• Thuộc tính
Tên đề tài Thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các hiệp định đa biên của Tổ chức Thương mại thế giới và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Nội dung tóm tắt

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế phát triển tất yếu của thời đại và đang làm cho các nền kinh tế ngày càng trở nên tuỳ thuộc vào nhau, xích lại gần nhau hơn. Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm tham gia các tổ chức kinh tế toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, từ tháng 1 năm 1995 Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập WTO và đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mạt thế giới (WTO) - tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất hiện nay1. Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ WTO là một yêu cầu tiên quyết để Việt Nam có thể được trở thành thành viên của tổ chức này. Việc phải thực hiện yêu cầu của WTO đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật trong nước với các nghĩa vụ của WTO là công việc không hề đơn giản ngay cả đối với những nước phát triển và càng khó khăn hơn đối với một nước như Việt Nam - một nước đang phát triển và mới bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan trực tiếp đến các Hiệp định đa biên của WTO, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới là rất cần thiết về mặt lý luận, cũng như về mặt thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và sau này, nhằm bổ sung thông tin góp phần thực thi Chiến lược phát triển pháp luật của nước ta trong điều kiện công nghiệp hoá hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Đề tài tập trung tìm hiểu các quy định được thể hiện trong các văn bản pháp lý của WTO liên quan trực tiếp đến ba lĩnh vực cốt lõi của WTO đó là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mại liên quan tới sở hữu trí tuệ để đối chiếu với các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam hiện hành, làm rõ thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan.

I. TỔNG QUAN QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) VÀ HỆ THỐNG CÁC HIỆP ĐỊNH ĐA BIÊN CỦA WTO

1. Tổng quan quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế và đàm phán gia nhập WTO của Đảng và Nhà nước Việt Nam

1. 1. Tổng quan về quá trình hình thành và phát triển các quan điểm, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam

1.1.1. Chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta có từ rất sớm. Ngay sau ngày dành được độc lập Bác Hồ đã có thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về vấn đề này. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước ta từ năm 1945 - 1975 không cho phép nên chủ trương này trên thực tế gặp không ít khó khăn. Ngay sau ngày Việt Nam thống nhất về mặt nhà nước, Đảng và Nhà nước ta đã có những hoạt động chủ động tích cực trong thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Những hoạt động nổi bật gần đây:

Tháng 7/1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, chấp nhận các nguyên tắc, quy định của Tổ chức kinh tế khu vực này.

Tháng 1/1995, WTO chính thức nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam để tiến hành đàm phán cụ thể.   

Tháng 6/1996, Việt Nam tham gia thành lập ASEM.

Tháng 11/1998, Việt Nam trở thành thành viên APEC.

Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 4/2001) đã khẳng định “phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”.

 Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về hội nhập kinh tế quốc tế (Nghị quyết số 07/NQ-TW). Đây là văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Ngày 03/02/2004, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 34/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Nghị quyết có nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là chủ động và khẩn trương hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đa phương, song phương nước ta đã ký kết và chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm gia nhập WTO; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao so với khu vực; tăng nhanh xuất khẩu và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.

1.1.2. Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2011 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa ra những đánh giá về tình hình thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và nhấn mạnh nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Nghị quyết xác định rõ mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định những quan điểm chỉ đạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; và nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

1. 2. Tổng quan về một số quan điểm của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến đàm phán gia nhập WTO

1.2.1. Những nguyên tắc và quan điểm chung về hội nhập kinh tế quốc tế là quan điểm cơ bản cần tuân thủ trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX và Nghị quyết số 07/NQ- TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế đã định ra những nguyên tắc và quan điểm cơ bản cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, duy trì sự ổn định vĩ mô, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế Nhà nước. Cụ thể:

Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, là bộ phận trong tổng thể đổi mới - hội nhập - phát triển và tăng trưởng bền vững, là tiền đề quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc xây dựng phát triển đất nước theo định hướng XHCN, công nghiệp hoá, hiện đạt hoá, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Thứ hai, phải tích cực chủ động mọi mặt, phát huy nội lực, tập trung giải quyết các cơ sở nền tảng, nâng cao môi trường cạnh tranh chung của nền kinh tế với tính cách là một nhân tố quan trọng nhất đảm bảo đạt và duy trì sự phát triển bền vững. Những vần đề cần đặc biệt quan tâm là kiện toàn khung pháp luật, chiến lược đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và quản lý điều hành vĩ mô một cách phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế định hướng thị trường và hội nhập.

Thứ ba, phải tạo điều kiện và thúc đẩy các ngành, các doanh nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ tư, hội nhập và điều chỉnh cần thiết cơ cấu kinh tế phải được tiến hành nghiêm ngặt theo chương trình, kế hoạch trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế, với các bước đi vững chắc không chậm trễ, không để dồn gánh nặng vào thời gian cuối của lộ trình cam kết.

Thứ năm, việc điều chỉnh cần thiết hệ thống pháp luật, các chính sách, cơ chế quản lý kinh tế cần dựa trên nguyên tắc và yêu cầu về nghĩa vụ thành viên của WTO, phù hợp với truyền thống văn hoá pháp lý Việt Nam.

Thứ sáu, phải khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết, phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật, các quy tắc tác nghiệp cơ bản cần thiết cho các cơ quan, tổ chức trong nước và mọi công dân, tập trung đào tạo và đào tạo lại cấp tốc lực lượng cán bộ pháp lý để đảm nhận thành công công cuộc hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ bảy, phải đặt vấn đề đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế trong tổng thể các vấn đề thuộc chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững định hướng XHCN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ tám, phải coi trọng vấn đề ổn định chính trị - xã hội trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, chú ý đến các biện pháp hạn chế các tác động tiêu cực về mặt xã hội như là một nội dung đặc biệt quan trọng. Tiến hành cải cách thể chế tư pháp, pháp luật điều chỉnh các hoạt động trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước song song với cải cách hệ thống thể chế, hành chính và thị trường lao động, có chính sách và pháp luật khuyến khích phát triển khu vực ngoài quốc doanh, phát triển các dự án đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài trên mặt bằng tổng thể chung.

1.2.2. Một số nguyên tắc và quan điểm về đàm phán gia nhập WTO

Việc hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống các quan điểm, nguyên tắc đàm phán gia nhập WTO cần xuất phát từ nguyên tắc và quan điểm nhận thức sau:

Thứ nhất, phải coi việc đàm phán gia nhập WTO là một bước thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, gắn liền và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế vì sự phát triển bền vững của kinh tế nước nhà; phải căn cứ vào nhu cầu phát triển và khả năng, đặc điểm của nền kinh tế đất nước hiện tại theo hướng vươn lên đạt tới những mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020.

Thứ hai, hội nhập với nền kinh tế thế giới và gia nhập WTO thực chất là tham gia phân chia thị trường, giành lợi thế trong thương mại quốc tế. Cần coi đây là một ưu tiên và đặt mục tiêu phấn đấu hội nhập thành công trong thời gian ngắn để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn tới, đồng thời hạn chế những khó khăn, phức tạp rất có thể phát sinh nếu quá trình này kéo dài.

Thứ ba, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, gia nhập WTO thực hiện lộ trình, tất yếu phải giảm dần từng bước hàng rào thuế quan và tiến tới xoá bỏ cơ bản hàng rào phi thuế quan để mở đường cho thương mại phát triển.

Thứ , vấn đề nguồn thu ngân sách cần được đặc biệt quan tâm. Trong quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế cần phải làm sao để nguồn thu ngân sách được gia tăng không ngừng bằng việc cải cách hệ thống pháp luật về thuế, tăng thu trên chính sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh trên thị trường Việt Nam, thông qua việc mở rộng thêm các loại thuế mà các nước vẫn áp dụng để bao quát hết các nguồn thu. Cần học hỏi kinh nghiệm các nước khác nhau trong xây dựng pháp luật về thuế để xử lý vấn đề ngân sách trong quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, vấn đề bảo hộ nền kinh tế trong nước cần dựa trên pháp luật và thực tiễn quốc tế. Hội nhập với nền kinh tế thế giới và tham gia WTO phải nhằm vào mục đích không ngừng mở rộng thị trường phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển, đồng thời phải bảo hộ nền sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ còn non trẻ của nước nhà.

Thứ sáu, vấn đề quy hoạch sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh đã trở thành vấn đề cấp bách và phải có giải pháp thích hợp. Tham gia WTO, thực hiện các nghĩa vụ cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan và xoá bỏ hàng rào phi thuế quan cần phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ cấp bách là điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế trong nước, tập trung mọi nỗ lực xây dựng các ngành mũi nhọn, trọng điểm, then chốt, không ngừng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.

Thứ bảy, tính cực chủ động hơn nữa trong đàm phán gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế. Cần xác định rằng những điều mà các nước phát triển đòi hỏi ở Việt Nam ngày hôm nay cũng chính là những điều mà Việt Nam cần phải đòi hỏi ngược trở lại đối với các nước đó trong tương lai để mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ Việt Nam.

Nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu là có đi có lại. Những gì ta cấm hoặc hạn chế đối với các nước thì các nước cũng cấm và hạn chế đối với ta. Do đó trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế phải coi sức mạnh cạnh tranh tự lực tự cường của tổ chức, cá nhân, hàng hoá và dịch vụ Việt Nam là quyết định. Tuy việc tận dụng những quy định riêng biệt, đặc biệt, khác biệt, các ưu đãi mà WTO và hệ thống thương mại toàn cầu dành cho các nước đang phát triển là cần thiết, nhưng cũng phải xác định ràng đó cũng chỉ là tạm thời. Trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng những quy định đó cực kỳ khó khăn, phức tạp. Do vậy, quan điểm về phát huy nội lực, sức mạnh trong nước trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu, cần quán triệt.

2. Tổng quan về WTO và hệ thống các Hiệp định của WTO với tính cách là hệ các tiêu chí được dùng để đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam

2. 1. Tổng quan về WTO

2.1.1. Nhận xét chung

WTO được thành lập ngày 01/01/1995, nhưng hệ thống pháp luật thương mại quốc tế thuộc diện điều chỉnh của Tổ chức này thì đã tồn tại từ rất lâu trước đó. Năm 1947, Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT 1947) ra đời, đề ra hàng loạt các quy định cho hệ thống thương mại quốc tế. GATT 1947 đã vận hành không giản đơn với tính cách là một điều ước quốc tế nhiều bên lớn nhất sau đại chiến thế giới lần thứ hai dưới sự bảo hộ của hệ thống Bretton Woods mà còn tồn tại như một tổ chức quốc tế dạng ad hoc. Theo thời gian, GATT đã tiến hành được nhiều vòng đàm phán. Vòng đàm phán cuối cùng và cũng là vòng đàm phán quan trọng nhất của GATT, Vòng đàm phán Urugoay, diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, cuối cùng đã cho ra đời WTO.

Nếu như trước kia GATT chỉ điều chỉnh các vấn đề về thương mại hàng hoá thì ngày nay, WTO ngoài việc kế thừa và phát triển GATT 1947, cùng các hiệp định mới của mình về thương mại hàng hoá còn điều chỉnh cả các vấn đề mới về thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Một cơ chế giải quyết tranh chấp cũng khá mới được vận hành và ngày càng có hiệu lực trên thực tế.

2.1.2. Cơ cấu tổ chức

WTO gồm có bốn cấp:

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Hội nghị bộ trưởng. Hội nghị bộ trưởng thượng đỉnh họp ít nhất hai năm một lần. Hội nghị bộ trưởng có quyền đưa ra các quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại đa biên.

2. Đại hội đồng là cơ quan hoạt động thường nhật trong thời gian giữa hai kỳ họp của Hội nghị Bộ trưởng, có trách nhiệm giải quyết công việc nhân danh ba cơ quan là Đại hội đồng WTO, cơ quan giải quyết tranh chấp và cơ quan kiểm điểm chính sách thương mại.

3. Các cơ quan điều hành và giám sát việc thực hiện các lĩnh vực của các hiệp định thương mại đa phương, bao gồm Hội đồng thương mại hàng hoá, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng các biện pháp thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh ba Hội đồng này còn có một số Uỷ ban và Nhóm Công tác trực thuộc Đại hội đồng được thành lập để xử lý những vấn đề cụ thể của WTO.

4. Cuối cùng là các đơn vị trực thuộc các Hội đồng hoặc các Uỷ ban trực thuộc Đại hội đồng được lập để xử lý từng nhóm vấn đề cụ thể.

2. 2. Hệ thống các Hiệp định của WTO

2.2.1. Nhận xét chung

Các hiệp định của WTO điều chỉnh các hoạt động trong ba lĩnh vực là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Chúng đề ra các nguyên tắc về tự do hoá và những ngoại lệ được phép áp dụng, nêu lại những cam kết của từng nước về giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác, về mở cửa thị trường dịch vụ, quy định thủ tục giải quyết tranh chấp, quy định các nước đang phát triển phải được đối xử đặc biệt, buộc các Chính phủ phải bảo đảm minh bạch trong chính sách thương mại bằng cách thông báo cho WTO biết những luật lệ hiện hành và các biện pháp được áp dụng, song song với các báo cáo định kỳ của Ban thư ký về chính sách thương mại của các nước. Các hiệp định này thường được gọi là các luật lệ thương mại của WTO và WTO thường được miêu tả là một hệ thống hoạt động dựa trên các luật lệ.

2.2.2. Cấu trúc hệ thống các hiệp định

Mục lục của cuốn "Kết quả của các cuộc đàm phán thương lượng đa biên thuộc Vòng đàm phán Urugoay - những văn kiện pháp lý" đã liệt kê khoảng 60 hiệp định, phụ lục, quyết định và bản ghi nhớ. Các hiệp định này rất dài và phức tạp gắn kết với nhiều học thuyết kinh tế, thương mại quốc tế và được làm rõ qua các án lệ thương mại quốc tế và các phán quyết của WTO. Thực tế, các hiệp định được xây dựng dựa theo một cấu trúc gồm sáu phần: (i) Hiệp định khung (Hiệp định thành lập WTO); (ii) GATT 1994 và 12 Hiệp định chung về điều chỉnh lĩnh vực thương mại hàng hoá cụ thể; (iii) Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và các phụ lục; (iv) Hiệp định điều chỉnh lĩnh vực thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS); (v) Thoả thuận về giải quyết tranh chấp; (vi) Quy định về rà soát chính sách thương mại của Chính phủ các nước.

Các hiệp định điều chỉnh hai lĩnh vực chính - thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ - đều được xây dựng theo mô hình 3 cấp như sau :

Thứ nhất, chúng đều bắt đầu bằng phần các nguyên tắc cơ bản, đặc biệt là các quy định về đãi ngộ quốc gia (NT), đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN), cạnh tranh công bằng và tự do hơn cho thương mại thông qua quy định mở cửa thị trường nội địa của quốc gia thành viên.

Thứ hai, là các quy định bổ sung và các phụ lục liên quan đến những ngành hoặc những vấn đề chuyên biệt thuộc các lĩnh vực điều chỉnh của WTO.

Cuối cùng, là danh mục dài và chi tiết các cam kết của WTO về mở cửa thị trường nội địa của mình cho các nhà cung cấp hàng hoá và dịch vụ nước ngoài. Các danh mục ở phần phụ lục của GATT 1994 bao gồm các cam kết có tính ràng buộc về thuế quan đối với thương mại hàng hoá nói chung, về thuế quan và hạn ngạch đối với thương mại một số sản phẩm nông nghiệp. Trong các danh mục ở phần phụ lục của GATS, có các cam kết nêu rõ mức độ mở cửa thị trường trong một số ngành cụ thể cho các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài cũng như các loại dịch vụ mà nước đó sẽ không áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia.

Các nghĩa vụ theo các hiệp định nói trên là các nghĩa vụ bắt buộc tuân thủ đối với mọi thành viên WTO, là cơ sở cơ bản, là tiêu chí được sử dụng để rà soát hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên và là hệ tiêu chí cơ bản được dùng để nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam và đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những hiệp định đa biên có hiệu lực bắt buộc đối với các nước thành viên WTO, WTO còn có 2 hiệp định nhiều bên (bao gồm Hiệp định nhiều bên về Hàng không dân dụng và Hiệp định về mua sắm Chính phủ) mà các nước thành viên WTO có quyền tự do quyết định có ký kết các hiệp định này hay không. Đối với Việt Nam chúng ta, khi đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật theo đề tài này, các tác giả cũng chú ý đến hai hiệp định đó.

II. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐỀN CÁC HIỆP ĐỊNH ĐA BIÊN CỦA WTO

1. Nhận xét chung về thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá trên cơ sở các hiệp định của WTO

1.1. Theo quy định tại Điều II, XVI của Hiệp định Marrakesh, các Hiệp định của WTO là một tổng thể các văn bản pháp luật quốc tế đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, là kết quả tổng hợp từ nhiều loại điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế mà các nước đã chấp nhận như là "luật chơi chung" của thương mại toàn cầu. Từ việc nghiên cứu các Hiệp định cho thấy, chúng ta có thể hiểu được đa số nội dung yêu cầu nghĩa vụ Thành viên trong các Hiệp định WTO. Nhưng cũng có một số yêu cầu trong các Hiệp định, nhất là các yêu cầu xuất phát từ thực tiễn GATT 1947, từ các quyết định, thủ tục và từ các thông lệ mà các Bên của GATT 1947 và các cơ quan được hình thành trong khuôn khổ GATT 1947 vẫn tuân thủ, kể cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia vẫn còn là những câu hỏi chưa được giải đáp. Các yêu cầu và nội dung này, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, thậm chí cả trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ thành viên WTO sau khi Việt Nam đã được kết nạp vào WTO.

1.2. Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với chuyên gia Bộ Tư pháp, các Bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, phân tích đánh giá cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam với các hiệp định của WTO, tập trung vào 3 lĩnh vực: thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đã tập trung vào phần rà soát, phân tích đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định sau đây của WTO:

a) Thương mại hàng hoá: Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT 1947); Hiệp định nông nghiệp; Hiệp định về thương mại hàng dệt may; Hiệp định thực thi Điều VII của GATT-1994 về Trị giá tính thuế Hải quan; Hiệp định về Quy tắc xuất xứ; Hiệp định thực thi Điều VI của GATT - 1994 về Chống phá giá và Thuế đối kháng; Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng; Hiệp định về các biện pháp tự vệ; Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs); Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật; Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Hiệp định về Kiểm tra hàng hoá trước khi xếp hàng xuống tàu; Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu; Hiệp định Mua sắm Chính phủ.

b) Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).

c) Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS).

Kết quả cụ thể có được từ việc rà soát, đối chiếu, phân tích đánh giá đó trong phạm vi Đề tài này cho thấy có 325 văn bản liên quan trực tiếp đến các Hiệp định của WTO (43 Luật; 31 Pháp lệnh; 102 Nghị định; 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 66 Thông tư, 71 Quyết định của Bộ trưởng, 1 Công văn của các Bộ, ngành, 2 văn bản của Toà án). Đối chiếu chi tiết các lĩnh vực cụ thể do WTO điều chỉnh cho thấy một số điểm chính sau đây:

- Về phần thương mại hàng hoá:

Nhìn chung, nhiều quy định của pháp luật nước ta liên quan đến các Hiệp định về thương mại hàng hoá cơ bản thống nhất với các nghĩa vụ của thành viên WTO. Tuy vậy, cũng có một số quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam liên quan đến thương mại hàng hoá chưa thống nhất hoặc chưa phản ánh đầy đủ nghĩa vụ thành viên theo quy định của WTO. Chẳng hạn, các vấn đề về thực hiện quy tắc đối xử quốc gia, những quy định về TRIMs, về thuế nội địa... đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp thích hợp.

- Về phần sở hữu trí tuệ (SHTT):

Nội dung của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Về cơ bản, các quy định hiện hành của pháp luật nước ta về quyền sở hữu trí tuệ đã thống nhất với các quy định của WTO về sở hữu trí tuệ. Việt Nam có thể thực hiện được ngay hầu hết các quy định của WTO về nghĩa vụ của Thành viên WTO trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, một số quy định về cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quy định về các thủ tục tố tụng hành chính và tư pháp kể cả các chế tài hình sự, dân sự, hành chính và các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được tiếp tục cụ thể hoá để bảo đảm tốt hơn các yêu cầu của WTO.

- Phần về thương mại dịch vụ:

Theo Hiệp định GATS và quy định của Liên Hợp quốc (CPC), thương mại dịch vụ được phân thành 12 nhóm ngành, với trên 155 ngành dịch vụ khác nhau: Kết quả đối chiếu, phân tích, đánh giá các quy định của WTO với pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến thương mại dịch vụ cho thấy Việt Nam có khá nhiều quy định cơ bản đáp ứng được yêu cầu của WTO. Tuy vậy, trong một số lĩnh vực, tuy có quy định nhưng nhiều vấn đề pháp luật Việt Nam còn thiếu, quy định chưa rõ ràng, có điểm chưa thống nhất với yêu cầu về nghĩa vụ Thành viên WTO, thậm chí có điểm còn có cách hiểu khác với cách hiểu của WTO.

- Về tính minh bạch, công khai:

Việt Nam đã có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (1996, sửa đổi bổ sung 2002) và một số văn bản khác thống nhất với yêu cầu nghĩa vụ Thành viên WTO về tính công khai, minh bạch của pháp luật và chính sách thương mại. Việt Nam cũng ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để bảo đảm tốt hơn việc thực hiện nghĩa vụ thành viên trong lĩnh vực đó tại các địa phương. Pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của WTO về tính minh bạch, công khai.

1.3. Tóm lại, phân tích rộng hơn các kết quả rà soát, đối chiếu, đánh giá của tập thể tác giả Đề tài cho thấy nhiều quy định của pháp luật Việt Nam cơ bản thống nhất với các cam kết của chúng ta trong các hiệp định song phương với các nước (các Hiệp định về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ), với các tổ chức quốc tế như ASEAN (AFTA, AIA...), APEC, Tổ chức Hải quan thế giới, ADB, WB, IMF v.v.. và quy định về nghĩa vụ thành viên WTO.

Trong một số lĩnh vực, tuy đã có pháp luật quy định nhưng chưa đủ cụ thể để thực thi nghĩa vụ Thành viên WTO. Ngoài ra, dấu ấn của cơ chế kinh tế, hành chính bao cấp trước đây vẫn còn, một số nhiều quy định của pháp luật thể hiện sự can thiệp hành chính của cơ quan Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần sớm được khắc phục.

2. Thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các quy định của WTO về thương mại hàng hoá

2.1. Các quy định của WTO về thương mại hàng hoá với tính cách là các tiêu chí đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam

Mục tiêu chính của WTO là nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các hàng hoá có xuất xứ từ các nước khác nhau. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thường theo đuổi nhiều mục tiêu trong chính sách kinh tế, thương mại của mình. Các mục tiêu đó có thể là: (i) bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển một số ngành nghề; (ii) bảo vệ an toàn sức khoẻ con người, động thực vật, môi trường; (iii) hạn chế tiêu dùng; (iv) đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán; (v) bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, v.v.. và công cụ hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu này là sử dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan. Xuất phát từ đặc điểm này, các quy định của WTO về thương mại hàng hóa cũng tập trung điều chỉnh hai mảng vấn đề lớn là các biện pháp về thuế quan và các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến các hoạt động trong thương mại hàng hoá giữa các quốc gia thành viên WTO được thể hiện qua các quy định của các hiệp định đa biên về thương mại hàng hoá, bao gồm Hiệp định GATT 1994 và 12 Hiệp định đa phương khác có nghĩa vụ bắt buộc các nước thành viên phải thực hiện khi gia nhập WTO.

2.1.1. Các tiêu chí về thuế trong thương mại hàng hoá

Thứ nhất, thuế quan được WTO cho phép áp dụng trên cơ sở kết quả các cuộc đàm phán song và đa phương theo nguyên tắc giảm dần theo lộ trình cụ thể.

Điều II.1.b Phần I của GATT 1947 phản ánh nguyên tắc ràng buộc thuế quan theo đó một nước thành viên khi đưa một sản phẩm vào Biểu cam kết của mình thì nước thành viên đó có nghĩa vụ điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu cụ thể đối với loại sản phẩm đó không được cao hơn mức thuế quan được nêu trong Biểu cam kết2. Biểu cam kết của các nước thành viên sáng lập WTO bao gồm cam kết về mức thuế quan trần được xây dựng trên cơ sở kết quả đàm phán giữa các nước thành viên và cách thức thực hiện cam kết đó và chúng trở thành một phần không để tách rời của Hiệp định GATT 1994.

Thứ hai, nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) trong quan hệ đối với thuế quan.

Điều I.1 Phần I GATT 1947 phản ánh nội dung của nguyên tắc cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế là không phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại. WTO quy định chi tiết nội dung nguyên tắc không phân biệt đối xử theo các đối tác thương mại cả về phạm vi áp dụng - theo cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu - cũng như về các nội dung phải tuân thủ - bao gồm: thuế xuất nhập khẩu, các khoản thu khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế cho hàng xuất nhập khẩu, phương pháp tính thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, thuế nội địa (tham chiếu đến Điều III.2), quy định liên quan tới bán hàng, chào hàng, mua hàng, vận tải phân phối hoặc sử dụng (tham chiếu đến Điều III.4). Ngoài ra, ngoại lệ MFN được áp dụng một cách tự động đối với sáng kiến giành ưu đãi thuế quan đặc biệt theo hệ thống ưu đãi thuế quan chung (GSP) cho các nước kém phát triển và đang phát triển của Liên hiệp quốc.

Thứ ba, phương pháp xác định trị giá hải quan trong tính thuế nhập khẩu:

Điều VII của GATT 1947 và Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 quy định nghĩa vụ của nước thành viên áp dụng các phương pháp xác định trị giá hải quan đảm bảo không tạo ra rào cản thương mại.

Hiệp định này quy định chi tiết các phương pháp xác định trị giá hải quan, theo đó cơ sở đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng khi xác định trị giá hải quan là trị giá giao dịch. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đưa ra những phương pháp khác khi không thể áp dụng trị giá giao địch để xác định trị giá hải quan. Ngoài ra, Hiệp định cũng yêu cầu nước thành viên đảm bảo thủ tục xác định trị giá và thu thuế nhập khẩu phải không gây cản trở cho việc nhập khẩu hàng hoá.

Thứ tư, các tiêu chí về thuế nội địa:

- Tiêu chí Đối xử Quốc gia (NT) trong quan hệ thuế nội địa.

Điều III GATT 1994 quy định về nguyên tắc Đãi ngộ Quốc gia (NT) trên các khía cạnh thuế nội địa và quy định trong nước. Theo đó thuế nội địa và các quy định trong nước về thu nội địa, luật lệ, quy định và các yêu cầu ảnh hưởng tới việc bán hàng, mua hàng, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng sản phẩm và các quy định mang tính chất hạn chế định lượng yêu cầu phải kết hợp, chế biến hoặc sử dụng sản phẩm nội địa theo một tỷ lệ nhất định... không được phép áp dụng với tính cách là công cụ bảo hộ các ngành sản xuất sản phẩm trong nước.

- Các tiêu chí khác liên quan thuế nội địa được quy định trong các Hiệp định khác.

Ngoài yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc NT nêu trên, một số quy định khác có liên quan cũng được quy định trong các hiệp định khác của WTO, đặc biệt là Hiệp định về Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs), Hiệp định Trợ cấp và Biện pháp Đối kháng (SCM) và Hiệp định Nông nghiệp (AoA).

2.1.2. Các tiêu chí phi thuế

Theo các quy định của WTO, ngoài thuế ra, tất cả các biện pháp khác, dù là theo quy định pháp lý hay tồn tại trên thực tế, ảnh hưởng đến mức độ và phương hướng nhập khẩu được gọi là các biện pháp phi thuế quan (NTM). Các biện pháp này có thể có một hoặc nhiều thuộc tính như áp dụng tại biên giới hay nội địa, được duy trì một cách chủ động hay bị động, phù hợp hoặc không phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm bảo hộ hay không bảo hộ đều phải được xem xét.

Thứ nhất, các biện pháp quản lý số lượng hàng hoá nhập khẩu:

Ngoài thuế quan, thuế nội địa và các loại phí khác, các thành viên không được tạo ra hay duy trì những biện pháp phi thuế như hạn ngạch, giấy phép hay các biện pháp khác nhằm hạn chế số lượng hàng hoá nhập khẩu từ những thành viên khác, hay hạn chế số lượng xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu tới các thành viên khác. Đáng chú ý nhất trong số các biện pháp này là:

- Biện pháp cấm xuất, nhập khẩu

Cấm nhập khẩu là biện pháp bảo hộ cao nhất, gây ra hạn chế lớn nhất đối với thương mại quốc tế và nói chung không được phép sử dụng trong WTO.

WTO quy định trong các trường hợp sau, các nước thành viên được áp dụng các biện pháp cấm, nhập khẩu:

+ Cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia; (GATT 1994, Điều XXI)

+ Cần thiết để bảo vệ đạo đức xã hội;

+ Cần thiết để bảo vệ con người, động vật và thực vật;

+ Liên quan tới nhập khẩu hay xuất khẩu vàng và bạc;

+ Cần thiết để bảo vệ các tài sản quốc gia về nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ;

+ Cần thiết để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, với điều kiện là các biện pháp này cần phải thực hiện kèm theo việc hạn chế sản xuất hay tiêu dùng nội địa liên quan tới chúng (GATT 1994, Điều XX);

+ Được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác;

+ Cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy định để phân loại, xếp hạng hay tiếp thị các sản phẩm trong thương mại quốc tế (GATT 1994, Điều XI).

- Hạn ngạch số lượng nhập khẩu

WTO không cho phép các thành viên áp dụng hạn ngạch để hạn chế việc nhập khẩu hàng hoá vào nước mình nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, biện pháp hạn ngạch có thể được sử dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử:

+ Được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác;

+ Cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy định để phân loại, xếp hạng hay tiếp thị các sản phẩm trong thương mại quốc tế.

- Các nông sản và thuỷ sản (Điều XI,2 (c)) (GATT 1994, Điều XI)

Có thể hạn chế số lượng hay giá trị hàng nhập khẩu để bảo vệ sự cân bằng cán cân thanh toán. Việc tạo ra, duy trì hay mở rộng hạn chế số lượng vì mục đích này không được vượt quá mức cần thiết:

+ Để ngăn ngừa sự đe doạ sắp xảy ra hay để chặn lại sự thiếu hụt nghiêm trọng dự trữ tiền tệ; hay

+ Trong trường hợp một thành viên có dự trữ tiền tệ rất thấp, để đạt được một mức tăng hợp lý dự trữ tiền tệ (GATT 1994, Điều XII).

- Hạn ngạch thuế quan

Hạn ngạch thuế quan là một hình thức hạn ngạch đặc biệt có thể áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Phụ lục I, Hiệp định Nông nghiệp. Theo quy định này, các thành viên không được áp dụng các biện pháp phi thuế quan đối với nông sản. Tất cả các biện pháp phi thuế quan cần phải được thuế hoá3 (Phụ lục V, Hiệp định Nông nghiệp). Thông thường với mức thuế hoá tại vòng Uruguay thì mức nhập khẩu nông sản hầu như không đáng kể.

- Giấy phép

Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu được xác định như là các thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu, đòi hỏi nhà nhập khẩu đệ trình đơn, các tài liệu khác (không liên quan tới mục đích hải quan) tới các cơ quan hành chính thích hợp để xin giấy phép nhập khẩu.

WTO yêu cầu thủ tục hành chính việc cấp giấy phép không được đặt ra theo hướng bóp méo thương mại do việc quy định các thủ tục đó quá phức tạp. Các quy tắc đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu phải được áp dụng trung lập và được quản lý theo một cách thức công bằng và hợp lý.

Thứ hai, các biện pháp quản lý giá:

Các biện pháp quản lý giá nhập khẩu và giá bán trong nước ở đây là các biện pháp có thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá. Chúng bao gồm các biện pháp cụ thể sau:

- Trị giá hải quan

WTO quy định trị giá hải quan hay giá được dùng để tính thuế hàng nhập khẩu là giá giao dịch trên thực tế, tức là giá đã trả hay phải trả cho hàng hoá khi được bán để xuất khẩu đến nước nhập khẩu có tính đến những điều chỉnh nhất định như phí hoa hồng, môi giới, đóng gói (Điều 1 - 6 và Điều 8, Hiệp định CVA). Ngoài ra, Điều 7, Hiệp định xác định trị giá tính thuế quan quy định các cách không được sử dụng để xác định trị giá.

 - Thu chênh lệch giá (phụ thu)

WTO yêu cầu tất cả các loại phí và phụ thu hải quan (không phải là thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế nội địa khác) đánh vào hàng xuất nhập khẩu chỉ được giới hạn ở mức tương ứng với chi phí dịch vụ thực sự bỏ ra và không được sử dụng như sự bảo hộ gián tiếp các sản phẩm trong nước, hay như thuế xuất nhập khẩu, hay cho mục đích thu ngân sách (GATT 1994, Điều VIII).

Thứ ba, các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp thương mại nhà nước

Doanh nghiệp thương mại Nhà nước (DNTMNN) là các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và được Nhà nước ban cho những đặc quyền nhất định có thể gây ra những trở ngại cho thương mại quốc tế. WTO yêu cầu các thành viên phải cam kết đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu của các DNTMNN phù hợp với các nguyên tắc chung về đối xử không phân biệt với các doanh nghiệp tư nhân và phải tiến hành các hoạt động mua bán hàng hoá chỉ dựa trên tiêu chí thương mại, chẳng hạn như giá cả, chất lượng, tiếp thị, vận tải...

- Quyền kinh doanh

Quyền kinh doanh hay còn gọi là quyền thương mại trong lĩnh vực hàng hoá là quyền dành cho một số công ty nhất định được tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ở các nước đặc biệt là những nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế chuyển đổi. Quyền kinh doanh có thể chỉ giới hạn ở việc xuất khẩu một mặt hàng nhất định hoặc kinh doanh một loại mặt hàng nào đó. Các công ty không nhất thiết phải là công ty nhà nước mới được hưởng quyền kinh doanh4.

Thứ tư, hàng rào kỹ thuật: Là những cản trở thương mại thông qua hệ thống tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của hàng hoá đối với các tiêu chuẩn nhất định. Theo Phụ lục 1 của Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các yêu cầu này có thể liên quan tới kích thước, hình dáng, thiết kế, độ dài và các chức năng của sản phẩm. Các yêu cầu này cũng có thể quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu sản phẩm và mở rộng tới các quy trình và phương pháp sản xuất liên quan tới sản phẩm.

Thứ năm, kiểm dịch động thực vật:

Biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật (SPS) bao gồm tất cả các luật, văn bản dưới luật, các quy tắc và các thủ tục liên quan như các tiêu chuẩn đối với sản phẩm cuối cùng; các phương pháp sản xuất và chế biến; các thủ tục xét nghiệm, giám định, chứng nhận và chấp thuận; những xử lý cách ly bao gồm các yêu cầu liên quan gắn với vận chuyển cây trồng và vật nuôi, hay các chất nuôi dưỡng chúng trong quá trình vận chuyển; những quy định về các phương pháp thống kê, thủ tục chọn mẫu và các phương pháp đánh giá rủi ro liên quan; các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác liên quan trực tiếp tới an toàn thực phẩm (Phụ lục A.l, Hiệp định SPS).

Thứ sáu, các biện pháp bảo hộ thương mại tạm thời:

- Tự vệ

Các thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm nhập khẩu đó không phân biệt xuất xứ khi xác định được số lượng hàng nhập khẩu đang tăng lên một cách tuyệt đối hoặc tương đối và đang gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm đó (Điều 2, Hiệp định về Tự vệ).

- Bản phá giá và chống bán phá giá

Hành động phá giá sẽ bị coi chống trả nếu nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại vật chất đối với một ngành kinh tế nội địa đã được kiến lập vững chắc, hay ngăn cản một cách đáng kể việc thành lập một ngành kinh tế nội địa (Điều VII, GATT 1994)

Để bù đắp thiệt hại của một nước thành viên do hành vi bán phá giá của một nước thành viên khác trên thị trường nước mình, WTO cho phép các thành viên có quyền đặt ra thuế chống phá giá đối với bất kỳ sản phẩm bị bán phá giá nào. Tuy nhiên, trước khi áp dụng thuế chống phá giá, thành viên muốn sử dụng biện pháp này phải tiến hành điều tra thiệt hại do hành động bán phá giá gây ra đối với ngành kinh tế trong nước theo những quy định và thủ tục rất chặt chẽ (Điều 3, 5 và 6 Hiệp định về chống bán phá giá). Mức thuế này không được lớn hơn biên độ phá giá của sản phẩm tương ứng (Điều VI.2, GATT 1994)

-Trợ cấp và chống trợ cấp

Hiệp định đưa ra định nghĩa về trợ cấp (Điều 1, khoản 1 - Hiệp định về trợ cấp và chống trợ cấp) và định nghĩa khái niệm trợ cấp "riêng biệt" (Điều 2 - Hiệp định về trợ cấp và chống trợ cấp). Theo quy định của WTO, các biện pháp chế tài của hiệp định này chỉ áp dụng cho các loại trợ cấp riêng biệt, tức là trợ cấp cho một doanh nghiệp, một ngành sản xuất, một nhóm các doanh nghiệp hay một nhóm các ngành sản xuất của nước trợ cấp.

Hiệp định xác định hai loại trợ cấp: những trợ cấp bị cấm và những trợ cấp có thể bị kiện. Đồng thời, quy định các biện pháp đối kháng chống lại việc trợ cấp (các Điều 10 đến Điều 23). Nước nhập khẩu có thể áp dụng thuế đối kháng nếu điều tra cho thấy có việc trợ cấp và có ảnh hưởng xấu.

Thứ bảy, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại.

Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMs) (chỉ áp dụng đối với thương mại hàng hoá) quy định các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm. Theo quy định của Hiệp định này, các thành viên không được phép áp dụng các biện pháp đầu tư không phù hợp với những quy định về đối xử quốc gia và hạn chế định lượng theo các Điều III và XI của GATT 19945.

Thứ tám, các biện pháp quản lý hành chính

- Thủ tục hải quan

Các thành viên cần phải hạn chế tới mức thấp nhất phạm vi và mức độ phức tạp đối với các giấy tờ, thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt và đơn giản hoá những yêu cầu về hoá đơn chứng từ (GATT 1994, Điều 1 (c)).

- Thủ tục hành chính

Mặc dù các thành viên có mục tiêu chung là tự do hoá và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, nhưng trên thực tế do những lý do kinh tế và chính trị nhất định mà mỗi thành viên có thể áp dụng những biện pháp rất tinh vi cản trở thương mại quốc tế. Nếu chỉ dựa vào các quy định của WTO thì rất khó bắt họ phải loại bỏ chúng.

- Xuất xứ hàng hoá

Quy tắc xuất xứ bao gồm tất cả các luật, quy định và quyết định hành chính được áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hoá. Các quy tắc xuất xứ này không được liên quan tới các chế độ thương mại liên minh hay tự trị dẫn đến việc cho hưởng các ưu đãi thuế quan vượt quá đãi ngộ tối huệ quốc (MFN). Quy tắc xuất xứ nêu trên sẽ bao gồm tất cả các quy tắc xuất xứ được sử dụng trong các công cụ chính sách thương mại không ưu đãi.

2.2. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí của WTO về thương mại hàng hoá

2.2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các quy định về thuế trong thương mại hàng hoá

Thứ nhất, về thuế quan:

Cơ sở pháp lý của quy định về thuế quan là Luật thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu năm 1992 và các Luật sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu được ban hành vào các năm 1993 và 1998 cũng như các văn bản liên quan.

Xét về khía cạnh tương thích với các quy định của WTO, Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu qua các lần sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định về hệ thống thuế quan Việt Nam như sau:

+ Cơ sở pháp lý của Biểu thuế quan: Điều 8 Luật thuế xuất nhập khẩu, Điều 10 Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 28/8/1993 và Điều 1 Nghị định số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 hướng dẫn thực hiện Luật thuế xuất nhập khẩu và Luật sửa đổi Luật thuế xuất nhập khẩu quy định rõ Biểu thuế xuất nhập khẩu cụ thể của Việt Nam được Chính phủ (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở Khung thuế suất do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

+ Danh mục phân loại hàng hoá dùng cho Biểu thuế xuất nhập khẩu: Luật Hải quan ngày 25/11/2001 và Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/1/2003 quy định danh mục phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu làm cơ sở cho Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Danh mục phân loại hàng hoá hiện hành được ban hành theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 phù hợp với Danh mục phân loại hài hoà của Tổ chức Hải quan Thế giới năm 2002 (Danh mục HS quốc tế).

Thứ hai, về nguyên tắc MFN và các Biểu thuế khác:

Theo quy định cụ thể tại Điều 1 Nghị định số 94/1998/NĐ-CP, biểu thuế của Việt Nam gồm 3 loại thuế suất cơ bản: thuế suất ưu đãi (hay thuế MFN), thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Thuế suất ưu đãi được áp dụng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước hoặc khối nước mà Việt Nam có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại. Biểu thuế ưu đãi của Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003.

Thuế suất thông thường cao hơn thuế suất ưu đãi 50%, đối với một số trường hợp có thể được quy định cao hơn nhưng không được cao hơn 70% so với thuế suất ưu đãi được áp dụng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước không có thoả thuận tối huệ quốc với Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế Việt Nam không có biểu thuế thông thường cụ thể, vì vậy mức cao hơn thuế ưu đãi 50% được áp dụng tự động.

Thuế suất ưu đãi đặc biệt, thấp hơn thuế suất ưu đãi đối với hầu hết các mặt hàng trong biểu thuế, được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước mà Việt Nam đã có thoả thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh quan thuế.

Phụ thu và chênh lệch giá - thuộc loại ODC - trước đây được áp dụng với một số mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2004 Bộ Tài chính đã loại bỏ gần hết.

Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 về căn bản phản ánh Hiệp định trị giá hải quan của GATT, tuy nhiên có bảo lưu áp dụng bảng giá tính thuế tối thiểu và bảo lưu chưa áp dụng phương pháp xác định trị giá theo phương pháp khấu trừ đối với hàng hoá đã qua gia công và phương pháp xác định trị giá theo phương pháp trị giá tính toán6.

Thứ ba, về thuế nội địa

- Thuế nội địa bao gồm mọi sắc thuế trong nước, tức là mọi loại thuế và thu có tính chất thuế, trừ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Như vậy, thuế nội địa bao gồm 12 loại thuế và phí, lệ phí (1. Thuế giá trị gia tăng, 2. Thuế tiêu thụ đặc biệt, 3. Thuế thu nhập doanh nghiệp, 4. Thuế tài nguyên, 5. Thuế sử dụng vốn, 6. Thuế môn bài, 7. Lệ phí trước bạ, 8. Thuế sử dụng đất nông nghiệp, 9. Thuế nhà đất, 10. Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, 11. Phí và lệ phí, 12. Thuế chuyển quyền sử dụng đất).

Tuy nhiên, trong khuôn khổ Đề tài này, nội dung thuế nội địa của Việt Nam được đề cập đến chỉ giới hạn ở một số sắc thuế quan trọng và được xem xét từ góc độ phân tích mức độ tương thích của chúng đối với các quy định của WTO, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thuế giá trị gia tăng được áp dụng tại Việt Nam từ 1997 trên cơ sở Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được sửa đổi vào năm 2003 có điều khoản quy định liên quan tới vấn đề phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước. Điều 8.k Luật Thuế GTGT 1997, sau đó được điều chỉnh thành Điều 8 tại Luật sửa đổi Luật thuế GTGT năm 2003 quy định thuế suất đối với nhóm mặt hàng bông sơ chế từ bông trồng trong nước là 5%, trong khi đó bông sơ chế từ nguyên liệu bông nhập khẩu chịu thuế suất 10%. Rõ ràng ở đây có sự phân biệt đối xử cụ thể đối với một mặt hàng là bông sơ chế.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1990 trên cơ sở Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990, không có mâu thuẫn với nghĩa vụ đãi ngộ quốc gia (NT) hay trợ cấp, ưu đãi thuế nào. Nhưng sau khi được sửa đổi vào năm 1993, 1998 và 2003, thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam đã có những quy định mới mang tính chất phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu cũng như có những ưu đãi thuế mang chất đầu tư, trợ cấp. Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 1998 và sửa đổi 2003 quy định thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, xì gà chịu thuế suất 65%, thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước có thuế suất 45%.

- Thuế thu nhập Doanh nghiệp được áp dụng kể từ năm 1997 và trở thành công cụ tạo ra ưu đãi đầu tư, trong đó có những ưu đãi đầu tư mâu thuẫn với các nghĩa vụ do WTO quy định.

Các quy định về ưu đãi thuế không được nêu rõ trong Luật mà được cụ thể hoá trong các văn bản dưới luật áp dụng đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư nước ngoài có tỷ lệ xuất khẩu trên 50% và 80%7 được ưu đãi cả về thuế suất và thời gian miễn giảm.

Đầu tư trong nước tập trung vào hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hoá xuất khẩu cũng được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định tại Điều 15 và Điều 20 (ở mức 25%) của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Như vậy, cả quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trên cơ sở tỷ lệ xuất khẩu đều mâu thuẫn với nghĩa vụ quy định tại Hiệp định SCM và Hiệp định TRIMs của WTO trên cơ sở cam kết về tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu8.

2.2.2. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các quy định phi thuế trong thương mại hàng hoá

Thứ nhất, về các biện pháp quản lý số lượng hàng hoá nhập khẩu:

Trong pháp luật Việt Nam, các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản về cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu sau: (i) Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài; (ii) Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 Về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ; (iii) Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005; (iv) Các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Nhìn chung, các quy định liên quan đến cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong pháp luật Việt Nam được xây dựng dựa trên các ngoại lệ của GATT 1994. Tuy nhiên, không phải tất cả các quy định của pháp luật thương mại Việt Nam về cấm xuất khẩu, nhập khẩu đều phù hợp với các ngoại lệ của WTO.

- Về hạn ngạch số lượng nhập khẩu (quota nhập khẩu)

Hiện nay, Việt Nam chỉ duy trì hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm đường tinh luyện và đường thô. Việc áp dụng hạn ngạch đối với việc nhập khẩu đường là chưa phù hợp với quy định của WTO và cần được nghiên cứu để loại bỏ quy định về hạn ngạch này.

- Hạn ngạch thuế quan ( the Tariff – Quota)

Trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, vấn đề này áp dụng ở Việt Nam đã được tính đến. Ngày 9/5/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam. Theo Quyết định này, hạn ngạch thuế quan sẽ được áp dụng thí điểm đối với bông, thuốc lá nguyên liệu và muối từ ngày 02/07/2003. Còn các sản phẩm sữa nguyên liệu, trứng gia cầm và ngô hạt do các Bộ, ngành chủ quản căn cứ vào tình hình thực tế quyết định thời điểm áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng này9. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 07/08/2003, Bộ trưởng Bộ Tài chính ra Quyết định số 126/2003/QĐ-BTC ban hành Danh mục hàng hoá và thuế xuất nhập khẩu để áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đây là biện pháp cần thiết nhưng phải cân nhắc cẩn thận cho phù hợp với các yêu cầu của WTO

- Về giấy phép nhập khẩu

Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu được xác định là thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định của WTO.

Vấn đề này được quy định trong Luật Thương mại, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 quy định chi tiết Luật thương mại và Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/08/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 57/1998/NĐ-CP, Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 và các văn bản của các Bộ, ngành hướng dẫn thi hành các văn bản nêu trên, đặc biệt là Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 2/3/2005 về ban hành quy chế cấp phép nhập khẩu. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục Cấp phép nhập khẩu được áp dụng một cách trung lập, công bằng, phù hợp vớt các quy định của WTO về cấp giấy phép nhập khẩu.

Thứ hai, về các biện pháp quản lý giá:

- Về trị giá hải quan

Trong pháp luật Việt Nam, trị giá hải quan và phương pháp xác định trị giá hải quan được quy định trong Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật hải quan và Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06/6/2002 quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại. Các quy định của Nghị định 60 cơ bản phù hợp với Quy định của Hiệp định CVA. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm trong Nghị định 60 cần cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp hơn với các quy định của WTO về vấn đề này.

Thứ ba, các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp:

- Về doanh nghiệp thương mại nhà nước

Theo công bố của Việt Nam ra WTO, các doanh nghiệp thương mại nhà nước là Tổng Công ty dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty xăng dầu, một số công ty xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu, Tổng Công ty xuất nhập khẩu hàng không, Tổng Công ty xuất nhập khẩu và phân phối phim và Tổng Công ty xuất nhập khẩu sách báo. Các doanh nghiệp này, ngoài quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh còn có quyền tham gia vào việc ban hành các quy định về thương mại. Bên cạnh các công ty nêu trên, còn nhiều tổng công ty nhà nước có quyền hướng dẫn giá hoặc khung giá xuất, nhập khẩu vật tư nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm và dịch vụ; quy định khung giá xuất, nhập khẩu một số vật tư, nguyên phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm và dịch vụ quan trọng. Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp này chưa thực sự hoạt động trên tiêu chí thương mại, cần thiết có sự điều chỉnh lại quy định để các doanh nghiệp này hoạt động thực sự trên nguyên tắc thương mại theo yêu cầu của WTO.

- Về quyền kinh doanh

Quyền kinh doanh tại Việt Nam được quy định trong Luật thương mại, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài, và Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Theo quy định của các văn bản này, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại Việt Nam chỉ được kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Rõ ràng quy định này đã phần nào hạn chế quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần cân nhắc để điều Luật doanh nghiệp và các văn bản khác phù hợp với yêu cầu của WTO.

Thứ tư, về hàng rào kỹ thuật:

Vấn đề hàng rào kỹ thuật được quy định trong nhiều văn bản: đặc biệt là Pháp lệnh chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh đo lường và các văn bản hướng dẫn.

Liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5100 tiêu chuẩn quốc gia trong đó có khoảng 1200 tiêu chuẩn là của nước ngoài, khu vực và quốc tế10. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này có thể là bắt buộc đối với hàng hoá liên quan đối với hàng hoá liên quan đến thực phẩm, an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, môi trường và các đối tượng khác được pháp luật quy định phải áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam (Điều 12 Pháp lệnh chất lượng hàng hoá). Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng một cách không phân biệt đối xử với thủ tục đơn giản, không gây cản trở không cần thiết cho hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thành lập đầu mối thông tin về hàng rào kỹ thuật để đảm bảo hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của WTO về các quy định này.

Thứ năm, về kiểm dịch động thực vật:

Trong Pháp luật Việt Nam, vấn đề này được quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam về vấn đề này cơ bản phù hợp với các quy định của WTO. Các quy định về kiểm dịch động thực vật trong pháp luật Việt Nam chỉ nhằm mục đích phòng ngừa chứ không nhằm tạo ra các rào cản thương mại. Chính vì vậy, đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, chỉ những hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm dịch theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới phải kiểm dịch tại cửa khẩu11.

Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập cơ quan đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến các quy định về kiểm dịch động thực vật theo yêu cầu của Điều 7 và Phụ lục B.3 Hiệp định SPS.

- Về ghi nhãn, đóng gói hàng hoá

Vấn đề này cũng được pháp luật Việt Nam quy định tại Nghị định số 69/2001/NĐ-CP ngày 02 /10/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyển lợi người tiêu dùng; Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 sửa đổi bổ sung Quyết định 178/1999/QĐ-TTg; Chỉ thị số 28/2000/CT-TTg ngày 27/12/2000 về việc thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá ban hành kèm theo số 178/19991QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam về vấn đề này được áp dụng chung cho cả hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hoá trong nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Đồng thời, các quy định của Việt Nam về ghi nhãn hàng hoá chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tránh nhầm lẫn, không nhằm mục đích cản trở thương mại.

Thứ sáu, về các biện pháp bảo hộ thương mại tạm thời:

- Về tự vệ

Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh tự vệ ngày 11/6/2002 trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam và Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 08/12/2003 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Nhìn chung, Pháp lệnh tự vệ được xây dựng trên cơ sở các yêu cầu của Hịêp định tự vệ, do vậy, về cơ bản phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

- Về bán phá giá và chống bán phá giá

Trong pháp luật Việt Nam, vấn đề này đã được quy định trong Pháp lệnh năm 2004 về Chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Về cơ bản, Pháp lệnh này là phù hợp với các quy định của WTO.

- Về trợ cấp và chống trợ cấp

Là một nước đang phát triển với thu nhập quốc dân thấp, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Các hình thức trợ cấp tập trung và phổ biến ở những dạng thức như sau:

- Trợ cấp cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua chế độ sử dụng đất đai. cấp vốn từ ngân sách nhà nước; ưu đãi trong vay vốn sản xuất, kinh doanh, sử dụng miễn phí các thành tựu khoa học, công nghệ...

- Trợ cấp giá cho xuất khẩu. Các chương trình hỗ trợ, trợ giá cho việc phát triển kinh tế, vùng, khu vực, đầu tư ở các vùng kinh tế kém phát triển, cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Thứ bảy, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại:

Pháp luật hiện hành của Việt Nam về đầu tư nước ngoài cơ bản phù hợp với yêu cầu của Hiệp định TRIMs. Tuy nhiên, còn một số điểm chưa phù hợp sau:

- Về yêu cầu nội địa hoá:

Yêu cầu nội địa hoá tuy không được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng được duy trì trong thực tiễn thẩm định cấp giấy phép đầu tư, đồng thời là một điều kiện để áp dụng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử. Việc áp dụng yêu cầu nội địa hoá như là điều kiện để cấp Giấy phép đầu tư cũng như điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu là không phù hợp với quy định của Hiệp định TRIMs, cần sớm được bãi bỏ.

- Về yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước: Theo quy định tại Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 24/2000/NĐ-CP, yêu cầu này được áp dụng đối với dự án chế biến đường mía, dầu thực vật, sữa, gỗ.

Thứ tám, về các biện pháp quản lý hành chính:

- Về thú tục hành chính

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam không đặt ra những yêu cầu về thủ tục hành chính trái với các yêu cầu của WTO có liên quan.

- Về thủ tục hải quan

Thủ tục Hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu được quy định trong Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn với số lượng lớn. Việc quy định tản mạn gây khó khăn rất lớn cho người thực hiện khi có hàng hoá xuất khẩu hay nhập khẩu cần làm thủ tục hải quan, không bảo đảm yêu cầu về minh bạch hoá các thủ tục hành chính.

- Về xuất xứ hàng hoá

Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong pháp luật Việt Nam chủ yếu được quy định trong Thông tư số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá; Thông tư số 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 02/10/2001 điều chỉnh bổ sung Thông tư số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.

Nhìn chung, các quy định về Quy tắc xuất xứ trong pháp luật Việt Nam áp dụng cho mọi loại hàng hoá xuất, nhập khẩu không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ. Thủ tục kiểm tra xuất xứ quy định trong Thông tư liên tịch 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ và Thông tư liên tịch 22/2000/TTLT-BTM-TCHQ là tương đối đơn giản, không tạo ra các tác động bóp méo thương mại quốc tế. Tuy nhiên, quy định về nguyên tắc xác định nước xuất xứ của hàng hoá trong pháp luật Việt Nam còn chưa đáp ứng các yêu cầu của WTO. Cần phải có văn bản bổ sung và quy định vấn đề này trong một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.

3. Thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các Hiệp định của WTO về thương mại dịch vụ

3.1. Các quy định của WTO về thương mại dịch vụ

Trước khi WTO ra đời, phạm vi điều chỉnh của GATT 1947 chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hoá mà không bao hàm cả dịch vụ. Được đàm phán tại Vòng Urugoay, Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (Hiệp định GATS) là tập hợp đầu tiên các quy định đa phương có hiệu lực thi hành bắt buộc, điều chỉnh thương mại dịch vụ quốc tế. Các quy định này áp dụng đối với mọi loại hình dịch vụ trừ các loại dịch vụ công quyền (dịch vụ của Chính phủ) thuộc thẩm quyền điều chỉnh riêng của Chính phủ.

GATS bao gồm ba bộ phận hợp thành có liên quan chặt chẽ với nhau. Phần thứ nhất bao gồm phần khung của hiệp định chính với 29 điều, quy định các nguyên tắc nghĩa vụ chung; Phần thứ hai gồm các phụ lục về những điều đặc biệt liên quan đến một số ngành dịch vụ đặc thù; và phần thứ ba bao gồm các cam kết cụ thể của các nước về mở cửa thị trường dịch vụ. Các cam kết này được mô tả trong “Danh mục các cam kết cụ thể” của từng nước đính kèm theo GATS.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Hiệp định GATS, “Thương mại dịch vụ” được hiểu là sự cung cấp dịch vụ:

a) Từ lãnh thổ của một nước Thành viên này đến lãnh thổ của bất kỳ một nước Thành viên nào khác;

b) Trên lãnh thổ của một Thành viên này cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác;

c) Bởi một người cung cấp dịch vụ của một Thành viên này thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bất kỳ Thành viên nào khác;

d) Bởi một người cung cấp dịch vụ của một Thành viên này thông qua sự hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của bất kỳ Thành viên nào khác12.

“Dịch vụ” ở đây phải được hiểu là bất kỳ dịch vụ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung cấp trong thực thi thẩm quyền của Chính phủ, tức mọi dịch vụ trừ các dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp dịch vụ (Khoản 3. Điều 1 của GATS). Ban Thư ký WTO đã chia các hoạt động dịch vụ thành 12 nhóm ngành gồm: dịch vụ kinh doanh (kể cả dịch vụ chuyên môn và máy tính); dịch vụ viễn thông; dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ phân phối; dịch vụ giáo dục; dịch vụ môi trường; dịch vụ tài chính (bảo hiểm và ngân hàng); dịch vụ y tế; dịch vụ du lịch; dịch vụ thể thao, văn hoá và giải trí; dịch vụ vận tải; các dịch vụ  khác13. Mười hai nhóm ngành dịch vụ này được phân thành 155 ngành dịch vụ tương ứng với mã số ngành dịch vụ trong Phân loại các sản phẩm chính của Liên Hợp quốc (CPC).

Việc Hiệp định GATS đưa ra bốn phương thức cung cấp dịch vụ như nêu trên là do bản chất khác biệt của dịch vụ và thực tiễn cung cấp dịch vụ.

Không như giao dịch thương mại hàng hoá quốc tế đòi hỏi dịch chuyển hàng hoá qua biên giới, dịch vụ được cung cấp trên phạm vi quốc tế theo một hoặc kết hợp với 4 phương thức nêu trên.

3.1.1. Các tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá thực trạng pháp luật dịch vụ Việt Nam

Các nghĩa vụ theo Hiệp định GATS là các tiêu chí cơ bản cần dùng để đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam. Có thể chia thành 2 nhóm nghĩa vụ: các nghĩa vụ chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ; và các nghĩa vụ có điều kiện, chỉ áp dụng cho các ngành, phân ngành dịch vụ được nêu tại các cam kết cụ thể trong "Danh mục các cam kết cụ thể" của quốc gia.

Thứ nhất, các nghĩa vụ chung:

- Nghĩa vụ về Đối xử tối huệ quốc

Tương tự như nguyên tắc MFN trong thương mại hàng hoá, Hiệp định GATS cũng bắt buộc các nước phải áp dụng nguyên tắc MFN trong thương mại dịch vụ bằng cách dành cho các nước khác sự “đối xử không kém phần ưu đãi hơn sự đối xử mà một nước dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ nước nào khác” (Điều II). Tuy nhiên, Hiệp định GATS cũng thừa nhận không phải tất cả các nước đều có thể đảm nhận nghĩa vụ ngay. Do đó, Điều II.2 của Hiệp định GATS quy định một nước có thể duy trì các biện pháp trái với nguyên tắc này trong thời gian 10 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực. Cách thức áp dụng ngoại lệ này được mô tả trong Danh mục miễn trừ MFN của từng nước, nêu rõ những nước nào được hưởng chế độ ưu đãi hơn và chỉ rõ thời gian ưu đãi. Đối với những ngành dịch vụ còn tiếp tục phải đàm phán sau vòng Urugoay, thì các nước có thể đòi được áp dụng ngoại lệ đối với nguyên tắc MFN trong khi đàm phán (GATS, Phụ lục của Điều II về các ngoại lệ). Các nước gia nhập WTO trong tương lai cũng sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất như các nước đã tham gia vòng đàm phán Uruguay để áp dụng các ngoại lệ MFN và phải đàm phán các ngoại lệ MFN như một phần trong đàm phán các cam kết cụ thể của họ. (Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khả năng đàm phán để có thể áp dụng nguyên tắc này rất hạn chế vì trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ta đã không duy trì một ngoại lệ MFN nào cả).

- Minh bạch, công khai

Các nghĩa vụ cơ bản theo nguyên tắc này là công bố. đăng tải, xuất bản và thông báo nhanh chóng các thay đổi pháp luật, duy trì các điểm hỏi đáp và tiến hành rà soát pháp lý một cách công bằng. Theo nguyên tắc này, "tất cả các biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thực hiện Hiệp định GATS" phải được công bố, đăng tải nhanh chóng và “chậm nhất là trước khi các biện pháp này có hiệu lực”. Các lĩnh vực dịch vụ của một chính phủ thuộc (các hiệp định quốc tế có liên quan hay tác động đến thương mại dịch vụ) cũng phải thông báo, công bố, đăng tải (Điều 3, khoản l). Việc công bố các quy định này có thể diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào, bằng bất kỳ biện pháp nào và cũng được áp dụng cho tất cả những biện pháp do chính quyền cấp địa phương hay cấp vùng đưa ra. Đồng thời, Hiệp định GATS cũng yêu cầu các nước thành viên thiết lập một hoặc nhiều điểm giải đáp thắc mắc để các thành viên khác có thể thu được các thông tin về pháp luật và các quy định ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong những ngành mà các nước này quan tâm (Khoản 4, Điều 3).

- Công nhận các tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp dịch vụ

Các công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ phải có chứng chỉ, giấy phép kinh doanh. Các nhà cung cấp dịch vụ thường gặp khó khăn để có giấy phép vì các yêu cầu theo luật định về năng lực học vấn và kinh nghiệm rất khác nhau. Để khắc phục khó khăn này, Hiệp định GATS khuyến khích những nước thành viên ký các hiệp định song phương hoặc đa phương nhằm công nhận lẫn nhau các tiêu chuẩn cần có để được cấp giấy phép (Khoản 1, Điều 7). Hiệp định GATS cũng quy định các hệ thống công nhận lẫn nhau phải được để ngỏ, mở ra cho các thành viên khác cùng tham gia miễn là họ chứng minh được các yêu cầu và tiêu chuẩn trong nước phù hợp với các hệ thống này (Khoản 2, Điều 7).

- Các quy định về độc quyền và hạn chế cạnh tranh

Các ngành dịch vụ thường thể hiện sức mạnh độc quyền của mình trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đôi khi các chính phủ cũng dành một số đặc quyền cung cấp dịch vụ cho một số lượng nhỏ nhà cung cấp dịch vụ nhất định. GATS yêu cầu trong các trường hợp này, các thành viên có nghĩa vụ đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ không lạm dụng độc quyền hoặc các đặc quyền dành cho họ hoặc hành động theo cách thức trái với các nghĩa vụ chung và riêng của họ theo Hiệp định GATS (khoản 1,2, Điều 8). Hiệp định GATS còn thừa nhận các nhà cung cấp dịch vụ có thể áp dụng các biện pháp có thể có tác động bóp méo cạnh tranh và hạn chế thương mại. Khi điều này xảy ra thì các nước thành viên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu tham vấn với nước thành viên nơi người cung cấp dịch vụ đặt trụ sở nhằm xoá bỏ những hành vi như vậy (Điều 9).

Thứ hai, các nghĩa vụ khác trong Hiệp định GATS:

Bên cạnh những nghĩa vụ chung, Hiệp định GATS cũng đưa ra một số nghĩa vụ bổ sung nhằm hỗ trợ cho quá trình tự do hoá thương mại dịch vụ. Hiệp định GATS yêu cầu các thành viên phải cho phép thanh toán và chuyển tiền khi cho phép tiếp cận thị trường (Điều 11,12), hoặc khi cho phép các thể nhân cung cấp dịch vụ được có mặt tạm thời tại thị trường. Hiệp định GATS cũng có quy định cho phép các nước thành viên áp dụng những biện pháp ngoại lệ chung vì mục tiêu chính sách công hợp lý (Điều 14). Tuy nhiên, Hiệp định GATS yêu cầu các thành viên áp dụng các biện pháp đó sau khi đã kiểm tra tính cân xứng của việc áp dụng chúng.

3.1.2. Các tiêu chí bổ sung có thể cân nhắc để dùng đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật về thương mại dịch vụ của Việt Nam

Các nghĩa vụ theo các cam kết cụ thể, là các tiêu chí bổ sung có thể cân nhắc để dùng làm tiêu chí đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật về thương mại dịch vụ của Việt Nam.

Các nghĩa vụ trong Hiệp định GATS theo các cam kết cụ thể được thể hiện rõ qua các quy định về Đối xử quốc gia và Tiếp cận thị trường.

- Nghĩa vụ về Đối xử quốc gia:

Trong thương mại dịch vụ, các nước không đánh thuế nhập khẩu dịch vụ, do đó việc áp dụng chung các quy định trong nước cho cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và ngoài nước có thể gây nên tổn thất nghiêm trọng cho các ngành dịch vụ được bảo hộ trong nước. Vì vậy, Hiệp định GATS quy định việc áp dụng nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT) trong thương mại dịch vụ sẽ được dựa trên kết quả đàm phán trong đó chỉ rõ những ngành, phân ngành và các điều kiện trong từng ngành đó mà các nước có thể sắn sàng dành sự đối xử cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài. Nguyên tắc NT chỉ ra “mỗi nước thành viên sẽ dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ một nước thành viên nào khác sự đối xử trong tất cả các biện pháp có ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ không kém ưu đãi hơn mức dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước mình” (Điều 17, khoản l). Có thể thấy NT trong Hiệp định GATS áp dụng cho cả dịch vụ nhập khẩu và nhà cung cấp dịch vụ ngay tại thị trường nội địa. So với nghĩa vụ này trong thương mại hàng hoá, hình thức đãi ngộ quốc gia của Hiệp định GATS bao hàm cả nhà cung cấp dịch vụ, mặc dù chỉ trong phạm vi một cam kết cụ thể đạt được trong quá trình đàm phán. Các chính phủ phải mô tả tất cả các điều kiện và tiêu chuẩn áp dụng NT trong Danh mục cam kết của mình. Cột Đãi ngộ quốc gia trong Danh mục cam kết cụ thể được dành để mô tả mọi hạn chế mang tính phân biệt đối xử. Các biện pháp tác động tới vấn đề tiếp cận thị trường và NT không thể tách rời nhau xếp trong cột Tiếp cận thị trường.

- Tiếp cận thị trường

Nếu một nước muốn tự do hoá thương mại phải quyết định xem nên duy trì những biện pháp nào, hay sửa đổi, bổ sung những biện pháp nào cho phù hợp với các quy định của Hiệp định GATS. Những biện pháp cần được xem xét là những biện pháp có ảnh hưởng đến sự thâm nhập của các dịch vụ hoặc ngành dịch vụ nước ngoài vào thị trường nước sở tại, và những biện pháp gây ảnh hưởng đến hoạt động sau khi các nhà cung cấp dịch vụ được thâm nhập. Những biện pháp đó có thể bao gồm: 1. Các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ hoặc các dịch vụ nước ngoài; 2. Các biện pháp hạn chế nguyên tắc NT.

Như đã nêu ở trên, các nghĩa vụ về thương mại dịch vụ trong WTO không chỉ đơn thuần là các quy định được nêu trong Hiệp định GATS và các Phụ lục kèm theo, mà còn thể hiện ở "Danh mục cam kết cụ thể" của các nước thành viên. Nghĩa vụ của một nước áp dụng được ghi trong lịch trình thực hiện các cam kết tham gia Hiệp định GATS của nước đó. Mỗi Danh mục được chia thành hai phần: các cam kết nền chung và các cam kết theo ngành.

3.1.3. Các ngoại lệ của Hiệp định GATS đối với các nghĩa vụ cần được coi là tiêu chí dùng để đánh giá

Thứ nhất, các ngoại lệ chung:

Có những ngoại lệ tại Điều XIV của Hiệp định GATS cho phép các nước được thông qua các biện pháp không phù hợp với một nghĩa vụ trong chừng mực các biện pháp này không là các hạn chế thương mại dịch vụ: " (a) cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng hay duy trì trật tự công cộng; (b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ người và động thực vật; [hay] (c) cần thiết để có được sự tuân thủ pháp luật phù hợp với các quy định của Hiệp định này... " .

Thứ hai, các ngoại lệ về an ninh:

Điều XIV của Hiệp định GATS cho phép Thành viên được giữ bí mật các thông tin hay tiến hành các hành vi cần thiết để bảo vệ các quyền lợi an ninh thiết yếu của mình.

Thứ ba, các biện pháp tự vệ đối với cán cân thanh toán:

Các Thành viên có một sự lựa chọn tại Công ước về viễn thông quốc tế và Điều XXII của Hiệp định GATS để sử dụng ngoại lệ về cán cân thanh toán, cho phép các Thành viên được dừng thực hiện các nghĩa vụ về dịch vụ viễn thông của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ được sử dụng trong những điều kiện đặc biệt theo các chỉ dẫn tương đối nghiêm ngặt của WTO và IMF.

3.2. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí của WTO về thương mại dịch vụ

Có thể nói, trong một số nhóm ngành dịch vụ theo quy định của WTO, Việt Nam đã có cả một hệ thống pháp luật đồ sộ liên quan để điều chỉnh các hoạt động đặc thù. Khung pháp luật đã bước đầu và đóng góp phần đáng kể của mình sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự phát triển đa dạng các ngành thương mại dịch vụ nước ta theo xu hướng ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn và pháp luật thương mại dịch vụ quốc tế. Tuy vây, pháp luật Việt Nam ở phần này vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, một số quy định Việt Nam chưa có hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng.

3.2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các nghĩa vụ theo Hiệp định GATS

Thứ nhất, về các nghĩa vụ chung:

- Việt Nam đã có Pháp lệnh ngày 25/05/2002 quy định về nguyên tắc Đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) và Đãi ngộ quốc gia (NT) trong quan hệ thương mại dịch vụ quốc tế. Những quy định của Pháp lệnh đó đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, phù hợp với quy định của WTO. Tuy vậy, vẫn còn một số quy định của Pháp lệnh chưa đủ rõ ràng để áp dụng cho các quan hệ thương mại dịch vụ cụ thể có yếu tố nước ngoài trong từng lĩnh vực khác nhau. Trong một số ngành dịch vụ, nghĩa vụ về MFN, NT lại do luật chuyên ngành quy định, có những luật chưa thừa nhận NT trong quan hệ thương mại dịch vụ cụ thể, do đó đã làm phát sinh cái gọi là "xung đột nội địa" gây chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

- Yêu cầu về minh bạch, công khai đã được xử lý tốt nhờ có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2002, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004. Các quy định về công nhận các tiêu chuẩn đối với các nhà cung cấp dịch vụ, các quy định về độc quyền và hạn chế cạnh tranh đang từng bước được xử lý từ hơn. Luật về cạnh tranh được ban hành năm 2004 đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu của WTO.

Thứ hai, về các nghĩa vụ khác trong Hiệp định GATS :

Pháp luật Việt Nam cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của WTO.

3.2.2. Về các nghĩa vụ theo cam kết cụ thể

Thứ nhất, về quan niệm “thương mại dịch vụ” nói chung:

Cho đến nay, mặc dù Việt Nam là thành viên của ASEAN, APEC và đã ký BTA với Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam chưa có một quy định chung về thương mại dịch vụ như đã được ASEAN, BTA và WTO quy định và được nhiều nước trên thế giới thừa nhận rộng rãi.

Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có sự phân loại dịch vụ theo mã số CPC hoặc PCPC của Liên Hợp Quốc như đã được ASEAN, APEC, WTO hoặc BTA (Phụ lục G) sử dụng. Do không sử dụng sự phân loại đó của Liên Hợp quốc nên hàng loạt ngành nghề thương mại dịch vụ được các nước thừa nhận phát triển thì ở Việt Nam chưa được quy định hoặc chưa được thừa nhận và làm cho việc thống kê thương mại không tuân theo các quy định chung được.

Thứ hai, về các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường thương mại dịch vụ:

Xem xét các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam cho thấy, các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường trong pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài cơ bản chưa được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phân loại dịch vụ theo CPC/PCPC của Liên Hợp Quốc, chế độ đãi ngộ tối thiểu (MFN, NT) theo Luật quốc tế, phương thức cung cấp dịch vụ theo GATS/WTO, các hạn của về số lượng nhà cung cấp dịch vụ , về tổng giá trị các giao dịch hay tài sản nhu cầu đầu vào, tổng số các giao dịch dịch vụ hoặc tổng số lượng đầu ra, tổng số thể nhân có thể được thuê trong một lĩnh vực dịch vụ cụ thể hay một nhà cung cấp dịch vụ cụ thể theo GATS/WTO. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có quy định nào về nguyên tắc nhằm xác định các lộ trình mở cửa trong thương mại dịch vụ quốc tế cụ thể của mình. Chính vì vậy mà các quy định pháp luật của Việt Nam về vấn đề này trở nên không rõ ràng, khó xác định trước các rủi ro có thể phát sinh cho các bên trong thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, về một số dịch vụ cụ thể :

Có thể thấy nhiều dịch vụ thuộc ngành dịch vụ kinh doanh đã được pháp luật Việt Nam điều chỉnh ở các mức độ khác nhau, phù hợp với xu hưởng vận động chung của thực tiền pháp luật thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài ở các nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều lĩnh vực dịch vụ dã có đưa vào Bảng cam kết dịch vụ của Việt Nam tại Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa có văn bản pháp luật điền chỉnh thống nhất như dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính, dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường hoặc chỉ được quy định lẻ tẻ, tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, dịch vụ lại là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, các cam kết đưa ra rất phức tạp về mặt kỹ thuật do đó việc có thể hiểu được cặn kẽ và chính xác nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện gặp không ít khó khăn.

Về dịch vụ thông tin liên lạc, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã mở ra cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhạy cảm này. Pháp lệnh bưu chính viễn thông năm 2002 đã theo sát với tình hình phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài của các nước trong khu vực.

Về dịch vụ phân phối, kể cả bán lẻ, bán buôn và đại lý mượn danh, nhìn chung Nhà nước chưa quản lý chặt như một số nước, chưa có quy định cho độ đãi ngộ tối thiểu đối với loại ngành nghề dịch vụ nhạy cảm này. Đặc biệt, Nhà nước chưa xác định rõ mức độ hạn chế đối với việc bán lẻ, bán buôn của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam .

Về dịch vụ tài chính, ngân hàng, Việt Nam đã có Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng, các văn bản quy định về chứng khoán, quản lý tài sản... Các quy định này về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu của phát triển quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Tuy nhiên, trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ta đã có những cam kết trong một số tiểu phân ngành dịch vụ mà những dịch vụ này chưa có văn bản điều chỉnh như các dịch vụ cung cấp thông tin về tài chính; dịch vụ tín dụng cầm cố; nghiệp vụ Factoring; về nghiệp vụ môi giới tiền tệ.

Về các dịch vụ khác như dịch vụ giáo dục, dịch vụ môi trường, dịch vụ sức khoẻ, dịch vụ xã hội, dịch vụ du lịch, dịch vụ giải trí, dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác, pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yếu tố do thương mại dịch vụ quốc tế đặt ra. Vấn đề là làm sao để đàm phán mở cửa thị trường thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài trong mức độ mà pháp luật và thực tiễn Việt Nam cho phép.

Tóm lại, các kết quả nghiên cứu vấn đề này cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ cơ bản là tốt, nhiều quy định của Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của WTO. Một số yêu cầu của WTO trong lĩnh vực thương mại dịch vụ đã được đưa vào pháp luật Việt Nam khá sớm theo yêu cầu phát triển nội tại của Việt Nam và được cụ thể hoá trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan đó là thương mại dịch vụ là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan nhiều đến cuộc sống của người dân Việt Nam, liên quan đến an ninh quốc phòng và lợi ích quốc gia thiết yếu. Một số quy định của pháp luật Việt Nam vẫn chưa đủ rõ ràng để giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ thành viên WTO. Việc nghiên cứu để hoàn thiện phần pháp luật Việt Nam này là cần thiết.

4. Thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến Hiệp định WTO về quyền sở hữu trí tuệ

4.1. Các quy định của WTO về sở hữu trí tuệ

Không giống các hiệp định đa phương về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong pháp luật thương mại quốc tế, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ không quy định đầy đủ các quyền của chủ sở hữu (bao gồm quyền kinh tế và quyền tinh thần), mà chỉ quy định về việc bảo hộ các quyền kinh tế của chủ sở hữu. Chính vì vậy, sau vòng đàm phán Urugoay, trong hệ thống các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có một hiệp định riêng với tên gọi hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS). Hiệp định TRIPS chỉ quy định về các vấn đề có liên quan đến tính thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, khi xem xét đến tính thương mại của quyền sở hữu trí tuệ thì Hiệp định TRIPS có thể được xem như là chuẩn mực chung.

Hiệp định TRIPS được chia thành 7 phần, phần I về Các điều khoản chung và các nguyên tắc cơ bản; phần II là Các tiêu chuẩn về việc xác lập, phạm vi và sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ; phần III về Thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phần IV về Thủ tục để hưởng và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ và thủ tục khác theo yêu cầu của các bên liên quan; phần V về Ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp; phần VI là Các quy định chuyển tiếp; phần VII là Các thoả thuận về thể chế, điều khoản cuối cùng.

4.1.1. Các tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ

Thứ nhất, tiêu chí trước tiên của Hiệp định TRIPS đó là nguyên tắc đãi ngộ quốc gia và đãi ngộ tối huệ quốc. Việc áp dụng hai nguyên tắc này nhằm đảm bảo không có sự phân biệt đối xử trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân của các quốc gia Thành viên. Ngoài ra, Phần thứ nhất của Hiệp định còn có yêu cầu các quốc gia thành viên ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước hoặc các biện pháp cần thiết của các quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ phải phù hợp với Hiệp định TRIPS.

Thứ hai, các tiêu chí liên quan đến xác lập, phạm vi và sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ được chia thành 8 nội dung: quyền tác giả và các quyền kề cận; thương hiệu; chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; thiết kế bố trí mạch tích hợp; bảo vệ thông tin bí mật; kiểm soát các hoạt động chống cạnh tranh trong hợp đồng li xăng. Trong các nội dung này quy định rất rõ các đối tượng được bảo hộ theo Hiệp định TRIPS. Tuy vậy, phần này chủ yếu chỉ đặt ra các yêu cầu trong việc bảo hộ lợi ích thương mại của các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Đối với mỗi loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ TRIPS đều chủ yếu dựa trên các tiêu chí đã được thiết lập trong các hiệp định riêng của WIPO về từng loại đối tượng cụ thể.

Điểm khác biệt của Hiệp định TRIPS là ở chỗ TRIPS không ấn định một chuẩn mực cụ thể buộc các thành viên phải tuân theo. Thay vào đó, TRIPS đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. TRIPS là một hiệp định mới trong khuôn khổ của GATT/WTO quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua hai cách. Thứ nhất, đó là việc thiết lập nên các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai, đó là các thủ tục pháp lý thông qua đó những người nắm giữ quyền có thể bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ của mình.

4.1.2. Các tiêu chí về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Thứ nhất, các quốc gia phải bảo đảm được những yêu cầu chung như:

- Cho phép khả năng khiếu kiện có hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm;

- Có thể được áp dụng các chế tài khẩn cấp để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm, các chế tài nhằm cản trở hành vi xâm phạm tiếp theo;

- Cho phép các bên tranh chấp có thể yêu cầu cơ quan xét xử xem xét lại quyết định hành chính cuối cùng.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này phải “đúng đắn", "công bằng", các thủ tục “không được phức tạp hoặc tốn kém không cần thiết"...

Thứ hai, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu tuân thủ theo các thủ tục dân sự.

Thứ ba, các biện pháp kiểm soát tại biên giới.

Thứ tư, việc áp dụng các chế tài hình sự.

Thứ năm, các phần tiếp theo của Hiệp định TRIPS tiếp tục quy định các nghĩa vụ đối với các thành viên trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc quy định các nghĩa vụ này nhằm góp phần đảm bảo việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được minh bạch, đồng bộ.

Bên cạnh đó, Hiệp định cũng yêu cầu các nước phát triển có nghĩa vụ hỗ trợ các nước đang phát triển, chậm phát triển về kỹ thuật và tài chính để đảm bảo hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

4.2. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí của WTO về sở hữu trí tuệ

Trong pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Phần 6 Bộ luật dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành trong đó quan trọng nhất là Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, trong Nghị định 60/CP ngày 6/6/1997 Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng quy định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người nước ngoài tại Việt Nam và trong một số văn bản về mạch tích hợp, bán dẫn, về giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới và nhiều văn bản khác liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ như Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Luật hải quan...

Tại thời điểm nghiên cứu đề tài, theo đánh giá chung của các chuyên gia trong và ngoài nước, hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ phù hợp với các nhu cầu nội tại của đất nước cũng như yêu cầu của quá trình hợp tác quốc tế, thống nhất với các quy định của WTO, Việt Nam có thể thực thi được ngay các nghĩa vụ thành viên của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, một số quy định về cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quy định về các thủ tục tố tụng hành chính và tư pháp, kể cả các chế tài hình sự, dân sự, hành chính và các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được tiếp tục cụ thể hoá để bảo đảm tốt hơn các yêu cầu của WTO về nghĩa vụ Thành viên WTO.

4.2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các tiêu chí cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS.

Thứ nhất, về quyền tác giả:

- Về phạm vi được bảo hộ

Ngày 24/10/2004 Công ước Berm có hiệu lực đối với Việt Nam. Các tác phẩm được bảo hộ được quy định tại Điều 2 Công ước này. Về cơ bản, pháp luật Việt nam đã đáp ứng được yêu cầu của Công ước Berne. Tuy vậy, đối với “tin tức thời sự” pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

- Về khái niệm “Tác phẩm đã công bố"

Định nghĩa “công bố" theo Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 hướng dẫn thi hành một số điều về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự chưa thật phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS và Công ước Berne. Ngoài ra, Hiệp định TRIPS cũng quy định thế nào thì không được coi là công bố, nhưng pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này.

- Về các quyền liên quan

Các quyền liên quan theo quy định của Hiệp định TRIPS và các quy định của WIPO đã được quy định tại Điều 758 Bộ luật Dân sự, tuy nhiên chưa thật phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS.

Thứ hai, về quyền sở hữu công nghiệp:

- Về Nhãn hiệu hàng hoá

 Pháp lệnh Việt Nam còn thiếu quy định về bảo hộ loại nhãn hiệu hàng hoá đặc biệt đó là nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu nổi tiếng.

- Về Sáng chế

Quy định về các điều kiện để được cấp li-xăng không tự nguyện cơ bản phù hợp với Hiệp định TRIPS. Tuy vậy, còn 03 điều kiện cụ thể chưa được quy định rõ mặc dù trên thực tế không có khả năng bị áp dụng trái với Hiệp định TRIPS.

- Về Thiết kế bố trí mạch tích hợp

Chính phủ đã ban hành quy định về thiết kế bố trí mạch ích hợp bán dẫn. Tuy vậy, cần quy định chi tiết về thủ tục xác lập quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp.

- Về Thông tin bí mật (Bí mật thương mại)

Pháp luật hiện hành về bảo hộ bí mật thương mại (được gọi là bí mật kinh doanh) hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, khó áp dụng trên thực tế. Để nâng cao tính khả thi, các quy định đó cần được chi tiết hoá.

4.2.2. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các tiêu chí thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã có các quy định khá cụ thể và phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định TRIPS về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định như vậy được nêu trong Bộ luật tố tụng dân sự, Luật hình sự, Luật hải quan, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp...

Pháp luật Việt Nam đã có quy định các biện pháp chế tài để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng các biện pháp chưa đủ mạnh để việc thực thi có hiệu quả, nhất là tính răn đe của các chế tài dân sự, hình sự còn thấp. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam do hệ thống các cơ quan thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước và hệ thống toà án, tuy nhiên, hệ thống các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực mạnh, được phân bổ dàn mỏng trong các Bộ, ngành khác nhau và đôi khi phối hợp, xử lý vấn đề không đồng bộ, thường xuyên.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là loại tranh chấp phức tạp, nhưng lại được giao cho Toà án nhân dân cấp huyện xét xử, đa số thẩm phán cấp huyện lại chưa được chuẩn bị kỹ về vấn đề này. Việc xâm hại bản quyền cũng như quyền sở hữu công nghiệp mà trong đó đặc biệt là về nhãn hiệu hàng hoá là một vấn đề  nhức nhối thể hiện qua số lượng các vụ việc về xâm hại quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng (năm 1992 mới có 36 vụ việc thì đến năm 1997 đã lên đến 156 vụ). Số lượng các vụ việc vi phạm quyền được đưa ra giải quyết tại toà án còn rất ít. Các quy định về phạt tiền chưa đủ mạnh để răn đe, dập tắt ý chí vi phạm của những kẻ đã vi phạm lần đầu. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đôi khi cũng chưa kiên quyết trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việt Nam đã tham gia một số các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như Công ước Pari về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Thoả ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Công ước về Thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO). Hiệp ước hợp tác công bằng sáng chế. Ngoài ra, chúng ta cũng đã ký kết một loạt các điều ước song phương với một số nước như Thái lan, Úc, Pháp, Nhật, Hoa kỳ, Thuỵ Sỹ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quyền tác giả thì chúng ta mới chỉ có duy nhất Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả với Hoa Kỳ. Chúng ta cũng đã ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Hiệp định này đã dành hẳn một chương quy định về quyền sở hữu trí tuệ với những yêu cầu cao hơn và phạm vi rộng hơn so với TRIPS. Điều này dĩ nhiên đặt các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan lập pháp trước những thách thức to lớn. Tuy nhiên, cũng có thể coi đây là bước chuẩn bị trong quá trình gia nhập WTO.

Tóm lại, pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ cơ bản đã phù hợp với các quy định của Hiệp định TRIPS. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được cụ thể hoá. Việc điều chỉnh pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ là cần thiết nhằm giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của WTO về lĩnh vực này.

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRƯỚC YÊU CẦU GIA NHẬP WTO VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Phương hướng và nguyên tắc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trước các yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

1.1. Phương hướng chung

Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, là một bộ phận trong tổng thể đổi mới - hội nhập - phát triển và tăng trưởng bền vững, là tiền đề quan trọng đảm bảo thành công công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Hội nhập và điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải được tiến hành theo chương trình, kế hoạch, trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế, với các bước đi vững chắc, không chậm trễ, không để dồn gánh nặng vào thời gian cuối của lộ trình. Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán gia nhập tổ chức WTO, bên cạnh việc đẩy mạnh hội nhập khu vực trong tổ chức ASEAN, ASEAN + Trung Quốc, ASEAN+ Nhật Bản, ASEAN + Hàn Quốc... Để thực hiện các cam kết quốc tế trong WTO và các cam kết quốc tế khác cần có giải pháp thích hợp về lý luận và thực tiễn lập pháp, lập quy theo kịp lộ trình Hội nhập kinh tế quốc tế, kể cả giải pháp điều chỉnh về mặt chiến lược hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam.

Qua nghiên cứu các quy định của WTO, đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh những lĩnh vực có liên quan cho thấy trong một số lĩnh vực pháp luật Việt Nam về cơ bản là phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa phù hợp hoặc còn mâu thuẫn với quy định của các Hiệp định đa biên của WTO đòi hỏi phải được hoàn thiện. Do vậy, việc nghiên cứu các quy định của WTO cần được tiếp tục cả về bề rộng và chiều sâu, ngay cả sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và phải được đầu tư thích đáng. Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt nam phải được bắt đầu từ những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo như vậy. Chủ yếu điều chỉnh những điểm trong quy định pháp luật cụ thể của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu thực thi có hiệu quả nghĩa vụ thành viên WTO để làm cho các quy định của pháp luật Việt Nam thống nhất với nghĩa vụ thành viên theo quy định của các Hiệp định đa biên của WTO và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trên cơ sở các nguyên tắc chỉ đạo đã được định rõ trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong điều kiện mới.

4.2. Các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế

4.2.1. Quan điểm chỉ đạo việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng thống nhất với các quy định của WTO

Việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam theo hướng thống nhất với các quy định của WTO cần tuân theo các quan điểm chỉ đạo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, phải quán triệt chủ trương được xác định trong văn kiện Đại hội IX của Đảng là: "Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường".

Thứ hai, phải nhận thức đầy đủ đặc điểm của nền kinh tế nước ta, từ đó có kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà ta tham gia, tranh thủ các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.

Thứ ba, phải quán triệt tinh thần hội nhập kính tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa không ít thách thức, do đó cần linh hoạt trong trong xử lý vấn đề; phải kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng.

4.2.2. Các nguyên tắc chỉ đạo việc hoàn thiện hệ thống phán luật Việt Nam theo hướng thống nhất với các quy định của WTO

a/ Những nguyên tắc chung

Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, kiên trì, bền bỉ điều chỉnh lại hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp với những nguyên tắc và chuẩn mực của hệ thống thương mại toàn cầu mà tiêu biểu là WTO, thích ứng với những điều kiện cụ thể của đất nước, có những nhượng bộ cần thiết tới mức có thể chấp nhận để hội nhập, tìm mọi biện pháp gia nhập WTO với tư cách là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi với mức độ phát triển kinh tế thấp để có các quy định pháp luật thích hợp với nghĩa vụ thành viên loại nước đó.

b/ Thừa nhận các nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu, chuyển hoá các nguyên tắc, các quy định pháp luật về kinh doanh trên thương trường quốc tế cũng như các nghĩa vụ pháp lý khác của WTO vào các văn bản pháp luật Việt Nam, dành đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), đãi ngộ quốc gia (NT) và các ưu đãi, miền trừ về thuế quan và phi thuế quan, mở cửa thị trường cho các nước thành viên WTO ở những lĩnh vực có thể được trên cơ sở cùng nhau đàm phán, thoả thuận cụ thể song phương và đa phương phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định của WTO, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thương mại của Việt Nam ở từng thời kỳ và trên cơ sở có đi có lại.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các nguyên tắc, quy định pháp luật thương mại quốc tế này được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại mà WTO điều tiết, tuy vậy cần ưu tiên thực hiện một số yêu cầu sau đây của WTO: (i) Thương mại không phân biệt đối xử; (ii) Tự do hoá thương mại; (iii) Bảo hộ nền kinh tế đất nước bằng hàng rào thuế quan; (iv) Nguyên tắc ổn định trong thương mại; (v) Nguyên tắc tăng cường cạnh tranh lành mạnh; (vi) Nguyên tắc không hạn chế số lượng hàng hoá nhân khẩu; (vii) Quyền được khước từ nghĩa vụ cụ thể và được tự vệ trong trường hợp khẩn cấp; (viii) Nguyên tắc tôn trọng các tổ chức quốc tế khu vực; (ix) Nguyên tắc dành điều kiện thuận lợi hơn cho các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Như vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các yêu cầu của WTO, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế phải rất chú trọng đến việc nội luật hoá các nguyên tắc, quy chuẩn và yêu cầu của WTO, của pháp luật thương mại quốc tế phù hợp với chủ trương hội nhập với nền kinh tế thế giới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam.

2. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu của WTO và hội nhập kinh tế quốc tế

2.1. Các giải pháp tổng quát

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng ở cả Trung ương và địa phương về quá trình đàm phán, gia nhập WTO của chúng ta và những cơ hội và thách thức của việc thực hiện các cam kết thành viên sau khi gia nhập để có sự phối hợp và thống nhất tư duy và hành động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân.

Việc gia nhập WTO sẽ đem lại nhiều cơ hội thuận lợi hơn nếu có tìm hiểu và chuẩn bị kỹ các điều kiện để vừa tận dụng các quyền của nước thành viên lại vừa thi hành hiệu quả các cam kết của mình. Chúng ta đã có nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và WTO nói riêng, nhưng hiệu quả của công tác này đang là câu hỏi qua các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế gần đây. Có lẽ các nội dung thông tin, tuyên truyền cần sâu hơn, được thiết kế phù hợp cho các đối tượng khác nhau để làm sao những đối tượng được nhận thông tin, tuyên truyền đều cảm thấy ý nghĩa và tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đối với chính mình.

Thứ hai, mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tựu về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong những năm gần đây và đang thực hiện các cải cách pháp luật và tư pháp, nhưng một điều chắc chắn là quy chế thành viên WTO sẽ đem lại một khối lượng công việc rất lớn trong lĩnh vực này. Do đó, ngay từ bây giờ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp cần có các bước chuẩn bị sẵn sang, đưa các vấn đề WTO vào kế hoạch hoạt động và kinh doanh. Cụ thể, đối với các cơ quan lập pháp và lập quy thì giờ đây cũng phải tính đến những khả năng, cách thức thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam trong hệ thống pháp luật trong nước (ban hành một luật thực hiện tất cả các cam kết như một số nước đã làm hay sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản như chúng ta vẫn làm, hoặc uỷ quyền cho các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện trong khi đợi sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật...). Đối với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề có liên quan tới WTO mà đang được soạn thảo, ban hành thì sẽ là thích hợp nếu chúng ta tính đến các quy định của WTO để tránh phải sửa đổi sau khi ban hành (về cách tiếp cận quy định như thế nào để vừa bảo đảm thực hiện được cam kết quốc tế lại vừa bảo đảm được lợi ích quốc gia thì cần có nghiên cứu kỹ). Một điều cần nhận thức là các quy định pháp luật mới được ban hành thực thi cam kết WTO sẽ có nhiều quy định mới (kể cả thuật ngữ, chưa từng có trong hệ thống pháp luật Việt Nam), phức tạp, có tính kỹ thuật cao đòi hỏi có những giải thích chi tiết thì mới có thể tạo được cách hiểu chung thống nhất. Chính vì vậy chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là các chuyên gia pháp luật thương mại quốc tế đủ khả năng giúp các cơ quan Việt Nam trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua các quy định mới này.

Thứ ba, đối với các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó toà án có vị trí quan trọng vì mọi khiếu nại hành chính đều có thể được toà án xem xét lại, do vậy việc đào tạo và bồi dưỡng kiến thức pháp luật WTO là công việc cần làm ngay. Do tính phức tạp của các quy định WTO nên bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, cần chú ý tới đội ngũ cán bộ trẻ tại toà án, những người sẽ giúp các thẩm phán trong việc tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ các vụ việc liên quan tới áp dụng các quy định pháp luật mới của WTO. Hơn nữa, việc chuyên môn hoá các công việc liên quan tới thương mại quốc tế về một toà án chuyên trách (chẳng hạn Toà kinh tế) như nhiều nước trên thế giới đã làm là một kinh nghiệm đáng tham khảo để tập trung nguồn lực.

Thứ tư, riêng đối với doanh nghiệp thì quy chế thành viên WTO sẽ đem lại các công việc trên cả hai mặt trận: trong nước và quốc tế. Do đó việc thiếu hiểu biết đầy đủ về thể chế WTO, kể cả các cách thức bảo vệ quyền lợi của mình ở trong nước (sử dụng các biện pháp thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…) và ở nước ngoài (không bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các cơ quan nhà nước, yêu cầu các cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi, kể cả kiện ra WTO...) sẽ đặt các doanh nghiệp của chúng ta ở vị trí bất lợi trong cạnh tranh.

Thứ năm, cần đặt việc rà soát pháp luật theo quy định của WTO ở tất cả các cơ quan các cấp từ Trung ương tới địa phương thành công việc thường xuyên, liên tục và kéo dài của các cơ quan Nhà nước liên quan. Hiện tại, công việc này đang được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, nhưng có lẽ mới chỉ như một công việc có tính thời điểm, một lần. Điều quan trọng nữa là cần phải có sự gắn kết các kết quả rà soát pháp luật với quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch lập pháp và lập quy cũng như là sự gắn kết với việc soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hạn chế và loại bỏ những quy định có lời văn hay hệ quả đi ngược các quy định của WTO.

Thứ sáu, cần tính đến những cải cách về thiết chế, tổ chức lại một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động thương mại quốc tế để nâng cao hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình đàm phán gia nhập và thực hiện các cam kết WTO, cần có sự quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm tới đội ngũ chuyên gia pháp luật - những người sẽ tham gia vào soạn thảo các văn bản pháp luật trong nước, tư vấn cho Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế.

2.2. Các giải pháp cụ thể

2.2.1. Các giải pháp liên quan đến tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật

Từ kết quả nghiên cứu của Đề tài và kết quả rà soát, đối chiếu cho thấy số lượng văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành cho đến hết năm 2007 để thống nhất với các quy định của WTO về nghĩa vụ của Thành viên theo kịp lộ trình hoàn thành thủ tục gia nhập WTO là rất lớn.

Tại Phiên 9 đàm phán gia nhập WTO, Đoàn đàm phán Việt Nam đã trình ra Ban công tác gia nhập WTO Chương trình hành động lập pháp của Việt Nam thực hiện các Hiệp định của WTO. Bên cạnh phần cập nhật danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành từ phiên trước, Chương trình hành động lập pháp của Việt Nam tại Phiên 9 đã nêu cụ thể số văn bản luật và pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới và lộ trình dự kiến ban hành (hầu hết các văn bản nói trên trong khoảng thời gian từ 2004 - 2006) (theo kết quả rà soát đối chiếu của giai đoạn II có rút gọn theo lựa chọn). Bản Chương trình hành động lập pháp này đã gây được ấn tượng tốt. Tuy nhiên, một số thành viên WTO vẫn chưa thoả mãn và yêu cầu Việt Nam điều chỉnh lại Chương trình hành động lập pháp này theo hướng rút ngắn thời hạn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong Chương trình và nêu rõ cơ chế bảo đảm thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đúng nội dung thời hạn cam kết.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán gia nhập WTO nói riêng là hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam có thể theo hướng như sau:

Thứ nhất, dành ưu tiên thời gian cho việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2005 - 2006 phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó trong năm 2005 cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thông qua các một số văn bản sau (Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật thương mại (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật đường sắt Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan; Luật sở hữu trí tuệ v.v..)

Thứ hai, trong trường hợp kết quả đàm phán gia nhập WTO đem lại số lượng văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hay ban hành mới khá lớn, không có đủ thời gian theo yêu cầu để soạn thảo và ban hành từng văn bản như trước đến nay vẫn làm, thì kiến nghị có những giải pháp thích hợp trong điều kiện lập pháp Việt Nam, để đảm bảo thực thi được các cam kết quốc tế. Giải pháp đó có thể là kết hợp với cách làm truyền thống là sửa đổi, bổ sung từng văn bản thì cần soạn thảo và ban hành một đạo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật, pháp lệnh liên quan để thực thi các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, trong đó chứa đựng đầy đủ các quy định sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và đưa ra các quy định mới, các điều khoản mới cho các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Chính phủ ban hành một Nghị định sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và ban hành mới các văn quy phạm pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ ngành, cần chủ động sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và ban hành mới các văn bản liên quan theo phương thức nói trên.

2.2. Các giải pháp liên quan đến nội dung văn bản pháp luật Việt Nam

Để có thể xây dựng được một hệ thống pháp luật thống nhất với các quy định của WTO và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các liên quan đến nội dung văn bản, các giải pháp liên quan đến nội dung văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có thể là:

Thứ nhất, các giải pháp trong lĩnh vực về thương mại hàng hoá:

- Về các biện pháp thuế

+ Biểu thuế

Giải quyết mối quan hệ giữa không gian điều hành thuế suất thuế suất nhập khẩu quy định tại biểu khung do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành và không gian điều hành thuế suất được cam kết với WTO trong khuôn khổ đàm phán gia nhập. Do hiện nay chưa có cam kết cụ thể nên có ba khả năng có thể xảy ra đối với mỗi nhóm mặt hàng (sau đây gọi mức do Uỷ ban thường vụ Quốc hội đặt ra là a, mức cam kết trong WTO là b):

(i)      a > b;

(ii)     a < b; và

(iii)    a = b

Mỗi khả năng trên gắn liền với đặc điểm pháp lý và yêu cầu điều chỉnh văn bản pháp quy. Trong trường hợp (i), khi biểu khung cao hơn biểu cam kết, dường như đã xuất hiện mâu thuẫn giữa thẩm quyền mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội  trao cho Chính phủ qua biểu khung với cam kết quốc tế. Nếu đơn giản hoá vấn đề, có thể cho rằng sẽ xuất hiện khả năng Chính phủ điều hành thuế suất cụ thể vẫn trong giới hạn biểu khung của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, song có thể cao hơn mức đã cam kết quốc tế, có nghĩa là mâu thuẫn với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích có thể thấy rằng, các cam kết quốc tế, kể cả ràng buộc thuế quan, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì cam kết quốc tế này sẽ phải được nội luật hoá trở thành văn bản Luật, và Chính phủ cũng được yêu cầu đảm bảo việc điều hành thuế suất trong khuôn khổ cam kết này. Vì vậy, khả năng xảy ra vi phạm cam kết quốc tế chỉ có thể khi Chính phủ không được yêu cầu cụ thể về việc tuân thủ với cam kết đã được phê chuẩn.

Trong trường hợp (ii), không tồn tại mâu thuẫn giữa hai khung khổ nói trên, vì theo quy định, cam kết quốc tế có mức cao hơn quy định trên nội luật. Do vậy, sẽ tồn tại một thực tế là Chính phủ phải duy trì giới hạn không gian điều hành của mình không chỉ thấp hơn so với cam kết quốc tế mà còn thấp hơn cả mức trần của biểu khung, thể hiện mức độ tự do hoá đơn phương trên thực tế cao hơn so với mức cam kết quốc tế. Điều này phụ thuộc nhiều vào vấn đề kinh tế chính trị khi cân nhắc quyền lợi của người tiêu dùng và người sản xuất trong nước và có thể gây sức ép cho đàm phán tiếp tục mở cửa thị trường sau này. Tuy vậy, trường hợp này rất ít khi xảy ra trong thực tiễn đàm phán gia nhập WTO.

Trường hợp (iii) ít có khả năng xảy ra, thông thường cam kết về thuế thường có lộ trình cắt giảm, trên cơ sở thuế suất áp dụng thực tế.

Như vậy, việc lựa chọn giải pháp pháp lý ở đây cho vấn đề thuế xuất nhập khẩu đương nhiên sẽ nghiêng về trường hợp (i), tức phải hạ các thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành của Việt Nam.

Về Biểu thuế MFN và các biểu thuế khác, về danh mục biểu thuế của Việt Nam gồm 3 loại thuế suất cơ bản, bao gồm thuế suất ưu đãi (hay thuế MFN), thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt là thống nhất với các quy định về WTO.

Trong danh mục các biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt, Chương trình CEPT/AFTA và ưu đãi thuế quan giành cho Lào được coi là vận dụng ngoại lệ M theo Điều XXIV của GATT, trong khi đó các Hiệp định dệt may với Hoa Kỳ và sẽ nằm ngoài diện ngoại lệ của Điều XXIV. Vì vậy, khi trở thành thành viên WTO nếu trường hợp thuế suất cam kết gia nhập WTO không thấp hơn thuế suất ưu đặc biệt thuộc Chương trình này, thì Việt Nam không cần điều chỉnh cụ thể. Nếu thuế suất cụ thể thấp hơn hoặc bằng với thuế suất theo Chương trình CEPT/AFTA thì có thể có sự điều chỉnh cần thiết theo thoả thuận với các thành viên ASEAN. Vấn đề này lại càng phức tạp khi Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc… có quan hệ điều ước ASEAN trên cơ sở điều ước quốc tế về tạo lập khu vực tự do thương mại (FTA).

- Phụ thu và chênh lệch giá - cần phải thuế quan hoá hoặc loại bỏ hết trước khi trở thành thành viên của WTO. Đây là yêu cầu không thể bỏ qua.

+ Thuế nội địa

Đối với thuế giá trị gia tăng, như đã trình bày có sự phân biệt đối xử giữa bông sơ chế từ bông trồng trong nước (ở mức 5%) và bông sơ cho từ nguyên liệu bông nhập khẩu (chịu thuế suất 10%).

Xét từ khía cạnh pháp luật trong nước, quy định tại Luật GTGT không thời gian xoá bỏ phân biệt đối xử này. Nhưng Điều 27 có quy định về công nhận cam kết, điều ước quốc tế. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết nên sửa quy định về thuế suất này của Luật mà không cần điều chỉnh các quy định khác của Luật.

Tuy vậy, khi xem xét đến khía cạnh điều hành, việc lựa chọn mức thuế suất cụ thể nào (mức trước đây áp dụng với trong nước - mức thấp - hay mức trước áp dụng với ngoài nước - mức cao) trên thực tế vẫn đòi hỏi cần có sự nghiên cứu cụ thể.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt giải pháp ở đây cũng có tính chất tương tự giải pháp đã được đề xuất trong phần thuế GTGT, tức là chỉ chỉnh sửa các thuế suất cụ thể đảm bảo yêu cầu về không phân biệt đối xử.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư nước ngoài, về việc đưa ra ưu đãi đầu tư trong nước hoặc nước ngoài dưới hình thức miễn giảm thuế có dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa hai loại đầu tư này, cần thống nhất vào một quy chế thuế. Mặt khác, quy định đó cũng có thể dẫn tới tình trạng trợ cấp bị cấm hoặc bị kiện. Việc điều chỉnh các quy định về ưu đãi đầu tư để cân đối giữa hai nhóm nội dung quan trọng này cần được tính toán để đảm bảo không phân biệt đối xử và không có trợ cấp bị cấm hoặc có thể bị kiện. Việc ban hành một Luật đầu tư chung là cần thiết để xử lý vấn đề này.

- Về các biện pháp phi thuế:

+ Các biện pháp quản lý số lượng: Hiện nay trong một số văn bản pháp luật Việt Nam như đã nêu trên vẫn duy trì những hạn chế về định lượng như hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm đường tinh luyện và đường thô, cấm nhập khẩu một số mặt hàng không có trong danh mục các mặt hàng ngoại lệ của GATT. Đối với vấn đề cấp phép được điều chỉnh bởi nhiều văn bản ở các cấp khác nhau và rất tản mạn. Những quy định không phù hợp này chủ yếu nằm trong văn bản dưới luật do Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành cần được loại bỏ cho thống nhất với các quy định của WTO.

+ Về giải pháp liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, đây là vấn đề phức tạp cần có giải pháp xây dựng Luật doanh nghiệp chung, trong đó có các quy định điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp thương mại nhà nước để các doanh nghiệp này hoạt động thực sự trên nguyên tắc thương mại .

+ Về các giải pháp quản lý hành chính, hiện nay, các quy định về thủ tục hải quan còn nằm trong nhiều văn bản khác nhau dẫn đến khó khăn rất lớn cho người thực hiện làm thủ tục hải quan. Giải pháp trước mắt là cần tập hợp, hệ thống hoá quy định về thủ tục hải quan trong một văn bản thống nhất.

Đối với vấn đề xuất xứ hàng hoá, cần sớm ban hành văn bản có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá của WTO.

Thứ hai, các giải pháp trong lĩnh vực về thương mại dịch vụ:

- Giải pháp trước mắt là cần cụ thể hoá các quy định về thương mại dịch vụ đã được xác định trong Pháp lệnh về đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002, cần đưa các quy định về phân loại dịch vụ CPC vào pháp luật Việt Nam, quy định rõ hơn các rào cản đối với thương mại dịch vụ để phòng ngừa vi phạm…

Sửa đổi Luật thương mại theo hướng mở rộng khái niệm thương mại và phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại để bao quát các vấn đề thuộc thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài. Ngoài các quy phạm thực chất trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài, Luật thương mại cũng cần có các quy phạm xung đột điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài theo yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, có tính đến đặc thù của nền kinh tế nước ta. Việc sửa đổi Luật thương mại phải tính đến tất cả các quan điểm chỉ đạo đã nêu trên cũng như những xu hướng vận động của pháp luật thương mại các nước trong thời gian tới.

- Các quy định cụ thể trong các Luật, Pháp lệnh liên quan thương mại dịch vụ cần sớm được sửa đổi phù hợp với quy định của hiệp định GATS và các cam kết của Việt Nam với WTO. Cần nội luật hoá tối đa các quy định và cam kết đó vào các văn bản cụ thể của nước ta.

Thứ ba, các giải pháp trong lĩnh vực về sở hữu trí tuệ:

- Cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự (phần 6) hoặc xây dựng Luật về sở hữu trí tuệ trong đó có các điều khoản tương ứng với các tiêu chuẩn của Hiệp định về thời hạn bảo hộ người biểu diễn, quy định về quyền ghi và truyền tới công chúng các chương trình phát thanh truyền hình, quy định về quyền cho thuê bản ghi âm: quy định về quyền truyền tới công chúng chương trình biểu diễn các tác phẩm, nhạc kịch, âm nhạc và các quy định khác phù hợp với các quy định của Công ước Berne.

- Cần sớm bổ sung, điều chỉnh Bộ luật dân sự hoặc đưa vào Luật sở hữu trí tuệ quy định về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, thủ tục công nhận loại nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng; quy định rõ hơn về các điều kiện tổng quát và bổ sung quy định về điều kiện cụ thể đối với việc cấp li-xăng không tự nguyện, quy định chi tiết về thủ tục xác lập quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp; chi tiết hoá quy định hiện hành về bảo hộ bí mật thương mại.

- Về giải pháp đối với vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần chú ý giải quyết các vấn đề sau:

+ Cần có văn bản hướng dẫn riêng về thủ tục tố tụng dân sự đối với các vụ kiện về sở hữu trí tuệ. Cần xoá bỏ tình trạng hành chính hoá quan hệ dân sự. Những vụ việc thuộc phạm vi xử lý của toà án thì phải xử lý tại toà án. Bảo đảm mức phạt hành chính không thấp hơn lợi nhuận có thể thu được do vi phạm. Thủ tục hành chính cần được cải tổ, xoá bỏ tình trạng chồng chéo về chức năng. Phải đảm bảo quyền khiếu nại quyết định hành chính cuối cùng của các đương sự bằng việc xét xử của toà án theo thủ tục tố tụng hành chính. Việc sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là giải pháp tối ưu trong lĩnh vực này.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều quy định của pháp luật Việt Nam cơ bản thống nhất với các cam kết của chúng ta trong các Hiệp định song phương với các nước (các Hiệp định về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ), với các tổ chức quốc tế như ASEAN (AFTA, AIA...), APEC, Tổ chức hải quan thế giới, ADB, WB, IMF v.v.. và quy định về nghĩa vụ Thành viên WTO. Nhiều kiếu nghị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật theo các lộ trình gia nhập WTO đã được chúng ta chủ động đề ra từ trước, trong các Chương trình xây dựng pháp luật 5 năm và hàng năm của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và kế hoạch công tác hàng năm của Chính phủ. Có một số quy định của WTO, trên thực tế chúng ta đã tự thực hiện trước. Nhiều kiến nghị hoàn toàn phù hợp với các chủ trương đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của đất nước. Điều đó cho thấy một phần quan trọng của các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước không phải chỉ được đặt ra từ bản thân việc ký kết các Hiệp định song phương, đa phương và đàm phán gia nhập WTO, mà chủ yếu là xuất phát từ chính nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, trong một số lĩnh vực, tuy đã có pháp luật quy định nhưng chưa đủ cụ thể để thực thi nghĩa vụ thành viên WTO.

Một phần quan trọng trong nghĩa vụ Thành viên của WTO thuộc về cơ chế thông tin pháp luật và thực thi pháp luật, trong đó tập trung vào quy định bảo đảm tính minh bạch, công khai, thống nhất trong việc giải thích và áp dụng pháp luật trong toàn bộ bộ máy Nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Theo kinh nghiệm của các nước và Việt Nam, để thực hiện được quy định này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung pháp luật cần được tiến hành khẩn trương, theo một kế hoạch chung, thống nhất, dài hạn (cần có Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật) và có thứ tự ưu tiên; phải quán triệt quan điểm bảo đảm không ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với các Hiệp định của WTO và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, coi đây là các cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng làm nền tảng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, phải có một cơ chế thực hiện pháp luật phù hợp, có bước đi thích hợp, cần có cơ chế kiểm tra việc ban hành các văn bản của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương sao cho phù hợp với các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và các cam kết quốc tế của Chính phủ và Nhà nước. Đối với công tác xét xử của Toà án, đòi hỏi phải nâng cao trình độ của thẩm phán để đáp ứng các yêu cầu phức tạp của hội nhập kinh tế quốc tế. Vị trí, vai trò của các thiết chế phi Chính phủ (các Đoàn luật sư, các Hội nghề nghiệp,…) cần phải được tăng cường trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức và cá nhân Việt Nam trong thương mại quốc tế./.



1 Ngày 11/1/2007, Việt Nam trở thành thành viên 150 của tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

2 Mặc dù WTO không quy định cụ thể về danh mục phân loại hàng hoá sử dụng trong biểu thuế, nhưng theo hướng dẫn của Ban Thư ký WTO danh mục phân loại hàng hoá nên sử dụng theo chuẩn phân loại quốc tế được thừa nhận chung, chủ yếu là hệ thống phân loại hài hoà của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

3 Thuế hoá (tariffrication) là chuyển các biện pháp phi thuế quan thành tương đương thuế quan ràng buộc. Trong vòng đàm phán Uruguay, thuế hoá được áp dụng cho hàng nông sản và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho loại mặt hàng này. (Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, Walter Goode, NXB Thống kê 1997, tr.245)

4 Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, Walter Goode, NXB Thống kê 1997, tr.261

5 Điều 2 Hiệp định TRIMs

6 Điều 17 Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002

7 Điều 46.2a-d và Điều 46.3.b kèm theo Phụ Lục 1.1 và I.II

8 Điều 105.2 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định điều kiện vận dung cơ chế đăng ký cấp giấy phép đầu tư phải có tỷ lệ xuất khẩu nhất định, nếu không phải vận dụng cơ chế thẩm định cấp giấy phép đầu tư

 

9 Điều 2 Quyết định 91/2003/QĐ-TTg ngày 09 tháng 05 năm 2003 về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam.

10 WT/ACC/SPEC/VNM/4 ngày 17/11/2003 – Dự thảo Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO

11 Thông tư liên tích số 17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 14.3.2003 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật, thuỷ sản

12 Xem Bộ Thương mại Kết quả Vòng Đàm phán Urugoay về hệ thống thương mại đa biên – Nxb Thống kê năm 2000, trang 376.

13 Xem Hướng dẫn doanh nghiệp về Hệ thống thương mại thế giới. NXB Chính trị Quốc gia, Hà nội 2001. Trang 254.

 

Nội dung toàn văn

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH ĐỀ TÀI CẤP BỘ

"THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN

CÁC HIỆP ĐỊNH ĐA BIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM"

                                                  ----------------------------------

 

PHẦN MỞ ĐẦU

 

 

I TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế phát triển tất yếu của thời đại chúng ta và đang làm cho các nền kinh tế ngày càng trở nên tuỳ thuộc vào nhau, xích lại gần nhau hơn. Việt  Nam gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cơ hội và thách thức cho tất cả quốc gia không kể mức độ phát triển. Tuy nhiên, mức độ tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với các nước là khác nhau, nhưng có lẽ mức độ tác động lớn hơn sẽ đến với những nước có nền kinh tế yếu kém.

Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm tham gia các tổ chức kinh tế toàn cầu và khu vực. Ngày 17/10/1994, Việt Nam chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á (ASEAN), từ 25/7/1995 đã chính thức là thành viên của ASEAN và từ ngày 1/1/1996 bắt đầu thi hành nghĩa vụ thành viên Anh. Tháng 3/1996 Việt Nam đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Ngày 15/6/1996 ta đã gửi đơn xin gia nhập Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái bình dương (APEC) và tháng 11/1998 đã chính thức được công nhận là thành viên của APEC. Đặc biệt, từ tháng 1 năm 1995 Việt Nam đã gửi đơn xin gia nhập WTO và đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mạt thế giới (WTO) - tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất hiện nay.

Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO được thành lập và đi vào hoạt động tử năm 1995. Tháng 8/1996, Việt Nam cung cấp cho WTO Bị vong lục về chế độ thương mại của Việt Nam. Tháng 7/1998, phiên họp đa phương đầu tiên với Ban công tác về minh bạch hoá chính sách kinh tế, thương mại Việt Nam đã được tiến hành và đến tháng 12/2004 Việt Nam đã hoàn thành 9 Phiên đàm phán đa phương về gia nhập WTO, từ Phiên đàm pháp thứ 8, Việt Nam đạt được một loạt cam kết tuân thủ các quy định, nghĩa vụ của WTO trong đó có cam kết về chương trình hành động lập pháp. Việt Nam đã đưa ra Danh mục sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm luật và pháp lệnh có liên quan đến nghĩa vụ thành viên WTO.

Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ WTO là một yêu cầu tiên quyết để Việt Nam có thể được trở thành thành viên của tổ chức này Điều XVI, khoản 4 của Hiệp định Marrakesh thành lập tổ chức Thương mại thế giới có ghi rõ “mỗi thành viên phải đảm bảo sự thống nhất giữa các luật, quy định và các thủ tục hành chính với những nghĩa vụ của mình được quy định trong các Hiệp định". WTO không quy định cụ thể mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các nghĩa vụ của mình như thế nào mà dành quyền chủ động đó cho từng quốc gia.

Việc phải thực hiện yêu cầu của WTO đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật trong nước với các nghĩa vụ của WTO là công việc không hề đơn giản ngay cả đối với những nước phát triển và càng khó khăn hơn đối với một nước như Việt Nam - một nước đang phát triển và mới bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các quy định của WTO rất phức tạp, có gắn kết với nhiều án lệ thương mại quốc tế và nhiều học thuyết kinh tế quốc tế khác nhau. Để có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các quy định của WTO đòi hỏi Việt Nam phải có được sự hiểu biết chung, thống nhất, chính xác nội đung các quy định này. Việc hiểu đúng các quyền, nghĩa vụ mà các Hiệp định của WTO đặt ra cho các nước thành viên sẽ giúp Việt Nam chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các yêu cầu của WTO, tận dụng được cơ hội, vượt qua các thách thức để sớm tham gia WTO, đồng thời chủ động giảm thiểu những tình huống tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực thi các Hiệp định của WTO và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Việc hiểu đúng các nội đung quy định của WTO sẽ giúp chúng ta hiểu được thực trạng của hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan đến các yêu cầu của WTO. Và chỉ có thể hiểu được đúng các quy định của WTO mới có thể đối chiếu, so sánh được các quy định của pháp luật nước ta để từ đó có thể tìm ra những điểm phù hợp, chưa phù hợp hoặc còn thiếu trong pháp luật Việt Nam, đánh giá được thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các hiệp định của WTO và đưa ra các kiến nghị, giải pháp thích hợp về hoàn thiện hệ thống pháp luật (ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và huỷ bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất tham gia các điêu ước quốc tế) nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định của WTO.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/1 1/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế đã đặt ra nhiệm vụ phải nghiên cứu các quy định của pháp luật quốc tế, các yêu cầu của các tổ chức kinh tế quốc tế trong đó có các quy định của WTO để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp theo đó, Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14/03/2002 của Thủ tướng chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế có giao Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực trạng của hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan các Hiệp định của WTO, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến các Hiệp định của WTO để có những đề xuất cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam phục vụ cho quá trình đàm phán gia nhập WTO và thực thi các nghĩa vụ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này.

Đến nay đã có một số bài viết, báo cáo liên quan đến các quy định của WTO và đề xuất những giải pháp xử lý vấn đề liên quan trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, chưa có một công trình nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan trực tiếp đến các Hiệp định đa biên của WTỌ cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài "Thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các hiệp định đa biên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam" là rất cần thiết về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và sau này nhằm bổ sung thông tin góp phần thực thi Chiến lược phát triển pháp luật của nước ta trong điều kiện công nghiệp hoá hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

II MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU NGHIÊN CỬU ĐỀ TÀI

Đề tài có các mục tiêu và yêu cầu nghiên cứu chủ yếu như sau:

a, Nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các quy định cơ bản của WTO điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế, tìm ra các tiêu chí cơ bản đánh giá thực trạng pháp luật quốc gia thành viên WTO

b, Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các Hiệp định đa biên của WTO theo các tiêu chí được xác định dựa trên các quy định về nghĩa vụ thành viên của WTO trong các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và các yêu cầu của Việt Nam cần đạt được trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, tìm ra những điểm phù hợp, chưa phù hợp, những điểm mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định để có giải pháp cần thiết trong quá trình giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra.

c, Xác định các phương hướng hoàn thiện pháp luật trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và thực thi các nghĩa vụ của Thành viên WTO, tìm ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm của các nước đi trước Việt Nam nhằm thực thi có hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là Thành viên WTO.

III: PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI VÀ HỆ TIÊU CHÍ ĐƯỢC DÙNG ĐỂ ĐỐI CHIỀU, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1. Phạm vi nghiên cứu

a- Hệ thống các văn bản pháp lý của WTO khá đồ sộ và phức tạp, nhiều quy định không rõ ràng, gắn kết với các án lệ thương mại quốc tế, tập trung điều chỉnh ba lĩnh vực chính trong thương mại quốc tế đó là: thương mại hàng hoá, thương mại Dịch vụ và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó WTO còn có hàng loạt quy định điều chỉnh các lĩnh vực khác như đầu tư, giải quyết tranh chấp, vấn đề minh bạch, công khai chính sách pháp luật thương mại ... Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, Đề tài tập trung tìm hiểu các quy định được thể hiện trong các văn bản pháp lý của WTO liên quan trực tiếp đến ba lĩnh vực cốt lõi của WTO đó là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mại liên quan tới sở hữu trí tuệ để đối chiếu với các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam hiện hành, làm rõ thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan. Một số vấn đề khác như đầu tư, giải quyết tranh chấp, minh bạch công khai chính sách thương mại ... do đều đã được quy định trong các phần cụ thể của WTO về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nên đề tài không dành ra một phấn riêng để giải trình về các nội dung này mà trình bày lồng ghép vào các phấn cụ thể đã chọn. Ngoài ra, trong phạm vi nghiên cứu khoa học của Bộ tư pháp và 1 số bộ, ngành liên quan cũng đã có những đề tài cụ thể đã được nghiệm thu hoặc đang nghiên cứu về các vấn đề đó, nên Đề tài này không có đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu trùng các nhiệm vụ của các đề tài khác. Tuy nhiên, trong Đề tài vẫn có ba báo các độc lập liên quan đến các nội dung về đầu tư, giải quyết tranh chấp, minh bạch công khai chính sách thương mại để hỗ trợ cho việc tham khảo về những vấn đề này.

2. Hệ tiêu chí được dùng để đối chiếu, đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam

a- Các nghĩa vụ theo các Hiệp định WTO là tiêu chí cơ bản được dùng để so sánh, đối chiếu, làm sáng tỏ thực trạng hệ thống pháp luật có liên quan với các quy định của WTO trong các Hiệp định đa biên. Đây cũng là tiêu chí mà WTO dựa vào đó để đánh giá hệ thống pháp luật của các nước thành viên.

Mặt khác, Đề tài chỉ có thể xem xét các tiêu chí phổ biến được hiểu về hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó khái niệm hệ thống pháp luật Việt Nam được hiểu theo cách truyền thống, tức hiểu nó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa thể đi xa hơn quan niệm đó được, cho dù đa số các nước trên thế giới hiểu có rộng hơn, bao gồm cả hệ thống thiết chế pháp luật, hệ thống nguồn nhân lực pháp luật và thông tin pháp luật đa chiều.

b- Theo yêu cầu của WTO, một nước thành viên phải đảm bảo sự thống nhất của tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định hành chính áp dụng chung trong thương mại quốc tế thuộc phạm vì điều chỉnh của WTO do các cơ quan Trung ương và địa phương ban hành với các quy định của WTO. Ở giai đoạn này, do phạm vi các lĩnh vực pháp luật cần đối chiếu so sánh rất rộng, căn cứ vào khả năng thực tế của việc rà soát, đối chiếu, Đề tài bước đầu sẽ chỉ tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ở Trung ương ban hành mà chưa thể rà soát, đối chiếu các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp.

c- Mặt khác, các quy định của WTO không chỉ giới hạn ở các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định hành chính áp dụng chung trong thương mại quốc tế mà trong nhiều trường hợp liên quan đến thông tin pháp luật, thi hành pháp luật, hoạt động xét xử, giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các Toà án. Nhiều nội dung của các Hiệp định của WTO đề cập đến cơ chế thực thi pháp luật và các quy tắc hành chính áp dụng chung cho hoạt động thương mại quốc tế tại các nước Thành viên. Xuất phát từ yêu cầu yêu cầu của WTO cũng như xuất phát từ kinh nghiệm rà soát, đối chiếu của Trung quốc và các nước, Đề tài cũng có bước đầu nghiên cứu, so sánh các cơ chế thực thi pháp luật và quy tắc hành chính áp dụng chung đó. Tuy vậy, do thời gian và nguồn lực còn hạn chế,  Đề tài chưa thể rà soát, đối chiếu với các nội dung mới của pháp luật thương mại quốc tế đạt được ở Vòng đàm phán Doha cũng như các cam kết Việt Nam sẽ có với WTO.

IV. NHU CẦU KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ ĐỊA CHỈ ÁP DỤNG

a, Nhu cầu kinh tế, xã hội trong tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề thuộc Đề tài này khá lớn, thể hiện qua nội dung các văn kiện Đại hội của Đảng, Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của đất nước đến năm 2010...

b, Địa chỉ áp đụng trước tiên là các cơ quan Nhà nước ở các cấp liên quan đến trực tiếp hoạt động kinh tế quốc tế và gia nhập WTO của Việt Nam, trong đó có Bộ Tư pháp. Đề tài cũng có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đông đảo tổ chức, cá nhân quan tâm đến pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và WTO.

c, Kết quả nghiên cứu của Đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật kinh tế, thương mại Việt Nam để biên soạn các tài liệu học tập tại các trường đại học, khoa , lớp luật, kinh tế và thương mại quốc tế.

V. PHUƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống vẫn thường sử dụng ở nước ta, có chú ý đến phương pháp lịch sử, so sánh, phân tích pháp luật điều tra khảo sát thực tế, cắt lớp đánh giá khối pháp luật liên quan.

VI. CƠ CẤU CỦA BÁO CÁO PHÚC  TRÌNH

Báo cáo phúc trình của Đề tài gồm ba phần chính:

- Phần mở đầu

- Phần nội dung cơ bản gồm ba mục lớn:

Mục I: Tập trung trình bày các quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về Hội                nhập kinh tế quốc tế và tổng quan về WTO và hệ thống các Hiệp định đa biên của WTO;

Mục II: Trình bày dưới dạng so sánh pháp luật, cắt lớp đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các Hiệp định đa biên của WTO theo từng lớp, nhóm vấn đề pháp luật;

Mục III: Trình bày phương hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế

          -Phần Kết luận

          Kèm theo Báo cáo phúc trình còn có Phụ lục các chuyên đề nghiên cứu độc lập theo nội dung của Đề tài và Danh mục các văn bản đã pháp luật hiện hành của pháp luật Việt Nam đã được rà soát, danh mục văn bản pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

                                                              

 

 

 

 

 

 

 

PHẤN I.

 

 

TỔNG QUAN QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) VÀ HỆ THỐNG CÁC HIỆP ĐỊNH ĐA BIÊN CỦA WTO

 

 

I. TỔNG QUAN QUAN ĐIỂM HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ ĐÀM PHÁN GIA NHẬP WTO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

1. Tổng quan về quá trình hình thành và phát triển các quan điểm, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam

1.1 Chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta có từ rất sớm. Ngay sau ngày dành được độc lập Bác Hồ đã có thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về vấn đề này. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước ta từ năm 1945 - 1975 không cho phép nên chủ trương này trên thực tế gặp không ít khó khăn. Ngay sau ngày Việt Nam thống nhất về mặt nhà nước, Đảng và Nhà nước ta đã có những hoạt động chủ động tích cực trong thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài việc kế thừa quy chế thành viên tại WB (tháng 8 năm 1976), IM (tháng 9 năm 1976), tham gia Liên hợp quốc (tháng 9 năm 1977), SEV (tháng 6 năm 1978)... Chính phủ cũng đã ban hành một loại văn bản, đặc biệt là Điều lệ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1977 là biểu hiện sinh động và cụ thể của chủ trương đó. Đại hội lần thứ VI (tháng 12 năm 1986) của Đảng đã đề ra chủ trương " ... phải tham gia sự phân công lao động quốc tế", "tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi ... "

Đại hội lần thứ VII của Đảng tháng 6.1991 đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000 (1991-2000), đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá theo tinh thần "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển", nhằm tham gia tích cực vào đời sống kinh tế quốc tế. Đại hội cũng nhấn mạnh "gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết mối quan hệ giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu có chính sách bảo vệ sản xuất nội địa" ... "cố gắng khai thông quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế như IMF, WB, ADB...” “ mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình dương". Từ tháng 10.1993, Việt Nam thiết lập lại được quan hệ bình thường với IMF, WB, ADB; Hội nghị các nhà tài trợ tại Paris cam kết giúp cho Việt Nam vốn ODA khoảng 1,8 tỷ USD trong năm 1994, giải quyết nợ Chính phủ qua Câu lạc bộ Paris và nợ tư nhân qua Câu lạc bộ Luân Đôn; thông qua các chương trình vay ưu đãi của IMF (1993:245 triệu; 1994: 535 triệu USD). Tháng 10.1994, Việt Nam gửi đơn gia nhập ASEAN. Tháng 12.1994, Việt Nam gửi đơn xin gia nhập WTO.

Tháng 7.1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, chấp nhận các nguyên tắc, quy định của Tổ chức kinh tế khu vực này.

Tháng 1.1995, WTO chính thức nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam để tiến hành đàm phán cụ thể.

Tháng 6.1996, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định chủ trương xây dựng một nền kinh tế mở, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại; mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt, song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.       

Tháng 6.1996, Việt Nam tham gia thành lập ASEM. tháng 11.1998. Việt Nam trở thành thành viên APEC.

Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 4/2001) đã khẳng định "phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững".

 Ngày 27.11.2001, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về hội nhập kinh tế quốc tế (Nghị quyết số 07/NQ-TW). Đây là văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Ngày 03.02.2004, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 34/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Nghị quyết có nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là chủ động và khẩn trương  hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đa phương, song phương nước ta đã ký kết và chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm gia nhập WTO; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao so với khu vực; tăng nhanh xuất khẩu và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.

1.2 Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa ra những đánh giá về tình hình thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và nhân mạng nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Sau khi đánh giá tình hình, Nghị quyết số 07/NQ-TW xác định rõ nội dung chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay như sau:

-Thứ nhất, về mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết số 07/NQ-TW xác định rõ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trước mắt là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nêu ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và Kế hoạch 5 năm 2001-2005.

- Thứ hai, về những quan điểm chỉ đạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Nghị quyết số 07/NQ-TW khẳng định:

a, Quán triệt chủ trương được xác định tại Đại hội là: "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc; an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường".

b, Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

c, Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tuỳ theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể; vừa phải đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa phải chống tư tưởng giản đơn, nôn nóng.

d, Nhận thức đầy đủ đặc điểm nền kinh tế nước ta, từ đó đề ra kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia; tranh thủ những ưu đãi đành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.

e, Kết hợp chặt chế quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước.

-Thứ ba, về một số nhiệm vu cu thể trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết số 07/NQ-TW nhấn mạnh:

a, Tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, trong các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để đạt được nhận thức và hành động thống nhất và nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế coi đó là nhu cầu vừa bức xúc, vừa cơ bản và lâu dài của nền kinh tế nước ta, nâng cao niềm tin và khả năng và quyết tâm của nhân dân ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

b, Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội IX, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 -2010 cũng như các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia, xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế với một lộ trình cụ thể để các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp khẩn trương sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, bảo đảm cho hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

c, Chủ động, khẩn trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, trình độ quản lý, phát huy tối đa lợi thế so sánh của nước ta, ra sức phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cải thiện môi trường kinh doanh, khẩn trương đổi mới và xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật phù hợp với đường lối của Đảng, với thông lệ quốc tế phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính.

d, Tích cực tạo lập đồng bộ cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại hình thị trường hàng hoá, dịch vụ, lao động, khoa học - công nghệ, vốn, bất động sản...; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt chú trọng đổi mới và củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng.

e, Có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh hiểu biết chuyên sâu về pháp luật quốc tế và nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt nhanh những chuyển biến trên thương trường quốc tế để kịp thời, nắm được kỹ năng thương thuyết và có trình độ ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao.

Cùng với việc đào tạo nhân lực cần có chính sách thu hút, bảo vệ và sử dụng nhân tài; bố trí, sử dụng cán bộ đúng với ngành nghề được đào tạo và với sở trường năng lực của từng người.

g, Kết hợp chặt chế hoạt động chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại. Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, cần giữ vững đường lối độc lập tự chủ, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường và đối tác, tham gia rộng rãi các tổ chức quốc tế. Các hoạt động đối ngoại cần hướng mạnh vào việc phục vụ đắc lực nhiệm vụ mở rộng quan hệ kinh tế dối ngoại, chủ động hội nhật) kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia đấu tranh vì một hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế bình đẳng, công bằng và cùng có lợi, bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triền và chậm phát triển.

h, Gắn kết chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế với nhiệm vụ củng cố quốc phòng nhằm làm cho hội nhập không ảnh hưởng tiêu cực lới nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội; mặt khác, các cơ quan quốc phòng và an ninh cần có kế hoạch chủ động hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hội nhập.

 i, Tích cực tiến hành đàm phán để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) theo các phương án và lộ trình hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta là một nước đang phát triển ở trình độ thấp và đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế. Gắn quá trình đàm phán với quá trình đổi mới mọi mặt hoạt động kinh tế trong nước.

k, Kiện toàn Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đủ năng lực và thẩm quyền giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo các hoạt động về hội nhận kinh tế quốc tế.

2- Tổng quan về một số quan điểm của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến đàm phán gia nhập WTO

Nghiên cứu những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến đàm phán gia nhập WTO trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đạt hoá đã trở thành vấn đề cấp bách. Tuy vậy, việc nghiên cứu những quan điểm này cũng gặp không ít trở ngại, đặc biệt là thông tin pháp lý, thông tin lý luận cũng như các công trình nghiên cứu cơ bản của Việt Nam về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Phần này chỉ tập trung vào một số quan điểm chung về đàm phán gia nhập WTO mà Việt nam đang theo đuổi.

2.1. Những nguyên tắc và quan điểm chung về hội nhập kinh tế quốc tế là quan điểm cơ bản cần tuân thủ trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.

Những nguyên tắc và quan điểm chung về hội nhập kinh tế quốc tế là luận cứ quan trọng, là quan điểm cơ bản được dùng để xác định những nguyên tắc và quan điểm cụ thể trong đàm phán gia nhập WTO và hội nhập với nền kinh tế thế giới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và lấn thứ IX và Nghị quyết số 07/NQ- TW ngày 27-11-2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế đã định ra những nguyên tắc và quan điểm cơ bản cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, duy trì sự ổn định vĩ mô, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế Nhà nước. Trong tiến trình đó các quan điểm và định hướng cơ bản cho quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta trong thời gian tới có thể như sau :

Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, là bộ phận trong tổng thể đổi mới - hội nhập - phát triển và tăng trưởng bền vững, là tiền đề quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc xây dựng phát triển đất nước theo định hướng XHCN, công nghiệp hoá, hiện đạt hoá, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Thứ hai, phải tích cực chủ động mọi mặt, phát huy nội lực, tập trung giải quyết các cơ sở nền tảng, nâng cao môi trường cạnh tranh chung của nền kinh tế với tính cách là một nhân tố quan trọng nhất đảm bảo đạt và duy trì sự phát triển bền vững. Trong quan điểm này, những vần đề cần đặc biệt quan tâm là kiện toàn khung pháp luật, chiến lược đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và quản lý điều hành vĩ mô một cách phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế định hướng thị trường và hội nhập.

Thứ ba, phải tạo điều kiện và thúc đẩy các ngành, các doanh nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Về nguyên tắc, các ngành có năng lực cạnh tranh tốt hoặc không có khả năng cạnh tranh sẽ được "mở cửa" nhanh chóng. Việc bảo hộ các ngành truyền thống hoặc các ngành "non trẻ" phải có lộ trình cụ thể, có điều kiện và giảm dần, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự vươn lên để tồn tại và phát triển. Đối với những hàng hoá, dịch vụ trọng yếu, những ngành mũi nhọn, những lĩnh vực kinh tế then chốt, đầy triển vọng, những ngành kinh tế "non trẻ", liên quan đến quốc kế dân sinh phải được bảo đảm phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Thứ tư, hội nhập và điều chỉnh cần thiết cơ cấu kinh tế phải được tiến hành nghiêm ngặt theo chương trình, kế hoạch trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế, với các bước đi vững chắc không chậm trễ, không để dồn gánh nặng vào thời gian cuối của lộ trình cam kết.

Thứ năm, việc điều chỉnh cần thiết hệ thống pháp luật, các chính sách, cơ chế quản lý kinh tế cần dựa trên nguyên tắc và yêu cầu về nghĩa vụ thành viên của WTO, phù hợp với truyền thống văn hoá pháp lý Việt Nam. Quá trình này thể hiện sự nhất quán với khuôn khổ cam kết của Việt Nam với WTO, nhưng phải rút kinh nghiệm các nước đi trước, đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự Việt Nam để có bước tiến bộ cần thiết.

Thứ sáu, phải khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết, phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật, các quy tắc tác nghiệp cơ bản cần thiết cho các cơ quan, tổ chức trong nước và mọi công dân, tập trung đào tạo và đào tạo lại cấp tốc lực lượng cán bộ pháp lý để đảm nhận thành công công cuộc hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ bảy, phải đặt vấn đề đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế trong tổng thể các vấn đề thuộc chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững định hưởng XHCN trong quá trình hột nhập kinh tế quốc tế

Thứ tám, phải coi trọng vấn đề ổn định chính trị - xã hội trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, phải chú ý đến các biện pháp hạn chế ác tác động tiêu cực về mặt xã hội như là một nội dung đặc biệt quan trọng. Tiến hành cải cách thể chế tư pháp, pháp luật điều chỉnh các hoạt động trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước song song với cải cách hệ thống thể chế, hành chính và thị trường lao động, có chính sách và pháp luật khuyến khích phát triển khu vực ngoài quốc doanh, phát triển các dự án đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài trên mặt bằng tổng thể chung.

2.2. Một số nguyên tắc và quan điểm về đám phán gia nhập WTO

Việc hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống các quan điểm, nguyên tắc đàm phán gia nhập WTO cần xuất phát từ nguyên tắc và quan điểm nhận thức sau:

Thứ nhất, phải coi việc đàm phán gia nhập WTO là một bước thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, gắn liền và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế vì sự phát triển bền vững của kinh tế nước nhà; phải căn cứ vào nhu cầu phát triển và khả năng, đặc điểm của nền kinh tế đất nước hiện tại theo hướng vươn lên đạt tới những mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020.

Thứ hai, hội nhập với nền kinh tế thế giới và gia nhập WTO thực chất là tham gia phân chia thị trường, giành lợi thế trong thương mại quốc tế. Cần coi đây là một ưu tiên và đặt mục tiêu phấn đấu hội nhập thành công trong thời gian ngắn để tạo động lực cho nền kinh tế phát triền trong giai đoạn tới, đồng thời hạn chế những khó khăn, phức tạp rất có thề phát sinh nếu quá trình này kéo dài.

Trọng tâm của vấn đề thị trường trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là năng lực cạnh tranh, trong đó 3 yếu tố quyết định, 3 chìa khoá đề mở cửa thị trường là: Sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ; tính năng động sáng tạo, vươn mạnh ra thị trường nước ngoài, đương đầu một cách quyết liệt và không ngừng với cạnh tranh để sống còn của các tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ thương mại quốc tế; hệ thống pháp luật phục vụ đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế vừa phải phù hợp với những nguyên tắc, yêu cầu, quy chuẩn của WTO, vừa thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, tạo thành công cụ đắc lực cho thực hiện các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và các cam kết quốc tế khác.

Thứ ba, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, gia nhập WTO thực hiện lộ trình, tất yếu phải giảm dần từng bước hàng rào thuế quan và tiến tới xoá bỏ cơ bản hàng rào phi thuế quan để mở đường cho thương mại phát triển.

Mốc thời gian đó với các nước ASEAN/AFTA được xác định tới năm 2006; với Hoa Kỳ và các nước khác cơ bản cũng xoay quanh mốc thời gian cam kết đó. Việt Nam tuyên bố đặt dấu mốc để phấn đấu gia nhập WTO càng sớm càng tốt, nếu được thì vào cuối năm 2005. Đây là một quyết định chính trị của Việt Nam cần có bước nhảy vọt lớn lao mới đạt được

Thứ , vấn đề nguồn thu ngân sách cần được đặc biệt quan tâm. Đàm phán gia nhập WTO sẽ có vấn đề giảm thuế quan trong quá trình hội nhập. Cần xác định thuế nhập khẩu không phải là nguồn thu chính của ngân sách quốc gia để có giải pháp về thuế thích hợp. Nếu không, tới mốc thời gian cam kết phải cắt giảm thuế quan, ta sẽ lâm vào tình trạng nan giải đối với nguồn thu ngân sách. Do vậy, trong quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế cần phải làm sao để nguồn thu ngân sách được gia tăng không ngừng bằng việc cải cách hệ thống pháp luật về thuế, tăng thu trên chính sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh trên thị trường Việt Nam, thông qua việc mở rộng thêm các loại thuế mà các nước vẫn áp dụng để bao quát hết các nguồn thu. Cần học hỏi kinh nghiệm các nước khác nhau trong xây dựng pháp luật về thuế để xử lý vắn đề ngân sách trong quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, vấn đề bảo hộ nền kinh tế trong nước cần dựa trên pháp luật và thực tiễn quốc tế. Hội nhập với nền kinh tế thế giới và tham gia WTO phải nhằm vào mục đích không ngừng mở rộng thị trường phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển, đồng thời phải bảo hộ nền sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ còn non trẻ của nước nhà.

Các nguyên tắc và quan điểm ở đây cần làm cơ sở định hướng cho sự bảo hộ thích hợp các ngành kinh tế trong nước theo sự lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bảo hộ hợp lý cả người sản xuất và người tiêu dùng. Chỉ tập trung bảo hộ những ngành có tính chất then chốt, thiết yếu đối với nền kinh tế quốc dân, không bảo hộ tràn lan. Bảo hộ cần phải được khống chế trong khoảng thời gian nhất định theo một lộ trình cụ thể. Mức độ bảo hộ cần phải được giảm dần để tiến tới xoá bỏ. Bảo hộ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan chỉ là tạm thời để giúp cho các doanh nghiệp có đủ thời gian phấn đấu tự vươn lên cạnh tranh, hoặc chỉ thực hiện bảo hộ trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khủng hoảng, cần thiết để tránh rối loạn thị trường trong nước.

Thứ sáu, vấn đề quy hoạch sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh đã trở thành vấn đề cấp bách và phải có giải pháp thích hợp. Tham gia WTO, thực hiện các nghĩa vụ cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan và xoá bỏ hàng rào phi thuế quan cần phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ cấp bách là điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế trong nước, tập trung mọi nỗ lực xây dựng các ngành mũi nhọn, trọng điểm, then chốt, không ngừng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ. Quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong nước được thực hiện theo lộ trình vươn lên liên tục bền bỉ của mức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ trong nước để theo kịp và vượt các hàng hoá, dịch vụ các nước khác.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu có tính chất quyết định trong việc thực hiện thành công việc gia nhập WTO, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước .

Thứ bảy, tính cực chủ động hơn nữa trong đàm phán gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế.

Gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế là để tạo thế và lực giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn mạnh ra nước ngoài, mở rộng thị trường. Như vậy, cần xác định rằng những điều mà các nước phát triển đòi hỏi ở Việt Nam ngày hôm nay cũng chính là những điều mà Việt Nam cần phải đòi hỏi ngược trở lại đối với các nước đó trong tương lai để mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ Việt Nam.

Nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu là có đi có lại. Những gì ta cấm hoặc hạn chế đối với các nước thì các nước cũng cấm và hạn chế đối với ta. Do đó trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế phải coi sức mạnh cạnh tranh tự lực tự cường của tổ chức, cá nhân, hàng hoá và dịch vụ Việt Nam là quyết định. Tuy việc tận đụng những quy định riêng biệt, đặc biệt, khác biệt, các ưu đãi mà WTO và hệ thống thương mại toàn cầu dành cho các nước đang phát triển là cần thiết, nhưng cũng phải xác định ràng đó cũng chỉ là tạm thời. Trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng những quy định đó cực kỳ khó khăn, phức tạp. Do vậy, quan điểm về phát huy nội lực, sức mạnh trong nước trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu, cần quán triệt.

II. TỔNG QUAN VỀ WTO VÀ HỆ THỐNG CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA WTO VỚI TÍNH CÁCH LÀ HỆ CÁC TIÊU CHÍ ĐƯỢC DÙNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ  THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1. Tổng quan về WTO

1.1. Nhận xét chung

WTO được thành lập ngày 01/01/1995, nhưng hệ thống pháp luật thương mại quốc tế thuộc diện điều chỉnh của Tổ chức này thì đã tồn tại từ rất lâu trước đó. Năm 1947, Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT 1947) ra đời, đề ra hàng loạt các quy định cho hệ thống thương mại quốc tế. GATT 1 947 đã vận hành không giản đơn với tính cách là một điều ước quốc tế nhiều bên lớn nhất sau đại chiến thế giới lần thứ hai dưới sự bảo hộ của hệ thống Bretton Woods mà còn tồn tại như một tổ chức quốc tế dạng ad hoc. Theo thời gian, GATT đã tiến hành được nhiều vòng đàm phán. Vòng đàm phán cuối cùng và cũng là vòng đàm phán quan trọng nhất của GATT, Vòng đàm phán Urugoay, diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, cuối cùng đã cho ra đời WTO.

Nếu như trước kia GATT chỉ điều chỉnh các vấn đề về thương mại hàng hoá thì ngày nay, WTO ngoài việc kế thừa và phát triển GATT 1947, cùng các hiệp định mới của mình về thương mại hàng hoá còn điều chỉnh cả các vấn đề mới về thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Một cơ chế giải quyết tranh chấp cũng khá mới được vận hành và ngày càng có hiệu lực trên thực tế.

1.2 Cơ cấu tổ chức

WTO gồm có bốn cấp:

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Hội nghị bộ trưởng. Hội nghị bộ trưởng thượng đỉnh họp ít nhất hai năm một lần. Hội nghị bộ trưởng có quyền đưa ra các quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại đa biên.

2. Đại hội đồng là cơ quan hoạt động thường nhật trong thời gian giữa hai kỳ họp của Hội nghị Bộ trưởng, có trách nhiệm giải quyết công việc nhân danh ba cơ quan là Đại hội đồng WTO, cơ quan giải quyết tranh chấp và  cơ quan kiểm điểm chính sách thương mại.

3. Các cơ quan điều hành và giám sát việc thực hiện các lĩnh vực của các hiệp định thương mại đa phương, bao gồm hội đồng Thương mại hàng hoá, hội đồng Thương mại dịch vụ và Hội đồng Các biện pháp thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh ba Hội đồng này còn có một số Uỷ ban và Nhóm Công tác trực thuộc Đại hội đồng được thành lập để xử lý những vấn đề cụ thể của WTO.

4. Cuối cùng là các đơn vị trực thuộc các Hội đồng hoặc các Uỷ ban trực thuộc đại hội đồng được lập để xử lý từng nhóm vấn đề cụ thể.

1.3. Ban Thư ký WTO đặt tại Geneve. Có khoảng 600 nhân viên, đứng đầu là Tổng Giám đốc. Ban Thư ký có nhiệm vụ trợ giúp hành chính và kỹ thuật cho các cơ quan thảo luận của WTO, cho các cuộc đàm phán và thực thi các hiệp định; trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển; phân tích các hoạt động và các chính sách thương mại; hỗ trợ cho quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại; thực hiện các công việc liên quan đến các cuộc đàm phán xin gia nhập WTO.

Tính đến tháng 4/2005, WTO đã có 148 thành viên. WTO với tư cách là một tổ chức thương mại của các nước trên thế giới có năm nguyên tắc cơ bản sau:

- Thương mại không phân biệt đối xử; Thương mại cần được tự do hơn thông qua thương lượng;

Có thể dự báo được các rủi ro thông qua chính sách và pháp luật minh bạch, công khai và bảo đảm thực thi các cam kết ràng buộc;

- Tăng cường cạnh tranh lành mạnh;

Khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế.

2. Hệ thống các Hiệp định của WTO

2.1. Nhận xét chung

Các hiệp định của WTO điều chỉnh các hoạt động trong ba lĩnh vực là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Chúng đề ra các nguyên tắc về tự do hoá và những ngoại lệ được phép áp dụng, nêu lại những cam kết của từng nước về giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác, về mở cửa thị trường dịch vụ, quy định thủ tục giải quyết tranh chấp, quy định các nước đang phát triển phải được đối xử đặc biệt, buộc các Chính phủ phải bảo đảm minh bạch trong chính sách thương mại bằng cách thông báo cho WTO biết những luật lệ hiện hành và các biện pháp được áp dụng, song song với các báo cáo định kỳ của Ban thư ký về chính sách thương mại của các nước. Các hiệp định này thường được gọi là các luật lệ thương mại của WTO và WTO thường được miêu tả là một hệ thống hoạt động dựa trên các luật lệ.

2.2. Cấu trúc hệ thống các hiệp định

Mục lục của cuốn "Kết quả của các cuộc đàm phán thương lượng đa biên thuộc Vòng đàm phán Urugoay-những văn kiện pháp lý" đã liệt kê khoảng 60 hiệp định, phụ lục, quyết định và bản ghi nhớ. Các hiệp định này rất dài và phức lạp gắn kết với nhiều học thuyết kinh tế, thương mại quốc tế và được làm rõ qua các án lệ thương mại quốc tế và các phán quyết của WTO. Số lượng các Hiệp định này đến khoảng 5 vào trang A4 điện tử. Thực tế, các hiệp định được xây dựng dựa theo một cấu trúc gồm sáu phần:

- Hiệp định khung (Hiệp định thành lập WTO);

- GATT 1994 và 12 Hiệp định chung về diều chỉnh lĩnh vực thương mại hàng hoá cụ thể;

- Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và các phụ lục;

- Hiệp định điều chỉnh lĩnh vực thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS);

- Thoả thuận về giải quyết tranh chấp;

- Quy định về rà soát chính sách thương mại của Chính phủ các nước.

Mặc dù, đôi khi có những khác biệt lớn về nội dung chi tiết, các hiệp định điều chỉnh hai lĩnh vực chính- thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ- đều được xây dựng theo cùng một mô hình 3 cấp như sau :

Thứ nhất, chúng đều bắt đầu bằng phần các nguyên tắc cơ bản đã nêu ở phần trên, đặc biệt là các quy định về đãi ngộ quốc (NT), đãi ngộ Tối huệ quốc (MFN), cạnh tranh công bằng và tự do hơn cho thương mại thông qua quy định mở cửa thị trường nội địa của quốc gia thành viên.

Thứ hai, là các quy định bổ sung và các phụ lục liên quan đến những ngành hoặc những vấn đề chuyên biệt thuộc các lĩnh vực điều chỉnh của WTO.

Cuối cùng, là danh mục dài và chi tiết các cam kết của WTO về mở cửa thị trường nội địa của mình cho các nhà cung cáp hàng hoá và dịch vụ nước ngoài. Các danh mục ở phần phụ lục của GATT 1994 bao gồm các cam kết có tính ràng buộc về thuế quan đối với thương mại hàng hoá nói chung, về thuế quan và hạn ngạch đối với thương mại một số sản phẩm nông nghiệp. Trong các danh mục ở phần phụ lục của GATS, có các cam kết nêu rõ mức độ mở cửa thị trường trong một số ngành cụ thể cho các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài cũng như các loại dịch vụ mà nước đó sẽ không áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia.

Các nghĩa vụ theo các hiệp định nói trên là các nghĩa vụ bắt buộc tuân thủ đối với mọi Thành viên WTO, là cơ sở cơ bản, là tiêu chí được sử dụng để rà soát hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên và là hệ tiêu chí cơ bản được dùng để nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam và đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những hiệp định đa biên có hiệu lực bắt buộc đối với các nước thành viên WTO, WTO còn có 2 hiệp định nhiều bên (bao gồm Hiệp định nhiều bên về Hàng không dân dụng và Hiệp định về mua sắm Chính phủ) mà các nước thành viên WTO có quyền tự do quyết định có ký kết các hiệp định này hay không. Đối với Việt Nam chúng ta, khi đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật theo đề tài này, chúng tôi cũng chú ý đến hai hiệp định đó.

Trong quá trình thực hiện Đề tài, chúng tôi cũng đã cân nhắc đến tính không phải là bất biến của các hiệp định nói trên. Cho đến nay, nhiều hiệp định đã được đưa ra đàm phán xem xét thêm trong khuôn khổ Chương trình Doha phát triển (chương trình này được các Bộ trưởng thương mại các nước thành viên WTO phát động tại Doha vào tháng 1l/2001). Đề tài không đặt ra việc đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam theo chương trình Doha này.

 

 

 

 

 

 

PHẦN II

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VIÊN QUAN ĐỀN

CÁC HIỆP ĐỊNH ĐA BIÊN CỦA WTO

 

 

I. NHẬN XÉT CHUNG VỀ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM THEO CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TRÊN CƠ SỞ CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA WTO

1. Theo quy định tại Điều II, XVI của Hiệp định Marrakesh, các Hiệp định của WTO là một tổng thể các văn bản pháp luật quốc tế đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, là kết quả tổng hợp từ nhiều loại điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế mà các nước đã chấp nhận như là "luật chơi chung" của thương mại toàn cầu. Từ việc nghiên cứu các Hiệp định cho thấy, chúng ta có thể hiểu được đa số nội dung yêu cầu nghĩa vụ Thành viên trong các Hiệp định WTO. Nhưng cũng có một số yêu cầu trong các Hiệp định, nhất là các yêu cầu xuất phát từ thực tiễn GATT 1947, từ các quyết định, thủ tục và từ các thông lệ mà các Bên của GATT 1947 và các cơ quan được hình thành trong khuôn khổ GATT 1947 vẫn tuân thủ, kể cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia vẫn còn là những câu hỏi chưa được giải đáp. Các yêu cầu và nội dung này, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, thậm chí cả trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ thành viên WTO sau khi Việt Nam đã được kết nạp vào WTO.

2. Tập thể các tác giả Đề tài đã phối hợp với chuyên gia Bộ Tư pháp, các Bộ ngành liên quan tiến hành rà soát, phân tích đánh giá cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam với các hiệp định của WTO, tập trung vào 3 lĩnh vực: thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mạt liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đã tập trung vào phần rà soát, phân tích đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định sau đây của WTO:

I.        Thương mại hàng hoá

(l)      Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT 1947):

(2)      Hiệp định nông nghiệp;

(3)      Hiệp định về thương mại hàng dệt may;

(4)      Hiệp định thực thi Điều VII của GATT-1994 về Trị giá tính thuế Hải quan,

(5)      Hiệp định về Quy tắc xuất xứ;

(6)      Hiệp định thực thi Điều VI của GATT- 1994 về Chống phá giá và Thuế đối kháng ;

(7)      Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng;

(8)      Hiệp định về các biện pháp tự vệ;

(9)      Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS);

(10)    Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật;

(11)    Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại;

(12)    Hiệp định về Kiểm tra hàng hoá trước khi xếp hàng xuống tàu;

(13)    Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu;

(14)    Hiệp định Mua sắm Chính phủ.

II. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).

III.Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS).

Kết quả cụ thể có được từ việc rà soát, đối chiếu, phân tích đánh giá đó trong phạm vi Đề tài này cho thấy có 325 văn bản liên quan trực tiếp đến các Hiệp định của WTO (43 Luật; 31 Pháp lệnh; 102 Nghị định; 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 66 Thông tư, 71 Quyết định của Bộ trưởng, 1 Công văn của các Bộ, ngành, 2 văn bản của Toà án. Về cơ bản hệ thống pháp luật Việt Nam là tốt, hệ thống pháp luật đó đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng, đời sống kinh tế người dân không ngừng nâng cao, tình hình chính trị - xã hội nước ta ổn định, đành rằng hệ thống đó cũng có một vài vấn đề cần tiếp tục khắc phục ho thích ứng hơn với tình hình mới.

Đối chiếu chi tiết các lĩnh vực cụ thể do WTO điều chỉnh cho thấy một số điểm chính sau đây:

- Về phần thương mại hàng hoá,

Đây là một lĩnh vực truyền thống khá quen thuộc với nước ta, nhất là chúng ta đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Nhìn chung, nhiều quy định của pháp luật nước ta liên quan đến các Hiệp định về thương mại hàng hoá cơ bản thống nhất với các nghĩa vụ của Thành viên WTO.

Tuy vậy, cũng có một số quy đính hiện hành của pháp luật Việt Nam liên quan đến thương mại hàng hoá chưa thống nhất hoặc chưa phản ánh đầy đủ nghĩa vụ Thành viên theo quy định của WTO. Chẳng hạn, các vấn đề về thực hiện quy tắc đối xử quốc gia, những quy định về TRIMS, về thuế nội địa... đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp thích hợp.

- Về phần sớ hữu trí tuệ (SHTT),

Nội dung của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Về cơ bản, các quy định hiện hành của pháp luật nước ta về quyền sở hữu trí tuệ đã thống nhất với các quy định của WTO về sở hữu trí tuệ. Việt Nam có thể thực hiện được ngay hầu hết các quy định của WTO về nghĩa vụ của Thành viên WTO trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy vậy, một số quy định về cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quy định về các thủ tục tố tụng hành chính và tư pháp kể cả các chế tài hình sự, dân sự, hành chính và các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được tiếp tục cụ thể hoá để bảo đảm tốt hơn các yêu cầu của WTO.

-        Phần về thương mại dịch vụ,

Đây là phần quy định mới của WTO khá phức tạp, động chạm đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm và quyền lợi thiết yếu của đất nước, liên quan đến an ninh. quốc phòng và bản sắc văn hoá dân tộc.

Theo Hiệp định GATS và quy định của Liên Hợp quốc (CPC), thương mại dịch vụ được phân thành 12 nhóm ngành, với trên 155 ngành dịch vụ khác nhau: Kết quả đối chiếu, phân tích, đánh giá các quy định của WTO với pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến thương mại dịch vụ cho thấy Việt Nam có khá nhiều quy định cơ bản đáp ứng được yêu cầu của WTO. Tuy vậy, trong một số lĩnh vực, tuy có quy định nhưng nhiều vấn đề pháp luật Việt Nam còn thiếu, quy định chưa rõ ràng, có điểm chưa thống nhất với yêu cầu về nghĩa vụ Thành viên WTO, thậm chí có điểm còn có cách hiểu khác với cách hiểu của WTO.

- Về tính minh bạch, công khai,

Việt Nam đã có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (1996, sửa đổi bổ sung 2002) và một số văn bản khác thống nhất với yêu cầu nghĩa vụ Thành viên WTO về tính công khai, minh bạch của pháp luật và chính sách thương mại. Việt Nam cũng ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để bảo đảm tốt hơn việc thực hiện nghĩa vụ thành viên trong lĩnh vực đó tại các địa phương. Pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của WTO về tính minh bạch, công khai.

3. Tóm lại, phân tích rộng hơn các kết quả rà soát, đối chiếu, đánh giá của tập thể tác giả Đề tài cho thấy nhiều quy định của pháp luật Việt Nam cơ bản thống nhất với các cam kết của chúng ta trong các hiệp định song phương với các nước (các Hiệp định về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ), với các tổ chức quốc tế như ASEAN (AFTA, AIA...), APEC, Tổ chức Hải quan thế giới, ADB, WB, IMF v.v… và quy định về nghĩa vụ thành viên WTO. Quy định trong hệ thống pháp luật đã được chúng ta chủ động ban hành từ trước, theo các Chương trình xây dựng pháp luật 5 năm và hàng năm của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và kế hoạch công tác hàng năm của Chính phủ. Có một số quy định của WTO, trên thực tế chúng ta đã tự thực hiện từ trước. Nhiều quy định đó được ban hành theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010 của đất nước. Điều đó cho thấy một phần quan trọng của các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong giai đoạn gần đây không phải được đặt ra từ bản thân việc ký kết các hiệp định song phương, đa phương, gia nhập ASEAN, APEC và đàn phán gia nhập WTO, mà chủ yếu là xuất phát từ chính nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong một số lĩnh vực, tuy đã có pháp luật quy định nhưng chưa đủ cụ thể để thực thi nghĩa vụ Thành viên WTO. Ngoài ra, dấu ấn của cơ chế kinh tế, hành chính bao cấp trước đây vẫn còn, một số nhiều quy định của pháp luật thể hiện sự can thiệp hành chính của cơ quan Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần sớm được khắc phục.

 

II. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO VỀ THƯƠNG MẠI HÀNC HOÁ

1.Các quy định của WTO về thương mại hàng hoá với tính cách là các tiêu chí đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam

Mục tiêu chính của WTO là nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các hàng hoá có xuất xứ từ các nước khác nhau. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thường theo đuổi nhiều mục tiêu trong chính sách kinh tế, thương mại của mình. Các mục tiêu đó có thể là: (i) bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển một số ngành nghề; (ii) bảo vệ an toàn sức khoẻ con người, động thực vật, môi trường; (iii) hạn chế tiêu dùng; (iv) đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán; (v) bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, v.v... và công cụ hiểu quả nhất để đạt được các mục liêu này là sử dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan. Xuất phát từ đặc điểm này, các quy định của WTO về thương mại hàng hóa cũng tập trung điều chỉnh hai mảng vấn đề lớn là các biện pháp về thuế quan và các biện pháp phi thuế quan ảnh hưởng đến các hoạt động trong thương mại hàng hoá giữa các quốc gia thành viên WTO được thể hiện qua các quy định của các hiệp định đa biên về thương mại hàng hoá, bao gồm Hiệp định GATT 1994 và 12 Hiệp định đa phương khác có nghĩa vụ bắt buộc các nước thành viên phải thực hiện khi gia nhập WTO. Chính các nghĩa vụ bắt buộc đó là các tiêu chí cần dùng để rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam.

1.1. Các tiêu chí về thuế trong thương mại hàng hoá

Thứ nhất, thuế quan được WTO cho phép áp dụng trên cơ sở kết quả các cuộc đàm phán song và đa phương theo nguyên tắc giảm dần theo lộ trình cụ thể.

Điều II.1.b Phần I của GATT 1947 quy định "Các sản phẩm liệt kê trong Phần 1 của Biểu cam kết thuế quan của bất cứ nước thành viên nào là những sản phẩm khi được nhập khẩu vào nước thành viên đó từ bất cứ nước thành viên nào khác, phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể quy định trong biểu cam kết, không phải chịu bất cứ mức thuế quan thông thường nào cao hơn mức đã được nêu trong Biểu cam kết. Các sản phẩm này cũng sẽ không phải chịu thêm bất cứ khoản thuế hoặc phụ thu khác (ODC) được đánh vào hoặc liên quan với phần nhập khẩu vượt trên mức đang được áp dụng tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc mức đã được quy định sẽ áp dụng tại văn bản pháp luật đã được ban hành trước ngày hiệp định có hiệu lực”.

Quy định nêu trên phản ánh nguyên tắc ràng buộc thuế quan theo đó một nước thành viên khi đưa một sản phẩm vào Biểu cam kết của mình thì nước thành viên đó có nghĩa vụ điều chính thuế suất thuế nhập khẩu cự thể đối với loại sản phẩm đó không được cao hơn mức thuế quan được nêu trong Biểu Cam kết[1].

Biểu cam kết của các nước thành viên sáng lập WTO bao gồm cam kết về mức thuế quan trần được xây dựng trên cơ sở kết quả đàm phán giữa các nước thành viên và cách thức thực hiện cam kết đó và chúng trở thành một phần không để tách rời của Hiệp định GATT 1994.

Thứ  hai, nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) trong quan hệ đối với thuế quan

Điều I.1 Phần I GATT 1947 quy định "Đối với thuế quan và các khoản thu khác áp dụng với hoặc liên quan tới nhập khẩu hoặc xuất khẩu hoặc thanh toán quốc tế cho hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu, và đối với phương pháp áp thuế các khoản thuế quan và khoản thu khác đó, và đối với mọi quy định và thủ tục liên quan tới xuất khẩu và nhập khẩu, và đối với mọi nội dung được đề cập tại khoản 2 và 4 Điều III, mọi lợi thế, ưu đãi, đặc quyền hoặc miễn trừ được bất cứ một nước thành viên nào giành cho bất cứ sản phẩm nào bắt nguồn từ hoặc được chuyển tới bất cứ nước thành viên khác đều sẽ được giành cho sản phẩm tương tự bắt nguồn từ hoặc được chuyển tới lãnh thổ của tất cả các nước thành viên khác."

Quy định trên phản ánh nội dung của nguyên tắc cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế là không phân biệt đối xử giữa các đối lác thương mại. WTO quy định chi tiết nội dung nguyên tắc không phân biệt đối xử theo các đối tác thương mại cả về phạm vi áp dụng - theo cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu - cũng như về các nội dung phải tuân thủ - bao gồm: thuế xuất nhập khẩu, các khoản thu khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế cho hàng xuất nhập khẩu, phương pháp tính thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, thuế nội địa (tham chiếu đến Điều III.2), quy định liên quan tới bán hàng, chào hàng, mua hàng, vận tải phân phối hoặc sử dụng (tham chiếu đến Điều III.4).

Tuy nhiên, song song với việc đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại, GATT có Điều XXIV.3-.9 cho phép vận dụng ngoại lệ MFN đối với thương mại giữa các nước có chung đường biên giới, khu vực thương mại tự do hoặc liên minh hải quan với mục tiêu không biến cam kết MFN thành trở ngại cho quá trình tự do hoá thương mại ở cấp khu vực hay giữa các nước láng giềng có chung đường biên giới. Ngoài ra, ngoại lệ MFN được áp dụng một cách tự động đối với sáng kiến giành ưu đãi thuế quan đặc biệt theo hệ thống ưu đãi thuế quan chung (GSP) cho các nước kém phát triển và đang phát triển của Liên hiệp quốc.

Thứ ba, pháp xác định trị giá hải quan trong tính thuế nhập khẩu

Điều VII của GATT 1947 và Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 quy định nghĩa vụ của nước thành viên áp dụng các phương pháp xác định trị giá hải quan đảm bảo không tạo ra rào cản thương mại.

 

Điều VII của GATT 1947 và Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 quy định nghĩa vụ của nước thành viên áp dụng các phương pháp xác định trị giá hải quan đảm bảo không tạo ra rào cản thương mại.

Trị giá hải quan có tầm quan trọng ít nhất là ngang bằng với thuế suất thuế xuất nhập khẩu vì mức thuế phải nộp là kết quả của tích số giữa thuế suất và trị giá hải quan của hàng hoá phải nộp thuế. Do tính chất quan trọng như vậy của phương pháp xác định trị giá hải quan, Điều VII của GATT 1947 đã được cụ thể hoá thành Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994.

Hiệp định này quy định chi tiết các phương pháp xác định trị giá hải quan, theo đó cơ sở đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng khi xác định trị giá hải quan là trị giá giao dịch. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đưa ra những phương pháp khác khi không thể áp dụng trị giá giao địch để xác định trị giá hải quan. Ngoài ra, Hiệp định cũng yêu cầu nước thành viên đảm bảo thủ tục xác định trị giá và thu thuế nhập khẩu phải không gây cản trở cho việc nhập khẩu hàng hoá.

Thứ tư, các tiêu chí về thuế nội địa

Tiêu chí Đối xử Quốc gia (NT) trong quan hệ thuế nội địa

Điều III GATT 1994 quy định về nguyên tắc Đãi ngộ Quốc gia (NT) trên các khía cạnh thuế nội địa và quy định trong nước. Theo đó thuế nội địa và các quy định trong nước về thu nội địa, luật lệ, quy định và các yêu cầu ảnh hưởng tới việc bán hàng, mua hàng, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng sản phẩm và các quy định mang tính chất hạn chế định lượng yêu cầu phải kết hợp, chế biến hoặc sử dụng sản phẩm nội địa theo một tỷ lệ nhất định..." không được phép áp dụng với tính cách là công cụ bảo hộ các ngành sản xuất sản phẩm trong nước.

Để bảo đảm áp dụng đúng nguyên tắc nội địa này, WTO yêu cầu lấy mức thuế nội địa và phương pháp áp dụng thuế nội địa đang áp dụng cho các sản phẩm trong nước làm thước đo so sánh, buộc nước thành viên phải áp dụng mức đối xử này như là mức ưu đãi tối thiểu đối với sản phẩm nhập khẩu tương tự. Tương tự vậy, WTO đặt ra yêu cầu việc áp dụng luật lệ, quy định và yêu cầu trong nước ảnh hưởng tới việc bán hàng, mua hàng, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng sản phẩm nhập khẩu không được kém ưu đãi hơn so với sản phẩm tương tự được sản xuất ở trong nước.

Các tiêu chí khác liên quan thuế nôi địa được quy định trong các Hiệp định khác

Ngoài yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc NT nêu trên, một số quy định khác có liên quan cũng được quy định trong các hiệp định khác của WTO, đặc biệt là Hiệp định về Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS), Hiệp định Trợ cấp và Biện pháp Đối kháng (SCM) và Hiệp định Nông nghiệp (AoA).

Hiệp định TRIMS được xây dựng trên cơ sở 2 quy định quan trọng của GATT, đó là Điều III về Đối xử Quốc gia và Điều XI về Xoá bỏ Hạn chế định lượng. Nguyên tắc mà Hiệp định TRIMS đặt ra là các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không được phép áp dụng để hạn chế nhập khẩu hoặc khuyến khích sử dụng hàng nội địa thay thế nhập khẩu hoặc khuyến khích xuất khẩu. Như vậy, TRIMS có phạm vi rộng, bao hàm nhiều loại biện pháp khác nhau. Yếu tố liên quan đến thuế nội địa ở đây là vận dụng ưu đãi thuế như một điều kiện khuyến khích đầu tư.

 Hiệp định SCM và Hiệp định AoA điều chỉnh một số nội dung phức tạp gắn với chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của nước thành viên, đó là vấn đề trợ cấp và hỗ trợ trong nước. Theo định nghĩa của hai hiệp định này, trợ cấp không chỉ bao gồm các khoản cấp phát mà bao gồm cả các khoản ưu đãi, miễn giảm thuế nội địa. Chính các khoản trợ cấp này đã đặt các hàng hoá nhập khẩu vào vị trí không bình đẳng vi phạm quy định của WTO về thương mại hàng hoá.[2]

1.2. Các tiêu chí phi thuế

Theo các quy định của WTO, ngoài thuế ra, tất cả các biện pháp khác, dù là theo quy định pháp lý hay tồn tại trên thực tế, ảnh hưởng đến mức độ và phương hướng nhập khẩu được gọi là các biện pháp phi thuế quan (NTM). Các biện pháp này có thể có một hoặc nhiều thuộc tính như áp dụng tại biên giới hay nội địa, được duy trì một cách chủ động hay bị động, phù hợp hoặc không phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm bảo hộ hay không bảo hộ đều phải được xem xét.

Thứ nhất, các biện pháp quản lý số lượng hàng hoá nhập khẩu

Ngoài thuế quan, thuế nội địa và các loại phí khác, các thành viên không được tạo ra hay duy trì những biện pháp phi thuế như hạn ngạch, giấy phép hay các biện pháp khác nhằm hạn chế số lượng hàng hoá nhập khẩu từ những thành viên khác, hay hạn chế số lượng xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu tới các thành viên khác Đáng chú ý nhất trong số các biện pháp này là:

- Biện pháp cấm xuất, nhập khẩu

Cấm nhập khẩu là biện pháp bảo hộ cao nhất, gây ra hạn chế lớn nhất đối với thương mại quốc tế và nói chung không được phép sử dụng trong WTO.

Mặc dù WTO không cho phép sử dụng các biện pháp cấm nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo điều kiện để các quốc gia bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh quốc gia của mình. Chính vì vậy, trong các quy định của WTO vẫn có duy trì các ngoại lệ mà theo đó, các thành viên có thể thi hành các biện pháp cấm nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử trong một số trường hợp được quy định tại các Điều XX, XXI và XI của GATT 1994.

WTO quy định trong các trường hợp sau, các nước thành viên được áp dụng các biện pháp cấm, nhập khẩu:

- Cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia; (GATT 1994, Điều XXI)

- Cần thiết để bảo vệ đạo đức xã hội;

- Cần thiết để bảo vệ con người, động vật và thực vật;

- Liên quan tới nhập khẩu hay xuất khẩu vàng và bạc;

- Cần thiết để bảo vệ các tài sản quốc gia về nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ;

- Cần thiết để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, với điều kiện là các biện pháp này cần phải thực hiện kèm theo việc hạn chế sản xuất hay tiêu dung nội địa liên quan tới chúng; (GATT 1994, Điều XX);

- Được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác;

- Cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy định để phân loại (classification), xếp hạng (grading) hay tiếp thị các sản phẩm trong thương mại quốc tế. (GATT 1994, Điều XI)

- Hạn ngạch số lượng nhập khẩu

WTO không cho phép các thành viên áp dụng hạn ngạch để hạn chế việc nhập khẩu hàng hoá vào nước mình nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, biện pháp hạn ngạch có thể được sử dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử:

+ Được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác;

+ Cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy định để phân loại (classification), xếp hạng (grading) hay tiếp thị các sản phẩm trong thương mại quốc tế.

- Các nông sản và thuỷ sản (Điều XI,2 (c)) (GATT 1994, Điều XI)

Có thể hạn chế số lượng hay giá trị hàng nhập khẩu để bảo vệ sự cân bằng cán cân thanh toán. Việc tạo ra, duy trì hay mở rộng hạn chế số lượng vì mục đích này không được vượt quá mức cần thiết:

+ Để ngăn ngừa sự đe doạ sắp xảy ra hay để chặn lại sự thiếu hụt nghiêm trọng dự trữ tiền tệ; hay

+ Trong trường hợp một thành viên có dự trữ tiền tệ rất thấp, đề đạt được một mức tăng hợp lý dự trữ tiền tệ. (GATT 1994, Điều XII).

- Hạn ngạch thuế quan

Hạn ngạch thuế quan là một hình thức hạn ngạch đặc biệt có thể áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp theo quy định tại Phụ lục I, Hiệp định Nông nghiệp. Theo quy định này, các thành viên không được áp đụng các biện pháp phi thuế quan đối với nông sản. Tất cả các biện pháp phi thuế quan cần phải được thuế hoá[3] (Phụ lục V, Hiệp định Nông nghiệp). Thông thường với mức thuế hoá tại vòng Uruguay thì mức nhập khẩu nông sản hầu như không đáng kể.

Để đảm bảo một mức độ mở cửa thị trường nhất định, WTO cho phép áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan (TRQ). TRQ cho phép sử đụng hai mức thuế suất, một mức thấp cho khối lượng trong hạn ngạch, mức thứ hai có thể cao hơn cho nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Hạn ngạch có thể được tính bằng mức chênh lệch giữa tiêu dùng và sản xuất trong nước. Việc quản lý TRQ tuy khó khăn nhưng sẽ đáp ứng được người tiêu đùng muốn sử dụng hàng nhập khẩu giá rẻ, đồng thời bảo vệ được người sản xuất trong nước. Tại vòng Uruguay, TRQ được thông qua để đảm bảo tiếp cận thị trường hiện tại (hay tối thiểu) khi các biện pháp phi thuế quan đã được thực hoá (Điều IV, Hiệp định Nông nghiệp). Cũng tại vòng này, hạn ngạch được tính để đảm bảo các yêu cầu về tiếp cận thị trường hiện tại và tối thiểu[4].

- Giấy phép

Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu được xác định như là các thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu, đòi hỏi nhà nhập khẩu đệ trình đơn, các tài liệu khác (không liên quan tới mục đích hải quan) tới các cơ quan hành chính thích hợp để xin giấy phép nhập khẩu.

WTO yêu cầu thủ tục hành chính việc cấp giấy phép không được đặt ra theo hướng bóp méo thương mại do việc quy định các thủ tục đó quá phức tạp. Các quy tắc đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu phải được áp dụng trung lập (ricutral) và được quản lý theo một cách thức công bằng và hợp lý.

Điều 1 Hiệp định về Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu quy định: các thông tin liên quan tới thủ tục nộp đơn, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, cơ quan tiếp nhận, danh sách các sản phẩm đòi hỏi giấy phép cần phải được đăng tải công khai trước khi chúng có hiệu lực. Người nộp đơn chỉ cần tới cận tới một cơ quan hành chính. Trường hợp đặc biệt không được quá ba cơ quan.

Về loại giấy phép, WTO quy định hai loại đó là giấy phép nhập khẩu tự động và giấy phép nhập khẩu không tự động.

Giấy phép nhập khẩu tự động là loại giấy phép nhập khẩu được cấp cho các nhà nhập khẩu xin giấy phép, không hạn chế khối lượng nhập khẩu trong phạm vi điều chỉnh, không đặt ra hạn chế với nhà nhập khẩu, được chấp thuận trong vòng 10 ngày (Điều 2, Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu). WTO yêu cầu pháp luật của các nước thành viên, về thủ tục cấp giấy phép tự động, phải không được quy định theo hướng hạn chế những hàng nhập khẩu thuộc diện cấp phép tự động. Mọi hàng hoá đáp ứng được yêu cầu pháp lý của nhà nhập khẩu được cấp phép tự động đều có quyền nộp đơn xin cấp phép vào bất cứ ngày làm việc nào trong tuần và được quyền nhận giấy phép trong thời hạn không quá 10 ngày.

Giấy phép nhập khẩu không tự động là loại giấy phép không phải là giấy phép tự động, là loại giấy phép có thể không được cấp cho dù đã thực hiện đủ thủ tục và số lượng hàng nhập khẩu có thể bị hạn chế.

 Thứ hai, các biện pháp quản lý giá

Các biện pháp quản lý giá nhập khẩu và giá bán trong nước ở đây là các biện pháp có thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá. Chúng bao gồm các biện pháp cụ thể sau:

- Trị giá hải quan

Việc định trị giá hải quan là một yếu tố quan trọng để đảm bảo không phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng trong nước, đồng thời thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các nước. Việc tuỳ tiện định trị giá hải quan có thể bóp méo kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá. Vấn đề này được quy định chủ yếu trong Hiệp định về trị giá hải quan (Hiệp định CVA).

WTO quy định trị giá hải quan hay giá được dùng để tính thuế hàng nhập khẩu là giá giao dịch trên thực tế, tức là giá đã trả hay phải trả cho hàng hoá khi được bán để xuất khẩu đến nước nhập khẩu có tính đến những điều chỉnh nhất định như phí hoa hồng, môi giới, đóng gói (Điều 1 - 6 và Điều 8, Hiệp định CVA).  

Ngoài việc quy định trị giá hải quan như trên, WTO không cho phép sử dụng các cách sau để xác định trị giá:

+ giá nhập khẩu tối thiểu;

+ giá bán trong nước nhập khẩu của hàng hoá tương tự;

+ một hệ thống cho phép chấp nhận giá cao hơn để xác định trị giá hải quan;

+ giá bán của hàng hoá tại thị trường nước xuất khẩu;

+ Xác định trị giá trên cơ sở giả định hay tuỳ tiện.

(Điều 7, Hiệp định xác định trị giá tính thuế quan)

- Thu chênh lệch giá (phụ thu)

WTO yêu cầu tất cả các loại phí và phụ thu hải quan (không phải là thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế nội địa khác) đánh vào hàng xuất nhập khẩu chỉ được giới hạn ở mức tương ứng với chi phí dịch vụ thực sự bỏ ra và không được sử dụng như sự bảo hộ gián tiếp các sản phẩm trong nước, hay như thuế xuất nhập khẩu, hay cho mục đích thu ngân sách (GATT 1994, Điều VIII).

Thứ ba, các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp

- Doanh nghiệp thương mại nhà nước

Doanh nghiệp thương mại Nhà nước (DNTMNN) là các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và được Nhà nước ban cho những đặc quyền nhất định có thể gây ra những trở ngại cho thương mại quốc tế. WTO yêu cầu các thành viên phải cam kết đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu của các DNTMNN phù hợp với các nguyên tắc chung về đối xử không phân biệt với các doanh nghiệp tư nhân và phải tiến hành các hoạt động mua bán hàng hoá chỉ dựa trên tiêu chí thương mại, chẳng hạn như giá cả, chất lượng, tiếp thị, vận tải...

- Quyền kinh doanh

Quyền kinh doanh hay còn gọi là quyền thương mại trong lĩnh vực hàng hoá là quyền dành cho một số công ty nhất định được tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ở các nước đặc biệt là những nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế chuyển đổi. Quyền kinh doanh có thể chỉ giới hạn ở việc xuất khẩu một mặt hàng nhất định hoặc kinh doanh một loại mặt hàng nào đó. Các công ty không nhất thiết phải là công ty nhà nước mới được hưởng quyền kinh doanh.[5]

Thứ tư, hàng rào kỹ thuật

Là những cản trở thương mại thông qua hệ thống tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của hàng hoá đối với các tiêu chuẩn nhất định. Theo Phụ lục 1 của Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các yêu cầu này có thể liên quan tới kích thước, hình dáng, thiết kế, độ dài và các chức năng của sản phẩm. Các yêu cầu này cũng có thể quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu sản phẩm và mở rộng tới các quy trình và phương pháp sản xuất liên quan tới sản phẩm.

Mục đích của các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể rất khác nhau, có thể là bảo vệ an toàn, sức khoẻ của con người, bảo vệ sức khoẻ, đời sống động thực vật, bảo vệ môi trường, ngăn chặn các hành vi lừa dối nhưng cũng có thể là rào cản thương mại để bảo hộ hàng hoá tương tự trong nước. Để thực hiện được mục đích đó, các nước đều quy định các thủ tục đánh giá sự phù hợp: chẳng hạn như xét nghiệm, thẩm tra xác thực, kiểm định, chứng nhận để đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu vào và lưu thông tại nước đó đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật do các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Để các tiêu chuẩn kỹ thuật phát huy đúng vai trò của nó đồng thời không là phương tiện để các nước thành viên hạn chế, ngăn cản tự do thương mại, WTO yêu cầu các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn cũng như thủ tục để đánh giá sự phù hợp với các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn này không được tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế, phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử và đãi ngộ quốc gia, phải minh bạch và tiến tới hài hoà hoá giảm và loại bỏ các rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, các thành viên có thể đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người và động thực vật, ngăn ngừa các hành động xấu… mà họ cho là thích hợp, với điều kiện là các biện pháp đó không được áp dụng theo cách thức tạo ra sự phân biệt đối xử tuỳ tiện, hay hạn chế vô lý đối với thương mại quốc tế.

Thứ năm, kiểm dịch động thực vật

Biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật (SPS) bao gồm tất cả các luật, văn bản dưới luật, các quy tắc và các thủ tục liên quan như các tiêu chuẩn đối với sản phẩm cuối cùng; các phương pháp sản xuất và chế biến; các thủ tục xét nghiệm, giám định, chứng nhận và chấp thuận; những xử lý cách ly bao gồm các yêu cầu liên quan gắn với vận chuyển cây trồng và vật nuôi, hay các chất nuôi dưỡng chúng trong quá trình vận chuyển; những quy định về các phương pháp thống kê, thủ tục chọn mẫu và các phương pháp đánh giá rủi ro liên quan; các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác liên quan trực tiếp tới an toàn thực phẩm (Phụ lục A.l, Hiệp định SPS).

Theo quy định của Điều 2 Hiệp định SPS, các thành viên không bị ngăn cản việc ban hành hay thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, động vật và thực vật với điều kiện các biện pháp này không được áp dụng theo cách thức tạo ra sự phân biệt đối xử không hợp lý và tuỳ tiện, hay hạn chế một cách vô lý tới thương mại quốc tế. Đồng thời, các thành viên không nhất thiết phải thay đổi mức độ bảo vệ thích hợp của họ đối với sức khoẻ con người, động vật và thực vật và có quyền đưa ra các biện pháp về kiểm địch động vật và thực vật cần thiết với điều kiện phải tuân theo các quy định của Hiệp định SPS.

Các thành viên phải đảm bảo là việc áp dụng của bất kỳ biện pháp nào cũng chỉ ở trong phạm vi cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, động vật và thực vật, cũng như phải dựa trên các cơ sở khoa học và không được phép duy trì khi không có căn cứ khoa học đầy đủ.

Trong trường hợp căn cứ khoa học liên quan không đầy đủ, một thành viên có thể áp dụng một cách tạm thời các biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật trên cơ sở thông tin chính xác sẵn có, kể cả các thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan cũng như các biện pháp kiểm dịch của các thành viên khác. Trong những trường hợp như vậy, các thành viên sẽ tìm kiếm các thông tin bổ sung cần thiết cho sự đánh giá rủi ro khách quan hơn. Đồng thời tiến hành xem xét đánh giá các biện pháp tạm thời này trong một thời hạn hợp lý.

Các thành viên đảm bảo các biện pháp SPS được dựa trên đánh giá rủi ro đối với sức khoẻ con người, động vật và thực vật, tuỳ theo hoàn cảnh, có cân nhắc tới những kỹ thuật đánh giá rủi ro của các tổ chức quốc tế liên quan.

Thứ sáu, các biện pháp bảo hộ thương mại tạm thời

- Tự vệ

Mặc dù nguyên tắc cơ bản của WTO là tự do hoá thương mại, tuy nhiên, WTO vẫn có cơ chế cho phép các nước thành viên tự bảo hộ nền sản xuất trong nước trong trường hợp đặc biệt khi sản phẩm nhập khẩu tăng lên đến mức gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Trong trường hợp đó, các thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm nhập khẩu đó không phân biệt xuất xứ khi xác định được số lượng hàng nhập khẩu đang tăng lên một cách tuyệt đối hoặc tương đối và đang gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm đó. (Điều 2, Hiệp định về Tự vệ).

Các thành viên có thể chọn các biện pháp tự vệ thích hợp nhất và chỉ áp dụng các biện pháp tự vệ ở mức độ cần thiết để ngăn ngừa hay khắc phục thiệt hại và trợ giúp việc điều chỉnh ngành. Nếu áp dụng biện pháp hạn chế số lượng thì biện pháp này không được giảm số lượng nhập khẩu xuống dưới mức nhập khẩu trung bình của 3 năm gần nhất. Trong trường hợp đặc biệt có thể nhập khẩu ít hơn mức trung bình đó nếu chứng minh được rằng điều đó là thực sự cần thiết để ngăn cản hay khắc phục thiệt hại. (Điều 5, Hiệp định về Tự vệ)

Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng biện pháp tự vệ theo đúng ý nghĩa của nó, WTO quy định thời gian áp dụng thông thường không được kéo dài quá 4 năm và sau một thời gian nhất định (nhưng ít nhất phải là 2 năm) mới được phép áp dụng lại biện pháp tự vệ cho cùng một sản phẩm. Các nước đang phát triển có sự ưu đãi hơn về thời gian tự vệ và thời gian áp dụng lại biện pháp tự vệ cho cùng một sản phẩm. (Điều 7, Hiệp định về Tự vệ)

Trong những tình huống cực kỳ khẩn cấp nếu áp dụng biện pháp tự vệ chậm sẽ gây ra khó khăn đặc biệt để khắc phục, nước thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sau khi đã xác định sơ bộ rằng nhập khẩu tăng lên rõ ràng đã gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời không được dài quá 200 ngày. (Điều 6, Hiệp định về Tự vệ)

- Bản phá giá và chống bán phá giá

Vấn đề này được quy định trong Điều VII Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) và Hiệp định Thực thi Điều VI. Theo quy định trong các Hiệp định này thì bán phá giá một sản phẩm là đưa sản phẩm đó vào hoạt động thương mại của một nước khác với mức giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm đó tại nước xuất khẩu sản phẩm trong những điều kiện thương mại thông thường. (Điều 2, Hiệp định về chống bán phá giá)

Hành động phá giá sẽ bị coi chống trả nếu nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại vật chất đối với một ngành kinh tế nội địa đã được kiến lập vững chắc, hay ngăn cản một cách đáng kể việc thành lập một ngành kinh tế nội địa. (Điều VII, GATT 1994)

Để bù đắp thiệt hại của một nước thành viên do hành vi bán phá giá của một nước thành viên khác trên thị trường nước mình, WTO cho phép các thành viên có quyền đặt ra thuế chống phá giá đối với bất kỳ sản phẩm bị bán phá giá nào. Tuy nhiên, trước khi áp đụng thuế chống phá giá, thành viên muốn sử dụng biện pháp này phải tiến hành điều tra thiệt hại do hành động bán phá giá gây ra đối với ngành kinh tế trong nước theo những quy định và thủ tục rất chặt chẽ. (Điều 3, 5 và 6 Hiệp định về chống bán phá giá). Mức thuế này không được lớn hơn biên độ phá giá của sản phẩm tương ứng. (Điều VI.2, GATT 1994)

Trong những tình huống đặc biệt, các thành viên có thể sử dụng các biện pháp tạm thời nhằm tránh những thiệt hại lớn cả khi quá trình điều tra chưa kết thúc. Các biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, thông thường không quá 4 tháng. (Điều 7, Hiệp định về chống bán phá giá)

-Trợ cấp và chống trợ cấp

Vấn đề này được quy định trong Điều XVI Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) và Hiệp định về trợ cấp và chống trợ cấp. Các quy định về trợ cấp và chống trợ cấp của WTO điều chỉnh vấn đề trợ cấp của các quốc gia thành viên và các biện pháp mà các nước có thể áp dụng nhằm bù đắp các hậu quả của việc trợ cấp.

Hiệp định đưa ra định nghĩa về trợ cấp (Điều 1, khoản 1 -Hiệp định về trợ cấp và chống trợ cấp) và định nghĩa khái niệm trợ cấp "riêng biệt" (Điều 2- Hiệp định về trợ cấp và chống trợ cấp). Theo quy định của WTO, các biện pháp chế tài của hiệp định này chỉ áp dụng cho các loại trợ cấp riêng biệt, tức là trợ cấp cho một doanh nghiệp, một ngành sản xuất, một nhóm các doanh nghiệp hay một nhóm các ngành sản xuất của nước trợ cấp.

Hiệp định xác định hai loại trợ cấp: những trợ cấp bị cấm và những trợ cấp có thể bị kiện.

+ Trợ cấp bị cấm : là các khoản trợ cấp có kèm điều kiện buộc người hưởng trợ cấp phải đạt được một số mục tiêu về xuất khẩu hoặc ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước hơn là hàng nhập khẩu. Trợ cấp loại này bị cấm vì chúng rõ ràng được sử dụng để bóp méo cạnh tranh trong thương mại quốc tế và do đó có nguy cơ gây hại cho thương mại của các nước khác. (Điều 3-Hìệp định về trợ cấp và chống trợ cấp)

+ Trợ cấp có thể bị kiện: Đó là những loại trợ cấp có hậu quả xấu đối với của một nước khác, nếu không loại trợ cấp này vẫn được phép. Hiệp định nêu ra ba loại thiệt hại có thể có. Khoản trợ cấp của một nước có thể gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước của một nước khác. Chúng có thể gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của một nước nếu hai nước đang cạnh tranh trên thị trường một nước thứ ba. Cuối cùng, trợ cấp của một nước có thể gây hại cho nhà xuất khẩu đang cạnh tranh trên thị trường nội địa của nước đó.

Hiệp định quy định các biện pháp đối kháng chống lại việc trợ cấp (các điều 10 đến Điều 23). Nước nhập khẩu có thể áp dụng thuế đối kháng nếu điều tra cho thấy có việc trợ cấp và có ảnh hưởng xấu.

Thứ bảy, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại

Có những mối quan hệ khá chặt chẽ giữa thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các thành viên có xu hướng muốn sử dụng các biện pháp hạn chế hay khuyến khích đầu tư để đạt được những mục tiêu phát triển nhất định. Những biện pháp này nhiều khi có tác động hạn chế hay bóp méo thương mại hàng hoá. Để ngăn chặn tình huống này và đảm bảo nguyên tắc tự do thương mại, Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMs) (chỉ áp dụng đối với thương mại hàng hoá) quy định các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm. Theo quy định của Hiệp định này, các thành viên không được phép áp dụng các biện pháp đầu tư không phù hợp với những quy định về đối xử quốc gia và hạn chế định lượng theo các Điều III và XI của GATT 1994[6].

Thứ tám, các biện pháp quản lý hành chính

Thủ tục hành chính

Mặc dù các thành viên có mục tiêu chung là tự do hoá và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, nhưng trên thực tế do những lý do kinh tế và chính trị nhất định mà mỗi thành viên có thể áp dụng những biện pháp rất tinh vi cản trở thương mại quốc tế. Nếu chỉ dựa vào các quy định của WTO thì rất khó bắt họ phải loại bỏ chúng. Chẳng hạn như:

+ Quy định về thanh toán: các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng phải thanh toán ngay thuế nhập khẩu;

+ Quy định về đặt cọc: nhà nhập khẩu phải đặt cọc một khoản tiền bằng nửa giá trị nhập khẩu tới kho bạc nhà nước trong một khoảng thời gian nào đó nhưng không được hưởng lãi;

+ Quy định về kích cỡ: chẳng hạn như hạn chế về kích thước tối thiểu đối với khoai tây là biện pháp của Mỹ chống lại nhập khẩu từ Mehico;

+ Quy định về quảng cáo: ví dụ cấm quảng cáo rượu ngoại;

+ Vị trí thông quan: không thuận lợi cho hàng không muốn nhập khẩu;

+ Quy định về nhãn hiệu: những đòi hỏi về nhãn hiệu đối với các sản phẩm.

Thủ tục hải quan

Các thành viên cần phải hạn chế tới mức thấp nhất phạm vi và mức độ phức tạp đối với các giấy tờ, thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt và đơn giản hoá những yêu cầu về hoá đơn chứng từ. (GATT 1994, Điều 1 (c))

-Xuất xứ hàng hoá

Quy tắc xuất xứ bao gồm tất cả các luật, quy định và quyết định hành chính được áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hoá. Các quy tắc xuất xứ này không được liên quan tới các chế độ thương mại liên minh hay tự trị dẫn đến việc cho hưởng các ưu đãi thuế quan vượt quá đãi ngộ tối huệ quốc (MFN).

Quy tắc xuất xứ nêu trên sẽ bao gồm tất cả các quy tắc xuất xứ được sử dụng trong các công cụ chính sách thương mại không ưu đãi, chẳng hạn như trong đối xử tối huệ quốc về thuế suất; thuế chống phá giá và thuế đối kháng hay các biện pháp tự vệ; yêu cầu về nhãn xuất xứ hàng hoá; bất kỳ các hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan không phân biệt đối xử nào. Chúng cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ được sử dụng trong mùa sắm chính phủ và thống kê thương mại[7].

Hiệp định về quy tắc xuất xứ đặt ra các điều kiện chặt chẽ đối với quy tắc xuất xứ của các thành viên trong giai đoạn quá độ trước khi WTO xây dựng xong Quy tắc xuất xứ hài hoà (dự kiến hoàn thành trước năm 1998, nhưng do tính chất rất phức tạp của vấn đề nên có thể hết năm 2005 công việc hài hoà hoá quy tắc xuất xứ mới kết thúc)[8].

Quy tắc xuất xứ hài hoà được xây dựng trên các nguyên tắc sản suất sau:

+ Quy tắc xuất xứ được áp dụng bình đẳng cho tất cả các mục đích;

+ Quy tắc xuất xứ nên quy định nước được xác định như nước xuất xứ của một hàng hoá cụ thể là nước mà hàng hoá đã đạt được toàn bộ, hoặc là nước mà ở đó xảy ra sự biến đổi cơ bản cuối cùng khi có nhiều hơn một nước liên quan tới việc sản xuất ra hàng hoá đó;

+ Quy tắc xuất xứ cần khách quan, dễ hiểu và dễ dự đoán;

+ Dù cho có được gắn với các biện pháp và công cụ nào, không nên sử dụng quy tắc xuất xứ như là một công cụ để theo đuổi các mục tiêu thương mại một cách trực tiếp hay gián tiếp. Chúng cũng không được tạo ra các ảnh hưởng hạn chế hay bóp méo đối với thương mại quốc tế. Chúng cũng không được đặt ra các đòi hỏi vô lý hay yêu cầu phải đáp ứng một điều kiện nhất định không liên quan tới sản xuất hay gia công như một tiền đề tiên quyết cho việc xác định nước xuất xứ;

+ Quy tắc xuất xứ nên được áp dụng theo cách thức nhất quán, không thiên vị và phải hợp lý.

2. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí của WTO về thương mại hàng hoá

So sánh các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam với các quy định của WTO về thương mại hàng hoá có thể nhận thấy hệ thống pháp luật Việt Nam là tốt đã đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, nhiều quy định của pháp luật nước ta về thương mại hàng hoá cơ bản thống nhất với các nghĩa vụ của Thành viên được quy định trong các Hiệp định của WTO.

Tuy vậy, cũng có một số quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về thương mại hàng hoá chưa thống nhất hoặc chưa phản ánh đầy đủ nghĩa vụ của Thành viên theo quy định của WTO, một số quy định của WTO chưa có trong pháp luật Việt Nam.

Sau đây là những đánh giá cụ thể về hiện trạng pháp luật Việt Nam về thương mại hàng hoá.

2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam thuế quan đến các quy định về thuế trong thương mại hàng hoá

Thứ nhất, về thuế quan

Cơ sở pháp lý của quy định về thuế quan là Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu năm 1992 và các Luật sửa đổi Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu được ban hành vào các năm 1993 và 1998 cũng như các văn bản liên quan.

Xét về khía cạnh tương thích với các quy định của WTO, Luật thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu qua các lần sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định về hệ thống thuế quan Việt Nam như sau :

+ Cơ sở pháp lý của Biểu thuế quan: Điều 8 Luật thuế xuất nhập khẩu và Điều 10 Nghị định số 54/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 94/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật thuế XNK và Luật sửa đổi Luật thuế XNK quy định rõ Biểu thuế xuất nhập khẩu cụ thể của Việt Nam được Chính phủ (Bộ tài chính) xây dựng trên cơ sở Khung thuế suất do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

+ Danh mục phân loại hàng hoá dùng cho Biểu thuế xuất nhập khẩu: Luật Hải quan ngày 25/11/2001 và Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/1/2003 quy định danh mục phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu làm cơ sở cho Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Danh mục phân loại hàng hoá hiện hành được ban hành theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 phù hợp với Danh mục phân loại hài hoà của Tổ chức Hải quan Thế giới năm 2002. (Danh mục HS quốc tế)

Thứ hai, về nguyên tắc MFN và các Biểu thuế khác

Theo quy định cụ thể tại Điều 1 Nghị định sồ 94/NĐ-CP, biểu thuế của Việt Nam gồm 3 loại thuế suất cơ bản: thuế suất ưu đãi (hay thuế MFN), thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Thuế suất ưu đãi được áp dụng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước hoặc khối nước mà Việt Nam có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại. Biểu thuế ưu đãi của Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003.

Thuế suất thông thường cao hơn thuế suất ưu đãi 50%, đối với một số trường hợp có thể được quy định cao hơn nhưng không được cao hơn 70% so với thuế suất ưu đãi được áp dụng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước không có thoả thuận tối huệ quốc với Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế Việt Nam không có biểu thuế thông thường ụu thể, vì vậy mức cao hơn thuế ưu đãi 50% được áp dụng tự động.

Thuế suất ưu đãi đặc biệt, thấp hơn thuế suất ưu đãi đối với hầu hết các mặt hàng trong biểu thuế, được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước mà Việt Nam đã có thoả thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh quan thuế hoặc ủê tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới. Tính tới thời điểm 31/12/2004, Việt Nam có một số danh mục thuế suất ưu đãi đặc biệt như sau :

(i) Danh mục thuế Suất ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung trong khuôn khổ ASEAN được ban hành và áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại trong khối ASEAN 10 nước.

(ii) Danh mục thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng với Lào theo thoả thuận Viên chăn giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 13/08/2002 được triển khai thực hiện tại Thông tư liên tịch số 54/2003/TTLT-BTC-BTM ngày 3/6/2003, Theo đó các mặt hàng thoả thuận giữa 2 bên sẽ có mức thuế suất ưu đãi đặc biệt bằng 50% mức thuế suất ưu đãi của mặt hàng tương ứng.

(iii) Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện chương trình giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước Cộng đồng Châu âu (EU) cho năm 1998-2001 ban hành tại Nghị định số l07/1997/NĐ-CP ngày 05/11/1997 và được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư liên bộ số 53/1998/TTLB-TC-TM-CN-TCHQ ngày 17/4/1998.

(iv) Ngoài các danh mục trên, hiện nay, Việt Nam đã ký kết các thoả thuận về dệt may với EU và Hoa Kỳ, trong đó có nêu rõ nghĩa vụ về ban hành biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt cho các sản phẩm dệt may được liệt kê có nguồn gốc từ EU và Hoa Kỳ

Phụ thu và chênh lệch giá - thuộc loại ODC - trước đây được áp dụng với một số mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2004 Bộ Tài chính đã loại bỏ gần hết.

Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 về căn bản phản ánh Hiệp định trị giá hải quan của GATT, tuy nhiên có bảo lưu áp dụng bảng giá tính thuế tối thiểu và bảo lưu chưa áp dụng phương pháp xác định trị giá theo phương pháp khấu trừ đối với hàng hoá đã qua gia công và phương pháp xác định trị giá theo phương pháp trị giá tính toán[9].

Thứ ba, về thuế nội địa

-Thuế nội địa bao gồm mọi sắc thuế trong nước, tức là mọi loại thuế và thu có tính chất thuế, trừ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Như vậy, thuế nội địa bao gồm 12 loại thuế và phí, lệ phí (1.Thuế giá trị gia tăng, 2.Thuế tiêu thụ đặc biệt, 3.Thuế thu nhập doanh nghiệp, 4.Thuế tài nguyên, 5. Thuế sử dụng vốn, 6.Thuế Môn bài, 7. Lệ phí trước bạ, 8.Thuế sử dụng đất nông nghiệp, 9.Thuế nhà đất, 10.Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, 11. Phí và lệ phí, 12.Thuế chuyển quyền sử dụng đất).

Tuy nhiên, trong khuôn khổ đề tài này, nội dung thuế nội địa của Việt Nam được đề cập đến chỉ giới hạn ở một số sắc thuế quan trọng và được xem xét từ góc độ phân tích mức độ tương thích của chúng đối với các quy định của WTO, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thuế giá tri gia tăng được áp dụng tại Việt Nam từ 1997 trên cơ sở Luật thuế GTGT được sửa đồi vào năm 2003 có điều khoản quy định liên quan tới vấn đề phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước. Điều 8.k Luật Thuế GTGT 1997, sau đó được điều chỉnh thành Điều 8 tại Luật sửa đổi Luật Thuế GTGT năm 2003 quy định thuế suất đối với nhóm mặt hàng bông sơ chế từ bông trồng trong nước là 5%, trong khi đó bông sơ chế từ nguyên liệu bông nhập khẩu chịu thuế suất 10%. Rõ ràng ở đây có sự phân biệt đối xử cụ thể đối với một mặt hàng là bông sơ chế.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1990 trên cơ sở Luật Thuế TTĐB năm 1990, không có mâu thuẫn với nghĩa vụ NT hay trợ cấp, ưu đãi thuế nào. Nhưng sau khi được sửa đổi vào năm 1993, 1998 và 2003, thuế TTĐB ở việt Nam đã có những quy định mới mang tính chất phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu cũng như có những ưu đãi thuế mang chất đầu tư, trợ cấp. Điều 7 Luật Thuế TTĐB 1998 và sửa đổi 2003 quy định thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, xì gà chịu thuế suất 65%, thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước có thuế suất 45%.

Điều 16.2 quy định giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho "Cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như sau :

- Năm 2004 giảm 70%.

- Năm 2005 giảm 50%.

- Năm 2006 giảm 30%.

- Từ năm 2007 nộp đúng thuế suất quy định chung.

Về bản chất, quy định giảm đần tỷ lệ miễn giảm này là trái với quy định của WTO, tạo ra sự phân biệt đối xử giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

- Thuế thu nhập Doanh nghiệp được áp dụng kề từ năm 1997 và trở thành công cụ tạo ra ưu đãi đầu tư, trong đó có những ưu đãi đầu tư mâu thuẫn với các nghĩa vụ do WTO quy định.

Các quy định về ưu đãi thuế không được nêu rõ trong Luật mà được cụ thể hoá trong các văn bản dưới luật áp dụng đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư nước ngoài có tỷ lệ xuất khẩu trên 50% và 80%[10] được ưu đãi cả về thuế suất và thời gian miễn giảm.

Đầu tư trong nước tập trung vào hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hoá xuất khẩu cũng được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định tại Điều 15 và Điều 20 (ở mức 25%) của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Như vậy, cả quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trên cơ sở tỷ lệ xuất khẩu đều mâu thuẫn với nghĩa vụ quy định tại Hiệp định SCM và Hiệp định TRIMS của WTO trên cơ sở cam kết về tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu[11]

2.2. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các quy định phi thuế trong thương mại hàng hoá

Thứ nhất, về các biện pháp quản lý số lượng hàng hoá nhập khẩu

- Về biện pháp cấm xuất, nhập khẩu

Trong pháp luật Việt Nam, các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản về cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu sau :

- Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và dại lý mua bán hàng hoá vớt nước ngoài;

- Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và dại lý mua bán hàng hoá vớt nước ngoài;

- Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 Về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;

Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005;

- Các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Nhìn chung, các quy định liên quan đến cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong pháp luật Việt Nam được xây đựng dựa trên các ngoại lệ của GATT 1994. Tuy nhiên, không phải tất cả các quy định của pháp luật thương mại Việt Nam về cấm xuất khẩu, nhập khẩu đều phù hợp với các ngoại lệ của WTO.

Theo quy định của Nghị định 57, Nghị định 44 và Quyết định 46 nói trên thì có một số mặt hàng bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu khó lý giải để xếp vào trong danh mục các ngoại lệ của WTO. Các quy định này cần được xem xét tiếp tục để điều chỉnh cần thiết.

- Về hạn ngạch số lượng nhập khẩu ( quota nhập khẩu)

Hiện nay, Việt Nam chỉ duy trì hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm đường tinh luyện và đường thô. Việc áp dụng hạn ngạch đối với việc nhập khẩu đường là chưa phù hợp với quy định của WTO và cần được nghiên cứu để loại bỏ quy định về hạn ngạch này.

- Hạn ngạch thuế quan ( the Tariff – Quota)

Trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, vấn đề này áp dụng ở Việt Nam đã được tính đến. Ngày 09 tháng 05 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam. Theo Quyết định này, hạn ngạch thuế quan sẽ được áp dụng thí điểm đối với bông, thuốc lá nguyên liệu và muối từ ngày 02/07/2003. Còn các sản phẩm sữa nguyên liệu, trứng gia cầm và ngô hạt do các Bộ, ngành chủ quản căn cứ vào tình hình thực tế quyết định thời điểm áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng này[12]. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 07 tháng 08 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Tài chính ra Quyết định số 126/2003/QĐ-BTC ban hành Danh mục hàng hoá và thuế xuất nhập khẩu để áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đây là biện pháp cần thiết nhưng phải cân nhắc cẩn thận cho phù hợp với các yêu cầu của WTO

- Về giấy phép nhập khẩu :

Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu được xác định là thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định của WTO.

Vấn đề này được quy định trong Luật Thương mại, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 quy định chi tiết Luật thương mại và Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/08/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 57/1998/NĐ-CP, Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 và các văn bản của các Bộ, ngành hướng dẫn thi hành các văn bản nêu trên đặc biệt là Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 2/3/2005 về ban hành quy chế cấp phép nhập khẩu. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt nam về thủ tục Cấp phép nhập khẩu được áp dụng một cách trung lập, công bằng, phù hợp vớt các quy định của WTO về cấp giấy phép nhập khẩu.

Đối với giấy phép nhập khẩu tự động, Điều 3 Nghị định số 44/2001 quy định; “Tất cả các loại hàng hoá, trừ hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cần nhập khẩu, cấm xuất khẩu đều được xuất khẩu, nhập khẩu”. Điều 8 Nghị định này cũng quy định: "Thương nhân theo quy định của pháp luật được nhập khẩu hàng hoá theo ngành nghề, ngành hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh". Như vậy, pháp luật Việt nam về vấn đề này là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của WTO.

Đối với giấy phép nhập khẩu không tự động, việc cấp loại giấy phép này được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định số 44/2001/NĐ-CP quy định: Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ thương mại và các Bộ, ngành liên quan. Hàng hoá thuộc Danh mục này chỉ được xuất khẩu nhập khẩu trong trường hợp đặc biệt khi được phép của Thủ tướng Chính phủ “( Điều 4). Danh mục Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện (bao gồm: a) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hạn ngạch; b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại; c) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành; d) Hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ) và những quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc danh mục này do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ trường Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành liên quan” (Điều 5). Đối với hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh; Danh mục hàng hoá, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện, thương nhân phải thực hiện đầy đủ quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh các hàng hoá trước khi tiến hành xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 8). Như vậy, vấn đề này được quy định khá rõ trong pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, về các biện pháp quản lý giá

- Về trị giá hải quan

Trong pháp luật Việt Nam, trị giá hải quan và phương pháp xác định trị giá hải quan được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật hải quan và Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định  thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.

Các quy định của Nghị định 60 cơ bản phù hợp với Quy định của Hiệp định CVA. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm trong Nghị định 60 cần cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp hơn với các quy định của WTO về vấn đề này.

Điều 5.2 Hiệp định CVA quy định nếu không có hàng nhập khẩu đang được tính trị giá hoặc không có hàng nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự được bán ra tại nước nhập khẩu còn nguyên trạng như khi nhập khẩu và nếu người nhập khẩu có yêu cầu thì trị giá hải quan sẽ được tính dựa trên đơn vị giá mà hàng nhập khẩu, sau khi được chế biến hay gia công, được bán với số lượng lớn nhất cho những người không có quan hệ đặc biệt với người bán hàng này tại nước nhập khẩu; có tính đến việc khấu trừ đối với trị giá gia tăng thông qua việc chế biến đó và những khoản khấu trừ được quy định tại khoản 1 (a). Vấn đề này được quy định trong Điểu 7.4 Nghị định 60/2002/NĐ-CP nói trên như sau: Hàng hoá nhập khẩu qua quá trình gia công, chế biến thêm ở trong nước thì cũng có thể được xác định là giá tính thuế theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trừ thêm các chi phí gia công, chế biến làm tăng thêm giá trị của hàng hoá. Trong trường hợp sau khi gia công, chế biến hàng hoá nhập khẩu bị thay đổi đặc điểm, tính chất, công dụng và không còn nhận biết được như hàng hoá nhập khẩu ban đầu thì không được áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều này. Quy định này của Nghị định về nội dung rõ ràng chưa phù hợp với yêu cầu của WTO, do vậy, cần xem xét điều chỉnh Điều 7.4 Nghị định 60/2002/NĐ-CP theo hướng quy định việc áp dụng phương pháp tính trị giá đối với hàng nhập khẩu sau khi đã qua gia công hay chế biến chỉ nêu đáp ứng hai điều kiện là khi không có hàng hoá nhập khẩu đang được tính giá trị hay hàng nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự được bán tại Việt Nam và khi người nhập khẩu yêu cầu. Đồng thời khi điều chỉnh quy định Điều 7.4 của Nghị định cũng cần nghiên cứu để có thể áp dụng Chú thích của Điều 5.2 của Hiệp định CVA vào Việt Nam

Ngoài ra, Điều 7 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định cơ sở định giá tính thuế là giá bán tại cửa khẩu xuất theo hợp đồng đối với hàng xuất khẩu là giá mua tại cửa khẩu, kể cả phí vận tải, phí bảo hiểm theo hợp đồng đối với hàng nhập khẩu. Trong trường hợp hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức khác hoặc giá ghi trên hợp đồng quá thấp so với giá mua, bán thực tế tại cửa khẩu thì giá tính thuế là giá do Chính phủ quy định. Rõ ràng quy định này của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chưa thể phù hợp với yêu cầu của Điều 7 Hiệp định CVA. Cần nghiên cứu để sửa đổi phù hợp với các quy định của WTO.

Thứ ba, các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp

- Về doanh nghiệp thương mại nhà nước

Đến nay, Việt Nam còn duy trì một số lượng lớn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện DNTMNN theo Điều XVII của GATT 1994. Các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước, các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành và các văn bản thành lập doanh nghiệp này. Theo công bố của Việt Nam ra WTO thì các doanh nghiệp nhà nước thuộc loại này là Tổng Công ty dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty xăng dầu, một số công ty xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu, Tổng Công ty xuất nhập khẩu hàng không, Tổng Công ty xuất nhập khẩu và phân phối phim và Tổng Công ty xuất nhập khẩu sách báo. Các doanh nghiệp này, ngoài quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh còn có quyền tham gia vào việc ban hành các quy định về thương mại. Bên cạnh các công ty nêu trên, còn nhiều tổng công ty nhà nước có quyền hướng dẫn giá hoặc khung giá xuất, nhập khẩu vật tư nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm và dịch vụ; quy định khung giá xuất, nhập khẩu một số vật tư, nguyên phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm và dịch vụ quan trọng. Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp này chưa thực sự hoạt động trên tiêu chí thương mại, cần thiết có sự điều chỉnh lại quy định để các doanh nghiệp này hoạt động thực sự trên nguyên tắc thương mại theo yêu cầu của WTO.

- Về quyền kinh doanh

Quyền kinh doanh tại Việt Nam được quy định trong Luật Thương mại, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài, và Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Theo quy định của các văn bản này, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại Việt Nam chỉ được kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Rõ ràng quy định này đã phần nào hạn chế quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần cân nhắc để điều Luật Doanh nghiệp và các văn bản khác phù hợp với yêu cầu của WTO.

Thứ tư, về hàng rào kỹ thuật

Vấn đề hàng rào kỹ thuật được quy định trong nhiều văn bản: đặc biệt là Pháp lệnh chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh đo lường và các văn bản hướng dẫn.

 Liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5100 tiêu chuẩn quốc gia trong đó có khoảng 1200 tiêu chuẩn là của nước ngoài, khu vực và quốc tế[13]. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này có thể là bắt buộc đối với hàng hoá liên quan đối với hàng hoá liên quan đến thực phẩm, an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, môi trường và các đối tượng khác được pháp luật quy định phải áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam (Điều 12 Pháp lệnh chất lượng hàng hoá). Cũng theo Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, các mặt hàng thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam nêu trên phải được cấp Giấy chứng nhân chất lượng hàng hoá với Tiêu chuẩn Việt nam hoặc hàng hoá mang dấu hiệu hợp chuẩn của nước xuất khẩu đã được Tổng cục Đo lường chất lượng thừa nhận.

Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng một cách không phân biệt đối xử với thủ tục đơn giản, không gây cản trở không cần thiết cho hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thành lập đầu mối thông tin về hàng rào kỹ thuật để đảm bảo hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của WTO về các quy định này.

Thứ năm, về kiểm dịch động thực vật

Trong Pháp luật Việt Nam, vấn đề này được quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam chung, pháp luật Việt Nam về vấn đề này cơ bản phù hợp với các quy định của WTO. Các quy định về kiểm dịch động thực vật trong pháp luật Việt Nam chỉ nhằm mục đích phòng ngừa chứ không nhằm tạo ra các rào cản thương mại. Chính vì vậy, đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, chỉ những hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm dịch theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới phải kiểm dịch tại cửa khẩu[14].

Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập cơ quan đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến các quy định về kiểm dịch động thực vật theo yêu cầu của Điều 7 và Phụ lục B.3 Hiệp định SPS.

-Về ghi nhãn, đóng gói hàng hoá

Vấn đề này cũng được pháp luật Việt Nam quy định tại Nghị định số 69/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyển lợi người tiêu dùng; Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2000 sửa đổi bổ sung Quyết định 178/1999/QĐ-TTg; Chỉ thị số 28/2000/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2000 về việc thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá ban hành kèm theo số 178/19991QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam về vấn đề này được áp dụng chung cho cả hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hoá trong nước trên cơ sở không phân biệt đối xử. Đồng thời, các quy định của Việt Nam về ghi nhãn hàng hoá chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tránh nhầm lẫn, không nhằm mục đích cản trở thương mại.

Thứ sáu, về các biện pháp bảo hộ thương mại tạm thời

- Về tự vệ

Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Tự vệ ngày 11 tháng 6 năm 2002 trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam và Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2003 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Nhìn chung, Pháp lệnh Tự vệ được xây dựng trên cơ sở các yêu cầu của Hịêp định Tự vệ, do vậy, về cơ bản phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

- Về bán phá giá và chống bán phá giá

Trong pháp luật Việt Nam, vấn đề này đã được quy định trong Pháp lệnh năm 2004 về Chống bán phá giá hang nhập khẩu vào Việt Nam. Về cơ bản, Pháp lệnh này là phù hợp với các quy định của WTO.

- Về trợ cấp và chống trợ cấp

Là một nước đang phát triển với thu nhập quốc dân thấp, nền kinh tế Việt nam đang là quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Các hình thức trợ cấp tập trung và phổ biến ở những dạng thức như sau:

- Trợ cấp cho doanh nghiệp như nước là hiện tượng khá phổ biến. được thực hiện thông qua chế độ sử dụng đất đai. cấp vốn từ ngân sách nhà nước; ưu đãi trong vay vốn sản xuất, kinh doanh. sử dụng miễn phí các thành tựu khoa học. công nghệ...

- Trợ cấp giá cho xuất khẩu.

Các chương trình hỗ trợ, trợ giá cho việc phát triển kinh tế. vùng, khu vực, dầu lư Ở các vùng kinh tế kem phát triển. cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Qua nghiên cứu, cho thấy có nhũng quy định pháp lý hiện bành vãn có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. không phù hợp với chó độ thương loại công bằng giữa các thành phần kinh tế. Theo Nghị định số 43/1999/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì có tới 40 đối tượng được hường ưu đãi với lãi suất cho vay chỉ là 4,5%năm. tương đương một nửa lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại. Hiện nay, chúng la đã có Pháp lệnh năm 2004 về chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và quy định cụ thể việc điều tra. xác định trợ cấp và áp dụng các biện pháp chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt nam. Pháp lệnh này phù hợp với các quy định về chống trợ cấp của WTO.

Thứ bảy. các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại

Pháp luật hiện hành của Việt Nam về ĐTNN cơ bản phù hợp với yêu cầu của Hiệp định TRIMS. Doanh nghiệp ĐTNN được quyền trực tiếp xuất, nhập khẩu theo mục tiêu, phạm vi hoạt động đã được quy định tại Giấy phép đầu tư; được trực tiếp hoặc thông qua đại lý bán hàng hoá được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà không bị giới hạn về số lượng và địa bàn tiêu thụ; được phép tiếp cận nguồn ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn còn một số quy định chưa thật phù hợp với Hiệp định TRIMS.

- Về yêu cầu nội địa hoá:

Yêu cầu nội địa hoá tuy không được quy định cụ thể trong các văn bản quy

phạm pháp luật, nhưng được duy trì trong thực tiễn thẩm định cấp giấy phép đầu tư, đồng thời là một điều kiện để áp dụng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử. Việc áp dụng yêu cầu nội địa hoá như là điều kiện để cấp Giấy phép đầu tư cũng như điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu là không phù hợp với quy định của Hiệp định TRIMS, cần sớm được bãi bỏ.

- Về yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước: Theo quy định tại Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 24/2000/NĐ-CP, yêu cầu này được áp dụng đối với dự án chế biến đường mía, đầu thực vật, sữa, gỗ.

Thứ tám, về các biện pháp quản lý hành chính

- Về thú tục hành chính

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam không đặt ra những yêu cầu về thủ tục hành chính trái với các yêu cầu của WTO có liên quan.

- Về thủ tục hải quan

Thủ tục Hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu được quy định trong Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn. Số lượng văn bản quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong hệ thống pháp luật Việt Nam là rất lớn, khá nhiều ngoài Luật Hải quan, các Nghị định hướng dẫn, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn có nhiều Thông tư, Công văn của Tổng Cục Hải quan hướng dẫn, quy định về vấn này nhưng không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận, có sẵn. Việc quy định tản mạn như vậy đã dẫn đến khó khăn rất lớn cho người thực hiện khi có hang hoá xuất khẩu hay nhập khẩu cần làm thủ tục hải quan, không bảo đảm yêu cầu về minh bạch hoá của các thủ tục hành chính.

- Về xuất xứ hàng hoá

Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong pháp luật Việt Nam chủ yếu được quy định trong Thông tư số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17 tháng 4 năm 2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá, Thông tư số 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 02 tháng 10 năm 2001 điều chỉnh bổ sung Thông tư số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17 tháng 4 năm 2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá.

Nhìn chung, các quy định về Quy tắc xuất xứ trong pháp luật Việt Nam áp dụng cho mọi loại hàng hoá xuất, nhập khẩu không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ. Thủ tục kiểm tra xuất xứ quy định trong Thông tư liên tịch 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ và Thông tư liên tịch 22/2000/TTLT-BTM-TCHQ là tương đối đơn giản, không tạo ra các tác động bóp méo thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, quy định về nguyên tắc xác định nước xuất xứ của hàng hoá trong pháp luật Việt Nam còn chưa đáp ứng các yêu cầu của WTO. Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 và Thông tư liên tịch số 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 2/10/2001 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan điều chỉnh, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 mới chỉ quy định cách thứ nhất là xác định xuất xứ hàng hoá theo công đoạn chế tác nghĩa là hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý được công nhận có xuất xứ của nước thực hiện gia công hoặc chế biến cuối cùng nếu các sản phẩm làm ra tại nước đó không thuộc các thao tác đơn giản. Vì vậy, cần phải có văn bản quy định về vấn đề này và bổ sung hai cách tính theo tỷ lệ phần trăm và theo sự chuyển dịch dòng thuế. Đồng thời, cũng cần quy định vấn đề này trong một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.

 

III THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA WTO VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

1. Các quy định của WTO về thương mại dịch vụ

Trước khi WTO ra đời, phạm vi điều chỉnh của GATT 1947 chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hoá mà không bao hàm cả dịch vụ. Được đàm phán tại Vòng Urugoay, Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (Hiệp định GATS) là tập hợp đầu tiên các quy định đa phương có hiệu lực thi hành bắt buộc, điều chỉnh thương mại dịch vụ quốc tế. Các quy định này áp dụng đối với mọi loại hình dịch vụ trừ các loại dịch vụ công quyền (dịch vụ của Chính phủ) thuộc thẩm quyền điều chỉnh riêng của Chính phủ.

GATS bao gồm ba bộ phận hợp thành có liên quan chặt chẽ với nhau. Phần thứ nhất bao gồm phần khung của hiệp định chính với 29 điều, quy định các nguyên tắc nghĩa vụ chung; Phần thứ hai gồm các phụ lục về những điều đặc biệt liên quan đến một số ngành dịch vụ đặc thù; và phần thứ ba bao gồm các cam kết cụ thể của các nước về mở cửa thị trường dịch vụ. Các cam kết này được mô tả trong “ Danh mục các cam kết cụ thể” của từng nước đính kèm theo GATS.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Hiệp định GATS, “Thương mại dịch vụ” được hiểu là sự cung cấp dịch vụ:

a) Từ lãnh thổ của một nước Thành viên này đến lãnh thổ của bất kỳ một nước Thành viên nào khác;

b) Trên lãnh thổ của một Thành viên này cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác;

c) Bởi một người cung cấp dịch vụ của một Thành viên này thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bất kỳ Thành viên nào khác;

d) Bởi một người cung cấp dịch vụ của một Thành viên này thông qua sự hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của bất kỳ Thành viên nào khác[15].

“Dịch vụ” ở đây phải được hiểu là bất kỳ dịch vụ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung cấp trong thực thi thẩm quyền của Chính phủ, tức mọi dịch vụ trừ các dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp dịch vụ (Khoản 3. Điều 1 của GATS). Ban Thư ký WTO đã chia các hoạt động dịch vụ thành 12 nhóm ngành gồm: dịch vụ kinh doanh (kể cả dịch vụ chuyên môn và máy tính); dịch vụ viễn thông; dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ phân phối; dịch vụ giáo dục; dịch vụ môi trường; dịch vụ tài chính (bảo hiểm và ngân hàng); dịch vụ y tế; dịch vụ du lịch; dịch vụ thể thao, văn hoá và giải trí; dịch vụ vận tải; các dịch vụ  khác[16]. Mười hai nhóm ngành dịch vụ này được phân thành  155 ngành dịch vụ tương ứng với mã số ngành dịch vụ trong Phân loại các sản phẩm chính của Liên Hợp quốc (CPC).

Việc Hiệp định GATS đưa ra bốn phương thức cung cấp dịch vụ như nêu trên là do bản chất khác biệt của dịch vụ và thực tiễn cung cấp dịch vụ.

Không như giao dịch thương mại hàng hoá quốc tế đòi hỏi dịch chuyển hàng hoá qua biên giới, dịch vụ được cung cấp trên phạm vi quốc tế theo một hoặc kết hợp với 4 phương thức nêu trên.

Trong "Danh mục cam kết cụ thể" của các nước, thường đưa ra các cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia với từng ngành, phân ngành dịch vụ ở 4 phương thức này với tên gọi là: Mode 1 (Cung cấp qua biên giới) tức là các dịch vụ được thực hiện từ lãnh thổ của một nước thành viên này sang lãnh thổ của một nước thành viên khác như việc chuyển các thông tin hay tư vấn bằng fax hoặc email; Mode 2 (Tiêu  dùng ở nước ngoài) tức là những dịch vụ được các công dân của một nước thành viên này tiêu dùng trên lãnh thổ một nước thành viên khác nơi dịch vụ được cung cấp như đi du lịch; Mode 3 (Hiện diện thương mại) tức là người cung cấp dịch vụ di chuyển qua biên giới để thành lập hiện diện thương mại của mình ở nước ngoài như chi nhánh, liên doanh, văn phòng đại điện... để cung cấp dịch vụ; Mode 4 hiện diện thể nhân) tức là sự di chuyển tạm thời của thể nhân sang một nước khác để cung cấp dịch vụ như một chuyên gia sang nước ngoài cung cấp dịch vụ đào tạo cho một khoá học ngắn hạn.

Mục tiêu chính của việc định nghĩa cung cấp dịch vụ theo các phương thức trên là để tạo thuận lợi cho việc xác định các quy tắc có ảnh hưởng đến các phương thức cung cấp này.

1.1 Các tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá thực trạng pháp luật dịch vụ Việt Nam

Các nghĩa vụ theo Hiệp định GATS là các tiêu chí cơ bản cần dùng để đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam.

Do những đặc điểm khác biệt của thương mại dịch vụ mà có thể chia các nghĩa vụ theo Hiệp định GATS thành 2 nhóm: các nghĩa vụ chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ; và các nghĩa vụ có điều kiện, chỉ áp dụng cho các ngành, phân ngành dịch vụ được nêu tại các cam kết cụ thể trong "Danh mục các cam kết cụ thể" của quốc gia.

Thứ nhất, các nghĩa vụ chung

Nghĩa vụ về Đối xử tối huế quốc

Tương tự như nguyên tắc MFN trong thương mại hàng hoá, Hiệp định GATS cũng bắt buộc các nước phải áp dụng nguyên tắc MFN trong thương mại dịch vụ bằng cách dành cho các nước khác sự “đối xử không kém phần ưu đãi hơn sự đối xử mà một nước dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ nước nào khác” (Điều II). Tuy nhiên, Hiệp định GATS cũng thừa nhận không phải tất cả các nước đều có thể đảm nhận nghĩa vụ ngay. Do đó, Điều II:2 của Hiệp định GATS quy định một nước có thể duy trì các biện pháp trái với nguyên tắc này trong thời gian 10 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực. Tuy nhiên, những loại trừ này chỉ có tính chất tạm thời và sau 5 năm áp dụng phải được rà soát lại theo định kỳ và sau 10 năm phải được huỷ bỏ. Cách thức áp dụng ngoại lệ này được mô tả trong Danh mục miễn trừ MFN của từng nước, nêu rõ những nước nào được hưởng chế độ ưu đãi hơn và chỉ rõ thời gian ưu đãi. Đối với những ngành dịch vụ còn tiếp tục phải đàm phán sau vòng Urugoay, thì các nước có thể đòi được áp dụng ngoại lệ đối với nguyên tắc MFN trong khi đàm phán (GATS, Phụ lục của Điều II về các ngoại lệ). Các nước gia nhập WTO trong tương lai cũng sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất như các nước đã tham gia vòng đàm phán Uruguay để áp dụng các ngoại lệ MFN và phải đàm phán các ngoại lệ MFN như một phần trong đàm phán các cam kết cụ thể của họ. (Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khả năng đàm phán để có thể áp dụng nguyên tắc này rất hạn chế vì trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.,ta đã không duy trì một ngoại lệ MFN nào cả).

Minh bạch, công khai

Minh bạch, công khai là nguyên tắc quan trọng để tiến tới tự do hoá đa phương. Các nghĩa vụ cơ bản theo nguyên tắc này là công bố. đăng tải. xuất bản và thông báo nhanh chóng các thay đổi pháp luật, duy trì các điểm hỏi đáp và tiến hành rà soát pháp lý một cách công bằng. Theo nguyên tắc này, "tất cả các biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thực hiện Hiệp định GATS" phải được công bố, đăng tải nhanh chóng và “chậm nhất là trước khi các biện pháp này có hiệu lực”. Các lĩnh vực dịch vụ của một chính phủ thuộc (các hiệp định quốc tế có liên quan hay tác động đến thương mại dịch vụ) cũng phải thông báo, công bố, đăng tải (Điều 3, khoản l). Việc công bố các quy định này có thể diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào, bằng bất kỳ biện pháp nào và cũng được áp dụng cho tất cả những biện pháp do chính quyền cấp địa phương hay cấp vùng đưa ra. Đồng thời, Hiệp định GATS cũng yêu cầu các nước thành viên thiết lập một hoặc nhiều điểm giải đáp thắc mác để các thành viên khác có thể thu được các thông tin về pháp luật và các quy định ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong những ngành mà các nước này quan tâm (Khoản 4, Điều 3)

Công nhận đối vơí các tiêu chuẩn đối  với nhà cung cấp dịch vụ

Các công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ phải có chứng chỉ. giấy phép kinh doanh. Các nhà cung cấp dịch vụ thường gặp khó khăn để có giấy phép vì các yêu cầu theo luật định về năng lực học vấn và kinh nghiệm rất khác nhau. Để khắc phục khó khăn này, Hiệp định GATS khuyến khích những nước thành viên ký kí các hiệp định song phương hoặc đa phương nhằm công nhận lẫn nhau các tiêu chuẩn cần có để được cấp giấy phép (Khoản 1, Điều 7). Hiệp định GATS cũng quy định các hệ thống công nhận lẫn nhau phải được để ngỏ, mở ra cho các thành viên khác cùng tham gia miễn là họ chứng minh được các yêu cầu và tiêu chuẩn trong nước phù hợp với các hệ thống này (Khoản 2, Điều 7).

Các quy định về độc quyền và hạn chế cạnh tranh

Các ngành dịch vụ thường thể hiện sức mạnh độc quyền của mình trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đôi khi các chính phủ cũng dành một số đặc quyền cung cấp dịch vụ cho một số lượng nhỏ nhà cung cấp dịch vụ nhất định. GATS yêu cầu trong các trường hợp này, các thành viên có nghĩa vụ đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ không lạm dụng độc quyền hoặc các đặc quyền dành cho họ hoặc hành động theo cách thức trái với các nghĩa vụ chung và riêng của họ theo Hiệp định GATS (khoản 1,2, Điều 8). Hiệp định GATS còn thừa nhận các nhà cung cấp dịch vụ có thể áp dụng các biện pháp có thể có tác động bóp méo cạnh tranh và hạn chế thương mại. Khi điều này xảy ra thì các nước thành viên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu tham vấn với nước thành viên nơi người cung cấp dịch vụ đặt trụ sở nhằm xoá bỏ những hành vi như vậy (Điều 9).

Thứ hai, các nghĩa vụ khác trong Hiệp định GATS

Bên cạnh những nghĩa vụ chung, Hiệp định GATS cũng đưa ra một số nghĩa vụ bổ sung nhằm hỗ trợ cho quá trình tự do hoá thương mại dịch vụ. Hiệp định GATS yêu cầu các thành viên phải cho phép thanh toán và chuyển tiền khi cho phép tiếp cận thị trường (Điều 11,12), hoặc khi cho phép các thể nhân cung cấp dịch vụ được có mặt tạm thời tại thị trường. Hiệp định GATS cũng có quy định cho phép các nước thành viên áp dụng những biện pháp ngoại lệ chung vì mục tiêu chính sách công hợp lý (Điều 14). Tuy nhiên, Hiệp định GATS yêu cầu các thành viên áp dụng các biện pháp đó sau khi đã kiểm tra tính cân xứng của việc áp dụng chúng.

1.2. Các tiêu chí bổ sung có thể cân nhắc để dùng đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật về thương mại dịch vụ của Việt Nam

Các nghĩa vụ theo các cam kết cụ thể, là các tiêu chí bổ sung có thể cân nhắc để dùng làm tiêu chí đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật về thương mại dịch vụ của Việt Nam

Điều 6 của Hiệp định GATS đưa ra các quy tắc đảm bảo các biện pháp trong nước được xây dựng một cách hợp lý, khách quan và công bằng. Những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được quyền khiếu nại các quyết định hành chính và phải được thông báo lý do đơn xin cấp phép của họ bị từ chối. Khi việc cung cấp một dịch vụ chỉ được tiến hành trên cơ sở giấy phép thì đơn xin cấp giấy phép phải được xem xét trong khoảng thời gian hợp lý kể từ khi nhận được đơn xin ( Điều 6, khoản 3). Đặc biệt, “những yêu cầu và thủ tục về khả năng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cấp phép” không được phép “tạo ra những hàng rào không cần thiết đối với thương mại dịch vụ” (Điều 6, khoản 4).

Các nghĩa vụ trong Hiệp định GATS theo các cam kết cụ thể được thể hiện rõ qua các quy định về Đối xử quốc gia và Tiếp cận thị trường.

Nghĩa vụ về Đối xử quốc gia:

Do đặc điểm của thương mại dịch vụ nên nguyên tắc Đãi ngộ quốc gia (NT) trong Hiệp định GATS khác với nguyên tắc NT trong Hiệp định GATT. Trong thương mại dịch vụ, các nước không đánh thuế nhập khẩu dịch vụ, do đó việc áp dụng chung các quy định trong nước cho cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và ngoài nước có thể gây nên tổn thất nghiêm trọng cho các ngành dịch vụ được bảo hộ trong nước. Vì vậy, Hiệp định GATS quy định việc áp dụng nguyên tắc NT trong thương mại dịch vụ sẽ được dựa trên kết quả đàm phán trong đó chỉ rõ những ngành, phân ngành và các điều kiện trong từng ngành đó mà các nước có thể sắn sàng dành sự đối xử cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài. Nguyên tắc NT chỉ ra “mỗi nước thành viên sẽ dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ một nước thành viên nào khác sự đối xử trong tất cả các biện pháp có ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ không kém ưu đãi hơn mức dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước mình” (Điều 17, khoản l). Có thể thấy NT trong Hiệp định GATS áp dụng cho cả dịch vụ nhập khẩu và nhà cung cấp dịch vụ ngay tại thị trường nội địa. So với nghĩa vụ này trong thương mại hàng hoá, hình thức đãi ngộ quốc gia của Hiệp định GATS bao hàm cả nhà cung cấp dịch vụ, mặc dù chỉ trong phạm vi một cam kết cụ thể đạt được trong quá trình đàm phán. Các chính phủ phải mô tả tất cả các điều kiện và tiêu chuẩn áp dụng NT trong Danh mục cam kết của mình. Cột Đãi ngộ quốc gia trong Danh mục cam kết cụ thể được dành để mô tả mọi hạn chế mang tính phân biệt đối xử. Các biện pháp tác động tới vấn đề tiếp cận thị trường và NT không thể tách rời nhau xếp trong cột Tiếp cận thị trường.

Tiếp cận thị trường

Trong thương mại dịch vụ, do không thể áp dụng bất kỳ một loại thức nào khi dịch vụ thâm nhập vào lãnh thổ của một quốc gia khác như thương mặt hàng hoá, do đó việc bảo hộ đối với các ngành dịch vụ nội địa được thực hiện thông qua các quy định của nước sở tại. Bởi vậy, nếu một nước muốn tự do hoá thương mại phải quyết định xem nên duy trì những biện pháp nào, hay sửa đổi, bổ sung những biện pháp nào cho phù hợp với các quy định của Hiệp định GATS. Những biện pháp cần được xem xét là những biện pháp có ảnh hưởng đến sự thâm nhập của các dịch vụ hoặc ngành dịch vụ nước ngoài vào thị trường nước sở lại, và những biện pháp gây ảnh hưởng đến hoạt động sau khi các nhà cung cấp dịch vụ được thâm nhập. Những biện pháp đó có thể bao gồm: 1. Các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ hoặc các dịch vụ nước ngoài; 2. Các biện pháp hạn chế nguyên tắc NT.

Đối với các biện pháp tiếp cận thị trường mà các nước tham gia đàm phán không muốn xoá bỏ hoàn toàn thì chỉ có thể duy là các hạn chế về tiếp cận thị trường như được quy định tại Điều XVI Hiệp định GATS. Ngoài ra không được áp dụng bất kỳ một hạn chế nào khác. Điều khoản tiếp cận thị trường đề cập tới 4 phương thức cung cấp dịch vụ và quy định một Thành viên sẽ dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ một nước Thành viên nào khác sự đối xử không kém ưu đãi hơn mức đã quy định trong các điều khoản, điều kiện và hạn chế đã nhất trí và đã được ghi rõ trong Danh mục cam kết của nước đó. Các hạn chế về tiếp cận thị trường được nêu tại Điều XVI bao gồm: Các hạn chế về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ; các hạn chế về tổng giá trị các giao dịch dịch vụ hoặc tài sản; các hạn chế về tổng số lần giao dịch dịch vụ hoặc tổng số lượng sản phẩm dịch vụ; các hạn chế về tổng số tự nhiên nhân có thể được tuyển dụng trong một khu vực cụ thể hoặc số lượng tự nhiên nhân mà nhà cung cấp dịch vụ được thuê. Một nước sẽ được coi là cho phép tiếp cận thị trường hoàn toàn nếu như không đàm phán quyền được áp dụng bất kỳ một hạn chế nào nêu trên.

Như đã nêu ở trên, các nghĩa vụ về thương mại dịch vụ trong WTO không chỉ đơn thuần là các quy định được nêu trong Hiệp định GATS và các Phụ lục kèm theo, mà còn thể hiện ở "Danh mục cam kết cụ thể" của các nước thành viên. Nghĩa vụ của một nước áp dụng được ghi trong lịch trình thực hiện các cam kết tham gia Hiệp định GATS của nước đó. Mỗi Danh mục được chia thành hai phần: các cam kết nền chung và các cam kết theo ngành.

Các cam kết nền chung được áp dụng cho toàn bộ các lĩnh vực dịch vụ. Các cam kết theo ngành là các cam kết chỉ áp dụng cho một ngành hoặc phân ngành dịch vụ cụ thể có kết hợp với các cam kết nền chung. Việc thực hiện Danh mục cam kết thể hiện mức độ cam kết mà một nước đã chấp nhận. Những cam kết này được liệt kê riêng rẽ theo 4 phương thức cung cấp thương mại dịch vụ quốc tế. Tuy nhiên, để có thể hiểu đúng bản chất mức độ các cam kết được đưa ra cần phải xem xét chúng dựa trên toàn bộ luật lệ và quy định áp dụng cho dịch vụ của những nước đưa ra cam kết, vì trên thực tế, trong một số trường hợp, cam kết có thể chỉ là khẳng định lại hoặc cam kết hiện trạng. Trong một số trường hợp khác thì cam kết đó có thể đưa tới việc chấp nhận những nghĩa vụ mới.

1.3. Các ngoại lệ của Hiệp định GATS đối với các nghĩa vụ cần được coi là tiêu chí dùng để đánh giá

Thứ nhất, các ngoại lệ chung

Có những ngoại lệ tại Điều XIV của Hiệp định GATS cho phép các nước được thông qua các biện pháp không phù hợp với một nghĩa vụ trong chừng mực các biện pháp này không là các hạn chế thương mại dịch vụ: " (a) cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng hay duy trì trật tự công cộng; (b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ người và động thực vật; [hay] (c) cần thiết để có được sự tuân thủ pháp luật phù hợp với các quy định của Hiệp định này... " .

Thứ hai, các ngoại lệ về an ninh

Điều XIV của Hiệp định GATS cho phép Thành viên được giữ bí mặt các thông tin hay tiến hành các hành vi cần thiết để bảo vệ các quyền lợi an ninh thiết yếu của mình.

Thứ ba, các biện pháp tự vệ đối với cán cân thanh toán

Các Thành viên có một sự lựa chọn tại Công ước về viễn thông quốc tế và Điều XXII của Hiệp định GATS để sử dụng ngoại lệ về cán cân thanh toán, cho phép các Thành viên được dừng thực hiện các nghĩa vụ về dịch vụ viễn thông của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ được sử dụng trong những điều kiện đặc biệt theo các chỉ dẫn tương đối nghiêm ngặt của WTO và IMF.

 

2. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí của WTO về thương mại dịch vụ

Kết quả đối chiếu, so sánh và phân tích đánh giá các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí đã trình bày ở phần 3.1 của Báo cáo này cho thấy Việt Nam có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao (Luât, Pháp lệnh) điều chỉnh các nhóm ngành dịch vụ cụ thể khác nhau. Có thể nói, trong một số nhóm ngành dịch vụ theo quy định của WTO. Việt Nam đã có cả một hệ thống pháp luật đồ sộ liên quan để điều chỉnh các hoạt động đặc thù. Chẳng hạn, nhóm các dịch vụ kinh doanh có một loạt luật, pháp lệnh như Luật Kế toán, Luật Xây dựng, Pháp lệnh Quảng cáo.... nhóm các dịch vụ thông tin liên lạc có Pháp lệnh Bưu chính viễn thông, nhóm dịch vụ tài chính thì có Luật các tổ chức tín dụng. Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhóm dịch vụ du lịch và lữ hành có Pháp lệnh Du lịch, nhóm dịch vụ vận tải có Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Luật hàng hải. Bộ phận pháp luật Việt Nam ở đây cơ bản là tốt, đáp ứng các yêu cầu của WTO về thương mại dịch vụ, góp phần đưa các hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam hoà nhập với thương mại dịch vụ quốc tế. Khung pháp luật này đã bước đầu và đóng góp phần đáng kể của mình sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự phát triển đa dạng các ngành thương mại dịch vụ nước ta theo xu hướng ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn và pháp luật thương mại dịch vụ quốc tế. Tuy vây, pháp luật Việt Nam ở phần này vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, một số quy định Việt Nam chưa có hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng.

2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các nghĩa vụ theo Hiệp định GATS

Thứ nhất, về các nghĩa vụ chung

- Việt Nam đã có Pháp lệnh ngày 25/05/2002 quy định về nguyên tắc Đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) và Đãi ngộ quốc gia (NT) trong quan hệ thương mại dịch vụ quốc tế. Những quy định của Pháp lệnh đó đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, phù hợp với quy định của WTO. Tuy vậy, vẫn còn một số quy định của Pháp lệnh chưa đủ rõ ràng để áp dụng cho các quan hệ thương mại dịch vụ cụ thể có yếu tố nước ngoài trong từng lĩnh vực khác nhau. Trong một số ngành dịch vụ, nghĩa vụ về MFN, NT lại do luật chuyên ngành quy định, có những luật chưa thừa nhận NT trong quan hệ thương mại dịch vụ cụ thể, do đó đã làm phát sinh cái gọi là "xung đột nội địa" gây chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

- Yêu cầu về minh bạch, công khai đã được xử lý tốt nhờ có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2002, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004. Các quy định về công nhận các tiêu chuẩn đối với các nhà cung cấp dịch vụ, các quy định về độc quyền và hạn chế cạnh tranh đang từng bước được xử lý từ hơn. Luật về Cạnh tranh được ban hành năm 2004 đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu của WTO.

Thứ hai, về các nghĩa vụ khác trong Hiệp định GATS

Pháp luật Việt Nam cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của WTO.

2.2. Về các nghĩa vụ theo cam kết cụ thể

Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán với các thành viên WTO nên phần này chưa thể đối chiếu cụ thể được. Tuy nhiên, cũng có thể nêu một số nhận xét sau :

Thứ nhất, về quan niệm “thương mại dịch vụ” nói chung

Cho đến nay, mặc dù Việt Nam là thành viên của ASEAN, APEC và đã ký BTA với Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam chưa có một quy định chung về thương mại dịch vụ như đã được ASEAN, BTA và WTO quy định và được nhiều nước trên thế giới thừa nhận rộng rãi.

Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có sự phân loại dịch vụ theo mã số CPC hoặc PCPC của Liên Hợp Quốc như đã được ASEAN, APEC, WTO hoặc BTA (Phụ lục G) sử dụng. Do không sử dụng sự phân loại đó của Liên Hơp quốc nên hàng loạt ngành nghề thương mại dịch vụ được các nước thừa nhận phát triển thì ở Việl Nam chưa được quy định hoặc chưa được thừa nhận và làm cho việc thống kê thương mại không tuân theo các quy định chung được.

Thứ hai, về các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường thương mại dịch

Như trên đã trình bày, nhiều ngành thương mại dịch vụ thuộc loại "nhạy cảm cao", cần có sự hạn chế tiếp cận thị trường đối với các chủ thể bên ngoài. Xem xét các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam cho thấy, các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường trong pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài cơ bản chưa được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa phân loại dịch vụ theo CPC/PCPC của Liên Hợp Quốc, chế độ đãi ngộ tối thiểu (MFN, NT) theo Luật quốc tế, phương thức cung cấp dịch vụ theo GATS/WTO, các hạn của về số lượng nhà cung cấp dịch vụ , về tổng giá trị các giao dịch hay tài sản nhu cầu đầu vào, tổng số các giao dịch dịch vụ hoặc tổng số lượng đầu ra, tổng số thể nhân có thể được thuê trong một lĩnh vực dịch vụ cụ thể hay một nhà cung cấp dịch vụ cụ thể theo GATS/WTO. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có quy định nào về nguyên tắc nhằm xác định các lộ trình mở cửa trong thương mại dịch vụ quốc tế cụ thể của mình. Chính vì vậy mà các quy định pháp luật của Việt Nam về vấn đề này trở nên không rõ ràng, khó xác định trước các rủi ro có thể phát sinh cho các bên trong thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, về một số dịch vụ cụ thể

Có thể thấy nhiều dịch vụ thuộc ngành địch vụ kinh doanh đã được pháp luật Việl Nam điều chỉnh ở các mức độ khác nhau, phù hợp với xu hưởng vận động chung của thực tiền pháp luật thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài ở các nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều lĩnh vực dịch vụ dã có đưa vào Bảng cam kết dịch vụ của Việt Nam tại Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa có văn bản pháp luật điền chỉnh thống nhất như dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính, dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường hoặc chỉ được quy định lẻ tẻ, tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, dịch vụ lại là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, các cam kết đưa ra rất phức tạp về mặt kỹ thuật do đó việc có thể hiểu được cặn kẽ và chính xác nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện gặp không ít khó khăn. Hơn thế nữa, các quy định này lại không theo cách phân loại dịch vụ của Bảng phần loại dịch vụ PCPC do đó việc sửa đồi, bổ sung ban hành mới các văn bản điều chỉnh thống nhất các lĩnh vực dịch vụ này cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ về dịch vụ tư vấn thuế. Việc tư vấn thuế hiện nay do các công ty kiểm toán cung cấp theo Nghị định số 07/CP ngày 29/01/1994. Do ban hành đã khá lâu, nên ở đây có tình trạng không rõ rang, công ty kiểm toán tiến hành luôn dịch vụ tư vấn thuế. Người ta lo lắng về tính khách quan của công ty kiểm toán trong thực hiện hoạt động địch vụ kép này. Hoặc, hoạt động quảng cáo lại có thể được tiến hành dưới sự kiểm soát của Bộ Thương mại theo Luật Thương mại, hoặc chịu sự kiểm soát của Bộ Văn hoá - thông tin (nêu là quảng cáo văn hoá) hoặc Bộ Y tế (nếu liên quan đến tân dược). Hoạt động dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường chưa được mở ra cho các tổ chức, cá nhân tư nhân nước ngoài tiến hành. Hoạt động dịch vụ tư vấn quản lý chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Về dịch vụ thông tin liên lạc, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã mở ra cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhạy cảm này. Pháp lệnh bưu chính viễn thông năm 2002 đã theo sát với tình hình phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài của các nước trong khu vực.

Về dịch vụ phân  phối, kể cả bán lẻ, bán buôn và đại lý mượn danh, nhìn chung Nhà nước chưa quản lý chặt như một số nước, chưa có quy định cho độ đãi ngộ tối thiểu đối với loại ngành nghề dịch vụ nhạy cảm này. Đặc biệt, Nhà nước chưa xác định rõ mức độ hạn chế đối với việc bán lẻ, bán buôn của tổ chức, cá nhất nước ngoài tại Việt Nam .

Về dịch và tài chính, ngân hàng, Việt Nam đã có Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng, các văn bản quy định về chứng khoán, quản lý tài sản... Các quy định này về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu của phát triển quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Tuy nhiên, trong Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, ta đã có những cam kết trong một số tiểu phân ngành dịch vụ mà những dịch vụ này chưa có văn bản điều chỉnh như các dịch vụ cung cấp thông tin về tài chính; dịch vụ tín dụng cầm cố; nghiệp vụ Factoring; về nghiệp vụ môi giới tiền tệ.

Về các dịch vụ khác như dịch vụ giáo dục, dịch vụ môi trường, dịch vụ sức khoẻ, dịch vụ xã hội, dịch vụ du lịch, dịch vụ giải trí, dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác, pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yếu tố do thương mại dịch vụ quốc tế đặt ra. Vấn đề là làm sao để đàm phán mở cửa thị trường thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài trong mức độ mà pháp luật và thực tiễn Việt Nam cho phép.

Tóm lại, các kết quả nghiên cứu vấn đề này cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ cơ bản là tốt, nhiều quy định của Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của WTO. Một số yêu cầu của WTO trong lĩnh vực thương mại dịch vụ đã được đưa vào pháp luật Việt Nam khá sớm theo yêu cầu phát triển nội tại của Việt Nam và được cụ thể hoá trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan đó là thương mại dịch vụ là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan nhiều đến cuộc sống của người dân Việt Nam, liên quan đến an ninh quốc phòng và lợi ích quốc gia thiết yếu. Một số quy định của pháp luật Việt Nam vẫn chưa đủ rõ ràng để giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ thành viên WTO. Việc nghiên cứu để hoàn thiện phần pháp luật Việt Nam này là cần thiết.

 

IV. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN HIỆP ĐỊNH WTO VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1. Các quy định của WTO về sở hữu trí tuệ

- Không giống các hiệp định đa phương về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong pháp luật thương mại quốc tế, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ không quy định đầy đủ các quyền của chủ sở hữu (bao gồm quyền kinh tế và quyền tinh thần), mà chỉ quy định về việc bảo hộ các quyền kinh tế của chủ sở hữu. Chính vì vậy, sau vòng đàm phán Urugoay, trong hệ thống các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có một hiệp định riêng với tên gọi hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS). Hiệp định TRIPS chỉ quy định về các vấn đề có liên quan đến tính thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, khi xem xét đến tính thương mại của quyền sở hữu trí tuệ thì Hiệp định TRIPS có thể được xem như là chuẩn mực chung.

- Hiệp định TRIPS được chia thành 7 phần, phần I về Các điều khoản chung và các nguyên tắc cơ bản; phần II là Các tiêu chuẩn về việc xác lập, phạm vi và sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ; phần III về Thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phần IV về Thủ tục để hưởng và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ và thủ tục khác theo yêu cầu của các bên liên quan; phần V về Ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp; phần VI là Các quy định chuyển tiếp; phần VII là Các thoả thuận về thể chế, điều khoản cuối cùng.

1.1. Các tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ

Thứ nhất, tiêu chí trước tiên của Hiệp định TRIPS đó là nguyên tắc đãi ngộ quốc gia và đãi ngộ tối huệ quốc. Việc áp dụng hai nguyên tắc này nhằm đảm bảo không có sự phân biệt đối xử trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân của các quốc gia Thành viên. Ngoài ra, Phấn thứ nhất của hiệp định còn có yêu cầu các quốc gia thành viên ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước hoặc các biện pháp cần thiết của các quốc gia trong lĩnh vực sờ hữu trí tuệ phải phù hợp với Hiệp định TRIPS

Thứ hai, các tiêu chí liên quan đến xác lập, phạm vi và sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ được chia thành 8 nội dung: quyền tác giả và các quyền kề cận; thương hiệu; chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; thiết kế bố trí mạch tích hợp; bảo vệ thông tin bí mật; kiểm soát các hoạt động chống cạnh tranh trong hợp đồng li xăng. Trong các nội dung này quy định rất rõ các đối tượng dược bảo hộ theo hiệp định TRIPS. Tuy vậy, phần này chủ yếu chỉ đặt ra các yêu cầu trong việc bảo hộ lợi ích thương mại của các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Đối với mỗi loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ TRIPS đều chủ yếu dựa trên các tiêu chí đã dược thiết lập trong các hiệp định riêng của WIPO về từng loại đối tượng cụ thể.

Điểm khác biệt của Hiệp định TRIPS là ở chỗ TRIPS không ấn định một chuẩn mực cụ thể buộc các Thành viên phải tuân theo. Thay vào đó, TRIPS đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở mức “sàn” như vậy, các quốc gia phải xây dựng pháp luật của mình trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ít nhất phải bằng tiêu chuẩn đã được đưa ra trong T'RIPS. Điều đó có nghĩa là các quốc gia có thể bảo hộ cao hơn các yêu cầu trong TRIPS. Ví dụ như thời hạn bảo hộ sáng chế trong TRIPS là 20 năm, như vậy đối với Hoa Kỳ trước đây chỉ bảo hộ văn bằng sáng chế trong 17 năm thì sau khi hiệp định WTO có hiệu lực đã phải nâng thời hạn bảo hộ này lên 20 năm.  

TRIPS là một hiệp định mới trong khuôn khổ của GATT/WTO quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua hai cách. Thứ nhất đó là việc thiết lập nên các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai đó là các thủ tục pháp lý thông qua đó những người nắm giữ quyền có thể bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Việc đưa quyền sở hữu trí tuệ vào các cuộc đàm phán của thương mại thế giới mới được bắt đầu từ đầu những năm 1980 mà trong đó Mỹ là một thành viên tích cực. Hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ không những được đưa vào trong các điều ước quốc tế đa phương, mà cả trong các điều ước quốc tế song phương với những yêu cầu rất chặt chẽ đối với việc bảo hộ quyền này. Những yêu cầu này có thể chia làm hai nhóm. Thứ nhất là các yêu cầu về mặt pháp lý, theo đó các quy gia cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hữu hiệu, đồng thời phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Yêu cầu thứ hai là việc các quốc gia phải có một hệ thống các cơ quan cẩn thiết để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.  

1.2. Các tiêu chí về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Việc thực thi quyền sở hữu tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phần thứ III của Hiệp định TRIPS đặt ra những yêu cầu sau đây đối với các Thành viên trong thể chế hoá các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Hiệp định này nhưng không được trở thành rào cản đối với các hoạt động thương mại.

Thứ nhất, các quốc gia phải bảo đảm được những yêu cầu chung như:

- Cho phép khả năng khiếu kiện có hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm;

- Có thể được áp dụng các chế tài khẩn cấp để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm, các chế tài nhằm cản trở hành vi xam phạm tiếp theo;

- Cho phép các bên tranh chấp có thể yêu cầu cơ quan xét xử xem xét lại quyết định hành chính cuối cùng.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này phải “đúng đắn", "công bằng", các thủ tục “không được phức tạp hoặc tốn kém không cần thiết" ... Các Thành viên phải có một hệ thống cơ quan đảm bảo ngăn chặn các hành vi xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, bồi thường thiệt hại, áp dụng các biện pháp tạm thời cũng như áp dụng các biện pháp cường chế.

Thứ hai, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu tuân thủ theo các thủ tục dân sự.

Các quy định từ Điều 42 đến Điều 48 hiệp định TRIPS quy định rất chi tiết về các thủ tục dân sự trong đó bao gồm việc cung cấp chứng cứ, kể cả các chứng cứ đang do bị đơn nắm giữ. Ngoài ra, cùng với việc cho phép cơ quan tư pháp buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, hiệp định TRIPS cũng yêu cầu phải có quy định buộc nguyên đơn bồi thường cho bị đơn trong trường hợp người này lạm dụng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà gây la thiệt hại cho bị đơn, kể cả chi phí luật sư.

Điều 49 Hiệp định TRIPS cho phép áp dụng các thủ lục hành chính trong một số trường hợp, với điều kiện là các thủ tục đó phải cơ bản phù hợp với các nguyên tắc được quy định trong mục 2 của Phần III. Như vậy, trong một số trường hợp các thủ tục hành chính có thể được áp dụng thay thế các thủ tục dân sự. Kèm theo điều kiện này, Hiệp định TRIPS cũng yêu cầu các quốc gia thiết lập một cơ chế cho phép toà án xem xét lại các quyết định hành chính .

Để đảm bảo giảm tối đa các thiệt hại có thề xảy ra, bảo vệ các chứng cứ khỏi nguy cơ bị thủ tiêu, Điều 50 Hiệp định TRIPS yêu cần phải cho phép các cơ quan tư pháp có quyền ban hành lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời. Đây là một việc làm rất khó đòi hỏi thẩm phán phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bởi vì việc áp dụng các biện pháp tạm thời này phải dựa trên cơ sở đánh giá được chính xác khả năng thiệt hại mà việc xâm hại quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ra. Trên thực tế tại một số nước, các biện pháp tạm thời này thường được áp dụng đối với các vụ xâm hại nhãn hiệu hàng hoá và bản quyền, còn đối với các vụ về xâm hại quyền sáng chế thì đòi hỏi thẩm phán phải có trình độ cao về kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm.

Thứ ba, các biện pháp kiểm soát tại biên giới.

Các biện pháp kiểm soát tại biên giới chỉ áp dụng đối với các hàng hoá nhập khẩu vi phạm bản quyền hay mang nhãn hiệu giả mạo. Cũng vì vậy các thủ tục quy định trong phần này tương đối đơn giản, nhưng kèm theo nó là một yêu cầu căn bản theo đó các nước Thành viên không được lạm dụng các biện pháp này để gây cản trở thương mại. Chính vì vậy Điều 53 Hiệp định TRIPS yêu cầu nguyên đơn cần phải có một khoản đảm bảo hoặc bảo chứng khi họ có yêu cầu.

Thứ tư, việc áp dụng các chế tài hình sự.

Trong Điều 61 Hiệp định TRIPS chỉ giới hạn việc áp dụng các thủ tục hình sự đối với vi phạm bản quyền hay giả mạo thương nhãn nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên điều này không hạn chế việc các quốc gia được quyền quy định áp dụng các thủ tục hình sự đối với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khác. Điều quy định trên gián tiếp công nhận một thực tế là trong nhiều trường hợp và ở nhiều quốc gia việc áp đụng các thủ tục hình sự đôi khi lại có hiệu quả hơn việc áp dụng các thủ tục dân sự.

Thứ năm, các phần tiếp theo của Hiệp định TRIPS tiếp tục quy định các nghĩa vụ đối của các Thành viên trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việc quy định các nghĩa vụ này nhằm góp phần đảm bảo việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được minh bạch, đồng bộ. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng yêu cầu các nước phát triển có nghĩa vụ hỗ trợ các nước đang phát triển, chậm phát triển về kỹ thuật và tài chính để đảm bảo hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

2. Đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam theo các tiêu chí của WTO về sở hữu trí tuệ

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức đang dần được định hình, thì quyền sở hữu trí tuệ và việc bảo vệ các quyền đó đã trở thành nhiệm vụ quan trọng. Yêu cầu này đã từng bước được đáp ứng thông qua quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như thực tiễn xét xử và thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Trong pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Phần 6 Bộ luật Dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành trong đó quan trọng nhất là Nghị định 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, Nghị định số 76/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, trong Nghị định 60/CP ngày 6 tháng 6 năm 1997 Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng quy định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người nước ngoài tại Việt Nam và trong một số văn bản về mạch tích hợp, bán dẫn, về giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới và nhiều văn bản khác liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan... Cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung thì các quy định về sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang từng bước được xem xét hoàn thiện phù hợp với những quy chuẩn quốc tế.

Đến nay, theo đánh giá chung của các chuyên gia trong và ngoài nước, hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ phù hợp với các nhu cầu nội tại của đất nước cũng như yêu cầu của quá trình hợp tác quốc tế, thống nhất với các quy định của WTO, Việt Nam có thể thực thi được ngay các nghĩa vụ thành viên của Hiệp định TRIPS.

Tuy nhiên, một số quy định về cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quy định về các thủ tục tố tụng hành chính và tư pháp, kể cả các chế tài hình sự, dân sự, hành chính và các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được tiếp tục cụ thể hoá để bảo đảm tốt hơn các yêu cầu của WTO về nghĩa vụ Thành viên WTO.

2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các tiêu chí cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS.

Thứ nhất, về quyền tác giả

Về phạm vi được bảo hộ

Ngày 24/10/2004 Công ước Berm có hiệu lực đối với Việt Nam. Theo Điều 2 Công ước Berne, các tác phẩm được bảo hộ là:

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật;

2. Tác phẩm phái sinh;

3. Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của các loại văn bản nói trên;

4. Tuyển tập các tác phẩm văn học nghệ thuật;

5. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp.

Khoản 8 Điều 2 quy định sẽ không bảo hộ đối với những tin tức thời sự hay vụ việc vụ vặtt chỉ mang tính chất thông tin báo chí

Về cơ bản, pháp luật Việt nam đã đáp ứng được yêu cầu của Công ước Berne. Tuy vây, đối với “ tin tức thời sự” pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Về khái niệm “Tác phẩm đã công bố"

Hiệp định TRIPS quy định Thông tư số "tác phẩm đã công bố” là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của quần chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm".

Định nghĩa “công bố" theo Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 hướng dẫn thi hành một số điều về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự chưa thật phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS và Công ước Berne ( không dựa trên sự dịch chuyển quyền sở hữu đối tượng vật chất mang tác phẩm, không ràng buộc công bố với sự đồng ý của tác giả, không đòi hỏi số lượng bản sao như thế nào là phù hợp, không loại trừ một số hành vi có thể dẫn đến hiểu lầm là công bố. Ngoài ra, Hiệp định TRIPS cũng quy định thế nào thì không được coi là công bố, nhưng pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này.

Về các quyền liên quan

Các quyền liên quan theo quy định của Hiệp định TRIPS và các quy định của WIPO đã được quy định tại Điều 758 Bộ luật Dân sự, tuy nhiên chưa thật phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS.

Điều 14bis của Hiệp định TRIPS và các tác phẩm điện ảnh được bảo hộ như một tác phẩm nguyên tắc và người sở hữu quyền tác phẩm điện ảnh được bảo hộ như một tác phẩm nguyên tác và người sở hữu quyền tác giả trên một tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền y hệt như tác giả một tác phẩm nguyên tắc. Khoản 2 Điều 758 Bộ luật Dân sự quy định người sở hữu quyền tác giả trên tác phẩm điện ảnh không được hưởng quyền y hệt như tác giả của tác phẩm nguyên tác.

Trong Bộ luật Dân sự đã không đưa ra một định nghĩa cụ thể về quyền tác giả mà chỉ nêu rất ngắn gọn quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sang tạo.

Thứ hai, về quyền sở hữu công nghiệp

Về cơ bản, các quy định pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu công nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Tuy vậy, vẫn có một số ít quy định chưa thật phù hợp với Hiệp định TRIPS, cần tiếp tục được hoàn thiện.

Về Nhãn hiệu hàng hoá

Pháp lệnh Việt Nam còn thiếu quy định về bảo hộ loại nhãn hiệu hàng hoá đặc biệt đó là nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu nổi tiếng.

Về sángchế

Quy định về các điều kiện để được cấp li-xăng không tự nguyện cơ bản phù hợp với Hiệp định TRIPS. Tuy vậy, còn 03 điều kiện cụ thể chưa được quy định rõ mặc dù trên thực tế không có khả năng bị áp dụng trái với Hiệp định TRIPS.

Về Thiết kế bố trí mạch tích hợp

Chính phủ đã ban hành quy định về thiết kế bố trí mạch ích hợp bán dẫn. Tuy vậy, cần quy định chi tiết về thủ tục xác lập quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp.

Về Thông tin bí mật (Bí mật thương mại)

Pháp luật hiện hành về bảo hộ bí mật thương mại (được gọi là bí mật kinh doanh) hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, khó áp dụng trên thực tế. Để nâng cao tính khả thi, các quy định đó cần được chi tiết hoá.

2.2. Thực trạng pháp luật Việt Nam liên quan đến các tiêu chí thực thi quyền sở hữu trí tuệ

- Về cơ bản, pháp luật Việt Nam đã có các quy định khá cụ thể và phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định TRIPS về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định như vậy được nêu trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật hình sự, Luât hải quan, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp . . ).

Pháp luật Việt Nam đã có quy định các biện pháp chế tài để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng các biện pháp chưa đủ mạnh để việc thực thi có hiệu quả, nhất là tính răn đe của các chế tài dân sự, hình sự còn thấp. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam do hệ thống các cơ quan thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu tư tuệ bao gồm hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước và hệ thống toà án, tuy nhiên, hệ thống các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực mạnh, được phân bổ dàn mỏng trong các Bộ, ngành khác nhau và đôi khi phối hợp, xử lý vấn đề không đồng bộ, thường xuyên. Theo pháp luật hiện hành thì công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được giao cho một số cơ quan của Chính phủ thực hiện như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, toà án, thanh tra khoa học, công nghệ và môi trường. Việc quản lý về quyền tác giả do Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm còn việc quản lý về quyền sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường quản lý.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ là loại tranh chấp phức tạp, nhưng lại được giao cho Toà án Nhân dân cấp huyện xét xử, đa số thẩm phán cấp huyện lại chưa được chuẩn bị kỹ về vấn đề này. Hiện nay, việc xâm hại bản quyền cũng như quyền sở hữu công nghiệp mà trong đó đặc biệt là về nhãn hiệu hàng hoá là một vấn đề rất nhức nhối thể hiện qua số lượng các vụ việc về xâm hại quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng (năm 1992 mới có 36 vụ việc thì đến năm 1997 đã lên đến 156 vụ). Cho đến nay, số lượng các vụ việc vi phạm quyền được đưa ra giải quyết tại toà án còn rất ít. Các quy định về phạt tiền chưa đủ mạnh để răn đe, dập tắt ý chí vi phạm của những kẻ đã vi phạm lần đầu. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đôi khi cũng chưa kiên quyết trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia một số các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như Công ước Pari về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Thoả ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Công ước về Thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO). Hiệp ước Hợp tác công bằng sáng chế. Ngoài ra, chúng ta cũng đã ký kết một loạt các điều ước song phương với một số nước như Thái lan, úc, Pháp, Nhật, Hoa kỳ, Thuỵ sỹ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quyền tác giả thì chúng ta mới chỉ có duy nhất Hiệp định về Thiết lập quan hệ quyền tác giả với Hoa Kỳ. Mới đây, chúng ta đã ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ. Hiệp định này đã dành hẳn một chương quy định về quyền sở hữu trí tuệ với những yêu cầu cao hơn và phạm vi rộng hơn so với TRIPS. Điều này dĩ nhiên đặt các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan lập pháp trước những thách thức to lớn. Tuy nhiên, cũng có thể coi đây là bước chuẩn bị trong quá trình gia nhập WTO.

Tóm lại, pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ cơ bản đã phù hợp với các quy định của Hiệp định TRIPS. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được cụ thể hoá. Việc điều chỉnh pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ là cần thiết nhằm giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của WTO về lĩnh vực này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN III

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP

LUẬT VIỆT NAM TRƯỚC YÊU CẦU GIA NHẬP WTO VÀ HỘI NHẬP

KINH TẾ QUỐC TẾ

 

 

I. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NGUYÊN TÁC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRƯỚC CÁC YÊU CẦU GIA NHẬP WTO VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Phương hướng chung

Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, là một bộ phận trong tổng thể đổi mới - hội nhập - phát triển và tăng trưởng bền vững, là tiền để quan trọng đảm bảo thành công công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Hội nhập và điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải được tiến hành theo chương trình, kế hoạch, trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế, với các bước đi vững chắc, không chậm trễ, không để dồn gánh nặng vào thời gian cuối của lộ trình. Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán gia nhập tổ chức WTO, bên cạnh việc đẩy mạnh hội nhập khu vực trong tổ chức ASEAN, ASEAN + Trung Quốc, ASEAN+ Nhật Bản, ASEAN + Hàn Quốc... Để thực hiện các cam kết quốc tế trong WTO và các cam kết quốc tế khác cần có giải pháp thích hợp về lý luận và thực tiễn lập pháp, lập quy theo kịp lộ trình Hội nhập kinh tế quốc tế, kể cả giải pháp điều chỉnh về mặt chiến lược hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại những tác động mạnh tới sự phát triển của hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam. Để phục vụ tốt hơn cho Hội nhập kinh tế quốc tế thì hệ thống pháp luật và tư pháp phải được phát triển phù hợp với các quy tắc chuẩn mực và yêu cầu của pháp luật thương mại quốc tế, các cam kết quốc tế giữa Việt Nam và các nước, thích ứng vớt điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Qua nghiên cứu các quy định của WTO, đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh những lĩnh vực có liên quan cho thấy trong một số lĩnh vực pháp luật Việt Nam về cơ bản là phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa phù hợp hoặc còn mâu thuẫn với quy định của các Hiệp định đa biên của WTO đòi hỏi phải được hoàn thiện.

Từ việc nghiên cứu các Hiệp định cho thấy các Hiệp định của WTO là một tổng thể các văn bản pháp luật quốc tế đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, là kết quả tổng hợp từ nhiều loại điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế mà các nước đã chấp nhận như là "luật chơi chung" của thương mại toàn cầu. Chúng ta có thể hiện được đa số nội dung yêu cầu nghĩa vụ Thành viên trong các Hiệp định WTO. Nhưng cũng có một số yêu cầu trong các Hiệp định, nhất là các yêu cầu xuất phát từ thực tiễn GATT 1947, từ các quyết định, thủ tục và từ các thông lệ mà các Bên của GATT 1947 và các cơ quan được hình thành trong khuôn khổ GATT 1947 vẫn tuân thủ, kể cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia vẫn còn là những câu hỏi chưa được giải đáp. Các yêu cầu và nội dung này đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, thậm chí cả trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ Thành viên WTO sau khi Việt Nam đã được kết nạp vào WTO. Do vậy, việc nghiên cứu các quy định của WTO cần được tiếp tục cả về bề rộng (một số vấn đề chưa được quy định trong pháp luật hoặc có quy định nhưng chưa rõ ...) và chiều sâu (cơ chế thi hành pháp luật), ngay cả sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và phải được đầu tư thích đáng. Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt nam phải được bắt đầu từ những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo như vậy.

Mặt khác, hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại nói chung là tốt đã phục vụ đắc lực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế nước ta, giúp cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng ổn định, điều kiện sống nhân dân không ngừng tăng, an ninh chính trị đất nước ồn định, góp phần thay đổi diện mạo Việt Nam trên chính trường quốc tế. Như vậy, phương hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam ở đây là chỉ cần điều chỉnh những điểm trong quy định pháp luật cụ thể của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu thực thi có hiệu quả nghĩa vụ thành viên WTO để làm cho các quy định của pháp luật Việt Nam thống nhất với nghĩa vụ thành viên theo quy định của các Hiệp định đa biên của WTO và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trên cơ sở các nguyên tắc chỉ đạo đã được định rõ trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong điều kiện mới.

2. Các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế

2.1. Quan điểm chỉ đạo việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng thống nhất với các quy định của WTO

Phải thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật là hoạt động bình thường của mọi quốc gia. Trong điều kiện quan hệ xã hội, yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế thay đổi nhanh chóng thì việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật là yêu cầu tất yếu nhằm giúp cho pháp luật trong nước đáp ứng tốt hơn các thông lệ, quy chuẩn quốc tế và thực thi tốt hơn các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam theo hướng thống nhất với các quy định của WTO cần tuân theo các quan điểm chỉ đạo phù hợp với  chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, phải quán triệt chủ trương được xác định trong văn kiện Đại hội IX của Đảng là: "Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường".

Thứ hai, phải nhận thức đầy đủ đặc điểm của nền kinh tế nước ta, từ đó có kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà ta tham gia, tranh thủ các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.

Thứ ba, phải quán triệt tinh thần hội nhập kính tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa không ít thách thức, do đó cần linh hoạt trong trong xử lý vấn đề; phải kết hợp chất chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để thực hiện yếu tố chống phá Cách mạng, chế độ Nhà nước chúng ta.

2.2. Các nguyên tắc chỉ đạo việc hoàn thiện hệ thống phán luật Việt Namtheo hướng thống nhát với các quy định của WTO

Xuất phát từ các quan điểm chỉ đạo trên, việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam theo hướng thống nhất với các quy định của WTO cần tuân theo những nguyên tắc sau đây:

a/ Những nguyên tắc chung

Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, kiên trì, bền bỉ điều chỉnh lại hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp với những nguyên tắc và chuẩn mực của hệ thống thương mại toàn cầu mà tiêu biểu là WTO, thích ứng với những điều kiện cụ thể của đất nước, có những nhượng bộ cần thiết tới mức có thể chấp nhận để hội nhập, tìm mọi biện pháp gia nhập WTO với tư cách là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi với mức độ phát triển kinh tế thấp để có các quy định pháp luật thích hợp với nghĩa vụ thành viên loại nước đó.

b/ Thừa nhận các nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu, chuyển hoá các nguyên tắc, các quy định pháp luật về kinh doanh trên thương trường quốc tế cũng như các nghĩa vụ pháp lý khác của WTO vào các văn bản pháp luật Việt Nam, dành đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), đãi ngộ quốc gia (NT) và các ưu đãi, miền trừ về thuế quan và phi thuế quan, mở cửa thị trường cho các nước thành viên WTO ở những lĩnh vực có thể được trên cơ sở cùng nhau đàm phán, thoả thuận cụ thể song phương và đa phương phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định của WTO, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thương mại của Việt Nam ở từng thời kỳ và trên cơ sở có đi có lại.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các nguyên tắc, quy định pháp luật thương mại quốc tế này được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại mà WTO điều tiết, tuy vậy cần ưu tiên thực hiện một số yêu cẩu sau đây của WTO:

Thứ nhất, thương mại không phân biết đối xử.

Thương mại thế giới phải được thực hiện một cách công bằng, không có sự phân biệt đối xử, với nội dung sau:

Các nước thành viên WTO cam kết giành cho nhau chế đô đãi ngộ tối huệ quốc (MFN)chế độ đãi ngộ quốc gia (NT). Thực tiễn Việt Nam cho thấy chế độ này ở Việt Nam thường được áp dụng khá hạn hẹp trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế liên quan. Trong quá trình hội nhập cần đã đặt ra yêu cầu mở rộng áp dụng chế độ này cho cả các lĩnh vực mà WTO điều tiết và cho cả lĩnh vực đầu tư nước ngoài mà vòng đàm phán Doha đang bàn. Pháp lệnh về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua năm 2002 là kết quả của việc thực hiện bước đi đó của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thứ hai, tự do hoá thương mại.

Xu thế chung của nhiều quốc gia là coi thương mại như là yếu tố mang tính quyết định hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó thị trường là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cộng đồng thương mại quốc tế mà đại diện là WTO luôn xác định tự do hoá thương mại là mục tiêu hang đầu phải nỗ lực thực hiện.

Trong quá trình hội nhập với WTO, nội dung cốt lõi của nguyên tắc tự do hoá thương mại trong thực tiễn được thực hiện qua việc Việt Nam tự nguyện cắt giảm dần từng bước hàng rào thuế quan và phi thuế quan, để đến một lúc nào đó trong tương lai sẽ xoá bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại, mở đường cho thương mại phát triển. Ngoài ra, tự do hoá thương mại gắn với việc dỡ bỏ các hàng rào thương mại thông qua đàm phán song phương và đa phương của Việt Nam trong khuôn khổ Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO phù hợp với pháp luật, thể lệ và khả năng cụ thể của Việt Nam.

Thứ ba, bảo hộ nền kinh tế đất nước bằng hàng rào thuế quan.

Tuy chủ trương tự do hoá thương mại, nhưng WTO vẫn thừa nhận sự cần thiết bảo hộ nền kinh tế của từng nước thành viên trên cơ sở thừa nhận thực tiễn trên thế giới có sự chênh lệnh về trình độ phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước.

Nguyên tắc bảo hộ nền kinh tế trong nước mà WTO chủ trương là bảo hộ bằng hang rào thuế quan, không ủng hộ bảo hộ bằng hang rào phi thuế quan hoặc các biện pháp hành chính.

Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO phải công bố mức thuế trần cam kết, mức thuế quan áp dụng hiện hành để cùng với các nước WTO thương lượng. Chỉ có giảm, mà không có tăng quá mức trần cam kết, nếu tăng quá thì phải bồi thường nhanh chóng, kịp thời và thoả đáng cho các nước bị thiệt hại. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải cam kết mốc thời gian thực hiện lộ trình cắt giảm dần để tiến tới mục tiêu xoá bỏ hàng rào thuế quan.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, vấn đề thuế quan là vấn đề nhạy cảm, luôn được các cơ quan Nhà nước các cấp và các doanh nghiệp, cá nhân khác nhau quan tâm. Việc cải cách pháp luật về thuế cho phù hợp với yêu cầu của WTO quả thực là vấn đề phức tạp và Việt Nam đang tiến hành có nhiều kết quả khả quan. Một bản chào thuế quan mới và một số vấn đề mới liên quan đang được xem xét cho phép Việt Nam tiến nhanh tới hội nhập với WTO về lĩnh vực này.

Thứ tư, nguyên tắc ổn định trong thương mại.

WTO chủ trương thương mại quốc tế phải được tiến hành trên cơ sở ổn đinh, rõ rang, minh bạch, công khai, không ẩn ý. Để thực hiện nguyên tắc này, WTO quy định:

a/ Các nước thành viên phải thông qua đàm phán, đưa ra các cam kết với những lộ trình thực hiện cụ thể. Tuy thừa nhận quyền của mỗi nước thành viên được đàm phán lại cam kết của mình, nhưng WTO quy định nghĩa vụ phải đền bù các thiệt hại có thể xảy ra cho các thành viên khác.

b/ Mọi chế độ, chính sách thương mại và pháp luật liên quan kinh tế, thương mại quốc tế của quốc gia phải được công bố, đăng tải công khai dễ tiếp cận cho mọi người, ổn định trong thời gian dài và có thể dự báo trước những rủi ro có thể xảy ra. Nếu quốc gia có thay đổi chính sách, pháp luật, thì phải công bố, đăng tải trước cho các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm có đủ thời gian nghiên cứu, góp ý, phản ảnh nguyện vọng của họ trước khi đưa chính sách pháp luật đã thay đổi đó ra áp dụng.

Trong quá trình đàm phán, yêu cầu này của WTO được thực hiện thông qua quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan đăng tải văn bản cũng như các vấn đề khác. Tuy vậy, công cuộc cải cách pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý mà trước tiên là vấn đề kỹ thuật chuyển hoá các quy định của WTO, các quy định khác của các điều ước quốc tế thành các quy định của pháp luật Việt Nam để thực thi và vấn đề sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành sao cho theo kịp lộ trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong điều kiện cụ thể hiện nay.

Thứ năm, nguyên tắc tăng cường cạnh tranh lành mạnh.

WTO luôn chủ trương tăng cường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong thương mại quốc tế, để cho chất lượng, giá cả quyết định vận mệnh của hàng hoá trong cạnh tranh trên thương trường; không được dùng quyền lực Nhà nước để áp đặt bóp méo tính lành mạnh, công bằng của cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Nguyên tắc này đã được Việt Nam quan tâm chú ý trong quá trình hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước, quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu. Việt Nam cũng đang gấp rút xây dựng các văn bản về chống bán phá giá, chống trợ cấp, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền và các văn bản khác liên quan.

Thứ sáu, về nguyên tắc không hạn chế số lượng hàng hoá nhân khẩu

WTO chủ trương không hạn chế số lượng hàng hoá nhập khẩu giữa các nước thành viên như đã trình bày ở phần tự do hoá thương mại nói trên.

Tuy nhiên, WTO cũng cho phép có những trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng chế độ hạn chế số lượng hàng hoá nhập khẩu (QR), khi nước đó gặp những khó khăn về cán cân thanh toán, hoặc do trình độ phát triển thấp của nền kinh tế trong nước, hoặc vì những lý do về môi trường, an ninh quốc gia. Tuy vậy, đây chỉ là những trường hợp đặc biệt, có tính chất tạm thời, cần có thời hạn cụ thể để xoá bỏ hẳn. Trong quá tình đàm phán, các yêu cầu của WTO đã được cân nhắc để sử dụng trong các quy định cụ thể của pháp luật và các cam kết quốc tế song phương, đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt Nam- hoa kỳ.

Thứ bảy, về quvền được khước từ nghĩa vu cụ thể và được tự vệ trong trường hợp khẩn cấp.

Nguyên tắc này được ghi nhận trong GATT 1994. Điều XXV của GATT 1994 cho phép trong một số trường hợp thật đặc biệt, một nước có thể khước từ việc thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ theo cam kết. Tuy vậy, đây chỉ là một quyền hết sức tạm thời và phải được 2/3 số phiếu biểu quyết tán thành. Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO còn cho phép nước thành viên áp dụng những biện pháp tự vệ trong trường hợp khẩn cấp, khi nền sản xuất trong nước bị hàng hoá nhập khẩu đe doạ làm rối loạn thị trường. Với quyền tự vệ này, mỗi nước có thể sử dụng hình thức tăng thuế nhập khẩu vượt mức trần đã cam kết hoặc áp dụng hình thức hạn cho số luợng hoặc các hình thức khác để hạn chế nhập khẩu, hỗ trợ việc sản xuất trong nước. Tuy vậy, biện pháp này chỉ có tính tạm thời và phải áp dụng bình đẳng và công khai. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh về tự vệ trong thương mại quốc tế phù hợp với quy định của WTO.

Thứ tám, nguyên tắc tôn trọng các tổ chức quốc tế khu vực

WTO là đại diện cho thương mại toàn cầu, nhưng vẫn thừa nhận những tổ chức kinh tế khu vực hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế, miễn là những tổ chức này tuân thủ nguyên tắc tự do hoá thương mại, thực hiện chính sách kinh tế mở, hướng ngoại, không co cụm, thực hiện việc loại bỏ dần hoặc giảm dần các hang rào quan thuế, phi quan thuế gây cản trở cho dòng thương mại toàn cầu. Việt Nam là thành viên của ASEAN/AFTA, ASEAN/AIA do vậy, các quy định dành riêng cho ASEAN được miễn trừ áp dụng trong quan hệ với các nước thành viên khác. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, các quy định này đã được áp dụng thích hợp.

Thứ chin, nguyên tắc dành điều kiện thuận lợi hơn cho các nước đang Phát triển và chậm phát triển.

WTO thừa nhận sự cần thiết phải dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển những điều kiện thuận lợi hơn trong thương mại quốc tế, dành cho các nước này một chế độ đãi ngộ đặc biệt và khác biệt trong thương mại quốc tế mà không yêu cầu có đi có lại trong các cam kết, giảm hoặc bỏ hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan để các nước đó có thể tham gia đầy đủ thương mại quốc tế.

Trong điều khoản “hỗ trợ khả năng" của WTO, các nước phát triển cam kết dành chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho các nước đang phát triển và chế đô ưu đãi thương mại đặc biết cho các nước chậm phát triển nhất.

Ngoài các nguyên tắc trên, GATT/WTO còn quy định cho phép thương mại hàng dệt may được tạm thời không áp dụng các nguyên tắc thông thường của WTO. Các nước có thể áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng hàng nhập khẩu bằng hạn ngạch (Quota), hoặc các biện pháp khác để bảo hộ hàng dệt may trong nước. Tuy vậy, nghiên cứu các quy định này trong điều kiện đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam hiện nay cho thấy các ưu đãi đó không còn là lợi thế của Việt Nam nữa do nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do thời hiệu của các quy định này. Chính vì vậy mà cải cách pháp luật ở Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO không thể dựa vào yếu tố này để tính toán lộ trình cải cách kinh tế và thể chế.

Như vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các yêu cầu của WTO, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế phải rất chú trọng đến việc nội luật hoá các nguyên tắc, quy chuẩn và yêu cầu của WTO, của pháp luật thương mại quốc tế phù hợp với chủ trương hội nhập với nền kinh tế thế giới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam

 

II. CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐỂ ĐÁP ỨNG CÁC CẦU CỦA WTO VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Các giải pháp tổng quát

Qua kết quả nghiên cứu của Đề tài căn cứ vào các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật để đáp ứng các yêu cầu của WTO và hội nhập kinh tế quốc tế như đã nêu trên, trên cơ sở các nghiên cứu, rà soát và đối chiếu pháp luật Việt Nam hiện hành với các yêu cầu của WTO, Báo cáo xin đưa ra một số khuyến nghị chung như sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng ở cả Trung ương và địa phương về quá trình đàm phán, gia nhập WTO của chúng ta và những cơ hội và thách thức của việc thực hiện các cam kết thành viên sau khi gia nhập để có sự phối hợp và thống nhất tư duy và hành động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân.

Việc gia nhập WTO sẽ đem lại nhiều cơ hội thuận lợi hơn nếu có tìm hiểu và chuẩn bị kỹ các điều kiện để vừa tận đụng các quyền của nước thành viên lại vừa thi hành hiệu quả các cam kết của mình. Cho tới nay chúng ta đã có nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và WTO nói riêng, nhưng hiệu quả của công tác này đang là câu hỏi qua các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế gần đây. Có lẽ Việt Nam đã đi “qua giai đoạn l” của việc thông tin, tuyên truyền có tính đại trà, chung chung và cần chuyển sang “giai đoạn 2" với các nội dung thông tin, tuyên truyền sâu hơn,được thiết kế phù hợp cho các đối tượng khác nhau để làm sao những đối tượng được nhận thông tin, tuyên truyền đều cảm thấy ý nghĩa và tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đối với chính mình.

