là hết sức cần thiết tại thời điểm này. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp thông tin pháp luật hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tượng quan tâm khác về chế định pháp luật doanh nghiệp của các nước đã lựa chọn nhằm giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng trước khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài đó là nhằm cung cấp thông tin cần thiết về pháp luật về thành lập và tổ chức hoạt động doanh nghiệp, các chính sách hạn chế và khuyến khích đầu tư của các nước Indonesia, Lào, Campuchia, xác định các điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật các nước, những khó khăn, rào cản đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị và đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên tiến trình gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC).

Dưới đây là nội dung tóm tắt các kết quả nghiên cứu của đề tài:

I. TỔNG QUAN VỀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI, CÁN CÂN XUẤT NHẬP KHẨU GIỮA VIỆT NAM VỚI LÀO, CAMPUCHIA VÀ INDONESIA

  1. Quan hệ thương mại Việt Nam và Lào

            Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 1962, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và phát triển mạnh mẽ nhất trong 10 năm gần đây. Hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào (Sau Thái Lan và Trung Quốc). Lào là thị trường xếp thứ 33 trong khoảng 200 thị trường xuất khẩu của Việt Nam và chỉ chiếm 0,32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho sản xuất của hai bên. Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa hai nước còn thiếu sự đa dạng. Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào vẫn tồn tại nhiều khó khăn, chưa đóng góp nhiều vào việc thực hiện mục tiêu trao đổi thương mại hai chiều. Kết quả hợp tác cụ thể còn có những hạn chế nhất định, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai nước. Các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước chưa phát triển. Các khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu vốn đầu tư, các công trình, dự án dở dang nên không thể đi vào hoạt động được.

  1. Quan hệ thương mại Việt Nam và Campuchia

Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/6/1967. Là hai nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, những năm qua, Việt Nam và Campuchia thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó, đầu tư, thương mại có bước phát triển mạnh.

Theo số liệu của Hội đồng phát triển Campuchia (CDC), đến nay Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng số vốn đăng ký khoảng 3 tỷ USD, tiếp tục nằm trong 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia (sau sau Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc). Các lĩnh vực đầu tư chính của các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm nông, lâm nghiệp, trồng cao su (chiếm 70% tổng vốn đăng ký);  tài chính, ngân hàng (9,4%); viễn thông (7,5%)[1]. Trong thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong nội khối ASEAN, Campuchia đứng vị trí thứ 6 về xuất khẩu và thứ 7 về nhập khẩu trong năm 2016. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong những năm gần đây luôn ở trạng thái xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này.

  1. Quan hệ thương mại Việt Nam và Inđonesia

Indonesia là nhà đầu tư lớn trong số những nhà đầu tư ASEAN vào Việt Nam và ngược lại Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng của Việt Nam và ngược lại, Indonesia cũng đánh giá cao việc Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong ASEAN mà Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Kể từ khi trở thành đối tác chiến lược năm 2013 đến nay, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Indonesia ngày càng gia tăng[2]. Hiện nay, Indonesia là đối tác chiến lược chiếm vị trí quan trọng của Việt Nam trong quan hệ nội khối ASEAN, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN.

Việt Nam và Indonesia có cơ cấu ngành hàng có thể bổ sung tốt cho nhau, Indonesia có nhu cầu lớn về các mặt hàng gạo, sắt thép, dệt may của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam lại đang cần các mặt hàng như giấy, hàng điện tử, hóa chất mà Indonesia đang có thế mạnh. Tuy nhiên về cơ bản thì Việt Nam vẫn là nước nhập siêu từ Indonesia.

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CỦA LÀO, CAMPUCHIA, INDONESIA

1. Các loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật từng nước

1.1. Loại hình doanh nghiệp tại Lào

Chế định pháp luật về doanh nghiệp của Lào được quy định chủ yếu tại các bộ luật sau: Luật Doanh nghiệp năm 2013; Luật Khuyến khích Đầu tư nước ngoài 2016. Theo Luật Đầu tư nước ngoài mới ban hành năm 2016 thì có ba hình thức đầu tư chính tại Lào: Liên doanh giữa Nhà đầu tư trong và ngoài nước; Đầu tư Kinh doanh theo hợp đồng; Đầu tư thuộc sở hữu hoàn toàn trong nước và nước ngoài. 

Pháp luật của Lào không phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Có một số loại hình kinh doanh tại Lào mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn bao gồm: Công ty TNHH; Công ty đại chúng; Chi nhánh; Văn phòng đại diện.

Điều quan trọng nhất là, đầu tiên một nhà đầu tư nước ngoài phải xin được giấy phép đầu tư nước ngoài (Giấy phép FI) trước khi nộp đơn xin giấy phép kinh doanh. Điều lệ Doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hiệu đính và do Cục Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài (DDFI) phê duyệt như là một phần của quy trình phê duyệt để xin giấy phép FI.

