• Thuộc tính
Tên đề tài Nghiên cứu lịch sử hình thành, nội dung cơ bản và những giá trị của Quốc triều Hình luật thời nhà Lê
Nội dung tóm tắt

Đề tài không chỉ có ý nghĩa lí luận và lịch sử mà còn mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện đại, phản ánh những yêu cầu của thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta hiện nay. Đề tài đã nghiên cứu Quốc triều Hình luật một cách khá toàn diện từ những góc độ của các khoa học pháp lí chuyên ngành theo quan điểm hiện đại. Kết quả nghiên cứu là sự đóng góp tích cực vào việc khai thác và phát huy di sản văn hoá của dân tộc cũng như những truyền thống pháp lí của nước Việt Nam xưa.

I. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT - TIẾP CẬN TỪ HƯỚNG LỊCH SỬ, LÍ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

1. Đặc điểm cơ bản về chính trị, kinh tế văn hoá - xã hội thời Lê sơ

Trên cơ sở các tư liệu lịch sử, những đặc điểm về nền tảng chính trị, kinh tế văn hoá - xã hội của thời Lê sơ đã được phân tích như sau:

- Triều Lê sơ được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc 1417 - 1427;

- Nước Đại Việt chuyển từ trạng thái chiến tranh sang hoà bình; Các tướng lĩnh, công thần của cuộc kháng chiến chống Minh có vị trí đặc biệt quan trọng trong nửa đầu thế kỉ XV;

- Đội ngũ quan lại xuất thân từ khoa cử Nho học ngày càng chiếm số lượng đông đảo và có vị trí quan trọng;

- Tăng cường tư tưởng Nho giáo trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; Nhà nước Lê sơ từng bước được xây dựng theo hướng trung ương tập quyền và đạt mức độ cao vào triều Lê Thánh Tông;

- Triều Lê sơ từng bước pháp điển hoá tối đa mọi quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội;

- Chính quyền ngày càng quan liêu, xa dân;

- Tiểu nông hoá nền nông nghiệp, nông thôn.

Từ những phân tích về đặc điểm nêu trên, có thể đi đến kết luận rằng thời Lê sơ mà tập trung là giai đoạn Lê Thánh Tông trị vì, chế độ phong kiến nhà nước quan liêu đã đạt tới sự ổn định, kỉ cương và thịnh trị. 

2. Quá trình hình thành Quốc triều Hình luật

Quốc triều Hình luật là bộ luật tiêu biểu cho hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam đã được giới nghiên cứu cổ luật trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm khởi thảo Bộ luật này cũng như thời điểm tiêu biểu nhất cho sự hoàn chỉnh Bộ luật vẫn đang là vấn đề chưa được khẳng định và có nhiều kiến giải khác nhau. Hiện nay, có ba quan điểm khác nhau về vấn đề này - quan điểm thứ nhất cho rằng Quốc triều Hình luật được ban hành vào năm 1477. Quan điểm thứ hai cho rằng Quốc triều Hình luật được ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497). Quan điểm thứ ba cho rằng Quốc triều Hình luật được khởi thảo ngay dưới triều vua Lê Thái Tổ nhưng có thể sớm hơn ngay từ năm 1428.

Trong các quan điểm trên, quan điểm thứ ba về thời gian ban hành bộ luật là có căn cứ đầy đủ và hệ thống hơn. Trước hết, về thời điểm ban hành, Bộ luật có thể được ban hành ngay trong năm 1428 nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết mà tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đặt ra trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và quản lí kinh tế - xã hội thời hậu chiến.

Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) cho biết ngay trong chiến tranh, Thái Tổ đã ban hành những quy định về hình phạt và quân luật, về chức tước các quan văn võ, về phân cấp hệ thống chính quyền địa phương, về việc cấm quan lại, tướng hiệu cướp bóc, vơ vét, nhận hối lộ, về nguyên tắc chuộc tội bằng tiền, về việc buộc dân lưu .tán trở về quê cũ cày cấy, về việc tiến cử một số người có tài đức ra làm quan... Từ năm 1426, khi giải phóng hầu hết đất nước, Lê Lợi đã chia nước làm 4 đạo (Đông, Tây, Nam, Bắc) và đặt quan cai trị. Như vậy, hệ thống chính quyền và pháp luật đã được hình thành, thiết lập ngay trong cuộc chiến tranh giải phóng nhưng chưa có quy củ chặt chẽ. Sau chiến tranh, để chấm dứt tình trạng lỏng lẻo, tuỳ tiện trong hoạt động cai trị của quan chức các cấp và đặt cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, hoàn thiện thống nhất bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, ngay trong tháng 1/1428 Thái Tổ đã "Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu uý, Hành khiển bàn định luật lệnh trị quân và dân, cho người làm tướng biết mà trị quân, người làm quan ở lộ biết mà trị dân, để răn dạy cho quân dân đều biết là có phép, phàm công việc đều có người phụ trách, dâng lên vua xem". Ngay sau đó, ông đã hạ lệnh ban hành pháp luật: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp".

Như vậy, Quốc triều Hình luật có thể đã được ban hành từ đầu năm 1428. Các sự kiện lập pháp dưới triều Lê sơ được ghi trong chính sử cũng góp phần làm sáng tỏ nhận định trên. Năm 1437, Thái Tông ra chỉ dụ cho các quan đại thần, thái giám, hình quan rằng "phàm người xét án, cứ theo điều chính trong luật mà xử đoán, điều luật và tội danh phải lấy ở hình luật rồi trình lên quan đại thần, thái giám, đài quan và năm đạo công đồng xem qua, các quan ấy cho là phải thì sau mới xử đoán".

Bên cạnh đó, trong bộ luật có 27 điều khoản thuộc 11 chương có nhắc tới đơn vị hành chính lộ, có 29 điều khoản quy định trừng phạt các quan tể tướng, quan sảnh viện phạm tội khi đảm nhiệm chức vụ, có 24 điều khoản quy định chức trách và trừng phạt xã quan không hoàn thành chức trách của mình. Trong khi đó ngay từ năm 1466, trong cuộc cải cách bộ máy nhà nước Lê Thánh Tông đã đổi cấp hành chính Lộ thành Phủ; bãi bỏ hết các chức vụ và các cơ quan nhà nước trung gian ở triều đình như chức tể tướng, các sảnh viện Thượng thư, Trung thư, Môn hạ, Nội mật; đã đổi chức danh xã quan thành xã trưởng. Như vậy, chắc chắn các điều khoản trên phải có trước thời Thánh Tông. Những điều khoản quy định trách nhiệm của các quan đại thần, quan hành khiển và trừng phạt nặng họ khi có hành vi lạm quyền (Điều 150, 152, 153, 218, 624, 625, 626…), chây lười, cẩu thả, bỏ bê chính sự (Điều 151, 154, 156, 158, 160, l94, 233, 287...) hay những điều khoản quy định về trách nhiệm của các quan Lộ, huyện, xã quan, trong việc thu nộp thuế (Điều 176, 368, 373); quản lý dân đinh, hộ khẩu (Điều 285, 286, 170, 348); quản lý, sử dụng tài sản công, ruộng đất công (Điều 347, 367, 369, 373...); trừ diệt trộm cướp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (Điều 298, 458, 464, 650…); bảo vệ đê điều (Điều 181, 182) đều xuất phát từ tình hình chính trị đương thời và đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của tình hình đó.

Khi so sánh nội dung một số điều khoản trong Quốc triều Hình luật với thực tiễn áp dụng pháp luật thời Lê Sơ cũng cho chúng ta thêm căn cứ về thời điểm ban hành Bộ luật. ĐVSKTT cho biết, năm 1434 tên đầu bếp ở Thái miếu là Nguyễn Chú phạm tội ức hiếp mua rẻ hàng hóa bị đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy đồ làm lính nuôi voi và bị rao ba ngày cho mọi người biết. Hành vi phạm tội và các hình phạt được áp dụng trên trùng hợp với nội dung của các Điều 198 và 577 Quốc triều Hình luật.

Theo Điều 429 Quốc triều Hình luật thì giữa ban ngày ăn cắp vặt chỉ xử tội đồ. Năm 1435, có 7 tên ăn trộm tái phạm đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử chém sau triều đình thấy như vậy giết nhiều người quá nên chỉ xử chém hai tên còn lại thì xử lưu đày. Việc giảm án cho người ít tuổi cho thấy nguyên tắc chiếu cố theo tuổi tác (Điều 16) đã được áp dụng. Hành vi tái phạm tội ăn trộm và mức hình phạt xử chém mà hình quan chiếu luật trùng hợp với nội dung Điều 429 trong Quốc triều Hình luật. Cũng năm 1435, Thái Quân Thực, Nguyễn Tông Trụ di sứ sang nhà Minh mắc tội tiết lộ công việc triều chính với người nước ngoài, đánh nhau làm nhục quốc thể, tội đáng xử tử nhưng vì đã từng có công nên chỉ bị lưu hình. Hành vi phạm tội và mức hình phạt nêu ra trong vụ án trùng hợp với Điều 79, 495 Quốc triều Hình luật. Mức án giảm nhẹ đối với Thái Quân Thực và Nguyễn Tông Trụ cho thấy nguyên tắc chiếu cố theo Bát nghị (Điều 3, 4, 6, 12) đã được áp dụng. Cần thấy rằng tuy các vụ án trên xảy ra dưới thời Thái Tông nhưng các điều khoản trên trong Bộ luật phải được ban hành dưới thời Thái Tổ bởi ông mới mất năm 1433. Thái Tông lên ngôi khi còn nhỏ tuổi (11 tuổi) theo lễ nghi và quan điểm Pháp tiên vương của đạo Nho, trong thời hạn để tang Vua, ba năm Thái Tông không thể thay đổi phép tắc của cha mình và các mức hình phạt đó vẫn được giữ nguyên trong bộ luật cho đến tận thời Lê Mạt.

Khi xây dựng Bộ luật đầu tiên của triều đại mình, ngoài những quy định do chính ông ban hành từ những năm chiến tranh, Thái Tổ đã có sẵn một nguồn luật quan trọng để châm chước, tham khảo. Đó là các Bộ Hình thư đời Lý, Hình thư đời Trần. Mặc dù hai Bộ luật này đều đã thất truyền nhưng khi so sánh Quốc triều Hình luật với hệ thống pháp luật Lý - Trần qua các chiếu lệnh và thực tiễn áp dụng pháp luật đương thời, chúng ta thấy Quốc triều Hình luật đã trực tiếp kế thừa nhiều thành tựu của hệ thống pháp luật đó.

Trước hết, hệ thống Ngũ hình của luật nhà Lý, nhà Trần về cơ bản đã được Quốc triều Hình luật kế thừa và phát triển hoàn thiện tại Điều 1 với một số bổ sung, sửa đổi. Các hình phạt khác như thích chữ, phạt tiền, sung vợ con người phạm tội làm nô tỳ, tịch thu tài sản, bãi chức cũng được kế thừa và hoàn thiện tại các Điều 9, 24 (thích chữ), Điều 26 (phạt tiền), Điều 51, 411, 412 (tịch thu tài sản) Điều 164, 166, 191... bãi chức), Điều 412, 411 (sung vợ con người phạm tội làm nô tỳ) của Quốc triều Hình luật. Ngoài ra, hình phạt biếm lần đầu được áp dụng dưới thời Hồ vào năm 1406 cũng được Quốc triều Hình luật kế thừa và hoàn thiện tại các Điều 22, 27, 46. Một số nguyên tắc chung như nguyên tắc chuộc tội bằng tiền, nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự liên đới, nguyên tắc thân thuộc được che giấu tội cho nhau cũng được Quốc triều Hình luật kế thừa hoàn thiện với những quy định cụ thể hơn. Bên cạnh đó, các quy định trong 10 đạo chiếu, lệnh của nhà Lý, nhà Trần cũng được Quốc triều Hình luật kế thừa tại 11 điều khoản. Trong 11 điều khoản đó có tới 7 điều khoản điều chỉnh những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống kinh tế hàng ngày của dân chúng như mua bán, tranh chấp đất đai (Điều 360, 366, 370, 387, 580), đến việc bảo vệ dân đinh - nguồn cung cấp thuế, binh dịch, lao dịch cho nhà nước (Điều 286, 305). Đấy cũng là những điều khoản chỉ có trong Bộ luật nhà Lê chứ không có trong luật nhà Đường, nhà Minh. Như vậy, sự kế thừa thành tựu lập pháp của nhà Lý, nhà Trần là một trong những yếu tố làm nên điểm đặc sắc và tiến bộ của Quốc triều Hình luật.

Ngoài việc hệ thống lại những điều khoản do chính ông đã ban hành trong chiến tranh và trực tiếp tham khảo hai Bộ Hình thư nhà Lý, nhà Trần, khi xây dựng Bộ luật của triều đại mình, Thái Tổ và các đại thần triều Lê chắc chắn cũng đã tham khảo pháp luật Trung Quốc ở cả hai khía cạnh hình thức và nội dung bởi hai quốc gia vốn có sự giao thoa văn hóa pháp lý từ rất sớm trải dài hơn 10 thế kỷ. Hơn nữa, Trung Quốc thời phong kiến lại là một quốc gia có nền pháp luật phát triển cao ở khu vực Đông Á. Về hình thức, cấu trúc của Quốc triều Hình luật được mô phỏng theo cấu trúc của Bộ luật nhà Đường. Bộ Quốc triều Hình luật có 722 điều được nhóm thành 13 chương, Bộ luật nhà Đường có 502 điều được chia thành 12 chương. Trừ 4 chương 3, 4, 6, 7 thì cả 9 chương còn lại của Quốc triều Hình luật đều giống với các chương của luật nhà Đường. Tuy nhiên, chính sự có mặt của 4 chương riêng trong Quốc triều Hình luật đã nói lên sự độc lập tương đối của các nhà làm luật triều Lê trong quá trình xây dựng Bộ luật.

Nhiều tác giả cho rằng Quốc triều Hình luật vay mượn các điều khoản từ luật nhà Đường một cách gián tiếp thông qua hệ thống pháp luật Lý - Trần. Có lẽ chính cách này đã làm cho sự tiếp thu pháp luật Trung Quốc trong Quốc triều Hình luật có tính chọn lọc chứ không đơn thuần chỉ là sự sao chép nguyên vẹn vì những điều khoản vay mượn đã được trải nghiệm qua thực tế thi hành pháp luật hàng thế kỷ trước. Có thể thấy rõ là ngay các chế định cổ điển của pháp luật Trung Quốc như chế định ngũ hình, chế định thập ác tội được vay mượn từ luật nhà Đường trong Quốc triều Hình luật cũng đã được sửa đổi ít nhiều cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước Đại Việt.

Sự tiếp thu chọn lọc pháp luật phong kiến Trung Quốc trong Quốc triều Hình luật cho thấy tư duy chính trị cởi mở của tập đoàn phong kiến Lê sơ. Không những không bị hạn chế bởi tinh thần tự tôn dân tộc cực đoan, nhà Lê sơ còn sẵn sàng tiếp nhận thành tựu pháp luật của một quốc gia có nền phát triển cao ở khu vực và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể trong nước. Điều đó nói lên sự hội nhập khu vực từ rất sớm của nền pháp luật nước ta trong lịch sử. Được ban hành từ năm 1428 nhưng Bộ luật đã được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện qua nhiều triều vua Hậu Lê. Khi so sánh những điều khoản được ghi dưới niên hiệu Thiệu Bình trong Hồng Đức thiện chính thư và một số lệnh chỉ, chỉ dụ do Thái Tông ban hành được ghi chép trong ĐVSKTT với Quốc triều Hình luật cho thấy dưới thời Thái Tông (1433 - 1442 ) các điều 310, 502, 508, 513, 527, 672, 683 đã được bổ sung.

Dưới thời Nhân Tông (1443 - 1459), 14 điều luật về Điền sản được bổ sung vào Bộ luật với tiêu đề "Điền sản mới tăng thêm" từ Điều 374 đến Điều 387. Thánh Tông (1460 -1497) - vị vua anh minh vào bậc nhất của triều Lê sơ đã có những đóng góp lớn lao để hoàn thiện về cơ bản bộ Quốc triều Hình luật. So sánh những điều khoản trong Thiên Nam dư hạ tập và những điều khoản dưới niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức trong Hồng Đức thiện chính thư (sau khi đã loại trừ những điều khoản chắc chắn có trước thời Thánh Tông) với Quốc triều Hình luật cho thấy có 83 điều khoản đã được bổ sung vào Bộ luật. Chắc chắn đóng góp của Thánh Tông trong việc hoàn thiện Bộ luật còn nhiều hơn nữa nhưng chúng ta chỉ có thể định lượng tương đối như trên do sự thất truyền hầu hết bộ Thiên Nam dư hạ tập.

Sau Thánh Tông, những chỉ dẫn chính xác trong Quốc triều Hình luật cho biết năm 1511, vua Lê Tương Dục bổ sung vào Bộ luật Điều 389; năm 1517, vua Lê Chiêu Tông bổ sung vào Bộ luật Điều 391. Dưới thời Lê Mạt, Bộ luật vẫn tiếp tục được bổ sung, sửa đổi.

Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên có thể đi đến nhận định: Quốc triều Hình luật là kết quả của quá trình lập pháp liên tục của các triều vua Hậu Lê trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Thái Tổ và đóng góp lớn lao của Thánh Tông - Những vị vua anh minh vào bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Bằng việc trực tiếp kế thừa thành tựu pháp luật của nhà Lý, nhà Trần và tiếp thu chọn lọc pháp luật phong kiến Trung Quốc, trên cơ sở đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, Quốc triều Hình luật đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố nội sinh và những yếu tố ngoại sinh, giữa luật tục cổ truyền và luật hướng Nho.

3. Tư tưởng đức trị và pháp trị của Quốc triều Hình luật

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã đi sâu phân tích, luận giải những biểu hiện cụ thể về tư tưởng đức trị và pháp trị trong các quy định của Quốc triều Hình luật như.

+ Quốc triều Hình luật thể hiện tư tưởng kính thiên ái dân của Nho gia;

+ Quốc triều Hình luật quy định chặt chẽ trách nhiệm của quan lại trong từng cương vị.

 + Quốc triều Hình luật đã thể chế hoá lễ để cai trị, giáo hoá dân chúng và trừng phạt những hành vi xâm hại lễ nghi;

+ Quốc triều Hình luật quy định nhiều biện pháp buộc quan lại phải thực hiện công vụ kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: Sự thể chế hoá tư tưởng đức trị và tư tưởng pháp trị trong Quốc triều Hình luật đã hình thành nên đường lối cai trị truyền thống kết hợp giữa đức và pháp vừa mang bản sắc văn hoá pháp lí phương Đông vừa thể hiện sắc thái riêng của thể chế chính trị - pháp lí quân chủ Đại Việt. Với tư thế của người chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tập đoàn phong kiến Lê sơ không những không bị hạn chế bởi ý thức tự tôn dân tộc cực đoan mà còn biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá pháp lí của một quốc gia có nền văn minh chính trị pháp lí cao hơn và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của quốc gia Đại Việt- Thể hiện đường lối cai trị đó, Quốc triều Hình luật một mặt xác định rất rõ ràng, chặt chẽ tiêu chuẩn cao, khắt khe về năng lực, đặc biệt là về phẩm cách đạo đức của đội ngũ quan lại phong kiến đồng thời quan tâm, bảo vệ quyền lợi thiết thực của người dân trong địa vị người bị cai trị; mặt khác, Bộ luật cũng chú trọng tới phương thức thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công vụ của quan lại thông qua việc quy định nhiều biện pháp buộc quan lại phải thi hành công vụ kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

Sự kết hợp giữa tư tưởng đức trị và pháp trị vẫn còn nguyên ý nghĩa trong thời đại chúng ta. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự tiếp thu những tinh hoa của hai hệ tư tưởng này, đặc biệt là tư tưởng đức trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cũng được bắt nguồn từ tinh hoa của tư tưởng đức trị.

4. Giá trị lập pháp của Quốc triều Hình luật

Với cách tiếp cận vấn đề từ quan điểm của khoa học pháp lí hiện đại, các kết quả nghiên cứu đã thể hiện sự phân tích làm sáng tỏ những giá trị về tư tưởng pháp luật và những giá trị cơ bản về kĩ thuật lập pháp được thể hiện trong Quốc triều Hình luật, từ đó rút ra những bài học có giá trị đối với hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Trước hết, Quốc triều Hình luật thể hiện những tư tưởng pháp luật sau đây:

+ Quốc triều Hình luật thừa nhận nguyên tắc chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Sự ghi nhận nguyên tắc này trong Quốc triều Hình luật thể hiện tư tưởng pháp lí tiến bộ trong điều kiện lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam ở giai đoạn này.

+ Quốc triều Hình luật quy định các tiêu chuẩn rõ ràng đối với phẩm chất của quan lại và đưa ra nhiều hạn chế đối với hành vi của quan lại nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của quan lại.

Mặc dù trong Quốc triều Hình luật không có điều luật nào quy định chung về tiêu chuẩn của quan lại nhưng qua nghiên cứu nội dung của nhiều điều luật, có thể thấy Quốc triều Hình luật đã quy định những tiêu chuẩn và những phẩm chất rất rõ ràng của quan lại trong chế độ phong kiến triều Lê. Đó là các tiêu chuẩn như: siêng năng, chuyên cần, trung thực, liêm khiết. Đồng thời, Quốc triều Hình luật cũng đòi hỏi quan lại phải tuân thủ các yêu cầu nhất định khi thực thi nhiệm vụ của mình như phải tôn trọng nghi thức, nghi lễ... Quốc triều Hình luật còn quy định biện pháp để ngăn ngừa tình trạng thiếu khách quan, vô tư của đội ngũ quan lại khi họ thực thi quyền hạn. Chẳng hạn, quan lại ở trấn ngoài không được lấy con gái ở trấn hạt mình cai quản (Điều 316). Quốc triều Hình luật đã hạn chế nhiều đặc quyền của quan lại, chẳng hạn về sở hữu đất đai và nô tỳ (Điều 226, Điều 372...) Mặt khác, Quốc triều Hình luật đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế sự quấy nhiễu của quan lại đối với quần chúng nhân dân. Sự hạn chế này được xác định trong nhiều điều luật bằng việc quy định các biện pháp chế tài đối với quan lại có hành vi xâm phạm lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Những quy định này cho thấy Quốc triều Hình luật đã tạo ra cơ sở pháp lí quan trọng cho việc đảm bảo hoạt động phù hợp với pháp luật của các cơ quan nhà nước, quan lại trong bộ máy nhà nước, tránh được tình trạng lạm dụng quyền lực của các nhân viên nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng của mình.

+ Quốc triều Hình luật đã giải quyết hợp lí mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức và phong tục tập quán.

Thứ nhất, Quốc triều Hình luật đã có sự phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của pháp luật và phạm vi điều chỉnh của đạo đức.

Thứ hai, Quốc triều Hình luật bảo vệ những giá trị đạo đức xã hội.

Thú ba, Quốc triều Hình luật giải quyết hợp lí sự xung đột giữa các quy phạm đạo đức và quy phạm pháp luật. Tương tự, Quốc triều Hình luật cũng đã giải quyết được một cách hợp lí mối quan hệ giữa pháp luật với các tập quán trong xã hội.

Thứ tư, Quốc triều Hình luật bảo vệ những quyền cơ bản của con người.

Thứ năm, Quốc triều Hình luật xác định rõ sự thừa nhận các quy định của pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật mà không thừa nhận việc sử dụng hình thức án lệ.

Vấn đề kĩ thuật lập pháp của Quốc triều Hình luật cũng được chú trọng nghiên cứu, các kết quả chủ yếu được rút ra như sau:

* Về hình thức khái quát của Quốc triều Hình luật

Quốc triều Hình luật được xây dựng theo mô hình của bộ luật hình sự, phần lớn các điều luật trong đó xác định tội phạm và hình phạt. Mặc dù được trình bày với mô hình như vậy nhưng Quốc triều Hình luật lại là bộ luật tổng hợp, nó điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hầu hết các lĩnh vực như dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, tố tụng. Nhiều quy định trong Quốc triều Hình luật thuần tuý là quy phạm pháp luật dân sự. Các biện pháp chế tài trong Quốc triều Hình luật cũng bao gồm không chỉ các hình phạt của luật hình sự mà còn có các biện pháp chế tài khác như dân sự, hành chính.

Nhìn một cách tổng thể, việc xây dựng Bộ luật với các điều luật chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội với việc xác định rõ ràng biện pháp chế tài áp dụng đối với chủ thể xâm phạm các quan hệ xã hội đó thể hiện rõ ràng cơ chế điều chỉnh pháp luật của Quốc triều Hình luật.

* Cách thức thể hiện quy phạm pháp luật

Ngoài chương Danh lệ và các điều bổ sung thêm về luật hương hoả thì hầu hết các điều luật trong Quốc triều Hình luật được xây dựng theo mô hình của các điều luật chứa đựng quy phạm pháp luật hình sự trong đó mô tả hành vi vi phạm pháp luật và biện pháp chế tài đối với chủ thể thực hiện hành vi đó. Các điều luật trong Quốc triều Hình luật là những điều luật không có tên gọi mà chỉ đánh số điều, vì vậy trong rất nhiều điều luật, nhà làm luật không chỉ quy định một hành vi phạm tội mà còn quy định cách xử lí đối với những người có liên quan đối với trường hợp phạm tội đó.

 * Về cấu trúc và các thành tố của các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật.

 Nhiều quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật chỉ chứa đựng hai bộ phận là giả định và chế tài nhưng nhiều điều luật được nhà làm luật xây dựng theo mô hình mà trong đó chứa đựng đầy đủ ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài. Đây là khía cạnh mang tính chất kĩ thuật mà chúng ta ít gặp trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Trong các quy phạm pháp luật của Quốc triều Hình luật, phần giả định thường được thể hiện rất đa dạng, có thể là giả định đơn giản cũng có thể là giả định phức tạp (Điều 388). Phần quy định trong các quy phạm của Quốc triều Hình luật cũng được thể hiện dưới hình thức cho phép cũng có thể được thể hiện dưới hình thức cấm đoán và cũng có thể được thể hiện dưới hình thức bắt buộc. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu các điều luật trong Quốc triều Hình luật, chúng ta đều thấy phần quy định trong các quy phạm pháp luật của Bộ luật là quy định dứt khoát, tức là nó chỉ nêu lên một cách xử sự để các chủ thể thực hiện chứ không đưa ra nhiều cách xử sự khác nhau để chủ thể lựa chọn.

Phần chế tài trong các quy phạm pháp luật của Quốc triều Hình luật được quy định dưới dạng chế tài cố định. Các mức chế tài tăng nặng hoặc giảm nhẹ cũng được ấn định rõ ràng cho mỗi hành vi vi phạm cụ thể và tùy thuộc vào tình trạng lại ấn định một hình phạt riêng biệt. Việc quy định này đảm bảo tính chính xác trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước, tránh được sự tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật.

Trong Quốc triều Hình luật, nhà làm luật cũng đã sử dụng cách diễn đạt các quy phạm pháp luật dẫn chiếu. Khi cần phải xác định một nội dung pháp lí hoặc một hành vi nào đó cần được xử lí theo điều luật khác, nhà làm luật chỉ rõ việc xử lí theo điều nào. Tuy nhiên, vì các điều luật trong Quốc triều Hình luật không được đặt tên nên nhà làm luật dẫn chiếu theo tên của hành vi bị xử lí theo luật.

Qua việc phân tích những giá trị về tư tưởng pháp luật và kỹ thuật lập pháp ở trên, có thể rút ra rằng trong hoạt động xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay cần phải kế thừa có chọn lọc những giá trị quý báu đó để nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật. Cụ thể là:

- Pháp luật cần phải ghi nhận nguyên tắc chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép là nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước.

- Pháp luật cần phải xác định rõ tiêu chuẩn rõ ràng về phẩm chất của các cán bộ, công chức bằng những quy định cụ thể mà có thể định lượng được những tiêu chuẩn đó đồng thời xác định rõ những biện pháp chế tài cụ thể đối với cán bộ công chức vi phạm các tiêu chuẩn đó ở từng mức độ cụ thể.

- Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết một cách thoả đáng mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức, trong đó cần phải phân định rõ gianh giới điều chỉnh của pháp luật và đạo đức bằng việc pháp lí hoá các chuẩn mực và khái niệm đạo đức.

- Xây dựng các chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật cần phải xây dựng các chế tài cố định hoặc khi xây dựng các chế tài không cố định thì không nên quy định khoảng cách giữa mức thấp nhất và mức cao nhất của biện pháp chế tài quá rộng để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thuận lợi và chính xác.

- Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật nên xây dựng luôn biện pháp chế tài áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật trong cùng một văn bản để tránh tình trạng có hành vi vi phạm nhưng không có quy định về biện pháp chế tài có thể áp dụng.

5. Về ý nghĩa là công cụ thực hiện chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ của Quốc triều Hình luật

Các kết quả nghiên cứu từ góc độ này đã phản ánh một giá trị cơ bản tiếp theo của Quốc triều Hình luật - công cụ thực hiện chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ thông qua việc phân tích ý nghĩa các quy định của Quốc triều Hình luật ở các phương diện sau:

+ Chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê thể hiện một cách tổng quát chính là hoạt động bản của nhà nước thể hiện vai trò quản lí, vận hành nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, vai trò của nhà nước lúc này là khôi phục, ổn định và thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp mà chủ đạo và trồng cây lúa nước - vốn là truyền thống sản xuất và sinh hoạt văn hoá lâu đời của dân tộc. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và xã hội của đất nước, để nền kinh tế nông nghiệp có thể vận hành tốt thì nhất thiết phải giải quyết một số vấn đề có ý nghĩa rộng lớn, đó là những vấn đề như:

- Khắc phục những điểm bất lợi của thiên nhiên, làm thuỷ lợi, đắp đê, ngăn lũ, tưới tiêu cho đồng ruộng...

 - Khai hoang, mở mang diện tích đất canh tác, quản lí đất đai, khuyến khích sản xuất.

 - Bảo đảm ổn định trật tự xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước và giữ vững nền hoà bình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống của người dân.

 + Từ phương diện chính sách thì chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ được được thể hiện qua các chính sách bản như:

 * Chính sách trọng nông, khuyến nông

- Chính sách này được thể hiện trên các bình diện như bảo vệ sản xuất,  bảo vệ trật tự xã hội để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

 - Điều chỉnh một số quan hệ kinh tế có liên quan như quan hệ ruộng đất, quan hệ tiền tệ, thuế khoá, quan hệ buôn bán...

 - Khuyến khích nông nghiệp phát triển.

 * Chính sách ức thương, độc quyền ngoại thương

 - Kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, hạn chế tối đa sự trao đổi hàng hoá của các nhà buôn với nước ngoài;

 - Hạn chế sự phát triển của các thành thị, trung tâm buôn bán.

 Chính sách kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê thể hiện rất rõ qua các quy phạm pháp luật được thể chế hoá trong Quốc triều Hình luật.

 * Bằng Quốc triều Hình luật, nhà Lê bảo vệ nền kinh tế tiểu nông

Nhà Lê đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chính sách trọng nông. Điều này trước hết thể hiện tư tưởng Nho giáo của Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) và đây cũng chính là nền tảng tư tưởng của các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật. Trong chương Điền sản - một trong những chương trọng yếu của Bộ luật, nhà Lê đã quy định các hành vi vi phạm chế độ ruộng đất như:

 - Bán ruộng công cấp cho (Điều 342);

 - Giấu ruộng đất, đầm ao của công (không nộp thuế), cày cấy ruộng công mà quá kì không nộp thuế (Điều 346);

- Xâm chiếm bờ cõi ruộng đất, nhổ bỏ mốc giới của người khác hay tự mình lập ra mốc giới (Điều 357);

Ấn định quy chế chia ruộng đất công cho dân địa phương và thu lại khi cần thiết (Điều 347); chế độ chia điền sản cho người thừa kế (Điều 374); nhằm bảo vệ sức sản xuất nông nghiệp, nhà nước quy định hình thức và mức xử phạt hình vi tự tiện giết trâu ngựa (Điều 580).

Ở chương Điền sản, Quốc triều Hình luật còn tạo khuôn khổ pháp lí nhất định cho các quan hệ trao đổi dân sự về ruộng đất, tài sản đương thời. Để ngăn ngừa tệ cho vay nặng lãi có tính bóc lột quá đáng, Điều 587 Quốc triều Hình luật quy định tỉ lệ cho vay lấy lãi.

Trong chương Vệ cấm, Quốc triều Hình luật quy định hàng loạt các hành vi vi phạm trật tự kinh tế, bảo vệ nền kinh tế quốc dân, ngăn chặn sự xâm lấn của kinh tế nước ngoài.

Chính sách trọng nông của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ xuất phát trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. Đây cũng là chính sách trọng tâm của nhà nước, chính sách này nhằm mục tiêu ổn định xã hội, động viên cao nhất sự đóng góp của nông dân vào sự phát triển và phồn vinh của đất nước; chính sách trọng nông của nhà nước được thể hiện trên nhiều khía cạnh như tô thuế, ruộng đất, nhân đinh làm nghĩa vụ binh dịch và lao dịch.

Chính sách ổn định sản xuất nông nghiệp, an dân ở vùng nông thôn sau những năm dài chiến tranh tàn phá trước hết biểu hiện ở biện pháp giải quyết tình trạng dân lưu vong do hậu quả của chiến tranh hay các nguyên nhân  khác. Nhà vua đã xuống chiếu cấm tư nhân không được lập thêm các đồn điền để thu nạp dân lưu lạc và đe doạ sẽ phạt ai vi phạm điều này. Quốc triều Hình luật quy định: "Các quan ty làm việc ngoài nếu không biết làm việc lợi, trừ việc hại, để dân trăm họ phải phiêu bạt đi nơi khác, hộ khẩu bị hao hụt và có trộm cướp tụ họp ở trong hạt thì xử tội bãi chức hay tội đồ..." (Điều 284). Song song với chính sách an dân, giải quyết tình trạng dân lưu vong, nhà nước còn đẩy mạnh thực hiện chính sách khai hoang, phục hoá, lập thêm đồn điền để tăng cường năng lực kinh tế của nhà nước.

Nhằm bảo vệ đê điều, bảo vệ an ninh cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng nông thôn, Quốc triều Hình luật quy định hành vi "phá trộm đê làm thiệt hại nhà cưa, lúa má của dân thì xử tội đồ hay tội lưu và bắt đền thiệt hại (Điều 596).

Hành vi chiếm đoạt đất đai cũng được nhà nước xác định là tội phạm và quy định hình phạt (Điều 370). Nhà nước còn lo bảo vệ nông dân và an toàn xã hội ở nông thôn trước sự đe doạ của thiên nhiên, ác thú. Trách nhiệm của chính quyền là phải chăm lo cho đời sống nông dân và phát triển sản xuất (Điều 181, 182). Để bảo vệ nông dân và sản xuất nông nghiệp, nhà nước còn quy định thành luật xử phạt các hành vi khác như chặt phá cây cối, lúa má của người khác (Điều 601), thả trâu ngựa phá hoại hoa màu của dân (Điều 581), lấy trộm trâu ngựa, thuyền bè (Điều 444), đánh trộm cá ở ao nhà người khác (Điều 445), bắt trộm gà lợn, xúc trộm lúa má (Điều 446).

Đặc biệt, những tranh chấp về ruộng đất, nông sản trong nhân dân cũng được Bộ luật dự liệu như Điều 362 quy định phân xử tạm thời về số lúa trên ruộng đất đang tranh chấp.

Nhà nước cũng chú trọng bảo vệ người nông dân trước các hành vi hà lạm của quan tham như hành vi hà hiếp, bức hại để mua ruộng của người khác, tranh giành chiếm đoạt nhà, đất đai của lương dân (Điều 370); xâm lấn bờ cõi, ruộng đất, nhổ bỏ mốc giới (Điều 357), bán trộm ruộng đất của người khác (Điều 382). Vấn đề cầm cố ruộng đất cũng được Bộ luật điều chỉnh (Điều 383, Điều 384), có việc tranh chấp ruộng đất mà mượn người làm chứng gian dối thì bị xử phạt (Điều 385).

Trên khía cạnh sự tác động của nhà nước đến các quan hệ kinh tế đương thời, Quốc triều Hình luật không chỉ thể hiện chính sách trọng nông mà còn thể hiện những chính sách nhất định đối với các ngành nghề khác trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân. Thời Lê sơ, bên cạnh nghề nông là ngành sản xuất chính, nước Đại Việt còn có các ngành sản xuất thủ công như dệt vải, đan lát, làm gốm sứ, rèn đúc. Tuy nhiên, tầng lớp thợ thủ công lúc này còn nhỏ yếu và mờ nhạt hơn nhiều so với tầng lớp nho sĩ và nông dân. Điều này một mặt thể hiện chính sách coi trọng nghề nông nhưng mặt khác lại thể hiện chính sách xem nhẹ thương nghiệp của nhà Lê.

Về chính sách quân điền, nhà nước chấp nhận nguyên tắc là ruộng công của làng nào thì làng đó sử dụng, tự phân chia cho các thành viên. Đây là cơ sở kinh tế cho sự tồn tại của chế độ tự trị làng xã thời phong kiến ở Việt Nam nói chung và triều Lê sơ nói riêng. Nhìn tổng thể thì kết cấu kinh tế - xã hội thời Lê sơ chủ yếu vẫn là nông nghiệp - nông dân - làng xã, kinh tế hàng hoá nhỏ chỉ là bộ phận phụ bổ sung cho nông nghiệp.

Qua nghiên cứu vai trò quản lí kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ thể hiện ở các quy định của Quốc triều Hình luật, có thể rút ra một số điểm kết luận sau đây:

- Quản lí nền kinh tế nông nghiệp là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước phong kiến Việt Nam triều Lê sơ;

- Nhà Lê đã sử dụng pháp luật như là công cụ đặc thù để thể hiện và thực hiện vai trò, chức năng của mình trên các lĩnh vực quản lí đất nước, trong đó có xây dựng và phát triển nền kinh tế tiểu nông là lĩnh vực hoạt động nền tảng của xã hội.

- Chính sách kinh tế của nhà Lê sơ được thể chế hoá một cách sâu sắc qua Quốc triều Hình luật với kỹ thuật lập pháp khá nhuần nhuyễn. Các khía cạnh quản lí hành chính, trật tự an toàn xã hội, quản lí đất đai, hình sự, dân sự... được thiết kế theo kiểu đan xen, lồng ghép trong các chương điều của Bộ luật, tạo nên tính thống nhất cao cho các chính sách của nhà nước và có tác dụng phối hợp tốt giữa các lĩnh vực quản lí đất nước theo pháp luật.

- Quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật được thiết kế tổng hợp, có tác dụng biểu hiện một cách tập trung, thống nhất ý chí nhà nước trong việc thể chế hoá và điều chỉnh các quan hệ xã hội trên các lĩnh vực chủ yếu.

- Quốc triều Hình luật là mẫu mực pháp luật cho việc quản lí đất nước trong nhiều triều đại về sau, chứng tỏ vai trò, tác dụng và ý nghĩa thiết thực của nó. Những hạn chế của Quốc triều Hình luật nằm trong sự hạn chế của hệ tư tưởng Nho giáo và các chính sách của triều Lê sơ trong điều kiện lịch sử thời bấy giờ.

- Mức độ điều chỉnh và kĩ thuật pháp lí trong việc thể chế hoá các chính sách kinh tế của nhà Lê sơ thể hiện qua Quốc triều Hình luật là kinh nghiệm tốt mà ngày nay chúng ta có thể tiếp thu, học tập để xây dựng các thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế

- Chính sách trọng nông theo kiểu nhà Lê được thể hiện qua Quốc triều Hình luật như đã phân tích ở trên cũng là bài học lịch sử cho việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế của đất nước hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà trước hết là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Điều này càng khẳng định chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thời đại.

- Trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thì kinh nghiệm lập pháp của ông cha ta thể hiện qua Quốc triều Hình luật cũng cần được khai thác và phát huy đúng mức. Chúng tôi cho rằng tính nhất quán trong các chính sách nhà nước từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá... thể hiện qua các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật là điều cần phải chú trọng tăng cường trong điều kiện hiện đại với hệ thống pháp luật đồ sộ, phức tạp. Quốc triều Hình luật thể hiện rõ sự nhất quán của chính sách nhà nước trong kĩ thuật pháp điển tổng hợp.

II. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT - TIẾP CẬN TỪ HƯỚNG CÁC KHOA HỌC LUẬT CHUYÊN NGÀNH HIỆN ĐẠI

Nếu nhìn Quốc triều Hình luật từ góc độ của các khoa học luật chuyên ngành hiện đại thì Quốc triều Hình luật như một bộ luật tổng hợp, tiêu biểu cho hệ thống pháp luật thời nhà Lê bao gồm các quy định của nhiều ngành luật khác nhau. Các kết quả nghiên cứu sau đây sẽ phản ánh những nội dung và giá trị của Quốc triều Hình luật nhìn từ góc độ khoa học luật chuyên ngành.

 1. Luật hành chính

Từ góc độ khoa học luật hành chính, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu vấn đề quan chế được thể hiện trực tiếp qua lời văn các quy định của Quốc triều Hình luật Cũng như ý nghĩa tinh thần các quy định đó và các văn bản khác có liên quan.

* Tuyển bổ quan lại

Dưới thời Hồng Đức, việc tuyển dụng quan lại chủ yếu được thực hiện theo ba cách là tuyển cử, đề cử và tập ấm.

- Tuyển cử: Thời Lê sơ, pháp luật quy định chế độ thi cử rất nghiêm ngặt. Cụ thể, Quốc triều Hình luật đã định điều kiện cho người đi thi (Điều 77); hơn nữa còn đặt ra lệ buộc địa phương phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của sĩ tử đi thi hương (lệ bảo kết hương thí) và lệ kê khai ba đời (cung khai tam đại). Mục đích là bảo đảm sự chặt chẽ trong việc tuyển chọn quan lại. Pháp luật còn quy định việc chống gian lận trong khi thi như cấm thí sinh mượn người thi hộ; giám sát trường thi không cho sĩ tử mang sách vở vào trường thi (Điều 3 ).

Đảm bảo khách quan trong việc đánh giá kết quả thi: Sao chép quyển văn của thí sinh sang quyển khác (đằng lực) để khảo quan chấm nhằm làm cho khảo quan không nhận ra bài của thí sinh. Buộc các quan có liên quan đến việc đánh giá kết quả thi phải từ chức nếu có thân thuộc với thí sinh (Điều 2 chương Vi chế).

- Đề cử: Quan điểm tuyển bổ quan lại là để dùng, cốt chọn được nhân tài nên bên cạnh tuyển cử là cách tuyển bổ chính thì đề cử cũng được chú ý. Tuy nhiên, tuyển cử có ưu điểm là được tổ chức một cách hệ thống, có tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, còn đề cử thì lại không có được những ưu điểm ấy nên chịu ảnh hưởng bởi sự đánh giá chủ quan của người đề cử và những người có liên quan. Song nhược điểm này bị hạn chế đáng kể bởi thủ tục đề cử tương đối chặt chẽ, tuỳ theo chức vụ đề cử mà có người đề cử, cơ quan xem xét, cơ quan bổ dụng tương ứng, rồi ghi chép, theo dõi năng lực, công trạng, lỗi lầm của người được đề cử sau khi được bổ dụng. Đồng thời, đặt ra chế độ trách nhiệm đối với người đề cử không được thiên tư, nhận tiền mà đề cử bậy, phải đề cử người tài cán, thanh liêm xứng đáng với công việc, không chây lười, hèn kém, bằng không thì người đề cử sẽ bị trị tội (Điều 78 chương Vi chế).

- Tập ấm: Phong tước ấm cho họ hàng của hoàng thân, quốc thích, quan lại. Đây là cách tuyển bổ không theo tài năng, đức hạnh mà theo xuất thân của người được tuyển bổ. Mặc dù luật pháp có định rõ giới hạn phong ấm (họ hàng của ai được phong ấm, phong ấm mấy đời, phong đến cấp bậc nào) nên rõ ràng khó chọn được người tài (Điều 50, 118 chương Vi chế; Điều 14 chương Trá nguỵ).

* Sử dụng quan lại

Pháp luật định ra nhiều cách để các quan lại có tài tương xứng với chức vụ như:

- Thí quan (làm quan thử): Người được bổ làm quan sau ba năm kể từ ngày nhậm chức thì phải khảo khoá lần đầu (sơ khảo) nếu xứng chức thì mới được nhận thực chức.

- Đào tạo quan lại: Mặc dù thời Hồng Đức đội ngũ quan lại xuất thân khoa cử chiếm số đông nhưng do có nhiều phép tuyển bổ khác nhau nên có những người không xuất thân từ khoa cử. Số quan lại này bị bắt buộc học để tăng kiến thức, trình độ, tài năng cai trị.

- Khảo khoá: Lệ khảo khoá áp dụng đối với quan lại là cứ ba năm khảo khoá một lần. Sau ba năm đầu khảo khoá lần thứ nhất để quyết định thí quan có được nhận thực chức không. Sau chín năm thông khảo (kì khảo thứ ba). Các nha môn thực hiện cả ba lần khảo khoá khai rõ công việc quan chức đã làm trong chức nhiệm cùng thành tích, lầm lỗi trình lên trên. Nếu xứng chức thì cho thăng thưởng, nếu ốm yếu, hèn kém, bỉ ổi thì đổi đi chỗ ít việc hoặc bắt về hưu (gọi là lệ giản thải). Việc thăng thưởng, thuyên chuyển, lầm lỗi của quan lại được ghi chép đầy đủ trong sổ gốc làm cơ sở để thưởng, phạt (Điều 156, 58, 59, 62, 63, 64 chương Vi chế).

* Các nghĩa vụ và những điều cấm kị đối với quan lại

- Nghĩa vụ tuân thủ thời hạn giải quyết việc công. Thời hạn được chú trọng trong những trường hợp: Thứ nhất, cần đảm bảo tính kịp thời, tránh những hậu quả bất lợi do việc để quá hạn gây ra như thời hạn đắp, sửa đê phải làm xong trước mùa mưa lũ để tránh lũ lụt, vỡ đê (Điều 85 chương Vi chế). Thứ hai, cần đảm bảo tính chính xác. Có những công việc nếu để chậm trễ sẽ không còn căn cứ để xác định thực, hư, đúng, sai khó có thể giải quyết thoả đáng, như có nạn lụt, hạn, mưa đá, sâu keo, châu chấu phá hại mùa màng phải tâu để xét miễn, giảm thuế mà không tâu đúng hạn thì có thể không còn dấu tích để tra xét (Điều 8 chương Điền sản). Quan lại không tuân thủ thời gian đã định sẽ bị phạt. Việc không tuân thủ thời hạn có khi cấu thành một vi phạm hoàn toàn khác (Điều 44 chương Hộ hôn).