Thứ hai, mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tựu về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong những năm gần đây và đang thực hiện các cải cách pháp luật và tư pháp, nhưng một điều chắc chắn là quy chế thành viên WTO sẽ đem lại một khối lượng công việc rất lớn trong lĩnh vực này. Do đó, ngay từ bây giờ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp cần có các bước chuẩn bị sẵn sang, đưa các vấn đề WTO vào kế hoạch hoạt động và kinh doanh. Cụ thể, đối với các cơ quan lập pháp và lập quy thì giờ đây cũng phải tính đến những khả năng, cách thức thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam trong hệ thống pháp luật trong nước (ban hành một luật thực hiện tất cả các cam kết như một số nước đã làm hay sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản như chúng ta vẫn làm, hoặc uỷ quyền cho các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện trong khi đợi sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật...). Đối với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề có liên quan tới WTO mà đang được soạn thảo, ban hành thì sẽ là thích hợp nếu chúng ta tính đến các quy định của WTO để tránh phải sửa đổi sau khi ban hành (về cách tiếp cận quy định như táê nào để vừa bảo đảm thực hiện được cam kết quốc tế lại vừa bảo đảm được lợi ích quốc gia thì cần có nghiên cứu kỹ). Một điều cần nhận thức là các quy định pháp luật mới được ban hành thực thi cam kết WTO sẽ có nhiều quy định mới (kể cả thuật ngữ, chưa từng có trong hệ thống pháp luật Việt Nam), phức tạp, có tính kỹ thuật cao đòi hỏi có những giải thích chi tiết thì mới có thể tạo được cách hiểu chung thống nhất. Chính vì vậy chúng ta cần có một dội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là các chuyên gia pháp luật thương mại quốc tế đủ khả năng giúp các cơ quan Việt Nam trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua các quy định mới này.

Thứ ba, đối với các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó toà án có vị trí quan trọng vì mọi khiếu nại hành chính đều có thể được toà án xem xét lại, do vậy việc đào tạo và bồi dưỡng kiến thức pháp luật WTO là công việc cần làm ngay. Do tính phức tạp của các quy định WTO nên bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, cần chú ý tới đội ngũ cán bộ trẻ tại toà án, những người sẽ giúp các thẩm phán trong việc tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ các vụ việc liên quan tới áp dụng các quy định pháp luật mới của WTO. Hơn nữa, việc chuyên môn hoá các công việc liên quan tới thương mại quốc tế về một toà án chuyên trách (chẳng hạn Toà Kinh tế) như nhiều nước trên thế giới đã làm là một kinh nghiệm đáng tham khảo để tập trung nguồn lực.

Thứ tư, riêng đối với doanh nghiệp thì quy chế thành viên WTO sẽ đem lại các công việc trên cả hai mặt trận: trong nước và quốc tế. Do đó việc thiếu hiểu biết đầy đủ về thể chế WTO, kể cả các cách thức bảo vệ quyền lợi của mình ở trong nước (sử đụng các biện pháp thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…) và ở nước ngoài (không bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các cơ quan nhà nước, yêu cầu các cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi, kể cả kiện ra WTO...) sẽ đặt các doanh nghiệp của chúng ta ở vị trí bất lợi trong cạnh tranh.

Thứ năm, cần đặt việc rà soát pháp luật theo quy định của WTO ở tất cả các cơ quan các cấp từ Trung ương tới địa phương thành công việc thường xuyên, liên tục và kéo dài của các cơ quan Nhà nước liên quan. Hiện tại, công việc này đang được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, nhưng có lẽ mới chỉ như một công việc có tính thời điểm, một lần. Điều quan trọng nữa là cần phải có sự gắn kết các kết quả rà soát pháp luật với quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch lập pháp và lập quy cũng như là sự gắn kết với việc soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hạn chế và loại bỏ những quy định có lời văn hay hệ quả đi ngược các quy định của WTO.

Thứ sáu, cần tính đến những cải cách về thiết chế, tổ chức lại một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động thương mại quốc tế để nâng cao hiệu quả. Đồng thời, tãng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình đàm phán gia nhập và thực hiện các cam kết WTO, cần có sự quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm tới đội ngũ chuyên gia pháp luật - những người sẽ tham gia vào soạn thảo các văn bản pháp luật trong nước, tư vấn cho Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế.

2. Các giải pháp cụ thể

2.1 Các giải pháp liên quan đến tiếnl độ hoàn thiện hệ thống pháp luật

Từ kết nghiên cứu của Đề tài và kết quả rà soát, đối chiếu đã thực hiện cho thấy số lượng văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành lướt cho đến hết năm 2007 để thống nhất với các quy định của WTO về nghĩa vụ của Thành viên theo kịp lộ trình hoàn thành thủ tục gia nhập WTO là rất lớn (xin xem chi tiết tại Phụ lục Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung ban hành mới).

Tại Phiên 9 đàm phán gia nhập WTO vừa qua, Đoàn đàm phán Việt Nam đã trình ra Ban công tác gia nhập WTO Chương trình hành động lập pháp của Việt Nam thực hiện các Hiệp định của WTO. Bên cạnh phần cập nhật danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành từ phiên trước, Chương trình hành động lập pháp của Việl Nam tại Phiên 9 đã nêu cụ thể số văn bản Luật và pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới và lộ trình dự kiến ban hành (hầu hết các văn bản nói trên trong khoảng thời giới từ 2004 - 2006) (nheo kết quả rà soát đối chiếu của giai đoạn II có rút gọn theo lựa chọn- chi tiết xin xem tại phụ lục Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung ban hành mới). Bản Chương trình hành động lập pháp này đã gây được ấn tượng tốt. Tuy nhiên, một số thành viên WTO vẫn chưa thoả mãn và yêu cầu Việt Nam điều chỉnh tại Chương trình hành động lập pháp này theo hường rút ngắn thời hạn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong Chương trình và nêu rõ cơ chế bảo đảm thực hiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đúng nội dung thời hạn cam kết.

Mặc dù Chương trình hành động lập pháp của Việt Nam trình ra Phiên 9 gây được ấn tượng tốt, nhưng vẫn chưa đáp ứng với những yêu cầu rất cao từ phía các Thành viên WTO. Nhìn chung, qua kinh nghiệm của các nước mới gia nhập có thể nhận thấy Chương trình xây dựng pháp luật theo yêu cầu của WTO phải phản ánh được tất cả các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam được ghi trong tài liệu gia nhập WTO mà trước tiên là Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Do đó. Chương trình xây dựng pháp luật trong các phiên đàm phán tiếp theo mà đặc biệt là các phần liên quan đến thương mại dịch vụ sẽ có thể vượt ra ngoài dự kiến trình bày trong danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đã được nêu trên (điều này còn tuỳ thuộc vào kết quả đàm phán).

Vì vậy để tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán gia nhập WT'O nói riêng là hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam có thể theo hướng như sau:

Thứ nhất, dành ưu tiên thời gian cho việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2005 - 2006 phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong đó trong năm 2005 cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thông qua các văn bản sau:

-    Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

-    Luật Thương mại (sửa đổi)

-    Luật Kiểm toán nhà nước

-    Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

-    Luậl Đường sắt Việt Nam

-    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục

-    Luật Dược

-    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan

-    Bộ luật Dân sự (sửa đồi)

-    Luật Đầu tư

-    Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi)

-    Luật Đu lịch

-    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

-    Luật Sở hữu trí tuệ

-    Bộ Luậl Thi hành án

-    Luật Doanh nghiệp

-    Luậl sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt

-    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo

-    Luậl về Luật sư

-    Pháp lệnh Ngoại hối

-    Pháp lệnh Đấu thầu

-    Pháp lệnh Tiêu chuẩn hoá

Thứ hai, trong trường hợp kết quả đàm phán gia nhập WTO đem lại số lượng văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hay ban hành mới khá lớn, không có đủ thời gian theo yêu cầu để soạn thảo và ban hành từng văn bản như trước đến nay vẫn làm thì kiến nghị có những giải pháp thích hợp trong điều kiện lập pháp Việt Nam để đảm bảo thực thi được các cam kết quốc tế. Giải pháp đó có thể là kết hợp với cách làm truyền thống là sửa đổi, bổ sung từng văn bản thì cần soạn thảo và ban hành một đạo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật, pháp lệnh liên quan để thực thi các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, trong đó chứa đựng đầy đủ các quy định sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và đưa ra các quy định mới, các điều khoản mới cho các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Chính phủ ban hành một Nghị định sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và ban hành mới các văn quy phạm pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ ngành, cần chủ động sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và ban hành mới các văn bản liên quan theo phương thức nói trên.

Giải pháp này bảo đảm tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm các thủ tục hành chính lập pháp, không đặt gánh nặng lên các cơ quan lập pháp, lập quy vì phải soạn thảo nhiều văn bản mà đôi khi một văn bản thực chất chỉ sửa đổi, bổ sung một vài điều khoản. Cần giao cho một cơ quan nhà nước chủ trì, nghiên cứu để có ngay các biện pháp cụ thể khi cần xử lý vấn đề này. Trong điều kiện hiện nay, cơ quan nhà nước thích hợp là Bộ Tư pháp.

2.2 Các giải pháp liên quan đến nội dung văn bản pháp luật Việt Nam

Để có thể xây dựng được một hệ thống pháp luật thống nhất với các quy định của WTO và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các liên quan đến nội dung văn bản các giải pháp liên quan đến nội dung văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có thể là:

Thứ nhất, các giải pháp trong lĩnh vực về thương mại hàng hoá

- Về các biện pháp thuế :

+ Biểu thuế

- Giải quyết mối quan hệ giữa không gian điều hành thuế suất thuế suất nhập khẩu quy định tại biểu khung do Uỷ ban thường Vụ Quốc hội ban hành và không gian điều hành thuế suất được cam kết với WTO trong khuôn khổ đàm phán gia nhập. Do hiện nay chưa có cam kết cụ thể nên có ba khả năng có thể xảy ra đối với mỗi nhóm mặt hàng (sau đây gọi mức do UBTVQH đặt ra là a, mức cam kết trong WTO là b):

(i)      a > b;

(ii)     a < b; và

(iii)    a = b

Mỗi khả năng trên gắn liền với đặc điểm pháp lý và yêu cầu điều chỉnh văn bản pháp quy. Trong trường hợp (i), khi biểu khung cao hơn biểu cam kết, dường như đã xuất hiện mâu thuẫn giữa thẩm quyền mà UBTVQH trao cho Chính phủ qua biểu khung với cam kết quốc tế. Nếu đơn giản hoá vấn đề, có thể cho rằng sẽ xuất hiện khả năng Chính phủ điều hành thuế suất cụ thể vẫn trong giới hạn biểu khung của UBTVQH, song có thể cao hơn mức đã cam kết quốc tế, có nghĩa là mâu thuẫn với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích có thể thấy rằng, các cam kết quốc tế, kể cả ràng buộc thuế quan, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì cam kết quốc tế này sẽ phải được nội luật hoá trở thành văn bản Luật, và Chính phủ cũng được yêu cầu đảm bảo việc điều hành thuế suất trong khuôn khổ cam kết này. Vì vậy, khả năng xảy ra vi phạm cam kết quốc tế chỉ có thể khi Chính phủ không được yêu cầu cụ thể về việc tuân thủ với cam kết đã được phê chuẩn.

Trong trường hợp (ii), không tồn tại mâu thuẫn giữa hai khung khổ nói trên, vì theo quy định, cam kết quốc tế có mức cao hơn quy định trên nội luật. Do vậy, sẽ tồn tại một thực tế là Chính phủ phải duy trì giới hạn không gian điều hành của mình không chỉ thấp hơn so với cam kết quốc tế mà còn thấp hơn cả mức trần của biểu khung, thể hiện mức độ tự do hoá đơn phương trên thực tế cao hơn so với mức cam kết quốc tế. Điều này phụ thuộc nhiều vào vấn đề kinh tế chính trị khi cân nhắc quyền lợi của người tiêu dùng và người sản xuất trong nước và có thể gây sức ép cho đàm phán tiếp tục mở cửa thị trường sau này. Tuy vậy, trường hợp này rất ít khi xảy ra trong thực tiễn đàm phán gia nhập WTO.

Trường hợp (iii) ít có khả năng xảy ra thông thường cam kết về thuế thường có lộ trình cắt giảm, trên cơ sở thuế suất áp dụng thực tế.

Như vậy, việc lựa chọn giải pháp pháp lý ở đây cho vấn đề thuế xuất nhập khẩu đương nhiên sẽ nghiêng về trường hợp (i), tức phải hạ các thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành của Việt Nam.

Về Biểu thuế MFN và các biểu thuế khác, về danh mục biểu thuế của Việt Nam gồm 3 loại thuế suất cơ bản, bao gồm thuế suất ưu đãi (hay thuế MFN), thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt là thống nhất với các quy định về WTO.

Trong danh mục các biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt, Chương trình CEPT/AFTA và ưu đãi thuế quan giành cho Lào được coi là vẬn dụng ngoại lệ M theo Điều XXIV của GATT, trong khi đó các Hiệp định dệt may với Hoa Kỳ và sẽ nằm ngoài diện ngoại lệ của Điều XXIV. Vì vậy, khi trở thành thành viên WTO nếu trường hợp thuế suất cam kết gia nhập WTO không thấp hơn thuế suất ưu đặc biệt thuộc Chương trình này, thì Việt Nam không cần điều chỉnh cụ thể. Nếu thuế suất cụ thể thấp hơn hoặc bằng với thuế suất theo Chương trình CEPT/AFTA thì có thể có sự điều chỉnh cần thiết theo thoả thuận vớt các thành viên ASEAN. Vấn đề này lại càng phức tạp khi Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc . . . có quan hệ điều ước ASEAN trên cơ sở điều ước quốc tế về tạo lập khu vực tự do thương mại (FTA)

- Phụ thu và chênh lệch giá - cần phải thuế quan hoá hoặc loại bỏ hết trước khi trở thành thành viên của WTO. Đây là yêu cầu không thể bỏ qua.

+ Thuế nội địa

Đối với thuế giá trị gia tăng, như đã trình bày có sự phân biệt đối xử g bông sơ chế từ bông trồng trong nước (ở mức 5%) và bông sơ cho từ nguyên liệu bông nhập khẩu (chịu thuế suất 10%).

Xét từ khía cạnh pháp luật trong nước, quy định tại luật GTGT không thời gian xoá bỏ phân biệt đối xử này. Nhưng Điều 27 có quy định về công nhận cam kết, điều ước quốc tế. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết nên sửa quy định thể về thuế suất này của Luật mà không cần điều chỉnh các quy định khác của bản Luật.

Tuy vậy, khi xem xét đến khía cạnh điều hành, việc lựa chọn mức thuế suất cụ thể nào (mức trước đây áp dụng với trong nước - mức thấp - hay mức trước áp dụng với ngoài nước - mức cao) trên thực tế vẫn đòi hỏi cần có sự nghiên cứu cụ thể.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt giải pháp ở đây cũng có tính chất tương tự giải pháp đã được đề xuất trong phần thuế GTGT, tức là chỉ chỉnh sửa các thuế suất cụ thể đảm bảo yêu cầu về không phân biệt đối xử.

Về thuế Thu nhập Doanh nghiệp đặc biệt là thuế TNDN đối với đầu tư nước ngoài, về việc đưa ra ưu đãi đầu tư trong nước hoặc nước ngoài dưới hình thức miễn giảm thuế có dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa hai loại đầu tư này, cần thống nhất vào một quy chế thuế. Mặt khác, quy định đó cũng có thể dẫn tới tình trạng trợ bị cấm hoặc bị kiện. Việc điều chỉnh các quy định về ưu đãi đầu tư để cân đối giữa hai nhóm nội dung quan trọng này cần được tính toán để đảm bảo không phân biệt đối xử và không có trợ cấp bị cấm hoặc có thể bị kiện. Việc ban hành một Luật đầu tư chung là cần thiết để xử lý vấn đề này.

- Về các biện pháp phi thuế.

+ Các biện pháp quản lý số lượng : Hiện nay trong một số văn bản pháp luật Việt Nam như đã nêu trên vẫn duy trì những hạn chế về định lượng như hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm đường tinh luyện và đường thô, cấm nhập khẩu một số mặt hàng không có trong đanh mục các mặt hàng ngoại lệ của GATT. Đối với vấn đề cấp phép được điều chỉnh bởi nhiều văn bản ở các cấp khác nhau và rất tản mạn. Những quy định không phù hợp này chủ yếu nằm trong văn bản dưới luật do Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành cần được loại bỏ cho thống nhất với các quy định của WTO.

Các quy định về cấp giấy phép: vấn đề giấy phép được quy định trong pháp luật Việt Nam trong nhiều văn bản khác nhau. Nhiều quy định đặc biệt của các Bộ, ngành dẫn đến khó khăn cho các nhà kinh doanh các mặt hàng thuộc diện kinh doanh phải có giấy phép. Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về việc cấp giấy phép trong thương mại hàng hoá quốc tế phù hợp với Hiệp định về cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy vậy, cũng cần có giải pháp để triển khai tất các quy định này trên thực tế.

+ Về giải pháp liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, đây là vấn đề phức tạp cần có giải pháp xây dựng Luật doanh nghiệp chung, trong đó có các quy định điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp thương mại nhà nước để các doanh nghiệp này hoạt động thực sự trên nguyên tắc thương mại .

+ Về các giải pháp quản lý hành chính, hiện nay, các quy định về thủ tục hải quan còn nằm trong nhiều văn bản khác nhau dẫn đến khó khăn rất lớn cho người thực hiện làm thủ tục hải quan. Giải pháp trước mắt là cần tập hợp, hệ thống hoá quy định về thủ tục hải quan trong một văn bản thống nhất.

Đối với vấn đề xuất xứ hàng hoá, cần sớm ban hành văn bản có hiệu lực pháp lý cao đề điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá của WTO .

Thứ hai, các giải pháp trong lĩnh vực về thương mại dịch vụ

- Giải pháp trước mắt là cần cụ thể hoá các quy định về thương mại dịch vụ đã được xác định trong Pháp lệnh về đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002, cần đưa các quy định về phân loại dịch vụ CPC vào pháp luật Việt Nam, quy định rõ hơn các rào cản đối với thương mại dịch vụ để phòng ngừa vi phạm . . . .

Sửa đổi Luật thương mại theo hướng mở rộng khái niệm thương mại và phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại để bao quát các vấn đề thuộc thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài. Ngoài các quy phạm thực chất trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài, Luật thương mại cũng cần có các quy phạm xung đột điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài theo yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, có tính đến đặc thù của nền kinh tế nước ta. Việc sửa đổi Luật Thương mại phải tính đến tất cả các quan điểm chỉ đạo đã nêu trên cũng như những xu hướng vận động của pháp luật thương mại các nước trong thời gian tới.

- Các quy định cụ thể trong các Luật, Pháp lệnh liên quan thương mại dịch vụ cần sớm được sửa đổi phù hợp với quy định của hiệp định GATS và các cam kết của Việt Nam với WTO. Cần nội luật hoá tối đa các quy định và cam kết đó vào các văn bản cụ thể của nước ta.

Thứ ba, các giải pháp trong lĩnh vực về sở hữu trí tuệ

- Cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự (phần 6) hoặc xây dựng Luật về Sở hữu trí tuệ trong đó có các điều khoản tương ứng với các tiêu chuẩn của Hiệp định về thời hạn bảo hộ người biểu diễn, quy định về quyền ghi và truyền tới công chúng các chương trình phát thanh truyền hình, quy định về quyền cho thuê bản ghi âm: quy định về quyền truyền tới công chúng chương trình biểu diễn các tác phẩm, nhạc kịch, âm nhạc và các quy định khác phù hợp với các quy định của Công ước Berne.

- Cần sớm bổ sung, điều chỉnh Bộ luật Dân sự hoặc đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ quy định về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, thủ tục công nhận loại nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng; quy định rõ hơn về các điều kiện tổng quát và bổ sung quy định về điều kiện cụ thể đối với việc cấp li-xăng không tự nguyện, quy định chi tiết về thủ tục xác lập quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp; chi tiết hoá quy định hiện hành về bảo hộ bí mật thương mại.

- Về giải pháp đối với vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần chú ý giải quyết các vấn đề sau:

+ Cần có văn bản hướng dẫn riêng về thủ tục tố tụng dân sự đối với các vụ kiện về sở hữu trí tuệ. Cần xoá bỏ tình trạng hành chính hoá quan hệ dân sự. Những vụ việc thuộc phạm vi xử lý của Toà án thì phải xử lý tại Toà án. Bảo đảm mức phạt hành chỉnh không thấp hơn lợi nhuận có thể thu được do vi phạm. Thủ tục hành chính cần được cải tổ, xoá bỏ tình trạng chồng chéo về chức năng. Phải đảm bảo quyền khiếu nại quyết định hành chính cuối cùng của các đương sự bằng việc xét xử của Toà án theo thủ tục tố tụng hành chính. Việc sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo và pháp lệnh thủ lục giải quyết các vụ án hành chính là giải pháp tối ưu trong lĩnh vực này.

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

 

 

Theo quy định tại Điều II, XVI của Hiệp định Marrakesh, các Hiệp định của WTO là một tổng thể các văn bản pháp luật quốc tế đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, là kết quả tổng hợp từ nhiều loại điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế mà các nước đã chấp nhận như là "luật chơi chung" của thương mại toàn cầu. Từ việc nghiên cứu các Hiệp định cho thấy, chúng ta có thể hiểu được đa số nội dung yêu cầu nghĩa vụ Thành viên trong các Hiệp định WTO. Nhưng cũng có một số yêu cầu trong các Hiệp định, nhất là các yêu cầu xuất phát từ thực tiễn GATT 1947, từ các quyết định, thủ tục và từ các thông lệ mà các Bên của GATT 1947 và các cơ quan được hình thành trong khuôn khổ GATT 1947 vẫn luân thủ, kể cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia vẫn còn là những câu hỏi chưa được giải đáp. Các yêu cầu và nội dung này, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, thậm chí cả trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ thành viên WTO sau khi Việt Nam đã được kết nạp vào WTO. Do vậy, việc nghiên cứu rà soát, đối chiếu giữa pháp luật trong nước với các yêu cầu của WTO để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cần được tiếp tục cả về bề rộng (một số vấn đề chưa được quy định trong pháp luật hoặc có quy định nhưng chưa rõ ...) và chiều sâu (cơ chế thi hành pháp luật) ngay cả sau khi Việt Nam đã trở thành Thành viên của WTO.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều quy định của pháp luật Việt Nam cơ bản thống nhất với các cam kết của chúng ta trong các Hiệp định song phương với các nước (các Hiệp định về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ), với các tổ chức quốc tế như ASEAN (AFTA, AIA...), APEC, Tổ chức Hải quan thế giới, ADB, WB, IMF v.v.... và quy định về nghĩa vụ Thành viên WTO. Nhiều kiếu nghị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật theo các Lộ trình gia nhập WTO đã được chúng ta chủ động đề ra từ trước, trong các Chương trình xây dựng pháp luật 5 năm và hàng năm của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và kế hoạch công tác hàng năm của Chính phủ. Có một số quy định của WTO, trên thực tế chúng ta đã tự thực hiện trước. Nhiều kiến nghị hoàn toàn phù hợp với các chủ trương đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của đất nước. Điều đó cho thấy một phần quan trọng của các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước không phải chỉ được đặt ra từ bản thân việc ký kết các Hiệp định song phương, đa phương và đàm phán gia nhập WTO, mà chủ yếu là xuất phát từ chính nhu cấu phát triển nội tại của nền kinh tế nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy vậy, trong một số lĩnh vực, tuy đã có pháp luật quy định nhưng chưa đủ cụ thể để thực thi nghĩa vụ thành viên WTO. Chẳng hạn, quan niệm về "thương mại" trong Luật Thương mại của Việt Nam chưa đáp ứng các yêu cầu của WTO về thương mại. Theo quy định của WTO, "thương mại" được hiểu rộng hơn, bao gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Vấn đề này đã được điều chỉnh một bước thông qua việc ban hành Pháp lệnh về Trọng tài thương mại, Pháp lệnh về đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong thương mại quốc tế, nhưng đây là những văn bản có thứ bậc pháp lý thấp hơn luật chưa phản ánh hết quyết tâm của Việt Nam trong thực thi nghĩa vụ Thành viên WTO. Ngoài ra dấu ấn của cơ chế kinh tế, hành chính bao cấp trước đây vẫn còn, nhiều quy định của pháp luật thể hiện sự can thiệp hành chính quá sâu của cơ quan Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một phần quan trọng trong nghĩa vụ Thành viên của WTO thuộc về cơ chế thông tin pháp luật và thực thi pháp luật, trong đó tập trung vào quy định bảo đảm tính minh bạch, công khai, thống nhất trong việc giải thích và áp dụng pháp luật trong toàn bộ bộ máy Nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Theo kinh nghiệm của các nước và Việt Nam, để thực hiện được quy định này đòi hỏi việc sửa đổi. bổ sung pháp luật cần được tiến hành khẩu trương, theo một kế hoạch chung, thống nhất, dài hạn (cần có Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật) và có thứ tự ưu tiên, đặc biệt là từ nay đến năm được gia nhập WTO; phải quán triệt quan điểm bảo đảm không ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với các cam kết về ngăn vụ theo BTA, các Hiệp định của WTO và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, coi đây là các cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng làm nền tảng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, phải có một cơ chế thực hiện pháp luật phù hợp, có bước đi thích hợp, cần có cơ chế kiểm tra việc ban hành các văn bản của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương sao cho phù hợp với các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và các cam kết quốc tế của Chính phủ và Nhà nước. Đối với công tác xét xử của Toà án, đòi hỏi phải nâng cao trình độ của thẩm phán để đáp ứng các yêu cầu phức tạp của hội nhập kinh tế quốc tế. Vị trí, vai trò của các thiết chế phi Chính phủ (các Đoàn luật sư, các Hội nghề nghiệp, ngành hàng. . .) cần phải được tăng cường trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức và cá nhân Việt Nam trong thương mại quốc tế./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

CÁC CHUYÊN ĐỀ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC T'A VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ  VÀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

 

Ts. Hoàng Phước Hiệp

Vụ trưởng Vụ PLQT, Bộ tư pháp

 

I .QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

1.1. tổng quan quá trình hình thành và phát triển các quan điểm, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nhìn

1.1.1. Giai đoạn trước 1986:

a, Giai đoạn trước 1945

- Thời kỳ trước Pháp đô hộ Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế phong kiến tự cung tự cấp, ít quan hệ với thị trường bên ngoài . Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước giai đoạn nay rất hạn chế, chủ yếu với Trung Quốc, Ấn độ, Nhật Bản và một số nước Phương Tây. Đã xuất hiện một số trung tâm thương mại lớn có giao lưu kinh tế với nước ngoài như Phố Hiến (thế kỷ 14-16), Kinh Kỳ (Thăng Kỳ), Hội An (Thế kỷ 16-19), Sài gòn-gia định (thế kỷ 18- 19).

- Sau khi xâm chiếm được Việt Nam, Lào, Camphuchia, Pháp đã tổ chức Đông Dương như là một thực thể hành chính, kinh tế nằm trong khối thuộc địa Pháp. Nền kinh tế và thị trường Việt Nam bị chia cắt thành ba vùng với các mức độ tự trị khác nhau, là những cầu thành của khu vực kinh tế mở và thị trường Đông Dương thuộc khối kinh tế rộng hơn nhưng khá khép kín của Pháp. Các luật lệ và chính sách về kinh tế, cơ bản do nước Pháp đặt ra. Về ngoại thương, Pháp nắm độc quyền và xây dựng Đông dương như là một thị trường bộ phận của hệ thống thị trường thuộc địa phục vụ cho nền kinh tế nước Pháp. Về đầu tư, Đông dương là thị trường mở cho các nhà đầu tư các nước khác. Về tài chính-tiền tệ, tuy Đông dương có đồng tiền riêng (đồng bạc Đông dương) nhưng Pháp hoàn toàn kiểm soát chính sách tài chính-tiền tệ phụ thuộc vào đồng Franc Pháp. . .

b, Giai đoạn từ 1945 đến 1986

- Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp ở Việt Nam. Ngày 6.3.1946 Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ký Hiệp định với Chính phủ Pháp trong đó khẳng định: "Chính phủ pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một quốc gia tự do có Chính phủ của mình, nghị viện của mình, quân đội của mình, tài chính của mình và là một phần tử trong Liên bang Đông dương và khối Liên hiệp Pháp". Trong thư của Chủ lịch Hồ Chí Minh năm 1946 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có nói: "Việt Nam sản sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Nhà nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; Nhà nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc"i

Tháng 7.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trả lời nhà báo nước ngoài về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế như sau: "Chúng tôi chủ trương làm cho tư bản Việt Nam phát triển. Mà chỉ có thống nhất, độc lập thì tư bản Việt Nam mới có thể phát triển. Đồng thời, chúng tôi hoan nghênh tư bản pháp và tư bản các nước thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hoà kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình"ii

- Do hoàn cảnh lịch sử nên Việt Nam không thể triển khai một cách đầy đủ tư tưởng mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế nói trên trong suốt thời gian từ sau khi giành độc lập năm 1945 đến khi thống nhất Việt Nam về mặt Nhà nước năm 1976. Ngay sau khi thành lập CHXHCN Việt Nam, Việt Nam đã tìm mọi cách để mở rộng quan hệ thương mại với các nước, tăng cường thu hút đần tư nước ngoài, ký kết nhiều Hiệp định song phương liên quan hội nhập kinh tế quốc tế. Tháng 6.1978 Việt Nam tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN (SEV), tham gia vào nhiều điều ước quốc tế của SEV và cũng kế thừa tư cách thành viên của chính quyền Sài gòn tại World Bank (9.8.1976), International Monetary Fund (20.9.l076). Tháng 9.1977 Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc. Hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước cũng được tiến triển mạnh. Tuy nhiên, nhìn chung những nỗ lực đó vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn, thậm chí không cản nổi chiều hướng đi vào khủng hoảng kinh tế do tác động của việc duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch tập trung quan lieu, bao cấp, sự mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh lạnh ở Đông Dương. Tình hình mở rộng quan hệ kinh tố với các nước, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được khởi sắc từ Nghị Quyết số 19 ngày 17.7.1984 của Bộ Chính trị về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Nghị quyết số 19 này ghi rõ: "ưu tiên dành sự hợp tác cho các nước XHCN. Trong nhưng lĩnh vực và quy mô ta định hợp tác, khả năng và yêu cầu của bạn đến đâu, ta hợp tác đến đó. Phần còn lại hợp tác với các nước dân tộc chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Để khuyến khích hợp tác với các nước không phải XHCN, cần bổ sung và hoàn thiện Điều lệ đầu tư đã ban hành để có tính hấp dẫn hơn, nghiên cứu xây dựng một số quy định có liên quan, tiến tới xây dựng Bộ luật đầu tư hoàn chỉnh”.

1.1.2. Giai đoạn từ 1986 đến nay:

a, Giai đoạn từ 1986 đến hết 1994:

- Tháng 12.1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã quyết định đường lối đổi mới toàn diện, mở ra thời kỳ mới của hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội quyết định xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội 6 ghi rõ: "muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; ... tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi"... " công bố chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc công bố Luật đầu tư, cần có các chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều vào nước ta để hợp tác kinh doanh"l

Đại hội lần thứ VII của Đảng tháng 6.1991 đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000 (1991-2000), đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá theo tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển", nhằm tham gia tích cực vào đời sống kinh tế quốc tế. Đại hội cũng nhấn mạnh "gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết mối quan hệ giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có chính sách bảo vệ sản xuất nội địa"... "cố gắng khai thông quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế như IMF, WB, ADB ,... mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực ở Châu Á- Thái Bình dương"2.

- Từ tháng 10.1993, Việt Nam thiết lập lại được quan hệ bình thường với IMF, WB, ADB; Hội nghị các nhà tài trợ tại Paris cam kết giúp cho Việt Nam vốn ODA khoảng 1,8 tỷ USD trong năm 1994, giải quyết nợ Chính phủ qua Câu lạc bộ Paris và nợ tư nhân qua Câu lạc bộ Luân Đôn; thông qua các chương trình vay ưu đãi của IMF (1993: 245 triệu; 1994: 535 triệu USD).

Tháng 10.1994, Việt Nam gửi đơn xin gia nhập ASEAN; tháng 12.1994 gửi đơn xin gia nhập WTO.

b, Giai đoạn từ 994 đến nay

- Tháng 7.1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, chấp nhập các nguyên tắc, quy định của Tổ chức kinh tế khu vực này. Tháng 1.1995, WTO chính thức nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam để tiến hành đàm phán cụ thể.

- Tháng 6.1996, Đại hội lần thứ VIII của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định chủ trương xây dựng một nền kinh tế mở, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hoá kinh tế đối ngoại, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những hàng trong nước sản xuất có hiệu quả, tranh thủ vốn, công nghệ và thị trường quốc tế: mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt, song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi 1.

- Tháng 6.1996 tham gia thành lập ASEM. Tháng 11.1998, Việt Nam trở hành thành viên APEC.

Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 4.2001) đã khẳng định "phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững"2.

- Ngày 27.11.2001, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về hội nhập kinh tế quốc tế (Nghị quyết số 07/NQ-TW). Đây là văn kiện quan trọng liên quan trực tiếp đến chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

- Ngày 03.02.2004, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 34- NQ/TW về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Nghị quyết có nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là chủ động và khẩn trương hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đa phương, song phương nước ta đã ký kết và chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm gia nhập WTO; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao so với khu vực; tăng nhanh xuất khẩu và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.

1.2. Nghị quyết số 07/NQ-TW của bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế và nội dung hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đưa ra những đánh giá về tình hình thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và nhấn mạnh nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

1.2.1. Tình hình thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế :

a, Thực hiện đường lối, chủ trương hội nhập linh tế quốc tế của Đảng, những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại :

- Đã đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: mở rộng mạnh mẽ quan hệ kinh tế song phương và đa phương; phát triền quan hệ đầu tư với gần 70 nước và lãnh thổ; bình thường hoá quan hệ với các tổ chức tài chính-tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng phát triển Châu á (ADB); gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN) và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); tham gia sáng lập diễn đàn á-âu (ASEM); gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á-thái Bình Dương (APEC); trở thành quan sát viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang tiến hành đàm phán để gia nhập tổ chức này. Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại, du lịch, đầu tư, tránh đánh thuế trùng, hàng hải thương thuyền, tín dụng với các nước, ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế với Liên minh Châu ÂU (EU), Hiệp định thương mại, hiệp định dệt may song phương với Hoa kỳ và nhiều văn kiện khác theo chuẩn mực quốc tế.

- Thu hút được một số lượng đáng kể về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), tiếp thu được nhiều thành tựu mới về khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý.

- Từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh, góp phần tạo lặp tư duy kinh tế mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Bước đầu xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại và quản lý kinh doanh thích nghi dần với điều kiện mới, tạo tiền đề để tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm tiếp theo.

b, Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều mặt yếu kém:

- Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế đã được khẳng định rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng và trên thực tế đã được thực hiện từng bước, nhưng nhận thức về nội dung, bước đi, lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế chưa đạt được sự nhất trí cao và nhất quán, một bộ phận cán bộ chưa thấy hết và chủ động tranh thủ những cơ hội mở ra, hoặc chưa nhận thức đầy đủ những thách thức sẽ nảy sinh, để từ đó có kế hoạch thúc đầy nền kinh tế nước ta vươn lên chủ động hội nhập có hiệu quả; cơ cấu kinh tế được dịch chuyển để luôn phát huy được lợi thế so sánh của đất nước; không ít chủ trương, cơ chế, chính sách chậm được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Công tác hội nhập kinh tế quốc tế mới được triển khai chủ yếu ở các cơ quan trung ương và một số thành phố lớn, sự tham gia của các ngành, các cấp, của các doanh nghiệp còn yếu và chưa đồng bộ, vì vậy chưa tạo được sức mạnh tổng hợp cần thiết bảo đảm cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao.

- Chưa hình thành được một kế hoạch tổng thể và dài hạn về hội nhập kinh tế quốc tế một lộ trình hợp lý thực hiện các cam kết quốc tế.

- Doanh nghiệp nước ta nói chung còn ít hiểu biết về thị trường thế giới và pháp luật quốc tế, năng lực quản lý còn yếu, trình độ công nghệ còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh còn yếu kém, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp và bảo hộ của Nhà nước còn nặng.

- Môi trường kinh doanh của nước ta tuy đã được cải thiện đáng kể song về nhiều mặt còn yếu: hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đủ rõ ràng và nhất quán; kết cấu hạ tầng phát triển chậm; trong bộ máy hành chính còn nhiều biểu hiện của bệnh quan liêu và tệ tham nhũng, trình độ nghiệp vụ còn yếu kém, nguồn lực chưa được đào tạo tốt.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại còn thiếu và yếu: tổ chức chỉ đạo chưa sát và kịp thời; các cấp, các ngành chưa quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia hội nhập. Đây là nguyên nhân sâu xa của những yếu kém, khuyết điểm trong hợp tác kinh tế với nước ngoài.

1.2.2. Nội dung hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ nhất, về mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết 07/NQ-TW xác định rõ "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trước mắt là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nêu ra trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2001-2010 và Kế hoạch 5 năm 2001-2005.

Thứ hai, về những quan điểm chỉ đạo trong quá trình bội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết 07/NQ-TW khẳng định:

a, Quán triệt chủ trương được xác định tại Đại hội IX là: "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực. nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích dân tộc; an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường".

b, Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; trong quá trình hội nhập kinh tế cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, trong đó kinh tế Nhà nước giữa vai trò chủ đạo.

c, Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và canh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tuỳ theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể; vừa phải đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa phải chống tư tưởng giản đơn, nôn nóng.

d, Nhận thức đầy đủ đặc điểm nền kinh tế nước ta, từ đó đề ra kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia; tranh thủ những ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.

e, Kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước.

- Thứ ba, về một số nhiệm vụ cụ thể trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh:

a, Tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, trong các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để đạt được nhận thức và hành động thống nhất và nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế, coi đó là nhu cầu vừa bức xúc, vừa cơ bản và lâu dài của nền kinh tế nước ta, nâng cao niềm tin và khả năng và quyết lâm của nhân dân ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

b, Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội IX, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 cũng như các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia, xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế với một lộ trình cụ thề để các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp khẩn trương sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, bảo đảm cho hội nhập kinh tế có hiệu quả.

c, Chủ động và khẩn trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý, phát huy tối đa lợi thế so sánh của nước ta, ra sức phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cần ra sức cải thiện môi trường kinh doanh, khẩn trương đổi mới và xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật phù hợp với đường lối của Đảng, với thông lệ quốc tế, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính.

d, Tích cực tạo lập đồng bộ cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại hình thị trường hàng hoá, dịch vụ, lao động, khoa học - công nghệ, vốn; bất động sản...; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt chú trọng đổi mới và củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng.

e, Có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; cần chú trọng đào tạo dội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh hiểu biết sâu về pháp luật quốc tế và nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt nhanh những chuyển biến trên thương trường quốc tế để ứng xử kịp thời, nắm được kỹ năng thương thuyết và có trình độ ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó cần hết sức coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao.

Cùng với việc đào tạo nhân lực cần có chính sách thu hút, bảo vệ và sử dụng nhân tài; bố trí, sử dụng cán bộ đúng với ngành nghề được đào tạo và với sở trường năng lực của từng người.

g, Kết hợp chặt chẽ hoạt động chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại. Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, cần giữ vững đường lối độc lập tự chủ, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường và đối tác, tham gia rộng rãi các tổ chức quốc tế. Các hoạt động đối ngoại cần hướng mạnh vào việc phục vụ đắc lực nhiệm vụ mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia đấu tranh vì một hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế bình đẳng, công bằng, cùng có lợi, bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển và chậm phát triển.

h, Gắn kết chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế với nhiệm vụ củng cố quốc phòng nhằm làm cho hội nhập không ảnh hưởng tiêu cực tới nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội; mặt khác, các cơ quan quốc phòng và an ninh cần có kế hoạch chủ động hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hội nhập…

i, Tích cực tiến hành đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo các phương án và lộ trình hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta là một nước đang phát triển ở trình độ thấp và đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế. Gắn kết quá trình đàm phán với quá trình đổi mới mọi mặt hoạt động kinh tế ở trong nước.

k, Kiện toàn Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đủ năng lực và thẩm quyền giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo các hoạt động về hội nhập kinh tế quốc tế

 

II. WTO- MỘT SỐ NGUYÊN TẮC VÀ QUAN ĐIỂM VỀ ĐÀM PHÁN GIA NHẬP VÀ VẤN ĐỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Nghiên cứu những nguyên tắc và quan điểm về đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã trở thành vấn đề cấp bách. Tuy vậy, việc nghiên cứu những nguyên tắc và quan điểm về đó cũng gặp không ít trở ngại, đặc biệt là thông tin pháp lý và kinh nghiệm các nước trong cũng như các công trình nghiên cứu cơ bản của Việt Nam về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Phần này chỉ tập trung vào một số nguyên tắc và quan điểm về đàm phán gia nhập WTO mà Việt Nam đang phấn đấu để hội nhập vào đó.

 

2.1. Những nguyên tắc và quan điểm chung liên quan đến các chính sách kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế là luận cứ quan trọng để xác định những nguyên tắc và quan điểm để Việt Nam đàm phán gia nhập WTO và hội nhập với nền kinh tế thế giới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX và Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27-11-2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế đã định những nguyên tắc và quan điểm cơ bản cho quá trình đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, duy trì sự ổn đinh vĩ mô, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế Nhà nước. Trong tiến trình đó các quan điểm và định hướng cơ bản về quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta trong thời gian tới có thể như sau :

Thứ nhất, Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế khách quan, là bộ phận trong tổng thể đổi mới - hội nhập - phát triển và tăng trưởng bền vững, là tiền đề quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng XHCN, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực.

Thứ hai, phải tích cực chủ động mọi mặt, phát huy nội lực tập trung giải quyết các cơ sở nền tảng nâng cao môi trường cạnh tranh chung của nền kinh tế với tính cách là một nhân tố quan trọng nhất đảm bảo đạt và duy trì sự phát triển bền vững. Trong quan điểm này, những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là kiện toàn khung pháp luật, chiến lược đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và quản lý điều hành vĩ mô một cách phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế định hướng thị trường và hội nhập.

Thứ ba, phải tạo điều kiện và thúc đẩy các ngành, các doanh nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Về nguyên tắc, các ngành có năng lực cạnh tranh tốt hoặc không có khả năng cạnh tranh sẽ được "mở cửa" nhanh chóng. Việc bảo hộ các ngành khác phải có thời hạn, có điều kiện và giảm dần, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự vươn lên để tồn tại và phát triển. Đối với những hàng hoá, dịch vụ trọng yếu, những ngành mũi nhọn, những lĩnh vực kinh tế then chốt, đầy triển vọng, những ngành kinh tế "non trẻ", liên quan đến quốc kế dân sinh phải được bảo hộ phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế

Thứ tư, hội nhập và điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải được tiến hành theo chương trình ,kế hoạch trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế, với các bước đi vững chắc không chậm trễ, không để dồn gánh nặng vào thời gian cuối của lộ trình.

Thứ năm, việc điều chỉnh cần thiết hệ thống pháp luật, các chính sách, cơ chế quản lý kinh tế cần dựa trên nguyên tắc và yêu cầu của WTO phù hợp với truyền thống văn hoá pháp lý Việt Nam. Quá trình này thể hiện sự nhất quán với khuôn khổ của WTO nhưng phải rút kinh nghiệm các nước đi trước, đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự Việt Nam.

Thứ sáu, phải khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết, phổ biến các thông tin, kiến thức pháp luật, các quy tắc tác nghiệp cơ bản cần thiết cho các cơ quan, tổ chức trong nước và mọi công dân,  tập trung đào tạo và đào tạo lại cấp tốc lực lượng cán bộ pháp lý để đảm nhận thành công công cuộc hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ bảy, phải đặt vấn đề đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế trong tổng thể các vấn đề thuộc chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững định hướng XHCN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tám, phải coi trọng vấn đề ổn định chính trị- xã hội trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập và hội nhập kinh tế quốc tế; phải chú ý đến các biện pháp hạn chế các tác động tiêu cực về mặt xã hội như là một nội dung đặc biệt quan trọng. Tiến hành cải cách pháp luật điều chỉnh các hoạt động trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước song song với cải cách hệ thống thể chế,  tài chính, ngân hàng và thị trường lao động, có chính sách và pháp luật khuyến khích phát triển khu vực ngoài quốc doanh, phát triển các dự án đầu tư trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài

2.2. Một số nguyên tắc và quan điểm cụ thể trước yêu cầu đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.

2.2.1 Về quan điểm nhận thức

Việc hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống các quan điểm, nguyên tắc hội nhập với WTO và nền kinh tế thế giới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần xuất phát từ nhận thức rằng:

Thứ nhất, phải coi việc đàm phán gia nhập WTO là một bước thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế quốc tế gắn liền và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế vì sự phát triển bền vững của kinh tế nước nhà; phải căn cứ vào nhu cầu phát triển và khả năng, đặc điểm của nền kinh tế đất nước hiện tại theo hướng vươn lên đạt tới những mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020.

Thứ hai, về bản chất của hội nhập với nền kinh tế thế giới và trở thành thành viên WTO thực chất là tham gia phân chia thị trường, giành lợi thế trong thương mại quốc tế .Cần coi đây là một ưu tiên và đặt mục tiêu phấn đấu hội nhập thành công trong thời gian ngắn để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn tới, đồng thời hạn chế những khó khăn, phức tạp rất có thể phát sinh nếu quá trình này kéo dài

Trọng tâm của vấn đề thị trường trong điều kiện cải cách pháp luật ở đây là năng lực cạnh tranh, trong đó 3 yếu tố quyết định, 3 chìa khoá để mở cửa thị trường là:

- Sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ ;

- Tính năng động sáng tạo, vươn mạnh ra thị trường nước ngoài, đương đầu một cách quyết liệt và không ngừng với cạnh tranh để sống còn của các tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ thương mại quốc tế;

- Hệ thống các nguyên tắc và quan điểm pháp luật phục vụ đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế vừa phải phù hợp với những nguyên tắc, yêu cầu quy chẩn của WTO, vừa thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, tạo thành một công cụ đắc lực cho thực hiện các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và các cam kết quốc tế khác.

Thứ ba, mốc tất yếu của lộ trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, thực hiện lộ trình tất yếu là phải thực hiện giảm dần từng bước tiến tới một mốc nhất định, trong tương lai, phải xoá cơ bản hàng rào thuế quan và phi thớê quan để mở đường cho thương mại phát triển. 

Mốc thời gian đó với các nước ASEAN/AFTA được xác định tới năm 2006; với Hoa kỳ và các nước khác cơ bản cũng xoay quanh mốc thời gian cam kết đó. Việt Nam tuyên bố đặt mốc để phấn đấu gia nhập WTO vào năm 2005. Đây là một quyết định chính trị của Việt Nam cần có bước nhảy vọt lớn lao mới đạt được.

Thứ tư, về vấn đề nguồn thu ngân sách

Khẳng định rằng đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có vấn đề thực hiện các nghĩa vụ giảm thuế quan và phi thuế quan trong quá trình hội nhập, nhưng việc thực hiện các nghĩa vụ đó vẫn phải bảo đảm cho được và không ngừng tăng nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, như trên đã nói, hội nhập với nền kinh tế thế giới, mà cụ thể là tham gia WTO, trước sau ta cũng phải cam kết đạt tới đích giảm dần hàng rào thuế quan và tiến tới xoá bỏ các biện pháp phi thuế quan. Do vậy, cần xác định thuế xuất nhập khẩu không phải là nguồn thu chính của ngân sách quốc gia để có giải pháp về thuế thích hợp. Nếu không, tới mốc thời gian cam kết phải cắt giảm thuế quan, ta sẽ lâm vào tình trạng nan giải đối với nguồn thu ngân sách . Do vậy, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cần phải làm sao để nguồn thu ngân sách được gia tăng  không ngừng bằng việc cải cách hệ thống pháp luật về thuế, tăng thu trên chính sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh trên thị trường Việt nam, thông qua việc mở rộng thêm các loại thuế mà các nước vẫn áp dụng để bao quát hết các nguồn thu. Cần học hỏi kinh nghiệm các nước khác nhau trong xây dựng pháp luật về thuế để xử lý vấn đề ngân sách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ năm, vấn đề bảo hộ nền kinh tế trong nước

Hội nhập với nền kinh tế thế giới mà cụ thể là tham gia WTO phải nhằm vào mục đích không ngừng mở rộng thị trường phục vụ đắc lực cho sản xuất trong nước phát triển, đồng thời phải bảo hộ nền sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ còn non trẻ của nước nhà.

Các nguyên tắc và quan điểm ở đây cần định hướng để có sự bảo hộ thích hợp cho nền sản xuất trong nước nhưng sự bảo hộ đó phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, bảo hộ hợp lý cả người sản xuất và người tiêu dùng. Chỉ tập trung bảo hộ những ngành có tính chất then chốt thiết yếu đối với nền kinh tế quốc dân, không bảo hộ tràn lan. Bảo hộ cần phải được khống chế trong khoảng thời gian nhất định. Mức độ bảo hộ cần phải được giảm dần để tiến tới xoá bỏ. Do vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức rõ ràng sự sống còn của mình và gắn liền với sự cạnh tranh trên thương trường, phải chủ động sáng tạo, đầu tư mạnh vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, đương đầu quyết liệt và không ngừng với cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Bảo hộ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan chỉ là tạm thời để giúp cho các doanh nghiệp có đủ thời gian phấn đấu tự vươn lên cạnh tranh hoặc trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khủng hoảng, cần thiết để tránh rối loạn thị trường trong nước.

Thứ sáu, về vấn đề quy hoạch sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh

Tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia WTO, thực hiện các nghĩa vụ cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan cần phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ cấp bách và điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế trong nước tập trung mọi nỗ lực xây dựng các ngành mũi nhọn, trọng điểm, then chốt, không ngừng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.

Chính sách và quan điểm ở đây phải đi theo hướng để quá trình bảo hộ sản xuất trong nước được thực hiện theo lộ trình giảm dần, tỷ lệ nghịch với tốc độ vươn lên của nền sản xuất hàng hoá, dịch vụ trong nước.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu có tính chất quyết định trong thực hiện thành công công cuộc hội nhập kinh tế thế giới, gia nhập thành công vào WTO, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Thứ bảy, tính chủ động trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập là đề tạo thế và lực giúp các nhà doanh nghiệp Việt Nam vươn mạnh ra nước ngoài, mở rộng thị trường. Như vậy, cần xác định rằng những điều mà các nước phát triển đòi hỏi ở Việt Nam ngày hôm nay cũng chính là những điều mà Việt Nam cần phải đòi hỏi ngược trở lại đối với các nước đó trong lương lai để mở rộng thị trường cho hàng hoá , dịch vụ Việt Nam.

Nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu là có đi có lại. Những gì ta cấm hoặc hạn chế đối với các nước thì các nước cũng cấm và hạn chế đối với ta như vậy. Do đó, trong quá trình thực hội nhập kinh tế quốc tế phải coi sức mạnh cạnh tranh tự lực tự cường của tổ chức, cá nhân, hàng hoá và dịch vụ Việt Nam là quyết định. Tuy việc tận dụng những quy định riêng biệt, đặc biệt, khác biệt, các ưu đãi mà WTO và hệ thống thương mại toàn cầu dành cho các nước đang phát triển là rất cần thiết, nhưng cũng phải xác định rằng đó cũng chỉ là tạm thời. Trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng những quy định đó là cực kỳ khó khăn, phức tạp. Do vậy quan điểm về phát huy nội lực, sức mạnh trong nước trước yêu cầu gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu, cần quán triệt .

2.2.2. Về các nguyên tắc

Việc xây dựng phương án, lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO có thể được thực hiện theo những nguyên tắc sau đây:

a/ Những nguyên tắc chung

Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, kiên trì, bền bỉ điều chỉnh lại hệ thống cơ chế chính sách pháp luật cho phù hợp với những nguyên tắc và chuẩn mực của hệ thống thương mại toàn cầu mà tiêu biểu là WTO, thích ứng với những điều kiện cụ thể của đất nước, có những nhượng bộ cần thiết tới mức có thể chấp nhận để hội nhập, tìm mọi biện pháp gia nhập WTO với tư cách là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi với mức độ phát triển kinh tế thấp để có các quy định pháp luật thích hợp với nghĩa vụ thành viên loại nước đó.

b/ Thừa nhận các nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu, chuyển hoá các nguyên tắc, các quy định pháp luật về kinh doanh trên thương trường quốc tế cũng như các nghĩa vụ pháp lý khác của WTO vào các văn bản pháp luật Việt Nam, dành đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), đãi ngộ quốc gia (NT) và các ưu đãi, miễn trừ về thuế quan và phi thuế quan, mở cửa thị trường cho các nước thành viên WTO ở những lĩnh vực có thể được trên cơ sở cùng nhau đàm phán, thoả thuận cụ thể song phương và đa phương phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định của WTO, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thương mại của Việt Nam ở từng thời kỳ trên cơ sở có đi có lại.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các nguyên tắc, quy định pháp luật thương mại quốc tế này được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại mà WTO điều tiết, tuy vậy cần ưu tiên thực hiện một số yêu cầu sau đây của WTO:

Thứ nhất, thương mại không phân biệt đối xử.

Thương mại thế giới phải được thực hiện một cách công bằng, không có sự phân biệt đối xử, với nội dung sau:

Các nước thành viên WTO cam kết giành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) và  chế độ đãi ngộ quốc gia (NT). Thực tiễn Việt Nam cho thấy chế độ này ở Việt Nam thường được áp dụng khá hạn hẹp trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế liên quan. Trong quá trình hội nhập cần đã đặt ra yêu cầu mở rộng áp dụng chế độ này cho cả các lĩnh vực mà WTO điều tiết và cho cả lĩnh vực đầu tư nước ngoài mà vòng đàm phán Doha đang bàn. Pháp lệnh về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2002 là kết quả của việc thực hiện bước đi đó của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thứ hai, tự do hoá thương mai.

Xu thế chung của nhiều quốc gia là coi thương mại như là yếu tố mang tính quyết định hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó thị trường là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cộng đồng thương mại quốc tế mà đại diện là WTO luôn xác định tự do hoá thương mại là mục tiêu hàng đầu phải nỗ lực thực hiện.

Trong quá trình hội nhập với WTO, nội dung cốt lõi của nguyên tắc tự do hoá thương mại trong thực tiễn được thực hiện qua việc Việt Nam tự nguyện cắt giảm dần từng bước hàng rào thuế quan và phi thuế quan, để đến một lúc nào đó trong tương lai sẽ xoá bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại, mở đường cho thương mại phát triển. Ngoài ra, tự do hoá thương mại gắn với việc dỡ bỏ các hàng rào thương mại thông qua đàm phán song phương và đa phương của Việt Nam trong khuôn khổ Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO phù hợp với pháp luật, thể lệ và khả năng cụ thể của Việt Nam.

Thứ ba, bảo hộ nền kinh tế đất nước bằng hàng rào thuế quan.

Tuy chủ trương tự do hoá thương mại, nhưng WTO vẫn thừa nhận sự cần thiết bảo hộ nền kinh tế của từng nước thành viên trên cơ sở thừa nhận thực tiễn trên thế giới có sự chênh lệnh về trình độ phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước.

Nguyên tắc bảo hộ nền kinh tế trong nước mà WTO chủ trương là bảo hộ bằng hàng rào thuế quan, không ủng hộ bảo hộ bằng hàng rào phi thuế quan hoặc các biện pháp hành chính.

Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO phải công bố mức thuế trần cam kết, mức thuế quan áp dụng hiện hành để cùng với các nước WTO thương lượng. Chỉ có giảm, mà không có tăng quá mức trần cam kết, nếu tăng quá thì phải bồi thường nhanh chóng, kịp thời và thoả đáng cho các nước bị thiệt hạt. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải cam kết mốc thời gian thực hiện lộ trình cắt giảm dần để tiến tới mục tiêu xoá bỏ hàng rào thuế quan.

 Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, vấn đề thuế quan là vấn đề nhạy cảm, luôn được các cơ quan Nhà nước các cấp và các doanh nghiệp, cá nhân khác nhau quan tâm. Việc cải cách pháp luật về thuế cho phù hợp với yêu cầu của WTO quả thực là vấn đề phức tạp và Việt Nam đang tiến hành có nhiều kết quả khả quan

Một bản chào thuế quan mới và một số vấn đề mới liên quan đang được xem xét cho phép Việt Nam tiến nhanh tới hội nhập với WTO về lĩnh vực này.

Thứ tư, nguyên tắc ổn định trong thương mại

WTO chủ trương thương mại quốc tế phải được tiến hành trên cơ sở ổn định, rõ rang, minh bạch, công khai, không ẩn ý. Đề thực hiện nguyên tắc này, WTO quy định:

a/ Các nước thành viên phải thông qua đàm phán, đưa ra các cam kết với những lộ trình thực hiện cụ thể. Tuy thừa nhận quyền của mỗi nước thành viên được đàm phán lại cam kết của mình, nhưng WTO quy định nghĩa vụ phải đền bù các thiệt hại có thể xảy ra cho các thành viên khác.

b/ Mọi chế độ, chính sách thương mại và pháp luật liên quan kinh tế, thương mại quốc tế của quốc gia phải được công bố, đăng tải công khai dễ tiếp cận cho mọi người, ổn định trong thời gian dài và có thể dự báo trước những rủi ro có thể xảy ra. Nếu quốc gia có thay đổi chính sách, pháp luật, thì phải công bố, đăng tải trước cho các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm có đủ thời gian nghiên cứu, góp ý, phản ánh nguyện vọng của họ trước khi đưa chính sách pháp luật đã thay đổi đó ra áp dụng.

Trong quá trình đàm phán, yêu cầu này của WTO được thực hiện thông qua quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn hệ thống cơ quan đăng tải văn bản cũng như các vấn đề khác. Tuy vậy, công cuộc cải cách pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý mà trước tiên là vấn đề kỹ thuật chuyển hoá các quy định của WTO, các quy định khác của các điều ước quốc tế thành các quy định của pháp luật Việt Nam để thực thi và vấn đề sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành sao cho theo kịp lộ trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong điều kiện cụ thể hiện nay.

Thứ năm, nguyên tắc tăng cường cạnh tranh lành mạnh.

WTO luôn chủ trương tăng cường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong thương mại quốc tế, để cho chất lượng, giá cả quyết định vận mệnh của hàng hoá trong cạnh tranh trên thương trường; không được dùng quyền lực Nhà nước để áp đặt, bóp méo tính lành mạnh, công bằng của cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Nguyên tắc này đã được Việc Nam quan lâm chú ý trong quá trình hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước, quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu. Việt Nam cũng đang gấp rút xây dựng các văn bản về chống bán phá giá, chống trợ cấp, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền và các văn bản khác liên quan.

Thứ sáu, về nguyên tắc không hạn chế số lượng hang hoá nhập khẩu

WTO chủ trương không hạn chế số lượng hành hoá nhập khẩu giữa các nước thành viên như đã trình bày ở phần tự do hoá thương mại nói trên.

Tuy nhiên, WTO cũng cho phép có những trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng chế độ hạn chế số lượng hang hoá nhập khẩu (QR), khi nước đó gặp những khó khăn về cán cân thanh toán, hoặc do trình độ phát triển thấp của nền kinh tế trong nước, hoặc vì những lý do về môi trường, an ninh quốc gia. Tuy vậy, đây chỉ là những trường hợp đặc biệt, có tính chất tạm thời, cần có thời hạn cụ thể để xoá bỏ hẳn. Trong quá trình đàm phán, các yêu cầu của WTO  đã được cân nhắc để sử dụng trong các quy định cụ thể của pháp luật và các cam kết quốc tế song phương, đặc biệt là Hiệp địch thương mại Việl Nam- Hoa kỳ.

Thứ bảy, về quyền được khước từ nghĩa vụ cụ thể và được tự vệ trong trượng hợp khẩn cấp

Nguyên tắc này được ghi nhận trong GATT 1994. Điều XXV của GATT 1994 cho phép trong một số trường hợp thặt đặc biệt, một nước có thể khước từ việc thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ theo cam kết. Tuy vậy, đây chỉ là một quyền hết sức tạm thời và phải được 2/3 số phiếu biểu quyết lần thành1. Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO còn cho phép nước thành viên áp dụng những biện pháp tự vệ trong trường hợp khẩn cấp, khi nền sản xuất trong nước bị hàng hoá nhập khẩu đe doạ làm rối loạn thị trường. Với quyền tự vệ này, mỗi nước có thể sử dụng hình thức tăng thuế nhập khẩu vượt mức trần đã cam kết hoặc áp dụng hình thức hạn chế số lượng hoặc các hình thức khác để hạn chế nhập khẩu, hỗ trợ việc sản xuất trong nước. Tuy vậy, biện pháp này chỉ có tính tạm thời và phải áp dụng bình đẳng và công khai.Trong quá trình đàm phán, Việl Nam đã ban hành Pháp lệnh về tự vệ trong thương mại quốc tế phù hợp với quy định của WTO.

Thứ tám, nguyên tắc tôn trọng các tổ chức quốc tế khu vực

WTO là đại diện cho thương mại toàn cầu, nhưng đã thừa nhận những tổ chức kinh tế khu vực hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế, miễn là những tổ chức này tuân thủ nguyên tắc tự do hoá thương mại, thực hiện chính sách kinh tế mở, hướng ngoại, không co cụm, thực hiện việc loại bỏ dần hoặc giảm dần các hàng rào quan thuế, phi quan thuế gây cản trở cho dòng thương mại toàn cầu. Việt Nam là thành viên của ASEAN/AFTA, ASEAN/AIA do vậy, các quy định dành riêng cho ASEAN được miễn trừ áp dụng trong quan hệ với các nước thành viên khác. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, các quy định này đã được áp đụng thích hợp.

Thứ chin, nguyên tắc dành điều kiện thuận lơi hơn cho các nước đang phát triển và châm Phát triển.

WTO thừa nhận sự cần thiết phải giành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển những điều kiện thuận lợi hơn trong thương mại quốc tế, dành cho các nước này một chỗ độ đãi ngộ đặc biệt và khác biệt trong thương mại quốc tế mà không yêu cầu có đi có lại trong các cam kết, giảm hoặc bỏ hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan để các nước đó có thể tham gia đầy đủ thương mại quốc tế

Trong điều khoản "hỗ trợ khả năng" của WTO, các nước phát triển cam kết dành chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho các nước đang phát triển và chế độ ưu đãi thương mại đặc biệt cho các nước chậm phát triển nhất.

Ngoài các nguyên tắc trên, GATT/WTO còn quy định cho phép thương mại hàng dệt may được tạm thời không áp dụng các nguyên tắc thông thường của WTO. Các nước có thể áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng hàng nhập khẩu bằng hạn ngạch (Quota), hoặc các biện pháp khác để bảo hộ hàng dệt may trong nước. Tuy vậy, nghiên cứu các quy định này trong điều kiện đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam hiện nay cho thấy các ưu đãi đó không còn là lợi thế của Việt Nam nữa do nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do thời hiệu của các quy định này. Chính vì vậy mà cải cách pháp luật ở Việt Nam trước yêu cầu gia nhập WTO không thể dựa vào yếu tố này để tính toán lộ trình cải cách kinh tế và thể chế.

Như vậy, các nguyên tắc, quan điểm mà Việt Nam cần sử dụng để đàm phán gia nhập WTO và hội nhập với nền kinh tế thế giới trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là rõ ràng và đang được Việt Nam đưa vào thực tiễn. Bên cạnh những quy định cơ bản đã nói trên, một số quy định khác của WTO cũng được quan tâm trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam . Chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện thành công công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BIỆN PHÁP PHI THUẾ QUAN TRONG QUY ĐỊNH CỦA WTO VÀ

PHÁP LUẬT VIỆT NAM

--------------------------------

Nguyễn Sinh Nhật Tân

Lại Thị Vân Anh

 

         

          Mục tiêu chính của WTO là nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các hang hoá thương mại trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các hang hoá có xuất xứ từ các nước khác nhau.

          Tuy nhiên, mỗi quốc gia thường theo đuổi nhiều mục tiêu trong chính sách kinh tế, thương mại của mình. Các mục tiêu đó có thể là : (i) bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển một số ngành nghề; (ii) hạn chế tiêu dùng; (iv) đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán; (v) bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, v.v… và công cụ hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu này là sử dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan. Các biện pháp này có thể đồng thời phục vụ hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau khi việc sử dụng công cụ thuế quan không khả thi hoặc không hữu hiệu bằng.

          Để đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của WTO được các thành viên tôn trọng và thực hiện, hang loạt các quy định đã được các thành viên đồng thuận thông qua và rang buộc các thành viên đảm bảo rằng các luật, quy định và thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại của bản thân các nước thành viên phù hợp với nguyên tắc những ngoại lệ nhất định.

          Để có thể gia nhập WTO, Việt nam cần phải đảm bảo rằng các văn bản pháp luật của mình, các quy định và thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại của mình phủ hợp với yêu cầu của WTO đồng thời tận dụng được các ngoại lệ cho phép của WTO để bảo hộ nền kinh tế trong nước. Chuyên đề này sẽ trình bày các quy định về các biện pháp phi thuế quan và các quy định tương ứng của Việt Nam. Chuyên đề được chia thành 3 phần :

1.     Khái quát về các biện pháp liên quan đến thương mại hang hoá trong WTO;

2.     Quy định của WTO về NTMs và quy định tương ứng trong pháp luật Việt Nam

3.     Kiến nghị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

I.        KHÁI QUÁT VỀ CÁC BIỆN PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN HÀNG HOÁ TRONG WTO

Trong WTO, các biện pháp liên quan đến hàng hoá bao gồm hai loại là biện pháp thuế quan và biện pháp phi thuế quan.

1.       Biện pháp thuế quan

Biện pháp thuế quan là biện pháp sử dụng thuế quan như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các loại thuế trong nước để quản lý hàng hoá lưu thông trên thị trường. Biện pháp này có một số ưu điểm và khuyết điểm sau:

a. Về ưu điểm

Các biện phán thuế quan có một số ưu điểm cơ bản sau:

- Thứ nhất, các biện pháp này khá rõ ràng. Giả sử đối với một hàng hoá nhập khẩu nào đó ngoài thuế quan không hề bị áp dụng bất kỳ một biện pháp hạn chế thương mại nào khác thì lợi thế của hàng hoá sản xuất trong nước so với hang nhập khẩu chính là mức thuế nhập khẩu. Sự minh bạch, rõ ràng của thuế quan là một ưu điểm lớn của biện pháp bảo hộ. Trong WTO thuế quan được thừa nhận là công cụ hợp pháp bảo hộ sản xuất trong nước. NTBs phải được xoá bỏ hoặc thuế hoá.

- Thứ hai, các biện phép thuế quan là rất ổn định, dễ dự đoán. Qua nhiều vòng đàm phán đa phương, thuế quan ngày càng có xu thế ổn định là dễ dự đoán. Sau Vòng đàm phán Uruguay, tất cả các nước thành viên WTO đều phải ràng buộc 100% các dòng thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đối với các sản phẩm công nghiệp, các nước phát triển đã ràng buộc 99% các dòng thuế, các nước đang phát triển ràng buộc 73% và các nước có nền kinh tế chuyển đổi ràng buộc 98%. Các con số này đảm bảo mức độ tiếp cận thị trường an toàn hơn cho các nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế.

- Ba là, các biện pháp này dễ đàm phán để cắt giảm mức bảo hộ. Vì thuế quan là công cụ bảo hộ mang tính rõ ràng hơn cả nên trong khuôn khổ các cuộc đàm phán song phương và đa phương, thuế quan luôn là đối tượng đàm phán cắt giảm. Một điểm đáng chú ý khác là trong khuôn khổ đàm phán đa phương, thuế quan có thể được tiến hành cắt giảm theo công thức. Trong và sau Vòng đàm phán Uruguay, trong khuôn khổ WTO còn nổi lên xu hướng cắt giảm thuế quan theo ngành (ví dụ: mức thuế 0% áp dụng cho nhiều sản phẩm của các ngành dược phẩm, sắt thép, sản phẩm công nghệ thông tin...).

b. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có nhược điểm

- Một nhược điểm dễ thấy của thuế quan là không tạo được rào cản nhanh chóng. Trước các tình thế khẩn cấp như hàng nhập khẩu tăng nhanh gây tổn hại hoặc đe doạ gây lổn hại cho ngành sản xuất nội địa, các NTB như cấm nhập khẩu, hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu không tự động... tỏ ra hữu hiệu hơn, có khả năng ngay lập tức chặn đứng đòng nhập khẩu.

2.       Các biện pháp phi thuế (NTMs)

Ngoài thuế quan ra, tất cả các biện pháp khác, dù là theo quy định pháp lý hay tồn tại trên thực tế, ảnh hưởng đến mức độ và phương hướng nhập khẩu được gọi là các NTM. Mỗi NTM có thể có một hoặc nhiều thuộc tính như áp đụng tại biên giới hay nội địa, được duy trì một cách chủ động hay bị động, phù hợp hoặc không phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm bảo hộ hay không bảo hộ... Biện pháp này cúng có các ưu điểm và nhược điểm nhất định.

a.       Về ưu điểm

Các biện pháp phi thuế quan có một số ưu điểm cơ bản sau:

- Thứ nhất, các biện pháp này phong phú về hình thức[17] : nhiều NTM khác nhau có thể đáp ứng cùng một mục tiêu, áp dụng cho cùng một mặt hàng. Các NTM trong thực tế rất phong phú về hình thức nên tác động, khả năng và mức độ đáp ứng mục tiêu của chúng cũng rất đa dạng. Do đó, nếu sử dụng NTM để phục vụ một mục tiêu đề ra thì có thể có nhiều sự lựa chọn, kết hợp hơn mà không bị gò bó chật hẹp trong khuôn khổ một công cụ duy nhất như thuế quan. Ví dụ: để nhằm hạn chế nhập khẩu phân bón, có thể đồng thời áp dụng các biện pháp hạn ngạch nhập khẩu, cấp giấy phép nhập khẩu không tự động, đầu mối nhập khẩu, phụ thu nhập khẩu.

- Thứ hai, sử dụng các biện pháp này có thể cùng lúc đáp ứng nhiều mục tiêu với hiệu quả cao. Mỗi quốc gia để thực hiện chính sách kinh tế, thương mại của mình nhằm các mục tiêu như: (i) bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển một số ngành nghề; (ii) bảo vệ an toàn sức khoẻ con người, động thực vật, môi trường; (iii) hạn chế tiêu dùng; (iv) đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán; (v) bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, v.v...phải sử dụng các biện pháp khác nhau. Các NTM có thể đồng thời phục vụ hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau khi việc sử dụng công cụ thuế quan không khả thi hoặc không hữu hiệu bằng.

Ví dụ: quy định về vệ sinh kiểm dịch đối với nông sản nhập khẩu vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ con người, động thực vật lại vừa gián tiếp bảo hộ sản xuất nông  nghiệp trong nước một cách hợp pháp. Hay cấp phép không tự động đối với dược phẩm nhập khẩu vừa giúp bảo hộ ngành dược nội địa, dành đặc quyền cho một số đầu mối nhập khẩu nhất định, quản lý chuyên ngành một mặt hàng quan trọng đối với sức khoẻ con người, phân biệt đối xử với một số nước cung cấp nhất định.

- Thứ ba, nhiều NTM chưa bị cam kết ràng buộc cắt giảm hay loại bỏ. Do NTM thường mang tính mập mờ, mức độ ảnh hưởng không rõ ràng như những thay đổi định lượng của thuế quan, nên tác động của chúng có thể lớn nhưng lại là tác động ngầm, có thể che đậy hoặc biện hộ bằng cách này hay cách khác. Hiện nay các hiệp định của WTO chỉ mới điều chỉnh việc sử dụng một số NTM nhất định. Trong đó, tất cả các NTM hạn chế định lượng[18] đều không được phép áp dụng, trừ trường hợp ngoại lệ.

Một số NTM khác tuy có thể nhằm mục tiêu hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước nhưng vẫn được WTO cho phép áp dụng với điều kiện tuân thủ những quy định cụ thể, rõ ràng, khách quan. Chẳng hạn như tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp kiểm dịch động thực vật, tự vệ, thuế chống bán phá giá, các biện pháp chống trợ cấp, thuế đối kháng, hỗ trợ nông nghiệp dạng hộp xanh.

Ngoài ra, vẫn có thể tiếp tục áp dụng mà chưa bị yêu cầu cắt giảm hay loại bỏ những NTM chưa xác định được sự phù hợp hay không phù hợp với các quy định của WTO. Những NTM này có thể do WTO chưn có quy định điều chỉnh hoặc có quy định nhưng rất chung chung và trên thực tế rất khó có thể xác định được tính phù hợp hay không phù hợp với quy định đó, hoặc chúng vẫn là một thực tế được thừa nhận chung. Chẳng hạn như yêu cầu đặt cọc, trả thuế nhập khẩu trước. v.v...

b. Mặc dù có khá nhiều ưu điểm, các biện pháp này cũng lỗ rõ một số nhược điểm

Một là, các biện pháp này khôngrõ rang và khó dự đoán. Các NTM trên thực tế thường được vận dụng dựa trên cơ sở dự đoán chủ quan, thậm chí tuỳ tiện, của nhà chức trách về sản xuất và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn để xác định hạn ngạch nhập khẩu phân bón trong năm tới, Chính phủ phải dự kiến được công suất sản xuất trong nước có khả năng đáp ứng được bao nhiêu phần trăm tổng nhu cầu về phân bón của toàn ngành nông nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày nay rất phức tạp và thường xuyên hiến động, việc đưa ra một dự đoán tương đối chính xác là rất khó khăn. Nếu dự đoán không chính xác sẽ có ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước. Ví dụ như gây ra thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cấp phân bón khi sản xuất trong nước vào thời vụ, đẩy giá tăng vọt (sốt nóng) hoặc trái lại, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu quá lớn trên thị trường làm giá sụt giảm (sốt lạnh). Điều này đồng nghĩa với việc các quyết định sản xuất và kinh doanh sẽ chịu rủi ro cao hơn.

Sử dụng NTM cũng thường làm nhiễu tín hiệu chỉ dẫn quyết định của người sản xuất và người tiêu dùng trong nước, tín hiệu chỉ dẫn việc phân bổ nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế (chính là giá thị trường), phản ánh không trung thực lợi thế cạnh tranh thực sự. Do đó, khả năng xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả trong trung và dài hạn của người sản xuất bị hạn chế.

Tác động của các NTM thường khó có thể lượng hoá được rõ ràng như tác động của thuế quan. Nếu mức bảo hộ thông qua thuế quan đối với một sản phẩm có thể dễ dàng được xác định bằng chính thuế suất đánh lên sản phẩm đó thì mức độ bảo hộ thông qua NTM là tổng mức bảo hộ của các NTM riêng rẽ áp dụng cho cúng một sản phẩm. Bản thân mức độ bảo hộ của mỗi NTM cũng chỉ có thể được ước lượng một cách tương đối. Cũng vì mức độ bảo hộ của các NTM không dễ xác định nên rất khó xây dựng một lộ trình tự do hoá thương mại rõ ràng như với bảo hộ chỉ bằng thuế quan .

- Hai là, sử dụng các  biện pháp này sẽ dẫn đến khó khăn, tốn kém trong quản lý. Vì khó dự đoán nên các NTM thường đòi hỏi chi phí quản lý cao và tiêu tốn nhân lực của nhà nước để duy trì hệ thống điều hành, kiểm soát bằng NTMs. Một số NTM thuộc thẩm quyền và phạm vi quản lý của nhiều cơ quan với những mục tiêu khác nhau, đôi khi còn mâu thuẫn nhau, nên có thể gây khó khăn cho bản thân các nhà hoạch định chính sách, quản lý, và các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế trong việc xây dựng, sử dụng, tiếp cận thông tin cũng như đánh giá tác động của các NTM này.

Các doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng đến tiếp cận thông tin và chưa có ý thức xây dựng, đề xuất các NTM để bảo hộ sản xuất, còn trông chờ vào nhà nước tự quy định. Do đó, thực tế là các doanh nghiệp thường phải tốn kém chi phí vận động hành lang để cơ quan chức năng ra quyết định áp dụng NTM nhất định có lợi cho mình.

Ngoài ra, có những NTM bị động là những NTM tồn tại trên thực tế ngoài ý muốn của các nhà hoạch định chính sách như bộ máy quản lý thương mại quan liêu, năng lực thấp của các nhân viên hải quan, các văn bản pháp lý không được công bố công khai …

- Ba là, sử dụng các biện pháp này, nhà nước không hoặc ít thu được lợi ích tài chính. Việc sử dụng các NTM phục vụ mục tiêu hạn chế nhập khẩuu, bảo hộ sản xuất trong nước hầu như không đem lại nguồn thu tài chính trực tiếp nào cho nhà nước mà thường chỉ làm lợi cho một số doanh nghiệp hoặc ngành nhất định được bảo hộ hoặc được hưởng ưu đãi, đặc quyền, như được phân bổ hạn ngạch, được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu. Điều này còn dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nội bộ nền kinh tế.

3.       Sự kết hợp giữa hai biện pháp để bảo hộ sản xuất trong nước

Các biện pháp thuế quan và NTM là hai công cụ bảo hộ sản xuất quan trọng đối với mọi quốc gia. Do mỗi công cụ đều có điểm mạnh, yếu đặc thừ nêu chúng thường được sử đụng bổ sung lẫn nhau nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Mặc dù về lý thuyết, WTO và các định chế thương mại khu vực thường chỉ thừa nhặn thuế quan là công cụ bảo hộ hợp pháp duy nhất nhưng thực tế đã chứng minh rằng các nước không ngừng sử dụng các NTM mới, vừa đáp ứng mục đích bảo hộ, vừa không trái với thông lệ quốc tế.

Mức độ hiệu quả của bảo hộ có tăng lên nhiều hay không còn phụ thuộc vào tính linh hoạt có chọn lọc, có định hướng của chính phủ các nước trong việc áp dụng NTMs bổ trợ cho biện pháp thuế quan. Nếu biết kết hợp hài hoà và tinh tế hai công cụ này, sản xuất trong nước sẽ được bảo hộ, hỗ trợ có thời hạn để nâng cao sức cạnh tranh nhằm từng bước thích nghi với các định chế và nguyên tắc chung của môi trường thương mại quốc tế.

 

II QUY ĐỊNH CỦA WTO VỀ NTMS VÀ QUY ĐỊNH TƯƠNG ỨNG TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 

Việc phân tích về các biện pháp phi thuế quan của ta hiện nay và khả năng áp dụng những biện pháp đó nhằm đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội nhất định có thể dựa trên các khái niệm và qui định chung của WTO. Phần này giới thiệu hết sức ngắn gọn theo ngôn ngữ các hiệp định của WTO về các khái niệm và qui định liên quan tới NTMs và đối chiếu với các quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam theo các nhóm như sau:

1.       Các biện pháp quản lý định lượng

Ngoài thuế quan, thuế nội địa và các loại phí khác, các thành viên không được tạo ra hay duy trì những biện pháp như hạn ngạch, giấy phép hay các biện pháp khác nhằm hạn chế số lượng nhập khẩu từ những thành viên khác, hay hạn chế số lượng xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu tới các thành viên khác. Các biện pháp này bao gồm:

a.       Biện pháp cấm

Cấm xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp bảo hộ cao nhất, gây ra hạn chế lớn nhất đối với thương mại quốc tế và nói chung không được phép sử dụng trong WTO.

Trong pháp luật Việt Nam, vấn đề này được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản sau:

- Luật Thương mại;

- Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;

- Nghị định Số 44/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 Về việc sửa, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;

- Quyết định số của thủ tướng chính phủ Số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005;

- Các văn bản hưởng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Mặc dù WTO không cho phép sử dụng các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo điều kiện để các quốc gia bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh quốc gia của mình. Chính vì vậy, trong các quy định của WTO vẫn có duy trì các ngoại lệ mà theo đó, các thành viên có thể thi hành các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử trong một số trường hợp được quy định tại các Điều XX, XXI và XI của GATT 1994.

Nhìn chung, các quy định liên quan đến cấm xuất khẩu, nhập khẩu trọng pháp luật Việt Nam được xây dựng dựa trên các ngoại lệ của GATT 1994. Tuy nhiên, không phải tất cả các quy định của pháp luật thương mại Việt Nam về cấm xuất khẩu, nhập khẩu đều phù hợp với các ngoại lệ của WTO. Cụ thể như sau:

WTO quy định trong các trường hợp sau, các nước thành viên được áp dụng các biện pháp cấm xuất khẩu, nhập khẩu:

- Cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia;

(GATT 1994, Điều XXI)

- Cần thiết để bảo vệ đạo đức xã hội;

- Cần thiết để bảo vệ con người, động vật và thực vật;

- Liên quan tới nhập khẩu hay xuất khẩu vàng và bạc;

- Cần thiết đề bảo vệ các tài sản quốc gia về nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ;

- Cần thiết để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, với điều kiện là các biện pháp này cần phải thực hiện kèm theo việc hạn cho sản xuất hay tiêu dùng nội địa liên quan tới chúng;

(GATT 1994, Điều XX)

- Được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác;

- Cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay qui định để phân loại (classification), xếp hạng (grading) hay tiếp thị các sản phẩm trong thương mại quốc tế; (GATT 1994. Điều XI)

Theo quy định của Nghị định 57, Nghị định 44 và Quyết định 46 thì các mặt hàng sau đây bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu :

- Hàng cấm xuất:

+ Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

+ Đồ cổ.

+ Các loại ma tuý.

+ Các loại hoá chất độc.

+ Gỗ tròn, gỗ xẻ từ gỗ rừng tự nhiên trong nước; củi, than làm từ gỗ hoặc củi, có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

+ Động vật hoang dã và động thực vật quý hiếm tự nhiên.

+ Các loại máy mã chuyên dụng và các chương trình phần mềm mật mã sử dụng trong phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước.

- Hàng cấm nhập khẩu

+ Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự

+ Các loại ma tuý.

+ Các loại hoá chất độc.

+ Sản phẩm vãn hoá đồi truỵ, phản động; đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến giáo dục nhân cách và trật tự, an toàn xã hội.

+ Pháo các loại (trừ pháo hiệu các loại cho an toàn hàng hải và nhu cầu khác theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ

+ Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác.

+ Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng,

+ Phương tiện vận tải tay lái nghịch, trừ các loại phương tiện chuyên dùng, hoạt động trong phạm vi hẹp

+ Vật tư, phương tiện đã qua sử dụng.

+ Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amphibole.

+ Các loại máy mã chuyên dụng và các chương trình phần mềm mật mã sử dụng trong phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước[19].

Trong số các mặt hàng bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu nêu trên, có một số mặt hàng không nằm trong các ngoại lệ của WTO như đã nêu ở phần trên bao gồm:

- Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác. Mặt hàng này không nằm trong các ngoại lệ của GATT bởi lẽ, tuy nó có hại cho sức khoẻ con người, có thể sử dụng ngoại lệ theo Điều XX của GATT để giải thích. Song, do trong nước, các doanh nghiệp vẫn được phép sản xuất và lưu thông các sản phẩm này, do vậy, quy định này là không phù hợp với các quy định của WTO.

- Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng.

- Vật tư, phương tiện đã qua sử dụng

Các quy định này cần phải được xem xét sửa đổi đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO trước khi Việt Nam gia nhập.

b.              Hạn ngạch

WTO không cho phép các thành viên áp dụng biện pháp hạn ngạch để hạn chế việc nhập khẩu hàng hoá vào nước mình nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, biện pháp hạn ngạch có thể được sử dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử:

·            Được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm

lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác;

·                 Cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay qui định để phân loại (classiffication), xếp hạng (grading) hay tiếp thị các sản phẩm trong thương mại quốc tế;

·            Các nông sản và thuỷ sản (Điều XI, 2 (c))

(GATT 1994, Điều XI)

Có thể hạn chế số lượng hay giá trị hàng nhập khẩu để bảo vệ sự cân bằng cán cân thanh toán. Việc tạo ra, duy trì hay mở rộng hạn chế số lượng vì mục đích này không được vượt quá mức cần thiết:

·                 Để ngăn ngừa sự đe doạ sắp xảy ra hay để chặn lại sự thiếu hụt nghiêm trọng dự trữ tiền tệ; hay

·                 Trong trường hợp một thành viên có dự trữ tiền tệ rất thấp, để đạt được một mức tăng hợp lý dự trữ tiền tệ.

(GATT 1994, Điều XII)

Hiện nay, Việt Nam chỉ duy trì hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm đường tinh luyện và đường thô[20]. Theo quy định của WTO, sản phẩm đường được coi là hàng nông sản. Do vậy, mặt hàng này chịu sự điều chỉnh của Điều XI.2.c của GATT 1994. Theo quy định này, hạn ngạch có thể được áp dụng đối với hàng nông sản nhằm hạn chế số lượng các sản phẩm nội địa tương tự được phép tiêu thụ trên thị trường hay sản xuất; loại trừ tình trạng dư thừa một sản phẩm nội địa tương tự hoặc hạn chế số lượng cho phép sản xuất với một súc sản mà việc sản xuất lại phụ thuộc trực tiếp một phần hay toàn bộ vào một mặt hàng nhập khẩu. Nếu theo quy định này thì việc áp dụng hạn ngạch đối với việc nhập khẩu đường tinh luyện và đường thô không thoả mãn quy định này. Bởi vì, rõ ràng là việc áp dụng hạn ngạch không nhằm hạn chế số lượng các sản phẩm nội địa tương tự hay loại trừ tình trạng dư thừa một sản phẩm nội địa tương tự.

Như vậy, việc áp dụng hạn ngạch đối với việc nhập khẩu đường là chưa phù hợp với quy định của WTO và cần được nghiên cứu để loại bỏ quy định về hạn ngạch này.

c.       Hạn ngạch thuế quan

Hạn ngạch thuế quan là một hình thức hạn ngạch đặc biệt có thể áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp theo qui định tại Phụ lục I, Hiệp định Nông nghiệp. Theo quy định này, các thành viên không được áp dụng các biện pháp phi thuế quan đối với nông sản. Tất cả các biện pháp phi thuế quan cần phải được thuế hoá[21] (Phụ lục V, Hiệp định Nông nghiệp). Thông thường với mức thuế hoá tại vòng Uruguay thì mức nhập khẩu nông sản hầu như không đáng kể.

Để đảm bảo một mức độ mở cửa thị trường nhất định, WTO cho phép áp dụng biện pháp TRQ. TRQ cho phép sử dụng hai mức thuế suất, một mức thấp cho khối lượng trong hạn ngạch, mức thứ hai có thể cao hơn cho nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Hạn ngạch có thể được tính bằng mức chênh lệch giữa tiêu dùng và sản xuất trong nước. Việc quản lý TRQ tuy khó khăn nhưng sẽ đáp ứng được người tiêu dung muốn sử dụng hàng nhập khẩu giá rẻ, đồng thời bảo vệ được người sản xuất trong nước. Tại vòng Uruguay, TRQ được thông qua để đảm bảo tiếp cận thị trường hiện tại (hay tối thiểu) khi các biện pháp phi thuế quan đã được thuế hoá (Điều IV, Hiệp định Nông nghiệp). Cũng tại vòng này, hạn ngạch được tính để đảm bảo các yêu cầu về tiếp cận thị trường hiện tại và tối thiểu[22].

Trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới của mình, vấn đề áp dụng TQR ở Việt Nam cũng đã bắt đầu được tính đến. Ngày 09 tháng 05 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam. theo Quyết định này, hạn ngạch thuế quan sẽ được áp dụng thí điểm đối với Bông, thuốc lá nguyên liệu và muối từ ngày 02/07/2003. Còn các sản phẩm sữa nguyên liệu, trứng gia cầm và ngô hạt do các Bộ, ngành chủ quản căn cứ vào tình hình thực tế quyết định thời điểm áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng này[23]. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 07 tháng 08 năm 2003, bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 126/2003/QĐ-BTC về việc Ban hành danh mục hàng hoá và thuế xuất nhập khẩu để áp dụng hạn ngạch thuế quan. Như vậy. bước đầu việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đã được thực hiện thay cho hạn ngạch thông thường. Đây là một biện pháp hữu hiệu, đồng thời phù hợp với quy định của WTO và ta nên tận dụng.

d.       Giấy phép

Thủ tục cấp phép nhập khẩu được xác định như là các thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp phép nhập khẩu, đòi hỏi đệ trình đơn hay các tài liệu khác (không liên quan tới mục đích hải quan) tới các cơ quan hành chính thích hợp là điều kiện tiên quyết để được phép nhập khẩu.

WTO yêu cầu thủ tục hành chính để thực hiện chế độ cấp phép không được đặt ra theo hướng bóp méo thương mại do sử dụng không thích hợp các thủ tục đó. Các qui tắc đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu phải được áp dụng trung lập (neutral) và được quản lý theo một cách thức công bằng và hợp lý. Vấn đề này được quy định trong Luật Thương mại, Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 quy định chi tiết Luật Thương mại và Nghị định 44/20011NĐ-CP ngày 02/08/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 57/1998/NĐ-CP. Quyết định 46/QĐ-TTg ngày 04/04/2001 và các văn bản của các Bộ, ngành hướng dẫn thi hành các văn bản nêu trên. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt nam về Thủ tục cấp phép nhập khẩu được áp dụng một cách trung lập, công bằng.

Điều 1 Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu quy định: các thông tin liên quan tới thủ tục nộp đơn, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, cơ quan tiếp nhận, danh sách các sản phẩm đòi hỏi giấy phép cần phải công khai trong thời hạn 21 ngày trước khi chúng có hiệu lực. Người nộp đơn chỉ cần tiếp cận tới một cơ quan hành chính. Trường hợp đặc biệt không được quá ba cơ quan. Nhà nhập khẩu hàng cần giấy phép có thể tiếp cận ngoại tệ cần thiết trên cùng một cơ sở với hàng nhập khẩu không cần giấy phép. Pháp luật Việt nam không có quy định cụ thể về thời hạn công bố các thông tin liên quan tới thủ tục nộp đơn, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi ngày 27 tháng 12 năm 2002 quy định: các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Chính phủ trở xuống chỉ có hiệu lực pháp luật sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Quy định này rõ ràng là chưa phù hợp với quy định của Điều 1 Hiệp định Thủ tục cấp phép nhập khẩu bởi vì Hiệp định yêu cầu thời hạn này là 21 ngày trước khi có hiệu lực. Vấn đề này cần xem xét sửa đổi khi Việt nam gia nhập WTO. Ngoài ra, Khoản 4 Điều 5 Nghị định 57 quy định: "vào đầu quý IV hàng năm, Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trinh Thủ tường Chính phủ phê duyệt nguyên tắc điều hành xuất nhập khẩu cho năm kế hoạch tiếp theo đối với các mặc hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện theo hướng giảm dần Danh mục hàng hoá này và dùng thuế để điều tiết". Như vậy, các quy định của pháp luật Việt nam liên quan đến thủ tục cấp phép nhập khẩu về cơ bản đảm bảo được tính minh bạch và công bằng. Tuy nhiên chưa đảm bảo yêu cầu về mặt thời gian công bố trước khi có hiệu lực theo quy định của điều 1 Hiệp định thủ tục cấp phép nhập khẩu.

Về hình thức cấp phép, WTO quy định hai hình thức là cấp phép tư động và cấp phép không tự động.

Cáp phép nhập khẩu tự động là hình thức cấp phép trong đó tất cả đơn đều được chấp thuận, không hạn chế khối lượng nhập khẩu trong phạm ví điều chỉnh, không đặt ra hạn chế với nhà nhập khẩu, được chấp thuận trong vòng 10 ngày (Điều 2, Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu). WTO yêu cầu pháp luật của các nước thành viên về thủ tục cấp phép tự động phải không được tiến hành theo cách thức có tính chất hạn chế đối với những hàng nhập khẩu thuộc diện cấp phép tự động. Tức là mọi đối tượng đáp ứng được yêu cầu pháp lý của thành viên nhập khẩu về việc tham gia nhập khẩu mặt hàng thuộc diện cấp phép tự động đều có quyền nộp đơn xin cấp phép vào bất cứ ngày làm việc nào trong tuần và được quyền nhận giấy phép trong thời hạn không quá 10 ngày. Về vấn đề này, Điều 3 Nghị định 44 quy định; “Tất cả các loại hàng hoá, trừ hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu đều được xuất khẩu, nhập khẩu”. Điều 8 Nghị định này cũng quy định: “Thương nhân theo quy định của pháp luật được nhập khẩu hàng hoá theo ngành nghề, ngành hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh". Như vậy, pháp luật Việt nam về vấn đề này là hoàn loàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của WTO.

Cấp phép nhập khẩu không tự động: là thủ tục cấp phép không phải là cấp phép tự động. WTO yêu cầu thủ tục cấp phép không tự động không được gây ra hạn chế hay bóp méo thương mại hơn mức các điều kiện do yêu cầu cấp phép đặt ra. Các thủ tục cấp phép không tự động cần phải tương ứng về phạm vi và thời hạn với biện pháp mà chúng được sử dụng để thực hiện, và sẽ không đặt ra những gánh nặng hành chính hơn mức cần thiết để quản lý biện pháp đó. Trong trường hợp đòi hỏi cấp phép không vì mục đích quản lý số lượng, các thành viên phải công bố đẩy đủ thông tin về cơ sở để cấp phép (Điều 3. Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu . Vấn đề này được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt nam như Nghị định 57/CP, Nghị định 44/2001/NĐ-CP, Quyết định 46/QĐ-TTg, và rất nhiều các thông tư, văn bản do các Bộ, ngành ban hành đề quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành. Theo Nghị định 44/2001/NĐ-CP quy định: Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan. Hàng hoá thuộc Danh mục này chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp đặc biệt khi được phép của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 4). Danh mục Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện (bao gồm: a) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hạn ngạch; b) hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại; c) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành; d) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ) và những quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục này do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành liên quan" (Điều 5). Đối với hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh; Danh mục hàng hoá, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện, thương nhân phải thực hiện đầy đủ quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh các hàng hoá trước khi tiến hành xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 8). Như vậy, vấn đề này được quy định trong pháp luật Việt Nam một cách rải rác trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các thông tư của các Bộ. ngành dẫn đến khó khăn cho các nhà kinh doanh trong việc nộp đơn xin giấy phép nhập khẩu các mặt hàng thuộc điện cấp phép không tự động. Do vậy, cần là soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này và tập trung quy định vào một số lượng nhỏ các văn bản để tiện thực hiện.

2.       Các biện pháp quản lý về giá

Các biện pháp quản lý giá nhập khẩu hay giá bán trong nước nói đến ở đây là các biện pháp có thể có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá bao gồm các biện pháp cụ thể sau :

a.       Trị giá tính thuế hải quan

Việc định giá tính thuế hải quan là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo không phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng trong nước, đồng thời thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các nước. Việc tuỳ tiện định giá tính thuế hải quan có thể bóp méo kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá. Vấn đề này được quy định chủ yếu trong Điều 7 Hiệp định Hiệp định chung về thuế quan và thương mại và Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Hiệp định CVA). Trong pháp luật Việt Nam, trị giá tính thuế và việc xác định trị giá tính thuế hải quan được quy định trong Luật thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật Hải quan và Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.

WTO qui định giá tính thuế hàng nhập khẩu là giá giao dịch, tức là giá đã trả hay phải trả cho hàng hoá khi được bán để xuất khẩu đến nước nhập khẩu có tính đến những điều chỉnh nhất định như phí hoa hồng, môi giới, đóng gói (Điều 1 - 6 và Điều 8, Hiệp định xác định trị giá tính thuế quan). Vấn đề này trong pháp luật Việt Nam được quy định tương ứng tại các điều 5- 10 Nghị định 60. Nhìn chung, các quy định của Nghị định 60 là tương đối phù hợp với Quy định của Hiệp định CVA. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm trong Nghị định 60 cần phải sửa đổi cho phù hợp với các yêu cầu của WTO về vấn để này, cụ thể như sau:

Điều 5.2 Hiệp định CVA quy định nếu không có hàng nhập khẩu đang được tính trị giá hay hàng nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự được bán ra tại nước nhập khẩu còn nguyên trạng như khi nhập khẩu và nếu người nhập khẩu có yêu cầu thì trị giá hải quan sẽ được tính dựa trên đơn vị giá mà hàng nhập khẩu, sau khi được chế biến hay gia công, được bán với số lượng lớn nhất cho những người không có quan hệ đặc biệt với người bán hàng này tại nước nhập khẩu; có tính đến việc khấu trừ đối với trị giá gia tăng thông qua việc chế biến đó và những khoản khấu trừ được quy định tại khoản l (a). Vấn đề này được quy định tương ứng trong Điều 7.4 Nghị định 60 như sau: hàng hoá nhập khẩu qua quá trình gia công, chế biến thêm ở trong nước thì cũng có thể được xác định trị giá tính thuế theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trừ thêm các chi phí gia công, chế biến làm tăng thêm giá trị của hang hoá. Trong trường hợp sau khi gia công, chế biến hàng hoá nhập khẩu bị thay đổi đặc điểm, tính chất, công dụng và không còn nhận biết được như hàng hoá nhập khẩu ban đầu thì không được áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều này. Quy định này của Nghị định rõ ràng là chưa phù hợp với yêu cầu của WTO, do vậy, cần xem xét sửa đổi Điều 7.4 Nghị định 60 theo hướng quy định việc áp dụng phương pháp tính trị giá đối với hàng nhập khẩu sau khi đã qua gia công hay chế biến chỉ nêu đáp ứng hai điều kiện là khi không có hàng hoá nhập khẩu đang được tính giá trị hay hàng nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự được bán tại Việt Nam và khi người nhập khẩn yêu cầu. Đồng thời Nghị định cũng cần thay đổi để có thể áp dụng chú thích cho Điều 5.2 của hiệp định CVA.

Ngoài việc quy định cách tính giá tính thuế, WTO không cho phép sử dụng các cách sau để xác định trị giá tính thuế:

·       giá nhập khẩu tối thiểu

·       giá bán trong nước của hàng hoá tương tự được sản xuất tại nước mà hàng hoá cần xác định trị giá hải quan được nhập khẩu;

·       một hệ thống cho phép chấp nhận giá cao hơn trong hai loại giá sử dụng để xác định trị giá tính thuế quan của hàng hoá;

·       giá bán của hàng hoá tại thị trường nước xuất khẩu;

·       định giá trên có sở giả định hay tuỳ tiện.

     (Điều 7, Hiệp định xác định trị giá tính thuế quan)

Điều 7 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định cơ sở định giá tính thuế là giá bán tại cửa khẩu xuất theo hợp đồng đối với hàng xuất khẩu; là giá mua tại cửa khẩu nhập, kể cả phí vận tải, phí bảo hiểm, theo hợp đồng đối với hàng nhập khẩu. Trong trường hợp hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức khác hoặc giá ghi trên hợp đồng quá thấp so với giá mua, bán thực tế lại cửa khẩu thì giá tính thuế là giá do Chính phủ quy định. Rõ ràng là quy định này của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là không phù hợp với yêu cầu của Điều 7 Hiệp định. Vấn đề này cần nhanh chóng được sửa đổi đẻ đảm bảo Việt Nam) có thể thực hiện đúng các quy định của WTO khi gia nhập.

 

b. Thu chênh lệch giá (phụ thu)

WTO yêu cầu tất cả các loại phí vù phụ thu (không phải là thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế nội địa khác) đánh vào hàng xuất nhập khẩu chỉ được giới hạn ở mức tương ứng với chi phí dịch vụ thực sự bỏ ra và không được sử dụng như sự bảo hộ gián tiếp các sản phẩm trong nước, hay như thuế xuất nhập khẩu, hay cho mục đích thu ngân sách (GATT 1994. Điều VIII). Riêng về vấn đề này, trước đây, Việt Nam có áp dụng phụ thu đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam như xăng dầu, phân bón, nhựa PVC. Tuy nhiên, các quy định này đến nay đã được bãi bỏ và hiện không còn áp dụng phụ thu đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

3.       Các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp

a.       Doanh nghiệp thương mại nhà nước

Doanh nghiệp thương mại Nhà nước là các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu được Nhà nước ban cho những đặc quyền nhất định (DNTMNN) có thể gây ra những trở ngại lớn tới thương mại quốc tế. WTO yêu cầu các thành viên phải cam kết đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu của các DNTMNN phù hợp với các nguyên tắc chung về đối xử không phân biệt với các doanh nghiệp tư nhân và phải tiến hành các hoạt động mua bán hàng hoá chỉ dựa trên tiêu chí thương mại, chẳng hạn như giá cả, chất lượng, tiếp thị, vận tải... Đồng thời phải dành cho các doanh nghiệp của các thành viên khác những cơ hội thích hợp tham gia cạnh tranh trong việc mua bán hàng hoá phù hợp với thông lệ kinh doanh chung. Các thành viên có nghĩa vụ thông báo cho WTO về các DNTMNN của họ (GATT 1994, Điều XVII)

Trên thực tế định nghĩa về DNTMNN tại Điều XVII GATT 1994 nêu trên rất mơ hồ gây khó khăn cho các thành viên trong việc thực hiện cam kết liên quan đến vấn đề này. Chính vì vậy, tại vòng đàm phán Uruguay đã đưa ra "định nghĩa triển khai" của DNTMNN tại Bản giải nghĩa Điều XVII GATT 1994 như sau:

“Các doanh nghiệp chính phủ hoặc phi chính phủ, kể cả các ban quản lý thị trường (marketing board), được ban các đặc quyền dù cho theo pháp luật hay trên thực tế, khi thực hiện các đặc quyền đó chúng tác động tới mức độ hay phương hướng xuất nhập khẩu thông qua việc mua bán của mình"

Như vậy, theo định nghĩa này, ba yếu tố chính về DNTMNN là:

-         là một tổ chức Chính phủ hay phi Chính phủ, kể cả các ban thị trường;

-         là tổ chức này được Chính phủ ban cho các đặc quyền;

-         là tổ chức có ảnh hưởng đến mức độ hay phương hướng xuất khẩu hay nhập khẩu thông qua việc mua bán của nó.

Như vậy một doanh nghiệp thương mại Nhà nước có mối quan hệ với Chính phủ thông qua việc ban quyền hay đặc ân của Chính phủ và tiến hành một hoạt động ảnh hưởng đến mức độ hay phương hướng xuất nhập khẩu. Cũng cần lưu ý rằng các hoạt động của một doanh nghiệp thương mại nhà nước có thể không chỉ giới hạn ở các hoạt động phát sinh từ các đặc quyền được ban mà có thể bao gồm cả những hoạt động khác nữa.

Dưới đây là những yếu tố cơ bản của một doanh nghiệp thương mại nhà nước trong mối quan hệ với chính phủ và về các hoạt động mà doanh nghiệp thương mại nhà nước tham gia.

Về các quan hệ với Chính phủ, một doanh nghiệp (không phải là một cơ quan Chính phủ chỉ có quyền vạch chính sách và các nguyên tắc trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại quốc tế) khi thực hiện các quyền đặc biệt và đặc ân đã được Chính phủ ban cho ảnh hưởng đến mức độ hay phương hướng xuất nhập khẩu thông qua việc mua bán của nó là:

a)       một chi nhánh của Chính phủ hay một doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu một phần hay toàn bộ;

b)       tách biệt hoàn toàn khỏi Chính phủ (không phải là một chi nhánh của Chính phủ cũng như không do Nhà nước sở hữu một phần hay toàn bộ), dù cho được thành lập để tiến hành các chính sách hay chương trình của Chính phủ hay cho các mục đích thương mại.

Ngoài ra doanh nghiệp mua hay bán một sản phẩm hay một nhóm sản phẩm hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp và:

i)        doanh nghiệp được Chính phủ uỷ quyền hoặc giao cho một hoặc nhiều nhiệm vụ sau:

-         kiểm soát và/hoặc tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu;

-         phân phối hàng nhập khẩu;

-         kiểm soát sự sản xuất, chế biến hoặc phân phối trong nước.

ii)       tất cả hay một phần hoạt động của doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ theo một trong những cách sau, và sự hỗ trợ này là đặc biệt và ưu đãi hơn và không dành cho các doanh nghiệp khác, hoặc không được dựa trên các yếu tố thương mại thuần tuý:

-         hỗ trợ tài chính;

-         ưu đãi về thuế hay lãi suất;

-         bảo lãnh (ví dụ cho các khoản vay hay khoản lỗ);

-         miễn thuế hải quan;

-         tiếp cận ưu đãi lới ngoại tệ;

-         mọi hỗ trợ ngoài ngân sách khác.

Về các hoạt động doanh nghiệp thương mại Nhà nước có thể tham gia, một doanh nghiệp thương mại Nhà nước có thể tham gia một hay nhiều các hoạt động nêu dưới đây. Các hoạt động này có thể liên quan trực liếp tới nhập khẩu, xuất khẩu hay chế độ thương mại, chúng cũng có thể liên quan tới sản xuất trong nước hay thương mại theo một cách thức có trợ cấp.

a)       kiểm soát hay tiến hành xuất nhập khẩu;

b)       quản lý các hạn ngạch đa biên hoặc song biên, hạn ngạch thuế quan hay các thoả thuận hạn chế khác, hoặc là các qui định khác về xuất nhập khẩu;

c)       cấp giấy phép xuất nhập khẩu;

d)       xác định giá bán nội địa đối với hàng nhập khẩu;

e)       thực thi các yêu cầu được giao trong một chương trình tiếp thị hang nông nghiệp và/hoặc các chương trình bình ổn.

Ngoài ra có thể kể đến các hoạt động sau:

-         quản lý sản xuất trong nước;

-         xác định giá mua/bán của sản phẩm nội địa;

-         quản lý việc phân phối trong nước của các sản phẩm nội địa hay nhập khẩu;

-         thực hiện việc mua/bán sản phẩm nội địa dựa trên giá trần hoặc giá sàn đã được xác định trước (can thiệp đến mua/bán);

-         cấp các bảo lãnh tín dụng cho các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu và nhập khẩu;

-         tham gia vào các hoạt động hồ trợ xuất nhập khẩu như lưu kho, vận chuyển, chế biến, đồng gói và bảo hiểm;

-         kiểm soát hoặc tiến hành tiếp thị hay phân phối các sản phẩm đã chế biến qua các chi nhánh hay liên doanh tại các thị trường nhập khẩu;

-         thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng đối với hàng nhập khẩu hay hàng nội địa, kể cả để xuất khẩu;

-         tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước;

-         mua sắm và duy trì các kho nông sản hoặc hàng dự trữ chiến lược;

-         đàm phán hoặc quản lý các hợp đồng xuất nhập khẩu song phương dài hạn (kể cả hợp đồng giữa các Chính phủ);

-         thực hiện những hoạt động mua bán cần thiết để hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng do Chính phủ tham gia.

Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì một số doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện DNTMNN theo Điều XVII của GATT 1994, các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước, các nghị định hướng dẫn thi hành và các Nghị định thành lập các doanh nghiệp này trong đó có quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các doanh nghiệp. Theo công bố của Việt Nam ra WTO thì các doanh nghiệp nhà nước thuộc loại này là Tổng Công ty dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty xăng dầu, một số công ty xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu, Tổng Công ty xuất nhập khẩu hàng không, Tổng Công ty xuất nhập khẩu và phân phối phim và Tổng Công ty xuất nhập khẩu sách báo. Các doanh nghiệp này, ngoài quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh còn có quyền tham gia vào việc ban hành các quy định về thương mại. Bên cạnh các công ty nêu trên, còn nhiều tổng công ty nhà nước có quyền hướng dẫn giá hoặc khung giá xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm và dịch vụ; quy định khung giá xuất, nhập khẩu một số vật tư, nguyên phụ liệu, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm và dịch vụ quan trọng. Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp này thuộc loại doanh nghiệp TMNN theo Điều XVII của GATT và cần được thông báo theo quy định của WTO và các doanh nghiệp này chưa thực sự hoạt động trên tiêu chí thương mại. Do vậy, để đảm bảo thực hiện đúng các cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam cần chấn chỉnh lại hoạt động của các doanh nghiệp thương mại nhà nước để các doanh nghiệp này hoạt động thực sự trên nguyên tắc thương mại.

b.       Quyền kinh doanh

Về vấn đề này, WTO không có định nghĩa cụ thể về quyền kinh doanh. Ta có thể hiểu, quyền kinh doanh hay còn gọi là quyền thương mại trong lĩnh vực hàng hoá là quyền dành cho một số công ty nhất định được tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Những nước có nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung hoặc những nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thường sử dụng quyền kinh doanh như một công cụ thương mại để hạn chế xuất, nhập khẩu. Quyền kinh doanh có thể chỉ giới hạn ở việc xuất khẩu một mặt hàng nhất định hoặc kinh doanh một loại mặt hàng nào đó. Các công ty không nhất thiết phải là công ty nhà nước mới được hưởng quyền kinh doanh.[24]

Quyền kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định trong Luật Thương mại, Nghi định 57, Nghị định 44 và các văn bản hướng dẫn theo quy định của các văn bản này, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền kinh doanh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại Việt Nam chỉ được kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Rõ ràng quy định này đã phần nào hạn chế quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Vì vậy, trong đợt sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, đề nghị xem xét, sửa đổi theo hướng mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp.

4.       Hàng rào kỹ thuật

a.       Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật

Có thể nói, tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật đều đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm. Theo Phụ lục của Hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các yêu cầu này có thể liên quan tới kích thước, hình dáng, thiết kế, độ dài và các chức năng của sản phẩm. Các yêu cầu này cũng có thể quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu sản phẩm và mở rộng tới các quy trình và phương pháp sản xuất liên quan tới sản phẩm. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật là ở chỗ sự tuân thủ các tiêu chuẩn là mang tính tự nguyện trong khi sự tuân thủ với các quy định kỹ thuật là bắt buộc. Trên thực tế, liệu một sản phẩm nhập khẩu không đáp ứng các yêu cầu của quy định kỹ thuật thì nó sẽ không được phép bán ra thị trường. Còn đối với tiêu chuẩn, nếu hàng nhập khẩu không tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn đặt ra thì vẫn được phép bán ra thị trường, mặc dù có thể bị người tiêu dùng tẩy chay.

Mục đích của các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn là bảo vệ an toàn, sức khoẻ của con người, bảo vệ sức khoẻ, đời sống động thực vật, bảo vệ môi trường, ngăn chặn các hành vi lừa dối. Để thực hiện được mục đích đó, các nước đều quy định các thủ tục đánh giá sự phù hợp: chẳng hạn như xét nghiệm, thẩm tra xác thực, kiểm định, chứng nhận để đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu vào và lưu thông tại nước đó đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật do các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn đặt ra.

Để các quy định và tiêu chuẩn phát huy đúng vai trò của nó đồng thời không là phương tiện để các nước thành viên hạn chế, ngăn cản tự do thương mại, WTO yêu cầu các qui định kỹ thuật, tiêu chuẩn cũng như thủ tục để đánh giá sự phù hợp với các qui định kỹ thuật và tiêu chuẩn này không được tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế, phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử và đãi ngộ quốc gia, phải minh bạch và tiến tới hài hoà hoá. Tuy nhiên, các thành viên có thể đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người và động thực vật, ngăn ngừa các hành động xấu... mà nó cho là thích hợp, với điều kiện là các biện pháp đó không được áp dụng theo cách thức tạo ra sự phân biệt đối xử tuỳ tiện, hay hạn chế vô lý đối với thương mại quốc tế.

Vấn đề về hàng rào kỹ thuật được quy định tại các văn bản như Pháp lệnh chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh đo lường và các văn bản hướng dẫn.

Liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5100 tiêu chuẩn quốc gia trong đó có khoảng 1200 tiêu chuẩn là của nước ngoài, khu vực và quốc tế[25]. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này có thể là bắt buộc đối với hàng hoá liên quan đến thực phẩm, an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, môi trường và các đối tượng khác được pháp luật quy định phải áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không bắt buộc (Điều 12 Pháp lệnh chất lượng hàng hoá). Cũng theo Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá, các mặt hàng thuộc diện phải áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam nêu trên phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam.

Về thủ tục chứng nhận chất lượng hàng hoá, đối với hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng quy định trong Danh mục hàng hoá phải kiểm tra chất lượng ban hành kèm theo Quyết định 117/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 26 tháng 1 năm 2000, thủ tục kiểm tra đã được đơn giản hoá rất nhiều theo Quyết định l091/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 22/06/1999. Theo quy định của Quyết định 1091, có một số mặt hàng thuộc diện nêu trên được miễn kiểm tra chất lượng, đó là hàng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam hoặc hàng hoá mang dấu hiệu hợp chuẩn của nước xuất khẩu đã được Tổng cục Đo lường chất lượng thừa nhận.

Nhìn chung các quy định của pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, các tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng một cách không phân biệt đối xử với thủ tục đơn giản, không gây cản trở không cần thiết cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến hàng rào kỹ thuật để đảm bảo rằng các quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thành lập một đầu mối thông tin về hàng rào kỹ thuật để đảm bảo hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của WTO.

b.       Kiểm dịch động thực vật

Biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật bao gồm tất cả các luật, nghị định, qui định, yêu cầu và thủ tục liên quan như các tiêu chuẩn đối với sản phẩm cuối cùng; các phương pháp sản xuất và chế biến; các thủ tục xét nghiệm, giám định, chứng nhận và chấp thuận; những xử lý cách ly bao gồm các yêu cầu liên quan gắn với vận chuyển cây trồng và vật nuôi, hay các chất nuôi dưỡng chúng trong quá trình vận chuyển; những qui định về các phương pháp thống kê, thủ tục chọn mẫu và các phương pháp đánh giá rủi ro liên quan; các yêu cầu về đóng gói và nhãn mác liên quan trực tiếp tới an toàn thực phẩm (Phụ lụcA.1, Hiệp định SPS).

Theo quy định của Điều 2 Hiệp định SPS, các thành viên không bị ngăn cản việc ban hành hay thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, động vật và thực vật với điều kiện các biện pháp này không được áp dụng theo cách thức tạo ra sự phân biệt đối xử không hợp lý và tuỳ tiện, hay hạn chế một cách vô lý tới thương mại quốc tế. Đồng thời, các thành viên không nhất thiết phải thay đổi mức độ bảo vệ thích hợp của họ đối với sức khoẻ con người, động vật và thực vật và có quyền đưa ra các biện pháp về kiểm dịch động vật và thực vật cần thiết với điều kiện phải tuân theo các qui định của Hiệp định SPS.

Các thành viên phải đảm bảo là việc áp dụng của bất kỳ biện pháp nào cũng chỉ ở trong phạm vi cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, động vật và thực vật, cũng như phải dựa trên các cơ sở khoa học và không được phép duy trì khi không có chứng cớ khoa học đầy đủ.

Trong trường hợp chứng cứ khoa học liên quan không đầy đủ, một thành viên có thể áp dụng một cách tạm thời các biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật trên cơ sở thông tin xác đáng sẵn có, kể cả các thông tin từ các tổ chức quốc tế liên quan cũng như các biện pháp kiểm dịch của các thành viên khác. Trong những trường hợp như vậy, các thành viên sẽ tìm kiếm các thông tin bổ sung cần thiết cho sự đánh giá rủi ro khách quan hơn. Đồng thời liên hành xem xét đánh giá các biện pháp tạm thời này trong một thời hạn hợp lý.

Các thành viên đảm bảo rằng các biện pháp SPS được dựa trên đánh giá rủi ro đối với sức khoẻ con người, động vật và thực vật, tuỳ theo hoàn cảnh, có cân nhắc tới những kỹ thuật đánh giá rủi ro của các tổ chức quốc tế liên quan.

Trong Pháp luật Việt Nam, vấn đề này được quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh thú ý, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản hường dẫn thi hành. Nhìn chung, Pháp luật Việt Nam về vấn đề này cơ bản phù hợp với các quy định của WTO. Các quy định về kiểm dịch động thực vật trong pháp luật Việt Nam chỉ nhằm mục đích phòng ngừa chứ không nhằm tạo ra các rào cản thương mại. Chính vì vậy, đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, chỉ những hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm dịch theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới phải kiểm dịch tại cửa khẩu[26].

Tuy nhiên, khó khăn của Việt Nam hiện nay là chưa đủ khả năng tiến hành các phân tích nguy cơ dịch hại để chứng minh được tính hợp lý và chứng cứ khoa học của các quy định về an toàn sức khoẻ động thực vật, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thiết lập cơ quan đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến các quy định về kiểm dịch động thực vật theo yêu cầu của Điều 7 và Phụ lục B.3 Hiệp định SPS.

c.       Ghi nhãn, đóng gói hàng hoá

Theo quy định của WTO, các thành viên có quyền ban hành và áp dụng các quy định về ghi nhãn hàng hoá, tuy nhiên, các quy định này phải được áp dụng trên nguyên tắc không phân biệt đối xử và không tạo ra các rào cản thương mại, đồng thời, các nước thành viên không được áp đặt thuế hay phạt vì hàng hoá trước khi nhập khẩu không đáp ứng được các yêu cầu về nhãn hàng trừ khi không có biện pháp sửa chữa kịp thời hợp lý hoặc đã cố ý dán nhãn sơ sài.

Vấn đề này cũng được pháp luật Việt Nam quy định lại Nghị định số 69/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2001 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyển lợi người tiêu dùng; Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 Ban hành Quy chế Ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2000 sửa đồi bổ sung Quyết định 178; Chỉ thị số 28/2000/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2000 về việc thực hiện Quy chế Ghi nhãn hàng hoá ban hành kèm theo Quyết định 178 và các văn bản hưởng dẫn thi hành. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam về vấn đề này được áp dụng chung cho cả hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hoá trong nước, chính vì vậy, có thể nói là các quy định này được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử. Đồng thời, các quy định của Việt Nam về Ghi nhãn hàng hoá chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dung, tránh nhầm lẫn, chứ không nhằm mục đích cản trở thương mại.

Tuy nhiên, vấn đề này được quy định quá tản mát tại rất nhiều văn bản và có giá trị pháp lý thấp, đặc biệt là các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành. Vì vậy, cần tập hợp các quy định này vào một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn để dễ dàng cho người thực hiện.

5.       Các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời

a.       Tự vệ

Mặc dù nguyên tắc cơ bản của WTO là tự do hoá thương mại, tuy nhiên, WTO vẫn có cơ chế cho phép các nước thành viên tự bảo vệ nên sản xuất trong nước của mình trong các trường hợp đặc biệt mà sản phẩm nhập khẩu tăng lên đến mức gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Trong các trường hợp đó, các thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm nhập khẩu đó không phân biệt xuất xứ khi thành viên này đã xác định theo những qui định chặt chế rằng số lượng nhập khẩu đang tăng lên một cách tuyệt đối hoặc tương đối của sản phẩm này đang gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu đó.(Điều 2, Hiệp định về tự vệ)

Các thành viên cần chọn các biện pháp tự vệ thích hợp nhất và chỉ áp dụng các biện pháp tự vệ ở mức độ cần thiết để ngăn ngừa hay khắc phục thiệt hại và trợ giúp việc điều chỉnh ngành. Nếu áp dụng biện pháp hạn chế số lượng thì biện pháp này không được giảm số lượng nhập khẩu xuống dưới mức nhập khẩu trung bình của 3 năm gần nhất. Trong trường hợp đác biệt có thể nhập khẩu ít hơn mức trung bình đó nếu chứng minh được rằng điều đó là thực sự cần thiết để ngăn cản hay khắc phục thiệt hại. (Điều 5, Hiệp định về Tự vệ)

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng biện pháp tự vệ được áp dụng theo đúng ý nghĩa của nó, WTO quy định thời gian áp dụng biện pháp tự vệ thông thường không được kéo dài quá 4 năm và sau một thời gian nhất định (nhưng ít nhất phải là 2 năm) mới được phép áp dụng lại biện pháp tự vệ cho cùng một sản phẩm. Các nước đang phát triển có sự ưu đãi hơn về thời gian tự vệ và thời gian áp dụng lại biện pháp tự vệ cho cùng một sản phẩm. (Điều 7, Hiệp định về Tự vệ)

Trong những tình huống cực kỳ khẩn cấp khi mà sự chậm trễ sẽ gây ra khó khăn đặc biệt để khắc phục, một thành viên có thể thực hiện một biện pháp tự vệ tạm thời sau khi đã xác định sơ bộ rằng nhập khẩu tăng lên rõ ràng đã gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời không được dài quá 200 ngày.(Điều 6, Hiệp định về Tự vệ)

Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam ngày 11 tháng 6 năm 2002 và Nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh này ngày 08 tháng 12 năm 2003. Nhìn chung, pháp lệnh tự vệ được xây dựng trên cơ sở các yêu cầu của Hiệp định Tự vệ, do vậy, về cơ bản phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

b.       Chống bán phá giá

Vấn đề này được quy định trong Điều VI Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) và Hiệp định Thực thi Điều VI. Theo quy định trong các Hiệp định này thì bán phá giá một sản phẩm là đưa sản phẩm đó vào hoạt động thương mại của một nước khác với mức giá trị thấp hơn thông thường, xảy ra nếu giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước đến một nước khác thấp hơn giá so sánh của các sản phẩm tương tự dùng để tiêu thụ tại nước xuất khẩu trong những điều kiện thương mại thông thường. (Điều 2, Hiệp định về chống bán phá giá)

Hành động phá giá sẽ bị coi là không hợp pháp nếu nó gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại vật chất đối với một ngành kinh tế nội địa đã được kiến lập vững chắc, hay ngăn cản một cách đáng kể việc thành lập một ngành kinh tế nội địa. (Điều VI.1 GATT 1994)

Để bù đắp thiệt hại của một nước thành viên do hành vi bán phá giá của một nước thành viên khác trên thị trường nước mình, WTO cho phép các thành viên có quyền đặt ra thuế chống phá giá đối với bất kỳ sản phẩm bị bán phá giá nào. Mức thuế này không được lớn hơn biên độ phá giá của sản phẩm tương ứng. (Điều VI.2, GATT 1994)

Tuy nhiên, trước khi áp dụng thuế chống phá giá, thành viên muốn sử dụng biện pháp này phải tiến hành điều tra thiệt hại do hành động bán phá giá gây ra đối với ngành kinh tế trong nước theo những qui định và thủ tục rất chặt chẽ. (Điều 3, 5 và 6, Hiệp định về chống bán phá giá)

Trong những tình huống đặc biệt, các thành viên có thể sử dụng các biện pháp tạm thời nhằm tránh những thiệt hại lớn ngay trong quá trình điều tra, chẳng hạn áp dụng thuế tạm thời hay thu tiền đặt cọc. Các biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, thông thường không quá 4 tháng. (Điều 7, Hiệp định về chống bán phá giá)

Trong Pháp luật Việt Nam, vấn đề này đã được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với một quy định rất chung là hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá ngoài việc chịu thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn phải chịu thuế bổ sung[27]. Tuy nhiên, quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc chứ chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng hoá bị bán phá giá và thủ tục điều tra, áp dụng thuế chống bán phá giá như thế nào cũng như cách tính thuế trong các trường hợp. Hiện nay, Việt Nam đang soạn thảo Pháp lệnh Thuế Chống bán phá giá, pháp lệnh này sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong thời gian tới. Về cơ bản, Dự thảo Pháp lệnh này là phù hợp với các quy định của WTO.

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, khái niệm bán phá giá còn được đề cập đến trong một văn bản quy phạm pháp luật khác của Việt Nam, đó là Pháp lệnh Giá. Khái niệm này áp dụng cho việc bán phá giá trong nước. Quy định này dẫn đến nhầm lẫn với quy định về bán phá giá trong xuất nhập khẩu khi Pháp lệnh Thuế chống bán phá giá được ban hành. Do vậy, cần xem xét sửa đổi Pháp lệnh Giá để tránh sự nhầm lẫn cho cơ quan áp dụng pháp luật và người thực hiện.

c.       Trợ cấp và chống trợ cấp (có chuyên đề khác)

Vấn đề này được phân tích sâu trong một chuyên đề riêng, do vậy, xin không đề cập đến trong bài viết này .

6.       Các biện pháp liên quan đến đầu tư (có chuyên đề khác)

Có những mối quan hệ khá chặt chẽ giữa thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các thành viên có xu hướng muốn sử dụng các biện pháp hạn chế hay khuyến khích đầu tư để đạt được những mục tiêu phát triển nhất định. Những biện pháp này nhiều khi có tác động hạn chế hay bóp méo nhập khẩu hàng hoá và dẫn đến sự phân bổ không tối ưu các nguồn tài nguyên khan hiếm. Để ngăn chặn tình huống này và đảm bảo nguyên tắc tự do thương mại. Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMs) (chỉ áp dụng đối với thương mại hàng hoá) quy định các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm. Theo quy định của Hiệp định này, các thành viên không được phép áp dụng các biện pháp đầu tư không phù hợp với những qui định về đối xử quốc gia và hạn chế định lượng theo các Điều III và XI của GATT 1994[28].

Vấn đề này cũng được trình bày trong một chuyên đề khác nên xin không phân tích sâu ở đây.

7.       Các biện pháp quản lý hành chính

a.       Thủ tục hành chính (gồm cấp phép, đặt cọc...)

Mặc dù các thành viên có mục tiêu chung là tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại quốc tế, nhưng trên thực tế do những lý do kinh tế  và chính trị nhất định mà mỗi thành viên có thể áp dụng những biện pháp rất tinh vi cản trở thương mại quốc tế. Nếu chỉ dựa trên các qui định của WTO thì rất khó bắt họ phải loại bỏ chúng.

Chẳng hạn, các qui định của chính phủ có thể tạo ra sự ngăn cản thương mại. Nhưng nhiều khi khó phân biệt được các qui định này là các qui định kỹ thuật với mục tiêu không cho phép nhập khẩu những hàng hoá không đủ chất lượng hay chúng được đặt ra để ngăn cản nhập khẩu. Ví dụ :

·       Qui định về thanh toán: các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dung phải thanh toán ngay thuế nhập khẩu.

·       Qui định về đặt cọc: nhà nhập khẩu phải đặt cọc một khoản tiền bằng nửa giá trị nhập khẩu tới kho bạc nhà nước trong một khoảng thời gian nào đó nhưng không được hưởng lãi;

·       Qui định về kích cỡ: chẳng hạn như hạn chế về kích thước tối thiểu đối với khoai tây là biện pháp của Mỹ chống lại nhập khẩu lừ Mehico;

·       Qui định về quảng cáo: ví dụ cấm quảng cáo rượu ngoại;

·       Vị trí thông quan: không thuận lợi cho hàng không muốn nhập khẩu;

·       Qui định về nhãn hiệu: những đòi hỏi về nhãn hiệu đối với các sản phẩm:

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam không đặt ra những yêu cầu thuộc loại này đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam hay doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam.

b.       Thủ tục hải quan

Các thành viên cần phải hạn chế tới mức thấp nhất phạm vi và sự phức tạp đối với các thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt và đơn giản hoá những yêu cầu về hoá đơn chứng từ.

(GATT 199, Điều 1 (c))

Thủ tục Hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu được quy định trong Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn. Một điều dễ nhận thấy là số lượng văn bản quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong hệ thống pháp luật Việt Nam là rất lớn, ngoài Luật Hải quan, các Nghị định hướng dẫn. Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ, còn có rất nhiều thông tư, công văn của Tổng Cục Hải quan hướng dẫn, quy định về vấn này. Chỉ riêng việc quy định tản mạn như vậy đã dẫn đến khó khăn rất lớn cho người thực hiện khi có hàng hoá xuất khẩu hay nhập khẩu cần làm thủ tục hải quan.

c.       Xuất xứ hàng hoá

Qui tắc xuất xứ bao gồm tất cả các luật, qui định và quyết định hành chính được áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hoá. Các qui tắc xuất xứ này không được liên quan tới các chế độ thương mại liên minh hay tự trị dẫn đến việc cho hưởng các ưu đãi thuế quan vượt quá đãi ngộ tối huệ quốc MFN.

Qui tắc xuất xứ nêu trên sẽ bao gồm tất cả các qui tắc xuất xứ được sử dụng trong các công cụ chính sách thương mại không ưu đãi, chẳng hạn như trong đối xử tối huệ quốc về thuế suất; thuế chống phá giá và thuế đối kháng hay các biện pháp tự vệ; yêu cầu về nhãn xuất xứ hàng hoá; bất kỳ các hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan không phân biệt đối xử nào. Chúng cũng bao gồm các qui tắc xuất xứ được sử dụng trong mua sắm chính phủ và thống kê thương mại[29].

Hiệp định về qui tắc xuất xứ đặt ra các điều kiện chặt chẽ đối với qui tắc xuất xứ của các thành viên trong giai đoạn quá độ trước khi WTO xây dựng xong Qui tắc xuất xứ hài hoà (dự kiến hoàn thành trước năm 1998, nhưng do tính chất rất phức tạp của vấn đề nên có thể hết năm 1999 công việc hài hoà hoá qui tắc xuất xứ mới kết thúc)[30]

Qui tắc xuất xứ hài hoà được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản sau:

·       Qui tắc xuất xứ được áp dụng bình đẳng cho tất cả các mục đích;

·       Qui tắc xuất xứ nên qui định nước được xác định như nước xuất xứ của một hàng hoá cụ thể là nước mà hàng hoá đã đạt được toàn bộ, hoặc là nước mà ở đó xảy ra sự biến đổi cơ bản cuối cùng khi có nhiều hơn một nước liên quan tới việc sản xuất ra hàng hoá đó;

·       Qui tắc xuất xứ cần khách quan, dễ hiểu và dễ dự đoán:

·       Dù cho có được gắn với các biện pháp và công cụ nào, không nên sử dụng qui tắc xuất xứ như là một công cụ để theo đuổi các mục tiêu thương mại một cách trực tiếp hay gián tiếp. Chúng cũng không được tạo ra các ảnh hưởng hạn chế hay bóp méo đối với thương mại quốc tế. Chúng cũng không được đặt ra các đòi hỏi vô lý hay yêu cầu phải đáp ứng một điều kiện nhất định không liên quan tới sản xuất hay gia công như một tiền đề tiên quyết cho việc xác định nước xuất xứ;

·       Qui tắc xuất xứ nên được áp dụng theo cách thức nhất quán, không thiên vị và hợp lý;

Vấn đề về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong pháp luật Việt Nam chủ yếu được quy định trong Thông tư 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17 tháng 4 năm 2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá, Thông tư 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 02 tháng 10 năm 2001 điều chỉnh bổ sung Thông tư 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17 tháng 4 năm 2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá.

Nhìn chung, các quy định về Quy tắc xuất xứ trong pháp luật Việt Nam áp dụng cho mọi loại hàng hoá xuất, nhập khẩu không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ. Thủ tục kiểm tra xuất xứ quy định trong Thông tư 09 và Thông tư 22 là tương đối đơn giản, không tạo ra các tác động bóp méo thương mại quốc tế. Chỉ những hàng hoá được hưởng ưu đãi mới phải nộp Chứng nhận xuất xứ và trong trường hấp chưa có Chứng nhận xuất xứ tại thời điểm nộp hồ sơ hàng xuất khẩu để làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan thì người xuất khẩu có thể nợ Chứng nhận xuất xứ trong vòng 60 ngày tính từ khi đăng ký hải quan. Trong trường hợp đó, cơ quan hải quan vẫn làm thủ tục xuất khẩu trên cơ sở người có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ của lô hang[31].

Tuy nhiên, quy định về nguyên tắc xác định nước xuất xứ của hàng hoá trong pháp luật Việt Nam còn chưa theo kịp các quy định trong Hiệp định. Hiệp định quy định 3 cách xác định nước xuất xứ của hàng hoá trong trường hợp hàng hoá xuất xứ không thuần tuý, đó là theo công đoạn chế tác, theo tỷ lệ phần trăm và theo sự chuyển dịch dòng thuế[32]. Thông tư 09 và thông tư 22 mới chỉ quy định cách thứ nhất là xác định xuất xứ hàng hoá theo công đoạn chế tác nghĩa là hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý được công nhận có xuất xứ của nước thực hiện gia công hoặc chế biến cuối cùng nếu các sản phẩm làm ra tại nước đó không thuộc các thao tác đơn giản. Vậy, nếu trong trường hợp thuộc các thao tác đơn giản thì xác định nước xuất xứ của hàng hoá theo cách nào. Và còn rất nhiều trường hợp, kể cả công đoạn chế tác ở nước cuối cùng không thuộc công các thao tác đơn giản, chưa chắc cách xác định nước xuất xứ theo công đoạn chế tác đã chính xác. Vì vậy, cần phải có văn bản quy định về vấn đề này và bổ sung hai cách tính theo tỷ lệ phần trăm và theo sự chuyển dịch dòng thuế. Đồng thời, cũng cần quy định vấn đề này trong một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, có thể là nghị định hay pháp lệnh.

c.       Mua sắm chính phủ

Mua sắm chính phủ còn gọi là mua sắm công cộng là việc mua sắm hàng hoá và dịch vụ của Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ cho mục đích sử dụng. Việc mua sắm Chính phủ được ước tính khoảng bằng 10% tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước, nhưng các ước tính khác nhau rất xa. Các quy định trong GATT và GATS không áp dụng cho mua sắm chính phủ. Vấn đề này được phân tích trong một chuyên đền khác.

III. KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và đối chiếu với các quy định của WTO về các biện pháp phi thuế quan, có thể thấy quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này là đơn giản và về cơ bản không trái nhiều với các hiệp định của WTO. Để đảm bảo khi gia nhập WTO (dự kiến vào cuối 2005-đầu 2006), các văn bản pháp luật của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của WTO về vấn đề này, cần chú ý một số điểm sau:

-         Cần hệ thống hoá và rà soát một cách chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp phi thuế quan để có một bức tranh chi tiết về vấn đề này.

-         Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ nay nên gắn chặt với các yêu cầu của WTO, đảm bảo rằng các văn bản ban hành ra phù hợp với yêu cầu của WTO đồng thời tận dụng được các ngoại lệ cho phép để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Để làm được như vậy, mỗi khi chuẩn bị ban hành hay sửa đổi một văn bản, cần tiến hành nghiên cứu yêu cầu của WTO về vấn đề đó và đối chiếu với văn bản cần sử đổi hoặc các quy định hiện hành về vấn đề cần ban hành văn bản mới, từ đó xác định nội dung của văn bản sửa đổi hoặc ban hành mới. Có như vậy mới đảm bảo được tính phù hợp của các văn bản mới với các quy định của WTO.

-         Do số lượng công việc nhiều, cần phải xác định được thứ tự ưu tiên ban hành văn bản sao cho đảm bảo những yêu cầu của WTO bắt buộc phải thực hiện ngay tại thời điểm gia nhập sẽ ban hành trước, còn các văn bản để thực hiện quyền của Việt Nam có thể sẽ ban hành sau. Như vậy, sẽ đảm bảo tiến độ khi Việt Nam gia nhập WTO. Còn nếu cứ ban hành một cách tràn lan thì sẽ khó theo kịp được yêu cầu đảm bảo thực hiện các yêu cầu của WTO khi gia nhập.

-         Cần giảm bớt số lượng văn bản đặc biệt là văn bản cấp bộ quy định về cùng một vấn đề, đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và tập trung của các văn bản, tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho người thực thi, tránh việc về cùng một vấn đề, mỗi Bộ, ngành lại có văn bản riêng của bộ, ngành mình quy định, dẫn đến sự tản mạn và khó áp dụng.

Kết luận:

Hiện nay, mục tiêu ra nhập WTO vào cuối năm 2005, đầu năm 2006 đã được khẳng định, vấn đề là chúng ta phải làm sao thể hiện được thiện chí của mình trong việc sẵn sàng thực hiện đầy đủ các quy định của WTO tại thời điểm gia nhập.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về thương mại quốc tế cũng đã phần nào đáp ứng được các yêu cầu của WTO như các quy định về các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp, hàng rào kỹ thuật, các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra là gia nhập WTO vào cuối năm 2005, đầu năm 2006, đặc biệt là đối với các quy định liên quan đến các biện pháp quản lý định lượng, các biện pháp quản lý về giá. Nhiệm vụ này đè nặng lên vai các nhà làm luật, phải làm sao trong thời gian 2 năm tới, tất cả các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến thương mại quốc tế về cơ bản phù hợp với các quy định bắt buộc của WTO.

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tin rằng dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ CỦA WTO VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG HOÁ

PHẦN THUẾ QUAN, SO SÁNH ĐỐI CHIỀU VỚI CÁC QUY ĐỊNH PHÁP

LUẬT NAM LIÊN QUAN

Đinh Tích Linh - Bộ Tư Pháp

 

 

I/ KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO), HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ QUAN VÀ THƯƠNG MẠI (GATT) VÀ MỤC TIÊU CỦA HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI ĐA PHƯƠNG.

1. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

Sau Đại chiến thế giới lần thứ II, nhằm mục đích khuyến khích các nước theo đuổi các chính sách thương mại tự do và thông thoáng, năm 1948 các nước thành viên đã thông qua Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (sau này gọi tắt là GATT). Các qui tắc của GATT áp dụng cho thương mại Quốc tế về hàng hoá mà các nước phải tuân thủ trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia.

Các quy tắc của GATT và các Hiệp định kèm theo sau này đã được sửa đổi thêm và cập nhật để đáp ứng các điều kiện thay đổi của thương mại Quốc tế trong vòng đàm phán thương mại Uruguay được tổ chức từ năm 1986 đến 1994. Văn bản của GATT cùng các quyết định thông qua trong khuôn khổ GATT trong các năm sau đó và các văn kiện giải thích được thiết lập trong vòng đàm phán Uruguay về sau được gọi là GATT 1994. Cùng với GATT 1994 các hiệp định riêng rẽ trong các lĩnh vực như Hiệp định nông nghiệp, Hiệp định về thương mại hàng dệt và may mặc, Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng ... tạo thành các văn kiện cấu thành các Hiệp định đa biên về thương mại hàng hoá.

2. Tổ chức thương mại thế giới WTO

Vòng đàm phán Uruguay cũng đã dẫn đến việc thành lập Tổ chức thương mại Thế giới WTO. GATT đã không còn là một tổ chức riêng biệt nữa mà được nhập vào WTO.

Hệ thống WTO hình thành từ vòng đàm phán Uruguay bao gồm các Hiệp định chính sau đây:

- Các Hiệp định đa biên về thương mại hàng hoá bao gồm cả hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994) và các Hiệp định kèm theo;

- Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATT);

- Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS);

Tổ chức WTO hiện nay đã có 130 nước thành viên và 29 nước đã nộp đơn xin gia nhập WTO trong đó có 13 nước đang trong quá trình đàm phán. Năm 1994 Việt Nan được công nhận tư cách là quan sát viên của GTT và đầu năm 1995 Việt Nam đã chính thức nộp đơn xin gia nhập WTO.

Theo văn bản cuối cùng, thoả thuận về tổ chức thương mại thế giới (phần II, trang 2) thì các thành viên của WTO phải chấp thuận và bị ràng buộc tất cả các thoả thuận ở vòng đàm phán Uruguay bởi vì chúng là những bộ phận cấu thành của thoả thuận này và ràng buộc đối với tất cả các thành viên. Thành viên của WTO không thể chọn từng phần của các Hiệp định GATT mà họ tham gia. Điều này là một trong những thay đổi quan trọng so với thoả thuận của GATT trước đây.

3. Mục tiêu của hệ thống thương mại hàng hoá đa phương

Mục tiêu của hệ thống thương mại hàng hoá đa phương đã được nêu ngay trong phần mở đầu của Hiệp định GATT 1994 là nhằm tạo cho các ngành, các doanh nghiệp của các quốc gia có một môi trường kinh doanh an toàn ổn định và có thể dự đoán trước được diễn biến trong điều kiện cạnh tranh lành mạnh và công bằng. Hệ thống thương mại mở và tự do này nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy thương mại, tăng trưởng đầu tư, sản xuất và việc làm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia.

Mặc dù các quy định của GATT và các Hiệp định kèm theo có vẻ phức tạp với những thuật ngữ pháp lý thường là khó hiểu nhưng về cơ bản toàn bộ các quy định trong khuôn khổ của GATT được dựa trên 4 qui tắc cơ bản đó là: Bảo hộ ngành sản xuất trong nước thông qua thuế quan; ràng buộc về thuế quan; đãi ngộ tối huệ quốc (MFN); quy tắc đãi ngộ quốc gia.

 

II/ QUY TẮC THỨ NHẤT: THƯƠNG MẠI THEO QUI CHẾ TỐI HUỆ QUỐC

1. Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng, khi thoả thuận áp dụng qui chế tối huệ quốc, các nước thành viên cam kết không phân biệt đối xử giữa các nước và không được đối xử đối với một nước kÉm ưu đãi hơn một nước khác trong mọi vấn đề liên quan đến thương mại hàng hoá.

2. Tại Điều 1 GATT 1994 quy định không được phép phân biệt đối xử trong Thương mại và được thể hiện trong qui chế tối huệ quốc. Điều này có nghĩa là nếu một quốc gia thành viên cho phép một nước được hưởng ưu đãi thuế quan hay các ưu đãi khác đối với bất kỳ sản phẩm nào thì ngay lập tức là vô điều kiện, quốc gia này cũng phải cho phép các nước khác hưởng ưu đãi như thế đối với sản phẩm tương tự. Vì vậy, nếu Việt Nam, khi đàm phán thương mại với một nước thành viên của WTO thoả thuận giảm thuế nhập khẩu chè từ 10% xuống 5% thì mức thuế này cũng phải áp dụng cho tất cả các thành viên còn lại của WTO.

Nghĩa vụ đối xử theo qui chế tối huệ quốc không chỉ áp dụng đối với hàng

nhập khẩu mà còn cả đối với xuất khẩu. Nếu một nước đánh thuế đối với hàng xuất khẩu sang một nước, thì cũng phải đánh thuế xuất khẩu cùng thuế suất như vậy đối với hàng xuất khẩu đó sang tất cả các nước khác.

          3. Tại Điều 1 khoản 1 còn qui định nghĩa vụ đối xử theo qui chế tối hệu quốc không chỉ hạn chế ở thuế quan mà còn được áp dụng đối với những nội dung có liên quan như: Bất kỳ khoản phí nào liên quan tới nhập khẩu và xuất khẩu; phương pháp tính thuế và các khoản phí; những qui tắc và thủ tục liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu; thuế và phí nội địa đối với hàng nhập khẩu và các luật lệ, quy định, điều kiện ảnh hưởng đến việc bán hàng. Việc quản lý các hạn chế định lượng trong những trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng hạn cho định lượng (Điều XIII).

4. Tuy nhiên qui chế tối huệ quốc cũng có ngoại lệ, các quy định tại Điều XXIV của GATT cho phép được giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác trên cơ sở ưu đãi giữa các nước tham gia Hiệp định thương mại khu vực. Thuế suất thấp hoặc miễn thuế đối với hoạt động thương mại giữa các thành viên của thoả thuận thương mại khu vực không phải áp dụng đối với các nước khác. Chính vì vậy, Hiệp định ưu đãi khu vực tạo thành một trường hợp ngoại lệ quan trọng trong các qui chế tối huệ quốc.

Các Hiệp định này có thể hình thành dưới dạng liên minh thuế quan khu vực, thương mại tự do. Trong cả hai trường hợp, thương mại giữa các nước thành viên được miễn thuế trong khi buôn bán với các nước khác vẫn phải tuân thủ theo mức thuế quan của qui chế tối huệ quốc. Đối với liên minh thuế quan, thuế suất của các nước đã được áp dụng thống nhất như nhau đối với nhập khẩu từ các nước bên ngoài. Trong khu vực thương mại tự do, thuế suất không được hài hoà mà thay vào đó, các nước thành viên tiếp tục sử dụng mức thuế quan ghi trong danh mục của từng nước.

Để đảm bảo lợi ích của các nước không phải là thành viên của Hiệp định thương mại, khu vực, GATT cũng đã dưa ra những điều kiện nghiêm ngặt khi thành lập của Hiệp định khu vực này. Các điều kiện này đã được khẳng định trong khoản 8 điều XXIV như sau:

- Các nước thành viên của Hiệp định khu vực phải xoá bỏ thuế quan và các rào cản thương mại khác có ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước đó.