1.2. Loại hình doanh nghiệp tại Campuchia

Chế định pháp luật về doanh nghiệp của Lào được quy định chủ yếu tại các bộ luật sau: Luật Đầu tư (Law on Investment)  năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 1997, 2003; Luật Doanh nghiệp thương mại  (Law on Commercial enterprise) năm 2005; Luật thuế (Law on Taxation (LoT) năm 1994 và được bổ sung năm 2003

Ở Campuchia, việc kinh doanh thường được tổ chức theo 3 mô hình chính: doanh nghiệp một chủ, hợp danh và công ty (có 2 loại là công ty TNHH và công ty TNHH đại chúng).[3]

Ba hình thức nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện ở Campuchia là: (1) văn phòng đại diện; (2) chi nhánh; (3) doanh nghiệp. Một công ty TNHH Campuchia có thể thành lập với các điều kiện rất đơn giản: (1) có ít nhất 02 cổ đông; (2) một giám đốc (có thể là người nước ngoài và không nhất thiết lưu trú tại Campuchia để thực hiện quá trình đăng ký này).

1.3. Loại hình doanh nghiệp tại Indonesia

Các văn bản pháp luật làm căn cứ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Indonesia: Luật Đầu tư số 25 năm 2007, Luật Công ty số 40 năm 2007; Luật thương mại ... Tại Indonesia các nhà đầu tư hoạt động dưới hình thức đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn mới (mua toàn bộ cổ phần của cổ phần của công ty trách nhiệm hữu hạn ngay khi công ty này vừa thành lập) hoặc mua cổ phần của các công ty đang tồn tại. Nhà đầu tư nước ngoài buộc phải lựa chọn hình thức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn[4].

Có thể nhận thấy lựa chọn phổ biến nhất của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Indonesia là: i) thành lập mới một công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc ii) mở văn phòng đại diện.[5]

Kết luận: Về cơ bản ở Indonesia và Việt Nam đều có các loại hình kinh doanh tương tự nhau song, tại Việt Nam phân biệt giữa công ty TNHH và công ty cổ phần, còn ở Indonesia thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được hoạt động theo hình thức công ty TNHH. Các nhà đầu tư nước ngoài đều có thể được lựa chọn một loại hình kinh doanh phù hợp với mục đích của mình trong số các loại hình kinh doanh này.

2. Quy trình và thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

2.1. Quy trình và thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư, giấy phép đăng kí doanh nghiệp tại Lào

a) Quy trình phê duyệt cấp giấy phép đầu tư

*  Có ba hình thức đầu tư ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Theo Điều 26 Luật Khuyến khích đầu tư 2016, hình thức đầu tư gồm các loại sau:

- 100% quyền sở hữu của Người nước ngoài hoặc người địa phương;

- Liên doanh giữa nhà đầu tư người nước ngoài với nhà đầu tư trong nước;

- Kinh doanh theo hợp đồng (các công ty nước ngoài có thể ký hợp đồng hoặc thỏa thuận với các đối tác địa phương để đặt hàng sản phẩm hoặc hàng hoá từ Lào và ngược lại);

* Có ba loại hình đầu tư vào Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào như sau:

- Kinh doanh thông thường (bao gồm các hoạt động kinh doanh thuộc danh dách đặc biệt và các hoạt động không nằm trong danh sách đặc biệt): Bộ Công Thương sẽ cấp giấy phép kinh doanh;

- Đầu tư nhượng quyền là hoạt động đầu tư được Chính phủ cho phép sử dụng quyền sở hữu và các quyền khác của Chính phủ phù hợp với quy định để phát triển và tiến hành hoạt động kinh doanh; bao gồm các quyền về nhượng bộ đất đai, khoáng sản, điện năng, hàng không, viễn thông, bảo hiểm và các tổ chức tài chính. Danh mục các hoạt động nhượng quyền do Chính phủ quy định: do Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp giấy phép nhượng quyền;

- Các hoạt động phát triển các đặc khu kinh tế và vùng kinh tế đặc thù: là sự đầu tư cho mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và phát triển đô thị mới.

Quy trình phê duyệt đầu tư tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

 

Lưu ý: Nhà đầu tư phải nộp 10 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ nêu trên

 

b) Quy trình và thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Lào

Theo như sơ đồ quy trình được trình bày ở trên thì đối với các hoạt động kinh doanh thông thường nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ hoặc Sở Công thương để xin cấp Giấy đăng kí thành lập doanh nghiệp. Tùy thuộc vào địa điểm và loại hình kinh doanh mà nhà đầu tư có thể đăng ký ở cấp trung ương (Bộ) hoặc tỉnh thành phố (Sở).