 - Nghĩa vụ tuân thủ thủ tục giải quyết việc công. Nghĩa vụ tuân thủ thủ tục được đặc biệt nhấn mạnh khi việc không tuân thủ thủ tục có nguy cơ dẫn đến sai sót, lầm lẫn khi giải quyết công việc hoặc có khả năng lộng quyền, lạm quyền, khinh nhờn phép nước như: "Các quan sảnh, quan viện làm tờ tâu lên về sổ xin cai quản đối chiếu chưa xong mà đã trình lên xin ngự phê thì xử phạt tiền 20 quan" (Điều 58 chương Vi chế); hay "Khi có việc xây dựng đáng trình lên quan trên mà không trình, đáng phải đợi chỉ thị mà không đợi thì xử biếm hai tư" (Điều 15 chương Tạp luật). Thủ tục giải quyết việc công cũng có sự mềm dẻo tuỳ theo tính chất công việc như thủ tục giải quyết công việc trong trường hợp bình thường khác thủ tục giải quyết công việc trong trường hợp khẩn cấp (Điều 66 chương Tạp luật). Do vậy, quan lại khi giải quyết công việc phải theo đúng thủ tục đã quy định, không được vi phạm để tránh sai sót hay làm lỡ việc công.

- Nghĩa vụ khách quan, vô tư, chính xác, có căn cứ xác đáng khi giải quyết việc công. Nghĩa vụ này được thể hiện thông qua một khối lượng điều đáng kể trong Bộ luật. Có những điều luật quy định hình phạt đối với hành vi làm sai sự thật, làm trái pháp luật, đặc biệt trừng phạt nghiêm người làm sai trái vì tình thân, thù oán, ăn hối lộ. Có những quy định mang tính đảm bảo cho khả năng thiếu khách quan, chính xác không thể xảy ra như cấm đảm nhiệm những công việc gắn liền với quyền lợi của người thân thuộc (chấm thi). Những trường hợp quan trọng pháp luật còn định rõ như thế nào mới được coi là có căn cứ xác đáng (Điều 45 chương Vệ công). Nghĩa vụ này còn được phản ánh qua chế độ lập và quản lí sổ sách rất chặt chẽ, quy củ trong hoạt động của các cơ quan, các quan chức. Sổ ghi chép được thường xuyên soát xét, đối chiếu, trình lên cấp trên xem xét, kiểm tra (các điều 55,62, 63, 64, 65, 80, 98, 99 chương Vi chế, Điều 12 chương Tạp luật..).

- Nghĩa vụ tuân thủ kỉ luật, chuyên cần, tận tuỵ với công việc. Nghĩa vụ này đòi hỏi quan lại phải tận tâm, tận lực hoàn thành công việc thuộc chức trách được giao, không tuỳ tiện nghỉ việc (Điều 4 chương Vi chế), không được làm việc công ở nhà, ra đến công đường phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng đúng phép (các điều 143,144 chương Vi chế). Quan lại không làm hết phận sự, dùng dằng, lần chần không làm những việc cần kíp, không làm việc đáng phải làm (Điều 25 chương Vi chế), nhờ người, thuê người khác làm thay (Điều 38 chương Vi chế), thiếu tinh thần trách nhiệm đều bị phạt, nếu để hậu quả xấu thì bị phạt nặng (Các điều 8, 35 chương Vệ cấm, điều 59, 82 chương Vi chế).

Gắn liền với nghĩa vụ này là các quy định cấm trễ nải, trốn tránh nhiệm vụ: "Các quan đang tại chức mà trễ nhác việc công " (Điều 103 chương Vi chế) hoặc: "Những quan chức được sai làm việc công, thấy việc nặng nề, khó khăn mà nói dối là đau ốm để khỏi phải đi " (Điều 126 chương Vi chế) đều bị trừng phạt, đối với việc quan trọng hoặc để xảy ra hậu quả xấu, làm tổn hại nhân công, của công thì bị phạt nặng hơn: "Nếu là việc quân khẩn cấp mà trốn tránh thì xử tội lưu hay tội chết " (Điều 126 chương Vi chế).

- Nghĩa vụ chịu trách nhiệm về việc làm của cấp dưới. Các quan lại không chỉ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình mà còn phải chịu trách nhiệm về việc làm của người dưới quyền (Điều 61 chương Vi chế). Các quan lại không biết, biết mà làm ngơ hoặc dung túng cấp dưới làm điều sai trái đều bị phạt (Điều 24 chương Vệ cấm).

- Nghĩa vụ giữ gìn bí mật nhà nước. Quan lại để lộ thông tin bí mật hay cố ý tìm hiểu trái phép thông tin bí mật đều bị phạt nặng (Điều 123 chương Vi chế, Điều 14 chương Tạp luật).

- Cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu nhân dân. Mọi hành vi mượn việc công để trả thù riêng, lợi dụng việc công để trục lợi đều bị phạt, số lợi có được bị truy thu sung công, có thể bị phạt gấp đôi (Điều 19 chương Tạp luật). Quan lại sách nhiễu dân cũng bị phạt, nếu sách nhiễu lấy tiền của của dân thì phải bồi thường (Điều 110 chương Vi chế).

- Cấm kết bè đảng, cấm các quan cùng làm việc mâu thuẫn với nhau. Việc kết bè đảng, mâu thuẫn giữa các quan đều dẫn đến tranh giành quyền lực, phân tán quyền lực của vua, lạm quyền, lộng quyền, mưu lợi cá nhân, bỏ bê việc nước, gây mầm phản loạn tất phải bị cấm: "Quan chức cùng làm việc một nơi mà bất hoà với nhau thì xử tội phạt hay tội biếm " (Điều 68 chương Tạp luật). Những trường hợp kết bè đảng giữa các quan đại thần hoặc ở vùng biên trấn được coi là nguy hiểm hơn đều bị trị tội nặng (Điều 108 chương Vi chế).

 * Những đặc quyền, đặc lợi quan lại được hưởng

- Được giảm tội

Quan lại được giảm tội có hai trường hợp: Thứ nhất là bát nghị (tám điều nghị xét giảm tội) các quan lại thuộc vào bát nghị khi phạm tội thì được xét giảm tội. Tuy nhiên, không phải mọi quan lại đều được nghị xét giảm tội và ngay cả những người thuộc vào bát nghị cũng không được giảm tội khi phạm tội thập ác (Điều 3 chương Danh lệ). Hai là, trong một số trường hợp nếu cùng phạm một tội thì quan bị phạt nhẹ hơn dân, quan cao bị phạt nhẹ hơn quan thấp (Điều 19 chương Vệ cấm).

- Được hưởng các quyền lợi vật chất

Được cấp đất ở, đất canh tác (chế độ lộc điền), được miễn thuế một phần ruộng đất. Quan có phẩm, hàm càng cao thì càng được cấp nhiều (Điều 130 chương Vi chế). Được cấp bổng lộc, lệ cấp bổng lộc cho quan lại được định rõ theo phẩm, hàm đồng thời căn cứ vào số lượng công việc quan lại phải làm nhiều hay ít. Cùng một phẩm cấp thường chia thành năm bậc để cấp bổng.

- Được chuộc tội bằng tiền, được giảm tội đối với một số tội phạm phải khi chưa làm quan (Điều 14 chương Danh lệ).

- Người thân thuộc được tập ấm

Người thân thuộc của quan lại tuỳ theo chức tước mà giới hạn số đời, số người, cấp bậc được phong ấm. Người được phong ấm được miễn lao dịch, được hưởng tước phẩm, được phong đất.

- Vợ quan khi phạm tội có thể được giảm tội tuỳ theo phẩm trật của chồng (Điều 7 chương Danh lệ). Ngoài ra, danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của người thân thuộc của quan lại được coi trọng (Điều 32 chương Đấu tụng).

Những bảo đảm cho quan lại thi hành chức phận gồm:

- Được bảo đảm về sức khoẻ, tính mạng.

Quyền này của quan lại được bảo đảm nghiêm ngặt hơn thường dân, mức độ bảo đảm lại tăng lên theo cấp bậc. Người đánh quan chức bị phạt nặng hơn đánh người không phải là quan chức, đánh quan chức cao bị phạt nặng hơn đánh quan chức thấp (Điều 23 chương Đấu tụng). Quan chức bị xâm phạm tính mạng được tiền đền mạng, tiền đền mạng quan chức nhiều hơn mạng dân thường, quan chức có phẩm, hàm cao được tiền đền mạng nhiều hơn quan chức có phẩm, hàm thấp (Điều 29 chương Danh lệ).

- Được bảo đảm về sự tôn nghiêm

 Quan lại phong kiến vốn được coi là cha mẹ dân, sự bảo đảm cho quan lại thi hành chức trách không chỉ là sự bảo đảm về mặt quyền lực mà còn bao gồm cả uy phong. Những hành vi xâm phạm sự tôn nghiêm của quan lại đều bị trừng trị. Sự tôn nghiêm được thể hiện trong mối quan hệ giữa dân với quan, giữa quan trên với cấp dưới và ngược lại.

Mức độ tôn nghiêm lấy phẩm, hàm làm thước đo. Vì vậy, luận tội hành vi đánh, lăng mạ, ngạo mạn với quan chức căn cứ vào phẩm hàm của quan (nếu dân phạm tội), vào sự ngang bằng hay mức độ chênh lệch phẩm hàm giữa quan chức phạm tội và quan chức là nạn nhân (Điều 8 chương Đấu tụng). Điều đáng lưu ý là sự tôn nghiêm của quan lại thể hiện yếu tố quyền lực gắn với công vụ, nên khi có hành vi lăng mạ, đánh, chống cự quan lại đang làm việc công thì quan chức (là nạn nhân) không được hoà giải riêng với người phạm tội, nếu hoà giải riêng sẽ bị phạt (Điều 29 chương Đấu tụng). Đồng thời sự tôn nghiêm còn đòi hỏi quan chức thi hành đúng chức phận, nên những trường hợp quan chức có lỗi trước thì lại xử khác. Quan chức cũng có nghĩa vụ giữ gìn sự tôn nghiêm của mình, khi quan lại tự mình làm mất danh dự (phạm tội) thì việc phục hồi danh dự cũng khó khăn hơn thường dân, tiền tẩy thích chữ, tiền chuộc tội quan phải nộp nhiều hơn dân, quan có phẩm hàm cao phải nộp nhiều hơn quan có phẩm hàm thấp (các điều 21, 22, 24, 32 chương Danh lệ).

- Gắn trách nhiệm với chức vụ

Các chức quan cao thấp khác nhau thể hiện trách nhiệm trọng khinh khác nhau khi cùng giải quyết công việc. Vì vậy, cùng một hành vi sai phạm nhưng hành vi của người có chức vụ cao hơn được coi là nguy hiểm hơn nên bị phạt nặng hơn (Điều 137 chương Vi chế).

- Sự giám sát chặt chẽ của cấp trên và của các quan chức có liên quan

 Tổ chức bộ máy quan lại thời Hồng Đức có nhiều chức quan, cơ quan lệ thuộc lẫn nhau, kiểm tra, giám sát hoạt động của nhau nhằm phát huy tối đa năng lực hoạt động của toàn bộ bộ máy, giảm thiểu sai phạm. Các quan chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát dù không biết hay để mặc, dung túng sai phạm của người bị kiểm tra, giám sát đều bị phạt. Sự siêng hay lười, lỗi lầm hay công trạng, thuyên chuyển hay thăng thưởng của quan lại đều được ghi vào sổ sách theo dõi, quản lí chặt chẽ làm cơ sở để bổ dụng, thưởng phạt (các điều 25, 26, 27 chương Vệ cấm; điều 60, 61, 80 chương Vi chế...

- Đề cao quyền và nghĩa vụ tố cáo của dân

Người tố cáo đúng được thưởng tước, thưởng tiền (các điều 74, 76, 112 chương Vi chế...). Để việc tố cáo thực sự có vai trò làm trong sạch đội ngũ quan lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, pháp luật cũng nghiêm trị kẻ tố cáo sai sự thật đặc biệt là khi vu cáo quan lại đương nhiệm (Điều 41 chương Đấu tụng).

* Giá trị của các quy định về quan chế trong Quốc triều Hình luật

+ Coi trọng thực tài

- Việc tuyển bổ: Việc tiêu chuẩn hoá công chức ngày nay tương tự tiêu chuẩn hoá quan lại thời Hồng Đức ở chỗ lấy bằng cấp làm tiêu chuẩn cơ bản. Tuy nhiên, thời Hồng Đức có hai điểm rất đáng để chúng ta quan tâm. Một là, có sự áp dụng mềm dẻo để chọn được người tài không phụ thuộc đường xuất thân ngoài tuyển cử còn đề cử. Hai là, thời Hồng Đức đã có một khoảng thời gian đủ dài để chuyển đội ngũ quan lại công thần là chủ yếu thành đội ngũ quan lại xuất thân khoa bảng là chủ yếu, việc tiêu chuẩn hoá quan lại có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Còn chúng ta hiện nay vẫn còn một số lượng công chức đáng kể có năng lực thực sự nhưng do điều kiện lịch sử mà không có đủ bằng cấp theo yêu cầu, muốn tồn tại được phải đi học gây nên: "cơn sốt học" không vì kiến thức mà vì bằng cấp thuần tuý. Đặc biệt một số kiến thức như ngoại ngữ, tin học phần nhiều các trường hợp chỉ nên coi là phương tiện đúng nghĩa. Thiếu những phương tiện đó có thể năng lực công tác của công chức bị hạn chế chứ không mất đi. Vì vậy tiêu chuẩn hoá cán bộ cần có sự mềm dẻo phù hợp với từng loại công việc và các đối tượng khác nhau.

- Định kì kiểm tra năng lực công tác (khảo khoá): Thời Hồng Đức áp dụng lệ khảo khoá đồng thời với lệ giản thải. Việc áp dụng các lệ này có nhiều ý nghĩa tích cực. Thứ nhất, làm cho người hiền tài không bị chìm lấp, kẻ vô tài không được nương thân. Thứ hai, khắc phục những điểm yếu của phép tuyển bổ quan lại bằng tuyển cử khi người có học không có khả năng vận dụng thực tế và bảo cử khi người được bảo cử không thực sự có tài. Ngày nay, đối tượng, nội dung quản lí ngày càng đa dạng, thực tiễn quản lí ngày càng đòi hỏi người quản lí phải nhạy bén, năng động, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ công tác. Việc kiểm tra định kì năng lực công tác của công chức càng trở nên cần thiết. Muốn vậy, phải có những quy định chặt chẽ về thời hạn kiểm tra, nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả thực sự khách quan, tránh chủ nghĩa hình thức. Có như vậy chúng ta mới có đội ngũ công chức ngang tầm nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiến trình hội nhập.

+ Chế độ trách nhiệm pháp lí rõ ràng

Mức độ nguy hiểm của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của những người có quyền có thể rất cao, những thiệt hại gây ra rất nghiêm trọng nhưng lại rất khó nhận biết, khó định lượng. Quốc triều Hình luật đã có những quy định gắn trách nhiệm với phẩm, hàm. Pháp luật hiện hành khi quy định xử lí người có chức vụ mới chỉ quan tâm đến hành vi và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, hoàn toàn không quan tâm đến chức vụ mà người đó đang đảm nhiệm. Vì vậy, trong những trường hợp cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lí, ngăn ngừa khả năng gây hậu quả bất lợi cho xã hội cần có quy định trách nhiệm pháp lí tỉ lệ thuận với thẩm quyền của công chức.

+ Bổng lộc theo việc

Có thể nói, cấp bổng lộc tuỳ theo khối lượng công việc kết hợp với phẩm, hàm là hết sức khoa học, vừa khuyến khích quan lại tận tụy với công việc, không so bì vất vả hay nhàn tản, vừa là trả công xứng đáng cho người lao động. Người làm quan được đối xử công bằng mà nhà nước lại sử dụng đồng tiền một cách hợp lí. Ngày nay, vấn đề tiền lương được bàn đến nhiều, cải cách tiền lương được coi là một trong những biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Pháp luật cũng quy định công chức được hưởng tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, công vụ được giao. Tiền lương hiện nay được tính theo ngạch, bậc của công chức. Song cũng như trước kia, một ngạch, bậc, một loại nhiệm vụ nhưng có người, có nơi khối lượng công việc phải làm nhiều, có người, có nơi lại làm ít là thực tế không thể phủ nhận. Để khuyến khích người lao động (công chức), đảm bảo công bằng cần tính đến vấn đề này khi quy định về lương, phụ cấp.

+ Đào tạo gắn với sử dụng

Thời Hồng Đức là thời thịnh hành của đạo Nho. Đạo Nho được lấy làm đạo cai dân trị nước. Tư tưởng Nho giáo thể hiện trong toàn bộ đời sống chính trị xã hội lúc bấy giờ. Người làm quan muốn làm tốt chức phận của mình phải tinh thông Nho giáo. Đội ngũ quan lại xuất thân chủ yếu bằng con đường khoa bảng, đó là những người đã học Nho, thi kiến thức về đạo Nho và đã chứng tỏ mức độ am hiểu đạo Nho của mình. Như vậy, toàn bộ quá trình đào tạo có mục đích cung cấp những kiến thức cần thiết để sử dụng khi làm quan.

Hơn nữa, đào tạo còn chú trọng kỹ năng thực hành một số công việc quan lại phải làm. Đó là luyện viết một số loại văn bản như biểu (bản do các quan viết để tâu trình về việc gì đó), chiếu, chế (bài viết của vua để phong thưởng các công thần hay đưa ra các mệnh lệnh). Đây cũng là môn thi trong các kì thi hương, thi hội. Như vậy, nội dung đào tạo do mục đích đào tạo chi phối. Đây là hạt nhân hợp lí vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. Nhà nước ta trong những năm gần đây đặc biệt chú trọng giáo dục, coi đó là quốc sách ép hàng đầu.Tư tưởng chỉ đạo thì rõ ràng nhưng bước đi cụ thể còn đang lúng túng. Nhiều cuộc đổi mới, cải cách đã bị thất bại, những sự thử nghiệm đều có mặt trái. Giải pháp có lẽ đã được ông cha ta tìm ra từ mấy trăm năm trước, đó chính là tính mục đích của giáo dục. Xác định chính xác mục đích của từng cấp học, từng loại hình đào tạo sẽ định ra được nội dung, phương thức đào tạo, phương pháp tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập.

2. Luật hình sự và luật tố tụng hình sự

2.1. Những đặc điểm cơ bản của pháp luật hình sự thời nhà Lê trong Quốc triều Hình luật

Nghiên cứu nội dung và giá trị của luật hình sự và luật tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật đề tài đã rút ra những đặc điểm chung nhất của pháp luật hình sự thời nhà Lê như:

Thứ nhất, sự ảnh hưởng của tư tưởng nhân trị và pháp trị đối với Quốc triều Hình luật trong lĩnh vực luật hình sự.

Các quy định hình sự của Quốc triều Hình luật đều thể hiện rõ tư tưởng nhân trị và được đặt ra để bảo vệ và duy trì đạo lí Nho giáo. Các quy định thể hiện rõ nét nhất tư tưởng này là các quy định coi các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo lí Nho giáo là tội phạm, các quy định thể hiện chính sách hình sự xuất phát từ đạo lí nho giáo và các quy định hình sự mang tính giáo hoá và nhân đạo.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân trị, Quốc triều Hình luật còn chịu ảnh ương của tư tưởng pháp trị. Biểu hiện rõ nét nhất của sự ảnh hưởng này là ở chỗ những hành vi vi phạm pháp luật không phân biệt là vi phạm hình sự, dân sự hay hôn nhân gia đình... cũng như những hành vi vi phạm đạo lí đều phải chịu hình phạt theo hệ thống hình phạt ngũ hình. Đó là các hình phạt xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tính phổ biến của việc quy định và áp dụng hình phạt tàn khốc đối với người phạm tội là những bằng chứng rõ ràng nhất của sự ảnh hưởng tư tưởng pháp trị trong Quốc triều Hình luật. Điều này đã thể hiện chính sách hình sự hà khắc của nhà Lê.

Hai loại tư tưởng nhân trị và pháp trị tuy dựa trên các quan điểm trái ngược nhau về vai trò của đạo lí và hình phạt trong việc ngăn ngừa con người tránh khỏi tội lỗi và trong việc duy trì trật tự xã hội nhưng đã không đối lập nhau mà kết hợp với nhau, cùng chi phối sâu rộng hầu hết các điều luật của hình luật nhà Lê. Nói cách khác, nhà Lê đã biết kết hợp một cách cao nhất hai hệ tưởng nêu trên để từ đó xây dựng Quốc triều Hình luật - Bộ luật tầm cỡ trong nền pháp luật cổ phương Đông. Đây có thể coi là một trong những giá trị đặc sắc của Quốc triều Hình luật.

Thứ hai, những nguyên tắc cơ bản của ngành luật hình sự được thể hiện trong Quốc triều Hình luật. Đó là nguyên tắc quân chủ chuyên chế, nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc nhân đạo. Các nguyên tắc trên đã thể hiện xuyên suốt trong Quốc triều Hình luật, tạo nên bản sắc riêng cho Bộ luật này.

Thông qua quy định rất cụ thể về âm mưu và hành vi phạm tội, các hình phạt tàn khốc tương xứng, Quốc triều Hình luật đã trở thành công cụ hữu hiệu để trừng trị triệt để những người xâm phạm đến lợi ích của giai cấp phong kiến đang thống trị, đặc biệt là lợi ích của triều đại, lợi ích của bản thân nhà vua và của các quan chức cao cấp cùng họ hàng thân thuộc của họ. Các quy định về các loại tội phạm này tập trung chủ yếu ở các chương Danh lệ, Vệ cấm, Vi chế, Đạo tặc, Trá ngụy và Tạp luật.

Nội dung của Quốc triều Hình luật thể hiện rõ nguyên tắc pháp chế - nguyên tắc cơ bản của ngành luật hình sự. Bộ luật được xây dựng theo cơ cấu gồm hai phần: Danh lệ (phần chung) và phần các tội phạm. Phần chung quy định những vấn đề mang tính chất chung thể hiện qua những nguyên tắc nhất định như quy định về tội thập ác, về hệ thống hình phạt, về chính sách hình sự, về nguyên tắc xử lí trong trường hợp phạm nhiều tội, trường hợp nhiều người cùng phạm tội và trong trường hợp phạm tội do lầm lỡ hoặc do cố ý. Phần các tội phạm (chương 2 đến chương 13), được sắp xếp thành từng chương hoặc phân loại thành các nhóm khác nhau và việc sắp xếp này giống như cách sắp xếp của luật hình sự hiện đại. Mặc dù Quốc triều Hình luật có các quy định rất cụ thể, tỉ mỉ về các tội phạm cụ thể với các mức hình phạt kèm theo nhưng các quy định của phần chung trong chương Danh lệ với các quy định phần các tội phạm không hề bộc lộ mâu thuẫn mà thể hiện tính thống nhất và chặt chẽ giữa các phần, các chương của Bộ luật hoàn chỉnh. Đây cũng là biểu hiện tiếp theo của nguyên tắc pháp chế trong Quốc triều Hình luật.

Nguyên tắc nhân đạo cũng thế hiện rõ nét trong Quốc triều Hình luật. Tính nhân đạo được thể hiện trước tiên ở các quy định phản ánh chính sách hình sự khoan hồng đối với người phạm tội là người già, tàn tật và trẻ em cũng như đối với người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã tự thú. Việc quy định nhiều hơn số hình phạt không tước tự do cũng như hình phạt không gây đau đớn lên thân thể con người hay các quy định về loại, mức hình phạt áp dụng cho người phạm tội là phụ nữ và điều kiện thi hành hình phạt đối với phụ nữ có thai cũng thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong Quốc triều Hình luật

Tóm lại, các nguyên tắc của hình luật nhà Lê bắt nguồn từ bản chất của chế độ phong kiến Việt Nam, từ tư tưởng nhân trị và pháp trị. Tuy nhiên, trong việc thể hiện những nguyên tắc đó, Quốc triều Hình luật vẫn khẳng định được những điểm tiến bộ đặc sắc của riêng mình.

2.2. Vấn đề tội phạm trong Quốc triều Hình luật

Nhà làm luật của Quốc triều Hình luật quan niệm về tội phạm theo hướng thiên về dấu hiệu hình thức của tội phạm. Biểu hiện rõ nhất của quan niệm này là ở chỗ nhà làm luật đã bắt đầu bằng việc quy định tại điều luật đầu tiên 5 loại hình phạt có thể được áp dụng. Đó là các hình phạt xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tương ứng với năm loại hình phạt này là 5 loại tội được thừa nhận trong Bộ luật. Đó là tội xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu và tử tội.

 Dấu hiệu hình thức khác của tội phạm được thừa nhận trong Quốc triều Hình luật là dấu hiệu "được quy định trong luật". Tuy là dấu hiệu hình thức nhưng việc thừa nhận dấu hiệu này đã khẳng định sự hiện diện của nguyên tắc "không có luật thì không có tội" - biểu hiện của nguyên tắc pháp chế trong Quốc triều Hình luật.

Khái niệm tội phạm trong Quốc triều Hình luật rộng hơn nhiều so với khái niệm tội phạm trong luật hình sự hiện đại. Nhiều hành vi mà theo luật hiện đại chỉ có thể là vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật khác thì bị coi là tội phạm trong Quốc triều Hình luật. Trong luật hình sự hiện đại, chỉ hành vi của con người và hành vi đó phải có mức nguy hiểm đáng kể nhất định mới bị coi là tội phạm. Trong khi đó, Quốc triều Hình luật không những không xét đến mức độ của tính nguy hiểm mà trong một số lĩnh vực cần bảo vệ đặc biệt còn coi là tội phạm ngay khi chủ thể có "mưu” (ý đồ) phạm tội như mưu làm phản (Điều 411 ), mưu giết người (Điều 415 ) . . .

Trong Quốc triều Hình luật, vấn đề lỗi cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, Quốc triều Hình luật không đặt vấn đề phân biệt giữa trường hợp có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự với trường hợp không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Quốc triều Hình luật chỉ đặt vấn đề phân biệt giữa trường hợp cố ý và trường hợp lầm lỡ để xác định mức độ trách nhiệm hình sự trong áp dụng cũng như trong việc quy định hình phạt khác nhau ở một số tội phạm cụ thể. Do không đặt vấn đề lỗi nên Quốc triều Hình luật cũng không đặt vấn đề chủ thể nói chung cũng như vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự nói riêng. Độ tuổi của chủ thể tuy được đặt ra nhưng là nhằm giải quyết vấn đề nhân đạo trong chính sách hình sự.

 Về vấn đề phân loại tội phạm: trong Quốc triều Hình luật, vấn đề phân loại tội phạm cũng đã được đặt ra. Trong chương Danh lệ, tội phạm được phân theo ba tiêu chí nhưng đều nhằm cùng mục đích tạo cơ sở pháp lí cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự trong xây dựng các điều luật về tội phạm cụ thể cũng như trong áp dụng luật. Ba cách phân loại đó là:

- Thứ nhất: tội phạm được phân thành 5 loại theo 5 loại hình phạt (xuy, trượng, đồ, lưu, tử);

- Thứ hai: tội phạm được phân thành 2 loại theo tính chất nghiêm trọng là tội thập ác và tội thường;

- Thứ ba: tội phạm được phân thành 2 loại theo lỗi của chủ thể là tội do cố ý và tội do lầm lỡ (tương đương với tội cố ý và tội vô ý theo luật hình sự hiện đại).

Trong Quốc triều Hình luật, các vấn đề như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, vấn đề đồng phạm cũng như vấn đề phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết chưa được quy định thành các chế định riêng. Tuy nhiên, nội dung của những vấn đề này cũng đã được thể hiện phần nào trong các quy định cụ thể.

 Về vấn đề đồng phạm: trong Quốc triều Hình luật, chế định đồng phạm (theo đúng nghĩa của chế định này trong luật hình sự hiện đại) chưa được quy định. Quốc triều Hình luật mới chỉ có một số quy định đề cập một số nội dung mà những nội dung đó theo luật hình sự hiện đại thuộc về vấn đề đồng phạm. Điều 35 và Điều 36 không quy định về trường hợp đồng phạm nói chung mà chỉ quy định về trường hợp đồng thực hành (là một trường hợp cụ thể của đồng phạm trong đó những người tham gia đều là người thực hành). Trên cơ sở phân chia như vậy, Quốc triều Hình luật khẳng định người khởi xướng phải chịu hình phạt nặng hơn người a tòng một bậc. Đây là quy định có tính nguyên tắc chung cho tất cả các tội phạm. Điều này cũng phù hợp với luật hình sự hiện đại. Các hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức theo cách hiểu của luật hình sự hiện đại không được đề cập tại điều luật này. Ngoài ra, một số trường hợp phạm tội liên quan đến đồng phạm còn được quy định tại Điều 415, Điều 418, Điều 420, Điều 426...

Cùng với các quy định trên, Quốc triều Hình luật còn quy định trách nhiệm hình sự của người có hành vi xúi giục người khác phạm tội hoặc hành vi tạo điều kiện (giúp sức) hoặc hành vi dung túng người khác phạm tội. Tuy nhiên, việc quy định này chỉ giới hạn ở một số tội phạm nhất định mà không có tính chất chung cho mọi tội phạm. Cả ba loại người này đều bị xử cùng tội như người bị xúi giục hoặc người được giúp sức hoặc người được dung túng.

Theo luật hình sự hiện đại, vấn đề không tố giác tội phạm và vấn đề che giấu tội phạm là hai vấn đề không tách rời với vấn đề đồng phạm. Trong Quốc triều Hình luật, hai vấn đề này cũng đã được đặt ra, tuy chưa được hoàn chỉnh. So với BLHS hiện hành, Quốc triều Hình luật có những điểm giống và khác nhau khi quy định về tội không tố giác tội phạm. Cả hai bộ luật đều thống nhất trong việc khẳng định hành vi không tố giác tội phạm phải bị coi là tội phạm và đều đặt vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự về tội này cho một số đối tượng có quan hệ thân thuộc nhất định với người phạm tội mà họ không tố giác (trừ việc không tố giác một số tội đặc biệt nguy hiểm).

Một điểm đáng chú ý là trong Quốc triều Hình luật, tội không tố giác tội phạm được quy định có sự phân biệt giữa người phạm tội là quan chức và người phạm tội là dân thường và mức hình phạt đối với quan chức là nặng hơn. Điều này thể hiện Quốc triều Hình luật có thái độ nghiêm khắc hơn đối với quan chức vì họ có trách nhiệm cao hơn dân thường. Đối với tội che giấu tội phạm, Quốc triều Hình luật có thái độ trừng trị nghiêm khắc hơn so với tội không tố giác tội phạm.

Vấn đề phòng vệ chính đáng cũng như vấn đề tình thế cấp thiết và các vấn đề tương tự đều chưa được quy định thành chế định riêng một cách hoàn chỉnh trong Quốc triều Hình luật. Tuy nhiên, trong Bộ luật này cũng đã có những quy định về trường hợp gây thiệt hại cụ thể mà không phải chịu hình phạt do có tình tiết nhất định. Những quy định này phần nào đã phản ánh được ý tưởng về chế định phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Ví dụ: Điều 646, Điều 485, Điều 450, Điều 553.

2.3. Hình phạt trong Quốc triều Hình luật

Về hệ thống hình phạt: được chia làm 2 loại là ngũ hình và các hình phạt khác ngoài ngũ hình, trong đó các hình phạt thuộc về ngũ hình giữ vai trò chủ đạo. Các hình phạt trong Bộ luật này có những đặc điểm sau:

+ Các hình phạt mang tính hà khắc, nhiều hình phạt mang tính dã man, tàn bạo như thích chữ, chém bêu đầu, lăng trì.

+ Các hình phạt được quy định cụ thể, chi tiết gắn với từng hành vi phạm tội trong từng điều luật. Điều này có ưu điểm là làm cho quan xử án không thể tự ý tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt một cách tuỳ tiện.

+ Rất nhiều điều luật gọi các hình phạt là tội danh. Ví dụ: Các điều 4, 5, 9, 55, 119... nhược điểm này của Quốc triều Hình luật là do kĩ thuật lập pháp của thời kì đó còn rất hạn chế.

Các hình phạt thuộc về ngũ hình bao gồm xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tuy chịu ảnh hưởng của luật nhà Đường nhưng khi quy định về chế độ ngũ hình, Quốc triều Hình luật đã có một vài sửa đổi nhỏ về các hình phạt này. Trong Quốc triều Hình luật hình phạt trượng chỉ áp dụng đối với nam giới phạm tội, còn nữ giới phạm tội thì được thay bằng xuy. Việc quy định rõ đối tượng bị áp dụng trượng thể hiện rõ tính nhân đạo ưu việt hơn hẳn của Quốc triều Hình luật so với Bộ Luật Gia Long. Bởi vì trong Bộ luật Gia Long, nữ giới phạm tội vẫn bị đánh bằng trượng (tuy phạm vi áp dụng có hạn chế). Quy định về đồ trong đó nói rõ công việc phải làm với sự phân biệt rõ ràng từng đối tượng bị áp dụng, hình phạt này là điểm sáng tạo rất riêng của Quốc triều Hình luật. Bởi vì nội dung đó không có trong Bộ luật nhà Đường - Bộ luật mà các nhà làm luật Quốc triều Hình luật chịu ảnh hưởng sâu sắc.

Quy định về tử hình của Quốc triều Hình luật có tính sáng tạo hơn so với Bộ luật nhà Đường. Cụ thể là trong Bộ Đường luật sớ nghị chỉ ghi hai bậc là thắt cổ và chém. Còn theo Quốc triều Hình luật, tử hình có 3 bậc tuỳ theo mức nặng, nhẹ là:

- Thắt cổ (giảo), chém (trảm);

- Chém bêu đầu (trảm kiều);

- Lăng trì (róc thịt cho chết dần).

 Trong các hình phạt thuộc ngũ hình, chỉ có tử là hình phạt được áp dụng độc lập, các hình phạt còn lại có thể vừa áp dụng độc lập vừa áp dụng kèm theo hình phạt khác. Ngoài ngũ hình, Quốc triều Hình luật còn quy định các hình phạt khác. Đó là biếm tước, phạt tiền, thích chữ, đeo xiềng và tịch thu tài sản trong đó biếm tước và phạt tiền được quy định vừa có thể áp dụng độc lập vừa có thể áp dụng kèm theo hình phạt khác.

Phạt tiền là quy định thể hiện sự sáng tạo của Quốc triều Hình luật vì phạt tiền không có trong luật Nhà Đường. Điểm đặc biệt của Quốc triều Hình luật là khi quy định phạt tiền áp dụng cho hành vi phạm tội cụ thể, nhà làm luật đã không quy định từ mức tối thiểu đến tối đa như luật hình sự hiện đại mà quy định mức tiền phạt cố định. Quy định như vậy có tác dụng không để cho quan lại xử án tuỳ tiện thay đổi mức phạt tiền áp dụng cho bị cáo.

Biếm tước cũng là quy định thể hiện sự sáng tạo của Quốc triều Hình luật bởi biếm tước không được quy định trong Bộ luật Gia Long.

Ngoài ra, Quốc triều Hình luật còn quy định về thục tội. Theo quan điểm của luật hình sự hiện đại, thục tội có bản chất pháp lí là biện pháp miễn chấp hành hình phạt. Điều đó có nghĩa là biện pháp miễn chấp hành hình phạt ra đời ở Việt Nam khá sớm, ngay từ thời kì nhà Lê sơ. Có thể nói đây là giá trị đặc sắc của Quốc triều Hình luật.

2.4. Nội dung và giá trị của những quy định về các tội phạm cụ thể trong Quốc triều Hình luật

Trên cơ sở những quan điểm chung về tội phạm và qua nghiên cứu các quy định của Quốc triều Hình luật có thể khái quát một số nét chung về phần các tội phạm như sau:

Cách quy định về tội phạm cụ thể của Quốc triều Hình luật tuy vụn vặt, tỉ mỉ nhưng nó lại thể hiện rõ tính cụ thể và tinh phân hoá cao trong luật, khiến cho quan lại khi xét xử không thể tự ý tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt, hạn chế khả năng phát sinh những hành vi tiêu cực của quan xử án. Khác với BLHS hiện hành, Quốc triều Hình luật khi quy định hành vi bị xử phạt đều không đặt tên tội (tội danh) cho hành vi được quy định. Cụ thể: Mỗi điều luật thường mô tả nhiều loại hành vi khác nhau với nhiều mức phạt khác nhau. Mỗi loại hành vi phạm tội lại có thể được quy định ở nhiều điều luật khác nhau, vì mỗi điều luật chỉ quy định một dạng cụ thể của loại hành vi đó. Do vậy, không thể xác định được tội danh chung cho tất cả, cách quy định này của Quốc triều Hình luật thể hiện tính khái quát chưa cao trong kỹ thuật lập pháp.

Một đặc điểm đặc biệt đáng lưu ý khác của Quốc triều Hình luật khi quy định tội phạm là quy định nhiều hành vi có liên quan với nhau trong cùng một điều luật. Khi quy định hành vi phạm tội cụ thể, nhà làm luật luôn dự liệu xem hành vi đó xảy ra có thể liên quan đến trách nhiệm của người khác không. Nếu khả năng đó có thể xảy ra thì nhà làm luật cũng quy định luôn hành vi phạm tội đó trong cùng điều luật. Ở khía cạnh nào đó, cách quy định này lại có những điểm tích cực. Trước hết, với cách quy định này, những hành vi có liên quan đã được đặt trong mối liên hệ trực tiếp với hành vi phạm tội cụ thể và đó là cơ sở để nhà làm luật có thể xác định được hình phạt phù hợp cho người có hành vi có liên quan (trong sự so sánh với hành vi phạm tội chính). Trong áp dụng, cách quy định này cho phép thấy ngay được các hành vi có liên quan và mức độ hình phạt của người có hành vi đó. Điều này vừa tạo điều kiện nhưng cũng vừa buộc người áp dụng phải xét đến các hành vi có liên quan khi xử lí  hành vi cụ thể. Khả năng bỏ lọt người phạm tội do vậy sẽ được hạn chế.

Xét về nội dung của phần các tội phạm, có thể dễ dàng nhận ra đặc điểm nổi bật là các điều luật liên quan đến quan chức các cấp chiếm một tỉ lệ khá cao. Quốc triều Hình luật chú trọng việc quy định tội phạm liên quan đến đội ngũ quan chức là xuất phát từ cơ sở đề cao trách nhiệm của đội ngũ quan chức và gắn trách nhiệm đó với việc phải xử lí nghiêm khi không hoàn thành trách nhiệm.

Các tội phạm trong Quốc triều Hình luật được sắp xếp thành từng nhóm (12 nhóm), căn cứ vào khách thể loại như cách sắp xếp của luật hình sự hiện đại. Hơn thế nữa, các nhà làm luật đã ghép tương đối hợp lí các điều gần nhau về tính chất vào một chương. Cách sắp xếp này khiến cho nhiều nhà nghiên cứu khâm phục bởi trình độ lập pháp của cha ông ta từ thế kỉ thứ XV đã tiến gần đến trình độ lập pháp hiện đại.

Ngoài các đặc điểm nêu trên, cần phải kể đến đặc điểm đáng lưu ý khác của Quốc triều Hình luật là tuy ra đời cách đây hơn 500 năm nhưng gần như tất cả các tội danh được coi là cơ bản theo luật hình sự hiện đại đều đã được quy định trong Quốc triều Hình luật.

Bên cạnh các quy phạm luật hình sự, nhà Lê còn đặc biệt chú trọng xây dựng các quy phạm luật tố tụng hình sự. Điều đó chứng tỏ trong thời kì này ông cha ta đã ý thức và phân biệt giữa pháp luật về nội dung và pháp luật về hình thức ở một mức độ nhất định. Nó cũng chứng tỏ sự phát triển của nhà nước phong kiến và pháp luật phong kiến dưới thời Lê. So với thời kì trước, trong thời kì này với sự phát triển và kĩ thuật lập pháp khá tinh vi, pháp luật tố tụng hình sự được quy định trong Quốc triều Hình luật không chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mà còn góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt các vụ kiện, giữ gìn trật tự làng xã.

Quốc triều Hình luật đã dành hai chương quy định về thủ tục tố tụng. Chương Bộ vong (quy định về việc truy bắt người phạm tội chạy trốn) gồm 12 điều và chương Đoán ngục (quy định về thủ tục xử án và điều lệ trong ngục thất) gồm 65 điều với nội dung khá chi tiết, cụ thể và chính xác một số vấn đề về tố tụng.

Nội dung về luật tố tụng hình sự gồm:

* Đơn tố giác tội phạm

Để tránh sự tố cáo không chính xác và thuận tiện cho việc xác minh các chứng cứ làm cơ sở cho việc xét xử sau này, Quốc triều Hình luật quy định, người làm đơn tố cáo phải viết rõ ngày tháng xảy ra việc phạm pháp và chỉ được tố cáo sự thực, nếu sai sẽ bị phạt 80 trượng. Quan nhận đơn trái lệ mà đem ra xét xử thì phạt 30 quan tiền (Điều 508).

* Việc bắt người phạm tội chạy trốn

Tuy không quy định thành nguyên tắc nhưng Quốc triều Hình luật lại quy định cụ thể:

- Người có nhiệm vụ đi bắt người phạm tội chạy trốn phải tiến hành kịp thời, khẩn trương, nếu không thì phải chịu trách nhiệm về hành vi chậm trễ của mình (Điều 645).

- Người có nhiệm vụ bắt người phạm tội chạy trốn, gặp người phạm tội mà không bắt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đặc biệt người có chức vụ mà vi phạm điều này thì bị xử nặng hơn (điều 645).

Đặc biệt, Quốc triều Hình luật đã có những quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự cho những người đuổi bắt người phạm tội trong trường hợp bị người phạm tội chống trả và đã bị người đuổi bắt đánh chết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đánh người một cách vô căn cứ và không cần thiết, Quốc triều Hình luật còn quy định khi đã bắt được tội nhân mà còn đánh thì người đi bắt vẫn phải chịu tội (Điều 646).

- Việc đuổi bắt người phạm tội chạy trốn được Quốc triều Hình luật quy định khá chặt chẽ. Việc này không chỉ là trách nhiệm của người bắt mà còn là trách nhiệm của những người có khả năng và điều kiện bắt (Điều 647).

Trong trường hợp đuổi bắt người phạm tội mà có người tiết lộ để người phạm tội trốn thoát thì người tiết lộ bị tội nhẹ hơn người phạm tội một bậc; nếu chưa xử án mà người tiết lộ lại bắt được người phạm tội thì được trừ tội.

Như vậy Quốc triều Hình luật không chỉ quy trách nhiệm của người tiết lộ bí mật về việc bắt để người phạm tội chạy trốn mà còn tạo cơ hội để người tiết lộ bí mật có thể lập công chuộc tội, sửa chữa sai lầm của mình (Điều 648).

- Quốc triều Hình luật cũng đã có những quy định nhằm phát huy vai trò của người dân trong đấu tranh chống tội phạm mà cụ thể là trong việc bắt giữ người. Đồng thời cũng quy định chế tài nhằm hạn chế việc bắt giữ một cách bừa bãi.

Đối với trường hợp phạm tội mà chứng cứ đã rõ ràng thì Quốc triều Hình luật cho phép những người láng giềng có quyền được bắt đem nộp quan. Còn đối với những tội khó xác định thì phải trình quan mới được bắt. Quy định này tránh được tình trạng bắt giữ người một cách bừa bãi. So với những quy định về bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự của nước ta hiện nay thì quy định này vẫn còn giữ nguyên được giá trị của nó (Điều 469).

* Việc giam giữ, trông coi người phạm tội

Việc giam giữ, trông coi người phạm tội được Quốc triều Hình luật quy định khá nghiêm khắc và chặt chẽ tại Điều 650 và 651.

Những tù nhân bị lưu hay đồ, ở nơi lưu hay nơi đồ chưa đến hạn tha mà bỏ trốn thì đều phải tội chém.

Người coi giữ phạm nhân mà cố ý để mất tù lưu đồ thì bị xử nhẹ hơn đi trốn ba bậc; quan ty giám đương bị xử tội biếm hay phạt; cố ý thả cho phạm nhân trốn thì bị xử cùng một tội; nếu lại bắt được thì được trừ tội.

Người phạm tội trốn đến làng xã nào thì xã quan nơi ấy phải bắt trói nộp quan; nếu dung túng, che giấu người phạm tội thì bị xử tội nhẹ hơn kẻ tù trốn ấy một bậc.

- Người trông coi phạm nhân, sơ ý mà để mất phạm nhân thì bị biếm một tư. Tuy nhiên, pháp luật cũng tạo điều kiện cho người đó một thời hạn là 100 ngày để đi bắt. Trường hợp không bắt được thì bị tội nhẹ hơn tù trốn hai bậc.

- Đặc biệt, nếu người đó phải đền tang vật thì người để mất tù phải đền thay. Trường hợp người coi tù bắt được trong thời hạn trên hoặc người trốn tù ra đầu thú hay đã chết thì người coi tù không bị phạt nhưng nếu người trốn tù chết thì vẫn phải đền tang vật thay.

Trường hợp người khác bắt được người phạm tội trốn thì người trông coi tù bị biếm một tư và phải chịu phạt tiền để thưởng người bắt được theo quy định của pháp luật.

- Nếu quá thời hạn 100 ngày mà bắt được thì người trông coi tù được giảm tội hai bậc.

-Trường hợp người coi tù cố ý thả cho tù trốn thì không được cho thời hạn đi bắt mà phải chịu tội ngay nhưng cho giảm hơn người trốn tù một bậc.

- Quan coi ngục mà vô tình không biết thì cũng phải chịu trách nhiệm về việc tù nhân trốn (bị phạt 30 quan). Lính coi ngục vô tình không biết thì bị biếm một tư; nếu biết mà lại dung túng thì bị xử nặng hơn một bậc.

- Trường hợp người bị tù chống lại quan coi ngục, lính coi ngục mà chạy trốn thì xử nặng hơn tội cũ một bậc; nếu chống cự mà gây thương tích cho người trông coi thì bị xử nặng hơn hai bậc; đánh chết người thì bị xử chém.

- Người che giấu tội phạm, giúp đỡ, cung cấp quần áo, lương thực cho phạm nhân đi trốn thì bị xử nhẹ hơn phạm nhân trốn một bậc.