- Hiệp định này không được dẫn đến việc đặt ra những rào cản thương mại mới đối với các nước khác.

Hiện nay trên toàn cầu đang có hơn 100 Hiệp định ưu đãi thuế quan khu vực đang có hiệu lực. Trọng tâm của các Hiệp định ưu đãi khu vực là thúc đẩy thương mại dựa trên cơ sở củng cố và giảm mạnh thuế quan cũng như tăng cường các nhượng bộ khác. Các Hiệp định ưu đãi khu vực đã tạo ra lợi thế cho ngành công nghiệp tại các nước trong khu vực. Đồng thời, nó cũng đặt ra ngành công nghiệp của các nước ngoài khu vực vào thế cạnh tranh bất lợi. Một trong những mục tiêu mà các nước thành viên WTO sẽ hướng tới là làm sao bảo đảm được sự hài hoà giữa phát triển thương mại khu vực với ý đồ tiếp tục tự do hoá thương mại ở cấp độ đa phương.

5. Với cơ sở pháp lý là quyết định của vòng đàm phán Tokyô về đối xử khác biệt và ưu đãi hơn, tương hộ và tham gia đầy đủ hơn của các nước đang phát tiển (khoản Đ 2/a) các nước phát triển đã giành đối xử ưu đãi cho hàng nhập khẩu là các nước đang phát triển theo hệ thống thuế quan phổ cập (GSP) theo đó các nước phát triển cho phép nhập khẩu trên cơ sở ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm công nghiệp và một số nông phẩm chọn lọc của tất cả các nước đang phát triển. Quyết định này được áp dụng trong GATT từ năm 1979 và thường được biết đến dưới tên gọi Điều khoản cho phép chung.

6. Nguyên tắc thương mại theo quy chế tối huệ quốc cũng đã được Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết trao cho nhau quy chế đối xử tối huệ quốc trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ tại Điều  1 chương Thương mại hàng hoá. Điều này có nghĩa là hai bên sẽ giành cho hàng hoá của bên kia sự đối xử tương tự hoặc tốt hơn sự đối xử mà họ giành cho hàng hoá tương tự được sản xuất bởi các nước khác. Do đó, nếu một nước thứ ba nào đó đàm phán về thuế quan đối với Việt Nam và mức thuế này thấp hơn mức thuế của Hiệp định, thì quy chế đối xử tối huệ quốc cũng giành cho thương gia của Hoà Kỳ quyền được hưởng thuế nhập khẩu hàng hoá ở mức thuế thấp hơn này.

Tuy vậy Hịêp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ cũng qui định một số trường hợp ngoại lệ như qui định tối huệ quốc không áp dụng đối với hành động của mỗi bên phù hợp với nghĩa vụ của bên đó trong WTO; những thuận lợi mà một bên dành cho liên minh thuế quan hoặc khu vực mậu dịch tự do mà bên đó là thành viên; những thuận lợi dành cho nước thứ ba liên quan đến giao lưu biên giới.

7. Theo công văn số 7280/1998/TM-PC ngày 31/12/1998 của Bộ Thương mại thì Việt Nam đang áp dụng quy chế đối xử tối huệ quốc cho khoảng 64 quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam. Vì vậy trên thực tế Việt Nam đã bắt đầu áp dụng quy chế đối xử tối huệ quốc cho hàng hoá của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam ngay từ khi đang đàm phán để ký Hiệp định song phương. Đây là chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với các nước mà Việt Nam đang đàm phán để ký Hiệp định.

8. Ngày 25/05/2002 UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh với đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế có hiệu lực từ ngày 1/9/2002. Tại Điều 7 của Pháp lệnh đã quy định đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá được áp dụng đối với 6 nội dung phù hợp với nguyên tắc thương mại theo qui chế tối huệ quốc của GATT nhưng cụ thể hơn như sau :

a) Thuế, các loại phí và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu .

b) Phương thức thanh toán và việc vận chuyển tiền thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu.

c) Những quy định về thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

d) Thuế và các loại phí thu trực tiếp hoặc gián tiếp trong nước đối với hang hoá nhập khẩu.

e) Hạn chế định lượng và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

f) Các quy định khác của pháp luật có ảnh hưởng đến việc bán, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hoá tại thị trường trong nước.

Tại Điều 8 của Pháp lệnh đã quy định những trường hợp ngoại lệ không áp dụng qui chế tối huệ quốc đối với:

a) Các ưu đãi dành cho các thành viên của thoả thuận và liên kết kinh tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

b) Các ưu đãi dành cho nước có chung biên giới với Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá biên giới trên cơ sở Hiệp định song phương.

c) Các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển.

d) Các ưu đãi dành cho các Hiệp định quá cảnh hàng hoá mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

e) Đấu thầu mua sắm hàng hoá đối với các Dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức Quốc tế hoặc của nước ngoài và các Dự án khác theo quy định của Chính phủ.

III/ NGUYÊN TẮC THỨ HAI: NGUYÊN TẮC ĐỐI XỬ QUỐC GIA (NT)

1. Trong khi nguyên tắc tối huệ quốc cấm các nước phân biệt đối xử đối với hàng hoá có xuất xứ từ các nước khác nhau, thì quy tắc đãi ngộ quốc gia lại cấm các nước phân biệt đối xử giữa sản phẩm nhập khẩu và các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước, cả trong việc đánh các loại thuế nội địa và áp dụng các quy định trong nước. Tại điều III GATT quy định: Một mặt hàng nhập khẩu sau khi đã đi qua biên giới và đã nộp các khoản thuế nhập khẩu cũng như các khoản phí khác sẽ không bị đối xử kém ưu đãi hơn so với sản phẩm nội địa tương tự. Nguyên tắc này yêu cầu các nước thành viên đối xử với hàng nhập khẩu trên cùng cơ sở như hàng sản xuất trong nước. Vì vậy các nước không được đánh các khoản thuế nội địa như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao hơn mức áp dụng cho các sản phẩm nội địa tương ứng đối với hàng nhập khẩu sau khi đã thanh toán các khoản thuế quan lại biên giới. Tương tự như vậy, các quy định tác động đến việc mua bán sản phẩm tại thị trường trong nước cũng không thể áp dụng nghiêm ngặt hơn dịch vụ hàng nhập khẩu.

2. Nguyên tắc đối xử quốc gia của GATT đã được thể hiện đầy đủ và cụ thể hơn trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam và Hoa Kỳ phải dành quy chế đối xử quốc gia cho hàng hoá nhập khẩu của mỗi bên. Điều này có nghĩa là Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý dành cho hàng hoá nhập khẩu của mỗi nước sự đối xử tương tự hoặc tốt hơn sự đối xử mà họ dành cho hàng hoá được sản xuất bởi các tổ chức, cá nhân của nước mình. Trong một số trường hợp liên quan đến việc bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia, các bên vẫn có quyền không thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia.

3. Nghĩa vụ đối xử quốc gia bao gồm các vấn đề: thuế, phí nội địa, tiêu chuẩn kỹ thuật và quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu. Đây là vấn đề khá mới đối với pháp luật Việt Nam, cam kết về quy chế đối xử quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải điều hành các biện pháp thuế quan và phí có ảnh hưởng đến thương mại để tạo cơ hội cạnh tranh cho hàng hoá của bên kia tương đương với hàng hoá sản xuất trong nước. Đồng thời Việt Nam cũng phải dành cho hàng hoá nhập khẩu các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như hàng nội địa; cho phép các doanh nghiệp được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu.

4. Các khoản thuế, phí nội địa trong đối xử quốc gia đối với hàng nhập khẩu: Các khoản thuế hoặc thu nội địa sẽ không được áp đụng đối với hàng hoá nhập khẩu từ bên kia nếu các khoản thuế và thu nội địa này vượt quá mức thu được áp dụng cho hàng hoá tương tự trong nước.

Hiện nay, hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước phải chịu hai loại thuế chênh: thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt khi lưu thông và tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Theo quy định lại Điều 8 luật thuế giá trị gia tăng thì thuế suất đánh vào bông nguyên liệu trồng trong nước là 5% thấp hơn so với bông nguyên liệu nhập khẩu là 10%; Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế của các tổ chức, cá nhân tự sản xuất bán ra không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nhưng những mặt hàng này nếu nhập khẩu phải chịu thuế giá trị gia tăng là 5%.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và phụ thu đối với hàng nhập khẩu, đang có sự phân biệt giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá trong nước. Theo luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu là 65%, trong khi đó thuế suất đối với thuốc lá thuốc lá điếu có đần lọc sản xuất bằng nguyên liệu trong nước là 45% .

Tuy nhiên, theo phụ lục A của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thì Việt Nam vẫn được phép duy trì ngoại lệ đối với quy chế đối xử quốc gia trong thời hạn 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xe ô tô dưới 12 chỗ và nguyên liệu sản xuất thuốc lá điếu, xì gà, cũng như các khoản phụ thu áp dụng với nhiên liệu, sắt thép và phân bón nhập khẩu.

Vì vậy mặt hàng bột và hạt PVC vẫn tiếp tục thu phụ thu theo quy định hiện hành tại:

- Quyết định số 17/1999/QĐ-BVGCP ngày 03/04/1999 của Trưởng Ban Vật giá Chính phủ;

- Quyết định số 03/2000/QĐ-BTC ngày 07/01/2000 của Bộ Tài chính;

Mặt hàng ống thép hàn vẫn tiếp tục thu phụ thu theo quy định hiện hành tại Quyết định số 121/VGCP-TLSX ngày 29/09/1997 của Ban Vật giá Chính phủ (theo quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi):

Sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực, một số văn bản qui định phụ thu đã được bãi bỏ như :

- Quyết định số 03/2000/QĐ-BTC ngày 07/01/2000 của Bộ Tài chính phụ thu bột nhựa PVC nhập khẩu.

- Quyết định số 07/1999/QĐ-BVGCP ngày 08/04/1999 của Ban Vật giá chính phủ, phụ thu một số mặt hàng nhập khẩu.

- Bãi bỏ mức thuế chênh lệch giá hoặc phụ thu quy định tại các quyết định:

+ Quyết định số 42/2000/QĐ-BTC ngày 17/03/2000.

+ Quyết định số 35/2001/QĐ-BTC ngày 18/04/2001.

+ Quyết định số 404/VGCP-TLSX ngày 14/05/1994 của Ban Vật giá Chính phủ

 

IV/ QUY TẮC THỨ BA: CHỈ SỬ DỤNG THUẾ QUAN ĐỂ BẢO HỘ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

1. Hiệp định GATT một mặt ủng hộ tự do hoá thương mại, nhưng mặt khác thừa nhận việc các quốc gia cần thiết bảo hộ nền sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Tuy nhiên tại Điều XI và Điều XII của hiệp định cho phép các nước được tiến hành bảo hộ ở mức thấp hợp lý thông qua thuế quan. Nguyên tắc bảo hộ bằng thuế quan được hỗ trợ bởi các điều khoản cấm các quốc gia thành viên sử dụng các hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu. Một ngoại lệ quan trọng của nguyên tắc này là cho phép các quốc gia khi gặp khó khăn trong cán cân thanh toán Quốc tế thì được phép hạn chế nhập khẩu nhằm đảm bảo tình hình tài chính đối ngoại của mình để ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng dự trữ ngoại tệ.

2. Đối với các nước đang phát triển, bên cạnh việc đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu (Điều XI và Điều XII của Hiệp định) còn cho phép áp dụng các hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu ở các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Các hạn chế này nếu xét ở các góc độ pháp lý hầu hết đều phù hợp theo ngoại lệ của GATT.

Bởi vì qui tắc của GATT cho phép các nước gặp khó khăn trong cán cân thanh toán quốc tế được áp dụng các hạn cho định lượng trong trường hợp các khoản thu nhập từ ngoại thương hàng hoá và dịch vụ, vốn đầu tư và vay nợ không đủ để thanh toán các khoản phải trả với bên ngoài hoặc khi dự trữ ngoai tệ để đáp ứng các khoản phải trả ngay bị giảm dần.

3. Thuế hoá trong lĩnh vực nông nghiệp: theo quy định tại điều 4 và ghi chú 1 của Hiệp định nông nghiệp thì những nước đang áp dụng biện pháp phi thuế quan (như giới hạn số lượng, cấp giấy phép tuỳ tiện và các khoản thu khác) phải xoá bỏ chúng bằng cách quy ra mức thuế quan tương đương và cộng vào mức thuế quan cố định. Mức thuế quan tương đương của các biện pháp phi thuế quan được tính trên cơ sở trung bình giữa giá thế giới của sản phẩm (là đối tượng của biện pháp phi thuế quan) và giá sản phẩm trong nước của nước nhập khẩu. Kết quả là các nước đặt thuế suất mới cho các sản phẩm mà trước đây họ đã áp dụng những biện pháp Phi thuế quan.

4. Các nước xuất khẩu cho rằng việc nhập khẩu một số sản phẩm chịu hạn chế về số lượng hay các khoản thu khác nếu chỉ dựa vào quá trình thuế hoá thôi thì sẽ không đem lại tác dụng to lớn đến tự do hoá thị trường. Do đó, việc sử dụng những cam kết tiếp cận hiện thời và tối thiểu được sử dụng để bổ khuyết cho quá trình thuế hoá.

- Bởi vì theo quy tắc của GATT những cam kết tiếp cận hiện thời được quy định tại Điều 5.2 của Hiệp định nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng một số nước đã có những thoả thuận đặc biệt về nhập khẩu thịt và các sản phẩm chủ yếu vùng ôn đới theo mức hạn ngạch trên cơ sở miễn thuế nhập khẩu hay ưu đãi . Để đảm bảo những hàng nhập khẩu đó không bị tác động do áp dụng thuế suất cao nảy sinh từ thuế hoá, các nước nhập khẩu đưa ra những cam kết tiếp cận hiện thời bằng cách thiết lập hạn ngạch thuế quan cho hàng nhập khẩu đưa vào thị trường với thuế suất thuế nhập khẩu thấp. Kết quả của những cam kết ấy là nhập khẩu theo mức hạn ngạch được thực hiện với thuế suất thấp hiện thời. Thuế suất cao phát sinh từ thuế quan hoá chỉ áp dụng với hàng nhập khẩu trên mức hạn ngạch.

- Cũng tại Điều 5.2 của Hiệp định đã đưa những cam kết cơ hội tiếp cận thị trường tối thiểu đối với những sản phẩm gồm thịt, sản phẩm sữa và một số rau quả tươi theo quy định. Những cam kết này dành cho việc thiết lập những hạn ngạch thuế quan bằng mức 3% tiêu thụ trong nước trong thời kỳ gốc từ 1986-1988 và nâng lên 5% vào năm 2000 đối với các nước phát triển; vào năm 2004 đối với các nước đang phát triển. Những thuế suất thấp hơn (thường không cao hơn 32% của suất thuế quan ràng buộc) được áp dụng cho hàng nhập khẩu cho tới giới hạn của hạn ngạch; còn thuế suất cao hơn phát sinh từ quá trình thuế hoá được áp dụng cho hàng nhập khẩu trên mức hạn ngạch.

- Những biện pháp tự vệ đặc biệt: Điều 5 của Hiệp định nông nghiệp quy định những biện pháp tự vệ đối với sản phẩm được thuế hoá để đáp ứng mối quan tâm của những nước nhập khẩu trong trường hợp hàng nhập khẩu tăng đột ngột. Những điều khoản tự vệ đặc biệt cho phép đặt ra thuế quan bổ sung khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Những t iêu chí này bao gồm hoặc là mức tăng nhập khẩu nhanh (khởi phát do số lượng) hoặc trên cơ sở từng chuyến hàng, sụt giá nhập khẩu dưới mức giá tham khảo quy định (khởi phát do giá). Trong trường hợp khởi phát do số lượng thuế nhập khẩu bổ sung chỉ được áp dụng cho đến hết năm đó. Đối với khởi phát do giá thì việc áp đặt thuế nhập khẩu bổ sung chỉ riêng đối với chuyến hàng liên quan. Thuế nhập khẩu bổ sung chỉ có thể đánh vào những sản phẩm áp dụng suất thuế hoá và chỉ khi cơ sự dự phòng để áp dụng những biện pháp tự vệ đối với sản phẩm của quốc gia có chương trình nhượng bộ.

Như vậy, với việc củng cố quy tắc chống sử dụng các hạn chế định lượng, hệ thống pháp lý WTO cũng đảm bảo quy tắc cơ bản của GATT là chỉ nên sử dụng thuế quan để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Để tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế, tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế Quốc tế có hiệu quả, hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do việc gia tăng bất thường nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam. Ngày 25/05/2002 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVHQ 10 pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam. Pháp lệnh này quy định về các biện pháp tự vệ, điều kiện và thủ tục áp dụng các biện pháp đó trong trường hợp nhập khẩu hàng hoá quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Tại Điều 3 Pháp lệnh quy định các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nông nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: tăng mức thuế nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch nhập khẩu; áp dụng các biện pháp khác do Chính phủ quy định.

Nhìn chung những nội dung cơ bản quy định tại Pháp lệnh như nguyên tắc, điều kiện, điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ, việc áp dụng biện pháp tự vệ là phù hợp với những quy định của GATT.

V/ NGUYÊN TẮC THỨ TƯ : CẦN GIẢM THUẾ QUAN VÀ CAM KẾT DÀNG BUỘC KHÔNG TĂNG THÊM THUẾ QUAN ĐÃ CAM KẾT

1. việc các quốc gia cần giảm thuế quan và các biện pháp khác duy trì bảo hộ nền sản xuất nội địa là một nguyên tắc quan trọng của GATT được qui định tại lời mở đầu và Điều XXVIII b, trong đó quy định các quốc gia thành viên cần giảm thuế quan và nếu có thể loại bỏ thông qua đàm phán giữa các nước. Mức thuế đã giảm phải được cam kết ràng buộc là sẽ không tăng thêm.

2. Theo Điều II, khoản 1 điểm b và văn bản giải thích điều khoản này thì mức thuế quan thoả thuận tại cuộc đàm phán cũng như cam kết của các nước được ghi trong danh mục nhượng bộ thuế quan. Mỗi quốc gia thành viên của WTO có một danh mục riêng và có nghĩa vụ không được áp đặt thuế quan hay các khoản thuế, phí khác cao hơn mức đưa ra tại danh mục đã được đàm phán. Mức thuế quan ghi trong danh mục còn được gọi là thuế suất ràng buộc.

3. Ràng buộc thuế quan: các nước không được tự động tăng thuế suất vượt quá mức ràng buộc ghi trong danh mục thuế quan nhượng bộ. Danh mục này liệt kê từng sản phẩm với thuế suất trước khi đàm phán và thuế suất đã được thoả thuận trong đàm phán để ràng buộc thuế suất.

Trong đàm phán thương mại một nước có thề thoả thuận ràng buộc thuế suất dương có nghĩa là cao hơn thuế suất hiện hành tại nước đó hoặc thuế suất ràng buộc bằng không có nghĩa là thuế suất hiện hành hoặc giảm thuế suất, chẳng hạn từ 10% xuống 5% và ràng buộc thuế suất đã giảm.

Tuy nhiên, một nước sau khi đã ràng buộc thuế quan cũng vẫn có thể từ bỏ và nâng mức thuế lên trên mức thuế suất ràng buộc. Để thực hiện điều này, họ sẽ tái đàm phán với các nước mà họ đã đàm phán nhượng bộ hoặc với các nước cung cấp sản phẩm đó nhiều nhất. Trong những cuộc đàm phán loại này, nước yêu cầu xoá bỏ cam kết sẽ phải có nhượng bộ thuế quan đền bù cho các sản phẩm khác mà nước đối tác đàm phán có lợi ích thương mại. Do vậy, cả hai bên cùng có lợi từ việc nhượng bộ này.

4. Nguyên tắc cơ bản chi phối sự trao đổi những nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại đó là nguyên tắc có đi có lại và cùng có lợi. Một nước muốn được thâm nhập dễ dàng hàng hoá vào thị trường các nước khác thông qua việc giảm thuế hay xoá bỏ các rào chắn thương mại khác như hạn chế định lượng cũng phải sẵn sàng nhượng bộ về thuế cũng như các lĩnh vực khác mà các nước kia có lợi và có giá trị tương đương với những nhượng bộ đã đưa ra.

Tuy nhiên, theo phần IV GATT, Điều XXXVI khoản 8 và Quyết định của vòng đàm phán Tokyo về đối xử khác biệt và có ưu đãi hơn, với sự tham gia tích cực đầy đủ của các quốc gia đang phát triển (Điều 5, 6 và Điều 7) thì quy tắc có đi có lại hoàn toàn không áp dụng trong đàm phán giữa nước đã phát triển và nước đang phát triển. Do các nước đang phát triển có trình độ phát triển kinh tế khác nhau do vậy các nước đang phát triển đã đạt mức tăng trưởng cao hơn phải đóng góp nhiều hơn và phải nhượng bộ dưới hình thức giảm hay ràng buộc thuế quan nhiều hơn các nước có trình độ phát triển thấp.

5. Qua các cuộc đàm phán, mức thuế quan trung hình của sản phẩm công nghiệp tại các nước phát triển đã giảm từ 40% vào năm 1948 khi GATT thành lập xuống khoảng 10% vào cuối vòng đàm phán Tokyo. Trong vòng đàm phán Uruguay, các nước đã nhất trí cắt giảm thêm 40% chia đều trong 5 năm. Tỷ lệ cắt giảm thuế quan cho một số mặt hàng mà các nước đang phát triển có lợi ích xuất khẩu như các sản phẩm dệt, may, da và các sản phẩm da là thấp hơn nhiều so với trung bình. Tuy vậy kết quả trong vòng đàm phán Uruguay các nước đang phát triền và chuyển đổi đã cam kết cắt giảm 30%. Đối với các nước chậm phát triển không đòi hỏi giảm thuế quan theo tỷ lệ phần trăm, nhưng được khuyến khích thực hiện về nhượng bộ tượng trưng bằng cách giảm thuế ở những mặt hàng có chọn lọc. Tất cả những cắt giảm đó đều được thực hiện trong 5 giai đoạn bằng nhau để đạt tới thuế suất thoả thuận cuối cùng vào 01/01/1999 trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Tại vòng đàm phán Uruguay các nước phát triển và một số nước đang phát triển cũng nhất trí loại bỏ thuế quan ở một số ngành nhất định (gọi là các ngành có thuế suất bằng không). Đó là các ngành tân dược, thiết bị nông nghiệp, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế, bàn, ghế, giày, thép và đồ chơi. Do vậy, khi quá trình cắt giảm thuế quan theo từng giai đoạn thoả thuận tại vòng đàm phán Uruguay kết thúc thì mức bình quân gia quyền của thuế quan áp dụng cho các sản phẩm công nghiệp sẽ giảm từ 6,3% xuống còn 3,8% tại các nước phát triển; từ 15,3% xuống còn 12,3% tại các nước đang phát triển và từ 8,6% xuống còn 6% tại các nền kinh tế chuyển đổi.

6. Theo khoản 6 Điều 3 của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thì thuế nhập khẩu đối với hàng hoá có xuất xứ từ Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ được giảm và không tăng thêm một cách đáng kể ở một phạm vi rộng về mặt hàng nêu tại phụ lục E, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu được quy định tuỳ theo mặt hàng từ 3 đến 6 năm. Tính trung bình, thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ được giảm từ 1/3 cho đến 1/2 mức hiện tại.

Việt Nam cam kết cắt giảm thuế và không tăng thuế suất đối với 244 mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp nêu tại phụ lục E. Hiện tại biểu thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam đều cao hơn mức thuế suất mà Việt Nam cam kết tại phụ lục E của Hiệp định, vì vậy vừa qua Chính phủ đã ban hành một số văn bản để thực hiện những cam kết về việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hoá như:

- Quyết định số 59/2002/QĐ-BTC ngày 15/05/2002 của Bộ Tài chính ban hành mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng .

- Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt nam để thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho các năm 2003-2006.

- Quyết định số100/2002/QĐ-BTC ngày 21/08/2002 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi bổ sung tên và mức thuế suất của một số nhóm hàng, mặt hàng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

-Quyết định số 146/2002/QĐ-BTC ngày 04/12/2002 của Bộ Tài chính vềviệc sửa đổi tên, mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng xe ô tô, phụ tùng và linh kiện xe ô tô trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi:

- Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/07/2003 của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

 

Theo "Chương trình cắt giảm thuế quan có hiệu lực chung của các nước ASEAN" (CEPT/AFTA) được thực hiện từ năm 2003-2006, Việt Nam sẽ đưa khoảng 10.150 mặt hàng để cắt giảm thuế. Trước mắt, từ 1/7 những nhóm hành chính sẽ bắt đầu đưa vào cắt giảm thuế trong năm 2003, gồm: dầu thực vật tinh chế, đó uống (rượu vang, nước giải khát), bánh kẹo, rau quả chế biến, hoá chất, mỹ phẩm, săm lốp, sản phẩm gỗ, giấy photocopy, tủ lạnh, máy giặt, điều hoà, vật liệu xây dựng (xi măng, gạch lát. . . ) sẽ giảm thuế còn 20%, thay vì mức 30-50% (có loại được bảo hộ đến 80%) như hiện nay. Theo quyết định mới của ASEAN, tồng số 10.150 mặt hàng của Việt Nam sẽ phải hoàn thành cắt giảm thuế suất xuống 0-5% vào 1/1/2005 thay vì 1/1/2006 như quy định trước đây. Và đến năm 2006, Việt Nam phải đảm bảo 60% tổng số mặt hàng có múc thuế suất giảm xuống 0%.

VI/ QUY TẮC KHUYẾN KHÍCH XUẤT KHẨU BẰNG HOÀN THUẾ GIÁN THU:

1. Những quy tắc này của GATT cho phép một sản phẩm xuất khẩu không phải chịu các loại thuế gián thu ở nước xuất khẩu.

Theo phụ lục 1 điểm Ad Điều XVI và Điều 1 ghi chú và phụ lục I-III của Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) thì các sản phẩm xuất khẩu được giảm các khoản sau:

- Thuế quan và các loại thuế gián thu khác đã thu ở đầu vào được sử dụng và tiêu hao trong chế tạo sản phẩm xuất khẩu.

- Thuế gián thu đối với sản phẩm xuất khẩu.

- Thuế gián thu trong sản xuất và phân phối sản phẩm xuất khẩu

2. Ngày nay, hầu hết các nước đều có chính sách khuyến khích xuất khẩu, những chính sách này đã tạo cho doanh nghiệp xuất khẩu có yêu cầu miễn hay hoàn thuế quan nộp ở đầu vào dùng để chế tạo các sản phẩm xuất khẩu và hoàn thuế gián thu đánh vào sản phẩm đó. Hơn nữa, để bảo đảm cho các doanh nghiệp xuất khẩu không mất lợi thế khi bán sản phẩm ra thị trường bên ngoài, các nước ít khi đánh thuế xuất khẩu.

3. Ở nước ta theo luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu thì thuế suất các mặt hang Việt Nam xuất khẩu thường bàng không. Đồng thời các sản phẩm xuất khẩu cũng được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo luật thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thuế giá trị gia tăng theo luật thuế giá trị gia tăng.

VII/ THUẾ ĐỐI KHÁNG VÀ THUẾ CHỐNG PHÁ GIÁ:

1. GATT đưa ra những quy tắc xử lý hai loại tập quán thương mại không lành mạnh làm ảnh hưởng đến điều kiện cạnh tranh đó là: Cạnh tranh có thể trở nên không lành mạnh nếu hàng xuất khẩu được hưởng trợ cấp đặc biệt hoặc điều kiện cạnh tranh có thể bị bóp méo nếu nhà sản xuất bán phá giá hàng của họ lại thị trường nước ngoài.

2. Theo khoản 1 Điều VI của GATT và Điều 2 khoản 1 Hiệp định về hành vi chống phá giá thì một sản phẩm bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu thấp hơn mức giá mà một sản phẩm tương tự được tiêu thụ tại nước xuất khẩu. Nếu so sánh giá xuất khẩu và giá tiêu thụ nội địa tại nước xuất khẩu mà giá tiêu thụ nội địa cao hơn thì coi như sản phẩm đó bán phá giá.

Để xác định phá giá, hiệp định cho phép xác định việc bán phá giá bàng cách so sánh giá xuất khẩu với giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự khi xuất khẩu sang nước thứ 3 hoặc giá trị cấu thành, tính trên cơ sở giá thành sản xuất của sản phẩm nhập khẩu cộng thêm các chi phí chung, bán hang, hành chính và lợi nhuận.

3. Theo điều 3 Hiệp định về hành vi chống phá giá và Điều 15 Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng thì chỉ được đánh thuế đối kháng và chống phá giá khi xác định trên cơ sở điều tra rằng: có sự tăng đáng kể hàng nhập khẩu bán phá giá và hưởng trợ cấp, tính theo số tuyệt đối hay tương quan với sản xuất hoặc tiêu dùng; giá những mặt hàng nhập khẩu ấy thấp hơn giá của sản phẩm nội địa tương tự, gây ép giá các sản phẩm tương tự hoặc ngăn cản sản phẩm đó tăng lên, kết quả là làm cho ngành sản xuất nội địa bị tổn hại hoặc cô nguy cơ làm tổn hại ngành sản xuất, nội địa của nước xuất khẩu.

4. Hiệp định về hành vi chống phá giá và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng cho phép các nước đánh thuế đối bù đối với các sản phẩm của các hành vi thương mại không lành mạnh. Tuy nhiên, một nước nhập khẩu chỉ có thể đánh thuế đối kháng (đối bù) đối với hàng nhập khẩu được trợ cấp và đánh thuế phá giá đối với những hàng hoá nhập khẩu phá giá nếu điều đó được khẳng định trên cơ sở điều tra do họ tiến hành là hàng nhập khẩu ấy đang gây thiệt hại đáng kể đến ngành sản xuất trong nước. Những cuộc điều tra cho việc đánh thuế nói trên thường trên cơ sở kiến nghị của một ngành sản xuất hoặc đại diện của ngành ấy khiếu kiện rằng hàng nhập khẩu đang gây thiệt hại cho họ.

5. Đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành thì theo Điều 4 khoản 3 của Pháp lệnh giá quy định: bán phá giá là hành vi bán hàng hoá, dịch vụ với giá thấp hơn so với giá thông thường trên thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, hạn chế cạnh tranh, gây thiệt hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và lợi ích của nhà nước. Bán hạ giá hàng hoá không bao gồm việc bán hạ giá hang tươi sống, hàng tồn kho do giảm chất lượng, lạc hậu về hình thức, thị hiếu người tiêu dùng, bán hạ giá hàng hoá theo thời vụ, bán hạ giá hàng để khuyến mại theo quy định của pháp luật, bán hạ giá hàng hoá trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi địa điểm, chuyển hướng sản xuất.

Cũng tại Điều 10, khoản 2 điểm a của Pháp lệnh giá quy định bán phá giá là trường hợp hàng hoá được nhập khẩu vào Việt Nam với giá quá thấp so với giá thông thường của mặt hàng đó tại thị trường nội địa.

6. Việc xử lý đối với hành vi bán phá giá theo quy định tại Điều 26 pháp lệnh giá thì các biện pháp xử lý sau được áp dụng tại Việt Nam:

- Quyết định giá bán tối thiểu nhưng không làm hạn chế cạnh tranh đúng pháp luật.

- Xử lý vi phạm hành chính.

- Buộc bồi thường thiệt hại.

- Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luậl sửa đổi, bổ sung luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại Điều 10 khoản 2 điểm 2 quy định thêm biện pháp nữa đó là: hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá ngoài việc chịu thuế nhập khẩu theo quy định của luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu còn phải chịu thêm thuế suất bổ sung

7. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XI pháp lệnh về chống phá giá đã được đưa vào chương trình xây dụng Pháp lệnh năm 2004 do Bộ thương mại chủ trì soạn thảo.

VIII/ KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP CẢI CÁCH HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH THUẾ

1 . Những thành tựu chủ yếu đạt được:

Qua hai bước thực hiện cải cách chính sách thuế (1990-1995. l996-2000) đã hình thành một hệ thống chính sách thuế bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng thông nhất đối với mọi thành thành kinh tế và từng bước thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Hệ thống chính sách thuế đã trở thành công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế góp phần thúc đáy sản xuất kinh doanh phát triển, khuyến khích đầu tư, xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. tạo việc làm. Hệ thống chính sách thuế đã xoá bỏ sự chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế trong nước; thu hẹp chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài . . . tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong cơ cho thị trường.

2. Những tồn tại, hạn chế về chính sách thuế :

Tuy nhiên, hệ thống chính sách thuế chưa bao quát hết đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế; còn nhiều mức thuế suất nên chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyên môn hoá và hợp tác hoá trong sản xuất kinh doanh. Hệ thống chính sách thuế còn nặng về bảo hộ sản xuất trong nước thiếu sự chọn lọc, chưa lạo áp lực mạnh mẽ để nâng cao cạnh tranh của sán phẩm, ngành hàng và nền kinh tế trong hội nhập quốc tế: do đó chưa thúc đẩy doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghiệp. Đồng thời hệ thống chính sách thuế vẫn chưa thực sự đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội về nghĩa vụ thuế, còn có sự phân biệt về thuế suất, điều kiện ưu đãi, mức thời gian miễn, giảm thuế giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

3. Trong xu thế hội nhập, liên kết phát triển kinh tế trong khu vực và tiến tới toàn cầu hoá kinh tế, nếu nước ta không tranh thủ được cơ hội, khắc phục yếu kém vươn lên để tồn tại, chiến thắng cạnh tranh thì sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và thế giới.

Đến năm 2006 sẽ hoàn thành việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo chương trình CEPT/AFTA. Nhiều chính sách, chế độ không phù hợp với hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã đến thời hạn sửa đổi; Từ năm 2003 nước ta cùng với các nước ASEAN sẽ đàm phán cụ thể khu vực mậu dịch tự do với Trung Quốc và các nước khác. Dự kiến nước ta sẽ gia nhập tổ chức thương mại thế giới vào năm 2005. Trước tình hình đó, đòi hỏi cần phải cải cách hệ thống thuế cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội theo hướng:

Xoá bỏ hàng rào phi thuế quan; giảm mức bảo hộ về thuế quan để tự do hoá thương mại; giảm bớt số lượng thuế suất trong từng sắc thuế; không phân biệt đối xử quốc gia giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mở rộng đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế; thu gọn mức thuế suất, giảm ưu đãi chính sách xã hội, ban hành một số loại thuế mới.

4. Đổi mới một số sắc thuế:

a) Thuế giá trị gia tăng: Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng. Trong hội nhập kinh tế với các nước khu vực và thế giới, thuế giá trị gia tăng cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt có tác dụng bảo hộ sản xuất trong nước và bù đắp một phần nguồn thu ngân sách do phải cắt giảm thuế nhập khẩu.

Hướng sửa đổi, bổ sung thuế giá trị gia tăng giai đoạn từ nay đến năm 2010 là mở rộng đối tượng chịu thuế; giảm bớt nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế; tiến tới áp dụng một mức thuế suất khoảng 10% để đảm bảo tính công bằng và đơn giản trong cách tính thuế giá trị gia tăng; nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tính thuế đảm bảo công bằng hiệu quả hơn.

b) Thuế tiêu thụ đặc biệt: là loại thuế gián thu điều tiết thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ mà nhà nước cần điều tiết và hạn chế tiêu dùng. Thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện việc bảo hộ đối với hàng hoá sản xuất trong nước khi nhà nước thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

Hướng sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt là mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; tiến tới xoá bỏ miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt; bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

c) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm để quản lý hàng hoá xuất, nhập khẩu. Đồng thời thông qua loại thuế này để khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước có trọng điểm, theo thời hạn mà Việt Nam đã cam kết ; chống lại các biện pháp trợ giá, bán phá giá hàng hoá của nước ngoài vào Việt Nam và phân biệt đốt xử đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Hướng sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2001-2005 là: bổ sung vào thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về mức thuế nhập khẩu tuyệt đối và hạn ngạch thuế quan. Xoá bỏ việc áp dụng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu, thực hiện giá tính thuế nhập khẩu theo GATT. Xoá bỏ chính sách ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá. Thực hiện bảo hộ sản xuất trong nước có trọng điểm, có thời hạn phù hợp với cam kết quốc tế. Giảm số lượng thuế suất từ 18 mức xuống còn 12 mức. Sửa đổi danh mục biểu thuế theo danh mục biểu thuế hài hoà ASEAN, thực hiện phân loại hàng hoá theo nguyên tắc phân loại của tổ chức hải quan thế giới; áp dụng thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử khi cần thiết.

Trong giai đoạn từ 2005-2010 sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng: hoàn thành cắt giảm thuế nhập khẩu theo chương trình CEPT/AFTA và tiếp tục thực hiện cam kết Quốc tế khác; thu gọn mức thuế nhập khẩu xuống còn 6 mức; xóa bỏ hoàn toàn việc miễn giảm thuế nhập khẩu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ CỦA WTO VỀ THƯƠNG MẠI HÀNC HOÁ

(PHẦN VỀ THUẾ) VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LỆNH VIỆT NAM LIÊN

QUAN ĐẾN LĨNH VỰC NÀY

 

 

Phạm Tuấn Anh

Bộ Tài chính

 

I. CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO:

I.1. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

I.1.a. Ràng buộc thuế nhập khẩu và thuế hoặc thu khác

Điều II.1.b Phần I của GATT 1947 quy định "Các sản phẩm liệt kê trong Phần I của Biểu cam kết thuế quan của bất cứ nước thành viên nào là những sản phẩm khi được nhập khẩu vào nước thành viên đó từ bất cứ nước thành viên nào khác, phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể quy định trong biểu cam kết, không phải chịu bất cứ mức thuế quan thông thường nào cao hơn mức đã được nêu trong Biểu cam kết. Các sản phẩm này cũng sẽ không phải chịu thêm bất cứ mức thuế hoặc thu khác (ODC) được đánh vào hoặc liên quan với khâu nhập khẩu vượt trên mức đang được áp dụng tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc mức đã được quy định sẽ áp dụng tại văn bản pháp luật đã được ban hành trước ngày Hiệp định có hiệu lực."

Điều luật cụ thể nêu trên phản ánh nguyên tắc ràng buộc thuế nhập khẩu theo nghĩa: việc một nước thành viên liệt kê một sản phẩm vào Biểu cam kết của mình tương ứng với một mức thuế nhất định đồng nghĩa với việc cam kết giới hạn không gian điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm đó không được cao hơn mức thuế tương ứng được nêu trong Biểu cam kết[33].

Ngoài thuế nhập khẩu, ODC (tương đương với phụ thu hay chênh lệch giá ở Việt Nam) cũng được yêu cầu tuân thủ nguyên tắc ràng buộc như vậy, song mức ODC được yêu cầu ràng buộc chính là mức đang được áp dụng tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực hoặc đã được quy định sẽ áp dụng tại văn bản pháp luật đã được ban hành trước ngày Hiệp định có hiệu lực. Đối với các nước thành viên gốc của WTO, theo diễn giải nêu tại Hiệp định diễn giải về Điều II.1.b (Understanding) thì thời điểm này được tính là 15/4/1994. Và trong mỗi lần đàm phán lại về vấn đề ODC thì lấy thời điểm tương ứng của lần đàm phán lại đó. Tuy nhiên, các cam kết ODC của các Bên tham gia từ thời GATT vẫn sẽ được chuyển sang WTO bất kể mốc thời gian của các mức ODC này.

Biểu cam kết của các nước thành viên sáng lập WTO (1995) bao gồm ràng buộc thuế nhập khẩu và ODC được xây dựng trên cơ sở kết quả đàm phán giữa các nước thành viên và được hiệu lực hoá bằng Nghị định thư Marakesh của GATT 1994 và trở thành một phần không thể tách rời của Hiệp định GATT 1994.

I.1.b. Nguyên tắc Tối Huệ Quốc (MFN)

Điều I.1 Phần I GATT 1947 quy định "Đối với thuế hải quan và thu khác áp dụng với hoặc liên quan tới khâu nhập khẩu hoặc xuất khẩu hoặc khâu thanh toán quốc tế cho hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu, và đối với phương pháp đánh thuế các khoản thuế hải quan và thu khác đó, và đối với mọi quy định và thủ tục liên quan tới khâu xuất khẩu và nhập khẩu, và đối với mọi nội dung được đề cập tại khoản 2 và 4 Điều III, mọi lợi thế, ưu đãi, đặc quyền hoặc miễn trừ được bất cứ một nước thành viên nào giành cho bất cứ sản phẩm nào bắt nguồn từ hoặc được chuyển tới bất cứ nước thành viên khác đều sẽ được giành cho sản phẩm tương tự bắt nguồn từ hoặc được chuyển tới lãnh thổ của tất cả các nước thành viên khác."

Quy định trên phản ánh nguyên tắc xương sống luôn hiện hữu trong các hiệp định hoặc thể chế tự do hoá thương mại đó là không phản biệt đối xử giữa các đối tác thương mại. WTO quy định chi tiết và chặt chẽ về nguyên tắc không phân biệt đối xử theo đối tác thương mại này cả về phạm vi áp dụng - theo cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu - cũng như về các nội dung phải tuân thủ nguyên tắc - bao gồm: thuế xuất nhập khẩu. thuế và thu khác liên quan dấn khâu xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế cho hàng xuất nhập khẩu, phương pháp đánh thuế, quy định và thủ tục xuất nhập khẩu, thuế nội địa (tham chiếu đến Điều III.2), luật định và quy định liên quan tới bán hàng, chào hàng, mua hàng, vận tải phân phối hoặc sử dụng (tham chiếu đến Điều III.4).

Tuy nhiên, song song với việc đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại GATT có bao gồm Điều XXIV.3-9 cho phép vận dụng ngoại lệ MFN đối với thương mại giữa các nước có chung đường biên giới, khu vực mậu dịch tự do hoặc liên minh hải quan với mục tiêu không biến cam kết MFN thành trở ngại cho quá trình tự do hoá thương mại ở cấp khu vực hay giữa các nước láng giềng có chung đường biên giới. Ngoài ra, ngoại lệ MFN được áp dụng một cách tự động đối với sáng kiến giành ưu đãi thuế quan đặc biệt theo hệ thống ưu đãi thuế quan chung (GSP) cho các nước kém phát triển và đang phát triển của Liên  hiệp quốc.

I.1.c. Xác định trị giá hải quan trong tính thuế nhập khẩu phải nộp

Điều VII của GATT 1947 và Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 quy định nghĩa vụ của nước thành viên thực hiện xác định trị giá hải quan đảm bảo không tạo ra rào cản thương mại so với mức tiếp cận thị trường đã được cam kết thông qua rang buộc thuế quan và các biện pháp phi thuế khác.

Trị giá hải quan có tầm quan trọng ít nhất là ngang bằng với  thuế suất thuế xuất nhập khẩu vì mức thuế phải nộp là kết quả của tích số giữa thuế suất và trị giá xuất nhập khẩu vì mức thuế phải nộp là kết quả của tích số giữa thuế suất và trị giá hải quan của hàng hoá phải nộp thuế. Do tính chất quan trọng như vậy của công tác xác định trị giá hải quan, Điều VII của GATT 1947 đã được cụ thể hoá thành Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 khi GATT chuyển sang thành WTO. Mặc dù Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 ra đời trước thời điểm thành lập của WTO khá lâu (từ vòng Tokyo vào thập kỷ 70), nhưng nó chỉ thực sự trở thành một cam kết bắt buộc trong gói cam kết áp dụng với mọi nước thành viên cùng với WTO.

Hiệp định này quy định chi tiết các phương pháp xác định trị giá hải quan nhằm đảm bảo nguyên tắc lớn của Điều VII như đã được nêu tại đoạn 1 của mục này. Theo Hiệp định, cơ sở đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng khi xác định trị giá hải quan là trị giá giao dịch. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đưa ra những phương pháp xác định trị giá hải quan được áp dụng tuần tự theo mức độ khách quan và công bằng giảm dần song lại có tính khả thi về mặt thông tin tính toán tăng dần khi phương pháp xác định trị giá gia dịch không thể áp dụng được. Ngoài ra, Hiệp định cũng yêu cầu nước thành viên đảm bảo thủ tục xác định trị giá và thu thuế nhập khẩu phải không gây cản trở cho việc nhập khẩu hàng hoá.

Tuy nhiên, căn cứ trên thực tế khó khăn của một số nước thành viên trong việc triển khai quy định về xác định trị giá hải quan khi phải chuyển đổi từ hệ thống xác định trị giá hải quan cũ, Hiệp định đã đưa ra một số linh hoạt về thời gian chuyển đổi để thực hiện Hiệp định, về thứ tự áp dụng các phương pháp xác định trị giá hoặc cho áp dụng tạm thời bảng giá tính thuế tối thiểu trong trường hợp có đầy đủ lý do chứng minh về sự cần thiết của bảng giá này, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển.

I.2. Thuế nội địa

I.2.a. Nguyên tắc Đối xứ Quốc gia (NT)

Điều III GATT 1994 quy định về nguyên tắc Đãi ngộ Quốc gia (NT) trên các khía cạnh thuế nội địa và quy định trong nước. Nguyên tắc bao trùm của quy định này là mọi sắc thuế nội địa và mọi quy định trong nước không được phép vận dụng với vai trò là công cụ bảo hộ các ngành sản xuất sản phẩm trong nước.

Theo quy định cụ thể của Điều III.l. thuế nội địa và quy định trong nước bao gồm “....thuế nội địa và thu nội địa, luật định, quy định và yêu cầu ảnh hưởng tới việc bán hàng, chào bàn, mua hàng, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng sản phẩm, và các quy định mang tính chất định lượng yêu cầu phải kết hợp, chế biến hoặc sử dụng sản phẩm theo một tỷ lệ nhất định...".

Để áp dụng nguyên tắc lớn nêu tại đoạn 1 của mục này, Điều III.2 yêu cầu lấy mức thuế nội địa và phương pháp áp dụng thuế nội địa vận dụng với các sản phẩm trong nước làm thước đo so sánh, buộc nước thành viên phải vận dụng mức đối xử này như là mức ưu đãi tối thiểu đối với sản phẩm nhập khẩu tương tự. Tương tự như vậy. Điều III.4 cũng đặt ra yêu cầu việc vận dụng luật định, quy định và yêu cầu trong nước ảnh hưởng tới việc bán hàng, chào bàn, mua hang, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng sản phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu không được kém ưu đãi hơn so với sản phẩm tương tự được sản xuất ở trong nước.

I.2.b. Các nội dung được gián tiếp yêu cầu bởi các Hiệp định khác:

Ngoài yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc NT tại mục I.2.a ở trên, thuế nội địa phần nào còn là đối tượng điều chỉnh của một loại các Hiệp định khác thuộc GATT 1994 của WTO như Hiệp định về Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS), Hiệp định Trợ cấp và Biện pháp Đối kháng (SCM) và Hiệp định Nông nghiệp (AoA).

Thuế nội địa chịu sự điều chỉnh của các hiệp định này chủ yếu xuất phát từ vai trò ưu đãi đầu tư hoặc tính chất trợ cấp trong các biện pháp áp đụng thuế nội địa như miễn giảm, ưu đãi thuế.

Hiệp định TRIMS được xây dựng trên cơ sở 2 quy định quan trọng của GATT, đó là Điều III về Đối xử Quốc gia và Điều XI về Xoá bỏ Hạn chế định lượng. Nguyên tắc mà Hiệp định TRIMS đặt ra là các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại không được phép vận dụng để hoặc hạn chế nhập khẩu hoặc khuyến khích sử dụng hàng nội địa thay thế nhập khẩu hoặc khuyến khích xuất khẩu. Như vậy TRIMS có phạm vi rộng, bao hàm nhiều loại biện pháp khác nhau. Và yếu tố liên quan đến thuế nội địa ở đây, như đã nêu ở đoạn trên, có chăng là từ khía cạnh vận dụng ưu đãi thuế như một điều kiện khuyến khích trong biện pháp đầu tư.

Hiệp định SCM và Hiệp định AoA điều chỉnh một nội dung phức tạp gắn với chính sách trong nước của mỗi nước thành viên, đó là vấn đề trợ cấp và hỗ trợ trong nước. Theo định nghĩa của hai hiệp định này, trợ cấp không chỉ bao gồm các khoản cấp phát mà bao gồm cả các khoản ưu đãi, miễn giảm thuế nội địa. Chinh khía cạnh này đã đặt các chính sách thuế nội địa nằm dưới phạm vi điều chỉnh của các hiệp định này.[34]

II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

II.1. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Cơ sở pháp lý cao nhất của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu năm 1992 và các Luật sửa đổi Luật thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu được ban hành vào các năm 1993 và 1998.

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua các lần sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về hệ thống thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam xét trên các khía cạnh tương ứng với các quy định của WTO như sau:

II.1.a. Biểu thuế

Không gian điều hành thuế suất thuết xuất nhập khẩu Điều 8 Luật thuế xuất nhập khẩu và Điều 10 Nghị định 54/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 94/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật thuế XNK và Luật sửa đổi Luật thuế XNK quy định rõ biểu thuế xuất nhập khẩu cụ thể của Việt Nam được Chính phủ (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở khung thuế suất do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Danh mục phân loại hàng hoá dùng cho biểu thuế xuất nhập khẩu Luật Hải quan ngày 25/12/2001 và Nghị định 06/2003/NĐ-CP ngày 22/1/2003 quy định danh mục phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu làm cơ sở cho Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Danh mục phân loại hàng hoá hiện hành được ban hành theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 phù hợp với Danh mục phân loại hài hoà của Tổ chức Hải quan Thế giới năm 2002.

Biểu thuế MFN và các biểu thuế khác Theo quy định cụ thể tại Điều 1 Nghị định 94/NĐ-CP, biểu thuế của Việt Nam sẽ gồm 3 loại thuế suất cơ bản, bao gồm thuế suất ưu đãi (hay thuế MFN), thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Thuế suất ưu đãi được áp dụng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước hoặc khối nước Việt Nam có thoả thuận về đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại. Biểu thuế ưu đãi của Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003.

Thuế suất thông thường cao hơn thuế suất ưu đãi 50%, đối với một số trường hợp có thể được quy định cao hơn nhưng không được cao hơn 70% so với thuế suất ưu đãi, được áp dụng với hàng hoá có xuất xứ từ các nước không có thoả thuận tối huệ quốc với Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế Việt Nam không có biểu thuế thông thường cụ thể, vì vậy mức cao hơn thuế ưu đãi 50% được áp dụng tự động.

Thuế suất ưu dãi đặc biệt, thấp hơn thuế suất ưu đãi đối với hầu hết các mặt hàng trong biểu thuế, được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước mà Việt Nam đã có thoả thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh quan thuế hoặc để lạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới. Tính tới thời điểm 1/9/2003, Việt Nam có một số danh mục thuế suất ưu đãi đặc biệt như sau :

(i) Danh mục thuế suất ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) trong khuôn khổ ASEAN được ban hành tại Nghị định 78/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại trong khối ASEAN 10 nước.

(ii) Danh mục thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng với Lào theo Thoả thuận Viên chăn giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 13/08/2002 được triển khai thực hiện tại Thông tư liên tịch số 54/2003/TTLT-BTC-BTM ngày 3/6/2003. Theo đó các mặt hàng thoả thuận giữa 2 bên sẽ có mức thuế suất ưu đãi đặc biệt bằng 50% mức thuế suất ưu đãi của mặt hàng tương ứng.

(iii) Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện chương trình giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước Cộng đồng Châu âu (EU) cho năm 1998-2001 ban hành tại Nghị định số l07/1997/NĐ-CP ngày 05/11/1997 và được hướng dẫn thực hiện tại thông tư liên bộ số 53/1998/TTLB-TC-TM-CN-TCHQ ngày 17/4/1998.

(iv) Ngoài các danh mục trên đang còn hiệu lực, đến nay Việt Nam đã ký kết các thoả thuận về dệt may với EU và Hoa Kỳ, trong đó có nêu rõ nghĩa vụ về ban hành biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt cho các sản phẩm dệt may được liệt kê có nguồn gốc từ EU và Hoa Kỳ.

Phụ thu và chênh lệch giá - thuộc loại ODC - trước đây được áp dụng với một số mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, tính đến 1/9/2003 Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003 của Bộ tài chính đã loại bỏ hết, chỉ còn lại phụ thu đối với mặt hàng bột và hạt PVC và ống thép hàn.

II.1.b. Xác định trị giá hải quan

Hệ thống xác định trị giá hải quan được xây dựng dựa trên Điều 7 Nghị định 54, TT 08, QĐ 164 và các QĐ sửa đổi, bổ sung liên quan, QĐ 149, các QĐ xây dựng giá tính thuế khác và Công văn 2959.

Hệ thống này có thể được phân tách thành 3 cấu phần:

Cấu phần thứ nhất là Bảng giá tính thuế đối với nhóm mặt hàng đó Nhà nước quản lý giá tính thuế được quy định tại QĐ 164 và các quyết định bổ sung, sửa đổi liên quan, với ý nghĩa là bảng giá tính thuế tối thiểu, hiện nay gồm 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch thương mại quan trọng. Bảng giá tính thuế này có danh mục giá tối thiểu không theo phân loại HS, đồng thời sử dụng tiêu trí về xuất xứ của hàng hoá để xác định giá tính thuế tối thiểu.

Cấu phần thứ hai là Bảng giá tính thuế đối với các nhóm mặt hàng Nhà nước không quản lý giá tính thuế, mà thoạt đầu có thể gọi là giá kiểm tra.Tuy nhiên do một số yếu tố mà bảng giá này thực chất vẫn là bảng giá tối thiểu. (TT 08, QĐ49, các QĐ sửa đổi, bổ sung và Công văn 2959)

Yếu tố căn bản đầu tiên làm cho tính chất giá tham chiếu, kiếm tra của Bảng giá này bị biến dạng thành tính chất giá tối thiểu chính là quy định về giá hợp đồng không được thấp hơn 80% của giá quy định trong Bảng giá tính thuế.

Yếu tố tiếp theo là quy định về việc chứng minh giá chỉ được chấp nhận khi giá ghi trên hợp đồng lớn hơn 80% giá chứng minh dù rằng trong Công văn 149 đã phần nào xây dựng những phương pháp xây dựng giá tính thuế gần hơn với quy định của Hiệp định Trị giá hải quan của GATT.

Cũng tương tự như Bảng giá tối thiểu, bảng giá này mặc dù chủ yếu được phân loại theo mã HS, nhưng tại một số mặt hàng nhất định vẫn lấy cơ sở xuất xứ để xác định giá kiểm tra. Đặc biệt, trong quyết định 86 mới đây, vẫn vận dụng cách thức này để xử lý vấn đề thuỷ tinh ....

Cấu phần thứ ba là các ngoại lệ được quyền xác định trị giá tính thuế trên cơ sở giá hợp đồng bất kể có nằm trong cả hai Bảng giá trên hay không, như: hàng nhập khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; hàng nhập khẩu là nguyên nhiên liệu trực tiếp đưa vào sản xuất; thuế suất MFN thấp hơn 5% ....

Song song với hệ thống trên, căn cứ trên cam kết Việt Nam đã đưa ra với Hoa Kỳ và với ASEAN, hệ thống xác định trị giá hải quan theo GATT cũng đang được hình thành tại Việt Nam, khởi đầu bởi Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002. Nghị định 60 về căn bản phản ánh Hiệp định trị giá hải quan của GATT, tuy nhiên có bảo lưu áp dụng bảng giá tính thuế tối thiểu và bảo lưu chưa áp dụng phương pháp xác định trị giá theo phương pháp khấu trừ đối với hàng hoá đã qua gia công và Phương pháp xác định trị giá theo phương pháp trị giá tính toán[35].

II.2. Thuế nội địa

Thuế nôị địa bao gồm mọi sắc thuế trong nước, tức là chỉ ngoại trừ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (gồm cả phụ thu chênh lệch giá). Như vậy, trong trường hợp của Việt Nam, khái niệm thuế nội địa bao hàm 12 loại thuế và phí (1. Thuế giá trị gia tăng, 2.Thuế tiêu thụ đặc biệt, 3.Thuế thu nhập doanh nghiệp, 4.Thuế tài nguyên, 5.Thu sử dụng vốn, 6.Thuế Môn bài, 7.Lệ phí trước bạ, 8.Thuế sử dụng đất nông nghiệp, 9.Thuế nhà đất, 10.Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, 11. Thu phí và lệ phí, 12.Thuế chuyển quyền sử dụng đất)

Tuy nhiên, trong khuôn khổ đề tài này, nội dung thuế nội địa của Việt Nam được đề cập đến chỉ giới hạn ở một số sắc thuế quan trọng và được xem xét từ góc độ đối xứng với các quy định của WTO.

Cụ thể, phần dưới đây xem xét thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp trên các khía cạnh liên quan tới WTO như NT, trợ cấp, ưu đãi đầu tư…

Thuế giá trị gia tăng bắt đầu áp dụng tại Việt Nam từ 1997 thay thế cho Luật thuế doanh thu. Luật thuế GTGT được ban hành năm 1997 và được sửa đổi vào năm 2003 có điều khoản quy định liên quan tới vấn đề phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước.

Cụ thể, tại Điều 8.k. Luật Thuế GTGT 1997, sau đó được điều chỉnh thành Điều 8.l[36] tại Luật sửa đổi Luật Thuế GTGT năm 2003 quy định thuế suất đối với nhóm mặt hàng bông sơ chế từ bông trồng trong nước ở mức 5%, trong khi các sản phẩm bông sơ chế từ nguyên liệu bông nhập khẩu chịu thuế suất 10%

Thuế tiêu thụ đặc biệt được bắt đầu áp dụng tại Việt Nam từ năm 1990, tại Luật Thuế TTĐB năm 1990, không có mâu thuẫn với nghĩa vụ NT hay trợ cấp, ưu đãi thuế nào. Sau khi được sửa đổi vào năm 1993 và được thay thế bởi Luật Thuế TTĐB 1998 và mới được sửa đổi lại vào năm 2003, thuế TTĐB ởViệt Nam đã có những quy định mới mang tính chất phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu cũng như có những ưu đãi thuế mang tính chất đầu tư, trợ cấp

Cụ thể, Điều 7 Luật Thuế TTĐB 1998 và Luật sửa đổi 2003 quy định về thuế suất cụ thể, trong đó mục I.1.a - Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, xì gà chịu thuế suất 65%, trong khi đó mục I.1.b - Thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước có thuế suất 45%.

Bên cạnh đó Điều 16.2 về xét giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt có nêu rõ “ Cơ sở sản xuất, láp ráp ô tô được giảm mức thuế suất theo Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Điều 7 của Luật này như sau :

- Năm 2004 giảm 70%.

- Năm 2005 giảm 50%.

- Năm 2006 giảm 30%.

- Từ năm 2007 nộp đúng thuế suất quy định.

Chính phủ quy định cụ thể việc giảm thuế, miễn thuế quy định tại Điều này.”

Về bản chất, quy định giảm dần tỷ lệ miễn giảm đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô năm 2007 được xuất phát từ quy định giảm 60-100% thuế TTĐB lại Điều 16 của Luật Thuế TTĐB 1998 (trên thực tế, mức miễn giảm là 95%) trong 5 năm kể từ 1998 nhằm phục vụ cho chương trình nội địa hoá ngành ô tô của Việt Nam - tức là sẽ hết hiệu lực vào năm 2003 - nhưng do khó khăn thực tế được các doanh nghiệp Phản ánh, thời gian này được kéo dài và giảm dần có lộ trình tới 2007.

Thuế thu nhập Doanh nghiệp bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 1997 và trở thành công cụ tạo ra ưu đãi đầu tư, trong đó có những ưu đãi đầu tư mâu thuẫn với các nghĩa vụ do WTO quy định.

Điểm đặc biệt đối với thuế thu nhập doanh nghiệp là các quy định về ưu đãi thuế không được nêu rõ tại cấp độ Luật mà chỉ được cụ thể hoá tại các văn bản được luật áp dụng với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, theo Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài và Nghị định 24/2000/NĐ-CP

ngày 31/7/2000, thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi cả về thuế suất và thời gian miễn giảm đối với đầu tư nước ngoài có tỷ lệ xuất khẩu trên 50% và 80%[37]

Đầu tư trong nước tập trung vào hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hoá xuất khẩu cũng được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định lại Điều 15 và Điều 20 (ở mức 25%) Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Như vậy, cả quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trên cơ sở tỷ lệ xuất khẩu đều mâu thuẫn với nghĩa vụ quy định tại Hiệp định SCM và Hiệp định TRIMs của WTO về trợ cấp xuất khẩu và cấp phép đầu tư trên cơ sở yêu cầu cam kết tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu.[38]

III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT

Hiện nay, hầu hết các văn bản pháp quy ở cấp luật đều có điều khoản để thực hiện cam kết, điều ước quốc tế. Đối với các văn bản thuộc diện rà soát ở phần trên, yêu cầu điều chỉnh cụ thể như sau:

III. 1 Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

III.1.a. Biểu thuế

Không gian điều hành thuế suất thuế xuất nhập khẩu Quy định hiện hành về thuế Xuất nhập khẩu cho phép việc tiến hành cam kết thuế ràng buộc không gian điều hành thuế sau khi có sự phê duyệt của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Trong khi đó, việc trở thành thành viên WTO, tức là trở thành thành viên của tổ chức quốc tế đồng thời với tham gia các điều ước quốc tế của tổ chức này cần phải được sự phê chuẩn của Quốc hội. Vì vậy, quy định hiện hành của Việt Nam đã phù hợp với yêu cầu đưa ra cam kết về thuế.[39]

Tuy nhiên, một câu hỏi đáng chú ý được đặt ra đó là liệu quan hệ giữa không gian điều hành thuế suất thuế xuất nhập khẩu quy định tại biểu khung do Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội ban hành và không gian điều hành thuế suất được cam kết với WTO trong khuôn khổ đàm phán gia nhập cần được giải quyết ra sao? Có ba khả năng có thể xảy ra đối với mỗi nhóm mặt hàng (sau đây gọi mức do UBTVQH đặt ra là a, mức cam kết trong WTO là b):

(iv)    a > b;

(v)     a < b;

(vi)    a = b

Mỗi khả năng trên gắn liền với đặc điểm pháp lý và yêu cầu điều chỉnh văn bản pháp quy. Trong trường hợp (i), khi biểu khung cao hơn biểu cam kết, dường như đã xuất hiện mâu thuẫn giữa thẩm quyền mà UBTVQH trao cho Chính phủ qua biểu khung với cam kết quốc tế. Nếu đơn giản hoá vấn đề, có thể cho rằng sẽ xuất hiện khả năng Chính phủ điều hành thuế suất cụ thể vẫn trong giới hạn biểu khung của UBTVQH, song có thể cao hơn mức đã cam kết quốc tế, có nghĩa là mâu thuẫn với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích có thể thấy rằng, các cam kết quốc tế, kể cả ràng buộc thuế quan, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì cam kết quốc tế này cũng trở thành văn bản pháp quy ở cấp Luật, và Chính phủ cũng được yêu cầu đảm bảo việc điều hành thuế suất trong khuôn khổ cam kết này. Vì vậy khả năng xảy ra vi phạm cam kết quốc tế chỉ có thể xảy ra khi quá trình phê chuẩn cam kết quốc tế không rõ ràng và chính phủ không được yêu cầu cụ thể về việc tuân thủ với cam kết đã được phê chuẩn.

Trong trường hợp (ii), không tồn tại mâu thuẫn giữa hai khung khổ nói trên, vì theo quan hệ luật pháp chuẩn mức, cam kết quốc tế có hiệu lực pháp lý trên nội luật. Tuy nhiên, sẽ tồn tại một thực tế là Chính phủ phải giới hạn không gian điều hành của mình không chỉ thấp hơn so với cam kết quốc tế mà còn thấp hơn cả mức trần của biểu khung, thể hiện mức độ tự do hoá đơn phương trên thực tế cao hơn so với mức cam kết quốc tế. Điều này phụ thuộc nhiều vào vấn đề kinh tế chính trị khi cân nhắc quyền lợi của người tiêu dừng và người sản xuất trong nước và có thể gây sức ép cho đàm phán tiếp tục mở cửa thị trường sau này.

Trường hợp (iii) có khả năng xảy ra thấp và chỉ mang tính chất tạm thời, vì thông thường cam kết về thuế thường cỏ lộ trình cắt giảm, điều hành ở cấp pháp lệnh của UBTVQH để duy trì quan hệ bằng nhau sẽ phức tạp và không cần thiết.

Như vậy, việc lựa chọn giải pháp pháp lý ở đây nên nghiêng về trường hợp (i)

Danh mục phân loại hàng hoá dùng cho biểu thuế xuất nhập khẩu bắt đầu từ 7/2004 Việt Nam áp dụng danh mục phân loại hàng hoá ban hành theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 phù hợp với Danh mục phân loạt hài hoà của Tổ chức Hải quan Thế giới năm 2002. Do vậy, danh mục phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đã hoàn toàn phù hợp với danh mục phân loại được chuẩn hoá dùng cho cam kết thuế quan trong khuôn khổ WTO hay bất cứ hiệp định thương mại hàng hoá song phương hoặc khu vực nào khác.

Biểu thuế MFN và các biểu thuế khác Về danh mục biểu thuế của Việt Nam gồm 3 loại thuế suất cơ bản, bao gồm thuế suất ưu đãi (hay thuế MFN), thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt là phù hợp với các quy định về của WTO. Trong danh mục các biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt, chương trình CEPT và ưu đãi thuế quan giành cho Lào được coi là vận dụng ngoại lệ MFN theo Điều XXIV của GATT, trong khi đó các Hiệp định dệt may với Hoa Kỳ và EU sẽ nằm ngoài diện ngoại lệ của Điều XXIV. Vì vậy, khi trở thành thành viên WTO, nếu trong trường hợp thuế suất cam kết gia nhập WTO không thấp hơn thuế suất ưu đãi đặc biệt giành cho các chương trình này thì Việt Nam cần có công cụ pháp lý hiệu hoá việc áp dụng chung cho toàn bộ các đối tác khác mức thuế suất ưu đãi đặc biệt này. Công cụ pháp lý này, khi cần thiết có thể ban hành được ngay do đã có cơ sở pháp lý ở cấp cao hơn là Pháp lệnh MFN và NT cũng như các điều khoản về chấp nhận cam kết. điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Phụ thu và chênh lệch giá - tính đến 1/9/2003 Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003 của Bộ tài chính đã loại bỏ hết, chỉ còn lại phụ thu đối với mặt hàng bột và hạt PVC và ống thép hàn. Mặt khác, về nguyên tắc, GATT cho phép một nước thành viên ràng buộc ODC ở mức hiện hành (Điều II.1.b và Phần diễn giải Điều II1.b GATT 1994), vì vậy sự tồn tại của các khoản phụ thu, chênh lệch giá này không mâu thuẫn về nghĩa vụ pháp lý với WTO.

Tuy vậy, trên cơ sở thực tế về đàm phán gia nhập WTO mà các nước mới gia nhập gặp phải và cam kết gia nhập của các nước này. Khả năng phải ràng buộc ODC bằng 0% vào thời điểm gia nhập, hay nói một cách khác là phải xoá bỏ ODC lả rất cao đối với một nước gia nhập như Việt Nam. Trên cơ sở như vậy, nếu để đảm bảo mức độ bảo hộ không thay đổi, về mặt pháp lý, ODC sẽ được chuyển vào biểu khung của UBTVQH, hay nói một cách khác là được chuyển thành thuế nhập khẩu, và cam kết thuế nhập khẩu theo yêu cầu ràng buộc không gian điều hành sẽ được thực hiện như phân tích trong phần đầu của mục này.

III.1.b. Xác định trị giá hải quan

Hệ thống xác định trị giá hải quan tại Việt Nam là hệ thống hai lớp, một hệ thống căn bản dựa trên Hiệp định trị giá hải quan của WTO (có bảo lưu áp dụng bảng giá tính thuế tối thiểu và bảo lưu chưa áp dụng phương pháp xác định trị giá theo phương pháp khấu trừ đối với hàng hoá đã qua gia công và phương pháp xác định trị giá theo phương pháp trị giá tính toán) và một hệ thống về căn bản đơn trên hệ thống giá tính thuế được định sẵn.

Trong đó, hệ thống xác định trị giá hải quan theo GATT tạm thời chỉ áp dụng với hàng hoá thực hiện Hiệp định CEPT Và Hiện định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Hệ thống thứ hai áp dụng với mọi đối tượng còn lại.

Về mặt pháp lý, hệ thống quy định hiện hành cho phép thực hiện song hành hai hệ thống trên, đồng thời cho phép có những điều chỉnh linh hoạt. Do đó, đây là lĩnh vực cần cụ thể hoá các văn bản thực hiện hơn là điều chỉnh cơ sở pháp lý cao nhất ở cấp luật hay pháp lệnh. Đề xuất điều chỉnh văn bản pháp luật ở cấp luật và pháp lệnh trong lĩnh vực này là không nhất thiết cầu được ưu tiên và chỉ nên thực hiện khi chương trình pháp luật không quá tải.

II. 2. Thuế nội địa

Như đã phân tích tại các mục I và II, các nội dung thuế nội địa có khả năng mâu thũân với quy định tại các điều III, hiệp định TRIMs hay hiệp định SCM trong khi quy định về nghĩa vụ và khả năng bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp mâu thuẫn với các nghĩa vụ tại các quy định này của WTO là tương đôi khác nhau. Vì vậy trong phần dưới đây, nhóm nghiên cứu còn cân nhắc thêm yếu tố có lợi cho đàm phán và bảo lưu để đưa ra đề xuất sửa đổi pháp luật trong nước.

Thúê giá trị gia tăng như đã nêu ở phần II, thuế suất thuế GTGT được áp dụng đối với nhóm mặt hàng bông sơ chế từ bông trồng trong nước ở mức 5%, trong khi các sản phẩm bông sơ chế từ nguyên liệu bông nhập khẩu chịu thuế suất 5% .Có thể nói đây là ưu đãi khuyến khích sử dụng nguyên liệu bông trồng trong nước thay cho nguyên liệu bông nhập khẩu khi sản xuất ra bông sơ chế. Mặt khác, phạm vi áp dụng là sản phẩm bông sơ chế, bởi vậy, nếu đối chiếu với quy định của WTO thì biện pháp này có thể được đưa vào nhóm nghĩa vụ của Điều III GATT 1994, TRIMs hoặc SCM. Hệ quả của việc dựa vào nhóm nghĩa vụ theo 3 quy định trên là khác nhau, trong đó, nếu đưa vào TRIMs hoặc SCM thì khả năng bảo lưu trong một thời gian cao hơn so với đưa vào dưới điều III.

Xét từ khía cạnh pháp lý trong nước, quy định tại Luật GTGT không nêu thời gian xoá bỏ phân biệt đối xử này, nhưng lại có Điều 27 quy định về công nhận cam kết, điều ước quốc tế. Vì vậy trong bất cứ trường hợp nào, dù có được chấp nhận bảo lưu hay không dưới WTO, vẫn có thể không cần sửa Luật mà chỉ cần điều chỉnh văn bản thực hiện dưới luật.

Tuy vậy, khi xem xét đến khía cạnh điều hành, việc lựa chọn mức thuế suất cụ thể nào (mức trước đây áp dụng với trong nước - mức thấp - hay mức trước đây áp dụng với ngoài nước - mức cao) trên thực tế vẫn đòi hỏi có hình thức văn bản ở cấp lập pháp quyết định.

Như vậy, có thể không nhất thiết phải sửa luật, song một hình thức văn bản pháp lý của cơ quan lập pháp là cần thiết, và để đảm bảo sự linh hoạt về thời gian khi điều chỉnh, trong khuôn khổ đề tài này, đề xuất thiên về lựa chọn hình thức là nghị quyết của UBTVQH.

Thuế tiêu thụ đặc biệt có tính chất tương tự như các nội dung đã được đề cập trong phần thuế GTGT.

Thuế Thu nhập Doanh nghiệp điểm đặc biệt liên quan đến thuế TNDN được nêu tại mục II cũng là điểm cần lưu ý khi điều chỉnh văn bản pháp quy ở cấp luật trong sắc thuế này. Cụ thể, việc đưa ra ưu đãi đầu tư trong nước hoặc nước ngoài dưới hình thức ưu đãi thuế TNDN lại được đưa ra trong các luật định quy định về các hoạt động đầu tư này thay vì đưa ra trong luật thuế TNDN. Điều này cần được cân nhắc, điều chỉnh song song với việc điều chỉnh các quy định về ưu đãi đầu tư để cân đối giữa hai nhóm nội dung quan trọng cùng có yêu cầu sửa đổi này./.

 

 

 

 

 

 

 

HIỆP ĐỊNH VỀ TRỢ CẤP CỦA WTO VÀ XÂY DỰNG

PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐIỀU CHỈNH VẤN ĐỀ NÀY

 

 

Ts. Ngô Đức Mạnh

Văn phòng Quốc hội

 

 

1.       ĐẶT VẤN ĐỀ

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu được thành lập năm 1995 và hiện có 148 nước thành viên, trong đó có 2/3 là các nước đang và chậm phát triển. Hiện nay, có khoảng 30 nước khác đang trong quá trình đàm phán để gia nhập như Liên bang Nga, Ukraine. Lào. Việt nam . . .

Hoạt động của WTO được thể hiện qua 16 hiệp định chính thức, trong đó có lĩnh vực thương mại và thuế quan (GATT, 1994), nông nghiệp (AOA), áp dụng các biện pháp kiểm dịch động và thực vật (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), chống bán phá giá (AD), thương mại dịch vụ (GATS), các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) ... Ngoài ra, WTO còn có một số hiệp định nhiều bên như hiệp định về mua sắm chính phủ, hiệp định về công nghệ thông tin...

Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng [Agreement on Subsidies and Countervailing Measures], gọi tắt là "Hiệp định về trợ cấp - SCM" là một trong những hiệp định cơ bản của WTO, theo đó, thành viên gia nhập WTO bắt buộc phải ký kết và tuân thủ các quy định của Hiệp định này. Trong bối cảnh nước ta đang khẩn trương tiến hành đám phán với các nước để có thể gia nhập Tổ chức thương mại thế giới vào năm 2005, việc tìm hiểu và nghiên cứu những nội dung cơ bản của hiệp định này là hết sức cần thiết, không chỉ cho mục tiêu trước mắt là gia nhập WTO, mà điều quan trọng hơn nữa là bảo đảm thực thi đầy đủ các cam kết của hiệp định. Hơn nữa, tính đến mục tiêu của việc hội nhập và căn cứ vào các quy định của Hiệp định này, chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu và xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật về trợ cấp và áp dụng các biện pháp đối kháng để tạo ra công cụ pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước trong điều kiện giao lưu thương mại mới.

2.       NHŨNG NỘI DUNG CƠ BÁN CỦA HIỆP ĐỊNH

2.1. Định nghĩa về khái niệm trợ cấp

Hiệp định bắt đầu bằng xác định khái niệm trợ cấp tại Điều 1, theo đó việc trợ cấp phải cỏ hai yếu tố: (i) đóng góp tài chính của Chính phủ hoặc bất kỳ một cơ quan nhà nước/công nằm trong phạm vi lãnh thổ của chính phủ đó và (ii) đem đến lợi ích nhất định [benefit] cho ngành hoặc doanh nghiệp được nhận trợ cấp. Đây là một sự phát triển đáng kể vì trong Bộ luật của vòng đàm phán Tokyo, không có định nghĩa về khái niệm này. Như vậy, hiệp định này không chỉ áp dụng đối với các biện pháp của chính quyền trung ương, mà cả chính quyền địa phương, cũng như các biện pháp do các tổ chức nhà nước/công như công ty thuộc sở hữu Nhà nước tiến hành.

Để xác định hành vi trợ cấp có bị cấm theo các thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO, hành vi đó cần phải “có tính riêng biệt phù hợp với các quy định của Điều 2

Điều 1 cũng xác định có 4 loại hành vi hình thành nên khoản đóng góp tài chính, bao gồm: a) việc chuyển khoản trực tiếp, ví dụ, như các khoản trợ cấp, cho vay hoặc góp cổ phần; b) khoản thu đến hạn phải nộp mà nhà nước không thu, bỏ qua (ví dụ, việc miễn thuế, c) chính phủ cung cấp các loại tài sản và dịch vụ khác không phải là cơ sở hạ tầng nói chung hoặc mua hàng vào và d) chính phủ đóng góp tiền vào một cơ chế tài trợ hay giao cho một tổ chức tư nhân thực thi những việc nói trên (trừ điểm a đến điểm c).

Điều 1 cũng quy định rõ là việc đóng góp tài chính bao gồm mọi hình thức hỗ trợ thu nhập hoặc trợ giá tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng xuất khẩu hoặc giảm nhập khẩu mọi sản phẩm từ các nước thành viên WTO.

Mặc dầu Điều 1 của Hiệp định không định nghĩa hoặc đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là "lợi ích", nhưng Điều 14 của hiệp định lại đưa ra những hướng dẫn về phương pháp để tính lợi ích, bao gồm:

·       Quyết định đầu tư (góp vốn) của chính phủ không phù hợp với tập quán đầu tư thông thường (bao gồm góp vốn vào kinh doanh chịu rủi ro) của các nhà đầu tư tư nhân trong lãnh thổ của nước Thành viên;

·       Khoản vay từ nguồn vốn chính phủ tạo ra lợi ích khi có sự chênh lệch giữa khoản tiền mà doanh nghiệp được vay phải trả cho khoản nợ đó của chính phủ với số tiền lẽ ra phải trả cho một khoản vay thương mại tương tự khi có thể vay trên thị trường. Trong trường hợp có sự chênh lệch, lợi ích là mức chênh lệch giữa hai khoản phải trả đó;

·       Sự bảo lãnh vay của chính phủ tạo ra lợi ích khi có sự chênh lệch giữa khoản tiền mà công ty được bảo lãnh vay trả cho khoản vay được chính phủ bảo lãnh với số tiền lẽ ra phải trả cho một khoản vay thương mại tương tự trong trường hợp không có sự bảo lãnh của chính phủ. Trong trường hợp này, lợi ích là khoản chênh lệch giữa hai khoản tiền phải trả, có tính đến sự chênh lệch về lệ phí;

·       Việc chính phủ cung cấp hàng hoá, dịch vụ hoặc mua sắm hàng hoá, dịch vụ cũng tạo ra lợi ích khi mà những thứ này do chính phủ cung cấp được thanh toán với số tiền ít hơn mức thích đáng hoặc thanh toán tiền mua hàng cao hơn mức thích đáng. Thanh toán thích đáng được xác định trong mối tương quan với điều kiện thị trường phổ biến đối với dịch vụ, hàng hoá nói đến ở đây tại nước cung cấp hay tiến hành mua (kể cả giá, chất lượng, tính sẵn có, khả năng thị trường, vận chuyển và các điều kiện khác về mua và bán).

Liên quan đến phép thử để xác định tính riêng biệt của việc trợ cấp, Điều 2 của Hiệp định xác định rằng, điều kiện để xác định có tính riêng biệt hay không của việc trợ cấp là ở chỗ biện pháp trợ cấp đó có thiên vị hay không, tức là trợ cấp cho “một doanh nghiệp nhất định” hoặc nhóm doanh nghiệp hay ngành sản xuất cụ thể. Nếu đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính phủ nói chung và được phân phối rộng rãi, công bằng không có sự phân biệt, ưu ái cho một số doanh nghiệp này hơn một số doanh nghiệp khác thuộc thẩm quyền của của cơ quan quản lý thì sự hỗ trợ đó không bị cấm. Ý nghĩa của việc đề ra yêu cầu này là nhằm loại những chính sách can thiệp vĩ mô của chính phủ khỏi phạm vi điều chỉnh về trợ cấp làm bóp méo thương mại. Ví dụ, các chính sách điều chỉnh vĩ mô như phá giá đồng nội tệ, ấn định mức lương trần v.v... mặc dù có thể có tác động như một biện pháp trợ cấp nhưng lại không thoả trận tiêu chí "tính riêng biệt" vì các chính sách vĩ mô này tác động đến mọi nhà sản xuất trong nước, chứ không làm lợi riêng cho một doanh nghiệp hoặc nhóm đối tượng cụ thể nào.

Có hai loại trợ cấp được coi là riêng biệt theo Hiệp định, bao gồm:

·       Trợ cấp thay thế hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu.

Hiệp định rất chú ý đến các chương trình liên quan đến hoạt động xuất khẩu hoặc sử dụng các hàng hoá trong nước thay cho hàng nhập khẩu. Những loại trợ cấp này là bị cấm, thậm chí nếu chúng được nhiều ngành công nghiệp khác nhau sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực [Điều 2.3].

·       Trợ cấp cho các vùng, miền

Trợ cấp cho một số doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp "ở phạm vi một vùng lãnh thổ địa lý thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan trợ cấp" được coi là cụ thể. Như vậy, nếu chính quyển tỉnh hoặc tiểu bang trợ cấp cho việc sản xuất ở một khu vực/vùng cụ thể thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền bang, tỉnh đó thì việc trợ cấp này thuộc đối tượng xem xét của Hiệp định mà không cần phải chứng minh rằng đó là sự trợ cấp cụ thể cho một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ đối với những khu vực kém phát triển .

Trợ cấp riêng theo luật [de jure] trường hợp liên cơ quan trợ cấp căn cứ vào điều khoản của luật để làm căn cứ, hạn chế một cách rõ ràng các doanh nghiệp khác tiếp cận đến khoản trợ cấp. Trường hợp cơ quan trợ cấp hoặc luật pháp quy định công khai "các tiêu chuẩn hoặc điều kiện của việc trợ cấp hoặc số lượng trợ cấp”, thì đó không phải là trợ cấp cụ thể de jure. Các tiêu chuẩn cụ thể phải mang tính khách quan, không phân biệt giữa các doanh nghiệp.

Trợ cấp riêng trên thực tế [de facto]. Ngay cả trong trường hợp không mang tính riêng biệt theo luật nhưng lại có thể mang tính riêng biệt trên thực tế thì cần phải xác định nếu có các yếu tố như: (i) mang tính hạn chế, chỉ dành cho một số doanh nghiệp được sử dụng chương trình trợ cấp; (ii) một số doanh nghiệp nhất định là đối tượng sử dụng trợ cấp; (iii) có tình trạng trợ cấp không cân đối cho một số doanh nghiệp và (iv) cách thức mà cơ quan trợ cấp tiến hành trong việc trợ cấp như có sự tuỳ tiện trong việc ra quyết định trợ cấp.

2.2. Các loại các trợ cấp

Để phân biệt các cấp độ của việc trợ cấp, dẫn đến các chế tài khác nhau. Hiệp định này đã dùng hình ảnh đèn hướng dẫn giao thông để quy định thành 3 loại trợ cấp: (a) trợ cấp bị cấm (còn gọi là trợ cấp đèn đỏ); (b) trợ cấp có thể khiếu kiện theo các thủ tục giải quyết của WTO ( trợ cấp đèn vàng) - tức là áp dụng các biện pháp đối kháng nếu việc trợ cấp đó gây thiệt hại đối với hoạt động thương mại và (c) trợ cấp hợp pháp, không bị phản đối hoặc bị cấm (trợ cấp đèn xanh). Riêng loại trợ cấp đèn xanh chỉ được áp dụng tạm thời trong thời gian 5 năm cho đến ngày 31 tháng 12 năm 1999 và theo Điều 31 của Hiệp định, có thể gia hạn áp dụng nếu dược sự nhất trí của Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng. Cho đến nay, Uỷ ban này vẫn chưa đạt được sự nhất trí về việc có gia hạn các quy định liên quan đến loại trợ cấp đèn xanh hay không, nên hiện nay, chỉ có hai loại trợ cấp đèn đỏ và đèn vàng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định SCM.

a.       Loại trợ cấp đèn đỏ - bị cấm

Điều 3 của Hiệp định liệt kê các loại trợ cấp bị cấm trong mọi trường hợp, gồm có:

·       trợ cấp xuất khẩu - là loại trợ cấp gắn với các điều kiện về xuất khẩu được quy định trong văn bản luật hoặc tồn tại trên thực tế.

·       trợ cấp thay thế nhập khẩu là những khoản trợ cấp gắn với điều kiện ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước thay cho hàng nhập khẩu - được quy định trong các vàn bản pháp luật hoặc tồn tại trên thực tế. Điều 3.1 (b) của Hiệp định cấm sử dụng các trợ cấp gắn với yêu cầu về hàm lượng nội địa, đúng với tinh thần của Điều III GATT 1994 về nguyên tắc đối xử quốc gia.

Phụ lục I của Hiệp định liệt kê danh mục các khoản trợ cấp xuất khẩu gồm có:

(i) trợ cấp trực tiếp cho một hãng hoặc một ngành sản xuất trong nước tính theo kết quả xuất khẩu;

(ii) thưởng xuất khẩu;

(iii) phí vận chuyển ưu đãi hơn đối với hàng xuất khẩu;

(iv) cung cấp đầu vào được trợ cấp để sử dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu;

(v) miễn, hoàn hoặc cho phép nộp chậm toàn bộ hoặc một phần các khoản thuế trực thu hoặc các khoản phí phúc lợi xã hội liên quan riêng tới hoạt động xuất khẩu;

(vi)cho hưởng các mức khấu trừ đặc biệt liên quan trực tiếp tới hàng xuất khẩu hoặc tự kết quả xuất khẩu khi tính thu nhập chịu thuế trực thu ở mức cao hơn mức khấu trừ áp dụng đối với sản xuất để tiêu thụ nội địa.

(vii) miễn hoặc hoàn thuế gián thu liên quan đến sản xuất và phân phối hàng xuất khẩu vượt quá phần thuế gián thu áp dụng đối với hàng hoá tương tự được tiêu thụ nội địa.

(viii) miễn, hoàn hoặc cho phép chậm nộp thuế gián thu vượt quá phần thuế thực tế đánh vào các sản phẩm đầu vào được tiêu thụ trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu

(ix) mức hoàn thuế và phí nhập khẩu vượt quá mức thuế và phí nhập khẩu đánh vào các sản phẩm đầu vào nhập khẩu được tiêu thụ trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu (có tính đến hao phí thông thường).

(x) bảo lãnh xuất khẩu với mức phí không đủ bù đắp chi phí.

(xi) cấp tín dụng xuất khẩu với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất đi vay.

(xii) bất kỳ khoản chi nào khác từ ngân sách Nhà nước là trợ cấp xuất khẩu theo nghĩa của Điều XVI GATT 1994.

Điều 28 của Hiệp định cho phép các thành viên WTO định ra lộ trình ba năm, kể từ khi WTO đi vào hoạt động, tức là đến ngày 15 tháng 4 năm 1997 để bãi bỏ các hình thức trợ cấp bị cấm này.

Điều 4 thiết lập thủ tục nhanh chóng giải quyết các tranh chấp liên quan đến các loại trợ cấp bị cấm. Điều quan trọng nhất là xác định có sự tồn tại loại trợ cấp bị cấm hay không. Nếu một ban hội thẩm do Cơ quan giải quyết tranh chấp thành lập kết luận rằng có sự trợ cấp bị cấm, ban hội thẩm này sẽ khuyến nghị bên đang duy trì trợ cấp đó rút bỏ ngay sự trợ cấp đó, nếu không thì Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ cho phép Thành viên có khiếu nại được áp dụng biện pháp đối kháng phù hợp.

b.       Loại trợ cấp đèn vàng - có thể bị cấm

Điều 5 của Hiệp định đề ra 3 loại ảnh hưởng tiêu cực như:

·       gây tổn hại cho một ngành sản xuất của một thành viên khác;

·       làm vô hiệu hay suy giảm những quyền lợi mà thành viên khác trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng;

·       gây thiệt hại nghiêm trọng đối với quyền lợi của một thành viên khác.

Khác với Bộ luật của Vòng đàm phán Tokyo, Hiệp định này xác định rõ thế nào là tổn hại nghiêm trọng, theo đó mức độ tồn hại nghiêm trọng phải dựa vào các số liệu có thể do đếm và kiểm chứng được. Các trường hợp lổn hại nghiêm trọng gồm có:

(a)      (a)làm thiệt hại hay ngăn cản nhập khẩu các sản phẩm tương tự của một thành viên khác vào thị trường thành viên đang áp dụng trợ cấp;

(b)     (b)làm thiệt hại hoặc ngăn cản xuất khẩu các sản phẩm tương tự của một thành viên khác từ thị trường của một nước thứ ba;

(c)      (c)làm hạ giá ở mức độ lớn của một sản phẩm được trợ cấp so với giá của sản phẩm tương tự của một nước thành viên khác; làm tăng thị phần trên thế giới của thành viên đang áp dụng trợ cấp với một sản phẩm tương tự so với mức thị phần trung bình của thành viên đó trong ba năm trước đó.

Để chứng minh việc đánh thuế chống trợ cấp là hành động đối phó chính đáng, nước nhập khẩu phải đưa ra bằng chứng đầy đủ cho thấy có thiệt hại (injury) xảy ra đối với ngành hoặc doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm tương tự với hàng nhập khẩu được trợ cấp.

Về khái niệm "ngành sản xuất trong nước", theo Điều 16 của SCM, có nghĩa là tất cả các nhà sản xuất trong nước cùng sản xuất ra sản phẩm tương tự hay những nhà sản xuất  sản phẩm tương tự có sản lượng cộng gộp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng nội địa của những sản phẩm đó. Trên thực tế, các nhà sản xuất có quan hệ với nhà xuất khẩu các sản phẩm bị cho là được nước ngoài trợ cấp hoặc các sản phẩm tương tự từ các nứơc khác sẽ không được tính vào nhóm các nhà sản xuất thuộc “ngành sản xuất trong nước”. Trong phần lớn các trường hợp, khái niệm ngành sản xuất trong nước thường được dùng để chỉ ngành hoặc tập hợp các nhà sản xuất kinh doanh trên thị trường bao trùm toàn bộ lãnh thổ của một nước thành viên. Khi có lý do rằng mình bị thiệt hại do hàng nhập khẩu được nước ngoài trợ cấp, một ngành sản xuất trong nước và thậm chí ngành sản xuất tại một khu vực thị trường của một nước (theo Điều 16.2 và 16.3 Hịêp định SCM), đều có quyền khiếu nại để áp dụng các biện pháp đối kháng chống lại việc trợ cấp.

Khái niệm sản phẩm tương tự được hiểu là một sản phẩm giống hệt sản phẩm đang được xem xét về mọi mặt. Trường hợp không có sản phẩm tương tự thì thuật ngữ “sản phẩm tương tự” cũng được hiểu là một sản phẩm dù không giống hoàn toàn nhưng có những đặc điểm, tính chất rất giống sản phẩm đang được xem xét. Thông thường, các tiêu chí để xác định một sản phẩm này có tương tự với sản phẩm nhập khẩu gồm có: (i) các đặc tính vật lý như cấu tạo, thành phần hoá học, tính năng, chất lượng của sản phẩm; (ii) mục đích sử dụng sản phẩm, khả năng có thể sử dụng thay thế cho nhau của sản phẩm; (iii) thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng đối với sản phẩm và (iv) phân loại thuế quan của sản phẩm.

Khi cho rằng việc sản phẩm nhập khẩu được hưởng lợi từ một khoản trợ cấp thì theo Điều IV của GATT 1994 yêu cầu cơ quan điều tra phải chứng minh sự tồn tại của một số tác động xấu nhất định đối với ngành sản xuất trong nước do hang nhập khẩu được trợ cấp gây ra. Điều 15.1 Hịêp định SCM quy định cụ thể hơn vì cách thức xác định sự tồn tại của một số tác động này, gọi chung là “Thiệt hại” [injury]. Hiệp định SCM đưa ra một danh mục các nội dung mà cơ quan điều tra phải xem xét khách quan để chứng minh rằng có thiệt hại, gồm có khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp, ảnh hưởng tới giá sản phẩm tương tự, ảnh hưởng tới nhà sản xuất sản phẩm tương tự, trong đó mỗi yếu tố xác định từng nội dung xem xét này đều có ý nghĩa như nhau và cơ quan điều tra của nước nhập khẩu được tuỳ ý đánh giá mức độ quan trọng của mỗi yếu tố để đi đến kết luận trong từng vụ việc.

Việc đánh giá bằng chứng về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước được quy về 3 nhóm vấn đề: (i) bằng chứng về thiệt hại vật chất; (ii) bằng chứng về nguy cơ gây thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất trong nước và (iii) có sự trì hoãn trong việc hình thành một ngành sản xuất trong nước.

Thứ nhất, về thiệt hại vật chất của ngành sản xuất trong nước, cần đánh giá một cách toàn diện về:

- sự suy giảm thực sự hoặc tiềm tàng về sản lượng, doanh số tiêu thụ, thị phần, lợi nhuận, năng suất, công suất sử dụng, mức độ thu hồi vốn đầu tư;

- tình trạng trì trệ hoặc suy giảm thực sự hay tiềm tàng của luồng tiền mặt, lượng hàng tồn kho, công ăn việc làm, lương nhân công, tốc độ tăng trưởng và quy mô lăng trưởng, khả năng huy động vốn hoặc thu hút đầu tư.

Thứ hai, bằng chứng về nguy cơ gây thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất trong nước cần phải dựa trên việc thực chứ không dựa trên suy đoán, quy kết hay khả năng xa xôi căn cứ vào các yếu tố như sau :

- bản chất của chương trình hoặc biện pháp trợ cấp mà chính phủ nước ngoài sử dụng và tác động của nó đối với thương mại;

- mức độ tăng nhập khẩu của hàng được nước ngoài trợ cấp cho thấy khả năng nhập khẩu sẽ tăng mạnh;

- năng lực sản xuất sẵn có của nhà xuất khẩu còn có khả năng mở rộng làm cho hàng xuất khẩu được trợ cấp sẽ tiếp tục tăng mạnh - có tính đến tiềm năng của các thị trường xuất khẩu khác có thể tiếp nhận lượng hàng xuất khẩu tăng thêm;

- tác động giảm giá, ép giá hoặc kìm chế sự tăng giá tại thị trường nước nhập khẩu do sự xuất hiện của hàng nhập khẩu với mức giá được trợ cấp gây ra có khả năng làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu hơn nữa; và

- lượng tồn kho của sản phẩm đang được điều tra.

Thứ ba, về việc ngành sản xuất trong nước bị trì hoãn thực sự thì tuy rằng Hiệp định SCM coi là một dạng "thiệt hại" nhưng lại không có quy định nào giải thích hay hướng dẫn cụ thể về loại thiệt hại này. Phân tích cơ sở lý thuyết của việc trì hoãn thực sự cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước, có thể từ hai khía cạnh: (i) gây trở ngại khiến cho một ngành dự kiến thành lập chưa thể được hình thành trên thực tế do có nguyên nhân phát sinh từ hàng nhập khẩu được nước ngoài dự cấp; và (ii) gây khó khăn khiến cho một ngành trong nước mới bắt đầu định hình chưa thể đi vào sản xuất ổn định.

Tuy đã xác định có sự hiện diện của các bằng chứng về sự thiệt hại như đã nêu, Hiệp định SCM quy định phải có mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được trợ cấp và thiệt hại. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu phải chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được trợ cấp với thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thuộc một trong ba dạng kể trên theo những căn cứ như:

- khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp; mức độ tăng tuyệt đối và tỷ lệ tăng tương đối so với sản lượng sản xuất hoặc lượng tiêu thụ của sản phẩm tương tự tại thị trường nước nhập khẩu, và

- tác động về giá của hàng nhập khẩu được trợ cấp: mức độ chênh lệch về giá giữa hàng nhập khẩu được trợ cấp so với giá của sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu, ảnh hưởng của hàng nhập khẩu được trợ cấp làm giá hàng hoá đó trên thị trường nước nhập khẩu giảm mạnh hoặc kìm hãm không cho giá hàng hoá này tăng lên.

Theo Hiệp định SCM, có bốn loại tổn hại nghiêm trọng là:

·                 toàn bộ tổng trị giá trợ cấp cho một sản phẩm vượt quá 5%, được tính theo chi phí mà Chính phủ cấp trợ cấp phải trả [Phụ lục IV của Hiệp định về tính toán trị giá gia tăng trong trợ cấp] .

·                 các khoản trợ cấp để bù cho sự thua lỗ kéo dài trong hoạt động kinh doanh của một ngành sản xuất;

·                 các khoản trợ cấp để bù cho các hoạt động kinh doanh thua lỗ của một doanh nghiệp, trừ khi đó là một biện pháp nhất thời mang tính chất một lần và không lặp lại với doanh nghiệp đó và được cấp chỉ thuần tuý để cho phép có thời gian tìm kiếm một giải pháp lâu dài và tránh phát sinh một vấn đề xã hội gay gắt ; và

·                 trực tiếp xoá nợ của doanh nghiệp đối với nhà nước hay cấp kinh phí để thanh toán nợ.

Ngoài việc làm rõ các quy tắc về loại trợ cấp này, Điều 7 và Phụ lục V còn quy định các thủ tục nhanh chóng và có hiệu quả để giải quyết các tranh chấp liên quan đến loại trợ cấp đèn vàng. Khi nước thành viên yêu cầu trao đổi ý kiến về vấn đề trợ cấp, Hiệp định cho phép có 180 ngày để hoàn thành các thủ tục xem xét, giải quyết và ban hành quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB). Ngoài ra, còn có thêm 90 ngày để kháng cáo về quyết định giải quyết và cho phép áp dụng các biện pháp đối kháng trong trường hợp bên vi phạm không bãi bỏ hoặc loại trừ các ảnh hưởng nghiêm trọng trong vòng 6 tháng kể từ ngày cơ quan giải quyết tranh chấp thông qua báo cáo hội thẩm hay báo cáo phúc thẩm.

c.       Loại trợ cấp đèn xanh - không bị cấm

Điều 8.2 của Hiệp định liệt kê 3 loại trợ cấp mà có thể không bị cấm. Đó là: (a) hỗ trợ của nhà nước cho việc nghiên cứu công nghiệp và các hoạt động phát triển tiền cạnh tranh. Theo đó, "nghiên cứu công nghiệp" là việc phát hiện sự hiểu  biết mới với mục đích rằng sự hiểu biết đó có thể là hữu ích trong việc phát triển các sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ mới. Còn "hoạt động phát triển tiền cạnh tranh" là việc “biến các kết quả nghiên cứu công nghiệp thành nhà máy, bản vẽ thiết kế hoặc bản thiết kế cho các sản phẩm mới, được cải tiến hoặc nâng cao, quy trình hoặc dịch vụ”, gần với việc sản xuất thực sự; (b) sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước cho các vùng, khu vực kém phát triển và (c) hỗ trợ của nhà nước để giúp cho các nhà máy và thiết bị thích ứng với các yêu cầu mới về môi trường.

(a) Hỗ trợ cho nghiên cứu

Theo điều 8.2(a), việc nhà nước trợ cấp cho các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ sở đào tạo là không bị cấm, nếu sự hỗ trợ đó: (i) không chiếm quá 75% toàn bộ chi phí cho việc nghiên cứu công nghiệp hoặc không quá 50% chi phí cho hoạt động phát triển sản phẩm tiền cạnh tranh trong quá trình nghiên cứu hoặc tính mức trung bình của hai sự hỗ trợ này là 62,5% cho các chương trình nghiên cứu có cả hai loại hoạt động này; và (ii) giới hạn chỉ cho việc chi cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu; chi phí thiết bị, nhà xưởng; thuê mướn chuyên gia tư vấn cho hoạt động nghiên cứu và các chi phí ban đầu của việc nghiên cứu và các chi phí khác phát sinh trực tiếp từ việc nghiên cứu như các tài liệu ...

Hiệp định cho phép nhà nước hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu cho đến khi tạo ra sản phẩm mẫu đầu tiên không mang tính cạnh tranh.

(b) Hỗ trợ cho các vùng kém phát triển

Theo điều 8.2 (b), trợ cấp của nhà nước cho các vùng kém phát triển là không bị cấm nếu:

·                 đó là một phần của chương trình chung phát triển vùng; sự trợ cấp đó là có sẵn và được tất cả các ngành công nghiệp trong vùng đó sử dụng, chứ không phải là một đơn vị cụ thể theo Điều 2;

·                 với điều kiện vùng khó khăn phải xác định về ranh giới địa lý với đặc điểm về kinh tế và hành chính có thể làm rõ được;

·                 sự hỗ trợ đó không phải cho các vùng tạm thời có khó khăn; tiêu chuẩn nhận hỗ trợ được quy định rõ trong luật hoặc các quy định khác mà có thể kiểm chứng và tiêu chuẩn được nhận này có tính khách quan, trung lập;

·                 sự phát triển về kinh tế (theo thu nhập hoặc tinh theo đầu người của không quá 85% thu nhập trung bình của lãnh thổ liên quan hoặc tỷ lệ thất nghiệp không dưới 110% tính mức trung bình của cả nước trong khoảng thời gian 3 năm).

(c) Hỗ trợ để đáp ứng các yêu cầu về môi trường

Nhà nước có thể hỗ trợ trong vòng 2 năm để các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định của pháp luật hay quy tắc và việc đáp ứng đó gây nên những khó khăn hoặc gánh nặng tài chính lớn hơn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hỗ trợ đó phải đáp ứng các yêu cầu như: (i) một lần; (ii) chưa đến 20% chi phí của việc đáp ứng; (iii) không bao gồm khoản chi phí của việc thay thế và vận hành thiết bị là khoản chi phí phải do công ty chịu; (iv) liên quan trực tiếp đến và tương ứng với việc giảm ô nhiễm; (v) không bao gồm các khoản tiết kiệm chi phí sản xuất có thể đạt được và (vi) được cấp cho tất cả các công ty có thể áp dụng thiết bị hoặc quy trình sản xuất mới.

2.3.    Xem xét các loại trợ cấp đèn xanh

Các loại trợ cấp đèn xanh sẽ do Uỷ ban trợ cấp xem xét. Điều 8.3 của Hiệp định yêu cầu các nước thành viên phải thông báo cho Uỷ ban các chương trình trợ cấp, liệt kê các chương trình trợ cấp không bị cấm trước khi thực hiện những chương trình này. Các điều 8.4 và 8.5 đề ra các thủ tục xem xét các chương trình này khi có một thành viên yêu cầu, Ban thư ký của WTO sẽ chuẩn bị báo cáo với Uỷ ban trợ cấp, phân tích mức độ đáp ứng của các chương trình đó so với các tiêu chuẩn theo Điều 8.2.

Việc trợ cấp không được coi là hợp pháp nếu xét thấy không đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp định. Trường hợp Uỷ ban không thể đưa ra phán quyết kịp thời hoặc nước thành viên không hài lòng với quyết định của Uỷ ban thì thành viên đó có thể đưa vấn đề ra trọng tài và quyết định của trọng tài là ràng buộc trong vòng 120 ngày kể từ ngày vấn đề được đưa ra trước Uỷ ban. Mỗi thành viên phải có báo cáo cập nhật hàng năm về các chương trình trợ cấp màu xanh để Uỷ ban có thể đánh giá được tính phù hợp của chương trình để ra quyết định. Bất kỳ khi nào mà nước thành viên có những thay đổi đáng kể vào các loại trợ cấp màu xanh, thì sẽ bắt đầu xem xét lại các loại trợ cấp đó. Thậm chí, khi chương trình trợ cấp đáp ứng các tiêu chuẩn của Điều 8, thì việc trợ cấp đó vẫn có thể bị coi là vi phạm nếu gây ra "những tác hại nghiêm trọng" cho ngành công nghiệp trong nước của nước khác, tới mức có thể gây thiệt hại "khó khôi phục được". Uỷ ban trợ cấp phải đưa ra quyết định củamình trong vòng 120 ngày sau quá trình tư vấn không thành công giữa các nước thành viên có liên quan về vấn đề trợ cấp có gây những tác hại nghiêm trọng hay không.

2.4.    Các quy tắc liên quan đến các thủ tục về các biện phát đối kháng

Phần V của Hiệp định đề cập đến các biện pháp đối kháng chống lại việc trợ cấp (các Điều 10 đến Điều 23). Ngoại trừ quy tắc ở Điều 14 về mức lợi ích đem lại cho bên nhận để tính tổng số trợ cấp, các thủ tục để áp dụng biện pháp đối kháng là một quy trình được tiến hành như sau:

(i) đề nghị bằng văn bản của ngành sản xuất trong nước, nêu rõ bằng chứng về sự tồn tại của trợ cấp;

(ii ) cơ quan điều ưa phải kiểm tra sự xác đáng và dầy đủ của bằng chứng;

(iii) cơ quan điều tra của nước nhập khẩu phải công bố quyết định điều tra và thông báo cho chính phủ nước xuất khẩu có sản phẩm bị điều tra;

(iv) cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi cho các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất của nước xuất khẩu và chính phủ nước xuất khẩu có sản phẩm đang bị điều tra;

(v) trình bày chứng cứ của các bên liên quan;

(vi) thu thập thông tin không mang tính chất bí mật, điều tra thực tế tại cơ sở, kể cả tại nước xuất khẩu nếu thấy cần thiết; trong trường hợp có mức trợ cấp tối thiểu (nếu thấp hơn 1% tính trên trị giá sản phẩm) thì việc điều tra bị chấm dứt.

(vii) nếu chính phủ nước xuất khẩu từ chối việc cung cấp thông tin, điều tra thì cơ quan điều tra có thể đưa ra kết luận sơ bộ và chính thức căn cứ theo dữ liệu thực tế mà cơ quan này có được;

(viii) cơ quan điều tra có thể áp dụng các biện pháp tạm thời để ngăn chặn thiệt hại xảy ra trong quá trình điều tra (thuế chống trợ cấp tạm thời);

(ix) quyết định đánh thuế trợ cấp chính thức và thu thuế, theo đó, thuế đối kháng phải được đánh, với mức thuế phù hợp với từng trường hợp và mức thuế đối kháng nên thấp hơn tổng mức trợ cấp.

2.5.    Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng

Điều 24 của Hiệp định về Uỷ ban trợ cấp và các biện pháp đối kháng quy định Uỷ ban này gồm đại diện của mỗi thành viên, có Chủ tịch Uỷ ban và họp mỗi năm hai lần ngoài các cuộc họp theo yêu cầu của bất kỳ thành viên nào. Điều 25 và Điều 26 quy định hàng năm tất cả các thành viên có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban mọi loại trợ cấp riêng biệt được duy trì hay áp dụng trên lãnh thổ của mình. Nội dung thông báo phải đủ chi tiết cụ thể như hình thức trợ cấp; mục tiêu hoặc mục đích về mặt chính sách của trợ cấp; thời hạn trợ cấp; số liệu thống kê để các thành viên khác có thể đánh giá tác động thương mại của việc trợ cấp.

2.6.    Các quy tắc đối với nước đang phát triển

Điều 27 của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp trợ cấp đa biên cho các nước đang phát triển. Với thu nhập bình quân đầu người vào khoảng hoặc trên 1.000 USD/năm, thì các nước đang phát triển phải đưa ra lộ trình có tính liên tục tường bước để loại bỏ tất cả các khoản trợ cấp xuất khẩu trong vòng 8 đến 10 năm, trừ khi Uỷ ban trợ cấp và các biện pháp đối kháng gia hạn thời gian này. Mỗi nước phát triển phải đề ra lộ trình loại bỏ các khoản trợ cấp xuất khẩu đối với loại sản phẩm trong vòng 2 năm, khi mà loại sản phẩm đó chiếm đến 3,25% thương mại thế giới trong vòng 2 năm liên tục. Đối với các nước chậm phát triển và nước có thu nhập đầu người thấp hơn 1.000 USD/năm, lộ trình loại bỏ các khoản trợ cấp đó là 8 năm.

Mức ngưỡng cho phép (de minimis) cho các nước đang phát triển được phép trợ cấp cho một sản phẩm là không quá 2 % giá trị của nó tính theo trị giá trên cơ sở đơn vị sản phẩm hoặc 3% đối với các nước đang phát triển đã xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu trước khi hết thời hạn tám năm kể từ ngày Hiệp định WTO bắt đầu có hiệu lực, tức là vào năm 2003.

3.       Khái quát về thực trạng trợ cấp ở Việt nam

Là một nước đang phát triển với thu nhập quốc dân tính theo đầu người khoảng 400 USD, nền kinh tế Việt nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Các hình thức trợ cấp, trợ giá tập trung và phổ biến ở những dạng thức như sau :

- Trợ cấp, trợ giá cho doanh nghiệp nhà nước là hiện lượng khá phổ biến thông qua các quy định về chế độ sử dụng đất đai, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; cho chỉ định thầu các công trình về cơ sở hạ tầng nên có nhặn xét rằng, nếu bỏ các khoản ưu đãi mà nhà nước dành cho và đưa giá đất tính vào chi phí, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ thua lỗ.

- Trợ cấp hàng xuất khẩu, Theo số liệu thống kê, hàng năm, trợ cấp xuất khẩu hàng nông nghiệp ở nước ta là vào khoảng 1.500 tỷ đồng, lớn vào hàng thứ năm trên thế giới.

- Các chương trình về trợ cấp, trợ giá cho việc phát triển kinh tế, vận chuyển hàng hoá, đầu tư ở các vùng kinh tế kém phát triển, cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có những quy định pháp lý hiện hành là có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, không phù hợp với chế độ thương mại công bằng giữa các thành phần kinh tế. Ví dụ, theo Nghị định 43 của Chính phủ ban hành năm 1999 về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì có tới 40 đối tượng được hưởng ưu đãi với lãi suất cho vay chỉ là 4,5%/năm, tương đương một nửa lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại. Lãi suất này còn có nhiều mức, ví dụ, dự án trồng rừng ở Kon Tum có lãi suất 2.7%, trong khi đó các dự án đóng tàu biển là 3,5% và dệt may là 4,2%... Điều này dẫn đến tình trạng là các địa phương tìm mọi cách để lập và "chạy" dự án để được hưởng ưu đãi mà trong nhiều trường hợp không tính đến hiệu quả thực tế của dự án. Một điểm hạn cho nữa là có sự phân biệt đối tượng và tài sản bảo đảm tiền vay giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân khiến các đơn vị dân doanh khó tiếp cận nguồn vốn này.

Hiện nay, chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích về trợ cấp và điều chỉnh việc điều tra, xác định trợ cấp và áp dụng các biện pháp chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt nam nên trong nhiều trường hợp, chúng ta không có căn cứ pháp lý đề tiến hành điều tra những hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào nước ta với giá rẻ bị nghi là được trợ cấp. Mặt khác, sự hiểu biết của doanh nghiệp Việt nam về vấn đề này còn hạn chế nên họ không biết phải làm gì để bảo vệ hàng hoá, sản phẩm của mình trước sự cạnh tranh của hàng hoá nước ngoài được trợ cấp.

4.       Một số vấn đề xây dựng pháp luật về chống trợ cấp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta

Từ những điều đã trình bày trên và tính đến yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặt ra vấn đề phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta về chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp chống trợ cấp.

Thứ nhất, việc ban hành pháp lệnh chốngtrợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt nam là nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý bảo hộ ngành sản xuất trong nước trong trường hợp hàng hoá nhập khẩu vào nước ta gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Hơn thế nữa, việc ban hành văn bản này còn cần thiết ở chỗ hệ thống chính sách xuất nhập khẩu của nước ta phải phù hợp với các định chế của WTO, các hàng rào phi thuế quan đang được loại bỏ dần, thuế nhập khẩu cũng phải giảm dần theo lộ trình hội nhập. Đồng thời, áp dụng các biện pháp chống trợ cấp còn là biện pháp giúp doanh nghiệp trong nước yên tâm hơn khi nhà nước cắt giảm và loại bỏ các công cụ bảo hộ truyền thống như các biện pháp hạn chế định lượng, thuế nhập khẩu. Và áp dụng biện pháp chống trợ cấp là biện pháp hỗ trợ ngành sản xuất trong nước khi có hiện tượng hàng hoá nước ngoài được hưởng trợ cấp nhập khẩu vào và gây ra hoặc để doạ gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước được WTO công nhận.

Thứ hai, cần phân biệt hai vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: (i) xây dựng, ban hành khuôn khổ pháp lý về chống trợ cấp và (ii) áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Vấn đề thứ nhất đặt ra yêu cầu phải có cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng tương thích với những quy định của WTO; còn vấn đề thứ hai thì khó hơn vì trợ cấp là một biện pháp do chính phủ thực hiện, khác với báu phá giá là biện pháp của doanh nghiệp áp dụng. Thuế chống trợ cấp đánh vào doanh nghiệp nhưng thực chất là đánh vào chính phủ nên việc có áp dụng biện pháp này hay không là tuỳ thuộc vào sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ. Tuy vậy, trong cả hai trường hợp này, việc xây dựng và hình thành một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ là hết sức cần thiết cho việc điều tra và áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

Thứ ba, SCM là một hiệp định mang tính kỹ thuật chuyên sâu. Tất cả các nước thành viên WTO đều phải gia nhập và tuân thủ. Chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm thực tế về vấn đề này nên việc ban hành pháp lệnh về chống trợ cấp thực chất là nội luật hoá các quy định của SCM vào hệ thống pháp luật Việl nam. Do đó, cần cố gắng đến mức tối đa quy định một cách chi tiết, trong điều kiện có thể được, các nội dung của SCM để có thể áp dụng được ngay mà không cần hướng dẫn thực hiện. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Nhà nước ta là cần phải khắc phục tình trạng "luật khung" được đề ra từ năm 1997, theo đó, "các luật ban hành cần bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, quy định cụ thể để giảm bớt tình trạng phải chờ đợi quá nhiều văn bản hướng dẫn mới thi hành được."[ ]

Thứ tư, hiện nay, dự thảo có tên gọi “ Pháp lệnh chống trợ cấp hàng nhập khẩu vào Việt nam" mà đầu mối là Bộ thương mại, đang được khẩn trương soạn thảo. Theo dự thảo 5 đề ngày 13 tháng 4 năm 2004, có những vấn đề về mặt kỹ thuật soạn thảo cần được trao đổi thêm. Ví dụ, quy định các hình thức trợ cấp thành một điều mà căn cứ để quy kết các hình thức trợ cấp đỏ có bị cấm hay không lại dựa vào các định nghĩa ở phần khái niệm tại Điều 2 của dự thảo là không đầy đủ và còn quá chung chung để có thể hiểu và áp dụng các quy phạm ở đây.

Thứ năm, việc điều tra và áp dụng các biện pháp chống trợ cấp, như đã trình bày ở trên, là nằm ngoài lãnh thổ Việt nam và rất phức tạp, tốn kém. Năng lực của cơ quan điều tra là yếu tố quan trọng để có khả năng thu thập thông tin, phân tích các số liệu, chứng cứ. Do đó, cần khẩn trương xây dựng và kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan này để có thể đi vào vận hành ngay khi pháp lệnh được ban hành và có hiệu lực áp dụng; đồng thời đủ năng lực thực thi đầy đủ thẩm quyền của mình trong mối quan hệ với các cơ quan có liên quan của nước áp dụng biện pháp trợ cấp.

Cuối cùng, việc áp dụng biện pháp chống trợ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chính phủ nước ngoài và thị phần của các nhà sản xuất của họ ở Việt nam. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh về chống trợ cấp là biện pháp quan trọng, nhưng để chống trợ cấp có hiệu quả và bền vững hơn, cần có những biện pháp mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước qua việc hạ giá thành, giảm chi phí sản xuất, áp dụng công nghệ cao và nhất là tạo ra sự bình đẳng, thúc đẩy thương mại công bằng giữa các thành phần kinh tế. Như vậy, cùng với việc ban hành Pháp lệnh chống trợ cấp, cần khẩn trương ban hành văn bản luật chống cạnh tranh không lành mạnh, chống độc quyền, chống bán phá giá./.

 

NGHIÊN CỨU CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ CỦA WTO VỀ THUƠNG MẠI

HÀNG NÔNG SẢN VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN

QUAN ĐẾN LINH VỰC NÀY

 

Nguyễn Minh Tiến

 

 

Với khoảng 75% dân số Việt Nam sống tại các vùng nông thôn và hơn 67% lực lượng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp (bao gồm cả thuỷ sản), Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp. Mặc dù theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp-lâm nghiệp- thuỷ sản trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân giảm dần trong những năm vừa qua nhưng vẫn chiếm khoảng 23%. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chiếm 29% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2002. Do vậy, sản xuất nông nghiệp nói chung và thương mại hàng nông sản nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là đối với khu vực nông thôn.

Với việc Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong những năm vừa qua, chúng ta sẽ phải đưa ra các cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của WTO đối với thương mại hang hoá và dịch vụ, trong đó có các qui định đối với thương mại hàng nông sản. Do vậy, sản xuất nông nghiệp cũng như thương mại hàng nông sản của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi những qui định cũng như thông lệ thương mại quốc tế. Thêm vào đó, các qui định pháp luật về thương mại hàng nông sản của Việt Nam cũng phải được xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với các cam kết của ta đối với các tổ chức quốc tế, nhất là đối với Tổ chức thương mại thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có sự hiểu biết đẩy đủ và nhận thức đúng đắn về các qui định của WTO đối với thương mại hàng nông sản. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần ra soát lại các qui định pháp luật hiện hành để tiến hành những bước điều chỉnh thích hợp nhằm hướng dần tới sự phù hợp giữa luật pháp trong nước với các qui định và thông lệ quốc tế về thương mại hàng nông sản. Bên cạnh đó. chúng la cũng cần vận dụng một cách linh hoạt các qui định của WTO đối với thương mại hàng nông sản để nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước và thương mại hàng nông sản của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

l.        CÁC QUI ĐỊNH CỦA WTO VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG NÔNG SẢN

1. Nông nghiệp trong WTO

Lĩnh vực nông nghiệp hết sức nhạy cảm và là lĩnh vực khó giải quyết trong quan hệ thương mại giữa các nước thành viên của Hiệp định Chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), tổ chức tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 1948. Trước khi kết thúc vòng đàm phán Uruguay, nông nghiệp nhận được sự đổi xử đặc biệt trong phạm vi GATT thông qua các ngoại lệ cũng như ngoại trừ đối với những qui định được áp dụng đối với thương mại hàng hoá phi nông nghiệp. Thông qua đó, GATT đã cho phép các nước được sử dụng các biện pháp bảo hộ đối với nông sản hàng hoá mà thông thương không được phép áp dụng đối với các nhóm hàng hoá khác, và như vậy đã cho phép các nước sử dụng các biện pháp phi thuế để hạn chế thương mại hàng nông sản. Chính vì vậy, thị trường nông sản thế giới bị "bóp méo" nghiêm trọng bởi chính sách nông nghiệp của các nước, đặc biệt là các nước phát triển và gây thiệt hại đáng kể cho các nước xuất khẩu nông sản[40].

Một trong những thành công lớn nhất của vòng đàm phán Uruguay (UR) là việc thông qua Hiệp định Nông nghiệp (AoA) để qua đó lần đầu tiên đưa nông nghiệp vào trong khuôn khổ của tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu. Hiệp định Nông nghiệp đạt được năm 1994 là tượng trưng cho sự chấm dứt thời kỳ kéo dài mà các chính sách nông nghiệp được xây dựng độc lập với các qui định của GATT. AoA đã đem lại nhiều lợi ích cho các nước xuất khẩu nông sản thông qua mở rộng thị trường và gỡ bỏ các rào cản thương mại. Qua đó, thị trường nông sản thế giới ngày càng minh bạch hơn và cạnh tranh lành mạnh hơn.

Bên cạnh các qui định trong Hiệp định Nông nghiệp của vòng đàm phán Uruguay, thương mại hàng nông sản còn chịu tác động bởi Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS), các qui định về doanh nghiệp thương mại Nhà nước và phần nào bởi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) tuy ở mức độ hạn chế. Vì vậy, có thể nói là các qui định của WTO đối với thương mại nông sản chủ yếu bao gồm các qui định trong Hiệp định Nông nghiệp và Hiệp định SPS.

2. Phản tích chi tiết nội dung của các qui định

Hiệp định Nông nghiệp có thể chia làm ba phần tác động chủ yếu đến thương mại hàng nông sản trên thế giới, gồm: tiếp cận thị trường, hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu.

Tiếp cận thị trường

Trong 7 vòng đàm phán của GATT trước khi diễn ra vòng Uruguay, thuế nhập khẩu đối với nông sản hầu như không được đưa vào đàm phán thuế quan. Tuy nhiên, trong vòng đàm phán Uruguay, các nước thành viên đã đồng ý chuyển đổi tất các các biện pháp phi thuế áp dụng đối với nông sản hàng hoá sang thuế quan thông thường. Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng đồng ý sử dụng hạn ngạch thuế quan (TRQs) để đảm bảo mức mở cửa thị trường tối thiểu và đồng thời tạo ra những cơ hội mở cửa thị trường mới sau khi đã thuế hoá. Để đảm bảo cho mức tiếp cận thị trường tối thiểu thì mức thuế trong hạn ngạch phải ở mức thuế thấp hơn đáng kể so với mức thuế ngoài hạn ngạch. Mức mở cửa thị trường tối thiểu được xác định là 3% của thị trường trong nước dựa trên thời kỳ cơ sở[41] và tăng lên 5% trong “giai đoạn thực hiện"[42].

Hiệp định nông nghiệp qui định rõ các nước thành viên của Tổ chức thương mại thế giới phải đưa ra cam kết ràng buộc mức thuế trần đối với tất cả các hàng hoá nông sản. Mức thuế áp dụng thực tế của các nước thành viên có thể thay đổi tuy nhiên không được phép vượt quá mức thuế trần. Bên cạnh đó, mỗi nước thành viên phải có lịch trình cụ thể về cắt giảm mức thuế (mức thuế trần) đối với các nông sản phẩm 36% dựa trên cơ sở bình quân đơn giản trong vòng 6 năm, kể từ năm 1995. Đối với mỗi dòng thuế cụ thể thì phải giảm ít nhất là 15%. Riêng đối với các nước đang phát triển chỉ phải giảm 24% và mỗi dòng thuế giảm ít nhất là 10% với thời gian thực hiện là 10 năm.

Theo Hiệp định Nông nghiệp, các nước thành viên phải thuế hoá[43] tất cả các biện pháp phi thuế và chỉ được áp dụng duy nhất hàng rào thuế quan đối với hang hoá nông sản nhập khẩu. Như vậy, có thể thấy được là Hiệp định nông nghiệp đã cấm các nước thành viên của WTO sử dụng các biện pháp phi thuế quan (hạn ngạch nhập khẩu, hạn chế số lượng nhập khẩu, giấy phép không tự động...) để bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước. Thông qua việc thuế hoá, hàng rào bảo hộ sẽ minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn, do vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước xuất khẩu nông sản và cho trao đổi thương mại hàng nông sản trên thế giới.

Trợ cấp trong nước

Trong phạm vi của Hiệp định nông nghiệp, trợ cấp trong nước đối với nông nghiệp được chia làm 3 nhóm như sau: nhóm các biện pháp thuộc hộp xanh (Green Box), nhóm các biện pháp thuộc hộp xanh lam (Blue Box) và nhóm các biện pháp thuộc hộp hổ phách (Amber Box).

Về nguyên tắc, nhóm biện pháp thuộc hộp xanh bao gồm tất cả các biện pháp trợ cấp không tạo ra hoặc rất ít bóp méo thương mại và có ảnh hưởng tối thiểu đối với thương mại hàng nông sản, đáp ứng các điều kiện sau:

- Được thực hiện thông qua một chương trình tài trợ bằng ngân sách Nhà nước (kể cả các khoản đáng lẽ phải thu vào ngân sách nhưng lại bỏ qua không thu), không liên quan tới các khoản thu từ người tiêu dùng;

- Không có tác dụng trợ giá cho người sản xuất; và

- Thuộc diện 12 trợ cấp được Hiệp định Nông nghiệp quy định hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn do Hiệp định Nông nghiệp qui định bao gồm:

§  Các dịch vụ chung (đầu tư thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ đào tạo, tư vấn và hộ trợ khuyến nông, kiểm soát sâu bệnh, dịch vụ kiểm tra, dịch vụ hạ tầng cơ sở và xây dựng cơ bản trong nông nghiệp, v.v.) ;

§  Dự trữ quốc gia vì mục đích an ninh lương thực;

§  Cứu trợ lương thực trong nước;

§  Trợ cấp thu nhập cho người có mức thu nhập dưới mức tối thiểu do Nhà nước qui định;

§  Chương trình giảm nhẹ thiên tai;

§  Chương trình an toàn và bảo hiểm thu nhập;

§  Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu thông qua chương trình trợ giúp hồi hưu cho người sản xuất nông nghiệp;

§  Trợ cấp chuyển dịch cơ cấu thông qua chương trình chuyền đất sản xuất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác có hiệu quả cao hơn;

§  Hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu thông qua trợ cấp đầu tư;

§  Chương trình hỗ trợ môi trường;

§  Chương trình hỗ trợ vùng;

§  Các chương trình khác.

Theo đó, các biện pháp trợ cấp xuất khẩu trong hộp xanh sẽ được hoàn toàn chấp nhận mà không chịu bất kỳ một hạn chế nào cả.

Nhóm biện pháp thuộc hộp xanh lam (blue box) bao gồm các khoản chi trả trực tiếp trong các chương trình hạn chế sản xuất thoả mãn các điều kiện:

·       Các khoản chi trả căn cứ theo diện tích hoặc sản lượng cố định;

·       Các khoản chi trả tính cho 85% hoặc dưới 85% mức sản lượng cơ sở;

·       Các khoản chi trả cho chăn nuôi được tính theo số đầu gia súc, gia cầm cố

     định.

Trợ cấp thuộc chương trình phát triển của các nước đang phát triển cũng được miễn trừ cam kết cắt giảm gồm:

·         Trợ cấp đầu tư;

·            Trợ cấp đầu tư cho người nghèo có thu nhập thấp hoặc nông dân ở vùng khó khăn;

·            Trợ cấp để nông dân chuyển từ trồng cây thuốc phiện sang trồng cây khác.

Nhóm biện pháp thuộc hộp hổ phách (Amber box) bị là những chính sách trợ cấp trong nước có ảnh hưởng trực tiếp và làm bóp méo sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản trên thế giới, do vậy về nguyên tắc phải được cải giảm. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:

·       Hỗ trợ giá thị trường: áp dụng giấy phép, hạn ngạch để hỗ trợ giá trong nước làm cho giá trong nước không phản ánh đúng theo giá thị trường thế giới;

·       Hỗ trợ giá bằng cách thu mua theo giá can thiệp của Chính phủ;

·       Các loại trợ cấp khác.

Hiệp định Nông nghiệp quy định mức hỗ trợ trong nước tối đa (được tính là Tổng mức hỗ trợ gộp - Aggregated Measure Supportse-AMS) mà các nước bắt buộc phải tính, khai báo theo Biểu mẫu qui định (Biểu ACC/4) và phải cam kết cắt giảm nếu vượt quá mức cho phép. Đối với các nước phát triển mức hỗ trợ cho phép bằng 5% so với giá trị sản lượng của sản phẩm được hỗ trợ, mức này đối với các nước đang phát triển là 10%.

Dựa vào Tổng mức hỗ trợ gộp AMS được các nước thành viên tự khai báo và tính cho thời kỳ cơ sở, các nước đang phát triển phải cắt giảm 13,3% của AMS vào năm 2004. Trong khi đó, các nước phát triển phải cam kết cát giảm 20% của AMS. Như vậy, trên thực tế các nước vẫn được phép trợ cấp trong nước với mức giá trị bằng 5% giá trị sản lượng nông nghiệp (10% đối với nước đang phát triển) cộng với phần còn lại sau khi cam kết cắt giảm.

Hỗ trợ xuất khẩu:

Về nguyên tắc, Hiệp định Nông nghiệp quy định các nước thành viên không được áp dụng hoặc tái áp dụng trợ cấp xuất khẩu nông sản và phải kê khai, cắt giảm cả về giá trị và khối lượng các mặt hàng được nhập trợ cấp nông sản[44]. Các nước phát triển cắt giảm 36% về giá trị và 21% về khối lượng trong thời gian 6 năm kể từ 1995; các nước đang phát triển cắt giảm 24% về giá trị và 14% về khối lượng trong thời gian 10 kể từ 1995.

Theo quy định, trợ cấp xuất khẩu gồm:

a) Nhà nước trợ cấp trực tiếp cho người sản xuất hàng xuất khẩu;

b) Nhà nước bán hoặc thanh lý lượng dự trữ nông sản với giá rẻ hơn giá hiện hành tại thị trường nội địa;

c) Nhà nước tài trợ các khoản chi trả cho xuất khẩu nông sản, kể cả từ nguồn thu thuế và các khoản được để lại;

d) Trợ cấp cho nông sản dựa trên hàm lượng nông sản xuất khẩu;

e) Trợ cấp để giảm chi phí tiếp thị xuất khẩu cho nông sản, gồm có chi phí bốc dỡ, xếp hàng, nâng cấp, tái chế sản phẩm, cước phí vận chuyển và chi phí vận tải quốc tế;

f) ưu đãi về cước phí vận tải trong nước và quốc tế đối với hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển có thể được áp dụng biện pháp trợ cấp thuộc dạng e và f với điều kiện không dùng loại trợ cấp này để lẩn tránh các loại trợ cấp xuất khẩu khác.

Các nước thành viên không được phép tăng số tiền trợ cấp, khối lượng nông sản xuất khẩu được nhận trợ cấp hoặc mở rộng phạm vi sản phẩm được nhận trợ cấp so với mức đã kê khai.

Tuy nhiên, có thể thấy được Hiệp định Nông nghiệp chưa có các qui định hạn chế việc sử dụng tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu hay bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nông sản. Vì vậy, các nước vẫn được quyền sử dụng các biện pháp này, ít nhất là cho đến khi có những thoả thuận cụ thể đạt được về vấn đề này trong vòng đàm phán Doha đang diễn ra hiện nay.

Ngoài ra, hình thức trợ cấp xuất khẩu cho nông sản do hiệp hội hay các cơ quan phi Chính phủ cho các mặt hàng nông sản thì không được coi là trợ cấp xuất khẩu theo qui định của WTO.

Hiện tại chỉ có 25 nước thành viên của WTO có kê khai trợ cấp xuất khẩu liên quan đến 428 nông sản phẩm và do đó chỉ có 25 nước này được phép trợ cấp xuất khẩu trong phạm vi đã kê khai. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều nước sử dụng mức trợ cấp xuất khẩu thấp hơn nhiều so với mức đã cam kết. Trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp thường tập trung cho một số sản phẩm như lúa mỳ, lúa mạch, đường, thịt bò, thịt lợn, các sản phẩm từ sữa.

Hiệp định SPS:

Theo Hiệp định SPS, các nước thành viên WTO có các quyền và nghĩa vụ cơ bản trong việc áp dụng các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động thực vật để tránh khỏi :

·       nguy hiểm do sự thâm nhập và lan truyền các loại côn trùng, bệnh tật;

·       nguy hiểm do các hoá chất không phân huỷ hết và dư lượng độc hại trong

                          thực phẩm và những đồ uống khác;

·         bệnh truyền nhiễm qua động thực vật hoặc những sản phẩm từ động thực vật.

Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật không những được áp dụng ở mức cần thiết mà còn phải dựa trên cơ sở khoa học thông qua việc phân tích nguy cơ dịch hại (risk assessment). Các nước thành viên không được phép lợi dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật làm rào cản thương mại đối với nhập khẩu hàng nông sản.

Hiệp định cũng quy định rằng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện hoặc vô căn cứ giữa các thành viên khi có các điều kiện giống nhau hoặc tương tự như nhau. Các biện pháp này phải có tác động ít nhất đối với thương mại và không được tạo nên sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế. Đồng thời, Hiệp định SPS cũng khuyến khích các nước hài hoà tiêu chuẩn, qui định cũng như sử dụng các tiêu chuẩn, qui định do các tổ chức quốc tế đưa ra, cụ thể gồm có: Uỷ ban An toàn thực phẩm (Codex), Văn phòng kiểm dịch quốc tế (OIE) và Công ước Quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC).

Các thành viên có thể áp dụng hay duy trì các biện pháp SPS cao hơn các biện pháp dựa trên các tiêu chuẩn, hướng dẫn hay khuyến nghị quốc tế có liên quan, nếu có chứng minh khoa học, hoặc do mức bảo vệ động thực vật mà thành viên coi là phù hợp theo các quy định liên quan đến việc đánh giá nguy cơ và xác định mức bảo vệ động thực vật phù hợp.

Nhằm hướng tới sự hài hoà và tính tương đương, Hiệp định SPS cũng qui định các nước thành viên sẽ chấp nhận các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật tương đương của các nước khác, ngay cả nếu các biện pháp này khác với các biện pháp của mình hoặc các biện pháp của các thành viên khác cùng buôn bán nông sản đó, nếu thành viên xuất khẩu chứng minh được một cách khách quan cho thành viên nhập khẩu là các biện pháp đó tương đương về mức độ bảo vệ động thực vật của thành viên nhập khẩu.

Doanh nghiệp thương mại Nhà nước (STEs)

Điều 27 của GATT thừa nhận Doanh nghiệp Thương mại Nhà nước (STEs) là một thực thể pháp nhân nhưng yêu cầu các nước thành viên không được có bất kỳ ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp Nhà nước trong hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu và các STEs cũng phải hoạt động trên các nguyên tắc thương mại như các doanh nghiệp khác. Các nước thành viên phải cung cấp đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp thương mại Nhà nước. Trong Hiệp định Nông nghiệp cũng qui định rõ tại điều 4, ngăn cấm các nước thành viên sử dụng các hạn cho nhập khẩu hay hang rào phi thuế trá hình thông qua hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

II.      CÁC QUI ĐỊNH TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG NÔNG SẢN

1. Tiếp cận thị trường

Hiện nay, trong Bảng thuế quan hiện hành thuế suất bình quân giản đơn của Việt Nam đối với hàng hoá nhập khẩu là khoảng 16%, trong đó thuế suất trung bình đối với hàng nông sản khoảng 25%[45]. Các dòng thuế có thuế suất từ 0% đến 10% chủ yếu gồm một số nhóm giống động vật, thực vật và các nông sản thô mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu. Các nhóm có thuế suất từ 15% đến 30% chủ yếu gồm các loại rau quả tươi, sản phẩm sơ chế và ngũ cốc. Các nhóm có thuế suất từ 40%  đến 50% chủ yếu gồm các loại sản phẩm được chế biến như thịt, rau, quả, cà phê, chè, đường, v.v…

Nhìn chung, hệ thống thuế nhập khẩu của Việt Nam còn phức tạp, cấu trúc thuế suất vẫn còn độ phân tán cao. Hơn nữa, trong khi đầu vào cho sản xuất và tư liệu cho sản xuất ở mức thuế suất thấp hoặc không bị đánh thuế thì hàng tiêu dung và sản phẩm có hàm lượng chế biến càng cao thì càng bị đánh thuế cao[46]. Như vậy, có nghĩa là các ngành công nghiệp chế biến nông sản và chế biến thực phẩm được hưởng mức bảo hộ thực tế cao.

Mặc dù đã có những tiến bộ không ngừng, hệ thống thuế nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, như:

·       Sự thay đổi và điều chỉnh thường xuyên trong biểu thuế làm giảm tính rõ ràng, minh bạch và khả năng có thể tiên liệu của thuế quan;

·       Nhiều dòng thuế được phân định theo mục đích sử dụng cuối cùng của hàng hoá dẫn đến việc các mặt hàng tương tự như nhau lại chịu mức thuế khác nhau, tuỳ thuộc vào việc ai là người nhập khẩu những mặt hàng này và ai là người sử dụng chúng.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang áp dụng một số biện pháp phi quan thuế đối với sản phẩm nông nghiệp, như giấy phép nhập khẩu, hạn chế định lượng. Theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005, Việt Nam cấm nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác cho toàn bộ thời kỳ 2001-2005. Chính phủ cũng áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với một số loại dầu thực vật tinh chế dạng lỏng cho đến ngày 31/12/2001 và đối với đường tinh luyện, đường thô cho toàn bộ thời kỳ 2001-2005. Những biện pháp này mâu thuẫn với các qui định của Hiệp định Nông nghiệp và do vậy chắc chắn sẽ bị các nước thành viên của WTO yêu cầu bãi bỏ khi chúng ta đàm phán gia nhập WTO.

Trong phạm vi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoà Kỳ, trong vòng 3 đến 6 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ cắt giảm mức thuế đối với 187 dòng thuế đối với nông sản. Trong đó, giảm mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp gồm một dòng thuế từ 100% xuống 40%, 58 dòng thuế từ 50% xuống 40%; 8 dòng thuế từ 40% xuống 15% và 25%; 10 dòng thuế từ 30% xuống 15%, 10% và 5%; 31 dòng thuế từ 20% xuống 15%, 10% và 5% v.v… Về phi thuế, trong giai đoạn 2005-2007. Việt Nam sẽ bãi bỏ hạn chế định lượng nhập khẩu cho 82 dòng thuế của các sản phẩm nông nghiệp. Duy nhất đối với mặt hàng đường thì Việt Nam vẫn sẽ áp dụng hạn chế định lượng đến năm 2011.

2. Trợ cấp nông nông nghiệp

Nhóm Green box: Trong nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đầu tư cho ngành nông nghiệp thông qua nhóm chính sách này. Trong giai đoạn 1999-2001. Nhà nước đã đầu tư cho nông nghiệp thông qua nhóm chính sách này ở mức khoảng 14.334 tỷ đồng/năm, tập trung vào những chính sách chính như sau:

-        Nghiên cứu khoa học: Giai đoạn 1999-2001, Nhà nước cấp kinh phí nghiên cứu ở mức 300 tỷ đồng/năm cho các viện, trường trong và ngoài Bộ Nông nghiệp và PTNT về lĩnh vực nông nghiệp. Kinh phí nghiên cứu cho nông nghiệp đã tăng mạnh trong vài năm gần đây, riêng trong phạm vi Bộ Nông nghiệp và PTNT lên khoảng 180-200 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp. Đơn cử trong năm 2000, Nhà nước mới dành 0.12% tổng ngân sách Nhà nước cho công tác nghiên cứu nông nghiệp trong khi mức trung bình của các nước châu á là 0.51%. Theo báo cáo của các Viện nghiên cứu, khoảng 50% kinh phí được cấp dùng để chi lương và bộ máy hành chính nên khả năng đưa các kết quả nghiên cứu ra thực tế sản xuất còn hết sức hạn chế.

-        Đào tạo: Các trường đại học, trung học và công nhân dạy nghề đào tạo phục vụ cho ngành nông nghiệp, gồm 5 trường đại học, 30 trường trung học và công nhân dạy nghề thuộc các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, cơ khí, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, kết toán, . . . Giai đoạn 1999- 2001 . Nhà nước cấp kinh phí đào tạo khoảng 325 tỷ đồng/năm.;

-        Khuyến nông: Hệ thống khuyến nông của Việt Nam mới được thành lập chính thức từ năm 1993 và đến nay đã hình thành đủ từ cấp Trung ương đến cấp địa phương (61 trung tâm cấp tỉnh-thành phố, 70% số huyện có phòng khuyến nông, khuyến nông cấp xã hoạt động theo hình thức tự nguyện có hỗ trợ một phần tài chính). Hoạt động lập trung vào mở lớp tập huấn, hỗ trợ phần nào giống mới, xây dựng điểm trình diễn. Kinh phí khuyến nông trong cả nước giai đoạn 1999-2001 ở mức 155 tỷ đồng/năm, trong đó một nửa là từ ngân sách trung ương và phần còn lại là ngân sách của các tỉnh;

-        Hạ tầng cơ sở ngành nông nghiệp: Hàng năm, Nhà nước dành trên dưới 5700 tỷ đồng đầu tư chủ yếu vào xây dựng, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, đê điều, cơ sở vật chất kỹ thuật của các viện, trường, trạm, trại . . . (không kể đường giao thông);

-        Dự trữ Nhà nước vì mục đích an ninh lương thực: Hoạt động dự trữ quốc gia liên quan đến nông nghiệp báo gồm: dự trữ lúa gạo ở mức nửa triệu tấn gạo/năm. Ngoài ra, còn dự trữ một số hạt giống lúa, ngô, giống rau, thuốc thú y thuốc bảo vệ thực vật. . . Con số ước tính bình quân hàng năm cho giai đoạn 1999-2001 là khoảng 1 179 tỷ đồng;

-        Chương trình môi trường: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 327, ngày 15/9/1992 về chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc và quyết định số 773 về sử dụng đất trống, bãi bồi ven sông biển. Hiện nay, chương trình này được chuyển thành chương trình 5 triệu ha rừng, theo đó, mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho trồng và phụ hồi rừng. Tổng cộng bình quân hàng năm chi từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình liên quan đến môi trường lên tới 1731 tỷ đồng.

-        Chương trình trợ giúp vùng: Các hoạt động trong chương trình này gồm: công tác định canh định cư, xây dựng vùng kinh tế mới, chương trình hỗ trợ các xã nghèo; hỗ trợ cước phí vận chuyển lương thực, muối, phân bón, thuốc sâu lên miền núi; hỗ trợ cước phí vận chuyển nông sản từ miền núi về miền xuôi.

-        Ngoài ra còn một số biện pháp khác như: trợ cấp lương thực - thực phẩm để cứu đói cho những vùng khó khăn; giảm nhẹ thiên tai cho vùng bị thiên tai để nhân dân ổn định đời sống, khôi phục lại sản xuất, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với những vùng bị thiên tai; các chương trình phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi.

So với qui định của WTO, nước ta còn nhiều chính sách chưa áp dụng hết như: trợ cấp cho người có thu nhập thấp, trợ cấp chuyển dịch cơ cấu thông qua chương trình trợ giúp người sản xuất về hưu, trợ cấp chuyển dịch cơ cấu thông qua chương trình chuyển đất sản xuất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác, trợ cấp chuyển dịch cơ cấu thông qua hỗ trợ đầu tư, chương trình an toàn và bảo hiểm thu nhập . . .

Nhóm Blue box: Dựa trên các qui định của Hiệp định Nông nghiệp, những chính sách của Việt Nam nằm trong nhóm này có thể liệt kê như sau :

-                  Hỗ trợ đầu tư thông qua chương trình tín dụng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển theo các qui định của Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ bằng cách cấp bù chênh lệch cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này cho vay tín dụng đầu tư với lãi suất ưu đãi. Đối với những khoản nợ khó đòi của ngành nông nghiệp, trong một số trường hợp, Chính phủ cho khoanh nợ, giãn nợ hoặc thậm chỉ xoá nợ.

-                  Hỗ trợ đầu vào cho nông dân nghèo hoặc những nơi khó khăn: Nhà nước thiết lập hệ thống Ngân hàng phục vụ người nghèo (mới đổi tên thành Ngân hàng chính sách xã hội) cho người dân nghèo được vay vốn với lãi suất đặc biệt ưu đãi (50% lãi suất thương mại thông thường) để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cấp bù chênh lệch phần lãi suất, khoanh nợ, xoá nợ trong trường hợp khó đòi.

-                  Trợ cấp chuyển dịch cây trồng thay thế cây thuốc phiện: Hỗ trợ cho nông dân chuyển từ trồng cây thuốc phiện sang các cây trồng khác, thông qua hỗ trợ giống cây-con, hướng dẫn kỹ thuật, . . .

Trong giai đoạn 1999-2001, bình quân hàng năm Nhà nước hỗ trợ thông qua nhóm chính sách thuộc Blue box khoảng 1811 tỷ đồng/năm. Trong đó, hỗ trợ đầu tư đạt xấp xỉ 850 tỷ, hỗ trợ đầu vào cho nông dân nghèo hoặc những vùng khó khăn khoảng 954 tỷ, trợ cấp chuyển dịch cây trồng thay thế cây thuốc phiện khoảng dưới 8 tỷ.

Nhóm Amber box: Phần lớn các hỗ trợ của Chính phủ từ nguồn Quỹ bình ổn giá (BOG), như bù lãi suất cho các doanh nghiệp để thu mua lúa gạo, đường, thịt lợn… trong vụ thu hoạch khi giá thị trường xuống quá thấp gây thua lỗ cho người sản xuất (chủ yếu cho các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, đường, thịt lợn,…) Tuy nhiên, từ năm 1999, quỹ BOG được chuyển thành Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu, do vậy một số chính sách phải chuyển từ trợ cấp trong nước sang mục chính sách trợ cấp xuất khẩu, mặc dù nội dung hỗ trợ vẫn như cũ. Nhà nước cũng hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi giống gốc trong chương trình trụ giá giống gốc.