* Cơ quan có thẩm quyền đối với việc thành lập doanh nghiệp:

- Cấp trung ương (Cục Đăng ký và quảng lý doanh nghiệp - Enterprise Registration and Management Department, MoIC)

- Cấp tỉnh và thành phố (Sở Công nghiệp và Thương mại tỉnh và thành phố)

* Ngành nghề kinh doanh: Để đăng kí kinh doanh tại Lào nhà đầu tư cần biết ngành nghề kinh doanh của mình thuộc loại nào được xác định bởi 1 mã ngành (ISIC codes). Một số ngành nghề kinh doanh thuộc diện kiểm soát đặc biệt – những ngành này được xếp trong danh sách đặc biệt (negative list).

* Thủ tục và thời gian đăng ký doanh nghiệp:

Bước 1: Đăng kí tên doanh nghiệp

Bước 2: Thông qua Điều lệ công ty và Điều lệ này được Cục khuyến khích đầu tư phê duyệt

Bước 3: Xin cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp (“ERC”) từ Bộ Công thương (“MoIC”).

Bước 4: Đăng ký/Xin Chứng nhận Đăng ký Mã số Thuế:                                                                                                                                                                        

 Bước 4: Đăng ký/Xin cấp Con dấu của Công ty

Bước 5: Phê duyệt nhận diện công ty

c) Các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào

* Bộ Kế hoạch đầu tư Lào

- Dịch vụ 1 cửa Cục Khuyến khích đầu tư (IPD)

* Bộ Công thương Lào (MOIC)

* Thương vụ Việt nam tại Lào

* Hội Doanh nghiệp Việt Nam Hợp tác và Đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI)

* Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL)

2.2. Quy trình và thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Campuchia                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

a) Cơ quan có thẩm  quyền

* Bộ Thương mại Campuchia (The Ministry of Commerce viết tắt là MoC). Các cơ quan thuộc MoC có chức năng nhiệm vụ liên quan bao gồm:

  • Cục Đăng ký Thương mại
  • Phòng đăng ký Thương mại (Commercial Registration Department) của MoC

* Hội đồng Phát triển Campuchia (The Council for the Development of Cambodia viết tắt là CDC):

            - Ban Đầu tư Campuchia (CIB):

- Ban Quản lý Đặc khu kinh tế Campuchia (CSEZB):

* Các tiểu ban đầu tư tại các tỉnh và thành phố (the Provincial-Municipal Investment Sub-Committee)

b) Thủ tục thành lập doanh nghiệp

* Thủ thục thành lập Công ty TNHH

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại Cục Đăng ký Thương mại của MoC hoặc tại các chi nhánh đăng ký thương mại ở các tỉnh, thành phố.

Tháng 1 năm 2016, Bộ Thương mại đã đưa ra một cổng đăng ký kinh doanh trực tuyến cho phép tất cả các doanh nghiệp hiện tại và mới đăng ký công ty của họ tại: http://www.businessregistration.moc.gov.kh. Đăng ký kinh doanh mới mất khoảng hai tuần. Phí đăng ký có thể được trả theo hệ thống thanh toán điện tử (internet banking) tới tài khoản của Bộ Thương mại (The MoC’s Joint Prakas).

Trên thực tế nhà đầu tư có thể sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến. Việc hoàn thành quá trình đăng ký trực tuyến tồn tại một số khó khăn như: các vấn đề kỹ thuật hoặc ngôn ngữ nên đã dẫn đến một số nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để đăng ký hoặc đăng ký lại.

Bước 1: Xin giấy xác nhận tiền gửi để thành lập doanh nghiệp

Vốn khởi nghiệp được yêu cầu trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp ít nhất là 4 triệu KHR và phải được gửi vào một trong số các ngân hàng có thẩm quyền ở Campuchia. Thời gian thực hiện: 01 ngày.

Bước 2: Kiểm tra tính khả thi tên doanh nghiệp tại Phòng đăng ký Thương mại (Commercial Registration Department) của MoC

Người nộp đơn yêu cầu kiểm tra trên phải nộp tại Phòng đăng ký Thương mại thông qua Website.[6]

Bước 3: Chuẩn bị giấy tờ/hồ sơ và lệ phí

Lệ phí đăng ký là: 420 000 KHR (tương đương 104 USD )[7]

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký

Bước 5: Cấp giấy chứng nhận đăng ký (Registration Certificate) và con dấu

Trong vòng 5 ngày làm việc hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ được xử lý và cấp Giấy chứng nhận. Đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại các chi nhánh của MoC tại các tỉnh, thành phố thì Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời sẽ được cấp trong vòng 10 ngày làm việc.