Ngoài những quy định trên, Điều 657 Quốc triều Hình luật còn quy định trách nhiệm của các quan xã đối với những trường hợp chứa chấp người phạm tội từ nơi khác đến.

Khi tiến hành bắt người phải có chứng cứ. Quan quân coi ngục không được sách nhiễu phạm nhân. Phạm nhân phải được giam giữ đúng nơi quy định và được chăm sóc khi bị bệnh. Không được tra tấn người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi. Phụ nữ đang mang thai được hoãn thi hành án.

- Quốc triều Hình luật còn quy định rất chặt chẽ và cụ thể về những trường hợp phải gông cùm và chế tài áp dụng đối với những người có trách nhiệm khi họ vi phạm tại Điều 660.

* Những quy định về xét xử

- Quốc triều Hình luật không quy định cụ thể về nguyên tắc xét xử nhưng cũng có những quy định mang tính nguyên tắc như:

+ Khi xét xử phải thấu tình đạt lí, khi định tội phải đúng luật.

+ Án phải được xử công khai ở nơi công đường (Điều 709).

+ Khi xét xử, nếu thấy chứng cứ còn nghi ngờ phải tạm dừng để xem xét điều tra rõ ràng.

+ Khi xét tội nghi ngờ quan xử án cứ chiếu tội đó mà giảm nhẹ bớt (Điều 708).

+ Trong ngày xử án ở công đường quan đại thần và các quan xét án đều phải cùng nhau xét hỏi kĩ càng để mọi người đều yên tâm và phải phục tình đạt lí. Nếu có những điểm chưa rõ cần phải thẩm vấn xét lại thì không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải tuân theo ý kiến cá nhân của mình (Điều 720).

So với những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành của nước ta, dù Quốc triều Hình luật không quy định cụ thể, rõ ràng và không coi những quy định trên là nguyên tắc nhưng nội dung những quy định này vẫn còn giá trị và rất gần với những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số; nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nguyên tắc xét xử công khai...

- Dưới triều Lê, nhiều cơ quan hành chính như huyện, lộ, phủ... kiêm cả nhiệm vụ xử án. Tuỳ theo tính chất của sự việc mà đôi khi quyền tài phán chỉ thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhất định. Về cơ bản thì Quốc triều Hình luật đã phân biệt thẩm quyền xét xử đối với từng loại việc. Nhưng nói chung vua chúa và quan lại các cấp vừa nắm quyền hành pháp và vừa giữ quyền xét xử tuỳ theo từng cấp (Điều 672).

- Thời hạn đưa vụ án ra xét xử cũng đã được quy định chặt chẽ đối với các cấp có thẩm quyền xét xử, không kể vụ án thuộc thẩm quyền của cấp xét xử nào.

- Về phạm vi xét xử vụ án hình sự, nói chung việc xét xử phải theo phạm vi của cáo trạng. Trường hợp xử ngoài phạm vi cáo trạng thì bị coi là cố ý bắt tội người trừ trường hợp xét hỏi việc phản nghịch. Quốc triều Hình luật không quy định rõ việc lập cáo trạng nhưng trên cơ sở quy định tại Điều 673 và Điều 687 thì có thể hiểu cáo trạng là đơn tố cáo.

-  Quốc triều Hình luật quy định thủ tục lấy khẩu cung tương đối chặt chẽ, cụ thể:

+ Về hỏi cung và đánh giá, sử dụng lời khai của người phạm tội

Khi lấy khẩu cung phải xét kĩ theo lời xưng đầu tiên của người tù khai về kẻ đồng bọn, nếu cần bắt những người bị xưng ra thì phải làm tờ tâu lên xin bắt mới được bắt. Nếu dùng lời phán cung của tù nhân khai thêm người khác mà quan tra án cũng nghe theo thì cũng bị phạt. Nếu chưa cho phép mà quan tra án đã sai bắt những kẻ bị cung xưng thì xử tội như luật đã định. Nếu người tù xưng bậy cho người vô tội thì bị xử thêm tội là vu cáo (Điều 666).

+ Khi hỏi cung không cần phải hỏi quá rộng.

Khi lấy khẩu cung người phạm tội, quan tra án phải xem xét kĩ, tìm ra sự thực để cho kẻ phạm tội phải nhận tội; không được hỏi quá rộng cả đến người ngoài để tìm chứng cứ bậy; nếu trái điều này thì xử tội phạt.

+ Hỏi cung phải thấu tình đạt lí

Các hình quan tra hỏi tù phạm, trước hết theo sự tình mà thẩm xét lời lẽ của tù khai; nếu xét đi xét lại còn chưa quyết định được tội, cần phải tra hỏi nữa thì phải lập hội đồng các quan án, rồi mới tra khảo... Nếu tang chứng đã rõ ràng, tình lí không còn đáng ngờ nữa thì dù kẻ phạm không nhận tội, cũng cứ chiếu tình trạng mà định án. Theo quy định trên có thể thấy Quốc triều Hình luật có những quy định rất tiến bộ mà ngày nay vẫn còn giá trị. Đó là việc phải xem xét cẩn thận lời cung của phạm nhân cả về hai phương diện, lí và tình nghĩa là lời và lẽ.

+ Không được tra khảo người phạm tội quá ba lần

Quốc triều Hình luật quy định cụ thể về số lần hỏi cung người phạm tội nhiều nhất là ba lần và dự liệu tỉ mỉ về cách thức tra khảo. Nếu đánh bằng trượng không được quá số 100. Trường hợp quan tra án làm trái quy định này thì bị phạt tiền 100 quan; nếu vì thế mà tù nhân bị chết thì bị ghép vào tội cố sát.

+ Thể hiện tính nhân đạo của pháp luật thời kì này, Quốc triều Hình luật cũng có những quy định: những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống hay những người có khuyết tật, nếu phạm tội thì được miễn sự tra khảo và chỉ căn cứ vào lời khai của người làm chứng mà định tội. Trường hợp quan ngục hình làm trái quy định này coi như phạm tội cố ý buộc tội người.

- Quốc triều Hình luật đã có các quy định về tư cách tố tụng và việc lấy lời khai của người làm chứng

+ Quốc triều Hình luật quy định cụ thể về diện người làm chứng. Người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người bệnh nặng thì không được gọi ra làm chứng.

+ Người làm chứng không thể là người ngày thường có quan hệ thân thích hay thù oán với đương sự. Giấu giếm là có thân tình hay thù oán, người làm chứng sẽ bị ghép vào tội làm chứng gian, không khai rõ sự thực.

+ Nếu người làm chứng không khai thật tình, hay người làm thông ngôn mà dịch sai hay giả dối khiến việc thay đổi và đương sự bị phạt oan hay được tha không đúng tội thì người làm chứng phải tội kém phạm nhân hai bậc, người thông ngôn bị cùng tội như phạm nhân (Điều 544).

+ Nếu cần đương sự, nhân chứng, các trát đòi bắt phải do ngục lại và quan bản nha viết tên vào trát (kí tên). Việc quy định về điều kiện hình thức khi triệu tập người làm chứng như vậy nhằm tránh sự lạm quyền để làm tiền của quan chức được sai đi bắt (Điều 669).

- Về bản án, Quốc triều Hình luật đã quy định trong luận tội, bản án phải dẫn đủ điều luật. Nếu thêm, bớt thì quan án sẽ bị ghép tội (các điều 683, 685, 722). Những thẩm phán giúp việc (quan phụ thẩm) phải làm hết trách nhiệm của mình trong việc xét xử tại phiên toà nơi công đường lúc đông đủ mọi người đồng thời không được đưa ra ý khác với những gì đã được thẩm tra tại công đường (Điều 720).

- Xét lại vụ án. Để đảm bảo tính khách quan của việc xét xử và thời hạn xét xử, Quốc triều Hình luật quy định thẩm quyền xem xét lại án kiện và chế tài đối với những trường hợp để án quá hạn (Điều 688). Ngày xét xử, quan đại thần và các quan xét án đều phải hội đồng lại xét hỏi kĩ càng cho rõ sự phải trái. Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình bắt mọi người phải theo. Luật cũng không cho phép các quan phụ thẩm (thẩm phán giúp việc) lúc đông đủ mọi người không làm hết bổn phận tranh biện về sau lại có câu nghị luận khác (Điều 720).

Sau khi vụ án đã được xem xét lại và được quan đại thần định rõ tội danh thì quan hình ngục có trách nhiệm phải nói rõ đúng sai và thông báo cho người phạm tội biết để người ấy phục tội; nếu chưa phục tội thì xét hỏi nữa. Nếu chưa xác định được sự thật của vụ án và lí lẽ chưa rõ hẳn mà cố ghép vào tội thì quan hình ngục bị xử theo luật cố ý ghép tội người tuỳ việc nặng nhẹ. Nếu tình đã đạt, lí đã rõ mà người phạm tội chưa phục tội thì chiếu theo tội cũ mà tăng thêm một bậc nữa (Điều 721 ).

* Về việc thi hành án

Thi hành án không được quy định thành chương riêng nhưng Quốc triều Hình luật cũng đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề này nhằm đảm bảo cho bản án được thi hành kịp thời. Để ngăn chặn việc người phạm tội trốn tránh việc thi hành án, Quốc triều Hình luật quy định đối với người phạm tội đã có án mà cố tình không chịu thi hành án thì bị phạt nặng hơn (Điều 710); quy định thời hạn nhất định cho việc vào sổ lưu giữ và thi hành án (Điều 696); thủ tục áp giải tù nhân (Điều 695); thi hành án tử hình (Điều 680).

Một trong những quy định mang tính chất nhân đạo trong Quốc triều Hình luật là đối với phụ nữ đang có thai mà bị xử tử hình thì không được thi hành án ngay mà phải để sau khi sinh sau 100 ngày mới đem ra hành hình. Không được thi hành án tử hình vào các ngày tết nguyên đán, ngày quốc kị.

Từ những điểm phân tích về các quy phạm tố tụng hình sự, có thể đi đến khẳng định:

+ Pháp luật tố tụng hình sự được phát triển trong thời kì này bởi hai nguyên nhân sau: Thứ nhất, từ thời Lê thông qua chế độ quân điền (chia ruộng đất cho mọi người dân trong làng xã), thông qua hệ tư tưởng nho giáo, nhà nước quân chủ chuyên chế chủ trương can thiệp sâu vào hoạt động làng xã, từng bước nắm lấy nó để củng cố sự tập quyền. Do vậy cần có pháp luật tố tụng, một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực có hiệu quả cho ý đồ và chủ trương của nhà nước thời kì đó. Thứ hai, xã hội Việt Nam trong thời kì này có rất nhiều biến động như nội chiến, nạn cường hào ức hiếp ở làng xã, nạn quan lại tham nhũng và lộng quyền thường xuyên xảy ra dẫn đến việc kiện cáo ngày càng nhiều. Từ đó đòi hỏi cần có những quy định về pháp luật tố tụng để giải quyết.

+ Một số quy định về tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và giữ gìn trật tự làng xã.

+ Nhiều quy định về tố tụng trong Quốc triều Hình luật ngày nay vẫn còn giá trị và cần được nghiên cứu.

+ Trong quá trình soạn thảo Quốc triều Hình luật, nhà Lê đã kế thừa pháp luật Trung Hoa, kế thừa "hình thư" đời Lí, đời Trần một cách sáng tạo cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thời kì đó.

3. Luật dân sự

Nghiên cứu những nội dung và giá trị của các quy định có tính chất dân sự trong Quốc triều Hình luật đã phản ánh những chế định cơ bản nhất của luật dân sự hiện đại đã được hình thành trong Quốc triều Hình luật, cụ thể:

3.1. Chế định sở hữu

Quốc triều Hình luật không quy định cụ thể về các hình thức sở hữu, nhưng từ các quy định của Bộ luật, chúng ta thấy vào thế kỉ XV, ở Việt Nam tồn tại những hình thức sở hữu sau:

- Sở hữu nhà nước

Pháp luật quy định đất đai, rừng núi... và những tài nguyên khác trong rừng núi, hồ, đập là của nhà nước, người nào xâm phạm bị phạt 60 trượng (Điều 574). Đất đai thuộc sỡ hữu nhà nước gồm các loại đất như đất hoang, đầm lầy, sông ngòi, rừng núi, đất khẩu phần mà nhà nước giao cho cá nhân.

Loại đất này dùng để sản xuất nông nghiệp, cá nhân không có quyền định đoạt, vì đất này thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước sẽ thu hồi nếu cá nhân không còn nhu cầu sử dụng hoặc cá nhân chết mà không có người tiếp tục quản lí sử dụng. Quốc triều Hình luật điều chỉnh quan hệ sở hữu tài sản chủ yếu là đất đai, vì vào thời kì này nền kinh tế tự cung tự cấp, nhu cầu vật chất thiết yếu của nhân dân là lương thực, thực phẩm.

Theo Điều 17 Hiến pháp 1992, những tư liệu sản xuất chủ yếu của nước ta là của nhà nước thuộc sở hữu toàn dân. Đối chiếu với Quốc triều Hình luật, hai chế định này quy định về mục đích, đối tượng sở hữu và các căn cứ làm phát sinh tương đối giống nhau. Ngoài ra, Quốc triều Hình luật và pháp luật của Nhà nước ta đều quy định những hành vi xâm phạm đến quản lí đất đai và việc xử lí nghiêm minh đối với các hành vi đó. Đặc biệt, là hành vi vi phạm của những người có thẩm quyền trong quản lí đất đai ở cấp chính quyền, ngoài việc áp dụng các chế tài hình sự, hành chính, người vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.

Trong Quốc triều Hình luật, quy định về điền sản được tập trung vào một chương gồm 32 điều. Trong chương này, luật quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lí đất đai, quyền và nghĩa vụ của tư nhân trong việc sử dụng đất và những hậu quả pháp lí đối với những hành vi vi phạm các quy định về quản lí đất đai. Qua những quy định này, ta thấy nhà nước phong kiến triều Lê đặc biệt quan tâm đến sở hữu đất đai, nhà nước quản lí đất đai bằng pháp luật. Người vi phạm các quy định về quản lí đất đai bất kể là ai đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự và gánh chịu trách nhiệm dân sự.

+ Sở hữu tư nhân

Theo Quốc triều Hình luật, sở hữu tư nhân về đất đai và các loại tài sản khác là sở hữu của cá nhân, sở hữu chung của vợ chồng đối với các loại tài sản đó. Pháp luật quy định vợ, chồng có quyền sở hữu riêng đối với những tài sản của mình.

Tài sản riêng của vợ hoặc chồng là tài sản do chính người đó làm ra, họ có quyền định đoạt tài sản riêng. Tài sản chung là những tài sản do vợ và chồng làm ra trong thời kì hôn nhân (Điều 374, 375, 376, 377). Tài sản chung để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Đây chính là những quy định về sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Vợ, chồng có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, định đoạt tài sản chung. Những quy định này thể hiện nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc sử dụng tài sản chung. Qua đó, cho ta thấy vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình được pháp luật tôn trọng.

Trong các quy định về căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu tư nhân như thông qua các khế ước mua bán, cho tặng, thừa kế, Quốc triều Hình luật còn quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với ruộng đất. Khi ruộng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nếu người trong họ thì thời hiệu là 30 năm. Đối với người ngoài họ, thời hiệu là 20 năm. Sau thời hiệu trên người đang quản lí, sử dụng ruộng đất, nhà ở có quyền sở hữu đối với đất đai, nhà ở đó. Người đã cho mượn, cho thuê mất quyền khởi kiện, nếu đòi lại sau thời hạn trên thì bị phạt 80 trượng và mất ruộng đất đó. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện có thể tạm dừng nếu gặp trở lực khách quan như chiến tranh hoặc phiêu bạt mới về (Điều 387).

Đối chiếu với vấn đề thời hiệu hưởng quyền sở hữu, thời hiệu khởi kiện của Quốc triều Hình luật với luật dân sự hiện nay của Nhà nước ta theo Điều 255 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản là 30 năm nhưng luật không quy định về thời hạn không tính vào thời hiệu xác lập quyền sở hữu do trở lực khách quan. Đây chính là khiếm khuyết của các nhà lập pháp không xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan trong việc xây dựng quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu.

+ Sở hữu cộng đồng

Sở hữu cộng đồng là sở hữu chung hợp nhất không phân chia đối với tài sản của làng xã. Vào thời Lê do chính sách đất đai được quản lí rất chặt chẽ, nhà nước trung ương có quyền sỡ hữu đối với hầu hết đất đai trong lãnh thổ. Nhà nước thực hiện chính sách lộc điền và quân điền giao đất cho tư nhân sử dụng, việc giao đất cứ 6 năm một lần chia lại cho các hộ nông dân. Hộ nào dư thì nhà nước thu lại giao cho hộ thiếu theo khẩu phần, ruộng đất của xã này không đủ thì lấy ruộng đất của xã bên cạnh để chia cho dân chúng. Theo nguyên tắc chung, ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, làng xã có quyền sở hữu đối với một số ruộng đất nhất định như đất đình chùa, đường làng và các công trình xây dựng do dân làng tạo nên. Những tài sản thuộc quyền sở hữu của làng xã, do dân làng định đoạt để phục vụ cho nhu cầu chung, cấm tư nhân chiếm của công làm của riêng.

3.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trong Quốc triều Hình luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường đi đôi với trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích xã hội của nhà nước. Trách nhiệm dân sự nhằm khắc phục hậu quả về tài sản do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Ngoài ra, trong Quốc triều Hình luật, trách nhiệm dân sự còn có chức năng trừng trị, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi xâm phạm đến trật tự xã hội, gây thiệt hại, có thể phải bồi thường gấp nhiều lần thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, có trường hợp hành vi vi phạm chưa gây thiệt hại nhưng người có hành vi vi phạm phải chịu hình phạt nhất định. Hình phạt này có thể là chế tài hình sự, hành chính hoặc dân sự. Việc áp dụng các chế tài này phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà người vi phạm thực hiện hành vi trái pháp luật và phải gánh chịu hậu quả tương ứng.

Trong quan hệ dân sự, trách nhiệm dân sự được Quốc triều Hình luật quy định khi một người có nghĩa vụ mà không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hoặc cá nhân có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Người có hành vi xâm phạm đến lợi ích của người khác phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản cho người bị xâm phạm. Ngoài ra, người gây thiệt hại có thể phải gánh chịu các hình phạt khác.

Trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật có những đặc điểm sau:

+ Khôi phục tình trạng tài sản ban đầu cho người bị xâm phạm. Theo nguyên tắc, người nào có hành vi gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, phương thức bồi thường này có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật.

+ Trách nhiệm dân sự có chức năng trừng trị người có hành vi vi phạm pháp luật. Khi một người có hành vi vi phạm pháp luật, họ phải gánh chịu hậu quả về tài sản, có thể phải bồi thường gấp hai hay nhiều lần thiệt hại. Hoặc trong quan hệ khế ước, người có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì tài sản, lợi ích thu được từ khế ước đó có thể bị tịch thu sung công. Hình phạt này nhằm trừng trị người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong khế ước.

+ Trách nhiệm dân sự có tính răn đe, giáo dục người khác. Trách nhiệm dân sự đem lại hậu quả nặng nề về tài sản cho người vi phạm pháp luật, ngoài ra người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính cho nên nó có tính răn đe người nào chuẩn bị có hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, có tác dụng giáo dục mọi người thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và đối với người khác.

Từ quy định về trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật có thể rút ra những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khế ước và do hành vi gây thiệt hại sau:

- Có thiệt hại thực tế

Thiệt hại là sự tổn thất thực tế về tài sản như làm mất mát, hư hỏng về tài sản (các điều 435, 436, 445...) Ngoài ra, pháp luật quy định trách nhiệm dân sự phát sinh nếu một người có hành vi gây thiệt hại đến danh dự, phẩm giá của người khác (Điều 472, 473, 474). Theo đó, quy định về các hành vi xâm phạm đến danh dự của những người có chức sắc trong xã hội. Người có hành vi xâm phạm danh dự của quan lại, người trong hoàng tộc phải nộp khoản tiền tạ. Đây là số tiền bồi thường cho xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

- Người gây thiệt hại có lỗi

Quốc triều Hình luật không đưa ra định nghĩa hoặc quy định về lỗi và các hình thức, mức độ lỗi. Tuy nhiên, luật quy định về các hành vi vi phạm do cố ý hoặc vô ý thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Người thực hiện các hành vi gây thiệt hại mong muốn đạt được hậu quả nhất định như chiếm đoạt tài sản của người khác, không chịu trả nợ khi kì hạn đã hết (các điều 438, 445, 448...). Ngoài ra, luật quy định những trường hợp do cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại như thả súc vật gây thiệt hại cho hoa màu, mùa màng của người khác (Điều 581).

Pháp luật không quy định cụ thể về mức độ lỗi (nặng, nhẹ) nhưng quy định hậu quả nặng đối với những người thực hiện hành vi cố ý tẩu tán tài sản của người khác hoặc đối với những người có hành vi tái vi phạm thì bị xử tội nặng hơn (Điều 462).

Ngoài ra, luật dự liệu các trường hợp vi phạm nghĩa vụ do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc việc gây thiệt hại do những sự kiện rủi ro, do trở lực khách quan... Từ việc xác định các hành vi vi phạm cụ thể, người có thẩm quyền sẽ áp dụng hậu quả nặng, nhẹ đối với người có hành vi vi phạm đó theo nguyên tắc người nào có lỗi cố ý thì phải chịu trách nhiệm nặng hơn người có hành vi vô ý, người có hành vi sơ suất nhỏ có thể được giảm mức bồi thường và không bị phạt.

Pháp luật dân sự của Nhà nước ta hiện nay có quy định về lỗi cố ý và vô ý. Tuy nhiên, việc quy định về hình thức lỗi chỉ có ý nghĩa trong trường hợp người vi phạm có lỗi vô ý mà khả năng bồi thường không có thì có thể được toà án giảm mức bồi thường thiệt hại. Đây là quy định mang tính thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, quy định về bồi thường thiệt hại trong luật dân sự không có tác dụng răn đe người gây thiệt hại và những người khác. Trách nhiệm dân sự nhằm mục đích khắc phục hậu quả của hành vi gây thiệt hại. Chúng ta cần phải kế thừa trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật là ngoài việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng thì người vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội. Pháp luật dân sự của Nhà nước ta mới kế thừa nguyên tắc áp dụng trách nhiệm dân sự của Quốc triều Hình luật khi có đủ hai điều kiện là có tổn thất thực tế và người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý. Đây là những điều kiện cần và đủ để áp dụng hình thức cưỡng chế về tài sản đối với người vi phạm pháp luật.

3.3. Các trường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 - Trách nhiệm của người đại diện

Cha mẹ là người đại diện cho các con trong việc quản lí tài sản của các con, do vậy, cha mẹ có quyền đại diện cho các con đang sống chung với mình trong các quan hệ pháp luật. Khi cha mẹ còn sống, các con không được phép đòi chia tài sản. Nếu các con bán tài sản mà không được sự đồng ý của cha mẹ thì khế ước mua bán sẽ vô hiệu.

Các con ở cùng cha mẹ mà cha mẹ không quản lí, giáo dục được con, để con gây thiệt hại thì cha mẹ phải chịu tội biếm hoặc đồ và phải bồi thường thiệt hại (Điều 457). Gia đình nuôi người ở trong nhà thì phải quản lí, giáo dục đầy tớ. Đầy tớ là người phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà. Vì vậy, chủ nhà phải chịu trách nhiệm khi đầy tớ vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm của đầy tớ càng nguy hiểm thì chủ nhà càng phải chịu trách nhiệm nặng hơn (Điều 456).

- Trách nhiệm về thiệt hại do súc vật gây ra

Người nào không quản lí tốt súc vật mà để súc vật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Nếu cố ý dùng súc vật để gây thiệt hại thì bị phạt 80 trượng và bồi thường gấp 2 lần thiệt hại xảy ra. Người nào nuôi chó trong nhà thì phải thông báo cho những người xung quanh biết để tránh gần chó dữ. Ngoài ra, người nuôi chó phải buộc tròng đúng phép để ngăn ngừa chó cắn người khác. Trái lại, không làm đúng luật, chủ nhà nuôi chó, súc vật gây thiệt hại thì chủ nhà được xem là vô ý gây thiệt hại cho người khác (Điều 582).

Ngày nay, Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định về trách nhiệm bồi thường do súc vật gây ra. Khi súc vật gây thiệt hại thì người quản lí súc vật phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật không quy định cụ thể trường hợp nào súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người quản lí súc vật có lỗi cố ý, vô ý. Pháp luật không quy định cụ thể về việc trông coi, quản lí súc vật như thế nào cho nên việc xác định lỗi của người quản lí súc vật gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc xác định trách nhiệm dân sự hỗn hợp không chính xác, không đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại.

3.4. Nguyên tắc bồi thường

- Bồi thường toàn bộ thiệt hại

Người có hành vi vô ý gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Trường hợp này luật không trừng phạt người thực hiện hành vi vô ý, vì bản thân họ không cố ý xâm phạm đến lợi ích của người khác. Do vậy, người thực hiện hành vi do lỗi vô ý chỉ phải khắc phục thiệt hại xảy ra, mà không phải chịu các trách nhiệm pháp lí khác.

- Bồi thường cao hơn thiệt hại

Người có hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý gây thiệt hại phải bồi thường gấp hai, ba lần thiệt hại xảy ra (các điều 344, 345). Việc bồi thường này không những nhằm khắc phục hậu quả về hành vi gây thiệt hại, ngoài ra, còn bị phạt một số tài sản nhất định. Mức phạt cao, thấp phụ thuộc vào hành vi vi phạm nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, phụ thuộc vào đối tượng bị thiệt hại là nhà nước hay tư nhân.

- Giảm nhẹ trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự được giảm nếu người gây thiệt hại có hành vi vô ý nhẹ. Vô ý nhẹ còn được gọi là sơ suất nhỏ như mang vác một vật nặng quá sức mà người đó không chịu nổi nên đã gây thiệt hại cho người khác hoặc gặp rủi ro không lường trước được đã dẫn đến gây thiệt hại ngoài ý muốn của mình. Ngoài ra, những trường hợp do tai nạn nghề nghiệp gây ra như trong khi thi đấu võ không may đánh chết đối phương thì được coi là sự lầm lỡ, do vậy, hình phạt được giảm nhẹ. Lầm lỡ là việc hình dung sự việc, người thực hiện hành vi gây thiệt hại không thấy được hậu quả xảy ra, họ tin hành vi của mình là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho phép (Điều 555). Đây là quy định đầy tính nhân văn, pháp luật đã dự liệu những trường hợp thiệt hại xảy ra không phải do ý chí chủ quan của người gây thiệt hại mà do thực hiện hành vi vượt quá giới hạn cho phép nhưng người thực hiện hành vi đó không nhận thức được hậu quả xảy ra. 

- Miễn trách nhiệm dân sự

Pháp luật dự liệu những trường hợp xảy ra do tai nạn nghề nghiệp như người chữa bệnh cho súc vật bị súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Đây là trường hợp rủi ro nghề nghiệp không phải do lỗi của chủ sở hữu quản lí súc vật, do đó chủ sở hữu không phải bồi thường hoặc trường hợp người cố ý trêu chọc súc vật làm cho nó gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật không phải bồi thường. Quy định này thể hiện nguyên tắc không có lỗi thì không làm phát sinh trách nhiệm dân sự. Như vậy, các quy định của Quốc triều Hình luật về bồi thường thiệt hại được áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Khi áp dụng trách nhiệm dân sự cần phải xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan và các điều kiện cụ thể làm ảnh hưởng đến hậu quả (thiệt hại) phát sinh, từ đó áp dụng trách nhiệm dân sự tăng nặng hay giảm nhẹ.

3.5. Khế ước

Khế ước là các hợp đồng cụ thể mà mọi người tham gia để thoả mãn các nhu cầu vật chất hàng ngày của mình.

- Nguyên tắc của khế ước

+ Nguyên tắc tự do, tự nguyện.

Nguyên tắc này thể hiện trong việc người có tài sản có quyền lựa chọn một khế ước phù hợp với nguyện vọng của mình để tham gia. Để giao kết khế ước các chủ thể cần phải thoả thuận, thống nhất các nội dung của khế ước. Việc thoả thuận này phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Các bên trong khế ước không được ép buộc hoặc lợi dụng các điều kiện ưu thế của mình để gây ảnh hưởng đến bên kia trong việc đàm phán và giao kết.

+ Nguyên tắc trung thực

Vào thời kì này, các giao lưu dân sự mang tính tự cung, tự cấp cho nên quan hệ tài sản chưa thể hiện tính chất của hàng hoá, tiền tệ. Việc tham gia vào khế ước để đáp ứng nhu cầu của các bên cho nên quá trình trao đổi mang tính chất đền bù ngang giá, thể hiện tính trung thực và sự tin tưởng lẫn nhau. Ngày nay, những nguyên tắc mang tính bản chất của quan hệ dân sự như tự nguyện, trung thực, bình đẳng đã được ghi nhận trong BLDS 1995 (các điều 7, 8, 9). Điều đó cho thấy BLDS đã kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống khế ước của thời kì phong kiến Việt Nam .

- Các điều kiện có hiệu lực của khế ước

Để xác định khế ước có hiệu lực hay vô hiệu thì phải căn cứ vào các điều kiện có hiệu lực của khế ước.

+ Chủ thể tham gia khế ước phải có năng lực giao kết, thực hiện khế ước.

Năng lực chủ thể của khế ước phụ thuộc vào địa vị gia đình (gia trưởng) tình trạng tài sản của người giao kết khế ước. Những người chưa trưởng thành (chưa thành niên) thì không được tự ý định đoạt tài sản. Nếu ông bà, cha mẹ chết cả thì người trưởng họ là người bảo trợ (giám hộ) sẽ quản lí tài sản của người chưa trưởng thành. Trường hợp người trưởng họ bán điền sản của người phụ thuộc phải có lí do chính đáng như bán để trả nợ cũ thay cho cha mẹ thì được phép (Điều 379).

+ Thoả thuận thống nhất ý chí.

Khi tham gia vào khế ước, các bên cần phải thoả thuận, thống nhất nội dung của khế ước theo nguyên tắc "thuận mua, vừa bán". Bên nào lợi dụng chức vụ quyền hạn ép buộc người tham gia khế ước thì khế ước vô hiệu. Người có hành vi ức hiếp người khác phải trả lại tài sản cho người bị ức hiếp, ngoài ra phải chịu một hình phạt thích đáng (điều 355, 638). Ngoài các hành vi được quy định là ức hiếp, ép buộc người khác tham gia khế ước trái với ý chí của họ, pháp luật còn quy định những hành vi được coi là mặc nhiên vi phạm ý chí của người khác như trường hợp người có chức vụ, lợi dụng địa vị của mình mà vay mượn, mua bán với người phụ thuộc, hành vi này bị coi là ức hiếp, ép buộc người khác tham gia vào khế ước để có lợi cho mình.

Hoặc hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cho vay lấy lãi cao thì những đồ vật cho vay sẽ bị sung công (Điều 638).

+ Nội dung của khế ước hợp pháp.

Nội dung của khế ước gồm các điều khoản mà các bên đã thoả thuận khi giao kết khế ước. Những điều khoản này phải phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bao giờ các bên tham gia khế ước cũng thực hiện đúng như pháp luật quy định. Việc vi phạm xảy ra có thể do cố ý, vô ý hoặc bị nhầm lẫn. Tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm mà khế ước bị vô hiệu hoặc phải sửa chữa nội dung của khế ước cho phù hợp với pháp luật. Thông thường, việc vi phạm là do một bên cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật như bán tài sản không thuộc sở hữu của mình, bán hương hoả, bán đất khẩu phần, bán ruộng đất đang cầm cố chưa chuộc lại (điều 383, 386), những đối tượng này pháp luật quy định không được bán. Tuy nhiên, trong thực tế người ta vẫn mua bán. Vì vậy, người mua, kẻ bán đều phải gánh chịu hậu quả pháp lí thích đáng.

+ Hình thức của khế ước phải phù hợp

Những loại khế ước mà pháp luật quy định các bên phải giao kết dưới hình thức nhất định thì buộc phải làm theo. Ngược lại, nếu vi phạm, khế ước sẽ vô hiệu (Điều 366). Thông thường, khi lập chúc thư, mua bán ruộng đất, thuê trâu bò thì phải lập thành văn khế có người làm chứng. Người làm chứng phải thể hiện sự khách quan. Trường hợp người làm chứng có hành vi thông đồng với người vi phạm sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu do hành vi gian dối đó.

- Các khế ước thông dụng

Quốc triều Hình luật có quy định về khế ước mua bán, thuê tài sản, cho mượn và cho vay. Đây là những khế ước thường gặp trong cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân khắc phục được những khó khăn, thiếu thốn về ruộng đất, về tiền vốn để sản xuất. Những khế ước này là công cụ pháp lí để người dân thực hiện quyền sử dụng tài sản hợp pháp và hưởng dụng những hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng tài sản đó. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia khế ước, đồng thời để xác định trách nhiệm dân sự của các bên khi vi phạm nghĩa vụ, pháp luật quy định cụ thể các quyền, nghiã vụ của mỗi chủ thể trong khế ước. Khi các bên vi phạm khế ước thì căn cứ vào các quy định của pháp luật về loại khế ước đó để quy kết trách nhiệm của người vi phạm. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm khế ước phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Khế ước mua bán

Trong luật quy định có hai loại mua bán là đoạn mãi (mua đứt bán đoạn) và điển mãi (bán chuộc lại). Đoạn mãi là những khế ước mua bán thông thường, tạo điều kiện cho nhân dân thoả mãn nhu cầu hàng ngày của mình.

Người bán có nghĩa vụ chuyển đúng vật đã thoả thuận, người nào lừa dối để bán tài sản của người khác hoặc tài sản không được phép bán thì phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho người mua. Người mua có nghĩa vụ trả tiền và có quyền sở hữu vật mua khi trả đủ tiền và nhận vật. Thời điểm chuyển quyền sở hữu có ý nghĩa quan trọng trong việc khởi kiện khi có tranh chấp về tài sản mua bán. Nếu đã làm văn khế mà chưa trả tiền thì có nghĩa là quyền sở hữu chưa chuyển cho người mua, người bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với vật bán.

Đối với khế ước điển mãi thì người mua phải cho người bán chuộc lại trong thời hạn đã thoả thuận. Luật không quy định cụ thể về giá tiền chuộc lại, do vậy có thể suy đoán rằng giá chuộc là giá ban đầu, bởi vì trong thời hạn chuộc lại ruộng đất người mua đã sử dụng thu hoa lợi từ tài sản, khoản lợi này được trừ vào lợi tức của tiền mua. Khế ước điển mãi sẽ tạo điều kiện cho những người có nhu cầu vay tiền của người khác lấy ruộng đất để bảo đảm cho số tiền vay đó. Cho nên việc vay mượn sẽ thuận lợi hơn.

+ Khế ước thuê tài sản

Thuê tài sản chủ yếu là thuê tư liệu sản xuất như ruộng đất, phương tiện vận tải. Thời hạn của loại khế ước này dài, vì vậy các bên phải làm văn khế để làm bằng chứng cho thuê. Khi có tranh chấp, quan trên căn cứ vào văn khế đó để giải quyết. Thông thường, việc cho thuê ruộng đất được thực hiện dưới hình thức cấy rẽ hoặc phát canh thu tô. Vì thuê ruộng đất để sản xuất cho nên các bên đều phải chịu rủi ro. Bên cho thuê phải giảm tiền thuê nếu do thiên tai mà mùa màng thất bát (Điều 361).

+ Khế ước vay nợ

Pháp luật quy định việc cho vay không được lấy lãi suất cao hơn lãi suất do pháp luật quy định. Cấm không được gộp lãi vào gốc. Quy định này nhằm hạn chế sự bóc lột của người cho vay đối với người vay. Ngoài ra luật cần quy định cấm người kinh cho người man liêu vay nợ. Vì các nhà làm luật đã dự liệu việc người kinh sẽ lợi dụng sự thật thà của người man liêu để cho vay tính lãi suất cao hoặc không đúng thì sẽ gây mất đoàn kết giữa các dân tộc anh em (Điều 593).

Để bảo đảm cho khế ước vay nợ, pháp luật cho phép người cho vay áp dụng biện pháp cầm cố ruộng đất hoặc bảo lĩnh bằng tài sản. Trường hợp cho vay mà cầm cố ruộng đất, người cho vay không được bán ruộng cầm cố. Hết hạn cho vay, người vay trả được nợ thì người cho vay phải trả lại ruộng đất cho người vay. Niên hạn (thời hiệu) chuộc lại 30 năm.

Đối với các trường hợp bảo lĩnh để vay nợ thì người bảo lĩnh phải trả nợ thay cho người vay. Nếu người vay không trả được nợ hoặc chạy trốn chủ nợ thì người bảo lĩnh phải trả nợ gốc nếu không có thoả thuận khác. Trường hợp có thoả thuận, người vay không trả nợ thì người bảo lĩnh phải trả nợ gốc và tiền lãi, khi đó người bảo lĩnh phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Như vậy, bảo lĩnh là biện pháp đảm bảo cho số tiền vay (nợ gốc) nếu không có thoả thuận khác. Nếu vay nợ mà không có người bảo lĩnh thì các con phải trả nợ thay cho cha mẹ. Quy định này nhằm bảo đảm tiền vay của chủ nợ khi người vay không trả được nợ.

Trong BLDS của nước ta hiện nay có một số quy định tương tự như trong Quốc triều Hình luật, đó là các quy định về trách nhiệm dân sự của hộ gia đình (Điều 119 BLDS). Tuy nhiên, sự khác biệt của luật dân sự hiện đại với Quốc triều Hình luật là nếu các con không cùng cha mẹ kinh doanh thì không phải chịu trách nhiệm cùng với cha mẹ. Luật dân sự ngày nay đã cá thể hoá trách nhiệm dân sự của người thực hiện hành vi giao dịch đối với chủ thể khác theo nguyên tắc "ai làm, nấy chịu”. Quy định này có những bất cập, sẽ tạo kẽ hở cho những người có hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của cá nhân chuyển hoá thành tài sản riêng của con cái mà người vợ hoặc chồng không phải chịu trách nhiệm về hành vi vay nợ của chồng (hoặc vợ), các con không có trách nhiệm gì về hành vi vay nợ của cha mẹ khi cha mẹ vay để sử dụng chung cho gia đình.

3.6. Thừa kế

Trong Quốc triều Hình luật, các quy định về thừa kế không nhiều nhưng nội dung của các quy định đó rất phong phú, chứa đựng những nguyên tắc cơ bản của việc phân chia di sản. Các quy định về thừa kế được phân chia thành ba nhóm chính sau:

- Các quy định chung về di sản, quyền, nghĩa vụ của người thừa kế, những người không có quyền thừa kế.

- Các quy định về thừa kế theo di chúc, quy định hình thức, nội dung của di chúc, di chúc vô hiệu và hậu quả pháp lí của di chúc vô hiệu.

- Các quy định về thừa kế theo pháp luật, quy định về diện, hàng thừa kế, cách phân chia di sản.

Khi mở thừa kế, việc xác định di sản đóng vai trò quan trọng, nếu có di sản thì sẽ mở thừa kế. Ngược lại, không có di sản thì không có quan hệ thừa kế. Di sản dùng để chia cho những người thừa kế, làm hương hoả...

Di sản là tài sản của người chết để lại, bao gồm ruộng đất, nhà ở và các loại tài sản khác. Tuy nhiên, ở thời kì mà nền kinh tế mang tính tự cung, tự cấp thì tài sản chủ yếu là ruộng đất. Do vậy, di sản chủ yếu là điền sản. Di sản là điền sản thuộc quyền sở hữu riêng của người chết, phần điền sản trong khối tài sản chung của vợ và chồng. Theo quy định của Quốc triều Hình luật, tài sản riêng của chồng, của vợ là những tài sản do được thừa kế, cho tặng riêng. Tài sản chung là những tài sản do vợ và chồng làm ra hoặc do vợ, chồng mua của người khác. Tài sản chung được chia đôi cho vợ chồng mỗi người một nửa. Phần tài sản của người chết là di sản để chia thừa kế và thực hiện các nghĩa vụ của người chết (Điều 375).

Theo nguyên tắc, trước khi chia di sản cho những người thừa kế, cần phải thanh toán các nghĩa vụ của người chết chưa thực hiện khi còn sống. Số di sản còn lại một phần (1/20) điền sản để làm hương hoả, số còn lại chia cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, di sản chủ yếu là điền sản, do vậy không thể thanh toán nghĩa vụ từ khối điền sản này. Cho nên, pháp luật quy định người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại. Việc thực hiện nghĩa vụ này có thể do người trưởng họ thực hiện thay (Điều 379).

+ Chia di sản theo di chúc

Trường hợp người chết có lập di chúc, khi chia di sản phải chia đúng theo di chúc của người chết. Người nào vi phạm ý chí của người lập di chúc sẽ mất quyền thừa kế (Điều 390).

Di chúc là ý nguyện của người chết trong việc phân chia di sản, ý chí này được thể hiện dưới hai hình thức là văn tự và miệng. Trường hợp di chúc lập thành văn tự, phải có người có chức sắc trong dòng họ chứng nhận và có người chứng kiến (Điều 366). Nếu người biết chữ tự viết di chúc thì di chúc có giá trị.

Đối với di chúc miệng, người lập di chúc tuyên bố ý chí của mình trước những người xung quanh sẽ để lại tài sản của mình cho ai sau khi chết. Trong Quốc triều Hình luật coi mệnh lệnh của cha mẹ, ông bà là di chúc miệng. Người nào làm trái lệnh của cha mẹ, ông bà thì mất quyền thừa kế (Điều 388).

+ Chia di sản theo pháp luật

Trường hợp người chết không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng di chúc vô hiệu thì di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.

Người thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống đối với người chết. Theo quy định tại các điều 374, 375, 376 thì những người được hưởng di sản theo pháp luật gồm các con, cha, mẹ, người thân thích.

Hàng thứ nhất gồm các con (các cháu). Con đẻ là con vợ chính và con vợ lẽ, con nàng hầu. Các con vợ chính mỗi người được hưởng một kỉ phần ngang nhau. Con vợ lẽ, con nàng hầu được hưởng bằng nửa kỉ phần của con vợ chính. Vì con vợ chính là người nối dõi tông đường của cha mẹ, ông bà, có nghĩa vụ thờ cúng cha mẹ, ông bà cho nên được hưởng phần di sản nhiều hơn.

Con nuôi không được thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ nuôi. Người con nuôi không có nghĩa vụ thờ phụng dòng họ của cha mẹ nuôi cho nên, con nuôi chỉ được hưởng thừa kế theo di chúc. Trường hợp người chết không có con thì di sản được chia cho cha mẹ, ông bà. Cha mẹ là người thừa kế hàng thứ hai của con, điều này cũng phù hợp với logic tự nhiên và logic xã hội. Bởi vì, cha mẹ theo quy luật sẽ chết trước các con. Ngược lại, nếu cha mẹ chết sau con thì bản thân cha mẹ là những người có tài sản dùng để nuôi các con.

Trường hợp cha mẹ không có tài sản thì cháu phải nuôi ông bà. Do vậy, cha mẹ không cần thiết là người thừa kế ở hàng thứ nhất.

Trường hợp ở hàng thứ nhất mà con chết thì các cháu (con của người chết) sẽ thay thế cha, mẹ nhận di sản của ông bà. Như vậy, luật không quy định về thừa kế thế vị. Tuy nhiên, qua quy định này thể hiện nguyên tắc thừa kế theo hàng và bậc. Có nghĩa là hàng thứ nhất gồm các con (các cháu). Nếu người con nào không được hưởng di sản hoặc chết mà chưa kịp nhận di sản của cha mẹ thì các con của người đó sẽ được nhận phần di sản mà lẽ ra cha hoặc mẹ còn sống sẽ nhận.

Quy định này có ưu điểm là khắc phục được các trường hợp cha, mẹ vì một nguyên nhân nào đó mà không được hưởng di sản của ông, bà như cha, mẹ mất quyền hưởng di sản, chết trước, chết cùng với ông bà thì cháu sẽ được hưởng phần di sản đó.

Liên hệ với vấn đề thừa kế thế vị trong BLDS 1995 ta thấy cần phải học tập cách xử lí về thừa kế của những người có quyền thừa kế của nhau chết cùng một thời điểm.

Theo Điều 644 BLDS năm 1995, những người có quyền thừa kế của nhau chết trong một tai nạn mà không xác định được người nào chết sau thì họ không được thừa kế của nhau, di sản của mỗi người chia cho những người thừa kế của họ. Theo Điều 680 BLDS năm 1995, thừa kế thế vị khi cha mẹ chết trước ông bà, các cháu thay thế vị trí của cha (mẹ) để nhận di sản của ông bà. Nếu cha mẹ chết cùng với ông bà thì cháu không được thừa kế thế vị, như vậy dẫn đến thực trạng khi cha mẹ chết cùng với ông bà thì cháu không được thế vị nhận di sản của ông bà. Phần di sản này sẽ được chuyển cho những người thừa kế ở hàng thừa kế tiếp theo. Điều này dẫn đến hệ quả pháp lí trái với truyền thống gia đình, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân ta là cháu phải thờ cúng ông bà, tổ tiên nhưng lại không được thừa kế di sản của ông bà, khi cha (mẹ) chết cùng với ông bà.

+ Hương hoả (di sản dùng vào việc thờ cúng)

Hương hoả là một phần điền sản (1/20) để lại giao cho con trưởng (cháu, chắt trưởng) quản lí, sử dụng, thu hoa lợi dùng phần hoa lợi đó để chăm sóc phần mộ của cha mẹ, ông bà. Hương hoả được lưu truyền mà không bị triệt tiêu, trừ trường hợp do trở lực khách quan.

Trong BLDS 1995, Điều 673 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, không quy định về trình tự lưu giữ di sản này. Do vậy, hết thời hiệu về thừa kế (10 năm) thì di sản thờ cúng sẽ bị triệt tiêu, người quản lý di sản đó sẽ có quyền sở hữu. Như vậy, người thừa kế được hưởng di sản thờ cúng và không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ thờ cúng nữa. Quy định này không thể hiện được bản chất của việc quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng.

4. Luật hôn nhân và gia đình

Mặc dù được xây dựng trên cơ sở đạo đức Nho giáo nhưng các quan hệ hôn nhân và gia đình được điều chỉnh trong Quốc triều Hình luật khá toàn diện và mang những sắc thái riêng biệt, độc đáo, phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam đồng thời đạt được những tiến bộ mà không hề có trong các văn bản pháp luật khác dưới chế độ phong kiến.

