Tính phức tạp và nhiều mặt, nhiều mức độ về nội dung, về sự thể hiện, biểu hiện của nguyên tắc công bằng trong luật hình sự không cho phép trong phạm vi của một luận án xem xét hết tất cả những khía cạnh, mức độ thể hiện, biểu hiện của nguyên tắc công bằng trong các qui định của pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng chúng. Do vậy, luận án chỉ dừng lại ở phạm vi nghiên cứu, làm sáng tỏ nội dung, các đòi hỏi, sự thể hiện và biểu hiện của nguyên tắc công bằng trong một số chế định quan trọng nhất của luật hình sự như: cơ sở của trách nhiệm hình sự; tội phạm và phân loại tội phạm; giới hạn tác động của luật hình sự; hệ thống hình phạt và hệ thống các chế tài luật hình sự; định tội danh và quyết định hình phạt.
Mục đích và phạm vi nghiên cứu nói trên quyết định việc đặt ra và giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau:
Khái niệm nguyên tắc công bằng, bản chất và các mức độ biểu hiện của nó trong luật hình sự;
Xác định các đòi hỏi của nguyên tắc công bằng đối với việc qui định cơ sở của trách nhiệm hình sự, việc qui định tội phạm, việc qui định giới hạn tác động của pháp luật hình sự;
Xác định các đòi hỏi của nguyên tắc công bằng đối với việc định tội danh và việc quyết định hình phạt trong thực tiễn.
Trên cơ sở việc giải quyết những vấn đề lý luận, phân tích các qui phạm pháp luật hình sự, thực tiễn xét xử của toà án đưa ra những kết luận và kiến nghị về việc hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm khắc phục và hạn chế những sai sót trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự ở nước ta.
Cái mới của luận án thể hiện ở chỗ đây là công trình nghiên cứu chuyên khảo đầu tiên trong sách báo khoa học pháp lý của Việt nam về những vấn đề cơ bản của công bằng trong lĩnh vực luật hình sự. Dựa trên sự phân tích lý luận, phân tích các qui phạm của Bộ luật hình sự, thực tiễn xét xử của nước ta, từ quan điểm của nguyên tắc công bằng tác giả đánh giá một số chế định cơ bản của luật hình sự Việt nam.
Tác giả đưa những luận điểm sau đây để bảo vệ đề tài nghiên cứu:
1. Công bằng là một khái niệm mang tính lịch sử cụ thể, tính giai cấp, do các điều kiện kinh tế, xã hội, đạo đức, tư tưởng, văn hoá ... quyết định. Đó là một khái niệm nhiều mặt, nhiều khía cạnh, là một giá trị xã hội có liên quan chặt chẽ với lợi ích, với pháp luật và các giá trị xã hội khác.
2. Công bằng là một nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội xuyên suốt mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là nguyên tắc của chính sách hình sự và pháp luật hình sự. Nguyên tắc công bằng được thể hiện ở ba lĩnh vực của chính sách hình sự: lập pháp hình sự, áp dụng pháp luật hình sự và ý thức pháp luật. Trong lĩnh vực hình sự công bằng được thể hiện thông qua các đòi hỏi của mình.
3. Công bằng có những đòi hỏi cụ thể nhất định đối với việc qui định cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với việc qui định tội phạm, giới hạn tác động của điều cấm hình sự, được thể hiện cả ở việc qui định các chế định của phần chung lẫn ở phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.
4. Các đòi hỏi của công bằng thể hiện ở việc qui định hình phạt, hệ thống hình phạt và các chế tài cụ thể đối với các tội phạm. Tương ứng với các tội phạm khác nhau về tính chất và mức độ nghiêm khắc.
5. Công bằng có những đòi hỏi nhất định đối với việc định tội danh. Định tội danh đúng là tiền đề quan trọng của việc quyết định hình phạt công bằng.
6. Đòi hỏi của nguyên tắc công bằng đối với việc quyết định hình phạt là cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, cân nhắc các đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, cân nhắc ý thức pháp luật và dư luận xã hội. Hình phạt công bằng là hình phạt tương xứng với các yếu tố được nêu trên.