* Thủ tục thành lập Hợp danh

Tất cả các thành viên hợp danh phải có mặt tại Cục đăng ký thương mại của MoC hoặc các chi nhánh của MOC ở các tỉnh, thành phố

Bước 1: Kiểm tra tính khả thi của tên doanh nghiệp tại Bộ phận đăng ký Thương mại cua MoC (tương tự Doanh nghiệp)

Bước 2: Chuẩn bị giấy tờ/hồ sơ và lệ phí

Lệ phí đăng ký là 420 000 KHR (tương đương 104 USD)[8]

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký

Giấy chứng nhận đăng ký sẽ được cấp trong vòng 5 ngày làm việc (tương tự quy trình Công ty TNHH)

* Thành lập Văn phòng đại diện/Chi nhánh[9]

Đại diện của Văn phòng đại diện/chi nhánh phải có mặt tại Cục đăng ký thương mại (Commercial Registration Bureau) của MoC hoặc các chi nhánh của MoC ở các tỉnh, thành phố

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ/hồ sơ và lệ phí

Lệ phí đăng ký là 420 000 KHR (tương đương 104 USD)[10]

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký

Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký

Giấy chứng nhận đăng ký sẽ được cấp trong vòng 5 ngày làm việc (tương tự quy trình Công ty TNHH).

* Giấy chứng nhận Đăng ký đủ điều kiện và Giấy chứng nhận đăng ký cuối cùng: Nếu một nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư đó phải đăng ký (thông qua việc nộp đề án đầu tư) và nhận sự chấp thuận từ Hội đồng Phát triển Campuchia hoặc Tiểu ban Đầu tư Tỉnh, thành phố. Các dự án FDI, nếu có đủ điều kiện được hưởng ưu đãi doanh nghiệp, được gọi là dự án đầu tư đủ điều kiện (Qualified Investment Project, viết tắt là QIP). Thực hiện dịch vụ một cửa ở Hội đồng phát triển Campuchia nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình đầu tư, cấp giấy xác nhận đăng ký đủ điều kiện hoặc thư không đồng ý trong vòng 3 ngày (không tính ngày nghỉ) và cấp giấy xác nhận đăng ký chính thức trong vòng 28 ngày (không tính ngày nghỉ) kể từ ngày cấp giấy xác nhận đăng ký đủ điều kiện.

Lệ phí: 7 triệu Riels (tương đương 498 USD) [11]

c) Các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia

* Đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội

* Tổng lãnh sự quán Campuchia tại T.P Hồ Chí Minh:
* Cơ quan đại diện của ta tại Campuchia:

- Đại Sứ quán Việt Nam tại Campuchia
- Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia - AVIC:

- Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (Vilacaed)

Kết luận: Một công ty TNHH Campuchia có thể thành lập với các điều kiện rất đơn giản: (1) có ít nhất 02 cổ đông; (2) một giám đốc (có thể là người nước ngoài và không nhất thiết lưu trú tại Campuchia để thực hiện quá trình đăng ký này).

2.3. Quy trình và thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Indonesia

a) Cơ quan có thẩm  quyền:

- Ban điều phối đầu tư quốc gia (Badan Kooprdinasi Penanaman Modal).

- Cơ quan thống nhất quản lý về đầu tư (cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) là Ban điều phối đầu tư Indonesia – BKPM. Đây là cơ quan có nhiệm vụ điều phối hoạt động đầu tư giữa Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Ngân hàng Indonesia và chính quyền địa phương cũng như giữa các chính quyền địa phương với nhau.

b) Thủ tục

Ở Indonesia, các nhà đầu tư có thể tìm hiểu và thực hiện tất cả các thủ tục được yêu cầu khi đăng ký thành lập công ty, các vấn đề về mã số thuế, mã VAT của công ty… trên mạng Internet.

Nói tóm lại, quá trình đầu tư tại Indonesia chia làm 3 giai đoạn và 7 bước:

(i) Chuẩn bị đầu tư: đây là giai đoạn thành lập một pháp nhân Indonesia để thực hiện hoạt động đầu tư;

(ii) Xây dựng: đây là giai đoạn chuẩn bị cơ sơ hạ tầng và thu xếp các giấy phép cần thiết cho việc đầu tư;

(iii) Sẵn sàng cho sản xuất, vận hành: là giai đoạn đã sãn sàng sản xuất hoặc kinh doanh (dịch vụ);

Bước 1: Xin Giấy phép nguyên tắc:

Bước 2: Chứng nhận thành lập doanh nghiệp:

Chứng nhận thành lập được cấp bởi Phòng công chứng. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được phép thành lập dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn (Limited liability Company – LLC).

Bước 3: Mã số xuất nhập khẩu:

- Sau khi được thành lập, công ty phải xin mã số xuất nhập khẩu (API-P or Producer Importer Identification Number). Việc xin cấp API-P được thực hiện tại bộ phận một cửa của Ban điều phối đầu tư Indonesia (Indonesia investment coordinating board – BKPM)

Bước 4: Làm thủ tục để hưởng việc miễn nghĩa vụ thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị

Bước 5: Làm thủ tục về thuế thu nhập doanh nghiệp

Bước 6: Xin các giấy phép tại chính quyền địa phương: Giấy phép về địa điểm đầu tư; Giấy phép xây dựng; Giấy phép cam kết không gây ảnh hưởng; Đăng ký mã số công ty.