Những năm gần đây, do ngành mía đường gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Theo đó, Chính phủ trích từ nguồn ngân sách để hỗ trợ ngành thông qua khoanh nợ, giãn nợ, bù chênh lệch tỷ giá, bù lãi suất vốn vay đầu tư.

Bên cạnh đó, hỗ trợ giá thị trường còn phải kể đến các biện pháp như giấy phép nhập khẩu đường, mua lúa theo giá tối thiểu. Ngoài ra, còn có một số hỗ trợ khác đối với bông, thịt lợn, giống cây-con. Tính chung, tổng mức hỗ trợ gộp AMS của Việt Nam trong giai đoạn 1999-2001 là khoảng 5820 tỷ đồng/năm.

Nói tóm lại, phần lớn các hỗ trợ trong nước đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam đều nằm trong diện chính sách hộp xanh (chiếm khoảng 65% so với tổng số hỗ trợ trong nước giai đoạn 1999-2001). Các chính sách thuộc nhóm Blue box chiếm khoảng 8%. Trong khi đó, các Chính sách thuộc nhóm Amber box phải kê khai và cam kết chỉ chiếm 26% và mức tương đối thấp so với mức cho phép của WTO (thông thường là 10% đối với các nước đang phát triển)[47]. Giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1999-2001 là 125 nghìn tỷ đổng/năm. Trong khi đó, tổng mức hỗ trợ gộp AMS của Việt Nam là 5820, chiếm khoảng 4.6% giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là các chính sách của nước ta là hoàn toàn phù hợp so với quy định của WTO.

Một số vấn đề có thể tạo ra sự không phù hợp, gồm:

-             Các giải pháp hỗ trợ của nước đều mang tính giải quyết tình thế, không theo một chương trình dài hạn dược Chính phủ hoặc Quốc hội phê duyệt trước. Mặt hàng, số lượng mặt hàng được hưởng hỗ trợ tuỳ thuộc vào tình thế phát sinh. Do vậy, không đảm bảo tính minh bạch, ổn định và dự báo trước;

-             Đối tượng được hưởng trợ cấp là doanh nghiệp mà hầu hết trong các trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp nào biết và có đề nghị thì mới được xem xét. Do vậy, chưa tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp;

3. Trợ cấp xuất khẩu

Từ trước năm 1998, Việt Nam không có trợ cấp xuất khẩu trực tiếp đối với các mặt hàng nông sản từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Việt Nam đã áp dụng một số chính sách, mà theo qui định của WTO, có thể nằm trong diện trợ cấp xuất khẩu. Có thể liệt kê như sau :

-        Trợ giá xuất khẩu dứa hộp sang thị trường Mỹ;

-        Hỗ trợ lãi suất đối với một số hàng nông sản xuất khẩu;

-        Bù lỗ xuất khẩu dưa chuột ngâm dấm, thịt lợn xuất khẩu sang thị trường Nga;

-        Bù lãi suất thu mua tạm trữ và bù lỗ xuất khẩu gạo;

-        Bù lãi suất thu mua tạm trữ và bù lỗ xuất khẩu cà phê;

-        Thưởng xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như: thịt, rau quả, gạo, cà phê;

Trong năm 2000 và nhất là năm 2001, ước tính mỗi năm Nhà nước hỗ trợ từ 1000 đến 1500 tỷ đồng cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mức độ trợ cấp xuất khẩu của nước ta còn thấp, nhưng xu thế trợ cấp có thể ngày càng tăng cả về số lượng và khối lượng từng mặt hàng được hưởng trợ cấp. Tương tự như hỗ trợ trong nước, trợ cấp xuất khẩu của nước ta cũng mang nặng tính giải quyết tình thế, rất khó cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp.

Trên thực tế, một số nước đang phát triển dù bảo lưu được quyền trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp trong Lịch trình cam kết của mình nhưng các cam kết này cũng là rất nhỏ. Theo kinh nghiệm của các nước, dù có chính sách hỗ trợ cho hang xuất khẩu thì các nước đang phát triển đều gặp rất nhiều hạn chế về ngân sách để có thể trợ cấp xuất khẩu cho các mát hàng nông sản. Một số nước như Brazil, Mexico, Rumani, Uruguay bảo lưu được quyền trợ cấp xuất khẩu nhưng trên thực tế không áp dụng.

Đối với các nước mới gia nhập WTO (sau năm 1995). Trong số những nước mới gia nhập WTO sau 1995 thì Croatia, Ecuador, Mông C, Kyrgyz, Georgia, Albania trước đây không áp dụng trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp do đó buộc cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu. Oman, Latvia mặc dù trước đó có áp dụng trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp song đã phải cam kết loại bỏ biện pháp này kể từ khi gia nhập WTO. Panama, Jordan cam kết áp dụng trợ cấp xuất khẩu đến hết năm 2002. Bulgaria được phép áp dụng trợ cấp xuất khẩu cho lúa mỳ và bột lúa mỳ, hạt hướng dương, một số loại rau quả, rượu, trứng và pho mát. Trung Quốc cũng cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp sau khi đã chính thức trở thành thành viên của WTO.

4. Kiểm dịch động thực vật

Do SPS là một lĩnh vực phức tạp và mang tính kỹ thuật cao nên có rất nhiều khó khăn cho phía Việt Nam trong việc thực thi và triển khai Hiệp định này. Về cơ bản, hệ thống luật lệ và chính sách của Việt Nam không khác nhiều so với các qui định của Hiệp định SPS. Điểm này cũng tương tự đối với phần lớn các nước đang phát triển khác. Thông thường, các nước phát triển có qui định về kiểm dịch động thực vật nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn nhiều, trong khi đó các nước đúng phát triển do không điều kiện về nguồn lực tài chính, con người, kỹ thuật, v.v nên qui định thường lỏng lẻo hơn. Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Hiệp định SPS:

·       Thiếu khả năng về tài chính và công nghệ để áp dụng các tiêu chuẩn quốc

tế;

·       Trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu, đặc biệt là những thiết bị hiện dại;

·       Năng lực cán bộ chưa đáp ứng được với đòi hỏi của việc triển khai Hiệp định, cụ thể là thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, hiểu biết về Hiệp định, ngoại ngữ giỏi;

·       Thực tế, Việt Nam chưa hề tiến hành phương pháp phân tích nguy cơ do thiếu kiến thức, thiết bị và năng lực cán bộ để thực hiện. Do vậy, Việt Nam chưa có khả năng để đưa ra các cơ sở khoa học cho các biện pháp kiểm dịch động thực vật của mình, nếu những biện pháp đó không theo đúng các tiêu chuẩn và qui định của các tổ chức quốc tế liên quan.

Về kiểm dịch thực vật, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực ngày 15/2/1993 và các qui định khác để thi hành Pháp lệnh này. Các văn bản pháp quy này được xây dựng dựa trên nội dung của Công ước quốc tế về Bảo vệ thực cũng như các qui định của Hội đồng bảo vệ thực vật châu Á – Thái Bình Dương (APPPC). Gần đây, Việt Nam mới ban hành Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật sửa đổi vào ngày 25/7/2001 nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống qui định về kiểm dịch thực vật của Việt Nam hướng tới mục tiêu phù hợp hoàn toàn với các qui định quốc tế về kiểm dịch thực vật.

Việt Nam đang trong quá trình soạn thảo pháp lệnh thú y sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống qui định về kiểm dịch động vật của Việt Nam theo hướng phù hợp hoàn toàn với các thông lệ và qui định của các tổ chức quốc tế về kiểm dịch động vật.

Đối với các sản phẩm sử dụng công nghệ biến đổi di truyền (GMO), Việt Nam hiện đang soạn thảo Quy chế quản lý an toàn các sinh vật đã biến đổi di truyền và sản phẩm của chúng. Theo đó, các sản phẩm sử dụng công nghệ luôn đổi di truyền thì ít nhất phải có ghi trên nhãn "sản phẩm có sử dụng công nghệ GMO".

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Việt Nam khi thực hiện hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật là chưa đủ khả năng để thực hiện các phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) để có thể chứng minh được tính họp lý và chứng cứ khoa học của các qui định điều chỉnh an toàn sức khoẻ động vật và thực vật, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa thiết lập cơ quan đầu mối duy nhất phụ trách cung cấp thông tin liên quan tới kiểm dịch SPS. Do vậy, Việt Nam sẽ phải thông báo vụ cơ quan đầu mối cung cấp thông tin liên quan tới kiểm địch động thực vật trong thời gian sớm nhất.

5. Doanh nghiệp Nhà nước

Trong hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay, nhất là từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế về nguyên tắc đều được đối xử bình đẳng. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản, vai trò của doanh nghiệp ngữ quốc doanh ngày càng lớn mạnh kể cả trong hoạt động xuất nhập khẩu mà thông thường trước đây vẫn được dành riêng cho doanh nghiệp quốc doanh. Mặc dù vậy, vẫn còn có những ưu đãi nhất định đối với doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, chủ yếu các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng trợ cấp xuất khẩu. Điều này sẽ không phù hợp với qui định của WTO xét về góc độ hình dáng giữa các doanh nghiệp.

Trong khi đó, đối với những hợp đồng xuất khẩu gạo sang một số thị trường có sự thoả thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước (hợp đồng Chính phủ), Bộ Thương mại có trách nhiệm chỉ định và chỉ đạo doanh nghiệp làm đại diện giao dịch, ký kết hợp đồng; đồng thời phân giao số lượng gạo xuất khẩu thuộc hợp đồng Chính phủ cho các tỉnh trên cơ sở sản lượng lúa hàng hoá của địa phương để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh trực tiếp giao cho các doanh nghiệp thuộc tỉnh thực hiện; có tính đến quyền lợi của doanh nghiệp đại diện ký kết hợp đồng. Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau thông thường chỉ có doanh nghiệp Nhà nước được chỉ định là đại diện giao dịch cho những hợp đồng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ và nhất là chính quyền địa phương các tỉnh vẫn có xu hướng sử dụng các doanh nghiệp Nhà nước để tác động đến thị trường trong nước như nâng cao giá thu mua nông sản cho nông dân. Trong các trường hợp này, thông thường các doanh nghiệp Nhà nước không còn hoạt động thuần tuy trên “nguyên tắc thương mại” và do vậy có thể không phù hợp với các qui định của WTO.

III.     GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG NÔNG SẢN

1. Về tiếp cận thị trường

WTO chỉ cho phép sử dụng thuế quan để bảo hộ sản xuất nông nghiệp. Hiệp định Nông nghiệp cũng qui định phải cam kết ràng buộc thuế quan đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp và phải thuế hoá các hàng rào phi thuế quan. Như vậy, Việt Nam sẽ phải giảm dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn các hàng rào phi thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp: cấm nhập khẩu thuốc lá điếu, hạn chế nhập khẩu đường thô, đường tinh luyện.

Đồng thời, chúng ta phải chủ động xây dựng và áp dụng các biện pháp phù hợp với hiệp định nông nghiệp: như hạn ngạch thuế quan, tự vệ đặc biệt và chống bán phá giá.

Hạn ngạch thuế quan là cơ chế cho phép duy trì thuế suất thấp đối với hang nhập khẩu trong phạm vi hạn ngạch nhập khẩu và mức thuế suất cao hơn đối với hàng nhập khẩu nằm ngoài hạn ngạch. Hiện nay, chúng ta đang thí điểm áp dụng đối với 3 mặt hàng, gồm thuốc lá nguyên liệu, muối và bông từ ngày 01/8/2003. Trong thời gian tới đây, chúng ta cần nhanh chóng đánh giá hiệu quả của biện pháp này và xem xét áp dụng với những mặt hàng cần thiết, phù hợp.

Đối với những biện pháp như tự vệ đặc biệt và biện pháp chống phá giá đã được bao gồm trong phạm vi Pháp lệnh chống phá giá mà hiện nay chúng ta đang hoàn chỉnh, thì cần được nhanh chóng áp dụng để hoàn thiện trước khi chúng ta gia nhập WTO.

2. Hỗ trợ trong nông nghiệp và trợ cấp xuất khẩu

Theo xu hướng chung của rất nhiều nước trên thế giới, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và nông dân đều có xu thế tăng lên theo mức độ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước và mức độ phát triển của quốc gia. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Điều đó có nghĩa là mức hỗ trợ của Nhà nước đối với nông nghiệp sẽ có chiều hướng tăng lên trong những năm tới đây, ít nhất là về mặt giá trị tuyệt đối.

Mặc dù vậy, cũng giống như nhiều nước đang phát triển, nguồn thu ngân sách của Việt Nam còn hạn hẹp trong khi các khoản chi tiêu, đầu tư từ ngân sách còn rất lớn và phân tán. Do hạn chế về ngân sách nên mức hộ trợ trong nước của Việt Nam còn thấp. Hơn nữa, phần lớn hỗ trợ trong nước của Việt Nam đều nằm thuộc diện các biện pháp hỗ trợ hộp xanh (chiếm khoảng 2/3 so với tổng số hỗ trợ trong nước giai đoạn 1999-2001). Trong khi đó, các chính sách thuộc nhóm phải cam kết là rất thấp so với mức WTO cho phép là 10% giá trị sản lượng nông nghiệp đối với nước đang phát triển. Nếu tính cả hỗ trợ bằng biện pháp phi thuế đối với mặt hàng đường qui thánh giá trị thì hỗ trợ trong nước của Việt Nam thuộc Amber box mới chưa đến 5% giá trị sản lượng nông nghiệp.

Mặc dù vậy, nếu tính riêng mặt hàng đường thì mức hỗ trợ AMS có thể vượt quá 10% giá trị sản xuất của ngành đường. Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập WTO thì sẽ phải bãi bỏ các hạn chế định lượng về nhập khẩu do vậy, hỗ trợ trong nước đối với ngành đường sẽ theo đó giảm xuống đáng kể đáng kể. Trong khi đó, phần lớn các nước gia nhập WTO trong thời gian gần đây đều cam kết hỗ trợ trong nước ở mức lối thiểu “de minimis” được phép.

Chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam là hướng mạnh ra xuất khẩu. Do vậy, hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu là rất cần thiết trong thời gian tới. Nhưng hỗ trợ phải đạt được các yêu cầu sau:

-                  Phù hợp với qui định của WTO (cụ thể là Hiệp định Nông nghiệp), vận dụng linh hoạt các chính sách mà WTO không cấm hoặc chưa đề cấp tới, hay chưa có qui định cụ thể[48];

-                  Tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình kinh tế để tạo ra môi trường phát triển thuận lợi;

-                  Hỗ trợ từ khâu sản xuất để tăng sức cạnh tranh đối với từng ngành hàng (hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng) hơn là trợ cấp xuất khẩu trực tiếp.

Cụ thể như sau:

Tăng cường hơn nữa đầu tư của Nhà nước đối với nhóm chính sách thuộc hộp Green box, như đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình giống, khoa học công nghệ, đào tạo, khuyến nông, trợ giúp các vùng khó khăn, môi trường.. . . Đây là nhóm các biện pháp được WTO hoàn toàn cho phép do vậy cần tích cực áp dụng.

Đối với nhóm Blue Box: Chúng ta cần mở rộng hơn nữa diện đối tượng được hưởng sự ưu đãi, mức độ ưu đãi về đầu tư, nhất là đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến và bảo quản nông sản, ví dụ như quy định về lãi suất và thời hạn ân hạn cho loại tín dụng đầu tư phù hợp cho các doanh nghiệp vay đầu tư trồng cây lâu năm, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản. Đối với hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo, chúng ta cần mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ cho các đối tượng được hưởng ưu đãi, kèm theo việc cho vay tiền cần kết hợp với việc hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, quản lý tài chính. Chính phủ có thể cho không giống cây-con, vật tư cho người nghèo và vùng nghèo. Mặc dù Chính phủ hiện nay đã dành một phần kinh phí để giúp nhân dân trong vùng trồng cây thuốc phiện chuyển đổi sang cây con khác. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ chưa đủ để nhân dân có cuộc sống ổn định, khiến một số vùng vẫn còn muốn quay lại với cây thuốc phiện. Do vậy, đề nghị tăng thêm ngân sách hỗ trợ các vùng này.

Đối với nhóm Amber box: Cần xây dựng chính sách hỗ trợ theo từng chương trình hay dự án cụ thể cho từng ngành hàng, từng vùng để triển khai có hiệu quả. Chính sách hỗ trợ phải được công khai, ổn định trong một thời gian nhất định và mọi đối tượng đều được hưởng lợi từ chính sách.

Trợ cấp xuất khẩu: Chúng ta có thể chuyển Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu sang Quỹ Phát triển ngành hàng cho những ngành hàng lớn (như gạo, cà phê, chè, cao su, điều, lâm sản…) do các Hiệp hội quản lý. Trên cơ sở đó, việc hỗ trợ cho các ngành hàng này sẽ trên cơ sở hoạt động của từng hiệp hội ngành hàng qui định và do vậy sẽ phù hợp với qui định của WTO. Trong thời gian trước mắt chúng ta cũng có thể tận dụng hỗ trợ thông qua tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh những biện pháp hỗ trợ xuất khẩu mà theo qui định của WTO là các nước đang phát triển có thể được áp dụng. Ví dụ như trợ cước phí vận tải trong nước và quốc tế, hỗ trợ chi phí tiếp thị và xúc tiến thương mại bao gồm cả tái chế, bao gói... Để làm được điều này, chúng ta cần phải nhanh chóng hoàn thiện các qui định của Nhà nước để tạo ra cơ cho hỗ trợ tích cực, chủ động cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

3. Các qui định về kiểm dịch động thực vật

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam để có thể áp dụng một cách có hiệu quả Hiệp định SPS để biện hộ cho các qui định về kiểm dịch động thực vật đối với nhập khẩu thì Việt Nam sẽ phải nâng cấp hệ thống SPS hiện nay lên mức đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy có thể thấy, để làm được điều này đòi hỏi phải có thời gian và đầu tư rất lớn vì nó không chỉ đơn giản là việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn hiện hành của thương mại quốc tế mà nó còn liên quan đến phạm vi rộng lớn để có được một hệ thống kiểm dịch đạt tiêu chuẩn quốc tế về những khía cạnh sau: nâng cấp dịch vụ kiểm dịch; các phòng thí nghiệm, các trạm kiểm dịch, các chương trình phòng trừ và tiêu diệt dịch bệnh, đạt chứng nhận về khu vực an toàn dịch bệnh, đào tạo và phương tiện thiết bị, v.v. Những vấn đề này đòi hỏi không chỉ trong một lúc mà Việt Nam có thể làm được ngày. Do vậy, cần thiết có một thời hạn trì hoãn phù hợp trước khi Việt Nam có thể áp dụng hoàn toàn Hiệp định SPS.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang rà soát các Luật và qui định về vệ sinh, kiểm dịch động thực vật để chúng phù hợp dần với các qui định của các Hiệp định quốc tế. Trong thời gian trước mắt, chúng ta cần ưu tiên hoàn thiện và thông qua Pháp lệnh Thú y (Sửa đổi), Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản qui định dưới luật để dần dần phù hợp với các qui định của WTO về kiểm dịch động thực vật. Đơn cử, chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu các tiêu chuẩn và qui định của các tổ chức quốc tế về kiểm dịch động thực vật để vận dụng vào điều kiện Việt Nam.

Thêm vào đó, chúng ta cần đẩy mạnh quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh luật sự bình đẳng giữa mọi loại hình doanh nghiệp cả về qui định của pháp luật và thái độ của các cơ quan Nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tối thiểu các can thiệp trực tiếp của các cơ quan Nhà nước đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp quốc doanh.

Theo yêu cầu của Hiệp định Nông nghiệp và Hiệp định SPS, chúng ta cần minh bạch hơn nữa trình tự và quá trình xây dựng các qui định của pháp luật. Trong đó, nhất thiết yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng các qui định phải công bố rộng rãi dự thảo về các qui định sắp ban hành và dành một khoảng thời gian thích hợp cho các bên có liên quan, như doanh nghiệp, được tham gia ý kiến đóng góp.

Nói tóm lại, chúng ta không thể một sớm một chiều có thể điều chỉnh và sửa đổi toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam về thương mại hàng nông sản để có thể phù hợp hoàn toàn với các qui định và yêu cầu của các tổ chức quốc tế, đặc biệt Tổ chức Thương mại Thế giới. Điều này đòi hỏi phải có thời gian tuy nhiên chúng ta không thể chần chừ mà phải tích cực đẩy mạnh quá trình rà soát và sửa đổi nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và ổn định./.

 

CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ TRONG MỘT SỐ HIỆP ĐỊNH CỦA WTO:  THỰC TRẠNG, XU HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

 

 

Phạm Mạnh Dũng

Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

 

Báo cáo này phân tích thực trạng và xu hướng phát triển các Hiệp định của WTO có liên quan đến đầu tư, đánh giá mức độ tương thích của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về đầu tư nước ngoài để trên cơ sở đó đề xuất phương án đàm phán, thực hiện các Hiệp định nói trên.

 

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

 

Đến nay, WTO chưa xây dựng được một khung pháp lý đa phương điều chỉnh toàn diện hoạt động đầu tư nước ngoài tương tự như quy định của hơn 1.700 hiệp định quốc tế song phương về đầu tư đã ký kết trong thời gian qua. Tuy nhiên, ý tưởng về những nguyên tắc này đã được hình thành từ rất sớm, ngay trong quá trình đàm phán Hiến chương Havana về Tổ chức thương mại quốc tế. Dự thảo Hiến chương thừa nhận vai trò quan trọng của đầu tư quốc tế đối với việc thúc đẩy tái thiết và phát triển kinh tế, đồng thời thiết lập nghĩa vụ của các thành viên trong việc “…bảo đảm an toàn đâỳ đủ cho đâù tư hiện tại và tương lai... , tránh phân biệt đôí xử đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài”[49].

Mặc dù Hiến chương Havana không có hiệu lực trên thực tế, song ý tưởng nói trên luôn được các thành viên GATT trước đây và WTO hiện nay nỗ lực thực hiện bằng việc thông qua tại Vòng đàm phán Uruguay một loạt Hiệp định điều chỉnh hoạt động ĐTNN ở các mức độ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là: (i) Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs); (ii) Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng; (iii) Hiệp định chung về thương mại dịch vụ(GATS); (iv) Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs); (v) Hiệp định về mua sắm chính phủ (AGP).

Các Hiệp định nói trên đều có chung một mục đích là trực tiếp hoặc gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại (commercial presence) của dịch vụ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và loại bỏ các yêu cầu hoạt động đối với đầu tư bằng cách dành đối xử quốc gia và xoá bỏ hạn chế về số lượng (Quantitative restriction) đối với thương mại hang hoá có liên quan đến đầu tư.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ TRONG CÁC HỊÊP ĐỊNH CỦA WTO

1. Hiệp định của WTO về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại:

Hiệp định của WTO về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIMs) đạt được tại vòng đàm phán Uruguay chỉ là cơ chế pháp lý điêù chỉnh  hoạt động thương mại của dự án đâù tư. Mục tiêu chủ yếu của Hiệp định là nhằm xoá bỏ tác động tiêu cực của các biện pháp đầu tư đối với thương mại hàng hoá, tạo điều kiện thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nước thành viên không được áp dụng bất kỳ biện pháp đâù tư nào trái với nghĩa vụ dành đôí  xử quốc gia (Điều III) là loại bỏ hạn chế về định lượng(Điêù XI) của GATT 1994. Những biện pháp này gồm các quy định của pháp luật, chính sách do một nước ban hành nhằm thực hiện mục tiêu phát triển một số ngành kinh tế nhất định của mình bằng cách yêu cầu dự án đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện trong việc thành lập, mở rộng hoặc được nhận ưu đãi khuyến khích đầu tư; cụ thể là:

- Những biện pháp vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia (Điêù III của GATT 1994) gồm :

 

(i) Yêu cầu doanh nghiệp phải mua hoặc sử dụng hàng hoá có xuất xứ trong nước hoặc từ nguồn cung cấp trong nước;

(ii) Yêu cầu doanh nghiệp chỉ được mua hoặc sử dụng hàng hoá nhập khẩu với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hoá mà doanh nghiệp đó xuất khẩu.

- Những biện pháp vi phạm nghĩa vụ xóa bỏ hạn chế về định lượng (Điêù XI của GATT 1994) gồm:         

(i) Yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu tương ứng với số lượng và giá trị hàng hoá mà doanh nghiệp xuất khẩu;

(ii) Yêu cầu doanh nghiệp thu ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu đề đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của mình;

(iii) Yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu hoặc bán một mặt hàng xuất khẩu nhất định, hoặc chỉ được xuất khẩu hàng hoá tương ứng với số lượng và giá trị hàng hoá sản xuất trong nước của doanh nghiệp.

Những biện pháp nói trên được quy định cụ thể trong Danh mục minh hoạ kèm theo hiệp định TRIMs. Theo cách diễn giải của hầu hết các nước phát triển thì các biện pháp không được liệt kê trong Danh mục minh hoạ này nhưng trái với nguyên tắc đối xử quốc gia và/hoặc không  phù hợp với nghĩa vụ loại bỏ hạn chế  định lượng cũng được coi là không phù hợp với Hiệp định TRIMs.

Theo quy định của Hiệp định, tính từ ngày thành lập WTO (1/1/1995), các biện pháp nói trên phải được loại bỏ trong vòng 2 năm đối với nước phát triển, 5 năm đối với nước đang phát triển và 7 năm đối với nước chậm phát triển. Thời hạn này được áp dụng đối với các thành viên sáng lập WTO; các nước chưa phải là thành viên có thể thoả thuận thời gian ân hạn trên cơ sở đàm phán song phương.

 

2. Hiệp định khung về thương mại dịch vụ (GATS):

 

Kết thúc Vòng đàm phán Uruguay, các thành viên GATT đã đạt được Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), chính thức đưa lĩnh vực quan trọng này vào hệ thống thương mại đa biên với những quy tắc và luật lệ tương tự như GATT định của GATT. Tuy nhiên, khác với GATT (chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại hàng hoá qua GATTb giới), GATS có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, gồm cả 4 phương thức cung cấp dịch vụ được xác định trên cơ sở xuất xứ của nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ cũng như mức độ, hình thức kinh doanh dịch vụ trên lãnh thổ của các thành viên. Các phương thức này gồm: (i) cung cấp qua biên giới (cross-border supply); (ii) tiêu dung ở nước ngoài (abroad consumption); (iii) hiện diện thương mại (commercial precense); (iv) hiện diện của thể nhân (precense of natural person).

GATS được thiết kế thành 3 phần chính gồm: (i) các nghĩa vụ áp dụng cho tất cả các thành viên; (ii) các Phụ lục về dịch vụ tài chính, viên thông, vận tải hàng không, di chuyển của thể nhân...; và (iii) lịch trình thực hiện cam kết cụ thể của các thành viên.

 

Có thể tóm tắt những nghĩa vụ chủ yếu quy định tại Hiệp định GATS như sau:

- Nghĩa và áp dụng trong tất cả các ngành dịch vụ: Tương tự như GATT, GATS đòi hỏi tất cả các thành viên phải dành đối xử tối huệ quốc (MFN) cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bất kể dịch vụ đó có được cam kết hay không. Tuy nhiên, mềm dẻo hơn GATT, GATS cho phép các thành viên được duy trì một số ngoại lệ không phù hợp với nghĩa vụ nói trên với điều kiện ngoại lệ đó phải được liệt kê trong một Danh mục cụ thể. Trong Vòng 5 năm tính từ khi GATS có hiệu lực, Hội đồng thương mại dịch vụ của WTO sẽ xem xét lại điều kiện áp dụng các ngoại lệ nói trên. Nhìn chung, các thành viên không được phép duy trì ngoại lệ quá 10 năm (tức là không muộn hơn năm 2005).

Minh bạch hoá cũng là một trong các nghĩa vụ áp dụng đối vớt tất cả các ngành dịch vụ. Theo đó, các thành viên phải công khai hoá luật lệ, chính sách và những hạn chế có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ, đồng thời phải thường xuyên thông báo cho Hội đồng thương mại dịch vụ những thay đổi trong hệ thống pháp luật, chính sách thương mại dịch vụ của mình.

- Các nghĩa vụ trong một số ngành dịch vụ đã được cam kết cụ thể: Các thành viên phải áp dụng một cách hợp lý, khách quan và công bằng các biện pháp có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong tất cả các ngành dịch vụ đã cam kết. Việc áp dụng các biện pháp tự vệ và bảo vệ cán cân thanh toán không được gây hạn chế đối với việc thanh toán và chuyển tiền phục vụ cho các giao dịch được thực hiện trong các ngành dịch vụ đã cam kết. Tuy nhiên, điều này không cản trở các thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã cam kết với IMF. Theo đó, việc hạn chế chuyển tiền có thể được thực hiện phù hợp với quy định tại Điều XII của GATS hoặc theo yêu cầu của IMF.

- Các nghĩa vụ phụ thuộc vào nội dung cam kết cụ thể: Cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ là nghĩa vụ được thực hiện thông qua đàm phán giữa các thành viên. Theo nguyên tắc này, mỗi thành viên có thể tiến hành đàm phán để duy trì các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường trong một số ngành và phương thức cung cấp dịch vụ. Theo quy định tại Điều XVI của GATS, các biện pháp hạn chế này gồm : (i) hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; (ii) hạn chế tổng giá trị giao dịch hoặc tài sản; (iii) hạn chế tổng công suất cung cấp dịch vụ; (iv) hạn chế tổng số nhân viên tuyển dụng; (v) hạn chế về hình thức cung cấp dịch vụ; (vi) hạn chế về phần vốn góp nước ngoài. Các thành viên có thể áp dụng một số hoặc toàn bộ các hạn chế nói trên trong một Lịch trình cam kết (Schedule Commitments). Cam kết dành đối xử quốc gia cũng là nghĩa vụ được thực hiện thông qua đàm phán. Theo đó, các thành viên có thể duy trì các biện pháp phân biệt đối xử đối với một số ngành và phương thức cung cấp dịch vụ.

- Các nghĩa vụ khác: Tương tự như các cuộc đàm phán được tổ chức trong khuôn khổ GATT, GATS cũng có điều khoản tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đàm phán tự do hoá hơn nữa thương mại dịch vụ thông qua một Chương trình nghị sự đã định (Build-In Agenda) được thoả thuận ngay sau Vòng đàm phán Uruguay. Theo đó, các thành viên nhất trí tổ chức tiếp các cuộc đàm phán vào thời điểm không muộn hơn 5 năm kể từ khi GATS có hiệu lực. Các vấn đề được đưa vào đàm phán tiếp gồm: viễn thông cơ bản, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải hàng hải và di chuyển của thể nhân.

Tóm lại, trong số các Hiệp định của WTO liên quan đến đầu tư, GATS là cơ chế pháp lý có quan hệ chặt chẽ nhất với các Hiệp định đầu tư song phương (BITs). Có thể nói rằng, với những quy định về cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại (phương thức 3), GATS đã bước đầu thiết lập được một khung pháp lý đa phương về đầu tư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, xét về cả về phạm vi và cơ cấu, GATS có nhiều điểm khác biệt so với các cơ chế pháp lý quốc tế điều chỉnh hoạt động ĐTNN nói chung và BITs nói riêng; cụ thể là:

 

          - Về chủ thể và đối tượng: Các khái niệm “nhà đầu tư”, “đầu tư” quy định trong BITs và khái niệm "hiện diện thương mại" theo quy định tại Điều XXVIII của GATS có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các khái niệm này xác định chủ thể, đối tượng của quan hệ đầu tư và quan hệ cung cấp dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của BITs và GATS. Tuy nhiên, GATS không quy định các khoản đầu tư là đối tượng được bảo hộ tương tự như BITs; hình thức hiện diện thương mại trong GATS cũng được quy định với phạm vi hẹp hơn các khái niệm cỏ liên quan của BITs (nhà đầu tư, công ty).

          - Về phạm vi: Khác với BITs, GATS không quy định nghĩa vụ của các thành viên trong việc thực hiện các biện pháp đối xử và bảo hộ đầu tư khi trưng thu, quốc hữu hoá tài sản đầu tư cũng như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của thành viên đó cho nhà đầu tư khi xảy ra sự kiện này. Mặt khác, GATS cũng không quy định cơ chế giải quyết tranh chấp giữa một thành viên và hiện diện thương mại như cơ chế quy định tại BITs về giải quyết tranh chấp giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết

- Về nguyên tắc đôí  xử: Mặc dù đối xử quốc gia (NT) là nguyên tắc đối xử được thừa nhận rộng rãi trong BITs và GATS, song phạm vi áp dụng của chúng còn tồn tại một số điểm khác biệt. Cụ thể, những hạn chế về tiếp cận thị trường trong GATS có thể hiểu là hạn chế về đối xử quốc gia ở giai đoạn thành lập quy định tại BITS. Tuy nhiên, BITs không liệt kê cụ thể các hạn chế này mà thông thường dẫn chiếu áp dụng pháp luật quốc gia của mỗi bên ký kết. Như đã trình bày ở trên, những hạn cho này được các Bên ký kết BITs áp dụng khá rộng rãi và đa dạng phù hợp với pháp luật quốc gia. Trong khi đó, chỉ có 2/6 hạn chế về tiếp cận thị trường quy định tại GATS có thể áp dụng đối với hiện diện thương mại (bao gồm hạn chế về hình thức pháp lý cung cấp dịch vụ và hạn chế về sở hữu vốn tối đa nước ngoài).

Ngoài một số nghĩa vụ chung được áp dụng trong tất cả các ngành dịch vụ (như MFN, minh bạch hoá), nghĩa vụ mở cửa thị trường và dành đối xử NT trong GATS chỉ áp dụng đối với các ngành dịch vụ mà một thành viên đưa vào cam kết cụ thể. Trong khi đó, nghĩa vụ quốc gia trong BITs được hiểu là một nghĩa vụ chung áp dụng trong tất cả các lĩnh vực, trừ một số ngoại lệ.

Từ thực tế nói trên, một số thành viên WTO đã đàm phán thực hiện nghĩa vụ của GATS trên cơ sở nghĩa vụ chung về NT và MFN đã thoả thuận trong BITs (với một số ngoại lệ). Mặt khác, trên cơ sở đàm phán, thành viên đó có thể thoả thuận điều kiện về đối xử NT hoặc chỉ áp dụng một phần. Tương tự như vậy, theo quy định tại Điều XVI của GATS, thành viên đó có thể áp dụng điều kiện thành lập (entry) đối với hiện diện thương mại.

-                Cách tiếp cận đàm phán các nghĩa vụ về thành lập đâù tư: BITs chủ yếu sử dụng cách tiếp cận loại trừ (negative). Theo đó, ngoài các lĩnh vực/biện pháp được liệt kê trong một Danh mục cụ thể, mỗi Bên ký kết phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại BITs. Theo quan điểm của hầu hết các nước phát triển, cách tiếp cận này đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch của cam kết. Tuy nhiên, các nước đang phát triển cho rằng, việc sử dụng Danh mục loại trừ không đảm bảo tính chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của họ. Trên thực tế, GATS sử dụng hỗn hợp (hybrid) cả cách tiếp cận loại trừ và chọn- cho (positive), tức là liệt kê lĩnh vực chọn-cho và liệt kê các loại trừ đối với hạn chế về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia Như vậy, cách tiếp cận hỗn hợp nói trên của GATS mềm dẻo và linh hoạt hơn BITs (Chương phát triển quan hệ đầu tư và các quy định có liên quan trong BTA được thiết kế theo cách tiếp cận loại trừ).

Với những nội dung đã trình bày ở trên, GATS chỉ điêù chỉnh các vấn đề về ĐTNN như  một trong các phương phưc cung cấp dịch vụ, và mặc dù có một số điểm  tương đồng, những GATS không phái là một BITs hoàn chỉnh.

 

 

3. Hiệp định của WTO về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM)

 

Hiệp định SCM không cho phép các thành viên áp dụng một số trợ cấp nhất định và quy định các biện pháp đối kháng để chống các trợ cấp này. Những trợ cập không được phép áp dụng được hiểu là trợ cấp: (i) có sự đóng góp tài chính của chính phủ hoặc cơ quan công quyền (như cấp phát, miễn giảm thuế, cho vay với lãi suất ưu đãi thưởng...); và (ii) đem lại lợi ích cho người được hướng trợ cấp. Các trợ cấp này được phân loại theo đặc tính, mục đích và bản chất.

 

3.1. Trợ cấp đèn đỏ (bị cấm hoàn hoàn) gồm:

- Trợ cấp xuất khẩu (như: thưởng xuất khẩu, miễn thuế thu nhập do thương nghiệp v.v...). Theo quy định tại Phụ lục I, Hiệp định SCM, các nước có thu nhập GNP theo đầu người dưới l000$/năm được tiếp tục duy trì trợ cấp xuất khẩu vô thời hạn, nhưng nếu đạt tính cạnh tranh xuất khẩu đối với bất kỳ sản phẩm nào thì phải loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm đó trong vòng 8 năm. Các nước đang phát triển khác được tiếp tục duy trì trợ cấp xuất khẩu đến 1/1/2003 nhưng không được tăng mức trợ cấp xuất khẩu trong thời gian quá độ 8 năm này và phải loại bỏ trong vòng 2 năm trợ cấp xuất khẩu đối với bất kỳ sản phẩm nào mà nước đó đạt tính cạnh tranh xuất khẩu (chiếm từ 3,25% thị phần thế giới 2 năm liên tiếp).

- Trợ cấp khuyến khích sử dụng hàng nội địa: Các nước kém phát triển có 8 năm quá độ (đến 1/1/2003), còn các nước đang phát triển có 5 năm quá độ (đến 1/1/2000) để tiến hành cắt giảm hình thức trợ cấp này.

3.2. Trợ cấp đèn vàng: là loại trợ cấp được phép sử dụng nhưng có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng. Những trợ cấp mang tính đặc thù (trừ trợ cấp đèn xanh) đều có thể dẫn đến hành động đối kháng nếu gây ảnh hưởng có hại tới lợi ích của nước thành viên khác (như gây tổn thất tới nền công nghiệp nội địa của nước nhập khẩu); hoặc làm phương hại nghiêm trọng tới lợi ích của một nước thành viên (như ngăn cản nhập khẩu từ một nước khác vào nước trợ cấp; ngăn cản xuất khẩu vào một thị trường thứ 3; gây sụt giảm giá nghiêm trọng hoặc tăng thị phần cho nước trợ cấp trên mức trung bình hay làm vô hiệu hoá, giảm tác dụng của các cam kết ràng buộc thuế quan).

3.2. Trợ cấp đèn xanh : trợ cấp được phép sử dụng và không là đối tượng của các biện pháp đối kháng, bao gồm các trợ cấp không mang tính đặc thù (như trợ cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên số lượng nhân công, quy mô) và những trợ cấp mang tính đặc thù nhưng thoả mãn điều kiện nhất định (như: trợ cấp R & D, trợ cấp phát triển vùng khó khăn, thúc đẩy việc nâng cấp thiết bị hiện có theo tiêu chuẩn mới về môi trường...). Thuế đối kháng không được áp dụng đối với các sản phẩm được hưởng lợi từ các trợ cấp đèn xanh. Trợ cấp thúc đẩy tư nhân hoá của các nước đang phát triển cũng được phép sử dụng nhưng có thể bị đánh thuế đối kháng.

Hiệp định SCM quy định các biện pháp đối kháng mà các thành viên có thể áp dụng nhằm chống các trợ cấp không phù hợp với quy định của Hiệp định. Những biện pháp này gồm: (i) đánh thuế đối kháng đối với hàng nhập khẩu được trợ cấp trong trường hợp mặt hàng đó gây thiệt hại về vật chất: hoặc (ii) yêu cầu bồi thường tác động của trợ cấp (tức là đòi nước trợ cấp cam kết chấm dứt trợ cấp hoặc tăng giá sản phẩm xuất khẩu); hoặc (iii) yêu cầu giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO và áp dụng biện pháp trả đũa nếu không được giải quyết thoả đáng.

Căn cứ các quy định nói trên của Hiệp định SCM, có thể thấy rằng, một loạt ưu đãi đầu tư mà các nước đang phát triển áp dụng nhằm thu hút ĐTNN vào một số lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư có thể thuộc phạm vi trợ cấp bị cấm theo quy định của Hiệp định (như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án ĐTNN sản xuất hàng xuất khẩu; ưu đãi về thuế nhập khẩu cho dự án thực hiện chương trình nội địa hoá, sử dụng nguyên liệu, hàng hoá trong nước; miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng...).

 

Việc thực hiện Hiệp định SCM có ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh thu hút ĐTNN của các nước đang phát triền. Trong quá trình thảo luận về khung pháp lý đa phương về đầu tư của WTO, đây cũng là một trong những vấn đề còn tồn tại bất đồng gay gắt giữa nhóm các nước phát triển và đang phát triển. Quan điểm chung của hầu hết các nước đang phát triển là phản đối việc loại bỏ các ưu đãi đầu tư nói trên nhằm duy trì sức hấp dẫn và cạnh tranh thu hút ĐTNN của mình.

4. Hiệp định về mua sắm chính phủ (AGP):

Nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, chính phủ các nước có xu hường mua sắm hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp nước mình. Trên thực tế, việc phân biệt đối xử đối với hàng hoá, dịch vụ nước ngoài trong mua sắm chính phủ thể hiện dưới những hình thức như: (i) không cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm chính phủ; (ii) ưu đãi những doanh nghiệp sử dụng nhiều hàng hoá, dịch vụ trong nước khi thực hiện hợp đồng mua sắm chính phủ; (iii) áp đặt điều kiện, quy định về tư cách thể nhân, phân biệt đối xử để ngăn cản doanh nghiệp nước ngoài tham gia dự thầu...

Tại Vòng đàm phán Kennedy (1964-1967), lần đầu tiên thủ tục về mua sắm Chính phủ được thừa nhận như một hàng rào phi quan thuế quan trọng. Tuy nhiên, chỉ đến Vòng Tokyo (1973-1979), Hiệp định về mua sắm chính phủ mới được các thành viên thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển ký kết. Hiệp định này được bổ sung vào năm 1988 và tiếp đó được mở rộng và ký chính thức tại Vòng đàm phán Uruguay (1987-1993).

Các quy tắc của GATT trước đây cũng như Hiệp định nhiều bên về mua sắm chính phủ đạt được tại Vòng đàm phán Uruguay đều khẳng định nghĩa vụ của các thành viên trong việc đảm bảo không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm và nhà cung cấp nước ngoài. Đặc biệt, Hiệp định không cho phép sử dụng các tiêu chí xét thầu với mục đích khuyến khích sự phát triển trong nước hoặc cải thiện tài khoản thanh toán bằng các phương tiện như: sử dụng hàm lượng nội địa, cấp phép công nghệ các yêu cầu đầu tư, thương mại đối lưu (counter trade) hoặc các yêu cầu tương tự khác ...

5. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs):

Hiệp định TRIPs được xây dựng trên cơ sở các công ước quốc tế hiện hành có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, như: Công ước Paris (1967) về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Công ước Berne (1971) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Rome (1961) về bảo hộ người trình diễn, người sản xuất băng đĩa ghi âm và các tổ chức phát thanh truyền hình; Hiệp định về sở hữu trí tuệ liên quan đến thiết kế mạch tích hợp (1989) ... Theo đó, trong khi tuân thủ những công ước nói trên, các thành viên có thể bảo đảm mức bảo hộ cao hơn so với yêu cầu trong Hiệp định TRIPs nếu như không trái với các điều khoản của Hiệp định.

Hiệp định TRIPs cũng bao gồm các điều khoản về nguyên tắc và biện pháp thực hiện hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ và thành lập một chế hiệp thương, giám sát cấp quốc tế để bảo đảm sự tuân thủ các tiêu chuẩn của các thành viên ở cấp độ quốc gia.

 Quyền sở hữu trí tuệ được coi là một trong những tài sản đầu tư thuộc phạm vi bảo hộ của phần lớn các BITs. Do vậy, TRIPs góp phần quan trọng vào việc tạo môi trường tin cậy, an toàn cho hoạt động ĐTNN bằng việc quy định các biện pháp, thủ tục mà các thành viên phải áp dụng trong khuôn khổ pháp luật quốc gia đề đảm bảo xác lập và thực thi có hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định cũng quy định nghĩa vụ của các thành viên trong việc áp dụng chế tài trong nước và giải quyết tranh chấp quốc tế có liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

6. Xu hướng xây dựng khung pháp lý đầu tư đa phương (MFI) (trong khuôn  khổ WTO:

Thực tiễn hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là hoạt động của hệ thống thương mại đa biên trong khuôn khổ GATT trước đây và WTO hiện nay cho thấy mối quan hệ ngày càng gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau giữa thương mại và đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những thập niên qua đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại. Mặc dù giá trị dòng vốn đầu tư trực tiếp lớn hơn nhiều so với kim ngạch thương mại toàn cầu, nhưng cho đến nay WTO chưa xây dựng được khung pháp lý đa phương điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài tương tự như cơ chế áp dụng đối với thương mại.

 Từ thực tế nói trên Hội nghị lần thứ nhất Bộ trưởng thương mại WTO (sau đây gọi là Hội nghị Bộ trưởng) tổ chức tại Singapore tháng 12/1996 đã quyết định thành lập một "Nhóm công tác về quan hệ giữa thương mại và đầu tư" với mục đích nghiên cứu khả năng xây dựng những nguyên tắc đầu tư đa phương trong khuôn khổ WTO. Hội nghị đã quyết định rằng, việc đàm phán về khung pháp lý đầu tư đa phương phải được sự nhất trí của các nước thành viên và việc thành lập Nhóm công tác này không phải nhằm mục đích đàm phán mà chỉ để nghiên cứu khả năng đó.Tuy nhiên, trong suốt 2 kỳ Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo tổ chức lại Geneva và Seatle, việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Vòng đàm phán mới vẫn tồn lại nhiều bất đồng gay gắt giữa các thành viên phát triển và đang phát triển, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử, xoá bỏ hạn chế về thành lập đầu tư, minh bạch hoá, giải quyết tranh chấp[50]

Sau một loạt nhượng bộ, Hội nghị Bộ trưởng lần  thứ 4 đã thành công trong việc đưa ra tuyên bố khắng định sự cần thiết của việc thiết lập một khung pháp lý đa phương về đầu tư nhằm đảm bảo tính minh bạch, ổn định và có thể dự báo cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Để tiến hành đàm phán về cơ chế mới này, các Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phải đạt được sự cân bằng về lợi ích giữa các thành viên, đồng thời có tính đến mục tiêu tài chính, thương mại cũng như chính sách phát triển đặc thù của số đông các nước đang phát triển và chậm phát triển. Theo đó, WTO sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm giúp các nước này tham gia có hiệu quả vào cơ chế hợp tác đa phương về đầu tư.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán mới về vấn đề này chỉ được thực hiện với điều kiện các thành viên đã đạt được sự đồng thuận về thề thức đàm phán. Để có được sự đồng thuận đó, Nhóm công tác của WTO về quan hệ giữa thương mại và đầu tư đã và đang tập trung thảo luật các vấn đề sau:

- Mở rộng khái niệm đầu tư: Để đa dạng hoá các hoạt động đầu tư, nhóm các nước phát triển đề nghị mở rộng khái niệm đầu tư để bảo hộ không chỉ hoạt động đầu tư trực tiếp mà còn gồm cả các khoản “đầu tư dài hạn qua biên giới" (long-term cross- border investment).

- Áp dụng nguyên tắc không phân biệt đốí xử: Theo đó, các nước thành viên phải dành cho đầu tư và nhà đầu tư của nước khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho đầu tư và nhà đầu tư nước mình.

- Áp dụng điện kiện thành lập đầu tư theo nguyên tắc của Hiệp định chung về thương dịch vụ (GATS): Việc đưa nguyên tắc này vào Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng là một trong những thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển trong việc đàm phán các vấn đề về khung pháp lý đầu tư đa phương. Thể thức đàm phán như vậy tạo điều kiện cho các nước đang phát triển áp dụng một cách chủ động và linh hoạt các điều kiện đối với việc thành lập đầu tư mới.

- Minh bạch hoá: Theo nguyên tắc này, các nền kinh tế thành viên phải công khai hoá pháp luật, thủ tục đầu tư và các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Xoá bỏ các yêu cầu hoạt động: Theo nguyên tắc này, nền kinh tế thành viên không được áp dụng các yêu cầu về nội địa hoá, cân đối xuất-nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động trong nước, tỷ lệ vốn tối thiểu và những hạn chế đối với việc chuyển vốn, lợi nhuận vào hoặc ra khỏi nước thành viên...

-Hạn chế hoặc cấm áp dụng các ưu đãi đầu tư: Vấn đề này không được đề cập cụ thể trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng nhưng sẽ là một trong những nội dung được thảo luận trong Vòng đàm phán mới. Theo quan điểm của các thành viên đang phát triển, việc áp dụng ưu đãi đầu tư là cần thiết để các nước này tăng cường sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực và địa bàn thuộc chương trình phát triển của mình. Trong khi đó, hầu hết các thành viên phát triển cho rằng, việc áp dụng các ưu đãi đầu tư gây cạnh tranh bất bình bình đẳng giữa các nước tiếp nhận đần tư và cần phải loại bỏ nhằm tránh tác động "bóp méo" đối với hoạt động thương mại và đầu tư.

- Tăng cường các biện pháp bảo hộ đầu tư vì hiệu lực của cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư. Theo nguyên tắc này, các thành viên sẽ bảo hộ đối với các khoản thanh toán và chuyển tiền qua biên giới, thực hiện việc bồi thường thiệt hại khi trưng thu, quốc hữu hoá tài sản của nhà đầu tư và bảo hộ nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đình công.

III. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM:

 

Nội dung dưới đây đánh giá mức độ tương thích của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến một số quy định về đầu tư trong các Hiệp định của WTO.

1. Pháp luật và các cam kết của Việt Nam liên quan đến hiệp định TRIMs:

Pháp luật hiện hành Việt Nam về xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của dự án ĐTNN đã phù hợp với một số yêu cầu của Hiệp định TRIMs. Theo đó, doanh nghiệp ĐTNN được quyền trực tiếp xuất, nhập khẩu theo mục tiêu, phạm vi hoạt động đã được quy định tại giấy phép đầu tư; được trực tiếp hoặc thông qua đại lý bán hàng hoá được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà không bị giới hạn về số lượng và địa bàn tiêu thụ; được phép tiếp cận nguồn ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu...Đặc biệt, Nghị định 27/2003/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 19 tháng 3 năm 2003 đã sửa đổi Danh nhục đầu tư có điều kiện ban hành kem theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP theo hướng xoá bỏ yêu cầu xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghiệp mà sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, đối chiếu với những yêu cầu cụ thể của Hiệp định TRIMs, một số quy định sau đây chưa thật phù hợp hoặc còn tồn tại tranh cãi về tính chất và mức độ phù hợp với Hiệp định này:

- Yêu cầu nội địa hoá: Trên thực tế, yêu cầu này được quy định tại Thông tư 215/UB-LXT do UỶ ban Nhà nước về hợp tác và Đầu tư trước đây ban hành từ năm 1995 và đã hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, quy định nói trên vẫn được duy trì trong thực tiễn thẩm định cấp giấy phép đầu tư, đồng thời là một điều kiện để áp dụng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ từng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử. Việc áp dụng yêu cầu nội địa hoá như là điều kiện để cấp Giấy phép đầu tư cũng như điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đều không phụ hợp với quy định của Hiệp định TRIMs. Vì vậy, trong khuôn khổ BTA, Việt Nam cam kết loại bỏ yêu cầu này trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

- Yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước : Theo quy định tại Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP, yêu cầu này được áp đụng đối với dự án chế biến đường mía, đầu thực vật, sữa, gỗ. Trong quá trình đàm phán BTA, mặc dù không thừa nhận yêu cầu phát triền nguồn nguyên liệu trong nước là biện pháp vi phạm Hiệp định TRIMs, nhưng Việt Nam đã cam kết loại bỏ yêu cầu này trong thời hạn 5 năm kề từ ngày BTA có hiệu lực.

Thực hiện Hiệp định TRIMs là yêu cầu của tất cả các tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới mà Việt Nam đã hoặc đang trong quá trình đàm phán gia nhập. Trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành minh bạch hoá chính sách về ĐTNN, đồng thời hoàn thành Thông báo và Chương trình hành động thực hiện Hiệp định TRIMs với mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn các biện pháp không phù hợp với Hiệp định tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể, khi gia nhập WTO Việt Nam cam kết:

- Loại bỏ yêu cầu bắt buộc quy định tại Giấy phép đầu tư về thực hiện chương trình nội địa hoá đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, và các mặt hàng cơ khí, điện, điện tử.

- Loại bỏ yêu cầu bắt buộc đầu tư gắn với phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đối với dự án đầu tư nước ngoài chế biến các sản phẩm: sữa, dầu thực vật, mía đường, gỗ quy định tại Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP.

- Loại bỏ các ưu đãi về thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng cơ khí, điện, điện tử và phụ tùng ô tô quy định tại Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT…

- Không tái áp dụng các biện pháp trái với quy định của Hiệp định TRIMs.

 

2. Pháp luật và cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ:

 

2.l. Pháp luật về thương mại dịch vu:

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về thương mại dịch vụ của Việt Nam đã bắt đầu hình thành và phát triển với việc Nhà nước ban hành một loạt văn bản điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là: Luật thương mại, Luật các tổ chức tín dụng, Luật hàng không dân dụng, Luật xuất bản, Luật báo chí, Luật hàng hải, Luật giáo dục, Luật kinh doanh bảo hiểm, Pháp lệnh về kế toán thống kê, Pháp lệnh về du lịch, Pháp lệnh về giá, phí, Pháp lệnh về bưu chính, viễn thông... Đặc biệt, Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế được ban hành trong tháng 6 năm 2002 đã lần đầu tiên quy định nguyên tắc, phạm vi và trình tự áp dụng các chế độ đối xử nói trên của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Ngoài các văn bản chuyên ngành nói trên, Luật đầu tư nước ngoài và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này cũng có điều khoản cụ thể quy định về tiếp cận thị trường dịch vụ của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sau phải thực hiện theo hình thức doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh: (i) xây dựng, kinh doanh mạng viễn thông quốc tế, viễn thông nội hạt (chỉ thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh); (ii) dịch vụ tư vấn (trừ tư vấn kỹ thuật); (iii) vận tải hàng không, đường sắt, đường biển; (iv) vận tải hành khách công cộng; (v) xây dựng cảng, ga hàng không (trừ các dự án BOT, BTO, BT); (vi) du lịch lữ hành; (vii) văn hoá. Pháp luật hiện hành cũng quy định chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư đối với tất cả các dịch vụ quan trọng như bảo hiểm, ngân hang, viễn thông, kiểm toán, kế toán, văn hoá...

Tuy nhiên, cho đến nay, khung pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam còn chưa hoàn thiện và thiếu tính đồng bộ. Một số ngành dịch vụ mới đang trong quá trình hình thành, chưa được phân loại theo các tiêu chuẩn quy định của GATS. Bên cạnh đó, khá nhiều loại hình dịch vụ đã tồn tại trên thực tế nhưng lại chưa được quy định cụ thể hoặc chỉ được quy định rải rác tại các văn bản pháp quy khác nhau (tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, tư vấn kỹ thuật...).

2.2. Cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thương mai dịch vu:

2.2.1. Hiệp định khung của ASEAN  về thương như dịch vụ:

So với GATS, hiệp định khung của ASEAN về thương mại dịch vụ (AFAS) yêu cầu các thành viên đã có cam kết tại GATS thông qua đàm phán, phải đạt được cam kết cao hơn so với GATS cả về mức độ và phạm vi. Theo đó, 7 ngành dịch vụ được các thành viên thoả luận ưu tiên đàm phán gồm: (i) dịch vụ kinh doanh, (ii) hàng không, (iii) hàng hải, (iv) xây dựng, (v) du lịch, (vi) tài chính, và (vii) viễn thông.

Ngay từ Vòng đàm phán đầu tiên, Việt Nam đã đưa ra cam kết cho cả 7 lĩnh vực nói trên. Tuy nhiên, hầu hết các cam kết này đều ở mức thấp, phù hợp với trình độ phát triển và pháp luật hiện hành của Việt Nam.

2.2.2. Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ:

Trong khuôn khổ Hiệp định thương mại đã ký với Hoa Kỳ, Việt Nam cam kết tuân thủ các nghĩa vụ chung của GATS về mở cửa thị trường và dành đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc cho các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam không bảo lưu đối xử tối huệ quốc, đồng thời cam kết xoá bỏ dần hạn chế về tiếp cận thị trường và dành đối xử quốc gia cho nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ trong 8 ngành với khoảng 54 phân ngành gồm : (i) dịch vụ kinh doanh (pháp lý, kiểm toán, kế toán, kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, vi tính, quảng cáo, thăm dò thị trường); (ii) dịch vụ thông tin liên lạc (viễn thông giá trị gia tăng, viễn thông cơ bản, điện thoại cố định, dịch vụ nghe, nhìn); (iii) dịch vụ xây dựng; (iv) dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ): (v) dịch vụ giáo dục; (vi) dịch vụ tài chính (bảo hiểm, ngân hàng); (vii) dịch vụ y tế, (viii) dịch vụ du lịch.

Ngoài một số vấn đề không hoặc chưa cam kết, lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam đối với nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ được triển khai ngay lập tức hoặc từ 2 đến 10 năm kể từ ngày Hiệp định được ký kết. Lộ trình sớm nhất được áp dụng đối với dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán, tư vấn thiết kế, kiến trúc, giáo dục...và dài nhất áp dụng đối với dịch vụ ngân hàng, viễn thông theo dài từ 4-6-10 năm).

2.2.3. Bản chào mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong khuôn khổ WTO:

Đến nay, Việt Nam đã đưa vào Bản chào cam kết 10/11[51] lĩnh vực dịch vụ theo phân loại CPC của Hiệp định GATS gồm: (i) dịch vụ kinh doanh, (ii) dịch vụ thông tin, (iii) dịch vụ xây dựng và các dịch vụ đồng bộ có liên quan; (iv) dịch vụ phân phối; (v) dịch vụ giáo dục; (vi) dịch vụ tài chính; (vii) dịch vụ y tế, xã hội; (viii) dịch vụ du lịch và các dịch vụ có liên quan; (ix) dịch vụ văn hoá, giải trí: (x) dịch vụ vận tải. So với số lượng lĩnh vực cam kết trong khuôn khổ BTA, Bản chào lần 3 nhiều hơn 2 lĩnh vực (gồm dịch vụ vận tải và dịch vụ văn hoá, giải trí). Số lượng phân ngành được cam kết trong từng lĩnh vực cũng rộng hơn so với BTA, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, dịch vụ liên lạc. . .

Qua hai đợt đàm phán với mục đích thăm dò, Bản chào về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam đã từng bước được điều chỉnh theo hướng xích lại gần hơn với mức cam kê trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), đồng thời có tính đến yêu cầu cụ thể của một số đối tác đàm phán.

 

3. Pháp luật về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến Hiệp định SCM:

Theo pháp luật hiện hành, Nhà nước Việt Nam dành ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hỗ trợ tài chính khác cho dự án thuộc Danh mục lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư. Việc áp dụng các ưu đãi nói trên dựa trên các tiêu chí về năng lực xuất khẩu, mức độ sử dụng lao động, nguồn nguyên liệu trong nước, trình độ công nghệ, địa bàn hoạt động...Các ưu đãi này có thể thuộc diện trợ cấp bị cấm áp dụng theo quy định của Hiệp định SCM và Việt Nam có nghĩa vụ thông báo và xây dựng chương trình hành động để xoá bỏ theo yêu cầu của Hiệp định.

Từ năm 1998 đến nay, Việt Nam đã hoàn thành Thông báo trợ cấp công nghiệp cho 2 giai đoạn (1999-2000 và 2001-2002). Thông báo giai đoạn 2001-2002 đã được sửa đổi theo hướng rút lại 05 Chương trình trợ cấp đã thông báo trong giai đoạn 1999-2000, đồng thời bổ sung 07 chương trình trợ cấp mới, gồm: hỗ trợ phát triển ngành dệt may, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ các sản phẩm cơ khí, hỗ trợ dự án sản xuất động cơ xe hai bánh gắn máy, hỗ trợ ngành đóng tàu, hỗ trợ phát triển thương mại miền núi-hải đảo-dân tộc và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan. Tiếp theo việc thông báo nói trên, Việt Nam có nghĩa vụ xây dựng Chương trình hành động để xoá bỏ các trợ cấp không được phép áp dụng theo quy định tại Hiệp định.

4. Pháp luật về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến Hiệp định TRIPs:

Theo pháp luật hiện hành Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm thực thi bằng cả 3 biện pháp: dân sự, hành chính và hình sự.

Nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài về tính hấp dẫThông tư số , an toàn của môi trường đầu tư, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia theo hướng mở rộng phạm vi và tăng cường các biện pháp đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Công ước Stockholm về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hiệp định Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Công ước Paris về bảo bộ sở hữu công nghiệp, Hiệp ước về hợp tác sáng chế (patent). Từ nan 1996, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định khung ASEAN về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPs. Hiệp định thương mại Việl Nam - Hoa Kỳ (BTA) cũng có một Chương riêng về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong giai đoạn 2003-2004, Việt Nam đã và đang thực hiện hầu hết cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả; tín hiệu vệ tinh; nhãn hiệu hàng hoá và sáng chế; thông tin bí mật; thiết kế bố trí mạnh tích hợp; kiểu dáng công nghiệp; giống cây trồng. Từ năm 2002, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai nghiên cứu tham gia các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ như: Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống sự sạo chép trái phép; Công ước Brussels  về phân phối  tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh là Công ước UPOV về bảo hộ  giống cây trồng mới.

Trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí (TRIPs). Chương trình hành động tập trung vào việc ban hành mới và/hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành nhằm: (i) đảm bảo đối xử quốc gia trong việc xác lập, duy trì, thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (ii) đảm bảo áp dụng các điều ước quốc tế về quyền tác giả: (iii) mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá theo quy định của Hiệp định TRIPs; (iv) hướng dẫn thi hành các quy định vì chỉ dẫn địa lý ; (iv) mở rộng danh mục các loài thực vật được bảo hộ; (v) quy định chi tiết thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với thiết kế bố trí thạch tích hợp, thông tin bí mật ; (vi) củng cố các biện pháp chế tài và thủ tục tố tụng đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (xi) tăng cường năng lực của các cơ quan bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

IV. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA KHUNG PHÁP LÝ ĐẦU TƯ ĐA PHƯƠNG (MFI) VÀ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐÀM PHÁN:

1. Tác động của MFI:

Vòng đàm phán mới về hệ thống thương mại đa phương nói chung và khung pháp lý đầu tư đa phương nói riêng diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam đang triển khai đàm phán gia nhập WTO. Trong tiến trình này, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu gia nhập WTO vào thời điểm Vòng đàm phán mới của WTO dự kiến kết thúc (dự kiến trong năm 2005). Như vậy, nếu đạt được mục tiêu gia nhập WTO vào thời điểm nói trên, Việt Nam sẽ phải thực hiện ngay những nghĩa vụ mới thoả thuận lại Vòng đàm phán này.

Các nội dung và thể thức đàm phán về khung pháp lý đầu tư đa phương đã trình bày ở trên chứa đựng một số tiêu chuẩn khá cao so với Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN cũng như các Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 46 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, những cam kết mà Việt Nam thoả thuận trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Chương phát triển quan hệ đầu tư và Chương thương mại dịch vụ, đã vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp định TRIPs và thậm chí, trên nhiều khía cạnh, đã đi xa hơn ý tưởng về một khung pháp lý đầu tư đa phương sẽ được thảo luận trong tương lai tại Vòng đàm phán Doha. Vì vậy, có thể đánh giá sơ bộ một số tác động của việc thực hiện những cam kết đa phương về đầu tư (nếu có thể đạt được tại Vòng Doha) đối với Việt Nam như sau :

- Việc áp dụng điều kiện thành lập đầu tư mới theo những nguyên tắc của GATS tạo điều kiện để Việt Nam chủ động lựa chọn các lĩnh vực hoặc vấn đề dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

- Ngoài việc cho phép áp dụng một số ngoại lệ nhất định, khung pháp lý đa phương về đầu tư còn dành cho các thành viên quyền được áp dụng biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán trong một số trường hợp và với một số điều kiện nhất định. Quy định này tạo điều kiện để Việt Nam áp dụng các biện pháp cần thiết để tránh tác động tiêu cực có thể có trong tiến trình tự do hoá đầu tư (Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ không có điều khoản về vấn đề này).

- Việc thực hiện nguyên tắc minh bạch hoá, giải quyết tranh chấp, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng lao động... về cơ bản phù hợp với chủ trương cải thiện môi trường đầu tư đã được khẳng định tại Nghị quyết 09/2001/NQ-CP về nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001-2005 .

2. Kiến nghị:

Cùng với hệ thống pháp luật quốc gia, các hiệp định/thoả thuận quốc tế song phương và đa phương về đầu tư mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng một khung pháp lý đồng bộ về khuyến khích và bảo hộ ĐTNN tại Việt Nam. Mặt khác, việc thực hiện các hiệp định/thoả thuận này không chỉ góp phần nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư mà còn tạo cơ sở để Việt Nam đàm phán gia nhập WTO cũng như các cơ chế pháp lý song phương đa phương khác về ĐTNN trong tương lai. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gia nhập WTO hiện nay cũng như những yêu cầu đặt ra trong việc tiếp tục mở rộng hệ thống Hiệp định đầu tư song phương (BITs) đòi hỏi phải xây dựng phương án đàm phán thích hợp nhằm đảm bảo lính hiệu quả và đồng bộ của hai loại cam kết nói trên. Những giải pháp chủ yếu gồm:

 

- Rà soát, đánh giá toàn bộ các cam kết đầu tư hiện hành của Việt Nam để xây dựng phương án tổng thể về vấn đề này theo hướng: (i) soạn thảo một mẫu BITs bao gồm các tiêu chuẩn chung về đối xử và bảo hộ đầu tư được chấp nhận tại các BIT mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua, đồng thời có tính đến cam kết hiện hành về ĐTNN trong các Hiệp định của WTO: (ii) xây dựng phương án đàm phán về đầu tư trên cơ sở gắn kết với những mục tiêu, định hướng thu hút ĐTNN.

- Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các Bộ, ngành chịu trách nhiệm đàm phán các vấn đề có liên quan đến đầu tư (dịch vụ, trợ cấp, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ) nhằm đảm bảo tính thống nhất trong các cam kết của Việt Nam về các vấn đề này.

- Rà soát, điều chỉnh hệ thống pháp luật nhằm thực hiện các cam kết về đầu tư, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đàm phán các vấn đề này trong khuôn khổ WTO và BITs.

- Tiếp tục nghiên cứu quan hệ giữa tự do hoá đầu tư và tự do hoá dịch vụ trong tổng thể quan hệ giữa đầu tư và thương mại, đồng thời có tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm chuẩn bị cho việc đàm phán khung pháp lý đa phương về ĐTNN (MFI) trong khuôn khổ WTO. Căn cứ các cam kết có liên quan của Việt Nam và thực tiễn thảo luận giữa các thành viên WTO về vấn đề này, có thể đề xuất một số nguyên tắc đàm phán MFI như sau :

+ Khái niệm và phạm vi đầu tư: tương tự như các nước đang phát triển khác, Việt Nam không thể chấp nhận khái niệm rộng về đầu tư, bao gồm cả các khoản đầu tư gián tiếp.

+ Minh bạch hoá: Việt Nam có thể chấp nhận quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch và có thể dự đoán trước của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư.

+ Không phân biệt đối xử: Tương tự cam kết trong khuôn khổ các hiệp định song phương và khu vực, Việt Nam có thể thực hiện đối xử quốc gia (NT) và đối xử tối huệ quốc (MFN) theo lộ trình và với một số ngoại lệ nhất định phù hợp với địa vị của một nước đang phát triển ở trình độ thấp.

+ Thể thức đàm phán: Việc áp dụng các điều kiện thành lập đầu tư theo nguyên tắc của GATS tạo điều kiện để Việt Nam chủ động lựa chọn lĩnh vực và/hoặc vấn để có thể dành đối xử NT và MFN phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Vì vậy, Việt Nam cần ủng hộ cách tiếp cận cam kết theo hướng chọn-cho của GATS.

+ Các yêu cầu hoạt động: Nhằm thu hút ĐTNN phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đề nghị không chấp nhận mở rộng cam kết về việc xoá bỏ các yêu cầu hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ, sử dụng đất đai, tuyển dụng lao động...

+Ưu đãi đâù tư: Việc giảm hoặc loại bỏ các ưu đãi đầu tư là một trong những thách thức rất lớn đối với các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời làm suy giảm đáng kể sức cạnh tranh thu hút ĐTNN của Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì các ưu đãi đầu tư nhằm duy là sức hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

+ Các quy định về phát triển: Việt Nam cần đạt được cam kết thực hiện Hiệp định theo lộ trình nhất định phù hợp với những nhu cầu về thương mại, tài chính và phát triển.

+ Bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp: Việt Nam có thể chấp nhận những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế về bồi thường thiệt hại trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hoá tài sản của nhà đầu tư, đồng thời áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư tương tự như cơ cho thoả thuận trong 47 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết.

+ Cán cân thanh toán những ngoại lệ chung: Các quy định về bảo vệ cán cân thanh toán có thể tạo điều kiện thuận cho các nước đang phát triển như Việt Nam áp dụng các biện pháp cần thiết để tránh những tác động tiêu cực của tiến trình tự do hóa đầu tư. Vì vậy, Việt Nam có thể chấp nhận các biện pháp nói trên nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, tiền tệ phù hợp với những nguyên tắc của IMF. Các ngoại lệ về an ninh quốc gia, đạo đức xã hội và bảo vệ môi trường cũng cần được duy trì tại Hiệp định phù hợp với những nguyên tắc chung của WTO./

 

 

QUY ĐỊNH CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC NÀY.

 

 

Phạm Hồ Hương

 

 

I .QUY ĐỊNH CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VỀ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Thương mại dịch vụ là một lĩnh vực quan trọng được điều chỉnh bởi các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chiếm một tỷ lệ lớn trong quan hệ thương mại giữa các nước thành viên. WTO có một hiệp định riêng để điều chỉnh quan hệ về thương mại dịch vụ giữa các nước thành viên đó là Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). GATS là hiệp định đa phương đầu tiên có hiệu lực pháp lý trong lĩnh vực thương mại và đầu tư dịch vụ, tạo ra khuôn khổ để tiến hành hoạt động thương mại dịch vụ và khởi xướng tiến trình tự do hoá.

GATS bao gồm: Khuôn khổ các nguyên tắc chung; các phụ lục về những điều kiện đặc thù liên quan đến từng ngành riêng; và các cam kết tự do hoá cụ thể đối với các ngành và tiểu ngành dịch vụ được nêu trong “Lịch trình cam kết cụ thể” của mỗi nước. Mỗi nước thành viên ít nhất phải đưa ra cam kết bảo đảm mở cửa một số ngành dịch vụ của mình. Các cam kết này được mô tả trong "Lịch trình cam kết cụ thể" của từng nước đính kèm theo GATS. Bản thân GATS đề ra những nguyên tắc mà các chính phủ phải tuân theo khi áp đặt các quy định có ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào đến thương mại dịch vụ và sự hiện diện của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Như vậy, các nghĩa vụ về thương mại dịch vụ trong WTO không chỉ đơn thuần là các quy định được nêu trong Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) và các Phụ lục kèm theo mà cần nghiên cứu cả các "Lịch trình cam kết cụ thể" của các nước thành viên.

1. Phạm vi điều chỉnh của GATS:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của GATS, “Thương mại dịch vụ” được hiểu là sự cung cấp dịch vụ :

e)       Từ lãnh thổ của một nước Thành viên này đến lãnh thổ của bất kỳ một nước Thành viên nào khác;

f)       Trên lãnh thổ của một Thành viên này cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác;

g)       Bởi một người cung cấp dịch vụ của một Thành viên thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bất kỳ Thành viên nào khác;

h)       Bởi một người cung cấp dịch vụ của một Thành viên này thông qua sự hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào khác”[52]

“Dịch vụ” ở đây phải được hiểu là bất kỳ dịch vụ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung cấp trong thực thi thẩm quyền của Chính phủ, tức ngoại trừ các dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp dịch vụ (Khoản 3. Điều 1 của GATS). Như vậy, có thể thấy rằng thuật ngữ “dịch vụ” ở đây bao hàm những hoạt động kinh tế rất rộng. Ban Thư ký WTO đã chia các hoạt động dịch vụ thành 12 ngành gồm: dịch vụ kinh doanh (kể cả dịch vụ chuyên môn và máy tính); dịch vụ viễn thông; dịch vụ xây dựng và dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ phân phối; dịch vụ giáo dục; dịch vụ môi trường; dịch vụ tài chính (bảo hiểm và ngân hàng); dịch vụ y tế; dịch vụ du lịch; dịch vụ thể thao, văn hoá và giải trí; dịch vụ vận tải; các dịch vụ khác.[53] Mười hai ngành dịch vụ này được phân thành 155 tiểu ngành tương ứng với mã số trong Phân loại các sản phẩm chính của Liên hợp quốc (CPC).

Việc GATS đưa ra bốn phương thức cung cấp dịch vụ như nêu trên là do bản chất khác biệt của dịch vụ và thực tiễn cung cấp dịch vụ. Trong khi thương mại hàng hoá quốc tế bao hàm sự dịch chuyển vật chất của hàng hoá từ nước này sang nước khác, thì chỉ có một số giao dịch dịch vụ truyền thống cần sự dịch chuyển qua biên giới, ví dụ như các dịch vụ có thể truyền qua phương tiện viễn thông (chuyển tiền qua ngân hàng). Trong phần lớn các giao dịch dịch vụ thì thời gian và địa điểm tiêu thụ không thể tách rời giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu thụ dịch vụ. Bởi vậy, không như giao dịch thương mại hàng hoá quốc tế đòi hỏi dịch chuyển vật chất qua biên giới, dịch vụ được cung cấp trên phạm vi quốc tế theo một hoặc kết hợp với 4 phương thức nêu trên. Trong "Lịch trình cam kết cụ thể" của các nước, thường đưa ra các cam kết cụ thể đối về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia với từng ngành, phân ngành dịch vụ ở 4 phương thức này với tên gọi là: Mode 1 (Cung cấp qua biên giới) tức là các giao dịch được thực hiện từ lãnh thổ của một nước thành viên này sang lãnh thổ của một nước thành viên khác như việc chuyển các thông tin hay tư vấn bằng fax hoặc email; Mode 2 (Tiêu dung ở nước ngoài) tức là những dịch vụ được các công dân của một nước thành viên này tiêu dùng trên lãnh thổ một nước thành viên khác nơi dịch vụ được cung cấp như đi du lịch; Mode 3 (Hiện diện thương mại) tức là người cung cấp dịch vụ di chuyển qua biên giới để thành lập hiện diện thương mại của mình ở nước ngoài như chi nhánh, liên doanh, văn phòng đại diện... để cung cấp dịch vụ; Mode 4 (Hiện diện thể nhân) tức là sự di chuyển tạm thời của thể nhân sang một nước khác để cung cấp dịch vụ như một chuyên gia sang nước ngoài cung cấp dịch vụ đào tạo cho một khoá học ngắn hạn. Mục tiêu chính của việc định nghĩa cung cấp dịch vụ theo các phương thức trên là để tạo thuận lợi cho việc xác định các quy tắc có ảnh hưởng đến các phương thức cung cấp này.

 

2. Các nghĩa vụ theo quy định của GATS:

 

Do những đặc điểm khác biệt của thương mại dịch vụ mà có thể chia các nghĩa vụ theo quy định của GATS thành 2 nhóm: các nghĩa vụ chung áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ; và nhóm các nghĩa vụ có điều kiện chỉ áp dụng cho các ngành, phân ngành địch vụ được nêu tại các cam kết cụ thể trong "Danh mục các cam kết cụ thể" của quốc gia.

2.1. Các nghĩa vụ chung

2.1.1.Nghĩa vụ về Đối xứ tốí huệ quốc

Tương tự như nguyên tắc MFN trong thương mại hàng hoá, GATS cũng bắt buộc các nước phải áp dụng nguyên tắc MFN trong thương mại dịch vụ bằng cách dành cho các nước khác đối với các biện pháp chịu sự ưu đãi của Hiệp định "đối xử không kém phần ưu đãi hơn sự đối xử mà một nước dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ nước nào khác" (Điều II). Tuy nhiên, GATS cũng thừa nhận rằng không phải tất cả các nước đều có thể đảm nhận nghĩa vụ ngay. Do đó Điều II:2 của GATS quy định rằng một nước nếu muốn có thể duy trì các biện pháp trái với nguyên tắc này trong thời gian 10 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực. Tuy nhiên, những loại trừ này chỉ có tính chất tạm thời và sau 5 năm áp dụng phải được rà soát lại theo định kỳ và sau 10 năm phải được huỷ bỏ. Cách thức áp dụng ngoại lệ này được mô tả trong Danh mục miền trừ MFN của từng nước, nêu rõ những nước nào được hưởng chế độ ưu đãi hơn và chỉ rõ thời gian ưu đãi. Đối với những ngành dịch vụ còn tiếp tục phải đàm phán sau vòng Urugoay, thì các nước có thể đòi được áp dụng ngoại lệ đối với nguyên tắc MFN trong khi đàm phán (GATS, Phụ lục của Điều II về các ngoại lệ). Các nước gia nhập WTO trong tương lai cũng sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất như các nước đã tham gia vòng đàm phán Uruguay để áp dụng các ngoại lệ MFN và phải đàm phán các ngoại lệ MFN như một phần trong đàm phán các cam kết cụ thể của họ. (Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khả năng đàm phán để có thể áp dụng nguyên tắc này rất hạn chế vì trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa kỳ, ta đã không duy trì một ngoại lệ MFN nào cả).

2.1.2.Minh bạch

Minh bạch là nguyên tắc cốt yếu để tiến tới tự do hoá đa phương. Các nghĩa vụ cơ bản của nguyên tắc này là việc xuất bản và thông báo nhanh chóng các thay  đổi pháp luật, duy trì các điểm hỏi đáp và tiến hành rà soát pháp lý một cách công bằng. Theo nguyên tắc này, "tất cả các biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thực hiện GATS" phải được công bố nhanh chóng và "chậm nhất trước khi các biện pháp này có hiệu lực", kể cả các lĩnh vực của một chính phủ thuộc "các hiệp định quốc tế có liên quan hay tác động đến thương mại dịch vụ” thì chính phủ đó cũng có nghĩa vụ phải thông báo (Điều 3, khoản l). Việc công bố các quy định này có thể diễn ra ở bất kỳ địa điểm nào, bằng bất kỳ biện pháp nào và được áp dụng cho tất cả những biện pháp do chính quyền cấp địa phương hay cấp vùng đưa ra (Có thể nói đây là một nghĩa vụ Việt Nam cần chú ý vì cho đến nay việc tiếp cận đến các quyết định, các biện pháp của chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế). Đồng thời, GATS cũng yêu cầu các nước thành viên thiết lập một hoặc nhiều điểm giải đáp thắc mắc để các thành viên khác có thể thu được các thông tin về pháp luật và các quy định ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong những ngành mà các nước này quan tâm (Khoản 4, Điều 3)

2.1.3.Công nhận lẫn nhau đối về các tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp dịch vụ

Các công ty hoặc các cá nhân cung cấp dịch vụ phải có chứng chỉ, giấy phép cho phép họ được kinh doanh. Các nhà cung cấp dịch vụ thường gặp khó khăn để có giấy phép vì các yêu cầu theo luật định về năng lực học vấn và kinh nghiệm rất khác nhau. Để khắc phục khó khăn này, GATS khuyến khích những nước thành viên ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương nhằm công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn cần có để được cấp phép (Khoản 1, Điều 7). GATS cũng quy định thêm rằng các hệ thống công nhận lẫn nhau phải được để mở để cho các thành viên khác cùng tham gia miễn là họ chứng minh được là các yêu cầu và tiêu chuẩn trong nước phù hợp với các hệ thống này (Khoản 2, Điều 7).

2.1.4.Các quy định về độc quyền và hạn chế cạnh tranh

Các ngành dịch vụ thường thể hiện sức mạnh độc quyền của mình trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đôi khi các chính phủ cũng dành một số đặc quyển cung cấp dịch vụ cho một số lượng nhỏ nhà cung cấp dịch vụ nhất định. GATS yêu cầu trong các trường hợp này, các thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ không lạm dụng độc quyền hoặc các đặc quyền dành cho họ hoặc hành động theo cách thức trái với các nghĩa vụ chung và riêng của họ theo GATS (khoản 1,2, Điều 8). GATS còn thừa nhận rằng các nhà cung cấp dịch vụ có thể áp dụng các biện pháp có thể có tác động bóp méo cạnh tranh và do đó hạn chế thương mại. Khi điều này xảy ra thì các nước thành viên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu tham vấn với nước thành viên nơi người cung cấp dịch vụ đặt trụ sở nhằm xoá bỏ những hành vi như vậy (Điều 9).

2.1.5.Các nghĩa vụ khác trong GATS

Bên cạnh những nghĩa vụ áp dụng chung nêu trên, GATS cũng đưa ra một số nghĩa vụ bổ sung khác nhằm hỗ trợ cho quá trình tự do hoá thương mại dịch vụ. GATS đưa ra các yêu cầu các thành viên phải cho phép tiến hành thanh toán và chuyển tiền khi cho phép tiếp cận thị trường (Điều 11,12), hay cho phép các thể nhân cung cấp dịch vụ được có mặt tạm thời tại thị trường. GATS cũng có quy định cho phép các nước thành viên được áp dụng những biện pháp ngoại lệ chung vì mục tiêu chính sách công hợp lý (Điều 14). Tuy nhiêu GATS yêu cầu các thành viên không được tự do hoàn toàn áp dụng các biện pháp đó mà chúng phải được kiểm tra tính cân xứng.

2.2. Các nghĩa vụ theo các cam kết cụ thể

Như đã nêu ở trên, bên cạnh các nghĩa vụ chung được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực dịch vụ thì GATS cũng quy định về các nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với các ngành được đưa vào “Danh mục các cam kết cụ thể" của quốc gia. Điều 6 về các quy định trong nước của GATS đưa ra các quy tắc đảm bảo các biện pháp trong nước được xây dựng một cách hợp lý, khách quan và công bằng. Những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải được quyền kháng nghị lại các quyết định hành chính và phải được thông báo nếu đơn xin cấp phép của mình bị từ chối. Khi việc cung cấp một dịch vụ đã có cam kết cụ thể là cần phải xin cấp giấy phép, quyết định cho phép phải được đưa ra trong khoảng thời gian hợp lý kể từ khi nhận được đơn xin cấp phép được coi là hoàn chỉnh theo quy định trong nước (Điều 6, khoản 3). Đặc biệt, "những yêu cầu và thủ tục về khả năng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cấp phép" không được phép “tạo ra những hàng rào không cần thiết đối với thương mại dịch vụ (Điều 6, khoản 4).

Các nghĩa vụ trong GATS theo các cam kết cụ thể được thể hiện rất rõ trong các quy định về Đối xử quốc gia và Tiếp cận thị trường. Có thể nói đây là những quy định đặc thù của GATS khác biệt so với GATT.

2.2.l.Nghĩa vụ về NT

Do đặc điểm của thương mại dịch vụ nên nguyên tắc Đãi ngộ quốc giữ (NT) trong GATS khác với nguyên tắc NT trong GATT. Trong thương mại hàng hoá, nguyên tắc NT yêu cầu các nước thành viên không được áp đặt mức thuế nội địa cao hơn hoặc áp dụng các quy định trong nước hà khắc hơn đối với một sản phẩm nhập khẩu đã được nhập vào trong nước, đã trả các khoản thuế và các khoản phụ thu khác tại biên giới. Trong khi đó, đối với thương mại dịch vụ, các nước không đánh thuế đối với nhập khẩu dịch vụ, do đó việc áp dụng chung các quy định trong nước cho cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và ngoài nước có thể gây nên tổn thất nghiêm trọng cho các ngành dịch vụ được bảo hộ trong nước. Vì vậy, GATS quy định rằng việc áp dụng nguyên tắc NT trong thương mại  dịch vụ sẽ được dựa trên kết quả đàm phán trong đó chỉ rõ những ngành, phân ngành và các điều kiện trong từng ngành đó mà các nước có thể sẵn sàng dành sự đối xử cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài. Nguyên tắc NT chỉ ra rằng “mỗi nước thành viên sẽ dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ một nước thành viên nào khác sự đối xử trong tất cả các biện pháp có ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ không kém ưu đãi hơn mức dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước mình" (Điều 17, khoản l). Có thể thấy NT trong GATS áp dụng cho cả dịch vụ nhập khẩu và nhà cung cấp dịch vụ ngay tại thị trường. So với nghĩa vụ này trong thương mại hàng hoá, hình thức đãi ngộ quốc gia của GATS còn sâu rộng hơn vì nó bao trùm cả vấn đề nhà cung cấp dịch vụ, mặc dù chỉ dưới hình thức một cam kết cụ thể được đưa ra đàm phán. Các chính phủ phải mô tả tất cả các điều kiện và tiêu chuẩn áp dụng NT trong danh mục cam kết của mình. Cột Đãi ngộ quốc gia trong Lịch trình cam kết cụ thể được dành để mô tả mọi hạn chế mang tính phân biệt đối xử, còn các biện pháp tác động tới cả vấn đề tiếp cận thị trường và NT không thể tách rời nhau dược sẽ được nêu trong cột Tiếp cận thị trường.

2.2.2. Tiếp cận thị trường

Trong thương mại dịch vụ, do không thể áp dụng bất kỳ một loại thuế nào khi sản phẩm dịch vụ thâm nhập vào lãnh thổ của một quốc gia khác như của thương mại hàng hoá, do đó việc bảo hộ đối với các ngành dịch vụ nội địa được thực hiện thông qua các quy định của nước sở tại. Bởi vậy, nếu một nước muốn tự do hoá phải quyết định xem nên duy trì những biện pháp nào, hay sửa đổi những biện pháp nào cho phù hợp với các quy định của GATS. Những biện pháp cần được xem xét là những biện pháp có ảnh hưởng đến sự xâm nhập của các sản phẩm dịch vụ hoặc ngành dịch vụ vào thị trường nước sở tại, và những biện pháp gây ảnh hưởng đến hoạt động sau khi thành lập của các nhà cung cấp dịch vụ. Những biện pháp đó có thể bao gồm: 1.Các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ hoặc các sản phẩm dịch vụ nước ngoài; 2. Các biện pháp hạn chế nguyên tắc NT.

Đối với các biện pháp tiếp cận thị trường mà các nước tham gia đàm phán không muốn xoá bỏ hoàn toàn thì chỉ có thể duy trì các hạn chế và tiếp cận thị trường như được quy định tại điều XVI. Ngoài ra không được áp dụng bất kỳ một hạn chế nào khác. Điều khoản Tiếp cận thị trường đề cập tới 4 phương thức cung cấp dịch vụ và quy định rằng một thành viên sẽ dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịnh vụ của bất kỳ một nước thành viên nào khác sự đối xử không kém ưu đãi hơn mức đã quy định trong các điều khoản, điều kiện và hạn chế đã nhất trí và ghi rõ trong danh mục cam kết của mình. Các hạn chế về tiếp cận thị trường được nêu tại Điều XVI bao gồm: Các hạn chế về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ; Các hạn chế về tổng giá trị các giao dịch dịch vụ hoặc tài sản; Các hạn chế về tổng số lần giao dịch dịch vụ hoặc tổng số lượng sản phẩm dịch vụ; Các hạn chế về tổng số tự nhiên nhân có thể được tuyển dụng trong một khu vực cụ thể hoặc số lượng tự nhiên nhân mà nhà cung cấp dịch vụ được thuế. Một nước sẽ được coi là cho phép tiếp cận thị trường hoàn toàn nếu như không đàm phán quyền được áp dụng bất kỳ một hạn chế nào nêu trên.

Như đã nêu ở trên, các nghĩa vụ về thương mại dịch vụ trong WTO không chỉ đơn thuần là các quy định được nêu trong Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) và các Phụ lục kèm theo mà còn thể hiện ở “Lịch trình cam kết cụ  thể của các nước thành viên. Nghĩa vụ của một nưóc áp dụng đưọc ghi trong lịch trình thực hiện các cam kết tham gia GATS của nưóc đó. Mỗi lịch trình đưọc chia thành  2 phần: các cam kết nền chung và các cam kết theo ngành. Các cam kết nền chung được áp dụng cho toàn bộ các lĩnh vực dịch vụ. Các cam kết theo ngành là các cam kết chỉ áp dụng cho một ngành hoặc phân ngành dịch vụ cụ thể cùng với các cam kết nền chung. Việc thực hiện lịch trình thể hiện mức độ cam kết mà một nước đã chắp nhận. Những cam kết này được liệt kê riêng rẽ theo một trong 4 phương thức cung cấp thương mại dịch vụ quốc tế. Tuy nhiên, để có thể hiểu đúng bản chất mức độ các cam kết được đưa ra cần phải xem xét chúng dựa trên toàn bộ luật lệ và quy định áp dụng cho dịch vụ của những nước đưa ra cam kết vì trên thực tế, trong một số trường hợp, cam kết có thể chỉ là khẳng định lại hoặc cam kết hiện trạng. Trong một số trường hợp khác thì cam kết đó có thể đưa tới việc chấp nhận những nghĩa vụ mới.

Tóm lại, GATS đưa ra khuôn khổ các quy tắc đòi hỏi các nước thành viên không được phân biệt đối xử giữa các sản phẩm dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của các nước khác nhau trên cơ sở nguyên tắc MFN. Về nghĩa vụ đối xử quốc gia,GATS không tạo ra một nghĩa vụ bắt buộc mà chỉ đòi hỏi các nước trong lịch trình cam kết của mình đưa ra các cam kết cụ thể dành cho các ngành, phân ngành dịch vụ. Đồng thời, GATS cũng yêu cầu các nước thành viên đảm bảo tính minh bạch trong các luật lệ áp dụng đối với các ngành và các hoạt động dịch vụ. GATS cũng quy định về việc tiếp tục đàm phán để đạt tự do hoá thương mại hơn nữa trong các ngành dịch vụ.

II. ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện 9 vòng đàm phán về gia nhập WTO và đang nỗ lực để có thể gia nhập WTO trong thời gian gần đây. Để phục vụ cho quá trình đàm phán cũng như để chuẩn bị cho việc thực thi các nghĩa vụ trong lĩnh vực thương mại dịch vụ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO thì việc đánh giá các quy định hiện hành của Việt Nam về thương mại dịch vụ so với các quy định của WTO là rất cần thiết. Việc đánh giá này sẽ cho ta thấy được những điểm đã phù hợp, chưa phù hợp hay còn bị bỏ trống trong pháp luật Việt Nam so với các quy định của GATS. Trên cơ sở đó ta có thể xác định những vấn đề mà Việt Nam cần làm để đưa pháp luật về thương mại dịch vụ của Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của GATS.

Tuy nhiên, vì các nghĩa vụ về thương mại dịch vụ không chỉ được thể hiện ở các quy định của bản thân GATS mà còn ở Lịch trình cam kết của các quốc gia, trong khi đó Việt Nam đang còn trong quá trình đàm phán về các cam kết trong thương mại dịch vụ cho nên đến nay chưa có cơ sở chính thức để có thể thực hiện việc so sánh tổng thể này. Mặc dù như vậy, chúng ta vần có thể có được bức tranh tổng thể của pháp luật về thương mại dịch vụ hiện hành của Việt Nam trên cơ sở so sánh với các cam kết của Việt Nam về thương mại dịch vụ tại Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa kỳ (VBTA).

Như chúng ta đã biết, VBTA đã có hiệu lực được 4 năm. Các quy định tại Chương III về Thương mại dịch vụ của VBTA về cơ bản tương tự như GATS, ngoại trừ Bảng cam kết về các ngành cụ được nêu tại Phụ lục G. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài đã khẳng định các cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam tại WTO ít nhất sẽ phải là VBTA cộng. Nghĩa là Việt Nam sẽ phải mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với mức sàn là các cam kết tại VBTA.

Ngay sau khi VBTA có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ tại các Quyết định số 35/2002/QĐ-TTG ngày 12/3/2002 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa kỳ và Quyết định số 37/2002/QĐ- TTg ngày 14/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ chính trị về Hội nhập kinh tế quốc tế giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đối chiếu các quy định của VBTA và của Hiệp định của WTO với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam trên cơ sở đó để sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các văn bản pháp luật trong nước để đảm bảo thực thi các nghĩa vụ trong VBTA và chuẩn bị cho việc gia nhập WTO.

Qua kết quả rà soát bước đầu các quy định của VBTA và các quy định của GATS với pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể thấy rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ. Hệ thống pháp luật này bước đầu đã đóng góp phần đáng kể của mình sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự phát triển đa dạng các ngành thương mại dịch vụ nước ta theo xu hướng ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn pháp luật thương mại dịch vụ quốc tế các nước.

Đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yến tố nước ngoài cũng còn bộc lộ một số thiếu sót cụ thể nhất định, cụ thể như sau:

a)Pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động thươngmại dịch vụ

 Thương mại dịch vụ được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản quy phạm Pháp luật rất phức tạp cả về cấp độ hiệu lực của văn bản và phạm vi điều chỉnh. Về hiệu lực, pháp luật về thương mại dịch vụ bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật ở rất nhiều cấp độ khác nhau từ luật, pháp lệnh của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thậm chí cả quyết định của các Bộ, ngành. Về phạm vi điều chỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật này lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ những văn bản có tác động chung đến các lĩnh vực không chỉ về thương mại dịch vụ như: Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh xuất nhập cảnh... đến những văn bản chuyên ngành chỉ điều chỉnh những lĩnh vực dịch vụ cụ thể như: Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành, Pháp lệnh bưu chính viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành... Về cơ bản, quy định của pháp luật Việt Nam về thương mại dịch vụ đã phù hợp với các quy định chung của WTO, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới ngay sau khi Việt Nam ký VBTA trong các lĩnh vực như: dịch vụ pháp lý, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng... Tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều lĩnh vực dịch vụ (kể cả những lĩnh vực đã được cam kết tại VBTA) chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam như : dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ vi tính, dịch vụ nghiên cứu thăm dò thị trường...hoặc chỉ được quy định lẻ tẻ, tản mạn, chung chung trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

b) Quan niệm” thương mại dịch vụ” nói chung (Điều I, V của GATS).

Cho đến nay, mặc dù Việt Nam là thành viên của ASEAN, APEC và đã ký BTA với Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một quan niệm thống nhất về thương mại dịch vụ như đã được các tổ chức trên quy định và được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.

Những khái niệm cơ bản liên quan đến thương mại dịch vụ của GATS và VBTA chưa được quy định chính thức bởi một văn bản quy phạm pháp luật như khái niệm về các phương thức cung cấp dịch vụ, định nghĩa về nhà cung cấp dịch vụ... Việt Nam hiện nay vẫn chưa có Danh mục phân loại dịch vụ chính thức như Bảng phân loại CPC hoặc PCPC của Liên Hợp Quốc. Do vậy, nhiều lĩnh vực dịch vụ khó xác định được cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ này. Điều này dẫn đến tình trạng như nêu ở trên, đó là có những lĩnh vực dịch vụ đã được đưa ra cam kết trong VBT những không hề được điều chỉnh bởi văn bản nào như dịch vụ vi tính, tư vấn thuế, tư vấn quản lý... Vì vậy, Việt Nam cần sớm ban hành Danh mục phân loại dịch vụ chính thức.

 C) Nguyên tắc đôi xử tối huệ quốc (Điều II của GATS).

Nguyên tắc MFN trong thương mại quốc tế được quy định trong Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế. Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ được áp dụng đối với các biện pháp điều chỉnh hoạt độ thương mại dịch vụ có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 (sửa đổi năm 2000) tuy không có quy định cụ thể về MFN đối với thương mại dịch vụ thông qua các hình thức hiện diện thể nhân nhưng Điều 20 cũng có nêu “Nhà nước Việt Nam đảm bảo sự đối xử công bằng và bình đẳng đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam"

Nguyên tắc MFN không những được thể hiện tập trung, thống nhất tại pháp lệnh về MFN, NT và trong Luật đầu tư nước ngoài mà còn được cụ thể hoá ngay trong từng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Ví dụ, trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý, Điều 2 Nghị định 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam quy định: "Chính phủ Việt Nam bảo đảm không phân biệt đối xử giữa các tổ chức luật sư nước ngoài và các luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam".

So sánh các quy định hiện hành của Việt Nam với quy định của WTO về đối xử tối huệ quốc có thể thấy, ở các văn bản điều chỉnh chung là Pháp lệnh MFN, NT hay như Luật đầu nước ngoài về cơ bản pháp luật của Việt Nam phù hợp với quy định của WTO. Tuy nhiên, những quy định của Pháp lệnh chưa cụ thể và rõ ràng để áp dụng cho các quan hệ thương mại trong từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực thương mại dịch vụ lại do nhiều văn bản luật chuyên ngành quy định, có những văn bản không có quy định về MFN do đó tạo ra những khoảng trống so với các quy định của WTO như: lĩnh vực quảng cáo, bảo hiểm, kiểm toán... không có quy định về đối xử MFN. Bên cạnh đó, việc Pháp lệnh MFN, NT không có quy định rõ trường hợp nào Việt Nam áp dụng toàn bộ hay một phần nguyên tắc đối xử quốc gia (Điều 6), cũng như không quy định rõ những tiêu trí và trong những điều kiện nào Chính phủ quyết định các trường hợp ngoại lệ không áp MFN (khoản 5, Điều 10) có thể không phù hợp với quy định của WTO. Nếu Việt Nam không đàm phán để được duy trì các ngoại lệ này khi gia nhập WTO thì Việt Nam cần xem xét sửa đổi loại bỏ những quy định này.

d) Về minh bạch (Điều IV).

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định khá chi tiết về việc công bố các văn bản quy phạm pháp luật. Điều 10 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo hoặc yết thị, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước nhưng không quy định rõ phải đăng trước khi có hiệu lực. Pháp luật hiện hành không có quy định trực tiếp về việc buộc phải đăng, công bố các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Tuy nhiên, Điều 2 của Nghị định 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 về Công báo có nêu "Công báo..., có chức năng công bố các văn bản pháp luật..., các Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Đối chiếu giữa pháp luật Việt Nam hiện hành với các yêu cầu về minh bạch tại khoản 1, 2 Điều 3 của GATS có thể thấy pháp luật Việt Nam mới đáp ứng được một phần yêu cầu này đó là việc các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Đối với các văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH lại có hiệu lực từ ngày công bố, trừ trường hợp Việt Nam đó quy định ngày có hiệu lực khác có thể dẫn đến sự không phù hợp với yêu cầu về minh bạch vì không đảm bảo chắc chắn rằng văn bản đó sẽ có hiệu lực trước hay sau khi đăng công báo hay không.

Hơn nữa, theo yêu cầu của GATS, mọi biện pháp liên quan có tính chất áp dụng gắn với hoặc tác động đến việc thi hành Hiệp định này cũng đều phải được công bố trước khi có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay một số văn bản có chứa đựng nội dung quy phạm pháp luật có hiệu lực áp dụng chung như công văn, thông báo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc của các Bộ, ngành lại không buộc phải đăng Công báo vì không được xác định là văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 1 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này có thể dẫn đến sự không phù hợp với yêu cầu về minh bạch của GATS.

Việc pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể yêu cầu bắt buộc phải đăng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có thể không phù hợp với yêu cầu của GATS.

e) Cơ chế xử lý các khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính tác động đến thương mại dịch vụ

Pháp luật Việt Nam hiện hành có quy định rất cụ thể về thủ tục, trình tự giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính. Theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo, công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Luật sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại tố cáo còn quy định rõ thời hạn giải quyết các khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, thì cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó hay khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền.

Quy định hiện hành của Việt Nam liên quan đến việc giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính là phù hợp với yêu cầu của GATS.

f) Thủ tục cấp phép

Thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài trực tiếp bao gồm các việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực trong đó bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ được quy định trong Luật đầu tư nước ngoài. Nghị định 24/2000/NĐ-Chính phủ; Nghị định 27/2003/NĐ-Chính phủ, Thông tư Hướng dẫn các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đối với các lĩnh vực cung cấp dịch vụ cụ thể, việc cấp phép hoạt động được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đều quy định rõ quy trình thủ tục cấp phép, thời hạn nhất định cơ quan có thẩm quyền phải thông báo về việc cấp phép. Các quy định về thủ tục, trình tự cấp phép thường được điều chỉnh bởi các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định, thông tư. Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực, kể cả một số lĩnh vực dịch vụ đã được đưa ra cam kết trong VBTA chưa được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép. Điều này là không phù hợp với yêu cầu của WTO. Tuy nhiên, vấn đề này không đặt ra yêu cầu sửa đổi văn bản ở cấp cao như luật, pháp lệnh mà chỉ cần điều chỉnh văn bản ở cấp Nghị định và thông tư.

g) Các biện pháp liên quan tới yêu cầu chuyên môn, thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các quy định về thủ tục, trình tự kiểm tra năng lực chuyên môn của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được quy định bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Một số lĩnh vực đã có quy định cụ thể về thủ lục kiểm tra năng lực chuyên môn của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, ví dụ như Nghị định 87/2003/NĐ-CP về Hành nghề của Tổ chức luật sư nước ngoài và Luật sư nước ngoài tại Việt Nam, Thông tư 06/2003/TT-BTP ngày 29/9/2003 có quy định rất rõ thủ tục để luật sư nước ngoài có thể xin giấy phép hành nghề tại Việt Nam, thủ tục kiểm tra năng lực của luật sư nước ngoài muốn hành nghề tư vấn pháp luật Việt Nam tại Việt Nam. Theo đó luật sư nước ngoài phải có bằng luật Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu như đối với các luật sư Việt Nam. Trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán, Thông tư 64/2004/TT-BTC ngày 29/6/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Kiểm toán độc lập và Quyết định số 59/2004/QĐ-BTC ngày 9/7/2004 Ban hành Quy chế kiểm tra và Cấp giấy chứng nhận đối với Giấy chứng nhận hành nghề kế toán, kiểm toán có quy định rõ các điều kiện đối với kiểm toán, kế toán.

Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực dịch vụ lại không có quy định cụ thể về các tiêu chí, thủ tục kiểm tra trình độ chuyên môn đối với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài tại Việt Nam ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

h) Độc quyền và nhà cung cấp dịch vụ độc quyền

Điều 6 Luật thương mại có quy định về nguyên tắc Nhà nước duy trì độc quyền kinh doanh thương mại trong một số lĩnh vực, tại một số địa bàn, đối với một số mặt hàng, dịch vụ theo danh mục do Chính phủ công bố. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào quy định về danh mục dịch vụ độc quyền này.

Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì độc quyền kinh doanh một số dịch vụ cụ thể cho các doanh nghiệp Nhà nước ví dụ trong lĩnh vực bưu chính viền thông. Việt Nam đã ban hành Luật cạnh tranh trong đó có các quy định cụ thể về các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm (Điều 14) và các biện pháp kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền (Điều 15) nhằm đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền không lạm dụng vị trí của mình để tiến hành các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.

Đối chiếu giữa pháp luật Việt Nam hiện hành với các yêu cầu của WTO về độc quyền và các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền có thể thấy pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm ngăn chặn những hành vi lạm đụng vị trí độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ độc quyền.

i) Quy định liên quan đến các khoản thanh toán và chuyển tiền ra nước ngoài

Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến thanh toán và chuyển tiền ra nước ngoài được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư trực liếp nước ngoài, Nghị định số 63/1998/NĐ-Chính phủ và các văn bản hường dẫn thi hành Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài. Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Điều 33 và Điều 43) cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép mua, bán ngoại tệ để đáp ứng các giao dịch vãng lai và được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Việc chuyển lợi nhuận này không phải chịu thuế chuyển lợi nhuận theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003. Bên cạnh đó, Nghị định số 63/1998/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài đều cho phép thanh toán hoặc chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích thanh toán cho các hoạt động của doanh nghiệp.

k ) Hạn chế cụ thể về tiếp cận thị trường

Các phần rà soát, nghiên cứu tập trung các cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường ở các ngành, phân ngành dịch vụ đã được cam kết tại VBTA, trên cơ sở đó đưa ra một số nhận xét bước đầu .

Trong VBTA, cam kết của Việt Nam tại Phương thức 1 (Cung cấp qua biên giới) và Phương thức 2 (Sử dụng ở nước ngoài) trong Hiệp định rất cao. Hầu hết các cam kết tại Mode 1 và 2 của các ngành, phân ngành dịch vụ là không hạn chế trừ một số ít lĩnh vực là chưa cam kết như trong các ngành: dịch vụ thông tin, liên lạc, các dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan, các dịch vụ giáo dục, các dịch vụ tài chính.

Pháp luật của Việt Nam quy định về hai phương thức dịch vụ này rất ít hoặc nếu có thì rất đơn giản, sơ sài. Trong khi đó tại VBTA, các cam kết cụ thể tại hai Mode này lại là không hạn chế. Và trong thực tế rất khó thống kê được chi tiết pháp luật của Việt Nam có hạn chế trực tiếp hay gián tiếp hay không vì số lượng văn bản liên quan đến thương mại dịch vụ rất nhiều ở những cấp khác nhau và các quy định pháp luật cũng không cụ thể.

Đối với Mode 3, cam kết của Việt Nam tại VBTA về tiếp cận thị trường ở hầu hết các lĩnh vực dịch vụ đều có hạn chế ở mức độ khác nhau. Đối chiếu với các cụ thể về tiếp cận thị trường trong VBTA thì có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh về cơ bản là phù hợp với các cam kết.

So với sáu biện pháp hạn chế về tiếp cận thị trường trong WTO thì trong hầu hết các lĩnh vực dịch vụ vẫn có rất nhiều hạn chế. Các hạn chế này có thể tiếp tục được duy ta nữa hay không tuỳ thuộc vào kết quả đàm phán cuối cùng khi Việt Nam gia nhập WTO.

l) Các hạn chế liên quan đến đối xử quốc gia :

Các cam kết cụ thể của Việt Nam trong VBTA về đối xử quốc gia hầu hết là không hạn chế ở cả ba Mode 1, 2 và 3. Như vậy có thể dự đoán trước rằng các cam kết của Việt Nam trong WTO cũng ít nhất phải ngang bằng như vậy. Tuy nhiên hiện nay, trong rất nhiều lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam vẫn duy trì sự phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và nhà cung cấp dịch vụ trong nước như về trình tự thủ tục cấp phép, thời hạn cấp phép, yêu cầu về kinh nghiệm, thời gian hoạt động...

So sánh với các yêu cầu của WTO về đối xử quốc gia có thể thấy rằng các quy định hiện hành của Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ về đối xử quốc gia còn nhiều điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết những vấn đề này được quy định ở những văn bản cấp Nghị định, thông tư vì vậy việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp có thể sẽ linh hoạt.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRƯỚC YÊU CẦU HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1.              Quan điểm chỉ đạo trong việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài .

 Phải thấy việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài nói riêng là công việc bình thường của mọi quốc gia trong điều kiện bình thường của quan hệ quốc tế.Trong điều kiện thay đổi nhanh chóng của quan hệ xã hội, thì việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật là yêu cầu không thể thiếu được nhằm đưa đất nước không ngừng đi lên tiến kịp và vượt các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hơn thế nữa, yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đạt hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài của Việt Nam.

Việc đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế phải tuân theo các quan điểm chỉ đạo sau đây:

Thứ nhất, phải quán triệt chủ trương được xác định trong văn kiện Đại hội IX của Đảng là: "Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc bảo vệ môi trường".

Thứ hai, phải nhận thức đầy đủ hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, trong đó kinh tế Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo.

Thứ ba, phải nhận thức đầy đủ đặc điểm của nền kinh tế nước ta, từ đó có kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà ta tham gia, tranh thủ các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường.

Thứ tư, phải quán triệt tinh thần hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa không ít thách thức, do đó cần linh hoạt trong xử lý vấn đề

2. Khuyến nghị về các giải pháp đổi mới và hoàn thiện pháp luật về thương mại dịch vụ

Căn cứ vào các quan điểm chỉ đạo trong việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài như đã nêu trên, báo cáo này đưa ra khuyến nghị về các giải pháp đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này như sau:

Thứ nhất, cần có một cơ quan của Chính phủ đứng ra phối hợp với các bộ ngành xây dựng hệ thống danh mục, tiêu chí phân loại dịch vụ hưởng theo quy chuẩn phân loại của Tổ chức thương mại thế giới (PCPC - Provisional Central product Classification) do Liên hợp quốc công bố năm 1991( Xin xem tài liệu của Liên hợp quốc. United Nations. New York, 1991). Có lẽ cơ quan này là Bộ kế hoạch và đầu tư bởi vì Bộ kế hoạch và đầu tư là bộ chủ trì phần đàm phán thương mại dịch vụ với Hoa Kỳ, là bộ có liên quan nhiều đến dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, Bộ tư pháp, Bộ thương mại và các bộ ngành khác cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ. Nếu ta không xây dựng được quy chuẩn xếp loại dịch vụ thì phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này có thể sẽ chồng chéo, giẫm chân lên nhau hoặc để ngỏ một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể đó không cơ quan nào xác định được đó là lĩnh vực dịch vụ do cơ quan mình chịu trách nhiệm. Việc này không chỉ liên quan đến thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ mà còn liên quan cả đến việc đàm phán, gia nhập WTO, hợp tác với Ngân hàng thế giới (WB), với ASEAN và một số thiết chế quốc tế khác. Hệ thống danh mục này cùng với sự phân công rõ ràng sẽ giúp các cơ quan khi tham gia đàm phán dịch vụ thương mại, tránh được tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt".

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật thương mại theo hướng mở rộng khái niệm thương mại và phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại để báo quát các vấn đề chung thuộc thương mại dịch vụ ví dụ như các khái niệm về các phương thức cung cấp dịch vụ theo quy định của GATS. Ngoài các quy phạm thực chất trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài. Luật thương mại cũng cần có các quy phạm xung đột điều chỉnh quan hệ thương mại dịch vụ có yếu tố nước ngoài theo yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, có tính đến đặc thù của nền kinh tế nước ta.

Thứ ba, cần bổ sung các quy định liên quan đến đối xử NFM, NT trong các văn chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực dịch vụ cụ thể để thực hiện các nguyên tắc đã được xác định trong Pháp lệnh về đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia trong thương mại quốc tế trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Thứ tư,qua nghiên cứu, rà soát cho thấy hầu hết các cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia thường được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật, pháp lệnh như: Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và Quyết định của các Bộ, ngành... Việc sửa đổi các văn bản này về nguyên tắc chỉ có thể thực hiện được sau khi có kết quả đàm phán cuối cùng về thương mại dịch vụ. Tuy vậy, các Bộ, ngành phụ trách từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể có thể chủ động các phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật dựa trên Lộ trình mở cửa ngành dịch vụ của mình và trên cơ sở tham khảo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp.

Đối với Việt Nam, thương mại dịch vụ là một vấn đề còn mới mẻ, hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện. So với các lĩnh vực khác về thương mại hàng hoá hay sở hữu trí tuệ, kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của Việt Nam về thương mại dịch vụ trong WTO còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, do tính chất của các quy định trong WTO về thương mại dịch vụ, các nghĩa vụ của một nước về thương mại dịch vụ trong WTO chỉ có thể được xác định đầy đủ sau khi đã ký Nghị định thư gia nhập. Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh pháp luật hiện hành của Việt Nam với các quy định của WTO ở dây mới chỉ là bước đầu. Việc này sẽ chỉ có thể được thực hiện toàn diện và đầy đủ sau khi đã có được những cam kết cuối cùng của Việt Nam về thương mại dịch vụ khi gia nhập WTO ./.

 

 

 

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CAM KẾT VỀ DỊCH VỤ CỦA

TRUNG QUỐC, CAMBODIA VÀ BẢN CHÀO MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG

DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM

 

Trần Hào Hùng

Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật Đoàn đàm phán CP

 

Báo cáo này đánh giá cam kết về dịch vụ của Trung Quốc và Camphuchia, so sánh với Bản chào mới nhất về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam. Ngoài ra, Phụ lục của Báo cáo còn phân tích cụ thể hơn cam kết của Việt Nam tại Bản chào nói trên và BTA với các cam kết tương ứng của Trung Quốc.

Những so sánh trong Báo cáo này chỉ có tính tương đối và có thể phiến diện vì Việt Nam, Trung Quốc, Cambodia có các điều kiện về mở cửa thị trường dịch vụ không đồng nhất. Mát khác, việc so sánh phạm vi, mức độ cam kết còn phụ thuộc rất nhiều vào sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế cũng như của các ngành và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ở từng nước mà trong khuôn khổ Báo cáo này chưa thể đề cập.

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1 Về số lượng lĩnh vực cam kết:

Đến nay, Việt Nam đã đưa vào Bản chào cam kết 10/11[54] lĩnh vực dịch vụ theo phân loại CPC của Hiệp định GATS gồm: (i) dịch vụ kinh doanh, (ii) dịch vụ thông tin, (iii) dịch vụ xây dựng và các dịch vụ đồng bộ có liên quan; (iv) dịch vụ phân phối ; (v) dịch vụ giáo dục; (vi) dịch vụ tài chính; (vii) dịch vụ y tế, xã hội; (viii) dịch vụ du lịch và các dịch vụ có liên quan;( ix) dịch vụ văn hoá, giải trí; (x) dịch vụ vận tải. So với số lượng lĩnh vực cam kết trong khuôn khổ BTA, Bản chào lần 3 nhiều hơn 2 lĩnh vực (gồm dịch vụ vận tải và dịch vụ văn hoá, giải trí). Số lượng phân ngành được cam kết trong từng lĩnh vực cũng rộng hơn so với BTA, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh, dịch vụ liên lạc...

Như vậy, xét về diện cam kết, Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc 2 lĩnh vực (dịch vụ y tế, xã hội và dịch vụ văn hoá, giải trí), nhưng ít hơn Cambodia 1 lĩnh vực (dịch vụ môi trường).

2.Về mức độ cam kết:

Trong 3 nước được so sánh nói trên, Cambodia có mức độ cam kết về tổng thể cao nhất, song lại đạt được thoả thuận mở cửa thị trường chậm nhất trong một số phân ngành dịch vụ quan trọng như: dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ đại lý, dịch vụ mượn danh, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ vận  tải hàng hoá và hành khách bằng đường biểu, dịch vụ vận tải đường ống (kéo dài tới 31/12/2008).

Qua hai đợt đàm phán với mục đích thăm đò, Bản chào về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam đã từng bước được điều chỉnh theo hướng xích lại gần hơn với mức cam kết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ (BTA), đồng thời có tính đến yêu cầu cụ thể của một số đối tác đàm phán.

Điểm chung về mức độ cam kết của các nước nói trên là không cam kết đối với phương thức 4 (cung cấp dịch vụ của thể nhân), trừ các cam kết chung. Mặt khác, tương tự như hầu hết các thành viên WTO, các nước nói trên đều tự do hoá hoàn toàn hoặc áp dụng rất ít hạn chế đối với phương thức 1 (cung cấp qua biên giới) và phương thức 2 (tiêu dừng ở nước ngoài). Như vậy, những hạn chế về tiếp cận thị trường được áp dụng nhiều nhất đối với phương thức 3 (hiện diện thương mại). Hạn chế về đối xử quốc gia cũng chỉ được áp dụng trong một số ít phân ngành.

Trung Quốc là nước vận dụng linh hoạt và phong phú nhất 6 hạn chế về tiếp cận thị trường được phép đàm phán áp dụng theo quy định của GATS, bao gồm các hạn chế về hình thức cung cấp dịch vụ, về tỷ lệ vốn góp nước ngoài, về tỷ lệ vốn đầu tư tối thiểu, về số lượng nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, về địa bàn cung cấp dịch vụ, về điều kiện hành nghề dịch vụ của nhân viên nước ngoài làm việc trong các hiện diện thương mại... Trong khi đó, Việt Nam và Cambodia chỉ áp dụng phổ biến các hạn chế về hình thức cung cấp dịch vụ, sở hữu vốn nước ngoài, điều kiện hành nghề.

II. PHÂN TÍCH CAM KẾT:

1. Các cam kết chung (Horizontal Commitments):

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về chế độ đầu tư nước ngoài. Hai nước đều thừa nhận nguyên tắc grandfathering, chưa cam kết đối với việc thành lập chi nhánh và các khoản trợ cấp dành cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời áp dụng những hạn chế về sở hữu, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, những hạn chế về thời hạn thuê đất của Trung Quốc được quy định minh bạch và cụ thể hơn Việt Nam. Theo đó, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng đất, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể thuê đất tại Trung Quốc với các thời hạn: 40-50-70 năm.

Tương tự như Việt Nam, Trung Quốc không cho phép văn phòng đại diện nước ngoài kinh doanh thu lợi nhuận, nhưng không áp dụng hạn chế này đối với dịch vụ pháp lý, kế toán, kiểm toán, tư vấn quản lý. Ngoài ra, Trung Quốc cần áp dụng hạn chế về vốn tối thiểu (25%) của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh. Trên thực tế, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng có quy định tương tự (không thấp hơn 30%), nhưng hạn chế này không được đưa vào phần cam kết chung. Trong khuôn khổ BTA, Việt Nam cam kết loại bỏ hạn chế nói trên vào 10/12/2004.

Ngoài những hạn chế tương tự như Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến trợ cấp và có độ sử dụng đất đai (chỉ cho thuê đất), Cambodia còn áp dụng điều kiện ràng buộc về ưu đãi đầu tư. Theo đó, để được hưởng ưu đãi quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phải đào tạo nhân viên Cambodia và bổ nhiệm các nhân viên này vào các chức vụ cao cấp. Cambodia cũng không áp dụng hạn chế nào về đối xử quốc gia đối với các phương thức 1,2,3, trừ các vấn đề liên quan đến thuế.

Nhìn chung, cả ba nước đều áp dụng những hạn chế khá chặt chẽ về nhập cảnh và lưu trú tạm thời của thể nhăn cung cấp dịch vụ nước ngoài. Những hạn chế này được thể hiện chủ yếu dưới hình thức: (i) cho phép các nhà quản lý, giám đốc điều hành lưu chuyển tạm thời trong nội bộ công ty nhập cảnh, lưu trú tạm thời với thời hạn không quá 3 năm; (ii) cho phép các nhà quản lý, giám đốc điều hành làm việc trong các hiện diện thương mại được nhập cảnh, lưu trú tạm thời với thời hạn không quá 3 năm hoặc phù hợp với hợp đồng đầu tư, tuỳ thuộc thời hạn nào ngắn hơn; (iii) cho phép nhà chào bán dịch vụ nước ngoài nhập cảnh, lưu trú tạm thời đề đàm phán việc bán dịch vụ với thời hạn không quá 90 ngày.

2.Các cam kết cụ thể (Specicific Commitments):

Như đã trình bày ở trên, trừ một số phân ngành chưa cam kết và một số ngành đạt được thoả thuận về thời hạn bảo hộ dài hơn nhiều Trung Quốc và Việt Nam[55], Cambodia đã gần như mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Do vậy, những nội dung dưới đây chỉ tập trung vào việc so sánh hiện trạng cam kết của Trung Quốc và cam kết trong Bản chào dịch vụ lần 3 của Việt Nam.

2.1. Các ngành/phân ngành Việt Nam có cam kết cao hơn Trung quốc:

2.1.1. Dịch vụ pháp lý: Ngoài một số điều chỉnh về kỹ thuật, cam két về dịch vụ pháp lý có mức độ và phạm vi tương tự BTA. Theo đó, Việt Nam không áp dụng hạn chế nào đối với phân ngành này, trừ hạn chế về thời hạn hoạt động của chi nhánh (5 năm) và phạm vi hoạt động của luật nước ngoài (không được tư vấn luật Việt Nam và tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc đại diện cho khách hàng trước toà án Việt Nam). Trong khi đó, Trung Quốc áp dụng những hạn chế hết sức chặt chẽ đối với dịch vụ pháp lý. Cụ thể, các tổ chức luật sư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức văn phòng đại diện tại 19 thành phố lớn và trong một năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, chỉ dược phép thành lập 1 văn phòng; đại điện của các văn phòng này phải làm việc ở Trung Quốc ít nhất 6 tháng/năm, không được phép thuê luật sư Trung Quốc đăng ký hành nghề ở nước ngoài.

2.1.2. Dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D): Trung Quốc chưa cam kết dịch vụ R&D. Trong khi đó, trừ việc chưa cam kết đối với hiện diện của thề nhân,Việt Nam không có hạn chế nào về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia trong phân ngành này. Ngoài một số điều chỉnh về kỹ thuật, cam kết vệ này có mức độ và phạm vi tương tự BTA.

2.1.3. Dịch vụ nghe, nhìn: Đối với dịch vụ này, trừ việc không cho phép sản xuất và phân phối bằng hình video, cam kết của Việt Nam cao hơn Trung Quốc cả về hình thức cung cấp dịch vụ, sở hữu vốn nước ngoài và phạm vi kinh doanh. Cụ thể, Trung Quốc chỉ cho phép hiện diện thương mại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh nhằm mục đích phân phối các sản phẩm nghe, nhìn, trừ phim nhựa và phải chịu sự kiểm duyệt về nội dung của cơ quan có thẩm quyền. Dịch vụ chiếu phim chịu ít hạn chế hơn (tại thời điểm gia nhập, cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp nước ngoài không quá 49%).

Trong khi đó, Việt Nam không áp dụng bất kỳ hạn chế nào đối với dịch vụ ghi âm, đồng thời cho phép cung cấp dịch vụ sản xuất, phân phối các sản phẩm nghe, nhìn theo cả hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (đối với dịch vụ sản xuất phim) và doanh nghiệp liên doanh (đối với dịch vụ phân phối và chiếu phim). Hạn chế về sở hữu vốn nước ngoài trong liên doanh (49%) sẽ được nâng lên 51% trong vòng từ 5-7 năm tương ứng đối với dịch vụ phân phối và chiếu phiếu phim.

2.1.4. Dịch vụ xây dựng và các dịch vu kỹ thuật đồng bộ có liên quan: Việt Nam không áp dụng hạn chế nào về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với hiện diện thương mại trong ngành dịch vụ này, trừ hạn chế doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, trong vòng 3 năm đầu kể từ khi thành lập, chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho dự án ĐTNN và dự án có vốn tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ hạn chế hình thức cung cấp dịch vụ mà còn áp đặt cả một số điều kiện kinh doanh chặt chẽ đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Cụ thể, tại thời điểm gia nhập WTO, Trung Quốc cho phép thành lập doanh nghiệp liên doanh với đa số vốn góp nước ngoài. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép thành lập trong vòng 3 năm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho 4 đối tượng sau: (i) doanh nghiệp 100% vốn ĐTNN hoặc dự án tài trợ 100% của nước ngoài; (ii) dự án xây dựng từ nguồn vốn vay của các định chế tài chính quốc tế và được thực hiện thông qua thủ tục đấu thầu quốc tế; (iii) dự án liên doanh xây dựng có vốn ĐTNN chiếm từ 50% trở lên và dự án liên doanh xây dựng có vốn ĐTNN dưới 50% nhưng Bên liên doanh Trung Quốc không thể tự thực hiện do khó khăn về kỹ thuật; (iv) dự án xây dựng của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thực hiện có thể liên doanh với doanh nghiệp xây dựng nước ngoài nhưng phải được chính quyền cấp tỉnh quyết định. Ngoài ra, Trung Quốc còn áp đặt một số hạn chế về đối xử quốc gia rất mơ hồ đối với doanh nghiệp liên doanh trong lĩnh vực này. Theo đó, trong vòng 3 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, yêu cầu về vốn đăng ký của doanh nghiệp liên doanh đang hoạt động trong lĩnh vực này được quy định khác "không đáng kể" (slightly) so với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp liên doanh có tránh  nhiệm thực hiện dự án xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài .

2.1.5. Dịch vụ bán lẻ: Việt Nam chỉ áp dụng hạn chế về hình thức cung cấp dịch vụ và sở hữu vốn nước ngoài (sau 3 năm cho phép liên doanh với tỷ lệ sở hữu nước ngoài không quá 50% và 5 năm sau, xoá bỏ hạn chế về sở hữu vốn). Trong khi đó, Trung Quốc áp dụng một loạt hạn chế về hình thức cung cấp dịch vụ, địa bàn, mặt hàng kinh doanh và số lượng nhà cung cấp dịch vụ. Những hạn chế này chỉ được xoá bỏ trong vòng từ 1-5 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.

2.1.6. Dịch vụ giáo dục: Mặc dù phạm vi cam kết của Trung Quốc rộng hơn Việt Nam (bao gồm cả giáo dục cơ sở, trung học), song Việt Nam lại có cam kết cao hơn về hình thức cung cấp dịch vụ. Cụ thể, trong khi Việt Nam cho phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO thì Trung Quốc chỉ cho phép thành lập liên doanh và không cam kết đối với cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, cam kết của Việt Nam vẫn thấp hơn mức độ cho phép của pháp luật hiện hành cũng thực tiễn hoạt động ĐTNN trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

1.1.7.  Dịch vụ khách sạn và nhà hàng: Ngay tại thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam không hạn chế hình thức cung cấp dịch vụ của hiện diện thương mại trong lĩnh vực này, trừ việc áp dụng yêu cầu cung cấp dịch vụ phải đi kèm với việc xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Trong khi đó, sau 4 năm kể từ gia nhập, Trung Quốc mới cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực này.

1.1.8.  Dịch vụ y tế xã hội: Trung Quốc chưa cam kết dịch vụ này, trong khi Việt Nam cho phép kinh doanh dịch vụ bệnh viện dưới cả 3 hình thức quy định lại Luật Đầu tư nước ngoài ( hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp l00% vốn nước ngoài), đồng thời chỉ áp dụng quy định về vốn đầu tư tối thiểu (bệnh viện: 20 triệu USD; phòng khám đa khoa: 2 triệu USD; cơ sở điều trị chuyên khoa: 1 triệu USD).

1.1.9.  Dịch vụ văn hoá, giải trí: Đây là ngành dịch vụ chưa được Trung Quốc cam kết và trong khuôn khổ BTA, Việt Nam cũng chưa cam kết dịch vụ này. Trong Bản chào đợt 3, Việt Nam đưa vào cam kết 2 phân ngành gồm dịch vụ giải trí (nhà hát, nhạc sống, xiếc) và kinh doanh trò chơi có thưởng. Theo đó, đối với dịch vụ giải trí, sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp của Bên nước ngoài tối đa không quá 49%. Đối với dịch vụ kinh doanh trò chơi có thưởng, ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép hiện diện thương mại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với mức vốn góp tối đa không quá 49% với tổ chức Việt Nam có chức năng kinh doanh dịch vụ này.

1.1.10.                   Dịch vụ bán và tiếp thị các sản phẩm hàng không: Trung Quốc chưa cam kết dịch vụ này. Việt Nam cho phép các hãng hàng không của nước đã ký kết hiệp định hàng không cung cấp các dịch vụ này thông qua văn phòng bán về hoặc đại lý tại Việt Nam.

2.2. Các ngành/phân ngành dịch vụ Việt Nam chưa cam kết hoặc cam kết thấp hơn Trung quốc

2.2.1. Các ngành dịch vụ kinh doanh: So với BTA, Bản chào đợt 3 đã bổ sung cam kết đối với 7 phân ngành dịch vụ kinh doanh, gồm: (i) dịch vu quy hoạch đô thị; (ii) dịch vụ thú y; (iii) dịch vụ liên quan đến nông nghiệp; (iv) dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ; (v) dịch vụ liên quan đến sản xuất: (vi) dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị. Nhìn chung, cam kết đối với các phân ngành dịch vụ kinh doanh trong Bản chào đợt 3 của Việt Nam có phạm vi và mức độ tương tự BTA. Tuy nhiên, trừ phân ngành dịch vụ pháp lý, dịch vụ nghiên cứu thị trường, dịch vụ máy tính, cam kết về dịch vụ kinh doanh trong Bản Chào lần này về cơ bản đều thấp hơn Trung Quốc, đặc biệt là cam kết đối với các phân ngành mới được bổ sung nói trên.

2.2.2. Dịch vụ môi trường: Đây là ngành dịch vụ cuối cùng Việt Nam chưa đạt vào Bản chào đợt 3, Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường này với hạn chế chỉ được đầu tư theo hình thức liên doanh và không cam kết cụ thể tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

2.2.3. Dịch vụ chuyển phát: Việt Nam chưa cam kết mở cửa phân ngành dịch vụ này. Trong khi đó, ngay tại thời điểm gia nhập, Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp của Bên nước ngoài không quá 49% và 1 năm sau đó cho phép thành lập liên doanh với đa số vốn sở hữu nước ngoài. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép thành lập sau 4 năm kể từ khi trung Quốc gia nhập WTO.

2.2.4. Dịch vụ viễn thông: Đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, ngay tại thời điểm gia nhập, Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải với số lượng không hạn chế và phần vốn góp nước ngoài không quá 30%. Một năm sau đó, Trung Quốc tiếp tục mở rộng địa bàn cung cấp các dịch vụ này đến 14 thành phố khác và cho phép thành lập liên doanh với sở hữu vốn nước ngoài tối đa đến 49%. Trong vòng 2 năm kể từ khi gia nhập, những hạn chế về địa lý sẽ được xoá bỏ và sở hữu vốn nước ngoài được nâng đến mức không quá 50%. Một số dịch vụ viễn thông cơ bản (nhắn tin, thông tin vô tuyến, truyền số liệu điện tín, điện báo, fax . . ) cũng được cam kết mở cửa với phương thức tương tự, nhưng chặt chẽ hơn về lộ trình và/hoặc sở hữu nước ngoài (kéo dài đến 5-6 năm và sở hữu nước ngoài được phép từ 25% - 49%). Như vậy, trong vòng 6 năm, Trung Quốc sẽ xoá bỏ mọi hạn chế về địa lý đối với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài.

Một điểm chung trong cam kết của Trung Quốc và Việt Nam về dịch vụ viễn thông là không cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, xét cả về mức độ và lộ trình thì cam kết của Việt Nam tại Bản chào đợt 3 thấp hơn so với Trung Quốc, thậm chí thấp hơn nhiều so với BTA. Theo đó, tuy không áp dụng hạn chế về địa lý, song Việt Nam đưa ra nhiều hạn chế hơn Trung Quốc cả về hình thức cung cấp dịch vụ, sở hữu vốn nước ngoài, yêu cầu về đối tác, điều kiện kinh doanh. Cụ thể, trong vòng từ 5- 6 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam mới cho phép thành lập liên doanh cung cấp các dịch vụ viễn thông cơ bản với hạn chế vốn sở hữu nước ngoài tối đa đến 49%. Việc thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng chịu ít hạn chế hơn và lộ trình và sở hữu vốn nước ngoài (4 năm, 50%). Đặc biệt, ngoài việc áp dụng điều kiện liên doanh, hợp doanh tương tự như BTA (đối tác Việt Nam phải là công ty được phép cung cấp dịch vụ viễn thông). Bản chào đợt 3 còn đưa ra điều kiện thành lập liên doanh cung cấp một số dịch vụ viễn thông cơ bản “căn cứ vào nhu cầu của thị trường Việt Nam ". Như vậy, bằng quy định này, Việt Nam có thể đặt áp đặt hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản.

2.2.5. Dịch vụ phân phối: Theo Bản chào đợt 3, Việt Nam không chỉ cam kết thấp hơn Trung Quốc về phạm vi mà còn áp dụng nhiều hạn chế hơn về hình thức cung cấp dịch vụ, sở hữu vốn nước ngoài, điều kiện kinh doanh. Đây cũng là một trong những ngành dịch vụ có lộ trình mở cửa chậm nhất (từng bước từ 3-5-6-9 năm). Cụ thể, về phạm vi, Việt Nam không cam kết 11 nhóm sản phẩm gồm: dầu và dẫn xuất dầu, khí, phân bón, thuốc trừ sâu, đồ uống có cồn và rượu, thuốc lá điếu và cigar, thuốc chữa bệnh, kim loại và đá quý, chất nổ, gạo và bột mì. Trong khi đó, trừ muối và thuốc lá, Trung Quốc đã dành thương quyền và cho phép công ty nước ngoài phân phối các sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước, kể cả những mặt hàng nhạy cảm như: dầu thô, sách báo, tạp chí, dược phẩm, thuốc trừ sâu và phim ảnh. Mặt khác, Trung Quốc đã cam kết toàn diện về dịch vụ phân phối, trong khi Việt Nam chưa cam kết dịch vụ bán buôn và bán lẻ ngoài địa điểm cố định.

Về hình thức và điều kiện cung cấp dịch vụ, trong vòng 3 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam chỉ cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp nước ngoài không quá 49% để cung cấp dịch vụ đai lý cho Pháp nhân nước ngoài . 3 năm sau đó, hạn chế về sở hữu nước ngoài mới được xoá bỏ. Việc cung cấp dịch vụ đại lý, bán buôn và mượn danh chỉ được thực hiện trong 3 năm đầu dưới hình thức liên doanh với phần vốn góp của Bên nước ngoài không quá 49%. Trong vòng 6 năm, Việt Nam chấp nhận liên doanh với tỷ lệ vốn đa số nước ngoài và trong vòng 9 năm, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để cung cấp các dịch vụ nói trên. Như vậy, mức độ cam kết của Việt Nam về dịch vụ bán buôn, đại lý và mượn danh thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (1 năm cho phép thành lập liên doanh, 2 năm cho phép đa số sở hữu nước ngoài, 5 năm xoá bỏ hoàn toàn hạn chế về mặt hàng kinh doanh, trừ muối và thuốc lá).

2.2.6. Dịch vụ bảo hiểm: Trừ một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, cam kết trong Bản chào đợt 3 có mức độ và phạm vi tương tự BTA. Theo đó, Việt Nam cho phép hiện diện thương mại dưới hình thức liên doanh (với phần vốn góp nước ngoài không quá 50%) hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, việc cấp phép cho các doanh nghiệp này lại “tuỳ thuộc vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam”. Với cam kết này, Việt Nam có thể áp dụng hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp nói trên kinh doanh dịch vụ bảo hiểm bắt buộc, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này phải tái bảo hiểm tỷ lệ bắt buộc 20% tránh nhiệm của các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết cho Công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

Mặc dù áp dụng một loạt hạn chế về tiếp cận thị trường đối với hiện diện thương mại (hình thức cung cấp dịch vụ, địa lý, phạm vi kinh doanh), song về cơ bản Trung Quốc có cam kết thông thoáng và minh bạch hơn Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc không áp dụng chế độ cấp phép tuỳ thuộc vào sự phát triển của thị trường. Lộ trình tự do hoá đối với từng loại hình bảo hiểm cũng được quy định cụ thể. Ví dụ, đối với bảo hiểm phi nhân thọ, ngay sau khi gia nhập WTO Trung Quốc đã cho phép thành lập chi nhánh hoặc doanh nghiệp liên doanh với phần vốn góp nước ngoài đến 51% và chỉ 2 năm sau đó đã cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đối với bảo hiểm nhân thọ thì hạn chế về sở hữu nước ngoài là 50% và không được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc không áp đặt các hạn chế về tái bảo hiểm bắt buộc.

2.2.7. Dịch vụ ngân hàng: Theo Bản chào đợt 3, đây cũng là một trong các lĩnh vực có lộ trình mở cửa chậm nhất (từng bước từ 4-5-9-10 năm). Những hạn chế về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực này gồm: hình thức cung cấp dịch vụ, sở hữu vốn nước ngoài, vốn pháp định tối thiểu, đối tượng khách hàng được phép giao dịch, phạm vi kinh doanh. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ áp dụng hạn chế về địa bàn, đối tượng khách hàng và điều kiện cấp phép.

Trung Quốc hầu như không han chế địa bàn và đối tương khách hàng được phép giao dịch ngoại tệ, song áp dụng những hạn chế này đối với việc kinh doanh nội tệ. Theo đó, trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập, tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ được phép kinh doanh nội tệ tại một số thành phố nhất định. Trong vòng 2 năm kể từ khi gia nhập, Trung Quốc cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài giao dịch nội tệ trước hết với các doanh nghiệp Trung Quốc và 3 năm sau đó, cho phép giao dịch nội tệ với tất cả các khách hàng Trung Quốc. Việt Nam không áp dụng hạn chế địa bàn kinh doanh tiền tệ, song lại áp dụng hạn chế kinh doanh cả nội tệ và ngoại tệ, đặc biệt đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được nhận tiền gửi ngoại tệ từ các pháp nhân Việt Nam không có quan hệ tín dụng và các cá nhân Việt Nam. Việc nhận tiền gửi nội tệ từ khách hàng không có quan hệ tín dụng bị hạn chế theo mức vốn pháp định do ngân hàng mẹ cấp (bằng 50% vốn pháp định vào năm thứ nhất đến 1000% vào năm thứ 9: đối xứ quốc gia đầy đủ vào năm thứ 10). Ngoài ra, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được lập chi nhánh phụ, các điểm giao dịch và máy rút tiền tự động ngoài trụ sở. Đối với ngân hàng liên doanh, những hạn chế nói trên được áp dụng mềm dẻo hơn (được nhận  tiền gửi với mức 50% vốn pháp định, không được nhận tiền gửi ngoại tệ của tổ chức Việt Nam).

Về điều kiện cấp phép, Trung Quốc cam kết không xem xét tuỳ tiện mà chỉ sử dụng biện pháp thận trọng (prudential), trên cơ sở không phân biệt đối xử và nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng. Các điều kiện cấp phép (không phải là biện pháp thận trọng) có liên quan đến sở hữu, hình thức và phạm vi hoạt động sẽ được xoá bỏ trong vòng 5 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO. Như vậy, các tiêu chí về cấp phép của Trung Quốc được quy định minh bạch và thông thoáng hơn nhiều so với Việt Nam. Theo Bản chào đợt 3, trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam sẽ xem xét cấp giấy phép mới cho hiện diện thương mại phù hợp với “yêu cầu phát triển kinh tế và thị trường tài chính của Việt Nam ". Hơn thế nữa, Việt Nam đã áp dụng khá nhiều điều kiện cấp phép thành lập tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam như: điều kiện về vốn pháp định tối thiểu, bảo lãnh của ngân hàng mẹ, được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép, có lãi liên tục trong 3 năm... Những hạn chế này không được cam kết loại bỏ. Trong khi đó Trung Quốc chỉ áp dụng điều kiện về tổng giá trị tài sản của tổ chức tín dụng nước ngoài tại thời điểm năm cuối trước khi nộp đơn xin phép thành lập hiện diện thương mại tại Trung Quốc.

2.2.8. Dịch vụ chứng khoán: Việt Nam và Trung Quốc đều khá thận trọng trong việc cam kết đối với dịch vụ này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn áp dụng nhiều hạn chế hơn Trung Quốc. Cụ thể, đối với hầu hết các giao dịch chứng khoán. Việt Nam chỉ cho phép hiện diện thương mại dưới hình thức văn phòng đại diện. Việc lập liên doanh để tham gia phát hành chứng khoán chỉ được phép sau 5 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và với phần vốn góp nước ngoài không quá 49%. Trong khi đó, Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh ngay tại thời điểm gia nhập WTO với phần vốn góp nước ngoài không quá 33% và 3 năm sau đó, hạn chế này là 49%. Việc cấp phép cho hiện diện thương mại trong lĩnh vực này lại Trung Quốc hoàn toàn dựa trên tiêu chí thận trọng.

2.2.9. Dịch vụ lữ hành và điều hành tour du lịch: Điểm khác biệt cơ bản trong cam kết của Việt Nam so với Trung Quốc là không cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và áp dụng hạn chế về sở hữu vốn tối đa của Bên nước ngoài trong liên doanh với tỷ lệ 49%-51% trong thời hạn tương ứng 3-5 năm. Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh ngay tại thời điểm gia nhập và 3 năm sau đó, cho phép đa số sở hữu nước ngoài. Trong vòng 6 năm, Trung Quốc cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đồng thời xoá bỏ hoàn toàn hạn chế về địa bàn, điều kiện kinh doanh và vốn đăng ký tối thiểu.

2.2.10. Dịch vu vận tải: Đây là ngành dịch vụ Việt Nam chưa cam kết mở cửa trong khuôn khổ BTA. Trung Quốc cũng cam kết hết sức thận trọng đối với dịch vụ này. Tuy nhiên, trên tổng thể, mức độ cam kết của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc; cụ thể là:

- Vận tải đường biển và đường thuỷ nội địa: Cả hai nước đều không cam kết dịch vụ vận tải biển nội địa và đường thuỷ nội địa. Đối với vận tải biển quốc tế. Việt Nam không cam kết các dịch vụ hỗ trợ và áp dụng nhiều hạn chế hơn Trung Quốc về hình thức cung cấp dịch vụ. Theo đó, tại thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam chỉ cho phép hiện diện thương mại dưới hình thức văn phòng đại diện và 3 năm sau đó mới cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp tối đa của Bên nước ngoài không quá 49%. Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh ngay tại thời điểm gia nhập và không cam kết các hình thức đầu tư khác.

- Vận tải đường sắt: Việt Nam chưa cam kết dịch vụ này. Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh với phần vốn góp của Bên nước ngoài không quá 49% ngay sau khi gia nhập WTO và 3 năm sau đó, cho phép thành lập liên doanh với đa số vốn sở hữu nước ngoài. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép thành lập sau 6 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.

- Vận tải đường bộ: Ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cho phép hiện diện thương mại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh với phần vốn góp của Bên nước ngoài không quá 49%. Trung Quốc cho phép thành lập liên doanh với đa số vốn sở hữu nước ngoài trong vòng 1 năm kể từ khi gia nhập WTO và 3 năm sau đó, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Ngoài ra, Trung Quốc có cam kết tương tự Việt Nam về dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA

TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) VÀ THỰC TRẠNG PHÁP

LUẬT VIỆT NAM VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

 

Bạch Quốc An

 

Sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật trên thế giới đã tạo điều kiện cho quyền sở hữu trí tuệ có một vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Các sản phẩm trí tuệ đã có vị trí rất quan trọng trong kết cấu của các sản phẩm đồng thời nó cũng có tác động ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường. Tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ đã được chứng minh qua việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Bên cạnh đó một loạt các điều ước quốc tế quan trọng về sở hữu trí tuệ cũng đã được soạn thảo và ký kết như: Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Pari về Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Thoả ước Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá; Công ước Rome 1961 về Bảo hộ người biểu diễn, người ghi âm, tổ chức phát sóng; Công ước Washington năm 1989 về Sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp…

Với sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại trên thế giới, năm 1995 Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra đời nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế. Một lần nữa, tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ đối với quan hệ thương mại quốc tế đã được các nước thừa nhận bằng việc đưa các quy định về quyền sở hữu trí tuệ trở thành một trong 4 nội dung cơ bản của WTO. Tuy nhiên, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong WTO có khác với những Hiệp định đa phương trước đây trong lĩnh vực này. Trong WTO các quy định về quyền sở hữu trí tuệ chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế của quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong WTO được tập trung trong một Hiệp định có tên gọi là “Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ" (gọi tắt là Hiệp định TRIPS). Điều này đã một lần nữa ghi nhận tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong quan hệ kinh tế quốc tế, mà trong đó là giá trị kinh tế của quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực khá mới mẻ, đặc biệt là trong công tác lập pháp. Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ lần đầu tiên được chúng ta pháp điển hoá trong phần 6 của Bộ luật Dân sự năm 1995. Tuy nhiên, nếu so sánh với những quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật quốc tế thì các quy định của phần 6 Bộ luật Dân sự còn cần phải được hoàn thiện hơn rất nhiều. Hiện nay, để bổ sung cho những thiếu sót của Bộ luật Dân sự, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định (đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp) để có những biện pháp thích hợp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Bài viết này được chia thành 3 phần như sau :

- Phần mở đầu;

- Các yêu cầu cơ bản của Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS);

- Pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ

- Một số kiến nghị về việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam hiện hành trong lĩnh vực quyển sở hữu trí tuệ

 

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Khái luận chung về quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

Quyền sở hữu trí tuệ, theo nghĩa rộng, có thể được hiểu là những quyền năng pháp lý phát sinh từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, công nghiệp và khoa học. Quyền năng pháp lý này được sử dụng để bảo hộ sự sáng tạo từ trí tuệ con người. Như vậy có thể thấy đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ có một đặc điểm rất khác so với các loại tài sản hữu hình là tính vô hình của nó, tức là không thể xác định được bằng các đặc điểm vật chất của chính nó. Các đối tượng này được thể hiện dưới các hình thức vật chất cụ thể và có thể nói đó là hình thức thể hiện ra bên ngoài của sản phẩm trí tuệ. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ tức là chúng ta phải xem xét việc bảo hộ các hình thức thể hiện của tài sản trí tuệ và người ta coi đó là các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

Như vậy, nói một cách tổng quát, quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền của chủ sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ con người. Kết quả của hoạt động này được thể hiện dưới các hình thức cụ thể và được pháp luật quy định về việc bảo hộ các đối tượng đó.

