Làm rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn mối quan hệ giữa phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội với đổi mới hoàn thiện pháp luật. Từ đó đề xuất những phương hướng, giải pháp đổi mới hoàn thiện pháp luật trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở nước ta hiện nay.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Một là, phân tích và khẳng định quan niệm về văn hoá độc hại, tệ nạn xã hội và mối liên hệ giữa chúng; nghiên cứu về vai trò, nội dung điều chỉnh bằng pháp luật trong văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội để đi đến kết luận pháp luật - phương tiện quan trọng trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội.
Hai là, nghiên cứu thực trạng pháp luật và công tác phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội, những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội ở nước ta trong những năm gần đây. Từ đó đặt ra sự cần thiết phải đổi mới pháp luật thực định và áp dụng pháp luật trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội.
Ba là, phân tích những quan điểm đổi mới hoàn thiện pháp luật về phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội làm cơ sở để xác định định hướng và kiến nghị những giải pháp có tính khả thi về phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt nam.
Những đóng góp mới của luận án
Trước hết, luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống dưới góc nhìn pháp lý về đổi mới, hoàn thiện pháp luật trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội với điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Thứ hai, luận án đã làm sáng tỏ quan niệm về văn hoá độc hại, tệ nạn xã hội và mối quan hệ giữa chúng cũng như những hình thức biểu hiện cụ thể của những hiện tượng tiêu cực đó.
Thứ ba, khẳng định vai trò, nội dung điều chỉnh bằng pháp luật trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội theo phương pháp tiếp cận: Pháp luật là cơ sở tạo ra khuôn khổ pháp lý cho đời sống văn hoá xã hội, là phương tiện có khả năng bắt buộc các hành vi văn hoá xã hội tuân thủ một trật tự nhất định và có sức mạnh ngăn chặn, cấm đoán các hành vi nguy hạI cho xã hội bằng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước.
Thứ tư, bằng nguồn tư liệu phong phú, cộng với sự phân tích tỷ mỉ, nghiêm túc, luận án khái quát một bức tranh nhiều mặt đậm màu sắc và có chiều sâu về thực trạng pháp luật trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội. Nhìn vào bức tranh đó người đọc thấy nhức nhối và tự đòi hỏi mình phải tìm ra một phương thức nào đó nhằm ngăn chặn nguy cơ ấy.
Thứ năm, từ phân tích thực trạng pháp luật trong phòng chống văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội và nhu cầu xây dựng một xã hội văn minh, luận án đã đề xuất và luận giải các quan điểm, phương hướng và giải pháp đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm nền tảng văn hoá xã hội trong một trật tự phát triển và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả đối với văn hoá độc hại và tệ nạn xã hội.