Bước 7: Xin Giấy phép hoạt động

c) Các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Indonesia

- Bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ và vừa (State Ministry of cooperative and small and medium enterprises)

- Các tổ chức hỗ trợ khác trực thuộc Bộ công nghiệp

 III. CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CỦA LÀO, CAMPUCHIA VÀ INDONESIA

Ba nước Lào, Campuchia, Indonesia đã và đang nỗ lực tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bằng nhiều chính sách ưu đãi khác nhau. Mỗi nước đều có những chính sách riêng về thu hút đầu tư nước ngoài do đó các nhà đầu tư Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ môi trường đầu tư của mỗi nước để có kế hoạch đầu tư hiệu quả.  

Danh mục đầu tư: Nhìn chung tương tự như Việt Nam cả ba nước Lào, Campuchia và Indonesia đều quy định các lĩnh vực cho phép, khuyến khích, hạn chế và cấm đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mỗi quốc gia.

Xét về mức độ ưu đãi: Đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cả 4 nước (bao gồm cả Việt Nam) đều áp dụng thuế suất ưu đãi, mức độ miễn giảm trên cơ sở các tiêu chí về lĩnh vực (như dự án QIP (Dự án đủ điều kiện của Campuchia), địa bàn khuyến khích đầu tư (như Đặc khu kinh tế của Campuchia, Vùng ngoại quan của Inđonesia), tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm, trình độ công nghệ.

Đối với ưu đãi về thuế nhập khẩu, xuất khẩu: cả ba nước đều có các ưu đãi nhất định đối với hai loại thuế này nhằm khuyến khích hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực định hướng. Tuy nhiên, trong ba nước thì ưu đãi của Campuchia đối với thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là cao nhất đó là được miễn thuế (hoặc thuế suất bằng 0%) trong thời gian dài đối với một số lĩnh vực hoặc một số thị trường nhất định.

Chế độ sở hữu, sử dụng đất đai và bất động sản: Cũng giống như Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia đều không công nhận hoặc không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu đất mà chỉ cho phép sử dụng đất với những điều kiện rất chặt chẽ. Thời hạn cho nhà đầu tư nước ngoài ở các nước là khác nhau, và trong đó Indonesia có thời hạn cho thuê đất cao nhất, lên đến 95 năm, tiếp theo là Campuchia: 50 năm

Các biện pháp bảo đảm đầu tư và giải quyết tranh chấp

Cũng giống Việt Nam, các nước đều quy định các biện pháp bảo đảm đầu tư - kinh doanh trong hệ thống pháp luật của mình, thể hiện tính cạnh tranh và phù hợp với thông lệ quốc tế:

  • Cam kết không quốc hữu hóa, không trưng dụng vốn và tài sản của nhà đầu tư bằng các biện pháp hành chính.
  • Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được chuyển vốn, lợi nhuận, tiền gốc và lãi của các khoản vay nước ngoài và các tài sản hợp pháp khác của họ
  • Cho phép nhà đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng cơ chế giải quyết tranh chấp thích hợp theo sự lựa chọn của họ, bao gồm việc giải quyết tại tổ trọng tài, tòa án nước sở tại hoặc tổ chức trọng tài quốc tế hoặc trọng tài nước thứ ba hoặc trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập.

IV. CHÍNH SÁCH HẠN CHẾ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CỦA LÀO, CAMPUCHIA VÀ INDONESIA

Cũng giống như Việt Nam cả ba nước Lào, Campuchia, Indonesia đều áp dụng hình thức hạn chế đầu tư  phổ biến là: (1) quy định giới hạn sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài; (2)quy định những lĩnh vực và ngành nghề cấm đầu tư chủ yếu đối với nhà đầu tư nước ngoài (như ngành nghề liên quan đến an ninh quốc phòng, khai thác tài nguyên…), (3) yêu cầu xuất khẩu, nội địa hóa, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, (4) hạn chế khác như: yêu cầu về chuyển giao công nghệ, mức độ sử dụng lao động, hạn chế sở hữu đất đai.

1. Chính sách hạn chế đầu tư ở Lào

Với việc ban hành Luật Khuyến khích đầu tư năm 2016, Lào được đánh giá là nước có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài và chỉ có rất ít các hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách hạn chế cụ thể:

a) Các ngành nghề kinh doanh hạn chế hoặc có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài:

Các lĩnh vực bị cấm bao gồm: Sản xuất vũ khí và thuốc phiện ; Đào tạo quân sự và quốc phòng; Dịch vụ điều tra và an ninh...