- Những đặc điểm chung mang tính lịch sử của các quy định về hôn nhân và gia đình trong Quốc triều Hình luật

+ Quan hệ hôn nhân được xác lập không dựa trên cơ sở tự nguyện của các bên nam nữ mà do cha mẹ quyết định;

+ Duy trì và bảo vệ chế độ đa thê;

+ Tồn tại sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình;

+ Một số vấn đề chưa được quy định mà còn để phong tục tập quán điều chỉnh.

Nhìn chung, có thể khẳng định rằng trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, mặc dù có nhưng điểm hạn chế nhất định về kỹ thuật lập pháp nhưng Quốc triều Hình luật vẫn là Bộ luật tiến bộ vượt bậc so với các văn bản pháp luật đương thời. Những điểm hạn chế của Bộ luật là những điểm hạn chế có tính lịch sử, thể hiện quan điểm, lợi ích giai cấp nên khó tránh khỏi và nó không hề làm giảm các giá trị của Bộ luật.

- Những điểm đặc sắc, tiến bộ của Quốc triều Hình luật

Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự tiến bộ và độc đáo của Bộ luật nhà Lê là ở chỗ mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lí Nho giáo - hệ tư tưởng thống trị trong xã hội thời Lê cũng như ảnh hưởng của các bộ luật Trung Quốc như luật nhà Đường, luật nhà Minh nhưng nhà làm luật thời Lê đã biết tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo pháp luật Trung Quốc đồng thời kết hợp với các phong tục tập quán đặc thù của xã hội Việt Nam, hoà nhập chúng trong hệ thống pháp luật, tạo nên nét riêng biệt độc đáo của Bộ luật. Điều đó đã làm cho các quy định trong Quốc triều Hình luật có tính vượt trội hơn hẳn so với pháp luật và hoàn cảnh xã hội đương thời. Điều đó được thể hiện như sau:

+ Tiếp thu phong tục tập quán của dân tộc và bảo vệ quyền lợi của người con gái trong việc xác lập quan hệ hôn nhân;

+ Bảo vệ quyền lợi của người vợ trong gia đình và xác lập vị thế tương đối bình đẳng giữa vợ và chồng bằng cách thiết lập quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng; ràng buộc trách nhiệm của người chồng đối với gia đình, qua đó bảo vệ lợi ích của người vợ, thừa nhận quyền yêu cầu li hôn của người vợ;

+ Bảo vệ quyền lợi của người con trong gia đình bằng việc công nhận quyền sở hữu tài sản riêng của người con và cho phép người con được ra ở riêng; không cho phép cha mẹ được bán tài sản của con; quy định cha mẹ phải chịu trách nhiệm về hành vi của con;

+ Bảo vệ sự ổn định, hoà thuận trong gia đình;

+ Phản ánh trung thực và sinh động phong tục, tập quán của Việt Nam do vậy mang lại bản sắc dân tộc độc đáo cho Bộ luật,

+ Tính có hiệu lực của các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật.

Hầu hết các quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình trong Quốc triều Hình luật đều có các chế tài. Hình phạt áp dụng cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình rất đa dạng, có thể xử đến tội chết (như giảo, chém) hoặc đánh roi, đánh trượng hoặc lưu... Với các hình phạt có tính chất nghiêm khắc như vậy sẽ có khả năng loại trừ, ngăn chặn những hành vi phạm tội một cách có hiệu quả đồng thời bảo đảm cho các quy định của pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế.

5. Luật đất đai

Cho đến nay, trong số tất cả các tài liệu pháp luật cổ có các quy phạm pháp luật về đất đai thì Quốc triều Hình luật là văn bản có nhiều quy định nhất, điều chỉnh quan hệ pháp luật đất đai một cách toàn diện và chi tiết nhất. Quốc triều Hình luật đã thể hiện rõ truyền thống lập pháp Việt Nam, chứa đựng những cách thức và kinh nghiệm quản lí ruộng đất của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ. Những quy định về ruộng đất trong Quốc triều Hình luật có nhiều điểm rất tiến bộ, tương đồng với hệ thống pháp luật đất đai hiện đại; để lại những bài học và những kinh nghiệm quý giá cho chúng ta hôm nay.

5.1. Chính sách ruộng đất của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ - cơ sở xác lập và thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất công của nhà nước

Các chính sách ruộng đất quan trọng nhất của nhà Lê sơ gồm:

- Chính sách lộc điền và phong thưởng ruộng đất;

- Chính sách quân điền;

- Chính sách đồn điền và khẩn hoang.

Từ các chính sách đó, đề tài đi sâu nghiên cứu chế độ sở hữu ruộng đất công của nhà nước và những quy định về quản lí ruộng đất.

Ruộng đất công của Nhà nước là bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước mà nhà vua là người đại diện. Nhà vua có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với ruộng đất. Ở đây các nhà làm luật thời Lê đã nhấn mạnh hai đặc điểm cơ bản của quyền năng sở hữu này đó là tính tối cao và tính gián tiếp.

- Tính tối cao thể hiện ở quyền năng tuyệt đối của nhà vua trong việc quyết định số phận pháp lí của ruộng đất như ban cấp cho ai, sử dụng vào mục đích gì, thu hồi lại đất và đặt ra các loại thuế.

- Tính gián tiếp, thể hiện ở chỗ: nhà vua không trực tiếp sử dụng và quản lí mà phải thông qua đội ngũ quan lại và việc trực tiếp sử dụng của những người tá điền, ruộng đất công được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như công điền, quan điền hay quốc khố điền. Các loại ruộng này tồn tại dưới hình thức ruộng sơn lăng - ruộng đất ở lăng tẩm, ruộng tịch điền, ruộng thông cáo, đồn điền và quan trọng hơn cả là ruộng đất của nhà nước nằm ở các làng xã.

Có thể thấy rằng sơn lăng là bộ phận ruộng đất nằm quanh các lăng mộ của nhà vua, được sử dụng để lấy hoa lợi chi dùng vào việc bảo vệ và trùng tu lăng mộ. Tịch điền là loại ruộng nghi lễ. Hoa lợi thu hoạch từ ruộng tịch điền để dùng vào việc cúng tế. Ruộng sơn lăng và ruộng tịch điền được pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt vì nó không phải là loại ruộng đất công thông thường mà là loại ruộng gắn liền với sự tôn kính và thiêng liêng của cung đình. Mọi hành vi xâm phạm đến loại ruộng đất này đều bị xử phạt rất nặng (Điều 85, 88, 89 chương Vệ cấm).

Ruộng thông cáo và ruộng đồn điền là những loại ruộng công mới được khai hoang.

Chiếm diện tích lớn nhất trong bộ phận ruộng đất này là ruộng đất công nằm ở các làng xã và nhà nước giao cho các làng xã quản lí và phân chia theo định kỳ. Ruộng đất công ở làng xã không được đem ra mua bán, chuyển nhượng.

Như vậy, tuy không được bố trí hẳn thành chương, mục như trong pháp luật đất đai hiện nay về chế độ sử dụng các loại đất nhưng Quốc triều Hình luật bước đầu đã thể hiện được cách phân chia các loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng và cách thức quản lí đối với từng loại đất.

Để bảo vệ và thực hiện chế độ sở hữu nhà nước đối với đất đai thì việc quy định hình thức, biện pháp, nội dung quản lí nhà nước về đất đai luôn là vấn đề chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong luật đất đai hiện đại. Điều này cũng đã được thể hiện trong Quốc triều Hình luật. Thông qua những quy định cụ thể về các tội xâm phạm chế độ sở hữu ruộng đất cũng do các chủ thể là quan lại thực hiện, cho thấy nhà nước Đại Việt đã xây dựng được chế độ quản lí ruộng đất tương đối hoàn chỉnh. Hoạt động quản lí ruộng đất nhằm thực hiện trên thực tế quyền sở hữu đất đai bao gồm những nội dung sau đây:

- Đo đạc, đánh giá ruộng đất;

- Phân bổ ruộng đất cho dân khai khẩn;

- Chia và thu hồi ruộng công;

- Giải quyết các tranh kiện về ruộng đất;

- Xác nhận chúc thư và các hợp đồng dân sự có liên quan đến ruộng đất, lập và báo cáo số ruộng, số hộ;

- Xử lí các hành vi vi phạm pháp luật.

Quốc triều Hình luật quy định các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt người có các hành vi đó như:

+ Mua bán, cầm cố ruộng đất trái phép;

+ Lấn chiếm ruộng đất;

Đặc biệt, Quốc triều Hình luật đã xác định 5 hành vi khác nhau trong loại vi phạm này là:

+ Chiếm ruộng công quá số hạn định;

+ Dựng bia mốc giả để lấn chiếm đất công;

+ Xâm lấn đường quan lộ;

+ Không theo chế độ ruộng đất mà lạm chiếm phần mình;

+ Lấn giới hạn ruộng đất công.

5.2. Các quy định của Quốc triều Hình luật về việc xác lập và thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất tư

Điều đặc biệt là thời Lê (thế kỉ XV) cũng là giai đoạn phát triển mạnh của chế độ tư hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến. Với những quy định cụ thể trong Quốc triều Hình luật về mua bán, cầm cố, thừa kế ruộng đất và những điều khoản ngăn cấm hành vi chiếm đoạt ruộng đất, mua bán ruộng đất có tính chất ức hiếp chứng tỏ kinh tế địa chủ đã phát triển, chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến và kinh tế tiểu nông tư hữu đã trở thành phổ biến. Trong Quốc triều Hình luật, các quy định về xác lập và thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất tư có thể chia thành ba nhóm là:

- Các quy định về mua bán, cầm cố, cho thuê ruộng đất;

- Các quy định về cấm chiếm đoạt ruộng đất;

- Các quy định về quan hệ điền sản giữa các thành viên trong gia đình.

Tuy công nhận sự tồn tại của hai hình thức sở hữu cơ bản: Sở hữu ruộng đất công của nhà nước và sở hữu ruộng đất tư nhưng nhà nước luôn bảo vệ quyền sở hữu của mình bằng các điều luật nghiêm cấm mua bán chiếm đoạt ruộng đất công- hạn chế và chi phối hình thức sở hữu ruộng đất tư.

Với Quốc triều Hình luật có thể thấy các nhà làm luật thời Lê muốn nhấn mạnh yếu tố quản lí con người bằng pháp luật. Trách nhiệm của quan lại trong quản lí ruộng đất được quy định rất chi tiết trên mọi lĩnh vực: Đo đạc, đánh giá ruộng đất, chia cấp, thu hồi ruộng đất, báo cáo tình hình quản lí ruộng đất và thái độ không khoan nhượng của nhà nước đối với những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý vi phạm những quy định về quản lí ruộng đất nói trên.

Trong giải quyết khiếu kiện về ruộng đất, nhà Lê luôn đề cao nguyên tắc hoà giải thương lượng, quy định thời hạn giải quyết tranh chấp, xử lí tài sản trên đất, ngăn chặn những hành vi bạo lực phát sinh từ tranh kiện ruộng đất, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia tranh kiện, vấn đề đảm bảo thi hành quyết định giải quyết tranh kiện... Những nội đung đó về cơ bản là thống nhất với nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai của chúng ta ngày nay - đó là sự đảm bảo lợi ích cho người sử dụng đất, khuyến khích tự hoà giải thương lượng, kết hợp giải quyết tranh chấp đất đai với việc ổn định tình hình kinh tế xã hội.

Đảm bảo cho người nông dân có đất để sản xuất cũng là nội dung được nhà Lê cũng như các triều đại phong kiến sau này quan tâm một cách sâu sắc và vấn đề này vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự trong việc thực hiện các chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam hiện nay. Quốc triều Hình luật cũng thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu tư nhân đối với ruộng đất với những quy định khá chi tiết về giao dịch điển mại, đoạn mại, quan hệ thừa kế giữa các thành viên trong gia đình. Trong quy định về điền sản và ruộng hương hoả đã xác định sự bình đẳng giữa nam và nữ trong quan hệ sở hữu ruộng đất, cách phân chia khá công bằng giữa vợ hoặc chồng chết mà chưa có con. Những giá trị thiêng liêng của đạo đức lễ giáo phong kiến được pháp luật bảo vệ qua những quy định phản ánh quyền lực, quyền sở hữu tài sản trong gia đình thuộc về cha mẹ; trách nhiệm của các bậc gia trưởng trong quản lí, trông nom điền sản cho con cháu; quyền năng của người quản lí ruộng hương hoả và đặc biệt là các trường hợp pháp luật dự liệu để loại ruộng này không bị những người ngoài gia tộc nắm giữ. Trong khi cho tới tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thực sự có được quy định đầy đủ và cần thiết đối với đất hương hoả. Đó là một trong những điểm bất cập của hệ thống pháp luật đất đai hiện nay.

Quốc triều Hình luật là văn bản có những quy định điều chỉnh các quan hệ ruộng đất một cách tương đối toàn diện và chi tiết, thể hiện những quan niệm và kinh nghiệm về quản lí ruộng đất của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ.

Xuất thân từ tầng lớp địa chủ bình dân, đại diện cho nền kinh tế tiểu nông tiến bộ - Nhà Lê đã thiết lập nên triều đại phát triển huy hoàng nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam; để lại những thành tựu trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực lập pháp mà điểm chói sáng là Bộ Quốc triều Hình luật. Đó thực sự là những quy định có giá trị đặt nền móng cho hệ thống pháp luật Việt Nam trong những giai đoạn sau này.

Bên cạnh những hạn chế của thời đại, Quốc triều Hình luật vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử lập pháp của dân tộc, để lại những kinh nghiệm quý giá cho mọi thời đại, tạo nên nền văn hóa pháp lí cho nước nhà từ thời kỳ trung đại. Với các giá trị đã đạt được, Quốc triều Hình luật là di sản văn hoá pháp lý quý giá của dân tộc.

 

Nội dung toàn văn

MỞ ĐẦU

Quốc triều hình luật là thành tựu pháp luật có giá trị đặc biệt gắn với triều đại Lê sơ ở thế kỉ XV - thời kì huy hoàng của nhà nước phong kiến Việt Nam với những nỗ lực xây dựng một nhà nước dân tộc mạnh. Theo đánh giá của giới sử học, luật học trong và ngoài nước thì đây không chỉ là đỉnh cao so với các thành tựu pháp luật của các triều đại trước đó mà còn đối với cả bộ luật được biên soạn vào đầu thế kỉ XIX - Hoàng Việt luật lệ do vua Gia Long ban hành năm 1812.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của triết học và pháp luật Trung Hoa nhưng Quốc triều Hình luật vẫn thể hiện những giá trị sáng tạo đặc sắc, đậm nét tính cách Việt Nam của nền pháp luật thời Lê. Với giá trị đặc biệt như vậy, Quốc triều Hình luật xứng đáng được coi là di sản tiêu biểu của nền văn hiến Việt Nam đã có bề dày lịch sử hàng mấy nghìn năm.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế, chúng ta đang phấn đấu hoàn thiện hệ thống pháp luật theo che yêu cầu đổi mới trên cơ sở phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá của đất nước và con người Việt Nam. Trong điều kiện đó, trách nhiệm của những người nghiên cứu lịch sử và pháp luật Việt Nam là cần phải tiếp tục làm rõ và khai thác kho tàng vốn cổ phong phú của dân tộc mà Quốc triều Hình luật thời Lê sơ là đối tượng cần được quan tâm một cách sâu sắc và toàn diện. Từ trước đến nay đã có nhiều nhà khoa họe trong và ngoài nước nghiên cứu về Quốc triều Hình luật dưới các góc độ sử học hay luật họe và đã đạt được nhiều thành tựu, với những nhận thức khá sâu sắc và phong phú về bộ luật cổ này của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là những công trình nghiên cứu đã được công bố như: "Cổ luật biệt Nam lược khảo", xuất bản tại Sài Gòn năm 1969 của ThS. Vũ Văn Mẫu; "Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỉ XV - XVIII", xuất bản năm 1994 của Viện nhà nước và pháp luật thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia; "Luật và xã hội Việt Nam thế kỉ XVII - XV/II", xuất bản năm 1994 của In sun Yu - nhà sử họe người Hàn Quốc; "Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước", xuất bản năm 1968 của TS. Cao Văn Liên. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có công trình khoa họe nào nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về Quốc triều Hình luật - Bộ luật được coi là quan trọng nhất và chính thống nhất của triều Lê. Mặt khác, trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung trong đó có đổi mới hệ thống pháp luật, xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp Việt Nam thì việc nghiên cứu về Quốc triều Hình luật vẫn cần phải tiếp tục, nhất là từ những góc độ tiếp cận và cách đặt vấn đề mới. Chẳng hạn, có thể nhận thức sâu sắc hơn các giá trị văn hoá pháp lí trong những quy định của Quốc triều Hình luật không? Trong điều kiện ngày nay, chúng ta có thể phát huy được những gì trong tư tưởng và kĩ thuật lập pháp của cha ông qua Quốc triều Hình luật? Và trước những vấn đề của cuộc sống hôm nay, chúng ta có thể họe được cách giải quyết như thế nào từ kinh nghiệm của lịch sử... Đây là đề tài không chỉ có ý nghĩa lí luận và lịch sử mà còn mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện đại, phản ánh những yêu cầu của thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta hiện nay. Vì thế, có thể nói rằng đây là đề tài đầu tiên ở nước ta nghiên cứu Quốc triều Hình luật một cách khá toàn diện từ những góc độ của các khoa học pháp lí chuyên ngành theo quan điểm hiện đại. Việc nghiên cứu Quốc triều Hình luật như vậy sẽ là sự đóng góp tích cực vào việc khai thác và phát huy che di sản văn hoá của dân tộc cũng như những truyền thống pháp lí của nước Việt Nam xưa.

 

PHẦN I

KHÁI QUÁT VỀ NỘI DUNG

VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

I, CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHỦ YẾU

Quốc triều Hình luật là bộ luật tổng hợp của nhà Lê. Dù có tên là "hình luật" nhưng Bộ luật này điều chỉnh nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội đương thời, từ các quan hệ của chế độ quân chủ, chế độ điền sản, hôn nhân và gia đình, quan chế, học chế, quản lí nền kinh tế nông nghiệp đến các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội... Vì thế, để đảm bảo tính toàn diện và tính chuyên sâu của việc nghiên cứu, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu đề tài theo 2 hướng tiếp cận chính là: lịch sử, lí luận nhà nước và pháp luật và từ các khoa học luật chuyên ngành hiện đại.

1. Quốc triều Hình luật tiếp cận từ hướng lịch sử, lí luận nhà nước và pháp luật các tác giả nghiên cứu những chuyên đề sau:

"Nước Đại Việt thời Lê sơ - một vài đặc điểm căn bản của nền tảng chính ti.ị, kinh tế, văn hoá - xã hội";

- "Quá trình hình thành Quốc triều Hình luật ";

- "Tư tưởng đức trị và pháp trị trong Quốc triều Hình luật ";

- "Quốc triều Hình luật và những giá trị lập pháp ";

- "Quốc triều Hình luật - công cụ thực hiện chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ. "

2. Quốc triều Hình luật - tiếp cận từ hướng các khoa học luật chuyên ngành hiện đại

+ Luật hành chính: "Quan chế triều Lê qua Quốc triều Hình luật "

+ Luật hình sự và luật tố tụng hình sự.

- "Những đặc điểm cơ bản của pháp luật hình sự thời nhà Lê trong Quốc triều Hình luật;

- "Những vấn đề tội phạm trong Quốc triều Hình luật ",

" Vấn đề hình phạt trong Quốc triều Hình luật ";

- "Nội dung và giá trị của những quy định về các tội phạm cụ thể trong Quốc triều Hình luật"

- "Những nội dung cơ bản của tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật "

+ Luật dân sự.

- “Chế định sở hữu trong Quốc triều Hình luật ";

- "Trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật ";

- “Khế ước và từ rìa kế ti o nó Quốc triều Hình luật "

+ Luật hôn nhân và gia đình:"Giá trị của Quốc triều Hình luật qua các quy đinh điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình "

+ Luật đất đai: '(Pháp luật về ruộng đất trong Quốc triều Hình luật "

Với các hướng nghiên cứu và các chuyên đê cụ thể như trên, nhóm tác giả một mặt triển khai nội dung nghiên cứu các điều kiện lịch sử cụ thể về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của triều đại Lê sơ tạo thành cơ sở hình thành và tồn tại của Quốc triều Hình luật, qua đó làm rõ nền tảng chính trị tư tưởng và các giá trị đặc sắc của Bộ luật này. Mặt khác, trọng tâm của đề tài và cũng là phần mà các tác giả dành nhiều công sức và tâm huyết nhất là khai thác các giá trị của Bộ luật dưới quan điểm che khoa học luật chuyên ngành hiện đại. Đây cũng là quan điểm tiếp cận riêng của nhóm tác giả đề tài này và cũng là việc lần đầu tiên Ở Việt Nam có nhiều tác giả phối hợp cùng nghiên cứu sâu các vấn đề khoa học luật chuyên ngành được thể hiện trong Bộ luật nhà Lê.

Hơn nữa, từ việc nghiên cứu này, các tác giả không chỉ dùng lại Ở chỗ nêu cao lòng tự hào dân tộc với các giá trị của Quốc triều Hình luật như là thành tựu pháp luật xuất sắc của Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn đặt vấn đề liên hệ với việc tiếp tục phát huy, kế thừa những giá trị của Quốc triều Hình luật trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta hiện nay.

II PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

CƠ sở phương pháp luận để nghiên cứu đề tài được che tác giả xác định là chủ nghĩa duy vật lịch sử theo quan điểm Mác - Lê nin; đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.

Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu mà các tác giả sử dụng đề nghiên cứu đề tài gồm:

- Phương pháp lịch sử;

- Phương pháp so sánh;

- Phương pháp phân tích, tổng hợp.

 

PHẦN II

TỔNG THUẬT CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 I. Quốc triều Hình luật - TIẾP CẬN TỪ HƯỚNG LỊCH SỬ, LÍ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

1 Đặc điểm cơ bản về chính trị, kinh tế văn hoá - xã hội thời Lê sơ Nghiên cứu một bộ luật cổ nhất của Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay - Quốc triều Hình luật thời nhà Lê, trước hết cần hiểu rõ bối cảnh lịch sử, những đặc điểm cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của thời đại ấy. Những kết quả nghiên cứu về các vấn đề này sẽ tạo cơ sở cho việc nhìn nhận và đánh giá đúng về quá trình hình thành, những nội dung cơ bản và các giá trị của Quốc triều Hình luật.

Trên cơ sở các tư liệu lịch sử, những đặc điểm về nền tảng chính trị, kinh tế văn hoá - xã hội của thời Lê sơ Ở các khía cạnh chủ yếu đã được phân tích và minh chứng, đó là:

- Triều Lê sơ được thành lập là kết quả trực tiếp của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc 1 4 1 7 - 1 427 ;

Nước Đại Việt chuyển từ trạng thái chiến tranh sang hoà bình; Các tướng lĩnh, công thần của cuộc kháng chiến chống Minh có vị trí đặc biệt quan trọng trong nửa đầu thế kỉ XV;

Đội ngũ quan lại xuất thân từ khoa cử Nho họe ngày càng chiếm số lượng đông đảo và vị trí quan trọng;

- Tăng cường tư tưởng Nho giáo trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; - Nhà nước Lê sơ từng bước được xây dựng theo hướng trung ương tập quyền và đạt mức độ cao vào triều Lê Thánh Tông;

- Triều Lê sơ từng bước đi đến pháp điển hoá tối đa mọi quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội;

- Chính quyền ngày càng quan liêu, xa dân;

- Tiểu nông hoá nền nông nghiệp, nông thôn.

Từ những phân tích về che đặc điểm nêu trên, có thể đi đến kết luận rằng không nghi ngờ gì thời Lê sơ mà tập trung là giai đoạn Lê Thánh Tông trị vì, chế độ phong kiến nhà nước quan liêu đã đạt tới sự ổn định, kỉ cương và thịnh trị thường vẫn được coi vào bậc nhất trong chế độ phong kiến Việt Nạm. Thế kỉ XV như là thế kỉ cổ điển của chế độ nhà nước quân chủ phong kiến quan liêu Đương thời cũng như hậu thế, các sử gia phong kiến hay hiện đại đều có chung một đánh giá về sự ổn định và thành tựu của nhiều ánh vực trong giai đoạn Lê Thánh Tông.

Những đặc điểm căn bản và những thành tựu về nhiều mặt của thời nhà Lê đã ít nhiều được phản ánh trong các quy định của Quốc triều Hình luật mà khi trình bày các kết quả nghiên cứu Ở các phần sau, những người thực hiện đề tài đã đề cập để giải hay đánh giá về các quy định đó. Những hướng nghiên cứu về Quốc triều Hình luật chỉ có ý nghĩa xác thực khi các quy định của Quốc triều Hình luật được nghiên cứu trong sự tác động qua lại giữa che quy định đó với các đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thời nhà Lê. Các đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội đương thời chi phối sự hình thành và nội dung các quy định của pháp luật đương thời, ngược lại các quy định của pháp luật có tác động củng cố và phát triển các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Sự tác động qua lại đó luôn trong trạng thái động, tạo nên đặc sắc của pháp luật nhà Lê và những đặc điểm lịch sử của thời nhà Lê-

2. Về quá trình hình thành Quốc triều Hình luật

Nghiên cứu lịch sử hình thành Quốc triều Hình luật chính là nghiên cứu về nguồn gốc hình thành Quốc triều Hình luật. Sự minh chứng và lí giải về lịch sử hình thành Quốc triều Hình luật làm nổi bật lên giá trị lịch sử pháp luật của Quốc triều Hình luật đã được khẳng định: Quốc triều Hình luật là bộ luật quan trọng nhất, chính thống nhất của triều Lê, là đỉnh cao so với những thành tựu pháp luật của các triều đại Lý, Trần. Bộ luật cũng chịu ảnh hưởng lớn của pháp luật phong kiến Trung Quốc nhưng lại mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.

Quốc triều Hình luật là bộ luật tiêu biểu cho hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam đã được giới nghiên cứu cổ luật trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm khởi thảo Bộ luật này cũng như thời điểm tiêu biểu nhất cho sự hoàn chỉnh Bộ luật vẫn đang là vấn đề chưa được khẳng định và có nhiều kiến giải khác nhau. SỞ dĩ có tình trạng trên là do trong cả ba bản in ván khắc Quốc triều Hình luật hiện còn lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) đều không có đề tựa, lời bạt, không ghi liên đại soạn thảo, người soạn thảo. Tựu trung lại có ba quan điểm khác nhau về vấn đề này-quan điểm thứ nhất cho rằng Quốc triều Hình luật được ban hành vào năm 1 777. Đây là quan điểm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài về cổ luật Việt Nam như Raymond Delousta và giáo sư Li ngát. Quan điểm thứ hai cho rằng Quốc triều Hình luật được ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông trong khoảng niên hiệu Hồng Đức ( 1470 - 1497). Đây là quan điểm của Đinh Gia Trinh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Quang Quýnh. Quan điểm thứ ba cho rằng Quốc triều Hình luật được khởi thảo ngay dưới triều vua Lê Thái Tổ. Đây là quan điểm của các tác giả Nguyễn Ngọc Huy, Yamamoto Tátsuro và In sun Vu. Một số tác giả thuộc Viện sử học Việt Nam cũng cho rằng Quốc triều Hình luật được khởi thảo dưới triều vua Lê Thái T[r nhưng có thể sớm hơn ngay từ năm 1428.

Trong các quan điểm nêu trên quan điểm thứ ba về thời gian ban hành bộ luật có những căn cứ đầy đủ và hệ thống hơn. Tuy nhiên, từ nội dung của bản dịch Quốc triều Hình luật mà chúng ta có hiện nay cho thấy Bộ luật là thành quả lập pháp của nhiều triều vua hậu Lê và trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Bộ luật các nhà làm luật triều Lê đã kế thừa nhiều thành tựu pháp luật của các triều đại Lý, Trần và tiếp thu chọn lọc pháp luật phong kiến Trung Quốc.

Trước hết, về thời điểm ban hành, Bộ luật có thể được ban hành ngay trong năm 1428 nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết mà tình hình chính ti.i, kinh tế, xã hội đặt ra trong hoạt động xây dưng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và quản lí kinh tế - xã hội thời hậu chiến.

Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) cho biết ngay trong chiến tranh, Thái TỔ đã ban hành những quy định về hình phạt. và quân luật, về chức tước các quan văn võ, về phân cấp hệ thống chính quyền địa phương, về việc cấm quan lại, tướng hiệu cướp bóc, vơ vét, nhận hối lộ, về nguyên tắc chuộc tội bằng tiền, về việc buộc dân lưu .tán trở về quê cũ cày cấy, về việc tiến cử một số người có tài đức ra làm quan... Từ năm 1426, khỉ giải phóng hầu hết đất nước, Lê Lợi đã chia nước làm 4 đạo (Đông, Tây, Nam, Báo và đặt quan cai trị. Như vậy, hệ thống chính quyền và pháp luật đã được hình thành, thiết lập ngay trong cuộc chiến tranh giải phóng nhưng chưa có quy củ chặt chẽ. Sau chiến tranh, để chấm dứt tình trạng lỏng lẻo, tuỳ tiện trong hoạt động cai trị của quan chức các cấp và đặt cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, hoàn thiện thống nhất bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, ngay trong tháng 1//428 Thái TỔ đã "Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã,Thiếu uý, Hành khiển bàn định luật lệnh trị quân và dân, cho người làm tướng biết mà trị quân, người làm quan Ở lộ biết mà trị dân, để răn dạy cho quân dân đều biết là có phép, phàm che công việc đều có người phụ trách, dâng lên vua xem". Ngay sau đó, ông đã hạ lệnh ban hành pháp luật: Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trí thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ eo phạm pháp".

Như vậy, Quốc triều Hình luật có thể đã được ban hành từ đầu năm 1428. Các sự kiện lập pháp dưới triều Lê sơ được ghi trong chính sử cũng góp phần làm sáng tỏ nhận định trên. Năm 1 43 7, Thái Tông ra chỉ dụ cho che quan đại thần, thái giám, hình quan rằng "phàm người xét án, cứ theo điều chính trong luật mà xử đoán, điều luật và tội danh phải lấy Ở hình luật rồi trình lên quan đại thần, thái giám, đài quan và năm đạo cộng đồng xem qua, các quan ấy cho là phải thì sau mới xử đoán".

Bên cạnh đó, trong bộ luật có 27 điều khoản thuộc 1 1 chương có nhắc tới đơn vị hành chính lộ, có 29 điều khoản quy định trừng phạt che quan tể tướng, quan sảnh viện phạm tội khí đảm nhiệm chức vụ, có 24 điều khoản quy định chức trách và trừng phạt xã quan không hoàn thành chức trách của mình. Trong khi đó ngay từ năm 1 466, trong cuộc cải cách bộ máy nhà nước Lê Thánh Tông đã đổi cấp hành chính Lộ thành Phủ; bãi bỏ hết các chức vụ và các cơ quan nhà nước trung gian Ở triều đình như chức tể tướng, che sảnh viện Thượng thư, Trung thư, Môn hạ, NỐI mật; đã đổi chức danh xã quan thành xã trưởng. Như vậy, chắc chắn các điều khoản trên phải có trước thời Thánh Tông. Những điều khoản quy định trách nhiệm của các quan đại thần, quan hành khiển và trừng phạt nặng họ khi có hành vi lạm quyền (Điều 1 50, 1 52, 153 , 218, 624, 625, 626. . .), chây lười, cẩu thả, bỏ bê chính sự (Điều 1 51 , 154, 156, 158, 160, l94, 233, 287...) đều xuất phát từ tình hình chính trị đương thời và đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của tình hình đó. Về chính trị do nhà Lê sơ được thiết lập bằng thành quả của cuộc chiến tranh giải phóng nên tầng lớp đại công thần khai quốc có địa vị, vai trò, thế lực và ảnh hưởng rất lớn trong triều đình nhất là Ở nhà đầu thế kỷ XV. Thế lực của các đại công thần khai quốc luôn là mối quan ngại của Thái TỔ trong những năm cuối đời ông bởi Thái tử Nguyên Long còn nhỏ tuổi ( 1 1 tuổi). ĐÓ là lý do vì sao ông bức tử Thái úy Trần Nguyên Hãn, giết Thái uý Lê Văn Xảo. Thời hậu chiến, các đại thần sau khi được phong chức tước cao bổng lộc hậu mặc dù được Thái Tổ uỷ thác nhiều trọng trách nhưng một phần do sự hạn chế về học vấn, sự thiếu kinh nghiệm về tổ chức quan lý nhà nước, một phần do tâm lý công thần nên phần nhiều trong số họ đều có thái độ hưởng lạc, cầu an, ngại việc.

Tình trạng đó khiến Thái Tổ đã phải xuống chiếu quở trách "Việc quân, việc nước quan trọng ủy thác cho các ông, thế mà che ông cứ điềm nhiên ngồi trông, không để ý gì, trên phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới không thương đến quân dân, sao lại trễ biếng chức sự quá thế. Nay xuống chiếu răn bảo, nếu không biết đổi lỗi làm người tốt, vẫn còn như thế nữa thì nước có phép thường, chớ bảo là trẫm phụ bề tôi cũ công lao vậy!' . Sự chuyên quyền của các đại thần sau này như Lê Sát, Lê Ngân; vai trò của các đại công thần khai quốc trong 2 vụ chính biến cung đình liên tiếp những năm 1459, 1460 cũng là lý do để con cháu ông đã giữ nguyên những điều luật đó trong quá trình sửa đổi, bổ sung bộ luật sau này.

Những điều khoản quy định về trách nhiệm của các quan Lộ, huyện, xã quan, trong việc thu nộp thuế (Điều 176, 368, 373); quản lý dân đinh, hộ khẩu (Điều 285, 286, 170, 348); quản lý, sử dụng tài sản công, ruộng đất công (Điều 347, 367, 369, 373...); trừ diệt trộm cướp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (Điều 298, 45 8, 464, 650. . .); bảo vệ đê điều (Điều 181, 182) đều đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của tình hình kinh tế, xã hội đương thời. Về kinh tế nhà Lê lên ngôi không phải bằng sự chuyển giao quyền lực từ dòng họ này sang dòng họ khác nên không được kế thừa nguồn dự trữ tài chính từ triều trước Nguồn thu chủ yếu của Nhà nước là thuế, ruộng đất công nhà Lê sơ chứa đánh thuế ruộng tư), thuế đinh, thuế sai dịch. Trong khi đó chính sách ruộng đất của nhà Trần và chính sách cai trị của nhà Minh đã dẫn đến sự tập trung ruộng đất và nô tỳ, nông dân lưu tán vào tay các gia đình có thế lực.

Kinh tế nông nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng ruộng đất bị bỏ hoang- Bởi vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra cho nhà Lê khi lên ngôi là phải kiểm soát được đất đai và dân chúng, phục hồi, bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp. Về xã hội chính sách cai trị tàn bạo của nhà Minh và tình trạng loạn lạc trong chiến tranh đã làm cho nông dân phải lưu tán, nạn trộm cướp phổ biến. Tình hình đó đòi hỏi muốn phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp, nhà Lê phải thông qua pháp luật quy định nhiều biện pháp đưa dân lưu tán trở về quê cũ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho dân yên ổn làm ăn.

Khi so sánh nội dung một số điều khoản trong Quốc triều Hình luật với thực tiễn áp dụng pháp luật thời Lê Sơ cũng cho chúng ta thêm căn cứ về thời điểũm ban hành Bộ luật. ĐVSKTT cho biết, năm 1434 tên đầu bếp ở Thái miếu là Nguyễn Chú phạm tội ức hiếp mua rẻ hàng hóa bị đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy đồ làm lính nuôi voi và bị rao ba ngày cho mọi người biết. Hành vi phạm tội và che hình phạt được áp dụng trên trùng hợp với nội dung của che Điều 198 và 577 Quốc triều Hình luật. Cũng năm 1434, tên Đường trộm cắp giữa ban ngày, chiếu luật không đến mức xử tử nhưng Thái Tông không nghe nên đem giết.

Theo Điều 429 Quốc triều Hình luật thì giữa ban ngày ăn cắp vặt chỉ xử tội đồ. Năm 1435, có 7 tên ăn trộm tái phạm đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử chém sau triều đình thấy như vậy giết nhiều người quá nên chỉ xử chém hai tên còn lại thì xử lưu đày. Việc giảm án cho người ít tuổi cho thấy nguyên tắc chiếu cố theo tuổi tác (Điều 1 6) đã được áp dụng. Hành vi tái phạm tội ăn trộm và mức hình phạt xử chém mà hình quan chiếu luật trùng hợp với nội dung Điều 429 trong Quốc triều Hình luật. Cũng năm 1 43 5 , Thái Quân Thực, Nguyễn Tông Trụ di sứ sang nhà Minh mắc tội tiết lộ công việc triều chính với người nước ngoài, đánh nhau làm nhục quốc .thể, tội đáng xử tử nhưng vì đã từng có công nên chỉ bị lưu hình. Hành vi phạm tội và mức hình phạt nêu ra trong vụ án trùng hợp với Điều 79, Điều 495 Quốc triều Hình luật. Mức án giảm nhẹ đối với Thái Quân Thực và Nguyễn Tông Trụ cho thấy nguyên tắc chiếu cố theo Bát nghị (Điều 3, 4, 6, 12) đã được áp dụng. Cần thấy rằng tuy các vụ án trên xảy ra dưới thời Thái Tông nhưng các điều khoản trên trong Bộ luật phải được ban hành dưới thời Thái TỔ bởi ông mới mất năm 1433. Thái Tông lên ngôi khi còn nhỏ tuổi (11 tuổi) theo lễ nghi và quan điểm Pháp tiên vương của đạo Nho, trong thời hạn để tang vua của ba năm Thái Tông không thể thay đổi phép tắc của cha mình và các mức hình phạt đó vẫn được giữ nguyên trong bộ luật cho đến tận thời Lê Mạt.

Khi xây dựng Bộ luật đầu tiên của triều đại mình, ngoài những quy định do chính ông ban hành từ những năm chiến tranh, Thái TỔ đã có sẵn một nguồn luật quan trọng để châm chước, tham khảo. Đó là các Bộ Hình thư đời Lý, Hình thư đời Trần. Mặc dù hai Bộ luật này đều đã thất truyền nhưng khi so sánh Quốc triều Hình luật với hệ thống pháp luật Lý - Trần qua các chiếu lệnh và thực tiễn áp dụng pháp luật đương thời, chúng ta thấy Quốc triều Hình luật đã trực tiếp kế thừa nhiều thành tựu của hệ thống pháp luật đó.

Trước hết, hệ thống Ngũ hình của luật nhà Lý, nhà Trần về cơ bản đã được Quốc triều Hình luật kế thừa và phát triển hoàn thiện tại Điều 1 với một số bổ sung, sửa đổi. Các hình phạt khác như thích chữ, phạt tiền, sung vợ con người phạm tội làm nô tỳ, tịch thu tài sản, bãi chức cũng được kế thừa và hoàn thiện tại các Điều 9, 24 nhích chữ), Điều 26 (phạt tiền), Điều 51, 411, 412 (tịch thu tài sản) Điều 164, 166, 191... bãi chức), Điều 412, 411 (sung vợ con người phạm tội làm nô tỳ) của Quốc triều Hình luật. Ngoài ra, hình phạt biếm lần đầu được áp dụng dưới thời Hồ vào năm 1406 cũng được Quốc triều Hình luật kế thừa và hoàn thiện tại các Điều 22, 27, 46. Một số nguyên tắc chung như nguyên tắc chuộc tội bằng tiền, nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự liên đới, nguyên tắc thân thuộc được che giấu tội cho nhau cũng được Quốc triều Hình luật kế thừa hoàn thiện với những quy định cụ thể hơn. Bên cạnh đó, các quy định trong 10 đạo chiếu, lệnh của nhà Lý, nhà Trần cũng được Quốc triều Hình luật kế thừa tại 11 điều khoản. Trong 11 điều khoản đó có tới 7 điều khoản điều chỉnh những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống kinh tế hàng ngày của dân chúng như mua bán, tranh chấp đất đai (Điều 360, 366, 370, 387, 580), đến việc bảo vệ dân đinh - nguồn cung cấp thuế, binh dịch, lao dịch cho nhà nước (Điều 286, 305). Đấy cũng là những điều khoản chỉ có trong Bộ luật nhà Lê chứ không có trong luật nhà Đường, nhà Minh. Như vậy, sự kế thừa thành tựu lập pháp của nhà Lý, nhà Trần là một trong những yếu tố làm nên điểm đặc sắc và tiến bộ của Quốc triều Hình luật.

Ngoài việc hệ thống lại những điều khoản do chính ông đã ban hành trong chiến tranh và trực tiếp tham khảo hai Bộ Hình thư nhà Lý, nhà Trần, khi xây dựng Bộ luật của triều đại mình, Thái Tổ và các đại thần triều Lê chắc chắn cũng đã tham khảo pháp luật Trung Quốc ở cả hai khzá cạnh hình thức và nội dung bởi hai quốc gia vốn có sự giao thoa văn hóa pháp lý từ rất sớm trải dài hơn 10 thế kỷ. Hơn nữa, Trung Quốc thời phong kiến lại là một quốc gia có nền pháp luật phát triển cao ở khu vực Đông Á. Về hình thức, cấu trúc của Quốc triều Hình luật được mô phỏng theo cấu trúc của Bộ luật nhà Đường. Bộ Quốc triều Hình luật có 722 điều được nhóm thành 13 chương, Bộ luật nhà Đường có 502 điều được chia thành 12 chương. Trừ 4 chương 3, 4, 6, 7 ra cả 9 chương còn lại của Quốc triều Hình luật đều giống với các chương của luật nhà Đường. Tuy nhiên, chính sự có mặt của 4 chương có riêng trong Quốc triều Hình luật đã nói lên sự độc lập tương đối của các nhà làm luật triều Lê trong quá trình xây dựng Bộ luật.

Cũng giống như luật nhà Đường, nhà Minh, cách thức trình bày hầu hết các điều khoản trong Quốc triều Hình luật 659/722 điều) đều bắt đầu bằng việc mô tả hành vi vi phạm pháp luật và kết thúc bằng việc quy định biện pháp chế tài cụ thể đối với người thực hiện hành vi đó.

Về nội dung, theo In sun Yu, trong Quốc triều Hình luật có 261 điều khoản vay mượn hoàn toàn hoặc một phần từ luật Đường; có 53 điều khoản vay mượn từ luật nhà Minh. Ngoài ra, Quốc triều Hình luật còn chịu ảnh hưởng của luật nhà Tống. Những điều khoản đó hầu hết đều thuộc che lĩnh vực hình sự, hành chính, lễ nghi triều chính và gia đình. Dù thuộc lĩnh vực nào các điều khoản vay mượn từ pháp luật Trung Quốe trong Quốc triều Hình luật đều chủ yếu nhằm đề cao đức trung quân, bảo vệ tuyệt đối quan hệ vua tôi; đề cao đạo hiếu đễ, bảo vệ trật tự gia đình gia trưởng phong kiến. Chỉ một số ít điều khoản trong số đó có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của dân chúng. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của những điều khoản trên vẫn là tăng cường việc tập trung quyền lực nhà nước và nhà vua bảo vệ tuyệt đối nhà vua và triều đình. Chính sự vay mượn nhiều điều khoản từ pháp luật Trung Quốe (mà chủ yếu là từ luật nhà Đường) đã thể hiện rõ nét tính hướng nho của Bộ luật.

Nhiều tác giả cho rằng Quốc triều Hình luật vay mượn các điều khoản từ luật nhà Đường một cách gián tiếp thông qua hệ thống pháp luật Lý - Trần. CÓ lẽ chính cách này đã làm cho sự tiếp thu pháp luật Trung Quốe trong Quốc triều Hình luật có tính chọn lọc chứ không đơn thuần chỉ là sự sao chép nguyên vẹn vì những điều khoản vay mượn đã được trải nghiệm qua thực tế thi hành pháp luật hàng thế kỷ trước. CÓ thể thấy rõ là ngay các chế định cổ điển của pháp luật Trung Quốc như chế định ngũ hình, chế định thập ác tội được vay mượn từ luật nhà Đường trong Quốc triều Hình luật cũng đã được sửa đổi ít nhiều cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước Đại Việt.

Sự tiếp thu chọn lọc pháp luật phong kiến Trung Quốc trong Quốc triều Hình luật cho thấy tư duy chính trị cởi mở của tập đoàn phong kiến Lê sơ. Không những không bị hạn chế bởi tinh thần tự tôn dân tộc cực đoan, nhà Lê sơ còn sẵn sàng tiếp nhận thành tựu pháp luật của một quốc gia có nền phát triển cao ở khu vực và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể trong nước. Điều đó nói lên sự hội nhập khu vực từ rất sớm của nền pháp luật nước ta trong lịch sử. Được ban hành từ năm 1428 nhưng Bộ luật đã được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện qua nhiều triều vua Hậu Lê. Khi so sánh những điều khoản được ghi dưới niên hiệu Thiệu Bình trong Hồng Đức thiện chính thư và một số lệnh chỉ, chỉ dụ do Thái Tông ban hành được ghi chép trong ĐVSKTT với Quốc triều Hình luật cho thấy dưới thời Thái Tông (1433 - 1442 ) các điều 310, 502, 508, 513, 527, 672, 683) đã được bổ sung vào điều luật. Có thể những điều luật này được đưa thêm vào Quốc triều Hình luật (cùng với những điều luật khác mà chúng ta không thể khảo cứu được) vào khoảng những năm 1 440 - 1 442 khi Nguyễn Trái được lệnh của Thái Tông sửa định Luật thư.

Dưới thời Nhân Tông (1443 - 1459), 14 điều luật về Điền sản được bổ sung vào Bộ luật với tiêu đề "Điền sản mới tăng thêm" từ Điều 374 đến Điều 387. Thánh Tông (1460 -1497) - vị vua anh minh vào bậc nhất của triều Lê sơ đã có những đóng góp lớn lao để hoàn thiện về cơ bản bộ Quốc triều Hình luật. So sánh những điều khoản trong Thiên Nam dư hạ tập và những điều khoản dưới niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức trong Hồng Đức thiện chính thư (sau khi đã loại trừ những điều khoản chắc chắn eo trước thời Thánh Tông) với Quốc triều Hình luật cho thấy có 83 điều khoản đã được bổ sung vào Bộ luật. Chắc chắn đóng góp của Thánh Tông trong việc hoàn thiện Bộ luật còn nhiều hơn nữa nhưng chúng ta chỉ có thể định lượng tương đối như trên do sự thất truyền hầu hết bộ Thiên Nam dư hạ tập.