Theo Điều 2 (viii) Công ước Thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) được ký lại Thuỵ điển ngày 14/7/1967 thì: "sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến:

- các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;

- việc biểu diễn cấp các nghệ sỹ, chương trình thu thanh và phát thanh;

- các phát minh trong mọi lĩnh vực sáng tạo của con người;

- khám phá khoa học;

- kiểu dáng công nghiệp;

- nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại và chỉ dẫn thương mại

- việc bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh ;

và các quyền khác phát sinh từ hoạt động trí óc của con người trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật.".

Trong từ điển Black's Law, sở hữu trí tuệ hay tài sản trí tuệ (intellectual property) được hiểu là sản phẩm có giá trị thương mại của trí tuệ con người được thể hiện dưới một hình thức cụ thể hay trừu tượng như quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế hay bí mật thương mại([56]).

Từ những định nghĩa nói trên, chúng ta có thể thấy theo truyền thống, nội dung của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hai nhánh cơ bản là quyền tác giảquyền sở hữu công nghiệp

Nhóm các quyền đối vớt tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được gọi là quyền tác giả.Quyền liên quan đến việc biểu diễn của các nghệ sỹ, chương trình thu thanh và phát thanh được gọi là các quyền kề cận (quyền liên quan) vì chúng có liên quan mật thiết tới quyền tác giả.

Nhóm các quyền đối với phát minh, khám phá khoa học, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vu, tên thương mại và chỉ dẫn thương mại được gọi là quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, bảo hô chống canh tranh không lành manh cũng có thể được coi là đối tượng của sở hữu công nghiệp.

Không giống các Hiệp định đa phương về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong pháp luật thương mại quốc tế, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ không quy định đầy đủ các quyền của chủ sở hữu (bao gồm quyền kinh tế và quyền tinh thần), mà chỉ quy định về việc bảo hộ các quyền kinh tế của chủ sở hữu. Chính vì vậy, sau vòng đàm phán Urugoay, trong hệ thống các Hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có một Hiệp định riêng với tên gọi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ và Hiệp định TRIPS đã trở thành một trong 4 nội dung cơ bản của WTO. Với tên gọi này, Hiệp định TRIPS không điều chỉnh hết tất cả các nội dung của quyền sở hữu trí tuệ theo quan niệm truyền thống, mà chỉ điều chỉnh các quy định có tính chất kinh tế (thương mại) của quyền sở hữu trí tuệ. Cho đến nay Hiệp định TRIPS được xem là một điều ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ quan trọng nhất trong pháp luật thương mại quốc tế. Vì vậy, khi xem xét đến tính thương mại của quyền sở hữu trí tuệ thì Hiệp định TRIPS có thể được coi như là chuẩn mực chung.

Hiện nay, trong số các điều ước quốc tế đa phương quan trọng về sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Công ước Paris) từ ngày 8/3/1949; tham gia Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (Thoả ước Madrid) từ ngày 8/3/1949; tham gia Hiệp ước hợp tác patent (PCT) được ký tại Washington năm 1970 từ ngày 10/3/1993. Đối với Công ước Berne, ngày 7/6/2004 Chủ tịch nước đã có quyết định về việc gia nhập Công ước này, hiện nay chúng ta đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trở thành thành viên của Công ước.

Bên cạnh các điều ước quốc tế đa phương, Việt Nam cũng đã ký kết các điều ước quốc tế song phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đó là: Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (Hiệp định quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ) được ký kết ngày 27/6/1997 và có hiệu lực từ ngày 23/12/1998; Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thuỵ Sỹ về Bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) trong đó có quy định về sở hữu trí tuệ (Chương II).

 Đối với Việt Nam, trong bối cảnh quá trình xây dựng nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức đang dần được định hình, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các cơ quan tư pháp. Yêu cầu này đã từng bước được đáp ứng thông quan quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như thực tiễn xét xử và thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Mặc dù so với tiêu chuẩn quốc tế chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì pháp luật việt Nam vẫn còn có những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, mà đặc biệt là lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công tác lập pháp đã có cân nhắc đến những tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng pháp luật. Chính vì vậy, tôi cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ đang từng bước được hoàn thiện phù hợp với các nhu cầu nội tại của đất nước cũng như yêu cầu của quá trình hợp tác quốc tế.

Trong lĩnh vực lập pháp, ngay từ năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Pháp lệnh về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; tiếp theo Pháp lệnh về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, ngày 10/12/1994, Chủ tịch nước đã ký lệnh số 38 L/CTN công bố Pháp lệnh về Bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, phải đến khi Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam ra đời năm 1995, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ mới được pháp điển hoá một cách tương đối toàn diện trong Phần thứ sáu Bộ luật Dân sự.

Bộ luật Dân sự đã không đưa ra một định nghĩa hay một khái niệm chung nào về “quyền sở hữu trí tuệ". Phần thứ sáu của Bộ luật Dân sự năm 1995 có tên: "Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ" với Chương I về quyền tác giả; Chương II về quyền sở hữu công nghiệp; Chương III về Chuyển giao công nghệ. Như vậy, với bố cục của Phấn thứ sáu Bộ luật Dân sự, chúng ta cũng có thể nhận thấy quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật Việt Nam được hiểu là bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.

Trong Bộ luật Dân sự không đưa ra một khái niệm cụ thể về quyền tác giả mà chỉ nêu rất ngắn gọn quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo. Cũng giống như những văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả được ban hành trước khi có Bộ luật Dân sự, khái niệm tác phẩm ở đây có thể được hiểu thông qua quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ trong Điều 747 Bộ luật Dân sự như sau :

- Tác phẩm viết;

- Các bài giảng, bài phát biểu;

- Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác;

- Tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô;

- Tác phẩm phát thanh, truyền hình;

- Tác phẩm báo chí;

- Tác phẩm âm nhạc;

- Tác phẩm kiến trúc;

- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

- Tác phẩm nhiếp ảnh;

- Công trình khoa học. sách giáo khoa. giáo trình;

- Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

- Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển;

- Phần mềm máy tính;

- Tác phẩm khác do pháp luật quy định."

Theo Điều 780 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là "quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, là quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định". Như vậy, đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được chỉ rõ gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác (không chỉ rõ đối tượng đó là gì).

Tóm lại, theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác. Như vậy, về cơ bản, chúng ta có thể thấy các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế về quyển sở hữu trí tuệ, phạm vi và khái niệm quyền sở hữu trí tuệ trọng pháp luật Việt Nam không khác so với quan niệm chung trong pháp luật quốc tế. Đồng thời, với quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, Chính phủ đã ban hành hàng loạt Nghị định để bổ sung kịp thời những loại đối tượng mới của quyền sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển khoa học kỹ thuật, cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

2. Đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là một loại sản phẩm của sự sáng tạo của trí tuệ con người nên chúng có đặc điểm nổi bật đó là tính phi vật chất. Đồng thời, là một quyền năng pháp lý được quy định bởi pháp luật của mỗi quốc gia nên quyền sở hữu trí tuệ thể hiện tính chất lãnh thổ rõ ràng và tuyệt đối của mình. Điều này có nghĩa quyền sở hữu trí tuệ phát sinh theo pháp luật nước nào thì chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của nước đó.

Ví dụ, một tác phẩm hay một sáng chế phát sinh theo pháp luật Việt Nam (được pháp luật Việt Nam công nhận là một loại quyền sở hữu trí tuệ) thì sẽ chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam và việc bảo hộ quyền này được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Như vậy, ở nước ngoài tác phẩm đó hoặc sáng chế đó sẽ có thể không được công nhận và bảo hộ theo pháp luật nước ngoài (nếu không có điều ước quốc tế). Do đó, tác phẩm này sẽ có thể được dịch hoặc sáng chế đó sẽ được sử dụng mà không cần có sự đồng ý của người sáng tạo ra chúng, việc dịch hoặc sử dụng này cũng sẽ không phải trả bất kỳ một khoản phí nào cho người sáng tạo ra tác phẩm hoặc sáng chế này.

II. MỘT SỐ YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA HIỆP ĐỊNH VỀ CÁC KHÍA  CẠNH LIÊN QUAN ĐẾN THƯƠNG MẠI CỦA QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ (TRIPS)

1. Giới thiệu chung

Một thành công quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế đó là việc kết thúc tốt đẹp quá trình đàm phán đầy khó khăn và nhiều tranh cãi về Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) vào năm 1994. Lúc này, Hiệp định TRIPS đã trở thành một phần nghĩa vụ quan trọng trong các nghĩa vụ pháp lý của WTO, là một Hiệp định có phạm vi điều chỉnh rộng nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà chưa một điều ước quốc tế nào trong lĩnh vực này có được cho đến nay[57]. Bên cạnh việc gắn liền các quan hệ thương mại quốc tế với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, việc Hiệp định TRIPS trở thành một bộ phận của WTO đã lần đầu tiên đem đến khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt hữu hiệu đối với những vi phạm về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, điều mà chưa một điều ước quốc tế nào trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có được

Trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), tổ chức tiền thân của WTO không có quy định nào về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hoá. Tuy nhiên, trong GATT đã có những quy định đề cập đến quyền sở hữu trí tuệ nhưng ở mức độ rất hạn chế và chỉ liên quan đến các quan hệ thương mại hàng hoá. Điều XX của GATT quy định về các ngoại lệ chung, trong đó, tại khoản (d) cho phép các quốc gia Thành viên WTO có quyền thông qua hoặc thực hiện các biện pháp “cần thiết để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và các quy tắc không trái với các quy định của Hiệp định này, kể cả những quy định liên quan tới .... việc bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại và quyền tác giả và các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các hành vi thương mại gian lận;". Như vậy GATT đã thừa nhận việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một ngoại lệ hợp pháp theo quy định của mình nhưng chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Mặc dù GATT không có bất kỳ một yêu cầu nào về mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng với quy định về nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) tại Điều III GATT, chúng la thấy việc áp dụng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều XX phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử. Trong GATT đã có một vụ tranh chấp duy nhất liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Vụ việc này liên quan đến quy định tại Phần 337 Luật thuế quan của Hoa Kỳ. Quy định của Phần  337 Luật Thuế quan Hoa Kỳ đã có quy định về thủ tục đối với hàng nhập khẩu vi phạm văn bằng sáng chế (patent) chặt chẽ hơn đối với những hàng cũng vi phạm tương tự như vậy những được sản xuất trong nước ta.[58]

Trong Vòng đàm phán Urugoay đã có nhiều thảo luận liên quan đến việc xây dựng một Hiệp định riêng về sở hữu trí tuệ. Trong quá trình chuẩn bị cho Vòng đàm phán Urugoay, hai nước Mỹ và Nhật Bản đã đưa một số nội dung về quyền sở hữu trí tuệ vào vòng đàm phán này. Đề xuất này đã nhận được sự phản đối kịch liệt của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong Tuyên bố của các Bộ trưởng tại Punta Del Este (Urugoay) đã đề cập đến việc đàm phán về Hiệp định TRIPS. Như vậy quá trình đàm phán, soạn thảo Hiệp định TRIPS được bắt đầu chính thức từ năm 1987 cho đến năm 1994. Có thể nói quá trình đàm phán Hiệp định TRIPS là một quá trình đấu tranh rất căng thẳng và quyết liệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong khuôn khổ GATT. Cho đến nay, lĩnh vực này vẫn tiếp tục là một chủ đề nóng và phức tạp của các cuộc đàm phán đa phương trong khuôn khổ WTO.

Trong hệ thống các Hiệp định của WTO, Hiệp định TRIPS nằm trong Phụ lục C. Hiệp định bao gồm 73 điều được chia thành 7 phần:

- Phần I Các điều khoản chung và các nguyên tắc cơ bản;

- Phần II Các tiêu chuẩn về việc xác lập, phạm vi và việc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ;

- Phần III Thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

- Phần IV Thủ tục để hưởng và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ và thủ tục khác theo yêu cầu của các bên liên quan;

- Phần V Ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp;

- Phần VI Các quy định chuyển tiếp;

- Phần VII Các thoả thuận về thể chế, điều khoản cuối cùng.

Theo Hiệp định TRIPS, "sở hữu trí tuệ" có nghĩa là tất cả các đối tượng sở hữu trí tuệ nêu tại các mục từ mục 1 đến mục 7 của phần II của TRIPS[59]. Như vậy, các đối tượng cụ thể của quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định TRIPS (hay phạm vi của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS) là quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (patent), thiết kế bố trí mạch tích hợp và thông tin bí mật.

Như vậy, phạm vi của quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPS có một số điểm khác biệt với phạm vi của quyền sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù Bộ luật Dân sự không quy định đầy đủ các đối tượng của quyền Sở hữu trí tuệ đã được đề cập trong TRIPS nhưng các văn bản dưới luật (các Nghị định trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp) đã bổ sung những đối tượng mới chưa được liệt kê trong Bộ luật Dân sự.

2. Các yêu cầu của Hiệp định TRIPS về quyền sở hữu trí tuệ

“Các Thành viên phải thi hành các điều khoản của Hiệp định này. Các Thành viên có thể, nhưng không bị bắt buộc, áp dụng trong luật của mình việc bảo hộ mạnh hơn so với các yêu cầu của Hiệp định này, miễn là việc bảo hộ đó không trái với các điều khoản của Hiệp định này. Các Thành viên sẽ tự do quyết định phương pháp thích hợp nhằm thi hành các điều khoản của Hiệp định này trong hệ thống pháp luật và thực tiễn của mình"[60]. Điều này có nghĩa Hiệp định TRIPS chỉ đưa ra các chuẩn mực (yêu cầu) tối thiểu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các quốc gia Thành viên có toàn quyền xây đựng một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật quốc gia của mình cao hơn các yêu cầu của Hiệp định TRIPS với điều kiện sự bảo hộ đó không được trái với với Hiệp định TRIPS.

2.1. Những nghĩa vụ chung

2.1.1 Tuân thủ các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ

Hiệp định TRIPS yêu cầu các Thành viên WTO phải bảo hộ cho công dân của mỗi Bên theo các quy định của Hiệp định TRIPS và các Hiệp định khác về sở hữu trí tuệ là : Công ước Paris (1967), Công ước Berne (1971), Công ước Rome và Hiệp ước về Sở hữu Trí tuệ đối với Mạch Tích hợp tương tự như các Thành viên của các điều ước đó. Đồng thời các quy định của TRIPS không ảnh hưởng đến nghĩa vụ hiện có của các Thành viên WTO theo các Công ước Paris, Berne, Rome và Hiệp ước về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mạch tích hợp. Điều này có nghĩa, các công dân của các nước thành viên WTO vẫn có thể được hưởng sự bảo hộ theo các điều ước quốc tế đa phương nói trên cho dù các quốc gia Thành viên WTO đó có thể không là thành viên của các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ này. Hiệp định TRIPS còn yêu cầu các nước Thành viên WTO tuân thủ các Điều từ 1-12 và Điều 19 của Công ước Paris liên quan đến các phần II, III, IV của Hiệp định TRIPS.

- TRIPS yêu cầu các nước thành viên phải có sự bảo hộ tối thiểu phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định, các quốc gia có thể bảo hộ ở mức độ cao hơn so với Hiệp định.

- TRIPS yêu cầu các Thành viên WTO phải bảo hộ cho công dân của mỗi Bên theo các quy định của TRIPS và các Hiệp định khác về sở hữu trí tuệ là : Công ước Paris (1967), Công ước Berne (1971), Công ước Rome và Hiệp ước về Sở hữu Trí tuệ đối với Mạch Tích hợp tương tự như các Thành viên của các điều ước đó. Đồng thời các quy định của TRIPS không ảnh hưởng đến nghĩa vụ hiện có của các thành viên WTO theo các Công ước Paris, Berne, Rome và hiệp ước về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mạch tích hợp.

- Ngoài ra TRIPS còn yêu cầu các nước Thành viên WTO tuân thủ các Điều từ 1- 12 và Điều 19 của Công ước Paris liên quan đến các phần II, III, IV của TRIPS. Phần nội đung tóm tắt của các Điều từ 1-12 và Điều 19 của Công ước Paris đã được tóm tắt trong Phụ lục III rà soát WTO - phần sở hữu trí tuệ.

- Các quy định của các Điều 3, 4 TRIPS sẽ không áp dụng cho các thủ tục được quy định tại các Thoả ước đa phương được ký kết trong khuôn khổ WIPO.

2.1.2 Nguyên tắc không phân biệt đối xử

Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong Hiệp định TRIPS được thể hiện qua các quy định của Điều 3 về Đối xử quốc gia (NT) và Điều 4 về Chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN).

- Theo đó yêu cầu của Chế độ đối xử quốc gia, mỗi Bên (Thành viên WTO) dành cho công dân của Bên kia (Thành viên khác) sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó (Thành viên đó) dành cho công dân của mình trong việc xác lập, bảo hộ, hưởng và thực thi tất cả các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó. Nguyên tắc đối xử quốc gia phải được áp dụng một cách vô điều kiện.

- Trong TRIPS nguyên tắc đối xử tối huệ quốc yêu cầu bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ nào trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được dành ngay lập tức và vô điều kiện cho công dân của tất cả các Thành viên khác

2.2 Về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan (quyền kề cận)

Các quy định về quyền tác giả trong TRIPS đã tập trung quy định về những nội dung chính sau:

a.     Về phạm vi các đối tượng quyền tác giả được bảo hộ

Phạm vi các đối tượng quyền tác giả được bảo hộ trong TRIPS được dẫn chiếu thẳng đến Công ước Berne. Theo đó, những đối tượng của quyền tác giả cần được bảo hộ là: Tác phẩm văn học và nghệ thuật; Văn bản chính thức; Sưu tập; Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp; Tin tức. Riêng tác phẩm văn học và nghệ thuật là một đối tượng có nội hàm rất rộng nên đã được giải thích cụ thể hơn trong Công ước Berne. Theo đó tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch, hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, các tác phẩm đồ hoạ, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ, in thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh hoạ, địa đồ, đồ án, bản phác hoạ và các tác phẩm tạo hình liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học.

Mặc dù vậy, bên cạnh việc sử dụng các quy định của Công ước Bcrne, TRIPS đã mở rộng hơn các đối tượng của quyền tác cần phải được bảo hộ đối với cả: Các chương trình máy tính; Các sưu lập dữ liệu, tư liệu thể hiện dưới dạng có thể đọc được bằng máy hoặc dưới dạng khác, nếu việc lựa chọn và sắp xếp nội dung có sự sáng tạo. Việc mở rộng này của TRIPS nhằm cập nhật thêm các đối tượng mới phát sinh trong quá trình phát triển của khoa học và kỹ thuật.

Gắn liền với quyền tác giả là Quyền kề cận, quyền này bao gồm các quyền liên quan đến việc biểu diễn, ghi âm và phát thanh. Mục đích của quyền này nhằm bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức là những người có vai trò đưa tác phẩm tới công chúng. Mặc dù họ không phải là những người sáng tạo ra tác phẩm nhưng việc làm của họ cũng thể hiện sự sáng tạo hay kỹ năng về mặt kỹ thuật và tổ chức một cách đầy đủ đảm bảo được bảo hộ bằng luật bản quyền. Cũng chính vì vậy mà quyền kề cận có mối liên hệ mật thiết với quyền tác giả, trong nhiều tài liệu người ta còn gọi là quyền kề cận trong quyền tác giả.

Theo quan niệm truyền thống, quyền kề cận quy định 3 loại người thụ hưởng là: người trình diễn, nhà sản xuất chương trình thu thanh và các tổ chức phát thanh.

Về quyền đối với bản ghi âm

Người có quyền đối với bản ghi âm có quyền cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau :

- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm;

- Nhập khẩu vào lãnh thổ nước mình bản sao bản ghi âm;

- Phân phối công khai lần đầu bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm dưới hình thức bán, cho thuê hoặc các hình thức khác;

- Cho thuê, mượn bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm nhằm mục đích thương mại

Việc đưa bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm ra thị trường với sự đồng ý của người có quyền không làm chấm dứt quyền cho thuê của người đó.

Quyền của người biểu diễn

Dành cho người biểu diễn quyền cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau:

- Định hình các buổi biểu diễn nhạc sống của họ trong bản ghi âm;

- Sao chép trái phép bản định hình các buổi biểu diễn nhạc sống của họ;

- Phát hoặc truyền tới công chúng âm thanh của buổi biểu diễn nhạc sống;

- Phân phối, bán, cho thuê, định đoạt hoặc chuyển giao các bản định hình trái phép các buổi biểu diễn trực tiếp của họ, không kể việc định hình đó được thực hiện ở đâu.

Quyền của các tổ chức phát thanh truyền hình:

Theo quy định của TRIPS các tổ chức phát thanh và truyền hình có quyền cấm các hành vi sau đây nếu thực hiện mà không được họ cho phép: ghi, sao chép bản ghi và phát lại qua phương tiện vô tuyến truyền hình cũng như truyền hình cho công chúng các chương trình.

b.    Phạm vi các quyền của tác giả, quyền của người thừa kế

Cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau :

- Nhập khẩu vào lãnh thổ nước mình các bản sao của tác phẩm;

- Phân phối công khai lần đầu bản gốc và bản sao tác phẩm dưới các hình thức: bán, cho thuê và các hình thức khác;

- Truyền đạt tác phẩm tới công chúng;

- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính nhằm mục đích thương mại. Điều này không áp dụng nếu bản sao chương trình máy tính không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê. Ngoài ra, pháp luật quốc gia phải quy định việc đưa bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính ra thị trường, sẽ không chấm dứt quyền cho thuê, nếu được sự đồng ý của người có quyền.

c. Việc chuyển giao các quyền về kinh tế

- Người có được hoặc nắm giữ bất cứ quyền kinh tế nào, cũng được chuyển giao một cách tự do và riêng rẽ quyền đó cho người khác, thông qua hợp đồng;

- Người có được hoặc nắm giữ quyền kinh tế theo hợp đồng được đứng tên mình và hưởng lợi ích thu được từ việc thực hiện các quyền đó.

d. Thời hạn bảo hộ

Thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả trong TRIPS cũng được dẫn chiếu đến Công ước Berne. Như vậy, trong trường hợp tính thời hạn bảo hộ theo đời người thì Công ước Berne quy định thời hạn bảo hộ sẽ được tính trong suốt thời gian cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Trừ tác phẩm nhiếp ảnh và tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm không được tính theo đời người, thời hạn bảo hộ đó không được dưới 50 năm kể từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được công bố một cách hợp pháp, hoặc 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm này không được công bố một cách hợp pháp trong vòng 50 năm kể từ ngày tạo ra tác phẩm. Các đối tượng khác của quyền tác giả có thời hạn bảo hộ cụ thể như sau:

- Đối với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và tác phẩm nhiếp ảnh thì thời hạn bảo hộ tối thiểu là 25 năm kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra.

- Đối với tác phẩm điện ảnh thì thời hạn bảo hộ là 50 năm tình từ khi tác phẩm được công bố hoặc từ khi tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm chưa được công bố.

- Đối với người biểu diễn và người sản xuất bản ghi âm phải kéo dài ít nhất là đến hết thời hạn 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà việc ghi âm hoặc buổi biểu diễn được tiến hành. Thời hạn bảo hộ đối với các chương trình phát thanh, truyền hình của các tổ chức phát thành truyền hình phải kéo dài ít nhất là 20 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà chương trình phát thanh truyền hình được thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay đang có vấn để liên quan tới thời hạn bảo hộ không tính theo đời người đang được nhiều cơ quan Nhà nước của Việt Nam quan tâm tìm cách giải quyết thoả đáng và phù hợp, bởi vì theo BTA, thời hạn này không ít hơn 75 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên, hoặc nếu tác phẩm không được công bố hợp pháp trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được tạo ra, thì thời hạn đó không ít hơn 100 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được tạo ra. Trong khi đó thời hạn này theo TRIPS là 50 năm và trong Bộ luật Dân sự cũng là 50 năm và Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ cũng là 50 năm .

2.3.        Về bảo hộ quyền sỡ hữu công nghiệp

Trong  TRIPS từ Điều 15 đến Điều 40 quy định về việc bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như sau:

a.    Nhãn hiệu hàng hoá

Trong TRIPS, nhãn hiệu hàng hoá được giải thích là dấu hiệu hoặc tổng thể các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Theo TRIPS, quốc gia thành viên phải có quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá về các nội dung:

- Chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá có quyền ngăn cản người khác, trong hoạt động kinh doanh, không được sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mà mình đã đăng ký, nếu việc sử dụng đó có nguy cơ gây nhầm lẫn và không được phép của chủ sở hữu.

- Việc đăng ký ban đầu của một nhãn hiệu hàng hoá có thời hạn ít nhất là 7 năm và được gia hạn không hạn chế số lần.

- Pháp luật quốc gia có thể quy định các điều kiện cấp li-xăng và chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá và có thể yêu cầu việc chuyển nhượng nhãn hiệu hàng hoá phải bao gồm cả việc chuyển giao uy tín của nhãn hiệu hàng hoá đó, nhưng không được cho phép cấp li-xăng không tự nguyện đối với nhãn hiệu hàng hoá.

b.    Chỉ dẫn địa lý

Trong TRIPS chỉ dẫn địa lý còn được hiểu là bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá, đó là những chỉ dẫn xác định về hàng hoá có nguồn gốc từ lãnh thổ của một Thành viên, hoặc từ khu vực hoặc địa phương thuộc lãnh thổ đó, nếu chất lượng, uy tín hoặc đặc tính khác của hàng hoá này chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định.

Theo TRIPS các nước Thành viên phải bảo đảm ngăn ngừa:

- Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý với cách thức lừa dối công chúng về xuất xứ địa lý của hàng hoá;

- Bất kỳ hành vi sử dụng nào cấu thành một hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Trong phần này TRIPS còn bổ sung thêm quy định về việc bảo hộ bổ sung đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho rượu vang và rượu mạnh

c.  Kiểu dáng công nghiệp

Kiểu đáng công nghiệp được hiểu là các tính chất trang trí hay mỹ học của một vật. Kiểu dáng này có thể được thể hiện dưới dạng không gian 3 chiều, chẳng hạn như hình dáng hay bề ngoài của đồ vật hoặc không gian 2 chiều như hoa văn, đường kẻ, màu sắc, TRIPS yêu cầu các Thành viên phải cho phép:

- Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền ngăn cấm người khác không được thực hiện các hành vi: chế tạo, bán, nhập khẩu hoặc phân phối các sản phẩm mang hoặc thể hiện kiểu dáng là bản sao hoặc cơ bản là bản sao của kiểu đáng được bảo hộ, nếu các hành vi đó nhằm mục đích thương mại và không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

- Thời hạn bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp ít nhất là 10 năm.

d. Sáng chế

Khoản 1 Điều 27 TRIPS yêu cầu văn bằng sáng chế phải được cấp cho bất kỳ một sáng chế nào, dù là sản phẩm hoặc quy trình, thuộc mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó phải mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Theo đó, Chủ văn bằng sáng chế có quyền:

- Ngăn cấm người khác chế tạo, sử dụng, bán, chào bán, hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc quy trình đó, nếu không được sự đồng ý của chủ bằng.

- Sang nhượng, thừa kế văn bằng và ký kết hợp đồng li-xăng.

Thời hạn bảo hộ đối với Bằng độc quyền sáng chế không dưới 20 năm, kể từ ngày nộp đơn và có thể kéo dài trong trường hợp cần thiết, nhằm bù lại sự chậm trễ do thủ tục cấp Bằng gây ra.

Đ. Thiết kế bố trí (Topography) mạch tích hợp

Theo Hiệp định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mạch tích hợp (Hiệp định IPIC) được đề cập đến trong Điều 35 của TRIPS thì thiết kế bố trí mạch tích hợp là một sản phẩm, dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực - và một số hoặc tất cả các mối nối được gắn liền trong và/hoặc trên một miếng vật liệu và nhằm thực hiện một chức năng điện tử.

TRIPS quy định các hành vi bị coi là bất hợp pháp khi không được phép của chủ sở hữu thiết kế bố trí mạch tích hợp là: làm bản sao, nhập khẩu, phân phối thiết kế bố trí mạch tích hợp, mạch tích hợp có thiết kế bố trí đã được bảo hộ hoặc vật phẩm có chứa mạch tích hợp nói trên, nếu vật phẩm đó có chứa thiết kế bố trí mạch tích hợp bị sao chép bất hợp pháp. Trừ trường hợp tại thời điểm tiếp nhận mạch tích hợp hoặc vật phẩm chứa mạch tích hợp, người thực hiện hành vi đó hoặc người đã đặt hàng không biết và không thể biết rằng mạch tích hợp có thiết kế bố trí mạch tích hợp đã bị sao chép một cách bất hợp pháp.

Thời hạn bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp trong TRIPS là 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký hoặc kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp được khai thác thương mại lần đầu tiên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp sẽ chấm dứt sau 15 năm, kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp được tạo ra.

e.     Thông tin bí mật (Bí mật thương mại)

Theo cách hiểu của TRIPS, đồng thời cũng là nghĩa vụ mà TRIPS yêu cầu mỗi Thành viên phải thực hiện, thông tin bí mật phải đáp ứng:

- Không phải là hiểu biết thông thường hoặc không dễ đàng có được hoặc những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó nói chung không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó;

- Có giá trị thương mại vì có tính bí mật; và

- Người có quyền kiểm soát hợp pháp thông tin đó đã thực hiện các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh để giữ bí mật thông tin đó.

2.4 Thực thi Quyền sở hữu trí tuệ

Bên cạnh các quy định về nội dung, TRIPS cũng có quy định về các biện pháp nhằm đảm bảo cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại lãnh thổ của mỗi quốc gia Thành viên. Mục đích của việc đưa ra các quy định này trong TRIPS là nhằm chống lại một cách hiệu quả việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những biện pháp bảo đảm này bao  gồm: các biện pháp khẩn cấp thời; các chế tài dân sự, hình sự và hành chính nhằm để ngăn ngừa xâm phạm; các biện pháp tại biên giới. Việc áp dụng các biện pháp này cần phải thực hiện với các điều kiện chung như:

- Việc áp dụng các thủ tục thực thi quyền không được cản trở hoạt động thương mại và phải có biện pháp để chống sự lạm quyền.

- Các thủ tục thực thi phải đúng đắn, công bằng, không quá phức tạp, tốn kém và không có những giới hạn bất hợp lý về thời gian hoặc có sự chậm trễ không chính đáng.

- Các quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính phải bảo đảm các điều kiện như: Bằng văn bản, nêu rõ lý do ra quyết định; sẵn sàng được cung cấp, ít nhất là cho các bên trong vụ kiện; Chỉ dựa trên chứng cứ mà các bên đã có cơ hội trình bày.

- Bảo đảm cho các bên trong vụ kiện có cơ hội đề nghị cơ quan tư pháp xem xét lại các quyết định hành chính cuối cùng và xem xét lại các quyết định xét xử ở cấp sơ thẩm.

Bên cạnh những yêu cầu chung này, đối với từng biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, TRIPS cũng đã có quy định cụ thể với những nội dung chính là:

a.    Các yêu cầu về thủ tục và chế tài về tố tụng dân sự, hành chính

Đối với yêu cầu này TRIPS đưa ra những điều kiện tối thiểu mà pháp luật của mỗi nước phải quy định đảm bảo cho Bị đơn có quyền được thông báo kịp thời, đầy đủ về các chi tiết, cơ sở khiếu kiện bằng văn bản; Các bên trong vụ kiện đều có quyền có luật sư đại diện; Trong thủ tục thực thi không được áp đặt yêu cầu quá mứcvề việc buộc đương sự phải có mặt; Các bên trong vụ kiện có quyền chứng minh yêu cầu của mình và đưa ra chứng cứ; Trong thủ tục thực thi phải có biện pháp để xác định, bảo vệ thông tin bí mật.

Bên cạnh đó, Hiệp định cũng yêu cầu pháp luật của mỗi quốc gia phải quy định trong pháp luật để cho phép cơ quan tư pháp của mình có quyền: yêu cầu các bên trong vụ kiện buộc một bên trong vụ kiện đưa ra chứng cứ và tuân theo các điều kiện bảo vệ thông tin bí mật; đưa ra kết luận sơ bộ và cuối cùng, nhằm khẳng định hoặc phủ định yêu cầu của các bên, căn cứ vào chứng cứ đã được đưa ra; buộc một bên chấm dứt hành vi xâm phạm, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa việc nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngay sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan; buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thoả đáng cho người có quyền kể cả những lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm, cả chi phí hợp lý thuê luật sư và cả việc áp dụng hình thức bồi thường theo mức ấn định trước đối với các đối tượng được bảo hộ theo quy định về quyền tác giả và quyền liên quan: cơ quan tư pháp cũng được phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế phải bồi thường thoả đáng thiệt hại gây ra cho bên bị thiệt hại và phải trả các chi phí, bao gồm cả chi phí hợp lý để thuê luật sư. Các cơ quan tư pháp cũng phải được ra lệnh: Xử lý ngoài kênh thương mại các hàng hoá mà cơ quan đó cho là xâm phạm; Xử lý ngoài kênh thương mại các nguyên liệu, phương tiện có công dụng tạo ra hàng hoá xâm phạm. Khi ban hành các lệnh trên, cơ quan tư pháp phải tính đến tỷ lệ tương xứng giữa mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm, các biện pháp chế tài áp dụng và lợi ích của những người khác. Đối với hàng giả mạo nhãn hiệu, thì không cho phép đưa vào kênh thương mại, mặc dù đã loại bỏ nhãn hiệu hàng hoá gắn bất hợp pháp, trừ các trường hợp ngoại lệ.

b.    Cam kết về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Để đảm bảo cho các cơ quan tư pháp có đủ các điều kiện cần thiết nhằm thực thi một cách hữu hiệu việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ TRIPS yêu cầu các Bên phải cho phép cơ quan tư pháp của mình được ban hành lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm. Khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cơ quan tư pháp có quyền: Buộc người nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải cung cấp các chứng cần thiết liên quan đến việc áp đụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và phải nộp một khoản bảo chứng hoặc khoản bảo đảm tương đương, đủ để bảo vệ lợi ích của bị đơn và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu. Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được thông báo cho bị đơn và phải được rút lại nếu thủ tục giải quyết vụ việc không được bắt đầu trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật

c.  Cam kết về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới

TRIPS quy định cho phép người có quyền nộp đơn đến cơ quan hành chính hoặc cơ quan tư pháp có thẩm quyền yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ việc thống quan đưa hàng hoá vi phạm vào lưu thông tự do, nếu có cơ sở chứng minh có hoạt động nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc bản sao trái phép các tác phẩm được bảo hộ. Trong TRIPS, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cơ quan hải quan cũng đã được quy rất cụ thể.

d.  Cam kết về các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt

Bên cạnh các chế tài về dân sự và hành chính, TRIPS cũng có quy định yêu cầu các Bên cần có chế tài về hình sự trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Như vậy, có thể nói TRIPS là một Hiệp định có phạm vi điều chỉnh rộng trong số các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ. Điều này cho thấy rõ tính phức tạp của lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong WTO. Tuy nhiên, các quy định trong TRIPS đã có sự kế thừa các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ bằng cách dẫn chiếu trực tiếp hoặc trích dẫn các quy định của những điều ước quốc tế này. Một điểm khác biệt lớn nhất giữa TRIPS và các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ là các quy định về sở hữu trí tuệ trong TRIPS chỉ điều chỉnh những quan hệ có tính chất thương mại trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.

 

 

III. PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Trên thế giới sở hữu trí tuệ không phải là một lĩnh vực mới được quan tâm và điều chỉnh bằng pháp luật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có có sự tiếp  xúc với các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ từ rất lâu nhưng phải đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta mới thực sự quan tâm điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực khá mới và đang trong quá trình phát triển. Mặc dù vậy, sự phát triển của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đã có gắn liền với các quy định của pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ và đã có sự tiếp thu những quy định của pháp luật quốc tế trong quá trình xây dựng pháp luật trong nước về quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 1989 bắt đầu đánh dấu sự ra đời và phát triển của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay của Việt Nam bằng việc Hội đồng Bộ trưởng ban hành Pháp lệnh về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với mục đích: “ Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sở hữu công nghiệp, khuyến khích hoạt động sáng tạo và áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế, khoa học - kỹ thuật với nước ngoài”[61]. Đồng thời trong Điều 1 của pháp lệnh này cũng quy định nguyên tắc cho việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:

“l- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức Nhà nước, tập thể và tư nhân có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân bao gồm quyền sở hữu đối với Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu hàng hoá và quyền sử dụng đối với Tên gọi xuất xứ hàng hoá.

 Nhà nước bảo hộ quyền lợi của tác giả Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp.

2- Nhà nước quan tâm và khuyến khích việc tạo ra, áp dụng rộng rãi Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp.”

Qua quy định này chúng ta có thể hiểu ngay từ đầu trong pháp luật Việt Nam quyền sở hữu công nghiệp được hiểu bao gồm các quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, Pháp lệnh này cũng ghi rõ: "Quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được bảo hộ theo Pháp lệnh này phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại”.[62]

Như vậy, ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù những quy định của Pháp lệnh về Bảo hộ quyên sở hữu công nghiệp còn chưa đầy đủ nhưng đã có sự kế thừa và tiếp thu những quy định và quan điểm của các điều ước quốc tế về sở hữu công nghiệp. Đồng thời có thể coi đây là bước đi ban đầu, cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ sau này.

Tiếp theo Pháp lệnh về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, ngày 10/12/1994, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 38 L/CTN công bố Pháp lệnh về Bảo hộ quyền tác giả. Theo Điều 2 của Pháp lệnh về Bảo hộ quyền tác giả thì "quyền tác giả là các quyền về tinh thần và vật chất của tác giả", Điều 1 của Pháp lệnh đưa ra khái niệm về tác giả như sau:

“1- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2- Nhưng người sau đây cũng được công nhận là tác giả:

- Người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác;

- Người phóng tác từ tác phẩm đã có, người cải biên, chuyển thể từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác;

- Người biên soạn, chú giải, tuyển chọn các tác phẩm của người khác thành tác phẩm có tính sáng tạo”.

Vậy những đối tượng hay hình thức thể hiện nào của quyền tác giả sẽ được bảo hộ theo quy định của Pháp lệnh? Điều 4 Pháp lệnh đã nêu ra cụ thể các đối tượng được nhà nước bảo hộ là:

“Nhà nước bảo hộ quyền tác giả các tác phẩm văn học, nghệ thuật,  khoa học, không phân biệt hình thức thể hiện, bao gồm:

1- Tác phẩm viết;

2- Các bài giảng, bài phát biểu và tác phẩm được diễn đạt bằng lời nói;

3- Tác phẩm sân khấu;

4- Tác phẩm điện ảnh, phát thanh, truyền hình, vi-đi-ô;

5- Tác phẩm nhiếp ảnh;

6- Tác phẩm âm nhạc;

7- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

8- Tác phẩm kiến trúc;

9- Phần mềm máy tính;

10- Công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình;

11- Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

12-  Tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể;

13- Tuyển tập, hợp tuyển;

14- Tác phẩm khác được pháp luật quy định bảo hộ.

Tác phẩm được bảo hộ phải là bản gốc".

Như vậy, cùng với pháp lệnh về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, pháp lệnh về Bảo hộ quyền tác giả đã cho chúng ta thấy pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã từng bước phù hợp và tiếp thu các quy định chung, cơ bản của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, đối với việc bảo hộ quyền tác giả, việc tuân thủ các quy định của những điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả trong khi Việt Nam chưa là thành viên của những Công ước trong lĩnh vực này là một điều đáng chú ý và hoan nghênh. Bên cạnh những điểm tiến bộ của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì những hạn chế của hệ thống các vãn bản quy phạm pháp luật là không thể tránh khỏi. Nguyên nhân của tình trạng này về cơ bản là do những hạn chế trong sự phát triển của khoa học công nghệ ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ lập pháp còn chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và cuối cùng là việc Việt Nam chưa tham gia vào nhiều điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù vậy, một lần nữa chúng ta cần khẳng định những đóng góp to lớn của những văn bản này trong sự hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ rõ ràng nhất cho nhận xét này chính là sự kế thừa trong Phần VI của Bộ luật Dân sự năm 1995 về Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

1. Quyền tác giả trong pháp luật hiện hành của Việt Nam

Trong Bộ luật Dân sự (Bộ luật Dân sự), quyền tác giả được quy định tại Chương I Phần thứ sáu (từ Điều 745 đến Điều 749). Kể từ khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành (ngày l/7/1996), thì Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả hết hiệu lực.

Quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự đã kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả (1994). Tuy vậy, Bộ luật Dân sự chỉ đề cập đến quyền tác giả dưới góc độ là một quyền dân sự, các vấn đề khác liên quan đến việc quản lý Nhà nước về quyền tác giả, thủ tục đăng ký, việc giải quyết các tranh chấp, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định trong các văn bản pháp luật khác.

Hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả hoặc có liên quan đến quyền tác giả gồm một số văn bản chủ yếu sau:

- Bộ luật Dân sự (Chương I, Phần thứ sáu).

- Bộ luật tố tụng dân sự

- Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự.

- Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự có yêu tố nước ngoài.

- Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin.

- Thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC- VKSNDTC- BVHTT ngày 5 tháng 12 năm 2001 giữa Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả tại TAND tối cao.

- Luật Hải quan.

- Bộ luật Hình sự năm 1999

Bên cạnh các văn bản này, trong lĩnh vực quyền tác giả Việt Nam đã ký kết Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thuỵ sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (1997); Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (1997); Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (2000) và tham gia Công ước Berne năm 1971 về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật (Công ước này bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 26/10/2004).

Trong Bộ luật Dân sự, các quy định về quyền tác giả được ghi nhận trong Chương I Quyền tác giả của Phần thứ VI ("Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ") với những nội dung quy định về: (i) Định nghĩa, khái niệm tác giả và quyền tác giả; (ii) Đối tượng của quyền tác giả hay các loại hình tác phẩm được pháp luật bảo hộ: (iii) Chủ sở hữu tác phẩm; (iv) Các quyền của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, thời gian bảo hộ quyền tác giả; (v) Hợp đồng sử dụng tác phẩm; (vi) Quyền, nghĩa vụ của người biểu diễn, của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đa âm thanh, bằng hình, đa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình.

 Bộ luật Dân sự đã không đưa ra một định nghĩa cụ thể về quyền tác giả mà chỉ nêu rất ngắn gọn quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo. Cũng giống như những văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả được ban hành trước khi có Bộ luật Dân sự, khái niệm tác phẩm ở đây có thể được hiểu thông qua quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ trong Điều 747 Bộ luật Dân sự bao gồm :

“- Tác phẩm viết;

- Các bài giảng, bài phát biểu;

- Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác;

- Tác phẩm điện ảnh, vi-đi-ô;

- Tác phẩm phát thanh, truyền hình;

- Tác phẩm báo chí;

- Tác phẩm âm nhạc;

- Tác phẩm kiến trúc;

- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

- Tác phẩm nhiếp ảnh;

- Công trình khoa học, sách giáo khoa. giáo trình;

- Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

- Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển;

- Phần mềm máy tính;

- Tác phẩm khác do pháp luật quy định.”

Cách làm này của Bộ luật Dân sự cũng tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 2 của Công ước Berne.

Bộ luật Dân sự cũng đã phân biệt hai loại chủ thể khác nhau có những loại quyền khác nhau đối với tác phẩm là tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Chủ thể duy nhất có quyền nhân thân đối với tác phẩm là tác giả của lác phẩm và vì vậy quyền này không thể chuyển giao được. Quyền tài sản hay có thể hiểu là quyền sở hữu đối với tác phẩm đều có thể là quyền của cả hai loại chủ thể nói trên. Các quy định về quyền nhân thân và quyền tài sản (quyền kinh tế) của quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong mục 2 và 3 của Chương I phần VI Bộ luật Dân sự.

Mục cuối cùng trong Chương I phần VI Bộ luật Dân sự có thể được coi là quyền kề cận của quyền tác giả, đó là quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn, của tổ chức sản xuất bằng âm thanh, đa âm thanh, bằng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình. Theo quy định trong Mục này chúng ta có thể thấy rất rõ những quyền này là quyền phái sinh trên cơ sở quyền tác giả.

Các quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự mang tính nguyên tắc, trong khi đó việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về quyền tác giả hiện nay còn chậm, thiếu và sơ sài. Điều này đã ảnh hướng không nhỏ đến quá trình thực thi Bộ luật Dân sự. Sau khi Bộ luật Dân sự được ban hành, Nghị định 76/CP của Chính phủ được ban hành nhằm hướng dẫn thi hành các quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự. Cho đến nay, Nghị định 76/CP là một Nghị định hướng dẫn chủ yếu và có thể coi là Nghị định duy nhất hướng dẫn việc thực thi các quy định về quyền tác giả trong bộ luật Dân sự. Mặc dù vậy, nhìn chung quy định của Nghị định 76/CP còn rất sơ sài, thiếu rất nhiều các quy định cơ bản để đáp ứng được yêu cầu đặt ra là cụ thể hoá các quy định mang tính nguyên tắc về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự. Những quy định của Nghị định 76/CP không tạo ra được một cơ chế hữu hiệu và cụ thể trong việc bảo hộ quyền tác giả. Điều này đã được chứng minh rõ nét trên thực tế trong thời gian qua.

2.Quyền sở hữu công nghiệp trong pháp luật Việt Nam hiện hành

Cũng giống như quyền tác giả, những quy định về quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật Dân sự là những quy định có tính nguyên tắc, định hướng về việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Để đảm bảo việc thực hiệu những quy định này trên thực tế, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm để hướng dẫn việc thực hiện từng nội dung cụ thể của quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật Dân sự. Chính vì vậy, trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, bên cạnh việc nghiên cứu những quy phạm pháp luật được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự, việc nghiên cứu những văn bản hướng dẫn thi hành là rất quan trọng và cần thiết.

Các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp gồm:

- Bộ Luật Dân sự (Chương II Phần thứ sáu).

- Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Nghị định số 63/CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 06/2001/NĐ - CP ngày 1.2.2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp

- Nghị định số 12/CP/1999/NĐ- CP ngày 6.3.1000 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3.10.2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 13/2001/NĐ- CP ngày 20.4.2001 của Chính phủ về bảo hộ giống cây trồng mới.

- Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 2/5/2003 của Chính phủ quy định về bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

- Một số Thông tư, Quyết định của Bộ KHCN & MT hướng dẫn về thủ tục nộp đơn, đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

- Luật Hải quan.

- Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Luật Thương mại

- Luật Cạnh tranh

Cũng giống như quyền tác giả, trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, Việt Nam đã tham gia và ký kết rất nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương như:

- Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (1883- 1979).

- Hiệp ước hợp tác Bằng sáng chế PCT (1970).

- Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá (1891- 1979).

- Công ước Stockholm về việc thành lập tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (1967).

- Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Bang Thuỵ sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (1997).

- Hiệp định khung về Kinh tế - Thương mại Việt Nam - EU .

- Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa  kỳ (Chương II).

2.1. Bộ luật Dân sự (1995)

Trong Bộ luật Dân sự, các quy định về sở hữu công nghiệp được sắp xếp trong Chương 2 ("Quyền sở hữu công nghiệp") và một vài điều khoản (liên quan đến việc chuyển giao, chuyển nhượng quyền) thuộc Chương 3 ("Chuyển giao công nghệ") của Phần thứ VI ("Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ"). Những nội dung chính về sở hữu công nghiệp được quy định trong các điều khoản nói trên là:

(i) Định nghĩa, khái niệm quyền sở hữu công nghiệp; (ii) Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp; (iii) Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; (iv) Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp; (v) Quyền của chủ thể; (vi) Nghĩa vụ của chủ thể; (vii) Quan hệ quyền - nghĩa vụ về sở hữu công nghiệp giữa chủ thể với người thứ ba và với xã hội; (viii) Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chống các hành vi xâm phạm quyền; (ix) Chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.

Theo các quy định đó, quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là "quyền sở hữu của cá nhân, phấp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiều dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, là quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định"[63]. Như vậy:

- Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được chỉ rõ gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, lên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác (không chỉ rõ đối tượng đó là gì).

- Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp là cá nhân hoặc pháp nhân (Điều 780 BLDS), tuy nhiên, cũng có thể bao gồm cả "các chủ thể khác" (Điều 794 BLDS) - nghĩa là có thể không phải là cá nhân hoặc pháp nhân.

- Căn cứ Phát sinh (nguyên tắc xác lập) quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đã được chỉ rõ trong Bộ luật Dân sự là Văn bằng bảo hộ do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp dựa trên cơ sở xem xét đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ do các chủ thể quyền nộp. Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, Bộ luật Dân sự không chỉ rõ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng phát sinh trên cơ sở nào.

- Quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bao gồm độc quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá; quyền chuyển giao li xăng, để thừa kế hoặc chuyển nhượng quyền của mình; quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm các quyền nói trên. Riêng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, quyền của chủ thể chỉ bao gồm quyền sử dụng (không độc quyền) và quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm. Các quyền nói trên bị giới hạn về thời gian (theo thời hạn bảo hộ) và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam. Các quyền đó còn có thể bị hạn chế bởi một số ràng buộc khác và có thể bị đình chỉ trước thời hạn hoặc bị tước bỏ vì các lý do khác nhau.

- Các hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiệu ít trong thời hạn được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ Văn bằng bảo hộ và không thuộc các trường hợp ngoại lệ thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể và bị xử lý bởi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong hệ thống pháp luật của Việt nam, một số văn bản luật khác (Luật Thương mại, Luật Khoa học - Công nghệ, Luật Đầu tư, Bộ luật Hình sự và Luật Hải quan) cũng có rải rác một số quy định về sở hữu công nghiệp nhưng, có thể nói, cho tới nay hầu như toàn bộ các quan hệ xã hội liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đều được điều chỉnh chủ yếu theo các quy định của Bộ luật Dân sự đã nói trên đây.

2.2. Nghị định 63/CP

Để thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp trong Bộ luật Dân sự, ngày 24.10.1996 (ba tháng sau khi Bộ luật Dân sự bắt đầu có hiệu lực) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.

Với 8 chương, 70 điều, Nghị định là một trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật được ban hành sớm nhất và kịp thời nhất. Nghị định đã làm rõ các nội dung sau đây: (i) Định nghĩa các đối tượng sở hữu công nghiệp bằng cách cụ thể hoá các tiêu chuẩn để được coi là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá do đó có thể được cấp Văn bằng bảo hộ (và được thừa nhận là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được xác lập dưới tên một chủ thể nào đó); (ii) Thủ tục xác lập quyền; (iii) Cụ thể hoá phạm vi, nội dung, điều kiện, hạn chế,...các nội dung quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá; (iv) Cụ thể hoá các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; các trường hợp ngoại lệ không bị coi là xâm phạm quyền; giới hạn quyền khởi kiện, quyền khiếu nại; (v) Vấn đề dịch vụ chuyên nghiệp về sở hữu công nghiệp; (vi) Vấn đề quản lý Nhà nước đối với hoạt động sở hữu công nghiệp; (vii) Việc xử lý các đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ đã nộp trước khi Bộ luật Dân sự bắt đầu có hiệu lực.

Có thể thấy rằng, ngoài những điều khoản nhằm mục đích giải thích, hướng dẫn và cụ thể hoá các quy định về sở hữu công nghiệp nêu trong Bộ luật Dân sự - tức là các điều khoản thực sự có căn cứ từ Bộ luật - Nghị định 63/CP còn có chứa rất nhiều điều khoản có nội dung là các quy định hoàn toàn mới, không trực tiếp xuất phát từ các quy định của Bộ luật, trong đó đặc biệt có các nội dung sau: (i) Các quy định về thủ tục hành chính xác lập quyền sở hữu công nghiệp (thủ tục nộp đơn, xem xét đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ, thủ tục duy trì, gia hạn, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ); (ii) Các quy định về phạm vi, thời hạn, nội dung quyền sở hữu công nghiệp, nhất là các quy định về quyền khởi kiện, quyền yêu cầu xử lý bằng biện pháp hành chính.

2.3.Nghị định 12/1999/NĐ – CP

Một nội dung quan trọng của cơ chế bảo hộ sở hữu công nghiệp là việc ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể sở hữu. Bộ luật Dân sự đã quy định về mặt nguyên tắc các hành vi bị coi là xâm phạm (thực hiện một trong các nội dung quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mà không được phép của chủ sở hữu trừ một số trường hợp ngoại lệ) và quyền của chủ sở hữu yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý (ngăn chặn, yêu cầu bồi thường thiệt hại) các hành vi xâm phạm đó.

Một trong các đặc tính của quyền sở hữu công nghiệp là rất dễ bị xâm phạm, do vậy việc xử lý hữu hiệu các hành vi xâm phạm là mục tiêu của cơ chế bảo hộ một cách có hiệu quả. Ngay từ khi chưa có Bộ luật Dân sự, cùng với sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế thị trường, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã diễn ra ngày càng phổ biến với quy mô ngày càng nghiêm trọng. Việc sử dụng bất hợp pháp mẫu mã (kiểu dáng), nhãn hiệu...; nạn sao chép, nhái... mẫu sản phẩm thường xuyên xảy ra những việc xử lý các hành vi đó dường như không dược tiến hành. Một trong các lý do của tình trạng đó là thiếu các quy định của pháp luật về các biện pháp chế tài thích hợp.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 6.3.1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/1991/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Nghị định bao gồm 24 điều quy định cụ thể các loại hành vi vi phạm, các hình thức, mức độ, thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Trong số các hành vi bị coi là vi phạm, Nghị định đặc biệt lưu ý đến các hành vi thực hiện bất hợp pháp việc sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp -tức hành vi xâm phạm quyền đang được bảo hộ. Theo Nghị định đó các cơ quan sau đây có thẩm quyền xử phạt hành vi xâm phạm quyền: Uỷ ban nhân dân các cấp, Công an kinh tế, Quản lý thị trường, Thanh tra Khoa học - Công nghệ và Hải quan. Gần như ngay sau khi được ban hành, văn bản đó đã được áp dụng vào việc xử lý các trường hợp vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp với hàng trăm vụ việc xử lý ở hầu hết các địa phương. Nhờ có các quy phạm chế tài như vậy, tình trạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được ngăn chặn trong một chừng mực nhất định và pháp luật bắt đầu phát huy hiệu quả răn đe đối với những người vô tình hoặc cố ý không quan tâm tới quyền sở hữu công nghiệp của người khác. Nhờ vậy, quyền sở hữu công nghiệp của các chú thể đã bắt đầu thực sự được bảo vệ.

3. Đánh giá chung về pháp luật Việt Nam hiện hành trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ

3.1 Nhận xét chung về hệ thông pháp luật Việt Nam hiện hành trong lĩnh vực quyền sớ hữu trí tuệ

Có thể nói hiện nay Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Trong hệ thống đó, các văn bản quy phạm pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp đã quy định khá đầy đủ các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, thủ tục đăng ký, quyền của chủ sở hữu, hành vi vi phạm và việc bảo hộ thông qua hệ thống chế tài dân sự, hành chính, hình sự. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ được quy định từ luật đến các Nghị định và Thông tư. Trong đó, các quy định cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ được tập trung trong Bộ luật Dân sư (1995). Để hướng dẫn thi hành các quy định của Phần VI Bộ luật Dân sự Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn cụ thể dưới hình thức Nghị định, Thông tư, Quyết định và Công văn cấp Bộ. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, Việt Nam đã tham gia và ký kết một số điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Các điều ước quốc tế này cũng là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

Về cơ bản, các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đã phù hợp với các yêu cầu của pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ.

a. Sau một thời gian thi hành Bộ luật Dân sự (từ 1996 đến nay), hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng:

- Bước đầu xây dựng nền móng cho ý thức tôn trọng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ;

- Xây dựng được một hệ thống các văn bản và thiết cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã phần nào phù hợp với các yêu cầu của pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ;

- Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và thúc đẩy chuyển giao công nghệ:

- Là cơ sở pháp lý để Nhà nước ta thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ;

- Xoá bỏ được sự phân biệt đối xử về phí và lệ phí sở hữu công nghiệp.

b. Tuy nhiên trong hệ thống các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nạm còn có một số điểm khiếm khuyết:

- Các quy định quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật Việt Nam còn được quy định tản mạn trong nhiều văn bản dưới luật. Trong lĩnh vực quyền tác giả, các quy định phấp luật còn nhiều khoảng trống, có những quy định chồng chéo, thiếu tính thống nhất về nội dung và chưa chặt chế trong diễn đạt.

- Nhiều khái niệm, thuật ngữ trong lĩnh vực quyền tác giả còn chưa được giải thích chính thức trong các văn bản pháp luật, hoặc nhiều thuật ngữ tuy được giải thích nhưng lại giải thích sai, cho nên việc vận dụng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nhiều vấn đề cần được làm rõ nhưng chưa có văn bản hướng dẫn như: các dấu hiệu đặc thù để phân biệt tác phẩm đồng tác giả, tác phẩm sáng tạo theo nhiệm vụ được giao, giải thích về việc bảo hộ sự toàn vẹn tác phẩm, việc khai thác bình thường tác phẩm, về hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả...

- Thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định về bảo hộ quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự nên các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào đời sống thực tế. Trong quy định của pháp luật còn có những quy định chưa rõ rang, dẫn đến có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây tranh cãi trong các cơ quan áp dụng pháp luật.

- Khi xây dựng các quy định về bảo hộ quyền tác giả, chúng ta cũng chưa tham gia hoặc ký kết điều ước quốc tế nào về quyền tác giả, nên trong quy định của pháp luật về quyền tác giả còn có nhiều điểm chưa phù hợp với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.

- Thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp còn phải qua nhiều tầng nấc.

- Các thủ tục tố tụng hoặc giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp chưa đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả. Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp còn chưa kịp thời, chưa nghiêm, thiếu sự quan tâm các cơ quan có chức năng.

- Hiện nay, nhiều hàng giả trôi nổi trên thị trường có nguồn gốc từ nước ngoài và được nhập lậu vào Việt Nam. Việc truy tìm nguồn gốc để xử lý rất tốn kém và thiếu hiệu quả. Trong khi đó, chúng ta lại chưa tích cực, chủ động ngăn chặn từ gốc (kiểm soát, ngăn chặn từ cửa khẩu biên giới là con đường hàng được nhập lậu), mà chỉ xử lý từ ngọn, tức là bắt và tịch thu hàng giả lưu thông trên thị trường. Cách làm này là hết sức bị động, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.

Có thể thấy các quy định về mặt thủ tục, đặc biệt là đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang còn nhiều thiếu sót. Đồng thời việc thực thi trên thực tế công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Vấn đề này cũng đang được các đối tác đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam rất quan tâm.

3.2. Một số nhận xét về sự chưa phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu tri tuệ với các yêu cầu của TRIPS

3.2.1. Về quyền tác giả.

- Khái niệm về quyền tác giả hiện nay trong Bộ luật Dân sự cần phải được mở rộng hơn. Theo đó, chúng ta cần nhấn mạnh khái niệm tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học là sự thể hiện sáng tạo ý tưởng của con người và quy định về việc bảo hộ quyển tác giả là sự bảo hộ sự thể hiện ý tưởng, không bao gồm nội dung của ý tưởng;

- Các tiêu chí bảo hộ quyền tác giả đối với người nước ngoài theo quy định tại Điều 839 Bộ luật Dân sự là chưa chặt chẽ, cụ thể và chưa phù hợp với các quy định tại Điều 3 và Điều 4 Công ước Berne. Các quy định về quyền nên phải được quy định trong một vãn bản luật chứ không nên để trong một văn bản dưới luật;

- Các khái niệm, thuật ngữ trong lĩnh vực quyền tác giả còn chưa phù hợp với pháp luật quốc tế như khái niệm về "bản sao", "phân phối ra công chúng", "người biểu diễn"...

- Chưa có quy định tuyên bố rõ tác phẩm tái sinh được bảo hộ độc lập với tác phẩm gốc;

- Quyền tài sản chưa quy định chi tiết như Công ước Berne, hiện nay quy định này của pháp luật Việt Nam còn chung chung, chưa chỉ đích danh như Công ước Berne. Các quy định về quyền kinh tế và quyền nhân thân của tác giả còn lẫn lộn, nên quy định quyền tác giả hoặc quyền của người nắm giữ quyền tác giả theo các quy định tại các Điều 8, 9, 11, 1lbis, 11ter, 12, 14, 14bis, 14ter của Công ước Berne. Trên thực tế chủ sở hữu tác phẩm hay bị nhầm với người sở hữu vật thể định hình tác phẩm;

- Việt Nam tuyên bố sẽ áp dụng các quy định tại Phụ lục I của Công ước Berne nhưng kể từ khi gia nhập cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề hạn chế quyền dịch, quyền sao chép thông qua giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Việc bảo hộ hối tố theo quy định của Điều 18 Công ước Berne và Điều 14.6 TRIPS đối với những tác phẩm đã được công bố trước thời điểm Việt Nam gia nhập Công ước Berne nhưng vẫn còn thời hiệu bảo hộ chưa được quy định mặc dù Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne;

- Vấn đề quản lý tập thể quyền tác giả chưa có quy định pháp luật cụ thể cho nội dung này;

- Thiếu nhiều văn bản hướng dẫn việc bảo hộ các loại hình tác phẩm có tính chất đặc thù như: tác phẩm nghệ thuật tạo hình, chương trình phần mềm máy tính, tác phẩm điện ảnh....;

- Thiếu các văn bản hướng dẫn phương thức xác định thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chưa được pháp luật quy định đầy đủ;

- Các trường hợp giới hạn đối với quyền liên quan chưa được pháp luật xác định rõ;

3.2.2. Về quyền sở hữu công nghệ

- Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp cần phải được bảo hộ: đã quy định đầy đủ trong pháp luật Việt Nam nhưng còn tản mạn chưa tập trung;

- Các quy định về cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, thông tư...). Tuy nhiên, các quy định hiện hành còn chưa phù hợp với quy định của Điều 10bis Công ước Paris. Cụ thể, chưa có quy định như quy định tại khoản 2 Điều 10bis mà mới chỉ liệt một số hành vi theo quy định tại khoản 3 Điều 10bis;

- Các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng chưa đầy đủ. Trước hết về phạm vi nổi tiếng của nhãn hiệu theo quy định của Nghị định 06/2001/NĐ-CP là quá rộng không xác định được khi có tranh chấp xảy ra. Chúng ta nên có quy định phạm vi nổi tiếng là trong phạm vi công chúng thường xuyên sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng đó. Bên cạnh đó, quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu nổi tiếng là không hợp lý;

- Chưa có quy định về bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận;

- Các quy định về li xăng không tự nguyện chưa đầy đủ so với các quy định của TRIPS;

- Việc xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp cần quy định cụ thể hành vi vi phạm đối với từng đối tượng cụ thể như cho phép chủ sở hữu có quyền yêu cầu tịch thu hàng hoá vi phạm, tịch thu và tiêu huỷ các phương tiện vi phạm, quyền yêu cầu phía vi phạm cung cấp thông tin... và các chế tài dân sự cần được bổ sung;

- Có sự mâu thuẫn và không rõ ràng giữa Nghị định 54, Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp về việc: có phải đăng ký tên thương mại hay không? tên doanh nghiệp có phải là tên thương mại không?

3.2.3. Về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Về cơ bản, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các quy định khá cụ thể và tương đối phù hợp với các yêu cầu về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong BTA và TRIPS (các quy định như vậy được nêu trong các văn bản về thủ tục tố tụng dân sự, luật hình sự, luật hải quan, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. . .). Tuy nhiên, để hệ thống bảo hộ thực sự có hiệu quả thì hệ thống thực thi còn phải giải quyết các vấn đề sau:

- Chế tài hình sự (Điều 131, 156, 168, 171 của Bộ luật Hình sự) quy định về hành vi cấu thành tội phạm chưa chính xác, phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự còn chưa phù hợp và quá rộng, mức xử phạt chưa đủ để răn đe, đặc biệt đối với hành vi xâm phạm độc quyền tác giả;

- Các quy định mang tính nguyên tắc về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ xâm phạm, tranh chấp về sở hữu trí tuệ đã được đưa vào Bộ luật Tố tụng dân sự; tuy nhiên, một số quy định cần phải được cụ thể hoá để phù hợp với lĩnh vực sở hữu trí tuệ đáp ứng các yêu cầu của TRIPS, trong đó có các quy định liên quan đến nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong trường hợp xâm phạm quyền của chủ sáng chế là quy trình, quy định liên quan đến áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Các chế tài hành chính cần được xem xét lại về phạm vi các hành vi xâm phạm quyền bị xử lý hành chính. Quy định như pháp luật hiện hành là quá rộng, dẫn đến tính trạng hành chính hoá các quan hệ tranh chấp hoặc vi phạm về bản chất là dân sự và cần được giải quyết bằng các chế tài dân sự. Ngoài ra, chế tài hành chính chưa đủ mạnh do mức phạt còn thấp, thủ tục hành chính cần được cải tổ về cơ cấu tổ chức của hệ thống các cơ quan thực thi để xoá bỏ tình trạng chồng chéo về chức năng, không có sự điều phối, năng lực chuyên môn yếu;

- Chưa đảm bảo được mọi quyết định hành chính đều có thể được xem xét lại bằng con đường tố tụng tại toà án;

- Chưa có cơ chế mở rộng khả năng giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ bằng phương thức hoà giải hoặc trọng tài, bên cạnh phương thức giải quyết tại Toà án.

 

IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH TRONG LĨNH VỰC QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Hiện nay Việt Nam đang gấp rút hoàn tất quá trình đàm phán song phương và đa phương để cố gắng gia nhập WTO vào cuối năm 2005. Một trong những yêu cầu rất lớn đặt ra đối với Việt Nam là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành theo các yêu cầu của WTO trong đó có các quy định về sở hữu trí tuệ.

Trong phần III của bài viết này chúng ta đã nhận thấy về cơ bản hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ đã phù hợp với WTO. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề và nội dung của hệ thống pháp luật này cần phải được hoàn thiện hơn. Đặc biệt, các quy định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn được quy định rải rác trong nhiều văn bản dưới luật, kể cả đối với những nội dung về quyền cơ bản trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, để tăng cường công tác chuẩn bị cho việc hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO, Thủ tưởng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/2005/CT-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong năm 2005 phục vụ đàm phán, gia nhập WTO. Trong Chỉ thị này Thủ tướng Chính phủ đã có đề nghị với Quốc hội việc sớm ban hành một Luật về Sở hữu trí tuệ chung cùng với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự đang được tiến hành hiện nay. Như vậy, đây là một thời điểm rất thuận lợi cho Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ theo các yêu cầu của pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ nói chung và các yêu cầu của TRIPS nói riêng.

Tuy nhiên, để có thể hoàn thiện được hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần phải thống nhất được quan điểm chỉ đạo cho quá trình này. Theo tôi, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự và soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ không những bảo đảm sự phù hợp của hai văn bản này với các yêu cầu của WTO, mà còn phải pháp điển hoá được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ, xây dựng được cơ chế riêng đặc thù trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Để đảm bảo được yêu cầu trong quá trình hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của pháp luật quốc tế nói chung và WTO nói riêng, chúng tôi nhận thấy việc sửa đổi Bộ luật Dân sự và soạn thảo, ban hành mới Luật Sở hữu trí tuệ nên được thực hiện theo hướng:

- Đối với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, chúng ta chỉ nên để lại những quy định chung, có tính chất nguyên tắc về quyền sở hữu trí tuệ trong Phần VI của Bộ luật Dân sự. Việc giữ lại các quy định này nhằm làm rõ về nguyên tắc Nhà nước công nhận quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền dân sự. Đồng thời các quy định này phải đảm bảo được tính ổn định cao, tránh được sự mâu thuẫn khi Luật Sở hữu trí tuệ thay đổi.

- Luật Sở hữu trí tuệ được soạn thảo phải nhằm mục đích pháp điển hoá các văn bản hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ đang được quy định trong hàng loạt các văn bản dưới luật. Luật Sở hữu trí tuệ phải quy định một cách toàn diện và đầy đủ về tất cả các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong Luật này cần phải được xây dựng để thiết lập nên một cơ chế đặc thù trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Chuyên đề xin mạnh dạn đề xuất bố cục của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm 5 phần chính là:

(1) Những quy định chung: phần này quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật, giải thích từ ngữ, căn cứ xác lập quyền, giới hạn quyền sở hữu trí tuệ, nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ...

(2) Quyền tác giả và quyền liên quan. Phần này gồm 2 mục là quyền tác giả và quyền liên quan, quy định cụ thể về 2 lĩnh vực đó của quyền tác giả;

(3) Quyền sở hữu công nghiệp: Phần này gồm các quy định cụ thể về cơ chế xác lập quyền, phạm vi quyền và các quy định bảo hộ đối với từng đối tượng cụ thể của quyền sở hữu công nghiệp;

(4) Thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Phần này quy định các biện pháp chế tài về dân sự, hành chính, hình sự để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quy định việc áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên các quy định về chế tài hình sự trong phần này nên dẫn chiếu tới Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự.

(5) Điều khoản thi hành: Phần này quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm của các cơ quan trong việc hướng dẫn thi hành Luật, hiệu lực của Luật.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ thì việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế luôn là vấn đề được các nước quan tâm. Chính vì vậy đây là nội dung mà Việt Nam cũng cần chú ý. Để có thể thực hiện được yêu cầu này, chúng ta cần xây dựng được một cơ chế hữu hiệu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như phải có chiến lược nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ làm công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ như cán bộ hải quan, thẩm phán, các cán bộ làm công tác quản lý. Quan trọng hơn chúng ta cần phải có chiến dịch nhằm nâng cao hiểu biết và sự tôn trọng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của mỗi người dân nói chung và của các tác giả cũng như chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.

Tóm lại, mặc dù các quy định pháp luật hiện hành của Việt nam đã phù hợp với yêu cầu của TRIPS, tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trên thực tế đang là một khó khăn rất lớn đối với Việt Nam. Trung Quốc đã là một nước thành viên WTO nhưng việc thực hiện các nghĩa vụ của TRIPS vẫn là một vấn đề khá bức xúc đối với nước này Do đó, Trung Quốc đã nhận được rất nhiều phán ứng từ các nước thành viên WTO là những nước phát triển trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Trước thực tế này, các nước thành viên WTO đã có những yêu cầu rất cao đối với Việt Nam về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Vì vậy, chúng ta cần thấy rõ một trong những nhiệm vụ rất khó khăn của Việt Nam khi chúng ta trở thành thành viên WTO là việc thực hiện các nghĩa vụ của TRIPS. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải có những nỗ lực rất lớn trong quá trình hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ và ý thức pháp luật của mỗi người dân./.

 

 

 

 

 

 

CÁC QUY ĐỊNH CỦA WTO VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ    

 

Nguyễn Khánh Ngọc[64]

I/ GIỚI THIỆU

Vòng đàm phán đa phương Uruguay (1986-1994) được đánh giá là thành công nhất trong các vòng đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) về nhiều phương diện, như phạm vi điều chỉnh, số lượng nước tham gia, thành lập được thiết chế quản lý các vấn đề thương mại quốc tế - Tổ chức thương mại thế giới (WTO)... Đã có nhiều bài viết và nghiên cứu về kết quả của Vòng Uruguay, trong đó nhiều học giả đã cho là các quy định đạt được tại Vòng này về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là một sự tiến bộ có ý nghĩa đặc biệt, đem lại luồng không khí mới cho thể chế thương mại đa phương, nhất là lòng tin của các nước thành viên vào việc các quy định trong WTO sẽ được thực hiện và bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ được điều chỉnh lại thông qua việc áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Điều này có thế hiểu được vì GATT 1947 không có một cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả và bất kỳ nước thành viên nào cũng có thể trì hoãn hay ngăn cản việc giải quyết tranh chấp hay thông qua các phán quyết. Nhiều quy định của GATT do đó chỉ tồn tại trên giấy mà không có tính ràng buộc hay cưỡng chế cao theo nghĩa là bất kỳ vi phạm nào đều có thể đem lại một phán quyết yêu cầu có điều chỉnh, khắc phục hành vi vi phạm. Trong bối cảnh đó thì một cơ chế giải quyết tranh chấp mới, hiệu quả và hoạt động tốt là một nhu cầu cấp thiết để bảo đảm cho việc thực thi các quy định của WTO.

Việc WTO xây dựng được một cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM) dựa trên các kinh nghiệm và quy định tồn tại trên 40 năm, nhưng với một chất lượng mới cần được đánh giá trong bối cảnh quốc tế là có nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế nhưng không hoạt động hiệu quả thì mới thấy hết được các ý nghĩa của nó. Trong WTO, việc các quốc gia thành viên dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển đều có nghĩa vụ bình đẳng trong việc bảo đảm thể chế pháp luật của mình thống nhất với WTO và phải tuân thủ theo cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan tới các hiệp định WTO[65]. Các số liệu từ 1/1/1995 cho tới giữa 2003 thật đáng khích lệ: về số lượng các vụ tranh chấp ( khoảng 300 vụ việc đã được khởi kiện ra WTO, trong đó chỉ khoảng 1/3 là cần có việc phán quyết cuối cùng của Cơ quan Giải quyết tranh chấp WTO (DSB) còn 213 là đã được hoà giải hay không đi tiếp tố tụng), các bên tham gia (ngày càng có nhiều nước thành viên đang phát triển vụ kiện các nước tham gia) và hầu hết các phán quyết của DSB đều được các bên tranh chấp tự nguyện thi hành.

Tuy nhiên, sau gần 8 năm thực hiện thì các quy định của WTO về giải quyết tranh chấp - gồm: DSU và các quy định đặc biệt hay bổ sung của các hiệp định thoả thuận chuyên ngành khác - cũng đã bộc lộ những yếu kém, nhược điểm cần được hoàn thiện. Điều này đã được các nước WTO dự đoán ngay từ đầu vì các quy định về giải quyết tranh chấp của WTO là các quy định mới có tính thử nghiệm mà cần được rà soát để hoàn thiện. Tuy nhiên, các nỗ lực của các nước đã không đem lại một sự thống nhất nào cho tới 31/7/1999. Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp và trọng tâm là DSU, các nước WTO đã thống nhất tại Hội nghi Bộ trưởng Doha 11/2001 là sẽ "đàm phán về việc hoàn thiện và làm rõ DSU". Rất tiếc cho tới Hội Nghị Bộ trưởng Cancun 2003 thì các nước vẫn chưa có được thoả thuận cụ thể nào, và đang dự kiến kết thúc đàm phán vào giữa 5/2004.

Trong bối cảnh các quy định có tính thử nghiệm của WTO về giải quyết tranh chấp đã được áp dụng gần 8 năm và các thảo luận về khả năng hoàn thiện và làm rõ các quy định này đang diễn ra thì việc Việt nam- một nước đang nỗ lực đàm phán gia nhập WTO tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu về các quy định này là việc làm hết sức cần thiết. Việc tìm hiểu, nghiên cứu các quy định này không chỉ có ý nghĩa đối việc bảo vệ quyền lợi sau khi gia nhập WTO, mà còn có ý nghĩa ngay cả khi chúng ta đang đàm phán gia nhập vì nhiều quy định về nội dung của WTO chỉ có thể hiểu được đầy đủ thông qua việc tìm hiểu xem các quy định về giải quyết tranh chấp và án lệ của WTO để biết được các hiệp định trong WTO đã được giải thích và áp dụng như thế nào trong thực tế giải quyết tranh chấp. Trong khi đó thì việc hiểu được các quy định về nội dung đó là điều kiện quan trọng để chúng ta đàm phán và đưa ra các cam kết thích hợp, cũng như là chuẩn bị các điều kiện để thi hành các cam kết này.

Chính vì vậy, tôi đánh giá cao việc triển khai thực hiện Đề tài "Thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến các Hiệp định đa biên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam", trong đó có chuyên đề “Nghiên cứu các quy định của WTO về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế”.

Bài viết này được viết trên cơ sở chủ yếu là các nguồn thông tin nước ngoài. Tác giả đã cố gắng cập nhật các thông tin ở mức tối đa tới 11/2003 về các vấn đề được trình bày ở đây.

Bài viết gồm 4 phần

- Giới thiệu

- Các quy định của WTO về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

- Triển vọng phát triển của DSU trong Vòng đám phán Doha

- Kết luận

II/ CÁC QUY ĐỊNH CUẢ WTO VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Một nhận xét chung là so với GATT trước đây thì các quy định của WTO về giải quyết tranh chấp đã có bước phát triển rất lớn. Mặc dù căn cứ khởi kiện là như nhau (Điều XXII và Điều XXIII của GATT), nhưng GATT trước đây về cơ bản chỉ có 2 điều (Điều XXII và Điều XXIII của GATT) về giải quyết tranh chấp. Trong khi đó thì WTO ngoài Điều XXII và Điều XXIII của GATT còn có cả một Thoả thuận DSU gồm 27 điều và 4 phụ lục điều chỉnh toàn bộ các thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, trong các tranh chấp liên quan tới một số vấn đề thương mại cụ thể thì còn có các quy định đặc biệt hay bổ sung được quy định tại một số hiệp định liên quan (được liệt kê tại Phụ lục 2 của DSU). Theo Điều 1.2 của DSU thì các quy định đặc biệt hay bổ sung này có giá trị ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định này với các quy định của DSU. Tuy nhiên, các quy định của DSU vẫn dược coi là xương sống của cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM) của WTO trong việc bảo đảm thi hành các quy định của WTO.

Hơn nữa, các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế có thể được chia một cách tương đối thành các cơ chế giải quyết tranh chấp theo sức mạnh - mặc dù có thể được gọi với lên khác như là cơ chế ngoại giao (tức là nước lớn, nước giàu, nước mạnh có tiếng nói lấn át các nước nhỏ, nước nghèo, nước yếu) và cơ chế giải quyết theo luật (tức là dựa vào các quy tăc và chuẩn mực quốc tế đã được thống nhất trước đó và thường được một thiết chế độc lập giải quyết). Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của GATT trong các thập kỷ đầu có thể gọi là cơ chế giải quyết theo sức mạnh vì lúc đó, có thể nói là Hoa Kỳ có tiếng nói quyết định về các vấn đề trong GATT. Các cơ chế giải quyết tranh chấp song phương thông thường cũng mang nặng màu sắc của cơ chế giải quyết theo sức mạnh bởi vì trong các cuộc đối đầu tay đôi, nước lớn, nước giàu thường có vị thế rất mạnh để đưa ra các yêu cầu hay gắn việc giải quyết tranh chấp cụ thể với các vấn đề khác như việc trợ ODA các ưu đãi thương mại của Chương trình ưu đãi phổ cập chung (GSP) hay các ưu đãi, thuận lợi khác. Trong khi đó, cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay của WTO thường được miêu tả như là cơ chế giải quyết theo luật vì cơ quan ra phán quyết là độc lập và chỉ dựa vào các quy tắc đã được thoả thuận trước đó, quy trình tố tụng hầu như “tự động" theo nghĩa là không một nước dù lớn hay nhỏ nào có thể cản trở tố tụng được.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý ngay từ đầu là cho tới nay tất cả các cơ chế giải  quyết tranh chấp tranh chấp thương mại quốc tế hiện đại, kể cả cơ chế hiệu quả của WTO), đều không có "cảnh sát" hay "chấp hành viên" để cưỡng chế thi hành án khi quốc gia thua kiện không tự nguyện tuân thủ phán quyết. Thực tế là các Ban hội thẩm (panel) và Cơ quan phúc thẩm chỉ đưa ra phán quyết là có vi phạm hay không và nếu có thì khuyến nghị "nước vi phạm có biện pháp điều chỉnh để tuân thủ theo các quy định của WTO". Sau đó thì việc tuân thủ thế nào là quyền của nước thua kiện. Chính vì vậy việc thi hành phán quyết đề cơ bản dựa vào thiện chí của quốc gia thua kiện, sức ép của quốc gia thắng kiện và cả cộng đồng quốc tế. Trong những trường hợp nước thua kiện không có thiện chí như trong vụ Eu-chuối, Thịt bò hóc môn; hay hoa kỳ - Tu án chính luật Byrd, Vụ kiện về thuế thu nhập đối với các công ty bán hàng nước ngoài mà Hoa Kỳ thua kiện... thì mục tiêu của cơ chế DSM rất khó đạt được.

Một nhận xét chung nữa là cho dù có thể là nằm ngoài mong muốn của các quốc gia nhưng một sự thật xảy ra là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại ngày càng trở lên phức tạp, kéo dài và tốn kém hơn. Quy trình tố tụng có xu thế phân thành hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Các vấn đề tranh chấp chứa đựng nhiều vấn đề pháp lý phức tạp và việc giải quyết được dựa vào các quy tắc giải thích điều ước quốc tế được quy định trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế. Đây thực sự là những trở ngại cho các nước có các nguồn lực hạn chế khi theo đuổi các vụ kiện. Theo ý kiến của các nhà bình luận quốc tế thì có lẽ duy nhất chỉ có Hoa kỳ là có đủ khả năng tự mình kiện và theo kiện mà không cần thuê luật sư bên ngoài, còn tất cả các chính phủ khác, kể cả EU, Canada, Nhật bản... đều phải thuê luật sư tư nhân bên ngoài để tham gia vào các vụ kiện tại WTO[66]. Các phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là của cơ quan phúc thẩm WTO mặc dù không phải là án lệ theo đúng nghĩa của nó nhưng về tổng thể là rất nhất quán và có giá trị thuyết phục cao cho các vụ việc tương tự sau đó. Giờ đây, việc giải quyết một vụ tranh chấp thương mại quốc tế không phải là vấn đề vài ba tháng mà là vấn đề cần một vài năm. Nếu cộng thêm cả khoảng thời gian dành cho quốc gia thua kiện tự nguyện thi hành- nhiều khi đến cả năm trời - thì việc giải quyết tranh chấp thương mại là quá dài.

Tính phức tạp của tranh chấp, quy trình tố tụng kéo dài, cộng thêm việc hầu hết các chính phủ không có khả năng và kỹ năng tự mình tranh tụng mà phải thuê luật sư tư nhân (thường là luật sư Hoa Kỳ hay EU) nên chi phí giải quyết tranh chấp là rất lớn và thậm chí là quá sức đối với nhiều nước nghèo. Đã có nghiên cứu cho thấy là tổng chi phí theo kiện trong một tranh chấp trong WTO có thể lên tới vài triệu đô la Mỹ.

Thuật ngữ “tranh chấp" được hiểu theo nghĩa thông thường là những bất đồng, xung đột hay tranh cãi về quyền hay nghĩa vụ mà trong đó việc khẳng định quyền của một bên được đáp lại bằng sự từ chối, phủ nhận hay yêu cầu ngược lại của phía bên kia. Trong bối cảnh WTO thì thuật ngữ này về cơ bản dược dùng đề chỉ các bất đồng giữa các nước thành viên WTO khi một nước cho rằng quyền lợi của mình theo một hiệp định nào đó của WTO bị mất đi hay bị xâm hại do việc một nước thành viên khác áp dụng một biện pháp thương mại hay không thực hiện một nghĩa vụ - chiếm khoảng 98% các vụ việc. Trong WTO và GATT còn có các trường hợp tranh chấp khác mà không cần có bất kỳ vi phạm nào nhưng ít được sử dụng: khi việc đạt được mục tiêu của hiệp định bị cản trở do biện pháp thương mại hay không thực hiện nghĩa vụ của một nước; khi có bất kỳ tình tiết nào đem lại thiệt hại về quyền lợi hay cản trở đạt mục tiêu hiệp định[67]. Hơn nữa, bất đồng này chỉ trở thành một tranh chấp của WTO khi nó được chính thức thông báo cho Ban thư ký WTO. Bài viết này chỉ đề cập tới các tranh chấp thương mại trong mối quan hệ giữa các quốc gia/Chính phủ và không đề cập tới các tranh chấp tư, mặc dù một điều đã được thừa nhận là đằng sau các vụ tranh chấp thương mại trong WTO là quyền lợi của các công ty, doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là Vụ kiện về chuối giữa Hoa Kỳ và EU trong WTO - cả hai bên đều không trồng chuối nhưng quyền lợi của các tập đoàn đầu tư và phân phối chuối đã đem lại vụ kiện này. Vụ kiện về phim và giấy ảnh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản được gọi tắt là Vụ kiệu giữa hai hãng phim ảnh lớn là Kodak (Hoa Kỳ) và Fuji (Nhật Bản). Chính vì vậy mà nhiều nhà quan sát quốc tế đã có kết luận là đằng sau các vụ tranh chấp thương mại quốc tế là các tập đoàn, công ty kinh doanh có quyền lợi gắn với tranh chấp.

Cuối cùng, một nhận xét chung nữa cũng cần nêu ở đây là mặc dù Vòng Uruguay đã đem lại những tiến bộ lớn cho thể chế thương mại đa phương, nhưng nhiều quy định, nhất là các quy định có tính nguyên tắc bắt nguồn từ các quy định của GATT được đàm phán trong giai đoạn 1947-1948. Điều này đúng với cả các quy định về giải quyết tranh chấp và các quy định khác liên quan đến các lĩnh vực thương mại hàng hoá. Hệ quả đem lại là chúng ta phải đương đầu với việc giải thích, áp dụng các quy định được đàm phán cách đây nửa thế kỷ vào những tình huống, phát triển hiện đại. Để xử lý vấn đề này, trong một vụ kiện (Hoa kỳ - Tôm) Cơ quan phúc thẩm đã nói là chúng ta cần giải thích các quy định của Hiệp định GATT như là một tài liệu sống để đưa vào các khía cạnh, sự phát triển mới[68]

 Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, từ góc độ tổng quan, về các quy định giải quyết tranh chấp của DSU và các quy định đặc biệt hay bổ sung về giải quyết tranh chấp trong các hiệp định liên quan của WTO.

1.       Thoả thuận ghi nhận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp

Thoả thuận ghi nhận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU) là một tài liệu pháp lý quan trọng trong tổng thể “chọn gói” tất cả các hiệp định và thoả thuận mà bất kỳ nước thành viên WTO nào cũng phải cam kết tham gia và thực hiện, mặc dù nó không được gọi như các tài liệu khác là hiệp định. DSU được đưa vào WTO với tư cách là phụ lục 2 của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO giống như là "điều khoản về giải quyết tranh chấp của WTO"- tương tự như điều khoản trọng tài trong hợp đồng thương mại. DSU được xây dựng trên cơ sở các quy định và thực tiễn của GATT với những sửa đổi thích hợp làm cho các quy định này dễ dàng áp dụng một cách hiện quả hơn "Các nước thành viên khẳng định việc tuân theo những nguyên tắc giải quyết tranh chấp từ trước tới nay dược áp dụng theo Điều XXII và XXIII của GATT 1947, và những quy tắc và thủ tục được tiếp tục sửa đổi trong thoả thuận này" (Điều 3.1 DSU). Tức là các căn cứ khởi kiện vẫn là 3 căn cứ được quy định tại Điều XXIII của GATT:

- khi có một biện pháp của một nước vi phạm một hiệp định;

- khi có một biện pháp xâm hại quyền lợi của nước khác nhưng không có vi phạm hiệp định nào; và

- khi có các tình huống bất kỳ đem lại thiệt hại về quyền lợi.

Khi đàm phán DSU thì các nước thành viên nhận thức đây phải "là một nhân tố trung tâm trong việc tạo ra sự an toàn và khả năng dự đoán trước cho hệ thống thương mại đa phương" nhưng các quyết định về giải quyết tranh chấp cụ thể không có giá trị án lệ và không ràng buộc các bên không phải là bên tranh chầp[69]. Nguyên tắc áp dụng pháp luật được sử dụng trong giải quyết tranh chấp là "...bảo toàn các quyền và nghĩa vụ...theo các hiệp định liên quan và ...làm rõ những điều khoản...của những hiệp định đó trên cơ sở phù hợp với các quy tắc tập quán giải thích công pháp quốc tế. Các khuyến nghị và phán quyết ...không được làm tăng hoặc giảm các quyền và nghĩa vụ ..." đó. Chính nguyên tắc áp dụng pháp luật này đã đem lại các báo cáo giải quyết tranh chấp của Ban hội thẩm và nhất là của Cơ quan phúc thẩm được viết rất dài (200-400 trang) lập luận về cách tiếp cận và giải thích điều ước quốc tế theo pháp luật công pháp quốc tế.

Một nguyên tắc rất quan trọng đã được đưa vào DSU để chấm dứt tình trạng các nước tự đơn phương giải quyết các bất đồng với các nước thành viên khác “Khi các Nước thành viên muốn xử lý một [tranh chấp]... thì những nước thành viên này phải dựa vào và tuân thủ theo ...[DSU]." (Điều 23.l). Điều 23 DSU cũng cấm việc các nước tự cho là nước khác có vi phạm một quy định nào đó của WTO khi không chưa có quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB).

Thông qua DSU các nước thành viên WTO đã thiết lập nên Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB), mà thực tế là Hội đồng chung của WTO được triệu tập để thực hiện chức năng về giải quyết tranh chấp. Đây là cơ quan có nhiều nhiệm vụ như thành lập Ban hội thẩm, thông qua các khuyến nghị và phán quyết giải quyết tranh chấp, theo dõi thi hành các khuyến nghị và phán quyết sau khi được thông qua, cho phép trả đũa thương mại. Nguyên tắc thông qua các phán quyết và khuyến nghị giải quyết tranh chấp trong DSB là "đồng thuận nghịch", tức là các phán quyết và khuyến nghị này được coi là đã được DSB thông qua, trừ khi “DSB quyết định trên cơ sở đồng thuận không thông qua” các phán quyết và khuyến nghị này (Điều 16.4).

Cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò lớn trong việc giải quyết tranh chấp là Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, tức là tố tụng được chia ra làm 2 cấp giống như xét xử toà án tại các nước: sơ thẩm và phúc thẩm. Đây là bước tiến bộ lớn để vừa bảo đảm là quy trình tố tụng được tiến hành một cách "tự động" mà lại vừa bảo đảm có thể hạn chế và loại bỏ các sai sót có thể của cấp sơ thẩm. Sau gần 8 năm thực hiện DSU thì một nhận xét chung là các quy định về Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm là được áp dụng tốt và các ý kiến phúc thẩm từ góc độ pháp lý của Cơ quan phúc thẩm WTO đã tạo ra một sự tin tưởng lớn của các nước thành viên trong việc áp dụng pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp và bên thứ ba liên quan cũng được đề cập nhiều tại DSU để bảo đảm cho các bên có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Đồng thời DSU cũng quy định rõ các mốc thời hạn cho các bước tố tụng kể từ khi có yêu cầu tham vấn cho tới khi thi hành các phán quyết và khuyến nghị. DSU cũng đưa ra một số giải pháp thay thể cho việc theo kiện là trung gian, hoà giải và trọng tài. Đồng thời, chúng ta cũng có thể thấy một số quy định dành ưu đãi cho các nước đang phát triển khi tham gia vào giải quyết tranh chấp.

                              Mốc thời gian cho một quy trình tố tụng thông thường

Thời hạn

Hoạt động tố tụng

60 ngày

Tham vấn, trung gian, hòa giải...

45 ngày

Thành lập Ban hội thẩm

6 tháng

Chuyển báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm cho các bên

3 tuần

Chuyển báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm cho WTO

60 ngày

DSB thông báo qua báo cáo ( nếu không có kháng cáo)

Tổng: 1 năm

Khi không có kháng cáo

60-90 ngày

Cơ quan phúc thẩm có báo cáo

30 ngày

DSB thông báo qua phúc thẩm

Tổng: 1 năm và 3 tháng

Có kháng cáo

15 tháng

Thời hạn tối đa để thi hành phán quyết khi không có kháng cáo (18 tháng nếu có kháng cáo)

Tổng 2 năm và 6 tháng

Không có kháng cáo

Rất khó có thể trình bày hết được các vấn đề liên quan tới DSU một cách chi tiết và đầy đủ tại bài viết này, do đó cho phép đi lướt qua các quy định của DSU để chúng ta thấy được các ý tưởng chính.

Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và áp dụng của DSU nêu việc áp dụng DSU đối với tất cả các hiệp định được nêu tại Phụ lục 1 của DSU. Điều 2 thành lập DSB để quản lý việc áp dụng DSU. Điều 3 là các quy định chung nêu những mục tiêu và nguyên tắc vận hành của cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Điều 4 quy định về việc tiến hành tham vấn như là biện pháp tố tụng bắt buộc phải được tiến hành trước khi có yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Điều 5 quy định về các thủ tục tự nguyện giải quyết tranh chấp: môi giới, hoà giải, trung gian. Điều 6 quy định về việc DSB thành lập Ban hội thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn. Điều 7 về điều khoản tham chiếu của Ban hội thẩm với việc gợi ý một điều khoản tham chiếu chuẩn khi không có thoả thuận khác của các bên. Điều 8 quy định về thành phần của Ban hội thẩm với mục tiêu bảo đảm sự độc lập, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác của các hội thẩm viên. Điều 9 quy định về thủ tục có nhiều nguyên đơn trong đó nhấn mạnh tới việc cố gắng thành lập một Ban hội thẩm chung để giải quyết khi có thể. Điều 10 đề cập về việc tham gia của các bên thứ 3 mà được xác định là "bất cứ nước thành viên nào có quyền lợi đáng kể đối với một vấn đề được Ban hội thẩm xem xét và đã thông báo quyền lợi của mình cho DSB". Điều 11 khẳng định chức năng của Ban hội thẩm là giúp DSB hoàn thành trách nhiệm theo DSU và các hiệp định liên quan. Điều 12 quy định thủ tục hoạt động của Ban hội thẩm và có dẫn chiếu tới Phụ lục 3 của DSU. Điều 13 cho phép Ban hội thẩm được tìm kiếm các thông tin và tư vấn kỹ thuật từ các nguồn khác nhau. Điều 14 quy định về bảo mật thông tin. Điều 15 về giai đoạn rà soát giữa kỳ khi Ban hội thẩm đưa một báo cáo giữa kỳ cho các bên cho ý kiến trước khi đưa ra báo cáo cuối cùng. Điều 16 quy định về việc DSB thông qua báo cáo của Ban hội thẩm. Điều 17 dành riêng cho thủ tục phúc thẩm, trong đó có việc thành lập Cơ quan phúc thẩm thường trực 7 người và 3 trong số này sẽ giải quyết phúc thẩm mỗi tranh chấp, thủ tục xét xử phúc thẩm và DSB thông qua báo cáo của Cơ quan phúc thẩm. Điều 18 quy định về chế độ liên hệ, thông tin với Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Điều 19 quy định về các khuyến nghị của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm khi thấy rằng một biện pháp bị khiếu kiện là không phù hợp với hiệp định có liên quan. Điều 20 nêu thời hạn ra quyết định của DSB. Điều 21 quy định về việc DSB duy trì việc giám sát thực hiện các khuyến nghị và phán quyết, kể cả việc yêu cầu nước thua kiện phải có báo cáo về tiến độ thực hiện các khuyến nghị và phán quyết đã được thông qua. Điều 22 quy định về các trường hợp cho phép bồi thường và tạm hoãn thi hành các nhượng bộ với tư cách là các biện pháp tạm thời, thủ tục và nguyên tắc áp dụng các biện pháp này. Điều 23 đưa ra các cam kết của các nước thành viên trong việc tăng cường hệ thống thương mại đa phương. Điều 24 quy định về thủ tục đặc biệt liên quan đến những nước kém phát triển. Điều 25 quy định về trọng tài với tư cách là biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế. Điều 26 quy định cụ thể hoá các trường hợp khiếu kiện theo khoản 1(b) và 1(c) của Điều XXIII GATT. Điều 27 quy định về trách nhiệm của Ban thư ký trong việc giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh các quy định nêu trên, DSU còn có 4 phụ lục đi kèm. Phụ lục 1 liệt kê các hiệp định có liên quan mà các khiếu kiện có thể được giải quyết theo DSU. Phụ lục 2 đưa ra danh sách các quy tắc và thủ tục đặc biệt hay bổ sung được nêu trong các hiệp định liên quan. Phụ lục 3 quy định về thủ lục làm việc của Ban hội thẩm với các mốc thời hạn cụ thể. Phụ lục 4 quy định về thủ tục thành lập nhóm chuyên gia giám định theo Điều 13.2 DSU.

2.Các quy tắc và thủ tục đặc biệt hay bổ sung được nêu trong các hiệp định liên quan

Các quy tắc và thủ tục đặc biệt hay bổ sung được nêu trong các hiệp định liên quan là các quy định được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác nhau hay mâu thuẫn với các truy định của DSU. Trong trường hợp tranh chấp có liên quan đến những “quy tắc và thủ tục của hai hay nhiều hiệp định có liên quan, nếu có mâu thuẫn giữa những quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung trong những hiệp định có liên quan đang được xem xét đó, và khi các bên tranh chấp không thoả thuận được với nhau về các quy tắc và thủ tục trong vòng 20 ngày kể từ khi thành lập Ban hội thẩm, thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của 1 trong 2 bên. Chủ tịch của ....DSB, sau khi tham vấn với các bên tranh chấp phải quyết định những quy tắc và thủ tục nào phải tuân theo" (Điều 1.2 DSU).

Sau đây là danh sách các quy tắc và thủ tục đặc biệt hay bổ sung này

Các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung được nêu trong các hiệp

định có liên quan

 

                       Hiệp định

Quy tắc và thủ tục

III/ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN CỦA DSU TRONG VÒNG ĐÀM PHÁN DOHA

Như được thoả thuận từ năm 1994 là các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp phải được rà soát lại chậm nhất là 1/1/1999. Thế nhưng mặc dù đã dược gia hạn tới 31/7/1999 mà các nước thành viên WTO vẫn không thể đạt được bất kỳ thoả thuận cụ thể nào. Trong bối cảnh thực tiên áp dụng DSU đã cho thấy là cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM) đã bộc lộ những điểm tổn tại và nhược điểm nhất định thì điều quan trọng là phải có giải pháp khắc phục đối với các điểm tồn tại và nhược điểm này để làm cho DSM đáp ứng được các mong đợi của các nước thành viên là "nhân tố trung tâm" cho hệ thống thương mại đa phương.

Chính vì vậy mà Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng về vòng đàm phán Doha hiện nay có nêu việc tiếp tục đàm phán để hoàn thiện và làm rõ DSU với mục tiêu có được thoả thuận vào 5/2003. Về cách thức tiến hành đàm phán là phải dựa vào các kết quả công việc rà soát đã được tiến hành và các đề xuất bổ sung của các nước thành viên. Một điều thú vị là các Bộ trưởng đã nhận thức trước được những khó khăn của việc đàm phán nhằm hoàn thiện DSM, nên đã cho phép là việc đàm phán về vấn đề này được tách riêng ra khỏi “chọn gói cam kết” được đàm phán về các vấn đề khác trong vòng Doha, tức là không gắn gì với khả năng thành công hay đổ vỡ trong đàm phán các vấn đề khác được nêu trong Tuyên bố. (Đoạn 47 Tuyên Bố Doha).

Thực trạng công việc đàm phán về DSM cho tới 8/2003 đã đi tới đâu?

Theo báo cáo ngày 6/6/2003 của Phiên họp đặc biệt (Special Session) của DSB về đàm phán nhằm hoàn thiện và làm rõ DSU thì có thể nhận thấy một số điểm đáng chú ý sau đây. Phiên họp đặc biệt của DSB được thành lập 1/2/2002 và đã tiến hành họp chính thức 13 lần để thực hiện sự mệnh là đàm phán về những khả năng hoàn thiện và làm rõ DSU theo Đoạn 30 Tuyên bố Bộ trưởng Doha. Tại các cuộc gặp này đã có những tiến bộ từ việc trao đổi chung về các quan điểm sang việc thảo luận các đề xuất ý tưởng của các nước thành viên, và thảo luận theo từng chủ điểm. Kể từ 1/2003 thi công việc đã tập trung vào thảo luận các dự thảo lời văn pháp lý cụ thể được các nước đề xuất.

Một quan điểm chung của các nước thành viên WTO là DSU về cơ bản là hoạt động tốt mặc dù có tổng số 42 đề xuất cụ thể nhằm hoàn thiện và làm rõ DSU. Các đề xuất này đề cập tới hầu hết các quy định của DSU. Do số lượng lớn các đề xuất và tính phức tạp của các đề xuất này nên mãi cho tới cuối 3/2003 thì mới có thể soát lại được tất cả. Trên cơ sở kết quả thảo luận và đề xuất, Chủ tịch Phiên họp đặc biệt từ 4/2003 bắt đầu đưa ra dự thảo lời văn pháp lý trong một tài liệu được gọi là Tài liệu khung. Dự thảo của ông Chủ tịch có đề xuất về nhiều vấn đề, như tăng cường quyền của bên thứ 3; cải thiện điều kiện cho các nước tham gia vào tham vấn; đưa ra giai đoạn rà soát giữa kỳ và quyền Cơ quan phúc thẩm được huỷ và chuyển lại hồ sơ cho Ban hội thẩm; làm rõ và hoàn thiện về trình tự và chi tiết của thủ tục thi hành; tăng cường quy định về bồi thường, thông báo về hoà giải đạt được, đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng. Một loạt các đề xuất của một số nước không dược đưa vào Dự thảo của ông Chủ tịch vì không có sự ủng hộ cần thiết của các nước khác, như thủ tục rút gọn đối với một số tranh chấp; hoàn thiện thủ tục chỉ định Ban hội thẩm; tăng sự kiểm soát của thành viên đối với các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm; làm rõ việc giải quyết đối với các ý kiến đệ trình của các tổ chức liên quan; một số đề xuất thay đổi về thủ tục tạm dừng các nhượng bộ hay nghĩa vụ, kể cả việc trả đũa tập thể hay tăng cường giám sát việc tạm dừng các nhượng bộ hay nghĩa vụ...

Bản Dự thảo của ông Chủ tịch được đưa ra thảo luận từ 20/5/2003 và được sử dụng làm tài liệu nền cho việc thảo luận tiếp theo. Tuy nhiên, qua thảo luận thì ý kiến của các nước còn khác nhau, nhấn mạnh tới việc cần có rà soát về pháp lý kỹ và đánh giá tổng thể về tác động của những thay đổi này đối với toàn bộ DSU. Các dự thảo quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển cũng được thảo luận mạnh mẽ. Sau khi có thảo luận lích cực Dự thảo của ông Chủ tịch và đã có những thay đổi cho bản Dự thảo này vào ngày 28/5/2003.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Chủ tịch Phiên họp đặc biệt DSB thì cho tới nay mặc dù các nước đã có quan điểm chung về một loạt các quy định được sửa dự lại của Bản Dự thảo của ông Chủ tịch, nhưng một điều đã rõ là Bản Dự thảo của ông Chủ tịch dù sau khi đã được sửa đổi cũng không thể được các nước nhất trí thông qua. Một số nước đã nêu là họ vẫn có những khó khán về quan điểm với một số đề xuất Bản Dự thảo. Đồng thời, một số nước vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục theo đuổi các đề xuất khác mà chưa được đưa vào bản Dự thảo của ông Chủ tịch.

Mặc dù không có được thoả thuận cụ thể nào, nhưng hầu hết các nước đều thể hiện quan điểm cho là cần tiếp tục công việc. Một số nước đề xuất là các công việc tiếp theo cần được xây dựng trên cơ sở Bản Dự thảo của ông Chủ tịch và các đề xuất khác của các nước thành viên, trong khi đó các nước khác đề nghị là công việc tiếp theo chỉ phát triển trên cơ sở Bản Dự thảo của ông Chủ tịch.

Trong bối cảnh thực trạng đàm phán về khả năng hoàn thiện và làm rõ các quy định của DSU như được nêu trên, thì tại thời điểm này khó có thể dự đoán được kết quả cuối cùng sẽ ra sao. Tuy nhiên, một điều có thể nhìn thấy trước là các mốc thời hạn đặt ra cho việc hoàn thành đàm phán sẽ không đạt được và kết quả cuối cùng chức chắn là một sản phẩm của một sự thoả hiệp giữa các nước thành viên WTO.

IV/ KẾT LUẬN

Cơ chế giải quyết tranh chấp là "cái gậy" mà nó có thể được người khác sử dụng để vụt mình hay mình sử dụng để vụt người khác khi có những tranh chấp, bất đồng. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được đánh giá chung là cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế hiệu quả nhất, thể hiện qua việc đó được các nước thành viên sử dụng rộng rãi (khoảng 300 vụ việc trong gần 8 năm hoạt động) và bước đầu đã đáp ứng được các mục tiêu của cơ chế này. Các khuyến nghị và phán quyết của WTO đã có giá trị rất lớn cho việc làm rõ nhiều quy định của pháp luật thương mại quốc tế hiện đại.

Đối với Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO cần cân nhắc một số điểm sau đây từ kinh nghiệm hoạt động của DSM trong WTO.

Thứ nhất, với vai trò là cơ chế làm rõ các quy định của WTO, DSM đang được sử dụng hiệu quả cho các nước biết được các cam kết của mình trong WTO là thế nào. Chính vì vậy, khi cân nhắc đưa ra các cam kết quốc tế và đi cùng với đó là nghĩa vụ bảo đảm thực thi các cam kết này trong hệ thống pháp luật thì Việt Nam không thể không nhìn vào các phán quyết và quyết định giải quyết tranh chấp của WTO. Hệ quả là các quy định pháp luật trong nước khi được điều chỉnh không thể chỉ bám vào lời văn của quy định mà cần tính đến việc giải thích của WTO về quy định này.

Thứ hai, với vai trò là nơi giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan tới một biện pháp[70] của một nước thành viên có ảnh hưởng tới quyền lợi của nước thành viên khác, DSB của WTO khẳng định biện pháp này có phù hợp với các quy định của WTO hay không. Như vậy là trong trường hợp biện pháp này là văn bản pháp luật thì phán quyết của DSB có khả năng tác động trực tiếp rất lớn, nhất là khi theo DSB văn bản này là không phù hợp với các quy định của WTO.

Thứ ba, do hầu hết các phán quyết của DSB đều được tôn trọng bởi các bên tranh chấp và các nước thành viên có thể coi đó như là tiêu chuẩn ứng xử chung của WTO (mặc dù WTO không áp dụng nguyên tắc án lệ). Do đó, ngay cả khi Việt Nam không tham gia một tranh chấp cụ thể nhưng các phán quyết của DSB có giá trị tham khảo và định hướng rất lớn, kể cả khi chúng ta tính tới việc sửa đổi pháp luật theo nhu cầu phát triển trong nước.

Thứ tư, nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa kỳ, đôi khi cũng phải nhờ vào DSM của WTO để tạo sức ép sửa đổi các quy định pháp luật trong nước của mình. Điều này đặc biệt đúng đối với các vấn đề nhạy cảm trong nước mà khó có sự thống nhất giải quyết. Khía cạnh thực tế này của DSM có lẽ cũng có ảnh hưởng đối với việc sửa đổi pháp luật Việt Nam.

Thứ năm, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO mặc dù còn xa để cho là hoàn hảo nhưng được đánh giá chung là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả nhất. Sự tín nhiệm này dành cho DSM có một phần lớn là do các quy tắc và thủ tục của nó hiệu quả, tạo thuận lợi, công bằng, khách quan để các nước, kể cả các nước nhỏ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trước các nước lớn. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi là Việt Nam sẽ có những nghiên cứu kỹ lưỡng các quy tắc và thủ tục này để chọn lọc ra những gì tinh tuý và thích hợp đưa vào ứng dụng trong các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại trong nước của mình, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành cải cách pháp luật và tư pháp.

Cho phép tôi nêu một số nguyên tắc và quy định đáng quan tâm của DSM trong WTO. Trước hết là nguyên tắc minh bạch, công khai của DSM đã tạo thuận lợi cho việc dễ dàng tiếp cận thông tin, trừ các thông tin mật, kể cả toàn văn tất cả các phán quyết. Đây là điểm rất quan trọng vì nó cho mọi người biết được hoạt động của DSM, bình luận về các bước tố tụng và phán quyết và quan trọng hơn là nó làm cho cộng đồng quốc tế dễ dàng giám sát DSM để có những điều chỉnh thích hợp. Trong khi đó thì ở Việt Nam, có lẽ còn khó khăn để có thể được đọc toàn văn một bản án hay quyết định của toà án.

Tiếp đó phải kể đến nguyên lắc "tiết kiệm xét xử" trong từng Anh là "judicial economy" mà đã làm nhẹ đi rất nhiều gánh nặng xét xử cho DSM. Nguyên tắc này cũng thấy trong hoạt động xét xử của nhiều nước với nội dung chính là: nếu như một biện pháp của một nước thành viên bị khiếu kiện vì vi phạm một loạt các điều hay các hiệp định khác nhau của WTO, và sau khi DSB kết luận là biện pháp đó có vi phạm một trong các quy định hay hiệp định đó thì không cán thiết phải xem xét biện pháp này dưới ánh sáng của các quy định hay hiệp định còn lại. Nguyên tắc này có ý nghĩa rất lớn khi tính đến thực tế là mỗi báo cáo của Ban hội thẩm thông thường dài khoảng 400 trang.

Bên cạnh đó, quy định của DSU cho phép chỉ dược kháng cáo về các vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật của Ban hội thẩm, mà không được kháng cáo về các vấn đề tình tiết đã làm cho hoạt động phúc thẩm trở nên hiệu quả và tập trung hơn. Thực ra quy định tương tự cũng có thể tìm thấy trong pháp luật tố tụng của nhiều nước, nên cũng rất đáng được chúng ta quan tâm. Việc đề cao các tiêu chuẩn của những người tham gia tiến hành tố tụng, nhất là thành viên của Cơ quan phúc thẩm, cũng như là các quy định bảo đảm tính khách quan và độc lập của DSM là rất hữu ích.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể rút kinh nghiệm từ những tồn tại của DSM, chẳng hạn các quy định về thời hạn tố tụng hiện nay theo nhiều nhà bình luận còn quá dài và tốn kém, việc tham gia của các bên nhỏ, yếu thế về kinh tế vào giải quyết tranh chấp là rất hạn chế, cho phép trả đũa không phải bao giờ cũng đem lại hệ quả mong muốn, sự quá tải của các thiết chế tham gia vào giải quyết tranh chấp. ..

Cuối cùng, là nước đi sau và tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế vào thời điểm khi các quy tắc và chuẩn mực của pháp luật thương mại quốc tế, kể cả các quy định về giải quyết tranh chấp về cơ bản đã dược định hình, việc học hỏi kinh nghiệm của các nước trong mối tương tác với các quy định của WTO cần được chú trọng trong quá trình Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là kinh nghiệm của các nước có các điều kiện và hoàn cảnh tương tự./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG QUAN MỘT SỐ KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC TRONG  QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CẦU CỦA WTO

Nguyễn Khánh Ngọc[71]

 

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung quốc là một sự kiện đem lại nhiều nguồn cảm hứng cho các học giả và nhà nghiên cứu quốc tế tranh luận sôi nổi vì nhiều lý do và yếu tố khác nhau: lịch sử của mối quan hệ giữa Trung quốc với GATT và WTO; quá trình đàm phán gia nhập dài nhất trong lịch sử; những thành tựu phát triển ngay cả trước khi gia nhập WTO của Trung quốc với những cải cách sâu rộng và đã là một trong các đối tác thương mại lớn nhất trên thế giới; việc song hành Trung quốc, Đài loan, Hongkong và Ma cao trong WTO..vv. Trong bài viết này tác giả cố gắng trình bày một cách tổng quan về một số kinh nghiệm của Trung quốc trong quá trình hoàn thiện pháp luật và tư pháp để thực hiện các cam kết của mình trong WTO. Cũng phải thú thực là tác giả đã gặp phải khó khăn lớn khi thu thập các thông tin "gốc" về Trung quốc vì vấn đề ngôn ngữ (hầu hết các thông tin đều được chuyển tải sang một ngôn ngữ quốc tế và khó tiếp cận vì thiếu sự minh bạch, công khai từ phía Trung quốc về các thông tin này). Việc rà soát quá trình thực hiện cam kết của Trung quốc sau 1 năm theo quy định của Mục 18 Nghị định thư gia nhập cũng không đưa ra được nhiều các thông tin công khai.

Bài viết gồm 4 phần:

- Giới thiệu;

- Các cam kết chính của Trung quốc tại WTO;

- Một số kinh nghiệm của Trung quốc trong hoàn thiện pháp luật để thực hiện các cam kết tại WTO; và

- Một số nhận xét và liên hệ đối với Việt Nam.

I/ GIỚI THIỆU

Trong hơn hai thập kỷ qua, Trung quốc đã có những bước đi cải cách rất vững chắc trong nhiều lĩnh vực để cho phép vận hành nhiều nguyên tắc của kinh tế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài[72], hiện đại hoá đất nước và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Trung quốc. Những thành tựu này của Trung quốc đã làm cho thế giới phải "tính đến" Trung quốc trong các quyết định của mình, kể cả việc kết nạp Trung quốc vào WTO vào 11/12/2001 sau 15 năm đàm phán. Thậm chí có người còn nêu vấn đề là với khả năng cạnh tranh cao và tiềm năng phát triển mạnh hiện nay của Trung quốc có thì Trung quốc cần gia nhập WTO với tư cách là nước phát triển[73], mà không được coi là nước đang phát triển. Ngoài ra, các yếu tố "phi thương mại" khác trong mối quan hệ của Trung quốc với thế giới cũng bổ sung thêm cho sự đa dạng về màu sắc của việc Trung quốc gia nhập WTO. Điều đáng lưu ý là cuối cùng thì tất cả những yếu tố đó đều được các nước thành viên WTO "xem xét" để gây sức ép buộc Trung quốc có những cam kết cao và thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của WTO.

Một loạt các câu hỏi có thể được đặt ra là tại sao Trung quốc trước khi gia nhập WTO phát triển nhanh và đúng hướng như vậy mà lại vẫn kiên trì theo đuổi việc đàm phán để gia nhập WTO và thậm chí đưa ra những cam kết đi xa hơn WTO (WTO plus)? Không có quy chế thành viên WTO thì Trung quốc có khó khăn gì trong hoạt động thương mại quốc tế? Vào WTO có giúp Trung quốc giải quyết được các khó khăn đó không để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa? Và thậm chí có người còn đặt câu hỏi là liệu Trung quốc có ý thức và hiểu được hết các ý nghĩa của những cam kết gia nhập này không? Nếu có, thì Trung quốc đã đánh giá đúng chưa về khả năng tuân thủ các cam kết này và nếu không tuân thủ thì có nhìn thấy trước là cái gì sẽ xảy ra không? ...vv.

Các nhà nghiên cứu và bình luận quốc tế dù có các câu trả lời khác nhau về những câu hỏi trên đây, nhưng nhìn chung đều thống nhất một điều là quy chế thành viên WTO sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn là thách thức cho Trung quốc trong việc cải cách và phát triển đất nước. Có lẽ chắc chắn là trung quốc đã có những sự cân nhắc rất kỹ lưỡng về những cái được và cái mất giữa việc nằm ngoài WTO và việc gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên, đó mới là các ý kiến có tính dự đoán và chúng ta cũng cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm vì quy chế thành viên của Trung quốc chỉ mới được khoảng hơn 2 năm và tác động đầy đủ của việc gia nhập WTO chưa được thấy hết.

Theo đánh giá của chuyên gia quốc tế thì đã cho đã có những cải cách sâu rộng trước khi gia nhập WTO nhưng một điều đã được nhiều học giả quốc tế nhận xét là các cam kết WTO của Trung quốc sẽ đem lại những thách thức chưa từng có cho hệ thống pháp luật và tư pháp Trung quốc. Bản thân các số liệu về các văn bản pháp luật Trung quốc cần sửa đổi, huỷ bỏ hay ban hành mới để thực hiện các cam kết của mình cũng không nhất quán theo các nguồn khác nhau, và theo một thông tin gần đây thì con số đó là khoảng trên 2000 văn bản . Những cam kết liên quan tới xây dựng thiết chế, kể cả các toà án độc lập và minh bạch hoá cũng đem lại không ít khăn cho Trung quốc. Chính vì vậy mà đã có những ý kiến rất khác nhau về việc thi hành các cam kết của Trung quốc tại WTO. Chỉ xin nêu một kết quả nghiên cứu của Phòng thương mại Hoa kỳ tại Trung quốc khi khảo sát các doanh nghiệp Trung quốc[74] là:

Về thái độ thi hành các cải cách:

- 44% cho là Trung quốc có thiện chí thi hành nhưng chưa sẵn sàng;

- 20% cho là có thiện chí và sẵn sàng;

- 17% cho là có thiện chí nhưng chỉ theo đúng như là nghĩa vụ;

- 11% cho là cố ý tránh hay trì hoãn không thi hành.

Về mức độ thực tế thi hành các cam kết:

- 48% cho là đúng lộ trình;

- 38% cho là chậm so với lộ trình;

- 12% cho là không có cơ sở để đánh giá

- 2% cho là trước lộ trình.

Đối với Việt Nam thì do nhiều lý do khác nhau, các kinh nghiệm của Trung quốc trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp nhằm thực hiện các cam kết WTO là rất có ý nghĩa tham khảo. Chính vì vậy, tác giả xin trình bày nghiên cứu riêng của mình tổng quan kinh nghiệm của Trung quốc trong việc hoàn thiện pháp luật gia nhập WTO và hy vọng bài viết sẽ góp phần nhỏ bé vào quá trình chúng ta chuẩn bị các điều kiện pháp lý và tư pháp để gia nhập WTO và thực hiện các nghĩa vụ thành viên của mình.

II/ CÁC CAM KẾT CHÍNH CỦA TRUNG QUỐC TẠI  WTO

Trước khi xem xét cam kết của Trung quốc tại WTO thì cũng là hữu ích nếu chúng ta nhìn lại khuôn khổ pháp luật của WTO về việc gia nhập tổ chức này. Hiệp định Marrakesh thành lập WTO (Hiệp định WTO) quy định tại Điều XII về Gia nhập như sau:

1. Bất kỳ một Quốc gia hay một vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt có toàn quyền tự quyết độc lập trong việc tiến hành các quan hệ ngoại thương của mình và các vấn đề khác được quy định tại Hiệp định này và các Hiệp định thương mại đa phương, thì có thể gia nhập Hiệp định này theo các điều kiện sẽ được thoả thuận giữa Quốc gia hay lãnh thổ này và WTO. Việc gia nhập như vậy sẽ được áp dụng đối với Hiệp định này và các Hiệp định thương mại đa phương đi kèm theo

2. Các quyết định về giá nhập sẽ phải được thông qua bởi Hội nghị Bộ Trưởng. Hội nghị Bộ trưởng phải thông qua thoả thuận về các điều kiện gia nhập theo biểu quyết đa số với 2/3 ý kiến ủng hộ của các thành viên WTO.

3. Việc gia nhập một Hiệp định thương mại nhiều bên được điều chỉnh bởi các quy định của Hiệp định đó.

Điều XII này của Hiệp định WTO tuy là ngắn gọn so với các quy định thông thường trong WTO, nhưng chứa đựng rất nhiều nội dung mà có thể tóm tắt như sau:

- Về chủ thể có thể gia nhập WTO (quốc gia hay vừng lãnh thổ hải quan riêng biệt có toàn quyền tự quyết về ngoại thương). Do đó, chúng ta có thể hiểu được tại sao trong WTO lại có 4 "Trung quốc" là Trung quốc lục địa, Ma cao, Hong Kong và Đài loan;

- Điều kiện gia nhập WTO sẽ được đàm phán và thoả thuận giữa WTO và bên gia nhập mà không có một công thức chung;

- Việc gia nhập đem lại các cam kết chọn gói gồm Hiệp định WTO, các Hiệp định thương mại đa phương và các điều kiện giữa thoả thuận giữa WTO và các nước gia nhập;

- Việc gia nhập WTO không có nghĩa là gia nhập các Hiệp định thương mại nhiều bên (hiệp định tuỳ nghi), mà việc gia nhập các Hiệp định này được điều chỉnh riêng.

Thực tế gia nhập WTO của các nước khác nhau cho thấy những sự khác nhau về “các điều kiện gia nhập". Sự khác nhau này không phải là do các hiệp định trong WTO đã có thay đổi khác nhau mà chính là do các bên gia nhập và WTO đã thoả thuận về các điều kiện gia nhập khác nhau được thể hiện trong Nghị định thư gia nhập.

Nghị định thư gia nhập của Trung quốc là tương đối dài gồm lời văn của Nghị định thư gia nhập và 9 phụ lục. Phần Lời nói đầu của Nghị định thư có 2 ý hết sức thú vị là "Trung quốc là bên ký kết đầu tiên của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1947" và "Trung quốc là nước ký kết Văn bản cuối cùng chứa đựng các kết quả của Vòng đàm phán Uruguay về đàm phán thương mại đa phương" (mặc dù chưa là thành viên). Qua đây có thể thấy trường hợp gia nhập WTO của Trung quốc không giống bất kỳ nước nào: tham gia Hiệp định GATT từ 1947 và tham gia ký các kết quả đàm phán Vòng Uruguay thành lập ra thể cho WTO. Các yếu tố này cũng cho thấy là đối với Trung quốc thì các quy định của GATT và WTO không thể nói là xa lạ và Trung quốc đã có thời gian dài tìm hiểu và làm quen. Như vậy thì cũng khó có thể nói Trung quốc đưa ra các cam kết gia nhập mà không hiểu hết ý nghĩa của chúng như một số người  đã nói.

Xin điểm qua các nội dung chính của Nghị định thư gia nhập WTO của Trung quốc trước khi tìm hiểu xem Trung quốc thi hành chúng như thế nào:

Mục l: Những quy định chung

- Trung quốc gia nhập WTO theo Điều XII của Hiệp định WTO;

- Nghị định thư gia nhập của Trung quốc là một phần không thể tách rời của Hiệp định WTO: điều này là rất quan trọng để làm rõ nhiều vấn đề pháp lý khi xử lý các vấn đề "WTO plus" - tức là những gì bình thường không có trong khuôn khổ pháp luật WTO mà Trung quốc lại cam kết. Nói cách khác, đối với Trung quốc thì pháp luật WTO có phạm vi rộng hơn.

- Trừ khi được thoả thuận cụ thể, các nghĩa vụ của Trung quốc trong các hiệp định có thời gian ân hạn chuyển đổi đều được thực hiện tính từ ngày các Hiệp định này có hiệu lực. Tức là Trung quốc gia nhập WTO như thể là vào thời điểm 1/1/1995

Mục 2: Quản lý thống nhất

- Các nghĩa vụ của Trung quốc áp dụng đối với toàn bộ lãnh thổ hải quan Trung quốc, kể cả các khu vực biên mậu, khu tự trị, đặc khu kinh tế, các thành phố mở cửa dọc bờ biển, các khu kinh tế và phát triền kỹ thuật và các khu vực khác có các chế độ thuế và quy định pháp luật đặc biệt (gọi chung là đặc khu kinh tế): điều này có nghĩa là WTO chỉ cho phép Trung quốc có một thể chế pháp luật kinh tế, thương mại áp dụng chung. Trung quốc phải thông báo WTO về pháp luật áp dụng cho các khu này, tên và danh giới; phải coi hàng hoá NK từ nước ngoài qua các khu này là hàng NK bình thường khi được đưa vào lưu thông tại các nơi khác trong nước; nguyên tắc đối xử tối huệ quốc MFN và đối xử quốc gia NT phải được tuân thủ tại các khu này;

- Trung quốc bảo đảm áp dụng và quản lý một cách thống nhất. vô lư và hợp lý tất cả các luật quy định dưới luật và các biện pháp của cơ quan TW và địa phương liên quan tới WTO. Các quy định và biện pháp của chính quyền địa phương phải phù hợp với các cam kết của Trung quốc;

- Thiết lập một cơ chế cho phép các cá nhân và doanh nghiệp có thể lưu ý, cảnh báo các cơ quan nhà nước về việc áp dụng pháp luật không thống nhất;

- Minh bạch hoá: chỉ văn bản luật, văn bản dưới luật và các biện pháp đã được đăng công khai và có sẵn cho các nước thành viên WTO khác, các cá nhân và doanh nghiệp mới có thể được thi hành; chỉ định một tạp chí chính thức đăng thường xuyên văn bản pháp luật và sau khi đăng thì phải có một khoảng thời gian thích hợp để đóng góp ý kiến trước khi văn bản được thi hành; thiết lập đầu mối giải đáp thông lại liên quan theo yêu cầu và các trả lời dược coi là quan điềm chính thức của Trung quốc;

- Khiếu kiện ra toà án: Trung quốc thiết lập các cơ quan, địa điểm và thủ tục để xem xét lại các quyết định và hành vi hành chính một cách độc lập, vô tư. Thủ tục xem xét lại bao gồm cả cơ hội được kháng cáo và nếu kháng cáo lần đầu là tới cơ quan hành chính thì trong mọi trường hợp phải có cơ hội được kháng cáo ra toà án. Quyền kháng cáo tiếp phải được thông báo cho các bên liên quan.

Mục 3: Không phân biệt đối xử

Đây là cam kết rộng hơn và bổ sung cho những quy định về đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc trong WTO: trừ một số ngoại lệ trong Nghị định thư, tất cả các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn dành cho bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp khác liên quan tới “việc mua sắm các nguyên liệu đầu vào, hàng hoá, dịch vụ” cần thiết cho hoạt động kinh doanh và liên quan tới giá cả và khả năng có được hàng hoá và dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước TW và địa phương hay các DNNN trên các lĩnh vực bao gồm cả các dịch vụ vận tải, năng lượng, viễn thông cơ bản và các tiện nghi và yếu tố sản xuất khác.

Mục 4: Các thỏa  thuận, dàn xếp thương mại đặc biệt

Ngay sau khi gia nhập WTO, Trung quốc phải loại bỏ hay điều chỉnh cho phù hợp với WTO tất cả các thoả thuận, dàn xếp thương mại đặc biệt, bao gồm cả các thoả thuận thương mại hàng đổi hàng.

Mục 5: Quyền kinh doanh thương mại XNK

Trung quốc sẽ dần dần tự do hoá việc cho phép và mở rộng phạm vi quyền  kinh doanh thương mại XNK để trong vòng 3 năm sau khi gia nhập tất cả các doanh nghiệp tại Trung quốc đều có quyền kinh doanh đối với tất cả các hàng hoá trên toàn Trung quốc, trừ hàng hoá được đưa vào Phụ lục 2A (gồm 2 danh mục: hàng tuân theo chế độ XK của nhà nước); Phụ lục 2B (hàng tuân theo chế độ NK của nhà nước và hàng tuân theo hoạt động thương mại có chỉ định) có lộ trình thực hiện. Trung quốc bảo đảm là có đủ các quy định pháp luật để thực thi cam kết này.

Trừ những gì được ghi tại Nghị định thư này, tất cả các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài không đầu tư hay đăng ký tại Trung quốc đều được dành đối xử quốc gia liên quan tới quyền kinh doanh XNK.

Mục 6: Thương mại nhà nước

Trung quốc cam kết bảo đảm là các thủ tục mua hàng NK của DNNN sẽ minh bạch toàn bộ và theo đúng Hiệp định WTO; đưa ra thông tin đầy đủ về các cơ chế định giá của các DNNN đối với hàng XK .

Mục 7: Các biện pháp phi thuế quan

Trung quốc thi hành lộ trình loại bỏ các biện pháp tại Phụ lục 3 (hàng hoá chịu cấp phép NK, quota và đấu thầu NK) và trong thời gian quá độ không được đưa ra biện pháp mới hay làm xấu đi các biện pháp hiện có.

 Trung quốc phải loại bỏ và không được đưa ra hay tái đưa ra các biện pháp phi thuế quan mà không thể lý giải được theo hiệp định WTO.

Trung quốc cam kết thực hiện Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMS) ngay khi gia nhập và không được phép thực thi các quy định pháp luật hay quy định hợp đồng có điều khoản ràng buộc TRIMS.

Các biện pháp phi thuế quan chỉ có thể được ban hành và thực thi bởi chính quyền TW hay chính quyền địa phương với sự uỷ quyền của chính quyền TW. Các biện pháp khác không được thi hành.

Mục 8: Cấp phép XNK

Mặc dù WTO có Hiệp định về cấp phép NK nhưng Trung quốc đã phải cam kết bổ sung thêm chủ yếu bảo đảm tính minh bạch, không phân biệt đối xử trong phân bổ giấy phép và quota XNK.

Mục 9: Kiểm soát giá cả

Trung quốc cho phép giá cả hàng hoá và dịch vụ được xác định theo thị trường và loại bỏ thực tiễn nhiều tầng nấc giá cả đối với cùng hàng hoá hay dịch vụ, trừ các hàng hoá và dịch vụ được nêu tại Phụ lục 4 nhưng phải minh bạch.

Mục l0: Trợ cấp

Ngoài việc phải thông báo về trợ cấp thì các trợ cấp cho DNNN sẽ bị coi là cụ thể dành riêng (một điều kiện WTO để coi trợ cấp là vi phạm) nếu các DNNN là những đối tượng nhận được chủ yếu hay nhận được một khoản lớn không theo tỷ lệ thích hợp từ trợ cấp này.

Mục 11: Các khoản thuế và khoản thu đối với XNK

Các khoản phí và thu nộp cho hải quan, các khoản thuế và thu trong nước phải theo GATT 1994. Loại bỏ tất cả các thuế và khoản thu đối với hàng XK trừ khi được nêu tại Phụ lục 6.

Mục 12: Nông nghiệp

Không được trợ cấp XK nông sản và phải thông báo về các khoản chuyển dịch tài chính giữa các DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mục 13: Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại

Ngay khi gia nhập phải đăng công khai các tiêu chí làm cơ sở cho các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, thủ tục đánh giá hợp chuẩn. Thi hành ngay Hiệp định về hàng rào kỹ thuật của WTO. Việc cơ quan nhà nước đánh giá mức độ phù hợp của hàng NK với các điều khoản thương mại của hợp đồng chỉ được tiến hành nếu có sự đồng ý của hai bên hợp đồng. Không được phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng NK liên quan tới các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, thủ tục đánh giá hợp chuẩn.

Mục14: Các biện pháp vệ sinh và vệ sinh dịch tễ

Phải thông báo cho WTO trong vòng 30 ngày các quy định pháp luật và biện pháp vệ sinh và vệ sinh dịch tễ.

Mục 15: Khả năng  so sánh được về giá cả trong quyết định về trợ cấp giá bán phá giá

Đây có lẽ là một trong những cam kết của Trung quốc cho thấy là Trung quốc “không giống ai” và đã phải nhượng bộ rất lớn khi gia nhập WTO:

Các quy định của WTO về chống trợ cấp và chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ Trung quốc NK vào nước khác như sau:

- Trong các vụ chống bán phá giá thì nước NK hàng Trung quốc có thể sử dụng giá cả hay chi phí của ngành bị điều tra hay một phương pháp không dựa vào sự so sánh nghiêm ngặt với giá cả hay chi phí tại Trung quốc (mà chúng ta đã được biết đến qua vụ Cá Basa là lấy giá cả và chi phí của nước thứ ba thay thế) theo quy tắc dưới đây:

i/ nếu các nhà sản xuất bị điều tra chứng minh rõ ràng là các điều kiện kinh tế thị trường tồn tại trong ngành mình thì nước NK phải sử dụng giá cả hay chi phí của ngành này;

ii/ trong trường hợp ngược lại thì nước NK có thể sử dụng phương pháp không dựa vào giá cả và chi phí tại Trung quốc.

- Trong các vụ về chống trợ cấp thì nếu có khó khăn trong việc áp dụng Hiệp định trợ cấp thì nước NK có thể sử đụng các phương pháp xác định và đánh giá mức độ lợi ích đem lại của việc trợ cấp vì có thể các thông số tại Trung quốc là không thích hợp.

Mục 16: Cơ chế tự vệ chuyển đổi đối với hàng hoá cụ thể

Đây là cơ chế cho phép các nước WTO áp dụng các biện pháp tự vệ đa dạng hơn đối với hàng NK từ Trung quốc.

Mục 17. Bảo lưu của các nước WTO

Tất cả những biện pháp cấm, hạn chế số lượng hay các biện pháp khác của của các nước WTO đối với hàng Trung quốc được nêu tại Phụ lục 7 và sẽ được loại bỏ dần hay xử lý theo các lộ trình và điều kiện nêu tại đây.

Mục 18: Cơ chế rà soát chuyển đổi

Đây là cơ chế rà soát đặc biệt hàng năm (đối với các nước thành viên WTO khác thì nhanh nhất cũng là 2 năm rà soát một lần) chỉ áp dụng cho Trung quốc đem lại gánh nặng về thông tin và minh bạch lớn cho Trung quốc có hiệu lực trong 10 năm sau khi gia nhập.

 Xin phép không đi sâu trình bày các Phụ lục đi kèm theo Nghị định thư và chỉ lưu ý như đã nêu trên thì Nghị định thư này là một phần các “quy định” WTO đối với Trung quốc và cùng với các quy định khác của các Hiệp định WTO thì chúng tạo nên chọn gói các cam kết của Trung quốc khi gia nhập WTO.

III/ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC TRONG VIỆC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT CỦA MÌNH TRONG WTO

Có thể nói sau 2 năm thực hiện các cam kết WTO, Trung quốc đã làm được rất nhiều công việc và hệ thống pháp luật và tư pháp Trung quốc đã được cải thiện đáng kể đem lại môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn không chỉ cho các nhà đầu tư trong nước mà cho cả các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được khẳng định qua ý kiến của một hiệp hội doanh nghiệp Hoa kỳ làm ăn tại Trung quốc lại phiên điều trần do Cơ quan đại diện thương mại Hoa kỳ (USTR) ngày 3/10/2003 là công việc kinh doanh của họ hiện nay là tốt, tốt hơn năm 2002 và hy vọng là 2004 sẽ tốt hơn 2003.

Theo các Báo cáo của USTR cho Quốc hội Hoa kỳ về việc Trung quốc thi hành các cam kết WTO trong các năm 2002 và 2003 thì nhiều cam kết đã được lại hành tốt, Trung quốc đã có những bước đi tích cực, đúng hướng, như rà soát pháp luật, sửa đổi, huỷ bỏ và ban hành mới các văn bản pháp luật, xây dựng và cơ cấu lại các thiết chế, kể cả việc thành lập Bộ thương mại và cải cách các toà án, sở hữu trí tuệ minh bạch hoá... Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực, theo Hoa kỳ, còn đem lại sự lo ngại hay còn chưa đáp ứng đúng yêu cầu của cam kết: lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch hoá, một số chính sách công nghiệp và thuế đem lại hệ quả là dành những lợi thế cho sản xuất trong nước. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu kinh nghiệm của Trung quốc trong thi hành các cam kết đối với một số lĩnh vực cụ thể.

1/ Khuôn khổ pháp luật nói chung

Như đã trình bày tại phần cam kết của Trung quốc trong WTO trên đây, để giải quyết các lo ngại của các nước thành viên WTO Trung quốc đã có cam kết cải cách pháp luật mạnh mẽ liên quan tới minh bạch hoá; rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật; áp dụng pháp luật thống nhất, khách quan, vô tư, và bảo đảm quyền khiếu kiện tại toà án để xem xét lại các quyết định và hành vi hành chính.

Minh bạch hoá và rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật

Trung quốc có một loạt các cam kết liên quan tới minh bạch hoá thể chế pháp luật của mình, đặc biệt là các cam kết quan trọng liên quan tới công khai, minh bạch quy trình xây dựng văn bản pháp luật liên quan tới các lĩnh vực được WTO điều chỉnh. Đây là điểm đã được các nước WTO quan tâm ngay từ đầu do các công ty của họ đã gặp phải các vấn đề khó khăn về minh bạch hoá của pháp luật Trung quốc và các nước thành viên WTO cũng biết được Trung quốc cần thiết phải sửa đổi, huỷ bỏ và ban hành mới nhiều văn bản pháp luật để thực hiện quy chế thành viên.

Trong năm đầu với tư cách thành viên WTO (năm 2002) Trung quốc đã tập trung vào việc sửa đổi và hoàn thiện pháp luật của mình liên quan tới thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ ở cả cấp TW và địa phương. Theo số liệu của Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế (năm 2002 Bộ này được đổi tên thành Bộ thương mại) thì các cơ quan TW đã rà soát hơn 2500 luật và văn bản dưới luật để đối chiếu, so sánh với các quy định của WTO. Đến giữa năm 2002 Bộ này báo cáo đã huỷ bỏ được 830 văn bản và sửa đổi được 325 văn bản khác trong số các văn bản được rà soát. Cũng theo Bộ này thì cho tới giữa 2002 đã có 118 văn bản luật và dưới luật dược ban hành mới. Đó là các số liệu văn bản pháp luật ở TW trong năm 2002. Đối với văn bản pháp luật của địa phương thì trong năm 2002 Trung quốc cũng đã tiến hành các công việc rà soát, đối chiếu, nhưng các kết quả rà soát tại địa phương không được khả quan như việc rà soát tại TW.

Trong 9 tháng đầu năm 2003, các cơ quan TW đã sửa đổi hay ban hành mới được hơn 100 văn bản luật và dưới luật nhằm thực hiện các cam kết của mình trong WTO. Các văn bản này đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau của WTO. Bên cạnh đó, theo Bộ Thương mại Trung quốc thì trong năm 2003 có 31 tỉnh và vùng tự trị, cùng với 49 thành phố đã có những tiến bộ hơn năm 2002 trong công tác rà soát thể hiện qua việc họ đã huỷ bỏ được 490 các quy định, biện pháp liên quan và sửa đổi được 185 quy định và biện pháp khác.

Như vậy có thể thấy là công việc rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật Trung quốc với các cam kết tại WTO là công việc rất phức tạp, tốn kém và quan trọng đây không phải là công việc làm một lần là xong. Mặc dù đã làm được nhiều việc trong 2 năm đầu trở thành thành viên WTO liên quan tới việc rà soát, sửa đổi pháp luật, nhưng chắc chắn các công việc này còn cần phải được tiếp tục trong nhiều năm tới: Trung quốc đã cam kết có cơ chế rà soát chuyển đổi hàng năm tại WTO được nêu ở trên, và hoạt động rà soát chính sách thương mại của WTO là công việc định kỳ hợp WTO, nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết toàn bộ. Đó mới chỉ là bước đầu và các bước tiếp theo mới là quan trọng và khó khăn cho bất kỳ quốc gia nào: làm sao soạn thảo được văn bản pháp luật theo đúng các cam kết; thông qua và có hiệu lực đúng với lộ trình cam kết; và ngay cả sau khi được ban hành thì chưa chắc đã bảo đảm được việc thi hành đúng trên thực tế. Đồng thời, thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật cũng cần thiết phải có rà soát tiếp các văn bản mới được ban hành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Chẳng hạn, năm 2002 Chính phủ Trung quốc đã ban hành quy định về quy định thủ tục xây dựng và ban hành các văn bản, quy định hành chính trong đó yêu cầu phải có ý kiến đóng góp của công chúng, nhưng nhiều bộ ngành và cơ quan vẫn làm theo lối cũ và "quên mất" thủ tục này. Tình trạng phổ biến là Bộ ngành soạn thảo văn bản pháp luật làm động tác tham vấn và gửi dự thảo tới các Bộ ngành khác, các chuyên gia Trung quốc và các doanh nghiệp trong nước bị điều chỉnh. Cũng có nhiều khi, cơ quan soạn thảo trao đổi ý kiến với một số công ty nước ngoài nhất định, mặc dù không phải lúc nào cũng chuyển dự thảo văn bản cho các công ty nước ngoài. Chính vì vậy, theo đánh giá của Cơ quan đại diện Hoa kỳ (USTR) thì chỉ một tỷ lệ nhỏ các văn bản pháp luật mới được ban hành gần đây là đã tuân thủ yêu cầu dành một giai đoạn cho công chúng đóng góp ý kiến, và ngay cả khi có dành giai đoạn thời gian này thì khoảng thời gian cho đóng góp ý kiến cũng là quá ngắn.

Mặc dù một loạt các văn bản pháp luật quan trọng được dự kiến ban hành cuối năm 2003, như Sửa đổi Luật ngoại thương, Luật ngân hàng thương mại, Sửa đổi Luật dịch vụ bưu điện, Quy tắc xuất xứ hàng hoá XNK, Quy định về bảo hiểm, thuế XNK, Quy định về thiết kế kỹ thuật xây dựng.... nhưng cho tới đầu tháng 12/2003 thì mới chỉ có Dự thảo quy định về bảo hiểm được chuyển cho góp ý tham gia rộng rãi.

Tuy nhiên, Trung quốc đã đạt được những thành tích rất khả quan trong việc minh bạch hoá các văn bản pháp luật mới sau khi được ban hành. Theo quy định của Chính phủ ban hành năm tháng 12/2001 thì yêu cầu đăng tất cả các quy định pháp luật mới ban hành 30 ngày trước khi được thi hành trên thực tế. Quy định mới này đã có hiệu lực rất tốt đối với các văn bản pháp luật được ban hành gần đây: tất cả các văn bản pháp luật đều được đăng sau khi được ban hành và trước ngày chúng có hiệu lực áp dụng. Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc minh bạch hoá pháp luật tại Trung quốc so với những gì trước khi Trung quốc gia nhập WTO. Hơn nữa, các văn bản pháp luật mới này thường không chỉ được đăng trên các tạp chí chính thức mà còn được đăng cả trên Internet. Tuy nhiên, do cam kết lại WTO của Trung quốc yêu cầu phải có bản dịch các văn bản pháp luật ra ngôn ngữ chính thức của WTO - một công việc đòi hỏi không ít đầu tư và thời gian, nên Trung quốc chưa hoàn thành đúng được nghĩa vụ này.

Một nghĩa vụ WTO nữa của Trung quốc liên quan lới minh bạch hoá là thiết lập các địa chỉ liên hệ, giải đáp các yêu cầu, thắc mắc và cung cấp thông tin. Trung quốc đã thi hành nghĩa vụ này của mình thông qua việc thiết lập một Trung tâm hỏi đáp và thông tin tại Bộ Thương mại tháng 1/2002. Các Bộ ngành khác cũng thiết lập các địa chỉ liên hệ để cung cấp các thông tin liên quan lới các lĩnh vực mình phụ trách. Theo đánh giá chung thì các địa chỉ liên hệ này của các cơ quan Trung quốc hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều Bộ ngành đã bắt đầu có địa chỉ Internel để cung cấp các thông tin.

Cùng với chính quyền TW thì chính quyền địa phương một số tỉnh và thành phố như Thượng hải, Quảng đông ... đã có quy định về minh bạch và công khai các văn bản của mình.