Một số lĩnh vực có yêu cầu về tỷ lệ vốn góp nội địa như: Sản xuất bia và các đồ uống có cồn khác; Sản xuất thuốc...

b) Hạn chế về lao động: Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn về nguồn nhân lực khi triển khai các dự án đầu tư tại Lào. Việc sử dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào còn đang bị hạn chế. Hiện nay chính phủ Lào quy định lao động Việt Nam tại dự án, nhà máy không được quá 10% tổng số lao động, thời gian lưu trú ngắn (mỗi ba tháng người lao động phải đổi visa một lần), chi phí làm thủ tục cư trú còn cao (300 USD/lao động/năm).

c) Hạn chế về tiếp cận đất đai và bất động sản: Hạn chế về quyền sở hữu bất động sản: Cá nhân người nước ngoài và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp đều không được: Cho thuê đất; và Được nắm giữ đất do nhà nước nhượng quyền. Việc nhà nước nhượng quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư nước ngoài hạn chế trong thười hạn tối đa là 50 năm.

2. Chính sách hạn chế đầu tư ở Campuchia

Các quy định của pháp luật của Campuchia nói chung và các quy định liên quan đến chế định thành lập doanh nghiệp, chính sách đầu tư ở Campuchia vẫn còn thiếu và yếu, tính ổn định và khả năng tuân thủ không cao.

Kinh doanh tại Campuchia thường có chi phí cao, chủ yếu là chi phí giao thông vận tải và điện (cơ sở hạ tầng không đầy đủ). Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào điện hay vận tải nên dự trù một khoản lớn chi phí trong dự toán.

Chính sách hạn chế cụ thể:

a) Các ngành nghề kinh doanh hạn chế hoặc có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

- Các lĩnh vực cấm hoàn toàn các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư trong nước và ngước ngoài) thực hiện hoạt động đầu tư, gồm: sản xuất/chế biến các chất hướng thần và chất ma tuý,Sản xuất hoá chất độc, thuốc trừ sâu nông nghiệp

- Các lĩnh vực không được khuyến khích đầu tư:  Các loại hình hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, kể cả cửa hàng miễn thuế; Dịch vụ vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, trừ đầu tư trong ngành đường sắt;...

- Các hoạt động đầu tư không được miễn thuế lợi tức (vẫn được miễn thuế nhập khẩu):  Dịch vụ cơ sở hạ tầng viễn thông; Thăm dò khí đốt, dầu và các loại khai thác, bao gồm cả cơ sở cung cấp cho hoạt động dầu khí

-Các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu 100% vốn: Nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu 100% phần vốn trong các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: sản xuất thuốc lá, sản xuất phim, chế biến gạo, khai thác và chế biến đá quý, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, ...

b) Hạn chế về lao động:

Theo Bộ Lao động và Đào tạo nghề (MOLVT) thì số lao động nước ngoài không được vượt quá 10% tổng số người lao động Campuchia trong một doanh nghiệp. Nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn để tìm lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật ở Campuchia, bởi chỉ 10% dân số biết tiếng Anh; chỉ 5% biết sử dụng Internet; chỉ 5% dân số có trình độ đại học. Và mất nhiều thời gian (từ 3 đến 6 tháng) để xin Giấy phép lao động cho một người lao động chuyên nghiệp nước ngoài.

c) Hạn chế về tiếp cận đất đai và bất động sản

Về cơ bản nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, pháp nhân[12]) không được phép sở hữu đất ở Campuchia.

Kết luận:

- Có thể nhận thấy rằng chính sách và môi trường đầu tư của Campuchia chưa thật ổn định, khó tiên liệu…, khiến các nhà đầu tư nói chung chưa hoàn toàn yên tâm.

- Việc phối hợp trong xây dựng chính sách và các chương trình hành động chung nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại và du lịch còn chậm, chưa cụ thể và chưa có hiệu quả thiết thực. Các cam kết, thoản thuận đã ký kết chưa thực sự được thúc đẩy triển khai. Chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nước ngoài còn hạn chế[13].

- Hệ thống pháp luật còn thiếu

- Việc thực thi chính sách chưa hiệu quả bởi sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa thật sự đồng bộ.

- Chính sách đầu tư của Chính phủ Campuchia thường xuyên thay đổi cũng tạo ra môi trường không thuận lợi cho các nhà đầu tư vốn FDI,

- Campuchia bắt đầu hoạt động kinh doanh khó khăn hơn so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương bởi sự gia tăng thời gian đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phải nộp chứng từ xác nhận vốn sau khi đăng ký (đánh giá năm 2017)[14].

- Cơ sở hạ tầng ở Campuchia chưa hoàn thiện[15] nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và đầu tư của các nhà đầu tư tại nước này,

- Tiềm lực về vốn, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chưa phải là mạnh.

- Việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn yếu

3. Chính sách hạn chế đầu tư ở Indonesia

Đối với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia ASEAN, chính phủ Indonesia có mở ra và nới lỏng hơn trong các lĩnh vực liên quan đến cảng và năng lượng, dược phẩm, viễn thông cố định ...