Sau Thánh Tông, những chỉ dẫn chính xác trong Quốc triều Hình luật cho biết năm 1511, vua Lê Tương Dục bổ sung vào Bộ luật Điều 389; năm 1517, vua Lê Chiêu Tông bổ sung vào Bộ luật vào Điều 391. Dưới thời Lê Mạt, Bộ luật vẫn tiếp tục được bổ sung, sửa đổi. Điều 1 Quốc triều Hình luật có quy định lưu viễn châu tại Cao Bằng. Phan Huy Chú cho biết "Phủ Cao Bằng trước Lê Trung Hưng vẫn thuộc về trấn Thái Nguyên" .

Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên có thể đi đến nhận định: Quốc triều Hình luật là kết quả của quá trình lập pháp liên tục của các triều vua Hậu Lê trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Thái Tổ và đóng góp lớn lao của Thánh Tông - Những vị vua anh minh vào bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Bằng việc trực tiếp kế thừa thành tựu pháp luật của nhà Lý, nhà Trần và tiếp thu chọn lọc pháp luật phong kiến Trung Quốc, trên cơ sở đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, Quốc triều Hình luật đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố nội sinh và những yếu tố ngoại sinh, giữa luật tục cổ truyền và luật hướng Nho.

3. Tư tưởng đức trị và pháp trị của Quốc triều Hình luật

Dựa vào các quy định của Quốc triều Hình luật làm rõ các biểu hiện của tư tưởng đức trị và pháp trị cũng như sự kết hợp chi phối toàn diện có hệ thống các quy định của Quốc triều Hình luật là đã làm rõ giá trị tư tưởng được thể hiện trong Quốc triều Hình luật. Sự thể hiện của tư tưởng đức trị và pháp trị không chỉ được nghiên cứu khái quát, xuyên suốt Quốc triều Hình luật với tư cách là' bộ luật tiêu biểu của hệ thống pháp luật phong kiến thời nhà Lê mà còn được nghiên cứu trong phạm vi che quy định có tính chất chuyên ngành theo quan niệm hiện đại, như trong che quy định có tính chất hình sự của Quốc triều Hình luật... Các kết quả nghiên cứu trong những phạm vi chuyên ngành khác cũng sẽ được trình bày Ở phần sau.

Trước hết, các kết quả nghiên cứu đã làm rõ nguyên nhân, điều kiện lịch sử xuất hiện tư tưởng đức trị và pháp trị và vạch rõ xu hướng phát triển của hệ tư tưởng này thể hiện trong đường lối cai trị của một số quốc gia phong kiến phương Đông. Từ đó, đi sâu phân tích, luận giải những biểu hiện cụ thể về tư tưởng đức trị và pháp trị trong các quy định của Quốc triều Hình luật.

+ Quốc triều Hình luật thể hiện tư tưởng kính thiên ái dân của Nho gia;

+ Quốc triều Hình luật quy định chặt chê trách nhiệm của quan lại trong từng cương vị + Quốc triều Hình luật đã thể chế hoá lễ để cai trị, giáo hoá dân chúng và t ưng phạt những hành vi xâm hại lễ nghi;

+ Quốc triều Hình luật quy định nhiều biện pháp buộc quan lại phải thực hiện công vụ kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu trên, có thể đi đến kết luận: Sự thể chế hoá tư tưởng đức trị và tự tưởng pháp trị trong Quốc triều Hình luật đã hình thành nên đường lối cai trị truyền thống kết hợp giữa đức và pháp vừa mang bản sắc văn hoá pháp lí phương Đông vừa thể hiện sắc thái riêng của thể chế chính trị - pháp lí quân chủ Đại Việt. Điều đó thể hiện tư duy chính trị cởi mở của tập đoàn phong kiến Lê sơ. Với tư thế của người chiến thắng trong cuộc chiến tranh gian khổ để giải phóng dân tộc, tập đoàn phong kiến Lê sơ không những không bị hạn chế bởi ý thức tự tôn dân tộc cực đoan mà còn biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá pháp lí của một quốc gia có nền văn minh chính trị pháp lí cao hơn và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của quốc gia Đại Việt- Thể hiện đường lối cai trị đó, Quốc triều Hình luật một mặt xác định rất rõ ràng, chặt chế tiêu chuẩn cao, khắt khe về năng lực, đặc biệt là về phẩm cách đạo đức của đội ngũ quan lại phong kiến đồng thời quan tâm, bảo vệ quyền lợi thiết thực của người dân. trong địa vị người bị cai trị; mặt khác, Bộ luật cũng chú trọng tới phương thức thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công vụ của quan lại thông qua việc quy định nhiều biện pháp buộc quan lại phải thi hành công vụ kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

Những nội dung trên trong Quốc triều Hình luật là những giá trị quý báu mà chúng ta cần phải kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân hiện nay.

CÓ thể rút ra được bài học rằng phải rất rõ hệ tư tưởng chính thống và phải thể hiện triệt để, nhất quán trong quy định của pháp luật mà lực lượng chủ chốt thực thi pháp luật cũng như củng cố hệ tư tưởng đó là đội ngũ quan chức nhà nước và phải có các tiêu chuẩn thích hợp.

Sự kết hợp giữa tư tưởng đức trị và pháp trị vẫn còn nguyên ý nghĩa trong thời đại chúng ta. Hồ Chí Minh là hiện thân của sự tiếp thu những tinh hoa của hai hệ tư tưởng này, đặc biệt là tư tưởng đức trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cũng được bắt nguồn từ tinh hoa của tư tưởng đức trị. Các bài học cụ thể tiếp theo được trình bày trong chuyên đề ở phần sau.

4. Về các giá trị lập pháp của Quốc triều Hình luật

Với cách tiếp cận vấn đề từ quan điểm của khoa học pháp lí hiện đại, các kết quả nghiên cứu đã thể hiện sự phân tích làm sáng tỏ những giá trị về tư tưởng pháp luật và những giá trị cơ bản về kĩ thuật lập pháp được thể hiện trong Quốc triều Hình luật, từ đó rút ra những bài học có giá trị đối với hoạt động xây đựng pháp luật Ở Việt Nam hiện nay. Trước hết, Quốc triều Hình luật thể hiện những tư tưởng pháp luật sau đây:

+ Quốc triều Hình luật thừa nhận nguyên tắc chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép Một trong những giá trị cơ bản của Quốc triều Hình luật là đã ghi nhận nguyên tắc chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Sự ghi nhận nguyên tắc này trong Quốc triều Hình luật thể hiện tư tưởng pháp lí tiến bộ trong điều kiện lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam Ở giai đoạn này.

Mặc dù nguyên tắc này có điểm hạn chế, nhất là khi nó được áp dụng đối với mọi chủ thể bởi vì nó có thể hạn chế sự tự do của con người. Song nếu xét ở khía cạnh bảo vệ lợi ích công cộng, hạn chế sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước và các nhân viên nhà nước thì việc áp dụng nguyên tắc này đối với các nhân viên nhà nước có ý nghĩa rất lớn. Trong điều kiện hiện nay, với việc mở rộng dân chủ, đảm bảo các quyền tự do của con người thì việc áp dụng nguyên tắc chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép đối với các cán bộ công chức và che cơ quan nhà nước là một trong những yêu cầu cơ bản, còn đối với mọi công dân thì áp dụng được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

+ Quốc triều Hình luật quy định các tiêu chuẩn rõ ràng đối với phẩm chất của quan lại và đưa ra nhiều hạn chế đối với hành vi của quan lại nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của quan lại -

Mặc dù trong Quốc triều Hình luật không có điều luật nào quy định chung về tiêu chuẩn của quan lại nhưng qua nghiên cứu nội dung của nhiều điều luật, có thể thấy Quốc triều Hình luật đã quy định những tiêu chuẩn và những phẩm chất rất rõ ràng của quan lại trong chế độ phong kiến triều Lê. Đó là các tiêu chuẩn như: Siêng năng, chuyên cần, trung thực, liêm khiết- Đồng thời, Quốc triều Hình luật cũng đòi hỏi quan lại phải tuân thủ các yêu cầu nhất định khi thực thi nhiệm vụ của mình như phải tôn trọng nghi thức, nghi lễ... Quốc triều Hình luật còn quy định biện pháp để ngăn ngừa tình trạng thiếu khách quan, vô tư của đội ngũ quan lại khi họ thực thi quyền hạn. Chẳng hạn, quan lại ở trấn ngoài không được lấy con gái ở trấn hạt mình cai quản (Điều 316). Quốc triều Hình luật đã hạn chế nhiều đặc quyền của quan lại, chẳng hạn về sở hữu đất đai và nô tỳ (Điều 226, Điều 372...) Mặt khác, Quốc triều Hình luật đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế sự quấy nhiễu của quan lại đối với quần chúng nhân dân. Sự hạn chế này được xác định trong nhiều điều luật bằng việc quy định che biện pháp chế tài đối với quan lại có hành vi xâm phạm lợi ích của che tầng lớp nhân dân.

Những quy định này cho thấy Quốc triều Hình luật đã tạo ra cơ sở pháp lí quan trọng cho việc đảm bảo hoạt động phù hợp với pháp luật của các cơ quan nhà nước, quan lại trong bộ máy nhà nước, tránh được tình trạng lạm dụng quyền lực của che nhân viên nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng của mình.

+Quốc triều Hình luật đã giải quyết hợp mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức và phong tục tập quán

Thứ nhất, Quốc triều Hình luật đã có sự phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của pháp luật và phạm vi điều chỉnh của đạo đức.

Thứ hai, Quốc triều Hình luật bảo vệ những giá trị đạo đức xã hội.

Thú ba, Quốc triều Hình luật giải quyết hợp lí sự xung đột giữa các quy phạm đạo đức và quy phạm pháp luật.

Tương tự như vậy, Quốc triều Hình luật cũng đã giải quyết được một cách hợp lí mối quan hệ giữa pháp luật với các tập quán trong xã hội.

Thứ tư, Quốc triều Hình luật bảo vệ những quyền cơ bản của con người.

Thứ năm, Quốc triều Hình luật xác định rõ sự thừa nhận các quy định của pháp luật trong che văn bản quy phạm pháp luật mà không thừa nhận việc sử dụng hình thức án lệ.

Vấn đề kĩ thuật lập pháp của Quốc triều Hình luật cũng được chú trọng nghiên cứu, các kết quả chủ yếu được rút ra như sau:

* Về hình thức khái quát của Quốc triều Hình luật

Quốc triều Hình luật được xây dựng theo mô hình của bộ luật hình sự, phần lớn các điều luật trong đó xác định tội phạm và hình phạt. Mặc dù được trình bày với mô hình như vậy nhưng Quốc triều Hình luật lại là bộ luật tổng hợp, nó điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hầu hết các lĩnh vực như dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, tố .tụng. Nhiều quy định trong Quốc triều Hình luật thuần tuý là quy phạm pháp luật dân sự như Ở phần điền sản mới tăng thêm từ điều và "Châm chước bổ sung về luật hương hoả". Các biện pháp chế tài trong Quốc triều Hình luật cũng bao gồm không chỉ các hình phạt của luật hình sự mà còn có các biện pháp chế tài khác như dân sự, hành chính.

Nhìn một cách tổng thể, việc xây dựng Bộ luật với các điều luật chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội với việc xác định rõ ràng biện pháp chế tài áp đụng đối với chủ thể xâm phạm các quan hệ xã hội đó thể hiện rõ ràng cơ chế điều chỉnh pháp luật của Quốc triều Hình luật.

Về mặt cơ cấu, che chương, các điều có sự thống nhất ở mức độ nhất định Chương danh lệ giống như phần những quy định chung trong một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nêu lên những nguyên tắc chung, những khái niệm chung làm cơ sở cho việc xây dựng và áp dụng những quy định trong che chương sau. Ớ các quyển khác, nhà làm luật đã xếp những điều luật có liên quan vào một quyển, một chương đã tạo ra những chế định pháp lí tương đối hoàn chỉnh.

* Cách thức thể hiện quy phạm pháp luật

Ngoài chương danh lệ và che điều bổ sung thêm về luật hương hoả thì hầu hết các điều luật trong Quốc triều Hình luật được xây dựng theo mô hình của các điều luật chứa đựng quy phạm pháp luật hình sự trong đó mô tả hành vi vi phạm pháp luật và biện pháp chế tài đối với chủ thể thực hiện hành vi đó- Các điều luật trong Quốc triều Hình luật là những điều luật không có tên gọi mà chỉ đánh số điều, vì vậy trong rất nhiều điều luật, nhà làm luật không chỉ quy định một hành vi phạm tội mà còn quy định cách xử lí đối với những người có liên quan đối với trường hợp phạm tội đó.

 Một số quy phạm pháp luật có cách trình bày tương đối độc đảo rất dễ hiểu. Đó là cách diễn đạt quy phạm pháp bằng việc mô tả những tình huống cụ thể (ví dụ Điều 395, Điều 397). Cách diễn đạt quy phạm pháp luật dưới hình thức này đảm bảo cho các quy phạm pháp luật phức tạp cũng có thể được diễn đạt một cách đơn giản dưới hình thức mô tả vì thế nó có thể được hiểu một cách dễ dàng.

* Về cấu trúc và các thành tố của các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật Nhiều quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật chỉ chứa đựng hai bộ phận là giả định và chế tài nhưng nhiều điều luật được nhà làm luật xây dựng theo mô hình mà trong đó chứa đựng đầy đủ ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài. Đây là khía cạnh mang tính chất kĩ thuật mà chúng ta ít gặp trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Ngày nay, khi xây dựng các quy phạm pháp luật, các nhà làm luật thường chỉ thể hiện hai bộ phận của quy phạm pháp luật trong một điều luật rất ít khi chúng ta gặp được các điều luật có đầy đủ cả ba bộ phận của một quy phạm pháp luật.

Trong các quy phạm pháp luật của Quốc triều Hình luật, phần giả định thường được thể hiện rất đa dạng, có thể là giả định đơn giản cũng có thể là giả định phức tạp (Điều 388). Phần quy định trong các quy phạm của Quốc triều Hình luật cũng được thể hiện dưới hình thức cho phép cũng có thế được thể hiện dưới hình thức cấm đoán và cũng có thể được thể hiện dưới hình thức bắt buộc. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu các điều luật trong Quốc triều Hình luật, chúng ta đều thấy phần quy định trong các quy phạm pháp luật của Bộ luật là quy định dứt khoát, tức là nó chỉ nêu lên một cách xử sự để các chủ thể thực hiện chứ không đưa ra nhiều cách xử sự khác nhau để chủ thể lựa chọn.

Phần chế tài trong các quy phạm pháp luật của Quốc triều Hình luật được quy định dưới dạng chế tài cố định, có thể nói đây là sự khác biệt của Quốc triều Hình luật với các quy phạm pháp luật hiện hành cả ở các nước phương Đông và phương Tây.

Nếu các quy định của pháp luật hình sự cũng như các ngành luật khác trong  hệ thống pháp luật của các nước hiện nay trên thế giới quy định loại chế tài  không cố định (tức là chế tài được nhà làm luật quy định mức thấp nhất và là mức cao nhất của biện pháp cưỡng chế nhà nước áp dụng khi chủ thể vi phạm đối với loại hành vi nào đó còn mức áp dụng cụ thể trong trường hợp cụ thể thì được quyết định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật đối với trường hợp đó căn  cứ vào tính chất của mỗi vụ việc cụ thể) thì có thể nói rằng trong Quốc triều Hình luật, các chế tài được quy định một mức rất rõ ràng. Các mức chế tài tăng nặng hoặc giảm nhẹ cũng được ấn định rõ ràng cho mỗi hình vi vi phạm cụ thể và tuy thuộc vào tình trạng lại ấn định một hình phạt riêng biệt. Việc quy định này đảm bảo tính chính xác trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước, tránh được sự tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật.

Trong Quốc triều Hình luật, nhà làm luật cũng đã sử dụng cách diễn đạt các quy phạm pháp luật dẫn chiếu. Khi cần phải xác định hoặc một nội dung pháp lí nào đó hoặc khi một hành vi nào đó cần được xử lí theo điều luật khác, nhà làm luật chỉ rõ việc xử lí theo điều nào. Tuy nhiên, vì các điều luật trong Quốc triều Hình luật không được đặt tên nên nhà làm luật dẫn chiếu theo tên của hành vi bị xử lí theo luật.

Qua việc phân tích những giá trị về tư tưởng pháp luật và kỹ thuật lập pháp ở trên, có thể rút ra rằng trong hoạt động xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay cần phải kế thừa có chọn lọc những giá trị quý báu đó để nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật. Cụ thể là:

- Pháp luật cần phải ghi nhận nguyên tắc chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép là nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và che cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước- Pháp luật cần phải xác định rõ tiêu chuẩn rõ ràng về phẩm chất của các cán bộ, công chức bằng những quy định cụ thể mà có thể định lượng được những tiêu chuẩn đó đồng thời xác định rõ những biện pháp chế tài cụ thể đối với cán bộ công chức vi phạm các tiêu chuẩn đó ở từng mức độ cụ thể.

Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết một cách thoả đáng mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức, trong đó cần phải phân định rõ gianh giới điều chỉnh của pháp luật và đạo đức bằng việc pháp lí hoá các chuẩn mực và khái niệm đạo đức.

Xây dựng các chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật cần phải cố gắng xây dựng các chế tài cố định hoặc khi xây dựng các chế tài không cố định thì không nên quy định khoảng cách giữa mức thấp nhất và mức cao nhất của biện pháp chế tài quá rộng để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thuận lợi và chính xác.

Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật nên xây dựng luôn biện pháp chế tài áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật trong cùng một văn bản để tránh tình trạng có hành vi vi phạm nhưng không có quy định về biện pháp chế tài có thể áp dụng.

Về kỹ thuật lập pháp của Quốc triều Hình luật, từ một góc độ khác kết quả nghiên cứu đề tài cũng đã rút ra nhận xét cho rằng hiện nay, hệ thống pháp luật nước ta có xu hướng bác học hoá với nhiều lĩnh vực pháp luật có mối liên hệ rất tinh vi mà ngay cả nhà chuyên môn cũng khó nắm bắt được hết sự liên quan giữa các anh vực ấy thì cách quy định như Quốc triều Hình luật cũng gợi ý cho các nhà làm luật thời nay là phải làm thế nào cho pháp luật gần với đại đa số người dân để họ dễ hiểu, dễ thực hiện và cơ quan nhà nước cũng dễ áp dụng, giảm đến mức tối thiểu những sự trừu tượng, phức tạp, rắc rối. Kinh nghiệm lập pháp mà Quốc triều Hình luật để lại cho chúng ta ngày nay là xác định rõ những gì mà nhà nước cấm đoán cũng như hình thức, biện pháp bị xử phạt ngay trong cùng điều luật đồng thời xác định luôn những hành vi liên quan của các đối tượng khác như bao che, tạo điều kiện hay thiếu trách nhiệm không xử phạt của người có trách nhiệm... và hình thức, mức bị xử phạt tương ứng. Đây là phương pháp chủ đạo (phương pháp cấm đoán) nhưng Quốc triều Hình luật cũng kết hợp việc sử đụng phương pháp quy định (đưa ra các quy định không có chế tài đi kèm). Ngày nay, việc xây dựng những bộ luật đồ sộ, hoành tráng cũng cần phải được tiến hành trên cơ sở pháp điển hoá những đạo luật có quy mô nhỏ gọn hơn với tính cơ động" cao nhằm đáp ứng kịp thời sự biến chuyển nhanh của tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn nhất định. Trong các đạo luật này, nên quy định một cách tổng hợp, toàn diện che khía cạnh của quản lí nhà nước (theo nghĩa rộng) dưới các góc độ có liên quan chặt chế với nhau như hành chính, hình sự, dân sự tố tụng... Có lẽ không nên đồng nhất và áp dụng một cách cứng nhắc sự phân ngành khoa học pháp lí vào quá trình lập pháp, khi xây dựng các đạo luật, bộ luật hay các văn bản quy phạm pháp luật khác.

5- Về ý nghĩa là công cụ thực hiện chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ của Quốc triều Hình luật

Tiếp theo, Quốc triều Hình luật nghiên cứu từ góc độ là công cụ thực hiện chức năng quản lí của nhà nước phong kiến Việt Nam triều Lê sơ trên lĩnh vực kinh tế.

Các kết quả nghiên cứu từ góc độ này sẽ phản ánh một giá trị cơ bản tiếp theo của Quốc triều Hình luật - công cụ thực hiện chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ. Các giá trị này của Quốc triều Hình luật sẽ được làm rõ thông qua việc phân tích ý nghĩa các quy định của Quốc triều Hình luật Ở các phương diện sau:

+ Chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê thể hiện một cách tổng quát chính là hoạt động bản của nhà nước thể hiện vai trò quản lí, vận hành nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, đất nước đã giành lại được độc lập, chủ quyền. Trong điều kiện hoà bình, nền kinh tế của nước Đại Việt đã dần dần ổn định và ngày càng phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ mà sử sách cũng như dân gian còn lưu truyền lại. Vai trò của nhà nước me này là khôi phục, ổn định và thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp mà chủ đạo và trồng cây lúa nước - vốn là truyền thống sản xuất và sinh hoạt văn hoá lâu đời của dân tộc. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và xã hội của đất nước, để nền kinh tế nông nghiệp có thể vận hành tốt thì nhất thiết phải giải quyết một số vấn đề có ý nghĩa rộng lớn, bao trùm trên những phạm vi của nhiều vùng lãnh thổ, vượt quá khả năng của những người nông dân riêng lẻ hay thậm chí khả năng của một cộng đồng dân cư như làng, xã... Đó là những vấn đề như:

- Khắc phục những điểm bất lợi của thiên nhiên, làm thuỷ lợi, đắp đê , ngăn lũ, tưới tiêu cho đồng ruộng. . .

 - Khai hoang, mở mang diện tích đất canh tác, quản lí đất đai, khuyến ' khích sản xuất.

 - Bảo đảm ổn định trật tự xã hội, bảo vệ độc tập chủ quyền đất nước và ' giữ vững nền hoà bình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống của ' người dân.

 + Từ phương diện chính sách thì chức năng kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ được được thể hiện qua các chính sách bản như:

 * Chính sách trọng nông, khuyến nông

- Chính sách này được thể hiện trên các bình diện như bảo vệ sản xuất,  bảo vệ trật tự xã hội để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

 - Điều chỉnh một số quan hệ kinh tế có liên quan như quan hệ ruộng đất, ' quan hệ tiền tệ, thuế khoá, quan hệ buôn bán...

 - Khuyến khích nông nghiệp phát triển.

 * Chính sách ức thương, độc quyền ngoại thương

 - Kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, hạn chế tối đa sự trao đổi hàng hoá của các nhà buôn với nước ngoài;

 - Hạn chế sự phát triển của các thành thị, trung tâm buôn bán.

 Chính sách kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê thể hiện  rất rõ qua các quy phạm pháp luật được thể chế hoá trong Quốc triều Hình luật.

 * Bằng Quốc triều Hình luật, nhà Lê bảo vệ nền kinh tế tiểu nông

 Ruộng đất là yếu tố quan trọng nhất của nền sản xuất nông nghiệp. Nhà Lê đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chính  sách trọng nông. Điều này trước hết thể hiện tư tưởng Nho giáo của vua Lê  Thánh Tông (1442 - 1497) và đây cũng chính là nền tảng tư tưởng của các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật. Pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quan hệ ruộng đất, vì thế Quốc triều Hình luật đã quy định hàng loạt hành vi vi phạm và mức xử phạt. Trong chương điền sản - một trong những chương trọng yếu của Bộ luật, nhà nước đã quy định các hành vi vi phạm chế độ ruộng đất và các chế tài bị áp dụng như:

 - Bán ruộng công cấp cho (Điều 342);

 - Giấu ruộng đất, đầm ao của công (không nộp thuế), cày cấy ruộng công mà quá kì không nộp thuế (Điều 346);

- Xâm chiếm bờ cõi ruộng đất, nhổ bỏ mốc giới của người khác hay tự mình lập ra mốc giới (Điều 3 5 7);

 Trong chương điền sản, nhà Lê còn ấn định quy chế chia ruộng đất công cho dân địa phương và thu lại khi cần thiết (Điều 347); chế độ chia điền sản cho người thừa kế (Điều 374).

 Trong điều kiện thời đó, nhằm bảo vệ sức sản xuất nông nghiệp, nhà nước quy định hình thức và mức xử phạt hình vi tự tiện giết trâu ngựa (Điều 580).

Bên cạnh việc thể hiện chính sách trọng nông, nhà Lê còn thực hiện chính sách bảo vệ các quan hệ kinh tế nhằm ổn định và duy trì chúng trong vòng trật tự phù hợp với lợi ích của triều đình.

Ở chương điền sản, Quốc triều Hình luật còn tạo khuôn khổ pháp lí nhất định cho các quan hệ trao đổi dân sự về ruộng đất, tài sản đương thời. Để ngăn ngừa tệ cho vay nặng lãi có tính bóc lột quá đáng, Điều 587 Quốc triều Hình luật quy định tỉ lệ cho vay lấy lãi

Trong chương vệ cấm, Quốc triều Hình luật quy định hàng loạt các hành vi vi phạm trật tự kinh tế, bảo vệ nền kinh tế quốc dân, ngăn chặn sự xâm lấn của kinh tế nước ngoài.

Nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ còn quy định cấm bán binh khí, mắm muối, vật cấm hàng quý như gỗ lim, vỏ quế, vàng sống, trân châu, ngà voi cho thuyền buôn nước ngoài. Điều 77 Quốc triều Hình luật quy định chế độ kiểm soát cửa sông, cảng biển; Điều 81 cấm mở cửa hàng trong thành. Nhằm bảo bệ chế độ tiền tệ, chế độ thuế, Quốc triều Hình luật quy định che hành vi bị cấm và phải chịu phạt nếu vi phạm như huỷ bỏ tiền đồng (Điều 175), giao thóc lúa chậm trễ (Điều 177)... Chính sách trọng nóng của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ xuất phát trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. Ở đất nước có truyền thống trồng cây lúa nước thì trọng nông trước hết là quan tâm đặc biệt đến nông dân, nông nghiệp và vùng nông thôn. Đây cũng chính là chính sách trọng tâm của nhà nước, chính sách này nhằm mục tiêu ổn định xã hội, động viên cao nhất sự đóng góp của nông dân vào sụ phát triển và phồn vinh của  đất nước; chính sách trọng nông của nhà nước được thể hiện trên nhiều khía  cạnh như tô thuế, ruộng đất, nhân đinh làm nghĩa vụ binh dịch và lao dịch.

Chính sách an dân của nhà nước phương kiến Việt Nam thời Lê sơ  hướng tới nhà nông, nghề nông, vùng nông thôn và không đơn thuần chỉ là chính sách phát triển kinh tế mà còn bao hàm ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nhà nước quan tâm chăm lo, bảo vệ người nông dân, nền sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận, hay khi thiên tai xảy ra như hạn hán, bão lụt, mất mùa, đói kém...

Chính sách ổn định sản xuất nông nghiệp, an dân Ở vùng nông thôn sau  những năm dài chiến tranh tàn phá trước hết biểu hiện Ở biện pháp giải quyết tình trạng dân lưu vong do hậu quả của chiến tranh hay các nguyên nhân  khác. Nhà vua đã xuống chiếu cấm tư nhân không được lập thêm các đồn điền để thu nạp dân lưu lạc và đe doạ sẽ phạt ai vi phạm điều này. Quốc triều Hình luật quy định:  "Các quan ty làm việc ngoài nếu không biết làm việc lợi, trừ việc hại, để dân trăm họ phải phiêu bạt đi nơi khác, hộ khẩu bị hao hụt và có trộm cướp tụ họp ở trong hạt thì xử tội bãi chức hay tội đồ..." (Điều 284). Song song với  chính sách an dân, giải quyết tình trạng dân lưu vong, nhà nước còn đẩy mạnh  thực hiện chính sách khai hoang, phục hoá, lập thêm đồn điền để tăng cường năng lực kinh tế của nhà nước.

Đại Việt là đất nước mà thiên nhiên vừa ưu đãi lại vừa có những thử thách khắc nghiệt và diễn biến thời tiết rất phức tạp, khó lường. Nền sản xuất  nông nghiệp và đời sống người nông dân do vậy dễ phải chịu cảnh bấp bênh.

Nhưng đây cũng là lĩnh vực mà nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt nhất và thể hiện rõ rệt nhất những năng lực và tác dụng tích cực của chính quyền.

 Quốc triều Hình luật quy định trách nhiệm của quan lại ở địa phương là phải tâu binh tình hình thiên tai ở quản hạt của mình với triều đình (Điều 349).

Nhằm bảo vệ đê điều, bảo vệ an ninh cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng nông thôn, Quốc triều Hình luật quy định hành vi "phá trộm đê làm thiệt hại nhà cưa, lúa má của dân thì xử tội đồ hay tội lưu và bắt đền thiệt hại (Điều 596).

Hành vi chiếm đoạt đất đai cũng được nhà nước xác định là tội phạm và quy định hình phạt (Điều 370). Nhà nước còn lo bảo vệ nông dân và an toàn xã hội Ở nông thôn trước sự đe doạ của thiên nhiên, ác thú. Trách nhiệm của chính quyền là phải chăm lo cho đời sống nông dân và phát triển sản xuất (Điều 181 , 182). Để bảo vệ nông dân và sản xuất nông nghiệp, nhà nước còn quy đính thành luật xử phạt các hành vi khác như chặt phá cây cối, lúa má của người khác (Điều 601), thả trâu ngựa phá hoại hoa màu của dân (Điều 581), lấy trộm trâu ngựa, thuyền bè (Điều 444), đánh trộm cá ở ao nhà người khác (Điều 445), bắt trộm gà lợn, xúc trộm lúa má (Điều 446).

Đặc biệt, những tranh chấp về ruộng đất, nông sản trong nhân dân cũng được Bộ luật dự liệu. Điều 360 Quốc triều Hình luật quy định ruộng đất đang tranh chấp mà đánh người để gặt lúa mái cấy rẽ lượng công hay tư không báo cho chủ mà tự tiện đến gặt (Điều 361); quy định phân xử tạm thời về số lúa trên ruộng đất đang tranh chấp (Điều 362).

Nhà nước cũng rất chú trọng bảo vệ người nông dân trước các hành vi hà lạm của quan tham như hành vi hà hiếp, bức hại để mua ruộng của người khác, tranh giành chiếm đoạt nhà, đất đai của lương dân (Điều 370); xâm lấn bờ cõi, ruộng đất, nhổ bỏ mốc giới (Điều 357), bán trộm ruộng đất của người khác (Điều 382). Vấn đề cầm cố ruộng đất cũng được Bộ luật điều chỉnh (Điều 383, Điều 384), có việc tranh chấp ruộng đất mà mượn người làm chứng gian dối thì bị xử phạt (Điều 385).

Trên khía cạnh sự tác động của nhà nước đến các quan hệ kinh tế đương thời, Quốc triều Hình luật không chỉ thê hiện chính sách trọng nông mà còn thể hiện những chính sách nhất đinh đối với các ngành nghề khác trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân. Thời Lê sơ, bên cạnh nghề nông là ngành sản xuất chính, nước Đại Việt còn có các ngành sản xuất thủ công như dệt vải, đan lát, làm gốm sứ, rèn đúc. trong những lúc nông nhàn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đ nữ và trao đổi trong phạm vi nhỏ hẹp ở các địa phương. Thủ công nghiệp còn có hình thức quan trọng khác là các cơ sở sản xuất của nhà nước được gọi là các quan xưởng chuyên làm tiền tệ, vũ khí, đồ trang sức... được gọi là cục bách tác. Tổ chức công tượng chuyên làm nhà cửa trong cung thất, dinh thự, thành luỹ do các thợ thủ công tài hoa đảm nhiệm. Sản phẩm thủ công nghiệp do các cơ sở sản xuất thủ công của nhà nước làm ra đều trực tiếp phục vụ cho các nhu cầu của nhà nước, không có tính cách hàng hoá trao đổi, mua bán giữa các vùng miền. Trên thực tế, ở nước Đại Việt lúc này đã hình thành tầng lớp thợ thủ công nhưng tầng lớp này còn nhỏ yếu và mờ nhạt hơn nhiều so với tầng lớp nho sĩ và nông dân. Điều này một mặt thể hiện chính sách coi trọng nghề nông nhưng mặt khác lại thể hiện chính sách em nhẹ thương nghiệp của nhà Lê.

Sản phẩm thủ công nghiệp do các cơ sở sản xuất của nhà nước như quan tưởng, công tượng đã làm hạn chế sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Triều đình đã quy định nhiều điều luật về cách thức xây dựng nhà cửa, cách sử dụng màu sắc đồ tơ lụa, may mặc, đồ trang sức vàng bạc cho che tầng lớp xã hội khác nhau, luật cấm nhân dân dùng những loại cao sang mà nhà vua không ho phép. Nhà Lê còn hạn chế sự phát triển của kinh đô Thăng Long, năm  1481 , nhà vua ra lệnh đuổi những người tạp cư có cửa hiệu buôn bán ra khỏi lô thành, ngoài ra, triều đình cũng hạn chế sự phát triển của các trung tâm thị hành nói chung trong cả nước.

Từ thời Lí, Vân Đồn đã là thương cảng sầm uất của nước ta, tuy nhiên đến triều Lê sơ, nó bị kiểm soát rất chặt chẽ. Xuất phát từ hệ tư tưởng Nho táo nhà Lê vốn chỉ trọng nghề nông, các ngành nghề và các tầng lớp khác hông được coi trọng, thậm chí không phải là đối tượng của chính sách nhà nước. RÕ ràng, với Quốc triều Hình luật .nhà Lê muốn đạt đến mục tiêu xây đựng nền kinh tế thuần nông; hạn chế sự phát triển của các quan hệ kinh tế thủ công nghiệp, thương mại, các quan hệ buôn bán trong nước và quốc tế.

 Đó là chính sách hạn chế, kìm hãm sự phát triển của ngoại thương và giữ độc quyền ngoại thương của nhà nước phong kiến triều Lê sơ. Tuy vậy, Ở mức độ nhất định, nhà nước vẫn điều chỉnh các quan hệ trao đổi sản phẩm hàng hoá có tính chất nhỏ lẻ diễn ra trong đời sống xã hội. Đó là các quan hệ mua bán, thuê mướn, vay nợ... trong nội bộ nhân dân với tính cách là mối quan hệ giữa chủ thể sản xuất hàng hoá nhỏ nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu chứ không có ý nghĩa kinh doanh, kiếm lời.

Về chính sách quân điền, nhà nước chấp nhận nguyên tắc là ruộng công của làng nào thì làng đó sử đụng, tự phân chia cho các thành viên. Đây là cơ sở kinh tế cho sự tồn tại của chế độ tự trị làng xã thời phong kiến ở Việt Nam nói chung và triều Lê sơ nói riêng. Nhìn tổng thể thì kết cấu kinh tế - xã hội thời Lê sơ chủ yếu vẫn là nông nghiệp- nông dân- làng xã, kinh tế hàng hoá  nhỏ chỉ là bộ phận phụ bổ sung cho nông nghiệp.

Quốc triều Hình luật được xây dựng trên nền hệ tư tưởng Nho giáo, qua lăng kính của Lê Thánh Tông mang tính dân tộc dân chủ sâu sắc và thám nhuần tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Quan điểm Nho giáo in đậm trong nhiều quy phạm pháp luật được ghi nhận trong Quốc triều Hình luật, không chỉ dưới những khía cạnh như hình sự, hôn nhân và gia đình, dân sự mà còn dưới khía cạnh chính sách  kinh tế và sự tác động của nhà nước vào quá xây dựng và trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp của nước Đại Việt. Quốc triều Hình luật có nhiều yếu tố tích cực hơn những bộ luật khác thời phong kiến; nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê 'Thánh Tông chú trọng chăm lo việc thuỷ lợi, khuyến khích phát triển sản xuất  nông nghiệp, giữ gìn trật tự an toàn và sự ổn định xã hội, phát triển nền văn hoá giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng bên cạnh yếu tố tích cực, chính sách kinh tế - xã hội của triều Lê cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.

Chính sách kinh tế thuần nông, tự cấp, tự túc đã làm mất tính cân đối toàn diện của nền kinh tế quốc dân; chính sách quân điền chỉ đạt đến mức độ ổn định có tính tạm thời và trong đó chứa đựng nhiều yếu tố gây mâu thuẫn chia rẽ, đối kháng về lợi ích trong xã hội.

Tác dụng của chính sách trọng nông, chính sách quân điền của nhà Lê là khôi phục đất nước sau chiến tranh, ổn định xã hội, tạo điều kiện để nghề nông - nghề gốc của đất nước phát triển rực rỡ hơn. Tuy nhiên, cùng với chính sách ức thương, kìm hãm sự phát triển của thương nghiệp và các nghề khác thì ngay chính sách trọng nông, chính sách quân điền của vua Lê cũng đã hạn chế sự phát triển của chính nền sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ.

Qua nghiên cứu vai trò quản lí kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ thể hiện ở các quy định của Quốc triều Hình luật, có thể rút ra một số điểm kết luận sau đây:

- Quản lí nền kinh tế nông nghiệp là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước phong kiến Việt Nam triều Lê sơ;

- Nhà Lê đã sử dụng pháp luật như là công cụ đặc thù để thể hiện và thực hiện vai trò, chức năng của mình trên các lĩnh vực quản lí đất nước, trong đó có xây dựng và phát triển nền kinh tế tiểu nông là anh vực hoạt động nền tảng của xã hội.

- Chính sách kinh tế của nhà Lê sơ được thể chế hoá một cách sâu sắc qua Quốc triều Hình luật với kỹ thuật lập pháp khá nhuần nhuyễn. Các khía cạnh quản lí hành chính, trật tự an toàn xã hội, quản lí đất đai, hình sự, dân sự... được thiết kế theo kiểu đan xen, lồng ghép trong các chương điều của BỘ luật, tạo nên tính thống nhất cao cho các chính sách của nhà nước và có tác dụng phối hợp tốt giữa che lĩnh vực quản lí đất nước theo pháp luật.

- Quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật được thiết kế tổng hợp và điều này có tác dụng biểu hiện một cách tập trung, thống nhất ý chí nhà nước trong việc thể chế hoá và điều chỉnh các quan hệ xã hội trên các lĩnh vực chủ yếu.

- Quốc triều Hình luật là mẫu mực pháp luật cho việc quản lí đất nước trong nhiều triều đại về sau, chứng tỏ vai trò, tác dụng và ý nghĩa thiết thực của nó. Những  hạn chế của Quốc triều Hình luật nằm trong sự hạn chế của hệ tư tưởng Nho giáo và các chính sách của triều Lê sơ trong điều kiện lịch sử kinh tế - xã hội thời bấy giờ. - Mức độ điều chỉnh và kĩ thuật pháp trong việc thể chế hoá các chính sách kinh tế của nhà Lê sơ thể hiện qua Quốc triều Hình luật là kinh nghiệm tốt mà ngày nay chúng ta có thể tiếp thu, học tập để xây dựng các thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện mở cửa và hội nhập kinh tế  quốc tế

- Chính sách trọng nông theo kiểu nhà Lê được thể hiện qua Quốc triều Hình luật như đã phân tích ở trên cũng là bài học lịch sử cho việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế của đất nước hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà trước hết là công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nông nghiệp và nông thôn. Điều này càng khẳng định chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thời đại.

- Trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thì kinh nghiệm lập pháp của ông cha ta thể hiện qua Quốc triều Hình luật cũng cần được khai thác và phát huy đúng mức. Chúng tôi cho rằng tính nhất quán trong các chính sách nhà nước từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá... thể hiện qua các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật là điều cần phải chú trọng tăng cường trong điều kiện hiện đại với hệ thống pháp luật đồ sộ, phức tạp. Quốc triều Hình luật thể hiện rõ sự nhất quán của chính sách nhà nước trong kĩ thuật pháp điển tổng hợp

II. Quốc triều Hình luật - TIẾP CẬN TỪ HƯỚNG CÁC KHOA HỌC LUẬT CHUYÊN NGÀNH HIỆN ĐẠI

Muốn nghiên cứu có hệ thống và toàn diện Quốc triều Hình luật thì phải nhìn Quốc triều Hình luật từ nhiều phương diện khác nhau: Từ phương diện khoa học lịch sử, lý luận nhà nước và pháp luật và từ các khoa học luật chuyên ngành hiện đại. Nếu nhìn Quốc triều Hình luật từ góc độ của các khoa học luật chuyên ngành hiện đại thì Quốc triều Hình luật như một bộ luật tổng hợp, tiêu biểu cho hệ thống pháp luật thời nhà Lê bao gồm các quy định của nhiều ngành luật khác nhau. Các kết quả nghiên cứu sau đây sẽ phản ánh những nội dung và giá trị của Quốc triều Hình luật nhìn từ góc độ khoa học luật chuyên ngành .

 1. Luật hành chính

Từ góc độ khoa họe luật hành chính, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu vấn đề quan chế được thể hiện trực tiếp qua lời văn các quy định của Quốc triều Hình luật Cũng như ý nghĩa tinh thần che quy định đó và các văn bản khác có liên quan.

 * Tuyển bổ quan lại

Dưới thời Hồng Đức, việc tuyển dụng quan lại chủ yếu theo ba cách là tuyển cử, đề cử và tập ấm.

- Tuyển cử

Thời Lê sơ, pháp luật quy định chế độ thi cử rất nghiêm ngặt. Cụ thể, Quốc triều Hình luật đã định điều kiện cho người đi thi (Điều 77); hơn nữa còn đặt ra lệ buộc địa phương phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của sĩ tử đi thi hương (lệ bảo kết hương thí) và lệ kê khai ba đời (cung khai tam đại). Mục đích là bảo đảm Sự chặt chẽ trong việc tuyển chọn quan lại. Pháp luật còn quy định việc chống gian lận trong khi thi như cấm thí sinh mượn người thi hộ; giám sát trường thi không cho sĩ tử mang sách vở vào trường thi (Điều 3 ).

Đảm bảo khách quan trong việc đánh giá kết quả thi: Sao chép quyển văn của thí sinh sang quyển khác (đằng lực) để khảo quan chấm nhằm làm cho khảo quan không nhận ra bài của thí sinh. Buộc các quan có liên quan đến việc đánh giá kết quả thi phải từ chức nếu có thân thuộc với thí sinh (Điều 2 chương vi chế).

 - Đề cử

Quan điểm tuyển bổ quan lại là để dùng, cốt chọn được nhân tài nên bên cạnh tuyển cử là cách tuyển bổ chính thì đề cử cũng được chú ý. Tuy nhiên, tuyển cử có ưu điểm là được tổ chức một cách hệ thống, có tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, còn đề cử thì lại không có được những ưu điểm ấy nên chịu ảnh hưởng bởi sự đánh giá chủ quan của người đề cử và những người có liên quan. Song nhược điểm này đã bị hạn chế đáng kể bởi thủ tục đề cử tương đối chặt chẽ, tuỳ theo chức vụ cần đề cử mà có người đề cử, cơ quan xem xét, cơ quan bổ dụng tương ứng, rồi ghi chép, theo dõi năng lực, công trạng, lỗi lầm của người được đề cử sau khi được bổ dụng. Đồng thời, đặt ra chế độ trách nhiệm đối với người đề cử không được thiên tư, nhận tiền mà đề cử bậy, phải đề cử người tài cán, thanh liêm xứng đáng với công việc, không chây lười, hèn kém, bằng không thì người đề cử sẽ bị trị tội (Điều 78 chương vi chế).

- Tập ấm

Phong tước ấm cho họ hàng của hoàng thân, quốc thích, quan lại. Đây là cách tuyển bổ không theo tài năng, đức hạnh mà theo xuất thân của người được tuyển bổ. Mặc dù luật pháp có định rõ giới hạn phong ấm (họ hàng của ai được phong ấm, phong ấm mấy đời, phong đến cấp bậc nào) nhưng phép tuyển bổ này rõ ràng khó chọn được người tài (Điều 50, 118 chương vi chế; Điều 14 chương trá nguỵ).

* Sử dụng quan lại

Pháp luật định ra nhiều cách để các quan lại có tài tương xứng với chức vụ như:

- Thí quan (làm quan thử): Người được bổ làm quan sau ba năm kể từ ngày nhậm chức thì phải khảo khoá lần đầu (sơ khảo) nếu xứng chức thì mới được nhận thực chức.

- Đào tạo quan lại: Mặc dù thời Hồng Đức đội ngũ quan lại xuất thân khoa cử chiếm số đông nhưng do có nhiều phép tuyển bổ khác nhau nên có những người không xuất thân từ khoa cử. Số quan lại này bị bắt buộc học để tăng kiến thức, trình độ, tài năng cai trị.

- Khảo khoá: Lệ khảo khoá áp dụng đối với quan lại là cứ ba năm khảo khoá một lần. Sau ba năm đầu khảo khoá lần thứ nhất để quyết định thí quan có được nhận thực chức không. Sau chín năm thông khảo (kì khảo thứ ba).

Các nha môn thực hiện cả ba lần khảo khoá khai rõ công việc quan chức đã làm trong chức nhiệm cùng thành tích, lầm lỗi trình lên trên. Nếu xứng chức thì cho thăng thưởng, nếu ốm yếu, hèn kém, bỉ ổi thì đổi đi chỗ ít việc hoặc bắt về hưu (gọi là lệ giản thải). Việc thăng thưởng, thuyên chuyển, lầm lỗi của quan lại được ghi chép đầy đủ trong sổ gốc làm cơ sở để thưởng, phạt (Điều 1 56, 58, 59, 62, 63, 64 chương vi chế).

* Các nghĩa vụ và những điều cấm kị đối với quan lại

- Nghĩa vụ tuân thủ thời hạn giải quyết việc công

Thời hạn được chú trọng trong những trường hợp: Thứ nhất, cần đảm bảo tính kịp thời, tránh những hậu quả bất lợi do việc để quá hạn gây ra như thời hạn đắp, sửa đê phải làm xong trước mùa mưa lũ để tránh lũ lụt, vỡ đê (Điều 85 chương vi chế). Thứ hai, cần đảm bảo tính chính xác. Có những công việc nếu để chậm trễ sẽ không còn căn cứ để xác định thực, hư, đúng, sai khó có thể giải quyết thoả đáng, như có nạn lụt, hạn, mưa đá, sâu keo, châu chấu phá hại mùa màng phải tâu để xét miễn, giảm thuế mà không tâu đúng hạn thì có thể không còn dấu tích để tra xét (Điều 8 chương điền sản).