Việc áp dụng pháp luật thống nhất

Như được trình bày trên đây về các cam kết áp dụng thống nhất pháp luật trên toàn lãnh thổ Trung quốc cũng như việc thiết lập cơ chế trong nước để xử lý các tình huống áp dụng pháp luật không thống nhất trên cơ sở các thông tin của các công ty và cá nhân. Đây là một trong những cam kết đem lại nhiều thách thức nhất đối với Trung quốc. Để thực biện cam kết của mình, Trung quốc trong năm 2002 đã tiến hành một chiến dịch thông tin, tuyên truyền cho các cán bộ nhà nước ở cả TW và địa phương, cũng như là các giám đốc DNNN về các quy định của WTO. Một số tỉnh và địa phương còn thành lập các trung tâm WTO của riêng mình để hỗ trợ cho các nỗ lực của TW thi hành các cam kết và tranh thủ những lợi thế của quy chế thành viên WTO cho địa phương mình.

Năm 2002, Trung quốc đã thành lập một cơ chế rà soát nội bộ do Bộ Thương mại chủ trì để xử lý các trường hợp áp dụng pháp luật không thống nhất .

Quyền khiếu kiện ra toà án

Để thực hiện các cam kết của mình trong lĩnh vực khiếu nại hành chính và khiếu kiện hành chính Trung quốc đã có các bước chuẩn bị từ trước khi gia nhập WTO, thông qua việc đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán. Chẳng hạn, từ năm 1999 Toà án nhân dân tối cao Trung quốc đã bắt đầu quá trình tuyển chọn thẩm phán theo các tiêu chí năng lực, trình độ học vấn và kinh nghiệm công tác. Đồng thời, Toà án nhân tối cao cũng ban hành Quy định về một số vấn đề liên quan tới xét xử các vụ việc hàng chính trong thương mại quốc tế, có hiệu lực từ 1/10/2002 bên cạnh các quy định chung về xã xử khiến kiệu hành chỉnh lại toà án. Quy định này điều chỉnh việc xét xử các vụ khiến kiện hành chính liên quan lại các quyết định của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ.

2/ Việc hoàn thiện pháp luật thực thi các cam kết WTO trong một số lĩnh vực cụ thể

a/ Quyền kinh doanh XNK và các dịch vụ phân phối

- Trước khi gia nhập WTO Trung quốc duy trì nhiều hạn chế về số lượng và loại hình doanh nghiệp có quyền kinh doanh XNK, cũng như là chủng loại hàng được XNK. Các cam kết liên quan tới quyền kinh doanh và dịch vụ phân phối về cơ bản phải được thực thi không muộn hơn 3 năm kể từ khi gia nhập, tức 11/12/2004 trong đó có có những cam kết phải thực hiện ngay khi gia nhập và có cam kết thực hiện sau đó.

- Cho tới thời điểm này thì Trung quốc đã thực hiện đầy đủ các cam kết của mình liên quan tới quyền kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Trung quốc thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật mới, trong đó có Thông tư về các quy định quản lý quyền XNK tháng 7/2001 và Thông báo sửa đổi các tiêu chuẩn kinh doanh XNK và thủ tục kiểm tra tiêu chuẩn tháng 8/2003. Tuy nhiêu, theo ý kiến của Hoa kỳ thì Trung quốc chưa thực hiện đầy đủ, đúng lộ trình các cam kết liên quan tới quyền kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trung quốc đã có một loạt các quy định điều chỉnh quyền kinh doanh XNK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp sản xuất, như luật Ngoại thương, văn bản Quy định bổ sung (II) đối với Quy định tạm thời điều chỉnh việc thành lập các công tư đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Việc đối xử các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn hoạt động như là công ty kinh doanh XNK được quy định tại một văn bản mới được ban hành 1/2003 - Các quy định tạm thời về việc thành lập các công ty liên doanh Trung quốc với nước ngoài hoạt động ngoại thương. Quy định mới này cho phép thành lập liên doanh kinh doanh XNK mọi loại hàng hoá, trừ các mặt hàng được dành cho thương mại nhà nước, nếu thoả mãn những điều kiện nhất định. Để thực hiện đầy đủ các cam kết của mình liên quan tới quyền kinh doanh XNK, trong đó có các cam kết sẽ đến hạn vào 11/12/2004, Bộ Thương mại Trung quốc đang soạn thảo những sửa đổi Luật Ngoại thương. Đồng thời, Trung quốc cũng đã có những bước đi sửa đổi pháp luật thậm chí trước lộ trình 1 năm thông qua việc cho phép một số công ty ô tô được có quyền kinh doanh XNK ngay từ tháng 11/2003.

- Trước khi gia nhập WTO, Trung quốc nhìn chung không cho phép các công ty nước ngoài được phân phối sản phẩm tại Trung quốc, kế cả bán buôn, bán lẻ, đại lý hoa hồng hay cung cấp các dịch vụ liên quan như dịch vụ bảo hành. Các cam kết WTO của Trung quốc trong lĩnh vực này phải được thực hiện trong vòng 3 năm sau khi gia nhập. Trên thực tế Trung quốc đã thực hiện một số cam kết của mình trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ: Quy định tạm thời về thành lập liên doanh kinh doanh ngoại thương 1/2003 cho phép DNĐTNN được tham gia các dịch vụ bán buôn khi đáp ứng đủ các điều kiện nhất định; Quy định cho phép DNĐTNN được cung cấp dịch vụ bán lẻ đối với các hàng hoá họ sản xuất tại Trung quốc.

b/ Quản lý NK

- Trung quốc đã cam kết các mức thuế NK đối với hàng hoá và bị ràng buộc bởi các mức thuế này. Để thực hiện các cam kết về thuế này Trung quốc đã cắt giảm các mức thuế NK của mình. Chẳng hạn việc giảm thuế gần đây là tháng 1/2003 liên quan tới thiết bị nông nghiệp, thiết bị xây dựng, giấy, hoá chất, thép, thiết bị y tế, khoa học, mỹ phẩm....

- Về các vấn đề hải quan, để xử lý các vấn đề về trị giá hải quan Trung quốc đã ban hành văn bản về Các biện pháp kiểm tra và xác định trị giá hải quan hàng NK tháng 1/2002. Đây là văn bản quan trọng xử lý các quy định trước đó của Trung quốc còn chưa phù hợp với Hiệp định trị giá hải quan của WTO, tuy nhiên thực tiễn thi hành các quy định mới này không phải không có những khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau, kể cả thói quen của hải quan trong việc sử dụng bảng giá tối thiểu. Tiếp đó, Tổng cục hải quan Trung quốc ban hành Quy định về xác định trị giá hải quan đối với phí bản quyền và phí li xăng liên quan tới hàng NK có hiệu lực từ 1/7/2003 để hướng dẫn và làm rõ các quy định được ban hành 1/2002.

- Trung quốc cam kết thực hiện Hiệp định WTO về xuất xứ hàng hoá để bảo đảm minh bạch, khả năng dự báo trước và tính thống nhất về các vấn đề xuất xứ. Để thực hiện các cam kết, Trung quốc đã ban hành các quy định mới vào 3/2001 để đưa các quy định của Trung quốc phù hợp với Hiệp định này của WTO, tuy nhiên văn bản mới dừng ở cấp thấp của Cục quản lý và kiểm tra chất lượng và kiểm dịch. Hiện tại Tổng cục hải quan đang xây dựng văn bản mới về quy tắc xuất xứ.

- Liên quan tới việc cấp phép NK, Trung quốc sau khi gia nhập đã ban hành các quy định sửa đổi cả hai chế độ cấp phép là cấp phép tự động và cấp phép không tự động.

- Liên quan tới các biện pháp phí thuế quan (NTB) thì việc điều chỉnh thể chế không dễ dàng do tính phức tạp của NTB. Chẳng hạn, mặc dù Chính phủ đã ban hành các quy định cần thiết về cơ chế quota, nhưng việc thực tế thi hành gặp không ít khó khăn: các cơ quan khác nhau phụ trách việc phân bổ quota đối với các sản phẩm khác nhau; việc phân bổ không phải lúc nào cũng đúng được thời hạn, như trường hợp phân bổ quota NK ôtô năm 2002 và 2003. Để giải quyết những khó khăn về cơ chế quota NK ôtô, tháng 11/2003 khi mà thời hạn duy trì quota sắp hết hạn (2004), Trung quốc đã cho phép một số công ty ôtô nước ngoài được phép NK ôtô mà không cần có điều kiện là đối tác NK trong nước phải có quota - đây là việc thực hiện trước lộ trình 1 năm. Bên cạnh đó, từ 11/12003 Trung quốc cũng đã loại bỏ cơ chế quota đối với xe tải tự hành và xe máy - trước thời hạn 1 năm.

-Liên quan tới cơ chế hạn ngạch thuế quan, Trung quốc đã có nhiều cam kết cụ thể đối với các hàng công nghiệp, tuy nhiên việc ban hành văn bản thực thi còn chậm và cho tới cuối 4/2002 cơ quan có thẩm quyển Trung quốc mới phân bổ quota lần đầu tiên và ngay cả sau khi ban hành thì việc thực thi cũng không phải không đem lại những khó khăn.

c/ Các biện pháp thương mại

Khi gia nhập WTO, Trung quốc cam kết sửa đổi ngay lập tức các quy định đối với các vấn đề chống bán phá giá cho phù hợp Hiệp định WTO về chống bán phá giá. Trong năm 2002 và 2003, Trung quốc đã có cải cách đáng kể điều chỉnh pháp luật về chống bán phá giá, và với quy định mới này thì Trung quốc đã và đang trở thành nước sử dụng nhiều các biện pháp chống bán phá giá: kết thúc điều tra 11 vụ và đang tiếp tục điều tra 7 vụ khác riêng trong năm 2003. Chính phủ đã ban hành các quy định mới về chống bán phá giá có hiệu lực từ 1/1/2002 thay thế quy định về chống bán phá giá có hiệu lực từ 1997. Đầu 2002, Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế (sau này được đổi tên thành Bộ Thương mại) đã ban hành một loạt các quy định chi tiết điều chỉnh toàn bộ quy định tố tụng vụ kiện chống bán phá giá khi xác định yếu tố bán phá giá. Đồng thời, Uỷ ban Kinh tế và Thương mại ( sau này đã được nhập vào Bộ Thương mại giữa 2003) đã ban hành các quy định chi tiết điều chỉnh việc xác định thiệt hại của ngành trong nước vào 1/2003. Để xây dựng thể chế, 3/2003 Chính phủ đã có cải cách các Bộ ngành, trong đó có việc nhập các chức năng liên quan tới chống bán phá giá của Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế và Uỷ ban Kinh tế và Thương mại và chuyển cho Bộ Thương mại mới được thành lập. Hiện tại trong Bộ Thương mại Trung quốc có hai đơn vị có chức năng liên quan trực tiếp tới điều tra chống bán phá giá là Cục quản lý thương mại lành mạnh đối với hàng XNK chịu trách nhiệm quyết định về có việc bán phá giá hay không và Cục Điều tra thiệt hại ngành trong nước chịu trách nhiệm quyết định về vấn đề có thiệt hại hay không. Uỷ ban Thuế quan của Chính phủ vẫn là cơ quan ra quyết định cuối cùng vệ việc áp đặt, rút lại hay duy trì thuế chống bán phá giá trên cơ sở các khuyến nghị của các Cục thuộc Bộ Thương mại.

Tuy nhiên, mặc dù có những điều chỉnh và cải cách mạnh mẽ về thể chế và pháp luật chống bán phá giá, nhìn chung, là theo đúng các quy định WTO, thể chế của Trung quốc trong lĩnh vực này không phải không đem lại những ý kiến khác nhau từ phía các nước thành viên WTO, nhất là liên quan tới quy trình tố tụng, minh bạch và xem xét lại của toà án đối với các quyết định hành chính trong lĩnh vực này do các quy định pháp luật còn quá chung và không rõ ràng. Để làm rõ các quyền khiếu kiện ra toà án các quyết định hành chính trong lĩnh vực thương mại quốc tế, trong đó có các quyết định liên quan tới chống bán phá giá, toà án nhân dân tối cao đã ban hành 8/2003 Quy định về việc giải quyết của Toà án nhân dân lối cao các khiếu kiện tranh chấp thương mại quốc tế. Tiếp đó. tháng 912002 Toà án nhân dân tối cao ban hành Quy định của Toà án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan tới việc áp dụng pháp luật khi giải quyết các vụ kiện hành chính về chống bán phá giá

- Trung quốc cũng có các cam kết tuân thủ pháp luật của WTO về chống trợ cấp. Ngay trước khi gia nhập WTO Chính phủ đã ban hành các quy định về thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng) có hiệu lực từ 1/1/2002. Tương tự giống như lĩnh vực chống bán phá giá nêu trên, các quy định này sau đó được cụ thể hoá thông qua các quy định của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2002 và 2003, kể cả việc nhập các chức năng liên quan vào Bộ Thương mại mới được thành lập. Toà án nhân dân tối cao ban hành các quy định mới về quyền khiếu kiện hành chính 9/2002. Có thể nói là giống như trong lĩnh vực chống bán phá giá, trong lĩnh vực chống trợ cấp Trung quốc đã có những cải cách mạnh mẽ các quy định về nội dung và tố tụng để tuân thủ WTO. Tuy nhiên, các cải cách này nhất là về mặt văn bản pháp luật vẫn chưa làm hài lòng các thành viên WTO vì ngôn ngữ văn bản còn quá chung.

Cho tới thời điểm này Trung quốc chưa tiến hành vụ kiện chống trợ cấp nào, kể cả trước khi gia nhập và sau khi gia nhập WTO.

- Để thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định về các biện pháp tự vệ Chính phủ Trung quốc đã ban hành quy định về tự vệ từ trước khi gia nhập WTO và có hiệu lực từ 1/1/2002. Tiếp đó, Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế - cơ quan chịu trách nhiệm quyết định về có hay không việc tăng NK và (cùng với Uỷ ban Kinh tế và Thương mại ) về mối quan hệ nhân quả giữa tăng NK và thiệt hại - đã ban hành các quy định tố tụng. Uỷ ban Kinh tế và Thương mại - cơ quan quyết định thiệt hại – đã ban hành đầu năm 2003 Quy định về điền tra và xác định thiệt hại ngành trong nước trong các vụ việc tự vệ và Quy định về điều trần nghe ý kiến. Giống như trong lĩnh vực chống phá giá và chống trợ cấp, tháng 3/2003 Trung quốc cũng tiến hành cải cách thể chế và chuyển chức năng về tự vệ từ các cơ quan về Bộ Thương mại mới được thành lập. Cho tới nay, Trung quốc đã tiến hành một vụ kiện về tự vệ đầu tiên vào 20/5/2002.

d/ Quản lý NK

Cam kết của Trung quốc trong WTO là chỉ duy từ các hạn chế XK không phải là thuế và phí, nếu lý giải được theo các quy định của WTO. Trung quốc cũng cam kết áp dụng thuế và phí chỉ đối với hàng XK được nêu trong Phụ lục 6 Nghị định thư gia nhập.

Kể từ khi gia nhập Trung quốc tiếp tục áp dụng các hạn chế và phí đối với một số hàng XK không thuộc Phụ lục 6 này trên cơ sở Điều XX GATT “bảo toàn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng cạn kiệt”.

d/ Các chính sách trong nước tác động thương mại

- Trung quốc cam kết áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử, kể cả trong quan hệ với Hongkong, Đài loan và Ma cao, và phải điều chỉnh pháp luật để tuân thủ nguyên tắc này. Cho tới năm 2002 Trung quốc đã tiến hành rà soát pháp luật và sửa đổi nhiều văn bản có quy định không phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử. Trong đó đáng lưu ý là hầu hết những sửa đổi pháp luật là liên quan tới cam kết đối xử quốc gia (cùng với đối xử tối huệ quốc là nền tảng của nguyên tắc không phân biệt đối xử) trong hoạt động thương mại, như liên quan tới tàu thuỷ chạy hơi nước, dịch vụ sau bán hàng, ấn định giá hàng dược phẩm...

Một cải cải cách thể chế quan trọng diễn ra vào nửa đầu 2003 để thực thi hiệu quả nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại là việc Trung quốc đã tập trung các chức năng quản lý nội thương và ngoại thương vào một cơ quan là Bộ Thương mại. Hơn nữa, Uỷ ban quốc gia về cải cách và phát triển mới được thành lập cũng đã trở nên dễ dàng tiếp thu các ý kiến quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài - một sự phát triển rất tích cực.

- Về hàng rào kỹ thuật thì Trung quốc đã có những cải cách và bước đi rất tích cực trong việc minh bạch và công khai quy định pháp luật và khắc phục tình trạng phối hợp không hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước khác nhau. Tháng 10/2001 Trung quốc đã thành lập Cục quốc gia quản lý về tiêu chuẩn có chức năng quản lý thống nhất các tiêu chuẩn hàng hoá tại Trung quốc và đưa các tiêu chuẩn này theo các quy định và thực tiễn quốc tế. Trung quốc cũng tiến hành một loạt các cải cách liên quan tới kiểm tra sự phù hợp các tiêu chuẩn của các hàng hoá và thiết lập nên đầu mối liên hệ, giải đáp thông tin. Tất cả những nỗ lực này của Trung quốc đã đem lại những kết quả đáng khích lệ: kể từ khi ban hành các quy định mới 1/2002 tạo thuận lợi cho việc thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế thì khoảng 50% trong số gần 20 000 tiêu chuẩn quốc gia của Trung quốc đã được xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trung quốc có mục tiêu trong 5 năm tới Thông tư số nâng tỷ lệ này lên 70%. Đồng thời, quy định mới của Trung quốc được ban hành 11/2002 và có hiệu lực đầy đủ từ 1/8/2003 đã đem lại chế độ đối xử quốc gia liên quan tới mác tiêu chuẩn an toàn hàng hoá.

- Liên quan tới mua sắm chính phủ thì mặc dù Trung quốc chưa là thành viên Hiệp định nhiều bên của WTO về mua sắm chính phủ, nhưng đã là nước quan sát viên của Hiệp định này. Tháng 6/2002 Trung quốc ban hành Luật mua sắm chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2003. Luật này được xây dựng theo tinh thần Hiêp định mua sắm chính phủ và Luật mẫu của LHQ về mua sắm hàng hoá. Hiện nay các công việc tập trung vào việc soạn thảo và ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật này

- Trung quốc cũng có nhiều cải cách pháp luật và thể chế ở các mức độ khác nhau để thực hiện các cam kết của mình trong lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ (sửa đổi pháp luật nội dung về các đối tượng sở hữu trí tuệ, thực thi pháp luật trong đó có thành lập Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ do một Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm, các lĩnh vực dịch vụ (tài chính, pháp luật, viễn thông, phát chuyển nhanh, xây dựng..).

Đối với các lĩnh vực dịch vụ pháp luật thì trước khi gia nhập WTO, Trung quốc duy trì nhiều hạn chế, như cấm VPĐD công ty luật nước ngoài không được hành nghề về pháp luật Trung quốc hay hoạt động vì mục đích lợi nhuận trong các lĩnh vực không phải là hành nghề pháp luật Trung quốc; hay hạn chế việc liên kết chính thức với các công ty luật trong nước, các công ty luật nước ngoài chỉ được phép có một VPĐD và các hạn chế về phạm vi lãnh thổ hoạt động khác. Khi gia nhập WTO, Trung quốc đã có một loạt các cam kết mở cửa dịch vụ pháp luật. Để thực hiện các cam kết này, tháng 12/2001 Chính phủ ban hành Quy định về quản lý văn phòng đại diện các công ty luật nước ngoài và tiếp đó là Bộ Tư pháp ban hành 7/2002 các quy định hướng dẫn thi hành chi tiết. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định mới này cũng đem lại không ít những khó khăn.

IV. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM

Việc tìm hiểu các kinh nghiệm và thực tiễn chuẩn bị các điều kiện pháp luật trong đó có việc rà soát pháp luật, sửa đổi pháp luật, thực thi pháp luật, xây dựng và tăng cường năng lực thiết chế để đàm phán và thực thi các cam kết WTO của Trung quốc trên đây đã đem là một số thông tin có y nghĩa tham khảo đối với quá trình gia nhập WTO hiện nay của Việt Nam.

- Kinh nghiệm pháp lý và quyết tâm chính trị cao để gia nhập và thực thi các cam kết WTO. Nhiều văn bản pháp luật được ban hành ngay cả trước khi gia nhập WTO nhưng đã tính đến các yêu cầu của WTO, hạn chế việc phải sửa đổi sau khi gia nhập. Một số văn bản pháp luật được soạn thảo và ban hành khi lộ trình thực hiện các cam kết WTO chưa tới nhưng có quy định thời gian thực hiện đúng với lộ trình để tăng cường tính dự đoán của quy định, cũng như là tận dụng thời gian chuyển đổi tạo điều kiện cho các cơ quan, tồ chức và doanh nghiệp chuẩn bị trước. Cách làm này của Trung quốc đặc biệt thích hợp đối với quốc gia có truyền thống làm luật (giống như Việt Nam) là sửa đổi, bổ sung và ban hành mới theo từng văn bản

- Một số lượng đáng kể các văn bản pháp luật mới được ban hành để thực thi các cam kết của WTO là các văn bản dưới luật của Chính phủ hay Bộ ngành, kể cả các văn bản có tên là “quy định tạm thời” hay văn bản hướng dẫn trong khi chờ đợi các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp luật cao hơn được ban hành. Đây là điểm hết sức thú vị đối với Việt Nam nếu tính đến việc Trung quốc (giống Việt Nam) không có quy định rõ ràng trọng pháp luật về vị trí điều ước quốc tế (như các cam kết WTO của Trung quốc chẳng hạn) mà đi theo quy định có tính công thức lại các văn bản pháp luật là khi điều ước quốc tế có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế. Tức là trên thực tế Trung quốc coi các cam kết WTO có vị trí ưu tiên áp dụng tại Trung quốc khi có mâu thuẫn với pháp luật trong nước và cho phép nội luật hoá hay nói cách khác chuyển hoá các quy định về cam kết này dưới hình thức văn bản dưới luật ít nhất là trong khi chờ sửa đổi, huỷ bỏ hay ban hành mới luật.

- Công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến về WTO và tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đã có sự quan tâm lớn của nhà nước. Các công việc này được tiến hành ở cả cấp TW và địa phương.

- Việc rà soát pháp luật phục vụ gia nhập WTO được tiến hành sâu rộng ở cả TW và địa phương đã giúp các cơ quan Trung quốc có được bức tranh toàn cảnh về nhu cầu và hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Từ kinh nghiệm Trung quốc thì có thể thấy công việc rà soát pháp luật là công việc thường xuyên được liên hành liên tục ngay cả sau khi gia nhập WTO và được giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm.

- Mặc dù đã có những cải cách pháp luật và tư pháp sâu rộng từ hai thập kỷ qua nhưng quy chế thành viên WTO vẫn đem lại cho Trung quốc một khối lượng công việc khổng lồ liên quan tới sửa đổi pháp luật, xây dựng thiết chế và con người, thực thi pháp luật... Các cam kết WTO nhìn chung được đánh giá là được Trung quốc thi hành đúng thời hạn và nội dung, tuy có một số cam kết được thi hành chậm hơn lộ trình. Mặt khác, trong một số lĩnh vực mà việc mở cửa thị trường sớm có lợi hơn cho Trung quốc thì Trung quốc đã có những bước đi trước cả lộ trình thực hiện.

- Các cam kết liên quan tới rà soát và điều chỉnh pháp luật của Trung quốc được đánh giá là thực hiện tốt hơn thực tiễn thi hành các quy định pháp luật. lẽ Trung quốc để học được kinh nghiệm nhiều nước WTO và bài học từ các vụ việc tranh chấp được giải quyết trong WTO  là các nước giờ đây rất ít hay gần như không còn sử dụng các biện pháp thương mại không phù hợp với WTO và được giải quyết trong các văn bản pháp luật hay nói cách khác là các vi phạm về văn bản pháp luật mà có thể nhìn thấy ngay tại lời văn của văn bản (trong WTO gọi là vi phạm de jure) mà những vấn đề bị phản đối hay khiếu kiện về thi hành nghĩa vụ WTO chỉ chủ yếu liên quan  tới thực tiễn thi hành pháp luật mong WTO gọi là vi phạm de factor).

- Trong quá trình thực hiện các cam kết WTO, Trung quốc đã chịu các sức ép rất lớn của các nước thành viên WTO, kể cả việc theo dõi, giám sát và tham vấn song phương và đa phương mỗi khi có vấn đề bất đồng về việc thi hành. Qua đó cũng thấy Trung quốc phải có các chuyên gia giỏi đủ năng lực để tham vấn, thảo luận và lập luận bảo vệ quan điểm của mình trước các ý kiến của các nước khác.

Từ những phân tích và nhận xét ban đầu về kinh nghiệm của Trung quốc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp nhằm thực thi các cam kết WTO thì đối Với việt Nam một số công việc sau đây cần được tính toán để có kế hoạch triển khai thực hiện:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng ở cả TW và địa phương về quá trình đàm phán và gia nhập WTO của chúng ta và những cơ hội và thách thức của việc thực hiện các cam kết thành viên sau khi gia nhập để có sự phối hợp và thống nhất tư duy và hành động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân. Từ kinh nghiệm Trung quốc thì có thể thấy là mặc dù Trung quốc đã làm tốt công tác này, nhưng thực tế trong “hành động” vẫn chưa phải đều thuận lợi.

Việc nhập WTO sẽ đem lại nhiều cơ hội thuận lợi hơn nếu có tìm hiểu và chuẩn bị kỹ các điều kiện để vừa tận dụng các quyền của nước thành viên lại vừa thi hành hiệu quả các cam kết của mình. Cho tới nay chúng là đã có nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và WTO nói riêng, nhưng hiệu quả của công tác này đang là câu hỏi qua các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế gần đây. Có lẽ Việt Nam đã đi “qua giai đoạn 1” của việc thông tin\ ,tuyên truyền có tính đại trà, chung chung là cần chuyển sang “giai đoạn 2”  với các nội dung thông tin, tuyên truyền sâu hơn, được thiết kế phù hợp cho các đối tượng khác nhau để làm sao những đối tượng được nhận thông tin, tuyên truyền đều cảm thấy ý nghĩa và tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO đối với chính mình

Thứ hai, Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tựu về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong những năm gần đây và đúng thực hiện các cải cách pháp luật và tư pháp, nhưng một điều chắc chắn là quy chế thành viên WTO sẽ đem lại một khối lượng công việc rất lớn trong lĩnh vực này. Do đó, ngay từ bây giờ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp cần có các bước chuẩn bị sẵn sang, đưa các vấn đề WTO vào kế hoạch hoạt động và kinh doanh. Cụ thể, đối với các cơ quan lập pháp và lập quy thì giờ đây cũng phải tính đến những khả năng, cách thức thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam trong hệ thống pháp luật trong nước (ban hành một luật thực hiện tất cả các cam kết như một số nước đã làm hay sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản như chúng ta vẫn làm, hoặc uỷ quyền cho các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện trong khi đợi sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật...). Đối với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề có liên quan tới WTO mà đang được soạn thảo, ban hành thì sẽ là thích hợp nếu chúng ta tính đến các quy định của WTO để tránh phải sửa đổi sau khi ban hành (về cách tiếp cận quy định như thế nào để vừa bảo đảm thực hiện được cam kết quốc tế lại vừa bảo đảm được lợi ích quốc gia thì cần có nghiên cứu kỹ). Một điều cần nhận thức là các quy định pháp luật mới được ban hành thực thi cam kết WTO sẽ có nhiều quy định mới (kể cả thuật ngữ, chưa từng có trong hệ thống pháp luật Việt Nam), phức tạp, có tính kỹ thuật cao đòi hỏi có những giải thích chi tiết thì mới có thể tạo được cách hiểu chung thống nhất. Chính vì vậy chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là các chuyên gia pháp luật thương mại quốc tế đủ khả năng giúp được các cơ quan Việt Nam trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua các quy định mới này.

Đối với các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó toà án có vị trí quan trọng vì mọi khiếu nại hành chính sẽ đều có thể được toà án xem xét lại, thì việc đào tạo  bồi dưỡng kiến thức về pháp luật WTO là công việc cần làm ngay. Do tính phức tạp của các quy định WTO nên bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán thì cần chú ý tới đội ngũ cán bộ trẻ tại toà án, những người sẽ giúp các thẩm phán trong việc tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ các vụ việc liên quan tới áp dụng các quy định pháp luật mới có tính kỹ thuật của WTO. Hơn nữa, việc chuyên môn hoá các công việc liên quan tới thương mại quốc tế về một toà án chuyên trách như nhiều nước trên thế giới đã làm là một kinh nghiệm đáng tham khảo để tập trung nguồn lực.

Riêng đối với doanh nghiệp thì quy chế thành viên WTO sẽ đem lại các công việc trên cả hai mặt trận: trong nước và quốc tế. Do đó việc thiếu hiểu biết đầy đủ về thể chế WTO, kể cả các cách thức bảo vệ quyền lợi của mình ở trong nước (sử dụng các biện pháp thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ...) và ở nước ngoài (không bị phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các cơ quan nhà nước, yêu cầu các cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi, kể cả kiện ra WTO...) sẽ đặt các doanh nghiệp của chúng ta ở vị trí bất lợi trong cạnh tranh.

Thứ ba, đẩy nhanh công tác rà soát pháp luật phục vụ gia nhập WTO ở tất cả các cơ quan các cấp từ TW tới địa phương để sớm có một bức tranh tổng thể về nhu cầu và mức độ cần thiết phải có sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác rà soát pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế cần được giao như là công việc thường xuyên, liên tục và kéo dài của một cơ quan cấp Bộ và để làm được này thì không thể không xây dựng một đội ngũ chuyên gia pháp luật thương mại quốc tế có năng lực. Hiện tại, công việc này dang được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, nhưng có lẽ mới chỉ như một công việc có tính thời điểm, một lần. Điều quan trọng nữa là cần phải có sự gắn kết các kết quả rà soát pháp luật với quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch lập pháp và lập quy cũng như là sự gắn kết với việc soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hạn chế và loại bỏ những quy định có lời văn hay hệ quả đi ngược các quy định của WTO.

Thứ tư, Những cải cách về thiết chế, tổ chức một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động thương mại quốc tế để nâng cao hiệu quả là công việc cũng cần được tính đến. Đồng thời, việc tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước hay giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình

đàm phán, gia nhập và thực hiện các cam kết WTO cần có sự quan tâm và thúc đẩy hơn nữa. Các công việc này cũng cần được tiến hành cùng với việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có sự quan tâm tới đội ngũ chuyên gia pháp luật - những người sẽ tham gia vào soạn thảo các văn bản pháp luật trong nước, tư vấn cho Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN KINH NGHIỆM MỘT SỐ NƯỚC TRONG QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CÂU VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THÀNH VIÊN WTO

Nguyễn Hương Trà

Bộ Ngoại giao

 

 

Tính đến tháng 7/2003, các nước đang phát triển và kém phát triển chiếm hai phần ba trong tổng số 146 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và con số này không ngừng tăng lên, với hai nước mới gia nhập gần đây nhất là Campuchia và Nepal (9/2003)[75]. Trong số 18 nước gia nhập WTO từ sau năm 1995 đến nay, 11 nước là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi[76], những nước còn lại, nếu không tính tới Trung Quốc[77], đều là những nước đang phát triển. Ngoài ra, có 25 nước khác đang trong quá trình đàm phán gia nhập, những nước này cũng là những nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, hoặc kém phát triển[78].

Bài viết này sẽ tập trung vào việc tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước đang phát triển và có nền kinh tế đang chuyển đổi trong quá trình hoàn thiện pháp luật đáp ứng các yêu cầu về quyền lợi và nghĩa vụ của một thành viên WTO. Đa phần những nước được đưa vào nghiên cứu là những nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước kia, do vậy có nhiều đặc điểm chính trị, kinh tế và xã hội tương đồng với ta, đồng thời đây cũng là những nước mới gia nhập WTO từ sau năm 1995, khi GATT chính thức trở thành WTO. Bài viết cũng sẽ không đi sâu vào việc phân tích những điều chỉnh về mặt pháp lý trong tất cả lĩnh vực chịu sự điều tiết của WTO, mà sẽ chỉ tập trung vào những điều chỉnh pháp lý diễn ra trong các lĩnh vực sau: (l) chính sách kinh tế vĩ mô; (2) chính sách liên quan tới thương mại hàng hoá; (3) các chính sách liên quan tới hàng nông nghiệp; (4) các chính sách liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ; (5) các chính sách liên quan tới đầu tư; (6) các chính sách liên quan tới Hiệp định Vệ sinh dịch tễ của WTO; (7) các chính sách liên quan tới định giá hải quan và (8) vấn đề giải quyết tranh chấp[79]. Những vấn đề khác như những quy định về sự mua sắm của chính phủ, thương mại hàng dệt may, các Hiệp định nhiều bên về hàng không, viễn thông... tuy có quan hệ mật thiết đến chính sách thương mại của một nước và có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đàm phán gia nhập WTO của một nước, sẽ không được đưa vào khuôn khổ bài viết này.

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI CỦA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN VÀ CÓ NỀN KINH TẾ CHUYỂN ĐỔI:

Trong giai đoạn từ năm 1950 đến những năm 1980, ngành ngoại thương của các nước đang phát triển chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô và các hàng hoá sơ chế. Những mặt hàng này có đặc điểm chung là giá thành thấp, giá dễ biến động và cầu ít thay đổi. Các nước này cũng phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng trung gian phục vụ cho ngành công nghiệp trong nước. Do những đặc điểm này, trong thời kỳ này, đa số các nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển nghĩ rằng, việc tự do hoá chính sách thương mại sẽ làm cho các ngành công nghiệp non trẻ không phát triển được. Tuy nhiên, do nền kinh tế của những nước này ngày càng phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô và các sản phẩm nông lâm nghiệp sơ chế, nên việc nhập siêu ngày càng tăng và cán cân thương mại ngày càng bị thâm hụt[80]. Các nước đang phát triển còn cho rằng, quá trình tăng trưởng sẽ làm cho tài khoản vãng lai ngày càng thâm hụt, và những thâm hụt này có thể được khắc phục trong một thời gian ngắn, bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát thương mại. Dựa trên những suy nghĩ này, chiến lược thương mại của phần lớn các nước đang phát triển vào thời điểm đó được xây dựng với ba đặc điểm sau: (l) thúc đẩy công nghiệp hoá để thay thế nhập khẩu thông qua việc áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; (2) thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhằm đa dạng hoá cơ cấu xuất khẩu, một phần nhờ vào các biện pháp hỗ trợ và trợ cấp xuất khẩu, nhằm để giảm bớt lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất thuộc các nước phát triển; và (3) áp dụng các biện pháp kiểm soát thương mại nhằm đối phó với những khó khăn trước mắt hoặc có thể xảy ra đối với cán cân thương mại.

Hệ thống thương mại quốc tế đã có những điều chỉnh nhất định trước chiến lược thương mại của các nước đang phát triển trong thời kỳ này. Những điều chỉnh này tập trung chủ yếu vào bốn lĩnh vực: (i) các nước phát triển đã có những biện pháp để mở cửa thị trường cho hàng công nghiệp của các nước đang phát triển (chủ yếu thông qua việc dành các ưu đãi thương mại); (ii) áp dụng biện pháp “không có đi có lại” (non-reciprocity) - tức là không bắt buộc các nước đang phát triển phải dành cho các nước phát triển toàn bộ các ưu đãi mà các nước phát triển dành cho những nước đang phát triển, cụ thể là các nước đang phát triển có thể duy trì một số biện pháp bảo hộ được cho là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng; (iii) cho phép các nước đang phát triển áp dụng một cách linh hoạt các quy định của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và sau này là của WTO; và (iv) áp dụng các biện pháp nhằm ổn định thị trường hàng hoá thế giới.

Tuy nhiên, những chính sách kiểm soát thương mại của các nước đang phát triển trong giai đoạn nói trên đã đầu tới việc vào đầu những năm 80, phần lớn các nước đang phát triển đã phải chịu một khoản nợ nước ngoài rất lớn, mức phát triển rất thấp, thậm chí ở một số nước mức phát triển chững hẳn lại và thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng tăng. Đứng trước tình hình này, một loạt các nước đang phát triển đã phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình[81]. Một số nước bắt đầu đi theo mô hình phát triển của các nước công nghiệp mới phát triển ở Đông Á[82], hoặc của một số nước đang phát triển khác như Chi-lê. Mô hình mới này tập trung vào việc dỡ bỏ dần dần các hàng rào nhập khẩu, tự do hoá từng bước thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, và bước đầu đã góp phần thúc đầy tăng trưởng cho các nước đang phát triển.

Song song với việc điều chỉnh chiến lược phát triển, các nước đang phát triền là thành viên của GATT, đã hoạt động tích cực hơn nhằm điều chỉnh hệ thống luật thương mại quốc tế và làm cho những luật này đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của họ. Hệ thống luật lệ mới này có những đặc điểm sau[83]: (1) Các nước đang phát triển được phép áp dụng một cách linh hoạt hơn các quy định của GATT nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ hoặc bảo đảm cán cân thanh toán; (2) Các nước đang phát triển không phải tự do hoá thương mại trên quy tắc có đi có lại trong đàm phán thương mại quốc tế; (3) Các nước đang phát triển được phép hỗ trợ xuất khẩu thông qua hình thức trợ cấp, tuy nhiên họ vẫn phải chịu nguy cơ bị áp dụng thuế đối kháng; (4) Các nước đang phát triển được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan vào thị trường các nước phát triển theo quy chế GSP; và (5) Các nước đang phát triển được hưởng một quỹ nhằm hỗ trợ việc thực thi các cam kết về ổn định thị trường hàng hoá. Mặc dù vậy, các nước đang phát triển vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường các nước phát triển.

II. MỘT SỐ XU HƯỚNG NỔI LÊN GẦN ĐÂY TRONG VẤN ĐỀ GIA NHẬP WTO CỦA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN VÀ CÓ NỀN KINH TẾ CHUYỂN ĐỔI.

Tổ chức WTO được xây dựng dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản: (l) không phân biệt đối xử, được biểu hiện dưới hai nguyên tắc nhỏ là: nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc đối xử quốc gia (NT); (2) nguyên tắc minh bạch; (3) nguyên tắc có đi có lại (reciprocity); (4) nguyên tắc giảm dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn những chính sách cản trở thương mại, hướng tới việc tự do hoá hoàn toàn thương mại toàn cầu; và (5) các nước thành viên phải cam kết tuân thủ theo các quy định về quyền và nghĩa vụ của WTO và các cam kết này cần phải được thực thi. Toàn bộ những quy tắc này xuyên suốt các quy định về quyền và nghĩa vụ đối với các nước thành viên WTO. Các nước trong quá trình đàm phán gia nhập và sau đó, trong quá trình điều chỉnh chính sách của mình để thực thi đầy đủ các cam kết đưa ra lúc gia nhập, phải nắm bắt được những nguyên tắc này và tuân thủ chúng trong toàn bộ quá trình điều chỉnh pháp lý của mình.

Phần lớn các nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi gia nhập WTO nhằm đạt được những lợi ích sau: (l) củng cố các chính sách và thể cho trong nước liên quan tới thương mại hàng hoá và dịch vụ; (2) tận dụng các lợi thế về mở cửa thị trường mà các nước thành viên WTO dành cho nhau; và (3) tận dụng lợi ích của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại. Điều này là dễ hiểu bởi các nước đang phát triển có ít lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đồng thời, thiếu hoặc hầu như không có những công cụ để bảo vệ hữu hiệu các sản phẩm của mình trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, đối với các nước có nền kinh tế đang chuyển tiếp, trong thời kỳ nền kinh tế mang tính lập trung bao cấp, nhà nước kiểm soát thương mại thông qua các bộ và các doanh nghiệp thương mại nhà nước. Các thể chế quản lý hoặc kiểm soát các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, các chính sách vệ sinh dịch tễ... lại hoạt động độc lập, thậm chí ở nhiều nước không có những thể chế này. Bởi vậy, thách thức lớn nhất đối với những nước này khi thực thi các cam kết gia nhập WTO là phải thiết lập các thể chế và ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân và điều tiết thị trường không có sự can thiệp của nhà nước. Có một thể chế và môi trường pháp lý ổn định thì mới đảm bảo được việc phát triển thương mại.

Sau khi kết thúc Vòng đàm phán Tokyo, các nước đang phát triển thành viên của GATT đã đạt nhượng bộ rất đáng kể từ các nước phát triển với sự ra đời của Điều khoản Tạo điều kiện Thuận lợi (Enabling Clause) năm 1979. Trước khi WTO ra đời, phần lớn các nước đang phát triển gia nhập WTO chỉ phải cam kết thực thi đầy đủ các nghĩa vụ tại các Hiệp định về Nông nghiệp, dịch vụ và Sở hữu trí tuệ, đồng thời được hưởng nhiều quyền lợi thông qua việc áp dụng các điều khoản về đối xử khác biệt và đặc biệt dược nêu trong từng hiệp định cụ thể.

Tuy nhiên, những năm gần đây, một xu hướng mới đang nổi lên trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, đó là các nước dang gia nhập hoặc mới gia nhập, ngoài việc phải tham gia vào những Hiệp định WTO mang tính bắt buộc mà tất cả các thành viên WTO đều có nghĩa vụ ký kết và tuân thủ, các nước này còn phải cam kết điều chỉnh luật pháp và tuân thủ các quy định của những hiệp định khác như Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMS), thực thi các biện pháp vệ sinh dịch lề (SPS), cam kết giảm các hàng rào kỹ thuật thương mại (Hiệp định TBT), tuân thủ các quy định của Hiệp định Định giá Hải quan WTO[84]…Thậm chí các nước mới gia nhập và đang gia nhập phải cam kết tham gia những Hiệp định nhiều bên như Hiệp định về Thương mại đối với mặt hàng công nghệ thông tin (ITA), Hiệp định Viễn thông, Hiệp định về Hàng không dân dụng, Hiệp định về sự mua sắm của Chính phủ... Việc ký kết những Hiệp định này từ trước tới nay hoàn toàn mang tính tự nguyện và không bắt buộc. Việc tham gia những Hiệp định này được gọi là "các nghĩa vụ ngoài WTO" (WTO-plus obligations) của các nước thành viên mới. Xu hướng mới này mang lại nhiều bất lợi cho các nước đang phát triển mới gia nhập hoặc đang trong quá trình gia nhập bởi đối với họ, việc thực thi đầy đủ các cam kết trong các Hiệp định mang tính bắt buộc từ trước đến nay đã là một thách thức lớn. đòi hỏi việc đầu tư các nguồn lực vật chất và trí tuệ, mà cả hai nguồn lực này các nước đang phát triển đều thiếu, hoặc phải dựa vào sự hỗ trợ của các thành viên WTO là các nước phát triển.

Tất nhiên, để "ưu tiên" cho các nước đang phát triển và kém phát triển, các thành viên phát triển của WTO cho phép các nước đang phát triển và kém phát triển được hưởng 1 thời gian chuyển tiếp dài hơn và dược phép yêu cấu kéo dài thời gian này (Ghi chú của Điều khoản XI của Hiệp định Marrakesh). Đồng thời. một số Hiệp định của WTO như Hiệp định TRIMS (Điều khoản 5). Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp Đối kháng (điều khoản 27.4) và Hiệp định về Định giá Hải quan (điều khoản 20) cũng đưa ra những quy định tương tự. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên đang phát triển mới gia nhập gần đây đã không được hưởng những quyền lợi này do thiếu kinh nghiệm đàm phán nên không bảo vệ được các quyền lợi của mình, hoặc do các thành viên khác của WTO cho rằng, các quy định mang tính chất ưu đãi dành cho các nước đang phát triển phần lớn hết hiệu lực vào tháng 1/2000, mà những nước này đều gia nhập sau thời điểm này.

Các nước đang phát triển cũng bị "tước bỏ" dần nhiều quyền lợi khác như: số lượng các mát hàng phải đưa vào danh mục cam kết cắt giảm thuế ngày càng tăng đi đôi với mức thuế cam kết cũng có xu hưởng ngày càng thấp, thời gian chuyển tiếp ngày càng ngắn hơn, nguyên tắc "không có đi có lại" (non-reciprocily) cũng ít được áp dụng hơn[85]. Quy định về thời gian các Hiệp định của WTO bắt đầu có hiệu lực dành cho các nước đang phát triển cũng dài hơn thời gian dành cho các nước thành viên phát triển hoặc có nền kinh tế đang chuyển đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nước thành viên đang phát triển đã không được hưởng quyền lợi này (Bảng l).

Ngoài ra, những điều khoản về hỗ trợ kỹ thuật mà các nước phát triển đưa ra trong Hiệp định để đổi lấy các cam kết và nhượng bộ của các nước đang phát triển và/hoặc có nền kinh tế đang chuyển tiếp thì hầu như chỉ tồn tại trên văn bản, chứ ít có hiệu quả hỗ trợ thực sự các nước này trong quá trình điều chỉnh gia nhập WTO.

Xu hướng này gây nhiều lo ngại cho các nước đang phát triển bởi họ cho rằng những lợi ích có thể thu được từ việc trở thành thành viên WTO còn quá xa vời và chưa thề định lượng được, trong khi những cam kết mà họ phải đưa ra thường cao hơn so với mức phát triển của họ và kéo theo những điều chỉnh về mặt thể chế và pháp lý sâu rộng. gây nhiều tranh chấp nội bộ và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

III -QÚA TRÌNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT CỦA CÁC NƯỚC ĐỂ ĐÁP ỨNG VỚI CÁC YÊU CẦU VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA MỘT THÀNH VIÊN WTO.

Quá trình điều chỉnh pháp luật của các nước trong quá trình gia nhập WTO thường là được bắt đầu từ khi nước đó nộp đơn gia nhập, xuyên suốt thời kỳ đàm phán gia nhập và kéo dài cả nhiều năm sau khi nước đó đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp của các nước đang phát triển và kém phát triển do các nước này được hưởng một thời kỳ chuyển tiếp nhất định sau khi đã trở thành thành viên. Quá trình điều chỉnh pháp luật bao gồm cả việc điều chỉnh hoặc xoá bỏ những văn bản pháp lý không phù hợp với các quy định của WTO, hoặc soạn thảo và cho ra đời những văn bản và quy định mới. Để hoàn tất một cách hiệu quả và kịp thời quá trình này theo lịch trình cam kết của mình, các nước mới gia nhập thường phải tiến hành các điều chỉnh về thể chế song song với quá trình điều chỉnh chính sách. Các thể chế chịu sự điều chỉnh này được phân thành ba nhóm chủ yếu[86]: (l) các thể chế liên quan tới việc vận hành của nền kinh tế (hệ thống ngân hàng, các dịch vụ kế toán và kiểm toán, việc thực thi các hợp đồng...); (2) các thể chế liên quan trực tiếp tới thương mại như: dịch vụ tài chính, marketing và bảo hiểm cho hoạt động xuất nhập khẩu; và (3) các thể chế nhà nước chịu trách nhiệm hoạch định, thực thi và giám sát việc thực thi các chính sách thương mại và các chính sách liên quan tới thương mại. Ngoài ra. các cơ quan tư pháp cũng chịu tác động không nhỏ của những điều chỉnh này.

1. Những điều chỉnh về mặt chính sách:

Những chính sách được các nước điều chỉnh trong quá trình gia nhập WTO và tiếp tục hoàn thiện sau đó có thể được phân làm ba nhóm chính: (l) các chính sách vĩ mô liên quan tới chiến lược phát triển kinh tế của một nước; (2) các chính sách liên quan trực tiếp tới thương mại và (3) các chính sách về một số lĩnh vực liên quan tới thương mại hoặc có lính chất bổ trợ cho thương mại, cụ thể là đầu tư, sở hữu trí tuệ, hải quan. vệ sinh dịch tễ, chuẩn hoá,  tài chính, ngân hàng, dịch vụ hàng không, dịch vụ viễn thông...

1.1 Điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô

Việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô là cần thiết vì các chính sách vĩ mô có quan hệ mật thiết tới các chính sách thương mại và việc phát triển thương mại của một nước. Về mặt lý thuyết, một môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định sẽ tác động tiêu cực đến việc cán cân thanh toán và thương mại của một nước[87]. Ví dụ, nếu kinh tế trong nước trì trệ do những yếu kém của hệ thống tài chính hoặc hệ thống quản lý tiền tệ, ngay lập tức, cán cân thương mại sẽ bị thâm hụt và các khoản nợ nước ngoài sẽ có xu hường tăng lên. Thường khi các nước lâm vào hoàn cảnh này, nhiều khả năng các nhà sản xuất trong nước sẽ đổ lỗi cho các nhà sản xuất nước ngoài là đã áp dụng những hành động cạnh tranh bất bình đẳng để chiếm thị trường trong nước. Các ngân hàng cũng sẽ bị chỉ trích vì điều kiện vay quá ngật nghèo hoặc các đầu lư nước ngoài bị chỉ trích là đã chiếm dụng nhiều tài sản tại nước đó. Hầu hết những nước này đã phải trốn hành những diều chỉnh chính sách vĩ mô nhất định với hi vọng những điều chỉnh này sẽ bảo đảm thiết lập một môi trường ổn định cho giá cả và phát triển thị trường - điều kiện tiên quyết để đạt được sự phát triển bền vững. Những điều chỉnh này cũng nhằm phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp tư nhân và lĩnh vực tư nhân đóng vai trò tích cực hơn trong việc định hướng Phát triển kinh tế của một nước. Để đạt được những mục tiêu này, các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi là những nước gặp nhiều khó khăn nhất vì cho đến những năm cuối thập kỷ 90, nền kinh tế của những nước này vẫn là nền kinh tế tập trung bao cấp, với vai trò chủ đạo là các doanh nghiệp Nhà nước. Như trường hợp của Albania, trong giai đoạn 1944-1992, sở hữu lư nhân bị cấm hoàn toàn và toàn bộ hoạt động kinh tế, trong mọi lĩnh vực. nằm trong sự kiềm soát của Chính phủ. Do đó, khi Liên bang Sô-viết sụp đổ. Albania hầu như bị cô lập khỏi nền kinh tố thế giới. Tuy vậy, để trở thành thành viên của WTO, trong quá trình gia nhập (kéo dài 8 năm từ năm 1992-2000), Albania đã phải ban hành 66 luật và văn bản dưới luật, bao gồm cả những văn bản nhằm điều chỉnh các luật đã được ban hành trước đó. Những văn bản nhằm điều chỉnh các chính sách vĩ mô bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực. từ việc quy định quyền tư hữu, sở hữu đất đai[88], tư hữu hoá các doanh nghiệp nhà nước cho lới các văn bản điều chỉnh hoạt động kinh doanh, cạnh tranh, phá sản... của các doanh nghiệp tư nhân, tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ quả là đến năm 2000, lĩnh vực lư nhân đã đóng góp 80% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Albania, và sử dụng gần 76% lực lượng lao động của Albania. Việc kiểm soát giá cả đã bị xoá bỏ hoàn toàn trong lĩnh vực hàng hoá, ngoại trừ đối với dược phẩm, tuy nhiên Albania vẫn duy trì hệ thống kiểm soát giá trần đối với các ngành dịch vụ. Tương tự như Albama, một số nước có nền kinh tế đang chuyển đổi khác như Latvia, Croatia, Macedonia, Georgia cũng đã tiến hành những cải cách sâu rộng về một luật pháp, đặc biệt là các chính sách kinh tố vĩ mô để đáp ứng những đòi hỏi của

các thành viên WTO. Các nước thành viên WTO đặc biệt chú trọng vào các mảng chính sách sau đây trong quá trình đàm phán gia nhập:

1.1.1. Các chính sách tài chính - tiền tệ :

Các nước thành viên WTO đòi hỏi các nước đang gia nhập phải đưa ra một hệ thống chính sách tiền tệ và tài chính minh bạch, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO. Trong trường hợp Albania, Albania đã xây dựng một khuôn khổ chính sách tiền tệ vào năm 1993 và cam kết áp dụng tiếp khuôn khổ này đến năm 2003. Các chính sách và khuôn khổ luật pháp liên quan đến lĩnh vực tiền tệ của Albania đều được xây dựng với sự hỗ trợ và dựa theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhằm ổn định hoạt động của các ngân hàng, Albania đã thông qua “Luật Ngân hang” vào ngày 2/7/1998, trước đó cũng đã có "Luật về Ngân hàng của Albania" vào tháng 12/1997. Liên quan tới chính sách tiền tệ, Albania cũng đã áp dụng một "gói chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô" bắt đầu từ năm 1998. Nhờ vào "gói chính sách" này và việc sử dụng hiệu quả các công cụ tài chính và tiền lệ, Albania đã giảm đáng kể mức nợ trong nước cũng như nợ nước ngoài, thâm hụt trong nước giảm từ mức khoảng 6% GDP vào năm 1997 xuống còn 3% GDP vào năm 2000. Lạm phát cũng được duy trì ở mức thấp và ổn định, trong khoảng từ 2-4% vào năm 2000 so với mức 7% năm 1999[89].

Hơi khác với trường hợp của Albania, Macedonia đưa ra một hệ thống chính sách vĩ mô dựa chủ yếu trên chính sách tiền lương, phối hợp với chính sách tiền tệ và tài chính. Để kìm hãm lạm phát. Macedonia đã thông qua "Luật về Thanh toán Lương", được sửa đổi bổ sung qua các năm 1994, 1995 và 1997[90]. Luật này quy định việc hạn chế mức lương, như một phần chính sách vĩ mô nhằm quản lý tiêu dùng của cá nhân và duy trì lạm phát ở mức thấp. Chính sách tiền tệ của Macedonia cũng hướng lới ổn định tỷ giá hối đoái thông qua việc kiểm soát chặt chẽ lượng liền mặt lưu thông. Tuy nhiên, trong số các chính sách liên quan tới lĩnh vực tài chính - tiền tệ, các nước thành viên WTO lo ngại nhiều nhất và bắt các nước đang đàm phán gia nhập phải giải trình và điều chỉnh nhiều nhất là các chính sách thuế. Macedonia đã tiến hành cải tổ hệ thống thuế của mình từ năm 1994 và phát triển hệ thống này theo mô hình hệ thống của các nước phát triển. Macedonia cũng đã sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân vào năm 2001, điều chỉnh một số loại thuế khác như thuế tài sản, thuế thừa kế, thuế chuyển giao bất động sản[91]… và đã thông qua Luật về Thuế trị giá gia tăng vào tháng 4/2000.

Nước Cộng hoà Georgia trong quá trình gia nhập, cũng đã phải chỉ rõ những ngành chịu mức thuế thu nhập đặc biệt như ngành kinh doanh sòng bạc, các khu nghỉ mát điều dưỡng sức khoẻ, ngành quảng cáo, dịch vụ khách sạn... Lithuania trong quá trình đàm phán gia nhập đã phải giải trình cụ thể những loại thuế đang được áp dụng, đồng thời ban hành một sô văn bản pháp luật quy định mức thuế như Luật Thuế tài sản và Thuế đường bộ, cùng được thông qua vào năm 1995[92].

1.1.2. Chính sách hối đoái và thanh toán:

Phần lớn các nước thành viên WTO đều coi các quy định trong Hiệp định của IMF là chuẩn mực cho chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó bao gồm cả chính sách hối đoái của một nước. Do vậy. phần lớn các nước đã gia nhập và đang trong quá trình gia nhập đều viện dẫn việc mình là thành viên của IMF và tuân thủ các quy định trong Hiệp định của IMF (đặc biệt là Điều khoản VII và VIII)[93] để giải thích chính sách hối đoái và thanh toán của mình. Macedonia, ngoài việc chứng minh mình tuân thủ các cam kết trong Hiệp định của IMF, còn tiến hành cải cách hệ thống hối đoái thông qua việc ban hành Luật về các Hoạt động Hối đoái vào tháng 5/1993, và sau đó tiến hành sửa đổi luật này vào tháng 4/2001 (chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2002) nhằm bảo đảm rằng các quy định về các hoạt động ngoại hối của Maceđonia phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của EU. Các chính sách liên quan tới việc tích trữ ngoại tệ của Georgia cũng cởi mở hơn, ví dụ việc cho phép các công ty, các cá nhân quốc tịch Maceđonia và nước ngoài được phép mở các tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng địa phương. Các doanh nghiệp được phép mở tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài để tiến hành các hoạt động đầu tư...

1.1.3. Các chính sách về sở hữu nhà nước và tư hữu hoá:

Đây là một lĩnh vực dược các nước thành viên WTO rất quan tâm vì nó phản ánh rõ nỗ lực của các Chính phủ trong việc điều chỉnh chính sách để gia nhập WTO. Albania đã đưa ra Chiến lược Tư hữu hoá vào tháng 3/1998, và tiếp theo sau đó là 4 văn bản luật liên quan tới quá trình tư hữu hoá. cụ thể là Luật Tư hữu hoá vào tháng 3/1998, Luật số 8306 ngày 14/3/1998 về "Chiến lược Tư hữu hoá các Lĩnh vực Trọng yếu của Albania", Luật số 8334 ngày 23/4/1998 về việc tư hữu hoá các Doanh nghiệp Thương mại hoạt động trong các Lĩnh vực không mang tính chiến lược”, và cuối cùng là "Chiến lược Tư hữu hoá các Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếư”[94]. Chính phủ Albania cũng chỉ định Bộ Kinh tế Công cộng và Tư hữu hoá chịu trách nhiệm điều phối, giám sát quá trình tư hữu hoá. Albania cũng đưa ra một lịch trình Tư hữu hoá cụ thể và các cam kết hoàn thành lịch trình này.

Còn trong trường hợp của Bulgary, sau khi đã trở thành thành viên chính thức của WTO, nước này vãn tiếp tục xây đựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm bảo đảm các doanh nghiệp tư nhân được hưởng sự đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp Nhà nước[95] tiếp tục điều chỉnh các quy định về việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình tư hữu hoá, khó khăn lớn nhất của Bulgary là tách rời vai trò quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước khỏi vai trò người cung cấp vốn cho các doanh nghiệp này, điều này cũng có nghĩa là nếu doanh nghiệp nhà nước bị lỗ thì Nhà nước sẽ không có trách nhiệm hoàn trả nợ ngân hàng của những doanh nghiệp này. Dù quá trình này được tiến hành từ năm 1994 đến nay, thông qua việc ban hành Luật về việc Biến đổi và Tư hữu hoá các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp trực thuộc địa phương, quá trình tư hữu hoá của Bulgary vẫn diễn ra rất chậm. Các nước thành viên WTO trong phiên họp rà soát chính sách thương mại gần đây nhất, đã yêu cầu Bulgary đẩy nhanh quá trình này và cung cấp báo cáo cập nhật về quá trình tư hữu hoá cho BTK WTO và các thành viên WTO.

Các nước đang trong quá trình triển khai tư hữu hoá như Mông Cổ, nước Cộng hoà Kyrgyz, Estonia, Latvia, Mondovia, Lithuania...cũng đã chịu sức ép của các nước thành viên WTO trong việc báo cáo thường xuyên về anh hình tư hữu hoá trong nước. Khó khăn lớn nhất mà các nước mới gia nhập và đang gia nhập gặp phải trong quá trình tư hữu hoá là quá trình này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ của tất cả những văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp như: luật doanh nghiệp, luật lao động, luật kế toán-kiểm toán...thậm chí cả những quy định liên quan tới môi trường. Để xây dựng được một khuôn khổ pháp lý đồng bộ và mang tính khả thi, cần một khoảng thời gian tương đối dài và sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, World Bank...

1.1.4. Chính sách giá

Các nước mới gia nhập từ năm 1995 trở lại đây, nhìn chung đều phải đưa ra những cam kết về việc bãi bỏ kiểm soát giá hàng hoá và dịch vụ, và cam kết để thị trường quyết định mức giá. Trong những lĩnh vực các nước còn duy trì việc kiểm soát giá như trong trường hợp của Ecuador đối với mặt hàng dược phẩm, các nước phải chứng minh được tính cần thiết của việc duy trì sự kiểm soát này. Bulgary cam kết sẽ chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát giá trong các trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp tồn tại sự độc quyền, nhằm bảo vệ người liêu dung, hoặc là trong trường hợp một công ty lạm dụng vị thế của mình trên thị trường; và khi đó Nhà nước Bulgaly sẽ tính đến việc bảo đảm quyền lợi của các nước xuất khẩu là thành viên WTO theo đúng quy định của Điều khoản III.9 của Hiệp định GATT 1994[96]. Kyrgyz cam kết sẽ đăng lên công báo toàn bộ danh mục những mặt hàng và dịch vụ chịu sự kiểm soát về giá của chính phủ, kể cả những thay đổi hay điều chỉnh liên quan tới những hàng hoá và dịch vụ này. Kyrgyz cũng cam kết là những chính sách kiểm soát này sẽ tuân thủ theo đúng các quy định tại Điều III.9 Hiệp định GATT 1994 và Điều VIII của Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS)[97]. Tương tự như vậy, các nước Panama, Jordan, Estonia, Georgia, Albania, Oman, Croatia, Lithuania... đều cam kết bảo đảm tính minh bạch và nguyên tắc không phụ biệt đối xử trong trường hợp phải áp dụng chính sách kiềm soát giá, đồng thời cam kết tuân thủ chặt chẽ các nghĩa vụ nêu tại Điều III.9 Hiệp định GATT 1994.

Kinh nghiệm của các nước mới gia nhập cho thấy. việc chuyển đổi ồ ạt và quá nhanh từ hệ thống bao cấp tập trung, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát và định giá cả sang hệ thống giá mới được quy định bởi nguyên tắc cung-cầu của nền kinh tế thị trường là rủi ro và sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong thị trường, cũng như đời sống kinh tế, xã hội của một nước. Phần lớn các nước đều cam kết giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước trong việc kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là những mặt hàng hay dịch vụ mang tính phục vụ lợi ích công cộng, nước, khí đốt, viễn thông… các nước vẫn xin bảo lưu một thời gian nhất định trước khi tiến hành xoá bỏ hoàn toàn sự kiểm soát giá cả.

1.2. Điều chỉnh chính sách thương mại

1.2.1.Chính sách liên quan tới thương mại tới hàng hoá : Các chính sách thương mại hàng hoá có thể được phân thành hai nhóm : Chính sách liên quan tới việc nhập khẩu và việc xuất khẩu hàng hoá.

a-Các chính sách liên quan tới việc nhân khẩu hàng hoá :

Có ba chính sách phổ biến nhất liên quan tới việc nhập khẩu hàng hoá là : (i) quyền thương mại; (ii ) chính sách thuế quan và (iii) chính sách phi thuế quan.

(i) Về quyền thương mại, phần lớn các nước đã tiến hành những điều chỉnh cơ bản để phù hợp với các nghĩa vụ của một nước thành viên WTO trong lĩnh vực này. Estonia đã ban hành Luật Thương mại mới vào tháng 9/1995 để thay thế cho Luật Doanh nghiệp trước đó. Luật Thương mại mới[98] này quy định 5 loại mô hình công ty hợp doanh mới là công ty không bị hạn chế (general patnership), công ty có hạn chế (Limited patnership), công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và hiệp hội hợp tác xã; ngoài ra có công ty tư nhân do một cá nhân thành lập. Luật Doanh nghiệp mới đồng thời đưa ra các quy định liên quan tới các thủ tục để các công ty nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động lại Estonia.

Trong trường hợp của Albania, nước này cũng tiến hành các điều chỉnh luật pháp liên quan tới hoạt động của các Doanh nghiệp Nhà nước thông qua việc ban hành Luật các Doanh nghiệp Nhà nước (Law on State Enterprises) vào năm 1991, tức một năm trước khi gia nhập WTO, để tiến tới tuân thủ các quy định của điều XVII của Hiệp định GATT 1994. Luật Doanh nghiệp Nhà nước mới của Albania đã chấm dứt việc cácdoanh nghiệp nhà nước được phép độc quyền trong hoạt động xuất nhập khẩu, mở ra thời kỳ tất cả các doanh nghiệp ở Albania được tham gia vào mọi hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Mặt khác, Luật này còn quy định việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước còn lại để biến chúng thành các doanh nghiệp thương mại hoặc các doanh nghiệp cổ phần. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp mới của Albania cũng quy định các doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu phải đăng ký với Toà án Sơ thẩm (Court of First Instance) để có tư cách pháp nhân và phải đăng ký hợp lệ với Phòng Thuế. Albania cho rằng yêu cầu này là phù hợp với các quy định của WTO vì nó được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ngoài ra trong cam kết ra nhập của mình, Albania đã khẳng định sẽ điều chỉnh mọi luật lệ và quy định liên quan tới thương mại hàng hoá, cũng như mọi loại phí, thuế hoặc phụ thu đối với các quyền thương mại để phù hợp với mọi quy định của WTO trong lĩnh vực này, bao gồm của Điều VIII: IXI:l và III:2 và 4 của Hiệp định GATT 1994; đồng thời cam kết thực thi đầy đủ tất cả các nghĩa vụ liên quan trong lĩnh vực này.

(ii) Chính sách thuế quan: Tất cả các nước trong quá trình gia nhập đều phải điều chỉnh chính sách thuế quan của mình thông qua các cuộc đàm phán song phương và đa phương với các thành viên WTO. Những điều chỉnh cụ thể cuối cùng được tập hợp trong một Biểu thuế chung và được tất cả các nước thành viên thông qua tại phiên họp cuối cùng của Nhóm công tác WTO về việc gia nhập của nước đó. Mục đích của các nước thành viên trong quá trình đàm phán thuế quan là nhằm tạo nên một Biểu thuế minh bạch nhất và đơn giản nhất có thể. Thực tế và qua kinh nghiệm của các nước đã gia nhập thì quá trình điều chỉnh chính sách thuế quan là quá trình đàm phán phức tạp nhất và tốn nhiều thời gian nhất. Thống kê về mức cam kết thuế quan của 42 nước đang phát triển là thành viên của WTO (tính đến cuối

năm 2002) của tác giả Constantine Michapolous cho thấy mức thuế hiện hành của các nước đang phát triển sau khi cam kết gia nhập WTO có sự khác biệt rất lớn. Nếu mức thuế của Hồng Kông và Xin-ga-po hầu như bằng không, thì tại các nước Mỹ La tinh mức thuế dao động tờ 10-20%, tại Ai Cập, Ấn Độ, Kenya, Pa-kis-tan, Tu-ni-di, Thái Lan và một số nước Châu Phi khác mức thuế lại dao động ở mức trên 30%. Mức thuế đối với từng loại hàng hoá trong nhóm nước này cũng dao động nhiều.

Bảng l: So sánh mức thuế áp dụng với mức thuế cam kết của một số nước đang phát triển và kém phát triển trong đàm phán gia nhập WTO

 

Nước

HS2

Mức cam kết trung bình (1)

Mức áp dụng trung bình (2)

Chênh lệch giữa (1) và (2)

% mức thuế không cam kết (*)

Argentina

Nông nghiệp (NN)

23

9

14

 

 

0

 

Phi nông nghiệp (PNN)

31

14

18

Bangladesh

NN

84

30

54

Ktb

 

PNN

84

27

56

Bolivia

NN

40

10

30

0

 

PNN

40

10

30

Brazil

NN

36

11

25

0

 

PNN

32

13

19

Cameroon

NN

80

23

57

Ktb

 

PNN

79

20

59

Chilê

NN

32

11

21

0

 

PNN

25

11

14

Colombia

NN

85

14

71

0

 

PNN

40

12

28

Costa Rica

NN

44

17

27

0

 

PNN

45

11

34

Cote d’Ivoire

NN

15

17

-2

Ktb

 

PNN

13

22

-9

Cyprus

NN

47

29

18

16

 

PNN

40

10

30

Dominican Republic

NN

40

21

19

0

 

PNN

40

20

20

Fiji

NN

41

12

27

48

 

PNN

40

13

27

Ai cập

NN

92

34

58

Ktb

 

PNN

33

31

2

Hong Kong

NN

0

0

0

62

 

PNN

0

0

0

Ấn Độ

NN

112

Không t/b

Không t/b

67

 

PNN

44

Nt

Nt

Indonesia

NN

47

9

38

6

 

PNN

37

10

27

Bắc Triều Tiên

NN

60

49

11

17

 

PNN

19

8

11

Malaysia

NN

17

5

12

21

 

PNN

20

9

11

Mexico

NN

47

22

25

0

 

PNN

49

13

36

Morocco

NN

44

29

16

0

 

PNN

42

24

18

Pakistan

NN

101

71

30

70

 

PNN

51

67

-16

Paraguay

NN

0

10

-10

0

 

PNN

0

11

-11

Peru

NN

38

18

20

0

 

PNN

30

19

11

Pilippines

NN

35

35

0

40

 

PNN

26

29

-3

Senegal

NN

30

0

20

42

 

PNN

12

13

-1

Singapore

NN

10

0

10

34

 

PNN

8

0

8

South Africa

NN

38

14

24

2

 

PNN

16

16

0

Sri Lanka

NN

50

35

15

73

 

PNN

50

20

30

Thailand

NN

34

38

-4

36

 

PNN

27

21

6

Tunisia

NN

115

35

80

47

 

PNN

49

30

1

Turkey

NN

53

13

35

55

 

PNN

21

8

13

Uganda

NN

61

23

38

75

 

PNN

63

15

48

Uruguay

NN

35

13

22

0

 

PNN

30

12

18

Venezuela

NN

50

15

35

0

 

PNN

35

14

21

Zambia

NN

118

18

100

85

 

PNN

80

15

65

               (*)Đối cả mặt hàng nông nghiệp và phi nông nghiệp

          Nguồn : Tổng hợp thống kế của WTO, IDB và tác giả Michalopoulos

          Theo bảng thống kê trên, có thể nhận thấy có sự khác biệt khá lớn giữa mức thuế cam kết và thuế áp dụng tại các nước đang phát triển. Mức thuế áp dụng trong bảng tổng kết này phản ánh mức thuế cam kết tại Vòng Uruguay. Các nước đang phát triển tại Vòng Uruguay được hưởng quyền đưa ra mức cam kết trần. Mức cam kết trần cho phép các nước đang phát triển linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh mức thuế, đặc biệt khi cần áp dụng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết. Do được hưởng ngoại lệ này nên phần lớn các nước đang phát triển nếu phải cam kết toàn bộ các dòng thuế, sẽ đưa ra một mức thuế cam kết cao hơn đáng kể so với mức thuế áp dụng. Ví dụ Bra-xin đã cam kết thuế đối với tất cả các mặt hang, nhưng đã áp dụng mức thuế cam kết trần là 32%[99]. Các thống kê cũng cho thấy thường những nước cam kết toàn bộ các dòng thuế có độ chênh lệch giữa mức thuế cam kết với mức thuế áp dụng là 30%; còn những nước chỉ cam kết một phần các dòng thuế cũng thường áp dụng một mức cam kết trần cao hơn mức thuế áp dụng đối với những dòng thuế nằm trong danh sách cam kết. Trong những năm gần đây, một số nước đang phát triển như Me-xi-cô và  Phi-lip-pin đã tăng mức thuế áp dụng với lý do thâm hụt cán cân thanh toán. Tuy nhiên, ngoại lệ này cũng mang lại một số rủi ro nhất định. Rủi ro trước tiên là các nhóm lợi ích trong nước có thể lợi dụng chính sách này để gây áp lực đối với Chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại. Rủi ro thứ hai, việc cam kết mức thuế trần giảm tính có thể dự đoán được và tăng tính bất định của các chính sách mở cửa thị trường của một nước, do đó sẽ làm giảm mối quan tâm của các đối tác thương mại nước ngoài, kéo theo là giảm mức đầu tư vào nước đó. Hơn nữa, một khi đã áp dụng ưu đãi này, các nước đang phát triển khó có thể đòi hỏi các nước phát triển tiếp tục nhân nhượng đối với những lĩnh vực liên quan tới thương mại khác. Một nhận xét nữa có thể rút ra từ bảng tổng kết nêu trên là những nước có nền kinh tế càng kém phát triển thì mức thuế quan càng cao, trừ trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời nước có nền kinh tế càng kém phát triển thì độ chênh lệch giữa mức áp dụng và thuế cam kết cũng tăng lên.

Tuy nhiên, nếu so sánh cơ cấu thuế của các nước đang phát triển với các nước phát triển có thể nhận thấy không có nhiều sự khác biệt. Mức thuế đối với các mặt hàng nông nghiệp của cả hai nhóm nước thường cao hơn, còn mức thuế đối với các mặt hàng công nghiệp tại các nước đang phát triển thường cao hơn mức tại các nước phát triển. Một điều nữa cần lưu ý là mức thuế áp dụng thường khác nhiều so với mức thuế các nhà nhập khẩu phải chịu nhờ vào các Hiệp định Tự do Thương mại Khu vực, hoặc do các nước đang phát triển miễn thuế đối với nhiều mặt hàng trong một khoảng thời gian nhất định vì nhiều lý do khác nhau.

(iii) Chính sách phi thuế quan : liên quan tới nhập khẩu hàng hoá bao gồm các biện pháp cấp phép nhập khẩu, lệnh cấm nhập khẩu (riêng lẻ hoặc hoàn toàn), hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, định giá tối thiểu và giám sát nhập khẩu. Cũng theo thống kê của ông Michalopoulos[100], có một số xu thế nổi lên trong việc áp dụng các chính sách phi thuế quan tại các nước đang phát triển trong quá trình gia nhập WTO. Thứ nhất, phần lớn các nước đang phát triển khi gia nhập WTO đều bảo lưu quyền áp dụng quyền cấp giấy phép nhập khẩu (gồm cả những thủ tục liên quan tới việc cấp giấy phép). Chính sách phi thuế quan được áp dụng nhiều thứ hai là các lệnh cấm nhập khẩu. Đây là chưa tính đến một loạt những chính sách hạn chế nhập khẩu khác được đặt ra dưới hình thức nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, an ninh

quốc gia, môi trường và các tiêu chuẩn khác. Thường các nước đang phát triển trong quá trình điều chỉnh các chính sách phi thuế quan liên quan tới nhập khẩu thường viện dẫn Điều XX của Hiệp định GATT. Các thống kê trong giai đoạn 1989-1994 cho thấy một phần tư các sản phẩm nhập khẩu vào các nước đang phát triển phải chịu chế độ xin giấy phép nhập khẩu.

Đối với các hạn chế định lượng (hạn ngạch và hạn ngạch thuế quan), các nước thành viên đang phát triển thường ít khi cung cấp thông tin về việc áp dụng các hạn chế này. Theo báo cáo của Uỷ ban về Cấp phép Nhập khẩu của WTO vào năm 2002, 19 trong 42 nước đang phát triển là thành viên của WTO tại thời điểm đó đều chậm trễ hoặc hoãn việc áp dụng các điều khoản của Hiệp định WTO về các thủ tục cấp phép, và một phần ba trong số các nước này không thông báo với Ban Thư ký WTO về việc xuất bản hoặc các luật lệ liên quan tới quá trình cấp phép nhập khẩu.

Các mặt hàng thường được áp dụng các chính sách phi thuế quan thường là các sản phẩm nông nghiệp, tiếp theo sau là các khoáng sản (đặc biệt là khí đốt), các sản phẩm cao su, máy móc (đặc biệt máy chạy bằng điện), và các sản phẩm đá quý và các kim loại quý.

Các nước đang phát triển gia nhập WTO từ sớm cũng đã biết tận dụng ưu đãi mà Hiệp định Nông nghiệp của WTO dành cho các nước này. Cụ thể hiệp định này có những điều khoản cho phép các nước đang phát triển được lăng mức trợ cấp nông nghiệp trong nước thông qua những hình thức mà các nước phát triển không được phép áp dụng, như đầu tư hoặc trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho nông nghiệp, đồng thời các khoản trợ cấp này không bị tính vào chỉ số AMS[101]. Ngoài ra, các nước đang phát triển được phép hưởng một thời gian xoá bỏ các hỗ trợ nông nghiệp trong thời gian 10 năm, còn các nước kém phát triển được miễn hoàn toàn khỏi nghĩa vụ này. Thêm vào đó, các khoản trợ cấp lương thực cho người nghèo cũng không được tính vào chi số AMS.

(iv) Cũng cần phải đề cập tới các biện pháp khắc phục thương mại như một hình thức điều chỉnh việc nhập khẩu hàng hoá vào một nước, mặc dù WTO có những hiệp định cụ thể điều chỉnh các biện pháp này. Các biện pháp khắc phục thương mại bao gồm chống bán phá giá, thuế đối kháng và các biện pháp tự vệ. Thường các biện pháp này không bao hàm các hạn chế định lượng, tuy nhiên, nó liên quan tới việc điều chỉnh thuế quan và lệ phí nhằm giải quyết các vấn đề thương mại trong từng trường hợp cụ thể, cụ thể là điều chỉnh việc thương mại bị bóp méo do các nhà xuất khẩu nước ngoài được hưởng trợ cấp xuất khẩu hoặc hỗ trợ trong nước, mà những sự hỗ trợ hoặc trợ cấp này gây ảnh hưởng hoặc đe doạ gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các nhà sản xuất các mặt hàng giống hoặc tương tự ở trong nước. Thống kê của Uỷ ban Giải quyết Tranh chấp của WTO cho thấy, chỉ những năm gần đây (tính từ năm 2000), các nước đang phát triển mới có xu hướng sử dụng các biện pháp khắc phục thương mại nhiều hơn, còn trước thời điểm đó, sản phẩm của các nước đang phát triển thường là "nạn nhân" của những vụ kiện chống phá giá và đối kháng của các nước phát triển. Nguyên nhân của hiện tượng này là do các nước đang phát triển còn chưa phát triển hoặc chưa hoàn thiện các luật lệ trong nước liên quan tới các biện pháp khắc phục thương mại, hoặc thiếu nguồn tài chính cần thiết để theo đuổi các vụ kiện này.

b- Các chính sách liên quan tới việc xuất khẩu hàng hoá:

Các chính sách liên quan tới xuất khẩu hàng hoá của một nước có liên quan mật thiết tới các chính sách nhập khẩu hàng hoá của nước đó. Do vậy, các nước đang phát triển cũng có xu hướng xoá bỏ dần các biện pháp quản lý xuất khẩu hang hoá cùng thời điểm với việc xoá bỏ các chính sách quản lý nhập khẩu. Trong quá trình gia nhập WTO, các nước đang phát triển có xu hướng tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu như kiểm soát hoặc áp dụng thuế đối với việc xuất khẩu các sản phẩm sơ chế hoặc lương thực, đồng thời khuyến khích hoặc trợ cấp cho các nhà sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến.

Có nhiều hình thức quản lý xuất khẩu, bao gồm thuế xuất khẩu hoặc các phụ phí tương tự, giá xuất khẩu tối thiểu, cấp giấy phép xuất khẩu không tự động, lệnh cấm xuất khẩu (một phần hoặc toàn phần) hoặc hạn ngạch xuất khẩu. Cũng tương tự như việc quản lý nhập khẩu, biện pháp thường được áp dụng nhiều nhất trong quản lý xuất khẩu là cấp giấy phép xuất khẩu, tiếp theo sau là phụ phí xuất khẩu. Một số nước như Bra-xin, Me-xi-co, Triều Tiên và Phi-líp-pin quản lý khoảng 20% lượng xuất khẩu của mình thông qua việc cấp giấy phép xuất khẩu, một số nước khác thì sử dụng các biện pháp cấp phép xuất khẩu nhằm bảo đảm sức khoẻ và các chuẩn mực về an toàn và môi trường như biện pháp quản lý xuất khẩu. Trên thực tế, các nước đang phát triển thường sử dụng hình thức kết hợp hạn ngạch xuất khẩu với thuế xuất khẩu. Cùng với quá trình trở thành thành viên của WTO, các nước mới gia nhập cũng có xu hướng xoá bỏ dần dần các biện pháp hạn chế hoặc quản lý xuất khẩu, và thay thế chúng bằng các hình thức thuế xuất khẩu. Năm sản phẩm chịu sự điều chỉnh nhiều nhất của các biện pháp quản lý xuất khẩu là động vật sống, cà phê và chè, khí đốt, da thú và bông.

Ngoài ra các nước cũng áp dụng một số chính sách khuyến khích xuất khẩu, thậm chí xây dựng các những thể chế nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Việc khuyến khích xuất khẩu có thể được đưa ra dưới hình thức trợ cấp vốn cho nhà xuất khẩu, nhưng thường xuyên hơn là hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong khâu tiếp cận thị trường, bảo hiểm hoặc tham gia vào các khu chế xuất. Thường các biện pháp này được áp dụng cho một nhóm các nhà sản xuất nhất định chứ không phải cho một nhóm sản phẩm nhất định. Do vậy, các nước thành viên WTO cũng không đưa ra được một thống kê nào đầy đủ về chính sách hỗ trợ xuất khẩu đang được áp dụng và mức độ can thiệp cụ thể của từng chính sách. Theo thống kê của tác giả Michapoloupos thì hiện 41% trong số các nước đang phát triển là thành viên của WTO đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Một số nước như Ấn Độ, Triều Tiên, Ma-lai-xia và Ve-nê-duê-la sử dụng các biện pháp hỗ trợ sản xuất chung, chứ không phân loại ra là hỗ trợ cho sản phẩm bán trong nước hay ngoài nước. Đối với một số nước khác như Cos-ta Ri-ca, các nước này chỉ ra các chương trình hỗ trợ xuất khẩu mà mình đang áp dụng nhằm chỉ ra ý định sẽ sớm kết thúc các chương trình này một khi trở thành thành viên của WTO. Đa phần các nước đang phát triển đều lập luận rằng các chương trình này tự học cần thiết để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.

Kinh nghiệm của phần lớn các nước đang phát triển đang duy trì các chương trình hỗ trợ xuất khẩu cho thấy rằng việc duy trì các chương trình này là cần thiết nhằm hạn chế ý định bán ra thị trường trong nước của các nhà sản xuất do các nước khác áp dụng các biện pháp bảo hộ. Nhưng khi các nước mở cửa thị trường nhiều hơn và tỉ giá hối đoái ổn định thì các Chính phủ lại phải trả giá đắt cho việc duy trì các chương trình trợ cấp xuất khẩu. Hơn nữa, đa số các nước đều có hệ thống cho phép thu hồi lại thuế (duty drawback system), và thuế này nhiều khi bao gồm cả thuế hải quan và thuế trong nước như thuế giá trị gia tăng. Các mặt hàng sản xuất trong nước dần dần cũng được hưởng quy chế này, và do đó, các chương trình hỗ trợ xuất khẩu trong trường hợp này nghiễm nhiên trở thành một hình thức trợ cấp xuất khẩu trá hình.

1.2.2. Các chính sách liên quan tới thương mại dịch vụ:

Tuy dịch vụ là một loại hàng hoá nhưng do tính chất vô hình của nó thương mại dịch vụ mang nhiều đặc điểm khác biệt so với thương mại hàng hoá. Sự khác biệt cụ thể nhất là do dịch vụ không thể định lượng được nên thống kê về thương mại dịch vụ giữa các nước hầu như không có, hoặc có rất ít và không đầy đủ. Điều này đúng cả cho các nước phát triển là những nước đi đầu trong việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ. Thông tin về chính sách thương mại của các nước liên quan tới lĩnh vực dịch vụ cũng ít và không được cập nhật thường xuyên.

Mặt khác, thương mại dịch vụ trong WTO chịu sự điều chỉnh không chỉ của Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (GATS), mà còn chịu sự chi phối của các Hiệp định nhiều bên như Hiệp định về các Dịch vụ Viễn thông Cơ bản, Hiệp định Hàng không Dân dụng, Hiệp định về các Dịch vụ Tài chính... Do chúng là những hiệp định nhiều bên nên không phải thành viên mới gia nhập WTO nào cũng phải có nghĩa vụ tham gia các hiệp định đó. Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, hiện nay nổi lên xu hướng là các nước đang phát triển và kém phát triển trong đàm phán gia nhập đã phải chịu sức ép từ phía các thành viên cũ đưa ra những cam kết trong các lĩnh vực liên quan tới thương mại dịch vụ.

Nhiều nước đang phát triển có hệ thống dịch vụ còn kém phát triển và thiếu tính đồng bộ, do đó, các nước này có xu hướng bảo hộ các ngành dịch vụ. Bởi vậy, nhìn chung, các nước phát triển thường cởi mở hơn đối với các chính sách thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đối với mốt "sự di chuyển của thể nhân" các nước đang phát triển bao giờ cũng đi đâu trong việc mở cửa thị trường. Sở dĩ như vậy là do nguồn nhân lực có kỹ năng xử lý các loại hình dịch vụ đơn giản (nhập dữ liệu, kế toán, chuyên gia tin học...) của các nước đang phát triển rất dồi dào và công lao động rẻ. Điều này tạo nên lợi thế so sánh của các nước đang phát triển. Nhiều nước đang phát triển như Ấn Độ đã biết khai thác triệt để lợi thế này tạo động lực phát triển nền kinh tế. Một ngành dịch vụ nữa mà các nước phát triển cũng ít mở cửa là dịch vụ hang hải. Phần lớn các nước cho rằng đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới an ninh quốc gia nên phải chịu sự điều tiết chặt chẽ của các luật trong nước và hạn chế sự tham gia của các tàu thuyền nước ngoài vào việc cung cấp dịch vụ hàng hoá trong hải phận của mình.

Trong quá trình gia nhập WTO, phần lớn các nước đang phát triển cố gắng duy trì mức cam kết thấp trong lĩnh vực dịch vụ, hoặc đưa ra những lý do về an ninh quốc phòng hoặc yếu kém về cơ sở hạ tầng của dịch vụ để được tiếp tục duy trì các chính sách bảo hộ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, gần đây nhất là Cam-pu-chia, tuy được hưởng quy chế nước kém phát triển nhưng đã phải đưa ra những cam kết khá sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ. Cam-pu-chia đã ban hành Luật về Ngân hàng và các thể chế Tài chính vào năm 1999 nhằm điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này. Trước đó, từ năm 1991, các ngân hàng nước ngoài đã được phép hoạt động tại Cam-pu-chia. Ngoài ra, trong quá trình đàm phán gia nhập, Cam-pu-chia còn ban hành 4 văn bản pháp quy khác trong lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực bảo hiểm. Cam-pu-chia cũng đề ra Luật về việc Xây dựng ngành Bảo hiểm vào tháng 2/1992. Ngoài ra còn có một số văn bản pháp quy khác như Thông tư về việc Thành lập Công ty Bảo hiểm Nhà nước (9/1990). Thông tư về việc Kiểm soát các hoạt động Bảo hiểm (6/1992), và một Thông báo của Chính phủ trong lĩnh vực này (9/1992). Luật Bảo hiểm mới đã được thông qua vào năm 2000, và có hiệu lực vào năm 2001 .

1.3. Những điều chỉnh về các chính sách hỗ trợ hoặc liên quan gián tiếp tới thương mại

1.3.1. Điều chỉnh về chính sách về quyền sở hữu trí tuệ:

Phần lớn những quy định trong Hiệp định về các vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại (TRIPS) là nội dung của những công ước và hiệp định quốc tế thuộc thẩm quyền của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Rất nhiều nước đang phát triển là thành viên của những hiệp định và công ước này, tuy nhiên, không phải nước thành viên WTO nào cũng ký kết hay tham gia những công ước và hiệp định đó. Đồng thời, không có cơ chế nào giám sát việc thực hiện những cam kết tại các hiệp định hay công ước đó.

Hiệp định TRIPS được các nước phát triển đưa vào tại Vòng Uruguay nhằm chuẩn hoá việc cấp bằng sáng chế, bản quyền và các vấn đề khác liên quan tới sở hữu trí tuệ và củng cố việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới với việc đề ra những quy định về việc mua bán, chuyển giao, duy trì và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua một cơ chế giải quyết tranh chấp. Các nước đang phát triển cho rằng Hiệp định này cũng mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển vì nó sẽ khuyến khích các nước đang phát triển tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy đầu tư nước ngoài và khuyến khích chuyển giao và phổ biến công nghệ. Tuy nhiên, các nước đang phát trên cho rằng hiệp định này chỉ mang lại lợi ích cho các nước phát triển vì nó không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và phát triển công nghệ của họ. Các nước đang phát triển chỉ chấp thuận tham gia Hiệp định này với điều kiện các nước phát triển xoá bỏ dần dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các mặt hàng dệt may.

Đối với các nước đang phát triển, việc ký kết và tham gia Hiệp định này là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất, không chỉ do những mâu thuẫn giữa các nước đang phát triển và phát triển, mà còn giữa bản thân các nước đang phát triển với nhau. Các nước đang phát triển chỉ nhất chí thông qua các điều khoản liên quan tới việc chuyển giao công nghệ, các chỉ dẫn địa lý, cấp giấy phép bắt buộc và thời kỳ chuyển tiếp được phép để thực hiện Hiệp định, còn các vấn đề khác như đa dạng sinh vật và các điều khoản của Điều 27.3 (b)[102] vẫn tiếp tục gây nhiều bất đồng giữa các nước. Mặt khác.,các điều khoản liên quan tới việc cấp bằng sáng chế hầu như chỉ có điều kiện để áp dụng tại các nước phát triển vì những nước này chiếm xấp xỉ 95% tổng số bằng sáng cho trên toàn thế giới. Các nước đang phát triển, dẫu có muốn, cũng không có đủ các nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ cần thiết để tiến hành các phát minh mới. Đối với các phát minh trong ngành nông nghiệp, ngành quan trọng nhất đối với hầu hết các nước đang phát triển, thì việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại hầu như không có giá trị bởi phần lớn những sáng chế khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đều do các viện nghiên cứu nhà nước tiến hành. Do đó, kết quả của những phát minh sáng chế trong lĩnh vực này thường được áp dụng rộng rãi, phổ biến và miễn phí đối với nông dân của những nước đó.

Hiệp định TRIPS cũng đưa ra một số điều khoản ưu đãi đối với các nước đang phát triển, cụ thể là yêu cầu các nước phát triển hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển củng cố các thể chế và khả năng thực thi các cam kết trong Hiệp định này, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp của những nước phát triển chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Các nước đang phát triển cũng được hưởng một giai đoạn chuyển tiếp là 4 năm từ khi Hiệp định này có hiệu lực (tháng l/1995). Hiệp định cũng có một điều khoản riêng biệt cho phép các nước đang phát triển và kém phát triển mới đưa nội dung bảo vệ phát minh sáng chế trong đối với các sản phẩm công nghệ tại thời điểm gia nhập Hiệp định, một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm.

Tuy nhiên trên thực tế, những ưu đãi này hầu như không giúp gì được cho các nước đang phát triển trong việc thực thi Hiệp định này vì thời gian chuyển tiếp mà các nước đang phát triển được hưởng kết thúc vào tháng 1/1999, và điều này có nghĩa là những nước gia nhập WTO sau thời điểm này mặc nhiên không được hưởng giai đoạn chuyển tiếp này. Những nước không hưởng giai đoạn chuyển tiếp này có thể kể đến Georgia, Jordan, Kyrgyz. Albania, ... và gần đây nhất là Campuchia. Các nước đang phát triển cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ phía các nước phát triển bởi Hiệp định chỉ khuyến khích họ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính chứ không quy định đó là một nghĩa vụ của các thành viên phát triển.

Mặc dù có những khó khăn như vậy, đa số các nước đang phát triển đều cam kết thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này và đề ra một chương trình hành động cụ thể nhằm điều chỉnh chính sách và luật pháp trong nước cho phù hợp với các nghĩa vụ của TRIPS.

1.3.2. Điều chính chính sách đầu tư:

Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan lới thương mại (TRIMS) được ký kết trong vòng đàm phán Uruguay, và là một Hiệp định gây nhiều tranh cãi đối với các nước thành viên đang phát triển mới gia nhập. Hiệp định này quy định các nước thành viên không được phép áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế đầu tư nào không phù hợp với Điều khoản III và Điều khoản XI của Hiệp định GATT 1994. Phụ lục của Hiệp định TRIMS chỉ ra một số biện pháp bị nghiêm cấm, như sau:

- Yêu cầu về "tỉ lệ nội địa hoá";

- “Yêu cầu về cân bằng thương mại", tức là hạn chế số lượng nhập khẩu mà 1 doanh nghiệp có thể mua hoặc sử dụng tương ứng với lượng hàng hoặc giá trị hàng hoá mà doanh nghiệp đó xuất khẩu;

- “Yêu cầu về khả năng thu nhập bằng ngoại tệ”, tức là hạn chế khối lượng hàng nhập khẩu của một doanh nghiệp bằng lượng thu nhập bằng ngoại tệ mà doanh nghiệp đó có được; và

- “Yêu cầu bán hàng cho thị trường nội địa”, tức là hạn chế lượng hoặc giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp, hoặc một tỉ lệ nhất định tuỳ thuộc vào lượng sản xuất nội địa.

Hiệp định còn quy định các nước thành viên phải có nghĩa vụ thông báo cho Ban Thư ký và các nước thành viên khác của WTO về những biện pháp không phù hợp với quy định của TRIMS (bao gồm cả những biện pháp liệt kê ở trên), cho dù những biện pháp đó được áp dụng ở cấp trung ương hay địa phương, và yêu cầu các nước thành viên xoá bỏ những biện pháp này trong giai đoạn chuyển tiếp, tuy nhiên, nhiều nước thành viên vẫn duy trì những chính sách hạn chế đầu tư với những lý do bảo đảm an ninh quốc gia (quốc phòng, viễn thông), ổn định kinh tế (lĩnh vực tài chính), giữ gìn bản sắc dân tộc (lĩnh vực thông tin tuyên truyền)...

Tuy nhiên, Hiệp định này cũng đưa ra một số quy định mang tính ưu đãi dành cho các nước đang phát triển. Cụ thể là, Điều khoản 5 của Hiệp định này cho phép các nước đang phát triển được hưởng một khoảng thời gian chuyển tiếp là 5 năm, và thêm 1 năm nữa nếu các nước này chứng minh được là gặp khó khăn đặc biệt trong việc thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định. Chín[103] trong số 26 nước thành viên đang phát triển của WTO đã nộp đơn xin kéo dài thời gian chuyểnn tiếp để hoàn thiện các văn bản pháp quy đáp ứng các quy định của Hiệp định TRIMS[104]. Thường thời gian kéo dài vào khoảng từ 5 tháng đến 7 năm. Phần lớn các nước đều muốn giữ lại yêu cầu về tỉ lệ nội địa hoá, và một số biện pháp hạn chế đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô và linh kiện ô tô nội địa. Lập luận chính mà các nước thường đưa ra là "ngành công nghiệp này cần thêm thời gian để thích ứng"[105]. Ví dụ, Rumani đã nộp đơn xin kéo dài thời gian chuyển tiếp với lý do "thời gian chuyển tiếp này là cần thiết cho ngành công nghiệp ô tô trong nước để ngành này tiến hành các điều chỉnh cơ cấu cần thiết và đẩy mạnh các chương trình nâng cao năng lực nhằm tự do hoá thương mại hơn nữa"[106]. Tất cả những nước có đơn yêu cầu đều được kéo dài thời gian chuyển tiếp thêm hai năm, và có thể được kéo dài thêm hai năm nữa để xoá bỏ hoàn toàn các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại, theo đúng cam kết của các nước này.

Kinh nghiệm của những nước thành công trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của Hiệp định TRIMS cho thấy, ngoài việc điều chỉnh các chính sách và văn bản pháp quy liên quan trực tiếp tới đầu tư, các nước còn phải tiến hành đồng thời những điều chỉnh về chính sách thuế, củng cố khuôn khổ luật pháp và hành pháp liên quan tới việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao việc thực thi luật hợp đồng. Những nước thành công trong lĩnh vực này như Mexico, Hungary, Ba Lan, Estonia. . . là những nước có mô hình thu hút đầu tư nước ngoài thành công. Một số nước mới gia nhập như Macedonia, đã tiến hành nhiều điều chỉnh như sửa đổi Luật đầu tư[107], chỉ định một cơ quan đầu mối phụ trách vấn đề đầu tư[108]. Năm 1999, bộ phụ trách các vấn đề Phát triển của Macedonia còn xây dựng một Chương trình khuyến khích đầu tư, chú trọng đặc biệt vào việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chương trình này đã xác định những vướng mắc và những hạn chế trong nền kinh tế, trong hệ thống pháp luật và chính trị của Macedonia ngăn cản việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chương trình cũng đưa ra những khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư và điều chỉnh các luật lệ trong nước phù hợp với hiệp định TRIMS của WTO[109]. Macedonia cũng đã thông qua Luật Đất đai mới vào tháng 4/2001[110] cho phép các cá nhân và pháp nhân nước ngoài mua và sở hữu đất, với điều kiện pháp nhân này phải được đăng ký tại Macedonia. Đối với đất công, Macedonia cũng cho phép các cá nhân và công ty nước ngoài được phép sở hữu sau khi ký kết những hợp đồng chuyển nhượng đặc biệt.

1.3.3. Điều chỉnh liên quan tới việc định giá hải quan:

Phần lớn những nước đang phát triển gập rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ của Hiệp định Định giá Hải quan của WTO, không chỉ do thiếu khung pháp lý để áp dụng những quy định được đưa ra trong Hiệp định này, mà còn do thiếu cả phương tiện vật chất kỹ thuật, nguồn tài chính và nhân lực để thực thi đầy đủ các nghĩa vụ liên quan tới định giá hải quan. Ngoài ra, Hiệp định này yêu cầu các nước thành viên phải áp dụng khái niệm “giá giao dịch” (transaction values) thay vì “giá tham chiếu” (reference prices) để xác định mức thuế phải trả. Điều này làm cho nhiều nước đang phát triển e ngại vì nhà nhập khẩu có thể khai báo một mức giá giao dịch thấp hơn nhiều so với “giá trị thực” hoặc so với giá tham chiếu trước đó của mặt hàng này; khi đó hải quan không thể phát hiện được hoặc chứng minh được tính xác thực của mức giá giao dịch mà nhà nhập khẩu đã đưa ra. Điều này dẫn tới nguy cơ làm cho nước nhập khẩu mất đi một khoản thu nhập khá lớn từ thuế. Các nước đang phát triển đặc biệt coi trọng vấn đề này bởi đối với những nước này, thuế nhập khẩu là nguồn thu nhập chính của ngân sách nhà nước. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới vào giữa những năm 90 tại 25 nước đang phát triển cho thấy, nguồn thu từ thuế nhập khẩu chiếm hơn 30% tổng thu nhập từ các loại thuế của những nước này. Do vậy, việc giảm nguồn thu này tác động trực tiếp tới ngân sách chính phủ, kéo theo việc thâm hụt ngân sách có khả năng tăng lên và chính phủ phải hạn chế chi tiêu nhiều hơn. Điều đáng lưu ý là các nước phát triển cũng chưa đưa ra được một lập luận có cơ sở nào đề xua tan những lo ngại nói trên của các nước đang phát triển, bởi vậy, việc thực thi các cam kết liên quan tới Hiệp định về Định giá Hải quan trở thành một gánh nặng đối với các nước đang phát triển.

Thêm vào đó, việc áp dụng khái niệm "giá giao dịch" bắt buộc các nước đang phát triển không chỉ phải diều chỉnh hệ thống văn bản pháp lý, các thủ tục và quy định liên quan tới lĩnh vực này, mà còn phải thay đổi hoàn toàn toàn bộ hệ thống hải quan của họ, áp dụng những phần mềm quản lý mới và đào tạo một đội ngũ nhân viên mới đủ trình độ để vận hành hệ thống hải quan mới này.

Tuy nhiên, tất cả 18 nước mới gia nhập gần đây đều cam kết thúc thi đầy đủ các nghĩa vụ đề ra trong Hiệp định Định giá Hải quan WTO. Một số nước đã điều chỉnh các văn bản luật pháp có liên quan (ví dụ như Albania[111]); đa số các nước đều cam kết là khi trở thành thành viên WTO thì Hiệp định này sẽ thay thế các văn bản pháp quy trong nước có liên quan tới việc định giá hải quan (Bulgaria, Kyrgyz, Estonia, Georgia, Moldova, Lithuania...); đặc biệt một số nước còn tự nguyện không sử dụng thời kỳ chuyển tiếp, một quyền lợi mà các nước đang phát triển được hưởng trong việc thực thi Hiệp định này (Croatia, Latvia, Jordan, Mông Cổ).

1.4. Các chính sách liên quan tới Hiệp định Vệ sinh Dịch tễ (SPS) và Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (TBT)

Điều chỉnh đối với các chính sách liên quan tới vệ sinh dịch tễ và các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định SPS và Hiệp định TBT cũng lả một trong những trọng tâm của các nước đang phát triển trong quá trình gia nhập WTO. Phần lớn các nước đều xây dựng các văn bản luật pháp điều chỉnh trong lĩnh vực này thông qua việc yêu cầu các nhà nhập khẩu phải cung cấp chứng nhận vệ sinh dịch tễ đối với các sản phẩm lương thực, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp hoặc thú y; hoặc xây dựng những thể chế chịu trách nhiệm giám sát các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, các chuẩn mực điều chỉnh trong hai lĩnh vực này được xây dựng dựa trên các công ước quốc tế như Codex Alimentarius hoặc các quy định của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (lnternational standards Organization-ISO). Nhiều nước đang phát triển và kém phát triển là thành viên của các tổ chức hoặc công ước này, tuy nhiên, các nước này không đủ khả năng để đánh giá tính hiệu quả của các thể chế được thiết lập để giám sát hai lĩnh vực này, hoặc thiếu cơ sở hạ tầng để tiến hành các công việc đo lường cần thiết. Nhiều nước đã lựu chọn giải pháp ký các hiệp định công nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật song phương. Tuy nhiên, các hiệp định không đảm bảo việc các công ty tham gia vào thương mại quốc tế của những nước đang phát triển và kém phát triển sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, doanh nghiệp của các nước đang phát triển và kém phát triển cũng không có đủ nguồn tài chính cần thiết để mua các chứng nhận về vệ sinh dịch tễ, ví dụ như để mua một bằng chứng nhận ISO 9000 cho một công ty loại nhỏ phải cần đến 230 nghìn đô-la Mỹ.

2- Các điều chỉnh liên quan tới bộ máy hành pháp

Với việc các nước phải điều chỉnh các luật lệ và chính sách thương mại của mình cho phù hợp với các quyền lợi và nghĩa vụ của WTO, các nước đang phát triển cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi các thể chế thực thi hoặc áp dụng các chính sách hoặc luật lệ mới đó, nhằm hỗ trợ quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế. Các nước gia nhập gần đây càng có xu hướng chú trọng hơn vào việc thay đổi các thể cho và bộ máy giám sát việc thực thi luật và chính sách thương mại nhiều hơn. Điều này phản ánh sự quan tâm của các nước tới việc thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập WTO của mình.

Có nhiều loại thể chế liên quan tới việc thực thi các luật lệ và chính sách thương mại của một nước: (i) các thể chế liên quan tới hoạt động của nền kinh tế thị trường như hệ thống ngân hang, kế toán và chế tài hợp đồng; (ii) các thể chế liên quan trực tiếp tới hoạt động thương mại quốc tế như tài chính và bảo hiểm xuất nhập khẩu, tiếp thị... ; và (iii) các thể chế chịu trách nhiệm soạn thảo và thực thi các chính sách thương mại, bao gồm cả Bộ Thương mại, các cơ quan hải quan, và một số cơ quan phụ trách các mảng vấn đề cụ thể như sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn hoá. Ngoài ra còn một số ngành phụ trợ như viễn thông, vận tải... cũng là những ngành then chốt để duy trì thương mại quốc tế của một nước.

Liên quan tới hoạt động của các thể chế này, các nước đang phát triển không những thiếu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn thiếu cả nhân lực có kỹ năng để điều hành một cách có hiệu quả các thể chỗ đó. Nắm được điểm yếu này của các nước đang phát triển và kém phát triển nên lại hầu hết các hiệp định của WTO đều có những điều khoản liên quan tới việc hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển trong quá trình gia nhập.

Cùng với thời gian, những lĩnh vực mà các Hiệp định WTO bao trùm ngày càng rộng hơn, và do đó tính phức tạp của các Hiệp định này cũng tăng lên. Thêm vào đó, yêu cầu của các nước đã là thành viên ngày càng có những đòi hỏi cao hơn đối với những nước mới gia nhập hoặc đang trong quá trình gia nhập. Hai yếu tố này càng làm tăng sức ép đối với các thể chế liên quan tới thương mại của các nước đang và kém phát triển, vốn đã không đủ khả năng để tham gia một cách có hiệu quả nhất vào tổ chức này. Rất nhiều nước đang phát triển hoặc kém phát triển trong quá trình gia nhập đã đưa ra các yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng hoặc củng cố các thể chế liên quan tới thương mại, bao gồm cả việc đào tạo nhân viên cho Bộ Thương mại và Hải quan, soạn thảo các luật lệ và quy định liên quan tới thương mại, và phát triển cơ sở hạ tầng lại các địa phương. /.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ PHÂN TÍCH VỀ CÁC QUY ĐỊNH MINH BẠCH HOÁ CỦA WTO VÀ KINH NGHIỆM CỦA T'RUNG QUỐC VỀ THI HÀNH CÁC CAM KẾT CỦA MÌNH VỀ MINH BẠCH HOÁ LUẬT CÓ LIÊN QUAN TỚI VIỆC GIA NHẬP WTO CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Khánh Ngọc[112]

 

Minh bạch hoá là cụm từ được nói tới nhiều gần đây tại Việt Nam, nhất là kể từ khi chúng ta ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ. Mặc dù khó có thể nói đây là thuật ngữ mới xuất hiện trong tiếng Việt, nhưng có thể nói đây là thuật ngữ mới với nội hàm “pháp lý” của nó vì trước đó thuật ngữ này không được sử dụng, nếu có thì đó chỉ là ngoại lệ trong các bài viết, nghiên cứu hay giáo trình luật tại Việt Nam. Chính vì vậy, kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ đã có nhiều hội thảo, toạ đàm và các bài viết về “minh bạch hoá” từ góc độ pháp lý. Tuy nhiên, một cảm giác là ý nghĩa của “minh bạch hoá” còn chưa được đánh giá đúng và đối với không ít người thì thuật ngữ này còn là “ngoại lai” và do đó cho rằng khó có thể có chỗ đứng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Để góp phần vào việc có thêm những hiểu biết về minh bạch hoá từ góc độ pháp lý trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) - một tồ chức mà Việt Nam đang đàm phán gia nhập, bài viết này đưa ra một số phân tích về các quy định minh bạch hoá của WTO và kinh nghiệm của Trung quốc về thi hành các cam kết của mình về vấn đề này. Thông qua bài viết này tác giả cũng muốn đề cập tới những vấn đề liên quan tới minh bạch hoá mà Việt Nam có nhiều khả năng sẽ gặp phải khi gia nhập WTO.

I. MINH BẠCH HOÁ TRONG WTO

WTO có các quy định khác nhau tại các hiệp định khác nhau điều chỉnh vấn đề minh bạch hoá, như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) Điều X. Hiệp định về các biện pháp kỹ thuật Điều 2.9, Hiệp định về quy tắc xuất xứ hàng hoá Điều 2.g và Điều 3.e, Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng Điều 25, Hiệp định về các biện pháp tự vệ Điều 12, Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh dịch tễ Điều 7, Hiệp định TRIPS Điều 63, Hiệp định nông nghiệp Điều 18.2-3. Hiệp định TRIMS Điều 6.1 và Hiệp định thương mại dịch vụ GATS Điều III. Tuy nhiên, có thể nói là nội hàm của Điều X của GATT được nói tới nhiều nhất khi đề cập tới minh bạch hoá trong WTO. Sau đây là những nội dung chính của Điều X GATT và cho phép không phân tích trong bài viết này các quy định khác của WTO về minh bạch hoá.

Điều X của Hiệp định GATT có tiêu đề là “đăng và quản lý các quy định pháp luật thương mại”

“1. Các luật, các quy định dưới luật, các quyết định toà án, và các quyết định hành chính có tính áp dụng chung được một nước thành viên ban hành liên quan tới việc phân loại hay tính giá trị hàng hoá vì các mục đích hải quan, hay liên quan tới mức thuế hay các khoản thu khác, hay các yêu cầu, hạn chế hay việc cấm đối với hàng nhập khẩu hay xuất khẩu, chuyển tiền thanh toán hàng hoá, hay có tác động tới việc bán, phân phối, vận chuyển, bảo hiểm, kiểm tra lưu kho, trưng bày, chế biến, pha trộn hay sử dụng khác các hàng hoá này thì phải được đăng nhanh chóng theo cách sao cho các chính phủ và thương nhân có thể làm quen được với các văn bản này. Các thảo thuận có tác động tới chính sách thương mại quốc tế mà có hiệu lực giữa một chính phủ hay một cơ quan chính phủ của một nước ký kết với chính phủ hay một cơ quan chính phủ của một nước ký kết bất kỳ nào khác cũng phải được đăng. Các quy định của khoản này không yêu cầu một nước ký kết phải tiết lộ các thông tin bí mật mà có thể cản trở việc thi hành pháp luật hay trái với các lợi ích công cộng hay tác động tiêu cực các quyền lợi thương mại chính đáng của các doanh nghịêp cụ thể, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

2. Không một biện pháp có tính áp dụng chung nào được một được nước ký kết tiến hành có tác động đem lại việc tăng thuế hay các khoản thu khác đối với hàng nhập khẩu theo một thực tiễn đã được hình thành và thống nhất, hay đem lại việc áp dụng một yêu cầu mới hay nghiêm ngặt hơn, hạn chế hay cấm đối với hàng nhập khẩu, hay đối với việc chuyển tiền thanh toán hàng hoá, sẽ được thực thi trước khi biện pháp này đã được đăng chính thức[113]

Điều X của GATT còn có khoản 3 liên quan tới quản lý và áp dụng pháp luật không được trình bày lại đây.

Các quy định của Điều X GATT về minh bạch hoá đã được sử dụng làm căn cứ cho không ít các vụ kiện trong GATT trước đây và WTO ngày nay. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các khía cạnh pháp lý của các quy định này qua một số án lệ, nhưng có lẽ trước hết chúng ta cần hiểu tại sao các nước lại quan tâm nhiều đến vấn đề minh bạch hoá đến như vậy trong thương mại quốc tế?

Một điều đã được các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế nhận ra là không thể cạnh tranh một cách hiệu quả trong một sân chơi mà ở đó họ không biết được luật chơi là gì. Khi luật chơi chỉ được một số đối thủ biết mà không phải tất cả những ai tham gia vào cuộc chơi đều biết thì người ta gọi là sân chơi không bình đẳng. Nói cách khác là các luật chơi không minh bạch chính là rào cản cho sự cạnh tranh và thương mại vì những người không được tiếp cận tới luật chơi rơi vào thế bất lợi so với những người hiểu luật chơi. Do đó, minh bạch hoá cơ bản là đem lại cơ hội được biết đến các quy định của luật chơi cho tất cả những người đang chơi và sẽ chơi trên cơ sở không có phân biệt đôí xử. Minh bạch hoá không yêu cầu là từng đối thủ cạnh tranh phải có hiểu biết và áp dụng các luật chơi ở mức thuần thục như nhau. Nó chỉ yêu cầu là những người chơi được có cơ hội để thể hiện mình. Chính vì vậy trong pháp luật thương mại quốc tế hiện đại và WTO, các quy định về minh bạch hoá luôn nhận được sự quan lâm đặc biệt.

Tuy nhiên, một loạt các câu hỏi quan trọng còn cần có lời giải, như cần phải đăng nhanh chóng ở mức nào - một tháng, 2 tháng, hay một năm? hình thức và cách thức đăng ra sao để cho các đối tượng liên quan có thể làm quen? Phải đăng bằng ngôn ngữ nào? và thậm chí là câu hỏi cơ bản như là phạm vi của Điều X là gì - tức là cái gì cần được đăng cũng đem lại những tranh chấp? Điều đáng mừng là thực tiễn áp dụng các quy định của Điều X đã đem lại những sự rõ ràng nhất định các quy định về minh bạch hoá. Trong vụ EC bị kiện về các hạn chế nhập khẩu táo liên quan tới cơ chế phân bổ quota được công bố 4/1988. Tuy nhiên, quota lại có hiệu lực trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 8 năm 1988. Với lý do là quota có hiệu lực về trước 2 tháng kể từ khi công bố, Ban hội thẩm đã quyết định là có vi phạm Điều X GATT.

Trong vụ kiện Nhật bản đối với sản phẩm phim và giấy ảnh thì Hoa kỳ đã khiếu kiện Nhật bản vi phạm Điều X.1 GATT vì đã không đăng hai quyết định hành chính cá biệt, một của cơ quan cạnh tranh Nhật bản và một của Bộ Công thương quốc tế. Ban hội thẩm đã kết luận là Điều X.1 không yêu cầu phải đăng các quyết định hành chính có tính cá biệt.

Khoản 2 Điều X cũng đem lại câu hỏi thú vị là cần có một khoảng thời gian tối thiểu là bao lâu giữa việc đăng và việc thi hành? Một điều được thừa nhận là không phải tất cả mọi người đều có thể đọc được văn bản pháp luật ngay sau khi được đăng, mà thông thường cần có một khoảng thời gian nào đó. Tiếp đó điều gì xảy ra khi chính phủ chỉ chia sẻ thông tin với một số đối tác và những đối tác còn lại không có thông tin trước khi thông tin này được đăng? Trong vụ kiện Canada liên quan tới nhập khẩu, phân phối và bán đồ uống có cồn. Hoa kỳ khiếu kiện việc cơ quan lập pháp bang Ontario của Canada công bố chính sách giá mới đối với bia chỉ 5 ngày trước khi có hiệu lực. Hoa kỳ cũng kiện việc chính quyền bang British Columbia đã chia sẻ thông tin về chính sách giá với các nhà sản xuất bia Canada trước khi đưa ra các thông tin này cho các nhà sản xuất Hoa kỳ, và qua đó phân biệt đối xử các nhà sản xuất Hoa kỳ, Ban hội thẩm đã kết luận là Canada không có bất kỳ vi phạm nào ở đây liên quan tới Điều X với những lập luận sau. Điều X không yêu cầu phải có bất kỳ thời gian "đợi" gián đoạn cụ thể nào nào giữa việc đăng và việc áp dụng các quy định pháp luật và cũng không yêu cầu nước thành viên phải chia sẻ thông tin cùng một lúc cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Như đã trình bày trên đây bài viết này không đi sâu vào các quy định khác của WTO về minh bạch hoá ngoài Điều X của GATT. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là các quy định của WTO về minh bạch, công khai có thể được chia làm những loại chính sau đây:

-Đăng công khai các biện pháp thương mại (các luật, quy định dưới luật, thủ tục hành chính, quyết định toà án có tính áp dụng chung, các điều ước quốc tế về thương mại như được phân tích theo Điều X của GATT trên đây;

- Cho phép các đối tượng liên quan được có cơ hội trình bày, có ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật trước khi ban hành;

- Xây dựng cơ quan đầu mối giải đáp, cung cấp thông tin liên quan cho các đối tượng có yêu cấp thông tin, chẳng hạn theo Hiệp định về các rào cản kỹ thuật (TBT);

- Cơ chế thông báo của nước thành viên tới WTO về những biện pháp thương mại mình ban hành, sửa đổi;

- Cơ chế rà soát chính sách thương mại định kỳ áp dụng đối với tất cả các nước thành viên.

Với những thông tin cơ bản trên đây về thể chế, yêu cầu của WTO về minh bạch hoá thì một điều hữu ích đối với Việt Nam - nước đang cố gắng gia nhập WTO là xem kinh nghiệm thực tế áp dụng các quy định này đối với nước mới gia nhập gần đây ra sao. Có lẽ kinh nghiệm của Trung quốc là rất thích hợp đối với Việt Nam.

II. KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC VỀ MINH BẠCH HÓA TRONG QÚA TRÌNH GIA NHẬP WTO

Trước hết cần phải nói là vấn đề minh bạch hoá Trung quốc đã có kinh nghiệm ngay cả trước khi gia nhập WTO, nhất là trong quan hệ thương mại với Hoa kỳ. Tuy nhiên, những cam kết của Trung quốc về minh bạch hoá khi gia nhập WTO có thể nói là vượt ra ngoài phạm vi các quy định của WTO áp dụng thông thường cho các nước thành viên khác.Tức là, Trung quốc có nghĩa vụ thực hiện các quy định bình thường của WTO về minh bạch hoá, kể cả Điều X GATT nêu trên như bất kỳ nước thành viên nào khác, và còn phải thực hiện một số cam kết bổ sung trong Nghị định thư gia nhập WTO của mình. Sau đây là một số nội dung chính các cam kết của Trung quốc về minh bạch hoá trong WTO.

Tại Phần I, Mục 2(c) Nghị định thư gia nhập, Trung quốc cam kết:

“1. Trung quốc cam kết chỉ các văn bản luật, quy định dưới luật và các hiệp pháp khác liên quan tới hay ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ, TRIPS hay kiểm soát ngoại hối mà đã được đăng và có sẵn cho các nước thành viên WTO khác, các cá nhân và doanh nghiệp thì mới được thực thi. Bên cạnh đó, Trung quốc phải cung cấp cho các nước thành viên WTO theo yêu cầu tất cả các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới hay ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ, TRIPS hay kiểm soát ngoại hối trước khi các biện pháp này được thi hành hay thực thi. Trong các trường hợp khẩn cấp, các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác phải được sẵn có khi chúng được thi hành hay thực thi.

2. Trung quốc phải thiết lập hay chỉ định một tạp chí chính thức để đăng tất cả  các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới hay ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ, TRIPS hay kiểm soát ngoại hối và sau khi đăng các luật, quy định dưới luật hay các biện pháp khác đó của mình tại tạp chí này thì phải đưa ra một thời hạn hợp lý để bình luận, góp ý cho các cơ quan thích hợp trước khi các biện pháp này được thi hành, trừ các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới an ninh quốc gia, các biện pháp cụ thể quyết định tỷ gía hôí đoái hay chính sách tiền tệ và các biện pháp khác mà việc  đăng chúng sẽ làm cản trở việc thi hành pháp luật. Trung quốc phải xuất bản tạp chí này một cách thường xuyên và bảo đảm có các bản copy của tất cả các số tạp chí được xuất bản sẵn sàng cho các cá nhân và doanh nghiệp.

3. Trung quốc phải thiết lập hay chỉ định một địa điểm liên hệ , hỏi đáp để qua đó theo yêu cầu của bất kỳ cá nhân nào hay nước thành viên WTO tất cả các thông tin liên quan tới các biện pháp được yêu cầu phải đăng theo khoản 2(c)1 trên đây của Nghị định thư này  đều có thể có được . Các trả lời cho các yêu cầu cung cấp thông tin nói chung phải được đưa ra trong vòng 30 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Trong các trường hợp ngoại lệ, các trả lời có thể được đưa ra trong vòng 45 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Thông báo về sự chậm trễ và những lý do đi kèm phải được cung cấp cho bên liên quan. Các trả lời cho các nước thành viên WTO phải là ý kiến đầy đủ, hoàn chỉnh vè phải thể hiện quan điểm chính thống của chính phủ Trung Quốc. Các thông tin chính xác và đáng tin cậy phải được cung cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp.”[114]

Không cần thiết phải có phân tích hay hiểu biết sâu để có thể nhận ra là các cam kết bổ sung của Trung quốc về minh bạch hoá tại Phần l(2)c của Nghị định thư gia nhập WTO là rất rộng, đi xa hơn các quy định của WTO về vấn đề này. Để thực hiện được các cam kết này chắc chắn là Trung quốc phải có nhiều cố gắng và kinh phí không nhỏ. Chính cam kết về minh bạch hoá này của Trung quốc đã được nhiều người gọi là “WTO plus", tức là “WTO +” và đem lại những lời bình luận khác nhau về khả năng thực hiện các cam kết này.

Bên cạnh cam kết minh bạch hoá nêu trên, các cam kết của Trung quốc liên quan tới cơ chế rà soát chuyển đổi cũng liên quan tới vấn đề minh bạch hoá đã làm tăng thêm sự độc đáo của quy chế thành viên WTO của Trung quốc: Trung quốc phải cung cấp trước các thông tin liên quan cho các cơ quan của WTO để tiến hành rà soát việc Trung quốc thi hành các Hiệp định của WTO và các cam kết được ghi trong Nghị định thư gia nhập. Việc rà soát như vậy được tiến hành hàng năm trong 8 năm đầu sau khi gia nhập và có rà soát cuối cùng vào năm thứ 10 hay một thời hạn sớm hơn theo quyết định của Hội đồng chung WTO[115]. Đây cũng là cam kết không có tiền lệ trước đó trong WTO. Theo quy định của WTO thì chỉ có cơ chế rà soát chính sách thương mại bình thường mà thông qua đó thể chế pháp luật của tất cả các nước thành viên WTO được rà soát lại, nhưng nhiều nhất cũng không quá 2 năm một lần.

Có thể suy luận là việc Trung quốc có một loạt các cam kết mạnh mẽ liên quan tới minh bạch hoá thể chế pháp luật của mình, đặc biệt là các cam kết quan trọng liên quan tới công khai, minh bạch quy trình xây dựng văn bản pháp luậl liên quan tới các lĩnh vực được WTO điều chỉnh thể hiện việc các nước WTO đã quan tâm đặc biệt và gây sức ép rất lớn đối với Trung quốc khi đàm phán về các vấn đề minh bạch hoá. Có lẽ, chính phủ các nước thành viên WTO cũng đã được các doanh nghiệp của mình thông báo lại về những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải liên quan tới sự “không” hay kém minh bạch hoá của pháp luật Trung quốc. Đồng thời, một điều cũng có thể rút ra là những cam kết về minh bạch hoá là công cụ rất hiệu quả cho phép các nước thành viên WTO biết được và kiểm tra được việc Trung quốc thi hành các cam kết của mình như thế nào, kể cả việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và ban hành mới nhiều văn bản pháp luật để thực hiện quy chế thành viên.

Về quá trình Trung quốc thực hiện các cam kết WTO của mình về minh bạch hoá thì có thể tóm tắt như sau.

Năm 2002 Chính phủ Trung quốc đã ban hành quy định về quy định thủ tục xây dựng và ban hành các văn bản, quy định hành chính trong đó yêu cầu phải có ý kiến đóng góp của công chúng và các đối tượng liên quan. Đây là bước thực hiện cam kết WTO về việc phải dành cơ hội cho các đối tượng liên quan được có ý kiến đóng góp, bình luận trước khi văn bản có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, do đây là các quy định mới trong pháp luật Trung quốc nên trong nhiều trường hợp chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, nhiều Bộ ngành và cơ quan vẫn làm theo lối cũ và “quên mất” thủ lục lấy ý kiến này. Tình trạng phổ biến là Bộ ngành soạn thảo văn bản pháp luật làm động tác tham vấn và gửi dự thảo tới các Bộ ngành khác, các chuyên gia Trung quốc và các doanh nghiệp trong nước bị điều chỉnh. Cũng có nhiều khi, cơ quan soạn thảo trao đổi ý kiến với một số công ty nước ngoài nhất định, mặc dù không phải lúc nào cũng chuyển dự thảo văn bản cho các công ty nước ngoài. Chính vì vậy, theo đánh giá của Cơ quan đại diện Hoa kỳ (USTR) thì chỉ một tỷ lệ nhỏ các văn bản pháp luật mới được ban hành gần đây là đã tuân thủ yêu cầu dành một giai đoạn cho công chúng đóng góp ý kiến, và ngay cả khi có dành giai đoạn thời gian này thì khoảng thời gian cho đóng góp ý kiến cũng là quá ngắn.

Tuy nhiên, Trung quốc đã đạt được những thành tích rất khả quan trong việc minh bạch hoá các văn bản pháp luật mới sau khi được ban hành. Theo quy định của Chính phủ ban hành năm tháng 12/2001 thì yêu cầu đăng tất cả các quy định pháp luật mới ban hành 30 ngày trước khi được thi hành trên thực tế. Quy định mới này đã có hiệu lực rất tốt đối với các văn bản pháp luật được ban hành gần đây: tất cả các văn bản pháp luật đều được đăng sau khi được ban hành và trước ngày chúng có hiệu lực áp dụng. Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc minh bạch hoá pháp luật tại Trung quốc so với những gì trước khi Trung quốc gia nhập WTO. Hơn nữa, các văn bản pháp luật mới này thường không chỉ được đăng trên các tạp chí chính thức mà còn được đăng cả trên Internet. Tuy nhiên, do cam kết tại WTO của Trung quốc yêu cầu phải có bản dịch các văn bản pháp luật ra ngôn ngữ chính thức của WTO - một công việc đòi hỏi không ít đầu tư và thời gian, nên Trung quốc chưa hoàn thành đúng được nghĩa vụ này.

Một nghĩa vụ WTO nữa của Trung quốc liên quan tới minh bạch hoá là thiết lập các địa chỉ liên hệ, giải đáp các yêu cầu, thắc mắc và cung cấp thông tin. Trung quốc đã thi hành nghĩa vụ này của mình thông qua việc thiết lập một Trung tâm hỏi đáp và thông tin tại Bộ Thương mại tháng 1/2002. Các Bộ ngành khác cũng thiết lập các địa chỉ liên hệ để cung cấp các thông tin liên quan tới các lĩnh vực mình phụ trách. Theo đánh giá chung thì các địa chỉ liên hệ này của các cơ quan Trung quốc hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều Bộ ngành đã bắt đầu có địa chỉ Internet để cung cấp các thông tin.

Cùng với chính quyền TW thì chính quyền địa phương một số tỉnh và thành phố như Thượng hải, Quảng đông, Bắc kinh ... đã có quy định về minh bạch và công khai các văn bản của mình.

Về kết quả rà soát chuyển đổi năm 2002 và 2003 theo Nghị định thư gia nhập của Trung quốc, thông qua đó các nước thành viên kiểm tra việc Trung quốc thực hiện các cam kết của mình thì cũng không có nhiều thông tin được đưa ra. Tuy nhiên, cho tới thời điềm này (11/2004) thì Trung quốc chưa bị kiện ra WTO về vi phạm các quy định của WTO hay các cam kết của mình khi gia nhập liên quan tới minh bạch hoá. Điều đó có thể hiểu là Trung quốc về cơ bản, tồng thể là thực hiện tốt các cam kết thành viên, kể cả các cam kết liên quan tới minh bạch hoá.

III. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM LIÊN QUAN TỚI MINH BẠCH HOÁ TRONG BỐI CẢNH CHÚNG TA ĐANG ĐÀM PHÁN GIA NHẬP WTO.

- Minh bạch hoá là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong WTO và là điểm nhấn trong quá trình Trung quốc gia nhập WTO. Trung quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng - đó là nhận xét của không ít người phương Tây. Trong quí trình gia nhập WTO, dù cố gắng lập luận là Việt Nam là Việt Nam và không phải là Trung quốc, nhưng những cam kết của Trung quốc khi gia nhập WTO, kể cả các cam kết về minh bạch hoá mà như được nêu trên là đi xa hơn thể chế WTO đã là một tiền lệ của WTO và chắc chắn sẽ có những nước thành viên WTO muốn lấy đó làm thước đo cho cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

- Minh bạch hoá dù là thuật ngữ mới trong cộng đồng pháp luật Việt Nam nhưng chắc chắn sẽ được nói tới nhiều trong tương lai khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và xây dựng pháp luật cạnh tranh. Như nêu trên, minh bạch hoá là một điều kiện để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh - một chính sách pháp luật chúng ta đã và đang xây dựng. Trong điều kiện bình thường thì minh bạch hoá là có lợi cho số đông và có thể là không có lợi cho một số ít đối tượng nào đó. Do đó, có thể cho rằng các nội hàm của minh bạch hoá sẽ có chỗ đứng trong thể chế pháp luật Việt Nam vì nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

- Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam -hoa kỳ về minh bạch hoá với nội dung rất gần với những quy định của WTO là một bước chuẩn bị tốt cho Việt Nam tiến tới thực hiện các cam kết thành viên WTO khi gia nhập về minh bạch hoá. Có thể thấy là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua 12/2002 đã đạt những nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện cam kết quốc tế về minh bạch hoá vì nếu so sánh với Điều X của GATT nêu trên thì về cơ bản chúng ta đã đáp ứng ở cấp trung ương. Việc chúng ta ban hành Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân vào cuối 2004 thì chúng ta lại có thêm các cơ sở để thực hiện các cam kết quốc tế về minh bạch hoá đốt với các cấp chính quyền địa phương.

- Đánh giá về thực trạng pháp luật của Việt Nam về minh bạch, công khai so với các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các yêu cầu của WTO thì có thể có nhận xét chung là những cố gắng của chúng ta trong thời gian qua là rất đáng khích lệ, nhưng có lẽ còn chưa đủ và còn nhiều việc phải làm đối với cả việc hoàn thiện pháp luật và cải thiện việc thực thi pháp luật (xin xem Phụ lục đi kèm là kết quả rà soát các yêu cầu về minh bạch hoá của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ và WTO và tác động của nó đối với hệ thống pháp luật Việt Nam do chuyên gia của Tổ Rà soát, Bộ Tư pháp xây dựng - Tập tài liệu các bài giảng lớp tập huấn rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Tư pháp 2004).

Tuy nhiên, tại thời điểm này chúng ta chưa biết được các yêu cầu cuối cùng của các nước thành viên WTO đối với Việt Nam và cam kết cuối cùng của Việt Nam về minh bạch hoá khi gia nhập WTO là thế nào: là các quy định hiện có của WTO hay là WTO plus? Do đó, còn quá sớm để nói trước về tất củ các khả năng tác động của các yêu cầu của WTO về minh bạch và công khai đối với hệ thống pháp luật Việt Nam và những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các yêu cầu này. Nhưng một điều có thể suy luận là các nước sẽ gây sức ép đối với Việt Nam về vấn đề minh bạch hoá, dù không yêu cầu cao như đối với Trung quốc. Trong mọi trường hợp thì các quy định "cứng" về minh bạch được nêu trong các hiệp định của WTO, kể cả Điều X của GATT sẽ là điểm bắt đầu - tức là mức tối thiểu mà Việt Nam phải thực hiện ngay khi gia nhập. Do đó, sẽ là thích hợp là ngay từ bây giờ chúng ta tiến hành các công việc cần thiết để có điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực này trước khi là quá muộn[116].

Tuy nhiên, qua khảo sát tinh hình thực tế của việc ban hành văn bản và chế độ thông tin, cập nhật văn bản của ta, chúng tôi thấy còn một số vấn đề đặt ra cần sớm được chấn chỉnh mới có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật của một Nhà nước pháp quyền XHCN, tạo cơ sở và "mặt bằng" pháp lý cho hợp tác và hội nhập. Đó là:

1 . Vấn đề đăng công báo và công tác công báo

Có thể nói rằng đây là một trong những vấn đề mấu chốt để bảo đảm tính minh bạch, công khai, bảo đảm điều kiện để mọi người đều có thể tiếp cận được VBQPPL khi có nhu cầu. Về vấn đề này, phải nói rằng kể từ khi Luật ban hành VBQPPL được ban hành và có hiệu lực, đặc biệt là trong thời gian gần đây, công tác công báo được cải thiện đáng kể và từng bước đi vào nề nếp tạo điều kiện để mọi người đều có thể tiếp cận dược VBQPPL cần quan tâm. Tuy nhiên, do số lượng văn bản ban hành ngày càng nhiều, có những lúc những nơi cơ quan ban hành VBQPPL chưa thực hiện nghiêm việc gửi đăng công báo. Bên cạnh đó không phải bất cứ VBQPPL nào cũng được đăng tải trên Công báo. Do đó, tình trạng Công báo không đăng kịp thời hoặc đầy đủ VBQPPL là một thực tế. Khách quan mà nói, với cơ cấu tổ chức và năng lực của cơ quan Công báo hiện nay, cho dù các cơ quan ban hành VBQPPL cóchấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ gửi VBQPPL để đăng Công báo thì cũng không thể “đăng tải một cách kịp thời và đẩy đủ” tất cả các VBQPPL được. Thực trạng trên đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp để tăng cường năng lực của cơ quan Công báo hiện nay mới có thể đáp ứng được yêu cầu về thông tin pháp luật ngày càng tăng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước nói chung và thực hiện được cam kết trong Hiệp định nói riêng.

2. Vấn đề các văn bản có tính chất áp dụng chung nhưng không phải là VBQPPL

Có thể nói rằng việc ban hành các công văn, văn bản chỉ đạo là một nhu cầu thực tế của công tác quản lý điều hành của của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch của văn bản. Đặc biệt, một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng mặc dù là văn bản chỉ đạo, điều hành nhưng lại có hiệu lực rộng rãi như Công điện, Công văn do Văn phòng Chính phủ ban hành để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,... nhưng lại không được đăng tải công khai để mọi đối tượng quan tâm đều có thể tiếp cận được. Các văn bản này theo quy định của Luật thẩm quyền ban hành VBQPPL không phải là VBQPPL và không có trách nhiệm phải công khai, đăng Công báo. Đây là một trong những vấn đề vướng mắc, đòi hỏi phải sớm có hướng giải quyết. Chúng tôi thấy rằng, giải pháp đơn giản và hợp lý nhất là đăng tải công khai các loại văn bản này trên Công báo, mạng internet hoặc trên một tạp chí chuyên ngành. Vì chừng nào mà văn bản chỉ đạo, điều hành nhưng lại có hiệu lực rộng rãi như Công điện, Công văn do Văn phòng Chính phủ ban hành để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay công văn hướng dẫn, chỉ đạo của các Bộ, ngành chức năng vẫn còn tồn tại, thì việc đãng tải công khai những “văn bản liên quan đến bất kỳ vân để nào được quy định trong Hiệp định” là một yêu cầu bắt buộc theo tinh thần của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ để "được thi hành và có khả năng thực thi" (Điều 4 HĐTMVM).

3. Vấn đề thời hạn có hiệu lực của VBQPPL mới

Một vấn đề của thực tiễn xây dựng và ban hành VBQPPL ở nước ta là nhiều khi VBQPPL có hiệu lực trước khi văn bản đó được đăng Công báo. Rất nhiều văn bản có quy định sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, nhưng vì những lý do khác nhau, văn bản đó chưa thể đăng được trên Công báo trong vòng 15 ngày để mọi người có thể tìm hiểu. Đây là một vấn đề thực tiễn chỉ có thể khắc phục thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của Luật thẩm quyền ban hành VBQPPL và những biện pháp tích cực để tăng cường năng lực của cơ quan Công báo Chính phủ.

Để khắc phục những bất hợp lý trên, góp phần bảo đảm tính minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 đã có một số sửa đổi, bổ sung rất cơ bản và mang tính "đột phá". Đó là đối với các VBQPPL của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các VBQP liên tịch thay vì sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ "ngày ký" thì bây giờ đối sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ “ngày đăng Công báo" . Nhưng đáng tiếc, cũng chỉ mới dừng lại ở các VBQPPL ở cấp này, còn đối với những VBQPPL có hiệu lực cao hơn thì thời điểm có hiệu lực vẫn còn giữ như trước đây. Bên cạnh đó, ngay trong khoản 1 và khoản 2 Điều 75 của luật cũng đã có điểm bất cập ở chỗ: Luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ có hiệu lực "kể từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố", nhưng VBQPPL của Chủ tịch nước (trong đó có lệnh công bố Luật, Pháp lệnh, nghị quyết ..) lại có hiệu lực "kể từ ngày đăng Công báo". Như vậy, trên thực tế sẽ có trường hợp luật, pháp lệnh có hiệu lực trước khi các văn bản đó được đăng Công báo, vì không phải lúc nào Lệnh công bố của Chủ tịch nước cũng được đăng Công báo ngay trong ngày ký.

4 . Vấn đề quyền được góp ý vào dự thảo VBQPPL

Điều 3 của Luật thẩm quyền ban hành VBQPPL quy định việc lấy ý kiến nhân dân đối với một số dự thảo VBQPPL. Như vậy, theo tinh thần của Luật hiện hành thì việc công bố lấy ý kiến nhân dân không được tiến hành đối với tất cả các VBQPPL. Vấn đề này qua trao đổi với một số chuyên gia thì thấy rằng việc đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi (kể cả những doanh nhân nước ngoài có liên quan) nhằm cung cấp thêm cho cơ quan soạn thảo những thông tin, cách nhìn từ thực tế để cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc và có những điều chỉnh cần thiết, bảo đảm cho văn bản mang tính cụ thể, sát thực tế và dễ đi vào cuộc sống hơn. Ngoài ra, ý kiến đóng góp không có ý nghĩa ràng buộc đối với cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, ta cũng cần nghiên cứu để có bước đi phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả. khả thi và không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng văn bản theo chương trình. Nhưng chỉ dừng lại quy định 'mềm dẻo" " .. . căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án, dự thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp" như khoản 2 Điều 3 của Luật thì e rằng chưa đủ. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến băn khoăn về tính khá thi của quy định mới này. Ý kiến này cho rằng, trong nhiều trường hợp, đối tượng trực tiếp thi hành văn bản quy phạm pháp luật rất rộng, không những liên quan đến cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân mà còn liên quan trực tiếp đến mọi công dân, thậm chí cả tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam. Việc bổ sung quy định như trên vào Luật khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế và đôi khi còn là không cần thiết nữa.

Chúng tôi thấy rằng, quan điểm trên cần được cân nhắc, tính toán thêm. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi tán thành với quan điểm trên là quy định mới này sẽ làm phát sinh thêm nghĩa vụ của cơ quan soạn thảo văn bản và có thể kéo dài hơn thời gian soạn thảo, nhưng như trên đã phân tích, đây là một việc làm cần thiết. Ngoài ra, xét về lẽ công bằng thì có thể nói quan điểm trên mới chỉ xuất phát từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước mà chưa tính đến quyền lợi của những người bị ảnh hưởng trực tiếp khi văn bản có hiệu lực thi hành. Để bảo đảm tính công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tính khả thi của văn bản khi văn bản đó có hiệu lực thi hành cũng như tạo cơ chế để tận dụng được mọi trí tuệ, chất xám của xã hội, thiết nghĩ, việc bổ sung quy định trên là hết sức cần thiết và quan trọng. Nói một cách khác, quy định trên là điều kiện để bảo đảm thực hiện trên thực tế một nguyên tắc đã trở thành khẩu hiệu hành động của Nhà nước ta là "Dân biết, Dân bàn, Dân làm và Dân kiểm tra” trong lĩnh vực xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Cũng cần phải nói thêm rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại tổ chức lấy ý kiến là vấn đề thủ tục triển khai rất tốn kém và mất nhiều thời gian (từ việc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc tổ chức giới thiệu nội dung dự thảo văn bản) và nếu không tổ chức tơi thì hiệu quả rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, kinh nghiệm của Mỹ là đăng tải nội dung dự thảo trên tờ Đăng ký Liên bang và đưa lên mạng internet và định rõ thời gian đóng góp ý kiến. Bất cứ ai có quan tâm đều có thể gửi ý kiến của mình về Ban soạn thảo trong thời gian đã định và Ban soạn thảo sẽ tổ chức việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Khi cần thiết, ban soạn thảo có thể tổ chức các buổi toạ đàm về những vấn đề cụ thể, nhưng đây không phải là một thủ tục bắt buộc.

5. Vấn đề bảo đảm VBQPPL phù hợp với điều ước quốc tế

Để bảo đảm tính minh bạch của pháp luật thì không thề không nói đến sự “tương thích” giữa pháp luật của quốc gia và điều ước quốc tté mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của luật pháp quốc tế trong thời đại hiện nay không cho phép chúng ta chỉ ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế với tính chất như những cam kết mang tính chính trị mà đòi hỏi chúng ta phải thực hiện những nghĩa vụ cụ thể bên cạnh các quyền lợi được hưởng với tư cách là thành viên của điều ước. Luật ban hành VBQPPL chỉ quy định “Tính hợp hiến, hợp Pháp và tính thống nhất của hệ thống VBQPPL" trong nước mà chưa tính đến việc các VBQPPL trong nước cũng cần phải phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Trong Luật ban hành VBQPPL có quy định: “[T]ong việc soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết phải tính đến điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập". Điều đáng phải bàn ở đây là phạm vi, mức độ của việc “tính đến", quy định này có tính "co dãn" cao rất khó có thể khẳng định rằng đây là quy định bắt buộc về “tính phù hợp" với điều ước quốc tế và do vậy, rất khó ràng buộc cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng VBQPPL phải nghiên cứu sâu những quy định của điều ước quốc tế có liên quan để bảo đảm quy định của VBQPPL đó không "khác" với quy định của điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Mặc dù ở một số VBQPPL có hiệu lực cao chúng ta đã thể hiện vấn đề này bằng một quy định có tính nguyên tắc là: [T]rong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Quy định như vậy có những điểm bất hợp lý dẫn đến rất khó thực hiện (nếu không muốn nói là hầu như không thể thực hiện được) trên thực tế. Đó là: (i) Việc "áp dụng quy định của điều ước quốc tế” được thực hiện một cách trực tiếp hay dưới dạng các quy định tương tự có liên quan của VBQPPL trong nước? nếu là áp đụng trực tiếp thì một vấn đề có tính lý luận cần được giải quyết là điều ước quốc tế không phải là một VBQPPL theo quy định tại Điều 1 Luật ban hành VBQPPL và nếu áp dụng quy định tương tự có liên quan của VBQPPL trong nước thì sẽ bị bó tay trong trường hợp VBQPPL trong nước chưa có những quy định như vậy; (ii) Quy định như vậy là quy định cho người phải thi hành, thực hiện luật, nhưng người dân hay nhà doanh nghiệp bình thường khó có thể (và cũng không nên bắt họ phải) biết hết được những quy định của điều ước quốc tế nào có quy định khác với quy định của pháp luật có liên quan trong nước để làm theo điều ước quốc tế. Hơn nữa, phân biệt được sự khác nhau giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế là điều không đơn giản, thường đòi hỏi phải có kiến thức pháp lý chuyên sâu.

6. Vấn đề công bố các VB chưa được công bố

Một vấn đề mà phía Mỹ không kém quan tâm là những văn bản đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được công bố trước khi ký Hiệp định. Chúng tôi thấy rằng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng lại rất phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian đề tổ chức việc rà soát. Do vậy, trước mắt chúng tôi đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Thương mại chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai ngay công tác này./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN MỘT SỐ QUAN ĐIỂM

VỀ CHUYỂN HOÁ CÁC THUẬT NGỮ VÀ KHÁI NIỆM CƠ BẢN CỦA

HIỆP ĐỊNH WTO VÀO VIỆT NAM

TS. Lê Thành Long

Vụ Hợp tác quốc lế'bộ Tư pháp

 

1. MỞ ĐẦU

Chuyển hoá các quy phạm pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia là một trong số những vấn đề phức tạp nhất của việc xử lý mối quan hệ giữa pháp luật trong nước và quốc tế. Nếu như trước đây, quá trình tranh luận về chuyển hoá chủ yếu mang tính chất học thuật, nhiều khi nặng về hình thức, thì ngày nay, với xu hướng toàn cầu hoá và quốc tế hoá các quan hệ kinh tế - thương mại, việc đánh giá hệ quả thực tế của vấn đề chuyển hoá đã trở thành một đòi hỏi bức xúc đối với mọi quốc gia. Xét về lô-gic nội tại, dường như có nghịch lý khó chấp nhận giữa một bên là nguyên tắc pacta sunt servanda (nghĩa vụ tuân thủ điều ước quốc tê),[117]  và một bên là sự xử lý còn nặng về chủ quan của mỗi quốc gia về cách thức để quy phạm đó có giá trị pháp lý trong nước.

Để nhìn nhận rõ hơn hệ quả pháp lý của việc chuyển hoá, có lẽ nên bắt đầu bằng việc khẳng định lại một thực tế là hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm nhiều ngành luật với mức độ ảnh hưởng khác nhau của mỗi ngành đối với quốc gia trong trường hợp quốc gia đó vi phạm quy phạm pháp luật của ngành luật có liên quan. Chẳng hạn, đối với luật nhân quyền quốc tế vốn xưa nay chịu nhiều áp lực về chính trị và văn hoá thì xem ra quốc gia chưa hẳn đã lo ngại lắm về mức độ bị trừng phạt khi vi phạm. Tương tự như vậy, các chế tài áp dụng đối với vi phạm pháp luật môi trường quốc tế trong nhiều trường hợp chưa đủ tính thuyết phục và độ thách thức để quốc gia vi phạm ý thức ngay được sự cần thiết phải chịu nhượng bộ những lợi ích trước mắt vì lợi ích dài lâu, hoặc bằng mọi giá có biện pháp xử lý tình huống, chấm dứt vi phạm.