Chính sách hạn chế cụ thể:

a) Các ngành nghề kinh doanh hạn chế hoặc có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

Đối với ngành nghề kinh doanh hạn chế hoặc có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các ngành công nghiệp bị hạn chế đầu tư nước ngoài đã được mở lại bao gồm:

- Lĩnh vực kinh doanh mở mới: các vấn đề về biển, nghề cá và ngành sản xuất nói chung được yêu cầu mở mới với các đối tác của Indonesia

- Lĩnh vực kinh doanh nới lỏng hơn về cổ phần sở hữu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Dược phẩm (85% tăng từ 75%); Tài trợ vốn mạo hiểm (85% tăng từ 80%); Viễn thông cố định (65% tăng từ 49%)[16];

- Không kêu gọi đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực liên quan đến cảng và năng lượng.

b) Hạn chế về lao động

Nếu doanh nghiệp có số lượng lao động nhỏ hơn 500 lao động[17] hoặc trên 500 lao động nhưng không duy trì được số lượng lao động này trong vòng 5 năm liên tiếp thì sẽ không được nhận ưu đãi về việc kéo dài thời hạn chuyển lỗ của doanh nghiệp theo cơ chế về ưu đãi đầu tư tại Indonesia.

c) Hạn chế về tiếp cận đất đai và bất động sản

Quy tắc chung là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được nhận bất kỳ lợi ích nào về đất đai tại Indonesia bất kể là đất họ được giao để sản xuất kinh doanh hay là nhà riêng.

Như vậy, đối với những ngành nghề hạn chế đầu tư thì nhà đầu tư Việt Nam muốn đầu tư vào Indonesia nhất định phải nắm rõ các quy định về đất đai tại Indonesia theo đó, nhà đầu tư sẽ có thể được quyền sử dụng đất, chuyển nhượng trong một số trường hợp phân tích ở trên nhưng không bao giờ được quyền sở hữu đất đai.

V. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG CHUNG ASEAN VÀ CÁC NƯỚC LÀO, CAMPUCHIA, INDONESIA

1. Nhận diện các thuận lợi và khó khăn thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập thị trường chung ASEAN và các nước Lào, Campuchia, Indonesia.

1.1. Thuận lợi

Có thể khẳng định rằng trong số các thị trường các nước thuộc ASEAN thì Lào, Campuchia là những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi nhất. Các điều kiện thuận lợi đặc thù của các thị trường này đến từ các yếu tố địa lý (có chung biên giới), chính trị (quan hệ truyền thống lâu đời giữa 3 nước Đông dương)…

1.2. Khó khăn, hạn chế

a) Hạn chế về chính sách pháp luật của nước sở tại

- Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư của Lào, Campuchia và Indonesia đều đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện để đẩy mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài nên có nhiều thay đổi, không thống nhất, chưa thật sự minh bạch và khó tiếp cận tạo ra môi trường không thuận lợi cho các nhà đầu tư vốn FDI.

- Về visa làm việc, lệ phí visa cho cán bộ làm việc ở Campuchia quá cao (446 USD/ người/năm),

- Về đánh thuế hai lần: Hiện nay, hai nước Việt Nam – Campuchia chưa có Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần nên hàng hóa mua tại Việt Nam đã chịu thuế, khi chuyển sang Campuchia tiếp tục phải chịu thuế thêm lần nữa và điều này làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

b) Hạn chế về năng lực và thông tin

- Tiềm lực về vốn, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chưa phải là mạnh; kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, do vậy còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

- Khi đầu tư sang Lào, Campuchia và Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm vững luật pháp, chính sách, chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Campuchia.

c) Thiếu sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng

- Việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư còn yếu: Công tác hỗ trợ, định hướng cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp còn rời rạc, thiếu liên kết.

  • Doanh nghiệp Việt Nam khi có dự định gia nhập các thị trường này cần lưu ý tới một số khó khăn có thể gặp phải ở các thị trường này.

2. Một số khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập thị trường chung ASEAN và các nước Lào, Campuchia, Indonesia.

- Về lựa chọn hình thức hiện diện tại nước ngoài của doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam cần căn cứ vào quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề và kế hoạch phát triển kinh doanh tại nước ngoài để lựa chọn hình thức hiện diện của mình cho phù hợp, có thể tăng dần quy mô bắt đầu bằng văn phòng đại diện rồi đến Chi nhánh và đến thời điểm chin muồi thì thành lập doanh nghiệp nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Qua nghiên cứu về các loại hình doanh nghiệp của 3 nước Lào, Campuchia, Indonesia cho thấy hình thức Công ty TNHH là hình thức thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng.

- Về ngành nghề lĩnh vực kinh doanh

Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kĩ thị trường nước dự kiến đầu tư để nắm rõ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh được khuyến khích hoặc là thế mạnh của mình.

- Về tăng cường năng lực và cập nhật thông tin chính sách pháp luật

+ Các doanh nghiệp Việt Nam cần có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để kinh doanh quy mô và dài hạn.

+ Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có tư duy và phương pháp kinh doanh theo chuỗi, nhóm.