 Việc quy định thời hạn rất nghiêm ngặt, thường cấm để chậm trễ, đôi khi cấm làm trước thời hạn (Điều 33 chương đoán ngục). Quan lại không tuân thủ thời gian đã định sẽ bị phạt. Việc không tuân thủ thời hạn có khi cấu thành một vi phạm hoàn toàn khác (Điều 44 chương hộ hôn).

 - Nghĩa vụ tuân thủ thủ tục giải quyết việc công

Nghĩa vụ tuân thủ thủ tục được đặc biệt nhấn mạnh khi việc không tuân thủ thủ tục có nguy cơ dẫn đến sai sót, lầm lẫn khi giải quyết công việc hoặc có khả năng lộng quyền, lạm quyền, khinh nhờn phép nước như: "Các quan sảnh, quan việc làm tờ tâu lên về sổ xin cai quản đối chiếu chưa xong mà đã' trình lên xin ngự phê thì xử phạt tiền 20 quan " (Điều 58 chương vi chế) nếu chưa đối chiếu xong đã trình xin ngự phê tất dễ mắc sai lầm; hay khi có việc xây dựng gì đáng trình lên quan trên thì phải trình, đáng phải đợi cho phép thì phải đợi không được tự tiện quyết định: "Khi có việc xây dựng đáng trình lên quan trên mà không trình, đáng phải đội chỉ thị mà không đội thì xử biếm hai tư" (Điều 15 chương tạp luật). Thủ tục giải quyết việc công cũng có sự  mềm dẻo tuỳ theo tính chất công việc như thủ tục giải quyết công việc trong trường hợp bình thường khác thủ tục giải quyết công việc trong trường hợp khẩn cấp (Điều 66 chương tạp luật). Do vậy, quan lại khi giải quyết công việc phải theo đúng thủ tục đã quy định, không được vi phạm để tránh sai sót hay làm lỡ việc công.

- Nghĩa vụ khách quan, vô tư, chính xác, có căn cứ xác đáng khi giải quyết việc công

Có lẽ vì ý nghĩa lớn lao của nó mà nghĩa vụ này được thể hiện thông qua một khối lượng điều đáng kể trong Bộ luật. Có những điều luật quy định hình phạt đối với hành vi làm sai sự thật, làm trái pháp luật, đặc biệt trừng phạt nghiêm người làm sai trái vì tình thân, thù oán, ăn hối lộ. Có những quy định mang tính đảm bảo cho khả năng thiếu khách quan, chính xác không thể xảy ra như cấm đảm nhiệm những công việc gắn liền với quyền lợi của người thân thuộc (chấm thi). Những trường hợp quan trọng pháp luật còn định rõ như thế nào mới được coi là có căn cứ xác đáng (Điều 45 chương vệ công- Nghĩa vụ này còn được phản ánh qua chế độ lập và quản lí sổ sách trong hoạt động của các cơ quan, các quan chức rất chặt chẽ, quy củ. Hầu như mọi công việc đều được ghi chép chính xác những nội dung cần thiết. Sổ ghi chép được thường xuyên soát xét, đối chiếu, trình lên cấp trên xem xét, kiểm tra (các điều 55,62, 63, 64, 65, 80, 98, 99 chương vi chế, Điều 12 chương tạp luật...).

Nghĩa vụ tuân thủ kỉ luật, chuyên cần, tận tuy với công việc Nghĩa vụ này đòi hỏi quan lại phải tận tâm, tận lực hoàn thành công việc thuộc chức trách được giao, không tuỳ tiện nghỉ việc (Điều 4 chương vi chế), không được làm việc công Ở nhà, ra đến công đường phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng đúng phép (Các điều 1 43 ,144 chương vi chế). Quan lại không làm hết phận sự, dùng dằng, lần chần không làm những việc cần kíp, không làm việc đáng phải làm (Điều 25 chương vi chế), nhờ người, thuê người khác làm thay (Điều 3 8 chương vi chế), thiếu tinh thần trách nhiệm đều bị phạt, nếu để xảy ra hậu quả xấu thì bị phạt nặng (Các điều 8, 35 chương vệ cấm, điều 59, 82 chương vi chế).

Gắn liền với nghĩa vụ này là các quy định cấm trễ nải, trốn tránh nhiệm vụ: "Các quan đang tại chức mà trễ nhác việc công " (Điều 1 03 chương vi ( chế) hoặc: "Những quan chức được sai làm việc công, thấy việc nặng nề, khó khăn mà nói dối là đau ốm để khỏi phải đi " điều 126 chương vi chế) đều bị trừng phạt, đối với việc quan trọng hoặc để xảy ra hậu quả xấu, làm tổn hại nhân công, của công thì bị phạt nặng hơn: "Nếu là việc quân khẩn cấp mà trốn tránh thì xử tội lưu hay tội chết " (Điều 126 chương vi chế).

Nghĩa vụ chịu trách nhiệm về việc làm của cấp dưới

Các quan lại không chỉ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình mà còn phải chịu trách nhiệm về việc làm của người dưới quyền (Điều 61 chương vi chế). Các quan lại không biết, biết mà làm ngơ hoặc dung túng cấp dưới làm điều sai trái đều bị phạt (Điều 24 chương vệ cấm).

- Nghĩa vụ giữ gìn bí mật nhà nước

Người làm quan tất có lúc liên quan đến những thông tin bí mật. Thông tin bí mật nếu bị lộ sẽ ảnh hưởng tới công việc quốc gia, đặc biệt là việc quân cơ. Quan lại để lộ thông tin bí mật hay cố ý tìm hiểu trái phép thông tin bí mật đều bị phạt nặng (Điều 123 chương vi chế, điều 14 chương tạp luật).

- Cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu nhân dân

Quan lại là những người sử dụng quyền lực, được sử dụng những phương tiện bạo lực đi kèm quyền lực đó nên thường có nhiều khả năng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng, ức hiếp nhân dân. Tuy nhiên, quyền lực mà họ được quyền sử dụng là quyền lực công, phải dùng để phục vụ lợi ích công. Mọi hành vi mượn việc công để trả thù riêng, lợi dụng việc công để trục lợi đều bị phạt, số lợi có được bị truy thu sung công, có thể bị phạt gấp đôi (Điều 19 chương tạp luật). Quan lại sách nhiễu dân cũng bị phạt, nếu sách nhiễu lấy tiền của của dân thì phải bồi thường (Điều 110 chương vi chế).

- Cấm kết bè đảng, cấm các quan cùng làm việc mâu thuỗn với nhau Việc kết bè đảng, mâu thuẫn giữa các quan đều dẫn đến tranh giành quyền lực, phân tán quyền lực của vua, lạm quyền, lộng quyền, mưu lợi cá nhân, bỏ bê việc nước, gây mầm phản loạn tất phải bị cấm: "Quan chức cùng làm việc một nơi mà bất hoà với nhau thì xử tội phạt hay tội biếm " (Điều 68 chương tạp luật). Những trường hợp kết bè đảng giữa các quan đại thần hoặc ở vùng biên trấn được coi là nguy hiểm hơn đều bị trị tội nặng (Điều 1 08 chương vi chế).

 * Những đặc quyền, đặc lợi quan lại được hưởng

Việc quan lại được hưởng những đặc quyền, đặc lợi có tính hai mặt: Một là với các bậc trung quân ái quốc (nhất là các quan lại xuất thân từ Nho học thấu hiểu và coi trọng đạo làm quan) thường lấy việc được ăn lộc vua làm cái nghĩa phải báo ơn vua, nên hết lòng, hết sức làm tròn phận sự; hai là, làm quan đồng nghĩa với được hưởng các đặc quyền, đặc lợi lại là động cơ để người chưa làm quan tìm mọi cách để được làm quan, người đang làm quan cố gắng để thăng quan, tiến chức, cũng dễ dẫn đến gian dối, che đậy sai lầm, khuyếch trương công trạng. Tuy nhiên, thời Hồng Đức được coi là triều đại quan chức xuất thân từ Nho học đông đảo, quan chế dựng đặt rõ ràng, lệ khảo khoá thực hiện nghiêm, lệ cấp bổng lộc lại nhằm khuyến khích quan lại chuyên cần nên các đặc quyền, đặc lợi cũng có thể coi là yếu tố kích thích quan lại tận tâm, tận lực thi hành chức phận.

- Được giảm tội

Quan lại được giảm tội có hai trường hợp: Thứ nhất là bát nghị (tám điều nghị xét giảm tội) các quan lại thuộc vào bát nghị khi phạm tội thì được xét giảm tội. Tuy nhiên, không phải mọi quan lại đều được nghị xét giảm tội và ngay cả những người thuộc vào bát nghị cũng không được giảm tội khi phạm tội thập ác (Điều 3 chương danh lệ). Hai là, trong một số trường hợp nếu cùng phạm một tội thì quan bị phạt nhẹ hơn dân, quan cao bị phạt nhẹ hơn quan thấp (Điều 1 9 chương vệ cấm).

Được hưởng các quyền lơi vật chất

Được cấp đất ở, đất canh tác (chế độ lộc điền) cùng được miễn thuế một phần ruộng đất. Quan có phẩm, hàm càng cao thì càng được cấp nhiều (Điều 130 chương vi chế). Được cấp bổng lộc, lệ cấp bổng lộc cho quan lại được định rõ theo phẩm, hàm đồng thời căn cứ vào số lượng công việc quan lại phải làm nhiều hay ít. Cùng một phẩm cấp thường chia thành năm bạc để cấp bổng.

- Được chuộc tội bằng tiền, được giảm tội đối với một số tội phạm phải khi chưa làm quan (Điều 14 chương danh lệ).

- Người thân thuộc được tập ấm

Người thân thuộc của quan lại tuỳ theo chức tước mà giới hạn số đời, số người, cấp bậc được phong ấm. Người được phong ấm được miễn lao dịch, được hưởng tước phẩm, được phong đất.

- Vợ quan khi phạm tội có thể được giảm tội tuỳ theo phẩm trật của chồng (Điều 7 chương danh lệ).

Ngoài ra, danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của người thân thuộc của quan lại được coi trọng (Điều 32 chương đấu tụng). Những bảo đảm cho quan lại thi hành chức phận gồm:

- Được bảo đảm về sức khoẻ, tính mạng

Quyền này của quan lại được bảo đảm nghiêm ngặt hơn thường dân, mức độ bảo đảm lại tăng lên theo cấp bậc. Người đánh quan chức bị phạt nặng hơn đánh người không phải là quan chức, đánh quan chức cao bị phạt nặng hơn đánh quan chức thấp (Điều 23 chương đấu tụng). Quan chức bị xâm phạm tính mạng được tiền đền mạng, tiền đền mạng quan chức nhiều hơn mạng dân thường, quan chức có phẩm, hàm cao được tiền đền mạng nhiều hơn quan chức có phẩm, hàm thấp (Điều 29 chương danh lệ).

- Được bảo đảm về sự tôn nghiêm

 Quan lại thời phong kiến vốn được coi là cha mẹ dân, sự bảo đảm cho                                                                                            quan lại thi hành chức trách không chi là sự bảo đảm về mặt quyền lực mà                                                                                          còn bao gồm cả uy phong của người làm quan. Những hành vi xâm phạm sự tôn nghiêm của quan lại đều bị trừng trị. Sự tôn nghiêm được thể hiện trong                       mối quan hệ giữa dân với quan, giữa quan trên với cấp dưới và ngược lại.

Mức độ tôn nghiêm lấy phẩm, hàm làm thước do. Vì vậy, luận tội hành vi đánh, lăng mạ, ngạo mạn với quan chức căn cứ vào phẩm hàm của quan (nếu dân phạm tội), vào sự ngang bằng hay mức độ chênh lệch phẩm hàm giữa quan chức phạm tội và quan chức là nạn nhân (Điều 8 chương đấu tụng). Điều đáng lưu ý là sự tôn nghiêm của quan lại thể hiện yếu tố quyền lực gắn với công vụ, nên khi có hành vi lăng mạ, đánh, chống cự quan lại đang làm việc công thì quan chức (là nạn nhân) không được hoà giải riêng với người phạm tội, nếu hoà giải riêng sẽ bị phạt (Điều 29 chương đấu tụng). Đồng thời sự tôn nghiêm con đòi hỏi quan chức thi hành đúng chức phận, nên những trường hợp quan chức có lỗi trước thì lại xử khác. Quan chức cũng có nghĩa vụ giữ gìn sự tôn nghiêm của mình, khi quan lại tự mình làm mất danh dự (phạm tội) thì việc phục hồi danh dự cũng khó khăn hơn thường dân, tiền tẩy thích chữ, tiền chuộc tội quan phải nộp nhiều hơn dân, quan có phẩm hàm cao phải nộp . nhiều hơn quan có phẩm hàm thấp (Các điều 2 1 , 22, 24, 32 chương danh lệ).

- Gắn trách nhiệm với chức vụ

Các chức quan cao thấp khác nhau thể hiện trách nhiệm trọng khinh khác nhau khi cùng dự giải quyết một công việc. Chính vì vậy, cùng một hành vi sai phạm nhưng hành vi của người có chức vụ cao hơn được coi là nguy hiểm hơn nên bị phạt nặng hơn (Điều 137 chương vi chế).

- Sự giám sát chặt chẽ của cấp trên và của các quan chức có liên quan

 Tổ chức bộ máy quan lại thời Hồng Đức có nhiều chức quan, cơ quan lệ thuộc lẫn nhau, kiểm tra, giám sát hoạt động của nhau nhằm phát huy tối đa năng lực hoạt động của toàn bộ bộ máy, giảm thiểu sai phạm. Các quan chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát dù không biết hay để mặc, dung túng sai phạm của người bị kiểm tra, giám sát đều bị phạt. Sự siêng hay lười, lỗi lầm hay công trạng, thuyên chuyển hay thăng thưởng của quan lại đều được ghi vào sổ sách theo dõi, quản lí chặt chẽ làm cơ sở để bổ dụng, thưởng phạt (các điều 25 , 26 , 27 chương vệ cấm ; điều 60 , 61, 61, 8 0 chương vi chế...

- Đề cao quyền và nghĩa vụ tố cáo của nhân dân

Người tố cáo đúng được thưởng tước, thưởng tiền (các điều 74, 76, 112 chương vi chế...). Để việc tố cáo thực sự có vai trò làm trong sách đội ngũ quan lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, pháp luật cũng nghiêm trị kẻ tố cáo sai sự thật đặc biệt là khi vu cáo quan lại đương nhiệm (Điều 41 chương đấu tụng).

* Giá trị của các quy định về quan chế trong Quốc triều Hình luật

+ Coi trọng thực tài .

- Việc tuyển bố

Việc tiêu chuẩn hoá công chức ngày nay tương tự tiêu chuẩn hoá quan lại thời Hồng Đức ở chỗ lấy bằng cấp làm tiêu chuẩn cơ bản. Tuy nhiên, thời Hồng Đức có hai điểm rất đáng để chúng ta quan tâm. Một là, có sự áp dụng mềm dẻo để chọn được người tài không phụ thuộc đường xuất thân ngoài tuyển cử còn đề cử). Đây là sự táo bạo rất hợp lí bởi điều kiện học tập của mọi người là không giống nhau, có người có tài nhưng không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, hơn nữa người học bằng cấp cao chưa hẳn đã vận dụng vào thực tế giỏi. Vì vậy, không nên lấy bằng cấp, khoa cử làm tiêu chuẩn duy nhất. Hai là, thời Hồng Đức đã có một khoảng thời gian đủ dài để chuyển đội ngũ quan lại công thần là chủ yếu thành đội ngũ quan lại xuất thân khoa bảng là chủ yếu, việc tiêu chuẩn hoá quan lại có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Còn chúng ta hiện nay vẫn còn một số lượng công chức đáng kể có năng lực thực sự nhưng đó điều kiện lịch sử mà không có đủ bằng cấp theo yêu cầu, muốn tồn tại được phải đi học gây nên: "cơn sốt học" không vì kiến thức mà vì bằng cấp thuần tuý, khó tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục mà năng lực, trình độ công tác của công chức vẫn không được nâng lên. Đặc biệt một số kiến thức như ngoại ngữ, tin học phần nhiều các trường hợp chỉ nên coi là phương tiện đúng nghĩa. Thiếu những phương tiện đó có thể năng lực công tác của công chức bị hạn chế chứ không mất đi. Vì vậy tiêu chuẩn hoá cán bộ cần có sự mềm dẻo phù hợp với từng loại công việc và các đối tượng khác nhau.

- Định kiểm tra năng lực công tác (khảo khoá)

Muốn sử dụng được người có tài xứng với công việc phải định kì kiểm tra năng lực công tác của quan lại (công chức). Thời Hồng Đức áp dụng lệ khảo khoá đồng thời với lệ giản thải. Việc áp dụng các lệ này có nhiều ý nghĩa tích cực. Thứ nhất, làm cho người hiền tài không bị chìm lấp, kẻ vô tài không được nương thân. Thứ hai, khắc phục những điểm yếu của phép tuyển bổ quan lại bằng tuyển cử khi người có học không có khả năng vận dụng thực tế và bảo cử khi người được bảo cử không thực sự có tài. Ngày nay, đối tượng, nội dung quản lí ngày càng đa dạng, thực tiễn quản lí ngày càng sôi trong đòi hỏi người quản lí phải nhạy bén, năng động, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ công tác. Sự kiểm tra định kì năng lực công tác của công chức càng trở nên cần thiết bội lần so với trước đây. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, cơ quan quản công chức sắp xếp công chức vào những vị trí, công việc thực sự phù hợp, đảm bảo hiệu quả quản lí cũng như khai thác đúng khả năng từng người. Muốn vậy, phải có những quy định chặt chẽ về thời hạn kiểm tra, nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả thực sự khách quan, tránh chủ nghĩa hình thức. Có như vậy chúng ta mới có đội ngũ công chức ngang tầm nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiến trình hội nhập quốc tế.

+ Chế độ trách nhiệm pháp lí rõ ràng

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của những người quyền cao chức trọng có thể có mức độ nguy hiểm rất cao, có những thiệt hại gây ra rất nghiêm trọng nhưng lại rất khó nhận biết, khó định lượng. Quốc triều Hình luật cũng đã dự liệu khả năng này nên có những quy định gắn trách nhiệm với phẩm, hàm. Pháp luật hiện hành khi quy định xử lí người có chức vụ thì chỉ quan tâm đến hành vi và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, hoàn toàn không quan tâm đến chức vụ mà người đó đang đảm nhiệm. Thiết nghĩ, trong những trường hợp tìm thiết phải đảm bảo hiệu quả quản lí, ngăn ngừa khả năng gây hậu quả bất lợi cho xã hội cần có quy định trách nhiệm pháp lí tỉ lệ thuận với thẩm quyền của công chức.

+ Bổng lộc theo việc .

 Quan lại thời Hồng Đức được hưởng nhiều quyền lợi vật chất trong đó đủ yếu là được cấp ruộng đất và bổng lộc. Ruộng đất được cấp nhiều, ít tùy tộc phẩm, hàm. Bổng lộc được cấp theo phẩm, hàm và khối lượng công việc quan lại phải làm. CÓ thể nói, cấp bổng lộc tuỳ theo khối lượng công việc kết hợp với phẩm, hàm là hết sức khoa học, vừa khuyến khích quan lại tận tụy với công việc, không so bì vất vả hay nhàn tản, vừa là trả công xứng đáng cho người lao động. Người làm quan được đối xử công bằng mà nhà nước lại sử dụng đồng tiền một cách hợp lí. Ngày nay, vấn đề tiền lương được bàn đến nhiều, Cải Cách tiền lương được coi là một trong những biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Pháp luật cũng quy định công chức được hưởng tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, công vụ được giao. Tiền lương hiện nay được tính theo ngạch, bậc của công chức. Song cũng như trước kia, một ngạch, bậc, một loại nhiệm vụ nhưng có người, có nơi khối lượng công việc phải làm nhiều, có người, có nơi phải làm ít là thực tế không thể phủ nhận. Để khuyến khích người lao động (công chức), đảm bảo công bằng cần tính đến vấn đề này khi quy định về lương, phụ cấp. Thực hiện việc khoán lương có lẽ cũng đã tính đến yếu tố này chăng?

 + Đào tạo gắn với sử dụng

 Thời Hồng Đức là thời thịnh hành của đạo Nho. Đạo Nho được lấy làm đạo cai dân trị nước. Tư tưởng Nho giáo thể hiện trong toàn bộ đời sống chính trị xã hội lúc bấy giờ. Người làm quan muốn làm tốt chức phận của mình phải tinh thông Nho giáo. Đội ngũ quan lại xuất thân chủ yếu bằng con đường khoa bảng, đó là những người đã học Nho, thi kiến thức về đạo Nho và đã chứng tỏ mức độ am hiểu đạo Nho của mình. Như vậy, toàn bộ quá trình đào tạo có mục đích cung cấp những kiến thức cần thiết để sử dụng khi làm quan.

Hơn nữa, đào tạo còn chú trọng kỹ năng thực hành một số công việc quan lại phải làm. Đó là luyện viết một số loại văn bản như biểu (bản do các quan viết để tâu trình về việc gì đó), chiếu, chế (bài viết của vua để phong thưởng các công thần hay đưa ra các mệnh lệnh). Đây cũng là môn thi trong các kì thi hương, thi hội. Như vậy, nội dung đào tạo do mục đích đào tạo chi phối. Đây là hạt nhân hợp lí vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. Nhà nước ta trong những năm gần đây đặc biệt chú trọng giáo dục, coi đó là quốc sách ép hàng đầu.Tư tưởng chỉ đạo thì rõ ràng nhưng bước đi cụ thể còn đang lúng túng. Nhiều cuộc đổi mới, cải cách đã bị thất bại, những sự thử nghiệm đều có mặt trái. Giải pháp có lẽ đã được ông cha ta tìm ra từ mấy trăm năm trước, đó chính là tính mục đích của giáo dục. Xác định chính xác mục đích của từng cấp học, từng loại hình đào tạo sẽ định ra được nội dung, phương thức đào tạo, phương pháp tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập.

2. Luật hình sự và luật tố tụng hình sự

Từ quan điểm của khoa học luật hiện đại thì Quốc triều Hình luật tuy là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều loại quy phạm khác nhau thuộc các chuyên ngành luật khác nhau nhưng chủ yếu là các quy phạm mang tính chất hình sự và tố tụng hình sự. Trong Quốc triều Hình luật tập trung chủ yếu các quy định của luật hình sự và luật tố tụng hình sự thời nhà Lê. Những đặc điểm căn bản cũng như những vấn đề cơ bản của luật hình sự và luật tố tụng hình sự thời nhà Lê đã được hội tụ trong Quốc triều Hình luật. Vì vậy, nghiên cứu nội dung và giá trị của luật hình sự và luật tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật trở thành trọng tâm nghiên cứu của đề tài.

Với chuyên đề "Những đặc điểm bản của pháp luật hình sự thời nhà Lê trong Quốc triều Hình luật", những người thực hiện đề tài đã nghiên cứu và rút ra những đặc điểm chung nhất của pháp luật hình sự thời nhà Lê, từ đó giúp cho người đọc hình dung được bức tranh toàn cảnh về pháp luật hình sự thời nhà Lê. Cụ thể là những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của tư tưởng nhân trị và pháp trị đối với Quốc triều Hình luật trong lĩnh vực luật hình sự.

Thời kì nhà Lê cầm quyền là thời kì hưng thịnh đạo Nho Ở Việt Nam. Tư tưởng của đạo Nho đã ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các quy định của Quốc triều Hình luật.

Các quy định hình sự của Quốc triều Hình luật đều thể hiện rõ tư tưởng nhân trị và được đặt ra để bảo vệ và duy trì đạo lí Nho giáo. Các quy định thể hiện rõ nét nhất tư tưởng này là các quy định coi các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo lí Nho giáo là tội phạm, các quy định thể hiện chính sách hình sự xuất phát từ đạo lí nho giáo và các quy định hình sự mang tính giáo hoá và nhân đạo.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân trị, Quốc triều Hình luật còn chịu ảnh ương của tư tưởng pháp trị. Biểu hiện rõ nét nhất của sự ảnh hưởng này là ở chỗ những hành vi vi phạm pháp luật không phân biệt là vi phạm hình sự, dân sự hay hôn nhân gia đình... cũng như những hành vi vi phạm đạo lí đều phải  chịu hình phạt theo hệ thống hình phạt ngũ hình. ĐÓ là các hình phạt xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tính phổ biến của việc quy định và áp dụng hình phạt tàn khốc đối với người phạm tội là những bằng chứng rõ ràng nhất của sự ảnh hưởng tư tưởng pháp trị trong Quốc triều Hình luật. Điều này đã thể hiện chính sách hình sự  hà khắc của nhà Lê. Đặc biệt, các hình phạt áp dụng đối với những hành vi vi phạm đạo lí Nho giáo trong Quốc triều Hình luật thể hiện rõ chính sách hình sự của nhà Lê ảnh hưởng của tư tưởng pháp trị.

Hai loại tư tưởng nhân trị và pháp trị tuy dựa trên các quan điểm trái ngược nhau về vai trò của đạo lí và hình phạt trong việc ngăn ngừa con người tránh khỏi tội lỗi và trong việc duy trì trật tự xã hội nhưng đã không đối lập nhau mà kết hợp với nhau, cùng chi phối sâu rộng hầu hết các điều luật của hình luật nhà Lê. Nói cách khác, nhà Lê đã biết kết hợp một cách cao nhất hai hệ tưởng nêu trên để từ đó xây dựng Quốc triều Hình luật - Bộ luật tầm cỡ trong nền pháp luật cổ phương Đông. Đây có thể coi là một trong những giá trị đặt sắc của Quốc triều Hình luật.

Thứ hai, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản của ngành luật hình sự được thể hiện trong Quốc triều Hình luật. ĐÓ là nguyên tắc quân chủ chuyên chế, nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc nhân đạo. Các nguyên tắc trên đã thể hiện xuyên suốt trong Quốc triều Hình luật, tạo nên bản sắc riêng cho BỘ luật này.

Pháp luật nhà Lê tồn tại chủ yếu dưới dạng hình luật. Duy trì và bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế là nhiệm vụ quan trọng của hình luật nhà Lê.

Thông qua các quy định rất cụ thể về các âm mưu và hành vi phạm tội cũng như các hình phạt tàn khốc tương xứng, Quốc triều Hình luật đã trở thành công cụ hữu hiệu để trừng trị triệt để những người xâm phạm đến lợi ích của giai cấp phong kiến đang thống trị, đặc biệt là lợi ích của triều đại, lợi ích của bản thân nhà vua và của các quan chức cao cấp cùng họ hàng thân thuộc của họ. Các quy định về các loại tội phạm này tập trung chủ yếu Ở các chương danh lệ, vệ cấm, vi chế, đạo tặc, trá ngụy và tạp luật.

Nội dung của Quốc triều Hình luật thể hiện rõ nguyên tắc pháp chế - nguyên tắc cơ bản của ngành luật hình sự. BỘ luật này cũng được xây dựng theo cơ cấu bao gồm hai phần: Danh lệ (phần chung) và phần các tội phạm. Phần chung quy định những vấn đề mang tính chất chung thể hiện qua những nguyên tắc nhất định. Cụ thể, phần chung quy định những vấn đề như quy định vê tội thập ác, về hệ thống hình phạt, về chính sách hình sự, về nguyên tắc xử lí trong trường hợp phạm nhiều tội, trường hợp nhiều người cùng phạm tội và trong trường hợp phạm tội do lầm lỡ hoặc do cố ý. Phần các tội phạm nằm Ở các chương từ chương 2 đến chương 13 quy định rất cụ thể về những âm mưu và hành vi được coi là tội phạm cũng như các hình phạt tương ứng. Các tội phạm cụ thể được sắp xếp thành từng chương hoặc phân loại thành các nhóm khác nhau và việc sắp xếp này giống như cách sắp xếp của luật hình sự hiện đại. Đồng thời việc quy định tỉ mỉ về âm mưu và hành vi phạm tội cũng như loại và mức hình phạt tương ứng là một đặc thù về kĩ thuật lập pháp của Quốc triều Hình luật. Quy định như vậy có tác dụng làm cho quan lại xử án không thể tuỳ tiện thêm bớt khi xét xử người phạm tội đồng thời nó đề cao tính pháp chế trong Quốc triều Hình luật. Mặc dù Quốc triều Hình luật có cách quy định rất cụ thể, tỉ mỉ về các tội phạm cụ thể với các mức hình phạt kèm theo nhưng các quy định của phần chung trong chương Danh lệ với các quy định phần các tội phạm không hề bộc lộ mâu thuẫn mà thể hiện tính thống nhất và chặt chẽ giữa các phần, các chương của Bộ luật hoàn chỉnh. Đây cũng là biểu hiện tiếp theo của nguyên tắc pháp chế trong Quốc triều Hình luật.

Nguyên tắc nhân đạo cũng thế hiện rõ nét trong Quốc triều Hình luật. Sự biểu hiện này còn rõ rệt hơn các bộ luật trước đó và sau đó của nhà nước phong kiến Việt nam. Tính nhân đạo được thể hiện trước tiên Ở các quy định phản ánh chính sách hình sự khoan hồng đối với người phạm tội là người già, tàn tật và trẻ em cũng như đối với người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã tự thú. Một số quy định về hình phạt cũng thể hiện nguyên tắc nhân đạo. So sánh hệ thống hình phạt được quy định trong Quốc triều Hình luật với hệ thống hình phạt của các triều đại trước cũng như so với hệ thống hình phạt của BỘ Hoàng Việt luật lệ cho thấy Quốc triều Hình luật quy định nhiều hơn số hình phạt không tước tự do cũng như hình phạt không gây đau đớn lên thân thể con người còn biếm tước là loại hình phạt chỉ trong Quốc triều Hình luật. Quy định về loại, mức hình phạt áp dụng cho người phạm tội là phụ nữ và điều kiện thi hành hình phạt đối với phụ nữ có thai cũng phản ánh nguyên tắc nhân đạo. Quy định về chuộc tội bằng tiền cũng thể hiện nguyên tắc này.

Tóm lại, các nguyên tắc của hình luật nhà Lê bắt nguồn từ bản chất của chế độ phong kiến Việt Nam, từ tư tưởng nhân trị và pháp trị. Tuy nhiên, trong việc thể hiện những nguyên tắc đó, Quốc triều Hình luật vẫn khẳng định được những điểm tiến bộ đặc sắc của riêng mình.

 Ngoài ba nguyên tắc kể trên, Quốc triều Hình luật còn thể hiện các nguyên tắc đặc thù của luật hình sự hiện đại. ĐÓ là nguyên tắc hành vi, nguyên tắc có lỗi, nguyên tách nhiệm cá nhân, nguyên tắc trách nhiệm tập thể, nguyên tắc cá thể hoá hình phạt

Chuyên đề " Vấn đề tội phạm trong Quốc triều Hình luật" đi sâu nghiên cứu chế định tội phạm được thể hiện trong Quốc triều Hình luật. Các vấn đề đã được đi sâu phân  tích, như khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm, một số chế định khác có liên quan đến tội phạm như đồng phạm, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, phạm tội chưa đạt và khái quát một số nét chung về phần các tội phạm của BỘ luật này.

Trong Quốc triều Hình luật, tội phạm là vấn đề chủ yếu được đề cập. So với luật hình sự hiện đại nói chung cũng như luật hình sự Việt Nam hiện nay nói riêng, Quốc triều Hình luật có nhiều điểm rất khác, đặc biệt là khác về kỹ thuật lập pháp trong quy định về vấn đề tội phạm. Về khái niệm tội phạm, trong Quốc triều Hình luật, không có điều luật nào xác định khái niệm tội phạm. Qua các điều luật cụ thể, có thể khái quát quan niệm của nhà làm luật về tội phạm trong Quốc triều Hình luật như sau:

Nhà làm luật của Quốc triều Hình luật quan niệm về tội phạm theo hướng thiên về dấu hiệu hình thức của tội phạm. Biểu hiện rõ nhất của quan niệm này là Ở chỗ nhà làm luật đã bắt đầu trong Bộ luật bằng việc quy định tại điều luật đầu tiên 5 loại hình phạt có thể được áp dụng. Đó là các hình phạt xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tương ứng với năm loại hình phạt này là 5 loại tội được thừa nhận trong Bộ luật. Đó là tội xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu và tử tội.

 Dấu hiệu hình thức khác của tội phạm được thừa nhận trong Quốc triều Hình luật là dấu hiệu "được quy định trong luật". Tuy là dấu hiệu hình thức nhưng việc thừa nhận dấu hiệu này đã khẳng định sự hiện diện của nguyên tắc "không có luật thì không có tội" - biểu hiện của nguyên tắc pháp chế trong Quốc triều Hình luật.

Khái niệm tội phạm trong Quốc triều Hình luật rộng hơn nhiều so với khái niệm tội phạm trong luật hình sự hiện đại. Nhiều hành vi mà theo luật hiện đại chỉ có thể là vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật khác thì bị coi là tội phạm trong Quốc triều Hình luật. Trong luật hình sự hiện đại, chỉ hành vi của con người và hành vi đó phải có mức nguy hiểm đáng kể nhất định mới bị coi là tội phạm. Trong khi đó, Quốc triều Hình luật không những không xét đến mức độ của tính nguy hiểm mà trong một số lĩnh vực cần bảo vệ đặc biệt còn coi là tội phạm ngay khi chủ thể có "mưu' ' ýđồ) phạm tội như mưu làm phản (Điều 411 ), mưu giết người (Điều 4 15 ) . . .

Dấu hiệu lỗi là dấu hiệu của tội phạm được luật hình sự hiện đại thừa nhận và quy định tương đối cụ thể. Trong Quốc triều Hình luật, vấn đề lỗi cũng đã được đặt . Tuy nhiên, vấn đề này được đặt ra và giải quyết trong Quốc triều Hình luật không như trong luật hình sự hiện đại. Quốc triều Hình luật không đặt vấn đề phân biệt giữa trường hợp có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự với trường hợp không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Quốc triều Hình luật  chỉ đặt vấn đề phân biệt giữa trường hợp cố ý và trường hợp lầm lỡ để xác định mức độ trách nhiệm hình sự trong áp dựng cũng như trong việc quy định hình phạt khác nhau Ở một số tội phạm cụ thể. Do không đặt vấn đề lỗi nên Quốc triều Hình luật cũng không đặt vấn đề chủ thể nói chung cũng như vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự nói riêng. Độ tuổi của chủ thể tuy được đặt ra nhưng là nhằm giải quyết vấn đề nhân đạo trong chính sách hình sự. Với mục đích như vậy lên các điều luật đều gộp độ tuổi thấp với độ tuổi cao và với người sự phát triển không bình thường thành từng cặp để xác định mức độ trách nhiệm hình sự.

 Về vấn đề phân loại tội phạm, đây là vấn đề luôn được đặt ra trong luật hình sự hiện đại. Phân loại tội phạm là đòi hỏi cần thiết cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự trong luật cũng như trong áp dụng luật. Trong Quốc triều Hình luật, vấn đề phân loại tội phạm cũng đã được đặt ra. Trong chương danh lệ, tội phạm được phân theo ba tiêu chí nhưng đều nhằm cùng mục đích tạo cơ sở pháp lí cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự trong xây dựng các điều luật về tội phạm cụ thể cũng như trong áp dụng luật. Ba cách phân loại đó là:

- Cách phân loại thứ nhất: Tội phạm được phân thành 5 loại theo 5 loại hình phạt (xuy, trượng, đồ, lưu, tử);

-   Cách phân loại thứ hai : Tội phạm được phân thành 2 loại theo tính chất nghiêm trọng là tội thập ác và tội thường;

- Cách phân loại thứ ba: Tội phạm được phân thành 2 loại theo lỗi của chủ thể là tội do cố ý và tội do lầm lỡ (tương đương với tội cố ý và tội vô ý theo luật hình sự hiện đại).

Ngoài ba cách phân loại tội phạm trên đây, chúng ta cũng phải thừa nhận bách phân loại thứ tư. Đó là cách phân loại tội phạm theo các chương của Bộ Quốc triều Hình luật.. Quốc triều Hình luật gồm 13 chương, trong đó có 1 chương được xem như là phần chung của Bộ luật. 12 chương còn lại có thể được xem như là phần riêng của Bộ luật quy định 12 nhóm tội phạm khác nhau.

Trong Quốc triều Hình luật, các vấn đề như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, vấn đề đồng phạm cũng như vấn đề phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết chưa được quy định thành các chế định riêng. Tuy nhiên, nội dung của những vấn đề này cũng đã được thể hiện phần nào trong các quy định cụ thể.

 Về vấn đề đồng phạm: Trong Quốc triều Hình luật, chế định đồng phạm (theo đúng nghĩa của chế định này trong luật hình sự hiện đại) chưa được quy định. Quốc triều Hình luật mới chỉ có một số quy định đề cập một số nội dung mà những nội dung đó theo luật hình sự hiện đại thuộc về vấn đề đồng phạm. Điều 35 và điều 36 không quy định về trường hợp đồng phạm nói chung mà chỉ quy định về trường hợp đồng thực hành (là một trường hợp cụ thể của đồng phạm trong đó những người tham gia đều là người thực hành). Trên cơ sở phân chia như vậy , Quốc triều Hình luật khẳng định người khởi xướng phải chịu hình phạt nặng hơn người a tòng một bậc. Đây là quy định có tính nguyên tắc chung cho tất cả các tội phạm. Điều này cũng phù hợp với luật hình sự hiện đại. Các hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức theo cách hiểu của luật hình sự hiện đại không được đề cập tại điều luật này. Ngoài ra, một số trường hợp phạm tội liên quan đến đồng phạm còn được quy định tại Điều 415 , Điều 418, Điều 420, Điều 426...

Cùng với các quy định trên, Quốc triều Hình luật còn quy định trách nhiệm hình sự của người có hành vi xúi giục người khác phạm tội hoặc hành vi tạo điều kiện (giúp sức) hoặc hành vi dung túng người khác phạm tội. Tuy nhiên, việc quy định này chỉ giới hạn ở một số tội phạm nhất định mà không có tính chất chung cho mọi tội phạm. Cả ba loại người này đều bị xử cùng tội như người bị xúi giục hoặc người được giúp sức hoặc người được dung túng.

Theo luật hình sự hiện đại, vấn đề không tố giác tội phạm và vấn đề che giấu tội phạm là hai vấn đề không tách rời với vấn đề đồng phạm. Trong Quốc triều Hình luật, hai vấn đề này cũng đã được đặt ra, tuy chưa được hoàn chỉnh. So với BLHS hiện hành, Quốc triều Hình luật có những điểm giống và khác nhau khi quy định về tội không tố giác tội phạm. Cả hai bộ luật đều thống nhất trong việc khẳng đinh hành vi không tố giác tội phạm phải bị coi là tội phạm và đều đặt vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự về tội này cho một số đối tượng có quan hệ thân thuộc nhất định với người phạm tội mà họ không tố giác (trừ việc không tố tác một số tội đặc biệt nguy hiểm). Theo Điều 39 của Quốc triều Hình luật thì những đối tượng đó là người thân phải để tang (người phạm tội) từ 9 tháng trở lên, là ông bà ngoại, cháu ngoại, vợ cháu nội, anh em chồng, vợ anh em, đày tớ (của người phạm tội). Diện này so với diện theo luật hiện đại là tương đối rộng.

Theo Quốc triều Hình luật thì hành vi không tố giác tất cả các tội đều bị coi là tội phạm.

Một điểm đáng chú ý là trong Quốc triều Hình luật, tội không tố giác tội phạm được quy đinh có sự phân biệt giữa người phạm tội là quan chức và người phạm tội là dân thường và mức hình phạt đối với quan chức là nặng hơn. Điều này thể hiện Quốc triều Hình luật có thái độ nghiêm khắc hơn đối với quan chức vì họ có trách nhiệm cao hơn dân thường. Đối với tội che giấu tội phạm, Quốc triều Hình luật có thái độ trừng trị nghiêm khắc hơn so với tội không tố giác tội phạm.

Vấn đề phòng vệ chính đáng cũng như vấn đề tình thế cấp thiết và các vấn đề tương tự đều chưa được quy định thành chế định riêng một cách hoàn chỉnh trong Quốc triều Hình luật. Tuy nhiên, trong Bộ luật này cũng đã có những quy định về trường hợp gây thiệt hại cụ thể mà không phải chịu hình phạt do có tình tiết nhất định. Những quy định này phần nào đã phản ánh được ý tưởng về chế định phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Ví dụ: Điều 646, Điều ~ặ85, Điều 450, Điều 553.

Ở chuyên đề " Vấn đề hình phạt trong Quốc triều Hình luật", hai vấn đề được tập trung nghiên cứu, đó là: Hệ thống hình phạt và các vấn đề khác có liên quan đến hình phạt như nguyên tắc quyết định hình phạt, quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt.

Về hệ thống hình phạt trong Quốc triều Hình luật

Hệ thống hình phạt trong Quốc triều Hình luật được chia làm 2 loại là ngũ hình và các hình phạt khác ngoài ngũ hình, trong đó các hình phạt thuộc về ngũ hình giữ vai trò chủ đạo. Việc phân chia như vậy đã thể hiện rõ quan điểm của các nhà làm luật thời bấy giờ trong việc đánh giá tính nghiêm khắc của từng loại hình phạt cũng như vai trò của các hình phạt trong việc duy trì trật tự xã hội có lợi cho nhà nước phong kiến. Trên cơ sở đó, quan xử án sẽ áp dụng các hình phạt này đối với tội phạm tương ứng. Xét ở thời điểm lịch sử ra đời của Bộ luật thì đây là một trong những giá trị đặc sắc của Quốc triều Hình luật.

Các hình phạt trong Bộ luật này có những đặc điểm sau:

+ Các hình phạt mang tính hà khắc, nhiều hình phạt mang tính dã man,tàn bạo như thích chữ, chém bêu đầu, lăng trì. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng những hạn chế này của Quốc triều Hình luật bị chi phối bởi hạn chế của lịch sử.

+ Trong Quốc triều Hình luật, các hình phạt được quy định cụ thể, chi tiết gắn với từng hành vi phạm tội trong từng điều luật. Điều này có ưu điểm là làm cho quan xử án không thể tự ý tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt một cách tuỳ tiện.

+ Rất nhiều điều luật gọi các hình phạt là tội danh. Ví dụ: Các điều 4, 5, 9, 55, 119... Nhược điểm này của Quốc triều Hình luật là do kĩ thuật lập pháp của thời kì đócòn rất hạn chế.

Các hình phạt thuộc về ngũ hình bao gồm xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Tuy chịu ảnh hưởng của luật nhà Đường nhưng khi quy định về chế độ ngũ hình, Quốc triều Hình luật đã có một vài sửa đổi nhỏ về các hình phạt này trong khi đó, BỘ luật Gia long lại chép nguyên văn hệ thống hình phạt của nhà Thanh. Cụ thể như sau: trượng là hình phạt nhẹ hơn xuy. Trong Quốc triều Hình luật, trượng chỉ áp dụng đối với nam giới phạm tội, còn nữ giới phạm tội thì được thay bằng xuy.Việc quy định rõ 'đối tượng bị áp dụng trượng thể hiện rõ tính nhân đạo ưu việt hơn hẳn của Quốc triều Hình luật so với Bộ Luật Gia Long. Bởi vì trong Bộ luật Gia Long, nữ giới phạm tội vẫn bị đánh bằng trượng (tuy phạm vi áp dụng hạn chế) . Quy định về đồ cũng thể hiện sự sáng tạo độc đáo của Quốc triều Hình luật. Xét ở thời điểm lịch sử ra đời của mình, việc quy định về đồ trong đó nói rõ công việc phải làm với sự phân biệt rõ ràng từng đối tượng bị áp dụng hình phạt này là điểm sáng tạo rất riêng của Quốc triều Hình luật. Bởi vì nội dung đó không có trong Bộ luật nhà Đường - Bộ luật mà các nhà làm luật Quốc triều Hình luật chịu ảnh hưởng sâu sắc. Bộ Đường luật sớ nghị chỉ chia ra năm hạng đồ là: 1 năm, 1 năm rưỡi, hai năm, hai năm rưỡi, 3 năm.

Đồng thời, Bộ luật này chỉ nói người bị áp dụng đồ phải làm đầy tớ mà không nói rõ loại công việc nào áp dụng cho từng người phạm tội. Còn Bộ luật Gia Long lại chép nguyên văn quy định của Nhà Thanh về hình phạt đồ.

Quy định về tử hình của Quốc triều Hình luật có tính sáng tạo hơn so với Bộ luật nhà Đường .Cụ thể là trong Bộ Đường luật sớ nghị chỉ ghi hai bậc là thắt cổ và chém. Còn theo Quốc triều Hình luật, tử hình có 3 bậc tuỳ theo mức nặng, nhẹ là:

- Thắt cổ (giáo), chém trảm);

- Chém bêu đầu (trảm kiều);

- Lăng trì (róc thịt cho chết dần).

 Bộ luật Gia Long lại chép nguyên văn luật nhà Thanh cũng chỉ quy định hai bậc tử hình là thắt cổ và chém.

Trong các hình phạt thuộc ngũ hình, chỉ có tử là hình phạt được áp dụng độc lập, các hình phạt còn lại có thể vừa áp dựng độc lập vừa áp dụng kèm theo hình phạt khác. Ngoài ngũ hình, Quốc triều Hình luật còn quy định các hình phạt khác. Đó là biếm tước, phạt tiền, thích chữ, đeo xiềng và tịch thu tài sản trong đó biếm tước và phạt tiền được quy định vừa có thể áp dụng độc lập vừa có thể áp dụng kèm theo hình phạt khác.

Phạt tiền được quy định là hình phạt vừa có thể áp dụng độc lập vừa có áp dụng kèm theo hình phạt khác. Quy định về phạt tiền thể hiện sự sáng tạo của Quốc triều Hình luật vì phạt tiền không có trong luật Nhà Đường. Điểm đặc biệt của Quốc triều Hình luật là khi quy định phạt tiền áp dụng cho hành vi phạm tội cụ thể, nhà làm luật đã không quy định từ mức tối thiểu đến tối đa như luật hình sự hiện đại lại quy định mức tiền phạt cố định. Quy định như vậy có tác dụng không để cho quan lại xử án tuỳ tiện thay đổi mức phạt tiền áp dụng cho bị cáo.