Khác với những ngành luật nêu trên, pháp luật kinh tế - thương mại, trong đó có WTO, gồm hệ thống các chế tài mà việc áp dụng gây hậu quả kinh tế trực tiếp đến mỗi quốc gia. Nguyên cớ không thực hiện nghĩa vụ do chưa được chuyển hoá vào pháp luật trong nước, thiết nghĩ, vừa không phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, [118] lại vừa không đủ bù đắp cho những thiệt thòi về lợi ích kinh tế có thể dễ dàng lượng hoá. Lợi ích tức thì, vụ việc, theo kiểu chộp giật hẳn nhiên không đủ tính dài lâu trong một cuộc chơi mà một khi đã dấn thân vào là phải chịu luật chung. Vậy thế, cần nhìn nhận quá trình chuyển hoá các quy định WTO dưới góc độ thực tế nhằm tính toán loại trừ đến mức tối đa các yếu tố chủ quan.

Có lẽ một trong những điều khó khăn nhất của WTO là hệ thống các khái niệm, thuật ngữ mới lạ, đầy ngữ nghĩa với bề dày truyền thống và lịch sử hình thành, nên độ thách thức dễ làm nản chí những thực thể mới chập chững bước đấu trên con đường làm quen. Vấn đề đặt ra không chỉ đơn thuần là công nhận hay bác bỏ quan điểm vốn dĩ gây nhiều tranh cãi - quy phạm pháp luật quốc tế có hay không có hiệu lực trực tiếp trong hệ thống pháp luật quốc gia - mà là chuyển tải làm sao đây những khái niệm phức tạp đòi hỏi không những chỉ xử lý ở tầm quy định của pháp luật thành văn, thực tiễn áp dụng, mà trong không ít trường hợp phải lục lọi cả travaux preparatoire của hàng chục nghìn trang văn bản.[119]

Với cách đặt vấn đề như trên, bài viết có mục tiêu nghiên cứu tổng quan một số quan điểm về chuyển hoá các thuật ngữ và khái niệm cơ bản của Hiệp định WTO vào pháp luật Việt Nam. Do phạm vi có hạn, tính phức tạp của pháp luật WTO cũng như xu hướng đan xen, ràng buộc lẫn nhau ngày càng tăng của các quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành với các quy phạm pháp luật kinh tế, thương mại quốc tế, [120] bài viết không đặt vấn đề bao quát theo diện cũng như phân tích sâu về nội dung những thuật ngữ, quan điểm cần chuyển hoá. Trên cơ sở nhấn mạnh hệ quả pháp lý khi vi phạm pacta sunt servanda do cách hiểu nhiều khi còn cứng nhắc về khái niệm chuyển hoá, bài viết khẳng định mục đích và bản chất của việc chuyển hoá các khái niệm, thuật ngữ vào pháp luật quốc gia là nhằm mục đích thi hành chứ không phải để khẳng định hiệu lực pháp lý của các quy định WTO. [121] Trong quá trình lập luận, bài viết sử dụng một số thuật ngữ cụ thể được dùng trong khuôn khổ WTO đề làm rõ thực tế chúng được phản ánh đến mức nào trong các văn bản mới ban hành gần đây ở Việt Nam; và, trên cơ sở đó, đề xuất một số ý kiến bước đầu trong việc tiếp tục chuyển tải các khái niệm, thuật ngữ này vào hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình định hình và tiến triển của nước ta.

Bài viết gồm bốn phần chính. Ngoài phần 1 “Mở đầu”, phần 2 phân tích những đặc điểm chủ yếu của pháp luật WTO, liệt kê và khái quát những khái niệm thuật ngữ cơ bản được dùng trong khuôn khổ tổ chức này. Phần 3 nêu tóm tắt kinh nghiệm và thực tiến chuyển hoá của một số nước làm cơ sở cho những vấn đề được đề xuất giải quyết ở Việt Nam. Phần 4 đề cập đến hiện trạng cũng như khả năng, xu hướng xử lý việc chuyển hoá các quan điểm, khái niệm của WTO vào pháp luật Việt Nam. Phần 5 là một số đề xuất, kiến nghị.

          2. CÁC HIỆP ĐỊNH WTO VÀ CÁC QUAN ĐIỂM, THUẬT NGỮ

a) Tính chất pháp lý của các hiệp định WTO

Về tính chất, WTO và hệ thống các quy định trong tổ chức này là đối tượng điều chỉnh của công pháp quốc tế. Có thể nêu hai đặc điểm cơ bản để khẳng định tính chất này.

Một , thành viên WTO là các quốc gia có chủ quyền với tư cách là chủ thể độc lập của công pháp quốc tế, và một số vùng lãnh thổ thuế quan riêng biệt.[122] Hệ thống các quy định trong khuôn khổ WTO là các văn bản quy phạm pháp luật quốc tế có đối tượng điều chỉnh trực tiếp là các quốc gia có chủ quyền.[123] Vi phạm nghĩa vụ WTO dẫn đến trách nhiệm quốc gia của các nước ký kết.

Về cơ chế ra quyết định, mặc dù WTO là một tổ chức kinh tế quốc tế liên chính phủ có khác với một số tổ chức khác,[124] về nguyên tắc, các quyết định lớn và quan trọng nhất của WTO đều do Chính phủ các nước thành viên thông qua, hoặc ở Hội nghị Bộ trưởng (cấp Bộ trưởng) hoặc tại Đại hội đồng WTO (cấp Đại sứ), hoặc được thông qua tại các hội đồng, uỷ ban chuyên biệt, tổ công tác, tổ đàm phán lâm thời được thành lập trong khuôn khổ WTO.[125] Như vậy, WTO do Chính phủ các nước thành viên, chứ không phải các công chức làm việc tại Geneva điều hành.

Hai là, việc giải quyết tranh chấp trong WTO được tiến hành theo cơ chế đặc thù, về thủ tục thì theo công pháp quốc tế nhưng chế tài cụ thể hơn và có tính ràng buộc cao hơn các chế tài khác trong công pháp quốc tế.[126] Điểm khác biệt cơ bản của GATT/WTO với các định chế khác của công pháp quốc tế là ở chỗ WTO quy định một hệ thống chế tài hữu hiệu và vận hành có hiệu quả nhất trong hệ thống pháp luật quốc tế.[127]

Quyền và nghĩa vụ quy định trong các Hiệp định WTO trên thực tế được thi hành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp. Về cơ bản, nếu việc tham vấn và trung gian hoà giải không thành thì Chính phủ nước thành viên đưa ra tranh chấp ra Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) để giải quyết theo thủ tục quy định tại Thoả thuận về giải quyết tranh chấp (DSU).[128] Mỗi tranh chấp, trừ trường hợp được giải quyết thoả đáng tại một trong các công đoạn và được các bên tranh chấp chấp thuận, đều đi qua các công đoạn Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm (kháng cáo) và DSB; trong đó DSB thông qua Báo cáo cuối cùng và ra các khuyến nghị và quyết định thích hợp. Có ba cách thi hành Báo cáo, cụ thể là tuân thủ các kết luận của Báo cáo, bồi thường và trả đũa.[129]

b)Những nguyên tắc pháp lý nền tảng và các thuật ngữ, khái niệm cơ bản trong khuôn khổ WTO

WTO mà tiền thân là GATT 1947 gồm một hệ thống các định chế về thương mại có quá trình hình thành và phát triển trong gần 60 năm. Các khái niệm, thuật ngữ của WTO ngày nay có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn các hoạt động kinh tế thương mại từ khi hình thành chủ nghĩa tư bản. Vì lẽ đó, không phải dễ dàng có thể hiểu hết độ phức tạp, nội hàm cũng như thực chất quá trình phát triển về nội dung của các thuật ngữ này. Để đơn giản hoá cho phù hợp với phạm vi của bài viết, phần phân tích dưới đây chỉ tập trung vào 4 nguyên tắc pháp lý cơ bản là tối huệ quốc, đối xử quốc gia, mở cửa thị trường và cạnh tranh công bằng; và các khái niệm, thuật ngữ có liên quan đến bốn nguyên tắc này. Nhận thức và chuyển tải chính xác những nguyên tắc, khái niệm này là cơ sở để xử lý các vấn đề cụ thể.

Trước hết cần phải khẳng định khái niệm “thương mại" trong khuôn khổ WTO được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, và một số biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại.[130]

Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) được quy định tại Điều 1 GATT, Điều 2 GATS và Điều 4 TRIPS. Theo MFN, một nước dành cho một nước thành viên một sự đối xử ưu đãi nào đó thì nước này cũng sẽ phải dành sự ưu đãi đó cho lất cả các nước thành viên khác. Mặc dù được coi là "hòn đá tảng" trong hệ thống thương mại đa phương, GATT 1947 và WTO vẫn quy định một số ngoại lệ[131] và miễn trừ[132] đối với nguyên tắc MFN. Ngoài Điều I nêu trên, GATT 1994 còn có các điều khoản khác về MFN như quy định liên quan đến số lượng hàng hoá nội địa (Điều III khoản 7); phim ảnh nghệ thuật (Điều IV(b)); quá cảnh hàng hoá (Điều V, Khoản 5,6); nhãn hiệu xuất xứ hàng hoá (Điền IX khoản l); hạn chế về số lượng hàng hoá (Điều XIII khoản l); doanh nghiệp thương mại nhà nước (Điều XVII khoản l); và các biện pháp cần thiết đối với việc nhập khẩu và phân phối các loại hàng hoá khan hiếm (Điều XX mục j).

Đối xử quốc gia (NT) được quy định tại Điều III của GATT, Điều 17 GATS và Điều 3 TRIPS. Để hiểu rõ bản chất của NT, cần phân tích nguyên tắc này trong mối tương quan với MFN. MFN có lẽ chỉ đơn thuần là quy định chống phân biệt đối xử, không quy định các vấn đề khác liên quan đến thương mại và cũng không ngăn cấm chính sách bảo hộ chung đối với các ngành sản xuất công nghiệp trong nước. Việc hoàn toàn cắm nhập khẩu không vi phạm nghĩa vụ theo MFN, bởi lẽ, dù bị thua thiệt, các nhà xuất khẩu nước ngoài đều được đối xử như nhau. Vì vậy, GATT cần có những quy định hạn chế các biện pháp mà Chính phủ các nước thành viên có thể sử dụng để trợ giúp các nhà sản xuất trong nước của họ. Có thề xử lý việc này theo hai cách. Cách thứ nhất, theo Điều XI, trừ một số trường hợp ngoại lệ, còn lại không được duy trì biện pháp cấm đoán hoặc hạn chế nào ngoài thuế quan, thuế hoặc phí nội địa, bất kể có thông qua hạn ngạch, giấy phép hoặc các biện pháp khác huy không, đối với xuất nhập khẩu hùng hoá. Cách thứ hai là theo NT tại điều III, các loại hàng hoá nhập khẩu phải được ưu đãi về mặt pháp luật và thuế nội địa như đối với hàng sản xuất trong nước thông qua thuế suất. Nếu không có Điều III thì có lẽ nhiều nước đã dễ đàng ra các quy định làm tăng thêm chi phí đối với hàng nhập khẩu và làm giảm giá trị các biểu thuế suất cố định đã áp dụng từ trước. Trong khuôn khổ WTO, nguyên tác NT chỉ áp dụng đối với hàng hoá, địch vụ, các quyền sở hữu trí tuệ, chưa áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân.[133]

Bản chất của MFN và NT là việc quy định chỉ được phép áp dụng các biện pháp đặc biệt hoặc các biện pháp bảo hộ mậu dịch nếu các biện pháp này được thực hiện thông qua công cụ dễ nhận biết là thuế suất. Thuế suất có thể được giảm dần thông qua đàm phán, cùng nhân nhượng trên cơ sở có đi có lại. Mặc dù “có đi có lại” không phải là nguyên tắc được thể hiện rõ trong WTO, nguyên tác này là cơ sở quan trọng cho hoạt động của  GATT/WTO.[134]

MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG

Là việc mở cửa thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và đầu tư nước ngoài. Về mặt pháp lý, đây là nghĩa vụ có tính chất ràng buộc thực hiện những cam kết về thở cửa thị trường mà một nước đã chấp thuận trong thời gian đàm phán. Thực chất của mở cửa thị trường là đàm phán và quy định thuế suất cho từng thời kỳ; kể từ GATT 1947 đến nay, WTO đã qua 8 vòng đàm phán để giảm thiểu, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế và mở cửa thị trường.[135] Điều XXVIII của GATT (Sửa đổi các biểu thuế suất) cho phép các nước thành viên sửa đổi các biểu thuế suất ba năm một lần, nhưng phải đảm bảo có sự đền bù thoả đáng. Đây là van an toàn cho các nước có ý định điều chỉnh lại các biểu thuế đã cam kết trước đây.

CẠNH TRANH CÔNG BẰNG

“Cạnh tranh công bằng" là thước đo để áp đụng hành vi như trợ cấp, tự vệ, đối kháng và xừ lý vấn đề chống bán phá giá. Về nội dung pháp lý, cạnh tranh công bằng trong thương mại nói chung được hiểu là kết quả sản xuất, kinh doanh phải dựa trên đầu tư đích thực của nhà sản xuất; nhà sản xuất không được hưởng điều kiện ưu đãi nào từ phía chính phủ; có nghĩa là các điều kiện sản xuất kinh doanh, kể cả những quy định về chính sách và pháp lý, phải bình đẳng.[136] Các quy định của GATT áp dụng đối với hai loại hình thương mại không công bằng là hàng xuất khẩu được hưởng lợi từ trợ cấp và hàng xuất khẩu được bán phá giá trên thị trường nước ngoài.[137]

Một trong những biện pháp ảnh hưởng đến cạnh tranh công bằng là việc bán phá giá được quy định tại Điều VI của GATT. Bán phá giá là việc làm không công bằng khi hàng xuất khẩu được bán với giá thấp hơn so với giá thị trường trong nước. Điều VI của GATT cho phép áp dụng tăng thuế quan nếu việc bán hàng phá giá gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại vật chất đốt với sản xuất công nghiệp trong nước. Nhiều nước áp dụng biện pháp trợ cấp cho các ngành sản xuất hàng hoá nội địa để hạ mặt bằng giá cả chung (tạo điều kiện để có khả năng cạnh tranh về giá). Điều VI cho phép áp dụng các loại thuế đối kháng để chống lại trợ cấp trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe doạ thiệt hại về vật chất.

Trợ cấp cũng là hành vi thương mại ảnh hưởng đến cạnh tranh công bằng.[138] GATT quy định các loại trợ cấp đèn đỏ (bị cấm hoàn toàn); trợ cấp đèn vàng (không bị cấm nhưng có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng); và trợ cấp đèn xanh (không bị cấm, không phải là đối tượng của các biện pháp đối kháng). Các chương trình đóng góp của Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các chương trình kinh tế xã hội lớn có ảnh hưởng chung đến toàn bộ nền kinh tế mà một ngành kinh tế riêng biệt được hưởng trong khuôn khổ chung không rơi vào định nghĩa “trợ cấp” tại Điều 1 Hiệp định trợ cấp. Trợ cấp bảo vệ môi trường cũng như những thuận lợi về giá cả do tiêu chuẩn môi trường thấp không thuộc đối tượng bị áp dụng thuế đối kháng.[139]

Ngoài những nguyên tắc cơ bản, khái niệm và thuật ngữ nêu trên, các hiệp định WTO còn sử dụng các khái niệm, thuật ngữ có nội dung gắn với từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, trong thương mại hàng hoá, có khái niệm "định giá hải quan" làm cơ sở tính thuế hàng nhập khẩu. Thuật ngữ "kiểm tra hàng hoá trước khi xuống tàu” được hiểu là tất cả các hoạt động kiểm tra chất lượng, số lượng hàng hoá, giá cả và cả tỉ giá ngoại tệ, các điều kiện xuất nhập khẩu, tài chính, phân loại hàng hoá vào đúng hạng mục thuế quan. Các khái niệm "cấp phép tự động" và “cấp phép không tự động" được dùng trong Hiệp định về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu .

Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS) dung các khái niệm như “yêu cầu tỉ lệ nội địa hoá", “yêu cầu về xuất khẩu”, “yêu cầu về cân bằng mậu dịch”, “yêu cầu tiêu thụ nội địa”, “hạn chế chuyển, giao dịch ngoại hối”, “hạn chế sản xuất”, “yêu cầu sản phẩm chỉ định", "yêu cầu cấp giấy phép", “yêu cầu chuyển giao công nghệ” và “yêu cầu về tỉ lệ cổ phần trong nước".

Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS) quy định 04 phương thức cung cấp dịch vụ; nhấn mạnh nguyên tắc minh bạch và công khai; xác định phạm vi áp dụng của nguyên tắc NT trong thương mại dịch vụ. Tiếp cận thị trường thép GATS có liên quan đến 04 phương thức cung cấp dịch vụ; mỗi thành viên cần dành cho các dịch vụ và những người cung cấp dịch vụ của thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử đã được quy định trong việc áp dụng các thể thức, giới hạn và các điều kiện thoả thuận và nêu cụ thể trong cam kết của mình. GATS sử dụng các khái niệm như "độc quyền" và "đặc quyền" cung cấp dịch vụ.

Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) sử dụng các khái niệm, thuật ngữ có nội dung đặc thù như "nhãn hiệu hàng hoá", “quyền kinh tế”, “quyền đạo đức”, “quyền liên quan”, "thiết kế bố trí mạch tích hợp", “các biện pháp tạm thời đối với hàng nhập khẩu”.

c) Nhận xét

Qua phân tích ở phần 2 có thể nêu một số nhận xét bước đầu về tính chất pháp lý của các hiệp định WTO và những điểm chung về các khái niệm, thuật ngữ cơ bản được dùng trong khuôn khổ hệ thống này. Một là,. tính chất công pháp của các quy định WTO được biểu hiện ở chỗ việc vi phạm các quy định làm phát sinh nghĩa vụ quốc gia. Mặc dù mọi tranh chấp đều xuất phát từ các doanh nghiệp, và doanh nghiệp là người trực tiếp chịu thiệt hại, nhưng quá trình kiện tụng, tố tụng phải thông qua kênh chính phủ. Hai là, chế tài của WTO áp dụng đối với nước vi phạm khá hiệu quả, với thời gian tuân thủ nghiêm ngặt và tính linh hoạt cho phép chọn các lĩnh vực khác nhau để áp dụng chế tài. Nếu không có cơ chế trong nước hữu hiệu và đặt vấn đề nghiêm túc về chuyển hoá để thực hiện nghĩa vụ thì hậu quả xảy ra là không tránh khỏi. Ba là, các thuật ngữ, khái niệm dùng trong WTOcó quá trình hình thành và phát triển lâu dài, có quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau, và có nội hàm rất phong phú. Khi tham gia và thực hiện các nghĩa vụ của WTO, nước thành viện không có cách nào khác ngoài việc phải chấp thuận về nội dung, ngữ nghĩa và ngụ ý về mặt pháp lý của các thuật ngữ, khái niệm này, mặc dù đây là những khái niệm, thuật ngữ khá phức tạp.

3. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CHUYỂN HOÁ CÁC QUY ĐỊNH WTO Ở MỘT SỐ NƯỚC

a) Một số vấn đề chung

WTO không quy định rõ mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ điều ước ở trong nước như thế nào mà lại dành quyền đó cho từng quốc gia với sự ngầm hiểu là điều ước quốc tế đương nhiên có hiệu lực ở từng quốc gia ký kết. Chẳng hạn, Điều XVI.4 Hiệp định thành lập WTO 1994 chỉ quy định chung là các nước thành viên có nghĩa vụ đảm bảo để các quy định pháp luật trong nước của mình, kể cả các thủ tục hành chính, phù hợp với nghĩa vụ được quy định trong các Hiệp định WTO. Điều VI của GATS cũng chỉ có yêu cầu là mỗi nước thành viên phải đảm bảo là mọi biện pháp có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ đều phải được áp dụng một cách hợp lý, khách quan, không thiên vị; các toà án tư pháp, trọng tài, hành chính và thủ tục tố tụng đều phải có cơ chế để xem xét, đánh giá, sửa chữa các quyết định hành chính sai trong lĩnh vực dịch vụ. Ở đây phát sinh vấn đề cách thức áp dụng các quy định của WTO Ở mỗi nước thành viên.

Nghiên cứu bước đầu cho thấy các nước có nền kinh tế thị trường theo các định chế kinh tế được thiết lập theo hệ thống Bretton Woods không đặt vấn đề chuyển hoá về mặt ngữ nghĩa các thuật ngữ WTO vào hệ thống pháp luật quốc gia của họ. Các vụ kiện trong khuôn khổ GATT có liên quan đến những quy định khác nhau của pháp luật quốc gia thường xoay quanh cách hiểu các quy định nói chung của GATT với tư cách là một tổng thể quy phạm hơn là xuất phát từ cách hiểu từng thuật ngữ, khái niệm riêng biệt. Chẳng hạn, điểm mấu chốt trong xung đột giữa Mỹ và Canada về việc Mỹ cấm nhập khẩu cá ngừ là xác định xem hành vi cấm nhập khẩu của Hoa Kỳ có vi phạm Điều XI:l, và có thuộc quy định của Điều XI:2 hoặc Điều XX(g) của GATT hay không.[140] Vụ tranh chấp giữa Canada và Hoa Kỳ về cá hồi chưa chế biến cũng xoay quanh vấn đề liệu các hạn chế xuất khẩu của Canada có hay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều XX(g).[141] Vụ hạn chế nhập khẩu và đánh thuế thuốc lá của Thái Lan cũng chỉ liên quan đến việc xác định hành vi hạn chế này có phù hợp với các điều XI:l, XI:2(c) và XX(b) của GATT.[142] Một số vấn đề tương tự cũng phát sinh trong các vụ kiện khác.[143]

Như vậy, phần còn lại phải xử lý liên quan đến việc chuyển hoá quy định của WTO, trong đó có các thuật ngữ, khái niệm, vào hệ thống pháp luật quốc gia, là quy định của các nước về hiệu lực và cách thức áp dụng các quy định của WTO. Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần điểm qua hai trường phái chủ yếu về chuyển hoá là nhị nguyên luận và nhất nguyên luận. Hệ nhị nguyên luận cho ràng pháp luật quốc tế và trong nước là hai hệ thống pháp luật tách biệt hẳn nhau và cùng tồn tại độc lập.[144] Theo cách hiểu này, quy phạm pháp luật quốc tế chỉ có hiệu lực ở pháp luật trong nước của một quốc gia nếu được chuyển hoá từ hệ thống pháp luật quốc tế vào trong nước bằng một hành vi mang tính quyền lực của quốc gia. Theo hệ nhất nguyên luận, pháp luật quốc tế và trong nước là một hệ thống pháp luật thống nhất trong đó các quy phạm pháp luật quốc tế có hiệu lực ưu tiên và có giá trị áp dụng trực tiếp ở mỗi quốc gia.[145] Mục (b) sau đây đề cập đến pháp luật và thực tiễn của một số nước.

b) Kinh nghiệm chuyển hoá quy định WTO của một số nứơc

TRUNG QUỐC

Mặc dù Hiến pháp Trung Quốc không quy định rõ trong trường hợp có mâu thuẫn giữa luật quốc gia và luật quốc tế thì hệ thống luật nào có hiệu lực cao hơn.[146] thực tế cho thấy các hiệp định WTO phải được chuyển hoá mới có hiệu lực ở Trung Quốc.[147] Trong quá trình chuẩn bị và sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã rà soát, bổ sung, sửa đổi một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, kể cả giải thích, hướng dẫn của toà án cho phù hợp với quy định của WTO. Đây chính là một hình thức chuyển hoá quy định của WTO dưới dạng ban hành các quy định cụ thể.[148]

NHẬT BẢN

Năm 1990, Toà án tối cao Nhật Bản xử vụ việc liên quan đến áp dụng các quy định của GATT. Người khởi kiện, một doanh nghiệp sản xuất cà vạt của Nhật Bản, cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản hạn chế nhập khẩu tơ tằm (nguyên liệu chính để sản xuất cà-vạt) là vi phạm quy định của GATT. Nguyên đơn cho rằng GATT được áp dụng trực tiếp ở Nhật Bản; đồng thời theo Điều 98 Hiến pháp Nhận Bản thì các quy phạm pháp luật quốc tế áp dụng trực tiếp có hiệu lực cao hơn quy định của pháp luật trong nước,[149] Toà sơ thẩm và phúc thẩm (1984, 1987) kết luận không thể áp dụng trực tiếp các quy định của GATT trong vụ kiện này; tuy nhiên lập luận của Toà thì lại không đủ sức thuyết phục,[150] Khi xem xét kháng cáo, Toà tối cao cũng chỉ khẳng định phán quyết của Toà cấp dưới mà không giải thích, lập luận gì thêm. Qua đây có thể thấy rằng toà án các cấp ở Nhật Bản vẫn chưa đủ tự tin để áp dụng trực tiếp các quy định của GATT, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản vẫn còn duy trì những hạn chế nhất định đối với thương mại quốc tế và trong trường hợp quy định của GATT có thể có hiệu lực cao hơn các văn bản pháp luật trong nước. Có thể nói, toà án các cấp ở Nhật Bản không muốn thực sự đối mặt với vấn đề nan giải này.[151]

HOA KỲ

Về nguyên tắc, các điều ước quốc tế về thương mại do Hoa Kỳ ký kết, không phụ thuộc và chủ thể ký kết (Tổng thống,[152] hay Quốc hội thông qua) đều trở thành pháp luật của Mỹ và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong trường hợp điều ước có mâu thuẫn với pháp luật trong nước của Hoa Kỳ (văn bản pháp luật do Quốc hội thông qua) thì chỉ có điều ước tự thi hành, tức là điều ước đã được chuyển hoá bằng một văn bản pháp luật của Quốc hội mới có hiệu lực ưu tiên.[153] Có điểm cần lưu ý là trong một số trường hợp cụ thể, có thể Hoa Kỳ công nhận điều ước quốc tế có hiệu lực trực tiếp trong hệ thống pháp luật quốc nội, nhưng pháp luật Hoa Kỳ không cho phép các bên tranh chấp là tự nhiên nhân và pháp nhân dẫn chiếu trực tiếp đến các điều khoản có liên quan của điều ước mà nước mình tham gia để bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức đó trước cơ quan giải quyết tranh chấp.[154]

Sau Vòng đàm phán Uruguay năm 1994, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật về Vòng đàm phán Uruguay 1994 - một hình thức chuyển hoá các cam kết của Hoa Kỳ trong WTO vào pháp luật trong nước.[155] Pháp luật Hoa Kỳ có quy định về “thủ tục nhanh”, theo đó, Quốc hội Hoa Kỳ xem xét thông qua văn bản luật (thường do Tổng thống đề xuất sau khi hoàn tất quá trình đàm phán hiệp định với nước ngoài) cho phép hay uỷ quyền cho Tổng thống chấp thuấn hiệp định đã được đề xuất.[156] Sau khi được Quốc hội thông qua và Tổng thống ký ban hành, văn bản pháp luật trong nước nêu trên trở thành cơ sở pháp lý để Tổng thống phê chuẩn điều ước quốc tế có liên quan.[157] Văn bản pháp luật này cũng có quy định là điều ước quốc tế có liên quan được chuyển hoá vào pháp luật trong nước và được thực hiện giống như quy phạm pháp luật trong nước. Tuy nhiên, liệu điều ước có liên quan có phải là một bộ phận của pháp luật quốc nội của Hoa Kỳ hay không lại là vấn đề khác mà bản chất phụ thuộc vào học thuyết của Hoa Kỳ về các điều ước quốc tế tự động thi hành. Thực tế cho thấy, các hiệp định thương mại của Hoa Kỳ từ năm 1979 đến nay ( cùng các văn bản pháp luật trong nước chuyển hoá các hiệp định đó) không thuộc nhóm những hiệp định tự thi hành, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ.[158] Kể cả trong trường hợp điều ước quốc tế không tự thi hành hoặc không có hiệu lực trực tiếp trong pháp luật trong nước thì điều đó vẫn có những ảnh hưởng lớn đối với pháp luật trong nước, đặc biệt là ảnh hưởng tới việc toà án trong nước giải thích và áp dụng pháp luật như thế nào.[159] Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất ở Hoa Kỳ là mặc dù các Báo cáo của cơ quan giải quyết tranh chấp WTO có nghĩa vụ bắt buộc đối với Hoà Kỳ và Hoa Kỳ phải chịu trả đũa thương mại nếu không tuân thủ các Báo cáo này vẫn không có hiệu lực trực tiếp ở hệ thống pháp luật trong nước các bang của Hoa kỳ; [160] hay nói cách khác, các Báo cáo này thuộc loại văn bản quốc tế không tự thi hành.[161]

LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Thực tiễn của EU về chuyển hoá cũng khá phức tạp,[162] Về vấn đề này, EU có xu hướng tách biệt các hiệp định trong khuôn khổ EU giữa các nước thành viên với nhau và ngoài khuôn khổ EU, tức là giữa EU với các nước thứ ba. Đối với các hiệp định trong khuôn khổ EU, hiệu lực áp dụng trực tiếp là điều kiện tiên quyết và yếu tố sống còn để duy trì Liên minh, trước hết là nhằm thực hiện mục tiêu liên minh hải quan và liên minh kinh tế- chính trị Châu Âu. Đối với các hiệp định ngoài EU thì tính cấp thiết của việc áp dụng trực tiếp ít hơn nhiều.[163]

Vấn đề hiệu lực trực tiếp của Hiệp định WTO trong hệ thống pháp luật Châu Âu được Toà án Cộng đồng Châu Âu giải thích chính thức trong án lệ vụ Groenten en Fruit (1972). Trong vụ này, ECJ cho rằng GATT không có hiệu lực trực tiếp trong hệ thống pháp luật Châu Âu.[164] Xu hướng chung cho thấy ECJ có ý lo ngại về hiệu lực pháp lý cao hơn của các quy định GATT và từ chối chấp nhận việc áp dụng trực tiếp quy định của GATT trong các vụ kiện có liên quan,[165] mặc dù trên thực tế ECJ có quyền phán quyết áp dụng trực tiếp.[166]

ANH, CANADA, ÚC

Pháp luật Anh quốc theo trường phái nhị nguyên luận.[167] Tuy có thể có những ảnh hưởng nhất định trong hệ thống pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế không có hiệu lực trực tiếp ở Anh.[168] Cơ quan lập pháp có quyền ban hành luật để chuyển hoá các quy định của điều ước quốc tế, mặc dù Nghị viện Anh không có quyền chính thức trong việc ký kết và phê chuẩn điều ước (quyền này thuộc Hoàng Gia Anh). Canada và Úc cũng theo trường phái nhị nguyên luận như của Anh, tức là đòi hỏi phải có chuyển hoá.[169]

CÁC NƯỚC KHÁC

Hà Lan, Pháp,[170] Bỉ, Thuỵ Sĩ và một số nước khác theo trường phái nhất nguyên có chọn lọc. Hiến pháp Hà Lan quy định một số điều ước quốc tế có hiệu lực trực tiếp và có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật trong nước, kể cả Hiện pháp.[171] Riêng đối với Pháp thì trừ một số điều ước quan trọng phải chuyển hoá bàng đạo luật[172] Hiến pháp quy định việc áp dụng trực tiếp và có hiệu lực cao hơn của điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước.[173]

c) Nhận xét

Pháp luật và thực tiễn thi hành các quy định WTO ở các nước khá đa dạng. Các nước có truyền thống pháp luật kinh tế - thương mại lâu đời thường tỏ ra khá thận trọng khi đặt vấn đề hiệu lực áp dụng trực tiếp của các quy định WTO. Về cơ bản, quy định của WTO cần được chuyển hoá vào pháp luật trong nước tại các nước này. Có thế chỉ cần một văn bản chuyển hoá chung, như ở Hoa Kỳ là Luật về Vòng đàm phán Uruguay 1994 sau khi nước này tham gia WTO. Thật ra, các nước không thực sự đặt vấn đề liệu quy định của WTO có hay không có hiệu lực nếu thiếu văn bản chuyển hoá; mà quan tâm nhiều hơn đến việc toà án có áp dụng trực tiếp quy định của WTO trong trường hợp có phát sinh tranh chấp hay không. Nhìn chung, để các bên tranh chấp có thể dẫn chiếu trực tiếp hay để toà án chấp thuận áp dụng, các quy định của WTO phải được chuyển hoá vào pháp luật trong nước.

Các nước không đặt vấn đề chuyển hoá ngữ nghĩa các thuật ngữ, khái niệm WTO vào pháp luật trong nước. Gần như có sự ngầm định và đương nhiên chấp thuận về nội dung và ngữ nghĩa của các thuật ngữ, khái niệm này; vấn đề chỉ phát sinh xoay quanh cách hiểu và áp đụng các điều khoản với tư cách là quy định chung của pháp luật WTO trong từng trường hợp cụ thể. Như vậy, sẽ không có trường hợp ngoại lệ cho việc một nước, vì lý do quy định pháp luật trong nước của mình, mở rộng hay làm hẹp đi cách hiểu về từng thuật ngữ, khái niệm của WTO vốn lâu nay vẫn được dùng và hiểu chung giữa các nước thành viên và trong thương mại quốc tế.

4. VẤN ĐỀ CHUYỂN HOÁ CÁC QUAN ĐIỂM, THUẬT NGỮ WTO VÀO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

a) Vị trí của điều ước quốc tế trong pháp luật Việt Nam và quan điểm chuyển hoá

Ở Việt Nam, vấn đề chuyển hoá các quy định pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia nói chung được quy định rõ ràng và giải quyết thoả đáng trong pháp luật cũng như trong thực tiễn. Qua nghiên cứu các quy định có liên quan đến quan hệ pháp luật quốc tế trong một số văn bản pháp luật trong nước có thể thấy về cơ bản, điều ước quốc tế của Việt Nam có vị trí thấp hơn Hiến pháp, nhưng cao hơn luật và văn bản dưới luật.[174] Pháp luật hiện hành của Việt nam có quy định giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập nhưng chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh phù hợp trong pháp luật Việt Nam. Cụ thể là, trong trường hợp điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành thì cơ quan đề xuất ký phải lấy ý kiến bộ ngành hữu quan và ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ tư pháp; văn bản thẩm định, ý kiến của các bộ, ngành hữu quan phải được trình Chính phủ xem xét và báo cáo UBTVQH cho ý kiến. UBTVQH báo cáo Quốc hội về ý kiến của mình tại kỳ họp gần nhất.[175]

Việc giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình và sau khi gia nhập WTO cần xuất phát từ nhận thức về vai trò đóng góp tích cực của công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tố đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, trong đó có pháp luật kinh tế, thương mại;[176] và quan điểm dần dần phải coi các điều ước quốc tế là một bộ phận không thể tách rời và có vị trí đặc biệt trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia.[177] Cũng cần phải ý thức rõ một thực tế là các nguyên tắc, thuật ngữ và khái niệm của WTO có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài gắn với lịch sử hình thành và phát triển các quan hệ kinh tế thương mại theo cơ chế thị trường tự do. Trong khi đó, Việt Nam mới bước đầu làm quen với các hoạt động thương mại theo cơ chế này. Cần có thời gian nhất định để xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật có đủ khả năng theo kịp và bao quát những vấn đề mới đối với Việt Nam. Với tình hình như vậy, không thể loại trừ khả năng chúng ta phải chuyển tải và áp dụng trực tiếp các khái niệm, thuật ngữ WTO vào hệ thống pháp luật của mình.

b) Chuyển hoá các quan điểm, thuật ngữ WTO

Các hiệp định WTO điều chỉnh các quan hệ thương mại. Thuật ngữ “thương mại" trong khuôn khổ tổ chức này được hiểu theo theo nghĩa rộng; cụ thể, như chúng la thấy hiện nay, là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, và các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại. Nội hàm "thương mại" dung trong WTO chính là những nội hàm được nêu trong định nghĩa "thương mại” của Luật mẫu UNCITRAL.[178] Các hành vi thương mại trong Luật Thương mại hiện hành của Việt Nam hẹp hơn nhiều so với định nghĩa này.[179] Khi gia nhập Công ước New York 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài, chúng ta đã bảo lưu điều khoản về phạm vi hoạt động thương mại để phù hợp với cách hiểu khái niệm thương mại theo nghĩa hẹp trong pháp luật Việt Nam.[180]

Mặc dù Luật thương mại với định nghĩa hoài động thương mại theo nghĩa hẹp chưa được bổ sung, sửa đổi, trên thực tế Việt Nam đã và đang chuyển tải khái niệm thương mại theo nghĩa rộng vào các văn bản ban hành gần đây.[181] Cụ thể, Pháp lệnh Trọng tài ngày 25-3-2003 (có hiệu lực 1-7-2003) quy định nội hàm khái niệm hoạt động thương mại rộng hơn, phù hợp với khái niệm hoạt động thương mại tại Luật mẫu UNCITRAL cũng như luật trọng tài của một số nước.[182]

          Cùng với việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ - một điều ước với những quy phạm dựa trên chuẩn mực WTO – chúng ta đã chuyển hoá khái niệm thương mại theo nghĩa rộng vào pháp luật trong nước ít nhất là liên quan đến quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.[183] Thực tế thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cho thấy chúng ta đã và đang tiếp cận vấn đề phức tạp này đúng hướng. Quá trình chuyển hoá Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được thực hiện nhanh chóng, chặt chẽ. Cơ sở pháp lý đầu tiên là Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định, [184] trong đó có quy định về những việc cần tiến hành trong nước để thực hiện Hiệp định, bao gồm cả Kế hoạch tổng thể thực hiện Hịêp định. [185] Như vậy, ở tầm tổng thể, Hịêp định đã trở thành một bộ phận của pháp luật Việt Nam sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát của Bộ Tư pháp với đề xuất bổ sung, sửa đổi hàng loạt văn bản[186] chỉ là hành vi cụ thể hoá để thi hành chứ không phải để khẳng định lại hiệu lực pháp lý của Hiệp định, bởi lẽ Hiệp định đã có giá trị thi hành trong nước ở Việt Nam.

Về MFN và NT, Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế đã đưa những nội dung cơ bản của hai khái niệm mang tính chất nền tảng này của WTO vào pháp luật Việt Nam.[187] Pháp lệnh xác định nội dung các khái niệm đối xử MFN và NT trong thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, quan hệ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ; quy định đối tượng, phạm vi áp dụng MFN và NT, ngoại lệ áp dụng của 2 nguyên tắc này. Ngoài ra, Pháp lệnh còn khẳng định nguyên tắc áp dụng MFN và NT theo các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Như vậy, có thể nói Pháp lệnh đã chuyển hoá toàn bộ cả nội hàm cũng như ngữ nghĩa của MFN và NT vào pháp luật Việt Nam.

Các trường hợp áp dụng MFN theo quy định của Pháp lệnh: 1) Khi pháp luật Việt Nam có quy định áp dụng; 2) Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng đối xử tối huệ quốc; 3) Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thực tế đã áp dụng đối xử tối huệ quốc đối với Việt Nam (có đi có lại); 4) Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.[188] Phạm vi áp dụng MFN gồm thương mại hàng hoá (Điều 7); thương mại địch vụ (Điều 9); quan hệ đầu tư (Điều 11); quyền sở hữu trí tuệ (Điều 13). Điều 15 quy định 4 trường hợp áp dụng NT (một phần hay toàn bộ): l) theo quy định của pháp luật Việt Nam; 2) theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; 3) có di có lại (quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã áp dụng NT đối với Việt Nam; 4) các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Về phạm vi áp dụng NT, điểm cần chú ý là Điều 16 khẳng định việc tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Việc chuyển hoá phức tạp hơn nhiều khi đi cụ thể vào các thuật ngữ, khái niệm chuyên ngành trong WTO. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cần phân biệt các khái niệm "nhãn hiệu hàng hoá" và “thương hiệu”. Theo Hiệp định TRIPS, “nhãn hiệu hàng hoá" là bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc địch vụ của doanh nghiệp này với hàng hoá hoặc dịch vụcủa doanh nghiệp khác.[189] “nhãn hiệu hàng hoá" là đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi bảo vệ của TRIPS và pháp luật quốc gia còn "thương hiệu” không phải là đối tượng sở hữu công nghiệp nói riêng, đối tượng sờ hữu trí tuệ nói chung.[190] Ngoài nhãn hiệu hàng hoá với nội dung định nghĩa nêu trên, TRIPS còn bảo hộ 06 đối tượng sở hữu trí tuệ khác như quyền tác giả và các quyền có liên quan, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật.[191] Trong quá trình chuyển hoá, quy định cụ thể các khái niệm sở hữu trí tuệ trong pháp luật Việt Nam cần lưu ý là hiện nay các thuật ngũ "nhãn hiệu hàng hoá" và "thương hiệu” chưa được phân biệt rõ ràng và còn nhiều cách hiểu khác nhau; do đó, bên cạnh quy định về nhãn hiệu hàng hoá, pháp luật dãn sự, thương mại nên quy định rõ thương hiệu là gì, gồm những dấu hiệu nào.[192] trước hết cần chuyển hoá đủ 07 đối tượng sở hữu trí tuệ nêu trong TRIP vào pháp luật Việt Nam. Ngoài ra cần chú ý mối liên hệ giữa TRIPS và các công cụ pháp lý quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.[193] Thực chất của quá trình mở cửa thị trường để giảm thuế quan góp phần tự do hoá thương mại. Đặc thù của Hiệp định về thuế là luôn luôn có hiệu lực cao hơn nội luật;[194] nhưng việc chuyển hoá gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt khá lớn giữa quy định của nội luật với quy định của hiệp định.[195] Có thể nói, các quy định của WTO về thuế quan xem như được áp dụng trực tiếp trong pháp luật Việt Nam, bởi lẽ có hay không có hành vi chuyển hoá hầu như không có ý nghĩa thực tế trong trưng hợp áp dụng mức thuế đã cam kết.

Liên quan đến cạnh tranh công bằng, Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH 10 ngày 25-5-2002 của UBTVQH về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam có định nghĩa một số khái niệm như “nhập khẩu hàng hoá quá mức", “thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước", “đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước". "ngành sản xuất trong nước". "hàng hoá tương tự", "hàng hoá cạnh tranh trực tiếp". Đây là những thuật ngữ, khái niệm được đưa trực tiếp vào pháp luật Việt Nam từ những quy định có liên quan của WTO.

5. KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

WTO dành toàn quyền cho các nước thành viên quy định phương thức thực hiện nghĩa vụ của tổ chức này ở mỗi quốc gia. Thực tiễn áp dụng trực tiếp hay chuyển hoá quy phạm điều ước quốc tế của các quốc gia, trong đó có quy định của pháp luật thương mại quốc tế trong hệ thống WTO, khá phức tạp và thiếu nhất quán. Có điều dễ nhận thấy là xu hướng kết hợp cả hai trường phải nhất nguyên luận và nhị nguyên luận trong việc xử lý những vấn đề cụ thể có chiều hướng tăng. Việc tính toán, cân nhắc lựa chọn phương thức áp dụng quy định của WTO ở mỗi nước cần căn cứ vào tiềm lực kinh tế của mỗi nước và thực trạng hệ thống pháp luật và tư pháp của nước đó. Có thể nói, những nước có điều kiện kinh tố và pháp luật phát triển tự tin hơn nhiều trong việc cho phép áp dụng hay không áp dụng trực tiếp các quy định của WTO.

GATT/WTO với hệ thống thiết chế và thể chế, lịch trình giảm thuế quan, cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu và các chế tài có hiệu lực thực thi cao tương tự như hệ thống quốc nội, đã tồn tại và phát triển trong thời gian gần 60 năm. Có một điều mà có lẽ không phải ai cũng để ý rằng hầu hết các văn bản pháp luật trong nước về xuất nhập khẩu ơt hầu hết các nước trên thế giới đều được soạn thảo, ban hành theo cách này hay cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác dưới ảnh hưởng, hoặc theo quy định của các hiệp định GATT/WTO hay các văn bản có liên quan, của hệ các hiệp định này.[196] Như vậy, không phụ thuộc vào việc một quốc gia theo thuyết phải chuyển hoá hay không chuyển hoá, quy định của GATT/WTO đã và đang tiếp tục hiện diện trong hệ thống pháp luật quốc gia của các nước thành viên. Việt Nam đang trong quá trình rà soát và hoàn thiện pháp luật để gia nhập WTO cũng như tham gia và thực hiện các cam kết khu vực và song phương về kinh tế -thương mại. Vấn đề đặt ra là liệu có phải lất cả các công cụ pháp lý quốc tố, trong đó có các công ước về thương mại quốc tế nói chung và WTO nói riêng mà Việt Nam tham gia, đều phải được chuyển hoá vào pháp luật trong nước của Việt Nam bằng một hành vi pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền? Chẳng hạn, nếu Việt Nam tham gia WTO thì để các văn bản của tổ chức này có hiệu lực trong pháp luật Việt Nam, cần phải có một văn bản, như luật do Quốc hội ban hành về WTO thì văn bản của WTO mới có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam? Theo chúng tôi, một văn bản chung như kiểu Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là cần thiết, nhưng không nhất thiết cứ phải có tất cả các quy định cụ thể trong nước thì mới áp dụng các quy định có liên quan trong hàng loạt các lĩnh vực cụ thể của WTO. Cơ quan lập pháp sẽ không có đủ thời gian để chuyển hoá chi tiết được hết thảy các điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc tham gia. Hơn nữa về nguyên tắc, điều ước quốc tế chỉ có hiệu lực đối với bên ký kết, tham gia; còn pháp luật thì về nguyên tắc có hiệu lực đối với tất cả các chủ thể pháp luật nằm dưới quyền tài phán quốc gia. Đối với Việt Nam, điều cần thiết và quan trọng là phải thống nhất quan niệm về vấn đề chuyển hoá; có nghĩa là không thể hiểu vấn đề “chuyển hoá" theo nghĩa cơ học, tức là ban hành văn bản pháp luật trong nước nhắc lại hoặc liệt kê lại nội dung các hiệp định WTO. Cần có cách hiểu và tiếp cận mềm dẻo và linh hoạt hơn đối với vấn đề chuyển hoá theo hướng toát lên yêu cầu cần thiết là Việt Nam phải thực hiện tốt các điều ước quốc tế đã tham gia, ký kếl,[197] trong đó có các hiệp định WTO.

Một mô hình thích hợp cho điều kiện, hoàn cảnh của nước ta phải tính đến bối cảnh nhu cầu gia nhập các công cụ pháp lý quốc tế trong lĩnh vực này ngày càng nhiều trong khi đó chúng ta lại chưa có một hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường tự do có bề dày truyền thống như các nước. Để áp dụng và thực thi một cách kịp thời các quy định của WTO nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, không loại trừ khả năng chúng ta phải chấp nhận nội hàm và ngữ nghĩa của các khái niệm, thuật ngữ vốn vẫn thường được dùng Ở phạm vi quốc tế nhưng chưa được quy định hoặc đã được quy định nhưng nghe còn chưa quên ở nước ta. Thực tế ban hành một số văn bản phục vụ quá trình hội nhập được phân tích tại phần 4 của Bài viết này cho thấy xu hướng bê nguyên cả nội hàm và tên gọi của các thuật ngữ, khái niệm WTO vào pháp luật trong nước của Việt Nam.

Việt Nam mới chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường được một thời gian ngắn, tiềm lực kinh tế có hạn, hệ thống pháp luật và các quy định hành chính còn đang trong quá trình hoàn thiện. kinh nghiệm thương trường còn ít. Nhiều thuật ngữ, khái niệm của WTO với lịch sử hình thành, phát triển và áp dụng trong một thời gian dài, còn rất mới đối với chúng ta kể cả về nội dung cũng như cách diễn đạt trong tiếng Việt. Nên chăng, đối với những hiệp định có nội dung quy định rõ về quyền và nghĩa vụ quốc gia ký kết thì nên có hiệu lực thi hành trực tiếp tại Việt Nam sau khi hoàn thiện thủ tục và có hiệu lực; ngược lại, nếu nội dung còn chung, không quy định rõ quyền, nghĩa vụ thì chuyển hoá, hay cụ thể hoá đề thi hành.[198] Một khi chúng ta đã chấp nhận hiệu lực pháp lý của các văn bản chung thì đương nhiên phải chấp nhặn nội hàm cũng như ngữ nghĩa của các khái niệm, thuật ngữ trong văn bản chung ấy, không phụ thuộc vào việc chúng đã được quy định cụ thể trong pháp luật trong nước hay chưa./

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC VĂN BẢN ĐÃ RÀ SOÁT,

ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BAN HÀNH MỚI

            

                            PHẦN I: DANH MỤC VĂN BẢN ĐÃ RÀ SOÁT

 

                                                VĂN BẢN LUẬT

 

1. Luật Cạnh tranh năm 2004

2. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004

3. Luật An ninh Quốc gia năm 2004

4. Luật Khiếu nại tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2004

5. Luật Thanh tra năm 2004

6. Luật phá sản năm 2004

7. Luật các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung năm 2004

8. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004

9. Luật Xây dựng năm 2004;

10. Luật Ngân hàng nhà nước và Luật sửa đổi năm 2003;

11. Luật Kế toán năm 2003;

12. Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật sửa đổi năm 2003

13. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi bổ sung năm 2003.

14. Luật Thủy sản năm 2003

15. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003.

16. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1998

17. Luật Đầu tư nước ngoài và Luật sửa đổi năm 2000;

18. Luật Lao động và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2002;

19. Luật Thương mại năm 1998;

20. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi bổ sung năm 2002

21. Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003

22. Luật doanh nghiệp năm 2000

23. Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998

24. Bộ luật Dân sự năm 1995

25. Bộ luật Hình sự năm 1999

26. Luật Hải quan năm 2001

27. Luật Hợp tác xã năm 2004

28. Luật Đất đai năm 1998 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2003

29. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000;

30. Luật giáo dục năm 1998;

31. Luật Khoa học công nghệ năm 2000;

32. Luật tổ chức Quốc hội năm 2001

33. Luật tổ chức Chính phủ năm 2001

34. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân năm 2003

35. Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002

36. Luật Tổ chức Viện kiểm soát nhân dân năm 2002

37. Luật Thống kê năm 2004

38. Luật Dầu khí năm 1993 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2000

39. Luật Xuất bản

 

 

 

                                      PHÁP LỆNH

 

1.   Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004

2.   Pháp lệnh Chống bán phá giá năm 2004

3.   Pháp lệnh về Giống cây trồng ngày năm 2004

4.   Pháp lệnh về Giống vật nuôi ngày năm 2004

5.   Pháp lệnh Thú y ( sửa đổi) năm 2004.

6.   Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân 2003;

7.   Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003.

8.   Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

9.   Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002;

10. Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam năm 2002.

11. Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002.

12. Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002

13. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Pháp lệnh sửa đổi

14. Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001.

15. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001

16. Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001;

17. Pháp lệnh chất lượng hàng hoá năm 1999       

18. Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài    tại Việt Nam năm 2000;

19. Pháp lệnh Du lịch năm 1999;

20. Pháp lệnh về giá năm

21. Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm

22. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm

 

             NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 

1. Nghị quyết số 35/2004/QH11 ngày 25/11/2004 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005

2. Nghị quyết số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2005

3.  Nghị quyết số 399/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 19/6/2003 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung biểu thuế theo danh mục nhóm hàng chịu thuế nhập khẩu.

4. Nghị quyết số 63/1998/NQ-UBTVQH11 ngày 10/10/1998 của Quốc hội ban hành Biểu thuế nhập khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế.

 

                                                NGHỊ QUYẾT

1.     Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần

2.     Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước

3.     Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 20/10/2004 của Chính phủ về việc quy định quản lý nhà nước về chất lượng, sản phẩm hàng hoá

4.     Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 20/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

5.     Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Pháp lệnhvệ sinh an toàn thực phẩm;

6.     Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn thông;

7.     Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ;

8.     Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính;

9.     Nghị định số 152/2004/NĐ-CP ngày 6/8/2004 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 164/2003/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

10.   Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 ngày 23/7/2004 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung khoản 1 điều 7 Nghị định 158/2003/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng

11.   Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

12.   Nghị định số 125/2004/NĐ-CP ngày 19/5/2004 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị luận số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp

13.   Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập;

14.   Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo CHXNHCN Việt Nam

15.   Nghị định số 40/2004/NĐ-CP 13/02/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê.

16.   Nghị định số 165/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giáo dục về quản lý hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục

17.   Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bưu chính viễn thông về tần số vô tuyến điện;

18.   Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

19.   Nghị định số 25/2004/NĐ-CP ngày 15/1/2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại

20.   Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh;

21.   Nghị định số 125/2003/NĐ-CP ngày 29/10/2003 của Chính phủ về vận tải đa phương thức quốc tế;

22.   Nghị định 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ vầ hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

23.   Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

24.   Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài và làm việc tại Việt Nam;

25.   Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế có giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.

26.   Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ngày 15/4/2003 của Chính phủ về việc chuyển đổi một số doanh nghịêp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

27.   Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

28.   Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ kiểm dịch thực vật.

29.   Nghị định số 78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục hang hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho các năm 2003-2006.

30.   Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

31.   Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghịêp năm 2003.

32.   Nghị định số 159/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ về cung ứng và sử dụng séc.

33.   Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị đính số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/05/2000 của Chính phủ.

34.   Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo.

35.   Nghị định số 103/2003/NĐ-CP ngày 12/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân.

36.   Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về Giá.

37.   Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 02/05/2003 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghịêp đối với thiết kế bố trí mạch thích hợp bán dẫn.

38.   Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút.

39.   Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06/06/2002 quy định về việc xác định giá trị tính thuế với hang hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hịêp định chung về thuế quan và thương mại.

40.   Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/02/2002 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN cho các năm 2002.

41.   Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Danh mục thực vật rừng, động vật quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ.

42.   Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 22/1/2002 của Chính phủ quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh các loại động vật và thựuc vật hoang dã.

43.   Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 của Chính phụ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí.

44.   Nghị định số 64/2002 ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghịêp Nhà nước thành công ty cổ phần

45.   Nghị định số 69/2002 ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý tồn đọng đối với doanh nghịêp nhà nước.

46.   Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính;

47.   Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học công nghệ;

48.   Nghị định 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/1998 ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

49.   Nghị định số 06/2002/NĐ-CP ngày 14/01/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh đo lường.

50.   Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng

51.   Nghị định số 50/2002/NĐ-CP ngày 25/4/2002 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch;

52.   Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Bưu chính viễn thông.

53.   Nghị định số 62/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/6/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/1999/NĐ-CP ngày 07/08/1999 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật khiếu nại, tố cáo.

54.   Nghị định số 88/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ về quản lý xuất, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

55.   Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.

56.   Nghị định số 05/2001/NĐ-CP ngày sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối;

57.   Nghị định số 76/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá

58.   Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

59.   Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày 16/11/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản.

60.   Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ sửa đồi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài.

61.   Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.

62.   Nghị định số 71/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001 của Chính phủ về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê;

63.   Nghị định số 91/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2001 về điều kiện kinh doanh một số ngành, nghề giao thông vận tải thuỷ nội địa;

64.   Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 5/11/2001 của Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam;

65.   Nghị định số 10/2001/NĐ-CP ngày 19/3/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải;

66.   Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

67.   Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghịêp môi giới bảo hiểm;

68.   Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính;

69.   Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp

70.   Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin

71.   Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 23/12/2001 quy định phạm vi điều tra hoạt động hải quan, quan hệ phối hợp trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hang hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

72.   Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/04/2001 của Chính phủ về bảo hộ giống cây trồng mới

73.   Nghị định số 72/2000/NĐ-CP ngày 5/12/2000 của Chính phủ về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài

74.   Nghị định số 39/2000/NĐ-CP ngày 24/8/2000 của Chính phủ về cơ sở lưu trú du lịch;

75.   Nghị định số 54/CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh lien quan tới sở hữu công nghiệp

76.   Nghị định số43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ quy địnhchi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục

77.   Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

78.   Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06/03/2000 của Chính phủ về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục

79.   Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 88/1999/NĐ-Chính phủ ngày 01/9/1999 về việc ban hành qui chế đấu thầu;

80.   Nghị định số 26/2000/NĐ-CP ngày 03/8/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/1995/NĐ-CP ngày 17/7/1995 về tổ chức và hoạt động điện ảnh;

81.   Nghị định số 20/1999/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh giám định hàng hoá

82.   Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/09/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghịêp Nhà nước.

83.   Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 3/3/1999 của Chính phủ quy định danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, danh mục hang hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện;

84.   Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 03/12/1999 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/CP ngày 3/10/1996 về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ;

85.   Nghị định số 13/ 1999/NĐ-CP ngày 17/3/1999 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam;

86.   Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đấu thầu;

87.   Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, Tố cáo;

88.   Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06-03-1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

89.   Nghị đinh 178/NĐ-CP ngày 19/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng;

90.   Nghị đinh số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối;

91.   Nghị định số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 1998.

92.   Nghị định số 57/CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và địa lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;

93.   Nghị định số 60/CP ngày 06/06/1997 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nứơc ngoài

94.   Nghị định số 101/CP ngày 23/9/1997 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

95.   Nghị định số 58/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam;

96.   Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự

97.   Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.

98.   Nghị định 48/1995/NĐ-CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh;

99.   Nghị định số 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước chất lượng hàng hoá

100. Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chỉnh phủ về việc mở cửa hang đại lý, băng hình và quản lý bản quyền băng hình

101. Nghị định số 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ thi hành chi tiết Luật Thuế XNK

 

QUYẾT ĐỊNH, CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

1.          Quyết định số 46/2005/QĐ-TTg ngày 3/3/2005 của Thủ tướng chính phủ về việc điều chỉnh danh mục hàng nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan

2.          Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 2/3/2005 của Thủ tướng Chinbhs phủ ban hành quy chế về cấp phép nhập khẩu hang hoá

3.          Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg ngày 09/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hang nhập khẩu tại Việt nam

4.          Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/11/2003 về quản lý buôn bàn hang hoá qua biên giới với các nước có chung đường biên giới.

5.          Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/07/2003 về tỷ lệ tham gia của Bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

6.          Quyết định số 36/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/03/2003 về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt nam.

7.          Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/06/2003 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam .

8.          Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/2001 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hang hoá thời kỳ 2001-2005

9.          Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9/1999 về việc lập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

10.      Quyết định số145/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày28/6/1999 về ban hành Qui chế bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài;

11.      Quyết định số 453/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày28/5/1995 về việc phê chuẩn Công ước New york 1958.

12.      Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày27/10/1999 về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hang giả

 

 

 

VĂN BẢN CẤP BỘ

 

Thông tư

1.          Thông tư số 01/2004/TT/BYT ngày 06/01/2004 của Bộ y tế hướng dẫn hành nghề y, dược tư nhân;

2.          Thông tư lien tịch số 01/2004/TTLT-BVHTT-BYT ngày 12/01/2004 của Bộ Văn hoá thông tin và Bộ Y tế hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế;

3.          Thông tư số  04/2004/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2004 của Bộ lao động – thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

4.          Thông tư lien tịch số 01/2004/TTLT-BVHTT-BYT ngày 12/01/2004 của Bộ Văn hoá thông tin và Bộ Y tế hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế;

5.          Thông tư số 15/2004/TT-BTC ngày 19/3/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về Giá;

6.          Thông tư số 118/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 về việc xác định trị giá tính thuế hải quan.

7.          Thông tư số 09/2003/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 15/12/2003 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg ngày 9/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hang hoá nhập khẩu tại Việt Nam

8.          Thông tư số 76/2003/TT-BTC ngày 04/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về bảo hiểm trong đầu tư và xây dựng;

9.          Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;

10.      Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT/BTC-BNN & PTNT-BTS ngày 14/3/2003 của Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Thuỷ sản hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thuỷ sản;

11.      Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.

12.      Thông tư số 05/2003/TT-NHNN ngày 24/2/2003 của Ngân hang nhà nước hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hang thương mại nhà nước.

13.      Thông tư số 06/2003/TT-BTP ngày 28/10/2003 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

14.      Thông tư số 73/2003/TT-BTC ngày 31/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam;

15.      Thông tư số 121/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003 về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam;

16.      Thông tư lien tịch số 04/2003/TTLT-BVHTT-BXD ngày 24/1/2003 của Bộ Văn hoá thông tin, Bộ xây dựng về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc.

17.      Thông tư liên tịch số 55/2003/TTLT-BVHTT-BTC hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan đối với hang hoá xuất nhập khẩu

18.      Thông tư số 29/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệpơ đối với kiểu dáng công nghiệp

19.      Thông tư số 30/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sang chế giải pháp hữu ích.

20.      Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 1/7/2003 của Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chi trả chế dộ nhuận bút, trích lập và sử dụng quỹ nhuận bút đối với một số loại hình tác phẩm

21.      Thông tư liên tịch số 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 17/10/2003 của Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan hải quan đối với hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu

22.      Thông tư số 107/2002/TT-BTC ngày 02/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch;

23.      Thông tư số 92/2002/TT-BTC ngày 18/10/2002 quy định chế dộ thu nộp và quản lý, sử dụng phí thẩm định, cung cấp thông tin, dịch vụ và lệ phí đăng ký, cấp, công bố, duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới

24.      Thông tư liên tịch số 04/2002/TTLT-BCA-BNG ngày 29/01/2002 của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

25.      Thông tư số 08/2002/TT-BTC ngày 23/1/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế NK theo hợp đồng mua bán ngoại thương.

26.      Thông tư số 36/2002/TT-BVHTT hướng dẫn thi hành Nghị định số 88/2002/NĐ-CP

27.      Thông tư số 72/2001/TT-BTC ngày 28/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 43/2001/NĐ-CP ngày 01/8/2001 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

28.      Thông tư số 04/2001/TT-NHNN ngày 18/5/2001 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;

29.      Thông tư số 01/2001/TT-TCDL ngày 27/01/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số39/2000/NĐ-CP ngày 24/8/2000 về cơ sở lưu trú du lịch;

30.      Thông tư liên tịch số 01/2001/TANĐTCVKSNTC-BVHTT ngày 5/12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hoá thông tin hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự trong việc qiải quyết các tranh chấp về quyền tác giả

31.      Thông tư số 04/2001/TT-TCBĐ ngày 20/11/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet;

32.      Thông tư số 102/2001/TT-KHCN ngày 26/10/2001 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế ghi nhãn hang hoá lưu thông trong nước và hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu đối với hang hoá lâm sản, hàng hoá chế biến từ lâm sản, hạt ngũ cốc và hạt nông sản các loại có báo gói.

33.      Thông tư số 62/2001/TT/BNN ngày 5/6/2001 của Bộ NN & PTNT hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hang hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 72/2001/TT-BNN ngày 9/7/2001)

34.      Thông tư liên tịch số 20/2000/TTLT-BTM-TCDL ngày 20/10/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/2000/NĐ-CP 6/9/2000 về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam;

35.      Thông tư số 53/2001/TT-BTC ngày 03/7/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y.

36.      Thông tư số 11/2001/TT-BTM ngày 18/4/2001 hướng dẫn cụ thế Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hang hoá thời kỳ 2001-2005

37.      Thông tư liên tịch số 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 2/10/2001 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan điều chỉnh, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000.

38.      Thông tư liên tịch số 772/2001/TTLT-TCĐC-NHNN ngày 21/05/2001 về hướng dẫn thủ tục thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tải sản gắn liền với đất của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng.

39.      Thông tư số 71/2001/TT-BTC ngày 28/8/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 42/2001/NĐ-CP;

40.      Thông tư liên tịch số 37/2001/TTLT-BKHCNMT-TCHQ ngày 28/6/2001 hướng dẫn thủ tục hải quản và kiểm tra chất lượng đối với hang hoá xuất nhập khẩu phẩi kiểm tra nhà nước về chất lượng.

41.      Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10/5/2001 của Bộ Văn hoá thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76 ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong BLDS

42.      Thông tư số 45/2001/TT-BKHCNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện khoản 3 Điều 16 Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/4/1999 của chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá

43.      Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá

44.      Thông tư số 08/2000/TT-BLĐTB&XH ngày 29/3/2000 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam;

45.      Thông tư số 12/2000/TT-BKH hướng dẫn thực hiện các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

46.      Thông tư số 08/2000/TT-NHNN ngày 4/7/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/1999/NĐ-CP ngày 17/03/1999 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

47.      Thông tư số 10/2000/TC-BTC ngày 25/10/2000 hướng dẫn đăng ký hành nghề kiểm toán;

48.      Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3/5/2000 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định 12/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (dước sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 49/2001/TT-BKHCNMT ngày 14.9.2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

49.      Thông tư số 49/2001/TT-BKHNC ngày 14/9/2001 sửa đổi Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3/5/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định 12/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

50.      Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27.4.2000 của Bộ Thương mại, Tài chính, Công an và khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg

51.      Thông tư số 01/1999/TT-NHNN ngày 16/4/1999 hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối;

52.      Thông tư số 33/1999/TT-BTM ngày 18/11/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Nghị định số20/1999/ND-CP ngày 12/4/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hang hoá

53.      Thông tư 172/1998/TT/BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 54/CP ngày 28/8/1993 và Nghị định 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ thi hành chi tiết Luật thuế XNK và các Luật sửa đổi Luật Thuế XNK

54.      Thông tư số 166/1998/TT-BTC ngày 19/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu lệ phí đăng ký quyền tác giả

55.      Thông tư số 18/1999/TT-BYT ngày 20/9/1999 hướng dẫn thực hiện việc tổ chức cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện  sản xuất, kinh doanh hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dung trong lĩnh vực gia dụng và y tế

56.      Thông tư liên tịch số 32/1999/TTLT/BTC-BYT ngày 25/3/1999 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung TTLB số 17/TTLB ngày 07/3/1995 về chế dộ thu, nộp và quản lý sử dụng phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và trang thiết bị y tế

57.      Thông tư số 04/TT-TCHQ ngày 29/8/1998 của Tổng cục Hải Quan hướng dẫn thực hiện Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hang hoá với nước ngoài

58.      Thông tư số 18/1998/TT-BTM 28/8/1998 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/07/1998 Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hang hoá với nước ngoài.

59.      Thông tư số 23/TT-BTC ngày 9/5/1997 của Bộ Tài chính ban hành Mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp

60.      Thông tư số 05/TT-BVHTT ngày 8/10/1996 của Bộ Văn hoá thông tin hướng dẫn thực hiện Quy chế lưu hành, kinh doanh phim, băn đĩa hình, băng đĩa nhạc, bán, cho thuê xuất bản phẩm, hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng, quảng cáo, viết, đặt biển hiệu (ban hành, kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính Phủ)

61.      Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền và một số quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp

62.      Thông tư số 118/TT-TTNN ngày 20/7/1996 của Thanh tra Nhà nước về việc hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết khiếu nại hành chính;

 

 

 

 

 

Quyết định

 

1.          Quyết định số 121/2005/QĐ-NHNN ngày 02/02/2005 của Thống đốc Ngân hang Nhà nước Việc Nam ban hành Quy chế về kiểm toán độc lập đối với các tổ chức tính dụng;

2.          Quyết định số 17/2004/QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin về việc ban hành Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình

3.          Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN ngày 07/4/2004 về việc ban hành  Quy chế về môi gới tiền tệ;

4.          Quyết định số 327/2004/QĐ-NHNN về điều chỉnh tỷ lệ huy động tiền gửi VNĐ đối với chi nhánh ngân hang nước ngoài thuộc Liên Minh châu Âu tại Việt Nam

5.          Quyết định số 17/2004/QĐ/BTC ngày 12/2/2004 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định về thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hang rượu, xe máy có nguồn gốc nhập khẩu từ EU

6.          Quyết định số 36/2004/QĐ-BTC ngày 15/4/2004 của Bộ Tài chính về việc ban hành danh mục hang hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để áp dụng hạn ngạch thuế quan.

7.          Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 22/7/2003 về việc ban hành biểu thuế suất ưu đãi.

8.          Quyết định số 192/2003/QĐ/BTC của bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 25/11/2003 về việc ban hành Danh mục hang hóa và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định buôn bán hàng dệt, may giữa Việt Nam và EU cho giai đoạn 2003-2005.

9.          Quyết định số 24/2003/QĐ-BTC ngày 01.03.2003 của Bộ trưởng Bộ tài chính về việc bổ quy định tỷ lệ thu chênh lệch giá đối với một số mặt hang thép nhập khẩu.

10.      Quyết định số 176/2003/QĐ-BBCVT ngày 10/11/2003 ban hành Quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, mạng và dịch vụ viễn thông;

11.      Quyết định số 177/2003/QĐ-BBCVT ngày 10/11/2003 ban hành Danh mục dịch vụ bưu chính, mạng và dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng

12.      Quyết định số 19/2003/QĐ-BXD ngày 3/7/2003 ban hành Quy định Điều kiện Năng lực Hoạt động xây dựng.

13.      Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/6/2003 ban hành Quy định về Quản lý chất lượng công trình.

14.      Quyết định 52/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về quy chế công nhận khảo nghiệm và tên của giống cây trồng mới

15.      Quyết định số 65/2002/QĐ-BTC ngày 22.05.2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc bỏ quy định tỷ lệ thu chênh lệch giá đối với mặt hang CLINKER nhập khẩu.

16.      Quyết định 112/2002/QĐ-NHNN ngày 11/02/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo lãnh của các tổ chức tín dụng kèm theo Quyết định 283/2000/QĐ-NHNN ngày 25/8/2000;

17.      Quyết định số 18/2002/QĐ-BVHTT ngày 29/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin ban hành quy chế cấp giấy phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thu chương trình truyền hình nước ngoài.

18.      Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;

19.      Quyết định số 117/2000-QĐ-BKHCNMT của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường ngày 26/01/2000 ban hành Danh mục hang hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng năm 2000.

20.      Quyết định số 492/2000/QĐ-NHNN ban hành Quy chế về góp vốn và mua cổ phần của các tổ chức tín dụng nước ngoài 28/11/2001;

21.      Quyết định số 26/2000/QĐ-UBCK2 về quy chế tuyển chọn kiểm toán viên độc lập đối với những công ty niêm yết chứng khoán và các công ty chứng khoán;

22.      Quyết định 283/2000/QĐ-NHNN ngày 25/8/2000 về việc ban hành Quy chế bảo lãnh của các tổ chức tín dụng;

23.      Quyết định số 1091/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 22/6/1999 của Bộ trưởng Bộ khoa học, công nghệ và môi trường về việc ban hành Quy định về kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

24.      Quyết định số 91/BXD/DT 6/4/1993 về quy chế thực hiện dịch vụ kiến trúc;

25.      Quy chế 305/DK ngày 1/6/1997 của Cục Sở hữu Công nghiệp về hình thức và nội dung của đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

 

VĂN BẢN CỦA TOÀ ÁN

 

1.     Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31/7/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

2.     Nghị quyết số 03/2003/NQ-HĐTP ngày 18/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tò án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính;

3.     Công văn 97-KHXX ngày 21-8-1997 của Toà án Nhân dân tối cao về việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghịêp.

4.     Công văn số 39/KHXX ngày 6/7/1996 của Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

 

                           

ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

1.          Công ước New York năm 1958

2.          Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (1883)

3.          Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (1971)

4.          Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1978 ( Công ước UPOV ( 1978)), hoặc Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1991 ( Công ước UPOV (1991))

5.          Thoả thuận TRIPS

6.          Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

 

 

PHẦN II: DANH MỤC VĂN BẢN KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

 

                                      VĂN BẢN LUẬT

1.          Bộ luật Dân sự

2.          Luật Thương mại

3.          Luật Hải quan

4.          Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

5.          Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

6.          Luật Thuế giá trị gia tăng

7.          Luật Giáo dục

8.          Luật Kinh doanh bảo hiểm

9.          Luật Kế toán

10.      Luật các tổ chức tín dụng

11.      Bộ luật hàng hải

12.      Luật Kiểm toán Nhà nước

13.      Luật sửa đổi bổ sung Luật Khiếu nại tố cáo

14.      Luật Hàng không dân dụng

 

PHÁP LỆNH

1.          Pháp lệnh Quảng cáo

2.          Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính

 

NGHỊ ĐỊNH

 

1.     Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập

2.     Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ       về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

3.     Nghị định 160/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bưu chính viễn thông phần về bưu chính.

4.     Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/9/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

5.     Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 23/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo

6.     Nghị định số 69/2002 ngày 12/7/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước.

7.     Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998 ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

8.     Nghị định 64/2002 ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần.

9.     Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.

10.   Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

11.   Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, gia công và đại lý mua bán với thương nhân nước ngoài.

12.   Nghị định 76/2001/NĐ-CP ngày 22/01/2001 của Chính phủ về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

13.   Nghị định 42/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001 về tỉ lệ tái bảo hiểm bắt buộc cho Công ty tái bảo hiểm Việt Nam

14.   Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 6/9/2000 của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam

15.   Nghị định 20/1999/NĐ-CP về kinh doanh giám định hàng hoá.

16.   Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/09/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghịêp Nhà nước.

17.   Nghị định số 12/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

18.   Nghị định số 13/1999/NĐ-CP ngày của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng nứơc ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

19.   Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại

20.   Nghị định 101/CP ngày 23/9/1997 quy định chi tiết một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

21.   Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự

22.   Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin.

 

                  QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1.     Quyết định 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá 2001-2005

2.     Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg ngày 9/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hang hoá nhập khẩu tại Việt Nam

3.     Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc học tập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu

 

                                                VĂN BẢN CẤP BỘ

1.     Thông tư số 04/2004/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2004 của Bộ lao động – thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/9/2003

2      Thông tư số 05/2003/TT-NHNN ngày 24/2/2003 của Ngân hang nhà nước hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hang thương mại nhà nước.

3.     Thông tư 118/2003/TT-BTC ngày 8/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi Nghị định 60/2002/NĐ-CP

4.     Thông tư số 09/2003/TT/BTM của Bộ Thương mại ngày 15/12/2003 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 91/2003/QĐ-TTg ngày 9/5/2003

5.     Thông tư số 49/2001/TT-BKHCN ngày 14/9/2001 sửa đổi Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3/5/2000 hướng dẫn thi hành Nghị định 12/1999/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

6.     Thông tư số 23 TC/TCT ngày 9 tháng 5 năm 1997 của Bộ Tài chính ban hành mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghịêp

7.     Quyết định số17/2004/QĐ/BTC ngày 12/2/2004 của Bộ trưởng Bồ tài chính quy định về thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hang rượu, xe máy có nguồn gốc nhập khẩu từ EU

8.     Quyết định số 110/2003/QĐ-BTC ngày 25/7/2003 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

9.     Quyết định số 192/2003/QĐ/BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 25/11/2003 về việc ban hành Danh mục hang hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định buôn bán hang dệt, may giữa Việt Nam và EU cho giai đoạn 2003-2005.

10.   Quyết định số 1091/1999/QĐ-BKHCNMT ngày 22/6/1999 của Bộ trưởng Bộ khoa học, công nghệ và môi trường về vịêc ban hành Quy định về kiểm tra nhà nước chất lượng hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

11.   Quyết định số 117/2000-QĐ-BKHCNMT của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường ngày 26/01/2000 ban hành Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng năm 2000.

 

PHẦN III: DANH MỤC VĂN BẢN KIẾN NGHỊ BAN HÀNH MỚI

 

                                                VĂN BẢN LUẬT

1.                    Luật Đầu tư (chung)

2.                    Luật Doanh nghiệp (chung)

3.                    Luật Điện ảnh

4.                    Luật về Luật sư;

5.                    Luật Du lịch

6.                    Luật Kiểm toán Nhà nước

7.                    Luật Bưu chính viễn thông

8.                    Bộ luật thi hành án dân sự

9.                    Luật Sở hữu trí tuệ

 

 

PHÁP LỆNH

1.          Pháp lệnh về tiêu chuẩn hoá

2.          Pháp lệnh về Ngoại hối

3.          Pháp lệnh đấu thầu

4.          Pháp lệnh về tư vấn pháp luật

 

                                                NGHỊ ĐỊNH

1.          Nghị định quy định về việc ghi nhãn hàng hoá

2.          Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống bán phá giá

3.          Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam

4.          Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng hàng hoá và thủ tục đánh giá tính hợp chuẩn đối với các sản phẩm nhập khẩu

5.          Nghị định quy định về việc áp dụng các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá đối với lĩnh vực công nghiệp

6.          Nghị định về xuất xứ hàng hoá

7.          Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thủy sản

8.          Nghị định quy định tổng thể các nội dung liên quan đến SPS để bảo vệ sức khoẻ con người, động thực vật và môi trường

9.          Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá

10.      Nghị định thay thế Nghị định 101/CP quy định chi tiết một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

11.      Nghị định thay thế Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại

12.      Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

13.      Nghị định về tư vấn về thuế

14.      Nghị định về hành nghề kiến trúc;

15.      Nghị định về tư vấn kỹ thuật;

16.      Nghị định về tổ chức và hoạt động cung cấp dịch vụ nghiên cứu, thăm dò thị trường.

17.      Nghị định về tổ chức và hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý

18.      Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản

19.      Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá.

20.      Nghị định của Chính phủ về chế tài dân sự trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

21.      Nghị định về việc áp dụng các biện pháp chết tài dân sự, xác định bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

22.      Nghị định về việc áp dụng các biện pháp tạm thời trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

 

QUYẾT ĐỊNH

1.          Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập điểm hỏi đáp SPS.

 

VĂN BẢN CẤP BỘ

Thông tư

1.     Thông tư liên tịch hướng dẫn cách tính bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

2.     Thông tư liên tịch Bộ Khoa học – Công nghệ và TANDTC hướng dẫn xét xử các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

3.     Thông tư của Bộ KHCN hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (thi hành NĐ số 42/2003/NĐ-CP ngày 2/5/2003)

4.     Thông tư của Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành Nghị định số 54/2000/NĐ-CP về bảo hộ quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

5.     Thông tư hướng dẫn việc đăng lý và quản lý năng lực đối với tổ chức và cá nhân hoạt động xây dựng

6.     Thông tư liên tịch hướng dẫn cách tính bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

7.     Thông tư hướng dẫn về đăng ký hoạt động xây dựng của các nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam

8.     Thông tư của Bộ KH&CN hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuât xứ hàng hoá ( thay thế Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 )

9.     Thông tư liên tịch giữa Bộ KH&CN và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các biện pháp kiểm soát biên giới về quyền sở hữu trí tuệ đối với hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu

 

                                                Quyết định

1.     Quyết định của Ngân hàng nhà nứơc về việc Ban hành Quy chế cung cấp dịch  vụ tín dụng cầm cố của các tổ chức tín dụng;

2.     Quyết định Ngân hàng nhà nước về việc ban hành Quy chế cung cấp dịch vụ bao thanh toán (factoring) của các tổ chức tín dụng;

3.     Quyết định Ngân hàng nhà nước về nghịêp vụ thanh toán bù trừ các tài sản chính.

4.     Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật, Quy chế lập và xét duyệt Dự án xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, Quy định về xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, Quy định về xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam trên có cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế

5.     Quyết định của Ngân hang nhà nước về việc cung cấp dịch vụ thông tin tài chính ngân hàng của các tổ chức tín dụng;

6.     Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành giáo trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư giám sát

7.     Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho cá nhân hành nghề thiết kế quy hoạch, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng.

8.     Quyết định của Ngân hang nhà nước về việc ban hành Quy chế cung cấp dịch vụ tín dụng cầm cố của các tổ chức tín dụng;

 

               PHẦN IV: DANH MỤC VĂN BẢN KIẾN NGHỊ HUỶ BỎ

1.     Nghị định 141/HĐBT ngày 24/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá

2.     Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan hướng dẫn về việc xác định về kiểm tra xuất xứ, hàng hoá

3.     Thông tư liên tịch số 22/2001/TTLT-BTM-TCHQ ngày 2/10/2001 của Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan điều chỉnh, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ ngày 17/4/2000.

4.     Quyết định 164/2000/QĐ-BTC ngày 20/10/2000 ban hành Bảng giá tính thuế đối với hàng hoá NK không thuộc danh mục mặt hàng nhà nước quản lý tính giá thuế, không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng;

5.     Quyết định 136/2001/QĐ-BTC ngày 18/12/2001 ban hành Bảng giá tính thuế đối với hàng hoá NK không thuộc danh mục mặt hàng nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng

6.     Quyết định số 164/2002/QĐ-BTC ngày 27/12/2002 ( sửa đổi, bổ sung Quyết định 164/2000/QĐ-BTC) ban hành Bảng giá tính thuế đối với hàng hoá NK không thuộc danh mục mặt hàng nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng;

7.     Quyết định 80/2003/QĐ-BTC ngày 9/6/200; ban hành Bảng giá tính thuế đối với hàng hoá NK không thuộc danh mục mặt hàng nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng;

8.     Quyết định 149/2002/QĐ-BTC ngày 9/12/2002 ban hành Bảng giá tính thuế đối với hàng hoá NK không thuộc danh mục mặt hàng nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng;

9.     Quyết định 86/2003/QĐ-BTC ngày 26/6/2003 sửa đổi bổ sung Bảng giá ban hành theo Quyết định 149/QĐ-BTC.

10.   Quyết định số 42/2000/QĐ-BTC ngày 17 tháng 03 năm 2000 về quy định tỷ lệ thu chênh lệch giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu

11.   Quyết định số110/2003/QĐ-BTC tỷ lệ phụ thu chênh lệch giá đối với mặt hang bột và hạt PVC

12.   Quyết định số17/1999/QĐ- BVGCP ngày 3/4/1999 của Trưởng Ban Vật giá Chính phủ

13.   Quyết định số 03/2000/QĐ-BTC ngày 7/1/2000 của Bộ trưởng Bộ tài chính

14.   Quyết định số 121/VGCP-TLSX ngày 29/9/1997 của Trưởng Ban Vật giá Chính phủ về mặt hàng ống thép hàn.

 

             PHẦN V: KIẾN NGHỊ VIỆC THAM GIA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

 

1.     Công ước ISCID.

2.     Công ước quốc tế về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát song

3.     Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới, năm 1978 hoặc Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới năm 1991 (UPOV )

4.     Công ước về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (1974

5.     Hịêp định song phương về tương trợ tư pháp

 

                                        DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Báo cáo thường niên của UNCTAD, 1996

2.     Báo cáo của Nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Albania, Tổ chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/ALB/51, 13/7/2000.

3.     Báo cáo của nhóm Công tác về việc gia nhập WTO Macedonia - Cộng hào nam Tư cũ, Tổ chức Thương mại thế giới, WT/ACC/ALB/51, 13/7/2000.

4.     Báo cáo của nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Lithuania, Tổ chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/LTU/52, 7/12/2000.

5.     Báo cáo của nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Albania, Tổ chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/ALB/51, 13/7/2000.

6.     Báo cáo chuyên đề chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ nhất (Singapore, 12-1996)

7.     Báo cáo của Nhóm Công tác WTO về việc gia nhập WTO của Estonia, Ban Thư ký WTO, WT/ACC/EST/28, ngày 9/4/1999.

8.     Báo cáo của Ban Hội thẩm GATT về việc Mỹ cấm nhập khẩu cá ngừ và sản phẩm cá ngừ Canada (1982),

9.     Báo cáo của Ban Hội GATT về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá ngừ (Tuna  I), thông qua 3-9-1991, BISD 39S/155; Báo cáo của Ban Hội thẩm GATT về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá ngừ (Tuna II)

10. Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam (tập III), Dự án VIE/94/003 “Tăng cường năng lựng pháp luật tại Việt Nam”, Hà Nội 1998,

11. Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế ngày 23-5-1969  (U.N  Doc.A/CONF. 39/27)

12. Dự thảo Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO – WT/ACC/SPEC/VNM/4 ngày 17/11/2003

13. Hướng dẫn doanh nghiệp về Hệ thống thương mại thế giới. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001.

14. Két quả rà soát, đối chiếu Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa kỳ với các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện hành, Bộ Tư pháp thực hiện năm 2001

15. Kết quả rà soát đối chiếu các quy định của WTO với pháp luật Viêt Nam hiện hành, Bộ Tư pháp thực hiện năm 2003

16. Kết quả Vòng đàm phán Uruguay về hệ thống thương mại đa biên – NXB Thống kê năm 2000.

17. Quyết định số 516, ngày 14/10/1999 của Hội đồng Bộ trưởng Albani về việc “Một số thay đổi đối với Quyết định số 205 ngày 13/4/1999 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thực thi các điều khoản của Bộ luật Hải quan”.

18. Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế

19. Sổ tay Các Cam kết Hội nhập Kinh tế Quốc tế Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 2002.

20. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội (2000)

21. Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, Walter Goode, NXB Thống kê 1997

22. Tổng quan các vấn đề Tự do hoá thương mại dịch vụ tập 1, NXB Chính trị quốc gia, năm 2005

23. Lương Văn Tự, “ Việt Nam với quá trình gia nhập WTO hiện nay”, Thông tin đối ngoại số 4 năm 2004

24. Nguyễn Văn Bình, “ Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở Cộng hoà Pháp và một số nước châu Âu” – Tài liệu nghiên cứu lưu giữ tại Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp.

25. Thái Vĩnh Thắng. “ Mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá” Tạp chí Luật học số 2/2003

26. “Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với Lãnh đạo Bộ ngoại giao, Bộ Tư pháp về công việc ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam”. Báo Nhân dân 10-4-2003

27. Hà Hùng Cường & các tác giả khác, “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật Việt Nam” – Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 95-98-113/DT

28. Đặng Hoàng Oanh – Tài liệu nghiên cứu “ Hoàn thiện các quy định về thẩm định điều ước quốc tế trong pháp luật và thực tiễn ký kết, thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp.

29. Tô Thị Đông Hà, “Tìm hiểu vai trò của pháp luật thương mại ở Viêt Nam hiện nay”, Dân Chủ & Pháp luật số 9 (138) (2003)

30. Nguyễn Như Quỳnh, “ Bàn về các thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu” Dân chủ và pháp luật số 11 (140) 2003

31. Phan Thông Anh, “Một số suy nghĩ về việc triển khai Pháp lệnh Trọng tài thương mại”, Dân Chủ & Pháp luật số 9 (138) (2003), tr.31-32.

32. Đinh Tích Linh, Doanh nghịêp cần biết khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, NXB Thống kê, Hà Nội 2002.

33. Lê Thành Long, “Một số suy nghĩ bước đầu về nội luật hoá các quy định của pháp luật môi trường quốc tế tại Việt Nam”, Thông tin Khoa học pháp lý, Số 10 & 11 năm 2003, tr.107.



[1] Mặc dù WTO không quy định cụ thể về danh mục phân loại hàng hoá sử dụng trong biểu thuế, nhưng theo hướng dẫn của Ban Thư ký WTO danh mục phân loại hàng hoá nên sử dụng theo chuẩn phân loại quốc tế được thừa nhận chung, chủ yếu là hệ thống phân loại hài hoà của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

[2] Hiệp định SCM và AoA là những hiệp định phức tạp, bên cạnh đó, do kết cấu chung của đề tài nghiên cứu, không phù hợp để nghiên cứu chi tiết về các nội dung trong phần này. Bởi vậy việc tham chiếu tới yêu cầu của các Hiệp định này với lĩnh vực thuế nội địa sẽ không đi sâu phân tích tính chất kỹ thuật đối với mỗi biện pháp trợ cấp hay hỗ trợ trong nước xét từ quy định của WTO hay bản chất của biện pháp chính sách.

[3] Thuế hoá (tariffrication) là chuyển các biện pháp phi thuế quan thành tương đương thuế quan ràng buộc. Trong vòng đàm phán Uruguay, thuế hoá được áp dụng cho hàng nông sản và mở ra cơ hội tiếp cạn thị trường cho loại mặt hàng này. (Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, Walter Goode, NXB Thống kê 1997, tr.245)

[4] Hạn ngạch thuế quan theo yêu cầu tiếp cận thị trường hiện tại (current access tariff quotas): mô tả các cơ hội mở cửa thị trường cho hàng nông sản khi các hiện pháp phi thuế quan được chuyển thành thuế quan. Một hình thức đã được thảo luận tại Vòng Uruguay, tại đó mức độ mở cửa thị trường đối với một sản phẩm nào đó được xác định qua việc so sánh mức nhập khẩu trong thời kỳ cơ sở với mức tiêu thụ. Mức độ mở cửa hiện tại được thông qua nhằm đảm bảo nhật khẩu chiếm ít nhất 5% tiêu thụ nội địa được áp dụng trong thời kỳ cơ sở 1986-1988.

Hạn ngạch thuế quan mở cửa thị trường tối thiểu (minimum access tariff quotas) làm một cơ cấu dành mức cơ hội mở cửa tối thiểu đối với những nông sản mà các biện pháp phi thuế quan đã được chuyển thành thuế. Các cuộc đàm phán tại Vòng Uruguay đã dẫn đến công thức mà theo đó mức mở của thị trường đối với một sản phẩm nhất định được dựa trên tỷ số nhập khẩu/tiêu thụ trong giai đoạn cơ sở 1986-1988. Ở những nước mà nhập khẩu trong giai đoạn cơ sở thấp hơn 3% mức tiêu thụ thì mức mở cửa thị trường phải được nâng ngay lên 3% và mở rộng lên thành 5% vào cuối giai đoạn thực hiện các cam kết tại Vòng Uruguay về nông nghiệp.

[5] Từ điển Chính sách thương mại quốt tế, Walter Goode, NXB Thống kê 1997, tr.261

[6] Điều 2 Hiệp định TRIMs

[7] Điều 1 Hiệp định về nguyên tắc xuất xứ

[8] Điều 2 Hiệp định về nguyên tắc xuất xứ

[9] Điều 17 Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002

[10] Điều 46.2a-d và Điều 46.3.b kèm theo Phụ Lục 1.1 và I.II

[11] Điều 105.2 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định điều kiện vận dung cơ chế đăng ký cấp giấy phép đầu tư phải có tỷ lệ xuất khẩu nhất định, nếu không phải vận dụng cơ chế thẩm định cấp giấy phép đầu tư

 

[12] Điều 2 Quyết định 91/2003/QĐ-TTg ngày 09 tháng 05 năm 2003 về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam.

 

 

[13] WT/ACC/SPEC/VNM/4 ngày 17/11/2003 – Dự thảo Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO

[14] Thông tư liên tích số 17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 14.3.2003 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hang hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, thực vật, thuỷ sản

[15] Xem Bộ Thương mại Kết quả Vòng Đàm phán Urugoay về hệ thống thương mại đa biên – Nxb Thống kê năm 2000, trang 376.

[16] Xem Hướng dẫn doanh nghiệp về Hệ thống thương mại thế giới. NXB Chính là Quốc gia, Hà nội 2001. Trang 254.

[17] Có thể chia các NTM thành các nhóm lớn sau:

- Các biện pháp hạn chế định lượng (như cấm, hạn ngạch, giấy phép);

- Các biện pháp quản lý giá (như trị giá lính thuế quan tối thiểu, giá nhập khẩu tối đa, phí thay đổi, phụ thu);

- Các biện pháp liên quan tới doanh nghiệp (như doanh nghiệp thương mại nhà nước);

- Các biện pháp kỹ thuật (như quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục xác định sự phù hợp, yêu cầu về nhãn mác, kiểm dịch động thực vật);

- Các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời (như tự vệ, trợ cấp và các biện pháp đối kháng, biện pháp chống bán phá giá);

- Các biện pháp liên quan tới đầu tư (như thuế suất thuế nhập khẩu phụ thuộc tỷ lệ nội địa hoá, hạn chế tiếp cận ngoại lệ, yêu cầu xuất khẩu, ưu đãi gắn với thành tích xuất khẩu);

- Các biện pháp khác (như tem thuế, biểu thuế nhập khẩu hay thay đổi, yêu cẩu đảm bảo thanh toán, yêu cầu kết hối, thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, mua sắm chính phủ, quy tắc xuất xứ)

[18]Các NTM hạn chế định lượng như cấm nhập khẩu, hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu không tự động v.v… gây cản trở, bóp méo thương mại và thị trường bị coi là các NTB (NTBs)

[19] Phụ lục 1 Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hang hoá với nước ngoài; và Phụ lục 1 Quyết định số của thủ tướng chính phủ Số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hang hoá thời kỳ 2001-2005

[20]Phụ lục 1 Quyết định 46/2001/QĐ-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2001 về quản lý xuất nhật khẩu hàng hoá lười kỳ 2001- 2005.

 

[21]Thuế hoá (tariffication) là chuyển các biện pháp phi thuế quan thành tương đương thuế quan rang buộc. Trong vòng đàm phán Uruguay, thuế hoá được áp dụng cho hàng nông sản và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho loại mặt hàng này. (Từ điển Chính sách thưong mại quốc tế, Walter Goode. NXB Thống kê 1997, tr.245)

[22]Hạn ngạch thuế quan theo yêu cầu tiếp cận thị trường hiện tại (current access tariff quotas): mô tả các cơ hội mở cửa thị trường cho hàng nông sản khi các biện pháp phi thuế quan được chuyển thành thuế quan. Một hình thức đã được thảo luận tại Vòng Uruguay, tại đó mức độ mở cửa thị trường đối với một sản phẩm nào đó được xác định qua việc so sánh mức nhập khẩu trong thời kỳ cơ sở với mức tiêu thụ. Mức độ mở cửa hiện tại được thông qua nhằm đảm bảo nhập khẩu chiếm ít nhất 5% tiêu thụ nội địa được áp dụng trong thời kỳ cơ sở 1986-1988..

Hạn ngạch thuế quan mở cửa thị trường tối thiểu (minimum access tariff quotas) làm một cơ cấu dành mức cơ hội mở cửa tối thiếu đối với những nông sản mà các biện pháp phi thuế quan đã được chuyển thành thuế. Các cuộc đàm phán tại Vòng Uruguay đã dẫn đến công thức mà theo đó mức mở cửa thị trường đối với một sản phẩm nhất định được dựa trên tỷ số nhập khẩu/tiêu thụ trong giai đoạn cơ sở 1986- 1988. Ở những nước mà nhập khẩu trong giai đoạn cơ sở thấp hơn 3% mức tiêu thụ thì mức mở cửa thị trường phải được nâng ngay lên 3% và mở rộng lên thành 5% vào cuối giai đoạn thực hiện các cam kết tại Vòng Uruguay về nông nghiệp.

[23]Điều 2 Quyết định 91/2003/QĐ-TTg ngày 09 tháng 05 năm 2003 về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam.

 

 

[24] Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, Walter Goode, NXB Thống kê 1997, tr.261

[25] WT/ACC/SPEC/VNM/4 ngày 17/11/2003 - Dự thảo Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO

[26]Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT/BTC-BNN&PTNT này 14.3.2003 hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch đông vật, thực vật, thuỷ sản

[27] Điều 10 KHoản 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

[28] Điều 2, Hiệp định TRIMs

[29] Điều 1, Hiệp định về nguyên tắc xuất xứ

[30] Điều 2, Hiệp định về nguyên tắc xuất xứ

[31] Phần II – Thông tư 09/2000/TTLT-BTM-TCHQ

[32] Điều 2 Hiệp định về Quy tắc xuất xứ hang hoá

[33]Mặc dù WTO không quy đinh cụ thể về danh mục phân loại hàng hoá sử dụng trong biểu thuế, nhưng theo hướng dẫn của Ban Thư ký WTO danh mục phân loại hàng hoá nên sử dụng theo chuẩn phân loại quốc tế được thừa nhận chung, chủ yếu là hệ thống Phân loại hài hoà của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO)

 

[34] Hiệp định SCM và AoA là những hiệp định phức tạp, bên canh đó, do kết cấu chung của đề tài nghiên cứu, không phù hợp để nghiên cứu chi tiết về các nội dung trong phần này. Bởi vậy việc tham chiếu tới yêu cầu của các Hiệp định này với lĩnh vực thuế nội địa sẽ không đi sâu phân tích tính chất kỹ thuật đới với mỗi biện pháp trơ cấp hay hỗ trợ trong nước xét từ quy định của WTO hay bản chất của biện pháp chính sách

[35] Điều 17 Nghị định 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002

[36] chữ L thường, không phải số 1

[37] Điều 46.2a-d và Điều 46/3/b kèm theo Phụ lục I.I và I.II

[38] Điều 105.2 của Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 quy định điều kiện vận dụng cơ chế đăng ký cấp giấy phép đầu tư phải có tỷ lệ xuất khẩu nhất định, nếu không phải vận dụng cơ chế thẩm định cấp giấy phép đầu tư.

[39] Vấn đề thuế suất cụ thể không được phân tích chi tiết ở đây.

[40] Thực tế hầu như tất cả các nước đều đồng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá nông sản, do vậy “nước xuất khẩu nông sản” thường được hiểu là nước có kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn hơn kim ngạch nhập khẩu nông sản

[41] Thời kỳ cơ sở được xác định là giai đoạn 1986-1988

[42] “Giai đoạn thực hiện” kéo dài 6 năm kể từ 1995, riêng đối với các nước phát triển là 10 năm kể từ 1995.

[43] Khái niệm "thuế hoá” trong Hiệp định Nông nghiệp được hiểu là việc áp dụng mức thuế có tác dụng bảo hộ tương đương so với các biện pháp bảo hộ phí thuế sau khi gỡ bỏ các biện pháp này.

 

[44] Để giảm bớt khó khăn cho các nước thành viên, Hiệp định Nông nghịêp không yêu cầu bãi bỏ ngay tất cả các trợ cấp xuất khẩu nông sản mà cho phép các nước được giảm dần những trợ cấp mà họ đã kê khai cho thời kỳ cơ sở 1986-1990. tuy vậy, các nước thành viên không được phép sử dụng những trợ cấp xuất khẩu nông sản đối với những nông sản không có trong bảng kê khai.

[45] Nguồn: Bộ Tài chính; Sổ tay Các cam kết Hội nhập Kinh tế Quốc tế Ngành Nông nghịêp và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, 2002.

[46] Trong phạm vi của WTO, hiện tượng này được gọi là thuế leo thang (tariff escalation), tức là hàm lượng chế biến ( hay giá trị gia tăng) của sản phẩm càng cao thì mức thuế nhập khẩu càng lớn. Hầu như tất cả các nước trên thế giới, dù có phải là thành viên của WTO hay không, đều phổ biến áp dụng thuế leo thang.

[47] Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là trong Hiệp định Nông nghiệp không có qui định cụ thể về định nghĩa “nước đang Phát triển”. Do vậy, không thể nghiễm nhiên khẳng định Việt Nam sẻ được hưởng “mức 10%” mà phải đấu tranh thông qua đàm phán để có thể được phép áp dụng mức AMS tối thiểu này. Thực tế, Trung Quốc đả phải cam kết chỉ được hưởng mức 8,5% (cao hơn mức 5% của các nước phát triể, nhưng thấp hơn mức 10% của các nước “đang phát triển”)

 

 

 

[48] Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải bám sát tiến trình của vòng đàm phán Doha đang diễn ra hiện nay. Theo lịch trình, vòng đàm phán Doha sẽ kết thúc vào năm 2005 cũng chính là năm chúng ta đặt ra mục tiêu gia nhập WTO vì vậy nhiều khả năng là chúng ta sẽ phải đáp ứng cả những yêu cầu từ kết quả của vòng đàm phán Doha.

[49] Havana Chapter for an International Trade Organization, Chapter III (Economic Development and Reconstruction), Article 12.1 (a)

[50]Cùng với WTO, từ năm 1996, các nước OECD đã triển khai đàm phán Hiệp định đầu tư đa phương (MAI) với những tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ cao nhất từ trước đến nay. Hiệp định khi được ký kết sẽ để ngỏ cho tất cả các nước đang phát triển tham gia. Tuy nhiên, do những bất động sâu sắc ngay trong nội bộ OECD và với sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức xã hội, công đoàn, môi trường... các cuộc đàm phán về Hiệp định này đã thất bại và chấm dứt từ năm 1999

[51] Không tính ngành thứ 12 ( các dịch vụ khác) theo phân loại của GATS

[52] Xem: Bộ Thương mại: Kết quả Vòng đàm phán Uruguay về hệ thống thương mại đa biên – NXB Thống kê năm 2000, trang 376

[53] Xem Hướng dẫn doanh nghiệp về Hệ thống thương mại thế giới. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001. Trang 254

[54] Không tính ngành thứ 12 (các dịch vụ khác) theo phân loại của GATS

[55] Cam kết trong Bản chào dịch vụ lần 3

[56] Từ điển Black’s Law xuất bản lần thứ bảy, Nhà xuất bản St. Paul, Minn, 1999, Trang 813

[57] Intellectual Property Rights in The WTO and Developing Countries – Jayashree Watal – Center for International Development, Harvard University

 

[58] lntellectual Property Rights in The WTO and Developing Countries - Jayashree Watal - Center for lnternational Development, Harvard University

[59] Khoản 2 Điều 1 Hiệp định TRIPS

[60] Khoản 1 Điều 1 Hiệp định TRIPS

[61] Lời nói đầu Pháp lệnh Bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1989

[62] Điều 3 Pháp lệnh Bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1989.

 

[63] Điều 780, Bộ Luật Dân sự

[64] Thạc sĩ luật thương mại quốc tế. Bài viết này là nghiên cứu riêng của tác giả và không có bất kỳ liên quan hay nhằm mục đích thể hiện quan điểm của cơ quan hay tổ chức nào.

[65] Điều 23.1 của thoả thuận DSU cấm tất cả các nước thành viên không được xử lý các vi phạm nghĩa vụ của một nước thành viên khác đối với các Hiệp định trong WTO thông qua các cơ chế ngoài DSU: DSU là cơ chế duy nhất được phép để xử lí vi phạm nghĩa vụ trong WTO.

[66] Thực tế đã xảy ra các bài học đắt giá cho một số nước trong việc không sử dụng luật sư đúng dẫn đến thua kiện. Theo chuyên gia quốc tế thì việc thuê luật sư chuyên gia giỏi về pháp luật WTO là điều không thể thiếu trong giải quyết tranh chấp tại WTO và án lệ WTO đã cho phép làm việc này (EU-Chuối)

[67] Hai căn cứ khởi kiện này gây rất nhiều tranh cãi trong giới học giả WTO vì chúng quá rộng, quá chung và cho phép các nước khởi kiện hầu như là bất kỳ khi nào họ muốn mà không cần biết là nước bị kiện có vi phạm qui định nào của WTo hay không. Đã có nhiều ý kiến cho là WTO cần được hoàn thiện để chỉ cho phép khởi kiện khi có vi phạm của một nước thành viên. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa là hiện thực, và thậm chí không phải là không có nước muốn giữ nguyên quy định này

[68] Trong vụ Hoa Kỳ- Tôm, phía nguyên đơn đã cho là việc Hoa Kỳ sử dụng ngoại lệ “Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng bị cạn kiệt” đối với Rùa biển là không thíhc hợp vì vào thập kỳ 1940 thì các nhà đàm phán chỉ muốn nói tới các khoáng sản, dầu lửa… mà không phải là động vật. Cơ quan phúc thẩm đã bác ý kiến này, công nhận Rùa biển cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên.

[69] Đây cũng là điểm đem lại nhiều tranh cãi, bài viết trong giới học giả khi tính để yếu tố là các quyết định giải quyết tranh chấp có tính thống nhất và nhất quán lớn. Đi kèm theo đó là các Panel và Cơ quan phúc thẩm trong quyết định của mình bao giờ cũng dẫn chiếu tới các quyết định trước đó của mình để giải thích và áp dụng các hiệp định cho vụ việc đang được giải quyết. Do đó, dù không có nguyên tắc án lệ trong WTO, thì một điều chắc chắn là các quyết định giải quyết tranh chấp trong WTO có giá trị tham khảo, định hướng, thuyết phục lớn cho các vụ việc tương tự sau này trong WTO. Thậm chí, có học giả quốc tế còn cho là các quyết định này còn có giá trị vượt ra ngoài khuôn khổ WTO khi có các tranh chấp tương tự được giải quyết tại các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế khác, như trong ASEAN, NAFTA…

[70] Trong WTO thuật ngữ “ biện pháp” được hiểu rất rộng bao gồm các quy định pháp luật, thực tiễn đối xử của một nước.

[71] Thạc sĩ luật thương mại quốc tế. bài viết là nghiên cứu riêng của tác giả và không có bất kỳ liên quan nào tới việc thể hiện các ý kiến hay quan điểm của cơ quan hay tổ chức nào.

[72] Năm 2002, Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, vượt cả Hoa Kỳ

[73] Nhiều nghiên cứu, phân tích gần đây đã cho thấy trong vòng khoảng 15 năm tới đây thì Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt cả Hoa Kỳ

[74] Nguồn The Asian Wall Street Journal, 6/10/2003

[75] Nguồn: Ban Thư ký WTO, www.wto.org

[76] Theo danh sách thống kê của Ban thư ký WTO, Campuchia không năm trong danh sách này vì việc kết nạp chính thức dự kiến được tiến hành vào tháng 9/2003. 18 nước này gồm: Albania, Armenia, Bulgaria, Croatia, Estonia, Georgia, Macedonia, Kyrgyz, Lituania, Latvia, Moldova.

[77] Cho đến nay, trường hợp gia nhập của Trung Quốc vẫn đang gây nhiều tranh cãi vì tuy Trung Quốc được hưởng quy chế của WTO dành cho các nước đang phát triển nhưng vẫn phải thực hiện một số nghĩa vụ và đưa ra những cam kết cao hơn so với mức cam kết của các nước đang phát triển khác.

[78] Nước kém phát triển (least develop countries – LDCs): WTO thừa nhận những nước kém phát triển là những mước nằm đã được Liên hợp quốc (LHQ) thừa nhận. Trong danh sách của LHQ hiện có 48 nước kém phát triển, 29 nước đã trở thành thành viên WTO, Campuchia và Nepal đã hoàn thành quá trình đàm phán nhưng chưa trở thành thành viên chính thức; 4 nước khác đang đàm phán gia nhập là Lào, Samoa, Sudan và Vanuatu; còn 3 nước hiện là quan sát viên WTO (Buttan, Cape Verde và Etiopia).

[79] Kinh nghiệm của một số nước trong việc cam kết và thực thi các nghĩa vụ trong lĩnh vực thương mại dịch vụ được đề cập tại một chuyên đề riêng biệt thuộc đề tài này.

[80] Dựa trên bài viết “The Distribution of Gains between Investing and Borrowing Countries” của Singer H., tạp chí American Ecônmic Review, Papers and Proceedings, Vol.11, 1950, trang 473-85; và cuốn “The Economic Development of Latin America and its Principal Problems”, của tác giả Prebish R., UNECLA, 1950

[81] Báo cáo thường niên của UNCTAD, 1996

[82] NICS gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông và Đài Loan

[83] “Developing Countries in the WTO” của tác giả Constantine Michalopoulos, NXB Palgrave, 2001

[84] World Bank Discussion Paper No.401 "Russian Trade Policy Reform for WTO accession”, Harry G. Broadman hiệu đính, 12/1998

 

[85] Nguyên tắc này được quy định tại Điều XXXVI Hiệp định GATT 1994 và tạt "Enabling Clause"

 

[86] Dựa trên cuốn “Developing Countries in the WTO". Constantine  Michalopoulos, Palgrave, 2001.

[87] Guide to the WTO and Developping Countries, Peter Gallanger, World Trade Organization and Kluger Law International, 2001

[88] Luật số 8312, ngày 26/3/1998, quy định về "Đất Nông nghiệp chưa được phân bổ"; Luật số 8318, ngày 1/4/1998, quy đinh việc "Cho thuê đất nông nghiệp, đất rừng, đồng cỏ, đồng cỏ chăn nuôi và đất rừng”; và Luật số 8337, ngày 30/4/1998, quy định việc “Chuyển giao quyền sở hữu đất nông nghiệp, đồng cỏ, đồng cỏ chăn nuôi và rừng".

[89] Báo cáo của Nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Albania, Tổ chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/ALB/51, 13/7/2000.

[90] Báo cáo của Nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Macedonia - Cộng hoà Nam Tư cũ, Tổ chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/807/27, 26/9/2002.

[91] Báo cáo của Nhóm Công tác về việcgia nhập WTO của Macedonia - Cộng hoà Nam Tư cũ, Tổ chức Thương mại Thế giới WT/ACC/807/27, 26/9/2002.

[92] Báo cáo của Nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Lithuania, Tổ  chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/LTU/52, 7/12/2000.

[93] Hiệp định IMF trong trường hợp này là "Code of Good Practices ơn Transparency in Monetary and Fiscal Policies: Declaration of Principles". Điều VII và VIII của Hiệp định quy định việc minh bạch hoá Thông tin về các Chính sách Tài chính" và “Bảo đảm sự nhất quán và độ tin cậy của các thể chế tài chính".

[94] Báo cáo của Nhóm Công tác về việc gia nhập WTO của Albania, Tổ chức Thương mại Thế giới, WT/ACC/ALB/51, 13/7/2000.

 

[95] Technical Note on the Accession Process, WTO Secretariat, WT/ACC/10/Rev. 1, 28/5/2003.

[96] Điều khoản III.9 của Hiệp định GATT quy định hoạt động của các nhà cung cấp dich vụ độc quyền và được uỷ quyền

[97] Điều VIII của GATT quy định hoạt động của các nhà cung cấp dich vụ độc quyền và được uỷ quyền

[98] Báo cáo của Nhóm Công tác WTO về việc ra nhập WTO của Estonia, Ban Thư ký WTO, WT/ACC/EST/28, ngày9/4/1999.

 

[99]Developing countries in the WTO, Constantine Michalopoulos, 2001

[100] Developing countries in the WTO, Constantine Michalopoulos, 2001.

[101]AMS viết tắt của “Aggregate Measures of Support”

[102]Liên quan tới việc bảo vệ các giống cây thông qua việc cấp giấy phép độc quyền và một số hình thức khác.

[103] Chín nước này là: Argentina, Chile, Colombia, Malaysia, Mexico, Pakistan, Philippines, Ronmania và Thái Lan.

[104] Hai sáu nước này là: Bahrain, Burundi, Cameroon, Cote d’Ivoire, Cộng hoà Dominic, El Salvador, Ai Cập, Guatemala, Haiti, Jamaica, Kwait, Maurirania, Maldives, Myanmar, Maldives, Myanmar, Paraguay, Rwanda, Senegal, Sri Lanka, Tanzania, Tunisia, và Vương quốc ả rập Thống nhất.

[105]Special Studies 7: “Adjusting to Trade Liberalization: The role of policy, institutions and disciplines”, Marc Bacchetta và Marion Jansen, World Trade Organization, 4/2003.

[106]Tài liệu ký hiệu G/C/W/175 của Ban Thư ký WTO

 

[107]Law on Trade Companies (Official Gazette No.28/96)

[108]Investment Promotion Unit, trực thuộc Bộ Kinh tế Macedonia

[109]Báo cáo của nhóm công tác WTO về việc gia nhập của Macedonia, WT/ACC/807/27, 26/9/2002

[110]Law on Counstruction Land

 

[111]Quyết định số 516, ngày 14/10/1999 của Hội đồng Bộ trưởng Anbania về việc “Một số thay đổi đối với Quyết định số 205 ngày 13/4/1999 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thực thi các điều khoản của Bộ luật Hải quan”.

[112]Thạc sĩ luật thương mại quốc tế

[113]Hiệp định GATT 1994

 

[114]Nghị định thư gia nhập WTO của nước CHND Trung Hoa

[115]Như trên, phần I, mục 18

[116]Theo ý kiến của chuyên Gia WTO thì nếu như Việt Nam muốn gia nhập tại Hội nghị Bộ Trưởng WTO tại Hồng Công Tháng 12/2005 thi mọi công việc về lập pháp để thực thi các cam kết phải hoàn tất trước tháng 9/2005 để Ban thư ký có thể gian chuẩn bị tài liệu. Trong trường hợp công việc lập pháp thực thi các cam kết WTO không kết thúc vào thời điểm này thì cơ hội gia nhập tại Hội nghị này là không có khả thi.

[117]Xem Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế ngày 23-5-1969 (U.N Doc. A/CONF. 39/27) (Điều 26 quy định một điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý có giá trị ràng buộc đối với các bên, được các bên thực hiện một cách ngay tình).

[118]Theo Điều 27 Công ưu Viên về Luật điều ước quốc tế, một bên tham gia điều ước không thể viện dẫn lý do chưa có quy định trong pháp luật quốc gia để biện hộ cho việc không thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế đã cam kết, trừ trường hợp vì lý do nào đó (theo Điều 46), việc quốc gia thoả thuận tuân thủ điều ước quốc tế vi phạm một cách rõ ràng quy định của pháp luật trong nước của quốc gia đó về những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, cơ bản.

[119]Các hiệp định được ký tại Marrakesh và các phu lục kèm theo gồm khoảng 50.000trang, chưa kể hàng trăm ngàn trang tài liệu ghi chú, chuẩn bị và bình luận về thực tiễn đàm phán, cách hiểu các thuật ngữ, khái niệm.

[120]P.Sands đề xuất khái niệm “lai ghép chéo” của các quy phạm pháp luật quốc tế. Theo ông, quy phạm trong các lĩnh vực khác nhau của luật quốc tế như nhân quyền và phát triển, thương mại và môi trường, nhân quyền và môi trường, viện trợ phát triển và nhân quyền . . . vv., cùng đan xen và cạnh tranh với nhau trong một thực thể thống nhất là hệ thống pháp luật quốc tế. Hình thức quan hệ hỗ tương này đưa trên nền cơ bản là "nguyên tác hoà nhập" được quy định trong Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế. Sands cũng cho rằng xu hướng đan xen của các quy phạm được thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực pháp luật về phát triển và môi trường. Chẳng hạn, trong khi GATT 1947 về cơ bản loại trừ các quy định thuộc các lĩnh vực phi kinh tế, chỉ tập trung các vấn đề kinh tế, tài chính và thương mại, thì hiện nay đối tượng điều chỉnh đã khác trước rất nhiều. Hiệp định WTO 1994 quy định các quốc gia thành viên cam kết cả trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và nỗ lực tìm kiếm các Giải pháp bảo vệ môi trường. Xem P.Sands, Sustainble Development: Treaty,Custom, and the Cross-fertilization of  International Law, in INTERNATIONAL LAW AND SUSTANINABLE DEVELOPMENT 39, các tr.40, 43-56 (A.Boyle & D.Freestone, eds, 1999).

[121]Xem thêm Lê Thành Long, “Một số suy nghĩ bước đầu về nội luật hoá các quy định của pháp luật môi trường quốc tế tại Việt Nam”, Thông tin Khoa học pháp lý, Số 10 & 11 năm 2003, tr.107

[122]Ví dụ như EU, Hồng Công, Macao. Lãnh thổ thuế quan riêng biệt là những lãnh thổ không có tư cách quốc gia nhưng là thực thể có quyền tự trị hoàn toàn trong việc tiến hành quan hệ ngoại thương vào đối với các vấn đề khác được điều chỉnh trong Hiệp định WTO. Xem Bộ Ngoại giao (Vụ hợp tác kinh tế đa phương), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội (2000), tr. 71

 

[123]Các hiệp định trong khuôn khổ WTO gồm Hiệp định thành lập WTO; 20 Hiệp định đa phương về thương mại hàng hoá ; 4 Hiệp định đa phương về thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, rà soát chính sách thương mại ; 4 Hiệp định nhiều bên về hàng không dân dụng, mua sắm của chính phủ, sản phẩm sữa và sản phẩm thịt bò (chỉ có hiệu lực bắt buộc với các nước lựa chọn tham gia); 23 tuyên bố và quyết định liên quan đến một số vấn đề chưa được thoả thuận trong Vòng đàm phán Uruguay. Xem văn bản: Bộ thương mại (Vụ Chính sách thương mại đa biên), Kết quả Vòng đàm phán Uruguay về hệ thống thương mại đa biên, NXB thống kê, Hà Nội, 2000.

[124]Chẳng hạn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), Khác với IMF và WB, Ban Thư ký hoặc Tổng giám đốc WTO không được các nước thành viên chuyền giao những quyền lực quan trọng và quan điểm của WTO không ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách thương mại của các nước thành viên. Xem Bộ Ngoại giao. sđd, tr.73

[125]Dominique De Stoop, Cơ cấu tổ chức của WTO, Tập bài giảng về hệ thống giải quyết tranh chấp trong WTO. Dự án Đào tạo Việt Nam-Ôxtraylia, Hà Nội, tháng 3-2001 .

[126]Xưa nay, một trong những tồn tại cổ hữu của hệ thống pháp luật quốc tế là hiệu lực thi hành các quy phạm. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có hệ thống chế tài hữu hiệu thì các tổ chức quốc tế, điều ước và quy phạm pháp luật quốc tế nói chung chỉ là một sự lãng phí vô ích. nếu không nói là phản tác dụng bởi chính hệ thống đã gây sự hiểu nhầm và hy vọng Phi thực tế của các nước yếu hơn về tiềm lực kinh tế, quân sư.

[127]“Thành công lớn nhất trong các kết quả đạt được là việc tăng cường cơ chế Giải quyết tranh chấp. Đây là điểm trọng tâm của hệ thống WTO. Cơ chế này không chỉ đáng tin cậy và có hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp mà còn giúp giải quyết một số lượng lớn các tranh chấp ngay trong giai đoạn tham vấn.” Renato Ruggiero (nguyên Tổng Thư ký WTO), Báo cáo chuyên đề chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ nhất (Singapore, 12-1996)

[128]WTO không quy định nghĩa vụ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, mặc dù trên thực tế, xung đột thường trực tiếp phát sinh từ các công ty, doanh nghiệp nhưng khi khiếu kiện thì vẫn phải qua con đường chính thực là quốc Gia

[129]Trả đũa là mức chế tài cao nhất và cũng thể hiện rõ nhất hậu quả của việc không tuân thủ các quy định của WTO. Trong trường hợp không thoả thuận được mức bồi thường thoả đáng trong thời hạn 20 ngày kể từ khi hết thời hạn hợp lý để thương lượng thì bên bị vi phạm có thể đề nghị DSB cho phép tiến hành biện pháp trả đũa thông qua việc tạm hoãn thi hành nhượng bộ hoặc nghĩa vụ đối với bên vi phạm. Trước hết là chọn các nhượng bộ trong cùng lĩnh vực bị vi phạm, trường hợp chọn cùng lĩnh vực là không thực tế hoặc không hữu hiệu từi có thể hoãn thi hành nghĩa vụ trong các lĩnh vực khác trong cùng hiệp định; hoặc có thể chọn lĩnh vực khác được quy định trong các hiệp định có liên quan. Nhằm mục đích này, hàng hoá được coi là một lĩnh vực; còn dịch vụ thì được chia thành 11 lĩnh vực khác nhau. Xem tài liệu MTN.GNS/W/120.

[130]Xem thêm Phần 4 của Bài viết.

[131]Ví du. Điều XXIV của GATT quy định các nước thành viên trong các hiệp định thương mại khu vực (liên minh thuế quan hoặc khu vực mậu dịch tự do) có thể dành cho nhau sự đối xử ưu đãi hơn mang tính chất phân biệt đối xử với các nước thứ ba, trái với nguyên tắc MFN; Điều XX và XXI (Các trường hợp ngoại lệ nhằm bảo vệ sức khoẻ, đạo đức xã hội, an ninh); Điều XVIII và Phần IV (Các nước đang phát triển)

[132]Khác với ngoại lệ được quy định rõ ràng ngay trong Hiệp đinh WTO, miễn trừ MFN được quyết định trên cơ sở quyết định của Đại hội đồng GATT/WTO trong từng trường hợp cu thể. Ví du. Quyết định ngày 25-6-1971 của Đai hội đồng GATT về việc thiết lập Hệ thống ưu đãi phổ cặp (GSP) chỉ áp dụng cho hàng hoá xuất xứ từ những nước đang phát triển và chậm phát triển; Quyết định ngày 26-11-1971 của Đại hội đồng GATT về đàm phán thương mại giữa các nước đang phát triển cho phép các nước này có quyền đàm phán, ký kết nhưng hiệp định thương mại dành cho nhau ưu đãi hơn về thuế quan mà không phải dành cho các nước phát triển; Quyết định ngày 20-12-1965 cho phép Mỹ và Canada được áp dung quy chế miễn thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp ô tô giữa hai nước.

 

[133]Đối với hàng hoá và sở hữu trí tuệ, việc áp dụng NT là một nghĩa vụ chung, có nghĩa là hàng hoá và quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài sau khi đóng thuế quan hoặc được đăng ký bảo vệ hợp pháp phát được đối xử bình đẳng như hàng hoá và quyển sở hữu trí tuệ trong nước đối với thuế và phí nội địa, các quy đinh về mua, bán, phân phối, vận chuyển. Đối với dịch vụ, nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với những lĩnh vực ngành nghề đã được mỗi nước đưa vào trong danh mục cam kết cụ thể của mình và mỗi nước có quyền đàm phán đưa ra ngoài lẹ. Xem Bộ Ngoại Giao, sđd, tr. 62.

[134]Michael Pryles, Jeff Waincymer & Martin Davis, lnternational Trade Law : Commentary and Material (1996),tr.747.

[135]Lương Văn Tự, “Việt Nam với quá trình gia nhập WTO hiện nay", Thông tin đối ngoại số 4 năm 2004, tr. 20.

[136]Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khái thêm sân chơi bình đẳng rất khó có thể ái dụng trong điều kiện quốc tế do không thể tách rời các điều kiện kinh doanh khác; bởi lẽ nếu mọi sự khác nhau về điều kiện kinh doanh của mỗi nước mà tách rời để phán xử thì hầu hết, nếu không nói là tất cả hoạt động thương mại của nước ngoài đều bị coi là không bình đẳng. Robert E. Hudec, "Differences in National Environmental Standards: The Level Playing Field Dimension", 5 Minn. J. Global Trade 1 (1996), các tr. 7, 13.

[137]Bộ Ngoại giao (Vụ HTKT đa phương). sđd, tr.196-197.

 

[138]Theo quy định tại Điều 1 Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng, một ngành công nghiệp được coi là đã nhận một khoản trợ cấp khi ngành này được lợi do các hành động của Chính phủ được quy định tại điều này.

[139]Pháp luật về thuế đối kháng trong khuôn khổ WTO không có quy định và không áp dụng thực đối kháng đối với hàng hoá sản xuất tại các nước có quy chuẩn (yêu cầu) về môi trường thấp do ba lý do. Một là, định nghĩa "trợ cấp" hiện nay không bao hàm những thuận lợi về giá cả mà sản xuất hàng hoá được hưởng từ nước có điều kiện một trường thấp. Hai là, nếu có trợ cấp chăng nữa thì còn phải thoả mãn yêu cầu về "tính riêng biệt” đối với ngành sản xuất cụ thể. Cuối cùng là rất khó có thể đo lường hay lượng hoá lợi ích về tài chính do yêu cẩu thấp về môi trường mang lại. Điều 2 Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng đưa yêu cầu tính riêng biệt để xác định thế nào là trơ cấp. Xem Robert E. Hudec, sđd, tr. 15

 

[140]Xem Báo cáo của Ban Hội thẩm GATT về việc Mỹ câm nhập khẩu cá ngừ và sản phẩm cá ngừ Canada (1982), thông qua 22-2-1982, BISD 29S/91

[141]Canada - Các biện pháp ảnh hưởng đến xuất khẩu cá hồi chưa chế biến, thông qua 22-3-1988, BISD 35S/98.

 

[142]Thái Lan – Hạn chế nhập khẩu và đánh thuế thuốc lá, thông qua 7-11-1990, BISD 37S/200.

[143]Xem: Báo cáo của Ban Hội thẩm GATT về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá ngừ (Tuna I), thông qua 3-9- 1991. BISD 3tự học/155; Báo cáo của Ban Hội thẩm GATT về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá ngừ (Tuna II),Báo cáo không được thông qua, chỉ gửi cho các nước thành viên 16-6-1994. DS29/R; Báo cáo của Ban Hội thẩm GATT về việc Mỹ đánh thuế ô tô, không được thông qua, gửi cho các bên 11-10-1994, DS31/R; Mỹ - Quy chuẩn xăng thường và xăng tái chế, thông qua 20-5-1996. WT/DS2/9 (Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và Ban Hội thẩm); Cộng đồng Châu Âu -  Các biện pháp ảnh hưởng đến thịt và sản phẩm thịt, thông qua 13-2-1998, WT/DS26/AB/R & WT/DS48/AB/R (Cơ quan phúc thẩm), và WT/DS26/R/USA & WT/DS48/R/CAN (Ban Hội thẩm).

[144]Peter Malanczuk, Akerhurst’s Modern Introduction to International Law, London 1997, tr. 63

[145]Theo Kelsen thì nguồn gốc và hiệu lực của mọi quy định pháp luật đều xuất phát từ pháp luật quốc tế. Quy phạm pháp luật quốc tế có hiệu lực cao hơn so với quy phạảmtong nước trong trường hợp có mâu thuẫn ; mọi quy định trong nước trái với quy định quốc tế đều mặc nhiên vô hiệu ; quy định pháp luật quốc tế có hiệu lực trực tiếp ở mỗi quốc gia. H. Kelsen, Principles  of International Law (1966), các tr. 553- 588

[146]Cao Jianming, "WTO and the Rule of Law in China", 16 Temp. Int’l Comp. L.J 379, tr. 380.

[147]Cao Jianming nêu 4 lý do chính lại sao Trung Quốc lại theo trường phái này. Một là, khác với Công ước của LHQ về hợp đồng mua bán quốc tế - văn bản được áp dụng trực tiếp đối với quyền và nghĩa vu của hai bên (bên mua và bên bán), Hiệp định WTO quy định quyền và nghĩa vụ của chính phủ nước thành viên; như vậy là có sự khác nhau về đối tượng điều chỉnh. Hai là. cả hai quy định áp dụng trực tiếp hay chuyển hoá đều không trái với quy định của WTO; mỗi nước thành viên có quyền chọn cách áp dụng riêng theo quy định pháp luật quốc gia, miễn là đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vu thành viên WTO. Ba là, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác đều có quy định về chuyển hoá; vì lẽ đó quy đình chuyển hoá của Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Bốn là, việc áp dụng trực tiếp các quy định WTO có khó khăn, phức tạp nhất định: Tài liệu chính thức của WTO là tài liệu tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha nên khi áp dụng tại Trung Quốc phải thông qua tiếng Tlung Quốc. Xem Cao Jianming, sđd, tr.380.

[148]Trung Quốc đã sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ trên 2000 văn bản quy phạm pháp luật; Toà án tối cao Trung Quốc cũng xem xét lai trên 2600 và huỷ bỏ 177 văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật liên quan đến các vấn đề thương mại nói chung (trong đó có thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ), sở hữu trí tuệ và thủ tục tố tụng. Cao Jianming, sđd,  tr. 381-382

 

[149]Về thực tiến Nhật Bản, xem Matsashita, Japan and the Implementation of the Tokyo Round Results, in J. Jackson, J. Louis & Matsushita, Implementing the Tokyo Round : National Constitutions and International Economic Rules (1984), ch.3

[150]Vụ kiện được bắt đầu tại Toà án sơ thẩm Kyoto năm 1984, Toà Phúc thẩm Osaka y án năm 1987 và Toà án tối cao Nhật Bản y án năm 1990. Thông tin về vụ kiện do Giáo sư Mitsuo Matsushita (Đại học tổng hợp Tokyo) cung cấp. Ngoài ra, có thể xem thêm Báo cáo của Giáo sư Yuji Iwasawa về việc thực hiện các Hiệp định thương mại của Nhật bản trình bày tại Hội nghị Bielefeld, tháng 9-1990.

[151]John Jackson, « Status of Treaties in Domestic in Domestic Legal Systems : A Policy Analysis » 86 A.J.I.L.310 (1992), tr.334.

[152]Theo Điều 2435 Luật thương mại 1974 của Hoa Kỳ, Tổng thống được giao quyền ký kết các hiệp định thương mại song phương quy định việc không phân biệt đối xử đối với sản phẩm hàng hoá của các nước chưa được hưởng quy chế ưu đãi, nếu Tổng thống cho rằng việc ký kết đó sẽ khuyến khích thực hiện các mục tiên quy định trong Luật 1974 và vì lợi ích quốc gia của Mỹ

[153]Đây là điểm khá rắc rối và tế nhị trong pháp luật điều ước của Mỹ. Do pháp luật không quy định cụ thể nên có nhiều cách hiểu khác nhau về điều ước tự thi hành và điều ước không tự thi hành. Theo luật hiến pháp thì tiêu chí cơ bản để xác định liệu Hoa Kỳ có chủ định hay không chủ định để các điều khoản trong điều ước được toà án Hoa Kỳ trực tiếp thi hành như văn bản pháp luật trong nước của Mỹ mà không cần phải có văn bản chuyển hoá và pháp luật trong nước. Thông thường để tránh mang tiếng vi phạm nghĩa vụ quốc tế trong trường hợp điều ước không tự thi hành trái với luật trong nước của Mỹ, toà án thường được quyền chủ động xử lý các trường hợp cụ thể.

[154]Kể cả trong trường hợp điều ước quốc tế tự thi hành (tức là không cần hành vi chuyển hoá) thì vẫn phát sinh vấn đề liệu mỗi cá nhân, tổ chức có thể trực tiếp dẫn chiếu đến quy định của điều ước đó trong các tranh chấp cụ thể trong nước của mình hay không. Tại Hoa kỳ, trong vụ DIGGS kiện RICHARDSON (555 F.2d 848, D.C. Cir 1976), nguyên đơn dẫn chiếu Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các nước không quan hệ buôn bán với Nam Phi để bảo vệ quyền lợi của mình. Nguyên đơn cho rằng do Nghị quyết có tính chất tự thi hành nên Chính phủ Hoa kỳ đã vi phạm Nghị quyết do đã tiến hành đàm phán bề buôn bán với các quan chức Nam Phi tại Namibia. Chính phủ Hoa Kỳ lại cho rằng Nghị quyết không có hiệu lực bắt buộc và trực tiếp tại Hoa Kỳ mà không cần phải có hành vi chuyển hoá thì bản thân Nghị quyết cũng không quy định quyền của công dân Hoa Kỳ được trực tiếp dẫn chiếu đến các điều khoản liên quan trước toà nếu chưa có văn bản pháp luật trong nước chuyển hoá Nghị quyết đó.

 

 

[155]Trên thực tế, Quốc hội Hoa Kỳ không chỉ đơn thuần thông qua việc gia nhập WTO, mà trong văn bản Luật này còn quy định sửa đổi, bổ sung cần thiết trong pháp luật hiện hành của Hoa Kỳ để thực hiện Hiệp định WTO, theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để sửa đổi, bổ sung và hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật hoặc quy định hành chính hiện hành để thực hiện nghĩa vụ và hưởng các quyền theo quy định của WTO. Xem The Uruguay Round Agreements Act : Statement of Administrative Action, 27-9-1994, 1994 WL 761600; Matthew Schacfer, “Sovereignty, Influence, Rcalpolitik and the World Trade Organization” 25 Hastings Int’l & Comp. L. Rev. 341 (2002).

[156]Về “thủ tục nhanh” theo pháp luật Hoa Kỳ xem John Jackson, Jean Victor Louis & Mitsuo Matsushita, “Implementing the Tokyo Round : Legal Aspects of Changing International Economic Rules” 81 Mich. L. Rev. 267 (1982).

[157]Jonh Jackson, “The Great 1994 Sovereignty Debate : United States Acceptancc and Implementation of the Uruguay Round Results” 36 Colum.J.Transnat’l L. 157, tr.168

[158]Xem John Jackson & các tác giả khác, Legal Problems of International Ecônmic Relations, tr. 147 (1995); John Jackson & các tác giả khác, Implementing the Tokyo Round : National Constitutions and International Economic Rules, tr.169-170; Statement of Administrative Action for the Uruguay Round Trade Agreements, Title I, Section 101, H.R. Doc. No. 103-316, tr. 12 (1994).

[159]Restatement (Third) of the Foreign Relations Law of the United States 114 (1990).

[160]Theo Uruguay Round Agreement Act, l02(b) (2)(B)(i), trong mọi  vụ kiện Chính phủ liên bang liên quan đến luật bang, Báo cáo của Ban giải quyết tranh chấp hoặc Ban Phúc thẩm không có giá trị rang buộc.

[161]Xem Relationship of the Agreements to United States Law and State Law,  Uruguay Round Agreements Act 3512 (Báo cáo của Ban giải quyết tranh chấp hoặc của Ban phúc thẩm không có nghĩa vụ ràng buộc theo luật Hoa Kỳ).

[162]Xem J. Schwarze, The External Relations of the European Community, In Particular EC-US Relations (1989); E.L.M. Volker & J. Steenbergen, Leading Cases and Materials on the External Relations Law of the European Community (1985).

 

[163]John Jackson, “Status of Treaties in Domestic Legal Systems: A Policy Analysis" 86 A.J.I.L. 310 (1992), tr.321

[164]Theo ECJ thì GATT là hiệp định được xây dựng trên cơ sở nhân nhượng thuế quan nên lính khả biến lớn. Do tính khả biến trong quá trình đàm phán nên GATT không quy định những nghĩa vụ pháp lý trực tiếp đối với cá nhân, pháp nhân của EC nên họ không có quyền viện dẫn các quy định của GATT ra trước ECJ. Xem Trịnh Đức Hải, "Vai trò của các công ty xuyên quốc gia trong việc thực hiện thoả thuận về giải quyết tranh chấp của WTO" - Bài nghiên cứu Chuyên đề II, Đề tài Giải quyết tranh chấp thương mại, tr. 28

[165]Thông tin và tài liệu tham khảo bổ sung về thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế (trong đó có pháp luật WTO) xem Patricia Egli &  Juliane Kokott,  Portugese Republic v Council of the Europcan  Union (Judgement) 96 A.J.I.L. 740 (2000).

[166]Xem H. Schermers & D. Waelbroeck, Judicial Protection in the European Communities (1987); Petersman, “Application of GATT by the Court of Justice of the European Communities", 20 Common Market Law Review 397, 424 (1983).

[167]Xem Higgins, “United Kingdom" in F. Jacobs & S. Roberts, United Kingdom National Committee of Comparative Law : The Effect of Treaties in Domestic Law (1987).

[168]Xem F.A Mann, Foreign Affairs in English Courts (1986), ch. 5.

[169]Xem K. Holloway, Modern Trends in Treaty Law (1967) tr. 193; Sawyer, Australian Constitutional Law in Relation to lnternational Relations" in K.W. Ryan. International Law in Australia (1984) tr. 47. Theo Sawyer, do ảnh hưởng của truyền thống Pháp luật Anh quốc nên quan điểm là các điều ước quốc tế có hiệu lực pháp luật trực tiếp ở Úc không được chấp nhận.

[170]Thông tin thêm về thực tiễn của Pháp xem Nguyễn Văn Bình, "Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở Cộng hoà Pháp và một số nước Châu Âu - Tài liệu nghiên cứu lưu giữ tại Vụ hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp.

[171]Schemer, “Netherlands", in F. Jacobs & S. Roberts, United Kingdom National Committee of Comparative Law : The Effect of Treaties in Domestic Law (1987), tr. 109.

[172]Theo Điều 53 Hiến pháp Cộng hoà Pháp 1958 thì các hiệp định về hoà bình, thương mại, tổ chức quốc tế, tài chính quốc gia, hiệp định liên quan đến việc phải sửa đổi luật quốc gia, liên quan đến địa vị pháp lý của công dân, vấn đề lãnh thổ… phải được phê chuẩn bằng một đạo luật. Thái Vĩnh Thắng, “Mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá”, Tạp chí Luật học số 2/2003. tr. 52

[173]Xem De la Rochere, “France” in F.Jacobs & S.Roberts, United Kingdom National Committee of Comparative Law : The Effect of Treaties in Domestic Law (1987), tr.39. Điều 55 Hiến pháp Cộng hoà Pháp 1958 quy định hiệu lực cao hơn của điều ước quốc tế thậm chí đối với các văn bản pháp luật trong nước ban hành sau, với điều kiện là áp dụng đối với tuỳ từng laọi điều ước cụ thể trên cơ sở có đi có lại với nước ký kết.

 

[174]Xem Thái Vĩnh Thắng, sđd, tr. 50. Ông Thắng dẫn chiếu điều 3 Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 1998 để khẳng định Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao hơn điều ước quốc tế; ông dẫn Điều 15 (Khoản 4) BLDS 1995, Điều 5 (Khoản 2) BLHS 1999, Điều 13 Luật Quốc tịch 1998 để chứng minh điều ước quốc tế có hiệu lực cao hơn luật.

[175]Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 20-8-1998 (Điều 5.Khoản 3).

[176]Xem "Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ tư pháp về công việc ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam”, Báo Nhân dân 10-4-2003.

 

[177]Hà Hùng Cường & các tác giả khác, “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của Công hoà Xã hội chủ nghĩa Viêt Nam và pháp luật Viêt Nam" - Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 95-98-113/DT, tr.30. Xem thêm “Hoàn thiện các quy định về thẩm định điều ước quốc tế trong pháp luật và thực tiễn ký kết, thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Viêt Nam" - Tài liệu nghiên cứu của Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp lác quốc tế Bộ Tư pháp.

[178]Chú thích tại Điều 1 Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế định nghĩa khái niệm thương mại "gồm các vấn đề phát sinh từ các quan hệ có tính chất thương mại, không phụ thuộc vào việc đó có phải là quan hệ hợp đồng hay không. Các quan hệ có tính chất thương mại bao gồm, nhưng không chỉ hạn chế trong khuôn khổ, các hành vi/giao dịch sau đây: mọi giao dịch thương mại nhằm cung ứng hoặc trao đổi hàng hoá hoặc dịch vị; thoả thuận phân phối, đại diện thương mại hoặc đại lý; sản xuất: cho thuê; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; thoả thuận khai thác hoặc thăm dò; liên doanh và các hình thức hợp tác kinh doanh, sản xuất khác; vận tải hàng hoá bằng đường không, đường biển, đường sắt hoặc đường bộ."

[179]Luật Thương mại hiện hành quy định 14 hành vi được coi là hành vi thương mại gồm l) Mua bán hàng hoá; 2) Đại diện cho thương nhân: 3) Môi giới thương mại; 4) Uỷ thác mua bán hàng hoá; 5) Đại lý mua bán hàng hoá; 6) Gia công trong thương mại; 7) Đấu giá hàng hoá; 8) Đấu thầu hàng hoá; 9) Dịch vu giao nhận hàng hoá; 10) Dịch vụ giám định hàng hoá; 11) Khuyến mại: 12) Quảng cáo thương mại: 13) Trưng bày giới thiệu hàng hoá; 14) Hội chợ, triển lãm hàng hoá.

[180]Công ước được chuyển hoá vào pháp luật Việt Nam bằng pháp lệnh ngày 17-9-1995 của UBTVQH về công nhận và thi hành tại Viêt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Xem Dự án VIE/94/003 “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam”, Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam (tập III), Hà nội 1998, tr.110.

[181]Có thể nhận rõ xu hướng không tập trung hoá việc điều chỉnh tất cả các hoạt động thương mại vào trong một văn bản bởi quy mô rộng lớn của chúng; Chỉ nên xem việc pháp điển hoá các quy định của pháp luật Thương mại trong bộ luật, luật, hay cơ cấu rải rác trong bộ luật dân sự hay các văn bản pháp luật khác là vấn đề thuộc kỹ thuật lập pháp. Xem Tô Thị Đông Hà, “tìm hiều vai trò của pháp luật thương mại ở Việt Nam hiện nay” Dân Chủ & Pháp luật số 9 (138) (2003), tr.36

[182]Điều 2 (Khoản 3) Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 định nghĩa “hoạt động thương mại” gòm mua bán hang hoá, cung ứng dịch vụ; phân phối, đại diện; đại lý thương mại; ký gửi, thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hang hoá, hành khách bằng đường không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật Về những điểm khác nhau giữa Pháp lệnh trọng tài mới 2003 với các văn bản pháp luật trước đây về trọng tài liên quan đến nội hàm một số khái niệm kinh tế, thương mại, thẩm quyền trọng tài xem Phan Thông Anh, “một số suy nghĩ về việc triển khai Pháp lệnh Trọng tài thương mại”, Dân Chủ & Pháp luật số 9 (138) (2003), Tr.31-32.

[183]Hiệp định thương mại Việt nam – Hoa Kỳ gồm 7 chương và 9 phụ lục bao quát hầu hết các lĩnh vực thuộc thương mại quốc tế tương tự các vấn đề được đàm phán và thoả thuận trong WTO, gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, quan hệ đầu tư, minh bạch và công khai hoá pháp luật và quyền khiếu kiện. Tìm hiểu về HĐTM VN-HK và các văn bản pháp luật trong nước có liên quan để thực hiện Hiệp định xem Đinh Tích Linh, doanh nghiệp cần biết khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, NXB Thống kê, Hà nội 2002.

[184]Nghị quyết số 48-2001/NQ-QH10 ngày 11-11-2001 phê chuẩn Hiệp định quy định UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan có liên quan có nghĩa vụ thực hiện Hiệp định

[185]Xem Quyết định 35/2002/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Kế hoạch đặt ra là tăng cường nhận thức về Hiệp định thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các bộ, ngành, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp; rà soát các quy định hiện hành của Việt Nam; nghiên cứu, đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài : hoàn thiện cơ sở pháp lý về sở hữu trí tuệ; khuyến mại, du lịch; xác định các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia; đào tạo nhân lực; và xem xét các vấn đề về thiết chế, tổ chức.

[186]Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung 148 văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác với Hiệp định. Trong số các văn bản này có 26 luật, 19 pháp lệnh, 1 quyết định của Chủ tịch nước, 54 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị của thủ tướng, 23 thông tư, 13 quyết định và 1 chỉ thị của Bộ trưởng

[187]Theo đánh giá chung, sự ra đời của Pháp lệnh là bước chuyển quan trọng trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Xem U.S-Vietnam Trade Council Education Forum, Catalog of Legal updates (15-l l-2003), tr. 6.

[188]Điều 6 Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế.

[189]TRIPS, Điều 15(l).

[190]Về phạm vi, thương hiệu được hiểu rộng hơn “nhãn hiệu hàng hoá". bao gồm bất cứ dấu hiệu gì được gắn liền với sản phẩm, dịch vụ nhằm làm cho sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu được nhận biết dễ dàng và phân biết được với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại. Xem Nguyễn Như Quỳnh. "Bàn về các thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu” Dân chủ pháp luật số 11 (140) 2003, tr. 9.

[191]Xem các Mục 1-7 phần 2 TRIPS.

[192]Nguyễn Như Quỳnh, sđđ. tr 9.

[193]Điều 1 (3) TRIPS dẫn chiếu định nghĩa khái niệm thể nhân và pháp nhân đến Công ước Paris (1967), Công ước Berne (1971), Công ước Rome và Hiệp định về SHTT đối với mạch tích hợp. Điều 2 TRIPS quy định các điều khoản dẫn chiếu cụ thể quy định của TRIPS đối với các công ước hiện hành trong từng lĩnh vực SHTT cụ thể

[194]Các hiệp định về thuế, trong đó chủ yếu là hiệp định tránh đánh thuế hai lần phản ánh sự nhân nhượng giữa các quốc gia về quyền đánh thuế trên cơ sở có đi có lại và hai bên cùng có lợi. Do vậy không có nước nào có thể ký kết được hiệp định thuế với các nước khác với nội dung hoàn toàn giống như quy định của nội luật về thuế. Trên cơ sở này có thể không định hiệp định thuế có giá trị cao hơn nội luật.

[195]Ví dụ, hiệp định quy định quyền đánh thuế của quốc gia dựa trên cơ sở cá nhân hoặc công ty có phải là đối tượng cư trú của quốc gia có liên quan không? Có hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú hay địa điểm cố định không? Vấn đề khó khăn nhất đối với Việt Nam là làm sao để xác định liệu cá nhân hay công ty là đối tượng chịu thuế có phải là của nước đã ký hiệp định với Việt Nam hay không để án dụng theo hiệp định hay theo nội luật. Dự án VIE/94/003 “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam”, Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam (tập III), Hà Nội 1998, tr 114

[196] Michael Pryles, Jeff Waincymer & Martin Davis, sđd. tr. 711

[197] 197Dự án VIE/94/003 “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam", Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam (tập III), Hà Nội 1998, tr, 135.

 

[198]Vũ Đức Long, “Vấn đề nội luật hoá pháp luật quốc tế ở Việt Nam" –tài liệu nghiên cứu của TS. Vũ Đức Long (Bộ Tư pháp)

 

 

File đính kèm downloadTải về