+ Các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu để có đầy đủ nhất thông tin về chính sách, pháp luật của nước định đầu tư; tìm hiểu các đối tác kinh doanh, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá, cách thức tiêu dùng và đặc biệt pháp luật nước sở tại nơi doanh nghiệp có kế hoạch gia nhập thị trường.

- Tăng cường sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của nhà nước

+ Hỗ trợ về thông tin

  • Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư hàng năm.
  • Cơ quan quản lý nhà nước mà Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thu thập và cung cấp thông tin có thể định kỳ hàng năm biên soạn thành sách bằng tiếng Việt để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư ra nước ngoài
  • Xây dựng cổng thông tin điện tử Thương mại giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và Indonesia (song ngữ) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, cổng thông tin này còn là cầu nối trực tiếp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng giải đáp những vướng mắc khi tham gia xuất, nhập khẩu.

+ Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư

Đối với một số dự án đầu tư để thực hiện mục tiêu quan trọng có tác động tích cực tới phát triển kinh tế của nước ta như sản xuất điện nhập khẩu về Việt Nam, khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước, đề nghị được hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn.

 Trong một số trường hợp đặc biệt, nhà nước có thể góp vốn cùng với doanh nghiệp để thực hiện dự án, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

+  Chính sách ưu đãi về thuế

Có chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư trong một số lĩnh vực đặc thù (sản xuất điện nhập khẩu về Việt Nam, khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu, phục vụ sản xuất chế biến trong nước), cụ thể cho miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận chuyển về nước đã được nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Lào.

+ Về thực hiện các hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương

Sớm triển khai và thực hiện thống nhất các nội dung của các hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước, trong đó có  Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư cũng như Hiệp định tránh đánh thuế trùng của Việt Nam với các nước để làm cơ sở cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mỗi nước.

+ Về đào tạo lao động

Kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sang Lào, Campuchia đào tạo các lao động người Lào, Campuchia hoặc đào tạo các lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào, Campuchia.

+ Hỗ trợ từ phía các cơ quan bộ ngành có liên quan

Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, cũng như với cơ quan đại diện ngoại giao trong việc quản lý và nắm bắt thông tin về các dự án đầu tư ra nước ngoài đã hình thành thông qua việc trao đổi thông tin và hợp tác xử lý các vướng mắc của dự án bằng nhiều hình thức phong phú.



[1] http://baoquocte.vn/50-nam-quan-he-viet-nam-campuchia-su-hien-dien-kinh-te-cua-viet-nam-gop-phan-phat-trien-campuchia-51447.html

[2] Hai bên đã thông qua Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và có hiệu lực từ ngày 29/3/2012.

[3] Điều 85 Luật Doanh nghiệp Thương mại  Campuchia

[4] Báo cáo nghiên cứu về pháp luật đầu tư một số nước năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[5] Michael Doyle – Doyle’s Practical Guide to Business Law in Emerging Countries in Asia

[6]  Theo thông báo Prakas no. 063 MOC / SM2013 về Quy trình chung về cung cấp dịch vụ liên quan đến đăng ký thương mại ngày 27 tháng 2 năm 2013

[7] Prakas no 679 MoEF ngày 7 tháng 8 năm 2007

[8] Prakas no 679 MoEF ngày 7 tháng 8 năm 2007

[9] Law Bearing Upon Commercial Regulations and the Commercial Register (26 June 1995) and Amendments to
Law Bearing Upon Commercial Regulations and the Commercial Register (18 November 1999), Art. 19

[10] Prakas no 679 MoEF ngày 7 tháng 8 năm 2007

[11] Nghị định No.111 ANK/BK, Sub- Decree on the implementation of the amendêmnt to the Law on Investment of the Kingdom of Cambodia, Khoản 5.1, Chương 2

[12] Pháp nhân mà nhà đầu tư nươc ngoài nắm giư trên 50% cổ phần. Một pháp nhân được coi là mang quốc tịch Campuchia nếu có ít nhất 51% cổ phần được nắm giữ bởi các công dân Campuchia. 

[13] Hướng tới đầu tư bền vững tại thị trường Lào và Campuchia, Kênh thông tin đối ngoại của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đăng ngày 24/2/2017, (truy cập: http://vccinews.vn/news/17410/huong-toi-dau-tu-ben-vung-tai-thi-truong-lao-va-campuchia.html)

[14] A World Bank Group Flagship Report, Doing Business. Equal Opportunity for All, Regional Frofile 2017, East Asia and the Pacific (EAP). Tr.21

[15] Hồ sơ thị trường Campuchia, VCCI, cập nhật tháng 3/2016, tr.7

[16] Legal Guide to Investment in Indonesia (July 2014) Page 15

[17] Bởi vì một trong những điều kiện doanh nghiệp được kéo dài thời hạn chuyển lỗ là doanh nghiệp phải có ít nhất 500 lao động trong vòng 5 năm liên tiếp (theo Doyle’s Practical Guide to Business Law in Emerging Countries in Asia, Page 105)

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...