Biếm tước là hình phạt được quy định vừa có thể áp dụng độc lập vừa có thể áp dụng kèm theo hình phạt khác thuộc ngũ hình. Quy định về hình phạt Biếm tước thể hiện sự sáng tạo của Quốc triều Hình luật bởi biếm tước không được quy định trong Bộ luật Gia Long. Quy định về thục tội là giá trị độc đạo của Quốc triều Hình luật.

Theo quan điểm của luật hình sự hiện đại, thục tội có bản chất pháp lí là biện pháp miễn chấp hành hình phạt. Điều đó có nghĩa là biện pháp miễn chấp hành hình phạt ra đời ở Việt Nam khá sớm, ngay từ thời kì nhà Lê sơ. Có thể nói đây là giá trị đặc sắc của Quốc triều Hình luật.

Như vậy, hệ thống hình phạt của Quốc triều Hình luật bao gồm ngũ hình và các hình phạt khác ngoài ngũ hình trong đó ngũ hình đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó các hình phạt không phải ngũ hình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự xã hội có lợi cho triều đình nhà Lê.

Về những quy đinh khác có liên quan đến hình phạt trong Quốc triều Hình luật.

Xét về thời điểm lịch sử, mặc dù Quốc triều Hình luật còn có một số hạn chế về kỹ thuật lập pháp song Bộ luật đã thể hiện được một số nguyên tắc quyết định hình phạt như nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt (Điều 3, Điều 7, Điều 12...), nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự của những người phạm tội (Điều ..16, Điều 47...), nguyên tắc chuộc tội bằng tiền (Điều 14, Điều 22, Điều 24.-.)

Theo quan điểm của luật hình sự hiện đại, xét về nội đung cũng như kĩ "thuật lập pháp, các quy định của Quốc triều Hình luật về quyết định hình phạt trong những trường hợp đặc biệt còn Ở mức sơ lược nhưng phải thừa nhận rằng hạn chế đó bị chi phối bởi hạn chế của lịch sử. Các chế định đã được đề cập trong Quốc triều Hình luật ở trường hợp này bao gồm quyết định hình phạt trong trường hợp giảm nhẹ đặc biệt, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Chuyên đề "Nội dung và giá trị của những quy đinh về các tội phạm cụ thể trong Quốc triều Hình luật" đã phản ánh kết quả nghiên cứu về phần các tội phạm của Quốc triều Hình luật Trên cơ sở những quan điểm chung về tội phạm và qua nghiên cứu các quy định của Quốc triều Hình luật có thể khái quát một số nét chung về phần các tội phạm của Bộ luật này như sau:

Cách quy định về tội phạm cụ thể của Quốc triều Hình luật tuy vụn vặt, tỉ mỉ nhưng nó lại thể hiện rõ tính cụ thể và tinh phân hoá cao trong luật, khiến cho quan lại khi xét xử không thể tự ý tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt, hạn chế khả năng phát sinh những hành vi tiêu cực của quan xử án. Khác với BLHS hiện hành, Quốc triều Hình luật khi quy định hành vi bị xử phạt đều không đặt tên tội (tội danh) cho hành vi được quy định. Cụ thể: Mỗi điều luật thường mô tả nhiều loại hành vi khác nhau với nhiều mức phạt khác nhau. Mỗi loại hành vi phạm tội lại có thể được quy định Ở nhiều điều luật khác nhau, vì mỗi điều luật chỉ quy định một dạng cụ thể của loại hành vi đó. Do vậy, không thể xác định được tội danh chung cho tất cả Cách quy định này của Quốc triều Hình luật thể hiện tính khái quát chưa cao trong kỹ thuật lập pháp. Nhưng nó lại có những ưu điểm, đặc biệt đặt trong thời điểm lịch sử lúc đó mà chúng tạ không thể phủ nhận được. Đó là tính cụ thể, tính phân hoá cao trong luật. Điều này làm cho việc áp dụng luật cũng như làm cho việc kiểm tra, giám sát việc áp dụng đó được dễ dàng, đơn giản hơn. Với cách quy định này, nhà làm luật có thể ghép được nhiều tội với nhau ngay trong luật, hạn chế bớt khả năng xảy ra trường hợp phạm nhiều tội.

Một đặc điểm đặc biệt đáng lưu ý khác của Quốc triều Hình luật khi quy định tội phạm ra quy định nhiều hành vi có liên quan với nhau trong cùng một điều luật. Khi quy định hành vi phạm tội cụ thể, nhà làm luật luôn dự liệu xem hành vi đó xáy ra có thể liên quan đến trách nhiệm của người khác không. Nếu khả năng đó có thể xảy ra thì nhà làm luật cũng quy định luôn hành vi phạm tội đó trong  cùng điều luật. Ở khía cạnh nào đó, cách quy định này lại có những điểm tích cực. Trước hết, với cách quy định này, những hành vi có liên quan đã được đặt trong mối liên hệ trực tiếp với hành vi phạm tội cụ thể và đó là cơ sở để nhà làm luật có thể xác định được hình phạt phù họp cho người có hà nh vi có liên quan (trong sự so sánh với hành vi phạm tội chính)                          . Trong áp dụng, cách quy định này cho phép thấy ngay được các hành vi có liên quan và mức độ hình phạt của người có hành vi đó. Điều này vừa tạo điều kiện nhưng cũng vừa buộc người áp dụng phải xét đến các hành vi có liên quan khi xử lí  hành vi cụ thể. Khả năng bỏ lọt người phạm tội do vậy sẽ được hạn chế.

Xét về nội dung của phần các tội phạm, Quốc triều Hình luật có thể dễ dàng nhận ra đặc điểm nổi bật là các điều luật liên quan đến quan chức các cấp chiếm một tỉ lệ khá cao. Quốc triều Hình luật chú trọng việc quy định tội phạm liên quan đến đội ngũ quan chức là xuất phát từ cơ sở đề cao trách nhiệm của đội ngũ quan chức và gắn trách nhiệm đó với việc phải xử lí nghiêm khi không hoàn thành trách nhiệm. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xử lí của luật hình sự của chúng ta hiện nay. Trong Quốc triều Hình luật, nguyên tắc này đã được cụ thể hoá qua việc quy định từng tội cụ thể với mức phạt cụ thể chứ không phải là tồn tại dưới dạng nguyên tắc chung chung hoặc dưới dạng tình tiết tăng nặng chung chung.

Các tội phạm trong Quốc triều Hình luật được sắp xếp thành từng nhóm, căn cứ vào khách thể loại như cách sắp xếp của luật hình sự hiện đại. Có thể nói đây cũng là giá trị đặc sắc của Quốc triều Hình luật. Các nhóm tội đó bao gồm ( 12 nhóm): " Nhóm tội xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm tính mạng, quyền lực của nhà vua, sự an toàn của hoàng cung và sự toàn vẹn lãnh thổ. Nhóm tội này được quy định tại chương 2 - Vệ cấm, gồm 47 điều, từ Điều 50 đến Điều 96.

- Nhóm tội xâm phạm lễ nghi, quan hệ vua tôi và chế độ quân chủ triều Lê. Nhóm tội này được quy định tại chương 3 - Vi chế, gồm 1 44 điều, từ Điều 97 đến Điều 240.

- Nhóm tội phạm về quân sự. Nhóm tội này được quy định tại chương 4 - quân chính, gồm 43 điều, từ Điều 241  đến Điều 283 .

- Nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình, chế độ quản lí nhân khẩu. Nhóm tội này được quy định tại chương 5 - Hộ hôn, gồm 58 điều, từ điều 284 đến Điều 341.

- Nhóm tội xâm phạm chế độ quân điền. Nhóm tội này được quy định tại chương 6 - Điền sản, gồm 46 điều, từ Điều 342 đến Điều 400.

- Nhóm tội thông gian. Nhóm tội này được quy định tại chương 7 - thông gian, gồm 10 điều, từ Điều 401 đến Điều 410 .

- Nhóm tội đạo tặc. Nhóm tội này được quy định tại chương 8 - Đạo tặc, gồm 54 điều, từ Điều 411 đến Điều 464.

- Nhóm tội đấu tụng. Nhóm tội này được quy định tại chương 9 - Đấu tụng, gồm 50 điều, từ Điều 465 đến Điều 514.

- Nhóm tội trá ngụy. Nhóm tội này được quy định tại chương 10 - Trá ngụy, gồm 38 điều, từ Điều 515 đến Điều 552 .

- Nhóm tội xâm phạm an toàn Ở những nơi đông người. Nhóm tội này được quy định chủ yếu tại chương 11 - Tạp luật, gồm 92 điều, từ Điều 553 đến Điều 644.

- Nhóm tội bộ vong. Nhóm tội này được quy định tại chương 1 2 - Bộ vong, gồm 12 điều, từ Điều 645 đến Điều 657.

-  Nhóm tội đoán ngục. Nhóm tội này được quy định tại chương 13 - đoán ngục, gồm 65 điều, từ Điều 658 đến Điều 722.

Với cấu trúc trên, các nhà làm luật đã ghép tương đối hợp lí các điều gần nhau về tính chất vào một chương. Cách sắp xếp này khiến cho nhiều nhà nghiên cứu khâm phục bởi trình độ lập pháp của cha ông ta từ thế kỉ thứ XV đã tiến gần đến trình độ lập pháp hiện đại.

Ngoài các đặc điểm nêu trên, cần phải kể đến đặc điểm đáng lưu ý khác của Quốc triều Hình luật là tuy ra đời cách đây hơn 500 năm nhưng gần như tất cả các tội danh được coi là cơ bản theo luật hình sự hiện đại đều đã được quy định trong Quốc triều Hình luật.

Bên cạnh các quy phạm luật hình sự, nhà Lê còn đặc biệt chú trọng xây đựng các quy phạm luật tố tụng hình sự. Quốc triều Hình luật là bộ luật đầu trong lịch sử Việt nam có các quy định chặt chẽ về thủ tục tố tụng. Điều đó chứng tỏ trong thời kì này ông cha ta đã ý thức và phân biệt giữa pháp luật về nội dung và pháp luật về hình thức Ở một mức độ nhất định. Nó cũng chứng tỏ sự phát triển của nhà nước phong kiến và pháp luật phong kiến dưới thời Lê. So với thời kì trước, trong thời kì này với sự phát triển và kĩ thuật lập pháp khá tinh vi pháp luật tố tụng hình sự được quy định trong Quốc triều Hình luật không chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mà còn góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt các vụ kiện, giữ gìn trật tự làng xã.

Quốc triều Hình luật đã dành hai chương quy định về thủ tục tố tụng. Chương bộ vong (quy định về việc truy bắt người phạm tội chạy trốn) gồm 13 điều và chương toán ngục (quy định về thủ tục xử án và điều lệ trong ngục thất) gồm 65 điều với nội dung khá chi tiết, cụ thể và chính xác một số vấn đề về tố tụng.

Nội dung những quy định về luật tố tụng hình sự được tác giả đề cập rong chuyên đề này gồm:

* Đơn tố giác tội phạm

Để tránh sự tố cáo không chính xác và thuận tiện cho việc xác minh các chứng cứ làm cơ sở cho việc xét xử sau này, Quốc triều Hình luật quy định, người làm đơn tố cáo phải viết rõ ngày tháng xảy ra việc phạm pháp và chỉ được tố cáo sự thực, nếu sai sẽ bị phạt 80 trượng. Quan nhận đơn trái lệ mà đem ra xét xử thì phạt 30 quan tiền (Điều 508).

* Việc bắt người phạm tội chạy trốn

Quốc triều Hình luật cũng đã quy định cụ thể về thẩm quyền thu thập chứng cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn là quan lại có trách nhiệm phải đích thân tiến hành việc khám xét. Tang vật thu được phải bảo vệ cẩn thận, không được biến tang vật thành của riêng. Tuy không quy định thành nguyên tắc nhưng Quốc triều Hình luật lại quy định cụ thể:

Người có nhiệm vụ đi bắt người phạm tội chạy trốn phải tiến hành kịp thời, khẩn trương, nếu không thì phải chịu trách nhiệm về hành vi chậm trễ của mình (Điều 645).

- Người có nhiệm vụ bắt người phạm tội chạy trốn, gặp người phạm tội mà không bắt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đặc biệt người có chức vụ mà vi phạm điều này thì bị xử nặng hơn (điều 645).

Đặc biệt, Quốc triều Hình luật đã có những quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự cho những người đuổi bắt người phạm tội trong trường hợp bị người phạm tội chống trả và đã bị người đuổi bắt đánh chết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đánh người một cách vô căn cứ và không cần thiết, Quốc triều Hình luật còn quy định khi đã bắt được tội nhân rồi mà còn đánh thì người đi bắt tội nhân đó vẫn phải chịu tội (Điều 646) .

- Việc đuổi bắt người phạm tội chạy trốn được Quốc triều Hình luật quy định khá chặt chẽ. Việc này không chỉ là trách nhiệm của người bắt mà còn là trách nhiệm của những người có khả năng và điều kiện bắt (Điều 647).

Trong trường hợp đuổi bắt người phạm tội mà có người tiết lộ để người phạm tội trốn thoát thì người tiết lộ bị tội nhẹ hơn người phạm tội một bậc; nếu chưa xử án mà người tiết lộ lại bắt được người phạm tội thì được trừ tội.

Như vậy Quốc triều Hình luật không chỉ quy trách nhiệm của người tiết lộ bí mật về việc bắt để người phạm tội chạy trốn mà còn tạo cơ hội để người tiết lộ bí mật có thể lập công chuộc tội, sửa chữa sai lầm của mình (Điều 648).

Quốc triều Hình luật cũng đã có những quy định nhằm phát huy vai trò của người dân trong đấu tranh chống tội phạm mà cụ thể là trong việc bắt giữ người.

Đồng thời cũng quy định chế tài nhằm hạn chế việc bắt giữ một cách bừa bãi.

Đối với một số trường hợp phạm tội mà chứng cứ đã rõ ràng thì Quốc triều Hình luật cho phép những người láng giềng có quyền được bắt đem nộp quan. Còn đối với những tội khó xác định thì phải trình quan mới được bắt. Quy định này tránh được tình trạng bắt giữ người một cách bừa bãi. So với những quy định về bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự của nước ta hiện nay thì quy định này vẫn còn giữ nguyên được giá trị của nó (Điều 469).

* Việc giam giữ và trông coi người phạm tội

Việc giam giữ và trông coi người phạm tội được Quốc triều Hình luật quy định khá nghiêm khắc và chặt chẽ tại Điều 650 và Điều 651.

Những tù nhân bị lưu hay đồ, ở nơi lưu hay nơi đồ chưa đến hạn tha mà bỏ trốn thì đều phải tội chém.

Người coi giữ phạm nhân mà cố ý để mất tù lưu đồ thì bị xử nhẹ hơn đi trốn ba bậc; quan ty giám đương bị xử tội biếm hay phạt; cố ý thả cho phạm nhân trốn thì bị xử cùng một tội; nếu lại bắt được thì được trừ tội.

Người phạm tội trốn đến làng xã nào thì xã quan nơi ấy phải bắt trói nộp quan; nếu dung túng, che giấu người phạm tội thì bị xử tội nhẹ hơn kẻ tù trốn ấy một bậc.

- Người trông coi phạm nhân, sơ ý mà để mất phạm nhân thì bị biếm một tư Tuy nhiên, pháp luật cũng tạo điều kiện cho người đó một thời hạn là 100 ngày để đi bắt. Trường hợp không bắt được thì bị tội nhẹ hơn tù trốn hai bậc.

- Đặc biệt, nếu người đó phải đền tang vật thì người để mất tù phải đền thay. Trường hợp người coi tù bắt được trong thời hạn trên hoặc người trốn tù ra đầu thú hay đã chết thì người coi tù không bị phạt nhưng nếu người trốn tù chết thì vẫn phải đền tang vật thay.

Trường hợp người khác bắt được người phạm tội trốn thì người trông coi tù bị biếm một tư và phải chịu phạt tiền để thưởng người bắt được theo quy định của pháp luật.

- Nếu quá thời hạn 100 ngày mà bắt được thì người trông coi tù được giảm tội hai bậc.

-Trường hợp người coi tù cố ý thả cho tù trốn thì không được cho thời hạn đi bắt mà phải chịu tội ngay nhưng cho giảm hơn người trốn tù một bậc.

- Quan coi ngục mà vô tình không biết thì cũng phải chịu trách nhiệm về việc tù nhân trốn (bị phạt 30 quan). Lính coi ngục vô tình không biết thì bị biếm một tư; nếu biết mà lại dung túng thì bị xử nặng hơn một bậc.

- Trường hợp người bị tù chống lại quan coi ngục, lính coi ngục mà chạy trốn thì xử nặng hơn tội cũ một bậc; nếu chống cự mà gây thương tích cho người trông coi thì bị xử nặng hơn hai bậc; đánh chết người thì bị xử chém.

- Những người che giấu tội phạm, giúp đỡ, cung cấp quần áo, lương thực cho phạm nhân đi trốn thì bị xử nhẹ hơn phạm nhân trốn một bậc.

Ngoài những quy định trên, Điều 657 Quốc triều Hình luật còn quy định trách nhiệm của các quan xã đối với những trường hợp chứa chấp người phạm tội từ nơi khác đến.

Khi tiến hành bắt người phải có chứng cứ. Quan quân coi ngục không được sách nhiễu phạm nhân. Phạm nhân phải được giam giữ đúng nơi quy định và được chăm sóc khi bị bệnh. Không được tra tấn người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi. Phụ nữ đang mang thai được hoãn thi hành án. Pháp luật trong trị quan lại khi xét xử ăn hối lộ và gian dối.

- Quốc triều Hình luật còn quy định rất chặt chẽ và cụ thể về những trường hợp phải gông cùm và chế tài áp đụng đối với những người có trách nhiệm khi họ vi phạm tại Điều 660.

* Những quy đinh về xét xử

- Quốc triều Hình luật không quy định cụ thể về nguyên tắc xét xử nhưng cũng có những quy định mang tính nguyên tắc như:

+ Khi xét xử phải thấu tình đạt lí, khi định tội phải đúng luật.

+ Án phải được xử công khai Ở nơi công đường (Điều 709).

+ Khi xét xử, nếu thấy chứng cứ còn nghi ngờ phải tạm dừng để xem xét điều tra cho rõ ràng.

+ Khi xét tội nghi ngờ quan xử án cứ chiếu tội đó mà giảm nhẹ bớt (Điều 708).

Như vậy, trong trường hợp có nghi ngờ về chứng cứ hoặc chứng cứ không rõ ràng thì phạm nhân cũng được hưởng sự khoan dung của pháp luật, mặc dù theo quy định này thì phạm nhân không được tha hẳn như pháp luật hiện hành nhưng cũng chứng tỏ Quốc triều Hình luật đã có những quy định tiến bộ. Mặc dù quy định này được phỏng theo quỵ định của BỘ luật nhà Đường nhưng so với quy định của BỘ luật nhà Đường thì trong trường hợp có nghi tội cứ chiếu tội đó mà nghị án nhưng cho chuộc tội. Như vậy, Quốc triều Hình luật cho giảm tội trong trường hợp này còn BỘ luật nhà Đường cho chuộc tội. Hai biện pháp này chứng tỏ sự khoan hồng của cổ luật dưới hai khía cạnh khác nhau và cũng đồng thời nhấn mạnh tính cách tân kì của Quốc triều Hình luật, không muốn chấp nhận một cách quá dễ dãi sự quy định của luật nhà Đường.

+ Trong ngày xử án Ở công đường quan đại thần và các quan xét án đều phải cùng nhau xét hỏi kĩ càng cho rõ phải trái để mọi người đều yên tâm và phải phục tình đạt lí. Nếu có những điểm chưa rõ cần phải thẩm vấn xét lại thì không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải tuân theo ý kiến cá nhân của mình (Điều 720).

+ Án phải được xử công khai ở nơi công đường (Điều 709).

So với những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành của nước ta hiện nay thì mặc dù Quốc triều Hình luật không quy định cụ thể, rõ ràng và không coi những quy định trên là nguyên tắc nhưng nội dung những quy định này vẫn còn giá trị và rất gần với những quy định của BLTTHS như nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; nguyên tắc toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nguyên tắc xét xử công khai...

- Dưới triều Lê, nhiều cơ quan hành chính như huyện, lộ, phủ. . . kiêm cả nhiệm vụ xử án. Tuỳ theo tính chất của sự việc mà đôi khi quyền tài phán chỉ thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhất định. Về cơ bản thì Quốc triều Hình luật đã phân biệt thẩm quyền xét xử đối với từng loại việc. Nhưng nói chung vua chúa và quan lại các cấp vừa nắm quyền hành pháp và vừa giữ quyền xét xử tuỳ theo  từng cấp (Điều 672).

- Thời hạn đưa vụ án ra xét xử cũng đã được quy định chặt chẽ đối với các cấp có thẩm quyền xét xử, không kể vụ án thuộc thẩm quyền của cấp xét xử nào.

- Điều 709 quy định án xử phải được xử công khai Ở công đường đúng nơi quy định. Nếu quan xử kiện dùng nơi khác để xử hoặc các đương sự Ở công đường ngồi đứng không đúng phép đều bị xử phạt. Theo quy định trên thì án chỉ được xử Ở một nơi duy nhất là công đường và mặc dù khi ra toà về hình thức có sự phân biệt đẳng cấp, giới tính nhưng nó cũng đã thể hiện được việc quy định một cách khá chặt chẽ về kỉ luật và chỗ đứng ngồi của các đương sự, tránh tình trạng lộn xộn tại phiên toà.

- Về phạm vi xét xử vụ án hình sự, nói chung việc xét xử phải theo phạm vi của cáo trạng. Trường hợp xử ngoài phạm vi cáo trạng thì bị coi là cố ý bắt tội người trừ trường hợp xét hỏi việc phản nghịch. Quốc triều Hình luật không quy định rõ việc lập cáo trạng nhưng trên cơ sở quy định tại Điều 673 và Điều 687 thì có thể hiếu cáo trạng là đơn tố cáo.

-  Quốc triều Hình luật quy định thủ tục lấy khẩu Cung tương đối chặt chẽ, cụ thể và dự liệu tỷ mỹ cách thức tra khảo.

+ Về hỏi cung và đánh giá, sử dụng lời khai của người phạm tội

Khi lấy khẩu cung phải xét kế theo lời xưng đầu tiên của người tù khai về kẻ đồng bọn, nếu cần bắt những người bị xưng ra thì phải làm tờ tâu lên xin bắt mới được bắt. Nếu dùng lời phán cung của tù nhân khai thêm người khác mà quan tra án cũng nghe theo thì cũng bị phạt. Nếu chưa cho phép mà quan tra án đã sai bắt những kẻ bị cung xưng thì xử tội như luật đã đỉnh. Nếu người tù xưng bậy cho người vô tội thì bị xử thêm tội là vu cáo (Điều 666).

+ Khi hỏi cung không cần phải hỏi quá rộng

Khi lấy khẩu cung người phạm tội, quan tra án phải xem xét kĩ, tìm ra sự thực để cho kẻ phạm tội phải nhận tội; không được hỏi quá rộng cả đến người ngoài để tìm chứng cứ bậy; nếu trái điều này thì xử tội phạt. Nhưng nếu xét hỏi việc đánh nhau cần nhiều người làm chứng thì được phép tâu lên xin đòi ra để hỏi, nếu tự tiện sai bắt thì cũng bị phạt (Điều 667). Đây là một trong những quy định tiến bộ của Quốc triều Hình luật mà ngày nay vẫn còn giá trị. Theo quy định này thì khi hỏi cung phạm nhân, quan tra án phải gia tâm minh xét để tìm ra sự thực làm cho phạm nhân phải phục tội chứ không được hỏi phiếm những người ngoài để tìm chứng cứ nhảm mà buộc tội phạm nhân một cách vô căn cứ (bất đắc phiếm vấn dân khẩu, vọng tầm chứng cứ).

+ Hỏi cung phải thấu tình đạt lí

Các hình quan tra hỏi tù phạm, trước hết theo sự tình mà thẩm xét lời lẽ của tù khai; nếu xét đi xét lại còn chưa quyết định được tội, cần phải tra hỏi nữa thì phải lập hội đồng các quan án, rồi mới tra khảo... Nếu tang chứng đã rõ ràng, tình lí không còn đáng ngờ nữa thì dù kẻ phạm không nhận tội, cũng cứ chiếu tình trạng mà định án (Điều 668). Theo quy định trên có thể thấy Quốc triều Hình luật có những quy định rất tiến bộ mà ngày nay vẫn còn giá trị. ĐÓ là việc phải xem xét cẩn thận lời cung của phạm nhân cả về hai phương diện, lí và tình nghĩa là lời và lẽ. Nếu chưa quyết định được mà cần phải hỏi nữa thì phải lập hội đồng các quan án rồi mới được tra khảo phạm nhân.

+ Không được tra khảo người phạm tội quá ba lần.

Ngoài những quy định trên, Quốc triều Hình luật còn quy định cụ thể về số lần hỏi cung người phạm tội nhiều nhất là ba lần và dự liệu tỉ mỉ về cách thức tra khảo Nếu đánh bằng trượng không được quá số 100. Trường hợp quan tra án làm trái quy định này thì bị phạt tiền 100 quan; nếu vì thế mà tù nhân bị chết thì phải ghép vào tội cố sát.

+ Thể hiện tính nhân đạo của pháp luật thời kì này, Quốc triều Hình luật cũng có những quy định rất chặt chẽ đối với những người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, những người những người đáng được xem xét để giảm tội, như những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống hay những người có khuyết tật, nếu phạm tội thì được miễn sự tra khảo và chỉ căn cứ vào lời khai của người làm chứng mà định tội. Trường hợp quan ngục hình làm trái quy định này thì coi như phạm tội cố ý buộc tội người. Đây là quy định nhân đạo trong Quốc triều Hình luật. SỞ dĩ có được quy định này là do ảnh hưởng của Khổng giáo lúc đó đang thịnh hành Ở nước ta.

- Quốc triều Hình luật đã có các quy ảnh về cách tố tụng và việc lấy lời khai của người làm chứng

Thứ nhất, Quốc triều Hình luật quy định cụ thể về diện người làm chứng. Người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người bệnh nặng thì không được gọi ra làm chứng.

Thứ hai, người làm chứng không thể là người vốn ngày thường có quan hệ thân thích hay thù oán với đương sự. Giấu giếm là có thân tình hay thù oán, người làm chứng sẽ bị ghép vào tội làm chứng gian, không khai rõ sự thực. Hình quan và ngục tri tình mà dung túng đều phải tội (Điều 7 14).

Thứ ba, nếu người làm chứng không khai thật tình, hay người làm thông ngôn mà dịch sai hay giả dối khiến việc thay đổi và đương sự bị phạt oan hay được tha không đúng tội thì người làm chứng phải tội kém phạm nhân hai bậc, người thông ngôn bị cùng tội như phạm nhân (Điều 544).

Thứ tư, nếu cần đương sự, nhân chứng, các trát đòi bắt phải do ngục lại và quan bản nha viết tên vào trát (kí tên). Việc quy định về điều kiện hình thức khi triệu tập người làm chứng như vậy nhằm tránh sự lạm quyền để làm tiền của quan chức được sai đi bắt (Điều 669).

- Về bản án, Quốc triều Hình luật đã quy định trong luận tội, bản án phải dẫn đủ điều luật.

Nếu thêm, bớt thì quan án sẽ bị ghép tội (các điều 683, 685, 722). Những thẩm phán giúp việc (quan phụ thẩm) phải làm hết trách nhiệm của mình trong việc xét xử tại phiên toà nơi công đường lúc đông đủ mọi người đồng thời không được đưa ra ý khác với những gì đã được thẩm tra tại công đường (Điều 720).

- Chống án

Mặc dù Quốc triều Hình luật không quy định rõ nét về thời hạn và thủ tục chống án nhưng khi nghiên cứu các điều luật liên quan thì có thể thấy Điều 772 cũng đã đề cập vấn đề này nhằm bảo đảm cho việc xét xử được công bằng.

- Xét lại vụ án

Để đảm bảo tính khách quan của việc xét xử và thời hạn xét xử, Quốc triều Hình luật còn quy định thẩm quyền xem xét lại án kiện và chế tài đối với những trường hợp để án quá hạn (Điều 688). Ngày xét xử một vụ kiện lớn Ở kinh đô (ngày quyết tụng), quan đại thần và các quan xét án đều phải hội đồng lại xét hỏi kĩ càng cho rõ sự phải trái, cốt để mọi người yên lòng. Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình bắt mọi người phải theo, bày ra lí này lí khác để có người mắc oan. Luật cũng không cho phép các quan phụ thẩm (thẩm phán giúp việc) lúc đông đủ mọi người không làm hết bổn phận tranh biện về sau lại có câu nghị luận khác (Điều 720).

Sau khi vụ án đã được xem xét lại và được quan đại thần định rõ tội danh thì quan hình ngục có trách nhiệm phải nói rõ đúng sai và thông báo cho người phạm tội biết để người ấy phục tội; nếu chưa phục tội thì xét hỏi nữa.

Nếu chưa xác định được sự thật của vụ án và lí lẽ chưa rõ hẳn mà cố ghép vào tội thì quan hình ngục bị xử theo luật cố ý ghép tội người tuỳ việc nặng nhẹ.

Nếu tình đã đạt, lí đã rõ mà người phạm tội chưa phục tội thì chiếu theo tội cũ mà tăng thêm một bậc nữa (Điều 72 1 ).

* Vê việc thi hành án

Thi hành án không được quy định thành chương riêng nhưng Quốc triều Hình luật cũng đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề này nhằm đảm bảo cho bản án được thi hành kịp thời. Để ngăn chặn việc người phạm tội trốn tránh việc thi hành án, Quốc triều Hình luật quy định đối với người phạm tội đã có án mà cố tình không chịu thi hành án thì bị phạt nặng hơn (Điều 710). Quốc triều Hình luật quy định thời hạn nhất định cho việc vào sổ lưu giữ và thi hành án (Điều 696); thủ tục áp giải tù nhân (Điều 695). Những người bị tội đồ hay tội lưu phải gửi đến chỗ bị lưu đầy. Việc thi hành án tử hình cũng được quy định tại Điều 680.

+ Một trong những quy định mang tính chất nhân đạo trong Quốc triều Hình luật là đối với phụ nữ đang có thai mà bị xử tử hình trở xuống thì không được thi hành án ngay mà phải để sau khi sinh sau 1 00 ngày mới đem ra hành hình.

Nếu phụ nữ chưa sinh mà bị đem ra hành hình thì ngục quan bị xử biếm hai tư; ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. Trường hợp phụ nữ đã sinh con nhưng chưa đủ 100 ngày đã mang ra thi hành án tử hình thì ngục quan và nghe lại đều bị tội nhẹ hơn tội trên hai bậc. Ngược lại, nếu phụ nữ bị án tử hình sau khi sinh con đã đủ 100 ngày mà không đem thi hành án tử hình thì ngục quan và nghe lại bị tội biếm hay tội phạt. Không được thi hành án tử hình vào các ngày tết nguyên đán, ngày quốc kị.

Từ những điểm phân tích về các quy phạm tố tụng hình sự, có thể đi đến khẳng định :

+ Pháp luật tố tụng hình sự được phát triển trong thời kì này bởi hai nguyên nhân sau: Thứ nhất, từ thời Lê thông qua chế độ quân điền (chia ruộng đất cho mọi người dân trong làng xã), thông qua hệ tư tưởng nho giáo, nhà nước quân chủ chuyên chế chủ trương can thiệp sâu vào hoạt động làng xã, từng bước nắm lấy nó để củng eo sự tập quyền. Do vậy cần có pháp luật tố tụng, một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực có hiệu quả cho ý đồ và chủ trương của nhà nước thời kì đó. Thứ hai, xã hội Việt Nam trong thời kì này có rất nhiều biến động như nội chiến, nạn cường hào ức hiếp Ở làng xã, nạn quan lại tham nhũng và lộng quyền thường xuyên xảy ra dẫn đến việc kiện cáo ngày càng nhiều. Từ đó đòi hỏi cần phải có những quy định về pháp luật tố tụng để giải quyết.

+ Một số quy định về tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và giữ gìn trật tự làng xã.

+ Nhiều quy định về tố tụng trong Quốc triều Hình luật ngày nay vẫn còn giá trị và cần được nghiên cứu. So với những quy đinh trước đây, luật tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật được quy đinh chặt chẽ và tiến bộ hơn. Việc đó có tác dụng ngăn chặnviệc áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện, lộng hành, vô pháp, thiếu công bằng trong quá trình giải quyết vụ án. Đề cao hơn trách nhiệm của các quan toà, người "cầm cân nảy mực " buộc phải tôn trọng và tuân thủ những quy định của pháp luật một cách triệt để.

+ Trong quá trình soạn thảo Quốc triều Hình luật, nhà Lê đã kế thừa pháp luật Trung Hoa, kế thừa "hình thư" đời Lí, đời Trần một cách sáng tạo cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thời kì đó. Có thể nói xu hướng hưng thịnh của chế độ phong kiến nhà Lê, lòng nhân ái của các vị vua lỗi lạc như Lê Thánh Tông và quần thần của triều đại đang lên cũng là yếu tố làm cho những quy đính về luật tố tụng hình sự trong Quốc triều Hình luật mang yếu tố tiến bộ.

Vì có sự tiến bộ đó mà Quốc triều Hình luật không chỉ phát huy được tác dụng ở triều Lê mà còn là cơ sở pháp luật chủ yếu cho các triều đại sau đó và một số quy định ngày nay vẫn còn giá trị sâu sắc.

3. Luật dân sự

Nghiên cứu những nội dung và giá trị của các quy định có tính chất dân sự trong Quốc triều Hình luật được thực hiện qua việc nghiên cứu các chuyên đề sau:

 - Chế định sở hữu trong Quốc triều Hình luật;

- Trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật;

- Khế ước và thừa kế trong Quốc triều Hình luật.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên đề nêu trên đã phản ánh những chế định cơ bản nhất của luật dân sự hiện đại đã được hình thành trong Quốc triều Hình luật.

* Chế định sở hữu

Quốc triều Hình luật không quy định cụ thể về các hình thức sở hữu nhưng từ các quy định trong Bộ luật, chúng ta thấy vào thế kỉ XV, Ở Việt Nam tồn tại những hình thức sở hữu sau đây:

- Sở hữu nhà nước

Pháp luật quy định đất đai, rừng núi... và những tài nguyên khác trong rừng núi, hồ, đập là của nhà nước, người nào xâm phạm bị phạt 60 trượng (Điều 574). Đất đai thuộc sỡ hữu nhà nước gồm các loại đất như đất hoang, đầm lầy, sông ngòi, rừng núi, đất khẩu phần mà nhà nước giao cho cá nhân.

Loại đất này dùng để sản xuất nông nghiệp, cá nhân không có quyền định đoạt, vì đất này thuộc sỡ hữu nhà nước. Nhà nước sẽ thu hồi nếu cá nhân không còn nhu cầu sử dụng hoặc cá nhân chết mà không có người tiếp tục quản lí sử dụng. Quốc triều Hình luật điều chỉnh quan hệ sở hữu tài sản chủ yếu là đất đai, vì vào thời kì này nền kinh tế tự cung tự cấp, nhu cầu vật chất thiết yếu của nhân dân là lương thực, thực phẩm.

Theo quy định của Quốc triều Hình luật, những tư liệu sản xuất chủ yếu như đất đai, rừng núi, sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên đều thuộc sở hữu nhà nước. Các hành vi xâm phạm đền sở hữu nhà nước đều bị xử nghiêm minh. Nhà nước thực hiện quyền quản lí đất đai, chia đất khẩu phần cho nông dân sử dụng. Người được chia đất khẩu phần không được bán, thay đổi mục đích sử dụng của đất.

Đây là những quy định nhằm sử dụng có hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo lương thực cho các gia đình nông dân được chia đất quân điền.

Ngày nay, theo Điều 17 Hiến pháp năm 1992, những tư liệu sản xuất chủ yếu của nước ta là của nhà nước thuộc sở hữu toàn dân. Đối chiếu với Quốc triều Hình luật, hai chế định này quy định về mục đích, đối tượng sở hữu và các căn cứ làm phát sinh tương đối giống nhau. Ngoài ra, Quốc triều Hình luật và pháp luật của Nhà nước ta đều quy định những hành vi xâm phạm đến quản lí đất đai và việc xử lí nghiêm minh đối với các hành vi đó. Đặc biệt là hành vi vi phạm của những người có thẩm quyền trong quản lí đất đai ở cấp chính quyền, ngoài việc áp dụng các chế tài hình sự, hành chính, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự.

Trong Quốc triều Hình luật, các quy định về điền sản được tập trung vào một chương gồm 32 điều. Trong chương này, luật quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lí đất đai, quyền và nghĩa vụ của tư nhân trong việc sử dụng đất và những hậu quả pháp lí đối với những hành vi vi phạm các quy định về quản lí đất đai. Qua những quy định này, ta thấy nhà nước phong kiến triều Lê đặc biệt quan tâm đến sở hữu đất đai, nhà nước quản lí đất đai bằng pháp luật. Người vi phạm các quy định về quản lí đất đai bất kể là ai đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự và gánh chịu trách nhiệm dân sự. Đây chính là bài học kinh nghiệm về quản lí đất đai của ông cha ta để lại. Ngày nay, chúng ta cần phải học tập những kinh nghiệm này một cách nghiêm túc.

+ Sở hữu tư nhân

Theo Quốc triều Hình luật, sở hữu tư nhân về đất đai và các loại tài sản khác là sở hữu của cá nhân, sở hữu chung của vợ chồng đối với các loại tài sản đó. Pháp luật quy định vợ, chồng có quyền sở hữu riêng đối với những tài sản của mình.

Tài sản riêng của vợ hoặc chồng là tài sản do chính người đó làm ra, họ có quyền định đoạt tài sản riêng. Tài sản chung là những tài sản do vợ và chồng làm ra trong thời kì hôn nhân (các điều 374, 375, 376, 377). Tài sản chung để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Đây chính là những quy định về sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Vợ, chồng có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, định đoạt tài sản chung. Những quy định này thể hiện nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc sử dụng tài sản chung. Qua đó, cho ta thấy vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình được pháp luật tôn trọng.

Trong các quy định về căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu tư nhân như thông qua các khế ước mua bán, cho tặng, thừa kế, Quốc triều Hình luật còn quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với ruộng đất. Khi ruộng đất cho thuê, cho mượn, cho Ở nhờ nếu người trong họ thì thời hiệu (niên hạn) là 30 năm. Đối với người ngoài họ, thời hiệu là 20 năm. Sau thời hiệu trên người đang quản lí, sử dụng ruộng đất, nhà Ở có quyền sở hữu đối với đất đai, nhà Ở đó. Người đã cho mượn, cho thuê mất quyền khởi kiện, nếu đòi lại sau thời hạn trên thì bị phạt 80 trượng và mất ruộng đất đó. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện có thể tạm dừng nếu gặp trở lực khách quan như chiến tranh hoặc phiêu bạt mới về thì không tính vào thời hiệu (Điều 387). Trong quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu có hai vấn đề cần chú ý:

Thứ nhất, khi quy định về thời hiệu, các nhà lập pháp xem xét mối quan hệ tình cảm giữa các chủ thể như đối với người trong họ thì thời hiệu lâu hơn, vì do thân quen mà không muốn đòi lại tài sản. Tuy nhiên, đối với người ngoài họ thì thời hiệu sẽ ngắn hơn. Vì do nhu cầu sử dụng đất đai cho nên người chủ sở hữu cần phải đòi lại trong một thời hạn nhất định. Mặt khác, giữa người cho thuê, cho mượn và người thuê, người mượn không có tình cảm thân thiết và thời hạn cho thuê, cho mượn đã hết quá lâu mà không đòi lại thì có nghĩa là người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không còn nhu cầu sử dụng cho nên không muốn đòi lại ruộng đất.

Thứ hai, thời hiệu khởi kiện tạm dừng (thời hạn không tính vào thời hiệu) do trở lực khách quan mà người cho thuê, cho mượn, cho Ở nhờ không có điều kiện đòi lại thì thời hạn này không tính vào thời hiệu.

Đối chiếu với vấn đề thời hiệu hưởng quyền sở hữu, thời hiệu khởi kiện của Quốc triều Hình luật với luật dân sự hiện nay của Nhà nước ta theo Điều 255 BLDS 1995 quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản là 30 năm những luật không quy định về thời hạn không tính vào thời hiệu xác lập quyền sở hữu do trở lực khách quan. Đây chính là khiếm khuyết của che nhà lập pháp không xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan trong việc xây dựng quy định về thời hiệu xác lập quyền sở hữu.

+ Sở hữu cộng đồng

Sở hữu cộng đồng là sở hữu chung hợp nhất không phân chia đối với tài sản của làng xã. Vào thời Lê do chính sách đất đai được quản lí rất chặt chẽ, nhà nước trung ương có quyền sỡ hữu đối với hầu hết đất đai trong lãnh thổ của nước ta. Nhà nước thực hiện chính sách lộc điền và quân điền giao đất cho tư nhân sử dụng, việc giao đất cứ 6 năm một lần chia lại cho che hộ nông dân. Hộ nào dư thì nhà nước thu lại giao cho hộ thiếu theo khẩu phần, ruộng đất của xã này không đủ thì lấy ruộng đất của xã bên cạnh để chia cho dân chúng. Theo nguyên tắc chung, ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, làng xã có quyền sở hữu đối với một số ruộng đất nhất định như đất đình chùa, đường làng và các công trình xây dựng do dân làng tạo nên. Những tài sản thuộc quyền sở hữu của làng xã, do dân làng định đoạt để phục vụ cho nhu cầu chung, cấm tư nhân chiếm của công làm của riêng.

* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trong Quốc triều Hình luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường đi đôi với trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích xã hội của nhà nước. Trách nhiệm dân sự nhằm khắc phục hậu quả về tài sản do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Ngoài ra, trong Quốc triều Hình luật, trách nhiệm dân sự còn có chức năng trong trị, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi xâm phạm đến trật tự xã hội, gây thiệt hại, có thể phải bồi thường gấp nhiều lần thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, có những trường hợp hành vi vi phạm chùa gây thiệt hại nhưng người có hành vi vi phạm phải chịu hình phạt nhất định. Hình phạt này có thể là chế tài hình sự, hành chính hoặc dân sự. Việc áp dụng các chế tài này phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà người vi phạm thực hiện hành vi trái pháp luật và phải gánh chịu hậu quả tương ứng.

Trong quan hệ dân sự, trách nhiệm dân sự được Quốc triều Hình luật quy định khi một người có nghĩa vụ mà không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hoặc cá nhân có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Người có hành vi xâm phạm đến lợi ích của người khác phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản cho người bị xâm phạm. Ngoài ra, người gây thiệt hại có thể phải gánh chịu các hình phạt khác.

Trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật có những đặc điểm sau:

- Khôi phục tình trạng tài sản ban đầu cho người bị xâm phạm. Theo nguyên tắc, người nào có hành vi gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, phương thức bồi thường này có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật.

- Trách nhiệm dân sự có chức năng trong trị người có hành vi vi phạm pháp luật. Khi một người có hành vi vi phạm pháp luật, họ phải gánh chịu một hậu quả xấu về tài sản, có thể phải bồi thường gấp hai hay nhiều lần thiệt hại. Hoặc trong quan hệ khế ước, người có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì tài sản, lợi ích thu được từ khế ước đó có thể bị tịch thu sung công. Hình phạt này nhằm trừng trị người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong khế ước.

- Trách nhiệm dân sự có tính răn đe, giáo dục người khác.

Trách nhiệm dân sự đem lại hậu quả nặng nề về tài sản cho người vi phạm pháp luật, ngoài ra người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính cho nên nó có tính răn đe người nào chuẩn bị có hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, có tác dụng giáo đục mọi người thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và đối với người khác. Nếu một người không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người có quyền thì cũng là vi phạm pháp luật của nhà nước, do đó họ phải gánh chịu hậu quả pháp lí nhất định. Đối chiếu với pháp luật dân sự của Nhà nước ta, trách nhiệm dân sự có chức năng khôi phục tình trạng tài sản ban đầu khi có hành vi vi phạm. Có nghĩa là nếu một người vi phạm nghĩa vụ như không thực hiện nghĩa vụ thì tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, người vi phạm không phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội. Do đó, trách nhiệm dân sự không có chức năng ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, không có tác dụng răn đe cho nên việc vi phạm nghĩa vụ xảy ra tương đối phổ biến dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật.

Từ các quy định về trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật có thể rút ra những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khế ước và do hành vi gây thiệt hại như sau:

- Có thiệt hại thực tế

Thiệt hại là sự tổn tổn thất thực tế về tài sản như làm mất mát, hư hỏng về tài sản (các điều 435, 436, 44, 445...) Ngoài ra, pháp luật quy định trách nhiệm dân sự phát sinh nếu một người có hành vi gây thiệt hại đến danh dự, phẩm giá của người khác (Điều 4 72, 473, 474). Những điều luật này quy định về các hành vi xâm phạm đến danh dự của những người có chức sắc trong xã hội. Người có hành vi xâm phạm danh dự của quan lại, người trong hoàng tộc phải nộp khoản tiền tạ. Đây là số tiền bồi thường cho xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

- Người gây thiệt hại có lỗi

Trong Quốc triều Hình luật không đưa ra định nghĩa hoặc quy định về lỗi và các hình thức, mức độ lỗi. Tuy nhiên, luật quy định về các hành vi vi phạm do cố ý hoặc vô ý thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Người thực hiện các hành vi gây thiệt hại mong muốn đạt được hậu quả nhất định như chiếm đoạt tài sản của người khác, không chịu trả nợ khi kì hạn đã hết (các điều 438, 445, 44 8 . . . ). Ngoài ra, luật quy định những trường hợp do cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại như thả súc vật gây thiệt hại cho hoa màu, mùa màng của người khác (Điều 5 8 1 ). Đây là những trường hợp người chăn giữ, quản lí không tốt súc vật cho nên súc vật đã gây thiệt hại cho người khác.

Pháp luật không quy định cụ thể về mức độ lỗi (nặng, nhẹ) nhưng quy định hậu quả nặng đối với những người thực hiện hành vi cố ý tẩu tán tài sản của người khác hoặc đối với những người có hành vi tái vi phạm thì bị xử tội nặng hơn (Điều 462).

Trong Quốc triều Hình luật không quy định thế nào là lỗi cố ý hay vô ý. Tuy nhiên, luật quy định những hành vi cố ý gây thiệt hại, cố ý không thực hiện nghĩa vụ.

Ngoài ra, luật dự liệu các trường hợp vi phạm nghĩa vụ do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc việc gây thiệt hại do những sự kiện rủi ro, do trở lực khách quan... Từ việc xác định các hành vi vi phạm cụ thể, người có thẩm quyền sẽ áp dụng hậu quả nặng, nhẹ đối với người có hành vi vi phạm đó.

Theo nguyên tắc người nào có lỗi cố ý thì phải chịu trách nhiệm nặng hơn người có hành vi vô ý, người có hành vi sơ suất nhỏ có thể được giảm mức bồi thường và không bị phạt.

Pháp luật dân sự của Nhà nước ta hiện nay có quy định về lỗi cố ý và vô ý Tuy nhiên, việc quy định về hình thức lỗi chỉ có ý nghĩa trong trường hợp người vi phạm có lỗi vô ý mà khả năng bồi thường không có thì có thể được toà án giảm mức bồi thường thiệt hại. Đây là quy định mang tính thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, quy định về bồi thường thiệt hại trong luật dân sự không có tác dụng răn đe người gây thiệt hại và những người khác.Trách nhiệm dân sự nhằm mục đích khắc phục hậu quả của hành vi gây thiệt hại. Chúng ta cần phải kế thừa trách nhiệm dân sự trong Quốc triều Hình luật là ngoài việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng thì người vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội. Pháp luật dân sự của Nhà nước ta mới kế thừa nguyên tắc áp dụng trách nhiệm dân sự của Quốc triều Hình luật khi có đủ hai điều kiện là có tổn thất thực tế và người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý. Đây là những điều kiện cần và đủ để áp dụng hình thức cưỡng chế về tài sản đối với người vi phạm pháp luật.

*Cáctrường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 - Trách nhiệm của người đại diện

Cha mẹ là người đại diện cho các con trong việc quản lí tài sản của các con. Cha mẹ nắm quyền gia trưởng trong gia đình, do vậy, cha mẹ có quyền đại diện cho che con đang sống chung với mình trong các quan hệ pháp luật. Khi cha mẹ còn sống, các con không được phép đòi chia tài sản. Nếu các con bán tài sản mà không được sự đồng ý của cha mẹ thì khế ước mua bán sẽ vô hiệu.

Các con ở cùng cha mẹ mà cha mẹ không quản lí, giáo dục được con, để con gây thiệt hại thì cha mẹ phải chịu tội biếm hoặc đồ và phải bồi thường thiệt hại (Điều 457). Những gia đình nuôi người ở trong nhà thì phải quản lí, giáo dục đầy tớ Đầy tớ là người phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà- Vì vậy, chủ nhà phải chịu trách nhiệm khi đầy tớ vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm của đầy tớ càng nguy hiểm thì chủ nhà càng phải chịu trách nhiệm nặng hơn (Điều 456).

- Trách nhiệm về thiệt hại do súc vật gây ra

Người nào không quản lí tốt súc vật mà để súc vật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Nếu cố ý dùng súc vật để gây thiệt hại thì bị phạt 80 trượng và bồi thường gấp 2 lần thiệt hại xảy ra. Người nào nuôi chó trong nhà thì phải thông báo cho những người xung quanh biết để tránh gần chó dữ.

Ngoài ra, người nuôi chó phải buộc tròng đúng phép để ngăn ngừa chó căn người khác. Trái lại, không làm đúng luật, chủ nhà nuôi chó, súc vật gây thiệt hại thì chủ nhà được xem là vô ý gây thiệt hại cho người khác (Điều 582).

Ngày nay, Điều 629 BLDS năm 1 995 quy định về trách nhiệm bồi thường do súc vật gây ra. Khi súc vật gây thiệt hại thì người quản lí súc vật phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật không quy định cụ thể trường hợp nào súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người quản lí súc vật có lỗi cố ý, vô ý.

Pháp luật không quy định cụ thể về việc trông coi, quản lí súc vật như thế nào cho nên việc xác định lỗi của người quản lí súc vật gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc xác định trách nhiệm dân sự hỗn hợp không chính xác, không đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại.

*Nguyên tắc bồi thường

+ Bồi thường toàn bộ thiệt hại

Người có hành ví vô ý gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Trường hợp này luật không trừng phạt người thực hiện hành vi vô ý. Vì bản thân họ không cố ý xâm phạm đến lợi ích của người khác. Hành vi gây thiệt hại là do sơ suất, không cẩn thận hoặc cẩu thả. Người thực hiện hành vi do lỗi vô ý thì phải khắc phục thiệt hại xảy ra, ngoài ra người vi phạm không phải chịu các trách nhiệm pháp lí khác.

+ Bồi thường cao hơn thiệt hại

Người có hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý gây thiệt hại phải bồi thường gấp hai, ba lần thiệt hại xảy ra (các điều 344, 345). Việc bồi thường này không những nhằm khắc phục hậu quả về hành vi gây thiệt hại, ngoài ra, họ còn bị phạt một số tài sản nhất định. Mức phạt cao, thấp phụ thuộc vào hành vi vi phạm nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, phụ thuộc vào đối tượng bị thiệt hại là nhà nước hay tư nhân.

+ Giảm nhẹ trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự được giảm nếu người gây thiệt hại có hành vi vô ý nhẹ. Vô ý nhẹ còn được gọi là sơ suất nhỏ như mang vác một vật nặng quá sức mà người đó không chịu nổi nên đã gây thiệt hại cho người khác. Hoặc người gây thiệt hại đã thực hiện hành vi gặp những sự rủi ro không lường trước được đã dẫn đến gây thiệt hại ngoài ý muốn của mình. Ngoài ra, pháp luật quy định những trường hợp do tai nạn nghề nghiệp gây ra như trong khi thi đấu võ không may đánh chết đối phương thì được coi là sự lầm lỡ, do vậy, hình phạt được giảm nhẹ. Lầm lỡ là việc hình dung sự việc, người thực hiện hành vi gây thiệt hại không thấy được hậu quả xảy ra, họ tin hành vi của mình là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho phép (Điều 555). Vì vậy, luật coi trường hợp này như hành vi vô ý nhẹ cho nên giảm trách nhiệm cho người gây thiệt hại. Đây là quy định đầy tính nhân văn, pháp luật đã dự liệu những trường hợp thiệt hại xảy ra không phải do ý chí chủ quan của người gây thiệt hại mà do thực hiện hành vi vượt quá giới hạn cho phép nhưng người thực hiện hành vi đó không nhận thức được hậu quả xảy ra hoặc hậu quả xảy ra là kết quả gián tiếp của hành vi vi phạm, như một người lầm lỡ làm kinh động chỗ đông người khiến mọi người sợ náo loạn lên mà mất của, gây thiệt hại cho nhau. Đây là hậu quả gián tiếp của hành vi được thực hiện chỗ đông người làm cho mọi người xung quanh sợ hãi dẫn đến bị gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại cho người khác. Hành vi gây mất trật tự là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến thiệt hại. Hành vi của người gây thiệt hại được coi là sự lầm lỡ. Do vậy, họ được giảm mức bồi thường thiệt hại.

+ Miễn trách nhiệm dân sự

Pháp luật dự liệu những trường hợp xảy ra do tai nạn nghề nghiệp như người chữa bệnh cho súc vật bị súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Đây là trường hợp rủi ro nghề nghiệp không phải do lỗi của chủ sở hữu quản tí súc vật, do đó chủ sở hữu không phải bồi thường hoặc trường hợp người cố ý trêu e họe súc vật làm cho nó gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật không phải bồi thường. Quy định này thể hiện nguyên tắc không có lỗi thì không làm phát sinh trách nhiệm dân sự. Như vậy, các quy định của Quốc triều Hình luật về bồi thường thiệt hại được áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Khi áp dụng trách nhiệm dân sự cần phải xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan và các điều kiện cụ thể làm ảnh hưởng đến hậu quả (thiệt hại) phát sinh, từ đó áp dụng trách nhiệm dân sự tăng nặng hay giảm nhẹ.

* Khế ước

Khế ước là các hợp đồng cụ thể mà mọi người tham gia để thoả mãn các nhu cầu vật chất hàng ngày của mình. Người tham gia khế ước muốn được pháp luật bảo hộ thì phải tuân theo các điều kiện nhất định như về năng lực chủ thể, ý chí, nội dung, hình thức phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

* Nguyên tắc của khế ước

Nguyên tắc của việc giao kết khế ước là tự do, tự nguyện

Nguyên tắc này thể hiện trọng việc người có tài sản có quyền lựa chọn một khế ước phù hợp với nguyện vọng của mình để tham gia. Để giao kết khế ước các chủ thể cần phải thoả thuận, thống nhất các nội dung của khế ước.

Việc thoả thuận này phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Các bên trong khế ước không được ép buộc hoặc lợi dụng các điều kiện ưu thế của mình để gây ảnh hưởng đến bên kia trong việc đàm phán và giao kết.

Nguyên tắc trung thực

Tham gia khế ước là nhu cầu của các bên, họ đều mong muốn những điều tốt đẹp cho mình và cho cả bên kia của khế ước.Vì tham gia khế ước là một nhu cầu khách quan, con người tự mình không thoả mãn được tất cả các nhu cầu về vật chất cho nên đòi hỏi họ phải tham gia vào lưu thông dân sự để trao đổi cho nhau những thứ mà mình có và nhận được những thứ không có hoặc thiếu. Vào thời kì này, các giao lưu dân sự mang tính tự cung, tự cấp cho nên quan hệ tài sản chưa thể hiện tính chất của hàng hoá, tiền tệ. Việc tham gia vào khế ước để đáp ứng nhu cầu của các bên cho nên quá trình trao đổi mang tính chất đền bù ngang giá, thể hiện tính trung thực và sự tin tưởng lẫn nhau. Ngày nay, những nguyên tắc mang tính bản chất của quan hệ dân sự được ghi nhận trong BLDS như các nguyên tắc, tự nguyện, trung thực, bình đẳng. Qua những nguyên tắc của giao lưu dân sự được ghi nhận trong BLDS, ta thấy BLDS đã kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống khế ước của thời kì phong kiến Việt Nam (các điều 7, 8, 9 BLDS năm l995). Những nguyên tắc truyền thống này sẽ là cơ sở pháp lí và đạo tí để xử lí các trường hợp phạm nghĩa vụ dân sự.

CÁC ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA KHẾ ƯỚC

Khế ước có hiệu lực pháp luật làm phát huy quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia khế ước. Ngược lại, khế ước vô hiệu sẽ phát sinh những hậu quả pháp lí nhất định đôi với những người tham gia khế ước. Để xác định khế ước có hiệu lực hay vô hiệu thì phải căn cứ vào các điều kiện có hiệu lực của khế ước.

- Chủ thể tham gia khế ước phải có năng lực giao kết, thực hiện khế ước Năng lực chủ thể của khế ước phụ thuộc vào địa vị gia đình (gia trưởng) tình trạng tài sản của người giao kết khế ước. Các con còn sinh sống cùng với cha mẹ thì không được phép bán tài sản nếu không có sự đồng ý của cha mẹ.

Những người chưa trưởng thành (chưa thành niên) thì không được tự ý định đoạt tài sản nếu ông bà, cha mẹ chết cả thì người trưởng họ là người bảo trợ giám hộ) sẽ quản lí tài sản của người chưa trưởng thành. Trường hợp người trưởng họ bán điền sản của người phụ thuộc phải có tí do chính đáng như bán để trả nợ cũ thay cho cha mẹ thì được phép (Điều 379). Trường hợp này pháp luật hạn chế quyền định đoạt của người trưởng họ, hạn chế những hành vi lạm quyền thực hiện các khế ước có lợi cho mình, gây thiệt hại cho những người phụ thuộc.

- Thoả thuận thống nhất ý chí

Khi tham gia vào khế ước, các bên cần phải thoả thuận, thống nhất nội dung của khế ước theo nguyên tắc "thuận mua, vừa bán". Bên nào lợi dụng chức vụ quyền hạn ép buộc người tham gia khế ước thì khế ước vô hiệu.

Người có hành vi ức hiếp người khác phải trả lại tài sản cho người bị ức hiếp, ngoài ra phải chịu một hình phạt thích đáng (Điều 355, Điều 638). Ngoài các hành vi được quy định là ức hiếp, ép buộc người khác tham gia khế ước trái với ý chí của họ, pháp luật còn quy định những hành vi được coi là mặc nhiên vi phạm ý chí của người khác như trường hợp người có chức vụ, lợi dụng địa vị của mình mà vay mượn, mua bán với người phụ thuộc, hành ví này bị coi là ức hiếp, ép buộc người khác tham gia vào khế ước để có lợi cho mình.

Hoặc hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cho vay lấy lãi cho thì những đồ vật cho vay sẽ bị sung công (Điều 638). Như vậy, pháp luật ngăn chặn những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi trong khế ước, hành vi vi phạm bị khép vào tội làm trái pháp luật, người vi phạm phải gánh chịu hậu quả nhất định

- Nội dung của khế ước hợp pháp

Nội dung của khế ước bao gồm các điều khoản mà các bên đã thoả thuận khí giao kết khế ước. Những điều khoản này phải phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bao giờ các bên tham gia khế ước cũng thực hiện đúng như pháp luật quy định. Việc vi phạm xảy ra có thể do cố ý, do vô ý hoặc bị nhầm lẫn. Tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm mà khế ước bị vô hiệu hoặc phải sửa chữa nội dung của khế ước cho phù hợp với pháp luật. Thông thường, việc vi phạm là do một bên cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật như bán tài sản không thuộc sở hữu của mình, bán hương hoả, bán đất khẩu phần, bán ruộng đất đang cầm cố chưa ehuộe lại (các điều 383, 386), những đối tượng này pháp luật quy định không được bán. Tuy nhiên, trong thực tế người ta vẫn mua bán. Vì vậy, người mua, kẻ bán đều phải gánh chịu hậu quả pháp lí thích đáng.

Hình   thức của khế ước phải phù hợp

Những loại khế ước mà pháp luật quy định các bên phải giao kết dưới hình thức nhất định thì phải buộc phải làm theo. Ngược lại, nếu vi phạm, khế ước sẽ vô hiệu (Điều 366). Thông thường, khi lập chúc thư, mua bán ruộng đất, thuê trâu bò thì phải lập thành văn khế có người làm chứng. Người làm chứng phải thể hiện sự khách quan. Trường hợp người làm chứng có hành vi thông đồng với người vi phạm sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu do hành vi gian dối đó.

Các khế ước thông dụng

Trong Quốc triều Hình luật có những quy định về khế ước mua bán, thuê tài sản, cho mượn và cho vay. Đây là những khế ước thường gặp trong cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân khắc phục được những khó khăn, thiếu thốn về ruộng đất, về tiền vốn để sản xuất. Những khế ước này là công cụ pháp lí để người dân thực hiện quyền sử dụng tài sản hợp pháp và hưởng dụng những hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng tài sản đó. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia khế ước, đồng thời để xác định trách nhiệm dân sự của các bên khi vi phạm nghĩa vụ, pháp luật quy định cụ thể các quyền, ngh~ã vụ của mỗi chủ thể trong khế ước. Khi các bên vi phạm khế ước thì căn cứ vào các quy định của pháp luật về loại khế ước đó để quy kết trách nhiệm của người vi phạm. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm khế ước phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Khế ước mua bán

Trong luật quy định có hai loại mua bán là đoạn mãi (mua đứt bán đoạn) và điển mãi (bán chuộc lại). Đoạn mãi là những khế ước mua bán thông thường, tạo điều kiện cho nhân dân thoả mãn nhu cầu hàng ngày của mình.

Người bán có nghĩa vụ chuyển đúng vật đã thoả thuận, người nào lừa dối để bán tài sản của người khác hoặc tài sản không được phép bán thì phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho người mua. Người mua có nghĩa vụ trả tiền và có quyền sở hữu vật mua khi trả đủ tiền và nhận vật (đoạn 3 1 4 Hồng Đức thiện chính thư). Thời điểm chuyển quyền sở hữu có ý nghĩa quan trọng trong việc khởi kiện khi có tranh chấp về tài sản mua bán. Nếu đã làm văn khế mà chưa trả tiền thì có nghĩa là quyền sở hữu chưa chuyển cho người mua, người bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với vật bán.

Đối với khế ước điển mãi thì người mua phải cho người bán chuộc lại trong thời hạn đã thoả thuận. Luật không quy định cụ thể về giá tiền chuộc lại, do vậy có thể suy đoán rằng giá chuộc là giá ban đầu, bởi vì trong thời hạn chuộc lại ruộng đất người mua đã sử dụng thu hoa lợi từ tài sản, khoản lợi này được trừ vào lợi tức của tiền mua. Khế ước điển mãi sẽ tạo điều kiện cho những người có nhu cầu vay tiền của người khác lấy ruộng đất để bảo đảm cho số tiền vay đó. Cho nên việc vay mượn sẽ thuận lợi hơn.

- Khế ước thuê tài sản

Thuê tài sản chủ yếu là thuê tư liệu sản xuất như ruộng đất, phương tiện vận tải là thuyền bè. Thời hạn của loại khế ước này dài, vì vậy các bên phải làm văn khế để làm bằng chứng cho thuê. Khi có tranh chấp, quan trên căn cứ vào văn khế đó để giải quyết. Thông thường, việc cho thuê ruộng đất được thực hiện dưới hình thức cấy rẽ hoặc phát canh thu tô. Vì thuê ruộng đất để sản xuất cho nên các bên đều phải chịu rủi ro. Bên cho thuê phải giảm tiền thuê nếu do thiên tai mà mùa màng thất bát điều 361). Đây là quy định hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta là hay bị thiên tai, lụt bão.

Cho nên trong kinh doanh các bên đều có thể gặp rủi ro . Vấn đề này đã được BLDS năm 1995 kế thừa (khoản 3 Điều 509 BLDS).

Khế ước vay nợ

Pháp luật quy định việc cho vay không được lấy lãi suất cao hơn lãi suất do pháp luật quy định (15 kẽm/ 1 quan/ 1 tháng). Cấm không được gộp lãi vào gốc. Quy định này nhằm hạn chế sự bóc lột của người cho vay đối với người vay. Ngoài ra luật cần quy định cấm người kinh cho người man liêu vay nợ.

Vì các nhà làm luật đã dự liệu việc người kinh sẽ lợi dụng sự thật thà của người man liêu để cho vay tính lãi sất cao hoặc không đúng thì sẽ gây mất đoàn kết giữa các dân tộc anh em (Điều 593).

Để bảo đảm cho khế ước vay nợ, pháp luật cho phép người cho vay áp dụng biện pháp cầm cố ruộng đất hoặc bảo lãnh bằng tài sản để vay nợ.

Trường hợp cho vay mà cầm cố ruộng đất, người cho vay không được bán ruộng cầm cố . Hết hạn cho vay, người vay trả được nợ thì người cho vay phải trả lại ruộng đất cho người vay. Niên hạn (thời hiệu) chuộc lại 30 năm.

Đối với các trường hợp bảo lãnh để vay nợ thì người bảo lãnh phải trả nợ thay cho người vay. Nếu người vay không trả được nợ hoặc chạy trốn chủ nợ  thì người bảo lĩnh phải trả nợ gốc nếu không có thoả thuận khác. Trường hợp có thoả thuận, người vay không trả nợ thì người bảo lĩnh phải trả nợ gốc và tiền lãi, khi đó người bảo lĩnh phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Như vậy, bảo lĩnh là biện pháp đảm bảo cho số tiền vay (nợ gốc) nếu không có thoả thuận khác. Nếu vay nợ mà không có người bảo lĩnh thì các con phải trả nợ thay cho cha mẹ. Bởi vì cha mẹ vay để đáp ứng nhu cầu của gia đình cho nên các các con phải có trách nhiệm về món nợ mà cha mẹ đã vay. Quy định này nhằm bảo đảm tiền vay của chủ nợ khi người vay không trả được nợ. Trường hợp này nếu xét về đạo lí là hoàn toàn phù hợp, khi cha mẹ có nghĩa vụ đối với các con thì các con phải có trách nhiệm đối với cha mẹ. Mặt khác, cha mẹ vay không phải cho riêng mình mà vay cho tất cả che thành viên của gia đình sử dụng hoặc phục vụ lợi ích của tất cả gia đình, vì vậy các con cũng phải liên đới cùng cha mẹ để trả nợ.

Ngày nay, trong BLDS của nước ta có một số quy định tương tự như trong Quốc triều Hình luật, đó là các quy định về trách nhiệm dân sự của hộ gia đình (Điều 11 9 BLDS). Theo quy định này, nếu các thành viên trong hộ gia đình cùng đóng góp tài sản, công sức để sản xuất kinh doanh thì cùng phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi của người đại diện như cha, mẹ vay nợ không trả được thì các con cùng gánh chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, sự khác biệt của luật dân sự hiện đại với Quốc triều Hình luật là nếu các con không cùng cha mẹ kinh doanh thì không phải chịu trách nhiệm cùng với cha mẹ. Luật dân sự ngày nay đã cá thể hoá trách nhiệm dân sự của người thực hiện hành vi giao dịch đối với chủ thể khác theo nguyên tắc "ai làm, nấy ehịư'. Quy định này có những bất cập, sẽ tạo kẽ hở cho những người có hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của cá nhân chuyển hoá thành tài sản riêng của con cái mà người vợ hoặc chồng không phải chịu trách nhiệm về hành vi vay nợ của chồng (hoặc vợ), các con không có trách nhiệm gì về hành vi vay nợ của cha mẹ khi cha mẹ vay để sử dụng chúng cho gia đình.

* Thừa kế

Trong Quốc triều Hình luật, các quy định về thừa kế không nhiều nhưng nội đung của các quy định đó rất phong phú, chứa đựng những nguyên tắc cơ bản của việc phân chia di sản. Ngày nay, các nguyên tắc này chúng ta đang áp dụng. Các quy định về thừa kế được phân chia thành ba nhóm chính sau:

Các quy định chung về di sản, quyền, nghĩa vụ của người thừa kế, những người không có quyền thừa kế.

Các quy định về thừa kế theo di chúc, quy định hình thức, nội dung của di chúc, di chúc vô hiệu và hậu quả pháp của di chúc vô hiệu.

Các quy định về thừa kế theo pháp luật, quy định về diện, hàng thừa kế, cách phân chia di sản.

Khi mở thừa kế, việc xác định di sản đóng vai trò quan trọng, nếu có di sản thì sẽ mở thừa kế. Ngược lại, không có di sản thì không có quan hệ thừa kế. Di sản dùng dùng để chia cho những người thừa kế, làm hương hoả...

Di sản là tài sản của người chết để lại, bao gồm ruộng đất, nhà Ở và các loại tài sản khác. Tuy nhiên, Ở thời kì mà nền kinh tế mang tính tự cung, tự cấp thì tài sản chủ yếu là ruộng đất, đây là tư liệu sản xuất chủ yếu để sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Do vậy, di sản chủ yếu là điền sản. Di sản là điền sản thuộc quyền sở hữu riêng của người chết, phần điền sản trong khối tài sản chung của vợ và chồng. Theo quy định của Quốc triều Hình luật, tài sản riêng của chồng, của vợ là những tài sản do được thừa kế, cho tặng riêng. Tài sản chung là những tài sản do vợ và chồng làm ra hoặc do vợ, chồng mua của người khác. Tài sản chung được chia đôi cho vợ chồng mỗi người một nửa. Phần tài sản của người chết là di sản để chia thừa kế và thực hiện các nghĩa vụ của người chết (Điều 375).

Theo nguyên tắc, trước khi chia di sản cho những người thừa kế, cần phải thanh toán các nghĩa vụ của người chết chưa thực hiện khi còn sống. Số di sản còn lại một phần ( 1/20) điền sản để làm hương hoả, số còn lại chia cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, di sản chủ yếu là điền sản, do vậy không thể thanh toán nghĩa vụ từ khối điền sản này. Cho nên, pháp luật quy định người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại. Việc thực hiện nghĩa vụ này có thể do người trưởng họ thực hiện thay (Điều 379).

-Chia di sản theo di chúc

Trường hợp người chết có lập di chúc, khi chia di sản phải chia đúng theo di chúc của người chết. Người nào vi phạm ý chí của người lập đi chúc sẽ mất quyền thừa kế (Điều 390). Nội dung chính của điều luật này là quy định cách phân chia di sản theo di chúc và quy định những người không có quyền thừa kế theo di chúc là người không thực hiện đúng ý nguyện của người chết: .

Di chúc là ý nguyện của người chết trong việc phân chia di sản, ý chí này được thể hiện dưới hai hình thức là văn tự và miệng. Trường hợp di chúc lập thành văn tự, phải có người có chức sắc trong dòng họ chứng nhận và có người chứng kiến (Điều 366). Nếu người biết chữ tự viết di chúc thì di chúc có giá trị.

Như vậy, luật quy định là những người không biết chữ phải nhờ người khác viết thay. Để đảm bảo tính khách quan của nội dung di chúc, pháp luật quy định di chúc do người khác viết hộ thì phải do quan trưởng xác nhận và có người chứng kiến. Ngược lại, nếu người biết chữ mà tự mình viết lấy di chúc thì không sao, có nghĩa là di chúc này thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc.

Đối với di chúc miệng, người lập di chúc tuyên bố ý chí của mình trước những người xung quanh sẽ để lại tài sản của mình cho ai sau khi chết. Trong Quốc triều Hình luật coi mệnh lệnh của cha mẹ, ông bà là di chúc miệng. Người nào làm trái lệnh của cha mẹ, ông bà thì mất quyền thừa kế (Điều 388).

- Chia di sản theo pháp luật

Trường hợp người chết không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng di chúc vô hiệu thì di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.

Người thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống đối với người chết. Theo quy định tại các điều 374 , 375 , 376 thì những người được hưởng di sản theo pháp luật gồm các con, cha, mẹ, người thân thích.

Hàng thứ nhất gồm các con (các cháu). Con đẻ là con vợ chính và con vợ lẽ, con nàng hầu. Các con vợ chính mỗi người được hưởng một kỉ phần ngang nhau. Con vợ lẽ, con nàng hầu được hưởng bằng nửa kỉ phần của con vợ chính. Vì con vợ chính là người nối dõi tông đường của cha mẹ, ông bà, có nghĩa vụ thờ cúng cha mẹ, ông bà cho nên được hưởng phần di sản nhiều hơn.

Con nuôi không được thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ nuôi. Người con nuôi không có nghĩa vụ thờ phụng dòng họ của cha mẹ nuôi cho nên, con nuôi chỉ được hưởng thừa kế theo di chúc. Trường hợp người chết không có con thì di sản được chia cho cha mẹ, ông bà. Cha mẹ là người thừa kế hàng thứ hai của con, điều này cũng phù hợp với logic tự nhiên và logic xã hội. Bởi vì, cha mẹ theo nguyên tắc sẽ chết trước các con. Ngược lại, nếu cha mẹ chết sau con thì bản thân cha mẹ là những người có tài sản dùng để nuôi các con.

Trường hợp cha mẹ không có tài sản thì cháu phải nuôi ông bà. Do vậy, cha mẹ không cần thiết phải quy định là người thừa kế Ở hàng thứ nhất.

Trường hợp Ở hàng thứ nhất mà con chết thì các cháu (con của người chết) sẽ thay thế cha, mẹ nhận di sản của ông bà. Như vậy, luật không quy định về thừa kế thế vị. Tuy nhiên, qua quy định này thể hiện nguyên tắc thừa kế theo hàng và bậc. CÓ nghĩa là hàng thứ nhất gồm các con (các cháu). Nếu người con nào không được hưởng di sản hoặc chết mà chưa kịp nhận di sản của cha mẹ thì các con của người đó sẽ được nhận phần di sản mà lẽ ra cha hoặc mẹ còn sống sẽ nhận.

Quy định này có ưu điểm là khắc phục được các trường hợp cha, mẹ vì một nguyên nhân nào đó mà không được hưởng di sản của ông, bà như cha, mẹ mất quyền hưởng di sán, chết trước, chết cùng với ông bà thì cháu sẽ được hưởng phần di sản đó.

Liên hệ với vấn đề thừa kế thế vị trong BLDS 1995 ta thấy cần phải học  tập cách xử lí về thừa kế của những người có quyền của kế của nhau chết cùng một thời điểm.

Theo Điều 644 BLDS năm 1995, những người có quyền thừa kế của nhau chết trong một tai nạn mà không xác định được người nào chết sau thì họ không được thừa kế của nhau, di sản của mỗi người chia cho những người thừa kế của họ. Theo Điều 680 BLDS năm 1995, thừa kế thế ví khi cha mẹ chết trước ông bà, các cháu thay thế vị trí của cha (mẹ) để nhận di sản của ông bà. Nếu cha mẹ chết cùng với ông bà thì cháu không được thừa kế thế vị, như vậy dẫn đến thực trạng khi cha mẹ chết cùng với ông bà thì cháu không được thế vị nhận di sản của ông bà. Phần di sản này sẽ được chuyển cho những người thừa kế Ở hàng thừa kế tiếp theo. Điều này dẫn đến hệ quả pháp lí trái với truyền thống gia đình, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân ta là cháu phải thờ cúng ông bà, tổ tiên nhưng lại không được thừa kế di sản của ông bà, khi cha (mẹ) chết cùng với ông bà.

- Hương hoả (di sản dùng vào việc thờ cúng)

Hương hoả là một phần điền sản ( 1/20) để lại giao cho con trưởng (cháu trưởng, chất trưởng) quản lí, sử dụng, thu hoa lợi dùng một phần hoa lợi đó để chăm sóc phần mộ của cha mẹ, ông bà. Hương hoả được lưu truyền mà không bị triệt tiêu, trừ trường hợp do trở lực khách quan. Theo quan niệm truyền thống của nhân dân ta, việc thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên là sự thể hiện lòng thương nhớ, tôn kính, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Vì vậy, việc thờ cúng cần phải được kế thừa nhằm giáo dục thế hệ sau, phải học tập, nhớ công lao của thế hệ trước.

Trong BLDS 1995, Điều 673 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tuy nhiên, không quy định về trình tự lưu giữ loại di sản này. Do vậy, nếu hết thời hiệu về thừa kế ( 10 năm) thì di sản thờ cúng sẽ bị triệt tiêu, người quản lý di sản đó sẽ có quyền sở hữu. Như vậy, người thừa kế được hưởng di sản thờ cúng và không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ thờ cúng nữa. Quy định này không thể hiện được bản chất của việc quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng.

Cho nên cần phải sửa đổi cho phù hợp với truyền thống tập quán của nhân dân ta. Các quy định về thừa kế trong Quốc triều Hình luật là những nguyên tắc phân chia di sản theo di chúc và theo pháp luật, những nguyên tắc này đã được kế thừa và phát triển trong BLDS Việt Nam năm 1 995 . Tuy nhiên còn một số vấn đề xử lí các tình huống thực tiễn cần phải nghiên cứu để sửa đổi bổ sung các quy định về thừa kế trong BLDS cho phù hợp với truyền thống, tập quán của nhân dân ta, đảm bảo được tình đoàn kết trong gia đình.

4. Luật hôn nhân và gia đình

Mặc dù được xây dựng trên cơ sở đạo đức Nho giáo nhưng các quan hệ hôn nhân và gia đình được điều chỉnh trong Quốc triều Hình luật khá toàn diện và mang những sắc thái riêng biệt, độc đáo, phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam đồng thời đạt được những tiến bộ mà không hề có trong các văn bản pháp luật khác dưới chế độ phong kiến.

Trong chuyên đề này, hai khía cạnh chủ yếu sau đây đã được tập trung nghiên cứu:

* Những đặc điểm chung mang tính lịch sử của các quy định về hôn nhân và gia đình trong Quốc triều Hình luật

Mục này đã đề cập những đặc điểm sau của Quốc triều Hình luật khi điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình:

+ Quan hệ hôn nhân được xác lập không dựa trên cơ sở tự nguyện của các bên nam nữ mà do cha mẹ quyết định;

+ Duy trì và bảo vệ chế độ đa thê,'

+ Tồn tại sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình;

+ Một số vấn đề chưa được quy định mà còn để phong tục tập quán điều chỉnh Nhìn chung, có thể khẳng định rằng trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, mặc dù có nhưng điểm hạn chế nhất định về kỹ thuật lập pháp nhưng Quốc triều Hình luật vẫn là Bộ luật tiến bộ vượt bậc so với các văn bản pháp luật đương thời. Những điểm hạn chế của Bộ luật là những điểm hạn chế có tính lịch sử, thể hiện quan điểm, lợi ích giai cấp nên khó tránh khỏi và nó không hề làm giảm các giá trị của Bộ luật.

* Những điểm đặc sắc, tiến bộ của Quốc triều Hình luật

Đây cũng là nội dung được dành nhiều tâm huyết nhất để làm rõ các giá trị của Bộ luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Các kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự tiến bộ và độc đáo của Bộ luật nhà Lê là ở chỗ mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lí Nho giáo - hệ tư tưởng thống trị trong xã hội thời Lê cũng như ảnh hưởng của các bộ luật Trung Quốc như luật nhà Đường, luật nhà Minh nhưng nhà làm luật thời Lê đã biết tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo pháp luật Trung Quốc đồng thời kết hợp với các phong tục tập quán đặc thù của xã hội Việt Nam, hoà nhập chúng trong hệ thống pháp luật, tạo nên nét riêng biệt độc đảo của Bộ luật. Điều đó đã làm cho các quy định trong Quốc triều Hình luật có tính vượt trội hơn hẳn so với pháp luật và hoàn cảnh xã hội đương thời. Điều đó được thể hiện như sau:

+ Tiếp thu phong tục tập quán của dân tộc và bảo vệ quyền lơi của người con gái trong việc xác lập quan hệ hôn nhân;

+ Bảo vệ quyền lợi của người vợ trong gia đình và xác lập vị thế tương đối bình đẳng giữa vợ và chồng bằng cách thiết lập quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng; ràng buộc trách nhiệm của người chồng đối với gia đình, qua đó bảo vệ lơi ích của người vợ, thừa nhận quyền yêu cầu li hôn của người vơ;

+ Bảo vệ quyền lợi của người con trong gia đình bằng việc công nhận quyền sở hữu tài sản riêng của người con và cho phép người con được ra riêng; không cho phép cha mẹ được bán tài sản của con; quy định cha mẹ phải chịu trách nhiệm về hành vi của con;

+ Bảo vệ sự ổn định, hoà thuận trong gia đình;

+ Phản ánh trung thực và sinh động phong tục, tập quán của Việt Nam do vậy mang lại bản sắc dân tộc độc đáo cho Bộ luật,

+ Tính hiệu lực của các quy phạm pháp luật trong Quốc triều Hình luật.

Hầu hết các quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình trong Quốc triều Hình luật đều có các chế tài. Hình phạt áp dụng cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình rất đa dạng, có thể xử đến tội chết (như giáo, chém) hoặc đánh roi, đánh trượng hoặc lưu... Với các hình phạt có tính chất nghiêm khắc như vậy sẽ có khả năng loại trừ, ngăn chặn những hành vi phạm tội một cách có hiệu quả đồng thời bảo đảm cho các quy định của pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế. Biện pháp cưỡng chế là cách thức có hiệu quả trong việc bảo đảm hiệu me của các quy phạm pháp luật và điều đó đã được nhà làm luật triều Lê triệt để tận dụng.

Song khía cạnh khác làm cho BỘ luật có hiệu quả điều chỉnh cao chính là sự phù hợp và tính thực tiễn của các quy phạm, các điều luật. Các điều khoản của BỘ luật được xây dựng trên cơ sở phù hợp với đặc điểm tâm lí, tình cảm và phong tục tập quán của dân tộc, phản ánh được truyền thống văn hoá của đất nước đồng thời thể hiện sự quan tâm nhất định của triều đình đối với dân chúng nên nó được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận và thực thi. BỘ luật cũng thể hiện được tinh thần độc lập và sáng tạo của triều đình trong việc lập pháp, đáp ứng được lòng tự tôn dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân và vì vậy BỘ luật đã trở thành niềm kiêu hãnh tự hào của cả dân tộc. Với các giá trị đã đạt được, Quốc triều Hình luật là di sản văn hoá pháp lý quý giá của dân tộc.

5. Luật đất đai

Cho đến nay, trong số tất cả các tài liệu pháp luật cổ có các quy phạm pháp luật về đất đai thì Quốc triều Hình luật là văn bản có nhiều quy định nhất, điều chỉnh quan hệ pháp luật đất đai một cách hoàn thiện nhất, chi tiết nhất. Quốc triều Hình luật đã thể hiện rõ truyền thống lập pháp Việt Nam, chứa đựng những cách thức và kinh nghiệm quản lí ruộng đất của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ. Những quy định về ruộng đất trong Quốc triều Hình luật có nhiều điểm rất tiến bộ, tương đồng với hệ thống pháp luật đất đai hiện đại; để lại những bài học và những kinh nghiệm quý giá cho chúng ta hôm nay.

1. Chính sách ruộng đất của nhà nước Đại Việt thời sơ - cơ sở xác lập và thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất công của nhà nước

Các chính sách ruộng đất quan trọng nhất của nhà Lê sơ gồm: - Chính sách lộc điền và phong thưởng ruộng đất,

- Chính sách quân điền;

- Chính sách đồn điền và khẩn hoang,

Từ các chính sách đó, tác giả đi sâu nghiên cứu chế độ sở hữu ruộng đất công của nhà nước và những quy định về quản lí ruộng đất.

Ruộng đất công của Nhà nước là bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước mà nhà vua là người đại diện. Nhà vua có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với ruộng đất. Ớ đây các nhà làm luật thời Lê đã nhấn mạnh hai đặc điểm cơ bản của quyền năng sở hữu này đó là tính tối cao và tính gián tiếp.

- Tính tối cao thể hiện ở quyền năng tuyệt đối của nhà vua trong việc quyết định số phận pháp của ruộng đất như ban cấp cho ai, sử dụng vào mục đích gì, thu hồi lại đất và đặt ra các loại thuế.

- Tính gián tiếp, thể hiện ở chỗ: nhà vua không trực tiếp sử dụng và quản lí mà phải thông qua đội ngũ quan lại và việc trực tiếp sử dụng của những người tá điền, ruộng đất công được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như công điền, quan điền hay quốc khố điền. Các loại ruộng này tồn tại dưới hình thức ruộng sơn tăng - ruộng đất Ở lăng tẩm, ruộng tịch điền, ruộng thông cáo, đồn điền và quan trọng hơn cả là ruộng đất của nhà nước nằm ở các làng xã.

Có thể thấy rằng sơn lăng là bộ phận ruộng đất nằm quanh các lăng mộ của nhà vua, được sử dụng để lấy hoa lợi chi dùng vào việc bảo vệ và trùng tu lăng mộ. Tịch điền là loại ruộng nghi lễ. Hoa lợi thu hoạch từ ruộng tịch điền để dùng vào việc cúng tế. Ruộng sơn lăng và ruộng tịch điền được pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt vì nó không phải là loại ruộng đất công thông thường mà là loại ruộng gắn liền với sự tôn kính và thiêng liêng của cung đình. Mọi hành vi xâm phạm đến loại ruộng đất này đều bị xử phạt rất nặng (Điều 85,88,89 chương Vệ cấm).

Ruộng thông cáo và ruộng đồn điền là những loại ruộng công mới được khai hoang.

Chiếm diện tích lớn nhất trong bộ phận ruộng đất này là ruộng đất công nằm Ở các làng xã và nhà nước giao cho các làng xã quản và phân chia theo định kỳ. Ruộng đất công Ở làng xã không được đem ra mua bán, chuyển nhượng.

Như vậy, tuy không được bố trí hẳn thành chương, mục như trong pháp luật đất đai hiện nay về chế độ sử dụng các loại đất nhưng Quốc triều Hình luật bước đầu đã thể hiện được cách phân chia các loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng và cách thức quản lí đối với từng loại đất.

Để bảo vệ và thực hiện chế độ sở hữu nhà nước đối với đất đai thì việc quy định hình thức, biện pháp, nội dung quản lí nhà nước về đất đai luôn là vấn đề chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong luật đất đai hiện đại. Điều này cũng đã được thể hiện trong Quốc triều Hình luật. Thông qua những quy định cụ thể về các tội xâm phạm chế độ sở hữu ruộng đất cũng do các chủ thể là quan lại thực hiện, cho thấy nhà nước Đại Việt đã xây dựng được chế độ quản lí ruộng đất tương đối hoàn chỉnh. Hoạt động quản lí ruộng đất nhằm thực hiện trên thực tế quyền sở hữu đất đai bao gồm những nội dung sau đây:

- Đo đạc, đánh giá ruộng đất,

- Phân bổ ruộng đất cho dân khai khẩn,'

- Chia và thu hồi ruộng công,

- Giải quyết các tranh kiện về ruộng đất,'

- Xác nhận chúc thư và các hợp đồng dân sự có liên quan đến ruộng đất, lập và báo cáo số ruộng, số hộ;

- Xử lí các hành vi vi phạm pháp luật

Quốc triều Hình luật quy định các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt người có các hành vi đó như:

+ Mua bán, cầm cố ruộng đất trái phép;

+ Lấn chiếm ruộng đất;

Đặc biệt, Quốc triều Hình luật đã xác định 5 hành vi khác nhau trong loại vi phạm này là:

 + Chiếm ruộng công quá số hạn định;

+ Dựng bia mốc giả để lấn chiếm đất công,

+ Xâm lấn đường quan lộ;

+ Không theo chế độ ruộng đất mà lạm chiếm phần mình;

+ Lấn giới hạn ruộng đất công

2. Các quy đinh của Quốc triều Hình luật về việc xác lập và thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất

Điều đặc biệt là thời Lê (thế kỉ XV) cũng là giai đoạn phát triển mạnh của chế độ tư hữu ruộng đất của giai cấp đỉa chủ phong kiến. Với những quy định cụ thể trong Quốc triều Hình luật về mua bán, cầm cố, thừa kế ruộng đất và những điều khoản ngăn cấm hành vi chiếm đoạt ruộng đất, mua bán ruộng đất có tính chất ức hiếp chứng tỏ kinh tế địa chủ đã phát triển, chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến và kinh tế tiểu nông tư hữu đã trở thành phổ biến. Trong Quốc triều Hình luật, các quy định về xác lập và thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất tư có thể chia thành ba nhóm là:

- Các quy định về mua bán, cầm cố, cho thuê ruộng đất;

- Các quy định về cấm chiếm đoạt ruộng đất;

- Các quy đình về quan hệ điền sản giữa các thành viên trong gia đình.

Xuất thân từ tầng lớp địa chủ bình dân, đại diện cho nền kinh tế tiểu nông tiến bộ - Nhà Lê đã thiết lập nên triều đại phát triển huy hoàng nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam; để lại những thành tựu trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực lập pháp mà điểm chói sáng là Bộ Quốc triều Hình luật. Đó thực sự là những quy định có giá trị đặt nền móng cho hệ thống pháp luật Việt Nam trong những giai đoạn sau này.

Tuy công nhận sự tồn tại của hai hình thức sở hữu cơ bản: Sở hữu ruộng đất công của nhà nước và sở hữu ruộng đất tư nhưng nhà nước luôn bảo vệ quyền sở hữu của mình bằng các điều luật nghiêm cấm mua bán chiếm đoạt ruộng đất công- hạn chế và chi phối hình thức sở hữu ruộng đất tư.

Với Quốc triều Hình luật có thể thấy các nhà làm luật thời Lê muốn nhấn mạnh yếu tố quản lí con người bằng pháp luật. Trách nhiệm của quan lại trong quản lí ruộng đất được quy định rất chi tiết trên mọi lĩnh vực: Đo đạc, đánh giá ruộng đất, chia cấp, thu hồi ruộng đất, báo cáo tình hình quản ruộng đất và thái độ không khoan nhượng của nhà nước đối với những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý vi phạm những quy định về quản lí ruộng đất nói trên.

Trong giải quyết khiếu kiện về ruộng đất, nhà Lê luôn đề cao nguyên tắc hoà giải thương lượng, quy định thời hạn giải quyết tranh chấp, xử lí tài sản trên đất, ngăn chặn những hành ví bạo lực phát sinh từ tranh kiện ruộng đất, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia tranh kiện, vấn đề đảm bảo thi hành quyết định giải quyết tranh kiện... Những nội đung đó về cơ bản là thống nhất với nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai của chúng ta ngày nay - đó là sự đảm bảo lợi ích cho người sử dụng đất, khuyến khích tự hoà giải thương lượng, kết hợp giải quyết tranh chấp đất đai với việc ổn định tình hình kinh tế xã hội.

Đảm bảo cho người nông dân có đất để sản xuất cũng là nội dung được nhà Lê cũng như các triều đại phong kiến sau này quan tâm một cách sâu sắc và vấn đề này vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự trong việc thực hiện che chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam hiện nay. Từ sự quan tâm đó, nhà nước phải tính đến cách thức chia ruộng đất bị bỏ hoá trong các làng xã. di dân đi khai khẩn đất hoang, đảm bảo sự công bằng để ruộng đất phải thuộc về những người chủ xứng đáng. Quốc triều Hình luật cũng thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu tư nhân đối với ruộng đất với những quy định khá chi tiết về giao dịch điển mại, đoạn mại, quan hệ thừa kế giữa các thành viên trong gia đình. Trong quy định về điền sản và ruộng hương hoả đã xác định sự bình đẳng giữa nam và nữ trong quan hệ sở hữu ruộng đất, cách phân chia khá công bằng giữa vợ hoặc chồng chết mà chưa có con. Những giá trị thiêng liêng của đạo đức lễ giáo phong kiến được pháp luật bảo vệ qua những quy định phản ánh quyền lực, quyền sở hữu tài sản trong gia đinh thuộc về cha mẹ; trách nhiệm của các bậc gia trưởng trong quản lí, trông nom điền sản cho con cháu; quyền năng của người quản lí ruộng hương hoả và đặc biệt là các trường hợp pháp luật dự liệu để loại ruộng này không bị những người ngoài gia tộc nắm giữ. Trong khi cho tới tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thực sự có được quy định đầy đủ và cần thiết đối với đất hương hoả. Đó là một trong những điểm bất cập của hệ thống pháp luật đất đai hiện nay.

Quốc triều Hình luật là văn bản có những quy định điều chỉnh các quan hệ ruộng đất một cách tương đối toàn diện và chi tiết, thể hiện những quan niệm và kinh nghiệm về quản lí ruộng đất của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Lê sơ.

Bên cạnh những hạn chế của thời đại, Quốc triều Hình luật vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử lập pháp của dân tộc, để lại những kinh nghiệm quý giá cho mọi thời đại, tạo nên nền văn hóa pháp cho nước nhà từ thời kỳ trung đại./.

 

File đính kèm downloadTải về